Ngày 19-02-2012
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thư Đức Hồng Y DiNardo gửi gíáo dân Công Giáo Galveston-Houston
Phaolô Phạm Xuân Khôi
10:46 19/02/2012
Vào ngày 3 tháng 2 năm 2012, Đức Hồng Y DiNardo đã gửi một thư khẩn cấp đến tất cả các Giáo Xứ Việt Mỹ tại TGP Galveston-Houston về Sắc Lệnh Ngừa Thai. Trong đó ngài yêu cầu các Linh Mục đăng Thư này trên các Bản Tin Mục Vụ và đọc hay tóm tắt những điểm chính của Thư này trong tất cả các Thánh Lễ ngày những ngày 11 và 12 tháng 2 năm 2012. Chúng tôi xin đăng bản dịch Thư của ĐHY dưới đây để chia sẻ với anh chị em ngoài TGP Galveston-Houston.

Tổng Giáo Phận Galveston-Houston
Văn Phòng Hồng Y

Ngày 3 tháng 2, năm 2012

Anh Chị Em thân mến trong Đức Kitô,

Tôi viết cho anh chị em về một vấn đề khẩn cấp và nghiêm trọng, vừa trực tiếp ảnh hưởng đến Hội Thánh ở Hoa Kỳ vừa tổn thương đến quyền tự do tôn giáo cơ bản của mọi công dân Mỹ. Vào ngày 20 tháng 2 vừa qua, bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh (HHS) đã ban hành sắc lệnh tối hậu về một số “dịch vụ phòng ngừa” bắt buộc phải được bao gồm trong tất cả các chương trình bảo hiểm sức khỏe tư mà người nhận không phải trả tiền giảm phí hay chia sẻ phí tổn. Giờ đây mọi người đều bắt buộc phải mua loại bảo hiểm bao gồm tất cả mọi thứ thuốc ngừa thai được FDA chuẩn y, kể cả những thuốc có thể gây phá thai, triệt sản và những dịch vụ tránh thai khác. Hầu như tất cả các chủ nhân và nhân công, kể cả các chủ nhân Công Giáo trong các cơ quan từ thiện, đại học và nhà thương sẽ bị bắt buộc phải cung cấp cho nhân viên của mình thứ “bảo hiểm sức khỏe” này. Hầu như tất cả các hãng bảo hiểm sẽ bị ép buộc phải bao gồm những dịch vụ này trong các chương trình bảo hiểm của họ. Hơn nữa, gần như mọi cá nhân sẽ bị buộc phải mua việc bao gồm này như một phần của bảo hiểm của họ, dù họ muốn hay chống lại nó vì lý do luân lý. Chỉ có một mức miễn trừ rất nhỏ cho chính các giáo hội hay nhà thờ và nhân viên trực tiếp nếu mục đích là đề “truyền thụ giáo lý tôn giáo” và nếu nó chỉ phục vụ những người cùng tôn giáo. Giới hạn như thế gạt ra ngoài tất cả các Bệnh Viện, Đại Học và các cơ quan từ thiện Công Giáo như Hội Bác Ái Xã Hội Công Giáo (Catholic Charities). Người ta có thể hiểu sự kinh hãi của chúng ta, vì điều này đập một cú rất mạnh vào căn tính Công Giáo của chúng ta cùng vào hệ thống giáo dục và những cơ quan phục vụ xã hội của chúng ta.

Chính sách bắt buộc của HHS coi thường Tu Chính Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ khi từ chối người Công Giáo quyền tự do hàng đầu và căn bàn nhất của Quốc Gia chúng ta, là quyền tự do tôn giáo. Nếu luật buộc này không bị lật đổ thì các chủ nhân Công Giáo phải chuẩn bị hoặc là làm trái với lương tâm của mình hoặc là không mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên nữa (và làm như thế sẽ bị phạt nặng).

Chúng ta không thể và sẽ không tuân hành sắc lệnh bất công này. Ngay cả bây giờ đang có những anh chị em thuộc mọi tôn giáo và những người thiện tâm khác đồng hành chúng ta trong cố gắng chủ yếu để đòi lại quyền thực thi tôn giáo về vấn đề này. Tổ tiên chúng ta trong đức tin đã đánh giá cao quyền tự do tôn giáo; các ngài đã đến đây để xây dựng Nước Mỹ. Chúng ta không thể cho phép mình làm ít hơn các ngài. Những tiền nhân trong đức tin của chúng ta ở Texas đã không luôn luôn có một số đông người như bây giờ, nhưng các ngài đã chưa bao giờ trốn tránh việc dấn thân tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo của các ngài. Chúng ta hãy cũng làm như các ngài.

Tôi yêu cầu gì? Trước hết chúng ta phải cầu nguyện và ăn chay, cùng nài xin Chúa ban cho chúng ta đức khôn ngoan và một ý thức về công bằng. Rồi sau đó chúng ta phải hành động. Tôi đề nghị anh chị em hãy vào trang web của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ để biết thêm về vấn đề này. Tôi cũng yêu cầu anh chị em viết cho HHS và tiếp xúc với các phần tử của Quốc Hội để ủng hộ dự luật có thể đảo ngược luật bắt buộc này. Làm ơn vào trang web của Tổng Giáo Phận để biết địa chỉ của các dân biểu của chúng ta. Đây là một vấn đề mà chúng ta không thể nới lỏng sau những cố gắng ban đầu. Chúng ta phải giữ vấn đề này sống động và củng cố quyết tâm của mình. Tôi cũng sẽ thi hành phần của tôi trong vấn đề này và thông báo cho anh chị em về những cố gắng trong tương lai. Tôi biết rằng luật buộc này có thể bị lật ngược nếu chúng ta rõ ràng và bền chí, nhã nhặn nhưng kiên trì. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!

Chào huynh đệ trong Đức Kitô,
+ ĐHY Daniel DiNardo
TGM Galveston-Houston
 
Mùa Chay
Trầm Thiên Thu
18:54 19/02/2012
Lễ Phục sinh thay đổi ngày theo từng năm, bắt đầu mùa Chay là khoảng thời gian 40 ngày ăn năn sám hối và canh tân cách sống trước khi mừng đại lễ Phục sinh.

Theo truyền thống Công giáo, ngày nay mùa này còn cử hành lễ ngoại lịch (truyền thống Latin), việc chuẩn bị mùa Chay đã khởi đầu. Ba Chúa nhật trước mùa Chay thường được gọi là Chúa nhật Bảy mươi, Sáu mươi và Năm mươi (Septuagesima, Sexagesima, và Quinquagesima) – trước lễ Phục sinh khoảng 70 ngày, 60 ngày, và 50 ngày. Năm 2012, Chúa nhật Bảy mươi là ngày 5-2.

Thời gian trước mùa Chay được dùng để chuẩn bị cho các tín hữu bước vào mùa Chay. Bắt đầu từ Chúa nhật Bảy mươi, Phúc âm bắt đầu tập trung vào việc Nước Chúa đến. Trong mùa Chay, kinh Vinh danh và Alleluia không được đọc trong thánh lễ.

Dù 3 Chúa nhật này không còn ghi trong lịch dạng thường, chúng ta vẫn có thể tận dụng trước mùa Chay để khởi động quy luật mùa Chay. Theo cách đó, khi đến Thứ Tư lễ Tro, chúng ta có thể bắt đầu mùa Chay bằng thái độ đúng đắn, chuẩn bị linh hồn để nhớ tới cái chết của Đức Kitô vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh (Anh ngữ gọi là Thứ Sáu tốt lành – Good Friday), và sự phục sinh của Ngài vào Chúa nhật Phục sinh.

Mùa Chay là thời gian cầu nguyện và ăn chay, kéo dài 40 ngày, nhưng có 46 ngày từ Thứ Tư lễ Tro (khai mạc mùa Chay) tới lễ Phục sinh theo lịch phụng vụ Công giáo. Sao lại như vậy?

Hãy trở lại những ngày đầu của Giáo hội. Các tông đồ là người Do Thái, lớn lên với ý nghĩ về ngày Sabbat – ngày thờ phượng Chúa và nghỉ ngơi, tức là Chúa nhật, ngày thứ bảy trong tuần, vì sau khi tạo dựng vũ trụ, Chúa đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu phục sinh vào Chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần, và các Kitô hữu đầu tiên, bắt đầu bằng các tông đồ, coi sự phục sinh của Chúa Giêsu là cuộc sáng tạo mới, thế nên họ chuyển ngày sabbat từ thứ Bảy thành Chúa nhật.

Các Chúa nhật – không chỉ là Chúa nhật phục sinh – là những ngày kỷ niệm cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, các Kitô hữu không được ăn chay và làm việc đền tội vào những ngày đó. Tuy nhiên, khi Giáo hội kéo dài thời gian ăn chay và cầu nguyện để chuẩn bị lễ Phục sinh từ vài ngày tới 40 ngày (phản ánh việc ăn chay của Chúa Giêsu trong hoang địa trước khi công khai sứ vụ), các Chúa nhật không thể được tính.

Như vậy, mùa Chay gồm 40 ngày ăn chay, kéo dài tới 6 tuần (với 6 ngày ăn chay mỗi tuần) cộng với 4 ngày nữa – Thứ Tư lễ Tro, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy tiếp theo. 6 lần 6 là 36, cộng với 4 ngày là 40 ngày. Đó là cách mà chúng ta có 40 ngày mùa Chay!

Giữ chay và kiêng thịt là thực hành tâm linh quan trọng đối với đời sống Kitô giáo. Luật giữ chay và kiêng thịt trong Giáo hội thế nào?

Luật giữ chay và kiêng thịt trong Giáo hội Công giáo có trong Giáo luật (đối với Công giáo La Mã) và Giáo luật của các Giáo hội Đông phương (đối với các các Giáo hội Công giáo Đông phương). Ở mức hạn chế, luật có thể xác định bởi Hội đồng Giám mục mỗi nước (hoặc theo các nghi thức của mỗi Giáo hội Đông phương). Giáo luật ghi rõ:

Giáo luật số 1250: Những ngày ăn chay đền tội trong Giáo hội hoàn vũ là mỗi thứ Sáu trong năm và mùa Chay.

Giáo luật số 1251: Kiêng thịt, hoặc một số thực phẩm đã được Hội đồng Giám mục quy định, phải giữ vào các ngày thứ Sáu, trừ phi lễ trọng rơi vào thứ Sáu nào đó. Việc kiêng thịt và ăn chay phải giữ vào ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.

Giáo luật số 1252: Luật kiêng thịt nối kết những người đã đủ 14 tuổi. Luật giữ chay nối kết những người đã trưởng thành, tới khi bắt đầu 60 tuổi. Các mục tử và các cha mẹ phải chắc chắn, ngay cả những người vì lý do tuổi tác không bị luật buộc giữ chay và kiêng thịt, đã được biết ý nghĩa đúng của việc đền tội.

Tại Hoa Kỳ, Hội đồng Giám mục tuyên bố rằng “tuổi ăn chay từ 18 tuổi tròn tới bắt đầu 60 tuổi”. The Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cũng cho phép thay thế cách đền tội nào đó đối với việc kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu trong năm, trừ các ngày thứ Sáu trong mùa Chay. Luật ăn chay ở Hoa Kỳ là:

– Mọi người từ 14 tuổi trở lên đều phải kieng thịt (và những món làm bằng thịt) vào Thứ Tư lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh, và các ngày thứ Sáu trong mùa Chay.
– Mọi người từ 18 tới 60 tuổi đều phải ăn chay vào Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.
– Mọi người từ 14 trở lên đều phải kiêng thịt (và những món làm bằng thịt) vào các ngày thứ Sáu trong năm, nhưng có thể thay thế bằng việc đền tội khác.

Nếu bạn không ở Hoa Kỳ, bạn nên hỏi Hội đồng Giám mục của nước mình.

Đối với Giáo hoàng Công giáo Đông phương, Giáo luật (số 882) của họ nói:

Trong những ngày ăn chay đền tội, các Kitô hữu phải giữ chay hoặc hãm mình theo cách đã ấn định theo Giáo luật của Giáo hội sui iuris.

Như vậy, người Công giáo Đông phương nên kiểm tra bằng cách kiềm chế thân xác theo nghi lễ riêng của họ.

(Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)
 
Pakistan: Tòa án tối cao từ chối áp dụng luật báng bổ cho vụ phá hủy Học viện Công Giáo
Nguyễn Trọng Đa
23:12 19/02/2012
Pakistan: Tòa án tối cao từ chối áp dụng luật báng bổ cho vụ phá hủy Học viện Công Giáo

Lahore -Tòa án Tối cao bác bỏ kháng cáo của bà Zenobia Richards, 61 tuổi, một cư dân của Học Viện Gosh-e-Aman (Địa điểm hòa bình). Học viện do người Công giáo điều hành, dành cho các Kitô hữu và người Hồi giáo, đã bị phá hủy ngày 10-1 theo lệnh của chính quyền tỉnh Punjab.

Lúc đầu, Giáo Hội Công Giáo đã nộp đơn kiện về quyền sở hữu Học viện và việc phá hủy Học viện này. Tuy nhiên, bà Richards nộp đơn kiện thứ hai, tố cáo những người phá bỏ tòa nhà về tội phạm thượng (báng bổ), vì họ cũng phá hủy các sách Kinh Thánh, một tràng chuỗi và một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria.

Trong nhiều tuần lễ, bà Zenobia Richards đã bất chấp các nhà lãnh đạo Công giáo, khi các ngài kêu gọi thận trọng và cứ để cho các lãnh đạo Giáo Hội xử lý vụ này tại tòa án và chính quyền. Tuy nhiên, bà quyết định theo đuổi vụ kiện pháp lý, chống lại cảnh sát và Cơ quan Phát triển Lahore sử dụng 'luật đen'.

Các thẩm phán không đồng ý với yêu cầu của bà. Dưới áp lực của chính quyền tỉnh Punjab, họ đã bác bỏ đơn kiện của bà theo các Điều khoản 295 và 295A của Bộ luật hình sự Pakistan, để trừng phạt những người chịu trách nhiệm về vụ phá hoại bất hợp pháp tài liệu tôn giáo thuộc cộng đồng thiểu số Kitô giáo.

Phát biểu với hãng tin AsiaNews, bà Richards cho biết bà "không sợ ai". Trong thực tế, bà nêu đích danh Kamran Michael, một thành viên nhóm tộc thiểu số của cơ quan lập pháp Punjab, cáo buộc ông "liên quan đến vấn đề này."

Bà không thể giữ được sự tức giận về bức tường im lặng, vốn làm xảy ra sự báng bổ vật dụng tôn giáo. tôn giáo. Bà nói: “Tôi có thể tự hào rằng tôi đã chiến đấu chống lại chế độ thối nát và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của tôi."

Theo luật sư của bà, Yousaf Diyal, hàng giáo phẩm Giáo Hội cho thấy sự yếu kém trong vấn đề, bằng cách không có “lập trường vững chắc" chống lại sự phá hủy bất hợp pháp.

Một người Công giáo khác ở Lahore, xin giấu tên, nói rằng Giáo Hội, để tìm được một giải pháp, quyết định không làm cách công khai.

Ông giải thích: “Đây rõ ràng là một trường hợp vi phạm quyền và phá hủy bất hợp pháp một tổ chức từ thiện." Các nhà lãnh đạo Giáo Hội nên có lập trường rõ ràng hơn. Thay vào đó,sự im lặng làm "suy yếu các Kitô hữu." Về phần mình, bà Richards nên được ca ngợi như là một mẫu gương, mà các Kitô hữu cần noi theo để “bênh vực quyền lợi của mình."

Được thành lập năm 1887, Học Viện Gosh-e-Aman nằm trên một khu vực rộng 2 mẫu Anh, trị giá nhiều tỉ rupee. Nó có một nhà dành cho công dân lớn tuổi, một trường dành cho nữ sinh, một tu viện và một nhà nguyện.

Các lập luận pháp lý đối với những người sở hữu Học viện và đất đai đã diễn ra trong một thời gian; ít nhất kể từ khi một người phụ nữ chuyển đổi sang đạo Hồi đã tìm nơi trú ngụ trong Học viện. Theo lệnh của chính quyền tỉnh, Học viện bị triệt hạ ngày 10-1, một ngày được các Kitô hữu Pakistan gọi là “ngày thứ Hai đen.” (AsiaNesws 17-2-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Tại Thanh Hóa
Xuân Hào
08:41 19/02/2012
Khóa 521 Tại Giáo Xứ Ba Làng,

Sinh Hoạt Đầu Tiên Của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Trong Giáo Phận Thanh Hóa


Rời Phát Diệm, chúng tôi về giáo phận Thanh Hóa. Quãng đường đến Ba Làng, nơi sẽ tổ chức Khóa, khoảng 120 km. Bác tài xế không rõ đường, nhưng may mắn, cha xứ Phaolô Tịnh rất nhiệt tình, thỉnh thoảng ngài lại gọi điện thoại để hướng dẫn đoàn. Xe đến đoạn thị trấn huyện Tĩnh Gia, không khí đã nhuốm mùi biển mặn. Từ quốc lộ 1 rẽ hướng Đông vào Ba Làng hơn 3 km, đường hơi xấu.

Bước chân ra khỏi xe ở sân nhà xứ, ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì được giải phóng khỏi sự gò bó suốt hơn 4 tiếng đồng hồ trong chiếc xe 4 chổ nhưng có quá nhiều hành lý và các thùng sách tài liệu. Cha xứ, cha phó và cha cố niềm nở chờ sẵn để đón chào. Đàng kia sóng biển triền miên, âm thanh rì rào gợi lên sự bao la bất tận…

Giáo xứ Ba Làng, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 45 km về hướng Nam, gồm 4 giáo họ: Sung Thượng, Ngoại Hải, Sung Mãn và Như Xuân; với gần 8 ngàn giáo dân. Đây là xứ đạo toàn tòng. Đa số sồng nhờ nghề đánh bắt trên biển.

Nhà thờ chính ngay sát bờ biển, mặt tiền chếch Đông-Nam, được xây dựng năm 1893 theo kiến trúc Á đông. Đây là ngôi nhà thờ lâu đời nhất địa phận Thanh Hóa. Lòng nhà thờ chứa khoảng hơn 1000 người, bốn hàng cột lim to lớn sẫm màu, vững chải như niềm tin sắt đá của tiền nhân được lưu truyền cho hậu thế. Hai câu đối đập vào mắt khi vừa bước chân vào tiền đường "Sống Đạo Chúa trong hiến thân phục vụ – Rao Tin Mừng bằng bác ái yêu thương". Năm 1992, Tòa Thánh đã cho phép giáo xứ Ba Làng được tổ chức Năm Thánh dịp kỷ niệm 100 năm ngôi nhà thờ nầy. Năm Thánh kéo dài 1 năm rưỡi, và đây là Năm Thánh đầu tiên được cử hành cấp giáo xứ trong lịch sử Giáo hội Việt Nam.

Ba Làng hiện do linh mục Phaolô Trịnh Quang Tịnh làm quản xứ, ngài có nụ cười hiền lành dễ mến và rất khiêm tốn, chân tình. Cha phó GB Phạm Văn Diện trẻ trung, điển trai và hăng hái.

Nói đến Ba Làng là nói đến một địa danh lịch sử: chính nơi đây (bấy giờ gọi là Cửa Bạng) vào ngày 19/3/1627, đã in dấu chân đầu tiên của nhà truyền giáo Dòng Tên, cha Alexandre de Rhodes. Có thể nói Ba Làng là nơi khai sinh ra Giáo hội Việt Nam. Khi đứng trước tượng đài bán thân của Cha Đắc Lộ trong khuôn viên nhà xứ, Cha sáng lập Phêrô Chu Quang Minh cảm nghiệm được niềm vui và xúc động vì được hiến thân trong Dòng Tên như nhà truyền giáo lừng danh.

Tiếp đến, nhờ dấu ấn lịch sử, nhờ khung cảnh đất trời, nhờ lòng đạo kiên trung, nhờ địa hình rộng rãi, Ba Làng cũng là nơi thường được tổ chức những sự kiện lớn của giáo phận như các cuộc tỉnh tâm của các linh mục, các cuộc kiệu rước, lễ Dầu… Gần đây (11/2011), Ba Làng là một trong 3 nơi của giáo phận được vinh dự đón Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha.

Cuối cùng, Ba Làng cũng chính là quê hương của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Chiều ngày 16/2/2012 sau khi cùng quí chức trong Ban Hành Giáo chuẩn bị phòng Song nguyền, chúng tôi tham dự thánh lễ dành cho các em thiếu nhi lúc 5:30. Hơn 600 thiếu nhi từ 7 đến 15 tuổi xếp hàng vào nhà thờ dưới sự điều khiển của các soeurs và các anh chị giáo lý viên. Các em hồn nhiên vui tươi nhưng cũng rất trật tự, vâng lời. Đầu lễ cha Phó chủ tế giới thiệu cha Sáng lập Phêrô với các em. Trong bài chia sẻ Tin Mừng, cha Sáng lập đã kể những mẫu chuyện rất thực tế để đưa đến kết luận "cây xanh thì lá cũng xanh…". Các em chăm chú lắng nghe; bài giảng nhiều lần bị ngắt quãng vì những tràng pháo tay thích thú. Trước khi chấm dứt ngài mời gọi các em hãy cầu nguyện cho cha mẹ biết làm gương lành cho con cháu, và nhắn nhủ các em nhớ mời cha mẹ tham dự Khóa vào ngày mai.

Mờ sáng 17/2 tiếng loa phóng thanh vang vọng mời gọi những đôi vợ chồng trong xứ đến tham dự Khóa căn bản 521 Chương Trình TTHNGĐ. Thật ra Cha xứ cho biết trước đã có khoảng 100 người đăng ký dự Khóa. Rồi người ta kéo đến đông dần, nhóm 5 nhóm 7 rải đầy sân nhà hội. Ban đón tiếp, ghi danh và phát huy hiệu, làm việc khá vất vả.

Nghi thức khai mạc bắt đầu lúc 8:30. Sau ít lời giới thiệu vắn tắt Quý Cha và hơn 75 đôi vợ chống khóa viên, Cha xứ Phaolô ban huấn từ và tuyên bố khai mạc Khóa 521. Tiếp theo, Cha sáng lập hướng dẫn mọi người cầu nguyện vào Khóa với Kinh Chúa Thánh Thần bằng "lời nói và việc làm".

Buổi thứ nhất của Khóa có chủ đề "Cái hay ban đầu". Từ đoạn Sáng Thế 2:18-25, Cha sáng lập đã diễn giải cách sinh động và dí dỏm để khóa viên thấy được rằng: cần khai quang 3 trở ngại chính để tìm lại "hình ảnh Chúa" trong mỗi người; đó là con người dành quá nhiều thì giờ để làm tiền, lại hay mơ mộng và quá tự ái kiêu căng. Ai nấy thích thú và say mê theo dõi, rồi sau đó nhanh chóng nói ra yếu đuối của mình để xin lỗi bạn đời.

Chủ đề của buổi II ban chiều là "Giữa lòng đời & Hòa giải", kết thúc bằng Thánh lễ đặc biệt của Khóa do Cha xứ chủ sự và cha cố, cha phó, cha Sáng lập cùng đồng tế.

Buổi III lúc 7:30 tối có chủ đề "Nghệ thuật cảm thông". Bao giờ cũng vậy, trong các buổi, sau phần chia sẻ về tâm lý của các anh chị Hảo Tuyết và Huy Yên, mọi người cùng Chầu Thánh Thể ngay tại phòng Song nguyền, rồi sau đó giải lao 15 phút. Trước khi ra về nghỉ đêm, khóa viên đoan hứa cương quyết làm 3 điều cho bạn đời: một là đạo đức, hai là giúp đỡ và ba là cầu nguyện để chăn gối nồng nàn thánh thiện.

Chương trình sáng Thứ Bảy 18/2 được bắt đầu với giờ kinh sáng "Bông hồng tươi đẹp". Với một hoạt cảnh đơn sơ nhưng rất thực tế, anh chị Huy Yên đã minh họa cho thấy những giai đoạn của đời sống con người; đi từ sự ấu trĩ của lòng ích kỷ đến sự trưởng thành của tình yêu trao ban. Dẫn đến kết luận: cần cầu nguyện cho người thứ ba, là ruột thịt trong nhà và cả nhân loại. Sau đó khóa viên lần lượt dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì những điều "tươi đẹp" Ngài ban qua người mình đã xin lỗi hôm qua. Trong giờ Linh an, Cha sáng lập nhấn mạnh đến việc cầu nguyện ban tối trong gia đình. Ngài lưu ý cần tìm hiểu để thích ứng cho phù hợp với tâm lý của tuổi trẻ, như không nên kéo dài quá 15-20 phút, nhất là phải có đoạn Kinh Thánh để xin lỗi và cảm ơn nhau.

Chủ đề thứ 5 của Khóa là "Gương lành cho con" được khai triển qua đoạn Kinh Thánh "Chúa lên núi để công bố 8 mối phúc". Vậy muốn đem "phúc" cho con thì cha mẹ cần có ý chí "lên núi" để tìm hiểu thêm các phương pháp phù hợp, nhất là làm gương sáng cho con cái. Cuối buổi, các khóa viên chia sẻ về một lần trót "mang họa" cho con, và hứa với Chúa sẽ về xin lỗi con để con "gần" chứ không "xa"mình.

Sau giờ nghỉ trưa, Cha sáng lập dành trọn buổi chiều để hướng dẫn khóa viên 521 sinh hoạt Liên gia sau Khóa. Ngài dặn dò kỹ lưỡng từ cách sắp đặt bên ngoài sao cho bầu khí "gần gũi" ấm cúng, đến việc chuẩn bị nội dung ra sao để đúng với cách thức của Chương Trình. Về việc "xả cõi lòng" trong buổi họp, ngài nhấn mạnh "nói gì cũng được nhưng không nói xấu người khác", nói để "nhẹ lòng mình nhưng không nặng lòng người".

Tiếp đến là phần chia sẻ cảm nghiệm sau Khóa. Một vị trong Ban Hành giáo nói "Tôi miễn cưỡng đi Khóa chỉ vì vị nể Cha xứ. Nhưng sau 2 ngày tham dự, tôi đã nhận được nhiều ơn ích. Trước đây tôi cứ tưởng phải làm những việc lớn lao mới có giá trị, không ngờ những việc nhỏ nhặt thường ngày lại cần thiết để đem đến sự "yêu thương gần gũi" trong gia đình đến vậy. Nhất là sau khi xin lỗi bạn đời, tôi cảm thấy 2 vợ chồng gần nhau hơn…". Có bà xúc động cho biết "Đời sống hôn nhân của con 20 năm trước đây thật nhiều bão tố. Giờ 2 vợ chông con đã nói lời xin lỗi nhau và lòng con cảm thấy thật bình an…". Anh khác hân hoan tỏ bày "Con đến chỉ vì tò mò. Thật không ngờ Khóa lại hữu ích và hiệu quả đến vậy. Từ đây con đã biết cầu nguyện với Kinh Thánh, biết xin lỗi vợ và cảm thấy thương vợ hơn…"

Phần chúng tôi, những người theo Cha Sáng lập giúp Khóa có hai điều ấn tượng, là niềm vui khích lệ, như bông hồng Chúa tặng ban: Một là, các Cha trong Xứ luôn hiện diện trong Khóa (trừ việc mục vụ cần kíp). Hai là, khóa viên Ba Làng luôn tích cực có "lời" những lúc chia sẻ trong Khóa. Các anh chị rất nhiệt tình, đơn sơ và bộc trực khi được mời xả cõi lòng. Điều họ nói ra có thể chưa đúng cách thức, tuy nhiên rất chân thành và tin tưởng. Có lẽ đây là tính cách của dân chài. Ngư phủ Phêrô xưa cũng rất "mau miệng"; ngài đáp lời Thầy có lúc đúng lúc sai, nhưng lòng đầy mến yêu và hy vọng.

Khóa 521 được kết thúc bằng Thánh lễ "Thệ Hôn Một Đời" lúc 17 giờ, do Cha xứ chủ tế, cùng đồng tế có Cha phó, Cha cố Giuse Vũ Khoan Dong và Cha sáng lập. Vì là Lễ dành cho Giới Trẻ chiều Thứ Bảy, nên có thật nhiều thanh niên nam nữ tham dự. Họ đứng tràn cả ra phía bên ngoải nhà thờ. Tuy đông nhưng các em đứng ngồi thật nghiêm túc. Cha Sáng lập công bố và chia sẻ đoạn Lời Chúa "… vì quá đông không thể đem người bại liệt đến gần Chúa Giêsu nên họ thòng dây thả người bệnh xuống…". Ngài nói đại ý: muốn được hết bệnh phải đến gần Chúa, yêu Chúa. Mà mến Chúa thì phải yêu người, gần người. Tuy nhiên muốn gần gũi người thì chỉ có một cách duy nhất là khiêm nhường. Vì "gần gũi" là tình yêu; tình yêu không lý luận đúng sai, kẻ đúng người sai sẽ chạm tự ái nhau dẫn đến xa cách. Vậy hãy luôn khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi, tha lỗi để được gần nhau. Bài giảng thật sự lôi cuốn cộng đoàn; có nhiều lần vỗ tay và nhiều người gật gù tâm đắc. Trong lễ còn có nghi thức Thệ Hôn của khóa viên và Tuyên Hứa của Tân Ban điều hành K. 521.

Cuối lễ, Cha xứ thay mặt mọi người cám ơn Cha Sáng lập và mong ước được có thêm Khóa thời gian tới. Đáp lời, Cha Phêrô khiêm tốn nhận mình chỉ là người bắt "sâu tâm lý" cho những bông hoa là các giáo dân, trong vườn hoa là giáo xứ Ba Làng của cha xứ Phaolô, và hứa sẽ dành cho giáo phận Thanh Hóa 2 Khóa trong năm 2013. Cha con ngậm ngùi chia tay sau khi chụp hình lưu niệm.

Ngày mai đoàn lại lên đường mở Khóa tại giáo phận Nha Trang…

Ba Làng, 18/2/2012

Xuân Hảo
 
Ca Đoàn Phaolô Lộc CĐCGVN - Nam Úc Mừng Bổn Mạng
Jos. Vĩnh SA
03:03 19/02/2012
Thánh Lễ lúc 9 giờ 30 sáng Chúa nhật ngày 18/02/12. Ca Đoàn Phaolô Lộc thuộc CĐCGVN - Nam Úc đã tổ chức mừng kính trọng thể Thánh Lm. Phaolô Lê Văn Lộc bổn mạng của ca đoàn.

Thánh Phaolô Lộc là vị Linh Mục tử đạo, Ngài là một trong 117 vị thánh tử đạo của giáo hội Việt Nam bị hành quyết tại Sàigòn.

Chủ tế Thánh Lễ do Lm. GB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm Cộng Đồng, cùng đồng tế có Đ/ô. Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng

Ca đoàn cũng mời được hai cha: Giuse Phạm Minh Ước Sj cựu quản nhiệm và cha Phêrô Phạm Văn Ái Sj cựu phó quản đến đồng tế Thánh Lễ.

Thánh lễ Chúa Nhật sáng nay, ca đoàn Phaolô Lộc đã được Cộng Đồng ưu ái dành riêng phần phụng vụ thánh nhạc. Vì các ngày Chúa Nhật hàng năm, ca đoàn chỉ đặc trách phụng vụ Thánh Lễ lúc 5 giờ chiều mà thôi.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ Ông Chủ Tịch Cộng Đồng và Đức Ông Quản Nhiệm đã lên chúc mừng Bổn Mạng ca đoàn.

Anh Đoàn Trưởng ca đoàn đã lên cám ơn chủ tế đoàn và Cộng Đồng đã hiệp ý dâng Thánh Lễ cầu nguyện cách riêng cho ca đoàn và các ca viên cũng như các ân nhân, các thân nhân của các ca viên.

Sau đó ca đoàn cũng có những món quà đặc biệt kính tặng chủ tế đoàn.

Xem Hình

Kết thúc Thánh Lễ là đại tiệc mừng do Ban Chấp Hành ca đoàn khỏan đãi đến các quan khách, các ca viên và thân nhân của các viên.

Đến tham dự tiệc, nhận thấy có Ban Tuyến Úy, Ban Mục Vụ và đại diện các họ đạo, các đoàn thể trong Hội Đồng Mục Vụ của Cộng Đồng.

Được biết ca đoàn (CĐ) Phaolô là một chi đoàn của đoàn Thanh Niên Các Thánh Tử Đạo cũ của Cộng Đồng.

Ca đoàn Phaolô Lộc được thành lập vào khoảng năm 1985, tính đến nay CĐ đã sinh hoạt và phụng vụ thánh nhạc được 27 năm với cộng đoàn Dân Chúa Nam Úc.

Ca đoàn chuyên đặc trách phụng vụ thánh nhạc, các Thánh Lễ lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật trong năm. Sĩ số ca viên hiện nay có khoảng 30 bạn trẻ.

CĐ sinh hoạt và chia sẻ Lời Chúa một hay hai tháng một lần, tùy theo địa điểm thay đổi đến từng nhà các ca viên.

Ca đoàn gồm những giọng ca trẻ, trầm ấm và truyền cảm, lại thêm những ca trưởng tài năng, thỉnh thoảng có những sáng tác riêng cho ca đoàn.

 
Ủy ban Truyền thông HĐGMVN hội thảo về truyền thông
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:38 19/02/2012
ỦY BAN TRUYỀN THÔNG
HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG NĂM 2012


Ngày 16-17/2/2012, Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội thuộc HĐGMVN tổ chức Hội Thảo chuyên đề “Phác thảo kế hoạch mục vụ truyền thông tại Việt Nam”; địa điểm: Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn.

Xem hình ảnh

Tham dự hội thảo có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Truyền Thông thuộc HĐGMVN; Lm Giuse Vũ Hữu Hiền, Tổng Thư Ký UBTTXH; đại biểu ban truyền thông của 24 giáo phận (thiếu Đà lạt và Xuân lộc), các chuyên viên phụ trách web:hdgmvietnam.org và tạp chí Hiệp thông, đại biểu của một số Dòng Tu và khách mời.

Từ chiều ngày 15/2, ban tổ chức đã đón tiếp ân cần các đại biểu từ các giáo phận miền Bắc, vùng cao nguyên, miền Tây. Trung tâm mục vụ Sài gòn với cơ sở rộng rãi, khang trang, phòng họp hiện đại, các tham dự viên được phục vụ tận tình chu đáo. Các linh mục được sống trong bầu khí gia đình, yêu thương, hiệp nhất, cộng tác. Đọc kinh chung, thánh lễ đồng tế, chia sẽ kinh nghiệm mục vụ truyền thông…Phần lớn thời giờ dành để thảo luận “kế hoạch mục vụ truyền thông” nhằm xây dựng một chiến lược truyền thông cho những năm tới, gặp gỡ giao lưu với 4 nhóm chuyên biệt của UBMVTT Sài gòn, học hỏi thêm kinh nghiệm.

I. Ngày 16/2.

Buổi sáng
Kinh sáng và Thánh lễ khởi đầu một ngày mới trong ân sủng và tình yêu Thiên Chúa.
Đức Cha Phêrô chủ tế và giảng lễ thánh lễ khai mạc.

Anh em Linh mục thân mến,

Anh em được ĐGM Giáo phận tin tưởng và trao phó cho trách nhiệm phụ trách công việc truyền thông trong đời sống giáo phận. Chúng ta bắt đầu hai ngày gặp gỡ làm việc chung với nhau, để chia sẽ những kinh nghiệm, chia sẽ những thao thức, những âu lo trong công việc của mình. Ai cũng biết, một đàng mình ý thức công việc truyền thông trong thời đại hiện nay hết sức quan trọng, đàng khác thì anh em thấy chúng ta nghèo quá, nghèo về phương tiện về nhân sự. Chính ý thức về sự nghèo nàn đó thúc đẩy chúng ta gắn bó với Chúa nhiều hơn nương tựa vào Chúa nhiều hơn. Vì thế, trong thánh lễ đầu tiên của hai ngày gặp gỡ chúng ta dâng mọi sự cho Chúa xin Người chúc lành cho cuộc gặp gỡ và xin Người gởi Thánh Thần đến để trong ánh sáng và tác động chúng ta không tìm những gì thuộc về thế gian mà tìm những gì thuộc về Thiên Chúa.

Sứ điệp truyền thông của ĐTC Bênêđictô năm nay với chủ đề “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”. Thinh lặng là chiều sâu thực sự của truyền thông. Thinh lặng là lời mời gọi linh đạo truyền thông. Thinh lặng để lắng nghe, nhận diện đâu là đường lối của Thiên Chúa đâu là tính toán thế gian. Chúng ta cùng suy nghĩ cầu nguyện cho nhau trong những ngày gặp gỡ này.

Ngày làm việc bắt đầu từ lúc 8g30. Ban tổ chức chào đón quý tham dự viên.
Đức Cha Chủ tịch UBTTXH tuyên bố khai mạc Hội nghị với lời chào mừng và cầu chúc sức khỏe đến tất cả đại biểu tham dự.
Cha Giuse Vũ Hữu Hiền giới thiệu tổng quát chương trình làm việc và chủ trì các cuộc hội thảo.
Lần lượt mỗi Giáo phận giới thiệu đôi nét về hoạt động mục vụ truyền thông, trang web, sách báo, những thuận lợi và khó khăn tại địa phương.
Đức Cha Phêrô trình bày đề tài: “Đường hướng mục vụ truyền thông Công Giáo".

I. Từ bốn yếu tố chính trong truyền thông

1. Nguồn: chủ thể cung cấp nội dung.
2. Đối tượng: người đón nhận nội dung truyền thông.
3. Sứ điệp: nội dung truyền thông.
4. Kênh truyền thông: nội dung được chuyển tải qua nhiều hình thức và phương tiện.

II. Đến quan điểm công giáo về truyền thông

1. Nguồn

Cội nguồn của truyền thông là Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc, mà là duy nhất trong Ba Ngôi. Dòng sông truyền thông của tình yêu không ngơi nghỉ giữa lòng Ba Ngôi (ad intra) và trào vọt ra bên ngoài (ad extra) trong công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Đời sống Giáo Hội đúng nghĩa vừa là dấu chỉ vừa là khí cụ của dòng chảy truyền thông ấy.

Trong từng hành động truyền thông cụ thể, có nguồn là chủ thể nhân loại (nói, viết, gửi hình ảnh) nhưng chủ thể đó ý thức mình là khí cụ của Thiên Chúa, nên chủ thể ấy hành động trong tác động của ân sủng Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Giáo Hội. Cũng từ đó, chủ thể luôn ý thức việc mình làm phải mang tính trung thực, cởi mở, tôn trọng tha nhân, ý thức trách nhiệm. Cũng ở đây, phải nói đến linh đạo truyền thông, cụ thể như Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh giá trị của tĩnh lặng trong truyền thông.

2. Đối tượng

Đối tượng chính yếu là người Công giáo, những thành viên trong Giáo Hội, để chia sẻ thông tin, gia tăng hiểu biết về Giáo Hội, củng cố và đào sâu đức tin, cậy, mến.

Ngoài ra, theo định hướng loan báo Tin Mừng, phải nghĩ đến đối tượng là người ngoài Công giáo. Khi những người này tiếp cận truyền thông Công giáo, họ có gặp được ánh sáng chân lý và hơi ấm của tình yêu? Không chỉ qua nội dung mà còn qua cách trình bày.

3. Sứ điệp

Sứ điệp chính yếu, nếu không nói là duy nhất, của truyền thông Công giáo, phải là Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Đồng thời là Tin Mừng được hiện tại hóa cho con người trong những cảnh sống cụ thể, với những vấn đề cụ thể: “Hôm nay ứng nghiệm những lời mà anh chị em vừa nghe” (Lc 4).

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để loan báo sứ điệp Tin Mừng cho con người ngày nay? Làm thế nào để đưa hình ảnh và âm vang của Chúa vào trong thế giới hôm nay? Làm thế nào để có chọn lựa phù hợp với Tin Mừng trong từng hoàn cảnh? Làm thế nào để Tin Mừng trở thành ánh sáng soi dẫn suy nghĩ và hành động?

4. Kênh truyền thông

Những kênh truyền thông quen thuộc: báo chí, tạp chí, sách vở, truyền thanh, truyền hình, internet…

Trong hoàn cảnh cụ thể của GHVN, chỉ có tạp chí (Hiệp Thông, 2 tháng/lần), sách vở (giới hạn trong các nhà sách Công giáo, chưa đến được những nhà sách khác), internet…và đều ở mức độ giới hạn.

Không thể quên kênh truyền thông hằng ngày: diện đối diện, gặp gỡ cá nhân.

III. Những hạn chế và thách đố

1. Những khó khăn khách quan

Giới hạn về phương tiện truyền thông: không được phép xuất bản báo chí, chương trình truyền thanh và truyền hình. Kể cả những gì được làm, vẫn có nhiều giới hạn: tạp chí, internet…Tài chính eo hẹp.

Não trạng thời đại, kể cả trong đời sống tôn giáo, là não trạng “mì ăn liền”, thích chuyện giật gân, không muốn tĩnh lặng để suy tư.

2. Những khó khăn chủ quan

Thiếu hợp tác giữa những người làm công tác truyền thông: trong một giáo phận, giữa các giáo phận, giữa các nhóm…

Những phân rẽ: chủ yếu từ lý do chính trị. “Một số người, do thù ghét GH, coi giáo huấn của GH như đối tượng để tấn công và chế giễu…Ngay cả các hãng truyền thông Công giáo cũng có thể đưa ra những ý thức hệ xung đột, đôi khi làm cho giáo huấn của GH hầu như không còn nhận ra được nữa, chứ đừng nói là thông đạt” (nhận định của Ban MVTT Hoa Kỳ).

IV. Những lời mời gọi

1. Lưu tâm hơn đến sứ điệp và đối tượng

Sứ điệp: dễ bị bỏ quên để chạy theo sự thu hút bằng những tin tức giật gân nhưng phản Tin Mừng (thiếu trung thực, thiếu tôn trọng người khác, thiếu ý thức trách nhiệm đối với đời sống đức tin của Dân Chúa).

Giới trẻ: thành phần tiếp cận các phương tiện truyền thông hiện đại nhiều nhất, nhưng có những nguy cơ là chìm trong đại dương thông tin, không có chuẩn mực để đánh giá; từ đó có cái nhìn phiến diện và lệch lạc về cuộc sống, dẫn đến lối sống không lành mạnh.

2. Hợp tác giữa các ban truyền thông

Phối hợp giữa những người làm truyền thông, các ban truyền thông giáo phận.

Phối hợp giữa ban Truyền thông và những ban khác: truyền giáo, giáo dục, di dân.

3. Linh hoạt và đổi mới

“Người làm truyền thông cho GH phải sử dụng công nghệ mới khi chúng xuất hiện. Không ngần ngại sử dụng các phương tiện truyền thông thương mại hoặc tiếp cận với các chuyên gia ngành công nghiệp truyền thông, bằng cách cung cấp cho họ những tin tức về GH, hỗ trợ các nỗ lực của họ, tư vấn về chuyên môn, liên minh với họ khi thích hợp” (Hoa Kỳ).

Sau giờ giải lao, các nhóm hạt mục vụ truyền thông và câu lạc bộ mục vụ viết tin + PR giao lưu giới thiệu những nét mục vụ truyền thông độc đáo.

Sau đó hội nghị thảo luận chung về nội dung bản ‘phác thảo kế hoạch mục vụ truyền thông”. Nhiều ý kiến đóng góp xây dựng trong bầu khí thân tình cởi mở.

Buổi chiều

Khởi động bằng chương trình giao lưu bốn khối hoạt động và thành viên tán trợ của Ban mục vụ truyền thông Sài gòn.

Sau đó 3 giáo tỉnh Huế, Hà Nội, Sài Gòn thảo luận về vấn đề:

- Đào tạo nhân sự và sự hỗ trợ của UBTTXH/HĐGMVN
- Cách thức liên kết cụ thể giữa các ban mục vụ truyền thông của các giáo phận.
- Tổ chức ngày thế giới truyền thông xã hội tại các giáo phận.

Ban tối, ban tổ chức mời các tham dự viên xem kịch: Tôi là ai? tại Idecaf.

II. Ngày 17/2.

Buổi sáng

Kinh sáng chung. Đức cha Phêrô chủ tế, cha Phêrô Nguyễn Vũ đại diện giáo tỉnh Huế chia sẽ Lời Chúa.
Chương trình ngày thứ hai, tiếp tục hội thảo chuyên đề “Phác thảo kế hoạch mục vụ truyền thông tại Việt Nam”.
Giao lưu câu lạc bộ mục vụ sân khấu và điện ảnh.
Tiếp tục thảo luận kế hoạch mục vụ truyền thông.

Buổi chiều

Khởi động bằng cuộc giao lưu với câu lạc bộ mục vụ phát sóng.
Các chuyên viên về tin học chia sẽ những kỹ thuật hiện đại và trình bày thao thức muốn góp phần với Giáo hội trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Sau đó hội nghị thảo luận đề tài: “hợp tác với các Dòng Tu trong mục vụ truyền thông” và trao đổi về Logo truyền thông.
Ban thư ký đúc kết thảo luận, từng bước hoàn thiện bản “kế hoạch mục vụ truyền thông” để trình lên Đức Cha chủ tịch phê chuẩn.
Cha Tổng Thư Ký tổng kết 2 ngày hội thảo và thông báo những quyết định chung.

Mỗi năm, UBTTXH họp định kỳ một lần. các giáo phận tổ chức ngày thế giới truyền thông. Các giáo Tỉnh và các giáo phận tổ chức những khóa đào tạo về linh đạo và đạo đức truyền thông, những kỹ năng cũng như tìm kiếm nguồn nhân lực truyền thông.

Lm Giuse Nguyễn Tuấn Hải, GP Mỹ Tho, đại diện Giáo Tỉnh Sài gòn.
Lm Antôn Vũ Thanh Lịch, GP Ban Mê Thuộc, đại diện Giáo Tỉnh Huế.
Lm Giêrađô Nguyễn Nam Việt, GP Vinh, đại diện Giáo Tỉnh Hà Nội.

Đức cha Phêrô cảm ơn cha Tổng thư ký và các nhân viên trong văn phòng đã hết lòng chuẩn bị và tổ chức đại hội UBTTXH năm 2012, cảm ơn sự hiện diện của quý cha và các đại biểu từ 24 Giáo phận, các Dòng tu, các khách mời đã tề tựu, dù mệt nhọc vẫn luôn hăng say. Một bầu khí tốt đẹp của những tâm hồn cùng một ý hướng, cùng một tâm tình cầu nguyện trong tình gia đình mục vụ truyền thông được thể hiện trong những ngày qua.

Cha Thanh Lịch đại diện các tham dự viên cảm ơn Đức Cha Phêrô, Cha Tổng Thư Ký, Quý Thầy và toàn thể những người cộng tác đã đón tiếp, phục vụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt trong những ngày qua.

Hội nghị kết thúc trong tâm tình tri ân Thiên Chúa và cảm ơn nhau, cùng mở ra cho một năm mới của UBTTXH với nhiều đổi mới và nổ lực hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cùng nhau vun trồng sự hợp tác của các nhóm khác nhau và mở rộng nguồn tài nguyên sẵn có cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.

Bữa tiệc huynh đệ trong niềm vui tạ ơn ghi dấu lần gặp gỡ đầu tiên của UBTTXH kể từ sau Đại Hội Dân Chúa 2010.

III. Ngày 18/2

Sau Thánh lễ tạ ơn, anh em linh mục trở về lại giáo phận. Từ khắp mọi miền đất nước, các ban truyền thông đóng góp cho những sinh hoạt truyền thông Công Giáo trên quê hương Việt Nam, giúp cho các giá trị Tin Mừng đi đến với con người hôm nay. Chúng ta cảm tạ Chúa vì những phương tiện truyền thông hiện đại. Ước gì mỗi người Kitô hữu biết sử dụng các phương tiện truyền thông với đức tin, trong sự tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, giúp tạo điều kiện cho truyền thông Tin Mừng hiệu quả hơn và giúp cho mối giây hiệp nhất giữa các cộng đoàn Giáo Hội ngày càng bền chặt.
 
Hội thảo về chứng bệnh vô cảm tại Saigòn
Anmai, CSsR
10:12 19/02/2012
Cuộc hội thảo về chứng bệnh vô cảm được tổ chức trên lầu của Nhà Sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - 38 Kỳ Đồng - Saigòn. Một đề tài phải nói là thuộc dạng "hot" và thực tế trong bối cảnh Xã Hội và Giáo Hội hiện nay.

Xem hình ảnh

Giờ hội thảo bắt đầu bởi sự điều phối của anh Thanh Long, đại diện nhóm trẻ đang nghiên cứu Học thuyết xã hội Công Giáo. Anh giới thiệu thành phần tham dự và sau đó anh đi vào ngay dẫn nhập bằng những lời hết sức vắn gọn và xúc tích, đi thẳng vào vấn đề : "Trước tình trạng ngày càng có nhiều người, nhất là các bạn trẻ tỏ ra dửng dưng, thờ ơ và thiếu đồng cảm với những hoàn cảnh của người anh em đồng loại xung quanh mình: thấy người gặp hoạn nạn, không muốn ra tay cứu giúp; thấy người nghèo khó, ngoảnh mặt đi; thấy người làm việc nghĩa, cũng không tán dương ca ngợi, hội thảo này chẳng dám tham vọng làm thay đổi ngay được tình trạng bi đát ấy, nhưng cũng ước mong tạo ra một dịp để chúng ta ngồi lại mà nhìn nhận vấn đề cho thấu đáo, rồi dùng Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo soi chiếu, may ra tạo được bước khởi đầu cho sự cải thiện trong tương lai".

Sau đó anh trình chiếu về căn bệnh vô cảm ngày hôm nay bằng những trích dẫn, hình ảnh hết sức thực tế và phong phú trong đời sống thường ngày trong xã hội. Để cho phần trình bày của anh được sinh động, anh mời các bạn trẻ trình bày một trích đoạn thật ngắn minh họa căn bệnh vô cảm : Một cô gái đi qua đường bị tên cướp giật phăng chiếc điện thoại di động. Cô ngã sóng xoài xuống đất. Một cô giáo rồi một thầy tư tế rồi một người giàu có đi qua, tất cả đều thấy nhưng ngoảnh mặt làm ngơ. Liền sau đó một bà già quê mùa lụ khụ đỡ nạn nhân lên và đưa đến bác sĩ. Nạn nhân và bà cụ gặp ngay một bác sĩ từ chối chữa chạy cho cô vì thiếu tiền.

Cả hội trường ồ lên cùng một tràng pháo tay thật lớn cổ võ tinh thần của các bạn trẻ.

Liền sau đó, bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn - đang công tác tại bệnh viện Bình Dân, một người tha thiết với học thuyết xã hội Công Giáo và luôn ở cạnh bên những bệnh nhân nghèo đặc biệt là HIV - lên chia nhóm chia sẻ. Bác sĩ mời gọi các bạn đang học khóa Học thuyết xã hội Công Giáo ngồi xen vào với các bạn khác để cho phần chia sẻ, trao đổi, đúc kết được thuận tiện hơn.

Vì thời gian có hạn nên chỉ giải lao vài phút thì các tổ lên đúc kết phần thảo luận của mình. Phần đúc kết thật sôi nổi xoay quanh ba vấn đề :

- Triệu chứng và hiện trạng bệnh vô cảm.
- Nguyên nhân gây bệnh.
- Phương pháp trị liệu.

Sau phần đúc kết của các nhóm, cha Matthêu Nguyễn khởi Phụng tổng hợp lại và đưa ra nhiều vấn đề cho hội viên chương trình suy nghĩ. Với chất giọng diễn cảm cộng với bề dày kinh nghiệm và kiến thức Giáo Hội, cha Matthêu đã gửi đến cả hội trường những nhận xét thật giá trị. Ngài nhấn mạnh đến thông điệp mới đây - đầu năm 2012 - của Đức Thánh Cha Bênêđictô 16. Đức Thánh Cha đặt vấn đề công lý và hòa bình dựa trên một chân lý. Cha Matthêu nói rằng : "Cái ta đang thiếu chân lý về con người, văn hóa, nhân văn mà mọi người đồng nhất để mà làm với nhau. Xã hội có một cuộc khủng hoảng tinh thần mà ta ghê sợ, tội ác ghê gớm xảy ra trong xã hội chúng ta. Xã hội có hàng trăm và thậm chí hàng ngàn Lê Văn Luyện. Cái ác đang phát triển. Tất cả những cái ác đó nó đón nhận một nền văn hóa không phát triển phần con người mà phát triển phần ác nơi con người ..."

Nhiều và nhiều nhận định hết sức thực tiễn và giá trị từ một cha giáo hết sức kính mến của Dòng Chúa Cứu Thế. Cả hội trường hết sức chăm chú lắng nghe những lời đúc kết của Ngài.

Sau những lời đúc kết của cha Matthêu là Thánh Lễ Chúa nhật 7 thường niên.

Đến lúc phải chia tay thôi vì chương trình đã khép lại.

Nhiều và rất nhiều bạn mong ước một ngày gần đây hội thảo được mở rộng với số lượng người tham dự đông hơn hầu có thể phổ biến phần nào học thuyết xã hội Công Giáo. Tất cả những điều đó cũng chỉ ước mong làm chút muối, chút men cho đời để chữa trị căn bệnh vô cảm đang lan tràn trong xã hội và cả giáo hội nữa.
 
Khai giảng lớp Giáo Lý Viên cấp I hạt Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:16 19/02/2012
PHAN THIẾT - Sáng Chúa Nhật, ngày 19.2.2012, Ban Giáo Lý Hạt Phan Thiết tổ chức khai giảng lớp GLV Cấp I tại nhà thờ Kim Ngọc.

Xem hình ảnh

Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, trưởng ban Giáo lý Giáo phận và quý Nữ tu cùng trưởng ban Giáo lý Giáo xứ Chính tòa, Kim ngọc đã đến tham dự.

Lớp học có 93 em. Chính tòa 22 em, Tầm hưng 24 em, Kim ngọc 25 em, Rạng 7 em, Đông Hải 3 em, Vinh phú 8 em, Phú hội 2 em và Thanh hải 2 em.

Cha Giuse Hữu ban huấn từ khai giảng.

Hết lòng cám ơn cha chánh xứ Kim ngọc cũng là trưởng ban Giáo lý của hạt Phan Thiết, cám ơn các Nữ tu, cám ơn tất cả các bạn đã đến đây tham dự lớp huấn luyện Giáo Lý Viên Cấp 1.

Đào tạo Giáo lý viên là ưu tư hàng đầu của Giáo Hội và cũng là ưu tư hàng đầu của Đức Giám Mục Giáo phận. Tất cả các bạn đến đây làm Ngài rất vui mừng. Các bạn là những cánh tay nối dài cho công tác mục vụ của Ngài. Năm nay là năm loan báo Tin Mừng của Giáo phận chúng ta. Năm nay cũng là năm Đức Tin, Giáo hội sẽ khai mạc vào tháng mười sắp tới.

Khóa học GLV cấp I sẽ học Kinh Tin Kính là môn học đầu tiên và sẽ kết thúc vào tháng 9. Chúng ta sẽ khai mạc năm Đức Tin một cách long trọng vào tháng 10.

Nói đến Đức Tin, các bạn nhớ đến bài Phúc âm hôm nay. Thánh Máccô kể chuyện, bốn người bạn khiêng người bại liệt và đục một cái lỗ trên trần, rồi đưa bệnh nhân xuống và Chúa chữa lành cho anh ta. Chúa lệnh cho anh đứng dậy vác chõng mà về.

Câu chuyện Thánh Máccô kể, có những chi tiết rất thú vị. Là GLV các bạn nhìn câu chuyện Phúc âm trong tư cách là GLV. Đây là bài Giáo lý về Bí tích Rửa tội. Có 4 người khiêng cái chõng của người bại liệt. Họ có sáng kiến rất độc đáo: đục mái nhà của người ta. Đó quả là sáng kiến táo bạo. Mục đích là để đưa người bại liệt đến với Chúa Giêsu, để Chúa chữa lành và cuối cùng người bạn lạnh mạnh về bình an. Vác thập giá là vác chõng. Người Kitô hữu vác thập giá mà đi sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, họ được làm con cái Thiên Chúa, con cái Hội Thánh, làm môn đệ của Chúa Giêsu nên vác Thập giá đi theo Người.

Vai trò của 4 người khiêng, đó là vai trò của GLV.

Tất cả các bạn đều là học sinh, sinh viên đang đi học trung học, cao đẳng và đại học. Những môi trường và hoàn cảnh sống, các bạn phải luôn thể hiện mình là người có Đạo. Mình có những nét độc đáo của người Công giáo. Hôm qua, tôi đi dự đám cưới, tôi rất tiếc vì tôi không thấy gia đình làm dấu xin ơn thánh hóa trước khi ăn tiệc. Mình có cái nét độc đáo, nét đẹp của người kitô hữu là trước khi ăn cơm, ăn tiệc, chúng ta tạ ơn Chúa, xin Chúa thánh hóa cho bữa ăn. Vậy tại sao mình lại giấu đi giữa đám đông những người lương dân? Trong môi trường ngày hôm nay có nhiều vấn đề như vậy về phương diện Đức Tin. Chính vì vậy mà các bạn thấy vai trò của người GLV quan trọng như thế nào.

Tất cả các bạn là những người gần gũi nhất với các em thiếu nhi, rồi sẽ là sát cánh với những anh chị em dự tòng; rồi sống Đạo giữa đời. Các bạn cần xác định cái độc đáo của người Kitô hữu. Xác định những nét độc đáo của một người GLV. Các bạn vinh dự là GLV.

Xin Chúa chúc lành cho lớp học này và chúc tất cả các bạn chăm học, có được những thành quả tốt sau khóa học.

Lớp GLV Cấp I, học 2 tiết mỗi tuần, từ 8g30-10g30 vào ngày Chúa Nhật hàng tuần tại Nhà thờ Kim ngọc..

Nữ tu Maria Trương Thị Xuân Lộc, MTG Nha trang, đang phục vụ tại Cộng đoàn Hàn thuyên, phụ trách môn “Kinh Tin Kính” bắt đầu buổi học.

Theo chương trình đào tạo GLV của Ban Giáo lý Giáo phận, để trở thành GLV có khả năng, cần trải qua thời gian dài học tập 12 môn học theo 3 cấp như sau.

Cấp I :
1- Kinh Tin Kính
2- Phụng vụ và bí tích
3- Luân lý Ki tô giáo
4- Kinh Lạy Cha

II- Cấp II :
5- Kinh Thánh
6- Lịch sử cứu độ
7- Lịch sử Giáo hội
8- Dẫn nhập vào các tôn giáo lớn

III-Cấp III
9- Linh đạo GLV
10- Trưởng thành nhân bản
11-Học Thuyết Xã Hội KTG
12- Sư phạm giáo lý

Nhìn các bạn trẻ gần trăm em đang học giáo lý, hồn nhiên trong sáng vui hát reo hò, tôi nhớ đến Thánh Don Bosco, một thiên tài giáo dục. Những lời khuyên của cha Don Bosco với tuổi trẻ thật bổ ích.

“Người ta gieo gì thì gặt nấy. Hỡi các con, hãy cho cha biết những người nông dân đang rất sung sướng gặt những bông lúa của họ, nhưng nếu họ đã không cày bừa, gieo hạt rồi nhặt cỏ xấu, thì liệu họ có thể nhận được niềm vui gặt hái lúc này hay không? Chắc chắn là không, phải không các con…bởi vì để được gặt trước tiên phải gieo hạt. Với các con cũng thế, nếu bây giờ các con gieo, một ngày kia các con cũng sẽ hài lòng về mùa gặt của mình. Nhưng nếu các con lơ là công việc của người giống này, khi mùa gặt đến các con sẽ chết đói.

Vậy các con hãy nhớ đến điều Chúa nhân lành đã phán: “Người ta gặt điều mà người ta đã gieo”. Gieo lúa thì gặt lúa, gieo bắp thì gặt bắp, gieo lúa mạch thì gặt lúa mạch; nhưng gieo gai góc thì gặt gai góc. Các con có muốn mùa gặt của các con tốt đẹp không? Hãy gieo xuống đất hạt giống tốt! Và các con hãy nhớ kỹ rằng: nỗi mệt nhọc phải chịu trong thời gian gieo hạt thì không là gì sánh với niềm vui mà mùa gặt mang lại.

Còn một điều nữa, để hạt giống tốt và cho một bông lúa mẩy, thì phải gieo hạt đúng thời hạn; lúa vào mùa thu, bắp vào mùa xuân…Hạt giống nào cũng thế. Ai gieo không đúng hạn thì không gặt được gì hết. Và này, cha hỏi các con: đời người được gieo vào mùa nào? Mùa xuân, trong thời kỳ non trẻ. Nếu không gieo vào mùa này, thì sau này không gặt hái được gì. Và nếu cha hỏi các con phải gieo gì? Tất cả các con sẽ trả lời cha: “Những việc tốt lành”. Quả thật, người nào gieo hạt gai thì chỉ gặt được gai nhọn trong tuổi già. Các con có hiểu những điều ấy không? Đừng quên nhé!

Cha muốn nhắc các con một lời phán dạy khác của Chúa nữa: “ai gieo gió thì gặt bão”. Gió đây là những đam mê xấu. Một chú bé để cho các đam mê cai trị mình, để cho biết bao những hạt giống xấu lọt vào tâm hồn mình, tuy lúc này nhỏ bé nhưng dần dần chúng sẽ lớn lên. Một ngày kia những cơn bão kinh khủng sẽ nổi lên trong người ấy, và người ấy sẽ bị quỵ ngã ngay. Nhờ ơn Chúa, các con đừng để những hạt giống bé nhỏ ăn rễ trong các con; cuộc sống các con sau đó sẽ là một chuỗi bất hạnh! Hãy nhớ điều này: các đam mê điên khùng sẽ điều khiển người ta và làm cho họ vi phạm những điều xấu, cả khi chúng không cưỡng ép họ. Thời gian đầu chúng rất nhỏ bé, vụn vặt. Nhưng từng chút, từng chút chúng tự phát triển dần và đến một ngày nào đó, họ không có thể làm chủ chúng. Điều đó cũng sẽ như thế đối với các con.

Khi một đứa trẻ nào giữ lại những đam mê nhỏ trong mình, thay vì tìm cách khuất phục chúng thì nó lại nói: “Ồ! Không việc gì!”…Cha run sợ tự nhủ: đúng vậy, hôm nay không việc gì hoặc không có sự gì đáng kể cả đối với một cụm cỏ mới mọc. Nhưng các con cứ để nó to lên và rồi các con sẽ thấy. Sư tử con, còn nhỏ thì rất hiền, nhưng với những năm tháng, nó trở thành một dã thú đáng sợ. Con gấu nhỏ thật dễ thương trong hang, về sau nó sẽ trở thành một con vật kinh khủng. Con cọp dường như muốn ve vuốt các con bằng chân của nó, sẽ trở thành hung dữ nhất trong các con vật.

Các con có hiểu được tất cả những thí dụ đó không? Vậy nếu các con muốn sau này hạnh phúc thì ngay bây giờ các con hãy tỉnh thức và cẩn thận với chính mình”.

Để trở thành GLV đúng nghĩa, mỗi bạn cần có 4 yếu tố: vốn giáo lý, sư phạm giáo lý, đời tâm linh và lòng nhiệt thành tông đồ. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn giúp các bạn GLV học tốt chương trình đào tạo để trở thành những GLV nhiệt thành dấn thân phục vụ với trọn trái tim yêu thương.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Dân đòi ''cách chức'' Bí thư Hải Phòng
BBC
09:59 19/02/2012
DÂN ĐÒI "CÁCH CHỨC" BÍ THƯ HẢI PHÒNG

Bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành bị cáo buộc phát biểu, trình bày "trái với kết luận" của Thủ tướng.

Một số cán bộ, đảng viên lão thành ở Thành phố Hải Phòng vừa gửi "báo cáo" lên các lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam phản ánh việc Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu "trái với kết luận" của Thủ tướng Chính phủ tại một cuộc nói chuyện dành cho cán bộ cao tuổi hôm 17/2/2012.

Những người ký tên trong văn bản hôm thứ Bảy kiến nghị Bộ Chính trị "xử lý nghiêm vụ Tiên Lãng" không chỉ ở cấp xã, huyện mà còn ở cả cấp Thành phố "nhất là đối với người đứng đầu."

Kiến nghị do các đảng viên lão thành có tuổi đảng trên 60 năm gửi Tổng Bí thư ĐCS, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc Hội, Thường trực Ban Bí thư phản ánh việc vì sao ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành đã bị các cán bộ hưu trí, lão thành phản đối ngay tại diễn đàn hội nghị vốn có sự hiện diện của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, diễn giả chính của buổi nói chuyện.

"Trong lúc cả nước yêu cầu, đòi hỏi phải chấp hành nghiêm kết luận của Thủ tướng, trong buổi nói chuyện với hội viên CLB Bạch Đằng (từ 8 giờ đến 8 giờ 45 ngày 17/2/2012) của đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố xung quanh việc Tiên Lãng," bản kiến nghị viết tiếp:

"Chúng tôi chờ đợi, hy vọng sự nghiêm túc tự phê bình của lãnh đạo Thành phố, nhưng không ngờ vô cùng ngạc nhiên, đồng chí Thành không hề nêu sai sót nào của Thành phố, Chính quyền, Cơ quan liên quan của Thành phố Hải Phòng. Có những trình bày trái với kết luận của Thủ tướng như:

"Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác vào chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngợi công ban - bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; có bậc lão thành nói không chuẩn; ông Vươn xây nhà không trong quy hoạch, trốn nợ thuế, không có tý công tích gì, trong khi đó Tiên Lãng tạo mọi thuận lợi cho anh Vươn. Đã gây dư luận phủ nhận công lao quá khứ của huyện Tiên Lãng, nhân dân cả nước chỉ tập trung vào vụ việc này để ngưng trệ sản xuất!!!"

Không muốn nghe Bí thư

Kiến nghị của các đảng viên lão thành Đại tá Lê Văn Thinh, Đại tá Nguyễn Cục và nguyên Phó Bí thư Huyện Kiến An, Nguyễn Viết Phúc nói ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã "nói trái với tâm tư suy nghĩ" của hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng đến mức cử tọa không muốn tiếp tục lắng nghe ông:

"Buổi nói chuyện của đồng chí Thành đã ồn lên, mọi người không muốn nghe nữa," kiến nghị tường thuật, "Kết thúc buổi nói chuyện, một hội viên lên bục nói ngắn gọn:

"Đồng chí Bí thư Thành ủy đã nói sai sự thật, trái với kết luận của Thủ tướng, đồng chí ấy đã coi thường tất cả chúng ta. Tôi là một đảng viên kiến nghị Bộ Chính trị cách chức đồng chí ấy đi.

"Mọi người hoan nghênh ý kiến trên."

Trao đổi với BBC hôm 19 tháng Hai, cựu Đại tá quân đội 78 tuổi, Bấm ông Lê Văn Thinh - http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/02/120219_vn_nguyenvanthanh.shtml , một trong ba cán bộ đảng và chính quyền lão thành nói trên của Hải Phòng ký tên vào kiến nghị, xác nhận các hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng đã tỏ ra bức xúc với phát biểu của ông Bí thư Thành ủy.

"Sau khi ông Thành nói xong và cắp cặp đi về, thì ông kia mới lên bục nói.

"Ông ấy (Bí thứ Thành) đã nói như thế không đúng với kết luận của Thủ tướng. Ông ấy nói thế nào là trong bụng, trong ruột, trong đầu ông ấy. Bọn tôi thì thấy nói như thế là không đúng. Còn lý do gì, động cơ gì ông ấy nói như thế thì phải trực tiếp hỏi ông ấy."

'Cấp trên sẽ kiểm tra'

Lều dựng tạm, bàn thờ và tài sản của gia đình các ông Vươn, Quý ở khu đầm xã Quang Vinh mới bị xâm phạm.

Về phản ứng của cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan ngay tại sự kiện, cựu đại tá quân đội với 60 năm tuổi đảng nói thêm: "Không, ông Vũ Khoan không nói gì đâu. Ông Vũ Khoan thì nói hay rồi. Bọn tôi thì thấy phấn khởi nghe ông ấy nói thôi."

Vị đảng viên lão thành đang cư trú ở Kiến An, Hải Phòng cho hay quần chúng, cán bộ, đảng viên và hưu trí Hải Phòng đang 'chờ xử lý' của Nhà nước và ông cũng bình luận về việc nên hay không nên lập và cử một Tổ công tác - điều tra của Trung ương về vụ việc Tiên Lãng thay vì "xử lý nội bộ" ở Hải Phòng.

Đại tá Thinh nói: "Bây giờ chúng tôi còn đang chờ xử lý cụ thể mà thời hạn là tới hết tháng Ba. Bộ ngành người ta cũng đã về rồi, còn Thành phố cũng đã giải quyết, chứ không chỉ có thành phố không. Cả trên cả dưới đều giải quyết. Trước sau cũng phải giải quyết thôi."

"Tôi tin rằng trên sẽ kiểm tra. Bao giờ dưới làm thì trên cũng phải kiểm tra. Dân giám sát nữa. Trên kiểm tra, chứ không thể một mình ông (TP Hải Phòng) làm được."

Trong một diễn biến liên quan tới vụ việc ở Tiên Lãng, hôm 17 tháng Hai, theo phản ánh của một số blog và báo mạng trong nước, trong đó có trang blog của nhà văn Bấm Nguyễn Quang Vinh - http://nguyencuvinh.wordpress.com/2012/02/18/tin-nong-chung-no-pha-nat-l%E1%BB%81u-%E1%BB%9F-t%E1%BA%A1m-va-ban-th%E1%BB%9D-t%E1%BA%A1i-n%E1%BB%81n-nha-anh-v%C6%B0%C6%A1n/ , ngôi lều được dựng lên làm nơi sinh hoạt và tiếp khách tạm mấy tuần qua của gia đình các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý ở xã Vinh Quang, cùng bàn thờ và nhiều vật dụng, tài sản còn lại của họ đã bị "phá hủy."

Dư luận trong nước và trên mạng đang đặt ra các câu hỏi và yêu cầu nhà nước cùng chính quyền các cấp ở Hải Phòng tiến hành "điều tra gấp" về nguyên nhân và "những ai đứng sau" diễn biến mới này.
 
Hãi hùng “sở hữu toàn dân”!
Hà Sĩ Phu
23:19 19/02/2012
Hãi hùng “sở hữu toàn dân”!

Đã có một thời ấu trĩ, nghèo khó, trông con đường “tám thước” đã thấy rộng “thênh thang” [1], thấy ánh điện sáng trên cầu Việt Trì đã sướng nhảy lên”Ơ này anh em ơi” [2], thế mà trong đầu còn mở ra những thứ thênh thang gấp bội thì lâng lâng cũng phải. Này là bài ca hữu nghị Việt-Trung-Xô, này là anh cả Liên xô chị hiền Trung Quốc, này là vô sản toàn thế giới, này là thế giới đại đồng…Trước những thứ hoành tráng, bát ngát như vậy cái gì là RIÊNG, là cá nhân chẳng những bị xem là nhỏ bé mà còn tội lỗi nữa, phải nép vào một xó, nhường chỗ cho những gì là CHUNG, là “tập thể”, là “toàn dân”… Đã là cá nhân, lại kèm thêm chữ “CỦA” (tức là sở hữu đấy), như của tôi, của anh, thì xấu xa lắm, phải từ bỏ ngay hoặc chôn kín trong lòng.

Đừng trách các nghệ sĩ cứ “tớn” lên mà tội, khi có cả một lý thuyết đang trùm lên xã hội. Ngọn nguồn từ mấy ông râu xồm bên Tây kia.

Số là, từ thế kỷ 18, xã hội loài người đến thời văn minh công nghiệp thì sự chênh lệch giữa con người với nhau đã rất khủng khiếp. Bằng cảm tính trực quan, rất dễ thấy sự bất công là do chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất mà ra. Bần cố nông không có ruộng nên phải làm thuê cho địa chủ phú nông chiếm nhiều ruộng đất. Công nhân không có nhà máy nên phải làm thuê cho nhà tư bản có công xưởng. Kết quả là người lao động làm ra của cải mười phần nhưng chỉ được hưởng dăm ba phần vì bị các “chủ tư liệu” chiếm mất thành quả.

Thế là, xuất phát từ cảm tính trực quan, không ít người nghĩ đến giải pháp: từ nay không cho ai chiếm hữu ruộng đất hay công xưởng nữa, tất cả tư liệu sản xuất lớn phải là của chung, sẽ chẳng ai phải làm thuê cho ai, thế là triệt tiêu “tận gốc” sự bóc lột và bất công, thế là cứu dân. Nhiệm vụ cách mạng là phải chống cái RIÊNG, đặc biệt là cái riêng trong sở hữu những cơ sở vật chất. Theo luận lý ấy, đất đai là loại hình tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn vốn lớn nhất, giá cả có thể vô hạn tất nhiên không ai được sở hữu riêng, nếu quy thành luật “đất đai thuộc Sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý” thì cũng phải thôi.

Công cuộc chống cái Riêng sẽ dẫn xã hội tới Thiên đường khiến Tố Hữu reo lên:

Ngày mai đây, tất cả sẽ là CHUNG
Tất cả là vui và ánh sáng! (Tố Hữu - Liên hiệp lại)


Mơ tiếp, con người sẽ làm việc theo khả năng nhưng tiêu dùng thì tất cả đều lấy từ cái kho chung của toàn dân, như múc nước trong bể, ai khát nhiều thì múc nhiều, ai khát ít thì “tự giác” múc ít (thật quá ư nhân đạo và hợp lý), bởi khi ấy con người đều cao thượng, tất cả đã là của chung thì còn”tham sân si” làm gì nữa, thanh bình đến thế là cùng!

Chẳng còn ai có sở hữu tư liệu sản xuất riêng, ai cũng là công nhân công nghiệp hay công nhân nông nghiệp như nhau, hết cả giàu nghèo, hết cả sang hèn, nên xã hội đặc trưng ở tính chất SAN BẰNG, CÔNG HỮU HÓA, TẬP THỂ HÓA...

Đến nay, nhiều điều phi lý trong “xã hội không tưởng” như trên đã được nhận ra và không nhắc đến nữa, nhưng tại sao chủ trương Công hữu hoá về đất đai vẫn được giữ nguyên mặc dù chủ trương này đã gây nên bao vụ tranh chấp đất đai nghiêm trọng, kéo dài, như một vấn nạn lớn, thách thức sự tồn vong của chế độ?

Để trả lời câu hỏi trên, và có thể sửa chữa tận gốc sai lầm về “sở hữu toàn dân” đối với đất đai, chứ không dừng ở việc điều chỉnh để đối phó, thiết nghĩ cũng nên phân tích ngắn gọn với nhau mấy nguồn gốc xuất phát của sai lầm này.

1/ Những sai lầm từ trong nhận thức của Ý thức hệ

- Xã hội không thể san bằng: Chẳng riêng gì loài người, sinh vật một khi đã sống thành bầy đàn hay xã hội thì khó lòng tránh khỏi bất bình đẳng. Ngay trong một cơ thể thực vật, các tế bào nằm sát nhau thì vừa hiệp lực vói nhau để hoàn thành một chức phận trong cơ thể vừa giới hạn lẫn nhau, chèn ép lẫn nhau, mỗi tế bào không thể căng tròn hết cỡ như khi được nuôi tự do trong môi trường nuôi cấy nhân tạo. Vừa hiệp lực lại vừa cạnh tranh, đấu tranh với nhau trong một tổng thể vốn là quy luật tương sinh tương khắc muôn đời của Sinh giới.

- Hệ quả của quy luật nói trên là sự phân ly thành hai cực CHÍNH QUYỀN và DÂN CHÚNG, cùng với sự phân cách GIÀU NGHÈO. Những sự phân ly vừa tương sinh vửa tương khắc này là tất yếu, không thể dùng “cách mạng” để san bằng.

- Đã không thể xoá bỏ hay san bằng thì phải có Luật và có Dân chủ, gọi chung là nền Dân chủ Pháp trị, để cho những mặt đối lập cùng tồn tại, không diệt nhau mà còn nương tựa vào nhau, hiệp lực với nhau trong xã hội chung.

- Là xã hội đương nhiên có tính Tổ chức: từ cá nhân đến các tổ chức nhỏ, tiếp đến các tổ chức lớn hơn, rồi thành quốc gia, quốc tế. Do đó Dân chủ cũng có Dân chủ trực tiếp và Dân chủ đại diện. Một tổ chức cấp cao có đại diện được cho các thành viên hợp thành hay không là do Cơ chế tổ chức có Dân chủ hay không. Nếu xã hội không dân chủ thì sự đại diện chỉ là mạo danh, “sở hữu toàn dân” là một sự mạo danh.

- Sở hữu là cơ sở vật chất để con người có thể tồn tại như một thực thể riêng trong xã hội, nên việc đưa tất cả đất đai cho nhà nước thống nhất quản lý là vô lý, đặc biệt là khi Công hữu hoá lại đi kèm với những thiết chế phản dân chủ thì chủ trương xoá bỏ sở hữu tư nhân đối với đất đai chính là cột chặt sinh mệnh toàn dân vào trong bàn tay của một đảng cầm quyền, chẳng khác nào truất phế tư cách tồn tại của họ.

2/ Sai lầm trong thời buổi “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”

Những sai lầm vừa kể trên là sai lầm về nhận thức, về động cơ có thể là muốn xây dựng một xã hội “của chung”, tưởng rằng mọi thứ đều công hữu hoá, tập thể hoá thì nhân dân sẽ thoát vòng nô lệ và được hạnh phúc.

Song, khi phe XHCN thế giới đã sụp đổ, Đảng Cộng sản đã chuyển sang chiến lược “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” , ảo tưởng về nhận thức không còn nữa, tại sao vẫn chủ trương “toàn dân hoá” sở hữu đất đai?

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý” ư? Toàn dân là một khái niệm chung chung, mơ hồ, chẳng là ai cụ thể, ai đang có quyền thì chiếm chỗ ấy. Sự thể ra sao thì vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng đủ nói lên tất cả.

Đất đai là miếng mồi ngon nhất, lớn nhất. Trong một cơ chế độc quyền lãnh đạo, kẻ nào nắm độc quyền lãnh đạo ắt thèm rỏ dãi, ắt dùng tổ chức công khai, dùng con dấu để “cướp ngày, cướp cạn” (chữ của bác Lê Hiền Đức). Dân bị cướp khắp nơi, kêu trời không thấu. Kiện chỉ là kiện củ khoai vì từ dưới lên trên đều cùng một giuộc. Đó là một “lỗi hệ thống”.

Trong cơ chế “trên bảo dưới không nghe”, thủ tướng cũng chẳng cách chức nổi cấp dưới thì mạnh ai nấy làm, ai có quyền cũng là “anh hùng nhất khoảnh”, ấy là nạn phân ly, “cướp ngày” nổi lên khắp nơi. Nhưng bên cạnh nạn phân ly lại có nạn liên kết: liên kết giữa kẻ có quyền và kẻ có tiền, đôi khi liên kết cả với đám lưu manh anh-chị, liên kết trong lợi ích nhóm, liên kết trong nhiệm kỳ… thả sức cướp bóc, đày ải nhân dân.

Trong đám mây mù tệ nạn, phải tìm ra cái trục gây ác. Trục gây ác cũng là trục quyền lực. Trục “hợp tung” của quyền lực từ trên xuống là: Chủ nghĩa - Đảng - Công an (công an là chủ lực thi hành). Trục “liên hoành” là các cấp uỷ, uỷ ban, công an, các đoàn thể trong Mặt trận, các đại doanh gia, các nhà cơ hội, các nhóm xã hội đen…

- Chính cái cơ chế “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý” là nhân tố mở đường, là cái khiên che, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt mọi đám “cướp ngày”, nó cần được huỷ bỏ.

- Việc duy trì điều luật này không còn là sai lầm về nhận thức mà tội phạm có ý thức, nó cần được huỷ bỏ.

- Điều luật này là điều béo bở cho các quan, nhưng là nỗi hãi hùng cho Dân, nó biến cái CHUNG mạo danh Nhân dân thành cái RIÊNG của các quan, sở hữu “toàn dân” biến thành sở hữu “toàn quan” , nó cần được huỷ bỏ.

Xin trích đủ 4 câu trong bài thơ “Liên hiệp lại” của Tố Hữu :

Quyết chiến đấu! Nào, ta liên hiệp lại
Hỡi tù nhân khốn nạn của bần cùng!
Ngày mai đây, tất cả sẽ là CHUNG
Tất cả là vui và ánh sáng!


(Tố Hữu - Liên hiệp lại)

Hai câu dưới là giấc mơ tương lai từ trong quá khứ, nên lưu lại trong một Bảo tàng Ý thức hệ.

Hai câu trên trải mấy chục năm vẫn như thời hiện tại, đọc lên cứ tưởng thơ tặng những gia đình khốn khổ như gia đình Đoàn Văn Vươn hôm nay.

Những tiếng nói yêu cầu huỷ bỏ điều luật này về Sở hữu đất đai, trao quyền Sở hữu ruộng đất về cho Dân (tất nhiên Công hữu xưa nay vẫn có phần dành cho Nhà nước) là những tiếng nói chân thành, nhìn thẳng sự thật, giúp Đảng Cộng sản và Chính phủ vớt lại uy tín, vớt lại tính Chính danh.

Nếu tôi là những cấp lãnh đạo, tôi sẽ cảm ơn những liều thuốc đắng. Đoàn Văn Vươn cũng là một liều thuốc đắng như vậy.

Tiếng súng hoa cải ĐoànVăn Vươn là phát pháo hiệu báo nguy của anh bộ đội trên boong, báo cho người lái con tàu Titanic Việt Nam rằng: phía trước là một tảng băng ngầm.

Hà Sĩ Phu
 
Văn Hóa
Lá Thư Canada: Vẫn Còn Chuyện Tết
Trà Lũ
16:29 19/02/2012
Lá Thư Canada: Vẫn Còn Chuyện Tết


Tết con Rồng qua đã lâu thế mà làng tôi vẫn còn mê nói về rồng. Lần hội làng tháng trước đã nói, tháng này vẫn còn nói. Người chủ chốt vẫn là ông già ODP. Ông có nhiều ý rất độc đáo. Chẳng hạn rồng có chân nhưng rồng không bao giờ đi hay chạy trên đất mà rồng luôn luôn bay. Chính vì rồng chỉ bay nên mới có Vịnh Hạ Long là nơi mà rồng trên trời đáp xuống, và Thành Thăng Long là nơi mà rồng dưới đất bay lên. Các cụ nhớ kỹ nha, rồng có chân nhưng rồng chỉ bay mà thôi. Rồi ông còn nói tới việc rồng bao giờ cũng đi với mây. Rồng vùng vẫy trong mây. Rồng biến mây thành mưa. Mây trắng từ phương tây gặp mây đen từ phương đông là trời mưa như trút. Rồng hút nước ở miền này rồi làm mưa tưới cho miền khác.

Xưa nay người Việt mình có thói quen vẽ thiệp cưới hình con rồng cuộn lấy con chim phụng. Rồng tượng trưng chú rể, phụng tượng trưng cô dâu, với lời chúc mừng ‘ Long Phụng hoà minh’, long phụng cùng chung tiếng hót.

Anh H.O. nghe chuyện cưới hỏi với con rồng con phụng hấp dẫn qúa bèn xin góp chuyện. Rằng sách Đông Châu Liệt Quốc có kể một chuyện tình rất lãng mạn liên quan tới Long và Phụng như sau : Thởi ấy có một chàng trai phong nhã tuấn tú tên là Tiêu Sử , chàng có tài thổi tiêu rất hay khiến ngay cả chim chóc cũng thích chăm chú lắng nghe. Lại có một nàng công chúa tên Lộng Ngọc có tài thổi ống địch cũng rất hay. Tiếng địch của nàng không những làm mê mẩn lòng người mà còn làm mê mẩn cả thần tiên nữa. Hai người biết tài nhau nên một hôm đã gặp nhau để tấu nhạc. Tiếng tiêu của Tiêu Sử vừa cất lên thì có một con rồng bay tới chầu. Tiếng địch của Lộng Ngọc vừa cất lên thì có một con phụng bay tới để nghe. Đến khi tiếng tiêu và tiếng địch hòa lẫn vào nhau biến thành một bài hợp tấu tuyệt vời thì cả rồng cả phụng đều ôm lấy nhau mà nhảy múa phụ họa. Khi màn hợp tấu vừa chấm dứt thì Tiêu Sử cỡi lên rồng và Lộng Ngọc cỡi lên phụng rồi cùng bay lên trời. Do sự tích này nên người ta mới vẽ rồng với phụng quấn quýt vào nhau trong thiệp cưới và lời chúc mừng ‘ Phỉ nguyền sánh phụng, đẹp duyên cưỡi rồng’ là thế.

Nghe xong chuyện này thì ông ODP giơ tay phát biểu : Tôi nghĩ chuyện rồng với phụng là chuyện nói sai, chép sai. Sai ở chỗ con rồng là giống đực và con chim phụng cũng là giống đực, chẳng lẽ hai con đực lấy nhau sao. Chính ra là Loan và Phụng. Con chim loan giống cái, con chim phụng giống đực. Hình vẽ trên thiệp cưới là hình hai con chim loan và phụng quấn quýt nhau mới là đúng. Nghe có lý qúa, phải không cơ?

Rồi ông ODP lại thao thao nói tới rồng trong ca dao và tục ngữ.

- Một người giầu sang đến thăm một người dân thanh bạch thì gọi là rồng viếng nhà tôm

- Những câu chuyện kể có đầu mà không đuôi thì gọi là ‘đầu rồng đuôi tôm’

- Câu ca dao ‘ Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu’

làm ta nhớ tới một câu khác tuy không có rồng nhưng đồng nghĩa : ‘Con vua thì lại làm vua, con sãi chùa thì quét lá đa’

- Còn câu này nói lên cái khó chịu phải sống chung với người không cùng một trình độ: ‘Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình’ hay ‘ Làm thân cây quế giữa rừng, để cho thắng Mán thằng Mường nó leo’. Do vậy ước mơ của nhiều phụ nữ là :‘ Một đêm nằm ở thuyền rồng, còn hơn mãn kiếp nằm trong thuyền chài’.

Anh John lúc này mới lên tiếng : Ngày xưa khi học Sử VN thì tôi biết Bà Âu Cơ lấy Lạc Long quân rồi đẻ ra một bọc một trăm trứng . Tôi vẫn thắc mắc tại sao người mà lại đẻ ra trứng. Nay nghe câu ‘ Trứng rồng lại đẻ ra rồng’ thì tôi mới hiểu câu sử kia là có lý vì người VN gốc Rồng Tiên’. Rồng đẻ ra trứng chứ không đẻ ra thai nhi. Xin tạ ơn Ngài ODP hôm nay đã khai ngộ cho tôi một điều xưa nay tôi không nhìn ra.

Ông ODP xin ngưng chuyện rồng và xin trả diễn đàn cho làng. Ông xin Chị Ba Biên Hòa góp ý kiến. Phe các bà bèn ồ lên không chịu. Mấy bà bảo các chuyện ông vừa nói rất là hấp dẫn đã giúp các bà học hỏi được nhiều, xin ông tiếp tục. Phe liền ông cũng gật gù đồng ý như vậy. Ông ODP bèn vâng lời. Ông nói :

Chuyện rồng thì nhiều lắm, nói cả ngày chẳng hết. Vậy để tôi nhớ gì kể đó nha. Tôi xin kể chuyện múa lân. Gốc nó ở bên Tàu. Bên ta không có lân và không ai biết hình dạng con lân như thế nào nên tổ tiên ta đã lấy hình con rồng, vì con rồng có hình ảnh khắp nơi, như cung vua, như mái đình. Và chúng ta đã VN hóa việc múa rồng. Chúng ta đã thêm ông Thọ vào, vì ông Thọ biểu tượng trường thọ. Sau rồi ông Thọ biến ra ông Địa hở bụng và miệng cười lớn. Ông Địa biểu tượng hạnh phúc. Ngày tết mà có rồng tới nhà cùng với ông Địa nữa thì còn gì sung sướng hơn. Trong việc múa rồng, người ta chú ý đặc biệt tới bộ râu rồng. Râu vàng là râu vua, người Tàu coi là râu của vua Lưu Bị. Râu đỏ chỉ râu Quan Công, và râu đen chỉ râu Trương Phi, cả hai là người em kết nghĩa của Lưu Bị.

Nghe đến đây thì Chị Ba Biên Hòa giơ tay xin hỏi : Đang nói về múa rồng mà nghe đến Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi thì tôi nhớ liền tới Bộ Tam Quốc Chí. Tôi vẫn mê bộ chuyện dài này. Xin cho tôi lạc đề hỏi bác bồ chử ODP một câu rất cá nhân : Bác có thích 3 nhân vật lịch sử này không ?

Ông ODP nhấp một ngụm trà rồi thong thả trả lời : Xưa nay Chuyện Tam Quốc Chí làm say mê mọi người. Sự hấp dẫn này là do tài nghệ của nhà văn lớn La Quán Trung, chứ thực ra 3 nhân vật này cuối đời không ra làm sao, chết lãng xẹt. Vua Lưu Bị vì nóng lòng phục thù cho em mà đã không nghe lời can của Khổng Minh và Triệu Vân nên đã bị tướng của Đông Ngô là LụcTốn đáng bại, ông Lưu Bị buồn rầu rồi chết trong tủi nhục. Quan Công cũng vì hiếu thắng đã không nghe lời can của Khổng Minh nên đã bị thất thủ Kinh Châu và đã bị tướng của Đông Ngô là Lữ Mông phục kích chém đầu tại trận. Còn Trương Phi thì tính nóng như lửa đánh đập tướng sĩ nên đã bị chính tướng sĩ dưới quyền chém chết trong lúc đang ngủ rồi cắt đầu mang sang nộp cho chúa Đông Ngô là Tôn Quyền. Thưa làng, kết thúc cuộc đời của 3 vị này buốn qúa. Bài học ta có thể rút ra từ 3 cái chết này là ta chớ để tính nóng giận làm ta mất khôn. Xin cho tôi hết chuyện ở đây.

Cụ B.95 liền lên tiếng hỏi thần tượng là anh John : Thế trong tiếng Anh, con rồng có điều gì hay không ? Anh John cười hà hà rồi đáp ngay : Thưa có. Trong thế giới tiếng Anh thì con rồng không được qúy trọng và không là biểu tượng tốt đẹp. Ngay trong sách Kinh Thánh, con rồng là biểu tượng ác quỷ. Trong Anh văn, khi gọi một bà nào là ‘dragon lady’ thì có ý nói bà ấy dữ tợn như quỷ. Báo chí Hoa Kỳ năm xưa gọi bà Imelda vợ ông Tổng Thống Marcos là ‘dragon lady’.

Còn trong ngôn ngữ thường nhật ta gặp chữ ‘dragon fly’. Dragon là con rồng, fly là con ruồi. hai chữ này ghép lại thì không phải là con rồng bay mà dragon fly là con chuồn chuồn, một con côn trùng hiền khô và bé tý!

Rồi trong tiếng lóng, ‘ to chase the dragon’ có nghĩa là hút bạch phiến, vì khói bạch phiến thở ra nó ngoằn nghèo’ như con rồng bay. Hút lén bạch phiễn nên ta phải đuổi con rồng ngoằn nguèo đó đi. Và cũng trong tiếng lóng, ‘to drain the dragon’ nghĩa đen là tháo nước con rồng, nghĩa là đi tè, dragon chỉ ‘khẩu súng’ của liền ông, giống y như tiếng VN nhiều nơi gọi ‘khẩu súng ấy’ là ‘vòi rồng’. Việc này làm ta nhớ liền tới tiếng ‘beaver’ chỉ vùng cấm địa của liền bà.

Cả làng tôi bò ra cười.

Để cho làng cười xong, anh John lại tiếp tục cười hà hà. Nghe giọng cười này là cả làng biết anh sắp kể một chuyện tếu. Qủa vậy. Anh bảo rằng ở miền Nam California có bờ biển tên là ‘Long Beach’. Long đây không có nghĩa là ‘dài’ mà có nghĩa là ‘con rồng’. Chắc từ miền nam California đã có mấy chính khách khi xưa đã sang du lịch VN, đã đi miền Long Hải, thấy miền biển này đẹp quá, đã yêu Long Hải qúa nên khi về tới Hoa Kỳ mấy ông đã dịch tên Long Hải ra tiếng Anh là “Long Beach’ và đặt cho một bờ biển đẹp ở đây.

Cụ Chánh thấy làng nói chuyện chữ nghĩa đã lâu bèn đề nghị tạm ngưng chuyện này để mời làng ăn cơm. Đúng ý dân làng quá. Từ tết đến giờ, dân làng đã ngấy bánh chưng bánh tét nên nay ăn toàn những món không liên hệ gì tới nếp cả. Bữa nay Chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế đứng nấu. Mâm cơm dọn ra thật mát mắt. Cô Cao Xuân đại diện nhà bếp giới thiệu : “ Món rau đậu dài xào với tôm hùm là món chúng tôi mới học được từ một bà bạn người Đại hàn. Họ bảo ngày tết ăn đậu xanh loại dài này để lấy hên. Ăn đậu dài để mong được sống dài lâu. Món này xào với tỏi, dầu hào, dầu vừng và dầu oyster. Món thứ hai là món thịt kho nước dừa của Chị Ba. Chị làm món này rất công phu. Thịt đùi heo, 10 hột vịt, kho với nước dừa, tỏi, hành, tiêu, đường, nước mắm, chút ít bột ngọt. Món này rất Nam Kỳ. Cụ B.95 thì luộc một rổ rau muống. Rau muống luộc mà chấm với nước mắm thịt kho dừa thì, Chúa ơi, ngon vô cùng. Nó ngon thắm thiết như tình Bắc mà duyên Nam vậy.

Ba món này làng tôi đã ăn với cơm nóng gạo thơm Nàng Hương. Mấy ông Bắc kỳ trong làng còn đòi thêm món nước rau muống luộc nữa. Món này vắt thêm vào một trái chanh tươi thì thật là ngon qúa sức lẽ mình !

Tráng miệng là món quýt Mexico. Chị Ba Biên Hòa vừa cười hi hi vừa gật gù : Tui phải đi chợ tự tay chọn những trái quýt mọng này. Đầu năm ta ăn quýt để mong chúng ta cứ quấn quýt với nhau mãi mãi nha. Ta không ăn cam vì cam là cam chịu, cam đành, ta chỉ ăn quýt mà thôi.

Sang phần uống trà, phe các bà lại đề nghị phe các ông nói chuyện văn chương lúc nãy chưa nói hết. Không ngờ làng tôi mê chữ nghĩa vậy đó. Lại ông ODP. Ông xin làng cho ông nói một chút chuyện CSVN bên nhà. Ông bảo không nói thì không chịu được, nó cứ ấm ức trong lòng. Ông biết một bài thơ dài, thuộc thể loại ‘Yết hậu’. Các bác có biết thơ yết hậu là gì không cơ? Thưa, nó là loại thơ 4 câu và bao giờ câu thứ 4 là câu kết cũng chỉ có một chữ mà thôi. Thí dụ như bài thơ nổi tiếng ‘Say Sưa’ của Chiêu Lỳ Phạm Thái :

Sống ở dương gian đánh chén nhè
Thác về âm phủ cắp kè kè
Diêm vương mới hỏi : Mang gì đó?

Be !

Cô Cao Xuân liền hỏi : sao lại có tiếng con dê kêu be be là thế nào? Ông nói ngay : À, be đây không phải là tiếng dê kêu mà là cái be rượu. Ngày xưa rượu được rót vào cái be. Trả lời Cô Cao Xuân xong, ông ODP còn kể thêm : À, tôi xin thêm một ví dụ nữa. Ngày xưa trước 1954, Cụ Dương Quảng Hàm dạy Việt văn ở Trường Chu Văn An Hà Nội. Tôi được may mắn là học trò của cụ. Tôi còn nhớ rõ chuyện này : Bữa đó cụ giảng về thơ yết hậu và cụ lấy bài Say Sưa trên đây làm ví dụ, rồi cụ bắt học trò làm bài tập. Các học trò đều làm được dễ dàng. Đến giờ ra chơi, Thày Hàm vừa ra khỏi lớp thì một thằng bạn thân của tôi có tiếng là ma mãnh nhất lớp đã đọc cho cả lớp nghe bài nó làm để trêu cụ. Nó lấy chính tên cụ làm đề bài. Vì Cụ hay khạc đờm rồi nuốt đi, nó tả việc đó như sau :

Sống ở nhân gian chỉ nuốt đàm
Chết về âm phủ nói làm nhàm
Diêm vương mới hỏi là ai đó?

Hàm !

Sau đây là bài thơ tôi thấy trên internet do một người bạn chuyển tới. Bài thơ ký tên là ‘ Cậu Bảy’. Chắc bài này lấy ý từ câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Vỹ năm xưa ‘ Nhà văn An Nam khổ như chó’. Cậu Bảy gọi nhiều hạng người là Chó. Kinh hãi qúa sức. Thơ như sau :

Làm dân Việt Nam hôm nay khổ hơn con chó
Vì giặc Tàu xâm lăng mà tay chân bị bó
Hễ lạng quạng là bị tó

Chó !

Lãnh đạo VN hôm nay ngoan hơn con chó
Bọn Tàu bảo gì thì làm cái đó
Thấy mặt chủ thì ngoáy đuôi rồi chui gầm bàn ngấp ngó

Chó !

Tướng lĩnh VN hôm nay hèn hơn con chó
Thấy giặc đến nhà mà núp trong xó
Lại còn tập trận chung với chúng nó

Chó !

Nhà báo VN hôm nay tồi hơn con chó
Giặc đào mả cha mà trơ mắt ngó
Viết lách thì nương theo chiều gió

Chó !

Thanh niên VN hôm nay thảm hơn con chó
Nhìn giặc xâm lăng, căm hờn đứng ngó, chẳng dám la ó
Biểu tình thì bị làm khó

Chó !

Đọc xong bài thơ CHÓ thì ông kể sang chuyện y phục. Ông bảo các báo tết vừa rồi đều có trang viết về thời trang VN cùng với nhiều hình ảnh, nữ thì quần dài áo dài khăn hoàng hậu, nam thì khăn đống áo dài. Trong các hình nam phục tôi thấy có hình Vua Bảo Đại. Ông Phạm Quỳnh, Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Ông Trương Vĩnh Ký, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tất cả đều bận quốc phục, khăn đống áo dài. Tôi không thấy có hình Hồ Chí Minh bận quốc phục. Tôi bèn tìm các sách báo nói về Hồ Chí Minh. Tôi không hề thấy có hình Hồ Chi Minh bận khăn đống áo dài bao giờ, mà luôn luôn thấy ông Hồ bận áo có hàng cúc ở giữa, giống y như Mao Trạch Đông và Stalin. Buồn chưa các bạn ?

Nhân nói tới Bác Hồ, tôi xin nói một chuyện thời sự. Rằng gần đây mấy đĩa nhạc của Công Ty Asia được mọi người khen ngợi nhiệt liệt vì nội dung rất hay, nó đề cao lòng yêu nước và cảnh giác mọi người việc quê hương VN đang bị ‘Bắc Nô Hán Hóa’. Việc này làm Đảng và nhiều văn nhân đáng kính ở Hà Nội giận lắm và ghét băng Asia lắm. Họ gọi mấy người chủ chốt của băng này là ‘thằng ‘ hết : Anh Bằng, Nam Lộc, Việt Dũng hóa ra thằng Bằng. thằng Lộc, thằng Dũng. Chỉ có Trúc Hồ thì các ngài khả kính không nói gì. Các ngài bị kẹt vì nếu gọi nhạc sĩ tài ba Trúc Hồ bằng thằng, ‘thằng Hồ’ thì hóa ra họ xúc phạm tới bác Hồ vĩ đại của họ! Các cụ khắp nơi có cách nào giúp các vĩ nhân thuộc hoàng tộc Lê Chiêu Thống ở Hà Nội với. Đánh Trúc Hồ thì được, nhưng đánh ‘Thằng Hồ’ thì không dám.

Anh H.O. nghe xong chuyện này thì xin góp vài mẩu chuyện khác, cũng xảy ra ở Hà Nội. Đó là chuyện một anh hàng sách bị bắt vào tù. Các tù nhân cùng phòng vội vây quanh anh mà hỏi lý do tại sao anh bị tống vào đây. Anh trả lời là anh làm nghề bán sách mà vì vô ý anh để sách sai chỗ. Các bạn tù không hiểu gì cả bèn bảo anh kể thêm chi tiết. Anh bèn trả lời : Muốn cho hiệu bán sách hấp dẫn thì tôi vừa bán sách vừa bán tranh. Tuần qua, tôi trưng bầy ảnh chụp hình Bộ Chính Trị, dưới bức ảnh tôi vô tình bày cuốn ‘ Alibaba và 40 tên cướp’. Công an ập đến bắt tôi. Tôi phải năn nỉ và hối lộ cùng viết tờ kiểm thảo và hứa sẽ không tái phạm. Hôm qua tôi trưng bày ảnh Cụ Hồ chỗ đẹp nhất trong hiệu, tưởng như vậy là đẹp qúa rồi. Không ngờ vợ tôi bày thêm sách chung quanh, ngay ở dưới ảnh Cụ Hồ, vợ tôi bày cuốn sách ‘ Tên trùm Mafia’. Đó là lý do tại sao tôi bị tống vào đây. Đó là chuyện thứ nhất. Bây giờ tôi xin kể sang chuyện thứ hai, cũng xảy ra tại Hà Nội gần đây. Tôi kể chuyện này vì bây giờ là tháng Hai, tháng có lễ Valentine, lễ của những người yêu nhau. Theo báo chí thì có một cụ giả 79 tuổi, giàu có, nhà cửa sang trọng, có 4 con đã thành đạt. Cụ già góa vợ đã lâu, cụ ở nhà cao cửa rộng mà không thấy hạnh phúc. Một hôm cụ gặp một bà mới 63 tuổi ở ngoài đường. Bốn mắt nhìn nhau rồi cụ bị hớp hồn. Bà già cô đơn cũng bị hớp hồn. Cụ ông thì giầu sang, còn bà già thì nghèo nàn vô gia cư. Cụ ông định đem bà gìa về nhà sống chung nhưng con cái phản đối. Dứt khoát chúng phản đối. Cuối cùng thì cụ ông bỏ hết, cụ theo bà già, ngủ đường ngủ chợ. Cụ ông làm nghê bơm xe đạp bờ đường. bà già làm nghề buôn rau vệ đường. Tối về hầm cầu, hai ông bà xì xụp rau cháo. Nhưng hai người cho là mình có hạnh phúc. Cụ bà trả lời phóng viên như sau : Chúng tôi là những người cô đơn gặp nhau, cái chúng tôi cần là tình cảm chứ không phải là tiền bạc nên chả bao giờ tôi nghĩ đến việc về nhà ông ở. Tôi thương ông như thương chính mình, đôi khi nghĩ mà tủi thân cho ông, ông có nhà cửa, có con cái thành đạt mà phải long đong sống theo tôi. Tên cụ ông là Tống Văn Dinh. Tên cụ bà là Đỗ Thị Hiền. Chuyện tình này đúng như lời người xưa đã tả : Một túp lều tranh, hai trái tim vàng.

Cụ B.95, gốc người Hà Nội bữa nay toàn nghe chuyện về Hà Nội thế mà cụ không vui mấy. Thấy vậy, cụ Chánh tiên chỉ làng bèn chuyển hướng . Cụ hô nhà bếp mang chè đậu đỏ ra đãi làng. Cụ bảo vì Chị Ba Biên Hòa đãi làng món trái quýt để làng ta luôn luôn quấn quýt với nhau, nên cụ đã nấu sẵn nồi chè đậu đỏ, đã để sẵn trong tủ lạnh, nay chỉ viêc dọn ra. Ăn đậu đỏ để làng làm công việc gì cũng đậu cũng đỏ quanh năm. Nghe được qúa chứ. Cụ Chánh giữ chức tiên chỉ trong làng là đúng qúa, phải không cơ ? Mấy cô Huế thì vừa múc chè vừa răn đe mọi người không được ăn nhiều vì chè ngọt, nhiều đường, nguy hiểm cho sức khoẻ, nhất là về tuổi già thì phải nghĩ tới bệnh cao máu, cao áp xuất và tiểu đường. Cụ Chánh nghe xong thì lên tiếng ngay : Xin cả làng cứ ăn chè thoải mái. Lâu lâu xả láng một lần thì đâu có sao. Rồi cụ chạy vội vào phòng mang một cuốn sổ tay ra, rồi đọc cho mọi người nghe một bài cụ đã ghi chép rất kỹ lưỡng về việc ăn uống. Đây là một bài đăng trên báo tây do một bác sĩ có uy tín trong giới đại học y khoa quốc tế. Rằng càng cao tuổi càng cần phải ăn ngon, ăn cho sung sướng, đừng thái qúa là được. Rằng người cao tuổi nên ăn tất cả những món mình ưa thích và ngon miệng, miễn là số lượng không gây trở ngại cho chức năng tiêu hóa. Đừng quên cảm giác ngon miệng là đòn bẩy cho sức kháng bệnh. Đừng bắt người già ăn những món chỉ nhắm bổ dưỡng mà không có khẩu vị, nuốt không vô. Cấm người già ăn no bụng là một điều đáng trách cả về lý cả về tình. Nhiều cha mẹ gìà đã bị con cái can ngăn về ăn uống viện cớ ngừa bệnh tiểu đường, cao máu và huyết áp.

Đọc đến đây rồi cụ cười ha ha. Lão biết trước là các bà nhà bếp sẽ nại cớ đường ngọt không cho làng ăn nhiều. Lão biết trước như vậy nên lão đã không dùng đường thẻ cho nồi chè này, mà là đường giả, đường những người bị tiểu đường được phép dùng.

Nghe xong lời trấn an của cụ tiên chỉ, làng tôi đã ăn chè vui như tết. Loáng một cái là mấy hộp chè đậu đỏ đã hết sạch.

Ngoài đề tài ăn uống thoải mái vừa nói, cụ Chánh còn chỉ cho chúng tôi một bài thuốc bổ nữa. các cụ phương xa có biết cụ Chánh nói về thứ thuốc gì không cơ? Thưa đó là thuốc đại bổ mang tên ‘Tiếng Cười’. Cụ bảo mấy năm gần đây cụ thấy trên cả báo tây cả báo ta có rất nhiều bài nghiên cứu nói về ích lợi của tiếng cười. Tiếng cười chữa được cả bệnh tinh thần cả bệnh thể chất. Tiếng cười ha hả nó giúp ta đuổi được bao chất độc trong người, làm thư giãn bao nhiêu là cơ bắp trong người. Tiếng cười là một cuộc chạy bộ nội tạng lý tưởng nhất. Các bạn cứ lấy tay để vào bụng mà coi. Khi ta cười ha hả, cười bò lăn bò càng thì ruột gan ta hầu như là long lên sòng sọc. Ta thường nói ‘ Cười đau cả bụng’ là thế. Môn thể thao phổ thông bây giờ là các cuộc chạy bộ vào buổi sáng. Tiếng Anh gọi là ‘Jogging’. Khi chúng ta cuời nghiêng ngả, bụng ta như long lên sòng sọc, Tây Y gọi đó là cuộc chạy bộ nội tạng ‘ Internal Jogging’. Nó tốt vô cùng và có lợi vô cùng cho sức khoẻ. Ban ngày ai mà cười ngiêng ngả nhiều thì tối về rất dễ ngủ và ngủ rất ngon. Đó là ích lợi thẻ chất. Còn ích lợi về tinh thần thì khôn lường. Hai ngươìi hằn thù với nhau mà nghe một câu chuyện rồi cùng phá lên cười thì nỗi hằn thù coi như sẽ biến mất. Tiếng cười là một ngôn ngữ quốc tế, không cần phiên dịch. Họp cộng đồng mà cộng đồng cùng ồ lên cười, cùng vỗ vai vỗ đùi nhau mà cười thì cuộc họp đó thành công hoàn toàn. Ngày xưa còn bé lão thường nghe ông thày nói câu ‘ Un saint triste est un triste saint’ thì lão chả hiểu gì cả. Chắc ông thày cũng không hiểu . Ông bảo câu ấy nghĩa là ‘ Một ông thánh buồn là một ông buồn thánh!’ Chả ai hiểu gì cả. Về sau, ra đời thì mới hiểu, mà hiểu một cách thấm thía. Câu tiếng tây kia phải dịch như thế này : Một ông thánh mà mặt mũi buồn bã là một ông thánh vất đi ! Một ông thánh mặt mũi phải tươi tỉnh, phải cười toe như Đức Phật Di Lặc, như Ông Sư Lỗ Trí Thâm thì mới là ông thánh có giá. Các cụ còn nhớ chuyện ông thày Lỗ Trí Thâm trong sách Anh Hùng Lương Sơn Bạc không?

Năm còn mới , lão xin lặp lại lời chúc tết : Chúc cả làng một năm đầy tiếng cười.

Dịp đầu năm, người Hoa Kỳ kỷ niệm Mục Sư Martin Luther King. Ông mục sư da đen này, bằng một tấm lòng mến Chúa yêu người rộng lớn, đã đưa đất nước Hoa Kỳ vào một khúc quanh lịch sử : xóa bỏ nạn kỳ thị trắng đen. Cuộc biểu tình bất bạo động ngày 28.8.1963 do ông chủ xướng tại Hoa Thịnh Đốn với gần 300.000 người tham dự là một điểm son to lớn trong lịch sử nhân loại. Lời mở đầu của ông’ Tôi có một ao ước, I have a dream’ hầu như vẫn còn vang vang trong đầu mọi người.

Cầu xin quê hương Việt nam chúng ta cũng sẽ có một Martin Luther King.

Xin tổ tiên phù hộ chúng con.

TRÀ LŨ
 
Niềm tin vào Thiên Chúa
Tuyết Mai
17:58 19/02/2012
Thử hỏi làm con cái, chúng ta được bao nhiêu người tin tưởng vào cha mẹ của mình tuyệt đối?. Tuổi làm con thì từ khi còn chập chững bước đi, đã luôn luôn bám chặt vào cha hay mẹ của mình, và rất sợ khi phải ở một mình dù trong chốc lát. Nhưng khi chúng ta trưởng thành, tự lập, và ra ngoài đời làm việc, nhất là khi chúng ta có chức vụ, thì chẳng còn mấy ai coi trọng cha mẹ của mình như trước đây nữa!. Nhất là khi cha mẹ cần ngược lại nơi con cái trợ giúp trong vấn đề tài chánh. Đó cũng là điều hiển nhiên mà thôi! Khi mà chúng ta có danh phận và được nhiều người trọng nể, hoặc nể sợ.

Đối với Thiên Chúa của chúng ta thì chúng ta cũng đối xử với Người y như vậy!. Khi mà chúng ta còn nghèo khổ, bệnh tật, không có tiền đi bác sĩ hay thuốc thang để chữa trị, thì chúng ta một lòng hết sức tin tưởng vào Tình Yêu của Người. Luôn sốt sắng cầu nguyện cùng với Người, để xin Người chữa bệnh cho chúng ta nếu Người muốn. Nhưng tình người thay đổi thật mau chóng và thật bạc bẽo thay, khi chúng ta có cơ ngơi vì có được sự may mắn Chúa thưởng ban cho có công việc làm để gánh vác trong gia đình.

Khi chúng ta có tiền ra tiền vào, thì sự tin tưởng vào Thiên Chúa từ từ cũng phai nhạt dần, và không còn muốn nhớ đến Thiên Chúa nữa!. Chúng ta quên những công ơn và hồng ân của Người ban cho, vì nay chúng ta đã có tiền và rất rủng rỉnh không còn nghèo khổ như xưa nữa!. Có bệnh ư? Thì liền lấy hẹn mà đến gặp bác sĩ ngay. Trước kia ta khổ sở khốn khó thì luôn cần chạy đến với Thiên Chúa mà kể lể mà than thở, để Người ban cho chúng ta hằng ngày được dùng đủ. Còn nay Thiên Chúa ban cho chúng ta dư ăn dư mặc, thì đã đổi lòng mà không còn cần đến Người nữa!.

Tôi có một lời khuyên cho chính tôi và muốn nhắc nhở cùng anh chị em rằng Thiên Chúa, Người luôn là Thiên Chúa Đấng muôn đời quyền năng và hằng hữu. Hãy chạy đến với Người luôn vì chỉ có Người mới có toàn quyền mà ban phát cho con người nhân loại của chúng ta những gì chúng ta muốn Người ban tặng, và chỉ có Người mới hiểu những điều chúng ta van xin. Và có những điều chúng ta phải biết chấp nhận theo Thánh Ý Chúa.

Để tôi xin kể một mẩu chuyện ngắn về lòng tin của con người hay lung lạc của chúng ta. Có một bà mẹ có đứa con trai bị bệnh down syndrome từ nhỏ nhưng nay cậu ta lớn lắm rồi, và luôn cần đến sự chăm sóc của bà mẹ. Bà ta rất ao ước được đến hành hương nơi Đức Mẹ Lộ Đức để cho con bà được tắm vào nước linh thiêng ấy, để Đức Mẹ chữa bệnh cho con bà. Sau thời gian dài bà để dành được đủ tiền, thế là hai mẹ con lên đường đi hành hương đến được nơi mà người mẹ hằng ao ước.

Nhưng anh chị em đoán xem bà ta có cho con bà xuống hồ nước chữa lành ấy không?. Bà ta đã đứng trước hồ nước ấy thật rất lâu, rồi lưỡng lự, rồi suy nghĩ, rồi sau cùng bà ta đã đẩy đứa con của bà quay trở về và bà ta cảm thấy niềm hạnh phúc trào dâng trong trái tim của bà. Là chính bà đã được Đức Mẹ Lộ Đức chữa lành cho trái tim đau đớn của bà trở thành hạnh phúc. Vì những gì trước đây bà cảm nhận rằng chính đứa con của bà đã làm cực lòng bà nay hiểu được chính sự trông nom và hầu hạ con của mình là niềm vui và hạnh phúc nhất bà có, mà bà không muốn bị mất.

Đôi khi sống trong cuộc đời rất trần gian này, chúng ta rất cần đến Chúa để Người giải thích và mạc khải cho chúng ta hiểu thế nào là “Sống có ý nghĩa”. Thế nào là sống theo Thánh Ý Chúa, mà không phải ý của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể hiểu được sống thế nào theo Thánh Ý Chúa?. Đó là chúng ta phải dành nhiều thời giờ cầu nguyện với Chúa nhiều hơn nữa!. Nhất là khi mà chúng ta cần chạy đến Người cho những gì mà chúng ta cho là đau khổ. Ai trong chúng ta cũng có Thánh Giá để mà vác thưa anh chị em!. Không chồng thì là vợ. Không chồng vợ thì là con cái của chúng ta. Không con cái thì tất cả những gì của trần gian mà không ai thoát khỏi đó là Sinh, Bệnh, Lão, Tử; thưa có phải?.

Xin chúng ta tất cả hãy dâng hết cho Thiên Chúa để cho Người sắp đặt cho chúng ta mọi điều thiện hảo, tốt đẹp nhất, và hợp tình nhất trong cuộc sống gia đạo của chúng ta. Xin đừng đi vái tứ phương vì chỉ có Chúa và chỉ có một mình Người duy nhất mới có thể ban cho chúng ta sự cần thiết và thích hợp cho gia đình của chúng ta mà thôi!. Thường chúng ta cứ tưởng chỉ có mình là vác Thánh Giá nặng nề còn người khác ai cũng sung sướng quá!. Thoải mái quá!. Nhưng có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Có trong chăn mới biết chẳng những có rận mà còn có thứ ghê rợn hơn cả rận nữa đấy!.

Điều gì mà chúng ta đang xin mà chưa nhận được, xin cứ hãy bình tĩnh, kiên nhẫn, và chịu đựng, để được theo Thánh Ý Chúa. Có khi điều mình xin không đẹp lòng Chúa chăng?. Có khi điều mình xin là điều Thiên Chúa đang thử thách Đức Tin của chúng ta đó!. Nhất là chúng ta là bổn đạo mới chăng?. Nếu chúng ta cứ đi tìm những gì ngoài Thánh Ý Chúa sợ rằng điều ấy sẽ làm cho Đức Tin của chúng ta trở thành lung lạc và càng ngày càng đi sai lạc con đường mà Chúa muốn chúng ta phải đi.

Lậy Thiên Chúa là Đấng toàn năng và độ lượng! Xin thương ban cho tất cả chúng con là những con người luôn yếu đuối và tội lỗi. Luôn cần tình yêu, sức mạnh, và bình an của Người. Xin Thánh Thần Thiên Chúa ban cho chúng con có thêm sức mạnh để chịu đựng, kiên nhẫn, và chờ đợi. Cho chúng con có thêm niềm tin để trợ giúp chúng con sống ngày lại ngày trong phó thác, trong cam chịu, với những nghịch cảnh cuộc đời của chúng con. Amen.
 
Bài hát: Tâm Ca Truyền Thông
LM Vũ Hữu Hiền
18:35 19/02/2012
Lúc 10h sáng thứ Sáu 17 tháng 2, Đức Thánh Cha đã chủ tọa công nghị Hồng Y ngoại thường trong ngày đầu tiên gọi là “ngày suy tư và cầu nguyện của Hồng y đoàn” về đề tài: “Loan báo Tin Mừng ngày nay, giữa việc truyền giáo cho dân ngoại và tái truyền giảng Tin Mừng”.

Cùng tham dự với Đức Thánh Cha tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ở nội thành Vatican, có 111 Hồng Y từ các nơi tựu về và 22 tiến chức Hồng Y, tổng cộng là 133 vị. Ngày Suy Tư và cầu nguyện đã bắt đầu với kinh giờ Ba, tiếp đến là lời chào mừng của Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn.

Với sự bổ sung của 22 tân Hồng Y, tổng cộng sẽ có 125 vị Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng. Các ngài từ 51 quốc gia trên thế giới.

Hơn một nửa số các vị Hồng Y, tức là 67 vị thuộc châu Âu. 22 vị từ Nam Mỹ, 15 vị từ Hoa Kỳ, 11 vị thuộc châu Phi, chín vị từ châu Á và một vị thuộc Châu Đại Dương.

Đất nước có nhiều vị Hồng Y nhất là nước Ý, với 30 vị. Tiếp đến là Hoa Kỳ với 12 vị. Đức và Brazil có sáu vị Hồng Y. Tây Ban Nha có năm vị, trong khi Pháp, Ba Lan, Ấn Độ và Mexico mỗi nước có bốn vị. 50 Hồng Y còn lại là thuộc các quốc gia khác nhau.

Sáu mươi hai trong số các vị Hồng Y đã được tấn phong bởi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sáu mươi ba vị đã được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong bốn Công Nghị Tấn Phong Hồng Y được tổ chức từ năm 2006 đến nay.

Đức Hồng Y tân cử Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, đã thuyết trình dẫn nhập, gợi ý cho sự trao đổi của các Hồng Y. Ngài nhấn mạnh đến sự kiện sứ mạng truyền giáo trở thành điểm trung tâm và nòng cốt trong đời sống của mỗi Giáo Hội địa phương và mỗi tín hữu. Ngoài ra, không hề có sự đối nghịch giữa việc truyền giáo cho dân ngoại và việc tái truyền giảng Tin Mừng. Việc tái truyền giảng Tin Mừng tạo nên những thừa sai nhiệt thành, và những người dấn thân trong công cuộc truyền giáo phải để cho mình liên tục được phúc âm hóa”.

ĐHY Dolan dành phần lớn bài gợi ý để nói về một thách đố rất lớn đối với việc truyền giáo cho dân ngoại cũng như việc tái truyền giảng Tin Mừng, đó là trào lưu tục hóa, một trào lưu đang lan tràn trong mọi khía cạnh của đời sống thường nhật và tạo nên một não trạng trong đó Thiên Chúa vắng bóng, trong toàn thể hoặc một phần của đời sống và tâm thức con người.

Tiếp đến đã có 7 Hồng Y lên tiếng phát biểu và phiên họp thứ I kết thúc với Kinh Truyền Tin.

Ban chiều các Hồng Y đã họp lại với Đức Thánh Cha từ lúc 5 giờ và tiếp tục nghe các Hồng y lên tiếng chia sẻ.
 
Phóng sự Lễ Tấn Phong 22 vị Hồng Y
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:46 19/02/2012
Sáng thứ Bẩy 18 tháng 2, Đức Thánh Cha đã cử hành nghi thức đón nhận vào Hồng Y Đoàn 22 tiến chức Hồng Y.

Trong lời nguyện khai mạc, Đức Thánh Cha đã mời gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện như sau:

Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Chúa là Thiên Chúa, Cha của vinh quang, nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, Đấng không ngừng làm phong phú Giáo Hội trên khắp thế giới với một sự dư dật các ân sủng, và với lòng từ ái còn lớn hơn nữa trên Ngai Tòa của Thánh Phêrô Tông Đồ, mà Ngài đã thiết lập vượt trỗi trên tất cả những chức vụ khác: với sự quan phòng của Chúa xin ban cho con là người tôi tớ Chúa đây, có thể thực hiện một cách khôn ngoan chức vụ Ngài ủy thác cho con, trong niềm tin kiên vững rằng Chúa sẽ ban cho Giáo Hội phổ quát của Ngài tất cả những điều Chúa đã hứa.

Trước khi trao mũ đỏ, chiếc nhẫn và tước hiệu liên kết với một nhà thờ trong giáo phận Rôma hoặc giáo phận phụ cận, Đức Thánh Cha đã chia sẻ Tin Mừng Thánh Máccô đoạn 10 từ câu 32 đến câu 45 trong đó hai tông đồ Gioan và Giacôbê đã xin Chúa Giêsu cho ngôi bên trái và bên phải ngai tòa của Ngài trên thiên quốc.

"Từ yêu cầu này, hai vị tông đồ Giacôbê và Gioan đã cho thấy là họ không hiểu được luận lý của cuộc sống mà Chúa Giêsu đã nêu gương, là luận lý phải đặc trưng cho các môn đệ trong tinh thần và hành động. Không chỉ có hai người con ông Dêbêđê sai lầm, vì như vị Thánh Sử kể lại, luận lý sai lầm ấy cũng lan đến "mười" tông đồ là những người "bắt đầu bất bình với Giacôbê và Gioan ". Họ phẫn nộ, bởi vì thực không dễ gì để bước vào luận lý của Tin Mừng, và chối bỏ đi quyền lực và vinh quang. "

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, “Các vị tân Hồng Y được ủy thác sứ vụ yêu thương: tình yêu đối với Thiên Chúa, tình yêu đối với Giáo Hội của Người, một tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện cho anh chị em của mình, thậm chí đến mức đổ máu, nếu cần thiết, như khẩu hiệu được ghi trên mũ của họ và màu sắc trên áo choàng của họ ".

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y. Ngài nhắc nhở các tân hồng y: “Mang phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng, của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Giáo Hội Roma.”

Đức Thánh Cha lần lượt xướng tên 22 Hồng Y, trong đó có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, phần còn lại gồm các Tổng Giám Mục, và Giám Mục cai quản các giáo phận trên thế giới và 3 vị lão thành đã dầy công phục vụ Giáo Hội. Ngài cũng ấn định 13 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế, trong số này có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh. 9 vị còn lại là các Hồng y thuộc đẳng Linh Mục. Các vị là những người đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Tiếp đến, các tiến chức Hồng Y đã tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Hội, theo các quy tắc luật định.

22 vị đã được trao mũ đỏ và nhẫn. Trên mặt nhẫn có hình hai Thánh Phêrô và Phaolô, mô phỏng theo bức tượng của các ngài trước đền thờ. Giữa hai vị Thánh, có một ngôi sao tám cánh, một tham chiếu rõ ràng về Đức Trinh Nữ Maria. Phía dưới mặt nhẫn là huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Trước khi kết thúc buổi lễ, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tuyên bố chuẩn y án phong thánh cho bảy vị thánh theo thỉnh nguyện của Đức Hồng Y Antonio Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh.
 
Phóng sự Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với các Tân Hồng Y
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:21 19/02/2012
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cử hành Thánh Lễ Sáng Chúa Nhật 19 tháng 2 nhân Lễ Kính Ngai Tòa Thánh Phêrô cùng với Hồng Y Đoàn, trong số đó có 22 vị Hồng Y mới được tấn phong hôm thứ Bẩy.

Trước thánh lễ, Đức Hồng Y Fernando Filoni,Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc, đã đọc diễn từ bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha thay mặt cho 22 vị vừa được tấn phong một ngày trước đó.

Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của cụm từ “đá tảng của đức tin”, mà Chúa Kitô đã ban cho thánh tông đồ Phêrô. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả mọi thứ trong Giáo Hội phụ thuộc nơi đức tin. Các bí tích, phụng vụ, sứ vụ truyền giáo, các hoạt động từ thiện, kỷ cương, thẩm quyền vân vân đều phụ thuộc vào đức tin. Đó là một đức tin ràng buộc với yêu thương vì đức tin ích kỷ chỉ là một thứ đức tin phù phiếm, không có thật. Ngài nhận xét là đức tin của Giáo Hội như một cánh cửa sổ qua đó Thiên Chúa tiến vào trong thế giới chúng ta. Giáo Hội không tồn tại cho chính mình, Giáo Hội không phải là cùng đích, nhưng Giáo Hội phải hướng lên trên đến những phạm trù cao hơn.

Đức Thánh Cha cũng đã tập trung vào vai trò của các "trưởng lão" của Giáo Hội. Ngài mời gọi các vị trở nên những "mục tử nhiệt thành, quan tâm đến đàn chiên của Chúa Kitô".

Nhân dịp lễ tấn phong Hồng Y, Tòa Thánh đã mở rộng cửa để các tín hữu có thể chúc mừng các vị tân Hồng Y trong một số hành lang đẹp nhất của Vatican. Trong hai tiếng đồng hồ, các vị Hồng Y đã có thể gặp gỡ các bạn bè cũ và cả những người xa lạ chưa từng quen biết đến chúc mừng các ngài.

Tám vị Hồng Y đã gặp gỡ các khách của mình tại Dinh Tông Tòa. Trong khi đó, mười bốn vị Hồng Y còn lại đã tiếp khách trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, là nơi Đức Thánh Cha thường gặp gỡ các tín hữu trong buổi triều yết chung mỗi thứ Tư hàng tuần.