Ngày 12-02-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nụ Tầm Xuân may mắn
Lm. Minh Anh
02:29 12/02/2021
NỤ TẦM XUÂN MAY MẮN

Một bộ tộc trên miền núi xa xôi, khi hàng năm cứ mỗi độ xuân về, mọi người, già trẻ lớn bé, đều tham dự một cuộc thi tìm bông hoa đầu tiên cho làng, cánh hoa có tên là ‘nụ tầm xuân may mắn’. Ai hái được nụ tầm xuân sẽ là người đem lại may mắn cho làng, cũng là người may mắn nhất trong năm, và sẽ lãnh phần thưởng danh dự của làng. Một năm kia, khi gà vừa gáy, nắng xuân vừa ló dạng, trai tráng trong làng ùa chạy tìm hoa. Gần đến trưa, giữa lúc mọi người đang nản lòng vì chưa ai tìm được một cánh hoa nào, thì dưới một lũng sâu, người ta nghe vọng tiếng reo vui của một cậu bé, “Tôi đã tìm thấy, tôi đã tìm thấy!”. Mọi người chạy tới nơi. Thế nhưng, không may cho cậu, cánh hoa lại nằm trong một hốc đá dưới vực, muốn hái được, ai đó phải thả người xuống bằng một sợi dây. Trai tráng trong làng tình nguyện giữ dây để cậu bé leo xuống; nhưng cậu từ chối để đợi cha cậu đến, ông sẽ nắm sợi thừng. Cậu bé vui mừng reo lên, “Cha tôi, cha tôi” khi vừa thấy bóng dáng ông; sau đó, cậu thoăn thoắt lần xuống hái cánh hoa.

Kính thưa Anh Chị em,

Thiên Chúa là người cha yêu thương của chúng ta như người cha kia đang kíp chạy đến và kịp cứu đứa bé hái ‘nụ tầm xuân may mắn’. “Thiên Chúa là tình yêu”, Người yêu thương chúng ta năm Sửu, yêu thương năm Thìn, yêu thương năm Tỵ và yêu thương chúng ta năm Ngọ và cả năm Mùi; để rồi Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, năm nào Chúa cũng yêu thương. Không chỉ yêu thương từng mỗi năm trong mười hai con giáp, Chúa yêu thương chúng ta suốt đời; yêu từ tạo thiên lập địa, yêu cho đến ngày tắt hơi.

Ngày đầu năm, Hội Thánh cho chúng ta đọc lại bài Sáng Thế, sách thánh nói, Thiên Chúa yêu thương con người, yêu thương nguyên tổ Ađam, Eva. Người tạo dựng trời đất biển khơi xinh đẹp, trù phú cùng muôn loài trong đó và giao cho con người. Và vì là tình yêu, một tình yêu đời đời, nên khi nguyên tổ phạm tội, Người vẫn yêu thương; Người đã làm lại từ đầu. Công trình đó được gọi là công cuộc tạo dựng mới, còn có tên ‘công trình cứu chuộc’. Công trình này đã được Thiên Chúa hoàn thành trong Đức Giêsu Kitô; chính Ngài là trời mới đất mới. ‘Trời Mới Đất Mới’ đúng nghĩa chính là Ngài, hiện thân của lòng thương xót Chúa mà mỗi người sẽ gặp khi tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa như cậu bé đi tìm ‘nụ tầm xuân may mắn’ tin vào cha mình.

Thánh Phaolô trong thư Philipphê hôm nay nói, “Anh em hãy vui lên trong Chúa!”; vui lên vì chúng ta có một người Cha quyền phép vô song, yêu thương vô lường. Vị tông đồ nói, “Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện”. Như chủ nhân của ‘nụ tầm xuân may mắn’, chúng ta chờ đợi Người, van xin Người; Người sẽ có cách để giúp chúng ta. Qua Chúa Giêsu, Người sẽ kíp đến để giải thoát chúng ta, khi chúng ta sa ngã, khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta tuyệt vọng. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca của ngày đầu năm; đó vừa là một lời cầu nguyện, vừa là một lời tuyên xưng, “Lạy Chúa, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng tôi làm ra”.

Với Tin Mừng hôm nay, an ủi biết bao! Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng lo gì cả; ngày đầu năm, Ngài trấn an chúng ta. Đừng lo! Đừng lo ăn gì, đừng lo mặc gì vì Cha trên trời quý chúng ta hơn những con chim sẻ ngoài đồng nhiều lần. Lũ sẻ không cày, không gieo, không thu, không cất một hạt, vậy mà Chúa Cha không để con nào rơi xuống mà Người không hay biết; Người cũng không để một cánh huệ ngoài ruộng nào mặc kém Salomon với tất cả vinh hoa phú quý đời ông. Chúng ta được quý trọng hơn nhiều con chim sẻ, được nâng niu hơn nhiều đoá huệ.

Anh Chị em,

Thiên Chúa không chỉ cho ăn, cho mặc nhưng qua Chúa Giêsu, Người luôn có mặt, luôn kịp đến; và Giêsu đó đang chờ con người đưa tay ra cho Ngài nắm; vì Ngài biết không ít lần, chúng ta đang phải chui vào những hang hóc hiểm nguy của thế gian, ngay cả đôi khi không phải để hái những ‘nụ tầm xuân may mắn’ nhưng chỉ để tậu những cánh ‘hoa dại rủi ro’. Hãy vững tâm, có Chúa Giêsu bên cạnh, chúng ta can đảm lao vào Năm Mới như lao vào cuộc chiến với sự soi sáng của Thánh Thần hầu biết đâu là dại đâu là khôn; nhưng xin nhớ một điều, đưa tay cho Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong tin, yêu, hy vọng, con sẽ đi vào Năm Mới để hái những ‘nụ tầm xuân may mắn’ của Tin Mừng, của Tám Mối Phúc Thật. Này tay con đây, xin Ngài nắm lấy!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ 6 Mùa Quanh Năm B.14.2.2021
Lm Francis Lý văn Ca
15:27 12/02/2021

Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Lúc còn sinh thời Đức Kitô luôn chứng minh cho nhân loại niềm khát vọng của Ngài là mang đến cho thế gian niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Qua câu chuyện Chúa chữa người cùi trong Phúc Âm hôm nay, chứng minh quyền lực của vị Thiên Chúa. Ngài đã đến giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và quyền lực của ma quỷ.

Chúng ta cầu xin Chúa ban chúng ta ơn sức mạnh để có thể chiến đấu và chiến thắng những cơn cám dỗ của ma quỹ trong thế giới hôm nay.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Người cùi ngày nay được gìn giữ ở những nơi hẻo lánh xa xôi, chúng ta khó có thể biết họ ở đâu. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nghĩa bóng của bịnh cùi là những hình thức khinh khi những người bệnh tật, mất trí... đây là những chứng bệnh cùi của thời đại mà người ta đang gặp phải.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô khuyên: làm thế nào để cho Thiên Chúa được vinh danh qua tinh thần phục vụ của chúng ta. Trong cuộc sống bon chen, chúng ta đã chôn vùi tài năng của mình, tránh né những sự dấn thân và phục vụ.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Điều kiện để được chữa lành, Chúa đòi hỏi người cùi là anh có tin không? Trong cuộc sống, đôi lúc gặp những điều không may xảy ra, chúng ta cầu khẩn Chúa. Lúc vui sướng, chúng ta lại quên tạ ơn Ngài.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta hướng về Chúa với lòng thành và tin tưởng xin Ngài những nhu cầu sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Xin cho sứ giả hoà bình là Đức Thánh Cha Phanxicô, qua những chuyến tông du mục vụ của Ngài, sẽ mang đến cho thế giới sự hoà bình mà nhân loại đang khao khát. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những ai đã và đang phục vụ âm thầm nơi các trại cùi, họ sống với những người bị xã hội hay chính gia đình bỏ rơi hay lánh xa. Xin Chúa trả công cho những hy sinh cao quý nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Trong thực tế, chúng ta không nhìn thấy những người cùi, nhưng trong cuộc sống, chúng ta đã có những cử chỉ và hành động khinh khi tha nhân, những kẻ thấp bé nghèo hèn. Đây là những hình thức của bệnh cùi thời đại, xin Chúa giúp chúng ta xa tránh những chứng bệnh thời đại nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Trong những ngày đầu năm âm lịch-Tân Sửu, chúng ta hướng về quê hương xứ sở. Cầu xin Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo Hội và bà con thân thuộc nơi quê nhà. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin ban ơn yên nghỉ cho những người thân đã ra đi trước chúng ta. Đặc biệt những linh hồn đã qua đời trong năm vừa qua, nhất là những nạn nhân của Covid 19 (20). Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, xin chữa lành nơi chúng con những căn bệnh của thời đại như: tính ích kỷ và chia rẽ. Với tâm hồn vị tha, chúng con sẽ giúp đỡ được anh chị em của chúng con dưới nhiều cách thức khác nhau. Và qua sự đoàn kết, chúng con sẽ hàn gắn những vết thương huynh đệ giữa cộng đoàn-xứ đạo. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Lạy Ngài, xin làm cho con được sạch
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
16:37 12/02/2021
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN
Lạy Ngài, xin làm cho con được sạch
Lv 13,1-2.44-46; 1 Cr 10,31-11; Mc 1,40-45

Tiếp tục chủ đề về đau khổ và lòng thương xót của Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay đề cập đến một trong những nỗi đau khổ lớn nhất của con người, đó là bệnh phong cùi.

1- Bệnh phong cùi, nỗi ám ảnh lịch sử

Ngay nay, nhờ y khoa phát triển, bệnh phong cùi không còn là một bệnh nan nữa, nên nó không còn là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất của nhân loại. Nhưng trong quá khứ, bệnh phong cùi là một bệnh gây nên nhiều đau khổ nhất cho con người từ hàng ngàn năm.

Hai yếu tố bên ngoài đã góp phần làm gia tăng nỗi kinh sợ trước bệnh phong cùi. Yếu tố thứ nhất đó là người ta quan niệm rằng bệnh phong cùi là thứ bệnh nan y, không thể chữa trị, nhưng lại rất dễ lây lan. Nó có thể truyền sang bất cứ ai đã tiếp xúc với người bệnh. Yếu tố thứ hai đó là bệnh phong cùi được coi một hình phạt do tội, một sự chúc dữ của Thiên Chúa. Vì thế, người phong cùi bị cô lập, bị loại trừ khỏi cộng đoàn và xã hội. Họ phải sống trong một hoàn cảnh bi đát, phi nhân bản nhất.

Liên quan đến bệnh phong cùi, các bài đọc của Chúa Nhật này trình bày thái độ theo luật Môsê và thái độ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng.

Bài đọc I trích từ sách Lêvi cho biết khi một người bị nghi ngờ về những triệu chứng của bệnh phong cùi, họ phải được mang đến cho một tư tế để minh xác về bệnh này và để tư tế tuyên bố “người đó là ô uế.” Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi người phong cùi tội nghiệp này bị loại trừ khỏi cộng đoàn nhân loại, họ phải tránh xa mọi người, họ phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế! Bao lâu còn bệnh, người ấy phải ở riêng ra, bên ngoài trại (Lv 13,1-2.44-46).

2- Chúa Giêsu đối xử với người phong cùi

Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu đã đối xử như thế nào với người phong cùi trong bài Tin Mừng: Anh đến quỳ xuống van xin để xin Người chữa cho anh: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh hãy được sạch. Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch.”
Chúa Giêsu không sợ mình bị lây nhiễm; Chúa cho phép người phong cùi đến và quỳ gối trước mặt Người. Hơn nữa, khi người phong cùi đến gần, Chúa “giơ tay đụng vào anh.” Chúng ta không được phép nghĩ rằng tất cả những điều này được thực hiện một cách ngẫu nhiên và Chúa Giêsu không có biết đến sự nguy hiểm của bệnh này. Với tư cách một con người, Chúa Giêsu cũng chia sẻ với người đương thời về những quan niệm đối với bệnh phong cùi và cả những vấn đề khác. Nhưng trong Người, lòng cảm thương đối với người phong thì mạnh hơn nỗi sợ hãi đối với bệnh phong.

Trước hoàn cảnh này, Chúa Giêsu tuyên bố một câu đơn giản nhưng rất quan trọng: “Tôi muốn anh được sạch.” Người phong cùi nài xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể.” Anh bày tỏ niềm tin mạnh liệt của mình vào quyền năng của Đức Giêsu Kitô. Với niềm tin đó, Chúa Giêsu đã làm cho anh được lành bệnh. Khi trình thuật phép lạ này, thánh Máccô muốn trình bày Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Độ; Người là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa giữa nhân loại. Sau khi được chữa lành, anh chu toàn những điều luật đòi hỏi và trở thành người loan truyền lòng thương xót Chúa cho mọi người.

3- Chúng ta chọn thái độ nào?

Khi chúng ta phân tích và so sánh hai thái độ của luật Môsê và thái độ của Chúa Giêsu đối với người bị bệnh phong cùi, chúng ta tự hỏi: Trong hai thái độ đó, thái độ nào gợi cảm hứng cho tôi nhiều hơn?

Một người đã đóng góp lớn nhất cho sự thay đổi thái độ và lề luật liên quan đến những người bệnh phong cùi là ông Raoul Follereau (1903-1977), một nhà văn và một nhà báo người Pháp. Vào năm 1954, ông đã thành lập ngày Quốc tế chống bệnh phong cùi. Ông đã tổ chức các hội nghị khoa học để truyền bá cho mọi người hiểu rằng bệnh phong cùi là một bệnh giống như những bệnh khác có thể chữa trị và phục hồi hoàn toàn. Vào năm 1975, ông đã thành công trong việc đưa ra các đạo luật cho những người phong cùi đã bình phục.

Ngày nay, bệnh phong không còn là bệnh nan y nữa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triệt tiêu chúng một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn có khoảng 10 triệu người bị phong cùi, mỗi ngày có khoảng 10 trường hợp mới bị bệnh.

Trong lịch sử Giáo Hội, có những vị thánh đã yêu mến và hoàn toàn dấn thân phục vụ người phong cùi như thánh Phanxicô Assisi đã thay đổi hoàn toàn đời sống khi gặp người phong cùi; cha Đamianô, người Bỉ, đã tự nguyện đến ở đảo Molakai, ngài hy sinh trót cả đời cho người cùi và chết giữa họ.

Mẹ Têrêxa Calcutta cũng là một trong những mẫu gương sáng chói về việc phục vụ những người phong cùi. Mẹ đã chăm sóc các những người phong cùi với một tấm lòng yêu thương của Chúa Giêsu.

Ở Việt Nam, một nhân vật nổi tiếng của người phong cùi đó là Đức Cha Jean Cassaigne (Cátxe), thuộc Hội Truyền Giáo Paris, ngài đã đến truyền giáo ở Việt Nam và làm cha sở ở Di Linh. Tại đây, ngài đã thành lập trại phong Di Linh để quy tụ trên 400 người phong cùi. Ngài tình nguyện phục vụ những người bệnh phong cùi suốt 30 năm trời. Cuối đời, ngài cũng bị phong cùi và chết ở đây vào năm 1973. Trong di chúc, ngài nói: “Tôi ao ước được yên nghỉ giữa những người anh em đau khổ. Tôi sung sướng được hiến thân cho quê hương Việt Nam trọn đời tôi.”

Những mẫu gương trên đây là hiện thân của Chúa Giêsu đối với những ai đau khổ, nhất là đối với những người bị phong cùi. Thái độ và chứng tá sống động đó mời gọi chúng ta biết thương xót, chia sẻ và phục vụ những người bệnh tật, nhất là những người phong cùi…

Tuy nhiên, qua việc Chúa Giêsu chữa lành người bị phong cùi, Lời Chúa muốn ám chỉ đến bệnh phong cùi thiêng liêng trong chúng ta. Đó là khi chúng ta bị những khuynh hướng xấu, môi trường xấu, những con người xấu và ma quỷ làm chúng ta trở nên ô uế vì các tội lỗi. Chúng ta cần được Đức Kitô cứu chữa cho lành. Chúng ta cần được người chạm đến qua các bí tích, đó là bí tích Rửa Tội, Giải Tội và Thánh Thể. Nơi đó, Chúa vẫn tiếp tục giang cánh tay yêu thương và quyền năng của Người để chữa lành cho chúng ta.

Chúng ta hãy noi gương người phong cùi hôm nay, chạy đến với Chúa, quỳ gối xuống xin Người rằng: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin làm cho con được nên sạch.” Và cũng như người phong cùi, sau khi đón nhận được ơn chữa lành, chúng ta cũng hãy loan truyền lòng thương xót của Chúa cho những người xung quanh. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Thứ 4 Lễ Tro Năm B.17.2.2021
Lm Francis Lý văn Ca
18:33 12/02/2021
ÐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu Mùa Chay Thánh của Giáo Hội qua việc ăn chay và kiêng thịt. Giờ đây chúng ta tham dự thánh lễ cũng như tham dự nghi thức làm phép và xức tro sau bài chia sẻ của linh mục chủ tế.

Mùa Chay trở về mời gọi người tín hữu sống tinh thần của việc ăn năn sám hối, trở về với Chúa qua chay tịnh và làm hòa với Ngài cũng như Anh Chị Em qua Bí Tích Hòa Giải một cách cụ thể.

Chu kỳ Phụng Vụ của Mùa Chay được bắt đầu qua nghi thức làm phép và xức tro hôm nay, có ý nghĩa kêu mời chúng ta ăn năn thống hối, qua việc làm cụ thể nầy, chúng ta sẽ nhận được sự khoan hồng thứ tha của Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót.

Giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Giona nhắc nhở dân chúng quay trở về với Thiên Chúa Giavê, qua chay tịnh phần xác. Chúng ta cũng được Giáo Hội mời gọi hy sinh, hãm mình và đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội trong chiến dịch tình thương của Mùa Chay.

TRƯỚC BÀI II:
Qua Ðức Kitô, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa Cha. Nhưng với thân phận yếu hèn, chúng ta đã đánh mất ơn Chúa qua tư tưởng, lời nói và việc làm. Mùa Chay là dịp thuận lợi để chúng ta chuẩn bị làm hòa lại với Chúa và với anh chị em qua những nghĩa cử cao đẹp.

TRƯỚC BÀI PHÚC ÂM:
Chúa Giêsu nhắc nhở các tông đồ những nguyên tắc chính để thực hiện trong việc chay tịnh: Bố Thí, Cầu Nguyện và Ăn Chay Hãm Mình. Chúng ta đã thực hiện một phần nào đó trong ngày hôm nay và trong suốt lộ trình của Mùa Chay.



LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.
Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Qua phần phụng vụ đặc biệt của ngày lễ hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta trở về với Ngài, qua chay tịnh phần xác và hướng đến tha nhân trong sự bác ái. Giờ đây chúng ta dâng lên Thiên Chúa ý nguyện cầu sau đây:

1. Lạy Chúa, mùa Chay nhắc nhở chúng con phải trở về với Chúa và làm hòa với anh em. Xin Chúa giúp mỗi nguời trong chúng con tìm gặp được Chúa qua bí tích hòa giải và làm hòa với anh em trong thông cảm và tha thứ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Ðáp lại tiếng Chúa và Giáo Hội kêu mời, chúng ta đã bước vào ngày đầu tiên của Mùa Chay Thánh. Xin cho chúng ta biết dùng 40 ngày của Mùa Chay, để mưu ích cho cá nhân bằng những ích lợi thiêng liêng và tha nhân nhận được lòng quảng đại của chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Một năm đã qua, có quá nhiều biến cố đau thương xảy đến: thiên tai, chiến tranh, hỏa hoạn, mất mùa, khủng bố nạn dịch Covid 19 (20) gieo tang tóc kinh hoàng. Xin cho chúng ta biết dùng khả năng Chúa ban để phần nào xoa dịu những thống khổ của anh chị em kém may mắn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho đôi mắt tâm hồn chúng ta rộng mở, trái tim chúng ta biết thông cảm với những nổi thống khổ của tha nhân và tay chúng ta biết chia sẻ với anh chị em đang khốn cùng. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên, anh chị em của chúng ta đã qua đời, đặc biệt là những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu, những nạn nhân của Covid 19 (20)... Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, là Ðấng hay thương xót và tha thứ, xin nhìn đến sự thống hối ăn năn của chúng con trong ngày lễ hôm nay. Xin tăng thêm ơn thần lực, để chúng con mạnh dạn biến đổi đời sống và hướng đến anh em trong tình bác ái. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:41 12/02/2021

5. Linh hồn của con người tựa như một mặt kính, khi linh hồn không phạm tội trọng, thì mặt kính này trong sáng và nhìn thấy rõ ràng phản ảnh lại hình ảnh của Thiên Chúa; lúc nào phạm tội trọng thì mặt kính này bị lu mờ, không thể phản ảnh lại hình ảnh của Thiên Chúa.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:43 12/02/2021
63. TƯỜNG BẰNG BÙN PHÂN

Có một ông thầy giáo dạy tư, oán hận chủ nhà cung ứng thức ăn đạm bạc, chủ nhà liền giải thích:

- “Thưa thầy, hôm trước thầy có dạy học trò rằng: “thịt tuy nhiều, nhưng không được ăn nhiều”, cho nên tôi không dám đem thịt cho thầy ăn”.

Thầy giáo nổi giận nói:

- “Nếu tôi giảng “tường bằng bùn phân” thì ông đem bùn phân đến cho tôi ăn à?”

(Tiếu Hải Thiên Kim)

Suy tư 63:

Thầy giáo dạy học thì có nhiều ví dụ cụ thể và đôi khi có những ví dụ rất trừu tượng tùy theo tiết học, đó là việc của thầy giáo của sách vở và của tri thức mà chuyện ăn chuyện uống không được chen vào.

Thời nay, phụ huynh học sinh không bắt bí cung cấp thức ăn đạm bạc cho thầy giáo, nhưng chính thầy cô giáo bắt bí phụ huynh của học sinh cho học sinh những “kiến thức đạm bạc” (tức là chỉ dạy sơ sơ qua loa cho đúng chương trình, còn lại thì bắt học sinh phải đến nhà riêng của mình để học thêm) và buộc phụ huynh phải chi tiền cho hon em đi học thêm mới có thể học được tốt hơn...

Nhà trường và gia đình là hai nơi đào luyện căn bản tri thức và lòng yêu thương cho các em, nhà trường thì bao gồm cả thầy cô giáo, học sinh, các chương trình học, vui chơi và tất cả những ai làm việc ở nhà trường, đều phải trở thành gương mẫu mô phạm cho học sinh; gia đình bao gồm cha mẹ, con cái và tất cả những gì có liên quan đến việc giáo dục con em trong gia dình, như truyền hình, sách báo và ngay cả cách sống của cha mẹ, có như thế sau này các em mới là những người có ích cho xã hội và cho Giáo Hội.

Cha mẹ tôn trọng việc dạy học của các thầy cô giáo, thầy cô giáo tận tâm với việc dạy dỗ học sinh mà không cần tìm cách bắt bí các phụ huynh học sinh trong việc dạy ngoài giờ, thì hình ảnh các thầy cô giáo mãi mãi là mẫu gương “trồng người” cho các bậc phụ huynh, cho các học sinh, và như thế việc “tôn sư trọng đạo” lại càng có ý nghĩa hơn nữa.

Người Ki-tô hữu thì biết việc này hơn bất cứ người nào, cho nên khi làm thầy cô giáo thì những người thầy cô giáo mang danh Ki-tô hữu này luôn đem Lời Chúa đặt vào trong bổn phận dạy học của họ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 6 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:45 12/02/2021
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 1, 40-45.

“Chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.”


Bạn thân mến,

Bệnh phong cùi vốn là bệnh ghê tởm và nguy hiểm đối với con người ngày xưa cũng như ngày nay, mặc dù ngày nay bệnh đã có thuốc chữa. Tuy nhiên, ấn tượng xấu xa về bệnh phong vẫn còn in hằn trong trí óc của con người, và do đó mà người bị bệnh phong cùi luôn bị người đời ghê tởm tránh xa.

Bệnh phong cùi là bệnh ngoài da trên thân thể con người, đó là những gì mà con mắt người ta thấy được nên người ta sợ hãi và tởm lợm. Nhưng có một thứ bệnh cùi khác ở trong tâm hồn của con người, bệnh này người ta không thể thấy bằng mắt, cho nên người mắt bệnh này không hề thấy những vết lở loét trầm trọng trong tâm hồn của mình, đó là vết lở loét kiêu ngạo không làm cho tâm hồn người ta chấp nhận ơn thánh Chúa, đó là vết lở loét ghen ghét ích kỷ không làm cho tâm hồn người ta nhìn thấy tình yêu chan hòa của Thiên Chúa nơi tha nhân, đó là vết lở loét tham lam tiền tài sắc dục nên làm cho người ta không thể đến gần Thiên Chúa hơn trong cuộc sống của mình...

Người mắt bệnh cùi trong tâm hồn thường khinh chê và tránh xa những người bệnh phong cùi nơi thân xác, nhưng họ lại không biết rằng chính bệnh phong hủi trong tâm hồn của mình mới đáng sợ hơn, vì nó không những làm cho các thiên thần sợ hãi, mà còn làm cho môi trường hòa thuận, hiệp nhất chung quanh mình bị ảnh hưởng phân rẽ chia bè kết cánh...

Đức Chúa Giê-su đã chữa lành người phong hủi chỉ bằng một lời nói, đó là bằng chứng để cho thế giới nhận ra Ngài chính là vị lương y siêu việt của thế giới, đến với Ngài bằng tâm tình khiêm tốn và tin yêu, thì tất cả mọi tật bệnh nguy hiểm nhất cũng sẽ được lành mạnh.

Bạn thân mến,

Đã có nhiều lần bạn và tôi mắc bệnh hủi trong tâm hồn nhưng vẫn cứ phây phây lên án, chê bai, tránh xa những người bị bệnh hiể nghèo nơi thân xác, đó là hành vi bất nhân và chống lại tình yêu của Thiên Chúa của chúng ta, bởi vì chúng ta không nhìn thấy –qua các bệnh nhân- tình yêu của Đức Chúa Giê-su đang đau khổ trên thập giá vì chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật VI Thường Niên 14/2 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
23:42 12/02/2021

Video sẽ bắt đầu từ 2g chiều ngày 13-February-2021 theo giờ Việt Nam


Bài Ðọc I: Lv 13, 1-2. 44-46

“Người phong cùi phải ở riêng ngoài trại”.

Trích sách Lêvi.

Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông.

“Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11

Ðáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ

Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian!

Xướng: Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”.

Xướng: Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng.

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 31 – 11, 1

“Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia

Phúc Âm: Mc 1, 40-45

“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Ðó là lời Chúa.
 
Mùa Xuân, Mùa Chay Và Tâm Tình Sám Hối
Giáo Hội Năm Châu
23:55 12/02/2021

Video sẽ bắt đầu từ 6g tối ngày 13-February-2021 theo giờ Việt Nam
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tai nạn kinh hoàng tối Giao Thừa, 133 xe đâm vào nhau tại Texas, thương vong tiếp tục tăng
Đặng Tự Do
02:09 12/02/2021


Các quan chức tại Fort Worth, Texas cho biết ít nhất đã 6 người chết, 36 người đang chiến đấu với tử thần tại bệnh viện và 65 người được chăm sóc y tế sau một tai nạn được ghi nhận là chưa từng xảy ra với quy mô như thế tại tiểu bang Texas.

Theo các quan chức, vụ tông vào và chồng chất lên nhau liên quan đến tổng cộng 133 phương tiện giao thông, xảy ra vào khoảng 6:30 sáng thứ Năm 20 tháng 12, tức là 7:30 tối Giao Thừa theo giờ Việt Nam sau khi mưa đá và mưa tuyết rơi trong đêm và rạng sáng ngày thứ Năm, khiến các con đường trên khắp miền Bắc Texas ẩm ướt và trơn trượt.

Hình ảnh tại hiện trường cho thấy hàng trăm phương tiện giao thông, trong đó có hàng chục xe 18 bánh bị lật nhào và xếp chồng lên nhau.

Những người phản ứng đầu tiên gọi vụ tai nạn là một “biến cố thương vong hàng loạt.” Nhiều xe cứu thương đã được điều động đến hiện trường. Các quan chức của MedStar Mobile Healthcare xác nhận 14 xe cứu thương đã được sử dụng để chở 36 người đến các bệnh viện trong khu vực. Những người bị thương nặng đã được chuyển đến các trung tâm chấn thương.

Đức Cha Michael Olson Giáo phận Fort Worth nhận xét trên Twitter rằng

Các sự kiện hôm nay nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của ân sủng sự sống con người. Chúng ta hãy cầu nguyện và tưởng nhớ những người đã chết trong vụ tai nạn xe khủng khiếp ngày hôm nay và cho gia đình của họ. Những lời cầu nguyện và công việc của lòng thương xót này sẽ kéo dài hơn ngày hôm nay và trong những tuần và tháng tới.

Trong bản cập nhật buổi chiều, các quan chức cho biết tất cả các trường hợp thương vong đều là người lớn.

Cảnh sát cho biết bốn viên chức cảnh sát – ba người đang trên đường đi làm và một đang làm việc trong vụ việc này - đã bị thương trong đống đổ nát.

Một trong những người điều khiển xe đầu kéo, Michael Howard, nói với CBS 11 News rằng anh ta nhìn thấy những vụ va chạm phía trước nhưng không thể dừng lại kịp thời.

“Bạn không nhìn thấy những hạt mưa đá, cho đến khi bạn cảm thấy chúng… Bạn không thể dừng lại, vì vậy tôi đã lái xe húc vào bức tường đó để giảm bớt tác động, sau đó những người phía sau tôi chỉ bam, bam, bam, bam,” Howard nói.

Howard nói thêm rằng đường rất thông thoáng, tầm quan sát rất rõ khi anh ấy lái xe từ Denton đến đây.
Source:Fort Wotth Local News
 
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đài phát thanh Vatican
Đặng Tự Do
02:10 12/02/2021


Vào ngày thứ Sáu 12 tháng Hai, Đài phát thanh Vatican sẽ ra mắt một chương trình phát thanh trên web phát liên tục 24 giờ để kỷ niệm 90 năm thành lập.

Đài phát thanh web, ra mắt vào ngày 12 tháng 2, sẽ cung cấp các chương trình phát thanh của Đài Vatican qua internet bằng tiếng Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Armenia.

Các chương trình phát sóng cũng sẽ có sẵn thông qua ứng dụng Radio Vaticana trên các điện thoại thông minh. Cho đến nay, các chương trình của Đài phát thanh Vatican đã được truyền qua sóng vô tuyến, sóng ngắn, vệ tinh, DAB + và kỹ thuật số.

Theo Vatican News, đài phát thanh Vatican cũng sẽ khởi động một trang web “được làm lại” vào hôm thứ Sáu.

Đài phát thanh Vatican đã được Đức Giáo Hoàng Pius XI thành lập vào ngày 12 tháng 2 năm 1931. Nhà phát minh và kỹ sư điện người Ý Guglielmo Marconi đã thiết kế và chế tạo đài.

Chương trình phát thanh đầu tiên được bắt đầu bằng các tín hiệu Morse “In nomine Domini, Amen,” tiếng Latinh có nghĩa là “Nhân danh Chúa, Amen.” Rồi đến lời giới thiệu ngắn gọn của Marconi. Kế đó, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã đưa ra thông điệp đầu tiên của Giáo hoàng qua đài phát thanh, được phát bằng tiếng Latinh.

Đài phát thanh Vatican đã được giao cho dòng Tên quản lý cho đến năm 2017. Ngày nay nó phát bằng 41 ngôn ngữ.

Paolo Ruffini, trưởng bộ phận truyền thông của Vatican, cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Ba rằng: “Ngay cả ngày hôm nay, Đài phát thanh Vatican cũng đang hướng tới tương lai trong khi vẫn giữ được tính nguyên bản và bản sắc của nó.

Ông nói, radio trên web “sẽ cho phép bất kỳ ai trên thế giới nghe đài Vatican bằng ngôn ngữ của họ từ điện thoại thông minh hoặc máy tính của họ”.

Trang web của Đài phát thanh Vatican là một trong số trang web được hợp nhất dưới nền tảng truyền thông Tin tức Vatican vào cuối năm 2017, sau cuộc cải tổ lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với truyền thông Vatican.

Massimiliano Menichetti, giám đốc Đài phát thanh Vatican, cho biết ngoài các bài bình luận trên đài phát thanh, đài đã tạo ra các chương trình, podcast và audiobook mới.

Ông nói: “Cuộc cải cách mà Đức Giáo Hoàng mong muốn đang hướng tới một chiều hướng mới, trong đó chúng tôi không còn là một đài phát thanh nữa, mà là một thực tế tích hợp vẫn đang tiến triển”.

“Nhân viên của Đài phát thanh Vatican, những người đến từ 69 quốc gia, là lý do tại sao cổng thông tin điện tử Tin tức Vatican ra đời, nơi có thể tìm thấy các bài báo, video, ảnh, âm thanh và phương tiện truyền thông xã hội”.

Trong thông điệp của mình cho Ngày Truyền thông Thế giới, được công bố vào ngày 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về internet trong bối cảnh báo chí, gọi nó là “một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có trách nhiệm với tư cách là người dùng và người tiêu dùng”.

Ngài nói: “Có khả năng tất cả chúng ta đều có thể trở thành nhân chứng cho những sự kiện mà các phương tiện truyền thống truyền thống sẽ bỏ qua, đóng góp cho xã hội và làm nổi bật nhiều câu chuyện hơn, bao gồm cả những câu chuyện tích cực”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng tất cả các Kitô hữu đều phải đối mặt với một thách thức: “giao tiếp bằng cách gặp gỡ mọi người, ở nơi họ đang sống và trong thực tại của họ”.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Cha Mark Seitz của El Paso than thở về vụ phá hoại nghiêm trọng tại giáo xứ Thánh Piô X
Đặng Tự Do
02:11 12/02/2021


Ba bức tượng thiên thần tại Nhà thờ Thánh Piô X ở El Paso đã bị thiệt hại nặng nề trong một vụ phá hoại, khiến các tín hữu đau buồn.

Đức Cha Mark Seitz, Giám Mục giáo phận El Paso cho biết vụ phá hoại đã diễn ra vào sáng ngày thứ Tư 10 tháng 2. “Chúng tôi rất đau buồn về những thiệt hại đã xảy ra tại giáo xứ Thánh Piô X. Những hình ảnh thánh này rất quan trọng đối với chúng tôi vì chúng là dấu chỉ và lời nhắc nhở về sự gần gũi của Chúa và sự quan tâm của Người đối với chúng tôi.”

Giáo phận cho biết trong một tuyên bố rằng: “Ba bức tượng thiên thần trong khuôn viên giáo xứ được tìm thấy bị lật nhào và đập phá. Không có thiệt hại nào bên trong nhà thờ.”

Đức Cha Seitz cho biết các bức tượng là “những thứ có thể được sửa chữa và thay thế.”

“Chúng tôi biết ơn Chúa vì không ai bị tổn thương về thể xác trong cơn cuồng nộ dữ dội này, bởi vì con người là hình ảnh đẹp nhất và không thể thay thế của Thiên Chúa. Chúng tôi cầu nguyện rằng bất cứ ai thực hiện hành động vô nghĩa này sẽ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần.”

Một báo cáo của cảnh sát đã được đệ trình về vụ việc và các biện pháp an ninh đã được thực hiện. Giáo xứ đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật để xác định xem ai đã có thể gây ra vụ này.

Năm ngoái, đã có nhiều cuộc biểu tình lớn, chủ yếu là ôn hòa về cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen bị một viên cảnh sát Minneapolis đè nghẹt thở trong lúc bắt giữ. Tuy nhiên, cũng có những cuộc bạo loạn và phá hoại lan rộng gây ra hơn 1 tỷ đô la thiệt hại trên toàn quốc và giết chết khoảng 19 người. Cũng có một làn sóng phá hoại các nhà thờ và tượng Công Giáo.

Một vụ bắt giữ đã được thực hiện vào tháng 9 năm 2020 tại Nhà thờ Thánh Patrick của giáo phận El Paso, trong đó một bức tượng Chúa Kitô trị giá 25,000 đô la đã bị phá hủy.
Source:Catholic News Agency
 
Tháng 11/2021 : Đtc Phanxicô Tông Du Nước Pháp
Lê Đình Thông
09:25 12/02/2021
Hàng Giáo phẩm Pháp chính thức mời ĐTC Phanxicô đến Marseille vào dịp lễ Các Thánh, trong khuôn khổ Đại hội Dòng Tên Thế giới.

Đức TGM Jean-Marc Aveline, Tổng giám mục Marseille đã trình ĐTC Phanxicô thư mời do Đức TGM Eric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch HĐGM Pháp ký, nhân chuyến thăm của Đức Cha Aveline tại Roma vào đầu tháng 12 vừa qua. LM Hugues de Woillemont, phát ngôn viên của HĐGM Pháp đã cho biết như trên.

Dòng Tên Marseille hiện do LM Thierry Lambolet là bề trên, gồm các cha Christian Bardet, Alain Feuvrier, Pierre Clermidy, François de Valroger, Benoît Ferré, François-Xavier Le Van (người Việt), Jacques Perrin, Henri Chalon, Jean-Luc Ragonneau, Pierre de Charentenay, Steves Babooram, Moïse Mouton, Michel Joguet, Paul de Montgolfier, Thierry Lamboley.

Vào cuối tháng 10/2021, hàng trăm giám tỉnh các tỉnh dòng Tên trên thế giới, trong số có Cha Vinh sơn Phạm Văn Mầm, giám tỉnh tình dòng Việt Nam sẽ phó hội ở Marseille.

Dòng Tên (Societas Jesu)do thánh Ignace de Loyola, thánh François Xavier và thánh Pierre Favre đồng sáng lập vào năm 1539. Hiến chương cùa dòng đã được ĐTC Phaolô III phê chuẩn vào năm 1773. Hiện nay, dòng Tên có 84 tỉnh dòng, 5 vùng độc lập (régions indépendantes) và 10 vùng phụ thuộc (régions dépendantes), rải rác trên 112 quốc gia gồm 12 107 linh mục, 1331 thầy trợ sĩ, 2842 thỉnh sinh (scolastiques), 706 tập sinh (novices). Trong số này, 30% hoạt động truyền giáo tại hai châu Á, Phi.

Ngày 13/03/2013, linh mục dòng Tên Jorge Mario Bergoglio người Argentina (Á Căn Đình) được mật nghị Hồng Y tôn cử làm giáo hoàng, đạt tông hiệu là Phanxicô.

Vị bề trên tổng quyền hiện nay là LM Arturo Sosa, quốc tịch Vénézuela, được Hội nghị Dòng bầu ra vào tháng 10/2016.

Theo biểu đồ sau đây, số LM dòng tên hiện đứng đầu các tu sĩ Công Giáo trên thế giới :

Theo tài liệu chính thức, nhiều cơ sở của dòng Tên ở Việt Nam đã bị chính quyền tịch thu, trong số có Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt (13 Đinh Tiên Hoàng - Đà Lạt), nơi đào tạo nhiều vị linh mục và giám mục, Trung Tâm Đắc Lộ (161 Lý Chính Thắng, Saigon); Trụ Sở Bề Trên Miền Dòng Tên (nay ở đường Trần Quốc Toản, Quận 3, Saigon); Nhà Tập Dòng Tên (Thủ Đức) v.v…

Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt của các cha Dòng Tên

Năm 2003, Cha Nguyễn Công Đoan được Cha Bề Trên Cả Kolvenbach gọi về Roma làm phụ tá cho Vùng Dòng Đông Á- Úc Châu. Cha Tôma Vũ Quang Trung thay thế cha Đoan trong trách vụ Bề Trên Miền Dòng.

Ngày 18.01.2014 Dòng Tên Việt Nam cử hành Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Dòng Tên loan báo Tin Mừng trên Đất Việt. Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn do Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn chủ tế. Năm Thánh đặc biệt này nhằm kỷ niệm biến cố ba tu sĩ Dòng Tên gồm: linh mục Francesco Buzomi – người Ý, linh mục Diogo Carvalho – người Bồ Ðào Nha, và tu huynh António Dias – người Bồ Ðào Nha đặt đến vùng biển Cửa Hàn – Ðà Nẵng.

Tính đến năm 2020, tỉnh Dòng Việt Nam có 272 tu sĩ, trong đó có 98 linh mục, 125 học viên, 16 tu huynh, và 36 tập sinh, phục vụ tại nhiều cộng đoàn khắp cả nước và các sứ vụ quốc tế tại hải ngoại.


Vào cuối năm nay, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Marseille có vinh dự được nghênh đón ĐTC Phanxicô trong cuộc tông du tại thành phố cảng này. LM Pierre Nguyễn Văn Thông hiện là tuyên úy cộng đoàn Marseille. Ngày 14/02 tới đây, ĐGM Jean-Marc Aveline sẽ cử thành thánh lệ mừng năm mới Tân Sửu cho cộng đoàn Việt Nam tại nhà thờ chính tòa Marseille.

Lê Đình Thông
 
Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 12/2/2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
15:05 12/02/2021

Hôm thứ Sáu 12 tháng Hai, 2021, Mùng Một Tết Tân Sửu, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp Mùa Chay Thánh 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nguyên bản tiếng Ý và các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Nào chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20:18)

Mùa Chay: Thời gian canh tân Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu


Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ ý nghĩa sâu sắc nhất trong sứ vụ của Người khi loan báo cho họ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người để hoàn thành Thánh ý Chúa Cha. Sau đó, Ngài mời gọi họ chia sẻ sứ mạng này để cứu độ thế giới.

Trong hành trình Mùa Chay hướng về Phục Sinh, chúng ta hãy nhớ đến Đấng đã “hạ mình và vâng phục cho đến chết, và chết trên cây thập tự” (Phi 2:8). Trong suốt mùa hoán cải này, chúng ta hãy canh tân đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa, là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô. Vào đêm Canh thức Vượt qua, chúng ta sẽ lặp lại những lời hứa trong Bí tích Rửa tội và trải nghiệm sự tái sinh như những con người mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hành trình Mùa Chay này, cũng như toàn bộ cuộc lữ hành của cuộc đời Kitô hữu, ngay lúc này đã được soi sáng bởi ánh sáng phục sinh, là điều linh hứng những suy nghĩ, thái độ và quyết định của các môn đệ Chúa Kitô.

Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như Chúa Giêsu đã dạy bảo chúng ta (x. Mt 6: 1-18), giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải của chúng ta. Con đường khó nghèo và từ bỏ chính mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và trò chuyện như trẻ thơ với Chúa Cha (cầu nguyện) giúp chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái hiệu quả.

1. Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước tất cả anh chị em mình.

Trong Mùa Chay này, chấp nhận và sống sự thật được mặc khải trong Chúa Kitô có nghĩa trước hết là mở rộng tâm hồn trước Lời Chúa mà Giáo hội đã truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sự thật này không phải là khái niệm trừu tượng dành riêng cho một số người thông thái được tuyển chọn. Trái lại, đó là một sứ điệp mà tất cả chúng ta có thể nhận lãnh và hiểu biết nhờ vào sự khôn ngoan của một tâm hồn biết mở rộng ra trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức được điều này. Chính Chúa Kitô là sự thật này. Bằng cách mặc lấy thân phận con người của chúng ta, ngay cả trong những giới hạn của nó, Người đã làm cho chính mình trở thành con đường - tuy có nhiều đòi buộc nhưng mở ra cho tất cả mọi người - và dẫn họ đến sự sống viên mãn.

Khi được trải nghiệm như một hình thức từ bỏ chính mình, chay tịnh sẽ giúp cho những ai thực hành với tâm hồn đơn sơ tái khám phá ân sủng Chúa và nhận ra rằng chúng ta, những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Người và giống với Người, chỉ tìm được sự viên mãn của mình nơi Thiên Chúa. Khi chấp nhận trải qua sự khó nghèo, chay tịnh làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích lũy kho báu của một tình yêu vừa đón nhận vừa chia sẻ. Như thế, chay tịnh giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến, như Thánh Tôma Aquinô dạy, là một chuyển động hướng ngoại tập trung những chú ý của chúng ta vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93).

Mùa Chay là thời gian để tin tưởng, để đón tiếp Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta và để cho Người “cư ngụ” với chúng ta (x. Ga 14: 23). Chay tịnh giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì đè nặng lên cuộc đời chúng ta, như chủ nghĩa tiêu thụ hay tình trạng thừa mứa thông tin cả thông tin thật lẫn thông tin giả - để chúng ta có thể mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, khó nghèo trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1: 14): Đó là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.

2. Niềm hy vọng như “nước hằng sống” cho phép chúng ta tiếp tục hành trình

Người phụ nữ xứ Samaritanô mà Chúa Giêsu xin nước uống bên giếng đã không hiểu khi Chúa Giêsu nói rằng Người có thể cho bà “nước hằng sống” (Ga 4:10). Bà nghĩ một cách thường tình rằng Người đề cập đến nước vật chất, nhưng Chúa Giêsu có ý nói về Thánh Linh Thiên Chúa, mà Người sẽ ban dư dật qua mầu nhiệm Vượt qua, mang đến niềm hy vọng không gây thất vọng. Khi loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đã nói về niềm hy vọng này: “ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20:19). Chúa Giêsu đang nói về một tương lai rộng mở nhờ lòng thương xót của Chúa Cha. Hy vọng với Người và vì Người có nghĩa là tin rằng lịch sử không kết thúc với những lầm lỗi của chúng ta, với những bạo lực và bất công của chúng ta, hay với tội ác đã đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Niềm hy vọng đó có nghĩa là đón nhận từ trái tim rộng mở của Người ơn tha thứ của Chúa Cha.

Trong những thời khắc gian nan này, khi mọi việc có vẻ mong manh và bấp bênh, nói về hy vọng xem ra là một thách đố. Nhưng Mùa Chay chính là mùa hy vọng, khi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng vẫn tiếp tục nhẫn nại chăm sóc thụ tạo của Người, mà chúng ta thường xuyên ngược đãi (x. Laudato sí, 32-33; 43-44). Thánh Phaolô thúc giục chúng ta đặt niềm hy vọng nơi việc hòa giải: “Hãy giao hòa với Thiên Chúa” (2 Cor 5:20). Khi đón nhận ơn tha thứ trong bí tích trọng tâm quá trình hoán cải của chúng ta, đến lượt mình, chúng ta có thể lan truyền ơn tha thứ cho người khác. Một khi chính chúng ta đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta có thể trao ban sự thứ tha qua việc sẵn sàng bước vào cuộc đối thoại ân cần với người khác và an ủi những người đang trải qua những buồn đau. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, được trao ban qua lời nói và hành động của chúng ta, có thể giúp chúng ta trải nghiệm một lễ Phục sinh của tình huynh đệ.

Trong Mùa Chay, cầu mong chúng ta quan tâm nhiều hơn với việc “nói những lời tích cực để vỗ về, hỗ trợ, an ủi và khích lệ chứ đừng nói những lời miệt thị, bi quan, giận dữ hay chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Để trao ban hy vọng, đôi khi chỉ cần tử tế một chút, “sẵn sàng dẹp qua một bên những thứ khác ngõ hầu cho thấy sự lưu tâm đến người khác, trao tặng một nụ cười, nói một lời khích lệ, lắng nghe giữa một tình trạng dửng dưng phổ biến” (nt., 224).

Qua việc tĩnh tâm và thinh lặng cầu nguyện, hy vọng được trao ban cho chúng ta như một sự linh hứng và một ánh sáng nội tâm, soi sáng những thách đố và những chọn lựa trong sứ vụ của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần cầu nguyện (x. Mt 6:6), và cầu nguyện trong thanh vắng, để gặp gỡ Cha đầy tình yêu dịu dàng.

Sống Mùa Chay trong hy vọng bao gồm việc nhận thức ra rằng, trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta là những chứng nhân của thời đại mới, trong đó Chúa “đổi mới mọi sự” (x. Kh 21,5). Sống Mùa Chay trong hy vọng là đón nhận niềm hy vọng của Chúa Kitô, Đấng đã trao ban sự sống của Người trên thánh giá và được Thiên Chúa cho sống lại vào ngày thứ ba, và “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3: 15).

3. Biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta là yêu mến, quan tâm và thương cảm mọi người theo bước Chúa Kitô.

Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Vì thế, tình yêu đau buồn khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị xem thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên những mối liên kết chia sẻ và hiệp thông.

“Tình yêu xã hội giúp chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, trong đó mọi người chúng ta đều cảm nhận mình được mời gọi. Nhờ sức năng động phổ quát, tình yêu có khả năng xây dựng một thế giới mới. Tình yêu không chỉ đơn thuần là cảm thức, nhưng còn là một phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu cho mọi người” (Fratelli Tutti, 183).

Tình yêu là món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn những người túng quẫn như những thành viên trong gia đình mình, như bạn bè, như anh chị em. Một số lượng ít ỏi, nếu được trao ban bằng tình yêu, sẽ không bao giờ cạn nhưng trở nên nguồn sống và hạnh phúc. Như trường hợp hũ bột và bình dầu của bà góa thành Xarépta, l2 là người đã làm một chiếc bánh cho tiên tri Êlia (x. 1 V 17:7-16); đó cũng là trường hợp những chiếc bánh được Chúa Giêsu chúc lành, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông (x. Mc 6,30-44). Đó cũng là trường hợp khi chúng ta bố thí, dù ít hay nhiều, khi chúng ta trao ban với niềm vui và sự đơn sơ.

Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi hay sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong những ngày đầy bất định về tương lai này, chúng ta hãy ghi nhớ lời Chúa nói với Người Tôi Trung: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43:1). Trong đức ái của chúng ta, cầu mong cho chúng ta biết nói lên những lời trấn an và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những con cái của Người.

“Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

Anh chị em thân mến! Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp chúng ta - trong tư cách là các cộng đồng và từng cá nhân – làm sống lại đức tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng từ hơi thở của Chúa Thánh Thần, và tình yêu tuôn đổ từ trái tim giàu lòng thương xót của Chúa Cha.

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, Đấng luôn trung thành đứng dưới chân thánh giá và ở trong lòng Giáo Hội, nâng đỡ chúng ta bằng sự hiện diện từ ái của Mẹ. Nguyện xin phúc lành của Chúa Phục Sinh đồng hành với chúng ta trong hành trình hướng về ánh sáng Phục Sinh.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2020, Lễ nhớ Thánh Mactinô thành Tua.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô
Source:Holy See Press Office
 
Myanmar là một triệu chứng – Đức Hồng Y Bo nói về cuộc đảo chính, bầu cử Hoa Kỳ và Trung Quốc
Vũ Văn An
18:00 12/02/2021

'Myanmar là một triệu chứng' – Đức Hồng Y Bo nói về cuộc đảo chính, bầu cử Hoa Kỳ và Trung Quốc


(Một cuộc phỏng vấn của Tạp chí The Pillar), ngày 10 tháng 2



Vào ngày 1 tháng 2, quân đội Miến Điện đã giành quyền kiểm soát đất nước, bắt giữ chính phủ được bầu cử một cách dân chủ và tuyên bố tình trạng khẩn trương.

Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, nói với The Pillar trong một cuộc phỏng vấn ngày 10 tháng 2 rằng tiếp theo cuộc đảo chính, Giáo hội phải là nhân chứng của tình yêu đối với kẻ thù, theo gương của Chúa Kitô trên thập giá.

Đức Hồng Y Bo giữ chức Tổng Giám mục Yangon từ năm 2003; ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô phong Hồng Y vào năm 2015. Năm 2019, ngài được bầu làm lãnh đạo Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á.

Đức Hồng Y đã nói chuyện với The Pillar về cuộc đảo chính ở Miến Điện, cuộc bạo động ở Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 và nhân quyền ở Trung Quốc.

Cuộc phỏng vấn đã được hiệu đính về độ dài và sự rõ ràng.

The Pillar: Kể từ khi quân đội nắm quyền sau cuộc bầu cử, Đức Hồng Y đã nói về cú sốc mà nhiều người ở Miến Điện cảm thấy. Người dân Miến Điện đã phản ứng như thế nào trong 10 ngày qua? Phản ứng tâm linh thích đáng cho các Kitô hữu trong nước ra sao?

Đức Hồng Y Bo: Người dân của chúng tôi bị xáo trộn sâu xa. Con đường chữa lành họ cần phải bắt đầu bằng sự cầu nguyện và khẩn nài. Chúng tôi đã dành ra một Chúa nhật để cầu nguyện và ăn chay. Đất nước này bị tổn thương sâu xa, về mặt tinh thần và xúc cảm. Đây là đất nước nổi tiếng với nguồn suối tâm linh tinh khôi. Nó nên bắt đầu uống từ đó.

Như Martin Luther King Jr đã nói, bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối, hận thù không thể xua tan hận thù, chỉ có tình yêu. Cho đến nay, Tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng [rằng] nguyên tắc này [sẽ] được duy trì chặt chẽ. Nhưng tương lai có thể khó nắm vững. Chúng tôi sống với lời cầu nguyện trên môi và hy vọng trong trái tim của chúng tôi.

The Pillar: Điều gì là mối quan tâm mục vụ cấp thiết nhất của Đức Hồng Y đối với người dân của đất nước Đức Hồng Y nói chung, và đối với những người Công Giáo nói riêng, kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2?

Đức Hồng Y Bo: “Về mặt mục vụ, chúng tôi quan tâm sâu xa đến sự an toàn của người dân. Lịch sử của chúng tôi là một lịch sử bị thương với biết bao nước mắt và đổ máu. Cái ác tự khẳng định trong lịch sử bằng sự tàn bạo vô nhân đạo. Đối mặt với điều đó cần có năng lực tinh thần và cảm thức bình tĩnh và phản kháng dựa trên tình yêu đối với cả kẻ thù.

Chúa Kitô đã phải đối đầu với những thử thách y hệt và cuối cùng từ Thập giá, Người vẫn có thể nói: 'Hãy tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm'. Nói thì dễ, nhưng khi thấy hàng ngàn thanh niên diễn hành mỗi ngày, chúng tôi lo ngại rằng cơn sóng thần tuyệt vọng không nên kết thúc bằng sự tự hủy hoại và mất hy vọng.

Chúng tôi hy vọng những người Công Giáo tham gia vào tất cả [các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ] với tình yêu thương dành cho tất cả mọi người. Hận thù sẽ kết thúc bằng bạo lực tàn bạo. Quả có quyền lực trong ‘hai bàn tay trắng’, như [khi] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đối đầu với chủ nghĩa Cộng sản Ba Lan, hoặc khi Mahatma Gandhi làm tan rã chủ nghĩa đế quốc Anh bằng một nắm muối.

Cuộc đấu tranh của chúng tôi là tự trang bị cho mình bộ áo giáp đạo đức chứ không phải cơn tức giận tự đánh bại mình. Cuộc đấu tranh còn lâu dài.

The Pillar: Làm thế nào để Giáo hội, và đặc biệt là ngài với tư cách một Hồng Y, có thể góp phần ngăn chặn bạo lực và tạo ra đối thoại?

Đức Hồng Y Bo: Chúng tôi không phải là chính trị gia. Chính trị là một trò chơi quyền lực. Các bên liên quan không phải lúc nào cũng được thúc đẩy bởi một la bàn đạo đức. Sức mạnh duy nhất của chúng tôi là làm chứng cho sức mạnh của hy vọng và hòa giải.

Như lịch sử gần đây của đất nước các bạn đã chứng minh, những cái tôi được thổi phồng có thể làm tổn thương cả quốc gia, xé nát sợi chỉ đạo đức của một quốc gia vĩ đại. Cùng những lời cầu nguyện và các hoạt động [mà] Giáo hội [ở Hoa Kỳ] dự kiến cũng giống như [đối với Miến Điện]. Chúng ta cố gắng hết sức mình. Chúng ta có thể được hoặc thua. Nhưng như Môsê đã dạy chúng ta, việc tham gia là điều quan trọng. Chúng tôi có những sáng kiến về đối thoại mà chúng tôi có thể không thảo luận một cách công khai vào thời điểm hiện nay.

The Pillar: Nhiều linh mục, nữ tu và thanh niên Công Giáo đã chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội kêu gọi bất tuân dân sự một cách hòa bình, bất bạo động, và tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Đức Hồng Y có lo lắng cho sự an toàn của họ, và Đức Hồng Y có tin rằng các cuộc biểu tình ôn hòa có thể giúp khôi phục nền dân chủ không?

Đức Hồng Y Bo: Một chỉ thị đã được đưa ra cho họ bởi hội đồng giám mục. Cuộc đề kháng hiện nay được dẫn dắt bởi một thế hệ trẻ lớn lên qua mạng xã hội và [rất hiểu biết] về nhiều vấn đề. Họ hiểu biết thế giới tốt hơn những thế hệ trước.

Giống như mọi gia đình, Giáo hội có một thế hệ trẻ năng động với năng lực lớn và sự khẩn trương muốn nhìn thấy kết quả. Chúng tôi, những người đã trải qua ba cuộc đề kháng lớn - và những thất bại của chúng cũng như những hậu quả đáng buồn tiếp theo đó- chúng tôi muốn [thấy rằng] những ranh giới cần thiết cần được tuân giữ trong mọi phong trào đề kháng. Chúng tôi lo ngại cho sự an toàn và tương lai của họ.

Chúng tôi không ngăn cản bất cứ ai tham gia vào cuộc đấu tranh này. Chúng tôi là những người đầu tiên đưa ra tuyên bố chống lại cuộc đảo chính. Các cuộc biểu tình trên đường phố cần được phối hợp và có chiến lược để giảm thiểu rủi ro cho sự sống. Chúng tôi muốn nói điều này với toàn bộ dân số trẻ, những người ngày này qua ngày khác đứng lên để phản đối.

The Pillar: Nhìn vào tình hình ở Trung Quốc, và bây giờ là sự mất dân chủ ở đất nước của Đức Hồng Y, quan trọng xiết bao việc Giáo hội trở thành nhân chứng tiên tri đối với nhân quyền, và lớn tiếng chống lại những hành vi lạm dụng khi chúng xảy ra?

Đức Hồng Y Bo: Nhân quyền bắt nguồn từ khái niệm Kitô giáo về nhân phẩm được nêu rõ trong các trang đầu tiên của Kinh thánh. Đó là một yếu tố cấu thành để trở thành một Kitô hữu. Toàn bộ tiến trình của Xuất Hành và Tuyên ngôn Galilê của Đức Kitô trong Luca 4: 16-19 là sự trình bày rõ ràng về nhân quyền bằng ngôn ngữ đức tin. Vì vậy chúng tôi không thể tránh việc ủng hộ Nhân quyền.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã biến thành chính dòng hai quyền lợi chính: Quyền kinh tế và Quyền môi trường.

Vấn đề của Trung Quốc là việc họ trở thành nô lệ cho một ý thức hệ đã giết chết hàng triệu người trong quá khứ. Giờ đây, họ bị mắc kẹt vào một sự pha trộn kỳ cục trong đó quyền lực nhà nước kết hợp với chủ nghĩa tư bản liều lĩnh. Nền kinh tế thị trường không được kiểm soát là một con quái vật, và trong cuộc hùn hạp với Con Rồng Trung Quốc, đây là cuộc xung đột tận thế giữa chủ nghĩa duy vật trần trụi và cuộc đấu tranh cho nhân phẩm.

Vì vậy, khi lên tiếng chống lại việc vi phạm nhân quyền, Giáo hội đang phát biểu rõ đức tin của mình trên quảng trường công cộng. Từ 'lòng mẹ đến lòng đất’, con người có nhiều quyền lợi. Công bố điều đó là Tin mừng và là việc truyền bá Tin Mừng. Nó không những có tính tiên tri. Nó còn là bản sắc hiện sinh của chúng tôi.

The Pillar: Đức Hồng Y sẽ yêu cầu điều gì nơi cộng đồng quốc tế vào lúc này? Người Công Giáo ở các nước khác có thể giúp đỡ và thể hiện tình liên đới ra sao với người Công Giáo và những người khác ở Miến Điện?

Đức Hồng Y Bo: “Miến Điện là một triệu chứng. Mỹ với tư cách là một cường quốc đạo đức đã sụp đổ trong thời gian gần đây. Tranh cãi về 'gian lận bầu cử' ở Miến Điện đã nổi lên sau cuộc Bạo loạn ở Capitol của truyền thống dân chủ tôn kính của bạn. Ai đó hắt hơi ở Washington và thế là một chính phủ dân cử bị lật đổ ở Miến Điện. Đây là một cuộc truyền nhiễm của Covid đạo đức.

Mỹ phải chữa lành vết thương nội tạng gây ra cho ý niệm dân chủ và bầu cử. Đó sẽ là bước đầu tiên của tình liên đới.

Người Công Giáo ở mọi quốc gia cần cầu nguyện cho chúng tôi: tương lai của chúng tôi nằm trong tay Chúa và ơn thánh của Người có thể mang lại sự thay đổi cõi lòng con người. Cộng đồng quốc tế không nên vội vàng trừng phạt người dân Miến Điện. Họ cần hiểu lịch sử và nền kinh tế chính trị của chúng tôi trước khi dự tính các biện pháp trừng phạt.

(Hôm thứ Tư, Tổng thống Biden đã công bố các lệnh trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo quân sự của Miến Điện, lợi ích kinh doanh và các thành viên gia đình của họ)

The Pillar: Làm thế nào để Giáo hội trên khắp thế giới có thể phục vụ tốt hơn trong tư cách làm nhân chứng tiên tri – một tiếng nói cho nhân phẩm và nhân quyền ở những nơi như Miến Điện và Trung Quốc?

Đức Hồng Y Bo: “Tôi tin rằng Vatican đã thành công đưa ra một phương thức hành động và cách sống cho người Công Giáo Trung Quốc. Tự do tôn giáo đang gặp nguy cơ lớn ở nhiều quốc gia. Kitô hữu đang trở thành nhóm tôn giáo bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.

Giáo hội đang vật lộn với sự lựa chọn trở thành tiên tri và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất của mình. Các quốc gia giỏi trừng phạt những người dễ bị tổn thương nhất trong các nhóm thiểu số tôn giáo. Các lựa chọn bị giới hạn ở những quốc gia này đối với các Kitô hữu địa phương.

Chỉ một chiến dịch được hoàn cầu nâng đỡ và sự giám sát của Liên hiệp quốc mới có thể làm giảm bớt nước mắt và sự tan vỡ của các Kitô hữu bị đàn áp.
 
Đức Hồng Y Kurt Koch phản bác thần học gia Đức về ‘tình hiệp thông trong tiệc Thánh Thể’
Đặng Tự Do
20:46 12/02/2021
Đức Hồng Y Kurt Koch đã phản bác một thần học gia người Đức, là người đã chỉ trích ngài vì ngài đã phản đối đề xuất “Hiệp Thông Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.

Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, đã trả lời những chỉ trích trong một bức thư ngỏ ngày 8 tháng Hai.

Bức thư dài sáu trang được gửi tới Volker Leppin, một giáo sư lịch sử Giáo hội tại Đại học Tübingen và là giám đốc học thuật của bộ phận Tin lành trong Nhóm Nghiên cứu Đại kết của các nhà Thần học Tin lành và Công Giáo, được biết đến với tên viết tắt tiếng Đức là ÖAK.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 3 tháng Hai với katholisch.de, là trang web của Giáo Hội Công Giáo tại Đức, Leppin than thở rằng Đức Hồng Y đã “sống sượng bác bỏ” một tuyên bố 26 trang do Oak đưa ra vào ngày 24 tháng Giêng.

Đức Hồng Y Koch nói với CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào tháng trước rằng ngài đã rất ngạc nhiên trước giọng điệu và cách lựa chọn từ ngữ trong bản tuyên bố, cũng như nội dung và thời điểm của nó.

Trong tuyên bố của mình, các nhà thần học ÖAK đã tranh luận về đánh giá quan trọng đối với đề xuất của nhóm về “sự hiếu khách Thánh Thể có đi có lại” giữa người Công Giáo và người Tin lành của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, của Vatican.

CDF đã nêu quan ngại vào tháng 9 năm ngoái về một tài liệu năm 2019 do ÖAK soạn thảo có tựa đề “Cùng nhau trong Bàn tiệc của Chúa”, dự kiến một “mối hiệp thông trong bàn tiệc Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.

ÖAK cho rằng các nghiên cứu của họ cho thấy “thực hành cùng nhau tham dự vào các buổi cử hành Rước Lễ hay Thánh Thể, trong khi tôn trọng các truyền thống phụng vụ của nhau, là có cơ sở về mặt thần học”.

ÖAK được thành lập vào năm 1946 để tăng cường mối quan hệ đại kết. Tổ chức này độc lập với cả Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức lẫn Hiệp hội Tin lành ở Đức, gọi tắt là EKD, một tổ chức đại diện cho 20 nhóm Tin lành. Nhưng ÖAK thông báo cho cả hai cơ quan về những cuộc tranh luận của nó.

CNA Deutsch trước đây đã báo cáo rằng ÖAK đã thông qua tài liệu hiệp thương dưới sự đồng chủ tịch của Giám mục Georg Bätzing, người hiện là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo, và Giám mục Martin Hein đã nghỉ hưu của Tin lành Luther.

Vào tháng 5 năm 2020, một phiên họp gồm các thành viên của EKD và Hội Đồng Giám Mục Đức đã đi đến việc “nghiên cứu phát triển một khuôn khổ thần học cho quyết định của lương tâm cá nhân, liên quan đến việc tham gia qua lại trong Thánh Thể / Bữa Tiệc Ly của Chúa”.

Một ghi chú trên trang web của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo nói rằng sự can thiệp của CDF “đã trở nên cần thiết vì nghiên cứu ÖAK hiện đã được đưa ra với tư cách là một ý kiến chuyên gia cho Hội Đồng Giám Mục Đức, trên cơ sở là cá nhân các giám mục Công Giáo có quyền tự quyết định quan điểm giáo lý riêng của mình”.

Hội Đồng Giám Mục Đức dự kiến sẽ bỏ phiếu về đánh giá của nhóm ÖAK vào cuối tháng 9 nhưng cuộc bỏ phiếu đã bị hoãn lại do sự can thiệp của CDF.

Trong một lá thư gửi cho Giám Mục Bätzing, Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng đề xuất này không phù hợp với sự hiểu biết của người Công Giáo về Giáo hội, Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền chức thánh.

CDF cảnh báo trước bất kỳ bước đi nào hướng tới sự hiệp thông giữa người Công Giáo và các thành viên của EKD.

Trong bức thư ngỏ của mình, Đức Hồng Y Koch phủ nhận cáo buộc của Leppin cho rằng ngài từ chối tham gia vào các lập luận của ÖAK. Ngài cũng nhấn mạnh điều mà ngài gọi là “sự khác biệt nghiêm trọng” giữa tuyên bố của ÖAK và thông lệ phổ biến trong các nhà thờ Tin lành.

Vị Hồng Y người Thụy Sĩ đưa ra ví dụ về Giáo hội Tin lành ở Hesse và Nassau, một trong những giáo hội thành viên của EKD. Ngài lưu ý rằng những giáo hội này mời những người chưa được rửa tội tham gia vào buổi lễ Tiệc Ly của Chúa.

Đức Hồng Y Koch nói rằng thực tế này mâu thuẫn với tuyên bố của Oak rằng có một “sự hiểu biết cơ bản” liên quan đến một sự “công nhận” tương tự về bí tích rửa tội cũng như có một sự “tương ứng trong các hình thức phụng vụ của việc cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa”.

“Phép Rửa Tội và sự công nhận lẫn nhau về tính thành sự của phép Rửa Tội được coi là đại diện cho nền tảng của đại kết. Nhưng nếu một bên đối tác đại kết lại tương đối hóa phép Rửa Tội đến mức nó không còn là điều kiện tiên quyết để tham gia vào Bữa Tiệc Ly của Chúa nữa, thì câu hỏi phải được đặt ra đối với nền tảng của phong trào đại kết”, Đức Hồng Y Koch đã viết trong bức thư ngỏ của ông.

Đức Hồng Y cho biết ngài rất ngạc nhiên “rằng có sự khác biệt như vậy giữa tuyên bố của ÖAK và thực tế trong các nhà thờ Tin lành, là điều không được các thành viên ÖAK ghi nhận hoặc, nếu có, không được trình bày, dù là theo một cách cực kỳ tối thiểu đi chăng nữa”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Koch bày tỏ lòng biết ơn rằng nhóm nghiên cứu đại kết đã đầu tư “rất nhiều năng lượng và nhiệt thành” để vượt qua những vấn đề chia rẽ người Công Giáo và người Tin lành. Nhưng ngài nói rằng những bước đi như vậy chỉ có thể thực sự thành công khi đối mặt với “thực tế cụ thể”.

Ngài nói thêm rằng các vấn đề chưa được giải đáp nên được nêu ra một cách cởi mở thì sau đó mới có thể được giải quyết.


Source:Catholic News Agency
 
Top Stories
Les catholiques vietnamiens honorent leurs ancêtres pendant la fête du Têt
Églises d'Asie
11:35 12/02/2021
Les chrétiens se joignent aux Vietnamiens d’autres confessions dans l’accomplissement des devoirs filiaux afin d’honorer leurs ancêtres, pour la nouvelle année lunaire. Le festival se déroule du 10 au 16 février. Reportage dans la région de Hue.

Le festival du Têt offre l’occasion à tous les vietnamiens, y compris les catholiques, d’accomplir certaines tâches filiales afin d’honorer leurs ancêtres. Le 8 février, des jeunes de la maison communale du village d’Uu Diem, dans le district de Phong Dien, province de Thua Thien Hue ont repeint les autels et les tables d’encens d’une fine couche de vermillon, nettoyé les chandeliers, les tablettes ancestrales et d’autres objets de culte. Ils ont ensuite tué des porcs, des volailles et préparé le repas dans la cour de la maison communale. Puis les aliments cuits, des légumes, des fruits et des verres d’alcool furent placés sur des autels décorés de fleurs colorées.

Les anciens du village en costumes traditionnels se sont agenouillés devant les autels des ancêtres. Deux aînés ont offert de l’alcool, des bougies, du bétel et de l’areca, tandis que d’autres ont frappé des gongs et joué des instruments de musique traditionnels. Doan Ngoc Thieu, 80 ans, s’est prosterné quatre fois et a chanté des prières écrites en chu nom ou en vieux caractères vietnamiens, invitant les ancêtres à revenir célébrer la fête du Têt avec les villageois.

Après la cérémonie, la nourriture a été distribuée aux familles locales. Auparavant, les repas se prenaient ensemble dans la maison communale mais en raison de l’épidémie de covid-19, la distribution s’est déroulée à l’extérieur. « Tout le monde a des ancêtres, déclare Thieu, un lycéen, et nous devons leur montrer une grande dévotion. » Huu Su, 76 ans, chef des familles Trinh Huu dans le village de La Van dans le district de Quang Dien, nous confie que ses ancêtres ont déménagé de la province septentrionale de Nghe An à la fin du 18ème siècle. Ils ont ensuite établi le village et cultivé plus de 100 hectares de terres agricoles. Leurs descendants cultivaient la terre et s’occupaient de leurs tombes, jusqu’à la confiscation des terres après la réunification du pays sous le régime communiste en 1975. « Aujourd’hui, ceux qui sont âgés de 18 à 70 ans donnent en moyenne 100 000 dong [5 $US] à des mariages, des funérailles, des anniversaires de décès et d’autres cérémonies familiales » Il affirme que la famille Trinh Huu perpétue fièrement les traditions, célébrant les anniversaires de la mort de ses ancêtres le 28ème jour du 12ème mois lunaire, deux jours avant le premier jour de l’année lunaire. Les vivants offrent de la nourriture, de l’alcool, des fruits, de l’encens et des bougies « Nous croyons que l’âme de nos ancêtres est avec nous et qu’ils participent à la fête. »

Le culte des ancêtres est une croyance commune à plusieurs pays d’Asie du Sud-Est.

Chaque famille a ses propres traditions et son propre calendrier pour honorer ses ancêtres.

Hoang, 64 ans, de la paroisse de Nam Pho qui a deux enfants et six petits-enfants, a nettoyé les tombes de ses proches et demandé aux prêtres locaux de prier pour ses cousins morts avant la fête du Têt. Le dernier jour de la vieille année, les membres de sa famille offrent à Dieu et aux ancêtres encens, fruits et banh chung – carrés gâteaux de riz gluant rempli de pâte de haricots verts et de porc gras – comme offrandes d’action de grâces qui représentent l’amour, la solidarité et l’unité. « Nous récitons des prières pour remercier Dieu pour sa paix et ses bénédictions au cours de l’année écoulée et nous prions pour l’âme de nos ancêtres. » Toute la famille réunie assiste également à la messe de fin d’année à l’église paroissiale, le soir.

Chez Elizabeth Tran Thi Kim Oanh de la paroisse de Phuong Duc, la famille effectue des cérémonies de fin d’année le dernier jour de l’année lunaire. « Nous offrons de l’encens, des fleurs, des fruits et des gâteaux devant les autels de nos ancêtres et nous visitons leurs tombes », a déclaré Oanh, 57 ans, qui s’est convertie au catholicisme lorsqu’elle s’est mariée, en 1990. Elle souligne que le cinquième commandement de la Bible— honorer son père et sa mère-, se rapproche du culte des ancêtres. Elle et ses proches ne quittent pas la maison familiale, dans le quartier d’origine de son mari de Quang Dien, jusqu’au troisième jour de la nouvelle année lunaire.

Le Père Joseph Nguyen Van Chanh, curé de la paroisse Gia Hoi, organise traditionnellement une messe spéciale le dernier dimanche de l’année lunaire, offrant des cadeaux et des vœux de Têt aux personnes âgées, comme un moyen de témoigner de l’affection filiale.« Ce sont des aînés très respectés qui ont donné des exemples brillants de bonne vie et qui prient quotidiennement pour la paroisse », explique le Père Chanh, à la congrégation le 7 février, lors d’une remise de cadeaux à 50 personnes âgées de 70 à 98 ans, vêtues de robes jaunes ou rouges et coiffées de turbans noirs.

Les catholiques Vietnamiens assisteront à des messes spéciales les trois premiers jours de l’Année du Buffle — ils prient pour la prospérité nationale le premier jour de la nouvelle année, pour les morts le deuxième et pour de bonnes récoltes (ou un bon travail) le dernier. Selon le père Joseph, l’Église locale essaie d’inscrire les valeurs chrétiennes dans les traditions et cultures nationales afin de faciliter d’éventuelles conversions au catholicisme, toujours perçu comme une religion étrangère.

(Source: Églises d'Asie - le 12/02/2021Avec Ucanews, Hue)
 
Les manifestations prodémocratie reprennent en Thaïlande
Églises d'Asie
11:38 12/02/2021
Les arrestations de quatre figures du mouvement étudiant thaïlandais et le coup d’état en Birmanie voisine relancent le mouvement en faveur d’une ouverture démocratique du pays. Militants thaïlandais et birmans sont descendus dans les rues de Bangkok pour demander d’une seule voix la libération d’Aung San Suu Kyi et des leaders étudiants inculpés de lèse-majesté en Thaïlande.

Ils sont venus par centaines, de plus en plus nombreux au fur et à mesure qu’ils se rassemblaient sur l’esplanade à l’extérieur d’un centre culturel, dans le centre-ville de Bangkok. Ils sont étudiants, universitaires, employés de bureau, petits patrons, hommes et femmes d’âge moyen. Beaucoup frappaient sur des casseroles et des marmites : le vacarme tonitruant recouvrait le bruit de la circulation pourtant dense des routes adjacentes. Plusieurs manifestants portaient des pancartes appelant au rétablissement de la démocratie au Myanmar et en Thaïlande, d’autres se lançaient dans des discours enflammés, armés d’un microphone et d’enceintes portables.

Après une interruption de plusieurs semaines, les jeunes militants thaïlandais prodémocratie étaient de retour en force dans les rues de Bangkok l’après-midi du 10 février pour réclamer à nouveau des réformes démocratiques et exiger la libération de plusieurs dirigeants de leur mouvement. Le flash mob s’est rassemblé en réponse à la décision des autorités thaïlandaises de mettre à nouveau sous les verrous quatre célèbres activistes, y compris l’avocat des droits humains Anon Nampa et le leader étudiant Parit Chiwarak. Les quatre militants ont été inculpés de crime de lèse-majesté, avec 54 autres personnes, à cause de commentaires émis lors de précédents rassemblements étudiants l’année dernière, où les manifestants appelaient à une réforme de la monarchie thaïlandaise, traditionnellement représentée comme sacrée et au-dessus de tout reproche.

Leur demande de liberté sous caution a été refusée, et ils risquent plusieurs décennies derrière les barreaux, puisque chaque commentaire anti-monarchie peut valoir à lui seul quinze ans de prison. « Le gouvernement prétend que nous vivons en démocratie, mais nous sommes sous le joug d’une dictature militaire » déclare une jeune manifestante, étudiante à l’université de Chulalongkorn, à Bangkok. Elle brandit une pancarte où il est écrit : « Non au 112 », en référence à l’article 112 du code pénal sur le crime de lèse-majesté, qui criminalise toute critique du Roi, de la Reine ou de l’héritier de la Couronne. « L’armée thaïlandaise copie ce qu’a fait la Chine à Hong Kong, poursuit-elle. Elle utilise des lois injustes pour arrêter les manifestants. Mais cette fois, ils ne pourront pas nous stopper, parce qu’on en a vraiment assez, et que nous sommes très nombreux. » Jusqu’ici, au moins 58 personnes, y compris des mineurs, ont été inculpés de lèse-majesté, un état de fait condamné par les experts internationaux.

D’autres inculpations suivront sans doute, car les autorités thaïlandaises semblent déterminées à sévir contre les activistes prodémocratie, grâce à l’utilisation des lois sur le crime de lèse-majesté, la sédition et d’autres délits, en lien avec leur participation à des rassemblements l’année dernière. Il y a quelques jours, plusieurs experts auprès des Nations Unies ont publié un communiqué condamnant fermement l’augmentation du nombre de cas de lèse-majesté dans le pays :« Nous sommes très inquiets de la hausse du nombre des poursuites judiciaires pour crime de lèse-majesté depuis fin 2020, et de la sévérité grandissante des peines, indique le communiqué. Le fait que certaines formes d’expression soient considérées comme offensantes pour une figure publique ne justifie pas l’application de peine si sévères. »

Le coup d’état en Birmanie a créé des contacts entre militants Thaïs et Birmans.

Le regain d’énergie du mouvement de jeunesse thaïlandais n’est pas étranger au coup d’état perpétré par l’armée chez leurs voisins birmans : des centaines d’activistes thaïlandais ont participé aux côtés des militants birmans aux manifestations organisées devant l’ambassade du Myanmar à Bangkok. A chaque fois, la police anti-émeutes a dû utiliser la force pour disperser les centaines de manifestants. Plusieurs militants birmans ont alors renvoyé l’ascenseur en participant aux côtés de leurs homologues thaïlandais aux manifestations du 10 février. Ils y tenaient des pancartes exigeant le rétablissement du gouvernement élu et la libération de l’icône de la démocratie Aung San Suu Kyi, ainsi que des autres responsables politiques arrêtés au Myanmar après le coup d’état. « Nous sommes dans le même bateau ! » hurle un jeune manifestant Thai pour couvrir le bruit des casseroles. « Nous voulons la démocratie en Thaïlande et ils veulent la démocratie en Birmanie. Ce n’est pas le travail des militaires de diriger un pays et d’oppresser les populations. » Un coup d’arrêt avait été mis à la démocratie thaïlandaise en mai 2014 lors du coup d’état mené par le général Prayuth Chan O Cha, qui renversa le gouvernement élu. Sept ans plus tard, légitimé au cours d’un scrutin très controversé, le général Prayuth est toujours au pouvoir et ne semble pas vouloir discuter d’éventuelles réformes démocratiques. Au contraire, son administration a répondu au mécontentement croissant de la population en cherchant à étouffer la dissidence par une utilisation punitive des lois du pays, y compris la loi draconienne de lèse-majesté.

Mais les jeunes Thaïlandais semblent très déterminés à retourner dans la rue pour exiger un changement, malgré les risques. Les militants prodémocratie se saisissent à nouveau des réseaux sociaux pour organiser une nouvelle série de manifestations : « À tout le peuple : Nous vous exhortons à sortir et à vous unir pour montrer que nous ne tolérerons plus cette répression, au nom d’un meilleur avenir pour la Thaïlande », a déclaré le 10 février un groupe d’organisateurs sur le réseau twitter. L’utilisation des réseaux permet de mettre en scène très rapidement des rassemblements de type ‘’flash mob’’ à des endroits stratégiques de la ville, réduisant à néant les tentatives des autorités de faire interdire les manifestations à l’avance.

(Source: Églises d'Asie - le 12/02/2021, Avec Ucanews, Bangkok)
 
Les bouddhistes et chrétiens manifestent contre le coup d’État
Églises d'Asie
11:51 12/02/2021
Les actions de protestation des communautés religieuses se multiplient en Birmanie, tandis que la junte poursuit les arrestations de personnalités du mouvement démocratique. Le président américain Joe Biden a annoncé de nouvelles sanctions économiques contre les généraux.

Pour la sixième journée consécutive, les manifestations et les grèves se poursuivent dans le pays pour protester contre le coup d’État militaire du 1er février ainsi que l’arrestation de la cheffe du gouvernement élu Aung San Suu Kyi et du président Win Myint.

Dans la capitale économique, Rangoun, médecins, enseignants, étudiants et ouvriers demandent aux fonctionnaires d’adhérer au mouvement de « désobéissance civile » en refusant d’aller travailler. Des manifestations sont organisées devant les ambassades américaines et chinoises pour exiger des sanctions internationales contre la junte, certains accusant la Chine de soutenir l’armée par la vente d’armes. Mercredi, le nouveau président américain Joe Biden a de nouveau appelé à la libération des prisonniers politiques et annoncé des sanctions contre les généraux impliqués dans le putsch, tout particulièrement Min Aung Hlaing, instigateur principal du coup d’état, déjà visé par des sanctions pour son rôle dans les violences commises à l’encontre de la minorité Rohingyas en 2017.

La répression se poursuit : mercredi soir, un proche collaborateur d’Aung San Suu Kyi, Kyaw Tint Swe, a été arrêté avec quatre autres personnalités du gouvernement élu. Des membres de la Commission électorale, qui avait confirmé la victoire de la Ligue Nationale pour la Démocratie (NLD, le parti d’Aung San Suu Kyi) aux élections du 8 novembre dernier, ont également été arrêtés. On estime que plusieurs centaines de personnes ont été mises en prison ces jours-ci.

Le monde religieux très impliqué dans les manifestations.

Les manifestations contre le coup d’État impliquent désormais toutes les couches de la société et en particulier le monde religieux. Des bonzes du monastère de Pegu, à 80 km au nord-est de Rangoun, ont publié une lettre ouverte dans laquelle ils exhortent la population à tenir haut « la lumière du bien » et du dharma (ndlr : l’enseignement du Bouddha), et à rejeter « la voie du mal », qui entraîne le pays dans « les ténèbres et la destruction ».

Il y a deux jours à Pakokku, dans la région centrale de Magway, des centaines de religieux ont marché pour la paix. La ville est connue pour ses nombreux monastères : c’est ici qu’est née la « révolution safran » contre la junte en 2007 – des manifestations de moines bouddhistes contre les militaires. Le choc suscité par la répression sanglante du mouvement avait contribué à accélérer la transition vers la démocratie. Un jeune moine explique : « Chaque jour, nous prions en allumant des bougies et de l’encens, pour que les Birmans soient protégés des catastrophes, comme ce qui se passe ces jours-ci. Nous ne voulons pas que les gens souffrent, dans la violence. »

Les catholiques expriment aussi leur opposition au régime militaire. Après les vives critiques adressées aux évêques pour leur communiqué interdisant de porter des signes religieux pendant les manifestations, de nombreux instituts religieux ont organisé des rassemblements et prières collectives. L’évêque de Mandalay, Mgr. Marco Tin Win, sorti dans la rue dès le lendemain du coup d’état pour soutenir les manifestants prodémocratie, en esquissant le salut à trois doigts levés, a organisé un moment de prière devant la cathédrale du Sacré-Cœur. À Kengtung, dans l’État Shan, les fidèles, prêtres et religieuses ont porté la statue de la Vierge en procession, priant pour la paix au Myanmar. Les sœurs de Saint-Joseph de l’Apparition sont encore plus explicites dans leur action : elles distribuent des collations et du café aux manifestants pour les aider à « recharger leur énergie et leur voix », à Rangoun et dans d’autres villes.

(Source: Églises d'Asie - le 12/02/2021, par AsiaNews – Francis Khoo Thwe)
 
VietCatholic TV
Tai nạn kinh hoàng tối Giao Thừa, 133 xe đâm vào nhau tại Texas, lời kêu gọi của Đức Cha Michael Olson
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:08 12/02/2021


1. Tai nạn kinh hoàng tối Giao Thừa, 133 xe đâm vào nhau tại Texas, thương vong tiếp tục tăng

Các quan chức tại Fort Worth, Texas cho biết ít nhất đã 6 người chết, 36 người đang chiến đấu với tử thần tại bệnh viện và 65 người được chăm sóc y tế sau một tai nạn được ghi nhận là chưa từng xảy ra với quy mô như thế tại tiểu bang Texas.

Theo các quan chức, vụ tông vào và chồng chất lên nhau liên quan đến tổng cộng 133 phương tiện giao thông, xảy ra vào khoảng 6:30 sáng thứ Năm 20 tháng 12, tức là 7:30 tối Giao Thừa theo giờ Việt Nam sau khi mưa đá và mưa tuyết rơi trong đêm và rạng sáng ngày thứ Năm, khiến các con đường trên khắp miền Bắc Texas ẩm ướt và trơn trượt.

Hình ảnh tại hiện trường cho thấy hàng trăm phương tiện giao thông, trong đó có hàng chục xe 18 bánh bị lật nhào và xếp chồng lên nhau.

Những người phản ứng đầu tiên gọi vụ tai nạn là một “biến cố thương vong hàng loạt.” Nhiều xe cứu thương đã được điều động đến hiện trường. Các quan chức của MedStar Mobile Healthcare xác nhận 14 xe cứu thương đã được sử dụng để chở 36 người đến các bệnh viện trong khu vực. Những người bị thương nặng đã được chuyển đến các trung tâm chấn thương.

Đức Cha Michael Olson Giáo phận Fort Worth nhận xét trên Twitter rằng

Các sự kiện hôm nay nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của ân sủng sự sống con người. Chúng ta hãy cầu nguyện và tưởng nhớ những người đã chết trong vụ tai nạn xe khủng khiếp ngày hôm nay và cho gia đình của họ. Những lời cầu nguyện và công việc của lòng thương xót này sẽ kéo dài hơn ngày hôm nay và trong những tuần và tháng tới.

Trong bản cập nhật buổi chiều, các quan chức cho biết tất cả các trường hợp thương vong đều là người lớn.

Cảnh sát cho biết bốn viên chức cảnh sát – ba người đang trên đường đi làm và một đang làm việc trong vụ việc này - đã bị thương trong đống đổ nát.

Một trong những người điều khiển xe đầu kéo, Michael Howard, nói với CBS 11 News rằng anh ta nhìn thấy những vụ va chạm phía trước nhưng không thể dừng lại kịp thời.

“Bạn không nhìn thấy những hạt mưa đá, cho đến khi bạn cảm thấy chúng… Bạn không thể dừng lại, vì vậy tôi đã lái xe húc vào bức tường đó để giảm bớt tác động, sau đó những người phía sau tôi chỉ bam, bam, bam, bam,” Howard nói.

Howard nói thêm rằng đường rất thông thoáng, tầm quan sát rất rõ khi anh ấy lái xe từ Denton đến đây.
Source:Fort Wotth Local News

2. Kỷ niệm 90 năm thành lập Đài phát thanh Vatican

Vào ngày thứ Sáu 12 tháng Hai, Đài phát thanh Vatican sẽ ra mắt một chương trình phát thanh trên web phát liên tục 24 giờ để kỷ niệm 90 năm thành lập.

Đài phát thanh web, ra mắt vào ngày 12 tháng 2, sẽ cung cấp các chương trình phát thanh của Đài Vatican qua internet bằng tiếng Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Armenia.

Các chương trình phát sóng cũng sẽ có sẵn thông qua ứng dụng Radio Vaticana trên các điện thoại thông minh. Cho đến nay, các chương trình của Đài phát thanh Vatican đã được truyền qua sóng vô tuyến, sóng ngắn, vệ tinh, DAB + và kỹ thuật số.

Theo Vatican News, đài phát thanh Vatican cũng sẽ khởi động một trang web “được làm lại” vào hôm thứ Sáu.

Đài phát thanh Vatican đã được Đức Giáo Hoàng Pius XI thành lập vào ngày 12 tháng 2 năm 1931. Nhà phát minh và kỹ sư điện người Ý Guglielmo Marconi đã thiết kế và chế tạo đài.

Chương trình phát thanh đầu tiên được bắt đầu bằng các tín hiệu Morse “In nomine Domini, Amen,” tiếng Latinh có nghĩa là “Nhân danh Chúa, Amen.” Rồi đến lời giới thiệu ngắn gọn của Marconi. Kế đó, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã đưa ra thông điệp đầu tiên của Giáo hoàng qua đài phát thanh, được phát bằng tiếng Latinh.

Đài phát thanh Vatican đã được giao cho dòng Tên quản lý cho đến năm 2017. Ngày nay nó phát bằng 41 ngôn ngữ.

Paolo Ruffini, trưởng bộ phận truyền thông của Vatican, cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Ba rằng: “Ngay cả ngày hôm nay, Đài phát thanh Vatican cũng đang hướng tới tương lai trong khi vẫn giữ được tính nguyên bản và bản sắc của nó.

Ông nói, radio trên web “sẽ cho phép bất kỳ ai trên thế giới nghe đài Vatican bằng ngôn ngữ của họ từ điện thoại thông minh hoặc máy tính của họ”.

Trang web của Đài phát thanh Vatican là một trong số trang web được hợp nhất dưới nền tảng truyền thông Tin tức Vatican vào cuối năm 2017, sau cuộc cải tổ lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với truyền thông Vatican.

Massimiliano Menichetti, giám đốc Đài phát thanh Vatican, cho biết ngoài các bài bình luận trên đài phát thanh, đài đã tạo ra các chương trình, podcast và audiobook mới.

Ông nói: “Cuộc cải cách mà Đức Giáo Hoàng mong muốn đang hướng tới một chiều hướng mới, trong đó chúng tôi không còn là một đài phát thanh nữa, mà là một thực tế tích hợp vẫn đang tiến triển”.

“Nhân viên của Đài phát thanh Vatican, những người đến từ 69 quốc gia, là lý do tại sao cổng thông tin điện tử Tin tức Vatican ra đời, nơi có thể tìm thấy các bài báo, video, ảnh, âm thanh và phương tiện truyền thông xã hội”.

Trong thông điệp của mình cho Ngày Truyền thông Thế giới, được công bố vào ngày 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về internet trong bối cảnh báo chí, gọi nó là “một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có trách nhiệm với tư cách là người dùng và người tiêu dùng”.

Ngài nói: “Có khả năng tất cả chúng ta đều có thể trở thành nhân chứng cho những sự kiện mà các phương tiện truyền thống truyền thống sẽ bỏ qua, đóng góp cho xã hội và làm nổi bật nhiều câu chuyện hơn, bao gồm cả những câu chuyện tích cực”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng tất cả các Kitô hữu đều phải đối mặt với một thách thức: “giao tiếp bằng cách gặp gỡ mọi người, ở nơi họ đang sống và trong thực tại của họ”.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Cha Mark Seitz của El Paso than thở về vụ phá hoại nghiêm trọng tại giáo xứ Thánh Piô X

Ba bức tượng thiên thần tại Nhà thờ Thánh Piô X ở El Paso đã bị thiệt hại nặng nề trong một vụ phá hoại, khiến các tín hữu đau buồn.

Đức Cha Mark Seitz, Giám Mục giáo phận El Paso cho biết vụ phá hoại đã diễn ra vào sáng ngày thứ Tư 10 tháng 2. “Chúng tôi rất đau buồn về những thiệt hại đã xảy ra tại giáo xứ Thánh Piô X. Những hình ảnh thánh này rất quan trọng đối với chúng tôi vì chúng là dấu chỉ và lời nhắc nhở về sự gần gũi của Chúa và sự quan tâm của Người đối với chúng tôi.”

Giáo phận cho biết trong một tuyên bố rằng: “Ba bức tượng thiên thần trong khuôn viên giáo xứ được tìm thấy bị lật nhào và đập phá. Không có thiệt hại nào bên trong nhà thờ.”

Đức Cha Seitz cho biết các bức tượng là “những thứ có thể được sửa chữa và thay thế.”

“Chúng tôi biết ơn Chúa vì không ai bị tổn thương về thể xác trong cơn cuồng nộ dữ dội này, bởi vì con người là hình ảnh đẹp nhất và không thể thay thế của Thiên Chúa. Chúng tôi cầu nguyện rằng bất cứ ai thực hiện hành động vô nghĩa này sẽ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần.”

Một báo cáo của cảnh sát đã được đệ trình về vụ việc và các biện pháp an ninh đã được thực hiện. Giáo xứ đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật để xác định xem ai đã có thể gây ra vụ này.

Năm ngoái, đã có nhiều cuộc biểu tình lớn, chủ yếu là ôn hòa về cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen bị một viên cảnh sát Minneapolis đè nghẹt thở trong lúc bắt giữ. Tuy nhiên, cũng có những cuộc bạo loạn và phá hoại lan rộng gây ra hơn 1 tỷ đô la thiệt hại trên toàn quốc và giết chết khoảng 19 người. Cũng có một làn sóng phá hoại các nhà thờ và tượng Công Giáo.

Một vụ bắt giữ đã được thực hiện vào tháng 9 năm 2020 tại Nhà thờ Thánh Patrick của giáo phận El Paso, trong đó một bức tượng Chúa Kitô trị giá 25,000 đô la đã bị phá hủy.
Source:Catholic News Agency

4. Luật quái đản: Cấm cầu nguyện cho những người LGBTQ+. Nhận định của Giáo Sư Carl R. Trueman

Thương người có mười bốn mối. Thương linh-hồn bảy mối: Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, tại tiểu bang Victoria, Australia, Thủ hiến Daniel Andrews, người luôn xưng mình là người Công Giáo vừa khởi xướng ra một luật mới theo đó lấy lời lành mà khuyên người có thể bị phạt 7,700 Úc Kim và trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị ngồi tù đến 10 năm.

Đạo luật vừa được thông qua được gọi là luật “The Change or Suppression Conversion Practices Prohibition”, nghĩa là luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới”. Các thực hành bị cấm trong trường hợp này bao gồm cả việc khuyên lơn hay cầu nguyện cho những người LGBTQ+.

Carl R. Trueman là giáo sư môn Kinh Thánh và Tôn Giáo tại Grove City College, Hoa Kỳ vừa có bài phân tích về luật quái đản này trên tờ First Things ngày 8 tháng Hai.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Hiền Hòa.

Conversion therapy hay “Liệu pháp chuyển đổi” là việc sử dụng các can thiệp tâm lý hoặc tâm linh để cố gắng thay đổi khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của một người. Đây là vấn đề đã gây tranh cãi ở Hoa Kỳ. Nó bị cấm trong trường hợp trẻ vị thành niên ở khoảng hai mươi tiểu bang của Hoa Kỳ. Thủ đô Hoa Kỳ cấm hoàn toàn các liệu pháp như vậy, bất kể tuổi tác. Những luật như vậy có thể được coi là một sự ủng hộ của chính phủ đối với những người LGBTQ+, nhưng chúng ta không nhất thiết phải nhìn nhận chúng một cách hoàn toàn bất cần đạo lý. Chúng cũng có thể phản ánh mong muốn bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi phải trả tiền cho các phương pháp điều trị mà các nhà lập pháp coi là không cần thiết.

Tuy nhiên, tiểu bang Victoria ở Úc vừa thông qua một dự luật sẽ làm gia tăng đáng kể xung đột giữa tự do tôn giáo, lựa chọn cá nhân và chính trị về bản sắc. Và nó cũng có thể trở thành một mô hình mẫu cho luật pháp ở những nơi khác trong thế giới dân chủ.

Đạo luật vừa được thông qua được gọi là Dự luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới” 2020. Mục đích cơ bản của nó là “bảo đảm rằng tất cả mọi người, bất kể khuynh hướng tình dục hay bản sắc giới tính, đều cảm thấy được chào đón và có giá trị ở Victoria và có thể sống một cách chân thực và với niềm tự hào”. Thật khó tranh cãi về điều đó, vì mục đích có vẻ đáng ca ngợi - ai lại muốn sống ở một nơi mà người ấy không cảm thấy được coi trọng? - và vì nó là hiện thân của cách nói chuyện phù phiếm trong thời đại trị liệu hiện tại của chúng ta. Cảm thấy có giá trị và sống chân thực là những cụm từ nghe rất kêu, nhưng trống rỗng, nghe có vẻ yên tâm tuyệt vời nhưng nội dung cụ thể rất dễ trở thành hàm hồ, ngớ ngẩn. Tôi cho rằng, hoặc ít nhất hy vọng rằng, những người có “khuynh hướng tình dục” khiến họ lạm dụng trẻ vị thành niên không nên cảm thấy được chào đón và coi trọng ở Victoria mặc dù có luật mới này.

Luật định nghĩa một thực hành nhằm thay đổi hoặc áp chế như sau:

Một thực hành hoặc hành vi hướng tới một người, cho dù có hoặc không có sự đồng ý của người đó trên cơ sở khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; và nhằm mục đích thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; hoặc khiến người đó thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của họ.

Lưu ý rằng sự đồng ý của người đó là không quan trọng về mặt pháp lý: Việc thay đổi hoặc trấn áp là bất hợp pháp bất kể thái độ của người đó như thế nào.

Nhưng phần thực sự quan trọng của dự luật từ góc độ tôn giáo là danh sách “các hoạt động thay đổi hoặc đàn áp”. Điều này bao gồm: “thực hiện một thực hành tôn giáo, bao gồm nhưng không giới hạn nơi các thực hành dựa trên lời cầu nguyện, thực hành giải thoát hoặc trừ tà”.

Nói tóm lại, nếu ai đó yêu cầu mục sư, linh mục hoặc một người bạn Kitô hữu cầu nguyện cho họ để ham muốn tình dục hoặc chứng rối loạn giới tính của họ có thể được thay đổi, thì mục sư, linh mục hoặc bạn bè đó có nguy cơ phạm tội. Điều này cũng áp dụng cho các bậc cha mẹ đang cầu nguyện cho con cái của họ — hoặc thậm chí đang dạy con cái họ rằng những biểu hiện ham muốn tình dục không theo khuôn mẫu xã hội (ít nhất là theo quy luật của khuynh hướng đương đại) là không phù hợp.

Quy định này rõ ràng không dựa trên bất kỳ phản đối siêu hình mạch lạc nào đối với việc thực hành cầu nguyện. Nếu các nhà lập pháp tin rằng Chúa tồn tại, họ có lẽ tin rằng Ngài đủ khôn ngoan để bỏ qua những lời cầu nguyện như vậy nếu chúng thực sự có hại. Còn nếu họ không nghĩ rằng Ngài tồn tại, thì có vẻ hợp lý khi cho rằng họ sẽ coi lời cầu nguyện như vậy là một thực hành khá vô lý, thậm chí là vô nghĩa.

Tuy nhiên, nếu chính sách này không mang tính siêu hình, thì nó cũng bộc lộ một trong những khía cạnh của chính trị bản sắc mới: Những kẻ phản bội ý thức hệ giới tính là không thể được dung thứ. Cho dù đó là John McWhorter, người đang kêu gọi sự nhiệt thành của những người đang cổ vũ cho một tôn giáo mới chống nạn phân biệt chủng tộc đang bao trùm nước Mỹ, hay một người ẩn danh nào đó ở Úc cảm thấy rằng chứng rối loạn giới tính là vấn đề của tâm trí, không phải của cơ thể, thì kẻ phản bội phải bị xem là một người nào đó độc hại, hay nhẹ nhàng nhất cũng là một người cần được bảo vệ khỏi chính họ.

Đạo luật cũng thể hiện một trong những kết quả kỳ lạ nhất của việc xã hội hiện đại nhấn mạnh vào quyền tự do triệt để của cá nhân. Trong một thế giới như vậy, về mặt lý thuyết, tất cả đều phải được phép có những câu chuyện về bản sắc của riêng họ. Nhưng bởi vì một số câu chuyện về bản sắc chắc chắn đối lập với những câu chuyện khác, do đó, một số bản sắc phải được đặc quyền với địa vị hợp pháp và những bản sắc khác bị coi là căn bệnh ung thư văn hóa. Và điều đó có nghĩa là, trong một bước ngoặt trớ trêu, cá nhân mất quyền tự chủ và chính phủ phải vào cuộc với tư cách là người thực thi. Sau đó, nhóm vận động hành lang sẽ quyết định ai vào và ai ra, với kết quả là, trong trường hợp này, người đồng tính hoặc chuyển giới muốn trở thành “thẳng” hoặc “cis” theo cách nói biệt ngữ thời thượng, là những người không thể được dung thứ. Câu chuyện của anh ta gợi lên câu hỏi cho những người khác. Chúng ta có thể nói rằng chính sự tồn tại của anh ấy là một mối đe dọa. Ban cấp bất kỳ mức độ hợp pháp nào cho mong muốn của anh ta là thách thức địa vị chuẩn mực đối với mong muốn của người khác.

Và vì vậy lời cầu nguyện cho những kẻ muốn trở thành “thẳng” như vậy phải bị cấm, ngay cả khi họ yêu cầu cụ thể điều đó. Điều này không hẳn vì lời cầu nguyện gây hại cho những người mà lời cầu nguyện ấy hướng đến, mà chỉ đơn giản là vì lời cầu nguyện ấy làm chứng cho thực tế rằng không phải tất cả mọi người - thậm chí không phải tất cả những người đồng tính và chuyển giới - đều thích thú với thứ chính trị bản sắc tình dục hiện tại.

Có lẽ đó là điều đáng khích lệ. Có lẽ từ lâu các xã hội phương Tây đang bắt đầu thức tỉnh trước sự thật rằng Kitô Giáo, ở cốt lõi của nó, đang làm chứng cho sự thật rằng thế giới hiện nay không phải như nó đáng lẽ phải trở thành. Nhưng cũng có một dấu hiệu đáng ngại khi một thực hành tôn giáo cơ bản như cầu nguyện - thường bị những người phi tôn giáo coi là vô nghĩa - hiện đang trở thành mục tiêu của luật pháp thù địch ở một quốc gia dân chủ. Có thể chúng ta chưa đến mức cho rằng suy nghĩ thôi đã là tội ác, nhưng chúng ta dường như đã đến thời điểm mà việc thể hiện một số suy nghĩ, ngay cả trong lời cầu nguyện, có thể bị coi là hành vi phạm tội. Trước nguy cơ khuyến khích mọi người phạm tội trọng và những tội nhẹ, tôi sẽ kêu gọi mọi người cầu nguyện để các quốc gia khác không theo gương của tiểu bang Victoria, vì nếu họ làm vậy, chỉ trong vài năm tới, có thể là bất hợp pháp khi chúng ta cầu nguyện về hầu hết mọi thứ mà các vua chúa và các chủ nhân của chúng ta không chấp thuận.
Source:First Things
 
Hi hữu: Nữ tu Công Giáo Pháp 117 tuổi, bị nhiễm virút Tầu độc địa vẫn không chết, vừa mừng sinh nhật
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:09 12/02/2021


1. Nữ tu Công Giáo Pháp 117 tuổi, bị nhiễm virút Tầu độc địa vẫn không chết

Sơ Andre Randon, một nữ tu ở Pháp, sẽ tròn 117 tuổi vào tuần này, sau khi sống sót COVID-19 vào tháng trước, cộng đoàn của sơ cho biết như trên trong thông báo đưa ra hôm thứ Ba.

Sơ Andre Randon nhũ danh là Lucile Randon, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1904. Sơ theo đạo Công Giáo ở tuổi 19. Sau khi phục vụ các trẻ nhỏ và người già tại một bệnh viện ở Pháp, sơ gia nhập Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vincent de Paul ở tuổi 40.

Bảy mươi sáu năm sau, Sơ Andre chuyển đến nhà hưu dưỡng Sainte Catherine Labouré ở Toulon, miền nam nước Pháp. Tại đó, vào ngày 16 tháng Giêng vừa qua, sơ có kết quả dương tính với COVID-19. Sơ bị cô lập với các sơ khác, nhưng không có biểu hiện gì.

Theo đài truyền hình BFM, 81 trong số 88 nữ tu của cơ sở này có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút này vào tháng Giêng, và 10 người đã tử vong.

Khi được hỏi có sợ COVID không, sơ Andre nói với kênh truyền hình BFM của Pháp, “Không, tôi không sợ vì tôi không sợ chết. Tôi rất vui khi được ở bên các bạn, nhưng tôi cũng muốn ở đâu đó khác - được gặp gỡ anh tôi, ông tôi, bà tôi, cha mẹ tôi”.

Nữ tu Andre Randon đã mừng sinh nhật lần thứ 117 vào ngày thứ Năm, 11 tháng Hai, lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

Theo Nhóm Nghiên cứu Lão khoa, nơi xác nhận thông tin chi tiết về những người được cho là từ 110 tuổi trở lên, sơ Andre là người sống lâu thứ hai trên thế giới. Người lớn tuổi nhất là Kane Tanaka của Nhật Bản, vừa bước sang tuổi 118 vào ngày 2 tháng Giêng vừa qua.

Vào sinh nhật lần thứ 115 vào năm 2019, Sơ Andre đã nhận được một tấm thiệp và một tràng hạt hồng phúc từ Đức Thánh Cha Phanxicô, mà sơ sử dụng hàng ngày.

Khi bước sang tuổi 116 vào năm ngoái, nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vincent de Paul đã chia sẻ “công thức để có một cuộc sống hạnh phúc” - cầu nguyện và một tách ca cao nóng mỗi ngày.
Source:Catholic News Agency

2. Trung Quốc đang dùng vắc xin COVID-19 để ngoi lên địa vị siêu cường hàng đầu thế giới

Bên trong mái vòm của một hội chợ ở Belgrade, hàng chục y tá trong bộ đồ hazmat tiêm chủng cho người già và trẻ nhỏ. Nỗ lực này của họ đã biến Serbia trở thành nước tiêm chủng nhanh nhất Âu châu. Theo ấn phẩm khoa học Our World in Data, chỉ trong vòng 2 tuần, quốc gia Balkan nhỏ bé này đã tiêm chủng cho hơn 450,000 người trong số bảy triệu dân của mình. Đó là một tỷ lệ cao hơn tất cả các quốc gia khác ở Âu châu ngoại trừ Vương quốc Anh. Một điểm khác biệt chính giữa Anh và Serbia là tất cả các lọ thuốc ở Serbia đều chứa đầy một loại vắc-xin do tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinopharm sản xuất. Trong khi đó, Anh quốc chỉ dùng các loại vắc xin do chính họ sản xuất.

Tại Đông Nam Á, Campuchia đã nhận được lô hàng vắc-xin COVID-19 600,000 liều đầu tiên, do Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của nước này viện trợ.

Thủ tướng Hun Sen, các thành viên cấp cao trong Nội các và Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên (Wang Wentian, 王文天) đã có mặt tại Sân bay Quốc tế Phnom Penh để dự lễ tiếp nhận vắc xin Sinopharm do một chuyến bay của Không quân Trung Quốc mang đến.

Tuần trước Hun Sen đã tuyên bố rằng ông sẽ là người đầu tiên được tiêm vắc-xin nhưng đã bị cản trở vì vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất chỉ có hiệu quả với những người từ 18 đến 59 tuổi, trong khi ông 68 tuổi.

Hôm Chúa Nhật tại sân bay, ông ta nói sẽ kêu gọi các thành viên trẻ hơn trong gia đình mình, cũng như các quan chức hàng đầu và các tướng lĩnh dưới 60 tuổi, đi tiêm phòng vào hôm thứ Tư để làm gương cho công chúng.

Vắc xin Sinopharm của Trung Quốc nhằm phòng chống vi-rút Vũ Hán được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, đã được tặng miễn phí cho một số quốc gia và được gọi là “vắc-xin ngoại giao”.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác chính trị thân cận nhất của Campuchia, đồng thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc cung cấp cho Hun Sen sự ủng hộ quan trọng mà ông đã bị các quốc gia phương Tây từ chối, vì họ đánh giá chính phủ của ông là một chính phủ đàn áp nhân quyền. Đáp lại, Campuchia ủng hộ các quan điểm địa chính trị của Bắc Kinh trên các diễn đàn quốc tế về các vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Source:ABC News

3. Campuchia phấn khởi với vắc-xin Tầu, đám cưới đầu tiên sau cách ly

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, tính đến ngày 6 tháng Hai, trong số 35 triệu người Hoa Kỳ được tiêm hai loại vắc-xin Pfizer và Moderna, đã có 10,748 trường hợp xảy ra biến chứng, trong đó có 501 trường hợp tử vong. Các con số trên phản ánh các báo cáo được nộp từ ngày 14 tháng 12 năm 2020 đến ngày 5 tháng 2 năm 2021.

Cho đến nay, chỉ có hai loại vắc xin Pfizer và Moderna được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, gọi tắt là FDA, cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp tại Hoa Kỳ. Theo định nghĩa riêng của FDA, vắc xin vẫn được coi là thử nghiệm cho đến khi được cấp phép đầy đủ.

453 trong số 501 trường hợp tử vong được báo cáo đã xảy ra trong nội địa Hoa Kỳ. 53% số người chết là nam, 43% là nữ, các báo cáo tử vong còn lại không bao gồm giới tính của người chết. Tuổi trung bình của những người chết là 77, người chết trẻ nhất được báo cáo là 23 tuổi. 59% số người tử vong đã sử dụng vắc-xin Pfizer, 41% chết vì vắc-xin Moderna.

Trong khi đó, không có trường hợp tử vong hay gặp phải phản ứng phụ nào được ghi nhận sau khi tiêm vắc xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất. Cho đến nay, vẫn chưa rõ đây là thực chất hay chỉ là sản phẩm của những cố gắng che đậy sự thật.

Ngay cả trước khi nhận được lô hàng 600,000 liều vắc xin Trung Quốc, và vẫn chưa biết có hiệu quả hay không, Thủ tướng Hun Sen đã nới lỏng các hạn chế liên quan đến coronavirus.

Chính vì thế đôi tình nhân người Campuchia này cuối cùng đã được kết hôn sau một năm trì hoãn.

Leang Phannara, 31 tuổi, nói:

“Tôi thực sự hạnh phúc vì cuối cùng chúng tôi cũng đã kết hôn và trở thành vợ chồng hợp pháp”.

Leang Phannara và Kim Bethyliza đã kiên nhẫn chờ đợi để kết hôn. Vì vậy, khi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm vào cuối tháng Giêng, họ đã nhanh chóng chụp lấy cơ hội

Cô dâu 28 tuổi, Kim Bethyliza, nói: “Tôi cảm thấy hài lòng khi được mặc đồ cưới và tôi rất vui, nhưng tôi cũng hơi lo lắng”.
Source:Global Research

4. Linh mục Pakistan bị bắt vì những lời bình phẩm liên quan đến vắc xin Trung Quốc

Bộ trưởng Y tế cho biết Pakistan công bố nước này đã nhận được những liều vắc-xin coronavirus đầu tiên, trong một hiệp định theo đó Trung Quốc hứa viện trợ nửa triệu liều vắc-xin Sinopharm cho nước này.

Bác sĩ Faisal Sultan cho biết một máy bay quân sự của Pakistan chở lô hàng đã hạ cánh xuống thủ đô Islamabad của Pakistan vào đầu ngày thứ Hai.

“Xin ca ngợi Allah, lô vắc-xin Sinopharm đầu tiên đã đến! Chúng tôi biết ơn Trung Quốc và tất cả những người đã làm cho điều này xảy ra, “ ông nói.

Sinopharm, một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đã phát triển một trong hai loại vắc xin chính của Trung Quốc đang được tung ra trên toàn cầu, cùng với vắc xin Coronavac của Sinovac.

Hiệp định Pakistan - Trung Quốc cũng bao gồm việc thử nghiệm trong giai đoạn ba, được tiến hành ở Pakistan, một loại vắc xin thứ ba của Trung Quốc, gọi là CanSino. Quốc gia này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin Sinopharm, AstraZeneca và Sputnik V vào tháng trước.

Theo tin từ tổng giáo phận Lahore, một linh mục đang bị cảnh sát câu lưu, sau khi ngài đưa ra các lời bình phẩm liên quan đến việc thử nghiệm vắc-xin CanSino. Trong khi thừa nhận rằng Trung Quốc có thể có các kinh nghiệm nhất định vì coronavirus virus xuất phát đầu tiên từ Trung Quốc, vị linh mục bày tỏ âu lo là người dân Pakistan có nguy cơ bị đưa làm chuột bạch để thí nghiệm. Ngài đề nghị những ai muốn chích các loại vắc xin Trung Quốc nên đi xưng tội trước khi chích.

Bác sĩ Faisal Sultan bác bỏ lập luận của vị linh mục và cho rằng các vắc xin Trung Quốc “đang nằm trong danh sách 10 vắc xin hàng đầu trên danh sách của WHO”.

Lô hàng Sinopharm hôm thứ Hai đánh dấu lô vắc-xin đầu tiên được nhập khẩu vào quốc gia Nam Á có 220 triệu dân, nơi hơn 546,000 trường hợp nhiễm coronavirus đã được báo cáo kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo số liệu chính thức, ít nhất 11,785 người đã chết vì virus, với số ca mắc hàng ngày trung bình là 1,800 trong hai tuần qua.

Những liều vắc-xin đầu tiên sẽ được cung cấp cho hơn 400,000 nhân viên y tế tuyến đầu trên khắp đất nước, theo kế hoạch triển khai vắc-xin của chính phủ.

Sau đó, các mũi tiêm sẽ được cung cấp cho những công dân trên 65 tuổi, những người thường đối mặt với nguy cơ tử vong vì vi rút cao hơn.
Source:Aljazeera