Ngày 21-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chia Rẽ Đông Tây Nam Bắc
Nguyễn Trung Tây
00:56 21/01/2017
□ Nguyễn Trung Tây
Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm A:
Chia Rẽ Đông Tây Nam Bắc



Cộng đoàn Kitô Côrintô, một cộng đoàn khá nổi tiếng (tai tiếng?) trong Tân Ước. Một trong những lý do khiến cộng đoàn Côrintô nổi tiếng liên quan tới những tranh chấp giữa những tín hữu thời tiên khởi của giáo xứ Côrintô. Theo như Tông Đồ Công Vụ 18, sau một thời gian chia sẻ ngọt bùi với những tân tòng của phố lớn, Phaolô cất bước ra đi, tiếp tục những bước chân truyền giáo tới những thị trấn và thôn làng của đế quốc La Mã. Nhưng không ai ngờ, sau khi nhà truyền giáo rời bước khỏi tân giáo xứ do chính tay ông vừa thành lập tại phố cảng Côrintô của Hy Lạp, những người tân tòng của phố lớn tranh chấp, cuối cùng chia rẽ ra làm bốn nhóm của bốn phương bốn hướng. Nói theo một cách khác, đang cơm lành canh ngọt, xưng huynh huynh đệ đệ, tỷ tỷ muội muội trong Đức Kitô, bỗng dưng vào một giây phút không ai ngờ, tín hữu Côrintô trừng mắt nhìn nhau, chia rẽ đông tây nam bắc.

Một nhóm tự xưng mình thuộc Đức Kitô.

Một nhóm xưng mình thuộc về cựu ngư phủ Biển Hồ Phêrô.

Một nhóm xếp mình vào nhóm Apôlô—môn đệ của Phaolô, một người nổi tiếng về tài hùng biện xuất thân từ phố cảng Alexander của Ai Cập (Tông Đồ Công Vụ 18).

Một nhóm thẳng thắn tuyên bố chúng ta thuộc về Phaolô (1Cor 1:11 -12).

Nhận được những bản báo cáo về hiện tình chia rẽ đông tây nam bắc của tân giáo xứ, Phaolô quyết định viết lá thư thứ nhất gửi tới Cộng Đoàn Côrintô (rồi thư thứ hai...). Không kìm chế được cơn giận, Phaolô buông bút viết, “Ủa, [hay chưa!] vậy là Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bẩy rồi sao?” (1Cor 1:13 ).

Có lẽ hiện tượng chia rẽ đông tây nam bắc đã ăn sâu vào trong máu của con người, cho nên không lạ chi những chương đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ cũng bắt đầu bằng những câu chuyện chia rẽ của cá nhân và của tập thể. Theo như Sáng Thế Ký 4, sau khi được Giavê Thiên Chúa mời ra khỏi Vườn Địa Đàng, vợ chồng anh chàng Đất sinh ra hai người con trai. Anh làm nghề nông, tên Cain. Em làm nghề chăn nuôi, tên Abel. Mùa gặt tới, hai anh em cùng dâng lên Giavê Thiên Chúa của lễ đầu mùa. Không hiểu sao Thiên Chúa chỉ nhận lễ vật của người em. Thấy vậy, người anh không hài lòng; không hài lòng nẩy sinh dòng máu chia rẽ đông tây nam bắc; dòng máu chia rẽ phun lửa đỏ đốt cháy tình nghĩa anh em. Thế là người nhà nông quyết định đoạn tuyệt tình nghĩa, chia đôi bắc nam bằng cách rủ người chăn nuôi ra ngoài cánh đồng. Giữa đồng không mông quạnh, người anh giơ cao bàn tay. Người em ngã xuống, máu đỏ nhuộm hồng đất đen.

Câu chuyện của chia rẽ trong Sáng Thế Ký chưa chấm dứt ở đây, nhưng được tiếp nối với câu chuyện của tháp Babel, câu chuyện của một ngọn tháp dở dang đã giải thích lý do tại sao nhân gian phân tán ra khắp bốn hướng đông tây nam bắc trên mặt quả địa cầu. Theo như Sáng Thế Ký 11, hiện tượng phân chia bốn phương đông tây nam bắc đã bắt nguồn từ thái độ thách thức của người trần thấp bé đối với trời cao vời vợi. Thế là người ta tay búa tay kềm, dự tính dựng cao ngọn tháp chọc thủng trời xanh. Từ trời cao Giavê Thiên Chúa nhìn xuống, Ngài khiến những người thợ xây ngọn tháp nói tiếng khác nhau! Thế là con người của một khối, thôi không còn là một khối, nhưng chia năm xẻ bẩy, phân tán ra khắp bốn phương trời đông tây nam bắc. Theo vết chân của những người thợ xây ngọn tháp Babel, dòng máu chia rẽ đông tây nam bắc tiếp tục nhân lên, lan tràn khắp nơi trên mặt quả địa cầu.

Suy Niệm
Có lẽ bởi dòng máu chia rẽ của tổ tiên dựng xây ngọn tháp dở dang Babel luân lưu trong người, người tân tòng Kitô Côrintô cuối cùng quyết định chia năm xẻ bẩy hóa ra bốn nhóm Kitô, Phêrô, Apôlô, và Phaolô.

Có lẽ bởi dòng máu chia rẽ bắt nguồn từ thời ông tổ Cain, hiện tượng chia rẽ đông tây nam bắc không chỉ xẩy ra trong những cộng đồng và đoàn thể, nhưng ngay cả trong từng cá nhân. Câu danh ngôn nổi tiếng, “Chuyện gì bạn làm được hôm nay, đừng để ngày mai hãy làm” đề nghị một phương cách sống. Nhưng câu danh ngôn này cũng đã phản ảnh tình trạng thường xuyên tự động chia rẽ trong tâm trí của con người trần. Đã bao nhiêu lần, tương tự như Phaolô, chúng ta đã than phiền, oán trách, hờn giận chính mình, bởi có những chuyện chúng ta phải làm, nên làm, nhưng mình lại không làm. Đã bao nhiêu lần rồi, chính chúng ta đã tự thúc đẩy, tự phân chia tâm trí mình ra bốn hướng đông tây nam bắc. Bởi tự phân chia ra làm bốn phương, mình trở thành những người bại liệt, không phải về thể xác, nhưng về phần tinh thần. Nhiều người trong chúng ta không còn tự chủ được mình nữa khi đứng trước một lon bia, một ly rượu. Nhiều người không kìm chế được chính mình, hóa thành thiêu thân lao vào ánh sáng của đèn xanh đèn đỏ chớp sáng từ những sòng bài Casinô. Như những chú chuột say với khói thuốc, nhiều người lao đao vật vờ với mầu trắng ngọt ngào của khói thuốc, của thuốc E (Ecstasy), và của thuốc lắc. Cái tài và cái sắc của người đối diện đã giết chết hạnh phúc, phá hoại gia cang của biết bao nhiêu gia đình. Và gần đây nhất, ngũ đổ tường của internet và chatroom đã khiến cho bao nhiêu người, thân bại danh liệt.

Bạn thân,
Thái Dương hệ của trái đất gồm có chín hành tinh liên tục quay chung quanh tâm điểm là mặt trời. Thật vậy, trong Thái Dương hệ, mặt trời là nguồn sáng và sức hút duy nhất lôi cuốn mời gọi chín hành tinh lơ lửng quay tròn chung quanh. Đặc biệt hơn nữa, nếu không có ánh sáng mặt trời, đời sống trên Trái Đất biến tan. Mặt trời tắt sáng đồng nghĩa với ngày cuối cùng của nhân loại.

Ngôn sứ Isaiah trong Isaiah 8:23b-9:3 và thánh sử Mátthêu trong Matt 4:12-23 đã minh họa và diễn tả Đức Kitô như một luồng sáng mới chiếu rọi mặt quả địa cầu. Luồng sáng mới này, dưới lăng kiếng thần học, đã chiếu rọi và xóa tan đêm đen bóng tối của nhân loại và của những mảnh tâm hồn vỡ vụn vì hiện tượng chia rẽ đông tây nam bắc. Theo như ngôn sứ Isaiah, năng lượng của Ánh Sáng Kitô mạnh mẽ đến nỗi Ngài sẽ bẻ gẫy, đập tan tất cả những gông cùm xiềng xích của ngũ đổ tường và của thói hư tật xấu đã khiến tâm hồn và thể xác chúng ta trở thành tê liệt bại xụi (Isa 9:3). Đặc biệt hơn nữa, theo như thánh sử Mátthêu, bởi Đức Kitô là Mặt Trời, bốn hành tinh Phêrô, Anrê, Giacôbê, và Gioan của bốn thiên thể cá biệt, khác tính tình, khác vóc dáng, đã đồng lòng đứng lên, bỏ lại đằng sau lưng những đường bay cũ (Matt 4:18-22). Và bắt đầu từ đó, đông tây nam bắc Phêrô Anrê Giacôbê Gioan không còn là những riêng biệt lẻ loi, nhưng hợp quần của bốn hành tinh đầu tiên quay tròn vòng quay vũ trụ chung quanh Mặt Trời Giêsu của Thái Dương Hệ Kitô giáo. Mặc dầu Phêrô vẫn là Phêrô, Anrê vẫn là Anrê, Giacôbê vẫn là Giacôbê, Gioan vẫn là Gioan, cả bốn người đã thôi không còn phân chia bốn phương bốn hướng. Nhưng họ tụ lại với nhau thành một trong nhóm Mười Hai Tông Đồ của Đức Giêsu.

Chỉ với niềm tin chân thành vào Đức Kitô, trong Đức Kitô, và cho Đức Kitô, người ta sẽ thôi không chia rẽ đông tây nam bắc. Bởi ánh sáng của Mặt Trời Kitô chiếu rọi, hiện tượng chia rẽ, một loại băng giá của tâm hồn, sẽ từ từ tan biến, tương tự như ánh sáng mặt trời bừng sáng đốt tan băng tuyết của giá lạnh mùa đông.

□ Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin hãy tiếp tục chiếu sáng những khoảng tối đen trong tâm hồn của con. Xin dạy chúng con hướng về Chúa như những hành tinh của Thái Dương hệ tiếp tục xoay tròn chung quanh Mặt Trời Giêsu.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Chúa khởi sự hành hiệp : thiên thời, địa lợi, nhân hoà ?
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
09:47 21/01/2017
CN 3A TN : Chúa khởi sự hành hiệp : thiên thời, địa lợi, nhân hoà ?

Thời kinh tế thị trường, ta thấy khá quen thuộc với việc tiếp thị. Trước khi tung một sản phẩm, người ta xem thời điểm thuận lợi không, địa điểm thuận lợi không, và người tiêu thụ có đón nhận sản phẩm đó không. Gần như là thiên thời, địa lợi, nhân hoà.

Công ty giầy kia phái nhân viên đến vùng nọ để nghiên cứu thị trường xem có bán được giày không. Anh trở về báo cáo : ở đó không ai đi giày hết, làm sao bán !

Một công ty giày khác phái nhân viên đến cũng vùng đó để nghiên cứu thị trường xem có bán được giày không. Anh trở về báo cáo : ở đó chưa ai đi giày hết, cho nên đưa giày đến là đắt như tôm tươi. Người làm ăn tốt là người thức thời.

Hôm nay Cha Giêsu khởi sự sứ vụ của Người. Thời điểm, địa điểm, nhân sự có thuận lợi không ? Có thiên thời địa lợi nhân hoà không ? Ta thử xét xem

1. Thời điểm. Chúa Giêsu bắt đầu chức vụ là việc Gioan bị cầm tù. Nhiệm vụ dọn đường của ông đã xong, vai phụ lui vào hậu trường để nhân vật chính xuất hiện. Nếu Gioan chưa bị tù, vẫn tiếp tục rao giảng và làm phép rửa, thì chưa phải lúc cho Đức Giêsu khởi sự. Việc Gioan bị tù như là thời điểm thuận lợi, trời cho (thiên thời), Chúa Giêsu biết đã đến lúc, đến thời Thiên Chúa Cha muốn Ngài phải bắt tay vào việc.

2. Địa điểm : Chúa Giêsu chọn Galilê, phía Bắc chứ không như Gioan, chọn Giuđê, phía Nam. Galilê không rộng lắm, từ bắc chí nam dài khoảng 60km, nhưng dân cư sống đông đúc vì là miền đất phì nhiêu nhất Xứ Thánh. Đất hẹp, người đông, Chúa Giêsu đã khởi sự thi hành chức vụ trong vùng đất có rất đông người được nghe Ngài. Kết quả là đại đa số quần chúng nghe được Tin Mừng.

Galilê không những là xứ đông dân cư nhưng dân cư ở đó cũng có một cá tính đặc biệt. Galilê sẵn sàng mở cửa đón nhận những ý niệm mới. Josephus nói về người Galilê : "Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên họ cũng là những người hào hùng nhất". Đặc tính bẩm sinh của người Galilê khiến việc truyền giảng cho họ rất thuận lợi.

Vậy là địa điểm đi liền với dân cư. Địa lợi thì nhân hoà.

Tuy nhiên nhân ở đây còn có nghĩa là nhân sự. Chúa chọn ai để cộng tác với ngài, nhân sự này có hoà với thiên thời địa lợi không.

3. Nhân sự. Trong số những người Galilê nghe Chúa, Chúa chú ý tới hai cặp anh em. Họ đều là những ngư phủ hành nghề trên biển Galilê. Thật lý thú khi chúng ta biết họ là hạng người nào. Họ không phải là những học giả uyên bác, hoặc những người có ảnh hưởng lớn, họ không giàu sang, không có địa vị trong xã hội. Họ cũng không phải là những người nghèo mạt mà chỉ là những công nhân bình thường không thân thế quan trọng mà chắc chắn cũng không có tương lai xán lạn. Họ là những người đánh cá, nhiều học giả cho rằng những ngư phủ lành nghề có một số đức tính thiết yếu sau đây để trở thành những tay đánh lưới người: Ta sẽ xét 3 chữ :

chữ thời

-Thấy thời cơ: người đánh cá khôn ngoan biết rõ thời điểm có cá hay không có cá. Người ấy phải biết khi nào nên và khi nào không nên thả lưới. Người giảng đạo tốt phải biết chọn thời điểm. Có khi người đời hoan nghênh chân lý, có lúc lại chối bỏ. Có khi chân lý cảm hóa lòng họ mà cũng có lúc khiến lòng họ cứng cỏi chống đối. Người giảng khôn ngoan biết lúc nào phải nói và lúc nào nên yên lặng.

-Biết dùng mồi thích hợp: cá này ưa mồi này, cá khác thích mồi khác. Phaolô nói: "Tôi trở nên mọi cách đối với mọi người để may ra được một vài người". Người thầy khôn ngoan biết rằng cùng một cách trình bày thì không thể thuyết phục được hết mọi hạng người. Có hạng ưa ngọt, có hạng thích thẳng tuồn tuột.

chữ nhẫn

-Kiên nhẫn: phải biết kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi cá cắn mồi, nếu cứ sốt ruột và dời chỗ luôn thì không bao giờ thành người thợ câu được. Một tay “lưới người” giỏi cũng cần phải kiên nhẫn. Công việc truyền giảng và dạy dỗ rất hiếm có kết quả nhanh chóng. Chúng ta phải tập chờ, luyện đợi.

-Bền chí: người ấy phải học không bao giờ ngã lòng, nhưng luôn luôn thua keo này bày keo khác. Đánh bắt mẻ cá này không được con nào thì vung lưới bắt mẻ khác. Thầy giảng dạy không được phép ngã lòng khi công việc dường như chẳng có kết quả gì. Thầy phải sẵn sàng làm lại ! Thua keo này bày ngay keo khác.

chữ dũng

- Can đảm: người Hi lạp thuở xưa, khi cầu khẩn các thần phù hộ, thì thường nói : "thuyền tôi quá nhỏ mà biển cả thì quá lớn." Người đánh cá phải liều mình đương đầu với sóng to gió lớn. Người giảng đạo tốt phải ý thức rằng bao giờ cũng có sự nguy hiểm trong việc nói chân lý cho người đời. Người rao giảng chân lý phải sẵn sàng hy sinh, kể cả sự sống và danh dự của mình.

Người ấy phải biết can đảm thừa nhận những hạn chế của mình, phải khám phá ra những địa hạt mình có thể làm và địa hạt nào mình bị giới hạn. Lại phải can đảm biết ẩn mình :

- Biết ẩn mình: nếu ngư phủ lộ diện, dầu chỉ là cái bóng, cá cũng không cắn câu. Thầy giảng dạy khôn ngoan không bao giờ tìm cách giới thiệu mình mà giới thiệu Chúa Giêsu. Mục đích của thầy là khiến mắt người ta không chăm chú vào mình mà chăm chú vào chính Chúa Giêsu .

Để khởi đầu chức vụ Chúa Giêsu đã chọn lựa Galilê là miền đất được chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận hạt giống Tin Mừng. Nơi phân đoạn Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu ý thức rõ rệt mình là Đấng Thiên Sai, biết Sứ mạng cứu nhân độ thế, biết phương cách để thi hành sứ mạng đó : đúng thời, đúng nơi, đúng người. Nói kiểu Đông phương chúng ta : rõ là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” vậy.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Giây phút linh thiêng
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
16:56 21/01/2017
Thánh Lễ Giao Thừa
Mt 5, 1-10

Giây phút linh thiêng

Nhìn lại một năm qua với bao biến cố xẩy ra đối với mọi người. Chúng ta quay ngược lại để thấy chiếc mốc thời gian của mỗi chặng đường, của mỗi chặng đời thật là kỳ diệu. Những may mắn hay những khó khăn, thử thách gặp phải trên đường đời, trong dòng đời quả rồi cũng mau qua. Và rồi “Giây Phút Linh Thiêng “ đã khởi đầu. Tiếng gà gáy báo hiệu giờ linh thiêng tới. Năm cũ bàn giao cho năm mới. Năm Bính Thân nhường chỗ cho Năm Đinh Dậu, năm Con gà…

Ca nhập lễ viết :” Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Xi-on “ ( Tv 133,3 ).Giây phút linh thiêng mà thi sĩ Hàn Mặc Tử thốt lên trong bài thơ tuyệt diệu “ Đà Lạt trăng mờ “ nói lên sự thánh thiêng của giây phút khởi đầu. Giây phút này là “ Giây phút năm cũ nhường cho năm mới “. 365 ngày cũ đã qua đi và 365 ngày mới bắt đầu. Thật kỳ diệu giây phút thánh thiêng này. Con gà tượng trưng cho sự nhanh nhẩu, tỉnh thức. Con gà báo hiệu canh một, canh hai, canh ba, canh bốn của một đêm. Sự tỉnh táo của con gà nói lên ý nghĩa đẹp của một năm mới đầy hy vọng. Giây phút mà Sách Dân số loan báo rằng Đức Chúa phán với ông Môsê “ Hãy nói với A-ha-ron và các con ông ấy rằng : khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này “ Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em!... Nguyện Đức Chúa ghé mặt nhìn và ban bình an cho anh em “ . Đó là sự chúc lành. Sự chúc lành chỉ có nơi Thiên Chúa như đáp ca chúng ta đọc :” Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên đất trời” (Tv120,1-2. 3-4.6-8 ).

Giây phút giao thừa là giây phút Thiên Chúa chúc lành.Giây phút linh thánh của giờ linh thiêng nhất. Bởi vì Chúa gìn giữ chúng ta khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.Chúa gìn giữ bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời. Và rồi thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cho thấy :” Chúa đã chúc lành cho con người, cho mọi người, nên chúng ta phải vui mừng :” Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng.Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh “. Thực kỳ diệu, thực lạ lùng. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì ơn sự sống Ngài ban. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì 365 ngày đã qua. Chúng ta tạ ơn Chúa vì 365 ngày sắp tới. Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta muôn việc kỳ diệu.Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta những điều chúng ta không bao giờ lường trước, đoán trước. Chúa sẽ chúc lành cho những ai :” Lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa “. Tin mừng của Chúa hôm nay đề cao các mối phúc vì bất cứ ai muốn nên thánh luôn phải đi theo con đường tám Mối Phúc thật…Đặc biệt trong Kinh Tiền Tụng chúng ta đọc thấy :” Trong Cha chúng con được hiện hữu, được sống và hoạt động.Ngay trên cõi đời này, chẳng những chúng con nghiệm hằng thấy hiệu quả tình thương của Chúa mà còn được nhận lãnh bảo chứng sự sống muôn đời…”. Tạ ơn Chúa trong giờ phút giao thừa là một ân huệ cao quý.

Mỗi gia đình trong năm mới chuẩn bị cho các bạn trẻ đi vào đời sống gia đình, chúng ta quây quần trước bàn thờ dâng Năm Mới cho Thiên Chúa.Xin Chúa chúc lành cho Năm mới Đinh Dậu. Xin Chúa chúc lành cho mỗi gia đình chúng ta trong Giáo xứ, Giáo họ. Xin Chúa chúc lành cho mọi thành viên trong gia đình. Xin Chúa chúc lành cho các bạn trẻ để các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống gia đình.

Lạy Chúa, trong đêm giao thừa này, Chúa đã cho cộng đoàn chúng con được tham dự tiệc thánh.Xin nhìn đến lòng tin của chúng con mà luôn luôn che chở giũ gìn hầu suốt cả năm nay.Chúng con được sống trong tình thương của Chúa ( Lời nguyện hiệp lễ, lễ Giao Thừa ).

Lạy Chúa trong thánh lễ Giao Thừa, chúng con tất cả mọi người có mặt trong Nhà thờ giờ này, xin dâng lên Chúa những vui buồn của cuộc đời chúng con, những ăn năn sám hối của những lỗi lầm chúng con đã lỗi phạm.Xin Chúa thương nhận, tha thứ và chúc lành cho chúng con trong Năm Mới này.Amen.
 
Tâm tình Tất Niên
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
17:02 21/01/2017
Thánh lễ Tất Niên 2016

Tâm tình Tất niên

Chúng ta đang ở trong một thời khắc đặc biệt, khi năm cũ Bính Thân sắp chấm dứt, năm mới Đinh Dậu sắp ló dạng. Theo tục truyền, ngày cuối năm, chính xác là cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Táo hay ông Công là “thần bếp” trong mỗi gia đình, cưỡi cá chép về thiên giới để chầu yết và báo cáo cho Ngọc Hoàng biết tất cả mọi chuyện đã xãy ra ở hạ giới, chuyện tích cực cũng như tiêu cực. Năm Bính Thân quả là một năm nhiều bất trắc, rủi ro hơn là thuận lợi đối với người dân Việt Nam do nhân tai và thiên tai xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở miền Trung. Nên có lẽ, năm nay ông Táo không cưỡi cá chép, vì cá đã chết do bị nhiễm độc của Formosa, nhưng ông Táo đi bằng du thuyền vì giá rẻ hơn. Dù là câu chuyện có tính thần thoại, nhưng nó cũng nhắc nhở con người ý thức có một Ai đó trên cao vẫn hằng quan tâm theo dõi mọi sinh hoạt của con người hạ giới.

Đối với hầu hết mọi người Việt, những ngày tất niên là những ngày bận rộn. Người đi xa lo về quê ăn tết; chủ lo tiền công trả cho thợ; thương gia thì tranh thủ kiếm tiền; gia đình nào cũng phải mua sắm gì đó để gọi là “hương vị ba ngày tết.” Tất niên tất nhiên là tất bật! Vì tất bật nên dễ tai nạn trên đường! Nên cũng phải thận trọng khi lái xe.

Theo truyền thống văn hóa tốt lành người Việt Nam, tất niên là dịp để bày tỏ lòng biết ơn nhau, bỏ qua những thiếu sót trong năm cũ, và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành trong năm mới. Chút tết là một nét đẹp của văn hóa. Tuy nhiên, ngày hôm nay, xem ra điều chính yếu lại trở thành điều tùy phụ. Nên người ta chép miệng: “Phong hoa, phong tục, phong thư. Trong ba phong ấy, người ta thích nhất “phong bì”…!
Đối với chúng ta, những người Kitô hữu, tất niên là dịp để chúng ta cảm tạ Thiên Chúa và tri ân mọi người vì những gì chúng ta đón nhận trong năm qua. Đồng thời đây cũng là thời khắc để cầu xin Chúa tiếp tục tuôn đổ phúc lành cho mỗi người trong năm mới.

Bởi thế, tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa là tâm tình chính yếu mà mỗi người Kitô hữu cần phải luôn mãi trong từng ngày sống, đặc biệt là trong những ngày Tất Niên và Xuân mới. Bởi lẽ, trong cái nhìn đức tin, chúng ta xác tín rằng tất cả là hồng ân. Nếu chúng ta có là gì cũng là nhờ ơn Đức Chúa. Theo thần học, Thánh Lễ (eucaristia) là nghi thức tạ ơn tuyệt hảo mà chúng ta dâng lên để cảm tạ Thiên Chúa. Trong ý nghĩa đó, Lời Chúa của thánh lễ Tất Niên giúp chúng ta đào sâu về tâm tình tạ ơn này.

Tiên tri Isaia trong bài đọc I nhắc nhở chúng ta hãy “dâng lời ca tụng Đức Chúa…, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is 63,7). Cựu Ước đã có kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, luôn hiện diện và luôn che chở mỗi người, nhưng vẫn là vị Thiên Chúa còn vô hình. Tân Ước giới thiệu với chúng ta một vị Thiên Chúa hữu hình mà chúng ta có thể tới gần, đụng chạm. Người là hiện thân lòng thương xót Thiên Chúa, Người là Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô thành Nadarét. Nhờ Người, chúng ta đón nhận từ ơn này tới ơn khác (x. Ga 1,16).

Theo đó, trong thư 1 Côrintô, thánh Phaolô bày tỏ: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu. Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm Người” (1 Cr 1,4).

Nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta đón nhận được ơn làm con Thiên Chúa, được hưởng ơn cứu độ, được trở thành chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức là Giáo Hội, được nuôi dưỡng mình bằng các bí tích, được lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày và được hứa ban phần thưởng Nước Trời mai sau.

Chân dung của Đức Maria được thánh Luca trình bày trong Bài Tin Mừng trở thành khuôn mẫu và lý tưởng cho tất cả chúng ta. Mẹ là người đã quảng đại để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa khi thưa “xin vâng.” Mẹ đã vội vã mang Chúa Giêsu đến cho gia đình ông Dacaria và bà Êlisabét. Xét cho cùng lý tưởng của đời sống Kitô hữu bước theo Chúa Kitô, yêu mến Người và mang Chúa đến cho người khác. Mỗi người chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và học hỏi Đức Maria để sống và thi hành tốt sứ vụ của mình.


Tâm tình của Đức Maria hôm nay phải là tâm tình của chúng ta mỗi ngày đối với Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.”
Xin cho cuộc đời của mỗi chúng ta trở nên lời cảm tạ chân thành, sinh động và mạnh mẽ để trở thành chứng nhân niềm hy vọng, liên đới, phó thác, an vui… dẫu cuộc đời vẫn còn đó những khó khăn, hoạn nạn, khổ đau. Hy vọng rằng những chuyện tiêu cực, buồn phiền sẽ đi vào dĩ vãng cùng với năm cũ. Và Thánh lễ tạ ơn Tất Niên này sẽ thắp lên ngọn lửa tin yêu, đầy hy vọng, để nối dài vòng tay yêu thương của mỗi người chúng ta trong mỗi cộng đoàn và giang rộng đến tận những nơi và những ai đang cần, đang mong, đang chờ đợi chúng ta như MỘT QUÀ TẶNG HIẾN DÂNG!

Nhân dịp Tết đến Xuân về, xin gửi tới Anh Chị Em những lời chúc sau đây:

NĂM Gà xin tiễn năm Khỉ qua
MỚI đón tân xuân đến mọi nhà
CHÚC mọi người thêm nhiều hoan hỷ
MỪNG vui khắp chốn rộn lời ca
HẠNH – dung - lễ - nghĩa ngời tâm ngọc
PHÚC lộc, công, danh rạng ý Trời!

 
Hãy theo Thầy
Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn
23:03 21/01/2017
Chúa Nhật III Thường niên A

HÃY THEO THẦY

Is 8,23b – 9,3; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23.

Toàn bộ sư đoàn lính Mỹ trong doanh trại Robert đang chuẩn bị một cuộc diễn binh đón chào ngài bộ trưởng Quốc Phòng. Nào các cỗ xe tăng chuyển hành ầm ầm, nào các khẩu trọng pháo được kéo đến, rồi tiếng giày lính nện lên mặt đường nhựa của đoàn quân đi nhịp nhàng theo khúc nhạc quân hành hùng tráng… Cả một khu vực và vùng trời vang động rộn rã, thế mà một đàn chiên vẫn thản nhiên từ từ tiến bước từ thảm cỏ này đến cánh đồng kia, nhích dần đến gần con đường người ta đang duyệt binh…Bộ chỉ huy phát hiện ra đàn chiên liền phái đến một tiểu đội quân cảnh để lùa đàn chiên tránh đi hướng khác. Họ mở còi hụ, la hét om sòm lên, nhưng đàn chiên vẫn nhởn nhơ gặm cỏ. Rồi cả một trung đội vệ binh được tăng cường. Cũng hò hét, hụ còi inh ỏi, nhưng đành chịu, đàn chiên vẫn bình thản thưởng thức món cỏ xanh thiên nhiên hào phóng, mỗi lúc một tiến gần doanh trại hơn.

Đúng lúc ấy, đoàn xe mô-tô dẫn đầu đoàn xe hơi của phái đoàn bộ trưởng đã vào đến cổng trại. Làm sao bây giờ? Không ai được quyền dùng đá để ném, dùng gậy để đánh đuổi đàn chiên, bởi như thế là chọc giận Hội Bảo Vệ Súc Vật và báo chí khắp nơi. Toàn bộ đội quân trang bị hùng hậu như vậy đành phải thúc thủ trước đối thủ quá ư hiền lành này hay sao? Bỗng, chiếc xe Jeep của thiếu tướng chỉ huy trưởng trại Robert phóng đến, và từ trên xe, Linh mục Tuyên uý Michael nhảy xuống, chạy đến nói nhỏ vào tai vị sĩ quan vệ binh. Sau đó, cả trung đội tập hợp ngay, đứng vào vị thế nghiêm. Và thinh lặng bao trùm lên tất cả đạo quân trong phút chốc!

Chính vào lúc hoàn toàn thinh lặng này, người ta mới nghe thấy có tiếng sáo của người mục đồng mãi từ trên một ngọn đồi gần đấy vọng xuống. Thế là cả đàn chiên tức khắc ngoan ngoãn quay gót, cùng nhau lũ lượt chạy lên mỏm đồi giữa những tiếng thở phào nhẹ nhõm của quan quân trong đoàn vệ binh…

Bao nhiêu tiếng hò hét, tiếng còi hụ inh ỏi đều bó tay. Càng nhiều tiếng huyên náo thì đàn chiên lại càng không tài nào nghe được tiếng sáo đơn sơ nhỏ nhẹ của chú bé mục đồng. (“Tiếng gọi trong thinh lặng”Nối lửa cho đời – Số 6, trg. 58). Tiếng sáo nhe nhàng gọi các chú chiên tiến bước.

Có những tiếng gọi oang oang thật mạnh mẽ nhưng vẫn nhạt nhòa, chẳng lưu lại trong người nghe một ấn tượng gì cả như lời phát tuyên truyền từ loa truyền thanh. Có tiếng gọi thì thần, nhỏ nhẹ vừa đủ nghe làm thay đổi bao con tim, bao cuộc đời, thay đổi cả cục diện thế giới trong suốt hai ngàn năm qua, đó là tiếng gọi: “Hãy theo Thầy” (Mt 4,19a) của Thầy Giêsu dành cho người Ngài chọn, để trở nên người môn đệ, sống trọn vẹn tình yêu với Thầy, trở thành kẻ “chài lưới người (Mt 4,19b).

Thật thế, Andre, Simon, Giacôbê và Gioan khi được Chúa gọi : hãy theo thầy, lập tức các ông đi theo Chúa Kitô mà thánh sử Matthêu ghi nhận như là kiểu mẫu của ơn gọi và sự đáp trả. Thái độ của những môn đệ đầu tiên này thật là mau mắn và dứt khoát. Các ông đã bỏ chài lưới, bỏ ghe thuyền, bỏ cha già mà đi theo Chúa, nên môn đệ của Ngài.

Thầy Giêsu gọi các môn đệ không chỉ là những người học trò nhỏ lắng nghe lời Thầy nhưng trở nên người bạn hữu với Thầy, ở lại trong Tình yêu Thầy (x. Ga 15), người bạn hữu tiếp tục sứ mạng của Ngài khi mang nhiều hoa trái (x. Ga 15) trong sứ vụ đem Tin mừng cho nhân gian, đó là sứ vụ đem ánh sáng cứu độ mà Chúa Kitô được ủy thác khi Ngài đến thế gian. Chúa Kitô – Đấng mang và ban ánh sáng cứu độ, Ngài gọi các môn đệ “Các anh hãy theo Thầy” ( Mt 4,20) một lời mời gọi lên đường. Hãy gắn bó với Thầy và chia sẻ thao thức của Thầy : lên đường cùng Thầy chung tay gánh vác sứ vụ mang ánh sáng tình yêu cứu độ.

Người theo Chúa bỏ lại cái an toàn êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô, êm ấm bên nghề nghiệp trong khoang thuyền, cạnh người cha đang vá lưới như Giacôbê và Gioan, chấp nhận ra khơi là chấp nhận lên bờ, bóc mình ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc. Chấp nhận bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp, để có thể đi đến mọi nhà, gặp mọi người, trong sự tận tụy chu toàn sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa vì trong mình luôn có nguồn ánh sáng cứu độ như Thánh Vịnh 27 đã cảm nghiệm:

“Chúa là ánh sáng và là Đấng Cứu Độ tôi, tôi còn sợ chi ai?

Chúa là nơi nương ẩn của đời sống tôi, tôi còn sợ gì ai?”

Các môn đệ không sợ hãi như Phaolô cảm nghiệm : “tôi có thể làm được tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13), vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37), các ông đã trở nên những tông đồ can đảm, luôn luôn mạnh dạn làm chứng cho Đức Giêsu, không chút sợ hãi (x. Cv 4,29.31; 9,27-28; 18,26; 19,8; 28,31). Vì Chúa Giêsu đã khẳng định các ông trở thành "ngư phủ bắt người", nghĩa là chứng nhân can đảm không mệt mỏi rao giảng tình yêu và Nước Trời – Vương Quốc tràn ngập ánh sáng.

Trình thuật tiếng gọi trong Tin Mừng Matthêu, có những động từ có sức cuốn hút mãnh liệt dành cho chính mỗi người chúng ta : “ Thấy, gọi, bỏ, theo”. Hôm nay trong cuộc sống hằng ngày, Thiên Chúa vẫn thấy tôi, ngài gọi tôi và tôi bỏ mọi sự theo Ngài, trở nên môn đệ, bạn hữu trong bất cứ vị trí nào của cuộc sống: người linh mục, tu sĩ làm người môn đệ qua ơn gọi thánh hiến cuộc sống cho sứ mạng : là bạn hữu và là người môn đệ đem ánh sáng Tin mừng cho anh chị em. Người Tín hữu Chúa Kitô trong bí tích Thanh tẩy, chúng ta được trao một ngọn nến cháy sáng, ánh sáng đó trong thời gian trở nên sáng rực trong tinh thần nghe tiếng gọi và từ bỏ bước theo…

“Hãy theo Thầy”. Chúa vẫn luôn nói với tôi với bạn trong suốt đời tôi, theo Chúa là được triển nở trong tự do yêu mến như lời mời gọi : « Hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy », lưu lại trong tình yêu trong thái độ từ bỏ mọi sự theo Ngài, thái độ đó trở thành thước đo tình yêu của người môn sinh đối với Thiên Chúa mà chính chúng ta nghiệm được trong sự gắn bó ơn gọi theo Thầy.

Thật thế, đời Kitô hữu là một cuộc lắng nghe không ngừng những tiếng gọi mời của Thiên Chúa. Nghe, theo, gắn bó và yêu khi thực hiện ý Chúa tỏ lộ qua từng ngày, từng biến cố của đời mình, đó cũng là sứ vụ cùng thầy mang Tin mừng trên khắp nẻo đường đời…

Gọi con gắn bó với thầy

Tình yêu chia sẻ ân tình hiến dâng

Gọi con - men muối ướp đời,

gieo ánh sáng khắp nẻo đường nhân gian…

Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn 21/01/2017.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng Thống Đài Loan viết thơ cho ĐGH Phanxicô
Nguyễn Long Thao
11:13 21/01/2017
Tổng Thống Đài Loan viết thơ cho ĐGH Phanxicô

Bà Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan viết thư cho ĐGH Phanxicô ca ngợi điệp văn của ngài được phổ biến nhân dịp Ngày Hoà Bình Thế Giới

Bức thư của bà Tổng Thống đề ngày 5 tháng Giêng 2017 có đoạn: ” Đài Loan và Trung Hoa Lục Điạ đã có một thời bị lôi kéo vào thế xung đột một sống một chết, gây ra cảnh căng thẳng cho toàn vùng và lo âu cho dân chúng của chúng tôi”

Trái lại, ngày nay, dân chúng của cả hai phía eo biển được hưởng đời sống ổn định, có những cuộc trao đổi bình thường và hoà bình giữa hai chính phủ. Tôi khao khát được sống theo lời Ngài dậy là nỗ lực làm thăng tiến đời sống an sinh cho dân chúng và kiến tạo một kỷ nguyên hòa bình cho eo biển Đài Loan.

Được biết Tòa Thánh Vatican là một trong 21 quốc gia trên thế giới còn duy trì ngoại giao với Đài Loan. Đảo quốc này có 23.5 triệu dân, trong đó 93% nhận mình là Phật Giáo hay Lão Giáo. Người Kitô Giáo chỉ chiếm 5%.
 
Nhiều thường dân có thể chết oan khi liên quân oanh kích thuyền bè trên sông Tigris ở Mosul
Đặng Tự Do
17:11 21/01/2017
Trong cuộc họp báo vào chiều ngày thứ Bảy 21 tháng Giêng, Đại tá John Dorrian, phát ngôn viên của liên quân cho biết:

“Máy bay của liên quân đã tấn công 90 tàu thuyền và 3 sà lan trên sông Tigris tại Mosul trong thời gian từ 18 đến 20 tháng Giêng.”

Theo ông, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã sử dụng các tàu thuyền này trong một nỗ lực để đưa các chiến binh khủng bố và các thiết bị từ phía đông sang phía tây nhằm chạy trốn các lực lượng của chính phủ Iraq.

Ông nói:

“Chúng tôi tin rằng đây là một nỗ lực tuyệt vọng để tái tổ chức lại ISIL sau khi các lực lượng an ninh Iraq đã chiếm được bờ phía Đông của tất cả các cây cầu ở Mosul.” ISIL, hay Daesh, là từ ngữ các quân nhân Hoa Kỳ thường dùng để chỉ bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Ít nhất 112 tàu thuyền trên sông Tigris đã bị phá hủy và bị hư hỏng bởi máy bay liên quân kể từ khi cuộc tấn công quân sự vào Mosul bắt đầu vào ngày 17 tháng 10.

Cư dân địa phương bày tỏ lo ngại rằng khi rút chạy khỏi phần phía Đông Mosul, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bắt nhiều thường dân đi với chúng để làm bia đỡ đạn. Cho nên, nhiều thường dân có thể chết oan khi liên quân oanh kích thuyền bè trên sông Tigris.

Các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo đang chiến đấu tại Mosul hiện nay gồm chủ yếu là các chiến binh người nước ngoài, là những người tin rằng liên quân muốn tiêu diệt họ bằng mọi giá, hơn là để họ quay trở lại các quốc gia phương Tây, để rồi thực hiện các hành vi khủng bố. Vụ oanh kích các thuyền bè trên sông Tigris, bất kể sống chết của các thường dân bị bắt làm con tin, củng cố thêm tin tưởng này.

Trong những ngày qua, bọn khủng bố Hồi Giáo IS ra lệnh giới nghiêm ở phần phía Tây, nơi vẫn còn trong phạm vi kiểm soát của chúng. Các vụ xử tử các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo đào ngũ, chủ yếu là người Ả rập, được báo cáo là diễn ra hằng ngày.

Trung tướng Abdul-Wahab al-Saadi khẳng định rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang sử dụng dòng sông này để chạy trốn và các cuộc không kích sẽ được tiếp diễn.

Trong một tuyên bố 2 ngày trước đó, ông bày tỏ tin tưởng rằng việc giải phóng phía Tây Mosul sẽ không khó khăn như nhiều người lo ngại. Giải thích cơ sở của tuyên bố này, tướng al-Saadi tiết lộ rằng: “Hầu hết các tên chỉ huy cao cấp của bọn khủng bố đã thiệt mạng trong mấy ngày qua.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tết Đinh Dậu 2017 tại Giáo Xứ Việt Nam Paris
Trần Văn Cảnh
20:11 21/01/2017
Tết Đinh Dậu 2017 tại Giáo Xứ Việt Nam Paris


Cũng như bất cứ người Việt Nam nào khác, người Việt Nam Công Giáo Paris, hàng năm hội họp nhau lại để mừng Tết. Tất cả các tục lệ Tết Việt Nam đều được cử hành một cách nghiêm trang, đặc biệt là thánh lễ giao thừa.

Vào khoảng 20 giờ, tất cả các giáo hữu tụ họp tại giáo xứ, khởi đầu bằng phần canh thức. Chữ canh thức được diễn tả rất đày đủ, bởi vì mọi người đều thức để mà đợi, đợi trong sự ôn lại tục lệ ngày tết, nhớ lại ông bà, đọc lại một vài trong sử quốc gia, xem lại một vài trang sử Giáo Hội Việt Nam, trao đổi một số ý kiến dân tộc... Có lẽ ít có đơn vị xã hội nào cử hành canh thức giao thừa một cách ‘văn vẻ như giáo xứ Balê’.

Sau phần canh thức là phần thánh lễ giao thừa. Nói là giao thừa, chứ thực ra không đúng là giao thừa, vì thường bắt đầu khoảng 20 giờ. Tết Nguyên Đán tại Giáo Xứ Việt Nam Paris có hai điểm rất độc đáo văn hóa Việt Nam. Đó là phần lời nguyện. Tất cả những lời nguyện đều hướng về tổ quốc, đều đượm tình dân tộc, như cầu cho quốc gia được bình an, cầu cho các nhà lãnh đạo biết lấy công ích quốc gia làm chuẩn đích thay vì tư lợi cá nhân, đảng phái, cầu cho dân tộc được đoàn kết, thương yêu nhau... Rồi trong bài giảng, như là gia trưởng trong đại gia đình giáo xứ, cha giám đốc, vì thường là cha giám đốc chủ tế lễ này, nhắn nhủ cộng đoàn giáo xứ một cách rất khiêm tốn, nhưng không thiếu phần uy quyền về những vấn đề cộng đoàn, dân tộc.

Kết lễ thường thường có hai phần rất ư là Tết. Đại diện giáo dân, chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ chúc tuổi các cha, các giáo sĩ, các bô lão quan viên và toàn thể cộng đoàn. Rồi lời đáp từ của một linh mục cao niên nhất. Rõ rệt là chữ thọ được coi trọng trong ngày Tết. Tiếp theo là phần lì xì trong một bao giấy đỏ, một món tiền nho nhỏ được trao cho các hội đoàn thanh thiếu niên. Gọi là nhỏ, chứ thực ra tò mò, tôi hỏi mấy em thiếu nhi, mấy em bật mí rằng khoảng trên dưới trung bình 1.000 euros. Và để kết thúc thánh lễ, tôi để ý từ mấy năm nay, luôn luôn thấy hát bài cầu cho gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái.

Sau thánh lễ, mọi người đều được mời ra ‘ăn tết’. Trên một bàn dọn sẵn nào bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, nào kẹo mứt, nào trái cây, nào rượu nước, mọi người nâng ly uống với nhau một ly đầu xuân. Cũng lúc này, nhiều người trao cho nhau những gói quà được chuẩn bị từ trước, với lời lẽ và nghi lễ rất ư là tết ‘Xin biếu anh chị chút quà tết’ ! Bạn bè, con cháu, thân thuộc lợi dụng dịp này chúc tuổi nhau. Đôi khi cảm động đến khóc. Mấy năm nay, thường có mấy cặp đã học khóa chuẩn bị hôn nhân đến chúc tuổi tôi vào lúc này ‘chúng em xin chúc tuổi thầy cô’. Rồi một vài học trò cũ ngày xưa ở Việt Nam, trong đó thỉnh thoảng có vài linh mục cũng đến kính cẩn thưa ‘em xin chúc tuổi thầy’.

Ngày mồng một Tết nhiều năm vẫn phải đi làm. Với một tinh thần ‘đáo giang tùy khúc, nhập gia tùng tục’, một ngày Chúa Nhật gần, trước hay sau Tết, sẽ được chọn để ăn Tết chung, qua một bữa tiệc TÂN NIÊN trọng đại và đông đủ cho toàn cộng đoàn, do Ban Thường Vụ của Hội Đồng Mục Vụ tổ chức. Bà con họ hàng nhiều khi dành chỗ đến cả năm ba bàn, để cùng gặp nhau trong ngày tết, cho con cháu ăn uống chung và nhận biết anh em ! Và trước, hoặc sau đó, các địa điểm mục vụ, các hội đoàn và đơn vị mục vụ đều lần lượt tổ chức mừng Tết riêng. Thành ra ngoài Tết chung của giáo xứ, còn Tết của Villiers le Bel, Tết của Marne la Vallée, tết của Cergy, Tết của Ermont, Sarcelles..., Tết của Thiếu Nhi, Tết của nhóm Taxi, Tết của Nhóm Trẻ, Tết của các lớp Pháp văn, Tết của các vị Cao Niên,...

Chương trình Tết Đinh Dậu 2017 ở Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được ấn định như sau :
Chúa Nhật 22.01.2017 : Tiệc Xuân Đinh Dậu, Giáo Xứ
Thứ sáu, 27.01.2017, lúc 20g, Lễ Giao Thừa.
Thứ bảy, 28.01.2017, 11g30 Thánh Lễ đầu năm Đinh Dậu.
Chúa Nhật 29.01.2017, phong trào Cursillo.
Thứ bảy, 04.02.2017, CĐ Villiers Le Bel.
Chúa Nhật 05.02.2017, Thiếu Nhi Thánh Thể, CĐ Marne La Vallée.
Chúa Nhật 05.02.2017, 17g, Nhóm Xây Dựng đốt Tết
Chúa Nhật 12.02.2017 : CĐ Cergy, CĐ Sarcelles, Giới Trẻ.
Thứ bảy, 18.02.2017, Liên Tu Sĩ.
Chúa Nhật 19.02.2017, CĐ Antony, Ermont ; Cao Niên
Chúa Nhật 26.02.2017, CĐ Seine-Saint-Denis.


Ngày Tết cũng là dịp ta Chúc Xuân cho nhau :

Đinh Dậu xuân về nắng đẹp xinh
Chúc cho trăm họ phúc thanh bình
An khang bô lão cầu trăm tuổi
Phú quí tráng niên chúc hiển vinh
Đa tử đa tôn đa phú quí
Lắm tiền lắm bạc lắm tâm tình
Đông Tây Nam Bắc đều no ấm,
Đất Nước, Giang Sơn tràn thái bình



Paris, ngày 21 tháng 01 năm 2017
Trần Văn Cảnh
 
Giáo phận Sàigòn :Hội chợ Xuân cho những mảnh đời bất hạnh HIV & AIDS
Người Giồng Trôm
23:26 21/01/2017
BAN MỤC VỤ NGƯỜI CÓ HIV & AIDS GIÁO PHẬN SÀI GÒN: HỘI CHỢ XUÂN CHO NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

Năm hết, Tết đến, nhà nhà người người bận rộn để lo đón mừng năm Mới. Hiểu được hoàn cảnh và nỗi lòng của những người bất hạnh, Ban Mục Vụ những người có HIV & AIDS thuộc Giáo Phận Sài Gòn đã tổ chức hội chợ Xuân cho những người kém may mắn.

Xem Hình

Từ nhiều ngày qua, nhiều sự chuẩn bị từ nhiều nhóm, đoàn thể đã sẵn sàng cho Hội Chợ Xuân diễn ra sáng hôm nay 21 tháng 1 năm 2017 tại khuôn viên nhà thờ Đồng Tiến. Được biết nhà thờ Đồng Tiến là nơi đã mở rộng vòng tay tiếp đón những hội chợ Xuân cũng như phòng khám cho những người kém may mắn.

8 giờ sáng, mọi người tập trung trước sân khấu “dã chiến” bên hông Thánh Đường để chuẩn bị cho chương trình Hội Chợ Xuân hôm nay được bắt đầu.

Cha Giuse Vũ Văn Phát – Dòng Camillo - cũng là trưởng Ban Mục Vụ người có HIV & AIDS của giáo phận Sài Gòn đã có đôi lời nói lên ý nghĩa của Hội Chợ Xuân hôm nay. Cha Phát ngỏ lời cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Phaolô, Cha Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Cao – chánh xứ Đồng Tiến, quý cha, quý sơ, quý ân nhân đã yêu thương, đồng hành, giúp đỡ cho Hội Chợ trong nhiều năm qua và đặc biệt năm 2016.

Một lẵng hoa tươi thắm được gửi đến Cha G.B. Trần Thanh Cao như nói lên lòng biết ơn sâu sắc đến với Cha.

Cha Phaolô Nguyễn Như Hiếu – vị bác sĩ ân cần với những bệnh nhân hoàn cảnh - người cùng đồng hành với Cha Phát dẫn chút tâm tình trước khi bước vào Hội Chợ.

Cha G.B. Trần Thanh Cao đã chúc lành và ban phép lành cho những ai tham dự Hội Chợ Xuân hôm nay. Và rồi Cha Giuse Phát đã khai mạc Hội Chợ Xuân.

Sau lời tuyên bố khai mạc của Cha Giuse, các em cũng như người thân có hoàn cảnh đã chia nhau đến với các gian hàng được bày ra xung quanh nhà thờ.

Nhiều gian hàng trò chơi được quý Thầy Dự Tu Chủng Viện Sài Gòn, Hướng Đạo Sinh và các nhóm thiện nguyện giúp cho các em vừa vui chơi vừa nhận được những phần thưởng tượng trưng. Đi vào trong phía sân sau là khu Siêu Thị. Trong khu siêu thị, các em có thể mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như dầu ăn, mắm, gạo, mì gói … cả giày dép và quần áo nữa. Đặc biệt, trong cùng khu Hội Chợ là gian hàng ẩm thực. Những món ăn nóng hổi được dọn sẵn chờ đón các em cũng như những mảnh đời bất hạnh. Mọi người có thể ăn, uống và chọn lấy những chiếc bánh gai mang về nhà …

Trao đổi với Cha Giuse Vũ Văn Phát, chúng tôi được biết cứ hàng năm vào dịp Xuân về như thế này, Cha cũng như Ban Mục Vụ những người có HIV & AIDS tổ chức hội chợ Xuân cho những người có hoàn cảnh bệnh tật nghèo như thế này. Mỗi kỳ Hội Chợ có nhiều gian hàng vui chơi, ẩm thực, mua sắm cho 500 người đến từ nhiều mái ấm khác nhau trên địa bàn Sài Gòn cũng như những người ở cộng đồng có hoàn cảnh.

Trong tâm tình khiêm tốn và phó thác, Cha nói tất cả đều là hồng ân. Cha nói để tổ chức như thế này phải có nhiều tấm lòng của quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và nhiều vị ân nhân.

Trong khi trò chuyện với Cha Giuse, chúng tôi thấy thấp thoáng hình ảnh của nữ tu Lệ dòng MTG Chợ Quán, sơ Nga dòng Thánh Phaolô, quý Thầy Chủng Sinh chủng Viện, tình nguyện viên, Hướng Đạo Sinh … và cả quý Cha như Cha Sơn, Cha Hoàng … ân cần chỉ bảo, tiếp đón thân của của mình là những người có hoàn cảnh bất hạnh. Tất cả đều vui vẻ, niềm nở đón tiếp những người nghèo bất hạnh như đón tiếp một Giêsu đang bị bỏ rơi bên lề cả xã Hội và Giáo Hội vậy.

Đang vui chơi, Hội Chợ Xuân ngưng lại đôi chút để đón tiếp vị Cha chung của Giáo Phận Sài Gòn là Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc. Dự định Đức Tổng đến để khai mạc Hội Chợ nhưng vì tiếp khách đột xuất nên giờ này Đức Tổng Đến với Hội Chợ.

Trong niềm vui chia sẻ, Đức Tổng cầu chúc cho Hội Chợ, cho những trẻ cũng như những người kém may mắn có được niềm vui.

Cha Giuse Vũ Văn Phát thay mặt cộng đoàn có đôi lời cảm ơn cũng như chúc Xuân đến với Đức Tổng.

Những tấm hình lưu niệm ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ được nhiều máy chụp hình cũng như điện thoại di động ghi lại một cách nhanh chóng.

Đức Tổng thăm hỏi quý Cha dòng Camillo một lá rồi Ngài ra về.

Hội Chợ Xuân tiếp tục với những hoạt động đã bắt đầu từ sáng.

Đến giữa trưa, Hội Chợ Xuân khép lại và mọi người ra về. Ban Tổ Chức và những tấm lòng thiện nguyện vẫn tiếp tục với công việc âm thầm dọn dẹp để trả lại khuôn viên sạch sẽ cho giáo xứ.

Mọi người rồi cũng ra về. Dẫu những phần quà hết sức nhỏ bé và khiêm tốn nhưng gói ghém bằng cả tấm lòng sẻ chia của nhiều nhóm, nhiều cá nhân cũng như tập thể đặc biệt của Ban Mục Vụ những người có HIV & AIDS. Nguyện chúc cho Ban Mục Vụ cũng như những tấm lòng thiện nguyện tràn đầy ơn Thánh của Chúa Xuân và sức khỏe để tiếp tục đồng hành, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh đâu đó ở quanh ta.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài Liệu Chuẩn Bị Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15: ''Người trẻ, Đức Tin và sự Biện Phân Ơn Gọi" (4)
Vũ Văn An
15:43 21/01/2017
Chương III: Hoạt Động Mục Vụ

Làm thế nào Giáo Hội giúp người trẻ chấp nhận ơn gọi để họ bước vào niềm vui Tin Mừng, đặc biệt là trong những thời điểm bất trắc, biến động và bất ổn này?

Mục đích của chương này là chú tâm vào việc phải đáp ứng một cách sốt sắng ra sao đối với thách đố chăm sóc mục vụ và biện phân ơn gọi, trong khi lưu ý đến những người can dự vào nhiệm vụ này, những nơi việc hướng dẫn này diễn ra và các nguồn tài nguyên sẵn có. Theo nghĩa này, việc chăm sóc mục vụ và ơn gọi dành cho người trẻ, dù chồng chéo lên nhau, vẫn có những khác biệt rõ rệt. Cái nhìn tổng quát sau đây không nhằm bàn tới đề tài này một cách trọn vẹn, nhưng cung cấp các dấu mốc cần được bàn chi tiết hơn, dựa trên kinh nghiệm của mỗi Giáo Hội địa phương.

1. Đi với người trẻ

Việc đồng hành với người trẻ đòi phải vượt quá khuôn khổ đã định trước, bằng cách gặp người trẻ tại nơi họ đang ở, thích nghi với thì giờ và tốc độ cuộc sống của họ và coi họ nghiêm túc trong các khó khăn của họ nhằm tìm ý nghĩa cho thực tại nơi họ sinh sống và biến đổi sứ điệp nhận được bằng cử chỉ và bằng lời, trong cố gắng hàng ngày nhằm xây dựng lịch sử và tìm kiếm một cách ít nhiều ý thức ý nghĩa trong đời họ.

Mỗi Chúa Nhật, các Kitô hữu duy trì sống động ký ức về Chúa chịu đóng đinh và sống lại trong cuộc gặp gỡ của họ với Người trong việc cử hành Thánh Thể. Nhiều trẻ em được rửa tội trong đức tin của Giáo Hội và dấn thân vào hành trình khai tâm Kitô giáo.

Tuy nhiên, điều trên không y hệt như việc thực hiện các lựa chọn chín chắn cho đời sống đức tin. Muốn tiến đến điểm này, ta phải làm một cuộc hành trình, đôi khi bao gồm những nẻo đường không ai đoán trước được và những nơi không quen thuộc, rất xa các cộng đồng Giáo Hội. Về phươg diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: "thừa tác mục vụ ơn gọi là học tập phong cách của Chúa Giêsu, Đấng đi qua nhiều nơi trong cuộc sống hàng ngày, dừng lại không vội vã và, bằng cách nhìn anh em của chúng ta với lòng thương xót, đã dẫn họ tới gặp gỡ Thiên Chúa Cha (Diễn Văn ngỏ với các Tham Dự Viên Hội Nghị Quốc Tế bàn về Công Việc Mục Vụ dành cho Ơn Gọi, 21 tháng 10 năm 2016). Đi với người trẻ là xây dựng toàn thể cộng đồng Kitô giáo.

Chính vì thông điệp đề xuất ở đây liên quan đến tự do của người trẻ, nên mỗi cộng đồng cần coi trọng các cách thế sáng tạo để ngỏ cùng người trẻ một cách có bản vị và hỗ trợ sự phát triển bản thân của họ. Trong nhiều trường hợp, nhiệm vụ này liên quan đến việc học cách dành chỗ cho những điều mới mẻ và không làm ngột ngạt những điều mới mẻ này bằng cách cố gắng áp dụng một khuôn khổ đã định trước. Không hạt giống ơn gọi nào có hiệu quả nếu được tiếp cận bằng “một thái độ mục vụ tự mãn” khép kín, một thái độ cho rằng: "Chúng tôi đã luôn luôn làm theo cách này rồi" và không có những con người "táo bạo và sáng tạo trong nhiệm vụ suy xét lại các mục tiêu, các cơ cấu, phong cách và phương pháp truyền giảng Tin Mừng trong các cộng đồng liên hệ của họ" (Evangelii Gaudium, 33). Ba động từ lấy từ Niềm Vui Tin Mừng, vốn mô tả được cách thức Chúa Giêsu gặp gỡ người cùng thời với Người, có thể giúp ta trong việc chấp nhận phong cách mục vụ này: đó là "ra đi", "nhìn” và "kêu gọi".

Ra đi

Theo chiều hướng trên, chăm sóc mục vụ ơn gọi có nghĩa là chấp nhận lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: "ra đi", chủ yếu, bằng cách từ bỏ các thái độ cứng ngắc vốn làm cho việc loan báo niềm vui Tin Mừng ít đáng tin; "ra đi", để lại phía sau một khuôn khổ khiến người ta cảm thấy bị vây kín; và "ra đi", bằng cách từ bỏ cách hành động như thể Giáo Hội có một lúc nào đó đã lỗi thời. "Ra đi" cũng là một dấu hiệu của tự do nội tâm, thoát khỏi các sinh hoạt và quan tâm theo thói quen, để người trẻ có thể là những nhân vật lãnh đạo trong cuộc sống của họ. Người trẻ sẽ thấy Giáo Hội hấp dẫn hơn, khi họ thấy điều này: sự đóng góp độc đáo của họ được chào đón bởi cộng đồng Kitô hữu.

Nhìn

Để "đi" vào thế giới người trẻ, ta phải sẵn lòng dành nhiều thời gian với họ, lắng nghe câu chuyện đời họ và lưu ý tới các niềm vui, niềm hy vọng, nỗi buồn và sự lo lắng của họ; tất cả trong một nỗ lực nhằm chia sẻ chúng. Điều này dẫn đến việc hội nhập văn hóa Tin Mừng và để Tin Mừng đi vào mọi nền văn hóa, ngay nơi người trẻ. Trong trình thuật về các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người đàn ông và đàn bà vào thời của Người, chính Tin Mừng đã làm nổi bật khả năng của Người trong việc dành thời gian để ở với họ và sự hấp dẫn của Người đối với những ai người trao đổi ánh mắt. Điều này hoàn toàn đúng đối với mọi mục tử đích thực của các linh hồn; các vị này là những người có thể nhìn thấu thẳm sâu trái tim người ta mà không hề mang tiếng xâm nhập hoặc đe dọa. Đây là cái nhìn đúng đắn về biện phân; nó không muốn chiếm hữu lương tâm người khác cũng không ấn định trước đường đi của ân sủng Thiên Chúa, nhưng bắt đầu với việc để qua một bên khuôn khổ tâm thức của chính mình.

Kêu gọi

Trong các trình thuật Tin Mừng, cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu đã tự biến thành lời nói, tức là, một lời mời gọi ta tiến vào sự mới mẻ của cuộc sống, một lời mời gọi cần được chấp nhận, khám phá và xây dựng. Trước hết, kêu gọi có nghĩa là đánh thức một ước muốn và thúc đẩy người ta ra khỏi những gì đang cản trở họ hoặc ra khỏi sự tự mãn vốn làm họ chậm lại. Kêu gọi có nghĩa là đặt các câu hỏi không có sẵn câu trả lời. Bằng cách này, chứ không bằng cách thụ động tôn trọng các qui luật, mọi người buộc phải bước vào cuộc hành trình và gặp gỡ niềm vui Tin Mừng.

2. Các tác nhân

Mọi người trẻ, không trừ ai

Trong sinh hoạt mục vụ, người trẻ không phải là đối tượng mà là tác nhân. Đôi khi, xã hội coi họ như không chủ yếu hay bất tiện. Giáo Hội không thể phản ảnh thái độ này, vì mọi người trẻ, không trừ ai, đều có quyền được hướng dẫn trong hành trình đời sống.

Thành thử, mỗi cộng đồng đều được kêu gọi lưu ý tới người trẻ, nhất là những người đang kinh qua cảnh nghèo, bị đẩy qua bên lề hay bị loại trừ và hướng dẫn để họ can dự vào đời sống. Gần gũi người trẻ, những người đang sống giữa cảnh nghèo và khó khăn, bạo lực, chiến tranh, bệnh hoạn, khuyết tật và đau khổ cùng cực, là một ơn phúc đặc biệt của Chúa Thánh Thần, một ơn phúc thực sự có thể nói lên cách thế hành động thích đáng của một Giáo Hội biết “ra đi”. Chính Giáo Hội được kêu gọi học hỏi từ người trẻ. Nhiều vị thánh của tuổi trẻ làm chứng sáng ngời cho sự kiện này và tiếp tục gợi hứng cho mọi người.

Một cộng đồng có trách nhiệm

Toàn thể cộng đồng Kitô hữu phải cảm nhận được trách nhiệm giáo dục các thế hệ mới. Thực vậy, nhiều Kitô hữu tham dự vào công việc này xứng đáng được nhìn nhận, khởi đầu là những người đảm nhiệm trách nhiệm này trong sinh hoạt Giáo Hội. Các cố gắng của những người hàng ngày làm chứng cho sự tốt lành của sự sống Tin Mừng và niềm vui phát sinh từ sự sống này cũng nên được ca ngợi như thế. Cuối cùng, Giáo Hội cần coi trọng hơn nữa việc can dự của người trẻ vào các cơ cấu tổ chức trong các cộng đồng giáo phận và giáo xứ, bắt đầu với các hội đồng mục vụ, mời gọi người trẻ thực hiện các đóng góp có tính sáng tạo và tiếp nhận các ý nghĩ của họ, cho dù các ý nghĩ này xem ra có tính thách thức.

Khắp nơi trên thế giới, có những giáo xứ, hội dòng, hiệp hội, phong trào và thực tại Giáo Hội có thể thiết kế và đem đến cho giới trẻ những kinh nghiệm có ý nghĩa để họ lớn lên và biện phân. Đôi khi, khía cạnh đặt kế hoạch chứng tỏ có dấu hiệu chưa sẵn sàng hay thiếu kỹ năng, tình huống này cần phải tránh bằng cách khẩn cấp khởi động việc suy nghĩ, thể hiện, phối hợp và thi hành chương trình mục vụ dành co người trẻ một cách chính xác, nhất quán và hữu hiệu. Nhiệm vụ này cũng đòi phải có việc chuẩn bị chuyên biệt và liên tục các nhân viên chịu trách nhiệm việc huấn luyện.

Những người để tham khảo

Vai trò của những người lớn đáng tin cậy và sự cộng tác của họ là điều căn bản trong diễn trình phát triển con người và biện phân ơn gọi. Điều này đòi phải có các tín hữu có thế giá, với một bản sắc nhân bản rõ rệt, một cảm thức mạnh mẽ muốn thuộc về Giáo Hội, một nhân cách tâm linh hiển hiện, một lòng say mê học tập mạnh mẽ và khả năng biện phân lớn lao. Tuy nhiên, đôi khi, những người lớn chưa sẵn sàng và non nớt có khuynh hướng hành động một cách muốn chiếm hữu (possessive) và đầy thao túng, tạo ra những sự lệ thuộc tiêu cực, rất bất lợi và phản làm chứng một cách nghiêm trọng; thái độ này thậm chí có thể tăng độ đến chỗ trở thành lạm dụng.

Muốn có các người đáng tin cậy để tham khảo, ta phải huấn luyện và nâng đỡ họ, thậm chí cung cấp cho họ các kỹ năng sư phạm chính yếu. Một cách đặc biệt, điều này đúng đối với những ai có nhiệm vụ đồng hành với những người đang biện phân ơn gọi để họ chấp nhận ơn gọi bước vào thừa tác vụ thụ phong và đời sống thánh hiến.

Cha mẹ và gia đình: Vai trò giáo dục không thể thay thế được do các cha mẹ và các thành viên khác của gia đình đảm nhiệm cần được nhìn nhận trong mọi cộng đồng Kitô hữu. Trước hết, cha mẹ trong các gia đình là người nói lên sự chăm sóc hàng ngày của Thiên Chúa đối với mọi con người nhân bản qua tình yêu nối kết họ lại với nhau và với con cái họ. Về phương diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cung cấp cho ta nhiều tín liệu giá trị trong chương đặc biệt nói về chủ đề này trong Niềm Vui Yêu Thương (xem các số 259-290).

Các mục tử linh hồn: Những cuộc gặp gỡ với các giáo sĩ, những người có khả năng can dự chân chính vào giới trẻ qua việc hiến thì giờ và các tài nguyên của các ngài, và các tu sĩ nam nữ nhờ việc làm chứng đầy vị tha của các ngài, là điều có tính quyết định trong việc lớn mạnh của các thế hệ mới. Về phương diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: “tôi yêu cầu điều này cách đặc biệt nơi các Mục Tử của Giáo Hội, các Giám Mục và Linh Mục: các hiền huynh là những người chịu trách nhiệm chủ yếu đối với các ơn gọi làm Kitô hữu và làm linh mục, và nhiệm vụ này không thể nhường cho chức vụ có tính bàn giấy. Các hiền huynh cũng từng trải qua cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời các hiền huynh, khi một linh mục khác, một cha xứ, một vị giải tội, một vị linh hướng, giúp các hiền huynh cảm nghiệm được vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Như thế, cả các hiền huynh nữa: hãy ra đi, lắng nghe người trẻ, điều này cần kiên nhẫn!, các hiền huynh có thể giúp họ hiểu các chuyển động trong trái tim họ và dẫn dắt các bước đi của họ” (Diễn Văn ngỏ với các Tham Dự Viên Hội Nghị Quốc Tế bàn về Công Việc Mục Vụ dành cho Ơn Gọi, 21 tháng 10 năm 2016).

Các thầy cô và các vị khác trong ngành giáo dục: Nhiều thầy cô Công Giáo tham dự việc làm chứng trong các đại học và trường học thuộc mọi cấp và mọi trình độ. Nhiều vị hăng say và đầy khả năng tham dự việc này tại nơi làm việc. Nhiều tín hữu khác dấn thân vào sinh hoạt dân sự, cố gắng làm men cho một xã hội công chính hơn. Nhiều người dấn thân làm thiện nguyện trong xã hội, hiến thì giờ của họ cho ích chung và chăm sóc sáng thế. Một số đông hăng hái và quảng đại tham dự các sinh hoạt rảnh rỗi và thể thao. Tất cả những người này làm chứng cho ơn gọi nhân bản và Kitô Giáo; họ chấp nhận và sống nó một cách trung thành và tận tụy, làm sống dậy nơi những người thấy họ một ước muốn được làm như họ. Thành thử, đáp ứng một cách quảng đại đối với ơn gọi riêng của mình là cách thượng đẳng thi hành công tác mục vụ ơn gọi.

3. Các môi trường

Đời sống hàng ngày và dấn thân xã hội

Trở thành người trưởng thành nghĩa là học biết độc lập trong việc quản lý các khía cạnh của đời sống có tính nền tảng và cùng một lúc là thành phần của cuộc sống ngày, đó là việc sử dụng thì giờ và tiền bạc, lối sống và cách sử dụng tốt các của cải và dịch vụ, học hành và vui chơi, quần áo và thực phẩm, đời sống xúc cảm và tính dục. Đối với người trẻ, học hỏi những điều này, hiển nhiên là một cuộc đấu tranh, mà cũng là một cơ hội để sắp đặt một trật tự nào đó cho đời sống và các ưu tiên của họ, thử nghiệm việc chọn lựa các diễn trình hành động có thể trở thành một thao tác biện phân và tăng cường hướng đi trong đời khi đưa ra các quyết định rất quan trọng. Đức tin càng chân chính, nó càng thách thức đời sống hàng ngày và tự để nó bị thách thức. Các kinh nghiệm trong thế giới làm việc, đôi khi khó khăn và tạo vấn đề, cũng như việc thiếu việc làm đáng được nhắc đến một cách đặc biệt. Đây cũng là các cơ hội để chấp nhận hay suy nghĩ sâu xa ơn gọi của mình.

Người nghèo đang kêu la, và trái đất cũng đang cùng với họ kêu la. Cam kết lắng nghe cả hai có thể là một cơ hội thực sự để gặp gỡ Chúa và Giáo Hội và khám phá ra ơn gọi của mình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy rằng các hành động của cộng đồng trong việc chăm sóc căn nhà chung và phẩm chất đời sống của người nghèo, “khi chúng nói lên tình yêu tự hiến, cũng có thể trở thành các kinh nghiệm thiêng liêng nồng đậm” (Laudato si’, 232) và, do đó, cũng là một cơ hội trong hành trình đời sống và biện phân ơn gọi.

Những môi trường đặc biệt trong sinh hoạt mục vụ

Giáo Hội cung cấp cho người trẻ những môi trường đặc biệt để gặp gỡ và đào tạo về văn hóa, giáo dục, truyền giảng Tin Mừng, cử hành và phục vụ, bằng cách tự đặt mình trước nhất và trên hết ở thế công khai tiếp đón từng người và mọi người. Thách thức của những môi trường này và các nhân viên mục vụ có liên hệ tới chúng là càng ngày càng phải tiến hành việc khai triển ra một mạng lưới hợp nhất các sứ điệp dành cho người trẻ, và chấp nhận một phong cách thi hành việc “ra đi”, “nhìn” và “kêu gọi” thích đáng.

— Các Ngày Giới Trẻ Thế Giới hiện đang nổi bật trên bình diện thế giới. Các hội đồng giám mục và các giáo phận càng ngày càng cảm thấy có trách nhiệm phải cung cấp các biến cố và kinh nghiệm đặc biệt dành cho người trẻ.

— Các giáo xứ đang cung cấp nhiều biến cố, nhiều sinh hoạt và hành trình cho các thế hệ trẻ. Đời sống bí tích cung cấp các cơ hội nền tảng để lớn mạnh trong khả năng chấp nhận ơn phúc của Thiên Chúa trong đời họ và là lời mời tham dự tích cực vào sứ mệnh của Giáo Hội. Các trung tâm và nguyện đường giới trẻ cho thấy Giáo Hội hết sức quan tâm tới người trẻ.

— Các đại học và trường Công Giáo, với các dịch vụ văn hóa và giáo dục có giá trị, là những dấu chỉ nữa cho thấy sự hiện diện của Giáo Hội giữa người trẻ.

— Các sinh hoạt xã hội và công việc thiện nguyện cung cấp nhiều cơ hội để phục vụ vô vị kỷ. Về phương diện này, việc gặp gỡ người nghèo và những người sống bên lề xã hội có thể là một cơ hội tốt để lớn mạnh về mặt thiêng liêng và biện phân ơn gọi, vì, theo cách nhìn này, người nghèo có thể dạy ta một bài học, thực vậy, tự họ, người nghèo vốn đem đến tin vui này: ơn cứu độ được cảm nghiệm trong sự yếu đuối.

— Các hiệp hội và phong trào Giáo Hội, cũng như nhiều trung tâm linh đạo, cung cấp cho người trẻ nhiều chương trình biện phân đặc biệt. Các kinh nghiệm truyền giáo trở thành một dịch vụ vị tha và trao đổi phong phú. Việc tái khám phá ra các cuộc hành hương làm hình thức và cách thế diễn tiến hành trình đời sống là điều có giá trị và rất hứa hẹn. Tại nhiều nơi, lòng đạo bình dân nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của người trẻ.

— Các chủng viện và nhà huấn luyện có tầm quan trọng chiến lược, vì, chúng có nhiệm vụ cung cấp kinh nghiệm cho những người trẻ biết đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa, trong đó, có kinh nghiệm của cuộc sống cộng đồng thâm hậu, một cuộc sống, ngược lại, sẽ làm họ có khả năng đồng hành với người khác.

Thế giới kỹ thuật số

Vì tất cả những điều đã nhắc trên đây, thế giới của các phương tiện truyền thông mới mẻ đáng được lưu ý đặc biệt, vì chúng thực sự chiếm một vị trí lớn lao trong đời họ, nhất là trong trường hợp các thế hệ trẻ hơn. Các phương tiện truyền thông mới mẻ này cung cấp cho ta nhiều cơ hội mới, nhất là về phương diện truy cập tín liệu và tạo ra các mối liên hệ với những người ở phương xa. Tuy nhiên, chúng cũng đặt ra nhiều nguy cơ như bắt nạt trên mạng, cờ bạc, văn hóa khiêu dâm, các nguy hiểm dấu mặt của các “phòng tán dóc” (chat rooms), việc thao túng có tính ý thức hệ … Bất chấp các dị biệt trong phạm vi này ở các vùng khác nhau, cộng đồng Kitô Giáo vẫn đang mở rộng sự hiện diện của mình tại khu Areopagus tân thời này, nơi người trẻ chắc chắn có điều gì đó để dạy nó.

4. Các tài nguyên

Các phương tiện phát biểu trong công tác mục vụ

Đôi khi ta thấy giữa ngôn ngữ của Giáo Hội với ngôn ngữ của người trẻ có một khoảng cách khó lấp đầy, cho dù không thiếu các kinh nghiệm gặp gỡ phong phú giữa các mẫn cảm của người trẻ và các đề xuất của Giáo Hội trong phạm vi Thánh Kinh, phụng vụ, nghệ thuật, giáo lý và truyền thông. Nhiều người mơ ước một Giáo Hội biết tích cực bao gồm người trẻ trong sinh hoạt của mình qua việc sử dụng các phương tiện phát biểu của người trẻ và bằng cách tỏ ra biết đánh giá cao và quí trọng óc sáng tạo và các tài năng của họ.

Theo một nghĩa đặc biệt, thể thao là một nguồn giáo dục, vì nó cung cấp cơ hội bằng nhiều cách khác nhau. Âm nhạc và các cách phát biểu nghệ thuật khác tự chúng là một phương thế ưu hạng giúp người trẻ biểu lộ cá tính của họ.

Săn sóc giáo dục và nẻo đường truyền giảng Tin Mừng

Sinh hoạt mục vụ với người trẻ, trong đó, cần phải khai diễn các diễn trình hơn là chiếm giữ không gian, trước nhất, cho thấy sự quan trọng của việc phục vụ sự phát triển nhân bản của mỗi cá nhân và các tài nguyên giáo dục và huấn luyện có thể hỗ trợ dịch vụ này. Có một sự nối kết có tính nguyên nhân giữa việc truyền giảng Tin Mừng và việc giáo dục, một nối kết, vào lúc này, cần phải tính tới việc chín mùi dần dần của tự do.

Ngược với các tình thế trong quá khứ, Giáo Hội cần làm quen với sự kiện này: các cách tiếp cận đức tin hiện nay ít bị tiêu chuẩn hóa, và do đó, Giáo Hội phải lưu ý hơn tới cá tính của mỗi người. Cùng với những người tiếp tục tuân theo các giai đoạn khai tâm Kitô Giáo cổ truyền, nhiều người đến gặp Chúa và cộng đồng tín hữu bằng nhiều cách khác và khi có tuổi hơn, do cam kết đối với công lý, đã tiếp xúc ở bên ngoài Giáo Hội với một ai đó được coi là nhân chứng đáng tin cậy.

Thách đố đối với các cộng đồng là phải tiếp đón mọi người, theo gương của Chúa Giêsu, Đấng có thể nói cả với người Do Thái, Samaritanô lẫn những người ngoại giáo trong nền văn hóa Hy Lạp và những người chiếm đóng Rôma, nắm được các ước muốn sâu xa của mỗi người trong số họ.

Im lặng, chiêm niệm và cầu nguyện

Sau cùng và quan trọng hơn cả, không thể có việc biện phân nào mà lại không cần phải vun sới việc thân quen với Chúa và đối thoại với Lời của Người. Cách riêng, Đọc Lời Chúa theo lối cầu nguyện (lectio divina) là một phương pháp có giá trị mà truyền thống Giáo Hội luôn luôn tuân theo.

Trong một xã hội ngày càng ồn ào, một xã hội cung cấp quá nhiều chất kích thích, một mục tiêu nền tảng của việc săn sóc mục vụ cho người trẻ là cung cấp cho họ cơ hội để họ biết thưởng ngoạn giá trị của sự im lặng và chiêm niệm, và tiếp nhận tín liệu để hiểu các kinh nghiệm của họ và lắng nghe lương tâm của họ.

5. Đức Maria Thành Nadarét

Diễn trình Thượng Hội Đồng được ủy thác nơi Mẹ Maria. Trong suốt diễn trình này, Giáo Hội tự xét mình về cách đồng hành với người trẻ để họ chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa bước vào niềm vui của tình yêu và sự viên mãn của cuộc sống. Đức Maria, người phụ nữ trẻ Nazarét, đấng, trong mỗi giai đoạn sống của mình, đều chấp nhận Lời Chúa, và giữ gìn nó, ngẫm nghĩ về nó trong trái tim mình (xem Lc 2:19), vốn là người đầu tiên hoàn thành cuộc hành trình này.

Mỗi người trẻ có thể khám phá ra trong đời sống của Đức Maria cách biết lắng nghe, lòng dũng cảm do đức tin tạo ra, độ sâu sắc trong biện phân và sự tận tụy trong phục vụ (xem Lc 1: 39-45). Trong "sự thấp hèn" của ngài, Đức Trinh Nữ đã đính hôn với Thánh Giuse, cảm nghiệm sự yếu đuối và sự khó khăn của con người trong việc hiểu thánh ý mầu nhiệm của Thiên Chúa (xem Lc 1:34). Ngài cũng được kêu gọi sống lối sống đi ra khỏi mình và các kế hoạch của mình để học biết tín thác và tin tưởng.

Nhắc lại những "điều cao cả" mà Đấng Toàn Năng đã thực hiện trong ngài (xem Lc 1:49), Đức Trinh Nữ đã không cảm thấy cô đơn, nhưng hoàn toàn được yêu thương và nâng đỡ bởi chữ "đừng sợ" của Thiên Thần (xem Lc 1:30) . Biết rằng Thiên Chúa ở với ngài, Đức Maria đã mở lòng mình ra mà nói "con đây", và do đó, bắt đầu cuộc hành trình Tin Mừng (xem Lc 1:38). Người phụ nữ chuyển cầu (xem Ga 2: 3), dưới chân thập giá của Con mình, kết hợp với "người môn đệ yêu dấu", một lần nữa đã chấp nhận lời mời gọi trở thành người mang hoa trái và sinh ra sự sống trong lịch sử con người. Dưới mắt ngài, mọi người trẻ đều có thể tái khám phá ra vẻ đẹp của biện phân; trong trái tim ngài, mọi người trẻ đều có thể cảm nghiệm được sự dịu dàng của tình thân mật và lòng can đảm làm nhân chứng và thi hành sứ mệnh.
 
Văn Hóa
Thanh Hỏa Trà, Hồng Huyết Lan
Nguyễn Trung Tây
01:11 21/01/2017
□ Nguyễn Trung Tây
Thanh Hỏa Trà, Hồng Huyết Lan


Lời Dẫn: Chuyện kể trước Giao Thừa Kỷ Dậu 1789, hoàng đế Quang Trung trên đường kéo quân ra Bắc diệt quân Mãn Thanh, ngài ghé vào gặp La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp hỏi về kế sách đánh giặc. Nguyễn Thiếp nói, “Quân Mãn Thanh vừa kéo sang nước ta, kiêu căng ngạo mạn và khinh địch. Doanh trại chưa thiết lập xong. Nếu đánh nhanh, tất chiến thắng”…

Cả tuần rồi, trời tháng Chạp trở mình chuyển gió bấc. Bầu trời đang xanh biêng biếc ngọc bích, bỗng dưng tựa người họa sĩ tâm thần nổi cơn điên cầm cọ chấm ô mực xám tô lên bức tranh. Thế là tổng thể xám ngoét! Trời xám, đất đen nứt nẻ như hạn hán, vỏ cây nứt banh bày phơi bộ ruột trắng xóa cốt khô! Trời xám! Cá tép cặp mắt trắng đục đua nhau nổi lềnh bềnh trắng xóa một khoảng sông Cái, kên kên đầu trọc lóc bay về tíu tít từng bầy no nê bữa tiệc cá chết trời đãi. Chiều về, đình làng bình thường ồn ào đám trẻ mục đồng tụm năm tụm bẩy đánh đinh đánh đáo, giờ trời trở rét, sân gạch vắng tanh tựa bãi tha ma. Trời sập tối, người làng trốn vào vựa thóc. Tối tối, ánh đèn từ kho rơm chập chờn thoáng ẩn thoáng hiện, thoạt nhìn tựa bầy ma chơi.

Rét kéo về huyện La Sơn khiến cụ Nguyễn Thiếp thêm nặng tiếng ho. Tối tối, cạnh bên chung trà vàng đặc tựa mật ong, cụ ôm ngực ho từng hồi. Vuốt vuốt cần cổ trấn áp cơn ho, cụ quyết định đứng dậy bước vào phòng, khoác lên thân hình khẳng khiu tấm áo bông trắng ngà. Quay lại phòng sách, cụ Nguyễn loay hoay nấu bình trà mới. Bóng cụ cô đơn, đổ dài bên lò than. Than hồng tí tách nổ văng tung tóe đêm đen tựa sao băng trên nền trời cuối năm. Chỉ còn mấy hôm nữa thôi, Bắc Hà sẽ lại nổ vang tiếng pháo đỏ chào mừng năm Kỷ Dậu.

Miệng húng hắng ho nhưng cụ nghiêng tai, vành tai dài, nghe ngóng. Cụ nhận ra tiếng chân đạp nhè nhẹ trên lá khô ngoài ngõ vắng. Ngẩng đầu nhìn qua khung cửa sổ, mặt cụ tươi vui. Cụ Nguyễn cất tiếng, giọng ấm và vui,

— Chào cụ Nghè.

Ngoài sân vang tiếng chào lại của cụ Nghè Văn Tiên, giọng thổ trầm ấm,

— Không dám, chào cụ.

Từ hồi tóc còn để chỏm, học lớp cụ Tú Chuyên trong làng, Văn Tiên và Nguyễn Thiếp đã thân với nhau. Theo học cửa cụ Tú Chuyên mấy năm, Văn Tiên chuyển sang huyện bên cửa môn cụ Nghè Thanh Hậu, khoa mục nổi tiếng văn hay chữ tốt không phải chỉ ở Nghệ An mà cả Bắc Hà. Năm Nhâm Tuất, năm vỡ con đê khúc sông Ðáy đổ vào sông Nhị Hà, Văn Tiên hai mươi hai tuổi đỗ thủ khoa trường Nghệ. Ba mươi tuổi Nghè Văn Tiên đỗ tiến sĩ, được bổ Tri Phủ quyền thụ Án Sát. Trước khi quân Ó tiến vào Thăng Long chấm dứt cơ nghiệp 200 năm của Chúa Trịnh, viện cớ thân phụ cao tuổi, Nghè Văn Tiên quyết định từ quan, quay về lại làng. Riêng cụ Nguyễn Thiếp, ngoại trừ thời gian dạy học tại nhà Ðề Lĩnh ở Thăng Long, sau mấy kỳ lận đận thi cử, quyết định về làng mở trường dạy sách thánh hiền. Bởi vậy người huyện La Sơn quen miệng gọi cụ La Sơn Phu Tử.

Cụ Nguyễn và cụ Nghè nể nhau về tài học, trọng nhau về đức độ. Riêng cụ Nghè Văn Tiên, cụ kính trọng La Sơn Phu Tử về kiến thức thông thiên bác cổ. Có lần, giữa tiệc rượu tại nhà quan huyện Hương Sơn, cụ Nghè Văn Tiên nói,

— Thời Tam Quốc có Ngọa Long tiên sinh nằm nhà cỏ nhưng vẫn biết thiên hạ sẽ phải chia ba. Giờ Bắc Hà có Nguyễn tiên sinh, không mấy khi rời bước khỏi làng, nhưng chuyện thiên hạ không đâu cụ không biết. Đến là tài!

Quan huyện Hương Sơn gật đầu, vuốt râu khẽ góp ý,

— Vâng! Tôi nghe nói La Sơn Phu tử còn biết cả đông y nữa cơ đấy...

Cụ Nghè Văn Tiên tiếp lời,

— Vâng, quan nói đúng. La Sơn Phu Tử, tài sánh với Hải Thượng Lãn Ông của huyện nhà. Con bệnh hiểm nghèo, thầy thuốc chê, người nhà chuẩn bị áo quan. Đưa đến tiên sinh, ngài cứu sống bẩy tám.

Cụ Nghè kể chuyện,

— Thời dạy học tại kinh đô, Phu Tử và Lãn Ông thường xuyên gặp gỡ trao đổi nghề thuốc. Thời gian chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán, có hai ba lần Hải Thượng Lãn Ông đích thân triệu mời Nguyễn tiên sinh tới Phủ Chúa chẩn mạch cho Thế Tử tại lầu Tử Các. Bởi vậy có lần Hải Thượng Lãn Ông vắng nhà, hình như vô rừng hái thuốc, mà ngặt nỗi bữa đó Chúa Trịnh Khải bất ngờ đổ bệnh nặng. Phủ Chúa lo lắm! Có người chợt nhớ tới vị đông y bạn của Hải Thượng Lãn Ông. La Sơn Phu Tử lập tức được triệu mời vào kinh đô. Chỉ qua hai thang thuốc của La Sơn, Chúa Trịnh đứng dậy, ăn liền một lúc mấy chén cơm, cứ như người chưa bao giờ ốm nặng...

Nhìn những khuôn mặt không che dấu nét kinh ngạc, cụ Nghè buông lời kết,

— Từ đó Chúa coi tiên sinh đại ân nhân, ăn cơm mời ngồi cùng mâm... Có lần thân mẫu của La Sơn Phu Tử ngã bệnh. Nếu không có nhân sâm Phủ Chúa, e khó sống. Tiên sinh lên kinh đô. Chính tay Chúa Công mở cửa kho thuốc, trao tận tay tiên sinh một lạng nhân sâm.

Cụ Nghè kể thêm,

— Biết tiên sinh thông thiên bác cổ, Thái Thượng Hoàng và Chúa Trịnh thường xuyên mời La Sơn Phu Tử về kinh vấn kế. Nếu không có nạn quân Ó, có lẽ tiên sinh đã về Thăng Long làm việc hẳn trong Phủ Chúa rồi.



Nhìn bạn đồng môn khuôn mặt lơ đãng, cụ Nguyễn hỏi,

— Cụ làm gì mà mơ màng như đang nhớ chuyện thủa xưa vậy?

Tiện tay, cụ Nguyễn rót trà mời khách, giọt nước óng ánh mầu mật ong,

— Thôi! Ta bắt đầu tiệc trà vậy. Mời cụ.

Cụ Nghè đáp lễ,

— Không dám. Mời cụ.

Cụ Nghè Văn Tiên đưa chung trà mầu nâu đỏ nhỏ tựa hột trứng gà con so lên miệng. Uống một ngụm, cụ đặt chung trà xuống mặt bàn.

— Chà! Hương trà thơm. Mới đưa vào miệng, vị chát. Nhưng nuốt vào tới cổ họng, vị ngọt đượm quanh cần cổ. Cụ đặt mua ở đâu vậy?

Cụ Nguyễn cười hiền hòa,

— Tôi có người cháu gọi bằng bác từ Đàng Trong gửi tặng. Người Nam Hà họ cũng có nhiều loại trà khá lạ cụ ạ! Thoạt tiên tôi cứ tưởng thằng cháu mua trà của người Minh Hương. Sau mới biết không phải. Trà này trà của Nam Hà.

Cụ Nghè ngạc nhiên,

— Trà Nam Hà? Cụ mà không nói, chắc cứ tưởng đang uống trà tàu.

Cụ Nguyễn nụ cười trên môi,

— Trà này người Ðàng Trong, họ gọi Thanh Hỏa Trà, chỉ xuất hiện trên vùng đất chất diêm, trời lạnh quanh năm. Thanh Hỏa Trà vị đắng. Mầu vàng tươi, óng ánh mật ong. Người suy nhược uống vào, thần khí trở lại bình thường. Đặc biệt Thanh Hỏa Trà ngừa và giải được độc tính của lá Hồng Huyết...

Cụ Nghè nhíu đôi chân mày,

— Cụ muốn nói…Hồng Huyết Lan?

Cụ Nguyễn gật đầu,

— Vâng! Cụ nói đúng.

Cụ Nghè kể chuyện,

— Ở nhà, tôi có giò Hồng Huyết Lan do người thân gửi biếu Tết. Người này dặn đừng tưới nước, đúng Giao Thừa hoa sẽ nở. Nhưng tôi chưa, chưa bao giờ nghe nói Hồng Huyết Lan mang độc tính.

Dừng lại nhìn cụ Nguyễn, ánh mắt cụ Nghè Văn Tiên dò hỏi. Khe khẽ cười, cụ Nguyễn chậm rãi nói,

— Vâng! Thưa cụ… Hồng Huyết Lan chỉ xuất hiện trên mạn ngược. Khi nở, hoa hình trái tim đỏ máu tươi. Lá cắt nhỏ, phơi khô ba sương bốn nắng. Giã nát thành bột, bột mang tính độc. Hồng Huyết Lan dùng đúng liều lượng có khả năng cứu sống người thổ tả. Nhưng nếu đốt trên lò than, mùi thơm hơn trầm hương. Người ngửi phải khói Hồng Huyết Lan, sau ba canh giờ, thất khiếu ứa máu mà chết!

Đứng dậy mở cửa tủ gỗ cẩm xà cừ bóng lộn nằm dưới bàn thờ, cụ Nguyễn chỉ vào lọ thuốc mầu Hồng Ngọc,

— Đây là Hồng Huyết Lan.

Cụ chỉ vào lọ thuốc mầu Bạch Ngọc nằm ngay bên cạnh,

— Còn đây là trầm hương.

Cầm lọ Bạch Ngọc trên tay, cụ rắc nhẹ trầm vào lư hương đồng đặt trên mặt tủ gỗ. Nhìn khói trắng quyện tròn bốc cao, cụ Nghè nhấp một ngụm trà, miệng cười hóm hỉnh,

— Nói dại miệng! Giờ cụ có đốt trầm hương trộn Hồng Huyết Lan, tôi vẫn chưa có cơ hội ghé chơi…cõi tuyền đài.

Cụ Nguyễn cười theo, tiếng cười dòn tan,

— Vâng! Cụ nói đúng, bởi ta đang uống trà Thanh Hỏa. Nhưng cụ yên chí, tôi, lương y như từ mẫu, tôi, tôi chỉ cứu người...

Thật là bất ngờ, tựa người trúng gió độc cụ Nguyễn bỗng ngừng ngang tiếng cười. Sát khí ở đâu kéo về nổi cộm, dầy như mây xám vần vũ bám đen vầng trán, giọng cụ ngập ngừng, khô khốc củi khô,

— Họa may, ngoại lệ, chắc chỉ có...

Cụ lập lại cùng một chữ,

— Chỉ có một người...

Cụ Nghè nhíu mày nhận ra người bạn vong niên ngước mắt nhìn bàn thờ gia tiên. Trên bàn thờ, hoành sơn đỏ thêu chữ LÊ đại tự kim tuyến với linh bài khắc năm chữ đỏ tươi Ðoan Nam Vương Trịnh Tôn mờ ảo chập chờn bởi hai ngọn nến đỏ tươi. Cụ Nghè đăm chiêu,

— Chắc cụ biết Hồng Huyết Lan chỉ nở cuối tháng Chạp, hoa nở ba tháng chưa tàn. Nhưng Hồng Huyết Lan sẽ không đỏ mầu máu nếu không có máu đổ thịt rơi!

Dừng lại, cụ thì thầm,

— Tôi nghe nói nhìn Hồng Huyết Lan, biết thời cuộc. Hoa nở đỏ mầu máu báo trước nhân gian sắp trải qua cuộc binh đao.

Cụ Nghè ngưng lại, nâng cao chung trà,

— Tôi theo lời dặn, từ ngày được hoa, không tưới một giọt nước. Thật là bất ngờ sáng hôm qua lan hé nụ. Ngạc nhiên tôi hỏi người trong nhà có ai đụng chạm giò lan hay không? Đứa con dâu thứ rụt rè nói cách đây hai hôm tôi đi vắng, thằng cháu đích tôn tinh nghịch đổ nước tưới lan...

Một lần nữa cụ xuống giọng, mặt tái xám,

— Tôi nhìn hoa Hồng Huyết mà rùng mình, hoa trái tim đỏ tươi mầu máu. Những nụ còn lại đang hé nở, nhìn vào bên trong, tinh là mầu máu đỏ tươi! Tôi còn ngửi được cả mùi máu tanh nồng nặc!

Cụ Nghè dừng lại, không nói gì thêm. Cụ Nguyễn đăm chiêu nhìn ra ngoài khung cửa. Bên ngoài trời tháng Chạp tối đen như mực. Cụ Nghè Văn Tiên lên tiếng đánh đổ bức tường yên lặng vây bọc chung quanh,

— Chắc cụ cũng biết tình hình Bắc Hà ngày càng rối loạn. Sau ngày Chỉnh bị Nhậm đánh đuổi, Hoàng Thượng rời bỏ kinh thành Thăng Long, chạy thẳng sang Bắc Kinh. Cống Chỉnh bỏ đi, Văn Nhậm một mình hùng cứ đất Bắc. Bắc Hà thay đổi từ vua sang chúa, từ chúa sang công, từ công sang tướng, cứ như quân rối.

Cụ Nghè thở dài,

— Nhưng, một lần nữa Huệ kéo quân Ó ra Bắc Hà, thế lực võ biền Văn Nhậm tan biến. Quân Ó bỏ về Nam Hà, 20 vạn quân Thanh dưới quyền Lưỡng Quảng Tổng Ðốc Tôn Sĩ Nghị vượt Lạng Sơn kéo thẳng xuống kinh thành. Ngô Thời Nhậm bỏ trống Thăng Long, kéo quân về đóng tại núi Tam Ðiệp...

Cụ Nghè nhìn bạn,

— Nghe nói Hoàng Thượng lơ là triều đình, ngày đêm chỉ lo báo thù trả oán. Trong khi đó, hai mươi vạn lính Thanh trấn đóng kinh thành ngày đêm hà hiếp dân tình. Đêm đêm tiếng than kêu thấu trời xanh…

Cụ Nghè đăm chiêu, lắc đầu,

— Nghĩ hoài mà vẫn không hiểu tình hình Bắc Hà rồi sẽ ra sao!

Nhìn người đối diện, cụ thở than,

— Mấy đêm rồi tôi ngủ không được, trằn trọc. Chiều nay ghé vào cụ, hỏi nhờ mấy việc. Cụ bác học, thông thiên địa lý, chắc chắn phải có nhiều cao kiến…

Đưa chung trà thơm lên miệng, uống một ngụm nhỏ, cụ Nguyễn cười,

— Cụ Nghè hỏi thì chắc cũng phải xin góp nhặt một vài điều để hầu cụ. Nhưng, cụ đã hỏi thì tôi áng chắc trong đầu cụ cũng đã có một vài cao kiến.

Cụ Nghè lắc đầu cười xòa,

— Tôi, tôi rối bời qua đây kiếm cụ tâm sự, vấn kế, ai ngờ bị hỏi ngược. Nhưng thôi, đã bị hỏi thì chắc cũng phải nói.

Nhìn ra khung cửa sổ, cụ Nghè Văn Tiên trầm ngâm mơ màng. Quay vào nhìn chăm chú bản đồ Thăng Long dán trên vách tường chi chít những khoanh tròn mực đỏ cửa ải hiểm yếu dẫn vào kinh thành, cụ Nghè chậm rãi nói,

— Từ ngày Lê Thái Tổ lên ngôi năm Mậu Thân, đất Thăng Long từ đó đến nay vẫn chưa đổi chủ, mặc dù con cháu tướng quân Trịnh Kiểm và Hữu Vệ Điện Tiền Nguyễn Kim lập hai phủ Chúa tại Thăng Long và Phú Xuân lấn áp vua Lê. Hai trăm năm rồi Trịnh Nguyễn phân chia đất nước, hùng cứ một phương. Nhưng Bắc Hà và Nam Hà trên danh nghĩa vẫn thuộc vua Lê, bởi ngai vàng Thái Tổ vẫn còn đó. Thêm nữa, mặc dù dân hai quốc gia, người Bắc và người Nam Hà đều răng nhuộm đen ăn trầu. Ngày Tết, người song Hà vẫn đốt pháo, dựng nêu, đưa ông Táo về trời, nấu bánh chưng xanh, cúng tổ tiên giờ Giao Thừa.

Cụ Nghè lắc đầu,

— Nhưng thật là bất ngờ, anh em Tây Sơn nông dân chân lấm tay bùn nổi lên từ Quy Nhơn dẹp đổ vương quyền Chúa Nguyễn, của Trương Phúc Loan. Lần thứ nhất quân Ó vượt sông Gianh, Phủ Chúa truyền nối hai trăm năm sụp đổ. Lần thứ hai quân Ó kéo ra Thăng Long, quyền hành Văn Nhậm tan theo mây...

Cụ Nghè Văn Tiên dừng lại, mặt trầm tư,

— Nhưng tình hình lần này hoàn toàn khác. Hai lần trước, quân Ó kéo ra kinh thành cũng chỉ đụng phải đám kiêu binh Tam Phủ, một Văn Nhậm hữu dõng vô mưu. Lần này hai mươi vạn quân Mãn Thanh, dưới quyền điều động của danh tướng Lưỡng Quảng Tôn Tổng Ðốc, vượt biên giới Lạng Sơn. Bởi vậy tướng Tây Sơn Thời Nhậm khiếp sợ, chưa giao tranh chưa đụng trận đã cuốn cờ kéo quân Ó bỏ chạy về núi Tam Điệp.

Lắc đầu, cụ Nghè lại thở dài,

— Có một điều tôi không hiểu. Nghe nói Hoàng Thượng về lại kinh thành nhưng đất Bắc Hà vẫn như vô chủ, bởi từ ngày về lại Thăng Long, Hoàng Thượng ngày ngày bỏ ngai vàng, thân chinh vào tận Tây Long Cung của Lưỡng Tổng Đốc hỏi han việc quốc sự…

Cụ Nghè đăm chiêu,

— Chỉ với cụ tôi mới dám thổ lộ điều tâm huyết.

Cụ Nghè ngần ngừ,

— Một phần tôi mong Hoàng Thượng mau chóng khôi phục ngai vàng, phủ Chúa được lập lại. Nhưng nhìn vào Thăng Long với hai mươi vạn quân thiện chiến rợp bóng kinh thành, tự nhiên, thật tình mà nói…

Cụ Nghè giọng nhỏ rưng rức, gần như thì thầm,

— Tôi lại nghĩ tới quân Ó…

Bên ngoài tối đen. Một vài tiếng pháo chuột nổ đì đùng xa xa. Than hồng bám tro tàn ngủ quên trong lò. Bóng của hai người lu mờ câm lặng trên vách tường nhà. Trống điểm canh buồn rầu vang dội đêm đen. Giờ này giờ Hợi.

oOo

Tiễn bước người bạn vong niên ra khỏi ngõ, cụ Nguyễn quay vào nhà. Tiếng chó sủa vang vang đầu ngõ khiến cụ nhíu mày ngạc nhiên, bầy chó trong nhà không lạ gì cụ Nghè Văn Tiên. Bước vào phòng khách, cụ giật mình. Dưới tia sáng tù mờ của ngọn đèn dầu, cụ Nguyễn nhận ra người lạ mặt, dạ hành đen tuyền bó sát người, lưng quay lại cánh cửa, mặt hướng bàn thờ nhìn chăm chú bức hoành sơn đỏ thêu chữ LÊ đại tự và linh bài Ðoan Nam Vương Trịnh Tôn.

Biết cụ bước vào, người lạ chậm rãi xoay ngang, cất tiếng chào, âm giọng trầm, tiếng ngân vang tựa tiếng chuông,

— Kính chào Nguyễn tiên sinh.

Cụ Nguyễn khơi cao ngọn đèn, người lạ mặt hiện ra rõ từng nét. Dáng cao, hai bờ vai rộng, nước da đen sậm, mắt sáng long lanh trong đêm tối. Giọng người khách nghe lạ, rõ ràng không phải người Bắc Hà,

— Xin lỗi, tôi ghé nhà hơi đường đột. Nghe danh La Sơn Phu Tử nổi tiếng một vùng. Đã hai lần có công chuyện đi ngang, tôi đều muốn ghé vào thăm hỏi. Nhưng cả hai lần đều lỡ dịp. Nay tôi quyết định gác qua mọi chuyện, ghé vào, trước là thăm hỏi tiên sinh, sau có một vài tâm ý muốn xin được chỉ giáo.

Cụ Nguyễn giơ tay,

— Mời đại nhân…

Người khách ngồi xuống. Cụ Nguyễn đưa tay nhấc ấm trà, ấm trà nhẹ tênh. Nhìn quanh, cụ lưỡng lự đứng dậy, rồi lại ngồi xuống nhìn người đối diện. Khách lạ nhìn lên bàn thờ, nhìn căn phòng khách, ánh mắt dừng lại nơi có bản đồ kinh thành Thăng Long được đánh dấu chi chít khoanh tròn mực đỏ những cửa ải chiến lược. Nhìn theo người khách, cụ Nguyễn nhíu mày, cất giọng khô khốc,

— Cám ơn cho những lời quá khen. Lần trước ngài ra Bắc chấm dứt cơ nghiệp trăm năm của Chúa Trịnh, lần thứ hai ngài ra Bắc Hà bắt sống Vũ văn Nhậm, đã hai lần đại nhân đi ngang qua đây, cả hai lần tôi đều lỡ dịp được hầu tiếp ngài. Thật đáng tiếc…

Cụ Nguyễn đứng dậy, cổ bật tiếng ho khan,

— Xin lỗi đại nhân. Trời cuối năm lạnh se da thịt. Tôi đã có tuổi. Mấy năm nay thường hay đau yếu…

Cụ Nguyễn hạ khung cửa sổ xuống. Chậm rãi quay lại tủ gỗ cẩm xà cừ, cụ lấy ra lọ thuốc hồng ngọc Hồng Huyết Lan. Mở nắp lư hương, cụ Nguyễn rắc nhè nhẹ hương trầm Hồng Huyết Lan lên than hồng. Gặp lửa, khói trắng bốc cao tỏa hương thơm ngào ngạt dầy đặc không gian nhỏ bé của căn phòng khách. Cụ Nguyễn bỏ về ghế, ngồi xuống. Khách lạ nhìn cụ Nguyễn, khẽ cười, bắt đầu nói,

— Tôi xuất thân chốn quê mùa, một đời ngưu ẩm, không biết đốt hương trầm, không biết gẩy đàn, không biết nhiều chữ thánh hiền, nhưng cũng được một vài dịp đi tới lui…

Khách lạ quay hướng câu chuyện,

— Tôi nhớ có nhiều lần ghé vào kinh thành, gặp người Mãn Châu. Người Thanh cụ biết thuộc phương Bắc, to cao lực lưỡng, lấn chiếm Trung Nguyên chấm dứt nhà Minh. Tới thời Khang Hy, tiêu diệt Thiên Địa Hội, chấn chỉnh lại nhà Đại Thanh. Tới thời Càn Long, hùng khí vươn cao một góc trời.

Khách lạ dừng lại, âm giọng trầm buồn,

— Từ bao lâu nay phương Bắc ỷ lớn coi thường người phương Nam. Người nước Nam, rất tiếc, thời Lý Đại Tướng Bắc đánh Tống Nam bình Chiêm; thời Trần Đại Tướng chỉ sông Hóa thề không trở về nếu không dẹp tan giặc Mông Cổ; thời Lê Thái Tổ mười năm nằm gai nếm mật đã qua. Hai trăm năm rồi, hai phủ Chúa dùng danh hiệu Thái Tổ hiệu lệnh thiên hạ. Hai trăm năm rồi, Bắc Hà và Nam Hà đoạn giao, coi nhau thù địch. Người Bắc Hà coi người dưới dòng sông Gianh ngoại tộc, man di mọi rợ. Người Nam Hà coi người nằm trên dòng sông Gianh hủ nho, cổ hũ, không thức thời. Cũng người Việt một dòng máu, thế mà anh em quay sang chống đối, hận thù, gây ra bẩy lần cảnh nồi da xáo thịt.

Nhìn ấm trà nguội lạnh nằm giữa bàn, khách lạ yên lặng giây phút, rồi lại tiếp tục,

— Tôi nhớ có lần ra tới Thăng Long, đi ngang chợ kinh đô gặp người Mãn Châu đầu thắt bím, quần áo xuề xòa, dáng vẻ thương buôn, dạo chơi kinh thành. Vừa đi họ vừa nhổ xoèn xoẹt xuống mặt đường. Những người này tới đâu, dân Thăng Long nhìn theo ánh mắt sợ hãi, chiêm ngưỡng. Có hai ba người học trò, và cả những cô gái kinh thành nhoẻn miệng cười duyên dáng, mở miệng bập bẹ tiếng Mãn Châu với người Thanh. Nhưng người Mãn Châu nói tiếng Hán, tủm tỉm cười với nhau, không thèm trả lời, bỏ đi một nước.

Khách lạ mặt lạnh như tiền,

— Về phòng trọ, tối hôm đó tôi trằn trọc cả đêm. Tự nhiên mất ngủ, hỏi, tại sao?

Một lần nữa nhìn ấm trà nguội lạnh nằm chơ vơ giữa bàn, khách lạ cười khẩy,

— Có một thời tiên sinh ở kinh thành, tôi tin ngài cũng đã nhìn thấy hàng tơ lụa phương Bắc tràn ngập Thăng Long. Người Bắc Hà ghé vào xem, trầm trồ khen ngợi. Bắc Hà cũng như Nam Hà, người ta hát nhạc Mãn Châu. Gần đây tôi thấy có người bắt đầu cạo đầu thắt bím, mặc quần áo Mãn Châu. Dân kinh thành đua nhau học tiếng Mãn. Người người đọc sách nhà Thanh. Thoạt tiên nhìn vào, cứ tưởng người Thăng Long giờ đã tộc hóa ra người Mãn!

Nhìn khung cửa sổ đóng kín mít rồi nhìn khói hương trầm thơm ngát ngạt ngào bầu không khí, khách lạ tiếp tục,

— Có hai ba lần, tôi gặp người trẻ Bắc và Nam Hà. Hỏi họ Gia Huấn Ca của Vương Hầu Nguyễn Trãi, không mấy người biết. Hỏi sự tích Trầu Cau, chẳng ai hay. Tôi kể chuyện tổ tiên Hùng Vương Mười Tám đời, họ tưởng chuyện của ai đó. Chuyện về nguồn gốc dân tộc, tuổi trẻ song Hà không hay. Nhưng hỏi về nguồn gốc Mãn Thanh, của Minh, của Hán, không ai không biết. Đến là lạ! Thơ Lý Bạch, thơ Thôi Hộ, tuổi trẻ song Hà thuộc nằm lòng, như in trong trí như tạc trong dạ. Tôi ngạc nhiên lắm. Hỏi, tại sao?

Khách lạ dừng lại nhìn người đối diện,

— Tôi nhớ hai ba lần ghé qua Xiêm. Tiên sinh hẳn biết, Xiêm La theo chế độ cưỡng bách giáo dục, tất cả trẻ em đều phải cắp sách đến trường. Mười tám tuổi, thanh niên vô chùa tu học hai năm. Chùa chiền và trường học xuất hiện khắp nơi. Cứ một dãy phố lại thấy trường học và cảnh chùa. Ghé vào khu vực san sát nhà cửa, lâu đài mọc cao như nấm, ngựa xe tấp nập trong kinh thành Vọng Các, tôi ngạc nhiên nhận ra đó là khu vực người gốc Đại Việt. Hỏi ra mới biết những người này trước đó ở bên nước ta, không một tấc đất để cắm dùi. Nhưng sau một lần bỏ quê cha đất tổ, đời sống họ thay đổi. Họ trắng da thắm thịt. Tôi cũng gặp ở đất Xiêm rất nhiều thanh niên Đại Việt thông minh tráng kiện làm việc trong triều đình vua Xiêm. Nhìn họ cao lớn, tưởng người Xiêm. Có người dậy hoàng tử Xiêm học. Hỏi chuyện mới biết khi còn ở bên nước Nam ta, họ là trẻ mục đồng, không biết mặt chữ Nhất. Tôi bàng hoàng không tin vào con mắt của mình. Lại hỏi, tại sao?

Khách lạ khẽ thở dài, nhìn lên hoành sơn chữ LÊ đại tự,

— Tôi còn nhớ vào thời Ức Trai tiên sinh, ngài viết Bình Ngô Đại Cáo, “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”. Chuyện thời Ức Trai, thời Lê Thái Tổ, chuyện lâu rồi mà cũng còn như mới, tựa như chuyện ngày hôm nay, ngay bây giờ. Thời đó, thời của mười năm liền đất nước Văn Lang mở ngõ cho giặc Minh phá bỏ; thời người nước Nam bị đày xuống biển mò ngọc trai, lên rừng kiếm ngà voi cho giặc Minh. Hào khí Lạc Việt xuống thấp. Nhiều người bỏ sang Vạn Tượng, Nam Vang, Vọng Các sống một đời tha hương. Nhờ vượng khí nước Nam, nhà Lê nổi lên từ Lam Sơn với mười năm nằm gai nếm mật. Cuối cùng Liễu Thăng đầu rụng tại Chi Lăng, Vương Thông đầu hàng tại Đông Quan. Kinh thành Thăng Long vươn mình bước vào vận hội mới.

Dừng lại trong một thoáng, đôi mắt người khách lạ long lanh màu lửa đỏ, những tia lửa nổ tung,

— Bây giờ Càn Long dựa vào Hoàng tôn Lê Duy Kỳ, sai Tôn Sĩ Nghị đưa hai mươi vạn quân tiến vào Thăng Long. Kinh thành hiện giờ đang ngập bóng người thắt bím.

Khách lạ giọng sắc, rõ từng chữ,

— Hoàng tôn Lê Duy Kỳ xưng làm vua, cha mẹ của dân. Nhưng thay vì lo đến tương lai của con cái của dân tộc, chỉ vì tư lợi riêng tư, Chiêu Thống dám hy sinh vận mạng cả nước, cõng rắn cắn gà nhà, tạo thêm cơ hội ngàn vàng cho ngoại bang dầy xéo người nước Nam.

Nhìn thẳng vào người đối diện, khách lạ nói chậm nhưng rõ,

— Tiên sinh thông thiên bác học, ngọc quý của Bắc Hà. Xin được tiên sinh chỉ giáo cho những điều tâm huyết mà tôi vừa trình bày… Điều sai điều dở!

Bên ngoài gió lạnh cuối năm buồn rầu than thở qua khe hở của khung cửa. Trong chiếc áo bông dầy cộm, cụ Nguyễn không kềm nén, bật tung miệng tiếng thở dài; cụ yên lặng cúi nhìn đất đen, không nói chi. Gió lạnh tiếp tục xào xạc bên ngoài khung cửa. Đêm đen gió rét như cũng thở dài, ngao ngán! Cụ Nguyễn nhìn lên làn khói trắng thơm ngào ngạt quyện bay trong bầu không khí. Cụ nghĩ ngợi. Cụ đứng dậy. Cụ hai tay đẩy mạnh mở toang khung cửa sổ liếp tre. Gió lạnh ngập tràn thổi bay đi xa bầu không khí thơm ngát trầm hương Hồng Huyết Lan. Sương lạnh bên ngoài kéo vào, thổi hắt vào mặt bật ra những tiếng ho húng hắng nơi cổ họng.

Khách lạ nhìn cụ Nguyễn, ánh mắt ngạc nhiên. Cụ Nguyễn miệng húng hắng ho, cất tiếng phân bầy,

— Xin lỗi đại nhân! Tôi lỡ tay đốt nhiều trầm quá. Khói bay xông xốc cổ họng, ngứa cổ, muốn ho. Xin phép đại nhân mở cửa. Sương lạnh nhưng không khí trong lành, không vương khói trầm hương.

Chậm rãi bước tới tủ gỗ cẩm xà, cụ Nguyễn cất giọng thân tình,

— Tôi có loại trà quý Nam Hà. Những lúc tối trời giá lạnh, hay pha uống. Trà đặc sánh mầu vàng mật ong. Uống vào, vị đắng, nhưng xuống tới cổ đổi sang dịu ngọt. Trong trà có linh dược giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng không kém nhân sâm…

Khách lạ cười,

— Vâng! Cụ muốn nói Thanh Hỏa Trà, vùng cao nguyên đất đỏ của Nam Hà?

Cụ Nguyễn bật cười, sửa lại chữ Nam Hà của khách,

— Ðúng, Thanh Hỏa Trà của đất… đất Văn Lang. Ngài vó ngựa vạn dậm từ Phú Xuân tới đây. Chắc là mệt mỏi lắm rồi. Kính mời ngài một chung trà quý.

Cụ Nguyễn đặt chung trà nhỏ mầu nâu đỏ trước mặt người khách lạ. Cụ Nguyễn cất giọng,

— Mời ngài.

Một vài tiếng pháo cối nổ vang dội đêm đen. Bóng của cả hai, một già một trẻ lung linh nhảy múa trên vách tường nhà. Than hồng cháy đỏ tươi vui tiếp tục tí tách trong đêm đen. Trời đã khuya lắm rồi. Trống điểm sang canh, giờ này giờ Tý. Lắng nghe tiếng pháo nổ xa xa, lắng nghe tiếng mõ điểm canh, người khách lạ cất tiếng hỏi,

— Nay quân Mãn Thanh kéo quân sang đây, thế giặc mạnh như chém sắt chẻ tre. Thầy nghĩ chúng ta phải làm sao?

Cụ Nguyễn đứng lên, ngón tay chỉ vào bản đồ kinh thành Thăng Long dán trên vách tường,

— Quân Mãn Thanh vừa kéo sang nước ta, kiêu căng và khinh địch. Doanh trại chưa thiết lập xong. Nếu đánh nhanh tất chiến thắng…

oOo

Mùa Xuân Nhâm Tý 1792, trong khi đang tiến đánh Nguyễn Ánh tại thành Gia Định, vua Quang Trung tự dưng quỵ ngã, rồi dần dần thiếp đi trong hôn mê, sau cùng băng hà tại điện Trung Hòa vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý, thọ bốn mươi tuổi, ở ngôi hoàng đế được năm năm. Không ai rõ lý do và nguyên nhân đã dẫn đến cái chết của đại hoàng đế nước Nam. Có người suy đoán nói hoàng đế Quang Trung do làm việc nhiều, suy nghĩ nhiều, bị cao huyết áp, đứt mạch máu não mà chết. Có người nghi vấn đặt vấn đề có thể hoàng đế bị đầu độc hoặc đã từng bị đầu độc trong quá khứ. Nếu đúng là như vậy, ai là người có khả năng đến gần long thể để đầu độc được hoàng đế nước Nam?

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Giới thiệu bộ sách Tân Lịch Sử Giáo Hội của ban Tu Thư GXVN Paris
Trần Văn Cảnh
09:42 21/01/2017
GIỚI THIỆU BỘ SÁCH « TÂN LỊCH SỬ Giáo Hội »
của Ban Tu Thư GXVN Paris

Tân Lịch Sử Giáo Hội, cuốn 1A,
« TỪ NGUỒN GỐC ĐẾN THẾ KỶ III »
Tác giả : Jean Daniélou
Dịch giả : Ks Phạm Phúc Khánh, Ðô Mai Ðức Vinh
Giáo Xứ Việt Nam Paris xuất bản
Paris : 2002 ; khổ 14x20, ; 364, I-III trang

Để « Giới Thiệu Bộ Sách TÂN LỊCH SỬ Giáo Hội của Ban Tu Thư Hiáo Xứ Việt Nam Paris » gồm 5 cuốn, mỗi cuốn 2 tập này, ba khía cạnh sẽ được vắn tắt trình bày : 1- Giới thiệu tập 1A, với đề tài « Từ nguồn gốc đến thế kỷ III ; 2- Giới thiệu toàn bộ sách Tân Lịch sử Giáo Hội ; 3- Giới thiệu Khía Cạnh Độc Đáo Khoa Học của Khoa Lịch Sử Giáo Hội.

1. « Tân Lịch Sử Giáo Hội », cuốn 1A, « Từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ III » trước nhất sẽ giúp độc giả kháp phá ra những bước đi đầu tiên của Giáo Hội, qua cách viết uyên thâm của một ngòi bút lỗi lạc là Jean Daniélou (Paris). 14 chương từ từ vạch ra những sự kiện lịch sử khách quan của Giáo Hội trong ba thế kỷ đầu tiên :
1. Giáo Hội Nguyên Thủy
2. Giáo Hội ngoài thành Jerusalem
3. Cuộc khủng hoảng Do Thái Kitô
4. Ephése, Edesse, Roma
5. Những xuất xứ của Thuyết Ngộ Ðạo
6. Những phong tục và hình ảnh Do Thái Kitô
7. Giáo Hội và Ðế quốc
8. Tà Giáo và Chính Giáo
9. Cộng Ðồng Kitô
10. Thành phố Alexandrie
11. Tây phương duới đời nhà Sévère
12. Xã hội Kitô ở thế kỷ III
13. Origène, Mani, Cyprien
14. Giai đoạn cuối thế kỷ III


2. Toàn Bộ sách « Tân Lịch Sử Giáo Hội » đã được dịch từ bộ sách tiếng pháp « Nouvelle Histoire de l’Eglise », được biên soạn do những tác giả nổi danh thế giới, xuất thân từ nhiều nước khác nhau : Pháp, Ðức, Anh, Bỉ, Mỹ,.. và được các nhà xuất bản uy tín Anh, Mỹ, Pháp, Ðức ấn hành và bản quyền. Ấn bản tiếng pháp do nhà Editions du Seuil S.A., Paris, thực hiện. Bộ sách tiếng pháp gồm 5 cuốn. Cuốn I ấn hành năm 1963, cuốn II và III năm 1968 ; cuốn IV và cuốn V năm 1975 [1].
Sáng kiến dịch bộ sách này đầu tiên là do cha Phạm Phúc Khánh đã xin được phép nhà xuất bản cho dịch sang tiếng việt vào năm 1969. Năm 1991 Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp chính thức nhận tiếp tục. Nhưng việc tiến hành không kết quả. Rút cục công việc mấy năm sau được trao lại cho cha Mai Ðức. Từ đó, cha Mai Ðức Vinh đã điều động một nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân, khoảng 20 người, để tiếp tục và hoàn tất công việc.
Ấn bản tiếng việt được Giáo Xứ Việt Nam xuất bản và phát hành, cuốn 1, năm 2002, cuốn II năm 2003, cuốn III năm 2004, cuốn IV năm 2005, cuốn V dụ trù năm 2008. Mỗi cuốn bản tiếng pháp dài trung bình 620 trang khổ 14x20, dịch sang bản tiếng việt, nều cũng in khổ 14x20, sẽ dài hơn 800 trang. Ban chủ trương đã quyết định in mỗi cuốn tiếng pháp thành hai cuốn tiếng việt : cuốn 1A và IB, II A và II B.,,,.Như vậy bản tiếng việt có 10 cuốn. Tất cả dài khoảng 4000 trang.

Cuốn 1, « Từ nguồn gốc cho đến Thánh Grégoire cả »,
• IA, « Từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ III » gồm 14 chương, do Jean Daniélou (Paris) soạn.
• IB, « Từ cuộc bách hại thời Dioclétien đến ngày tả thế của Ðức Grégoire cả » với 11 chương về thế kỷ IV và 14 chương về thế kỷ V, do Henri Marroi (Paris) soạn.

Cuốn II, « Thời Trung Cổ » (600-1500), do hai soạn giả người anh : M.D. Knowles (Cambridge) và D. Obolensky (Cambridge), dầy 616 trang, khổ 14x20. Từ tiếng anh, cuốn này đã được dịch ra tiếnh pháp bởi Laurent Jéréquel và André Crépin, gồm 4 phần.
• IIA, Phần I, « Từ năm 604 đến năm 1048 » với 13 chương. Phần II, « Từ năm 1049 đến năm 1198 » với 10 chương.
• IIB, Phần III, « Từ năm 1198 đến năm 1303 » với 12 chương. Phần IV, « Từ năm 1304 đến năm 1500 »

Cuốn III, « Cải cách và chống cải cách » (1500-1715), do ba soạn giả : Hermann Tuchle (Munich), C.A. Bouman (Nimègue) và Jacques le Brun (Paris), dầy 624 trang, khổ 14x20. Nguyên bản tiếng anh, cuốn này đã được dịch sang tiếng pháp bởi Maurice Barth O.P., Yaymond Barthe, André Tintant và Nelly Weinstein. Cuốn này không được chia thành phầm, mà chỉ gồm 12 chuơng dài.
• IIIA, « Chung quanh phong trào cải cách »
• IIIB, « Các luồng tư tưởng nảy sinh từ phong trào Cải Cách »

Cuốn IV, « Thế kỷ Ánh Sáng, Cách Mạng và Phục Hưng » (1715-1848), do ba soạn giả : L.J. Rogier (Nimègue), G. de Bertier de Sauvigny (Paris) và J. Hajjar (Damas), dầy 590 trang, khổ 14x20, chia thành 2 phần :
• IVA, « Kỷ nguyên ánh sáng và các cuộc cách mạng 1715-1888 », gồm 9 chương, do L. J. Rogier và J. Hajjar (chương 9) biên soạn bằng tiếng hoà lan và Fr. Van Groenendael dịch sang tiếng pháp
• IVB, « Công việc Phục Hưng » với 8 chương do G. De Berthier De Sauvigny và J. Hajjar (chương 8) biên soạn.

Cuốn V, « Giáo Hội trong thế giới hiện đại » (1848-Ngày nay), gồm 6 phần, do 6 soạn giả biên soạn, dầy 928 trang, khổ 14x20.
• VA, Phần I, « Giáo Hội Công Giáo từ cuộc khủng hoảng 1848 đến đệ I thế chiến », do Roger Aubert soạn, với 5 chương. Phần II, « Công goáo tại Mỹ châu Latinh », do P.E. Crunican và John Tracy Ellis soạn, gồm 4 chương.
• VB, Phần III, « Công việc truyền giáo tại các Giáo Hội trẻ », do F.B. Pike soạn, gồm 5 chương. Phần IV, « Các Giáo Hội Ðông phương Công Giáo », do J. Hajjar soạn, gồm 3 chương.

Cuốn VI « Đời sống các Đức Giáo Hoàng và cuốn VII « Lịch sử các Công Đồng ». Bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội chỉ có 5 cuốn. Ban Dịch Thuật đã mạn phép dịch thêm 2 cuốn sách khác và cho thêm vào bộ sách, với lý do rằng hai cuốn sách này gắn liền với toàn bộ lịch sử của Giáo Hội từ đầu cho đến ngày nay.


3. Và qua bài « Dẫn nhập đại cương » của Roger Aubert, độc giả sẽ dần dà khám phá ra khía cạnh độc đáo khoa học của khoa « Lịch Sử Giáo Hội » : « Nhà sử học về Giáo Hội thì diễn tả các cuộc thăng trầm cụ thể của Giáo Hội, đặt chúng vào khung cảnh chung hơn giữa các biến cố trần thế, không ngụ ý biện hộ hay xây dựng, mà chỉ có một mối lo ngại là diễn tả và giải thích, theo kiểu nói của Ranke, Was geschehen ist : ‘sự kiện đã xảy ra’.
Ðộc giả cũng sẽ khám phá ra « những hoài vọng của bộ « Tân Lịch Sử Giáo Hội » :
1. Là lịch sử Giáo Hội duy nhất của Ðức Kitô, nó không quên thế đứng mà các Giáo Hội khác đã có và sẽ còn tiếp tục duy trì trong Giáo Hội này.
2. Là lịch sử của Giáo Hội thánh thiện, nó không che đậy những khuyết điểm rất nhiều tức là phần sản nghiệp của các phần tử và của các vị chăn chiên trong Giáo Hội
3. Là lịch sử Giáo Hội Công Giáo, nó quan niện về Công Giáo tính một cách đứng đắn và muốn thúc đẩy việc học hỏi về toàn thể Giáo Hội hoàn vũ
4. Là lịch sử Giáo Hội được xây trên nền tảng các Tông đồ, nhưng nó biết rằng lý do tồn tại của các Tông đồ và những vị kế nghiệp các ngài là để phục vụ toàn thể dân kitô ; sụ sống của dân này là đối tượng phục vụ của các ngài
5. Lịch sử của một qui chế nhân loại đồng thời cũng là Thân thể của Chúa Giêsu Kiyô và là Ðền thờ của Chúa Thánh Thần, bởi vậy người ta phải đề cập đến với lòng kính cẩn y như lúc giẫm chân lên Thánh địa
6. Nhưng bộ lịch sử này, vì là một lịch sử dụng tâm muốn trung thành với các luật của việc khảo sát chân lý lịch sử, không sợ lấy cảm hứng trong câu ngạn ngữ của Cicéron mà đức Léon XIII đã nêu lên như phương châm cho các sử gia Công Giáo : ‘Ne quid falsi dicere audeat, ne quid veri non audeat’ Ðừng nói điều gì man trá, cũng đừng sợ nói lên sự thật »


Trần Văn Cảnh


Phụ chú :

(1). Cho đến hôm nay, ngày 20 tháng 01 năm 2017, 57 cuốn sách đã được Ban Tu thư biên soạn hay dịch thuật và Giáo Xứ Việt Nam Paris đã xuất bản, phát hành. Ðó là những cuốn sau đây :
1. Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, 1947-1997 ; A4 ; 110 trang ; 1998
2. Giáo lý cho người trưởng thành ; 1998
3. Têrêxa vị thánh lớn của thời đại mới. 1998
4. Hành trang sống thế kỷ XXI; 1998
5. Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII, 2000 ; 540 tr ;
6. Fatima, hoà bình – tình thương, 2000
7. Đường vào tình yêu (chuẩn bị hôn nhân, đời sống gia đình Công Giáo), 2000 ; 336 tr.
8. Tâm tình tuổi xuân (Hỏi để biết sống), 2001 ; 456 tr.
9. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn I : Từ nguồn gốc cho đến thánh Grégoire Cả, 606, 2 tập, 2002 ; 852 tr.
10. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn II : Thời trung cổ, 600-1500, 2 tập, 2003 ; 850 tr.
11. Niên giám Liên Đới Nghề Nghiệp ; 2003 ; 78 tr.
12. Hội ngộ Niềm Tin ; 2003
13. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn III : Cải cách và chống cải cách, 2 tập, 2004 ; 918 tr. ;
14. Văn hoá và Đức tin, 2004 ; 640 tr.
15. Kỷ niệm 20 năm tái bản báo Giáo Xứ Việt Nam 1984-2004, Báo Giáo xứ Việt Nam, N° 200, số đặc biệt,; 01.02.2004 ; 128 tr.
16. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn IV : Kỷ nguyên ánh sáng, các cuộc cách mạng và canh tân, 2 tập, 2005 ; 840 tr.
17. Kỷ yếu Curia Maria Nữ Vương nước Việt Nam, 40 năm thành lập 1965-2005 tại GXVN Paris, 2006 ; 138 tr. ;
18. Tặng cho nhau (Kỷ niệm 60 năm Hội LTS/VN/P), 2006 ; 270 tr. ,
19. Văn hoá gia đình ; 2006 ; 552 tr.
20. Suy niệm Tin Mừng, Bộ I (A,B,C) ; 2006
21. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn V, Giáo Hội trong thế giới hiện đại, 1848 đến ngày nay, 2 tập, 2007, 1202 tr.
22. Trần Văn Cảnh và các vị khác ; Đức Hồng Y Jean–Marie Lustiger với Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 2007 ; 106 tr.
23. Tọa Đàm : Kỷ niệm thành lập : 25 năm Hội Đồng Mục Vụ, 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, Báo GXVN, số đặc biệt, n°239 ; 2008 ; 96 tr.
24. Hội Đồng Quý Chức, 2008 ; 444 tr.
25. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn VI : Đời sống các Đức Giáo Hoàng qua 2000 năm lịch sử, 2009 ; 308 tr.
26. Suy niệm Tin Mừng, Bộ II (A,B,C), 2009.
27. 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-2007, 2 tập, 2010 ; 1190 tr.
28. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn VII, Lịch sử các Công Đồng, 2010 ;
29. Thơ Vân Uyên, 2011
30. Điểm nóng gia đình, 2011 ; 464 tr. ,
31. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 1 : 60 năm xây dựng nền mục vụ, 1947-2007 ; Paris : 2011 ; A4 ; 336 tr. ;
32. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 2 : Những sinh hoạt mục vụ cụ thể ; Paris : 2011 ; A4 ; 322 tr.
33. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 3 : Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam ; Paris : 2011 ; A4 ; 176 tr.
34. Công Giáo Việt Nam tại Pháp 226 năm hành trình Đức Tin, 1784-2010 », 2011 ; A4, 363 tr.
35. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ; 2012
36. Lưu niệm Đại Hội Lộ Đức 2013 của Các Cộng Đoàn Công Giáo VN tại Pháp ; 2013 ; A4 ; 133 tr.
37. Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam, 2013
38. Thánh Gioan Maria Viannê, 2013
39. Đường vào tình yêu, Chuẩn bị hôn nhân đời sống gia đình Công Giáo ; In lại lần thứ hai ; Có hiệu đính và thêm phần Pháp ngữ ; 2013 ;316 tr.
40. Lịch sử biên niên Giáo xứ Việt Nam Paris 1787-2013, 2014
41. Linh đạo hôn phối theo thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, 2014
42. Tuyển thơ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 2014
43. Triết học nhân bản theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 2014
44. Kính trọng tuổi già 1 : Giáo Hội quan tâm đến tuổi già, 2014 ; 82 tr.
45. Kính trọng tuổi già 2 : Suy niệm và cầu nguyện của người cao niên, 2014 ; 136 tr.
46. Kính trọng tuổi già 3 : Lời hay ý đẹp về người trọng tuổi, 2014 ; 38 tr
47. Kính trọng tuổi già 4 : Những bài viết về tuổi thọ, 2014 ; 174 tr.
48. Kính trọng tuổi già 5 : Tuyển thơ bô lão, 2014 ; 136 tr.
49. Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, 2015.
50. Tuyển tập Hoàng Anh Tài, 2015, 530 trang.
51. Chứng nhân của Thầy, Kim Khánh Linh mục của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, 1965-2015, 2015 ; 302 trang.
52. Phó tế vĩnh viễn, thầy là ai ? 2015 ; 558 tr.
53. Cây văn hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris, 2016 ; 302 tr.
54. Gia đình sống đạo; 2016; 146 tr.
55. Người trẻ sống đức tin ; 2016 ; 152 tr.
56. Con cái là hồng ân của Thiên Chúa ; 2016 ; 122 tr.
57. Giáo dục con cái ; 2016 ; 188 tr.


 
Kịch bản Xuân Ca Đinh Dậu
Trúc Tiên
09:58 21/01/2017
Kịch bản « Xuân Ca Đinh Dậu »
Giáo Xứ Việt Nam Paris


BBT : Xin giới thiệu kịch bản "Xuân Ca Đinh Dậu" của Trúc Tiên biên soạn cho Văn Nghệ Tiệc Xuân Giáo Xứ Việt Nam Paris trưa ngày 22/01/2016.
Khác với mọi năm, không có MC giới thiệu mà là kịch bản bi hài kịch viết về 1 gia đình Bác Hai và 2 người con, người con lớn đi lính, người con thứ nhì đi vượt biển, được diễn và hát với các ca khúc xuân thời nội chiến, tiền chiến, hải ngoại và những sáng tác mới.


Út : Tía ơi mau lên Tía ơi ! Mình đi tiệc xuân Giáo Xứ Tía ơi… !

Ngâm thơ :

Đầu Xuân kính chúc ông bà
Niềm vui gõ cửa nhà nhà an khang
Chúc cho ai cũng giàu sang
Đón chào xuân mới bình an cả làng…

Ông Hai : Con chúc gì mà lung tung vậy, Út ?
Út : Đâu có lung tung đâu Tía, thơ của Cung Chi đó Tía ơi. Tía xong chưa Tía, hôm nay ở Giáo Xứ có tiệc, có văn nghệ vui lắm, mà sao Tía sửa soạn gì mà lâu quá trời luôn vậy.
Ông Hai : Má mày mới lâu, bả còn đang trang điểm kia kìa
Út : Ủa, hồi nảy con thấy Má xong rồi mà
Ông Hai : Xong đâu mà xong
Út : Má ơi, Tiá nói mà điệu quá trễ giờ rồi Má ơi !
Ông Hai : Cái con nhỏ này, coi chừng bả giận bả không đi thì nguy á
Bà Hai : Tui ra đây này, làm gì mà hai cha con ông la làng lên vậy.
Út : Má ơi, mình đi xem các em Ấu Nhi ở Giáo Xứ gọi Xuân nha Má
Bà Hai : Gọi Xuân làm sao con ?
Út : gọi bằng đàn tranh đó Má, qua ca khúc Đoản Xuân Ca

1. Đoản Xuân Ca – Hoà tấu đàn tranh – Cô Phương Oanh, Ngọc và các em Thiếu Nhi

Út nói với ông Hai :Tía ơi, đố Tiá biết hôm nay ban nhạc nào đến giúp vui cho Giáo Xứ nè ?
Ông Hai : Đâu.. đâu… Giáo Xứ mình rất may mắn được ban nhạc AE ủng hộ, để Cha coi coi…giới thiệu ban nhạc….
Anh Giao (Synthé), Minh (Basse), Lộc (Guitare), Sơn (Trống).

Út : TT mời các anh chị ca đoàn Vào Đời Chúc Xuân các bác các anh chị ở đây nha

2. Chúc Xuân – Ca đoàn Vào Đời


Út chợt thấy cô Thư Hương nên gọi : Cô Thư Hương, hôm nay Cô đi ăn tết Giáo Xứ à ? Trúc Tiên nhớ cô hát bài Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối hay lắm. Hôm nay cô hát chúc tết các bác nhé.

Cô Thư Hương : ….nói vài câu.

3. Xuân & Tuổi Trẻ – Thư Hương
Lệ Thanh dung dăng dung dẻ với Bích : Bích ơi, Bích nhớ ca khúc Xuân Miền Nam của Văn Phụng không ?
Bích : Nhớ chứ, bài này dìu dặt du dương rất Xuân
Lệ Thanh : Vậy, hai đứa mình hát hầu bà con ăn tết nha.
4. Xuân Miền Nam - Lệ Thanh & Bích
Út : Má ơi, hôm trước con có nghe Phụng Ca Lê Bảo Tịnh tập bài Điệp Khúc Mùa Xuân hay lắm, hôm nay sẽ hát đó má, mình đến nghe nha má
Bà Hai : Ờ, mấy anh chị hợp ca hay lắm
5. Điệp Khúc Mùa Xuân – Hợp ca - Phụng Ca Lê Bảo Tịnh
…………………….
Chiến tranh Tiếng bom đạn mp3
Gia đình ông hai tiễn đứa con trai tên Văn đi lính
Bà Hai khóc thút thít : Con à, con cẩn thận nha con, con giữ gìn sức khỏe nha con, má có chai dầu gió nè, con giữ phòng những lúc bệnh, con mà có chuyện gì chắc má chết quá con ơi.
Ông Hai : Bà nói gì những chuyện xui xẻo không hà, con nó vì nước vì non, vì làng xóm láng giềng, bà phải động viên tinh thần nó chứ, có đâu mà khóc lóc, làm sao mà thằng nhỏ đi được hỏng biết nữa… hic hic…
Văn : Tía Má đừng có lo, con khoẻ hơn trâu mà ! Hết chiến tranh rồi con về. Út, em ở nhà lo cho Tía Má nha em, anh Hai đi.
Út : Anh Hai đi sớm về sớm nha anh Hai
Văn : Trời ! Đi lính mà con nhỏ này tưởng đi chơi sao mà nói đi sớm về sớm hỏng biết nữa. Tía Má ở nhà nhớ giữ gìn sức khoẻ, con đi.
Chia tay … Văn xoay lưng thì gặp Khanh (bạn gái của Hậu)
Khanh : Anh Văn, anh đi nhớ viết thư về cho Khanh nha
Văn : Ok Khanh, Khanh an tâm đi, anh sẽ gởi “e-mail” cho Khanh
Khanh : Ở đó …nhớ…nhớ… đừng có nhìn cô nào hết đó à nha (Khanh nhéo Văn)
Văn : Trời, đi lính mà Khanh tưởng đi nhảy đầm sao mà nhìn cô nào hỏng biết nữa… Thôi ừ, nhắm mắt lại, không nhìn thấy gì luôn. Thôi anh đi, Khanh ở nhà nhớ giữ gìn sức khoẻ.
Chia tay …
………………
Tiếng đàn bầu mp3
Văn viết thư cho gia đình : Tía Má ơi, tết năm nay con đón xuân một mình, con nhớ tiá má và em Út lắm. Phiên gác đêm xuân này sao buồn quá !
6. Phiên Gác Đêm Xuân – Đại

Lệ Thanh nói :
Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn
Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình
Để người anh yêu dấu quay về bên gia đình
Tìm vui trong lửa ấm…
7. Cánh Thiệp Đầu Xuân - Lệ Thanh
Nhạc dạo bài Đám Cưới đầu xuân
Hoạt cảnh hai đứa nhỏ đóng vai Khanh và Văn hồi nhỏ, em trai tặng em gái hoa, và lấy 1 đóa cài lên tóc em gái, dắt tay nhau qua lại rồi vào hậu trường…
8. Đám Cưới Đầu Xuân - Hồng
Hoạt cảnh Khanh và Văn…phút cuối hai người chia ra hai bên cánh gà
Nhạc dạo bài Những Kiếp Hoa Xuân, Bích nhẹ nhàng bước ra
9. Những Kiếp Hoa Xuân- Bích

Vượt biển Tiếng gió + sóng biển
Ông bà hai tiễn Út đi vượt biên :
Út : Má ơi, con đi nha má
Bà hai : ôi con gái của tôi, thân gái dặm trường, má lo quá con ơi
Ông hai : qua đến đó con đánh dây thép về cho tía má nha con
Bà hai : ngoài biển nhiều hải tặc lắm, con đừng có tắm biển nhiều nha con
Ông hai : cái bà này, lãng nhách
Bà hai : thì tôi thấy nó run, tôi nói cho nó đỡ sợ mà ông
Út : con lớn rồi, tiá má đừng có lo cho con, con chỉ lo, không ai chăm sóc Tía Má, Tiá Má bệnh không ai chăm sóc.
…………………
Nói : Sau sự kiện năm 75, hàng triệu người Việt rời nơi chôn nhau cắt rún bằng cách này hay cách khác tìm ra nước ngoài kiếm sống. Dù thế, dù ở đâu đi nữa, ngày Xuân, tiếng hát vẫn cất lên niềm hy vọng với người già, trẻ thơ và bạn bè thân thuộc, để niềm vui sum vầy lan toả khắp mọi nhà như ý nghĩa của ca khúc « Đón Xuân »
10. Tết Xuân- Giao Phương & Hiền
Út ra với Ngọc Châu : Châu ơi, nói Trúc Tiên nghe, tết này là tết thứ mấy Châu đón ở Paris rồi ?
Ngọc Châu : ….
Út : TT cũng đón được 34 mùa xuân xa quê hương. Có những mùa xuân buồn, mùa xuân vui, có những mùa xuân hy vọng. Trước khi mình nghe những tâm sự của Hoài Sơn và Huỳnh Châu. Ngọc Châu kể Câu Chuyện đầu năm cho bà con nghe nha.
11. Câu Chuyện Đầu Năm - Ngọc Châu
12. Tình Khúc Mùa Xuân – Hoài Sơn
13. Chào Xuân Mới - Quỳnh Châu
…………………….
Ông Hai và Bà hai đang sửa soạn bàn tiệc tết thì Văn dắt Khanh về nhà ăn tết
Văn : Tía Má ơi, tụi con về rồi
Ông bà Hai mừng : Về rồi hả con
Khanh trao quà cho bà Hai
Ông Hai : Tụi con về là Tía Má vui rồi, quà cáp làm gì
Văn : Ủa, con Út chưa về hả má, nó viết thư nói tết năm nay nó về mà má
Khanh : Thì năm nào cô Út cũng nói như vậy mà có thấy về đâu
Có tiếng hỏi vào :
Út : Dạ xin lỗi có phải nhà ông bà Hai không ạ
Ông Hai mừng : Út ! Út hả con, Tía nè con, trời con không nhận ra Tía sao con ?
Út reo lên : Tía , Tía ơi, sao Tía già quá vậy Tía ? Mà Tía ơi, sao mà nhà mình nuôi gà giữ vậy Tía. Hồi nảy con hỏi nhà mình ở ngoài xóm, họ nói cô cứ đi chỗ nào nhiều gà là đúng nhà ông bà Hai à.
Út sang Má, ôm lấy má : Má ơi con nhớ má quá má ơi
Sang anh chị Hai mừng vui nói vài câu….
Bà Hai : Nhân ngày đoàn tụ, gia đình mình cám ơn Mẹ Maria đi các con
14. Tâm Tình Đầu Năm với Mẹ Maria - Ánh Tuyết

Trong không khí tết này, TT mời các bác các anh chị cùng thắp sáng lên hy vọng và ngọn lửa hân hoan với ca đoàn Sarcelles.
15. Hãy Thắp Sáng Lên - Ca đoàn Sarcelles
16. Gia điệu quê hương – - Nhóm múa Cursillo mp3
……………….
Diễn Viên kịch và hoạt cảnh :
Phương Khanh, Ngọc Tâm, Văn Đệ, Tri Văn, Trúc Tiên, 2 em ấu nhi
Thêm phần diễn của các anh chị ca sĩ
Chia Vai
Văn Đệ vai : ông hai
Ngọc Tâm : Bà Hai
Tri Văn : Văn
Phương Khanh : Khanh
Trúc Tiên : Út
2 em ấu nhi : hoạt cảnh Văn và Khanh hồi nhỏ
xxxxxxxxxx

Kịch bản : Trúc Tiên