Đnl 18,15-20; 1 Cr 7,32-35; Mc 1,21-28
SỨ MỆNH CHIẾU SÁNG ĐỨC TIN VÀ GÓP PHẦN XUA TRỪ MA QUỶ
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 1,21-28.
(21) Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày Sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. (22) Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (23) Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên (24) rằng: “Ông Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến để tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. (25) Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (26) Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (27) Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”. (28) Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su chính là vị Ngôn Sứ ưu việt đã được Mô-sê tiên báo sẽ đến. Tin mừng Mác-cô hôm nay trình bày Đức Giê-su khởi đầu sứ mạng Thiên Sai vào một ngày Sa-bát tại một hội đường tại thành Ca-phác-na-um miền Ga-li-lê. Lời giảng dạy và uy quyền xua trừ ma quỷ của Đức Giê-su khiến mọi người thán phục
3. CHÚ THÍCH:
- C 21-21: +Thành Ca-phác-na-um: Là một thành nằm về phía Tây Bắc của biển hồ Ga-li-lê. Đức Giê-su chọn thành này làm trung tâm truyền giảng Tin Mừng. Tại thành này, Người đã làm nhiều phép lạ như: trừ quỉ (x. Mc 1,23-28), chữa bệnh (x. Mc 5,25-34), cho kẻ chết sống lại (x. Mc 5,21-43)... Người cũng có lần quở trách thành này vì đã cứng lòng tin (x. Mt 11,23-24). + Hội đường: Là một ngôi nhà hình vuông gồm có ba gian, được xây hướng về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Nơi gian giữa có đặt một tủ đựng Sách Thánh, và một cái giá dành cho chủ sự. Hội đường là nơi người Do Thái trong làng hội họp để nghe giảng Kinh Thánh và cầu nguyện. Chúa Giê-su thường được mời giảng tại các hội đường khắp nước Do thái.
- C 23-24: +Một người bị thần ô uế ám: Đây là một người bị quỉ nhập vào. Ma quỉ hay Xa-tan có nhiều nghĩa: “kẻ hủy diệt”, “kẻ gian ác”, “người cáo tội” (Tv 109,6)... Ở đây ma quỉ được gọi là “thần ô uế” để đối lập với Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
- C 25-27: +“Câm đi, hãy xuất khỏi người này”: Việc Đức Giê-su ra lệnh và ma quỷ đã phải im tiếng xuất ra khỏi người bị nó ám, chứng tỏ uy quyền tuyệt đối của Người trên ma quỷ.
4. HỎI:
H 1- Ma quỉ có thực hay chỉ là tưởng tượng của những người mê tín dị đoan? Kinh Thánh nói gì về sự hiện hữu của ma quỉ và các hoạt động của chúng? Đức Giê-su và Giáo Hội sơ khai có thái độ thế nào đối với ma quỉ?
H 2- Khi thấy một người có biểu hiện bất thường về tâm thần, ta có nên vội kết luận họ bị quỉ ám và tìm cách trừ tà hay không? Ai có quyền cử hành nghi lễ trừ tà?
H 3- Để có thể trục xuất ma quỉ ra khỏi người bị nó ám thì người trừ quỉ cần có những điều kiện nào?
H 4- Ngày nay, ngoài việc trừ ma quỉ, giải thoát những người đang bị đàn áp khống chế, Giáo Hội còn có sứ mạng gì liên quan đến ma quỉ?
ĐÁP:
Đ 1- Ngày nay, nhiều người không tin có ma quỉ. Họ thường giải thích các hiện tượng siêu nhiên do ma quỉ làm nơi con người thuần túy chỉ là những triệu chứng của bệnh thần kinh. Đang khi Kinh Thánh lại luôn khẳng định về sự hiện hữu của ma quỉ..
-Trong Kinh Thánh, ma quỉ được gọi là “Con Mãng Xà”, “Xa-tan” hay “Thần ô uế” (x. Kh 20,2; Mc 1,23). Chúng vốn là thiên thần trên trời, nhưng do phản nghịch với Thiên Chúa nên đã bị phạt xuống hỏa ngục (x. Gd 1,6; Kh 20,7-10); Chúng được Thiên Chúa cho phép thử thách đức tin của người ta như trường hợp ông Gióp (x. G 1,6-2,7); Chúng cám dỗ người ta phạm tội như cám dỗ bà E-và (x. St 2,24), cám dỗ Đức Giê-su (x. Lc 4,2); Chúng ám hại người ta như đã giết 7 người chồng của bà Xa-ra (x. Tb 3,8; 6,14); Chúng trói buộc người ta bằng cách làm cho họ bị bệnh tật (x. Lc 13,16)...
- Sứ mạng của Đức Giê-su là tiêu diệt ma quỉ (x. Mc 1,24). Người không nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ (x. Mc 3,22-26), nhưng nhờ quyền năng Thiên Chúa (x. Mt 12,22tt). Kết quả là ma quỉ phải chịu khuất phục (x. Ga 14,30). Người cũng ban cho các Tông đồ được quyền trừ quỉ (x. Mc 6,7). Giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Người là lúc ma quỉ bị tống ra ngoài và bị xét xử (x. Ga 12,31; 16,11).
- Đến thời Giáo Hội Sơ Khai, Phi-líp-phê đã nhờ Thánh Thần mà trừ quỉ (x. Cv 8,7); Phao-lô cũng có khả năng trừ quỉ (x. Cv 19,11-12). Ngày nay ma quỉ vẫn đang hoành hành bằng cách nhập vào những người yếu đức tin (x. Mt 13,43-45); Chúng hành hạ người ta như sàng gạo vậy (x. Lc 22,31). Chúng giống như sư tử luôn rình mồi cắn xé người ta (x. 1 Pr 5,8). Hội Thánh vững tin sẽ toàn thắng ma quỉ khi đến ngày tận thế. Bấy giờ ma quỉ cùng những kẻ đi theo chúng sẽ bị giam phạt trong hoả ngục đời đời (x. Mt 25,41; Lc 10,18).
Đ 2. Không nên vội xác định bệnh nhân là đã bị quỉ ám, nhưng trước tiên cần đem họ đến bác sĩ thần kinh hay bác sĩ phân tâm học để được khám và điều trị bằng thuốc men hay các phương pháp tâm lý tự nhiên. Nếu bệnh không thuyên giảm và có những bằng chứng do ma quỉ làm thực sự, thì phải nhờ Cha Sở hay Linh Mục đặc trách trừ quỉ điều tra xem xét. Các vị này sẽ chỉ tiến hành việc trừ quỉ theo chỉ thị của Đấng Bản Quyền Giáo phận.
- Theo kết quả điều tra thì phần lớn các trường hợp nạn nhân tưởng là bị quỉ ám, thư ếm hay bùa ngải... Thực ra chỉ là hiện tượng suy nhược thần kinh hoặc do ảo giác tưởng tượng mà thôi. Riêng các hiện tượng lạ như bàn ghế tự nhiên xê dịch, giường nằm của bệnh nhân có ai đó dựng lên, hoặc bệnh nhân tự nhiên được nâng cao lên khỏi giường, hoặc có những tiếng gõ bàn hay tiếng nói mỗi khi thày ngải tra hỏi bệnh nhân... có thể do ma quỉ gây ra, mà cũng có thể chỉ là ảo thuật do các thầy pháp hay thầy phù thủy thực hiện, nhằm đánh lừa người ta tin theo.
- Trong trường hợp chắc chắn các hiện tượng trên do ma quỉ nhập vào khống chế làm hại một người nào đó, thì Đấng Bản Quyền sẽ chỉ định các linh mục chuyên viên đủ kinh nghiệm để các ngài chính thức cử hành nghi lễ trừ quỉ.
Đ 3. Nếu bệnh nhân thực sự bị quỉ ám, thì các chuyên gia chỉ trừ được ma quỉ nếu có đức tin vững mạnh và ý chí kiên quyết (x. Mt 17,20). Họ phải ăn chay và cầu nguyện trong suốt thời gian trừ quỉ (x. Mt 4,5); Phải kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su để nhờ quyền năng của Người mà trừ quỉ (x. Ga 15,5). Họ cũng phải nhờ Thần Khí của Chúa Giê-su (x. Mt 12,28) và nhân danh Người mà trừ quỉ (Mc 9,38). Cuối cùng họ còn phải là người từng trải và có kinh nghiệm để đối phó hữu hiệu với ma quỉ và không bị chúng làm hại (x. Cv 19,11-19).
Đ 4. Hiện nay, ngoài việc trừ quỉ, Hội Thánh còn có sứ mạng chống lại những sự dữ thuộc về ma quỉ như: ma thuật, đồng bóng và mê tín dị đoan (x. Cv 13,9-11). Bài trừ tận gốc các tệ nạn xã hội như: Sì-ke ma túy, mãi dâm, rượu chè, cờ bạc, sách báo phim ảnh khiêu dâm bạo lực (x. Mt 19,16-18); Hội Thánh cũng phải hòa giải các tranh chấp, đấu tranh chống lại bất công bóc lột. Cuối cùng Hội Thánh còn phải cộng tác với chính quyền và các tổ chức nhân đạo bài trừ các thứ giặc thuộc về ma quỷ như: nghèo đói, dốt nát và mê tín (x. 1 Cr 10,20).
Ngoài ra, Hội Thánh cũng khuyên các tín hữu cần tránh sự khôn ngoan giả dối của thế gian và ma quỉ (x. Gc 4.14-15), đề phòng các tiên tri giả là tay sai của ma quỉ thường gửi các thư nặc danh, các tin nhắn mạo danh. Chẳng hạn: gần đây có “Sứ điệp từ trời” nhằm đả kích Đức Thánh Cha, truyền bá một thứ giáo lý sai lạc ngược lại giáo lý tông truyền của Hội Thánh Công Giáo (x. Tm 4,1; Kh 16,14).
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,27).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHRISTOPHER- ĐÃ TÌM ĐƯỢC CHÚA VÀ PHỤNG SỰ MỘT MÌNH NGƯỜI
Kho truyện các thánh có ghi lại câu chuyện về một người mang Đức Ki-tô như sau:
Có một chàng thanh niên có sức mạnh phi thường nhưng không ai biết tên thật của chàng. Anh này có tâm nguyện đi tìm một người quyền lực nhất để phụng sự. Đầu tiên anh nghĩ không ai quyền lực hơn viên tướng cướp trong vùng anh đang ở nên đến gia nhập vào băng cướp và anh được phân công làm hộ vệ cho viên tướng cướp. Nhưng mỗi lần băng cướp sắp có vụ làm ăn, anh ta lại thấy viên tướng cướp phải đến nhờ thầy phù thuỷ làm phép cho vụ làm ăn thành công. Thế là anh thanh niên liền bỏ viên tướng cướp để xin theo hầu thầy phù thuỷ. Một hôm, khi theo thầy phù thủy đi hành nghề, anh thấy thầy đang đi trên đường gặp một cây Thánh giá bên vệ đường liền sợ hãi không dám đi tiếp mà vòng lại đi đường khác. Thế là anh chàng lực sĩ liền bỏ thầy phù thuỷ quay trở lại đứng bên cây Thánh giá để mong được gặp chủ nhân cây Thánh giá. Anh ta cứ đứng đó chờ mấy ngày liền mà vẫn không thấy chủ nhân cây Thánh giá xuất hiện. Nơi đó gần một khúc sông cạn và có nhiều người đã phải mạo hiểm lội bì bõm qua sông để sang bờ bên kia. Một hôm, một chú bé đến nhờ anh lực sĩ cõng qua sông và anh đã lập tức giúp cõng em trên vai lội qua sông. Có điều khi mới được một đoạn ngắn, anh lực sĩ tự nhiên cảm thấy chú bé trở nên quá nặng, liền hỏi lý do và được chú bé trả lời: "Ta nâng đỡ cả trái đất trên tay nên làm sao không nặng cho được". Cậu bé còn cho biết mình chính là chủ nhân của cây Thánh giá mà chàng lực sĩ đang muốn gặp mặt. Thế là chàng lực sĩ liền xin đi theo vị Chúa Ki-tô Chủ Tể của trái đất này. Chúa Ki-tô dạy anh: “Nếu muốn phụng sự Ta, con hãy dựng một căn lều và luôn ở cạnh cây Thánh giá, để nếu có ai muốn qua sông thì con sẽ cõng họ qua”. Chàng lực sĩ liền làm theo lệnh Chúa truyền. Từ ngày đó, dân chúng trong vùng đã gọi chàng bằng cái tên thân thương là KÍT-TÔ-PHƠ (Christopher), nghĩa là “Người mang vác Chúa Ki-tô”.
2) NỘI DUNG CUỐN PHIM “NGƯỜI TRỪ QUỈ”:
Vào năm 1970, cuốn phim “Người trừ quỉ” (Exorcist) được trình chiếu thì lập tức đã phá kỷ lục số vé bán ra. Chuyện phim kể lại một câu chuyện có thật về một thiếu niên 14 tuổi ở vùng Mao-Rai-mơ (Mt. Raimer), thuộc bang Me-ri-len (Maryland) của Hoa Kỳ vào năm 1949. Về sau, tờ “Tuần Tin Tức” (Newsweek) đã tường thuật câu chuyện này như sau: “Theo người cha kể lại thì cậu thiếu niên này thích ở một mình trên gác xép và chơi cầu cơ. Qua trò cầu cơ, cậu ta thường nói chuyện lâu giờ với một người có tên là “Ông Đại Úy”. Lúc đầu người cha cho rằng cầu cơ chỉ là một trò giải trí vô hại. Nhưng về sau, khi thấy con trai có những biểu hiện bất thường, thì cha mẹ cậu bé bắt đầu lo lắng. Nhất là một hôm ông bố nhìn thấy ghế bàn và chiếc giường cậu con đang nằm tự nhiên bị di chuyển trên sàn nhà giống như có bàn tay vô hình nào đó kéo đi. Rồi ban đêm cậu bé bị mất ngủ và hay nói lầu bầu điều gì đó với cái giọng khàn đặc của một gã đàn ông trung niên. Sau đó buộc lòng ông bố phải đưa con đến bệnh viện của trường Gioóc-dơ-tao (Georgetown), một trường đại học danh tiếng. Tại đây bác sĩ điều trị phát hiện ra cậu bé biết nói thành thạo tiếng La-tinh, một thứ cổ ngữ rất khó học mà cậu ta chưa từng biết đến trước đó. Cuối cùng sau một thời gian nằm điều trị vô hiệu, cha mẹ cậu đành đem con về nhà và nhờ hai vị linh mục dòng Tên có lòng đạo đức thánh thiện đến nhà cử hành nghi lễ trừ quỉ.
Cuộc chiến đấu giành linh hồn của cậu bé đã xảy ra rất căng thẳng và quyết liệt, kéo dài suốt 2 tuần lễ. Cuối cùng ma quỉ cũng chịu khuất phục và xuất ra khỏi nạn nhân. Nhưng đồng thời vị linh mục chủ lễ cũng đã gục xuống chết tại chỗ do chứng nhồi máu cơ tim. Hiện nay cậu bé trên vẫn còn sống tại thủ đô Wo-sinh-tơn (Washington). Một trong hai linh mục từng tham gia vào việc trừ quỉ đã thề là không bàn luận gì thêm về công việc nguy hiểm này. Tuy nhiên ông cũng cho biết là chính nhờ tham gia vào việc trừ quỉ mà bản thân ông đã thêm đức tin để luôn trông cậy vào quyền năng và tình thương của Chúa.
3) SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA LỜI CHÚA:
TO-KI-CHI I-SHI-I, một tên sát nhân không gớm tay đã đạt kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi. Hắn tàn sát đàn ông, phụ nữ, trẻ em với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn bị bắt và bị kết án tử hình.
Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ khuyên nhủ hắn, tất cả những lời thăm hỏi, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn như một hung thủ.
Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn cuốn Tân ước với hy vọng mỏng manh hắn sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động… Niềm hy vọng đã trở thành sự thật. Ishii đã đọc, Lời Chúa thu hút anh khiến anh tiếp tục đọc trình thuật cuộc tử nạn của Chúa Giê-su… Đọc đến câu: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”! (Lc 23, 34), anh dừng lại, suy nghĩ. Anh tâm sự: “Đọc đến câu này, con tim tôi bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giê-su, là lòng thương xót của Ngài. Điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin vào Chúa”.
Các nhân viên nhà giam dẫn đưa anh đi hành quyết, họ rất ngạc nhiên khi thấy tử tôi I-shi-i giờ đây đã trở thành một người hòa nhã, lễ độ, chứ không phải một tên sát nhân hung bạo. I-shi-i, tên tử tội đã được lời Chúa tái sinh. (Trích Lẽ Sống, Radio Veritas)
4) SỰ KHÔN LANH HIỂM ĐỘC CỦA MA QUỶ KHI CÁM DỖ LOÀI NGƯỜI:
Một tu sĩ kia rất có lòng đạo đức, ngày nào ông cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng để đọc kinh thờ phượng Chúa. Xảy ra là có một hôm ông ngủ quên, thấy vậy, tướng quỷ Sa-tan đến đánh thức ông. Khi biết kẻ đánh thức mình là Sa-tan, tu sĩ tỏ dấu thắc mắc, ma quỷ liền nói với ông: “Tôi là ai, điều đó không quan trọng, việc tôi đánh thức ông là một điều tốt. Ông thấy không, ai làm việc lành đều là người tốt cả. Vậy tôi cũng là một người tốt”. Tu sĩ đáp: “Không bao giờ ma quỷ lại làm điều lành, vậy nhân danh Thiên Chúa, mi phải nói rõ vì lý do nào mi đánh thức ta?“ Bấy giờ ma quỷ buộc lòng phải nói thật: “Nếu ngày nào ông ngủ quên không đọc kinh sáng, thì khi thức dậy ông sẽ cảm thấy hối hận, khiêm tốn và quyết tâm sống đạo đức hơn. Còn ngày nào ông thức dậy sớm đọc kinh sáng, thì ông sẽ nghĩ mình đạo đức và không quyết tâm làm các việc lành khác”. Nói xong nó biến mất.
Câu chuyện trên cho thấy sự khôn lanh quỷ quyệt của ma quỷ khi cám dỗ loài người chúng ta.
3. SUY NIỆM:
Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa đầy uy quyền, có sứ mệnh tiêu diệt ma quỷ và thiết lập triều đại Nước Thiên Chúa:
1) ĐỨC GIÊ-SU TỎ UY QUYỀN QUA LỜI NÓI:
- Đức Giê-su đã rao giảng Lời Chúa trong hội đường Ca-phác-na-um khiến người nghe phải kinh ngạc, vì : "Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ" (Mc 1,22).
- Vì Người là chính Lời Thiên Chúa nhập thể làm người và được Chúa Cha sai đến làm Đấng Thiên Sai, nên Người chỉ nói Lời Thiên Chúa cho loài người chứ không bị lệ thuộc vào thế giá của các ngôn sứ đi trước, kể cả ông Mô-sê. Đức Giê-su đã biểu lộ uy quyền khi thay đổi các tập tục trong Luật Mô-sê: "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa…” (Mt 5,21-22).
- Người có quyền chữa bệnh trong ngày hưu lễ Sa-bát, và đã trả lời những kẻ hạch hỏi Người về việc làm ấy như sau: "Ngày Sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sa-bát; Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát" (Mc 2,27).
2) ĐỨC GIÊ-SU CHỨNG TỎ UY QUYỀN TRÊN THIÊN NHIÊN VÀ CHỮA LÀNH:
Đúc Giê-su là Đấng Thiên Sai đầy uy quyền như sau:
- Làm chủ các định luật tự nhiên: Người biến nước lã trở thành rượu nho trong bữa tiệc cưới thành Ca-na; Nhân 5 chiếc bánh và 2 con cá ra nhiều và cho môn đệ phân phát cho 5 ngàn người được ăn no trong hoang địa; Đi trên mặt nước mà đến với thuyền các môn đệ; Dẹp yên sóng gió giữa biển hồ; Giúp các môn đệ bắt được mẻ cá lạ lùng...
- Chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền: Người cũng dùng lời quyền năng để chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân như: Cho người mù được sáng mắt; Kẻ câm nói đươc, người điếc được nghe, người què đi được, người phong cùi được sạch…
- Phục sinh kẻ chết: Người còn truyền cho một bé gái mới chết đang nằm trên giường được trỗi dậy; Cho một thanh niên mới chết tại cửa thành Na-im đang mang đi chôn; Cho anh La-da-rô đã chết và được chôn trong mồ 4 ngày sống lại và ra khỏi mồ; Và chính Người đã từ cõi chết trỗi dậy vào ngày thứ ba đúng như Người đã tiên báo.
3) ĐỨC GIÊ-SU CHỨNG TỎ UY QUYỀN TRÊN MA QUỶ:
- Gặp Đức Giê-su, ma quỷ đã nói ra sứ vụ cứu thế của Người như sau: “Ông Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến để tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,24). Đức Giê-su đã lên tiếng quát nạt ma quỷ: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta (Mc 1,25-26). Chính thái độ sợ hãi và vâng phục Đức Giê-su của ma quỷ cho thấy quyền năng Thiên Sai của Người như đám đông chứng kiến đã nói: “Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mt 1,27b).
- Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy biết bao xiềng xích của ma quỷ đang trói buộc con người. Điều quan trọng là người ta lại không nhận biết mình đang làm nô lệ cho nhiều thứ thuộc về ma quỷ như: quyền lực, tình dục, ma túy, cờ bạc, rượu chè… - Ma quỷ thường được các họa sĩ vẽ như một kẻ đen đủi xấu xa, có sừng, trông rất đáng sợ.
Nhưng như vậy thì người ta sẽ dễ nhận biết nó và nó sẽ khó cám dỗ thành công được. Ngày nay khi cám dỗ loài người, ma quỉ thường mang dáng vẻ xinh đẹp, hấp dẫn, sang trọng. Nó tấn công người ta bằng những thủ đoạn tinh tế ngọt ngào. Nó nắm rõ điểm yếu của từng cá nhân, từng tập thể để tấn công. Ngày nay những ai tin vào bói toán, tin ngày lành tháng tốt, đi cầu cơ, xem lá số tử vi, tôn thờ thần tài… đều có nguy cơ dễ bị ma quỷ tấn công. Nhất là nhiều người tân tiến hôm nay không còn tin vào sự hiện hữu của ma quỉ, khiến chúng dễ thành công trong việc cám dỗ người ta phạm tội chống lại Thiên Chúa.
4) TÍN THÁC VÀO CHÚA ĐỂ XUA TRỪ MA QUỶ VÀ PHỤC VỤ THA NHÂN:
- Noi gương tông đồ Phê-rô, mỗi tín hữu hãy đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê-su: Sau bài giảng về Bánh Hằng Sống, nhiều môn đệ không muốn Đức Giê-su nữa, và chỉ còn Nhóm Mười Hai ở lại với Người. Đức Giê-su đã không rút lại ý định lập bí tích Thánh Thể và đòi các ông phải xác định: tin hay không tin, bỏ đi hay ở lại như sau: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Ông Phê-rô đại diện Nhóm Mười Hai đáp lại: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).
- Để trung thành tin theo Chúa Giê-su, các tín hữu chúng ta cần năng tham dự các buổi học sống Lời Chúa: Mỗi lần hiệp sống Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá thêm sự mới mẻ của Lời Chúa, và nhận ra quyền năng của Chúa thể hiện trong thiên nhiên và qua các dấu chỉ của thời đại như lời thánh vịnh: "Lời Chúa là đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường cho con đi" (Tv.118,105). Nhờ năng tham dự các buổi Hiệp Sống Tin Mừng hằng tuần tại nhà Sinh Hoạt Mục Vụ hay trong Giờ Kinh Tối Gia Đình hằng ngày… chúng ta hy vọng sẽ từng bước trở thành "muối men", được hòa lẫn vào thúng bột xã hội để làm cho cả xã hội đều dậy lên men tình yêu của Chúa. Chính “Ánh sáng" từ các việc lành chúng ta làm sẽ giúp lương dân nhận biết tin thờ Chúa Cha trên trời.
- Hiện nay ma quỉ vẫn luôn tìm cách phá hoại công trình cứu độ của Chúa Giê-su là Hội thánh. Mỗi người chúng ta cần tích cực cộng tác với những người thiện chí để đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra khỏi môi trường mình đang sống, xây dựng cho gia đình, khu xóm, trường học, nhà máy… ngày một an toàn sạch đẹp và văn minh hơn. Cần quan tâm đến những bệnh nhân và người tàn tật nghèo đói, để giúp họ tin vào quyền năng và lòng Chúa thương xót, nhờ đó họ sẽ có thể vượt qua nghịch cảnh và nhận được ơn Chúa cứu độ.
4. THẢO LUẬN:
1) Kinh nghiệm của các người tham gia trừ quỷ cho biết: những người bị ma quỉ ám thường là những kẻ tin vào quyền năng của chúng và có quan hệ mật thiết với chúng qua việc : đến xem các buổi lên đồng, chơi trò cầu cơ, đi coi bói toán... Bạn đã bao giờ tò mò chơi thử những trò nguy hại đó chưa?
2) Bạn cần làm gì để thêm đức tin hầu tránh bị ma quỉ xâm nhập và khống chế, để bắt bạn trở thành tay sai cho chúng?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU là “Đấng Thánh và là Con Thiên Chúa”. Chúa đến để tiêu diệt ma quỉ và thiết lập một Triều Đại Mới Của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa đã bắt ma quỉ phải câm miệng và xuất ra khỏi người bị chúng trói buộc. Xin cho chúng con vững tin vào quyền năng của Chúa, và xin Chúa giúp chúng con chiến thắng ma quỉ, tội lỗi và các thói hư. Xin cho chúng con sẵn sàng cộng tác với Chúa và những người thiện chí đẩy lùi các cám dỗ của ma quỷ là phim ảnh xấu, ma túy, cờ bạc, rượu chè... ra khỏi gia đình và môi trường chúng con đang sống hầu cho Nước Chúa mau hiển trị.
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin dạy cho con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không tìm an nghỉ, biết tận lực mà không chờ một phần thưởng nào khác, ngoài việc biết mình đã làm theo thánh ý Chúa. Amen. (Thánh I-mha-xi-ô).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
“Ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên”.
Kính thưa Anh Chị em,
Điều tương tự cũng xảy ra với Lời Chúa. Một khi Lời Chúa được tiếp nhận bởi một người khác, chúng ta được diễm phúc để có thể đứng lại và quan sát Lời đó bén rễ và biến đổi cuộc sống của họ. Tất nhiên, đôi khi Lời được gieo mà không bén rễ; điều này tuỳ thuộc vào mảnh đất tâm hồn người nghe, nhưng cũng có thể do cách thức chúng ta gieo. Vậy mà một khi Lời Chúa bén rễ, ai ai cũng có thể ‘cho phép mình ngạc nhiên’ về cách thức Lời hoạt động trong một tâm hồn.
Khi Lời Chúa bén rễ trong một tâm hồn, thì Lời đó cũng như chính linh hồn đó đã bắt đầu đi vào một ‘quy trình thánh’, vì Lời đã “đâm mầm và mọc lên ngày đêm” trong tâm hồn họ; việc dừng lại để quan sát sự lớn lên của Lời và sau đó, dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, lúc bấy giờ, cũng là một ‘thực hành thánh’. Cụ thể, chúng ta ‘cho phép mình ngạc nhiên’ trước cách thức bí ẩn mà một cuộc sống được biến đổi. Thú vị thay! Đó có thể là chính cuộc sống mỗi người chúng ta. Còn gì sung sướng hơn, cảm hứng hơn khi quan sát một linh hồn, đó có thể là linh hồn mình hay linh hồn người khác bắt đầu từ bỏ tội lỗi, tìm kiếm nhân đức, thiết lập một đời sống cầu nguyện và lớn lên trong tình yêu thương của Thiên Chúa; nói cách khác, chính chúng ta hay người anh em đó đang bước đi trên con đường nên thánh, trở lại ‘phẩm tính thần linh’ của mình.
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm sự ‘bí ẩn’ của một linh hồn trải nghiệm quá trình đổi thay và phát triển tâm linh này. Nếu cảm thấy khó để có một tấm gương như vậy, chúng ta hãy nghĩ đến cuộc đời của các thánh; các ngài là những nhân chứng vĩ đại của việc để cho Lời Chúa thẩm thấu vào cuộc sống mình để trở nên những tạo vật mới, được biến đổi bởi ân sủng Thánh Thần. Hãy chiêm ngắm cuộc đời của các chứng nhân đã được biến đổi này và ‘cho phép mình ngạc nhiên’ cũng như để mình được cuốn hút vào lòng biết ơn và kinh ngạc như đang trải qua.
Tổng thống Abraham Lincoln có thói quen tham dự các buổi tôn vinh Lời Chúa hàng tuần tại một nhà thờ gần toà bạch ốc; ông thường đến đó với nhóm nhân viên mật vụ của mình. Vào một buổi tối, sau khi tham dự, một đặc vụ hỏi Lincoln, “Ngài nghĩ gì về bài giảng tối nay?”; Lincoln trả lời, “Bài giảng được trình bày một cách xuất sắc, đúng Thánh Kinh, thiết thực, phù hợp và rất lôi cuốn!”. “Như vậy, đó là một bài giảng tuyệt vời?”, đặc vụ của ông hỏi. “Không!”, Lincoln nói, “Đó là một bài giảng không thành công, nếu không nói là thất bại; vì lẽ, tiến sĩ Gurley đã không yêu cầu chúng ta làm một điều gì đó tuyệt vời!”.
Anh Chị em,
Abraham Lincoln có lý khi một bài giảng không đưa ra một thách đố hoặc một yêu cầu cho người nghe; đó chính là điều sẽ cho thấy sự biến đổi bên trong tâm hồn con người mà Lời tác động; chính sự biến đổi bên trong đó sẽ đưa con người đưa đến những đổi thay bên ngoài: một hành vi tha thứ, một nghĩa cử xót thương, một lần đi xưng tội… đó chính là điều ‘cho phép con người ngạc nhiên’ trước sự biến đổi của Lời. Để Lời có thể biến đổi bên trong, tâm hồn chúng ta phải được tưới mát bằng cầu nguyện, sám hối và cho phép những tia nắng của Thiên Chúa rọi chiếu với tất cả những gì Người muốn và đã hoạch định ‘từ thời sáng thế’. Thứ đến, việc gieo rắc Lời Chúa vào tâm hồn người khác vẫn rất cần sự cởi mở đối với hoạt động của Thánh Thần; nó đòi hỏi chúng ta để Thánh Thần soi dẫn hầu biết cách thức hợp tác với bàn tay kỳ diệu của Ngài và ‘cho phép mình ngạc nhiên’ trước sự biến đổi của ân sủng trong tâm hồn người anh em.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã luôn kiên nhẫn gieo Lời vào lòng con. Xin cho con biết chuyên chăm tưới mát tâm hồn mình bằng cầu nguyện, lượm sạch sỏi đá bằng hoán cải và không ngừng tắm nắng Thánh Thần; từ đó, con có thể ‘cho phép mình ngạc nhiên’ khi con thật sự được Lời đổi mới”, Amen.
(Tgp. Huế)
1. Chúa trừ quỷ dữ. Chúa Giêsu loan báo triều đại Thiên Chúa đã đến, đẩy lui triều đại của Xa tan ma quỷ. Thế nên, phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Máccô là phép lạ trừ quỷ. Quỷ không đơn giản là một nhân vật xấu xí thường được miêu tả da đen, có sừng, có đuôi, mà quỷ là tất cả những mãnh lực xấu xa, lôi kéo chúng ta ra xa Thiên Chúa. Quỷ chống lại Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người. Thời buổi ngày nay không có nhiều người bị quỷ nhập, nhưng đang có nhiều người bị quỷ lèo lái đi theo những con đường xấu xa, tội lỗi; ngày nay không có nhiều người bị quỷ ám, nhưng có nhiều người bị ám ảnh bởi lòng tham lam vật chất lợi danh, ám ảnh bởi lối sống ích kỷ và hưởng thụ…
2. Chúa làm sạch đẹp. Chúa trừ tên quỷ là thần ô uế làm bẩn nhân loại. Sạch làm cho đẹp, bẩn làm cho xấu. Thế nên chuẩn bị đón Tết đang đến gần, người người nhà nhà đều muốn sạch đẹp. Chúa muốn con người sạch đẹp cả hồn lẫn xác, cả trong lẫn ngoài, nên Chúa đã trục xuất thần ô uế ra khỏi lòng dạ con người. Ô nhiễm chỉ phá hủy môi trường thế giới, còn ô uế phá hủy tâm hồn nhân loại. Rác rưởi khói bụi chỉ làm bẩn cuộc đời, còn tội lỗi ô uế sẽ biến cuộc đời con người thành rác rưởi!
Xã hội và thế giới ngày nay đang tìm mọi cách để làm sạch môi trường, làm đẹp thân xác. Vậy sẽ tuyệt vời hơn nữa, nếu chúng ta cố gắng tìm mọi cách làm sạch đẹp tâm hồn mỗi người và lối sống của một xã hội chan chứa tin yêu. Amen.
Bắc Ninh
“Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ”.
Kính thưa Anh Chị em,
Với Chúa Giêsu, Marcô mô tả, “Gió ngừng biển lặng như tờ!”. “Lặng như tờ” không chỉ nói đến sự lặng sóng của biển, nhưng còn là một thông điệp nói lên ‘sự lặng sóng’ của những xáo trộn mà chúng ta phải đối mặt trong Giáo Hội, trong thế giới, trong đất nước và trong lòng người. Chúa Giêsu luôn muốn mang sự “lặng như tờ” tuyệt vời cho mọi tình huống cuộc đời mỗi người.
Đây là một hình ảnh sống động của Giáo Hội vốn như con thuyền vượt bão tố và đôi khi dường như có thể xuýt bị lật úp. Điều cứu thoát con thuyền không phải là tài năng và lòng dũng cảm của các thuỷ thủ, nhưng là ‘đánh thức Chúa dậy’, điều này đồng nghĩa với việc sống lại niềm tin ‘có Chúa ở cùng’. Ngài đang ở trong thuyền; chính niềm tin cho phép con thuyền Giáo Hội tiến về phía trước, ngay cả trong bóng tối, giữa bão tố. Niềm tin bảo đảm về sự hiện diện của Ngài luôn luôn bên cạnh; bàn tay Ngài nắm lấy và kéo chúng ta khỏi mọi hiểm nguy. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền này và cảm thấy yên tâm ở đây, mặc dù có những hạn chế và điểm yếu của mỗi người. Chúng ta được an toàn, đặc biệt, khi kêu xin Chúa; sẵn sàng quỳ gối thờ phượng, tuyên xưng niềm tin vào Ngài, Thiên Chúa duy nhất; bấy giờ, mọi hỗn mang rồi cũng sẽ “lặng như tờ”.
“Thưa thầy, chúng con chết mất!”. Chúa Kitô cho phép ‘thuyền đời’ mỗi người bị quăng quật bởi những khó khăn trong Giáo Hội, trong thế giới, trong đất nước hoặc trong cuộc sống mà đôi khi, tưởng chừng không thể vượt qua; và việc có Ngài trong thuyền cũng không phải là một bảo đảm mọi thứ sẽ suôn sẻ. Cần khám phá ra rằng, Ngài đang có mặt và đang hoạt động giữa những khó khăn; đúng vậy, vấn đề là chúng ta có biết lặng yên để lay động lòng tin của mình hướng về Ngài, và để Ngài làm những gì còn lại không? Cần suy cứu những gì Chúa dạy chúng ta lúc này. Giữa những thử thách, nếu chúng ta đến gần Ngài hơn, van xin Ngài nhiều hơn thì chắc chắn, ân sủng thực sự sẽ hoạt động. Thông thường, chúng ta chỉ hướng mắt về tâm bão, để cho nỗi sợ và lắng lo chi phối; thế nhưng, mỗi cơn bão phải là một cơ hội để chúng ta tin cậy Chúa Giêsu ở một cấp độ mới mẻ hơn, tầm cao hơn và sâu sắc hơn. Vì nếu cuộc sống luôn dễ dàng, xuôi thuận, đầy ủi an… có lẽ chúng ta sẽ có ít lý do để đến gần Ngài, đánh thức lòng tin của mình cũng như đánh thức Ngài hầu có thể tin cậy sâu sắc hơn. Vì thế, mỗi cơn bão phải được xem như một cơ hội cho ân sủng lớn lao hơn khi chúng ta đặt trọn niềm tin vào Chúa; mỗi cơn bão phải là một trải nghiệm của một niềm tin đang chuyển mình, bất chấp mọi việc tức thời xuất hiện thể nào. Vì với Chúa, mọi khủng hoảng, rối bời và mọi hoảng loạn rồi ra cũng sẽ “lặng như tờ”.
Tác giả thư Do Thái hôm nay cũng nói đến niềm tin giữa những thử thách, “Đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn”; Abraham và Sara là những người tin, “Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã nhận lại con”. Với Thiên Chúa thời Cựu Ước, bão tố rồi ra cũng đã “lặng như tờ” cho gia đình tổ phụ.
Dưới đây là hướng dẫn cách thức đối phó với những con trăn đói, dành cho các quân nhân của Lực Lượng Gìn Giữ Hoà Bình phục vụ ở vùng Amazon, Brasil: “Nhớ đừng bỏ chạy, con trăn có thể phóng nhanh hơn bạn. Điều bạn cần làm là nằm ngửa trên đất, hai chân chụm vào nhau, hai tay đặt ngang hông, đầu cúi xuống. Con trăn sẽ tìm cách đẩy đầu của nó xuống dưới bạn, thử nghiệm ở mọi điểm có thể. Giữ bình tĩnh! Điều đó đã được nhấn mạnh. Bạn phải để nó nuốt chửng bàn chân mình; hãy yên tâm, không đau lắm đâu và sẽ mất nhiều thời gian. Nếu bạn mất bình tĩnh và vùng vẫy, nó sẽ nhanh chóng siết quanh bạn; nhưng nếu bạn bình tĩnh và bất động, nó sẽ tiếp tục nuốt. Hãy kiên nhẫn đợi cho đến khi nó nuốt trọn đến đầu gối; bấy giờ, bạn cẩn thận lấy con dao ra và nhanh chóng rạch vào hai bên miệng của nó; vậy là bạn sống!”.
Anh Chị em,
Việc người lính ở Brasil ứng phó con trăn đói khác nào bão tố trong đời chúng ta; việc nạn nhân chụm chân vào nhau, hai tay đặt ngang hông, đầu cúi xuống… khác nào việc chúng ta cầu nguyện. Vấn đề còn lại ở đây là anh ta ‘có con dao’ hay không; cũng thế, chúng ta cúi đầu, quỳ gối cầu nguyện mỗi khi bão tố, nhưng vấn đề là chúng ta ‘có đức tin’ hay không. Mất niềm tin vào Chúa, mọi sự sẽ trở nên khó khăn; đặt niềm tin vào Ngài, mọi sự “lặng như tờ”. Anh Chị em thân mến, sóng gió cuộc đời là điều không thể tránh, nhưng nếu chúng ta biết quỳ gối và vững tin vào Chúa Giêsu, quyền năng và lòng thương xót của Ngài sẽ làm cho bão sóng nên “lặng như tờ”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Đấng thỉnh thoảng ‘ngủ’ khi con cần Ngài; xin cho con luôn tin rằng, Chúa có đó, ngủ hay thức, không thành vấn đề. Bão tố sẽ giữ cho con gần Ngài hơn và mọi sự sẽ “lặng như tờ” khi niềm tin con đang chuyển mình và đó cũng là cơ hội để ân sủng lớn lên trong con”, Amen.
(Tgp. Huế)
BÀI ĐỌC I: Đnl 18, 15-20
“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân chúng rằng: “Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.
Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. – Đáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 7, 32-35
“Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12
Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 1, 21-28
“Ngài giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
(Đến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Đó là lời Chúa.
Video bắt đầu lúc 7g tối 30/1 theo giờ VN
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.
Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến chính sách ngoại giao của Tòa Thánh đối với các chế độ côn đồ như Trung Quốc và Belarus.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
by George Weigel
Tòa Thánh và các Chế độ côn đồ
Danh sách các vấn đề nghiêm trọng phải được đề cập đến trong khoảng thời gian trống ngôi giáo hoàng trong tương lai, và bởi các Hồng Y cử tri trong cơ mật viện sắp tới, tiếp tục kéo dài ra.
Tài chính của Tòa thánh được cho là đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn bất kỳ lúc nào kể từ thời kỳ trống ngôi giáo hoàng năm 1922; lúc đó, Tòa Thánh phải vay tiền để trả cho cơ mật viện vì Đức Bênêđíctô XV hầu như đã phá sản Vatican trong nỗ lực hỗ trợ người tị nạn và tù binh trong Thế chiến thứ nhất. Bất chấp những cải cách mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện, Tòa thánh hiện đang phải đối mặt với trách nhiệm về quỹ hưu trí rất lớn không được tài trợ; việc quản lý đầu tư thiếu hiệu năng (và còn tệ hơn) đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bảng cân đối của Vatican; và những đóng góp, đặc biệt là cho Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, đang giảm đáng kể.
Sau đó là Giáo Hội ở Đức, nơi nhiều nhà lãnh đạo của họ dường như muốn biến Công Giáo Đức thành một hình thức của đạo Tin lành cấp tiến. Tất cả các vấn đề tranh cãi, mà đại đa số các giám mục Đức, và các nhà lãnh đạo giáo dân trong “Tiến Trình Công Nghị Đức” đưa ra, đều đón nhận nền văn hóa thế tục với những lối sống tháo thứ, thay vì cố gắng hoán cải nó. Phải chăng hàng lãnh đạo của Giáo Hội Đức đã hoàn toàn từ bỏ lời dạy của Công đồng Vatican II rằng người Công Giáo phải sống trong những ranh giới giáo lý và đạo đức nhất định?
Ngoài ra còn có vết thương đang mưng mủ do nạn lạm dụng tình dục giáo sĩ, càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự lãnh đạo của các giám mục kém hiệu quả trong việc phản ứng lại những tội lỗi và tội ác nghiêm trọng này. Nhiều năm qua đã chứng minh rằng cuộc khủng hoảng này hoàn toàn không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Trong cùng thời kỳ đó, cũng có thể thấy rõ rằng có quá ít Hội Đồng Giám Mục các quốc gia đã áp dụng các thực hành về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, mặc dù có những giới hạn và khiếm khuyết, hiện nay đang đặc trưng cho phản ứng của Giáo Hội Hoa Kỳ đối với bệnh dịch xã hội này.
Và sau đó là “chính sách đối ngoại” của Tòa thánh và những giả định được dùng để định hướng cho hoạt động ngoại giao của Tòa thánh.
Có bao nhiêu người Công Giáo hiểu biết và hàng giáo sĩ cao cấp sẵn sàng bảo vệ chính sách đối với Trung Quốc hiện tại của Tòa thánh, vốn đã trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vai trò hàng đầu trong việc lựa chọn giám mục? Tôi dám đánh cuộc là rất ít. Giờ đây, những tiếng nói chỉ trích từ các giám mục và Hồng Y có thể chưa được nghe thấy vì lòng trung thành (hoặc sợ hãi). Nhưng những tiếng nói ấy vẫn còn đó, và sẽ được nghe thấy khi thời gian trống ngôi giáo hoàng cho phép thẳng thắn nói ra. Và những tiếng nói đó có lẽ (và hầu chắc) sẽ cho rằng chính sách hiện tại là một thảm họa đối với sứ vụ truyền giáo. Bất kể tuyên bố của các nhà ngoại giao Vatican cho rằng “cần phải làm những điều gì đó”, thực tế vẫn là những gì đã và đang được thực hiện vi phạm giáo luật của chính Giáo Hội, đã làm cho những người Công Giáo Trung Quốc trung thành với Rôma mất tinh thần, đã thất bại trong việc thuyết phục những kẻ chống đối Kitô Giáo trong chế độ Trung Quốc, và đã tạo cơ hội mới cho chế độ đó thâm nhập và kiểm soát Công Giáo Trung Quốc. Tất cả những điều này đã làm cho việc truyền giáo của Công Giáo ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn rất nhiều, trong bối cảnh các cộng đồng Tin lành Trung Quốc tiếp tục phát triển.
Sau đó là tình hình gần đây ở Belarus. Vào ngày 31 tháng 8 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk-Mogilev, đến thăm gia đình ở nước láng giềng Ba Lan, đã bị chế độ côn đồ của Tổng thống Alexander Lukashenko ngăn cản không cho trở về Belarus (quê hương của ngài). Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã ủng hộ nhiều người Belarus đang phản đối một cách ôn hòa điều mà mọi quan sát viên khách quan đều biết là một cuộc bầu cử tổng thống gian lận vào đầu tháng 8 năm ngoái. Lukashenko và chế độ côn đồ của hắn ta rõ ràng đã cảm thấy tức tối trước sự can đảm mục tử này và thêu dệt các lý do để trừng phạt Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz bằng cách ngăn không cho ngài trở về Tòa Giám Mục của mình.
Tình hình dường như đã được giải quyết khi vị tổng giám mục được phép trở lại Belarus để cử hành lễ Giáng sinh với người dân của mình, những người đã tiếp đón ngài quay về với sự nhiệt tình và tôn kính. Nhưng sau đó vào ngày 3 tháng Giêng, ngay đúng ngày ngài tròn 75 tuổi, lá thư từ chức theo luật định của Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã được chấp nhận ngay lập tức và một vị giám quản tông tòa đã được đưa lên để thay ngài. Phải chăng hai nhà ngoại giao của Vatican, không nổi tiếng về khả năng chống lại các hành vi côn đồ, khi được cử đến Minsk để đàm phán cho Đức Tổng Giám Mục trở lại Belarus, đã đồng ý với một thỏa thuận trong đó Vatican sẽ loại bỏ một người khó chịu với chế độ Lukashenko, nếu chế độ này chịu chấp thuận một lễ Giáng sinh cuối cùng ở Minsk cho vị tổng giám mục? Có vẻ như nhiều khả năng như thế; thực sự, rất có khả năng là điều đó đã xảy ra.
Hành động hiện tại của Vatican nhằm ve vãn các chế độ côn đồ nhân danh đối thoại đang gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Giáo Hội Công Giáo với tư cách là người ủng hộ và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Quan trọng hơn nữa, nó đang làm tổn hại đến sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Một Giáo Hội không dám nói sự thật trước quyền lực không phải là một Giáo Hội có thể công bố một cách thuyết phục về Chúa Giêsu Kitô, “Đấng là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6). Thái độ ve vãn không bao giờ có tác dụng với bọn côn đồ, về mặt chính trị. Nó cũng chẳng có hiệu quả về mặt truyền giáo.
Source:First Things
Các Giám Mục Hoa Kỳ đã phát động một tuần cửu nhật cầu nguyện cho sự sống con người. Đúng trong tuần cửu nhật này, ông Joe Biden, một người tự xưng mình là người Công Giáo, đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép dùng tiền thuế dân tài trợ và cổ vũ cho việc phá thai ở hải ngoại.
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã ra tuyên bố sau. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Hôm nay, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép các khoản tiền đóng thuế của dân chúng Hoa Kỳ được gửi đến các tổ chức quảng bá và cung cấp các dịch vụ phá thai ở các nước đang phát triển. Chính sách mà ông vừa lật ngược, được gọi là Chính sách Thành phố Mexico hay Chính sách Thúc Đẩy Sự Sống Trong Y Tế Toàn Cầu, là chính sách [đã được người tiền nhiệm của ông là tổng thống Donald Trump ủng hộ] nhằm tách việc phá thai khỏi các hoạt động kế hoạch hóa gia đình và bảo đảm rằng tiền đóng thuế của Hoa Kỳ chỉ được chuyển đến các tổ chức đồng ý cung cấp dịch vụ y tế theo đường lối tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người.
Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của tổng giáo phận Kansas City ở tiểu bang Kansas, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ và Đức Cha David J. Malloy của giáo phận Rockford, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế, đã đáp lại diễn biến này như sau:
“Thật đau buồn khi một trong những hành động chính thức đầu tiên của Tổng thống Biden lại tích cực thúc đẩy việc hủy hoại cuộc sống con người ở các quốc gia đang phát triển. Sắc lệnh này trái với lý trí, vi phạm phẩm giá con người và không phù hợp với giáo huấn Công Giáo. Chúng tôi và các giám mục anh em của chúng tôi cực lực phản đối hành động này. Chúng tôi kêu gọi Tổng thống sử dụng chức vụ của mình một cách tốt đẹp, ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả các thai nhi chưa chào đời sinh. Là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phi chính phủ lớn nhất trên thế giới, Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng làm việc với ông và chính quyền của ông để thúc đẩy sức khỏe phụ nữ toàn cầu theo cách thức thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ các nhân quyền tự nhiên và phẩm giá của cuộc sống mỗi con người, bắt đầu từ trong bụng mẹ. Để phục vụ anh chị em của chúng ta một cách tôn trọng, điều bắt buộc là sự chăm sóc phải bắt đầu bằng việc bảo đảm rằng những thai nhi chưa chào đời không phải gánh chịu bạo lực, trong sự công nhận mọi người đều là con cái Chúa. Chúng tôi hy vọng chính quyền mới sẽ làm việc với chúng tôi để đáp ứng những nhu cầu quan trọng này”.
Source:USCCB
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết những người đàn ông vũ trang đã nổ súng và giết chết một linh mục Công Giáo người Phi Luật Tân, là Cha Rene Bayang Regalado vào hôm 24 tháng Giêng. Ngài đang trên đường trở lại Chủng viện ở làng Patpat, gần Malaybalay, một thành phố thuộc tỉnh Bukidnon, trên đảo Mindanao, miền nam Phi Luật Tân. Vào tối ngày 24 tháng Giêng, các linh mục của Đại Chủng viện Thánh Gioan 23 đã gọi điện cho cảnh sát, báo cáo rằng họ nghe thấy nhiều tiếng súng vào khoảng 7:30 tối theo giờ địa phương.
Cảnh sát xác nhận rằng Cha Regalado bị giết trong vùng lân cận của Chủng viện “với những phát súng bắn vào đầu”. Xác của ngài được tìm thấy gần cổng Tu viện Dòng Camêlô ở Barangay Patpat. Vị linh mục đang về nhà tại Đại Chủng Viện Thánh Gioan 23 thì những kẻ tình nghi dừng xe ngài trên con đường vắng vẻ.
Xác của Cha Regalado nằm cách xe của Đại Chủng Viện, một chiếc SUV Chevrolet, khoảng ba mét. “Mắt trái của ngài có những vết sưng tấy như thể ngài đã bị đánh trước khi bị bắn chết. Cha Regalado đã chết khi chúng tôi đến”, Trung sĩ Jeffrey LLoren, một cảnh sát điều tra cho biết. Ngoài ra, cảnh sát tìm thấy cánh tay trái của vị linh mục bị “buộc bằng dây giày màu trắng”
Gia đình của Cha Regalado ở Barangay Sinayawan, thành phố Valencia đã yêu cầu khám nghiệm tử thi, thi thể đã được đưa đến Nhà tang lễ Villanueva ở thành phố Malaybalay vào đêm Chúa Nhật.
Một tuyên bố từ giáo phận gởi đến thông tấn xã Fides viết:
“Giáo phận Malaybalay, cùng với hàng giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân, đặc biệt là gia đình Cha Regalado ở Giáo xứ San Jose, Sinayawan, Thành phố Valencia vô cùng đau đớn và đau buồn trước tin tức về sự ra đi bất ngờ và thê thảm của một giáo sĩ của mình và hy vọng rằng thủ phạm bị đưa ra trước công lý”.
Cha Regalado còn được gọi là “Paring Bukidnon”, nghĩa là “ linh mục miền núi “, vì ngài thường đến thăm các cộng đồng cô lập, ủng hộ các vấn đề liên quan đến cuộc sống và sự cấp thiết của nông dân, quảng bá kỹ thuật nông nghiệp. Theo cảnh sát điều tra, Cha Regalado đã nhận được những lời dọa giết trước khi bị giết.
Source:Fides
Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội. Điều 2271, Sách giáo lý Công Giáo khẳng định: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý”.
Vì thế, người ta ngỡ ngàng khi thấy nữ tu Simone Campbell, giám đốc điều hành của Mạng Lưới Vận Động Cho Công Lý Xã Hội Công Giáo, cho biết Joe Biden có một đường lối phá thai “rất phát triển”. Bà cho biết như trên trong một cuộc thảo luận gần đây do National Catholic Reporter tổ chức.
Ở Hoa Kỳ có hai tờ báo có tên giống nhau. Tờ thứ nhất là tờ National Catholic Regiter của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN. Đây là tờ báo phò sinh rất có uy tín.
Nhóm “Catholics for Choice” nghĩa là nhóm “Công Giáo phò phá thai” là một tổ chức nhỏ, nhưng được tài trợ rất mạnh với mục đích chính là nhằm đưa ra các “lý lẽ thần học” cho các chính trị gia tự xưng là Công Giáo nhưng ủng hộ việc phá thai. Nhóm này lập ra tờ báo có tên gần giống là tờ National Catholic Reporter.
Campbell, là người đã phát biểu tại Hội nghị Quốc gia 2020 của đảng Dân chủ, cho biết tại buổi tọa đàm ngày 21 tháng Giêng rằng “nỗi ám ảnh chính trị” làm sao “phi pháp hóa phá thai” đã làm cho Giáo Hội Công Giáo bị chia rẽ đến mức tan nát.
Bà Campbell nói đường lối phá thai “rất phát triển” của ông Joe Biden có khả năng hiệp nhất những chia rẽ trong Giáo Hội về vấn đề này.
Campbell cho biết bà hy vọng có ai đó trong giới truyền thông Công Giáo sẽ phỏng vấn Biden “về những gì ông ấy nghĩ về vấn đề này”.
“Tôi biết từ cuộc trò chuyện với ông ấy rằng ông ấy có một có một cách tiếp cận rất phát triển đối với phá thai”, Campbell nói. “Và đối với ông ấy, nó xoay quanh quyền tự do tôn giáo, và ông ấy sẽ không ép buộc niềm tin tôn giáo của mình lên toàn thể quốc gia”.
Bà nói thêm rằng nhiều người bảo thủ lo ngại về tự do tôn giáo. Theo cách bà hiểu, tự do tôn giáo bao gồm tự do tin và không tin, việc luật hóa phán quyết Roe chống Wade để buộc các tiểu bang phải hợp pháp phá thai có thể đóng vai trò như một cầu nối với những công dân không có niềm tin.
Campbell đã dâng lời cầu nguyện tại Đại hội Quốc gia của đảng Dân chủ vào năm ngoái. Khi được Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hỏi vào tháng 8 liệu tổ chức công bằng xã hội của bà có phản đối việc hợp pháp hoá phá thai hay không, Campbell trả lời: “ Đó không phải là vấn đề của chúng tôi. Không đến lượt tôi nói chuyện đó.”
Source:Catholic News Agency
Không chỉ có Trung Quốc mới triệt hạ thánh giá. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây diễn ra vào hôm thứ Tư.
Thị trưởng của một thị trấn nhỏ ở miền nam Tây Ban Nha đã cưỡng bức dỡ bỏ một cây thánh giá khỏi cửa của một tu viện. Cây thánh giá sau đó được tìm thấy trong một bãi rác.
Sự kiện này đã diễn ra tại thị trấn Aguilar de la Frontera, thuộc Giáo phận Cordoba, vùng Andalusia ở miền nam Tây Ban Nha.
Cây thánh giá được đặt ở lối vào của nhà thờ thuộc tu viện liền kề của Dòng Carmêlô Nhặt Phép, và đã ở đó từ năm 1939. Nó được dựng lên để tôn vinh các nạn nhân trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, mặc dù tấm bảng ghi nhận điều này đã bị dỡ bỏ từ lâu.
Thị trưởng của thị trấn, Carmen Flores, thuộc đảng cộng sản Izquierda Unida, đã dỡ bỏ cây thánh giá vào hôm thứ Tư mặc dù thực tế cây thánh giá nằm trong một phần của tu viện đã được tuyên bố là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1983. Việc chỉ định này có nghĩa là phần bên ngoài của tu viện không thể được sửa đổi.
Nữ tu Maravillas de Jesus, bề trên Dòng Carmêlô Nhặt Phép ở Aguilar de la Frontera, nói với tờ ABC của Tây Ban Nha rằng “chúng tôi rất thất vọng và rất đau lòng trước sự sỉ nhục của Thiên Chúa chúng ta, vì sự xúc phạm đối với Dấu hiệu Thánh của chúng ta, là Thánh giá”.
“Tất cả những gì chúng ta đã trải qua là bằng chứng cho thấy sự vô ơn của con cái Thiên Chúa, là những kẻ đã đáp lại ân sủng của Người theo cách này trong khi Thiên Chúa lấp đầy chúng ta với niềm vui và tình yêu mỗi ngày”.
Hiện nay, có năm nữ tu trong tu viện, tất cả đều đến từ Peru.
Flores đã đưa ra quyết định đơn phương loại bỏ cây thánh giá mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý di sản văn hóa của Tây Ban Nha. Vì lý do này, Hiệp hội Luật sư Kitô Giáo Tây Ban Nha đã đệ đơn khiếu nại thị trưởng lên Tòa Án Tối Cao Cordoba.
Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.
Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.
Source:Crux
3.LUẬN LÝ ẢO VÀ CÁC BÍ TÍCH KITÔ GIÁO
Những gì chúng ta đã thảo luận cho đến nay về thể xác như một môi trường có tính liên hệ là điều quan yếu để hiểu ơn cứu chuộc do Chúa Kitô mang đến. Và điều này là do Chúa Kitô đã mặc lấy luận lý thông hiệp thể xác mà chúng ta đã mô tả. Thân xác của Người là một thể xác có tính liên hệ, khiến Người trở thành một người trong chúng ta, bước vào dòng dõi các thế hệ mà qua Đức Maria, lên tới Ađam và Evà. Vì vậy, Con Thiên Chúa không những sống trong một lịch sử giống lịch sử của chúng ta mà còn chính lịch sử của chúng ta nữa, lịch sử chung của con người. Nói cách khác, khi mang xác thịt, Con Thiên Chúa đã tiếp nhận cùng một môi trường sống của con người chúng ta, đó là lý do tại sao có thể nói rằng Người “sống giữa chúng ta”. Do đó, “các giác quan môi trường” có tính yếu tính đối với việc Nhập Thể: nghĩa là Người có khả năng đụng chạm, chia sẻ thức ăn của chúng ta, hít vào và thở ra không khí của chúng ta. Nếu lịch sử loài người được kết hợp từ xác thịt này vào xác thịt khác, thì Chúa Kitô, nhờ biến đổi xác thịt Người mang lấy từ Đức Maria, đã biến đổi tận cốt lõi môi trường trong đó con người đang sống. Nhờ cách này, những gì Người đã hoàn thành trong xương thịt Người không ở lại mãi trong Người mà ảnh hưởng đến mọi con người. Nói cụ thể hơn, tất cả những ai bước vào môi trường mới do Người khai mở đều có thể tiếp cận được lối sống của Chúa Kitô. Nhờ bước vào môi trường của thể xác Người, chúng ta có thể nhận được Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự xuống trên Người và hoạt động trong Người. Đây là chỗ các bí tích xuất hiện. Thật vậy, các bí tích kéo dài môi trường thể xác của Chúa Kitô để chúng ta được tháp nhập vào Người. Tham dự các bí tích, chúng ta dự phần vào môi trường mà Chúa Giêsu đã khai mở trong thể xác của Người, nơi có thể sống như Người đã sống. Trung tâm của môi trường này là Bí tích Thánh Thể, “bí tích của các bí tích” (6) mà quanh đó, các bí tích còn lại xoay vần và trong đó chất thể bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, Mình và Máu Thánh mà chúng ta ăn và uống. Vì lý do này, “các giác quan môi trường” cũng có tính yếu tính đối với các bí tích.
Chúng ta hãy suy gẫm cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đệ trên đường Emmau: chìa khóa để nhận ra Người không phải là thị giác hay thính giác của họ, mà là việc bẻ bánh và ngọn lửa trong trái tim, đã ban cho họ một thị giác mới và một thính giác mới. Chính nhờ quan điểm của Bí tích Thánh Thể, nơi thân thể Chúa Kitô được làm cho hiện diện, chúng ta mới hiểu được sự cần thiết của việc tiếp xúc vật chất nơi các bí tích khác. Nhiệm vụ của mỗi bí tích là làm trung gian cho sự tiếp xúc của chúng ta với xác thịt của Chúa Giêsu. Nhờ cách này, trong bí tích, Chúa Kitô đụng chạm vào thân thể chúng ta, vốn là môi trường và nơi ở đầu tiên của chúng ta, và biến đổi nó thành một môi trường có tính liên hệ mới. Nhờ vật thể của bí tích, hành động của Chúa Kitô không ở mãi bên ngoài chúng ta như một tấm gương đơn thuần để chúng ta bắt chước, mà đúng hơn, biến đổi bản sắc chúng ta và giúp các loại hành động mới xuất phát từ sự hiệp nhất của chúng ta với Người. Trong mỗi bí tích, vật thể tác động đến những cách tháp nhập khác nhau vào thân thể Chúa Kitô, tùy theo các ý nghĩa dị biệt hóa của thân thể Người. Như vậy, phép rửa chẳng hạn hệ ở việc được sinh ra vào thân thể của Chúa Kitô; phép thêm sức hệ ở việc tham gia vào việc xây dựng thân thể Người; phép hôn phối hệ ở việc liên kết ngôn ngữ nguyên thủy của thể xác chứa đựng trong sự kết hiệp phu thê của người đàn ông và người đàn bà vào thân thể của Chúa Kitô, v.v. Đúng là có thể nhận được ơn thánh cả khi bí tích không được cử hành, như châm ngôn thời trung cổ từng nói: “Thiên Chúa không cột chặt quyền năng của Người vào các bí tích” (7).
Nhưng điều này chỉ đúng khi có một trở ngại ngăn cản việc chúng ta tiến gần bí tích. Hơn nữa, ngay trong trường hợp này, việc trao ban ơn thánh chỉ được thực hiện nếu có ý định tham dự bí tích bất cứ khi nào có thể thực hiện được. Vì lý do này, việc quy chiếu về vật thể bí tích vẫn là điều cần thiết. Theo thần học cổ điển, các bí tích cần thiết như những phương thế chứ không chỉ là các giới luật. Nghĩa là, các bí tích cần thiết không những vì Thiên Chúa đã truyền lệnh như vậy, nhưng còn là vì chính các bí tích này đã đặt chúng ta vào việc tiếp xúc với Thiên Chúa và biến đổi chúng ta thành sự hiệp thông trọn vẹn với Người. Chỉ từ sự tiếp xúc trực tiếp này với Chúa Kitô trong các bí tích, toàn diện đời sống Kitô hữu mới có thể trở thành sự thờ phượng Thiên Chúa. Có thể nói, Thiên Chúa đã không trói buộc ơn thánh của Người vào việc cử hành các bí tích, nhưng Người đã trói buộc ơn thánh của Người vào một luận lý học bí tích vì Người đã trói buộc nó vào xác thịt Chúa Kitô. Tất cả những điều này giúp chúng ta đưa ra phán định liên quan đến việc cử hành các bí tích thời đại dịch. Một mặt, chúng ta phải khẳng định rằng có thể có những lý do khôn ngoan để không khuyến khích việc tham dự các bí tích. Nếu ai đó không thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm nguy cơ nhiễm trùng chết người, thì họ không thể biện minh lập trường này theo quan điểm niềm tin của họ vào quyền thần thiêng của bí tích, quyền năng được cho là có thể bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm. Ngược lại, thái độ này không kể đến phẩm giá của bí tích, vì bí tích chứa đựng trong nó ngôn ngữ thể xác của sáng thế và phải bảo tồn ý nghĩa của ngôn ngữ này. Vì lý do này, phải tránh bao nhiêu có thể việc sử dụng bánh bị ô nhiễm hoặc nước gây nhiễm bệnh, chính vì chúng không tượng trưng tốt cho ơn cứu rỗi do Thiên Chúa mang đến trong bí tích, vốn cũng là ơn cứu rỗi xác thịt. Nếu không thể tham dự vào việc cử hành, thì có thể, bằng một cách nào đó, tự mình tham gia bí tích và lãnh nhận ơn thánh của nó.
Đây là nơi mà việc thông hiệp ảo có ý nghĩa: vì sự kiện nó giúp chúng ta tiếp cận Bí tích. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phải ghi nhớ rằng ơn thánh chỉ được tiếp nhận khi người đó hướng tới việc tham dự bí tích đích thực và chuẩn bị sẵn để lãnh nhận nó tới mức độ lớn nhất có thể. Vì chính trong Bí tích, chúng ta mới tiếp xúc với thân thể Chúa Kitô, từ đó ơn thánh đến với chúng ta. Hơn nữa, chúng ta hãy nhớ rằng mọi ơn thánh bí tích đến với tín hữu qua ấn tích không thể xóa nhòa được mà họ đã tiếp nhận trong phép rửa, một ấn tích làm họ trở thành chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô. Không phải kênh trực tuyến làm trung gian cho ơn thánh, giúp ơn thánh đến được với các tín hữu đang “tham dự” qua việc phát trực tiếp, mà đúng hơn, việc tháp nhập lúc rửa tội vào Thánh Thể, một việc tháp nhập qua đó, ơn thánh thánh thể được trải dài toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Tất cả điều này có nghĩa: ngoài việc tránh nguy cơ lây lan trong lúc cử hành, phải tránh một nguy cơ khác: làm mất giá trị tính trung tâm của các bí tích trong đời sống các tín hữu. Bởi vì, nếu điều này xảy ra, cảm thức cứu rỗi Kitô giáo, vốn cũng là sự cứu rỗi thể xác, sẽ trở nên loãng nghĩa. Cuối cùng, điều luôn có tính quyết định là nhớ rằng Bí tích không được cử hành để sống, nhưng chúng ta sống để cử hành Bí tích. Điều tối thiết là không có gì được ưu tiên hơn việc phụng sự Thiên Chúa: “nihil operi Dei praeponatur” (8). Theo quan điểm này, cuộc khủng hoảng bí tích thời đại dịch có liên quan đến cuộc tranh luận bí tích mà Giáo hội đã trải nghiệm trong vài năm qua. Cuộc tranh luận này được điển hình hóa trong nhiều cách giải thích khác nhau về tông huấn Amoris laetitia, theo đó, việc tiếp cận với bí tích không còn phụ thuộc vào tình trạng thể xác người ta, nghĩa là, vào cách người ta sống các mối liên hệ thể xác căn bản của họ, chẳng hạn như hôn nhân.
Do đó, một sự tách biệt được thực hiện giữa bí tích và thân thể sống của tín hữu, điều này song song với sự tách biệt xảy ra trong “bí tích” ảo. Vì lý do này, bất cứ ai chủ trương việc tách biệt giữa đời sống hôn nhân và đời sống thánh thể, một điều khá chung trong các cách giải thích này về Amoris laetitia, sẽ không thể giải thích được sự cần thiết của việc cử hành Bí tích bằng thể xác, và do đó tại sao cử hành ảo là điều bất cập. Những cách giải thích này đã định nghĩa bí tích hầu như bằng cách tách biệt nó khỏi lối sống cụ thể của tín hữu trong thể xác, khiến cho việc lãnh nhận bí tích chỉ phụ thuộc vào ý thức chủ quan của họ. Sự phân biệt giữa cử hành trực tiếp và cử hành ảo chỉ có thể có được nếu mối liên kết của bí tích với thân thể được chấp nhận, làm cho việc lãnh nhận bí tích cố kết với cách sống các ý nghĩa của thể xác. Đại dịch và việc cấm cửa cho thấy, mặc dù cách gián tiếp, khái niệm trống rỗng về bí tích mà nhiều người đã giả định, một bí tích không đạt đến hoặc biến đổi đời sống tín hữu trong thân xác, do đó mất nối kết nó với việc Nhập Thể.
4. SAU ĐẠI DỊCH: HƯỚNG TỚI VIỆC PHỤC HỒI BÍ TÍCH?
Từ những gì chúng ta đã nói cho đến nay, chúng ta có thể kết luận rằng thời đại dịch đã khiến chúng ta cảm thấy sự vắng bóng bí tích. Đó là một sự vắng bóng mà chúng ta đã vô tình sống, đó là lý do tại sao đòi phải cố gắng rất nhiều chúng ta mới tri nhận được sự khác biệt giữa thực tại ảo và thực tại có người [in-person reality]. Nếu chúng ta chấp nhận luận lý ảo đối với việc cấm cửa [lockdown], thì đại dịch sẽ đẩy nhanh phong trào phản bí ích của thời hiện đại, mà theo Bernanos, có thể được mô tả như một kỷ nguyên của phi nhập thể [disincarnation] tiệm tiến (9). Tuy nhiên, cùng một đại dịch này cũng có thể là cơ hội để con người nhận ra rằng một cuộc sống bị tù túng không phải là một cuộc sống đích thực, và do đó, một lần nữa khao khát một bí tích hiện hữu trong thế giới. Khi bị cấm cửa, điều nó định bác bỏ thể xác như một môi trường có tính tương quan được biểu lộ một cách đau đớn. Do đó, việc cấm cửa được dùng như một lời kêu gọi tiến tới tự do để chúng ta có thể khôi phục lại ngôn ngữ nguyên thủy của thân xác và cùng với nó, là ngôn ngữ bí tích. Hơn nữa, thời đại dịch, chúng ta tri nhận sự vắng bóng bí tích, không phải một cách lý thuyết mà là qua sự đau khổ cụ thể là bệnh tật và chia ly. Ở đây, ta thấy lý do để hy vọng. Vì đau khổ của đại dịch không phải là đau khổ ảo, và vì lý do này, nó có thể buộc chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của thực tại ảo, khiến chúng ta khao khát Bí tích một lần nữa. Trong thời gian đại dịch, quả thật, chúng ta cảm thấy sự vắng bóng bí tích, nhưng chúng ta cảm thấy nó một cách bí tích. Để thấy nỗi đau của đại dịch là nỗi đau bí tích, chúng ta cần thêm một điểm vào những gì chúng ta đã đề cập về các bí tích. Vì các bí tích không những nói lên sự sung mãn mà Thiên Chúa ban cho con người, mà còn là con đường để tạo vật, bị tổn thương bởi tội lỗi, trở lại với sự sung mãn của nó. Thánh Bonaventura đã nhìn nhận rằng trong số các bí tích được thiết lập trong bản chất con người, sám hối được hiểu là khả năng ăn năn tội lỗi (10). Và, quả thật, con đường đó cũng là con đường được vượt qua bằng đau khổ. Chỉ có đau khổ mới giúp chúng ta phục hồi ý nghĩa bí tích của cuộc sống một khi ý nghĩa đó đã bị mất đi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đau khổ khai quang con đường bí tích vì nó giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng của một thế giới phản bí tích, phi nhập thể. Vì đau khổ khiến chúng ta ý thức một lần nữa mối liên hệ của chúng ta với thể xác, cửa mở của thể xác ra thế giới và những người khác. Nhờ cách này, đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng thể xác chúng ta không phải là các công cụ đơn thuần để tự phát biểu mình và thống trị thế giới, mà trên hết là nơi phụ thuộc nguyên thủy, cửa mở ra để chúng ta liên hệ với thế giới, với người khác, với Thiên Chúa. Do đó, trong thể xác đau khổ, một cuộc gặp gỡ đầy mạc khải có thể diễn ra, cũng như một mối liên hệ giải thoát chúng ta khỏi sự tách biệt ngay bên trong mình và giúp chúng ta phục hồi chỗ đứng nhập thể của chúng ta trong thế giới. Vì lý do này, Chúa Kitô đã bước vào thế giới đau khổ: để phục hồi thể xác như cứ điểm liên hệ với Chúa Cha và những con người khác, do đó, khôi phục cho thể xác ý nghĩa tạo vật của nó. Nếu các bí tích do Chúa Kitô thiết lập mang trọn vẹn ý nghĩa của thân xác, thì chúng thực hiện việc này chính là nhờ đau khổ. Bằng cách chứa đựng trong chính chúng sự thống khổ và cái chết, các bí tích có thể phá vỡ sự cô lập của chúng ta và mở cửa để chúng ta bước vào ơn thánh được liên hệ với Thiên Chúa và những người khác.
Tương tự như các loại đau khổ khác, đại dịch có thể được coi là sự đánh tan ảo tưởng của con người phi nhập thể. Sự phân mảnh này có thể giúp họ nhớ đến xác thịt họ, một xác thịt họ được trao ban để dẫn họ vào thế giới và các mối liên hệ với những người khác, trong đó, mầu nhiệm tối hậu của sự sống, tức là, Đấng Tạo Hóa – Chúa Cha, được hiển thị. Theo quan điểm của viễn kiến đau khổ này, chúng ta có thể trả lời cho những người phàn nàn trong thời gian khó khăn bằng cách nói: “Bạn còn cứng lòng hơn bao nhiêu nữa, mà không để những thời điểm khó khăn này thay đổi bạn!” (11). Chẳng hạn, thời đại dịch này dạy chúng ta rằng sức khỏe không phải là thứ được bảo toàn hoặc phục hồi chỉ nhờ các phương tiện kỹ thuật mà thôi, như một cỗ máy được bảo trì hoặc sửa chữa. Thật vậy, việc cấm cửa liên quan đến đại dịch có thể chứng minh rằng việc giữ gìn sức khỏe của chúng ta mà làm hại các mối liên hệ vốn được thể xác đưa chúng ta vào kết cục sẽ có hại cho chính sức khỏe của chúng ta. Theo cách này, đại dịch có thể là một lời mời gọi phục hồi viễn kiến coi sức khỏe như sự hòa điệu nguyên thủy của con người với thế giới của họ và với những người khác, một sự hòa điệu mà con người nhận được trước tiên, một sự hòa điệu mà họ có thể phát huy chỉ bằng cách tiếp nhận nó. Chúng ta hãy xem xét, theo hướng này, việc tìm kiếm vắc-xin, mà hiệu quả của chúng tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch.
Ở đây ý nghĩa của y học được biểu lộ: nhiệm vụ của nó là bổ sung cho tác nhân chữa bệnh duy nhất, là chính cơ thể. Viễn kiến về sức khỏe này là một viễn kiến có tính bí tích vì nó được đặt nền trong thể xác như cứ điểm nguyên thủy của sự sống, trong sự hòa hợp với môi trường và với những con người khác. Sự kiện đại dịch đã trở thành một biến cố hoàn cầu cũng có nghĩa là sự đau khổ này, sự đau khổ vốn mở mắt để con người biết rõ thân phận thực sự của họ, không những ảnh hưởng đến mỗi người mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Tất cả xã hội bị khổ sở trong thời gian đại dịch, trong các mối liên hệ của nó và trong các cách nó sống thực ích chung. Vì lý do này, đau khổ do đại dịch gây ra không phải là lời kêu gọi đối với cá nhân mà thôi, mà đòi hỏi một sự thay đổi xã hội nhằm bỏ lại phía sau viễn kiến phi bí tích vốn là đặc điểm của thời hiện đại. Liệu xã hội có thể học lại để biết rằng sự đoàn kết của chúng ta bắt nguồn từ một hồng phúc trước đây mà tất cả chúng ta đã nhận được cách chung không? Và, do đó, lợi ích của xã hội không nằm ở việc thể hiện sở thích độc lập của mỗi người, mà nằm ở việc tiếp sinh lực cho cuộc sống chung hiện có của chúng ta? Nếu đúng như vậy, có lẽ chúng ta nên hiểu rằng xã hội chỉ tồn tại nếu nó mở cửa đưa ta vào một mầu nhiệm : mầu nhiệm của Đấng Tạo Hóa. Dưới góc độ cuộc thảo luận của chúng ta, chúng ta cần nêu ra một câu hỏi cuối cùng: liệu cuộc khủng hoảng đại dịch có giúp chúng ta phó thác (surrender) và nhờ đó khôi phục một luận lý học bí tích trong xã hội và trong Giáo hội không? Tín lý Kitô giáo về ơn quan phòng cho chúng ta biết: có những biến cố mà chúng ta không biết nguyên do. Thật vậy, bất cứ điều gì xảy ra trên thế giới đều không được giải thích chỉ bằng những nguyên nhân đệ nhị đẳng, vì có những sự việc ngẫu nhiên mà nguyên nhân của chúng nằm ở một mình Thiên Chúa mà thôi, đến nỗi Thiên thần hoặc con người không thể hiểu được (12). Đây là lý do tại sao, theo quan điểm trần gian, rất khó để phân định điều “tại sao” của đại dịch và Thiên Chúa theo đuổi mục đích nào với nó. Muốn dò thấu điều “tại sao” này, có lẽ chúng ta cần hồng phúc tiên tri. Rất may, như sách Khải Huyền từng nói, đối với các Kitô hữu, “chứng từ của Chúa Giêsu là tinh thần của lời tiên tri”, vì toàn bộ tương lai của chúng ta vốn được chứa đựng trong sự Phục sinh từ cõi chết của Người. Điều này có nghĩa: đức tin vào Chúa Kitô giúp chúng ta biết chỗ nào ơn quan phòng hướng dẫn mọi sự: sống phù hợp với Thập giá và sự Phục sinh của Chúa. Tuy vậy, sự dâng hiến của Chúa Kitô trên Thập giá là sự dâng hiến tự do nhân bản dâng hiến thân mình cho Chúa Cha vì lợi ích của chúng ta. Điều này có nghĩa: kế hoạch quan phòng bao gồm trong nó lời đáp ứng tự do của chúng ta. Chính các bí tích, vì chúng mở không gian cho sự chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, nên chúng tạo thành nơi chốn trong đó chúng ta được tự do. Đối diện với đại dịch, chúng ta được kêu gọi đặt mình vào không gian mà Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta, tức là, thể xác của chính Người, một thể xác lấy lại ý nghĩa tương ứng với kế hoạch của Đấng Tạo Hóa. Loại bỏ hoặc trì hoãn các bí tích sẽ không cứu được sự sống của chúng ta, vì nó loại bỏ hoặc trì hoãn nơi chốn thích đáng cho hành động con người, nơi chốn chúng ta được tự do và xây dựng một cuộc sống cao quí và tươi đẹp. Trong một bài giảng lễ nổi tiếng, Thánh Augustinô tập hợp những lời phàn nàn của những người lặp đi lặp lại “thời kỳ tồi tệ, thời kỳ khó khăn”. Thánh nhân trả lời họ: “Chúng ta hãy sống tốt, thì thời gian sẽ tốt. Chúng ta là thời đại; chúng ta thế nào, thời đại là thế ấy” (13). “Chúng ta hãy sống tốt”: muốn thời đại tốt thì “sống còn” mà thôi không đủ. Đúng hơn, mệnh lệnh là phải “sống tốt”. Và một cuộc sống tốt đẹp như thế, một cuộc sống có tính hoàn toàn nhân bản như thế chỉ có thể có được trong không gian được các bí tích mở ra. Nói tóm lại, sống tốt là sống bằng các bí tích, như người ta sống bằng cơm bánh, để thời gian trở thành thời gian thánh thể, nghĩa là, thời gian phát triển, qua đại dịch, đến mức viên mãn của nó.
______________________________________________________________________________
Ghi chú
1. Trừ khi có ghi chú khác, tất cả các trích dẫn lấy từ Revised Standard Version, Phiên bản Công Giáo.
2. Joseph Ratzinger, “Nền tảng Bí tích của Cuộc Sống Kitô hữu” (The Sacramental Foundation of Christian Existence) trong Tác phẩm được sưu tập, tập 11: Thần học Phụng vụ, 153–168, ở 155.
3. Karl-Heinz Menke, Sacramentalidad. Esencia y llaga del catolicismo, 115. Nguyên thủy xuất bản với tên Sakramentalität: Wesen und Wunde des Katholizismus.
4. Về câu hỏi này, xem Hans Jonas, “The Nobility of Sight”, Philosophy and Phenomenological Research 14: 507–19.
5. Xem Thánh Augustinô, De Genesi ad litteram 3.4.
6. Thánh Tôma Aquinô, In IV Sententiarum d. 25, q. 3, a. 2, qncula. 1 arg 4.
7. Xem Peter Lombard, Sentences IV, dist. 1, ch. 5, par. 1.
8. Thánh Bênêđíctô thành Nursia, Rule 43.3
9. Xem Georges Bernanos, Esssais et écrits de combat (Tiểu luận và Trước tác chiến đấu), 673: “Nỗi bất hạnh và sỉ nhục của thế giới hiện đại, một thế giới tự khẳng định một cách duy vật kỳ cục, là nó phi nhập thể mọi sự, nó khởi đầu lại bằng cách đi ngược chiều với mầu nhiệm nhập thể”.
10. Xem Thánh Bonaventura, In IV Sententiae d. 23, a. 1, q. 2, co.; d. 22, a. 2, q. 1, conc., in S. Bonaventurae Opera Omnia, vol. 4, 579
11. Thánh Augustinô, Bài Giảng 114B, 14
12. Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa contra Gentiles III, q. 94.
13. Xem Thánh Augustinô, Bài Giảng 80.
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp kêu gọi hai hiệp hội Công Giáo Bỉ đang hoạt động để cổ súy tình đoàn kết và phát triển xóa đói giảm nghèo.
(Tin Vatican)
“Entraide et Fraternité và Action Vivre Ensemble’’ đều là các tổ chức Công Giáo Bỉ nhằm chống đói giảm nghèo, hoạt động cho một xã hội công bằng và hài hòa hơn bằng cách hỗ trợ các dự án phát triển và đoàn kết.
Đối với hai tổ chức này, vào hôm thứ Sáu (29/1/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp, trong đó ngài chúc mừng tổ chức vì lòng trung thành và sự hoàn thành sứ mệnh...
Cũng nên lưu ý rằng những thách thức mà tổ chức đang phải giải quyết, cộng thêm những khó khăn khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, đang ảnh hưởng trên toàn thế giới; những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người nghèo và bị bỏ rơi: "Do đó, quan trọng hơn bao giờ hết trong lúc này là theo đuổi và phát triển công cuộc mà các bạn đã và đang đảm nhận.»
Đức Thánh Cha hết lòng khuyến khích các thành viên của các tổ chức và nhiều tình nguyện viên cùng cộng tác với các giáo xứ và các tổ chức xã hội dân sự, "Tôi khuyến khích bạn và các cộng sự viên của các bạn, những người đã và đang chiến đấu, ngày này qua ngày khác, chống lại nạn đói nghèo không thể chấp nhận được", ĐTC nói thêm rằng ngài biết ơn họ cùng những nhà tài trợ đã giúp đỡ cho công việc cứu trợ của tổ chức được khả thi, nhờ hỗ trợ tài chính...
ĐTC nói: “Tất cả chúng ta đều có cùng mục tiêu: xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.
Các tổ chức do các Giám mục Công Giáo Bỉ thành lập
Giới thiệu thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại việc phát động và thành lập do các Giám mục Công Giáo Bỉ trong một chiến dịch Mùa Chay đã mời gọi các tín hữu thể hiện tình đoàn kết cụ thể với những người đau khổ ở Congo mới giành được độc lập vào năm 1961.
ĐTC cho biết, vì mục đích này, các ngài đã thành lập hiệp hội Entraide et Fraternité, từ đó đã chuẩn bị và tổ chức các cuộc cho vay tài chánh của Giáo hội Bỉ, đồng thời tiếp tục mở rộng hoạt động của mình ra các quốc gia trên thế giới.
Năm 1971, Đức Thánh Cha cho hay, các giám mục đã phát động Tổ chức “Action Vivre Ensemble”, để thúc đẩy một chiến dịch Mùa vọng của các giám mục và giúp đỡ các hiệp hội chống đói giảm nghèo ở ngay tại Bỉ.
"Tôi chúc mừng hai tổ chức của các bạn," Đức Thánh Cha phát biểu, "vì sự trung thành của các bạn trong việc chu toàn sứ mệnh và với lòng biết ơn sâu sắc, tôi cám ơn tất cả những người đã cam kết thực hiện sứ mệnh này trong tư cách là những tình nguyện viên, chuyên gia hoặc ân nhân."
Trong đời sống, từ khi mở mắt chào đời và trong suốt dọc đời sống ai cũng đã trải qua không biết bao nhiêu lần cuộc gặp gỡ. Vì gặp gỡ thuộc về đời sống. Và qua đó đời sống được phát triển ngày càng có giầu thêm kinh nghiệm cho cá tính mỗi người.
Nhà triết học người Do Thái Ông Buber đã có suy tư: „ Tất cả hiện thực trong đời sống có được qua gặp gỡ.“
Cuộc gặp gỡ đầu tiên trong đời một em bé là lần gặp gỡ với cha mẹ em, nhất là với mẹ qua đôi mắt người mẹ ngắm nhìn em, qua nụ hôn mẹ em trao cho em. Em tuy còn thơ bé, nhưng cuộc gặp gỡ đầu tiên đó ghi khắc hình ảnh cử chỉ tình yêu thương của người mẹ trong trái tim tâm hồn em. Em phát triển lớn lên khoẻ mạnh trên nền tảng những cuộc gặp gỡ chan chứa tình yêu thương với cha mẹ em trong suốt cuộc đời.
Lớn lên những cuộc gặp gỡ giúp con người gặt hái thêm cảm nhận, kinh nghiệm làm giầu cho đời sống trong việc học hành, cư xử làm việc trên con đường sự nghiệp.
Nhân loại từ hơn một năm nay đang trải qua cuộc gặp gỡ đau khổ gây hoang mang lo sợ. Vì cơn bệnh đại dịch do vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ làm tê liệt đời sống con người về mọi phương diện.
Cuộc gặp gỡ tang thương này không ai muốn. Và toàn nhân loại luôn hằng cầu mong sao cho nó càng mau càng tốt biến mất khỏi đi vào dĩ vãng. Thực trạng đó nói lên cuộc gặp gỡ này là thử thách thế kỷ qúa lớn lao sâu rộng. Và vì thế nhân loại đã cùng đang đi tìm phương thế hữu hiệu trị liệu giúp thống trị vượt qua cơn khủng hỏang đe doạ nguy hiểm lúc này.
Cuộc gặp gỡ thúc đẩy con người bừng tỉnh cố gắng phấn đấu vươn lên.
Và cũng vì bệnh đại dịch Corona đe dọa, nhân loại phải sống xa cách nhau từ 1,5 tới 2,00 mét, tránh hết sức như có thể đừng đụng chạm vào nhau, rồi phải đeo khẩu trang bịt miệng, bịt mũi khi gặp gỡ nhau. Gặp gỡ nhau như thế đâu còn gì là vui là thú vị, là thân mật nữa!
Cuộc gặp gỡ bất đắt dĩ phải cư xử trong lo sợ đề phòng như thế là vì muốn giữ gìn sức khoẻ để tránh không cho vi trùng bệnh dịch Corona lây lan truyền nhiễm bay sang nhau.
Cuộc gặp gỡ khó khăn giữ khoảng cách xa nhau khó chịu đó cũng gợi lên ý thức nghĩ đến lợi ích giúp bảo vệ sức khoẻ cho nhau
Tân Tổng Thổng thứ 46. của Hoa Kỳ, Ông Joe Biden đã trải qua những cuộc gặp gỡ với nhiều biến cố đau thương thử thách: Vợ, con gái qua đời lúc còn trẻ tuổi trong tai nạn xe hơi, con trai qua đời vì bệnh ung thư, thất bại trong các lần tranh cử. Những gặp gỡ đau thương này đã giúp thúc đẩy ông có kinh nghiệm sống can đảm vượt qua nghịch cảnh không để mình bị nhận chìm xuống bỏ ngang dở dang.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 2/2020, ông Biden nói về sức mạnh đã giúp ông vượt qua cái chết của người con trai Beau: “Tôi đã tìm thấy một câu nói nổi tiếng từ Kierkegaard, ‘niềm tin nhìn rõ nhất mọi thứ trong bóng tối’… Với tôi, điều này thật quan trọng vì nó cho tôi lý do để hy vọng”. Và trong đêm bầu cử ngày 03.11.2020 Ông đã nói với mọi người hãy „ giữ vững niềm tin“, mà lúc đó nhiều người ta nghĩ rằng ông thất bại!
Những biến cố gặp gỡ đau thương đầy thử thách đời ông đã giúp ông có kinh nghiệm nhận ra thế nào là gía trị của niềm tin giúp con người đứng vững tinh thần có tự tin hầu vượt qua cơn khủng hoảng đầy thất vọng.
Trong đức tin cũng có những cuộc gặp gỡ thiêng liêng thần thánh.
Hằng năm vào ngày 02.02., 40 ngày sau lễ mừng Chúa Giêsu giáng sinh, Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thờ cho Thiên Chúa, như luật Mose viết truyền buộc ( Phúc âm Thánh Luca 2,23- Sách Xuất hành 13,2-12).
Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. có suy tư Đức Mẹ Maria đem con mình vào đền thờ Jerusalem là nơi chốn của cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Chúa, thay vì công khai đem con trả về lại cho Thiên Chúa. ( Joseph Benedickt XVI., JESUS von Nazareth, Die Geburt Jesu in Bethlehem, 3. Kapitel tr. 90).
Giáo Hội Chính Thống đã gọi ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ là „ lễ gặp gỡ“.
Nơi đền thờ Jerusalem, như phúc âm Thánh Luca thuật lại (2, 22-38) diễn ra hai cuộc gặp gở giữa hài nhi Giêsu và hai vị trọng tuổi cao niên Ông Simeon và Bà Hanna.
Ông gìa Simeon gặp gỡ trẻ Giesu lần đầu tiên trong đời ông. Xưa nay Ông hằng trông mong chờ đợi được nhìn thấy Đấng mang ơn cứu chuộc lại cho dân. Trong cuộc gặp gỡ này ông không nhìn thấy nơi trẻ Giêsu một vị vua quyền thế sức mạnh, nhưng là một đứa trẻ non yếu. Nhưng không vì thế mà Ông thất vọng. Ông nhận ra nơi trẻ Giêsu đích thực là Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa cho dân. Ông đã được soi sáng thốt lên tâm tình chan chứa niềm vui mừng biết ơn, và cảm nhận ra rằng đời sống mình đã được Chúa chúc phúc cho được trọn vẹn không còn gì cao qúi hơn nữa.
Và sau cùng Ông xin được ra đi bình an. Vì Ông đã có được hạnh phúc tràn trề tận mắt được nhìn thấy ơn cứu độ, tận tay bồng ẵm Đấng Cứu Thế.
Cuộc gặp gỡ với nữ tiên tri Hanna trọng tuổi thầm lặng hơn. Phúc âm Thánh Luca vị nữ tiên tri này sống gắn bó trong đền thờ với lòng đạo đức sốt sắng cầu nguyện mong chờ ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Phúc âm không ghi lại lời nào của vị nữ tiên tri này, mà chỉ ngắn gọn thuật lại „Bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi Giêsu cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc.“
Hai cuộc gặp gỡ của Ông Simeon và nữ tiên tri Hanna trong đền thờ với trẻ Giêsu nói lên khía cạnh linh thiêng thần thánh giữa Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa với con người.
Hai cuộc gặp gỡ này nơi đền thờ nói lên khía cạnh lòng đạo đức của những người hằng khao khát trông mong ơn cứu chữa, chúc lành của Thiên Chúa, như hai vị Simeon và Hanna, được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Hai cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, diễn tả chiều thâm sâu nội tâm của Ông Simenon, và của nữ tiên tri Hanna đã trở thành người thân yêu của Thiên Chúa.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ an táng cho một bé gái 10 tuổi người Ý chết vì tham gia trò chơi trên TikTok, là một mạng xã hội của Trung Quốc.
Các công tố viên Ý đã mở cuộc điều tra về cái chết do tai nạn của một bé gái 10 tuổi, vì đã tham gia trò chơi “thử thách bí mật” trên mạng chia sẻ video TikTok.
Báo cáo pháp y cho thấy cô bé, tên là Angelo Sicomero, đã trùm một bao nylon lên đầu mình trong “thách đố” xem ai chịu đựng được lâu. Kết quả máu không lên được đầu, khiến não bị hủy hoại gây ra tử vong.
Angelo đã chết tại bệnh viện Palermo sau khi được đứa em gái năm tuổi phát hiện trong phòng tắm gia đình với chiếc điện thoại di động của mình vào hôm thứ Tư tuần trước. Cảnh sát đã thu giữ điện thoại và dùng nó để cố tìm ra những người có liên quan.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance Trung Quốc, cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã không đưa ra bất kỳ nội dung nào trên trang web của mình có thể khuyến khích cô gái tham gia vào bất kỳ thử thách nào như vậy, nhưng đang giúp các nhà chức trách trong cuộc điều tra có thể dẫn đến hoạt động tự sát này.
Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Ý cho biết trong một tuyên bố sau đó vào thứ Sáu rằng họ sẽ “chặn mạng truyền thông xã hội của Trung Quốc ngay lập tức cho đến ngày 15 tháng 2, là ngày Tiktok phải đáp ứng các yêu cầu của Ý hoặc là đóng cửa vĩnh viễn.
Đức Tổng Giám Mục Corrado Lorefice của tổng giáo phận Palermo nói ngài bàng hoàng trước cái chết này và cảnh báo rằng ngày nay có quá nhiều thanh thiếu niên bỏ học, bỏ lễ ngày Chúa Nhật để tham gia làm các diễn viên TikTok, tìm kiếm hư danh.
Cuộc điều tra tìm xem những kẻ nào có liên quan đến cái chết của cháu bé đang được tiến hành trong khi Ý thông báo họ đã tạm thời chặn quyền truy cập vào TikTok đối với những người dùng không thể chứng minh tuổi tác một cách dứt khoát.
Theo các điều khoản của TikTok, người dùng phải từ 13 tuổi trở lên.
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo về sự nguy hiểm của các thử thách đang được một số người trẻ tuổi thực hiện, những người gọi nó là trò “quấn khăn” hoặc “trò chơi nghẹt thở”, trong đó lượng oxy lên não bị hạn chế dẫn đến tử vong.
Cha mẹ của cô gái nói với tờ La Repubblica rằng “Chúng tôi không biết gì cả,” cha của cô gái nói với tờ báo.
“Chúng tôi không biết con tôi đang tham gia trò chơi này. Chúng tôi chỉ biết cháu thường lên TikTok để xem các đoạn video. Làm sao tôi có thể tưởng tượng được sự tàn bạo này?” người cha nói.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý đã đệ đơn kiện TikTok với cáo buộc “thiếu chú ý đến việc bảo vệ trẻ vị thành niên” và chỉ trích sự dễ dàng mà trẻ em rất nhỏ có thể đăng ký ứng dụng video.
TikTok, phát triển ra toàn cầu vào năm 2018, đã tạo dựng được thành công nhanh chóng nhờ các màn trình diễn video hài kịch hoặc khiêu vũ ngắn - cùng với một thuật toán xác định nội dung nào có nhiều khả năng thu hút người dùng nhất.
Cái chết của cô gái trẻ đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ ở Ý và kêu gọi các mạng xã hội quản lý tốt hơn.
Licia Ronzulli, chủ tịch ủy ban quốc hội Ý về bảo vệ trẻ em cho biết: “Mạng xã hội không thể trở thành một khu rừng nơi bất cứ thứ gì được phép sử dụng”.
Hôm 7 tháng 8 năm ngoái, tổng thống Trump đã ra lệnh cấm TikTok tại Hoa Kỳ. Chúng tôi đã có bài tường trình về vụ này
1. Linh mục Công Giáo bị giết hại dã man ở Mindanao
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết những người đàn ông vũ trang đã nổ súng và giết chết một linh mục Công Giáo người Phi Luật Tân, là Cha Rene Bayang Regalado vào hôm 24 tháng Giêng. Ngài đang trên đường trở lại Chủng viện ở làng Patpat, gần Malaybalay, một thành phố thuộc tỉnh Bukidnon, trên đảo Mindanao, miền nam Phi Luật Tân. Vào tối ngày 24 tháng Giêng, các linh mục của Đại Chủng viện Thánh Gioan 23 đã gọi điện cho cảnh sát, báo cáo rằng họ nghe thấy nhiều tiếng súng vào khoảng 7:30 tối theo giờ địa phương.
Cảnh sát xác nhận rằng Cha Regalado bị giết trong vùng lân cận của Chủng viện “với những phát súng bắn vào đầu”. Xác của ngài được tìm thấy gần cổng Tu viện Dòng Camêlô ở Barangay Patpat. Vị linh mục đang về nhà tại Đại Chủng Viện Thánh Gioan 23 thì những kẻ tình nghi dừng xe ngài trên con đường vắng vẻ.
Xác của Cha Regalado nằm cách xe của Đại Chủng Viện, một chiếc SUV Chevrolet, khoảng ba mét. “Mắt trái của ngài có những vết sưng tấy như thể ngài đã bị đánh trước khi bị bắn chết. Cha Regalado đã chết khi chúng tôi đến”, Trung sĩ Jeffrey LLoren, một cảnh sát điều tra cho biết. Ngoài ra, cảnh sát tìm thấy cánh tay trái của vị linh mục bị “buộc bằng dây giày màu trắng”
Gia đình của Cha Regalado ở Barangay Sinayawan, thành phố Valencia đã yêu cầu khám nghiệm tử thi, thi thể đã được đưa đến Nhà tang lễ Villanueva ở thành phố Malaybalay vào đêm Chúa Nhật.
Một tuyên bố từ giáo phận gởi đến thông tấn xã Fides viết:
“Giáo phận Malaybalay, cùng với hàng giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân, đặc biệt là gia đình Cha Regalado ở Giáo xứ San Jose, Sinayawan, Thành phố Valencia vô cùng đau đớn và đau buồn trước tin tức về sự ra đi bất ngờ và thê thảm của một giáo sĩ của mình và hy vọng rằng thủ phạm bị đưa ra trước công lý”.
Cha Regalado còn được gọi là “Paring Bukidnon”, nghĩa là “ linh mục miền núi “, vì ngài thường đến thăm các cộng đồng cô lập, ủng hộ các vấn đề liên quan đến cuộc sống và sự cấp thiết của nông dân, quảng bá kỹ thuật nông nghiệp. Theo cảnh sát điều tra, Cha Regalado đã nhận được những lời dọa giết trước khi bị giết.
Source:Fides
2. Nữ tu Simone Campbell kháo rằng Biden có một đường lối phá thai “rất phát triển”
Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội. Điều 2271, Sách giáo lý Công Giáo khẳng định: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý”.
Vì thế, người ta ngỡ ngàng khi thấy nữ tu Simone Campbell, giám đốc điều hành của Mạng Lưới Vận Động Cho Công Lý Xã Hội Công Giáo, cho biết Joe Biden có một đường lối phá thai “rất phát triển”. Bà cho biết như trên trong một cuộc thảo luận gần đây do National Catholic Reporter tổ chức.
Ở Hoa Kỳ có hai tờ báo có tên giống nhau. Tờ thứ nhất là tờ National Catholic Regiter của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN. Đây là tờ báo phò sinh rất có uy tín.
Nhóm “Catholics for Choice” nghĩa là nhóm “Công Giáo phò phá thai” là một tổ chức nhỏ, nhưng được tài trợ rất mạnh với mục đích chính là nhằm đưa ra các “lý lẽ thần học” cho các chính trị gia tự xưng là Công Giáo nhưng ủng hộ việc phá thai. Nhóm này lập ra tờ báo có tên gần giống là tờ National Catholic Reporter.
Campbell, là người đã phát biểu tại Hội nghị Quốc gia 2020 của đảng Dân chủ, cho biết tại buổi tọa đàm ngày 21 tháng Giêng rằng “nỗi ám ảnh chính trị” làm sao “phi pháp hóa phá thai” đã làm cho Giáo Hội Công Giáo bị chia rẽ đến mức tan nát.
Bà Campbell nói đường lối phá thai “rất phát triển” của ông Joe Biden có khả năng hiệp nhất những chia rẽ trong Giáo Hội về vấn đề này.
Campbell cho biết bà hy vọng có ai đó trong giới truyền thông Công Giáo sẽ phỏng vấn Biden “về những gì ông ấy nghĩ về vấn đề này”.
“Tôi biết từ cuộc trò chuyện với ông ấy rằng ông ấy có một có một cách tiếp cận rất phát triển đối với phá thai”, Campbell nói. “Và đối với ông ấy, nó xoay quanh quyền tự do tôn giáo, và ông ấy sẽ không ép buộc niềm tin tôn giáo của mình lên toàn thể quốc gia”.
Bà nói thêm rằng nhiều người bảo thủ lo ngại về tự do tôn giáo. Theo cách bà hiểu, tự do tôn giáo bao gồm tự do tin và không tin, việc luật hóa phán quyết Roe chống Wade để buộc các tiểu bang phải hợp pháp phá thai có thể đóng vai trò như một cầu nối với những công dân không có niềm tin.
Campbell đã dâng lời cầu nguyện tại Đại hội Quốc gia của đảng Dân chủ vào năm ngoái. Khi được Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hỏi vào tháng 8 liệu tổ chức công bằng xã hội của bà có phản đối việc hợp pháp hoá phá thai hay không, Campbell trả lời: “ Đó không phải là vấn đề của chúng tôi. Không đến lượt tôi nói chuyện đó.”
Source:Catholic News Agency
3. Thù hận đức tin: Thị trưởng Tây Ban Nha gỡ cây thánh giá của tu viện, ném vào bãi rác
Không chỉ có Trung Quốc mới triệt hạ thánh giá. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây diễn ra vào hôm thứ Tư.
Thị trưởng của một thị trấn nhỏ ở miền nam Tây Ban Nha đã cưỡng bức dỡ bỏ một cây thánh giá khỏi cửa của một tu viện. Cây thánh giá sau đó được tìm thấy trong một bãi rác.
Sự kiện này đã diễn ra tại thị trấn Aguilar de la Frontera, thuộc Giáo phận Cordoba, vùng Andalusia ở miền nam Tây Ban Nha.
Cây thánh giá được đặt ở lối vào của nhà thờ thuộc tu viện liền kề của Dòng Carmêlô Nhặt Phép, và đã ở đó từ năm 1939. Nó được dựng lên để tôn vinh các nạn nhân trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, mặc dù tấm bảng ghi nhận điều này đã bị dỡ bỏ từ lâu.
Thị trưởng của thị trấn, Carmen Flores, thuộc đảng cộng sản Izquierda Unida, đã dỡ bỏ cây thánh giá vào hôm thứ Tư mặc dù thực tế cây thánh giá nằm trong một phần của tu viện đã được tuyên bố là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1983. Việc chỉ định này có nghĩa là phần bên ngoài của tu viện không thể được sửa đổi.
Nữ tu Maravillas de Jesus, bề trên Dòng Carmêlô Nhặt Phép ở Aguilar de la Frontera, nói với tờ ABC của Tây Ban Nha rằng “chúng tôi rất thất vọng và rất đau lòng trước sự sỉ nhục của Thiên Chúa chúng ta, vì sự xúc phạm đối với Dấu hiệu Thánh của chúng ta, là Thánh giá”.
“Tất cả những gì chúng ta đã trải qua là bằng chứng cho thấy sự vô ơn của con cái Thiên Chúa, là những kẻ đã đáp lại ân sủng của Người theo cách này trong khi Thiên Chúa lấp đầy chúng ta với niềm vui và tình yêu mỗi ngày”.
Hiện nay, có năm nữ tu trong tu viện, tất cả đều đến từ Peru.
Flores đã đưa ra quyết định đơn phương loại bỏ cây thánh giá mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý di sản văn hóa của Tây Ban Nha. Vì lý do này, Hiệp hội Luật sư Kitô Giáo Tây Ban Nha đã đệ đơn khiếu nại thị trưởng lên Tòa Án Tối Cao Cordoba.
Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.
Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.
Source:Crux