BÀI ĐỌC 1 Ge 2:12-18
Bài trích sách ngôn sứ Giô-en.
Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.”
Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ. Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em.
Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng:
“Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?”
Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người.
Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv. 50
Lạy Chúa chí tôn, xin rủ tình xót thương con theo lượng từ ái của Ngài.
BÀI ĐỌC 2 2Cr 5:20-6:2
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.
Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG x. Tv 94:7b,8a
Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng,
nhưng hãy nghe tiếng Chúa.
TIN MỪNG Mt 6:1-6,16-18
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Đó là Lời Chúa.
Mùa Chay Thánh Thiện
Những ngày gần Tết, hoa tươi và cây cảnh được bày bán khắp mọi nẻo đường phố thị thôn quê. Đủ mọi loại hoa kiểng, lắm màu hương sắc. Gia đình nào cũng mua hoa chưng Tết. Tôi cũng mua cây mai nhiều nụ và mấy chậu hoa hồng hoa cúc để làm đẹp phòng khách. Nâng niu, chăm sóc thật kỹ lưỡng. Mồng Bốn Tết, hoa đã héo rụng đầy phòng. Phải quét rác thôi, gom cả mai cả hồng cả cúc đi đốt. Ôi Hương sắc của hoa! Hôm qua tươi đẹp, hôm nay héo tàn rụng úa. Hôm qua “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, hôm nay quét bỏ như rác rưởi.
Mùa Chay khởi đầu với Thứ Tư Lễ Tro, nghĩ về hoa và rác như nghĩ về thân phận tro bụi của kiếp người theo lời Thánh Vịnh 102: “Đời sống con người giống như hoa cỏ.Như bông hoa nở trên cách đồng.Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi.Nơi nó mọc không còn mang vết tích”.
Đời người cũng tựa đời hoa. Khi tươi nở, hoa rực rỡ khoe sắc, hoa ngào ngạt toả hương, ai cũng yêu cũng quý. Khi ủ rũ héo tàn, hương sắc của hoa rụng úa tàn tạ, chỉ mau vứt vào thùng rác. Hôm trước nâng niu, hôm sau vứt bỏ. Một đời hoa chóng tàn phai như lời sách Giảng viên: “Phù hoa nối tiếp phù hoa, chi chi chăng nữa cũng là phù hoa” (Gv 1,2).
Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Thừa tác viên đọc "Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” và xức tro trên trán tín hữu. Đây là lời Thiên Chúa báo cho Ađam biết khi nguyên tổ vừa phạm tội. Giáo Hội cũng lặp lại những lời ấy trong phần xức tro để nhắc nhở về thân phận cát bụi của con người.
Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.
Trong lúc quân đội của Assyria do Tướng hùng hổ Holoferno chỉ huy tiến vào Israel, mọi người dân Giêrusalem, cả phụ nữ và trẻ em, phủ phục xuống đất trước Ðền Thánh và bỏ tro trên đầu, giang tay lên trời, khẩn cầu Thiên Chúa (Judit 4,11). Ông Gióp, sau khi tha thiết kêu cầu Thiên Chúa cứu mình trong cơn cực khổ, hoạn nạn, bị mọi người từ bỏ, trở về với Chúa với tất cả niềm tin tưởng và thề hứa: "Lạy Chúa, con xin rút lời than phiền, trách móc, con đau đớn bỏ tro bụi trên con" (Job 42, 6). Bị đe dọa tàn phá, sau khi nghe tiên tri Giona giảng, toàn dân thành Ninivê, từ Vua đến dân thường và cả loài vật nữa, bỏ tro trên đầu, mặc áo nhặm, xin ơn tha thứ và đã được Thiên Chúa thương đến (Jona 3,5).
Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi.
Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.
Sách Giảng Viên viết rằng :"Tất cả chỉ là phù vân". Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.
Văn chương Việt nam khi nói tới cái gì bấp bênh, vô định, chóng tàn, thường dùng hình ảnh bọt bèo: "Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau" (Nguyễn Du).
Bọt là bong bóng nước mong manh, tan trong chốc lát. Hình ảnh bọt diễn tả cái vắn vỏi của cuộc đời. Bèo gợi lên ý tưởng về sự lênh đênh, trôi nổi, vô định :
”Lênh đênh duyên nổi phận bèo.
Tránh sao cho khỏi nước triều đầy vơi” (Ca dao).
“Bèo dạt, mây trôi đành với phận” (Chu Mạnh Trinh)
Cuộc đời làm sao mà không bi đát khi nó là phù vân, khi nó vừa là bọt chóng tan, vừa là bèo trôi nổi, dật dờ không bến?
Cuộc đời tuy có là bèo bọt. Phận người dù phù hoa, mau chóng tàn phai trở về bụi đất. Con người bởi đất nhưng con người không bằng đất, con người có sinh khí, có hơi thở. Con người là hoạ ảnh và hình ảnh của Đấng dựng nên mình. Sự cao cả của con người là bắt nguồn từ chính Đấng là Sự Sống, Đấng Hằng Sống, con người là hình ảnh và hoạ ảnh của Đấng vô thuỷ vô chung, nên sự sống con người mang hình thái bất diệt, vượt xa các loài được tạo dựng. Lòng thương xót của Thiên Chúa không dựng nên con người, theo cái bên ngoài của Thiên Chúa, nhưng cho con người mang hoạ ảnh và hình ảnh của Người. Theo quan niệm của Nho Giáo, con người là sự tích tụ của tinh thần và khí chất nên con người có sự sáng suốt để hiểu các sự vật. Là hoạ ảnh và hình ảnh của Thiên Chúa, con người có một phẩm giá trổi vượt trên các loài được tạo dựng, con người một phần giống Thiên Chúa bởi quyền cai quản trên vạn vật và bởi con người có trí khôn, tự do.
Sứ điệp Mùa Chay năm nay với chủ đề: “Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18). Mùa chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta sống ba thực hành quen thuộc của Mùa chay: “Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6,1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.” (Sứ điệp Mùa chay 2021, dẫn nhập).
Ba thực hành đạo đức, bố thí ăn chay và cầu nguyện là ba vũ khí tuyệt hảo để chống lại sự tấn công của ma quỷ và đền bù tội lỗi mình. Những việc lành phúc đức này, khi được thi hành thì hãy làm với tất cả tấm lòng của mình, không làm để khoe khoang. Chỉ cần Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho chúng ta là đã đủ rồi. Đừng làm để được người đời khen và vì thế mà chúng ta mất đi lời khen tặng của Thiên Chúa (x.Mt 6,1-6).
Ăn chay và kiêng thịt, chịu tro chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của mùa chay. Kiêng bớt các tội là điều mà Thiên Chúa mong muốn. Sửa đổi tính nết để trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn. Bớt nói hành, nói xấu, lười biếng việc đạo đức là điều phải thực hành.
Xã hội càng duy vật và giàu có, người ta càng có khuynh hướng quên đi một số quy luật cơ bản của đời sống tinh thần. Quy luật xem ra bị lãng quên nhiều nhất chính là ăn năn sám hối, để rèn luyện ý chí hầu có thể làm chủ bản thân. Trong mọi cuộc đấu tranh, sự đấu tranh với bản thân là gay go hơn cả. Chính vì thế có một số người, sau khi đã đấu tranh thất bại với bản thân thì hoàn toàn nản chí, không còn muốn đấu tranh với chính mình nữa và thường xuyên chiều theo con người hư đốn của mình. Có những người khác, vì không bao giờ đấu tranh với chính mình, nên chỉ dành thời giờ và sức lực để đấu tranh chống tha nhân và ức hiếp người yếu thế.
Mùa Chua là mùa ăn năm sám hối. Mục đích của việc ăn năn sám hối là hãm mình. Hãm con người mình lại, hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên sẽ tạo cho ta một nội lực một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình vào bất cứ điều gì. Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội.
Giáo Hội biết rõ cứ sự thường người ta không thích hãm mình, nên thường dạy hy sinh đi đôi với sự hãm mình. Hy sinh là tự nguyện chết đi, là thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kết hợp với hiến tế thập giá của Ngài. Hy sinh làm những điều mình không thích quả thật là từ bỏ chính mình để bước theo Chúa. Hy sinh là liều mất sự sống, thì sẽ được sống, là đánh mất bản thân, thì sẽ gặp lại bản thân. Hy sinh là chết đi để được vui sống muôn đời. Hy sinh là đi con đường thập giá dẫn tới vinh quang Phục Sinh. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại hy sinh hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu những người khác. Chính vì thế mà hãm mình hy sinh thường đi chung với cầu nguyện. Có cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, và dễ dàng làm chủ bản thân mình. Đời sống cầu nguyện thường được nuôi dưỡng bằng những hy sinh nho nhỏ trong đời sống thực tế mỗi ngày.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, để ăn năn sám hối để hy sinh hãm mình, nhờ đó mà canh tân bản thân mình ngày mỗi hoàn thiện hơn.
Con người là “hoa” và cũng là “rác”, nhưng với tình yêu Chúa Kitô, con người không còn là bèo bọt, không là phù hoa mà là con người của thần khí, trổ sinh những hoa quả của Thánh Linh (Gal 5,22). Một trong những hoa trái của Thánh Linh là đức ái.
Đức bác ái Kitô giáo là tình yêu đối với Thiên Chúa giáu lòng xót thương được cụ thể hóa bằng hành động yêu thương phục vụ tha nhân. Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta.” (Sứ điệp Mùa chay 2021, số 3).
Làm việc bác ái, chúng ta sẽ sống một Mùa Chay thánh thiện.
Mùa Chay thánh thiện là mùa xuân tâm hồn cho những ai sống vững vàng trong đức tin và dạt dào lòng yêu mến.
TIN MỪNG Mt 6:1-6,16-18
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Đó là Lời Chúa.
Ge 2,12-18; 2Cr 5,20-6,2; Mt 6,1-6,16-18
HÃY LÀM VIỆC LÀNH TRONG KHIÊM HẠ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 6,1-6,16-18
(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.
2. Ý CHÍNH:
Sau khi trình bày về sự công chính mới trong việc tuân giữ các giới răn, Đức Giê-su đề cập tới một nền đạo đức mới là phải làm các việc lành thế nào cho phù hợp với tinh thần mới của Người. Điều cốt yếu khi làm các việc đạo đức là phải khiêm tốn và theo thánh ý Chúa Cha: Tránh làm các việc đạo đức như cầu nguyện để được người ta ca tụng; Tránh khua chiêng đánh trống khi bố thí để tìm tiếng khen nơi người đời; Tránh làm bộ mặt rầu rĩ khi ăn chay để mong được thiên hạ nể phục.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-2: + Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng. Chớ có phô trương cho thiên hạ thấy: Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Người phải tránh thói đạo đức giả hình của các người Pha-ri-sêu (Biệt Phái), là những kẻ “nói mà không làm”, “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (x Mt 23,3.5). + Bố thí: Thời Đức Giê-su, bố thí là việc công chính bậc nhất (x Hc 7,10). Hình như người ta ưa làm việc bố thí công khai, nên dễ đưa tới sự phô trương bề ngoài để được người khác ca tụng. + Đừng có khua chiêng đánh trống: Rất có thể những người Pha-ri-sêu thời bấy giờ dùng chiêng trống để loan báo cho người ăn xin nghèo khó tập trung lại nhận quà. Tuy nhiên, không thấy bản văn nào nói đến việc này. Do đó, ta có thể coi đây chỉ là một ví dụ có tính phóng đại để làm nổi bật đòi hỏi tinh thần khiêm tốn, mà Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải có, khi làm các việc đạo đức. + Chúng đã được phần thưởng rồi: Lời khen của người đời chính là phần thưởng dành cho những ai làm việc bố thí chỉ nhằm mục đích tự nhiên. Do đó, họ sẽ không được hưởng công phúc thiêng liêng trước mặt Chúa Cha trên trời.
- C 3-4: + Đừng “cho tay trái biết việc tay phải làm”: Là một kiểu nói có nghĩa là phải giữ kín, đừng nói cho người khác biết việc mình đang làm. Người môn đệ Đức Giê-su cần tránh cho mọi người biết việc bố thí của mình, nên phải thực hiện trong sự âm thầm khiêm tốn.
- C 5-6: + Cầu nguyện: Chính Đức Giê-su đã làm gương và dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (x. Mt 14,23). Theo các huấn thị của Người rải rác trong các Tin Mừng thì lời cầu nguyện phải như sau: Phải cầu nguyện cách khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa (x Lc 18,10-14) và người đời (x Mt 6,5-6); Phải chân thành, phát xuất tự đáy lòng (x Mt 6,7); Phải tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa Cha (x Mt 6,8; 7,7-11) và kiên trì nài xin (x Lc 11,5-8; 18,1-8). Lời cầu nguyện sẽ chỉ được Chúa chấp nhận khi cầu nguyện với lòng tin (x Mt 21,22); Khi cầu nguyện nhân danh Đức Giê-su (x. Mt 18,19-20); và khi xin Chúa ban những điều tốt lành (x Mt 7,11). + Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy: Ở đây Đức Giê-su không đả kích việc cầu nguyện công khai và có tính cộng đồng (x Mt 18,19-20), nhưng Người chỉ muốn tránh ý đồ phô trương công đức để được ca tụng. + Hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha của anh: Đức Giê-su gợi lại cách thức của ngôn sứ Ê-li-a khi ông cầu nguyện để làm cho đứa bé mới chết được sống lại (x 2 V 4,33). Cách thức cầu nguyện kín đáo này trái với cách phô trương của những kẻ giả hình. Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa. “Vào phòng” là hồi tâm, đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa nhờ đức tin. Thiếu điều này sẽ không còn là sự cầu nguyện đích thực nữa.
- C 16-18: + Ăn chay: Đã từ rất lâu, dân Ít-ra-en có tục lệ ăn chay mỗi khi có tang chế (x 2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2 Sm 12,16). Ăn chay theo luật Mô-sê là nhịn ăn uống vào lúc ban ngày. Sự nhịn ăn uống này sẽ kéo dài trong một thời gian lâu hay mau tùy trường hợp. Trong thời gian ăn chay, người ta sẽ không tắm rửa, để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo vải thô đặc biệt. Thời Đức Giê-su, dân Do Thái chỉ buộc phải ăn chay trong lễ Xá Tội vào mùng mười tháng Bảy, tức khoảng cuối tháng Chín dương lịch (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9), trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá và những lúc gặp thiên tai. Riêng người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12), nhưng việc chay tịnh chỉ mang tính bề ngoài nhằm phô trương (x Mc 2,18), nên Đức Giê-su đã không chấp nhận sự khổ chế này của họ (x Mc 2,19-20). + Còn anh, khi ăn chay…: Đức Giê-su muốn cho các môn đệ của Người phải ăn chay trong sự kín đáo khiêm tốn: thay vì rắc tro lên mặt, để râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn… thì họ phải rửa mặt, chải dầu thơm giống như họ vẫn thường làm mỗi khi đi ra đường để người khác không biết họ đang ăn chay.
4. CÂU HỎI:
- HỎI :
1) Khi nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (c. 4b.6b.18b), phải chăng Đức Giê-su cổ võ một thứ luân lý vụ lợi: Cho đi để được nhận lại?
2) Muốn có giá trị trước mặt Thiên Chúa và đón nhận được nhiều ơn lành Chúa ban, thì trong Mùa Chay này chúng ta cần tránh và cần làm những công việc gì?
3) Nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức xức tro trong ngày lễ Tro ra sao?
- ĐÁP:
1) Đức Giê-su không dạy chúng ta tìm lợi ích cho bản thân mình khi làm việc thiện để được Chúa trả công. Vì nếu như vậy thì Người đã hứa ban thưởng cho họ những gì thuộc về thế gian như tiền bạc, sức khỏe, thành công… Nhưng ở đây Người không nói rõ họ sẽ được Chúa Cha ban cho phần thưởng gì. Nơi nhiều đoạn khác, phần thưởng được hứa hầu như luôn là Nước Trời hay một trong những hoa trái thiêng liêng của nó là sự sống muôn đời (x. Mt 25,46; Mc 10,30). Các môn đệ sẽ được tham dự vào quyền bá chủ của Người (x. Lc 22,28-29), được xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en trong ngày tận thế (x. Mt 19,28). Như vậy, phần thưởng Đức Giê-su hứa cho những kẻ làm việc lành đều qui hướng về mầu nhiệm Cánh Chung sau này, và được Chúa ban cho không, không do việc làm của họ đáng được thưởng, mà chỉ vì tình thương và lòng nhân hậu vô biên của Người mà thôi (Dụ ngôn đầy tớ vô dụng: Lc 17,7-10). Hơn nữa, phần thưởng ở đây còn là chính Thiên Chúa. Những ai làm việc thiện trước mặt Thiên Chúa, với ý hướng làm vui lòng Ngài và nhằm tôn vinh Ngài, thì sẽ được gặp gỡ Ngài, được nhìn thấy nhan Ngài và sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.
2) Muốn cho việc ăn chay có giá trị trước mặt Thiên Chúa, thì cần tránh cách ăn chay hình thức bề ngoài như dân Do thái đã bị Đức Chúa quở trách. Nhưng để xứng đáng được Chúa chấp nhận, việc ăn chay phải kèm theo các việc lành như I-sai-a tuyên sấm: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn…”. Nào, cách ăn chay mà Đức Chúa ưa thích chẳng phải thế này đó sao: “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm… Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ ngươi kêu lên Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu Người liền đáp: “Có Ta đây!” (Is 58,6b-9a).
3) Về nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức xức tro: Lễ nghi xức tro đã thay đổi như sau: những ai phạm tội nặng công khai, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình… sẽ bị loại trừ ra khỏi cộng đoàn. Để được hòa nhập trở lại, họ phải thi hành việc sám hối công khai trong Mùa Chay như sau:
- Đầu tiên vào Thứ Tư trước Chúa nhật I Mùa Chay, các tội nhân công khai sẽ phải tập trung trong nhà thờ chính toà. Sau khi mỗi tội nhân lần lượt công khai xưng thú các tội đã phạm, Đức Giám Mục sẽ trao cho họ một chiếc áo nhặm để mặc vào và rắc một ít tro trên đầu họ. Sau đó họ sẽ từ nhà thờ đi đến một tu viện để có giờ hồi tâm sám hối. Đến sáng Thứ Năm Tuần thánh, họ sẽ lại đến nhà thờ chính toà. Sau khi xem xét thái độ sám hối của hối nhân trong Mùa Chay, Đức Giám Mục sẽ ban phép xá giải các tội lỗi cho họ và giao hoà họ lại với cộng đoàn. Từ dây, họ sẽ được tham dự vào các buổi cử hành bí tích.
- Khi xức tro trên đầu hối nhân, chủ sự sẽ đọc một trong hai câu: “Là thân cát bụi sẽ trở về với cát bụi” (St 3,19); hoặc: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Các Thừa Tác Viên không có chức thánh cần phải được chuẩn bị nghi thức và học thuộc các câu nói trên.
- Tro dùng trong phụng tự từ thời Cựu Ước để biểu tượng cho u buồn, cái chết và sự thống hối. Mordecai đã mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ tru diệt dân Do Thái (x. Et 4,1). Ông Gióp cũng mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối (x. G 42, 6). Dân thành Ninivê ăn chay, mặc áo nhặm, ngồi trên đống tro (x. Gn 3, 5-6) khi Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải.
Chúa Giê-su nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro (x. Mt 11, 21). Từ thế kỷ thứ hai, Giáo Hội đã dùng tro trong nghi thức Sám Hối. Nhiều Giáo Phụ nhắc đến việc thực hành này.
Lòng sám hối sẽ thúc bách các tín hữu dấn thân sống Tin Mừng, bằng việc từ bỏ mọi xa hoa không cần thiết và thể hiện tình liên đới với người đau khổ.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CẦU NGUYỆN LÀ LẮNG NGHE LỜI CHÚA:
Một cụ già có thói quen ngồi bất động hằng giờ ở cuối nhà thờ. Một ngày nọ, cha xứ hỏi cụ là Chúa đã nói gì với cụ. Cụ trả lời :
- Thưa cha, Chúa chẳng nói gì cả, Ngài chỉ nghe con nói.
- Vậy à? Thế thì cụ nói gì với Chúa?
- Dạ, con cũng chẳng nói gì, con chỉ nghe Chúa !
Thực ra, đỉnh cao của cầu nguyện là sự hoàn toàn kết hợp với Chúa, lúc đó không còn ai nói ai nghe mà chỉ có sự im lặng, để con tim nói với nhau. Chúng ta có thể nói đây là một sự thinh lặng hùng biện, không nói gì mà lại nói rất nhiều. Vì thế cầu nguyện có 4 mức độ :
a) Ta nói và Chúa nghe.- b) Chúa nói và ta nghe.- c) Không ai nói nhưng cả hai cùng nghe.- d) Không có nói mà cũng chẳng có ai nghe.
Ngoài ra chúng ta còn thực hành lời Chúa: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40). Làm sao chúng ta có thể luôn cầu nguyện khi chúng ta có trăm công nghìn việc phải làm? Hãy biến mọi công việc ta làm trở thành lời cầu nguyện. Hãy cùng làm việc với Chúa, làm vì lòng mến Chúa và phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ chung quanh chúng ta. Qua đó những việc chúng ta làm và những lời chúng ta nói đều vì Chúa, trong Chúa, với Chúa và để cứu rỗi các linh hồn… như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng đã nêu gương cho chúng ta.
2) CHỖ NÀO TRONG NHÀ THỜ LOÀI CHUỘT ÍT BỊ QUẤY RẦY NHẤT?
Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ ở miền quê nước Pháp. Một hôm khi đi lang thang trong nhà thờ kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn. Hai con chuột làm quen và hỏi thăm về chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự: “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ !”. Nghe vậy, chuột thứ hai cảm thông với bạn nên đề nghị: “Vậy thì bạn hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị quấy rầy !” Chuột thứ nhất ngạc nhiên nói: “Có một chỗ ở lý tưởng như thế trong nhà thờ này thật ư? Hãy cho tớ biết là chỗ nào vậy?”. Chuột thứ hai đáp: “Đó là thùng quyên góp giúp đỡ người nghèo đặt ở cuối nhà thờ này đấy !”.
3) BÁC ÁI YÊU THƯƠNG THA NHÂN LÀ CÁCH ĂN CHAY ĐẸP Ý CHÚA NHẤT:
Một vị ẩn tu sống đơn độc trên ngọn núi cao. Ngày đêm ông ăn chay cầu nguyện. Ông ăn chay rất nghiêm ngặt và cầu nguyện rất tha thiết. Ðể thưởng công, Chúa cho xuất hiện một ngôi sao trên đầu núi. Khi nào ông ít ăn chay và không cầu nguyện thì ngôi sao bị lu mờ đi. Khi ông gia tăng ăn chay cầu nguyện thì ngôi sao lại rực sáng lên.
Một hôm ông muốn leo lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Khi ông chuẩn bị lên đường thì một bé gái trong làng đến thăm và ngỏ ý muốn đi cùng với ông lên núi. Thày trò hăng hái lên đường. Đường càng lên cao thì càng dốc và khó đi. Mặt trời mỗi lúc càng nắng gắt. Hai thày trò đều bị ướt đẫm mồ hôi và bị khát nước, nhưng theo luật giữ chay nghiêm ngặt nên thầy trò đều không dám uống nước. Vị ẩn tu không dám uống vì sợ phá chay mất hết công phúc trước mặt Chúa. Nhưng khi thấy em bé mỗi lúc bị mệt thêm, vị ẩn tu thương hại em nên mở chai nước ra uống. Lúc ấy em bé mới dám mở chai nước mang theo ra uống. Uống nước xong, em cảm thấy khỏe hơn và mỉm cười rất tươi như bày tỏ lòng biết ơn thày. Thày ẩn tu ngước mắt nhìn lên ngôi sao trên đỉnh núi vì sợ ngôi sao kia biến mất vì hành động không hãm mình vừa qua. Nhưng lạ thay, trên đầu núi thày thấy không phải một mà có đến hai ngôi sao sáng xuất hiện. Thì ra, để thưởng công lòng bác ái yêu thương tha nhân của thày, Chúa đã cho xuất hiện thêm một ngôi sao nữa.
4) TÁC HẠI CỦA RƯỢU TRÊN CON NGƯỜI :
Trong kho tàng chuyện cổ nước Pháp có câu chuyện về tác hại của rượu trên con người như sau:
Khi ông Nô-e trồng nho, Sa-tan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi:
– Ông đang trồng gì thế?
– Cây nho.
– Nó có lợi gì không?
– Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho, ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.
– Vậy thì để tôi giúp ông.
Sa-tan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Sa-tan lấy máu của chúng tưới vào gốc cây nho. Thế là cây nho lớn rất nhanh. Ông Nô-e lấy trái nho làm rượu.
Từ đó trở đi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ và dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì trở nên mạnh bạo như con sư tử; Nếu uống thêm ly nữa thì sẽ hóa ra ngu dốt như con lừa; Nếu lại uống thêm nữa thì… sẽ tìm hưởng lạc thú bất chính như con heo vậy. Giữ chay sẽ giúp người ta biết lúc nào phải dừng lại. Một người có bản lãnh, sẽ có khả năng làm chủ mình là người biết dừng lại đúng lúc.
3. SUY NIỆM:
1) YÊU THƯƠNG LÀ CHO ĐI: Cho nhiều là dấu hiệu yêu nhiều. Thánh Phao-lô đã khuyên các kỳ mục ở Ê-phê-xô như sau: “Và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Thánh Gia-cô-bê dạy các tín hữu phải có một đức tin hành động như sau: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì?” (Gc 2,15-16).
2) HÃY BỐ THÍ CHIA SẺ CƠM ÁO CHO THA NHÂN: Việc đạo đức chúng ta cần quan tâm thực hiện trong Mùa Chay này là sự bố thí chia sẻ « cơm áo gạo tiền » cho những kẻ nghèo đói bệnh tật. Việc bố thí này tuy khó thực hiện, nhưng sẽ mang lại nhiều hữu ích cho tâm hồn ta:
- Khó thực hiện vì “Đồng tiền liền khúc ruột”: Chỉ những người quảng đại mới thực hiện được tốt công việc bác ái chia sẻ này.
- Việc bố thí giúp ta sử dụng đồng tiền Chúa ban theo ý Chúa muốn: Ý thức được giá trị tương đối của tiền bạc; Biết dùng tiền để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn; Giúp ta biết từ bỏ của cải vật chất để có thể thuộc về Chúa trọn vẹn như lời Đức Giê-su khuyên thanh niên giàu có muốn nên hoàn thiện: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà chia sẻ cho người nghèo, để sẽ có được một kho báu trên trời, rồi hãy đến đây theo tôi” (Mc 10,21).
- Bố thí còn là cách đền tội hữu hiệu: Sứ thần Ra-pha-en đã khuyên bảo hai cha con Tô-bi-a như sau: “Bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà cư xử bất công. Làm phúc bố thí thì tốt hơn có nhiều vàng bạc. Việc bố thí sẽ cứu người ta khỏi chết và sẽ tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí chắc sẽ được sống lâu” (Tb 12,8-9).
3) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ? :
Trong Mùa Chay, ngoài việc chăm chỉ dự lễ đọc kinh tại nhà thờ, chúng ta cần tham dự các buổi tĩnh tâm và hồi tâm xét mình Mùa Chay để khám phá ra mình mang mối tội đầu hoặc thói hư nào nơi bản thân để tu sửa và sửa bằng cách nào?
- Việc đạo đức: Ngoài việc năng dự lễ và rước lễ hằng ngày, chúng ta nên làm thêm vài ba việc hãm mình hay việc bác ái để đền tội, quyết tâm sửa một thói hư như: Chửi thề tục tĩu, lười biếng đọc kinh tối gia đình, hay uống rượu say xỉn, dự lễ Chúa Nhật trễ, xem phim ảnh xấu…
- Hãy dốc lòng làm một việc tốt đối lập với thói xấu, và nói một lời nguyệt tắt như: “Lạy Chúa, xin ban ơn Thánh Thần giúp con chừa bỏ được thói ưa nói xấu những kẻ không ưa con hoặc con không ưa họ, bằng cách kể ra một điều tốt của họ với người khác, để mỗi ngày con được nên tốt lành giống Chúa nhiều hơn”.
- Đấm ngực kèm theo lời xin Chúa tha tội mỗi lần đọc kinh cáo mình.
5. LỜI CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cùng với toàn thể Hội Thánh, con bắt đầu bước vào Mùa Chay. Con xin tạ ơn Chúa đã ban cho con một thời gian thuận lợi để có dịp duyệt xét lại đời con, hầu phát huy điều tốt và chấn chỉnh các sai lỗi thiếu sót nơi bản thân mình. Xin chiếu dọi ánh sáng Lời Chúa để con nhận ra con người yếu hèn của con. Nhất là xin đổ Thần Khí Chúa nâng đỡ con. Chỉ nhờ ơn Chúa giúp, con mới có thể trỗi dậy và quyết tâm đi xưng tội để quay về làm hòa với Chúa sau mỗi lần vấp ngã.
- LẠY CHÚA. Trong cuộc sống hằng ngày, con thường tỏ ra ích kỷ, khép kín cửa lòng trước tha nhân. Đôi lúc con cũng làm được một vài việc tốt, nhưng con lại muốn được nhiều người biết và khen ngợi con. Hôm nay xin Chúa giúp con biết ăn ở khiêm tốn theo lời Chúa dạy: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”, để con làm vui lòng Chúa và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời ở đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
“Ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một sự trùng hợp lý thú khi sách Sáng Thế và Tin Mừng hôm nay nói đến một điều mà Thiên Chúa gớm ghiếc, đó là kiêu ngạo. Loài người kiêu ngạo, hướng về đàng xấu; Thiên Chúa nổi giận, huỷ diệt tất cả, trừ gia đình ông Noe. Cũng thế, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ, hãy coi chừng và giữ mình khỏi thói kiêu căng, một loại men biệt phái khi ‘cậy mình mà quên cậy trời’.
Sách Sáng Thế nói, “Thiên Chúa thấy tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, tư tưởng lòng người luôn hướng về đàng xấu; Người đau lòng mà nói, ‘Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người Ta đã dựng nên… Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nó’”. Vậy mà lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn thể hiện khi Người chừa lại gia đình Noe; Sáng Thế nói, “Ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa”. Tại sao Thiên Chúa đoái mắt đến Noe và gia đình ông? Trong cuốn “The Purpose Driven Life”, “Sống Theo Đúng Mục Đích”, một bestseller được người viết biên dịch, Rick Warren nhận định, “Ông Noe là người đã khiến Thiên Chúa mỉm cười”; bởi lẽ, “Ông yêu Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác trên trần gian, cả khi không có ai khác yêu Người; ông đã đem niềm vui cho Thiên Chúa, vì ông có một tâm hồn ca ngợi và tạ ơn; ông tin cậy Thiên Chúa hoàn toàn và điều đó khiến Người mỉm cười. Giữa loài người kiêu căng, ai ai cũng ‘cậy mình mà quên cậy trời’; thì Noe, một người ‘cậy Trời mà không cậy mình’; ông cậy trông Thiên Chúa, ông tuyệt đối khiêm nhường”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy cho các môn đồ bài học khiêm nhường nhân việc họ quên mang bánh. Phải chăng Ngài đã đọc được sự tự phụ nơi các môn sinh của mình, có lẽ Ngài đã đọc ra ý tưởng ‘cậy mình mà quên cậy trời’ nơi họ; họ đổ lỗi cho nhau khi nói, “Tự mình không mang bánh”. Họ biết rằng, trên thuyền chỉ còn một chiếc bánh; nhưng họ lại quên, ngoài chiếc bánh lúa mì từ đất ấy, còn có một chiếc bánh hằng sống từ trời có tên là Giêsu. Phải, Giêsu Thầy họ đã từng nuôi đến mấy ngàn người với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã nhắc cho họ điều đó. Vì thế, Ngài bảo, “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái”. Người biệt phái coi mình tài giỏi, đạo đức, giữ luật hơn người; họ cho mình là may mắn bởi họ cầu nguyện nhiều, ăn chay nhiều và nhiệm nhặt giữ luật. Đó là lý do để họ vênh váo, cho mình là công chính, rồi coi khinh kẻ khác; thậm chí, họ coi khinh cả thầy trò Chúa Giêsu.
Anh Chị em,
Muốn nên như các vị thần, tội kiêu ngạo của Ađam đã kéo theo bao nhiêu hệ luỵ xấu xa, đến nỗi Thiên Chúa lấy làm tiếc vì đã dựng nên con người; kiêu ngạo manh nha trong máu và có mùi trong hơi thở của tất cả con cháu Ađam, loài bởi đất mà ra. Ngày nay, khoa học càng tiến bộ, con người càng kiêu ngạo ‘cậy mình mà quên cậy trời’. Sau hơn một năm, cả thế giới đảo điên vì Corona; một vị tổng thống Phi Châu đã nói, “Chỉ có Thiên Chúa mới diệt được Corona!”. Đúng thế! Khi con người càng xua trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới, ra khỏi lòng mình, nó càng cảm thấy trống vắng và bất lực.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con hợm hĩnh ‘cậy mình mà quên cậy trời’, nhất là khi con đang giã từ những ngày xuân để đi vào Mùa Chay; cho con xác tín rằng, trong mọi việc, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa, kể cả việc con nên thánh trong mùa hồng phúc này”, Amen.
(Tgp. Huế)
(Suy niệm thứ tư Lễ Tro)
Người giúp việc vừa lau chùi bàn ghế trong phòng khách vừa ngắm nghía bình hoa hồng tươi đẹp đang được trân trọng đặt trên mặt bàn bóng láng.
Thấy người giúp việc chăm chú nhìn mình với ánh mắt cảm phục, hoa hồng tỏ ra kiêu hãnh và nói:
- Anh xem trên đời nầy có hoa nào vừa đẹp, vừa sang, vừa thơm ngát như tôi không?
Người giúp việc đáp:
- Sớm muộn gì thì mầy cũng chỉ là rác!
Hoa hồng cảm thấy bị xúc phạm nặng nề trước lời nói đó, nên tỏ ra gay gắt:
- Ta xinh đẹp thế nầy, ta đang toả hương thơm ngát thế nầy, ai cũng quý mến ta; ta được tôn vinh trong phòng khách sang trọng thế nầy, vậy mà nhà ngươi dám xỉ nhục ta, dám gọi ta là rác ư! Nhà ngươi xúc phạm ta quá đáng.
Người giúp việc bồi thêm:
- Mầy sẽ là bụi tro!
Hoa hồng tức tối đáp lại :
- Nhà ngươi là kẻ ăn nói ngang ngược! Nhà ngươi có biết trong Ngày Tình yêu, tất cả các đôi nam nữ trên thế giới đều chọn ta để đem tặng cho những người bạn tình yêu quý nhất đời của họ hay không? Nhà người có biết là trong ngày đó, ta được các hoàng tử, các công chúa, những chàng công tử tài hoa, các cô thiếu nữ cao sang đài các… nâng niu ta trên tay, ôm ấp ta vào lòng, quý trọng ta đến thế nào không? Thế mà nhà ngươi dám cho rằng ta là bụi tro ư! Thật không có lời nào xúc phạm đến phẩm giá của ta như những lời ngươi vừa nói.
Người giúp việc bồi tiếp :
- Mầy sẽ là phân bón!
Hoa hồng tỏ ra phẫn nộ :
- Ôi ! Trời ơi là Trời ! Có ai ăn nói hỗn hào như ngươi không! Ta là Hoa Hồng, là Nữ Hoàng của các loài hoa. Nhà ngươi xúc phạm đến ta là xúc phạm đến các chủng loại hoa hồng nói riêng, đồng thời xúc phạm cả mọi loài hoa trên đời, vì ta là Hoa Hồng, là Nữ Hoàng của các loài hoa.
Hoa Hồng giận quá! Cơn giận bốc lên ngùn ngụt khiến hoa hồng ngất đi một hồi lâu mới tỉnh.
Thế là từ lúc đó, cơn giận sôi sục trong lòng đoá hoa hồng khiến nó không ăn, không ngủ, không một phút giây bình an… Và thế là nó héo đi nhanh chóng.
Qua ngày hôm sau, chủ nhà thấy hoa hồng đã héo, vứt nó ra hố rác. Thế là hoa hồng kiêu sa, đẹp lộng lẫy, toả hương thơm ngát làm đắm đuối lòng người, bây giờ trở nên rác, đúng như lời người giúp việc đã nói về nó.
Bởi vì rác hoa hồng nằm chung với các thứ rác khác nên bốc mùi hôi, do đó chủ nhà bảo người giúp việc đốt rác đi. Thế là hoa hồng bây giờ trở thành tro! Đúng như lời người giúp việc đã nói về nó.
Mấy ngày sau, chủ nhà lại sai người giúp việc hốt tro trong hố rác trộn chung với các thứ phân chuồng để đem đi bón ruộng. Thế là hoa hồng bây giờ đã trở thành phân bón! Đúng như lời người giúp việc đã nói về nó, mới ngày hôm kia.
Ôi, kiếp hoa hồng là thế, hôm nay là hoa đẹp lộng lẫy kiêu sa toả hương thơm ngát, ngự trị trong phòng khách xa hoa sang trọng, mai sẽ là rác thối, là tro bụi và cuối cùng là phân bón!
Xin ngẫm lại mà xem. Thân xác chúng ta rồi cũng như thế thôi. Dù hôm nay chúng ta rất xinh đẹp được nhiều người mê say quyến luyến; dù hôm nay chúng ta giàu có sang trọng được mọi người kính nể; dù hôm nay chúng ta thông minh, tài trí được người ta tôn trọng… thì mai đây thân xác chúng ta cũng sẽ trở về với bụi tro.
Bài học bụi tro
Khi biết thân xác mình mai đây sẽ trở về với bụi tro, tôi sẽ không dại dột đầu tư tất cả thời giờ, công sức, tài năng, trí tuệ… của mình để chăm lo cho nó. Trái lại, tôi phải dành nhiều thời giờ, nhiều công sức để đầu tư cho đời sống thiêng liêng, nhờ đó, một khi thân xác nầy mục nát đi, thì linh hồn tôi sẽ được vui sống hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Giữa xã hội biến chuyển nhanh chóng, những suy nghĩ cộng gộp và gán ghép cũng nảy sinh. Không ít người Ki-tô hữu cho rằng: việc ăn chay Công Giáo cũng giống như lối ăn chay bên Phật giáo, tương tự với cách ăn chay để giữ gìn sức khoẻ, tiết dục, rèn luyện tính khí, và tệ hơn, ăn chay tựa như ăn kiêng, ăn khem, ăn ít lại về số lượng cũng như giảm bớt thịt thà, v.v…
Nếu đặt lối ăn chay giảm bớt về số lượng và kiêng thịt vào trong xã hội của Nhật Bản, thì chắc hẳn ăn chay kiểu này chẳng cần phải từ bỏ, hy sinh gì cả; bởi lẽ người Nhật chuộng cá hơn thịt động vật, cho nên văn hoá ẩm thực của họ hầu hết các món ăn sống như sashimi (cá sống với washabi), sushi (cơm cuộn với cá sống, washabi)…Còn về số lượng thức ăn, thì họ lại ăn rất ít, có khi chỉ cần một nắm cơm với rong biển khô (onigiri). Hơn nữa, dân số Nhật Bản già nhiều hơn trẻ, cho nên ăn uống ít thịt thà, ít về số lượng là lẽ thường tình!
Nói như vậy để chúng ta là những người Công Giáo biết ăn chay thế nào cho đúng cách, và đẹp lòng Chúa. Tiên tri I-sai-ah đã nói rất rõ ràng về cách ăn chay chân chính, và phân biệt lối ăn chay mà Chúa không hề mong muốn: “Chúng nói: “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?” Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chẳng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58, 3-5). Miệng ăn chay, nhưng lòng không hoán cải. Ăn chay lòng, nhưng vẫn hành động bạo tàn, ngược đãi, đôi co cãi vã, xung đột, bạo lực, kiếm lợi lộc cá nhân bất chấp điều công minh chính trực. Ăn chay chỉ bên ngoài (khổ chế, cúi rạp đầu, nằm trên vải thô và tro bụi), còn tâm hồn thì xa rời giáo huấn của Thiên Chúa. Phải chăng như thế mà gọi là ăn chay đẹp lòng Chúa sao? (x. Is 58, 5) Đối ứng với điều này, chúng ta thật chú tâm lắng nghe Lời Chúa nói qua ngôn sứ Giô-en: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta…Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2, 12-13). Ăn chay đúng nghĩa trước hết là thật lòng quay về với Chúa, bỏ đường tội lỗi bất chính, cải hối tự tâm, đứng dậy trở về với Ngài.
Hơn nữa, cách ăn chay mà Chúa mong muốn không khác hơn là lời Chúa vang vọng qua ngôn sứ I-sai-ah: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 6-7). Tắt một lời, ăn chay đúng nghĩa là làm việc bác ái, hướng tới tha nhân (mà Tin Mừng gọi bố thí), tha thứ bao dung với anh chị em, rộng lượng giúp đỡ người khác cách cụ thể. Khi ăn chay, thay vì ngó lơ, thì chú tâm, quan tâm đến tha nhân. Khi ăn chay, thay vì khước từ nhu cầu của anh chị em (mặc dù có khả năng chia sẻ), thì đón nhận và chia san với họ. Khi ăn chay, thay vì làm ngơ người khác, thì ân cần hướng đến họ, v.v…Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến việc giảm số lượng hoặc kiêng khem thịt thà mà quên đi cốt lõi của việc ăn chay là làm việc bác ái, thực thi yêu thương, tha thứ tha nhân, thì hành động mà ta gọi “ăn chay” đó trở nên vô ích, chẳng đẹp lòng Thiên Chúa. Nếu chúng ta đơn thuần chỉ tập chú vào dâng cúng của lễ, đóng góp rộng lượng đi chăng nữa, mà quên lãng việc thực thi ý Chúa qua đức ái, vị tha…thì quả thật đây là điều Chúa không ưa thích như Ngài nói qua lời ngôn sứ Hô-sê: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 6) và “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13; 12, 7).
Ngoài ra, ăn chay đúng nghĩa không khác hơn là “làm hoà với Thiên Chúa” (x. 2Cr 5, 20), “đừng để ân huệ được lãnh nhận từ Thiên Chúa trở nên vô hiệu” (x. 2Cr 6, 1) và “tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn” (2Cr 7, 1). Nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ quên sống liên lỉ, bền bỉ trong mối thân tình với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện thâm sâu, qua việc tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Giao Hoà (Xưng tội). Vì vậy, ăn chay chân chính, ăn chay theo lòng Chúa mong muốn, thì luôn gắn liền với đời sống cầu nguyện và làm việc bác ái (bố thí). Điều này Chúa Giê-su đã dạy các Tông đồ và chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6, 1-6, 16-18) như thể bộ ba trong một, tựa chiếc kiềng ba chân chẳng bao giờ ngã đổ. Chúng không thể tách rời, hoặc tách biệt khi thực hành trong đời sống đạo, đặc biệt trong đời sống tu đức. Và dĩ nhiên, kết quả của việc ăn chay đích thật này sẽ rất ư rõ rệt, mà Chúa đã phán hứa qua lời ngôn sứ I-sai-ah: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Ngài liền đáp lại: “Có Ta đây!” Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58, 8-10).
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta nhận tro trên đầu, dấu chỉ ăn năn sám hối, trở về với Chúa, và hân hoan bước vào Mùa Chay Thánh, mùa ân sủng, mùa thuận tiện thi ân thánh đức. Vì vậy, chúng ta thành tâm cùng nguyện cầu:
Chúa mời con bước vào ân tình
Dẫu bao phen đắm mình bụi nhơ
Chúa gọi con quay gót trở về
Nhà xót thương tràn trề ấm êm.
Chúa mời con hưởng niềm vui sướng
Mặc tâm hồn quy hướng về Ngài
Dù trước mắt tương lai bất định
Mãi một lòng trung trinh khôn ngơi.
Chúa mời con nghe Lời phán dạy:
Hoan lạc sống Mùa Chay thánh ân
Ăn chay lòng, canh tân đời sống
Cầu nguyện luôn, bước trong yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
9. Nếu linh hồn mang tội trọng thì giống như cây khô chết, không thể khai hoa kết trái.
(Thánh Francis de Sales)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có hai anh em dành dụm tiền mua được đôi ủng mới.
Người anh thường mang ủng đi đây đó, người em thì không muốn bỏ tiền ra cách không không, nên đợi đến tối khi người anh ngủ thì mang ủng đi khắp nơi, thế là đôi ủng bị rách rất nhanh.
Người anh nói:
- “Chúng ta cất ít tiền để mua đôi ủng mới khác chứ?”
Người em đáp:
- “Không, đôi ủng mới sẽ làm chậm trễ giấc ngủ của em !”
(Tiếu Tán)
Suy tư 67:
Vật chất là phương tiện cần thiết cho con người: có chiếc xe để đi đây đi đó cho nhanh tiện, có bếp ga để nấu nướng cho nhanh cho sạch, có truyền hình video để coi tin tức thời sự trong và ngoài nước, nghe ca nhạc, coi phim.v.v...tất cả những phương tiện ấy đều phục vụ con người.
Nhưng có những con người lại đi phục vụ và làm nô lệ cho vật chất: có những người coi chiếc xe quý hơn cả con cái, khi con cái làm xướt nước sơn chiếc xe thì đánh con cách tàn nhẫn, vợ làm mất xe thì chửi vợ cách thậm tệ hơn cả kẻ thù; có người coi phim video và lên mạng cả ngày lẫn đem, không thiết gì đến ăn uống làm việc, họ phung phí hết thời gian trong ngày cho cái truyền hình với những bộ phim nhiều tập hoặc mạng xã hội...
Chiếc ủng là vật chất dùng để bảo vệ bàn chân khi đi bộ, hư thì mua cái khác, còn việc ngủ muộn ngủ sớm thì do mình chứ không vì mua đôi ủng mới.
Làm nô lệ cho vật chất thì cũng đồng thời cũng làm đệ tử của ma quỷ.
Ai có đức tin thì hiểu rõ việc này hơn người khác, vì người có đức tin chính là người được Chúa Thánh Thần dạy dỗ...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, Vatican đã ký một thỏa thuận với Bắc Kinh liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh có quyền lựa chọn các ứng viên giám mục, những người sau đó sẽ được Tòa thánh chấp thuận hoặc phủ quyết.
Được đằng chân, lân đằng đầu. Nghị định mới vừa được công bố của bọn cầm quyền Trung Quốc đã bãi bỏ luôn quyền chấp thuận hoặc phủ quyết của Tòa Thánh.
Những ai có chút kinh nghiệm xương máu với cộng sản đã biết ngay từ đầu sớm muộn cũng sẽ có ngày này.
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài phúc trình nhan đề “Report: Vatican not mentioned in China’s new rules on bishop appointments”, nghĩa là “Báo cáo: Vatican chẳng hề được nhắc đến trong các quy định mới về bổ nhiệm các Giám Mục.”
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Nghị định mới có tên “Các Biện Pháp Hành Chính Dành Cho Hàng Giáo Sĩ Các Tôn Giáo” của Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 5. Các quy tắc này đã được dịch [từ tiếng Hoa sang tiếng Anh] bởi tạp chí Bitter Winter, là cơ quan chuyên báo cáo về các điều kiện tự do tôn giáo ở Trung Quốc.
Theo quy định mới, Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, gọi tắt là CCPA, do bọn cầm quyền điều hành sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn các ứng viên giám mục. Sau đó, các ứng viên sẽ được “Hội đồng Giám mục Công Giáo Trung Quốc chấp thuận và tấn phong”.
Các quy tắc không đề cập đến bất kỳ vai trò nào của Vatican trong việc phê chuẩn các giám mục, bất chấp thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc vào năm 2018 được cho là có sự tham gia của cả Trung Quốc và Tòa thánh trong quá trình bổ nhiệm giám mục.
Năm 2018, Vatican đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục; các điều khoản của thỏa thuận, được gia hạn thêm hai năm nữa vào tháng 10 năm 2020, chưa bao giờ được tiết lộ đầy đủ.
Tuy nhiên, theo các báo cáo, thỏa thuận cho phép Giáo Hội quốc doanh được bọn cầm quyền Trung Quốc nhìn nhận có quyền lựa chọn các ứng viên giám mục, những người sau đó sẽ được Tòa thánh chấp thuận hoặc phủ quyết. Vào thời điểm thỏa thuận Vatican-Trung Quốc được gia hạn vào tháng 10, một tờ báo của Vatican đã đưa tin rằng hai giám mục Trung Quốc đã được bổ nhiệm theo “khuôn khổ pháp lý được thiết lập bởi thỏa thuận”. Vào tháng 11, Vatican xác nhận rằng một giám mục thứ ba đã được bổ nhiệm theo khuôn khổ được quy định bởi hiệp định này.
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hương Cảng và là người lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này, cho biết hiệp định này có thể đặt Vatican vào tình thế phải phủ quyết liên tục các ứng viên giám mục do Trung Quốc tiến cử.
Thỏa thuận được thực hiện để giúp hợp nhất Giáo hội quốc doanh do nhà nước điều hành và Giáo Hội Công Giáo thầm lặng. Ước tính có khoảng 6 triệu người Công Giáo đã ghi danh với CCPA, trong khi ước tính vài triệu người thuộc các cộng đồng Công Giáo thầm lặng chưa ghi danh với bọn cầm quyền và vẫn trung thành với Tòa thánh.
Theo các quy định mới, một khi một giám mục mới được tấn phong, CCPA và Hội Đồng Giám Mục được nhà nước công nhận sẽ gửi thông tin của ngài đến Cục Quản lý Nhà nước về Tôn giáo.
Đăng ký giáo sĩ trong cơ sở dữ liệu là một phần quan trọng của các biện pháp hành chính mới, theo đó các giáo sĩ ở Trung Quốc cũng sẽ được yêu cầu phải thúc đẩy các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ví dụ, Điều III của các biện pháp hành chính quy định rằng các giáo sĩ “phải yêu Tổ quốc, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủng hộ hệ thống xã hội chủ nghĩa,” và “tuân theo đường hướng của quá trình Trung Hoa hóa tôn giáo ở Trung Quốc”.
Quá trình Trung Hoa hóa đã được Tập Cận Bình công bố và thực hiện trong những năm gần đây; những người chỉ trích đã gọi kế hoạch này là một nỗ lực buộc thực hành tôn giáo phải bị dưới sự kiểm soát của bọn cầm quyền Trung Quốc và phù hợp với các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngoài ra, theo các quy tắc, các giáo sĩ phải “hoạt động để duy trì sự thống nhất quốc gia, hòa hợp tôn giáo và ổn định xã hội”.
Phần D của các biện pháp nói rằng các giáo sĩ phải “hướng dẫn” các công dân “yêu nước và tuân thủ luật pháp”. Họ bị nghiêm cấm không được thực hiện các hoạt động “phá hoại đoàn kết dân tộc” hoặc hỗ trợ “các hoạt động khủng bố”.
Không rõ “khủng bố” được định nghĩa như thế nào theo các biện pháp hành chính mới này. Trong luật an ninh quốc gia của Hương Cảng đã được cơ quan lập pháp quốc gia ban hành vào năm 2020, “khủng bố” bao gồm các hành vi như đốt phá và phá hoại các phương tiện giao thông công cộng.
Các thành viên đã đăng ký trong danh sách giáo sĩ ở Trung Quốc sẽ không được phép “tổ chức, đăng cai hoặc tham gia vào các hoạt động tôn giáo trái phép được tổ chức bên ngoài các địa điểm được phép hoạt động tôn giáo” và sẽ không được phép giảng trong các trường học không phải là trường tôn giáo.
Các giáo sĩ đã đăng ký phải thuộc một trong những tôn giáo do nhà nước quản lý của Trung Quốc. Giáo sĩ của các “nhà thờ tại gia” hoặc nhà thờ “hầm trú” sẽ không được xem là giáo sĩ đã ghi danh.
Tài liệu cho biết: “Việc vào các nơi thờ tự” cần được quy định thông qua việc canh gác nghiêm ngặt, xác minh danh tính và đăng ký”.
Các quy tắc cũng kêu gọi một “chương trình đào tạo giáo sĩ tôn giáo” để “giáo dục chính trị cho các giáo sĩ tôn giáo” cũng như “giáo dục văn hóa” cho họ. Các giáo sĩ cũng cần được đánh giá về hành vi của họ theo một hệ thống “thưởng phạt”.
Source:Catholic News Agency
Các quan chức chính phủ không thể đóng cửa các nhà thờ viện cớ việc thờ phượng là “không thiết yếu” trong đại dịch — đặc biệt là khi họ đang mâu thuẫn với “khoa học” khi làm như vậy, Đức Tổng Giám Mục San Francisco viết hôm thứ Năm.
Người Công Giáo “có bằng chứng khoa học chứng minh một cách tích cực rằng chúng tôi có thể cử hành Thánh lễ an toàn trong nhà”, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã đưa ra lập trường trên trong một bài báo cho Wall Street Journal hôm thứ Năm.
Ngài viết bài báo sau khi Tòa án Tối cao vào ngày 5 tháng 2 ra phán quyết rằng lệnh cấm thờ phượng trong nhà của tiểu bang California là vi hiến.
“Giới tinh hoa chính trị ban hành lệnh y tế mà bản thân họ không tuân theo đang gây phẫn nộ, và hủy hoại vô số sinh kế mà không có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho hành động đó”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone lưu ý, khi nhắc đến các quan chức chính phủ không tuân thủ các lệnh y tế công cộng.
Cordileone nói thêm rằng những tình tiết như vậy “đặc biệt” gây phẫn nộ cho người Công Giáo, những người đã có bằng chứng khoa học rằng các Thánh lễ trong nhà có thể được cử hành một cách an toàn.
“Chỉ có thẩm quyền tôn giáo mới có quyền quyết định những nghi lễ tôn giáo là rất cần thiết cho người dân của họ”, ngài viết.
Trận chiến của Tổng giáo phận San Francisco để được cử hành thánh lễ
Tổng giáo phận San Francisco đã đấu tranh với chính quyền trong nhiều tháng về việc hạn chế thờ phượng. Sau khi các nhà thờ bị đóng cửa trong nhiều tháng do đại dịch, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã diễn hành trong các cuộc rước Thánh Thể ngoài trời để phản đối, và nói rằng những hạn chế này đang chế nhạo Chúa Kitô.
Vào giữa tháng 9, thành phố cho phép tổ chức các buổi thờ phượng ngoài trời với sức chứa 50 người cùng một lúc, nhưng vẫn chỉ cho phép một người tại một thời điểm bên trong nhà thờ. Sau khi Bộ Tư pháp thông báo với thành phố các quy tắc của họ có thể vi hiến, San Francisco sau đó đã cho phép thờ phượng trong nhà ở mức 25% công suất.
Sau đó vào tháng 11, tiểu bang xác định rằng các quận San Francisco và San Mateo là một trong những khu vực có nguy cơ lây lan COVID-19 cao nhất. Theo quy định của tiểu bang, các quận không được phép tổ chức các buổi thờ phượng trong nhà — mặc dù các cơ sở kinh doanh khác như tiệm làm tóc và làm móng, tiệm mát-xa và tiệm xăm vẫn có thể mở cửa.
Những người chỉ trích lệnh này lưu ý rằng việc thờ phượng tôn giáo bị đối xử khắc nghiệt hơn là các hoạt động thế tục.
Một tuần trước lễ Giáng sinh, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã hướng dẫn các linh mục dâng Thánh lễ trong nhà “nếu thời tiết hoặc sự an toàn” đòi hỏi phải bất tuân lệnh của nhà nước về việc thờ phượng trong nhà.
“Tôi biết người dân của tôi phải có quyền viếng Thánh Thể, dù mưa hay nắng”, ngài nói trong bài viết của mình. Đức Tổng Giám Mục Cordileone lưu ý rằng ngài đã thiết lập các biện pháp an toàn cho các Thánh lễ trong nhà, bao gồm giới hạn số người tham dự ở mức 20% và yêu cầu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.
Vào ngày 5 tháng 2, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết với tỉ số 6-3 rằng lệnh cấm thờ phượng trong nhà của California là vi hiến. Tòa án phán quyết rằng tiểu bang có thể giới hạn công suất trong nhà tại các buổi thờ phượng tối đa là 25% công suất, đồng thời cho phép tiểu bang cấm ca hát trong các buổi lễ.
Vào thời điểm ra phán quyết, tiểu bang đã đặt gần như tất cả các quận trong mức giới hạn hàng đầu dành cho những khu vực có khả năng lây lan virus tồi tệ nhất. Vì vậy, nhà nước đã có một lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc thờ phượng trong nhà.
Đức Tổng Giám Mục Cordileone gọi quyết định này là “một bước tiến rất quan trọng đối với các quyền cơ bản”.
Sau khi Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ trong nhà với những hạn chế, các quan chức địa phương đã gửi cảnh báo đến các giáo xứ và sở y tế của thành phố đã đưa ra hai lệnh buộc tội vi phạm.
Sau chiến thắng tại Tòa án Tối cao, ngài nói rằng các Thánh lễ ngoài trời sẽ tiếp tục “khi thời tiết cho phép”. Nhưng quyết định này cho phép chúng tôi thực hiện quyền tự nhiên được bảo vệ theo hiến pháp của mình là thờ phượng Thiên Chúa mà không sợ bị các quan chức chính phủ quấy rối”, ngài viết.
Source:Catholic News Agency
Hôm thứ Năm, trong một diễn biến hiếm thấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm một giám mục Công Giáo đang phục vụ tại một giáo phận bị xung đột ở Mozambique để lãnh đạo một giáo phận ở quê hương Brazil của ngài.
Việc bổ nhiệm này liên quan đến Đức Cha Luiz Fernando Lisboa, Giám mục Giáo phận Pemba từ năm 2013. Ngài được bổ nhiệm coi sóc Giáo phận Cachoeiro de Itapemirim ở Vùng Đông Nam Brazil.
Hôm 11 tháng 2, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong cho vị giám mục 65 tuổi, thuộc Dòng Thương Khó của Chúa Chúa Giêsu Kitô, gọi tắt là Passionists, tước hiệu “Tổng Giám Mục ad personam” – “ad personam” là tiếng Latinh, có nghĩa là trên cơ sở từng trường hợp nhất định, không phải luật chung.
“Tổng Giám Mục ad personam” là cấp bậc mà Đức Giáo Hoàng phong cho một số giám mục nhất định không phải là giám mục của các tổng giáo phận. Vì vậy, chức danh tổng giám mục được trao cho cá nhân ngài chứ không phải vì giáo phận mà ngài cai quản là một tổng giáo phận.
Sau tin tức về việc thuyên chuyển và nâng cấp lên hàng Tổng Giám Mục của Đức Cha Lisboa, các giám mục Công Giáo ở Mozambique đã bày tỏ sự cảm kích đối với sứ vụ của ngài trong cộng đồng dân Chúa ở quốc gia miền nam Phi châu.
Trong một tuyên bố, các thành viên của Hội đồng Giám mục Mozambique cho biết: “ Chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng tôi, kể từ năm 2013 cho đến rất gần đây, nhà truyền giáo vĩ đại đến từ Brazil này làm giám mục Giáo phận Pemba yêu dấu của chúng tôi”.
“Chúng tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Dom Luís Fernando Lisboa vì công việc mục vụ quên mình đã được thực hiện giữa chúng tôi, trong Hội đồng Giám mục Mozambique và tại quốc gia này, ngay cả trong những thời điểm và hoàn cảnh khó khăn như vậy”.
Với tư cách là Giám mục của Pemba, Đức Cha Lisboa là người thẳng thắn bảo vệ người dân của vùng Cabo Delgado gặp khó khăn ở phía bắc Mozambique, nơi thường xuyên là một mục tiêu bạo lực của các nhóm khủng bố Hồi giáo.
Đức Cha Lisboa sinh năm 1955 tại Barão de Japarana, Brazil. Ngài gia nhập chủng viện năm 1977 và được thụ phong linh mục năm 1983.
Năm 2001, ngài được cử đi truyền giáo đến Giáo phận Pemba, nơi ngài đảm nhiệm chức vụ phó xứ, linh mục quản xứ và giáo sư tại chủng viện Dòng Thương Khó của Chúa Chúa Giêsu Kitô.
Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Pemba vào tháng 6 năm 2013 và được tấn phong giám mục vào tháng 8 năm đó.
Năm 2018, Đức Cha Lisboa là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Mozambique và điều phối viên của bộ phận xã hội của các giám mục.
Phát biểu với Radio Itapemirim ngay sau khi nhận được bổ nhiệm mới, Đức Cha Lisboa cho biết: “Tôi là một nhà truyền giáo và tôi đã đến Phi Châu và làm việc ở đó gần 20 năm; Tôi sẽ tiếp tục với tư cách là một nhà truyền giáo, bây giờ ở đây trên đất Brazil và trong Giáo phận Cachoeira de Itapemirim thân yêu này”.
“Tôi rất hạnh phúc với sự khởi đầu mới này, vì cuộc sống của chúng tôi chỉ như vậy, luôn là một khởi đầu mới. Và tôi sẵn sàng học hỏi, bởi vì tôi biết tôi sẽ phải học”.
Source:Catholic News Agency
Các nguồn tin ở Đức nói rằng chiến dịch chống lại Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Köln là nhằm loại bỏ ngài ngõ hầu Tiến Trình Công Nghị có thể tiến hành mà không bị phản kháng.
Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Is Cardinal Woelki Being Targeted Because of His Concerns About Germany’s Synodal Path?” nghĩa là “Phải chăng Đức Hồng Y Woelki đang bị tấn công vì các mối quan ngại của Ngài đối với Tiến Trình Công Nghị của Đức?”
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Trong vài tháng qua, Đức Tổng Giám Mục của Köln đã phải hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội từ các hội đồng giáo xứ, các linh mục và gần đây nhất là hội đồng giáo phận về việc giải quyết một cáo buộc lạm dụng tính dục. Đức Hồng Y cũng không thể phụ thuộc vào sự ủng hộ của người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Cha Georg Bätzing của Limburg, là người đã nói vào tháng 12 rằng “cuộc khủng hoảng đã không được quản lý tốt”.
“Áp lực là rất lớn”, một linh mục người Đức nói với tờ National Catholic Register với điều kiện giấu tên. “Đức Hồng Y Woelki và những người khác chống lại Tiến Trình Công Nghị đang bị các chiến dịch báo chí bẩn thỉu triệt hạ”.
Trung tâm của các cáo buộc là tuyên bố cho rằng vị Hồng Y đã không công khai kết quả của một cuộc điều tra của Tổng Giáo Phận, đã được hoàn tất, về tình trạng lạm dụng tình dục dưới thời các nhà lãnh đạo hiện tại và trước đây. Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, báo cáo đã phải bị chặn lại vì những lo ngại về pháp lý và “những khiếm khuyết về phương pháp luận của nó”.
Ngài cũng bị cho là có lỗi vì không điều tra các cáo buộc nghiêm trọng chống lại một linh mục ở Düsseldorf bị cho là đã lạm dụng một cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo vào cuối những năm 1970. Sau khi Đức Hồng Y Woelki được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln vào năm 2014, ngài đã quyết định không thực hiện thêm những hành động hoặc thông báo cho Rôma, vì linh mục này “không thể bị thẩm vấn” do chứng mất trí nhớ nghiêm trọng. Linh mục ấy đã chết vì nguyên nhân tự nhiên. Nạn nhân cũng được cho là từ chối không ra làm chứng, mặc dù điều này có thể bị tranh cãi.
Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 4 tháng 2, vị Hồng Y thừa nhận rằng một ủy ban mà ngài đã thành lập để điều tra các trường hợp lạm dụng và nêu tên công khai những kẻ lạm dụng đã “mắc sai lầm”, rằng “chúng tôi đã giao tiếp không tốt” và ngài phải chịu “trách nhiệm cuối cùng” đối với các vấn đề. Nhưng ngài khẳng định mục tiêu của ủy ban không thay đổi: đó là “làm rõ tình hình” và làm mọi thứ có thể để giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ ở Tổng giáo phận Köln.
“Tôi thực sự lấy làm tiếc vì những người bị ảnh hưởng lại phải chịu đựng những đau khổ mới, có thể nói như vậy, vì những gì chúng tôi đã làm ở đây, cũng như tất cả các anh chị em trong các giáo phận khác”, ngài nói. Đức Hồng Y đã cam kết sẽ ban hành một báo cáo mới về những phát hiện của cuộc điều tra vào ngày 18 tháng 3 và báo cáo ấy sẽ “nêu tên những người chịu trách nhiệm”.
Vào tháng 12, Đức Hồng Y Woelki đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem xét những cáo buộc chống lại ngài. Vào ngày 7 tháng 2, Welt am Sonntag báo cáo rằng trường hợp của linh mục Düsseldorf đã được chuyển đến Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF. CDF đã giải tỏa mọi vấn đề liên quan đến Đức Hồng Y, và kết luận rằng ngài đã “hành động đúng theo giáo luật”.
Trong khi đó, Giám mục Felix Genn của Münster, người rõ ràng không đồng ý với Đức Hồng Y Woelki về Tiến Trình Công Nghị, đã nói rằng ngài đang xem xét liệu có nên tiến hành các cuộc điều tra giáo luật chống lại vị Hồng Y này hay không.
Các nguồn tin trong Giáo hội ở Đức, nói với tờ Register với điều kiện giấu tên, cho rằng tính chất dữ dội của các cuộc tấn công chống lại Đức Hồng Y là nhằm mục đích loại bỏ ngài, tốt nhất là trước khi báo cáo được công bố vào ngày 18 tháng 3, để Tiến Trình Công Nghị có thể tiến hành mà không bị phản kháng.
Thật vậy, những lời chỉ trích gay gắt đối với Đức Hồng Y Woelki xảy ra đồng thời với việc tái tục Tiến Trình Công Nghị - một quá trình kéo dài hai năm bắt đầu vào tháng Giêng năm 2020 để giải quyết “các vấn đề chính” phát sinh từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ. Các nhà phê bình cho rằng khẩu hiệu “giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ” chỉ là chiêu bài các Giám Mục Đức cấp tiến đưa ra nhằm mục đích rõ rệt là cải tổ Giáo hội ở Đức, theo chiều hướng phù hợp với văn hóa thế tục, đặc biệt là trong các vấn đề về đạo đức tình dục, cơ cấu quyền lực và bình đẳng giới tính.
Trong số những người chỉ trích Tiến Trình Công Nghị có Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, là người đã mô tả nó như một nỗ lực “sửa lại Lời Chúa”.
Đức Hồng Y Woelki cũng vậy. Ngài là một nhà phê bình thẳng thắn về tiến trình này trong hàng giáo phẩm Đức. Vào tháng 9, ngài cảnh báo rằng “kết quả tồi tệ nhất” sẽ xảy ra nếu “Tiến Trình Công Nghị dẫn đến ly giáo” và “điều tồi tệ nhất sẽ là một Giáo Hội quốc gia Đức được thành lập ở đây”.
Phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách Đức Giáo Hoàng quyết định phản ứng như thế nào, nhưng dường như ít có khả năng làm lung lay hầu hết hàng giáo phẩm Đức và các đồng minh của họ, những người tỏ ra quyết tâm thúc đẩy các cải cách theo đường lối thượng hội đồng.
Cho đến nay, Đức Thánh Cha đã gửi các tín hiệu lẫn lộn. Ngài đưa ra một bức thư ngỏ cảnh báo các giám mục Đức hồi tháng Sáu 2019 và bày tỏ sự “ưu tư sâu xa” đối với với quá trình này, nhưng ngay sau đó lại bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với tiến trình này vào mùa hè năm ngoái.
Bộ Giám mục và Ủy ban Giáo Hoàng Về Giải Thích Văn Bản Luật cũng đã gửi một lá thư cho các giám mục Đức vào tháng 9 năm 2019, cảnh báo rằng kế hoạch của họ tiến hành một tiến trình thượng hội đồng có hiệu quả ràng buộc là “không có giá trị về mặt giáo hội học”. Nhưng cho đến nay, những người tham gia vào Tiến Trình Công Nghị dường như hoàn toàn coi thường các hướng dẫn từ Vatican.
Tài liệu Tiến Trình Công Nghị
Những gì đang bị đe dọa đã nổi lên vào tuần trước khi một “Tài liệu Cơ bản” trình bày chi tiết một trong bốn diễn đàn của Tiến Trình Công Nghị, về việc cải tổ các cơ cấu quyền lực trong Giáo hội, bị rò rỉ cho báo chí và một bản sao đã được tờ Register thu được.
Bản báo cáo dài 66 trang, được một nhóm công tác của Công Nghị này thông qua vào ngày 3 tháng 12, lập luận rằng Giáo hội đang gặp khủng hoảng và cần phải có nhiều cải cách khác nhau, bao gồm cả các cải tổ cơ cấu quyền lực.
Báo cáo đề xuất rằng “Cần có những thay đổi cụ thể”, bao gồm việc loại bỏ “những hạn chế đối với quyền tiếp cận các hoạt động mục vụ của Giáo hội”.
Tài liệu cũng kêu gọi một số biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình và do đó giảm thiểu nguy cơ lạm dụng, bao gồm “phân quyền” đến mức cho phép các giám mục bị kiểm soát. Nó tạo ra các điều kiện cho tính đồng nghị cao hơn (về cơ bản là một Giáo hội tập thể hơn), sự tham gia mạnh mẽ của giáo dân, và dân chủ hóa Giáo hội, và tranh luận về sự minh bạch trong việc ra quyết định. Ngoài ra, nó còn tranh luận về những nỗ lực phối hợp hơn nữa nhằm đạt được bình đẳng giới tính, dưới vỏ bọc bề ngoài là hướng đến “mục tiêu chung” là thúc đẩy truyền giáo.
Đáng chú ý nhất là tài liệu này kêu gọi đời sống độc thân linh mục bắt buộc phải được “xem xét lại theo quan điểm của những thách thức mục vụ”, và nói thêm rằng một thay đổi được đề xuất như vậy “sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu ở Đức, được gửi tới Tòa Thánh để các tình huống mục vụ khác nhau có thể được trả lời theo những cách khác nhau tại địa phương”.
Báo cáo coi việc phong chức cho phụ nữ là một “vấn đề về quyền lực và sự phân chia quyền lực”, và tuyên bố rằng phán quyết rõ ràng năm 1994 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng phụ nữ không được thụ phong linh mục “thường bị chất vấn”. Báo cáo tiếp tục rằng “Cần thiết phải kết nối lại một lần nữa Kinh Thánh và Truyền Thống với những dấu chỉ của thời đại”. Tài liệu kết luận rằng Tiến Trình Công Nghị cũng nên bỏ phiếu về vấn đề phụ nữ được phong chức linh mục Công Giáo.
Một linh mục người Đức, nói chuyện với tờ Register với điều kiện giấu tên, đã chỉ trích tài liệu này là “kế hoạch tổng thể cho việc phản đối Giáo hội” và nói rằng Giáo hội nên “thức tỉnh” trước những gì “hiện đang được sản xuất ở Đức, nếu không chúng ta sẽ có Cải cách 2.0”.
Giống như phần còn lại của Tiến Trình Công Nghị, tài liệu cuối cùng sẽ được toàn thể hội đồng bỏ phiếu thông qua (Giám mục Bätzing đã xác nhận việc bỏ phiếu về Tiến Trình Công Nghị sẽ diễn ra vào tháng 9), nhưng theo Vatican, bất kỳ kết luận nào đạt được và bất cứ quyết nghị nào được thông qua đều sẽ không có tính ràng buộc. Tuy nhiên, các kiến trúc sư của Tiến Trình Công Nghị lại nghĩ khác và coi đó là ràng buộc đối với Giáo hội địa phương, và có khả năng ảnh hưởng cả đến Rôma nữa.
Source:National Catholic Register
Căng thẳng đã bùng lên giữa Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, với một số thần học gia Tin lành của Đức và cả với một số Giám Mục Đức chung quanh toan tính cho người Tin lành rước lễ trong cách thánh lễ Công Giáo.
Để hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về câu chuyện này, trước hết là tình hình của các Giám Mục Đức.
Trong các trường hợp liên quan đến ly giáo, và lạc giáo, thông thường, Giáo Hội phải đối phó với tình trạng là một số thần học gia đưa ra các lý thuyết sai lầm nghịch lại với đạo lý đã được xác lập và tin tưởng của Giáo Hội. Trong các trường hợp như thế, các Giám Mục, trong tư cách là thầy dạy là những người bảo vệ đạo lý. Tình hình ở Đức hiện nay lại khác. Nhiều Giám Mục lại chính là những người tạo ra vấn đề. Vụ “hiệp thông Thánh Thể” với người Tin lành, hay nói dễ hiểu là toan tính cho người Tin lành rước lễ trong cách thánh lễ Công Giáo, là một ví dụ.
Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, là người cổ vũ mạnh mẽ cho xu thế này, bất kể Bộ Giáo Lý Đức Tin đã nói rõ với ngài rằng đề xuất này không phù hợp với sự hiểu biết của người Công Giáo về Giáo hội, Thánh Thể và bí tích Truyền chức thánh.
Đề xuất của các thần học gia Tin lành và Đức Cha Georg Bätzing
Tại Đức có một nhóm Nghiên cứu Đại kết của các nhà Thần học Tin lành và Công Giáo, được biết đến với tên viết tắt tiếng Đức là ÖAK.
ÖAK được thành lập vào năm 1946 để tăng cường mối quan hệ đại kết. Tổ chức này độc lập với cả Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức lẫn Hiệp hội Tin lành ở Đức, gọi tắt là EKD, một tổ chức đại diện cho 20 nhóm Tin lành. Nhưng ÖAK thông báo cho cả hai cơ quan về những cuộc tranh luận của nó.
Trong một tài liệu được công bố vào năm 2019 do ÖAK soạn thảo có tựa đề “Cùng nhau nơi Bàn tiệc của Chúa”, tổ chức này cho rằng các nghiên cứu của họ cho thấy “thực hành cùng nhau tham dự vào các buổi cử hành Rước Lễ hay Thánh Thể, trong khi tôn trọng các truyền thống phụng vụ của nhau, là có cơ sở về mặt thần học”, và dự kiến một “chia sẻ Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.
Vào tháng 5 năm 2020, một phiên họp gồm các thành viên của EKD và Hội Đồng Giám Mục Đức đã đi đến việc hình thành một tài liệu “nghiên cứu phát triển một khuôn khổ thần học cho quyết định của lương tâm cá nhân, liên quan đến việc tham gia qua lại trong Thánh Thể / Bữa Tiệc Ly của Chúa”.
ÖAK đã thông qua tài liệu hiệp thương này dưới sự đồng chủ tịch của Giám mục Georg Bätzing, người hiện là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo, và Giám mục Martin Hein đã nghỉ hưu của Tin lành Luther.
Hội Đồng Giám Mục Đức dự kiến sẽ bỏ phiếu về đánh giá của nhóm ÖAK vào cuối tháng 9 nhưng cuộc bỏ phiếu đã bị hoãn lại do sự can thiệp của Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF.
Can thiệp của Bộ Giáo Lý Đức Tin
Trong một lá thư gửi cho Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, CDF nói rằng đề xuất này không phù hợp với sự hiểu biết của người Công Giáo về Giáo hội, Thánh Thể và bí tích Truyền chức thánh.
CDF nhấn mạnh rằng những khác biệt đáng kể vẫn còn giữa những người Tin lành và Công Giáo về Bí tích Thánh Thể và chức tư tế.
Tài liệu của CDF vạch rõ rằng: “Những khác biệt về tín lý vẫn còn rất quan trọng đến mức những khác biệt này đang loại trừ khả năng tham gia đối ứng trong Bữa Tiệc Ly của Chúa và Thánh Thể”.
CDF gợi ý rằng văn bản ÖAK nên truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận thần học hơn nữa, nhưng cảnh báo trước bất kỳ bước nào hướng tới sự hiệp thông giữa người Công Giáo và các thành viên của Giáo hội Tin lành ở Đức (EKD), một tổ chức đại diện cho 20 nhóm Tin lành.
CDF đã cảnh cáo nghiêm khắc về những hệ lụy tức khắc của sự hiệp thông Thánh thể giữa Công Giáo và Tin lành, và chỉ ra rằng:
“Việc Giáo Hội Công Giáo mở ra mối tương giao bữa tiệc Thánh Thể với các giáo hội Tin lành thành viên của EKD trong tình trạng thảo luận thần học hiện nay nhất thiết sẽ mở ra những rạn nứt mới trong cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Chính thống, không chỉ ở Đức mà thôi”.
Một ghi chú trên trang web của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo nói rằng sự can thiệp của CDF “đã trở nên cần thiết vì nghiên cứu ÖAK hiện đã được đưa ra với tư cách là một ý kiến chuyên gia cho Hội Đồng Giám Mục Đức, trên cơ sở là cá nhân các giám mục Công Giáo có quyền tự quyết định quan điểm giáo lý riêng của mình”.
Đáp lại, ÖAK đã công bố tuyên bố dài 26 trang vào ngày 24 tháng Giêng để đáp lại đánh giá quan trọng của Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, gọi tắt là CDF, về đề xuất của nhóm liên quan đến “lòng hiếu khách có đi có lại trong bí tích Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.
Phản ứng của Đức Hồng Y Kurt Koch
Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, đã can thiệp vào vấn đề này. Ngài đã bày tỏ sự “kinh ngạc” trước tuyên bố của ÖAK.
Đức Hồng Y Kurt Koch nói với CNA Deutsch, đối tác tin tức bằng tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài đã ngạc nhiên tột cùng trước giọng điệu và cách lựa chọn từ ngữ trong tuyên bố, cũng như nội dung và thời điểm của nó.
Vị Hồng Y người Thụy Sĩ cũng đặt câu hỏi liệu các tác giả trong bản tuyên bố này có chân thành kêu gọi thảo luận thêm với Rôma hay không.
“Sau hơn 20 trang đã được dành để phản bác rằng, trên thực tế, không có yêu cầu nào của Bộ Giáo lý Đức tin về tài liệu của ÖAK là chính đáng, người ta tự hỏi mức độ nghiêm túc mà các tác giả bản tuyên bố này bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận sâu hơn thực sự có ý nghĩa hay không”, ngài nói.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 3 tháng Hai với katholisch.de, là trang web của Giáo Hội Công Giáo tại Đức, Volker Leppin, một giáo sư lịch sử Giáo hội tại Đại học Tübingen và là giám đốc học thuật của ÖAK than thở rằng Đức Hồng Y đã “sống sượng bác bỏ” một tuyên bố 26 trang do Oak đưa ra vào ngày 24 tháng Giêng.
Trong một bức thư ngỏ đề ngày 8 tháng Hai, dài 6 trang, Đức Hồng Y Kurt Koch đã phản bác thần học gia Leppin.
Trong bức thư ngỏ của mình, Đức Hồng Y Koch phủ nhận cáo buộc của Leppin cho rằng ngài từ chối tham gia vào các lập luận của ÖAK. Ngài cũng nhấn mạnh điều mà ngài gọi là “sự khác biệt nghiêm trọng” giữa tuyên bố của ÖAK và thông lệ phổ biến trong các nhà thờ Tin lành.
Vị Hồng Y người Thụy Sĩ đưa ra ví dụ về Giáo hội Tin lành ở Hesse và Nassau, một trong những giáo hội thành viên của EKD. Ngài lưu ý rằng những giáo hội này mời những người chưa được rửa tội tham gia vào buổi lễ Tiệc Ly của Chúa.
Đức Hồng Y Koch nói rằng thực tế này mâu thuẫn với tuyên bố của Oak rằng có một “sự hiểu biết cơ bản” liên quan đến một sự “công nhận” tương tự về bí tích rửa tội cũng như có một sự “tương ứng trong các hình thức phụng vụ của việc cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa”.
“Phép Rửa Tội và sự công nhận lẫn nhau về tính thành sự của phép Rửa Tội được coi là đại diện cho nền tảng của đại kết. Nhưng nếu một bên đối tác đại kết lại tương đối hóa phép Rửa Tội đến mức nó không còn là điều kiện tiên quyết để tham gia vào Bữa Tiệc Ly của Chúa nữa, thì câu hỏi phải được đặt ra đối với nền tảng của phong trào đại kết”, Đức Hồng Y Koch đã viết trong bức thư ngỏ của ông.
Đức Hồng Y cho biết ngài rất ngạc nhiên “rằng có sự khác biệt như vậy giữa tuyên bố của ÖAK và thực tế trong các nhà thờ Tin lành, là điều không được các thành viên ÖAK ghi nhận hoặc, nếu có, không được trình bày, dù là theo một cách cực kỳ tối thiểu đi chăng nữa”.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Koch bày tỏ lòng biết ơn rằng nhóm nghiên cứu đại kết đã đầu tư “rất nhiều năng lượng và nhiệt thành” để vượt qua những vấn đề chia rẽ người Công Giáo và người Tin lành. Nhưng ngài nói rằng những bước đi như vậy chỉ có thể thực sự thành công khi đối mặt với “thực tế cụ thể”.
Ngài nói thêm rằng các vấn đề chưa được giải đáp nên được nêu ra một cách cởi mở thì sau đó mới có thể được giải quyết.
Source:Catholic News Agency
CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI
(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus
par Pierre Descouvemont
Bản tiếng Việt của Vũ Văn An)
III. Một Nụ Mỉm Cười Mời Gọi Nụ Mỉm Cười Của Ta
để ngày ngày được hớn hở vui ca”.
Tv 90:14
1.Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của con làm Chúa vui lòng
Nếu đúng Chúa Kitô không ngừng mỉm cười với chúng ta, và đúng như thế, thì điều tối thiểu là chúng ta hãy điều chỉnh khuôn mặt ta cho phù hợp với nụ mỉm cười bất biến này, nụ cười muốn đòi hỏi nụ mỉm cười của ta.
Thánh Têrêxa thành công làm giám tập chính là nhờ nghệ thuật mỉm cười này. Thánh nữ thổ lộ, “Khi tôi rất đau khổ, khi xẩy ra cho tôi những chuyện đau lòng, không có chi thích thú, thay vì tỏ dáng điệu buồn bã, tôi đáp ứng bằng một nụ mỉm cười. Thoạt đầu, tôi không luôn thành công; nhưng nay, đây là một thói quen mà tôi thấy mình hạnh phúc đã thu đạt được” (37). Ngày 18 tháng 4 năm 1897, sau khi thổ lộ cùng Mẹ Agnès một số nỗi buồn tủi mà một lần nữa thánh nữ vừa “thu góp được”, thánh nữ nói thêm: “Thiên Chúa tốt lành đã ban cho con mọi phương thế để mãi làm người bé nhỏ; nhưng điều cần là con luôn hài lòng: con tự sắp đặt để dù ở giữa sóng bão, luôn giữ cho con được bằng an ở bên trong” (38). Sự tự tin qúy báu chứng minh hùng hồn việc hiện hữu cùng một lúc của cả cảnh náo động ở bình diện cảm giới, “sóng bão”, lẫn bình an sâu thẳm tận đáy “tâm hồn”.
Việc chọn mỉm cười luôn luôn và ở mọi nơi như trên, bất kể các hoàn cảnh hiện sinh có ra sao, không phải là thói quen dễ dàng có được: không phải ngày một ngày hai là đạt được và, ngay sau nhiều năm cố gắng, người ta vẫn phải chiến đấu để khỏi tức giận đối với những ai làm ta khó chịu và do đó đánh mất nụ mỉm cười.
Nhưng ở đây không có ý nói đến việc tự làm mình ra căng thẳng và tự thuyết phục mình đang bơi lội trong hạnh phúc và mọi sự sẽ tốt hơn trong thế giới tốt nhất: người ta duy trì một ý thức sắc bén đối với mọi bi kịch của cuộc đời và các khó khăn chính họ phải đương đầu.
Vốn là người mẫn cảm, Thánh Têrêxa biết rõ mình không thể ra lệnh một cách độc đoán cho các thất vọng và những điều bất ngờ trong mẫn cảm của mình; nhưng thánh nữ cũng biết rõ người ta có thể thu lượm được thói quen làm chủ các nét trên khuôn mặt mình và điều chỉnh để chúng phù hợp với ước nguyện đem lại một chút gắn bó chặt chẽ nào đó cho đời sống mình. Nếu Chúa mỉm cười với tôi, tôi phải mỉm cười đáp lễ lại Người.
Cho nên, không hề có chút giả hình nào trong thái độ trên. Nó phát biểu điều nó có một cách sâu xa hơn trong tôi: biết chắc rằng nụ mỉm cười của Chúa hiện diện ở đó, rất gần. Nó cũng phát biểu một cách đặc biệt niềm vui của tôi được đáp ứng bằng một nụ mỉm cười nụ mỉm cười rất gần gũi của Đấng Phụ Sinh:
“Tôi rất muốn chịu đau khổ tuy không nói ra
Để Chúa Giêsu được an ủi
Niềm vui của tôi là được nhìn thấy Người mỉm cười
Lúc lòng tôi phát vãng” (39).
Tại sao Chúa vui lòng đối với của dâng ta dâng lên Người bằng các hy sinh của ta? Phải chăng Người lấy làm vui thấy con cái Người đau khổ? Chắc chắn là không! Điều làm Người vui lòng nơi ta không phải là các đau khổ của ta, nhưng là xác tín sâu xa rằng chúng ta không giữ tận sâu thẳm trong ta bất cứ điều gì có thể tách rời ta khỏi tình yêu của Người, thứ “mỉm cười nội tâm” mà ta dâng lên Người và ta cố gắng diễn dịch trên khuôn mặt ta. Thánh Têrêxa từng nói một cách thân mật, “Thiên Chúa tốt lành, Đấng vốn yêu ta xiết bao, đã đau khổ đủ trong việc buộc phải để ta trên dương thế hoàn tất thời gian thử thách của ta, ta đừng luôn luôn đến thưa đi thưa lại với Người rằng chúng ta đau khổ ở đó; không nên có giáng vẻ bị nhìn thấy như vậy” (40).
Vì cùng một lý do, thánh nữ cũng có thói quen mỉm cười khi tự ban kỷ luật cho chính mình hay khi phải chịu một vài đau đớn thể xác. Và thánh nữ yêu cầu các tập sinh tiếp nhận cùng một thái độ. Chị Maria Chúa Ba Ngôi có lần nói, “Chị sửa dạy tôi mỗi lần chị thấy tôi nhăn trán hay cau mặt. Có lần chị bảo tôi, khuôn mặt phản chiếu linh hồn: phải luôn bình thản và thanh thản như khuôn mặt một em bé luôn hân hoan, cả khi ở một mình vì chị luôn hiện diện trước mặt Thiên Chúa và các thiên thần” (41).
Đó là lý do tại sao Thánh Têrêxa mạnh mẽ khuyên chị Maria Chúa Ba Ngôi đừng có khóc, dù ở nơi kín đáo. Sau này chị này làm chứng “Khi tôi khóc, chị Têrêxa bảo tôi nên làm quen với việc không để các nỗi đau buồn nho nhỏ của tôi lộ ra bề ngoài. Tôi nói với chị ‘đúng, em chỉ khóc với Thiên Chúa tốt lành mà thôi’. Chị sửa ngay: ‘đừng hành động như thế: Ông chủ tốt lành này chỉ có các đan viện của ta để Người làm vui tâm hồn Người. Người đến chỗ chúng ta để quên đi đủ thứ kêu ca liên tiếp của bạn hữu Người trên thế gian... vậy mà em lại hành động như những người tầm thường trong cõi tử sinh!... Chúa Giêsu thích những tâm hồn hồn vui tươi, vậy đến khi nào em mới biết giấu Người các đau khổ của em, hay nói với Người bằng giọng hát rằng em hạnh phúc khi được đau khổ vì Người?” (42).
Cha M.D. Molinié đã nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm vui trên trong linh đạo của Thánh Têrêxa. Ngài viết “Những người cứu các linh hồn là những người ca hát và không phải đau khổ mang giá trị cho lời ca của họ, mà là sự kiện ca hát vì yêu thương đem giá trị lại cho các đau khổ của họ vì nó đem lại cho chúng giá trị đó tại trường dạy của Chúa Giêsu để trở nên tiếng vang của lời ca ngợi Chúa Ba Ngôi [...] Người ta thấy có những người thiện chí có nguy cơ rơi vào sai lầm rất lớn, mà tôi không hề có ý định kết án, nhưng các đau khổ của họ có nguy cơ trở thành phần nào vô dụng, vì khi dâng hiến, họ gán vào đó nhiều tầm quan trọng hơn là tính nhưng không vô ích của lời ca vì yêu thương của họ. Thánh Têrêxa sau đó ít lâu cũng đã nói, ngay cả nếu Chúa Giêsu không biết tôi chịu đau khổ vì Người, tôi cũng vẫn sung sướng dành cho Người điều đó... chỉ đơn giản vì trong các tặng phẩm này, Thánh Têrêxa chỉ lưu tâm tới niềm vui cho đi, chứ không phải cái gía của điều thánh nữ cho đi” (43).
Thánh Têrêxa cũng biết rằng để chịu đau khổ “theo lòng Thiên Chúa” và cứu các linh hồn cho Người, không cần phải chịu đau khổ một cách can đảm, hào hứng; chỉ cần chấp nhận các đau khổ của mình vì Người, chúng có thế nào thì chấp nhận như vậy, và, mình có thế nào thì tự trình bầy cho Chúa như thế. Sự đau khổ, sự thất vọng thường mạnh đến nỗi niềm vui chỉ có thể có “trong tận sâu tâm hồn”.
Thánh Têrêxa vốn hoàn toàn hiểu rõ điều ấy khi đọc các ghi chép cuộc cấm phòng do Cha Pichon giảng ở dòng CátMinh Lisieux hồi tháng 10 năm 1887, chỉ vài tháng trước khi thánh nữ nhập dòng. Các suy tư của vị giảng phòng về cơn hấp hối của Chúa Kitô quả đạt tới kết luận này: “Thiên Chúa duy trì ta ở thế chịu đau khổ lớn lao, mạnh mẽ, đại lượng! Ôi! Ta hãy biết rằng nếu không có thập giá sâu kín đầy chán nản này, mọi thập giá khác đều không là gì cả”. Thánh Têrêxa thẩm thấu sâu xa bài học này, nếu ta phán đoán từ các lời khuyên ngài ngỏ cùng chị Céline khi chị 20 tuổi, tức ngày 26 tháng 4 năm 1889, lúc Ông Martin phải ở trong “nơi ẩn náu” như người ta nói hồi ấy, từ hai tháng trước: “Ta đừng tưởng có thể yêu mà không chịu đau khổ, không đau khổ nhiều. Ta hãy chịu đau khổ một cách đắng đót, nghĩa là không can đảm! Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trong buồn bã; không buồn bã, linh hồn có đau khổ không? Thế mà chúng ta lại muốn chịu đau khổ một cách đại lượng, lớn lao... Này chị Céline! Quả là ảo tưởng!” (44).
Chính bằng cách đó Thánh Têrêxa sẽ chấp nhận cơn đau đớn của bệnh lao. Những Cuộc Đàm Đạo Cuối Cùng cho ta thấy việc chắc chắn cứu vớt được các linh hồn không khiến Thánh Têrêxa sống trong trạng thái sảng khoái. Nếu ta muốn một thí dụ về cách rất khiêm nhường thánh nữ đã chịu đau khổ, ta nên xem chiến thuật mà thánh nữ đã yêu cầu chị Céline sử dụng vào một trong những thời điểm đau đớn nhất của cơn bệnh, lúc bệnh lao đã lan tới đường ruột. Đó là ngày thứ bẩy 21 tháng 8. Bị tức thở khủng khiếp, Thánh Têrêxa thầm thĩ: “em đau, đau quá...” nhưng ngay sau đó, ngài tự trách mình và nói với chị Céline “khi em nói ‘em đau quá’, chị nên trả lời: “càng hay”! Em không còn sức; lúc đó, chị sẽ hoàn tất điều em muốn nói” (45).
Do đó, ta đừng tưởng tượng ra một Têrêxa thành Lisieux lúc nào cũng mìm cười, ngay ở giữa những đau đớn tàn bạo nhất. Những đau đớn khiến ngài phải nói đừng để thuốc men vừa tầm tay người bệnh đang đau đớn vì những cực hình tương tự (46).
Nhưng Thánh Têrêxa thực sự biết sự bình an sâu xa mà Chúa vốn ban cho những ai tin vào tình yêu của Người, một sự bình an tương hợp với mọi đau đớn của linh hồn và thân xác. Một ngày kia, chỉ lỗ hổng đen tối ngài nhìn thấy từ giường nằm trong lối đi có hàng cây dẻ, ngài đưa ra nhận xét “em đang hiện diện trong chính một lỗ hổng như thế, cả linh hồn lẫn thân xác. A! Đúng, tối tăm làm sao! Nhưng em ở đó bình an” (47).
Việc hiện hữu cùng một lúc trong tâm hồn thánh nữ cả bóng đen lẫn bình an giúp ngài đoán định được điều gì xẩy ra trong linh hồn Chúa Kitô, khi Người chịu đau đớn trong vườn Diệtsimani: cơn hấp hối khủng khiếp của Người không ngăn được Người vui hưởng phận làm Con yêu dấu của Chúa Cha” (48).
Đúng, sự chắc chắn “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:39) giúp ngài sống trọn vẹn câu 5 Thánh vịnh 92:
“Lạy Chúa, Chúa làm con đầy mừng rỡ,
Vì mọi điều Chúa đã thực hiện”.
Thánh Têrêxa đã chép câu trên vào cuối cuốn Tin Mừng ngài luôn mang trên ngực. Và ngài gạch dưới chữ “mọi điều” vì xác tín rằng: “mọi sự đều là ơn thánh”.
Ước nguyện muốn làm vui lòng Chúa Giêsu xâm chiếm trọn tâm hồn Thánh Têrêxa đến nỗi ngài dám nói rằng ngài tự ý chấp nhận chịu đau khổ một cách vụng trộm để Người được vui, cho dù có thể Người không biết nguồn gốc của niềm vui này. Thánh nữ thổ lộ ngày 9 tháng 5 năm 1897, “Nếu Thiên Chúa tốt lành không thấy các hành động tốt của con, thì con cũng sẽ không hề buồn phiền chi. Con yêu mến Người đến nỗi con muốn có khả năng làm Người vui lòng ngay cả nếu Người không biết đó là chính con. Biết điều đó và thấy điều đó, Người như thể buộc phải trả công con: con không muốn đem đến cho Người nỗi khổ ấy” (49).
Mấy tuần lễ sau, thánh nữ viết trong tập viết tay cuối cùng rằng thánh nữ sung sướng được dâng đêm đen thiêng liêng để những người không tin trở lại. Và thánh nữ viết thêm: “Đau đớn càng sâu kín, càng ít tỏ hiện với mắt tạo vật, nó càng làm Chúa vui, ôi lạy Thiên Chúa của con! Nếu vì một phép lạ nào đó, chính Chúa làm ngơ nỗi đau đớn của con, con vẫn sung sướng nếu, nhờ nó, con có thể ngăn cản hay đền bù một lỗi lầm duy nhất đã phạm chống lại đức tin” (50).
Và một tháng sau đó, thánh nữ thổ lộ với mẹ đỡ đầu: “Nếu Thiên Chúa tốt lành nói với con: ‘Nếu con chết ngay lập tức, con sẽ có một vinh quang rất lớn. Nếu con chết lúc 80 tuổi, vinh quang của con chỉ còn một nửa, nhưng điều này sẽ làm Ta vui lòng nhiều hơn’. Thì con sẽ không ngần ngại trả lời: ‘Lạy Thiên Chúa của con, con muốn chết ở tuổi 80, vì con không tìm vinh quang của con, mà chỉ tìm sự vui lòng cho Chúa”. Các vị đại thánh đã làm việc vì vinh quang của Thiên Chúa tốt lành, nhưng phần con, con chỉ là một tâm hồn nhỏ bé, con làm việc vì sự vui lòng duy nhất của Người, vì những trò vui thích của Người và con sung sướng được chịu những đau đớn lớn lao nhất, ngay cả khi Chúa không biết, nếu có thể, không phải để đem lại cho Người một vinh quang chóng qua chỉ cần con được biết, qua việc đó, một nụ mỉm cười có thể nở trên môi Người” (51).
Đó là sứ điệp được Thánh Têrêxa không ngừng chuyển tới thầy Văn, người em trai nhỏ bé của thánh nữ: điều Chúa Giêsu đánh giá cao hơn hết nơi thầy là niềm vui trên khuôn mặt thầy.
“Chúa Giêsu hài đồng rất yêu thương em. Không bao giờ Người muốn thấy em buồn; nếu em buồn, Người không biết phải cười với ai. Em cũng như chị là đồ chơi của Chúa hài đồng: nên em phải làm sao để Người vui tươi, đừng bao giờ để lộ nỗi buồn. Nếu Người thấy em buồn, Người sẽ rất bối rối, sợ rằng đã làm em đau đớn vì một điều gì đó, và chính Người là nguyên nhân nỗi buồn của em” (52).
Một sứ điệp mà chính Chúa Giêsu cũng xác nhận trong những cuộc đàm đạo thân mật giữa Người và thầy:
-Lạy Chúa Giêsu, thầy Văn hỏi, có phải đôi khi xẩy ra việc Chúa buồn vì con không?
-Con ạ, nếu điều đó xẩy ra thì duy nhất là vì Ta thấy con buồn. Khi con vui, làm sao Ta lại buồn cho được? Vậy, con hãy luôn vui tươi, đúng không? Chỉ một trong các niềm vui của con thôi cũng đủ để Ta được an ủi rất nhiều” (53).
Niềm vui đó, thầy Văn phải giữ gìn suốt trong tuần thánh! Ngày 20 tháng 4 năm 1946, Thứ Bẩy Tuần Thánh, Chúa Giêsu nói với thầy Văn:
“Chú nhỏ, ai bảo con khóc vào ngày Ta chịu đóng đinh? Thế là con pha mình vào công việc Ta làm rồi. Vai trò của con không phải là thương hại Ta, mà duy nhất là yêu mến Ta” (54).
Trước đó ít ngày, Người nói với thầy Văn, “Chuyện thông thường là con nhận được nhiều an ủi trong tuần thánh vì người làm vườn là Ta tìm được niềm vui làm cho đóa hoa của mình tươi đẹp hơn: càng vui tươi, con càng an ủi người yêu hoa” (55).
Một trong các sứ mệnh của thầy Văn chắc chắn là công bố ước nguyện chính thức của Chúa: “Hãy luôn vui tươi trong mọi hoàn cảnh, để Ta được vui!”
Với một bạo dạn gây ngạc nhiên, Thánh Têrêxa hết lòng tin rằng chỉ bằng các nụ mỉm cười của ngài, ngài có khả năng làm Chúa Giêsu mỉm cười nhiều hơn nữa, làm Người thực sự vui lòng. Xác tín này sinh động hóa các hy sinh thánh nữ đã hoàn thành lúc còn thơ và ngài ghi sổ trên cỗ tràng hạt thực hành. Thánh nữ viết trên tờ khấn dòng của ngài, ngày 8 tháng 9 năm 1890: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho con, nếu con nói những điều không nên nói: con chỉ muốn làm Chúa vui tươi và an ủi Chúa” (56). Trong Kinh dâng mình, ngày 11 tháng 6 năm 1895, ngài quả quyết chỉ làm việc vì một mục đích duy nhất là làm Người “vui lòng” (57) và trong một bài thơ cuối cùng tựa là “Niềm Vui Của Tôi”, ngài kêu lên:
“Vì Chúa, người anh trai Thần Thánh bé nhỏ của con
Con sung sướng chịu đau khổ
Niềm vui duy nhất của con ở trên đời
Là có khả năng làm Chúa vui tươi” (58).
Người ta chỉ thể tự giải thích tính đại lượng khó tin của Thánh Têrêxa rằng bằng sự bạo dạn này, mà với nó thánh nữ đã dám tin ngài có khả năng làm Chúa Giêsu mỉm cười. Những bông hoa thánh nữ muốn dâng trước ngai của Người và các ca khúc đi kèm lễ dâng này “sẽ làm Giáo Hội chiến thắng mỉm cười, chúng sẽ làm Chúa Giêsu ‘say mê’, chúng ‘sẽ làm Người vui lòng’” (59).
-Tôi nở hoa, nó trả lời, để một sáng kia, khi ngắm nhìn thế giới, Thiên Chúa thấy nó đẹp đẽ hơn.
Quả là một mầu nhiệm! Nó làm mê hồn Cha Marie-Bernard, vị đan sĩ ở Soligny, người đã làm mẫu tại xưởng vẽ của ngài tượng “Têrêxa hoa hồng” mà người ta tìm thấy hầu như khắp nơi (ba trăm ngàn bức trên thế giới). Trong một ghi chú ngày 31 tháng Giêng năm 1963, ngài nhấn mạnh sự bất lực của lý trí ta để làm rõ ý niệm về khả thể chưa từng được nghe là ta phải làm trái tim Thiên Chúa vui tươi. Giữa sự sống Ba Ngôi, Thiên Chúa vui hưởng một hạnh phúc bất tận. Người tuyệt đối không cần đến ta để được hạnh phúc. Tuy nhiên, Người vui lòng, một cái vui bất tận! tiếp nhận các cử chỉ yêu thương và biết ơn của các tạo vật nhỏ bé khốn khổ này. Cha Marie-Bernard nhận xét rằng “các nhà thần học nói rằng như thế, ta đem đến cho Thiên Chúa một niềm vui phụ (accidentelle)”. Vị đan sĩ dòng Trappe nói mỉa một cách dịu dàng “Hãy coi như thế nếu bạn muốn, nhưng điều chắc chắn, tuyệt đối chắc chắn, là niềm vui này của Thiên Chúa, của Chúa chúng ta, rất mênh mông và tùy sự tự do, lòng biết ơn và lòng độ lượng nhân bản”.
Nhiều lần, trong các vần thơ của ngài, Cha Marie-Bernard cũng phát biểu niềm vui của ngài được góp phần vào hạnh phúc của Thiên Chúa:
“A, miễn là tôi được làm niềm vui của Người
Sự an nghỉ, vinh quang, mồi của Người,
Kết liễu mọi hạnh phúc khác” (60).
Và miệng con sẽ ca ngợi Chúa
(Tv 51:17)
Khi hát câu Thánh vịnh trên đầu giờ kinh nguyện phụng vụ, ta không những xin ơn hát hay, mà cả ơn biết mỉm cười nữa! Vâng, lạy Chúa, xin cho con mỉm cười! Lúc đó, con có thể hát đúng sự thật rằng “Niềm vui trên môi, con sẽ ca ngợi Chúa” (Tv 63:6).
Phác thảo một nụ mỉm cười trên môi, điều đó đẹp đẽ và cử hành vinh quang của Thiên Chúa cách tốt đẹp, là diễn tả trên khuôn mặt ta sự dịu dàng mênh mông của Chúa Cha. Cha Marie-Bernard thích nhắc đi nhắc lại “Linh hồn ca hát là linh hồn được Thiên Chúa sảng khoái”. Ta có thể thêm: “khuôn mặt tươi cười, đó là trái tim vui tươi, một hữu thể được Thiên Chúa thán phục”.
Và không phải việc nhớ đến các tội lỗi của mình phải ngăn cản ta mỉm cười và ca hát. Tất cả các câu trong Thánh vịnh 51 là tiếng khóc than của một người tội lỗi. Họ nhận biết tội lỗi mình, sai phạm của họ luôn ở trước mặt họ (câu 5), họ xin Chúa tắm rửa họ, làm họ trong sạch (câu 4), ban cho họ tâm hồn trong trắng (câu 12), nhưng trên hết, họ xin Người ban cho họ niềm vui cứu rỗi (câu 14).
Kỳ tới: 2. Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của con góp phần cứu rỗi thế giới
LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA THẦN HỌC PHỤNG VỤ
Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu "bụi tro" được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.
1. Lịch sử Thứ Tư Lễ Tro
Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: "Mùa Chay bắt đầu từ Thư Tư Lễ Tro và kết thúc ngay truớc Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay" (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro.
Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, Ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thề vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là "Ðầu Mùa Chay" (Caput ieiunii), hay " Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày" (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604).
Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình... Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đưổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu (tituli) của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, thánh Phaolô ngoại thành, thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây.
Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ.
Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo Hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đ kiệu, Ðức Giáo Hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo Hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài "Chúng ta hãy thay đổi đời sống, Xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵng sàng tha thứ mọi tội khiên" (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo Hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội (Sứ điệp Mùa Chay năm 2002 mang tựa đề: Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không [Mt 10,8]).
Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời : "Ta là thân cát bụi sẽ trỏ về cát bụi" (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc âm: "Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng" (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu "tro" đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: "Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời" (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).
2. Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro
Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).
Trong truyền thống các đan sĩ và tụ viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: "Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi". Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.
Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tồ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, ttốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải "quay trở lại" một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ "canh tân" trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng. Nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thư Tư Lễ Tro.
Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như mầu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.
Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.
Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ.
Hãy nhớ người là tro bụi
*Thực ngàn năm trước như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh.
Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán : Hãy trờ về gốc, hỡi con người ! - (Tv.89)
Ôi Lạy Chúa ! Con chỉ là tạo vật,
Chúa dựng con từ nắm đất bụi tro,
Ban con đời sống hạnh phúc tự do,
Nhưng con đã quay đầu phản nghịch Chúa.
Ôi Lạy Chúa ! Một đời con lạc lối,
Ham danh lợi và mê muội phù vân,
Hồn hoảng loạn rời rã cả tấm thân,
Đi đi mãi càng chìm trong vô vọng.
Ôi Lạy Chúa ! Suốt đời con phiêu bạt,
Sống dật dờ của một kiếp phù du,
Hồn đớn đau trong thân xác ngục tù,
Lang thang mãi càng xa rời Thiên phúc.
Ôi Lạy Chúa ! Cho hồn con bừng tỉnh,
Biết ăn năn và xám hối chân tình,
Như kẻ chết được diễm phúc hồi sinh,
Trong cứu độ nơi Tình yêu Thiên Chúa.
Ôi Lạy Chúa ! Cho lòng con đón nhận,
Một tín điều suy gẫm cả cuộc đời,
“Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro.
Rồi sẽ phải trở về cùng tro bụi.”
ĐINH QU N
1. Đức Tổng Giám Mục San Francisco: Chính quyền không thể đóng cửa nhà thờ, 'khoa học' đứng về phía chúng tôi
Các quan chức chính phủ không thể đóng cửa các nhà thờ viện cớ việc thờ phượng là “không thiết yếu” trong đại dịch — đặc biệt là khi họ đang mâu thuẫn với “khoa học” khi làm như vậy, Đức Tổng Giám Mục San Francisco viết hôm thứ Năm.
Người Công Giáo “có bằng chứng khoa học chứng minh một cách tích cực rằng chúng tôi có thể cử hành Thánh lễ an toàn trong nhà”, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã đưa ra lập trường trên trong một bài báo cho Wall Street Journal hôm thứ Năm.
Ngài viết bài báo sau khi Tòa án Tối cao vào ngày 5 tháng 2 ra phán quyết rằng lệnh cấm thờ phượng trong nhà của tiểu bang California là vi hiến.
“Giới tinh hoa chính trị ban hành lệnh y tế mà bản thân họ không tuân theo đang gây phẫn nộ, và hủy hoại vô số sinh kế mà không có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho hành động đó”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone lưu ý, khi nhắc đến các quan chức chính phủ không tuân thủ các lệnh y tế công cộng.
Cordileone nói thêm rằng những tình tiết như vậy “đặc biệt” gây phẫn nộ cho người Công Giáo, những người đã có bằng chứng khoa học rằng các Thánh lễ trong nhà có thể được cử hành một cách an toàn.
“Chỉ có thẩm quyền tôn giáo mới có quyền quyết định những nghi lễ tôn giáo là rất cần thiết cho người dân của họ”, ngài viết.
Trận chiến của Tổng giáo phận San Francisco để được cử hành thánh lễ
Tổng giáo phận San Francisco đã đấu tranh với chính quyền trong nhiều tháng về việc hạn chế thờ phượng. Sau khi các nhà thờ bị đóng cửa trong nhiều tháng do đại dịch, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã diễn hành trong các cuộc rước Thánh Thể ngoài trời để phản đối, và nói rằng những hạn chế này đang chế nhạo Chúa Kitô.
Vào giữa tháng 9, thành phố cho phép tổ chức các buổi thờ phượng ngoài trời với sức chứa 50 người cùng một lúc, nhưng vẫn chỉ cho phép một người tại một thời điểm bên trong nhà thờ. Sau khi Bộ Tư pháp thông báo với thành phố các quy tắc của họ có thể vi hiến, San Francisco sau đó đã cho phép thờ phượng trong nhà ở mức 25% công suất.
Sau đó vào tháng 11, tiểu bang xác định rằng các quận San Francisco và San Mateo là một trong những khu vực có nguy cơ lây lan COVID-19 cao nhất. Theo quy định của tiểu bang, các quận không được phép tổ chức các buổi thờ phượng trong nhà — mặc dù các cơ sở kinh doanh khác như tiệm làm tóc và làm móng, tiệm mát-xa và tiệm xăm vẫn có thể mở cửa.
Những người chỉ trích lệnh này lưu ý rằng việc thờ phượng tôn giáo bị đối xử khắc nghiệt hơn là các hoạt động thế tục.
Một tuần trước lễ Giáng sinh, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã hướng dẫn các linh mục dâng Thánh lễ trong nhà “nếu thời tiết hoặc sự an toàn” đòi hỏi phải bất tuân lệnh của nhà nước về việc thờ phượng trong nhà.
“Tôi biết người dân của tôi phải có quyền viếng Thánh Thể, dù mưa hay nắng”, ngài nói trong bài viết của mình. Đức Tổng Giám Mục Cordileone lưu ý rằng ngài đã thiết lập các biện pháp an toàn cho các Thánh lễ trong nhà, bao gồm giới hạn số người tham dự ở mức 20% và yêu cầu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.
Vào ngày 5 tháng 2, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết với tỉ số 6-3 rằng lệnh cấm thờ phượng trong nhà của California là vi hiến. Tòa án phán quyết rằng tiểu bang có thể giới hạn công suất trong nhà tại các buổi thờ phượng tối đa là 25% công suất, đồng thời cho phép tiểu bang cấm ca hát trong các buổi lễ.
Vào thời điểm ra phán quyết, tiểu bang đã đặt gần như tất cả các quận trong mức giới hạn hàng đầu dành cho những khu vực có khả năng lây lan virus tồi tệ nhất. Vì vậy, nhà nước đã có một lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc thờ phượng trong nhà.
Đức Tổng Giám Mục Cordileone gọi quyết định này là “một bước tiến rất quan trọng đối với các quyền cơ bản”.
Sau khi Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ trong nhà với những hạn chế, các quan chức địa phương đã gửi cảnh báo đến các giáo xứ và sở y tế của thành phố đã đưa ra hai lệnh buộc tội vi phạm.
Sau chiến thắng tại Tòa án Tối cao, ngài nói rằng các Thánh lễ ngoài trời sẽ tiếp tục “khi thời tiết cho phép”. Nhưng quyết định này cho phép chúng tôi thực hiện quyền tự nhiên được bảo vệ theo hiến pháp của mình là thờ phượng Thiên Chúa mà không sợ bị các quan chức chính phủ quấy rối”, ngài viết.
Source:Catholic News Agency
2. Án phong chân phước của vị giám mục được biết đến với ‘tính phi thường trong cuộc sống thường nhật’
Hôm thứ Sáu 12 tháng 2, Giáo phận Rôma đã kết thúc giai đoạn đầu tiên của án phong chân phước cho một giám mục người Ý và là người sáng lập Phong trào Ủng Hộ Việc Nên Thánh.
Tôi tớ Chúa Guglielmo Giaquinta “ không phải là một người đàn ông hay một linh mục bình thường: ngài mang trong mình những điều phi thường được thể hiện qua cuộc sống thường nhật nơi các cử chỉ, lời nói, và sứ vụ của ngài” Marialuisa Pugliese, cáo thỉnh viên án phong Chân Phước của ngài, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA,.
Đức Cha Giaquinta, qua đời năm 1994 ở tuổi 79, đang trong tiến trình phong chân phước. Án phong thánh của ngài đã được mở ra vào năm 2004 với một cuộc điều tra về sự thánh thiện của ngài.
Sinh ra ở Sicily, Cha Giaquinta thi hành chức vụ linh mục của mình ở Rôma cho đến khi được bổ nhiệm làm giám mục Tivoli.
Ngài đã dành cả cuộc đời mình để cổ vũ sự kêu gọi nên thánh toàn cầu. Để thúc đẩy sứ mệnh này, ngài đã thành lập Phong trào Pro Sanctity - Ủng Hộ Việc Nên Thánh, bao gồm một hội dòng dành cho các phụ nữ thế tục và một hội dòng dành cho các linh mục.
Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã chính thức khép lại giai đoạn cấp giáo phận về án phong chân phước cho Đức Cha Giaquinta trong một nghi thức được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô vào ngày 12 tháng 2.
Trong giai đoạn này, Pugliese giải thích, tòa án của giáo phận Rôma có mục tiêu thu thập “các tài liệu và tác phẩm để tìm hiểu về cuộc đời và tư tưởng của vị Tôi tớ Chúa, cũng như tìm kiếm những lời chứng về việc thực hiện các nhân đức và các dấu chỉ có thể có của một danh tiếng về sự thánh thiện”.
Source:Catholic News Agency
3. Giám mục Công Giáo ở điểm nóng Mozambique được chuyển đến một giáo phận ở Brazil
Hôm thứ Năm, trong một diễn biến hiếm thấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm một giám mục Công Giáo đang phục vụ tại một giáo phận bị xung đột ở Mozambique để lãnh đạo một giáo phận ở quê hương Brazil của ngài.
Việc bổ nhiệm này liên quan đến Đức Cha Luiz Fernando Lisboa, Giám mục Giáo phận Pemba từ năm 2013. Ngài được bổ nhiệm coi sóc Giáo phận Cachoeiro de Itapemirim ở Vùng Đông Nam Brazil.
Hôm 11 tháng 2, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong cho vị giám mục 65 tuổi, thuộc Dòng Thương Khó của Chúa Chúa Giêsu Kitô, gọi tắt là Passionists, tước hiệu “Tổng Giám Mục ad personam” – “ad personam” là tiếng Latinh, có nghĩa là trên cơ sở từng trường hợp nhất định, không phải luật chung.
“Tổng Giám Mục ad personam” là cấp bậc mà Đức Giáo Hoàng phong cho một số giám mục nhất định không phải là giám mục của các tổng giáo phận. Vì vậy, chức danh tổng giám mục được trao cho cá nhân ngài chứ không phải vì giáo phận mà ngài cai quản là một tổng giáo phận.
Sau tin tức về việc thuyên chuyển và nâng cấp lên hàng Tổng Giám Mục của Đức Cha Lisboa, các giám mục Công Giáo ở Mozambique đã bày tỏ sự cảm kích đối với sứ vụ của ngài trong cộng đồng dân Chúa ở quốc gia miền nam Phi châu.
Trong một tuyên bố, các thành viên của Hội đồng Giám mục Mozambique cho biết: “ Chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng tôi, kể từ năm 2013 cho đến rất gần đây, nhà truyền giáo vĩ đại đến từ Brazil này làm giám mục Giáo phận Pemba yêu dấu của chúng tôi”.
“Chúng tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Dom Luís Fernando Lisboa vì công việc mục vụ quên mình đã được thực hiện giữa chúng tôi, trong Hội đồng Giám mục Mozambique và tại quốc gia này, ngay cả trong những thời điểm và hoàn cảnh khó khăn như vậy”.
Với tư cách là Giám mục của Pemba, Đức Cha Lisboa là người thẳng thắn bảo vệ người dân của vùng Cabo Delgado gặp khó khăn ở phía bắc Mozambique, nơi thường xuyên là một mục tiêu bạo lực của các nhóm khủng bố Hồi giáo.
Đức Cha Lisboa sinh năm 1955 tại Barão de Japarana, Brazil. Ngài gia nhập chủng viện năm 1977 và được thụ phong linh mục năm 1983.
Năm 2001, ngài được cử đi truyền giáo đến Giáo phận Pemba, nơi ngài đảm nhiệm chức vụ phó xứ, linh mục quản xứ và giáo sư tại chủng viện Dòng Thương Khó của Chúa Chúa Giêsu Kitô.
Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Pemba vào tháng 6 năm 2013 và được tấn phong giám mục vào tháng 8 năm đó.
Năm 2018, Đức Cha Lisboa là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Mozambique và điều phối viên của bộ phận xã hội của các giám mục.
Phát biểu với Radio Itapemirim ngay sau khi nhận được bổ nhiệm mới, Đức Cha Lisboa cho biết: “Tôi là một nhà truyền giáo và tôi đã đến Phi Châu và làm việc ở đó gần 20 năm; Tôi sẽ tiếp tục với tư cách là một nhà truyền giáo, bây giờ ở đây trên đất Brazil và trong Giáo phận Cachoeira de Itapemirim thân yêu này”.
“Tôi rất hạnh phúc với sự khởi đầu mới này, vì cuộc sống của chúng tôi chỉ như vậy, luôn là một khởi đầu mới. Và tôi sẵn sàng học hỏi, bởi vì tôi biết tôi sẽ phải học”.
Source:Catholic News Agency
1. Kỳ quan: Sinh viên Công Giáo Michigan xây một nhà thờ nhỏ lạ lùng nhất trần gian
Truyền thuyết kể rằng đêm ngày mùng 4 tháng 8 năm 352, Đức Mẹ hiện ra với Đức Giáo Hoàng Liberio và nhà quyền quý Giovanni, và bảo hai vị Đức Mẹ muốn xây một đền thờ dâng kính Đức Mẹ. Khi Đức Giáo Hoàng hỏi Mẹ muốn xây đền thờ ở đâu, thì Đức Mẹ trả lời: “Ngày mai, con thấy tuyết rơi ở đâu, thì xây đền thờ ở đó”. Sáng hôm sau mùng 5 tháng 8 tuyết rơi trên đồi Esquilino. Tháng 8 là mùa hè trời Roma rất nóng, nhưng tuyết đã rơi trên đồi Esquilino, là một trong 7 quả đồi của Roma. Phép lạ này được gọi là phép lạ Đức Mẹ Xuống Tuyết; và ngôi nhà thờ ấy ngày nay gọi là Đền Thờ Đức Bà Cả.
Trong sáu năm qua, sinh viên tại Đại học Công nghệ Michigan và cộng đồng địa phương đã cùng nhau xây dựng nhà nguyện Đức Mẹ Xuống Tuyết để nhắc nhớ câu chuyện Đức Mẹ xuống tuyết ở Rôma.
Nhà nguyện được làm hoàn toàn bằng tuyết được xây dựng tạm thời cho Lễ hội Mùa đông của thị trấn. Tuy nhiên, năm nay, nhà nguyện dường như cần thiết hơn bao giờ hết, vì nó cho phép các tín hữu tụ họp và tham dự Thánh lễ tuân theo các giới hạn của COVID.
Được bao bọc trong những chiếc áo len mùa đông, các thành viên của cộng đồng giáo xứ Thánh Albertô Cả có thể tham gia một Thánh lễ hơi lạnh với vị linh mục mặc nhiều áo lễ hơn bình thường! Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy nói lên địa điểm phải lạnh đến mức nào. Tuy nhiên, có một ánh sáng tỏa ra xung quanh nhà nguyện. Những ngọn nến, bàn thờ, và tất cả bầu khí của Thánh lễ mang lại một sự ấm áp nhất định cho con tim.
Các Thánh Lễ được truyền trực tiếp cho những ai không thể tham dự, để họ có thể tham gia trong sự ấm cúng dưới mái nhà của họ. Nhưng đối với những người bất chấp điều kiện thời tiết lạnh giá, giáo xứ đã cung cấp ca cao nóng sau buổi lễ.
Source:Aleteia
2. Một số Giám Mục Đức ủng hộ khả năng rước lễ chung giữa Công Giáo và Tin lành
Căng thẳng đã bùng lên giữa Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, với một số thần học gia Tin lành của Đức và cả với một số Giám Mục Đức chung quanh toan tính cho người Tin lành rước lễ trong cách thánh lễ Công Giáo.
Để hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về câu chuyện này, trước hết là tình hình của các Giám Mục Đức.
Trong các trường hợp liên quan đến ly giáo, và lạc giáo, thông thường, Giáo Hội phải đối phó với tình trạng là một số thần học gia đưa ra các lý thuyết sai lầm nghịch lại với đạo lý đã được xác lập và tin tưởng của Giáo Hội. Trong các trường hợp như thế, các Giám Mục, trong tư cách là thầy dạy là những người bảo vệ đạo lý. Tình hình ở Đức hiện nay lại khác. Nhiều Giám Mục lại chính là những người tạo ra vấn đề. Vụ “hiệp thông Thánh Thể” với người Tin lành, hay nói dễ hiểu là toan tính cho người Tin lành rước lễ trong cách thánh lễ Công Giáo, là một ví dụ.
Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, là người cổ vũ mạnh mẽ cho xu thế này, bất kể Bộ Giáo Lý Đức Tin đã nói rõ với ngài rằng đề xuất này không phù hợp với sự hiểu biết của người Công Giáo về Giáo hội, Thánh Thể và bí tích Truyền chức thánh.
Đề xuất của các thần học gia Tin lành và Đức Cha Georg Bätzing
Tại Đức có một nhóm Nghiên cứu Đại kết của các nhà Thần học Tin lành và Công Giáo, được biết đến với tên viết tắt tiếng Đức là ÖAK.
ÖAK được thành lập vào năm 1946 để tăng cường mối quan hệ đại kết. Tổ chức này độc lập với cả Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức lẫn Hiệp hội Tin lành ở Đức, gọi tắt là EKD, một tổ chức đại diện cho 20 nhóm Tin lành. Nhưng ÖAK thông báo cho cả hai cơ quan về những cuộc tranh luận của nó.
Trong một tài liệu được công bố vào năm 2019 do ÖAK soạn thảo có tựa đề “Cùng nhau nơi Bàn tiệc của Chúa”, tổ chức này cho rằng các nghiên cứu của họ cho thấy “thực hành cùng nhau tham dự vào các buổi cử hành Rước Lễ hay Thánh Thể, trong khi tôn trọng các truyền thống phụng vụ của nhau, là có cơ sở về mặt thần học”, và dự kiến một “chia sẻ Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.
Vào tháng 5 năm 2020, một phiên họp gồm các thành viên của EKD và Hội Đồng Giám Mục Đức đã đi đến việc hình thành một tài liệu “nghiên cứu phát triển một khuôn khổ thần học cho quyết định của lương tâm cá nhân, liên quan đến việc tham gia qua lại trong Thánh Thể / Bữa Tiệc Ly của Chúa”.
ÖAK đã thông qua tài liệu hiệp thương này dưới sự đồng chủ tịch của Giám mục Georg Bätzing, người hiện là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo, và Giám mục Martin Hein đã nghỉ hưu của Tin lành Luther.
Hội Đồng Giám Mục Đức dự kiến sẽ bỏ phiếu về đánh giá của nhóm ÖAK vào cuối tháng 9 nhưng cuộc bỏ phiếu đã bị hoãn lại do sự can thiệp của Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF.
Can thiệp của Bộ Giáo Lý Đức Tin
Trong một lá thư gửi cho Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, CDF nói rằng đề xuất này không phù hợp với sự hiểu biết của người Công Giáo về Giáo hội, Thánh Thể và bí tích Truyền chức thánh.
CDF nhấn mạnh rằng những khác biệt đáng kể vẫn còn giữa những người Tin lành và Công Giáo về Bí tích Thánh Thể và chức tư tế.
Tài liệu của CDF vạch rõ rằng: “Những khác biệt về tín lý vẫn còn rất quan trọng đến mức những khác biệt này đang loại trừ khả năng tham gia đối ứng trong Bữa Tiệc Ly của Chúa và Thánh Thể”.
CDF gợi ý rằng văn bản ÖAK nên truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận thần học hơn nữa, nhưng cảnh báo trước bất kỳ bước nào hướng tới sự hiệp thông giữa người Công Giáo và các thành viên của Giáo hội Tin lành ở Đức (EKD), một tổ chức đại diện cho 20 nhóm Tin lành.
CDF đã cảnh cáo nghiêm khắc về những hệ lụy tức khắc của sự hiệp thông Thánh thể giữa Công Giáo và Tin lành, và chỉ ra rằng:
“Việc Giáo Hội Công Giáo mở ra mối tương giao bữa tiệc Thánh Thể với các giáo hội Tin lành thành viên của EKD trong tình trạng thảo luận thần học hiện nay nhất thiết sẽ mở ra những rạn nứt mới trong cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Chính thống, không chỉ ở Đức mà thôi”.
Một ghi chú trên trang web của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo nói rằng sự can thiệp của CDF “đã trở nên cần thiết vì nghiên cứu ÖAK hiện đã được đưa ra với tư cách là một ý kiến chuyên gia cho Hội Đồng Giám Mục Đức, trên cơ sở là cá nhân các giám mục Công Giáo có quyền tự quyết định quan điểm giáo lý riêng của mình”.
Đáp lại, ÖAK đã công bố tuyên bố dài 26 trang vào ngày 24 tháng Giêng để đáp lại đánh giá quan trọng của Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, gọi tắt là CDF, về đề xuất của nhóm liên quan đến “lòng hiếu khách có đi có lại trong bí tích Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.
Phản ứng của Đức Hồng Y Kurt Koch
Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, đã can thiệp vào vấn đề này. Ngài đã bày tỏ sự “kinh ngạc” trước tuyên bố của ÖAK.
Đức Hồng Y Kurt Koch nói với CNA Deutsch, đối tác tin tức bằng tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài đã ngạc nhiên tột cùng trước giọng điệu và cách lựa chọn từ ngữ trong tuyên bố, cũng như nội dung và thời điểm của nó.
Vị Hồng Y người Thụy Sĩ cũng đặt câu hỏi liệu các tác giả trong bản tuyên bố này có chân thành kêu gọi thảo luận thêm với Rôma hay không.
“Sau hơn 20 trang đã được dành để phản bác rằng, trên thực tế, không có yêu cầu nào của Bộ Giáo lý Đức tin về tài liệu của ÖAK là chính đáng, người ta tự hỏi mức độ nghiêm túc mà các tác giả bản tuyên bố này bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận sâu hơn thực sự có ý nghĩa hay không”, ngài nói.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 3 tháng Hai với katholisch.de, là trang web của Giáo Hội Công Giáo tại Đức, Volker Leppin, một giáo sư lịch sử Giáo hội tại Đại học Tübingen và là giám đốc học thuật của ÖAK than thở rằng Đức Hồng Y đã “sống sượng bác bỏ” một tuyên bố 26 trang do Oak đưa ra vào ngày 24 tháng Giêng.
Trong một bức thư ngỏ đề ngày 8 tháng Hai, dài 6 trang, Đức Hồng Y Kurt Koch đã phản bác thần học gia Leppin.
Trong bức thư ngỏ của mình, Đức Hồng Y Koch phủ nhận cáo buộc của Leppin cho rằng ngài từ chối tham gia vào các lập luận của ÖAK. Ngài cũng nhấn mạnh điều mà ngài gọi là “sự khác biệt nghiêm trọng” giữa tuyên bố của ÖAK và thông lệ phổ biến trong các nhà thờ Tin lành.
Vị Hồng Y người Thụy Sĩ đưa ra ví dụ về Giáo hội Tin lành ở Hesse và Nassau, một trong những giáo hội thành viên của EKD. Ngài lưu ý rằng những giáo hội này mời những người chưa được rửa tội tham gia vào buổi lễ Tiệc Ly của Chúa.
Đức Hồng Y Koch nói rằng thực tế này mâu thuẫn với tuyên bố của Oak rằng có một “sự hiểu biết cơ bản” liên quan đến một sự “công nhận” tương tự về bí tích rửa tội cũng như có một sự “tương ứng trong các hình thức phụng vụ của việc cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa”.
“Phép Rửa Tội và sự công nhận lẫn nhau về tính thành sự của phép Rửa Tội được coi là đại diện cho nền tảng của đại kết. Nhưng nếu một bên đối tác đại kết lại tương đối hóa phép Rửa Tội đến mức nó không còn là điều kiện tiên quyết để tham gia vào Bữa Tiệc Ly của Chúa nữa, thì câu hỏi phải được đặt ra đối với nền tảng của phong trào đại kết”, Đức Hồng Y Koch đã viết trong bức thư ngỏ của ông.
Đức Hồng Y cho biết ngài rất ngạc nhiên “rằng có sự khác biệt như vậy giữa tuyên bố của ÖAK và thực tế trong các nhà thờ Tin lành, là điều không được các thành viên ÖAK ghi nhận hoặc, nếu có, không được trình bày, dù là theo một cách cực kỳ tối thiểu đi chăng nữa”.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Koch bày tỏ lòng biết ơn rằng nhóm nghiên cứu đại kết đã đầu tư “rất nhiều năng lượng và nhiệt thành” để vượt qua những vấn đề chia rẽ người Công Giáo và người Tin lành. Nhưng ngài nói rằng những bước đi như vậy chỉ có thể thực sự thành công khi đối mặt với “thực tế cụ thể”.
Ngài nói thêm rằng các vấn đề chưa được giải đáp nên được nêu ra một cách cởi mở thì sau đó mới có thể được giải quyết.
Source:Catholic News Agency