Ngày 02-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Hiển Linh B. 7.1.2018
Lm Francis Lý văn Ca
15:43 02/01/2018
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Thánh lễ hôm nay nhắc nhở mỗi người trong chúng ta việc Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Đây là một ngày lễ rất quan trọng, vì nhắc chúng ta sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giáng Sinh cho tha nhân, những người chưa biết Chúa, để họ nhận ra Chúa mà tôn thờ kính tin.
Tất cả những lời nguyện và những bài đọc trong thánh lễ hôm nay, một cách nào đó nhắc chúng ta nhiệm vụ phải truyền bá đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội. Để được điều đó, chúng ta phải tự kiểm chính mình đã sống đức tin đó như thế nào, và trong môi trường chúng ta đang sống, phải sống cách nào hữu hiệu để đức tin đó có thể chiếu sáng cho tha nhân?
Ước gì thánh lễ hôm nay nhắc nhở mỗi người trong chúng ta ơn gọi sống đời Kitô hữu đúng nghĩa giữa dân ngoại. Luôn ý thức mình là sứ giả của Thiên Chúa sai đến cho tha nhân để rao truyền ơn cứu độ, đem ánh sao năm xưa vào chiếu sáng thế giới đa dạng hôm nay nhưng vắng bóng Thiên Chúa.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Nghĩa bóng của bài đọc thứ I hôm nay hướng chúng ta đến thời cánh chung, ngày đó khắp thế giới sẽ được đón nhận ánh sáng của vì sao cứu chuộc. Các dân nước sẽ quy phục dưới ngai Vua Kitô.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô đến với dân ngoại, nhờ sự rao giảng của các tông đồ, chúng ta đã biết được Tin Mừng Giáng Sinh. Giờ đây, tới bổn phận của chúng ta, cũng phải đem Tin Mừng đến cho những ai chưa biết Chúa.

TRƯỚC BÀI PÂ: Câu chuyện Ba Vua hôm nay, nhắc nhở chúng ta về sự khó nghèo mà chính Chúa đã chọn. Đây là một sứ điệp mà Giáo Hội, Mẹ Thánh luôn nhắc nhở con cái.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến
Thiên Chúa kêu mời chúng ta tuân giữ giới răn của Ngài, Ngài mong muốn chúng ta nên Thánh. Mặc dù cuộc sống của chúng ta chưa hoàn hảo, nhưng với lòng thành chúng ta van nài Chúa những ơn cần thiết sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho nền hòa bình giữa các quốc gia trên địa cầu. Xin cho ánh sáng đã dẫn đường Ba Vua xưa đến hang Bêlem, soi sáng các nhà lãnh đạo các quốc gia luôn mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những đứa bé sinh ra trong sự tàn tật thể xác và tinh thần, kém may mắn hơn những chúng bạn cùng trang tuổi. Xin Chúa ban niềm an ủi cho những gia đình kém may mắn nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu người vẫn chưa nhận biết Chúa là Đấng Cứu Chúa đã giáng sinh làm người. Xin cho chúng ta trở thành những chứng nhân của Tin Mừng Giáng Sinh. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho chúng ta có một tinh thần quảng đại, thông cảm và tha thứ. Xin dẹp khỏi nơi chúng con sự hiềm thù, ích kỷ của Hêrôđê, để chúng ta luôn nhìn thấy nơi anh em hình ảnh của Chúa là Cha đầy thân ái. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời trong năm vừa qua, được hưởng niềm vui bất diệt trên thiên quốc. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin nhậm những lời cầu khẩn của chúng con dâng lên Chúa trong thánh lễ hôm nay, như Chúa đã nhận của lễ của Ba Nhà Đạo Sĩ là Vàng, Nhủ Hương và Mộc Dược. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:14 02/01/2018
32. BIẾT CHỮ RẤT KHỔ
Mai Tuần đảm nhiệm hàn lâm học sĩ.
Một hôm, vì chiếu thư quá nhiều nên ông ta suy nghĩ quá mệt, bèn ra khỏi phòng sách đi tản bộ trong sân, đột nhiên nhìn thấy một vệ binh già nằm ngủ dưới ánh nắng mặt trời, giang tay giang chân rất là thoải mái.
Mai Tuần nói thầm trong bụng: “Sung sướng nhiều”.
Và đến hỏi ông ta:
- “Ông biết chữ không ?”
Trả lời:
- “Không biết chữ”.
Mai Tuần thở dài một tiếng, nói tiếp:
- “Càng vui vẻ”.
(Luỵ Ngoã tập)

Suy tư 32 :
Biết chữ mà khổ thì không biết chữ lại càng khổ hơn, bởi vì không biết chữ thì cũng giống như bị mù mắt vậy.
Mắt bị mù thì không thấy được ánh sáng mặt trời, không thấy được cha mẹ bà con bạn bè; không biết chữ thì không thấy được tri thức của loài người. Như vậy mù mắt hay mù chữ cũng đều rất khổ, nhưng sẽ khổ hơn nếu chúng ta –những người Ki-tô hữu- mù mắt trước những tội lỗi của anh em, tức là nhắm mắt làm ngơ để anh em sống trong tội mà không nhắc nhở họ.
Cha mẹ sẽ khổ nhiều hơn khi con cái đua đòi sống mất nết, vì cha mẹ biết “chữ đạo” hơn con cái; cha sở sẽ khổ nhiều hơn khi có giáo dân của mình sống trong tội, vì cha sở biết hậu quả của tội hơn giáo dân; thầy cô giáo sẽ khổ nhiều hơn khi học trò biếng nhác học hành, vì thầy cô giáo biết “chữ tri” hơn học trò...
Đúng là biết nhiều cũng khổ thật !
Nhưng đây là cái khổ vinh quang của người hiểu chuyện biết khuyên bảo anh em chị em khi họ làm sai.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:15 02/01/2018

23. Thiên Chúa dựng nên vạn vật vũ trụ đầy lòng nhân ái và thương xót, cho nên bất luận là chúng ta cầu xin ân sủng nào thì nhứt định có thể được.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa, trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha: Phụ Huynh phải giúp cho con em trưởng thành
Bùi Hữu Thư
10:16 02/01/2018
Vatican: Ngày 31 tháng 12, 2017 (Zenith.org)

Trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã nói với đám đông tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 31 tháng 12, 2017: “Phụ Huynh phải giúp cho con em trưởng thành vì sự trưởng thành của trẻ em là nìềm vui lớn lao cho gia đình.”

Ngài tiếp: “Thánh Kinh mời gọi chúng ta suy niệm về kinh nghiệm sống của Đức Mẹ, Thánh Giuse và Chúa Giêsu khi họ chung sống và Chúa Giêsu được lớn lên trong một gia đình yêu thương nhau và trông cậy nơi Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Gia Đình Thánh Gia đã tuân giữ lề luật bằng cách dâng người Con lên Thiên Chúa nơi Đền Thờ, và công nhận rằng ‘Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của mọi cá nhân và Chúa của lịch sử gia đình’”.

Đức Thánh Cha tiếp: “Tất cả mọi gia đình đều được mời gọi để chấp nhận điều tiên quyết này, Đó là bảo vệ và giáo dục con cái biết mở lòng cho Thiên Chúa là chính nguồn gốc của sự sống.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng việc nhắc nhớ các tín hữu tụ tập tại quảng trường rằng Chúa Kitô “Như là người trong chúng ta: Con Thiên Chúa đã tự hạ mình làm con trẻ, chấp nhận lớn lên, được mạnh sức, đầy khôn ngoan và ân sủng Thiên Chúa ban cho Ngài..”

Bùi Hữu Thư
 
Một Tông Đồ Biển Công Giáo được trao huân chương dân sự bậc nhất BEM cuả Đế Chế Anh.
Trần Mạnh Trác
13:27 02/01/2018
Một giáo sĩ Công Giáo phục vụ trong ngành Tông Đồ Biển vừa đưọc loan báo là người lãnh nhận huân chương dân sự bậc nhất cuả Đế Chế Anh, Huân Chương BEM (British Empire Medal từng có tên là British Empire Medal for Meritorious Service).

Ngành Tông Đồ Biển là một tổ chức mục vụ chuyên lo cho những người đi biển, hành khách cũng như nhân viên hải hành. Cha Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic, hiện nay đang là một linh mục Tông Đồ Biển.

Huân chương BEM có mục đích vinh danh những công việc đã tạo nên "một sự khác biệt đáng kể" ở cấp địa phương cuả các công dân thuộc Đế Chế Anh (gọi là Đế Chế vì những công dân cuả nhiều quốc gia từng thuộc vào Đế Quốc Anh, như Ấn Độ, Canada, Úc châu, đều có thể lãnh nhận huân chương này.)

Ngoài danh dự được trao huân chương, từ nay người lãnh nhận cũng có quyền viết thêm vào tên cuả mình tước hiệu BEM, giống như là thành viên cuả một dòng (order) hiệp sĩ cuả Anh Quốc.

Vị giáo sĩ Công Giáo Tông Đồ Biển, Phó Tế Roger Stone, được nhận huân chương vì có công cứu giúp 3 thuỷ thủ người Phillipines từng là nạn nhân cuả việc buôn người và bị cưỡng ép làm việc như nô lệ trên một con tàu viễn dương. Ngài đã khám phá và giải cứu họ khi con tầu đi ngang qua bờ biển miền nam nước Anh, là nơi ngài đang có trách nhiệm làm tuyên úy.

Thày phó tế Roger Stone trong lúc phát quà Giáng Sinh ở Southampton cho các con em có cha là thuỷ thủ xa nhà, đã "hoàn toàn choáng váng" khi nhận tin được đề cử huân chương BEM. Ngài cho biết cảm thấy vừa hãnh diện vừa nhỏ bé trước vinh dự này.

Thầy tâm sự (với báo Tablet): "tôi đã hoàn toàn choáng váng... đến nỗi chẩy cả nước mắt ra - thực đấy. Tôi chỉ còn biết thốt lên 3 chữ ‘lạy Chúa tôi.’ "

Thầy cho biết đã có nhiều lời chúc mừng từ các người đi biển trên khắp thế giới qua trang mạng Facebook AoS ( trang mạng cuả ngành người đi biển cuà Anh).

Một bình luận viết: "Thầy xứng đáng lắm! Xin chúc mừng! Thay mặt cho những người đi biển cuả Philippines, XIN CẢM ƠN THẦY RẤT NHIỀU CHO TẤT CẢ MỌI THỨ! Chúc mừng năm mới Thầy Roger!

Mô tả vai trò bảy năm làm tuyên úy hải cảng, mà trong năm 2012 là việc hỗ trợ ba người Philippines sống trong điều kiện nô lệ trên một chiếc tàu, Thầy Stone nói rằng thầy cảm thấy "rất đặc quyền" để có thể giúp đỡ. Một người Philippines đã ở tạm với Thầy ta trong khi tìm chổ cư trú và cả ba người, sau khi được hướng dẫn và thực hiện các quá trình giấy tờ cần thiết, đang an toàn làm việc gần London.

Thầy nói vẫn nhớ chính xác ngày và giờ đã gặp những người ấy bởi vì đó là "một cột mốc quan trong cuộc sống của tôi, bởi vì họ là những người quá tốt đẹp như vậy mà lại bị đối xử quá tồi tệ như thế". Thầy nói thêm: "tôi yêu những người đi biển... không phải là chỉ là lời nói xuông mà thôi, tôi thực sự yêu họ tự đáy lòng."

Bình luận về các công ty chủ tàu có những thành tích xậm phạm nhân quyền, Thầy cho biết họ "thực sự không quan tâm... chỉ lo thương mại mà thôi".

Được biết năm nay có 3 người Công Giáo được đề cử huân chương BEM, ngoài Thầy Roger Stone còn có bà Maria Eves, thành viên quản trị cuả hai trường học Công Giáo, và bà Frances Anne Hawkes, giám học liên hiệp các trường Công Giáo ở Anh.
 
Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo Ai Cập lên án cuộc tấn công các tín hữu Chính Thống Coptic và kêu gọi các tín hữu Hồi Giáo đón mừng lễ Giáng Sinh
Đặng Tự Do
15:41 02/01/2018
Đại Giáo Trưởng của Đại Học al-Azhar và toàn Ai Cập đã lên án vụ tấn công khủng bố gần đây nhắm vào các Kitô hữu Coptic “với những lời mạnh mẽ nhất” và kêu gọi những người Hồi giáo Ai Cập ăn mừng Giáng sinh để bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu.

Đại Giáo Trưởng Ahmed el-Tayeb, hiệu trưởng Đại Học al-Azhar mà người Hồi giáo coi như là trung tâm Thần Học Hồi giáo Sunni cao nhất, nói: “Tất cả mọi người Ai Cập đều bị buộc phải quyết liệt chống lại âm mưu tà ác này” và tham gia cùng “anh em Coptic của chúng ta trong ngày kỷ niệm Giáng Sinh của Chúa Kitô”.

Ngày 29 tháng 12, các tay súng đi trên những chiếc xe gắn máy đã tấn công một nhà thờ Chính thống Coptic ở Helwan, một quận có 640,000 thuộc ngoại ô Cairo, khiến 10 người thiệt mạng, trong đó có các nhân viên an ninh. Các phương tiện truyền thông nhà nước Ai Cập báo cáo rằng một tay súng đã bị các lực lượng an ninh giết chết trong một cuộc đọ súng, trong khi một người khác đã bị bắt.

Cùng ngày, hai người Kitô giáo Coptic lại bị giết chết trong một vụ tấn công ngay tại cửa hàng của họ ở Helwan. Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính thống Coptic, đã ra tuyên bố lên án các thành phần cực đoan Hồi Giáo đã gây ra các vụ việc đau đớn này là “hèn nhát” và “phản bội” lại tiến trình xây dựng xã hội.

Ngài nói thêm: “Tôi gởi lời chia buồn đến gia đình các Kitô hữu và thân quyến các cảnh sát viên thiệt mạng, Giáo Hội và người dân Ai Cập vẫn sẽ mạnh mẽ và có khả năng đánh bại các thế lực vô cảm, tối tăm, bạo lực, và không có lương tâm.”
 
Đức Hồng Y Kurt Koch ca ngợi đức tin của anh chị em tín hữu Ai Cập
Đặng Tự Do
16:00 02/01/2018
Phản ứng trước hai vụ tấn công trong ngày 29 tháng 12 tại quận Helwan, thuộc ngoại ô thủ đô Cairo, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Kitô hữu đã lên tiếng ca ngợi các tín hữu Kitô Ai Cập.

Ngài nói: “Chọn lựa thực hành đức tin trong hoàn cảnh liên tục bị bách hại và khủng bố là một dấu chỉ cho thấy Kitô hữu có thể ban cho thế giới là một đức tin vĩ đại, một sự lựa chọn để sống cuộc sống mình trong mầu nhiệm Chúa Kitô.”

Ngài nói thêm rằng “chúng ta có thể học được nhiều điều từ các tín hữu này.”

Chữ “Coptic” là tiếng Hy Lạp xưa có nghĩa là “Ai Cập”.

Những người Coptic ngày nay là dòng dõi người Ai Cập đã được đề cập trong bài trích sách Xuất Hành mô tả câu chuyện ông Môisê đưa dân ra khỏi Ai Cập. Họ là dòng dõi của dân tộc do các vua Pharaon lãnh đạo. Trong tổng số 95 triệu dân Ai Cập ngày nay, họ chiếm 10%. 90% còn lại là những người ngoại bang, là những người Ả rập tràn vào Ai Cập theo cơn lũ của những cuộc thánh chiến Hồi Giáo do Muhammad gây ra.

Các Kitô hữu Coptic vẫn còn sống bên trong lãnh thổ Ai Cập thường bị công khai phân biệt đối xử và chính phủ nước này chủ yếu là do người Hồi giáo nắm giữ thường xuyên bị chỉ trích vì đã làm ngơ trước cảnh ngộ của họ. Vì thế, từ thời Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12, tình cảnh của các Kitô hữu Coptic luôn là một mối âu lo của các triều Giáo Hoàng.
 
Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani Thorne: Đức Thánh Cha sẽ thấy một đức tin sống động tại Peru
Đặng Tự Do
17:10 02/01/2018
Trước thềm chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Chí Lợi và Peru, Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani Thorne là Tổng Giám Mục thủ đô Peru đã viếng thăm Rôma, và gặp Đức Giáo Hoàng trong một cuộc trò chuyện tập trung chủ yếu vào chuyến viếng thăm sắp tới của ngài tại quốc gia này.

Nói với các phóng viên sau cuộc gặp gỡ này, Đức Tổng Giám Mục nói rằng vị Giám mục Rôma sẽ thấy tại Peru một đức tin sống động với “những biểu hiện của lòng đạo đức bình dân”.

Đức Hồng Y cho biết Châu Mỹ Latinh và đặc biệt Peru vẫn duy trì được một nền văn hoá Kitô vững vàng, nơi các giá trị truyền thống về hôn nhân và gia đình đặc biệt được xiển dương trong quảng đại quần chúng.

Peru là một quốc gia Công Giáo, và trong khi các hình thức hôn nhân truyền thống và đời sống gia đình bị đe doạ bởi các hệ tư tưởng thế tục ngày càng tăng lên, như người ta vẫn thường thấy tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác ở châu Âu, việc bảo vệ hôn nhân tại Peru mạnh hơn rất nhiều.

Đất nước này cũng có truyền thống kháng cự quyết liệt đối với vấn đề phá thai, với khoảng 89% dân số ủng hộ cho chính nghĩa phò sinh.

Vì lý do này, Đức Hồng Y Cipriani nói ngài tin rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng là một cơ hội để thế giới nhìn vào châu Mỹ Latinh và học hỏi từ tấm gương đức tin của họ.

Niềm tin này được thể hiện ở Peru thông qua các hình thức của lòng đạo đức bình dân một cách đa dạng và đầy màu sắc như rước lễ, cầu nguyện trong gia đình, và nơi công cộng. Trong số những lễ hội lớn nhất trong năm, cần phải kể đến các cuộc rước vào ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa và một ngày lễ khác rất đặc biệt của Peru là lễ Chúa Ban Nhiều Phép lạ.

Đức Hồng Y nói, “Lòng đạo đức bình dân nổi tiếng cuả Peru sẽ khích lệ Đức Thánh Cha Phanxicô rất nhiều vì ngài sẽ nhìn thấy ở mọi nơi”

Đức Hồng Y cho biết thêm:

“Đất nước này rất đa dạng, về địa lý, và sắc tộc, vì vậy thực tế va chạm của các giám mục Peru dọc bờ biển, trên núi, hoặc trong rừng rất khác nhau. Với 50 giám mục đại diện cho những khu vực rất khác biệt này, cố gắng kết hợp tất cả mọi thứ vào một cuộc họp thường không phải là dễ dàng”.

Tại Peru, có những giáo phận chỉ có 100,000 dân, trong khi những nơi khác, như tại Lima, có 10 triệu người. Một số vùng rất phát triển, trong khi tại một số khu vực khác người dân sống “nghèo đói cùng cực”.
 
Liên Hiệp quốc và các quốc gia kỳ vọng Tòa Thánh La mã sẽ lãnh đạo vấn đề di dân và người tị nạn
Thanh Quảng sdb
18:12 02/01/2018
Liên Hiệp quốc và các quốc gia kỳ vọng Tòa Thánh La mã sẽ lãnh đạo vấn đề di dân và người tị nạn

Cha Michael Czerny nhấn mạnh tầm quan trọng của Thông điệp Ngày Hòa bình của Đức Giáo Hoàng để chuẩn bị cho các tiểu ban Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và di dân
Các quyền của người tỵ nạn và người nhập cư sẽ được chú trọng trong năm 2018 khi LHQ hoạt động hướng tới việc thông qua hai hiệp định hoặc 'thỏa hiệp' cho toàn cầu, nhằm đáp ứng số người di cư đông đảo nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai tới nay.
Trong thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới ngày 1 tháng 1 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến người tị nạn và nhập cư và ngài nêu lý do tại sao có nhiều người phải bỏ nước ra đi và phản ứng của chúng ta là gì.
Trong khi các chính phủ và cộng đồng tìm cách đối phó với một số lượng đông đảo những người di cư vì những xung đột hoặc đói khổ, Đức Thánh Cha nói điều quan trọng là phải tìm ra các giải pháp sáng tạo, sâu sắc và nhân đạo hơn là tạo thêm sợ hãi cho những người di cư, do đó "tạo thêm bạo lực, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại!"
Cha Michael Czerny là thư ký của văn phòng Người di cư và tị nạn tại Vatican cho hay về việc tăng nhân sự. Cha cũng cho hay tầm quan trọng của Thông điệp Ngày Hòa bình 2018 - là những điểm dấn quan trọng trong lĩnh vực cấp thiết này của quốc tế ...
Cha Michael cho hay “Thông điệp cho thấy người di cư và người tị nạn không chỉ là những người gặp khó khăn, những người cần được giúp đỡ mà còn là những "con người hòa bình, đóng góp cho hòa bình và xây dựng hòa bình".
Mặc dù bức Thông điệp được xuất bản vào tháng 11/2017 nhưng cha cho hay "cuộc đối thoại với các chính phủ chỉ mới bắt đầu" khi các chính trị gia nhận được bản văn vào đầu năm nay và khi Đức Thánh Cha trình bày Thông điệp này trong cuộc họp quan trọng với các thành viên của ngoại giao đoàn.
Cha Michael ghi nhận nhiều mối quan tâm của Tòa Thánh được đánh giá cao ở cấp độ quốc tế bởi tất cả những người chuẩn bị về hai chủ đề người di cư và người tị nạn cho Liên Hợp Quốc.
Sứ điệp của Vatican tại New York và Geneva sẽ được tích cực đưa vào nghị trình các cuộc thương thảo và cha lưu ý rằng: "Điều làm cho ngài hài lòng nhất là thấy nhiều quốc gia và nhiều tổ chức mong đợi Tòa Thánh sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này".
Văn phòng của cha Michael đã làm việc với các tổ chức tị nạn Công Giáo lớn và với các Hội đồng Giám mục để khai triển 20 điểm hoạt động, đây là "một kế hoạch mục vụ" và "là nền tảng cho các cuộc đàm phán". Cha nói các điểm này đã được đệ trình lên LHQ về người di cư và tị nạn. Các đệ trình này đã được "đón nhận cách nồng nhiệt" vì "những đóng góp xuất sắc của chúng cho các tiến trình tị nạn và di dân".
Cha Michael nhấn mạnh "vai trò của chúng ta không phải là tranh luận", nhưng phải thể hiện những hành động tích cực, làm cho các chính phủ thấy rằng tuy với sự đầu tư ít hơn nhưng giầu thiện chí, họ sẽ thu gặt được nhiều hoa trái hơn họ tưởng".
Cha Michael trưng dẫn "những câu chuyện thương tâm" của những làng xã đã bị bỏ hoang nay người di dân đã giúp xây dựng lại, tạo nên một nền nông nghiệp thịnh vượng, làm gia tăng việc buôn bán thương mại, vực dậy ngành du lịch, và tái sinh cuộc sống gia đình với nhiều trường học được khai giảng và giáo hội phát triển. Cha kết luận "Cuộc sống mới đang khai mở, nếu các bạn sẵn sàng chia sẻ những gì có thể thì chắc chắn nhiều tiềm năng mới sẽ được trổ sinh".
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Ai hôn kính bàn thờ khi đọc chung Giờ Kinh Phụng Vụ?
Nguyễn Trọng Đa
10:14 02/01/2018

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Theo Sách Lễ Nghi Giám mục (Caeremoniale Episcoporum, The Ceremonial of Bishops), số 73, “khi cử hành Kinh Sáng và Kinh Chiều mà Giám Mục chủ sự một cách long trọng, thì Giám mục hôn bàn thờ lúc đầu, và tùy tiện cả lúc cuối” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Còn chuyên viên phụng vụ Peter Elliott mở rộng sự hôn kính bàn thờ cho tất cả các linh mục và thầy phó tế. Liệu điều này là đúng không? - T. S., Aberdeen, Scotland.


Đáp: Điều Đức Giám Mục Peter Elliott nói trong tác phẩm quan trọng của ngài “Các buổi lễ của Nghi lễ Rôma hiện đại” (Ceremonies of the Modern Roman Rite) là như sau, khi nói về việc đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ:

"... Khi hôn kính bàn thờ theo truyền thống, vị chủ sự và phó tế hoặc các linh mục phụ giúp ngài tiến tới bàn thờ và hôn kính bàn thờ. Sau đó, các ngài về ghế chủ tọa".

Tôi đồng ý với Đức Cha Elliott rằng đây là cách thức chính xác. Ngoài ra, mặc dù ngài không giải quyết vấn đề như vậy, nhưng tôi cũng có thể nói rằng sự việc cũng là tương tự, nếu một phó tế chủ sự Giờ Kinh chiều khi không có linh mục.

Lý do cho sự nghi ngờ khả dĩ chính là sự thiếu sót của các chỉ dẫn rõ ràng về phần đầu của Thần vụ trong chương 5 của Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 254-266.

Sự khó khăn của việc thiếu chính xác cũng có mặt trong ấn bản đầu tiên của Sách Lễ mới.

Trong thực tế, các mô tả chi tiết được tìm thấy trong Sách Lễ nghi Giám mục là một nỗ lực để khắc phục điều này, và tìm ra một cách trung gian giữa các chữ đỏ tỉ mỉ của hình thức ngoại thường và các điều tổng quát quá chung chung của các sách phụng vụ mới đây.

Bằng cách này, Sách Lễ nghi Giám mục, trong khi vẫn duy trì đặc tính chính của nó như là một quyển sách dành cho các Giám mục, cũng cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho các linh mục, trong các trường hợp nghi ngờ không rõ ràng trong các sách khác.

Điều này không phải lúc nào cũng được đánh giá cao. Nhiều năm trước đây, tôi có vinh dự tiếp cận một tài liệu từ kho lưu trữ của cuộc thảo luận, xung quanh việc soạn thảo và phê chuẩn Sách Lễ nghi Giám mục, trong thập niên 1970. Một Giám mục đã phê bình cuốn sách này như làm gợi lại một não trạng tiền Công đồng Vatican II, trong khi Hồng Y Tổng giám mục của Tổng giáo phận Krakow, Karol Wojtyla (sau là Giáo hoàng Gioan Phaolô II), đã bênh vực cuốn sách như một tài liệu cần thiết, vì đã có nhiều nhầm lẫn về các chủ đề này trước đó.

Do chức năng làm sáng tỏ của Sách Lễ nghi Giám mục, nó được sử dụng rộng rãi bởi các chuyên viên phụng vụ, để giải quyết các câu hỏi chưa được trả lời trong các nguồn khác. Điều này, tôi đoán chừng, là lý do tại sao Giám mục Elliott đề xuất tính hợp pháp của việc mở rộng các quy chế của các Giám mục cho các linh mục. Như tôi đã đề cập, tôi đồng ý về điểm này.

Ấn bản gần đây nhất của Sách Lễ Rôma có các chữ đỏ rõ ràng hơn, và do đó là nguồn chính liên quan đến Thánh Lễ. Trong các trường hợp mà ở đó các quy chế của Sách Lễ là không khác mấy so với Sách Lễ nghi Giám mục, Sách Lễ có quyền ưu tiên, ngoại trừ khi liên quan đến điều gì vốn là chỉ dành riêng cho Giám mục.

Thí dụ, sau khi xuất bản Sách Lễ nghi Giám mục, nhiều linh mục vẫn ngồi trong khi bỏ hương vào tàu hương, và chúc lành cho cho phó tế, như được nêu rõ trong Sách Lễ nghi Giám mục. Sách Lễ không nói gì về điểm này.

Tuy nhiên, theo truyền thống, chỉ có vị Giám mục ngồi trong khi thực hiện một số nghi thức, và do đó ấn bản thứ ba của Sách Lễ đã gián tiếp nói rõ rằng các linh mục có thể giữ các chức năng này.

Sách Lễ nói hai lần như thế:

"131. Tiếp đến mọi người đứng dậy và hát Alleluia, hoặc bài ca nào khác, tùy mùa phụng vụ đòi hỏi (x. các số 62-64)…

"212. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, các vị đồng tế vẫn ở tại chỗ, ngồi hoặc đứng theo vị chủ tế. Khi Alleluia bắt đầu hát, tất cả mọi người đứng dậy, ngoại trừ Đức Giám Mục, Ngài ngồi và bỏ hương vào tàu hương, mà không nói gì, và chúc lành cho phó tế, hoặc, nếu không có phó tế, cho vị linh mục đồng tế sắp công bố bài Tin Mừng. Tuy nhiên, trong một Thánh lễ đồng tế mà một linh mục làm chủ tế, một vị đồng tế, khi không có phó tế ở đó, sẽ công bố bài Tin Mừng, và vị này không xin và cũng không nhận lời chúc lành của vị chủ tế" (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Do cụm từ "mọi người đứng dậy" có nghĩa là tất cả mọi người có mặt ở đó, và rằng ngoại lệ được đề cập đến về vị Giám Mục là một trong số rất ít lần đặc biệt cho Giám mục được đề cập trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), tôi đoán rằng đây là một sự làm tỏ rõ có chủ ý về tư thế riêng của vị linh mục tại thời điểm ấy. Nếu nó được nhắm cho việc linh mục vẫn ngồi, số 131 sẽ nêu ra ra nó.

Đối với việc đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Sách Lễ nghi Giám mục vẫn có giá trị thiết yếu, vì có rất ít sự làm sáng tỏ cho các khía cạnh nghi thức, kể từ khi công bố Sách này. (Zenit.org 2-1-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 02/01/2018: Cuộc chiến chống Satan của Đức Giáo Hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:13 02/01/2018



1. Trong 5 năm qua, Đức Phanxicô đã đề cập đến Satan nhiều hơn tất cả các vị Giáo Hoàng trong nửa thế kỷ qua

Trong bài “The Pope’s fight against Satan” – “Cuộc chiến chống Satan của Đức Giáo Hoàng”, ký giả Andrea Tornielli của tờ Vatican Insider đưa ra một tổng kết theo đó trong 5 năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời cảnh cáo về Satan nhiều lần hơn tổng số những lần tất cả các vị tiền nhiệm của ngài đã làm như vậy trong nửa thế kỷ qua.

Đối với Đức Giáo Hoàng Bergoglio, ma quỷ và khả năng chia rẽ của nó là những chủ đề phổ biến trong bài giảng hàng ngày của ngài. Đây là những lời rao giảng “ngược dòng”, bởi vì từ lâu ma quỷ xem ra đã vắng bóng một cách lạ lùng trong bài giảng của nhiều giáo sĩ tại Ý và trên thế giới.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dưới đây là một vài trích đoạn trong các lời giảng dạy của ngài đã được giới thiệu trong các chương trình của VietCatholic.

Lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ma quỷ là với một nhóm các linh mục dòng Tên trong chuyến đi gần đây của ngài đến Miến Điện. Trong khi đề cập đến những người Hồi Giáo Rohingya và nói chung về những người tị nạn, ngài nói, “Hôm nay có rất nhiều cuộc thảo luận về cách cứu các ngân hàng.... Nhưng hôm nay có ai màng tới việc cứu lấy nhân phẩm của những người nam nữ trong thế giới này không? Không còn ai quan tâm đến những người bất hạnh nữa. Ma quỷ đã rất thành công về khía cạnh này trong thế giới ngày nay”.

Trong bài giảng đầu tiên của ngài trong thánh lễ đồng tế với các Hồng Y tại nhà nguyện Sistina sau cuộc bầu cử, vào ngày 14 tháng 3 năm 2013, Đức Bergoglio, sau khi trích dẫn một cụm từ của Léon Bloy, đã khẳng định: “Khi một người không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì người ấy tuyên xưng tinh thần thế gian của ma quỷ”. Ngày hôm sau, trong một cuộc gặp gỡ với các Hồng Y tại điện Clementê, vị tân Giáo Hoàng, không đọc bài phát biểu dọn sẵn, nhưng ứng khẩu nói: “Chúng ta đừng bao giờ để mình rơi vào tình trạng bi quan, hay cay đắng là những điều ma quỷ đưa đến cho chúng ta hàng ngày”.

Phát biểu với các Hiến Binh Vatican vào ngày 28 tháng 9 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng “ma quỷ tìm cách tạo ra một cuộc nội chiến, một loại nội chiến tâm linh”.

Trong bài giảng thánh lễ sáng 14 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình đã mời gọi chúng ta đừng nhầm lẫn sự hiện diện của ma quỷ với bệnh tâm thần. Ngài nói: “Đừng coi thường! Sự hiện diện của ma quỷ đã được nhắc đến ngay trên trang đầu tiên của Kinh Thánh”

Vào ngày 29 tháng 9 năm 2014, trong một bài giảng khác tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Bergoglio giải thích rằng “Satan là kẻ thù của loài người. Nó rất tinh ranh quỷ quyệt: trang đầu tiên của Sách Sáng Thế nói với chúng ta như vậy, nó là kẻ đa mưu túc kế. Nó trình bày mọi thứ như thể rất là tốt. Nhưng ý định của nó là phá hủy, có lẽ với ‘những lời giải thích rất là nhân bản’”.

Ngày 3 tháng 10 năm 2015, khi nói chuyện với các Hiến Binh Vatican, Đức Phanxicô đã nhắc nhớ rằng “Satan là một kẻ dụ dỗ, nó gieo những nguy hiểm tiềm ẩn và dụ dỗ với đầy sự quyến rũ, và sự quyến rũ ma quỷ này khiến anh em tin mọi thứ. Nó biết cách làm thế nào để rao bán thật quyến rũ, nó bán rất chạy, và cuối cùng người ta phải trả giá rất cao!”

Ngày 12 tháng 9 năm 2016, trong thánh lễ buổi sáng, Đức Thánh Cha đã giải thích rằng “ma quỷ có hai vũ khí rất mạnh để tiêu diệt Giáo hội: đó là chia rẽ và tiền bạc... ma quỷ gieo trong lòng người sự ghen tương, tham vọng, và các ý tưởng chia rẽ hay tham lam. Nó gieo vào lòng người một cuộc chiến bẩn thỉu, gây ra chia rẽ như chủ nghĩa khủng bố”.

Ngày 13 tháng 10 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả “Ma quỷ từ từ thay đổi các tiêu chí của chúng ta để dẫn chúng ta đến tinh thần thế gian. Nó ngụy trang cách hành động của chúng ta mà chúng ta rất khó nhận thấy.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Và chúng ta không thể không nhớ những lời mà Đức Giáo Hoàng đã nói trong cuộc phỏng vấn với Don Marco Pozza của đài TV2000 về Kinh Lạy Cha. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng ma quỷ là “một hữu thể” và chúng ta “đừng bao giờ nói chuyện với Satan” bởi vì “nó thông minh hơn chúng ta”.

2. Kinh truyền tin lễ thánh Stephanô tử đạo

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 26-12, lễ thánh Stephano tử đạo, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tín thác nơi Chúa Cha và yêu thương tha nhân.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự tham dự của hai mươi ngàn người, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Thánh Stephano bị cáo buộc là đã rao giảng việc phá hủy đền thờ Jerusalem. Họ buộc tội thánh nhân là đã quả quyết: “Đức Giêsu người thành Nazareth sẽ phá hủy Đền thờ này và sẽ đảo lộn những tập tục mà Môisê đã truyền lại cho chúng ta” (Cv 6,14).

Đức Thánh Cha nói:

“Quả thực, sứ điệp của Chúa Giêsu gây khó chịu và làm cho chúng ta không thoải mái, vì sứ điệp ấy thách thức giới cầm quyền tôn giáo trần tục và khiêu khích các lương tâm. Sau khi Chúa đến, điều cần là hoán cải, thay đổi não trạng, từ bỏ lối tư duy như trước. Thánh Stephano đã trung thành với sứ điệp của Chúa Giêsu cho đến chết”.

Đức Thánh Cha phân tích thái độ của thánh Stephano khi bị hành hình. Những lời cuối Người thốt lên là “Lạy Chúa Giêsu, con xin phó linh hồn con cho Chúa” và “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 7,59-6), những lời này phản ứng trung thực những lời của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) và “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc họ làm” (v.34).

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Thánh Stephano đã có thể nói những lời ấy chỉ vì Con Thiên Chúa đã đến trên trần thế, chịu chết và sống lại vì chúng ta. Trước những biến cố ấy, những thành ngữ như vậy là điều không thể tưởng tượng được về phương diện con người”.

Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu: “Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian và hòa giải chúng ta không những với Chúa Cha, nhưng cả giữa chúng ta với nhau nữa. Người là nguồn mạch tình yêu thương, mở ra cho chúng ta sự hiệp thông với anh chị em, loại bỏ mọi xung đột và oán hận. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu, đã sinh ra vì chúng ta, giúp chúng ta đảm nhận hai thái độ: tín thác nơi Chúa Cha, và yêu thương tha nhân; đó là thái độ biến đổi cuộc sống và làm cho nó trở nên đẹp đẽ và phong phú hơn”.

3. Ðón nhận Chúa Giêsu là món quà vĩ đại của Thiên Chúa để trở thành quà cho tha nhân.

Chúa Giêsu giáng sinh là món quà vĩ đại nhất Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta, để tới lượt mình chúng ta cũng trở thành món quà cho người khác, trước hết là cho những người đã không bao giờ sống kinh nghiệm được chú ý, được đối xử dịu dàng, được một cái vuốt ve trìu mến. Giáng Sinh thôi thúc chúng ta làm điều đó.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến cuối cùng trong năm 2017 tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục sáng thứ Tư 27 tháng 12 năm 2017.

Vì đang trong mùa Giáng Sinh nên trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh. Ngài nói: Việc làm hang đá máng cỏ và nhất là phụng vụ với các bài đọc kinh thánh và các thánh ca truyền thống làm cho chúng ta sống “phút hiện tại” của kinh nghiệm “Chúa Kitô Ðấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta” (Lc 2,11).

Ðề cập tới khuynh hướng làm sai lạc bản chất của lễ Giáng Sinh Ðức Thánh Cha nói:

Trong thời đại hiện nay của chúng ta, nhất là tại Âu châu, chúng ta đang chứng kiến một mưu toan “làm sai lạc bản chất” của lễ Giáng Sinh: nhân danh một sự tôn trọng sai lầm đối với những người không kitô, mà thực chất là nhằm che dấu ý muốn gạt bỏ niềm tin, người ta loại trừ khỏi ngày lễ mọi quy chiếu đến việc Chúa Giêsu giáng trần.

Nhưng trên thực tế biến cố này là lễ Giáng Sinh! Không có Chúa Giêsu, thì không có lễ Giáng Sinh; đó là một lễ khác, nhưng không phải là lễ Giáng Sinh. Và nếu ở trung tâm của ngày lễ này không có Chúa Giêsu, thì khi đó tất cả những gì chung quanh, các ánh sáng, tiếng động, các truyền thống địa phương khác nhau, cũng như các thực phẩm đặc biệt, tất cả nhằm tạo ra bầu khí của ngày lễ sẽ không ý nghĩa gì nữa. Nếu chúng ta lấy Ngài đi, thì ánh sáng tắt ngấm, và tất cả trở thành giả tạo, bề ngoài.

Qua việc loan báo của Giáo Hội, cũng như các mục đồng trong Phúc Âm (Lc 2,9), chúng ta được hướng dẫn kiếm tìm ra ánh áng thật, ánh sáng của Chúa Giêsu. Khi xuống thế làm người như chúng ta, Ngài tỏ mình ra cho chúng ta trong một cách thế đáng kinh ngạc. Chúa Giêsu được sinh ra bởi một thiếu nữ nghèo vô danh, và chào đời trong một hang bò lừa, chỉ với sự trợ giúp của thánh Giuse. Thế giới không nhận thấy gì cả, nhưng trên trời các thiên thần đàn ca vui mừng! Và cả ngày nay nữa, Con Thiên Chúa cũng tự tỏ mình ra cho chúng ta như thế. Ngài là món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại đắm chìm trong bóng tối và trong giấc ngủ say (Is 9,1). Cả ngày nay, chúng ta cũng chứng kiến sự kiện nhân loại thường ưa thích bóng tối, bởi vì nó biết rằng ánh sáng sẽ vén mở tất cả các hành động và tư tưởng khiến cho lương tâm phải đỏ mặt hay cắn rứt. Như thế, nó ưa thích ở lại trong bóng tối để không làm xáo trộn các thói quen sai lạc của mình.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Như vậy, chúng ta có thể tự hỏi: tiếp nhận Chúa Giêsu là hồng ân của Thiên Chúa có nghĩa là gì? Như chính Ngài đã dậy chúng ta với cuộc sống của Ngài, nó có nghĩa là mỗi ngày trở thành món quà được trao tặng một cách nhưng không cho những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Ðó là lý do tại sao trong dịp lễ Giáng Sinh người ta trao đổi quà tặng. Quà tặng đích thực đối với chúng ta là Chúa Giêsu, và như Ngài chúng ta muốn là quà tặng cho tha nhân. Chúng ta muốn là quà tặng cho người khác, chúng ta trao đổi quà tặng, như dấu chỉ, như dấu hiệu của thái độ mà Chúa Giêsu dậy chúng ta: Ngài đã được Thiên Chúa Cha gửi tới, đã là quà tặng cho chúng ta, và chúng ta là quà tặng cho tha nhân.

Thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta một chìa khoá đọc hiểu tổng hợp, khi ngài viết cho Titô - đoạn này của thánh Phaolô rất hay - “Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện, đem ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người và dậy chúng ta sống trong thế giới này với sự thanh đạm, công chính và đạo hạnh” (Tt 2,11-12). Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện nơi Ðức Giêsu, là gương mặt của Thiên Chúa, mà Trinh Nữ Maria đã cho chào đời như mọi trẻ em của thế giới này, nhưng Ngài không đến từ “trái đất”, mà đến “từ Trời”, từ Thiên Chúa.

Ðức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Trong cách thế này, với biến cố nhập thể của Người Con, Thiên Chúa đã mở ra cho chúng ta con đường của cuộc sống mới, không dựa trên ích kỷ nhưng trên tình yêu. Biến cố Chúa Giêsu giáng trần là cử chỉ tình yêu lớn lao nhất của Thiên Chúa Cha trên Trời của chúng ta.

Và có một khiá cạnh quan trọng sau cùng nữa: trong lễ Giáng Sinh chúng ta có thể trông thấy lịch sử nhân loại, là lịch sử Thiên Chúa viếng thăm con người. Thiên Chúa mời gọi những kẻ bị gạt bỏ ngoài lề xã hội đến với Ngài trước hết, họ là những người đầu tiên nhận được món quà của Ngài, nghĩa là - món quà - ơn cứu rỗi Chúa Giêsu đem đến. Với những người bé mọn và bị khinh miệt Chúa Giêsu thiết lập một tình bạn tiếp tục trong thời gian, và nuôi dưỡng niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. “Một ánh sáng lớn xuất hiện” (Lc 2,9-12) cho những người này được đại diện bởi các mục đồng Bếtlêhem: họ bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bị nghi ngờ, khinh bỉ, nhưng tin vui lớn lao xuất hiện cho họ trước tiên. Với những người này, được đại diện bởi các mục đồng Bếtlêhem, một ánh sáng lớn xuất hiện, dẫn đưa họ thẳng tới Chúa Giêsu. Với họ, trong mọi thời đại Thiên Chúa muốn xây dựng một thế giới mới, một thế giới trong đó không có những người bị khước từ, đối xử tàn tệ và nghèo túng.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến trong các ngày này chúng ta hãy mở rộng tâm trí đón nhận ân sủng này. Chúa Giêsu là món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta và nếu chúng ta tiếp nhận Ngài, chúng ta cũng có thể trở thành món quà cho tha nhân - là món quà của Thiên Chúa cho người khác - trước hết cho những người đã không bao giờ sống kinh nghiệm được chú ý, được đối xử dịu dàng, được một cái vuốt ve trìu mến. Lễ Giáng Sinh thúc đẩy chúng ta làm điều đó. Như thế, Chúa Giêsu còn đến sinh ra trong cuộc sống của từng người trong chúng ta, và qua chúng ta Ngài tiếp tục là món quà cứu độ cho những người bé nhỏ và bị loại trừ.

4. Câu chuyện thánh Stêphanô tử đạo

Chỉ một ngày sau lễ Giáng Sinh, Phụng Vụ Công Giáo mừng kính thánh Stêphanô tử đạo. Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.

Bài trích sách Tông Ðồ Công Vụ tường thuật với chúng ta cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô như sau:

Trong những ngày đó, ông Stêphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân.

Bấy giờ, có nhóm người kia, thuộc Hội đường, mệnh danh là “của những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria”, và những người khác từ xứ Cilicia và Á đông, đã nổi dậy.

Họ tranh luận với ông Stêphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói.

Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông.

Nhưng ông Stêphanô, đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa.

Ông đã nói rằng:

“Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”.

Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông.

Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông.

Và các nhân chứng để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolê.

Rồi họ ném đá ông Stêphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng:

“Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn tôi”.

Thế rồi ông quì gối xuống, lớn tiếng kêu lên rằng:

“Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi nầy”.

Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong lá thư gởi cho các thiếu nhi khắp thế giới vào ngày 3/10/1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xem ra muốn giải thích cho chúng ta cái lý do sâu xa ấy. Ngài viết cho các em thiếu như nhi sau:

“Khi Hài Nhi Giêsu được dâng hiến trong đền thờ giống như bất cứ đứa con trai đầu lòng nào của Israel, một cuộc gặp gỡ phi thường đã diễn ra. Mẹ Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài Nhi Giêsu trên tay và tiên báo như sau: ‘Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa được ra đi bình an theo như lời Chúa hứa, vì chính tôi tớ Chúa đã thấy ơn cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân. Ðó là ánh sáng soi cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài’. Sau đó ông nói với Mẹ Maria: ‘Con Trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, Con Trẻ là dấu hiệu bị người đời chống đối, và chính là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà. Ngõ hầu những ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra’.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này, Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.

Chắc hẳn tất cả chúng con đã biết các biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cha mẹ chúng con, các linh mục, các giáo lý viên và những biến cố ấy, và cùng với toàn thể Giáo Hội, mỗi người trong chúng con sống lại một cách thiêng liêng trong biến cố ấy trong Mùa Giáng Sinh. Như vậy, chúng con đã biết những khía cạnh bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ước gì niềm vui Giáng Sinh củng cố chúng ta trong những cố gắng theo Chúa Giêsu, sẵn sàng đón nhận và đương đầu với những thử thách bách hại mà Thiên Chúa an bài gởi đến cho chúng ta, như Ngài đã loan báo trước: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét”.