Ngày 21-01-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời tiên tri đã ứng nghiệm
Đinh Lập Liễm
07:34 21/01/2010
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Trong cuộc lưu đầy ở Babylon, dân Do thái bị quân thù hành hạ áp bức, nhiều người đã tuyệt vọng vì tương lai rất mịt mờ, nhưng tiên tri Isaia đã báo cho họ biết là họ sẽ được giải phóng. Khi trở về quê hương, họ đã qui tụ lại làm việc thờ phượng Chúa, ghi lại các hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ suốt dòng lịch sử và nhớ lại Giao ước bị bỏ quên (Bài đọc 1).

Từ nhiều thế kỷ trước, tiên tri Isaia đã báo cho họ biết sẽ có Đấng Messia đến giải thoát họ và họ nóng lòng chờ đợi. Nhân dịp về thăm quê hương Nazareth, ngày sabat, Đức Giêsu vào giảng ở hội đường, đọc nhằm đoạn sách tiên tri Isaia mô tả về Đấng Messia và Ngài xác nhận chính Ngài là Đấng Messia ấy, khi Ngài nói:”Hôm nay ứng nghiệm lời Sách thánh mà quí vị vừa nghe”(Lc 4,21). Nhân dịp này Ngài đọc bản tuyên ngôn mô tả sứ mạng và chương trình hành động của Ngài, chính yếu là Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ…Và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Ngày nay, Hội thánh và mọi Kitô hữu, theo căn tính, phải tiếp tục sứ mạng mà Đức Giêsu đã làm:”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con ra đi”(Ga 17,18). Sứ mạng của Kitô hữu được sai đi là làm tông đồ cho Chúa, loan báo Tin mừng Đức Kitô cho mọi người bằng đời sống chứng tá, yêu thương và hiệp nhất.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Nhm 8,2-6.8-10

Lần đầu tiên khi từ chốn lưu đầy trở về, dân Do thái đã tụ họp lại để làm việc thờ phượng, được tiên tri Nêhêmia trình bầy như một lễ hội, nhắc lại Giao ước. Tư tế Esdras tập họp mọi người lại tại quảng trường và đọc Sách Luật cho họ nghe. Esdras đọc và giải thích cho họ hiểu, và khi đã thông suốt thì họ đồng thanh thưa: ”Amen”.

Khi nghe đọc Sách Thánh, họ cảm động đến muốn khóc. Họ khóc một phần vì nhớ đến những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ qua dòng lịch sử, phần khác vì họ hối tiếc vì sự bất trung của họ đối với tình thương bao lao của Thiên Chúa.

Vì thế, tư tế Esdras yên ủi họ: ”Anh em đừng sầu thương khóc lóc, đừng buồn bã vì niềm vui của Chúa là thành trì bảo vệ anh em”(Nhm 8,10).

+ Bài đọc 2: 1Cr 12,12-30

Thánh Phaolô gửi thư cho tín hữu Côrintô để tiếp tục việc giáo huấn cho họ bằng một ví dụ cụ thể, dễ hiểu:”một thân thể có nhiều chi thể”. Cũng giống như một thân thể có nhiều chi thể, Giáo hội dù bao gồm nhiều thành viên với những ơn gọi khác nhau tạo thành một sự thống nhất trong Đức Kitô.

Qua đoạn thư này, chúng ta có thể rút ra được 3 ý chính:

- Giáo hội là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, trong đó Đức Giêsu là đầu, và các Kitô hữu là chi thể.

- Các chi thể khác nhau nên cũng có những nhiệm vụ khác nhau, nhưng không chống đối nhau mà còn bổ túc cho nhau.

- Mọi chi thể phải đoàn kết với nhau và phải dùng những đặc ân Chúa ban cho mình để phục vụ ích lợi chung của Hội thánh.

+ Bài Tin mừng: Lc 1,11-4; 4,14-21

Trong lời mở đầu sách Tin mừng của mình (Lc 1,1-4), thánh Luca nói lên mục đích của sách Tin mừng Luca là điểm qua lịch sử đời Chúa Giêsu, để giáo hữu thêm lòng tin. Truyện về Chúa được truyền qua lời kể của các môn đệ của Chúa, là những người đã tận mắt chứng kiến việc Chúa làm và tận tai nghe lời Chúa nói.

Trong đoạn sau (Lc 4,14-21) thánh Luca cho biết Đức Giêsu sau một thời gian hoạt động, đã trở về Nazareth và giảng dạy trong hội đường. Ngài đọc một đoạn sách về lời sấm của tiên tri Isaia (61,1-2) và Ngài kết luận: ”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh mà quí vị vừa nghe”(Lc 4,21). Theo đó, Ngài xác nhận mình chính là Messia mà tiên tri Isaia đã loan báo từ lâu. Với tư cách là Messia vừa được xức dầu tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ… và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Sứ vụ của Ngài là mở ra một kỷ nguyên hồng ân, tức là kỷ nguyên của Tin mừng.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Loan báo Tin mừng cho mọi ngươi

I. SỨ MẠNG CỦA ĐỨC GIÊSU

1. Đức Giêsu là ai ?

Xét về nguồn gốc, ai cũng biết Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth xứ Galilê, con bác thợ mộc Giuse và bà nội trợ Maria. Còn người đồng hương thì quá biết Ngài vì đã sinh sống với họ gần 30 năm, và xét theo bề ngoài, Đức Giêsu không có gì đặc biệt, chưa hề làm một phép lạ nào, chỉ là một thanh niên lam lũ, kiếm sống bằng nghề thợ mộc.

Rời khỏi Nazareth một thời gian, tự nhiên danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi qua việc rao giảng Tin mừng và làm nhiều phép lạ chữa mọi bệnh tật, trừ quỉ và làm cho kẻ chết sống lại. Tuy thế, đối với dân làng thì họ vẫn còn nhửng nhưng, hoặc bán tín bán nghi. Nói chung, đối với dân làng Nazareth, Ngài vẫn chỉ là một thanh niên xuất thân từ Nazareth không hơn không kém. Nay trở về quê hương, dân làng cũng chỉ coi Ngài bình thường như các thanh niên khác, chưa tỏ ra thái độ kính trọng hay kiêng nể gì.

2. Quang cảnh làng Nazareth.

Nazareth có lẽ không phải là một thôn làng, nó được gọi là “Polis” nghĩa là một thành hay một thị trấn, và có thể có tới 20.000 dân. Nazareth tọa lạc trong vùng đất của sườn đồi của Galliê, có ba con đường lớn vòng quanh, tiện lợi cho việc thông thương và kinh doanh.

Có lẽ người ta sai lầm nếu nghĩ rằng Đức Giêsu lớn lên tại một làng quê hẻo lánh. Ngài lớn lên trong một thành có trục lộ giao thông của thế giới chạy qua ngay trước ngõ. Chính nơi đây Đức Giêsu đã giảng một bài quan trọng trình bầy nội dung chương trình hành động của Ngài, hay cũng có thể được gọi là bản tuyên ngôn về công tác cứu rỗi mà Ngài đến thực hiện.

3. Đức Giêsu giảng ở hội đường

Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ, danh tiếng Đức Giêsu đã lan rộng khắp nơi, Ngài trở về thăm quê hương Nazareth. Vào một ngày sabat, Ngài vào hội đường cùng với bà con cô bác để ca tụng Chúa và nghe đọc Sách Thánh, tất cả mọi người nóng lòng muốn nghe một người mà họ quen biết nhiều, thình lình nổi tiếng. Có thể là Ngài yêu cầu, hoặc là người phụ trách hội đường đưa cho Ngài cuộn da ghi lời Kinh thánh của tiên tri Isaia để hướng dẫn giờ đọc Lời Chúa.

Ngài mở nhằm chỗ nói về niềm vui của năm hồng ân, tác giả mô tả sự vui mừng của những kẻ trở về sau cuộc lưu đầy từ Babylon. Hay nói đúng hơn đoạn sách nói về Đấng Cứu thế: ”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”(Lc 4,18-19). Đọc xong, gấp sách lại, ngồi xuống như các diễn giả thường làm. Tất cả đều chăm chú nhìn Ngài chờ đợi, xem Ngài cắt nghĩa đoạn sách này như thế nào. Ngài lợi dụng dịp này để công bố lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Ngài tuyên bố chính Ngài là Messia (Cứu thế) đã được hứa, khi trịnh trọng nói:”Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các vị vừa nghe”(Lc 4,18-19).

Chúng ta nhận thấy trong các buổi nhậm chức của tân Tổng thống, bao giờ cũng đọc một bài diễn văn quan trọng đầu tiên, trong đó ông vạch ra đường hướng, chính sách và chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới. Bài Tin mừng hôm nay miêu tả bài diễn văn đầu tiên của một vị tân Lãnh đạo tôn giáo. Đó là bài nói chuyện đầu tiên của Đức Giêsu Kitô tại Nazareth, quê quán của Ngài. Ngài đưa ra một phác thảo về đường hướng và sứ mạng của Ngài, Đấng Thiên Sai, qua lời tiên tri Isaia: ”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi…”(Lc 4,14-21)

So sánh lời công bố của Đức Giêsu Kitô và các diễn văn của các tân tổng thống trong ngày nhậm chức, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Quí vị tổng thống nói rất nhiều, hứa đủ thứ, nhưng sau cùng chẳng thực hiện được bao nhiêu trong thời gian tại chức. Trái lại, Đức Giêsu đã nói rất ít nhưng đã thực hiện tất cả những điều Ngài đã tuyên bố.

4. Chương trình hành động của Ngài.

Nếu ngày xưa tác giả sách tiên tri Isaia loan báo một thời kỳ cứu độ chỉ để cho dân Chúa được bình an mà sống những ngày tháng sau lưu đầy, thì đây, với lời tuyên bố:”Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các vị vừa nghe”(Lc 4,21), Đức Kitô đã chính thức công bố thời kỳ cứu độ ấy đã đến. Ngài không chỉ ban bình an trong cuộc đời mà còn là bình an vĩnh cửu.

Ta thấy sứ mạng của Đức Giêsu là đến để giải phóng con người một cách toàn diện, cả tâm linh lẫn thể xác, cả cá nhân đến xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo: chân lý, công lý và tình thương (x. Mt 23,23). Về tâm linh, Ngài giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, của lề luật, của thói hư tật xấu, khỏi tính yếu đuối của bản tính con người. Thánh Phaolô viết:”Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta”(Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl 1,13). Ngài cũng đến để giải phóng con người về mặt thể chất:”Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(Rm 7,24-25). Về mặt xã hội, Ngài đến để thực hiện một xã hội lý tưởng là Nước Trời, không chỉ tại thiên mà còn tại thế, trong đó mọi người đối xử với nhau bằng chân lý, công lý và tình thương.

Truyện: Xóa nợ.

Ngày xưa có một lãnh chúa, và các tá đền của ông thì nợ ông tiền thuê đất. Chẳng bao lâu họ thấy mình nợ nần chồng chất. Họ thấy mình không tài nào thoát ra tình cảnh khó khăn ấy, tuy ông lãnh chúa là người nhân ái và nhẫn nại. Nhưng các tá điền tự hỏi, ông cho họ thêm bao nhiêu thời gian để trả hết nợ. Điều đáng sợ là cả khi ông cho họ đến ngày họ chết, họ cũng không thể trả hết nợ.

Kế đó một quản lý mới của lãnh chúa xuất hiện và bắt đầu làm một cuộc kinh lý. Trong suốt cuộc kinh lý ấy, quản lý đã hỏi mỗi tá điền mắc nợ bao nhiêu. Nhưng thật đáng kinh ngạc, quản lý không dừng ở đó. Ông đi thăm từng nhà, ông hỏi người ta ăn uống ra sao. Ông hỏi thăm người già, người bệnh, người khó ở. Chính ông thấu hiểu những vấn đề và những lo lắng của họ.

Rồi một ngày kia, ông tập họp họ lại, nói rằng ông có một sứ điệp quan trọng mà lãnh chúa tức chủ đất gởi cho họ. Các tá điền họp lại trong sợ hãi và run rẩy, tưởng rằng cái ngày thanh toán khủng khiếp sau cùng đã đến. Các tá điền đã biết hoặc nghĩ rằng mình đã biết những lời mà ông quản lý sắp nói. Hẳn ông sẽ nói rằng:”Trong suốt cuộc kinh lý, tôi đã khám phá rằng không một người nào trong các anh lo lắng việc trả nợ. Các anh chỉ nên tự trách mình. Các anh chỉ là một đám lười biếng, chẳng làm được việc gì. Chủ đất đã chán ngấy các anh. Ông ấy đã cho các anh vô số cơ hội, nhưng các anh vẫn không làm ra của cải. Các anh khiến ông ấy không còn chọn lựa nào khác là lấy lại đất đai khỏi tay các anh và đưa nó cho những người khác và họ sẽ trả được nợ của họ”.

Đó là những gì họ chờ đợi ông quản lý nói, dù rằng trong lòng họ, họ mong mỏi một điều gì khác. Rồi người quản lý bắt đầu nói:”Chủ đất biết rằng tất cả các anh đều mắc nợ số tiền lớn. Ong ấy nhờ tôi nói với các anh những điều sau đây”. Quản lý ngừng nói. Họ chờ đợi cơn bão ập tới và gắng hết sức mình để chống lại nó. “Thế thì”, quản lý nói tiếp “Tôi có một tin mừng cho các anh”. Một lần nữa ông ngừng lại. Tin mừng ! Họ không thể tin điều họ nghe.”Chủ đất nhờ tôi nói với các anh rằng các anh có thể quên hết nợ nần. Ong ấy xóa hết nợ nần cho các anh. Từ hôm nay, các anh có thể bắt đầu lại từ đầu”.

Họ reo hò mừng rỡ. Các tá điền ôm hôn nhau. Một số người bắt đầu nhảy múa, đã lâu rồi họ không nhảy múa. Khi họ trở về nhà mình với tâm hồn thanh thản, lần đầu tiên trong nhiều năm, họ nhận thấy mặt trời chiếu sáng, chim hát ca và những bông hoa rực rỡ nở rộ trong các cánh đồng.

Tin mừng Đức Giêsu loan báo trong hội đường Nazareth cũng như thế. Ngài là người quản lý mới mà Thiên Chúa sai đến với dân mắc nợ Người. Theo người Pharisêu, ngày của Chúa phải là ngày phán xét. Và ở đây, Đức Giêsu tuyên bố rằng đó là ngày của ân huệ Thiên Chúa, không chỉ dành cho những người đáng khen mà dành cho tất cả mọi người.

(Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr 365-366).

II. SỨ MẠNG CỦA CHÚNG TA

1. Sứ mạng của Giáo hội

Sứ mạng của Đức Giêsu, ngày hôm nay, vẫn được tiếp tục thực hiện qua Giáo hội và trong Giáo hội. Thực vậy, Khi Đức Giêsu hoàn thành thời gian sứ mạng của Ngài, Ngài gửi Thánh Thần đến cho các môn đệ để họ tiếp tục công bố Năm Toàn Xá của Thiên Chúa, loan Tin mừng cho mọi người, rao giảng và thực hiện sự giải phóng toàn diện con người và xã hội. Nói rõ hơn, Giáo hội được đầy Thánh Thần từ ngày lễ Ngũ tuần phải tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu trong lịch sử. Như vậy, lời sách tiên tri Isaia thâu tóm sứ mạng của Đức Giêsu cũng là lời thâu tóm sứ mạng của Giáo hội mọi thời đại. Hôm nay sứ mạng ấy càng trở nên khẩn trương hơn.

2. Sứ mạng của mỗi Kitô hữu

a) Mỗi người được sai đi

Qua bài Tin mừng này, thánh Luca trình bầy Đức Giêsu như một kẻ được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và sai đi. Tất cả chúng ta là những kẻ được Chúa sai đi. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa sai đi. Ngày trước, Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đi, rồi đến phiên Đức Giêsu lại sai chúng ta đi. Đức Giêsu đã phán:”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con ra đi”(Ga 17,18). Bởi vậy lời Thánh Kinh mà Đức Giêsu đã áp dụng cho bản thân Ngài “Chúa đã sai tôi đi”, cũng phải được chính chúng ta áp dụng cho chúng ta “Chúa cũng sai tôi đi”.

Sai đi để làm gì ? Thưa sai đi để làm tông đồ cho Chúa. Mỗi Kitô hữu là một tông đồ. Công đồng Vatican II còn nói mạnh hơn:”Làm tông đồ là bản tính chủa người Kitô hữu”. Nói khác đi, nếu không làm tông đồ thì không còn phải là Kitô hữu nữa.

b) Phải mộ mến Lời Chúa

Muốn đi loan báo Tin mừng thì phải biết Tin mừng, muốn biết Tin mừng mà không mộ mến Lời Chúa thì làm thế nào mà biết rao giảng Lời Chúa, nhất là biết sống theo lời Chúa dạy. Dĩ nhiên, nếu chỉ tin rằng những gì được nói trong Thánh kinh, nhất là Tin mừng, đều là sự thật mà thôi thì chưa đủ, vì đó là thái độ luôn phải có đối với bất cứ cuốn sách phàm tục nào mà chúng ta cho là đúng đắn. Trái lại, khi đọc Tin mừng là phải đọc với tất cả niềm tin cao độ và lòng mến thiết tha nghĩa là tin tưởng tất cả những gì trong đó đang được thực hiện. Thánh Giêrônimô nói:”Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Khi đọc Kinh thánh, chúng ta hẵy lắng nghe những điều Chúa nói với chúng ta qua ân sủng, với tất cả con tim nồng cháy của mình.

Truyện: Chẳng nghe được gì hết.

Trong vở kịch “The Royal Hunt of the sun” (Hoàng gia đi săn mặt trời) có kể lại cuộc chinh phục dân da đỏ ở Pêru của người Tây ban nha vào thế kỷ 16, trong đó có một màn kể lại câu chuyện một người nọ biếu cho tù trưởng bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh Kinh và bảo ông ta: ”Đây là Lời Chúa, Ngài nói với chúng ta qua cuốn sách này”. Viên tù trưởng nghiêm trang cầm cuốn Thánh Kinh lên, xem xét kỹ lưỡng và dịu dàng đặt nó vào lỗ tai. Ông cố gắng nghe đi nghe lại nhưng chẳng nghe được gì hết. Thế là ông ta nghĩ rằng mình bị phỉnh gạt, nên giận dữ dằn mạnh cuốn sách xuống đất.

Màn bi kịch trên khiến chúng ta tự nhủ:”Vậy chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa như thế nào” ? Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng ba cách thức: bằng lỗ tai của tâm trí, bằng lỗ tai của trái tim và bằng lỗ tai của linh hồn…(M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 166-167).

Chúng ta phải làm sao để Lời Chúa được diễn lại sống động nơi tâm trí chúng ta, phải ghi khắc lời ấy vào trái tim chúng ta và phải bàn bạc với Chúa cũng như lắng nghe điều Ngài nhắn nhủ chúng ta qua lời ấy.

III. CÁCH THI HÀNH SỨ MẠNG

1. Sống đời chứng tá

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: ”Người thời nay thích những chứng tá hơn là thầy dạy”. Đúng thế, lời dạy dỗ không hấp dẫn và thuyết phục bằng chứng tá vì người ta thường nói:”Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Nếu thầy dạy mà thực hành điều mình dạy thì lời ấy càng có tính thuyết phục; nếu ngược lại, những lời giảng dạy ấy hoàn toàn trở nên vô ích, có khi còn phản tác dụng: không làm cho người ta đến với Chúa mà còn làm cho người ta lìa xa Chúa nữa. Muốn cho lời rao giảng của mình có tác dụng, người truyền giáo nên thực hành lời Đức Giám mục chủ phong trong thánh lễ truyền chức Linh mục khuyên tân Linh mục:

“Hãy tin vào điều con đọc,

Hãy giảng điều con tin,

Và hãy thực hành điều con giảng dạy”.

Về vấn đề làm chứng này, chúng ta hãy trở lại thời Giáo hội sơ khai, các tín hũu đầu tiên đã sống với nhau như thế nào theo một tác giả thế kỷ thứ ba:

“Người Kitô hữu không khác với những kẻ khác về cư trú, về ngôn ngữ hay lối sống. Bởi vì họ không cư ngụ một thành nào riêng biệt, cũng không dùng ngôn ngữ nào khác thường và nếp sống của họ chẳng có chi khác biệt. Không phải do suy tư hay bận tâm tra cứu mà họ khám phá được các giáo thuyết. Họ không chủ trương một giáo điều nào của loài người như một số người nọ…

Họ ở trong xác thịt nhưng chẳng theo xác thịt. Họ cư ngụ trên mặt đất nhưng có thành trì ở trên thiên đàng. Họ tuân theo mọi lề luật đã được đặt ra, nhưng lối sống của họ còn hơn cả lề luật. Họ yêu mến mọi người mà mọi người bách hại họ. Họ bị giết nhưng nhờ vậy mà được tái sinh. Họ thật nghèo nhưng lại làm cho bao người trở nên giầu có. Thiếu thốn mọi sự nhưng họ được tràn đầy mọi sự. Người ta khinh khi họ, nhưng trong sự khinh dể đó họ tìm được vinh quang. Danh giá họ bị nhục mạ nhưng nhờ đó họ được minh chứng là công chính. Bị chửi bới, họ chúc lành cho người ta, người khác hành hạ họ nhưng họ một niềm kính trọng. Khi làm lành họ bị trừng phạt như những kẻ bất lương, và chính lúc bị trừng phạt như vậy họ lại vui mừng, dường như được sống. Người Do thái khai chiến với họ như với những kẻ ngoại, đang khi đó dân ngoại bắt bớ họ, nhưng chẳng ai có thể nói tại sao lại thù ghét người Kitô hữu như vậy” (Trích Các bài đọc 2, mùa Phục sinh, tr 84-85).

2. Sống đời yêu thương

Đức Giêsu đã phán:”Người ta cứ dấu này mà biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”(Ga 13,35). Cốt lõi của đạo Công giáo là Bác ái bởi vì chỉ có một lề luật là mến Chúa yêu người. Nếu người ta chỉ yêu Chúa mà không thương yêu tha nhân là một điều khó hiểu vì như thánh Gioan nói, những người chung quanh sờ sờ ra trước mắt mà người ta không yêu thương được, thì làm sao người ta có thể yêu thương Thiên Chúa là Đấng vô hình ? Vậy nếu muốn giới thiệu cho người khác Đấng mà thánh Gioan gọi “Thiên Chúa là tình yêu” thì phải có một hình ảnh nào, để qua đó người ta biết Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Hình ảnh đó chính là tha nhân và nếu yêu tha nhân là hình ảnh của Chúa thì người ta sẽ dễ nhận ra Chúa hơn.

Truyện: Bà có họ hàng với Chúa.

Dan Clack kể lại một câu chuyện rất ngắn nhưng cũng rất ấn tượng: Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một em bé khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần trước một siêu thị sang trọng. Đứa bé đi chân đất, khoác trên người bộ quần áo cũ kỹ, tơi tả, trông như miếng giẻ rách. Có một thiếu phụ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được nỗi thèm muốn trong đôi mắt mầu xanh đó. Bà cầm tay đứa trẻ, dẫn vào tiệm và mua cho em đôi giầy mới và bộ quần áo ấm.

Sau đó, họ bước ra phố, và thiếu phụ nói với cậu bé:

- Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.

Đứa bé trố mắt nhìn thiếu phụ, rụt rè hỏi:

- Thưa bà, bà có phải là Chúa không ?

Bà cúi xuống mỉm cười với cậu bé, vỗ nhẹ vào vai cậu trả lời:

- Con ơi, không phải đâu, bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi !

Cậu bé như khám phá được điều gì mới lạ:

- Cháu đã biết ngay là bà có họ hàng với Chúa mà.

(Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 3-4).

Sống đời bác ái yêu thương là dấu chỉ con cái Chúa và là dấu chỉ anh em với nhau. Đức Giêsu đã xác nhận:”Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”(Lc 6,21). Quả thật, thiếu phụ trong câu chuyện trên đã nghe và thi hành lời gọi yêu thương của Chúa:”Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”(Lc 6,38). Được làm anh em, họ hàng của Chúa không là một vinh dự vô cùng lớn lao cho con người sao ?

3. Đời sống hiệp nhất

Trong thân thể con người có rất nhiều chi thể. Thân thể tạo nên một thể thống nhất dù bao gồm nhiều chi thể. Những chi thể này rất khác nhau và có những chức năng rất khác nhau: dĩ nhiên có một số chi thể quan trọng hơn những chi thể khác. Nhưng một thân thể đầy đủ cần có mọi chi thể và các chi thể cần lẫn nhau.

Giáo hội cũng như thế. Chúng ta dù nhiều nhưng cùng tạo thành một thân thể trong Đức Kitô. Nhận thấy trong giáo đoàn Corintô có sự chia rẽ, thánh Phaolô đã viết thư khuyên nhủ các tín hữu tránh sự chia rẽ mà phải hợp nhất trong Chúa Kitô:”Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể… Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận”(Bài đọc 2).

Gia đình là Hội thánh tại gia. Hội thánh tại gia cũng phải có những đặc tính như Hội thánh toàn cầu: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Một trong các đặc tính là sự hiệp nhất. Thánh Phaolô cũng trưng Sách Thánh ra để nói lên sự hiệp nhất vợ chồng là cần thiết:”Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”(Ep 5,32). Nếu trong gia đình Kitô hữu, mọi người hiệp nhất với nhau, nhất là vợ chồng không ly dị, thì đây là chứng tá hùng hồn để giới thiệu cho người ta một Chúa Ba Ngôi duy nhất, nguyên lý của mọi tạo vật, và mọi loài thọ sinh phải tùng phục thờ lạy Ngài.
 
Lời ngày ấy - Lời hôm nay
Anmai, CSsR
08:09 21/01/2010
Chúa nhật 3 Thường Niên C (Nkm 8, 2-4a.5-6.8-10; 1 Cr 12, 12-30; Lc 1, 1-4; 4,14-21

Mỗi Thánh Lễ, chuẩn bị nghe Tin Mừng, cộng đoàn dân Chúa thường tung hô với nhau: Halleluia, Lời Chúa dẫn soi con đường đi, Halleluia, Lời Chúa khác chi như dòng suối, phúc cho người vui nghe, yêu mến gẫm suy Lời luôn. Tung hô Tin mừng là thế, còn Thánh Vịnh thì nhắc nhở: Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con. Và hôm nay, một lần nữa, qua trang tin mừng khá vắn vỏi và câu nói vắn vỏi của Chúa quá sức hiệu nghiệm: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."

Lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe đó là gì ? Xin thưa, Lời ấy nói rằng: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. Rồi Đức Giê-su đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Chúa Giêsu đọc lại lời của ngôn sứ Isaia. Lời Isaia cũng là Lời tự Thiên Chúa nói qua miệng ngôn sứ. Hôm nay khẳng định lại một lần nữa việc xuất hiện của Chúa Giêsu trên cõi đời này. Chúa Giêsu đến để loan Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm được tha, mù được sáng mắt, trả tự do cho người áp bức và công bố một năm hồng ân của Chúa.

Lời mà ta nghe ngày nảo ngày nao ấy nhưng sao nó lại am hợp cho bối cảnh của Giáo Hội Việt Nam như vậy. Lời ngày xưa vẫn còn giá và Lời năm nay vẫn còn trị.

Năm nay là năm thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, đánh dấu 477 năm Tin mừng đến với quê hương đất Việt. Năm nay là năm hồng ân đến với Việt Nam ấy nhưng mà Tin mừng vẫn còn bị bóp nghẹt, còn bị bưng bít. Năm hồng ân có đó, Chúa Giêsu có đó nhưng hình như vẫn còn rào cản nào đó của con người. Con người đó có thể là ngoài Giáo Hội và cũng là con người trong Giáo Hội. Ngoài Giáo Hội họ bóp nghẹt Lời, họ chàp đạp Lời thì đã đành còn đàng này là người trong Giáo Hội thì đau lòng quá.

Lời bị bóp nghẹt, Tin mừng bị bưng bít, điều này cũng không lạ lắm vì trong Giáo Hội vẫn còn đó một dúm người chia năm xẻ bảy. Muốn Tin Mừng được loan báo thì những người loan báo Tin mừng, loan báo Lời ấy phải yêu thương, phải hiệp nhất.

Chúng ta đang sống trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội, của mọi người. Bởi vì sự chia rẽ quá nhiều nên lời khẩn nguyện cho sự hiệp nhất càng khẩn thiết hơn.

Sự chia rẽ, sự bất hoà không phải bây giờ mới có mà có tự lâu lắm rồi, từ cộng đoàn tiên khởi của các tông đồ. Đứng trước sự chia rẽ, sự bất hoà của cộng đoàn, Thánh Phaolô đã cho một bài thật là hay mà chúng ta vừa nghe: Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?

Thánh Phaolô dùng hình ảnh hết sức thực tế đó chính là cơ phận của con người. Tất cả các chi thể, các cơ phận tạo thành con người nên mỗi chi thể, mỗi cơ phận phải biết hiệp nhất, biết yêu thương thì cơ thể đó mới hạnh phúc.

Thật ra chẳng ai muốn làm mắt cả. Làm mắt phải nhìn đủ thứ hết, giá như nhìn cái tốt thì còn đỡ, nhìn cái xấu thì kẹt lắm ! Tay cũng thế ! Nếu như tay làm điều bác ái thì hay lắm nhưng nếu tay làm điều gian ác thì cũng sợ ! Và, tay cần chân, chân cần tay. Mắt cần tay và tay cũng cần mắt. Mỗi chi thể trong cơ thể đều bổ khuyết cho nhau. Có những cái nhỏ nhất nhưng lại quan trọng nhất. Có cái bé thôi nhưng lại đóng một vai trò hết sức lớn.

Liên hệ đến thân thể Đức Kitô, thánh Phaolô nói tiếp: Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?

Mỗi người một chức năng, mỗi người một phận vụ và nếu chức năng, phận vụ ấy hiệp nhất với nhau thì Lời sẽ phát triển và khi ấy Tin mừng sẽ hiển trị khắp mặt địa cầu.

Hơn lúc nào hết, trong những ngày này, ngày áp cuối của tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất khi nghe đoạn Tin mừng này, đoạn Tin mừng này lại thúc ép mỗi thành phần, mỗi chi thể trong Giáo Hội. Muốn hiệp nhất, muốn hiệp thông, muốn sứ vụ rao giảng Tin mừng, rao giảng Lời được như lòng Chúa mong muốn thì chúng ta cần dừng lạim dừng lại để nhìn Lời Chúa ngày xưa và nhìn Lời Chúa hôm nay.

Hôm nay, năm nay, Giáo Hội Việt Nam đang sống trong năm hồng ân, mùa hồng ân. Muốn hồng ân ấy được tỏ hiện thì mỗi thành viên trong Giáo hội phải yêu thương và hiệp nhất.

Những biến cố trong hiện tại về đất đai, về công lý, về sự thật đang diễn ra trên quê hương đất nước Việt Nam là một thách đố cho Lời.

Cách đây ít hôm, vào trang mạng công giáo nọ, người viết thấy hình ảnh của một ai đó “pốt” lên. Ở trên là hình ảnh của các thánh tử đạo ngày xưa, bất chấp gươm giáo, các thánh tử đạo Việt Nam đã anh dũng tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa. Còn ảnh dưới, người ta “pốt” lên hình ảnh của một người hết sức hững hờ bằng cách khoanh tay trước thánh giá Chúa bị đập bể.

Cháy nhà mới lòi mặt chuột hay là khi hoạn nạn thì mới có thể biết ai đứng về phía Chúa Giêsu, ai đứng về phía Lời. Có những người có tiếng nói, có những người có trách nhiệm nhưng lại không dám nói vì họ sợ mất chức mất quyền, mất chỗ đứng trong xã hội. Trong khi đó những người nghèo, những người thấp cổ bé họng thì lại gào lên tiếng nói của mình để cầu mong cho sự thật, công lý hiển trị trên quê hương đất nước.

Lời vẫn là một thách thức, một giằng co cho sự chọn lựa.

Có những người dám mất mạng mình để công bố Lời. Có những lời bưng tai bịt mắt để Lời bị chà đạp.

Nguyện xin Ngôi Ba Thiên Chúa thổi một làn gió mới trên quê hương đất nước Việt Nam và nhất là ban thêm ân sủng của Ngài để cho những ai không dám công bố Lời nay dám nói về Lời.

Nguyện xin Ngôi Ba Thiên Chúa thêm sức mạnh cho những người bé cổ thấp họng can đảm hết sức mình để loan báo, để minh chứng Lời trên quê hương Việt Nam yêu dấu này.

Nguyện xin Ngôi Ba Thiên Chúa đổ muôn vàn hồng ân trên quê hương đất nước Việt Nam này để năm hồng ân 2010 này thật sự là một năm hồng ân của Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
Lời quyền năng là thần trí và sự sống
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:11 21/01/2010
Chúa Nhật III Thường Niên C

Mở cuốn Thánh Kinh, chúng ta thấy ngay sức mạnh của Lời, đó là tạo dựng nên vũ trụ vạn vật. “Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng…” ( x.St 1). Thánh Gioan khởi đầu Tin Mừng bằng những dòng tuyên tín về tính siêu việt, sự tiền hữu cũng như quyền năng của Ngôi Lời: “ Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” ( Ga 1,1-3 ).

Thành thật cám ơn anh em Tin Lành đã góp phần một cách nào đó để rồi trong Công Đồng Vatican II Giáo hội Công giáo mạnh mẽ khẳng định rằng Giáo hội luôn tôn kính Lời Chúa ngang hàng với Thánh Thể Chúa Kitô ( x. MK số 21 ). Với các bài Thánh Kinh trích đọc trong Chúa Nhật III TN C này, cách riêng bài đọc thứ nhất, Thánh vịnh đáp ca và bài Tin mừng, khiến chúng ta dễ nhận ra chủ đề là Lời Chúa và hiệu năng của Lời.

Khi khẳng định mình luôn tôn kính Lời Chúa như Thánh Thể Chúa Kitô, thì Giáo hội tuyên tín rằng Lời Chúa không chỉ là những gì được Chúa phán dạy mà còn chính là một Hữu thể, một Ngôi vị siêu việt, có từ đời đời và đầy quyền năng. Và Lời quyền năng ấy cũng là Lời Tình Yêu. Chính vì thế hiệu quả của Lời được tuyên ban luôn là những sự tốt đẹp cả về sự hiện hữu lẫn cách thế hiện hữu ( x. St 1 ). “ Lạy Chúa, Lời Chúa là thần trí và là sự sống” ( Đáp ca ). Qua bài trích Tin Mừng thánh Luca của Chúa Nhật III TN C, chúng ta cùng xem xét một vài hiệu quả của Lời được tuyên ban vốn đã được Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” ( Lc 1,21 ).

Lấy lại lời Ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu minh định rằng Thánh Thần ngự trên Người, xức dầu tấn phong cho Người để Người loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Và những hiệu quả của Lời Người loan báo đó là: “công bố cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” ( Lc 4,18-19 ).

Công bố năm hồng ân của Thiên Chúa: Đây là năm toàn xá đã được Thiên Chúa thiết lập trong Cựu Ước. Cuối một chu kỳ bảy năm là năm Sabat, thì phải để cho đất đai được nghỉ ngơi, không canh tác. Các nô lệ cũng được trả tự do …( x. Xh 21,2; Lv 25,1-7 ). Cuối chu kỳ bảy lần bảy năm và bắt đầu ngày mồng mười tháng bảy năm thứ bốn mười chín thì khởi đầu một năm toàn xá ( x. Lv 25,8-54 ). Trong năm này đặc biệt cần phải thực thi ân tình cách khoáng đạt với người nô lệ, người nghèo, khách ngụ cư…như tha nợ, trả tự do, trả lại đồ cầm cố… Những quy định của năm toàn xá không nguyên chỉ để tái lập sự công bằng theo nghĩa công bằng phân phối, vì “ai giàu ba họ, ai lại khó ba đời !”, mà còn nói lên lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, đặc biệt dành cho những người nghèo hèn, bé mọn, cô thân, yếu thế. Tự sức mình, những người này như bất lực để giải thoát mình khỏi cảnh bần hàn, túng khổ. Và chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát họ.

Khi công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, Chúa Giêsu muốn nói đến tình yêu vô điều kiện của Cha trên trời, Đấng đã yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một để cho thế gian được sống và sống dồi dào ( x. Ga 3,16 ). Sự kiện Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta là một hồng ân vô giá, vượt quá mọi công trạng của loài người. Đấng Siêu Việt mà xưa dân Chúa rất đổi kính sợ và cả kinh sợ, vì bất cứ ai thấy long nhan thảy đều phải chết, thì nay hiện diện giữa loài người và người ta có thể diện kiến, tiếp xúc, đụng chạm cách trực tiếp để được lãnh nhận ân phúc ( x.1Ga 1,1 ).

Cho người mù được sáng mắt: Quả thật Chúa Giêsu đã dùng lời quyền năng của Người cho một vài người mù trong dân Israel thời bấy giờ được nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên chắc chắn vẫn còn đó nhiều người về thể lý lúc bấy giờ chưa được lãnh nhận ân phúc. Như thế việc công bố lời ở đây không nhắm đến sự mù hay sáng của đôi mắt thể lý. Chúa đến để công bố lời giúp nhân loại nhìn thấy chân lý. Chân lý ấy chính là Người, Giêsu Kitô, cuộc sống, các hoạt động và những lời giảng dạy của Người. “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chúng cho sự thật” ( Ga 18,37 ).

Chân lý nền tảng mà Chúa Giêsu đã từng long trọng khẳng định lại lời Kinh Thánh đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng dựng nên mọi sự và là Cha chung của mọi người. Chúng ta phải tôn thờ, yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Yêu mến Chúa thì phải thực thi lời người phán dạy. Vì thế chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính bản thân mình, dù họ thương ta hay ghét ta, dù họ làm ơn cho chúng ta hay bách hại chúng ta ( x.Mc 12,28-34; Mt 5,43-48 ). Chính khi bước đi trong ánh sáng chân lý thì chúng ta sẽ được tự do. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi cảnh tình nô lệ.

Giải thoát, trả tự do cho người bị áp bức, kẻ bị giam cầm: Chúng ta chớ quên rằng khi Chúa Giêsu công bố những lời này và khẳng định chúng đang ứng nghiệm thì người anh em họ của Chúa là Gioan Tẩy giả đang ở trong ngục tù. Khi sai các môn đồ đến hỏi Chúa Giêsu rằng Người có phải là Đấng phải đến chăng, thì có lẽ Gioan Tẩy giả đang băn khoăn và ít nhiều cũng đang ở trong đêm tối của đức tin ( x.Lc 7,18-23 ).

“Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do”( Ga 8,34-36 ). Những lời khẳng định trên của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rõ sứ mạng của Người. Người đến thế gian là để giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ thần dữ, khỏi cảnh ngục tù của tội lỗi. Các bức tường gỗ đá của chốn lao tù vẫn không thể cướp đi sự tự do của tâm hồn. Chính tội lỗi mới làm cho chúng ta thành người nô lệ, mặc dù chân vẫn thong dong ngoài đời. Sau lời tuyên phán “ Ta truyền cho anh: Hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà” đôi chân của người bất toại được giải phóng. Nhưng rồi phải đến ngày đôi chân ấy lại bất động vì bệnh tật hay vì tuổi tác. Chính lời truyền phán: “ Tội lỗi anh được tha” mới là lời giải thoát người bất toại khỏi cảnh nô lệ, giam cầm. ( x. Mc 2,1-12 )

Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã ban Ngôi Lời. Ngôi Lời là Ánh Sáng thế gian. Ánh sáng chân lý dẫn đưa con người thoát cảnh nô lệ tội lỗi đến cảnh đời tự do của phận người con được sống và sống mãi trong tình Cha trên trời. Hãy lắng nghe lời của Esdra: Đừng sầu thảm khóc lóc, nhưng hãy hân hoan vui mừng đón nhận Lời giải thoát, Lời yêu thương. Vậy hãy xét xem, bạn, tôi, chúng ta đã tham dự phần Phụng Vụ lời Chúa trong các Thánh Lễ, đặc biệt Thánh Lễ Chúa Nhật ra sao ? Cũng hy vọng rằng các thừa tác viên của Lời trên giảng đài chớ quên rằng những chia sẻ của mình là một phần của Phụng Vụ Lời Chúa. Mong sao những lời ấy cũng có “quyền năng” vì là thần trí và là sự sống.
 
Chúa Giêsu giải phóng Dân Người khỏi những áp bức bất công
Jos. Tú Nạc, NMS
08:12 21/01/2010
Chúa Nhật III Thường Niên – Năm C (Nehemiah 8: 2-4, 6-10; Psalm 19; 1 Corinthians 12: 12-30; Luke 1: 1-4; 4: 14-21)

Con người bằng cách nào để phản ứng lại những bi thảm và gây chấn thương trong đời sống của mình? Có nhiều phương thức đề tác động lại nhưng một trong những cách phổ biến nhất là cố gắng “tự xét bản thân.” Điều này có thể dưới hình thức của một sự thay đổi hoàn toàn những giá trị hoặc phong cách sống trong nột nỗ lực để đoạn tuyệt quá khứ và tất cả những gì liên quan. Đôi khi con người “mới” rất khó để nhận ra.

Nhưng một phương pháp khác về sự nhận xét là phải quay về với bất cứ những gì mà người ta tin tưởng để có nền tảng và những giá trị căn bản. Loại trở về với căn bản này có thể dẫn đến sự đổi mới tinh thần và sự khởi sắc. Tuy nhiên, người ta thường mang đến nó những thái cực với những kết quả hạnh phúc thiếu thốn trong hình thức khắt khe, hẹp hòi và khô khan đạo đức.

Dân tộc Do Thái đã phải sống trong cảnh lưu đày Babylon 50 năm. Họ đã phải gánh chịu những tổn thương của sự tàn phá Jerusalem và đền thờ - nơi trú ngụ tối cao của Thiên Chúa – cũng như điều sỉ nhục về sự tồn tại của một dân tộc bị chinh phục và giam giữ. Trong thời gian lưu lại của họ ở Babylon họ nhiều lần hỏi tại sao? Làm thế nào mà Thiên Chúa có thể đã phó mặc chúng ta và đền thờ của Người? Đã có sự tín thác ngày càng tăng trong số những người lưu vong mà họ đang bị trừng phạt vì những vi phạm chống lại điều luật của họ - tôn thờ thần tượng, bất công và sao lãng tinh thần.

Sau khi họ trở lại Jerusalem, Nehemiah, Ezra và những người khác đã tìm thấy những gì mà họ tin tưởng phải giải quyết: quay lại với sự tuân thủ kiên định và nghiêm ngặt của điều luật. Trong đoạn trích này, điều luật được loan truyền tới những người tụ tập khóc than khi họ nhân ra họ sa sút đoản mạch những tiêu chuẩn của Thiên Chúa biết bao.

Điều luật này hơn hết chỉ tồn tại chập chờn trong tâm trí họ thậm chí có thể phôi phai. Nhưng những lời của ngôn sứ ủi an: nước mắt đã đủ - hân hoan và vui mừng kỷ niệm. Tìm đường ngay nẻo chính là động cơ cho niềm vui và kỷ niệm. Không phải tự trách và bi ai sầu muộn. Điều luật này không có ý định như áp lực mà như một niềm khoái cảm và một điều gì đó đem con người gần gũi hơn với Thiên Chúa và với nhau.

Hình ảnh của Thánh Phao-lô về sự hiệp nhất và sự phụ thuộc lẫn nhau của con người trang bị một giải pháp cho chủ nghĩa cá nhân đơn độc, cạnh tranh và ích kỷ của chính thời đại chúng ta. Trong lời diễn giải của mình về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các chi thể, Thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng không có một bộ phận nào của cơ thể là không quan trọng hoặc kém giá trị so với những bộ phận khác.

Đây là một ẩn dụ cho cộng đồng Ki-tô giáo – thân thể Chúa Ki-tô. Trong Vương quốc và thế giới của Chúa Giê-su Ki-tô tuyệt đối không có những “thần tượng Mỹ” và không một ai tuyên bố tách rời với thế đứng riêng biệt. Tất cả mọi người đều có giá trị bình đẳng và tầm quan trọng.

Khi tất cả những biểu hiện đa dạng về nhất thể được thực hiện trong mối giao hòa cho những việc trọng đại lợi ích chung xảy đến cho mọi người. Với tư cách là những thành viên của thân thể ấy chúng ta đồng thời sở hữu và không sở hữu mọi thứ.

Lời giới thiệu của Thánh Lu-ca trong Tin Mừng của ngài là phong cách của những sử gia Hy Lạp vào thời đại của ngài: nhiều lời và thể hiện ý nghĩa tình cảm trong sáng hướng sự chú ý đến tính cách văn chương mô phỏng. Trong trường hợp này theo Theophilus (a German monk and writer. He is known for De Diversis Artibus ‘c 1110 – 40’) – có ý nghĩa là “người yêu của Thiên Chúa” – có thể là bất cứ ai đón nhận Tin Mừng với một tâm hồn và tâm trí rộng mở. Chúng ta được mời gọi để đọc và bổ sung những trạng thái tinh thần về chân lý của đức tin mà ở đó chúng ta đã được hướng dẫn. Sự xuất hiện trước công chúng thực tế đầu tiên của Thánh Lu-ca diễn ra trong giáo đường Do Thái thuộc thành phố quê hương. Không giống như những Tin Mừng khác, Chúa Giê-su của Lu-ca tự Người đã biểu lộ như sự hoàn thành những lời tiên tri của Isaiah thứ ba. Không chỉ thế, sự trở lại của Người là sự thăm viếng của Thiên Chúa và là cơ hội của những ân sủng giải phóng tuyệt vời.

Chúng ta có thể dung tưởng những căng thẳng trong giáo đường Do Thái khi Người tuyên bố rằng những lời tiên tri đã được hoàn thành tự trong Người. Lời tuyên bố này chắc hẳn đã có những âm thanh lố bịch và bất tín đối với những thính giả của Người và họ đã phải gánh chịu nên người đã xác định rằng đòi hỏi đó không bởi những hành động của quyền lực và bằng sự sống lại từ cõi chết. Tất cả những món quà hứa hẹn chữa lành bệnh, thị giác, tự do và những tin vui đã được diễn tả trong những cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su xuyên suốt công cuộc rao giảng của Người. Người không chỉ giải phóng người dân khỏi áp bức riêng của họ mà còn tránh khỏi những áp bức bởi một xã hội, chính trị và trật tự kinh tế bất cộng.

Chúa Giê-su là hiện thân trong mỗi khía cạnh của cuộc sống Người bản tính của Thiên Chúa cho những ai mà Người nói: từ bi, thương xót, thứ tha và che chở khi những ai tuyên xưng là môn đệ của Người. Chúng ta phải nỗ lực thực hiện một cách tương tự.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Đường Hội thánh là đường loan Tin Vui
Gioan Lê Quang Vinh
08:15 21/01/2010
Từ ngày bắt đầu hiểu được Lời Chúa trong Phụng vụ của Hội Thánh, tôi vẫn chú ý rằng việc sắp xếp các bài đọc thường theo tiêu chí phù hợp với Mùa Phụng vụ, và nếu là trong các ngày Quanh năm thì các Phúc Âm theo thứ tự các sách Tin Mừng (cha giáo sư Phụng vụ G.B. Trần Ngọc Quỳnh sinh thời nói rằng khi không có mùa nào đặc biệt mới gọi là Quanh năm, thế nên gọi “Mùa Quanh năm” là dư thừa). Nghĩa là tôi vẫn nghĩ Lời Chúa không đi theo những biến cố trong cuộc đời dân thánh Chúa. Nhưng càng lớn lên và càng chứng kiến những vui buồn trong đời sống Hội Thánh, tôi nhận ra Lời Chúa đi sát với mọi biến cố cuộc đời và là lời giải cho mọi vấn đề của cuộc sống một cách rất cụ thể và thật gần gũi. Nói cách khác, nếu tinh ý nhận xét, tất cả mọi khía cạnh Lời Chúa đều là kim chỉ nam và đồng thời là sức mạnh cho dân thánh trong mọi tình huống họ gặp phải.

Khi cường quyền đập bỏ Thánh Giá cứu độ, khi đủ loại nhân viên thượng vàng hạ cám đánh dân Chúa đổ máu đào ra, làm cho dân Chúa hoảng loạn, tôi mở Tin Mừng của ngày Chúa Nhật thứ 3 năm C và đọc: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc.4,18-19).

Chính lúc Hội Thánh Việt Nam đau khổ và bối rối, Lời Chúa không phải là lời thúc ép hành động để bảo vệ quyền lợi trước mắt, mà là lời “loan báo Tin Vui”. Việc loan báo Tin Mừng này không phải là công việc phụ thêm, mà là bổn phận chính yếu của mọi người Kytô hữu, không trừ ai. Người loan tin vui đã được Thần Khí Chúa “tấn phong” và “sai đi”. Cách đây ít lâu có một em học viên giáo lý kể với tôi là em đọc thấy có một người nọ đã viết bài cố chứng minh rằng không phải Thần Khi Chúa sai đi mà là Thần Khí đi cùng, và anh ta kết luận bài thánh ca cảm động “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” là… sai! Thật ra người ấy chỉ viết đúng nửa vời. Phải nói là Thần Khí Chúa sai đi và Ngài cùng đi với họ. Từ “sai đi” (bản văn Hy lạp: ἀποστέλλω, apostello) đã được sử dụng nhiều lần trong Tân Ước, và người được sai đi thì làm theo huấn lệnh của Đấng đã sai họ đi.

Thế nhưng, lệnh truyền loan Tin Mừng không chỉ nhắc đến nội dung loan báo thời gian cứu độ, loan báo mùa hồng ân, mà là việc loan báo ấy còn xác định rõ đối tượng nghe Tin Mừng. Đó là người nghèo hèn, người bị áp bức, người mù loà… Đường Hội Thánh đi như thế đã được Đức Kytô vạch ra ngay từ khi Người bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Con đường ấy không phải là đi đến nơi vua chúa ở cung vàng điện ngọc, với những thế lực lăm le thổi phù chú lên dân Chúa. Con đường ấy cũng chẳng phải là đối thoại nhẹ nhàng với những con người thiếu thiện chí. Với bọn Pharisiêu giả hình và bọn đổi bạc trong Đền Thờ, chẳng có gì để đối thoại, lý do là “chúng có mắt mà như mù, có tai mà như điếc”. Chúa Giêsu cũng chẳng đặt vấn đề là có phải lên tiếng hay không, bởi vì sứ mạng người được sai đi là sứ mạng “loan báo”.

Cũng không thể biện minh rằng nguyên sự hiện diện cũng là loan báo. Giữa một thế giới có quá nhiều âm thanh náo loạn và quá nhiều sự hiện diện của những khuôn mặt thù nghịch với Thánh Giá Đức Kytô, thì người loan báo không thể chỉ đến rồi đi, mà là lên tiếng, thậm chí còn phải gây tranh cãi gay gắt nữa, bởi vì sự hiện diện và loan báo công lý có thể gây bất hoà giữa cộng đoàn vì ở đâu cũng có người chống lại Lời hằng sống và công lý (xem Mt. 10,34-36).

Những vấn đề con người đặt ra hôm nay để im hơi lặng tiếng không hề và không bao giờ là vấn nạn của Tin Mừng. Chúa Giêsu kiện toàn lề luật, và luật ấy là thế này: Hãy ra đi, loan báo Tin Vui, và loan cho người nghèo đói khốn khổ bệnh tật và bị áp bức. Có chín từ trong mệnh lệnh tối cao này: “Được Sai Đi – Loan Tin Vui – Cho Người Nghèo”. Không thể có sự giải thích nào khác.

Ở đây cũng xin mở ngoặc nói thêm, sở dĩ Sứ điệp của Công Hội Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (12/6/2009) được dân Chúa vui mừng đón nhận và hiệp thông, là bởi vì quyết định có vẻ mới mẻ bứt phá ấy lại bắt nguồn sâu xa từ đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đây, và đi đúng từng lời của Tin Mừng, “dấn thân mạnh mẽ hơn nữa trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (số 4).

Người môn đệ đích thực không chứng minh “có được sai hay không”, “loan báo cho ai”, “nói hay không nói”. Những lý luận ấy không phát xuất từ Thần Khí, mà phát xuất từ những động lực khác, danh tiếng hay sự bình an cho riêng mình, sự bình an mà thế gian có thể ban tặng cho họ, thứ bình an “bề ngoài thơn thớt nói cười”. Còn bình an của người được sai đi là “bình an mà thế gian không ban cho được”. Khi người ta ráng tìm bình an của thế gian bằng cách biện minh “tại sao tôi không nói”, lập tức họ thấy bất an vì mặc cảm và vì đủ thứ áp lực chung quanh. Còn những con người dám loan tin vui, xin được lấy ví dụ các linh mục tu sĩ và giáo dân lâm nạn ở Đồng Chiêm, thì họ được bình an thật, vì họ là những người thiện tâm dưới thế.

Hội Thánh đón nhận mệnh lệnh loan Tin Vui ngay từ ngày Chúa Giêsu khởi sự chọn bốn môn đệ đầu tiên, trong ngày Phục Sinh và ngày Người lên Trời. Và Hội Thánh thực sự ra đi muôn phương theo lệnh truyền Đức Kytô từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên những thành viên đầu tiên trong Hội Thánh. Cùng với công cuộc loan Tin Vui, có những vu cáo, bách hại, đau khổ và cái chết nữa. Tin Vui là tin Phục Sinh cứu độ, và đau thương chính là đường thập giá gắn liền với sứ mạng Đấng Thiên Sai và môn đệ của Người.

Đức Giêsu gấp sách lại trong Hội đường Do thái, và Người mở ra con đường mới cho môn đệ Người. Xin đừng in lặng nữa, xin đừng đứng lại một chỗ, xin đừng giấu biệt Tin Mừng và xin đừng bỏ rơi người nghèo khổ, người bị áp bức. Không có một dòng tu, một vị trí hay một con người nào trong Hội Thánh dành riêng truyền giáo cho giai cấp cao sang, cho người học thức hay cho người có quyền hành. Tất cả phải dành cho người nghèo hèn, người bị áp bức. Và người cao sang, người quyền thế, người có học thức, phải tự nhận ra cái nghèo hèn thiếu thốn của mình với lòng khiêm hạ thì mới có khả năng đón nhận được Tin Mừng.

Lạy Mẹ là Đấng đã đem Tin Vui đến cho bà Elizabeth, đem Tin Vui cho các mục đồng và rồi cho toàn thể nhân loại, xin Mẹ giúp Hội Thánh Việt Nam chúng con cất cao lời loan báo Tin Vui, vì Chúa đã làm cho Mẹ và cho chúng con biết bao điều cao trọng. Amen.
 
Thánh giá cuộc đời Đồng Chiêm
Pt Gioan B. Maria Nguyễn Định
08:20 21/01/2010
Cảm nghiệm:

Hôm nay tôi muốn lên Thiên đàng với Chúa; nhưng tôi lại không muốn vác Thánh giá theo Chúa trong cuộc đời.

- Tôi muốn ngồi ăn đồng bàn với Chúa; nhưng không dám vác Thánh gía để cùng với Chúa chịu chết trên Núi Sọ.

- Tôi theo Chúa đến lúc bẻ bánh; nhưng lại không muốn chịu đau khổ với Chúa khi gặp những thử thách, gian nan.

- Tôi có thể ca hát ngợi khen Chúa khi thành công, nhưng dễ bỏ cuộc khi không chịu nổi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

- Tôi dễ vui mừng khi gặp những điều may, vừa ý, nhưng rất dễ chán nản khi Chúa lánh mặt chốc lát là những điều không vừa ý.

Một phút suy tư:

- Tôi rất khó chịu khi nghe nói: Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9, 23)

- Nhưng còn khó nghe hơn khi ngày tận thế đến: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời… (Mt 25, 41)

- Nếu tôi vui lòng vác Thánh giá, cuộc sống tôi sẽ bình an và vui mừng, vì có Chúa đang đồng hành cùng tôi qua mọi người.

- Ở đâu cũng có Thánh giá, nếu bạn trốn Thánh giá này sẽ gặp Thánh giá khác. Thánh giá là đường để tôi vào Nước Trời từ bây giờ.

- Nếu tôi đóng đinh mình vào Thập gía là chết đi cho tội lỗi mỗi ngày, để tự do sống hoàn toàn cho Chúa, thì Nước Trời ở trong tôi.

- Người Tín hữu không phải chết khi tắt hơi, mà hằng ngày ta hằng chết. Khi ta chết đi cho tội lỗi là ta đang sống cho Đức Chúa Trời.

- Sự chết và sự chết tự động hằng ngày, là mặt trái của sự sống mới đang chiếm hữu toàn thân tôi.

- Đúng vậy, phải có Thánh giá là những ai cả đời mình đã sống cùng chịu đóng đanh và chết với Chúa, thì có Nước Trời ngay hôm nay.

- Thánh giá là sức mạnh của tâm hồn, là phần rỗi đời đời trong Nước Trời. Tất cả nhân đức của tôi đều nằm trong Thánh giá.

- Chính Chúa đã vác Thánh giá đi trước và chết cho tôi, để tôi cũng vui vẻ vác Thánh giá, để chết đi và sống lại với Chúa mỗi ngày.

Danh Ngôn: Đường đời những lúc gió táp sương sa, đó là những cảnh ngộ để cho ta rèn luyện cải tâm. Khuyết Danh
 
Sống vai trò ngôn sứ
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
10:23 21/01/2010
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, khoa học – kỹ thuật, con người ngày hôm nay phải đối diện với nhiều vấn đề liên quan đến sự sống, nhân phẩm của chính mình. Đây là thực trạng đang được đặt ra, đòi hỏi nhiều nỗ lực hợp tác của chúng ta nhằm đưa ra một giải pháp chung nhất, có thể đảm bảo những nguyên tắc luân lý. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại trên bình diện xã hội, chúng ta khó lòng đưa ra một định hướng hành động hiệu quả. Thực tế đã chứng minh điều ấy, khi thảm trạng về quyền và sự sống con người đang diễn ra ở mức báo động. Hạn chế này nhất thiết cần đến những tác động trên bình diện tôn giáo, trong vai trò hướng con người tới hạnh phúc tối hậu, được khởi đi từ hiện tại.

Kitô giáo đang là nhân tố trung tâm trong việc thúc đẩy nhân loại trở về với ơn gọi làm người trong chương trình của Thiên Chúa. Ơn gọi ấy là sự thể hiện và sống lời mời của Đức Kitô trong vai trò ngôn sứ của sự sống, và không ngừng phục vụ hạnh phúc con người. Chính Đức Kitô đã tiên phong khai mở con đường này từ những ngày đầu Ngài thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

1. Khi lời Kinh Thánh được ứng nghiệm

Đấng mà Isaia loan báo từ ngàn xưa trong Cựu Ước đã đến với nhân loại thực sự từ đêm Ngài giáng sinh tại Bê-lem. Trong tư cách Ngôi Lời Nhập Thể, Ngài đã kiện toàn con người yếu đuối của chúng ta, khi chính Ngài mặc lấy thân phận phàm trần của kiếp người. Không chỉ dừng lại ở đó, Ngài đã nhắm con người tới hồng ân cứu độ khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai.

Dưới tác động của Thần Khí, Đức Kitô nghiệm thấu được mối tương quan thiết yếu giữa Ngài và chúng ta trong đoạn Sách Thánh: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được thứ tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19). Lời ngôn sứ Isaia (61, 2) đã báo trước được ứng nghiệm nơi Đức Kitô.

Đức Kitô đến trần gian, mở ra một kỷ nguyên mới và là đỉnh cao trong chương trình cứu độ. Đây là lúc mà con người nhận lại được vị thế cao cả của mình trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Không chỉ ý thức về nhân phẩm của mình qua chính Lời Hằng Sống, chúng ta còn được hướng tới việc kết hiệp thân tình với Thiên Chúa nhờ hành vi dâng hiến của Đức Kitô. Chính Ngài là Ngôn Sứ vĩ đại nhất mà Isaia đã loan báo, được Thiên Chúa sai đến thực thi sứ vụ “công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” cho chính chúng ta, là đối tượng trung tâm của công trình cứu độ.

Như vậy, nhân loại đã được đặt trong chiều hướng lạc quan về một thực tại tươi sáng nhờ “hồng ân của Chúa” qua Đức Kitô. Chúng ta không còn phải lo sợ hay bị ám ảnh về một thực tại đen tối do những hoàn cảnh xã hội ngoài mong muốn. Bởi Ngôi Hai Thiên Chúa từ địa vị vinh quang tuyệt đối, đã đứng vào hàng ngũ nhân loại với tư cách một “kẻ nghèo hèn” trong cuộc đời tại thế. Nhưng cũng chính từ thân phận đó mà Ngài có thể cảm thông và nâng chúng ta lên địa vị con cái Thiên Chúa.

Đức Kitô không chỉ biểu tỏ sống động vai trò của “Đấng được xức dầu” qua lời Ngài công bố, mà chính Ngài đã sống trọn vẹn điều ngôn sứ Isaia đã báo trước. Hồng ân Thiên Chúa được Đức Kitô trao ban dồi dào trong đời sống công khai của Ngài. Ngài đã công bố Tin Mừng cho những người nghèo: từ những mục đồng nghèo khó đến bà goá nghèo đã dâng cúng những gì mình có vào Đền Thờ; rồi “nghèo khó” được Ngài đặt là một trong những cốt yếu của các mối phúc.

Sứ mạng của Đức Kitô là đem ơn cứu độ đến cho những “kẻ nghèo hèn”, tù đày, áp bức, bệnh tật…Ngài quan tâm đến những khổ đau của họ, coi sứ mạng của Ngài là phải làm sao giải thoát họ ra khỏi sự “giam cầm”, dành lại cho họ các quyền căn bản mà Thiên Chúa đã phú ban từ thuở ban đầu. Hồng ân cứu độ trước mắt Ngài là tái lập bộ mặt xã hội mới; trong đó, mọi người được sống xứng với nhân phẩm của mình dựa trên nền tảng Sự Thật, Công Lý và Tình Thương.

Tin Mừng mà Ngài rao giảng cho muôn dân là Tin Mừng Sự Sống, nhờ cuộc Phục Sinh vinh hiển sau cái chết nhục nhã, đau thương của Ngài. Nhân loại sẽ được dẫn lối trên con đường Ngài đã mở ra; dù hành trình ấy còn nhiều chướng ngại về mặt xã hội và tâm linh.

2. Trở nên ngôn sứ giữa lòng đời

Thực tế cuộc sống hôm nay đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến phẩm giá và địa vị của con người. Tin Mừng đã rọi sáng cho chúng ta một định hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả; nhờ việc tuân thủ các nguyên tắc luân lý và sống vai trò ngôn sứ theo gương Đức Kitô.

Những tín hiệu đáng mừng.

Chúng ta được chứng kiến nhiều nỗ lực của các tổ chức, hiệp đoàn, cá nhân đang ra sức bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Họ như những ngôn sứ giữa lòng đời với con tim tràn đầy nhựa sống nhân ái, không ngừng dấn thân kiến tạo một xã hội tốt đẹp dựa trên xả kỷ và tình thương.

Dù ở bất cứ xã hội nào hay phải sống trong những hoàn cảnh khác biệt, hồng ân cứu độ của Đức Kitô đã phổ quát nơi họ và Thánh Thần đang thúc đẩy họ hành động. Họ không hề run sợ trước bất công, bạo lực đang diễn ra một cách cuồng loạn, phi nhân tính. Họ không ngại ngần khi lên tiếng bênh vực, nâng đỡ những phận đời đang ở dưới đáy xã hội và những tù nhân lương tâm. Họ có đủ bản lĩnh để đưa ra ánh sáng những gì là mờ ám, đen tối đang bị quyền lực sự dữ giam hãm lâu nay. Và vì công lý, họ như các ngôn sứ xưa, sẵn sàng chấp nhận phần thiệt thòi về bản thân cả danh dự và sự sống.

Tấm gương của nhiều bạn trẻ trong các nhóm tình nguyện bảo vệ sự sống, phục vụ người nghèo…là một khích lệ lớn lao đối với chúng ta. Đó như động cơ thúc đẩy ta thêm hăng hái trong việc phục vụ con người với tư cách là ngôn sứ của Đức Kitô.

Sống vai trò ngôn sứ.

Lời Chúa là yếu tố trước hết giúp ta sống vai trò ngôn sứ giữa đời. Nhờ cảm nghiệm sâu xa giá trị của hồng ân cứu độ qua hành động tận hiến của Đức Kitô, chúng ta ý thức được địa vị của con người trong chương trình của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta có thể đáp trả xứng hợp trong việc rao truyền Tin Mừng sự sống.

Mục tiêu mà chúng ta nhắm tới không ngoài sự sống và nhân phẩm của con người. Có nghĩa là, chúng phải loại trừ những tư tưởng và hành động xâm hại đến các quyền căn bản của các cá nhân, tổ chức, đoàn thể…

Vai trò ngôn sứ của ta chỉ có thể được chứng nghiệm bằng thái độ nhiệt thành, cản đảm, dám chấp nhận hy sinh đến mức có thể nhằm nâng cao địa vị và phẩm giá con người theo gương Đức Kitô.

“Năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4, 19) sẽ tiếp tục được mở rộng đến mọi người nhờ sự cộng tác của ta trong cương vị những sứ giả của tình thương, sự sống.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:30 21/01/2010
THỰC ĐƠN

N2T


Một người dự tòng học đạo với kinh sư Hồi giáo là Lu-mi, ông ta muốn biết kinh Cô-ran có đáng đọc không. Lu-mi trả lời:

- “Ông nên hỏi chính mình là đã có đủ sự thành thục để có thể thu lợi từ trong đó không ?”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Thức ăn của bệnh nhân cần được sự chỉ dẫn của bác sĩ, để thân thể được hồi phục mau chóng vì có những chất dinh dưỡng hợp lý cần thiết; trẻ em ăn uống thì cần phải có cha mẹ hay vú nuôi chăm sóc cẩn thận, bởi vì bằng không thì các em sẽ ăn uống không đúng giờ hoặc ăn những thứ mà mình thích nhưng có hại cho thân thể; người mới học đạo thì không thể tự mình đọc và hiểu Kinh Thánh, nên cần phải có người hướng dẫn và giảng giải...

Không phải ai cũng có thể đọc và hiểu Kinh Thánh, nhưng trước hết cần phải có lòng yêu mến, khiêm tốn để Chúa Thánh Thần hưởng dẫn, bởi vì Kinh Thánh là do Chúa Thánh Thần linh ứng mà có, thì muốn hiểu Kinh Thánh thì cũng phải do Chúa Thánh Thần soi sáng mới hiểu được.

Ăn uống cho phần xác được khỏe mạnh thì phải có thực đơn. Cũng vậy, người Ki-tô hữu đọc Kinh Thánh là “ăn uống” để tinh thần và linh hồn được khỏe mạnh thì cũng phải có thực đơn, thực đơn này được Giáo Hội Công Giáo –trước hết là các giám mục, tiếp đến là các linh mục được Giáo Hội trao quyền qua giám mục, để thánh hóa, giảng dạy và cai quản dân của Thiên Chúa.

Ai đọc Kinh Thánh mà không có lòng khiêm tốn và yêu mến, thì chẳng khác gì “gặm khúc xương” cứng vậy, không những không có ích mà còn có hại cho chính bản thân của mình và người khác nữa.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 21/01/2010
N2T


8. Con người ta nếu tu thân làm việc lành phúc đức mà pha trộn mấy phần tình cảm riêng tư yêu mến bản thân, thì giá trị rất nhỏ trong cái nhìn thánh của Thiên Chúa.

(Thánh Christina)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:32 21/01/2010
N2T


349. Ý nghĩa thật của cuộc sống chỉ có khi quay đầu nhìn lại mới ngộ ra; ý nghĩa của cuộc sống chỉ có thể nảy sinh trong khi tiến tới phía trước.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Benedict XVI mời gọi các môn đệ của Thánh Raphaëlle hãy có lòng thương xót
Bùi Hữu Thư
06:13 21/01/2010
Rôma, Thứ Tư 20 tháng 1, 2010 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI mời gọi các môn đệ của thánh Raphaëlle-Marie cuả Thánh Tâm hãy làm nhân chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa như nhà sáng lập của họ.

Thánh Raphaëlle-Marie
Đức Thánh Cha đã làm phép bức tượng của bà thánh trước khi đến sảnh đường Phaolô VI để triều kiến. Ngài đã dừng lại tại chân của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô – Đường Fondamenta – để làm phép bức tượng của nhà sáng lập các Nữ Tu Dòng Nữ tì Thánh Tâm Chúa Giêsu, là thánh Raphaëlle-Marie Thánh Tâm (Rafaela Maria del Sagrado Corazon, và trong thế kỷ là Porras y Ayllón).

Đức Thánh Cha đã chào mừng vào cuối buổi tiếp kiến các khách hành hương tháp tùng các sơ Dòng Nữ Tì Thánh Tâm, nhân dịp khánh thành và làm phép bức tượng. Tất cả bên trong và bên ngoài của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô được trang hoàng bằng các bức tượng của các nhà sáng lập nổi tiếng, như các mốc ghi lại lịch sử của sự thánh thiện và sự trung tín của các kitô hữu.

Đức Thánh Cha khuyến khích “Các bạn thân mến, theo gương mẫu của thánh Raphaëlle, các bạn cũng hãy là những nhân chứng cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa.”

Thánh Raphaëlle-Marie Porras, đồng trinh (1850-1925) đã thành lập bên Tây Ban Nha, tại Cordoba và cùng với người em tên Marie-Pilar, Dòng Nữ Tì Thánh Tâm Chúa Giêsu, tận hiến cho việc tôn thờ Thánh Thể và việc giáo dục các trẻ em nghèo. Bà đã trở nên Bề Trên Tổng Quyền của nhà dòng này.

Nhưng sau khi bị trục xuất bởi người em, bà đã sống cuộc đời tu trì ẩn dấu trong 32 năm, tận hiến cho việc cầu nguyện. Khi bà qua đời, tại Rôma ngày 6 tháng 1, 1925, sự thật đã tỏ hiện, và hồ sơ phong thánh bà đã được khởi sự và kết quả là bà được Đức Thánh Cha Piô XII phong chân phước năm 1952, và Đức Thánh Cha Phaolô VI phong thánh ngày 23 tháng 1, năm 1977.
 
Tái thiết Haiti
Đoàn Xuân Lộc
08:24 21/01/2010
Khi cộng đồng quốc tế khẩn thiết cứu trợ Haiti sau trận động đất thảm khốc, một câu hỏi quan trọng khác được đặt ra là làm sao có thể tái thiết quốc gia này.

Trận động đất xảy ra tại Port-au-Prince hôm 12/01 không chỉ gây nên tang thương, mất mát cho người dân Haiti mà còn làm tê liệt cả Haiti.

Hoang tàn đổ nát

Xét về mức độ tàn phá và ảnh hưởng có thể nói động đất ở Haiti còn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn sóng thần Tsunami xảy ra tại châu Á vào năm 2004.

Sau sóng thần Tsunami, các nước bị ảnh hưởng, như Indonesia chẳng hạn, còn có điều kiện, có khả năng để tiến hành công việc cứu trợ các nạn nhân và khắc phục những hậu quả khác do sóng thần gây nên.

Nhưng sau trận động đất vừa qua, Haiti gần như hoàn toàn bị tàn phá, bị tê liệt.

Những thông tin, hình ảnh từ thủ đô Port-au-Prince trong những ngày qua cho thấy trận động đất đã phá hủy hầu hết các tòa nhà của chính phủ, các bộ, các cơ quan kinh tế, hành chính, an ninh, y tế, giáo dục của Haiti.

Ngay cả dinh tổng thống cũng bị tàn phá và tổng thống René Préval phải lưu lại tại sân bay trong những ngày này. Nhà tù chính tại Port-au Prince cũng bị phá hủy và ước tính có hơn 3000 tù nhân đã trốn thoát.

Những điều đó cho thấy Haiti đã hoàn toàn bị tê liệt và đang rơi vào cảnh hỗn loạn, bất lực sau trận động đất.

Việc chính phủ Haiti đồng ý trao quyền kiểm soát sân bay tại thủ đô cho Mỹ nhằm đẩy nhanh công việc cứu trợ cũng là một ví dụ nữa cho thấy sự bất lực của nước này.

Thời gian, tiền bạc

Haiti được coi là một trong những nước kém phát triển và nghèo nhất trên thế giới. Dân số của nước này khoảng gần 10 triệu người.

Vốn đã nghèo và trong trận động đất vừa qua ước tính có 3.5 triệu người (hơn 1/3 dân số) bị ảnh hưởng, Haiti không còn có thể đứng dậy nếu không có sự cứu trợ của cộng đồng quốc tế.

Do đó vấn đề đặt ra cho các quốc gia và tổ chức quốc tế không đơn thuần chỉ là sự đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết trước mắt như thực phẩm, nước uống, thuốc men hay lều lán, mà còn làm sao để có thể nhanh chóng tái thiết nước này từ đống hoang tàn đổ nát.

Nhưng đó không phải là một chuyện dễ dàng vì giới quan sát cho rằng cần nhiều thời gian và với một khoản tiền lớn mới có thể để xây dựng lại Haiti.

Hôm 16/01, khi xuất hiện cùng với hai vị tiền nhiệm của mình là ông Bill Clinton và George W. Bush nhằm gây gũy để xây dựng lại Haiti, tổng thống Barack Obama đã nói công việc tái thiết Haiti ‘phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm’.

Một bài viết của Anne Kiremidjian, được đăng trên mạng của đài CNN hôm 18/01 cho rằng cần ít nhất 10 năm để tái thiết Haiti.

Hôm 19/01, một hội nghị viện trợ quốc tế cho Haiti được tổ chức tại Cộng hòa Dominic, nước láng giềng của Haiti. Và tổng thống Leonel Fernandez được trích dẫn nói đã đề nghị một chương trình kiến thiết Haiti trong năm năm với kinh phí đến 10 tỷ đô la.

‘Trên nền móng mới’

Nhưng theo giới quan sát để thành công trong việc tái thiết Haiti, ngoài tiền và thời gian cần có một yếu tố khác rất quan trọng.

Một bài viết của James Dobbins được đăng trên trang mạng của The New York Times hôm 16/01 cho rằng cần cho việc sửa chữa, xây dựng lại bệnh viện, trường học, đường sá, hệ thống điện nước, điện thoại, các tòa nhà của chính phủ.

Nhưng theo nhà báo này tất cả những điều đó phải được đặt trên một ‘nền móng hoàn toàn mới’, chứ không phải trên nền tảng cũ thiếu hiệu quả, bất tài và tham nhũng.

Tương tự, một bài viết của Anne Applebaum được đăng trên mạng của The Washington Post, hôm 18/01 cũng cho rằng Haiti cần được ‘xây dựng lại theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng’.

Theo Anne Applebaum sức tàn phá của trận động đất vốn đã lớn, sự thiếu vắng hay không tôn trọng luật pháp, sự yếu kém trong quản lý của chính phủ đã làm cho những hậu quả nó càng thảm hại hơn.

Do đó theo bài viết, để việc tái thiết được thành không, không chỉ cần có sự viện trợ lớn của cộng đồng quốc tế mà cần có một sự ‘thay đổi hoàn toàn về văn hóa, chính trị’.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Pháp Le Figaro và được đăng trên trang mạng của tờ này hôm 19/01 bà Michèle Pierre-Louis, cựu thủ tướng Haiti cho rằng người dân Haiti đã chịu quá nhiều đau khổ không chỉ vì thiên tai mà còn do việc quản lý yếu kém, do sự lạm dụng quyền lực cũng như thái độ chính trị ti tiện.

Chẳng hạn bà cho rằng sau những trận bão lụt lớn năm 2008, Haiti đã không thể bỏ qua những nhỏ nhen, hiềm khích chính trị để xây dựng đất nước.

Theo bà Haiti nên tận dụng dịp này để cùng nhau tái thiết đất nước. Nếu không, quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng tuyệt vọng.

Do đó, trận động đất kinh hoàng này có thể là dịp để Haiti dẹp bỏ những xung đột, thù hằn, bè phái chính trị – những điều đã gây nên cho người dân nước này nhiều đau khổ trong những năm qua?

Ngoài điều đó, nếu được cộng đồng quốc tế quan tâm giúp đỡ khôi phục lại kinh tế, cơ sở hạ tầng của mình vốn đã yếu kém, kiệt quệ trước trận động đất kinh hoàng, thì phải chăng trong thảm họa cũng có ‘điều may’?

Vẫn có ‘điều may’?

Trong một bài viết được đăng trên trang mạng của tờ nhật báo Anh, The Daily Telegraph hôm 18/01, Philip Sherwell trích dẫn một chuyên viên về viện trợ quốc tế cho rằng trong thảm họa khủng khiếp mới nhất mà người dân Haiti phải chịu, có thể cũng có ‘điều may’ vì nó có thể giúp Haiti kiến thiết lại đất nước mình từ con số không.

Tương tự một bài viết của Alec MacGillis được đăng trên mạng của The Washington Post hôm 17/01 cho rằng thảm họa này cũng là dịp để Haiti có thể ‘chuyển từ một quốc gia nghèo túng, đầy tham nhũng và bây giờ là bị tàn phá thành một nước tự lực’.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Time, và được đăng trên trang mạng của tờ tạp chí này hôm 20/01, Robert Maguire, giám đốc chương trình Haiti tại đại học Trinity (University) ở Washington, D.C, cho rằng trong thảm họa này cũng có ‘điều may tiềm ẩn’.

Chẳng hạn, theo ông ở Haiti có rất nhiều người bỏ làng quê lang thang đi tìm việc. Và nếu được tận dụng những người này có thể góp vào việc xây dựng Haiti và qua đó họ cũng có công ăn việc làm và có thể ổn định cuộc sống.

Vâng, thật khó có thể bù đặp được những thiệt hại to lớn cả về nhân mạng mà người dân Haiti phải chịu đựng sau trận động đất thảm khốc này.

Nhưng nếu được sự cứu trợ, viện trợ của cộng động quốc tế, nếu việc tái thiết Haiti được xây dựng trên một nền móng mới tốt đẹp hơn, bền vững hơn thì người dân Haiti có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn, có thể ngăn ngừa hay giới hạn được những hậu quả do thiên tai gây nên.

Và điều đó ít hay nhiều giúp họ xoa dịu và chữa lành những tang thương, vết thương do trận động đất vừa qua gây nên.
 
Tìm hiểu chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô hữu
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
08:25 21/01/2010
Năm 1910, những đại biểu chính thức của Hội Thừa Sai Anh Giáo và Tin Lành quy tụ tại Édimbourg, Scốtlen. Cuộc hội thảo này nhằm mục đích giúp đỡ những nhà truyền giáo hun đúc một tinh thần chung cũng như điều phối những dự phóng chung. Làm sao hiểu được sự giao hòa do Đức Giêsu ban tặng khi mà chính những người đã được rửa tội nhân danh Ngài lại có thể không biết đến và đánh lộn nhau ? Làm sao có những nhóm tín hữu sống kình địch với nhau lại có thể rao giảng một cách xác tín rằng chỉ một Thầy dạy, chỉ một đức tin và chỉ một phép rửa ?

2010: Để ghi nhớ điểm mốc quan trọng này trong lịch sử của phong trào đại kết, Hội Đồng Đại kết của các Giáo Hội Kitô giáo (Genève) và Hội Đồng Giáo Hoàng về Thăng Tiến Hiệp Nhất các Kitô hữu (Roma) trao phó công việc chuẩn bị Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô giáo 2010 cho các Giáo Hội Kitô giáo Scốtlen. Tất cả cùng thống nhất giới thiệu chủ đề: « Chính anh em là chứng nhân của những điều này » (Lc 24, 48).

1910…2010: Cùng một tình cảm cấp bách chế ngự nơi tâm hồn các Kitô hữu: Tin Mừng Chúa Kitô không phải là thứ xa xỉ trong nhân loại của chúng ta vốn bị tổn thương do những mối chia rẽ; Tin Mừng Chúa Kitô không thể được loan báo bởi những giọng điệu bất hòa. Cùng với Chúa Kitô, những ai đang sống trong hận thù có thể thấy một con đường hòa giải. Cùng với Chúa Kitô, những ai đang gây chia rẽ có thể tìm thấy niềm vui sống trong tình huynh đệ…Tất những những điều đó, chính anh em là nhân chứng.

Nguồn: http://www.inxl6.org/article3683.php
 
Khía cạnh tâm linh trong cảnh khổ đau ở Haiti
Phụng Nghi
08:25 21/01/2010


Nhận định của Carl Anderson

Tất cả chúng ta đều kinh hoàng trong những ngày qua khi thấy thảm cảnh chết chóc và tàn phá.

Hàng triệu người trong chúng ta đã tìm cách làm nhẹ bớt đi nỗi khổ đau ở đó. Chắc chắn rồi ra trong những ngày tới đây sẽ có hàng ngàn bài giảng thuyết giúp chúng ta hiểu được tại sao một đấng Thiên Chúa yêu thương lại có thể để xảy ra những nỗi khổ cực đến thế.

Ở Hoa kỳ, một trong những lời giải thích gây nhiều tranh cãi đến từ vị mục sư Tin Lành; ông nói rằng Haiti đã bị “nguyền rủa” từ lúc những người lập quốc “thề quyết liên minh với ma quỷ” để giành được nền độc lập quốc gia từ tay người Pháp. Những lời bình luận của ông, đúng theo tiên đoán, đã gây nên một trận bão tố những lời tranh cãi.

Chắc chắn là có nhiều bằng chứng trong Cựu ước về những quốc gia bị Thiên Chúa trừng phạt vì thờ ngẫu tượng và bất trung, và một số Kitô hữu vẫn còn nhìn vào những câu chuyện như thế trong Cựu ước để giải thích cho những biến cố trên thế giới.

Nhưng người Công giáo ngày nay dường như muốn nhìn về một phương hướng khác để tìm hiểu cách thức Thiên Chúa đối xử với những tội lỗi của con người. Và họ chẳng cần nhìn đâu xa hơn cây thánh giá trên bàn thờ ở nơi giáo đường của họ. Thiên Chúa đã tự nguyện và đầy yêu thương khi kết hợp chính mình với nỗi khổ đau của con người trong hành động hy sinh Con mình trên thánh giá.

Những mục sư Tin Lành nào thường trưng dẫn câu 16 chương 3 sách Tin mừng Thánh Gioan trong khi giảng thuyết, cũng nên nhớ những gì được nói trong câu kế tiếp: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

Thảm kịch tại Haiti sẽ để lại những hậu quả lâu dài, không phải chỉ đối với những người đã mất mát người thân ở đó, nhưng còn cho cả một thế hệ đã chứng kiến cảnh tàn phá. Và điều quan trọng là chúng ta phải hiểu biết một cách đúng đắn những gì đã xảy ra tại đó.

Nhiều bản tường trình của báo chí đã so sánh Haiti với cảnh tàn phá mới đây của Bão Katrina ở vùng bờ biển Hoa kỳ, hoặc là với trận động đất xảy ra ở Mexico City năm 1985. Nhưng thảm cảnh ở Haiti dường như có thể có một hậu quả tâm lý lâu dài gần như hậu quả gây ra bởi trận động đất năm 1755 tại Lisbon (Bồ đào nha). Tiếp theo sau trận động đất đó là một cơn sóng thần và hỏa hoạn, đã tàn phá gần như hoàn toàn một đô thị và giết hại gần một triệu người.

Tai ương ở Lisbon đã thay đổi tư duy của nhiều nhà trí thức hàng đầu của thế kỷ 18, trong đó có Voltaire, Kant và Descartes. Trận động đất xảy ra đúng vào ngày lễ Các Thánh trong một quốc gia đa số theo Công giáo, làm cho nhiều Kitô hữu khắp cả Châu Âu phải đặt ra vấn nạn về niềm tin của mình nơi Thiên Chúa.

Trong những ngày sắp tới đây chúng ta cũng sẽ thấy những điều tương tự. Và vì thế Haiti ngày nay trở thành sự thử thách đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, cũng như thử thách sự cam kết của chúng ta với người đồng loại.

Tuần này, khi suy nghĩ về Haiti, chúng tôi không thể không nghĩ tới công trình của Cha Damien ở Molokai, “vị Linh mục Phong cùi” mới được ĐGH Benedict XVI tuyên thánh vào mùa thu vừa qua. Nhiều năm trước đây chúng tôi có dịp được thăm Molokai ở Hawaii, và khi tới viếng ngôi thánh đường xứ đạo ở đó, chúng tôi được coi một tấm hình chụp vào những năm 1930 một người đàn bà già nua. Bà đã mất tai, mất mũi, các ngón tay ngón chân vì bệnh cùi. Bà cũng bị mù nữa. Vậy mà mỗi ngày, theo lời người ta kể cho chúng tôi, bà vẫn cầu nguyện kinh Mân côi, lần chuỗi bằng hai hàm răng.

Không lâu sau đó, chúng tôi có dịp nói truyện với một vị linh mục truyền giáo; cha cho biết đã mở một ngôi nhà dành cho người cùi. Mỗi ngày, khi cha dâng thánh lễ, một ông lão già nua, cũng bị mù vì phong cùi, đều thốt lên trong lời nguyện giáo dân: “Lạy Thiên Chúa là Cha, xin cảm tạ mọi ơn lành Người ban đã cho con.”

Các nhà triết học và thần học rồi ra sẽ tiếp tục kiếm tìm những câu giải thích, hy vọng trả lời những câu hỏi của tất cả chúng ta về vấn đề khổ đau ở trần gian này. Nhưng có lẽ câu trả lời hay nhất lại đến từ những kẻ mà khổ đau vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta, vậy mà những người tín hữu đó lại cảm nghiệm được thực tế là Thiên Chúa đã kết hợp chính Ngài với họ trong nỗi khổ đau của họ.

Trong bài giảng thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho Cha Damien, ĐGH Benedict XVI nói như thế này: “Chúa Giêsu gọi mời môn đệ của Người từ bỏ hoàn toàn mạng sống, không tính toán hoặc tư lợi, với niềm cậy trông bền bỉ vào Thiên Chúa. Các vì thánh nhân chào đón lời mời gọi đòi hỏi đó, và bước đi theo đấng Kitô chịu đóng đinh và phục sinh với tấm lòng tuân phục khiêm tốn.

“Đức tính toàn hảo của họ, xét theo lý luận đức tin mà con người có lúc không thể hiểu được, là không đặt chính mình vào vị trí trung tâm, mà chọn đi ngược lại trào lưu và sống theo Tin Mừng.”

Chung cục, đó là chìa khoá để hiểu được các biến cố tại Molokai và Haiti. Và đó sẽ là thước đo những phản ứng của chúng ta trong vai trò người Kitô hữu.

Nguồn: Carl A. Anderson/Catholic Education Resource Center

Carl A. Anderson lãnh đạo tổ chức Hiệp sĩ Kha luân bố (Knights of Columbus ), một tổ chức huynh đệ Công giáo có 1.7 triệu thành viên.

 
Ủy ban song phương Tòa Thánh – Israel kết thúc cuộc gặp lần thứ 9
Nguyễn Hoàng Thương
10:54 21/01/2010
Vatican (VIS) - Ủy Ban Song Phương của Tòa Thánh Vatian và Văn phòng Giáo Trưởng Do Thái Giáo Israel đã đưa ra thông cáo khi kết thúc cuộc gặp tại Rôma từ ngày 17 đến 20 tháng Giêng. Thông cáo bằng Anh ngữ nêu bật lên rằng trong cuộc gặp lần thứ chín này, ủy ban đã tham dự “cuộc thăm viếng lịch sử của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến Đại giáo đường Do Thái ở Rôma”

Thông cáo nêu thêm: “Nhân sự kiện này, Đức Thánh Cha đã tái xác nhận một cách xác thực sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo trong đối thoại và trong tình huynh đệ với người Do Thái cũng như hoàn toàn lên án chủ nghĩa bài Do Thái. Ngài cũng nêu bật tầm quan trọng trong công việc của chính ủy ban song phương, về việc tổ chức các cuộc họp bàn vấn đề giáo huấn của Công Giáo và Do Thái Giáo về sáng tạo và môi trường, mong muốn một cuộc ‘đối thoại thuận lợi về đề tài mang tính thời sự và quan trọng như thế’. Tương tự, nhân dịp này, Giáo trưởng Riccardo Di Segni của Rôma, trong diễn từ của mình cũng đã nhấn mạnh đến nghĩa vụ đôi bên của người Kitô và người Do Thái cùng nhau hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với bổn phận theo Kinh Thánh”

Thông cáo cũng nhắc đến trận động đất ở Haiti: “Tuy nhiên, cuộc gặp cũng diễn ra trong bối cảnh của bi kịch thảm khốc ở Haiti. Vì vậy, cuộc quy tụ nói trên ở Hội đường Do Thái được bắt đầu bằng một phút thinh lặng trong tình liên đới với các nạn nhân. Các thành viên của ủy ban cũng dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân, cho việc phục hồi nơi những người sống sót và hoan nghênh việc cứu hộ và viện trợ quốc tế để tái thiết Haiti”

Thông cáo nói đến nội dung cuộc họp: “Trong suốt khóa họp, các thành viên đã tham dự vào buổi trình bày sinh động của Cha Patrick Desbois ở Đại học Giáo Hoàng Gregoria nêu bật công việc của 'Yachad in Unum' để xác định vị trí và tưởng niệm những nơi chưa được xác định ở Đông Âu vốn diễn ra cuộc sát hại tập thể thời kỳ diệt chủng Do Thái. Ủy ban thúc giục tôn trọng các cộng đoàn tôn giáo để yểm trợ và đưa ra công khai công việc rất quan trọng này, nhằm học từ các thảm kịch của quá khứ để bảo vệ và tôn trọng tính thiêng liêng của sự sống con người để những hành động tàn bạo sẽ không bao giờ tái diễn”.
 
Quyển thứ 2 trong bộ ''Chúa Giêsu Thành Nazareth'' đã hoàn thành
Peter Nguyễn Minh Trung
11:49 21/01/2010
VATICAN, 20-01-2010 (CNA) -- Rabbi người Mỹ Jacob Neusner, một tác giả của rất nhiều đầu sách, đồng thời cũng là giáo sư và chuyên gia về đạo Do thái đã cho Nhật báo L'Osservatore Romano một cuộc trò chuyện nhân dịp ông vừa được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tiếp kiến riêng. Rabbi Neusner cho biết Đức Thánh Cha đã nói riêng với ông rằng ngài đã hoàn thành quyển thứ hai trong bộ sách nổi tiếng "Chúa Giêsu Thành Nazareth".

Rabbi Jacob Neusner yết kiến riêng với Đức Thánh Cha hôm thứ hai tại thư viện Giáo hoàng trong 20 phút, khoảnh khắc mà Rabbi Neusner gọi đó là một "món quà vĩ đại" của ông, và vị Rabbi người Mỹ còn cho biết "thời gian như vậy là quá đủ cho một cuộc nói chuyện tuyệt vời giữa hai vị giáo sư". Trong cuộc hội kiến, Đức Giáo Hoàng tiết lộ cho Rabbi Neusner biết tập sách do chính ngài viết "Chúa Giêsu Thành Nazareth" phần 2 đã sẵn sàng và chuẩn bị có họp báo công bố.

Vị Rabbi Hoa Kỳ đã có mặt tại Rôma để tham dự cuộc đối thoại giữa Công giáo và Do thái theo sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Đền thờ Do Thái Rôma hôm 17-01 vừa qua. Rabbi Neusner không phải là người xa lạ vì được biết đến rộng rãi nhờ sự cống hiến cả đời ông cho việc nghiên cứu khoa bảng về Do thái giáo, bao gồm việc tìm hiểu sự tác động qua lại giữa Do thái giáo đối với Kitô giáo và Hồi giáo.

Rabbi Neusner đã viết rất nhiều luận án và sách khác nhau về các chủ đề liên tôn. Một trong những luận đề ấn tượng của ông là quyển "Một Rabbi đối thoại với Chúa Giêsu" năm 1993, mà khi đó chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã bình phẩm rằng: "Đây đích thực là điều mới mẻ quan trọng nhất của thập niên cuối cùng thiên niên kỷ thứ hai giữa đối thoại Công giáo và Do thái". Rabbi Neusner đã cho đăng bình luận đó của vị Hồng y, mà nay là Giáo hoàng, ngay trên trang đầu tiên của quyển sách.

Cuộc gặp lần trước giữa hai vị đã diễn ra vào năm 2007 khi Đức Benedict XVI giới thiệu vài trang đầu tiên của tập 1 "Chúa Giêsu Thành Nazareth" cho vị Rabbi, kể về giáo huấn của Chúa về các mối phúc trên núi.
 
Phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thư Ký của Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình
Peter Nguyễn Minh Trung
12:01 21/01/2010
VATICAN, 21-01-2010 (CNA) -- Vatican đã công bố quyết định bổ nhiệm bà Flaminia Giovanelli giữ chức Phó Tổng Thư Ký của Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình hôm thứ năm. Đây là phụ nữ đầu tiên trên thế giới nắm giữ chức vụ quan trọng này.

Bà Giovenelli sẽ làm việc cùng với Đức Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson (Bộ trưởng) và Đức cha Mario Toso, SDB (Tổng thư ký). Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình và một cơ quan của Giáo triều Rôma, được thành lập để thúc đẩy các nỗ lực hòa bình, công lý, sự thật và nhân quyền khắp nơi trên thế giới, đặt nền tảng trên giáo huấn của Giáo hội.

Vị tân Phó tổng thư ký, bà Flaminia Giovanelli, đã tốt nghiệp Đại học Rome với bằng cử nhân khoa học chính trị, cử nhân khoa học thư viện và nghiên cứu tôn giáo.

Năm 1974, bà Giovanelli bắt đầu làm việc trong Ủy ban Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, tiền thân của Hội đồng hiện nay. Sau đó bà tiếp tục nghiên cứu các vấn đề liên quan đến phát triển, đói nghèo cũng như học thuyết xã hội của Giáo hội. Bà Giovanelli giàu kinh nghiệm về vấn đề phát triển và chính sách lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế, Hội Đồng Châu Âu, Liên Minh Châu Âu, Hội đồng Xã hội - Kinh tế của Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về Âu Châu.

Thông cáo của Vatican cho biết: "Việc bổ nhiệm bà Giovanelli là xác nhận cho sự tin tưởng lớn lao của Giáo hội và của Đức Thánh Cha Benedict XVI nơi người phụ nữ. Lúc sinh thời, Đấng Đáng Kính Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết về việc tham gia một cách ý nghĩa và đầy đủ hơn của phụ nữ vào sự phát triển xã hội."
 
Top Stories
Komuniści każą sobie płacić za prześladowania (Ba lan)
Maria Popielewicz
06:27 21/01/2010
Po przymusowym usunięciu figury Matki Bożej z parafialnego cmentarza w wietnamskim miasteczku Bau Sen w diecezji Vinh władze chcą obciążyć parafię poniesionymi kosztami. Jeżeli katolicy nie zapłacą równowartości 15 tys. dolarów amerykańskich, rządzący zarekwirują ich majątki. Tylko czekać, kiedy w parafii Dong Chiem pojawi się rachunek za wysadzenie w powietrze krzyża.

Żądanie zapłaty za usunięcie 5 listopada 2009 r. figury Matki Bożej z parafialnego cmentarza w Bau Sen dotarło do proboszcza parafii księdza Petera Nguyena Van Huu w zeszłym tygodniu. Jeżeli do 7 lutego na rzecz Biura Finansów i Planowania w dystrykcie Bo Trach nie zostanie wpłacona cała suma, władze dokonają konfiskaty przedmiotów o wartości równej wystawionemu rachunkowi. Żądana kwota dla bardzo ubogiej parafii stanowi olbrzymie obciążenie.

Wietnamscy katolicy obawiają się, że podobne rachunki zostaną wystawione również archidiecezji Hanoi za zniszczenia i chaos spowodowane przez władze państwowe na terenie nuncjatury w Hanoi. Być może parafia Thai Ha będzie musiała zwrócić koszty pracy buldożerów podczas wyburzania klasztoru Redemptorystów we wrześniu 2008 r. i ewentualnego urządzenia parku na terenie parafii.

Tymczasem miejscowość Dong Chiem, gdzie władze wysadziły w powietrze krzyż na miejscowym cmentarzu i brutalnie pobiły parafian, ciągle pozostaje oblężona przez szwadrony policji. - Zamierzamy zamienić to wzgórze na Wzgórze Krzyży, podobnie jak stało się to w litewskim mieście ĄSiauliai - mówi studentka z Hanoi, cytowana przez portal VietCatholicNews. Młodzi przynieśli dziesiątki krzyży na szczyt wzgórza pomimo wysiłków policji, by uniemożliwić im dostanie się na to miejsce. Od czasu rozpowszechnienia się informacji o wysadzeniu krzyża rzesze katolików ze wszystkich stron północnych prowincji wietnamskich podejmują nieustanne próby dotarcia do Dong Chiem i składają wyrazy solidarności z tamtejszymi parafianami. Obecnie na miejscu wysadzonego krzyża nie ma już także bambusowego, który ustawili parafianie. Można natomiast zobaczyć setki nowych, małych krucyfiksów ustawianych na znak sprzeciwu wobec władz. Każdego dnia ludzie gromadzą się tam na modlitwie, a także pozostawiają przyniesione krzyżyki.
 
Będą dalej nas niszczyć (Ba lan)
Nasz Dziennik
06:30 21/01/2010
Z o. Peterem Nguyen Van Khai, wietnamskim redemptorystą, rozmawia Łukasz Sianożęcki

Jak obecnie wygląda sytuacja w parafii Dong Chiem, gdzie wysadzono krzyż i pobito wiernych?

- Czasem trudno się dowiedzieć, co się tam dzieje, choć jestem w kontakcie telefonicznym z ojcami tam pracującymi. Nie mogę pojechać tam osobiście, ponieważ policja blokuje wszystkie drogi dojazdowe do wioski. Ponadto, w ostatnim czasie ja sam także stałem się obiektem fałszywych oskarżeń i oczerniania ze strony rządowych mediów.

Jaki jest los pięciu parafian zatrzymanych w związku ze wzniesieniem bambusowego krzyża w miejsce zburzonego betonowego?

- Aresztowani to pięciu bardzo biednych farmerów, którzy są ponadto nosicielami wirusa HIV. Władze zwabiły ich do swojego biura obietnicą otoczenia opieką medyczną i socjalną w związku z ich chorobą, a potem aresztowały. Na komisariacie domagano się od nich, aby podpisali przyznanie się do zniszczenia bambusowego krzyża, choć wówczas jeszcze on stał. Kiedy odmówili złożenia takich zeznań, wypuszczono ich. Kilka dni temu jednak znów ich zatrzymano, wywieziono z wioski i los tych ludzi pozostaje obecnie nieznany. Tego samego dnia w późnych godzinach wieczornych zniszczono także nowy, bambusowy krzyż. Postawiony u jego stóp ołtarz oraz święte obrazy wrzucono do rzeki.

Czy kwestia własności ziemi w Wietnamie jest wciąż nierozstrzygnięta?

- Prawo ziemskie w Wietnamie jest całkowicie niezgodne z trendami rozwojowymi kraju. Jest to prawo wsteczne. Przede wszystkim nie uznaje ono pojęcia własności prywatnej. Zgodnie z takim prawem Kościół nie może kupować, sprzedawać ani nawet dzierżawić ziemi. Jesteś Polakiem, więc swobodnie możesz przyjechać do Wietnamu, wziąć ziemię w dzierżawę i np. otworzyć fabrykę albo szkołę... a wietnamskie wspólnoty religijne nie mogą tego robić. Jednym słowem, rodzimi wierzący są we własnej ojczyźnie znacznie gorzej traktowani niż jakikolwiek przybysz.

Biskupi wielokrotnie apelowali do władz o rozmowy i ostateczne rozwiązanie tych kwestii...

- Władze kościelne starają się od czasu do czasu przemawiać do rządu, jednakże rząd w ogóle ich nie słucha. Komuniści są zawsze butnymi dyktatorami. Nie zamierzają za cudzą radą niczego zmieniać ani regulować, nawet jeśli wiedzą, że robią źle. W Dong Chiem nie jest to jedynie kwestia własności ziemi. Tu chodzi także o krańcowo ważną sprawę - walkę ateistycznego rządu ze wszystkim, co jest związane z Kościołem katolickim. Władze chcą pokazać katolikom, że będą na wszelkie sposoby dążyć do pognębienia ich religii, np. poprzez niszczenie symboli religijnych.

Dziękuję za rozmowę.

(Source: http://www.naszdziennik.pl/index.php?typ=wi&dat=20100121&id=wi12.txt)
 
Dông Chiêm: l’agression par la police d’un religieux rédemptoriste intensifie la tension dans une paroisse en état de siège
Eglises d'Asie
06:32 21/01/2010
Comme vient de l’indiquer un communiqué de l’archevêché de Hanoi (1), dans la journée du 20 janvier 2010, la tension déjà extrême qui règne dans la paroisse de Dông Chiêm, depuis la destruction de la croix le 6 janvier dernier, s’est encore élevée. La police, qui campe sur place et bloque tous les accès, a encore renforcé son emprise sur le village désormais totalement quadrillé et isolé du reste du pays. Le 20 janvier 2010, vers 11 h, un religieux rédemptoriste, frère Antoine Nguyên Van Tang, après avoir été éconduit hors de la paroisse par les forces de l’ordre a été violemment agressé et roué de coups. Le religieux a été laissé évanoui sur la route. Il n’a repris connaissance qu’une heure plus tard. C’est le deuxième incident de ce genre après l’attaque dont a été victime, le 11 janvier dernier, un journaliste catholique. Par ailleurs, selon des nouvelles transmises quotidiennement par le site de la congrégation des rédemptoristes vietnamiens (DCCT), une dizaine de paroissiens ont été arrêtés et placés en détention par la police. Le communiqué de l’archevêché confirme quelques-unes de ces arrestations.

Selon un récit fait par le P. Pierre Nguyên Van Khai de la paroisse de Thai Ha, paroisse rédemptoriste de Hanoi (2), le frère Tang, en compagnie d’un certain nombre de catholiques de la capitale, avait tenté, depuis l’église voisine de Nghia Ai où il était arrivé en premier lieu, de pénétrer dans la paroisse de Dông Chiêm. Arrivés à quelque 100 m de l’église, les visiteurs ont été arrêtés par une trentaine de policiers, qui ont délesté le religieux de sa sacoche et les ont frappés. Ils se sont alors réfugiés dans la maison d’un paroissien. Les policiers essayèrent d’abord de les convoquer au siège du Comité populaire local pour interrogatoire. Puis, ils les ont forcés à quitter les lieux, bien que le curé de la paroisse, averti entretemps, se soit porté garant pour eux. Alors qu’il descendait du véhicule qui l’avait transporté jusqu’à la sortie du village, près du pont de la rivière Xay, le frère Tang a été saisi par quatre agents de la Sécurité, qui l’ont blessé à la tête, aux lèvres, à l’arcade sourcilière, puis, l’ont laissé à terre, inconscient et couvert de sang. Le religieux a ensuite été transporté à la paroisse voisine de Nghia Ai. Là, vers 14 h 30, il a repris connaissance. Des prêtres de Hanoi, venus eux aussi pour visiter la paroisse de Dông Chiên, l’ont ensuite transporté à l’hôpital Viêt Duc. Après les premiers examens, les médecins l’ont placé sous surveillance médicale.

Ces derniers jours, la police armée campe à l’intérieur du village. Elle contrôle les entrées et des sorties du village, y compris le passage à gué de la rivière qui le borde. Elle surveille également les activités des habitants, maison par maison. Des haut-parleurs font entendre à heure régulière la version des faits propre aux autorités, les consignes du gouvernement et des accusations contre les prêtres et divers fidèles. Depuis la destruction de la croix, le 6 janvier dernier, les arrestations ont été nombreuses. Une dépêche DCCT du 19 janvier faisait état de deux nouvelles arrestations dans l’après-midi. A ce moment-là le nombre des personnes appréhendées par la police dans l’affaire de Dông Chiêm s’élevait à seize (3). Plusieurs d’entre elles ont été libérées au bout de 24 heures.

(1) Voir la dépêche envoyée ce jour à 10h27
(2) Voir http://dcctvn.net/zzweb/99937tang.html
(3) Voir http://dcctvn.net/zzweb/99943dc.html

(Source: Eglises d'Asie, 21 janvier 2010)
 
Vietnam: Un nouveau communiqué de l’archevêché de Hanoi dénonce et condamne la violence policière déployée contre la paroisse des Dông Chiêm
Le P. Jean Lê Trong Cung
06:34 21/01/2010
Le communiqué de l’archidiocèse de Hanoi, traduit ci-dessous par la rédaction d’Eglises d’Asie, a été diffusé sur Internet dans la soirée du 20 janvier. Il est destiné à être lu dans toutes les églises de l’archidiocèse de Hanoi, du 20 aux 24 janvier. Il décrit sans fard la très sérieuse aggravation de la situation de la paroisse de Dông Chiêm où, dans la nuit du 6 janvier dernier, les autorités ont fait abattre une croix monumentale et l’ont détruite. La police a investi le village et l’a isolé du reste du pays. Les arrestations se sont multipliées. Par deux fois, les forces de l’ordre se sont livrées à des actions violentes contre des personnes isolées, mettant leur vie en danger. L’archevêché demande la prière et la solidarité spirituelle de tout le diocèse et appelle au respect des droits de l’homme les plus fondamentaux.

Bureau de l’archevêché de Hanoi

Hanoi, le 20 janvier 2010

Aux prêtres, religieux, religieuses, séminaristes et à l’ensemble des fidèles de l’archidiocèse de Hanoi.

Le Bureau de l’archevêché de Hanoi tient à vous informer des derniers développements de la situation dans la paroisse de Dông Chiêm (commune de An Phu, district de My Duc, Hanoi):

Après avoir abattu et détruit la croix du mont Tho dans cette paroisse, le 6 janvier 2010 avant l’aube, les autorités locales continuent de terroriser les esprits des fidèles de la paroisse en utilisant des haut-parleurs de forte puissance qui diffusent sans interruption des discours accusant, insultant et calomniant le curé, son vicaire et les fidèles de Dông Chiêm. Dans le même temps, ont été mobilisés des centaines d’éléments de la police mobile, des forces armées ainsi que des agents de la Sécurité en civil pour faire le siège de la paroisse et en interdire l’accès.

En outre, le 17 janvier 2010, la Sécurité a arrêté et incarcéré Mme Dinh Thi Huong et M. Nguyên Van Dang, qui, jusqu’à présent, n’ont pas été relâchés. La jeune Bach Thi Ai, élève en classe de 10e (classe de seconde dans le système français), fille de Mme Huong, a été sauvagement frappée par la Sécurité.
Le 18 janvier 2010, Mèmes Pham Thi Heo, Dinh Thi Dau et Trân Thi Thu, alors qu’elles se rendaient au marché, ont été arrêtées par la Sécurité et détenues pendant 24 heures.
Le 19 et le 20 janvier 2010, Mmes Dinh Thi Huyen, Bach Thi Ha et Bach Thi Quyen ont été convoquées par la police de My Duc pour un interrogatoire qui s’est prolongé du matin au soir.
Beaucoup plus grave encore sont les traitements inhumains infligés à M. Nguyên Huu Vinh, le 11 janvier 2010, au poste de garde de la Sécurité implanté dans le village de Dông Chiêm, et au frère Nguyên Van Tang, de la congrégation des rédemptoristes, le 20 janvier 2010, à l’entrée de Dong Chiêm.
Le curé de la paroisse, le P. Joseph Nguyên Van Huu, et son vicaire, le P. Joseph Nguyên Van Liên, ont, eux aussi, reçu à de nombreuses reprises des convocations pour enquête et interrogatoire.

Le 20 janvier 2010, la paroisse de Dông Chiêm a été complètement cernée et isolée. Toute personne venant de l’extérieur s’en voit interdire l’entrée par des agents de la Sécurité se tenant dans des postes de contrôle. Les prêtres du doyenné de Hanoi, venus visiter la paroisse de Dông Chiêm, en ont été empêchés par les forces de la Sécurité au pont de la rivière Xay, à quelque 500 m de la paroisse.

Face à cette situation qui devient tous les jours plus tendue, nous demandons à l’ensemble de la famille de l’archidiocèse de Hanoi de continuer à prier avec ferveur pour le curé, son vicaire et les fidèles de la paroisse de Dông Chiêm, et, plus particulièrement, pour nos frères et nos sœurs battus et emprisonnés, pour qu’il gardent fermement la foi au milieu de leurs multiples épreuves et qu’ils sachent s’unir au mystère de la croix du Christ. En même temps, nous demandons que les droits de l’homme fondamentaux soient respectés afin que notre pays puisse jouir de la paix, de la justice, de la démocratie et connaître la véritable civilisation.

Le P. Jean Lê Trong Cung, Chancelier.

NB: Ce communiqué sera lu dans toutes les églises à partir d’aujourd’hui jusqu’au dimanche 24 janvier 2010. Après chaque messe, chaque communauté chantera la prière attribuée à saint François d’Assise (« Là où est la haine, que je mette l’amour… ») et la prière pour le diocèse, aux intentions de la paroisse de Dông Chiêm.

(Source: Eglises d'Asie, 21 janvier 2010)
 
Urgent Protest Letter of Vietnam Redemptorist Province
Fr. Joseph Dinh Huu Thoai, C.Ss.R
07:37 21/01/2010
The Redemptorist Province of Vietnam

Urgent Protest Letter

To:

- People’s Committee of Hanoi City
- People’s Committee of My Duc County, Hanoi
- People’s Committee of An Phu Commune, My Duc County, Hanoi


I, Catholic priest Dinh Huu Thoai, Chief of the Secretariat of Vietnam Redemptorist Province, would like to present to you our view points on incidents happening at Dong Chiem parish in the area of An Phu Commune, My Duc County, Hanoi.

According to the report of Redemptorist priest Nguyen Van Khai of the Thai Ha Monastery, and the testimonies of a large number of eyewitnesses, as well as pictures taken at the scene and at the Viet Duc hospital, we have learnt that on Jan. 20, on his way to the church of Dong Chiem, our Redemptorist monk Nguyen Van Tang of Thai Ha Monastery was assaulted by a group of plain-clothes police who stopped and savagely beat him causing severe injuries.

The statement dated Jan. 20 of the archdiocese of Hanoi also states that during recent days, a number of priests and lay people living in or visiting Dong Chiem have suffered the same form of mistreatment.

Along with more than 300 Vietnamese Redemptorists, we protest:

1) The demolition of the crucifix at Dong Chiem. This is a profane act that insults the religious symbol of our faith.
2) The blockade and arbitrary restrictions on freedom of movement, visiting, and praying as an act of communion among Hanoi Catholics. This is a violation of human rights, especially Religious Freedom.
3) The employment of violence to solve the incident at Dong Chiem, in particular the brutal beatings against monk Nguyen Van Tang and other lay people. This is an inhumane act that cannot be acceptable.
4) The detention, and isolation against a number of faithful in Dong Chiem causing extreme stress to our priests, religious, faithful, and to the society as a whole.
5) The distortion of truth on state media such as newspapers and radio outlets.

In line with the document “Viewpoint of the Vietnam Conference of Catholic Bishops Toward Current Issues”, published at Xuan Loc on Sep. 27, 2008, we petition the government to:

1) Stop the distortion campaign on all state media outlets.
2) Cancel the blockade on Dong Chiem, relax pressures on parishioners and restore for them the normal life.
3) Release all detained faithful who have been arrested arbitrarily.
4) Investigate and prosecute those cadres who robbed or assaulted, causing injuries to the parishioners at Dong Chiem, Bro. Nguyen Van Tang in particular.
5) Respect Religious Freedom and the religious symbol of our faith, the crucifix.

We earnestly ask the authorities to listen to people’s legitimate aspirations in order to adjust your behaviour, respect the truth, and bring about stability and prosperity to Vietnamese people.

Sincerely yours,

By Order of
Provincial Superior,


Chief of the Secretariat

Fr. Joseph Dinh Huu Thoai, C.Ss.R.

(signed and sealed)

Recipients:

- Hanoi Archbishop
- Thai Ha Redemptorist Monastery
- The above mentioned
- Archive.

Fr. Joseph Dinh Huu Thoai, C.Ss.R.

 
Brother viciously beaten in Dong Chiem, a parish under siege
Asia-News
08:01 21/01/2010
In a statement to be read in all churches until next Sunday, the archdiocese of Hanoi speaks of hundreds of police agents and soldiers forcibly blocking anyone who tries to reach the Dong Chiem parish church. Those who dare approach are threatened and can be arrested.

Redemptorist Br. Anthony Nguyen Van Tang after being attacked
Hanoi (AsiaNews) – Vietnamese authorities appear to have opted for a violent crackdown. In Dong Chiem parish, a man religious was viciously beaten (pictured), many people have been threatened, some arrested, whilst the local church is under siege, no one allowed near it. This comes after Catholics held a peaceful rally to protest the destruction of a cross on Mount Tho in an area owned by the Church for over a hundred years. Meanwhile, expressions of solidarity have poured in from Catholics in other neighbouring provinces of northern Vietnam.

The parish church “has been completely surrounded and isolated” since yesterday. “Anyone who approaches the entrance is stopped by security agents who man checkpoints around the building. Priests from the Hanoi deanery have been stopped before they could cross the Xay River bridge, some 500 metres from the church.”

The archdiocese of Hanoi has used the aforementioned terms to describe the situation. Its strong-worded statement will be read in all of the capital’s churches at the end of every Mass, starting today until next Sunday.

Saint Francis’ prayer will be read. “Where there is hatred, let me sow love,” the text says, “for the parish priest, his vicar and all his faithful,” and “especially for our brothers and sisters” who have been “beaten and jailed. May they firmly keep their faith in this time of difficulty and be able to join the mystery of the Cross of Christ.”

The statement goes further. “We want man’s fundamental human rights be respected,” it said, “so that our country can have peace, justice, democracy and know true civilisation”.

It also refers to hundreds of police agents and soldiers, some in uniform, others in plain clothes, mobilised for the action against the parish. It speaks of parishioners terrorised by loud speakers spewing insults, lies and threats against the parish priest, Fr Nguyen Van Huu, his vicar, Fr Nguyen Van Lien (who have already been interrogated and threatened several times by police) and parishioners. Altogether 16 people are said to have been detained or arrested.

“The inhuman treatment meted out on 11 January to Nguyen Huu Vinh was far worse. The same is true for Redemptorist Brother Anthony Nguyen Van Tang.”

“At the checkpoint on the Xay River bridge, four or five agents attacked the Redemptorist and a layman. The latter was only slightly injured, but Br Anthony Nguyen received wounds to the head, lips and eyes. The victims was viciously beaten until he lost consciousness,” Redemptorist Provincial Superior Fr Peter Nguyen Van Khai wrote.

If the situation was not so tragic, the recent attack against AsiaNews by the state-controlled Vietnam News Agency (VNA) could be treated as a bad joke.

Knowing that it cannot be contradicted at home, VNA accused AsiaNews of spreading “defamatory stories” concerning the Dong Chiem affair, claiming that “Catholics have not suffered repression.”
 
Religioso picchiato a sangue a Dong Chiem, una parrocchia sotto assedio
Asia-News
08:07 21/01/2010
Una nota dell’arcivescovado di Hanoi, che viene letta in tutte le chiese fino a domenica prossima, parla di “centinaia” di agenti e militari che bloccano, anche con la forza, chiunque voglia recarsi in chiesa; arresti e minacce.

Hanoi (AsiaNews) – Un religioso picchiato a sangue (nella foto), arresti, minacce, una chiesa sotto assedio, alla quale nessuno può andare. E’ la situazione della parrocchia di Dong Chiem contro la quale le autorità vietnamite appaiono proprio aver scelto la via della violenza, dopo la pacifica protesta dei fedeli per la distruzione della croce sul monte Tho, all’interno del terreno che per più di cento anni è appartenuto alla chiesa, e la solidarietà nei loro confronti espressa da cattolici delle vicine province del nord del Paese.

Da ieri la parrocchia “è stata completamente crcondata e isolata. A qualunque persona che viene dall’esterno l’ingresso viene impedito dagli agenti della Sicurezza, collocati in posti di controllo. Ai sacerdoti del decanato di Hanoi, venuti a visitare la parrocchia di Dong Chiem, l’accesso è stato impedito con la forza al ponte sul fiume Xay, a circa 500 metri dalla chiesa”. Così l’arcidiocesi di Hanoi, dalla quale dipende la parrocchia “sotto assedio”, descrive la situazione in una dichiarazione che sarà letta in tutte le chiese della capitale, al termine di ogni messa, da ieri fino a domenica prossima. Nelle chiese si reciterà anche la preghiera di San Francesco, “là dove è l’odio che io porti l’amore”, per “il parroco, il suo vicario e i suoi fedeli e, “più in particolare per i nostri fratelli e le nostre sorelle picchiati e incarcerati, perché conservino con fermezza la fede in mezzo alle loro molte prove e perché sappiano unirsi al mistero della croce di Cristo. Allo stesso tempo – prosegue la dichiarazione – chiediamo che i diritti fondamentali dell’uomo siano rispettati, affinchè il nostro Paese possa avere pace, giustizia, democrazia e conoscere la vera civiltà”.

Il documento parla di “centinaia” di agenti e militari, in divisa e in borghese, mobilitati, di fedeli “terrorizzati” da altoparlanti che lanciano continui insulti, calunnie e minacce contro il parroco, padre Nguyen Van Huu, il suo vicario, padre Nguyen Van Lien - varie volte interrogati e minacciati dalla polizia - e i cattolici. Si fanno poi i nomi delle 16 persone fermate o arrestate.

“Molto più gravi sono i trattamenti inumani inflitti a Ngueyen Huu Vinh, l’11 gennaio al posto di controllo della Sicurezza istituito a Dong Chiem e al Redentorista fratel Anthony Nguyen Van Tang”. A proposito di quest’ultimo, il superiore provinciale della congregazione, padre Peter Nguyen Van Khai, ha scritto: “al posto di controllo al ponte Xay, quattro o cinque agenti hanno attaccato il Redentorista e un laico. Il laico è stato ferito leggermente, ma fratel Anthony Nguyen ha avuto ferite gravi alla testa, le labbra gli occhi. La vittima è stata selvaggiamente picchiata fino all’incoscienza”.

In questo quadro, se la situazione non fosse drammatica, farebbe ridere l’attacco portato il 16 gennaio dalla Vietnam News Agency, organo del regime, ad AsiaNews. Forte della certezza che le viene dal non poter essere smentita, in patria, nemmeno dai fatti, per la VNA “AsiaNews.it ha diffuso storie diffamanti” sulla vicenda di Dong Chiem, dove “I cattolici non hanno subito repressione”.
 
Katolicy pod jarzmem komunizmu (Ba Lan)
Ekai.pl
12:23 21/01/2010
Hanoi, 2010-01-21-- Jedna z pokojowych demonstracji w obronie katolików w Dong Chiem, fot. take2tango.com

Wietnamscy katolicy padają ofiarą kolejnych aktów przemocy. Siły policyjne odcięły od świata parafię Dong Chiem pod Hanoi, gdzie wcześniej doszło do masowych protestów przeciwko polityce władz komunistycznych. Brat redemptorysta został brutalnie pobity.

Policyjna bojówka napadła 20 stycznia na grupę księży diecezjalnych i zakonnych udających się do Dong Chiem. Ofiarą przemocy padł br. Antoni Nguyen Van Tang, redemptorysta. Parafia jest od 20 stycznia odcięta od świata i całkowicie oblężona przez policyjne punkty kontrolne broniące wstępu komukolwiek z zewnątrz. Brata Antoniego udającego się do wsi brutalnie pobito. Miejscowa ludność rozpoznała w napastnikach policjantów ze śródmieścia Hanoi.

W parafii Dong Chiem doszło 6 stycznia do dramatycznych wydarzeń. Ponad pięciuset policjantów wzięło udział w akcji burzenia pięciometrowego betonowego krzyża wzniesionego na parafialnym cmentarzu, na szczycie nazywanym „Górą modlitwy”. Wobec broniących krzyża parafian użyto gazów łzawiących, psów, elektrycznych pałek. Wiele osób ciężko pobito i aresztowano.

Przemocą tłumiona także pokojowe demonstracje, w których katolicy apelowali o uwolnienie aresztowanych. Mimo to wierni się nie poddają, a "Góra modlitwy" stała się "Górą krzyży", które wierni tam stawiają w miejsce poprzedniego.

Archidiecezja Hanoi potępiła prześladowania katolików w Don Chiem i napaść na redemptorystów. Kuria wyraża poważny niepokój z powodu narastającej przemocy policyjnej. „Setki policjantów jednostek specjalnych, oddziały paramilitarne i funkcjonariusze nieumundurowani zostali rozmieszczeni w terenie, aby zabarykadować i zamknąć wszystkie przejścia do i z parafii. Ponadto, księża Nguyen Van Huu – proboszcz i jego wikariusz ks. Nguyen Van Lien – są nieustannie wzywani i przesłuchiwani przez policję” a „parafianie bici i zbiorowo aresztowani” – stwierdza kościelny komunikat.

W obliczu prześladowań archidiecezja Hanoi zaapelowała do wszystkich katolików, aby „gorliwie modlili się za kapłanów i parafian z Dong Chiem, a szczególnie za tych, którzy zostali aresztowani lub pobici oraz aby jak najprędzej zaczęto w Wietnamie szanować prawa człowieka”.

(Source: KAI/Vietcatholic/RV; http://ekai.pl/wydarzenia/temat_dnia/x25153/katolicy-pod-jarzmem-komunizmu/)
 
PE zaniepokojony prześladowaniami chrześcijan (Ba lan: Nghị hội Âu châu quan tâm về việc bách hại Thiên Chúa giáo)
Ekai.pl
12:27 21/01/2010
Strasburg, 2010-01-21 -- Powrót do zniszczonego przez islamistów domu, Pakistan 2009; fot. islamizationwatch.blogspot.com

Parlament Europejski w przyjętej przytłaczającą większością głosów rezolucji wyraził swoje zaniepokojenie atakami na chrześcijan w Egipcie i Malezji.

21 stycznia podczas sesji na temat łamania praw człowieka na świecie PE w Strasburgu zajął się sprawą niedawnych zamieszek antychrześcijańskich w Malezji i zabójstw na tle religijnym, do jakich doszło w Egipcie.

Istnieje też problem prześladowań katolików w Wietnamie, Indiach, Chinach i w większości państw muzułmańskich, ostatnio szczególnie w Pakistanie i w Turcji.

„Tym razem zdobyliśmy zdecydowaną przewagę w głosowaniu. Jest to o tyle ważne, że w ten sposób, przy pomocy rezolucji, interpelacji, konferencji i sprawozdań chcemy wprowadzić tę tematykę na stałe do zadań tworzącej się służby zewnętrznej UE. Jest to czas kształtowania się instytucji polityki zagranicznej Unii, dlatego dzisiejsza rezolucja ma podwójne znaczenie” – powiedział KAI po głosowaniu jeden z inicjatorów rezolucji, poseł Konrad Szymański z Prawa i Sprawiedliwości.

Podczas debaty polski europoseł przypomniał, że Unia Europejska, wyposażona w nowe narzędzia polityki zagranicznej, musi w większym stopniu zająć się przeciwdziałaniem chrystianofobii, która jest podglebiem pobić, grabieży i mordów. Wyłącznie uprzedzenia ideologiczne sprawiają, że Unia czyni to dziś z wahaniami, a tymczasem stawką jest nasza wiarygodność - podkreślił Szymański.

Debata w Parlamencie Europejskim na ten temat odbyła się na wniosek grup ECR (Europejscy Konserwatyści i Reformatorzy) i EPP (Europejska Partia Ludowa, czyli chrześcijańscy demokraci).

(Source: (KAI Strasburg, http://ekai.pl/wydarzenia/x25161/pe-zaniepokojony-przesladowaniami-chrzescijan/)
 
Vietnam: parish under siege; Hanoi archdiocese protests police violence
Catholic World News
12:58 21/01/2010
The Hanoi archdiocese has strongly protested the continuing violent attacks against Catholics at a Dong Chiem parish, after a Redemptorist brother was severely beaten and left unconscious.

The archdiocese reports that a delegation of Church officials, visiting the Dong Chiem parish to investigate reports of police harassment, “was completely besieged as police at checkpoints prohibited any outsiders to get in.” At the checkpoint, Brother Anthony Nguyen Van Tang was brutally assaulted by police officials. He was carried away, unconscious, by his colleagues—whose clothes were soaked with the Redemptorist brother’s blood.

Attacks on parishioners at Dong Chiem have become commonplace, the Hanoi archdiocese charged, and police are blocking all entrances to the church, leaving the parish virtually under siege. The Redemptorist order in Vietnam has also lodged an official protest, demanding an end to the police action that began with the demolition of a crucifix at the parish cemetery.

Catholics in Hanoi fear that the government will use its propaganda machinery to stir up public sentiment against Catholics, leading to mob violence against prominent Church targets. Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet has reportedly taken refuge outside the city to avoid confrontations, recognizing the likelihood that pro-government crowds will demonstrate outside his residence, demanding his resignation.

Elsewhere in Vietnam, a court in Ho Chi Minh City sentenced several human-rights activists to prison sentences ranging from 5 to 16 years. The sentences came after trials conducted under heavy security, rousing protests from human-rights activists.
 
Campaigner warns on Vietnam religious freedom
Asia-News
16:50 21/01/2010
Prominent British Catholic Lord Alton has called on Vietnam’s government to get to grips with hardline local officials to stop a “definite deterioration” in religious freedom as news emerged of more protesters beaten by police and democratic campaigners jailed.

Redemptorist Br. Anthony Nguyen Van Tang after being attacked
Despite a recent improvement in relations between the Vatican and the Vietnamese government, Lord Alton said, recent events such as the forcible removal of a hilltop cross in Dong Chiem parish and the seizure of church properties could endanger the country’s standing in the eyes of the world, UCA News reports.

“There has been a definite deterioration recently,” he told UCA News on Jan 20.

“The problem may be - as it is in China - that a powerful local politician can set the agenda, ignoring the official government line,” Alton told UCA News.

“We shouldn’t assume that what happens is government policy. But if the government wants to be well regarded around the world, it has to take action.”

Sources in Rome, who requested anonymity, suggested that the latest increase in tension had come as a surprise to both the Vatican and to the upper echelons of the government.

Meanwhile, in a strong-worded statement dated Jan. 20, Hanoi Archdiocese condemned the escalating violence and reported that a group of priests and religious, on their way to visit Dong Chiem parish, had been attacked

“The most severe cases involved Mr. J.B. Nguyen Huu Vinh who was knocked out of conciousness at a police check point in Dong Chiem on Jan 11, and most rescently Bro. Nguyen Van Tang, a monk from the Redemptorist monastery was also beaten until losing conciousness on Jan 20 when on his way to visit Dong Chiem”.

“The lay man was slightly injured, but Br Anthony Nguyen suffered serious blow to the head, lips and eyes,” added Fr Peter Nguyen.

Fr Nguyen noted that locals recognized attackers as “policemen from inner city of Hanoi”.

In another story, UCA News reported that Catholic lawyer, Paul Le Cong Dinh, who was accused of trying to overthrow the government, has been sentenced to five years’ imprisonment.

Three other dissidents charged with similar offences were also sentenced to jail terms and house arrest on Jan. 20 by the People’s Court in Ho Chi Minh City.
 
Vietnam ridicules its obligations to international human rights law
Emily Tran
16:55 21/01/2010
Ho Chi Minh City (AsiaNews / Agencies) - The trial of Catholic lawyer Paul Le Cong Dinh and three other democracy activists in Vietnam ended with a guilty verdict. The sentences range from five to 16 years in prison, plus an additional period under house arrest. The trial was held yesterday in Ho Chi Minh City and lasted only one day rather than the two days originally planned. Imposing security measures were taken by the police, while a small group of Western diplomats and journalists were only allowed to follow the hearing outside the court room, on a closed circuit TV screen.

Paul Le Cong Dinh, a Vietnamese Catholic lawyer of 41, famous for his battles in defence of human rights, was sentenced to five years in prison. Blogger Nguyen Tien Trung, 26, will serve a sentence of seven years. Both were indicted for activities to "overthrow the communist government" and "admitted" guilt before the courts.

Tran Huynh Duy Thuc, 43, and Le Thang Long, 42, were sentenced respectively to 16 years and five years in prison. During the hearing they rejected any wrongdoing, the prosecutor charged them of "suspicion" towards the judges and the court. Charges made against the activists - who also will serve three to five years under house arrest - provides for sentences ranging from a minimum of 12 years' imprisonment to the death sentence.

During the hearing Tran Huynh Duy Thuc said that his conduct "did not violate the law." He admitted that he signed a confession in which he recognizes the defence of multi-party membership and "abuse" suffered during the investigation.

A group of diplomats and Western journalists followed the trial outside the court room, on closed circuit television. Cameras and cell phones were banned. The authorities prepared a massive deployment of police, to prevent possible protests.

Yesterday Kenneth Fairfax U.S. Consulate General, said the verdict was contrary to the "obligations" of Vietnam in international human rights law. He also demanded the release of all prisoners held in prisons for having "peaceful expressed" their opinions.
 
Vietnam monk beaten
Straits Times
22:07 21/01/2010
Vietnam monk beaten

HANOI - A VIETNAMESE Catholic monk was beaten and seriously injured after trying to reach a parish which remained sealed by police two weeks after unrest over a crucifix, the local priest said on Thursday.

About 20 uniformed and plainclothes officers on Wednesday stopped Brother Nguyen Van Tang and several other Catholics from entering Dong Chiem parish in My Duc district, about 70 kilometres (40 miles) from Hanoi, said parish priest Nguyen Van Huu.

After they seized his camera and mobile phone, he was making his way back when he was attacked by unknown assailants and left with serious head injuries, Huu said, adding Tang was taken to Hanoi for hospital treatment.

'Roads leading to the parish were still blocked by the authorities on Thursday morning', as they had been since the day after the cross incident early this month, Huu said. Local police declined to comment to AFP.

Unrest broke out on January 6 when parishioners tried to stop a large group of police and troops sent to dismantle the crucifix atop a mountain, according to Huu.

He said parishioners told him the police used electric prods, tear gas and stones against the crowd, two of whom were seriously injured. Huu was not present at the time of the incident. -- AFp
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất tại giáo xứ Tử Nê, Bắc Ninh
Nguyễn Xuân Trường
08:16 21/01/2010
BẮC NINH - Ngày 20.1.2010, các linh mục, phó tế và tu sĩ gốc khu II (gồm 9 giáo xứ) giáo hạt Bắc Ninh đã về cùng với cha xứ, cha phó Tử Nê và hơn 1,000 tín hữu hiệp dâng thánh lễ ban tối cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Cha niên trưởng Phêrô Vêrôna Chu Quang Tòng chủ tế và cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều giảng lễ. Cả cộng đoàn tín hữu đông đảo vui mừng chào đón, quây quần bên các linh mục và tu sĩ. Cộng đoàn đầy đủ mọi thành phần dân Chúa trong nhà thờ Tử Nê hôm nay như hình ảnh của một giáo hội thu nhỏ.

Trong bài giảng, cha Đaminh dẫn giải cội nguồn của hiệp nhất là tình yêu không thể tách rời của Ba Ngôi Thiên Chúa, rồi hiệp nhất cũng chính là ước nguyện tha thiết của Chúa Giêsu trong lời nguyện hiến tế: Xin cho mọi người nên một. Để có được hiệp nhất, cha Đaminh kêu gọi mọi tín hữu hãy theo sát Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Chính Chúa luôn quy tụ đoàn chiên trong tình thương của Ngài. Tình thương giữa các tín hữu dành cho nhau và lòng mến của tín hữu dâng lên Chúa là những sợi dây liên kết tuyệt vời tạo nên hiệp nhất.

Những bó hoa cộng đoàn tặng các cha cũng cho chúng ta những bài học về hiệp nhất: Mỗi bó hoa là tổng hợp của nhiều loài hoa khác nhau, màu sắc khác nhau. Chính cái khác biệt lại làm cho bó hoa thêm rực rỡ. Vậy thì, hiệp nhất trong cộng đoàn không phải là bắt mọi người giống nhau. Khi bắt mọi người giống nhau thì vô tình đã biến những con người sống động, độc đáo thành những bức tượng được đúc cùng một khuôn! Hiệp nhất là bao dung chấp nhận những khác biệt. Hiệp nhất trong cộng đoàn là mọi người khác biệt nhưng cùng cộng tác, cùng liên đới làm nên một tổng thể phong phú, tươi đẹp, mạnh mẽ.

Khi ngắm nhìn một cây hoa, thì phải hướng chú ý mà ngắm hoa rực rỡ, ngắm lá xanh tươi, chứ chẳng ai lại cúi mặt chăm chú vào gốc, vào rễ sù sì, xám mốc của cây hoa. Cũng thế, khi ngắm nhìn một con người, thì nên chú ý đến những mặt tích cực, những ưu điểm của họ, hơn là chỉ soi mói vào những hạn chế, những khuyết điểm của họ. Hoa vẫn thế, người vẫn vậy, chỉ cần thay đổi cách nhìn là sẽ thấy đời vui tươi, hạnh phúc, và dễ dàng tạo nên sự hiệp nhất.

Xin cho mọi người nên một- đó là ước nguyện của Chúa Giêsu và cũng là khát vọng của mọi Kitô hữu. Xin cho mọi người cùng gắng sức xây dựng hiệp nhất bằng cách cộng góp những khác biệt làm nên một tổng thể phong phú, bằng cách ngắm nhìn những nét đẹp nơi mỗi người, để rồi dễ dàng cảm thông, dễ dàng đem lòng yêu thương nhau, và nhờ ơn Chúa, hiệp nhất sẽ thành hình nơi mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn lớn nhỏ và toàn thể các Kitô hữu.
 
Giáo xứ Hội An dự định mừng 400 năm truyền giáo
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
08:34 21/01/2010
HỘI AN, Quảng Nam --Giáo xứ duy nhất trong giáo phận Đà Nẵng, nơi có các nhà thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Việt Nam phổ biến chữ Quốc ngữ, dự định mừng kỷ niệm 400 năm truyền giáo.

Mục đích của chúng tôi là giúp giáo dân biết ơn công lao của các cha dòng Tên vì Hội An là cái nôi của công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong Việt Nam, linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, quản xứ Hội An, nói trong thánh lễ hôm 18/1, mừng kỷ niệm 395 năm.

Cha Thăng, 68 tuổi, đang coi sóc 1500 giáo dân tại đây, kể rằng năm1615 chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phép cha Francesco Buzomi người Italia trưởng đoàn, cha Diego Carvalho và thầy Antonio Dias người Bồ-đào-Nha, cùng hai tu sĩ người Nhật. Họ đến Hội An ngày 18/1/ 1615 để chăm sóc tinh thần những giáo dân Nhật đang sống và buôn bán tại đây.

Hội An lúc đó là một thị trấn buôn bán nhộn nhịp giữa người Việt và người Hoa, người Bồ, người Nhật.

Các nhà thừa sai đã thu hút người Việt từ Phú Yên đến Quảng Trị, bằng công việc sáng tác và phổ biến chữ quốc ngữ, cha Francesco de Pina là người có công nhiều trong việc hình thành chữ Quốc ngữ tại Thanh Chiêm, Quảng Nam, và trong việc truyền giáo, ngài đã rữa tội cho 275 người tại Quảng Nam.

Năm 1625 cha Pina ra Huế rữa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phí, vợ chúa Nguyễn Hoàng. Công việc này, đặt nền móng cho Giáo hội Việt Nam ở Đàng Trong, ngài qua đời trong một vụ đắm tàu năm 1625.

Sau đó cha Đắc Lộ tiếp tục hoàn thiện công trình này, ngài vừa học tiếng Việt vừa truyền bá chữ Quốc ngữ tại Hội An, ngài lập ra Hội Thầy Giảng để đào tạo giảng viên giáo lý và điều hành cộng đoàn. Trong số các thầy giảng có thầy Anrê Phú Yên là chứng nhân tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, tử đạo ngày 26.7.1644 tại giáo xứ Phước Kiều

Tại Hội An ngày nay có hai biến cố quan trọng đó là các cuộc tử đạo đầu tiên tại Việt Nam của thầy giảng Anrê Phú Yên và cuộc truyền giáo, phổ biến chữ Quốc ngữ của các cha Dòng Tên..

Một người bạn của cha Thăng là linh mục Phêrô Phan Xuân Thanh, giáo sư Đại chủng viện Huế cho biết, trước năm 1975 các cha Dòng Tên đã thành lập Trung Tâm Đắc Lộ ở Sài Gòn có thư viện với hàng ngàn bộ sách quý, nhiều cư xá cho sinh viên nghèo tại Việt Nam, điều khiển Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt, dạy đại chủng viện Huế, Sài Gòn và làm giáo sư các trường đại học khác của miền Nam.

Giáo Hội Việt Nam sẽ mừng 400 năm truyền giáo, trong đó có công lao lớn của các nhà thừa sai Dòng Tên đã khai sinh ra chữ Quốc ngữ và hai giáo phận Đàng Trong, Đàng Ngoài tại Việt Nam.
 
Giáo phận Phan Thiết thương tiếc 2 Linh mục vừa qua đời
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:28 21/01/2010
PHAN THIẾT - Chỉ cách nhau hai ngày mà Giáo phận Phan Thiết có hai linh mục qua đời. Nhận được Cáo Phó của Toà Giám Mục Phan Thiết ai cũng bất ngờ, kinh ngạc.

Ngày 20.1 cho biết LM Phêrô Nguyễn hữu Nhường, chánh xứ Hiệp Đức, đã qua đời lúc 8g45 sáng ngày 20/01/2010 tại Giáo xứ Hiệp Đức.
Ngày 22.1 lại được tin LM Phêrô Trần Minh Trương, chánh xứ Hòa Vinh, đã qua đời lúc 01g45 sáng ngày 22/01/2010 tại bệnh viện Phan Thiết.

Cha Phêrô Nhường ra đi thật đột ngột. Ngài đang ngồi tại văn phòng giáo xứ làm sổ sách danh bộ với Thầy xứ thì buông bút, gục đầu. Cha Phó và Thầy xứ đưa ngài vào giường nằm, chỉ ít phút sau ngài về với Chúa không một lời nhắn gửi.

Cha Phêrô Trương gần một tháng dưỡng bệnh rồi nhẹ nhàng về với Chúa.

Khởi đầu mùa xuân đã có tiếng khóc cho kẻ ra đi người ở lại. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong bài “Một cõi đi về”:

Vừa tàn mùa xuân rồi vào mùa hạ
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Còn tình yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hình bóng con người.


Hai linh mục Phêrô đã khởi đầu hành trình mới,một cõi đi về. Những người thân thương như thấy đâu đây hình bóng của hai ngài vẫn còn hiện hữu. Hình bóng lung linh như ánh sáng những ngọn nến soi toả vào ký ức những kỷ niệm nhập nhoà. Mới đây cha dâng lễ, cha nói chuyện, mới hôm qua, hôm kia… thế mà …

Con người có sinh có tử. Đó là luật Đấng Tạo Hoá đã an bài. không ai biết được mình sẽ ra đi vào ngày giờ tháng năm nào và ở đâu. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi. Chưa ai có kinh nghiệm bản thân về sự chết,dẫu đã nhiều lần chứng kiến sự ra đi của nhiều người thì cũng vẫn là người ngoài cuộc.Chứng kiến chưa phải là kinh nghiệm. Sự chết là một huyền nhiệm,con người không thể hiểu và chia sẽ với người khác.Trong sự chết con người hoàn toàn cô đơn, nó không hẹn ngày,không chỉ giờ cho ai cả,nó không ấn định năm tháng và cũng chẳng đếm xỉa gì đến tuổi tác, nó đến bất ngờ làm chúng ta kinh ngạc.Sự sống và sự chết là hai thái cực đối chọi nhau.Thiên Chúa đã sinh ra sự sống nhưng tội lỗi đã khởi phát ra sự chết.Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá.Con người không thể làm ra được sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.

Đức Kitô đã vào trần gian trong thân phận con người. Người đã kinh qua khổ đau kiếp người. Bằng cái chết thập giá và sự phục sinh, Người đã tiêu diệt nguồn gốc sự chết,đem lại cho con người một cái nhìn,một quan niệm mới mẻ và đầy hy vọng. ( Ep,5; Col 2,12. 3,1; Rm 4,25; 5,9; 6,9 -11; 7,4 ).Cái chết của Chúa Kitô đã trở nên của lễ hiến dâng trọn vẹn, một lễ hy sinh tuyệt hảo.Tất cả sự đắng cay chua xót, tất cả sự âu lo phiền muộn của sự chết đã trở thành phẩm vật tặng hiến cao quý và giờ chết trở thành giờ chiến thắng,giờ khởi điểm của hạnh phúc trường sinh. Trong Kinh Tin Kính người Kitô hữu tuyên xưng “ tôi trông đợi kẻ chết sống lại …”. Đó là niềm hy vọng Kitô giáo vì tin vào lời Đức Giêsu: “Thầy là sự sống lại và là sự sống,ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống,ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ phải chết” ( Ga 11,25-26; 1 Ga 3,14). Sự sống thay đổi chớ không mất đi. Với một niềm hy vọng và tin tưởng như thế, Giáo phận, đặc biệt hai giáo xứ Hiệp Đức và Hòa Vinh cũng như mỗi người trong tang quyến sẽ vơi bớt khổ đau,sẽ được an ủi đỡ nâng …

Cái chết như một huyền nhiệm,như nhịp cầu đưa người hai linh mục ra đi về Nhà Cha,nơi yên nghĩ muôn đời,một cõi đi về đợi ngày tái ngộ trong Cõi vĩnh hằng,một giai đoạn kết thúc thời kỳ hành hương để bước vào bến bờ mong đợi. Xin thắp một nén hương và một lời kinh nguyện cầu với tin yêu hy vọng vào Đấng Phục Sinh. Xin hiệp dâng thánh lễ và tiễn đưa hai ngài đến nghĩa trang linh mục Giáo phận.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, 84 tuổi, đã qua đời tại nhà nghỉ của Ngài trong sự thanh thản và bình an, vào lúc 9 giờ 37 phút ( giờ Rôma) đêm Thứ Bảy ngày 2/04/2005, tức vào lúc 2 giờ 37 phút sáng Chúa Nhật 3/04/2005 (giờ Việt Nam), kết thúc 26 năm, 5 tháng và 17 ngày trong cương vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần thế.

Trước khi giã từ cuộc sống trần thế, trên giường bệnh Đức Giáo Hoàng đã thì thào với vị thư ký riêng: “Cha đang vui mừng, ước gì các con cũng vậy.” Ước mong, lời trăn trối này là “một di chúc” dành cho tất cả mọi tín hữu trên toàn thế giới.

Một cuộc sống hiến dâng phục vụ được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên. Với sự tiễn đưa ấm áp của Đức Giám Mục giáo phận, linh mục đoàn, tu sĩ nam nữ, những người thân yêu, cùng với sự đón nhận cũng ấm áp của đất trời...hai linh mục Phêrô thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu.

Chính trong khát vọng về với Thiên Chúa, cội nguồn sự sống mà thi sĩ Tagore đã dâng lời kinh tha thiết:

Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận chốn huyền siêu
. (Gitanjali 103,4).
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư phản đối của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
LM Đinh Hữu Thoại
03:33 21/01/2010
 
CĐCGVN TGP Sydney Thắp Nến Hiệp Thông Cầu Nguyện cho Giáo Xứ Đồng Chiêm
Diệp Hải Dung
04:49 21/01/2010
Tối thứ Tư ngày 20/01/2010 các Giáo Đoàn và Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng đã đến nhà thờ St. Luke Revseby tham dự Thánh lễ thắp Nến hiệp thông cầu nguyện cho Giáo Xứ Đồng Chiêm Việt Nam.

Khai mào Đêm thắp nến và Hiệp Thông Cầu nguyện cho Giáo Xứ Đồng Chiêm, Ca đoàn Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên Giáo Đoàn Revesby hợp ca bài Con Có Một Tổ Quốc (Thơ của Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận). Nghi thức Suy Tôn Thánh Giá được khai mạc khi ông Giang Hoan Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney tường trình về biến cố nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam ở Đồng Chiêm triệt hạ Thánh Giá và đánh đập bắt bớ các giáo dân. Sau đó, trên màn ảnh Projector trình chiếu những hình ảnh chứng minh cụ thể về Giáo Xứ Đồng Chiêm bị đàn áp khi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam triệt hạ cây Thánh Giá trên Núi Thờ do Cha Paul Văn Chi sơ lược thuyết giải về sự kiện tại Đồng Chiêm. Màn ảnh chiếu lại những hình ảnh đau thương của Giáo Xứ Đồng Chiêm trong từng giai đoạn, đặc biệt qua bài phỏng vấn của 3 thanh niên Việt Nam sống tại Hà Nội nói rất trung thực về những sự đàn áp và triệt hạ Thánh Giá tại Đồng Chiêm.

KHI THEO DÕI TRÊN MÀN HÌNH, CỘNG ĐỒNG CGVN TGP SYDNEY HƯỚNG VỀ ĐỒNG CHIÊM VỚI NHỮNG HÌNH ẢNH LỊCH SỬ:

Đồng Chiêm Thánh Giá Núi Thờ

Thiên Nhiên Hùng Vĩ mộng mơ hiền hoà.


1. Sự kiện Giáo Xứ Đồng Chiêm bị bách hại qua sự kiện nhà cầm quyền cộng sản đã dùng bom mìn triệt hạ và đập phá Thánh Giá vào lúc 2 giờ sáng ngày 6.1.2010. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã giở thủ đoạn đàn áp dã man tại Đồng Chiêm, khi huy động lực lượng đông đảo từ 600 tới 1000 người gồm dân quân tự vệ, công an, cảnh sát cơ động với súng ống, chó nghiệp vụ, dùi cui, lựu đạn cay...3 giới trẻ VN được phỏng vấn trên radio VOA: Anh Trung, Anh Tạo, Chị Thuý sống gần Đồng Chiêm và họ kể rất trung thực những diễn tiến đàn áp tại Đồng Chiêm.

2. Đồng Chiêm, Một Giáo Xứ Nghèo và Dân chất phác, đơn sơ, nhưng niềm tin Công Giáo tuyệt vời.

3. Thánh Giá Núi Thờ của Giáo Xứ Đồng Chiêm, nơi đang diễn ra những bách hại, Nhà Cầm quyền CSVN huỷ diệt Thánh Giá. Khi nhà Cầm Quyền Cộng Sản Việt Nam đã dùng bom mìn để đập phá Thánh Giá trên Núi Thờ tại Đồng Chiêm, đây là một hành vi xúc phạm tột cùng. Thánh Giá là một biểu tượng linh thánh của người Kitô Giáo, mà cả tỷ người trên thế giới tôn kính. Thế nhưng, người Cộng Sản Việt Nam đã dã man đập phá, họ đã xúc phạm đến trái tim của những người Việt Nam nói riêng, và của toàn nhân loại nói chung.

4. Thiên Nhiên Hùng Vĩ của Dồng Chiêm. Qua dấu chỉ đau thương tại Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Vĩnh Long, Tam Toà, Loan Lý, Bầu Sen, Đồng Chiêm này, và qua những lá thư hiệp thông của 9 Giám Mục miền Bắc và 1 Giám Mục Kontum, của Cộng Đồng Dân Chúa trên toàn thế giới, và những sự kiện đàn áp các Tôn Giáo khác như sự kiện Bát Nhã của Giáo Hội Phật Giáo, Giáo Hội Tin Lành, Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài Giáo, chúng ta thấy Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nóí riêng, và các Tôn Giáo nói chung, còn phải chịu nhiều những đau khổ và thử thách, gian truân.

5. Hiền hoà mộng mơ của Đồng Chiêm. Chúng tôi, những người Việt Nam hải ngoại luôn hướng lòng hiệp thông và cầu nguyện cho Đồng Chiêm và Giáo Hội Việt Nam cũng như các Tôn Giáo, được sớm hưởng những quyền Tự Do căn bản của con người, mà quyền Tự Do Tôn Giáo là linh thiêng nhất trong đời sống con người trên thế giới, nước nào cũng tôn trọng tuyệt đối, trừ Việt Nam Cộng Sản.

6. 2 giờ sáng CSVN đã dung vũ khí và bạo lực trấn áp Giáo Dân và dung mìn triệt hạ cây Thánh Giá, là biểu tượng của Niềm Tin Công Giáo.CSVN Dã tâm tàn ác đã đánh đập những người dân lành, đặc biệt 2 chị em phụ nữ là bà Đinh Thị Song và bà Bạch Thị Phòng bị đánh trọng thương, máu me lênh láng.

7. Một xúc phạm lớn lao đến biểu tượng thiêng liêng nhất của Niềm Tin Kitô Giáo đó là sự huỷ diệt Thánh Giá trên Núi Thờ của Đồng Chiêm.

8. CSVN dã nhân và tàn ác khi đàn áp những giáo dân đa số là đàn bà trẻ con. Cho tới ngày 19.1.2010, có 16 giáo dân bị nhà cấm quyền CSVN bắt giữ.

9. Xử dụng Vũ khí trên những giáo dân vô tội. Vũ khí còn để lại trên hiện trường Núi Thờ chiều ngày 6.1.2010: 10 trái lựu đạn nổ, 10 trái khói mầu, 2 vỏ bình xịt hơi cay do Công An chế tạo.

10. Đau buồn tủi nhục biết bao khi người Giáo dân Đồng Chiêm lãnh đủ những trấn áp bằng dùi cui, roi điện, hơi cay, do những công an hung hăng trấn áp người giáo dân vô tội trên Núi Thờ khi họ cố tình triệt tiêu Thánh Giá.

11. Những nạn nhân vô tội của Chế độ CS bạo tàn: Các chị em phụ nữ bị thương do công an CSVN đàn áp. Ký giả JB Nguyễn Hữu Vinh bị đánh gẫy răng và bất tỉnh khi đến Đồng Chiêm.

12. Di tích còn lại của Cây Thánh Giá. Giáo dân lại dựng Thánh Giá bằng tre lên.

13. Giọt nước mắt Đồng Chiêm cho những giáo dân vô tội vừa nằm xuống. Những tiếng la khóc thất thanh đau khổ, những hành hạ dã man.

14. Tín hữu Đồng Chiêm thật anh hùng.

Nêu gương sáng chói đức tin kiên trung.

Không sợ gian nan cùng khổ cực.

Vẫn cứ hiên ngang giữa bão bùng.

Tất cả thái độ anh hùng để bảo vệ Thánh Giá Chúa Kitô.


15. Những Vành khăn tang thương đau và oan ức. Cả Giáo Xứ đã chit khăn tang trong Thánh Lễ tại Đồng Chiêm, để khóc thương cho Thánh Giá bị xỉ nhục và triệt hạ,

16. Giáo Xứ Đồng Chiêm đã noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong kiên trung bảo vệ Thánh Giá.

17. Giới Trẻ Việt Nam lên đường dựng lại Thánh Giá bằng tre nứa trên Núi Thờ.

18. Thánh Giá Đồng Chiêm là biểu tượng của Niềm Tin Kitô đã được dựng lại do Thiếu Nhi và Giới trẻ vào ngày 16 và 17.1. Sau đó, nhà cầm quyền lại phá huỷ, giới trẻ lại tiếp tục dưng lên.

19. Xin cầu nguyện cho công lý và hoà bình được sớm trở lại cho Giáo Xứ Đồng Chiêm, cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam.

20. Các báo chí quốc tế đưa tin sự kiện Đồng Chiêm: VOA, BBC, AP Hoa Kỳ, AFP, Sydney Herald Tribune Australia, Reuters, Vatican Radio, Veritas Radio, Asia News, Italy, Balan, Pháp, Đức và rất nhiều hãng thông tấn quốc tế...

Khai mào Thánh Lễ với 3 hồi chiêng trống vang lên từ cuối thánh đường và nghi thức Suy Tôn Thánh Giá được Hội Đồng Mục Vụ Sydney trang trọng cung nghinh lên bàn thờ và dựng ngay trên bàn thờ Tổ Quốc và các Thánh Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Quý Cha với phẩm phục Đỏ và quý Hội Đồng Mục Vụ thắp lên nén hương dâng trước bàn thờ cùng hiệp ý cầu nguyện cho Giáo Xứ Đồng Chiêm và quê hương Tổ Quốc Việt Nam.

Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn nói ngày hôm nay Ban Tuyên Úy và các Đoàn Thể trong Cộng Đồng đã đến đây tham dự Thánh lễ và hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Đồng Chiêm đã bị nhà cầm quyền CSVN bách hại triệt phá cây Thánh Giá trên Núi Thờ và cầu nguyện cho quê hương Việt Nam mau được hưởng nền Tự Do Tôn Giáo, Nhân Quyền và Công Lý. Thánh lễ cử hành gồm quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Dương Thanh Liêm, Cha Mai Đào Hiền, và Thầy Phó Tế Đặng Đình Nên cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng hôm nay Cha Dương Thanh Liêm nói về cây Thánh Giá chính là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng, cây Thánh Giá là một sự hòa giải cứu rỗi nhân loại. Giáo xứ Đồng Chiêm bị triệt hạ cây Thánh Giá bằng xi măng, bằng gỗ bằng tre, nhưng có hàng ngàn hạng vạn cây Thánh Giá khác được dựng lên trong tâm hồn của mỗi người KiTô hữu tại Đồng Chiêm và chính các Thánh Tử Đạo Việt Nam cho chúng ta thấy tấm gương của các Ngài là dù có chết đi nữa cũng không bao giờ bước qua Thánh Giá ngược lại còn suy tôn và trông cậy Thánh Giá một cách tin tưởng tuyệt đối.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, tất cả mọi người cùng giơ cao ngọn Nến và đồng hát bài Kinh Hòa Bình để hiệp thông hướng về Giáo xứ Đồng Chiêm và quê hương Việt Nam sơm được Công Lý, Nhân Quyền, và Tự Do Tôn Giáo.
 
Đồng Chiêm Ngày 20/1/2010 Một Làng Quê Tràn Ngập Công An
Thăng Long
05:30 21/01/2010
Xe ôm từ thị trấn Tế Tiêu không dám chở người vào khu vực Đồng Chiêm, An Phú. Hỏi tại sao, các ông nói rằng: “Công an bảo trong đấy đang có “bạo loạn”, không được chở người vào và cũng không thể vào được!”.

Bầu khí khủng bố ở Đồng Chiêm đang lên đến hồi cao điểm. Trong làng các ngóc ngách các phương hướng đều có sự hiện diện của công an mặc thường phục. Động thấy có người có vẻ lạ lạ đi trên đường tức thì có một nhóm công an và dân phòng từ đâu xuất hiện chặn đường và gây hấn ngay. Nếu biết rõ là người trong làng, và người này tỏ ra ngoan ngoãn nhu mì, thì chúng để cho đi, bằng không là bị đánh ngay, bất kể là người trong làng hay ngoài làng, nam hay nữ, trẻ hay già.

Hai cha Giuse Nguyễn Văn Hữu và Giuse Nguyễn Văn Liên gần như bị cô lập hoàn toàn. Phục vụ và ở bên cạnh các cha xứ chỉ còn mấy chú nhỏ đang độ tuổi đi học phổ thông. Những người lởn vởn bên nhà xứ phần nhiều lại cũng là công an.

Hôm nay, vì lực lượng công an đông, nên công an phong tỏa tổng thể và phong tỏa từng vị trí trong thôn. Bất cứ người nào vào làng cũng bị cấm chỉ. Ngay cả các linh mục. Chỉ đi ra thì được, nhưng khi ra khỏi thôn rồi có thể sẽ mất quyền đi vào.

Số cảnh sát trong làng theo ước tính của nhiều người, lúc này vào khoảng 600 người. Con số này sẽ còn gia tăng vì ngay trong buổi sáng chúng tôi vẫn còn thấy các xe chở công an từ Hà Nội tăng cường về Đồng Chiêm. Trong khi đó, từ hơn một tuần nay, tin từ trong cac doanh trại quân đội cho hay: Các đơn vị quân đội ở Mỹ Đức Hà Nội và Kim Bôi, Hòa Bình, giáp Đồng Chiêm, được động viên trong tình trạng “sắn sàng chiến đấu”.

Chính sách cây gậy sắt và củ cà rốt đang được nhà cầm quyền thực hiện triệt để. Nhà nào cũng được vài công an giám sát. Hệ thống loa thôn kết án các cha và các giáo dân một cách quyết liệt hơn. Trong khi đó, bất cứ nam phụ lão ấu nào là người tỏ ra có bản lĩnh lập tức bị bắt giữ, đánh đập, hoặc đe dọa. Trong làng lúc này chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em. Nam giới đã đi làm ăn xa hoặc đã bị bắt, hoặc bị buộc phải trốn đi khỏi làng.

Sáng nay mấy xe ô tô chở 29 tấn gạo vào phát cho dân Đồng Chiêm. Mỗi người được 15 kg. Như thế là trong 1 tuần họ đã được nhà nước “ưu ái” phát gạo cho 2 lần. Có máy quay phim chụp ảnh của truyền hình, báo chí quay chụp. Có lẽ chiều tối nay trên TV sẽ lại có màn trình chiếu việc làm “tốt đẹp” này, phản ánh sự ‘quan tâm, ưu ái” của Đảng và nhà nước !

Sự kiện gia tăng bạo lực và phong tỏa Đồng Chiêm là dấu hiệu cho thấy điều gì?

Một nguồn tin từ giới quan chức ở Hà Nộicho biết: Chính quyền Hà Nội đã ra nghị quyết năm 2010 phải làm sao đưa được Đức TGM đi khỏi HN. Dùng Tòa Thánh hay Hội Đồng Giám Mục để chuyển Đức cha Kiệt không xong, nay chính quyền Hà Nội quyết tâm dằn mặt Đức TGM Hà Nội bằng vụ Đồng Chiêm.

Chính quyền sẽ gia tăng bạo lực và sử dụng bạo lực khi có cơ hội, nhằm lôi Đức cha Kiệt ra khỏi tình trạng ẩn dật, buộc ngài với tư cách là người đứng đầu phải tỏ thái độ bằng lời nói và hành động, từ đó chính quyền Hà Nội sẽ công kích ngài quyết liệt hơn, rồi nhân thể trục xuất ngài.

Theo kịch bản này, chính quyền Hà Nội sẽ còn gia tăng bắt bớ, khủng bố giáo dân, triệu tập và có cơ hội thì sẽ bắt bớ một số giáo sỹ, đồng thời cho quần chúng tự phát đứng lên phản đối Đức cha Kiệt.

Kịch bản này dường như đang được triển khai trên thực tế: Tại Đồng Chiêm, hệ thống loa truyền thanh không ngừng kết án các linh mục. Họ đọc đi đọc lại để cho giáo dân tin rằng các linh mục là những người phạm tội xấu xa như họ nói.

Đồng thời công an cũng tiếp cận giáo dân, đe dọa và dụ dỗ họ ký vào văn bản quy chụp cho hai cha chính phó xứ và các cha DCCT là những người “chủ mưu” và “xúi giục” họ “dựng thánh giá” và “chống chính quyền”. Cả các giáo dân đang bị giam giữ cũng bị đánh đập tàn nhẫn và bị cưỡng ép ký vào văn bản đó, trước khi được thả về.

Trong khi đó, ngày hôm nay Công an Hà Nội tiếp tục triệu tập cha Giuse Nguyễn Văn Liên và cha Giuse Nguyễn Văn Hữu. Còn tại Hà Nội, chúng tôi vừa nhận được tin, buổi tối cách đây mấy ngày, có các thanh niên thiếu nữ “tự phát” giăng biểu ngữ trước Nhà Lớn Hà Nội, chửi bới và lăng nhục Công giáo, mạ lý Đức cha Kiệt.

(Nguồn: CTV chuacuuthe.com)
 
Đồng Chiêm: thủ đoạn vừa đánh vừa đàm
Ls Lê Sáng
10:39 21/01/2010
Thế giới cũng như người dân Việt không bất ngờ trước những hành động hung hãn côn đồ của người cộng sản. Đã có hàng trăn triệu nạn nhân cộng sản là thường dân, bị giết chỉ vì cộng sản nghi ngờ chống lại chúng. Nếu tính cả số người bị chết vì chống lại chúng, hay những nạn nhân bị đẩy ra chiến trường bằng nhiều thủ đoạn làm bia đỡ đạn cho chúng… thì riêng ở Việt Nam con số đã lên đến cả chục triệu người trong suốt mấy chục năm qua…

Đồng Chiêm, một vụ việc có thể giáo dân Công Giáo Việt Nam không dự đoán trước, nhưng chắc chắn họ cũng không bất ngờ. Bách hại giáo dân, tu sĩ Công Giáo, đập phá nhà thờ, phạm thánh … giáo sử, và cả lịch sử nhân loại đã từng ghi nhận. Nếu cứ đập Thánh Giá, giết giáo dân tu sĩ Công Giáo là khuất phục, là tiêu diệt được Công Giáo, thì tà quyền Phong Kiến đã làm, không đợi đến lượt tà quyền cộng sản Việt Nam hôm nay. Những kẻ điên cuồng quyền lực đến mức phân lập tâm thần – csvn, hãy đọc lại sử. Nhưng những người công chính cũng cần phải tỉnh thức, cần phải nhận thức cho rõ hơn bản chất những việc làm của người cộng sản, đặng vững tin bước trên đường công lý mà hát Bài ca nghìn trùng

1) Về chiến thuật:

Đang nổi lên hiện nay là csvn dùng chiến thuật phân lập dân chúng, bao vây phong tỏa không để giáo dân và tu sĩ có thể kết hợp với nhau, không cho các giáo xứ có thể hỗ trợ ứng cứu nhau, kể cả ứng cứu trợ giúp nhân đạo. Chiến thuật này csvn không dễ dàng thực hiện đối với tình đoàn kết, tính liên đới của người Công Giáo. Ngay từ thời Chúa Giêsu, Giáo hội bao gồm các thành phần Dân Chúa và được hiểu là các chi thể trong cùng một thân thể thuộc về Đức Kitô. Có lẽ cộng sản giết người Công Giáo thì dễ hơn là phân lập thành công họ. Ngay cả tu sĩ quốc doanh, hay giáo gian nếu cộng sản lạm dụng việc giựt dây họ, đến mức làm lương tâm họ thức tỉnh, thì không chừng họ quay ngược lại …

Song song với việc phân lập dân chúng, csvn thực hiện thủ đoạn vừa đánh vừa đàm – đàm là để hỗ trợ đánh, chứ không phải đàm để tìm cách xuống thang cuốn chiếu rút lui giữ thể diện. Mục đích vừa đàm vừa đánh là để cho đối phương luôn bị động, đang căm phẫn quyết chiến, tự dưng dịu bớt đi, nhụt bớt ý chí đi mà không ai nhận ra, hay ai trách ai điều gì … Vì rõ ràng csvn đã “xuống thang” không lẽ mình cố chấp? Thiếu tính khoan dung Kitô giáo? Chỉ chờ có thế, cs sẽ quay đầu tấn công hung hãn hơn, làm rối trí người ngay lành, vì không còn biết đằng nào mà lần với cộng sản. Chiến thuật vừa đánh vừa đàm có vẻ csvn thực hiện thành công và dễ dàng hơn chiến thuật phân lập dân chúng. Hãy đọc lại sử, hãy chú ý cập nhật tin tức: Nhân kỉ niệm ngày quân đội csvn, Nguyễn Tấn Dũng hụych toẹt ra rằng: "Thành công nhất của đảng csvn và trung ương cục miềm nam trong hiệp định Pari 1973 ngưng bắn để Mỹ rút, tái lập hòa bình… là chúng ta nhất quyết không chịu ngưng bắn". Vì vậy tốt nhất giáo dân Công Giáo hãy trung thành với Tín Lý và Luân Lý Kitô giáo. Hãy xem việc làm là trọng chứ đừng nghe lời hứa, lời đề nghị “đàm phán” của cộng sản. Chính Chúa Giêsu cũng đã dậy: “Các con đừng nghe lời nó nói, mà hãy xem việc nó làm”. Mặt khác, nếu muốn, bộ máy hung bạo của cộng sản chỉ cần ra lệnh miệng thì từ thủ tướng đến trưởng thôn làm răm rắp, không kẻ nào dám trái lệnh đâu. Đã có bao nhiêu lãnh đạo cao cấp của cộng sản phải chết tức tưởi vì không tuân lệnh của tập đoàn cộng sản trung ương đó sao??? Không có chuyện địa phương làm sai chủ trương, hay không nghe lệnh trung ương … Tuyệt nhiên không có.

2) Về chiến lược:

Cộng sản không bao giờ dung hòa với các tôn giáo. Ngay cả với Phật Giáo quốc doanh, nếu còn ngoan ngoãn nghe theo sự chỉ đạo của họ, thì họ còn vuốt ve mơn trớn, chỉ cần họ cho là trái ý, là có dấu hiệu gây nguy hiểm cho họ – Chỉ cần có dấu hiệu thôi, thì sẽ có kết cục như Bát Nhã, hay như các Hòa Thượng của Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất … Nên nhớ rằng, csvn cũng như những tập đoàn cộng sản còn sống sót, luôn cho rằng chính Thiên Chúa giáo đã làm sụp đổ thành trì cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu. Chính sự nhượng bộ Thiên Chúa giáo của các chính khách cộng sản, đã giúp cho Thiên Chúa giáo tập hợp dân chúng, xúi giục họ giựt sập thành trì chủ nghĩa cộng sản mà mấy hôn trước Leonid Brezhnev vừa tuyên bố đã xây dựng xong CNXH … Nhượng bộ các tôn giáo, đặc biệt là nhượng bộ Công Giáo, là việc làm không một chính khách cộng sản nào dám nói động đến. Dùng bạo quyền để khuất phục các tôn giáo, đặc biệt là với Công Giáo, luôn được coi là thước đo về lòng trung thành, là chiến công sẽ đen lại danh vọng tiền bạc cho chính khác cũng như tên lính tẩy trong bộ máy nhà nước cộng sản Việt Nam hôm nay.

3) Bạo chúa lờ mờ nhận ra kết cục:

Với thành tích giết người gớm tởm nhất trong lịch sử nhân loại, cộng sản và cộng sản Việt Nam còn hơn cả bạo chúa. Sự sống của nó hôm nay hoàn toàn dựa vào bạo quyền. Bạo quyền thì chỉ có duy nhất giá trị vật chất để ban phát, để mua bán trao đổi mà thôi. Vật chất từ hạt gạo đến cây súng thì tự cộng sản Việt Nam không làm ra được, họ phải dựa dẫm vào các nguồn lực bên ngoài… Từ khi cái thiên đàng “thành trì XHCN” bị sụp đổ, csvn phải dựa dẫm vào cả những thế lực thù địch của nó đế mua bán trao đổi các giá trị vật chất… csvn là những kẻ tôn thờ vật chất. Ông tổ Mác-Lênin của nó từng dạy nó rằng: “Một lực lượng vật chất, chỉ có thể đánh đổ bằng một lực lượng vật chất khác manh hơn mà thôi” – Cho nên nó vẫn còn đủ khôn để nhận ra rằng, đã lệ thuộc về mặt vật chất vào một thế lực, thì đừng mơ đánh đổ thế lực vật chất đó… Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu từ cuối 2008 đến nay đã đẩy csvn đến gần phá sản. Nếu như không có nguồn thu ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ hiện có chỉ còn đủ cho nhà nước của nó sống được khoảng 2 tháng. Trong khi đó chế độ chính trị và bộ máy nhà nước của csvn không còn bất cứ một cảm tình nào từ người dân thậm chí cả đảng viên cộng sản. Những kẻ phụng sự nhà nước cộng sản hiện tại chỉ thuần túy vì vơ vét được tiền mà thôi… Chính trị gia csvn lờ mờ nhận ra kết cục tất yếu và đang run sợ. Ngay cả khi công an, quân đội với những đạo quân hung hãn tấn công đánh phá các tôn giáo theo chỉ thị của chính trị gia csvn cũng làm họ ngủ không yên, bởi nếu csvn lấy danh lấy lợi để sai khiến đám lưu manh công an, quân đội này, thì chỉ cần có một thế lực thù địch nào đó cho danh cho lợi cao hơn, chắc chắn đám lưu manh cấp nhà nước này chẳng ngần ngại đưa đám chính khách này đi gặp Hồ Chí Minh …

Người Công Giáo hãy kiên nhẫn chấp nhận và vui mừng lên vì bị cộng sản bách hại vì đó là một trong tám mối phúc Chúa Giê-Su đã truyền dậy. Dân tộc Việt hãy vui mừng vì csvn trở chứng hung bạo, vì đó là điềm báo giờ định mệnh của nó đã điểm. Nhưng khi cộng sản trong cơn say máu, sẽ có hàng vạn người ngã xuống… Hãy sát cánh bên nhau để chết cho dân tộc Việt hồi Sinh. Ngay sau khi ngã xuống dân tộc phục sinh chẳng hơn biết bao nhiêu anh hùng đã chết thầm lặng suốt mấy chục năm đêm đen cộng sản đó sao ???
 
Đồng Chiêm – lộ rõ âm mưu của chính quyền Hà Nội
An Dân
21:48 21/01/2010
Hai tuần lễ đã trôi qua kể từ ngày giáo xứ Đồng Chiêm thọ nạn cùng với cây thánh giá trên đỉnh Núi Thờ. Chiến dịch khủng bố, đe dọa, trấn áp sau đó với mức độ ngày càng tàn khốc khiến người ta tự hỏi đâu là lý do khiến chính quyền cộng sản cuồng nộ, bất chấp lương tri và dư luận như vậy?

Nhiều giả thiết đã được đặt ra như: “Đây là phép thử mà chính quyền muốn sử dụng để lượng giá sự hiệp thông trong Giáo hội để dễ bề tính toán đường dài nhằm kiểm soát Giáo hội”; ý kiến khác thì cho rằng Phạm Quang Nghị muốn dùng Đồng Chiêm như con cờ chiến lược nhằm độc chiếm chức Tổng Bí thư vào kỳ đại hội sắp tới”; cũng có ý kiến cho rằng chính quyền Hà Nội muốn dùng Đồng Chiêm bằng việc đập thánh giá để nói với ông bạn “láng giềng bốn tốt” rằng Việt Nam tiếp tục kiên định đi theo con đường XHCN mà Mao Chủ tịch đã đề ra, chứ không bao giờ theo đuôi Tây Phương.

Những ngày qua, hàng loạt những biến cố, qua các bài viết của các phóng viên bồi bút, phần nào cho thấy thực chất âm mưu mà chính quyền Hà Nội nhắm tới khi cố tình giật mìn phá đổ cây thánh giá Núi Thờ và kiên quyết phá bỏ bất cứ cây thánh giá nào dù đó chỉ là cây thánh giá tre dựng tạm trên núi.

Trước tiên, theo thông tin chính xác từ những người đã tham dự cuộc họp giao ban báo chí sáng ngày 19/01/2010 tại Hà Nội, Ban Khoa giáo Thành ủy – đơn vị chủ trì cuộc họp, đã dùng những lời lẽ hết sức ngạo mạn, vô văn hóa như “thằng này, thằng kia” để gọi các vị chức sắc, trong đó có Đức Tổng Kiệt và các linh mục Thái Hà. Nhiều phóng viên báo đài lề phải được mời tham dự cuộc họp đã phải thốt lên: “Không thể tưởng tượng được đấy lại là ngôn từ của một cơ quan Đảng cộng sản”.

Trong hai ngày qua, những chỉ đạo tại cuộc họp đã được VTV1 trong bản tin thời sự tối ngày 21/01/2010 và Báo Hà Nội mới ngày 21/01/2010 thực hiện một cách triệt để. Trong bài “Lật mặt những kẻ kích động gây rối ở xứ đạo Đồng Chiêm”, tác giả Hồng Anh, bằng những thủ thuật thường thấy, sau khi bóp méo sự thật, đã thay tòa án kết án Đức Tổng Kiệt và các linh mục Thái Hà, và đòi pháp luật trừng trị.

Vấn đề là tại sao Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt bỗng dưng trở thành đích ngắm và được truyền thông nhà nước ưu ái cách lạ thường như vậy?

Sau vụ việc Tòa Khâm sứ - giáo xứ Thái Hà, chính quyền Hà Nội đã ra hẳn một Nghị Quyết vào năm 2010 bằng mọi giá phải đưa Đức Tổng Kiệt ra khỏi Hà Nội. Nghị Quyết ấy được giao cho Hà Nội và chính quyền Hà Nội đã dùng Đồng Chiêm với dụng ý kéo Đức Tổng ra khỏi nơi nghỉ ngơi chữa bệnh. Thực tế, nếu không dùng Đồng Chiêm thì chính quyền Hà Nội chẳng có lý do gì nữa để kết án Đức Tổng, bởi sau vụ Tòa Khâm sứ - giáo xứ Thái Hà, ngài hầu như nghỉ ngơi dưỡng bệnh, ít xuất hiện và ngay cả khi Tam Tòa gặp nạn, ngài cũng yên lặng và cầu nguyện. Trong khi đó, con bài dùng Hội Đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Thánh can thiệp để cho Đức Tổng nghỉ hưu cũng thất bại. Không còn con đường nào khác, chính quyền Hà Nội đành phải chọn giải pháp nguy hiểm nhất là đánh sập thánh giá – biểu tượng đức tin và nhân văn Kitô giáo với mong muốn Đức Tổng Kiệt xuất hiện để có cớ kết án ngài.

Thực tế, nếu theo dõi sát vụ Đồng Chiêm, thì thấy rằng ngoài việc đập thánh giá, dánh đập tu sĩ, bắt bớ giáo dân, cho quần chúng tự phát căng băng rôn, hò hét trước Nhà Thờ lớn, chính quyền Hà Nội còn đưa các công an vào Dòng Châu Sơn, Nho Quan – Ninh Bình, nơi Đức Tổng Kiệt đang nghỉ ngơi dưỡng bệnh, để áp lực ngài trở về Hà Nội. Nhiệm vụ ấy cuối cùng cũng bất thành. Do không đạt được mục đích, những ngày qua, sau thời gian dài im tiếng, chính quyền Hà Nội bắt đầu dùng truyền thông nặng nề kết án Đức Tổng Kiệt và các linh mục Thái Hà – những nhà lãnh đạo tinh thần mà chính quyền Hà Nội từ lâu đã phải ra hẳn một Nghị quyết bằng mọi giá trục xuất họ ra khỏi Hà Nội.

Có thể nói rằng, chính quyền Hà Nội thừa hiểu thánh giá là biểu tượng của niềm tin Kitô giáo, đụng tới thánh giá là đụng tới hàng tỷ Kitô hữu trên hành tinh, nhưng họ vẫn cố tình triệt hạ, bên cạnh đó đánh đập giáo dân cách tàn nhẫn, là nhắm đưa Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt – một vị mục tử luôn “Chạnh Lòng Thương” buộc ngài phải xuất hiện để có cớ kết án ngài. Đây quả là một ngón đòn nham hiểm. Tuy nhiên, mục tiêu nham hiểm mà chính quyền dùng Đồng Chiêm để đánh Đức Tổng đã không thuận theo ý muốn của cộng sản. Do đó, người ta hiểu được tại sao sự khát máu, sự thất đức của chính quyền Hà Nội ngày càng dâng cao tại Đồng Chiêm.

Nhiều nhận định cho rằng chính quyền Hà Nội đã bị sa lầy tại Đồng Chiêm. Có lẽ không hẳn như thế! Bởi sau khi tìm mọi cách trục xuất Đức Tổng Kiệt ra khỏi Hà Nội không được, Đồng Chiêm sẽ là cơ hội cuối cùng để Hà Nội thực hiện cho bằng được Nghị quyết mà họ đã đề ra là đưa Đức Tổng và các linh mục Thái Hà ra khỏi Hà Nội. Vì thế, chắc chắn Đồng Chiêm sẽ tiếp tục nóng bởi chính quyền Hà Nội chưa bao giờ từ bỏ tham vọng của mình và nhất là họ sẽ quyết tâm thực hiện cho bằng được việc trục xuất Đức Tổng nay đã trở thành Nghị quyết. Trong bước đường cùng, chưa biết chừng chính quyền Hà Nội sẽ sẵn sàng bắt một số linh mục nữa để thực hiện bằng được mưu đồ.

Việc chính quyền Hà Nội cử các công an thành phố Hà Nội về chỉ điểm để công an địa phương và côn đồ đánh đập tu sĩ Antôn Nguyễn Văn Tặng – tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà ngày 20/01/2010 vừa qua, cũng không ngoài mục đích này. Chính quyền Hà Nội qua việc đánh đập tàn nhẫn tu sĩ Nguyễn Văn Tặng là để các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế lên tiếng hầu có cớ kết án Nhà Dòng.

Thánh giá Đồng Chiêm sẽ còn bị phá. Cây thánh giá Chúa dựng lên trong lòng các giáo sĩ, giáo dân Hà Nội sẽ còn tiếp tục rỉ máu, bao lâu chính quyền Hà Nội chưa từ bỏ tham vọng và những âm mưu nham hiểm của mình. Cuộc khổ nạn của Giáo hội Việt Nam và giáo phận Hà Nội hình như mới chỉ bắt đầu.

Nhưng, lịch sử đã chứng minh: chân lý thì luôn toàn thắng!
 
Chỉ cần ''nắm'' các Giám mục thôi
LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm
22:12 21/01/2010
Từ chức “vì lý do sức khoẻ”

Nghe tin Đức Cha Giu-se Ngô Quang Kiệt xin từ chức Tổng Giám Mục Hà Hội “vì lý do sức khoẻ”, ai cũng phải ngạc nhiên. Xem đoạn băng vidéo cách đây chỉ mới hơn một năm, chính xác là ngày 21-09-2008, nghe giọng nói sang sảng của ngài khi phát biểu tại trụ sở UBND Tp. Hà Nội, nhìn gương mặt rắn rỏi, phong thái tự tin, ta thấy đó là một con người đầy tràn sức sống. Một thời gian sau, càng ngày người ta càng thấy ngài ít xuất hiện, rồi ngài phải thường xuyên đi nghỉ dưỡng vì bệnh mất ngủ triền miên, từ đó sức khoẻ của ngài sa sút trầm trọng. Giữa hai quãng thời gian này là hội nghị các giám mục tại Xuân Lộc. Tại hội nghị này, HĐGM/VN đã nhận được văn thư ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND Tp. Hà Nội đề ngày 23-09-2008, trong đó ông yêu câu HĐGM/VN “xem xét, xử lý và đề nghị xử lý nghiêm minh theo quy định của Giáo Hội đối với Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt… đồng thời yêu cầu thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo… ra khỏi Giáo phận Hà Nội”. Sau đó, trong văn thư đề ngày 25-09-2008, Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM/VN đã trả lời ông Nguyễn Thế Thảo là: “Sau khi xem xét, chúng tôi thấy các vị này (trong đó có Đức Tổng Giám Mục Hà Nội) không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo Hội Công Giáo”. Cùng với lá thư này là bản “Quan điểm của HĐGM/VN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”. Đọc các tài liệu này, rồi nhìn lại các sự việc xảy ra từ các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, và mới đây là Đồng Chiêm, lại đọc bài “Lên tiếng hay không lên tiếng” của Ban Biên Tập WHĐ trên trang mạng của HĐGM/VN, ta dễ dàng nhận ra sự lẻ loi đơn độc của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội trong tập thể các giám mục Việt Nam. Vị giám mục duy nhất công khai và mạnh mẽ bày tỏ sự đồng tình với Đức Tổng Kiệt ngay những ngày đầu tiên của vụ Thái Hà là giám mục giáo phận Vinh, Đức Cha Phao-lô Cao Đình Thuyên. Từ các nhận định trên, việc Đức Tổng Kiệt suốt những đêm dài triền miên không sao chợp mắt, dẫn đến tình trạng sức khoẻ sa sút trầm trọng, không còn phải là chuyện khó hiểu. Trong những điều kiện như thế, cảm thấy không còn đủ sức khoẻ để chu toàn một nhiệm vụ muôn phần khó khăn trong hoàn cảnh cực kỳ phức tạp hiện nay, Đức Tổng Kiệt đã không thấy có giải pháp nào tốt hơn là xin từ chức. Do đó, việc xin từ chức chỉ là cái ngọn của vấn đề.

Chúng tôi sẽ không giết ông đâu !

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một mẩu chuyện đã được nghe ít lâu sau khi Đức Cha (hồi đó còn là Đức Cha) Nguyễn Văn Thuận bị buộc phải rời Hà Nội để đi sống lưu vong bên Rô-ma. Một linh mục thân tín của ngài kể lại cho tôi rằng: trong một lần “làm việc” với người đứng đầu cục An ninh, viên chức này đã nói với tù nhân Nguyễn Văn Thuận: “Chúng tôi sẽ không giết ông đâu ! Chúng tôi chỉ cần để cho giám mục các ông giết nhau thôi.” Chiến thuật này thành công tới mức nào thì không ai rõ, vì làm sao ta có được một bản báo cáo hay thống kê chính thức. Nhưng mức độ thâm hiểm thì phải công nhận là siêu đẳng. Các con cái Chúa, chẳng biết có khôn được như rắn hay không, nhưng vốn đơn sơ (hay ngây thơ) như bồ câu, dễ gì lường trước được mọi thứ mưu ma chước quỷ để đề phòng !

Chỉ cần “nắm” các giám mục thôi

Tôi cũng được nghe kể chuyện một linh mục Việt Nam ở Mỹ, vì muốn có cơ hội thỉnh thoảng về Việt Nam, nên giữ mồm giữ miệng rất kỹ, tránh không tham gia các tổ chức “phản động”, tránh những nơi xuất hiện cờ vàng ba sọc đỏ để khỏi bị ghi hình. Khi trở về Việt Nam thăm gia đình tại một giáo xứ miền Lâm Đồng, cũng như mọi Việt kiều khác, cha được một anh công an đến “hỏi thăm sức khoẻ”. Khi được hỏi về tình hình chống cộng của người Việt tại nơi cha ở, cha trả lời cách đơn sơ là không biết, vì thật sự cha không hề tham gia vào một tổ chức, một sinh hoạt chính trị nào. Anh công an tỏ vẻ hoài nghi, liền nói để dằn mặt: “Anh có khai hay không khai, tôi cũng chẳng cần. Nhưng tôi nói cho anh biết: các anh bên Tây bên Mỹ cứ tha hồ mà chống cộng. Chúng tôi ở đây chỉ cần ‘nắm’ các giám mục là đủ rồi !” Thú thật nghe chuyện này xong, mắt tôi sáng ra, và tôi hiểu được nhiều “mầu nhiệm”. Thì ra để đối phó với các tôn giáo (ở đây là Công Giáo), chính quyền cộng sản Việt Nam không phải chỉ có những mẹo vặt, những cách ứng phó đột xuất, nhất thời. Nhưng rõ ràng là đã có cả một sách lược lâu dài, xuất phát từ những nghiên cứu khách quan, khoa học.

Khi không chịu để cho Nhà Nước “nắm

Kể từ khi Việt minh lên cướp chính quyền năm 1945 cho đến khi Công Đồng Va-ti-ca-nô II kết thúc, Giáo Hội Công Giáo cương quyết chống lại chủ nghĩa cộng sản. Do đó, ngay cả các linh mục (ngoại trừ một số rất nhỏ, và số này lại bị cộng đoàn tín hữu coi thường) cũng không chịu để cho Nhà Nước “nắm”, còn nói chi các giám mục. Với Công Đồng Va-ti-ca-nô II, lằn ranh không còn ở giữa các chế độ như tư bản hay cộng sản, nhưng giữa tốt và xấu, giữa thiện với ác. Giáo Hội chủ trương cởi mở, đối thoại với mọi thể chế chính trị. Ta hiểu được tại sao tại miền Nam sau 1975, Giáo Hội Công Giáo không còn thái độ chống cộng cách quyết liệt như ngoài miền Bắc. Trước khi tràn tới Sài Gòn, Việt cộng đã chiếm được Huế. Chính vì vậy mà vị giám mục đầu tiên công khai kêu mời tín hữu Công Giáo chấp nhận “chính quyền cách mạng” và sẵn sàng hợp tác, không ai khác hơn là Tổng Giám Mục Huế, Đức Cha Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền. Nhưng chính vì chỉ chấp nhận đối thoại, hợp tác, chứ không chịu để cho Nhà Nước “nắm”, nghĩa là lợi dụng, chi phối, lèo lái, mà Đức Tổng Điền đã phải điêu đứng suốt một thời gian dài trước khi chết (có người đã không ngại nói là ngài bị đầu độc).

Năm 1975, tại Sài Gòn, vị giám mục được Toà Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị, là Đức Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận. Chính vì biết rằng Đức Cha Thuận sẽ không phải là người để cho Nhà Nước “nắm”, nên Nhà Nước đã dứt khoát đẩy ra khỏi Sài Gòn, thậm chí tống vào hoả lò. Biết rằng tiếp tục để ngài ở lại Việt Nam thì chẳng khác chi ôm một thùng thuốc nổ, nên cuối cùng Nhà Nước đã chọn giải pháp triệt để, là tống ra không phải chỉ khỏi thủ đô Hà Nội, nhưng là khỏi nước Việt Nam.

Đến đây ta hiểu tại sao Đức Cha Giu-se Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội, lại bị chính quyền Hà Nội đề nghị với HĐGM/VN “chuyển nơi hoạt động tôn giáo ra khỏi Giáo phận Hà Nội”. Đơn giản chỉ vì Nhà Nước đã thấy ngài “nắm” được linh mục, “nắm” được giáo dân, nhưng chính ngài lại không chịu để cho Nhà Nước “nắm”. Và nếu ngài bị đẩy ra khỏi Hà Nội, thì cũng có nghĩa là bị đẩy ra khỏi Việt Nam, vì thử hỏi: sau Hà Nội, có chính quyền địa phương nào lại dám đứng ra lãnh cái “của nợ” ấy !

Kết luận

Nếu, như lời một viên chức công an, chính sách của Nhà Nước đối với Công Giáo, chủ yếu là “nắm” các giám mục, thì câu hỏi được đặt ra là: liệu các ngài có chịu để cho mình bị “nắm” hay không. Trên đây tôi đã đưa ra hai trường hợp: Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, và Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Còn các vị khác trong HĐGM hiện nay thì sao ? Có vẻ như ta đã có được câu trả lời qua các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà… Đúng là muốn “nắm” Giáo Hội Công Giáo, chỉ cần “nắm” các giám mục. Đặc biệt hơn cả là vụ Đồng Chiêm, và tiếp theo sau là bản “Lên tiếng hay không lên tiếng”, cho ta thấy rõ: các ngài đã bị “nắm” chặt tới mức nào.

Sài-gòn, ngày 22 tháng 01 năm 2010
pascaltinh@gmail.com
 
Thông Báo
Phân Ưu: Thân mẫu của LM Trần Thành Trung vừa tạ thế tại Gia Kiệm
LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
12:44 21/01/2010

PHÂN ƯU

Được tin Thân Mẫu của Linh mục Giuse Trần Thành Trung,
Giáo xứ Thánh Anrê- Dũng Lạc, Lansing, Michigan, là:
Bà Cố Maria Nguyễn Thị Lan
Đã được Chúa gọi về ngày 17 tháng 1 năm 2010
tại Thanh Sơn, Gia Kiệm, Đồng Nai, Việt Nam
Hưởng Thọ 103 tuổi.

Thánh Lễ An Táng được cử hành
Thứ Bảy ngày 23 tháng 1 năm 2010
tại Nhà Thờ Giáo xứ Thanh Sơn, Giáo phận Xuân Lộc

Chúng con thành kính phân ưu cùng Cha Giuse Trung và toàn thể Tang Quyến.

Nguyện xin Chúa là Cha nhân từ đón nhận Linh hồn Maria vào Thiên Đàng.

Thành Kính,

Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Cáo Phó: LM Phêrô Nguyễn Hữu Nhường qua đời tại Hiệp Đức
Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu
22:18 21/01/2010
Tòa Giám Mục Phan Thiết
CÁO PHÓ
"Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi" (Tv 22,1).
Kính báo cùng Quí Cha, Quí Tu Sĩ Nam Nữ và Anh Chị Em Giáo Dân:
LM Phêrô NGUYỄN HỮU NHƯỜNG
sinh ngày 01/07/1945, Nghệ An.
Hạt Trưởng Hạt Hàm Thuận Nam, Chánh xứ Hiệp Đức
đã qua đời lúc 8g45 sáng ngày 20/01/2010,
tại Giáo xứ Hiệp Đức.

Thánh lễ tẩm liệm lúc 19g00 ngày 20/01/2010, tại nhà xứ Hiệp Đức.
Thánh lễ an táng lúc 08g00 Thứ Bảy ngày 23/01/2010 tại Nhà Thờ Hiệp Đức.
An táng tại nghĩa trang Linh mục giáo xứ Vinh An

Xin cầu nguyện cho linh hồn Phêrô.
RIP

VP/TGM/PT
 
Cáo phó: LM Phêrô Trần Minh Trương qua đời tại Phan Thiết
Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu
22:21 21/01/2010
Tòa Giám Mục Phan Thiết
CÁO PHÓ
Kính báo Quí Cha thêm một tin buồn:
Cha Phêrô TRẦN MINH TRƯƠNG
chánh xứ Hòa Vinh
đã qua đời lúc 01g45 sáng ngày 22/01/2010.
tại bệnh viện Phan Thiết.
Xin cầu nguyện cho linh hồn Lm Phêrô
RIP
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bài Thánh Ca Trong Xa Mạc
Lm. Trần Cao Tường
19:40 21/01/2010

Bài Thánh Ca Trong Sa Mạc



Ảnh của Cao Tường

Em biết không?

Đôi khi tôi rất thèm

Nghe một bài thánh ca quen thuộc

Để lòng mình

Thơm lại chút hương xưa.

(Thơ Trần Thu Miên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền