PHÚC ÂM: Mc 7, 14-23
“Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch. Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.
Đó là lời Chúa.
QUAN TÂM CÁC BỆNH NHÂN
Trong Sứ điệp “Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 29”, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi một cách thức chữa lành dựa trên mối quan hệ tin tưởng và liên cá nhân giữa người bệnh và những người chăm sóc họ. Sứ điệp có tựa đề “Anh em chỉ có một Thầy và tất cả anh em là anh em với nhau” (Mt 23,8). Một tương quan tin tưởng hướng dẫn việc chăm sóc bệnh nhân”.
Mở đầu Sứ điệp, Đức Thánh Cha ngỏ lời với các bệnh nhân và với những người phục vụ:
“Anh chị em thân mến,
Cử hành Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 29 vào ngày 11/02/2021, lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, là một cơ hội để dành sự quan tâm đặc biệt cho người bệnh và cho những người trợ giúp và chăm sóc họ ở những cơ sở chăm sóc sức khỏe và trong các gia đình và cộng đoàn. Chúng ta đặc biệt nghĩ đến những người đau khổ và tiếp tục đau khổ, những ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu virus corona. Tôi bày tỏ sự gần gũi tinh thần của tôi với tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra bên lề, và bảo đảm với họ về sự quan tâm yêu thương của Giáo hội”.
Những ai phục vụ các bệnh nhân, cần phải theo gương Chúa Giêsu, luôn gần gũi, thăm viếng và chữa lành những anh chị em đang gặp đau khổ hồn xác. Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn tỏ ra đặc biệt quan tâm tới những người yếu đau. Nhiều câu chuyện chữa lành tuyệt vời được kể lại: “Thiên hạ đem đến cho người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt và Người đã chữa họ.” (Mt 4, 24); “Chúa Giêsu trên núi đi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa, một người phong hũi tiến lại…Người giơ tay đụng vào anh và bảo, tôi muốn, anh sạch đi. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.” (Mt 8, 1-3); “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa các bệnh hoạn tật nguyền.” (Mt 9, 35)…
Quan niệm của Cựu Ước cho rằng bệnh gắn liền với tội. Bệnh tật như là một sự trừng phạt bởi tội lỗi gây ra. Vì thế, người ta xa lánh bệnh nhân, nhất là bệnh phong cùi. Đó là một bệnh nan y bị mọi người kinh tởm, không chỉ vì sự dơ bẩn “ô uế theo luật Do thái”, hay lây nhiễm, mà còn bị xa lánh như xa lánh kẻ tội lỗi.
Trong Đạo Do Thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng. Họ bị xua đuổi vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu phải kêu lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà tránh xa. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như người mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong.
Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà coi như đã chết.
Tin Mừng Chúa Nhật 6 kể câu chuyện: Chúa Giêsu đã vượt qua những biên giới cấm kỵ khi đến gần người bệnh phong. Người còn đưa tay chạm vào thân mình lỡ loét ấy. Lòng thương yêu đã khiến Chúa Giêsu làm tất cả. Vì thương người bệnh, Chúa Giêsu đã bất chấp những điều được coi là cấm kỵ của Đạo Do Thái.
Khi chữa khỏi bệnh phong, Chúa Giêsu giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay, anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ.
Khi chữa khỏi bệnh phong, đồng thời Chúa Giêsu cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn bao năm tháng qua. Khi chạm đến thân thể anh thì Người cũng chạm đến tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh, nay qua Chúa Giêsu anh cảm thấy mọi người gần gũi thân thương. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt, nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi, nay anh cảm thấy đựoc yêu thương vỗ về.
Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội, Chúa Giêsu bảo anh đi trình diện với Thầy Cả theo luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội, nay anh được đón nhận anh trở lại với xã hội loài người. Nhân phẩm được phục hồi, danh dự được tôn trọng. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người như mọi người.
Chúa Giêsu đã chữa lành thể xác và tâm hồn của người bệnh phong. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ của anh đã chạm đến lòng thương xót của Chúa. Phép lạ phát sinh từ lòng tin của bệnh nhân và từ ý muốn đầy quyền năng của Chúa Giêsu.
Có một môn đệ theo gương Thầy Chí Thánh đã đến ở giữa người cùi, cùng sống và đã chết giữa họ. Đó là Cha Đamiên “Tông Đồ người hủi”. Ngài đã được Giáo Hội phong Thánh. Trong cuốn sách “Những người lữ hành trên đường hy vọng”, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể chuyện cuộc đời Cha Đamien như sau.
Molokai, quần đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái Bình Dương mênh mông. Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui, môi lở, răng rụng... Một hôm, Đức Giám Mục đặc trách quần đảo này gióng tiếng kêu gọi các Linh Mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một Linh Mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh hăng hái đáp lời. Đó là Cha Đamien, người về sau được thêm biệt danh: “Tông Đồ người hủi”.
Chiều hôm đó, trong Nhà Thờ ở đảo Molokai đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Đức Giám Mục đứng trên Bàn Thờ quay xuống giới thiệu với Giáo Dân: “Các con thân mến, các con hằng mong ước có một Linh Mục đến cùng các con, thì đây, cha Đamien, một Linh Mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không?”
Cả Nhà Thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng cạnh Đức Giám Mục chẳng hiểu tý nào. Rồi họ từ từ tiến lên Cung Thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Damien càng nhìn thấy họ đến gần mình thì càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây? Họ tiến đến bên cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo cha...
Cha hỏi Đức Giám Mục: “Thưa Đức Cha, họ làm gì thế? Họ nói gì thế?” Đức Cha trả lời: “Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người cha, xem thử cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: “Không, Cha đẹp quá !”.
Dần dần, cha Đamien hoà đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài quá yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi. Một ngày kia, đến lượt cha cũng bị mắc bệnh phong hủi. Thân hình cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ.
Một số báo ở Bỉ đăng hình cha Đamien để mô tả sự hy sinh vĩ đại của cha. Bà cụ thân sinh của cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi người con yêu. Bà hỏi các con trong gia đình: “Hình ai đây mà trông mà trông ghê sợ vậy?” Các con đều trả lời mẹ: “Thưa mẹ, đó là một trong những người hủi trên đảo Molokai của anh Đamien đấy”. Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ... Cha Đamien đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ.
Ở Việt Nam có hai trại cùi lớn: trại Di Linh trên đường lên Đà Lạt và trại Quy Hoà ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn. Đức Cha Jean Cassaigne đã gắn bó với anh em dân tộc K’Hor ở Di Linh bị phong cùi một thời gian dài, rồi sau 15 năm làm Tổng Giám Mục Sài gòn, đã lại xin tình nguyện quay trở về sống giữa những người bệnh cùi ở Di Linh. Ngài sống với họ thêm 18 năm rồi lây bệnh và qua đời năm 1973. Trái tim của người Việt Nam và cả thế giới đều rung cảm, ai cũng cảm phục tấm gương chứng nhân của ngài.
Cha Paul Mahu, một Linh Mục người Pháp đã từ giã quê hương với cuộc sống tiện nghi đến sống giữa những người cùi ở Quy Hoà cho đến chết. Xác ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người ngài thương yêu nhất.
Ngày nay các Giáo Xứ khắp nơi gần xa thường tổ chức hành hương đến Di Linh, Quy Hoà để viếng mộ Đức Cha Cassaigne và Cha Mahu, thăm viếng và tặng quà cho các bệnh nhân.
Các Nữ Tu của các Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn và Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã đến sống phục vụ giữa những người bị xã hội xa lánh loại trừ. Chính tình yêu Chúa Kitô đã thúc đẩy các môn đệ đến sống với họ, yêu mến họ, chăm sóc phục vụ họ.
Chúa Giêsu đã cúi xuống, sờ đến người cùi và họ liền được lành sạch. Các môn đệ của Chúa cũng sờ vào người cùi, sống với người cùi đem lại cho họ tình thương, bình an và niềm vui.
Tinh thần dấn thân phục vụ những người cùng khổ mang một ý nghĩa Tin Mừng sâu xa như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 trong Sứ điệp ngày Thế giới các bệnh nhân 2012: “Sự quan tâm và chăm sóc mục vụ cho các bệnh nhân, một đàng là dấu chỉ sự dịu hiền của Thiên Chúa đối với người đang đau khổ, và đàng khác mang lại lợi điểm tinh thần cho cả các Linh mục và toàn thể cộng đoàn Kitô, với ý thức rằng những gì được làm cho người bé nhỏ nhất, chính là làm cho Chúa Giêsu” (số 3).
Để phục vụ bệnh nhân theo đức ái Kitô giáo cần phải vững mạnh trong đức tin như lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Mối quan hệ như vậy với người bệnh có thể tìm thấy một nguồn động lực và sức mạnh không bao giờ cạn trong lòng bác ái của Chúa Kitô, được thể hiện qua chứng tá trong suốt cả ngàn năm của những người nam nữ, những người đã nên thánh qua việc phục vụ các bệnh nhân. Thực tế là từ mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Chúa Kitô đã tuôn trào thứ tình yêu có khả năng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho trải nghiệm của cả bệnh nhân và người chăm sóc. Phúc âm thường chứng minh rõ ràng điều này khi cho thấy rằng Chúa Giêsu chữa bệnh không phải bằng phép thuật nhưng luôn là kết quả của một cuộc gặp gỡ, một tương quan liên cá nhân, trong đó món quà của Thiên Chúa được Chúa Giêsu trao tặng tương ứng với đức tin của những người đón nhận nó, như Chúa Giêsu thường lặp lại: “Đức tin của bạn đã cứu bạn” (số 4).
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54, với chủ đề: “Văn hóa quan tâm, đường dẫn tới hòa bình”. Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha đã khẳng định: “Giáo dục sự quan tâm bắt đầu từ gia đình, là hạt nhân tự nhiên và căn bản của xã hội, nơi đó chúng ta học cách sống mối tương quan với người khác trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau”. Đồng thời ngài cũng kêu gọi: “Chúng ta đừng bao giờ sa vào cơn cám dỗ thờ ơ với người khác, nhất là những người yếu kém nhất, đừng ngoảnh mặt làm ngơ; nhưng mỗi ngày hãy dấn thân cụ thể để xây dựng một cộng đồng gồm các anh chị em biết đón nhận và quan tâm lẫn nhau”.
Kết thúc sứ điệp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, ngài mời gọi cụ thể: “Anh chị em thân mến, giới răn yêu thương mà Chúa Giê-su để lại cho các môn đệ của Người cũng được thực thi cụ thể trong tương quan của chúng ta với bệnh nhân. Một xã hội càng nhân văn hơn thì càng biết chăm sóc cách hiệu quả cho các thành viên yếu đuối và đau khổ nhất của mình trong tinh thần yêu thương huynh đệ. Chúng ta hãy cố gắng đạt được mục tiêu này, để không ai cảm thấy đơn độc, bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.
Tôi phó dâng các bệnh nhân, các nhân viên y tế và tất cả những người quảng đại trợ giúp các anh chị em đau khổ của chúng ta cho Đức Maria, Mẹ của lòng Thương xót và Sức khỏe của bệnh nhân. Từ hang đá Lộ Đức và từ vô số đền thánh dâng kính Đức Mẹ trên thế giới, xin Mẹ nâng đỡ đức tin và đức cậy của chúng ta và giúp chúng ta chăm sóc cho tha nhân với tình yêu huynh đệ. Tôi chân thành ban phép lành cho từng người và tất cả anh chị em” (Số 5).
Mt 5,1-10
ĐI TÌM HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC
1. LỜI CHÚA:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3)
2. CÂU CHUYỆN:
PAUL GETTY là ông chủ một hãng dầu lớn nhất tại Anh Quốc. Khu đất ông ở rộng bốn mươi mẫu tây. Tài sản của ông trị giá hàng tỷ mỹ kim. Thế mà mỗi ngày ông đều phải thức dậy làm việc từ lúc ba giờ sáng. Chung quanh ông lúc nào cũng có tới mười cảnh sát bảo vệ. Mỗi ngày, ông nhận được hàng trăm cú điện thoại và những lời đe dọa ám sát… Ông đã phải thốt lên rằng: “Tôi là người chẳng bao giờ biết đến hạnh phúc!”.
3. THẢO LUẬN: 1) Hạnh phúc thực sự là gì? 2) Làm thế nào để đạt được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại và mai sau?
4. SUY NIỆM:
1) Lời chúc hạnh phúc đầu Xuân:
Năm cũ Canh Tý sắp qua nhường chỗ cho năm mới Tân Sửu đang tới. Trong dịp này, chúng ta thường chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Chẳng hạn: Chúc cho đông con nhiều cháu, phát tài phát lộc, khỏe mạnh sống lâu… Những lời cầu chúc thường qui về năm chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Tóm lại là chúc nhau được hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc thực sự?
2) Hạnh phúc không ở sự thỏa mãn nhu cầu thể xác:
Hạnh phúc là sự thỏa mãn khi đạt được những điều mình mong ước. Tuy nhiên không nhất thiết cứ có đông con nhiều cháu, cứ sở hữu nhiều nhà cửa tiền bạc, cứ có chức cao quyền trọng hoặc được sống lâu trăm tuổi là hạnh phúc… Vì lòng tham con người vô đáy như người đời thường nói: “Được voi đòi tiên”, “Đứng núi này trông núi nọ”…
Chúng ta cũng thường chúc cho nhau khỏe mạnh, nhưng khỏe mạnh vẫn chưa phải là thứ hạnh phúc đích thực. Vì nếu sức khỏe thực sự là niềm hạnh phúc, thì chắc hẳn những nhà lực sĩ sẽ hạnh phúc nhất. Thế nhưng, không phải luôn như vậy. Bởi vì có những người đau yếu, sức khỏe èo uột, thế mà nụ cười vẫn tươi nở trên đôi môi khô héo của họ, đang khi những người có sức khỏe vô địch lại thường xuyên lo lắng bị kẻ khác soán ngôi vô địch như người ta thường nói: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”.
Rất nhiều người đã mong ước tìm được một việc làm hợp khả năng và kiếm ra được nhiều tiền để sống an nhàn như câu sau đây hay được nhiều người hay lặp đi lặp lại:
“Có tiền mua tiên cũng được: Đồng tiền là Tiên là Phật; Là sức bật của tuổi trẻ; Là sức khỏe của tuổi già; Là cái đà của danh vọng; Là cái lọng để che thân; Là cán cân của công lý; Là triết lý của cuộc đời”.
3) Đi tìm hạnh phúc đích thực:
Hạnh phúc thật sự không nhất thiết do tiền bạc, chức quyền, sắc đẹp, sức khỏe... dù rằng những điều đó đều là ưu điểm có khả năng mang lại cho chúng ta những niềm vui trong một thời gian nào đó. Vậy hạnh phúc đích thật ở đâu?
Thực ra: Con người chúng ta không những gồm có thân xác mà còn có linh hồn. Cơm áo gạo tiền hay tiền bạc vật chất, địa vị chức quyền, sắc đẹp, tài năng, sức khỏe, sống lâu… chỉ đáp ứng được những nhu cầu về thể xác bên ngoài, nhưng không thỏa mãn được những nhu cầu tinh thần bên trong. Điều quan trọng cần được thỏa mãn để có hạnh phúc thực sự chính là biết tha thứ để có được sự bình an trong tâm hồn, có được niềm vui ơn cứu độ như Đức Ma-ri-a sau khi được ca tụng là diễm phúc, đã dâng lời ca tụng Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47). Dù thân xác có gặp tai nạn trái ý, nhưng người có đức tin phó thác vào Thiên Chúa vẫn tìm thấy niềm vui hạnh phúc trong sự nhẫn nhịn chịu đựng và quảng đại tha thứ chỏ kẻ bách hại mình như Thánh Tê-pha-nô khi bị ném đá đã cầu xin Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60), hoặc như Đức Giê-su đã xin Chúa Cha khi bị treo trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Như thế, hạnh phúc chúng ta nhận được phải bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguồn mạch mang lại hạnh phúc đích thực. Nơi nào có Chúa Giê-su hiện diện thì nơi ấy sẽ có sự bình an hạnh phúc như Người đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).
4) Phương thế được hạnh phúc thực sự là thực hành Tám Mối Phúc của Chúa Giê-su:
Để luôn có Chúa ở cùng, để có hạnh phúc thực sự trong Nước Trời, mỗi người chúng ta phải quyết tâm thực hành Tám Mối Phúc trong Tin Mừng hôm nay: Sống khiêm hạ nghèo khó, luôn ứng xử hiền lành, chấp nhận con đường qua đau khổ vào vinh quang, luôn khát khao nên người công chính, có lòng chạnh thương những kẻ bất hạnh, có tâm hồn trong sạch, luôn ăn ở thuận hòa, sẵn sàng chịu bách hại vì sống công chính, chấp nhận bị sỉ nhục vì danh Chúa...
Niềm hạnh phúc của một tâm hồn luôn có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cần phải cầu chúc cho nhau trong giờ phút đón Giao Thừa và trong Năm Mới này. Dù chúng ta ít nhiều vẫn còn chịu đau khổ và gặp những điều trái ý, nhưng nếu thực sự có Chúa ở cùng, chắc chắn chúng ta vẫn cảm thấy vui mừng và hy vọng, bình an và hạnh phúc như thánh Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm: “Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2 Cr 7,4b).
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi tinh thần Tám Mối Phúc của Chúa trong Tin Mừng hôm nay, thể hiện qua cách suy nghĩ, nói năng và cách ứng xử khiêm tốn, vị tha, luôn nhẫn nhịn, tha thứ và từ bi nhân hậu noi gương Chúa khi xưa, để tâm hồn chúng con được bình an, vui tươi ngay từ hôm nay, là dấu chỉ sau này chúng con cũng sẽ được hưởng an bình hạnh phúc trên Thiên Đàng với Chúa Ba ngôi.- AMEN.
MÙNG MỘT TẾT NGUYÊN ĐÁN
Mt 6,25-34
TÁI ÔNG THẤT MÃ, AN TRI HỌA PHÚC
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
2. CÂU CHUYỆN:
Sách Hoài Nam Tử có ghi lại một câu chuyện dạy đời như sau:
Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần bên Trường thành có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Ông lão rất bình tỉnh nói: Biết đâu con ngựa chạy mất ấy sẽ đem lại điều tốt cho tôi.
Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.
Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết, chưa quen người nên nhảy loạn lên, con ông lão bị ngựa Hồ hất xuống đất, bị té gãy một xương đùi thành ra què chân chịu cảnh tật nguyền. Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế. Ông lão thản nhiên nói: Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà lại được phúc đó.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều bị tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân khỏi phải đi lính, nên còn sống sót.
3. THẢO LUẬN:
1) Qua câu chuyện “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” nghĩa là: Lão ông mất ngựa, họa hay là phúc?, bạn suy nghĩ thế nào về các điều phúc họa trong cuộc sống của bạn?
2) Tin Mừng trong thánh lễ Mùng Một Tết hôm nay dạy thế nào về sự quan phòng của Thiên Chúa trước những điều may rủi gặp phải giữa đời thường?
4. SUY NIỆM
:
1) Nội dung Tin Mừng ngày đầu Năm Mới:
Tin Mừng thánh lễ ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su đã dạy môn đệ đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân nhưng phải tin cậy vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa qua ba ví dụ cụ thể như sau:
Một là loài chim trời không gieo không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống.
Về việc sống lâu thì dù có lo lắng cũng không thể kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc!
Về cơm ăn áo mặc: Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc đẹp hơn vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc.
Từ đó Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: Nếu loài chim trời chẳng đáng giá bao nhiêu, và loài hoa đồng nội sớm nở tối tàn mà Cha trên trời còn chăm sóc như thế, phương chi con cái loài người đáng giá hơn muôn phần lại không được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ hay sao? Và Đức Giê-su kết luận: "Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó".
2) Về sự quan phòng của Thiên Chúa:
Ngày nay chúng ta cũng có muôn ngàn nỗi lo chính đáng: Người làm cha mẹ thì lo sao cho gia đình có cái ăn cái mặc hằng ngày, lo căn nhà đang ở khỏi dột khi mùa mưa đến, lo cho con cái học hành tử tế, lo cho người nhà mắc bệnh được có tiền để khám bệnh uống thuốc, lo giá cả tiêu dùng không bị tăng vọt, lo mùa màng ngoài đồng không bị thất bát do nắng hạn, sâu rầy hay lũ lụt... Những nỗi lo như thế phát xuất từ trách nhiệm của mỗi người chúng ta và đều chính đáng đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.
3) Phải tránh thói ỷ lại lười biếng và vô trách nhiệm:
Chim trời tuy không phải vất vả gieo gặt như loài người, nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không phải dệt may nhưng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng. Đàng khác chính Đức Giê-su đã nói: "Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34).
Không những Đức Giê-su không muốn chúng ta lười biếng vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải chịu khó làm việc để góp phần làm cho môi trường ta đang sống, cho thế giới này ngày một tốt đẹp hoàn thiện hơn. Ngay từ khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25,15-25), Đức Giê-su đã đòi mỗi đầy tớ phải làm lợi cho chủ gấp đôi các nén bạc được trao, chứ không phải đem đi chôn giấu. Như vậy, chúng ta có bổn phận phải lo lắng, tiên liệu cho tương lai. Điều Chúa không chấp nhận là quá lo lắng về đời sống vật chất, coi nó là cùng đích đời mình.
4) Tiên vàn phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa:
Người môn đệ Đức Giê-su phải coi trọng nước Thiên Chúa. Những điều khác cũng cần phải quan tâm, nhưng không được coi chúng hơn Nước Thiên Chúa. Thường người ta coi tiền bạc vật chất là ưu tiên số một và có khả năng giải quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh suy nghĩ ấy là sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần giúp con người có đời sống tốt hơn như người ta thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ tốt khi chúng ta biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng tên đầy tớ tiền bạc này lại rất có uy, rất dễ biến thành ông chủ lúc nào không biết. Khi nó đã nắm quyền làm chủ, nó sẽ bắt chúng ta phải phụng sự nó với bất cứ giá nào.
Ưu tiên tìm nước Thiên Chúa là phải chịu khó làm việc với hết khả năng, tìm kiếm đối sách và nhìn xa trông rộng để giải quyết các vấn đề mới phát sinh theo khả năng của mình. Cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Khi gặp sự khó chúng ta tránh thái độ thụ động, nhưng phải biết chủ động xin ơn Thánh thần soi sáng để tìm ra cách giải quyết theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Cần theo lời người xưa dạy: “Hãy làm hết sức mình, rồi trời sẽ giúp”, hoặc: “Hãy thắp sáng lên ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay Chúa đã dạy chúng con phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, còn những thứ khác như ăn gì mặc gì, thì phó thác vào tình thương quan phòng của Cha trên trời. Xin cho chúng con ý thức rằng: “Đồng tiền chính là đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ xấu”. Nhờ biết sử dụng đồng tiền phục vụ cho Nước Chúa và phục vụ tha nhân, mà chúng con sẽ có sự bình an trong tâm hồn và sẽ nên chứng nhân trước mặt người đời, xây dựng một thế giới mới tốt đẹp là Nước Trời đời sau.- AMEN.
MÙNG HAI TẾT NGUYÊN ĐÁN
Mt 15,1-6
HIẾU THẢO VỚI TIỀN NHÂN
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thiên Chúa đã dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LÁ THƯ CHA MẸ KHUYÊN DẠY CON VỀ LÒNG HIẾU THẢO:
Con thân yêu.
"Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và cảm thông với bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống có làm rơi vung vãi... Nếu như bố mẹ có gặp khó khăn trong cái ăn cái mặc... Xin con hãy bao dung! Con hãy nhớ lại những ngày giờ mà bố mẹ đã phải trải qua với con, để dạy cho con bao điều hay kẽ phải khi con còn thơ bé.
+ Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì con cũng đừng bao giờ cắt ngang lời bố mẹ... mà hãy lắng nghe! Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm đến khi con đi vào giấc ngủ... và bố mẹ luôn làm cho con.
+ Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên coi đó là điều xấu hổ. Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải bao lần dỗ ngọt để vỗ về mỗi khi tắm rửa cho con.
+ Khi con thấy sự giới hạn về kiến thức của bố mẹ trong cuộc sống văn minh hiện đại, con cũng đừng tỏ vẻ thất vọng nhưng hãy để bố mẹ có thêm thời gian tìm hiểu. Bố mẹ đã từng dạy con bao điều... từ cái ăn, cái mặc cho đến tự chăm sóc bản thân và đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
+ Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để bố mẹ có thời gian nhớ lại và nếu như bố mẹ có quên, con cũng đừng vì thế mà bực mình nổi giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là luôn được nhìn thấy con, được ở bên và nghe con nói, thế thôi!
+ Nếu như bố mẹ chưa muốn ăn, con cũng đừng ép!... vì bố mẹ biết khi nào bị đói hay không.
+ Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập cho con trong những bước đi đầu đời.
+ Một ngày nào khi con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, không ai tránh được hết mọi sơ sót lầm lẫn. Con đừng xót xa về sự già nua của bố mẹ.
+ Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ khi con mới chào đời. Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi lúc tuổi già bóng xế... Hãy giúp bố mẹ những tháng ngày vắn vỏi còn lại với tình yêu thương và lòng nhẫn nại...
Điều bố mẹ mong ước duy nhất là có thể nở nụ cười mãn nguyện trước khi nhắm mắt lìa đời giữa đoàn con cháu đầy lòng kính tin Chúa và chân thành yêu thương nhau.
Thương con thật nhiều... Bố mẹ..."
2) SÓNG TRƯỚC VỖ ĐÂU, SÓNG SAU VỖ ĐÓ:
Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.
Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.
3. THẢO LUẬN:
1) Về lối sống hiếu thảo với ông bà tổ tiên, bạn có đồng ý với câu người xưa nói: “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó” hay không? Tại sao?
2) Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?
4. SUY NIỆM:
1) Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình:
Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là cha mẹ sinh thành ra chúng ta. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động của con cái với cha mẹ, cụ thể là món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ nói lên lòng thảo hiếu đối với các ngài.
Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được chờ đón những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm bên cạnh cha mẹ ông bà cùng với anh chị em con cháu.
2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ:
Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải được thể hiện trong suốt những ngày tháng dài sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.
Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta lá chắn che chở suốt đời mình.
Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh cho ta khi ta còn thơ bé.
Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết trong năm.
3) Làm gì trong những ngày này?:
- Tết là dịp để con cháu làm việc ở xa trở về nhà để xum họp với ông bà cha mẹ. Thế nhưng có mấy ai đã thực sự đã sống tròn chữ hiếu?
Người xưa có câu: "Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ", diễn tả những nỗi vất vả, công khó cực nhọc của các bậc làm cha mẹ khi phải chăm sóc cho con cái từng miếng ăn giấc ngủ, giúp con được học hành vui chơi....
- Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì: “Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
- “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.
Dịp Xuân Mới, bạn sẽ biếu món quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ ông bà đang còn sống và các bậc tổ tiên đã qua đời?
5. LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa Cha là Chúa tể của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con.- Amen.
MÙNG BA TẾT NGUYÊN ĐÁN
Mt 25,14-30
AI KHÔNG MUỐN LÀM VIỆC THÌ CŨNG ĐỪNG ĂN !
1. LỜI CHÚA: "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô" (1Pr 4,10-11).
2.CÂU CHUYỆN:
1) SỰ TÍCH CỦA CON TRÂU ĐI CÀY
Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng Đế đã sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để gieo trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo hạt lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho loài vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mải mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp khác lạ của trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn của Thượng Đế mà gieo cỏ trước khi gieo lúa. Từ đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động vẫn có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo ăn phải vất vả cày bừa gieo trồng mà có khi vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo trồng tắc trách này hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa trước khi gieo lúa, rồi khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do cỏ mọc nhanh, Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu vất vả cày bừa đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu trở lại thiên đường.
Câu chuyện dạy chúng ta bài học: phải luôn làm việc nghiêm túc chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói: "Tay làm hàm nhai, tai quai miệng trễ". Hoặc như câu tục ngữ phương Tây: “Hãy làm hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Không có chuyện lười biếng ở không, rồi cứ “ngồi há miệng chờ sung rụng” mà được.
2) AI CŨNG ĐỀU GIÀU CÓ MÀ KHÔNG NHẬN RA:
Có một chàng thanh niên lúc nào cũng ngồi than thân trách phận không may của mình, nên không thể nào giàu có được. Ngày nọ, một ông lão đi qua thấy vẻ mặt ủ ê của anh ta bèn hỏi:
- Chàng trai kia, sao trông cậu buồn bã thế, cậu có điều gì không vui sao?
- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.
- Cháu mà nghèo ư, cháu đang giàu có đấy chứ?
- Chưa thấy ai nói với cháu như vậy cả, vì thực sự cháu rất nghèo.
- Này nhé: Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, và trả 3 lượng vàng thì cháu có chịu không?
- Không ạ.
- Giả như ta chặt một bàn tay của cháu và trả 30 lượng vàng, cháu có chịu không?
- Không bao giờ.
- Vậy nếu ta lấy đi đôi mắt của cháu và trả cháu 300 lượng vàng, thì cháu thấy thế nào?
- Cũng không được.
- Vậy nếu ta trả cháu 3000 lượng vàng để hai ông cháu chúng ta hoán đổi số phận, để cháu trở thành một lão già như ta có được không?
- Đương nhiên là không.
- Cháu muốn giàu. Vậy nếu ta trao cho cháu 30,000 lượng vàng để lấy đi mạng sống của cháu, thì cháu thấy thế nào?
- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu đang là một người giàu có mà cháu không biết.
Người ta thường nói: "Đứng núi này trông núi kia cao". Nhiều người lúc nào cũng mở miệng than thân trách số phận mình đen bạc, đang khi thực ra họ còn đang hạnh phúc hơn nhiều người. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải cố gắng chu toàn bổn phận của mình bằng hết khả năng Chúa ban. Hãy làm cho nén bạc được trao phó có thể phát sinh thêm nhiều nén bạc khác, thì mới đáng được Chúa ban hạnh phúc Nước Trời đời sau.
3. THẢO LUÂN:
1) Thánh Kinh dạy gì về lao động trí óc và tay chân?
2) Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì cho bản thân, gia đình và khu phố mình đang sống trong Năm Mới này?
4. SUY NIỆM:
Tin mừng Gio-an hôm nay cho biết về công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa như sau: “Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tao thành” (Ga 1,1-3). Hôm nay, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu biết giá trị của công việc tạo dựng của Thiên Chúa và dạy chúng ta phải tích cực cộng tác với Chúa để hoàn thiện thiên nhiên như Chúa đã tự nhủ khi tạo nên loài người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).
1) Loài người được trao quyền làm chủ thiên nhiên:
Sau khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa đã trồng một vườn cây ở Ê-đen về phía Đông, và đặt vào đó con người do ngài dựng nên… “Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Như vậy, Thiên Chúa không muốn con người ở không, nhưng đòi họ phải làm việc. Bởi vì: “Nhàn cư vi bất thiện”. Từ đây con người phải làm việc theo thánh ý Thiên Chúa và chỉ làm việc thành công khi biết cậy dựa vào ơn Chúa giúp như tác giả Thánh Vịnh đã viết: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).
2) Gương sáng lao động của thánh gia Na-da-rét:
Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo khó tại làng Na-da-rét: Cha nuôi của Người là ông Giu-se hành nghề thợ mộc, mẹ đẻ là bà Ma-ri-a thì chăm lo công việc nội trợ phục vụ chồng con. Còn trẻ Giê-su thì ngoan ngoãn hiếu thảo vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51) và sẵn sàng chia sẻ với nỗi vất vả của cha mẹ, qui hướng mọi việc theo thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,41), và luôn làm vui lòng Ngài (x. Lc 2,46; Ga 4,34).
Trong khi đi giảng đạo, Đức Giê-su đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi thứ tật bệnh. Người đặt nặng việc phục vụ tha nhân hơn việc giữ Luật Mô-sê. Do đó Người đã chữa bệnh trong ngày sa-bát là ngày bị cấm làm việc. Người đã trả lời cho các đầu mục Do thái như sau: "Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27-28). Đức Giê-su cũng khẳng định vai trò ngang hàng với Thiên Chúa trong công việc như sau: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
3) Phải chăm chỉ làm việc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân:
Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn của Đức Giê-su về những nén bạc nhằm dạy môn đệ phải cộng tác để làm lợi ra các nén bạc vật chất tinh thần được Chúa trao phó như sau:
Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông: người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén tùy khả năng mỗi người. Điều ông muốn nơi các đầy tớ là sự chăm chỉ làm việc theo ý của ông và không chấp nhận sự lười biếng. Khi ông chủ trở về và đòi các đầy tớ tính sổ: người đã lãnh năm nén ba nén bạc đều đã làm lợi thêm gấp đôi nên được chủ khen thưởng. Trái lại, người lãnh một nén do sự bất tín và biếng nhác đã mang nén bạc đi chôn vì sợ hãi thay vì yêu mến ông chủ. Anh ta đã bị mất những gì đang có.
4) “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!”:
Thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phao-lô nghe biết có một số tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến tận thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau: "Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13). Rồi khi từ biệt các tín hữu ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm về sự làm việc như sau: "Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20,33-35).
5) Chúng ta phải làm gì?
Trong Kinh Tiền Tụng lễ Mùng Ba Tết, Hội Thánh đã ca tụng Thiên Chúa như sau: "Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế ".
Ông Tê-tu-li-a-nô dạy người tín hữu phải làm mọi việc với tinh thần đức Tin như sau: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu phải làm mọi sự qui hướng về Thiên Chúa: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Mỗi người chúng ta hãy làm việc theo đúng luật và phù hợp với thánh ý Thiên Chúa khi biết sử dụng và làm lợi thêm ra những gì Chúa trao như: Sự sống, thời gian, tài năng, của cải, con cái... và cần ý thức rằng: chúng ta sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét sau này.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng con vẫn còn lười biếng, chưa tích cực cộng tác với Chúa để chu toàn các nhiệm vụ được Chúa và Hội Thánh trao phó. Chúng con cũng thường kêu trách Chúa khi cầu xin mà không được như ý. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng những gì trong tầm tay để phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con sau này được Chúa cho vào Nước Trời hưởng Tôn nhan Chúa muôn đời.- Amen.
“Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật là nghiệt ngã, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu một lần nữa nói lên ‘một sự thật rất khó nghe’ mà những người biệt phái cần phải nghe. Dẫu điều này hẳn sẽ tạo thêm sự căng thẳng; thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn phải khẳng định một cách ‘trần trụi’ cho họ rằng, họ là những kẻ giả hình, những kẻ mà Isaia nói đến, “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta”.
“Lòng chúng ở xa Ta”, đó là lời thở than của một Thiên Chúa muôn trùng cao cả, Đấng dựng nên muôn loài; trong đó, con người là đỉnh cao của tạo thành, “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người”. Và vì yêu thương Thiên Chúa đã trao cho nó toàn quyền bá chủ muôn loài, bài đọc Sáng Thế hôm nay đã cho thấy điều đó; sách Khôn Ngoan cũng viết, “Chúa dùng Lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan mà cấu tạo con người… Để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên, mà sống sao cho thánh thiện công chính, mà chỉ huy cả vũ trụ này”. Vì thế, lẽ ra Thiên Chúa phải được con người tôn thờ và yêu mến “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”; và lẽ ra, ai ai cũng phải thưa lên rằng, “Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu!” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên xưng, thì đàng này, Người chỉ được kính tôn ngoài môi miệng; đó là một sự thật, dẫu là ‘một sự thật rất khó nghe’.
Xót xa thay! Chúa Giêsu đang nói sự thật ‘khô khốc’ ấy cho các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Ngài. Qua Isaia, Thiên Chúa nói lên bốn điều: ‘Những người này tôn vinh Ta bằng môi miệng; trái tim họ xa Ta; họ tôn thờ Ta một cách vô ích; họ trình bày luật lệ phàm nhân, họ thêm thắt, vẽ bày, như thể chúng là của Ta’. Vậy nếu ‘sự thật’ đạo đức giả này được những người biệt phái đón nhận và họ biết hoán cải thì điều gì sẽ xảy ra? Chúa Giêsu sẽ nói sao về họ một khi họ được biến đổi? Có lẽ Ngài sẽ nói thế này, ‘Sự tôn thờ của các ngươi đối với Thiên Chúa thật là thánh thiện vì các ngươi đã thực sự đón nhận ý muốn thiêng liêng của Người; lời ngợi khen các ngươi trao về Chúa phát xuất từ một đôi môi chân thành, một tấm lòng thuần khiết kính tin và mến yêu’.
Lời Chúa hôm nay cho thấy hai điều. Trước hết, lề luật được coi là ý muốn của Thiên Chúa, nó phải trở thành cơ sở và nền tảng cho đời sống chúng ta; yêu mến là linh hồn của lề luật. Thứ đến, việc đón nhận lề luật và ý muốn cụ thể của Thiên Chúa sẽ làm cho sạch trong, giải phóng chúng ta khỏi mọi ràng buộc vụ hình thức vốn thường được thêm thắt hay giải thích cốt theo chiều hướng có lợi cho một số người, kể cả những lợi ích thiêng liêng như tỏ ra mình là người đạo đức. Được như thế, Thiên Chúa sẽ được phụng thờ bằng cả trái tim chân thành của những ai yêu mến Người, họ sẽ trào tuôn lời ngợi khen Người qua lời nói và hành động của mình.
Anh Chị em,
Mỗi chúng ta hiện hữu không do tình cờ, “Mỗi người là kết quả suy tư của Thiên Chúa” như Đức Benedicto 16 nói, Thiên Chúa ước mơ con người nên giống hình ảnh Người: công chính, thánh thiện mà chỉ huy cả vũ trụ này. Như những quan chức Munich, con người đã vụ luật, thêm luật, bớt luật, sử dụng luật để đối xử với nhau và hành xử cả với cả Thiên Chúa. Vì lề luật loài người, Chúa Giêsu đã chết tức tưởi ô nhục trên thập giá; đây quả là ‘một sự thật rất khó nghe’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cám ơn Chúa vì chính vào thời điểm năm cùng tháng tận, Chúa đã đánh vào trái tim con ‘một sự thật rất khó nghe’ để con biết thay đổi. Xin ban cho con bước sang năm mới, với một quyết tâm mới: sống thánh thiện, công chính mà chỉ huy vũ trụ này theo như ý của Ngài”, Amen.
(Tgp. Huế)
2. Người phạm tội thì đắc tội với Thiên Chúa, có thể nói là hung ác vô cùng, bởi vì như thế là nhục mạ Thiên Chúa vô hạn.
(Thánh Thomas Aquinas)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một khách làng chơi kết thân rất lâu với một kỷ nữ, tiền bạc đều tiêu sạch, lúc từ biệt, ông ta yêu cầu đốt một vết thẹo trên thân thể của kỷ nữ để làm ký hiệu.
Kỷ nữ nói:
- “Phải đốt vết thẹo cho vuông vức”.
Khách làng chơi nói:
- “Đốt như thế nào mới được vuông vức?”
Kỷ nữ trả lời:
- “Rất dễ, dùng một đồng tiền bỏ trên da, sau đó lấy nhang đốt ngay cái lỗ vuông của đồng tiền (1) , không phải là thành vuông vức sao?”
Khách làng chơi nói:
- “Tôi không có tiền”.
Kỷ nữ trả lời:
- “Không có tiền thì không đốt được”.
(Tiếu Hải Thiên Kim)
Suy tư 60:
“Tứ đổ tường” là rượu, gái, hút xái và cờ bạc, bốn cái “đổ tường này” chỉ cần dính vào một cái thì coi như đời đi đong không cứu vãn được nếu không có quyết tâm và ơn của Thiên Chúa giúp. Trong bốn cái “tứ đổ tường” này, cái nào cũng nguy hiểm như nhau, nhưng nguy hiểm đáng sợ nhất chính là rượu (tửu) và gái (sắc), đáng sợ vì nó có khả năng đánh gục cả những người “nội công tu đức” thâm hậu là những người đã dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa.
Khách làng chơi từ một người giàu có trở thành người mất tất cả, đến nỗi một đồng xu lỗ vuông cũng không có, để rồi bị chính kỷ nữ nhạo báng và coi thường.
Người dâng mình làm tôi tớ giàu có vô cùng về ân sủng của Thiên Chúa, nhưng khi dính vào tình và rượu thì mất tất cả: mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, mất sự kính trọng của giáo dân, mất danh dự cá nhân và có khi mất ngay chính mình, nghĩa là họ buông xuôi cho số phận và lương tâm không được bằng an.
“Tứ đổ tường” là hàng rào bê tông cốt sắt làm cho con người ta không đến gần được chân, thiện, mỹ là Thiên Chúa, nó cũng làm cho người Ki-tô hữu trở thành những tay sai đắc lực cho ma quỷ.
(1) Ngày xưa đồng tiền có lỗ vuông ở giữa.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
(Suy niệm đầu xuân)
Hoa làm cho lòng người vui thích hoan hỉ. Trong những ngày lễ, ngày tết, dù không sẵn tiền bạc, người ta vẫn cố dành dụm để mua một vài chậu hoa, ít nữa là mấy bình hoa tươi. Tết mà không có hoa là không ra tết.
Những festival về hoa đã lôi cuốn được rất nhiều du khách thưởng ngoạn. Nhiều vườn hoa đẹp đã làm ngây ngất khách tham quan.
Hoa tô điểm trái đất, hoa làm đẹp phố phường làng mạc, hoa làm đẹp mọi ngôi nhà...
Thiếu hoa, đời mất đẹp, mất vui, mất ý nghĩa. Thế giới nầy buồn tẻ biết bao nếu thiếu vắng các loài hoa.
Thế nhưng, dù đẹp bao nhiêu, hoa cũng chỉ là thứ sớm nở tối tàn. Hương của hoa có thơm lừng đi nữa, cũng chỉ toả ra trong một thời gian ngắn.
Vậy thì tìm đâu cho được một thứ hoa vừa đẹp vừa lâu tàn, vừa toả ngát hương nhưng không úa tàn theo năm tháng?
Làm gì có thứ hoa đó trên đời!
Có đấy, thưa quý vị.
Tôi đã thấy, đã gặp rất nhiều bông hoa rất đẹp, đẹp tuyệt vời, lại toả hương rất thơm và đặc biệt là vẻ đẹp của những hoa nầy rất bền lâu, hương thơm của những bông hoa nầy quyện mãi trong thời gian và không gian...
Đến đây chắc có người muốn hỏi: Hãy chỉ cho chúng tôi xem đó là thứ hoa gì?
Thưa, đó là những bông hoa của tâm hồn!
Vô vàn vô số những bông hoa tâm hồn rất đẹp, rất xinh và đang toả hương chung quanh chúng ta nhưng nhiều khi vì vô tình chúng ta không để ý.
Xin hãy nhìn xem bông hoa của những lời nói lịch sự. Hãy ngắm bông hoa của lòng đạo đức. Hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lòng hy sinh phục vụ. Hãy thưởng thức hương thơm của hoa nhân ái... Những bông hoa này làm gia tăng giá trị của chủ nó lên rất cao. Ai mà chẳng mến phục những người đạo đức; Ai mà chẳng yêu quý những tâm hồn thánh thiện, vị tha, quên mình hy sinh cho người khác; Ai mà chẳng tôn trọng những người nói năng lịch sự, lễ phép…
Vô vàn bông hoa của tâm hồn như thế đã tô điểm cuộc sống của chúng ta, làm ấm lòng chúng ta. Biết bao bông hoa của tâm hồn thơm tho như thế vẫn toả hương khắp thôn xóm chúng ta và đem lại hạnh phúc cho mọi nhà.
Bông hoa của trời đất sớm nở tối tàn, nhưng những bông hoa của tâm hồn vẫn thắm tươi qua rất nhiều năm tháng. Hương hoa của thế giới thực vật chỉ toả lan trong phạm vi nhỏ hẹp chỉ trong nay mai, nhưng hương thơm của những bông hoa tâm hồn ngan ngát suốt hàng trăm năm và hơn thế nữa.
Khi có dịp tiếp xúc với người chung quanh, tôi gặp thấy nhiều bông hoa rất đẹp, rất cao quý, rất thơm tho của tâm hồn họ. Tôi vô cùng yêu quý, trân trọng những bông hoa như thế. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được sống gần những bông hoa như thế.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là bên cạnh những bông hoa tâm hồn tươi đẹp, thơm ngát, đáng yêu, đáng quý, đáng trọng đó… lại có những thứ gai góc của tâm hồn, đó là những tâm hồn đầy gai góc.
Những ai có tâm hồn đầy gai góc?
Đó là những người hung dữ, độc ác, ích kỷ, tham lam, vô cảm, thô lỗ và nhiều loại tính xấu khác. Những thứ gai góc của tâm hồn này làm cho những người tiếp xúc với họ cảm thấy nhức nhối, khó chịu… Thế là người đời khinh dể và xa lánh họ. Người ta cảm thấy bất hạnh, và thậm chí là vô phúc, khi phải sống chung với những những con người như thế.
Hôm nay, ngày đầu năm, ngày mọi người nô nức tìm hoa, chưng hoa, thưởng thức vẻ đẹp của muôn hoa, xin Chúa giúp chúng ta biết đua nhau vun trồng nhiều hoa đẹp trong khu vườn tâm hồn mình.
Ai chưa có những bông hoa tâm hồn, thì xin Chúa giúp họ biết trồng thêm hoa.
Ai đã có nhiều hoa thơm, hoa đẹp rồi thì xin Chúa giúp họ biết trân trọng, gìn giữ chăm sóc chúng và đừng để chúng lụi tàn…
Nhờ đó, làng xóm chúng ta trở thành một vườn hoa trăm sắc muôn hương, tô điểm trần gian, làm ấm lòng người, đem lại hoan lạc cho bao người và làm vinh danh Thiên Chúa.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Nghe tin Đức Kitô đang ở gần, người phong cùi tiến về phía Đức Kitô, anh ta quì gối van xin 'Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con được sạch' Mk 1,40. Người phong hủi chưa bao giờ chứng kiến việc Đức Kitô chữa bệnh, nhưng anh ta nghe nói rất nhiều về Người. Toàn là tin tốt lành, tin tuyệt hảo, vì thế anh ta mạnh dạn nài van, xin Ngài chữa. Tâm trạng của một người có quá nhiều kinh nghiệm bị xã hội ruồng rẫy, bị coi thường, nhiều lần bị từ chối, nên người cùi rất cẩn trọng khi xin ăn, hay nhờ vả điều gì vì thế nên anh dùng chữ 'nếu'. Chữ 'nếu' ở đây cho biết người phong cùi đặt rất nhiều hy vọng vào Đức Kitô. Anh ta cũng tôn trọng quyền tự do của Đức Kitô. Nếu Ngài muốn thì con được khỏi, nếu Ngài không muốn bệnh con vẫn nguyên vẹn. Con buồn, con đau khổ, nhưng không giận, hay tủi hổ bởi con biết thân phận người cùi. Niềm hy vọng của người phong cùi cho thấy bất cứ ai đặt niềm tin, và hy vọng vào Đức Kitô sẽ không thất vọng bao giờ. Đức Kitô đáp lại lời anh yêu cầu, Ngài đặt tay trên anh phán bảo. 'Tôi muốn, anh được sạch' Mk 1,42. Lập tức bệnh cùi biến khỏi anh ta. Đức Kitô chữa bệnh phong cùi là dấu chỉ cho biết sức mạnh nơi Ngài mãnh liệt hơn mọi đau khổ nhân loại đang gánh chịu. Đức Kitô sẵn sàng đón nhận mọi thương tật, đau khổ của nhân loại đang oằn oại trên thân xác trên Ngài.
Thứ nhất, người phong cùi đã không làm cho Đức Kitô nhiễm bệnh. Ngài sẵn sàng đón nhận bệnh cùi của anh. Ngài còn ban cho anh ơn thánh sủng, ơn khỏi bệnh và được sạch trong, hoàn lại cho anh quyền lợi đầy đủ của một thành viên trong cộng đoàn. Trước đây anh bị bạc đãi, xua đuổi, cấm đoán, gặp Đức Kitô anh được hưởng mọi ân huệ xã hội nơi anh đang sống.
Thứ hai, trước khi gặp Đức Kitô, việc di chuyển của anh cùi bị hạn chế. Sau khi gặp Đức Kitô, anh khỏi bệnh, anh được tự do đi lại. Đức Kitô trái lại, bị giới hạn trong việc di chuyển, 'Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành' Ml 1,45. Làm phước bị thiệt. Sức mạnh chữa bệnh nơi Đức Kitô trở thành nguyên nhân giới hạn việc Ngài tự do di chuyển.
Thứ ba, luật thời đó đòi hỏi người mắc bệnh phong cùi phải ở nơi hoang vắng, ngoài thành, nơi ít người lai vãng. Anh phong cùi phạm luật đến gần Đức Kitô và Đức Kitô cũng phạm luật, tay Ngài chạm vào anh cùi. Theo luật Ngài trở thành ô uế, cần phải thanh tẩy.
Thứ tư, bởi Đức Kitô không thể đi lại tự do, nên dân chúng hàng, lũ kéo đến gặp Ngài, 'Dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người'. Mk 1,45. Điều này cho biết nơi đâu Thiên Chúa ngự trị, nơi đó có đông đảo dân chúng tụ họp, và ngược lại nơi đâu có môn đệ Đức Kitô, Ngài sẽ ngự giữa họ.
Việc Đức Kitô thay ngôi, đổi vị cho con người cho biết Ngài sẵn sàng thay đổi ngôi vị Con Chúa Trời cao, đón nhận địa vị phàm nhân của nhân loại. Việc thay ngôi đổi vị đầu tiên là ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh ra đời chúng ta mừng kính mấy tuần cách đây. Con Chúa Trời xuống thế làm người ở giữa chúng ta, đón nhận thân phận con người như chúng về mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi. Là thân phận con người phàm nhân, Đức Kitô đón nhận mọi đau khổ, đói khát, đau đớn, lo lắng, cô đơn và cuối cùng chấp nhận chết đau thương trên thập tự. Ngài làm thế để nâng môn đệ Ngài lên cùng Chúa Cha. Việc đổi ngôi vị cuối cùng chính là chấp nhận chết thay môn đệ để cứu các môn đệ, 'Các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi' Gn. 18,8.
Ba ngày sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô tìm gặp các môn đệ, ban cho các ông nguồn sống. Những ai tin theo Đức Kitô, trở thành môn đệ Đức Kitô cũng thừa hưởng sự sống trường sinh Đức Kitô ban. Môn đệ Đức Kitô trở thành dân riêng Chúa nơi trần gian, và trở thành con cái Chúa nơi Thiên Quốc.
Sau khi được lành bệnh, người phong cùi thất bại trong việc vâng phục thánh í Đức Kitô. Anh ta đã không câm nín như Đức Kitô dặn anh; trái lại anh vang lời, ca tụng kì công của Đức Kitô. Việc anh bất tuân không phải vì anh phạm thượng hay phạm tội. Trái lại, niềm vui tràn ngập lòng anh khiến anh không thể cầm giữ được niềm vui, và nó bộc phát cách chân thành. Niềm vui trong lòng tràn lan, lớn mạnh hơn sức chịu đựng câm nín nên anh vang lời hoan ca.
Một trong các nhiệm vụ của linh mục thời đó là loan báo người này sạch bệnh, người kia công chính. Thay vì để linh mục loan báo cho cộng đoàn biết anh đã sạch bệnh, anh cùi tự làm công việc của linh mục. Anh hoan ca loan báo cùng mọi người anh đã sạch bệnh. Chúng ta cũng nên biết chính Đức Kitô là Đấng chữa bệnh cho anh cùi. Linh mục không có khả năng chữa bệnh. Linh mục chỉ làm công việc loan báo kì công Thiên Chúa thực hiện, loan báo tin vui cho cộng đoàn. Là người đại diện tiếng nói của Đức Kitô công bố tin vui do chính Đức Kitô thực hiện.
Chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn làm môn đệ, làm con Chúa. Chúng ta xin ơn trung thành với Đức Kitô để xứng đáng hưởng phúc trường sinh trong nước Chúa.
TiengChuong.org
Role Exchange
Last week we looked at the phrase 'raise up' to mean Jesus raised the human race up to the state of original creation, and finally Jesus raised His disciples up to be God's children. This week we look at the roles changing in the healing story of the leper. To avoid contamination of incurable disease; leprosy of any kind meant that person had to live away from others in his or her community. Knowing Jesus was nearby, the leper came and was on his knees pleading with Him, 'If you want to, you can cure me' Mk 1,.40 . The leper probably had heard about Jesus' healing power, and he asked Jesus to cure him. The word 'if' expressed the hope the leper had in Jesus. This confirmed that those who had hope in Jesus would never go away empty handed. Jesus satisfied the leper's hope. 'Of course I want to! He said. 'Be cured! Mk 1,42'. Jesus' healings were the signs of God's power to overcome human beings' misery. Jesus was willing to take the leper's unclean and unholy state upon himself.
First, it was not the leper who transmitted his uncleanness to Jesus; instead Jesus took his disease on Himself. He gave the leper His holiness, and that made him clean.
Second, before meeting Jesus, the leper was restricted in his movements; after meeting Jesus, the leper was free to move around; while 'Jesus could no longer go openly into any town, but had to stay outside in places where nobody lived' Mk 1,45. Jesus' power to heal now became the cause of His loss of freedom, and He 'could no longer to go openly'.
Third, the law at the time required a leper to stay away from others. The leper breached this code by approaching Jesus, and Jesus breached it by touching the leper.
Fourth, because Jesus could not go openly. He was in isolation, but not for long because, 'people from all around would come to Him' Mk 1,45. Where God was, there would be God's people, and vice versa.
The role changing in Jesus' life was leading to the reality that Jesus came to the world to take away our misery and sin on Himself. Jesus' very first act of role changing was the Incarnation. Jesus chose to come into this world to be one of us in all ways, except sin. Through this role changing, we know that Jesus gave up His own life to save His disciples' lives. Jesus rose from death to give His disciples eternal life. Jesus exchanged His own will to do the Father's will, and the Father's will was to raise the human race to be God's children.
After being healed the leper failed to carry out Jesus' instruction. Jesus told him to tell no one about it, but to show himself to the priest and make the offering. The leper couldn't keep quiet. The leper didn't mean to dishonour Jesus, but rather his Jubilation was so great that it was bursting from his heart. He felt the urge to praise God at the top of his voice. It should be the priest who makes the announcement to the community; instead the leper took the priest's role in announcing to the community that he was cured. We also notice that God was the Healer. The priests were not; they were acting as God's voice announcing to the community the state of a person.
We thank God for rescuing us and makes us God's children. We pray that God's Word cleans and renews us, and God's power leads us to eternal life.
Bài giảng Lời Chúa ngày Mồng Hai Tết Tân Sửu (2021) tại giáo xứ Thanh Bình
Trọng kính…..
Nếu người Á Đông chúng ta có một câu ngạn ngữ: Nhân sinh thất thập cổ lai hy (Người sống đến tuổi 70 thật là hiếm có), thì kính thưa cộng đoàn, nhân ngày Mồng Hai Tết ngày dành riêng kính nhớ ông bà tổ tiên của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đang hiện diện giữa chúng ta đây tôi nhận thấy có rất nhiều vị cao niên đã thọ hơn 70 tuổi. Trong tâm tình của những người con cháu, xin cộng đoàn dâng một tràng pháo tay cho tất cả các vị cao niên…
Kính thưa cộng đoàn,
Cái cảm nhận và cũng là tâm tình đầu tiên của tôi, một người của giáo xứ ở xa về ăn Tết với gia đình trong giây phút của buổi sang Mồng Hai Tết tại Thánh Lễ ở Nghĩa Trang nầy đó là: ấm cúng và hạnh phúc.
Tại sao lại ấm cúng? Như quý vị biết đó, theo cái nhìn và quan niệm thông thường, nhất là của những người không có niềm tin vào sự Phục Sinh, thì nghĩa trang là thành phố buồn, là quê hương của những người chết…, như cách cảm nhận của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Cho một người vừa nằm xuống”: “… Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời. Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!...”. Ở nghĩa trang Công Giáo của chúng ta, rất nhiều ngày trong năm và đặc biệt, ở giữa ngày Mồng Hai Tết nầy, không phải “không có ai”… hay “chỉ có loài chim thôi”…, mà cả ngàn người, và trên mỗi ngôi mộ đều rực lên những đóa hoa tươi tràn đầy niềm vui và hy vọng của mùa xuân bất diệt.
Vâng, hôm nay và giờ nầy, chúng ta đang sống chiều kích “hiệp thong trọn hảo” của mầu nhiệm “Các thánh cùng thong công”, một mầu nhiệm nối kết giữa cháu con và tiên tổ, để những người còn sống truy nhận và tưởng nhớ những gia tài cao quý mà các bậc tiền nhân trao lại, như sách Khôn Ngoan đã nhắc bảo chúng ta nơi Bài Đọc 1: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con…. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế…”.
Và việc “tưởng nhớ, cầu nguyện cho các bậc tiền nhân” lại không chỉ là một hành vi mang tính nhân văn mà còn là một đòi hỏi bắt buộc của Giới răn Đức Chúa Trời – Điều răn thứ Tư- như chúng ta đã từng học biết ngay từ thuở ấu thơ, và Lời Chúa hôm nay được đồng thanh nhắc lại nơi thư của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Êphêsô: “kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này…”, và nơi chính môi miệng của Đức Kitô trong Tin Mừng Matthêô chúng ta vừa nghe, khi Ngài lên án thái độ giả hình đầy bất hiếu của những người Luật sĩ và Biệt phái: Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”.
Kính thưa cộng đoàn, Lời Chúa là như thế, Giới răn đã quá rõ ràng như thế, nhưng chúng ta cũng biết rằng, ngay trong những giây phút ấm cúng thiêng liêng của những ngày Tết, không thiếu những người ông, người bà, những người cha, người mẹ bị con cháu bỏ rơi, rẻ rúng, xúc phạm…, thậm chí bị hành hung cách bạo lực hoặc bị sát hại… Đó là những “tội đang kêu thấu tới trời”, những vết thương đau day dứt trong xã hội loài người muôn nơi muôn thuở.
Có lẽ, chính vì cảm nhận được tình trạng đau đớn nầy, mà vào này 31.01.2021 vừa qua, vị mục tử tối cao của Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxico, đã quyết định thành lập một “Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi”, khi ngài phát biểu rằng: “… Ông bà thường bị lãng quên và chúng ta quên đi sự phong phú của việc gìn giữ cội nguồn và sự truyền lại này. Và vì điều này, tôi quyết định thiết lập Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi, hàng năm sẽ được cử hành trong toàn Giáo hội vào Chúa Nhật thứ Tư của tháng Bảy, gần với ngày lễ Thánh GioaKim và Anna, ông bà của Chúa Giêsu…”.
Kính thưa cộng đoàn, năm nay Hội Thánh dành một năm đặc biệt kính Thánh Giuse. Hình ảnh Thánh Giuse trong gia đình Nadaret luôn gợi lên “đức hiếu đạo” cho mọi gia đình, cho ông bà cha mẹ và mọi thế hệ con cháu. Các bậc cao niên trưởng thượng luôn là những “Giuse Công chính trong gia đình, gia tộc”, và các thế hệ con cháu luôn là những “em bé Giêsu luôn vâng vâng phục kính tôn Mẹ Maria và cha thánh Giuse”…
Người Á Đông có câu đối Tết nầy:
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên
(Năm có 4 mùa, mở đầu bằng mùa Xuân.
Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết).
Như vậy chúng ta dành ngày đầu xuân nầy để sống Giới răn Hiếu thảo thì thật chính đáng và phải đạo. Chúng ta sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ để cầu nguyện cho ông bà tiên tổ đã qua đời được hưởng phúc thanh nhàn trong Nước Chúa; cho những ông bà cha mẹ còn sống được khang an trường thọ và được cháu con chăm sóc, kính yêu; và cho tất cả chúng ta, phận con, phận cháu luôn trở thành “bài thuyết minh đúng nghĩa” về những Lời dạy của Phúc m về hiếu đạo trong mái ấm gia đình. Amen.
Trương Đình Hiền (Tết Tân Sửu 2021)
Thương người có mười bốn mối. Thương linh-hồn bảy mối: Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, tại tiểu bang Victoria, Australia, Thủ hiến Daniel Andrews, người luôn vỗ ngực xưng tên là người Công Giáo vừa khởi xướng ra một luật mới theo đó lấy lời lành mà khuyên người có thể bị phạt 7,700 Úc Kim và trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị ngồi tù đến 10 năm.
Đạo luật vừa được thông qua được gọi là luật “The Change or Suppression Conversion Practices Prohibition”, nghĩa là luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới”. Các thực hành bị cấm trong trường hợp này bao gồm cả việc khuyên lơn hay cầu nguyện cho những người LGBTQ+.
Carl R. Trueman là giáo sư môn Kinh Thánh và Tôn Giáo tại Grove City College, Hoa Kỳ vừa có bài phân tích về luật quái đản này trên tờ First Things ngày 8 tháng Hai.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Carl R. Trueman
Cấm cầu nguyện tại Úc Đại Lợi
Conversion therapy hay “Liệu pháp chuyển đổi” là việc sử dụng các can thiệp tâm lý hoặc tâm linh để cố gắng thay đổi khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của một người. Đây là vấn đề đã gây tranh cãi ở Hoa Kỳ. Nó bị cấm trong trường hợp trẻ vị thành niên ở khoảng hai mươi tiểu bang của Hoa Kỳ. Thủ đô Hoa Kỳ cấm hoàn toàn các liệu pháp như vậy, bất kể tuổi tác. Những luật như vậy có thể được coi là một sự ủng hộ của chính phủ đối với những người LGBTQ+, nhưng chúng ta không nhất thiết phải nhìn nhận chúng một cách hoàn toàn bất cần đạo lý. Chúng cũng có thể phản ánh mong muốn bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi phải trả tiền cho các phương pháp điều trị mà các nhà lập pháp coi là không cần thiết.
Tuy nhiên, tiểu bang Victoria ở Úc vừa thông qua một dự luật sẽ làm gia tăng đáng kể xung đột giữa tự do tôn giáo, lựa chọn cá nhân và chính trị về bản sắc. Và nó cũng có thể trở thành một mô hình mẫu cho luật pháp ở những nơi khác trong thế giới dân chủ.
Đạo luật vừa được thông qua được gọi là Dự luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới” 2020. Mục đích cơ bản của nó là “bảo đảm rằng tất cả mọi người, bất kể khuynh hướng tình dục hay bản sắc giới tính, đều cảm thấy được chào đón và có giá trị ở Victoria và có thể sống một cách chân thực và với niềm tự hào”. Thật khó tranh cãi về điều đó, vì mục đích có vẻ đáng ca ngợi (ai lại muốn sống ở một nơi mà người ấy không cảm thấy được coi trọng?); và vì nó là hiện thân của cách nói chuyện phù phiếm trong thời đại trị liệu hiện tại của chúng ta. Cảm thấy có giá trị và sống chân thực là những cụm từ nghe rất kêu, nhưng trống rỗng, nghe có vẻ yên tâm tuyệt vời nhưng nội dung cụ thể rất dễ trở thành ngớ ngẩn. Tôi cho rằng, hoặc ít nhất hy vọng rằng, những người có “khuynh hướng tình dục” khiến họ lạm dụng trẻ vị thành niên không nên cảm thấy được chào đón và coi trọng ở Victoria mặc dù có luật mới này.
Luật định nghĩa một thực hành nhằm thay đổi hoặc áp chế như sau:
Một thực hành hoặc hành vi hướng tới một người, cho dù có hoặc không có sự đồng ý của người đó trên cơ sở khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; và nhằm mục đích thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; hoặc khiến người đó thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của họ.
Lưu ý rằng sự đồng ý của người đó là không quan trọng về mặt pháp lý: Việc thay đổi hoặc trấn áp là bất hợp pháp bất kể thái độ của người đó như thế nào.
Nhưng phần thực sự quan trọng của dự luật từ góc độ tôn giáo là danh sách “các hoạt động thay đổi hoặc đàn áp”. Điều này bao gồm: “thực hiện một thực hành tôn giáo, bao gồm nhưng không giới hạn nơi các thực hành dựa trên lời cầu nguyện, thực hành giải thoát hoặc trừ tà”.
Nói tóm lại, nếu ai đó yêu cầu mục sư, linh mục hoặc một người bạn Kitô hữu cầu nguyện cho họ để ham muốn tình dục hoặc chứng rối loạn giới tính của họ có thể được thay đổi, thì mục sư, linh mục hoặc bạn bè đó có nguy cơ phạm tội. Điều này cũng áp dụng cho các bậc cha mẹ đang cầu nguyện cho con cái của họ — hoặc thậm chí đang dạy con cái họ rằng những biểu hiện ham muốn tình dục không theo khuôn mẫu (ít nhất là theo quy luật của khuynh hướng đương đại) là không phù hợp.
Quy định này rõ ràng không dựa trên bất kỳ phản đối siêu hình mạch lạc nào đối với việc thực hành cầu nguyện. Nếu các nhà lập pháp tin rằng Chúa tồn tại, họ có lẽ tin rằng Ngài đủ khôn ngoan để bỏ qua những lời cầu nguyện như vậy nếu chúng thực sự có hại. Và nếu họ không nghĩ rằng Ngài tồn tại, thì có vẻ hợp lý khi cho rằng họ sẽ coi lời cầu nguyện như vậy là một thực hành khá vô lý, thậm chí là vô nghĩa.
Tuy nhiên, nếu chính sách này không mang tính siêu hình, thì nó cũng bộc lộ một trong những khía cạnh của chính trị bản sắc mới: Những kẻ phản bội ý thức hệ giới tính là không thể được dung thứ. Cho dù đó là John McWhorter, người đang kêu gọi sự nhiệt thành của những người đang cổ vũ cho một tôn giáo mới chống nạn phân biệt chủng tộc đang bao trùm nước Mỹ, hay một người ẩn danh nào đó ở Úc cảm thấy rằng chứng rối loạn giới tính là vấn đề của tâm trí, không phải của cơ thể, thì kẻ phản bội phải bị xem là một người nào đó độc hại, hay nhẹ nhàng nhất cũng là một người cần được bảo vệ khỏi chính họ.
Đạo luật cũng thể hiện một trong những kết quả kỳ lạ nhất của việc xã hội hiện đại nhấn mạnh vào quyền tự do triệt để của cá nhân. Trong một thế giới như vậy, về mặt lý thuyết, tất cả đều phải được phép có những câu chuyện về bản sắc của riêng họ. Nhưng bởi vì một số câu chuyện về bản sắc chắc chắn đối lập với những câu chuyện khác, do đó, một số bản sắc phải được đặc quyền với địa vị hợp pháp và những bản sắc khác bị coi là căn bệnh ung thư văn hóa. Và điều đó có nghĩa là, trong một bước ngoặt trớ trêu, cá nhân mất quyền tự chủ và chính phủ phải vào cuộc với tư cách là người thực thi. Sau đó, nhóm vận động hành lang sẽ quyết định ai vào và ai ra, với kết quả là, trong trường hợp này, người đồng tính hoặc chuyển giới muốn trở thành người thẳng hoặc “cis” (sử dụng biệt ngữ), là những người không thể được dung thứ. Câu chuyện của anh ta gợi lên câu hỏi cho những người khác. Chúng ta có thể nói rằng chính sự tồn tại của anh ấy là một mối đe dọa. Ban cấp bất kỳ mức độ hợp pháp nào cho mong muốn của anh ta là thách thức địa vị chuẩn mực đối với mong muốn của người khác.
Và vì vậy lời cầu nguyện cho những kẻ dị giáo như vậy phải bị cấm, ngay cả khi họ yêu cầu cụ thể điều đó. Điều này không hẳn vì lời cầu nguyện gây hại cho những người mà lời cầu nguyện ấy hướng đến, mà chỉ đơn giản là vì lời cầu nguyện ấy làm chứng cho thực tế rằng không phải tất cả mọi người - thậm chí không phải tất cả những người đồng tính và chuyển giới - đều thích thú với thứ chính trị bản sắc tình dục hiện tại.
Có lẽ đó là điều đáng khích lệ. Có lẽ từ lâu các xã hội phương Tây đang bắt đầu thức tỉnh trước sự thật rằng Kitô Giáo, ở cốt lõi của nó, đang làm chứng cho sự thật rằng thế giới hiện nay không phải như nó đáng lẽ phải trở thành. Nhưng cũng có một dấu hiệu đáng ngại khi một thực hành tôn giáo cơ bản như cầu nguyện - thường bị những người phi tôn giáo coi là vô nghĩa - hiện đang trở thành mục tiêu của luật pháp thù địch ở một quốc gia dân chủ. Có thể chúng ta chưa đến mức cho rằng suy nghĩ thôi đã là tội ác, nhưng chúng ta dường như đã đến thời điểm mà việc thể hiện một số suy nghĩ, ngay cả trong lời cầu nguyện, có thể bị coi là hành vi phạm tội. Trước nguy cơ khuyến khích mọi người phạm tội trọng và những tội nhẹ, tôi sẽ kêu gọi mọi người cầu nguyện để các quốc gia khác không theo gương của tiểu bang Victoria, vì nếu họ làm vậy, chỉ trong vài năm tới, có thể là bất hợp pháp khi chúng ta cầu nguyện về hầu hết mọi thứ mà các vua chúa và các chủ nhân của chúng ta không chấp thuận.
Source:First Things
Quyết định này được đưa ra sau một lá thư được Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích gửi vào tháng 5 năm 2020 cho các Hội Đồng Giám Mục các quốc gia nói tiếng Anh, đề cập đến mối quan ngại về bản dịch tiếng Anh.
Một lưu ý vào ngày 4 tháng 2 từ Ủy ban Phụng Tự của USCCB cho biết việc sửa đổi sẽ có hiệu lực tại các giáo phận của Hoa Kỳ từ ngày 17 tháng 2, Thứ Tư Lễ Tro.
Thông báo của ủy ban nói rằng Đức Hồng Y Sarah đã nhận xét rằng “trong văn bản Latinh không có đề cập đến chữ ‘one’, và từ ‘Deus’ trong văn bản Latinh đề cập đến Chúa Kitô. Vị Hồng Y Tổng Trưởng đã chỉ ra tầm quan trọng của việc khẳng định chân lý Kitô học này giữa tình trạng đa nguyên tôn giáo của thế giới ngày nay”.
Ghi chú nói thêm rằng những Sách Lễ tiếng Anh có trước Công đồng Vatican II “phản ánh bản dịch đúng. Nhưng, khi các văn bản hậu công đồng được xuất bản bằng tiếng Anh, từ ‘one’ đã được thêm vào.”
Công thức phổ biến nhất, được sử dụng khi một lời cầu được hướng đến Chúa Cha trước đây là:
“Through our Lord Jesus Christ, your Son, who lives and reigns with you in the unity of the Holy Spirit, one God, for ever and ever.”
Sẽ được sửa lại là:
“Through our Lord Jesus Christ, your Son, who lives and reigns with you in the unity of the Holy Spirit, God, for ever and ever.”
Nghĩa là:
“Nhờ Đức Kitô, Con Cha, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.
Sự thay đổi này phù hợp với các Hội Đồng Giám Mục của Anh và xứ Wales, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan, cũng như các lãnh thổ nói tiếng Anh khác.
Sự thay đổi tương tự đã được thực hiện bởi các giám mục Anh và xứ Wales, bắt đầu từ ngày 29 tháng 11 năm 2020.
Nghị định của Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales nói rằng “Việc thêm từ ‘one’ vào trước ‘God’ trong câu kết của lời cầu có thể tạo ra hiểu nhầm và có vấn đề. ‘Deus’ - ‘God’ ở đây đề cập đến từ ‘Son’ trước đó và là một khẳng định Kitô học, chống bè rối Ariô, và không trực tiếp đề cập đến Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh này”.
Các ngài nhấn mạnh rằng việc thêm từ ‘one’ vào trước từ ‘God’ “có thể làm giảm giá trị tuyên bố về phẩm giá độc nhất của Chúa Con trong Ba Ngôi”, hoặc “có thể được hiểu là nói rằng Chúa Giêsu là ‘một Thiên Chúa’”
“Một trong hai hoặc cả hai cách giải thích này đều gây tổn hại cho đức tin của Giáo hội.”
Các ngài giải thích thêm rằng từ “one” “có nguy cơ gợi ý rằng Chúa Giêsu đã trở thành một vị thần độc lập với Ba Ngôi Thiên Chúa và là một vị thần trong số rất nhiều vị thần. Những gì chúng ta cầu nguyện cần thể hiện những gì Giáo hội tin tưởng, và đòi hỏi rằng, trong các công thức phụng vụ, chúng ta đề cao giáo lý về Chúa Ba Ngôi”.
Tụng thức Ba Ngôi Thiên Chúa trong câu kết thúc “nhấn mạnh đến thần tính của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng với tư cách là Con Nhập thể, thay mặt chúng ta cầu bầu với Chúa Cha... do đó, vai trò trung gian tư tế cầu thay nguyện giúp của Chúa Con được làm rõ.”
Ghi chú giải thích cho biết tụng thức này đã được sử dụng vào thế kỷ thứ tư “như một phương tiện để chống lại tà giáo Ariô,” cho rằng Chúa Giêsu Kitô đã trở thành Thiên Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa hằng có đời đời.
Hơn nữa, ghi chú cho biết thêm, từ “một” không được sử dụng trong các bản dịch của câu kết luận các lời cầu bằng tiếng Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha: “Do đó, bản dịch tiếng Anh có sự khác biệt với bản dịch của các nhóm ngôn ngữ chính khác.”
Bản giải thích của các giám mục Anh và xứ Wales nói rằng “vì việc thêm từ ‘one’ có thể tạo ra các cản trở cho lời cầu nguyện và do đó ảnh hưởng đến niềm tin, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã phán quyết rằng nó không còn được sử dụng trong việc dịch các bản văn Latinh sang tiếng Anh nữa.”
USCCB đã phê duyệt các bản dịch mới của các phần trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, một bản dịch mới của Sách Lễ Rôma đã được thông qua vào năm 2011.
Source:Catholic News Agency
Hôm 8 tháng 2, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo rằng Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn từ chức Giám Mục Phụ Tá Giáo phận Basel, Thụy Sĩ, của Đức Cha Denis Theurillat.
Đức Cha Theurillat nói với trang web kath.ch của Công Giáo Thụy Sĩ rằng ngài đã xin từ chức 5 năm trước tuổi nghỉ hưu theo thông lệ đối với các giám mục vì gánh nặng ngày càng gia tăng trong chức vụ của ngài.
Đức Cha Theurillat nói rằng sau một tai nạn năm ngoái, “Tôi nhận ra rằng đã đến lúc phải lùi bước và suy nghĩ về một chương mới trong cuộc đời mình.”
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 năm ngoái với kath.ch, Đức Cha Theurillat nói rằng ngài muốn được tham gia vào một Thượng Hội Đồng Giám Mục về các nữ linh mục.
Ngài nói: “Sự thật đã ở trên bàn, thời điểm đã chín muồi. Tất cả các giám mục trên thế giới nên họp lại và quyết định: có hay không”.
Ngài nói thêm rằng vấn đề không nên được quyết định bởi một mình Đức Thánh Cha Phanxicô, “nếu không chúng ta sẽ trải qua một cuộc ly giáo.”
Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cuộc phỏng vấn được công bố khi Đức Cha Theurillat kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình.
Đức Cha Theurillat sinh ngày 21 tháng 9 năm 1950. Ngài được thụ phong linh mục năm 1976 tại giáo phận Basel. Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của giáo phận vào ngày 17 tháng 4 năm 2000, khi Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo, vẫn đang làm giám mục Basel.
Ngày 1 tháng 7, 2010, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, đã bổ nhiệm Đức Cha Kurt Koch của giáo phận này làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo; và bổ nhiệm Đức Cha Felix Gmür coi sóc giáo phận từ tháng 11, 2010 cho đến nay. Khi được bổ nhiệm, Đức Cha Felix Gmür mới 44 tuổi, năm nay ngài 54 tuổi.
Theo niên giám Tòa Thánh 2018, giáo phận Basel có 1,044,000 tín hữu Công Giáo trong tổng số 3,390,000 dân, chiếm tỷ lệ 30.8%. Toàn giáo phận có 584 linh mục, gồm 387 linh mục triều và 197 linh mục dòng. Các ngài phụ trách mục vụ 511 giáo xứ với sự trợ giúp của 2,235 nữ tu, 117 phó tế vĩnh viễn, và 259 nam tu sĩ không có chức linh mục.
Trong một tuyên bố vào ngày 8 tháng 2, các thành viên của Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ đã bày tỏ “sự kinh ngạc” trước quyết định từ chức của Đức Cha Theurillat.
Các Giám Mục Thụy Sĩ cảm ơn Đức Cha Theurillat vì 20 năm phục vụ của ngài, ca ngợi ngài như một “con người của cuộc đối thoại”. Các ngài lưu ý rằng Đức Cha Theurillat đã bốn lần đi dự Ngày Giới trẻ Thế giới cùng với một phái đoàn thanh niên Thụy Sĩ và tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa 20,000 người trẻ với Đức Gioan Phaolô II trong chuyến thăm của vị Giáo hoàng Ba Lan đến Thụy Sĩ vào năm 2004.
Trong tông thư “Ordinatio sacerdotalis” năm 1994, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố rằng “Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc phong chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được tất cả các tín hữu của Giáo hội tuân giữ một cách chung cuộc”.
Phát biểu với các nhà báo trong cuộc họp báo trên chuyến bay vào năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Về việc phong chức phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, lời cuối cùng rất rõ ràng, đó là lời của Thánh Gioan Phaolô II và điều này vẫn còn hiệu lực”.
Source:Catholic News Agency
Tiến sĩ Nina Shea là giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, và là một luật sư quốc tế về nhân quyền.
Trong bài “Biden’s Choice in China”, nghĩa là “Lựa chọn của Biden ở Trung Quốc”, cô cho chúng ta thấy tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ và bày tỏ quan ngại rằng các chính sách của ông Joe Biden sẽ phản bội triệt để các giá trị nhân quyền của người Mỹ, và cam kết trong 73 năm qua của người Mỹ rằng diệt chủng “không bao giờ xảy ra nữa”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
By Nina Shea
Lựa chọn của Biden ở Trung Quốc
Mười một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp và những người Hồi giáo khác ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc lần đầu tiên được nếm trải công lý vào ngày 19 tháng Giêng khi Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc đang thực hiện hành vi diệt chủng chống lại họ. Lịch sử đã chỉ ra rằng lên án tội ác diệt chủng là bước khởi đầu cần thiết để chặn đứng và ngăn chặn nó tái diễn.
Mặc dù một số phương tiện truyền thông đánh giá thấp quyết nghị lên án nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, coi đó chỉ là “phát súng bắn chia tay” vào Trung Quốc của Ngoại Trưởng Pompeo, đây thực sự là biện pháp nhân quyền quan trọng nhất của Mỹ trong bốn năm qua. Nó được đưa ra sau một quá trình cân nhắc kéo dài hàng tháng của Văn phòng Tư pháp Hình sự Toàn cầu của Bộ Ngoại giao. Một phần quan trọng trong quyết định này dựa trên thông tin mới cho thấy rằng các biện pháp cưỡng bức ngăn chặn sinh đẻ bên trong các trại cải tạo Tân Cương là nhằm hạn chế nhân khẩu học của người Duy Ngô Nhĩ và là một phần của chiến dịch phá hoại của bọn cầm quyền chống lại các nhóm thiểu số trong khu vực.
Cả Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken đều bày tỏ sự đồng tình với quyết nghị lên án nạn diệt chủng. Nhưng liệu họ có tiếp tục gây áp lực lên một Trung Quốc đang tức giận hay không vẫn còn phải chờ xem. Cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ là một thực tế không thuận tiện cho các ưu tiên về biến đổi khí hậu trong chính sách đối ngoại của chính quyền. Chỉ một tuần sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres cầu xin vì lợi ích của “hành động khí hậu” sự hợp tác Mỹ-Trung Quốc cần phải được “thiết lập lại” để sang một bên các “quan điểm khác nhau” về nhân quyền, có lẽ bao gồm cả việc xác định tội ác diệt chủng của Trung Quốc do Hoa Kỳ đưa ra. Theo tầm nhìn của mình, Mỹ sẽ phải đưa ra các lựa chọn khó khăn về các chính sách đối với Trung Quốc.
Sau cuộc diệt chủng người Do Thái, tội ác diệt chủng được hình sự hóa theo Công ước quốc tế về Diệt chủng năm 1948, và trở thành tội ác nhân quyền ghê tởm nhất theo quan niệm của người dân Mỹ. Nhãn hiệu diệt chủng ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại, điều này giúp giải thích tại sao trước đây Hoa Kỳ chỉ áp dụng nhãn hiệu này có 2 lần cho các hành động tàn bạo đang diễn ra. Ngoại trưởng Pompeo đã có thể di chuyển về phía trước trong tuyên bố Trung Quốc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ bằng cách làm cho nó trở thành một quyết nghị về “chính sách”. Vào năm 2016, cuộc diệt chủng của người Yazidis ở Trung Đông và các tín hữu Kitô là “chỉ định cá nhân” của Ngoại trưởng Kerry khi đó. Quyết nghị diệt chủng Darfur năm 2004 là một quyết định “hợp pháp”, được hỗ trợ bởi các luật sư của bộ Ngoại Giao. Nhưng bất kể quyết nghị được gọi bằng danh xưng nào, hành động diệt chủng đòi hỏi phải có một phản ứng mang tính chính sách của Hoa Kỳ.
Tháng 5 năm ngoái, Đại sứ lưu động về Tư pháp Hình sự Toàn cầu lúc ấy là Morse Tan đã tìm hiểu hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ, để đánh giá xem nó có phù hợp với định nghĩa về tội ác diệt chủng của Công ước về một cộng đồng tôn giáo dân tộc thiểu số bị tiêu diệt “toàn bộ hay một phần” hay không. Báo cáo về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ kể từ năm 2017 ghi nhận việc phá hủy 2/3 các đền thờ Hồi giáo tại Tân Cương, việc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cáo buộc là theo chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trong các trại cải tạo và các hành động đàn áp nghiêm trọng khác. Cựu đại sứ nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng ông đã tích lũy thêm bằng chứng từ các nguồn mở, mà các luật sư của bộ Ngoại Giao đã nhanh chóng phân loại trong 25 năm. Ông ấy hướng dẫn tôi đến những tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo để có thêm hiểu biết.
Trong một bài bình luận đăng trong số ra ngày 19 tháng Giêng trên tờ Wall Street Journal, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh bằng chứng “chủ chốt” về sự sụt giảm tỷ lệ sinh đẻ của người Duy Ngô Nhĩ. Lưu ý rằng Công ước về Diệt chủng bao gồm “các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ trong cộng đồng”, ông đã trích dẫn các “nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm ngăn chặn phụ nữ Duy Ngô Nhĩ sinh con bằng cách cưỡng bức phá thai và triệt sản” và “các biện pháp tránh thai không tự nguyện, chẳng hạn như buộc phải đặt vào tử cung các thiết bị”. Các thông tin cụ thể có thể được tìm thấy trong một báo cáo năm 2020 của chuyên gia Adrian Zenz của Quỹ Jamestown, trong đó tiết lộ các tài liệu của chính phủ Trung Quốc được AP xác minh. Các tài liệu này cho thấy tỷ lệ sinh ở Tân Cương giảm khoảng 24% từ năm 2018 đến 2019, so với mức giảm 4.2% ở Trung Quốc nói chung. Chúng cũng chỉ ra rằng lý do phổ biến nhất khiến các phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ là vì họ vi phạm các giới hạn sinh khắt khe - dưới mức thay thế cho số người chết - của bọn cầm quyền.
Dữ liệu chính thức này hỗ trợ các báo cáo từ những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ. Ví dụ, cựu tù nhân Gulbahar Haitiwaji đã viết về việc bị cưỡng bức triệt sản bằng cách tiêm các loại thuốc. “Đó là khi tôi hiểu được phương pháp của các trại, họ đang thực hiện một chiến lược: không phải lạnh lùng giết chúng tôi, mà là khiến chúng tôi từ từ biến mất. Từ từ đến nỗi không ai nhận ra”, cô kể lại. Vào năm 2018, Dân biểu Chris Smith đã chủ trì các phiên điều trần trước quốc hội, nơi cựu tù nhân Mihrigul Tursun làm chứng về việc bị giam giữ và tra tấn bằng dòng điện và bị chế giễu vì niềm tin của cô vào Chúa. Những người khác mô tả sự tàn bạo đằng sau những vụ cưỡng bức phá thai của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Pompeo cũng trích dẫn “các trại giam tùy tiện và vô thời hạn”, nơi người Duy Ngô Nhĩ bị tra tấn, hãm hiếp và buộc phải lao động khổ sai. Trong những trại này, những cái chết xảy ra không rõ nguyên nhân. Ông lưu ý đến sự giám sát công nghệ cao hà khắc của bọn cầm quyền Tân Cương. Tuần trước, BBC đã đưa tin về các vụ cưỡng hiếp bằng các máy kích thích điện và các vụ cưỡng hiếp tập thể của cảnh sát trong các trại. Đây là tất cả các lá cờ đỏ, cộng với bằng chứng ngăn ngừa sinh đẻ đã cấu thành bằng chứng cụ thể.
Bắc Kinh vẫn tỏ ra ngang ngược về chính sách đàn áp của mình. Tháng 9 năm ngoái, Tập Cận Bình tuyên bố rằng chiến lược Tân Cương là “hoàn toàn đúng đắn và phải thực hiện trong thời gian dài”. Đối với nỗi kinh hoàng về những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ, đại sứ quán Washington của Trung Quốc đã đăng một bài khoe khoang đáng kinh ngạc vào ngày 7 tháng Giêng (bị Twitter xóa vào ngày 8 tháng Giêng) dường như được nhái lại một cách có ý thức thông điệp của Đức Quốc Xã tại Auschwitz “công việc giúp bạn được tự do”. Đại sứ quán Trung Quốc tweet:
Tâm trí của phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã được giải phóng, bình đẳng giới tính và sức khỏe sinh sản được đề cao, khiến họ không còn là những cỗ máy sinh con nữa. Họ tự tin và độc lập hơn.
Nếu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lặng lẽ bỏ qua những lo ngại về nạn diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ vì lợi ích của quan hệ đối tác biến đổi khí hậu với Trung Quốc, thì đó sẽ là một bi kịch cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Nó cũng sẽ phản bội triệt để các giá trị nhân quyền của người Mỹ, và cam kết trong 73 năm qua của người Mỹ rằng diệt chủng “không bao giờ xảy ra nữa”. Đây sẽ là một vấn đề có tính quyết định đối với chính quyền Biden.
Source:First Things
Ngày 13.01.2021, Tổng thống D.Trump đã trao Huân chương Nghệ thuật cho phóng viên Nick Út, người nổi danh với bức hình ‘Em bé Napalm’. Ảnh này chứng minh khi tham chiến tại quê hương chúng ta, quân Mỹ đã ném bom cả vào thường dân và cái dã man của cuộc chiến với các cuộc khủng bố của việt cộng giết học sinh Việt hay pháo vào c ác bịnh viện. Ảnh n ày đã là bằng chứng cho bọn phản chiến lường gạt ‘lương tâm thế giới’. Sau đó, bức ảnh ‘Saigon Execution’ chụp Tướng Loan xử bắn một việt cộng giết hầu hết một gia đình trong vụ tấn công Tết Mậu Thân 1968 để bôi nhọ chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa.
Tuy nhiên, một lần nữa, hai hình chụp này cho bọn chính trị gia Mỹ thấy việc ông Ngô Ðình Diệm đề nghị chúng đừng đem quân tác chiến vào Việt Nam làm leo thang chiến tranh. Sau khi 58.000 tử trận cùng hơn 305.000 thương nhân, trong đó 153.000 nặng và tàn phế, Mỹ đã phải tháo chạy với ảnh G. Martin cuốn cờ thua trận, ủ rũ lên trực thăng. Vài hôm trước khi bị thảm sát bởi các tướng gốc Tây và CIA, Tổng thống Ðệ Nhất Cộng hòa đã chân thành tiếc thương khi trối ‘người ta theo Mỹ khi Mỹ vào đây. Khi Mỹ thua, họ sẽ chạy theo Mỹ. Lời Người Vị Quốc Vong Thân đã thành Sự Thật ngày 30.04.1975. Ðến đất Mỹ, vẫn chia hai để dùng Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ hiền hòa và đáng kính để tranh phiếu cho Trump hay Biden, một trong họ sẽ có dịp tiếp tại Bạch Cung Tổng Bí Thư cộng đảng Việt để xiết Nhân quyền Ðồng bào và tiêu diệt người tài đức muốn giúp nước tiến nhanh.
I./ TUYỂN CỬ DÂN CHỦ BẰNG PHỔ THÔNG ÐẦU PHIẾU.
Tại Hòa kỳ, đúng theo Hiến pháp định, ngày 03.11.2020, toàn thể cử tri Mỹ có thể tự do sử dụng hay không lá phiếu của mình để chọn đại cử tri đi bầu Tổng thống trong nhiệm kỳ 20.01.2021 – 20.01.2025.
A.- Kết quả :
1. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đạt mức kỷ lục chưa từng thấy kể từ năm 1900, đạt số bách phân là 66,70% số người ghi danh.
2. Bầu cử qua bưu điện là cách bỏ phiếu thông dụng ở Mỹ trong hai năm 2016 và 2018 khoảng 25% cử tri toàn quốc. Dịch Corona-19 đã làm tăng số bách phân người bỏ phiếu kiểu này lên đến 76% người Mỹ có đủ điều kiện bỏ phiếu bằng thư năm 2020
3. Ông Joe Biden (Dân chủ) nhận được 81,24 triệu phiếu bầu (51.30% số phiếu hợp lệ, có được 306 đại cử tri và ông Donald Trunp (Cộng hòa) thu lần lượt được 74,19 triệu (46,9%) với 232 đại cử tri. (Số bách phân hai liên danh cộng lại không đủ 100% vì còn các liên danh nhỏ khác).
4. Kết quả này bị ông Trump và những người ủng hộ ông bác bỏ vì cho rằng có gian lận. Do đó, Tư pháp Hoa Kỳ đã phải nhập cuộc để phân xử, nhưng kết quả đã không phe thất bại vì không hội đủ bằng chứng. Do đó, nguyên tắc Tam Quyền Phân Lập bị đe dọa.
B.- Thảm cảnh đã xảy ra ngày 06.01.2021 khi đoàn người biểu tình, sau khi nghe đương kiêm Tổng thống thuyết trình, đã tiến tới, xông vào và đập phá Ðiện Capitole, nơi Lưỡng viện Quốc đang họp để thông qua kết quả bầu cử của Ðại Cử tri đoàn ngày 14.12.2020 để chọn Tổng thống và Phó Tổng thống. Tối thiểu 5 người chết và nhiều người bị thương. Biến cố đã trở thành ‘trò chế nhạo’ cho nhiều nước độc tài từng bị Mỹ lên án.
C.- Ngày 20.01.2021, trong bầu không khí hoàn toàn khác với những lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ trước đây. Hoa Thịnh Ðốn, thời Corona-19, tràn ngập quân nhân sẳn sàng tác chiến nếu người dân hành động, Joe Biden nhậm chức Tổng thống và trở thành người cao tuổi nhất vào lúc nhậm chức và giữ chức này, ở tuổi 78. Ông cũng là Tổng thống Công Giáo thứ hai, sau John Kennedy năm 1960. Nhưng vì ủng hộ phá thai của đa số Hành pháp và Lập pháp đều trong tay Dân chủ, Giáo Hội Công Giáo sẽ gặp nhiều khó khăn vì luôn hành động để bảo vệ Sự Sống và trò hề ‘Amen và Awomen’. Bên cạnh đó, Corona-19 đã gây chết cho hơn 450.000 ngàn người Mỹ. Sáng sớm hôm đó, Tổng thống xuất nhiệm rời Bạch cung.
D.- Do muốn luận tội ông D. Trump lần thứ 2 ‘vô địch’, phe Dân chủ (DC) lên án ông này đã h ô hào đồng bào tấn công điện Capitole. Họ tìm m ột ti ến trình tố tụng ngắn, m ột hay hai tu ần, và sẽ không giống phiên xử luận tội lần đầu, từ ngày 16/01 đến 05.02.2020. Nghị sĩ Tom Carper (DC-Delaware) cho hay hôm 03.02.2021 ‘phiên xử chỉ xảy ra trong vài ngày’.
Tổng thống D. Trump bị các dân biểu Dân chủ đề xuất buộc tội ‘kích động nội loạn’đã được thông qua với 232 phiếu thuận (222 DC và 10 CH), 197 chống và 4 không bỏ phiếu ngày 13.01.2021.
Ngày 09.02.2021, Thượng nghị vi ện, với 100 nghị sĩ, khai diễn phiên luận tội công dân D. Trump. Một cuộc xét xử có nhiều tranh luận ‘vi hiến hay không’ giữa các dân cử Lập pháp và kết quả sẽ ra sao hay chỉ thêm chia rẽ trong khi Biden hứa đoàn kết toàn dân. Triển vọng kết tội rất ít vì để kết án phải có phiếu của 67 nghị sĩ (đa số 2/3 của 100). Ðối lập với ông Trump có 50 DC cộng với 5 CH là 55. Tìm thêm 12 CH ‘phản đảng’ nữa không phải dễ.
II./ TUYỂN CỬ BỞI ÐẠI HỘI ÐẢNG.
Trái với Hoa Kỳ, cựu thù Việt Nam có lối bầu khác với đa số các quốc gia dân chủ toàn cầu và thời Việt Nam Cộng hòa. Ðại hội Ðảng cộng sản lần thứ 13 đã dự trù họp từ 25/01 đến 02.02.2021, còn có danh xưng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhưng sau đó, Ðại hội đã bế mạc ngày 01.02.2021, với 1.590 đại biểu tham dự.
Ngày 30.01.2021, Ðại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 180 chính thức và 20 dự khuyết.
Ngày 31.01.2021, Ban Chấp hành Trung ương họp bầu Bộ Chính trị và bầu Tổng Bí thư Ðảng trong số các ủy viên Bộ Chính trị mới, bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban này. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII giao Bộ Chính trị phân công một số Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư. Ông Nguyễn Phú Trọng, 77 tuổi, đã tái cử chức vụ Tổng Bí thư. Ngoài ra, chỉ nghe ông Nguyễn Xuân Phúc, một trường hợp đặc biệt khác, cũng được ở lại trong ‘tứ trụ’, nhưng không nói trụ nào.
Phải đợi, sau đó, tin không chính thức nhưng đáng tin cậy từ Ðại hội cho biết ông Phúc được đề bạt và chức Chủ tịch nước. Hai ông Phạm Minh Chính và Vương Ðình Huệ sẽ là Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Nhớ lại, tại Ðại hội 12 năm 2016, Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng, đồng chí có ý muốn và có nhiều triển vọng trở thành không những là Tổng Bí thư Đảng mà còn kiêm Chủ tịch nước như Tập Cẩm Bình bên Tàu. Nhưng vì không được Tàu ủng hộ, nên ngày 25.01.2016, Đại hội hè nhau buộc 29 ứng cử viên (23 chính thức và 6 dự khuyết) phải rút khỏi danh sách đề cử. Trong đó có Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy, chỉ còn ‘độc diễn’ Nguyễn Phú Trọng để tái cử Tổng Bí thư, sau khi hứa tại chức nửa nhiệm kỳ. Ðến hạn, ông quên từ chức, mà còn kiêm thêm Chủ tịch nước.
Chưa thỏa mãn sự trả thù đối với đồng chí Dũng, nên khi Tổng thống Mỹ mời nguyên thủ các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, Associaton of Southeast Asian Nations) họp thượng đỉnh với Hoa kỳ các ngày 15 và 16.02.2016, tại Sunnylands, California. Thoạt đầu, Tổng Trọng muốn cử Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn. Nhưng, rất tiếc, ông này không xứng đáng để dự thượng đỉnh, nên Tổng thống Mỹ yêu cầu Việt Nam phải để ông Dũng làm Trưởng đoàn và ông Trọng phải nhượng bộ. Gặp Tổng thống B. Obama, ông Dũng mời vị này sang thăm Việt Nam và chỉ thị ông Phạm Bình Minh phối hợp với Hành pháp Mỹ để chuẩn bị cuộc công du dự trù vào tháng 05/2016.
Do không muốn thấy Dũng tiếp đón Tổng thống Obama khi ông nầy đến Việt Nam, ông Trọng ra lịnh cho Quốc hội trong phiên họp kỳ 11 ngày 21.03.2016 phải ấn định ngày để bãi nhiệm ông Dũng và đám ‘đảng cử dân bầu’ này phải vâng lời chọn chiều ngày 06.04.2016 để thực hiện việc chọn ứng cử viên vào chức này và, ngày 07.04.2016, sẽ tổ chức bầu mà chúng ta đã biết người sẽ được đắc cử là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bình thường, sau khi Đại hội Đảng bầu ‘Tứ trụ’ thì Tổng Bí thư nhận ngay chức vụ. Ba ‘trụ’ khác chờ Quốc hội mới sẽ được bầu vào ngày 22.05.2016, sau đó và sẽ họp phiên đầu vào tháng 7 để chuẩn nhận 3 chức vụ còn lạị. Bất ngờ, lịnh miễn nhiệm được ban hành, đại biểu Quốc hội phải thi hành trước sự bất lực của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng.
Hướng về tương lai, hứa với đồng bào, Ðại hội đã biểu quyết :
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (3.466 – 10.725 mỹ kim/năm);
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam : Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao (12.535 mỹ kim trở lên).
(Đây là số liệu mỹ kim mà Ngân hàng Thế giới đưa ra cho năm 2020)
Lời người được tái đắc cử. Sau khi Ðại hội bế mạc, ông Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc họp báo để cho biết :
- Đại hội thành công không chỉ nằm ở các ‘nghị quyết’, nhưng phải đưa nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào. Phải tạo ra của cải vật chất, nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống nhân dân sung sướng hơn, thế mới gọi là thành công. Chứ không phải thông qua nghị quyết xong vỗ tay là đại hội thành công’.
- ‘Bây giờ tôi cũng không được khỏe lắm, tuổi cũng cao rồi, tôi cũng xin nghỉ nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm vì là đảng viên tôi phải chấp hành, nên tôi sẽ cố gắng hết sức’.
(Như thế có nghĩa là ông Trọng không có tự do xin nghỉ vì sức khỏe hay tuổi hưu. Hoặc đang có khủng hoảng trong việc tìm nhân vật lãnh đạo có khả năng, tuổi phù hợp để thay thế? Trách nhiệm về ai? Người ta nhớ : « Năm 2016, ông Trọng từng chia sẻ với báo chí rằng ông ‘bất ngờ khi trúng cử’ chức Tổng bí thư lần nữa »).
- Từ năm 2013 đến giờ làm liên tục, xử bao nhiêu vụ, bao nhiêu uỷ viên trung ương, bao nhiêu ủy viên Bộ Chính trị đi tù, thậm chí thu hồi tài sản tôi cũng không tưởng tượng được hàng triệu đô la, hàng bao nhiêu tỉ.
Chưa bao giờ một khoá có mấy ông ủy viên Bộ Chính trị phải đi tù, cách chức, thu lại bao nhiêu tài sản, chỉ một vụ việc thôi mà hàng triệu USD. Đấu tranh chống tham nhũng phức tạp, khó khăn như vậy. Nếu không có dũng khí, tình cảm chân chính, bản lĩnh thì dễ mắc lắm. Ai chả thích của, thích tiền nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, chết cũng không mang tiền theo được.
Ông còn nói thêm: « Có người hối lộ xách va ly tiền tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương định biếu xén, lấp liếm. Tôi nói cán bộ kiểm tra mở va ly ra xem, toàn tiền đô la! ». (Do đó, có người cho rằng, ông Trọng đặt chuyện hay ông phạm luật vì không ban lịnh mở cuộc điều tra để biết ai hối lộ ai và tại sao số tiền lớn vậy và cần phải thu vào Công Quỹ.
III./ ÐỒNG BÀO TRONG NƯỚC TIN ‘VIỆT NAM CÓ DÂN CHỦ’.
Ðệ I Cộng hòa hình thành nền Giáo dục Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng mà chúng ta được thụ hưởng. Trong đó, môn Công dân Giáo dục giúp chúng ta thấm nhuần quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, các chế độ chính trị tiêu biểu trên thế giới. Ngày 30.04.1975, Cộng sản chiếm Miền Nam, âm thầm nhưng lập tức, xóa bỏ nền Giáo dục này. Như chúng tôi thường đọc, qua ‘thông tin xa lộ’, nhiều quý vị đồng bào thường nhắc ‘Nền Giáo dục nào, chế độ đó. Lúc đó, thật tội nghiệp cho các cô, thầy dạy Văn, Sử địa và Công dân giáo dục. Có bạn nói với tôi là ‘Họ mất dạy’. Không có nghĩa là ‘du đảng’ mà do chế độ lật ngược sự thật… nhức đầu, họ xin nghỉ dạy…
45 năm sau, đã hai thế hệ người Việt, ngày 17.06.2020, VOA Tiếng Việt cho biết : « Một khảo sát toàn cầu Chỉ số Nhận thức Dân chủ (DPI), cho thấy đại đa số người Việt, 81%, coi dân chủ là quan trọng và 71% những người được hỏi ở Việt Nam trả lời ‘đất nước của tôi có dân chủ’, 18% nói ‘không có đủ dân chủ ở đất nước tôi’ và 12% đáp chính phủ họ ‘thường hành động vì lợi ích của một nhóm nhỏ’. (khảo sát của Nhóm nghiên cứu Dalia Research, ở Berlin (Đức) và quỹ Liên minh Dân chủ (AoD) ở Đan Mạch ».
Hà Minh Thảo
Sức khoẻ là món qùa tặng châu báu của Trời cao ban cho mọi loài trong công trình sáng tạo thiên nhiên, trong đó có con người. Họ là triều thiên tuyệt đỉnh của công trình do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, tạo dựng nên.
Con người được Đấng Tạo Hóa trao cho bổn phận kính trọng gìn giữ bảo vệ sức khoẻ của chính mình, và đồng thời cho cả những chủng loại khác như đất đai, đồi núi, sống hồ biển cả, cây cỏ thảo mộc, các loài thú động vật trong công trình thiên nhiên.
Từ ngày đại dịch Covid 19 do vi trùng Corona lan tràn truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống nhân loại, con người sống trong khủng hỏang lo sợ càng phải quan tâm chú ý hơn đến sự cao qúi gía trị của sức khoẻ là món qùa tặng châu báu Trời cao ban cho.
Hơn khi nào hết, nhân loại lúc này trong cơn khủng hỏang bị đe dọa sức khoẻ, họ nhận rõ ra hơn biên giới mỏng mang giữa sức khoẻ và bệnh nạn. Hôm nay còn khoẻ mạnh. Nhưng không biết sau đó sẽ như thế nào. Và một khi đã bị nhiễm bệnh không biết sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần có được hồi phục trở lại như trước nữa không…
Hơn khi nào hết, lúc này toàn thể các quốc gia dân tộc hoàn cầu trong cơn sốt khủng hoảng, vì bị vi trùng đại dịch Corona truyền nhiễm đe doạ sức khoẻ, càng nhận ra rõ mối tương quan sự liên hệ toàn cầu với nhau. Vì vi trùng đại dịch Corona nhỏ li ty không biết đến biên giới địa lý mỗi đất nước do con người vạch định ra giữa nhau, không đếm xỉa gì đến thời gian năm tháng ngày giờ.
Nó như vô hình bay lây lan truyền nhiễm khắp nơi ở mọi chân trời góc biển. Vì thế các quốc gia lân bang cạnh nhau, có những chương trình gìn giữ bảo vệ chung, cùng nhau chống dịch, dập dịch, ngăn chặn tránh hết sức không cho vi trùng Corona bay lây lan truyền nhiễm người qua người sang đất nước bên cạnh.
Hơn khi nào hết, từ ngày vi trùng đại dịch Corona bùng nổ lan tràn ra từ hơn một năm nay, tùy theo khả năng có thể, mỗi quốc gia đất nước hằng lo lắng cấp bách đề ra những chương trình biện pháp vệ sinh y tế cụ thể lockdown siết chặt giao thương du lịch đi lại, để ngăn chặn không cho vi trùng bệnh dịch phát triển bùng phát vượt ra khỏi vòng kiểm soát.
Song song với những biện pháp Lockdown giới hạn sinh hoạt trong đời sống,
chính phủ các quốc gia còn đưa ra chương trình giúp đỡ cứu nguy nền kinh tế tài chính, để cho đời sống người dân trong xã hội đất nước được bảo đảm có an toàn, không bị chìm ngập trong chao đảo hỗn loạn tê liệt thiếu thốn yếu lả chết đói…
Hơn khi nào hết, trong cơn khủng hoảng bị đe doạ, một mặt nhân loại đi tìm theo phương pháp khoa học tự nhiên tìm chế biến phát triển thuốc chữa bệnh, thuốc chủng ngừa trị bệnh. Điều này rất cấp bách cần thiết. Và các nhà khoa học ngành y khoa đã đang gặt hái thành công phát triển chế tạo được thuốc chủng ngừa.
Một mặt khác phần thiêng liêng hướng tâm hồn lên trên Trời cao, xin Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống, Đấng là chúc lành cho mọi loài trong công trình thiên nhiên, ban ơn an ủi cứu giúp ban sức khoẻ chữa lành bệnh thể xác cũng như tinh thần con người đang chìm đắm trong khủng hoảng đời bị vi trùng bệnh đại dịch đe dọa hoành hành tàn phá.
Hơn khi nào hết, từ khi đại dịch vi trùng Corona lây lan đe dọa xâm chiếm mọi sinh hoạt đời sống con người, các sinh hoạt lễ nghi phụng vụ thiêng liêng tôn giáo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải ngưng đình trệ lại. Thánh đường, các nơi thờ tự, các địa điểm hành hương tôn giáo phải đóng cửa. Hội Thánh Công Giáo miễn trừ cho người tín hữu bổn phận hiện diện tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật ở thánh đường. Thay vào đó họ có thể tham dự thánh lễ phụng vụ qua trực tuyến truyền hình.
Hoặc nếu khi nào thánh đường nào được mở cửa cho sinh hoạt lễ nghi phụng vụ, cũng phải tuân giữ luật vệ sinh y tế theo luật chính phủ đề ra. Thế nên, ngày nay khi đi tham dự thánh lễ ở trong thánh đường không chỉ giới hạn số người đến tham dự, mà luật 5 K là quy luật tối thượng bó buộc mọi người phải tuân theo chặt chẽ: ( phải đeo) Khẩu trang - ( phải giữ) Khỏang cách ( 1,5 mét)- ( phải vệ sinh rửa tay) Khử trùng - ( phải ghi tên) Khai báo - và Không được hát.
Tất cả phải làm hết sức như có thể, để bảo vệ món qùa tặng gía trị châu báu là sức khoẻ đời sống của Trời cao ban cho nhân loại.
Ngày 11.02.1865 Đức Mẹ Maria đã hiện ra với thánh nữ Bernadette ở Lourdes bên nước Pháp. Và từ đó, hằng năm có trên dưới hàng triệu khách hành hương đến kính viếng hang đá Đức Mẹ Lourdes. Họ đến nơi đây để cầu khấn xin ơn phù hộ, nhất là xin được chữa lành bệnh tật đau khổ nơi thân xác cũng như trong tâm hồn.
Lối sống đạo đức bình dân này đã trở thành truyền thống hành hương đạo giáo từ hơn một trăm năm qua trong đời sống người tín hữu Chúa Kitô khắp hoàn cầu.
Lối sống đạo đức này biểu lộ chan chứa tâm tình lòng cậy trông vào Thiên Chúa qua nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ, mẹ Thiên Chúa, cũng là người mẹ thiêng liêng của con người, xin ơn phù hộ cứu giúp chữa lành bệnh cho có sức khỏe trở lại.
Năm 1993 đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô đệ nhị đã chọn ngày 11.02. hằng năm, ngày lễ kính Đức Mẹ Lourdes, là ngày cầu cho các bệnh nhận trên tòan thế giới.
Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô đã có thông điệp ngày Quốc tế bệnh nhân 11.02. 2021 với chủ đề:“ Anh em chỉ có một người Thầy, còn tất cả là anh em với nhau.“ ( Phúc âm Thánh Mattheo 23,8).
Chủ đề hướng dẫn tinh thần này nói lên sự tương quan liên đới giữa con người với nhau luôn luôn là nhu cầu cấp bách cần thiết, nhất là trong mùa bệnh đại dịch vi trùng Corona lúc này.
Con người lúc này đi ra ngòai nơi công cộng phải đeo khẩu trang bịt mũi và miệng, không chỉ để bảo vệ cho chính mình tránh không cho bị vi trùng bay lây nhiễm sang. Nhưng cũng là cung cách sống sự tương quan liên đới với những người khác: bảo vệ cho họ cũng không bị vi trùng đại dịch Corona lây lan truyền nhiễm sang nữa.
Và như thế là bảo vệ sức khoẻ cho nhau. Một việc làm tốt lành chan chứa bác ái tình người với nhau trong mọi hoàn cảnh đời sống.
Chúa Giêsu Kitô ngày xưa trên đường đi rao giảng nước Thiên Chúa đã ra tay làm nhiều phép lạ chữa khỏi những người bệnh cho họ có sức khoẻ trở lại, như phúc âm thuật lại ( Mc 5,25-34). Như thế Ngài quan tâm chú ý đến sự đau khổ bệnh nạn sức khoẻ đời sống khó khăn của con người.
Là tín hữu sống theo chân Chúa Giêsu Kitô, cũng phải có nếp sống chú ý quan tâm đến những người khác, cùng giúp bảo vệ sức khoẻ cho nhau. Sống gần nhau, nhưng giữ khoảng cách khi gặp nhau.
Ngày quốc tế cầu nguyện cho các bệnh nhân 11.02.2021 mời gọi mọi người suy nghĩ về cung cách sống mới tình tương quan liên đới giữa con người với nhau, cùng gìn giữ bảo vệ sức khoẻ đời sống, món qùa tặng gía trị châu báu Trời cao ban cho nhân loại.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Én về trông rất lạ,
Chưa kịp báo tin xuân,
Đà bay đi vội vã,
Người ở lại bâng khuâng…
Hoa không thèm chớm nụ
Cành mai xanh lá non,
Vài nụ tàn héo ngủ,
Hoa rơi rụng vẫn còn !
Vẫn con đường ngập nắng,
Vẫn gió quyện bờ đê,
Ngõ nhà ai trống vắng,
Vì mẹ ngóng em về !
Chưa về sao đi mãi?
Biết đợi đến khi nào?
Xin mùa xuân ở lại,
Để lòng vẫn nôn nao !
Để lại nghe én gọi,
Để cúc lại vàng hoa,
Để mai vàng rực chói,
Và để…
Mắt mẹ thôi nhạt nhòa !
Sơn Ca Linh (9.2.2021)
Bò Texas nổi tiếng nhất là những con “Texas Longhorn” (bò sừng dài). Mặc dù nổi tiếng “như cồn” đến nỗi không ai ở Texas mà không biết đến, nhưng đã có mấy ai nhìn thấy chúng bằng da bằng thịt chưa nhỉ? hay là chỉ biết qua hình ảnh, tượng đài hoặc huyền thoại mà thôi!
Thực ra, đó là một loại bò được ông Christopher Columbus đem theo để gầy giống sau khi khám ra Tân Thế Giới Mỹ Châu.
Vì con bò Longhorn này là giống được gầy dựng ở Tân Thế Giới, cho nên phải cho nó một cái danh hiệu là ‘Tân Thế Giới Ngưu’, hay nói gọn ghẽ hơn là ‘Tân Sửu” thì mới hợp tình hợp lý!
Cái đặc điểm cuả con Tân Sửu Longhorn là nó có hai cái sừng dài lắm, đo từ dầu này qua đầu nọ dài hơn 100 inches (254cm, 2 thước rưỡi), cặp dài nhất đã đo được 127.4 inches (323cm, 3 thước 2)
Khoa Sinh vật học đã có công tìm ra giòng dõi cuả con Tân Sửu Longhorn này. Chúng thuộc một giống bò cổ xưa có gốc từ Ấn Độ, rồi lan qua các vùng Trung Đông và Âu châu cho đến tận Tây Ban Nha, gọi chung là giống aurochs. Loại bò này có sừng dài, được dân Ấn coi như thần, được thần thoại Hi Lạp kể rằng ông thần Jupiter hay đội lốt cải trang, được dân Do Thái lấy sừng làm tù và thổi kèn thúc quân và làm bình chứa dầu thánh phong vương. Cái hàm cuả nó cũng được ông Samson dùng làm khí giới đánh đuổi cả một đạo quân Philitin!
Con Longhorn cuả Texas có 15% gốc auroch từ Ấn Độ, 85% còn lại là lai giống với những chủng loại nội địa khác.
Qua nhiều thế kỷ, những con Longhorn xổng chuồng đã trở thành một loại bò hoang ở vùng đồng cỏ mênh mông cuả Texas. Chúng sinh nở nhanh chóng nhờ chịu được khí hậu khô cháy và có thể tự vệ chống lại các loài dã thú dữ tợn như lang sói.
Khi người da trắng đến Texas lập nghiệp, họ đã lai giống bò hoang với các loại bò thịt nổi tiếng khác. Việc chăn nuôi thời đó dựa theo thể thức như sau, là sau khi đã đóng dấu chủ quyền rồi, người ta thả bò ra miền đồng cỏ hoang vu để mặc cho chúng sinh sôi nẩy nở. Khi muà Xuân đến, trại chủ thuê cowboys đi luà bò về theo dấu ấn cuả mình, lúc đó các con bê đang đi theo bú mẹ cũng bị ông chủ nhận vơ lấy làm cuả mình và bị đóng dấu chủ quyền. Đàn bò sẽ được lựa lọc, con thì để bán làm thịt, con thì để làm giống và thả ra cho đến năm sau. Sau mỗi năm như vậy, đàn bò do “Trời sinh Trời dưỡng” được tăng lên cấp số nhân, làm giàu cho các ông chủ mà hằng ngày chẳng phải bỏ ra một chút công lao khó nhọc nào.
Sau cuộc Nội Chiến (1861-1865), nhu cầu thịt bò ở miền Bắc thì cao và giá bò ở Texas thì thấp (vì sau 4 năm số bò đã tăng trội mà không có thị trường) đã tạo ra một cơ hội kinh doanh lớn. Vào năm 1866, nếu có ai mua một con bò Longhorn từ Texas với giá là 4 đô mà đưa lên Kansas thì sẽ bán được 40 đô, 1 ăn 10. Do đó phong trào luà bò lên Kansas trở thành rầm rộ kéo dài gần 20 năm trời.
Nhưng không phải ai ai cũng thoải mái với việc những đàn bò đầy ve (ticks) đi ngang qua nhà cuả mình và gây lây nhiễm cho đàn gia xúc, cho nên các thành phố ở dọc đường đã tìm cách ngăn cản không cho đi qua. Ngay cả trước khi có Nội chiến, vào năm 1853, nông dân ở Missouri đã lập ra những đội dân quân tự vệ để đánh đuổi những người chăn bò và vào năm 1859 thì hầu hết các quận cuả Missouri đã đặt ra ngoài vòng pháp luật việc luà bò đi ngang. Cho nên sau khi hoà bình trở lại, việc luà bò từ Texas đi lên Kansas đã phải đổi hướng qua các miền hoang vu ở phiá Tây, tức là đi qua Oklahoma, lúc đó còn là đất cuả người Da Đỏ.
Việc luà bò thường xảy ra vào muà Xuân khi trời bắt đầu mưa và cỏ non bắt đầu mọc. Giống như mọi hoạt động viễn du liên hệ đến thú vật ngày xưa, kể cả các cuộc viễn chinh dùng ngựa thì phải đợi muà Xuân mới xuất phát được, công việc luà bò xuyên bang từ Texas cũng bắt đầu vào muà Xuân và đồng thời lợi dụng những ngày dài cuả tháng 6 để có thể dẫn bò đi xa hơn mỗi ngày.
Nhưng muà Xuân thì hay mưa, các con suối nhỏ có thể trở thành giòng sông lớn hoặc gây lũ lụt bất ngờ, thêm vào đó hoạt động săn bắn cuả những bộ lạc Da Đỏ sống ở Oklahoma cũng bị trở ngại, cho nên những người luà bò, ngoài việc chiến đấu với thiên nhiên, lại phải nộp tiền mãi lộ cho các bộ lạc Da Đỏ để được an toàn.
Con đường luà bò đầu tiên có tên là The Chisholm Trail (đường mòn Chisholm), do ông Jesse Chisholm, một người lai Da Đỏ, xử dụng để vận chuyển hàng hoá và xúc vật cho công việc kinh doanh cuả ông với các đồn bót khác nhau dọc theo biên giới miền Tây.
Vào năm 1866, một lái buôn tên là O. W. Wheeler đã mạo hiểm sử dụng con đường mòn cuả Jesse Chisholm để luà 2.400 con bò từ Texas tới Abilene, Kansas cho một hãng thịt mới mở là hãng McCoy. Cuộc hành trình kéo dài 2 tháng trời cực khổ nhưng thành công. Đây là nhóm bò đầu tiên cuả một tổng số 5 triệu con sẽ đi theo lộ trình này.
Ngày nay bên cạnh toà thị chính cuả Dallas, nơi từng là một trạm nghỉ cuả Chisholm Trail, người ta đúc hơn 100 con bò bằng đồng to như thật để kỷ niệm sự kiện lịch sử chăn bò ở đây. Mỗi khi có khách tới thăm Dallas, chúng tôi vẫn thường dẫn tới đây (địa chỉ là Chisholm Trail Cattle Drives) để mà có dịp “khoe khoang” về… sự tích con Bò!
Câu chuyện chăn bò không kết thúc với sự mai một cuả Chisholm Trail, từ năm 1876 một con đường mới tên là Texas Trail đã thay thế Chisholm Trail và tồn tại cho đến năm 1884, tới lúc đó thì các trang trại tư nhân đã được phép thành lập và người ta bắt đầu rào đất không cho xúc vật đi lang thang như ngày xưa nữa.
Cả hai con đường mòn nói trên đã là phong cảnh cho nhiều cuốn phim cowboys miền Tây đầy màu sắc cuả Hoa Kỳ, nổi tiếng nhất là những phim Red River và The Cowboys do tài tử John Wayne thủ vai chánh.
Khi vùng đồng cỏ cuả Texas được tư hữu hoá với những nông trại (farm) và trang trại (ranch), thì loại thịt dai cuả bò Longhorn cũng không cạnh tranh nổi với loại thịt mềm cuả bò nuôi được nữa cho nên con Tân Sửu này từ từ suy thoái. Ngày nay chúng sở dĩ còn tồn tại được nhờ vào sự bảo vệ cuả Sở Kiểm Lâm (United States Forest Service). Chúng được bảo tồn trong khu lâm viên Wichita Mountains Wildlife Refuge, gần thành phố Lawton, Oklahoma.
Người ta còn nhớ đến chúng vì trường đại học University of Texas ở Austin lấy cái sừng dài làm biểu hiệu cho đội banh nổi tiếng cuả họ.
Nhưng mới đây một phong trào nuôi bò Longhorn lại được khơi dậy và trở nên sôi nổi. Công đầu là cuả một trang chủ tên là Charlie Schreiner III. Năm 1957 ông mua 5 con bò cái và một con bò đực, mỗi con với giá rẻ mạt là 75 đô từ Wichita Mountains Wildlife Refuge, để gây giống trong trang trại cuả ông, mục đích là để tưởng nhớ đến công lao cuả người ông nội đã sáng lập ra trang trại có tên là Y O này.
Nhiều trang chủ khác cũng lần lượt nhập bọn và thi đua gây giống Longhorn, họ thành lập ra một hội gọi là the Texas Longhorn Breeders Association of America (Hội gây giống Longhorn cuả Mỹ Châu).
Để quảng bá cho hội, năm 1966 ông Charlie tổ chức một pha ‘luà bò’ (cattle drive) từ San Antonio, Texas đi tới Dodge City, Kansas để kỷ niệm 100 năm Chisholm Trail. Khi đi qua con sông Red River, là biên giới giữa Texas và Oklahoma, ông đã thuê người Da Đỏ đóng kịch tấn công đàn bò cho có vẻ thật…Cuộc tấn công ‘có vẻ như thật’ ấy đã giống thật quá sức, đến nỗi đàn bò bị hoảng loạn chạy tứ tung ra khắp phố phường làng xóm. Tội nghiệp cho đám cowboys ‘giả’ phải mất công săn đuổi trên 4 giờ dài mới thu quân xong.
Cái cảnh tượng dân chúng lũ lượt kéo nhau đi xem cuộc “bắt bò lạc” và tung hô Bò vang dội mỗi khi có một “em bò” thơ ngây thoát khỏi cảnh bao vây cuả đám cowboys vừa vất vả, vừa mồ hôi nhuễ nhoại, lại vừa có những bộ mặt cực kỳ âm mưu…đã trở thành nguồn hứng khởi cho một phong trào dân giả coi cuộc sống chăn bò là thi vị!
Có lẽ vì vậy mà trường đại học Texas Tech ở Lubbock, vào năm 1976, xin ông Charlie lập lại cuộc ‘luà bò’ một lần nữa để khai mạc cho cơ sở National Ranching Heritage Center cuả họ (trung tâm Di sản quốc gia về Trang Trại).
Và hơn thế nữa, vào năm 1995, quốc hội cuả Texas tạo ra một danh dự mới toanh, tuyên bố con bò Longhorn là “quí vật loài có vú” của Tiểu Bang (State mammal).
Cũng nhờ thế mà giá bò Longhorn trở thành “đắt như tôm tươi”. Vào đầu thế kỷ 21 một con Longhorn chính gốc đã có giá là 40 ngàn đô. Vào tháng 3 năm 2017, một con bò nái tên là 3S Danica và con bê đầu lòng cuả nó đã được bán đấu giá với một số tiền kỷ lục là 380 ngàn đô! Đúng là “tiền vào như nước!”
Không biết qua năm Tân Sửu mới này, là năm ‘cầm tinh’ cuả con Longhorn, thì giá trị cuả loại bò này sẽ phải như thế nào nhỉ?
Chắc sẽ phải là “tiền vào như nước lũ” đấy! Âu đó cũng là lời chúc năm mới cho tất cả quí vị độc giả vậy!
1. Báo cáo của Cảnh sát Liên bang Úc cho thấy câu chuyện Hồng Y Becciu gởi tiền sang Úc hại chết Hồng Y Pell hoàn toàn hoang đường.
Hôm thứ Tư 3 tháng Hai, Cảnh sát Liên bang Australia cho biết họ không tìm thấy bất cứ hành vi sai trái hình sự nào trong cuộc điều tra về việc chuyển tiền từ Vatican đến Australia.
Cảnh sát liên bang Úc, gọi tắt là AFP, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 3 tháng 2 rằng “không có hành vi phạm tội nào được xác định cho đến nay.”
AFP khẳng định tất cả số tiền chuyển ngân được sử dụng cho các chi phí hợp pháp, chẳng hạn như đi lại, tiền lương và trả lương hưu.
Đến đây đã hoàn toàn rõ ràng rằng câu chuyện Hồng Y Becciu gởi tiền sang Úc hại chết Hồng Y Pell là hoàn toàn hoang đường.
Ngày 7 tháng 4 năm ngoái, 2020, Tối Cao Pháp Viện Úc, bao gồm bảy thẩm phán, đã đồng thanh nhất trí Đức Hồng Y Pell vô tội trong trò cáo gian lạm dụng tính dục, đồng thời mạnh mẽ phê phán phán quyết của các tòa dưới. Đức Hồng Y liền được ra tù ngay lập tức, sau 400 ngày bị giam giữ.
Các thế lực thù địch thù hận đức tin Công Giáo tại Úc vẫn chưa nản chí trong cố gắng bôi nhọ Giáo Hội Công Giáo.
Ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã buộc Hồng Y Becciu từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ liên quan đến vụ mua bán bất động sản tại Luân Đôn.
Sau khi bị buộc phải từ chức, Đức Hồng Y Becciu lập tức bị rơi vào tầm ngắm: Câu chuyện Hồng Y Becciu gởi tiền sang Úc hại chết Hồng Y Pell bắt đầu được dàn dựng.
Họ tung tin giả ngay tại Thượng Viện Úc về các vụ chuyển ngân đáng ngờ từ Vatican sang Australia trong thời gian có vụ xét xử Đức Hồng Y Pell với thâm ý vu cáo cho Đức Hồng Y Becciu và chung cuộc là sỉ nhục Giáo Hội Công Giáo.
Hơn thế nữa, những kẻ nghĩ ra mưu độc này là những kẻ cực kỳ hiểm ác. Sau những kỳ đóng cửa dài hạn các nhà thờ vì đại dịch coronavirus, ngân sách của từng giáo xứ, giáo phận, và Tòa Thánh đã rất thê thảm. Tung ra tin giả các Hồng Y lấy tiền các tín hữu dâng cúng để hãm hại lẫn nhau là đòn chí tử đánh vào một Giáo Hội đã tơi tả vì coronavirus.
Trong phiên điều trần của ủy ban Thượng viện Úc vào ngày 20 tháng 10, giám đốc điều hành Trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch Úc, gọi tắt là AUSTRAC, là bà Nicole Rose, đã được hỏi về các cáo buộc rằng quỹ của Giáo hội đã được gửi đến Úc theo lệnh của Hồng Y Becciu với mục đích ảnh hưởng đến phiên tòa xét xử của Hồng Y George Pell về tội lạm dụng tình dục.
Thượng nghị sĩ Concetta Fierravanti-Wells đã hỏi Rose về các báo cáo chuyển tiền “được cho là từ quỹ của Vatican cho một người hoặc nhiều người ở Úc.”
“Có, tôi có thể xác nhận AUSTRAC đã xem xét vấn đề và chúng tôi đã cung cấp thông tin cho Cảnh sát Liên bang Úc và Cảnh sát Victoria,” Rose nói với Ủy ban Hiến pháp và Pháp chế Sự vụ.
Theo tờ The Australia, AUSTRAC đã thông báo với Thượng viện Australia về một “đánh giá chi tiết” liên quan đến khoảng 1.8 tỷ Mỹ Kim, tức là 2.3 tỷ Úc Kim đã được chuyển từ Vatican đến Australia trong khoảng 47,000 lần chuyển tiền riêng biệt kể từ năm 2014.
Tòa Thánh làm gì có nhiều tiền như thế. Do đó, Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính của Vatican, gọi tắt là ASIF, đã làm việc với AUSTRAC. Kết quả cuối cùng là chỉ có 362 lần chuyển tiền từ Vatican đến Úc từ năm 2014 đến năm 2020, chứ không phải là 47,000 lần chuyển tiền; và số tiền chỉ lên đến 7.4 triệu Mỹ Kim tức là 9.5 triệu Úc Kim mà thôi, chứ không phải là 2.3 tỷ Úc Kim.
Hôm thứ Tư 13 Giêng, tờ The Australian cho biết Cơ Quan Giám Sát Tội Phạm Tài Chính của Úc đã phải nhìn nhận họ đã tính toán quá sai sự thật các khoản chuyển ngân của Vatican; và giải thích việc tính toán sai lầm kinh hoàng này là do “computer coding error”, nghĩa là do lỗi của thảo chương điện toán. Những ai có chút kiến thức điện toán đều hiểu rằng lỗi thảo chương điện toán, nếu có, phải có tính chất đại trà, sai lầm với nhiều người chứ không thể nào chỉ nhắm vào Vatican mà sai lầm!
Source:Catholic News Agency
2. Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer: Bảo vệ đạo lý Công Giáo luôn là điều cần thiết
Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF, đã nhấn mạnh nhiệm vụ của Giáo Hội Công Giáo là quảng bá và bảo vệ đạo lý Công Giáo chân thực như các Tông đồ đã truyền lại.
Phát biểu với Vatican News hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, lưu ý rằng “điều trước đây được gọi là ‘quan tâm đến đạo lý ngay chính’ đã tồn tại trước khi CDF được thành lập vào năm 1542 và có nguồn gốc từ Tân Ước.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là quảng bá và bảo vệ đạo lý đức tin. Một nhiệm vụ sẽ luôn luôn cần thiết trong Giáo hội, trong đó bao gồm nhiệm vụ truyền bá giáo huấn của các Tông đồ cho các thế hệ mới”, Đức Hồng Y nói trong cuộc phỏng vấn ngày 1 tháng 2.
Đức Hồng Y Ladaria lưu ý rằng “cách thức cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này đã thay đổi qua nhiều thế kỷ và chúng ta có thể nghĩ rằng nó sẽ lại thay đổi nữa. Nhưng mối quan tâm về sự trung thành với đạo lý của các Tông đồ sẽ luôn luôn được duy trì”.
Khi được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Tam vào năm 1542, Bộ này được gọi là Thánh Bộ Tối Cao Về Pháp Tòa Điều Tra Tại Roma Và Hoàn Vũ, với trách nhiệm là tòa phúc thẩm cuối cùng trong các phiên tòa xét xử tội dị giáo.
Đức Hồng Y Ladaria nhận xét rằng CDF “không còn là Tòa án Dị giáo” và “Danh mục các sách cấm không còn tồn tại.”
Thánh Bộ về các sách cấm trước đây là một Bộ trong Giáo triều La Mã, có nhiệm vụ công bố Danh Mục Các Sách Cấm (Index Librorum Prohibitorum). Đó là một danh sách các ấn phẩm bị đánh giá là vô luân hoặc dị giáo. Danh Mục Các Sách Cấm cuối cùng được công bố vào năm 1948, và chính thức bị bãi bỏ vào năm 1966.
Vị tổng trưởng CDF giải thích rằng quá khứ của Bộ, đôi khi được gọi là Thánh Bộ, “vẫn còn nặng nề, bởi vì chúng tôi không phải lúc nào cũng nhận ra những thay đổi sâu sắc đã diễn ra trong Giáo hội và Giáo triều Rôma trong thời gian gần đây”.
Ngài nhấn mạnh: “Sứ mệnh của chúng tôi là phổ quát, ngay cả khi công việc của chúng tôi diễn ra chủ yếu ở Rôma. Các tài liệu của chúng tôi là dành cho Giáo hội hoàn vũ, và những quyết định chúng tôi phải đưa ra hàng ngày, trong phạm vi khả năng của mình, rất ít khi liên quan trực tiếp đến Rôma”.
Đức Hồng Y Ladaria nói rằng đôi khi nhiệm vụ của các nhân viên CDF buộc họ phải ra ngoài Rôma, chẳng hạn như khi họ đi dự các cuộc họp với các ủy ban giáo lý của các Hội Đồng Giám Mục. CDF cũng thường xuyên có các cuộc gặp gỡ với các giám mục trong các chuyến đi ad limina của các ngài đến Rôma, diễn ra 5 năm một lần, để gặp Đức Giáo Hoàng và cầu nguyện tại mộ phần hai Thánh Phêrô và Phaolô.
Ngài nói: “Những cuộc gặp gỡ này có tầm quan trọng lớn, và chúng tốn rất nhiều thời gian và năng lượng”.
Source:Catholic News Agency
3. Phải chăng Hồng Y Cupich đang được điều sang Vatican?
Vào ngày 30 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, người đang ở Rôma để dự cuộc họp của Bộ Giám mục Vatican.
Phòng Báo Chí Tòa Thánh không công bố bất kỳ thông tin nào về cuộc họp, ngoài việc cho biết là cuộc gặp gỡ đã diễn ra, và phần lớn báo chí phỏng đoán rằng cuộc họp có lẽ là để thảo luận về những gì đã xảy ra 10 ngày trước, khi Đức Hồng Y công khai chỉ trích tuyên bố chính thức của các giám mục Hoa Kỳ vào ngày lễ nhậm chức Tổng thống của ông Joe Biden. Đáp lại, nhiều Giám Mục đã lên tiếng công khai ủng hộ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ như một hình thức phản đối Hồng Y Cupich.
Nhưng các nguồn tin ở Rôma đã nói chuyện với CNA rằng Hồng Y Cupich gặp Đức Giáo Hoàng không phải để nói về những gì đã xảy ra trong quá khứ gần đây, mà là những gì có thể xảy ra trong tương lai gần: Hồng Y Blase Cupich sẽ thay thế Đức Hồng Y Marc Ouellet làm Tổng trưởng Bộ Giám mục.
Theo một nguồn tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã “nghiêm túc xem xét việc bổ nhiệm một cách bất ngờ, một giám mục từ ngoại vi” để thay thế Đức Hồng Y Ouellet, một trong số những người đứng đầu các cơ quan trung ương Vatican đã đến tuổi nghỉ hưu.
Nguồn tin tương tự cho biết ứng cử viên có khả năng cao nhất là Đức Cha Robert Francis Prevost, một nhà truyền giáo dòng Augustinô sinh tại Chicago, người gốc Pháp và Tây Ban Nha, là người đã dành một phần lớn cuộc đời mục vụ của mình ở dãy núi Andes phía Bắc Peru trước khi được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Giám mục Chiclayo, Peru. Vào năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã bổ nhiệm Đức Cha Prevost trở thành một trong số ít các thành viên không phải là Hồng Y của Bộ Giám mục vào tháng 11 năm 2020.
Tuy nhiên, theo nguồn tin, Giáo hoàng đã bắt đầu nghiêng về Hồng Y Cupich nhiều hơn vì thế giá cao hơn của ngài và vì “thông điệp mà việc bổ nhiệm của ngài sẽ mang lại liên quan đến mô thức giám mục mà ngài muốn cho Giáo hội”.
Trách nhiệm chính của Bộ Giám mục là giám sát việc tuyển chọn và bổ nhiệm các giám mục. Bộ này cũng đề cập đến việc xây dựng và giải thể các giáo phận, giám sát các giám mục, và chuẩn bị cũng như đáp ứng các chuyến thăm ad limina của các giám mục tới Rôma.
Tổng trưởng Bộ Giám mục không có quyền hạn vô hạn trong việc bổ nhiệm giám mục. Thay vào đó, quy trình bổ nhiệm một giám mục thường bắt đầu với một loạt các cuộc tham vấn ở cấp địa phương, kế đó Sứ thần Tòa thánh đưa ra các khuyến nghị. Sau đó, một hồ sơ được chuẩn bị, thường là bởi các quan chức của Bộ Giám Mục, và được thảo luận giữa tất cả các thành viên của Bộ, với sự chủ trì của Tổng trưởng. Quy trình có thể trở lại Tòa Sứ thần Tòa thánh nếu không tìm được ứng viên thích hợp. Cuối cùng, một cái tên hoặc những cái tên được đề xuất cho Đức Thánh Cha, là người bổ nhiệm giám mục tương lai.
Một nguồn tin nhấn mạnh với CNA rằng dù sao thì vị Tổng trưởng Bộ Giám Mục có ảnh hưởng đáng kể.
“Tổng trưởng Bộ Giám Mục không chỉ có vai trò quan trọng trong quá trình này (chỉ định một giám mục,) mà còn là một trong số ít các thành viên của Giáo Triều Rôma gặp gỡ Đức Thánh Cha thường xuyên, hầu như mỗi thứ bảy”.
Đức Hồng Y Ouellet, người trước đây là Tổng giám mục của Quebec, là một giám mục với một bản lý lịch giáo hội đáng nể phục. Là thành viên của Hiệp hội các Linh mục Xuân Bích, ngài là giáo sư thần học, nhà truyền giáo ở Colombia, và thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Quebec - và do đó là Giáo chủ Công Giáo Canada - bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2002.
Đức Hồng Y Ouellet được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục vào năm 2010. Với tư cách là tổng trưởng Bộ Giám Mục, ngài nghiễm nhiên trở thành chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh. Vị Hồng Y người Canada nói thông thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Ý đã đạt tuổi nghỉ hưu truyền thống là 75 vào tháng 6 năm 2020.
Hồng Y Blase Cupich, một linh mục được thụ phong tại Tổng giáo phận Omaha, Nebraska, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm để kế vị Đức Cha Charles Chaput lãnh đạo Giáo phận Rapid City, Nam Dakota vào năm 1998.
Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm giám mục Spokane. Năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Francis George với tư cách là Tổng giám mục của Chicago và đặt Giám Mục Cupich là người kế vị.
Sự nghiệp giám mục của Hồng Y Cupich không phải là không có tranh cãi.
Tại Rapid City, trước khi có Tông thư dưới dạng Tự sắc Summorum Pontificum vào năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, Đức Cha Cupich đã cấm trẻ em không được Thêm sức hay là Rước lễ lần đầu trong một Thánh lễ như vậy. Ngài cũng cấm một cộng đoàn theo nghi lễ Latinh truyền thống không được cử hành Tam Nhật Thánh theo sách lễ năm 1962.
Tại Spokane vào năm 2011, Đức Cha Cupich đã yêu cầu các linh mục và chủng sinh trong giáo phận của mình không được tham gia biểu tình trước các phòng khám của tổ chức phá thai Planned Parenthood, cũng không được ủng hộ chiến dịch phò sinh “40 Ngày cho Cuộc sống”. Để đối phó với sự náo động phản đối của các tiếng nói phò sinh, giáo phận đã ban hành một tuyên bố minh định rằng “Đức Giám Mục nhìn nhận rằng một linh mục có lương tâm ngay lành có thể cảm thấy cần phải tham gia vào các buổi canh thức và ngài không bao giờ bị buộc phải làm ngược lại lương tâm ngay chính và được hình thành tốt của mình. Đức Giám Mục chỉ yêu cầu tất cả các linh mục thành tâm suy ngẫm về những gì ngài đã nói với họ, cam kết thực hiện việc giảng dạy một cách hữu hiệu ưu tiên hàng đầu và luôn ghi nhớ sức mạnh không gì thay thế được của chứng tá hiệp nhất giữa họ với nhau”.
Người ta vẫn chưa biết làm thế nào mà Giám mục Spokane lúc đó lại thu hút được sự chú ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng Đức Phanxicô đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Đức Cha Cupich rõ ràng là khá nhanh chóng. Dư luận rộng rãi ở Hoa Kỳ là Đức Cha Cupich được Theodore McCarrick tiến cử, đó là điều Đức Cha Cupich luôn bác bỏ.
Năm 2015, Đức Phanxicô đề cử Đức Cha Cupich tham gia Thượng hội đồng Giám mục sau khi ngài không được Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) bầu vào thượng hội đồng. Tại thượng hội đồng, ông ủng hộ đề xuất gây tranh cãi về việc cho phép Rước lễ, trong một số trường hợp hạn chế, cho những người đã ly hôn và tái hôn dân sự. Sau Thượng hội đồng, tông huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô đã thu hút sự chỉ trích và bối rối về những gì được coi là thiếu rõ ràng về vấn đề này.
Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Cupich là thành viên của Bộ Giám mục. Việc bổ nhiệm này được coi là một động thái để thay thế Hồng Y Raymond Burke. Đức Hồng Y Burke đã không được gia hạn tư cách thành viên.
Cuối năm đó, Đức Tổng Giám Mục Cupich được phong làm Hồng Y. Ngay sau khi được thăng chức, Đức Giáo Hoàng đã giao cho ngài một số sứ mệnh, và công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với các quan điểm thần học và mục vụ của Đức Cha Cupich. Vị Tổng Giám Mục này được đặc biệt yêu cầu đi đầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy tông huấn Amoris Laetitia tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, việc Đức Thánh Cha Phanxicô ưa chuộng ngài chưa bao giờ được phản ánh trong Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nơi ngài đã phục vụ trong một số ủy ban, nhưng luôn luôn bị đánh bại một cách có hệ thống trong mọi cuộc bầu cử hoặc trong các đề xuất lớn.
Theo các nguồn tin do CNA tham khảo, nếu Đức Hồng Y Cupich thực sự lãnh đạo Bộ Giám mục, Giám mục Robert McElroy của San Diego, người sẽ bước sang tuổi 67 vào ngày 5 tháng 2, là ứng cử viên có nhiều khả năng trở thành người kế nhiệm Đức Hồng Y Cupich ở Chicago.
Source:Catholic News Agency
1. Làn sóng ám sát mới của Taliban ở Afghanistan
Các nhà báo, học giả tôn giáo, các nhà hoạt động và thẩm phán đều đã trở thành mục tiêu trong một làn sóng ám sát chính trị gần đây, đã làm lan rộng sự hoảng sợ trên khắp Afghanistan và buộc nhiều người phải lẩn trốn - thậm chí một số người còn bỏ trốn khỏi đất nước. Các vụ giết người đã gia tăng kể từ khi các cuộc đàm phán hòa bình được khởi động vào năm ngoái giữa chính phủ Afghanistan và Taliban – trong nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột.
Quốc gia này đã chứng kiến ít nhất 180 vụ giết người được Taliban thực hiện từ tháng Chín. Các nhà báo, các nhà hoạt động và thẩm phán đều đã trở thành mục tiêu. Làn sóng ám sát chính trị đã buộc nhiều người phải lẩn trốn hay rời bỏ đất nước. Người ký giả này đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ sau những lời dọa giết ngày càng nhiều.
Ký giả Afghanistan, Nusrat Parsa, nói:
“Cả tôi cũng sẽ bị ám sát nên tôi đến Tòa Đại Sứ Thổ Nhĩ Kỳ và họ cấp cho tôi và gia đình một visa tức khắc trong vòng 2 ngày. Tôi đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và vẫn còn ở đây. Nếu tôi không đến đây, có lẽ tôi đã bị ám sát. Vì các đe dọa đã tồn tại, tôi cố bảo vệ chính tôi. Tôi đã từng gặp gỡ nhà cầm quyền nhiều lần nhưng chính phủ không giúp gì được, lúc đó tôi đàng phải ra đi”.
Các vụ giết hại đã gia tăng từ sau khi các cuộc hòa đàm bắt đầu với Taliban vào năm ngoái.
Theo Davood Maradian, nhà phân tích chính trị của Afghanistan:
“Taliban có hai mục tiêu: thứ nhất, về mặt chiến lược, nó sẽ làm suy yếu thêm nhà nước Afghanistan. Và bằng cách làm suy yếu nhà nước Afghanistan, Taliban sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu tối hậu của nó là lật đổ trật tự hợp hiến hiên nay.”
Nhiều nhà chuyên môn phụ nữ đã bị đe doạ sau các đòi hỏi cho quyền lợi của phụ nữ được đưa ra trong các cuộc hòa đàm. Tuy nhiên, không phải tất cả đều muốn rời khỏi quê hương.
Nữ ký giả Anisa Shaheed của tờ ToloNews nói:
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời bỏ quốc gia. Như tôi từng nói, chúng tôi là một quốc gia đang trong thời chiến. Chúng tôi là một thế hệ sống trong chiến tranh. Chúng tôi được sinh ra trong chiến tranh. Chúng tôi lớn lên trong chiến tranh. Chúng tôi học hành giữa chiến tranh và chúng tôi sẽ làm việc trong chiến tranh. Tôi nghĩ là không đúng nếu tôi rời bỏ đất nước vì bị đe dọa. Nếu tôi bỏ đi, chuyện gì sẽ xảy ra cho các đồng nghiệp của tôi.”
Source:AFP
2. Linh mục Dòng Tên James Martin đi quá xa trong bộ phim mô tả Chúa Giêsu là người đồng tính
Cuốn phim tài liệu “Wonderful Made” cho thấy linh mục Dòng Tên James Martin đã đi quá xa trong một cố gắng mô tả Chúa Giêsu là người đồng tính.
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường thuật nhan đề “Documentary depicts ‘LGBT Jesus,’ highlights Catholic dissenters”, nghĩa là “Phim tài liệu mô tả ‘Chúa Giêsu LGBT’, đánh bóng tên tuổi những người Công Giáo bất đồng chính kiến”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một bộ phim tài liệu sắp tới nhằm mục đích đánh bóng hình tượng Công Giáo của những người tự nhận là LGBT sẽ miêu tả Chúa Kitô là “một người đồng tính hoặc đồng minh của cộng đồng LGBTQ+”. Bộ phim sẽ có sự xuất hiện của linh mục Dòng Tên James Martin, cũng như những người Công Giáo bất đồng chính kiến, những người từ chối giáo huấn của Giáo hội và hô hào Giáo Hội phải ban “hôn nhân bí tích” cho các cặp đồng tính.
Bích chương quảng cáo cho bộ phim “Wonderful Made” đã vẽ một cây thánh giá với một giải băng cầu vồng được treo trên đó. Nơi chỗ vẫn thường đặt 4 chữ viết tắt tiếng Latinh INRI, có nghĩa là “Chúa Giêsu thành Nazareth, Vua dân Do Thái”, người ta viết “LGBTQ+”, là từ viết tắt bao gồm đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, đồng tính/nghi vấn giới tính và hơn thế nữa. Nói cách khác, những kẻ này bác bỏ Chúa Giêsu thành Nazareth, là “Vua dân Do Thái”, là “Vua trên hết các vua”, mà chỉ đơn giản xem Ngài là một người đồng tính.
Khẩu hiệu bên dưới bích chương viết:
“Ngay cả những người bị từ chối cũng được tạo ra một cách tuyệt vời”. Một tấm bích chương khác cho bộ phim này vẽ một người đàn ông đang cầu nguyện trong chiếc khăn choàng của người chăn cừu, được thắp sáng với các màu sắc của cầu vồng. Phim dự kiến ra mắt vào năm 2021.
Đạo diễn của bộ phim tài liệu, Yuval David, một người đàn ông theo Do Thái Giáo kết hôn đồng tính về mặt dân sự với một người đàn ông Công Giáo, đã huênh hoang tuyên bố bộ phim này là “điều gì đó chưa từng có”.
“Nó ghi lại việc tạo ra các hình tượng độc đáo bao gồm Công Giáo và LGBTQ + thông qua nghệ thuật ảnh tinh vi trong đó tái tạo hình ảnh Chúa Giêsu như một người đồng tính hoặc đồng minh của cộng đồng LGBTQ+”, ông ta nói trong một bài luận ngày 24 tháng 12 đăng trên Out, một tạp chí về văn hóa và phong cách LGBT.
“Các phản ứng của những người được phỏng vấn trong bộ phim này về nghệ thuật ảnh này - được thu hình trong thời gian thực với tất cả người được phỏng vấn – cho thấy sức mạnh và tác động đáng kinh ngạc mà một Giáo Hội bao gồm và chấp nhận Giáo Hội sẽ có”, David nói.
Trong số các nhà bình luận có linh mục Bryan Massingale, một giáo sư thần học của Đại học Fordham. Trang Facebook của bộ phim mô tả ông ta là “linh mục Công Giáo, người Mỹ gốc Phi, duy nhất tại Mỹ sống đồng tính một cách công khai”.
“Tôi mơ về một Giáo Hội nơi hai người nam hay hai người nữ có thể đứng trước cộng đoàn, công bố tình yêu của họ và được chúc phúc trong một bí tích hôn nhân. Và rằng tình yêu của họ sẽ được coi là thánh thiêng. Chúa hiện diện trong mối quan hệ đó. Khi chúng ta nhìn vào mối quan hệ của họ, chúng ta chạm vào Chúa”, ông ta viết như trên trong một bài đăng ngày 10 tháng Giêng.
Những tuyên bố của Massingale trái với cách hiểu của Công Giáo về hôn nhân là sự kết hợp của một người nam và một người nữ.
Bộ phim tài liệu cũng phỏng vấn nhiều nhóm bất đồng khác, bao gồm Marianne Duddy-Burke, giám đốc điều hành của DignityUSA, và nữ tu Jeannine Gramick, đồng sáng lập của New Ways Ministry, tức là “Những con đường mục vụ mới”.
Năm 1999, Bộ Giáo lý Đức tin đã cấm vĩnh viễn sơ Gramick và linh mục Robert Nugent là hai người đồng sáng lập ra nhóm “Những con đường mục vụ mới” không được làm bất cứ công việc mục vụ nào liên quan đến người đồng tính luyến ái do những “sai lầm và mơ hồ trong cách tiếp cận của họ”. Trong một tuyên bố ngày 12 tháng 2 năm 2010, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Francis George ở Chicago cho biết tuyên bố của nhóm tự xưng là Công Giáo “chỉ gây nhầm lẫn cho các tín hữu về giáo huấn và mục vụ đích thực của Giáo hội đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái.”
Đức Hồng Y George nhấn mạnh rằng: “Đừng ai bị đánh lừa bởi tuyên bố rằng nhóm ‘Những con đường mục vụ mới’ cung cấp cách giải thích xác thực về giáo huấn Công Giáo và thực hành mục vụ Công Giáo đích thực”.
Một nhà bình luận khác là Jason Steidl, một người tự xưng là thần học Công Giáo, nói một cách nhảm nhí rằng:
“Tôi muốn Giáo Hội thấy rằng các mối quan hệ của chúng tôi, các ham muốn tình dục của chúng tôi, là thánh thiện, là những gì được Chúa ban cho chúng ta. Đó là một món quà cho Giáo Hội. Chứ không phải điều gì đó phải che giấu, không phải điều gì đó đáng xấu hổ, mà là điều gì đó đáng để tôn vinh. Điều gì đó khiến chúng ta phát triển trong mối quan hệ với nhau và khiến chúng ta phát triển trong mối quan hệ với Chúa”.
David cho biết Natalia Imperatori-Lee, một giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại trường Cao đẳng Manhattan ở New York, đã truyền cảm hứng cho việc tạo ra nghệ thuật ảnh Chúa Giêsu.
Bà Natalia nói: “Nền tảng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội là mỗi con người đều có phẩm giá cơ bản và được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ việc hòa nhập. Giáo hội cần những tiếng nói bên lề hơn là những tiếng nói bị gạt ra bên lề cần đến Giáo hội”.
Các nhà bình luận khác được phỏng vấn cho bộ phim bao gồm linh mục Dòng Tên James Martin, người viết cuốn sách “Xây dựng một nhịp cầu” đưa ra lời khuyên về việc cải thiện mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và những người xác định là LGBT.
Martin cho biết: “Khi bạn xem các sách Phúc âm, bạn thấy rằng Chúa Giêsu đã tiếp cận đặc biệt với những người ở bên lề”, Martin nói, theo trang Facebook của bộ phim. “Và vì vậy, tôi nghĩ nếu Chúa Giêsu ở đây ngày hôm nay, bằng xương bằng thịt, trên trái đất, thì ngài sẽ là người đầu tiên đến với người LGBT. Đối với Chúa Giêsu, không có chúng ta và họ. Chỉ có chúng ta mà thôi”.
Martin đã nhận được Giải thưởng Xây dựng Nhịp cầu của nhóm “Những con đường mục vụ mới” vào tháng 10 năm 2016. Bài phát biểu nhận giải của ông ta là cơ sở cho cuốn sách của ông ấy.
David, người viết tài liệu đằng sau cuốn phim “Wonderful Made”, đã mô tả cả Martin và Gramick là “những đồng minh tiên phong”.
Anh ta kết nối bộ phim với các sự kiện hiện tại như việc các cơ quan nhận con nuôi Công Giáo đang tìm kiếm sự bảo vệ của Tòa án Tối cao khỏi các chính sách yêu cầu họ phải giao trẻ em cho các cặp đồng tính, và cuộc bầu cử Joe Biden.
Source:Catholic News Agency
3. Tòa Thánh và các chế độ côn đồ trên thế giới
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.
Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến chính sách ngoại giao của Tòa Thánh đối với các chế độ côn đồ như Trung Quốc và Belarus.
Tòa Thánh và các chế độ côn đồ trên thế giới
Danh sách các vấn đề nghiêm trọng phải được đề cập đến trong khoảng thời gian trống ngôi giáo hoàng trong tương lai, và bởi các Hồng Y cử tri trong cơ mật viện sắp tới, tiếp tục kéo dài ra.
Tài chính của Tòa thánh được cho là đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn bất kỳ lúc nào kể từ thời kỳ trống ngôi giáo hoàng năm 1922; lúc đó, Tòa Thánh phải vay tiền để trả cho cơ mật viện vì Đức Bênêđíctô XV hầu như đã phá sản Vatican trong nỗ lực hỗ trợ người tị nạn và tù binh trong Thế chiến thứ nhất. Bất chấp những cải cách mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện, Tòa thánh hiện đang phải đối mặt với trách nhiệm về quỹ hưu trí rất lớn không được tài trợ; việc quản lý đầu tư thiếu hiệu năng, và còn tệ hơn nữa, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bảng cân đối của Vatican; và những đóng góp, đặc biệt là cho Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, đang giảm đáng kể.
Sau đó là Giáo Hội ở Đức, nơi nhiều nhà lãnh đạo của họ dường như muốn biến Công Giáo Đức thành một hình thức của đạo Tin lành cấp tiến. Tất cả các vấn đề tranh cãi, mà đại đa số các giám mục Đức, và các nhà lãnh đạo giáo dân trong “Tiến Trình Công Nghị Đức” đưa ra, đều đón nhận nền văn hóa thế tục với những lối sống tháo thứ, thay vì cố gắng hoán cải nó. Phải chăng hàng lãnh đạo của Giáo Hội Đức đã hoàn toàn từ bỏ lời dạy của Công đồng Vatican II rằng người Công Giáo phải sống trong những ranh giới giáo lý và đạo đức nhất định?
Ngoài ra còn có vết thương đang mưng mủ do nạn lạm dụng tình dục giáo sĩ, càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự lãnh đạo của các giám mục kém hiệu quả trong việc phản ứng lại những tội lỗi và tội ác nghiêm trọng này. Nhiều năm qua đã chứng minh rằng cuộc khủng hoảng này hoàn toàn không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Trong cùng thời kỳ đó, cũng có thể thấy rõ rằng có quá ít Hội Đồng Giám Mục các quốc gia đã áp dụng các thực hành về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, mặc dù có những giới hạn và khiếm khuyết, hiện nay đang đặc trưng cho phản ứng của Giáo Hội Hoa Kỳ đối với bệnh dịch xã hội này.
Và sau đó là “chính sách đối ngoại” của Tòa thánh và những giả định được dùng để định hướng cho hoạt động ngoại giao của Tòa thánh.
Có bao nhiêu người Công Giáo hiểu biết và hàng giáo sĩ cao cấp sẵn sàng bảo vệ chính sách đối với Trung Quốc hiện tại của Tòa thánh, vốn đã trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vai trò hàng đầu trong việc lựa chọn giám mục? Tôi dám đánh cuộc là rất ít. Giờ đây, những tiếng nói chỉ trích từ các giám mục và Hồng Y có thể chưa được nghe thấy vì lòng trung thành, hoặc sợ hãi. Nhưng những tiếng nói ấy vẫn còn đó, và sẽ được nghe thấy khi thời gian trống ngôi giáo hoàng cho phép thẳng thắn nói ra. Và những tiếng nói đó có lẽ, và hầu chắc, sẽ cho rằng chính sách hiện tại là một thảm họa đối với sứ vụ truyền giáo. Bất kể tuyên bố của các nhà ngoại giao Vatican cho rằng “cần phải làm những điều gì đó”, thực tế vẫn là những gì đã và đang được thực hiện vi phạm giáo luật của chính Giáo Hội, đã làm cho những người Công Giáo Trung Quốc trung thành với Rôma mất tinh thần, đã thất bại trong việc thuyết phục những kẻ chống đối Kitô Giáo trong chế độ Trung Quốc, và đã tạo cơ hội mới cho chế độ đó thâm nhập và kiểm soát Công Giáo Trung Quốc. Tất cả những điều này đã làm cho việc truyền giáo của Công Giáo ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn rất nhiều, trong bối cảnh các cộng đồng Tin lành Trung Quốc tiếp tục phát triển.
Sau đó là tình hình gần đây ở Belarus. Vào ngày 31 tháng 8 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk-Mogilev, đến thăm gia đình ở nước láng giềng Ba Lan, đã bị chế độ côn đồ của Tổng thống Alexander Lukashenko ngăn cản không cho trở về Belarus, là quê hương của ngài. Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã ủng hộ nhiều người Belarus đang phản đối một cách ôn hòa điều mà mọi quan sát viên khách quan đều biết là một cuộc bầu cử tổng thống gian lận vào đầu tháng 8 năm ngoái. Lukashenko và chế độ côn đồ của hắn ta rõ ràng đã cảm thấy tức tối trước sự can đảm mục tử này và thêu dệt các lý do để trừng phạt Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz bằng cách ngăn không cho ngài trở về Tòa Giám Mục của mình.
Tình hình dường như đã được giải quyết khi vị tổng giám mục được phép trở lại Belarus để cử hành lễ Giáng sinh với người dân của mình, những người đã tiếp đón ngài quay về với sự nhiệt tình và tôn kính. Nhưng sau đó vào ngày 3 tháng Giêng, ngay đúng ngày ngài tròn 75 tuổi, lá thư từ chức theo luật định của Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã được chấp nhận ngay lập tức và một vị giám quản tông tòa đã được đưa lên để thay ngài. Phải chăng hai nhà ngoại giao của Vatican, không nổi tiếng về khả năng chống lại các hành vi côn đồ, khi được cử đến Minsk để đàm phán cho Đức Tổng Giám Mục trở lại Belarus, đã đồng ý với một thỏa thuận trong đó Vatican sẽ loại bỏ một người khó chịu với chế độ Lukashenko, nếu chế độ này chịu chấp thuận một lễ Giáng sinh cuối cùng ở Minsk cho vị tổng giám mục? Có vẻ như nhiều khả năng như thế; thực sự, rất có khả năng là điều đó đã xảy ra.
Hành động hiện tại của Vatican nhằm ve vãn các chế độ côn đồ nhân danh đối thoại đang gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Giáo Hội Công Giáo với tư cách là người ủng hộ và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Quan trọng hơn nữa, nó đang làm tổn hại đến sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Một Giáo Hội không dám nói sự thật trước quyền lực không phải là một Giáo Hội có thể công bố một cách thuyết phục về Chúa Giêsu Kitô, “Đấng là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6). Thái độ ve vãn không bao giờ có tác dụng với bọn côn đồ, về mặt chính trị. Nó cũng chẳng có hiệu quả về mặt truyền giáo.
Source:First Things