Ngày 22-01-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hợp Đoàn
Lm Vũđình Tường
05:52 22/01/2015
Cá nhân có thể làm những công trình nhỏ dễ dàng nhưng khi phải làm những công trình lớn, tự mình không thể và cần có nhiều bàn tay cộng tác. Khi có nhiều người cộng tác cần có người lãnh đạo công trình. Người đó chịu trách nhiệm chung toàn công trình vừa dễ cho điều hành vừa giải quyết nhanh chóng những khác biệt.

Khởi đầu cuộc đời rao giảng công khai Đức Kitô cũng đang tìm kiếm, lựa lọc nhân viên cộng tác với Ngài trong công trình mà Ngài gọi là ‘Ngư phủ chài lưới người’. Đây là công trình vĩ đại, công trình giải thoát toàn thể nhân loại khỏi xiềng xích tội lỗi và ban ơn cứu độ muôn đời. Đức Kitô chọn một số ngư phủ, họ là những ngư phủ chuyên nghiệp trên sông biển nay biến thành ‘ngư phủ chài lưới người’. Đây là một nghề mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Khi được mời gọi trở thành ‘ngư phủ chài người’ có lẽ các ông cũng không hiểu rõ sẽ làm gì nhưng chài lưới thì không thành vấn đề. Còn ‘chài người’ ra sao thì các ông không rõ. Tuy nhiên các ông mạnh dạn dấn thân theo Đức Kitô trở thành ‘ngư phủ chài người’. Từ bỏ lưới và chài cũng như thuyền sau lưng dấn bước theo Đức Kitô là thái độ dứt khoát, rõ ràng từ bỏ quá khứ tiến vào tương lai vô định, đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô. Để cho vấn đề trở nên cấp thiết hơn Đức Kitô cho các ông biết ‘thời giờ đã gần’ nên không thể chờ đợi thêm mà phải thi hành ngay vì ‘thời giờ đã gần’ để thay đổi, để bắt đầu cuộc sống mới, để từ bỏ nghề cũ chọn nghề mới: chài người thay vì chài cá. Tất cả những đổi thay trên đều vì con người và cho con người. Đức Kitô sinh xuống trần thế cho chúng ta. Nước trời thiết lập cho chúng ta. Nhóm ‘chài lưới người’ cũng vì chúng ta. Thay đổi để trở thành con người mới cũng cho chúng ta. Lối sống mới Đức Kitô mời gọi cũng cho chúng ta. Thống hối và tin vào Tin Mừng cũng cho chúng ta. Và chính điều này biến chúng ta thành con người mới trong Đức Kitô. Xem ra tất cả mọi sự đều cho chúng ta, cho nhân loại được Chúa yêu thương.

Ngư phủ một khi từ bỏ lưới và thuyền sau lưng là chính thức từ giã quá khứ để tiến vào đời sống mới. Từ giã vì ‘thời giờ đã gần’ để thay đổi: thay đổi cách sống, thay đổi ngành nghề, thay đổi lối suy nghĩ và thay đổi đường lối làm việc của con tim.

Nhiều phen ngư phủ chài lưới suốt đêm sáng ra trắng tay, có lẽ số lượng cá giảm nhiều. Có phải vì thế mà họ từ bỏ nghề cũ để nhận nghề mới chăng? Điều chắc chắn là có nhiều lí do khiến họ đổi tay nghề. Mỗi thứ cộng lại một chút ảnh hưởng nhiều đến tâm tư các ông. Lời Đức Kitô mời gọi đi theo đóng vai trò thay đổi, chài cá khó khăn hơn là một yếu tố khác. Thêm vào đó yếu tố mời đổi tay nghề. Trong các yếu tố đó, quan trọng hơn cả là chính con người Đức Kitô dường như nơi Ngài có ‘châm điện’ khiến các ông quyết tâm từ bỏ đường lối cũ bước theo con đường mới. Từ nơi Ngài phát sinh ra một sức mạnh kì lạ khiến các ông, dù không hiểu rõ cũng đặt trọn tin tưởng, hoàn toàn phó thác đời mình cho Đức Kitô để được giáo dục, huấn luyện trở thành các tay ‘chài lưới người’ chuyên nghiệp. Các ông tự nguyện theo Đức Kitô, khiêm hạ đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài để sống cuộc đời mới. Cuộc đời cá nhân từ nay được thay thế bằng cuộc sống hợp đoàn, cùng với các anh em khác chia sẻ cuộc sống cộng đoàn dưới sự chỉ bảo, hướng dẫn của Đức Kitô. Họ không phải chỉ sống cộng đoàn mà còn bắt chước, học đòi cách sống của chính Đức Kitô và chính điều này biến họ thành con người mới, sống theo gương Đức Kitô, học suy nghĩ như Ngài và thương mến đồng loại theo cùng nhịp tim của Ngài.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Thi ca suy niệm Tuần Chúa nhật 3 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:31 22/01/2015
Chúa Nhật 3 THƯỜNG NIÊN (Mc, 1: 14-20)
TRỞ VỀ


Khởi đầu sứ vụ truyền rao,
Kêu mời sám hối, đi vào nội tâm.
Ăn năn cải đổi lỗi lầm,
Sửa sang cuộc sống, gieo mầm đức tin.
Mở lòng tín thác cầu xin,
Nước Trời rộng mở, ngước nhìn lên cao.
Phúc âm chân lý khai mào,
Tin yêu theo Chúa, gian lao không sờn.
Nhiều người cúi lạy van lơn,
Chúa thương chọn gọi, ban ơn cao vời.
Bốn người chài lưới vào đời,
Si-mon anh cả, rạng ngời hiến thân.
An-rê từ bỏ gian trần,
Gio-an cất bước, dự phần chứng nhân.
Gia-cô-bê sáng vọng ngân,
Trở thành môn đệ, canh tân cuộc đời

Sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, Chúa Giêsu bắt đầu ra rao giảng tại xứ Galilêa. Chúa đã mời gọi mọi người: Nước trời đã gần kề, anh em hãy sám hối và tin vào Phúc âm. Một kỷ nguyên mới đã khai mở. Chúa Giêsu đã bắt đầu thiết lập Đạo Giáo yêu thương. Ngài khởi đi từ chính nội tâm của con người. Ngài kêu gọi mọi người hãy tự sám hối. Đây là bước khởi đầu cho tất cả công cuộc cứu độ.

Chúa đến với từng trái tim của con người. Ngài thấu tỏ tâm can và những ý nghĩ thầm kín trong lòng người. Điều thiết yếu nhất là mỗi người hãy trở về với chính mình để nhận biết thân phận tội lỗi của mình. Chúng ta biết rằng giữa con người xuất hiện truớc công chúng và bộ mặt sống thật, còn khác xa nhau lắm. Hình thức bên ngoài đối xử với nhau xem ra có nhân nghĩa đạo đức, nhưng đời sống thật trong tâm có khoảng cách rất xa.

Muốn theo Chúa, chúng ta được mời gọi làm một cuộc đổi đời. Đổi đời như các tông đồ đầu tiên. Từ những người đánh cá nghèo và thất học trở thành thợ chuyên môn đánh cá người. Phêrô đã có lần quỳ xuống xin Chúa rời xa, vì ông cảm thấy mình là người tội lỗi. Phaolô đang lùng bách hại đạo Chúa, bị ánh sáng đánh ngã ngựa, ông đã trở thành tông đồ nhiệt thành. Mỗi một thành viên trở về đều là một cuộc sám hối nội tâm. Lời mời gọi của Chúa trong ngày đầu ra rao giảng vẫn vang vọng trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Ai trong chúng ta cũng cần sám hối và trở về. Trở về với Đấng yêu thương cứu độ chúng ta.

Kinh nghiệm cuộc sống, chúng ta thích lên lớp giảng dạy và khuyên bảo người khác phải ăn năn sám hối trở về, nhưng chính chúng ta lại không muốn hồi tâm. Thật vậy, nhìn vào cuộc sống và lỗi lầm của người khác thì hấp dẫn và dễ dàng hơn là nhìn vào chính mình. Hầu như ai cũng ngại nhìn lại chính mình và ngại sám hối.

Chúng ta hãnh diện mình là Kitô Hữu và là môn đệ của Chúa Giêsu. Muốn làm môn đệ của Chúa, điều kiện trước tiên là chúng ta cần phải sám hối và canh tân đời sống. Xin Chúa thêm ơn phù trợ để mỗi người chúng ta can đảm trở về với chính mình và soi mình trong ánh sáng thật của Chúa Kitô.

THỨ HAI, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN (Dt 9, 15. 24-28; Mc 3, 22-30).
TRỪ QUỶ


Cạnh tranh Luật Sĩ tà ngôn,
Phê bình chỉ trích, tiếng đồn vang xa.
Chúa dùng quyền phép xua tà,
Nhiều người chứng kiến, ngợi ca tuyệt vời.
Luật sư ngược ngạo đôi lời,
Quỷ Bel-giê-bút, ám đời ông kia.
Chúa truyền ra lệnh phải lìa,
Qủi ma xuất khỏi, rẽ chia tan đàn.
Uy quyền phép lạ phá tan,
Đuổi ma xua quỉ, ban tràn ân thiêng.
Giê-su nhân ái dịu hiền,
Thân tâm chữa trị, thiêng liêng phần hồn.
Chớ đừng phạm thượng lộng ngôn,
Thánh Thần Thiên Chúa, túi khôn vũ hoàn.
Cầu xin thứ lỗi bất toàn,
Sấp mình thờ phượng, khôn ngoan sống đời.

THỨ BA, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN (Dt 10, 1-10; Mc 3, 31-35).
MẸ THẦY


Thân nhân thăm viếng gặp Thầy,
Bà con lối xóm, Mẹ thầy cũng qua.
Sai người nhắn gởi Chúa ra,
Đôi người kháo láo, các bà đợi trông.
Chúa nhìn vào giữa đám đông,
Thực hành thánh ý, hợp thông gia đình.
Anh em với mẹ kết tình,
Ai mà nghe Chúa, trổ sinh phúc lành.
Gia đình mở rộng thành danh,
Kết đoàn dân Chúa, thực hành ý Cha.
Tình thương chan chứa bao la,
Thành phần thân thể, Chúa là đầu tiên.
Dẫn đường hướng tới cõi thiên,
Ban muôn phúc lộc, người hiền kẻ ngay.
Gia đình Giáo Hội hôm nay,
Bao người tín hữu, cơ may dự phần.

THỨ TƯ, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN (Dt 10, 11-18; Mc 4, 1-20).
GIEO GIỐNG


Dụ ngôn gieo giống Nước Trời,
Người gieo hạt giống, giữa nơi cánh đồng.
Vệ đường rơi hạt uổng công,
Chim trời tha mất, còn trông mong gì.
Hạt rơi đất sỏi đường đi,
Mặt trời thiêu cháy, có chi trông chờ.
Bụi gai rơi hạt bên bờ,
Um tùm chết ngạt, vật vờ héo khô.
Hạt gieo đất tốt bên hồ,
Phì nhiêu mầu mỡ, nước vô nẩy mầm.
Sinh hoa kết qủa âm thầm,
Trĩu cây nặng hạt, đầy mâm trái vàng.
Truyền rao Lời Chúa xóm làng,
Thành tâm đón nhận, sinh ngàn hạt châu.
Lòng thanh tâm sạch ruộng dâu,
Sinh xôi nẩy nở, muôn mầu tốt tươi.

THỨ NĂM, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN (Dt 10, 19-25; Mc 4, 21-25).
ÁNH SÁNG


Thắp đèn trên giá bục cao,
Soi chung khắp chốn, dạt dào thấu xuyên,
Ánh đèn chiếu tỏa tinh tuyền,
Rạng soi muôn lối, lời khuyên mỗi ngày.
Chẳng gì dấu kín hôm nay,
Mai sau rạng sáng, làm lay lòng người.
Đong đầy đấu ấy vui cười,
Đong qua đong lại, gấp mười gấp trăm.
Lắng nghe lời Chúa chuyên chăm,
Phát sinh ân lộc, ngàn năm phúc lành.
Giầu sang phú quí công thành,
Gia tài đã có, Chúa dành thêm cho.
Rộng tay ban phát tự do,
Càng cho càng có, đừng lo thiếu gì.
Sống đời keo kiệt làm chi,
Đại tâm rộng lượng, từ bi với người.

THỨ SÁU, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN (Dt 10, 32-39; Mc 4, 26-34).
HẠT GIỐNG


Nước Trời ví tựa hạt gieo,
Ngủ đêm hay thức, mầm neo đất mềm.
Nở chồi sinh lá nhiều thêm,
Sinh hoa kết qủa, cả đêm lẫn ngày.
Hạt mầm bé nhỏ hôm nay,
Ngày mai gieo xuống, ai hay biết gì.
Đâm bông kết hạt đúng thì,
Nhà nông chăm chỉ, cũng tùy nhân duyên.
Quan phòng Tạo Hóa căn nguyên,
Môi trường phát triển, lưu truyền giống theo.
Nước Trời hạt cải bé teo,
Môn đồ nhóm nhỏ, đói nghèo khó khăn.
Dẫu rằng bắt bớ cản ngăn,
Chứng nhân sự thật, rạng danh cõi đời.
Cánh đồng truyền giáo khắp nơi,
Mở mang đạo giáo, gọi mời dấn thân.

THỨ BẢY, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN (Dt 11, 1-2.8-19; Mc 4, 35-40).
SÓNG BIỂN


Biển hồ sóng vỗ mênh mang,
Thuyền con rời chỗ, ghé sang bến này.
Đêm đen bão nổi cuốn quay,
Tông đồ gắng sức, loay hoay chống chèo.
Bập bềnh sóng nước ngập theo,
Thưa Thầy thức dậy, thả neo cứu người.
Chúa còn say ngủ nghỉ ngơi,
Mấy người ngư phủ, ngỏ lời xin thương.
Giê-su quyền phép tỏ tường,
Biển im gió lặng, mở đường tin yêu.
Quyền năng tuyệt đối cao siêu,
Vũ hoàn vâng lệnh, mọi điều phán ra.
Môn đồ kinh hãi kêu la,
Lạy Thầy cao trọng, ngợi ca danh Ngài.
Đức tin yếu kém van nài,
Xin Thầy củng cố, miệt mài vững tâm.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cổ võ Tin Lành và Công Giáo cộng tác với nhau
Lm. Trần Đức Anh OP chuyển ý
09:34 22/01/2015
VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ sự cộng tác giữa các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther trong việc làm chứng về lòng từ bi của Thiên Chúa trong xã hội ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây sáng ngày 22-1-2015 trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn Tin Lành Luther và Công Giáo Phần Lan về Roma hành hương thường niên nhân dịp lễ kính thánh Henrico bổn mạng nước này, dưới sự hướng dẫn của ĐGM Tin Lành Vikstroem và ĐGM Công Giáo Temu Sippo.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ghi nhận cuộc viếng thăm của Phái đoàn diễn ra trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô với chủ đề là lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria: ”Bà hãy cho tôi uống” (Ga 4,7).

Ngài nói: ”Tuần cầu nguyện này nhắc nhở chúng ta rằng nguồn mạch mọi ơn thánh chính là Chúa và các hồng ân của Chúa biến đổi những người lãnh nhận, làm cho họ trở thành chứng nhân về sự sống đích thực đến từ một mình Chúa Kitô. Như Tin Mừng kể lại cho chúng ta, nhiều người xứ Samaria tin nơi Chúa Giêsu nhờ chứng từ của người phụ nữ (Xc Ga 4,39). Và như Đức GM Vikstrom đã nhận xét, các tín hữu Công Giáo và Luther có thể cộng tác nhiều với nhau để làm chứng về lòng từ bi của Chúa trong xã hội chúng ta.”

ĐTC nhận xét rằng ”Chứng tá chung của các tín hữu Kitô là điều đặc biệt cần thiết ngày nay đứng trước sự nghi kỵ, bất an, những vụ bách hại và đau khổ mà bao nhiêu người đang phải chịu trên thế giới ngày nay. Chứng tá chung này có thể được nâng đỡ và khích lệ nhờ những tiến bộ trong việc đối thoại thần học giữa các Giáo Hội. Tuyên ngôn chung về đạo lý công chính hóa, do Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Luther thế giới và Giáo Hội Công Giáo, ký kết cách đây 15 năm, có thể tiếp tục mang lại những thành quả hòa giải và cộng tác giữa hai bên.”

Trong số 5,2 triệu dân Phần lan hiện nay, có 78,4% là tín hữu Tin Lành Luther, 1,1% là tín hữu Chính Thống. Công Giáo chỉ có khoảng 8 ngàn tín hữu họp thành một giáo phận (Helsinki) (SD 22-1-2015)
 
Đức Thánh Cha buồn vì báo chí giải thích xuyên tạc
Lm. Trần Đức Anh OP chuyển ý
09:36 22/01/2015
VATICAN. Đức TGM Angelo Becciu, Phụ Tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết ĐTC ”ngỡ ngàng và buồn” vì nhiều gia đình đông con hoang mang trước những tin tức báo chí loan đi không đúng về những lời nói của ngài.

Trong những ngày qua, nhiều báo chí Italia và quốc tế đăng tin với những tựa đề như: ”ĐGH dạy: điều lý tưởng là mỗi gia đình có 3 con”, hoặc ”ĐGH nói: các gia đình đừng sinh sản như thỏ!”.. Đó là điều hầu như duy nhất được các báo nhấn mạnh từ cuộc họp báo của ĐTC trên máy bay hôm 19-1-2015 trên đường từ Manila về Roma.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo Tương Lai (Avvenire) số ra ngày 22-1-2015, Đức TGM Becciu cho biết đã trình cho ĐTC các bài báo ấy. Ngài tỏ ra ngạc nhiên và buồn vì sự giải thích không đúng của nhiều báo chí về lập trường của ngài. ĐTC không hề nói điều lý tưởng là mỗi gia đình chỉ nên có 3 ngừơi con. ”Đây là con số mà các nhà xã hội và dân số học coi là mức tối thiểu để dân số được ổn định. ĐGH không hề muốn nói đó là con số ”đúng” mà mỗi gia đình nên có. Mỗi gia đình Công Giáo, dưới ánh sáng ơn thánh, được kêu gọi phân định theo một loạt các mô thức của con người và Thiên Chúa để xác định đâu là số con mà mình phải có”.

Đức TGM Becciu nhấn mạnh rằng: ”Chính vì muốn làm sáng tỏ sự việc, nên trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21-1 vừa qua, ĐTC đã mau lẹ gửi những lời quí mến và khích lệ đến các gia đình đông con. Ngài khẳng định rằng sự sống luôn luôn là một thiện ích và sự kiện có nhiều con là một hồng ân của Thiên Chúa và phải luôn cảm tạ Chúa”. Trong bài giáo lý, ĐTC cũng tái khẳng định giáo huấn của ĐGH Phaolô 6 trong Thông điệp ”Humanae Vitae” (Sự Sống Con người) về sự sinh sản có trách nhiệm.

Theo Đức TGM Becciu, câu ĐTC nói ”không thể sinh sản như thỏ” phải được giải thích theo nghĩa: việc sinh sản của con người không thể theo tiêu chuẩn bản năng như động vật, nhưng là kết quả của một hành vi trách nhiệm, bắt nguồn trong tình yêu và trong sự hiến thân cho nhau. Rất tiếc là nền văn hóa hiện đại có xu hướng làm giảm thiểu vẻ đẹp chân chính và giá trị cao cả của tình yêu vợ chồng, với tất cả những hậu quả tiêu cực theo sau đó” (Avvenire 22-1-2015)
 
Bài giảng tại Santa Marta: Chúa Giêsu vẫn đang cầu bầu cho chúng ta
Đặng Tự Do
16:42 22/01/2015
Trình bày những suy tư của ngài về bài Phúc Âm trong ngày Thứ Năm Sau Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên 21 Tháng Giêng (Mc 3: 7-12), kể về đám đông dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu từ mọi miền, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng dân Chúa nhìn thấy nơi Chúa Giêsu "một niềm hy vọng, bởi vì cách ứng xử, và giảng dạy của Ngài chạm đến con tim của họ, đến tâm hồn họ, bởi vì giáo huấn của Ngài có sức mạnh của Lời Chúa ":

"Người dân cảm thấy điều này, và thấy rằng những lời hứa đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, và nơi Chúa Giêsu loé lên những tia hy vọng. Người dân đã có chút chán nản với cách giảng dạy đức tin của các nhà thông luật thời đó, là những người chồng chất trên vai người dân rất nhiều điều răn, rất nhiều giới luật, nhưng không chạm được đến con tim người dân. Và khi mọi người nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe những đề xuất của Ngài là Tám Mối Phúc Thật, họ cảm thấy một cái gì đó khuấy động bên trong - chính là Chúa Thánh Thần đang khuấy động tâm hồn họ. Và họ đi đến gặp Đức Giêsu"

Tìm kiếm Thiên Chúa với một ý định thanh khiết

Đám đông đến với Chúa Giêsu để được chữa lành: nghĩa là, họ tìm kiếm lợi ích riêng cho mình. "Không bao giờ chúng ta có thể theo Chúa với một ý định thanh khiết ngay từ đầu: bao giờ chúng ta cũng tìm kiếm Thiên Chúa vì một chút cho chúng ta, và một chút cho Thiên Chúa - và rồi chính cuộc hành trình sẽ thanh lọc ý định này. Mọi người ra đi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng họ cũng tìm Ngài vì sức khỏe của họ, vì muốn được chữa lành - và họ nhào đến Ngài, chạm vào Ngài, hy vọng rằng chút sức mạnh nào đó có thể phát ra từ Ngài và chữa lành cho họ."

Chúa Giêsu cứu rỗi chúng ta

Đức Thánh Cha giải thích rằng điều quan trọng nhất không phải là việc Chúa Giêsu chữa lành những bệnh tật phần xác cho chúng ta. Nhưng là điều sau đây: những sự chữa lành này là một dấu chỉ của một sự chữa lành khác. Cũng vậy, điều quan trọng nhất không phải là Chúa Giêsu nói những lời làm rung động con tim. Nhưng là vì những lời ấy giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa như đã được mô tả trong Thư gửi tín hữu Do Thái (7:25), "Chúa Giêsu có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ."

"Chúa Giêsu cứu chúng ta! Những sự chữa lành này, những lời đến được con tim này, là dấu chỉ và là khởi đầu của ơn cứu độ - là con đường cứu rỗi cho đông đảo những người bắt đầu đến nghe Chúa Giêsu, hoặc đến xin một sự chữa lành và sau đó trở lại với Ngài và cảm nhận được ơn cứu rỗi."

Đức Thánh Cha nêu câu hỏi là: "Tuy nhiên, điều gì là quan trọng nhất? Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật chăng? Không, đó không phải là điều quan trọng nhất. Hay là những lời Ngài dạy chúng ta chăng? Đó cũng không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là Ngài cứu rỗi chúng ta! Ngài là Cứu Chúa và chúng ta được Chúa cứu rỗi. Đây là điều quan trọng nhất, và đây là sức mạnh đức tin của chúng ta "

Chúa Giêsu cầu bầu

Chúa Giêsu lên trời cùng Chúa Cha, "và từ đó Ngài tiếp tục cầu bầu, mỗi ngày, mỗi lúc cho chúng ta."

"Điều này liên quan với chúng ta ngày nay. Chúa Giêsu đứng trước mặt Chúa Cha, hiến mạng sống của Người để cứu độ muôn dân – Ngài cho Chúa Cha thấy vết thương của Ngài như là giá cứu chuộc - và do đó, mỗi ngày, Chúa Giêsu đều cầu bầu cho chúng ta. Khi chúng ta, vì điều này điều khác vấp ngã, chúng ta hãy nhớ rằng chính Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho chúng ta, liên tục cầu bầu cho chúng ta. Quá thường khi chúng ta quên điều này và nghĩ rằng "Chúa Giêsu à ... nhưng mọi sự đã hoàn tất, Chúa đã lên trời rồi và gửi Thánh Thần Chúa đến cho chúng ta, hết chuyện rồi." Không! Ngay cả bây giờ, trong từng giây phút, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cầu bầu cho chúng ta. Ngài đang cầu thay cho tôi trong lời cầu nguyện này: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin dủ lòng thương xót con’. Hãy hướng về Chúa, và khẩn khoản xin lời cầu bầu này."

Sự "nhạy cảm" của dân Chúa

Chúng ta phải nhớ kỹ điểm chính yếu này là Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Đấng cầu bầu cho chúng ta. Đám đông tìm Chúa Giêsu với một hy vọng trực giác phù hợp với dân Chúa, là những người lúc đó đang trông chờ Đấng Mêsia, và họ tìm thấy nơi Ngài sức khỏe, sự thật, ơn cứu rỗi, vì Ngài là Đấng Cứu Độ và là Đấng Cứu Thế ngay cả bây giờ, tại thời điểm này, vẫn đang cầu thay cho chúng ta. Cầu xin cho cuộc sống Kitô của chúng ta ngày càng trở nên xác tín hơn rằng chúng ta được cứu rỗi, chúng ta có một Đấng Cứu Độ, Chúa Giêsu ngự bên phải Chúa Cha đang chuyển cầu cho chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta hiểu được những điều này."
 
ĐTGM Georg Gänswein: Thật là kinh ngạc khi có những báo cáo nói có những mâu thuẫn giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Bênêđíctô thứ 16
Đặng Tự Do
19:29 22/01/2015
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người đã từng là thư ký riêng cho cả Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nói rằng thật là kinh ngạc khi có những báo cáo nói có những bất đồng giữa hai triều đại giáo hoàng.

"Tôi không biết một khẳng định tín lý nào của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại trái với các giáo huấn của người tiền nhiệm ngài".

Vị Tổng Giám Mục người Đức hiện nay là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn dài với tạp chí Đức, Christ und Welt, nghĩa là “Chúa Kitô và thế giới”.

Ngài nói chuyện thẳng thắn về những thay đổi trong cách tiếp cận những vấn đề dưới triều Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc họp gây nhiều tranh cãi của Thượng Hội Đồng Giám Mục hồi tháng 10 năm ngoái, và bài diễn văn hôm 22 tháng 12 trong đó Đức Giáo Hoàng chỉ trích thẳng thừng 15 căn bệnh của Giáo triều Rôma.

Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng hôm 22 tháng 12, ngài đã được ngồi bên cạnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đọc diễn văn Giáng sinh trước giáo triều Rôma, liệt kê một loạt những căn bệnh mà những vị làm việc trong giáo triều Rôma có thể mắc phải và cần phải thanh tẩy.

Vị Tổng Giám Mục người Đức nói: "Trong suốt cuộc nói chuyện, tôi đã có thể mường tượng ra các hàng tít lớn trên báo chí sau đó"

Mô tả quang cảnh buổi họp, Đức Tổng Giám Mục cho biết:

"Những phản ứng của các vị trong giáo triều dao động giữa bất ngờ, kinh ngạc và cảm thấy khó hiểu". Ngài thừa nhận rằng nhiều viên chức Vatican đã đặt câu hỏi về giọng điệu của bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, ngài kết luận: “Rõ ràng là Đức Thánh Cha nghĩ rằng cần thiết để nói mọi chuyện rõ ràng và tạo ra một cuộc duyệt xét lương tâm.”

Khi được hỏi tổng quát hơn về sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài liên tục nghe những câu hỏi về ưu tiên của Đức Giáo Hoàng. Đức Tổng Giám Mục xác tín rằng "Tôi nói mà không sợ nhầm lẫn rằng ưu tiên quan trọng nhất là truyền giáo, là rao giảng Tin Mừng"

Tuy nhiên, khi được hỏi ai là cố vấn thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra một câu trả lời khá chấn động: "Tôi không biết."

Đức Tổng Giám mục Gänswein bác bỏ ý tưởng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc đẩy một sự thay đổi trong giáo huấn của Giáo Hội về ly dị, hoặc chấp nhận cho người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ. Ngài chỉ ra rằng Đức Giáo Hoàng là người phải bảo vệ những tín lý chính thống của Công Giáo. Ngài nói thêm: "Tín Lý và việc chăm sóc mục vụ không đối lập, đó là hai anh em sinh đôi".

Khi được hỏi về một báo cáo trên báo chí Ý nói rằng trong thời gian Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình, một số giám mục đã tiếp xúc với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 để thúc giục ngài phải can thiệp, Đức Tổng Giám Mục nói rằng báo cáo ấy là “thêu dệt từ Alpha đến Omega, không hề có những tiếp xúc như thế”.

Về việc xuất bản một bài báo của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, trong đó thẳng thừng bác bỏ những đề nghị cho người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ, Đức Tổng Giám mục Gänswein nói rằng Đức Giáo Hoàng danh dự đã viết bài này nhiều tháng trước khi Thượng Hội Đồng được triệu tập.
 
Đức Tổng Giám Mục của Kuala Lumpur, Mã Lai Á bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết của toà án về từ Allah
Đặng Tự Do
20:00 22/01/2015
Đức Tổng Giám Mục Julian Leow Kim của Kuala Lumpur, Mã Lai Á, đã bày tỏ sự thất vọng sâu xa của ngài trước một phán quyết của tòa án cấm các Kitô hữu dùng từ "Allah" để chỉ Thiên Chúa. Ngài nói rằng, quyết định này có một hệ quả nghiêm trọng cho tự do tôn giáo tại quốc gia châu Á này.

Đức Tổng Giám Mục nói trước những cuộc biểu tình bạo động của người Hồi Giáo tại quốc gia này, ngài không ngạc nhiên trước phán quyết này. Thế nhưng Đức Tổng Giám Mục bày tỏ âu lo phán quyết này có thể "mở ra cái hộp thần kỳ" ước sao được vậy cho phép chính phủ can thiệp sâu rộng hơn trong các vấn đề đối với các tôn giáo thiểu số.

Kitô hữu tại Malaysia đã sử dụng từ “Allah” (như người Việt chúng ta dùng từ “Chúa”) để dịch từ “God” trong tiếng Anh, ít nhất là là từ năm 1852. Hàng trăm năm nay không có vấn đề gì.

Gần đây tại Selangor, một trong 13 tiểu bang của Mã Lai Á, tiểu vương của bang này đã ra lệnh rằng người ngoài Hồi giáo không được sử dụng thuật ngữ "Allah" để dịch từ “God” (Thiên Chúa) trong tiếng Anh. Theo sau lệnh của tiểu vương Sharafuddin Idris Shah, 325 cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Mã Lai đã bị tịch thu.

Với phán quyết mới nhất này lệnh cấm được áp dụng trên toàn quốc Mã Lai.
 
Diễn Hành Phò Sự Sống
Vũ Van An
20:59 22/01/2015
Theo Đài Phát Thanh Vatican, hàng trăm ngàn người ở Hoa Kỳ, nhiều người ước lượng lên đến nửa triệu, đã tụ về Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, vào ngày thứ Năm, để tham dự cuộc Diễn Hành Phò Sư Sống hàng năm, được tổ chức để phản đối phán quyết Roe v. Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cho phép cung cấp phá thai khắp các tiểu bang.

Trong bài giảng Thánh Lễ canh thức hôm thứ Tư tại Vương Cung Thánh Điện Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm, Tổng Giám Mục Boston và là Chủ Tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống của HĐGM Hoa Kỳ, Đức HY Sean O’Malley, đã kêu gọi mọi người tận lực cho chính nghĩa sự sống để đổi mới cam kết của họ nhằm phục vụ những người yếu đuối nhất và yếu thế nhất, nhằm làm cho Tin Mừng khả tín bằng cách làm chứng cho niềm vui do nó đem tới cho những ai tuyên xưng và thực hành nó.

Đức HY O’Malley nói rằng “Điều cần lên đặc điểm cho phong trào phò sự sống phải là một tình yêu đặc biệt đối với người nghèo, người bị đẩy sang bên lề, người đau khổ, và nhất là sự sống con người đang có nguy cơ bị vứt bỏ”.

Đức HY nói tiếp: “Ta cần cố gắng không mệt mỏi nhằm thay đổi các đạo luật bất chính, nhưng ta cần cố gắng nhiều hơn để thay đổi cõi lòng, để xây dựng một nền văn minh tình thương”.

Trận chiến thiêng liêng

Nói đến thay đổi cõi lòng là nói tới trận chiến thiêng liêng. Đó là điều Philip Kosloski nhấn mạnh. Theo ông, đàng sau phá thai, ta đừng quên trận chiến thiêng liêng.

Theo ông, ta rất dễ chỉ chú trọng tới cuộc chiến đấu chính trị, nhằm thay đổi luật lệ, ủng hộ các chính trị gia phò sự sống hay giăng biểu ngữ tại các cơ sở phá thai, mà quên rằng Satan luôn lấp ló ở đàng sau và là kẻ rù quyến người đàn bà mang thai gặp khủng hỏang kết liễu đời đứa con trong bụng.

Ông cho rằng giết mạng sống vô tội và ngây thơ như đưá con chưa sinh không hề là một khuynh hướng tự nhiên của con người, nhất là người đàn bà. Phụ nữ được Thiên Chúa phú bẩm cho khuynh hướng chăm dưỡng sự sống. Cho nên bản chất của phá thai trái ngược hẳn yếu tính của người đàn bà.

Bởi thế chỉ có thể là ma quỷ đứng đàng sau những người đàn bà phá thai mà thôi. Và do đó, muốn thực sự thắng “cuộc chiến văn hóa”, ta cần đi sâu hơn, ta cần đánh trận đánh thiêng liêng, chống lại ma quỷ.

Nhưng bằng cách nào? Việc đầu tiên là chạy tới Chúa Giêsu Kitô, Người mới là đấng chiến thắng. Việc thứ hai là cậy nhờ sự chuyển cầu, trước nhất là các thiên thần bản mệnh. Thứ ba, phải hành động bằng trái tim: thi hành giới luật không đủ, đức tin phải từ đầu xuống trái tim. Thứ tư, cương quyết làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô: giúp những người cần đến, thực hành điều mình rao giảng. Các trung tâm thai nghén là điều bắt buộc.

Kosloski, vì thế, cho rằng ta cần cả hai cuộc chiến: chính trị và thiêng liêng.

Sinh viên diễn hành phò sự sống

Kathryn Zagrobelny tường trình rằng khoảng ba ngàn sinh viên các đại học và cao đẳng thuộc The Newman Guide đã tới Hoa Thịnh Đốn tham dự diễn hành phò sự sống. Các trường cao đẳng cũng tham dự cuộc Cuốc Bộ phò Sự Sống tại San Francisco.

Các trường sau đây đã gửi sinh viên tới Hoa Thịnh Đốn: Aquinas College ở Nashville, Tenn., Ave Maria University, ở Ave Maria, Fla., Belmont Abbey College ở Belmont, N.C., Benedictine College ở Atchison, Kan., The Catholic University of America (CUA) ở Washington, D.C. (500 sinh viên diễn hành), Christendom College ở Front Royal, Va., Franciscan University of Steubenville (800 sinh viên diễn hành), Mount St. Mary’s University ở Emmitsburg, Md., Northeast Catholic College, ở Warner, N.H., St. Gregory’s University ở Shawnee, Okla., Thomas Aquinas College (TAC) ở Santa Paula, Calif., Thomas More College of Liberal Arts ở Merrimack, N.H., The University of Mary ở Bismarck, N.D., The University of St. Thomas (UST) ở Houston, Tex., Wyoming Catholic College ở Lander, Wyo.

Trong khi ấy, Kathryn Jean Lopez phỏng vấn Kristan Hawkins, chủ tịch Sinh Viên Phò Sự Sống, xem điều gì động viên cô bênh vực sự sống chưa sinh ra đời. Cô quá trẻ, không tham gia cuộc diễn hành đầu tiên, nhưng cô thề sẽ tham dự tới cuộc diễn hành cuối cùng để cử hành việc luật pháp chịu bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên.

Cô cho hay năm nào cô cũng diễn hành phò sự sống tại Hoa Thịnh Đốn để chứng minh cho cả nước thấy đây là một thế hệ nhất quyết bãi bỏ việc phá thai, bất chấp mọi thách thức, như đứa con bị bệnh nang xơ (ảnh hưởng đến tụy, hệ hô hấp và tuyết tiết hủy đầu, cystic fibrosis) của cô.

Theo cô, phá thai là nỗi bất công tối hậu của xã hội ngày nay, vậy mà quá nhiều người làm ngơ nó. Trong khi đó, mỗi sáng đều có gần 3,000 mạng sống chưa sinh bị kết liễu, gần 3,000 người đàn bà và gia đình họ không còn như trước. Việc làm ngơ này quả là vô ý thức.

Cô rất thán phục các sinh viên ngày nay, họ làm cô ngạc nhiên trước sự nhiệt thành, chân thực, yêu sự sống, và yêu những người đàn bà bị khủng hoảng lúc gặp thai nghén ngoài ý muốn, và nhất là yêu những đứa trẻ chưa sinh của họ.

Nhân dịp này, Hawkins kể lại kinh nghiệm bản thân: vợ chồng cô không biết đứa con đầu của họ, tên Gunner, mắc bệnh nang xơ cho tới khi cháu được ít tháng. Khi mang thai đứa con trai thứ hai, tên Bear, cô nhất quyết không chấp nhận để các bác sĩ và y tá thử nghiệm trước khi sinh. Lúc lâm bồn, nhân viên y tế hỏi đi hỏi lại xem cô có chịu đặt IUD (thiết bị đặt trong tử cung) hay cột ống dẫn trứng không vì họ biết cô đã có đứa con bị nang xơ, rất có thể đứa thứ hai cũng sẽ bị. Họ cho rằng một sự sống không hoàn hảo dưới mắt họ là không đáng được thụ thai. Ngay bác sĩ di truyền học cũng khuyên cô nên thử IVF (thụ thai trong ống nghiệm) và các kỹ thuật lừa lọc bào thai để khỏi có đứa con khác mắc nang xơ, dù lúc ấy, Gunner đang ngồi trong lòng cô. Cô thấy thật là khủng khiếp. Cô yêu Gunner và cháu là niềm vui của cả gia đình. Nhưng các gia đình khác không có được niềm vui ấy, bởi thế mà tỷ lệ phá thai các trẻ chưa sinh bị chẩn đoán mang các bệnh di truyền hiện lên đến 90 phần trăm.

Chính cô có lúc cũng bối rối. Khi Gunner được chẩn đoán bị nang xơ, cả thế giới của cô như đảo ngược. Các mục tiêu cô đặt cho con lập tức bị thay đổi và hạ thấp ưu tiên. Lúc ấy, hai vợ chồng cô tập chú vào việc làm sao để chăm sóc con vì cả hai đều làm việc toàn thời gian và không thể gửi con tới chỗ giữ trẻ. Họ phải tái lên thời khóa biểu để những cuộc điều trị thở của Gunner hoàn tất trước khi, trong khi và sau khi họ làm việc.

Năm nay, hai vợ chồng cô quyết định, một quyết định họ cho là lớn nhất, dọn nhà từ Bắc Virginia tới Minnesota, xa cả thân nhân, bạn bè và sở làm, để gần nhóm chăm sóc cho Gunner, một trong những nhóm hay nhất của cả nước, và chồng cô trở thành ông bố ở nhà cả ngày để dạy học tại nhà cho hai đứa con.

Cô không thích dùng chữ “khuyết tật” để chỉ Gunner. Vì con cô làm được bất cứ điều gì một đứa trẻ 5 tuổi làm được và có khi cháu còn làm tốt hơn. Cháu là người dựng Lego rất khéo và còn đọc tốt nữa! Bởi thế cô thường giới thiệu Gunner là “con trai tôi mắc bệnh nang xơ của tôi”. Cô tin đó là cách giúp người ta hiểu về bệnh này. Cô hy vọng họ sẽ hiến tặng cho Qũy Nang Xơ hay một quỹ nào khác đang nghiên cứu cách chữa bệnh này.

Giải thích tại sao Đức Mẹ Guadalupe là bổn mạng của phong trào phò sự sống, Hawkins cho hay: Đức Mẹ Guadalupe đã làm 9 triệu người Aztecs trở lại với Chúa Kitô. Sắc dân này vốn có truyền thống tế sinh mạng người. Rồi nhờ lời cầu bầu và ảnh Đức Mẹ Guadalupe, hàng triệu người của sắc dân này đã từ bỏ nền văn hóa chết chóc bước sang nền văn hóa sự sống. Cô từng đến Guadalupe xin Đức Mẹ cứu giúp nền văn hóa đương thời.

Cô cho hay cô không hoàn toàn chống chọn lựa (anti-choice). Chỉ chống chọn lựa khi họ chọn sai, như phá thai chẳng hạn. Không chống chọn lựa khi họ chọn đúng, như nhận con nuôi và chịu làm cha mẹ.

Theo cô, các người cổ vũ phá thai đang thua dần trận chiến hoa mỹ. Từ việc gọi phá thai là “thiện ích xã hội”, họ tiến tới chỗ cho rằng chọn phá thai là điều dễ chịu, tới chỗ bảo nó là chọn lựa khó khăn, rồi sau cùng là hạn từ “phò chọn lựa” để chiếm cảm tình của thế hệ trẻ… Nhưng làm sao che đậy được sự kiện: phá thai là giết người!

Đa số người Hoa Kỳ muốn giới hạn việc phá thai

Nhận định vừa nói của Hawkins được phản ảnh phần nào trong một cuộc thăm dò mới đây của Hội Hiệp Sĩ Columbus. Cuộc thăm dò này cho thấy 84% người Hoa Kỳ muốn hạn chế việc phá thai, chỉ trong 3 tháng đầu của thai kỳ mà thôi. Hết 69% những người chủ trương như thế vẫn coi mình là “phò chọn lựa” (phò phá thai). Trong khi đó, 60% những người trả lời cuộc thăm dò cho biết phá thai xấu về luân lý, trong khi chỉ có 38 % nói nó không xấu. 60% khác cho biết phá thai mang hại hơn mang lợi lại cho người đàn bà, xét về trường kỳ.

84% khác nói rằng luật pháp có thể bảo vệ cả phúc lợi người đàn bà lẫn sự sống của đứa trẻ chưa sinh. Khoảng 64% cho biết tỷ lệ phá thai ở Mỹ cao hơn mức nên là. Ngay những người tự cho mình là người phò phá thai cũng muốn thấy tệ nạn này “giảm thiểu đáng kể”.

Cuộc thăm dò này do Viện Marist Poll tiến hành trong các ngày 7-13 tháng Giêng, với 2,079 người tham dự, mức sai lệch được ước tính là 2.1 phần trăm.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đài Vatican phỏng vấn Đức Hồng Y Fernando Filoni
Lm. Trần Đức Anh OP chuyển ý
10:35 22/01/2015
TIN VIỆT NAM. Trong chương trình viếng thăm Giáo Hội tại Việt Nam, sáng ngày 21-1-2015, ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đã đến viếng thăm giáo xứ Hòa Bình thuộc giáo phận Hưng Hóa và chủ sự lễ ban bí tích Khai Tâm Kitô giáo cho hàng trăm dự tòng.

Chiều hôm trước đó, 20-1, ĐHY đã gặp Ban tôn giáo chính phủ, rồi được thủ tướng Việt Nam tiếp kiến..

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Roberto Piermarini, trưởng các ban thông tin của Đài Vatican, ĐHY Filoni đã kể lại một số cảm tưởng của ngài:

Giáo dân Hưng Hóa chào mừng ĐHY Filoni
- Giáo Hội tại Việt Nam là một Giáo Hội rất sinh động. Tôi đã gặp thấy tại Hà Nội này và cả sáng hôm nay (21-1), tại giáo xứ Hòa Bình trong giáo phận Hưng Hóa, một Giáo Hội rất đẹp, rất sinh động, rất khả ái và rất nhiệt thành. Hôm nay trong giáo xứ ấy tôi đã ban phép rửa tội cho hơn 200 tín hữu - người lớn, cả các cha mẹ và trẻ em-. Đó là những tín hữu phần lớn là người dân tộc, sống trong các cộng đoàn ở miền núi. Đó thực là một buổi lễ rất đẹp. Sau khi chịu phép rửa tội, họ được nhận lãnh bi tích Thêm Sức và Thánh Thể. Rồi có một đại lễ cho toàn thể cộng đoàn để đón nhận các anh chị em từ nay là thành phần của Giáo Hội địa phương. Đó là những yếu tố vắn tắt để giải thích vẻ đẹp, sức sinh động của Giáo Hội này và tất cả sự sẵn sàng của họ cùng tiến bước với Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc dấn thân truyền giáo.

H. ĐHY đã được chính quyền Việt Nam tiếp đón như thế nào? Cuộc viếng thăm của ĐHY có thể là một bước tiến xa hơn nữa trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh hay không?

Đ. Tôi nghĩ và hy vọng là như thế. Với sự ngạc nhiên từ phía tôi, trước tiên tôi đã được Ban tôn giáo chính phủ tiếp kiến, ông trưởng ban và các cộng sự viên của ông, tôi đã gặp Ban tôn giáo chính phủ trong một tiếng đồng hồ, rồi sau đó được thủ tướng Việt Nam tiếp kiến trong 45 phút. Ông là người rất tử tế, ông đã gặp Đức Thánh Cha và vì thế ông có nhắc lại cuộc gặp gỡ với Ngài. Tôi thấy ông là người rất cởi mở, rất sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại đã được khởi sự và dần dần có thể thực hiện những bước tiến. Rồi chiều hôm nay (21-1), tôi cũng có cuộc gặp gỡ hơn 3 khắc đồng hồ với ông bí thư đảng cộng sản ở Hà Nội, và ông cũng là thành viên Ủy ban trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất dễ chịu, về lòng quí mến đối với nhân dân Việt Nam, sự dấn thân từ phía các tín hữu Công Giáo. Tôi tái khẳng định rằng đối thoại là yếu tố cơ bản để cảm thông lẫn nhau, và ở căn bản sự đối thoại cần phải có sự quí chuộng. Và sự quí chuộng mà Tòa Thánh có đối với nhân dân Việt Nam cũng được biểu lộ qua tình yêu thương, đó không phải chỉ là một khía cạnh hoàn toàn là hình thức quí mến, nhưng là một tình yêu sâu xa đối với dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đối với cộng đoan Kitô. Vì thế, tôi đón nhận những yếu tố tích cực củng tố cuộc đối thoại đã có và dĩ nhiên chúng tôi hy vọng là có thể tiến triển nữa. Đó là đường hướng mà tôi thấy. Tham dự cuộc đối thoại của tôi cũng có Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Đức TGM Girelli Đại diện Tòa Thánh, Đức TGM Hà Nội: tất cả chúng tôi đều có sự ngạc nhiên ấy và ấn tượng tốt về một quan hệ chắc chắn là sẽ còn có thể tăng trưởng”.
 
TGP Huế chào đón ĐHY Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc
Ban Truyền Thông TGP Huế
10:08 22/01/2015
HUẾ - Sau hai vị tiền nhiệm đã đến Việt Nam là Đức Hồng Y Crescenzio Sepe (năm 2005) và Đức Hồng Y Ivan Dias (năm 2011), ngày 19.01.2015, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đặt chân đến sân bay Nội Bài - Hà Nội, theo lời mời của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc - Chủ Tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Sau ba ngày đầu tiên, ĐHY Fernando Filoni đã viếng thăm Tổng Giáo Phận Hà Nội. Sáng nay, ngày 22.01.2015, lúc 09 giờ 50 phút, chuyến bay VN1541 đã đưa Đức Hồng Y Fernando Filoni, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, đến Huế.

Phái đoàn các Giám mục Giáo tỉnh Huế đón Đức Hồng Y Fernando Filoni tại cầu thang máy bay, gồm có:

- Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Huế, Trưởng đoàn,
- Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Nha Trang,
- Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Ban Mê Thuột,
- Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kontum,
- Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Qui Nhơn,
- Cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện TGP Huế, cùng một số linh mục, tu sĩ theo đoàn.

Giáo Phận Huế đón tiếp ĐHY Fernando Filoni tại Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam
Thứ năm, 22 Tháng 1 2015 13:16

Sau khi đáp chuyến bay đến Huế và có buổi đón tiếp tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Huế, vào lúc 11g00 ngày 22.01.2015, ĐHY Fernando Filoni cùng phái đoàn, đã có buổi gặp gỡ chào mừng và chia sẻ cùng cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận Huế tại Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam.

Ngay từ rất sớm, khi biết tin ĐHY Fernando Filoni sẽ ghé thăm, các linh mục, tu sĩ nam nữ trong các hội dòng, giáo dân khắp nơi, và đặt biệt là giáo dân thuộc các giáo xứ trong Hạt thành phố Huế, đã cùng quy tụ về Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam, để gặp gỡ và chào mừng vị Bộ trưởng Bộ Truyền Giáo kính mến.

Đúng 11g00, đoàn xe chở ĐHY Fernando Filoni và các Đức Giám Mục trong Giáo tỉnh Huế, đến trước tiền đường Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam, cùng lúc đó, đội kèn giáo xứ cất vang bài ca “Marche Pontificale" (Giáo Hoàng Hành Khúc), xen lẫn với những tiếng vỗ tay giòn giã của cộng đoàn hiện diện, làm cho bầu không khí buổi đón tiếp thêm phần long trọng.

Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, Quản xứ Chính Tòa Phủ Cam, đón chào ĐHY Fernando Filoni khi Ngài vừa xuống xe. Tiếp đó, Đức TGM Huế Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng trao vòng hoa lưu niệm cho ĐHY Fernando Filoni, quý cha hạt trưởng và quý cha bề trên dòng tặng hoa cho các Đức Giám Mục và các Đức Ông theo đoàn.

ĐHY Fernando Filoni, với các Đức Giám Mục và phái đoàn, cùng tiến vào bên trong Nhà Thờ. Chương trình đón tiếp bắt đầu khi cộng đoàn dành ít phút để Chầu Chúa Giêsu Thánh Thể: tất cả mọi thành phần cùng thinh lặng, quỳ gối và kết thúc với bài ca “Thờ lạy Chúa”.

Thay mặt cho toàn thể cộng đoàn hiện diện, Đức TGM Huế Phanxicô Xavie đọc bài diễn văn chào mừng ĐHY Fernando Filoni cùng phái đoàn, nhân chuyến viếng thăm Giáo Phận Huế. Ngài nói lên niềm vinh dự và niềm vui lớn lao mà Giáo tỉnh Huế, cách riêng Tổng Giáo Phận Huế, được đón tiếp Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng đến viếng thăm. Đồng thời, cũng hân hoan vui mừng được đón tiếp Đức TGM Leopoldo Girelli, Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN, Cha Phó Tổng Thư ký HĐGMVN, Quý Đức Cha thuộc Giáo tỉnh Huế, Đức Ông Barnabê đã cùng hiện diện.

Đức TGM Huế giới thiệu đôi nét với ĐHY Fernando Filoni về Giáo tỉnh Huế, những điểm chung của các giáo phận trong giáo tỉnh như số lượng giáo dân, ơn gọi linh mục, tu sĩ nam nữ vẫn còn khá dồi dào, công việc đào tạo chủng sinh tại Đại Chủng Viện. Bên cạnh đó, ngài cũng trình bày những khó khăn trong công cuộc truyền giáo tại Giáo phận Huế, như việc các bạn trẻ phải rời xa quê hương để đi làm ăn xa, gặp bao cám dỗ dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, đều này làm ảnh hưởng đến đời sống đức tin và luân lý rất nhiều.

Đức TGM Huế nói lên tâm tình yêu mến và trung thành sắc son của đoàn dân Chúa đối với Giáo Hội, đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, và lòng biết ơn sâu xa đối với vị Đức Hồng Y Tổng Trưởng kính yêu.

Đáp từ sau phần chào mừng của Đức TGM Huế Phanxicô Xavie, ĐHY Fernando Filoni cám ơn sự tiếp rước nồng nhiệt của các thành phần Dân Chúa trong Tổng Giáo phận Huế, và Ngài cảm thấy rất vui mừng khi mọi người cùng quy tụ nơi đây, cùng nhìn mặt nhau, thể hiện tình liên đới, hiệp thông với nhau.

ĐHY Fernando Filoni nhắc đến việc Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy đi, hãy loan báo Tin Mừng cho muôn dân sau khi các ông đã ở, đã thấy, đã nghe, đã sống và đã cảm nghiệm được tình yêu của Thầy mình. Đó là mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu trối cho các Tông Đồ trước khi Người về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Ngài cũng khuyến khích mọi người trong thế giới hôm nay, hãy sẵn sàng để ra đi truyền giáo như vậy.

ĐHY Fernando Filoni cũng tin chắc rằng mọi người đang hiện diện trong Giáo phận Huế này, cũng đang hiệp ý cầu nguyện cho Ngài. Và Ngài cũng mời gọi mọi người hiệp thông với Ngài trong chuyến hành hương Đức Mẹ La Vang sắp đến. Ngài hứa sẽ cầu nguyện và nói với Đức Mẹ về Giáo Hội Việt Nam là một gia đình rất tốt, dành tặng Đức Mẹ những đóa hoa hồng để nói lên tâm tình cầu nguyện cho sự bảo trợ của Đức Mẹ đối với Giáo Hội Việt Nam, cầu nguyện cho công việc truyền giáo tại Á Châu và cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Cuối buổi chào mừng là phần vũ khúc với trang phục cổ truyền mang đậm nét Việt Nam. Tiếp đó, các em thiếu nhi Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam, trong tu phục của các dòng tu trong giáo phận, lần lượt được giới thiệu với ĐHY Fernando Filoni, đó cũng là tâm tình của mọi thành phần tham dự ngày hôm nay dâng lên ĐHY Fernando Filoni, quý Đức Giám Mục với tấm lòng yêu mến của đông đảo các thành phần dân Chúa trong Giáo Phận Huế.

Kết thúc, ĐHY Fernando Filoni ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho cộng đoàn tham dự, sau đó, cùng chụp hình lưu niệm với các Đức Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các em thiếu nhi, trước Tiền đường Nhà Thờ.

ĐHY Fernando Filoni kính viếng Nhà Lưu Niệm vị Tôi Tớ Chúa, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, tại Phủ Cam
Thứ năm, 22 Tháng 1 2015 14:12

Sau khi dùng cơm trưa tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Huế, vào lúc 13g00 ngày 22.01.2015, Đức Hồng Y Fernando Filoni cùng phái đoàn, đã kính viếng Nhà Lưu Niệm vị Tôi Tớ Chúa, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Ngôi nhà lưu niệm tọa lạc trong vùng đất thuộc Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam, với địa chỉ hiện tại là: Số 21 Kiệt 53 Hàm Nghi, Phường Phước Vĩnh - Huế. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã từng sống tại đây.

Cha Micae Phạm Ngọc Hải, đặc trách Chủng sinh Giáo phận Huế, đón chào Đức Hồng Y Fernando Filoni và phái đoàn tại sân Nhà Lưu Niệm.

ĐHY Fernando Filoni đã ghi lại vài dòng lưu bút trong cuốn sổ lưu niệm. Sau đó, Ngài cầu nguyện trong Nhà Nguyện có đặt Mình Thánh Chúa, kính viếng di ảnh của Thân Phụ và Thân Mẫu của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, và có dịp nhìn ngắm các hình ảnh chụp về Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận được treo phía trên tường bên trong Nhà Lưu Niệm.

Đức Hồng Y Fernando Filoni đến thăm Đại Chủng Viện Huế
Thứ năm, 22 Tháng 1 2015 15:47

Trong khuôn khổ chuyến thăm mục vụ tại Tổng Giáo phận Huế, chiều ngày 22.01.2015, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã viếng thăm Đại Chủng Viện Huế.

Đại Chủng Viện Huế được tái lập vào năm 1994. Sau 20 năm tái hoạt động, đến nay, đã có 14 khóa nhập học. Hiện nay, Đại Chủng Viện được giao cho Hội Linh mục Xuân Bích coi sóc và chịu trách nhiệm đào tạo Linh mục triều cho các Giáo phận và Dòng tu: Huế, Đà Nẵng, Kontum, Hưng Hóa, các tu sĩ của Dòng Thánh Tâm Huế và Đan Viện Biển Đức Thiên An.

Đúng 13g30, Đức Hồng Y Fernando Filoni đặt chân đến Đại Chủng Viện, trong sự chào đón nồng nhiệt của quý Cha trong Ban Giám đốc và quý Chủng sinh. Cùng đi với Ngài, còn có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam; Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc - Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Sài Gòn; Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng - Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tổng Giám mục Huế; Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, quý Đức Giám Mục trong Giáo tỉnh Huế và Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương.

Kế đến, Đức Hồng Y Fernando Filoni và phái đoàn cùng tiến vào Nhà nguyện, nơi được coi là trái tim của Đại Chủng Viện. Sau đó, Đức Hồng Y Fernando Filoni và phái đoàn tiến ra Nghĩa Trang của Đại Chủng Viện, nơi an nghỉ của 56 vị thừa sai người Pháp. Đó là những người đã hăng say và tận tụy với sứ vụ loan báo Tin Mừng, sẵn sàng đem niềm vui Tin Mừng của Chúa gieo vãi trên khắp mọi miền đất Việt. Tại nghĩa trang, Đức Hồng Y Fernando Filoni dâng hương và cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.

Sau khi dâng hương, Đức Hồng Y Fernando Filoni tiến về trước tiền sảnh khu nhà sinh hoạt vừa mới được xây dựng của Đại Chủng Viện. Tại đây, Cha Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng Viện, có đôi lời chào mừng Đức Hồng Y Fernando Filoni và phái đoàn. Cha Giám đốc Giuse nhấn mạnh rằng: chuyến viếng của Đức Hồng Y Tổng Trưởng và phái đoàn, không chỉ nung nấu trong trái tim của quý Cha giáo, quý Chủng sinh, tấm lòng yêu thương, sự quan tâm trìu mến của các vị chủ chăn trong Giáo Hội, nhưng còn khơi lên trong lòng mỗi người, sự hiệp thông sâu xa với Giáo Hội Hoàn vũ, ý thức sâu xa hơn với sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa cho muôn dân. Đồng thời, Cha Giám đốc cũng giới thiệu đôi nét về Đại Chủng Viện Huế: tiếp nối công việc của các nhà truyền giáo, Đại Chủng viện có trách nhiệm đào tạo các nhà truyền giáo, các mục tử tương lai theo gương của Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, và theo sự mong muốn của Giáo Hội. Hiện tại, Đại Chủng viện có 12 Linh mục trong ban Giám đốc, 32 Linh mục Giáo sư ngoại trú và 174 Chủng sinh của bốn Giáo phận (Huế, Đà Nẵng, Kontum và Hưng Hóa), 55 tu sĩ của hai Dòng (Thánh Tâm và Thiên An Huế) đang theo học ở các lớp từ Tu Đức đến lớp Thần học III. Sau cùng, Linh mục Giám đốc bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến Đức Hồng Y Tổng Trưởng và quý Đức Cha, đã yêu thương, dành những tình cảm ưu ái cho đại gia đình Đại Chủng Viện qua chuyến viếng thăm này.

Đáp lời chào mừng của Cha Giám đốc, Đức Hồng Y Tổng Trưởng nói lên tâm tình cám ơn trước sự chào đòn nồng hậu của Đại Chủng Viện Huế. Ngài cũng nhắn nhủ rằng: Đại Chủng Viện Huế cũng chính là nhà của Ngài, là Chủng viện của Giáo Hội, vì đây là nơi đào tạo các mục tử tương lai cho cả Giáo Hội. Ngài mời gọi các mục tử, và cách riêng, quý Chủng sinh đang tiến bước trên con đường dâng hiến, hãy chiêm ngắm mẫu gương tuyệt vời của Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành. Người mục tử không chỉ có biết công việc nơi bàn giấy, nhưng hãy đi, hãy đến với từng con chiên của mình, hãy ở với họ và giúp đỡ họ. Người mục tử nhân lành là phải biết bỏ tất cả, để lên đường đi tìm con chiên lạc, luôn sẵn sàng âu yếm, bồng ẵm những con chiên đau ốm, bệnh tật. Đức Hồng Y Tổng Trưởng nhắc nhở những ai đang và sẽ dấn bước trên con đường phục vụ đoàn chiên Chúa, đừng có tìm những phương tiện thoải mái, tiện nghi nơi chức Linh mục. Những điều đó có thể tìm thấy đầy đủ ở ngoài xã hội. Ngài cũng nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, là các mục tử hãy mang vào minh mùi của đoàn chiên.

Kết thúc buổi viếng thăm, Đức Hồng Y Tổng Trưởng đã ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho cộng đoàn tham dự.

Ước gì cuộc chuyến thăm tuy ngắn ngủi nhưng đậm lòng yêu thương của Đức Hồng Y Filoni, Đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho mọi người, đặc biệt cho các Chủng sinh là những Linh mục tương lai của Giáo Hội. Xin Chúa Thánh Thần không ngừng khơi lên trong lòng các Chủng sinh, ngọn lửa truyền giáo và sẵn sàng lên đường đem Tin Mừng của Chúa Phục sinh đến cho muôn người.

(Nguồn: tongigaophanhue.net)
 
ĐHY Filoni thăm Nhà thờ Phủ Cam và Trung tâm Thánh mẫu La Vang
Trương Trí
13:33 22/01/2015
HUẾ - Với một truyền thống mến khách và giàu văn hóa của người dân Cố đô Huế, mọi thành phần Dân Chúa thuộc Tổng Giáo phận Huế đã hân hoan đón chào long trọng một trong những vị lãnh đạo cao cấp của Tòa Thánh: Đức Hổng Y Fernanđo Filoni, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, còn gọi là Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc. Trong chuyến thăm mục vụ tại Việt Nam, Ngài đã đến thăm Tổng Giáo phận Huế và Thánh địa La Vang vào ngày 22/1/2015. Ngài là vị Hồng Y thứ IV của Tòa Thánh đến thăm Việt Nam kể từ khi Tin Mừng của Chúa đến với người dân Việt Nam vừa tròn 400 năm.

Hình ảnh

Thăm Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam:

Từ sân bay Phú Bài, đoàn xe của Đức Hổng Y Tổng trưởng bộ Truyền giáo và HĐGM Việt Nam về đến Tòa Tổng Giám mục lúc 10giờ30 sáng, Cùng đi với Đức Hồng Y có Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Sài Gòn; Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Huế; Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng Thư ký HĐGM Việt Nam và quí Đức Cha thuộc Giáo Tỉnh Huế.

Các Hội đoàn Légio và Phan Sinh của Giáo xứ Phủ Cam vui mừng vẫy tay chào mừng Đức Hồng Y khi Ngài vừa bước xuống xe. Thăm hỏi và nghỉ ngơi sau chặng đường từ Hà Nội vào, Đức Hồng Y đã đến thăm Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.

Từ 10 giờ sáng, tất cả các Hội đoàn Công giáo Tiến hành của Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam đều theo đồng phục của mình chỉnh tề hàng ngủ trong Nhà thờ. Ngoài Phủ Cam là Giáo xứ chủ nhà, còn có đại diện HĐGX của 18 Giáo xứ thuộc hạt Thành phố Huế.

Trên 100 linh mục của Giáo phận và các linh mục Dòng Chúa Cứu thế Huế, Dòng Thánh Tâm, Dòng Thiên An; Đại diện các linh mục của các Giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Huế cùng cả ngàn tu sĩ nam nữ thuộc các dòng: Chúa Cứu thế Huế, Thiên An, Thánh Tâm, La San, Carmêlô, Saint Paul, Mến Thánh giá, Con Đức Mẹ Đi viếng, Con Đức Mẹ Vô nhiễm và Dòng Mến Thánh giá Vinh đang học tập và phục vụ tại Huế đều hiện diện đông đủ.

Đoàn xe Đức Hồng Y vừa vào đến cổng Nhà thờ, Đội Kèn Giáo xứ Phủ Cam cử bài “Marche Pontifical” (Giáo hoàng Hành khúc) chào mừng vị Lãnh đạo cao cấp của Tòa Thánh: Tổng trưởng Bộ Truyền giáo và phái đoàn. Tại Tiền đường Nhà thờ, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế với tư cách chủ nhà đã tặng vòng hoa Đức Hồng Y. Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, Quản xứ Chính tòa tặng hoa Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; Các linh mục Hạt trưởng, Cha Giám đốc Đại Chủng viện và các Cha Bề trên Dòng tặng hoa các vị Tổng Giám mục, Giám mục và Đức Ông trong phái đoàn.

Đoàn rước Đức Hồng Y và các vị Tổng Giám mục và Giám mục tiến vào Nhà thờ giữa tiếng vỗ tay reo mừng của Cộng đoàn Dân Chúa. HĐGX Chính tòa, Các vị đại diện của 18 Giáo xứ thuộc hạt Thành phố Huế theo sau.

Phát biểu chào mừng Đức Hồng Y Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo, Đức Tổng Giám mục Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế: Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã trinhg bày một số tình hình về việc Truyền giáo tại Giáo Tỉnh Huế kể từ khi hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập:

Trong toàn cỏi Việt Nam có 54 sắc tộc anh em thì Giáo phận Kontum và Ban Mê Thuột chiếm đa số, nhưng việc tiếp cận với anh em người dân tộc đang gặp nhiều khó khăn. Do việc đô thị hóa, thanh niên nhiều tỉnh thành tìm đến các thành phố lớn tìm kế sinh nhai. Giáo hội Việt Nam nói chung, Giáo phận Huế cách riêng, thanh niên đi tìm nơi chốn làm ăn, không ít người đã sa vào chốn ăn chơi sa đọa, ma túy, trộm cắp.v.v...Giáo hội Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc truyền giáo. Cộng đoàn Dân Chúa tha thiết được nghe những lời huấn thị vàng ngọc của Đức Hồng Y Tổng trưởng Thánh bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc.

Phát biểu tại buổi chào mừng của Tổng Giáo phận Huế, Đức Hồng Y Fernando Filoni Tổng trưởng qua phiên dịch của Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương. Ngài ngõ lời cảm ơn Đức Tổng Giám mục Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, các Giám mục. Linh mục, Tũi nam nữ và cộng đoàn Dân Chúa đã hiện diện tại ngôi Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam này. Điều tôi cảm thấy hoan hỉ là chúng ta được cùng nhau chiêm ngắm một cách vui vẻ. Tôi cảm nhận được tình cảm của Cộng đoàn Dân Chúa thuộc Tổng Giáo phận Huế là như thế nào.

Đức Tổng Giám mục của anh chị em đã phát biểu về tình hình của Giáo phận, Ngài đã nêu những điều hay tốt đẹp, cũng như những khó khăn trong việc truyền giáo của Tổng Giáo phận.

Huấn lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi về trời là: Rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Tôi tin rằng Chúa Giêsu đã lên trời vinh hiển trước các Tông đồ và những người ngoại giáo như thế nào thì Người cũng sẽ tỏ vinh quang của Người cho những người Việt Nam biết. Chúa Giêsu đã mang Chúa Thánh Thần đến cho các Tông đồ để các Ngài can đảm ra đi loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, vì thế những người được lãnh nhận Tin mừng được gọi là Kitô hữu. Các Tông đồ đã đi khắp thế gian để rao giảng Tin mừng, chúng ta là những người đã được lãnh nhận Tin mừng thì chúng ta có trách nhiệmphải mang Tin mừng đó đến cho người khác, vì mỗi một tín hữu đều là những người truyền giáo. Giáo hội chúng ta là một Giáo hội Truyền giáo. Hôm nay tôi đến đây để khuyến khích và thúc đẩy anh chị em hãy là những người truyền giáo.

Đức Hồng Y nói rằng, sau chuyến công du cùng Đức Thánh Cha tại Sirilanka và Philippin, Đức Thánh Cha trở về Vatican, còn tôi nói với Đức Thánh Cha là tôi sẽ đi Việt Nam. Ngài nói với tôi khi nào trở về thì hãy thuật lại những gì mắt thấy tai nghe. Tôi sẽ thuật lại cho Đức Thánh Cha về cuộc tiếp đón trọng thị của anh chị em tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam này.

Một hồi chiêng trống gióng lên mời gọi cộng đoàn lắng mình và sốt sắng chuẩn bị Chầu Thánh Thể.

Các em thiếu nhi Giáo xứ Phủ Cam trong những trang phục tu sĩ nam nữ cùng với 1 em trong vai Hồng Y đã lần lượt lên chào Đức Hồng Y. Ngài hết lòng hâm mộ các em và âu yếm chào các em. Đặc biệt Ngài quá xúc động ôm hôn em đã đóng vai Hồng Y thật dễ thương.

Kết thúc buổi viếng thăm, Đức Hồng Y chụp những tấm hình lưu niệm trước Tiền đường Nhà thờ.

Trở về Tòa Tổng Giám mục dùng cơm trưa, liền sau đó Đức Hồng Y đã đến viếng thăm nhà của Cố Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Phủ Cam, thăm Dòng Mến Thánh giá Khâm Mạng, nơi đã từng là Tòa Khâm sứ Tòa Thánh, thăm Đại Chủng viện Huế.

Thăm Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang:

Đúng 16 giờ chiều, đoàn xe Đức Hồng Y và các Giám mục đã đến Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang. Khá đông tín hữu đã tập trung tại Quảng trường Mân Côi chào mừng Đức Hồng Y và phái đoàn. Các linh mục từ các Giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Huế cũng đã có mặt. Đặc biệt Giáo phận Kontum có đoàn Dân tộc do Cha Tổng Đại diện Phêrô Nguyễn Vân Đông dẫn đi. Đội Kèn đồng Nữ thuộc Giáo phận Thái Bình liên tục nổi lên những khúc chào mừng.

Tiến về Linh đài Đức Mẹ La Vang, Đức Hồng Y đã kính cẩn dâng lên Đức Mẹ lẵng hoa tươi mang giòng chữ Avê Maria. Ngài cầu nguyện với Mẹ trong giây lát trước khi chào Cộng đoàn Dân Chúa.

Cha Quản nhiệm Trung tâm Hành hương Giacôbê Lê Sĩ Hiền nói lời chào mừng và giới thiệu với cộng đoàn hành hương vị Lãnh đạo cao cấp của Tòa Thánh: Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Thánh bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc. Ngài cũng giới các vị Tổng Giám mục, Giám mục và Linh mục trong Giáo Tỉnh Huế đã về dự buổi gặp mặt và chào mừng Đức Hồng Y đã đến thăm La Vang.

Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế giới thiệu với Đức Hồng Y một số nét về Thánh địa La Vang, nơi được truyền tụng về sự kiện Đức Mẹ hiện ra vào năm 1798. Khi mà La Vang này còn là vùng đất hoang vu, rừng thiêng nước độc. Dưới thời vua Cảnh Thịnh, lệnh cấm Đạo được ban ra, những tín hữu Công giáo phải chạy trốn lên La Vang này, ngày đêm đọc kinh cầu nguyện. Đức Mẹ đã hiện ra, trên tay bồng Chúa Giêsu, hai bên có Thiên thần chầu. Đức Mẹ đã phán dạy: Kể từ nay, tất cả những ai đến đây van xin cùng Mẹ điều gì thì Mẹ sẽ nhậm lời. Từ đó, bất kể lương giáo, ai ai cũng đến đây đọc kinh và khẩn cầu với Mẹ. Xin Mẹ La Vang ban nhiều ơn lành cho Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y và quí Đức Cha, để cùng Mẹ “Ra khơi loan báo Tin mừng”.

Ngõ lời chào Cộng đoàn Dân Chúa, Đức Hồng Y nói lời xin lỗi vì Ngài không biết tiếng Việt Nam, những có Đức Ông Phương sẽ phiên dịch tốt những tâm tình của tôi.

Tôi rất hân hạnh và cảm động trước đón tiếp nồng nhiệt của anh chị em. Đức Thánh Cha biết rõ, và mọi người trên thế giới này đều biết rõ Đức Mẹ La Vang là rất thiêng liêng của anh chị em.

Vừa qua, trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Sirilanka và Philippin, Ngài đã bay qua trên bầu trời Việt Nam. Hy vọng một ngày rất gần đây, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đất nước Việt Nam của anh chị em. Mọi người đều vỗ tay hân hoan và chờ đợi ngày ấy sẽ đến.

Thánh lễ đồng tế tại Linh đài Đức Mẹ La Vang do Đức Hồng Y chủ tế, cùng đồng tế có Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam mà Đức Hồng Y gọi Ngài là Khâm sứ của Tòa Thánh; 11 Tổng Giám mục và Giám mục cùng trên 200 linh mục đến từ 6 Giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Huế.

Trong bài giảng lễ, Đức Hồng Y chia sẻ: Đức Mẹ Maria từ khi được báo tin mang thai con Thiên Chúa. Kể từ đó Mẹ đã bắt đầu ra đi loan báo tin mừng cho mọi người. Kể từ đó, Mẹ luôn theo sát với cuộc đời của Chúa Giêsu con Mẹ, cho đến khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thập giá. Chúa Giêsu đã trao phó Gioan làm con Mẹ. Đó là hình ảnh của Giáo hội được Chúa Giêsu trao phó cho Mẹ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho nhân loại một quà tặng vô giá là Mẹ Maria, để Mẹ luôn đồng hành và nâng đỡ Giáo hội qua những cơn bách hại.

Tại La Vang này cũng vậy, khi những tín hữu là con cái Mẹ bị bách hại, Mẹ đã hiện ra an ủi và chở che, Mẹ luôn yêu thương và nâng đỡ mỗi một người chúng ta. Và hôm nay, Mẹ cũng mở áo choàng của Mẹ để bao bọc tất cả những người hành hương đến đây với Mẹ. Xin Mẹ bảo trợ cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội toàn cầu, cách riêng cho Giáo hội Việt Nam của anh chị em.

Cuối Thánh lễ, Đức Hồng Y đã ban Phép lành của Đức Thánh Cha cho cộng đoàn hiện diện tại Thánh địa La Vang hôm nay.

Đức Hồng Y cũng dâng lên Mẹ 3 hoa hồng bằng bạc:

-Bông Hồng thứ nhất xin Mẹ bảo trợ công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.
-Bông Hồng thứ hai: xin Mẹ bảo trợ cho việc truyền giáo ở Á châu.
-Bông Hồng thứ 3 xin Mẹ ban hòa bình cho toàn thế giới.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng thay mặt Giáo tỉnh Huế cảm ơn Đức Hồng Y đã đến viếng thăm Tổng Giáo phận Huế và tại Linh địa La Vang này, đã mang đến cho chúng con phép lành của Đức Thánh Cha. Chúng con xin gởi đến Đức Thánh Cha lòng trung thành của chúng con, và xin lắng nghe những huấn thị của Ngài đối với Giáo hội Việt Nam. Cảm ơn quí Đức Tổng giám mục, Giám mục và quí Cha đã hiện diện nơi đây.

Đức Tổng Giám mục cũng nói lời cảm ơn chính quyền 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc đón tiếp Đức Hồng Y được trang trọng, nhất là được đưa xe vào tận máy bay để đón Đức Hông Y.
 
Đức Hồng Y Fernando Filoni thăm giáo xứ Hòa Bình, GP. Hưng Hóa
Micae Bùi Thành Châu
21:31 22/01/2015
Đức HY Fernando Filoni thăm giáo xứ Hòa Bình, GP. Hưng Hóa

Cũng đã lâu không trở lại Hà Nội. Lần này tôi có duyên cùng theo đoàn để đón tiếp Đức HY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng, đến thăm giáo xứ Hòa Bình Giáo phận Hưng Hóa.

Sau khi thăm viếng Hà Nội, Đức HY Fernando Filoni cùng đoàn ngược về giáo phận Hưng Hóa. Điểm đến là giáo xứ Hòa Bình.

Xem Hình

Nhà thờ Hòa Bình vừa được thánh hiến vào ngày 22 tháng 11 năm 2014. Tọa lạc trên một ngọn đồi phong cảnh hữu tình cùng với kiến trúc gotich có nét giống như Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn để rồi nhà thờ Hòa Bình như điểm son về tôn giáo của Tỉnh Hòa Bình.

Được biết, qua bao nhiêu vất vả mới có được ngày hôm nay bởi vùng này là vùng trắng tôn giáo. Nhờ lời cầu nguyện vào Lòng Chúa Thương Xót và nhờ tinh thần sống đạo kiên trung của giáo dân mà giáo xứ Hòa Bình có được như ngày nay.

Được biết vào những năm 1993, Tòa Giám mục Hưng Hóa đã cử cha Giuse Nguyễn Trung Thoại đến Hòa Bình để tìm kiếm những giáo dân vẫn âm thầm sống đức tin trong gia đình để quy tụ thành cộng đoàn. Năm 2000, tỉnh Hòa Bình đồng ý cho cha Thoại về thăm mục vụ giáo dân. Chính thức là ngày 1/11/2002, cha Thoại được phép cử hành Thánh lễ sau 56 năm vắng bóng Thánh lễ tại đây.

Ngày 17/8/2012, Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên của nhà thờ giáo xứ Hòa Bình đã được tổ chức, và vào ngày 21/11/2014, ngôi thánh đường “Kính Lòng Chúa thương xót” của giáo xứ Hòa Bình đã được thánh hiến. Hiện nay giáo xứ Hòa Bình có 3.500 giáo dân với 11 giáo họ. Có lẽ đây là giáo xứ rộng nhất ở Việt Nam hiện nay, vì trải dài tới 160 km thuộc 5 huyện (Kỳ Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc) và thành phố Hòa Bình. Hàng năm có thêm khoảng 400-500 anh chị em tân tòng.

10 giờ, Thánh Lễ đồng tế thật trang nghiêm được cử hành tại Thánh đường giáo xứ Hòa Bình. ĐHY Tổng trưởng trong bài chia sẻ của mình, một lần nữa, Ngài mời gọi mọi tín hữu miệt mài cầu nguyện và coi Giáo Hội như là gia đình thân thương của mình, đồng thời tích cực loan báo Tin Mừng.

Dấu ấn lịch sử trên giáo xứ Hòa Bình đó là nghi thức rửa tội và thêm sức cho 172 tân tòng người H’Mông, Mường, Dao và Thái được các Hồng Y và các Giám mục cử hành.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Hồng Y Fernando Finoli đã chúc mừng các thành viên mới của Giáo Hội vừa lãnh nhận các bí tích khai tâm.

Thật dễ thương và bất ngờ với cộng đoàn tham dự Thánh lễ đó là Ngài tặng chiếc áo lễ Ngài đang mặc cho giáo xứ Hòa Bình. Chiếc áo Lễ thay lời muốn nói như là để “chứng tỏ tôi vẫn hiện diện giữa anh chị em”.

Và rồi Ngài cũng chuyển phép lành của ĐTC cho mọi người để “anh chị em đem về gia đình, và được hạnh phúc, bình an”.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g45. Phái đoàn của ĐHY Filoni đã dùng cơm trưa với các quan khách và các thành viên của các hội đoàn trong bầu khí thật thân ái trước khi trở về Hà Nội.

Tạ ơn Chúa đã ban cho giáo xứ Hòa Bình, giáo phận Hưng Hóa một dấu ấn đẹp, một kỷ niệm đẹp. Và cũng xin ơn Chúa để cho ngày mỗi ngày việc loan báo Tin Mừng ở giáo xứ Hòa Bình này cũng như giáo phận Hưng Hóa được trổ sinh hoa trái như lòng Chúa mong muốn.

Micae Bùi Thành Châu
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Bướm
Đặng Đức Cương
22:13 22/01/2015
HOA BƯỚM
Ảnh của Đặng Đức Cương
Hoa Tiên có biết cho chăng,
Bướm thần dưới thế mơ màng luyến thương.
Đêm về mộng mị lạ thường
Ngạt ngào thoang thoảng dạ hương thơm nồng.
(Trích thơ của Nguyễn Đình Hoài Việt)