Ngày 03-02-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:51 03/02/2025

40. “Thật yêu người” là trung tâm của tinh thần tu đức. “Toàn hy sinh” là điều kiện. “Luôn vui vẻ” là hiệu quả.

(Cha Vincent Lebbe)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:53 03/02/2025
56. DÂNG LÊN HUYẾT PHÂN

Có một quan mới nhậm chức, các lý trưởng ở thôn quê mỗi người phải dâng cho quan một trăm gánh phân để bón ruộng.

Có một lý trưởng dâng lên chín mươi chín gánh, còn thiếu một gánh, làm thế nào cũng không kịp nên ông ta nóng ruột quá chừng, bèn lấy rau dền đỏ nấu với nước, gom lại thành một gánh sung vào cho đủ số.

Quan sứ hỏi:

- “Gánh phân này sao lại có màu đỏ vậy?”

Lý trưởng trả lời:

- “Phân trong hậu môn của bá tánh đều vét ra hết sạch, đây là do máu mới nặn ra đấy !”

(Tiếu Hải Thiên Kim)

Suy tư 56:

Người tham ô thì không có gì mà không “ăn”, ngay cả phân cũng “ăn”, cho nên người ta nói người tham ô thường ăn bẩn là như vậy.

Có những ông quan khi đến nhậm chức thì người ta vui mừng vì ông quan có tiếng là tận tâm với chức vụ, hết lòng lo cho dân; có ông quan chưa đến mà dân đã ngán ngẫm và lo lắng, vì ông ta nổi tiếng là tham ô và thích vơ vét của cải của dân chúng, bởi vì cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan. Thời nay mánh lới của các quan tham ô rất tinh vi, thay vì ăn cướp trắng trợn, thì mở ra đề án xây dựng công trình này công trình nọ để ăn cướp tiền bạc vật chất đất đai của bá tánh, mà bá tánh đó chính là những người nghèo làm lụng vất vả...

Người Ki-tô hữu không những rất hiểu ý nghĩa của hai chữ công bằng, mà còn thêm hai chữ bác ái phía sau nữa đó là công bằng bác ái, bởi vì sống công bằng mà thôi thì cũng chưa đủ vì công bằng mới nói lên được sự liêm chính, nhưng công bằng bác ái thì lột tả được khuôn mặt đích thực của người môn đệ Đức Chúa Giê-su, hay nói cách khác, làm cho người khác thấy rõ khuôn mặt của Ngài hơn, khi chúng ta sống công bằng bác ái với tha nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 04/02: Chỉ cần Tin thôi, mọi việc hãy để Chúa làm – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:27 03/02/2025

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’” Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

Đó là lời Chúa
 
Vùng Bình An
Lm Minh Anh
15:44 03/02/2025
VÙNG BÌNH AN
“Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh!”; “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!”.

“Điều gì đang chờ đợi bạn bên ngoài vùng an toàn?”. Theo Darius Foroux, khi thoát khỏi ‘Vùng An Toàn, Comfort zone’, bạn bước vào ‘Vùng Sợ Hãi, Fear zone’ và ‘Vùng Học Hỏi, Learning zone’ trước khi đến được ‘Vùng Tăng Trưởng, Growth zone’. Nghiên cứu cho biết, 80% người trên thế giới ở mãi trong ‘Vùng An Toàn’; 20% số còn lại nằm trong 3 vùng sau. Càng ra phía ngoài, số người càng giảm; nói cách khác, chỉ có một số rất ít có thể tiến vào ‘Vùng Tăng Trưởng, Vùng Bình An!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay mô tả chi tiết hai con người đã ra khỏi vùng an toàn của mình để tiếp cận ‘Vùng Tăng Trưởng’ - ‘Vùng Bình An’ - một vùng có tên “Giêsu!”. Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ niềm hân hoan của họ, “Lạy Chúa, người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng!”.

Thật trùng hợp, thư Do Thái đề nghị bạn và tôi can đảm từ giã một vùng tưởng là an toàn vốn không hề an toàn chút nào, “Hãy hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu!” - bài đọc một. Chính bản thân Ngài cũng đã ra khỏi vùng an toàn, “Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Nhờ vậy, Ngài trở nên ‘Vùng Bình An’ tuyệt đối cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Trong Tin Mừng hôm nay, hai con người đã ra khỏi vùng an toàn của mình để tiếp cận Chúa Giêsu theo những cách rất khác nhau: một công khai, một chùng lén. Ấy thế, họ đã gặp được ‘Vùng Bình An’ - chính Ngài. Đó là Giaia, trưởng hội đường; và một phụ nữ băng huyết. Ra khỏi ‘vùng an toàn’ uy tín, thế giá và các thầy thuốc giỏi nhất, Giaia đã đến ‘ném mình’ trước Chúa Giêsu; nhờ đó, con ông sống. Cũng thế, với người phụ nữ vốn đã tiêu tốn với những lương y tài giỏi; nhưng xem ra, cô bất lực với những gì mà 12 năm qua cô nghĩ là an toàn. Giờ đây, cô đến với Chúa Giêsu khi thầm nghĩ, “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa”. Và cô toại nguyện!

Anh Chị em,

“Người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng!”. “Trước những đau khổ về thể xác và tinh thần, trước những vết thương trong tâm hồn, trước những hoàn cảnh đè bẹp chúng ta, và thậm chí trước tội lỗi, Thiên Chúa không giữ chúng ta ở khoảng cách. Ngài không xấu hổ; Ngài không phán xét chúng ta. Ngược lại, Ngài đến gần để chạm vào chúng ta và nâng chúng ta dậy. Ngài nắm tay chúng ta để nói: “Con trai, con gái, chỗi dậy! Hãy tiến về phía trước; hãy sải bước về phía trước!”. “Lạy Chúa, con là kẻ có tội” - “Hãy sải bước về phía trước; Ta đã nên tội vì con, để cứu con!” - “Nhưng lạy Chúa, Chúa không phải là tội nhân” - “Không, nhưng Ta chịu mọi hậu quả của tội để cứu con!”. Điều này thật đẹp! Hãy khắc ghi hình ảnh mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta: Thiên Chúa luôn nắm tay bạn và nâng bạn dậy một lần nữa. Ngài để mình được chạm vào bởi nỗi đau của bạn và chạm vào bạn để chữa bạn và ban cho bạn sự sống một lần nữa!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đôi khi con cảm thấy bất lực với những ‘vùng an toàn giả hiệu’ của mình, xin lôi con đến thẳng với Chúa - ‘Vùng Bình An’ - nơi con được cứu sống!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lào: Tiễn biệt một Mục tử can cường Giám quản Tông Tòa Titus Banchong
Thanh Quảng sdb
19:22 03/02/2025
Lào: Tiễn biệt một Mục tử can cường Giám quản Tông Tòa Titus Banchong
(bài viết của Paolo Affatato trong Fides)

Vientiane - "Tôi đã sẵn sàng cho Chúa Giêsu và sẽ là vị tử đạo của Người nếu tôi xứng đáng và nếu Người muốn tôi. Tôi tin rằng thời điểm đó đã rất gần", cha Titus Banchong Thopanhong đã viết như vậy ngay trước khi ngài bị lực lượng an ninh của "Pathet Lao" bắt giữ vào năm 1976.

Titus Banchong Thopanhong, Giám quản Tông tòa Luang Prabang từ năm 1999 đến năm 2019, đã qua đời tại Vientiane vào ngày 25 tháng 1 ở tuổi 78. Ngài đã khuất phục sau một thời gian dài lâm bệnh, do những khó khăn mà ngài đã phải chịu đựng trong 50 năm. Cha Titus là thành viên của Hội dòng Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI) và đã bị giam cầm trong bảy năm. Trong suốt thời gian bị giam cầm, không có tin tức gì về ngài. Nhiều người nghĩ rằng ngài đã bị giết. Nhưng thình lình ngài được thả và tiếp tục cuộc sống của mình như một linh mục đơn sơ cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé ở Lào, Giáo hội Lào hiện có khoảng 60.000 người Công Giáo.

Titus là tên được đặt cho Banchong Topagnong khi ngài 8 tuổi được rửa tội cùng gia đình tại làng Hmong ở Kiukiatan, miền bắc Lào, nơi ngài sinh ra vào năm 1947. Tại ngôi làng này, từ năm 1957 đến năm 1958, ngài là một trong những chú giúp lễ của Cha Mario Borzaga, nhà truyền giáo được phong chân phước vào năm 2016. "Titus vẫn giữ một ký ức quý giá về vị linh mục này, người đã ghi dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời ngài", người bạn đồng hành Fabio Ciardi, người có tình bạn sâu sắc về mặt nhân bản và tinh thần với Cha Titus, nhớ lại. Với các nhà truyền giáo, chàng trai trẻ Titus đã có cơ hội đào sâu hành trình đức tin của mình: trong những năm từ 1958 đến 1969, ngài đã theo học tại các Chủng viện đầu tiên ở Viêng Chăn và sau đó là ở Luang Prabang. Cha Angelo Pelis, cũng là một nhà truyền giáo OMI, khi đó là giám đốc của Chủng viện tại Luang Prabang, nhớ về ngài là "cậu bé giản dị, kín đáo, dịu dàng và luôn mỉm cười". "Đặc điểm ghi dấu ngài trong suốt cuộc đời là sự khiêm nhường: sự khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu Kitô", Cha Pelis nói. Titus trẻ tuổi quyết định tiếp tục sự đào tạo của mình với các tu sĩ dòng Oblates ở Ý và vào năm 1970, Đức ông Alessandro Staccioli (OMI), khi đó là Đại diện Tông tòa của Luang Prabang, Dòng đã gửi ngài đi du học ở Ý, nơi ngài học triết học và thần học đầu tiên tại San Giorgio Canavese và sau đó, từ năm 1973, tại Vermicino (gần Rome).

Cha Titus viết trong một trong những lá thư được in trong cuốn sách "Ngay cả trong tù, tôi vẫn có thể yêu", do Michele Zanzucchi biên tập: "Tôi vẫn còn không chắc chắn về ơn gọi của mình, nhưng dần dần tôi cảm thấy trong lòng mình khao khát được theo Chúa Giêsu một cách triệt để, nghĩa là theo Chúa, người muốn tôi yêu Người. Chính Người quan tâm đến tôi, chứ không phải tôi quan tâm đến Người. Người đã đưa tôi đi từng bước một và khiến tôi hiểu rằng ở Người, tôi sẽ luôn tìm thấy ý nghĩa đích thực cho cuộc đời". Trong thời gian học ở Ý, thì đất nước Lào đã thay ngôi đổi chủ, với những chiến binh kháng chiến cộng sản của "Pathet Lao" lên nắm quyền và năm 1975, tất cả các nhà truyền giáo đều bị trục xuất khỏi đất nước.

Cha Titus cảm thấy một khát khao mãnh liệt được trở về quê hương và làm một linh mục cho dân chúng mình, một khát khao được làm chứng cho Chúa Kitô ở đó chứ không phải ở nơi nào khác. Đây là động lực thúc đẩy Cha Titus trở về Lào. "Tôi đã chọn Giáo hội Lào và tôi cảm thấy Chúa muốn tôi ở đó chứ không phải bất cứ nơi nào khác", cha viết. "Ngay cả khi tôi chỉ là một linh mục trong một ngày, tôi sẽ trở về Lào." Và ngài tiếp tục: "Tôi đã quyết định trở về Lào vì không có ai ở đó để làm tông đồ. Tôi trở về để tất cả chúng ta có thể mạnh mẽ hơn, tôi trở về để giúp đỡ các tín hữu. Khi trở về, tôi chỉ chọn một mình Chúa; chính Người khiến tôi trở về và đó là lý do tại sao tôi trở về." Ngài được thụ phong linh mục tại Nhà thờ chính tòa Viêng Chăn vào ngày 28 tháng 9 năm 1975 bởi Đức Giám Mục Viêng Chăn lúc bấy giờ, Thomas Nantha, người đầu tiên của nhóm dân tộc Hmong. Ngày hôm sau, ngài viết: "Tôi không còn sợ chi nữa, vì tôi thuộc về Chúa. Tôi đã sẵn sàng dâng cho Chúa mọi sự. Tôi rất hạnh phúc. Không ai có thể tách tôi khỏi Người. Mỗi ngày tôi khám phá ra rằng Người ở bên tôi. Tôi có Người... Người xin tôi dâng cho Ngài mọi sự và tôi trao cho Người mọi thứ."

Cha bắt đầu một mục vụ dù bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ, với mối đe dọa bị bắt giữ, đầu tiên là ở Luang Prabang, sau đó là ở Vientiane, và cuối cùng là ở Paksane. Ngài đi thăm viếng các làng mạc bằng xe máy, thăm hỏi mọi người và ban các bí tích cho các gia đình Công Giáo. Mặc dù không bao giờ dùng lời lẽ chỉ trích chính quyền, Cha Titus đã bị cầm tù ba lần và "đã học được cách tìm thấy ngay cả trong những khó khăn tàn khốc nhất tình yêu thương dịu dàng của Chúa", cha Pelis nhớ lại thời gian bị giam cầm của mình: "Bạn có thể nói rằng những tù nhân khác trong tù đều đã cải đạo, họ trở nên tốt hơn. Với tình yêu thương, bạn cũng có thể phá vỡ những ràng buộc của lòng hận thù". Sau khi được thả khỏi tù, cha không phàn nàn mà chỉ thốt lên: "Tôi đã được thả". "Sau khi họ thả tôi, tôi đã có thể đến thăm tất cả những người theo đạo Thiên Chúa, lánh nạn ở Lào và tôi đã tìm thấy họ. Nhiều người đã sống trung thành hơn 30 năm dù không có linh mục", cha nói.

Sau khi được bổ nhiệm làm "Giám Quản Tông tòa" của Luang Prabang, Ngài đã sống cuộc đời của một nhà truyền giáo, tận tụy và bác ái để phục vụ người dân của mình. Năm 2005, với niềm vui và sự nhiệt thành, ngài đã nói với hãng Fides rằng là Giám quản Tông Tòa Luang Prabang, ngài đã được phép mở nhà thờ Công Giáo đầu tiên ở miền bắc Lào kể từ thời kỳ đau thương năm 1975, sau cuộc cách mạng cộng sản. Và ngài cho biết ngài "xây dựng đức tin và lòng sùng kính cho các gia đình tại địa phương". Trong công tác mục vụ của mình, ngài đã đi "từng bước một, và chúng tôi đi xa bao có thể khi Chúa cho phép". Niềm hy vọng này đã trở thành hiện thực khi ngài chứng kiến những ơn gọi linh mục mới đầu tiên nở rộ trong cộng đồng người Lào nhỏ bé, nhất là sau biên cố lễ phong chân phước vào năm 2016 cho 17 nhà truyền giáo và giáo dân Lào bị các chiến binh kháng chiến cộng sản giết hại trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1970. Trong số đó, có sáu tu sĩ dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) được phong chân phước có nhà truyền giáo trẻ người Ý Mario Borzaga, người đã qua đời năm 1960 ở tuổi 27 cùng với các giáo lý viên địa phương Paul Thoj Xyooj. (Agenzia Fides, 1/2/2025)
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ viết văn kiện về chủ đề trẻ em
Vũ Văn An
13:19 03/02/2025

Hannah Brockhaus của hãng tin CNA, ngày 3 tháng 2 năm 2025, viết rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận được tràng pháo tay dài tại hội nghị thượng đỉnh của Vatican vào thứ Hai sau khi tuyên bố rằng ngài có ý định lấy trẻ em làm chủ đề cho một văn kiện giáo hoàng mới.

Với chủ đề “Yêu thương và bảo vệ trẻ em”, hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 3–4 tháng 2 với các nhà lãnh đạo khu vực công và tư nhân trên khắp thế giới bao gồm các hội thảo về quyền của trẻ em đối với các nguồn lực, giáo dục, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, gia đình, thời gian rảnh rỗi và quyền được sống không bạo lực.

“Để tiếp tục cam kết này và thúc đẩy nó trong toàn Giáo hội, tôi có kế hoạch chuẩn bị một lá thư, một lời kêu gọi dành riêng cho trẻ em”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu vào ngày 3 tháng 2 tại Hội trường Clementine của Vatican.

Các nhà lãnh đạo thế giới tham gia cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Hội nghị thượng đỉnh về Quyền trẻ em vào ngày 3 tháng 2 năm 2025 tại Vatican.

Đức Giáo Hoàng đã tham gia hầu hết ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, tại đó ngài đã có bài phát biểu khai mạc về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em ở bên lề xã hội, bao gồm cả những trẻ em sống trong vùng chiến sự, trẻ vị thành niên không có người đi kèm và trẻ chưa chào đời.

"Các hành lang của Điện Tông tòa ngày nay đã trở thành một đài quan sát mở về thực tại trẻ em trên toàn thế giới, một tuổi thơ không may thường bị tổn thương, bị bóc lột, bị chối bỏ", ngài nói như thế trong bài phát biểu bế mạc Ngày 1 của hội nghị thượng đỉnh.

"Sự hiện diện, kinh nghiệm và lòng cảm thương của các bạn đã tạo nên một đài quan sát và trên hết là một phòng thí nghiệm", ngài nói thêm.

"Trong các nhóm chuyên đề khác nhau, các bạn đã đưa ra các đề xuất để bảo vệ quyền trẻ em, coi chúng không phải là những con số mà là những khuôn mặt. Tất cả những điều này tôn vinh Thiên Chúa, và chúng ta giao phó cho Người, để Chúa Thánh Thần của Người làm cho nó sinh sôi và phì nhiêu".

"Trẻ em hướng về chúng ta, trẻ em hướng về chúng ta để xem cách chúng ta đưa sự sống tiến về phía trước", Đức Thánh Cha tiếp tục.

Những diễn giả tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày bao gồm Nữ hoàng Rania Al Abdullah của Jordan, cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach, cựu Thủ tướng Ý Mario Draghi và tác giả kiêm người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust Edith Bruck.
 
Diễn từ của Đức Phanxicô tại Hội nghị Thượng đỉnh về quyền trẻ em
Vũ Văn An
13:40 03/02/2025

Như đã loan tin, tại phòng Clementine Hall, Thứ Hai, ngày 3 tháng 2 năm 2025, Hội nghị thượng đỉnh về quyền trẻ em đã khai mạc do Tòa Thánh tổ chức. Tại đây, Đức Phanxicô đã đọc bài diễn từ sau đây, chuyển sang Viêt ngữ từ bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:

Thưa nữ hoàng,
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng!


Tôi xin chào Quốc vụ khanh, các Hồng Y và những người tham dự đáng kính trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới về Quyền trẻ em này, với chủ đề “Yêu thương và bảo vệ trẻ em”. Tôi cảm ơn các vị đã chấp nhận lời mời và tôi tin rằng, bằng cách tập hợp kinh nghiệm và chuyên môn của mình, các vị có thể mở ra những con đường mới để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em, những người mà quyền của họ hàng ngày bị chà đạp và bỏ qua.

Ngay cả ngày nay, cuộc sống của hàng triệu trẻ em vẫn thường xuyên bị đánh dấu bằng đói nghèo, chiến tranh, thiếu trường học, bất công và bóc lột. Trẻ em và thanh thiếu niên ở các quốc gia nghèo hơn hoặc những người bị chia cắt bởi các cuộc xung đột bi thảm, buộc phải chịu đựng những thử thách khủng khiếp. Thế giới giàu tài nguyên hơn cũng không tránh khỏi bất công. Cảm tạ Chúa, nơi mà con người không phải chịu đựng chiến tranh hay nạn đói, thì vẫn có những vùng ngoại vi có vấn đề, nơi mà trẻ nhỏ thường dễ bị tổn thương và phải chịu đựng những vấn đề mà chúng ta không thể đánh giá thấp. Trên thực tế, ở mức độ lớn hơn nhiều so với trước đây, các trường học và dịch vụ y tế phải giải quyết với những đứa trẻ đã trải qua nhiều khó khăn, với những đứa trẻ lo lắng hoặc chán nản, và những thanh thiếu niên bị lôi kéo vào các hình thức gây hấn hoặc tự làm hại bản thân. Hơn nữa, một nền văn hóa hiệu quả coi tuổi thơ, giống như tuổi già, là một “vùng ngoại vi” của sự hiện hữu.

Ngày càng có nhiều người có cả cuộc đời phía trước không thể tiếp cận nó với sự lạc quan và tự tin. Chính những người trẻ tuổi, những người là dấu hiệu của hy vọng trong mọi xã hội, lại phải đấu tranh để tìm thấy hy vọng trong chính bản thân họ. Điều này thật đáng buồn và đáng lo ngại. Thật vậy, “thật đáng buồn khi thấy những người trẻ tuổi không có hy vọng, phải đối diện với tương lai không chắc chắn và không có triển vọng, không có việc làm hoặc sự đảm bảo công việc, hoặc triển vọng thực tiễn sau khi tốt nghiệp. Nếu không có hy vọng rằng ước mơ của mình có thể thành hiện thực, họ chắc chắn sẽ trở nên chán nản và vô cảm” (Sắc chỉ Spes Non Confundit, 12).

Những gì chúng ta đã chứng kiến một cách bi thảm gần như hàng ngày trong thời gian gần đây, cụ thể là trẻ em chết dưới bom đạn, bị hiến tế cho thần tượng quyền lực, ý thức hệ và lợi ích dân tộc, là điều không thể chấp nhận được. Trên thực tế, không có gì đáng giá bằng mạng sống của một đứa trẻ. Giết trẻ em là phủ nhận tương lai. Trong một số trường hợp, chính trẻ vị thành niên bị buộc phải chiến đấu dưới tác dụng của ma túy. Ngay cả ở những quốc gia không có chiến tranh, bạo lực giữa các băng đảng tội phạm cũng trở nên nguy hiểm chết người đối với trẻ em, và thường khiến chúng trở thành trẻ mồ côi và bị gạt ra ngoài lề.

Chủ nghĩa cá nhân bệnh hoạn của các nước phát triển cũng gây bất lợi cho trẻ em. Đôi khi, chúng bị ngược đãi hoặc thậm chí bị giết bởi chính những người đáng lẽ phải bảo vệ và nuôi dưỡng chúng. Chúng trở thành nạn nhân của cãi vã, đau khổ về mặt xã hội hoặc tinh thần và nghiện ngập của cha mẹ.

Nhiều trẻ em chết khi di cư trên biển, trong sa mạc hoặc trên nhiều tuyến đường hành trình được thực hiện vì hy vọng tuyệt vọng. Vô số trẻ em khác chết vì thiếu sự chăm sóc y tế hoặc nhiều loại bóc lột khác nhau. Tất cả những tình huống này đều khác nhau, nhưng chúng đặt ra cùng một câu hỏi: Làm sao cuộc sống của một đứa trẻ có thể kết thúc như thế này?

Chắc chắn điều này là không thể chấp nhận được, và chúng ta phải cảnh giác để không trở nên chai sạn với thực tại này. Một tuổi thơ bị chối bỏ là tiếng kêu thầm lặng lên án sự sai trái của hệ thống kinh tế, bản chất tội phạm của chiến tranh, sự thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục đầy đủ. Gánh nặng của những bất công này đè nặng nhất lên những người anh chị em bé nhỏ và yếu đuối nhất của chúng ta. Ở bình diện các tổ chức quốc tế, đây được gọi là "cuộc khủng hoảng đạo đức hoàn cầu".

Hôm nay, chúng ta ở đây để nói rằng chúng ta không muốn điều này trở thành chuẩn mực mới. Chúng ta từ chối làm quen với nó. Một số hoạt động trên phương tiện truyền thông có xu hướng khiến chúng ta trở nên vô cảm, dẫn đến sự chai sạn chung của trái tim. Thật vậy, chúng ta có nguy cơ đánh mất điều cao quý nhất trong trái tim con người: lòng thương xót và lòng cảm thương. Tôi đã không chỉ một lần chia sẻ mối quan tâm này với một số người đại diện cho các cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Ngày nay, hơn bốn mươi triệu trẻ em đã phải di dời do xung đột và khoảng một trăm triệu trẻ em vô gia cư. Ngoài ra còn có thảm kịch về chế độ nô lệ trẻ em: khoảng một trăm sáu mươi triệu trẻ em là nạn nhân của lao động cưỡng bức, buôn người, lạm dụng và bóc lột dưới mọi hình thức, bao gồm cả hôn nhân cưỡng bức. Có hàng triệu trẻ em di cư, đôi khi có gia đình nhưng thường là đơn độc. Hiện tượng trẻ vị thành niên không có người đi kèm này ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng.

Nhiều trẻ vị thành niên khác sống trong “bối rối” vì chúng không được đăng ký khi sinh ra. Ước tính có một trăm năm mươi triệu trẻ em “vô hình” không có sự hiện hữu hợp pháp. Đây là một trở ngại đối với việc tiếp cận giáo dục hoặc chăm sóc sức khỏe của chúng, nhưng tệ hơn nữa, vì chúng không được pháp luật bảo vệ, chúng có thể dễ dàng bị ngược đãi hoặc bị bán làm nô lệ. Điều này thực sự xảy ra! Chúng ta có thể nghĩ đến những đứa trẻ Rohingya, những người thường phải vật lộn để được đăng ký, hoặc Những đứa trẻ “không có giấy tờ” ở biên giới Hoa Kỳ, những nạn nhân đầu tiên của cuộc di cư tuyệt vọng và hy vọng của hàng ngàn người đến từ miền Nam hướng tới Hoa Kỳ, và nhiều người khác nữa.

Đáng buồn thay, lịch sử áp bức trẻ em này liên tục lặp lại. Nếu chúng ta hỏi những người già, ông bà của chúng ta, về cuộc chiến mà họ đã trải qua khi còn nhỏ, bi kịch hiện lên từ ký ức của họ: bóng tối - mọi thứ đều tối tăm trong chiến tranh, màu sắc gần như biến mất - và mùi hôi thối, cái lạnh, cơn đói, bụi bẩn, nỗi sợ hãi, sự lục lọi, mất cha mẹ và nhà cửa, bị bỏ rơi và đủ loại bạo lực. Tôi lớn lên với những câu chuyện về Thế chiến thứ nhất do ông tôi kể lại, và điều này đã mở mắt và trái tim tôi ra trước nỗi kinh hoàng của chiến tranh.

Nhìn nhận mọi thứ qua con mắt của những người đã sống qua chiến tranh là cách tốt nhất để hiểu được giá trị vô giá của cuộc sống. Tuy nhiên, việc lắng nghe những đứa trẻ ngày nay đang sống trong bạo lực, bóc lột hoặc bất công cũng giúp củng cố lập trường “nói không” với chiến tranh, với nền văn hóa vứt bỏ, lãng phí và lợi nhuận, trong đó mọi thứ đều được mua và bán mà không tôn trọng hoặc quan tâm đến sự sống, đặc biệt là khi sự sống đó nhỏ bé và không có khả năng tự vệ. Nhân danh não trạng vứt bỏ này, trong đó con người trở nên toàn năng, sự sống chưa chào đời bị hy sinh thông qua hành vi phá thai tàn bạo. Phá thai kìm hãm sự sống của trẻ em và cắt đứt nguồn hy vọng cho toàn xã hội.

Thưa anh chị em, việc lắng nghe thật quan trọng, vì chúng ta cần nhận ra rằng trẻ nhỏ hiểu, ghi nhớ và nói chuyện với chúng ta. Và bằng cả ánh mắt và sự im lặng của mình, chúng cũng nói chuyện với chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy lắng nghe chúng!

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn và khuyến khích các bạn, với ân sủng của Chúa, hãy tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc họp này mang lại. Tôi cầu xin để những đóng góp của các bạn sẽ giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em, và do đó là cho tất cả mọi người! Đối với tôi, nguồn hy vọng là tất cả chúng ta ở đây cùng nhau, đặt trẻ em, quyền của chúng, ước mơ của chúng và nhu cầu của chúng về một tương lai vào trung tâm mối quan tâm của chúng ta. Cảm ơn tất cả các bạn, và xin Thiên Chúa phù hộ các bạn!
 
Nguyên văn Ghi chú Antiqua et nova của Tòa Thánh về Trí khôn nhân tạo: Các vấn đề cụ thể, tiếp
Vũ Văn An
13:55 03/02/2025

CŨ VÀ MỚI: Ghi chú về mối tương quan giữa Trí khôn nhân tạo và Trí khôn con người



V. Các vấn đề cụ thể, tiếp theo

AI và Giáo dục

77. Những lời của Công đồng Vatican II vẫn còn hoàn toàn phù hợp cho đến ngày nay: “Giáo dục chân chính phấn đấu để hình thành nên những cá nhân hướng đến mục đích cuối cùng của họ và lợi ích của xã hội mà họ thuộc về.”[143] Như vậy, giáo dục “không bao giờ chỉ là một quá trình truyền đạt các sự kiện và kỹ năng trí thức: đúng hơn, mục đích của nó là góp phần vào sự đào tạo toàn diện con người trong nhiều khía cạnh khác nhau (trí thức, văn hóa, tâm linh, v.v.), bao gồm, ví dụ, đời sống cộng đồng và các mối tương quan trong cộng đồng học thuật,”[144] phù hợp với bản chất và phẩm giá của con người.

78. Cách tiếp cận này bao gồm cam kết bồi dưỡng tâm trí, nhưng luôn là một phần của sự phát triển toàn diện của con người: “Chúng ta phải phá vỡ ý tưởng về giáo dục cho rằng giáo dục có nghĩa là lấp đầy đầu óc của một người bằng những ý tưởng. Đó là cách chúng ta giáo dục những người máy, những bộ óc thông minh, chứ không phải con người. Giáo dục là chấp nhận rủi ro trong sự căng thẳng giữa trí óc, trái tim và đôi tay.”[145]

79. Trọng tâm của công việc đào tạo nên con người nhân bản toàn diện này là mối tương quan không thể thiếu giữa thầy dạy và học sinh. Thầy dạy không chỉ truyền đạt kiến thức; họ còn là hình mẫu cho những phẩm chất thiết yếu của con người và truyền cảm hứng cho niềm vui khám phá.[146] Sự hiện diện của họ cổ vũ học sinh thông qua nội dung họ giảng dạy và sự quan tâm mà họ dành cho học sinh. Mối liên kết này nuôi dưỡng lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau và khả năng giải quyết phẩm giá và tiềm năng độc đáo của mỗi người. Về phía học sinh, điều này có thể tạo ra mong muốn thực sự để phát triển. Sự hiện diện vật lý của thầyy dạy tạo ra một động lực tương quan mà AI không thể sao chép được, động lực này làm sâu sắc thêm sự gắn kết và nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của học sinh.

80. Trong bối cảnh này, AI mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Nếu được sử dụng một cách thận trọng, trong bối cảnh mối tương quan thầy trò hiện có và hướng đến các mục tiêu đích thực của giáo dục, AI có thể trở thành một nguồn lực giáo dục có giá trị bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, cung cấp hỗ trợ phù hợp và cung cấp phản hồi ngay lập tức cho học sinh. Những lợi ích này có thể nâng cao trải nghiệm học tập, đặc biệt là trong những trường hợp cần sự chú ý cá nhân hóa hoặc các nguồn lực giáo dục khan hiếm.

81. Tuy nhiên, một phần thiết yếu của giáo dục là đào tạo “trí hiểu để lý luận tốt trong mọi vấn đề, vươn tới chân lý và nắm bắt nó,”[147] trong khi giúp “ngôn ngữ của cái đầu” phát triển hài hòa với “ngôn ngữ của trái tim” và “ngôn ngữ của đôi tay.”[148] Điều này càng quan trọng hơn trong thời đại kỹ thuật, trong đó “không còn chỉ là vấn đề ‘sử dụng’ các công cụ thông đạt, mà là sống trong một nền văn hóa kỹ thuật số hóa cao đã có tác động sâu sắc đến […] khả năng thông đạt, học hỏi, tiếp nhận thông tin và xây dựng mối tương quan với người khác của chúng ta.”[149] Tuy nhiên, thay vì nuôi dưỡng “trí hiểu được trau dồi,” “mang theo sức mạnh và sự duyên dáng cho mọi công việc và nghề nghiệp mà nó đảm nhận,”[150] việc sử dụng rộng rãi AI trong giáo dục có thể khiến học sinh ngày càng phụ thuộc vào kỹ thuật, làm xói mòn khả năng thực hiện một số kỹ năng một cách độc lập và làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của họ vào màn hình.[151]

82. Ngoài ra, trong khi một số hệ thống AI được thiết kế để giúp mọi người phát triển khả năng tư duy phê phán và kỹ năng giải quyết vấn đề, nhiều hệ thống khác chỉ cung cấp câu trả lời thay vì cổ vũ học sinh tự đưa ra câu trả lời hoặc tự viết văn bản.[152] Thay vì đào tạo những người trẻ cách thu thập thông tin và tạo ra phản hồi nhanh chóng, giáo dục nên khuyến khích “sử dụng tự do một cách có trách nhiệm để đối đầu với các vấn đề một cách sáng suốt và thông minh”.[153] Dựa trên điều này, “giáo dục về việc sử dụng các dạng trí khôn nhân tạo trước hết phải hướng đến việc cổ vũ tư duy có phê phán. Người dùng ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt là những người trẻ tuổi, cần phát triển một cách tiếp cận sáng suốt đối với việc sử dụng dữ kiện và nội dung được thu thập trên web hoặc do các hệ thống trí khôn nhân tạo tạo ra. Các trường học, trường đại học và các hiệp hội khoa học được thử thách để giúp sinh viên và các chuyên gia nắm bắt các khía cạnh xã hội và đạo đức của sự phát triển và sử dụng kỹ thuật”.[154]

83. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhớ, “trong thế giới ngày nay, được đặc trưng bởi sự phát triển hết sức nhanh chóng trong khoa học và kỹ thuật, nhiệm vụ của một trường Đại học Công Giáo “Chúng ta đang ngày càng mang một tầm quan trọng và cấp bách lớn hơn.”[155] Một cách đặc biệt, các trường đại học Công Giáo được thúc giục hiện diện như những phòng thí nghiệm hy vọng vĩ đại tại ngã ba đường của lịch sử này. Theo một chìa khóa liên ngành và đối ngành [cross-disciplinary], họ được thúc giục tham gia “với sự khôn ngoan và sáng tạo”[156] vào việc nghiên cứu cẩn thận hiện tượng này, giúp khai thác tiềm năng có lợi trong các lĩnh vực khoa học và thực tế khác nhau, và luôn hướng chúng đến các ứng dụng có đạo đức rõ ràng phục vụ cho sự gắn kết của xã hội chúng ta và ích chung, đạt đến những ranh giới mới trong cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí.

84. Hơn nữa, cần lưu ý rằng các chương trình AI hiện tại được biết là cung cấp thông tin thiên vị hoặc bịa đặt, có thể khiến sinh viên tin vào nội dung không chính xác. Vấn đề này “không chỉ có nguy cơ hợp pháp hóa tin tức giả mạo và củng cố lợi thế của một nền văn hóa thống trị, mà nói tóm lại, nó còn làm suy yếu chính quá trình giáo dục.” [157] Theo thời gian, sự phân biệt rõ ràng hơn có thể xuất hiện giữa việc sử dụng AI đúng cách và không đúng cách trong giáo dục và nghiên cứu. Tuy nhiên, một nguyên tắc chỉ đạo mang tính quyết định là việc sử dụng AI phải luôn minh bạch và không bao giờ được trình bày sai sự thật.

AI, Thông tin sai lệch, Deepfake (*) và Lạm dụng

85. AI có thể được sử dụng như một công cụ hỗ trợ cho phẩm giá con người nếu nó giúp mọi người hiểu các khái niệm phức tạp hoặc hướng họ đến các nguồn thông tin đáng tin cậy hỗ trợ cho việc tìm kiếm sự thật của họ.[158]

86. Tuy nhiên, AI cũng có nguy cơ nghiêm trọng là tạo ra nội dung bị thao túng và thông tin sai lệch, có thể dễ dàng gây hiểu lầm cho mọi người do nó giống với sự thật. Thông tin sai lệch như vậy có thể xảy ra ngoài ý muốn, như trong trường hợp "ảo giác" của AI, khi hệ thống AI tạo ra kết quả có vẻ là thật nhưng không phải vậy. Vì việc tạo ra nội dung mô phỏng các hiện vật của con người là trọng tâm trong chức năng của AI nên việc giảm thiểu những rủi ro này tỏ ra rất khó khăn. Tuy nhiên, hậu quả của những sai lệch và thông tin sai lệch như vậy có thể khá nghiêm trọng. Vì lý do này, tất cả những người tham gia vào việc sản xuất và sử dụng các hệ thống AI phải cam kết về tính trung thực và chính xác của thông tin được xử lý bởi các hệ thống đó và phổ biến đến công chúng.

87. Trong khi AI có khả năng tiềm ẩn tạo ra thông tin sai lệch, thì một vấn đề thậm chí còn đáng lo ngại hơn nằm ở việc cố tình sử dụng AI sai mục đích để thao túng. Điều này có thể xảy ra khi các cá nhân hoặc tổ chức cố tình tạo ra và phát tán nội dung sai lệch với mục đích lừa dối hoặc gây hại, chẳng hạn như hình ảnh, video và âm thanh "deepfake" - ám chỉ hình ảnh mô tả sai lệch về một người, được chỉnh sửa hoặc tạo ra bởi thuật toán AI. Mối nguy hiểm của deepfake đặc biệt rõ ràng khi chúng được sử dụng để nhắm mục tiêu hoặc gây hại cho người khác. Mặc dù bản thân hình ảnh hoặc video có thể là nhân tạo, nhưng thiệt hại mà chúng gây ra là có thật, để lại "vết sẹo sâu trong lòng những người phải chịu đựng" và "vết thương thực sự trong phẩm giá con người của họ". [159]

88. Ở quy mô rộng hơn, bằng cách bóp méo "mối tương quan của chúng ta với người khác và với thực tại", [160] phương tiện truyền thông giả mạo do AI tạo ra có thể dần dần làm suy yếu nền tảng của xã hội. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự quản lý cẩn thận, vì thông tin sai lệch - đặc biệt là thông qua phương tiện truyền thông do AI kiểm soát hoặc tác động - có thể lan truyền một cách vô ý, cổ vũ sự phân cực chính trị và bất ổn xã hội. Khi xã hội trở nên thờ ơ với sự thật, nhiều nhóm khác nhau xây dựng phiên bản “sự thật” của riêng họ, làm suy yếu “mối tương quan qua lại và sự phụ thuộc lẫn nhau”[161] vốn là nền tảng của đời sống xã hội. Khi deepfake khiến mọi người đặt câu hỏi về mọi thứ và nội dung sai lệch do AI tạo ra làm xói mòn lòng tin vào những gì họ nhìn thấy và nghe thấy, sự phân cực và xung đột sẽ chỉ gia tăng. Sự lừa dối lan rộng như vậy không phải là vấn đề tầm thường; nó tấn công vào cốt lõi của nhân loại, phá vỡ lòng tin nền tảng mà xã hội được xây dựng trên đó.[162]

89. Chống lại sự sai lầm do AI cổ vũ không chỉ là công việc của các chuyên gia trong ngành mà còn đòi hỏi nỗ lực của tất cả những người có thiện chí. “Nếu kỹ thuật phục vụ cho phẩm giá con người chứ không phải gây hại cho nó, và nếu kỹ thuật cổ vũ hòa bình thay vì bạo lực, thì cộng đồng loài người phải chủ động giải quyết những xu hướng này liên quan đến phẩm giá con người và cổ vũ điều tốt đẹp.”[163] Những người sản xuất và chia sẻ nội dung do AI tạo ra phải luôn luôn siêng năng xác minh sự thật về những gì họ truyền bá và trong mọi trường hợp, phải “tránh chia sẻ những từ ngữ và hình ảnh hạ thấp con người, cổ vũ lòng căm thù và sự không khoan dung, làm giảm lòng tốt và sự gần gũi của tình dục con người hoặc lợi dụng những người yếu đuối và dễ bị tổn thương.”[164] Điều này đòi hỏi sự thận trọng liên tục và sự phân định cẩn thận của tất cả người dùng liên quan đến hoạt động trực tuyến của họ.[165]

AI, Quyền riêng tư và việc Giám sát

90. Con người vốn có tính tương quan và các dữ kiện mà mỗi người tạo ra trong thế giới kỹ thuật số có thể được coi là biểu thức khách quan của bản chất tương quan này. Dữ kiện không chỉ truyền tải thông tin mà còn truyền tải kiến thức bản vị và tương quan, trong bối cảnh ngày càng kỹ thuật số hóa, kiến thức này có thể trở thành quyền lực đối với cá nhân. Hơn nữa, trong khi một số loại dữ kiện có thể liên quan đến các khía cạnh công khai của cuộc sống một người, những dữ kiện khác có thể chạm đến nội tâm của cá nhân, thậm chí có thể là lương tâm của họ. Nhìn theo cách này, quyền riêng tư đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ ranh giới của cuộc sống nội tâm của một người, bảo vệ quyền tự do liên hệ với người khác, tự phát biểu bản thân và đưa ra quyết định mà không bị kiểm soát quá mức. Sự bảo vệ này cũng gắn liền với việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo, vì giám sát cũng có thể bị lạm dụng để kiểm soát cuộc sống của các tín hữu và cách họ phát biểu đức tin của họ.

91. Do đó, cần giải quyết vấn đề riêng tư từ mối quan tâm đến quyền tự do hợp pháp và phẩm giá bất khả xâm phạm của con người “trong mọi hoàn cảnh”. [166] Công đồng Vatican II đã đưa quyền “bảo vệ quyền riêng tư” vào danh sách các quyền cơ bản “cần thiết để sống một cuộc sống thực sự nhân bản”, một quyền cần được mở rộng cho tất cả mọi người vì “phẩm giá cao quý” của họ. [167] Hơn nữa, Giáo hội cũng khẳng định quyền được tôn trọng hợp pháp đối với đời sống riêng tư trong bối cảnh khẳng định quyền của một người được tôn trọng danh tiếng, được bảo vệ toàn vẹn về thể chất và tinh thần, và không bị tổn hại hoặc xâm phạm không đáng có [168]—những thành phần thiết yếu của sự tôn trọng đúng mực đối với phẩm giá nội tại của con người. [169]

92. Những tiến bộ trong xử lý và phân tích dữ kiện do AI cung cấp hiện nay giúp có thể suy ra các mô hình trong hành vi và suy nghĩ của một người ngay cả từ một lượng thông tin nhỏ, làm cho vai trò của quyền riêng tư dữ kiện trở nên cấp thiết hơn nữa như một biện pháp bảo vệ phẩm giá và bản chất tương quan của con người. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận xét, “trong khi thái độ khép kín và không khoan dung đối với người khác đang gia tăng, thì khoảng cách lại đang thu hẹp hoặc biến mất đến mức quyền riêng tư hầu như không hiện hữu. Mọi thứ đã trở thành một loại cảnh tượng cần được kiểm tra và giám sát, và cuộc sống của mọi người hiện đang bị giám sát liên tục.” [170]

93. Mặc dù có thể có những cách hợp pháp và phù hợp để sử dụng AI phù hợp với phẩm giá con người và ích chung, nhưng việc sử dụng AI để giám sát nhằm mục đích khai thác, hạn chế quyền tự do của người khác hoặc mang lại lợi ích cho một số ít người bằng cách gây tổn hại đến nhiều người khác là không thể biện minh được. Rủi ro giám sát quá mức phải được các cơ quan quản lý thích hợp giám sát để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trước công chúng. Những người chịu trách nhiệm giám sát không bao giờ được vượt quá thẩm quyền của mình, thẩm quyền này phải luôn ưu tiên phẩm giá và quyền tự do của mọi người như là nền tảng thiết yếu của một xã hội công bằng và nhân đạo.

94. Hơn nữa, “sự tôn trọng cơ bản đối với phẩm giá con người đòi hỏi chúng ta phải từ chối cho phép tính độc đáo của một người được xác định bằng một tập hợp dữ kiện.”[171] Điều này đặc biệt đúng khi AI được sử dụng để đánh giá các cá nhân hoặc nhóm dựa trên hành vi, đặc điểm hoặc lịch sử của họ—một hoạt động được gọi là “chấm điểm xã hội”: “Trong quá trình ra quyết định xã hội và kinh tế, chúng ta nên thận trọng khi giao phó các phán đoán cho các thuật toán xử lý dữ kiện, thường được thu thập một cách bí mật, về thành phần và hành vi trước đây của một cá nhân. Dữ kiện như vậy có thể bị ô nhiễm bởi các định kiến và quan niệm trước đây của xã hội. Không nên sử dụng hành vi trong quá khứ của một người để từ chối người đó cơ hội thay đổi, phát triển và đóng góp cho xã hội. Chúng ta không thể cho phép các thuật toán hạn chế hoặc đặt điều kiện cho sự tôn trọng phẩm giá con người, hoặc loại trừ lòng cảm thương, lòng thương xót, sự tha thứ và trên hết là hy vọng rằng mọi người có thể thay đổi.”[172]

AI và việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta

95. AI có nhiều ứng dụng đầy hứa hẹn để cải thiện mối tương quan của chúng ta với “ngôi nhà chung”, chẳng hạn như tạo ra các mô hình để dự báo các sự kiện khí hậu khắc nghiệt, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để giảm tác động của chúng, quản lý các hoạt động cứu trợ và dự đoán sự thay đổi dân số.[173] Ngoài ra, AI có thể hỗ trợ nông nghiệp bền vững, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và cung cấp các hệ thống cảnh cáo sớm cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Những tiến bộ này có tiềm năng tăng cường khả năng phục hồi trước các thách thức liên quan đến khí hậu và cổ vũ phát triển bền vững hơn.

96. Đồng thời, các mô hình AI hiện tại và phần cứng cần thiết để hỗ trợ chúng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng và nước, góp phần đáng kể vào lượng khí thải CO2 và gây căng thẳng cho các nguồn tài nguyên. Thực tế này thường bị che khuất bởi cách kỹ thuật này được trình bày trong trí tưởng tượng của mọi người, nơi những từ như “đám mây”[174] có thể tạo ấn tượng rằng dữ kiện được lưu trữ và xử lý trong một thế giới vô hình, tách biệt khỏi thế giới vật chất. Tuy nhiên, “đám mây” không phải là một miền siêu nhiên tách biệt khỏi thế giới vật lý; giống như tất cả các kỹ thuật điện toán, nó dựa vào máy móc vật lý, cáp và năng lượng. Điều tương tự cũng đúng với kỹ thuật đằng sau AI. Khi các hệ thống này ngày càng phức tạp, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), chúng đòi hỏi các tập dữ kiện ngày càng lớn hơn, sức mạnh tính toán tăng lên và cơ sở hạ tầng lưu trữ lớn hơn. Xem xét đến tác động nặng nề mà các kỹ thuật này gây ra cho môi trường, điều quan trọng là phải phát triển các giải pháp bền vững giúp giảm tác động của chúng lên ngôi nhà chung của chúng ta.

97. Ngay cả lúc đó, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dạy, điều cốt yếu là “chúng ta phải tìm kiếm các giải pháp không chỉ trong kỹ thuật mà còn trong sự thay đổi của nhân loại”. [175] Một sự hiểu biết đầy đủ và chân thực về sự sáng tạo thừa nhận rằng giá trị của tất cả những thứ được tạo ra không thể bị giản lược thành tiện ích đơn thuần của chúng. Do đó, một cách tiếp cận hoàn toàn mang tính nhân bản đối với việc quản lý trái đất sẽ bác bỏ chủ nghĩa nhân chủng học méo mó của mô hình kỹ trị, vốn tìm cách “trích xuất mọi thứ có thể” khỏi thế giới, [176] và bác bỏ “huyền thoại về sự tiến bộ”, vốn cho rằng “các vấn đề sinh thái sẽ tự giải quyết chỉ bằng cách áp dụng kỹ thuật mới và không cần bất cứ cân nhắc về đạo đức hay thay đổi sâu sắc nào”. [177] Một tư duy như vậy phải nhường chỗ cho một cách tiếp cận toàn diện hơn, tôn trọng trật tự của sự sáng tạo và cổ vũ lợi ích toàn diện của con người trong khi bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. [178]

AI và Chiến tranh

98. Công đồng Vatican II và giáo huấn nhất quán của các Giáo hoàng kể từ đó đã nhấn mạnh rằng hòa bình không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh và không giới hạn ở việc duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các đối thủ. Thay vào đó, theo lời của Thánh Augustine, hòa bình là “sự yên bình của trật tự”. [179] Thật vậy, hòa bình không thể đạt được nếu không bảo vệ tài sản của con người, sự giao tiếp tự do, sự tôn trọng phẩm giá của con người và các dân tộc, và việc thực hành kiên trì tình huynh đệ. Hòa bình là công trình của công lý và hiệu quả của lòng bác ái và không thể đạt được chỉ bằng vũ lực; thay vào đó, nó phải được xây dựng chủ yếu thông qua ngoại giao kiên nhẫn, cổ vũ tích cực công lý, liên đới, phát triển toàn diện con người và tôn trọng phẩm giá của mọi người. [180] Theo cách này, các công cụ được sử dụng để duy trì hòa bình không bao giờ được phép biện minh cho bất công, bạo lực hoặc áp bức. Thay vào đó, chúng phải luôn được điều chỉnh bởi “quyết tâm vững chắc tôn trọng những người và quốc gia khác, cùng với phẩm giá của họ, cũng như việc thực hành tình huynh đệ một cách có chủ đích”. [181]

99. Trong khi khả năng phân tích của AI có thể giúp các quốc gia tìm kiếm hòa bình và đảm bảo an ninh, thì “việc vũ khí hóa Trí khôn nhân tạo” cũng có thể gây ra nhiều vấn đề. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận xét rằng “khả năng tiến hành các hoạt động quân sự thông qua các hệ thống điều khiển từ xa đã dẫn đến nhận thức giảm bớt về sự tàn phá do các hệ thống vũ khí đó gây ra và gánh nặng trách nhiệm đối với việc sử dụng chúng, dẫn đến cách tiếp cận thậm chí còn lạnh lùng và tách biệt hơn đối với thảm kịch to lớn của chiến tranh”. [182] Hơn nữa, việc vũ khí tự động dễ dàng khiến chiến tranh trở nên khả thi hơn chống lại nguyên tắc coi chiến tranh là biện pháp cuối cùng trong tự vệ hợp pháp, [183] có khả năng làm tăng các công cụ chiến tranh vượt xa phạm vi giám sát của con người và cổ vũ một cuộc chạy đua vũ trang gây mất ổn định, với hậu quả thảm khốc đối với nhân quyền. [184]

100. Đặc biệt, Hệ thống vũ khí tự động sát thương, có khả năng xác định và tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người, là “nguyên nhân gây lo ngại nghiêm trọng về mặt đạo đức” vì chúng thiếu “năng lực độc nhất của con người về phán đoán đạo đức và ra quyết định có đạo đức”. [185] Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẩn thiết kêu gọi xem xét lại việc phát triển các loại vũ khí này và cấm sử dụng chúng, bắt đầu bằng “cam kết hữu hiệu và cụ thể nhằm đưa ra sự kiểm soát của con người ngày càng lớn hơn và phù hợp hơn. Không một cỗ máy nào nên chọn lấy đi mạng sống của con người.”[186]

101. Vì chỉ cách một bước nhỏ từ những cỗ máy có thể tự động giết người một cách chính xác đến những cỗ máy có khả năng hủy diệt trên diện rộng, một số nhà nghiên cứu AI đã bày tỏ lo ngại rằng kỹ thuật như vậy gây ra “rủi ro hiện sinh” bằng cách có khả năng hành động theo những cách có thể đe dọa sự tồn vong của toàn bộ khu vực hoặc thậm chí là của chính nhân loại. Mối nguy hiểm này đòi hỏi sự quan tâm nghiêm túc, phản ảnh mối quan ngại lâu dài về các kỹ thuật trao cho chiến tranh “sức mạnh hủy diệt không thể kiểm soát đối với số lượng lớn thường dân vô tội,”[187] mà thậm chí không tha cho trẻ em. Trong bối cảnh này, lời kêu gọi từ Gaudium et Spes “tiến hành đánh giá chiến tranh với thái độ hoàn toàn mới”[188] cấp thiết hơn bao giờ hết.

102. Đồng thời, trong khi những rủi ro về mặt lý thuyết của AI đáng được quan tâm, thì mối quan tâm tức khắc và cấp bách hơn nằm ở cách những cá nhân có ý định xấu có thể sử dụng sai kỹ thuật này.[189] Giống như bất cứ công cụ nào, AI là sự mở rộng của sức mạnh con người và trong khi khả năng tương lai của nó là không thể đoán trước, thì những hành động trong quá khứ của nhân loại đưa ra những cảnh báo rõ ràng. Những hành động tàn bạo đã gây ra trong suốt chiều dài lịch sử đủ để làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về những lạm dụng tiềm tàng của AI.

103. Thánh Gioan Phaolô II đã nhận xét rằng “nhân loại hiện có những công cụ có sức mạnh chưa từng có: chúng ta có thể biến thế giới này thành một khu vườn, hoặc biến nó thành một đống đổ nát.”[190] Với thực tế này, Giáo hội nhắc nhở chúng ta, theo lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, rằng “chúng ta được tự do áp dụng trí thông minh của mình vào những thứ đang tiến hóa theo hướng tích cực,” hoặc hướng tới “sự suy đồi và hủy diệt lẫn nhau.”[191] Để ngăn chặn nhân loại rơi vào vòng xoáy tự hủy diệt [192] phải có lập trường rõ ràng chống lại mọi ứng dụng kỹ thuật vốn đe dọa đến tính mạng và phẩm giá con người. Cam kết này đòi hỏi phải có sự phân định cẩn thận về việc sử dụng AI, đặc biệt là trong các ứng dụng quốc phòng quân sự, để đảm bảo rằng AI luôn tôn trọng phẩm giá con người và phục vụ ích chung. Việc phát triển và triển khai AI trong vũ khí phải tuân theo các mức giám sát đạo đức cao nhất, được điều chỉnh bởi mối quan tâm đến phẩm giá con người và tính thánh thiêng của sự sống. [193]

AI và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa

104. Kỹ thuật cung cấp các công cụ đáng chú ý để giám sát và phát triển các nguồn tài nguyên của thế giới. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, loài người ngày càng nhường quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên này cho máy móc. Trong một số nhóm các nhà khoa học và nhà tương lai học, có sự lạc quan về tiềm năng của trí thông minh nhân tạo tổng quát (AGI), một dạng AI giả thuyết có thể sánh ngang hoặc vượt qua trí thông minh của con người và mang lại những tiến bộ không thể tưởng tượng được. Một số người thậm chí còn suy đoán rằng AGI có thể đạt được khả năng siêu phàm. Đồng thời, khi xã hội dần xa rời mối liên hệ với sự siêu việt, một số người bị cám dỗ tìm đến AI để tìm kiếm ý nghĩa hoặc sự viên mãn—những khát khao chỉ có thể thực sự được thỏa mãn khi hiệp thông với Thiên Chúa.[194]

105. Tuy nhiên, sự cao ngạo thay thế Thiên Chúa bằng một tạo vật do con người tạo ra là sự thờ ngẫu tượng, một hành vi mà Kinh thánh cảnh cáo rõ ràng (ví dụ: Xuất hành 20:4; 32:1-5; 34:17). Hơn nữa, AI có thể chứng tỏ còn quyến rũ hơn cả những thần tượng truyền thống vì, không giống như những thần tượng “có miệng nhưng không nói; có mắt nhưng không thấy; có tai nhưng không nghe” (Tv 115:5-6), AI có thể “nói”, hoặc ít nhất là tạo ra ảo giác là nó đang nói (xem Khải huyền 13:15). Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhớ rằng AI chỉ là sự phản ảnh nhợt nhạt của nhân loại—nó được tạo ra bởi tâm trí con người, được đào tạo trên vật liệu do con người tạo ra, phản ứng với sự tác động của con người và được duy trì thông qua lao động của con người. AI không thể sở hữu nhiều khả năng đặc trưng của cuộc sống con người, và nó cũng có thể sai lầm. Khi coi AI là “Kẻ khác” được nhận thức là vĩ đại hơn chính nó, để cùng chia sẻ sự hiện hữu và trách nhiệm, nhân loại có nguy cơ tạo ra một sự thay thế cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, AI không phải là thứ cuối cùng được tôn sùng và tôn thờ, mà chính là bản thân nhân loại - theo cách này, nhân loại trở thành nô lệ cho chính công việc của mình.[195]

106. Mặc dù AI có tiềm năng phục vụ nhân loại và đóng góp cho ích chung, nhưng nó vẫn là sản phẩm sáng tạo của bàn tay con người, mang “dấu ấn nghệ thuật và sự khéo léo của con người” (Công vụ 17:29). Không bao giờ được gán cho nó giá trị không xứng đáng. Như Sách Khôn ngoan khẳng định: “Vì kẻ làm ra chúng là một con người, kẻ nặn ra chúng chỉ là người vay mượn sinh khí. Quả vậy, chẳng ai có thể nặn ra một thần minh giống như mình. Là loài phải chết, hắn chỉ dùng bàn tay vô đạo để làm ra vật không có sự sống. Nhưng hắn còn trổi vượt hơn các vật hắn thờ : vì ít ra hắn cũng đã sống, còn những vật kia thì chẳng bao giờ”. (Kn 15:16-17).

107. Ngược lại, con người, “bằng đời sống nội tâm của mình, vượt qua toàn bộ vũ trụ vật chất; họ trải nghiệm được nội tâm sâu xa này khi họ đi vào trong chính trái tim mình, nơi Thiên Chúa, Đấng thăm dò trái tim, đang chờ đợi họ, và nơi họ quyết định số phận của mình trước mặt Thiên Chúa.”[196] Chính trong trái tim, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta, mà mỗi cá nhân khám phá ra “mối liên hệ huyền nhiệm giữa sự tự hiểu biết và sự cởi mở với người khác, giữa cuộc gặp gỡ với sự độc đáo cá nhân của một người và sự sẵn lòng hiến mình cho người khác.”[197] Do đó, chỉ có trái tim mới “có khả năng đặt các sức mạnh và đam mê khác của chúng ta, và toàn bộ con người chúng ta, vào một tư thế tôn kính và vâng phục yêu thương trước Thiên Chúa,”[198] Đấng “đề nghị đối xử với mỗi người chúng ta như một ‘Ngài [Thou],’ mãi mãi và mãi mãi.”[199]

VI. Các Suy tư kết luận

108. Xem xét những thách thức khác nhau do những tiến bộ trong kỹ thuật đặt ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến nhu cầu tăng trưởng về “trách nhiệm, giá trị và lương tâm của con người”, tương xứng với sự tăng trưởng về tiềm năng mà kỹ thuật này mang lại[200]—nhận ra rằng “với sự gia tăng sức mạnh của con người, trách nhiệm của các cá nhân và cộng đồng cũng tăng lên.”[201]

109. Đồng thời, “câu hỏi cốt yếu và cơ bản” vẫn là “liệu trong bối cảnh tiến bộ này, con người, với tư cách là con người, có thực sự trở nên tốt hơn hay không, nghĩa là, trưởng thành hơn về mặt tâm linh, nhận thức rõ hơn về phẩm giá của nhân tính, có trách nhiệm hơn, cởi mở hơn với người khác, đặc biệt là những người nghèo nhất và yếu đuối nhất, và sẵn sàng cho đi và giúp đỡ tất cả mọi người hơn.”[202]

110. Do đó, điều quan trọng là phải biết cách đánh giá các ứng dụng AI riêng lẻ trong các bối cảnh cụ thể để xác định xem việc sử dụng AI có cổ vũ phẩm giá con người, ơn gọi của con người và ích chung hay không. Cũng như nhiều kỹ thuật khác, tác động của các cách sử dụng AI khác nhau có thể không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được ngay từ khi chúng mới bắt đầu. Khi những ứng dụng này và tác động xã hội của chúng trở nên rõ ràng hơn, các phản ứng thích hợp nên được thực hiện ở mọi bình diện của xã hội, theo nguyên tắc bổ trợ. Người dùng cá nhân, gia đình, xã hội dân sự, tập đoàn, tổ chức, chính phủ và các tổ chức quốc tế nên hoạt động ở bình diện phù hợp để đảm bảo rằng AI được sử dụng vì lợi ích của tất cả mọi người.

111. Một thách thức và cơ hội quan trọng cho ích chung ngày nay nằm ở việc xem xét AI trong khuôn khổ trí khôn tương quan, nhấn mạnh đến sự kết nối giữa các cá nhân và cộng đồng và nêu bật trách nhiệm chung của chúng ta trong việc cổ vũ hạnh phúc toàn diện của người khác. Nhà triết học thế kỷ XX Nicholas Berdyaev đã quan sát thấy rằng mọi người thường đổ lỗi cho máy móc về các vấn đề bản thân và xã hội; tuy nhiên, "điều này chỉ làm nhục con người và không tương xứng với phẩm giá của họ", vì "việc chuyển giao trách nhiệm từ con người sang máy móc là không xứng đáng". [203] Chỉ có con người mới có thể chịu trách nhiệm về mặt đạo đức và những thách thức của một xã hội kỹ thuật cuối cùng mang bản chất tâm linh. Do đó, việc đối diện với những thách thức đó "đòi hỏi phải tăng cường linh đạo". [204]

112. Một điểm nữa cần xem xét là lời kêu gọi, được cổ vũ bởi sự xuất hiện của AI trên trường thế giới, về việc đánh giá lại tất cả những gì thuộc về con người. Nhiều năm trước, tác giả Công Giáo người Pháp Georges Bernanos đã cảnh cáo rằng “mối nguy hiểm không nằm ở việc gia tăng máy móc, mà nằm ở số lượng ngày càng tăng những người đàn ông đã quen từ nhỏ chỉ mong muốn những gì máy móc có thể mang lại”. [205] Thách thức này vẫn đúng cho đến ngày nay cũng như trước đây, vì tốc độ kỹ thuật số hóa nhanh chóng có nguy cơ dẫn đến “chủ nghĩa giản lược kỹ thuật số”, trong đó các khía cạnh không thể định lượng của cuộc sống bị gạt sang một bên rồi bị lãng quên hoặc thậm chí bị coi là không liên quan vì chúng không thể được tính toán theo các thuật ngữ chính thức. AI chỉ nên được sử dụng như một công cụ bổ sung cho trí thông minh của con người chứ không phải thay thế sự phong phú của nó. [206] Việc bồi dưỡng những khía cạnh của cuộc sống con người vượt qua được tính toán là rất quan trọng để bảo tồn “một nhân loại đích thực” “dường như tồn tại giữa nền văn hóa kỹ thuật của chúng ta, gần như không được chú ý, giống như một làn sương mù nhẹ nhàng thấm qua bên dưới một cánh cửa đóng”. [207]

Sự khôn ngoan đích thực

113. Kiến thức rộng lớn của thế giới hiện có thể tiếp cận được theo những cách khiến các thế hệ trước phải kinh ngạc. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng những tiến bộ trong kiến thức không trở nên cằn cỗi về mặt nhân bản hoặc tâm linh, người ta phải vượt ra ngoài sự tích lũy dữ kiện đơn thuần và phấn đấu đạt được sự khôn ngoan thực sự.[208]

114. Sự khôn ngoan này là hồng phúc mà nhân loại cần nhất để giải quyết những câu hỏi sâu sắc và những thách thức về đạo đức do AI đặt ra: “Chỉ bằng cách áp dụng cách nhìn nhận thực tại theo hướng tâm linh, chỉ bằng cách khôi phục lại sự khôn ngoan của trái tim, chúng ta mới có thể đối đầu và diễn giải sự mới mẻ của thời đại chúng ta”.[209] “Sự khôn ngoan của trái tim” như vậy là “đức tính cho phép chúng ta tích hợp toàn thể và các bộ phận của nó, các quyết định của chúng ta và hậu quả của chúng”. Nó “không thể được tìm thấy từ máy móc”, nhưng nó “để cho những ai tìm kiếm nó tìm thấy nó và được những ai yêu thích nó nhìn thấy; nó dự đoán những ai mong muốn nó, và nó đi tìm những ai xứng đáng với nó (x. Kn 6:12-16).” [210]

115. Trong một thế giới được đánh dấu bởi AI, chúng ta cần ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng “cho phép chúng ta nhìn mọi sự bằng con mắt của Thiên Chúa, để thấy được các mối liên hệ, tình huống, sự kiện và khám phá ra ý nghĩa thực sự của chúng.”[211]

116. Vì “sự hoàn hảo của một người không được đo bằng thông tin hay kiến thức mà họ sở hữu, mà bằng chiều sâu của lòng bác ái của họ,”[212] cách chúng ta kết hợp AI “để bao gồm những người anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta, những người dễ bị tổn thương và những người cần nhất, sẽ là thước đo thực sự về tính nhân văn của chúng ta.”[213] “Sự khôn ngoan của trái tim” có thể soi sáng và hướng dẫn việc sử dụng kỹ thuật này lấy con người làm trung tâm để giúp cổ vũ ích chung, chăm sóc “ngôi nhà chung của chúng ta,” cổ vũ việc tìm kiếm chân lý, cổ vũ sự phát triển toàn diện của con người, ủng hộ tình liên đới và tình huynh đệ của con người, và dẫn dắt nhân loại đến mục tiêu cuối cùng của mình: hạnh phúc và sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.[214]

117. Theo quan điểm khôn ngoan này, các tín hữu sẽ có thể hành động như những tác nhân đạo đức có khả năng sử dụng kỹ thuật này để cổ vũ một tầm nhìn chân thực về con người và xã hội.[215] Điều này cần được thực hiện với sự hiểu biết rằng tiến bộ kỹ thuật là một phần trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa—một hoạt động mà chúng ta được kêu gọi hướng tới Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô, trong quá trình tìm kiếm liên tục Chân lý và Thiện hảo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại buổi tiếp kiến được trao ban vào ngày 14 tháng 1 năm 2025 cho các bộ trưởng và Thư ký của Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa và Giáo dục, đã chấp thuận Bản ghi chú này và ra lệnh công bố.

Được ban hành tại Rome, tại các văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa và Giáo dục, vào ngày 28 tháng 1 năm 2025, Lễ tưởng niệm Thánh Tôma Aquinô, Tiến sĩ Hội thánh.

Hồng Y Víctor Manuel Fernandez, bộ trưởng
Hồng Y José Tolentino de Mendonça, bộ trưởng

Đức ông Armando Matteo, Thư Ký, Ban Giáo Lý
Rev. Paul Tighe, Thư ký, Ban Văn Hóa

Tại buổi yết kiến ngày 14 tháng 1 năm 2025

Franciscus

Kỳ tới: Các ghi chú
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn của Tân Giám mục Gioakim Nguyễn Xuân Thinh, Tại Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne.
Trần Văn Minh
05:15 03/02/2025
Melbourne, lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật Ngày 2/2/2025, Lễ Chúa Nhật Đức Mẹ dâng con vào đền thánh. Tại lễ đài Trung Tâm Thánh Vinh Sơn Liêm, Một thánh lễ ngoài trời rất trọng thể đã được tổ chức để mừng Tân Giám Mục Gioakim Nguyễn Xuân Thinh người xuất thân từ cộng đoàn những ngày mới đến Úc, mới được tấn phong giám mục Ngày 1/2/2025.

Xem hình

Một ngày thời tiết nóng, rất nóng, với cái nắng và nhiệt độ lên cao gần 40 độ C, cũng không ngăn cản được giáo dân trong cộng đoàn về chung niềm vui mừng lễ tạ ơn của người con yêu của cộng đoàn lãnh nhận chức giám mục. Trên bàn thờ trang hoàng rất đơn sơ. Ở giữa là tấm màn vải màu vàng nhạt có treo Thánh giá Chúa. Bên trái trang trí hình và gậy mũ giám mục màu vàng trên nền phông đỏ. Bên phải với hàng chữ trắng nổi trên nền đỏ: Take Courage He is Calling You. Trên mặt bàn thánh có phủ tấm khăn mang huy hiệu giám mục của Đức Cha Gioakim. Chung quanh lễ đài không khí tết Ất Tỵ còn chưa qua thấy rõ với những hoa mai, hoa đào còn được để nguyên.

Thánh lễ đồng tế do Đức cha Nguyễn Xuân Thinh chủ tế với 25 linh mục

Gồm hai Linh mục tuyên úy Cộng đoàn là Phạm Minh Ước SJ và Phạm Văn Ái SJ. Giám tỉnh Dominico Vũ Kim Quyền Dòng Tên và Peter Hoàng Kim Huy Dòng Don Bosco, Linh mục Vũ Chí Hỷ SSS từ Việt Nam qua, Linh mục Nguyễn Xuân Tiến là bào huynh từ Nhật về, một cha từ Singapore, và quý linh mục từ các tiểu bang của Úc và quý linh mục tại Melbourne.

Trong số giáo dân đáng kể là thân nhân của đức cha từ Mỹ, từ Canada hiện diện cũng rất đông và cũng chịu khó phơi nắng nóng ngồi nơi các hàng ghế danh dự mà cộng đoàn đã dành riêng cho họ ngay trước lễ đài.

Trong bài chia sẻ tin mừng, linh mục bào huynh của đức cha là Linh mục Gioakim Nguyễn Xuân Tiến lấy ý trong tin mừng về lễ Đức Mẹ Dâng Con vào Đền Thánh. Và cha đã dùng Mầu Nhiệm Năm Sự Vui để chia sẻ bằng hai ngôn ngữ.

Thứ Nhất: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường. Chúng ta cũng xin cho Tân Giám Mục được giữ được đời sống khiêm nhường.

Thứ Hai: Đức Bà đi viếng Bà Thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người. Chúng ta cũng cầu xin cho Tân Giám Mục luôn biết yêu tha nhân như chính mình vậy.

Thứ Ba: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn. Chúng ta cũng cầu cho Tân Giám Mục cũng chịu nhận khó khăn trên đường mục vụ chăm sóc chiên của Chúa.

Thứ Bốn: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy. Xin cầu cho Tân Giám Mục luôn vâng lời thánh ý Chúa để làm những điều vì Danh Chúa.

Thứ Năm: Đức Bà tim được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn. Điều này xin Chúa giúp Tân Giám Mục bền đỗ đến cùng. Rồi còn Năm Sự Sáng, Năm sự Thương nữa đang chờ đón Tân Giám Mục. Nên trong khi chưa nhận trách nhiệm, xin Tân Giám Mục cứ vui.

Kết thúc bài chia sẻ, Linh mục Nguyễn Xuân Tiến đã cùng mọi người đọc kinh kính mừng, đề xin Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ ban cho lời nguyện của cộng đoàn được Chúa thương nhận lời.

Liên Ca đoàn Vinh Sơn Liêm phụng vụ thánh ca thật xuất sắc, qua tài điều khiển của các ca trưởng Xuân Kính cũng là bào huynh của đức cha, và Hùng Hậu đã rất nhiệt tình trong cái nắng nóng chiếu thẳng vào khu ca đoàn đứng.

Sau lễ là phần chúc mừng của cộng đoàn do ông Lê Bá Kông trưởng Ban mục vụ cộng đoàn chào mừng Đức Cha, quý tu sỹ nam nữ, quý hội đoàn, đoàn thể và các thiện nguyện viên, ban ẩm thực, Liên ca đoàn đã giúp cho buổi lễ trang nghiêm và sốt sắng. Cộng đoàn cũng có bó hoa chúc mừng Đức cha.

Sau thánh lễ là tiệc mừng và phần văn nghệ thật xuất sắc do Liên ca đoàn VSL, các ca đoàn đóng góp nhiều tiết mục thật xuất sắc. Đặc biệt thân nhân của gia đình Đức Cha từ Mỹ tới cũng có bài hát mừng Đức Cha.

Mọi người được mời vừa ăn tiệc, vừa thưởng thức văn nghệ. Mệt nhất là Đức Cha, nhân vật chính của ngày Lễ Tạ Ơn, nên được mời đứng chụp hình hết Liên Ca đoàn, ca đoàn, cá nhân, các nơi phục vụ, không nơi nào mời mà bị Đức Cha từ chối.

Tối, trời Melbourne chuyển có gió mát, và sau khi giới trẻ cùng cộng đoàn các đoàn thể chung tay dọn dẹp xong thì trời đổ mưa. Tạ ơn Chúa và cảm ơn cộng đoàn.
 
Văn Hóa
Huấn đạo theo Thánh Kinh, Chương Mười Ba, tiếp và hết
Vũ Văn An
14:07 03/02/2025

Huấn đạo theo Thánh Kinh


Nguyên tác: Biblical Counseling Manual: A Self Help Counseling Program
Của Adam Pulaski và Steve Lihn
Vũ Văn An chuyển ngữ


Chương Mười Ba: Loạt bài về việc Tự Chấp nhận, tiếp và hết

13.7. Sự hiện diện chữa lành (2)

Viễn ảnh

(Ê-dê-ki-en 36:27; Ê-phê-sô 3:16-17) Trải nghiệm lời cầu nguyện này được ứng nghiệm trong cuộc sống của chúng ta là tìm thấy trung tâm thực sự của chúng ta, 'ngôi nhà bên trong'. Từ trung tâm này, chúng ta 'ở' trong Chúa Ki-tô và Người ở trong chúng ta.

Hy vọng

(Mát-thêu 6:14-15; Mát-thêu 5:23-24; 1 Gioan1:9; Do thái 10:22) Những rào cản ngăn cản chúng ta nhận ra 'trung tâm thực sự' của mình trong Chúa Ki-tô là chúng ta không tha thứ cho người khác cũng như không nhận được sự tha thứ từ Thiên Chúa cho tội lỗi của chính mình. Một lĩnh vực chính là tội lỗi và sự xấu hổ của chúng ta, và không có được đức tính tự chấp nhận trong Chúa Ki-tô. Máu Chúa Ki-tô xóa sạch hoàn toàn quá khứ của chúng ta, khiến chúng ta được chấp nhận hoàn toàn trong Chúa Ki-tô.

(Phi-líp-phê-phê 3:13-14) Mức độ một người sống ngoài thái độ và cảm xúc bệnh hoạn và hư hỏng của mình đối với bản thân đến mức họ không tìm thấy và sống từ trung tâm thực sự của mình. Chúng ta phải chết đối với thái độ sai lầm và bản ngã ảo tưởng, nếu không chúng ta không thể ở trong Chúa Ki-tô.

(Gioan14:20; Cô-lô-sê 1:27) Chúa Ki-tô xuống với chúng ta và vào trong chúng ta. Người nhập thể chúng ta. Chúng ta được Thiên Chúa ngự trong mình, Đấng ở trên chúng ta, trước khi Người ở trong chúng ta và bên dưới chúng ta.

(Gia-cô-bê 4:8; Do thái 10:22) Chúng ta hướng lên Thiên Chúa, Đấng khác với tôi, thống trị trên mọi sự. Cảm tạ Thiên Chúa vì Thánh Thần của Chúa Ki-tô ở trong tôi, cứu rỗi tôi, thánh hóa tôi, liên kết tôi với Người.

Thay đổi

(Phi-líp-phê-phê 2:12-13) Thực hành Sự Hiện Diện của Người bên trong: con người và Thiên Chúa cùng làm việc. Thiên Chúa sẽ không làm những gì bạn có thể làm, tức là lựa chọn. Vào thời điểm bạn lựa chọn, chính Thiên Chúa là người cho phép bạn thực hiện việc đó. Sự thụ động là chờ đợi Thiên Chúa giải quyết tội lỗi khi nó đã được giải quyết trên thập giá. Công việc của tôi bây giờ là kết hợp ý muốn của tôi với ý muốn của Người và cho phép sự công chính tuôn chảy, thay đổi trạng thái hiện hữu của tôi từ tự nhiên sang siêu nhiên.

(1 Cô-rinh-tô 12:7-11) Các ơn Chúa Thánh Thần là bản chất của những biểu hiện của Thiên Chúa. Bằng cách thực hành Sự hiện diện của Chúa Kitô, chúng ta đặt nền tảng cho sự hiểu biết và vận hành của các ơn Chúa Thánh Thần.

(Mát-thêu 5:23-24) Các ơn chữa lành của Chúa Thánh Thần có thể phải đối diện với hai rào cản lớn đối với sự toàn vẹn: không tha thứ cho người khác và không nhận được sự tha thứ. Đức tin, kiến thức, tình yêu, hành vi đạo đức, lòng can đảm, đức cậy, lời cầu nguyện, tất cả đều liên quan đến Chúa Kitô trong chúng ta. Tha thứ và được tha thứ, việc thanh tẩy hàng ngày khỏi mọi sự coi thường và oán giận giúp duy trì sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Kitô nguyên vẹn và cho phép ân sủng tuôn chảy tự do.

(Giê-rê-mi-a 17:9-10) Mọi loại tâm hồn bên trong chúng ta: tan vỡ, đau buồn, nản lòng, kiêu ngạo, gian ác, run rẩy, hai mặt, tinh vi, đồi trụy, buồn rầu, kiêu ngạo, phiền muộn, nặng nề, ghen tị, đố kỵ, xấu xa, lừa dối, cứng rắn, mưu mô, chai sạn, v.v. Tuy nhiên, Chúa Ki-tô trong chúng ta tỏa sáng qua chúng ta, làm cho hai tâm trí của chúng ta được thánh hóa, cũng như cảm xúc, ý chí, trí tuệ và khả năng của chúng ta. Người hoàn thiện chúng ta và chúng ta trở nên: sẵn lòng, hoàn hảo, dịu dàng, mềm mại, tinh khiết, ngay thẳng, trong sạch, khôn ngoan, vui vẻ, nhu mì và khiêm nhường, trung thực và tốt, độc thân, chân thật, nhân từ và biết ơn, v.v.

Hãy tìm kiếm sự cứu rỗi của bạn (Pl 2:12-13)

Câu Kinh Thánh để ghi nhớ: Cl 2:11-12

Lòng sùng kính: Xem lại phiếu làm việc này.

Cởi bỏ/Mặc vào: Liệt kê những lĩnh vực trong cuộc sống của bạn cần phải giải quyết: con người, hoàn cảnh, tình huống và chuẩn bị một danh sách thất bại. Phần quy trình A.4, “Phiếu làm việc Chiến thắng tội lỗi”. Thay đổi là vấn đề tạo ra những thói quen mới thay thế cho thói quen cũ. Thay thế và thực hành phản ứng của Chúa và theo thời gian, ý chí tự nhiên sẽ được chuyển thành siêu nhiên (Rô-ma 8:14-17).

13.8. Suy nghĩ sáng tạo

Viễn ảnh

(Pl. 4:8) Khi những hình ảnh tượng trưng vĩ đại và tốt đẹp về Thiên Chúa, vũ trụ, tình phụ tử, tình mẫu tử, nam tính, nữ tính, v.v. bị bác bỏ hoặc đơn giản không có trong tâm trí, những hình ảnh nhỏ hơn sẽ phát triển để thay thế chúng. Nếu bạn không thích những điều cao cả hơn, bạn chắc chắn sẽ thích những điều thấp kém hơn, Điều này đúng với một xã hội, một quốc gia, một thế giới, cũng như với mỗi cá nhân. Bạn nghĩ gì, theo thời gian, bạn sẽ trở thành như vậy.

Hy vọng

(Rô-ma 6:3-6) Những gì đã được thực hiện trên Thập giá sẽ rửa sạch và thanh tẩy chúng ta khỏi bản ngã giả tạo hoặc đồi trụy trước đây của chúng ta. Do đó, cảm thức hiện hữu, an lạc phát xuất từ việc suy gẫm về con người và bản chất của chúng ta trong Chúa Giêsu Ki-tô. Một hình ảnh bệnh hoạn trong tâm trí không chỉ thay thế cho những hình ảnh và biểu tượng bị thiếu về các mối quan hệ tốt đẹp, mà còn có thể lấp đầy sự thiếu hụt cảm thức hiện hữu thỏa đáng. Điều này có thể dẫn đến cảm thức không hiện hữu, đòi hỏi phải suy gẫm sâu sắc và cầu nguyện để có thể kết nối lại với Thiên Chúa để định hình cuộc sống của chúng ta từ nay về sau: một cảm thức hiện hữu.

(2 Cô-rinh-tô 10:3-5; Gioan15:5-7) Việc phát triển hình ảnh thích đáng và hình thức thích đáng của tâm trí biểu tượng đòi hỏi phải được rửa tội trong Chúa Thánh Thần, cầu nguyện lắng nghe, tiếp nhận những lời và hình ảnh phát xuất từ Thiên Chúa. Ngoài ra, học cách thực hành Sự hiện diện thông qua việc trao đổi mọi lời tiêu cực phát xuất từ thế gian, xác thịt và ma quỷ. Và thay thế những lời này bằng những lời của Thiên Chúa, Đấng luôn phán với chúng ta phải yêu như Người yêu, để đáp lại sự sống trong Thánh Thần của Người.

(Rô-ma 12:1-2) Chúng ta phải từ bỏ tâm trí 'có ý thức', thuần lý vốn luôn cố gắng phân tích cõi 'vô thức', những ý tưởng sáng tạo của Thiên Chúa được tiết lộ cho tâm hồn chúng ta. Thay vào đó, chúng ta phải sử dụng sức mạnh thuận lý của mình để suy gẫm về các nguyên tắc của Thiên Chúa và tập trung vào việc đưa chúng vào hành động. Chúng ta không được trí thức hóa, quá trình nội quan, dẫn đến việc tập trung vào bản thân và mang lại sự vô ích: một thực hành về sự hiện diện của bản thân.

Thay đổi

(Eph. 4:22-32; Dt. 10:22) Trong những trường hợp nghiêm trọng khi một người bị buộc phải nội quan sâu xa, cần phải cầu nguyện để chữa lành tâm trí. Xức dầu lên trán, làm dấu thánh giá, đặt tay lên đầu, cầu xin Chúa Giêsu ngự vào, chữa lành và làm dịu tâm trí. Hình dung bằng trái tim rằng điều này đang được thực hiện, cầu nguyện trong yên lặng. Sau đó, cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn thêm và cho biết phải cầu xin gì và cầu nguyện như thế nào. Cầu xin sự khôn ngoan và kiến thức thông qua hình ảnh và lời nói. Yêu cầu người đó thú nhận tội lỗi nội quan của mình để nhận được sự thanh tẩy và tha thứ cần thiết.

(Gcb 1:21) Người ta phải dừng lại và suy gẫm về những câu Kinh thánh thích hợp liên quan đến các kiểu thái độ bệnh hoạn của mình, hướng lên Thiên Chúa, không phải hướng vào bản thân mình, sau đó trình bày trái tim mình với trái tim của Chúa siêu việt.

(1 Phê-rô 1:13; 1 Phê-rô 4:1) Thắt chặt tâm trí của bạn là kiểm soát, bảo vệ và lựa chọn nhập lượng [input] tốt: để Chúa Giêsu có thể được bày tỏ trong tinh thần của bạn. Trong tâm trí bạn hãy đặt mục đích theo đuổi mục đích như Chúa Giêsu, Đấng chỉ có mục đích là làm theo ý muốn của Chúa Cha bất chấp đau khổ.

Từ khóa ở đây là 'sửa chữa':

1. Sửa tâm trí về nhập lượng có chọn lọc.

2. Sửa tâm trí về ý chí, ý chí để suy nghĩ và làm theo cách của Thiên Chúa. Xem thêm Phần 13.3, “Chữa lành ký ức: Sự tha thứ tội lỗi”.

3. Sửa tâm trí về mục đích, quyết tâm tiến bước theo cách của Thiên Chúa, không bị bất cứ điều gì lay chuyển.

Hãy tìm kiếm sự cứu rỗi của bạn (Pl 2:12-13)

Câu Kinh Thánh để ghi nhớ:Gcb 1:21

Lòng sùng kính: Tạo Khuôn khổ Nghiên cứu và Áp dụng Kinh thánh cho câu Cl 3:1-3.

Cởi bỏ /Mặc vào: Hãy tự hỏi mình ba câu hỏi sau khi bạn nghiên cứu mỗi câu sau đây:

1. Câu này nói gì với tôi?
2. Tôi đang làm gì sai?
3. Tôi phải thay đổi điều gì?

• Sáng thế 6:5; Sáng thế 11:6; Xuất hành 1:12; Xuất hành 8:12;

• Thánh vịnh 1:2; Thánh vịnh 4:4; Thánh vịnh 19:14; Thánh vịnh 38:12; Thánh vịnh 48:9; Thánh vịnh 119:59; Châm ngôn 4:27; Châm ngôn 6:18; Châm ngôn 12:5;

• Mát-thêu 10:22; Lu-ca 9:62; Gioan15:9; Rô-ma 1:21; Rô-ma 8:6; Rô-ma 12:3; Ga-lát 5:1; Ga-lát 6:9; Phi-líp-phê-phê 1:27; Phi-líp-phê-phê 2:5; • 1 Ti-mô-thê 4:15; Gia-cô-bê 1:12; Gia-cô-bê 5:11; 1 Phê-rô 2:19; 1 Phê-rô 5:9; 2 Phê-rô 3:17; Khải huyền 3:12.

Xem lại Mục 7.14, “Kiểm soát tâm trí”.

13.9. Ám ảnh tâm trí

Viễn ảnh

(1 Sử biên 28:9; Châm ngôn 6:16; 2 Cô-rinh-tô 10:3-5; Ga-lát 5:16) Để phá bỏ bất cứ thói quen nào, cần phải có một quyết định có phẩm chất, một hành động của ý chí, quá trình này bắt đầu trong tâm trí. Bệnh nội quan, tâm trí chỉ nghĩ đến bản thân, tự nuôi dưỡng bản thân và cuối cùng tự hủy hoại chính mình. Tâm trí chúng ta có thể bị giam cầm không chỉ bởi hình ảnh ma quỷ mà còn bởi nỗi ám ảnh tâm trí liên tục. Liên tục phân tích bản thân, nhìn vào bên trong để tìm ra một số sự thật hoặc thực tại cá nhân, và liên tục phân tích xem sự thật mà tôi tìm thấy có đúng hay không, người ta sẽ trở nên đầy nghi ngờ.

Hy vọng

(Cô-lô-sê 3:3,5,8-9) Chúng ta có xu hướng đắm chìm vào một số xung đột tâm trí hoặc cảm xúc trong cuộc sống, và theo thời gian, chúng ta sẽ phát triển một tư duy bệnh hoạn và méo mó. Không chấp nhận kết luận của mình về bản thân, tôi trở nên chỉ trích bản thân, và thậm chí là ghét bản thân: Tôi trở thành chúa của chính mình. Kinh thánh bảo chúng ta phải hướng lên Chúa, cầu xin Người đến và chiếu ánh sáng của Người vào lòng tôi. Khi đó, tôi sẽ nhận được điều tốt đẹp khách quan: hoặc là sự tha thứ hoặc sự soi sáng.

(Cô-lô-sê 1:27; Cô-lô-sê 2:10; Lu-ca 16:10; Phi-líp-phê 2:12-13) Không tập trung vào Chúa Ki-tô bên trong là 'đi bên cạnh chính mình', thay vì trở thành và trở nên giống hình ảnh của Chúa Ki-tô. Người có trung tâm là bản ngã ảo tưởng (người có trung tâm là một phức hợp của những cảm xúc, thái độ, hình ảnh và biểu tượng bệnh hoạn) không liên quan gì đến bản ngã mới thực chất, hướng ngoại trong Chúa Kitô.

(Châm ngôn 27:17; Công vụ 17:28) Hiện hữu là trải nghiệm cuộc sống trực tiếp, sống trong khoảnh khắc hiện tại. Người phung phí hiện tại của mình bằng cách cố gắng tìm ra một tương lai an toàn hơn hoặc ít đau khổ hơn, luôn sống trong quá khứ đau thương và tương lai bất định. Sống trong hiện tại, của "sự hiện là [isness]" của "hiện hữu" là sử dụng chính mình bằng cách biết người khác. Do đó, chúng ta trở nên sắc sảo hơn bởi những gì "là" và chúng ta bắt đầu vui mừng trong những thực tại bên ngoài bản thân mình bằng cách cho phép Thiên Chúa trong chúng ta trở thành trọn vẹn nhất của Người thông qua chúng ta trong khoảnh khắc hiện tại.

Thay đổi

(Mát-thêu 22:37-39; Gioan6:63) Việc hướng mắt khỏi bản thân mình đến người khác là một quyết định mà chúng ta có thể và phải đưa ra. Đó là một loại kỷ luật từng phút từng giây. Con người trở thành khi họ vâng lời. Chúng ta "trở thành" khi chúng ta vâng phục những gì tốt nhất mà chúng ta biết ở một bình diện, với những lời đến từ Chúa ở bình diện cao nhất: lời đó trở thành sự sống.

(Gioan5:19; Gioan15:5) Sức mạnh để hiện hữu liên quan đến sức mạnh ở nhà "bên trong": khoảnh khắc hiện tại của sự tập trung, của cuộc sống thanh thản và suy niệmm từ trung tâm đích thực. Yêu Chúa là được kéo ra khỏi chính mình và vào trong Người. Khi yêu Người, tôi trở thành xác phàm của Người. Chúa ngự xuống trong chúng ta và chúng ta được kéo vào trong Người. Với Chúa Kitô, chúng ta có thể nói "Tôi yêu Chúa Cha, tôi làm những gì tôi thấy Người làm, Người đã đội cho tôi vinh quang và danh dự". Yêu tất cả những gì "là", chúng ta học cách chết đi mỗi ngày đối với cuộc sống hướng nội, tự ý thức.

Hãy tìm kiếm sự cứu rỗi của bạn (Pl 2:12-13)

Câu Kinh Thánh để ghi nhớ:Rm 12:1-2

Lòng sùng kính: Tạo Khuôn khổ Nghiên cứu và Áp dụng Kinh thánh cho câu Cl 3:1-3; Pl 2:3-4.

Cởi bỏ /Mặc vào: Hãy ghi chú bất cứ sự nội quan quá mức và thần kinh nào, về việc tự hấp thụ. Hãy để Châm ngôn 3:5-7; Châm ngôn 4:20-27 hướng dẫn bạn. Phần A.2 của quy trình, “Danh sách suy nghĩ và hành động”.

13.10. Phá vỡ các thói quen thể lý

Viễn ảnh

(Rô-ma 4:17; 2 Cô-rinh-tô 4:17-18) Không quan trọng nếu chúng ta không cảm thấy mình là người chiến thắng hay người vượt thắng: Lời Chúa nói rằng chúng ta là những người đó, Lời Chúa không nói dối. Bản chất của đức tin là nói về những điều không được biểu hiện như thể chúng đã là một sự kiện đã hoàn thành. Chúng ta đang giải quyết những điều vô hình, siêu việt, tác động đến những điều hữu hình.

Hy vọng

(Gia-cô-bê 1:21) Việc suy gẫm về lời cứu rỗi linh hồn chúng ta, và ‘cứu rỗi’ có nghĩa là giải thoát, an toàn, bảo tồn, chữa lành, lành mạnh và toàn vẹn. Lời thấm nhuần được tiếp nhận với sự tự tin mạnh mẽ có thể giải thoát chúng ta khỏi sự ràng buộc của trí hiểu, trí nhớ và ý chí. Thay vì trở thành tù nhân của sự nuông chiều bản thân, chúng ta trở thành tù nhân của những suy nghĩ của Thiên Chúa.

(Cô-lô-sê 3:1-3) Việc phá vỡ thói quen thể lý đòi hỏi một quyết định có phẩm chất, một hành động của ý chí bắt đầu bằng trí hiểu. Nghĩ theo ý nghĩ của Thiên Chúa, tái cấu trúc các đồn lũy (giàn giáo) của tâm trí, chuyển hướng các cơ chế đối phó để phản ứng với các sự kiện không chắc chắn của cuộc sống trong sự vâng phục Chúa Kitô (2 Cô-rinh-tô 10:3-5).

(Châm ngôn 8:13; Châm ngôn 16:6; 2 Cô-rinh-tô 7:11) Hãy dạy bản thân ghét điều ác, đừng thờ ơ với nó. Kính sợ Chúa là ghét điều ác vì nó làm tổn thương Thiên Chúa. Bắt đầu ghét những điều làm bạn trở thành nô lệ và xúc phạm đến Thiên Chúa. Phát triển một mong muốn mãnh liệt và trả thù điều ác (Thánh vịnh 22:3) Sau đó thực hành trong sự kính sợ, trong sự hiện diện của Chúa và sự thánh thiện của Người. Đồng thời, hãy bắt đầu ngợi khen Thiên Chúa. Người ngự trong lời ngợi khen của dân Người. Bằng cách ngợi khen, bạn thiết lập sự hiện diện và quyền cai trị của Chúa Giêsu đối với cuộc sống và thói quen của bạn.

Thay đổi

(Gia-cô-bê 1:21; Giê-rê-mi-a 1:12; Do Thái 3:1) Hãy chấp nhận với sự tin tưởng rằng lời Chúa có hiệu quả và sẽ thay đổi thói quen của bạn mà không cần phải hoảng sợ. Tháp lời vào tinh thần của bạn bằng cách đặt lời lên hàng đầu trong cuộc sống của bạn và đứng vững trên lời bất kể hoàn cảnh và kinh nghiệm của người khác. Chúa trông chừng lời Người để thực hiện lời Người; do đó, hãy để lời Người sống lại, phát triển và lớn lên trong tinh thần của bạn.

(I-sai-a 61:1; Gioan 8:32; 2 Cô-rinh-tô 3:17; Rô-ma 6:14) Nhờ Chúa Giêsu, tôi được giải thoát khỏi mọi thói quen, ham muốn và suy nghĩ xấu xa. Biết được sự thật của Người giải thoát tôi vì nơi nào có Thánh Thần, nơi đó có sự tự do; do đó, tội lỗi sẽ không có quyền thống trị tôi.

(Rô-ma 8:2; Phi-líp-phê 4:13; Rô-ma 8:37; I-sai-a 26:13-14; 2 Cô-rinh-tô 2:14) Chúa Ki-tô truyền sức mạnh của Người vào linh hồn tôi. Luật của Thánh Thần này giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết. Vì vậy, Đấng ở trong tôi lớn hơn kẻ ở trong thế gian. Không còn bị quá khứ kìm hãm hay lên án, tôi còn hơn cả một người chiến thắng. Cảm tạ Thiên Chúa, Đấng luôn khiến tôi chiến thắng trong Chúa Giêsu Ki-tô.

Hãy tìm kiếm sự cứu rỗi của bạn (Pl 2:12-13)

Câu Kinh Thánh để ghi nhớ:Rm 12:1-2

Lòng sùnh kính: Tạo Khuôn khổ Nghiên cứu và Áp dụng Kinh thánh cho câu Lu-ca 9:23-24.

Cởi bỏ /Mặc vào: Phần quy trình A.6, “Phiếu giải quyết vấn đề”. Sử dụng dữ kiện này làm nguồn dữ kiện, hãy trả lời các câu hỏi sau:

• Điều gì đã xảy ra? (mô tả vấn đề hoặc tình huống)
• Tôi đã làm gì? (mô tả phản ứng hoặc suy nghĩ của bạn)
• Tôi nên làm gì? (nghiên cứu bảng tính này để có ý tưởng)
• Bây giờ tôi phải làm gì (làm Mục A.9, “Kế hoạch dự phòng”, Mục A.4, “Bảng tính Chiến thắng tội lỗi” hoặc Mục A.2, “Danh sách suy nghĩ và hành động”) để tái cấu trúc tình huống (suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn) theo cách làm đẹp lòng Chúa?
 
VietCatholic TV
Ngày Đời sống Thánh hiến tại Vatican. GM từng gây bao nhiêu đau khổ cho Đức Bênêđíctô XVI, qua đời
VietCatholic Media
17:06 03/02/2025


1. Giám mục Richard Williamson đã qua đời, để lại di sản gây tranh cãi

Cựu giám mục SSPX Richard Williamson đã qua đời đêm 30 Tháng Giêng, sau khi vào bệnh viện vào đầu tuần này trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó có thông tin cho biết Đức Cha Williamson đã được đưa vào bệnh viện ở Margate, đông nam nước Anh và đã được nhận các bí tích sau khi được cho là bị xuất huyết não. Catholic Herald đã thông báo rằng ngài đã qua đời vào đêm 30 Tháng Giêng, lúc 11.23 tối. Ngài hưởng thọ 84 tuổi.

“Ngài được bao quanh bởi các giáo sĩ và tín hữu, những người đã canh thức cùng ngài trong suốt hành trình cuối cùng của ngài”, một email từ văn phòng giám mục cho biết. “Họ đã cầu nguyện cho đến phút cuối cùng”.

Email nói thêm: “Hàng ngàn người trên khắp thế giới đã cầu nguyện cho ngài. Chúng tôi nhận được rất nhiều lời chia buồn.”

Williamson, được thụ phong linh mục vào năm 1976, là một nhân vật gây tranh cãi trong Giáo hội và đã bị khai trừ nhiều lần, khiến ngài trở thành một trong những giáo sĩ nổi loạn nhất trong lịch sử gần đây của Giáo hội.

Ngài đã tấn phong một số người lên làm giám mục mà không có sự chấp thuận của Vatican, để lại một dòng dõi giám mục bất hợp pháp.

Vị giám mục phản bội này là một trong bốn người được tấn phong làm giám mục cho Huynh Đoàn Thánh Piô X, gọi tắt là SSPX bởi Tổng giám mục Marcel Lefebvre tại Écône, Thụy Sĩ, mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Được biết đến với quan điểm gây tranh cãi, Williamson cho rằng phụ nữ không nên theo đuổi sự nghiệp hoặc học đại học và tuyên truyền các thuyết âm mưu, bao gồm cả tuyên bố rằng vụ tấn công ngày 11 tháng 9 và vụ đánh bom Luân Đôn năm 2005 là do chính phủ Hoa Kỳ và Anh dàn dựng.

Williamson, một người Anh và ban đầu là một người Anh giáo, đã theo học tại Cao đẳng Winchester và sau đó là Đại học Cambridge. Ông được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo vào năm 1971 và sau khi nhận định ơn gọi của mình tại Brompton Oratory, Luân Đôn, ông đã vào Chủng viện Quốc tế Saint Pius X tại Écône, Thụy Sĩ.

Hội Thánh Piô X – được thành lập bởi Tổng Giám mục Lefebvre, người vào thời điểm đó đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội – đã phản đối các cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II.

Đến năm 1988, căng thẳng giữa Hội và Rôma đã lên đến đỉnh điểm. Tổng giám mục Lefebvre từ lâu đã bất đồng quan điểm với Tòa thánh, phải đối mặt với lệnh đình chỉ a divinis vì đã phong chức linh mục mà không được chấp thuận và phản đối Nghi lễ mới của các bí tích.

Lệnh đình chỉ a divinis là sự đình chỉ “cấm thực hiện mọi hành vi thuộc quyền hạn của chức thánh mà một người có được thông qua chức thánh hoặc đặc ân”.

Mặc dù đang có cuộc đối thoại với Hồng Y Ratzinger, người tìm cách hợp thức hóa SSPX, hành vi thất thường của Lefebvre và sự phản đối kiên quyết của Lefebvre đối với các cải cách của Vatican II cuối cùng đã làm chệch hướng thỏa thuận của họ. Năm đó, Lefebvre đã tấn phong Williamson và ba người khác làm giám mục mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, dẫn đến việc Lefebvre, Williamson và ba giám mục khác bị vạ tuyệt thông ngay lập tức.

Vào năm 2009, cùng thời điểm Vatican xóa bỏ lệnh tuyệt thông tự động đối với các giám mục, Williamson đã trở thành tiêu điểm chú ý khi tuyên bố trên truyền hình Thụy Điển: “Tôi tin rằng bằng chứng lịch sử chống lại mạnh mẽ, cực kỳ chống lại việc sáu triệu người Do Thái bị đầu độc bằng khí độc một cách có chủ đích trong các phòng hơi ngạt như một chính sách có chủ đích của Adolf Hitler.”

Sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng, ông đã nhanh chóng bị cách chức khỏi vị trí nhà lãnh đạo chủng viện SSPX tại Á Căn Đình.

Ở Đức, nơi cuộc phỏng vấn được ghi lại vào năm 2008, phủ nhận Holocaust là một tội hình sự. Do đó, vào năm 2010, Williamson đã bị kết án vì tội kích động thù hận.

Sau đó, ông đã thua đơn kháng cáo bản án bị Tòa án Nhân quyền Âu Châu bác bỏ vào năm 2019.

Luật sư của Williamson lập luận rằng ông không nên bị kết án vì cuộc phỏng vấn chỉ được phát sóng ở Thụy Điển, nơi không có luật phủ nhận Holocaust.

Nhưng ECHR có trụ sở tại Strasbourg đã kết luận rằng Williamson biết rằng ông ta đã vi phạm luật pháp Đức vào thời điểm đó và không cố gắng giới hạn cuộc phỏng vấn chỉ trên sóng phát thanh Thụy Điển. Ban đầu, ông ta bị kết án phạt 12.000 euro, giảm xuống còn 1.500 euro khi kháng cáo.

Mối quan hệ của Williamson với SSPX cuối cùng trở nên ngày càng căng thẳng. Vào tháng 8 năm 2012, ông đã tiến hành ban phép Thêm Sức trái phép tại Brazil, khiến ban lãnh đạo SSPX chỉ trích vì hành vi bất tuân.

Đến tháng 10 năm 2012, sau khi từ chối nộp và công bố một bức thư ngỏ phản đối Bề trên Tổng quyền, ông đã bị trục xuất khỏi Hội vì từ chối “thể hiện sự tôn trọng và vâng lời xứng đáng với bề trên hợp pháp của mình”.


Source:Catholic Herald

2. Đức Giáo Hoàng cho biết cải cách tiêu hôn được thiết kế để đẩy nhanh quá trình chứ không phải làm suy yếu mối quan hệ hôn nhân

Nhân dịp long trọng khai mạc Năm Tư pháp, Đức Thánh Cha đã có thông điệp sau gởi Tòa án Rota của Rôma, là toà phúc thẩm cao nhất của hệ thống tư pháp Vatican.

Kính gửi các vị Thẩm Phán,

Lễ khai mạc Năm tư pháp của Tòa án Rota Rôma cho tôi cơ hội để nhắc lại lòng biết ơn và sự trân trọng của tôi đối với công việc của các bạn. Tôi nồng nhiệt chào đón Đức Tổng Giám Mục Niên Trưởng [Arellano Cedillo Alejandro] và tất cả những người cung cấp dịch vụ của các bạn tại Tòa án này.

Năm nay sẽ là kỷ niệm mười năm của hai Tự Sắc, Mitis Iudex Dominus Iesus và Mitis et Misericors Iesus, mà tôi đã cải cách thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Có vẻ như đã đến lúc tận dụng cơ hội truyền thống được gặp gỡ các bạn để nhắc lại tinh thần thấm nhuần cải cách này, mà các bạn đã áp dụng với năng lực và sự siêng năng, và vì lợi ích của tất cả các tín hữu.

Nhu cầu sửa đổi các chuẩn mực liên quan đến thủ tục tiêu hôn đã được các Nghị phụ Thượng hội đồng nêu rõ trong Phiên họp bất thường năm 2014, khi đưa ra yêu cầu làm cho các phiên tòa dễ tiếp cận và hợp lý hơn (xem Relatio Synodi 2014, 48). Các Nghị phụ Thượng hội đồng đã bày tỏ theo cách này tính cấp thiết phải hoàn thành việc cải tổ mục vụ các cơ cấu, vốn đã được kêu gọi trong Tông huấn Evangelii gaudium (xem số 27).

Càng thích hợp hơn khi sự hoán cải như vậy cũng liên quan đến việc quản lý công lý, để công lý có thể đáp ứng theo cách tốt nhất có thể đối với những người tìm đến Giáo hội để được làm sáng tỏ tình trạng hôn nhân của họ (xem Diễn văn trước Tòa án Rota của Rôma, ngày 23 Tháng Giêng năm 2015).

Tôi muốn các giám mục, giám mục giáo phận, là trung tâm của cuộc cải cách. Thật vậy, các ngài chịu trách nhiệm quản lý công lý trong giáo phận, vừa là người bảo đảm sự chặt chẽ của các tòa án và giám sát chúng, vừa là thẩm phán phải tự mình quyết định (personaliter) trong các trường hợp vô hiệu hóa rõ ràng, hay đúng hơn là thông qua một tiến trình rút gọn (processus brevior) như một biểu hiện của sự chăm sóc cho phần rỗi các linh hồn (salus animarum).

Do đó, tôi đã thúc giục việc đưa hoạt động của các tòa án vào việc chăm sóc mục vụ của giáo phận, hướng dẫn các giám mục bảo đảm rằng các tín hữu biết về sự tồn tại của thủ tục này như một biện pháp khắc phục khả thi cho tình huống cần thiết mà họ đang gặp phải. Đôi khi thật đáng buồn khi biết rằng các tín hữu không biết về sự tồn tại của con đường này. Hơn nữa, điều quan trọng là “các quy trình vẫn miễn phí, để Giáo hội thể hiện … tình yêu thương nhưng không của Chúa Kitô mà tất cả chúng ta đã được cứu rỗi” (Mitis et Misericors Iesus, Proemio, VI).

Đặc biệt, sự quan tâm của các giám mục được thực hiện trong việc bảo đảm bằng luật pháp về hiến pháp trong giáo phận của mình về tòa án, được trang bị những người được đào tạo bài bản - giáo sĩ và giáo dân - phù hợp với chức năng này; và bảo đảm rằng họ thực hiện công việc của mình một cách công bằng và siêng năng. Việc đầu tư vào việc đào tạo những người làm việc như vậy - đào tạo khoa học, nhân văn và tinh thần - luôn có lợi cho các tín hữu, những người có quyền được xem xét cẩn thận các đơn thỉnh cầu của họ, ngay cả khi họ nhận được phản hồi tiêu cực.

Cuộc cải cách được hướng dẫn – và việc áp dụng nó phải được hướng dẫn – bởi mối quan tâm đến sự cứu rỗi các linh hồn (x. Mitis Iudex, Proemio). Chúng ta được kêu gọi bởi nỗi đau và hy vọng của rất nhiều tín hữu đang tìm kiếm sự sáng tỏ về khả năng tham gia đầy đủ vào đời sống bí tích. Đối với nhiều người đã “đã trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, việc xác minh sự hiện diện hoặc không hợp lệ của mối quan hệ là một khả năng quan trọng; và những người này phải được giúp đỡ trên con đường này theo cách nhanh nhất” (Diễn văn gửi đến những người tham gia khóa học do Tòa án Công lý Rôma thúc đẩy, ngày 12 tháng 3 năm 2016).

Các chuẩn mực thiết lập các thủ tục phải bảo đảm một số quyền và nguyên tắc cơ bản, chủ yếu là quyền được bảo vệ và quyền được coi là hợp lệ của hôn nhân. Mục đích của quá trình này không phải là “làm phức tạp cuộc sống của các tín hữu một cách vô ích, cũng không phải là làm trầm trọng thêm việc kiện tụng của họ, mà là phục vụ cho sự thật” (Bênêđíctô XVI, Diễn văn tại Rota Romana, ngày 28 Tháng Giêng năm 2006).

Tôi nhớ lại những gì Thánh Phaolô Đệ Lục đã nói, sau khi hoàn tất cuộc cải cách được thực hiện bởi Tự Sắc Causas matrimoniales. Ngài nhận xét rằng “trong những đơn giản hóa [...] được đưa vào trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân, mục đích là làm cho việc thực hiện này dễ dàng hơn, và do đó mang tính mục vụ hơn, mà không ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn của sự thật và công lý, mà một phiên tòa phải tuân thủ một cách trung thực, với sự tin tưởng rằng trách nhiệm và sự khôn ngoan của các Mục tử được cam kết một cách tôn giáo và trực tiếp hơn” (Diễn văn gửi Tòa Thượng thẩm Rôma, ngày 30 Tháng Giêng năm 1975).

Tương tự như vậy, cải cách gần đây có ý định ủng hộ “không phải sự vô hiệu của hôn nhân, mà là tốc độ của các quá trình – tốc độ – cũng như sự đơn giản cần có của chúng, kẻo những đám mây nghi ngờ che phủ trái tim của các tín hữu” (Mitis Iudex, Proemio). Thật vậy, để tránh rằng, do các thủ tục quá phức tạp, câu nói “summum ius summa iniuria” – “Công lý tối cao lại là bất công lớn nhất” (Cicerone, De Officiis, I, 10, 33) trở thành hiện thực, tôi đã bãi bỏ nhu cầu về một phán quyết tuân thủ kép và khuyến khích việc ra quyết định nhanh hơn trong các phiên tòa mà sự vô hiệu được thể hiện rõ ràng, nhằm mục đích vì lợi ích của các tín hữu và mong muốn mang lại sự bình an cho lương tâm của họ. Rõ ràng - nhưng tôi muốn nhắc lại ở đây - rằng cải cách thách thức mạnh mẽ sự thận trọng của các bạn trong việc áp dụng các chuẩn mực. Và điều này “đòi hỏi hai đức tính lớn: sự thận trọng và công lý, phải được thông qua bởi lòng bác ái. Có một mối liên hệ mật thiết giữa sự thận trọng và công lý, bởi vì việc thực hiện sự thận trọng là nhằm mục đích biết được điều gì là công bằng trong trường hợp cụ thể “ (Diễn văn gửi Tòa Rota Rôma, ngày 25 Tháng Giêng năm 2024).

Mỗi nhân vật chính của tiến trình này đều tiếp cận thực tại hôn nhân và gia đình với lòng tôn kính, vì gia đình là sự phản ánh sống động của sự hiệp thông tình yêu là Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Amoris laetitia, 11). Hơn nữa, những người phối ngẫu kết hợp trong hôn nhân đã nhận được món quà bất khả phân ly, đây không phải là mục tiêu đạt được bằng nỗ lực của riêng họ, thậm chí không phải là giới hạn cho tự do của họ, mà là lời hứa từ Thiên Chúa, Đấng mà lòng trung thành làm cho điều đó trở nên khả thi đối với con người. Công việc phân định của anh chị em về sự tồn tại hay không của một cuộc hôn nhân hợp lệ là một dịch vụ, đó là một dịch vụ cho phần rỗi các linh hồn, vì nó cho phép các tín hữu biết hoặc chấp nhận sự thật về hoàn cảnh cá nhân của họ. Thật vậy, “mọi phán đoán công bằng về tính hợp lệ hay vô hiệu của hôn nhân đều là một đóng góp cho nền văn hóa bất khả phân ly trong cả Giáo hội và trên thế giới” (Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Tòa Thượng thẩm Rôma, ngày 29 Tháng Giêng năm 2002).

Anh chị em thân mến, Giáo hội trao phó cho anh chị em một nhiệm vụ có trách nhiệm lớn lao, nhưng trước hết là nhiệm vụ tuyệt vời: giúp thanh tẩy và khôi phục các mối quan hệ giữa các cá nhân. Bối cảnh Năm Thánh mà chúng ta đang sống làm cho công việc của anh chị em tràn đầy hy vọng, một hy vọng không làm thất vọng (x. Rm 5:5).

Tôi cầu xin cho tất cả anh chị em, những người lữ hành trong hy vọng (peregrinantes in spem), ơn hoán cải vui tươi và ánh sáng để đồng hành với các tín hữu hướng về Chúa Kitô, Đấng là Đấng phán xét hiền lành và nhân từ. Tôi chúc lành cho anh chị em từ tận đáy lòng, và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!


Source:Vatican News

3. Bài Giảng của Đức Thánh Cha Ngày Đời sống Thánh hiến Thế giới trong Năm Thánh Hy Vọng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục những người nam và nữ tận hiến trở thành “người mang ánh sáng” trong thế giới ngày nay thông qua chứng tá trung thành của họ về các lời khuyên Phúc âm khi ngài cử hành kinh chiều đầu tiên cho Ngày Thế giới Đời sống Thánh hiến tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Phát biểu trước hàng ngàn tu sĩ vào lúc 5g chiều Thứ Bẩy, 01 Tháng Hai, Đức Giáo Hoàng đã phác họa cách thức mà sự nghèo khó, sự trong sạch và sự vâng phục có thể biến đổi xã hội thông qua tình yêu của Thiên Chúa, lấy từ chủ đề trong Kinh thánh “Này... Con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10:7).

Ngày Thế giới Đời sống Thánh hiến, được tổ chức hàng năm vào ngày 2 tháng 2, năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi Giáo hội chuẩn bị cho Năm Thánh Đời sống Thánh hiến dự kiến diễn ra vào tháng 10. Lễ kỷ niệm trùng với lễ dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh và được đánh dấu bằng biểu tượng ánh sáng.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Này… Con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,7). Với những lời này, tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái mô tả sự vâng phục hoàn toàn của Chúa Giêsu đối với kế hoạch của Chúa Cha. Chúng ta đọc những lời này trong Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, Ngày Đời sống Thánh hiến Thế giới, trong Năm Thánh Hy vọng này và trong bối cảnh phụng vụ được đánh dấu bằng biểu tượng của ánh sáng. Tất cả anh chị em, những người anh chị em thân mến đã chọn con đường của các lời khuyên Phúc âm, đã tận hiến mình, như một “Cô dâu trước Phu quân của mình... được bao quanh bởi ánh sáng của Người” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata, 15); anh chị em đã tận hiến mình cho cùng một kế hoạch sáng ngời của Chúa Cha, kế hoạch này đã có từ thuở ban đầu của thế giới. Kế hoạch đó sẽ được hoàn thành viên mãn vào ngày tận thế, nhưng ngay cả bây giờ, kế hoạch đó đã được thể hiện qua “những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện nơi bản tính yếu đuối của những người được kêu gọi” (ibid., 20). Vậy chúng ta hãy cùng suy ngẫm xem, thông qua những lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục mà anh chị em đã tuyên khấn, anh chị em có thể mang ánh sáng của những điều đó đến với những người phụ nữ và nam giới trong thời đại chúng ta như thế nào.

Thứ nhất: bằng ánh sáng của sự nghèo khó của anh chị em, bắt nguồn từ chính sự sống của Thiên Chúa, trong sự ban tặng vĩnh cửu và toàn diện cho nhau của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (ibid., 21). Nhờ thực hành sự nghèo khó, những người thánh hiến, bằng cách sử dụng mọi sự một cách tự do và quảng đại, trở thành người mang lại phúc lành cho họ. Họ biểu lộ sự tốt lành của những điều đó theo trật tự của tình yêu, từ chối mọi thứ có thể che khuất vẻ đẹp của họ - ích kỷ, tham lam, dính bén của cải, sử dụng và lạm dụng bạo lực nhằm mục đích gây ra cái chết và sự hủy diệt - và thay vào đó, nắm lấy tất cả những gì có thể làm nổi bật vẻ đẹp đó: sự giản dị, quảng đại, chia sẻ và liên đới. Và Thánh Phaolô nói: “Mọi sự thuộc về anh em, và anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3:22-23). Đây là sự nghèo khó.

Thứ hai, bằng ánh sáng của sự thanh sạch của anh chị em. Điều này cũng có nguồn gốc từ Chúa Ba Ngôi và là “sự phản ánh của tình yêu vô hạn liên kết Ba Ngôi vị thần linh” (Vita Consecrata, 21). Việc chấp nhận sự nghèo khó, khi từ bỏ tình yêu vợ chồng và theo con đường tiết dục, khẳng định lại quyền tối thượng tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa, được đón nhận bằng một trái tim không chia cắt (x. 1 Cr 7:32-36), và chỉ ra tình yêu này là nguồn gốc và mô hình của mọi tình yêu khác. Chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới thường bị đánh dấu bởi những hình thức tình cảm méo mó, trong đó chủ nghĩa khoái lạc thúc đẩy mọi người tìm kiếm ở người khác sự thỏa mãn nhu cầu của riêng họ thay vì niềm vui phát sinh từ một cuộc gặp gỡ có kết quả. Đúng vậy. Trong các mối quan hệ, điều này làm nảy sinh những thái độ hời hợt và không ổn định, ích kỷ và chuộng khoái lạc, thiếu trưởng thành và vô trách nhiệm về mặt đạo đức. Người phối ngẫu được chọn trong suốt cuộc đời được thay thế bằng “người bạn đời” của thời điểm đó, trong khi những đứa trẻ được chấp nhận một cách tự do như một món quà được thay thế bằng những đứa trẻ được yêu cầu như một “quyền” hoặc bị loại bỏ vì “không mong muốn”.

Thưa anh chị em, trước tình hình này, và trước “nhu cầu ngày càng tăng về sự trung thực nội tâm trong các mối quan hệ giữa con người” (Vita Consecrata, 88) và mối liên kết nhân bản lớn hơn giữa các cá nhân và cộng đồng, đức khiết tịnh thánh hiến cho chúng ta thấy và chỉ ra cho những người nam và nữ của thế kỷ XXI một cách chữa lành căn bệnh cô lập thông qua việc thực hành một cách yêu thương tự do và giải thoát. Một cách yêu thương chấp nhận và tôn trọng mọi người, trong khi không ép buộc hoặc từ chối ai. Thật là một liều thuốc bổ cho tâm hồn khi gặp gỡ những người nam và nữ tu sĩ có khả năng có một mối quan hệ trưởng thành và vui tươi như thế này! Họ là sự phản ánh tình yêu của chính Thiên Chúa (x. Lc 2:30-32). Tuy nhiên, vì mục đích này, điều quan trọng là các cộng đồng của chúng ta phải cung cấp cho sự phát triển về mặt tinh thần và tình cảm của các thành viên, ngay cả trong quá trình đào tạo ban đầu cũng như trong quá trình đào tạo liên tục. Theo cách này, sự trong sạch có thể thực sự bộc lộ vẻ đẹp của tình yêu tự hiến, và tránh những hiện tượng có hại như sự chua chát của trái tim hoặc những lựa chọn đáng ngờ là triệu chứng của sự bất hạnh, bất mãn, và đôi khi dẫn đến, ở những cá nhân yếu đuối hơn, sống “cuộc sống hai mặt”. Hàng ngày có một cuộc chiến chống lại sự cám dỗ của một cuộc sống hai mặt. Điều đó phải diễn ra mỗi ngày.

Thứ ba, bằng ánh sáng của sự vâng phục của anh chị em. Bài đọc chúng ta đã nghe cũng nói về điều này, vì nó cho chúng ta thấy, trong mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, “vẻ đẹp giải thoát sự phụ thuộc vừa là con cái vừa không nô lệ, được đánh dấu bằng ý thức trách nhiệm sâu sắc và được thúc đẩy bởi sự tin tưởng lẫn nhau” (Vita Consecrata, 21). Chính trong ánh sáng của lời Chúa, sự vâng phục của anh chị em trở thành một món quà và một lời đáp trả của tình yêu, và một dấu chỉ cho xã hội của chúng ta. Ngày nay, chúng ta có xu hướng nói nhiều nhưng ít lắng nghe, trong gia đình, nơi làm việc và đặc biệt là trên các mạng xã hội, nơi chúng ta có thể trao đổi vô số lời nói và hình ảnh mà không thực sự gặp gỡ người khác, vì chúng ta không thực sự tương tác với họ. Đây là điều đáng quan tâm. Nhiều lần, trong cuộc đối thoại hàng ngày, trước khi một người nói xong, một câu trả lời đã được đưa ra vì người kia không lắng nghe. Chúng ta cần lắng nghe trước khi trả lời. Hãy đón nhận lời của người khác như một thông điệp, như một kho báu, thậm chí như một sự trợ giúp cho tôi. Sự vâng phục tận hiến có thể hoạt động như một phương thuốc giải độc cho chủ nghĩa cá nhân biệt lập này, vì nó thúc đẩy một mô hình quan hệ thay thế được đánh dấu bằng việc lắng nghe tích cực, trong đó “nói” và “lắng nghe” được theo sau bởi sự cụ thể của “hành động”, thậm chí phải trả giá bằng việc gạt bỏ sở thích, kế hoạch và ưu tiên của riêng mình. Chỉ bằng cách này, trên thực tế, một người mới có thể trải nghiệm trọn vẹn niềm vui của ân sủng, vượt qua sự cô đơn và khám phá ra ý nghĩa của sự hiện hữu của mình trong kế hoạch lớn hơn của Thiên Chúa.

Tôi muốn kết thúc bằng cách đề cập thêm một điều nữa. Ngày nay, trong đời sống thánh hiến, người ta nói nhiều về “trở về nguồn cội”. Nhưng không phải là trở về nguồn cội như trở về viện bảo tàng, không phải như thế. Trở về chính nguồn cội của cuộc sống chúng ta. Lời Chúa mà chúng ta đã nghe nhắc nhở chúng ta rằng “trở về nguồn cội” đầu tiên và quan trọng nhất trong mọi cuộc sống thánh hiến và đối với mỗi người chúng ta, là trở về với Chúa Kitô và lời “xin vâng” của Người với Chúa Cha. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng sự đổi mới diễn ra trước Nhà tạm, trong sự tôn thờ quan trọng hơn cả các cuộc họp và các cuộc hội thảo “bàn tròn” – là những điều cần phải làm, vì chúng hữu ích. Các chị em, các anh em, chúng ta đã phần nào mất đi cảm giác tôn thờ. Chúng ta quá thực tế, chúng ta muốn làm nhiều việc, nhưng… tôn thờ. Tôn thờ. Phải có khả năng tôn thờ trong sự im lặng. Và theo cách này, chúng ta trân trọng những Người Sáng Lập của chúng ta trên hết là những người phụ nữ và đàn ông có đức tin sâu sắc, lặp lại cùng họ, trong lời cầu nguyện và trong lễ dâng Chúa vào đền thờ: “Này… con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10:7).

Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì lời chứng của anh chị em. Đó là men trong Giáo hội. Cảm ơn anh chị em.


Source:Vatican News
 
Tổng thư ký NATO có cách để Putin tởn tới già. Tướng Syrskyi: Nga thương vong kinh hoàng ở Pokrovsk
VietCatholic Media
03:14 03/02/2025


1. ‘Putin sẽ tởn tới già sau chuyện này’ - Tổng thư ký NATO có những ý tưởng ‘bí mật’ cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết ông có những ý tưởng về bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa mà theo ông là những “bí mật nhỏ” nhưng sẽ bảo đảm rằng Putin sẽ “tởn tới già không bao giờ cố gắng” xâm lược Ukraine nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Bild xuất bản ngày 2 tháng 2, Rutte được hỏi liệu hòa bình giữa hai nước có khả thi hay không.

“Chúng ta phải bảo đảm rằng Putin sẽ không bao giờ có thể chinh phục được dù chỉ một km2 của Ukraine nữa”, ông trả lời, đồng thời nói thêm rằng điều quan trọng nhất mà NATO cần làm ngay bây giờ là hỗ trợ Kyiv bằng vũ khí và huấn luyện cho binh lính của nước này.

Ông nói thêm rằng nếu Ukraine quyết định tham gia đàm phán hòa bình, họ sẽ phải đưa Putin vào bàn đàm phán.

“Tôi không thể mô tả chính xác cho bạn biết những cuộc đàm phán này sẽ diễn ra như thế nào,” ông nói, đồng thời nói thêm: “Tôi đã có ý tưởng về việc thành phần này có thể trông như thế nào. Nhưng chúng tôi không muốn Putin trở nên thông minh hơn mức ông ấy hiện tại.

“Chúng tôi giữ bí mật một chút. Chỉ có kết cục là chắc chắn — Putin sẽ không bao giờ dám thử lại sau chuyện này nữa.”

Rutte không giải thích thêm về ý tưởng của mình.

Trong cuộc phỏng vấn, ông cũng được hỏi về hướng đi của cuộc xâm lược toàn diện và liệu Ukraine cùng các đồng minh phương Tây có chịu tổn thất hay không khi Nga liên tục tiến quân vào Donbas.

“Mặt trận đang di chuyển theo hướng sai. Nhưng phải trả giá như thế nào?,” ông nói, đồng thời nói thêm: “Người Nga đang phải trả giá bằng 1.000 đến 1.500 người mỗi ngày đang chết hoặc bị thương nghiêm trọng. Nhưng người Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu của họ.

“Và nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm rằng họ không bao giờ đạt được mục tiêu của mình. Vì vậy, không, Ukraine không thua và chúng ta phải hỗ trợ họ đạt được vị thế mạnh mẽ.”

Những bình luận này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết nhóm của ông đã tham gia vào các cuộc thảo luận “rất nghiêm chỉnh” với phía Nga về cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Đáp lại, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với AP rằng các cuộc đàm phán về chiến tranh không bao gồm Ukraine là “rất nguy hiểm”.

“Họ có thể có mối quan hệ riêng, nhưng nói về Ukraine mà không có chúng tôi — điều đó nguy hiểm cho tất cả mọi người,” Zelenskiy nói

Zelenskiy cho biết bước đầu tiên đối với Ukraine là tổ chức một cuộc họp cao cấp với Tổng thống Donald Trump, để Kyiv và Washington có thể phát triển các kế hoạch riêng của họ cho một lệnh ngừng bắn. Sau đó, các bên có thể chuyển sang các cuộc thảo luận có sự tham gia của Nga.

“Tôi tin rằng, trước hết và quan trọng nhất, chúng ta phải tổ chức một cuộc họp với Tổng thống Donald Trump, và điều đó rất quan trọng. Và nhân tiện, đó là điều mà mọi người ở Âu Châu đều mong muốn,” Zelenskiy nói.

Sau cuộc họp, “chúng ta nên chuyển sang một hình thức trò chuyện nào đó với người Nga”, ông nói thêm.

“Và tôi muốn thấy Hoa Kỳ, Ukraine và Nga tại bàn đàm phán.... Và, thành thật mà nói, tiếng nói của Liên minh Âu Châu cũng nên có mặt. Tôi nghĩ điều đó sẽ công bằng, hiệu quả. Nhưng kết quả sẽ ra sao thì tôi không biết.”

[Kyiv Independent: 'Putin will never try again after this' — NATO chief has 'secret' ideas for Ukraine peace talks]

2. Chỉ riêng trong tháng Giêng, 15.000 quân Nga đã bị ‘loại khỏi vòng chiến’ theo hướng Pokrovsk, Tướng Syrskyi cho biết

Khoảng 15.000 binh lính Nga đã bị lực lượng Ukraine “loại khỏi vòng chiến” theo hướng Pokrovsk ở Tỉnh Donetsk trong tháng Giêng, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết vào ngày 2 tháng 2.

Tướng Syrskyi cho biết khu vực này “vẫn là một trong những nơi nóng nhất” trên mặt trận, đồng thời nói thêm rằng lực lượng Ukraine “liên tục gây ra tổn thất cho quân xâm lược”.

“Chỉ tính riêng Tháng Giêng năm nay, quân đội của chúng ta đã vô hiệu hóa hơn 15.000 kẻ xâm lược tại đây, trong đó có khoảng 7.000 người thiệt mạng”, ông nói thêm.

Một báo cáo từ nhóm giám sát DeepState, được công bố vào ngày 28 Tháng Giêng cho biết nhìn chung trên khắp tiền tuyến, cường độ tấn công của Nga đang giảm dần nhưng vẫn ở mức cao.

Báo cáo cho biết thêm rằng lực lượng Nga đã tập trung 44% các cuộc tấn công của họ vào khu vực Pokrovsk, một trung tâm hậu cần quan trọng cho quân đội Ukraine ở Tỉnh Donetsk.

Lực lượng Nga đang điều động các nhóm nhỏ nhằm mục đích bao vây quân đội Ukraine trong khu vực này, Viktor Trehubov, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Khortytsia của Ukraine, cho biết vào ngày 27 tháng Giêng.

Cường độ tấn công mạnh mẽ nhất của Nga trên khắp các tuyến đầu được ghi nhận vào nửa cuối tháng 12, sau đợt tấn công dữ dội bắt đầu vào cuối tháng 11.

Theo dữ liệu do Quân đội Ukraine công bố, 840.260 quân nhân của Mạc Tư Khoa đã bị thương hoặc tử trận kể từ năm 2022.

Các chuyên gia nói với tờ Kyiv Independent hồi đầu tháng này rằng tổn thất của Nga ở Ukraine đang góp phần tạo nên một quả bom hẹn giờ về mặt nhân khẩu học có thể khiến dân số nước này giảm một nửa vào cuối thế kỷ.

Harley Balzer, giáo sư danh dự về chính phủ và các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown, cho biết: “Tác động lên xã hội Nga là vô cùng tàn khốc”.

“Theo quan điểm của Nga, chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine là vấn đề nhỏ hơn. Vấn đề lớn hơn là liệu sau đó Nga có trở thành một đế chế khả thi hay không?”

[Kyiv Independent: 15,000 Russian troops 'neutralized' in Pokrovsk direction in January alone, Syrskyi says]

3. Người Bắc Hàn giả vờ bị lao để tránh điều động quân sự tới Nga trong chiến tranh

Theo một báo cáo mới, các gia đình Bắc Hàn đang phải trả số tiền gấp hơn 100 lần mức lương trung bình hàng tháng để chẩn đoán bệnh lao giả nhằm tránh việc thanh niên của họ phải ra mặt trận Nga.

Hoa Kỳ và Nam Hàn ước tính rằng chế độ Kim Chính Ân đã gửi tới 12.000 quân tới Nga, nơi họ tham gia chiến đấu ở Kursk để giúp đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine khiến lực lượng Nga bất ngờ ở biên giới vào tháng 8. Cả Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đều không công khai thừa nhận sự hiện diện của Bắc Hàn trên thực địa.

Mặc dù bị bần cùng hóa và thiếu hụt nguồn lực do các chính sách nhà nước thất bại và lệnh trừng phạt quốc tế, Bắc Hàn vẫn duy trì quân đội thường trực gồm 1,3 triệu người, xếp thứ tư trên thế giới. Thêm 7,6 triệu quân dự bị, chiếm khoảng 30 phần trăm dân số, củng cố sức mạnh quân sự của nước này. Để duy trì số lượng quân này, nam giới phải phục vụ 10 năm, trong khi phụ nữ phải phục vụ năm năm.

Theo nguồn tin từ Bắc Hàn của Đài phát thanh Á Châu Tự do, giá hối lộ các quan chức bệnh viện để cấp giấy chứng nhận bệnh lao giả đã tăng gấp năm lần so với mức 100 đô la của năm ngoái, khi ngày càng nhiều gia đình cố gắng ngăn cản thanh niên của họ bị đưa sang Nga.

Đây là một khoản tiền khổng lồ khi mà mức lương trung bình hàng tháng của một công chức nhà nước ở Bắc Hàn chỉ từ 5.000 đến 10.000 won, hay 1-3 đô la, mặc dù nhiều gia đình kiếm thêm thu nhập thông qua nền kinh tế chợ đen rộng lớn của đất nước này.

Một phụ nữ ở tỉnh Ryanggang giấu tên vì sự an toàn của mình chia sẻ với hãng tin này rằng: “Có một nỗi sợ tiềm ẩn rằng nếu con trai họ gia nhập quân đội và được gửi đến Nga, cha mẹ họ sẽ không bao giờ được gặp lại con mình còn sống”.

Theo một người lính Bắc Hàn bị bắt, người này đã bất ngờ trước việc điều động quân tới đồng minh Nga của họ. Người lính này nói với các quan chức Ukraine rằng anh ta không được thông báo trước rằng mình sẽ tới Nga và thậm chí còn không biết mình đang chiến đấu với ai.

Ở trong nước, người ta cho rằng chế độ này đã âm thầm cấp giấy chứng tử cho các gia đình có người thân qua đời, nêu rằng những người thân yêu của họ đã chết trong “cuộc huấn luyện chiến đấu thiêng liêng để tôn vinh quê hương”, mà không tiết lộ hoàn cảnh thực tế về cái chết của họ.

Trong những tuần kể từ khi quân đội của họ tham chiến, người dân Bắc Hàn bắt đầu bối rối và tự hỏi tại sao họ lại chiến đấu với Ukraine thay vì Hoa Kỳ - quốc gia mà họ đã được nhồi sọ từ nhỏ rằng phải coi là đối phương chính của mình.

“Đối phương của chúng ta là ai? Tại sao chúng ta lại có một đối phương mới?” một cư dân Ryanggang nói với Đài Á Châu Tự Do trong một bài viết riêng. “Quan điểm đối đầu này đối với người Mỹ, mà chính quyền đã cố gắng truyền bá cho người dân, đang dao động.”

Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết cho đến nay đã có 3.800 thương vong của Bắc Hàn ở Kursk.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2023, Bắc Hàn là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất, với 513 ca trên 100.000 người.

Alina Hrytsenko, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, đã viết cho tổ chức tư vấn Atlantic Council: “Vào thời điểm này, sự tham gia của Bắc Hàn vào cuộc xâm lược Ukraine của Nga có vẻ không phải nhằm mục đích ủng hộ tham vọng đế quốc của Putin mà nhằm mục đích nâng cấp cỗ máy chiến tranh của Kim Chính Ân.

“Trong ngắn hạn, sự hiện diện của quân đội Bắc Hàn đang cho phép Nga khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực ngày càng gia tăng. Nhưng với việc Nga được cho là mất hàng chục ngàn quân mỗi tháng, có rất ít khả năng Bình Nhưỡng có thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu không ngừng nghỉ của Mạc Tư Khoa về nhân lực bổ sung.”

Tuần trước, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn cho biết họ tin rằng Bắc Hàn đang chuẩn bị gửi thêm nhân lực tới Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, DC dự đoán điều này có thể xảy ra sớm nhất vào giữa tháng 3, với đợt quân tiếp theo - và thương vong sau đó - có khả năng cao hơn nhiều, ước tính Bình Nhưỡng có thể mất 45.000 binh sĩ mỗi tháng.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người từng nói rằng chiến tranh sẽ không xảy ra nếu ông còn tại vị, cuối tuần trước đã đe dọa sẽ áp dụng thêm các lệnh trừng phạt nếu người đồng cấp Nga Vladimir Putin không “đạt được thỏa thuận” để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm.

Phát ngôn nhân của chính phủ Nga cho biết Putin đang “chờ đợi tín hiệu” từ Washington.

[Newsweek: 6. North Koreans Fake Tuberculosis To Avoid Military Deployment to Russia War]

4. Nga đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công kinh hoàng vào trường nội trú Kursk, bằng chứng của Không quân cho thấy điều ngược lại

Ủy ban điều tra của Nga đã mở cuộc điều tra “khủng bố” vào ngày 2 tháng 2 đối với chỉ huy Lữ đoàn hỏa tiễn độc lập số 19 của Ukraine về một cuộc tấn công chết người vào một trường nội trú được sử dụng để trú ẩn cho dân thường ở Sudzha, Tỉnh Kursk, mà Ukraine cho biết là do quân đội Nga thực hiện.

Ít nhất bốn người đã thiệt mạng và 84 người được giải cứu sau vụ tấn công vào tối ngày 1 tháng 2, mà Bộ Tổng tham mưu cho biết là do Nga thực hiện bằng một cuộc không kích có điều khiển, và có mục tiêu được xác định trước.

“ Có bằng chứng không thể chối cãi và kết quả giám sát khách quan cho thấy cuộc tấn công được thực hiện bởi lực lượng không quân chiến thuật của Nga”, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết hôm 1 tháng 2, cùng với các ảnh chụp màn hình được công bố từ hệ thống Virazh-Tablet được cho là hiển thị đường bay của bom dẫn đường trên không của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn từ Sumy. Họ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy lên án vụ tấn công, vào ngày 1 tháng 2 rằng dân thường trong cơ sở dân cư đang được di tản đến nơi an toàn.

So sánh với cuộc chiến tranh của Nga ở Chechnya vào những năm 1990 đã tàn phá nhiều thành phố và giết chết hàng chục ngàn thường dân, ông cho biết: “Ngay cả với chính thường dân của mình, quân đội Nga cũng sử dụng những chiến thuật tương tự”.

Một loạt vụ đánh bom chung cư đã xảy ra ở nhiều thành phố trên khắp nước Nga vào cuối những năm 1990, mà chính phủ Nga đổ lỗi cho các chiến binh Chechnya và dùng làm cái cớ để leo thang hành động quân sự ở Chechnya.

Trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc thảo luận về khả năng ngừng bắn được đàm phán, Nga đang cố gắng gán cho Ukraine là kẻ xâm lược, ngay cả khi nước này vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công hàng ngày vào các thành phố của Ukraine.

Vào ngày 20 tháng Giêng, các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát tuyên bố rằng họ đã phát hiện ra thi thể của thường dân tại làng Russkoe Porechnoe ở vùng Kursk bị Quân đội Ukraine “hành quyết”.

Bản tin gốc được phát trên kênh Rossiya 1 không nêu rõ số người thiệt mạng và người lính trong đoạn phim chỉ nhắc đến bốn thi thể.

Sau đó, vào ngày 31 tháng Giêng, Rossiya 1 đã phát sóng đoạn phim mà họ cho là về một người lính Ukraine “thú nhận” đã tham gia vào vụ hành quyết, và số thường dân thiệt mạng đột nhiên được liệt kê là 22.

[Kyiv Independent: Russia blames Ukraine for deadly strike on Kursk boarding school, Air Force evidence suggests otherwise]

5. Quan chức quân sự cao cấp của khối cho biết việc đưa quân đội Liên Hiệp Âu Châu vào Greenland là hợp lý

Quan chức quân sự cao cấp của Liên minh Âu Châu cho biết việc điều động quân đội từ các nước Liên Hiệp Âu Châu đến Greenland là “hoàn toàn hợp lý”.

Robert Brieger, chủ tịch Ủy ban Quân sự Liên minh Âu Châu, cơ quan quân sự cao nhất của khối, phát biểu với tờ báo Đức Welt am Sonntag, thuộc sở hữu của công ty mẹ của POLITICO là Axel Springer: “Theo quan điểm của tôi, việc điều động quân đội Hoa Kỳ ở Greenland như hiện nay, cũng như cân nhắc điều động quân đội Liên Hiệp Âu Châu ở đó, là điều hoàn toàn hợp lý”.

“ Điều đó sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ và có thể góp phần vào sự ổn định trong khu vực,” Brieger cho biết trong cuộc phỏng vấn được công bố vào thứ Bảy. “Tuy nhiên, cuối cùng, đây là một quyết định chính trị trong đó nhiều lợi ích phải được tính đến,” ông nói thêm.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần nói rằng Hoa Kỳ nên kiểm soát Greenland, gọi việc Hoa Kỳ mua lại hòn đảo Bắc Cực rộng lớn này là “điều hoàn toàn cần thiết” và từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự, gây chấn động khắp Âu Châu.

Vào thứ Bảy, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên rằng ông tin rằng Washington sẽ giành được quyền kiểm soát Greenland. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có được điều đó”, ông nói, đồng thời nói thêm rằng 57.000 cư dân của hòn đảo này “muốn ở bên chúng ta”.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Thủ tướng Greenland Múte B. Egede đã khẳng định Greenland không phải để bán. Egede nói rằng người dân Greenland “không muốn trở thành người Mỹ”.

[Politico: Putting EU troops in Greenland makes sense, bloc’s top military official says]

6. Các cuộc đàm phán hòa bình của Ukraine mà không có Kyiv sẽ gửi đi tín hiệu ‘rất nguy hiểm’: Zelenskiy

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, việc loại Kyiv khỏi các cuộc đàm phán về việc chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine của Putin sẽ gửi đi một tín hiệu “rất nguy hiểm” tới các nhà độc tài trên thế giới.

“Nếu có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Nga mà không có Ukraine, tôi nghĩ là rất nguy hiểm”, Zelenskiy nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Associated Press được công bố hôm Thứ Hai, 03 Tháng Hai. “Họ có thể có mối quan hệ riêng của họ, nhưng nói về Ukraine mà không có chúng tôi — thì nguy hiểm cho tất cả mọi người”, ông nói.

Các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga như vậy sẽ cho phép Putin “chứng minh rằng ông ấy đã đúng. Ông ấy đã được miễn trừ và thỏa hiệp”, Zelenskiy nói. “Điều này có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể hành động như thế này. Và đây sẽ là một tín hiệu cho các nhà lãnh đạo khác của các nước lớn đang nghĩ đến việc làm như vậy”, tổng thống Ukraine nói.

Những phát biểu của Zelenskiy được đưa ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết vào cuối ngày thứ Sáu rằng các quan chức Hoa Kỳ và Nga “đã nói chuyện” song phương về cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Donald Trump cho biết chính quyền của ông đã có các cuộc thảo luận “rất nghiêm chỉnh” với Mạc Tư Khoa, nhưng ông không nói rõ hơn.

Kyiv đã có liên lạc với đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Ukraine và Nga, Keith Kellogg, cũng như với Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Mike Waltz và Phó Tổng thống JD Vance. Zelenskiy và Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp ngắn ngủi hai lần, với một cuộc họp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy.

Chính quyền Kyiv vẫn đang chờ Kellogg và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio gặp gỡ các nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine, và muốn có một cuộc gặp riêng khác giữa Tổng thống Donald Trump và Zelenskiy.

“Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta cần tổ chức một cuộc gặp với ông ấy,” Zelenskiy nói với AP.

“Tôi tin rằng sau cuộc nói chuyện với Tổng thống Donald Trump, chúng ta nên chuyển sang một số hình thức đối thoại với người Nga. Tôi muốn thấy Hoa Kỳ, Ukraine và người Nga tại bàn đàm phán vì người Nga đang chống lại chúng ta. Và tiếng nói của Liên minh Âu Châu phải có mặt”, Zelenskiy nói thêm.

Kyiv đã thúc đẩy các đồng minh không nói về việc chấm dứt xung đột sau lưng Ukraine và lập luận rằng chỉ có hòa bình thông qua sức mạnh mới có thể ngăn chặn Putin.

Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thêm lệnh trừng phạt và thuế quan đối với Nga nếu Putin không ngừng cuộc xâm lược, nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng đã đình chỉ viện trợ nhân đạo quan trọng cho Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Rubio cho biết Ukraine đã bị Nga đẩy lùi 100 năm nhưng vẫn phải thỏa hiệp với Điện Cẩm Linh.

“Chúng tôi nghĩ những gì Putin đã làm là khủng khiếp, xâm lược đất nước, những hành động tàn bạo mà ông ta đã gây ra, ông ta đã làm những điều khủng khiếp. Nhưng sự không trung thực tồn tại ở đây là chúng ta bằng cách nào đó đã khiến mọi người tin rằng Ukraine sẽ có thể đẩy Nga trở lại thế giới như năm 2012 hoặc 2014 trước khi người Nga chiếm Crimea,” Rubio nói.

“Và kết quả mà họ yêu cầu là tài trợ cho một thế bế tắc kéo dài trong đó con người vẫn tiếp tục đau khổ… và nó phải chấm dứt,” Rubio nói thêm.

Tuần trước, Putin tuyên bố Zelenskiy không có quyền ký bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào, vì ông đã mất tính chính danh vì Ukraine không thể tiến hành bầu cử tổng thống trong thời chiến. Điều này không đúng, vì thiết quân luật cấm bầu cử và kéo dài tính chính danh của Zelenskiy cho đến sau khi chiến sự kết thúc, vì Kyiv không thể bảo đảm an toàn cho cử tri và người quan sát bầu cử trong thời chiến.

[Kyiv Independent: Ukraine peace talks without Kyiv would send ‘very dangerous’ signal: Zelenskyy]

7. Zelenskiy bình luận về tranh chấp của Cơ quan mua sắm quốc phòng, nói rằng Umerov có quyền đưa ra bất kỳ quyết định nào để ngăn chặn sự chậm trễ cung cấp quân sự

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đề cập đến xung đột giữa Bộ Quốc phòng và Cơ quan Mua sắm Quốc phòng, gọi tắt là DPA vào ngày 2 tháng 2 trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Associated Press, gọi tắt là AP, bình luận rằng Bộ trưởng Quốc phòng có quyền làm mọi cách để bảo đảm nguồn cung không bị chậm lại.

“Chúng tôi có một Bộ trưởng Quốc phòng hiểu rõ rằng nếu có bất kỳ sự gián đoạn nào từ bất kỳ ai trong việc hỗ trợ quân đội của chúng tôi: từ máy bay điều khiển từ xa đến phòng không, thì sẽ không chỉ có tổn thất về quân sự, mà còn có tổn thất về dân thường, trẻ em sẽ phải chịu đau khổ, sẽ có nhiều cuộc không kích hơn, Nga sẽ mạnh mẽ hơn”, Zelenskiy nói với AP.

Ông cũng cảnh báo rằng nếu có vấn đề về thể chế ảnh hưởng đến hợp đồng hoặc việc giao hàng, cần phải hành động ngay lập tức để tránh gián đoạn.

Zelenskiy nhấn mạnh rằng không nên dừng cung cấp các gói pháo binh.

“Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng có quyền làm mọi thứ để bảo đảm rằng không có sự chậm trễ trong việc cung cấp. Ngày nay, tất cả tiền của chúng ta đều nằm trong Bộ Quốc phòng, trong quân đội của chúng ta. Và nếu có tiền ở đó, và một số hàng hóa vẫn chưa đến, thì, thành thật mà nói, ông ấy phải làm mọi thứ để ngăn chặn những vấn đề như vậy xảy ra một lần nữa... Và ông ấy đang làm điều đó,” Zelenskiy kết luận.

Tranh chấp phát sinh sau khi nhà lãnh đạo Cơ quan mua sắm quốc phòng, Maryna Bezrukova, bị Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov đình chỉ công tác, mặc dù hợp đồng của bà đã được gia hạn. Arsen Zhumadilov được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo tạm quyền.

Bộ Quốc phòng đã nêu ra một số lý do cho việc cách chức bà, bao gồm cáo buộc không hoàn thành kế hoạch giao hàng cho mặt trận, lập kế hoạch mua sắm kém và chậm trễ, thiếu liên lạc kịp thời với Bộ Tổng tham mưu và rò rỉ thông tin mật, những vấn đề được cho là sẽ được điều tra.

Quyết định sa thải Bezrukova của Umerov đã gây ra phản ứng dữ dội, vì luật pháp Ukraine trao cho hội đồng giám sát quyền duy nhất bổ nhiệm hoặc sa thải nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

Trung tâm Hành động Chống tham nhũng, gọi tắt là ANTAC cáo buộc Bộ Quốc phòng đã “có thái độ thù địch”, cho rằng bộ này đã thao túng sổ ghi danh doanh nghiệp nhà nước để “hợp pháp hóa” việc bổ nhiệm Zhumadilov.

[Kyiv Independent: Zelensky comments on Defense Procurement Agency dispute, says Umerov is entitled to make any decisions to prevent military supply delays]

8. Pistorius của Đức phản đối yêu cầu chi tiêu cho NATO của Tổng thống Donald Trump

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius không chấp nhận yêu cầu chi tiêu cho NATO của Ông Donald Trump.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tagesspiegel, Pistorius đã bác bỏ lời kêu gọi của tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng lên 5 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội, gọi con số này là phi thực tế và không cần thiết.

“Năm phần trăm sản lượng kinh tế của chúng tôi sẽ bằng 42 phần trăm ngân sách liên bang — tức là gần như mỗi 2 euro mà chính phủ chi tiêu, thì phải chi một euro cho quốc phòng, hay khoảng 230 tỷ euro,” Pistorius nói. “Chúng tôi không thể quản lý hoặc thậm chí chi tiêu số tiền đó.”

Tổng thống Donald Trump, người đã đưa vấn đề chia sẻ gánh nặng của NATO thành nền tảng trong bài phát biểu vận động tranh cử của mình, đã nhấn mạnh mục tiêu 5 phần trăm trong những phát biểu gần đây từ Tòa Bạch Ốc.

Khi bị ép về thực tế là ngay cả Hoa Kỳ cũng không đạt ngưỡng đó — Washington hiện chi khoảng 3,4 phần trăm GDP — Tổng thống Donald Trump đã gạt phăng: “Chúng tôi bảo vệ họ. Họ không bảo vệ chúng tôi”, ông nói. “Tôi không chắc chúng tôi có nên chi tiêu bất cứ thứ gì không”.

Trong khi Pistorius thừa nhận rằng Đức sẽ cần chi nhiều hơn cho quốc phòng trong những năm tới “nhiều hơn 2 phần trăm sản lượng kinh tế mà chính phủ này hiện đã đạt được”, ông đã bác bỏ ý tưởng chạy theo con số.

Ông cho biết: “Quan trọng hơn một con số cụ thể là chúng ta phải đáp ứng được các mục tiêu về năng lực của NATO trong thời hạn đã thỏa thuận”, đồng thời chỉ ra các quyết định của toàn liên minh dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm nay, điều này sẽ định hình các cam kết quốc phòng trong thập niên tới.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Đức vẫn chưa có kế hoạch ngân sách liên bang cho năm 2025. Chính phủ liên minh đã sụp đổ vào tháng 11, dẫn đến cuộc bầu cử đột xuất dự kiến diễn ra vào ngày 23 tháng 2. Cho đến khi chính phủ mới được thành lập, các quyết định tài chính quan trọng — bao gồm các cam kết quốc phòng dài hạn — về cơ bản vẫn bị trì hoãn.

Đức, hiện đang chi 2,12 phần trăm GDP cho quốc phòng, chỉ mới đạt được mục tiêu 2 phần trăm của NATO gần đây, nhờ vào quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 100 tỷ euro được đưa ra sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Nhưng với quỹ đó dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2027, Berlin phải đối mặt với những quyết định khó khăn về cách duy trì chi tiêu quân sự mà không làm nổ tung ngân sách liên bang.

[Politico: Germany’s Pistorius pushes back on Trump’s NATO spending demand]

9. Reuters đưa tin Hoa Kỳ thúc giục Ukraine tổ chức bầu cử sau khi ngừng bắn

Theo quan chức cao cấp của Tổng thống Donald Trump tại Ukraine, Hoa Kỳ đang thúc giục Ukraine tổ chức bầu cử, có thể là vào cuối năm nay, đặc biệt là nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga trong những tháng tới.

Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Ukraine và Nga, nói với Reuters rằng các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, bị đình chỉ kể từ khi cuộc chiến tranh toàn diện bắt đầu, “cần phải được thực hiện”. Ông lập luận rằng hầu hết các quốc gia dân chủ đều tổ chức bầu cử trong thời chiến và việc làm như vậy sẽ củng cố nền dân chủ của Ukraine. “Đó là vẻ đẹp của một nền dân chủ vững chắc, bạn có nhiều hơn một người có khả năng chạy đua”, Kellogg nói.

Tổng thống Donald Trump và Kellogg đã chỉ ra rằng họ đang làm việc trên một kế hoạch để làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình trong những tháng đầu tiên của chính quyền mới, mặc dù thông tin chi tiết vẫn còn ít. Trong khi chiến lược vẫn đang được xây dựng, hai nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận tại Tòa Bạch Ốc và một cựu quan chức Hoa Kỳ được thông báo về vấn đề này cho biết các quan chức của Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc thúc đẩy Ukraine tổ chức bầu cử như một phần của lệnh ngừng bắn ban đầu với Nga.

Chính quyền cũng đang tranh luận liệu có nên bảo đảm lệnh ngừng bắn tạm thời trước khi đàm phán một giải pháp lâu dài hơn hay không, với người chiến thắng trong cuộc bầu cử có khả năng giám sát các cuộc đàm phán trong tương lai với Mạc Tư Khoa.

Theo Reuters, phản ứng từ Kyiv đối với đề xuất như vậy vẫn chưa chắc chắn. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng cuộc bầu cử có thể diễn ra nếu giao tranh kết thúc và có các bảo đảm an ninh để ngăn chặn sự xâm lược mới của Nga.

Tuy nhiên, một cố vấn cao cấp của chính phủ Ukraine và một quan chức khác cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức về việc tổ chức bầu cử vào cuối năm. Luật pháp Ukraine hiện cấm bầu cử theo thiết quân luật, có hiệu lực từ tháng 2 năm 2022.

Theo hai cựu quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, Washington trước đây đã nêu vấn đề bầu cử với các quan chức Ukraine vào cả năm 2023 và 2024 trong nhiệm kỳ tổng thống của Tổng thống Joe Biden. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc bầu cử đối với tính hợp pháp của nền dân chủ, nhưng các quan chức Ukraine đã phản đối, lập luận rằng các cuộc bầu cử trong thời chiến có thể tạo ra sự chia rẽ nội bộ và khiến Ukraine phải chịu các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga.

Điện Cẩm Linh đã đặt câu hỏi về việc không có cuộc bầu cử, với Putin khẳng định rằng nhà lãnh đạo Ukraine không có thẩm quyền pháp lý để ký các thỏa thuận ràng buộc. Tuy nhiên, Putin đã nói rằng Zelenskiy vẫn có thể tham gia đàm phán nếu trước tiên ông bãi bỏ sắc lệnh năm 2022 cấm đàm phán với Nga trong khi Putin vẫn nắm quyền.

Cựu quan chức phương Tây quen thuộc với đề xuất của Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại rằng việc dỡ bỏ thiết quân luật để bầu cử có thể gây bất ổn cho Ukraine bằng cách cho phép binh lính được huy động rời khỏi quân đội, gây ra bất ổn tài chính và khiến những người đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ phải rời khỏi đất nước.

Nếu Tổng thống Donald Trump gây áp lực buộc Ukraine tổ chức bầu cử, cựu quan chức phương Tây cảnh báo, Hoa Kỳ có thể đang liên kết với các câu chuyện của Nga. “Theo quan điểm của tôi, Tổng thống Donald Trump đang phản ứng với... phản hồi của Nga”, vị quan chức này cho biết. Nga muốn thấy Zelenskiy kết thúc.” Một số cựu quan chức Hoa Kỳ nghi ngờ rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ đạt được trong những tháng tới hoặc các cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2025, do thiếu sự đồng thuận về cách bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức.

[Kyiv Independent: US urges Ukraine to hold elections after ceasefire, Reuters reports]

10. ‘Không có đơn vị nào có tên là Quân đoàn Georgia’ trong cơ quan của chúng tôi — Tình báo quân sự Ukraine phản pháo cáo buộc đảo chính của Slovakia

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR đã bác bỏ cáo buộc của các quan chức Slovakia rằng HUR đã dàn dựng một cuộc đảo chính bất thành ở Bratislava bằng cách sử dụng các thành viên của Quân đoàn Georgia tình nguyện.

“Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine chính thức báo cáo rằng không có đơn vị nào mang tên Quân đoàn Quốc gia Georgia trong cơ cấu của mình”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố vào ngày 1 tháng 2.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Slovakia cấm chỉ huy Quân đoàn Georgia Mamuka Mamulashvili nhập cảnh vào nước này trong bối cảnh có cáo buộc đơn vị của ông có liên quan đến âm mưu đảo chính.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố vào ngày 31 Tháng Giêng rằng Mamulashvili đã giúp tổ chức các cuộc biểu tình quần chúng ở Slovakia thay mặt cho Ukraine như một phần của hoạt động hỗn hợp chống lại chính phủ của ông. Ông không giải thích cách Mamulashvili tổ chức các cuộc biểu tình hoặc lập mưu đảo chính nhưng cho biết viên chỉ huy này “phụ thuộc” vào HUR.

Fico cũng tuyên bố rằng sáng kiến Hòa bình cho Ukraine, một nhóm đã giúp huy động các cuộc biểu tình gần đây, đã tài trợ cho các nỗ lực lật đổ chính phủ của Quân đoàn Georgia.

HUR “mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc sai trái về việc tổ chức các hành động bất hợp pháp tại Cộng hòa Slovakia”, tuyên bố của cơ quan này cho biết.

Mamulashvili “không liên quan gì đến tình báo Ukraine và không nhận bất kỳ nhiệm vụ hay chỉ thị nào từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine. Người này đã chấm dứt hợp đồng với Quân đoàn Tình báo Quốc phòng Ukraine vào tháng 4 năm 2023 và không gia hạn”, HUR cho biết.

Quân đoàn Georgia là đơn vị tình nguyện đã chiến đấu ở Ukraine kể từ năm 2014. Mamulashvili thành lập đơn vị này để chống lại lực lượng Nga ở miền đông Ukraine.

Những lời cáo buộc của Fico xuất hiện vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Kyiv và Bratislava. Việc chấm dứt quá cảnh khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine vào ngày 1 Tháng Giêng đã gây ra những lời đe dọa trả đũa từ chính phủ thân Cẩm Linh của Fico, và Fico được cho là đã chỉ trích Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vì đã ủng hộ các cuộc biểu tình ở Slovakia.

Các cuộc biểu tình, được tổ chức dưới khẩu hiệu “Slovakia là Âu Châu”, đã lan rộng khắp 30 thành phố vào ngày 24 tháng Giêng. Khoảng 100.000 người trên toàn quốc đã hô vang các khẩu hiệu như “Đủ rồi Fico” và “Chúng ta là Âu Châu”, lên tiếng phản đối lập trường thân Nga của thủ tướng.

[Kyiv Independent: 'No unit named Georgian Legion' in our agency — Ukraine's military intelligence hits back at Slovakia's coup accusations]

11. Tổng thống Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với mức thuế cao đối với Trung Quốc, Canada, Mexico

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp vào ngày 1 tháng 2 áp đặt mức thuế quan cao đối với Trung Quốc, Canada và Mexico, có khả năng gây ra một cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế lớn nhất của nước này.

Các lệnh áp thuế 25% đối với hàng hóa Mexico và Canada, chỉ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu năng lượng của Canada. Tổng thống Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ sử dụng thuế quan để gây áp lực lên các nước ngoài, đe dọa cả các đồng minh truyền thống lẫn các đối thủ. Một ngày trước khi ban hành các sắc lệnh hành pháp, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ ban hành “thuế quan 100%” đối với các nước BRICS nếu họ cố gắng thay thế đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế.

Tổng thống Donald Trump cũng đe dọa sẽ sử dụng thuế quan để gây áp lực buộc Putin đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Theo tờ New York Times, mức thuế quan đối với Trung Quốc, Mexico và Canada được áp dụng trước khi có bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Hoa Kỳ và các nước này.

Hai tuần đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump tại nhiệm được đánh dấu bằng một loạt các sắc lệnh hành pháp gây chấn động trong nước và quốc tế. Chính quyền đã đóng băng viện trợ nước ngoài, đàn áp người di cư và ban hành các cuộc thanh trừng toàn diện đối với chính quyền liên bang.

Việc ngừng viện trợ nước ngoài đã tác động đến các tổ chức quan trọng ở Ukraine, bao gồm các phương tiện truyền thông độc lập và các nhóm đang nỗ lực khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng bị tàn phá của đất nước.

[Politico: Trump launches trade war with steep tariffs on China, Canada, Mexico]
 
Giờ đền tội: Giữa Moscow, vệ sĩ bao quanh, Tư Lệnh Trung Đoàn vẫn nổ tung. Bắc Hàn dại dột ra sao?
VietCatholic Media
15:20 03/02/2025


1. Giờ đền tội của Tư Lệnh Trung Đoàn Donbass trong vụ nổ giữa Moscow. Nga khởi tố vụ án hình sự

Armen Sarkisyan, là người Ukraine gốc Nga, quê ở Donetsk. Y giữ cấp bậc Đại Tá trong quân đội Nga. Y là người thành lập Trung Đoàn Cận Vệ Donbass chống lại Ukraine sau cuộc cách mạng EuroMaidan năm 2014, và bị Ukraine truy nã trong nhiều năm.

Y đã tử vong tại bệnh viện sau khi bị thương trong một vụ nổ tại một khu dân cư sang trọng dành cho giới thượng lưu ở Mạc Tư Khoa vào ngày Thứ Hai, 03 Tháng Hai, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin, trích dẫn lời các quan chức y tế và văn phòng Tổng Công Tố Nga.

Sarkisyan bị thương nặng khi một thiết bị nổ không xác định phát nổ tại một trong những tòa nhà thuộc khu dân cư “Alye Parusa”, nghĩa là Cánh buồm đỏ thắm, ở phía tây bắc Mạc Tư Khoa.

Ban đầu Sarkisyan được báo cáo là đã tử vong, nhưng vào lúc 10g sáng, truyền thông Nga đã loan tin y được đưa đến bệnh viện, và phải cắt cụt chân, nhưng vẫn còn sống.

Hai giờ sau đó, lúc 12 giờ trưa, hãng thông tấn Interfax, đưa tin rằng Sarkisyan đã chết tại bệnh viện.

Buổi chiều, Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, tuyên bố mở cuộc điều tra và cáo buộc Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã đặt bom giết chết Sarkisyan.

Sarkisyan nguyên là một tên trùm du đảng, một tên tội phạm nguy hiểm, và là cựu cộng sự thân cận của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych thân Điện Cẩm Linh và đã có tên trong danh sách truy nã quốc tế từ năm 2014 vì tổ chức các vụ giết người ở trung tâm Thủ đô Kyiv,

Trong cuộc Cách mạng EuroMaidan, Sarkisyan được cho là đã thuê những tên côn đồ ủng hộ chính phủ thường được gọi là “titushky” để quấy rối những người biểu tình ủng hộ EuroMaidan.

Sau cuộc chính biến 2014, Viktor Yanukovych bỏ chạy sang Nga, Sarkisyan chạy sang khu vực Donbass, và đã thành lập Trung Đoàn Cận Vệ Donbass, mà quân đội Nga gọi là Trung Đoàn Đặc Nhiệm “Arbat” chiến đấu chống lại Ukraine. Đơn vị này được cho là bao gồm nhiều người có tiền án được phóng thích khỏi các nhà tù của Ukraine.

Sarkisyan vừa là Tư Lệnh Trung Đoàn Arbat, vừa là chủ tịch Liên Đoàn Quyền Anh của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk. Trong khi thẩm vấn tù binh Ukraine bị bắt, y khét tiếng là thường xuyên đấm vào đầu các tù binh, nhiều người chết ngay lập tức.

Chính vì thế, Cơ quan An ninh Ukraine trao giải thưởng cho ai bắt sống hay hạ sát Sarkisyan. Biết mình nằm trong tầm ngắm của biệt kích Ukraine, Sarkisyan không bao giờ đi một mình nhưng luôn được bao quanh bởi các vệ sĩ.

Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, cho rằng Sarkisyan là nạn nhân của một vụ ám sát được lên kế hoạch rất chi tiết và cẩn thận. Vụ nổ được cho là xảy ra khi Sarkisyan và các vệ sĩ của y đang vào tòa nhà.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 03 Tháng Hai, khi được hỏi về vụ ám sát Sarkisyan, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết những kẻ gây ra nợ máu cho người Ukraine sớm muộn sẽ phải đền tội. Tuy nhiên, Đại Úy Yusov chưa chính thức xác nhận Ukraine đứng sau vụ ám sát Sarkisyan, cũng không phủ nhận.

[Kyiv Independent: Pro-Russian collaborator Sarkisyan dies in hospital after Moscow explosion, media reports]

2. Được trang bị tốt hơn, nhưng không có mũ bảo hiểm: Người Bắc Hàn đã chiến đấu với Ukraine như thế nào

Sau nhiều tháng tập trung sự chú ý vào hàng ngàn người Bắc Hàn chiến đấu cùng quân đội Mạc Tư Khoa gần biên giới Nga với Ukraine, các chiến binh Bình Nhưỡng dường như đã biến mất.

Đại tá Oleksandr Kindratenko, phát ngôn viên của Lực lượng tác chiến đặc biệt Ukraine, cho biết Ukraine phát hiện ra tình trạng vắng bóng binh lính Bắc Hàn tham gia vào nỗ lực của Nga nhằm đẩy lùi lực lượng Kyiv khỏi Kursk. Ông thừa nhận quân đội Bắc Hàn đã gây khó khăn lớn cho quân Ukraine với lối chiến đấu dại dột biển người. Lính Bắc Hàn chết rất nhiều nhưng các cuộc tấn công biển người cũng gây thương vong lớn cho quân Ukraine vì quân đội Bắc Hàn thường xuyên tấn công với một lực lượng rất lớn, đông gấp 5 lần quân Ukraine.

Nga đã cố gắng chấm dứt quyền kiểm soát của Ukraine đối với một phần lãnh thổ ở khu vực Kursk sau khi Kyiv bất ngờ tấn công vào cuối mùa hè. Mạc Tư Khoa đã xoay xở để gỡ bỏ một phần sự chiếm đóng của Ukraine, nhưng Kyiv vẫn giữ được quyền kiểm soát nhiều phần lãnh thổ, bao gồm thành phố Sudzha.

Lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Chính Ân — một đồng minh trung thành của Putin — đã gửi khoảng 12.000 binh lính Bắc Hàn đến Nga và nhanh chóng hướng đến Kursk, các báo cáo tình báo cho biết vào mùa thu. Các ước tính từ Ukraine cho thấy khoảng một nửa số này đã bị giết hoặc bị thương.

Các báo cáo đã bị chia rẽ về hiệu quả của quân đội, mặc dù đến từ một xã hội quân sự hóa mạnh mẽ, nhưng không có kinh nghiệm chiến đấu thực sự. Một số người đã dán nhãn cho quân đội là “bia đỡ đạn”, trong khi một số nguồn tin của Ukraine đã mô tả các chiến binh là có kỷ luật, khỏe mạnh và thành thạo với vũ khí.

Tờ New York Times trích dẫn nguồn tin tình báo Hoa Kỳ đưa tin, chính nhà lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn đã đề xuất gửi lực lượng tinh nhuệ của nước này tới Nga.

Ukraine thường mô tả những lực lượng được huấn luyện bài bản này là những lực lượng được đưa vào chiến đấu theo từng đợt tấn công bằng bộ binh có khả năng gây ra thương vong lớn.

Kindratenko nói với Newsweek rằng họ có ít kinh nghiệm trong chiến tranh máy bay điều khiển từ xa vốn chiếm ưu thế trong gần ba năm tạo nên cuộc xung đột trên bộ lớn nhất Âu Châu kể từ Thế chiến II, mặc dù họ có thể di chuyển nhanh chóng và thất thường để tránh bị các máy bay điều khiển từ xa nhắm tới.

Ít nhất hai chiến binh Bình Nhưỡng được biết là đang nằm trong tay Kyiv. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã công bố đoạn phim được cho là ghi lại cảnh thẩm vấn hai tù nhân chiến tranh của Bắc Hàn.

Kindratenko cho biết một đơn vị lực lượng đặc nhiệm của Ukraine đã bắt được tù binh chiến tranh đầu tiên trong số hai tù binh chiến tranh được xác nhận vào đầu tháng Giêng, bằng cách lừa chiến binh này đầu hàng thay vì kích nổ lựu đạn.

Các quan chức Nam Hàn và Ukraine cho biết quân đội Bắc Hàn đã tự sát để tránh bị Kyiv bắt giữ. Hoa Kỳ cho biết vào cuối năm ngoái rằng họ đã biết về những báo cáo này và rằng những người lính này có thể bị thúc đẩy bởi “nỗi sợ bị trả thù đối với gia đình họ ở Bắc Hàn trong trường hợp họ bị bắt giữ”.

Vào giữa tháng Giêng, Zelenskiy cho biết một tù binh chiến tranh đã “bày tỏ mong muốn ở lại Ukraine”. Tổng thống Ukraine cho biết tù binh chiến tranh còn lại muốn trở về nhà.

Lực lượng đặc nhiệm của Ukraine đã chăm sóc y tế cho tù binh chiến tranh Bắc Hàn đầu tiên bị bắt, kéo anh ta ra khỏi chiến trường qua một bãi mìn, Kindratenko cho biết. Nga đã bắn pháo và tràn ngập khu vực bằng máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất, gọi tắt là FPV khi người lính được giải cứu, vị đại tá cho biết.

Kindratenko cho biết lực lượng Nga “đã nhìn thấy rõ cảnh quân nhân của chúng tôi di tản tù binh chiến tranh”.

“Cường độ của loạt pháo kích tăng lên vào thời điểm đó, cho thấy rõ ràng nỗ lực nhằm tiêu diệt cả tù binh chiến tranh và nhóm giải cứu, ngăn không cho thế giới nhìn thấy một người lính Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên còn sống trong sự giam giữ của Ukraine.” Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, là tên chính thức của Bắc Hàn.

Kindratenko cho biết sau khi quân đội Ukraine đưa tù binh chiến tranh Bắc Hàn đến một “địa điểm an toàn”, anh ta được tiêm thuốc giảm đau, cùng với thức ăn, nước uống và thuốc lá.

Trước khi họ biến mất—một sự vắng mặt được Ukraine quy cho là do tổn thất nặng nề—những người lính Bắc Hàn đã được giao nhiệm vụ giữ các phần cụ thể của Kursk, cả trong các hoạt động phòng thủ và tấn công. Khi họ tấn công các vị trí của Ukraine, vị đại tá cho biết, các chiến binh của Bình Nhưỡng đã chịu hầu hết thương vong trong vài phút đầu của cuộc tấn công.

Kindratenko cho biết họ liên tục tấn công dọc theo “những tuyến đường mà hàng chục binh lính của họ đã thiệt mạng trong khi chiến đấu”.

Ông cho biết quân đội Bình Nhưỡng rất cơ động, một số chiến binh đã cởi bỏ đồ bảo hộ mà Nga cung cấp.

“Trong một số trường hợp, họ hoạt động mà không đội mũ bảo hiểm hoặc tấm chắn đạn đạo để tăng tốc độ trong các cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine”, Kindratenko nói. Những chiếc ba lô bị tịch thu của họ chỉ chứa một ít thức ăn, một lít nước và không có đồ dùng chống lạnh như găng tay hoặc quần áo giữ nhiệt.

Hầu hết không gian trong ba lô do Nga cấp đều dành cho đạn dược, vị đại tá cho biết. Kindratenko cho biết quân đội Bắc Hàn có số lượng băng đạn nhiều gấp ba lần so với số lượng trung bình mà một người lính Nga mang theo, cộng thêm cả lựu đạn và mìn.

Thiết bị thu hồi từ thi thể của những người lính Bắc Hàn bị giết ở Kursk cho thấy họ “thường được trang bị tốt hơn” so với lực lượng Nga, vị đại tá nói thêm. Các cảnh quay được lấy từ máy bay điều khiển từ xa trinh sát rộng lớn của Ukraine đã cho thấy “một số lượng lớn súng phóng lựu chống tăng”, do lực lượng Bình Nhưỡng bắn vào các vị trí hoặc phương tiện được bảo vệ tốt, kiên cố.

“Gần như tất cả” người Bắc Hàn đều mang theo “các biến thể hiện đại hóa” của vũ khí Nga tiêu chuẩn, đại tá lực lượng đặc biệt nói tiếp. Thay vì AK-47 đã có từ nhiều thập niên, người Bắc Hàn đã sử dụng súng trường tấn công AK-12 hiện đại hơn nhiều.

Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đã công khai thừa nhận việc điều động chiến binh từ Bắc Hàn, cũng như số thương vong trong giao tranh.

“Chắc chắn sẽ có nhiều tù binh chiến tranh từ Bắc Hàn hơn nữa,” Zelenskiy nói vào giữa tháng Giêng. Điều vẫn chưa rõ ràng là khi nào những người lính Bắc Hàn sẽ trở lại chiến trường, và liệu có nhiều người hơn nữa trên đường đến Nga hay không.

Kindratenko cho biết có khả năng quân đội Bắc Hàn sẽ quay trở lại chiến đấu sau khi được tăng cường huấn luyện mới hoặc tham gia vào các loại tấn công khác nhau.

[Newsweek: Better Armed, but No Helmets: How North Koreans Fought Ukraine]

3. Zelenskiy cho biết Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu nên tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trả lời hãng tin Associated Press, gọi tắt là AP trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 1 tháng 2 rằng Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu nên tham gia cùng Ukraine và Nga tại bàn đàm phán trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Những bình luận này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết nhóm của ông đã tham gia vào các cuộc thảo luận “rất nghiêm chỉnh” với phía Nga về cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Zelenskiy nói với AP rằng các cuộc thảo luận về cuộc chiến mà không bao gồm Ukraine là “rất nguy hiểm”.

“Họ có thể có mối quan hệ riêng, nhưng việc thảo luận về Ukraine mà không có chúng tôi - điều đó rất nguy hiểm cho tất cả mọi người”, Zelenskiy nói, ám chỉ đến những phát biểu trước đó của Tổng thống Donald Trump.

Zelenskiy cho biết bước đầu tiên đối với Ukraine là tổ chức một cuộc họp cao cấp với Tổng thống Donald Trump, để Kyiv và Washington có thể phát triển các kế hoạch riêng của họ cho một lệnh ngừng bắn. Sau đó, các bên có thể chuyển sang các cuộc thảo luận có sự tham gia của Nga.

“Tôi tin rằng, trước hết và quan trọng nhất, chúng ta phải tổ chức một cuộc họp với Tổng thống Donald Trump, và điều đó rất quan trọng. Và nhân tiện, đó là điều mà mọi người ở Âu Châu đều mong muốn,” Zelenskiy nói.

Sau cuộc họp, “chúng ta nên chuyển sang một hình thức trò chuyện nào đó với người Nga,” ông nói.

“Và tôi muốn thấy Hoa Kỳ, Ukraine và Nga tại bàn đàm phán.... Và, thành thật mà nói, tiếng nói của Liên minh Âu Châu cũng nên có mặt. Tôi nghĩ điều đó sẽ công bằng, hiệu quả. Nhưng kết quả sẽ ra sao thì tôi không biết.”

Zelenskiy nói với AP rằng Mạc Tư Khoa không quan tâm đến việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình vì lợi thế của họ trên chiến trường, nhưng Tổng thống Donald Trump có thể buộc Putin phải đàm phán bằng cách đe dọa các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga. Hoa Kỳ cũng nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kyiv, ông nói.

“ Tôi nghĩ đây là những bước gần nhất và quan trọng nhất.”

Tổng thống cũng đề cập đến những bình luận của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio, người đã phát biểu vào ngày 30 Tháng Giêng rằng cuộc chiến đã khiến Ukraine “lùi lại 100 năm”.

Zelenskiy cho biết Rubio “trước hết cần phải đến Ukraine để xem Nga đã làm gì”.

“Nhưng cũng để xem người dân Ukraine đã làm gì, họ có thể làm gì cho an ninh của Ukraine và thế giới, như tôi đã nói, và chỉ cần nói chuyện với những người này.”

[Kyiv Independent: US, EU should be part of Ukraine-Russia peace talks, Zelensky says]

4. Thi thể được tìm thấy ở sông Potomac, cảnh sát cho biết không liên quan đến vụ rơi máy bay ở DC

Một thi thể được tìm thấy trên sông Potomac ở Washington, DC—nơi xảy ra vụ tai nạn giữa chuyến bay của hãng American Airlines và trực thăng quân sự Sikorsky H-60 Black Hawk vào đêm thứ Tư—và cơ quan thực thi pháp luật địa phương cho biết không có mối liên hệ nào giữa hai vụ việc.

Chuyến bay 5342 của American Airlines khởi hành từ Wichita, Kansas đã va chạm với trực thăng Black Hawk khi hạ cánh tại Sân bay quốc gia Ronald Reagan Washington gần Washington, DC, vào đêm thứ Tư.

Máy bay và trực thăng lao xuống sông Potomac, dẫn đến một hoạt động tìm kiếm cứu nạn rộng rãi. Trưởng phòng Cứu hỏa và EMS của DC John Donnelly cho biết chính quyền “không tin rằng có bất kỳ người sống sót nào” và những nỗ lực đang được tiến hành tại hiện trường vụ tai nạn đã chuyển từ hoạt động cấp cứu sang hoạt động cấp cứu. Có 64 người trên chuyến bay của American Airlines và ba quân nhân trên trực thăng.

Trong khi các đội cấp cứu tiếp tục tìm kiếm trong đống đổ nát trên Sông Potomac vào thứ Bảy, thi thể của một người đàn ông trưởng thành đã được tìm thấy ở khu vực Cầu Woodrow Wilson, cảnh sát DC cho biết trong một bài đăng trên X.

Các nhà chức trách cho biết cái chết không liên quan đến vụ va chạm. Khi Newsweek liên hệ với cảnh sát DC để xin bình luận vào chiều thứ Bảy, họ cho biết hiện tại họ không có thêm thông tin nào.

Cuộc điều tra về cái chết của người đàn ông trưởng thành vẫn đang được tiến hành.

[Newsweek: Body Found in Potomac River, Police Say No Connection to DC Plane Crash]

5. Tướng Ukraine cho biết Zaluzhnyi đã đề xuất cuộc tấn công theo kiểu Kursk vào Belgorod của Nga hồi năm 2022

Valerii Zaluzhnyi, cựu tổng tư lệnh Ukraine và hiện là đại sứ tại Anh, đã đề xuất tấn công vào Tỉnh Belgorod của Nga vào năm 2022 để bảo vệ Tỉnh Kharkiv, Tướng Viktor Nazarov nói với BBC vào ngày 2 tháng 2.

Kế hoạch này tương tự như cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga vào tháng 8 năm 2024, được tiến hành một phần nhằm ngăn chặn lực lượng Nga dàn dựng một cuộc tấn công vào Tỉnh Sumy, được thực hiện dưới sự chỉ huy của người kế nhiệm ông, Oleksandr Syrskyi.

Quân đội Ukraine đã chiếm giữ khoảng 1.300 kilômét vuông, hay 500 dặm vuông, lãnh thổ Nga, mặc dù Kyiv được báo cáo là đã mất gần một nửa số lãnh thổ đã giành được. Các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn trong khu vực với lực lượng Nga được tăng cường bởi quân đội Bắc Hàn.

“Ý tưởng là tiến hành một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, theo hướng chung ở đâu đó tại ngã ba của Kursk và Belgorod, hướng về Belgorod. Một quyết định chính trị là tất cả những gì cần thiết,” Nazarov nói với BBC.

Zaluzhnyi được cho là đã ủng hộ chiến lược bao vây hoặc phong tỏa nhằm cắt đứt khả năng quân đội Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa lực và hỏa tiễn vào Kharkiv.

Nazarov nói thêm rằng mục tiêu là “tạo ra mối đe dọa đối với sườn đông bắc của nguồn cung cấp tài nguyên vật chất cho nhóm hoạt động ở Donbas”.

Khi được hỏi tại sao cuộc xâm nhập không được thực hiện vào năm 2022, Nazarov trả lời rằng đó là một “vấn đề chính trị”.

Trước khi ông bị sa thải vào đầu tháng 2 năm 2024, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Văn phòng Tổng thống và Zaluzhnyi có những ý tưởng trái ngược nhau về cách tiến hành chiến tranh.

Tại tỉnh Kursk, quân đội Bắc Hàn chiến đấu cùng lực lượng Nga đã phải chịu tổn thất nặng nề và được cho là đã phải rút khỏi một số khu vực tiền tuyến.

Phát ngôn nhân của đơn vị, Đại tá Oleksandr Kindratenko, nói với tờ Kyiv Independent vào ngày 31 Tháng Giêng rằng họ đã không được nhìn thấy gần đây tại các khu vực của Tỉnh Kursk, nơi Lực lượng tác chiến đặc biệt, gọi tắt là SOF của Ukraine đang chiến đấu.

Vào ngày 19 tháng Giêng, Syrskyi cho biết rằng gần một nửa trong số 11.000-12.000 quân lính Bắc Hàn được điều động tới khu vực chiến sự của Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương.

Các chuyên gia được tờ Kyiv Independent phỏng vấn đã liên hệ tỷ lệ thương vong cao của Bắc Hàn với việc thiếu kinh nghiệm trong chiến tranh hiện đại, chiến thuật “biển người” được sử dụng để chống lại các vị trí cố thủ của quân đội Ukraine và quyết tâm tránh bị bắt của quân đội Bắc Hàn, thậm chí phải đánh đổi bằng mạng sống của họ.

Quân đội Bắc Hàn đã được điều động đến Tỉnh Kursk vào mùa thu năm ngoái để hỗ trợ lực lượng Nga chống lại cuộc tấn công của Ukraine vào đầu tháng 8 năm 2024. Lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu trong khu vực, với hy vọng tận dụng vị thế của mình để có thể đàm phán.

Vào ngày 22 tháng Giêng, những người lính thuộc Trung đoàn 8 thuộc Lực lượng tác chiến đặc biệt của Ukraine đã công bố đoạn phim ghi lại cảnh họ chống trả một cuộc tấn công của Bắc Hàn tại Tỉnh Kursk của Nga trong tám giờ trước khi rút lui, khiến 21 người Bắc Hàn thiệt mạng và 40 người bị thương.

Trong một video, một nhóm tấn công lớn được cho là lính Bắc Hàn được nhìn thấy đang băng qua một cánh đồng và khu rừng trống, tiếp theo là cảnh quay cận chiến chỉ cách nhau vài chục mét giữa hai bên. Cuối cùng, cảnh quay đồ họa cho thấy những người lính tử trận được cho là lính Bắc Hàn.

“Vào giờ thứ chín của trận chiến, Lực lượng tác chiến đặc biệt chỉ còn lại một phần ba đạn dược. Họ đã dành phần còn lại để tiêu diệt lực lượng Bắc Hàn”, bài đăng trên Telegram viết.

Các chiến binh Ukraine đã ngăn chặn cuộc tấn công bằng vũ khí nhỏ, súng phóng lựu và lính bắn tỉa. Cuối cùng, quân đội Ukraine đã rút lui trên hai chiếc Humvee.

[Kyiv Independent: Zaluzhnyi proposed Kursk-style incursion into Russia's Belgorod Oblast in 2022, Ukrainian general says]

6. Cháy lớn bùng phát tại nhà kho Kharkiv sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga

Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại một nhà kho ở Kharkiv sau khi một máy bay điều khiển từ xa của Nga tấn công một doanh nghiệp dân sự vào đêm muộn ngày 1 tháng 2, Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine đưa tin.

Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào quận Slobidskyi của thành phố, gây ra một vụ hỏa hoạn lớn tại một cơ sở sản xuất và kho bãi. Đám cháy lan rộng trên diện tích 2.000 mét, Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước cho biết.

Lực lượng cứu hỏa đã dập tắt đám cháy vào lúc 1:27 sáng giờ địa phương ngày 2 tháng 2.

Theo các nhà chức trách, nhà kho này là một phần của một doanh nghiệp dân sự. Không có thương vong nào được báo cáo.

Nằm cách biên giới Nga chưa đầy 30 km, thành phố Kharkiv ở đông bắc đã hứng chịu các cuộc tấn công trên không liên tục trong hai năm qua của cuộc chiến toàn diện của Nga. Mạc Tư Khoa thường nhắm vào các khu dân cư đông đúc và cơ sở hạ tầng dân sự bằng hỏa tiễn, máy bay điều khiển từ xa và bom lượn

[Kyiv Independent: Massive fire breaks out at Kharkiv warehouse after Russian drone attack]

7. Cuộc tấn công của Nga vào viện dưỡng lão ở Sudzha, vùng Kursk khiến 4 người thiệt mạng, quân đội Ukraine tuyên bố

Quân đội Ukraine cáo buộc một cuộc không kích của Nga đã nhắm vào một viện dưỡng lão ở thành phố Sudzha do Ukraine xâm lược thuộc Tỉnh Kursk của Nga vào ngày 1 tháng 2.

Tòa nhà này được dùng làm nơi trú ẩn, chủ yếu là nơi ở của người cao tuổi.

Ít nhất bốn người đã thiệt mạng trong vụ tấn công, trong khi 84 người đã được giải cứu. Bốn người trong số họ bị thương và vẫn trong tình trạng nguy kịch. Các hoạt động tìm kiếm và cấp cứu đang được tiến hành vì có thể còn nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

“Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, hàng chục cư dân địa phương đang ở bên trong tòa nhà chuẩn bị di tản”, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết. “Người Nga biết rằng tòa nhà chủ yếu là nơi ở của dân thường - cư dân địa phương, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Mọi thứ có thể đang được thực hiện để giải cứu những người sống sót”.

Các quan chức vẫn chưa xác nhận thương vong, nhưng lực lượng cấp cứu đã bị gọi nhập ngũ đến hiện trường.

Không quân Ukraine cho biết một máy bay Nga đã nhắm vào tòa nhà bằng một quả bom trên không dẫn đường KAB và công bố các ảnh chụp màn hình cho thấy đường bay của quả bom. Các ảnh chụp màn hình này là từ hệ thống Virage Tablet, một chương trình nhu liệu tự động mà Không quân sử dụng để theo dõi các mối đe dọa trên không.

Không quân cho biết có “bằng chứng không thể chối cãi” cho thấy Nga đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào Sudzha.

Không quân cũng cho biết các cuộc tấn công vào dân thường, bao gồm cả trẻ em, là “đặc trưng” của chiến tranh Nga.

Vào ngày 11 tháng Giêng, lực lượng Nga đã thực hiện một cuộc không kích kép vào cùng một viện dưỡng lão ở Sudzha. Cuộc tấn công diễn ra vào tối ngày 11 tháng Giêng, khiến một người phụ nữ bị thương nặng ở cánh tay, người đã tử vong vào sáng ngày 12 tháng Giêng, phát ngôn nhân quân đội Ukraine Oleksii Dmytrashkivskyi cho biết.

Lực lượng Ukraine đã phát động một chiến dịch quy mô lớn ở Kursk vào đầu tháng 8, được cho là đã chiếm được tới 1.300 kilômét vuông, hay 500 dặm vuông, đất Nga. Kể từ đó, Nga đã điều động quân tiếp viện — bao gồm cả lính Bắc Hàn — trong khu vực và được cho là đã chiếm lại được khoảng một nửa lãnh thổ đã mất.

[Kyiv Independent: Russia's strike on nursing home in Kursk region's Sudzha kills 4, Ukraine's military claims]

8. Hạm đội Hắc Hải của Nga ra mắt ‘Phương pháp mới’ để chống lại máy bay điều khiển từ xa của Ukraine

Theo một phân tích mới, Hạm đội Hắc Hải của Nga đã phát triển một “phương pháp mới” để chống lại các cuộc tấn công liên tục bằng thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine. Phương pháp mới này được dùng để thay thế cho phương pháp săn các thuyền điều khiển từ xa của Ukraine bằng máy bay trực thăng do Bộ trưởng Quốc phòng Nga lúc đó là Sergei Shoigu khởi xướng. Phương pháp của Shoigu thất bại vì thuyền điều khiển từ xa của Ukraine được trang bị hỏa tiễn có khả năng bắn hạ máy bay trực thăng.

Trong khi hầu hết lực lượng hải quân Nga vẫn bình an vô sự, gần ba năm chiến tranh toàn diện với Ukraine đã gây tổn thất lớn cho Hạm đội Hắc Hải của Mạc Tư Khoa.

Kyiv đã nhắm vào Bán đảo Crimea, nơi mà Điện Cẩm Linh đã kiểm soát trong hơn một thập niên, nhưng Ukraine đã tuyên bố sẽ giành lại. Bán đảo này từng là trung tâm chính của Hạm đội Hắc Hải, nhưng các cuộc tấn công dai dẳng của Ukraine đã buộc Nga phải di dời các tài sản có giá trị cao như tàu chiến và tàu ngầm về phía đông xa hơn ở Hắc Hải trong suốt cuộc chiến.

Bộ Quốc phòng Nga sáng sớm thứ Bảy cho biết hạm đội của họ trong khu vực đã “phá hủy một chiếc thuyền điều khiển từ xa” ở phía tây bắc Hắc Hải, đang hướng đến Crimea.

Kyiv đã thành công trong việc thách thức sự kiểm soát của Nga đối với Hắc Hải, gần bờ biển phía nam của lục địa Ukraine.

Trong một bài đăng sau đó trên ứng dụng nhắn tin Telegram, Mạc Tư Khoa đã chia sẻ đoạn phim mà họ cho là cho thấy cảnh lực lượng phòng thủ của Mạc Tư Khoa hạ gục một thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine. Tàu mặt nước điều khiển từ xa, gọi tắt là USV đã bị “đập tan thành từng mảnh”, chính phủ Nga cho biết.

Cộng đồng blogger quân sự có ảnh hưởng của Nga cho rằng Mạc Tư Khoa đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa có khả năng mang hỏa tiễn Kronshtadt Orion chống lại thuyền điều khiển từ xa của hải quân, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ sau cuộc xung đột, cho biết hôm thứ Chúa Nhật, 02 Tháng Hai.

Dòng máy bay điều khiển từ xa Orion được sản xuất bởi nhà sản xuất Kronshtadt của Nga và có nhiều loại khác nhau.

Các blogger, thường được dùng làm nguồn thông tin thay thế cho các tuyên bố chính thức từ Mạc Tư Khoa, cho rằng “cuộc tấn công này có thể là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc lực lượng Nga tận dụng máy bay điều khiển từ xa có khả năng tiêu diệt USV của hải quân Ukraine”, ISW cho biết.

ISW lưu ý rằng lực lượng Ukraine có thể bắn hạ trực thăng Nga bay qua Hắc Hải bằng hỏa tiễn phóng từ máy bay điều khiển từ xa tấn công hải quân Magura V5.

Cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine đã phát triển thuyền điều khiển từ xa Magura V5 và đã nhiều lần điều động chúng ở Hắc Hải. Cơ quan an ninh SBU của Kyiv vận hành thuyền điều khiển từ xa của riêng mình, được gọi là SeaBaby USV.

Các hành động vào thứ Bảy cho thấy “lực lượng Nga đã phát triển một phương pháp mới để cố gắng ngăn chặn việc điều chỉnh thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine”, ISW cho biết.

Riêng SBU cho biết hôm Chúa Nhật rằng họ đã bắt giữ một điệp viên thuộc cơ quan an ninh FSB của Nga tại thành phố Odessa ở phía nam, người bị cáo buộc làm gián điệp theo dõi các tàu của Ukraine ở Hắc Hải.

Khi một bên đạt được tiến bộ trong công nghệ máy bay điều khiển từ xa, bên kia sẽ tiếp tục tìm cách để thử thách lợi thế mới này

[Newsweek: Russian Black Sea Fleet Debuts 'New Method' To Offset Ukrainian Drones]

9. Việc Ukraine gia nhập NATO là sự bảo đảm an ninh ‘rẻ nhất’, ‘chiến thắng’ cho Tổng thống Donald Trump, Zelenskiy nói với AP

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Associated Press, gọi tắt là AP vào ngày 1 tháng 2 rằng việc gia nhập NATO là sự bảo đảm an ninh “rẻ nhất” có thể cho Ukraine và là cơ hội để Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giành chiến thắng địa chính trị trước Putin.

Vấn đề về việc Kyiv có thể gia nhập Liên minh trong tương lai hay không có khả năng là điểm gây tranh cãi chính trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine mà Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ khởi xướng trong vài tháng tới.

Zelenskiy nói với AP rằng việc gia nhập NATO là sự bảo đảm an ninh tốt nhất có thể cho Ukraine và là lựa chọn “rẻ nhất” cho các đồng minh phương Tây.

“Tôi thực sự tin rằng đây là sự bảo đảm an ninh rẻ nhất mà Ukraine có thể có được, rẻ nhất cho tất cả mọi người,” ông nói.

“Đây sẽ là một tín hiệu cho thấy không phải Nga quyết định ai nên ở trong NATO và ai không nên ở, mà là Hoa Kỳ quyết định. Tôi nghĩ đây là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Donald Trump.”

Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9 năm 2022 sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Trong khi các thành viên NATO khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh năm 2024 ở Washington, DC rằng con đường trở thành thành viên của Ukraine là “không thể đảo ngược”, họ vẫn chưa đưa ra lời mời chính thức.

Các bài tuyên truyền của Nga thường trích dẫn khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO để biện minh cho cuộc xâm lược.

Bản thân Tổng thống Donald Trump cũng nhắc lại quan điểm này khi nói rằng sự ủng hộ của cựu Tổng thống Joe Biden đối với nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine đã gây ra cuộc chiến tranh toàn diện.

“Điều đó như được viết trên đá vậy,” Tổng thống Donald Trump phát biểu vào ngày 7 tháng Giêng, ám chỉ đến việc Nga phản đối Ukraine gia nhập Liên minh.

“Và Tổng thống Biden nói, 'Không, họ nên có thể gia nhập NATO.' Khi đó, Nga có một người ngay trước cửa nhà họ. Tôi có thể hiểu cảm xúc của (Nga) về điều đó.”

Mạc Tư Khoa tuyên bố lệnh cấm Ukraine gia nhập NATO là điều kiện quan trọng của bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.

Các quan chức Ukraine, bao gồm cả Zelenskiy, đã phản đối lời kể của Tổng thống Donald Trump và bác bỏ các yêu cầu của Nga. Bộ Ngoại giao Ukraine gọi lệnh cấm do Nga đề xuất là “hoàn toàn nhảm nhí” trong một tuyên bố ngày 24 tháng Giêng.

Zelenskiy nói với AP rằng việc Ukraine gia nhập Liên minh sẽ có lợi cho cả Kyiv và các quốc gia thành viên. Việc bổ sung lực lượng phòng thủ Ukraine cũng sẽ là một lợi thế cho NATO, có khả năng cho phép Hoa Kỳ rút quân khỏi nước ngoài.

Zelenskiy cho biết đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc điều động lực lượng gìn giữ hòa bình Âu Châu tới Ukraine để giám sát lệnh ngừng bắn cũng đang được thảo luận. Vẫn còn nhiều câu hỏi về tính khả thi của đề xuất này và nó sẽ phải được hỗ trợ bởi các biện pháp an ninh khác.

“Điều đó vẫn chưa đủ,” Zelenskiy nói.

“Hãy tưởng tượng, có một đội quân. Câu hỏi là ai phụ trách? Ai là người chính? Họ sẽ làm gì nếu có cuộc tấn công của Nga? Hỏa tiễn, đổ bộ, tấn công từ biển, vượt biên giới đất liền, tấn công. Họ sẽ làm gì? Nhiệm vụ của họ là gì?”

Tổng thống cho biết Macron và Zelenskiy “vẫn đang trong quá trình đối thoại này”.

[Kyiv Independent: Ukraine's NATO membership 'cheapest' security guarantee, 'victory' for Trump, Zelensky tells AP]

10. ‘Họ đã sát hại người Syria theo cùng một cách’ — Zelenskiy lên án cuộc tấn công bị cáo buộc của Nga vào dân thường ở Kursk

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy lên án vụ đánh bom được cho là của Nga vào một viện dưỡng lão ở Tỉnh Kursk, so sánh vụ tấn công này với cuộc chiến tranh của Nga ở Chechnya, Syria và Ukraine.

Bình luận của tổng thống được đưa ra sau khi quân đội Ukraine báo cáo về một cuộc không kích của Nga vào một cơ sở dân cư ở thành phố Sudzha do Ukraine xâm lược ở tỉnh Kursk vào ngày 1 tháng 2. Cuộc tấn công đã giết chết ít nhất bốn người và làm bốn người khác bị thương nặng.

“Đây chính là cách Nga tiến hành chiến tranh chống lại Chechnya cách đây nhiều thập niên,” Zelenskiy viết trên X.

“Họ giết người Syria theo cùng một cách. Bom Nga phá hủy nhà cửa của người Ukraine theo cùng một cách. Và ngay cả đối với dân thường của họ, quân đội Nga cũng sử dụng các chiến thuật tương tự.”

Tòa nhà bị nhắm đến, vốn là nơi trú ẩn, chủ yếu là nơi ở của cư dân cao tuổi. Hơn 80 người đã được di tản khỏi tòa nhà sau vụ tấn công.

Quân đội Ukraine cho biết Nga đã phóng một quả bom dẫn đường trên không KAB vào địa điểm mà họ cho là trước đó đã bị lực lượng Nga nhắm tới trong một cuộc tấn công vào ngày 11 tháng Giêng. Bộ Quốc phòng Nga sau đó vào ngày 1 tháng 2 đã cáo buộc Ukraine thực hiện vụ đánh bom.

Không quân Ukraine đã công bố ảnh chụp màn hình từ hệ thống Virage Tablet cho thấy đường bay của quả bom Nga. Hệ thống này là một chương trình nhu liệu tự động mà quân đội sử dụng để theo dõi các mối đe dọa trên không.

“Đây là một quốc gia không có sự lịch sự,” Zelenskiy viết. “Và đây là một điều xấu xa không thể tự dừng lại.”

Phát biểu của Zelenskiy ám chỉ đến các chiến dịch quân sự tàn bạo của Nga chống lại Chechnya vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, cũng như sự ủng hộ của Nga đối với cựu độc tài Syria Bashar al-Assad, hiện đang lưu vong ở Mạc Tư Khoa.

Với sự hậu thuẫn về mặt quân sự của Nga, chế độ Assad đã bỏ tù, tra tấn và giết hại hàng trăm ngàn người Syria trong cuộc đàn áp lực lượng đối lập.

[Kyiv Independent: 'They killed Syrians the same way' — Zelensky condemns alleged Russian strike on civilians in Kursk Oblast]
 
Thánh Ca
Chúa Nhật 5 Thường Niên C
Lm Thái Nguyên
22:35 03/02/2025