Ngày 30-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 31/01: Sức mạnh của lòng can đảm – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:03 30/01/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’” Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

Đó là lời Chúa
 
Talita Cum – Mark 5:41
Nguyễn Trung Tây
06:14 30/01/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Talita Cum – Mark 5:41


□ Bữa hôm đó, cái bang tu sĩ ghé thăm khu ổ chuột Cubao thủ đô Manila.

Sau một hồi gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ với nhiều cư dân khu ổ chuột, cái bang dừng lại rồi bước vào túp lều của bà mẹ độc thân với 7 đứa con. Em lớn nhất 14 tuổi nằm mê man trên giường trong cơn sốt.

Tu sĩ hỏi bà mẹ, em bệnh gì? Mẹ em nói không biết, bởi không có tiền mang em đi khám Bác Sĩ. Câu trả lời đơn giản và thực tế!

Sờ vào trán em, ai cũng nhận ra được cơn sốt cao độ, tu sĩ gọi sốt than hồng. Thế đấy, thiếu niên 14 tuổi nằm đó nóng như cục than cháy đỏ với không một viên thuốc.

Cái bang tu sĩ nhìn nhau. Tu sĩ nhanh chóng quyết định, giờ này mỗi người một chút, góp vào, hy vọng em sẽ qua cơn sốt than hồng. Tu sĩ nhớ vào khoảng khắc đó, tu sĩ chỉ mong có Đức Giêsu xuất hiện, đứng ngay bên cạnh.

Sau chuyến công tác, cái bang đã về nhà hơn một tuần rồi, nhưng hình ảnh thiếu niên sốt than hồng vẫn đi theo tu sĩ. Tu sĩ cầu nguyện, hy vọng, tương tự như câu chuyện Talita cum năm xưa. Đức Giêsu bước lên phòng. Ngài cầm tay thiếu niên sốt than hồng Cubao, và Ngài nói với em, “Talita cum/Em nhỏ, thầy truyền cho em trỗi dậy” (Mark 5:41).

Bản tin mong đợi rồi cũng tới tựa gió mùa hè thổi mát lòng người: em sốt than hồng bởi bệnh sốt xuất huyết. Em đã được điều trị tại bệnh viện. Giờ đã hết sốt, em đã ngồi dậy. Em đã talita cum.□
(Trích "Ảnh Chiêm Niệm" chuẩn bị xuất bản)
 
Tiến vào vùng tăng trưởng
Lm. Minh Anh
13:49 30/01/2023

TIẾN VÀO VÙNG TĂNG TRƯỞNG
“Lạy Chúa, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa!”

“Điều gì đang chờ đợi bạn ở bên ngoài vùng an toàn?”. Theo Darius Foroux, khi thoát khỏi ‘Vùng An Toàn, Comfort zone’, bạn bước vào ‘Vùng Sợ Hãi, Fear zone’ và ‘Vùng Học Hỏi, Learning zone’, trước khi đến ‘Vùng Tăng Trưởng, Growth zone’. Nghiên cứu cho biết, 80% người trên thế giới ở mãi trong ‘Vùng An Toàn’; 20% số còn lại nằm trong 3 vùng sau. Càng ra phía ngoài, số người càng giảm; nói cách khác, chỉ có một số rất ít có thể ‘tiến vào Vùng Tăng Trưởng!’

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi ra khỏi ‘vùng an toàn’, vượt qua ‘vùng sợ hãi’, trải nghiệm ‘vùng học hỏi’ để ‘tiến vào vùng tăng trưởng’, một vùng có tên “Giêsu!” Nói cách khác, khao khát Ngài, bắt chước Ngài và nên giống Ngài, Đấng giàu ân sủng và đầy xót thương. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là lời ngợi khen của một con người đã ra khỏi vùng an toàn, ‘tiến vào vùng tăng trưởng’ Giêsu đó, “Lạy Chúa, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa!”

Thư Do Thái hôm nay đề nghị bạn và tôi can đảm giã từ một vùng tưởng là an toàn nào đó. Có thể là một cậy dựa thế tục; một đam mê, một tính hư nết xấu vốn không hề an toàn chút nào, “Hãy trút bỏ tất cả những gì làm chúng ta nặng nề và tội lỗi”. Tiếp đến, tác giả khích lệ chúng ta thẳng tiến để đến với Chúa Giêsu, “Hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi. Nhìn thẳng vào Đức Giêsu!”. Chính bản thân Ngài cũng đã ra khỏi vùng an toàn; tác giả kết luận, “Ngài đã chịu khổ hình thập giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Nhờ vậy, Ngài trở nên một ‘Vùng Tăng Trưởng’ tuyệt vời cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Trong Tin Mừng hôm nay, hai con người đã ra khỏi vùng an toàn của mình để tiếp cận Chúa Giêsu theo những cách thức rất khác nhau: một công khai, một chùng lén. Ấy thế, họ đã gặp được lòng thương xót của Ngài. Đó là Giairô, trưởng hội đường; và một phụ nữ băng huyết. Ra khỏi ‘vùng an toàn’ uy tín, thế giá và các thầy thuốc giỏi nhất, Giairô đã đến với Chúa Giêsu; bởi lẽ, tất cả đó xem ra không an toàn cho mạng sống con gái ông. Đúng thế, con gái ông đã chết, và giờ đây ông chỉ biết chạy đến ‘ném mình’ trước Ngài; nhờ đó, con ông sống. Cũng thế, với người phụ nữ; có thể cô là người giàu có, đã tiêu tốn nhiều với những thầy thuốc giỏi. Nhưng xem ra, cô bất lực với những gì mà 12 năm qua cô nghĩ là an toàn. Giờ đây, cô đến với Chúa Giêsu khi thầm nghĩ, “Nếu tôi được chạm đến áo Ngài thôi, tôi sẽ được khỏi”. Và cô toại nguyện!

Anh Chị em,

“Kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa!”. Hẳn hai con người này đã ca khen Thiên Chúa, Đấng cứu họ trong ‘Giêsu, Vùng Tăng Trưởng’. Trong cuộc sống, bạn và tôi có thể cảm thấy an toàn như hai con người này trong một ‘vùng an toàn’ nào đó; một gia đình thế giá, một tài sản đáng kể, một địa vị đủ chức lẫn quyền… hay ‘đạo đức hơn’ khi sáng lễ chiều kinh, chẳng mất lòng ai và hay làm phúc bố thí. Có thể đáng lo hơn, khi sống trong một tình trạng tội lỗi nhưng lương tâm đã thoả hiệp với một ‘vùng an toàn’ nào đó. Vậy mà, tất cả chẳng an toàn chút nào! Lời Chúa mời gọi bạn và tôi thoát khỏi những ‘vùng kéo xuống’ đó, vượt qua sợ hãi để đến với Chúa Giêsu. Ngài là Thầy Thuốc của mọi thầy thuốc, chiếc thang nối trời với đất. Nơi Ngài, chúng ta không chỉ chạm ngưỡng thiên đàng, nhưng ở trong thiên đàng. Trong nhà chầu, Ngài đợi chúng ta lui tới, lên xuống trong Ngài, hầu được cứu, được chữa lành. Ngài là chốn tựa nương an toàn nhất cho đến muôn đời; đời này và đời sau!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đôi khi con cảm thấy bất lực với những ‘vùng an toàn giả’ của mình, xin lôi con thẳng đến ‘vùng tăng trưởng’, chính Chúa, nơi niềm tin và niềm hy vọng của con cháy sáng!” Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 30/01/2023

16. Nếu tâm hồn chúng ta dùng lý trí và lòng yêu mến để bổ túc cho một sự việc đời đời nào đó, thì chúng ta sẽ không sống ở thế gian này.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:03 30/01/2023
49. ĐÓ CHÍNH LÀ HÀ BÁ

Có một người nói với Tề vương:

- “Hà Bá là thần nước, tại sao đại vương lại không thử cùng ông ta gặp mặt một lần, tôi có một phương pháp để ngài gặp ông ấy.”

Nói xong người ấy bèn lập trên sông một cái đàn tế nổi bập bềnh trên nước, và cùng đứng bên cạnh Tề vương để hầu hạ.

Một lát sau, có một con cá lớn đang lắc đầu nguẩy đuổi bơi lại, người ấy vội vàng nói:

- “Đó chính là hà bá”.

(Hàn Phi Tử)

Suy tư 49:

Đức Chúa Giê-su đã nói về điềm báo trước của ngày tận thế: “Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: chúng ta đây là Đức Ki-tô”, và sẽ lừa gạt được rất nhiều người.” ( Mt 24, 4-5). Chính những người thường được coi là đạo đức thì bị lừa trước ai cả, vì họ rất dễ dàng tin vào những gì gọi là thần thánh, họ không biết phân biệt đâu là dị đoan, đâu là sự thật và đâu là giả dối. Đó chính là hậu quả của việc giữ đạo bên ngoài, giáo lý không sâu.

Chúng ta gặp nhiều hạng người giả mạo mình là linh mục, tu sĩ để lừa gạt giáo dân, nhất là lừa gạt những người có lòng tôn sùng các đấng bậc trong giáo hội- để kiếm tiền ăn nhậu; chúng ta cũng gặp được nhiều người mang bộ mặt đạo đức thánh thiện, nhưng trong lòng thì đầy những nọc độc của rắn hổ mang rắn độc, luôn nói những lời gây chia rẽ mọi người và phá đi sự thánh thiện trong cộng đoàn. Sói đột lốt chiên để bắt chiên mà ăn.

Người Ki-tô hữu có bổn phận phải đề cao cảnh giác tỉnh thức những ki-tô giả, họ miệng nói tin Chúa nhưng trong lòng thì không có Chúa nên đi lừa dối mọi người.

Tề vương bị gạt vì cả tin là có hà bá.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tội ác vì lòng căm thù đức tin tại các nhà thờ Công Giáo Montana gây đau đớn cho các tín hữu
Đặng Tự Do
05:12 30/01/2023


Cảnh sát Montana cho biết họ đang mở cuộc điều tra về hai vụ tấn công vào hai nhà thờ Công Giáo trong vùng.

Vụ thứ nhất diễn ra tại nhà thờ Thánh Patrick ở Billings, Montana, trong đó những kẻ tấn công đã nhắm vào Cảnh Giáng Sinh của nhà thờ. Các nhà thông thái bị chặt đầu, các động vật bị đập vỡ, tượng Đức Maria, Chúa Hài Đồng và Thánh Giuse sau khi những kẻ phá hoại phá hủy các bức tượng vào đêm 16 Tháng Giêng.

Vụ việc tương tự xảy ra tại Nhà thờ Công Giáo Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình ở phía nam thành phố trong cùng đêm đó. Ba bức tượng và một số bức tranh đã bị đánh cắp ở đó, tác phẩm nghệ thuật về Đức Mẹ Guadalupe bị hư hại, và những khẩu hiệu tục tĩu và báng bổ được viết trên tường.

Hai nhà thờ không phải Công Giáo khác cũng bị phá hoại trong cùng tuần. Không rõ liệu các tội ác có liên quan với nhau hay không, nhưng mục sư của một trong những nhà thờ cho biết ông không nghĩ chúng có liên quan với nhau.

Cảnh sát ước tính những món đồ bị đánh cắp tại Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình trị giá khoảng 8.300 USD. Theo cảnh sát, thiệt hại đối với cửa trước của nhà thờ và việc chùi sạch các khẩu hiệu trên tường ước tính khoảng 4.000 đô la.

Cha Jose Marquez, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình, gọi những thủ phạm là “những kẻ bệnh hoạn về tinh thần và cảm xúc.”

Một giáo dân tại nhà thờ Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình đã lập một trang GoFundMe vào ngày 18 Tháng Giêng để “giúp chúng tôi sửa chữa, thay thế các vật phẩm thiêng liêng của chúng tôi và mua một hệ thống báo động rất cần thiết.”

“Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng đây là một tội ác do thù ghét,” bản cập nhật ngày 21 Tháng Giêng của trang này viết. “Xin hãy giúp chúng tôi khôi phục lại cộng đồng đức tin của chúng tôi.”

Theo trang GoFundMe, thiệt hại tại nhà thờ “nghiêm trọng đến mức chúng tôi không thể thờ phượng cho đến khi không gian được sửa chữa và thánh hiến lại. Tất cả các bức tượng, sách thánh và biểu tượng thiêng liêng của chúng tôi đã biến mất. Bức tranh Đức Mẹ đã bị bôi bẩn với những khẩu hiệu thô tục.”

Gần 14.000 đô la đã được huy động vào chiều thứ Sáu.

CNA đã liên hệ với Cha Marquez để xin bình luận nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm xuất bản.

Cha Leo McDowell, cha sở nhà thờ Thánh Patrick nói với KTVQ News. “Nghe về chuyện xảy ra ở dưới đó khiến tôi đặt ra một câu hỏi: Đó có phải là họ cố ý nhắm mục tiêu của chúng tôi không, hay đó là thứ gì đó mà ai đó đã làm trong lúc tức giận?”

Chín ngày sau khi Cha McDowell nộp đơn trình báo cảnh sát, ngài nói rằng ngài vẫn đang đợi ai đó điều tra vụ việc, theo hãng tin này.

“Tôi hơi thất vọng. Nó khiến tôi đặt câu hỏi liệu họ có đang xem xét nó một cách nghiêm túc hay không,” Cha McDowell nói.

Montana Television Network News cho biết họ đã liên hệ với Sở cảnh sát Billings về vụ việc vào ngày 25 Tháng Giêng. Ngay sau đó, sở cảnh sát đã phản hồi và cử các viên chức cảnh sát đến hoàn thành cuộc điều tra. Trung úy Matt Lennick của sở cảnh sát đã nhận lỗi về sự chậm trễ trong việc trả lời vụ việc.

Vào ngày 26 Tháng Giêng, sau khi xem tin tức về vụ phá hoại tại nhà thờ Thánh Patrick, một “Người Samari nhân hậu” đã tìm thấy những bức tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse bị mất tích trong lối thoát hiểm của tòa nhà chung cư của cô ấy và đã liên hệ với MTN News

“Xin chào! Tôi có một vài tin tốt; Tôi có tượng Đức Maria và Thánh Giuse!” người phụ nữ giấu tên đã viết trong một email gửi cho tòa soạn. Đầu của bức tượng Thánh Giuse đã bị chặt mất, nhưng người phụ nữ nói rằng cô ấy đã cố gắng dán nó trở lại. Bất chấp những nỗ lực này, Cha McDowell cho biết các bức tượng rất có thể sẽ phải được thay thế.

Ngài cũng bày tỏ hy vọng rằng bức tượng Chúa hài đồng vẫn đang bị mất tích sẽ được tìm thấy.

Ngài nói với MTN News vào ngày 26 Tháng Giêng: “Tôi hy vọng rằng ai đó sẽ tình cờ gặp bức tượng và có thể nghe được câu chuyện vào tối nay”.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi không có camera xung quanh nhà thờ ngay bây giờ, nhưng điều đó có thể sẽ thay đổi trong thời gian ngắn sắp tới.”
Source:Catholic News Agency
 
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo các Giáo Hội tại Thánh Địa Giêrusalem
Đặng Tự Do
05:17 30/01/2023


Như chúng tôi đã đưa tin, một cuộc tấn công khủng bố vào một hội đường Do Thái ở khu phố Neve Yaakov của Giêrusalem đã khiến 7 người thiệt mạng và nhiều người khác trong tình trạng nguy kịch. Sau vụ này, Israel đã tấn công trả đũa khiến 10 người Palestine mất mạng, nâng tổng số người Palestine mất mạng từ đầu năm lên đến 32 người. Trước các diễn biến đáng âu lo này các nhà lãnh đạo các Giáo Hội tại Thánh Địa Giêrusalem đã ra tuyên bố sau đây.

Chúng tôi, những Thượng phụ và những người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem, kêu gọi tất cả các bên ở Thánh Địa thực hành kiềm chế và tự chủ. Chúng tôi đã liên tục cảnh báo về một chu kỳ bạo lực bùng nổ, vô nghĩa sẽ chỉ gây tổn thương và đau khổ cho mọi người. Tình trạng như vậy gần như chắc chắn sẽ mang lại nhiều tội ác và đau khổ hơn nữa, đẩy chúng ta ra khỏi nền hòa bình và ổn định mà tất cả chúng ta hằng mong đợi.

Khi theo dõi chặt chẽ tình huống đáng tiếc này, chúng tôi đã kết luận rằng sự gia tăng bạo lực đã dẫn đến cái chết vô lý của 32 người Palestine và 7 người Israel kể từ đầu năm mới dường như đang tự kéo dài. Nó chắc chắn sẽ tiếp tục và thậm chí leo thang trừ khi các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng ở tất cả các bên kiên quyết thực hiện một biện pháp can thiệp mạnh mẽ.

Mọi người phải làm việc cùng nhau để xoa dịu những căng thẳng hiện tại và khởi động một tiến trình chính trị dựa trên các nguyên tắc công lý đã được thiết lập vững chắc để mang lại hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người. Đồng tình với điều này, trong những thời điểm khó khăn nhất này, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đức tin tôn giáo của nhau và thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các thánh địa và nơi thờ phượng.

Sau hậu quả của làn sóng bạo lực bi thảm mới nhất này, chúng tôi cầu nguyện cho những người thiệt mạng và bị thương, và chúng tôi xin Chúa gần gũi với các gia đình và những người thân yêu của họ. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho sự chữa lành cho những người bị thương, và xin Đấng Toàn năng ban sức mạnh và sự kiên trì cho những người chăm sóc họ.

Cuối cùng, chúng tôi cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan và thận trọng cho các nhà lãnh đạo chính trị và những người có ảnh hưởng ở tất cả các bên, khiến họ nghĩ ra những cách giúp chúng ta vượt qua bạo lực, giữ an toàn cho cộng đồng của chúng ta và làm việc không mệt mỏi để mang lại một giải pháp công bằng và hòa bình cho Thánh Địa thân yêu của chúng ta.
Source:https://en.jerusalem-patriarchate.info
 
Người phụ nữ khoả thân bị bắt tại nhà thờ Fargo vì đập vỡ bức tượng Chúa Kitô trong cái chết
Đặng Tự Do
17:08 30/01/2023


Một phụ nữ đã bị bắt sau khi bị cáo buộc gây thiệt hại nghiêm trọng cho bức tượng Chúa Giêsu tại Nhà thờ Đức Bà ở Fargo, Bắc Dakota, vào tối thứ Hai, có thể trong khi cô ấy đang chịu ảnh hưởng của ma túy.

Paul Braun, giám đốc truyền thông của Giáo phận Fargo, nói với CNA vào ngày 26 Tháng Giêng: “Chúng tôi rất buồn khi thấy một bức tượng rất cũ ở nhà thờ của chúng tôi bị hư hại và chúng ta hy vọng người chịu trách nhiệm sẽ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần, và chúng tôi cũng đang cầu nguyện cho người đó.”

Bức tượng có tên “Chúa Kitô trong cái chết,” mô tả thi hài của Chúa Giêsu nằm trên tấm vải liệm chôn cất với một vòng gai đặt dọc theo chân Ngài. Các bức ảnh cung cấp cho CNA cho thấy đầu và chân của bức tượng bị hư hại, một tay bị phá nát, cũng như vương miện gai và đế của bức tượng.

Các nhân viên cảnh sát Fargo cho biết họ nhìn thấy Brittany Marie Reynolds, 35 tuổi, rời khỏi nhà thờ vào khoảng 6:24 chiều. Họ đã bắt giữ cô sau khi cô bị cáo buộc cố gắng bỏ trốn. Cô ta ở trần và không thể trả lời những câu hỏi cơ bản và dường như bị ảnh hưởng bởi ma túy, tờ The Forum của Fargo đưa tin, trích dẫn các tài liệu của tòa án.

Cảnh sát vào nhà thờ và thấy rằng một bức tượng lớn của Chúa Giêsu đã bị đập vỡ trên sàn nhà. Đoạn phim giám sát nhà thờ được cho là cho thấy Reynolds thoát y trong nhà thờ và lật đổ một chậu cây trước khi phá hủy bức tượng.

Reynolds đã bị bắt và tòa án tống đạt lệnh bắt giữ vì bị cáo buộc có hành động hung hăng đối với nhân viên bệnh viện.

Đức ông Joseph Goering nói với cảnh sát rằng ngài không biết giá trị tiền tệ của bức tượng. Các quan chức cho biết một bức tượng tương tự mà họ tìm thấy trên mạng được định giá 11.500 USD.

Braun nói với CNA rằng một chuyên gia phục hồi nghệ thuật đang kiểm tra bức tượng bị hư hại để xác định xem nó nên được sửa chữa hay thay thế.

Reynolds phải đối mặt với cáo buộc trọng tội về hành vi phá hoại hình sự, có thể dẫn đến tối đa 10 năm tù và phạt tiền 20.000 đô la, The Forum đưa tin.

Đã có những sự việc phá hoại trước đây tại nhà thờ và các nhà thờ khác trong khu vực. Vào tháng 4 năm 2021, một bức tượng Chúa Giêsu trước Nhà thờ Đức Bà ở Fargo đã bị bôi sơn đen trên mặt. Vài ngày sau, một người không rõ danh tính đã loại bỏ lớp sơn. Vào năm 2018, một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria đã bị chặt đầu tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Antôn thành Padua ở phía nam Fargo.
Source:Catholic News Agency
 
Bí tích Thánh Thể có thể giúp ngăn cản chúng ta phạm tội trong tương lai hay không?
Đặng Tự Do
17:11 30/01/2023


Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể có thể củng cố tinh thần cho chúng ta, miễn là chúng ta mở lòng ra đón nhận ân sủng của Chúa.

Có nhiều lợi ích thiêng liêng từ việc thường xuyên lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, và một trong những lợi ích đó là củng cố tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể dễ dàng chống lại sự cám dỗ của tội lỗi trong tương lai.

Thánh Tôma Aquinô giải thích tác dụng này của bí tích trong Tổng Luận Thần Học của ngài bằng cách lần đầu tiên trình bày những ý kiến phản đối.

Nhiều người cho rằng dường như con người không được bí tích này gìn giữ khỏi những tội lỗi trong tương lai. Vì có nhiều người lãnh nhận bí tích này một cách xứng đáng, nhưng sau đó lại phạm tội. Do đó, xem ra bí tích này không có tác dụng bảo vệ các tín hữu khỏi những tội lỗi trong tương lai.

Đây là một lập luận rất hợp lý, vì chính chúng ta cảm thấy điều này bất cứ khi nào chúng ta rước lễ và sau đó tiếp tục cuộc sống tội lỗi của mình.

Tuy nhiên, Thánh Tôma Aquinô giải thích lý do tại sao thực tế này không nên làm chúng ta sao nhãng khỏi thực tế ân sủng Chúa ban cho chúng ta.

Bí tích này bảo vệ con người khỏi tội lỗi … Vì, trước hết, bằng cách kết hợp con người với Chúa Kitô nhờ ân sủng, nó củng cố đời sống tâm linh của các tín hữu, như thức ăn và liều thuốc tâm linh.

Đồng thời, chìa khóa để ngăn ngừa tội lỗi trong tương lai phụ thuộc vào sự cởi mở của người đó đối với ân sủng của Thiên Chúa.

Hiệu quả của bí tích này được nhận tùy theo tình trạng của con người: đó là trường hợp của mọi nguyên nhân tích cực ở chỗ hiệu quả của nó phụ thuộc vào điều kiện đón nhận. Tình trạng của con người trên trái đất là ý chí tự do của anh ta có thể hướng tới điều thiện hoặc điều ác. Do đó, mặc dù bí tích này tự nó có sức mạnh bảo vệ khỏi tội lỗi, nhưng nó không loại bỏ khả năng phạm tội của con người.

Nếu chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trong tình trạng tội lỗi, bị ngăn cách với ân sủng của Thiên Chúa, thì rất có thể chúng ta sẽ tiếp tục phạm tội trong tương lai gần.

Tuy nhiên, nếu chúng ta cởi mở và hết lòng đón nhận ân sủng của Chúa, thì Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta trong lúc hoạn nạn, bảo vệ chúng ta khỏi những cám dỗ trong tương lai.

Các Mối phúc, hay các phước lành, Chúa Giêsu dạy trong bài giảng dài nhất và nổi tiếng nhất của Ngài, là Bài giảng trên núi trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu chương 5, tất cả đều có một điểm chung cơ bản: Thiên Chúa quan tâm nhất đến tâm hồn của chúng ta và điều chúng ta thực sự mong muốn cho cuộc sống của mình.

Không giống như các tôn giáo khác, Kitô giáo giới thiệu một Thiên Chúa không chỉ yêu thương chúng ta vô điều kiện mà còn muốn biết chúng ta, dành thời gian cho chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng và tình yêu mà chúng ta sẽ không bao giờ xứng đáng. Chúng ta biết điều này là đúng bởi vì trong suốt Kinh Thánh, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đến gần Ngài vô số lần. Trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu 11:28, Chúa Giêsu phán: “Hỡi những kẻ khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được bồi dưỡng”. Chúa Giêsu muốn chúng ta thành thật tìm kiếm Ngài trong những lúc vui mừng cũng như thử thách và tin cậy Ngài trong cuộc đời mình. Trong tất cả các mối phúc, chủ đề này thể hiện rõ ràng nhất ở mối phúc thứ sáu, được tìm thấy trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu 5:8, “Phúc cho những kẻ có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa.”

Khi chúng ta được trình bày với khái niệm về sự trong sạch, tâm trí của chúng ta thường được dẫn thẳng đến việc tiết chế, điều độ hoặc có một cuộc sống không tội lỗi. Mặc dù những điều này xác định chính xác sự thuần khiết, nhưng chúng là những thứ thuần khiết bên ngoài. Chúa Giêsu nói “tâm hồn trong sạch,” ám chỉ sự trong sạch bên trong, một lần nữa cho thấy Ngài quan tâm đến tâm hồn của chúng ta.

Chúa Giêsu không lãng phí thời gian để nói về cuộc sống bên ngoài của chúng ta vì Ngài biết rằng tâm hồn của chúng ta trước hết phải được thay đổi. Khi chúng ta trải qua sự thay đổi trái tim này, hành vi, hành động và cuộc sống bên ngoài của chúng ta cũng sẽ thay đổi theo. Chúa Giêsu muốn tâm hồn của chúng ta thực sự khao khát những điều đẹp lòng Ngài – khi đó, cuộc sống của chúng ta sẽ phản ánh và tạo ra những điều đẹp lòng Ngài.

Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giêsu trong lòng và cam kết đi theo Ngài, thì Ngài bắt đầu một sự biến đổi trong lòng chúng ta. Tình yêu của chúng ta dành cho Ngài sẽ biến thành sự khao khát được biết Ngài và khao khát được sống giống như Ngài. Đây là một trái tim trong sạch: một trái tim không mong muốn gì hơn là được ở bên Chúa bởi vì đó thực sự là tất cả cuộc sống của chúng ta!

Trong mối phúc này, Chúa Giêsu cũng hứa rằng những ai thể hiện trái tim trong sạch này sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Chỉ những người có trái tim trong sạch mới biết Chúa Giêsu vì đó là những gì Chúa Giêsu nhìn thấy. Ngài không đánh giá quá cao những lời chúng ta nói hay hành động mà chúng ta dành cho Ngài trong cuộc sống của mình. Chúa biết tâm hồn và ước muốn của chúng ta và đó là điều Ngài quan tâm nhất.

Sự thật là ngay cả sau khi tiếp nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời mình, chúng ta vẫn sẽ thất bại. Nhưng may mắn thay, Chúa vẫn tiếp tục tha thứ cho chúng ta! Ngài tôn trọng những ước muốn của tâm hồn chúng ta, và nếu lòng chúng ta thực sự khao khát Ngài và ý muốn của Ngài cho cuộc đời chúng ta, ngay cả khi chúng ta thất bại, thì chúng ta cũng sẽ được nâng dậy.
Source:Aleteia
 
George Weigel tường trình từ Rôma Thánh Lễ An Táng Đức Hồng Y George Pell tại Vương Cunh Thánh Đường Thánh Phêrô
Vu Van An
18:25 30/01/2023

Trên tờ First Things ngày 16 tháng 1 năm 2023, dưới hình thức “Lá thư từ Rôma # 5”, George Weigel đã tường thuật nhiều chi tiết và suy tư xung quanh Lễ An Táng Đức Hồng Y Pell tại Vatican:



Vì Chúa, hãy để chúng tôi ngồi trên mặt đất
Và kể những câu chuyện buồn về cái chết của các vị vua
.
[Richard II. 3.2]

Đức Hồng Y George Pell, người đột ngột qua đời vì ngừng tim sau ca phẫu thuật thay khớp hông thành công vào ngày 10 tháng 1, có lẽ khinh thường ý niệm cho rằng ngài là bất cứ loại vua, hay thậm chí là hoàng tử nào – mặc dù trên thực tế, ngài là Hoàng tử của Giáo hội và, trong trái tim của nhiều người Công Giáo, là nhà lãnh đạo xứng danh của nền chính thống Công Giáo năng động sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI. Tuy nhiên, bất chấp những tiếng cười hân hoan từ vị trí hiện tại của ngài trong Hiệp Thông Các Thánh, George Pell vẫn là một nhân vật vĩ đại trong Đạo Công Giáo đương thời giống như những vị vua mà việc qua đời của họ đã được Richard II than thở bằng ngôn ngữ có một không hai của Shakespeare. Làm thế nào như vậy được? Hãy để tôi kể ra một số cách.

Hầu như một mình đơn độc, Pell đã ngăn chặn sự chảy máu về tín lý và kỷ luật trong đạo Công Giáo Úc vốn có sác xuất khiến Giáo hội địa phương đó trở thành hình ảnh ít được tài trợ hơn của thứ Công Giáo bội đạo hiện đang được trưng bày ở Đức.

Ngài là động lực đằng sau việc sửa đổi (và cải thiện rất nhiều) các bản dịch tiếng Anh của những lời cầu nguyện trong Nghi lễ Rôma, hiện nay chính xác hơn, trang nhã hơn và mang tính cầu nguyện hơn, đồng thời trung thành hơn với bản gốc tiếng Latinh.

Ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bầu chọn Hồng Y Joseph Ratzinger làm Đức Bênêđictô XVI và sau đó đưa vị giáo hoàng này (người mà ngài đã làm việc cùng khi Ratzinger là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin) đến Sydney cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2008: một sự kiện đã có tác động vang dội đến Nước Úc không giống như những gì đã xảy ra với Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ sau Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1993 - nghĩa là, nó đã biến Tân Phúc âm hóa từ một khẩu hiệu thành một đại chiến lược của Giáo hội với các hiệu quả mục vụ thực địa.

Ngài là người chống đối hiển hiện nhất chế độ độc tài của thuyết tương đối phe tả trong đời sống công cộng ở Úc, một người phản đối mạnh mẽ điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “Văn hóa sự chết” và sự chấp nhận phá thai và trợ tử của nó, một nhà phê bình thông minh đối với “những người vô thần mới” như Richard Dawkins và tai họa của những nhà tiên tri về biến đổi khí hậu thảm khốc, qui lỗi cho con người như Bill McKibben.

Ngài đóng vai trò trung tâm trong việc thách thức cách mà các nhân viên của Thượng Hội đồng Giám mục đã cố gắng dàn dựng cuộc họp năm 2014 của cơ quan đó—và sau đó đã cố gắng một lần nữa tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 2015.

Ngài đã truyền cảm hứng cho một thế hệ các linh mục và giám mục trẻ người Úc trở thành những mục tử tốt lành, trang bị cho đàn chiên của họ chống lại sự độc hại của nền văn hóa hiện đại, và thách thức tất cả những người đã được rửa tội trở thành những tác nhân xây dựng một nền văn hóa sự sống thông qua sức mạnh của Tin Mừng.

Ngài sống cuộc sống của một mục tử nhân hậu mà ngài thường yêu cầu những người khác sống, có lần mời ba mươi người vô gia cư đến uống trà buổi sáng tại dinh thự tổng giám mục của ngài và đi ra đường ăn uống với những người vô gia cư mỗi tháng một lần—và không mang theo một nhóm quay phim nào.

Ngài đã nói lên sự thật trước quyền lực của giới truyền thông và khinh bỉ những lời vu khống tàn bạo mà hầu hết báo chí Úc, bao gồm cả Tập đoàn Phát thanh Úc do chính phủ tài trợ, đã đối xử với ngài. Và trong những dịp hiếm hoi khi ngài có cơ hội đưa ra những lập luận của riêng mình, ngài đã đưa ra những gì tốt nhất có thể, bằng sức mạnh nhưng cũng có sự hài hước mà những đối thủ thường hay nổi giận của ngài đặc biệt thiếu.

Sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đến Rôma, Đức Hồng Y Pell đã đi đầu trong việc chống lại nạn tham nhũng tài chính của Tòa thánh, cải cách triệt để Ngân hàng Vatican và xác định những cải cách cần thiết hơn nữa để đảm bảo tính xác thực và khả năng thanh toán của Vatican—cho đến lúc sự hỗ trợ mà ngài đã trông đợi từ thẩm quyền cấp cao nhất biến mất.

Ngài đối đầu với sự thao túng xấu xa, ác ý của hệ thống tư pháp hình sự ở tiểu bang Victoria của Úc, khiến ngài phải ngồi tù 404 ngày trong phòng biệt giam trước khi được đắc thắng tuyên bố trắng án về tội “lạm dụng tình dục lịch sử” bởi Tòa án tối cao Úc (về bồi thẩm đoàn của phiên xử đã kết tội ngài và đa số trong hội đồng phúc thẩm đã giữ nguyên bản án, trong căn bản, phán quyết này nói rằng họ đã hành động phi lý). Khi thắng kiện, và bất chấp những đau khổ to lớn, George Pell đã giúp cứu vãn những gì còn lại của nền pháp quyền ở đất nước mà ngài yêu mến—và để lại ba tập nhật ký trong tù đã trở thành một tác phẩm thiêng liêng kinh điển đương thời, mang lại niềm an ủi cho mọi người trên toàn thế giới.

Thánh Lễ An Táng ở Rôma

Sau một ngày viếng thăm Nhà thờ nhỏ Thánh Stêphanô của người Abyssinia phía sau Nhà thờ Thánh Phêrô, nơi bạn bè có thể đến và cầu nguyện bên quan tài của ngài và rảy nước thánh (một phong tục đáng yêu của người Ý), Thánh lễ cầu hồn cho Đức Hồng Y Pell đã được cử hành vào ngày Ngày 14 tháng 1 tại hậu cung Vương cung thánh đường Vatican, bên dưới kiệt tác bằng đồng khổng lồ của Gianlorenzo Bernini, Bàn thờ Ngai Tòa. Các nghi thức phụng vụ không dành cho giáo hoàng, bao gồm cả lễ cầu hồn cho các vị Hồng Y, luôn được cử hành trong không gian rộng lớn đó. Nhưng những người từng trải các sự kiện như vậy nói rằng cộng đoàn tụ họp để từ biệt George Pell, và để cầu xin Chúa Cha nhân từ đón nhận người tôi tớ của mình vào vòng tay của Chúa Ba Ngôi, là sự tụ họp lớn nhất mà họ từng thấy—lớn hơn cả các cộng đoàn dành cho lễ phong chức phó tế được cử hành ở đó bởi trường Cao Đẳng Bắc Mỹ. Ngay trước khi Thánh lễ bắt đầu, Sanpietrini, tức lực lượng lao động của vương cung thánh đường, cuống cuồng sắp thêm những chiếc ghế phía sau những chiếc ghế dài trong hậu cung rộng lớn đã chật cứng từ lâu. Và do đó, cộng đoàn đã lấp đầy toàn bộ khu vực giữa Bàn thờ Ngai Tòa và một kiệt tác khác của Bernini, chiếc tán dù trên bàn thờ cao của Đức Giáo Hoàng bên dưới mái vòm vĩ đại của vương cung thánh đường. Như một trong những cộng tác viên lâu năm của Đức Hồng Y đã nói, “Khi mọi người bay đến từ khắp nơi trên thế giới trong một thời gian ngắn, điều đó nói lên một điều gì đó”.

Thánh lễ Cầu hồn được cử hành bởi Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, với hàng chục Hồng Y và giám mục đồng tế và những người khác hiện diện “trong dàn hợp xướng.” Trong số những người đồng tế có hai người phản đối gay gắt nhất các cải cách tài chính của Đức Hồng Y Pell, Đức Hồng Y Domenico Calcagno và Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu (người mà việc gửi ngân quỹ của Vatican đến Úc trong thời gian Đức Hồng Y Pell bị trừng phạt tư pháp chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng, và là người đã đưa ra một tuyên bố tâng bốc, tự biện hộ cho mình nhân cái chết của Pell). Sau đó, có Hồng Y Michael Czerny, S.J., người có luận án tiến sĩ, “Bậc thầy Feuerbach và Nhà tiên tri Marx: Dẫn nhập vào Tôn giáo,” Pell, học giả có bằng tiến sĩ Oxford, đã đọc cuốn này và thấy rất kinh hoàng. Phù hợp hơn, những người đồng tế bao gồm nhiều người quý trọng George Pell: trong số này người ta thấy vị Đại diện của Rome đã nghỉ hưu, Hồng Y Camillo Ruini; các Hồng Y người Mỹ Raymond Burke, James Harvey và Edwin O’Brien; và Francis Arinze 90 tuổi, người Nigeria. Vị đồng tế duy nhất không phải là giám mục là vị linh mục thư ký gần đây nhất của Pell, linh mục trung thành Joseph Hamilton.

Bài giảng của Đức Hồng Y Re mô tả vị Hồng Y quá cố là “người của Chúa và người của Giáo hội”, người “được đặc trưng bởi một đức tin sâu sắc và sự kiên định tuyệt vời về tín lý, điều mà ngài luôn bảo vệ không do dự và can đảm, chỉ quan tâm đến việc trung thành với Chúa Kitô." Và mặc dù điều đó có thể khiến một số người nghe giống như bản soạn sẵn về giáo hội học, nhưng trong trường hợp này thì không phải vậy. Tôi coi điều đó khá chân thành, bởi vì Pell và Re tôn trọng lẫn nhau và đã làm việc cùng nhau hơn một lần—một lần khá gần đây—để ngăn chặn điều mà họ tin sẽ là những quyết định thảm khốc của triều giáo hoàng hiện tại. Bài đọc Tin Mừng trong Lễ cầu hồn cũng phù hợp không kém, dựa trên hoàn cảnh về cái chết của vị Hồng Y, vì Luca chương 12 ghi lại việc Chúa ca ngợi “những đầy tớ mà chủ thấy cảnh giác khi ông trở về”. Đức Hồng Y Niên trưởng cũng không bỏ sót mục tiêu nào khi ngài lưu ý rằng George Pell là một “người chủ đạo có ý chí mạnh mẽ và quyết đoán” nổi tiếng là một “nhân vật mạnh mẽ”. Điều mà Đức Hồng Y Re đáng lẽ nên nói thêm là, không giống như các đối thủ báo chí, chính trị và giáo hội của mình, Pell, trong khi đấu tranh hết mình, luôn đấu tranh cho sự công bằng.

Theo thông lệ trong những dịp này, Đức Giáo Hoàng cử hành phần cuối cùng của nghi lễ, Phó dâng Cuối cùng và Từ biệt, sau khi được đẩy vào hậu cung của vương cung thánh đường và sau đó ngồi vào một chiếc ghế di động. Trông có vẻ không được khỏe, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn phó thác người quá cố cho lòng thương xót của Chúa và, sau khi ngài được đưa ra khỏi hậu cung bằng xe lăn, đã dừng lại một lúc để thăm hỏi người em của Đức Hồng Y Pell là David, người đã nói với Đức Phanxicô về người anh em của mình, “Anh ấy là bạn của Đức Thánh Cha.” Đức Thánh Cha vỗ vai David Pell.

Khoảnh khắc không trang trọng duy nhất trong Lễ Cầu Hồn diễn ra vào phút cuối, khi sáu Sanpietrini đứng xung quanh quan tài, dường như không biết phải làm gì tiếp theo. Lực lượng tiếp viện đã đến, và chiếc quan tài nặng nề mang hài cốt của Đức Hồng Y George Pell, một người đàn ông to lớn về mọi mặt, được khiêng ra khỏi Nhà thờ Thánh Phêrô khi cộng đoàn tự nhiên vỗ tay liên tục và như đưa ra phán quyết của riêng mình về một sinh mạng to lớn.

Các Di chúc cuối cùng, có thể nói như vậy

Thuyết giảng vào năm 1998 tại Thánh lễ an táng người bạn và người cố vấn của mình, B. A. Santamaria, một nhà lãnh đạo lao động người Úc theo đạo Công Giáo mạnh mẽ và chống cộng quyết liệt, lúc bấy giờ là Tổng Giám mục Pell của Melbourne đã nói: “Chúng ta được cho biết rằng dấu hiệu chắc chắn của một tiên tri giả là tất cả mọi người đều nêu tiếng tốt của họ. Dù chết hay sống, Bob Santamaria đã chiến thắng khỏi vấp số phận như vậy.” Điều tương tự cũng có thể xảy ra với George Pell. Và có vẻ như những lời vu khống chống Pell sẽ nhân lên khi những người ủng hộ Công Giáo Hời hợt (Lite) vật lộn với hai tài liệu mà, dù công bằng hay không, vẫn sẽ được coi là di chúc cuối cùng của Đức Hồng Y.

Tài liệu đầu tiên, một bài báo, xuất hiện trên tờ Spectator ở London một ngày sau cái chết của vị Hồng Y và là một bài phê bình gay gắt về tài liệu làm việc cho “giai đoạn lục địa” của Thượng Hội đồng Giám mục, sẽ diễn ra trên khắp thế giới trong quý đầu tiên của năm nay. Đức Hồng Y đã yêu cầu tôi cho ý kiến về bản thảo của bài báo khi tôi làm việc tại Rome vào đầu tháng 12, và trong tuần diễn ra tang lễ của Đức Giáo Hoàng danh dự Đức Bênêđíctô vào tháng 1, ngài lo ngại việc bài báo vẫn chưa xuất hiện, vì điều ngài coi là tình hình cấp bách. Rõ ràng, các biên tập viên của tờ Spectator đã quyết định công bố bài viết một cách nhanh chóng, khi nhận được tin về cái chết của vị Hồng Y.

Ngôn ngữ phê bình của Đức Hồng Y Pell là không khoan nhượng: Tiến trình Thượng Hội đồng đã biến thành một “cơn ác mộng độc hại”, trong đó các giám mục, thường được cho là những nhân vật chính của Thượng Hội đồng Giám mục, trên thực tế đã bị gạt qua một bên; hơn nữa, tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa của Thượng Hội đồng là một “sự tuôn tràn thiện chí của Thời đại Mới” vốn “có ý nghĩa thù địch với truyền thống tông đồ và không chỗ nào thừa nhận Tân Ước là Lời của Thiên Chúa, chuẩn mực cho mọi đức tin và đạo đức.” Đức Hồng Y cũng lo ngại sâu xa rằng vị tổng tường trình viên (hoặc người lãnh đạo) khi Thượng Hội đồng họp vào tháng 10 năm 2023 dự kiến là Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, S.J., người Luxembourg, người đã “công khai bác bỏ các giáo huấn căn bản của Giáo hội về tình dục với lý do rằng chúng mâu thuẫn với khoa học hiện đại”; Pell viết tiếp, “trong thời gian bình thường, điều này có nghĩa là việc ngài tiếp tục làm tổng tường trình viên là không phù hợp, thực sự là không thể.”

Bất chấp những bức tranh biếm họa, George Pell không phải là người độc đoán (không giống như một số người lãnh đạo tiến trình Thượng hội đồng). Trong bài viết trên Spectator của mình, ngài thoải mái thừa nhận “những thất bại của các giám mục, những người đôi khi không lắng nghe... và có thể là những người theo chủ nghĩa giáo sĩ trị và theo chủ nghĩa cá nhân.” Nhưng Chúa Kitô đã truyền lệnh rằng Giáo hội của Người phải được cai quản bởi các giám mục, như Đức Hồng Y Pell đã viết, “kể từ thời Thánh Irênê thành Lyon... người bảo đảm cho việc tiếp tục trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, truyền thống tông đồ.” Và, như tôi và những người khác đã viết, đó là vấn đề mấu chốt xuyên suốt toàn bộ cuộc thảo luận thường rất hời hợt về “tính đồng nghị” trong Giáo hội đương thời, bất luận những cuộc thảo luận đó liên quan đến “Con đường đồng nghị” của Giáo hội Đức hay Thượng hội đồng về tính đồng nghị này ở các giai đoạn lặt vặt của nó: Mặc khải Thiên Chúa có thực chất, có thẩm quyền và ràng buộc theo thời gian hay không, hay kinh nghiệm đương đại của chúng ta cho phép chúng ta sửa đổi, điều chỉnh hoặc thậm chí bỏ qua những gì đến với chúng ta qua Kinh thánh và truyền thống các sứ đồ?

Câu trả lời cho câu hỏi đó từ những người đang pha chế điều mà Đức Hồng Y Pell đã lên án một cách đúng đắn là “một trong những tài liệu rời rạc nhất từng được gửi đi từ Rome” vẫn chưa được đưa ra.

Di chúc thứ hai trong số “di chúc cuối cùng” này thực sự là một tài liệu trước đó, một bài phê bình toàn diện về triều đại giáo hoàng hiện tại, được công bố lần đầu vào tháng 3 năm ngoái trên blog Settimo Cielo của chuyên viên kỳ cựu về Vatican, Sandro Magister, với tác giả có biệt danh là “Demos” (dân thường). Một ngày sau cái chết của Hồng Y Pell, Magister tiết lộ trên blog của mình rằng “Demos” thực ra là George Pell. Đánh giá từ cả văn bản và các cuộc trò chuyện của tôi với Đức Hồng Y, đối với tôi, dường như tài liệu này là kết quả của các cuộc trò chuyện giữa một số thành viên của Hồng Y đoàn. Tuy nhiên, một số công thức khá quen thuộc với những người thường xuyên tiếp xúc với Đức Hồng Y Pell và, theo lời khai của Magister, dường như ngài là người cuối cùng soạn lại những gì rút ra từ những cuộc trò chuyện đó.

Bản tuyên ngôn “Demos” ít luận chiến hơn bài báo của Đức Hồng Y Pell trên tờ Spectator và trình bầy lý lẽ chống lại hướng hiện tại của chính sách và hành động của giáo hoàng trong một số phạm trù: thần học/tín lý, luật pháp và hành chính. Bản tuyên ngôn xứng đáng được đọc kỹ, cẩn thận, vì vậy ở đây chỉ đề cập đến một số điểm tóm tắt.

(1) Triều giáo hoàng hiện tại dường như không rõ ràng về bản chất của Chức vụ Phêrô trong Giáo hội. Việc vị Giáo hoàng này hay bất cứ vị giáo hoàng nào biết khuyến khích giới trẻ “làm rối tung” trong việc thử nghiệm các cách thức mới mẻ nhằm đem Chúa Kitô đến với người khác và phục vụ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội đều là điều tốt. Nhưng ngôi vị giáo hoàng không hiện hữu để làm rối tung. Như “Demos” đã nói, “Trước đây, phương châm là Roma locuta. Causa finita est [Rôma đã nói, mọi chuyện kết thúc.] Hôm nay là: Roma loquitur. Confusio augetur. [Rôma lên tiếng, sự hàm hồ bối rối tăng lên.]”

(2) Giáo huấn của Giáo hội ngày nay có một sự thiếu sót rõ rệt về việc lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Điều này được thể hiện theo nhiều cách, nhất là “các cuộc tấn công có hệ thống” vào “di sản lấy Kitô giáo làm trung tâm của Thánh Gioan Phaolô II” thể hiện qua việc dỡ bỏ Viện Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II của Đại học Latêranô (hiện không còn sinh viên nữa), và các cuộc tấn công vào việc giảng dạy của Đức Gioan Phaolô II trong Veritatis Splendor ở một số địa điểm học thuật của Rôma và trong Giáo hoàng Học viện về Sự Sống.

(3) Tình trạng vô luật pháp hơn là công lý hiện đang là đặc điểm của hoạt động hành chính và tư pháp của Vatican. “Demos”/Pell thậm chí còn chỉ trích việc Đức Hồng Y Becciu bị “cách chức” và tước bỏ nhiều đặc quyền của ngài “mà không có bất cứ bằng chứng nào” và không có “thủ tục tố tụng”. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với cách mà triều đại giáo hoàng này đối xử với Tổng Giám mục Paris và Giám mục Arecibo ở Puerto Rico. Các hành vi vô luật pháp ở Vatican trong triều đại giáo hoàng hiện tại, bao gồm nghe lén và tịch thu tài sản, không phải là hiếm.

(4) Việc thường xuyên sử dụng tự sắc như một công cụ quản trị của giáo hoàng cũng giống như việc các tổng thống Hoa Kỳ sử dụng quá mức các lệnh hành pháp và phản bội một cách tiếp cận chuyên quyền nào đó đối với việc quản trị.

(5) Tài chính của Vatican vẫn đang gặp khó khăn nghiêm trọng, xét về diễn trình tài chính bên trong Tòa thánh, chính sách và thực hành đầu tư, cũng như khoản nợ lương hưu khổng lồ chưa được tài trợ.

(6) Thế giá tinh thần của Tòa thánh trong các vấn đề thế giới đang “ở mức thấp”, do chính sách Trung Quốc hiện tại của Vatican và những điều tương tự trong cách tiếp cận của Vatican đối với các quốc gia độc tài khác, trong đó “đối thoại” đã thay thế bằng chứng đạo đức rõ ràng và sự bảo vệ mạnh mẽ các Kitô hữu bị bách hại.

Tài liệu “Demos” sau đó kết thúc bằng cách phác thảo những gì sẽ được yêu cầu trong mật nghị tiếp theo để bầu chọn tân giáo hoàng.

Dù những lời nhận xét khiếm nhã sẽ được ném vào mộ của Đức Hồng Y Pell vì hai tuyên bố di chúc này, những người nghiêm túc trong Giáo hội sẽ tập trung vào câu hỏi liệu những văn bản này có mô tả chính xác tình hình Công Giáo hiện nay hay không. Tôi tin rằng chúng đã làm được điều đó. Hãy để các nhà phê bình chứng minh điều ngược lại.

"Đừng sợ"

Cái chết của Đức Bênêđictô XVI là một nỗi buồn, nhưng nỗi buồn có thể chịu đựng được vì cái chết của ngài đã được mong đợi từ nhiều năm. Cái chết của George Pell giáng một đòn rất mạnh vào những người trông chờ vào vị trí lãnh đạo của ngài trong hoàn cảnh Công Giáo hiện nay. Bạn bè của ngài cảm thấy bị tước đoạt nguồn khôn ngoan, sức mạnh, và vâng, cả niềm vui, vì Đức Hồng Y Pell là người rất vui. Và, phải nói rằng, vị Hồng Y, có lẽ hơn bất cứ ai khác, đã cung cấp xương sống cho các vị Hồng Y khác từng bị đưa khỏi hiện trường; vậy Chúa đang nói gì? Có lẽ có thể gợi ý rằng thông điệp đang được chuyển tải là thế này: Đã đến lúc những người khác trong Hồng Y đoàn bước lên và thể hiện sự can đảm và dũng cảm vốn là dấu hiệu tiêu biểu cho sự phục vụ của George Pell đối với Giáo hội.

Khi được đề cử làm giám mục, Pell đã lấy khẩu hiệu giám mục của Đức Gioan Phaolô II trong bài giảng lễ nhậm chức của ngài vào ngày 22 tháng 10 năm 1978: Đừng Sợ. Sống mệnh lệnh đó trong cuộc sống của mình, George Pell đã giúp rất nhiều, rất nhiều người khác sống, không phải là không sợ hãi mà là vượt qua nỗi sợ hãi: đối đầu với những thử thách của chúng ta với sự hiểu biết chắc chắn rằng chính Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, và Chúa Kitô là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, Chúa Kitô, Đấng cuối cùng chịu trách nhiệm về Giáo hội. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đời sống, sự dạy dỗ và hành động của chúng ta phù hợp với những thực tại căn bản của đời sống Kitô hữu.

Quả thực, đây là một thời kỳ đáng sợ trong Giáo Hội Công Giáo, kể cả ở Vatican, trong đó nỗi sợ hãi thống trị bầu không khí hiện nay. Và giờ đây, hiện thân của lòng dũng cảm Công Giáo, Đức Hồng Y George Pell, đã đi đến phần thưởng vĩnh cửu của mình. Những người trong chúng ta, những người yêu mến ngài, và đặc biệt là những người trong chúng ta đủ may mắn được cộng tác với ngài, giờ đây phải sống với tinh thần không sợ hãi đó và kêu gọi những người khác thực hiện điều đó—đặc biệt là với những người có trách nhiệm cung cấp cho Giáo hội sự lãnh đạo của vị giáo hoàng tương lai.
 
Trước ngày Đức Giáo Hoàng tới, Nam Sudan nói với ngài họ không khoan nhượng đối với đồng tính luyến ái.
Vu Van An
23:18 30/01/2023

Trên Settimo Cielo, Sandro Magister vừa cho hay:



Cuộc phỏng vấn ngày 24 tháng 1 của ngài với hãng tin AP đã gây ra một rắc rối không nhỏ cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trước khi ngài đến Juba, Nam Sudan vào ngày 3 tháng 2, điểm dừng chân thứ hai, sau Congo, trong chuyến tông du sắp tới của ngài tới Châu Phi.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng nói rõ ràng và đơn giản rằng “đồng tính luyến ái không phải là một tội ác,” và do đó “thật bất công” khi “hơn 50 quốc gia” lên án và trừng phạt nó, bao gồm “mười hoặc mười hai, nhiều hơn hoặc ít hơn, quốc gia” thậm chí còn có án tử hình.

Và do đó, ngài tiếp tục nói, các giám mục của các quốc gia này phải phản ứng chống lại các luật này và nền văn hóa sản sinh ra chúng.

Những lời này của Đức Giáo Hoàng đã truyền đi khắp thế giới và cũng đã đến Nam Sudan, nơi đồng tính luyến ái là một tội ác có thể bị phạt tới 14 năm tù. Và vào thứ Sáu ngày 27 tháng 1, trong cuộc họp báo sau cuộc họp nội các do Tổng thống Salva Kiir chủ trì, Bộ trưởng Thông tin Michael Makuei Lueth cho biết: “Nếu ngài (Đức Giáo Hoàng Phanxicô) đến đây và nói với chúng tôi rằng hôn nhân đồng tính, đồng tính luyến ái là hợp pháp, chúng tôi sẽ nói không.”

Vị bộ trưởng nói tiếp, “Chúa không lầm. Người tạo ra đàn ông và đàn bà và bảo họ cưới nhau và làm đầy thế giới. Bạn tình đồng tính có sinh con được không? Hiến pháp của chúng tôi rất rõ ràng và nói rằng hôn nhân là giữa những người khác giới và bất cứ cuộc hôn nhân đồng giới nào cũng là một tội ác, là một tội ác hiến định.”

Nhưng Makuei cũng nói rằng “ngài đến đây không phải vì mục đích đó,” vì mục tiêu chính của ngài là rao giảng hòa bình. Và ngài sẽ làm như vậy cùng với giáo chủ Justin Welby của Giáo hội Anh giáo và người điều hành Giáo hội Trưởng lão của Scotland Iain Greenshields: “một sự kiện lịch sử,” bởi vì “ba người này đã ở Rome khi các nhà lãnh đạo của chúng tôi đến đó và bây giờ họ đang gặp nhau và điều đó có nghĩa là có một điều gì đó đặc biệt về Nam Sudan”.

Ông có ý nói tới chuyến thăm của Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đến Vatican vào tháng 4 năm 2019, khi được mời tham dự một khóa tĩnh tâm được Đức Giáo Hoàng kết thúc bằng cách cúi xuống hôn chân cả hai người (xem ảnh).

Thành viên của các bộ lạc đối địch, cả hai đang có chiến tranh với nhau và chiến tranh tiếp tục trong những năm tiếp theo, giết chết 400,000 người và hai triệu người phải dời cư.

Nhưng quay trở lại vấn đề đồng tính luyến ái, phải nói rằng Giáo hội Anh cũng bị chia rẽ mạnh mẽ về vấn đề này.

Hầu hết ở Vương quốc Anh và Bắc Mỹ muốn bỏ mọi điều cấm kỵ và chúc phúc cho hôn nhân đồng tính trong nhà thờ. Trong khi ở Châu Phi, nơi có 3/4 người Anh giáo trên thế giới sinh sống, sự phản đối mạnh mẽ đang cản trở việc đạt được một lập trường chung.

Vào ngày 18 tháng 1, một thỏa hiệp đã được đề xuất từ London: một lời cầu nguyện đơn giản không có tính bắt buộc cho các cuộc kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính.

Như có thể dễ dàng nhận thấy, sự chia rẽ đang diễn ra trong Giáo hội Anh giáo rất giống với sự chia rẽ trong Giáo Hội Công Giáo, về cùng một vấn đề. Bộ giáo lý đức tin đã cấm việc ban phép lành cho các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái, nhưng ở Đức, Bỉ và các quốc gia khác, điều này được biện minh và thực hành như nhau, và Đức Phanxicô đang bỏ qua nó; và trên thực tế, trong cuộc gặp gỡ với các giám mục Bỉ vào cuối tháng 11, ngài đã cho họ biết rằng họ đã được sự chấp thuận của ngài.

Vào ngày 5 tháng 2, tại cuộc họp báo dự kiến cho chuyến bay trở lại Rome, Đức Phanxicô sẽ có Welby và Greenshields bên cạnh. Và chắc chắn rằng các câu hỏi sẽ không bỏ qua vấn đề đồng tính luyến ái.
 
Văn Hóa
Lá thư Canada 1/2/2023: Có Gốc Việt Nam ? Trà Lũ
Trà Lũ
22:18 30/01/2023
Lá thư Canada 1/2/2023: Có Gốc Việt Nam

Dân Toronto vừa được hưởng 3 ngày tết vui vẻ. Tuy là giữa mùa đông nhưng trời không lạnh bao nhiêu, phe ta hội hè đình đám vui vẻ quá sức, mãi mồng 4 trời mới có tuyết. Làng An Lạc của tôi hội họp liên miên, nay nhà cụ Chánh, mai nhà anh John Chị Ba Biên Hòa, mốt nhà ông ODP. Tuổi già cần bạn thân lắm các cụ ơi, ai cũng bảo như vậy. Chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện, nhiều nhất là chuyện cười, rồi đến các chuyện thời sự. Ông Từ Hòe bảo chuyện Việt Nam vừa có nữ hoàng là chuyện hay nhất. Phe các bà ai cũng ngạc nhiên hỏi nhau ai là nữ hoàng. Lạ nhỉ. Chỉ ngày xưa thời lập quốc ta mới có nữ hoàng là hai Ba Trưng Bà Triệu, sau đó thì chỉ có vua. Ông Từ Hòe cười hà hà. Ông giải thích : Vua là người đứng đầu một nước, nay gọi là quốc trưởng. Đầu năm 2023 là vua Nguyễn Xuân Phúc, nhưng ngày 18 tháng 1 vừa qua, quốc hội đã hạ bệ ông Phúc và tôn người kế vị là bà Võ Thị Anh Xuân lên ngôi. Hiến Pháp 2013 quy định rõ ràng : chủ tịch nước đứng đầu nhà nước, thay mặt đất nước về đối nội và đối ngoại, và trong trường hợp khuyết chủ tịch thì phó chủ tịch sẽ lên thay, cho đến khi quốc hội bầu chủ tịch mới. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã được chủ tịch Đảng CSVN là Nguyễn Phú Trọng âu yếm cho nghỉ. Vị phó là bà Xuân lên thay và sẽ cầm quyền theo luật định cho tới tháng Năm, rồi quốc hội sẽ bầu người mới. Bởi vậy rõ ràng bà Võ Thị Anh Xuân hiện nay đang ngồi trên ngai vua. Trên giấy tờ là thế, bà Xuân đang ngồi trên ngai vua, rõ ràng là vua, nay là nữ hoàng. Chuyện lớn chứ. Thế nhưng cả nước vẫm im lìm, chả tung hô nữ hoàng gì cả. Thế mới biết uy quyền của Đảng CS lớn. Đảng cai trị vua tức cai trị quốc trưởng. Cụ Nguyễn Phú Trọng là đảng trưởng thực sự mới đang cầm quyền cai trị, nhưng, ôi chữ nhưng quan trọng biết chừng nào ! Cụ Trọng vừa đá cụ Phúc xuống, liệu đàn em cụ Phúc có để yên chuyện này không? Lôi thôi to rồi đây. Sẽ có biến lớn.

Nghe đến đây thì cụ Chánh tiên chỉ làng góp ý : Cầu mong VN sẽ có một ông Gorbachev. Nhờ ông đã mở mắt, đã bỏ chủ nghĩa CS năm 1990 mà ngước Nga đã thoát chủ nghĩa CS. Nước VN có thể mong một Gorbachev không? Ai sẽ là Gorbachev của VN? Xin tổ tiên phù hộ đất nước chúng con !

Chuyện nội bộ đảng CS đang chia rẽ đấu đá nhau. Các quan chức CS túi ai cũng đầy vàng, ai cũng mập ú, ai cũng đang tìm cách chạy của và chạy vợ con ra nước ngoài. Nhà đất ở Mỹ và ở Canada này đang lên giá, các cụ có thấy không. Nước ngoài đây là Mỹ là Canada. Tôi chưa nghe có quan cán bộ CSVN chạy sang Tàu sang Nga bao giờ cả. Họ mua nhà mua các cơ sở làm ăn toàn bằng ‘tiền tươi’.

Cụ già B.95 nghe đến đây thì kêu nhức đầu. Cụ bảo sao luật nhân quả chưa xảy ra cho các quan cán bộ này? Sao đời cha ăn mặn mà đời con chưa khát nước sao?

Anh John là thần tượng của Cụ lên tiếng ngay. Để chữa bệnh nhức đầu cho Bác, cháu xin kể sơ sơ vài chuyện thời sự nổi cộm và mới đây nha. Đó là các chuyện ‘ra đi’ nổi tiếng, như

- Nữ Hoàng Elizabeth II đại thọ 95 bên Anh

- Đức Giáo Hoàng Benedictô cũng đại thọ 95 bên Roma

- Vua bóng đá thế giới Pelé ở Brazil thọ 82. Các cụ còn nhớ thiên tài đá bóng Pelé chứ? Cái anh cầu thủ này chỉ trong 8 năm, 1956 – 1974, đã chiến thắng 1.281 lần trên sân banh, huy hoàng rực rỡ hơn Ronaldo và Messi hiện nay

-Nữ tài tử Lollobrigida ở Ý, cũng thọ 95. Cô là tài tử chính trong phim ‘Thằng Gù nhà thờ Đức Bà’ ngày xưa, cái cô gái xinh đẹp mà yêu thằng gù, nằm ôm thằng gù và cùng chết ở gầm gác chuông nhà thờ Paris ấy mà. Thời thập niên 1960, bọn tôi tốn bao nhiêu tiền để xem đi xem lại mối tình này và để ngắm cô Lolo.

-Nữ tu người Pháp Lucile Randon thọ 118 tuổi, mới về chầu Chúa đầu năm mới này.

Rồi anh John xin hết các chuyện ‘băng hà’, và anh yêu cầu tôi tiếp tin thời sự. Không biết lúc đó tôi nổi hứng ra sao mà liền nhận lời ngay, bèn gật đầu rồi kể mấy cái tin cũng còn đang nóng hổi.

Đó là một cuốn sách vừa xuất hiện đã đi vào kỷ lục, cuốn SPARE của hoàng tử Harry người con thứ của Vua Charles III hiện nay. Sách viết về các bi kịch trong hoàng gia, với bố Charles, mẹ Diana, rồi dì ghẻ Camilla, và người anh là William. Người sẽ lên kế vị là William, còn tác giả Harry chỉ là spare, tức người dự khuyết. Qua báo chí cho biết thì ban đầu nguyên bản dài những 800 trang, nhưng qua sửa chữa thì còn lại 400 trang. Số sách bán ra ngày đầu quả là kỷ lục, vượt qua cuốn A Promised Land của TT Obama năm 2020. Ngay ngày đầu cuốn Spare đã bán được gần 1.43 triệu cuốn tại Mỹ, Canada và Anh. Vì nội dung cuốn sách nói về các chuyện thâm cung bí sử trong hoàng gia nên đã gây chấn động, ai cũng tò mò muốn biết. Bên Pháp cuốn sách được dịch ra Pháp văn ngay với tên gọi ‘Le Suppléant. Sách cũng đã được dịch ra tiếng Đức ở Munich bên Đức

Tuy tác phẩm Spare này được coi là một quả bom lớn, nhưng dư luận cho biết chỉ có 24% là ủng hộ quan điểm của tác giả, và sẽ không ảnh hưởng tới lễ đăng quang của vua cha Charles vào tháng 5 sắp tới. Trong sách tác giả đã kể rằng ông đã từng bị người anh là William đánh, và ông đã từng can vua cha đừng lấy Camilla làm vợ. Nhà xuất bản sách này là Penguin Random House đã trả trước cho tác già Harry 17 triệu bảng Anh, tương đương 20 triệu mỹ kim.

Tác giả cũng cho biết tại sao ông đã chọn tên sách là Spare. Ông nghe kể ngày ông sinh ra thì cha ông là Charles đã nói với mẹ ông là công nương Diana rằng : Thật tuyệt vời em đã sinh cho anh một người thừa kế và một người dự khuyết ( spare).

Tôi tin rằng mai này sẽ có bản dịch tiếng Việt đăng trên báo và sẽ phát hành thành sách sau đó. Mời các cụ chờ xem các chuyện bí mật và lý thú trong hoàng cung bên Anh nha.

Xin hết chuyện sách của hoàng tử dự khuyết Harry.

Nhân nói tới sách làm tôi nhớ ngay tới mấy số báo tết tôi mới nhận được.

Cuốn thứ nhất là ‘ NGƯỜI VIỆT, Giai Phẩm Xuân Quý Mão 2023 ‘ ở California. Cầm tờ báo tết mà tôi giật mình. Tờ báo có lẽ nặng tới 2 ký, những 300 trang lớn, nếu in thành sách thì sách này sẽ dày 600 trang. Tôi là người mê báo này, năm nào tôi cũng có báo tết nhưng chưa năm nào thấy nó to lớn như năm nay. Nguyên bìa báo màu đỏ và vàng đã quyến rũ rồi. Vừa bài tết vừa quảng cáo, trang nào màu sắc cũng giống nhau. Nội dung các bài thì chia làm 5 phần lớn, do rất nhiều người viết.

Cuốn thứ 2 là tờ SAIGON NHỎ cũng tiêu đề ‘ Giai phẩm xuân Quý Mão’ như báo Người Việt, cũng hai màu đỏ và vàng. Báo có 250 trang. Khổ báo cũng giống báo Người Việt, vì cùng một chủ. Tôi thích lối trình bày bài vở trên báo này, bài tết hoặc quảng cáo rõ ràng. Có 6 chuyên đề với 26 tác giả.

Tôi hiện là một ông già lụ khụ, mới chỉ xem lướt qua bên ngoài, mai này hết mùa tết mới có giờ đi vào nội dung, sẽ trình các cụ sau, nhưng chắc là sẽ hay lắm.

Nhân đây xin ca ngợi tài điều hành 2 tờ báo lớn nhất Cali này của Nhà báo HOÀNG VĨNH và các nhân viên của 2 tòa soạn. Xin bái phục.

Tôi còn nhiều báo tết nữa, như Diễn Đàn Giáo Dân, như Thời Báo… Ngoài báo, tôi còn được đọc nhiều bài rất hay trên mạng, như gần đây nhất là 2 bài của nhà văn nhà báo Bằng Phong Đặng Văn Âu. Tôi rất thích bài ‘ Sự Mầu Nhiệm của Thiên Chúa’ và bài ‘Chiến Tranh Tôn Giáo Đang Xảy Ra Ở Hoa Kỳ’. Tác giả gốc nhà binh, rất ngay thẳng, lại thông thái, lập luận đâu ra đấy, có chứng cớ hẳn hoi. Qua hai bài này tác giả nói rất nhiều về cái chất Do Thái nơi các chính khách. Khi nói về chủ nghĩa Cộng Sản, ông chỉ cho ta ông tổ chủ nghĩa này là Karl Max người Đức gốc Do Thái. Rồi Lênin và Stalin người Nga cũng có máu Do Thái mới đem vào Nga, rồi Mao Trạch Đông mới đem vào Tàu, và Hồ Chí Minh mới đem vào Việt Nam.

Những kinh nghiệm sống của các người một thời đã theo cộng sản thật là quý báu. Chả cần phải tìm đâu xa, xin lấy nước Nga làm mẫu. Nước Nga theo chủ nghĩa cộng sản 78 năm (1922 -1990), tôi thấy những lời sau đây của chính người Nga gốc CS, thật là chí lý, chính xác, và đáng nhớ vô cùng :

- Chủ nghĩa CS không thể nào sửa chữa mà phải vất nó đi ( Boris Yeltsin )

- Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng CS, ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng đảng CS chỉ biết tuyên truyền dối trá ( Mikhail Gorbachev )

- Kẻ nào tin những gì CS nói là không có cái đầu, kẻ nào làm theo lời CS là không có trái tim ( Vladimir Putin ]

Các lãnh tụ CSVN xưa nay vẫn tin vào Nga hơn là tin vào Tàu, không biết các ngài CS VN nghĩ sao về những lời dạy bảo của 3 quan thày trên đây.

Khi Nga Xô mở mắt 1990, bỏ chủ nghĩa cộng sản thì việc đầu tiên dân Nga làm là giật sập tương Lê Nin ở thủ đô. Ở VN hiện nay, tượng bác Hồ khắp nơi, liệu mai này VN hết cộng sản, dân ta có đạp đổ các tượng đài này không?

Tôi thấy dân làng yên lặng khác thường, mặt ai cũng nghiêm trang thì tôi biết ngay dân làng không thích chuyện Bác Mao Bác Hồ, nó làm mất vui cái vui truyền thống ngày tết. Ông Từ Hòe cũng thấy thế nên ông bèn chuyển đề. Ông này quả là thiên tài. Ông bảo ở trên các bác đã nói tới chuyện vua Charles bên Anh bỏ bà vợ trẻ đẹp Diana mà cưới bà vợ già Camilla. Không biết rồi đây mối tình này sẽ ra sao. Liệu bà Camilla có quyền gì trong hoàng cung không. Nhân ngày tết xin cho tôi bàn đôi lời về cái quyền hạn của các bà vợ trong gia đình.

Ông bảo ở Bắc Mỹ này phe liền ông thường xưng tụng vợ là cái nửa người ưu việt của mình, my better half. Nếu đi chợ và gặp người bán hàng chào mời níu kéo thì trăm anh như một, anh nào cũng trả lời ‘để tôi về hỏi ý bà xã tôi đã ’. Việc thần phục vợ này rõ ràng như ban ngày. Nó lan sang cả phía VN. Chứng cớ là có bài hát diễn tả việc các bà vợ cai trị mà ngày xưa, hồi trước 75 ai cũng thích, bài nhái lời bài hát của Trịnh Công Sơn ‘ Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệc giặc Tây, hai mươi năm tử chiến hằng ngày…Phe tôn kính vợ đã hát như thế này :

Một ngàn năm nô lệ vợ mình

Một trăm năm nô lệ đàn con

Hai mươi năm rửa chén giặt đồ

Gia tài của vợ để lại cho ta

Gia tài của vợ là khối việc nhà…

Một ngàn năm ta sợ đàn bà

Một trăm năm ta sợ vợ ta

Hai mươi năm làm hết việc nhà

Ôi còn là gì một đời trai tơ

Chỉ còn lại là một kiếp dại khờ…

Nghe ông Từ Hòe hát xong, anh John tỏ ra thích quá sức liền xin ông chép cho anh bài hát nhái này. Chị Ba Biên Hòa thấy thế liền lấy ngón tay dí vào trán anh rồi vừa cười vừa nói : anh về nhà mà hát bài này là anh chết với tôi. Không biết anh John có bị chết sau đó bao giờ không. Nếu tôi biết thì tôi sẽ trình các cụ ngay.

Theo lịch sử thì ngày xưa Canada cũng coi rẻ đàn bà. Chứng cớ là đàn bà mới được hiến pháp cho đi bỏ phiếu từ năm 1916.

Ông ODP cũng cười hà hà rồi góp ý : theo kinh nghiệm dân gian thì những anh chồng nào miệng hay kêu ca là bị vợ cai trị thì thường là những anh chồng có gia đình hạnh phúc, chứ không thì họ đã bỏ nhau từ lâu rồi. Cũng theo kinh nghiệm dân gian thì nếu không muốn vợ bắt nạt thì anh chồng phải già hơn vợ

Chồng già vợ trẻ là tiên

Vợ già chồng trẻ là duyên con bú dù.

Lời ông ODP đã đưa cả làng tôi đi vào đề tài tuổi tác vợ chồng. Chị Ba hỏi con bú dù là con gì thì cả làng chịu, không ai biết. Thấy làng tịt nên ông H.O. bèn kể chuyện có cặp vợ chồng kia tuổi đã 60, một hôm anh chồng vào rừng đã gặp một bà tiên bên suối, anh liền xin một phép lạ, anh xin bà tiên cho vợ anh trẻ hơn anh 30 tuổi. Bà tiên gật đầu rồi búng tay một cái, tự nhiên anh biến ra một ông lão 90 !

Ông H.O. tiếp lời ngay : Chồng già vợ trẻ có sao đâu. Kìa xem bác Hồ khi xưa ở Hà Nội. Bác sinh năm 1890, Cô Nông Thị Xuân sinh năm 1932, chênh lệch nhau những 48 tuổi. Ấy thế mà bác làm được cho cô Xuân có bầu rồi đẻ con. Tiếc rằng Bác đã cho đàn em giết cô Xuân khi cô Xuân đòi Bác phải công khai nhận mình là vợ Bác.

Cụ Chánh và bà cụ B.95 gạt ngay chuyện Bác Hồ với Cô Xuân vì sẽ xui cả năm. Cu Chánh nói một hơi dài những điều như đã tích lũy trong lòng từ lâu. Cụ tỏ lòng biết ơn và ghi ơn Canada. Lời Cụ như một bài học về lịch sử : Canada được chính thức thành lập năm 1867, tính đến nay mới 156 tuổi. So với các nước khác ở Mỹ Châu, Âu Châu, Á Châu thì Canada cỏn quá trẻ. Tuy trẻ như vậy nhưng Canada đã tiến bộ vượt bực vì miền đất này là nơi hội tụ các tinh hoa thế giới. Canada đã cống hiến cho thế giới nhiều phát minh quý báu, như chế ra bóng đèn điện đầu tiên, trục lăn cho thợ sơn, dây zipper đóng gài thay cúc trên quần áo, máy thổi tuyết, chất insulin chữa bệnh tiểu đường, phương pháp chữa bệnh động kinh, máy điện thoại, cánh tay Canadarm trên phi thuyền thám hiểm không gian thuở ban đầu. Môn bóng rổ và hockey có gốc từ Canada. Đây là xứ có nhiều hồ nước ngọt nhất thế giới. Riêng về nước đóng chai, có công ty đã lấy nước từ đáy hồ có số tuổi mấy mươi triệu năm, cũng như có công ty đã lấy nước từ các băng sơn từ bắc cực. Canada là xứ hòa bình, sắc dân đầu tiên trên giải đất bao la này là dân Inuit từ Á Châu sang, mãi về sau dân từ Âu Châu mới đến, và các sắc dân nô lệ da đen từ phía nam mới lên. Các sắc dân đến đây đều khác biệt nhau về phong tục tập quán, văn hóa và tôn giáo, và tất cả đã chung sống hòa bình, chưa hề có sự xung đột nào, và không hề bị cưỡng ép làm ‘melting pot’ như bên Hoa Kỳ. Canada rất hãnh diện mình là một thảm mosaic văn hóa quốc tế. Và sắc dân mới nhất từ Á Châu tới đây và được Canada mở vòng tay tiếp đón chân tình là người Việt Nam, đặc biệt những thuyền nhân của thập niên 1980 như đa số dân làng chúng ta.

Nghe đến đây thì ông Từ Hoe cười rổn rảng ha ha. Đã có nhiều giả thuyết nói rằng người Da Đỏ ở Canada chính là dân gốc Việt Nam con mẹ Âu Cơ ngày lập quốc. Mẹ đã dẫn một dàn con lên núi, rồi tiến sang phương tây, gặp eo biển Bering thì mẹ và đàn con đã xuống phía nam và dừng lại ở miền đất là Canada hiện nay. Cứ xem nét mặt và vóc dáng của người Da Đỏ thì họ giống y như người VN chúng ta, có lẽ họ chính là người có gốc VN. Và nếu đúng như thế thì chúng ta đang sống trên miền đất của anh em mình. Triết gia Kim Định, giáo sư Đại Học Văn Khoa Saigon thuở xưa, mà còn sống thì chắc chắn chúng ta sẽ được đọc một tác phẩm lớn về đề tài này.

Cả làng nghe đến đây thì thích quá, đã vỗ tay râm ran. Bà cụ B.95 tỏ ra thích nhất, cụ vừa cười vừa nói : bây giờ lão mới biết người Da Đỏ ở Canada có gốc Việt Nam.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Iran bị tấn công, nổ long trời. Nguy cơ thế chiến thứ 3. Tại sao chiến xa của Nga bị bắn cháy nhiều?
VietCatholic Media
03:01 30/01/2023


1. Nhà máy chế tạo máy bay không người lái của Iran nổ long trời. Ai gây ra vụ này?

Trong một diễn biến có thể khiến cuộc chiến tại Ukraine lan rất nhanh sang các nước khác, một vụ nổ long trời đã diễn ra tại nhà máy chế tạo máy bay không người lái của Iran. Hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc Phòng Iran cho rằng vụ nổ không ảnh hưởng bao nhiêu, nhưng các nhân chứng cho biết có những tiếng nổ long trời kéo dài trong nhiều giờ, và từ cách đó hàng chục cây số vẫn có thể thấy những cụm khói bốc lên.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Iran Drone Attack: What We Know About Weapons Factory Explosion”, nghĩa là “Tấn công máy bay không người lái Iran: Những gì chúng ta biết về vụ nổ nhà máy chế tạo vũ khí.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhà chức trách Iran cho biết các máy bay không người lái đã tấn công vào một nhà máy quốc phòng của Iran gần thành phố miền trung Isfahan trong đêm thứ Bẩy rạng sáng Chúa Nhật 29 Tháng Giêng.

Bộ Quốc phòng Iran cho biết vụ nổ chỉ gây thiệt hại nhỏ và không có thương vong. Bộ không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về người mà họ nghi ngờ đã thực hiện vụ tấn công.

Nó diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về chương trình hạt nhân của Tehran và việc cung cấp vũ khí cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Đất nước này cũng đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng sau cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, người đã bị cảnh sát đạo đức của Iran giam giữ và chết trong khi bị họ giam cầm vào tháng 9 năm ngoái.

Video trên phương tiện truyền thông xã hội vào Chúa Nhật cho thấy một vụ nổ lớn tại cơ sở, được cho là được sử dụng để sản xuất vũ khí.

Bộ Quốc phòng nước này cho biết trong một tuyên bố được truyền hình nhà nước Iran đăng tải: “Khoảng 23:30 tối thứ Bảy, một cuộc tấn công không thành công đã được thực hiện bằng cách sử dụng Phương tiện bay siêu nhỏ, gọi tắt là MAV, nhằm vào một trong những cơ xưởng của Bộ Quốc Phòng”.

Tuyên bố cho biết một máy bay không người lái đã bị bắn hạ, “và hai chiếc còn lại mắc bẫy phòng thủ và nổ tung. Nó chỉ gây ra thiệt hại nhỏ cho mái của một tòa nhà xưởng. Không có thương vong.”

Tuyên bố kết luận: “Cuộc tấn công không ảnh hưởng đến các cơ sở và nhiệm vụ của chúng tôi...và những biện pháp mù quáng như vậy sẽ không ảnh hưởng đến sự tiếp tục phát triển của đất nước”.

Không có yêu cầu nhận trách nhiệm ngay lập tức về vụ nổ, nhưng một số kênh Telegram đã cáo buộc Israel về vụ tấn công.

Tờ New York Times đưa tin rằng Sepah Cyberi, có liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, gọi tắt là IRGC, đã chỉ ra Israel và các đặc vụ của họ bên trong Iran đứng sau vụ tấn công, đồng thời cảnh báo “kinh nghiệm cho thấy Iran sẽ trả đũa”.

Phát ngôn nhân của quân đội Israel đã từ chối bình luận với Reuters khi được hỏi liệu Israel có liên quan đến vụ việc hay không.

Những người khác liên kết vụ nổ với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, sau khi Iran gần đây bị cáo buộc cung cấp cho Nga máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu dân sự Ukraine.

“Logic chiến tranh là không thể tránh khỏi và gây chết người. Mykhailo Podolyak, trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, viết trên Twitter hôm Chúa Nhật. “Đêm bùng nổ ở Iran - sản xuất máy bay không người lái và hỏa tiễn, nhà máy lọc dầu. Ukraine đã cảnh báo các bạn rồi.”

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Nga, TASS, cho biết cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được thực hiện bởi Lực lượng Không quân Hoa Kỳ và “một quốc gia khác”, trích dẫn các báo cáo từ Al Arabiya TV và Al Hadath TV.

Anwar Gargas, một nhà ngoại giao cấp cao của Tiểu vương quốc, cho biết vụ nổ ở Isfahan là “sự leo thang nguy hiểm mới nhất mà khu vực đang chứng kiến.”

Ông viết trên Twitter hôm Chúa Nhật: “Đó không phải là lợi ích của khu vực và tương lai của nó. “Mặc dù các vấn đề của khu vực rất phức tạp, nhưng không có giải pháp thay thế nào khác ngoài đối thoại và giải pháp chính trị để tránh leo thang và đạt được các giải pháp góp phần làm dịu căng thẳng và duy trì sự ổn định và an ninh của khu vực.”

Newsweek trước đó đã đưa tin rằng Tổng thống Joe Biden không tìm cách theo đuổi tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran.

Newsweek đã liên hệ với Tòa Bạch Ốc để xin bình luận.

Kim Thúy xin mở ngoặc để giải thích như sau:

Thỏa thuận do Obama đề xướng đã cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy việc hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị Tổng thống Donald Trump loại bỏ vào năm 2018 vì ông tin rằng Iran đã lợi dụng việc dỡ bở các lệnh trừng phạt để tiếp tục chương trình hạt nhân. Tổng thống Joe Biden cũng không tìm cách tái tục thỏa thuận này sau các phát hiện cho thấy trong các máy bay không người lái của Iran do Ukraine bắn hạ có một tỷ lệ rất lớn các linh kiện điện tử do Hoa Kỳ sản xuất.

2. Quan chức Ukraine nhận định về vụ nổ ở Iran: Đồng lõa chiến tranh cũng phải trả giá

Cả tác giả và những kẻ đồng lõa trong cuộc chiến tranh của Nga nhằm xâm lược Ukraine sẽ không tránh khỏi những hậu quả.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, người đã lên Twitter để bình luận về một loạt vụ nổ làm rung chuyển các cơ sở quân sự trên khắp Iran trong đêm Chúa Nhật.

“Logic chiến tranh là không thể tránh khỏi và gây chết người. Nó gửi hóa đơn nghiêm ngặt cho các tác giả và đồng phạm. Hoảng loạn trong Liên Bang Nga - huy động vô tận, phòng thủ hỏa tiễn ở Mạc Tư Khoa, chiến hào cách xa 1000 km, chuẩn bị trú ẩn bom. Đêm bùng nổ ở Iran - sản xuất máy bay không người lái và hỏa tiễn, nhà máy lọc dầu. Ukraine đã cảnh báo các bạn,” Podolyak đã tweet.

Như đã báo cáo, các cơ sở quân sự của Iran đã bị tấn công bởi máy bay không người lái chưa được xác định vào đêm Chúa Nhật. Theo phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Ukraine Yuriy Ihnat, các vụ nổ ở Iran là “hậu quả” từ chính sách của Tehran hỗ trợ nhà nước khủng bố Nga.

Đại Tá Yurii Ihnat nói: “Những gì đang xảy ra ở Iran có thể được gọi là hậu quả xuất phát từ chính sách của họ. Có lẽ họ sẽ chuyển sự hỗ trợ của họ cho các quốc gia khủng bố theo một hướng khác hơn là giúp Nga thực hiện tội ác của họ. Chúng ta biết rằng Putin tìm cách lấy từ họ những vũ khí mà Nga đang thiếu, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo và máy bay không người lái tấn công. Người Iran cũng biết họ muốn gì từ Nga. Thêm vào đó, Nga đã hứa cung cấp máy bay chiến đấu cho họ. Iran cũng có đối phương trong khu vực. Hãy hy vọng rằng đất nước này sẽ thay đổi phương hướng chính trị của mình sang một nền chính trị văn minh hơn”

3. 650 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 6 xe tăng, 22 xe thiết giáp và 7 hệ thống pháo

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 30 tháng Giêng, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân đội Nga tiếp tục thực hiện các hoạt động tấn công trong bốn khu vực là thành phố Bakhmut, thành phố Vuhledar, thành phố Avdiivka và Blahodatne.

“Suốt ngày, máy bay của Lực lượng Phòng vệ đã đánh vào hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương và tiến hành hai đợt tấn công vào các cụm quân Nga, các khu vực tập trung vũ khí, và trang thiết bị. Đồng thời, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tấn công hai trạm radar và một kho đạn dược của đối phương,” Thứ trưởng Hanna Maliar nói.

Hôm Chúa Nhật, quân Nga đã thực hiện 24 cuộc tấn công bằng cách sử dụng nhiều hệ thống phóng hỏa tiễn, đặc biệt là nhằm vào các khu định cư nằm gần giới tuyến.

Theo Bộ Tổng tham mưu, những kẻ xâm lược đã lấy tất cả các thiết bị y tế từ các bệnh viện Kakhovka và Nova Kakhovka để phục vụ các thương binh.

Theo các bloggers quân sự ủng hộ Điện Cẩm Linh, Nga đang cố chiếm cho bằng được thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, giá phải trả là rất cao. Họ cho rằng quân Ukraine đang được trang bị một loại máy bay không người lái chỉ nhỏ bằng con ong bắp cày. Nó không tấn công nhưng xác định vị trí của các chiến xa và các hệ thống pháo. Điều đó giải thích lý do cho con số tổn thất quá cao về xe tăng, xe thiết giáp và các hệ thống pháo trong những ngày gần đây. Trong những thời gian đầu của cuộc chiến, xe tăng, xe thiết giáp bị bắn cháy chủ yếu bởi các hệ thống hỏa tiễn vác trên vai người lính Ukraine. Ngày nay, còn có một lý do khác là bị pháo binh Ukraine bắn trúng.

Trong một video đầy kịch tính, một xe thiết giáp Nga được nhìn thấy đang chạy trên một con đường vắng, được cho là ở bên ngoài Donetsk, nơi bị bao quanh bởi hàng trăm hố bom do pháo kích. Đoạn phim cho thấy một quả đạn pháo phát nổ cách chiếc xe khoảng 20m khi nó tiếp tục tiến về phía trước. Chiếc xe biến mất sau làn khói nhưng chỉ một giây sau, một vụ nổ khác xảy ra và một quả cầu lửa bùng lên từ chiếc xe, buộc những người lính bên trong phải bỏ chạy. Có những người lính có lẽ đã bị thương đang cố bò ra khỏi chiếc xe trong khi những người không bị thương bỏ mặc họ và lao nhanh vào một cánh đồng bên cạnh.

Chiều Chúa Nhật, Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga tuyên bố chiếm được làng Blahodatne, cách thành phố Soledar 9.4km về phía Tây, và cách thành phố Bakhmut 13.1km về phía Bắc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết: “Các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân xâm lược tại khu vực Blahodatne của tỉnh Donetsk”. Cô cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine cũng đã đẩy lùi các cuộc tấn công tại 13 khu định cư khác ở vùng Donetsk.

Trong 24 giờ qua, 650 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 6 xe tăng, 22 xe thiết giáp và 7 hệ thống pháo. Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 29 Tháng Giêng, lực lượng phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 126.160 quân xâm lược Nga. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 3.197 xe tăng Nga, 6.366 xe thiết giáp, 2.195 hệ thống pháo, 453 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 221 hệ thống phòng không, 293 máy bay, 284 trực thăng, 1.947 máy bay không người lái chiến thuật, 796 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu thuyền, 5.037 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 199 thiết bị đặc biệt.

4. Quân nhân Ukraine tới Anh huấn luyện xe tăng Challenger 2

Hôm Chúa Nhật, một nhóm binh sĩ của quân đội Ukraine đã đến Vương quốc Anh để huấn luyện xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Các đội xe tăng Ukraine đã đến Vương quốc Anh để bắt đầu huấn luyện cho cuộc chiến tiếp tục chống lại Nga. Vương quốc Anh sẽ cung cấp xe tăng Challenger 2 cho Ukraine cùng với các quốc gia đối tác toàn cầu - thể hiện sức mạnh hỗ trợ quốc tế cho Ukraine”

Như đã đưa tin, chính phủ Anh đã phê chuẩn việc cung cấp cho Ukraine một đại đội xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2, trong đó có 4 chiếc sẽ được chuyển giao ngay và 10 chiếc – sau đó.

5. Zelenskiy nói rằng Nga hy vọng sẽ kéo dài cuộc chiến để làm kiệt quệ lực lượng Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm Chúa Nhật rằng Nga muốn kéo dài cuộc xâm lược với hy vọng làm cạn kiệt lực lượng của Kyiv.

Zelenskiy cho biết đất nước của ông phải biến thời gian thành “vũ khí của mình”.

Ông cũng tiếp tục yêu cầu cung cấp vũ khí theo nghĩa đen từ các đồng minh.

Ông nói: “Chúng ta phải đẩy nhanh các sự kiện, tăng tốc cung cấp và mở ra các lựa chọn vũ khí cần thiết mới cho Ukraine.”

Zelenskiy ám chỉ một báo cáo từ người đứng đầu cơ quan tình báo của ông về “sự thay đổi có thể xảy ra trong tình hình trong tương lai gần” nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

“Chúng ta đang làm mọi thứ để bảo đảm rằng áp lực của chúng ta lớn hơn khả năng tấn công của quân xâm lược,” ông nói.

Ông cũng bình luận về tình hình ở tiền tuyến, đặc biệt là ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine.

Ông nói: “Tình hình rất khó khăn. “Bakhmut, Vuhledar và các khu vực khác trong khu vực Donetsk đang bị Nga tấn công liên tục.”

Ông cho biết người Nga đang “liên tục cố gắng chọc thủng hàng phòng ngự của Ukraine trong khu vực mặc dù có nhiều thương vong”.

Tổng thống nói: “Mỗi bước ngăn chặn của đối phương có nghĩa là hàng chục bước ngăn cản quân xâm lược ở các hướng khác.

Một số thông tin cơ bản: Kyiv đã tạo ra cảm giác cấp bách khi kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay phản lực và hệ thống hỏa tiễn tầm xa trong tuần này, sau khi nhận được bảo đảm cam kết cung cấp hàng chục xe tăng chiến đấu hiện đại từ các đồng minh.

Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công của lực lượng Nga dự kiến xảy ra vào mùa xuân.

6. Báo cáo tình báo cho thấy Nga có thể hết hỏa tiễn trong ba tháng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia May Run Out of Missiles in Three Months: Intelligence Report”, nghĩa là “Báo cáo tình báo cho thấy Nga có thể hết hỏa tiễn trong ba tháng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Nga có thể không có đủ hỏa tiễn để tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công lớn vào Ukraine trong vòng ba tháng, một quan chức tình báo Estonia cho biết sau cuộc tấn công mới nhất của Nga nhằm vào nước láng giềng Đông Âu.

Kể từ tháng 10 năm 2022, Nga đã tiến hành các đợt tấn công nhằm vào Ukraine, nhắm vào các khu dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng như cơ sở năng lượng. Các cuộc tấn công bắt đầu sau khi cây cầu eo biển Kerch, nối Nga với bán đảo Crimea bị xâm lược, đồng thời là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho quân đội của Putin, bị nổ hồi tháng 10. Ukraine không chính thức nhận trách nhiệm về vụ nổ, nhưng Putin đổ lỗi cho Ukraine, gọi đây là hành động “khủng bố” và thề sẽ đáp trả.

Làn sóng tấn công mới nhất diễn ra hôm thứ Năm. Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng Nga đã bắn 55 hỏa tiễn trên không và trên biển từ máy bay và tàu đóng quân ở Hắc Hải. Zaluzhnyi cho biết, Ukraine đã có thể phá hủy 47 hỏa tiễn, trong đó có 20 quả “ở trong khu vực” thủ đô Kyiv của Ukraine.

Ông nói thêm: “Mục tiêu của người Nga vẫn không thay đổi – đó là gây áp lực tâm lý đối với người Ukraine và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng”. “Nhưng chúng tôi không thể bị phá vỡ!”

Giám đốc Tình báo Estonia Margo Grosberg cho biết, dựa trên năng lực sản xuất vũ khí dẫn đường chính xác hiện tại của Nga, nước này có thể tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn nhằm vào Ukraine trong vòng 3 đến 4 tháng nữa, đài truyền hình ERR của Estonia đưa tin hôm thứ Sáu. Nhưng đây là triển vọng “lạc quan nhất” về thời gian các cuộc tấn công có thể tiếp tục.

Grosberg cho biết triển vọng “bi quan hơn” là Nga có khả năng tiếp tục các cuộc không kích từ 6 đến 9 tháng nữa.

Ông Grosberg cho biết các cuộc tấn công cuối cùng sẽ kéo dài bao lâu tùy thuộc vào số lượng vũ khí dẫn đường chính xác mà Nga có trước khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022 — ước tính khoảng 2.500 hỏa tiễn — và việc tiếp tục sản xuất hỏa tiễn.

Newsweek không thể xác minh độc lập thông tin tình báo và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xác nhận và bình luận.

Grosberg không phải là quan chức duy nhất dự đoán việc kết thúc các cuộc tấn công của Nga do nguồn cung cấp hỏa tiễn. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov nói với hãng tin Pravda của Ukraine vào tháng trước rằng Nga chỉ có đủ hỏa tiễn để thực hiện thêm ba đến bốn cuộc tấn công nữa là cùng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng cho biết trong một bài đăng trên Twitter hồi đầu tháng rằng lực lượng Nga chỉ còn 90 máy bay không người lái do Iran sản xuất, đã được Iran cung cấp để Nga sử dụng tùy ý trong các cuộc tấn công Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga đã cam kết vào cuối tháng 12 rằng họ sẽ “không bao giờ” cạn kiệt Kalibrs, một loại hỏa tiễn hành trình của Nga.
 
Đau lòng xót dạ: Hai nhà thờ ở Mỹ bị tấn công trong cùng một đêm. Tình cảnh Thánh Địa Giêrusalem
VietCatholic Media
05:10 30/01/2023


1. Tội ác vì lòng căm thù đức tin tại các nhà thờ Công Giáo Montana gây đau đớn cho các tín hữu

Cảnh sát Montana cho biết họ đang mở cuộc điều tra về hai vụ tấn công vào hai nhà thờ Công Giáo trong vùng.

Vụ thứ nhất diễn ra tại nhà thờ Thánh Patrick ở Billings, Montana, trong đó những kẻ tấn công đã nhắm vào Cảnh Giáng Sinh của nhà thờ. Các nhà thông thái bị chặt đầu, các động vật bị đập vỡ, tượng Đức Maria, Chúa Hài Đồng và Thánh Giuse sau khi những kẻ phá hoại phá hủy các bức tượng vào đêm 16 Tháng Giêng.

Vụ việc tương tự xảy ra tại Nhà thờ Công Giáo Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình ở phía nam thành phố trong cùng đêm đó. Ba bức tượng và một số bức tranh đã bị đánh cắp ở đó, tác phẩm nghệ thuật về Đức Mẹ Guadalupe bị hư hại, và những khẩu hiệu tục tĩu và báng bổ được viết trên tường.

Hai nhà thờ không phải Công Giáo khác cũng bị phá hoại trong cùng tuần. Không rõ liệu các tội ác có liên quan với nhau hay không, nhưng mục sư của một trong những nhà thờ cho biết ông không nghĩ chúng có liên quan với nhau.

Cảnh sát ước tính những món đồ bị đánh cắp tại Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình trị giá khoảng 8.300 USD. Theo cảnh sát, thiệt hại đối với cửa trước của nhà thờ và việc chùi sạch các khẩu hiệu trên tường ước tính khoảng 4.000 đô la.

Cha Jose Marquez, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình, gọi những thủ phạm là “những kẻ bệnh hoạn về tinh thần và cảm xúc.”

Một giáo dân tại nhà thờ Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình đã lập một trang GoFundMe vào ngày 18 Tháng Giêng để “giúp chúng tôi sửa chữa, thay thế các vật phẩm thiêng liêng của chúng tôi và mua một hệ thống báo động rất cần thiết.”

“Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng đây là một tội ác do thù ghét,” bản cập nhật ngày 21 Tháng Giêng của trang này viết. “Xin hãy giúp chúng tôi khôi phục lại cộng đồng đức tin của chúng tôi.”

Theo trang GoFundMe, thiệt hại tại nhà thờ “nghiêm trọng đến mức chúng tôi không thể thờ phượng cho đến khi không gian được sửa chữa và thánh hiến lại. Tất cả các bức tượng, sách thánh và biểu tượng thiêng liêng của chúng tôi đã biến mất. Bức tranh Đức Mẹ đã bị bôi bẩn với những khẩu hiệu thô tục.”

Gần 14.000 đô la đã được huy động vào chiều thứ Sáu.

CNA đã liên hệ với Cha Marquez để xin bình luận nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm xuất bản.

Cha Leo McDowell, cha sở nhà thờ Thánh Patrick nói với KTVQ News. “Nghe về chuyện xảy ra ở dưới đó khiến tôi đặt ra một câu hỏi: Đó có phải là họ cố ý nhắm mục tiêu của chúng tôi không, hay đó là thứ gì đó mà ai đó đã làm trong lúc tức giận?”

Chín ngày sau khi Cha McDowell nộp đơn trình báo cảnh sát, ngài nói rằng ngài vẫn đang đợi ai đó điều tra vụ việc, theo hãng tin này.

“Tôi hơi thất vọng. Nó khiến tôi đặt câu hỏi liệu họ có đang xem xét nó một cách nghiêm túc hay không,” Cha McDowell nói.

Montana Television Network News cho biết họ đã liên hệ với Sở cảnh sát Billings về vụ việc vào ngày 25 Tháng Giêng. Ngay sau đó, sở cảnh sát đã phản hồi và cử các viên chức cảnh sát đến hoàn thành cuộc điều tra. Trung úy Matt Lennick của sở cảnh sát đã nhận lỗi về sự chậm trễ trong việc trả lời vụ việc.

Vào ngày 26 Tháng Giêng, sau khi xem tin tức về vụ phá hoại tại nhà thờ Thánh Patrick, một “Người Samari nhân hậu” đã tìm thấy những bức tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse bị mất tích trong lối thoát hiểm của tòa nhà chung cư của cô ấy và đã liên hệ với MTN News

“Xin chào! Tôi có một vài tin tốt; Tôi có tượng Đức Maria và Thánh Giuse!” người phụ nữ giấu tên đã viết trong một email gửi cho tòa soạn. Đầu của bức tượng Thánh Giuse đã bị chặt mất, nhưng người phụ nữ nói rằng cô ấy đã cố gắng dán nó trở lại. Bất chấp những nỗ lực này, Cha McDowell cho biết các bức tượng rất có thể sẽ phải được thay thế.

Ngài cũng bày tỏ hy vọng rằng bức tượng Chúa hài đồng vẫn đang bị mất tích sẽ được tìm thấy.

Ngài nói với MTN News vào ngày 26 Tháng Giêng: “Tôi hy vọng rằng ai đó sẽ tình cờ gặp bức tượng và có thể nghe được câu chuyện vào tối nay”.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi không có camera xung quanh nhà thờ ngay bây giờ, nhưng điều đó có thể sẽ thay đổi trong thời gian ngắn sắp tới.”
Source:Catholic News Agency

2. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo các Giáo Hội tại Thánh Địa Giêrusalem

Như chúng tôi đã đưa tin, một cuộc tấn công khủng bố vào một hội đường Do Thái ở khu phố Neve Yaakov của Giêrusalem đã khiến 7 người thiệt mạng và nhiều người khác trong tình trạng nguy kịch. Sau vụ này, Israel đã tấn công trả đũa khiến 10 người Palestine mất mạng, nâng tổng số người Palestine mất mạng từ đầu năm lên đến 32 người. Trước các diễn biến đáng âu lo này các nhà lãnh đạo các Giáo Hội tại Thánh Địa Giêrusalem đã ra tuyên bố sau đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Chúng tôi, những Thượng phụ và những người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem, kêu gọi tất cả các bên ở Thánh Địa thực hành kiềm chế và tự chủ. Chúng tôi đã liên tục cảnh báo về một chu kỳ bạo lực bùng nổ, vô nghĩa sẽ chỉ gây tổn thương và đau khổ cho mọi người. Tình trạng như vậy gần như chắc chắn sẽ mang lại nhiều tội ác và đau khổ hơn nữa, đẩy chúng ta ra khỏi nền hòa bình và ổn định mà tất cả chúng ta hằng mong đợi.

Khi theo dõi chặt chẽ tình huống đáng tiếc này, chúng tôi đã kết luận rằng sự gia tăng bạo lực đã dẫn đến cái chết vô lý của 32 người Palestine và 7 người Israel kể từ đầu năm mới dường như đang tự kéo dài. Nó chắc chắn sẽ tiếp tục và thậm chí leo thang trừ khi các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng ở tất cả các bên kiên quyết thực hiện một biện pháp can thiệp mạnh mẽ.

Mọi người phải làm việc cùng nhau để xoa dịu những căng thẳng hiện tại và khởi động một tiến trình chính trị dựa trên các nguyên tắc công lý đã được thiết lập vững chắc để mang lại hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người. Đồng tình với điều này, trong những thời điểm khó khăn nhất này, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đức tin tôn giáo của nhau và thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các thánh địa và nơi thờ phượng.

Sau hậu quả của làn sóng bạo lực bi thảm mới nhất này, chúng tôi cầu nguyện cho những người thiệt mạng và bị thương, và chúng tôi xin Chúa gần gũi với các gia đình và những người thân yêu của họ. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho sự chữa lành cho những người bị thương, và xin Đấng Toàn năng ban sức mạnh và sự kiên trì cho những người chăm sóc họ.

Cuối cùng, chúng tôi cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan và thận trọng cho các nhà lãnh đạo chính trị và những người có ảnh hưởng ở tất cả các bên, khiến họ nghĩ ra những cách giúp chúng ta vượt qua bạo lực, giữ an toàn cho cộng đồng của chúng ta và làm việc không mệt mỏi để mang lại một giải pháp công bằng và hòa bình cho Thánh Địa thân yêu của chúng ta.
Source:https://en.jerusalem-patriarchate.info

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29 Tháng Giêng

Chúa Nhật 29 Tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người lên tiếng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong phụng vụ hôm nay, các Mối Phúc Thật theo Tin Mừng Mátthêu được công bố (x. Mt 5,1-12). Mối Phúc đầu tiên là cơ bản: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (c. 3).

Ai là những người “có tinh thần nghèo khó”? Thưa: Họ là những người biết rằng họ không thể dựa vào chính mình, rằng họ không đủ khả năng tự túc và họ sống như “ăn mày trước mặt Chúa”. Họ cảm thấy mình cần đến Thiên Chúa và nhận ra mọi điều tốt lành đều đến từ Người như một quà tặng, như một ân sủng. Những người nghèo khó trong tinh thần này quý trọng những gì họ nhận được. Vì vậy, họ mong muốn rằng không có món quà nào bị lãng phí. Hôm nay, tôi muốn dừng lại ở khía cạnh điển hình này của tinh thần nghèo khó: không lãng phí. Người nghèo khó cố gắng không lãng phí bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc không lãng phí. Chẳng hạn, sau khi hóa bánh và cá ra nhiều, Người yêu cầu thu lại thức ăn thừa để không bị lãng phí (x. Ga 6:12). Không lãng phí cho phép chúng ta biết trân trọng giá trị của mình, của người và của vật. Tuy nhiên, thật không may, có một nguyên tắc thường bị bỏ qua, đặc biệt là ở các xã hội giàu có hơn, nơi văn hóa lãng phí, văn hóa vứt bỏ chiếm ưu thế. Cả hai đều là một bệnh dịch hạch. Vì vậy, tôi muốn đề xuất với anh chị em ba thách thức chống lại tâm lý lãng phí, tâm lý vứt bỏ.

Thách thức đầu tiên: không lãng phí món quà mà chúng ta đang có. Mỗi người chúng ta đều tốt, không phụ thuộc vào những món quà mà chúng ta có. Mọi phụ nữ, mọi đàn ông đều giàu có không chỉ về tài năng mà còn về nhân phẩm. Người đó được Thiên Chúa yêu thương, có giá trị, quý giá. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được chúc phúc không phải vì những gì chúng ta có, mà vì chúng ta là ai. Và khi một người buông bỏ và vứt bỏ chính mình, người đó đã tự lãng phí chính mình. Chúng ta hãy chiến đấu, với sự giúp đỡ của Chúa, chống lại những cám dỗ tin rằng mình không đủ, sai lầm và cảm thấy tội nghiệp cho chính mình.

Sau đó, thách thức thứ hai: không lãng phí những món quà chúng ta có. Có một thực tế là khoảng một phần ba tổng sản lượng lương thực được sản xuất trên thế giới bị lãng phí mỗi năm, trong khi rất nhiều người chết vì đói! Tài nguyên thiên nhiên không thể được sử dụng như thế này. Hàng hóa nên được chăm sóc và chia sẻ để không ai thiếu những gì cần thiết. Thay vì lãng phí những gì chúng ta có, chúng ta hãy phổ biến một hệ sinh thái công bằng, bác ái, và chia sẻ!

Cuối cùng, thách thức thứ ba: không ném người khác đi. Văn hóa vứt bỏ nói: “Tôi sử dụng bạn nhiều như tôi cần bạn. Khi tôi không còn hứng thú với bạn nữa, hoặc bạn cản đường tôi, tôi sẽ ném bạn ra ngoài”. Những người bị đối xử như vậy đặc biệt là những người yếu đuối nhất – trẻ em chưa chào đời, người già, người túng thiếu và người thiệt thòi. Nhưng con người thì không bao giờ bị vứt bỏ, những người thiếu điều kiện không thể bị ném đi! Mỗi người là một món quà thiêng liêng, mỗi người là một món quà độc đáo, bất kể tuổi tác hay tình trạng của họ. Chúng ta hãy luôn tôn trọng và đề cao sự sống! Chúng ta đừng vứt bỏ cuộc sống!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi mình một câu hỏi. Trên hết: Tôi sống tinh thần khó nghèo như thế nào? Tôi có biết nhường chỗ cho Chúa không? Tôi có tin rằng Ngài là của tôi, là sự giàu có thực sự và lớn lao của tôi không? Tôi có tin rằng Ngài yêu tôi, hay tôi ném mình vào nỗi buồn, quên rằng tôi là một ân sủng? Và sau đó - Tôi có cẩn thận để không lãng phí không? Tôi có chịu trách nhiệm về cách mình sử dụng đồ vật, hàng hóa không? Tôi có sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với người khác hay tôi ích kỷ? Cuối cùng, tôi có coi những người yếu đuối nhất là những món quà quý giá mà Thiên Chúa muốn tôi chăm sóc không? Tôi có nhớ đến những người nghèo, những người bị tước đoạt những gì cần thiết không?

Xin Mẹ Maria, Người Phụ Nữ của Các Mối Phúc, giúp chúng ta làm chứng cho niềm vui rằng cuộc sống là một quà tặng và làm chứng cho vẻ đẹp của việc hiến tặng chính mình.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi vô cùng đau buồn khi biết tin từ Thánh Địa, đặc biệt là về cái chết của mười người Palestine, trong số đó có một phụ nữ, bị giết trong hành động chống khủng bố của quân đội Israel ở Palestine; và về những gì đã xảy ra gần Giêrusalem vào tối thứ Sáu khi bảy người Do Thái bị một người Palestine giết chết và ba người khác bị thương khi họ rời khỏi giáo đường Do Thái. Vòng xoáy chết chóc ngày càng gia tăng không gì khác hơn là khép lại những tia hy vọng ít ỏi còn tồn tại giữa hai dân tộc. Từ đầu năm đến nay, hàng chục người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc đọ súng với quân đội Israel. Tôi kêu gọi hai chính phủ và cộng đồng quốc tế hãy ngay lập tức và đừng chậm trễ tìm ra những con đường khác bao gồm đối thoại và chân thành tìm kiếm hòa bình. Anh chị em ơi, chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này.

Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình về tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Hành lang Lachin, Nam Kavkaz. Tôi gần gũi với tất cả những người, trong cái chết của mùa đông, buộc phải đương đầu với những điều kiện vô nhân đạo này. Mọi nỗ lực phải được thực hiện trên bình diện quốc tế để tìm ra các giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

Hôm nay là Ngày Phong Thế giới lần thứ 70. Thật không may, sự kỳ thị liên quan đến căn bệnh này tiếp tục gây ra những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với những người đau khổ vì nó và tôi khuyến khích cam kết hướng tới sự hội nhập hoàn toàn của những anh chị em này.

Tôi xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em đến từ Ý và từ các quốc gia khác. Tôi xin chào nhóm Quinceañeras từ Panama và các sinh viên từ Badajoz, Spagna. Tôi chào những người hành hương từ Moiano và Monteleone di Orvieto, những người từ Acqui Terme và các bạn trẻ của Nhóm Agesci Cercola Primo.

Và bây giờ tôi xin gửi lời chào thân ái đến các bạn trẻ của Công Giáo Tiến hành thuộc Giáo phận Rôma! Các bạn đã đến trên “Đoàn lữ hành hòa bình”. Tôi cảm ơn các bạn vì sáng kiến rất quý giá này trong năm nay bởi vì, khi nghĩ đến đất nước Ukraine bị chiến tranh tàn phá, cam kết và lời cầu nguyện cho hòa bình của chúng ta càng phải mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy nghĩ đến Ukraine và cầu nguyện cho người dân Ukraine, những người bị đối xử tệ bạc. Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe thông điệp mà những người bạn của bạn ở đây bên cạnh tôi sẽ đọc cho chúng ta nghe.

Sau thông điệp của các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em thân mến, trong hai ngày nữa, tôi sẽ khởi hành chuyến Tông du đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Nam Sudan. Tôi cảm ơn các chính quyền dân sự và các giám mục địa phương về lời mời của họ và về sự chuẩn bị mà họ đã thực hiện cho những chuyến viếng thăm này, và tôi gửi lời chào thân ái đến những dân tộc thân yêu đang chờ đợi tôi.

Những vùng đất này, nằm ở trung tâm của lục địa châu Phi rộng lớn, đã phải chịu đựng rất nhiều từ những cuộc xung đột kéo dài. Cộng hòa Dân chủ Congo, đặc biệt là ở phía đông của đất nước, phải chịu đựng các cuộc đụng độ vũ trang và bóc lột. Nam Sudan, bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh, khao khát chấm dứt tình trạng bạo lực liên tục khiến nhiều người phải di dời và sống trong điều kiện vô cùng khó khăn. Tôi sẽ đến Nam Sudan cùng với Đức Tổng Giám Mục Canterbury và Người điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Tô Cách Lan. Cùng nhau, với tư cách là anh em, chúng tôi sẽ thực hiện một cuộc hành hương đại kết vì hòa bình, để khẩn cầu Thiên Chúa và loài người chấm dứt chiến sự và ban ơn hòa giải.

Tôi xin tất cả mọi người hãy đồng hành với Hành Trình này bằng lời cầu nguyện.

Và tôi chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Căng thẳng: NATO tuyên bố sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Nga. Tướng Mỹ hô hào gửi F-16 cho Ukraine
VietCatholic Media
15:16 30/01/2023


1. Trung tướng Hodges nhận định rằng Crimea sẽ là chiến trường quyết định chiến tranh Nga-Ukraine

Cuộc chiến giành lại Crimea sẽ mang tính chất quyết định trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ tại Âu Châu, đã đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn với Insider.

“Địa hình quyết định cho cuộc chiến này là Crimea. Chính phủ Ukraine biết rằng họ không thể chấp nhận việc Nga giữ quyền kiểm soát Crimea,” Tướng Hodges nói.

Theo ông, trong vài tháng tới, Ukraine sẽ thiết lập các điều kiện để cuối cùng giải phóng Crimea.

Hodges nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ cần vũ khí tấn công chính xác tầm xa như hỏa tiễn ATACMS tầm xa có thể được bắn từ bệ phóng HIMARS gắn trên xe tải để đánh bật Nga thành công khỏi Crimea.

Hodges lưu ý rằng việc giải phóng Crimea có thể đạt được bằng cách cô lập bán đảo thông qua các cuộc tấn công trên không và trên bộ nhằm cắt đứt và làm gián đoạn các liên kết chính của Nga với Crimea, bao gồm cả cầu Kerch.

Theo ông, một khi Crimea bị cô lập, Ukraine sẽ cần phải sử dụng “một loạt các hệ thống tầm xa chống lại các cơ sở và nhóm của Nga ở Crimea, khiến họ không thể kiểm soát được và buộc họ phải rời đi”.

Về vấn đề này, Hodges chỉ trích chính quyền Biden không sẵn sàng cung cấp vũ khí tầm xa, lưu ý rằng các hệ thống của Nga ở Crimea và những nơi khác đang “giết người Ukraine vô tội”.

2. Các quan chức quân sự Mỹ 'thúc giục Ngũ Giác Đài gửi F-16 đến Ukraine'

Các quan chức quân sự Mỹ được tường trình đang thúc giục Ngũ Giác Đài cung cấp máy bay phản lực F-16 cho Ukraine để nước này có khả năng tự vệ tốt hơn trước các hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với Politico:

Tôi không nghĩ là các nhà lãnh đạo của chúng ta chống lại đề nghị này.

Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ cam kết gửi gói vũ khí trị giá 2 tỷ USD tới Ukraine, bao gồm cả hệ thống hỏa tiễn Patriot.

Anh, Đức, Ba Lan và Mỹ đã cam kết cung cấp xe tăng và Cựu Thống chế Không quân Hoàng Gia Anh Edward Stringer cho biết:

“Xe tăng sẽ hiệu quả hơn nếu chúng có lớp bọc trên không phù hợp. F-16 là sự lựa chọn rõ ràng vì có rất nhiều chiếc như vậy xung quanh Ukraine. Một số hình thức yểm trợ trên không, nếu mật độ phù hợp và đáng tin cậy, sẽ bảo vệ đội xe tăng phương Tây của Ukraine.”

Tiêm kích F-16 có thể là lựa chọn tốt nhất cho Không quân Ukraine và trở thành loại máy bay đa năng duy nhất mà lực lượng này sẽ vận hành. Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 27 Tháng Giêng.

“Loại máy bay đa năng này, phổ biến nhất trên thế giới, và F-16 có thể là lựa chọn tốt nhất cho Lực lượng Không quân để trở thành máy bay chính duy nhất của lực lượng này, một loại máy bay chiến đấu đa năng duy nhất,” Ihnat nói.

Theo phát ngôn nhân, tiêm kích F-16 có thể tấn công các mục tiêu mặt đất bằng nhiều loại vũ khí khác nhau, cũng như trở thành một phần của năng lực phòng không, bảo vệ bầu trời khỏi các cuộc tấn công từ trên không.

Phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết các phi công Ukraine sẽ mất “khoảng 6 tháng” để thành thạo máy bay chiến đấu đa năng F-16.

“Các phi công của chúng ta có thể học cách lái những chiếc máy bay đó trong vài tuần. Sẽ mất thời gian để thuần thục cách chiến đấu với những chiếc máy bay đó, khoảng 6 tháng,” Ihnat nói. “Họ sẽ phải học cách sử dụng tất cả các loại vũ khí mà máy bay hiện đại được trang bị.”

Sau khi các quốc gia phương Tây đồng ý cung cấp xe tăng cho Ukraine, một số nhà phân tích nhanh chóng gợi ý rằng các đồng minh Âu Châu và NATO cuối cùng sẽ cung cấp cho Ukraine các máy bay cũ hơn như F-16.

Ihnat nói thêm rằng ngoài các phi công, “đào tạo chuyên sâu” sẽ cần thiết phải có các đội mặt đất phục vụ F-16.

Ông lưu ý rằng Ukraine hiện có 4 loại máy bay đang phục vụ: hai loại máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29, máy bay cường kích Su-25 và máy bay ném bom Su-24. “Chiếc máy bay F16 này có thể kết hợp tất cả các chức năng này, đó là lý do tại sao người ta chú ý nhiều hơn đến nó trong việc cung cấp nó cho Ukraine”.

3. Quan chức NATO cho biết liên minh 'sẵn sàng' đối đầu trực tiếp với Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Official Says Alliance 'Ready' for Direct Confrontation With Russia”, nghĩa là “Quan chức NATO cho biết liên minh 'sẵn sàng' đối đầu trực tiếp với Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ

Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO, gần đây cho biết liên minh này “sẵn sàng” đối đầu trực tiếp với Nga khi nước này tiếp tục tham chiến ở Ukraine.

Bauer, một đô đốc trong Hải quân Hoàng gia Hà Lan, nói với kênh truyền hình Bồ Đào Nha, RTP, rằng NATO tập trung vào việc tái vũ trang khi các mục tiêu chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin vượt ra ngoài Ukraine và có thể mở rộng sang các nước láng giềng.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO đang ủng hộ “nền kinh tế thời chiến trong thời bình”, nói thêm rằng điều quan trọng đối với các quốc gia NATO là hướng sản xuất công nghiệp dân dụng vào các mục tiêu quân sự.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã cảnh báo về sự tham gia của NATO vào cuộc chiến ở Ukraine, lưu ý rằng “nguy cơ về 'một cuộc chiến tranh thế giới khác' ở Âu Châu đang gia tăng”, tờ Hoàn cầu Thời báo, một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, đưa tin hôm Chúa Nhật.

Một số thành viên NATO, trong đó có Mỹ, gần đây tuyên bố sẽ cung cấp xe tăng cho Ukraine để giúp các lực lượng Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa.

Hoa Kỳ chuẩn bị gửi thêm 3,75 tỷ đô la hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó bao gồm 50 Xe chiến đấu bộ binh Bradley, nâng mức hỗ trợ an ninh tổng thể của Hoa Kỳ cho Ukraine lên khoảng 27,2 tỷ đô la kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược vào tháng 2 năm ngoái.

“Kyiv sẽ luôn nỗ lực lôi kéo các đồng minh NATO tham chiến trực tiếp với quân đội Nga tại Ukraine, bởi đây có lẽ là cách duy nhất để Kyiv xoay chuyển tình thế hiện tại. Nhưng Washington không ngu ngốc nên sẽ không bị Kyiv lợi dụng mà sẽ tiếp tục lợi dụng Kyiv để làm suy yếu Mạc Tư Khoa”, Tống Trọng Biền (Song Zhongping, 宋仲平) một chuyên gia quân sự và nhà bình luận truyền hình Trung Quốc, nói với tờ Hoàn cầu Thời báo vào hôm Chúa Nhật.

Trong khi đó, Ngụy Đông Húc (Wei Dongxu, 魏东旭) một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói với các phương tiện truyền thông Trung Quốc rằng quân đội Ukraine có thể tiến hành các cuộc phản công ở một số khu vực hiện do Nga xâm lược vào cuối mùa đông hoặc ngay sau đó. Điều này có thể xảy ra nếu phương Tây cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16, “được trang bị cho các thành viên NATO”, xe tăng chiến đấu chủ lực và hỏa tiễn tầm xa.

Tháng trước, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gợi ý rằng các thành viên của liên minh quân sự NATO cung cấp hỗ trợ cho Ukraine có thể là “mục tiêu quân sự hợp pháp”.

Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã đặt câu hỏi liệu việc các quốc gia NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể được coi là đang tham gia vào một cuộc tấn công Nga hay không.

“Ngày nay... câu hỏi chính là liệu cuộc chiến hỗn hợp do NATO tuyên bố trên thực tế đối với đất nước chúng ta có thể được coi là sự tham gia của liên minh vào cuộc chiến với Nga hay không? Phải chăng việc cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Ukraine là một cuộc tấn công vào Nga?” ông ta nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

4. Quan chức Ukraine nói rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành với các đồng minh để cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn tầm xa và máy bay

Theo cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, các cuộc đàm phán “nhịp độ nhanh” đang được tiến hành với các đồng minh phương Tây để cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn tầm xa và máy bay.

“Theo tôi, có hai vị trí rất quan trọng trên bàn đàm phán trong giai đoạn này của cuộc chiến: hỏa tiễn tầm xa – hỏa tiễn chủ lực cho phép phá hủy cơ sở hạ tầng phía sau của Nga, chủ yếu là các kho pháo, một số lượng lớn trong số đó, chẳng hạn, nằm trên lãnh thổ của Crimea - và cả ngành hàng không,” Podolyak cho biết trên phương tiện truyền thông Ukraine hôm thứ Bảy, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán đang “có nhịp độ nhanh”.

Ông Podolyak cho biết quá trình huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng trang thiết bị mới cũng đang được tiến hành. Ông nói thêm rằng Ukraine đã yêu cầu “một số lượng xe tăng cụ thể” từ các đối tác phương Tây mà không đề cập đến con số bao nhiêu.

Đầu tuần này, Đức hứa sẽ gửi 14 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine, trong khi Mỹ cam kết cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams, Ba Lan cho biết sẽ cung cấp 60 xe tăng và Anh đã cam kết cung cấp 14 xe tăng Challenger 2.

5. Liệu quyết định trang bị xe tăng cho Ukraine của phương Tây có khiến NATO tiến gần hơn đến chiến tranh với Nga?

Quyết định cuối cùng của phương Tây gửi xe tăng tới Ukraine đã khiến một số người đặt ra câu hỏi khó chịu: Phải chăng điều này có nghĩa là NATO hiện đang xung đột trực tiếp với Nga? William Alberque, từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đã nói với CNN như trên và cảnh báo rằng Điện Cẩm Linh đang tìm cách lợi dụng câu hỏi này.

Ông nói: “Câu chuyện này, đang được Điện Cẩm Linh thúc đẩy mạnh mẽ, chắc chắn sẽ giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đồng minh của ông ta tránh xa sự thật rằng Mạc Tư Khoa đã tiến hành một cuộc tấn công vô cớ vào Ukraine và xâm lược trái phép các khu vực của một quốc gia có chủ quyền.”

“Nó cũng có lẽ thuận tiện hơn cho Putin vì nó cũng khiến các đồng minh NATO phải suy nghĩ khi quyết định chính xác họ nên hỗ trợ quân sự bao nhiêu cho Ukraine.”

Sự đồng thuận giữa các chuyên gia là không có thành viên NATO nào ở gần nơi có thể được coi là “có chiến tranh” với Nga theo bất kỳ định nghĩa pháp lý nào được quốc tế chấp nhận. Do đó, ý tưởng rằng toàn bộ liên minh đang có chiến tranh với Nga là một điều không đúng sự thật.

Alberque giải thích: “Chiến tranh sẽ đòi hỏi các cuộc tấn công do lực lượng Hoa Kỳ hoặc NATO mặc đồng phục thực hiện, tấn công từ lãnh thổ NATO chống lại lực lượng Nga, lãnh thổ Nga hoặc người dân Nga.”

Ông nói thêm: “Bất kỳ cuộc chiến nào của Ukraine – bằng bất kỳ loại vũ khí thông thường nào, chống lại bất kỳ lực lượng nào của Nga – đều không phải là cuộc chiến của Mỹ hay NATO với Nga, cho dù Nga có muốn tuyên bố như vậy đến mức nào đi chăng nữa”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng: Điều đó đã không ngăn được Điện Cẩm Linh khai thác một số vùng xám nhất định vốn có trong chiến tranh hiện đại để tuyên bố không chính xác rằng NATO là bên gây hấn chính trong cuộc xung đột.

Những khu vực màu xám đó có thể bao gồm luận điệu cho rằng tình báo phương Tây đã được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Nga.

Họ cũng có thể viện dẫn “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ và sử dụng Điều 5 của NATO sau vụ tấn công 11/9, trong đó nước Mỹ bị tấn công bởi những kẻ khủng bố chứ không phải là một quốc gia, như một sự tương đồng.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev, đã tuyên bố rằng phương Tây đang cố gắng “tiêu diệt” Nga. Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, đã nói rằng chính quyền Hoa Kỳ đang thúc đẩy Ukraine “thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Nga.”

Dù những tuyên bố đầy hoài nghi này có thể mang lại giá trị gì đi chăng nữa, thì chúng vẫn lu mờ so với sự tàn bạo và hành động bất hợp pháp được ghi nhận của các lực lượng Nga ở Ukraine kể từ khi Putin ra lệnh xâm lược.

Nhưng thực tế là chúng tồn tại và đang được các nhà phân tích và bình luận bên ngoài nước Nga, bao gồm cả ở Washington DC, xem xét một cách nghiêm túc, và như thế có lợi cho Điện Cẩm Linh theo nhiều cách.

6. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng tiếp xúc với thủ tướng Đức Olaf Scholz

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng tiếp xúc với thủ tướng Đức Olaf Scholz mặc dù không có cuộc điện đàm nào được lên lịch với Thủ tướng Đức, phát ngôn viên của Điện Cẩm Linh nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti.

Reuters báo cáo phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã nói với RIA Novosti rằng “Hiện tại, không có cuộc đàm phán nào được thống nhất với Scholz trong lịch trình. Putin đã và vẫn cởi mở với các mối quan hệ.”

Scholz đã được nhật báo Tagesspiegel của Berlin trích dẫn trong một cuộc phỏng vấn được đăng vào Chúa Nhật rằng:

Tôi cũng sẽ nói chuyện với Putin một lần nữa vì cần phải nói.

Ông nói thêm:

Trách nhiệm của Putin là rút quân khỏi Ukraine để chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa, khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người này.

Putin và Scholz nói chuyện qua điện thoại lần cuối vào đầu tháng 12.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết vào thời điểm đó, đường lối của Đức và phương Tây đối với Ukraine là “có tính hủy diệt” và kêu gọi Berlin suy nghĩ lại về đường lối của mình.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức là nhà tài trợ khí tài quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, đứng trên các cường quốc Âu Châu khác như Pháp và Anh.

7. Rheinmetall đã sẵn sàng để tăng đáng kể sản lượng đạn dược cho xe tăng và pháo binh

Reuters báo cáo rằng nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đã sẵn sàng tăng mạnh sản lượng xe tăng và đạn pháo để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ ở Ukraine và phương Tây, đồng thời có thể bắt đầu sản xuất bệ phóng hỏa tiễn đa năng Himars ở Đức, Giám đốc điều hành Armin Papperger cho biết.

Ông phát biểu vài ngày trước khi các ông chủ ngành công nghiệp quốc phòng của Đức gặp tân bộ trưởng quốc phòng, ông Boris Pistorius, lần đầu tiên.

Với cuộc họp này, Pistorius muốn khởi động các cuộc đàm phán về cách tăng tốc mua sắm vũ khí và tăng cường cung cấp đạn dược trong dài hạn sau gần một năm viện trợ vũ khí cho Ukraine đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ của quân đội Đức.

Rheinmetall sản xuất nhiều loại sản phẩm quốc phòng nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là sản xuất súng 120ly cho xe tăng Leopard 2.

Papperger cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters:

Chúng tôi có thể sản xuất 240.000 viên đạn xe tăng 120 ly mỗi năm, nhiều hơn nhu cầu của toàn thế giới.

Rheinmetall cũng đang đàm phán với Lockheed Martin, công ty Mỹ sản xuất nhiều bệ phóng hỏa tiễn Himar được quân đội Ukraine sử dụng nhiều.

8. Thủy thủ đoàn tàu nước ngoài bị trúng đạn pháo của Nga tại cảng Kherson

Một thủy thủ đoàn của một chiếc tàu nước ngoài, bị hư hại trong vụ pháo kích gần đây của Nga tại cảng Kherson, đã khống chế được việc rò rỉ dầu vào sông Dnipro.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 30 tháng Giêng, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia cho biết:

“Quân đội Nga gần đây đã tấn công cảng Kherson. Hai tàu thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài đã bị hư hại trong cuộc pháo kích của đối phương. Kết quả là, dầu đã rò rỉ vào sông Dnipro. Giờ đây, thủy thủ đoàn của con tàu đã khoanh vùng được chỗ rò rỉ”

Theo Cơ quan quản lý quân sự khu vực Kherson, quả đạn của Nga đã xuyên thủng thân tàu và khu vực chứa nhiên liệu của một trong các con tàu.

Xin nhắc lại rằng, ngày 24 Tháng Giêng năm 2023, quân xâm lược Nga đã nổ súng vào cảng Kherson. Hậu quả là tàu Tuzla của Thổ Nhĩ Kỳ và một chở hàng lớn khác không được nêu tên đã bị hư hại.
 
Lý do trực tiếp khiến Đức Bênêđíctô thoái vị. Cảnh sát bắt tại trận phụ nữ thoát y, đập phá nhà thờ
VietCatholic Media
17:07 30/01/2023


1. Người phụ nữ khoả thân bị bắt tại nhà thờ Fargo vì đập vỡ bức tượng 'Chúa Kitô trong cái chết'

Một phụ nữ đã bị bắt sau khi bị cáo buộc gây thiệt hại nghiêm trọng cho bức tượng Chúa Giêsu tại Nhà thờ Đức Bà ở Fargo, Bắc Dakota, vào tối thứ Hai, có thể trong khi cô ấy đang chịu ảnh hưởng của ma túy.

Paul Braun, giám đốc truyền thông của Giáo phận Fargo, nói với CNA vào ngày 26 Tháng Giêng: “Chúng tôi rất buồn khi thấy một bức tượng rất cũ ở nhà thờ của chúng tôi bị hư hại và chúng ta hy vọng người chịu trách nhiệm sẽ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần, và chúng tôi cũng đang cầu nguyện cho người đó.”

Bức tượng có tên “Chúa Kitô trong cái chết,” mô tả thi hài của Chúa Giêsu nằm trên tấm vải liệm chôn cất với một vòng gai đặt dọc theo chân Ngài. Các bức ảnh cung cấp cho CNA cho thấy đầu và chân của bức tượng bị hư hại, một tay bị phá nát, cũng như vương miện gai và đế của bức tượng.

Các nhân viên cảnh sát Fargo cho biết họ nhìn thấy Brittany Marie Reynolds, 35 tuổi, rời khỏi nhà thờ vào khoảng 6:24 chiều. Họ đã bắt giữ cô sau khi cô bị cáo buộc cố gắng bỏ trốn. Cô ta ở trần và không thể trả lời những câu hỏi cơ bản và dường như bị ảnh hưởng bởi ma túy, tờ The Forum của Fargo đưa tin, trích dẫn các tài liệu của tòa án.

Cảnh sát vào nhà thờ và thấy rằng một bức tượng lớn của Chúa Giêsu đã bị đập vỡ trên sàn nhà. Đoạn phim giám sát nhà thờ được cho là cho thấy Reynolds thoát y trong nhà thờ và lật đổ một chậu cây trước khi phá hủy bức tượng.

Reynolds đã bị bắt và tòa án tống đạt lệnh bắt giữ vì bị cáo buộc có hành động hung hăng đối với nhân viên bệnh viện.

Đức ông Joseph Goering nói với cảnh sát rằng ngài không biết giá trị tiền tệ của bức tượng. Các quan chức cho biết một bức tượng tương tự mà họ tìm thấy trên mạng được định giá 11.500 USD.

Braun nói với CNA rằng một chuyên gia phục hồi nghệ thuật đang kiểm tra bức tượng bị hư hại để xác định xem nó nên được sửa chữa hay thay thế.

Reynolds phải đối mặt với cáo buộc trọng tội về hành vi phá hoại hình sự, có thể dẫn đến tối đa 10 năm tù và phạt tiền 20.000 đô la, The Forum đưa tin.

Đã có những sự việc phá hoại trước đây tại nhà thờ và các nhà thờ khác trong khu vực. Vào tháng 4 năm 2021, một bức tượng Chúa Giêsu trước Nhà thờ Đức Bà ở Fargo đã bị bôi sơn đen trên mặt. Vài ngày sau, một người không rõ danh tính đã loại bỏ lớp sơn. Vào năm 2018, một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria đã bị chặt đầu tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Antôn thành Padua ở phía nam Fargo.
Source:Catholic News Agency

2. Lá thư gửi người viết tiểu sử tiết lộ mất ngủ khiến Đức Bênêđictô XVI thoái vị

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI được tường trình đã từ chức vào năm 2013 do chứng mất ngủ kinh niên mà ngài mắc phải trong hầu hết triều đại giáo hoàng của mình. Đây là điều mà chính Đức cố Giáo Hoàng tuyên bố trong một bức thư chưa được công bố được ký chỉ hai tháng trước khi ngài qua đời, vào ngày 28 tháng 10 năm 2022, và gửi cho người viết tiểu sử của ngài là Peter Seewald ngay trước khi ngài qua đời.

Cơ quan Công Giáo Đức KNA đã tiết lộ sự tồn tại của văn bản vào ngày 27 Tháng Giêng năm 2022.

Để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có cả sức mạnh tinh thần và thể chất, sức mạnh mà trong vài tháng qua, đã suy giảm trong tôi đến mức tôi phải nhận ra rằng mình không có khả năng chu toàn đầy đủ sứ vụ được giao phó cho tôi.

Trong lời tuyên bố từ chức, được viết bằng tiếng Latinh, Đức Bênêđictô nói rằng sức mạnh là cần thiết để điều hành Giáo hội và ngài không còn đủ nữa. Vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã giải thích như vậy với các Hồng Y tập trung tại Vatican về lý do tại sao ngài quyết định từ bỏ chức vụ của mình. Tuy nhiên, những lý do chính xác cho sự mất sức mạnh này chưa bao giờ được Đức Giáo Hoàng mô tả.

Vào tháng 5 năm 2020, trong một cuộc phỏng vấn với Peter Seewald được xuất bản trong cuốn tiểu sử của ngài, Đức Giáo Hoàng Danh dự vẫn chỉ đề cập đến các vấn đề sức khỏe đã khiến bác sĩ của ngài cấm ngài thực hiện bất kỳ chuyến đi dài ngày nào sau chuyến đi đến Mễ Tây Cơ vào năm 2012. Ngài cũng tâm sự rằng vào thời điểm đó ngài tin chắc rằng mình sẽ chết ngay sau khi thoái vị.

Trong bức thư chưa được công bố, Đức Giáo Hoàng danh dự giải thích cho chính Peter Seewald về “lý do chính” khiến ngài từ chức: “chứng mất ngủ đã đeo bám ngài không ngừng kể từ Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Köln” – chuyến đi đầu tiên của ngài với tư cách là Giáo hoàng, tại Tháng 8 năm 2005.

Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ của ngài đã kê đơn “các phương thuốc mạnh mẽ” có tác dụng trong một thời gian nhưng cuối cùng “đã đạt đến giới hạn”.

Trong cuốn sách xuất bản gần đây của Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người từng là thư ký của Đức Giáo Hoàng trong gần 20 năm, Đức Tổng Giám Mục kể lại cuộc trao đổi giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô về giấc ngủ của họ: “Một hôm Đức Thánh Cha Phanxicô nói với ngài rằng ngài chỉ ngủ có sáu tiếng, như một hòn đá. Và Đức Bênêđíctô đã trả lời với một nụ cười buồn bã: 'Đó là một ân sủng mà người tiền nhiệm của ngài rất tiếc không có được!

Vị giáo hoàng thứ 265 tâm sự trong bức thư chưa được xuất bản rằng ngài đã gặp tai nạn trong đêm đầu tiên – từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 3 năm 2012 – trong chuyến đi Cuba và Mễ Tây Cơ, một sự kiện mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng đã kể lại trong cuốn sách của mình. Đức Giáo Hoàng viết rằng vào buổi sáng, ngài thấy chiếc khăn tay của mình “đầy máu”.

Không nhớ gì về vụ việc, ngài tin rằng “chắc phải va phải thứ gì đó” trong phòng tắm và bị ngã. “Một vài mũi khâu là cần thiết để khâu vết thương,” thư ký của Đức Bênêđíctô đã cho biết như trên trong cuốn sách của mình về vụ việc, nói rằng Giáo hoàng đã trượt chân trên tấm thảm tắm của mình.

Bác sĩ riêng của ngài sau đó đã liên kết vụ việc với những viên thuốc ngủ mà ông đã kê đơn, và thúc đẩy ngài có một buổi sáng rảnh rỗi trong mỗi ngày ở nước ngoài kể từ đó trở đi, Đức Giáo Hoàng giải thích trong bức thư của mình. Những hạn chế này, dưới con mắt của Đức Bênêđictô XVI, “chỉ có thể được áp dụng trong một thời gian ngắn.”

Khi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Janeiro, Brazil, đến gần vào tháng 7 năm 2013, Đức Thánh Cha cảm thấy mình sẽ không thể “điều hành” sự kiện này. Ngài giải thích rằng sau đó ngài quyết định từ chức để một “giáo hoàng mới” có thể đến Rio thay thế ngài.

Đối với người nhận bức thư, Peter Seewald, những tuyên bố này đã chấm dứt suy đoán về lý do Đức Giáo Hoàng từ chức.

Các nhà bình luận muốn liên kết việc từ chức của vị giáo hoàng người Đức với những tai tiếng liên quan đến tài chính của Giáo triều Rôma trong triều đại giáo hoàng của ngài, đặc biệt là sau vụ Vatileaks. Một số thậm chí còn đề xuất những vụ tống tiền do những rò rỉ này, một giả thuyết mà người viết tiểu sử đặc biệt bác bỏ.
Source:Aleteia

3. Bí tích Thánh Thể có thể giúp ngăn cản chúng ta phạm tội trong tương lai hay không?

Thánh Thomas Aquinas giải thích rằng việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể có thể củng cố tinh thần cho chúng ta, miễn là chúng ta mở lòng ra đón nhận ân sủng của Chúa.

Có nhiều lợi ích thiêng liêng từ việc thường xuyên lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, và một trong những lợi ích đó là củng cố tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể dễ dàng chống lại sự cám dỗ của tội lỗi trong tương lai.

Thánh Tôma Aquinô giải thích tác dụng này của bí tích trong Tổng Luận Thần Học của ngài bằng cách lần đầu tiên trình bày những ý kiến phản đối.

Nhiều người cho rằng dường như con người không được bí tích này gìn giữ khỏi những tội lỗi trong tương lai. Vì có nhiều người lãnh nhận bí tích này một cách xứng đáng, nhưng sau đó lại phạm tội. Do đó, xem ra bí tích này không có tác dụng bảo vệ các tín hữu khỏi những tội lỗi trong tương lai.

Đây là một lập luận rất hợp lý, vì chính chúng ta cảm thấy điều này bất cứ khi nào chúng ta rước lễ và sau đó tiếp tục cuộc sống tội lỗi của mình.

Tuy nhiên, Thánh Tôma Aquinô giải thích lý do tại sao thực tế này không nên làm chúng ta sao nhãng khỏi thực tế ân sủng Chúa ban cho chúng ta.

Bí tích này bảo vệ con người khỏi tội lỗi … Vì, trước hết, bằng cách kết hợp con người với Chúa Kitô nhờ ân sủng, nó củng cố đời sống tâm linh của các tín hữu, như thức ăn và liều thuốc tâm linh.

Đồng thời, chìa khóa để ngăn ngừa tội lỗi trong tương lai phụ thuộc vào sự cởi mở của người đó đối với ân sủng của Thiên Chúa.

Hiệu quả của bí tích này được nhận tùy theo tình trạng của con người: đó là trường hợp của mọi nguyên nhân tích cực ở chỗ hiệu quả của nó phụ thuộc vào điều kiện đón nhận. Tình trạng của con người trên trái đất là ý chí tự do của anh ta có thể hướng tới điều thiện hoặc điều ác. Do đó, mặc dù bí tích này tự nó có sức mạnh bảo vệ khỏi tội lỗi, nhưng nó không loại bỏ khả năng phạm tội của con người.

Nếu chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trong tình trạng tội lỗi, bị ngăn cách với ân sủng của Thiên Chúa, thì rất có thể chúng ta sẽ tiếp tục phạm tội trong tương lai gần.

Tuy nhiên, nếu chúng ta cởi mở và hết lòng đón nhận ân sủng của Chúa, thì Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta trong lúc hoạn nạn, bảo vệ chúng ta khỏi những cám dỗ trong tương lai.

Các Mối phúc, hay các phước lành, Chúa Giêsu dạy trong bài giảng dài nhất và nổi tiếng nhất của Ngài, là Bài giảng trên núi trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu chương 5, tất cả đều có một điểm chung cơ bản: Thiên Chúa quan tâm nhất đến tâm hồn của chúng ta và điều chúng ta thực sự mong muốn cho cuộc sống của mình.

Không giống như các tôn giáo khác, Kitô giáo giới thiệu một Thiên Chúa không chỉ yêu thương chúng ta vô điều kiện mà còn muốn biết chúng ta, dành thời gian cho chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng và tình yêu mà chúng ta sẽ không bao giờ xứng đáng. Chúng ta biết điều này là đúng bởi vì trong suốt Kinh Thánh, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đến gần Ngài vô số lần. Trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu 11:28, Chúa Giêsu phán: “Hỡi những kẻ khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được bồi dưỡng”. Chúa Giêsu muốn chúng ta thành thật tìm kiếm Ngài trong những lúc vui mừng cũng như thử thách và tin cậy Ngài trong cuộc đời mình. Trong tất cả các mối phúc, chủ đề này thể hiện rõ ràng nhất ở mối phúc thứ sáu, được tìm thấy trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu 5:8, “Phúc cho những kẻ có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa.”

Khi chúng ta được trình bày với khái niệm về sự trong sạch, tâm trí của chúng ta thường được dẫn thẳng đến việc tiết chế, điều độ hoặc có một cuộc sống không tội lỗi. Mặc dù những điều này xác định chính xác sự thuần khiết, nhưng chúng là những thứ thuần khiết bên ngoài. Chúa Giêsu nói “tâm hồn trong sạch,” ám chỉ sự trong sạch bên trong, một lần nữa cho thấy Ngài quan tâm đến tâm hồn của chúng ta.

Chúa Giêsu không lãng phí thời gian để nói về cuộc sống bên ngoài của chúng ta vì Ngài biết rằng tâm hồn của chúng ta trước hết phải được thay đổi. Khi chúng ta trải qua sự thay đổi trái tim này, hành vi, hành động và cuộc sống bên ngoài của chúng ta cũng sẽ thay đổi theo. Chúa Giêsu muốn tâm hồn của chúng ta thực sự khao khát những điều đẹp lòng Ngài – khi đó, cuộc sống của chúng ta sẽ phản ánh và tạo ra những điều đẹp lòng Ngài.

Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giêsu trong lòng và cam kết đi theo Ngài, thì Ngài bắt đầu một sự biến đổi trong lòng chúng ta. Tình yêu của chúng ta dành cho Ngài sẽ biến thành sự khao khát được biết Ngài và khao khát được sống giống như Ngài. Đây là một trái tim trong sạch: một trái tim không mong muốn gì hơn là được ở bên Chúa bởi vì đó thực sự là tất cả cuộc sống của chúng ta!

Trong mối phúc này, Chúa Giêsu cũng hứa rằng những ai thể hiện trái tim trong sạch này sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Chỉ những người có trái tim trong sạch mới biết Chúa Giêsu vì đó là những gì Chúa Giêsu nhìn thấy. Ngài không đánh giá quá cao những lời chúng ta nói hay hành động mà chúng ta dành cho Ngài trong cuộc sống của mình. Chúa biết tâm hồn và ước muốn của chúng ta và đó là điều Ngài quan tâm nhất.

Sự thật là ngay cả sau khi tiếp nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời mình, chúng ta vẫn sẽ thất bại. Nhưng may mắn thay, Chúa vẫn tiếp tục tha thứ cho chúng ta! Ngài tôn trọng những ước muốn của tâm hồn chúng ta, và nếu lòng chúng ta thực sự khao khát Ngài và ý muốn của Ngài cho cuộc đời chúng ta, ngay cả khi chúng ta thất bại, thì chúng ta cũng sẽ được nâng dậy.
Source:Aleteia