Ngày 14-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 15/02: Lòng anh em ngu muội thế! - Suy Niệm: Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
05:00 14/02/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, các môn đệ Đức Giê-su quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” Các ông mới bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông : “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” Người bảo các ông : “Anh em chưa hiểu ư?”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:59 14/02/2022

10. Khi tôi nghèo nàn thì sách Thánh Kinh và sách Gương Chúa Giê-su đã giúp tôi rất nhiều, trong hai quyển sách này tôi tìm được chất bổ và lương thực thuần khiết, đặc biệt sách Phúc Âm vượt qua tất cả những quyển sách khác, trả lời tất cả những gì nội tâm tôi cần thiết và kỳ vọng. Trong Phúc Âm tôi thường thường tìm được ánh sáng mới, ý nghĩa tiềm tàng thần bí.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:03 14/02/2022
98. TẶNG PHÙ TRỪ QUỶ

Có một đạo sĩ bị quỷ ám, lại còn dùng các thứ nhơ bẩn bôi khắp mặt mũi toàn thân của mình, ông ta đau khổ vô cùng, luôn miệng kêu cứu. Có một người vội vàng đến, nhổ một cái vào mặt, quỷ lập tức chạy dài.

Đạo sĩ sau khi thần trí tỉnh lại thì rất cảm kích, bèn nói:

- “Đại ân được cứu mạng, sẵn đây có một đạo phù trừ quỷ rất quý, xin tặng ngài để bày tỏ lòng tri ân thẳm sâu”.

(Cung Định Am toàn tập)

Suy tư 98:

Có những người mang danh là Ki-tô hữu, nhưng lại bị bảy loại quỷ ám:

1. Quỷ tiền tài ám, làm cho tâm hồn họ không mở rộng để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa..

2. Quỷ danh vọng ám, làm cho tâm hồn họ quên mất mình có gia nghiệp trên trời.

3. Quỷ sắc dục ám, làm cho tâm hồn họ mất vẻ đẹp làm con của Thiên Chúa.

4. Quỷ kiêu ngạo ám, làm cho tâm hồn họ không nhìn thấy được quyền năng của Thiên Chúa trong vũ trụ.

5. Quỷ ghen ghét ám, làm cho tâm hồn họ không thấy được tình yêu của Thiên Chúa nơi người khác.

6. Quỷ nói hành nói xấu ám, làm cho tâm hồn họ mờ tối trước thành công của anh chị em.

7. Quỷ tham lam ám, làm cho tâm hồn họ trở thành pháo đài không mở ra để chia sẻ với tha nhân.


Người Ki-tô hữu mà bị các loại quỷ trên đây ám, là bởi vì họ không sử dụng các “bảo bối” mà Đức Chúa Giê-su ban cho họ, các bảo bối đó là: cầu nguyện, rước lễ, xưng tội và hy sinh hãm mình...

Thử để ý nhìn thấy người bị loại “quỷ tiền tài” ám thì sẽ biết: họ làm áp-phe cả ngày lẫn đêm, cả chúa nhật cũng như ngày thường, và việc đi dâng thánh lễ ngày chúa nhật đối với họ là vô ích, uổng phí thời gian kiếm tiền và hưởng thụ...

(Lắng nghe tiếng của loài ếch).

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chước Cám Dỗ Đáng Sợ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:44 14/02/2022
Chước Cám Dỗ Đáng Sợ

(Thứ Ba sau Chúa Nhật VI Thường Niên – Gc 1,12-18; Mc 8,14-21)

Với người có niềm tin hay vô tín thì phạm trù “chước cám dỗ” như là một hiện thực của kiếp nhân sinh. Đã là người thì ai cũng chân nhận mình đã từng và có thể bị lôi cuốn bởi một mảnh lực nào đó, tốt có, xấu có. Mãnh lực tốt thì thúc đẩy chúng ta hướng thượng, sống hữu ích, thực hiện những điều tốt đẹp cho bản thân và tha nhân. Mãnh lực xấu thì lôi kéo chúng ta đi vào đường trái, làm những sự chẳng nên, những điều xấu xa, tội lỗi. Hạn từ “chước cám dỗ” được hiểu theo nghĩa thứ hai là mãnh lực xấu.

Thánh Giacôbê tông đồ khẳng định: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu và chính Người cũng không cám dỗ ai” (Gc 1,13). Kitô hữu chúng ta đều hiểu rằng chính thần dữ, Satan mới đích thực là “tên cám dỗ” (x.Mt 4,3). Thần dữ cám dỗ chúng ta bằng nhiều cách thế tinh quái khiến chúng ta khó nhận diện và đề phòng. Chước cám dỗ đáng sợ mà thần dữ giăng ra đó là lợi dụng những thiện hảo đáng quý để dẫn dụ chúng ta chiếm hữu chúng cách bất chính, trái với đường lối của Thiên Chúa. Nó còn xảo quyệt hơn khi lợi dụng cả những người tự tôn về đức cao, vị trọng của mình dẫn dắt chúng ta đi lầm đường lạc lối.

Sau khi Chúa Giêsu dùng quyền năng hóa bánh ra nhiều nuôi khoảng bốn ngàn người no nê thì nhiều người biệt phái đã cố chấp đòi hỏi Người cho một điềm lạ từ trời. Chúa Giêsu đã thẳng thừng từ chối và bỏ đi. Tiếp liền đó Thánh sử Maccô tường thuật lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê” (Mc 8,14). Thánh sử Matthêu thì ghi: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu và Xađốc” (Mt 16,5). Vì các môn đệ hiểu lầm nên Chúa Giêsu đã giải thích và “bấy giờ các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà phải coi chừng giáo lý Pharisêu và Xađốc” (Mt 16,12).

Điều nguy hại nơi giáo lý của nhóm Pharisêu và nhóm Xađốc, vốn thỏa hiệp với thế quyền (Hêrôđê) đó là sự ỉ lại. Khi ỉ lại vào công đức của mình qua những hành vi đạo đức bên ngoài và ỉ lại vào chức quyền, của cải thì người ta dễ rơi vào chước cám dỗ tự cao tự đại. Từ chỗ tự đại tự cao thì người ta đâm ra tự tôn cho mình luôn luôn đúng và thế là khép lòng trước chân lý. Đây chính là thái độ cố chấp, cứng lòng khiến Chúa Giêsu đã phải “thở dài não ruột” (x.Mc 8,12).

Chước cám dỗ thật đáng sợ khi nó do thần dữ giăng ra qua trung gian là những vị được xem là “đức cao” và “vị trọng” ngoài xã hội hay trong các tập thể tôn giáo. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Một lời cầu xin trong kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu truyền dạy nhắc nhủ chúng ta luôn cẩn trọng và tỉnh thức vì thần dữ là ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta rình chờ cắn xé (x.1P 5,8).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Giữ mãi một ký ức
Lm. Minh Anh
23:43 14/02/2022

GIỮ MÃI MỘT KÝ ỨC
“Các con không nhớ sao?”.

Ở Valladolid, sừng sững một tượng đài tôn vinh Christopher Columbus, người con vĩ đại khám phá tân thế giới. Điều thú vị nhất ở đó là, tượng con sư tử phá một chữ Latin vốn là một phần phương châm của Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ. Trước khi Columbus bắt đầu hành trình, người Tây Ban Nha nghĩ, họ đã đến tận cùng trái đất; phương châm của họ là “Non Plus Ultra”, “Không Còn Đâu Nữa!”. Con sư tử phá hỏng chữ “Non”, “Không”, khiến nó được đọc là “Plus Ultra”. Columbus đã chứng minh rằng, thực sự, “Còn Nhiều Điều Hơn Nữa!”. Hơn 500 năm qua, người Tây Ban Nha ‘giữ mãi một ký ức’, không bao giờ nghỉ ngơi trên những vòng nguyệt quế!

Kính thưa Anh Chị em,

Thật kỳ thú, Lời Chúa hôm nay cho thấy sự cần thiết để ‘giữ mãi một ký ức’ tốt lành về Thiên Chúa; vì lẽ, “Còn Nhiều Điều Hơn Nữa” từ Ngài! Vậy mà không ít lần, chúng ta đã bỏ lỡ những thông điệp Ngài trao; vì thế, trái tim chúng ta bất an, cuộc sống chúng ta mất phương hướng. Đó là hậu quả của việc trái tim và cuộc sống của chúng ta không được đặt trên đá; thế nhưng, đối với một linh hồn luôn toạ lạc trên Ngài, nền đá đích thực, mọi sự sẽ tốt đẹp đến diệu kỳ!

Tin Mừng cho biết, các môn đệ bảo nhau, “Tại mình không có bánh”. Như họ, chúng ta thường bận tâm đến những gì trước mắt! Khao khát thành công, ước ao một người bạn hay một thành viên trong gia đình làm hoà với mình, ám ảnh về tài chánh… và cứ như thế, chúng ta lo lắng. Như các môn đệ, chúng ta quên mất những ký ức trước đó, “Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh”, “Khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh”, “Các con thu lại bao nhiêu giỏ?”; “Các con không nhớ sao?”.

Một trong những tội lỗi nặng nề nhất của Israel là lãng quên những biến cố vĩ đại Thiên Chúa đã làm cho họ. Vì thế, điều quan trọng là phải thường xuyên suy gẫm và biết ơn về bao ân phúc đã nhận được từ Thiên Chúa. Muốn được vậy, người môn đệ Chúa Giêsu phải ‘giữ mãi một ký ức’ về Ngài. Và thú vị thay, Thiên Chúa tạo dựng mỗi người cho một mục đích riêng; và tựu trung, mỗi người được mời gọi nên thánh! Đó là điều quan trọng nhất. Chính Thiên Chúa là Đấng đã khởi xướng công việc nên thánh của mỗi người. Và nếu Thiên Chúa đã đưa chúng ta đi xa đến mức này chỉ với một phần cộng tác khiêm tốn về phía chúng ta, thì chúng ta sẽ tiến xa hơn biết bao nếu mỗi người dành cho Ngài tất cả sự cống hiến toàn diện của mình! Bao điều tốt đẹp, rồi đây, sẽ nảy nở trong cuộc sống chúng ta; bao nhiêu vấn đề mà bàn tay Thiên Chúa sẽ uốn nắn vì lợi ích của từng người và mọi người!

Ước gì, người môn đệ Chúa Giêsu luôn có cho mình một sự ngờ vực lành mạnh về những gì chúng ta cho là nhu cầu tuyệt đối của cuộc sống. Chúng ta cần đến “một sự giải độc” tinh thần để tự giải phóng khỏi những ám ảnh về những mục tiêu thứ yếu. Phương thức giải độc này chỉ được tìm thấy trong trường học cầu nguyện. Cầu nguyện là nơi chúng ta thanh luyện những ước muốn, nơi trái tim được thanh tẩy, và là nơi tình cảm và lòng sùng kính Đấng Yêu Dấu được mở rộng. Ngọn lửa của tình yêu Ngài có thể chữa lành nhiều chia cắt và phức hợp trong tâm lý của chúng ta, nếu mỗi người biết mở lòng đón nhận. Bấy giờ, việc ‘giữ mãi một ký ức’ về Thiên Chúa, Đấng giải thoát và quan phòng, sẽ không còn là một việc quá khó! Thật trùng hợp, cuộc thanh luyện này lại được thánh Giacôbê nhắc đến trong bài đọc hôm nay, “Phúc cho kẻ chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, họ sẽ lãnh nhận triều thiên sự sống. Ý nghĩa biết bao tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn!”.

Anh Chị em,

“Còn Nhiều Điều Hơn Nữa!”. Trong Chúa Giêsu, mỗi ngày, Thiên Chúa ban cho chúng ta “nhiều điều ‘mới mẻ’ hơn nữa”, ân sủng của Ngài luôn luôn mới! Thánh Phaolô nói, “Trong Ngài, chúng ta không thiếu một ơn nào!”. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy cầu xin cho mình khỏi chứng ‘chán ăn thiêng liêng’, khiến chúng ta không còn khao khát sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Và nếu phải ‘giữ mãi một ký ức’ về tình yêu của Thiên Chúa giữa bao ký ức, thì cái chết thập giá của Con Một Ngài là một ký ức vĩ đại nhất mà chúng ta đừng bao giờ lãng quên!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con cảm thấy thiếu thốn bất cứ một điều gì ngoài Chúa; đừng để những đam mê ngổn ngang cản trở con nên thánh. Cho con luôn ‘giữ mãi một ký ức’ rằng, Chúa đã cứu chuộc con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi bản đại giao hưởng cầu nguyện trước Năm Thánh 2025
Đặng Tự Do
05:14 14/02/2022


Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời kêu gọi trong một bức thư ngày 11 tháng 2 gửi cho Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ Tân Phúc âm hóa.

Đức Thánh Cha viết:

“Theo thông lệ, Tông Chiếu Thiết Định Năm Thánh, sẽ được công bố đúng thời điểm, và chứa đựng các hướng dẫn cần thiết để cử hành Năm Thánh 2025”

“Trong thời gian chuẩn bị này, tôi vô cùng mong muốn rằng chúng ta dành trọn năm 2024, năm trước sự kiện Năm Thánh, cho một 'bản đại giao hưởng' của lời cầu nguyện.”

Trong lá thư của mình, Đức Thánh Cha giải thích rằng Năm Thánh là “một sự kiện có ý nghĩa quan trọng về tâm linh, giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội.”

“Kể từ năm 1300, khi Đức Thánh Cha Bonifaciô Thứ Tám thiết lập Năm Thánh đầu tiên - ban đầu được cử hành 100 năm một lần, sau đó, theo tiền lệ Kinh thánh, cứ 50 năm một lần và cuối cùng là 25 năm một lần – để dân thánh và trung thành của Thiên Chúa trải nghiệm cử hành này như một ân sủng đặc biệt, được đặc trưng bởi sự tha thứ tội lỗi và cách riêng là các ơn toàn xá, như một biểu hiện đầy đủ của lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Có hai loại Năm Thánh: “bình thường” khi Năm Thánh ấy rơi vào một khoảng thời gian nhất định chẳng hạn như 25 năm, và “ngoại thường” khi Năm Thánh ấy đánh dấu những sự kiện đáng chú ý.

Năm Thánh 2025 - năm đánh dấu 1,700 năm thành lập Công đồng Nicê - sẽ là Năm thánh bình thường đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ tọa Đại Năm Thánh 2000. Năm Thánh Lòng Thương Xót do Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở ra vào năm 2015 là một năm thánh ngoại thường.

“Đại Năm Thánh 2000 đã mở đầu cho Giáo hội bước vào thiên niên kỷ thứ ba trong lịch sử của Giáo hội. Thánh Gioan Phaolô II đã chờ đợi từ lâu và rất mong đợi sự kiện đó, với hy vọng rằng tất cả các Kitô hữu, bỏ lại sau lưng những chia rẽ lịch sử, có thể cùng nhau kỷ niệm 2,000 năm ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của nhân loại.”

“Giờ đây, khi 25 năm đầu tiên của thế kỷ mới đã khép lại, chúng ta được mời gọi bước vào một mùa chuẩn bị để có thể giúp người Kitô hữu trải nghiệm Năm Thánh trong tất cả sự phong phú về mục vụ của nó.”

“Một bước quan trọng trong cuộc hành trình này đã được thực hiện với việc cử hành Năm Thánh Đặc biệt của Lòng Thương Xót, cho phép chúng ta đánh giá lại một lần nữa tất cả sức mạnh và sự dịu dàng của tình yêu thương xót của Chúa Cha, để đến lượt chúng ta, trở thành những nhân chứng cho Lòng Thương Xót ấy.”

Năm Thánh 2025 sẽ bao gồm việc mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Những người hành hương đi qua cánh cửa - chỉ được mở trong các Năm Thánh - có thể nhận được Ơn Toàn Xá với các điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Vị giáo hoàng 85 tuổi cho biết ngài hy vọng Năm Thánh 2025 sẽ giúp khôi phục “bầu không khí hy vọng và tin cậy” trong bối cảnh “nghi ngờ, sợ hãi và mất phương hướng” do đại dịch coronavirus gây ra.

“Điều này thực sự sẽ xảy ra nếu chúng ta có khả năng khôi phục cảm giác về tình huynh đệ phổ quát và từ chối nhắm mắt làm ngơ trước thảm cảnh đói nghèo tràn lan đã ngăn cản hàng triệu người nam nữ, thanh niên và trẻ em sống theo cách xứng đáng phẩm giá con người của họ.”

Vào tháng Giêng, Vatican đã công bố khẩu hiệu của Năm Thánh là “Những Người Hành Hương Của Niềm Hy Vọng”.

Nhìn về phía trước đến năm 2024, Đức Thánh Cha nói: “Nói một cách ngắn gọn, có thể đây là một năm cầu nguyện mãnh liệt, trong đó trái tim được mở ra để đón nhận sự tuôn tràn ân sủng của Thiên Chúa và dâng lên 'Cha của chúng ta', lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, như chương trình sống của từng môn đệ của Người”.
Source:Catholic News Agency
 
Sự thật về lá thư của Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer gởi cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin
Đặng Tự Do
05:15 14/02/2022


Năm ngoái, cụ thể là hôm thứ Tư 14 Tháng Tư, Tòa án tối cao của Pháp đã khẳng định rằng Đức Hồng Y Philippe Barbarin, nguyên tổng giám mục Lyon, đã không che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của linh mục Bernard Preynat.

Phán quyết của Cour de cassation, nghĩa là Tòa giám đốc thẩm, tại Palais de Justice, ở thủ đô Paris, đã khép lại một bộ phim dài nhiều tập đầy cảm xúc gây nhiều đau khổ cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin.

Tòa giám đốc thẩm đồng ý với phán quyết của tòa phúc thẩm rằng Đức Hồng Y hoàn toàn vô tội, ngài không cản trở công lý, không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat.

Tháng 7 năm 2014, Alexandrealeighot-Hezez đã gặp Đức Hồng Y Barbarin để tiết lộ rằng anh ta đã bị linh mục Preynat lạm dụng 24 năm trước đó, khi anh ta còn là một hướng đạo sinh, và lúc đó Đức Hồng Y Barbarin chỉ mới là một linh mục thuộc giáo phận Créteil. Trong khoảng thời gian đó, trong một năm ngài sống ở Pháp vài tháng và vài tháng dạy học ở Đại chủng viện Madagascar bên Phi Châu.

Anh ta tiết lộ điều đó để yêu cầu ngài cách chức linh mục Preynat. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Hồng Y đã viết thư cho Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, xin ý kiến vì Bộ Giáo Lý Đức Tin chịu trách nhiệm xét xử các trường hợp giáo sĩ phạm vào tội lỗi lạm dụng tính dục.

Toàn văn thư trả lời của Đức Hồng Y Ladaria như sau:

Ngày 3 tháng 2 năm 2015

Thưa Đức Hồng Y,

Thánh bộ này, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng trường hợp của linh mục Bernard Preynat, là linh mục trong giáo phận của ngài mà ngài đã đệ trình, đã quyết định ủy thác cho ngài nhiệm vụ thực hiện các biện pháp kỷ luật thích hợp, tránh gây tai tiếng cho công chúng, xin hiểu rằng, trong những điều kiện này, anh ta không thể được giao phó cho bất kỳ một chức vụ mục vụ nào khác nhất là các chức vụ bao gồm việc có thể tiếp xúc với trẻ vị thành niên.

Tôi cũng khuyên ngài nên thực hiện các biện pháp thích hợp để chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân.

Xin Đức Hồng Y nhận nơi đây sự bày tỏ tình cảm quý mến của tôi trong Chúa Kitô.

+ Luis F. Ladaria, SJ

Tổng giám mục hiệu tòa Thibica

Hôm thứ Sáu, Emiliano Fittipaldi của tờ Dimandi, vì lý do nào đó đã có trong tay lá thư này và xoáy vào cụm từ “tránh gây tai tiếng cho công chúng” để cáo buộc triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một “sự im lặng có hệ thống” đối với tội lỗi lạm dụng tính dục.

Toàn bộ câu chuyện chỉ là một sự phóng đại sai sự thật.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi nhận được phúc đáp của Đức Hồng Y Ladaria, Đức Hồng Y Barbarin đã mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat và ra quyết định loại bỏ Preynat khỏi hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, cả Đức Hồng Y lẫn Alexandrealeighot-Hezez đều không nghĩ rằng Đức Hồng Y phải báo cáo với cảnh sát.

Sau khi được biết Alexandrealeighot-Hezez đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y, 9 nạn nhân khác của Preynat đã cáo buộc ngài tội không báo cáo với cảnh sát.

Tháng 3 năm 2019, Đức Hồng Y Barbarin bị kết tội không báo cáo với nhà chức trách dân sự, và bị tuyên bản án sáu tháng tù treo, mặc dù, trong phiên tòa này, công tố viên cũng phải thừa nhận rằng chính các nạn nhân là những người phải báo cáo với cảnh sát vì họ đều đã là những người trưởng thành.

Đức Hồng Y kháng cáo và ngày 30 Tháng Giêng, 2020, Tòa phúc thẩm ở Lyon cho biết việc ngài mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat cho thấy ngài không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat. Ngài cũng không có trách nhiệm báo cáo với cảnh sát vì vào năm 2014, các nạn nhân đều đã là người trưởng thành. Nhóm 9 người này chống án, và đã kiện lên Tòa giám đốc thẩm.

Ngày 14 Tháng Tư vừa qua, Tòa giám đốc thẩm đưa ra phán quyết đồng ý với tòa phúc thẩm, tuyên bố Đức Hồng Y vô tội và khép lại vụ án.
Source:editorialedomani.it

3. Sau Đức Bênêđíctô đến lượt HY Woelki

Tờ Kölner Stadt-Anzeiger, trích dẫn các nguồn tin từ tổng giáo phận Köln, nói rằng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln, đã đến Rôma trong tuần qua để có các cuộc thảo luận tại Vatican.

Đức Hồng Y được cho là đã có một cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục. Đến nay, vẫn chưa biết liệu Đức Hồng Y Woelki có được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến hay không.

Vào ngày 24 tháng 9 năm ngoái, 2021, sau khi nghiên cứu kết quả của chuyến thanh tra tông tòa tại tổng giáo phận Köln về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận yêu cầu của vị Hồng Y xin nghỉ ngơi một thời gian, kết thúc vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro.

Tờ Kölner Stadt-Anzeiger có khuynh hướng cấp tiến, không dấu được khát vọng mong mỏi Đức Hồng Y Woelki biến mất nên viết rằng “chuyến thăm này của Hồng Y có liên hệ trực tiếp với thời hạn 2 tháng Ba này và do đó với tương lai cuối cùng của Đức Hồng Y Woelki. Tổng giáo phận hiện đang được lãnh đạo bởi hai vị phụ tá.”

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki là một trong 8 vị Giám Mục ở Đức kiên quyết chống lại Tiến Trình Công Nghị Đức. Trong vài tháng qua, Đức Hồng Y đã phải hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội từ người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Cha Georg Bätzing của Limburg.

Một linh mục người Đức nói với tờ National Catholic Register: “Áp lực là rất lớn. Đức Hồng Y Woelki và những người khác chống lại Tiến Trình Công Nghị đang bị các chiến dịch báo chí bẩn thỉu triệt hạ”.

Trung tâm của các cáo buộc là tuyên bố cho rằng vị Hồng Y đã không công khai kết quả của một cuộc điều tra của Tổng Giáo Phận, đã được hoàn tất, về tình trạng lạm dụng tình dục dưới thời các nhà lãnh đạo hiện tại và trước đây. Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, báo cáo đã phải bị chặn lại vì những lo ngại về pháp lý và “những khiếm khuyết về phương pháp luận của nó”.

Ngài cũng bị cho là có lỗi vì không điều tra các cáo buộc nghiêm trọng chống lại một linh mục ở Düsseldorf bị cho là đã lạm dụng một cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo vào cuối những năm 1970. Sau khi Đức Hồng Y Woelki được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln vào năm 2014, ngài đã quyết định không thực hiện thêm những hành động hoặc thông báo cho Rôma, vì linh mục này “không thể bị thẩm vấn” do chứng mất trí nhớ nghiêm trọng. Linh mục ấy đã chết vì nguyên nhân tự nhiên. Nạn nhân cũng được cho là từ chối không ra làm chứng.

Vào tháng 12, Đức Hồng Y Woelki đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem xét những cáo buộc chống lại ngài. Vào ngày 7 tháng 2, Welt am Sonntag báo cáo rằng trường hợp của linh mục Düsseldorf đã được chuyển đến Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF. CDF đã giải tỏa mọi vấn đề liên quan đến Đức Hồng Y, và kết luận rằng ngài đã “hành động đúng theo giáo luật”.

Dù vậy, để cho mọi việc được rõ ràng, Đức Hồng Y đã yêu cầu Đức Thánh Cha mở một cuộc thanh tra tông tòa. Sau cuộc thanh tra tông tòa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra phán quyết rằng Đức Hồng Y Woelki nên tiếp tục phụ trách tổng giáo phận Köln của Đức sau cuộc điều tra của Vatican về việc xử lý các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Hôm 24 tháng 9 năm ngoái, Tòa thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu vị Hồng Y 65 tuổi tiếp tục lãnh đạo tổng giáo phận ở miền tây nước Đức sau một thời gian nghỉ phép.

Tuyên bố giải thích rằng cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y Woelki đã hành động không hợp luật liên quan đến các vụ lạm dụng.

Tuyên bố cho biết thêm: “Đức Thánh Cha trông cậy vào Đức Hồng Y Woelki, thừa nhận lòng trung thành của ngài đối với Tòa Thánh và mối quan tâm của ngài đối với sự hiệp nhất của Giáo hội”.

Trong một tuyên bố cùng ngày 24 tháng 9, Đức Hồng Y Woelki nói: “Tôi đi theo hướng này với thông điệp rõ ràng của Đức Thánh Cha rằng chúng ta đã làm rõ một cách nghiêm túc và toàn diện và không che đậy bất cứ điều gì. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tổng giáo phận và cho tôi trong những tuần tới. Tôi cũng hứa với anh chị em lời cầu nguyện nhiệt thành của tôi.”

Cải tổ Giáo Hội là điều quan trọng. Tuy nhiên, cần phải tiến hành trong thanh thản, và phân định. Đáng tiếc, phe cấp tiến tung ra nhiều thủ đoạn chính trị bôi nhọ những ai không đồng ý với mình, kể cả Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Source:ilsismografo
 
Sau Đức Bênêđíctô đến lượt HY Woelki
Đặng Tự Do
05:16 14/02/2022


Tờ Kölner Stadt-Anzeiger, trích dẫn các nguồn tin từ tổng giáo phận Köln, nói rằng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln, đã đến Rôma trong tuần qua để có các cuộc thảo luận tại Vatican.

Đức Hồng Y được cho là đã có một cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục. Đến nay, vẫn chưa biết liệu Đức Hồng Y Woelki có được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến hay không.

Vào ngày 24 tháng 9 năm ngoái, 2021, sau khi nghiên cứu kết quả của chuyến thanh tra tông tòa tại tổng giáo phận Köln về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận yêu cầu của vị Hồng Y xin nghỉ ngơi một thời gian, kết thúc vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro.

Tờ Kölner Stadt-Anzeiger có khuynh hướng cấp tiến, không dấu được khát vọng mong mỏi Đức Hồng Y Woelki biến mất nên viết rằng “chuyến thăm này của Hồng Y có liên hệ trực tiếp với thời hạn 2 tháng Ba này và do đó với tương lai cuối cùng của Đức Hồng Y Woelki. Tổng giáo phận hiện đang được lãnh đạo bởi hai vị phụ tá.”

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki là một trong 8 vị Giám Mục ở Đức kiên quyết chống lại Tiến Trình Công Nghị Đức. Trong vài tháng qua, Đức Hồng Y đã phải hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội từ người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Cha Georg Bätzing của Limburg.

Một linh mục người Đức nói với tờ National Catholic Register: “Áp lực là rất lớn. Đức Hồng Y Woelki và những người khác chống lại Tiến Trình Công Nghị đang bị các chiến dịch báo chí bẩn thỉu triệt hạ”.

Trung tâm của các cáo buộc là tuyên bố cho rằng vị Hồng Y đã không công khai kết quả của một cuộc điều tra của Tổng Giáo Phận, đã được hoàn tất, về tình trạng lạm dụng tình dục dưới thời các nhà lãnh đạo hiện tại và trước đây. Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, báo cáo đã phải bị chặn lại vì những lo ngại về pháp lý và “những khiếm khuyết về phương pháp luận của nó”.

Ngài cũng bị cho là có lỗi vì không điều tra các cáo buộc nghiêm trọng chống lại một linh mục ở Düsseldorf bị cho là đã lạm dụng một cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo vào cuối những năm 1970. Sau khi Đức Hồng Y Woelki được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln vào năm 2014, ngài đã quyết định không thực hiện thêm những hành động hoặc thông báo cho Rôma, vì linh mục này “không thể bị thẩm vấn” do chứng mất trí nhớ nghiêm trọng. Linh mục ấy đã chết vì nguyên nhân tự nhiên. Nạn nhân cũng được cho là từ chối không ra làm chứng.

Vào tháng 12, Đức Hồng Y Woelki đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem xét những cáo buộc chống lại ngài. Vào ngày 7 tháng 2, Welt am Sonntag báo cáo rằng trường hợp của linh mục Düsseldorf đã được chuyển đến Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF. CDF đã giải tỏa mọi vấn đề liên quan đến Đức Hồng Y, và kết luận rằng ngài đã “hành động đúng theo giáo luật”.

Dù vậy, để cho mọi việc được rõ ràng, Đức Hồng Y đã yêu cầu Đức Thánh Cha mở một cuộc thanh tra tông tòa. Sau cuộc thanh tra tông tòa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra phán quyết rằng Đức Hồng Y Woelki nên tiếp tục phụ trách tổng giáo phận Köln của Đức sau cuộc điều tra của Vatican về việc xử lý các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Hôm 24 tháng 9 năm ngoái, Tòa thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu vị Hồng Y 65 tuổi tiếp tục lãnh đạo tổng giáo phận ở miền tây nước Đức sau một thời gian nghỉ phép.

Tuyên bố giải thích rằng cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y Woelki đã hành động không hợp luật liên quan đến các vụ lạm dụng.

Tuyên bố cho biết thêm: “Đức Thánh Cha trông cậy vào Đức Hồng Y Woelki, thừa nhận lòng trung thành của ngài đối với Tòa Thánh và mối quan tâm của ngài đối với sự hiệp nhất của Giáo hội”.

Trong một tuyên bố cùng ngày 24 tháng 9, Đức Hồng Y Woelki nói: “Tôi đi theo hướng này với thông điệp rõ ràng của Đức Thánh Cha rằng chúng ta đã làm rõ một cách nghiêm túc và toàn diện và không che đậy bất cứ điều gì. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tổng giáo phận và cho tôi trong những tuần tới. Tôi cũng hứa với anh chị em lời cầu nguyện nhiệt thành của tôi.”

Cải tổ Giáo Hội là điều quan trọng. Tuy nhiên, cần phải tiến hành trong thanh thản, và phân định. Đáng tiếc, phe cấp tiến tung ra nhiều thủ đoạn chính trị bôi nhọ những ai không đồng ý với mình, kể cả Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Source:ilsismografo
 
Một Giám Mục ở Nigeria bị bắt cóc.
Nguyễn Long Thao
10:40 14/02/2022
Một Giám Mục ở Nigeria bị bắt cóc.

Bản tin của hãng thông tấn Công Giáo Fides loan tin các tay súng chưa rõ danh tính đã bắt cóc Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Công Giáo Owerri ở Đông Nigeria

ĐGM được cho là đã bị bắt cóc vào đêm Chủ nhật cùng với người lái xe. Xe của vị Giám mục sau đó được tìm thấy gần Nhà thờ Assumpta ở Owerri, ở đông nam Nigeria. Đức Tổng Giám Mục giáo phận,Đức Cha. Victor Obinna, đã xác nhận tin này

Tổng Thư ký của Ban Thư ký Công Giáo Nigeria, Cha Zacharia Nyantiso Samjumi kêu gọi giáo dân cầu nguyện để Đức Giám Mục Phụ Tá nhanh chóng được thả.

Cha cho biết: “Cho đến nay, không có báo cáo chính thức nào hay bất kỳ thư từ nào của những kẻ bắt cóc”.

Cha Samjumi nói. " Chúng tôi tin tưởng và cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, để ĐGM được an toàn và nhanh chóng được thả ra".

Cảnh sát đã phát động hai đội đặc biệt, đội can thiệp nhanh (QUIT) và đơn vị chống bắt cóc (AKU), để xác định vị trí của ĐGM Chikwe và bắt giữ những kẻ bắt cóc.

Vụ bắt cóc Giám Mục Phụ Tá Owerri diễn ra chỉ một tuần sau vụ bắt cóc cha Valentine Oluchukwu Ezeagu.Cha bị bắt cóc vào ngày 15 tháng 12 trên đường đến dự đám tang của thân phụ. Cha được thả vào ngày 16 tháng 12.

Nguyễn Long Thao
 
Cảnh sát phát hiện một phụ nữ Ý, chết đã 2 năm, đang ngồi trên ghế nhìn qua cửa sổ gần Hồ Como
Đặng Tự Do
16:12 14/02/2022


Thi thể của một phụ nữ 70 tuổi đã được tìm thấy trong ngôi nhà của bà ở miền bắc nước Ý, hai năm sau khi bà qua đời. Bà Marinella Beretta sống một mình gần Hồ Como ở Lombardy.

Francesca Manfredi, nhân viên phụ trách báo chí của Tòa thị chính Como, cho biết thi thể của bà được phát hiện vào hôm thứ Sáu sau khi hàng xóm khiếu nại rằng một cái cây trong vườn nhà của bà đã đổ sang nhà hàng xóm vì phát triển quá mức.

SkyTg24 đưa tin rằng thi thể của Beretta được tìm thấy đang ngồi trên ghế trong phòng khách nhìn qua cửa sổ.

Manfredi nói với CNN rằng nguyên nhân cái chết của Beretta vẫn chưa được biết rõ và giám định viên đã xác định rằng bà ấy đã chết vào khoảng cuối năm 2019, dựa trên mức độ phân hủy cơ thể của bà.

Marinella Beretta sống gần Hồ Como ở miền bắc nước Ý. Cha Paolo Romeo, Cha Sở nhà thờ Thánh Martino nói ngài “bối rối” trước diễn biến này vì ngài và cộng đoàn đã thiếu quan tâm khi bà Beretta không xuất hiện trong các thánh lễ. Giáo xứ Santo Martino nằm ở trên một sườn núi, việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt là hoàn cảnh đại dịch. Tuy vậy, Cha Paolo Romeo đã tỏ ra rất áy náy vì một chuyện đau đớn như thế đã xảy ra.

Manfredi cho biết, đến nay vẫn chưa có người thân nào của Beretta xuất hiện, đồng thời cho biết thêm rằng cảnh sát đang điều tra xem bà có gia đình nào còn sống hay không.

Hiện tại, thi thể của Beretta vẫn ở nhà xác và ngày tang lễ vẫn chưa được ấn định, Manfredi nói thêm.

Thị trưởng Como Mario Landriscina đã mời cư dân của thị trấn đến dự đám tang của Beretta tại nhà thờ Thánh Martino. Ông nói với các phương tiện truyền thông Ý rằng chính quyền địa phương sẽ lo liệu việc tổ chức tang lễ.

Landriscina nói: “Đây là khoảnh khắc được ở bên nhau, và ngay cả khi người phụ nữ này không có họ hàng, chúng ta có thể trở thành người thân của bà ấy.”

Bộ trưởng về gia đình và cơ hội bình đẳng của Ý, Elena Bonetti, nhận xét rằng: “Không ai nên ở một mình”.

Bà cho biết Beretta không nằm trong danh sách được hỗ trợ từ các dịch vụ xã hội địa phương. Nói cách khác, bà Beretta là một người khá giả.

Trên Facebook, Bộ trưởng Elena Bonetti đã bày tỏ lòng thương tiếc về cái chết đơn độc của Beretta.

“Điều gì đã xảy ra với Marinella Beretta ở Como, nỗi cô đơn bị lãng quên, làm tổn thương lương tâm của chúng ta,” cô nói. “Nhớ lại cuộc đời của cô ấy là nghĩa vụ của một cộng đồng muốn duy trì sự đoàn kết.”

Bonetti nói thêm: “Chăm sóc lẫn nhau là kinh nghiệm của gia đình, tổ chức, của việc chúng ta là công dân. Không ai đáng phải chết cô đơn như thế”.
Source:Seven News
 
Số người Công Giáo trên toàn thế giới tăng 16 triệu người vào năm 2020
Đặng Tự Do
16:13 14/02/2022


Số người Công Giáo trên toàn thế giới ước tính tăng khoảng 16 triệu người vào năm 2020 nâng tổng số người Công Giáo lên 1.36 tỷ người, theo số liệu thống kê do Vatican công bố hôm thứ Sáu.

Sự gia tăng này phù hợp với sự gia tăng dân số toàn cầu trong năm 2020 khi đại dịch coronavirus quét qua hành tinh. Người Công Giáo tiếp tục chiếm 17.7% tổng dân số thế giới.

Các số liệu cho năm 2020 lấy từ ấn bản năm 2022 của Niên giám Tòa Thánh và Niên giám Thống kê của Giáo hội, do Văn phòng Thống kê Giáo hội Trung ương của Vatican biên soạn.

Như những năm trước, Giáo hội tăng trưởng nhanh nhất ở Phi Châu với 2.1%, và Á Châu với 1.8%. Khiêm tốn nhất là ở Âu Châu với 0.3%.

Gần một nửa, cụ thể là 48% người Công Giáo trên thế giới sống ở Mỹ Châu, trong đó 28% sống ở Nam Mỹ.

Số lượng giám mục trên toàn thế giới đã giảm một vị, từ 5,364 vị vào năm 2019 xuống còn 5,363 vào năm 2020.

Vào cuối năm 2020, có tổng số 410,219 linh mục, giảm 4,117 vị so với năm 2019. Mặc dù số lượng linh mục ở Bắc Mỹ và Âu Châu giảm, nhưng ở Phi Châu và Á Châu đã có một “sự gia tăng đáng kể”.

Vào năm 2020, khoảng 40% linh mục trên thế giới sống ở Âu Châu, 29% ở Mỹ Châu, 17% ở Á Châu, 12% ở Phi Châu và 1% ở Đại Dương Châu.

Số người Công Giáo trên mỗi linh mục trên toàn thế giới đã tăng từ 3,245 người vào năm 2019 lên 3,314 người vào năm 2020. Ở Âu Châu, trung bình có 1,746 người Công Giáo trên một linh mục, 2,086 người ở Mỹ Châu và 5,089 người ở Phi Châu.

Số lượng phó tế vĩnh viễn đã tăng lên, từ 48,238 vào năm 2019 lên 48,635 vào năm 2020. Con số ở Âu Châu giảm nhẹ từ 15,267 xuống 15,170.

Số lượng nam tu sĩ không phải là linh mục đã tăng trên toàn thế giới từ 50,295 vào năm 2019 lên 50,569 vào năm 2020, với sự gia tăng được thấy ở Phi Châu với 1.1%, Á Châu với 2.8% và Âu Châu, 4% nhưng giảm ở Mỹ Châu 4% và Đại Dương Châu 6%.

Số lượng nữ tu đã giảm trên toàn cầu từ 630,099 sơ vào năm 2019 xuống còn 619,546 sơ vào năm 2020, giảm 1.7%. Nhưng có sự gia tăng ở Phi Châu 3.2% và Á Châu 0.2%, giảm ở Âu Châu 4.1%, Mỹ Châu 2.8% và Đại Dương Châu 5.7%.

Có 111,855 chủng sinh vào năm 2020, so với 114,058 vào năm 2019, giảm đáng kể ở Âu Châu 4.3%, Mỹ Châu 4.2% và Á Châu 3.5% nhưng tăng 2.8% từ 32,721 đến 33,628 ở Phi Châu.
Source:Catholic News Agency
 
Lịch trình cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha trong tháng tới
Thanh Quảng sdb
17:51 14/02/2022
Lịch trình cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha trong tháng tới

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vừa công bố các cuộc cử hành phụng vụ sắp tới do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì.

(Tin Vatican)

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh hôm thứ Hai 14/2/2022 đã công bố lịch trình cử hành phụng vụ mà Đức Thánh Cha sẽ chủ sự trong tháng Ba.

- Thứ Tư Lễ Tro, ngày 2 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ khai mạc Mùa Chay lúc 4:30 chiều tại Nhà thờ thánh Anselmo. Sau đó, ngài sẽ cử hành Thánh lễ với Phép lành và xức Tro vào lúc 5:00 chiều tại Vương cung thánh đường thánh Sabina. Năm ngoái, vì đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican.

- Vào thứ Sáu, ngày 4 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ hiện diện trong phiên họp “Thông qua các tiến trình phong thánh” tại Điện Tông tòa vào lúc 10:30 sáng.

- Sau đó, vào ngày 25 tháng 3, Đức Thánh Cha sẽ chủ trì Thánh lễ Xám hối lúc 5 giờ chiều tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Tĩnh tâm Giáo triều Rôma

Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Giáo triều Rôma thu xếp tham dự tuần tĩnh tâm năm nay, dù tình trạng y tế vẫn còn bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 đe dọa.

Trong một tuyên cáo vào tháng Giêng của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cho hay Đức Thánh Cha đã yêu cầu các Hồng Y cư trú tại Rôma, các vị chủ tịch các thánh bộ và nhân viên của Giáo triều tham dự tuần tĩnh tâm “từ chiều ngày Chủ nhật mùng 6 tháng Ba đến thứ Sáu ngày 11 tháng Ba.”

Trong ba năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn cùng với các thành viên của Giáo triều tham dự tuần tĩnh tâm mùa Chay tại Trung tâm Divin Maestro ở Ariccia.

Trước đây, các cuộc Tĩnh tâm thường được tổ chức vào tuần đầu tiên của Mùa Vọng, nhưng từ năm 1964, chúng được chuyển sang mùa Chay để sửa soạn mừng Đại lễ Phục sinh.
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Pháp nhân khai mạc phiên tòa xét xử vụ giết Cha Jacques Hamel
J.B. Đặng Minh An dịch
19:35 14/02/2022
Hôm thứ Hai, 14 tháng Hai, phiên tòa xét xử những người bị buộc tội có liên quan đến vụ tấn công Cha Jacques Hamel đã bắt đầu trước Tòa Đại Hình (Cour d’assises) của Paris.

Hội Đồng Giám Mục Pháp đã ra một thông báo. Nguyên bản tiếng Pháp có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cái chết của Cha Jacques Hamel vào ngày 26 tháng 7 năm 2016 - bị ám sát bởi hai kẻ khủng bố trẻ tuổi tự xưng mình Daesh [nghĩa là chiến binh khủng bố Hồi Giáo IS] - đã gây chấn động cho các tín hữu và cả những người không có tín ngưỡng trên khắp nước Pháp và vượt ra ngoài biên giới của chúng ta. Vị linh mục cao niên này, vẫn còn phục vụ, gần gũi với những người đơn sơ nhất và mong manh nhất, đã bị ám sát ngay giữa thánh lễ mà ngài đang cử hành, vì ngài là một linh mục, vì ngài là một Kitô hữu.

Phiên tòa kéo dài gần một tháng này gợi lại những ký ức đau buồn và khó khăn cho nhiều người. Hội đồng Giám mục Pháp mong muốn gởi đến thân nhân của Cha Jacques Hamel, đến những người bị bắt làm con tin ngày hôm đó, đến giáo dân Saint-Etienne du Rouvray, cũng như đến giáo dân và các linh mục của giáo phận Rouen, và Đức Tổng Giám Mục của họ, là Đức Cha Dominique Lebrun, tình cảm sâu sắc và những lời cầu nguyện của chúng tôi. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến tất cả các nạn nhân của vụ khủng bố - đặc biệt là Simone, Nadine và Vincent, là những nạn nhân của vụ tấn công vào Vương cung thánh đường Nice - ở Pháp và trên toàn thế giới và những người thân của họ. Đối với tất cả mọi người, Hội đồng Giám mục Pháp muốn nhắc lại lòng thương cảm và sự hiệp thông của mình.

Chúng tôi tin tưởng vào thể chế tư pháp: công lý phải được thực hiện và sự thật phải được sáng tỏ. Điều đó cần cho gia đình của Cha Jacques Hamel, cần cho những người đã sống qua những giờ phút tang thương này. Đối với các bị cáo và người thân của họ, điều đó cũng cần thiết. Sự thật sẽ mở đường cho công lý. Sự thật và công lý là cần thiết để tất cả mọi người tiến về phía trước, cho dù là nạn nhân hay bị cáo.

Cái chết của Cha Hamel vẫn là một nỗi đau khổ lớn đối với nhiều người. Nhưng cuộc đời và cuộc tử đạo của ngài đã đơm hoa kết trái. Cha Jacques Hamel sẽ luôn là một tấm gương tốt về đời sống linh mục cho các linh mục của Pháp. Ngài sẽ để lại cho các Kitô hữu chứng tá của một đức ái dành cho tất cả mọi người, một tôi tớ khiêm nhường và quảng đại cho đến cùng. Cuộc đời và cái chết của ngài đã vang vọng cho đất nước chúng ta như một lời kêu gọi về lòng trung tín và tình huynh đệ, để cái ác không có lời cuối cùng.

Cha Hugues de Woillemont

Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Pháp

Phát ngôn viên của các Giám mục Pháp

Source:eglise.catholique.fr
 
Nhà thiên văn học Vatican khám phá thiên thể mới trong thái dương hệ
Vũ Văn An
21:01 14/02/2022



Theo Aleteia (https://aleteia.org/2022/02/10/breaking-news-vatican-observatory-astronomer-finds-new-member-of-the-solar-system/), một nhà thiên văn học của Tòa Thánh, cùng với các đồng nghiệp của ngài, đã tìm ra một thành viên mới của thái dương hệ xoay quanh phía ngoài hành tinh Neptune. “Vật xuyên Neptune” (trans-neptunian object, gọi tắt là TNO) này nay được đặt tên là “2021 XD7”. Nó được khám phá đầu tiên bởi Cha Richard Boyle, S.J. ngày 3 tháng 12, 2021, sử dụng Viễn kính Kỹ thuật Tân tiến (Advanced Technology Telescope - gọi tắt là VATT) tại Mt. Graham ở Arizona (Hoa Kỳ).

Nhà thiên văn học và vật lý học thiên thể người Lithuania, Kazimieras Černis, đã phân tích các dữ kiện của khám phá. Peter Veres thuộc Trung tâm Tiểu Hành tinh của Liên hiệp Thiên văn học Quốc tế đã tính toán qũy đạo của vật thể này, sử dụng các quan sát được linh mục Boyle thu thập trong thời gian qua.

Viễn kính Kỹ thuật Tân tiến Vatican tại Mt Graham, Arizona


Veres cũng là cựu sinh viên của Trường Mùa Hè của Đài Thiên Văn Vatican dành cho các nhà thiên văn trẻ chuyên nghiệp, được tổ chức thường xuyên tại trụ sở chính của Đài tại Castel Gandolfo gần Rome. Ông dự trường này hồi năm 2007.

Qũy đạo của TNO 2021 SD7 (Trắng) so với các quỹ đạo của Neptune (dương),Uranus (xanh) và Saturn (vàng)


TNO đầu tiên, Pluto (thoạt đầu được phân loại là hành tinh nhưng nay được coi như hành tinh lùn – dwartf planet), được khám phá năm 1930. Giống như Pluto, TNO 2021 XD7 có một qũy đạo lệch tâm, khá nghiêng so với các qũy đạo của trái đất và các hành tinh khác của thái dương hệ. Qũy đạo này đem thiên vật này gần mặt trời hơn khoảng cách với Neptune (gấp 30 lần khoảng cách trái đất với mặt trời) nhưng lại đem nó ra xa hơn hai lần khỏi mặt trời. 2021 XD7 cần tới khoảng 3 thế kỷ để hoàn tất một vòng xoay quanh mặt trời. Vì khoảng cách xa như thế, người ta ít biết về nó, nhưng chắc chắn nó nhỏ hơn cả Pluto, một thiên thể chỉ bằng phần nhỏ của vệ tinh của trái đất.

Qũy đạo của TNO 2021 XD7 (trắng) nghiêng đáng kể so với các qũy đạo của trái đất và các hành tinh khác


Viễn kính Kỹ thuật Tân tiến của Vatican cũng được biết dưới tên Viễn kính Alice P. Lennon, được xây dựng trong thập niên 1990 dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Các viễn kính cũ hơn của Đài Thiên văn Vatican, đặt tại Castel Gandolfo, đã trở nên ít hữu dụng hơn đối với các nghiên cứu thiên văn học, do ô nhiễm ánh sáng ở Rome.

VATT là một viễn kính cỡ trung bình, với “Kỹ thuật Tân tiến”, có ý nói đến việc nó là viễn kính đầu tiên được xây dựng bằng cách sử dụng các phương pháp khai phá đầu tiên do Đại Học Arizona khai triển. Sử dụng các phương pháp này, Phòng Thí nghiện R.F. Caris của Đại Học đã giúp xây dựng một số các viễn kính lớn nhất thế giới, trong đó, có Viễn kính Magellan Khổng lồ hiện đang được xây dựng.

Cha Boyle sử dụng viễn kính với máy ảnh “VATT4k” của nó khi ngài tìm ra TNO 2021 XD7. Đây là máy ảnh thiên văn học được thiết kế đặc biệt cho các cuộc thăm dò trắc quang (đo ánh sáng) và để quan sát các thiên thể mờ nhạt. Nó hoạt động một cách tương tự như máy ảnh kỹ thuật số và máy ảnh điện thoại di động, nhưng nó được tối đa hóa để đạt được độ nhậy đáng kể.

Trong những năm gần đây, VATT đã phải đương đầu với nạn cháy rừng, các hạn chế do COVID, và ngay cả vụ xâm lăng của sâu bướm nhưng khoa học vẫn tiếp tục với chiếc viễn kính!

Đài Thiên văn của Tò Thánh tại Mt Graham, Arizona (Hoa Kỳ)

 
Đức Giáo Hoàng tái cấu trúc Bộ Giáo Lý Đức Tin, cung cấp các tài nguyên để xử lý các trường hợp lạm dụng
Đặng Tự Do
21:55 14/02/2022


Mục đích của cuộc cải cách là dành tầm quan trọng thích đáng cho phần giáo lý của Bộ Giáo lý Đức tin, và vai trò cơ bản của Bộ này trong việc thúc đẩy đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã sửa đổi cấu trúc nội bộ của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, bằng cách thiết lập hai phần riêng biệt, một phần giáo lý và một phần kỷ luật, mỗi phần có thư ký riêng. Bây giờ, Đức Hồng Y tổng trưởng của Bộ sẽ có hai cấp phó. Vị tổng trưởng hiện nay là Đức Hồng Y Luis Francisco Ladaria Ferrer, 77 tuổi.

Những thay đổi được nêu ra trong một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc có tiêu đề Fidem Servare, nghĩa là “Gìn Giữ Đức Tin” (xem 2 Timôthê 4: 7).

Mục đích của cuộc cải cách là nhằm nâng cao tầm quan trọng của phần giáo lý và vai trò cơ bản của Bộ Giáo Lý Đức Tin trong việc quảng bá đức tin, mà không làm giảm hoạt động kỷ luật của hội thánh. Điều này xảy ra sau nhiều thập kỷ, trong đó rất nhiều nỗ lực và nhân lực đã được đưa ra để xem xét các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Với cấu trúc mới, mỗi bộ phận, với một thư ký riêng, sẽ có quyền hạn và quyền tự chủ cao hơn.

CDF hiện có khoảng 50 nhân viên.

Phục Vụ Kho Tàng Đức Tin

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích trong Tự Sắc Fidem Servare, “gìn giữ đức tin,” là “nhiệm vụ chính, cũng như tiêu chí cuối cùng phải tuân theo trong đời sống của Giáo hội”.

Phần Giáo lý “giải quyết các vấn đề liên quan đến việc quảng bá và bảo vệ giáo lý đức tin và đạo đức. Phần này cũng thúc đẩy các nghiên cứu nhằm tăng cường sự hiểu biết và truyền tải đức tin nhằm phục vụ cho việc truyền bá phúc âm hóa, để ánh sáng Tin Mừng có thể là tiêu chuẩn để hiểu ý nghĩa của sự tồn tại nhân sinh, đặc biệt khi đối mặt với những câu hỏi đặt ra bởi sự tiến bộ của khoa học và sự phát triển của xã hội”. Nó cũng kiểm tra các tài liệu được xuất bản bởi các giáo phái khác, cũng như các bài viết và ý kiến “có vẻ có vấn đề đối với đức tin đúng đắn, khuyến khích đối thoại với các tác giả và đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp.”

Phần này cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu các câu hỏi liên quan đến các giáo hạt tòng nhân của các cựu thành viên Anh giáo; và sự quản lý của Văn phòng Hôn nhân, là cơ quan liên quan điều gọi là “privilegium fidei” hay “đặc ân Đức Tin” và xem xét việc giải thể các cuộc hôn nhân giữa hai người chưa được rửa tội hoặc giữa một người đã được rửa tội và một người chưa được rửa tội.

Privilegium fidei hay đặc ân đức tin nghĩa là gì?

Khi hôn phối được thành lập hữu hiệu thì tạo nên dây ràng buộc không thể tháo gỡ, bất kỳ là hôn phối được cử hành theo thể thức Công Giáo hay ngoài Công Giáo như của Tin Lành hay của người lương. Tuy nhiên trong một số trường hợp, hôn nhân có thể được tháo gỡ bởi “đặc ân Thánh Phaolô” hay “đặc ân Đức Tin”. Đặc ân Thánh Phaolô, được ban theo những nguyên tắc luật, tháo cởi dây hôn phối giữa hai người lương, nghĩa là giữa hai người không được rửa tội, khi một trong hai người ấy theo đạo Công Giáo. Đặc ân Đức Tin, được ban bởi Đức Giáo Hoàng, tháo cởi dây hôn phối mà ít nhất một trong hai người đã được rửa tội, ví dụ tháo cởi hôn nhân giữa hai người lương mà bên lương không chịu theo đạo, hoặc hôn nhân khác đạo đã cử hành hữu hiệu.

Đặc ân này có mục đích trợ giúp đức tin cho người tân tòng, dựa trên giáo huấn của Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gởi các tín hữu thành Côrintô:

Còn với những người khác, thì tôi nói, chính tôi chứ không phải Chúa: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ? (1Cr 7:12-16)

Các tội phạm liên quan đến giáo luật

Phần Kỷ luật xử lý các tội phạm được dành cho phán quyết của Bộ Giáo Lý Đức Tin, được xét xử bởi Tòa án Tông đồ Tối cao được thành lập tại Bộ này.

Phần này có nhiệm vụ “chuẩn bị và thực hiện các thủ tục được dự đoán trước bởi các quy tắc giáo luật để Thánh bộ, thông qua các văn phòng khác nhau của mình (Tổng trưởng, Thư ký, Chưởng lý, Công nghị, các Phiên họp thường lệ, và khoáng đại để xem xét các kháng cáo trong các vấn đề liên quan đến các graviora delicta, tức là các lỗi phạm nghiêm trọng, ngõ hầu có thể thúc đẩy một nền hành chính công bằng đúng đắn.”

Vì mục đích này, phần kỷ luật “thúc đẩy các sáng kiến đào tạo thích hợp,” được cung cấp cho các Giám mục và những luật gia, “nhằm thúc đẩy sự hiểu biết đúng đắn và áp dụng các quy tắc giáo luật liên quan đến thẩm quyền của mình.”

Theo thông tin từ I.MEDIA, bộ phận kỷ luật sử dụng khoảng 20 người và giải quyết hơn 1,000 trường hợp lạm dụng mới do các giáo sĩ thực hiện mỗi năm. Theo một nguồn tin nội bộ, vào năm 2020, khoảng 60% các trường hợp được cứu xét bởi bộ phận kỷ luật liên quan đến các hành vi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, và những trường hợp này chủ yếu đến từ các khu vực mà hiện tượng lạm dụng đã trở nên phổ biến hơn - như Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và Âu Châu.

Tự Sắc được xây dựng dựa trên quá trình bắt đầu vào năm 2001

Bằng cách trao quyền tự chủ cho từng phần, Tự Sắc mới này tiếp tục một quá trình bắt đầu vào năm 2001, dưới triều đại giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II, để đối phó theo luật pháp với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục do các giáo sĩ gây ra.

Với Tự Sắc “Sacramentorum Sanctitatis Tutela”, nghĩa là “Bảo Vệ Các Bí Tích Thánh Thiện”, được công bố vào năm 2001, hành vi lạm dụng tình dục của một giáo sĩ đối với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi đã được CDF đưa vào danh sách các các lỗi phạm nghiêm trọng được giải quyết bởi CDF. Việc tập trung hóa các vụ việc ở Rôma là nhằm bù đắp cho những điểm yếu của các cơ quan tài phán địa phương.

Việc mở rộng nhiệm vụ của CDF được thúc đẩy bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc đó là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Ngài đã xuất bản vào ngày 18 tháng 5, 2001, một bức thư có tựa đề Deophitis Gravioribus, nghĩa là “Về Những Tội Lỗi Nghiêm Trọng” đưa ra các quy tắc xử lý nghiêm minh của mình về những vấn đề này.

Đức Bênêđíctô XVI đã sửa đổi các điều khoản này vào năm 2010, đáng chú ý là ngài kéo dài thời hiệu tố cáo lên 20 năm, thay vì 10 năm như trước đó. Tội mua, sở hữu hoặc phân tán nội dung khiêu dâm trẻ em cũng được đưa vào danh sách các tội lỗi nghiêm trọng.

Những cải cách mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày 7 tháng 12 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cập nhật các quy tắc này, một vài tháng sau khi sửa đổi Quyển VI của Bộ Giáo luật, trong đó giới thiệu, trong số những điều khác, một điều khoản cụ thể về tội ác đối với trẻ vị thành niên.

Sự phát triển này theo sau hai Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình, Vos estis lux mundi - 2019, bao gồm các quy tắc về trách nhiệm của các giám mục - và Come una madre amorevole - 2016.

Kho lưu trữ của Bộ Giáo Lý Đức Tin

Cuối cùng, Bộ Giáo Lý Đức Tin sở hữu một Kho lưu trữ để “bảo quản và tham khảo các tài liệu”, cũng là nơi lưu giữ các văn kiện lịch sử của thánh bộ trước đây.

Các quy định của Tông thư Fidem Servare có hiệu lực khi được công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma vào ngày 14 tháng 2 năm 2022. Văn bản của Tự Sắc sau đó sẽ được xuất bản trên Acta Apostolicae Sedis – Công báo Tòa Thánh.
Source:Aleteia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Chầu Thánh Thể thay mặt Giáo phận ngày 13-2-2022
Văn Minh
21:47 14/02/2022
“Con người sống ở đời này để làm gì? Thưa, là để đi tìm hạnh phúc và luôn có Chúa ở cùng”.

Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán – Chánh xứ Vĩnh Hòa – đã chia sẻ như trên nhân ngày cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, hân hoan thay mặt Giáo phận Chầu Thánh Thể vào Chúa nhật VI Thường niên, diễn ra lúc 7g sáng Chúa nhật ngày 13-2-2022.

Xem Hình

Trong phần chia sẻ, Lm Gioakim đã tóm tắt bài Tin Mừng (Lc 6, 17-20-26) và quảng diễn qua câu Lời Chúa: “Phúc cho anh em bây giờ là những kẻ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được thỏa lòng. Nhưng khốn cho những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”.

Vậy có phải người nghèo là được hạnh phúc, còn người giàu thì bị bất hạnh không? Thưa không phải như vậy, có thể hiểu những người nghèo đói ở đây được Thiên Chúa chúc phúc là những người mà nhà tiên tri Giêrêmia loan báo. “Phúc thay cho những người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”.

Đối với người giàu: Chúa răn đe những người giàu khi dùng tiền vào những cuộc ăn chơi trác táng vô bổ mà không thèm để ý quan tâm đến những người nghèo khổ nơi xung quanh. Họ cậy dựa vào quyền lực trần thế như lời ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I đã cảnh báo. “Khốn cho kẻ tin tưởng vào người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ xa Chúa.”

Lm Gioakim hỏi các em thiếu nhi: Con người sống ở đời này để làm gì? Thưa, là để đi tìm hạnh phúc và luôn có Chúa ở cùng.

Để kết thúc bài giảng, Lm chủ tế mời gọi các em thiếu nhi cùng nhau lập bài đáp ca (Tv 39,5c): “ Phúc thay cho người tựa nương vào Chúa, hạnh phúc thay cho những ai trông cậy nơi Ngài”.

Thánh lễ nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 8g. Sau đó, Lm Chánh xứ đặt Mình Thánh Chúa khai mạc ngày Chầu Thánh Thể từ 8g đến 16g, do các giáo họ cùng các hội đoàn thay nhau phụ trách.

Trong giờ Chầu, Lm Gioakim mời gọi cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho cơn dịch bệnh Covid-19 mau chấm dứt, và cho Giáo phận luôn được bình an. Đồng thời, ngài kêu gọi mọi người suy gẫm và hướng đến một Giáo hội hiệp hành, hiệp thông, tham gia và sứ vụ.
 
VietCatholic TV
Ukraine cảm kích nghĩa cử của ĐTC Phanxicô. Huấn dụ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13/2
VietCatholic Media
05:04 14/02/2022

Chúa Nhật 13 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 6 Mùa Quanh Năm. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giêsu trình bày Tám Mối Phúc Thật.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trung tâm của Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay là các Mối Phúc (x. Lc 6, 20-23). Thật thú vị khi lưu ý rằng Chúa Giêsu, mặc dù bị bao quanh bởi một đám đông lớn, nhưng lại công bố các Mối Phúc bằng cách nói với “các môn đệ của Ngài” (câu 20). Ngài nói với các môn đệ. Thật vậy, các Mối Phúc xác định căn tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Các Mối Phúc nghe có vẻ lạ, gần như không thể hiểu được đối với những người không phải là môn đệ; nhưng, nếu chúng ta tự hỏi chính mình môn đệ của Chúa Giêsu phải là người như thế nào, thì câu trả lời chính xác là các Mối Phúc. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (câu 20). Phúc cho những người nghèo. Chúa Giêsu nói với dân Ngài hai điều: họ có phúc và họ nghèo; quả thật, họ được chúc phúc vì họ nghèo.

Theo nghĩa nào? Thưa: Theo nghĩa là các môn đệ Chúa Giêsu không tìm thấy niềm vui của mình nơi tiền bạc, quyền lực, hoặc các thứ của cải vật chất khác; nhưng trong những ân sủng mà họ nhận được mỗi ngày từ Thiên Chúa: sự sống, tạo vật, anh chị em, v.v. Đây là những món quà của cuộc sống. Họ bằng lòng chia sẻ ngay cả những thứ họ sở hữu, bởi vì họ sống theo luận lý của Thiên Chúa. Và luận lý của Chúa là gì? Thưa: là sự nhưng không. Người môn đệ đã học cách được sống nhưng không. Sự nghèo khó này cũng là một thái độ đối với ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì các môn đệ của Chúa Giêsu không nghĩ đến việc sở hữu nó, hay cho rằng mình đã biết mọi thứ, nhưng họ biết rằng họ phải học hỏi mỗi ngày. Và sự nghèo khó là thế này: đó là ý thức phải học mỗi ngày. Người môn đệ của Chúa Giêsu, từ khi có thái độ này, là một người khiêm tốn, cởi mở, xa rời các thành kiến và não trạng không linh hoạt.

Có một ví dụ điển hình trong bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước: Ông Simon Phêrô, một ngư dân lão luyện, chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu để thả lưới vào một giờ bất thường, và sau đó, đầy ngạc nhiên về vụ đánh bắt kỳ diệu, rời thuyền và tất cả hàng hóa của mình để theo Chúa. Thánh Phêrô cho thấy mình là người ngoan ngoãn bằng cách bỏ mọi thứ, và theo cách này, ngài trở thành một môn đệ. Thay vào đó, những ai quá dính bén vào ý tưởng riêng và của cải của riêng mình, sẽ khó thực sự theo Chúa Giêsu. Họ theo dõi Ngài một chút, chỉ trong những điều mà trong đó “Tôi đồng ý với Ngài và Ngài đồng ý với tôi”, nhưng sau đó, đối với những phần còn lại, họ không đi xa hơn. Và đó không phải là một môn đệ. Có lẽ họ lắng nghe Ngài, nhưng họ không làm theo Ngài. Và vì vậy, họ rơi vào tình trạng buồn bã. Họ trở nên buồn bã vì mọi thứ không hợp lý, bởi vì thực tế thoát khỏi tâm lý của họ và họ thấy không hài lòng. Ngược lại, các môn đệ biết cách tự vấn mình, khiêm tốn tìm kiếm Thiên Chúa mỗi ngày, và điều này cho phép họ đi sâu vào thực tế, nắm bắt được sự phong phú và phức tạp của nó.

Nói cách khác, người môn đệ chấp nhận nghịch lý của các Mối Phúc : họ tuyên bố rằng những ai nghèo khó, thiếu thốn của cải và nhận ra điều này, thì được chúc phúc, được hạnh phúc. Về phương diện người ta thường tình, chúng ta có xu hướng nghĩ theo một cách khác: hạnh phúc là những người giàu có, nhiều của cải, những người có tất cả những sự chắc chắn, những người nhận được sự khen ngợi và là đối tượng ghen tị của nhiều người. Nhưng đây là lối suy nghĩ của thế gian, nó không phải là cách nghĩ của các Mối Phúc! Trái lại, Chúa Giêsu tuyên bố thành công thế gian là thất bại, vì nó dựa trên sự ích kỷ thổi phồng lên để rồi khiến trái tim trống rỗng. Đối mặt với nghịch lý của Các Mối Phúc, các môn đệ cho phép mình được thử thách, ý thức rằng không phải Thiên Chúa phải đi vào luận lý của chúng ta, mà là chúng ta phải đi vào luận lý của Người. Điều này đòi hỏi một cuộc hành trình, đôi khi mệt mỏi, nhưng luôn đi kèm với niềm vui. Bởi vì người môn đệ của Chúa Giêsu vui mừng, với niềm vui đến từ Chúa Giêsu. Bởi vì, chúng ta hãy nhớ, lời đầu tiên mà Chúa Giêsu nói là: phúc thay, beati, là từ ngữ hình thành tên Các Mối Phúc. Đây là từ đồng nghĩa với việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Chúa, bằng cách giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của sự tự cho mình là trung tâm, phá vỡ ổ khóa của chúng ta, làm tan biến sự cứng cỏi của chúng ta, và mở ra cho chúng ta hạnh phúc thực sự, mà chúng ta thường tìm thấy ở nơi chúng ta không mong đợi. Chính Ngài là Đấng hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, chứ không phải chúng ta, với những định kiến và những đòi hỏi của chúng ta. Cuối cùng, các môn đệ là những người để mình được Chúa Giêsu dẫn dắt, những người mở lòng đón nhận Chúa Giêsu, những người lắng nghe Người và đi theo con đường của Người.

Sau đó, chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi - mỗi người trong chúng ta - có sẵn sàng là người môn đệ của Chúa không? Hay tôi cư xử với sự cứng nhắc của một người tin rằng mình đúng, người cảm thấy mình quá tử tế, người cảm thấy mình đã đạt đến mức lành thánh lắm rồi? Tôi có cho phép mình “không phản kháng nội tâm” trước các nghịch lý của Các Mối Phúc, hay tôi ở trong giới hạn của những ý tưởng của riêng tôi? Và rồi, với luận lý của các Mối Phúc, chấp nhận những khó khăn gian khổ, tôi có cảm nhận được niềm vui khi bước theo Chúa Giêsu không? Đây là đặc điểm quyết định của người môn đệ: niềm vui. Đừng quên - niềm vui của trái tim. Đây là tảng đá góc để biết một người có phải là môn đệ hay không: đó là người ấy có niềm vui trong lòng không? Tôi có niềm vui trong lòng không? Đây là mấu chốt.

Xin Đức Mẹ, người môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta sống như những môn đệ cởi mở và vui tươi.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tin tức từ Ukraine là rất đáng lo ngại. Tôi giao phó mọi nỗ lực vì hòa bình cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và lương tâm của các nhà lãnh đạo chính trị. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.

Tôi chân thành chào tất cả anh em: Những người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và từ các quốc gia khác.

Đặc biệt, tôi chào các tín hữu của Funchal và Estreito de Câmara de Lobos, trên Đảo Madeira, Bồ Đào Nha, cũng như những người đến từ Perugia và Catanzaro.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
Cần biết: Sự thật về cuộc tấn kích mới nhất vào GH Pháp và ĐTC. Sau Đức Bênêđíctô đến lượt HY Woelki
VietCatholic Media
05:12 14/02/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi 'bản đại giao hưởng cầu nguyện' trước Năm Thánh 2025

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời kêu gọi trong một bức thư ngày 11 tháng 2 gửi cho Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ Tân Phúc âm hóa.

Đức Thánh Cha viết:

“Theo thông lệ, Tông Chiếu Thiết Định Năm Thánh, sẽ được công bố đúng thời điểm, và chứa đựng các hướng dẫn cần thiết để cử hành Năm Thánh 2025”

“Trong thời gian chuẩn bị này, tôi vô cùng mong muốn rằng chúng ta dành trọn năm 2024, năm trước sự kiện Năm Thánh, cho một 'bản đại giao hưởng' của lời cầu nguyện.”

Trong lá thư của mình, Đức Thánh Cha giải thích rằng Năm Thánh là “một sự kiện có ý nghĩa quan trọng về tâm linh, giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội.”

“Kể từ năm 1300, khi Đức Thánh Cha Bonifaciô Thứ Tám thiết lập Năm Thánh đầu tiên - ban đầu được cử hành 100 năm một lần, sau đó, theo tiền lệ Kinh thánh, cứ 50 năm một lần và cuối cùng là 25 năm một lần – để dân thánh và trung thành của Thiên Chúa trải nghiệm cử hành này như một ân sủng đặc biệt, được đặc trưng bởi sự tha thứ tội lỗi và cách riêng là các ơn toàn xá, như một biểu hiện đầy đủ của lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Có hai loại Năm Thánh: “bình thường” khi Năm Thánh ấy rơi vào một khoảng thời gian nhất định chẳng hạn như 25 năm, và “ngoại thường” khi Năm Thánh ấy đánh dấu những sự kiện đáng chú ý.

Năm Thánh 2025 - năm đánh dấu 1,700 năm thành lập Công đồng Nicê - sẽ là Năm thánh bình thường đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ tọa Đại Năm Thánh 2000. Năm Thánh Lòng Thương Xót do Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở ra vào năm 2015 là một năm thánh ngoại thường.

“Đại Năm Thánh 2000 đã mở đầu cho Giáo hội bước vào thiên niên kỷ thứ ba trong lịch sử của Giáo hội. Thánh Gioan Phaolô II đã chờ đợi từ lâu và rất mong đợi sự kiện đó, với hy vọng rằng tất cả các Kitô hữu, bỏ lại sau lưng những chia rẽ lịch sử, có thể cùng nhau kỷ niệm 2,000 năm ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của nhân loại.”

“Giờ đây, khi 25 năm đầu tiên của thế kỷ mới đã khép lại, chúng ta được mời gọi bước vào một mùa chuẩn bị để có thể giúp người Kitô hữu trải nghiệm Năm Thánh trong tất cả sự phong phú về mục vụ của nó.”

“Một bước quan trọng trong cuộc hành trình này đã được thực hiện với việc cử hành Năm Thánh Đặc biệt của Lòng Thương Xót, cho phép chúng ta đánh giá lại một lần nữa tất cả sức mạnh và sự dịu dàng của tình yêu thương xót của Chúa Cha, để đến lượt chúng ta, trở thành những nhân chứng cho Lòng Thương Xót ấy.”

Năm Thánh 2025 sẽ bao gồm việc mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Những người hành hương đi qua cánh cửa - chỉ được mở trong các Năm Thánh - có thể nhận được Ơn Toàn Xá với các điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Vị giáo hoàng 85 tuổi cho biết ngài hy vọng Năm Thánh 2025 sẽ giúp khôi phục “bầu không khí hy vọng và tin cậy” trong bối cảnh “nghi ngờ, sợ hãi và mất phương hướng” do đại dịch coronavirus gây ra.

“Điều này thực sự sẽ xảy ra nếu chúng ta có khả năng khôi phục cảm giác về tình huynh đệ phổ quát và từ chối nhắm mắt làm ngơ trước thảm cảnh đói nghèo tràn lan đã ngăn cản hàng triệu người nam nữ, thanh niên và trẻ em sống theo cách xứng đáng phẩm giá con người của họ.”

Vào tháng Giêng, Vatican đã công bố khẩu hiệu của Năm Thánh là “Những Người Hành Hương Của Niềm Hy Vọng”.

Nhìn về phía trước đến năm 2024, Đức Thánh Cha nói: “Nói một cách ngắn gọn, có thể đây là một năm cầu nguyện mãnh liệt, trong đó trái tim được mở ra để đón nhận sự tuôn tràn ân sủng của Thiên Chúa và dâng lên 'Cha của chúng ta', lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, như chương trình sống của từng môn đệ của Người”.
Source:Catholic News Agency

2. Sự thật về lá thư của Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer gởi cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin

Năm ngoái, cụ thể là hôm thứ Tư 14 Tháng Tư, Tòa án tối cao của Pháp đã khẳng định rằng Đức Hồng Y Philippe Barbarin, nguyên tổng giám mục Lyon, đã không che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của linh mục Bernard Preynat.

Phán quyết của Cour de cassation, nghĩa là Tòa giám đốc thẩm, tại Palais de Justice, ở thủ đô Paris, đã khép lại một bộ phim dài nhiều tập đầy cảm xúc gây nhiều đau khổ cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin.

Tòa giám đốc thẩm đồng ý với phán quyết của tòa phúc thẩm rằng Đức Hồng Y hoàn toàn vô tội, ngài không cản trở công lý, không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat.

Tháng 7 năm 2014, Alexandrealeighot-Hezez đã gặp Đức Hồng Y Barbarin để tiết lộ rằng anh ta đã bị linh mục Preynat lạm dụng 24 năm trước đó, khi anh ta còn là một hướng đạo sinh, và lúc đó Đức Hồng Y Barbarin chỉ mới là một linh mục thuộc giáo phận Créteil. Trong khoảng thời gian đó, trong một năm ngài sống ở Pháp vài tháng và vài tháng dạy học ở Đại chủng viện Madagascar bên Phi Châu.

Anh ta tiết lộ điều đó để yêu cầu ngài cách chức linh mục Preynat. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Hồng Y đã viết thư cho Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, xin ý kiến vì Bộ Giáo Lý Đức Tin chịu trách nhiệm xét xử các trường hợp giáo sĩ phạm vào tội lỗi lạm dụng tính dục.

Toàn văn thư trả lời của Đức Hồng Y Ladaria như sau:

Ngày 3 tháng 2 năm 2015

Thưa Đức Hồng Y,

Thánh bộ này, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng trường hợp của linh mục Bernard Preynat, là linh mục trong giáo phận của ngài mà ngài đã đệ trình, đã quyết định ủy thác cho ngài nhiệm vụ thực hiện các biện pháp kỷ luật thích hợp, tránh gây tai tiếng cho công chúng, xin hiểu rằng, trong những điều kiện này, anh ta không thể được giao phó cho bất kỳ một chức vụ mục vụ nào khác nhất là các chức vụ bao gồm việc có thể tiếp xúc với trẻ vị thành niên.

Tôi cũng khuyên ngài nên thực hiện các biện pháp thích hợp để chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân.

Xin Đức Hồng Y nhận nơi đây sự bày tỏ tình cảm quý mến của tôi trong Chúa Kitô.

+ Luis F. Ladaria, SJ

Tổng giám mục hiệu tòa Thibica

Hôm thứ Sáu, Emiliano Fittipaldi của tờ Dimandi, vì lý do nào đó đã có trong tay lá thư này và xoáy vào cụm từ “tránh gây tai tiếng cho công chúng” để cáo buộc triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một “sự im lặng có hệ thống” đối với tội lỗi lạm dụng tính dục.

Toàn bộ câu chuyện chỉ là một sự phóng đại sai sự thật.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi nhận được phúc đáp của Đức Hồng Y Ladaria, Đức Hồng Y Barbarin đã mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat và ra quyết định loại bỏ Preynat khỏi hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, cả Đức Hồng Y lẫn Alexandrealeighot-Hezez đều không nghĩ rằng Đức Hồng Y phải báo cáo với cảnh sát.

Sau khi được biết Alexandrealeighot-Hezez đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y, 9 nạn nhân khác của Preynat đã cáo buộc ngài tội không báo cáo với cảnh sát.

Tháng 3 năm 2019, Đức Hồng Y Barbarin bị kết tội không báo cáo với nhà chức trách dân sự, và bị tuyên bản án sáu tháng tù treo, mặc dù, trong phiên tòa này, công tố viên cũng phải thừa nhận rằng chính các nạn nhân là những người phải báo cáo với cảnh sát vì họ đều đã là những người trưởng thành.

Đức Hồng Y kháng cáo và ngày 30 Tháng Giêng, 2020, Tòa phúc thẩm ở Lyon cho biết việc ngài mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat cho thấy ngài không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat. Ngài cũng không có trách nhiệm báo cáo với cảnh sát vì vào năm 2014, các nạn nhân đều đã là người trưởng thành. Nhóm 9 người này chống án, và đã kiện lên Tòa giám đốc thẩm.

Ngày 14 Tháng Tư vừa qua, Tòa giám đốc thẩm đưa ra phán quyết đồng ý với tòa phúc thẩm, tuyên bố Đức Hồng Y vô tội và khép lại vụ án.
Source:editorialedomani.it

3. Sau Đức Bênêđíctô đến lượt HY Woelki

Tờ Kölner Stadt-Anzeiger, trích dẫn các nguồn tin từ tổng giáo phận Köln, nói rằng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln, đã đến Rôma trong tuần qua để có các cuộc thảo luận tại Vatican.

Đức Hồng Y được cho là đã có một cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục. Đến nay, vẫn chưa biết liệu Đức Hồng Y Woelki có được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến hay không.

Vào ngày 24 tháng 9 năm ngoái, 2021, sau khi nghiên cứu kết quả của chuyến thanh tra tông tòa tại tổng giáo phận Köln về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận yêu cầu của vị Hồng Y xin nghỉ ngơi một thời gian, kết thúc vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro.

Tờ Kölner Stadt-Anzeiger có khuynh hướng cấp tiến, không dấu được khát vọng mong mỏi Đức Hồng Y Woelki biến mất nên viết rằng “chuyến thăm này của Hồng Y có liên hệ trực tiếp với thời hạn 2 tháng Ba này và do đó với tương lai cuối cùng của Đức Hồng Y Woelki. Tổng giáo phận hiện đang được lãnh đạo bởi hai vị phụ tá.”

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki là một trong 8 vị Giám Mục ở Đức kiên quyết chống lại Tiến Trình Công Nghị Đức. Trong vài tháng qua, Đức Hồng Y đã phải hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội từ người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Cha Georg Bätzing của Limburg.

Một linh mục người Đức nói với tờ National Catholic Register: “Áp lực là rất lớn. Đức Hồng Y Woelki và những người khác chống lại Tiến Trình Công Nghị đang bị các chiến dịch báo chí bẩn thỉu triệt hạ”.

Trung tâm của các cáo buộc là tuyên bố cho rằng vị Hồng Y đã không công khai kết quả của một cuộc điều tra của Tổng Giáo Phận, đã được hoàn tất, về tình trạng lạm dụng tình dục dưới thời các nhà lãnh đạo hiện tại và trước đây. Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, báo cáo đã phải bị chặn lại vì những lo ngại về pháp lý và “những khiếm khuyết về phương pháp luận của nó”.

Ngài cũng bị cho là có lỗi vì không điều tra các cáo buộc nghiêm trọng chống lại một linh mục ở Düsseldorf bị cho là đã lạm dụng một cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo vào cuối những năm 1970. Sau khi Đức Hồng Y Woelki được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln vào năm 2014, ngài đã quyết định không thực hiện thêm những hành động hoặc thông báo cho Rôma, vì linh mục này “không thể bị thẩm vấn” do chứng mất trí nhớ nghiêm trọng. Linh mục ấy đã chết vì nguyên nhân tự nhiên. Nạn nhân cũng được cho là từ chối không ra làm chứng.

Vào tháng 12, Đức Hồng Y Woelki đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem xét những cáo buộc chống lại ngài. Vào ngày 7 tháng 2, Welt am Sonntag báo cáo rằng trường hợp của linh mục Düsseldorf đã được chuyển đến Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF. CDF đã giải tỏa mọi vấn đề liên quan đến Đức Hồng Y, và kết luận rằng ngài đã “hành động đúng theo giáo luật”.

Dù vậy, để cho mọi việc được rõ ràng, Đức Hồng Y đã yêu cầu Đức Thánh Cha mở một cuộc thanh tra tông tòa. Sau cuộc thanh tra tông tòa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra phán quyết rằng Đức Hồng Y Woelki nên tiếp tục phụ trách tổng giáo phận Köln của Đức sau cuộc điều tra của Vatican về việc xử lý các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Hôm 24 tháng 9 năm ngoái, Tòa thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu vị Hồng Y 65 tuổi tiếp tục lãnh đạo tổng giáo phận ở miền tây nước Đức sau một thời gian nghỉ phép.

Tuyên bố giải thích rằng cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y Woelki đã hành động không hợp luật liên quan đến các vụ lạm dụng.

Tuyên bố cho biết thêm: “Đức Thánh Cha trông cậy vào Đức Hồng Y Woelki, thừa nhận lòng trung thành của ngài đối với Tòa Thánh và mối quan tâm của ngài đối với sự hiệp nhất của Giáo hội”.

Trong một tuyên bố cùng ngày 24 tháng 9, Đức Hồng Y Woelki nói: “Tôi đi theo hướng này với thông điệp rõ ràng của Đức Thánh Cha rằng chúng ta đã làm rõ một cách nghiêm túc và toàn diện và không che đậy bất cứ điều gì. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tổng giáo phận và cho tôi trong những tuần tới. Tôi cũng hứa với anh chị em lời cầu nguyện nhiệt thành của tôi.”

Cải tổ Giáo Hội là điều quan trọng. Tuy nhiên, cần phải tiến hành trong thanh thản, và phân định. Đáng tiếc, phe cấp tiến tung ra nhiều thủ đoạn chính trị bôi nhọ những ai không đồng ý với mình, kể cả Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Source:ilsismografo
 
Hi hữu: Cảnh sát thấy phụ nữ qua đời 2 năm ngồi bên song cửa. Thống kê dân số Công Giáo thế giới
VietCatholic Media
16:10 14/02/2022


1. Cảnh sát phát hiện một phụ nữ Ý, chết đã 2 năm, đang ngồi trên ghế nhìn qua cửa sổ gần Hồ Como

Thi thể của một phụ nữ 70 tuổi đã được tìm thấy trong ngôi nhà của bà ở miền bắc nước Ý, hai năm sau khi bà qua đời. Bà Marinella Beretta sống một mình gần Hồ Como ở Lombardy.

Francesca Manfredi, nhân viên phụ trách báo chí của Tòa thị chính Como, cho biết thi thể của bà được phát hiện vào hôm thứ Sáu sau khi hàng xóm khiếu nại rằng một cái cây trong vườn nhà của bà đã đổ sang nhà hàng xóm vì phát triển quá mức.

SkyTg24 đưa tin rằng thi thể của Beretta được tìm thấy đang ngồi trên ghế trong phòng khách nhìn qua cửa sổ.

Manfredi nói với CNN rằng nguyên nhân cái chết của Beretta vẫn chưa được biết rõ và giám định viên đã xác định rằng bà ấy đã chết vào khoảng cuối năm 2019, dựa trên mức độ phân hủy cơ thể của bà.

Marinella Beretta sống gần Hồ Como ở miền bắc nước Ý. Cha Paolo Romeo, Cha Sở nhà thờ Thánh Martino nói ngài “bối rối” trước diễn biến này vì ngài và cộng đoàn đã thiếu quan tâm khi bà Beretta không xuất hiện trong các thánh lễ. Giáo xứ Santo Martino nằm ở trên một sườn núi, việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt là hoàn cảnh đại dịch. Tuy vậy, Cha Paolo Romeo đã tỏ ra rất áy náy vì một chuyện đau đớn như thế đã xảy ra.

Manfredi cho biết, đến nay vẫn chưa có người thân nào của Beretta xuất hiện, đồng thời cho biết thêm rằng cảnh sát đang điều tra xem bà có gia đình nào còn sống hay không.

Hiện tại, thi thể của Beretta vẫn ở nhà xác và ngày tang lễ vẫn chưa được ấn định, Manfredi nói thêm.

Thị trưởng Como Mario Landriscina đã mời cư dân của thị trấn đến dự đám tang của Beretta tại nhà thờ Thánh Martino. Ông nói với các phương tiện truyền thông Ý rằng chính quyền địa phương sẽ lo liệu việc tổ chức tang lễ.

Landriscina nói: “Đây là khoảnh khắc được ở bên nhau, và ngay cả khi người phụ nữ này không có họ hàng, chúng ta có thể trở thành người thân của bà ấy.”

Bộ trưởng về gia đình và cơ hội bình đẳng của Ý, Elena Bonetti, nhận xét rằng: “Không ai nên ở một mình”.

Bà cho biết Beretta không nằm trong danh sách được hỗ trợ từ các dịch vụ xã hội địa phương. Nói cách khác, bà Beretta là một người khá giả.

Trên Facebook, Bộ trưởng Elena Bonetti đã bày tỏ lòng thương tiếc về cái chết đơn độc của Beretta.

“Điều gì đã xảy ra với Marinella Beretta ở Como, nỗi cô đơn bị lãng quên, làm tổn thương lương tâm của chúng ta,” cô nói. “Nhớ lại cuộc đời của cô ấy là nghĩa vụ của một cộng đồng muốn duy trì sự đoàn kết.”

Bonetti nói thêm: “Chăm sóc lẫn nhau là kinh nghiệm của gia đình, tổ chức, của việc chúng ta là công dân. Không ai đáng phải chết cô đơn như thế”.
Source:Seven News

2. Số người Công Giáo trên toàn thế giới tăng 16 triệu người vào năm 2020

Số người Công Giáo trên toàn thế giới ước tính tăng khoảng 16 triệu người vào năm 2020 nâng tổng số người Công Giáo lên 1.36 tỷ người, theo số liệu thống kê do Vatican công bố hôm thứ Sáu.

Sự gia tăng này phù hợp với sự gia tăng dân số toàn cầu trong năm 2020 khi đại dịch coronavirus quét qua hành tinh. Người Công Giáo tiếp tục chiếm 17.7% tổng dân số thế giới.

Các số liệu cho năm 2020 lấy từ ấn bản năm 2022 của Niên giám Tòa Thánh và Niên giám Thống kê của Giáo hội, do Văn phòng Thống kê Giáo hội Trung ương của Vatican biên soạn.

Như những năm trước, Giáo hội tăng trưởng nhanh nhất ở Phi Châu với 2.1%, và Á Châu với 1.8%. Khiêm tốn nhất là ở Âu Châu với 0.3%.

Gần một nửa, cụ thể là 48% người Công Giáo trên thế giới sống ở Mỹ Châu, trong đó 28% sống ở Nam Mỹ.

Số lượng giám mục trên toàn thế giới đã giảm một vị, từ 5,364 vị vào năm 2019 xuống còn 5,363 vào năm 2020.

Vào cuối năm 2020, có tổng số 410,219 linh mục, giảm 4,117 vị so với năm 2019. Mặc dù số lượng linh mục ở Bắc Mỹ và Âu Châu giảm, nhưng ở Phi Châu và Á Châu đã có một “sự gia tăng đáng kể”.

Vào năm 2020, khoảng 40% linh mục trên thế giới sống ở Âu Châu, 29% ở Mỹ Châu, 17% ở Á Châu, 12% ở Phi Châu và 1% ở Đại Dương Châu.

Số người Công Giáo trên mỗi linh mục trên toàn thế giới đã tăng từ 3,245 người vào năm 2019 lên 3,314 người vào năm 2020. Ở Âu Châu, trung bình có 1,746 người Công Giáo trên một linh mục, 2,086 người ở Mỹ Châu và 5,089 người ở Phi Châu.

Số lượng phó tế vĩnh viễn đã tăng lên, từ 48,238 vào năm 2019 lên 48,635 vào năm 2020. Con số ở Âu Châu giảm nhẹ từ 15,267 xuống 15,170.

Số lượng nam tu sĩ không phải là linh mục đã tăng trên toàn thế giới từ 50,295 vào năm 2019 lên 50,569 vào năm 2020, với sự gia tăng được thấy ở Phi Châu với 1.1%, Á Châu với 2.8% và Âu Châu, 4% nhưng giảm ở Mỹ Châu 4% và Đại Dương Châu 6%.

Số lượng nữ tu đã giảm trên toàn cầu từ 630,099 sơ vào năm 2019 xuống còn 619,546 sơ vào năm 2020, giảm 1.7%. Nhưng có sự gia tăng ở Phi Châu 3.2% và Á Châu 0.2%, giảm ở Âu Châu 4.1%, Mỹ Châu 2.8% và Đại Dương Châu 5.7%.

Có 111,855 chủng sinh vào năm 2020, so với 114,058 vào năm 2019, giảm đáng kể ở Âu Châu 4.3%, Mỹ Châu 4.2% và Á Châu 3.5% nhưng tăng 2.8% từ 32,721 đến 33,628 ở Phi Châu.
Source:Catholic News Agency

3. Cha Raymond J. de Souza: Tấn công Đức Ratzinger là phương tiện cho mục đích tối hậu là phá hoại đạo lý Công Giáo chính thống

Trong bài “Pope Benedict’s Departure From the Public-Relations Handbook”, nghĩa là “Đức Bênêđíctô Tách Ra Khỏi Cẩm Nang Quan Hệ Công Chúng”, Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, nhận định rằng bất kể những tấn công cường tập hết sức vô lý nhắm vào nhân cách của ngài, phản ứng có chừng mực nhưng thẳng thắn, từ Giáo Hoàng Danh Dự đã giúp ích rất nhiều cho việc đọc lá thư về phương diện tâm linh.

Xin lưu ý với quý vị và anh chị em cụm từ “Public-Relations Handbook” hay “Cẩm Nang Quan Hệ Công Chúng” ở đây hiểu theo nghĩa bóng, không có nghĩa là một cuốn sách cụ thể nào cả. Chúng ta chẳng có một cuốn sách nào như thế cả, chớ có hiểu nhầm. Đó chỉ là cụm từ thường được dùng hiện nay để mỉa mai thái độ “im lặng là vàng” của các nhà lãnh đạo Giáo Hội trước các cáo buộc bất kể chúng vô lý đến mức nào, chẳng hạn như báo cáo về tội lỗi lạm dụng tính dục tại Pháp, trong đó Jean-Marc Sauvé, tín đồ Tam Điểm, cáo buộc trung bình một linh mục lạm dụng ở Pháp đã lạm dụng hàng trăm trẻ em!

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong hơn 70 năm làm linh mục, Đức Joseph Ratzinger đặt cho mình sứ mệnh tìm kiếm và công bố sự thật; ngài đã chọn khẩu hiệu Giám Mục của mình là “những người cộng tác với sự thật”. Ngài đã làm chính điều đó trong phản ứng của mình trước cuộc điều tra ở Munich về lạm dụng tình dục, bảo vệ sự thật của vấn đề chống lại quan điểm thời thượng, và nâng cao toàn bộ vấn đề bằng cách đặt nó trong bối cảnh phụng vụ của tội lỗi, hoán cải, sự phán xét và ơn cứu rỗi.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã phản đối báo cáo của công ty luật Đức tiến hành cuộc điều tra, và nhóm pháp lý của ngài cho rằng các dữ kiện không hỗ trợ cho kết quả điều tra. Họ lập luận rằng bản thân cuộc điều tra đã thừa nhận “thiếu bằng chứng” và do đó đưa ra phán đoán chủ quan của riêng họ về những điều được cho rằng “rất có thể xảy ra”. Ý kiến của họ, không biện minh được và không được kiểm tra tại bất kỳ tòa án nào, không xác định được sự thật.

Nhà quan sát kỳ cựu các vấn đề về Vatican, John Allen, lưu ý rằng Đức Bênêđíctô không tuân theo “vở kịch” về quan hệ công chúng, trong đó các giám mục không dám tranh cãi về những phát hiện của những cuộc truy vấn như vậy, ngay cả khi một số tuyên bố người ta đưa ra rõ ràng là sai hoặc bị phóng đại, như trường hợp các cáo buộc ở Pennsylvania vào năm 2018, và ở Pháp vào năm ngoái 2021.

Đức Joseph Ratzinger không bao giờ tuân theo sách vở khi nói đến quan hệ công chúng. Trong khi hầu như tất cả các giám mục trên thế giới phải đợi đến sau những tai tiếng rầm rộ trên truyền thông mới có hành động chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục, thì chính Đức Hồng Y Ratzinger là người đã lãnh đạo những cải cách quan trọng của Vatican được đưa ra vào năm trước khi xảy ra vụ tai tiếng ở Boston.

Giờ đây, dư luận bị lèo lái đến mức người ta cho rằng không hợp thời khi khăng khăng đòi hỏi phải làm đúng thủ tục trong các trường hợp liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục và xem xét các cáo buộc một cách chính xác. Bất kể xu hướng đó, Đức Bênêđíctô không để mình bị cuốn theo chiều gió của kiểu quan hệ công chúng này.

Cha Federico Lombardi, người từng là phát ngôn viên Tòa Thánh dưới thời Đức Bênêđíctô, cho biết: “Tôi nghĩ việc ngài minh oan cho sự trung thực của mình là đúng. Bởi vì đó là một đặc điểm trong tính cách và hành vi của ngài trong suốt cuộc đời của ngài, mà tôi cũng có thể làm chứng cho điều này, khi đã sống gần gũi với ngài với tư cách là một cộng tác viên trong vài năm: việc phục vụ sự thật luôn được đặt lên hàng đầu. Ngài không bao giờ cố gắng che giấu những điều có thể gây đau đớn cho Giáo Hội khi phải thừa nhận; ngài không bao giờ cố gắng đưa ra một hình ảnh sai lệch về thực tại của Giáo Hội hoặc về những gì đang xảy ra. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng người ta không thể nghi ngờ sự trung thực của ngài theo bất kỳ cách nào. Và ngài chứng thực điều này, và tôi tin rằng việc chấp nhận điều đó với sự tin tưởng và xác tín là đúng.”

Giáo Hội Công Giáo ở Đức hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc, trong đó cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đang bị lợi dụng bởi các hành lang quyền lực để đề cao các quan điểm không chính thống như một phần của “Tiến Trình Công Nghị”. Trong bối cảnh đó, sự chú ý một cách bất thường đến Đức Ratzinger trong thời gian vắn vỏi chưa đầy 5 năm làm tổng giám mục của Munich, diễn ra hơn 40 năm trước, là điều dễ hiểu. Tấn công Đức Ratzinger ở Đức là một phương tiện cho mục đích tối hậu là phá hoại đạo lý Công Giáo chính thống.

Thành ra, người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Bênêđíctô đáp lại với quan điểm chính thống trên một cơ sở phụng vụ, đặt sự phục vụ Giáo hội lâu dài của mình trong bối cảnh của một tội nhân đang đứng trước mặt Chúa. Một tách biệt khác từ “vở kịch” quan hệ công chúng xảy ra khi Đức Bênêđíctô nói với tư cách là một môn đệ và mục tử Kitô, chứ không phải là người quản lý của một thực thể kinh doanh đang bị vây hãm, như thường thấy trong thái độ của hàng giáo phẩm Đức.

Đức Bênêđíctô viết: “Tôi ngày càng bị đánh động bởi thực tế là ngày này qua ngày khác, Giáo Hội bắt đầu cử hành Thánh Lễ - trong đó Chúa ban cho chúng ta lời của Ngài và chính bản thân Ngài - với lời thú nhận tội lỗi của chúng ta và lời thỉnh cầu xin Chúa thứ tha. Chúng ta công khai cầu xin Thiên Chúa hằng sống tha thứ [cho những tội lỗi mà chúng ta đã phạm] thiếu sót của chúng ta, gây ra bởi những lỗi lầm nghiêm trọng nhất của mình. Tôi thấy rõ rằng những từ “nghiêm trọng nhất” không áp dụng mỗi ngày và cho mỗi người theo cùng một cách. Tuy nhiên, ngày nào những từ ấy cũng khiến tôi đặt câu hỏi rằng liệu hôm nay tôi có nên nói về một lỗi nghiêm trọng nhất hay không. Và những điều ấy nói với tôi với niềm an ủi rằng dù lỗi của tôi có lớn đến đâu, hôm nay, Chúa vẫn tha thứ cho tôi, nếu tôi thành tâm cho phép mình được Ngài kiểm tra và thực sự chuẩn bị thay đổi.”

Đề cập đến các cuộc gặp gỡ của mình “với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục,” Đức Bênêđíctô viết “bản thân chúng ta bị cuốn vào lỗi nghiêm trọng này bất cứ khi nào chúng ta bỏ qua nó hoặc không đối diện với nó với quyết tâm và trách nhiệm cần thiết, là điều quá thường xuyên đã xảy ra và tiếp tục xảy ra.”

Sau đó, Đức Bênêđíctô đã chuyển sang một trong những hình ảnh Kinh Thánh yêu thích của ngài để hiểu về cuộc sống của Giáo hội, đó là hình ảnh Chúa Giêsu ngủ trên thuyền trong khi cơn bão đe dọa. Ngài đã sử dụng hình ảnh này trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng của mình với tư cách là Giáo Hoàng vào năm 2013. Lần này, Đức Bênêđíctô nói đến chuyện các tông đồ ngủ trong khi Chúa Giêsu trải qua những thống khổ trong vườn Giệtsimani, một đau khổ bao gồm nỗi đau của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Đức Bênêđíctô viết: “Tôi càng ngày càng đánh giá cao sự kinh hoàng và sợ hãi mà Chúa Kitô đã cảm thấy trên Núi Cây Dầu khi Ngài nhìn thấy tất cả những điều khủng khiếp mà Ngài sẽ phải chịu đựng trong nội tâm. Đáng buồn thay, thực tế là trong những khoảnh khắc đó, các môn đệ đang ngủ thể hiện một tình huống mà ngày nay cũng đang tiếp tục diễn ra, và tôi cũng cảm thấy được kêu gọi phải trả lời.”

Cuối cùng, Đức Bênêđíctô nhắc nhở độc giả của mình rằng các cáo buộc của công ty luật ở Munich cần được lưu ý, nhưng không được sợ hãi. Sự sợ hãi và run rẩy được dành cho những vấn đề nặng nề hơn nhiều so với những cuộc tranh cãi vô hình của nền chính trị giáo hội cay đắng của người Đức.

Người đàn ông gần 95 tuổi viết: “Không bao lâu, tôi sẽ tìm thấy chính mình trước tòa phán xét cuối cùng của cuộc đời mình. Mặc dù, khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn rất vui mừng, vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là vị quan tòa công minh, mà còn là người bạn và người anh em, là Đấng chính Ngài đã phải chịu đựng những thiếu sót của tôi, và do đó cũng là trạng sư của tôi, “Đấng Bầu Chữa” của tôi. Trong giờ phán xét, tôi càng thấy rõ ân sủng của việc trở thành tín hữu Kitô. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự là tình bạn, với Đấng phán xét cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết.”

Bức thư của Đức Bênêđíctô đã bị các nhà hoạt động bác bỏ, bị các luật sư bới lông tìm vết, và đang được tòa án dư luận xem xét. Đó là những phạm trù không thích đáng. Nó phù hợp hơn như một bài viết tâm linh.
Source:National Catholic Register