Ngày 21-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ 3 Mùa Quanh Năm B.24.1.2021
Lm Francis Lý văn Ca
16:30 21/01/2021
ĐẦU LỄ Anh Chị Em thân mến,
Tư tưởng của các bài đọc hôm nay, tiếp nối câu chuyện Chúa gọi 4 tông đồ đầu tiên: Anrê, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Họ đã giã từ nghề chài lưới và đi theo Ngài.

Giáo Hội tiếp tục chuyển đạt lời mời gọi của Chúa Kitô: mời gọi chúng ta bước theo Ngài, qua việc tham dự vào đoàn ngũ các tông đồ, tiếp tục sứ mệnh rao truyền Tin Mừng và đem nhiều người về cùng Chúa. Đây cũng là dịp để cộng đoàn tín hữu chúng ta suy nghĩ về ơn gọi của mình trong thế giới hôm nay.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Jona được Chúa sai đến thành Ninivê, để rao truyền cho dân thành sứ điệp của Thiên Chúa: Nếu họ ăn năn hối cải thì Chúa sẽ không phạt họ. Toàn thể dân thành đã nghe lời Jona rao giảng, đã ăn năn thống hối và Chúa đã nguôi giận.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô nhắc nhở dân thành Côrintô, cũng như cho thế hệ của chúng ta: tất cả của cải đời nầy đều tạm bợ và hư vô. Hãy luôn đặt tâm trí vào cứu cánh của phần rỗi đời sau.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Ước muốn của Thiên Chúa Cha được thể hiện nơi Đức Kitô, là Tin Mừng được rao truyền cho nhân loại. Để Tin Mừng được loan báo, thì cần phải có sứ giả. Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ để thực thi sứ vụ nầy.



LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.
Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tình chứa đựng trong những lời nguyện sau đây:

1. Xin cho những vị lãnh đạo các quốc gia. Xin cho họ luôn hiệp nhất trong tinh thần, để mưu cầu lợi ích chung cho tất cả các nước trên thế giới được ấm no thịnh vượng. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở khắp đó đây, luôn biết gìn giữ những phong tục và tập quán tốt của tiền nhân để lại. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta cầu nguyện cho ơn gọi sống đời hiến dâng, của giới trẻ Việt Nam biết đáp lại tiếng Chúa và Giáo Hội kêu mời để sống đời hiến dâng và phục vụ trong các Giáo Hội Địa Phương. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta hướng về Quê Cha Đất Mẹ trong những ngày của Mùa Xuân Quê Hương đang trở về. Hiệp thông trong tinh thần qua những thánh lễ Đầu Xuân, xin Thiên Chúa là Chúa Xuân Vĩnh Cửu ban cho Quê Hương và Giáo Hội Mẹ Việt Nam luôn an bình. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho những tiền nhân đã an nghỉ, đặc biệt những nạn nhân của Covid-19 (20) được muôn đời hưởng một Mùa Xuân bất diệt trên thiên quốc. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin chúc lành cho tất cả con dân Viêt đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị đón Xuân trong những hoàn cảnh khác nhau. Xin Chúa là Chúa Xuân Vĩnh Cửu ban muôn vàn phúc lộc trên Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Mau mắn đáp lại ơn Chúa gọi
Lm. Đan Vinh
17:28 21/01/2021
CN 3 THƯỜNG NIÊN B
Gn 3,1-5.10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1,14-20
MAU MẮN ĐÁP LẠI ƠN CHÚA KÊU GỌI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 1,14-20

(14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (16) Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. (17) Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. (18) Lập tức hai ông bỏ chài lưới đi theo Người. (19) Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. (20) Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng giảng đạo tại xứ Ga-li-lê mà nội dung được tóm gọn trong câu: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Người cũng gọi bốn môn đệ tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng là hai đôi anh em: Si-mon và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Các ông đã mau mắn đáp lại bằng sự dứt khoát từ bỏ nghề đánh cá biển, từ giã cha già mà đi theo Người để học nghề đánh bắt các linh hồn.

3. CHÚ THÍCH:

- C 14-15: + miền Ga-li-lê: do vua Hê-rô-đê An-ti-pa cai trị, là một miền đất trù phú và có đông dân ngoại sinh sống. Khi khởi sự thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng tại Ga-li-lê miền đất có đông dân ngoại, cho thấy tính phổ quát của Tin Mừng của Người. +Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Sám hối là loại bỏ nếp sống cũ tin thờ tà thần và thay bằng nếp sống mới theo Đức Chúa là Đấng trọn lành. Đức Giê-su kêu gọi dân chúng phải ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng do Người loan báo.
- C 16-18: + Biển hồ Ga-li-lê: Cũng gọi là hồ Ghen-nê-xa-rét (x. Lc 5,1), hay Ti-bê-ri-a (x. Ga 6,1). Biển hồ này rất lớn hình quả trám, dài 21 cây số và ngang 12 cây số, thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải tới 208 mét. Đây là nơi Đức Giê-su đã kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên và nhiều lần Người giảng dạy dân chúng tại ven biển (x. Lc 5,3). Người cũng làm nhiều phép lạ tại biển hồ này : dẹp yên sóng gió (x. Mt 8,23-27), đi trên mặt nước (x. Ga 6,16-21) mẻ cá lạ lùng (x. Lc 5,4-11)... + Ông Si-mon với người anh là An-rê: Ông Si-mon sau được Đức Giê-su đổi tên là Phê-rô (x. Mt 16,18). Ông là em ông An-rê và là con ông Giô-na (x. Mt 16,17) hay Gio-an (x. Ga 1,42). Ông Si-mon quê thành Bét-sai-đa (x. Ga 1,44), làm nghề lưới cá tại biển hồ Ga-li-lê (x. Mc 1,16). + Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người: Hai anh em An-rê và Si-mon đã mau mắn đáp lại tiếng gọi của Đức Giê-su, bỏ nghề chài lưới bắt cá để theo làm môn đệ Người.
- (C 19-20) + Ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an: Đây là Gia-cô-bê Tiền, vì theo Đức Giê-su trước. Ông là con của ông Dê-bê-đê và là anh của Gio-an (x. Mt 4,21). Ông là một trong nhóm 3 người, được Đức Giê-su ưu ái (x. Mt 17,1). Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an cũng được Đức Giê-su đặt cho biệt danh là “Bo-a-nê-ghê”, nghĩa là “Con của Thiên Lôi” (x. Mc 3,17). + Bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền mà đi theo Người: Hai ông đã dứt khoát đáp lại tiếng Chúa mời gọi bằng việc từ giã gia đình để dấn thân theo làm môn đệ của Đức Giê-su.

4. CÂU HỎI:
1) Ga-li-lê là miền nào trong nước Do thái thời Đức Giê-su?
2) Lời kêu gọi “sám hối và tin vào Tin Mừng” của Đức Giê-su có ý nghĩa thế nào?
3) Đặc điểm của Biển Hồ Ga-li-lê là gì?
4) Bạn biết gì về thân thế của ông Si-mon Phê-rô?
5) Hai anh em An-rê và Si-mon đã đáp trả lời mời gọi của Đức Giê-su thế nào?
6) Bạn biết gì về thân thế của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an? Tại sao hai ông này lại có biệt danh là “con của thiên lôi”?
7) Thái độ của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an trước lời mời gọi của Đức Giê-su thế nào?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SÁM HỐI - ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA TỘI:

Một hôm Xa-tan kêu trách Thiên Chúa rằng: “Chúa thật bất công! Cụ thể là có nhiều kẻ phạm đủ thứ tội ác, thế mà Ngài vẫn tha cho chúng. Có nhiều kẻ sa đi ngã lại nhiều lần cùng một thứ tội, mà khi chúng cầu xin thì Ngài lại tha cho chúng. Còn tôi, chỉ phạm tội không vâng lời một lần, thế mà Ngài lại phạt tôi phải sa hỏa ngục đời đời, và không bao giờ tha thứ cho tôi!”. Bấy giờ Thiên Chúa mới ôn tồn nói với tên quỉ rằng: “Sở dĩ Ta tha tội cho con cái loài người vì chúng đã khiêm tốn tự nhận là kẻ có tội, đã hồi tâm sám hối và cầu xin Ta tha tội cho chúng. Còn ngươi, từ khi kiêu ngạo phạm tội phản nghich bất tuân lệnh truyền của Ta và bị phạt trong lửa hỏa ngục đến nay, có khi nào ngươi khiêm nhường nhận lỗi và hồi tâm sám hối xin Ta tha thứ hay chưa?”. Tên quỷ nghe vậy liền vênh mặt lên cười khẩy và trả lời như sau: “Hồi tâm sám hối ư? Ta đâu có tội gì mà phải ăn năn sám hối? Và ta cũng chẳng cần ai phải tha thứ cho ta !”

2) PHẢI SÁM HỐI VỚI LÒNG TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG:

Trong sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tu sĩ kia đã phạm tội và bị phạt phải vào sa mạc để ăn chay đền tội trong một năm trời, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các anh em của cộng đoàn đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; còn người kia thì ốm o xanh xao. Cả hai được đòi phải đến trình diện trước mặt Bề Trên và ban cố vấn cộng đoàn để được phán quyết có đáng được tái hòa nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi trong năm qua đã suy niệm về điều gì?
Người ốm o xanh xao trả lời:
- Trong năm qua, ngày ngày con luôn nhớ lại những tội con đã lỗi phạm và những hình phạt đáng phải chịu, nên con luôn mang tâm trạng sợ hãi không sao chợp mắt được.
Đến lượt người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:
- Suốt một năm qua, từng giây từng phút, con luôn cảm tạ Chúa vì Người đã tha thứ tội lỗi cho con nên con luôn cảm thấy an tâm và ăn ngon ngủ yên.
Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám hối của anh đã trở thành lời ca tụng và cảm tạ tri ân tình yêu của Chúa.

3) CẦN SỐNG ĐỨC TIN TRƯỚC KHI CHIA SẺ CHO THA NHÂN:

Đức Tổng Giám Mục Helder Camara của Braxin có lần đã chia sẻ kinh nghiệm như sau :
Tôi có người anh lớn hơn tôi 5 tuổi, đã rửa tội từ lúc mới sinh, và từng theo học nhiều năm trong trường dòng. Nhưng lớn lên anh bắt đầu bê trễ, bỏ đọc kinh, bỏ dự lễ, và cuối cùng bỏ… đạo.
Sau khi tôi thụ phong linh mục, anh cùng với tôi sống chung với người chị độc thân. Mỗi lần biết tôi sắp đi giảng tĩnh tâm, anh lại hỏi :
– Hôm nay chú nói về đề tài gì?
Tôi lại có dịp giải thích cho anh những điều mình sắp giảng. Anh chỉ lắng nghe, không bình luận.
Tám năm sau, anh bị mắc căn bệnh hiểm nghèo. Biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại và nói :
– Lâu nay tôi để ý quan sát, thấy không có sự cách biệt giữa lời chú giảng và việc chú làm. Vậy xin hỏi chú, tôi có thể dựa vào Đức tin của Chúa để rước lễ không?
Tôi trả lời :
– Em tin là Chúa lòng lành vô cùng sẽ đoái thương anh.
Bấy giờ anh tôi nói trong nỗi xúc động :
– Ngay bây giờ thì chưa được đâu, vì tôi chưa xưng tội.
Tôi định tìm cho anh một linh mục khác nhưng anh đòi xưng tội với tôi. Sau khi rước lễ xong, anh thều thào trong nước mắt.
– Tôi tin, tôi tin, chú ạ. Bây giờ tôi tin không phải dựa vào đức tin của chú, mà tôi thực sự xác tín rằng Chúa yêu thương tôi !
Ít phút sau đó anh đã ra đi trong bình an, thanh thản.
Sống và chia sẻ niềm tin cho tha nhân là nhiệm vụ của mỗi người Kitô hữu. Điều mỗi người chúng ta cần phải làm ngay là “Sám hối và tin vào Tin mừng”.

4) QUYẾT TÂM VƯỢT QUA TRỞ LỰC ĐỂ PHỤNG SỰ CHÚA:

Bà Thánh JEANNE-FRANCOISE CHANTAL (1572-1641) là một bà mẹ rất đạo đức. Sau khi chồng qua đời, bà lo nuôi dạy và lo liệu cho bốn đứa con nên người. Sau khi cả bốn người con đều lập gia đình và có cuộc sống ổn định, bà đã được Chúa kêu gọi hãy tận hiến cuộc đời còn lại để phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật. Nhưng đến ngày từ giã gia đình lên đường thì cả bốn người con đều không đồng ý cho mẹ đi. Họ khóc lóc và nằm chận ở cửa nhà. Bấy giờ trong nước mắt nghẹn ngào, bà nói với các con : “Mẹ tuy là mẹ phải lo cho các con, nhưng mẹ cũng là con của Chúa phải lo việc nhà Chúa. Mẹ phải chu toàn bổn phận phụng sự Người đang hiện thân trong những người nghèo khổ bất hạnh». Nói xong bà đã bước qua các con để đi đến An-ne-cy, tiến hành việc thành lập một dòng tu. Đến tháng 6 năm 1610, dòng Thăm Viếng đã ra đời.

5) TRỞ THÀNH ĐÔI TAY CỦA CHÚA:

Vào cuối thế chiến thứ hai, để thu phục thiện cảm và sự tin tưởng của người dân trong làng vừa mới được giải phóng khỏi tay quân đội Đức quốc xã, toán lính thuộc lực lượng đồng minh đã cố gắng phục chế bức tượng Thánh Tâm Chúa Giê-su đã bị bể tan tại quảng trường trước một nhà thờ nhỏ, là trung tâm sinh hoạt của một ngôi làng ở miền cực nam nước Ý.
Sau nhiều ngày cố gắng, toán lính đã gắn ráp lại hầu như toàn bộ bức tượng. Nhưng chỉ còn đôi tay của bức tượng là chưa thể hoàn tất do đã bị nát vụn. Sau nhiều giờ bàn luận và việc phục chế bức tượng sắp đi vào ngõ cụt, thì một người trong toán lính đã có sáng kiến. Anh ta mang tới hai khúc gỗ gắn vào hai tay của bức tượng, rồi viết vào đó một hàng chữ không những đã đánh động tâm hồn của dân làng, mà còn thu hút nhiều khách du lịch đến thăm. Hàng chữ ấy như sau: “Bạn chính là đôi tay của Chúa”.
Thực vậy, mỗi tín hữu chúng ta phải trở thành đôi bàn tay của Chúa, tiếp tục chu toàn sứ mạng được Chúa Cha trao phó là xây dựng Nước Trời, là loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa đi khắp thế gian, đến tận cùng bờ cõi trái đất.

3. SUY NIỆM:

1) SẴN SÀNG ĐÁP LẠI LỜI CHÚA MỜI GỌI:

- Câu chuyện của ngôn sứ Gio-na (Gn 3,3-5.10) :
Đức Chúa đã kêu gọi Gio-na làm ngôn sứ và sai ông đi giảng cho dân thành Ni-ni-vê hồi tâm sám hối tội lỗi hầu tránh bị trừng phạt. Lúc đầu Gio-na sợ trách nhiệm nên đã chạy trốn bằng cách lên thuyền đi về một thành phố khác. Nhưng con thuyền ông đi đã gặp bão lớn, Gio-na bị quăng xuống biển và bị một con cá lớn nuốt vào bụng, rồi ba ngày sau nó nhả ông nằm trên bãi biển gần thành Ni-ni-vê. Khi thức dậy, Giô-na hồi tâm sám hối và đã thi hành sứ mệnh được trao : Ông đã đi một ngày đàng tiến vào thành phố và rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá huỷ". Chứng kiến sự lạ Gio-na nằm trong bụng cá ba đêm ngày nên dân thành Ni-ni-vê đã sám hối và cậy tin vào Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, nên đã bỏ ý định phạt họ.

- Trẻ Sa-mu-en đáp lại tiếng Chúa (I Sam 3,3-10, 19) :
Thiên Chúa gọi Sa-mu-en ba lần: Trình thuật kể: “Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: "Dạ, con đây!" Rồi chạy lại với thầy cả Hê-li và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi." Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với Hê-li và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi." Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với Hê-li và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con."
Bấy giờ ông Hê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông nói với Sa-mu-en: "Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: "Lạy Đức Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe." Được sự hướng dẫn của Thầy, nên khi nghe Thiên Chúa gọi lần thứ ba, Sa-mu-en đã mau mắn thưa: "Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe." Kể từ khi nhận ra tiếng Chúa, Sa-mu-en tiếp tục đàm đạo với Chúa nhiều lần. Sa-mu-en lớn lên, Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.

- Mau mắn đáp lại ơn Chúa kêu gọi như bốn môn đệ đầu tiên (Mc 1,14-20) :
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên. Một là đôi anh em An-rê và Si-mon đang thả lưới dưới biển; Hai là đôi anh em Gia-cô-bê và Gio-an đang vá lưới trên thuyền. Các ông nghe Đức Giê-su kêu gọi đã mau mắn bỏ nghề đánh cá, bỏ lại cha già và những người làm công trên thuyền để đi theo làm môn đệ Người.

- Cần đáp lại ơn Chúa kêu gọi thế nào :
Ngày nay Chúa Giê-su cũng kêu gọi các tín hữu theo làm môn đệ Người bằng nhiều cách khác nhau: Người thì được Chúa gọi khi nghe một bài giảng trong thánh lễ; Người thì cảm phục gương sáng tốt lành, nghe lời khuyên của một linh mục hay một nữ tu thân quen; Người thì được ơn Chúa gọi sau một biến cố như qua cơn bệnh nặng, sau một thất bại, sau khi bị lừa đảo, ….

Vậy khi nghe được tiếng Chúa kêu gọi, chúng ta sẽ đáp lại thế nào: Lảng tránh trách nhiệm như ông Giô-na, hay mau mắn đáp lại như ông Sa-mu-en? Sẵn sàng từ bỏ nghề đánh cá và từ giã người thân để theo làm môn đệ Chúa đi đánh bắt các linh hồn như bốn môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng?

2) TÍNH CẤP BÁCH CỦA SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG NƯỚC THIÊN CHÚA:

Tình hình thế giới hiên nay: Nếu thế giới được thu gọn thành một ngôi làng có 100 người, thì chúng ta sẽ dễ hình dung ra các thành phần trên thế giới theo lỷ lệ tương ứng như sau:
- Về dân số: 57 người thuộc Á Châu, 21 người thuộc Âu Châu, 8 người thuộc Phi Châu và 14 người thuộc các châu lục khác như Mỹ châu, Úc châu và châu Đại Dương.
- Về màu da: 30 người là da trắng; 70 người là da màu như da vàng, da đỏ, da đen.
- Về tôn giáo: 30 người là Ki-tô hữu gồm Công Giáo, Tin lành, Chính Thống, Anh giáo; 70 người thuộc các tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, thần đạo hay không theo tôn giáo nào.
- Về của cải vật chất: Vào năm 2018, 42 tỷ phú hàng đầu thế giới nắm giữ số tài sản tương đương với 3,7 tỷ người nghèo nhất. 1% dân số thế giới chiếm 82% tổng tài sản được tạo ra trong 2017. Người sáng lập Amazon là Jeff Bezos, hiện trở thành người giàu nhất thế giới.
- Về trình độ tối thiểu: 70 người mù chữ không biết viết biết đọc.
- Về đời sống: 50 người thiếu ăn, bị suy dinh dưỡng.
- Về nhà ở : 80 người ở nhà ổ chuột không đủ tiêu chuẩn hay lang thang không nhà.
- Về văn hóa: Chỉ có một người là tốt nghiệp đại học!

Thực trạng nói trên cho thấy nhu cầu cấp bách của sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Vậy mỗi người chúng ta sẽ chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng thế nào?

3) CHU TOÀN SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG :

- Giá trị của lối sống chứng nhân :
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Như vậy, chúng ta có quyền nghĩ rằng: nếu đời sống chứng nhân có tác dụng rất tốt trong việc loan báo Tin Mừng, thì ngược lại, không có gì nguy hại cho công cuộc truyền giáo bằng một lối sống phản chứng nơi người Kitô hữu! Mỗi tín hữu cần tránh những hành động bất công sai trái và sự bất hòa chia rẽ nội bộ.

- Loan báo Tin Mừng cụ thể là gì?
Loan báo Tin Mừng Nước Trời không những là nói về đạo cho người chưa biết Chúa, mà còn bằng việc góp phần kiến tạo một « Trời Mới Đất Mới » bắt đầu từ việc sám hối, góp phần xóa bỏ các tệ nạn và bất công xã hội, đến việc xây dựng cho gia đình và khu phố mình đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn.

- Cần ý thức giới hạn của sức riêng mình:
Bấy giờ Đức Giê-su bảo Si-mon : “Hãy ra khơi thả lưới bắt cá ». Si-mon nói lên sự bất lực của mình: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Chính nhờ biết tin cậy và làm theo lời Chúa, mà Si-mon đã bắt được một mẻ cá lớn đến nỗi lưới hầu như bị rách. Qua đó cho thấy: về phạm vi đức tin, nếu làm theo ý riêng thì sẽ thất bại, nhưng nếu nghe theo lời Chúa thì chắc chắn sẽ thành công.

- Luôn tin cậy vào ơn Chúa trợ giúp : Trước sứ mạng được Chúa trao phó, thay vì sợ hãi thoái lui như ngôn sứ Gio-na xưa, chúng ta hãy cầu xin với lòng cậy trông phó thác như ngôn sứ Sa-mu-en : « Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang nghe », rồi mau mắn thi hành lời Chúa dạy, bằng cách đi bước trước đến thăm những người nghèo khổ bệnh tật và người lương chưa biết Chúa, để cảm thông và khiêm tốn phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó mọi người sẽ nhận biết tin yêu Chúa để cùng được hưởng ơn cứu độ với chúng ta.

4. THẢO LUẬN:

Trong những ngày này, mỗi người chúng ta cần làm gì cụ thể để giới thiệu Chúa cho người thân, cho lối xóm, và góp phần biến đổi môi trường sống và làm việc ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn?

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con ý thức sứ mạng phải tích cực làm chứng cho Chúa mọi lúc và mọi nơi. Để chu toàn sứ mạng quan trọng này, xin cho chúng con biết năng tham dự các buổi học sống Lời Chúa để hồi tâm sám hối tội lỗi, rồi cùng nhau thi hành các việc bác ái yêu thương như: đi thăm bà con lương dân, chia sẻ tiền bạc vật chất cho những người nghèo khó, khiêm tốn phục vụ những người bệnh tật neo đơn, an ủi động viên những người đau khổ bất hạnh... Xin cho chúng con biết cảm thông với Hội Thánh, tích cực cộng tác với các mục tử đi thăm viếng để đưa nhiều chiên lạc về với Chúa, hầu làm cho Nước Chúa mau hiển trị.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:51 21/01/2021

27. Nếu tội nhân mà không biết hối cải, thì sẽ khiến cho quan án nổi lên cơn thịnh nộ.

(Thánh Hieronimus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:05 21/01/2021
42. ÁC Ý CỦA THÁNH NHÂN

Một thái giám có rất nhiều quyền thế thấy học sĩ (1) đang giảng bài, đợi học sĩ giảng bài xong ra khỏi cung đình, bèn hỏi:

- “Hôm nay giảng về sách gì?”

Học sĩ trả lời:

- “Hôm nay giảng về Khổng tử cười mũm mĩm, nói: “cắt tiết gà không cần dùng đến dao mổ trâu?” (2)

Sắc mặt thái giám hiện nét bối rối nói:

- “Đó là Khổng thánh nhân ác ý cười người đó”.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 42:

Sợ hãi và hồ nghi là hai trạng thái thường có của người có tâm hồn không bình an, do đó mà họ thường sống trong lo âu sợ người khác biết chuyện xấu của mình, và từ đó họ sinh ra hồ nghi ngay cả lòng tốt của người khác đối với mình, và vì sợ và hồ nghi nên trở thành người hay cau có nóng giận đến kiêu ngạo.

Một tâm hồn sợ hãi và bất an vì họ không sống theo lương tâm chân thật của mình, càng có danh vọng chức quyền thì lương tâm càng khắc khe với cuộc sống của cá nhân hơn những người khác, cho nên càng làm lớn mà làm sai thì càng sợ hãi và bất an hơn người thường...

Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ: chỉ có Đức Chúa Giê-su mới làm cho tâm hồn của họ được bằng an và kiên định, và chỉ có sự bình an của Ngài mới tồn tại lâu trong cuộc sống của họ, cho nên họ dù cuộc sống

(1) Quan giảng cho hoàng đế nghe về lịch sử.

(2) Nguyên văn câu này: 割雞焉用牛刀 (cắt tiết gà không cần dùng đến dao mổ trâu), thái giám hiểu lầm割雞 (cắt tiết gà) thành 割雞巴 (cắt sinh thực khí của đàn ông).

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lên núi
Lm. Minh Anh
23:31 21/01/2021
LÊN NÚI
“Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Ngài muốn gọi”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Giêsu lên núi”, chi tiết này mang một giá trị biểu tượng tuyệt vời đến bất ngờ; Marcô đã mở đầu Tin Mừng hôm nay như thế. Trên núi đó, Ngài đã đem theo “những kẻ Ngài muốn gọi, để họ ở với Ngài”, trao cho họ sứ vụ rao giảng và trừ quỷ; sau đó, Ngài gọi tên họ. Thế nhưng, việc trao sứ vụ và việc gọi tên chỉ được thực hiện sau khi Thầy và trò ‘lên núi’. Vậy tại sao Chúa Giêsu chỉ làm điều đó khi các môn đệ đã ở bên Ngài trên núi? Một câu hỏi thật thú vị!

Trong cuộc đời Chúa Giêsu, mọi việc Ngài làm đều mang một ý nghĩa; vì thế, hành động đem môn đệ ‘lên núi’ cũng mang một ý nghĩa sâu sắc. Ngọn núi là biểu tượng cho cuộc hành trình của người môn đệ tiến về phía Thiên Chúa, điểm đến của đời họ; đó là một dấu hiệu cho thấy người môn đệ đang mỗi ngày tiến về phía Người; và núi cũng tiết lộ rằng, người môn đệ chỉ được gọi tên, được trang bị để lên đường thi hành sứ vụ chỉ sau khi lần đầu tiên họ ‘lên núi’ gặp Người.

‘Ngọn núi’ người môn đệ được mời gọi đi lên trước hết là cầu nguyện. Hàng ngày, họ phải ‘lên núi’ để gặp Thiên Chúa của mình trong cầu nguyện; họ tìm kiếm Người cách bền bỉ, mật thiết và thâm sâu. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đến với chính Ngài, đến nơi mà Ngài đang chờ đợi để mỗi người được ở một mình với Ngài, cùng Ngài đắm chìm trong sự hiện diện vinh quang của Chúa Cha. Trừ khi chúng ta ‘lên núi’ với Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ trang bị đủ cho mình để hoàn thành sứ vụ; chúng ta sẽ không chuẩn bị đầy đủ để có thể mang tình yêu và lòng thương xót của Ngài đến với một thế giới đang cần. ‘Lên núi’ không chỉ với thân xác, lời cầu, nhưng còn phải ‘lên núi’ cả trong tư tưởng và tâm hồn; Người môn đệ Chúa phải luôn hướng thượng, nghĩ cao hơn và hành động vượt trội chứ không chỉ tầm thường và bé nhỏ.

Tiếp đến, Tin Mừng hôm nay nói đến tên mười hai tông đồ. Không ai biết điều này có liên quan đến việc Thầy trò ‘lên núi’ hay không, nhưng một điều thú vị là, ngay sau trình thuật ‘lên núi’, Marcô liệt kê danh tánh của mười hai vị; điều này cũng mang một ý nghĩa đặc biệt. Trong mọi đấng bậc, ‘Chúa Giêsu gọi tôi’; Ngài gọi mỗi người bằng tên; không phải ngẫu nhiên mà Ngài chọn tôi cộng tác với Ngài. Ngài biết tôi; Ngài hiểu tôi hơn tôi biết bản thân mình; và vì tình yêu, Ngài mời gọi tôi, để tôi ở bên Ngài. Khi gọi tôi bằng tên, Chúa Giêsu đã chạm đến nơi sâu thẳm của trái tim tôi, tâm hồn tôi; Ngài đào sâu vào những vực thẳm linh hồn tôi, Ngài biết tôi là ai, tôi thế nào; và không lạ lẫm gì với tâm tưởng và con người tôi. Khi gọi tôi bằng tên, Ngài gọi tôi chỉ vì xót thương, bất chấp tôi bất xứng đến mức nào, kể cả đến mức ‘Giuđa Iscariot’; bởi lẽ, Ngài luôn hy vọng, vì Ngài là một Thiên Chúa nhân từ và xót thương; thư Do Thái hôm nay thổ lộ, “Ta dung thứ các điều gian ác của chúng, và không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa”.

Napoléon Bonaparte, vị tướng tài của thế giới, từng tiến hành nhiều cuộc viễn chinh quân sự bằng đường biển. Lần tiến quân chinh phục Ai Cập, sau nhiều tuần vượt biển, đoàn quân của ông đã đổ bộ tại một chân núi; lập tức, ông buộc mọi người tiến lên đỉnh. Một buổi sáng, từ trên núi, ông cho họ nhìn xuống các xà lan, tàu thuyền lớn nhỏ của mình bên dưới; đó cũng là lúc ông đã ra lệnh đốt cháy tất cả chúng trước sự chứng kiến của họ. Thông điệp ông muốn gửi đến cho đoàn quân là phải quyết thắng, không còn con đường nào khác. Đoạn, ông gọi tên các vị chỉ huy và một số binh lính, từng người một; bằng cách này, ông đã truyền cảm hứng cho họ khi ông hỏi han gia đình, gốc gác, chiến tích mà người ấy đã có được; bởi lẽ, ông đã nghiên cứu về lý lịch của từng người trước đó. Ông đã chiến thắng! Napoléon quả là một thiên tài quân sự bẩm sinh.

Anh Chị em,

Không như Napoléon với khôn ngoan thế gian của một nhà chiến lược, Chúa Giêsu mời chúng ta ‘lên núi’ trong yêu thương để gặp gỡ Chúa Cha mỗi ngày; Ngài không cưỡng bức nhưng ‘làm gương’, vì Ngài biết việc ‘lên núi’ là sống còn của hồn tông đồ. Ngài gọi tên mỗi người mà không cần hỏi ai trước; Ngài gọi tôi với tất cả những gì tôi là; Ngài không đòi hỏi, cũng không đợi tôi tốt hơn. Không! Ngài gọi tên tôi từng ngày để tôi liên kết với Ngài, ở với Ngài; từ đó, truyền cho tôi tình yêu, sinh lực và sức sống, ngõ hầu tôi ra đi làm chứng cho ngài cách tự do và tự nguyện.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã tín nhiệm con; đã gọi con ‘lên núi’ từng ngày, từng giây phút dù con bất xứng yếu hèn để con được ở với Ngài. Xin cho con không ngừng ‘lên núi’ để múc lấy sức sống thần linh từ Ngài, hầu con sẵn sàng ‘xuống núi’ làm chứng cho Tin Mừng”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Rối Tâm Linh
Lm Vũđình Tường
01:45 21/01/2021
Sau khi Gioan bị bắt, Đức Kitô bắt đầu rao giảng, Ngài nói: 'Thời kì đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng'. c.15. Thật khó mà xác định giữa hai hành động xám hối và niềm tin. Điều nào cần xảy ra trước. Xám hối để tin hay tin rồi mới xám hối. Có lẽ cả hai hành động cùng xảy ra một lúc bởi hai hành động thường liên hệ mật thiết, gắn bó với nhau.

'Thời Kì đã mãn' có thể hiểu theo hai cách. Cách thứ nhất áp dụng cho toàn thể nhân loại và cách thứ hai áp dụng cho mỗi cá nhân. Đối với nhân loại 'thời kì đã mãn' bởi Con Thiên Chúa đã xuống trần. Nhân loại vừa mừng kính Sinh nhật Đức Kitô. Người ta không còn phải mong đợi Thiên Chúa đến nữa bởi Ngài đã sinh ra, xuống thế.

Thứ nhất 'Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần' bởi nơi đâu có Thiên Chúa ngự trị, nơi đó có Triều Đại Ngài. Đức Kitô, Con Thiên Chúa, hiện đang sống giữa nhân loại vì thế Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Không thể tách rời Thiên Chúa và vương quốc của Ngài. Một vương quốc mà không có Thiên Chúa, vương quốc đó không thuộc về Thiên Chúa. Vương quốc không thuộc về Chúa là vương quốc trần gian. Trần gian là trường đấu tranh, giành giật lợi danh.

Thứ hai 'Thời kì đã mãn' áp dụng cho mỗi cá nhân. Đối với Gioan Tẩy Giả thời kì đã mãn chính là lúc ông hoàn thành sứ mạng rao giảng, dọn đường cho Đấng Cứu Thế, tiếp theo là bị chém đầu trong ngục tối. Đối với bản tính 'nhân loại' của Đức Kitô, thời kì đã mãn chính là lúc Ngài bắt đầu rao giảng và kết thúc trên thập tự và sống lại vinh quanag. Đối với mỗi chúng ta thời kì đã mãn là khi ta thống hối, tin vào Tin Mừng, trở thành môn đệ Đức Kitô.

Đối với các ông Anrê, Phêrô, Gioan và Giacôbê, 'thời kì đã mãn' chính là lúc các ông bỏ thuyền, chài, cha mẹ, thân nhân, đi theo Đức Kitô. Các ông từ giã nếp sống cũ để bước vào nếp sống mới. Nếp sống phỏng theo điều Đức Kitô hướng dẫn. Tin theo Đức Kitô, các ông gặp ngăn trở giữa đời sống tâm linh và đời sống trần thế. Rắc rối tâm linh này là trở ngại cho việc các ông thấu hiểu lời Chúa. Các ông tin theo Đức Kitô nhưng không hiểu rõ điều các ông đang tin; không nắm bắt được cuộc sống mới các ông đang học hỏi; và thường hiểu lầm hướng dẫn, chỉ bảo của Đức Kitô. Những điều trên làm các ông vấp ngã, nhưng không ngăn cản các ông tin theo, không làm trở ngại điều các ông tìm kiếm. Phải mất một thời gian khá dài, các ông mới hiểu biết về niềm tin các ông đang tin, và lối sống các ông đang sống. Điều khó khăn nhất vẫn là vác thập giá mình tin theo. Sau khi gặp gỡ Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Niềm tin các ông trưởng thành. Tất cả các tông đồ đã vui lòng, trung thành vác thập giá mình, theo chân Đức Kitô. Thiên Chúa thưởng các ông triều thiên vinh hiển trong nước Chúa. Nước Thiên Chúa đã đến gần, đang ở giữa những môn đệ tin theo, nhưng nước Thiên Chúa được mặc khải trọn vẹn trong lần Đức Kitô xuống thế lần thứ hai.

Đức Kitô mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Đi theo một Con Người, được hướng dẫn bởi một Con Người. Được cứu độ bởi một Con Người. Con Người đó chính là Đức Kitô. Vì thế niềm tin Kitô đặt căn bản và xuất phát trên Đức Kitô, qua cuộc sống, thập giá và phục sinh vinh hiển của Đức Kitô. Ngài mời gọi môn đệ trở thành kẻ 'chài lưới cá người'. Hình ảnh ngư phủ, thuyền chài là hình ảnh quen thuộc của các môn đệ tiên khởi. Thay vì chài lưới cá trở thành chài lưới các linh hồn. Nghề mới đòi phải thực hiện ngay, không thể chần chờ bởi thời giờ đã mãn, bởi Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.

Khổ nhất của nghề chài lưới là lưới bị rối. Gỡ rối lưới đã không thu hoạch được gì, mà còn vất vả, mất thời gian, đòi kiên nhẫn. Sau khi gỡ lưới xong còn phải vá lại chỗ bị rách nát. Cuộc sống của mỗi chúng ta thường bị rối bởi một đàng muốn tiến bước theo chân Đức Kitô, đàng khác bị của cải, vật chất, danh lợi níu kéo. Đừng quên rằng đằng sau vật chất, danh lợi luôn có điều kiện kèm theo. chúng có khả năng làm ta chao đảo, hay lún bùn, sa lầy bãi cát cuộc đời. Tin theo Đức Kitô, ta có Chúa luôn đồng hành, cùng ta phục vụ tha nhân. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta tin theo và lời mời gọi này không phải một lần mà thường được lập đi, lập lại trong cuộc sống.

TiengChuong.org

Spiritual Tangle

After John the Baptist was arrested, Jesus began His public ministry with the message: 'The time has come' he said 'and the kingdom of God is close at hand. Repent, and believe the Good News' v.14. It is a call to 'repent and believe the Good News'. It is rather hard to define which action takes place first; Repent then believe the Good news or; believe and then repent. Maybe both actions go hand in hand because they are closely related. The announcement 'the time has come' has twofold levels, universal, and individual. At a universal level 'The time has come' happened at the birth of Jesus; and 'the kingdom of God is close at hand' happened because wherever God is; there is God's kingdom. There is no separation between Jesus and His kingdom. Without Jesus, there is no God's kingdom; and kingdom without God is a godless kingdom. At a personal level 'the time has come' occurs when one becomes Jesus' disciple, when one believes in Jesus, and whenever one repents.

For Peter and Andrew, John and James, 'the time had come' when they left everything behind to follow Jesus. They left their former way of life to follow God's way. They struggled to understand the call, and yet they followed, and trusted Him. Their spiritual lives were entangled between the way of world and God's way. They learnt from Jesus and began slowly to work it out over the coming years. The highest point of their call was to carry their own cross to follow, and were crowned with their martyrdom. For John the Baptist 'the time had come' when Jesus began His public ministry. His time was completed at his death, being beheaded by Herod. With the coming of Jesus, God's kingdom is at hand. God's kingdom is in the person of Jesus, but its fulfilment will be at the second coming of Jesus.

Jesus called us to follow Him. It is a call to follow a person. Christianity is about the life, and death, and resurrection of Jesus. The call for us is to put Christ as the first priority in life, and everything will flow from that call. 'I will make you fishers of men'. Jesus called us to follow, to be reformed by Him. He wants to make us into something new. 'Fishers of men' was a play on words and a play on profession. Instead of gathering fish as before; the two pairs had a new vocation, gathering people for Jesus. The vocation requires one to act immediately, not to delay, but to do it straight away, and to go with a heart full of love for Jesus.

Fishermen don't like their nets being tangled. Untangling a net is hard, non productive work. It requires patience and is tiresome, and time consuming. After fixing the tangled net, the next job is mending the net. Our lives are often being entangled with the tension between a commitment to follow Jesus, and the many calls to follow someone whom we love, or someone whose gifts we admire. Some of the worldly calls are very attractive, and promising. Don't forget that almost all worldly calls have hidden minefields. God calls us to follow, to do things for, and with God. God patiently waits for us to respond. God's call is full of compassion, and love and mercy. God calls to have life in him, and to share that life with others. God's call is a personal, but it has universal dimension.
 
Hãy Sám hối và tin vào Tin Mừng
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:05 21/01/2021
CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN
Gn 3,1-5,10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1,14-20

HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15).

1. Hoán cải theo Cựu Ước

Trước hết, chúng ta cần loại bỏ hai định kiến: định kiến thứ nhất, sám hối thường được hiểu là lời kêu gọi chỉ dành cho những người không tin, hay chỉ cho những “tín hữu khô khan và tội lỗi” nào đó; thực ra tất cả chúng đều cần phải sám hối. Định kiến thứ hai: sám hối, hiểu theo nghĩa thực của Tin Mừng, không đồng nghĩa với sự cam chịu, với những cố gắng và buồn phiền, nhưng đồng nghĩa với tự do và niềm vui; nó không phải là sự thụt lùi nhưng là sự tiến bộ, một bước tiến về phía trước, tới niềm vui, sự hoàn hảo.

Trước khi Chúa Giêsu đến, khái niệm hoán cải luôn có nghĩa là “trở về” (tiếng Do Thái là “shur,” có nghĩa là đổi hướng đi, quay trở về). Nó cho thấy hành động của một người mà tại một thời điểm nào đó trong đời, họ nhận ra con đường họ đã không theo đuổi; rồi sau đó, họ dừng lại, xem xét lại, rồi quyết định thay đổi thái độ và quay trở về với việc tuân giữ lề luật và Giao Ước với Thiên Chúa.

Họ thực hiện một sự thay đổi thực sự về hướng đi, một “sự quay lại 180 độ.” Trong trường hợp này, hoán cải mang ý nghĩa luân lý; nó bao gồm một sự thay đổi thói quen và điều chỉnh lại đời sống luân lý của mình.

Tất cả những điều này được minh họa qua bài đọc I. Tiên tri Giôna được Thiên Chúa sai đến với thành phố Ninivê và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Nivinê sẽ bị phá đổ.” Dân thành Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác, mà trở lại. Người hối tiếc và đã không giáng tai họa xuống nữa (x. Gn 3,1-5.10).

2. Hoán cải theo Chúa Giêsu

Nhưng khi Chúa Giêsu đến, qua lời rao giảng, Người đã thay đổi ý nghĩa của việc hoán cải. Theo đó, hoán cải không còn có nghĩa là quay trở về với Giao Ước cũ và với việc tuân giữ lề luật xưa nữa; nhưng đúng hơn, hoán cải có nghĩa là thực hiện một bước nhảy vĩ đại tiến về phía trước và tiến vào Nước Thiên Chúa, để đạt được ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho loài người một cách nhưng không, nhờ vào sáng kiến tự do và quyền năng của Người.

Trong chiều hướng đó, sám hối và ơn cứu độ đắp đổi cho nhau. đây tiến trình không còn như trước đây nữa, nghĩa là trước hết con người phải sám hối, rồi sau đó Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho họ như là một phần thưởng; nhưng ở đây, có gì đó mới mẻ trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, đó là: ơn cứu độ đến trước, được Thiên Chúa ban một cách quảng đại như là quà tặng nhưng không cho con người, và từ đó, con người được mời gọi hoán cải như là một sự đáp trả tự do trước hồng ân của Thiên Chúa. Theo nghĩa này, hoán cải là “tin mừng, tin vui,” hoán cải có đặc tính vui tươi, vui mừng. Ở đây, Thiên Chúa không chờ đợi con người đi bước trước để thay đổi đời sống, để thực hiện những việc lành phúc đức, rồi từ đó Người sẽ ban ơn cứu độ cho họ như là phần thưởng vì những cố gắng của họ. Không! Ân sủng đi trước, đó là sáng kiến và là sự khởi đầu của Thiên Chúa. Vì thế, Kitô giáo phân biệt với các tôn giáo khác ở điểm này: Kitô giáo không bắt đầu với bổn phận rao giảng, nhưng với ân sủng; Kitô giáo cũng không bắt đầu với lề luật, nhưng với hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Bởi lẽ, tự bản chất, Thiên Chúa là Đấng đi bước trước, để cứu độ chúng ta, và mời gọi chúng ta đáp trả tình yêu của Người. Cụ thể, Đức Giêsu đã đến, nhập thể, chết và phục sinh để cứu độ chúng ta trong khi chúng ta còn là tội nhân. Đó là Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã đến và hiện diện ở giữa chúng ta. Nên chúng ta đừng hững hờ, đừng làm ngơ không biết. Lời mời gọi của thánh Phaolô trong bài đọc II cho các tín hữu ở Côrintô cũng là lời mời gọi cho chúng ta hôm nay: “Bộ mặt thế gian này đang biến đi.” Mua vui cũng được một vài trống canh. Thiên Chúa mới là vĩnh cửu. Chúng ta đừng để mất Người!

3. Hoán cải và tin, hai mặt của một chọn lựa

Như thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” không có nghĩa là hai hành vi khác nhau và kế tiếp nhau, nhưng chính là một hành động nền tảng: hoán cải có nghĩa là tin! Và nhờ tin để hoán cải đời sống. Đức tin là cửa nhờ đó mà một người có thể bước vào Nước Thiên Chúa. Nếu có ai đó định nghĩa: cửa vào là sự trong sạch, là việc tuân giữ cẩn thận tất cả các giới răn, cửa vào là sự kiên nhẫn, sự tinh tuyền… Nếu vậy, chúng ta phải trả lời: điều đó không thuộc về tôi; tôi không trong sạch, tôi thiếu điều này, hay thiếu nhân đức kia… Nhưng như chúng ta đã nói: cửa vào Nước Trời chính là đức tin. Đây không phải là điều bất khả thi đối với hết mọi người, vì bất cứ ai cũng có thể tin. Bởi Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta có tự do, lý trí để có thể tin vào Thiên Chúa, đó là điều có thể đối với mọi người. Nên chúng ta hãy sám hối và tin vào Chúa Giêsu.
Nói tóm lại, hoán cải không phải là một sự đe dọa, một điều gì làm cho chúng ta phải buồn phiền, và buộc chúng ta phải cúi đầu xuống chịu lụy để được khoan hồng. Trái lại, hoán cải là sự hiến ban diệu kỳ của Thiên Chúa, là một lời mời gọi của Người tới tự do và niềm vui. Đó chính là gắn bó với Chúa Giêsu, là Tin Mừng cho con người mọi thời.
Cũng cần thêm rằng: một chân lý được minh chứng cách hiển nhiên qua mọi thời: những ai tin và yêu mến Chúa Giêsu thì cũng đồng nghĩa với việc họ được thay đổi hoàn toàn và tận căn đời sống mình. Bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng hùng hồn cho điều đó. Sau lời rao giảng, Chúa Giêsu thấy ông Simôn, Anrê và Giacôbê, Người mời gọi họ: “Hãy theo tôi.” Tức thì họ bỏ chài lưới, cha mẹ mà theo Chúa. Họ thực hiện một bước nhảy, tin vào Chúa và bước theo Chúa. Họ hoàn toàn thay đổi cách nghĩ, lối sống và sứ vụ của mình.

Những ai tin vào Chúa cũng có những kinh nghiệm tương tự như thế. Bản thân tôi cũng trải qua kinh nghiệm này. Khi lớn lên, tôi khắc khoải tìm kiếm cho mình một lý tưởng dâng hiến để theo đuổi. Hình ảnh linh mục luôn thu hút tôi. Bỗng một ngày nọ, tôi lắng nghe được tiếng gọi nào đó từ bên trong thúc đẩy và quyết định đi tu để làm linh mục. Tôi phải từ bỏ nghề nghiệp đang làm, từ bỏ nhóm bạn là những người không muốn tôi đi tu. Tôi nói với mẹ tôi về quyết định này. Mẹ tôi không cản, nhưng nước mắt mẹ chảy ra đầm đìa. Tôi hiểu tại sao mẹ tôi lại khóc, bởi vì tôi là con trai đầu trong gia đình 8 người con, trong đó có 6 người con gái. Tôi đã lớn và có thể đi làm để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Tôi hiểu tại sao mẹ khóc, khi tôi theo Chúa. Đó là một hy sinh đối với mẹ tôi. Ơn gọi thật huyền nhiệm và thu hút tôi phải từ bỏ và vượt trên tất cả để theo Chúa. Đến nay tôi đã là linh mục. Chúa đã kêu gọi và biến đổi tôi. Tất cả là nhờ ơn Chúa. Tất cả là hồng ân. Tạ ơn Chúa. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Theo Thầy
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:52 21/01/2021
CHÚA NHẬT 3 MÙA THƯỜNG NIÊN: THEO THẦY (Gn 3, 1-5.10; 1Cr 7, 29-31; Mc 1, 14-20).

Chúa gọi và sai tiên tri Giona đi rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê, thủ đô của Assyria, khoảng từ trước năm 625 B.C.. Giona muốn trốn chạy nhưng Chúa đã quan phòng mọi sự cách diệu kỳ. Ông Giona được đưa đến thành Ninivê và bắt đầu kêu gọi mọi người ăn năn trở về cùng Chúa. Dân thành sám hối và Chúa tha phạt cho họ. Tiên tri nhận ra mình chỉ là dụng cụ Chúa dùng để rao giảng sự sám hối. Ông chu toàn sứ mệnh của mình. Việc thưởng phạt là do ý muốn của Chúa, chứ không phải do quyền quyết định của con người. Sám hối là điều kiện tiên quyết để rẽ sang một con đường mới và một lối sống mới. Sám hối đòi hỏi sự thay đổi từ nội tâm. Dứt bỏ con đường cũ, thói xấu cũ và chọn lựa cách sống mới. Sống theo đường lối của Thiên Chúa đã khai mở.

Khởi đầu sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi: Thời gian đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Vì mọi người đều là tội nhân, nên Ngài mời gọi sám hối. Chúa biết được những yếu đuối và tội lỗi của con người nên Ngài đến rao truyền ơn cứu độ. Muốn lãnh nhận ơn cứu độ, mỗi người phải thành thật nhìn nhận thân phận tội lỗi, yếu hèn và ăn năn sám hối tội lỗi. Những nẻo đường chúng ta đang bước theo, có con đường hẹp dẫn đến sự trọn lành và cũng có con đường thênh thang xuôi dòng dẫn vào đường cùng. Chúa Giêsu khai mở một con đường mới, con đường của tình yêu Phúc Thật. Chúa mời gọi chúng ta: Hãy theo Thầy. Bước theo Thầy để vượt qua ngõ kỳ thị, so sánh phân biệt và loại trừ.

Con người có hoài bão lớn lao, lý tưởng cao đẹp và ước muốn vô hạn nhưng lại tự giới hạn chính mình trong những tương quan và phán quyết thiển cận hằng ngày. Hầu như trong mọi chọn lựa, phán đoán và ứng xử, chúng đều bị giới hạn trong phân nửa theo quan niệm của mình. Mỗi người lớn lên và trưởng thành trong một môi trường văn hóa, chính trị, tôn giáo và triết thuyết khác nhau. Mỗi người được trau dồi và hấp thụ những tư tưởng theo những chủ thuyết, ý thức hệ, trào lưu tư tưởng nơi trường lớp và xã hội đặc thù. Sự hiểu biết hình thành nơi mỗi người đều bị giới hạn. Mỗi người bị giới hạn trong quan niệm sống khác biệt, như giữa văn hóa Đông và Tây, giữa Âu và Á, giữa các hệ thống triết thuyết, các tôn giáo với niềm tin hữu thần, vô thần và đa thần. Cái ‘tôi’ hiện hữu rất giới hạn. Đôi khi chúng ta dùng ‘cái tôi’ của mình để so sánh và loại trừ người khác. Khi chúng ta nói về cái tôi, gia đình tôi, nhóm tôi, Cộng đoàn tôi, Giáo xứ tôi, Nước tôi, Tôn giáo tôi, chủng tộc tôi và ngôn ngữ tôi… cái gì của tôi xem ra cũng tốt hơn của người khác. Và ngay khi đó, chúng ta đã tự giới hạn cái nhìn của mình và bỏ qua một phần bên kia mà chúng ta chưa tìm hiểu.

Khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng, Chúa phải đối diện với những quyền lực khống chế dựa trên luật lệ pháp quyền. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội có nhiều những phân định giữa con người. Những luật lệ khắt khe đối với những người phung cùi, những kẻ tội lỗi và những bất hạnh trong cuộc sống. Họ thường tránh xa những nhóm người khố rách áo ôm, phong cùi, thu thuế, gái điếm hay phường tội lỗi. Chúa Giêsu đã vượt qua biên giới của sự phân biệt bằng chính tình yêu, sự cảm thông và lòng thương xót của Ngài. Chúa gạt bỏ mọi ngăn cách, Ngài gặp gỡ những người bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị khinh bỉ loại trừ và hòa mình vào đám dân lao động. Chúa chọn các Tông đồ từ những người chài lưới thất học, tuy hơi cộc cằn nhưng đơn sơ, chân thành và nhiệt tình.

Chúa Giêsu không bị những thiên kiến hay khuynh hướng ràng buộc. Chúa hoàn toàn tự do trong việc giảng dạy và chọn lựa các Tông đồ. Chúa gọi và chọn những người xem ra tầm thường để thi hành những sứ vụ ngoại thường. Tâm hồn của các ngư phủ không bị ảnh hưởng bởi các bè phái chính trị, tôn giáo hay xã hội. Chúa nhìn vào cuộc sống đơn thành và sự nhiệt tâm của họ. Anrê, Phêrô, Gioan và Giacôbê là những môn đệ đầu tiên được Chúa chọn lựa. Họ đang chu toàn bổn phận của một người cha, người thợ và người công dân chân thật. Mặc dầu các ngài đã có những lần yếu đuối sa ngã nhưng sau khi đã phục thiện, các ngài là những chứng nhân anh hùng dám hy sinh mạng sống cho Thầy và vì Thầy.

Lạy Chúa, tâm hồn chúng con đang bị ngụp lặn trong những thành kiến và loại trừ lẫn nhau. Chúng con an vui tự tại trong những cách suy nghĩ của chúng con. Chúng con cứ tưởng rằng chúng con đang sống ổn định trong sự hoàn hảo thánh thiện. Trong khi đó chúng con lại đang gây gỗ và chia rẽ trong chính thân thể mầu nhiệm của Chúa. Chúng con nhân danh Chúa Kitô để bách hại, phân biệt và loại trừ nhau. Xin Chúa thương tha thứ lỗi lầm. Xin cho chúng con có trái tim rộng mở biết chấp nhận, thông cảm và nhìn ra những điều tốt lành nơi anh chị em chúng con.
 
Lời mời gọi
Lm. Xuân Hy Vọng
09:54 21/01/2021
LỜI MỜI GỌI

Kính thưa quý bà và anh chị em rất thân mến! Sống trong xã hội đầy dãy lời mời gọi này, lời kêu mời kia, chúng ta dường như bị cuốn vào dòng xoáy của biết bao quảng cáo, giới thiệu, quảng bá, kể cả khẩu ngữ tuyên truyền sáo rỗng. Với xa lộ thông tin thật thật giả giả tràn lan, khiến chúng ta bối rối, hoang mang, và đôi lúc chẳng thể nào đưa ra nhận định đúng đắn!

Chắc chắn, thời Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng không có những chương trình chiến lược quảng bá, khuyến mãi, giới thiệu như bây giờ. Cho nên, phương tiện kêu mời, thu hút sự chú ý của người nghe chủ yếu là lời nói, ngôn từ kèm theo cử chỉ, động tác cơ thể; hoặc sai người nào đại diện thay thế để mời gọi.

Chính vì vậy, khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã đưa ra lời mời căn nguyên và trọng yếu trước khi kêu mời những môn đệ bước theo Ngài: “Thời giờ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Lời kêu mời tuy ngắn ngủi, vắn tắt, nhưng chứa đựng toàn bộ lời mời gọi của Thiên Chúa đối với dân Is-ra-el trong thời Cựu ước, cũng như trong thời Tân ước, đặc biệt được đề cập trong các thư của Thánh Phao-lô. Như xưa, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Giô-na gọi mời dân thành Ni-ni-vê ăn năn, hoán cải, trở về với Chúa. Thú vị thay, Ni-ni-vê chẳng phải là dân Is-ra-el (hoặc Ni-ni-vê thường được gọi dân ngoại), và tiên tri Gio-na là người Is-ra-el, không ưa gì dân ngoại. Dĩ nhiên, vì chẳng ưa gì dân Ni-ni-vê, nên thoạt đầu, ông từ chối đến thông truyền lời kêu mời của Thiên Chúa cho dân ấy, và càng không muốn dân này được Thiên Chúa tha thứ. Tuy nhiên, sau sự kiện trọng đại, trên đường chốn Chúa, ông vẫn phải quay trở lại thành và kêu mời dân Ni-ni-vê ăn năn sám hối. Chuyện tiên tri Gio-na không mong muốn, không trông chờ lại diễn ra, đó là: “dân ngoại Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (x. Gn 3, 5). Hơn thế, Thiên Chúa thấy việc họ bỏ đường gian ác mà trở về, Ngài đã bao dung tha thứ.

Tương tự, lời nhắn nhủ tha thiết, thúc giục giáo đoàn Cô-rin-tô của Thánh Phao-lô cũng vậy “thời giờ vắn vỏi…những kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi” (x. 1Cr 7, 29.31). Có lẽ ở đời này, những hành động: lấy vợ gã chồng, khóc than, hân hoan, mua sắm, tận hưởng cuộc sống…như được đề cập là cần thiết và quan trọng, tuy nhiên, nếu so với lời kêu mời ăn năn, hoán cải, trở về với Thiên Chúa thì tất cả những việc trên chẳng nghĩa lý gì, đặc biệt, trong thời điểm quyết định “thời gian chẳng còn bao lâu nữa” (1Cr 7, 29), nên thánh nhân đã khuyên: hãy chú tâm đến lời mời gọi ăn năn, quay trở về với Chúa, hơn những gì được xem là trọng yếu và cần thiết trên, “từ nay ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng…” (x. 1Cr 7, 29-30).

Một cách rõ ràng hơn, lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su không lời nào khác ngoài sự kêu mời: “thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Ngài không nói: “hãy tin vào Tin Mừng và ăn năn sám hối!”. Hơn nữa, việc “ăn năn hoán cải, và tin vào Tin Mừng” phải được thực hiện ngay bây giờ và ngay lúc này, chứ không lần lựa, do dự, trì hoãn. Tâm tình nhận lỗi, thú nhận thiếu xót khiến chúng ta bước tới hành động quay về với Chúa, quay về với chân lý. Tâm hồn ngay thẳng đưa đôi chân chúng ta tiến tới thái độ muốn hoà giải, mong được thứ tha. Tâm tư xót xa lỗi tội khiến chúng ta hối cải, hoán đổi và sám hối. Những hành vi này đã là một tin vui, tin hân hoan, và tin thánh ân. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đủ, chưa trọn vẹn; mà hơn thế, đón nhận, tin vào và sống Tin Mừng nữa. Trong đời sống thường nhật, chúng ta rất nhanh nhẹn đáp lời mời của bạn bè, của xã hội, của mọi nhu cầu của gia đình và bản thân; ngược lại, chúng ta lại trì hoãn, do dự đáp trả lời mời gọi của Chúa qua Giáo hội, qua cộng đoàn, qua các thừa tác viên có chức Thánh, qua các biến cố, qua người này người kia. Chúng ta có xu thế coi trọng mọi điều khác, nhưng lại xem nhẹ lời kêu mời của Chúa. Đôi lúc, chúng ta cũng như ngôn sứ Gio-na không vui, không muốn người khác được Chúa tha thứ, bỏ qua và tệ hơn chẳng chịu hoán cải trở về như dân thành Ni-ni-vê đã lắng nghe, trở về.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta thật sự xét mình, nhìn lại quảng đường đã qua, cũng như kiên quyết đáp lại lời kêu mời của Chúa mỗi ngày “hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” với tinh thần nhanh nhẹn, không trì hoãn như cặp đôi anh em Thánh Phê-rô và Thánh Gia-cô-bê đã sẵn sàng bước theo tiếng Chúa mời gọi.

Lạy Chúa, xin đừng để con trì hoãn
Nhưng luôn kiên vững chứa chan sẵn sàng.
Đừng để con biện minh với (sự) bất toàn
Nhưng hằng hăng hái, bình an tâm hồn.
Ăn năn sám hối, tin vào Phúc m
Dù cho ngày tháng thăng trầm trôi qua
Vẫn luôn son sắt một đời thiết tha
Thực thi Lời Chúa, câu ca ân tình. Amen!
 
Suy Niệm Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
10:29 21/01/2021
Suy Niệm Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại

(25/01/2021)

Nói đến thánh Phaolô là nói đến mầu nhiệm ơn gọi tông đồ cũng như sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trên cuộc đời sứ vụ của ông.

Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một chàng có tên gọi là Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, có thể nói ông là người đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem, nhiệt thành đến nỗi, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.

Nói đến Phaolô là nói đến sử cải đạo của ông

Đối với Phaolô, con đường Damas là con đường thiên mệnh, con đường của Ý Trời. Con đường ấy đã thay đổi con người và cuộc đời của Phaolô 180 độ. Và con đường đó cũng đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng của lịch sử nhân loại.

Trong ánh sáng huy hoàng, Chúa Kitô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Saolô. Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Saolô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các người Kitô hữu. Sự mù lòa còn tượng trưng cho sự “vô tri”: Saolô không thấy Thiên Chúa, không biết Thiên Chúa, mà cứ tưởng như mình biết.

Chúa Kitô Phục Sinh muốn nhờ Giáo hội, qua Phép rửa, giải thoát Saolô khỏi sự “u mê lầm lạc”, vô tri. Phaolô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua Phép rửa, bấy giờ mới nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giêsu Kitô. Phaolô ngã xuống đất và suốt ba ngày không nhìn thấy, không ăn, không uống, giống như người “chết rồi mới sống lại với Chúa”. Saolô được thông phần cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, được Chúa Cha mạc khải cho biết mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu. Từ đó trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các dân ngoại.

Rõ ràng là ý Trời, Trời đã can thiệp vào cuộc đời của Saolô bằng Tình yêu đặc biệt. Chính Thiên Chúa đã nói qua miệng ông Khanania, và Phaolô sau này lập đi lập lại nhiều lần. Thiên Chúa đã tuyển chọn Saolô một người duy nhất giữa muôn người. Cú ngã ngựa trên đường Đamat, biến Saolô thành chứng nhân vĩ đại là Phaolô, một người ngoài nhóm 12 tông đồ, để trao cho sứ mạng làm “Tông đồ Dân ngoại”, biệt danh này không ai có, ngoại trừ Phaolô. Và từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca của vị Tông đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Ý Trời, hay ý muốn của Chúa Giêsu, Người mà ông đã ghét cay ghét đắng, căm thù đến tận xương tủy, khi chưa có dịp gặp, mà chỉ nghe nói đến do những kẻ thù của Chúa. Nhưng khi ông đã gặp Chúa Giêsu, tất cả đều thay đổi.

Chúa Kitô Phục Sinh đã đổi mới tư tưởng và trái tim của Phaolô. Không biết Đức Giêsu tại thế, Phaolô đã ghét cay ghét đắng và sát hại không thương tiếc các môn đệ của Người. Giờ đây trái tim của Phaolô được Chúa Giêsu chiếm lĩnh như chiếm đoạt trái tim của người yêu ( Pl 3, 12 ). Và Phaolô trở nên như một “người tình” của Chúa Giêsu, đến nỗi Phaolô phải thú nhận: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” ( Gl 2, 20 ).

Đúng như Phaolô viết : “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5, 14), tất cả nhiệt tình nơi con người và cuộc đời Phaolô đều phát xuất từ mối tình đó: Tình yêu của Chúa Kitô là “chủ thể yêu thương Phaolô”, Tình yêu Chúa Kitô là “đối tượng mà Phaolô yêu mến”. Tâm trí của Phaolô đã hoàn toàn mở ra cho Chúa Kitô, và vì thế có khả năng mở rộng cho mọi người, Phaolô trở nên tất cả cho mọi người (1 Cr 9, 12), sẵn sàng làm mọi sự cho “Tin mừng Tình yêu” mà người rao giảng.

Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9,3-18; 2 Cr11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại hùng hồn kể về những ”… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm và ra vào tù nhiều lần.

Nói đên Phaolô là nói đến vị Tông đồ của mọi thời đại

Phaolô đã trở thành vị “Tông đồ của mọi thời đại”. Là Do thái với người Do thái, Hy lạp với người Hy lạp, là người tự do, nhưng trở thành nô lệ của mọi người để phục vụ mọi người ( 1 Cr 9, 19 – 21 ), Phaolô cũng có thể là Việt Nam với người Việt Nam, là Thái với người Thái, Phi với người Phi, Hàn quốc với người Hàn quốc.

Không những là “con người của Tình yêu”, Phaolô còn là “con người của chân lý”. Đối với Phaolô, chân lý là “Tin mừng Chúa Giêsu Kitô” “Chân Lý về một Tình Yêu mạnh hơn sự chết”, đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, trở thành nơi hội tụ của toàn thể nhân loại, toàn thể thế giới thụ tạo của Thiên Chúa.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 54 ngày cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng, ngày quan trọng này với chủ đề : “Lời khẩn cầu của Chúa Giêsu”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta tuân hành giới luật yêu thương, hầu chúng ta có thể gặt hái được nhiều hoa trái. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để nguyện vọng của Chúa Giêsu được hoàn thành, tất cả chúng nên một: tình hiệp nhất luôn luôn cao trọng hơn những xung đột. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican cho biết phiên tòa xét xử người phụ nữ Ý với cáo buộc tham ô sẽ sớm bắt đầu
Đặng Tự Do
16:15 21/01/2021


Cecilia Marogna, 39 tuổi, người Sardinia, quê hương của Đức Hồng Y Angelo Becciu, đã bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của Vatican từ các khoản thanh toán hơn 500,000 euro (khoảng 600,000 Mỹ Kim) mà cô nhận được từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thông qua công ty có trụ sở tại Slovenia của cô trong năm 2018 và 2019.

Marogna nói rằng cô ấy đã làm việc cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với tư cách là một nhà tư vấn và chiến lược an ninh. Cô thừa nhận đã nhận hàng trăm nghìn euro từ Vatican nhưng khẳng định số tiền này là tiền lương và tiền trả cho công việc tư vấn cho Vatican của cô.

Marogna đã bị giam giữ sau khi bị bắt vào ngày 13 tháng 10 theo một lệnh tầm nã quốc tế do Vatican ban hành thông qua Interpol.

Một tòa án phúc thẩm ở Milan hôm 30 tháng 10 đã quyết định thả Marogna khỏi nhà tù San Vittore của thành phố với điều kiện hàng ngày cô phải trình diện với cảnh sát địa phương.

Vào tháng 12, Tòa Giám Đốc Thẩm, là tòa án cao nhất của Ý, đã hủy bỏ yêu cầu của tòa dưới là hàng ngày cô phải trình diện với cảnh sát địa phương.

Truyền thông Ý cáo buộc rằng các khoản tiền dành cho mục đích nhân đạo đã được sử dụng cho các chi phí cá nhân của cô Marogna, bao gồm cả việc lưu trú tại các khách sạn sang trọng và mua sắm các bóp đầm hàng hiệu. Nhưng Marogna khẳng định rằng những món quà đắt tiền này “được dùng để tạo mối quan hệ hợp tác”.

Truyền thông cũng tuyên bố rằng các khoản thanh toán đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đức Hồng Y Angelo Becciu, lúc ấy là “sostituto” tức là Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hay nhân vật thứ hai tại Phủ Quốc vụ khanh,

Hồng Y Becciu đã từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ quyền Hồng Y vào ngày 24 tháng 9, vì có liên quan đến nhiều vụ tai tiếng tài chính có từ thời ngài còn làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Trong một tuyên bố báo chí được đưa ra thông qua luật sư của mình vào ngày 7 tháng 10, cựu quan chức thứ ba của Vatican, chỉ sau Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã phủ nhận một loạt các cáo buộc được đưa ra trên các phương tiện truyền thông Ý sau khi ngài được yêu cầu từ chức và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y một cách đầy kịch tính hôm 24 tháng 9 vừa qua.

Ngài đã bác bỏ cáo buộc được tung ra vào đầu tháng 10, theo đó ngài đã chuyển tiền của Vatican mà không có sự giám sát thích hợp cho một phụ nữ 39 tuổi cư ngụ ở đảo Sardinia, quê hương của ngài.

“Các liên hệ với Cecilia Marogna hoàn toàn chỉ liên quan đến việc công,” vị Hồng Y cho biết trong tuyên bố được đưa ra bởi Fabio Viglione, người đại diện cho ngài sau khi luật sư trước đây của ngài, là Ivano Iai, từ chức.


Source:Catholic News Agency
 
Facebook xóa video bình luận của Hồng Y Mễ Tây Cơ
Đặng Tự Do
16:15 21/01/2021


Facebook đã xóa một video bình luận từ Đức Hồng Y Juan Sandoval Iñiguez của Guadalajara, vì cho rằng video này đã lan truyền thông tin sai lệch về COVID-19.

Semanario Arquidiocesano Guadalajara - dịch vụ thông tin của Tổng giáo phận Guadalajara - đã đăng một ảnh chụp màn hình từ video trên trang Facebook của mình vào ngày 13 tháng Giêng, cùng với văn bản, “Hồng Y Juan Sandoval đã tố cáo việc áp đặt trật tự thế giới mới, vài giờ sau video của ngài đã bị kiểm duyệt”. Cơ quan thông tin của tổng giáo phận cũng đăng video trên trang web thông thường của mình, cùng với một câu chuyện về việc video bị Facebook xóa như thế nào.

Ảnh chụp màn hình cho thấy một thông báo nổi bật, “Thông tin sai lệch: Video này lặp lại thông tin về COVID-19, mà những người kiểm tra thông tin độc lập đã chỉ ra là sai trái”.

Video của Đức Hồng Y Juan Sandoval Iñiguez có tiêu đề “Âm mưu của một trật tự thế giới mới”. Mở đầu Đức Hồng Y Sandoval nói: “Điều này sẽ diễn ra trong một thời gian dài”.

Ngài cảnh giác “Đại dịch này sẽ không kết thúc trong một hoặc hai tháng, có lẽ không phải năm nay, có lẽ không phải sau ba, bốn, năm, hay sáu năm nữa. Đó là những gì những người này muốn”.

Đức Hồng Y bày tỏ quan ngại rằng những kẻ theo thuyết Great Reset, hay Đại Tái Lập đã lấy lý do tình trạng khẩn cấp do đại dịch coronavirus gây ra để đóng cửa các nhà thờ triền miên. Lo ngại của ngài xuất phát từ sự kiện là hồi tháng 5, 2020, trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davao, những người chủ trương thuyết này đã hô hào rằng đại dịch COVID-19 là một cơ hội độc đáo, có một không hai, để thiết lập một trật tự thế giới mới, trong đó loại bỏ ảnh hưởng của Giáo Hội trong đời sống xã hội.

Russell Ronald Reno, chủ biên tờ First Things nhận định trong bài “The Political Power of Big Tech”, nghĩa là “Sức mạnh chính trị của các gã công nghệ khổng lồ” như sau:

Các accounts của Tổng thống Trump đã bị đình chỉ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Trong khi đó, Parler, ứng dụng không bị kiểm duyệt để thay thế cho Twitter, đang bị các gã khổng lồ công nghệ bóp nghẹt. Apple và Google xóa ứng dụng Parler khỏi stores của họ và Amazon loại bỏ ứng dụng này khỏi máy chủ của mình. Một nhà báo bảo thủ có lượng người theo dõi lớn trên Twitter báo cáo rằng anh mất 100 người theo dõi mỗi giờ. Anh ngờ rằng mình có thể là nạn nhân của một nỗ lực quyết liệt nhằm thanh trừng toàn diện.

Về mặt kỹ thuật, Twitter và Facebook không vi phạm luật khi kiểm duyệt nội dung, giống như Amazon từ chối cung cấp dịch vụ cho Parler (hoặc bất kỳ ai mà họ muốn). Luật pháp của chúng ta coi các thực thể này là doanh nghiệp tư nhân, tự do liên kết và ký hợp đồng với bất kỳ ai họ muốn. Nhưng với sự kiểm soát gần như tuyệt đối của họ trên phương diện thông tin, cách hành động của họ chung cuộc đặt vào tay họ quyền quyết định giới hạn tự do ngôn luận cho toàn xã hội. Theo nghĩa thực tế, họ đang hình thành luật pháp cho cả đất nước, và cả thế giới mặc dù về mặt kỹ thuật họ đang hành động như các tư nhân.


Source:First Things
 
Chuyến tông du Iraq của Đức Thánh Cha trở nên bấp bênh hơn bao giờ sau vụ tấn công khủng bố ở Baghdad
Đặng Tự Do
16:43 21/01/2021


Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Iraq từ 5 đến 8 tháng Ba, chấm dứt 15 tháng gián đoạn các chuyến tông du bên ngoài Italia của ngài. Tuy nhiên, hy vọng cho chuyến tông du Iraq của Đức Thánh Cha trở nên bấp bênh hơn bao giờ sau vụ tấn công khủng bố kép ở Baghdad vào sáng thứ Năm 21 tháng Giêng làm rung chuyển thủ đô Baghdad.

Các quan chức Iraq cho biết, ít nhất 32 người đã thiệt mạng và 110 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát kép xé nát một khu vực sầm uất ở trung tâm Baghdad vào sáng thứ Năm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Yahya Rasool cho biết một trong hai thủ phạm đã dụ đám đông đến gần mình trong một khu chợ ở trung tâm Quảng trường Tayaran bằng cách giả bệnh té xuống đất và kêu la cầu cứu. Khi đám đông những người tốt bụng đến gần, y kích hoạt chất nổ quấn quanh người.

Rasool cho biết, kẻ đánh bom thứ hai đã tấn công khi mọi người xúm lại giúp đỡ các nạn nhân của cuộc tấn công đầu tiên.

Đây là vụ nổ bom tự sát đầu tiên ở Baghdad kể từ tháng Giêng năm 2018, khi 35 người thiệt mạng và 90 người bị thương tại cùng một quảng trường vừa bị tấn công.

Các video từ cuộc tấn công hôm thứ Năm cho thấy cảnh hỗn loạn, với những người chạy tìm chỗ ẩn nấp và các thi thể nằm rải rác trên vỉa hè và đường.

Bộ Y tế cho biết các bệnh viện của thủ đô đã được huy động để điều trị những người bị thương. Trong khi các quan chức cho rằng số người chết có thể sẽ tăng lên vì nhiều người bị thương trong vụ tấn công đang trong tình trạng nguy kịch.

Không ai ngay lập tức nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng Sajad Jiyad, một nhà phân tích Iraq và là thành viên của tổ chức tư vấn The Century Foundation cho biết: “Kiểu tấn công này mang dấu ấn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, là những kẻ đã nhắm vào các khu vực dân cư đông đúc ở Baghdad bằng các cuộc tấn công liều chết như thế nhiều lần trong quá khứ.”

Jiyad nói: “Điều này cho thấy một sự thất bại về an ninh của chính phủ, những người đã được cảnh báo rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn đang hoạt động và trong những ngày gần đây, nó đã nhắm vào cơ sở hạ tầng và các khu vực nông thôn với các cuộc tấn công tương tự”.

Ông nói: “Đối với người Iraq, đây là một diễn biến đáng lo ngại, làm mất niềm tin vào lực lượng an ninh và làm tăng thêm mức độ căng thẳng với các vấn đề địa chính trị, kinh tế và đại dịch.

Iraq tuyên bố ISIL bị đánh bại vào cuối năm 2017 sau một chiến dịch kéo dài 3 năm khốc liệt. Nhưng các cuộc tấn công của ISIL trên khắp đất nước đã gia tăng trở lại trong năm qua, đặc biệt là ở miền bắc Iraq nơi các thành phần nằm vùng vẫn đang hoạt động.


Source:Al Jazeera
 
Đức Thánh Cha bày tỏ thương đau về các vụ nổ bom ở Iraq
Thanh Quảng sdb
16:49 21/01/2021
Đức Thánh Cha bày tỏ thương đau về các vụ nổ bom ở Iraq

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án hai vụ nổ bom ở thủ đô Iraq khiến ít nhất 32 người chết và hơn 100 người khác bị thương.

(Tin Vatican - Linda Bordoni & Nathan Morley)

Hôm thứ Năm (21/1/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án hai vụ tấn công tại một khu chợ ở Baghdad và mô tả các vụ tấn công là “một hành động tàn bạo vô liêm xỉ”.

Ít nhất có 32 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Trong một điện thơ do Đức Hồng Y Ngoại trưởng Pietro Parolin gửi đi thay thế cho ĐTC, Đức Thánh Cha cho biết ngài cầu nguyện "cho các nạn nhân đã qua đời và gia đình của họ, cho những người bị thương và những nhân viên cứu hộ..."

ĐTC hy vọng đất nước Iraq sẽ tiếp tục vươn lên, thắng vượt bạo lực bằng "tình huynh đệ, đoàn kết và hòa bình", và ĐTC khẩn cầu Thiên Chúa ban phước lành cho đất nước và người dân Iraq.

ĐTC Phanxicô dự kiến sẽ thực hiện chuyến Tông du đầu tiên đến Iraq từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 năm nay để thăm Baghdad cùng bốn thị trấn khác.

Các cuộc tấn công hiếm hoi vào thủ đô Iraq

Trong những năm gần đây, các vụ đánh bom cảm tử ít xảy ra ở thủ đô, kể từ sau cái thất bại của quân đội nhà nước Hồi giáo, vì vậy vụ tấn công này đã gây chấn động cả nước.

Các báo cáo cho rằng những kẻ đánh bom đã tự sát ở ngay trung tâm Baghdad khi chúng bị cảnh sát truy đuổi.

Vụ tấn công được thực hiện bởi hai kẻ đánh bom cảm tử tại khu chợ trời bán quần áo sầm uất nhất ở Quảng trường Tayaran.

Các dịch vụ y tế đã có mặt ở hiện trường để đưa những người bị thương đến các bệnh viện và các trung tâm y tế ở thủ đô.

Đây có phải là cuộc tấn công của ISIS?

Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ tấn công mới này, nhưng nhiều suy đoán là tổ chức Nhà nước Hồi giáo đứng sau hành động tàn bạo này. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc ước tính có hơn 10.000 chiến binh IS vẫn hoạt động ở Iraq và Syria.

Người ta cho rằng các tổ chức này thầm lặng nhưng âm ỉ hoạt động ở các vùng nông thôn và các thị trấn nhỏ, nhưng hiếm khi mạo hiểm tiến vào thủ đô.

Vụ tấn công cảm tử cuối cùng ở Baghdad cách đây 3 năm, đã làm cho hơn 30 người thiệt mạng ở cùng một địa điểm.

Hành động tàn bạo này diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ cho biết cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào tháng 6, sẽ được hoãn lại cho đến ít nhất là tháng 10 năm nay.
 
Điện chia buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô với tổng thống Iraq về vụ đánh bom Baghdad
Đặng Tự Do
16:54 21/01/2021
Trước các tin tức bi đát về cuộc tấn công khủng bố sáng 21 tháng Giêng khiến ít nhất 32 người thiệt mạng và 110 người bị thương, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi tới Tổng thống Cộng hòa Iraq, Ngài Barham Salih, bức điện sau:

Thưa Ngài Barham Salih

Tổng thống Cộng hòa Iraq

Baghdad


Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau buồn khi biết về vụ đánh bom tại Quảng trường Tayaran ở Baghdad sáng nay. Ngài lên án hành động tàn bạo vô nghĩa này, và cầu nguyện cho những nạn nhân đã qua đời và gia đình của họ, những người bị thương và những nhân viên cấp cứu có mặt. Tin tưởng rằng tất cả sẽ tiếp tục làm việc để vượt qua bạo lực với tình huynh đệ, đoàn kết và hòa bình, Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu Đấng Tối Cao chúc lành cho quốc gia và dân tộc của ngài.

+ Đức Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
 
Gieo gió thì gặp bão? Phe Tả hết biểu tình chống Trump thì xoay qua chống Biden
Trần Mạnh Trác
17:24 21/01/2021
Nhân dịp lễ nhậm chức cuả ông Biden, những tin tức thổi phồng trước đó cho rằng phe ủng hộ ông Trump sẽ làm loạn ở mọi thủ phủ cuả các tiểu bang đã không xẩy ra. Tuy vẫn có một vài trường hợp lẻ tẻ với một hai người đơn độc mang khẩu hiệu phản đối này nọ, nhưng đấy thì không có thể gọi là lạ tại cái xứ Hoa Kỳ này, đó phải gọi là một ngày nhàm chán thì đúng hơn.

Nhưng cái lạ là ở chỗ này, đáng lẽ phải có những đám đông tuá ra ăn mừng chiến thắng ở các ‘ổ kiến lửa’ cuả đảng Dân Chủ thì mới đúng. Nhưng thay vì vui mừng, họ lại tức giận đập phá để phản đối …ông Biden!

Sao lại phản đối ông Biden? Người đã hậu thuẫn cho họ từ nhiều năm qua, và suốt một chiều dài cuả cuộc tranh cử để gây khó khăn cho chính quyền Trump?

Phải chăng “gieo gió thì gặp bão”? Phải chăng sau khi “nuôi ong tay áo,” bây giờ chính quyền Dân Chủ mới này sẽ phải gánh chịu những hậu quả cuả việc “vuốt râu cọp” trước những đám “kiêu binh” nói trên?

Hy vọng là không phải như thế, vì những ai đang lo lắng cho vận mạng cuả Hoa Kỳ thì đều mong mỏi sẽ bắt đầu một thời gian để hàn gắn và để xây dựng quốc gia. Nhưng những biến cố vừa xảy ra đã không báo hiệu một sự bắt đầu khả quan cho lắm.

Tại Oregon, theo tin cuả AP, Reuter, New York Times, Hill, The Oregonian, OregonLive cho biết thì những người biểu tình chống chính phủ đã đập vỡ cửa sổ cuả trụ sở Đảng Dân chủ ở Portland sau khi biểu tình nhân ngày nhậm chức.

Một nhóm khoảng 150 người đã tuần hành đến trụ sở của Đảng Dân chủ vào chiều thứ Tư như là một phần của bốn cuộc biểu tình diễn ra trong thành phố.

Mặc dù Cảnh sát Portland cho biết hai cuộc biểu tình là "phần lớn hòa bình", nhưng hai cuộc biểu tình khác đã "dẫn đến thiệt hại tài sản và những bắt giữ." Theo báo cáo thì một số người biểu tình đã đập vỡ cửa sổ cuả trụ sở đảng Dân chủ, khiến cảnh sát phải thực hiện "8 vụ bắt giữ có chọn lọc."

Cảnh sát cho biết đám đông đã vây bắt các sĩ quan và ném đồ vật vào họ, các sĩ quan cảnh sát đã phải ném khói cay để thoát thân.

Các tội danh bao gồm trọng tội phá phách, sở hữu vũ khí và thiết bị để phá hoại và bạo loạn.

Một số vũ khí đã được thu hồi, gồm có cocktail Molotov, dao, dùi cui, bình xịt hóa chất và xà beng.

Tờ Los Angeles Times đưa tin rằng đám đông mặc đồ đen, đội mũ bảo hiểm và có áo giáp.

Khi tuần hành, họ cầm biểu ngữ với nội dung "Chúng tôi không muốn Biden - chúng tôi chỉ muốn trả thù".

Họ cũng hô vang "Black Lives Matter,” Tuy nhiên số người lãnh đạo địa phương của BLM nói rằng họ không liên quan đến các cuộc biểu tình ấy.

Tờ New York Times thì đưa tin những người biểu tình đã lật các thùng chứa rác và châm lửa đốt.

Một nhóm 150 người cũng đã đến văn phòng Di trú và Hải quan (ICE) của thành phố lúc 9 giờ tối, một số người có mang súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đá, khiên và đá, ném vào tòa nhà.

Cảnh sát phải nhờ lực lượng liên bang để giải tán đám đông đó.

Đảng Dân chủ Oregon cho biết rằng họ "thất vọng và thất vọng" trước những thiệt hại tại trụ sở chính.

"Chúng tôi rất biết ơn đã không có nhân viên nào ở trong tòa nhà vào thời điểm đó", một tuyên bố cuả đảng này nói. "Đây không phải là lần đầu tiên tòa nhà của chúng tôi bị phá hoại trong năm qua - nhưng không có sự cố nào ngăn cản chúng tôi thực hiện công việc quan trọng của chúng tôi là bầu các đảng viên cho các chức vụ từ trên xuống dưới, và lần này thì sẽ không khác gì."

Cũng theo The New York Times, một cuộc biểu tình khoảng 150 người cũng nổ ra ở Seattle. Họ đập vỡ các cửa sổ và sơn biểu tượng của chủ nghĩa vô chính phủ tại tòa án liên bang. Đám đông hô vang khẩu hiệu chống cả Trump lẫn Biden, và một tờ rơi được phát ra nói rằng, "Một chính quyền cuả đảng Dân Chủ không phải là một chiến thắng cho những người bị áp bức."

The Seattle Times đưa tin, đám đông kêu gọi bãi bỏ Cơ quan Nhập cư và Hải quan, đồng thời bên ngoài tòa án di trú cuả liên bang, họ đã đốt một lá cờ Mỹ

Cảnh Sát Seattle báo cáo đã bắt giữ ba nghi phạm về tội gây thiệt hại tài sản, trộm cắp và hành hung. Những người biểu tình đã phá hoại "nhiều tòa nhà và công trình kiến trúc bằng những hình vẽ bậy”.

Ở Denver (Colorado?) cũng có biểu tình, họ đã đốt cờ Mỹ và trong số người tham gia thấy có các thành viên Black Lives Matter, họ hô vang các khẩu hiệu chống Trump và chống Biden.
 
Lm O’Donovan, Dòng Tên, Đọc Kinh Cầu Xin Chúa Trong Lễ Tuyên Thệ Nhậm Chức Của TT Joe Biden
Đình Thông
18:31 21/01/2021
Trưa ngày 20/01/2021, trong lễ tuyên thệ nhậm chức của vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, linh mục Leo O’Donovan đã tuyên đọc kinh cầu xin Thiên Chúa, trước khi tân tổng thống đặt tay trên cuốn Kinh Thánh đọc lời tuyên thệ.

Cha O’Donovan là linh mục dòng Tên và là nhà thần học, linh hướng của vị tổng thống Công Giáo thứ hai của nước Mỹ, sau tổng thống Kennedy.

Năm 1992, con trai của ông Joe Biden là Hunter theo học tại Đại học Dòng Tên Georgetown tại thủ đô Washington. Khi đó, cha O’Donovan là viện trưởng, còn ông Biden là thượng nghị sĩ. Linh mục O’Donovan đã yêu cầu vị thượng nghị sĩ nói chuyện về vai trò của đức tin trong sự dấn thân chính trị (la place de sa foi dans son engagement politique). Năm 2011, nhật báo Esquire thuật lại lời ông Biden, theo đó đây là lần đầu tiên, ông nói về đức tin Công Giáo trước công chúng.

Năm 2015, cha O’Donovan chủ sự thánh lễ an táng Beau Biden, trưởng nam của Biden, mất năm 46 tuổi. Vào thời điển này, ông Biden là phó tổng thống.

Cha O’Donovan sinh quán ở New York, du học tại Đại Học Công Giáo Paris, sau đó gia nhập dòng Tên. Cha đậu tiến sĩ và là giáo sư thần học. Từ 1989 đến 2001, vị linh mục này được bầu làm viện trưởng Đại Học Georgetown. Ngài đã hủy bỏ việc tài trợ cho một hiệp hội sinh viên ủng hộ việc phá thai.

Năm 2016, cha O’Donovan là giám đốc đặc trách người tỵ nạn của dòng Tên. Ông Biden đã viết lời tựa tác phẩm Blessed Are The Refugees : Beatitudes of Immigrant Children do cha O’Donovan biên soạn (xin tạm dịch : Phúc thay cho những người tỵ nạn. Phúc thật cho con cái di dân).

Ông Joe Biden đã cho biết cha O’Donovan đã mang lại cho cá nhân ông và cả gia đình ông sự khôn ngoan và sức mạnh tinh thần. Ông luôn biết ơn ngài đã cử hành và giảng thuyết trong lễ an táng con trai ông.’’

Vào tháng 11/2020, ông Biden tuyên bố sẽ tăng số người tỵ nạn từ 15 000 lên 125 000 một năm.

Việc một linh mục đọc kinh cầu trong lễ nhậm chức là sáng kiến riêng của tân tổng thống Joe Biden.

Lê Đình Thông
 
Biden và các Giám Mục Hoa Kỳ sẽ gay cấn dài dài
Vũ Văn An
20:09 21/01/2021

Trong bài phân tích đăng trên pillarcatholic.com, Tiến sĩ JD Flynn nhận định rằng ngay sau khi Tổng thống Biden khởi đầu nhiệm kỳ, các Giám Mục Hoa Kỳ chắc chắn sẽ bị chế giễu là những chiến binh của mặt trận văn hóa và là những người bị phá thai ám ảnh, không chịu tìm cơ sở chung với chính phủ của vị tổng thống Công Giáo thứ hai.



Thực thế, kiểu chỉ trích đó đã bắt đầu. Nó bắt đầu ngay sau khi Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez tuyên bố vào tháng 11 rằng ngài sẽ thành lập một nhóm làm việc trong hội đồng giám mục Hoa Kỳ để đánh giá những thách thức độc đáo đặt ra bởi một tổng thống Công Giáo mâu thuẫn với tín lý Công Giáo trên một số mặt trận chính sách chủ chốt và để khai triển một chiến lược nhằm làm việc với chính phủ Biden.

Sau khi nhóm làm việc được công bố, ít nhất một số nhà bình luận Công Giáo đã dùng diễn đàn của họ để cho rằng các giám mục Hoa Kỳ là những người Cộng hòa dấu mặt chỉ biết một vấn đề, những người chống đối Biden sau khi thông qua chính phủ Trump.

Trình thuật trên sẽ được khuếch đại sau lễ nhậm chức của Biden. Hội đồng giám mục sẽ bị tố cáo là không sẵn lòng làm việc với Biden, không sẵn lòng tìm kiếm cơ sở chung với chính phủ của ông, và không sẵn lòng mừng vui đối với cuộc bầu cử một người Công Giáo vào chức vụ tổng thống.

Tuy nhiên, điều dường như không được thảo luận là Biden, không phải các giám mục, sẽ lên khuôn cho mối liên hệ của chính phủ ông với hội đồng giám mục.

Nhiều điều cần được làm trong những ngày tới về tư cách Công Giáo của Tổng thống Joe Biden. Biden sẽ tham dự Thánh lễ trước khi nhậm chức, bổ sung Nội các của ông bằng những người Công Giáo, và trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các bài diễn văn chính của ông. Ông đã dùng nhiều lời hoa mỹ nói về sự đoàn kết và hàn gắn quốc gia để lên khuôn các mục tiêu của chính phủ ông.

Nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy tổng thống sắp tới không có kế hoạch tìm kiếm cơ sở chung cho các vấn đề bị các giám mục Hoa Kỳ lớn tiếng nói tới nhất.

Biden đã đoan hứa sẽ đảo ngược lệnh cấm lâu đời về việc liên bang tài trợ phá thai, sẽ hệ thống hóa việc bảo vệ pháp lý cho việc phá thai thành luật liên bang và đấu tranh cho Đạo luật Bình đẳng, một đạo luật bị các Giám Mục Hoa Kỳ cho rằng sẽ cản trở nghiêm trọng hoạt động của các tổ chức dịch vụ xã hội dựa trên tôn giáo, các bệnh viện, các nhà cung cấp việc nhận con nuôi và các trường học. Biden cũng đã cho biết ông sẽ loại bỏ các miễn trừ lương tâm đối với mệnh lệnh ngừa thai của Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng.

Biden có thể nghĩ các giám mục sai trong các vấn đề trên, nên các kế hoạch của riêng ông để giải quyết chúng cho thấy ý kiến đóng góp từ các giám mục Hoa Kỳ, và cơ sở chung với những người Công Giáo bảo thủ về mặt xã hội, sẽ không phải là ưu tiên đối với chính phủ của ông.

Nếu Biden không sẵn lòng thỏa hiệp, điều chỉnh hoặc đối thoại về các vấn đề ưu tiên đối với các giám mục, thì các giám mục gần như chắc chắn sẽ lên tiếng. Khi các ngài làm vậy, các ngài, chứ không phải chính phủ Biden, sẽ bị các nhà bình luận Công Giáo vạch mặt chỉ tên cho là bất hợp tác.

Câu chuyện trên không hoàn toàn phù hợp với sự kiện, cũng không phải là câu chuyện đặc biệt mới lạ gì.

Trong bốn năm qua, các giám mục Hoa Kỳ đã bị chỉ trích nặng nề từ những người Công Giáo ủng hộ Trump; họ tô vẽ hội đồng giám mục như những người phản đối Trump theo phản xạ, hoặc rao bán thứ biệt danh cũ cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là: “Đảng viên Dân chủ đang cầu nguyện”.

Một số người Công Giáo trên đã chỉ trích nhóm làm việc của các giám mục về di dân, được thành lập để phản ứng đối với việc bầu Trump và cả ủy ban đặc nhiệm của các giám mục về phân biệt chủng tộc, được thành lập sau cuộc biểu tình “Đoàn kết cánh hữu” ở Charlottesville năm 2017.

Đối với toàn bộ chính phủ Trump, các giám mục đã được những người bảo thủ xã hội Công Giáo cứng rắn khuyến khích chuyên chú vào các bí tích đừng pha mình vào chính trị.

Nhưng ngay cả khi ủng hộ ông về phá thai, các giám mục cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc khuyên răn chính phủ Trump về các vấn đề quan trọng: di dân, án tử hình, lời lẽ châm chọc và gây chia rẽ. Chính phủ dọn bàn, còn các giám mục thì đáp ứng. Điều này cũng sẽ đúng vào thời chính phủ Biden. Các giám mục sẽ cảm thấy buộc phải lớn tiếng về vấn đề phá thai, ý thức hệ giới tính và tự do tôn giáo, và một nhóm người Công Giáo lớn tiếng khác sẽ cáo buộc các ngài là gây chia rẽ, có óc đảng phái và không sẵn lòng muốn thấy một bức tranh lớn hơn.

Như đã xảy ra trong bốn năm qua, cũng sẽ có phản ứng ngược lại: bất kể các giám mục làm gì hoặc nói gì, một số người bảo thủ xã hội sẽ cho rằng các ngài là những người ủng hộ Biden dấu mặt, giống như một số người cấp tiến đã dành bốn năm qua để nói rằng các giám mục là thành viên của Vũ Trụ Làm Mỹ Vĩ Đại Trở Lại.

Nihil novum sub sole (không có gì mới lạ dưới ánh mặt trời), như người ta vốn nói.

Sẽ có một số phức tạp bổ sung trong chính phủ Biden. Đầu tiên, Biden là một người Công Giáo thực hành. Khi tổng thống ủng hộ một chính sách trái ngược với giáo huấn xã hội Công Giáo, các giám mục sẽ cảm thấy cần phải nói cả một cách tổng quát về lợi ích chung, lẫn một cách chuyên biệt, trong tư cách mục tử của tổng thống Công Giáo. Việc lớn tiếng đó có nghĩa là những bất đồng sẽ được cảm nhận như có tính bản thân hơn và do đó, sự căng thẳng chắc chắn sẽ gia tăng lên đáng kể. Nó cũng sẽ làm gia tăng sự xung đột giữa các giám mục với nhau, khi các ngài bất đồng công khai về các phương thức mục vụ thích đáng.

Thứ hai, những người ủng hộ Biden và các nhà chiến lược chính trị sẽ tìm cách xây dựng một động lực Công Giáo theo hình tam giác, không phải hệ nhị phân. Biden tự nhận mình là “Công Giáo của Giáo hoàng Phanxicô”, và cả tổng thống lẫn những người ủng hộ Công Giáo của ông sẽ cố gắng hết sức để gợi ý cho rằng Biden và giáo hoàng là liên minh, trong khi giáo hoàng và các giám mục của ngài chia rẽ sâu sắc. Vẫn còn phải xem xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ lèo lái sự căng thẳng đó ra sao hoặc chọn truyền đạt tình liên đới với các giám mục Hoa Kỳ.

Sự phức tạp thứ ba là bầu không khí chính trị gia tăng trong đó Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức, đã leo thang từ những năm tháng ngôn từ phá hoại đến một năm đầy bạo lực chính trị thực sự, một bạo lực khó có thể sớm hạ gục. Đối với người Công Giáo, làm tăng thêm điều đó là tiếng nói ăn khách của những nhân vật như Tổng giám mục Carlo Vigano, người chắc chắn sẽ tiếp tục khuyến khích sự ngờ vực có tính chung cục (apocalyptic) đối với các định chế và diễn trình dân sự Hoa Kỳ, và sự ngờ vực ngang ngửa như thế đối với các định chế và nhân vật giáo hội. Tất nhiên, một số hoài nghi đối với các định chế đó là điều xứng đáng, nhưng trong vài năm gần đây, một lượng lớn những người Công Giáo không hài lòng một cách cuồng nhiệt ngày càng lớn hơn - đủ lớn hơn để bao gồm một cách khá thường xuyên cả một giám mục giáo phận đang tại chức - và các giám mục Hoa Kỳ dường như không biết chắc phải giải quyết thực tại ngày một gia tăng đó ra sao.

Các giám mục sẽ phải đấu tranh với việc thay đổi các liên minh, các triết lý, và các đường đứt gẫy suy tư chính trị cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội. Khi cả nước phải đối diện với một cuộc chiến toàn diện cho tương lai của đảng Cộng hòa, và hố sâu ngăn cách giữa những người cấp tiến và ôn hòa trong đảng Dân chủ, ngày càng nhiều người Công Giáo đang tìm kiếm những cách suy nghĩ hoàn toàn mới - tránh cả chủ nghĩa cấp tiến tự do và các liên minh cũ của cánh hữu. Người Công Giáo nằm trong số các nhà lãnh đạo trí thức đề xuất và thử nghiệm các cách tiếp cận và liên minh chính trị mới, và không phải tất cả các giám mục đều được hoàn toàn động viên để tham gia các cuộc tranh luận mới phát hiện này. Tuy nhiên, hội đồng sẽ có lợi khi hiểu được chúng.

Cuối cùng, hội đồng giám mục sẽ tự thay đổi trong bốn năm tới, khi cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước chắc chắn sẽ nhân thừa các tai ương kinh tế vốn có sẵn từ trước, và khi một số giám mục và nhân viên bắt đầu đặt câu hỏi liệu mô hình tổ chức, vận động và tham gia chính trị của hội đồng có tạo nên sự khác biệt nào không.

Đối với Giáo hội, Chính phủ Biden sẽ không đơn giản là một việc quay trở lại với những đường nét rõ ràng của những năm Obama nắm quyền. Có quá nhiều thứ đã thay đổi. Bốn năm tiếp theo cũng không giống bốn năm vừa qua.

Tuy nhiên, ngay cả khi mọi sự đều thay đổi, trò chơi vẫn như vậy. Chính trị là việc có được một chỗ ngồi ở bàn [ăn có]. Nếu các giám mục muốn được lắng nghe ở Washington, các ngài sẽ phải tìm một cách mới mẻ để vào phòng [ăn]. Mà Biden thì vẫn chưa đưa ra lời mời nào.
 
Tòa Thánh Cải Tổ Sâu Rộng Hệ Thống Tư Pháp
Lê Đình Thông
10:42 21/01/2021
Tòa Thánh Cải Tổ Sâu Rộng Hệ Thống Tư Pháp

Trong phán quyết ngày 21/01/2021, Angelo Caloia 81 tuổi, cựu chủ tịch Ngân hàng Vatican từ 1989 đến 2001 và Gabriele Liuzzo 97 tuổi, cựu luật sư của ngân hàng, cả hai đều bị xử tám năm tù giam. Sự việc này cho thấy quyết tâm của Tòa Thánh trong việc cải tổ hệ thống tư pháp. Việc cải tổ này theo đúng các nguyên tắc của quốc tế tư pháp, tuân theo tông ý của ĐTC Phanxicô.

Trong báo cáo công bố năm 2017, Hội đồng Âu Châu cho biết đã cử các thanh tra tài chính của Moneyval sang Vatican điều tra. Sau đó, Pháp đình Tòa Thánh đã thụ lý vụ án chưa từng có trong lịch sử tư pháp của Tòa Thánh.

Mặt khác, vào tháng 10/2020, ĐTC Phanxicô đã ký một sắc lệnh gia tăng thẩm quyền của vị thẩm phán công tố, theo đó viên chức này có nhiệm vụ phối hợp các cuộc điều tra nhằm chống lại nạn rửa tiền.

Tòa Thánh còn bổ nhiệm ông Gianluca Perone, một chuyên gia về luật thương mại, vào chức vụ công tố viên dự khuyết, nhằm đảm bảo thủ tục tố tụng theo đúng các nguyên tắc tiền tệ hiện hành tại Âu Châu.

Việc cải tổ còn bao gồm việc chuyên nghiệp hóa các thẩm phán (professionnalisation des magistrats), theo đúng các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền (État de droit).

Trong một thông cáo khác, Pháp đình Tòa Thánh cho biết sẽ xét xử Cecilia Marogna, 39 tuổi, về tội biển thủ công quỹ. Bị can đã lấy phân nửa số tiền 500 000 euros dùng dể thiết lập hệ thống ngoại giao Tòa Thánh tại Phi Châu. Bị can sẽ tự trình diện mà không thông qua thủ tục dẫn độ của bộ Tư Pháp nước Ý.

Lê Đình Thông
 
Tòa thánh bãi bỏ yêu cầu dẫn độ cô Cecilia Marogna
Đặng Tự Do
16:14 21/01/2021


Hôm 18 tháng Giêng, khi một tòa án của Ý bắt đầu tiến trình xem xét yêu cầu dẫn độ cô Cecilia Marogna của Tòa Án Quốc Gia Thành Vatican, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Vatican đã quyết định bãi bỏ yêu cầu xem ra có vẻ nặng nề này, xét vì không còn cần thiết nữa.

Toàn văn tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh như sau:

Vào ngày 13 tháng Giêng năm 2021, thẩm phán điều tra của Tòa Án Quốc Gia Thành Vatican, đã chấp nhận yêu cầu của Văn phòng Chưởng Lý là thu hồi biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng trước đó đối với cô Cecilia Marogna, người sắp bị xét xử vì cáo buộc tham ô cùng với những người khác.

Bị cáo đã từ bỏ quyền tự bào chữa bằng cách không xuất hiện để bị thẩm vấn trước cơ quan tư pháp Ý, do Chưởng Lý yêu cầu thông qua một thủ tục tư pháp. Cho nên, ý định của sáng kiến này, trong số những thứ khác, là cho phép bị cáo tham gia vào phiên tòa ở Vatican mà không phải chịu các biện pháp phòng ngừa chống lại cô ấy đang được xem xét.


Source:Holy See Press Office
 
Xã luận của Tờ New York Post: Muốn tiến tới, hãy bỏ vụ xử đàn hạch Trump
Vũ Văn An
20:52 21/01/2021

Tờ New York Post, tờ báo đứng hàng thứ tư về số phát hành ở Hoa Kỳ, ngày 20 tháng Giêng vừa qua, có bài xã luận sau đây về việc đàn hạch cựu Tổng Thống Trump:



Tổng thống Biden nói rằng ông muốn “kết thúc cuộc chiến tranh thô lỗ này”. Nói với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đừng gửi bản văn đàn hạch cho Thượng viện sẽ là một cách để bắt đầu.

Đến chiều hôm Thứ Tư, điều rõ ràng là cả nước đã chuyển sang thời tổng thống của Biden, với mọi hy vọng và thách đố nó mang theo. Cựu Tổng Thống Donald Trump hiện đang ở Mar-a-Lago. Chắc chắn ông vẫn còn là một lực lượng chính trị, nhưng đã không còn là tập chú của cả quốc gia, mà ông cũng không nên là như thế nữa. Câu hỏi là: Đảng Dân Chủ có chịu buông tha cho kẻ thù ưa thích của mình hay không?

Tái tranh tụng một quá khứ gần đây là trái với điều Biden kêu gọi trong diễn văn tuyên thệ.

Thượng viện có nhiều việc thường xuyên phải làm: xác nhận Nội Các Biden và thông qua luật lệ để đối phó với đại dịch và cảnh rối bời kinh tế, chưa kể các dự luật khác mà tân tổng thống vốn coi là khẩn cấp.

Các òa án thường lệ có thể và sẽ xử lý các tên du côn, lưu manh và cuồng loạn từng tấn công Đồi Capitol. Nếu Thượng viện thấy thích đáng, nó có thể thông qua một số khiển trách Trump vì vai trò của ông trong việc thêm dầu vào cảnh điên loạn ấy. Nhưng một phiên xử toàn thể một cựu tổng thống có phần đáng hoài nghi về phương diện hiến pháp và gây chia rẽ một cách vô vọng. Hãy để nó yên nghỉ.

Chỉ mấy giờ sau Diễn Văn Tuyên Thệ của Biden, chúng ta đã có thể nói người dân đang nhìn về tương lai, và họ nên như thế. Các đại diện của họ ở Washington cũng nên làm như vậy.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tư liệu FABC số 52: Chương 3: Phan tích xã hội
Lm. Xuân Hy Vọng
09:59 21/01/2021
Tư liệu FABC số 52: CHƯƠNG 3: PHÂN TÍCH XÃ HỘI

Phần 1: Phương pháp Phân tích Xã hội

Khoa học và Tôn giáo. Ngày nay, mâu thuẫn kéo dài giữa khoa học và tôn giáo lại rõ mồn một trong mục vụ Giáo hội. Có những người tin rằng Giáo hội là một tổ chức thuần tuý con người, mặc dù không phủ nhận tính huyền nhiệm thánh thiêng, vì thế, công việc mục vụ phải được giao phó hết cho phân tích khoa học của con người để nó hiệu quả hơn. Lối tiếp cận này bị chống đối bởi những ai nhìn nhận Giáo hội là tổ chức thánh thiêng, mà trong đó con người vận hành không thể nhận xét–lượng giá bằng các phương pháp luận cũng như phân tích khoa học, và chắc chắn không đơn thuần theo những tiêu chí của tính hiệu quả do con người đặt ra. Họ nghi ngờ và né tránh mọi phương pháp luận khoa học xã hội cũng như tiêu chuẩn đánh giá các hoạt động mục vụ của Giáo hội vốn dĩ quá “thiêng liêng”, cho nên không thể nào phân tích được. Lập trường hệ trọng và không thể thiếu được của Giáo hội là giữ cân bằng giữa hai quan điểm này vì chúng thường phân tán nỗ lực mục vụ của Giáo hội.

Trong quá khứ, khoa học thế tục của nền triết lý nhờ bởi tư duy của nó truy tầm tri thức tột cùng, đã thách thức đức tin Giáo hội và buộc đi đến tổng luận giữa hai chiều kích trong thần học, đó là khoa học của đức tin. Do đó, ngày nay, phương pháp luận và những phát kiến của khoa học xã hội cũng đang thách đố đức tin có khuynh hướng tiến tới một tổng hợp luận mới.

Hội chứng Dị ứng với Phân tích Xã hội. Đối với một số người, “phân tích xã hội” gợi lên những hình ảnh điềm gỡ của nạn phê bình tàn nhẫn, cũng như đương đầu kịch liệt với chính quyền, với các giá trị truyền thống và hiện trạng chung sống hoà bình. Họ tin rằng điều này sẽ vô tình dẫn tới chủ nghĩa vô thần Mar-xít, bạo loạn và cuộc cách mạng.

Điều này nhắc nhớ đến biến cố suốt thời kỳ BISA VII diễn ra, mà trong đó một vị giám mục với vai trò thư ký của nhóm, yêu cầu diễn giải chương trình gặp gỡ–hoà nhập bằng cách dùng phương pháp phân tích xã hội, ngài trình bày: “Chúng tôi dành trọn thời gian phân tích xã hội vì sao chúng ta không nên làm việc này”. Lúc ấy tất cả các giám mục tham dự hội nghị khoáng đại bật cười. Nếu xét một cách nhẹ nhàng hơn thì cũng nên nhấn mạnh đến nhu cầu cảm giác dễ hiểu này, đó là hội chứng dị ứng nặng nề với phân tích xã hội.

Nhìn vào Xã hội để Thay đổi nó. Giai đoạn Phân tích Xã hội theo sau trải nghiệm và suy tư về hoàn cảnh thực tế của người lao động đang cố sắp xếp lại những cảm nghiệm của họ sao cho quy cũ. Vấn đề chính yếu của công nhân là gì? Họ liên đới với nhau và kết nối với các vấn đề khác thế nào? Nguyên nhân gốc rễ của những vấn nạn là gì?

Bất kể nhìn từ góc cạnh nào đi chăng nữa, chúng ta nên chú trọng đến tình hình thực tế của một dân nước, chúng ta nhận ra sự tồn tại của hàng loạt vấn đề rộng lớn với các giải pháp hết sức khó khăn.

Để phân loại các vấn đề đó, tìm ra gốc rễ của chúng, đưa ra giải pháp vững vàng và đào luyện/huấn luyện các nhân tố nhằm thay đổi, v.v... là một tác vụ của nhiều lãnh vực khác nhau. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực đều khởi sự từ lối phân tích chính xác vấn đề mà phải đối mặt. Tắt một lời, phân tích xã hội một cách toàn diện chính là cơ sở của bất kỳ kế hoạch nào.

Phân tích là “tách phân một khối tổng thể ra thành từng phần, nhằm tìm ra bản chất của nó”.

Do đó, phân tích xã hội là “phương pháp nhìn vào xã hội để hiểu biết hơn, và trong trường hợp này, để thay đổi nó”.

Điều kiện tiên quyết cho một Phân tích Xã hội Đúng đắn:

Sự cần thiết của một “tầm nhìn/tôn chỉ” và “đức tin”

Không thể giữ thế “trung lập” hay yêu cầu như vậy, khi phân tích thực tế và đề ra kế hoạch bất cứ hành động nào. Phương pháp khoa học được dùng để kiểm duyệt bản phân tích vẫn giữ được tính khách quan hay không, nhưng khi hành động, thì các tác nhân trở thành những người của “từng phần”. Là Ki-tô hữu, “tôn chỉ” và “đức tin” của chúng ta sẽ phải đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô và dân Thiên Chúa.

Ngoài ra, khi phân tích xã hội, chúng ta không thể tránh né thực tế ngay cả nó trái ngược với tôn chỉ của chúng ta. Đây sẽ là trường hợp đối diện với các cách nhìn và tập quán mà chúng sẽ tạo ra sự đổi thay.

Bắt đầu từ cảm nghiệm, chúng ta sẽ thấy hầu như không thể tách rời phân tích xã hội khỏi ý thức hệ của một người.

Bản phân tích phải được thực hiện

Một khi hiểu rõ thực tế rồi, chúng ta phải đi đến hành động. Lương tâm thuần tuý, phân tích dựa trên lý thuyết, cung cấp dữ liệu cho các cuộc khảo sát, v.v...không chỉ vô dụng mà còn tạo ra sự ngán ngẫm và nỗi thất vọng. Đi đôi với bản phân tích, cần phải đưa ra giải pháp, ít ra “hạt giống” của niềm hy vọng phải được gieo trồng.

Sự tham gia của tầng lớp Dân thường

Lẽ dĩ nhiên, giới hạn thành phần tham dự với não trạng đặc quyền sẽ gây ra chủ nghĩa giáo điều, sự lệch lạc, hay đúng nhất là, dẫn tới những giải pháp hão huyền viển vong. Ở giai đoạn này, kẻ thù tệ hại nhất chính là tính nôn nóng và giả định thấu tỏ mọi sự.

Chấp nhận những rủi ro có thể

Bởi lẽ phân tích xã hội không thể “trung lập” và cần phải thực hiện, nên rủi ro là điều tất yếu. Cấu thành rủi ro xâm nhập vì thông thường các hệ thống xã hội đều dựa trên sự bất công và được nó dưỡng nuôi. Với kinh nghiệm, chúng ta biết được rằng để thiết lập công bình và hoà bình, thì gian nan khổ đau, đấu tranh và chiến bại luôn luôn hiện hữu.

Khám phá ra cơ chế bóc lột và nô dịch con người qua cách phân tích, biến lối phân tích thành khí giới cho hoạt động trong thực tế xã hội. Tuy nhiên, có hai cách thức tiếp cận chính để phân tích thực tại xã hội, đó là: thuyết chức năng luận và chủ thuyết Mar-xít.

Tư tưởng Mar-xít cơ bản khăng khăng dựa trên những cấu trúc xã hội và quá trình lịch sử của sự tiến hoá của chúng trong xã hội. Điều này vượt qua thuyết chức năng luận chỉ chú trọng đến hệ thống xã hội. Tuy nhiên, để phân tích trọn vẹn, cần phải hiểu mối liên hệ giữa các hệ thống xã hội với những cấu trúc xã hội; tựa như giữa hệ thống hô hấp và các bộ phận hô hấp, các ưu tiên hay trật tự của những bộ phận trong hệ thống này được bố trí cụ thể. Cũng vậy, giữa những cơ cấu/cơ chế chính trị của xã hội như chính phủ, các toà án, sở cảnh sát, tổ chức nhân dân, với hệ thống chính trị là quyền lực của xã hội hầu đưa ra mọi quyết định trọn vẹn, tồn tại các cấu trúc chính trị.

Cấu trúc tập thể của một xã hội là sự sắp xếp các vị thế xã hội lâu dài và ổn định hơn, vd: địa vị hoặc vị thế của một nhóm hay một cá nhân nắm giữ vai trò trong cấu trúc xã hội. Cách thông thường được trông chờ là việc sử dụng quyền hành từ địa vị hay vị thế và chức năng xã hội, vd: đóng góp cho tổ chức từ những nhóm có cùng chung vị thế xã hội, cùng giữ chung vai trò xã hội và thực hiện chung chức năng xã hội. Các nhóm xã hội này thường được gọi là “tầng lớp”, chúng tương tác qua lại theo cách mà chúng là cấu trúc xã hội tổng thể, nhưng khác với những phần cấu thành của nó.

Lối phân tích cấu trúc quan tâm chính yếu đến những mối liên hệ đang tồn tại giữa các nhóm người ít nhiều có cùng chung vị thế xã hội, vai trò với chức năng. Thuật ngữ “tầng lớp” phân loại nhóm theo thu nhập và các tiêu chuẩn khác, cũng như mở đầu ý niệm mâu thuẫn trong cấu trúc xã hội. Sự đối lập này được cho là mang tính biện chứng; vì thế, mọi tầng lớp giai cấp đều chuyển biến trong bối cảnh lịch sử của xã hội.

Trong khi sự khác biệt giữa hai lối tiếp cận chính, đối trọng với cách phân tích thực tế xã hội – thuyết chức năng luận và chủ nghĩa Mar-xít – không nên cường điệu hoá, thì cũng đừng bỏ qua những điều dị biệt này. Từ lúc phong trào công đoàn và các lĩnh vực lao động bị lối phân tích Mar-xít chỉ phối mạnh mẽ, thì đứng trên quan điểm của giai cấp công nhân, tất cả các hệ thống xã hội, nào là y tế, luật pháp, giáo dục, v.v...đều mang dấu ấn định kiến sâu sắc vì ủng hộ cho giai cấp giàu có, trung lưu, nhưng chống lại giai cấp lao động mà họ chiếm đa phần dân số. Giới thượng lưu tích trữ tài sản, sở hữu phương thức sản xuất trong hệ thống kinh tế trên hao tổn lao động của tầng lớp công nhân, đó chính là tình trạng bóc lột kinh nghiệm của họ.

Với các giá trị nhân bản bất diệt, thay vì lực lượng giải phóng, thì tôn giáo thông thường được hệ thống chính trị bám víu và giản lược thành ý thức hệ, lại trở nên công cụ để thống trị giai cấp lao động. Vấn đề thực sự là cả hai phía từ Ki-tô hữu đến những ai theo chủ nghĩa Mar-xít, họ đều không hiểu nhau.

Phần 2: Hoàn cảnh Lao động Châu Á

(Nhằm hiểu rõ cảm nghiệm gặp gỡ–hoà nhập của các tham dự viên AISA I, giới chuyên môn được mời đến cung cấp kiến thức cần thiết và đưa ra những cuộc thảo luận về vấn đề trọng yếu. Bối cảnh Châu Á của tình hình lao động được Norma Bias – cộng tác viên trước kia của Giới Công nhân Trẻ Ki-tô giáo Á Châu, trình bày.

Những nhà đối tác Hoa Kỳ và phương Tây chú trọng nhiều đến vùng Đông Nam Á như một đối tác lợi nhuận trong hạng mục lao động quốc tế bởi vì:
nhân công đông đảo, rẻ tiền, lại lành nghề
nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú
vị trí địa lý chiến lược

Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gây sức ép lên chính phủ–khách hàng như thành viên các nước thuộc khối ASEAN, tái cấu trúc nền kinh tế của họ theo dòng chiến lược phụ thuộc vào xuất khẩu định hướng nhập khẩu. Những nền kinh tế các quốc gia này được tự do tiếp nhận hàng hoá thặng dư cũng như vốn đầu tư từ các nước công nghiệp hoá, đồng thời họ phải tuân thủ cam kết chỉ trở thành nhà cung cấp nguyên vật liệu thô và rẻ tiền.

Việc thành lập các Khu Chế xuất (EPZ) khắp nơi tại nhiều nước là một phần của chiến lược xây dựng những “nơi trú ngụ” đầy lợi nhuận và hàng rào thuế quan cho công ty đa quốc gia ở các nước thuộc Thế giới Thứ ba.

Tuy nhiên, đây chính là thiệt hai ghê gớm cho giới công nhân. Hơn nữa, tình hình lao động tại nhiều nước Á Châu lại tồi tệ nhất trên thế giới. Cùng xem xét những thực tế sau:
Hầu hết công nhân Châu Á nhận mức lương thấp kinh khủng.
Mức đền bù cho công nhân bị cố ý giảm sút như để khích lệ kinh doanh nước ngoài.
Các chính phủ Châu Á hầu hết tuân theo chỉ thị của Ngân hàng Thế giới–Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho chính sách “đóng băng tiền lương”.
Thậm chí, một số quốc gia không đưa ra tiêu chuẩn cho mức lương tối thiểu.

Chính phủ các quốc gia Châu Á hầu hết giới hạn công nhân quyền bãi công và lập hội. Sự trấn áp công đoàn lan tràn. Xu thế đang lớn mạnh mà chính quyền sử dụng nhằm bắt giữ, lạm dụng thể lý, hoặc ngay cả sát hại để bịt miệng các nhà lãnh đạo công nhân đấu tranh. Tình trạng quân đội hoá ngày càng leo thang và vi phạm nhân quyền khốc liệt đang đương đầu với phong trào lao động Á Châu. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi phong trào lao động tại hầu hết các quốc gia Châu Á vẫn đình trệ và bất lực.

Công nhân Châu Á cũng phải hài lòng với công việc dài hàng giờ, sự bất ổn lao động, mạo hiểm nghề nghiệp, điều kiện bảo hiểm y tế yếu kém và thiếu lợi tức phụ.

Trong lúc chủ nghĩa công đoàn áo vàng chiếm ưu thế toàn cảnh Châu Á, thì một xu thế trổi dậy tại nhiều quốc gia nhằm thiết lập những công đoàn chân chính, ngay cả giữa bối cảnh bị áp chế.

Phần 3: Tình hình Lao động tại Phi-luật-tân

Thấu hiểu sự Nghèo khổ của người Lao động. “Tại tạo người công nhân lại nghèo và những lời giải đáp phải có là gì?” Đây chính là câu hỏi mà ba thuyết trình viên được mời tham dự đến từ các thành phần khác nhau trong xã hội – giới quản lý, công đoàn và học thuật, sẽ trình bày.

Vị thế một người nắm giữ trong cấu trúc tập thể của những điều kiện xã hội, quan điểm về vấn đề thảo luận của đương sự, cũng như nhận thức của người hành động đều liên quan trong luận đề này. Không một nhóm xã hội nào có thể tự mình nhận trách nhiệm trở thành nhân tố thay đổi cả. Sự chuyển hoá xã hội đích thật của cấu trúc xã hội hướng tới nền công lý lớn lao hơn có lẽ chỉ xuất hiện từ những nỗ lực phối hợp của các nhóm hành động khác nhau cùng điều hành song đôi.

Trong một quốc gia hầu hết theo đạo Công Giáo như Phi-luật-tân, dường như vai trò của linh mục và Giám mục dễ dàng ảnh hưởng đến xã hội. Nhưng nếu lợi ích giai cấp thông thường có thế lực hơn tôn giáo, thì khám phá nó thật sự lại là một tư tưởng nghiêm túc. Hơn thế, tương tác qua lại giữa ba vị thuyết trình Công Giáo đại diện cho thành phần hệ trọng trong xã hội rất cần thiết cho thách đố thay đổi xã hội.

Thảo luận với Thuyết trình viên: Quan điểm về bản Phân tích “Vì sao người Lao động lại Nghèo và những Lời giải đáp có thể

Cách nhìn từ giới Quản lý, được Bà Lourdes Jose, Giám đốc Nhân sự, trình bày
Sự nghèo khổ nói chung có thể lược lại quá khứ thời chế độ độc tài Mar-cos ròng rã 20 năm đã cướp đi nền kinh tế.

Nợ nần nước ngoài tăng ngất ngưỡng và sự thoái vốn đầu tư vẫn tiếp diễn.
Chính phủ cung cấp một môi trường kinh doanh hữu hiệu nhằm khuyến khích các khoản đầu tư nước ngoài. Và chính phủ không thể quy định mức lương tối thiểu cho lực lượng nhân công ở các công ty. Quyền lợi phụ nữ không được bảo vệ và lao động trẻ em ngày càng gia tăng. Ngoài ra, giá trị xã hội hoặc yếu tố liên quan đến thái độ chắc hẳn được coi là amor proprio (yêu bản thân), hiya (xấu hổ), pakikisama (hợp tác) và utang na loob (nợ lòng biết ơn). Đồng thời, kỹ năng người công nhân chưa được nâng cao.

Những lời giải đáp có thể được đề xuất như sau:
duy trì mối liên hệ tích cực giữa chủ nhân–nhân công;
giới quản lý hoà nhập vào các sinh hoạt hằng ngày của người công nhân;
tận dụng các chương trình chính phủ nhằm nâng cao kỹ năng và tổ chức hội thảo hầu đối phó, thay đổi những thái độ tiêu cực.

Cách nhìn từ giới Học thuật, được Gs. Réné Ofreneo, đến từ Học viện Quan hệ Công nghiệp thuộc Đại học Phi-luật-tân, trình bày
Nguyên nhân trực tiếp của sự đói nghèo là thất nghiệp, không có vườn tượt canh tác và mức thu nhập thấp. Quá nhiều nguyên nhân xâu xa cho các vấn nạn này, có thể được liệt kê ra như sau:

Triết lý không thích hợp hay chính sách phát triễn hoặc bắt buộc hoặc nhồi nhét từ các thế lực bên ngoài như Quỹ Tiền tệ Quốc tế–Ngân hàng Thế giới (IMF–WB), Cục Tình báo Trung ương (CIA) và các cơ chế tương tự.

Tiến trình công nghiệp hoá sai lầm, trở thành hệ chính sách phát triễn sai lệch mà tập trung đáp ứng yêu cầu lợi nhuận của những Tập đoàn Đa Quốc gia (MNCs) và đối tác nội địa – nhưng lại không đáp ứng yêu cầu của người dân được có công ăn việc làm và các sản phẩm thiết yếu.

Những chương trình phát triễn nông nghiệp không đúng đắn.

Trật tự kinh tế thế giới bất công, nơi mà các nền kinh tế thị trường tiên tiến chiếm đoạt từ các nước thuộc Thế giới thứ Ba, qua những ký kết thương mại bất bình đẳng, bẫy nợ, kiểm soát kỹ thuật; và Thế giới thứ Ba giờ đây là nhà xuất khẩu “tân thời” vốn đầu tư cho Thế giới thứ Nhất.

Trật tự chính trị–xã hội quốc gia vô dân chủ, nơi mà giới thượng lưu bản địa được nắm giữ vị thế đặc quyền về quyền lực chính trị–kinh tế, nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất đai đều tập trung vào tay họ.

Trật tự chính trị–kinh tế này được các cơ chế xã hội thượng lưu gia cố như hệ thống giáo dục, cơ sở truyền thông và thậm chí Giáo hội.

Sau cùng, xã hội bị một vài cá thể đặc quyền chiếm lĩnh nhờ vào giới thượng lưu trong và ngoài nước, và đây chính là nguyên nhân xâu xa của sự nghèo khổ.

Cần phải giáo dục lương tâm hay nâng cao tầm nhận thức giữa các bậc công nhân, và ý thức đối trọng khác biệt so với hiện trạng bất biến cần được phát huy.

Cách nhìn từ giới Lao động, được một vị Lãnh đạo Công đoàn trình bày
Sự nghèo khổ diễn ra do động thái chính phủ chốt hạn mức lương tối thiểu 57 pê-sô/1 ngày theo chỉ thị của Ngân hàng Thế giới–Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự thông đồng giữa chính quyền và giới tư bản chống lại người lao động, cũng như những vị gọi là đại diện lao động trong chính phủ không thật sự đại diện cho người lao động.

Phần 4: Diễn đàn Mở rộng

Bàn về Kỹ năng và mối Liên hệ. Một đại diện công nhân đặt câu hỏi: nếu giới quản lý cũng quan tâm về kỹ năng của chính họ thì họ luôn luôn chú trọng đến các kỹ năng của người lao động. Anh ấy cho hay: nhiều chủ sở hữu thiên về lợi nhuận hơn là chú tâm đến con người.

Đại diện giới quản lý đáp lời: trong lúc tìm ra các kỹ năng lao động, quan tâm trước nhất của họ chính là trao dồi những kỹ năng quản lý. Thực tế, họ đang đào tạo kỹ năng cho các quản đốc về cách đối đãi với người lao động, vd: làm thế nào tận dụng nét đặc trưng cũng như giá trị dân tộc (trong trường hợp này là Phi-luật-tân) một cách tích cực. Vị thuyết trình này tiếp tục cho biết thêm: khi người công nhân có vấn đề gì sai, nói chung đây là thất bại của ban quản lý. Và họ cũng sa thải những nhân viên quản lý, ngay cả chủ tịch hoặc phó chủ tịch.

Một giáo sư đại học phân khoa lao động phát biểu rằng: bộ phận quản lý nơi quốc gia này không đồng nhất. Nhiều nơi nổi trội và cũng nhiều nơi cần được giáo dục hơn bao giờ hết. Họ nhìn vào mô hình công đoàn nhưng chẳng hiểu sự ra đời của chúng chính là kết quả từ quá trình dân chủ trong một xã hội công nghiệp hoá.

Ông ấy cho biết thêm: sự kháng cự của một số chủ nhân thường bạo lực và tiêu tốn rất nhiều so với cách họ cứ đơn giản hành xử hoà hợp với quan điểm của người lao động. Nhưng điều này rất hiếm hoi vì ông thấy giới quản lý đã thực sự hành xử một cách vô lối tại nhiều quốc gia.

Vị giáo sư này nêu ý kiến: việc sử dụng tích cực các giá trị văn hoá để tăng cường mối liên hệ hài hoà giữa chủ nhân–nhân công là tốt, nhưng nó lại chẳng bao giờ đủ cả, một khi đối mặt với các vấn đề công bằng xã hội hoặc trả những gì thuộc về người lao động. Truyền thông tốt đẹp giữa nhân công–ban quản lý qua cách dùng tích cực các giá trị dân tộc Phi-luật-tân không được “hất cẳng” những gì cần thiết cho công nhân, và những gì chính đáng thuộc về họ.

Ông cũng trình bày thêm rằng: công nhân thực sự làm việc 10-12 giờ đồng hồ mỗi ngày nơi công sở, bao gồm giờ nghỉ ngơi, chuẩn bị cũng như thời gian di chuyển. Vì thế, phải công bằng với người lao động, họ đã bỏ hết nữa cuộc đời tạo ra của cải, vật chất; và bởi lẽ họ chiếm đa số trong xã hội, nên chính họ là chủ nhân quyết định xã hội này được vận hành ra sao, khi trưng dẫn câu nói của tổng thống Ab-ra-ham Lin-cohn “khi không có lao động, thì sẽ không có vốn”.

Bàn về Phong trào Lao động. Cũng vị giáo sư đại học đó phát biểu rằng: phong trào lao động tại Phi-luật-tân ngày nay phân tán sâu sắc. Vì thế, cần giới lao động hợp lực hầu thực sự thay đổi hữu hiệu. Sức mạnh của một phong trào liên hiệp lao động lộ diện qua cuộc tổng đình công bất bại vào ngày 27 tháng 8 năm 1987, mà trong đó thực tế tất cả các nhóm lao động có sắc thái cũng như khuynh hướng ý thức hệ khác biệt đã cùng tham gia. Ông khuyên rằng: phải không được quên những khác biệt về mặt tổ chức và ý thức hệ, nhằm bàn luận các vấn đề và đưa ra những giải pháp cụ thể. Ông cũng thận trọng khuyến cáo rằng: đừng để một nhóm nào nỗ lực chiếm lĩnh liên minh hợp tác, vì lẽ KMU, TUCP hay TUPA không thể tự mình mang đến thay đổi thật sự.

Luận bàn về Phân chia Lợi nhuận. Đại diện giới quản lý cho hay: nói về khái niệm phân chia lợi tức, giới kinh doanh chắc hẳn yêu cầu phân chia theo mức chi phí, hầu nhận lại đầu tư hay tái đầu tư.

Mặt khác, đại diện từ giới học thuật phát biểu rằng: cách phân chia lợi nhuận đích thật phụ thuộc vào thông tin thực sự về chi phí, thu nhập, cũng như phụ cấp hành chính. Người lao động nên truy cập các dữ liệu này nhằm đi đến một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa.

Bàn về những Trường hợp Lao động. Các đại diện giới quản lý cho rằng giải pháp tranh chấp chắc sẽ hiệu quả hơn nếu được dàn xếp ổn thoả từ cả hai phía. Họ cũng cảm thấy nên định ra thời hạn để giải quyết mọi trường hợp.

Gs. Ofreneo thì cho hay lối quản lý mất lý trí, chống lại lao động có lẽ nại tới mọi mánh khoé luật định nhằm kéo dài trường hợp kiện tụng. Ông đưa ra một ví dụ mà Viện toà án Tối cao đã mất 20 năm để đưa ra phán quyết về một vụ tranh chấp lao động. Ông phát biểu rằng phong trào lao động tại đất nước này bị giới luật sư chiếm lĩnh, cho nên nó có xu hướng hợp pháp hoá. Hơn nữa, ngược lại với một vài người quản lý nghĩ, thật sự cần tiết chế hơn khi đối đãi với những công đoàn. Và ông cũng cho biết: giới đầu tư vùng Scan-đi-na-vi-a (Bắc u) thực tế thường khuyến khích công nhân họ thành lập công đoàn của chính họ.

Về Khoảng cách Lương bổng. Một đại diện quản lý, bà Jose trình bày: người dân phải được trả lương hợp lý để đáp ứng các nhu cầu của họ. Bà tin rằng khoảng cách không nên quá rộng, nhưng cũng thừa nhận thiếu hiểu biết về sự chênh lệch to lớn này cũng cần được điều chỉnh.

Gs. Ofreneo giải thích thật đúng đắn khi công nhận khoảng cách lương bổng gây ra do việc đào tạo và trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là sự trái ngược quá ư tàn bạo. Ông cho biết khoảng cách bình thường lớn gấp 5 lần so với cấp bậc và hồ sơ tuyển dụng. Nhưng ở đây, ông quả quyết nó nhiều gấp 100 lần.

Ngoài ra, ông thêm rằng: người Nhật thực hiện mô hình ban quản lý hoà nhập với công nhân. Đôi khi, không phân biệt được chủ nhân người Nhật với nhân viên của họ, bởi lẽ họ mặc chung đồng phục, vì thế khuyến khích động viên mối liên hệ và sự gần gũi.

Phần 5: Lĩnh vực Quan tâm Đặc biệt: Lao động nữ
Lao động nữ tại Châu Á. Kể từ tháng 6 năm nay, hơn 400 nữ công nhân tại nhà máy đan Sri-kao Thái Lan đã đình công. Họ phải chịu những điều kiện quá ư vô nhân đạo như: nhiệt độ cao quá mức và tiếng ồn nơi công xưởng, làm việc 8 tiếng suốt đêm không nghỉ giải lao, lao động vào các ngày nghỉ không được trả lương tăng ca, bị buộc phải ký hợp đồng lại cứ sau 6 tháng để không được trở thành nhân viên chính thức, bị đuổi việc không bồi thường, khối lượng công việc quá áp lực, v.v...Cảnh ngộ của lao động nữ Sri-kao, cũng như cuộc chiến mưu cầu cuộc sống tươm tất hơn là một trong những minh hoạ gần nhất cho vấn đề: lao động nữ tại Châu á sau cùng đã ý thức tự vực dậy như thế nào khi chính họ là những nạn nhân bị áp bức.

Chính sách công nghiệp hoá của các quốc gia đang phát triễn trong thập niên 70 đều kéo theo việc lao động nữ tham gia quá nhiều trong lĩnh vực công nghiệp. Ngày nay, phụ nữ đóng vai trò trọng yếu của dân số lao động, đặc biệt trong ngành nghề sản xuất và dịch vụ. Tại Châu Á, hiện phụ nữ đại diện 45% dân số lao động. Hơn thế, vị thế của họ như công nhân ăn lương dường như bị bóc lột và xem thường liên miên. Họ tham gia vào lực lượng lao động không ngang sức với nhân công nam.

Là nhân công ăn lương, họ cảm nghiệm bị trả công khác biệt và nhận mức lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ, không an toàn lao động, tiềm năng công việc mù mịt và công việc kỹ năng thấp. Là lao động nữ, họ phải chịu các vấn đề đặc biệt như: thời kỳ nghỉ sanh, xin nghỉ vì ‘đến tháng’, và bị quấy rối tình dục. Sau cùng, là phụ nữ trong xã hội bất công, họ tiếp tục phải gánh vác trách nhiệm gia đình nặng nề như chăm sóc con cái và nội trợ. Tất cả những điều này khắc hoạ đậm nét cuộc sống và hoàn cảnh của hàng triệu nữ công nhân tại khu vực Á Châu hôm nay.

Quan tâm đến Lao động Nữ. Phải đối mặt với điều kiện bị bóc lột và đàn áp, hẳn ai đấy kỳ vọng các vấn đề của công nhân nữ phải trở thành mối bận tâm lớn lao của phong trào lao động. Nhưng, ngược lại, một bức tranh khác hé lộ. Các phong trào lao động hiếm khi đề cập tới các vấn đề của công nhân nữ. Phong trào lao động tại Châu Á nói chung được những cơ cấu tổ chức chính thức hơn đại diện, vốn dĩ phần lớn do các đồng sự nam chiếm lĩnh. Mặc dù, công nhân nữ tham gia vào công đoàn lao động, nhưng vấn nạn và vấn đề của họ chỉ được coi là thứ yếu trong trăn trở tổng thể của người công nhân.

Sự thất bại của các công đoàn lao động chính thức đề cập đến những quan ngại lao động nữ, đã dẫn tới việc xuất hiện các nhóm lao động không chính thức, cũng như nhiều nhóm phụ nữ liên kết với vô số vấn đề của công nhân nữ hoạt động. Vài năm gần đây, có những tiến triễn tích cực mà trong đó công việc bắt đầu được tổ chức một cách quy cũ. Tuần san phụ nữ ra đời, xuất bản nhiều giúp hiểu biết sâu sắc hơn về hoàn cảnh và cuộc sống của nữ công nhân tại Châu Á. Đời sống họ cũng trở nên nặng nề do kinh tế–văn hoá đè nén khiến họ càng bị thương tổn trước tình trạng điều khiển và bốc lột trong xã hội.

Tổ chức Lao động Nữ. Xu hướng nổi bật của phong trào lao động phụ nữ tiếp tục định hình tại Á Châu. Các nhà lãnh đạo/hoạt động công nhân nữ bắt đầu lên tiếng cho mọi quan tâm đặc biệt của họ và việc hình thành nhóm lao động phụ nữ trở thành xu thế tích cực, do đó, trăn trở của họ có một cái nhìn mới – nữ công nhân hiện thời tự tổ chức các buổi yêu sách và nhu cầu của họ. Ở nhiều quốc gia như Phi-luật-tân, Hàn Quốc, các cuộc đấu tranh của nữ công nhân đã trở thành bước nhảy vọt trọng yếu so với những tranh đấu của người dân. Tại nhiều nước Châu Á khác, các sự kiện này như những thí dụ điển hình cho nữ giới đang nỗ lực tự mình tổ chức.

Sự kiện nữ công nhân gầy dựng tổ chức là một hiện tượng xã hội khá mới mẻ. Lao động nữ ở địa phương đều nhận ra nhu cầu bản thân như nữ giới và nhân công nói chung, đó là cần đoàn kết nỗ lực để giải phóng họ, và nó trở nên một công việc mới mẻ đầy thách thức.

Uỷ ban Phụ nữ Á Châu (CAW) là một chương trình đại kết được thành lập nhờ Hội nghị Ki-tô hữu Truyền giáo Thành thị Nông thôn Châu Á và Văn phòng Phát triễn Con người trực thuộc FABC. Được khởi sự vào năm 1981, CAW đóng vai trò cộng tác và hướng dẫn về các vấn đề lao động nữ tại vùng Á Châu. Là tổ chức miền duy nhất cho nữ công nhân, CAW liên tiếp nỗ lực hành động vì nhu cầu và thay đổi tình trạng của lao động nữ. Được công nhận là nữ công nhân tự mình sở hữu tiềm năng phát triễn, cho nên vai trò miền chính là hướng dẫn các hoạt động địa phương, đồng thời đưa ra nhiều kênh nối kết vùng miền với các vấn đề của lao động nữ. Và đây là sinh hoạt ưu tiên của CAW.

Hoạt động CAW bao gồm:
tạo kết nối và mạng lưới: chương trình giao lưu, tư vấn và hội thảo
Chương trình địa phương và các đề án sáng kiến: CAW hỗ trợ địa phương nỗ lực trong việc huấn luyện, tổ chức và tạo nguồn tư liệu giáo dục
Mạng lưới Đoàn kết Kêu gọi–Hỗ tương cho lao động nữ Á Châu
Thu thập tài liệu và xuất bản

Một số ấn bản CAW đã được phát hành:
Thư chung gửi cho Giới Lao động Nữ Á Châu (một năm 4 ấn bản)
Cảnh ngộ của Nữ nhân công Ngành Điện tử tại Châu Á, năm 1982
Chuyện của Nữ Công nhân người Phi-luật-tân, năm 1984
Cổ phần Hợp lý của Chúng tôi – Luật Lao động về Nữ nhân công, năm 1984
Nữ Nhân công ngành Công nghiệp tại Châu Á, ISIS/CAW, xuất bản năm 1985
Dưới Hình bóng Phong lưu – Những câu chuyện của Nữ lao động Nhật Bản, năm 1986.

Phần 6: Thử nhìn vào những Lời giải đáp của Chính phủ và các Cơ quan Phi Chính phủ tại Phi-luật-tân

Sở vụ Phúc lợi Xã hội và Phát triễn (DSWD)

Bản chất Phúc lợi Xã hội
Phúc lợi xã hội là nhu cầu thiết yếu cho đời sống và nguồn hạnh phúc của người nghèo, người túng thiếu cũng như người bị áp bức, phụ thuộc vào.
Nhu cầu phúc lợi xã hội ngày nay không gì khác hơn là suy tư về sự yếu kém, tụt hậu và thất bại của xã hội. Qua hàng chục năm, chính phủ chẳng hề đề cập đến các vấn nạn của người nghèo. Sự thụ động của chính phủ đã gia tăng tình trạng bất lực của người nghèo, tách họ ra khỏi vòng chảy tăng trưởng.
Một khái niệm thường thấy: phúc lợi chỉ làm hao hụt tài nguyên chính phủ và tạo ra cơ chế lệ thuộc là kết quả của thông tin sai lệch.
Chú trọng nhiều vào chương trình nghị sự của DSWD, hướng phúc lợi xã hội đến một hoạt động đáp ứng, xác đáng và dễ tiếp cận.

Sứ mệnh của DSWD

chăm sóc, bảo vệ và phục hồi các cấu thành xã hội què quặt và hết thảy những người khuyết tật về mặt thể lý cũng như tinh thần nhằm thực hiện chức năng xã hội hiệu quả;
Chặn đứng sự sa sút thêm nữa của những điều kiện phi nhân đạo hay khiếm khuyết về mặt xã hội nơi bộ phận bất lợi ở mức độ cộng đồng;
Liên kết với cơ sở dịch vụ từ các ban ngành/sở, chính phủ và phi chính phủ, cung cấp phúc lợi trọn gọi đến các cơ sở cấu thành dựa trên nhu cầu của họ;
Hậu thuẫn các chính sách và quy định mà nêu lên những mối quan tâm phúc lợi xã hội.

Hội đồng Kinh tế Nhân dân thời Rizal (PEC)
PEC là một nhóm đa bộ phận đặt nền tảng trên cộng đồng (có các đại diện từ thương mại, công nghiệp, dịch vụ, dân sự, tôn giáo, học thuật, và chuyên gia) được tổ chức nhằm tận dụng nguồn lực khác nhau nơi địa phương để hướng tới việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề, đặc biệt vấn đề ảnh hưởng đến người nghèo.

PEC liên kết “sức mạnh quần chúng” và các nguồn lực chính phủ trong việc giải quyết vấn nạn, vấn đề trong thương mại và công nghiệp.
PEC nhắm đến việc tận dụng hết mức những nguồn lực và kỹ năng địa phương hầu đạt mức tăng trưởng kinh tế cũng như phúc lợi quốc gia.
PEC chia sẻ phụ trợ ngành nghề công nghiệp bằng việc cung cấp những dự án mưu sinh như:
đồ thủ công, giỏ, kẹp tóc làm từ tre lá tại An-ti-pô-lô
sản xuất đồ chơi tại Ca-in-ta
khu chế xuất thực phẩm và chất bảo dưỡng thực phẩm tại Ta-nay
chế biến chuối rán và hạt điều, tạo ra khối huỳnh quang rắn chắc và vật dụng vệ sinh, hút vôi và cát từ các tảng đá xanh, trồng rau muống và nuôi dê.

Đối tượng được hưởng lợi từ những dự án:
công nhân nghèo vùng thành thị
công nhân bán thất nghiệp
giới trẻ nghỉ học
nhân viên bị ảnh hưởng do các cuộc đình công, cũng như gia cảnh.

Hàng loạt Dịch vụ Xã hội Thánh Giu-se
Dịch vụ Xã hội Thánh Giu-se là một cơ sở dịch vụ phi lợi nhuận và phi chính phủ, được chính thức thành lập vào năm 1982. Nhận tên Thánh Giu-su Thợ, cơ sở này là kết quả của tinh thần hiệp nhất đại kết giữa Giáo hội với người lao động. Tổ chức cam kết phục vụ và bảo vệ lợi ích của công nhân Phi-luật-tân bất kể tôn giáo, địa vị xã hội, lập trường chính trị hay hội đoàn nào. Nó mạnh mẽ thực thi nguyên tắc giúp người công nhân tự lập, ngược lại, khuyến khích họ ra đi hỗ trợ đồng nghiệp đang cần hỗ trợ.

Cơ sở Thánh Giu-se kêu gọi sự tương trợ và giúp đỡ từ các cá nhân, cơ quan và tổ chức bác ái, đang dấn thân hoạt động cho phúc lợi người lao động, khó khăn cũng như nghèo túng.

Mục đích và các Mục tiêu chính

Mục đích của cơ sở Thánh Giu-su nhằm đẩy mạnh phát triễn con người hoàn thiện nơi người lao động dẫn đến sự chuyển hoá xã hội như: công nhận vai trò quan trọng của họ trong tiến trình tăng trưởng và tiến bộ của xã hội chúng ta. Mục đích này được neo chặt vào thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã đặt Giáo hội vai trò kiên vững hỗ trợ người lao động.

Mục tiêu chung của cơ sở là cung cấp cơ hội cho người lao động và gia đình họ hầu phát triễn chính khả năng, nhằm giúp cải thiện những điều kiện xã hội của họ.

Những mục tiêu riêng biệt là:
nâng cao vị thế người lao động trên các lĩnh vực xã hội–kinh tế–chính trị–văn hoá qua việc giáo dục không chính quy;
tăng cường cơ hội tham gia cho người lao động cũng như gia đình họ bằng cách hỗ trợ xã hội ý nghĩa nhằm đạt được những cộng đồng tự lập;
hỗ trợ tích cực về mặt xã hội cho các nạn nhân thiên tai, tranh chấp trong lĩnh vực công nghiệp, vi phạm nhân quyền và bị tước đoạt vị thế xã hội;
lưu trữ tài liệu, cũng như phân tích những nghiên cứu về mối liên hệ lao động, điều kiện sống/làm việc và các vấn đề chung giữa người lao động;
thông truyền kết quả nghiên cứu và khảo cứu cứ liệu qua việc xuất bản, buổi thuyết trình bằng âm thanh–hình ảnh về sự phát triễn con người của người lao động.

Quy mô và Giới hạn của các Cơ sở Dịch vụ

Cơ sở Dịch vụ Thánh Giu-se thực hiện những chương trình toàn diện và trường kỳ, hầu nhắm tới việc hỗ trợ công nhân và gia đình họ nhận ra các dự án do họ khởi sự. Và một số chương trình được tập trung như sau:

Huấn luyện và Triển khai. Các hội thảo huấn luyện được phân loại:

Những Khoá học Phát triễn Xã hội
Giáo dục Sức khoẻ
Dược thảo
Dinh dưỡng
Châm cứu Sơ cứu
Bấm huyệt
Hợp tác xã
Loại hình kinh doanh nhỏ
Thu thập tài liệu qua hình ảnh
Nghiên cứu Lao động Căn bản
Chủ trương báo giới công đoàn
Minh hoạ/Hoạt hình

Những Khoá học Công đoàn
Giới thiệu đại cương về các mối Liên hệ Nhân công–Quản lý
Chương trình Toàn diện về các mối Liên hệ Nhân công–Quản lý
Đào tạo người Huấn luyện
Hùng biện
Huấn luyện cho cương vị Lãnh đạo
Bộ luật Lao động
Giải quyết Bất bình
Chương trình CBA Toàn diện
Xây dựng/Quản trị Công đoàn
Quản trị Tài chính

Nghiên cứu và Thông tin. Cung cấp tài liệu giáo dục như danh bạ liên lạc, sách báo, tờ rơi, thủ bản và truyện tranh cho người lao động, công đoàn, liên minh, liên đoàn, cũng như nhiều cộng đoàn luận bàn về mối liên hệ lao động, điều kiện làm việc/sinh sống và dữ liệu. Cơ sở cũng hy vọng thực hiện những tài liệu dạng hình ảnh–âm thanh, bài viết/triển lãm với hình ảnh minh hoạ, video, trình chiếu, và mọi phương tiện có sẵn cho công chúng. Ngoài ra, cũng sẽ khởi đầu các dịch vụ thư viện và ngân hàng dữ liệu chuyên về lĩnh vực lao động.

Phát triễn Xã hội. Cung cấp dịch vụ sức khoẻ/y tế, hỗ trợ pháp lý, chăm sóc trẻ em, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp và chương trình mưu sinh vi mô. Trong tương lai, những dịch vụ thế này sẽ được mở rộng tại các cộng đoàn mà người lao động tập trung đông.
 
Trong cơn thử thách
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:18 21/01/2021
Từ đầu năm 2020 cơn đại dịch do vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống con người trên toàn thế giới càng lúc mức độ hòanh hành càng nguy hiểm khốc liệt thêm. Vì bây giờ vi trùng Corona đang trong qúa trình thay đổi biến dạng lây lan nhanh thêm ra.

Cơn đại dịch truyền nhiễm lan tràn đã gây ra bệnh nạn tới bây giờ cho hơn chín chục triệu người, và khiến cho hơn hai triệu người tử vong không qua khỏi cơn bệnh nguy hiểm này trên thế giới.

Chính phủ các quốc gia luôn hằng liên tiếp cập nhật đưa ra những biện pháp Lockdown, Shutdown phòng chống ngăn ngừa về vệ sinh y tế nhằm bảo vệ sức khoẻ đời sống con người được an toàn.

Những biện pháp ngăn ngừa phòng chống vi trùng được đưa ra thay đổi tùy theo mức độ nguy hiểm xảy ra trong thời gian qua cho tới khi sự an toàn cho đời sống trở lại bình thường. Tuy là cần thiết, nhưng cũng gây ra tâm lý lo sợ ngao ngán cho con người.

Trong cơn khủng hỏang bệnh đại dịch Corona này hầu như mọi sinh hoạt trong đời sống, kể cả tôn giáo giáo đều bị ngưng đình trệ lại hết.

Sự thiệt hại về mặt đời sống kinh tế cho con người rất to lớn khốc liệt đến mức độ có nhiều cửa hàng khánh tận phải đóng cửa. Ngày nào đó trong tương lai khi cơn đại dịch Corona bị thống trị đi vào qúa khứ lịch sử, sẽ cần nhiều năm tháng mới có thể xây dựng phục hồi nền kinh tế lại được, cùng đòi hỏi nhiều hy sinh thắt lưng buộc bụng.

Sự tê liệt kéo dài về đời sống văn hóa không còn phát triển được nữa như lúc này, dẫn đưa đến hậu qủa làm cho đời sống trở nên nghèo nàn u buồn, gần như trở về con số không. Rồi đây một khi đời sống trở lại bình thường sau cơn đại dịch, cũng cần nhiều thời gian khôi phục xây dựng nền tảng đời sống văn hóa đã có, và chắc rằng sẽ có nhiều biến chuyển thay đổi về hình thức lẫn nội dung.
Đời sống tâm linh tôn giáo trong thời đại dịch Corona cũng bị ảnh hưởng tê liệt sâu rộng. Có những sinh hoạt lễ nghi tôn giáo hầu như hoàn toàn phải tạm dừng hay hủy bỏ, có những buổi sinh hoạt tôn giáo như thánh lễ chỉ diễn ra trong vòng giới hạn về thời gian, về không gian nơi chốn và về số người tín hữu được tham dự.

Đã có những suy nghĩ dự đoán cho rằng sau này khi đại dịch Corona qua đi, đời sống tôn giáo sẽ gặp nhiều khó khăn để khởi động khôi phục xây dựng trở lại như đã có hay cần phải có, nhất là nơi các người trẻ.

Bức tranh do vi trùng bệnh đại dịch Corona gây ra cho đời sống nhân loại qúa ảm đạm thảm khốc. Nhiều sinh hoạt tê liệt gần như bị ngã qụy sát tới mặt đất cho đời sống vật chất cũng như tinh thần con người. Phải, nỗi sợ hãi lo âu cho hôm nay và ngày mai bao trùm phủ sóng đời sống con người. Nhân loại sống trong chao đảo chới với nghi nan.

Có những người tâm trí tinh thần không còn vững vàng tỉnh táo như trước nữa. Vì phải sống trong lockdown giới hạn lâu ngày ở nhà không có không khí sinh hoạt giao tiếp xã hội giữa con người với nhau. Và họ trở nên xa lạ với nhau, sợ nhau. Vì phải đeo khẩu trang, phải sống giãn cách xa nhau.

Ai cũng mong mỏi mau có ngày sớm nhanh như có thể chấm dứt cơn khủng hoảng đầy thử thách đe dọa này. Các nhà khoa học đã cùng đang nỗ lực tìm tòi phương thuốc chữa trị bệnh nguy hiểm này. Và họ đã đang thành công chế ra được thuốc chủng ngừa chống vi trùng bệnh đại đại dịch. Như vậy ánh lửa niềm hy vọng đã bừng lên trong đêm tối do bệnh đại dịch Corona đe dọa gây ra sự sợ hãi kinh hòang bao phủ đời sống nhân loại.

Tổng Thống thứ 32. của Hoa kỳ Franklin D. Roosevelt (* 30.01. 1882 in Hyde Park, New York; †12.04. 1945 in Warm Springs, Georgia- Làm Tổng thống Hoa kỳ 1933-1945) trong buổi lễ nhậm chức Tổng Thống ngày 04.03.1933 giữa thời kỳ đất nước Hoa Kỳ chìm ngập trong khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đã truyền đi lời phát biểu huyền thoại đi vào lịch sử mang sứ điệp có sức khôi phục vực dậy niềm tin, niềm hy vọng nơi lòng người: “ Điều duy nhất chúng ta phải sợ hãi chính là nỗi sợ hãi”

Người Kitô giáo chúng ta sống trong lo sợ phập phồng giữa cơn thử thách qúa nặng nề lúc này, cũng bực bội khó chịu phải tuân giữ những biện pháp sống giới hạn Shutdown phòng chống ngăn ngừa giữ gìn sức khoẻ cho mình và cho người khác được an toàn. Và cùng lo âu cho tương lai sau này, nhất là cho thế hệ con em bạn trẻ

Nhưng như tâm tư suy nghĩ của cố Tổng Thống Franklin D. Roosevelt năm xưa không để mình bị nỗi sợ hãi đè bẹp thống trị tâm trí đời sống, nên chúng ta đặt niềm tin tưởng hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống, nguồn ơn chữa lành nói với chúng ta từ hư vô trống rỗng chao đảo Thiên Chúa đã gửi Thánh Linh của Ngài là nguồn mạch sự sống tới tạo dựng hình thành vũ trụ, tạo dựng nên đời sống vạn vật trong thiên nhiên.

“ Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.“ (Sáng Thế ký 1,1).

Đức tin vào Thiên Chúa nguồn sự sống và ơn chữa lành giúp tâm hồn tinh thần con người có được bình an cho sức lực tâm hồn vượt qua nỗi sợ hãi trong cơn thử thách chao đảo chới với.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thông Báo
Đêm Toàn Quốc Canh Thức và Cầu Nguyện cho Sự Sống của Các Thai Nhi
Trung Tâm CGVN Orange
14:19 21/01/2021
Đêm Toàn Quốc Canh Thức và Cầu Nguyện cho Sự Sống của Các Thai Nhi

Ngày hôm nay 21/1, nước Mỹ ngậm ngùi tưởng nhớ 48 năm ngày án lệnh Roe v. Wade được phán quyết. Trong 48 năm qua, người ta ước lượng có đến trên 60 triệu nhân mạng vô tội của các thai nhi đã bị hủy diệt vì tệ nạn phá thai. Ngày hôm nay và trong suốt tuần cửu nhật này, cho đến ngày 29/1, chúng ta cùng hiệp thông với các tín hữu trên khắp nước Mỹ, cầu nguyện cho một xã hội nhân ái hơn, biết tôn trọng sự sống con người, đặc biệt là sự sống của các thai nhi.

Hàng năm Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cử hành đêm canh thức và cầu nguyện cho sự sống. Năm nay chương trình này sẽ được thực hiện vào ngày thứ Năm, 28 tháng 1, bắt đầu lúc 5:00 chiều (giờ California) và kết thúc vào lúc 5:00 sáng thứ Sáu, 29 tháng 1.

Chương trình gồm có lần hạt Mân Côi, Thánh Lễ khai mạc, Chầu Thánh Thể suốt đêm, và Thánh Lễ bế mạc.

Toàn bộ chương trình được phát hình trực tiếp trên đài EWTN và trang mạng của the Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception.

Cùng hiệp thông với HĐGM Hoa Kỳ và người Công Giáo trên toàn quốc, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam GP Orange sẽ có giờ lần hạt Mân Côi bằng tiếng Việt tại TTCG, đúng vào lúc 5:00 chiều và sẽ cho trực tuyến trên FaceBook của Cha Phạm Ngọc Hùng, Vincent Pham, và YouTube. Kính mời quý anh chị em tín hữu cùng hiệp thông.

Lời Nguyện Tín Hữu, song ngữ, cho Tuần Cửu Nhật Cầu cho Sự Sống, Jan 21- Jan 28:

1/21 May the tragic practice of abortion end -- Xin cho thảm trạng phá thai trên thế giới, cách riêng tại Hoa Kỳ sớm chấm dứt.

1/22 For the legal protection of unborn children and for loving support for their mothers before and after their births -- Xin cho các thai nhi được pháp lý bảo vệ, và cho những bà mẹ của các em được ưu ái nâng đỡ trước và sau khi sanh nở.

1/23 May every expectant mother receive compassionate care and support as she nurtures the life in her womb. -- Xin cho các bà mẹ đang mang thai đón nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc ân cần để họ tiếp tục dưỡng nuôi thai nhi.

1/24 For those suffering after abortion: May they know that the Lord desires to bring healing, and turn to Him for His mercy and peace; We pray to the Lord: -- Xin cho những ai đang sầu khổ sau khi đã phá thai, nhận biết rằng Thiên Chúa mong muốn chữa lành những thương tích của họ, và đợi chờ họ quay trở về với ngài để lãnh nhận ơn thương xót và bình an.

1/25 May each person suffering from the loss of a child through abortion find hope and healing in Christ. -- Xin cho những ai đang đau khổ vì mất đi con mình từ hành động phá thai, mau chóng tìm được niềm hy vọng và ơn chữa lành nơi Chúa Kitô.

1/26 May expectant mothers choosing adoption receive grace and support in embracing this loving option. -- Xin cho những bà mẹ đang mang thai đã can đảm cho đi con mình để được làm con nuôi, đón nhận được ân sủng Chúa và những hỗ trợ cần thiết trong quyết định đầy nhân ái này.

1/27 May all who support or participate in abortion experience a conversion of heart to seek and receive the Lord’s boundless mercy. -- Xin cho những ai đang hỗ trợ hoặc tiếp tay cho tệ nạn phá thai, có được ơn hoán cải trong tâm hồn để kiếm tìm và lãnh nhận lòng khoan dung bao la của Thiên Chúa.

1/28 May civic leaders work for the protection of all human life, in every stage and circumstance. -- Xin cho những vị lãnh đạo trong chính quyền nỗ lực bảo vệ sự sống con người, trong mọi giai đoạn và mọi hoàn cảnh.

1/29 May all who defend life find strength and renewal in the Holy Spirit. -- Xin cho những ai đang bảo vệ sự sống được tràn đầy nghị lực và ơn đổi mới trong Chúa Thánh.
 
Làm chậm sự lây lan của Covid-19
Vietnamese Social Service in Minnesota
18:27 21/01/2021


 
Văn Hóa
Rửa Mắt Đội Trưởng
Lm Vũđình Tường
01:23 21/01/2021
Mới đầu năm 2021, chưa được đủ tuần đã bị Covid-19 hành hạ. Như thế Covid-19 bước sang tuổi thứ ba. Lệnh cấm đi lại ban ra trong ba ngày từ thứ Sáu ngày sáu tháng Giêng cho đến cuối ngày thứ Hai, ngày chín tháng Giêng. Mọi người giới hạn di chuyển đến mức tối đa, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, cần thiết. Sau ba ngày cấm di chuyển, sự việc khá hơn, nới lỏng hơn bằng cách cho đi lại tự do nhưng khi ra khỏi cửa nhà mọi người đều phải bịt miệng. Thời gian bịt miệng là mười ngày. Covid-19 có khả năng bịt miệng mọi người. Ai ra khỏi cửa nhà đều phải đeo khầu trang. Bởi rảnh rỗi nên tưởng tượng ra câu chuyện 'Rửa Mắt Đội Trưởng' tự giúp vui. Bởi là chuyện tưởng tượng nên sự thật thì ít, chi tiết tưởng tượng dồi dào hơn.

Để cứu bà Maria khỏi tiếng chửa hoang, ông Giuse cấp tốc cưới bà trước khi cái bụng phình ra không thể dấu nổi con mắt cú vọ, dòm ngó và tiếng xì xèo của hàng xóm, láng giềng. Vì cưới gấp như thế nên ông Giuse, dù là tay thợ mộc giỏi, tay nghề cao, nhưng vì thương người nghèo nên ông luôn lấy giá phải chăng, gặp ai túng thiếu quá ông lấy vốn mua vật dụng, tiền công coi như cho không. Vì thế ông được nhiều người quí mến. Sống đời sống thanh bần, vui với cuộc sống, và hết lòng tôn thờ Chúa Trời. Được Sứ Thần báo mộng cưới bà Maria, không tiền mua nhẫn cưới. Đám cưới đơn giản đến độ mọi người tưởng ông cưới cho xong, hơn là thực sự yêu thương nhau mà cưới. Mọi người quí mến ông, nhưng sao tránh khỏi tiếng dèm pha của những người không nói không chịu được. Ngày nào chưa phê bình được vài câu, coi như ngày đó chưa sống. Ông Giuse tự biết mình thành tâm trong việc cưới bà Maria. Về phần bà Maria, phận gái miền quê, bà không trông mong đám cưới to lớn, rềnh rang, sang trọng. Đối với bà tình yêu và lòng thành quan trọng hơn tiệc tùng, đàn ca xướng hát. Dù đám cưới đã xong, nhưng ông Giuse trong lòng lúc nào cũng nghĩ đến tìm cách làm sao có tiền mua đôi nhẫn cưới cho bà Maria, không phải để khoe khoang mình giầu có mà chính là vật kỉ niệm ngày cưới.

Đến khi bà Maria sanh con, bà vẫn chưa có được chiếc nhẫn cưới. Vận may đến. Ba vị Phương Đông đến bái lậy hài nhi, dâng vàng, nhũ hương và mộc dược. Ông Giuse liền mang một phần vàng đến tiệm thuê họ làm, trước tiên là đôi nhẫn cưới, một cho bà Maria và một cho ông. Vì là vàng ba vị tặng hài nhi, nên số lớn vàng dành riêng cho hài nhi. Tuy nhiên ông cũng làm một cái vòng xuyến đeo chân cho hài nhi, và thêm đôi bông tai cho bà Maria. Ngày đêm ông mong đợi người thợ bạc thực hiện giấc mơ của ông. Sáng sớm ngày hẹn ông ra đi và mang về đôi nhẫn cưới, đôi bông tai và cái vòng xuyến đeo chân cho hài nhi. Điều ông mong đợi được thực hiện. Sau đó cả nhà phải di tản sang Ai Cập lánh nạn theo điềm Sứ Thần báo mộng. Ông Giuse tính người cẩn trọng. Phòng trường hợp bất trắc trên đường đi có thể bị cướp bóc. Nghĩ như thế nên ông kêu bà Maria tháo đôi bông tai cất kĩ trong gói hành trang vỏn vẹn đeo trên lưng lừa. Ông chia một phần vàng ra cho bà cất giấu, ông cất giấu một phần, số lớn còn lại ông cuốn vào chân trái hài nhi. Chiếc vòng xuyến ông đeo vào chân phải. Dùng vải cuốn chặt hài như, vừa tránh lạnh, vừa dấu vàng. Ông làm thế vì nghĩ là con nít, khi gặp cướp bóc chúng xét người lớn và làm ngơ con nít.

Đến giờ khởi hành. Đang đêm cả nhà âm thầm ra đi. Trước khi đi hai ông bà dâng chuyến đi cho Chúa xin phù trợ cho chuyến đi được bằng an. Mới đi được nửa ngày, con lừa dở chứng. Nó không chịu tiếp tục đi trên đường nhưng rẽ xuống ruộng. Ông Giuse cố níu, kéo nó lại nhưng nó ghì đi, nhất định đi về phía lùm cây bờ đường. Nó còn đi đến lùm xây xa đường hơn, tàn che kín hơn. Đến nơi, nó đứng nhóng mắt nhìn về phía trước nghe ngóng. Bà Maria nói với ông Giuse:

Có điềm gì lạ nên con lừa mới phản ứng lạ lùng như thế.

Ông Giuse lấy tay che tai, nghe ngóng một chút rồi nói:

Đúng vậy, có tiếng, dường như là tiếng vó ngựa từ xa vọng lại.

Bà Maria tiếp:

Không lẽ gia đình gặp cướp.

Câu nói chưa dứt; tiếng vó ngựa rõ hơn, tiếng hí vang hơn.

Con lừa nằm rạp xuống đất. Nhờ bóng tàn cây và thân con lừa che kín gia đình.

Bà Maria nói nhỏ vào tai ông Giuse.

Cẩn thận, khom người xuống thấp nữa, đám cướp sắp phóng ngựa ngang qua.

Bà nói chưa hết câu thì ông Giuse nhận ra bọn cướp đang phóng qua chỗ gia đình đang ẩn núp. Đám trộm đâu thể nào nghờ, đằng sau bụi cây rậm rạp kia có gia đình đang ẩn núp, tránh bọn chúng.

Nhờ con lừa mà gia đình an toàn. Chờ cho êm ả. Nghe tiếng vó ngựa đi xa, lúc đó gia đình đọc vội vài kinh dâng lời tạ ơn, trước khi tiếp tục.

Mới ba giờ chiều mà mây khói tuyết giăng phủ kín đường đi, gió cũng lạnh hơn, hài nhi ọ oẹ, đòi ăn. Lại cũng con lừa. Lần này nó không đi về phía bụi cây mà lại hướng về phía chân núi. Kinh nghiệm sáng nay ông Giuse còn nhớ rõ nên ông không cưỡng lại con lừa mà chiều theo í nó. Cả cia đình tiến đến chân núi. Đến nơi, ông Giuse ngồi dựa lưng vào tảng đá. Hai mắt nhắm ghiền dưỡng mệt. Tay giữ giây con lừa. Được phút chốc, con lừa gục gặc cái đầu kéo sợi giây vuột khỏi tay ông. Giật mình tỉnh dậy thì con lừa đã ra sau phiến đá ông đang dựa lưng. Đứng dậy rượt theo con lừa mong giữ nó lại. Con lừa tiến thẳng vào cửa hang gần đó. Ông Giuse theo sát. Đến nơi ông nhận ra, đây là cửa một cái hang chìm sâu vào đá núi. Gia đình còn đang phân vân, chưa biết lành, dữ, có nên vào hay không thì gió tuyết bay mạnh hơn. Tuyết bắt đầu rơi. Còn chần chừ gì nữa. Càng vào sâu hai ông bà càng khiếp vía, chưa biết làm cách nào, vì đây chính là sào huyệt, hang động bọn cướp ẩn trốn gia đình gặp lúc sáng. Tránh cướp sáng, chiều đến chui vào ổ cướp. Hai người nhìn nhau, ái ngại. Thâm tâm ai cũng nghĩ nên ở hay nên đi. Ngoài trời tuyết rơi nhiều hơn, gió cũng thốc dữ hơn. Chưa biết nên ở lại, hay ra đi; cơn bão tuyết ập đến cản đường, quyết định thay cho hai ông bà. Hai ông bà quì rạp xuống đất dâng lời tạ ơn Chúa. Nếu chậm chân thì cơn bão tuyết sẽ vùi cả gia đình dưới tuyết. Cả hai tin chắc cơn bão tuyết này giữ chân bọn cướp. Tin chắn bọn cướp sẽ không trở lại đêm nay, thế là gia đình có chỗ tránh bão tuyết an toàn, lại được ngủ một đêm thoải mái, thảnh thơi.

Sáng hôm sau, ông Giuse dậy rất sớm chuẩn bị bất cứ khi nào hài nhi tỉnh ngủ, gia đình sẽ khởi hành, mong đi sớm trước khi bọn cướp trở lại. Nếu chúng trở lại, bắt gặp thì chết là điều không thể tránh. Chúng giết người diệt khẩu là nghề của chúng. Hai ông bà ngồi nhìn nhau. Ông nhìn bà, dường như ngầm nhắc nhở bà đánh thức hài nhi. Bà nhìn ông rồi nhìn hài nhi. Cả hai cùng im lặng, sợ hài nhi bị bệnh. Bà Maria lên tiếng:

Thường hài nhi dậy rất đúng giờ, hôm nay dậy trễ phải có lí do.

Cả hai lại yên lặng nhìn hài nhi. Ông Giuse nhìn con lừa thấy nó cũng nằm yên, không nhúc nhích, không trở mình. Khuôn mặt nó bơ phờ, đôi mắt tỏ vẻ sợ sệt, dường như nó đang đối diện với thần chết. Tối qua nó linh hoạt, sáng nay nó sợ hãi, mất sức sống. Hai ông bà lòng nóng như lửa, không biết phải làm sao. Con thì bịnh, lừa yếu liệt. Tạm trú hang động kẻ dã tâm. Cướp của giết người là lối sống. Trong trường hợp hài nhi thức dậy, con lừa cũng không giúp hai ông bà khởi hành, bởi nó không có sinh lực. Khi trời sáng tỏ hơn, lúc đó hài nhi mới thức dậy, nở nụ cười tươi chào cha mẹ. Thấy hài nhi mạnh khoẻ hai ông bà cũng vui hơn, tâm hồn thoải mái hơn, tinh thần phấn chấn hơn. Quên ngay việc phải ra đi gấp. Con lừa cũng tỉnh táo hơn. Nó đứng dậy, phe phảy cái đuôi. Đôi mắt tinh ranh trở lại. Thấy có thể khởi hành, hai ông bà tiến mau ra khỏi hang rắn độc càng nhanh càng tốt. Đi được chừng năm trăm thước, lúc đó ông Giuse mới hoảng hồn. Trên mặt tuyết còn in đặm vết chân gấu. Không phải một con mà một đại gia đình gấu. Dấu chân lớn, dấu chân nhỏ in rõ trên mặt tuyết. Bão tuyết thúc đẩy đám gấu trắng phiêu bạt về gần nơi ông trú đêm qua. May mà nó không vào hang. Nếu chúng đến thì gia đình ông trở thành mồi cho thú hoang trước khi bọn trộm trở về. Bây giờ ông Giuse mới vỡ lẽ con lừa mất sức sống, mất tinh thần, vì nó đánh hơi được mùi gấu lảng vảng gần bên nên nó sợ, nửa sống, nửa chết. Nhìn vào mắt con lừa ông thấy nó tỉnh táo, thanh thản, ông biết chắc đàn gấu đã đi xa.

Tới biên giới, nhân viên kiểm soát kiểm tra giấy tờ, bởi không có giấy tờ hợp lệ nên họ hạch sách đủ điều. Khi thấy tay bà Maria đeo cái nhẫn vàng óng ánh, nhân viên quan ải, kiểm tra đòi chiếc nhẫn ấy. Bà Maria chuyển tay, trao hài nhi cho ông Giuse ẵm, để bà tháo chiếc nhẫn đưa cho nhân viên quan thuế quan ải. Thời đó nhà nước Ai Cập chủ trương trả lương công chức rất thấp, nên ai cũng phải kiếm thêm để sống, bằng cách đòi tiền hối lộ từ dân chúng. Nhà nước biết, nhưng làm ngơ, để mặc nhân viên thao túng sao cũng được, vì họ quan niệm chúng có quyền, có tiếng, có miếng, nên chúng trung thành với nhà nước. Biết bà Maria sắp mất chiếc nhẫn cưới, nên hài nhi tìm cách giữ nhẫn cưới dùm mẹ. Đối với thiên hạ, cách hài nhi làm là lỗ to, bởi đổi cả một khối lượng vàng để giữ chiếc nhẫn vài chỉ là điều thất sách. Hài nhi quan niệm trái ngược. Người ta xếp hạng giá trị vật chất là số một; giá trị tinh thần là số hai. Hài nhi đặt giá trị tinh thần là số một; giá trị vật chất hàng hai. Nhẫn cưới là dấu chỉ của lòng tin, chữ trung, chữ tín trong hôn nhân. Dấu chỉ của tình yêu ông Giuse trao tặng bà Maria.

Vị trạm trưởng ngồi sau bàn giấy, anh dùng một hòn sỏi to, tròn bóng, đè đám giấy, gió khỏi bay. Anh mang cặp kiếng giầy như đít li. Hài nhi biết vị trưởng trạm kiểm soát lập gia đình nhiều năm mà chưa có con, anh khao khát có được người con. Hài nhi nhìn thẳng vào mắt anh nở nụ cười thật tươi. Nụ cười tươi thắm đó hút hồn anh trạm trưởng. Anh đứng dậy tiến đến gần, làm quen, định tâm mời ông bà này cùng hài nhi đến nhà anh trú ngụ một vài hôm. Hy vọng vợ anh bồng hài nhi may ra có con chăng. Bà Maria đang tháo chiếc nhẫn trong tay, thì vị trưởng trạm nhìn anh lín ngầm ra lệnh không đòi nhẫn nữa. Anh nhìn thấy con lừa, lại cũng là con lừa, nó cứ liếm chân hài nhi. Ông Giuse cố gắng kéo chân hài nhi sát vào ông, con lừa càng gục đầu gần, liếm chân hài nhi. Chân hài nhi nhúch nhích, nhúc nhích. Anh đội trưởng thắc mắc, lại gần hơn quan sát, anh thấy chân hài nhi, một bó vải to cộm, chân kia xẹp, nhỏ hơn. Sinh nghi anh liền cúi mình rờ chân hài nhi, thấy vật cứng cộm, anh cúi gằm xuống tháo vải chân dò xét. Thấy vàng óng ánh, anh cúi đầu sát hơn, đúng lúc đó hài nhi cho vòi rồng phun vào mặt anh ta. Cái kính cận anh đang đeo ướt nhẹp nước. Anh vội bước giật lui lại phía sau, hai tay phủi nhanh những giọt nước ấm trên mặt, trên cổ, rồi tháo kính, móc khăn trong túi ra lau. Anh ra lệnh cho tên lính đứng cạnh tiếp lấy vàng. Cẩn thận hơn, anh kia tiến gần, lúc đầu từ xa đưa tay lấy vàng. Thấy vàng nhiều quá, lòng tham dấy lẩn, anh quên mọi sự, bám sát chặt hài nhi. Anh cũng được tặng anh ít nước ấm. Anh lui lại phủi tay sạch nước. Anh thứ ba muốn lấy điểm thượng cấp thấy thế xông vào tháo lấy vàng. Vì muốn lấy điểm anh cố chịu đấm ăn xôi. Hai tay trịnh trọng dâng vàng cho trưởng trạm. Đúng như hài nhi dự tính, được nắm vàng to tướng, họ cấp cho gia đình giấy vào đất Ai Cập. Họ nhìn thấy hai bọc nhũ hương và mộc dược nhưng vàng ròng vẫn qúi hơn. Hơn nữa ở cái làng biên giới này, nhũ hương và mộc dược ít ai dùng nên khó bán. Hài nhi mỉm cười thầm nghĩ, tên trưởng trạm này quí của hơn quí người; ai làm con hắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Quả thế, được đống vàng cả bọn ngưng xét, quay vào trạm. Anh trưởng trạm cũng quên luôn việc mong có con nối dòng.

Gia đình ông Giuse trở thành dân tị nạn, tiếng tăm không biết, những ngày đầu rất gian nan. Nhờ cái triện, sáp son đỏ chói trên tờ giấy quan thuế cửa ai cấp mà hai ông bà chính thức thuê được chỗ trạm trú nơi xứ người. Nơi tạm trú là cái lều rộng vừa đủ cho ba người. Nơi đây thường được dùng cất giữ nông cụ. Nó ẩm thấp, hôi hám, tối đến bị muỗi quấy nhiễu. Ông Giuse trộn mộc dược và nhũ hương đốt tìm chút hơi ấm cho gia đình. Ông không ngờ nhũ hương trộn mộc là một khám phá mới. Khói nhũ hương trộn mộc dược quả lợi hại, khói toả lan vừa sưởi ấm, vừa mang hương thơm, lại xua đuổi đám muỗi đói. Con lừa thay vì ngủ ngoài sân, nó cũng được vào nhà hưởng lây cái thi vị ngọt ngào thanh thoát, nhẹ nhàng, của nhũ hương, mộc dược. Gia đình sống những ngày tị nạn, an vui, đầm ấm, tình yêu tràn đầy. Ổn định chỗ ở xong, ông Giuse bán vàng còn cất giấu được, lấy tiền mua dụng cụ thợ mộc, số còn lại dùng mua thực phẩm. Dân làng quê rất ít xài tiền, họ dùng hàng hoá trao đổi khi cần giao dịch. Mỗi lần ông Giuse sửa cái cày gẫy, chữa cái chân bàn lung lay, người ta trả công ông bằng cách trao tặng một nải chuối, lần khác cho thúng bắp; lần khác ông mang về nhà bao hành; xôm tụ hơn có người cho con gà, người khác cho bao khoai tây. Nhờ thế gia đình sống bằng bất cứ thứ thực phẩm nào ông kiếm được trong ngày. Nếu có ai thắc mắc, ngày hôm nay tính ăn món gì thì không ai biết, bởi nó tuỳ thuộc vào thứ người ta trả công cho ông sau một ngày làm việc.

Hài nhi tiểu vào đám lính quan ải không có í xỉ nhục họ. Mục đích chính là nhắc nhở họ mở mắt tinh thần, mắt tâm linh ra nhìn đời. Những gì họ đang thu vén, khai thác, tìm kiếm, ngày nào đó chúng ra đi nhanh như họ phủi giọt nước ấm trên mặt, trên kiếng, trên người. Của cải vật chất đều như nước chảy, mây trôi. Chúng đến rồi đi. Chúng là loại đổi chác, chuyền hết tay này sang tay kia; đi hết làng này đến làng khác, nước này sang nước khác. Trao đổi chưa chắc đã lấy được cái có giá trị hơn. Có người tìm vui trong sòng bài, vận đen nhiều hơn số đỏ, rủi ro gấp bội may mắn. Ngày nào đó có người bới móc vàng ra trả tiền thuốc. Đào vàng lên mong được bản án nhẹ hơn. Có khi tiêu món tiền khổng lồ vào cỗ quan tài. Một đời gom góp, cất dấu, lo, sợ lộ, sợ mất, sợ trộm rình rập. Cuộc sống thật bất an, rủi ro nhiều hơn hạnh phúc. Đến khi cần tiêu dùng chỉ một lần chi tiêu, tiêu tán cả đời gom góp, thu vén.

TiengChuong.org
 
VietCatholic TV
Bí mật quanh lá thư Tổng thống Trump để lại cho ông Joe Biden
Giáo Hội Năm Châu
02:19 21/01/2021


1. Tổng thống Trump viết thư để lại cho ông Joe Biden

Theo thông lệ, vị tổng thống sắp ra đi sẽ để lại một bức thư viết tay cho tổng thống sắp tới. Theo truyền thống, lá thư cho người kế nhiệm sẽ được đặt trên Resolute Desk, nơi tổng thống thường ký các văn bản. Đây là điều đầu tiên mà tân tổng thống sẽ nhìn thấy khi ngồi xuống bàn làm việc của ông trong Phòng Bầu dục.

Truyền thống này bắt đầu từ ba thập kỷ trước. Đó là ngày 20 tháng Giêng năm 1989, khi tổng thống Ronald Reagan trao quyền tổng thống lại cho vị phó tổng thống của mình là George H.W. Bush. Trước khi rời Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Reagan đã viết một lá thư.

Khi chuyển quyền sang cho Tổng thống Trump, Tổng thống Barack Obama đã giữ truyền thống này và viết trong bức thư của mình gửi cho Tổng thống Trump rằng “Chúc mừng bạn đã có một thành tích đáng chú ý. Hàng triệu người đã đặt hy vọng của họ vào bạn và tất cả chúng ta, bất kể đảng phái nào, đều nên hy vọng vào sự thịnh vượng và an ninh được mở rộng trong nhiệm kỳ của bạn”.

Tổng thống Trump đã từ chối tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc là Judd Deere quả quyết với các phóng viên rằng Tổng thống Trump thực sự giữ truyền thống viết lá thư cho người kế nhiệm mình.

Đương nhiên, internet chụp ngay tin tức này. Chỉ trong vài giờ, hàng chục triệu tweets và re-tweets và cơ man các posts trên Facebook, Instagram tung lên internet phóng ảnh một bức thư được cho là Tổng thống Trump viết cho ông Joe Biden trong đó chỉ có một dòng chữ: “Joe, you know I won”, nghĩa là “Joe, ông biết tôi thắng mà”.

Bức thư này hầu chắc chỉ là chuyện đùa cho vui, vì theo truyền thống, thư phải được viết tay, chứ không phải là đánh máy.


Source:Today

2. Các nhân vật chính trị dính líu vào vụ luận tội Tổng thống Trump lo ngại an ninh cá nhân

Peter Meijer, 33 tuổi, một trong 10 Dân Biểu đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Trump cho biết ông và các nhà lập pháp khác đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa như mua áo giáp.

Ông nói với MSNBC: “Các đồng nghiệp của tôi đang đi cùng những người hộ tống có vũ trang vì lo sợ cho sự an toàn của họ. Chúng tôi lo sợ là có ai đó có thể cố giết chúng tôi”.

Đáp lại nhận xét của Peter Meijer, trên Twitters, nhiều người nói ông ta ăn nói kệch cỡm, chẳng ai muốn lấy mạng ông ta làm gì.

Bà Liz Cheney, 54 tuổi, con gái của phó tổng thống Dick Cheney, một ngôi sao đang lên được cho là có khả năng làm chủ tịch Hạ Viện, hoặc thậm chí là tổng thống, đã thm gia trong số 10 đảng viên Cộng hòa luận tội Tổng thống Trump.

Hôm thứ Tư, một nhóm Dân biểu Cộng Hoà đã bắt đầu dự thảo một bản kiến nghị để yêu cầu một cuộc họp đặc biệt buộc bà Cheney phải từ chức lãnh đạo Khối Cộng Hòa tại Hạ Viện.

Mối đe dọa tiềm tàng đã được nhấn mạnh vào đầu tuần này khi phát hiện ra rằng một trong những người bị bắt vì tham gia cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol có vũ khí và đạn dược cho một cuộc tấn công kiểu ám sát.

Hôm thứ Ba, cảnh sát ở Chicago đã bắt giữ một người đàn ông vài tuần trước đã gọi điện đe dọa Biden. Trước các tin tức này, các quan chức đã kêu gọi mọi người ở nhà hơn là ăn mừng lễ nhậm chức.

Các khách sạn ở trung tâm thủ đô Hoa Kỳ đã đóng cửa, và Airbnb đã hủy bỏ việc đặt phòng cho du khách đến Washington trong thời gian này. Trong khi đó, thị trưởng Washington Muriel Bowser nói rằng đã nhận được những lời dọa giết.

Ở một số bang, Vệ binh Quốc gia cũng được triệu tập để chuẩn bị an ninh cho giai đoạn 16-20 tháng Giêng.

3. Tờ Washington Post cho rằng ông Joe Biden sẽ hiệp nhất Giáo Hội Công Giáo tại Mỹ

Tờ Washington Post cho rằng ông Joe Biden đang định nghĩa lại thế nào là người Công Giáo chân chính. Tác giả Paul Murano có bài bình luận sau.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của..

Các phương tiện truyền thông chính thống đang tán dương thông điệp của Joe Biden về sự hàn gắn và đoàn kết - và cao rao đức tin Công Giáo giả mạo của ông ta.

Washington Post là cơ quan truyền thông mới nhất xào nấu lại thông điệp chống Công Giáo của Biden, một thông điệp thực sự đặt ông ta bên ngoài sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

Biden mạnh mẽ ủng hộ “hôn nhân” đồng giới và đã chủ trì hôn lễ của hai người đàn ông tại nhà riêng của ông ở Delaware. Liên quan đến phá thai, ông cũng là một người ủng hộ trung thành cho lựa chọn giết thai nhi. Và ông ta nói rằng có ít nhất ba giới tính [chứ không phải chỉ có nam và nữ].

Tuy nhiên, thực tại Joe Biden toàn tâm toàn ý với nền văn hóa chết không ngăn cản đám đông truyền thông khỏi các chương trình nghị sự của họ. Rốt cuộc, như một bình luận viên MSNBC tuyên bố, bất kỳ ai dám tuyên bố chỉ có hai giới tính đều là những người kích động lòng thù hận.

Joe Biden đã im lặng trong suốt mùa hè nổi loạn, cướp bóc và bạo lực. Ông ta đã góp phần vào trò lừa bịp liên quan đến Nga trong suốt bốn năm làm báo chí cuồng loạn. Ông ta không nói gì về những bức tranh biếm họa không ngừng công kích tổng thống. Và khi Maxine Waters hò hét đám đông hãy tấn công những người ủng hộ Tổng thống Trump trong các nhà hàng, ông ta đã không nói một lời nào.

Washington Post tuyên bố: “Biden có thể xác định lại ý nghĩa của việc trở thành một người Công Giáo tốt, đồng thời khẳng định người Công Giáo ‘tốt’ này ít bị ràng buộc vào giáo lý hơn”.

Theo cách giải thích của Washington Post, Biden và linh mục James Martin, là cánh tay đắc lực của ông ta, là những người theo thuyết Neo-Pelagian, tiếng Việt gọi là Tân Pelagiô. Họ cho rằng Thiên Chúa không thể thử thách con người những gì là không thể.

Trong trường hợp của linh mục James Martin, người nhiệt thành bênh vực cho những người đồng tính, những người này chịu hấp lực đồng tính, bắt họ kiêng khem tình dục đồng giới là điều không thể. Thiên Chúa không thể thử thách con người những gì là không thể nên hành vi tình dục đồng giới của họ là OK. Đức Cha Thomas Paprocki Giám Mục Springfield, Illinois, cảnh cáo hôm 19 tháng 9, năm ngoái rằng “Thông điệp công khai của Cha Martin tạo ra sự nhầm lẫn nơi các tín hữu và phá vỡ sự hiệp nhất của Giáo Hội khi cổ vũ cho một cảm thức sai lầm rằng hành vi tình dục vô đạo đức đó là có thể chấp nhận được theo luật của Thiên Chúa”.

Biden cũng có cùng một cách nhận thức như thế. Ông ta cho rằng có những hoàn cảnh nhất định mà người phụ nữ không thể không phá thai: nghèo túng, có thai ngoài hôn nhân, có thai vì ngoại tình…Trong những trường hợp như thế giữ cái thai là điều không thể. Thiên Chúa không thể thử thách con người những gì là không thể nên phá thai trong các trường hợp như thế là OK.

Biden và linh mục James Martin cho rằng cách nghĩ của họ là “nhân văn”, tiến bộ, giàu lòng thương xót; còn cách nghĩ của người Công Giáo tuân giữ giới răn Chúa là “giáo điều”, vụ luật. Trong khi chúng ta cho rằng họ đưa ra một lòng thương xót giả mạo, mà chung cuộc giết chết phần hồn của người ta, và thảm sát các thai nhi vô tội.

Biden, một người Công Giáo phản đối sự sống, phản gia đình, tương đối hóa và chủ quan hóa các lề luật như thế làm sao có thể là người hiệp nhất và hàn gắn, như các phương tiện truyền thông lề phải đang kháo với mọi người?

Điểm mấu chốt là Joe Biden không chấp nhận những giáo lý thiết yếu của Giáo Hội Công Giáo.

Raymond Arroyo: “Biden thẳng thừng từ chối những lời dạy của Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân, tình dục, phá thai, nghiên cứu tế bào gốc, chọn trường học và những thứ tương tự.”

Và vị tổng thống tương lai này chưa từng tỏ ra ước muốn là người hàn gắn hay đoàn kết quốc gia.

4. Tại sao quỷ Satan lại sợ hãi và trốn tránh Đức Mẹ Maria?

Theo lời các Đức Giáo Hoàng và các nhà trừ quỷ, đấng làm cho quỷ Satan hãi sợ nhất chính là Đức Mẹ.

Cha Sante Babolin, nhà trừ quỷ danh tiếng của Ý từng nói, có lần khi ngài đang liên lỉ đọc kinh cầu Đức Mẹ, chợt nghe quỷ nói với ngài “Ta không thể chịu đựng nổi bà Maria đó nữa, và ta cũng không thể chịu đựng nổi ngươi nữa”

Cha Sante còn khám phá thêm một điều thú vị là, trong khi ngài cử hành nghi thức trừ quỷ, chúng thường có phản ứng mạnh mẽ nhất mỗi khi cha nhắc đến các phép lạ của Đức Mẹ. Vì thế, ngài thường nhắc đến thánh danh Đức Mẹ Lộ Đức, Fatima hay Guadalupe để nghi thức được thành công nhanh chóng hơn.

Cha Gabriele Amorth, nhà trừ quỷ nổi tiếng nhất trong Giáo Hội Công Giáo cho đến khi ngài qua đời vào năm 2016, cũng đã xác định thực tế này trong những cuộc đối thoại trực tiếp của ngài với quỷ Satan. Trong đó, quỷ nói với ngài rằng “Ta thấy sợ hãi mỗi lần ngươi nhắc đến tên Đức Mẹ, bởi ta cảm thấy nhục nhã khi bị hạ gục bởi một sinh vật đơn sơ hơn là bởi Chúa”

Đức Thánh Cha Phan xi cô cũng đã nhắc lại những lời tương tự như trên trong một bài giảng tại Đại Chủng Viện St Mary như sau:”Nhà nào có Đức Mẹ, quỷ sẽ không vào nhà đó; ở đâu có Đức Mẹ, sự quấy phá của ma quỷ sẽ không thắng thế, sự sợ hãi sẽ không thắng thế.

Tại sao quỷ lại sợ hãi Đức Trinh Nữ Maria, một phụ nữ đơn sơ của thành Nazareth đến thế?

Trong nghi thức trừ quỷ, vị linh mục sẽ phải đọc đoạn sau: “Mẹ Chúa vinh hiển, Đức Trinh Nữ Maria truyền lệnh cho ngươi; bằng sự khiêm cung và ngay từ giây phút Vô Nhiễm Nguyên Tội đầu tiên của mình, mẹ đã nghiền nát đầu ngươi kiêu ngạo.

Lời cầu nguyện này đề cập đến một lời tiên tri được loan báo trong sách Sáng Thế Ký, khi Chúa phán bảo con rắn, “Ta sẽ tạo sự thù hằn giữa ngươi và người nữ, giữa con cái ngươi và con cái của bà; ngài sẽ giáng vào đầu ngươi, và ngươi sẽ đánh vào gót chân ngài “(Sáng thế ký 3:15). Câu này cũng có thể được dịch là “bà sẽ đập vào đầu ngươi,” và theo truyền thống đã được áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria.

Sự khiêm tốn của Mẹ tuyệt đối đến mức đã đập tan được “cái đầu kiêu hãnh” của Satan, và đây chính là sự phòng thủ chắc chắn nhất chống lại ma quỷ và các cuộc tấn công của chúng. Như lời ma quỷ đã nói với cha Amorth, “Bà khiến ta tức giận vì bà là người khiêm tốn nhất trong tất cả các sinh vật, còn ta là người kiêu ngạo nhất; bởi vì bà là một vật thụ tạo tinh khiết nhất trong tất cả các sinh vật, còn ta thì không; bởi vì, trong tất cả các tạo vật, bà là người vâng lời Chúa nhất, còn ta là một kẻ phản nghịch! “

Vì vậy, nếu người nào trong chúng ta muốn đánh bại ma quỷ trong đời sống của mình hay của cả thế giới, một trong những biện pháp mạnh mẽ nhất là chạy đến dưới chân Đức Trinh Nữ Maria. Thánh Padre Pio đồng ý với điều này khi ngài nói: “Một số người khờ khạo đến mức nghĩ rằng, họ có thể sống mà không cần đến sự giúp đỡ của Đức Mẹ. Hãy yêu mến Đức Mẹ và lần Chuỗi Mân Côi, vì Chuỗi Mân Côi của Đức Mẹ chính là vũ khí chống lại các tệ nạn của thế giới ngày nay. Mọi hồng ân Chúa ban đều qua trung gian Đức Mẹ “ [1]

Dưới đây là đoạn trích từ cuốn The Last Exorcist. Cuốn sách này, được viết dưới hình thức tự truyện, cha Gabriele Amorth đã ghi chép lại nguyên văn những mẩu đối thoại trực tiếp giữa cha và quỷ Satan trong những buổi trừ quỷ, để cho chúng ta hiểu sức mạnh của Đức Mẹ và chuỗi Mân Côi trong việc chống lại Satan quan trọng đến đâu.

Khi cha Amorth hỏi:

“Đức tính nào của Đức Mẹ khiến ngươi tức giận nhất?”

Quỷ đáp: “Bà ấy khiến ta tức giận vì bà là người khiêm tốn nhất trong tất cả các sinh vật, và bởi vì ta là người kiêu hãnh nhất; bởi vì bà là người thuần khiết nhất trong tất cả các sinh vật, còn ta thì không; bởi vì, trong tất cả các tạo vật, Bà là người vâng lời Chúa nhất, còn ta là một kẻ phản nghịch! “

Cha Amorth: “Hãy nói cho ta biết đặc điểm thứ tư của Đức Mẹ, đã khiến ngươi sợ hãi đến nỗi ngươi còn sợ khi ta nói tên của Đức Mẹ hơn là khi ta nói tên của Chúa Giê-su Kitô!”

Quỷ đáp: “Ta sợ hơn khi ngươi nói tên của Bà, bởi vì ta cảm thấy nhục nhã hơn khi bị hạ gục bởi một sinh vật đơn sơ, hơn là bởi Ngài...”

Cha Amorth: “Hãy nói cho ta biết đặc điểm thứ tư của Đức Mẹ khiến ngươi tức giận nhất!”

Quỷ đáp: Bởi vì bà luôn hạ gục tôi. Bởi vì bà không bao giờ nhượng bộ trước bất kỳ vết nhơ nào của tội lỗi!”

Cha Amorth nhớ lại, “Trong một buổi trừ tà, qua nạn nhân bị quỷ ám, Satan đã nói với tôi rằng 'Mỗi Kinh Kính Mừng của chuỗi Mân Côi là một đòn giáng vào đầu ta; Nếu mọi Kitô hữu đều biết rõ sức mạnh của Kinh Mân Côi thế nào, thì lúc đó sẽ là sự kết thúc của ta! '“[2]

Nguồn:

[1] https://aleteia.org/2018/05/07/this-is-why-the-devil-hates-the-virgin-mary/

[2] https://aleteia.org/2017/07/02/devil-admits-to-exorcist-im-afraid-of-the-madonna/
 
Bóp nghẹt được tiếng nói của Tổng thống Trump, các mạng xã hội quay sang làm tắt tiếng Hồng Y Mexico
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:01 21/01/2021


1. Tòa thánh bãi bỏ yêu cầu dẫn độ cô Cecilia Marogna

Hôm 18 tháng Giêng, khi một tòa án của Ý bắt đầu tiến trình xem xét yêu cầu dẫn độ cô Cecilia Marogna của Tòa Án Quốc Gia Thành Vatican, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Vatican đã quyết định bãi bỏ yêu cầu xem ra có vẻ nặng nề này, xét vì không còn cần thiết nữa.

Toàn văn tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh như sau:

Vào ngày 13 tháng Giêng năm 2021, thẩm phán điều tra của Tòa Án Quốc Gia Thành Vatican, đã chấp nhận yêu cầu của Văn phòng Chưởng Lý là thu hồi biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng trước đó đối với cô Cecilia Marogna, người sắp bị xét xử vì cáo buộc tham ô cùng với những người khác.

Bị cáo đã từ bỏ quyền tự bào chữa bằng cách không xuất hiện để bị thẩm vấn trước cơ quan tư pháp Ý, do Chưởng Lý yêu cầu thông qua một thủ tục tư pháp. Cho nên, ý định của sáng kiến này, trong số những thứ khác, là cho phép bị cáo tham gia vào phiên tòa ở Vatican mà không phải chịu các biện pháp phòng ngừa chống lại cô ấy đang được xem xét.


Source:Holy See Press Office

2. Vatican cho biết phiên tòa xét xử người phụ nữ Ý với cáo buộc tham ô sẽ sớm bắt đầu

Cecilia Marogna, 39 tuổi, người Sardinia, quê hương của Đức Hồng Y Angelo Becciu, đã bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của Vatican từ các khoản thanh toán hơn 500,000 euro (khoảng 600,000 Mỹ Kim) mà cô nhận được từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thông qua công ty có trụ sở tại Slovenia của cô trong năm 2018 và 2019.

Marogna nói rằng cô ấy đã làm việc cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với tư cách là một nhà tư vấn và chiến lược an ninh. Cô thừa nhận đã nhận hàng trăm nghìn euro từ Vatican nhưng khẳng định số tiền này là tiền lương và tiền trả cho công việc tư vấn cho Vatican của cô.

Marogna đã bị giam giữ sau khi bị bắt vào ngày 13 tháng 10 theo một lệnh tầm nã quốc tế do Vatican ban hành thông qua Interpol.

Một tòa án phúc thẩm ở Milan hôm 30 tháng 10 đã quyết định thả Marogna khỏi nhà tù San Vittore của thành phố với điều kiện hàng ngày cô phải trình diện với cảnh sát địa phương.

Vào tháng 12, Tòa Giám Đốc Thẩm, là tòa án cao nhất của Ý, đã hủy bỏ yêu cầu của tòa dưới là hàng ngày cô phải trình diện với cảnh sát địa phương.

Truyền thông Ý cáo buộc rằng các khoản tiền dành cho mục đích nhân đạo đã được sử dụng cho các chi phí cá nhân của cô Marogna, bao gồm cả việc lưu trú tại các khách sạn sang trọng và mua sắm các bóp đầm hàng hiệu. Nhưng Marogna khẳng định rằng những món quà đắt tiền này “được dùng để tạo mối quan hệ hợp tác”.

Truyền thông cũng tuyên bố rằng các khoản thanh toán đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đức Hồng Y Angelo Becciu, lúc ấy là “sostituto” tức là Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hay nhân vật thứ hai tại Phủ Quốc vụ khanh,

Hồng Y Becciu đã từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ quyền Hồng Y vào ngày 24 tháng 9, vì có liên quan đến nhiều vụ tai tiếng tài chính có từ thời ngài còn làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Trong một tuyên bố báo chí được đưa ra thông qua luật sư của mình vào ngày 7 tháng 10, cựu quan chức thứ ba của Vatican, chỉ sau Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã phủ nhận một loạt các cáo buộc được đưa ra trên các phương tiện truyền thông Ý sau khi ngài được yêu cầu từ chức và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y một cách đầy kịch tính hôm 24 tháng 9 vừa qua.

Ngài đã bác bỏ cáo buộc được tung ra vào đầu tháng 10, theo đó ngài đã chuyển tiền của Vatican mà không có sự giám sát thích hợp cho một phụ nữ 39 tuổi cư ngụ ở đảo Sardinia, quê hương của ngài.

“Các liên hệ với Cecilia Marogna hoàn toàn chỉ liên quan đến việc công,” vị Hồng Y cho biết trong tuyên bố được đưa ra bởi Fabio Viglione, người đại diện cho ngài sau khi luật sư trước đây của ngài, là Ivano Iai, từ chức.


Source:Catholic News Agency

3. Nhìn lại vụ án Đức Giám Mục Philip Wilson: Đó là một đòn dằn mặt Giáo Hội Công Giáo tại Úc

Trước cái chết của Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson của Adelaide, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết như sau:

Năm 2002, ngài được mời tham dự một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, vào lúc các giám mục Mỹ đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng các vụ lạm dụng giáo sĩ.

Một phát ngôn viên của USCCB vào thời điểm đó cho biết Đức Tổng Giám Mục Wilson được mời vì ngài “khôn ngoan trong các vấn đề đức tin, có kỹ năng lãnh đạo giáo phận và có kinh nghiệm đối phó với vụ tai tiếng cũng như nỗi đau và bất hạnh mà tội ác giáo sĩ gây ra cho các giám mục, người dân và Giáo hội”.

Gần như tất cả các Giám Mục đang tại chức tại Hoa Kỳ đã đến để lắng nghe những ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Wilson.

“Ngài đã phải đối mặt với những thách thức tương tự ở đất nước của mình và đã làm như vậy với sự khôn ngoan, phẩm giá và sự tự tin”, tuyên bố của USCCB nhận xét.

Đức Cha Wilson từng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc trong hai nhiệm kỳ, từ năm 2006 đến năm 2010.

Nhiều người cho rằng có lẽ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ theo lời mời của USCCB đã khiến các thế lực chống Công Giáo tại Úc chọn ngài làm con dê tế thần trong cuộc săn lùng phù thủy chống lại hàng giáo phẩm Công Giáo.

Tháng Năm 2010, một người bị cha James Fletcher lạm dụng tính dục tố cáo rằng vào năm 1976, anh ta đã xưng tội với cha Wilson là bị cha James Fletcher lạm dụng, nhưng bị ngài nạt ngang.

Tưởng cũng nên biết, Cha Wilson được thụ phong linh mục vào ngày 23 tháng 8, 1975, và ngài chỉ mới về giáo xứ East Maitland, New South Wales làm cha phó cho cha Fletcher được vài tháng, sau khi vụ xưng tội này được cho là xảy ra.

Trước cáo buộc này, Đức Cha Wilson nói rằng ngài không nhớ có ai xưng tội như thế hay không và ngài chỉ ở giáo xứ đó một thời gian ngắn trước khi sang New York du học về môn giáo dục tôn giáo.

Phán quyết kết án Đức Cha Wilson 12 tháng giam giữ tại gia gây chú ý lớn trên thế giới. Kết án một Giám Mục trở thành một chuyện quá dễ dàng. Chỉ cần tuyên bố hồi xửa hồi xưa tôi có xưng tội với ngài nhưng bị ngài nạt ngang là đủ cho ngài gặp trăm phần khốn khó. Vụ kết án Đức Cha Wilson thực chất là một trò dằn mặt hàng giáo phẩm Công Giáo để các ngài phải yên lặng trước các vấn đề xã hội trái ngược luân lý Kitô như phá thai, an tử, và hôn nhân đồng tính. Xa hơn, nó làm nản lòng những ai muốn đáp lại ơn gọi trở thành tư tế; và chung cuộc là giết chết dần mòn Giáo Hội.

Đức Cha Wilson đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô và được chấp nhận vào ngày 30 tháng 7 năm 2018.

Ban đầu ngài dự định sẽ quyết định xem có nên từ chức không sau khi đã có kết quả kháng cáo. Tuy nhiên, những ai quen biết với ngài đều biết Đức Cha Wilson luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình.

Phát biểu sau khi từ chức, ngài nói: “Có quá nhiều đau thương và thất vọng đặc biệt là đối với các nạn nhân của cha Fletcher nếu tôi cứ tiếp tục giữ chức vụ Tổng Giám mục Adelaide. Tôi phải kết thúc việc này và do đó tôi đã quyết định rằng việc từ chức của tôi là bước đi thích hợp duy nhất trong hoàn cảnh này”.

Vào tháng 12 năm 2018, một thẩm phán ở Newcastle đã lật lại bản án. Thẩm phán Roy Ellis, khi tuyên bố ngài trắng án, đã nói: “Tôi không ở đây để trừng phạt Giáo Hội Công Giáo vì những hành vi thiếu sót về thể chế, hoặc trừng phạt Philip Wilson vì tội lỗi của James Fletcher hiện đã qua đời, bằng cách kết luận Philip Wilson có tội, chỉ đơn giản trên cơ sở rằng ông là một linh mục Công Giáo”


Source:Catholic News Agency

4. Facebook xóa video bình luận của Hồng Y Mễ Tây Cơ

Facebook đã xóa một video bình luận từ Đức Hồng Y Juan Sandoval Iñiguez của Guadalajara, vì cho rằng video này đã lan truyền thông tin sai lệch về COVID-19.

Semanario Arquidiocesano Guadalajara - dịch vụ thông tin của Tổng giáo phận Guadalajara - đã đăng một ảnh chụp màn hình từ video trên trang Facebook của mình vào ngày 13 tháng Giêng, cùng với văn bản, “Hồng Y Juan Sandoval đã tố cáo việc áp đặt trật tự thế giới mới, vài giờ sau video của ngài đã bị kiểm duyệt”. Cơ quan thông tin của tổng giáo phận cũng đăng video trên trang web thông thường của mình, cùng với một câu chuyện về việc video bị Facebook xóa như thế nào.

Ảnh chụp màn hình cho thấy một thông báo nổi bật, “Thông tin sai lệch: Video này lặp lại thông tin về COVID-19, mà những người kiểm tra thông tin độc lập đã chỉ ra là sai trái”.

Video của Đức Hồng Y Juan Sandoval Iñiguez có tiêu đề “Âm mưu của một trật tự thế giới mới”. Mở đầu Đức Hồng Y Sandoval nói: “Điều này sẽ diễn ra trong một thời gian dài”.

Ngài cảnh giác “Đại dịch này sẽ không kết thúc trong một hoặc hai tháng, có lẽ không phải năm nay, có lẽ không phải sau ba, bốn, năm, hay sáu năm nữa. Đó là những gì những người này muốn”.

Đức Hồng Y bày tỏ quan ngại rằng những kẻ theo thuyết Great Reset, hay Đại Tái Lập đã lấy lý do tình trạng khẩn cấp do đại dịch coronavirus gây ra để đóng cửa các nhà thờ triền miên. Lo ngại của ngài xuất phát từ sự kiện là hồi tháng 5, 2020, trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davao, những người chủ trương thuyết này đã hô hào rằng đại dịch COVID-19 là một cơ hội độc đáo, có một không hai, để thiết lập một trật tự thế giới mới, trong đó loại bỏ ảnh hưởng của Giáo Hội trong đời sống xã hội.

Russell Ronald Reno, chủ biên tờ First Things nhận định trong bài “The Political Power of Big Tech”, nghĩa là “Sức mạnh chính trị của các gã công nghệ khổng lồ” như sau:

Các accounts của Tổng thống Trump đã bị đình chỉ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Trong khi đó, Parler, ứng dụng không bị kiểm duyệt để thay thế cho Twitter, đang bị các gã khổng lồ công nghệ bóp nghẹt. Apple và Google xóa ứng dụng Parler khỏi stores của họ và Amazon loại bỏ ứng dụng này khỏi máy chủ của mình. Một nhà báo bảo thủ có lượng người theo dõi lớn trên Twitter báo cáo rằng anh mất 100 người theo dõi mỗi giờ. Anh ngờ rằng mình có thể là nạn nhân của một nỗ lực quyết liệt nhằm thanh trừng toàn diện.

Về mặt kỹ thuật, Twitter và Facebook không vi phạm luật khi kiểm duyệt nội dung, giống như Amazon từ chối cung cấp dịch vụ cho Parler (hoặc bất kỳ ai mà họ muốn). Luật pháp của chúng ta coi các thực thể này là doanh nghiệp tư nhân, tự do liên kết và ký hợp đồng với bất kỳ ai họ muốn. Nhưng với sự kiểm soát gần như tuyệt đối của họ trên phương diện thông tin, cách hành động của họ chung cuộc đặt vào tay họ quyền quyết định giới hạn tự do ngôn luận cho toàn xã hội. Theo nghĩa thực tế, họ đang hình thành luật pháp cho cả đất nước, và cả thế giới mặc dù về mặt kỹ thuật họ đang hành động như các tư nhân.


Source:First Things