Ngày 07-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhốn nháo
Lm. Minh Anh
00:57 07/02/2022

NHỐN NHÁO
“Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Ngài ở đâu, thì bắt đầu cán bệnh nhân tới đó”.

Eric Hoffer nói, “Cảm giác vội vã thường không phải là kết quả của việc ‘sống một cuộc sống đầy đủ’ và ‘không có thời gian’; ngược lại, nó sinh ra từ một nỗi sợ hãi mơ hồ rằng, chúng ta đang lãng phí cuộc đời mình. Khi không làm một việc mà chúng ta phải làm, chúng ta không còn thời gian cho việc gì khác, chúng ta là những người ‘nhốn nháo’ nhất trên thế giới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phải chăng, “Chúng ta là những người ‘nhốn nháo’ nhất trên thế giới” như Eric Hoffer nói? Thật thú vị, cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay nói đến sự ‘nhốn nháo’ của dân Chúa thời Cựu Ước và ‘nhốn nháo’ của dân thành Gênêsaret thời Tân Ước, khi họ ngược xuôi tìm kiếm Chúa Giêsu. Marcô mô tả, “Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Ngài ở đâu, thì bắt đầu cán bệnh nhân tới đó”.

Bài đọc Cựu Ước diễn tả nỗi hân hoan của toàn dân Israel khi họ vây quanh Salômon; và cùng nhau, vua tôi nô nức hình thành một đoàn kiệu khổng lồ trong ngày rước hòm bia Thiên Chúa. Các tư tế chạy tới, chạy lui ‘nhốn nháo’, tất bật giữa tiếng trống chiêng, não bạt và kèn đồng…; cùng nhau, họ hát ca khúc, “Lạy Chúa, xin đứng dậy, ngự về chốn nghỉ ngơi!” như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả. Nào ai có thể tưởng tượng cảnh quan của ngày đại lễ khi sách Các Vua mô tả, “Trước hòm bia, họ tế lễ vô số chiên bò không kể xiết”. Ấy thế, qua miệng ngôn sứ Isaia, chính Thiên Chúa mà họ tán dương đó, rồi đây, sẽ nói, “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng thì lại xa Ta”; chỗ khác, “Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa”.

Tương tự như thế, dân thành Gênêsaret trong Tin Mừng hôm nay cũng bát nháo xuôi ngược tìm Chúa Giêsu, “Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Ngài ở đâu, thì bắt đầu cán bệnh nhân tới đó”. Thật đáng tiếc, họ vội vàng, vâng, nhưng sự vội vàng của họ chỉ để mang đến những người bệnh để được Chúa Giêsu chữa lành phần xác; đang khi quan trọng hơn, là để được Ngài chữa trị phần hồn. Dường như không ai đến với Ngài, hoặc được đưa đến với Ngài để cầu xin sự tha thứ và sự chữa lành tâm linh. Trái tim con người thường mù quáng; họ thường sợ hãi bệnh tật thể xác hơn những thương tật linh hồn! Vậy mà, những gánh nặng, nặng nề nhất mà ai trong chúng ta cũng trải nghiệm luôn luôn là những gánh nặng của tội lỗi vốn đến từ bên trong, “Vì tự lòng người, phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế”.

Khác với chúng ta, thánh Ambrôsiô thật khôn ngoan, ngài thường cầu nguyện trước khi cử hành thánh lễ thế này, “Lạy Chúa, trái tim con tổn thương bởi nhiều tội lỗi; trí tâm, miệng lưỡi con không được bảo vệ cẩn thận. Trong sự yếu hèn của con, con hướng về Chúa, suối nguồn thương xót; con nao nức chạy đến với Chúa để được chữa lành; con không xấu hổ chỉ cho Chúa những vết thương của con. Chỉ có Chúa mới biết tội lỗi con ngần nào và nghiêm trọng đến mức nào; và dẫu chúng có thể khiến con lo sợ cho phần rỗi, con vẫn đặt hy vọng vào lòng nhân từ của Chúa. Vậy, xin nhìn đến, xin nghe con và tha thứ mọi tội lỗi, yếu đuối của con!”.

Anh Chị em,

Những ngày xôn xao của Năm Mới đã khép lại, những ngày mà chúng ta có thời giờ nhiều hơn để nghỉ ngơi, để yêu thương; và lẽ ra, đó là một cơ hội tốt để lòng mỗi người có thể lắng xuống hầu sống với Chúa, với tha nhân nhiều hơn. Thế nhưng, nhìn lại, xem ra vẫn có một điều gì đó đáng tiếc! Có lẽ chúng ta đã ‘nhốn nháo’ nhất thế giới, hay khá hơn, như những người Gênêsaret thời Chúa Giêsu, chúng ta chạy tìm Ngài chỉ để thoả mãn với những gì hời hợt bên ngoài. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta bắt đầu tìm kiếm Ngài lại trong đời thường, tìm kiếm mỗi ngày, mỗi giây phút, để được tắm gội trong ân sủng và được chữa lành bên trong. Chúa Giêsu đang chờ đợi để có thể chạm đến chúng ta, chạm đến một điều gì đó hoàn toàn nội tâm hầu có thể tạo nên nơi chúng ta một sự khác biệt. Phải, một sự khác biệt cho một Năm Mới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để những ngày sống của con trong Năm Mới này trở nên ‘nhốn nháo’ động đạc với những gì nông cạn bên ngoài. Xin dạy con ham thích những gì bên dưới bề mặt tâm hồn, cũng là những gì Chúa đang chờ mong!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 08/02: Tôn trọng Lề Luật – Suy Niệm: Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
05:06 07/02/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)”, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:31 07/02/2022

3. Chỉ khi đọc Kinh Thánh thì mới thấy sự ô nhiễm của linh hồn của chúng ta, và sự tốt đẹp của các nhân đức mà chúng ta đi trên con đường nhân đức có tiến triển được bao nhiêu?

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:39 07/02/2022
91. QUỶ THÔNG HIỂU NHÂN TÌNH

Có một cố nông tên là Điền Bất Mãn, ban đêm lạc đường nên đi bừa vào trong nghĩa địa, vấp phải một cái đầu lâu. Đầu lâu kêu lên:

- “Đừng đạp hư đầu của tôi, nếu không tôi sẽ giáng họa cho ngươi đấy !”

Điền Bất Mãn hét mắng:

- “Ai kêu ngươi đến chặn đường hử?”

Đầu lâu nói:

- “Có người đem tôi đến đây ạ !”

“Thế tại sao nhà người không giáng họa cho người đem mầy đến đây?”

“Nó đang gặp vận hên, phúc khí quá lớn”.


Điền Bất Mãn nổi nóng nói:

- “Lẽ nào tao là đứa vận đen? Mày sợ đứa vận may nhưng ức hiếp người vận đen, là vì lý gì?”

Đầu lâu khóc nói:

- “Sợ người vận may, ức hiếp người vận đen, nhân tình đều như thế, sao ngài lại trách mắng tôi? Xin ngài thương hại tôi, đem tôi bỏ vào trong cái huyệt đất, thì ân điển ngài đối với tôi thật to lớn như trời đất”.

Điền Bất Mãn không một chút để ý cứ bước tới trước mà đi, vọng lại sau lưng tiếng khóc “ồ ồ”, nhưng sau đó cũng không xảy ra chuyện gì.

(Tự Bất Ngôn)

Suy tư 91:

Người yếu bóng vía đi đạp phải đầu lâu thì có nước mà chết khiếp, nhưng người can đảm và chí khí thì đạp đầu lâu hay đạp thây ma thì cũng thế mà thôi.

Có những người can đảm đạp đầu lâu nhưng không can đảm trước những cám dỗ, cho nên họ vẫn cứ là kẻ yếu đuối; có những người thấy thây ma không hề sợ sệt, nhưng lại sợ vươn tay ra giúp đỡ người nghèo, cho nên họ như người lén lút trốn tránh...công an khi thấy người nghèo khổ; có những người rất hào hoa phóng khoáng với người có vận may (nhà giàu, quyền thế), dù người có vận may ấy không hề nhờ giúp đỡ, nhưng họ vẫn cứ bỏ tiền bỏ của ra giúp đỡ, còn những người gặp vận đen (người nghèo, bất hạnh, bệnh tật) thì họ lại “đạp” thêm cho nó đen luôn. Nhân tình thế thái là thế đó.

Người giàu kẻ nghèo, người có vận may hay vận đen đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa cả, bởi vì Thiên Chúa rất công bằng và không thiên vị một ai, chỉ có điều là chúng ta có biết nhận ra ý định của Thiên Chúa khi mình có vận may hoặc vận đen không mà thôi?

Nếu không hiểu thì nên đi hỏi lại cha sở của mình, hoặc hỏi các linh mục thì các ngài sẽ chỉ cho biết phải làm gì khi mình có vận may hoặc vận đen...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Biện Phân: Không Dễ!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –
09:39 07/02/2022
Biện Phân: Không Dễ!

“Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8). Một trong những nội dung gây ra sự xung đột giữa Chúa Giêsu và nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đó là lề luật của Thiên Chúa và truyền thống của Do Thái giáo.

Chắc chắn các vị lãnh đạo Do Thái giáo chẳng ai dám to gan cho rằng lời giảng dạy của cha ông và của họ tức là truyền thống lại trọng hơn lề luật của Thiên Chúa. Khi dạy dân chúng rằng những tế phẩm dâng cho Thiên Chúa thay thế được cho việc phụng dưỡng cha mẹ thì rất có thể họ xét rằng mình đã dạy dân giữ giới răn cao trọng nhất là “thờ phượng Thiên Chúa hết lòng, hết sức hết cả linh hồn” (x.Đnl 6,5). Việc biện phân giữa một cách thế biểu lộ đức thờ phượng và chính đức thờ phượng là không mấy dễ. Đức thờ phượng là động thái khởi đi từ trong tâm hồn còn “một cách thế biểu lộ” là một trong những hành vi bên ngoài. Thực tế có đó nhiều hành vi bên ngoài mà thiếu tâm tình bên trong và lời ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm: “Dân này tôn kính Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta…”(Is 29,13).

Việc quy định những điều liên quan đến sạch nhơ cũng có thể được luận suy từ sự thánh thiện vô biên của Thiên Chúa và thân phận tội lỗi của loài người. Vấn đề là sự diễn giải và hình thức áp dụng, theo thời gian có khi thì bất cập và có nhiều trường hợp thì lại thái quá.

Chân thành nhìn lại dòng lịch sử Kitô giáo thì chúng ta phải khiêm nhu thú nhận rằng bên cạnh giới răn của Thiên Chúa và luật của Tin Mừng thì khối lượng truyền thống qua các cơ chế, luật lệ vừa nhiều và có khi là nặng ký. Cũng tương tự các lãnh đạo Do Thái giáo xưa, các mục tử trong Kitô giáo, cách riêng Công Giáo đâu dám to gan đặt cơ chế, luật lệ của mình trên giới răn của Thiên Chúa và luật Tin Mừng. Khi ban hành, áp dụng các cơ chế tổ chức hay luật lệ thì các ngài vốn nghĩ mình chỉ cụ thể hóa giới răn của Chúa và luật Tin Mừng.

Chuyện “sạch nhơ” của Do Thái giáo phải chăng lại tái hiện qua việc quá chi li các tội trọng, tội nhẹ trong luân lý Kitô giáo? Để biện phân đâu là truyền thống của Công Giáo và đâu là giới răn của Thiên Chúa thì thật khó. Để biện phân truyền thống nào là bất cập và truyền thống là thái quá thì quả là không mấy dễ. Tuy nhiên một thực tế của lịch sử phải nhìn nhận đó là hễ ai đụng đến “truyền thống” thì thường bị bách hại. Môn đệ không hơn thầy. Chúa Kitô là một đan cử và nhiều vị thánh như Đaminh, Phanxicô, Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila…cũng như nhiều thần học gia như Tôma Aquinô, Yves Congar, Marie-Dominique Chenu…và ngay cả Đức Phanxicô, đương kim Giáo hoàng cũng là những người đã từng chung phận. Biện phân là một động thái cần có sự ngay thẳng và khiêm nhu, cần cả sự can đảm và bền chí.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Vĩ đại hơn bất cứ điều gì
Lm. Minh Anh
22:41 07/02/2022

VĨ ĐẠI HƠN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ
“Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel! Trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài!”.

Trong tác phẩm của mình, “Surprised by the Power of the Spirit”, “Ngạc Nhiên Trước Sức Mạnh của Thần Khí”, Jack Deere viết, “Tất cả chúng ta đều là những người thụ hưởng các truyền thống tốt đẹp, khôn ngoan, và đúng đắn; tuy nhiên, chúng ta cũng là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và thiếu vững chắc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng ta là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và thiếu vững chắc”. Thật chí lý câu nói của Jack Deere! Thật trùng hợp, phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến truyền thống, nói đến những diễn giải của con người; qua đó, một sự thật được tiết lộ, Thiên Chúa luôn ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’ mà con người có thể tạo ra, cho dù, đó là một truyền thống tôn giáo lâu đời!

Bài đọc Cựu Ước cho biết, Salômon đã khởi xướng xây cất một đền thờ đồ sộ, nguy nga cho Thiên Chúa; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ tâm tình hân hoan của vua, “Lạy Chúa tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái”. Thế nhưng, trước một Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, Salômon, người được Ngài ban cho khôn ngoan và giàu có nhất trần gian đó vẫn cảm thấy nhỏ bé và yếu hèn, “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel! Trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, phương chi ngôi nhà con xây cất đây!”. Ý thức mình mỏng giòn, tội lỗi, Salômon thân thưa, “Từ thiên cung, nơi Chúa ngự, xin lắng nghe, lắng nghe và tha thứ!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, các biệt phái và luật sĩ lên án các môn đệ Chúa Giêsu “không theo đúng truyền thống của tiền nhân”, vì họ không rửa tay trước khi ăn. Dẫu không chống lại việc rửa tay, Chúa Giêsu vẫn lên tiếng bảo vệ các môn đồ của Ngài. Điều Ngài chống lại giới biệt phái kinh sư là chủ nghĩa pháp lý; theo họ, chỉ cần tuân thủ một số hành động bên ngoài, con người sẽ được gọi là công chính! Ngài tuyên bố, “Các người đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các người!”. Giới răn của Thiên Chúa, là Lời của Thiên Chúa, vốn quan trọng hơn truyền thống. Ngài muốn nói, Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, không thể bị trói buộc trong bất kỳ truyền thống nào, dù truyền thống đó được tôn kính đến đâu. Truyền thống có ra là để giúp con người thể hiện tốt hơn mối tương giao của nó với Thiên Chúa, sống giới răn yêu thương Ngài dạy. Thế nên, một khi truyền thống trở nên “kém cỏi, thiếu khôn ngoan và thiếu vững chắc”, khiến “con người trở thành nạn nhân”, cản trở nó kính mến Chúa và yêu thương người, thì truyền thống đó cần được cải cách hoặc đổi mới.

Anh Chị em,

Với Chúa Giêsu, không phải mọi truyền thống đều đáng để giữ lấy. Tất cả truyền thống phải được đo lường bằng chính Lời Chúa; chúng ta phải xét xem truyền thống này, tập tục kia, có thực sự phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa vốn được tiết lộ trong Thánh Kinh hay không. Đó là lý do tại sao việc tiếp tục lắng nghe Lời Chúa là một điều không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Đây cũng là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô rất mực quan tâm; ngài đặc biệt nhắc nhở chúng ta phải đọc và học biết lắng nghe Lời Chúa qua các Phúc Âm một cách thường xuyên. Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng, Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, đã bày tỏ khuôn mặt đích thực của Ngài một cách độc đáo và trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha mà chúng ta đang tìm kiếm, đã tìm kiếm và phải tìm kiếm mỗi ngày. Hãy quay về với Chúa Giêsu, lấy Ngài làm chuẩn mực cho mọi đối chiếu; hãy để Lời ngài soi sáng tâm trí, bổ sức linh hồn; và như thế, chúng ta sẽ được bổ trợ để thấy rõ hơn điều gì là của Thiên Chúa và điều gì không thuộc về Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu mến việc đọc Lời Chúa và đào sâu Lời Chúa bằng việc cầu nguyện và chiêm ngắm; nhờ đó, Lời Chúa sẽ không trở nên vô hiệu nơi con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những kẻ thờ Satan ở Úc đào mộ, chặt đầu người cho các nghi thức thờ ma quỷ
Đặng Tự Do
05:30 07/02/2022


Cảnh sát đã phát hiện ra những ngọn nến, những cây thánh giá và những bức thư gửi cho quỷ Satan gần những ngôi mộ bị đập phá trong một nghĩa trang ở Melbourne, làm dấy lên những nghi ngờ xung quanh việc thờ cúng ma quỷ.

Những kẻ trộm mộ đã đánh cắp hài cốt từ một nghĩa trang ở Úc trong hai vụ riêng biệt diễn ra trong vòng tuần qua, khiến cảnh sát phải cố gắng xác định nhanh chóng động cơ của chúng trước áp lực của công chúng Úc.

Người phát ngôn của Cảnh sát Victoria nói với VICE World News rằng vụ trộm đầu tiên diễn ra tại nghĩa trang Footscray của Melbourne, nơi có đông đảo người Việt tị nạn sinh sống, trong đêm từ ngày 27 đến ngày 28 tháng Giêng, trong khi vụ trộm thứ hai xảy ra từ đêm thứ Hai 31 tháng Giêng đến sáng thứ Ba mùng 1 tháng Hai. Trong cả hai trường hợp, những tên trộm đều tiến vào lăng mộ, mở tung quan tài và mạo phạm đến thi thể được chôn cất. Không có gì dường như đã được lấy đi ngoài “một phần hài cốt của con người.”

Báo chí địa phương cho rằng những tên trộm đã chặt đầu các thi thể để đánh cắp đầu người, nhưng cảnh sát từ chối xác nhận bộ phận cơ thể nào đã bị đánh cắp.

“Có vẻ như hài cốt của con người là trọng tâm của kẻ phạm tội, và đó là điều chúng tôi đang tập trung vào,” Thanh tra Ben Jarman nói với giới truyền thông hôm thứ Tư, lưu ý rằng các khu chôn cất kiểu lăng mộ sẽ cần phải gắn các camera an ninh để tránh đột nhập. Theo Seven News, nến, cây thánh giá và thư gửi Satan được tìm thấy trong nghĩa trang, làm dấy lên câu hỏi liệu các vụ việc có thể liên quan đến việc thờ cúng ma quỷ hay không. Cảnh sát đã không chính thức loại bỏ lý do này.

Jarman nói: “Bởi vì đây là một tội ác không phổ biến, thành ra, cho đến khi chúng tôi bắt được kẻ phạm tội và tìm ra động cơ, rất khó để nói động cơ của hành động xúc phạm này là gì”

An ninh bổ sung đã được lắp đặt tại nghĩa trang sau khi xảy ra các vụ cướp, bao gồm bốn camera với độ phân giải cao, và cảnh sát đã tăng cường tuần tra. Jarman cho biết “có rất ít camera quan sát” vào thời điểm xảy ra các vụ trộm.

Cảnh sát đã biết về một nỗ lực trộm cắp vào ngôi mộ thứ ba, cũng như vụ một ngôi mộ thứ tư đã bị xáo trộn nhưng không chứa hài cốt người, vì đây là một huyệt mộ được mua trước, nhưng chưa chôn cất ai. Các vụ trộm đã được báo cho cảnh sát sau khi những người qua đường nhận thấy các ngôi mộ đã bị hư hại.

Việc cắt bỏ các bộ phận cơ thể có thể bị phạt tới 5 năm tù giam và cảnh sát hiện đang kêu gọi bất kỳ ai có thể đã chứng kiến hoạt động đáng ngờ trong khu vực trong tuần trước ra trình diện. Không rõ có bao nhiêu người liên quan đến tội ác.

Jarman nói: “Rất khó để nói liệu họ có hành động một mình hay không. Có rất nhiều việc phải làm để có thể đánh cắp các bộ phận thi thể từ những lăng mộ này, và chúng tôi thấy có một lượng thiệt hại đáng kể, nhưng còn quá sớm để nói ở giai đoạn này.”
Source:Vice
 
An ninh tăng cường sau vụ náo loạn mùng Hai Tết Nhâm Dần
Đặng Tự Do
05:32 07/02/2022


Các biện pháp an ninh đã được tăng cường sau vụ náo loạn xảy ra trong buổi triều yết chung mùng Hai Tết Nhâm Dần, 2 tháng Hai. Một người đàn ông đã hét toáng lên bằng tiếng Anh khi Đức Thánh Cha đang trình bày bài giáo lý của ngài.

Lúc gần 9 giờ sáng, thứ Tư ngày 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 2,000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ năm từ đầu năm đến nay.

Nhiếp ảnh gia Daniel Ibáñez của EWTN News cho biết người đàn ông bắt đầu bằng cách hét lên bằng tiếng Anh “Đây không phải là Giáo Hội của Chúa” và sau đó nói bằng tiếng Ý: “Đừng đeo mặt nạ trong Giáo Hội. Đây không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu. Giáo Hội phải là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Ngài không phải là vua”. Những lời này rõ ràng là nhằm tấn công vào cá nhân Đức Giáo Hoàng.

Sự gián đoạn xảy ra vào gần cuối bài suy tư của Đức Giáo Hoàng về Sự Hiệp Thông Với Các Thánh. Người đàn ông, ngồi cách xa những người hành hương khác ở phía sau Đại Thính Đường. Anh ta được hiến binh và Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ “tháp tùng” ra bên ngoài, nhưng không có vũ lực.

Đức Thánh Cha đã nhận thấy những tiếng la hét mà người đàn ông thốt ra, nhưng nói ngài tha thứ cho điều đó. Cuối bài phát biểu, ngài ngỏ lời với các tín hữu và cầu xin những lời cầu nguyện cho người đàn ông này. Đức Thánh Cha nói: “Cách đây ít lâu, chúng ta nghe thấy một người liên tục la hét; anh ấy có một số vấn đề, tôi không biết đó là thể chất, tinh thần hay tâm linh. Một người anh em của chúng ta có một số vấn đề”.

Và ngài nói thêm: “Tôi xin chúng ta kết thúc bằng việc cầu nguyện cho anh ấy. Đối với người anh em của chúng ta, người đau khổ, tội nghiệp, đó là lý do tại sao anh ấy hét lên. Nếu anh ấy hét lên là vì anh ấy đau khổ vì anh ấy cần thứ gì đó. Chúng ta không thể làm ngơ trước tiếng kêu của người anh em đó”.

Giáo Hội đang trong tiến trình Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, chúng ta hãy cầu nguyện sao cho dân Chúa có thể hành trình cùng nhau trên cùng một con đường của Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống; hiệp nhất với nhau thành cộng đoàn; và tham gia tích cực vào sứ mệnh truyền bá Phúc âm của Giáo Hội.
Source:Catholic News Agency
 
Hai tháng sau khi từ chức, Đức Tổng Giám Mục Paris gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đặng Tự Do
05:33 07/02/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Đức Cha Michel Aupetit, nguyên Tổng Giám mục Paris, trong một buổi tiếp kiến tại Vatican vào ngày mùng Ba Tết Nhâm Dần 3 tháng Ba.

Chưa đầy hai tháng sau khi chấp nhận đơn từ chức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit, nguyên tổng giám mục của Paris, trong một buổi tiếp kiến riêng vào ngày 3 tháng 2, một nguồn tin của Vatican xác nhận với tờ I MEDIA. Chuyến thăm của vị giám mục Pháp tới Vatican đã được La Croix thông báo hồi đầu tuần.

Sau một loạt bài báo trên các báo chí Pháp đặt câu hỏi về vấn đề quản trị và cuộc sống riêng tư của ngài, Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã quyết định bàn giao chức vụ của mình cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 26 tháng 11, nói rõ rằng ngài không từ chức, mà chỉ đơn giản là để lại quyết định về tương lai của mình với tư cách là đứng đầu Tổng giáo phận Paris cho Đức Giáo Hoàng quyết định.

Chưa đầy một tuần sau, vào ngày 2 tháng 12, trong chuyến thăm Síp và Athens, qua bản tin chính thức của văn phòng báo chí Vatican, Đức Giáo Hoàng đã miễn nhiệm vị Tổng Giám Mục Paris.

Được các phóng viên đặt câu hỏi vài ngày sau đó trong cuộc họp báo sau chuyến đi của mình, Đức Phanxicô giải thích quyết định của mình, nói rằng “chuyện tầm phào” khiến cho việc điều hành là không thể đối với Đức Tổng Giám Mục Aupetit. “Đây là lý do tại sao tôi chấp nhận sự từ chức của Đức Cha Aupetit, không phải trên bàn thờ của sự thật, mà là trên bàn thờ của đạo đức giả”

Đức Giáo Hoàng cũng nói - một cách thiếu chính xác - về những cáo buộc chống lại Đức Tổng Giám Mục Paris, nói về việc “vi phạm điều răn thứ sáu”. Ngài nói vào thời điểm đó rằng ngài không biết chính xác những gì vị Giám Mục đã bị buộc tội, và kêu gọi các nhà báo mà Đức Thánh Cha đã nói chuyện điều tra tình hình. Ngài nói thêm rằng “tội lỗi xác thịt không phải là tội trọng nhất: những tội lỗi nặng nhất là những tội lỗi có tính cách 'siêu nhiên' hơn; kiêu hãnh, hận thù… đây là những điều nghiêm trọng nhất”.

Theo tin tờ La Croix International, Đức Cha Michel Aupetit đã khởi kiện Tuần san Paris Match vì tội phỉ báng nhân cách khi đăng những bức ảnh bóng gió mà họ bí mật chụp ngài và một phụ nữ trẻ.

Hôm 8 tháng 12, Paris match đã đăng các bức hình của ngài với nhà thần học Laetitia Calmeyn, 46 tuổi, gợi ý rằng hai người đang có chuyện tình lăng nhăng.

Trong một cuộc phỏng vấn trên nhật báo Le Parisien, vị tổng giám mục đã đề cập tới các cáo buộc đưa ra vào ngày 22 tháng 11 bởi một tuần báo khác của Pháp, tờ Le Point – cho rằng ngài mất lòng mọi người bởi phong cách quản trị của ngài và ngài có quan hệ thân mật với một phụ nữ vào năm 2012 trước khi ngài làm giám mục.

Đức Cha Aupetit nói với Le Parisien rằng “không có chuyện tình lăng nhăng” vào năm 2012 khi ngài còn là tổng đại diện của Paris. Và ngài nói rõ rằng, dù sao, sự việc “không phải về Laetitia Calmeyn”, là người mà ngài thậm chí còn không biết vào thời điểm đó.

Người đàn bà trong vụ này là một người giàu có, quyên góp cho tổng giáo phận Paris và đó là lý do ngài phải thường xuyên tiếp xúc. Đức Cha Aupetit nói rằng bà ta “là một người thường hay bám vào các linh mục và bác sĩ, vì bà ta bị chứng lẻ loi cô độc”.

Đức Cha Aupetit, một bác sĩ trước khi được thụ phong linh mục ở tuổi 44, cho biết ngài đã trao đổi email với người phụ nữ này và thừa nhận rằng mối quan hệ của họ không rõ ràng.

Ngài nói rằng người đàn bà viết cho ngài “mỗi ngày” và thừa nhận rằng “có một lần” khi cô ấy “bị đau lưng”, ngài đã “xoa bóp cho cô ấy bớt căng thẳng”.

Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói, “Một vài năm trước, tôi đã báo cáo điều này cho các bề trên của tôi”.

Ngài nói thêm, “Quả thực không có gì mới trong câu truyện này. Nhưng việc phơi bầy công khai về nó có thể đã đặt người cai quản giáo phận ở thế khó khăn”.

Ngài nói chính vì thế ngài đã quyết định trao chức vụ của ngài cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định.

Ngài có mong Đức Giáo Hoàng chấp nhận việc từ chức của ngài hay không?

Đức Cha Aupetit nói, “Nếu Đức Thánh Cha hỏi tôi, có thể tôi đã vượt qua được cơn giông bão. Tôi có thể cáng đáng được công việc này”.

Đức Cha Aupetit thừa nhận “Tôi đoán Đức Thánh Cha cảm thấy tình hình có thể làm suy yếu giáo phận”.

Sau khi Đức Phanxicô miễm nhiệm Đức Cha Aupetit, Đức Giáo Hoàng có nói Đức Tổng Giám Mục không còn cai quản được nữa vì “danh tiếng của ngài đã bị xâm hại”, trích dẫn sự “vi phạm” điều răn thứ sáu, “không phải toàn diện, nhưng bao gồm những cái vuốt ve và mát xa nhỏ mà ngài đã làm cho thư ký của mình”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng người phụ nữ được đề cập không phải là thư ký của ngài.

Ngài nói, “tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng hơi lẫn lộn các yếu tố của câu chuyện một chút”.

Ngài cho biết, “Cô thư ký tội nghiệp của tôi chẳng liên quan gì. Tôi biết rõ về chồng và gia đình của cô ấy. Tôi đã rửa tội cho cháu của cô ấy”.

Liên quan đến những bức ảnh của ngài và Calmeyn được đăng trên Paris Match, vị tổng giám mục nói rằng ngài đã ăn trưa với nhà thần học sinh quán ở Bỉ và sau đó họ đi dạo trong một công viên gần đó.

Đức Cha Aupetit đặt câu hỏi: “Nếu bạn không còn khả thể đi ăn với một người bạn mà không bị báo chí săn đuổi chụp hình bạn, thì chúng ta đang sống trong một loại thế giới nào đây?”

Ngài nhấn mạnh, “Điều này không liên quan gì đến một mối quan hệ yêu đương hay tình dục. Đó là một tình bạn”.

Ngài nói thêm, “Tôi thấy thật ti tiện khi nó bị vấy bẩn”.
Source:Aleteia
 
Quá điên: Xây dựng một thế hệ trẻ yêu mến và thờ phượng Satan
Đặng Tự Do
16:22 07/02/2022


Hôm 20 tháng 10, 2018, một nhóm phù thủy đã tập trung lại với nhau để “ếm bùa” tân thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Brett Kavanaugh trong suốt ba giờ đồng hồ từ 7h tối đến 10h khuya. Địa điểm xảy ra là tại Catland Books, một cửa hàng chuyên bán các sách siêu hình và ma thuật huyền bí ở Brooklyn, New York.

Hệ thống truyền hình Công Giáo EWTN đã phỏng vấn cha Gary Thomas, linh mục trừ tà của giáo phận San Jose, California. Cảm tưởng đầu tiên của ngài là “kinh hoàng” và “đau buồn” trước diễn biến này.

Những ai muốn vào xem thì được yêu cầu trả 10 Mỹ Kim và mang theo dao búa để chặt chém vào những hình nộm của ông Kavanaugh. Tất cả vé đã được bán hết trong ngày đầu tiên. Những kẻ tổ chức nói số tiền thu được trong dịp này là để trợ giúp cho Planned Parenthood và các nhóm đồng tính. Planned Parenthood là một tổ chức phá thai từng được Barrack Obama tài trợ mỗi năm 530 triệu Mỹ Kim để thực hiện ít nhất là 324,000 ca phá thai hàng năm tại hơn 600 cơ sở trên toàn cõi Hoa Kỳ.

Tại sao chúng ếm bùa ông Brett Kavanaugh? Theo cha Gary Thomas vì ông Brett Kavanaugh là một người Công Giáo. Một khi ông vào được trong Tối Cao Pháp Viện, những chương trình nghị sự của các nhóm phò phá thai, hôn nhân đồng tính sẽ gặp nhiều khó khăn và cả những phán quyết được đưa ra trước đây có thể bị lật ngược lại.

Tuy nhiên, vị linh mục nhấn mạnh rằng câu chuyện ếm bùa ông Brett Kavanaugh cho thấy giáo phái thờ Satan tại Mỹ đã thay đổi sách lược. Đây là lần đầu tiên, giáo phái thờ Satan xen vào cuộc sống chính trị tại Hoa Kỳ. Nhận định này được củng cố trong các buổi ếm bùa Tổng thống Trump diễn ra sau đó. Sách lược chủ yếu trước đây là các hình thái dâm ô, trụy lạc. Trong các buổi lễ của giáo phái thờ Satan, các thiếu nữ trẻ đẹp trần truồng lượn quanh các tín đồ trước khi nằm dài trên cái gọi là bàn thờ, trước mặt một đạo sĩ. Với đà phát triển mạnh của phim ảnh khiêu dâm trên Internet, tiết mục này xem ra không còn hấp dẫn nữa. Chính vì thế, họ phải thay đổi sách lược.

Chương trình truyền hình NBCNews tối thứ Sáu mùng 4 Tết Nhâm Dần vừa lên tiếng báo động về một sách lược mới, gọi là After School Satan, nhằm xây dựng một thế hệ trẻ yêu mến và thờ phượng Satan.

Để quý vị và anh chị em dễ hình dung ra, Thúy Nga xin giải thích như sau. Ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Úc, và Âu Châu học sinh học cả ngày trong trường từ 8 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều. Lúc 3 giờ, khi các em tan học, cha mẹ có thể vẫn còn trong giờ làm việc. Vì thế, tồn tại một hệ thống các lớp gọi là After School nhằm giữ các em cho đến khi cha mẹ tan sở đến đón.

After School Satan là một dự án chương trình sau giờ học của nhóm đền thờ Satan, một tổ chức tôn giáo có trụ sở tại Salem, Massachusetts và được tài trợ bởi Reason Alliance LTD.

Chương trình được quảng cáo không dạy về việc thờ phượng Satan cũng như không cố gắng cải đạo những học sinh tham gia, thay vào đó họ dạy về chủ nghĩa duy lý và hiểu biết về thế giới xung quanh chúng ta; tức là một cách trực tiếp chống lại niềm tin Kitô và gián tiếp chiêu dụ tín đồ.

Giáo phái thờ Satan thông báo họ đang theo đuổi các trường After School Satan ở các thành phố trên khắp nước Mỹ, bao gồm Atlanta, Los Angeles, Salt Lake City, Pensacola, Washington, DC, Tucson, Springfield, Missouri, Seattle và Portland.

Vào tháng Giêng năm 2022, trường After School Satan đã được khu học chánh Moline, Illinois cấp giấy phép.

Anh chị em phải cẩn thận, đừng vì những tiện lợi nhất thời gởi con vào các trường After School Satan. Làm thế là chúng ta giết chết linh hồn con em chúng ta.
Source:en.wikipedia
 
Schülerkreis lên tiếng bảo vệ Đức Bênêđíctô XVI
Đặng Tự Do
16:24 07/02/2022


Một số người đã chỉ trích Đức Bênêđíctô sau khi báo cáo về lạm dụng tình dục ở Tổng giáo phận Munich-Freising được công bố ngày 20 tháng Giêng cho thấy ít nhất 497 người đã bị lạm dụng trong tổng giáo phận Đức từ năm 1945 đến năm 2019.

Được biên soạn bởi công ty luật Westpfahl Spilker Wastl, nó được ủy quyền bởi Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich-Freising.

Báo cáo xác định 235 thủ phạm lạm dụng, bao gồm 173 linh mục, 9 phó tế, 5 nhân viên mục vụ, và 48 người trong các trường Công Giáo.

Báo cáo cho rằng Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratizinger lúc bấy giờ đã có những sơ suất trong 3 trường hợp. Có một trường hợp thứ tư trong đó hành động của ngài đầu tiên bị đặt vấn đề, nhưng sau đó các nhà điều tra đã khẳng định ngài hành động đúng.

Bất chấp thực tế là báo cáo chỉ dám phàn nàn Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratizinger 3 trường hợp trong tổng số 235 trường hợp, trong buổi họp báo, các luật sư được Hồng Y Marx ủy nhiệm chỉ xoáy vào một mình Đức Ratizinger mà không nhắc gì đến những người khác, kể cả Hồng Y Marx là người bị cáo buộc sai sót trong 2 trường hợp.

Các thành viên mới và cũ của “schülerkreis” của Đức Bênêđíctô XVI - một nhóm thảo luận thần học do Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratzinger thành lập năm 1978 dành cho các học trò cũ của mình - đã lên tiếng bảo vệ Đức Giáo Hoàng Danh dự.

Các thành viên lưu ý trong một tuyên bố ngày 31 tháng Giêng rằng kể từ khi công bố báo cáo của một công ty luật ở Munich vào ngày 20 tháng Giêng về việc xử lý các trường hợp lạm dụng ở tổng giáo phận miền nam nước Đức từ năm 1949 đến năm 2019, “nhiều người đã chỉ trích mạnh mẽ Đức Bênêđíctô và thậm chí còn buộc tội ngài nói dối”.

Các học giả viết: “Điều này không chỉ làm mất uy tín con người và chức vụ của ngài, mà còn cố gắng làm mất uy tín của ông với tư cách là một linh mục và những thành tựu thần học vĩ đại của ngài”.

“Neuer Schülerkreis Joseph Ratzinger / Giáo hoàng Benedict XVI, có các thành viên được truyền cảm hứng trong các tác phẩm của chính họ từ các tác phẩm thần học của ngài và muốn tiếp nối di sản này, rất muốn bày tỏ tình đoàn kết với bậc thầy của mình trong hoàn cảnh khó khăn này,” họ viết.

Trong tuyên bố ngày 31 tháng Giêng của họ, được ký bởi ba thành viên của “schülerkreis” ban đầu và hai thành viên của hội đồng quản trị của “Neuer Schülerkreis” mà Đức Bênêđíctô thành lập năm 2008, các học giả đã thu hút sự chú ý đến những thành tựu của Đức Bênêđíctô XVI trong việc chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ với tư cách là Hồng Y tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và sau đó là Đức Giáo Hoàng.

Họ viết với tư cách là tổng trưởng, ngài “đấu tranh và đối mặt với sự lạm dụng trong Giáo Hội thông qua các biện pháp quyết liệt mới, mà ngài đã phát triển hơn nữa với tư cách là Đức Giáo Hoàng”.

“Khi làm như vậy, với sự nhạy cảm cao độ, ngài liên tục tìm kiếm các cuộc gặp gỡ với những người bị ảnh hưởng bởi lạm dụng, đặc biệt là trong các chuyến tông du nước ngoài, và không nghi ngờ gì về việc anh ấy xấu hổ đến mức nào về những tội ác trong Giáo Hội Công Giáo,”.

Những người ký tên trong tuyên bố, bao gồm Cha Vincent Twomey, một trong những học sinh “schülerkreis” đầu tiên của Giáo sư Ratzinger - khuyến nghị những người muốn biết thêm về cách tiếp cận của Đức Giáo Hoàng Danh dự đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng nên đọc “bức thư gửi cho Người Công Giáo Ái Nhĩ Lan ngày 19 tháng 3 năm 2010”. Họ cũng khuyến nghị đọc một hồ sơ bằng tiếng Đức tóm tắt chủ trương chống lạm dụng của ngài, được biên soạn bởi tờ báo Công Giáo Đức, Die Tagespost, cũng như các tài liệu tham khảo khác được tìm thấy trên trang mạng Neuer Schülerkreis.

“Trong các cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger / Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, chúng tôi đã có thể trải nghiệm lại nhiều lần rằng ngài đã trung thành với phương châm đã chọn là 'đồng nghiệp của sự thật' trong mọi hành động của mình. Vì điều này, chúng tôi biết ơn ngài.”

Kể từ năm 2008, nhóm cựu sinh viên của Đức Joseph Ratzinger đã gặp nhau hàng năm vào cuối mùa hè tại dinh thự mùa hè ở Castel Gandolfo, ngoại ô Rôma. Các nhà thần học trẻ hơn, những người muốn khám phá thần học của ngài và cảm thấy được kết nối với ngài cũng đã tham gia. Vào năm 2017, “Neuer Schülerkreis Joseph Ratzinger / Papst Benedikt XVI” đã trở thành một hiệp hội được đăng ký theo yêu cầu của Đức Bênêđíctô.
Source:National Catholic Register
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình trò chuyện truyền hình
Vũ Văn An
18:19 07/02/2022

Theo hãng tin CNA (https://www.catholicnewsagency.com/news/250312/pope-francis-makes-first-tv-talk-show-appearance), Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với chương trình trò chuyện Che Tempo Che Fa trên truyền hình Ý vào ngày 6 tháng 2 năm 2022.



Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời phỏng vấn đầu tiên của ngài trong một chương trình trò chuyện trên truyền hình vào tối Chúa nhật, yêu cầu các khán giả không cầu nguyện gửi cho ngài “những suy nghĩ tốt đẹp, những rung cảm tốt đẹp”.

Phát biểu với chương trình trò chuyện nổi tiếng vào giờ nhiều người xem nhất của Ý, Che Tempo Che Fa, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài cần những lời cầu nguyện và sự gần gũi ngay bây giờ.

“Xin cầu nguyện cho tôi, tôi cần nó. Và nếu một số bạn không cầu nguyện vì các bạn không tin, không biết cách hoặc không thể, thì ít nhất hãy gửi cho tôi những suy nghĩ tốt đẹp, những rung cảm tốt đẹp”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thế vào ngày 6 tháng 2.

“Tôi cần sự gần gũi đó từ mọi người,” ngài nói thêm trong chương trình có lượng khán giả cao nhất là 8.75 triệu người xem.

Che Tempo Che Fa (thời tiết như thế nào) thường phát sóng các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các chính trị gia, người nổi tiếng, nghệ sĩ và vận động viên. Các khách mời gần đây của chương trình bao gồm cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào năm 2021 và Lady Gaga.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với chương trình truyền hình, được thu hình ở Milan, miền bắc nước Ý, khá cách xa Vatican.

Cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ bao gồm các chủ đề từ bảo vệ môi trường đến thời thơ ấu của Đức Giáo Hoàng ở Argentina.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với người dẫn chương trình truyền hình Fabio Fazio rằng ngài không cảm thấy mình đủ thánh thiện để sống trong Tông điện.

Ngài nói, “Đó là một trong những lý do tại sao tôi chọn không sống trong căn hộ giáo hoàng, bởi vì các vị giáo hoàng ở đó trước đây đều là những vị thánh, và tôi đã không thể làm điều đó. Tôi không phải thánh như vậy”.

“Tôi cần các mối liên hệ nhân bản - đó là lý do tại sao tôi sống trong khách sạn, Santa Marta, nơi người ta có thể nói chuyện với mọi người, ông có thể tìm được bạn bè. Đó là một cuộc sống dễ dàng hơn đối với tôi".

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng đã khẩn khoản yêu cầu chấm dứt việc sản xuất và mua bán vũ khí.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “Ông nên nghĩ rằng trong một năm không chế tạo vũ khí, ông có thể cung cấp thực phẩm và giáo dục miễn phí cho toàn thế giới”.

Ngài nói tiếp: “Chúng ta thấy các nền kinh tế được vận động ra sao và điều quan trọng nhất hiện nay là chiến tranh: chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh quyền lực, chiến tranh thương mại và rất nhiều nhà máy sản xuất vũ khí".

Ngài nhấn mạnh, “Chiến tranh luôn hủy diệt”.

Khi Fazio hỏi ngài tại sao những trẻ vô tội lại phải chịu đau khổ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng bản thân ngài không chịu đựng được khi đối diện với sự đau khổ của trẻ em.

Đức Giáo Hoàng nói, “‘Tại sao trẻ em phải chịu đau khổ?’ Tôi không thấy lời giải thích nào cho điều này. Tôi có đức tin, tôi cố gắng yêu mến Thiên Chúa vốn là Cha tôi, nhưng tôi tự hỏi: 'Nhưng tại sao trẻ em lại phải chịu đau khổ?'... Hận thù, hủy diệt nằm trong tay những kẻ khác gieo rắc điều ác trên thế giới qua sự ghen ghét". Ngài nói thêm Thiên Chúa đã để cho Con mình bị giết.

Ngài cho biết, “Có lẽ đó là một mầu nhiệm mà chúng ta không hiểu rõ, nhưng trong mối liên hệ của Thiên Chúa Cha với Con của Người, chúng ta có thể thấy rõ điều gì ở trong lòng Thiên Chúa khi những điều này xảy ra. Thiên Chúa là đấng mạnh mẽ, Người là đấng toàn năng trong tình yêu”.

“Và khi cơn cám dỗ này đến với ông: ‘Tại sao trẻ em lại chịu đau khổ?’ Tôi chỉ tìm thấy một cách duy nhất: chịu đau khổ cùng với các em. Và đối với tôi, Dostoevsky là một người thầy tuyệt vời trong việc này”, Đức Phanxicô nói thêm như thế, khi đề cập đến tác giả người Nga của cuốn “Tội ác và trừng phạt”và “Anh em nhà Karamazov”.

Dù nói với khán giả xem truyền hình, Đức Giáo Hoàng nói rõ ràng rằng bản thân ngài không xem truyền hình.

Đức Phanxicô nói, “Đúng, tôi không xem truyền hình. Điều này không phải vì tôi lên án nó, nhưng đó là một quyết định tôi đã làm cho Chúa khi Người yêu cầu tôi”.

Đức Giáo Hoàng cũng nói rõ ràng rằng lý do gần đây ngài đến thăm một cửa hàng băng đĩa ở Rome không phải để mua một album mà là để chúc phúc cho cửa hàng.

“Đúng là tôi nghe nhạc… Tôi cũng thích tango rất nhiều,” ngài nói thêm.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Vĩnh Hòa: Thánh Lễ Cầu Cho Tổ Tiên & Chúc Thọ Ngày 2-2-2022
Văn Minh
10:05 07/02/2022
“Theo truyền thống, ngày Mùng Hai Tết, Giáo hội nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người còn sống cũng như những đã qua đời”. Đó là lời mở đầu của linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán – Chánh xứ Vĩnh Hòa – khi ngài chủ sự dâng Thánh lễ kính nhớ tổ tiên Mùng Hai Tết Nhâm Dần 2022. Cách riêng, đối với giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, hôm nay còn là dịp mừng thọ cho 194 cụ tuổi từ 70 trở lên.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể được cử hành lúc 6g00 sáng thứ Tư, ngày 02.02.2022.

Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài các cụ bậc cao niên, còn có quý soeur, là những người con của giáo xứ cùng các con cháu và đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ.

Sau bài Tin Mừng, Lm Gioakim đã diễn giảng về điều răn thứ Tư là: Thảo kính cha mẹ, để nói lên lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục của các ngài. Vì vậy, phận làm con phải biết vâng lời cha mẹ của mình theo như Lời Chúa truyền dạy. Ngược lại, “Ai mà nguyền rủa cha mẹ mình, người đó sẽ bị xử tử”.

Lm Gioakim diễn giảng tiếp: “Trong ngày lễ kính nhớ tổ tiên hôm nay, xin cho những người làm con biết vâng nghe lời dạy của cha mẹ, và cầu xin Chúa ban thêm lòng mến để mỗi người biết thảo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Khi các ngài còn sống thì phải thăm hỏi, giúp đỡ và nuôi dưỡng; một mai, các ngài khuất bóng thì cầu nguyện và xin lễ cùng các việc lành phúc đức khác để dâng lên cho cha mẹ và tổ tiên. Được như vậy, chúng ta mới làm đẹp lòng Chúa và vui lòng cha mẹ của mình.

Thánh lễ tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 7g10.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Giuse Ngô Trưởng Thành – Phó Chủ tịch HĐMV giáo xứ lên có lời cảm ơn và chúc mừng các cụ luôn được tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa, và hạnh phúc bên con cháu trong gia đình. Các ngài là những tấm gương sáng để cho thế hệ con cháu chúng ta nối bước noi theo, để chúng ta cùng nhau làm sáng Danh Chúa giữa dòng đời hôm nay.

Trước khi ra về, Lm Chánh xứ đã trao đến tận tay mỗi cụ một bao lì xì, và các cụ ai nấy đều vui mừng đón nhận.
 
Giáo Xứ CTTĐVN Seattle Mừng Thượng Thọ Quý Cao Niên Tết Nhâm Dần.
Nguyễn An Quý
20:01 07/02/2022
Tukwila. Giáo Hội Việt Nam dành ngày Mồng Hai Tết hàng năm làm ngày đặc biệt kính nhớ Tổ Tiên, ngày cầu nguyện cho ông bà cha mẹ còn sống hay đã qua đời. Với truyền thống tốt đẹp này, hàng năm giáo xứ CTTĐVN cũng dành ngày Chúa Nhật gần nhất sau ngày Tết là ngày mừng Thượng Thọ cho quý cụ cao niên trong giáo xứ từ 70 tuổi trở lên.

Xem Hình

Hôm nay ngày Mồng Sáu Tết, Chúa Nhật ngày 06 tháng 2 năm 2022, giáo xứ hân hoan chào đón quý cụ cao niên đến với giáo xứ trong niềm vui tạ ơn chúc mừng tuổi thọ của cha Trần Hữu Lân cùng quý cụ ông, cụ bà, có vị bước vào tuổi thất thập, vị tám mươi, vị chín mươi, có vị gần đạt đến đỉnh điểm của thời kỳ bách niên giai lão như ông cố Nguyễn Thanh Ngọc trên chín mươi vẫn còn đi đứng vững vàng đã bước lên cung thánh chụp chung hình lưu niệm vào cuối lễ. Khá đông đảo gần cả trăm quý cụ ông cụ bà kể cả có vị ngồi xe lăn cũng được con cháu đưa đến tham dự lễ chúc thọ.

Thánh lễ mừng thượng thọ được cử hành trọng thể lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật V Mùa Thường Niên. Đúng 9:30 am, ba hồi chiêng trống ngân vang làm tăng thêm vẻ trang trọng của nghi lễ mừng Thượng Thọ mang truyền thống văn hoá Việt Nam. Tiếng chiêng trống vừa dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn gồm quý cụ ông cụ bà trong y phục chỉnh tề đủ màu sắc cùng với quý cha cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung Thánh theo tiếng hát của ca đoàn.

Mở đầu Thánh Lễ, cha chánh xứ chủ tế Thánh Lễ ngõ lời: "Hôm nay giáo xứ hân hoan chào đón cha Trần Hữu Lân, quý cụ ông cụ bà trong niềm vui tạ ơn mừng tuổi thọ của Cha Lân cùng tòan thể quý vị hiện diện cũng như đang tham dự trên trực tuyến. Cha Trần Hữu Lân năm nay 77 tuổi vẫn còn khoẻ mạnh và hăng say giúp giáo xứ trong nhiều công tác mục vụ. Xin cho một tràng pháo tay để chúc mừng cha Lân và quý cụ trong dịp mừng thượng thọ hôm nay..." ( tiếng vỗ tay keo dài kha lâu)

Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật V Mùa Thường Niên.

Tin Mừng hôm nay thánh Lu-ca giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu truyền cho ôg Simon chèo thuyền đi thả lưới và kết quả cá đầy cả lưới một cách lạ thường. Cha Trần Hữu Lân công bố lời Chúa với đoạn tin mừng theo Thánh Luca: "Khi ấy, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người ".

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về lòng biết ơn của gia đình giáo xứ đối với các vị cao niên trong giáo xứ là những vị đã có công gầy dựng và đóng góp công sức, tài chánh trong nhiều năm tháng từ lúc còn trẻ cho đến tuổi già nên giáo xứ mới có được cơ sở như hôm nay. Ngoài ra quý cụ cũng là động lực chính trong việc duy trì và bảo vệ nền tảng của truyền thống văn hoá Việt Nam qua hình ảnh của những năm tháng tham gia nhiều công tác trong giáo xứ như gói bánh chưng, bánh tét hàng năm, các lễ hội và duy trì truyền thống đạo đức của người Công Giáo Việt Nam..."

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Sau lời nguyện kết lễ, cha chủ tế chúc mừng thượng thọ cha Trần Hữu Lân với lời trân trọng cám ơn Cha Lân đã giúp giáo xứ nhiều công tác mục vụ với tất cả lòng nhiệt thành trong tinh thần yêu thương của Cha đối với giáo xứ. Kế đến cha chánh xứ và cùng với cha Lân chúc lành cho toàn thể quý cụ có mặt cũng như đang tham dự trên trực tuyến trong ngày mừng Thượng Thọ được nhiều ơn Thánh và xin Chúa ban cho quý cụ được hồn an xác mạnh.."

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, các em Trường Việt Ngữ Đắc Lộ đã có lời chúc thọ quý cụ cao niên với tất cả tấm lòng của tuổi thơ dâng lên quý cụ một cách trang trọng với trích đoạn:



"...Tết nay là Tết Nhâm Dần

Trâu ơi đi nhé, Hổ về oai phong

Mai Đào nở thắm khắp vùng

Nàng Xuân lại đến, hòa dung đất trời

Mừng ngày Tết mới đẹp tươi

Có đoàn con cháu rạng ngời líu lo

Tỏ lòng hiếu thảo vô bờ

Dâng lời chúc thọ qua thơ với vần

Chúng con kính chúc Cha Lân

Niềm vui, sức khỏe, Thánh Ân đầy tràn

Ngày đêm luôn được bình an

Tình yêu của Chúa xóa tan muộn phiền

Như ông tiên đẹp lão, hiền

Chụp hình với thiếu nhi, duyên nhất nhà

Chúc cha được thật nhiều quà

Vì rằng đông nhất chính là chúng con.

Kính chúc quý cụ cao niên

Sống lâu trăm tuổi, an nhiên tháng ngày

Đời trôi nhẹ tựa bóng mây

Đức cao cùng núi, ơn dày biển sâu

Thánh Ân Chúa ở trên đầu

Giữ hồn xác mạnh, vui sầu phó dâng

Trẻ lo con cái nhiều đàng

Chúc cho các cụ yêu đời

Hè, Thu, lễ, Tết… cần, người đến ngay

Giục con cháu phải hăng say

Luôn luôn lo lắng dựng xây nhà thờ

Chúc cho các cụ vô lo

Con hiền cháu thảo, ấm no an bình

Chúc cho các cụ trọn tình

Gương cho con cháu trung trinh một đời

Xuân về rộn rã đất trời

Mừng tuổi các cụ, một lời tri ân.

Pháo nổ râm ran

Như vạn lời chúc

Con cháu có phúc

Ông bà sống lâu

Cả nhà vui vẻ

Ngày xuân sum vầy..."

Thánh Lễ kết thúc lúc 11 giờ với giây phút chụp hình chung lưu niệm ngày mừng Thượng Thọ Tết Nhâm Dần.Ban đón tiếp của giáo xứ đã ân cần trao cho quý cụ mỗi người một phần quà tặng với tất cả tâm tình tri ân và chúc mừng tuổi thọ của quý cụ. Mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý.
 
VietCatholic TV
Câu chuyện khiến người rơi lệ do Đức Thánh Cha kể trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6/3
VietCatholic Media
05:20 07/02/2022

Chúa Nhật 6 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 5 Mùa Quanh Năm. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiền và các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay đưa chúng ta đến bờ Biển Galilê. Đám đông tụ tập xung quanh Chúa Giêsu khi một số ngư dân thất vọng, bao gồm cả Simôn Phêrô, đang rửa lưới sau một đêm đánh cá thất bại. Và kìa, Chúa Giêsu xuống thuyền của ông Simôn Phêrô; và Người lại bảo ông ra biển giăng lưới (x. Lc 5:1-4). Chúng ta hãy dừng lại ở hai hành động này của Chúa Giêsu: thứ nhất, Người xuống thuyền và thứ hai, Người mời chúng ta ra biển. Đó là một đêm mà mọi thứ trở nên tồi tệ, không có cá, nhưng ông Simôn Phêrô tin tưởng và ra khơi.

Đầu tiên, Chúa Giêsu xuống thuyền của ông Simôn Phêrô. Để làm gì? Thưa: Để dạy bảo. Ngài lên chính chiếc thuyền không đầy cá, nhưng đã trở về bờ trống trơn, sau một đêm làm việc và thất vọng. Đó là một hình ảnh đẹp đối với chúng ta. Con thuyền đời ta mỗi ngày rời bến là gia đình để ra biển mưu sinh; mỗi ngày chúng ta cố gắng “thả lưới chỗ sâu”, nuôi dưỡng ước mơ, thực hiện các dự án, sống yêu thương trong các mối quan hệ của mình. Nhưng thường, giống như Phêrô, chúng ta trải qua những “đêm với những tấm lưới trống rỗng”, những đêm thất vọng vì cố gắng đến mấy cũng chẳng thấy kết quả như mong muốn: “Chúng tôi đã làm việc cả đêm mà chẳng bắt được gì” (câu 5), ông Simôn Phêrô nói. Đã bao lần chúng ta chỉ còn lại với cảm giác thất bại, trong lòng lại nảy sinh nỗi thất vọng và cay đắng. Đó là hai loại sâu mọt rất nguy hiểm.

Khi đó, Chúa làm gì? Thưa: Ngài quyết định lên thuyền của chúng ta. Từ đó Ngài loan báo Tin Mừng cho thế giới. Chính chiếc thuyền trống rỗng đó, một biểu tượng cho sự bất lực của chúng ta, lại trở thành “chiếc bục giảng” của Chúa Giêsu, bục giảng mà từ đó Người công bố Lời Chúa. Và đây là điều Chúa thích làm: Chúa là Chúa của những điều ngạc nhiên, của những phép lạ trong những điều ngạc nhiên; bước lên con thuyền của cuộc đời chúng ta khi chúng ta không có gì để cống hiến; bước vào khoảng trống của chúng ta và lấp đầy chúng với sự hiện diện của Ngài; dùng sự nghèo khó của chúng ta để rao truyền sự giàu có của Ngài, sự khốn khổ của chúng ta để rao truyền lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hãy nhớ điều này: Thiên Chúa không muốn có một chiếc du thuyền, nhưng Ngài muốn một con thuyền tồi tàn “tồi tàn” là đủ cho Ngài, miễn là chúng ta chào đón Ngài: vâng! chào đón là quan trọng. Con thuyền không đáng quan tâm… chào đón mới là quan trọng. Nhưng tôi tự hỏi liệu chúng ta có để Chúa Giêsu bước vào con thuyền cuộc đời mình không? Chúng ta có đặt những gì ít ỏi chúng ta có dưới thánh ý Ngài không? Đôi khi chúng ta cảm thấy không xứng đáng với Ngài vì chúng ta là những người tội lỗi. Nhưng đây là một cái cớ mà Chúa không thích, vì nó xua đuổi Ngài ra khỏi chúng ta. Ngài là Chúa của sự gần gũi, của lòng trắc ẩn, của sự dịu dàng, và Ngài không chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo, Ngài tìm kiếm sự chấp nhận. Ngài cũng nói với anh chị em: “Hãy để Thầy lên con thuyền của cuộc đời con”. “Nhưng, Chúa ơi, hãy nhìn xem...”, “Như thế này: hãy để con tiếp tục, như thế này thôi Chúa ơi”. Hãy suy nghĩ về điều này.

Đây là cách Chúa xây dựng lại lòng tin của Phêrô. Sau khi xuống thuyền, sau khi rao giảng, Ngài nói với ông: “Hãy chèo ra chỗ sâu” (câu 4). Đó không phải là thời điểm thích hợp để đánh cá, đó là ban ngày, nhưng Phêrô tin cậy Chúa Giêsu. Ông không dựa vào chiến lược của những người đánh cá, mà ông biết rõ, nhưng ông dựa vào sự mới lạ của Chúa Giêsu. Sự ngạc nhiên đó đã thúc đẩy ông làm theo những gì Chúa Giêsu đã nói với ông. Điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta: nếu chúng ta đón Chúa trên thuyền của mình, chúng ta có thể ra khơi. Với Chúa Giêsu, ta có thể điều hướng biển đời mà không sợ hãi, không thất vọng khi không bắt được gì, và không nhượng bộ khi “không thể làm gì khác”. Luôn luôn, cả trong đời sống cá nhân lẫn đời sống của Giáo hội và xã hội, một điều gì đó cao đẹp và can đảm có thể được thực hiện: luôn luôn. Chúng ta luôn có thể bắt đầu lại Chúa luôn mời gọi chúng ta quay trở lại bởi vì Ngài mở ra những khả năng mới. Do đó, chúng ta hãy chấp nhận lời mời: chúng ta hãy xua đuổi sự bi quan và ngờ vực và hãy xuống biển với Chúa Giêsu. Ngay cả với chiếc thuyền nhỏ trống rỗng của chúng ta cũng sẽ chứng kiến một vụ đánh bắt kỳ diệu.

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Đấng đã đón Chúa trên thuyền cuộc đời Mẹ, khích lệ chúng ta và cầu bầu cho chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay đánh dấu Ngày quốc tế chống lại sự cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Khoảng ba triệu trẻ em gái phải trải qua thủ thuật này mỗi năm, thường trong tình trạng rất nguy hiểm cho sức khỏe của họ. Tục lệ này, không may phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, làm nhục phẩm giá của phụ nữ và đe dọa nghiêm trọng đến sự toàn vẹn về thể chất của họ.

Và vào ngày thứ Ba tới, lễ nhớ Thánh Josephine Bakhita, Ngày Thế giới Cầu nguyện và Suy tư chống lại Nạn buôn người sẽ được cử hành. Đây là một vết thương sâu, gây ra bởi sự theo đuổi lợi ích kinh tế mà không có bất kỳ sự tôn trọng nào đối với con người một cách nhục nhã. Nhiều cô gái - chúng tôi nhìn thấy họ trên đường phố - những người không được tự do, là nô lệ của bọn buôn người, những người đưa họ đi làm và nếu họ không mang tiền về, chúng sẽ đánh họ. Điều này đang xảy ra ở các thành phố của chúng ta ngày nay. Hãy thực sự suy nghĩ về nó.

Đối mặt với những tai họa của nhân loại, tôi bày tỏ nỗi đau của mình và kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm phải hành động dứt khoát để tránh cả những hành vi bóc lột và làm nhục nhất là phụ nữ và trẻ em gái.

Ngày hôm nay, tại Ý cũng tổ chức Ngày cho cuộc sống với phương châm “Chăm sóc cho mỗi cuộc sống”. Lời kêu gọi này có giá trị đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những người yếu nhất: người già, người bệnh và ngay cả trẻ em đang bị ngăn cản chào đời. Tôi tham gia cùng các giám mục Ý trong việc thúc đẩy văn hóa sống như một phản ứng đối với luận lý của sự loại bỏ và suy giảm nhân khẩu học. Tất cả cuộc sống phải được bảo vệ, luôn luôn!

Chúng ta đã quen nhìn và đọc rất nhiều điều xấu trên các phương tiện truyền thông, những tin tức xấu, tai nạn, giết người... rất nhiều thứ. Nhưng hôm nay tôi xin đề cập đến hai điều đẹp đẽ. Một, ở Ma rốc, cả thị trấn đã cùng nhau cứu Rayan như thế nào. Cả thị trấn đã ở đó, làm việc để cứu một đứa trẻ. Họ đặt mọi thứ họ có vào đó. Thật không may, Rayan đã không qua khỏi. Nhưng ví dụ đó - hôm nay tôi đọc được trên tờ Il Messdowro - những bức ảnh chụp một ngôi làng ở đó, đang chờ cứu một đứa trẻ.... Cảm ơn những người này vì chứng tá đó!

Và một chuyện khác, đã xảy ra ở Ý ở đây, và sẽ không xuất hiện trên báo. Tại Monferrato: John, một người di cư Ghana 25 tuổi, người đã phải chịu đựng mọi thứ mà nhiều người di cư phải chịu để đến được đó, và cuối cùng định cư ở Monferrato, bắt đầu làm việc, xây dựng tương lai của mình, trong một công ty rượu. Và rồi anh ấy đổ bệnh vì căn bệnh ung thư quái ác, đến mức sắp chết. Và khi họ nói cho anh ta biết sự thật, và hỏi anh ta thích làm gì, anh ta trả lời: “Trở về nhà để ôm cha tôi trước khi mất.” Khi chết, anh nghĩ về cha mình. Và tại thị trấn Monferrato đó, họ lập tức thu thập và nhét đầy morphin vào người anh ta, họ đưa anh ta và một đồng nghiệp lên máy bay và tiễn anh ta về nhà để chết trong vòng tay của cha anh. Điều này cho chúng ta thấy rằng ngày nay, giữa rất nhiều tin xấu, vẫn có những điều đẹp đẽ, vẫn có.

Tôi chào tất cả anh chị em, những anh chị em ở Rôma và những người hành hương. Đặc biệt, những người đến từ Đức, Ba Lan và Valencia, Tây Ban Nha; cũng như các sinh viên đại học Madrid - họ ồn ào, những người Tây Ban Nha đàng kia! - và các tín hữu của giáo xứ Thánh Phanxicô Assisi ở Rôma. Một lời chào đặc biệt đến các nữ tu của nhóm Talitha Kum, những người hoạt động chống lại nạn buôn người. Cảm ơn chị em. Cảm ơn vì những gì chị em đã làm, vì sự dũng cảm của chị em. Cảm ơn chị em. Tôi khuyến khích chị em trong công việc của mình và tôi chúc phúc cho bức tượng Thánh Josephine Bakhita.

Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
Chấn động nước Úc: Đào mộ lấy cắp thủ cấp cho các nghi thức thờ Sa tan
VietCatholic Media
05:28 07/02/2022


1. Những kẻ thờ Satan ở Úc đào mộ, chặt đầu người cho các nghi thức thờ ma quỷ

Cảnh sát đã phát hiện ra những ngọn nến, những cây thánh giá và những bức thư gửi cho quỷ Satan gần những ngôi mộ bị đập phá trong một nghĩa trang ở Melbourne, làm dấy lên những nghi ngờ xung quanh việc thờ cúng ma quỷ.

Những kẻ trộm mộ đã đánh cắp hài cốt từ một nghĩa trang ở Úc trong hai vụ riêng biệt diễn ra trong vòng tuần qua, khiến cảnh sát phải cố gắng xác định nhanh chóng động cơ của chúng trước áp lực của công chúng Úc.

Người phát ngôn của Cảnh sát Victoria nói với VICE World News rằng vụ trộm đầu tiên diễn ra tại nghĩa trang Footscray của Melbourne, nơi có đông đảo người Việt tị nạn sinh sống, trong đêm từ ngày 27 đến ngày 28 tháng Giêng, trong khi vụ trộm thứ hai xảy ra từ đêm thứ Hai 31 tháng Giêng đến sáng thứ Ba mùng 1 tháng Hai. Trong cả hai trường hợp, những tên trộm đều tiến vào lăng mộ, mở tung quan tài và mạo phạm đến thi thể được chôn cất. Không có gì dường như đã được lấy đi ngoài “một phần hài cốt của con người.”

Báo chí địa phương cho rằng những tên trộm đã chặt đầu các thi thể để đánh cắp đầu người, nhưng cảnh sát từ chối xác nhận bộ phận cơ thể nào đã bị đánh cắp.

“Có vẻ như hài cốt của con người là trọng tâm của kẻ phạm tội, và đó là điều chúng tôi đang tập trung vào,” Thanh tra Ben Jarman nói với giới truyền thông hôm thứ Tư, lưu ý rằng các khu chôn cất kiểu lăng mộ sẽ cần phải gắn các camera an ninh để tránh đột nhập. Theo Seven News, nến, cây thánh giá và thư gửi Satan được tìm thấy trong nghĩa trang, làm dấy lên câu hỏi liệu các vụ việc có thể liên quan đến việc thờ cúng ma quỷ hay không. Cảnh sát đã không chính thức loại bỏ lý do này.

Jarman nói: “Bởi vì đây là một tội ác không phổ biến, thành ra, cho đến khi chúng tôi bắt được kẻ phạm tội và tìm ra động cơ, rất khó để nói động cơ của hành động xúc phạm này là gì”

An ninh bổ sung đã được lắp đặt tại nghĩa trang sau khi xảy ra các vụ cướp, bao gồm bốn camera với độ phân giải cao, và cảnh sát đã tăng cường tuần tra. Jarman cho biết “có rất ít camera quan sát” vào thời điểm xảy ra các vụ trộm.

Cảnh sát đã biết về một nỗ lực trộm cắp vào ngôi mộ thứ ba, cũng như vụ một ngôi mộ thứ tư đã bị xáo trộn nhưng không chứa hài cốt người, vì đây là một huyệt mộ được mua trước, nhưng chưa chôn cất ai. Các vụ trộm đã được báo cho cảnh sát sau khi những người qua đường nhận thấy các ngôi mộ đã bị hư hại.

Việc cắt bỏ các bộ phận cơ thể có thể bị phạt tới 5 năm tù giam và cảnh sát hiện đang kêu gọi bất kỳ ai có thể đã chứng kiến hoạt động đáng ngờ trong khu vực trong tuần trước ra trình diện. Không rõ có bao nhiêu người liên quan đến tội ác.

Jarman nói: “Rất khó để nói liệu họ có hành động một mình hay không. Có rất nhiều việc phải làm để có thể đánh cắp các bộ phận thi thể từ những lăng mộ này, và chúng tôi thấy có một lượng thiệt hại đáng kể, nhưng còn quá sớm để nói ở giai đoạn này.”
Source:Vice

2. An ninh tăng cường sau vụ náo loạn mùng Hai Tết Nhâm Dần

Các biện pháp an ninh đã được tăng cường sau vụ náo loạn xảy ra trong buổi triều yết chung mùng Hai Tết Nhâm Dần, 2 tháng Hai. Một người đàn ông đã hét toáng lên bằng tiếng Anh khi Đức Thánh Cha đang trình bày bài giáo lý của ngài.

Lúc gần 9 giờ sáng, thứ Tư ngày 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 2,000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ năm từ đầu năm đến nay.

Nhiếp ảnh gia Daniel Ibáñez của EWTN News cho biết người đàn ông bắt đầu bằng cách hét lên bằng tiếng Anh “Đây không phải là Giáo Hội của Chúa” và sau đó nói bằng tiếng Ý: “Đừng đeo mặt nạ trong Giáo Hội. Đây không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu. Giáo Hội phải là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Ngài không phải là vua”. Những lời này rõ ràng là nhằm tấn công vào cá nhân Đức Giáo Hoàng.

Sự gián đoạn xảy ra vào gần cuối bài suy tư của Đức Giáo Hoàng về Sự Hiệp Thông Với Các Thánh. Người đàn ông, ngồi cách xa những người hành hương khác ở phía sau Đại Thính Đường. Anh ta được hiến binh và Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ “tháp tùng” ra bên ngoài, nhưng không có vũ lực.

Đức Thánh Cha đã nhận thấy những tiếng la hét mà người đàn ông thốt ra, nhưng nói ngài tha thứ cho điều đó. Cuối bài phát biểu, ngài ngỏ lời với các tín hữu và cầu xin những lời cầu nguyện cho người đàn ông này. Đức Thánh Cha nói: “Cách đây ít lâu, chúng ta nghe thấy một người liên tục la hét; anh ấy có một số vấn đề, tôi không biết đó là thể chất, tinh thần hay tâm linh. Một người anh em của chúng ta có một số vấn đề”.

Và ngài nói thêm: “Tôi xin chúng ta kết thúc bằng việc cầu nguyện cho anh ấy. Đối với người anh em của chúng ta, người đau khổ, tội nghiệp, đó là lý do tại sao anh ấy hét lên. Nếu anh ấy hét lên là vì anh ấy đau khổ vì anh ấy cần thứ gì đó. Chúng ta không thể làm ngơ trước tiếng kêu của người anh em đó”.

Giáo Hội đang trong tiến trình Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, chúng ta hãy cầu nguyện sao cho dân Chúa có thể hành trình cùng nhau trên cùng một con đường của Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống; hiệp nhất với nhau thành cộng đoàn; và tham gia tích cực vào sứ mệnh truyền bá Phúc âm của Giáo Hội.
Source:Catholic News Agency

3. Hai tháng sau khi từ chức, Đức Tổng Giám Mục Paris gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Đức Cha Michel Aupetit, nguyên Tổng Giám mục Paris, trong một buổi tiếp kiến tại Vatican vào ngày mùng Ba Tết Nhâm Dần 3 tháng Ba.

Chưa đầy hai tháng sau khi chấp nhận đơn từ chức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit, nguyên tổng giám mục của Paris, trong một buổi tiếp kiến riêng vào ngày 3 tháng 2, một nguồn tin của Vatican xác nhận với tờ I MEDIA. Chuyến thăm của vị giám mục Pháp tới Vatican đã được La Croix thông báo hồi đầu tuần.

Sau một loạt bài báo trên các báo chí Pháp đặt câu hỏi về vấn đề quản trị và cuộc sống riêng tư của ngài, Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã quyết định bàn giao chức vụ của mình cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 26 tháng 11, nói rõ rằng ngài không từ chức, mà chỉ đơn giản là để lại quyết định về tương lai của mình với tư cách là đứng đầu Tổng giáo phận Paris cho Đức Giáo Hoàng quyết định.

Chưa đầy một tuần sau, vào ngày 2 tháng 12, trong chuyến thăm Síp và Athens, qua bản tin chính thức của văn phòng báo chí Vatican, Đức Giáo Hoàng đã miễn nhiệm vị Tổng Giám Mục Paris.

Được các phóng viên đặt câu hỏi vài ngày sau đó trong cuộc họp báo sau chuyến đi của mình, Đức Phanxicô giải thích quyết định của mình, nói rằng “chuyện tầm phào” khiến cho việc điều hành là không thể đối với Đức Tổng Giám Mục Aupetit. “Đây là lý do tại sao tôi chấp nhận sự từ chức của Đức Cha Aupetit, không phải trên bàn thờ của sự thật, mà là trên bàn thờ của đạo đức giả”

Đức Giáo Hoàng cũng nói - một cách thiếu chính xác - về những cáo buộc chống lại Đức Tổng Giám Mục Paris, nói về việc “vi phạm điều răn thứ sáu”. Ngài nói vào thời điểm đó rằng ngài không biết chính xác những gì vị Giám Mục đã bị buộc tội, và kêu gọi các nhà báo mà Đức Thánh Cha đã nói chuyện điều tra tình hình. Ngài nói thêm rằng “tội lỗi xác thịt không phải là tội trọng nhất: những tội lỗi nặng nhất là những tội lỗi có tính cách 'siêu nhiên' hơn; kiêu hãnh, hận thù… đây là những điều nghiêm trọng nhất”.

Theo tin tờ La Croix International, Đức Cha Michel Aupetit đã khởi kiện Tuần san Paris Match vì tội phỉ báng nhân cách khi đăng những bức ảnh bóng gió mà họ bí mật chụp ngài và một phụ nữ trẻ.

Hôm 8 tháng 12, Paris match đã đăng các bức hình của ngài với nhà thần học Laetitia Calmeyn, 46 tuổi, gợi ý rằng hai người đang có chuyện tình lăng nhăng.

Trong một cuộc phỏng vấn trên nhật báo Le Parisien, vị tổng giám mục đã đề cập tới các cáo buộc đưa ra vào ngày 22 tháng 11 bởi một tuần báo khác của Pháp, tờ Le Point – cho rằng ngài mất lòng mọi người bởi phong cách quản trị của ngài và ngài có quan hệ thân mật với một phụ nữ vào năm 2012 trước khi ngài làm giám mục.

Đức Cha Aupetit nói với Le Parisien rằng “không có chuyện tình lăng nhăng” vào năm 2012 khi ngài còn là tổng đại diện của Paris. Và ngài nói rõ rằng, dù sao, sự việc “không phải về Laetitia Calmeyn”, là người mà ngài thậm chí còn không biết vào thời điểm đó.

Người đàn bà trong vụ này là một người giàu có, quyên góp cho tổng giáo phận Paris và đó là lý do ngài phải thường xuyên tiếp xúc. Đức Cha Aupetit nói rằng bà ta “là một người thường hay bám vào các linh mục và bác sĩ, vì bà ta bị chứng lẻ loi cô độc”.

Đức Cha Aupetit, một bác sĩ trước khi được thụ phong linh mục ở tuổi 44, cho biết ngài đã trao đổi email với người phụ nữ này và thừa nhận rằng mối quan hệ của họ không rõ ràng.

Ngài nói rằng người đàn bà viết cho ngài “mỗi ngày” và thừa nhận rằng “có một lần” khi cô ấy “bị đau lưng”, ngài đã “xoa bóp cho cô ấy bớt căng thẳng”.

Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói, “Một vài năm trước, tôi đã báo cáo điều này cho các bề trên của tôi”.

Ngài nói thêm, “Quả thực không có gì mới trong câu truyện này. Nhưng việc phơi bầy công khai về nó có thể đã đặt người cai quản giáo phận ở thế khó khăn”.

Ngài nói chính vì thế ngài đã quyết định trao chức vụ của ngài cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định.

Ngài có mong Đức Giáo Hoàng chấp nhận việc từ chức của ngài hay không?

Đức Cha Aupetit nói, “Nếu Đức Thánh Cha hỏi tôi, có thể tôi đã vượt qua được cơn giông bão. Tôi có thể cáng đáng được công việc này”.

Đức Cha Aupetit thừa nhận “Tôi đoán Đức Thánh Cha cảm thấy tình hình có thể làm suy yếu giáo phận”.

Sau khi Đức Phanxicô miễm nhiệm Đức Cha Aupetit, Đức Giáo Hoàng có nói Đức Tổng Giám Mục không còn cai quản được nữa vì “danh tiếng của ngài đã bị xâm hại”, trích dẫn sự “vi phạm” điều răn thứ sáu, “không phải toàn diện, nhưng bao gồm những cái vuốt ve và mát xa nhỏ mà ngài đã làm cho thư ký của mình”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng người phụ nữ được đề cập không phải là thư ký của ngài.

Ngài nói, “tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng hơi lẫn lộn các yếu tố của câu chuyện một chút”.

Ngài cho biết, “Cô thư ký tội nghiệp của tôi chẳng liên quan gì. Tôi biết rõ về chồng và gia đình của cô ấy. Tôi đã rửa tội cho cháu của cô ấy”.

Liên quan đến những bức ảnh của ngài và Calmeyn được đăng trên Paris Match, vị tổng giám mục nói rằng ngài đã ăn trưa với nhà thần học sinh quán ở Bỉ và sau đó họ đi dạo trong một công viên gần đó.

Đức Cha Aupetit đặt câu hỏi: “Nếu bạn không còn khả thể đi ăn với một người bạn mà không bị báo chí săn đuổi chụp hình bạn, thì chúng ta đang sống trong một loại thế giới nào đây?”

Ngài nhấn mạnh, “Điều này không liên quan gì đến một mối quan hệ yêu đương hay tình dục. Đó là một tình bạn”.

Ngài nói thêm, “Tôi thấy thật ti tiện khi nó bị vấy bẩn”.
Source:Aleteia
 
Hãi hùng: Mưu toan xây dựng một thế hệ trẻ yêu mến và thờ phượng Satan. HY Mark đòi bỏ luật độc thân
VietCatholic Media
16:19 07/02/2022


1. Quá điên: Xây dựng một thế hệ trẻ yêu mến và thờ phượng Satan

Hôm 20 tháng 10, 2018, một nhóm phù thủy đã tập trung lại với nhau để “ếm bùa” tân thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Brett Kavanaugh trong suốt ba giờ đồng hồ từ 7h tối đến 10h khuya. Địa điểm xảy ra là tại Catland Books, một cửa hàng chuyên bán các sách siêu hình và ma thuật huyền bí ở Brooklyn, New York.

Hệ thống truyền hình Công Giáo EWTN đã phỏng vấn cha Gary Thomas, linh mục trừ tà của giáo phận San Jose, California. Cảm tưởng đầu tiên của ngài là “kinh hoàng” và “đau buồn” trước diễn biến này.

Những ai muốn vào xem thì được yêu cầu trả 10 Mỹ Kim và mang theo dao búa để chặt chém vào những hình nộm của ông Kavanaugh. Tất cả vé đã được bán hết trong ngày đầu tiên. Những kẻ tổ chức nói số tiền thu được trong dịp này là để trợ giúp cho Planned Parenthood và các nhóm đồng tính. Planned Parenthood là một tổ chức phá thai từng được Barrack Obama tài trợ mỗi năm 530 triệu Mỹ Kim để thực hiện ít nhất là 324,000 ca phá thai hàng năm tại hơn 600 cơ sở trên toàn cõi Hoa Kỳ.

Tại sao chúng ếm bùa ông Brett Kavanaugh? Theo cha Gary Thomas vì ông Brett Kavanaugh là một người Công Giáo. Một khi ông vào được trong Tối Cao Pháp Viện, những chương trình nghị sự của các nhóm phò phá thai, hôn nhân đồng tính sẽ gặp nhiều khó khăn và cả những phán quyết được đưa ra trước đây có thể bị lật ngược lại.

Tuy nhiên, vị linh mục nhấn mạnh rằng câu chuyện ếm bùa ông Brett Kavanaugh cho thấy giáo phái thờ Satan tại Mỹ đã thay đổi sách lược. Đây là lần đầu tiên, giáo phái thờ Satan xen vào cuộc sống chính trị tại Hoa Kỳ. Nhận định này được củng cố trong các buổi ếm bùa Tổng thống Trump diễn ra sau đó. Sách lược chủ yếu trước đây là các hình thái dâm ô, trụy lạc. Trong các buổi lễ của giáo phái thờ Satan, các thiếu nữ trẻ đẹp trần truồng lượn quanh các tín đồ trước khi nằm dài trên cái gọi là bàn thờ, trước mặt một đạo sĩ. Với đà phát triển mạnh của phim ảnh khiêu dâm trên Internet, tiết mục này xem ra không còn hấp dẫn nữa. Chính vì thế, họ phải thay đổi sách lược.

Chương trình truyền hình NBCNews tối thứ Sáu mùng 4 Tết Nhâm Dần vừa lên tiếng báo động về một sách lược mới, gọi là After School Satan, nhằm xây dựng một thế hệ trẻ yêu mến và thờ phượng Satan.

Để quý vị và anh chị em dễ hình dung ra, Thúy Nga xin giải thích như sau. Ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Úc, và Âu Châu học sinh học cả ngày trong trường từ 8 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều. Lúc 3 giờ, khi các em tan học, cha mẹ có thể vẫn còn trong giờ làm việc. Vì thế, tồn tại một hệ thống các lớp gọi là After School nhằm giữ các em cho đến khi cha mẹ tan sở đến đón.

After School Satan là một dự án chương trình sau giờ học của nhóm đền thờ Satan, một tổ chức tôn giáo có trụ sở tại Salem, Massachusetts và được tài trợ bởi Reason Alliance LTD.

Chương trình được quảng cáo không dạy về việc thờ phượng Satan cũng như không cố gắng cải đạo những học sinh tham gia, thay vào đó họ dạy về chủ nghĩa duy lý và hiểu biết về thế giới xung quanh chúng ta; tức là một cách trực tiếp chống lại niềm tin Kitô và gián tiếp chiêu dụ tín đồ.

Giáo phái thờ Satan thông báo họ đang theo đuổi các trường After School Satan ở các thành phố trên khắp nước Mỹ, bao gồm Atlanta, Los Angeles, Salt Lake City, Pensacola, Washington, DC, Tucson, Springfield, Missouri, Seattle và Portland.

Vào tháng Giêng năm 2022, trường After School Satan đã được khu học chánh Moline, Illinois cấp giấy phép.

Anh chị em phải cẩn thận, đừng vì những tiện lợi nhất thời gởi con vào các trường After School Satan. Làm thế là chúng ta giết chết linh hồn con em chúng ta.
Source:en.wikipedia

2. Hồng Y Marx hô hào bãi bỏ luật độc thân linh mục, giảm bớt quyền bính Giáo Hoàng

Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám mục của Munich-Freising, tuyên bố ủng hộ việc bãi bỏ luật độc thân linh mục của Giáo Hội. “Sẽ tốt hơn cho một số linh mục nếu họ được kết hôn,” Hồng Y Marx nói với Süddeutsche Zeitung trong ấn bản thứ Năm 3 tháng Hai. Theo Đức Tổng Giám Mục Munich, không thể hình dung một việc cấm đoán đời sống độc thân là “lối sống của Chúa Giêsu. Nhưng nếu tôi coi nó như một yêu cầu cơ bản đối với mọi linh mục, thì tôi sẽ đặt một nghi vấn về điều đó. Tôi không nghĩ mọi thứ có thể tiếp diễn như bây giờ”. Theo Hồng Y Marx, lối sống độc thân của các linh mục là “bấp bênh”. “Tôi tiếp tục nói với các linh mục trẻ. Sống một mình không dễ dàng gì”. Như thế, “Một số người sẽ nói, ‘Nếu chúng ta không còn có chế độ độc thân bắt buộc nữa, thì mọi linh mục sẽ kết hôn ngay bây giờ’. Câu trả lời của tôi là: nếu đúng như vậy, nếu mọi linh mục kết hôn thì đó sẽ là một dấu hiệu thực sự cho thấy mọi thứ đang không suôn sẻ”.

Đây là lần đầu tiên Hồng Y Marx tự định vị rõ ràng và hoàn toàn về câu hỏi này. Trước Thượng hội đồng Amazon vào năm 2019, ông nói rằng ông có thể hình dung việc loại bỏ luật độc thân linh mục ở những khu vực thiếu linh mục. Những lập luận chống lại nó ngày càng yếu đi đối với anh ta. “Chúng ta chưa đi đến cùng, tôi chỉ biết rằng chúng ta cần một sự đồng thuận lớn. Hoặc toàn bộ tòa nhà sẽ đổ vỡ”.

Hồng Y Marx cũng nói rằng việc điều trị lạm dụng tình dục không nên tách rời khỏi các cuộc cải cách. “Đó là về những thứ mang tính hệ thống, về chủ nghĩa giáo quyền, chủ nghĩa độc thân, đàn ông và phụ nữ. Bạn không thể bỏ qua tất cả những điều đó “.

Hai tuần trước, công ty luật Munich Westpfahl Spilker Wastl (WSW) đã công bố báo cáo của mình về lạm dụng tình dục ở tổng giáo phận Munich và Freising. Báo cáo xác định 235 thủ phạm lạm dụng, bao gồm 173 linh mục, 9 phó tế, 5 nhân viên mục vụ, và 48 người trong các trường Công Giáo.

Báo cáo cho rằng Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratizinger lúc bấy giờ đã có những sơ suất trong 3 trường hợp. Có một trường hợp thứ tư trong đó hành động của ngài đầu tiên bị đặt vấn đề, nhưng sau đó các nhà điều tra đã khẳng định ngài hành động đúng.

Bất chấp thực tế là báo cáo chỉ dám phàn nàn Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratizinger 3 trường hợp trong tổng số 235 trường hợp, cuộc họp báo đã xoáy một cách không cân xứng về Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, cho thấy rõ ý đồ của cái gọi là Ủy ban điều tra “độc lập” do Hồng Y Marx dựng nên.

Hồng Y Marx cũng bày tỏ sự không hài lòng với Vatican và việc cải cách Giáo triều, nói rằng “vẫn còn chỗ để cải thiện”. Kiểm soát thể chế, tư vấn, minh bạch là cần thiết, “và không phải cuối cùng bạn tự quyết định mọi thứ”. Ông cho rằng sứ vụ giáo hoàng cũng phải được thay đổi. “Chưa bao giờ có giáo huấn của Giáo Hội mà theo đó mọi lời của Đức Giáo Hoàng phải là vàng ròng”.
Source:ilsismografo

3. Schülerkreis lên tiếng bảo vệ Đức Bênêđíctô XVI

Một số người đã chỉ trích Đức Bênêđíctô sau khi báo cáo về lạm dụng tình dục ở Tổng giáo phận Munich-Freising được công bố ngày 20 tháng Giêng cho thấy ít nhất 497 người đã bị lạm dụng trong tổng giáo phận Đức từ năm 1945 đến năm 2019.

Được biên soạn bởi công ty luật Westpfahl Spilker Wastl, nó được ủy quyền bởi Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich-Freising.

Báo cáo xác định 235 thủ phạm lạm dụng, bao gồm 173 linh mục, 9 phó tế, 5 nhân viên mục vụ, và 48 người trong các trường Công Giáo.

Báo cáo cho rằng Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratizinger lúc bấy giờ đã có những sơ suất trong 3 trường hợp. Có một trường hợp thứ tư trong đó hành động của ngài đầu tiên bị đặt vấn đề, nhưng sau đó các nhà điều tra đã khẳng định ngài hành động đúng.

Bất chấp thực tế là báo cáo chỉ dám phàn nàn Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratizinger 3 trường hợp trong tổng số 235 trường hợp, trong buổi họp báo, các luật sư được Hồng Y Marx ủy nhiệm chỉ xoáy vào một mình Đức Ratizinger mà không nhắc gì đến những người khác, kể cả Hồng Y Marx là người bị cáo buộc sai sót trong 2 trường hợp.

Các thành viên mới và cũ của “schülerkreis” của Đức Bênêđíctô XVI - một nhóm thảo luận thần học do Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratzinger thành lập năm 1978 dành cho các học trò cũ của mình - đã lên tiếng bảo vệ Đức Giáo Hoàng Danh dự.

Các thành viên lưu ý trong một tuyên bố ngày 31 tháng Giêng rằng kể từ khi công bố báo cáo của một công ty luật ở Munich vào ngày 20 tháng Giêng về việc xử lý các trường hợp lạm dụng ở tổng giáo phận miền nam nước Đức từ năm 1949 đến năm 2019, “nhiều người đã chỉ trích mạnh mẽ Đức Bênêđíctô và thậm chí còn buộc tội ngài nói dối”.

Các học giả viết: “Điều này không chỉ làm mất uy tín con người và chức vụ của ngài, mà còn cố gắng làm mất uy tín của ông với tư cách là một linh mục và những thành tựu thần học vĩ đại của ngài”.

“Neuer Schülerkreis Joseph Ratzinger / Giáo hoàng Benedict XVI, có các thành viên được truyền cảm hứng trong các tác phẩm của chính họ từ các tác phẩm thần học của ngài và muốn tiếp nối di sản này, rất muốn bày tỏ tình đoàn kết với bậc thầy của mình trong hoàn cảnh khó khăn này,” họ viết.

Trong tuyên bố ngày 31 tháng Giêng của họ, được ký bởi ba thành viên của “schülerkreis” ban đầu và hai thành viên của hội đồng quản trị của “Neuer Schülerkreis” mà Đức Bênêđíctô thành lập năm 2008, các học giả đã thu hút sự chú ý đến những thành tựu của Đức Bênêđíctô XVI trong việc chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ với tư cách là Hồng Y tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và sau đó là Đức Giáo Hoàng.

Họ viết với tư cách là tổng trưởng, ngài “đấu tranh và đối mặt với sự lạm dụng trong Giáo Hội thông qua các biện pháp quyết liệt mới, mà ngài đã phát triển hơn nữa với tư cách là Đức Giáo Hoàng”.

“Khi làm như vậy, với sự nhạy cảm cao độ, ngài liên tục tìm kiếm các cuộc gặp gỡ với những người bị ảnh hưởng bởi lạm dụng, đặc biệt là trong các chuyến tông du nước ngoài, và không nghi ngờ gì về việc anh ấy xấu hổ đến mức nào về những tội ác trong Giáo Hội Công Giáo,”.

Những người ký tên trong tuyên bố, bao gồm Cha Vincent Twomey, một trong những học sinh “schülerkreis” đầu tiên của Giáo sư Ratzinger - khuyến nghị những người muốn biết thêm về cách tiếp cận của Đức Giáo Hoàng Danh dự đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng nên đọc “bức thư gửi cho Người Công Giáo Ái Nhĩ Lan ngày 19 tháng 3 năm 2010”. Họ cũng khuyến nghị đọc một hồ sơ bằng tiếng Đức tóm tắt chủ trương chống lạm dụng của ngài, được biên soạn bởi tờ báo Công Giáo Đức, Die Tagespost, cũng như các tài liệu tham khảo khác được tìm thấy trên trang mạng Neuer Schülerkreis.

“Trong các cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger / Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, chúng tôi đã có thể trải nghiệm lại nhiều lần rằng ngài đã trung thành với phương châm đã chọn là 'đồng nghiệp của sự thật' trong mọi hành động của mình. Vì điều này, chúng tôi biết ơn ngài.”

Kể từ năm 2008, nhóm cựu sinh viên của Đức Joseph Ratzinger đã gặp nhau hàng năm vào cuối mùa hè tại dinh thự mùa hè ở Castel Gandolfo, ngoại ô Rôma. Các nhà thần học trẻ hơn, những người muốn khám phá thần học của ngài và cảm thấy được kết nối với ngài cũng đã tham gia. Vào năm 2017, “Neuer Schülerkreis Joseph Ratzinger / Papst Benedikt XVI” đã trở thành một hiệp hội được đăng ký theo yêu cầu của Đức Bênêđíctô.
Source:National Catholic Register