Ngày 01-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Bẩy 2/1: Đấng đến sau tôi còn quan trọng hơn tôi – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
03:49 01/01/2021

Video bắt đầu lúc 7g tối giờ Vie75t Nam

Phúc Âm: Jo 1, 19-28

“Có một Ðấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi”

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Ðây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?”

Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”.

Họ liền hỏi: “Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?”

Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”.

“Hay ông là một đấng tiên tri?”

Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?”

Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái.

Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?”

Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết.

Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.

Việc này xảy ra tại Betania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Ðó là Lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:47 01/01/2021

9. Sám hối trong lòng thì ích lợi rất lớn, nếu con bừa bãi thì ích lợi sẽ mất đi.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:51 01/01/2021
24. ĐẬU, KÊ ĐỎ THỐI

Có một nhà đạo học sao chép lại những câu nói của Trình Chu (1) và viết thành văn, lại còn nói với người khác rằng:

- “Văn chương của tôi giống như vải vóc, đậu, kê mà mọi người đều cần”.

Nhà văn học là Dương Thăng Yểm cười nói:

- “Đậu kê đương nhiên là đậu kê, chỉ sợ là năm này qua năm khác cất giữ chung với nhau thì thành màu đỏ thối ăn không được mà thôi !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 24:

Cơm ăn áo mặc là những điều mà con người rất cần đến, văn chương chữ nghĩa con người cũng rất cần, nhưng cũng có người không cần văn chương như cơm ăn áo mặc, nhất là loại văn chương sao chép lại của người khác làm của mình, loại văn chương này không thể so sánh với cơm ăn áo mặc được.

Sao chép những lời của các bậc vĩ nhân thánh hiền để người không có điều kiện được đọc là việc làm rất tốt, nhưng sao chép lại rồi đề tên tác giả là mình to tổ bố bên dưới thì quả là việc làm không đạo đức, lại càng hợm hĩnh hơn khi tuyên bố văn chương sao chép ấy của mình là nhu cầu sống còn của mọi người.

Người Ki-tô hữu có những nhu cầu rất cần thiết cho linh hồn của mình, đó là nhu cầu được cầu nguyện với Thiên Chúa hơn là nhu cầu nói xấu tha nhân; nhu cầu được sống và thực hành Lời Chúa hơn là nhu cầu học thuộc lòng Thánh Kinh mà không thực hành; nhu cầu được tham dự các bí tích để linh hồn được no thỏa trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, hơn là nhu cầu được mọi người ca tụng vì thành quả của mình...

Văn chương sao chép lại của người khác thì ai cũng làm được vì nó quá dễ dàng, nhưng văn chương do từ tim óc mà viết ra thì không phải ai cũng làm được, hai loại khác xa nhau vô cùng, và người Ki-tô hữu thì chắc chắn là không có nhu cầu lấy văn chương của người khác làm của mình, bởi vì khi làm như thế thì họ đang bôi đen ý nghĩa chữ Ki-tô hữu trên con người của họ, mà ý nghĩa của chữ Ki-tô hữu không phải là người-môn-đệ-của- Đức Chúa Giê-su hay sao?

(1) Tức là Trình Di, Chu Hy đều là những đại sư nổi tiếng đời nhà Tống, đề xướng ra thuyết giáo “tồn thiên lý, diệt nhân dục”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Chúa Hiển Linh (B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:53 01/01/2021
CHÚA NHẬT

LỄ CHÚA HIỂN LINH


Tin mừng: Mt 2, 1-12.

“Từ phương Đông chúng tôi đến thờ lạy Ngài.”


Bạn thân mến,

Đã có ít là một lần trong cuộc sống, người ta hỏi bạn Thiên Chúa ở đâu bạn không thấy sao lại tin vào Ngài ! Và tôi tin chắc rằng bạn sẽ có hai thái độ khi nghe câu hỏi ấy: một là tránh né nói qua loa vài câu cho chiếu lệ, hai là tận tình bày tỏ niềm tin của mình vào Thiên Chúa.

Ba nhà chiêm tinh ở phương đông xa vời cũng đã hỏi những người dân thành Giê-ru-sa-lem như thế: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài xuất hiện ở phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài.” Một câu hỏi đã đánh thức niềm mong đợi Đấng Mes-si-a của dân Do Thái, một câu hỏi đã làm cho các thượng tế phải lần giở sách Thánh Kinh ra để đọc lại, một câu hỏi đã làm cho vua Hê-rô-đê bối rối lo sợ và bất an trong tâm hồn.

Người ta không nhìn thấy Thiên Chúa nên mới hỏi chúng ta, họ hỏi chúng ta vì chúng ta tin vào sự hiện hữu và tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Người ta hỏi chúng ta về Đức Chúa Giê-su vì họ không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt, nhưng họ chỉ nhìn thấy niềm tin của bạn và tôi nói riêng, và của toàn thể người Ki-tô hữu nói chung; họ thấy niềm tin mãnh liệt của chúng ta vào Đức Chúa Giê-su khi chúng ta xả thân phục vụ tha nhân; họ nhìn thấy niềm tin vào Đức Chúa Giê-su của chúng ta, khi chúng ta hết lòng yêu thương tha nhân như chính mình; và nhất là họ nhìn thấy chúng ta biết tha thứ cho tha nhân khi họ xúc phạm đến mình.

Bạn thân mến,

Ngày lễ Hiển Linh là một cơ hội để bạn và tôi suy nghĩ lại niềm tin của mình vào Đức Chúa Giê-su, là dịp để bạn và tôi coi lại cuộc sống của mình có phù hợp với tinh thần sứ mệnh mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu bí tích Rửa Tội hay không, sứ mệnh đó chính là đem Chúa đến cho mọi người, tức là truyền giáo vậy.

Không phải chỉ có ba nhà chiêm tinh hỏi dân thành Giê-ru-sa-lem mà thôi, nhưng ngày hôm nay vẫn còn có nhiều người sẽ hỏi bạn và tôi về Thiên Chúa, về Đức Chúa Giê-su là ai, Ngài là Đấng nào mà bạn và tôi sẽ sống chết cho niềm tin vào tình yêu của Ngài. Đó là dịp để bạn và tôi sống và làm chứng cho Phúc Âm vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tìm gặp Thiên Chúa giữa lòng đời
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
19:57 01/01/2021


Tìm gặp Thiên Chúa giữa lòng đời
(Suy niệm Tin mừng Mat-thêu (Mt 2, 1-12) trích đọc vào Lễ Hiển linh)

Theo ánh sáng của ngôi sao lạ, ba nhà chiêm tinh đã tìm đến cung điện của vua Hê-rô-đê để thờ lạy kính bái, vì nghĩ rằng nếu có vị vua mới sinh thì ắt vua đó phải sinh ra nơi cung vàng điện ngọc, nơi chốn cao sang. Nhưng thực ra không phải thế. Khi ba vị đến gặp vua Hê-rô-đê và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài" thì vua Hê-rô-đê hết sức ngạc nhiên và bối rối vì không hay biết gì về sự việc này (Mt 2, 2).
Bấy giờ "nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô có thể sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 4-6).

Thật bất ngờ, Chúa Cứu Thế không sinh ra trong cung vàng điện ngọc mà lại sinh ra nơi quê mùa heo hút, tại Bê-lem là phần đất nhỏ bé của miền Giu-đa.
Như thế, nhờ ánh sáng từ Kinh thánh soi chiếu mà vua Hê-rô-đê, cả triều thần của vua cũng như ba nhà chiêm tinh biết được nơi Chúa Cứu Thế giáng sinh. Cũng nhờ ánh sáng nầy, ba nhà chiêm tinh tiếp tục đến tận nơi để thờ lạy và dâng lễ vật cho Ngài, tại một nơi nghèo nàn tầm thường mà ba vị không ngờ trước được.

Hôm nay, không có ngôi sao lạ nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa, nhưng chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp ta tìm gặp Ngài. Đó là ánh sáng của Lời Chúa, như lời Thánh Vịnh: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Thánh vịnh 119, câu 105).

Vậy ánh sáng Lời Chúa soi đường cho chúng ta tìm thấy Chúa nơi đâu?
Ở nơi mà không mấy ai ngờ: Ở ngay trong nhà, trong xóm chúng ta. Thật quá bất ngờ!
Ba nhà chiêm tinh ngày xưa ban đầu cứ ngỡ rằng vua mới ra đời ắt phải sinh ra trong cung điện Hê-rô-đê, không ngờ Lời Chúa lại chỉ cho họ tìm gặp Đấng Cứu Thế mới sinh tại một làng quê Bê-lêm hẻo lánh, trong hình hài một trẻ sơ sinh yếu ớt, tại một túp lều nghèo nàn đơn sơ.
Hôm nay cũng thế, ban đầu chúng ta cứ tưởng Chúa chỉ ngự trên chốn trời cao, Chúa chỉ hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, chỉ ngự trong các thánh đường... nào ngờ Chúa cũng hiện diện trong chính gia đình chúng ta, trong thôn xóm nghèo nàn của chúng ta.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi các gia đình đã viết: “Thiên Chúa đồng hoá với con người, với những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người cha, người mẹ, người bạn trăm năm, người con trong gia đình.”
Qua dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng trong Tin mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su tỏ cho thấy những ai cho những người đói khát đầu đường xó chợ một bát cơm thì Chúa nói là họ cho Chúa ăn. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một tấm áo, thì Chúa nói là họ đã cho Ngài mặc. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian thì Chúa nói là họ đã cho Chúa trọ nhà… Nói như thế, Chúa Giê-su tự đồng hoá mình với mọi người chung quanh. Nói khác đi, Chúa Giê-su khẳng định rằng Ngài là một với mỗi người chung quanh; Ta làm gì cho họ là làm cho chính Ngài. (xem Mt 25, 31-46)
Khi chưa nhận biết Đức Giê-su là Thiên Chúa, Sao-lô ra tay bách hại các môn đệ của Ngài dữ dội. Vì thế, ông đã bị quật ngã trên đường Đa-mát và có tiếng Chúa Giê-su vang lên giữa thinh không: “Sao-lô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Phao-lô hết sức kinh hoàng: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Có tiếng từ trời đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 22, 6-9). Chính từ hôm đó, Sao-lô (tức thánh Phao-lô tông đồ) mới giác ngộ rằng các tín hữu cũng chính là Chúa Giê-su, bắt bớ họ là bắt bớ chính Chúa.

Lạy Chúa Giê-su,
Chính những lời Chúa dạy trên đây là ánh sao sáng, còn sáng hơn sao Bê-lem năm xưa, soi sáng cho chúng con biết Chúa đang ở ngay trong gia đình, trong làng xóm của chúng con, để chúng con đến hầu hạ phục vụ và dâng lễ vật cho Chúa.
Lễ vật của chúng con không phải là vàng, nhũ hương và mộc dược nhưng là một tấm áo cho cha, một bát cơm cho mẹ, là sách vở bút mực cho con cái học hành, là sự ân cần săn sóc những người đau khổ chung quanh chúng con.
Chúng con hy vọng Chúa sẽ vui nhận những lễ này và chúc lành cho chúng con.



 
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Hiển Linh 3/1/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
23:36 01/01/2021


BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6

“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.

Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.

Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.

Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13

Đáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa (x. c. 11b).

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.

2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. – Đáp.

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. – Đáp.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Ep 3, 2-3a. 5-6

“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 2, 2

Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 2, 1-12

“Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Đó là lời Chúa.
 
Lời Ca Nguyện Cầu Năm Mới 2/1/2020
Giáo Hội Năm Châu
23:38 01/01/2021

Video bắt đầu lúc 6g chiều 2/1/2021 theo giờ Việt Nam
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giảng của Đức Thánh Cha lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 54 1/1/2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
06:42 01/01/2021


Như chúng tôi đã đưa tin, do bất ngờ bị đau thần kinh tọa gây ra đau đớn và khó khăn trong việc đi lại, Đức Thánh Cha đã không thể chủ tế Thánh Lễ đầu năm lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày hòa bình thế giới lần thứ 54. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ tế thánh lễ thay cho ngài và Đức Hồng Y đã đọc bài giảng sau của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong các bài đọc của phụng vụ hôm nay, nổi bật lên ba động từ được ứng nghiệm nơi Mẹ Thiên Chúa: chúc lành, được sinh ra và tìm kiếm.

Chúc lành. Trong Sách Dân số, đây là cách Chúa yêu cầu các tư tế chúc lành cho dân mình: “Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em’” (Ds 6:23-24). Đó không phải là một lời khích lệ đạo đức, nhưng là một yêu cầu cụ thể. Và điều quan trọng là ngay cả ngày nay các linh mục vẫn chúc lành cho dân Chúa như thế mà không hề mệt mỏi; và cầu xin cho tất cả các tín hữu cũng là những người mang đến những phước lành, nghĩa là họ cũng là những người chúc phúc. Chúa biết rằng chúng ta cần được chúc lành: điều đầu tiên Ngài làm sau khi tạo dựng trời đất là nói tốt về mọi thứ và nói rất tốt về chúng ta. Nhưng giờ đây, với Con Thiên Chúa, chúng ta không chỉ nhận được những lời chúc phúc, mà chính Ngài là một phúc lộc: Chúa Giêsu là phúc lành của Chúa Cha ban cho chúng ta. Thánh Phaolô nói: Chúa Cha đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng “muôn vàn ơn phúc” (Ep 1: 3). Mỗi khi chúng ta mở lòng ra đón nhận Chúa Giêsu, thì phúc lành của Thiên Chúa bước vào đời sống của chúng ta.

Hôm nay, chúng ta mừng Con Thiên Chúa, Đấng tự bản chất là đầy ơn phúc, đến với chúng ta qua Đức Mẹ, được chúc phúc bởi ân sủng. Do đó, Đức Maria mang đến cho chúng ta phúc lộc của Thiên Chúa vì Mẹ ở đâu, thì Chúa Giêsu có mặt ở đó. Vì vậy, chúng ta cần phải chào đón Mẹ, giống như Thánh Êlisabét, là người đã đón Mẹ vào nhà mình và ngay lập tức nhận ra phước lành này, và nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Đây là những lời chúng ta lặp lại trong bài Ave Maria. Khi dành chỗ cho Đức Maria, chúng ta được chúc phúc, nhưng chúng ta cũng học cách chúc lành. Thật vậy, Đức Mẹ dạy rằng phước lành chúng ta nhận được là để trao ban. Mẹ, đấng được chúc phúc, là phúc lành cho tất cả những ai gặp gỡ Mẹ: cho bà Êlisabét, cho đôi tân hôn trong tiệc cưới ở Cana, và cho các Tông đồ trong Nhà Tiệc Ly... Chúng ta cũng được kêu gọi chúc lành, được kêu gọi để nói điều tốt lành nhân danh Chúa. Thế giới đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì nói xấu và nghĩ xấu về người khác, về xã hội, về chính mình. Nhưng những băng hoại từ thói nói xấu sau lưng, làm cho mọi thứ trở nên thoái hóa, trong khi những lời chúc lành tái tạo, mang lại sức mạnh để bắt đầu lại mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban ơn để trở thành những người hân hoan mang ơn lành của Thiên Chúa cho người khác, như Mẹ là người mang ơn phúc đến cho chúng ta.

Được sinh ra là động từ thứ hai. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Con Thiên Chúa “sinh bởi người phụ nữ” (Gl 4: 4). Vắn tắt, điều này cho chúng ta biết một điều tuyệt vời: Chúa đã sinh ra giống như chúng ta. Người không chào đời như một người lớn, mà là một hài nhi; Người không đến thế giới một mình, nhưng đến từ một người phụ nữ, sau chín tháng trong lòng Mẹ, là người mà từ đó Ngài để cho nhân tính của mình được dệt nên. Trái tim của Chúa bắt đầu đập trong Mẹ Maria; Chúa của sự sống đã lấy dưỡng khí từ Đức Mẹ. Kể từ đó, Mẹ Maria đã kết hợp chúng ta với Thiên Chúa, vì trong Mẹ, Thiên Chúa gắn liền với xác thịt chúng ta và không bao giờ lìa khỏi xác thịt ấy nữa. Thánh Phanxicô thích nói thế này: Mẹ “đã làm cho Chúa Thượng trở thành anh trai của chúng ta” (San Bonaventura, Legenda major, 9,3). Mẹ không chỉ là cầu nối giữa chúng ta và Chúa, Mẹ còn hơn thế nữa: Mẹ là con đường mà Chúa đã đi, để đến với chúng ta; và đó là con đường mà chúng ta phải đi, để đến được với Ngài. Qua Mẹ Maria, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa như Ngài muốn, nghĩa là trong sự dịu dàng, thân mật, trong xác thịt. Đúng thế, Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng trừu tượng, Ngài là cụ thể, nhập thể, Ngài được sinh ra bởi một người phụ nữ và lớn lên một cách kiên nhẫn. Phụ nữ biết tính cụ thể kiên nhẫn này: đàn ông chúng ta thường trừu tượng và muốn điều gì đó ngay lập tức; phụ nữ là người cụ thể và biết kiên nhẫn đan những sợi chỉ cuộc đời. Bao nhiêu người phụ nữ, bao nhiêu người mẹ bằng cách này sinh ra và tái sinh cuộc sống, ban cho thế giới một tương lai!

Chúng ta không chào đời để chết, nhưng để tạo ra sự sống. Mẹ Thiên Chúa thánh khiết dạy chúng ta rằng bước đầu tiên để ban sự sống cho những gì xung quanh chúng ta là yêu mến chúng bên trong chúng ta. Tin Mừng hôm nay cho biết Mẹ đã “ghi nhớ mọi sự trong lòng” (x. Lc 2:19). Và chính là từ trái tim mà điều thiện được sinh ra: thật quan trọng biết bao là giữ trái tim trong sạch, giữ gìn đời sống nội tâm, và thực hành cầu nguyện! Điều quan trọng là giáo dục trái tim biết quan tâm, nâng niu con người và vạn vật như thế nào. Mọi thứ bắt đầu từ đây, từ việc chăm sóc cho người khác, cho thế giới, cho tạo vật. Anh chị em không cần phải biết quá nhiều người và quá nhiều thứ nếu chúng ta không quan tâm đến họ. Năm nay, trong khi chúng ta hy vọng về một sự tái sinh và các phương pháp điều trị mới, chúng ta không thể bỏ qua phương dược chữa trị cho các vấn nạn của chúng ta. Bởi vì, ngoài vắc-xin cho cơ thể, chúng ta cần vắc-xin cho tâm hồn: và vắc-xin này là phương dược chữa trị. Sẽ là một năm tốt lành nếu chúng ta biết chăm sóc người khác, như Đức Mẹ đã chăm sóc cho chúng ta.

Và động từ thứ ba là tìm. Phúc âm nói rằng những người chăn cừu “đã tìm thấy Đức Maria, Thánh Giuse và Hài Nhi” (câu 16). Họ không tìm thấy những dấu chỉ phi thường và ngoạn mục, mà là một gia đình đơn giản. Tuy nhiên, ở đó, họ thực sự tìm thấy Chúa, Đấng cao cả trong sự nhỏ bé, đầy sức mạnh trong sự dịu dàng. Nhưng làm thế nào những người chăn cừu tìm thấy dấu hiệu khó thấy này? Họ được một thiên thần kêu gọi. Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy Chúa nếu chúng ta không được ân sủng kêu gọi. Chúng ta không thể tưởng tượng được một vị Chúa như vậy, được sinh ra bởi một người phụ nữ và cách mạng hóa lịch sử bằng sự dịu dàng. Nhưng nhờ ân sủng, chúng ta đã tìm thấy Người. Và chúng ta đã khám phá ra rằng sự tha thứ của Người làm cho chúng ta được tái sinh, sự an ủi của Người thắp lên hy vọng, và sự hiện diện của Người mang lại cho chúng ta một niềm vui không gì có thể cưỡng lại được. Chúng ta đã tìm thấy Chúa, nhưng chúng ta không được để mất dấu Chúa. Thật vậy, Chúa không được tìm thấy một lần cho mãi mãi, nhưng phải được tìm thấy mỗi ngày. Vì thế, Tin Mừng mô tả các mục đồng luôn luôn tìm kiếm, di chuyển: “Họ liền hối hả ra đi, họ tìm thấy, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này, khi ra về, họ vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa” (cc. 16-17,20). Họ không thụ động, bởi vì để chào đón ân sủng, người ta phải tiếp tục tích cực.

Và chúng ta được mời gọi để tìm kiếm điều gì vào đầu năm này? Sẽ rất tuyệt nếu anh chị em dành ra thời gian cho ai đó. Thời gian là của cải mà chúng ta ai cũng đều có, nhưng chúng ta lại ghen tị, vì chúng ta chỉ muốn sử dụng nó cho riêng mình. Chúng ta phải khẩn khoản xin ân sủng để dành ra thời gian: thời gian cho Chúa và cho người lân cận của mình: cho những người cô đơn, cho những người đau khổ, cho những người cần lắng nghe và quan tâm. Nếu chúng ta tìm thấy thời gian để trao ban, chúng ta sẽ ngạc nhiên và hạnh phúc, giống như những người chăn cừu. Xin Đức Mẹ, Đấng đã đưa Chúa vượt thời gian, giúp chúng ta trao ban ra thời gian của mình. Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con xin dâng năm mới cho Mẹ. Mẹ đã ghi nhớ mọi sự trong lòng, xin quan tâm đến chúng con. Xin chúc lành cho thời gian của chúng con và dạy chúng con dành thời gian cho Chúa và cho người khác. Chúng con vui mừng và vững dạ tung hô Mẹ: Mẹ Thánh của Thiên Chúa! Amen.


Source:Holy See Press Office
 
Lời chúc mừng Năm Mới của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi đến các tín hữu và mọi người trên thế giới
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
15:42 01/01/2021


Đức Thánh Cha đã bất ngờ bị một cơn đau thần kinh tọa vào những ngày cuối năm. Vì thế, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn; và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay ngài chủ sự buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn ngày 31 tháng 12; và thánh lễ sáng ngày đầu năm lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày hòa bình thế giới lần thứ 54.

Triệu chứng này gây ra các cơn đau nhói và gây trở ngại cho việc đi lại; nhưng không phải là một vấn đề nghiêm trọng đến tính mạng. Thông thường, chỉ cần nghỉ ngơi một vài ngày là có thể vượt qua được.

Chính vì thế, ngài đã có thể chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Sáu 1 tháng Giêng vào lúc 12 giờ trưa giờ địa phương Rôma, tức là lúc 6 giờ chiều ngày thứ Sáu theo giờ Việt Nam.

Mở đầu bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chúc mừng năm mới

Chúng ta bắt đầu năm mới bằng cách đặt mình dưới cái nhìn từ mẫu và yêu thương của Đức Maria Rất Thánh, Đấng mà phụng vụ hôm nay tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình theo dòng thời gian, giao phó nỗi thống khổ và những âu lo của mình cho Đấng có thể làm mọi thứ. Mẹ Maria nhìn chúng ta với sự dịu dàng của người mẹ như khi xưa Mẹ nhìn Con của Mẹ là Chúa Giêsu. Và nếu chúng ta nhìn vào máng cỏ này [Đức Thánh Cha quay sang máng cỏ được đặt trong phòng], chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không ở trong máng cỏ, và họ nói với tôi rằng Đức Mẹ đã nói: “Ta muốn được ôm đứa con này của ta trong vòng tay mình một lát”. Và Đức Mẹ cũng làm như thế với chúng ta: Mẹ muốn ôm chúng ta vào lòng, giữ gìn chúng ta như Mẹ đã bảo vệ và yêu thương Con Mẹ. Cái nhìn trấn an và an ủi của Đức Thánh Trinh Nữ là một sự khích lệ bảo đảm rằng thời gian này, được Chúa ban cho chúng ta, được dành cho sự phát triển con người và tâm linh của chúng ta, là thời gian để xoa dịu những hận thù và chia rẽ - mà tiếc thay có rất nhiều những điều như thế đang diễn ra trên thế giới này. Đã đến lúc chúng ta phải cảm thấy tất cả chúng ta là anh em hơn, đã đến lúc xây dựng chứ không phải phá hủy, đã đến lúc chăm sóc lẫn nhau và thiên nhiên. Năm mới phải là một thời gian để phát triển, một thời gian hòa bình.

Chủ đề của Ngày Thế giới Hòa bình mà chúng ta kỷ niệm hôm nay là dành để chăm sóc tha nhân và tạo vật: đó là ý nghĩa của chủ đề “Văn hóa quan tâm như một con đường dẫn đến hòa bình”. Những sự kiện đau thương đã đánh dấu chặng đường của nhân loại trong năm qua, đặc biệt là đại dịch. Những sự kiện ấy dạy chúng ta cần phải quan tâm đến những vấn đề của người khác và chia sẻ mối quan tâm của họ như thế nào. Thái độ này đại diện cho con đường dẫn đến hòa bình, vì nó ủng hộ việc xây dựng một xã hội được kiến tạo trên các mối quan hệ của tình huynh đệ. Mỗi người trong chúng ta, những người nam nữ trong thời đại này, được mời gọi để mang lại hòa bình: mỗi người chúng ta, xin anh chị em đừng thờ ơ với điều này. Tất cả chúng ta đều được mời gọi để nhận ra hòa bình và nhận ra nó mỗi ngày và trong mọi môi trường của cuộc sống, hãy dang tay với người anh em của chúng ta, những người cần một lời an ủi, một cử chỉ âu yếm, đoàn kết giúp đỡ. Và điều này đối với chúng ta là một nhiệm vụ được Chúa giao phó. Chúa giao cho chúng ta nhiệm vụ là những người kiến tạo hòa bình.

Và hòa bình có thể được xây dựng nếu chúng ta bắt đầu hòa bình với chính mình - hòa bình trong nội tâm, trong trái tim - và với những người xung quanh, xóa bỏ những trở ngại ngăn cản chúng ta chăm sóc những người khó khăn và cơ cực. Vấn đề là phải phát triển tâm lý và văn hóa “quan tâm”, để đánh bại sự thờ ơ, đánh bại khoảng cách và sự ganh đua - thờ ơ, lãng phí, ganh đua - vốn không may lại đang chiếm ưu thế. Hãy loại bỏ những thái độ này. Và vì thế hòa bình không chỉ là không có chiến tranh. Hòa bình không bao giờ là vô trùng, không, không có hòa bình của quirofano [tiếng Tây Ban Nha: “phòng mổ” ]. Hòa bình là trong cuộc sống: đó không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh, nhưng đó là một cuộc sống đầy ý nghĩa, được thiết lập và sống trong sự hoàn thiện cá nhân và trong sự chia sẻ huynh đệ với những người khác. Nền hòa bình được khao khát và luôn bị đe dọa bởi bạo lực, ích kỷ và gian ác. Hòa bình đang bị đe dọa đó sẽ trở nên khả thi và có thể đạt được nếu tôi coi đó như một nhiệm vụ được Chúa giao cho tôi.

Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã sinh ra “Hoàng tử Hòa bình” (Is 9: 6) và ôm ấp Người, với bao âu yếm, trong vòng tay của mình. Cầu xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta từ Thiên đàng điều tốt đẹp quý giá mà sức mạnh loài người không thể đạt được một cách viên mãn. Sức người thôi thì chưa đủ, vì hòa bình trên hết là một ân sủng, một món quà từ Thiên Chúa; nó phải được cầu khẩn bằng lời cầu nguyện không ngừng, được duy trì bằng đối thoại kiên nhẫn và tôn trọng, được xây dựng với sự cộng tác cởi mở với sự thật và công lý và luôn chú ý đến những nguyện vọng chính đáng của con người và các dân tộc. Hy vọng của tôi là hòa bình ngự trị trong trái tim của con người và trong các gia đình; ở nơi làm việc và giải trí; trong các cộng đồng và quốc gia. Trong gia đình, trong công việc, trong các quốc gia: hòa bình, hòa bình. Đã đến lúc chúng ta nghĩ rằng cuộc sống ngày nay bị băng hoại bởi chiến tranh, bởi thù hận, bởi quá nhiều thứ tàn phá... Chúng ta muốn hòa bình. Và đây là một ân sủng.

Trước thềm sự khởi đầu năm mới này, tôi xin gửi lời chúc thân ái đến tất cả anh chị em một năm 2021 hạnh phúc và an lành. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực hiện một năm đoàn kết huynh đệ và hòa bình cho tất cả mọi người; một năm đầy tin tưởng và hy vọng, mà chúng ta phó thác vào sự che chở của Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa và mẹ của chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi xin gửi đến tất cả anh chị em, được kết nối thông qua các phương tiện truyền thông, lời cầu chúc một năm mới bình an và may lành.

Tôi cảm ơn Tổng thống Cộng hòa Ý, Sergio Mattarella đáng kính, vì những lời chúc tốt đẹp mà ông ấy đã gửi đến tôi đêm qua trong thông điệp cuối năm của ông ấy; và giờ đây tôi xin chân thành đáp lại.

Tôi biết ơn tất cả những ai, ở mọi nơi trên thế giới, tuân thủ những hạn chế do đại dịch áp đặt, đã cổ vũ những giây phút cầu nguyện và suy tư nhân Ngày Thế giới Hòa bình hôm nay. Đặc biệt, tôi đang nghĩ đến cuộc tuần hành ảo đêm qua, được tổ chức bởi Hội Đồng Giám Mục Ý, Pax Christi, Caritas và Công Giáo Tiến Hành; cũng như sáng nay, do Cộng đồng Sant'Egidio quảng bá trong kết nối phát trực tuyến trên toàn thế giới. Cảm ơn tất cả anh chị em vì những điều này và nhiều sáng kiến khác ủng hộ hòa giải và hòa hợp giữa các dân tộc.

Trong bối cảnh đó, tôi bày tỏ nỗi đau và lo ngại trước tình trạng bạo lực ngày càng leo thang ở Yemen, nơi đang gây ra biết bao nạn nhân vô tội và tôi cầu nguyện rằng các nỗ lực của những người thiện chí sẽ tìm ra được các giải pháp để trả lại hòa bình cho những người dân bị vùi dập ở đó. Thưa anh chị em, chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ ở Yemen! Không học hành, không thuốc men và đói khát. Hãy cùng nhau cầu nguyện cho Yemen.

Tôi cũng mời anh chị em cùng tham gia cầu nguyện cho Tổng Giáo phận Owerri ở Nigeria, cho Đức Tổng Giám Mục Moses Chikwe và tài xế của ngài, mới bị bắt cóc trong những ngày gần đây. Chúng ta cầu xin Chúa cho họ và tất cả những ai là nạn nhân của những hành động tương tự ở Nigeria sớm được tự do, bình an và đất nước thân yêu đó lấy lại an ninh, hòa hợp và hòa bình.

Tôi gửi lời chào đặc biệt đến các Sternsingers, “Các Ca sĩ ngôi sao”, là các trẻ em và thanh niên ở Đức và Áo, mặc dù không thể đến thăm các gia đình tại nhà của họ, nhưng đã tìm ra những cách thế để mang đến cho họ tin tốt lành về lễ Giáng sinh và quyên góp cho những người đang quẫn bách.

Xin kính chúc anh chị em một năm bình an và hy vọng, với sự che chở của Mẹ Maria, Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa tốt lành và tạm biệt!


Source:Holy See Press Office
 
ĐTGM Georg Gänswein cho hay năm 2020 là một năm đầy thử thách cho Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI
Thanh Quảng sdb
17:07 01/01/2021
ĐTGM Georg Gänswein cho hay năm 2020 là một năm đầy thử thách cho Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI
ĐTGM Georg Gänswein

Theo CNA ngày 1 tháng 1 năm 2021: Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein cho hay về cuộc sống của Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI và một năm 2020 đầy thử thách. Ngài nói: "Tôi biết ơn Chúa năm 2020 cuối cùng rồi cũng kết thúc", ĐTGM Gänswein 64 tuổi chia sẻ với tạp chí “Bunte” của Đức rằng Rome đã nhiều lúc trở nên "thầm lặng một cách kỳ lạ" trong thời gian đại dịch coronavirus.

ĐTGM Gänswein đến từ vùng Black Forest (Rừng Đen) của Đức, là quản trị gia của Dinh thự Giáo hoàng, nhưng từ tháng 2/2020 ngài đã nghỉ chức vụ này để hoàn toàn dành thời gian cho Đức nguyên Giáo hoàng với tư cách là thư ký riêng của Đức Benedict XVI.

Kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng vào năm 2013, Đức Phanxicô đã cử ĐTGM Gänswein đảm trách hai vai trò, giữa hai văn phòng - cho đến khi sự cố xảy ra. Đức Tổng bị mất thính lực cấp tính vào năm 2017 và hiện đang phải gánh chịu hậu quả của bệnh ù tai... Vào cuối tháng Giêng năm ngoái, Đức Phanxicô đã xin ĐTGM Gänswein dành toàn thời gian và sức lực cho vai trò thư ký riêng của Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict. “Vì mục đích này, ĐTC đã cho tôi nghỉ việc ở Dinh Giáo Hoàng, ĐTGM Gänswein cho hay: Trách vụ của tôi ở đó được đình chỉ vô thời gian!”

ĐTGM Gänswein đã dâng lễ Giáng sinh và Năm mới với Đức nguyên Giáo hoàng danh dự Benedict trong tu viện Mater Ecclesiae ở trong Vườn Vatican, nơi cư trú của Đức nguyên Giáo hoàng, thư ký riêng của ngài và bốn nữ tu Carmelite người Ý.

ĐTGM Gänswein cho hay: "Tôi đọc các Giờ Kinh Phụng vụ hàng ngày với Đức Thánh Cha Bênêđictô và lần chuỗi Mân Côi với ngài. Chúng tôi dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện. Tất cả các linh mục, giám mục, ngay cả Giáo hoàng, không chỉ cầu nguyện cho chính mình mà còn cho những người được Chúa giao phó cho và đặc biệt cầu nguyện cho những người không muốn hoặc không thể cầu nguyện".

ĐTGM cho biết Đức Benedict XVI vẫn rất tỉnh táo về mặt tinh thần. “Tuy nhiên, về mặt thể lý, ngài khá yếu! Ở cái tuổi 93, ngài còn được như vậy là may mắn lắm..."
 
Đức Cha Anrê Hàn Cảnh Đào, một ‘vĩ nhân về văn hóa và đức tin’ của Giáo Hội thầm lặng đã qua đời
Đặng Tự Do
18:06 01/01/2021
Đức Cha Anrê Hàn Cảnh Đào (Han Jingtao, 韩景涛) giám mục thầm lặng của Tứ Bình (Siping, 四平), đã qua đời lúc 11 giờ đêm ngày 30 tháng 12 (giờ Bắc Kinh), thọ 99 tuổi.

Được các tín hữu mô tả là “một vĩ nhân về văn hóa và đức tin” của cộng đồng thầm lặng, Đức Cha Hàn đã là một học giả vĩ đại từ rất lâu.

Những nghiên cứu đầu tiên của ngài diễn ra dưới sự hướng dẫn của các nhà truyền giáo người Canada từ Quebec, là các vị đã được giao phó trách nhiệm đại diện tông tòa.

Kiến thức học thuật uyên bác của ngài thậm chí còn được công nhận bởi cả cái nhà nước đã đầy ngài vào trại lao động cưỡng bức trong suốt 27 năm từ 1953 đến 1980 vì từ chối gia nhập Giáo Hội “độc lập và tự trị”, theo chỉ thị của Mao Trạch Đông.

Thật vậy, bọn cầm quyền đã thuê ngài dạy tiếng Anh tại Đại học Tràng Xuân (Changchun, 长春). Ngài thậm chí còn trở thành phó giáo sư tại Khoa Lịch Sử Các Nền Văn Minh Cổ Đại tại Đại học Sư phạm Đông Bắc.

Ngài dạy các sinh viên đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, đồng thời giới thiệu nhiều người Trung Quốc nghiên cứu các nền văn hóa và ngôn ngữ cổ điển (tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp).

Năm 1987, ngài nghỉ dạy để tập trung vào các công việc của Giáo Hội, đặc biệt là công việc truyền giáo. Ngay cả trước khi bị cầm tù, ngài đã tập trung vào việc giáo dục giáo dân thông qua các Hội Đạo Binh Đức Mẹ, thúc đẩy họ cầu nguyện, rao giảng và tham gia vào các công việc bác ái. Đồng thời, ngài đã thành lập một giáo đoàn gồm các nữ tu, sau này được gọi là các nữ tu “Núi Canvê”.

Ngài nói rằng trong những năm 1950, chế độ đã cố gắng “chấm dứt ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng và trục xuất các thừa sai nước ngoài. Lúc đó, tôi nhận thấy rằng Giáo Hội đang đứng trước một thử thách lớn và cần sức mạnh to lớn để chống lại; nếu không, Giáo Hội sẽ không thể đứng dậy. Đây là lý do tại sao tôi quyết định thành lập một dòng tu”.

Năm 1982, ngài được bổ nhiệm làm giám mục Tứ Bình (Siping, 四平), nhưng việc truyền chức chỉ có thể diễn ra trong vòng bí mật vào năm 1986. Trong vài năm, ngài phải phân chia thời gian giữa công việc mục vụ và các công việc ở trường đại học.

Vào đầu những năm 1980, chính phủ thống nhất tất cả các giáo xứ ở tỉnh Cát Lâm (Jilin, 吉林) thành một giáo phận duy nhất, gọi là là giáo phận Cát Lâm. Giáo phận Tứ Bình, vẫn được Tòa thánh công nhận, bao gồm các khu vực thuộc tỉnh Cát Lâm, Nội Mông và Liêu Ninh.

Bắt đầu từ năm 1997, nhà của ngài bị giám sát liên tục, khiến cho công việc của ngài gặp nhiều khó khăn. Ngay cả dòng các nữ tu do ngài thành lập cũng phải trải qua một thời kỳ khó khăn: hội dòng bị đóng cửa, các thành viên phân tán, bí mật mở cửa trở lại, và các thành viên sống rải rác trong nhiều cộng đồng thầm lặng khác nhau.

Theo số liệu mới nhất, giáo phận có khoảng 30,000 tín hữu, trong đó 20,000 tín hữu trong Giáo Hội thầm lặng và 10,000 trong Giáo Hội công khai, với 20 linh mục và một trăm nữ tu.

Giáo phận cũng cung cấp một số dịch vụ xã hội, bao gồm một trại trẻ mồ côi và một trung tâm y tế.


Source:Asia News

 
Đức Hồng Y Czerny: Tính đồng nghị là nét căn bản của bản sắc Giáo Hội
Vũ Văn An
18:23 01/01/2021

Theo Vatican News, trong một bài báo đăng trên tờ "La Civiltà Cattolica" ngày 31 tháng 12, 2020, Đức Hồng Y Michael Czerny, phó Tổng thư ký phụ trách Phần Di Dân và Người Tị Nạn của Thánh Bộ Cổ Vũ Việc Phát Triển Toàn Diện Con Người, đã suy tư về tính đồng nghị (“synodality”) trong Giáo Hội và trong huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô.



Theo đó, tính đồng nghị không phải chỉ là “một diễn trình ra quyết định” nhưng là “nét căn bản của bản sắc Giáo Hội”.

Theo Đức Hồng Y, tính đồng nghị là cách trong đó “Giáo Hội điều hướng mọi chi thể của mình tới việc cùng chịu trách nhiệm với nhau, thăng tiến các đặc sủng và thừa tác vụ của họ, và tăng cường các dây liên kết yêu thương”. Theo chiều hướng này, nó tìm được các tiền đề của nó trong Lumen gentium: trong Hiến chế tín lý của Công đồng Vatican II này, “tầm quan trọng của giáo dân trong đời sống Giáo hội được bao gồm”, vì họ được kêu gọi tham dự vào việc cai quản Giáo hội “tùy theo nhiệm vụ, vai trò và cách sống của họ”. Nhưng không phải chỉ có thế: Đức Hồng Y Czerny nhấn mạnh rằng trong khi tính hợp đoàn (collegiality) chuyên biệt nói “đến việc thi hành thừa tác vụ của các giám mục”, thì tính đồng nghị là một khái niệm “rộng hơn”, vì nó “ngụ ý sự tham gia và sự can dự của toàn thể dân Chúa vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội ”. Đây là ý nghĩa mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho chữ “Thượng hội đồng”; nghĩa là, không những chỉ cảm thức về “cơ cấu giáo hội”, mà còn là cảm thức về “hình thức hiệp thông hữu hình”, về “con đường huynh đệ giáo hội, trong đó, mọi người đã được rửa tội đều đích thân tham gia và đóng góp”.

Đức Hồng Y viết bằng cách trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tính đồng nghị là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”, một Giáo hội, “giống như một kim tự tháp ngược”, “hòa hợp mọi chủ thể có liên quan với nó: dân Chúa, Hợp đoàn Giám mục, Người kế vị Thánh Phêrô ”. Có thể tìm thấy một giải thích rõ ràng về khái niệm này trong Tông huấn Evangelii gaudium, trong đó tính đồng nghị được định nghĩa là “điều kiện tiên quyết không thể thiếu để tạo cho Giáo hội một động lực truyền giáo đổi mới”. Đặc biệt, nơi giáo dân, Giáo hội “có nhiều điều để học hỏi”, chẳng hạn trong các lĩnh vực “lòng đạo đức bình dân, cam kết chăm sóc mục vụ thông thường, năng lực văn hóa và sự chung sống xã hội”. Đến nỗi, như Thánh John Henry Newman đã nói, “Giáo hội sẽ bị coi là ngu ngốc nếu không có họ”. Tất nhiên, theo Đức Hồng Y Czerny, có những trở ngại, làm nổi bật việc thiếu sự đào tạo thỏa đáng và não trạng giáo sĩ trị khiến tín hữu giáo dân “rơi vào vai trò phụ thuộc cấp dưới”. Tuy nhiên, đó là những trở ngại cần phải vượt qua, vì “việc cùng chịu trách nhiệm của toàn thể dân Chúa trong sứ mệnh của Giáo hội” đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn nữa của hàng ngũ giáo dân. Trong bối cảnh này, Đức Hồng Y cũng nhắc đến Tông Hiến Episcopalis communio, được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào năm 2018: một văn kiện“ đánh dấu sự tiến bộ đối với Công đồng Vatican II ” vì nó “chuyển dịch các lập luận lý thuyết thành thực hành của Giáo hội ”. Lắng nghe trở thành chìa khóa: của dân Chúa, của các mục tử và của Giám mục Rôma. Chỉ bằng cách này, sự thực dụng đồng nghị mới có thể bắt đầu, và chỉ bằng cách này, “tính hợp đoàn mới phục vụ tính đồng nghị”.

Đức Hồng Y Czerny cũng quả quyết rằng một công cụ thiết yếu khác để thực thi tính đồng nghị là việc “ưu tiên chọn người nghèo”, một điều vốn “không phải là sở thích thuộc bản chất xã hội học, mà là một ưu tiên thần học đúng nghĩa, vì nó dẫn ta trở lại với hành động cứu rỗi của Thiên Chúa”. Không hề nói lên “sự tốt bụng ngây thơ”, lựa chọn này “nên được nhìn nhận như một phần cấu tạo ra các Tin Mừng và diễn trình biến đổi do Công đồng khởi xướng”: Quả thế, vào thời điểm đó, có lập luận cho rằng Giáo hội nên di chuyển khỏi “một thực hành bác ái kiểu phúc lợi”, trong đó người nghèo chỉ là “đối tượng” của việc chăm sóc, để bước vào “việc nhìn nhận họ như thành viên của dân Chúa và là chủ thể của việc giải phóng chính họ”. Điều gì đúng lúc đó cũng đúng vào lúc này; và không phải ngẫu nhiên mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi phải có sự hội nhập “hữu hiệu và cụ thể” các người nghèo, người di cư, người tị nạn và những người phải tản cư trong nước, thúc giục chúng ta đừng “có ném các chương trình phúc lợi từ trên cao xuống”, mà hãy nhìn nhận những người này như “các tác nhân tích cực của việc rao giảng tin mừng”. Vị Phó Tổng thư ký của Vatican nhấn mạnh “Cuộc gặp gỡ với người nghèo là một cơ hội thuận lợi để chính mình được Chúa Kitô truyền giảng tin mừng”.

Đức Hồng Y Czerny nhắc nhở chúng ta rằng từ đây cũng phát sinh việc bảo vệ Sáng Thế, “ngôi nhà chung của chúng ta”: chăm sóc môi trường và quan tâm đến người nghèo có liên quan mật thiết với nhau. Thật vậy, “Mọi sự đều được liên kết với nhau”, như Thông điệp thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Laudato sí: về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” đã quả quyết. Nhưng làm thế nào để tính đồng nghị phát triển trong Giáo hội? Đức Hồng Y đề nghị “khởi động các diễn trình hoán cải”, nhằm “việc hiệp thông bao gồm”, nghĩa là bao gồm mọi thành tố của dân Chúa, đặc biệt là người nghèo. Nếu không có sự “chấp nhận lẫn nhau”, thì các cơ cấu giáo hội, các công cụ hiệp thông, “có thể không đủ để đạt được mục đích mà do đó, chúng đã được tạo ra”.

Phần cuối cùng của bài báo của Đức Hồng Y Czerny nói về phương thức hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxicô: Đức Giáo Hoàng “không có những ý tưởng đóng gói sẵn để áp dụng vào thế giới thực, cũng không có một kế hoạch ý thức hệ về những cải cách làm sẵn”, cũng không có “các chiến lược được hình thành trên bảng vẽ” để “có được kết quả thống kê tốt hơn ”. Đúng hơn, Đức Giáo Hoàng tiến bước “dựa trên cơ sở kinh nghiệm tâm linh và cầu nguyện”, một điều được ngài chia sẻ “trong đối thoại, tham vấn, trong đáp ứng cụ thể với các tình huống dễ bị tổn thương, đau khổ và bất công”. Từ đó dẫn đến việc “cam kết và tiêu chuẩn hàng đầu đối với mọi hành động xã hội của dân Chúa là lắng nghe tiếng than của người nghèo và của trái đất, và nhớ lại các nguyên tắc căn bản trong học thuyết xã hội của Giáo hội”, bao gồm “phẩm giá bất khả nhượng của con người, đích đến phổ quát của hàng hóa, tính tối thượng của tình liên đới, đối thoại hướng tới hòa bình, và chăm sóc ngôi nhà chung”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Phận Đà Nẵng Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu
Tô-ma Trương Văn Ân
11:25 01/01/2021
Giáo Phận Đà Nẵng Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu - Ngày Đầu Năm Mới 2021

Ngày Tết Dương Lịch – Ngày Giáo Hội mừng Lễ Đức Maria với Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa – Ngày Giáo Hội cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Hằng năm trong ngày Tết này, Cộng đoàn Giáo phận Đà Nẵng hành hương về trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu.

Xem Hình

Lúc 9 giờ sáng 1. 1. 2021, Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đã Chủ sự Thánh Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho hòa bình, theo Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có tựa đề: “Văn hóa quan tâm, đường dẫn tới hòa bình” nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54 ngày 1-1-2021.

Đây là niềm vui gặp gỡ của Cộng đoàn dân Chúa, được qui tụ về bên Mẹ để dâng lời cám ơn Thiên Chúa và Mẹ vì những ơn lành, những vui buồn sướng khổ và lo lắng trong năm 2020 đầy biến động và khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời mỗi người thân thưa nguyện cầu với Thiên Chúa qua lời bầu cử của Mẹ: xin ban an lành cho Thế giới vì còn nhiều bất hòa xung đột. cho Giáo Hội muôn ơn lành, là niềm vui và sự hiệp nhất, là chứng tá của Tình yêu và niềm hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và mỗi Tín hữu là Chứng nhân của Chúa, đem Chúa đến cho anh chị em nơi mình đang sống. Mỗi người cũng cầu nguyện cho đất nước được phát triển trong an bình thịnh vượng công bằng và nhân ái, và cho mỗi người được an vui hạnh phúc hòa hợp yêu thương nâng đỡ nhau.

Trong bài giảng, Đức Cha Chủ tế đã trích Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô để mời gọi Cộng đoàn “ Văn hóa quan tâm” là lòng trắc ẩn, là nâng cao sự tôn trọng và chấp nhận nhau, là nổ lực thiết thực đón nhận và quan tâm lẫn nhau. Đức Cha cũng mời gọi mỗi người nhìn lại chính mình, nhận thức trách nhiệm, bổn phận và sự thiếu sót trong thời gian qua, để điều chỉnh sống cho tốt hơn cho năm mới. Những giây phút lắng động bùi ngùi khi Đức Cha nói đến những mất mát thiệt hại do Dịch bệnh và bão lũ đã tác hại đến đời sống tinh thần, các hoạt động mục vụ và phụng vụ, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế và sự phát triển xã hội trong năm 2020. Chính trong đại dịch đã lộ rõ sự mong manh của phận người… và Đức Cha mời gọi mỗi người “ hãy quan tâm, làm điều gì đó cho những người thiệt thòi thiếu thốn đang cần đến sự giúp đỡ, những người bị bỏ rơi…. Và truyền nhiễm tình yêu từ trái tim người này đến trái tim người khác”.

Với niềm tin yêu phó thác vào tình yêu và lòng thương xót Chúa và Mẹ Maria, Chúng con xin dâng tất cả đời sống chúng con cho Chúa, dù thành công hay thất bại, dù dịch bệnh đã tác động vào mọi ngóc ngách của cuộc đời, vào cả tổ ấm gia đình, tác động đến tương quan từng thành viên gia đình Cha mẹ vợ chồng con cháu… thậm chí có gia đình nguy cơ đỗ vỡ. chúng con dâng cả yếu đối, dâng tuổi tác chồng chất với tất cả lo toan của kiếp nhân sinh…. Trong năm mới, chúng con Tín thác vào Chúa là Chủ thể của sự sống, của thời gian không gian và niềm hy vọng cậy trông. Xin Chúa ban an lành cho mỗi người, cho cơn dịch chóng qua, cho mỗi người trách xa dịch ghen tỵ, ích kỷ, bất hòa, tự kiêu … nhưng biết quan tâm lẫn nhau, nhẫn nại hy sinh, hiệp nhất, cảm nhận hạnh phúc và an bình… là những thành tố căn bản cho an bình bản thân, hòa bình trong gia đình trong xã hội và hướng đến hòa bình thế giới.

Tô-ma Trương Văn n
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:53 01/01/2021
Trong kinh cầu Đức Mẹ Maria có lời cầu xin: Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con!

Và tập tục nếp sống trong Giáo Hội Công Giáo dành ngày đầu năm mới Dương lịch 01.01. hằng năm là ngày lễ mừng kính Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa.

Tại sao Giáo Hội lại chọn ấn định ngày đầu năm mới là ngày mừng kính Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa?

Giáo Hội chọn ngày đầu năm mới mừng kính Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa trong niềm tin tưởng xác tín sâu xa vào chúc phúc lành của Thiên Chúa, cùng với niềm vui mừng biết ơn, và cầu xin sự bình an cho con người.

Trong lễ nghi phụng vụ vào ngày đầu năm mới mừng kính rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời:

- một người mẹ đã trao tặng hài nhi Giêsu, đấng cứu thế, sự sống cho nhân loại. Đây là cách sống lòng quảng đại kính trọng thiên chức làm mẹ, mà Thiên Chúa đã ban cho được làm mẹ.

- một người mẹ khi ngắm nhìn sự sống mới của em bé chào đời con mình đã với lòng cung kính ngạc nhiên mừng rỡ. Và sau cùng chỉ còn biết gìn giữ suy nghĩ mọi sự trong tâm hồn. Một tâm hồn biết bỡ ngỡ ngạc nhiên trước mầu nhiệm sự sống là một tâm hồn có đời sống đơn sơ chân thành.

- một người mẹ đã đặt tên cho con mới chào đời của mình là Giêsu, như lời Thiên Thần Chúa đã loan báo. Đây là tấm lòng một người mẹ yêu thương con mình, nên đã chọn đặt tên cho con mình như thánh ý Thiên Chúa mong muốn.

- một người mẹ đã suốt dọc đời sống hằng cùng đồng hành với con mình, cho dù có khi hiểu và cũng có khi không hiểu thấu đáo con đường đời sống của người con. Nhưng người mẹ đó vẫn luôn đứng sát cạnh con mình trong mọi hoàn cảnh.

- một người mẹ đã sống cùng chịu đau khổ trong niềm tin tưởng cậy trông phó thác vào thánh ý Chúa đối với con đường đời sống của con mình. Và dần dần người mẹ đó đã hiểu nhận ra chương trình của Chúa muốn thực hiện nơi con mình, cùng qua sự chết của con mình sẽ phát sinh sự sống mới.

Cha mẹ hài nhi Giêsu muốn xin chúc phúc lành của Thiên Chúa cho sự sống mới của con mình, và cho tất cả đời sống con mình còn đang ẩn chứa cùng trên bước đường phát triển hướng về ngày mai.

Theo gương cung cách sống như thế, chúng ta cũng như Đức Mẹ Maria,mẹ Thiên Chúa, ngày đầu năm mới cầu xin chúc phúc lành của Thiên Chúa cho đời sống mình, đời sống tất cả mọi người trong gia đình mình, cho Cộng đoàn xứ đạo, cho quê hương đất nước Việt Nam, nơi sinh ra lớn lên, cho quê hương đất nước nơi đang sinh sống… trong năm mới còn đang chứa đựng nhiều ẩn dấu nơi đời sống tương lai chúng ta.

Ngày đầu năm mới chúng ta xin chúc phúc lành của Thiên Chúa xuống:

- trên các hài nhi trong năm nay sẽ mở mắt chào đời;
- trên các đôi bạn trẻ năm nay sẽ thành hôn với nhau;
- trên mọi người cha người mẹ đang mong chờ ngày chào đời con mình sắp tới;
- trên các người lớn tuổi, những người sống trong hòan cảnh cô đơn, hoàn cảnh nghèo túng thiếu bị quên lãng bỏ rơi bên lề đời sống xã hội,
- trên những người gặp hoàn cảnh đau khổ tinh thần cũng như thể xác,
- trên mọi người năm nay bắt đầu bước vào làm việc xây dựng đời sống;
- trên các thanh thiếu niên năm nay sẽ bước vào ngưỡng cửa trường học, hay học một ngành nghề chuyên môn;
- trên các thanh thiếu niên nam nữ dấn thân chọn đời sống tu trì tận hiến cho Thiên Chúa và cho con người
- trên mọi người năm nay sẽ tới thời gian đi nghỉ hưu;
- trên những người chịu đựng sự đau yếu bệnh tật; trên những đôi vợ chồng năm nay có kỷ niệm 25,30, 40, 50, 60 năm đời sống hôn nhân với nhau;
- trên những người phải đi tỵ nạn rời bỏ quê hương xứ sở;
- trên những người làm việc từ thiện đồng hành giúp đỡ những người cần được giúp đỡ,
- trên những người chăm sóc chữa trị các bệnh nhân ở bệnh viện, ở nhà hưu dưỡng cũng như ở tại nhà riêng,
- trên các nhà cầm quyền được ơn sáng suốt khôn ngoan trong việc cai trị đất nước phát triển mang lại công ăn việc làm cho đời sống người dân, cùng biết tôn trọng các gía trị, phẩm giá con người, xây dựng giữ gìn công lý hòa bình cho đất nước xã hội.
- và trên những gia đình phải sống trải qua cảnh đau buồn tang tóc trong dòng nước mắt chia lìa người thân yêu đã vĩnh viễn ra đi về đời sau.

Trong năm mới nhở lời bầu cử của Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, cầu xin chúc phúc lành của Thiên Chúa chiếu tỏa trên tất cả mọi người chúng ta đang đi tìm Chúa Giêsu, Đấng đã qua sự chết kêu gọi chúng ta vào đời sống mới!

Nhất là xin Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa là trạng sư phù giúp cùng Thiên Chúa cho trần gian mau thoát khỏi bệnh đại dịch do vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống nhân loại từ một năm nay.

Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Chúc Vui Vẻ Từng Bữa Ăn
Trà Lũ
11:57 01/01/2021
Chúng ta đang bước vào năm mới 2021 với mong ước một năm mới tươi sáng, nhưng hình như chưa được vì cái không khí ô nhiễm của dịch Vũ Hán vẫn tràn lan, cái om xòm về bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa dứt, cái nạn hận thù chém giết nổ bom vẫn khắp nơi. Trên nét mặt mọi người đều phảng phất nét âu lo.

Phải làm sao bây giờ? Dân làng An Lạc của tôi lâu nay không được họp mặt vì luật cách ly, ai cũng buồn và bàn nhau phải làm sao qua được cơn buồn này. Liền có sáng kiến: họp nhau qua máy, qua chương trình ‘on line’. Và làng tôi làm liền và may quá, rất vui các cụ ạ. Ngay cả người già nhất làng là cụ B.95 cũng được con cháu giúp mở máy. Và bao nhiêu chuyện vui hôm nay xin kể ra đây. Chỉ chuyện vui thôi nha, còn những chuyện buồn thì dẹp hết. Người điều hành chương trình họp mặt trên máy là ông Từ Hòe, môt hội viên viễn cư mới trở về làng từ tháng trước.

Buổi họp hôm qua, cụ B.95 mở lời đầu tiên. Cụ kể rằng khi cụ mới sang Canada và thấy lá cờ Canada có hình chiếc lá cây thì cụ cứ thắc mắc là tại sao cờ quốc gia mà lại có lá đu đủ ở giữa. Mãi về sau con cháu mới bảo cụ rằng đấy không phải là lá đu đủ VN mà là lá cây phong, một loại cây có đường nổi tiếng khắp thế giới. Cụ kể chưa hết, Cụ còn nhiều chuyện vui cá nhân nữa, như cụ có đứa cháu tên là Christopher, cụ không nói được tiếng này nên cụ gói nó là thằng Tô Phở, một cháu khác tên Tommy, cụ gọi nó là thằng Tô Mì,. buồn cười hết sức vậy đó.

Nghe đến đây thì bồ chữ Từ Hòe nhảy vào rồi thêm mắm thêm muối vô cái tên. Ông bảo: Bác ơi, các cháu bé sinh đẻ ở đây nên có tên Canada và bác không đọc được cái tên Canada nên mơi sinh ra thằng tô phở, tô mì. Hồi xưa người lớn có tên VN khi mới sang đây cũng vì cái tên mà nhiều phen cười muốn chết. Như tên Dung, Dũng, Dụng. Dân Canada đọc những tên này đều lăn ra cười, vì bỏ dấu ngã dấu nặng đi thì cái tên còn trơ là ‘dung’. Trong tiếng Anh, dung có nghĩa là ‘cứt trâu cứt bò’, bởi vậy Nhà hàng VN của bà Mỹ Dung, tên đẹp thế mà lại hóa ra nhà hàng bán cứt trâu cứt bò... Hà hà, dân Canada bảo cái tên kỳ cục quá. Rồi cái tên ‘Loan’ nghe đẹp thế, đọc lên theo giọng Anh Mỹ là ‘lôn’, cái tai VN nghe đọc như vậy thì thấy tục hết sức. Lại còn cái tên Phúc và Phước nữa, cái tai Anh và Mỹ đều nghe mài mại như ‘fuck’, họ cũng cho là tục, buồn cười không cơ chứ !

Rồi bồ chữ Từ Hòe xin ngưng chuyện cái tên. Ông xin bàn sang chuyện VN. Ông khoe vừa đọc được một bài báo vui lắm. Bài báo nói về các ông chồng sợ vợ. Tác giả luận rằng: Sợ vợ là cái đặc tính di truyền, bố truyền cho con trai, con trai truyền cho cháu chắt. Đông tây nam bắc, da trắng da đen da vàng đều sợ vợ hết, không ai tránh được, vì đây là luật trời. Chưa sợ vợ thì rồi sẽ sợ vợ, sợ vợ mỗi ngày mỗi thêm. Ông chồng VN có lẽ sợ vợ nhất thế giới, vì có lời ca dao ghi rằng:

Làm trai rửa bát quét nhà

Vợ gọi thì dạ, ‘bẩm bà” con đây.

Hình như cụ Tản Đà cũng đồng ý như vậy nên cụ đã nói một câu nổi tiếng: “ Ở đời, nếu không phải sợ ai thì là nhất, còn nếu cần phải sợ thì nên sợ vợ là hơn cả !”

Các bà trong làng nghe đến đây thì cười ầm và cùng hét lên: chí lý! chí lý! Có bà còn nói thêm: Sợ vợ là phải vì đàn ông ai cũng dê xồm hết, chỉ có vợ mới trị được cái bệnh dê này. Chứng cớ ư? Sách cổ có chép chuyện một nhà kia bà vợ vừa đẻ xong thì có cô em vợ tới giúp. Cô bế cháu cho chị nghĩ ngơi. Cô em này chưa chồng nõn nà hơ hớ rất hấp dẫn. Đêm kia anh chồng tưởng vợ ngủ rồi, anh nổi máu dê nên định bò sang thăm dì nó. Cô vợ thấy thế bèn lên tiếng: Đêm đông gà gáy o o, Hỡi chàng quân tử, chàng bò đi đâu?. Anh chồng chữa thẹn liền đáp: Đêm đông gà gấy o o, Anh ngủ chẳng được, anh bò anh chơi. Cô em vợ biết được tà ý này nên cô vừa ôm cháu vừa hát ru: Cháu ơi cháu ngủ cho no, Của dì dì giữ, ai bò mặc ai.

Ông Từ Hòe phản bác cái ý ‘chỉ có đàn ông dê xồm’, ông bảo đàn bà cũng dê xồm lắm. Chứng cớ ư? Chuyện chép tiếp là sau khi biết việc cô em từ chối ông anh rể, thì bà chị vợ lại tiếc quá sức rồi liền hồ hởi mời ông em rể tiến tới, bà chị vợ đã hát rằng:

... Nó muốn thế nào cho nó thế

Chị là chị vợ, chị chi cu.

Rõ ràng bà chị dê xồm nha. Các bà đã chịu chưa? Chưa chịu hả, chứng cớ thứ hai tim thấy cũng trong ca dao:

Của chua ai chả thấy thèm

Em cho chị mượn chồng em vài ngày.

Đó là chuyện bên ta, còn bên Tàu thì sách Tàu còn ghi chuyện nàng Triệu Phi Yến vợ vua Hán Thánh Đế. Bà hầu vua xong còn tư thông với các thị vệ. Và bà Võ Tắc Thiên, vắt kiệt sức nhà vua khiến vua băng hà, bà bèn lên ngôi, và tư thông với nhiều lực sĩ giả làm hoạn quan. Đấy là chuyện bên đông, còn bên trời Tây thì sử vẫn còn ghi 2 hoàng hậu mê sắc dục nổi tiếng là Nàng Messaline vợ Vua Claudius, và nữ hoàng Catherine bên Nga, bà nào mỗi đêm đều phải có nam vệ sĩ ngủ hầu...

Nghe đến đây thì cụ Chánh tiên chỉ làng lên tiếng: Tôi thấy cái chuyện dê xồm này là lẽ thường tình của trời đất, ai cũng có, vấn đề chính là vợ chồng phải trung thành và thuận thảo với nhau để sinh con nối dõi tông đường. Cha ông ta đã từng nói:

‘Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn’.

Ông ODP liền cười hà hà: Cụ ơi, về sau này sách vở đã chép sai, họ dám phịa ra nhiều lời khác, như:

Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt nghỉ !

Thuận vợ thuận chồng, giường Hồng Kông cũng gẫy !

Thuận vợ thuận chồng, 4 cái chân giường gẫy một còn ba...

Nói xong rồi ông chợt nghĩ đến bà cụ B.95, sợ cụ kêu nhức đầu, nên ông chuyển hướng, ông quay qua anh John rồi hỏi: Lúc nãy chúng ta nói về cái chuyện người Anh Mỹ không phát âm được mấy tên VN như Dũng Loan Phước. Thế còn anh, khi mới học tiếng Việt anh có đọc sai những tên này không? Anh John đáp ngay: Không, em phát âm rất trúng rất chuẩn, vợ em phải khen nức nở. Em chỉ gặp rắc rối về cái tên Nguyễn Ngọc Nguyệt, và tên nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Em phải tập rất lâu mới nói trúng được.

Ông Từ Hòe từ phương xa về chưa được nói chuyện nhiều với anh John nên nhân cơ hội này ông hỏi tiếp: Khi học tiếng Việt, anh thấy có chỗ nào khó đối với anh không? Như được gãi đúng chỗ ngứa, anh John thao thao ngay:

Em thấy cái khó nhất trong tiếng Việt là cách xưng hô. Tiếng Anh chỉ

có I/You, tiếng Pháp chỉ có Je/Vous, còn tiếng Việt không phải chỉ có Anh/Tôi mà nó biến thiên theo từng hoàn cảnh. Bạn nói chuyện với bố vợ mà xưng Tôi với Anh, bạn noi chuyện với đứa cháu mà xưng Tôi với Anh...là rắc rối to. Khi nói chuyện với người đối diện thì ta phải biết gia tộc hóa, phải biết vị thứ của ta với người đối diên, họ đáng tuổi cha ông hay là hàng con cháu, do vậy chữ I ở ngôi thứ nhất có thể là Tôi, tao, ta, con, cháu..., chữ You có thể là Quý Ông, quý bà, Cha, mẹ, ông bà chú bác, bạn, mày, mi... Tiếng VN đúng là ngôn từ của con cái Mẹ u Cơ, ngôn từ trong một gia tộc, có trên có dưới.

Riêng về mặt gọi tên mấy người ngoại quốc thì người Việt khi không vui đã gọi người ngoại quốc là THẰNG hết: thằng Tàu thằng Chệt thằng Mán thằng Chà, thằng Tây thằng Mỹ thằng Mẽo. Và cuối cùng người dân gọi con cháu Bác Hồ cũng là thằng luôn: thằng Việt Cộng. Có người giải thích: vì bọn VC có coi người dân Việt là đồng bào của chúng bao giờ đâu. VC luôn gọi người dân là Nhân Dân, chớ hề bao giờ nghe VC gọi chúng ta là đồng bào bao giờ.

Nói đến đây thì anh John ngưng một chút rồi cười hì hì: Chỉ có một trường hợp duy nhất là tôi chưa hề nghe có ai gọi người Canada chúng tôi là thằng bao giờ. Mừng quá và vui quá...

Nghe đến đây thì cả làng vỗ tay về cái nhìn vừa đặc sắc vừa tếu của anh John. Rồi anh John cũng nhân cơ hội này mới hỏi lại bồ chữ Từ Hòe: Em đọc văn học sử VN thì thấy có nhiều văn nhân thi sĩ tài ba siêu việt, vậy bác thích văn sĩ VN nào nhất? Ông Từ Hòe trả lời ngay - Mỗi vị có một nét đẹp riêng. Chẳng hạn về mặt ngôn ngữ bình dân dễ hiểu và hài hước thì tôi thích Cụ Nguyễn Khuyến nhất. Cụ Nguyễn Khuyến viết nhiều lắm, bữa nay tôi xin kể vài chuyện tiêu biểu thôi nha.

- Thứ nhất là chuyện Cửa Càn Khôn. Thuở ấy có người đẹp Tư Hồng được vua phong cho một danh hiệu lớn của triều đình. Cô Tư Hồng sướng quá bèn mở đại tiệc ăn mừng, và cho dựng cổng chào. Cô Tư Hồng đến xin Cụ Nguyễn Khuyến một đôi câu đối để viết trên hai cột cổng và 3 chữ đại tự đề trên cổng để chào mừng quan khách. Cụ Nguyễn Khuyến liền cho 3 chữ đại tự ‘Cửa Càn Khôn’ và câu đối: Khi khép lại khìn khin khít khịt / Lúc mở ra toác toàng toàng toang’. Các quan tây đến dự tiệc đi qua cổng rất vui vẻ, còn các quan Nam triều nhiều vị biết ý cụ Khuyến đều đỏ mặt khi bước theo các quan tây. Mãi về sau thiên hạ mới hiểu ý Cụ Nguyễn Khuyến: Cô Tư Hồng đẹp đẽ nhưng có thành tích không đứng đắn vì dính nhiều tới cái lá đa, do vậy chữ Cửa Càn Khôn chỉ cái cửa âm dương. Khách mời đã đi dưới cái lá đa của Cô Tư Hồng. Cụ Khuyến giỏi và thâm thế đấy.

Chuyện thứ hai; một ông lái lợn kia buôn bán giỏi nên giàu có, xây nhà lớn. Ông ta đến xin Nguyễn Khuyến mấy chữ đại tự để treo trong nhà. Cụ liền cho ‘ Đại Lai’ nghĩa là phúc lớn đã đến. Ý đẹp quá chứ. Nhưng mãi về sau có người hiểu ra cái tếu của cụ; Đại Lai = lớn lại = lái lơn.

Chuyện thứ ba: Có một ông lính kèn của Tây, giàu có, cũng xây nhà và cũng đến xin Cụ Nguyễn Khuyến hai chữ đại tự. Cụ liền cho ‘Đại Hạ’, đây là 2 chữ có trong kinh điển chỉ phúc lớn. Nhưng có người bảo cụ có cái máu têu, vì ĐạiHạ = hè to = tò he là tiếng kèn tây.

Các bạn đã thấy Cụ Tam Nguyên Yên Đổ thâm thúy và dí dỏm chưa?

Cụ Chánh đáp ngay: dí dỏm và thông thái tuyệt vời ấy chứ. Trên văn đàn cụ có tên là Tam Nguyên, nghĩa là cụ đỗ thủ khoa của 3 kỳ thi lớn nhất nước, nên không hay sao được.

Rồi cụ Chánh góp ý: nãy giờ chúng ta nói nhiều về chữ nghĩa, bây giờ chúng ta chuyển đề sang ăn uống chăng. Tuy không ăn trực tiếp nhưng ta cứ bàn, ăn gián tiếp mà.

Rồi cụ xin phe các bà bắt đầu vì các bà là vua nhà bếp. Không bà nào chịu cả. Ông ODP chờ mãi mà không có ai mở lời, ông bèn xung phong. Ông xin bàn về một món VN đặc sắc nhất thế giới, không nước nào có, đó là món MẮM. Rồi ông thao thao ngay. Rằng đã là người VN thì ai cũng phải biết ăn mắm. Nói chung tất cả các loại mắm VN đều có cách ăn riêng. Cách ăn thì rất cầu kỳ. Mắm là chính, tất nhiên, và mắm có hàng chục phụ tùng đi theo, y như là các vai phụ trong một vở tuồng quay chung quanh vai chính để làm nổi bật vai chính. Hôm nay tôi xin lạm bàn về Mắm Tôm Chua kiểu Hà Nội. Các vai phụ của mắm tôm chua sẽ là:

thịt lợn ba rọi, phải nhiều mỡ mới ngon

các thứ rau thơm: diếp, ngò, húng dổi, tía tô, kinh giới

hành ta thái mỏng, gừng thái chỉ, ớt xanh khoanh nhỏ, chuối xanh, và khế.

Các vai phụ này tượng trưng cho các vị cay chua chát béo. Những vị này trộn lẫn với nhau tạo nên một vị tổng hợp rất đặc biệt: mắm hơi chua và mặn, thịt mỡ béo ngậy và bùi, pha hòa với cái nồng cháy của ớt và gừng, chát của chuối xanh, chua của khế, hăng hăng của hành sống. Rồi tất cả được làm dịu đi bởi các loại rau sống. Tất cả tạo nên một miếng ngon vô cùng.

Bây giờ tôi xin bàn về Triết lý ăn mắm: Ăn mắm, chúng ta sẽ hiểu mùi vị của cuộc đời hơn. Càng lăn lộn, thất bại, lên voi xuống chó, bị đời lừa gạt, khi ăn mắm chúng ta càng thấy ngon hơn vì chua cay mặn chát nồng nàn vừa là vị mắm cũng chính là mùi vị cuộc đời, con nít ăn mắm, vì chưa từng trải cuộc đời, chưa hiểu cái thâm thúy cuộc đời nên không thấy mắm ngon bằng người lớn.

Ăn mắm, ta không nên ăn với bún hay với cơm, chỉ nên ăn như thế này:

..Lấy 1 lá rau diếp để vào chén dùng làm món gói, rồi bỏ các loại rau thơm vào xếp trọn trong lá rau diếp, chuối xanh, gừng, ớt, hành sống, cuối cùng là miếng thịt, rồi mắm, rồi gói lại, và từ từ đưa vào miệng. Chao ơi, bản đại hợp tấu bắt đầu... Rồi bạn hớp một tớp bia hay rượu đế... Bạn hãy nói cho tôi hay nào có món gì trên thế giới ngon bằng món VN này không?

Và xin bạn nhớ điều quan trọng này: ăn mắm phải có bạn, vừa nhậu vừa nói tếu, vừa vui cười. Người bạn nhậu là một điều cần thiết.

Nói đến đây rồi ông xin hết. Cả làng vỗ tay râm ran. Mấy bà mấy cô thì hết lời ca ngợi: Bồ chữ có khác! Ông bảo đây không phải là lời của ông mà là lời của một tác giả viết trên báo năm 1984, Ông không rõ tác giả nhưng ông lưu giữ vì bài viết vưa đúng vừa hay.

Khi các hội viên trong làng như đã ăn no mắm của Ông Từ Hòe, cụ tiên chỉ làng xin chấm dứt buổi họp tân niên với lời rất thân thương này:

Nhân vừa nói tới bữa ăn, lão xin góp thêm một ý cho năm mới: Bữa ăn là thời gian gia đình họp nhau ăn uống, cha mẹ gặp con gặp cháu, cả gia đình có mặt, đây là thời gian tốt đẹp nhất để bầy tỏ lòng yêu thương, bởi vậy trong bữa ăn chỉ nên nói lời yêu thương pha với tiếng cười, những gì làm tăng thêm sự vui vẻ, các thông tin vui và tích cực. Xin tránh việc này: bữa ăn không phải là thời gian gặp mặt để cha mẹ phán xét, la rầy con cái, anh chị em cãi nhau. Nhiều gia đình có thói quen giờ ăn là giờ phán xét, giờ la mắng, kể tội... Làng chúng ta nhớ bảo nhau và dặn con cái: bữa ăn là bữa để tăng thêm tình yêu thương và bày tỏ sự vui vẻ trong gia đình, là thời gian hạnh phúc nhất trong ngày. Nếu cần phải la mắng trách móc thì tìm lúc khác, phải tránh lúc ăn cơm. Đây là điều lão đã giữ từ bé cho tới bây giờ, bữa nay xin trao lại cho các bạn.

Cả làng nghe xong, ai cũng hứa se nhớ lời khuyên này và sẽ truyền lại cho con cho cháu.

Kính chúc các cụ năm mới bữa cơm nào cũng là bữa ăn vui vẻ, đầy tiếng cười, đầy tình yêu thương.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Cập nhật tình trạng của ĐTC. Phóng sự đặc biệt lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, ngày đầu năm tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:58 01/01/2021


Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây thu được trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Sáu 1 tháng Giêng vào lúc 12 giờ trưa giờ địa phương Rôma, tức là lúc 6 giờ chiều ngày thứ Sáu theo giờ Việt Nam.

Đức Thánh Cha đã bất ngờ bị một cơn đau thần kinh tọa. Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất cơ thể đi từ phần dưới thắt lưng đến tận ngón chân. Có 2 dây thần kinh tọa bên trái và bên phải để điều khiển từng bên tương ứng. Thần kinh tọa có ba chức năng chính là chi phối, cảm giác vận động dinh dưỡng, góp phần nuôi dưỡng các phần mà nó đi qua. Thông thường là do một phần nào đó trong cơ thể chúng ta đè lên dây thần kinh này gây ra các cơn đau nhói và gây trở ngại cho việc đi lại.

Chính vì thế, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn đã chủ sự buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn lúc 5 giờ chiều ngày 31 tháng 12; và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ tế thánh lễ sáng ngày đầu năm lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày hòa bình thế giới lần thứ 54.

Tuy nhiên, căn bệnh này không phải là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, quý vị và anh chị em có thể thấy Đức Thánh Cha vẫn có thể chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin như anh chị em đang xem thấy đây. Chúng tôi sẽ tường trình nội dung bài huấn đức của ngài trong chương trình tiếp theo.

Nhân đây, thiết tưởng cũng nên nhắc lại lịch sử của ngày hòa bình thế giới.

Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô Đệ Lục đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng là sứ mệnh cao quý nhất của Liên hiệp quốc: đó là “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.

Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô Đệ Lục thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm theo thông lệ, vào ngày 01 tháng Giêng, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.

Trong triều đại của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã có những sứ điệp hòa bình như sau: Chỉ trong sự thật mới có hòa bình; Nhân vị, trọng tâm của hòa bình; Gia đình nhân loại: cộng đồng hòa bình; Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình; Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên; Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình; Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình; Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có các sứ điệp hòa bình sau: Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn đến hòa bình; Không còn là nô lệ nhưng là anh chị em với nhau; Vượt thắng thờ ơ và giành lấy hòa bình; Bất bạo động: Một hình thái chính trị vì hòa bình; Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình; Chính trị tốt phục vụ hòa bình, Hòa bình như một cuộc hành trình của Hy Vọng: Đối Thoại, Hòa Giải và Hoán Cải về Sinh Thái.

Chủ đề của ngày hòa bình thế giới năm nay là: “Văn hóa quan tâm, đường dẫn tới hòa bình”.



Đức Hồng Y đã đọc bài giảng sau của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong các bài đọc của phụng vụ hôm nay, nổi bật lên ba động từ được ứng nghiệm nơi Mẹ Thiên Chúa: chúc lành, được sinh ra và tìm kiếm.

Chúc lành. Trong Sách Dân số, đây là cách Chúa yêu cầu các tư tế chúc lành cho dân mình: “Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em’” (Ds 6:23-24). Đó không phải là một lời khích lệ đạo đức, nhưng là một yêu cầu cụ thể. Và điều quan trọng là ngay cả ngày nay các linh mục vẫn chúc lành cho dân Chúa như thế mà không hề mệt mỏi; và cầu xin cho tất cả các tín hữu cũng là những người mang đến những phước lành, nghĩa là họ cũng là những người chúc phúc. Chúa biết rằng chúng ta cần được chúc lành: điều đầu tiên Ngài làm sau khi tạo dựng trời đất là nói tốt về mọi thứ và nói rất tốt về chúng ta. Nhưng giờ đây, với Con Thiên Chúa, chúng ta không chỉ nhận được những lời chúc phúc, mà chính Ngài là một phúc lộc: Chúa Giêsu là phúc lành của Chúa Cha ban cho chúng ta. Thánh Phaolô nói: Chúa Cha đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng “muôn vàn ơn phúc” (Ep 1: 3). Mỗi khi chúng ta mở lòng ra đón nhận Chúa Giêsu, thì phúc lành của Thiên Chúa bước vào đời sống của chúng ta.

Hôm nay, chúng ta mừng Con Thiên Chúa, Đấng tự bản chất là đầy ơn phúc, đến với chúng ta qua Đức Mẹ, được chúc phúc bởi ân sủng. Do đó, Đức Maria mang đến cho chúng ta phúc lộc của Thiên Chúa vì Mẹ ở đâu, thì Chúa Giêsu có mặt ở đó. Vì vậy, chúng ta cần phải chào đón Mẹ, giống như Thánh Êlisabét, là người đã đón Mẹ vào nhà mình và ngay lập tức nhận ra phước lành này, và nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Đây là những lời chúng ta lặp lại trong bài Ave Maria. Khi dành chỗ cho Đức Maria, chúng ta được chúc phúc, nhưng chúng ta cũng học cách chúc lành. Thật vậy, Đức Mẹ dạy rằng phước lành chúng ta nhận được là để trao ban. Mẹ, đấng được chúc phúc, là phúc lành cho tất cả những ai gặp gỡ Mẹ: cho bà Êlisabét, cho đôi tân hôn trong tiệc cưới ở Cana, và cho các Tông đồ trong Nhà Tiệc Ly... Chúng ta cũng được kêu gọi chúc lành, được kêu gọi để nói điều tốt lành nhân danh Chúa. Thế giới đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì nói xấu và nghĩ xấu về người khác, về xã hội, về chính mình. Nhưng những băng hoại từ thói nói xấu sau lưng, làm cho mọi thứ trở nên thoái hóa, trong khi những lời chúc lành tái tạo, mang lại sức mạnh để bắt đầu lại mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban ơn để trở thành những người hân hoan mang ơn lành của Thiên Chúa cho người khác, như Mẹ là người mang ơn phúc đến cho chúng ta.

Được sinh ra là động từ thứ hai. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Con Thiên Chúa “sinh bởi người phụ nữ” (Gl 4: 4). Vắn tắt, điều này cho chúng ta biết một điều tuyệt vời: Chúa đã sinh ra giống như chúng ta. Người không chào đời như một người lớn, mà là một hài nhi; Người không đến thế giới một mình, nhưng đến từ một người phụ nữ, sau chín tháng trong lòng Mẹ, là người mà từ đó Ngài để cho nhân tính của mình được dệt nên. Trái tim của Chúa bắt đầu đập trong Mẹ Maria; Chúa của sự sống đã lấy dưỡng khí từ Đức Mẹ. Kể từ đó, Mẹ Maria đã kết hợp chúng ta với Thiên Chúa, vì trong Mẹ, Thiên Chúa gắn liền với xác thịt chúng ta và không bao giờ lìa khỏi xác thịt ấy nữa. Thánh Phanxicô thích nói thế này: Mẹ “đã làm cho Chúa Thượng trở thành anh trai của chúng ta” (San Bonaventura, Legenda major, 9,3). Mẹ không chỉ là cầu nối giữa chúng ta và Chúa, Mẹ còn hơn thế nữa: Mẹ là con đường mà Chúa đã đi, để đến với chúng ta; và đó là con đường mà chúng ta phải đi, để đến được với Ngài. Qua Mẹ Maria, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa như Ngài muốn, nghĩa là trong sự dịu dàng, thân mật, trong xác thịt. Đúng thế, Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng trừu tượng, Ngài là cụ thể, nhập thể, Ngài được sinh ra bởi một người phụ nữ và lớn lên một cách kiên nhẫn. Phụ nữ biết tính cụ thể kiên nhẫn này: đàn ông chúng ta thường trừu tượng và muốn điều gì đó ngay lập tức; phụ nữ là người cụ thể và biết kiên nhẫn đan những sợi chỉ cuộc đời. Bao nhiêu người phụ nữ, bao nhiêu người mẹ bằng cách này sinh ra và tái sinh cuộc sống, ban cho thế giới một tương lai!

Chúng ta không chào đời để chết, nhưng để tạo ra sự sống. Mẹ Thiên Chúa thánh khiết dạy chúng ta rằng bước đầu tiên để ban sự sống cho những gì xung quanh chúng ta là yêu mến chúng bên trong chúng ta. Tin Mừng hôm nay cho biết Mẹ đã “ghi nhớ mọi sự trong lòng” (x. Lc 2:19). Và chính là từ trái tim mà điều thiện được sinh ra: thật quan trọng biết bao là giữ trái tim trong sạch, giữ gìn đời sống nội tâm, và thực hành cầu nguyện! Điều quan trọng là giáo dục trái tim biết quan tâm, nâng niu con người và vạn vật như thế nào. Mọi thứ bắt đầu từ đây, từ việc chăm sóc cho người khác, cho thế giới, cho tạo vật. Anh chị em không cần phải biết quá nhiều người và quá nhiều thứ nếu chúng ta không quan tâm đến họ. Năm nay, trong khi chúng ta hy vọng về một sự tái sinh và các phương pháp điều trị mới, chúng ta không thể bỏ qua phương dược chữa trị cho các vấn nạn của chúng ta. Bởi vì, ngoài vắc-xin cho cơ thể, chúng ta cần vắc-xin cho tâm hồn: và vắc-xin này là phương dược chữa trị. Sẽ là một năm tốt lành nếu chúng ta biết chăm sóc người khác, như Đức Mẹ đã chăm sóc cho chúng ta.

Và động từ thứ ba là tìm. Phúc âm nói rằng những người chăn cừu “đã tìm thấy Đức Maria, Thánh Giuse và Hài Nhi” (câu 16). Họ không tìm thấy những dấu chỉ phi thường và ngoạn mục, mà là một gia đình đơn giản. Tuy nhiên, ở đó, họ thực sự tìm thấy Chúa, Đấng cao cả trong sự nhỏ bé, đầy sức mạnh trong sự dịu dàng. Nhưng làm thế nào những người chăn cừu tìm thấy dấu hiệu khó thấy này? Họ được một thiên thần kêu gọi. Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy Chúa nếu chúng ta không được ân sủng kêu gọi. Chúng ta không thể tưởng tượng được một vị Chúa như vậy, được sinh ra bởi một người phụ nữ và cách mạng hóa lịch sử bằng sự dịu dàng. Nhưng nhờ ân sủng, chúng ta đã tìm thấy Người. Và chúng ta đã khám phá ra rằng sự tha thứ của Người làm cho chúng ta được tái sinh, sự an ủi của Người thắp lên hy vọng, và sự hiện diện của Người mang lại cho chúng ta một niềm vui không gì có thể cưỡng lại được. Chúng ta đã tìm thấy Chúa, nhưng chúng ta không được để mất dấu Chúa. Thật vậy, Chúa không được tìm thấy một lần cho mãi mãi, nhưng phải được tìm thấy mỗi ngày. Vì thế, Tin Mừng mô tả các mục đồng luôn luôn tìm kiếm, di chuyển: “Họ liền hối hả ra đi, họ tìm thấy, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này, khi ra về, họ vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa” (cc. 16-17,20). Họ không thụ động, bởi vì để chào đón ân sủng, người ta phải tiếp tục tích cực.

Và chúng ta được mời gọi để tìm kiếm điều gì vào đầu năm này? Sẽ rất tuyệt nếu anh chị em dành ra thời gian cho ai đó. Thời gian là của cải mà chúng ta ai cũng đều có, nhưng chúng ta lại ghen tị, vì chúng ta chỉ muốn sử dụng nó cho riêng mình. Chúng ta phải khẩn khoản xin ân sủng để dành ra thời gian: thời gian cho Chúa và cho người lân cận của mình: cho những người cô đơn, cho những người đau khổ, cho những người cần lắng nghe và quan tâm. Nếu chúng ta tìm thấy thời gian để trao ban, chúng ta sẽ ngạc nhiên và hạnh phúc, giống như những người chăn cừu. Xin Đức Mẹ, Đấng đã đưa Chúa vượt thời gian, giúp chúng ta trao ban ra thời gian của mình. Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con xin dâng năm mới cho Mẹ. Mẹ đã ghi nhớ mọi sự trong lòng, xin quan tâm đến chúng con. Xin chúc lành cho thời gian của chúng con và dạy chúng con dành thời gian cho Chúa và cho người khác. Chúng con vui mừng và vững dạ tung hô Mẹ: Mẹ Thánh của Thiên Chúa! Xin được như vậy.


Source:Holy See Press Office