Ngày 20-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Quanh Năm 21/1/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Vietcatholic Network
02:06 20/01/2018
Bài Ðọc I: Gn 3, 1-5. 10

"Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay".

Trích sách Tiên tri Giona.

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9.

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài.

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 29-31

"Bộ mặt thế gian này đang qua đi".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 1, 15

Alleluia, alleluia! - Nước Chúa đã gần đến, hãy tin tưởng vào Phúc Âm. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 14-20

"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm". Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.
 
Vương quốc của Thiên Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:05 20/01/2018
Chúa Nhật IV Thường Niên, năm B
Mc 1, 21-28

Chúa Giêsu thiết lập Vương Quốc của Ngài trên trái đất này. Nhưng Vương Quốc của Ngài lại là Vương Quốc Tình Yêu chứ không phải một thế lực quyền uy như con người suy nghĩ, ước muốn. Chúa trao Vương Quốc này cho nhân loại, cho mỗi người Kitô thực hiện.

Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay trình bầy về giáo huấn của Chúa Giêsu và việc Ngài chiến thắng thần dữ. Vâng, thánh Máccô cho hay Chúa Giêsu vào trong Hội Đường Do Thái, Ngài giảng dạy và mọi người đều sửng sốt, kinh ngạc về những lời Ngài giảng dạy, vì Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền chứ không nói rỗng tuếch,đầu môi chóp lưỡi như các Biêt phái, Luật sĩ vv…Chúa Giêsu nhân dịp này, đã xua trừ ma quỷ, đã chữa lành cho một người bị thần ô uế quấy phá, ràng buộc.Ngài đã chiến thắng thần dữ.Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Ngài biểu lộ uy quyền qua việc làm, đời sống và lời giáo huấn, Ngài chạm đến từng nỗi đau của con người, Ngài cảm thông với mọi hoàn cảnh của từng người, đặc biệt Ngài chữa lành, xua trừ ma quỷ. Ngài đến với mọi lớp người, tiếp xúc với những kẻ nhỏ bé, những người thu thuế, những kẻ tội lỗi.Ngài xoa dịu cơn đói khát của những người đi theo Ngài, nghe Ngài giảng dạy. Ngài thiết lập Vương Quốc Yêu Thương ngay giữa mọi người, ngay giữa thế gian này. Cung cách, thái độ của Ngài, gương sáng của Ngài hoàn toàn nổi bật và khác biệt với những Kinh sư, Biết phái…Những người này chỉ nói mà không làm, chỉ ra luật mà không thực hiện.Chính vì thế, họ chất gánh nặng trên vai những người khác, họ sống giả hình và đầy mâu thuẫn với lời của họ giảng dạy :” Ngôn hành của họ bất nhất “. Chúa Giêsu, Vị Vua nhân từ đến cứu độ nhân loại, giải thoát con người khỏi tội lỗi bằng tình yêu và lòng thương xót của Ngài…Chúa không đến như một Vị Vua trần gian, đầy uy quyền trần thế như nhiều người mong chờ.

Phép lạ Chúa Giêsu xua trừ ma quỷ ra khỏi một người bị thần ô uế nhập trong Hội Đường chứng tỏ quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều đó, các Kinh sư, Biệt phái chỉ nhìn người bị quỷ ám mà run sợ, họ không thể xua trừ thần ô uế, họ bất lực và hoàn toàn bị tê liệt, bị bó tay trước sức mạnh của thần dữ…Lời của Chúa là Lời cứu rỗi, Lời có sức mạnh đem lại sự bình an và xua trừ ma quỷ. Còn lời của các Kinh sư chỉ là lời của phàm nhân, lời bất lực, lời không có uy quyền vv…

Chúa trao Nước Thiên Chúa, Nước Tình Yêu cho nhân loại, cho chúng ta để chúng ta và mọi người hoàn tất nó. Nhiệm vụ của chúng ta là phải hoàn thành trách nhiệm xây dựng Nước Yêu Thương ngay giữa thế giới, ngay giữa chúng ta, ngay giữa xã hội, tập thể, cộng đồng chúng ta đang sống…Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa, Nước Yêu Thương bị trì trệ ở thế gian này là do chúng ta chưa biết yêu thương, chưa biết nhận ra tha nhân là Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng đồng hóa mình với người đói, người khát, người rách rưới, nghèo hèn, rách rưới, tù tội vv…Nhận ra Chúa nơi những người khác, nơi tha nhân để yêu thương họ và nhận ra họ là tạo vật xinh đẹp được Chúa dựng nên, đáng được yêu thương như chính chúng ta đã được Chúa yêu thương, tha thứ, chúc lành. Là chúng ta đang hoàn thành Nước Tình Yêu giữa trần thế gian.

Chúa mời gọi chúng ta hãy biết dùng lời nói yêu thương, dùng những việc làm bác ái của chúng ta để xoa dịu những nỗi khổ đau của tha nhân vì chính tha nhân đã được Chúa dựng nên như chúng ta và cũng đang cần được chúng ta yêu thương như chúng ta đã được Chúa yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim rộng mở, một tấm lòng quảng đại để chúng con luôn biết yêu thương mọi người và trở nên chứng nhân cho Nước Yêu Thương của Chúa.Amen.

Gợi ý để chia sẻ:

1.Chúa chiến thắng thần dữ bằng cách nào ?
2.Tại sao Kinh sư và Biệt phái rao giảng, người khác không nghe, không phục ?
3.Hội Đường là gì ?
4.Chúa Giêsu muốn ai thực hiện Vương Quốc Tình Yêu của Chúa?
5.Tại sao lại gọi là thần dữ ?
 
Bất khả xâm phạm
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:37 20/01/2018
Phần cuối sách Samuel quyển thứ nhất tường thuật câu chuyện Saolê đi vào hang động để giải quyết việc cần mà không ngờ Đavit đã ẩn nấp trong đó. Các tùy tùng Đavit xúi giục Đavit hạ sát Saolê nhưng ông chỉ lấy gươm cắt một vạt áo choàng của Saolê. Đavit không nỡ ra tay sát hại Saolê vì nghĩ rằng Saolê là người đã được Chúa xức dầu.

Thuở bé đã từng được nghe dạy là phải tôn kính các đấng bậc vì các vị đã được xức dầu thánh hiến. Các ngài dẫu ở trong tình trạng tốt xấu thế nào nào thì cũng không được phép xúc phạm và các ngài như là người bất khả xâm phạm. Ai vô tình hoặc hữu ý xúc phạm các ngài thì sẽ bị Chúa trừng phạt, có khi là nhãn tiền.

Thế mà đoạn đầu sách Samuel quyển thứ hai lại tường thuật rằng chính Saolê, người được xức dầu cũng đã phải tử trận vì lỗi tội của ông. Một chi tiết cần lưu ý đó là cùng với cái chết của Saolê thì hoàng tử Gionathan và các nhân tài của Israel đều bị vạ lây, tức là đều bị giết chết.

Dĩ nhiên chuyện xúc phạm đến tha nhân là điều không hay và nhiều khi là điều xấu. Xúc phạm đến người vai cao vị trọng ngoài xã hội hay trong Giáo hội quả là chẳng nên chút nào. Tuy nhiên nếu vì một vị lãnh đạo thiếu đức hạnh hoặc quá kém tài mà làm cho nhiều người bị vạ lây thì sao đây ? Trở lại chuyện vua Saolê. Giả như ông bị truất phế sớm thì rất nhiều nhân tài của Israel và cả hoàng tử Gionathan sẽ không bị tiêu diệt cách oan uổng.

Mong sao có những cơ chế luật lệ minh bạch rõ ràng tạo điều kiện cho người dân đưa những vị lãnh đạo bất xứng rời khỏi phận vị của mình để các hiền tài và nhất là người dân khỏi mang vạ cách bất công mà lịch sử đã cho thấy là rất khó khắc phục hậu quả.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Nước trời vẫnlà ưu tiên số một
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:40 20/01/2018
Chúa Nhật III Thường Niên B 2018

Mỗi người chúng ta gần như đang chứng kiến, đang nghe vọng về những tín hiệu của Mùa Xuân đang đến. Tiếng hát của chim, màu tươi của muôn hoa sắc lá, cái không khí ấm áp mát mẻ của bầu trời xanh với nắng đẹp…tất cả như đang hình thành một sứ điệp, một tin mừng : mùa đông đã qua, mùa xuân đang tới.

Nhưng đó là chuyện của thiên nhiên, của đất trời. Còn chuyện mà “bàn Tiệc Lời Chúa” muốn chuyển tải cho chúng ta hôm nay cũng là Tin Vui, cũng là Tin Mừng, nhưng là “Tin Mừng về Nước Thiên Chúa đang đến”; cũng là “mùa đông đã qua, mùa xuân đang tới”, nhưng không phải tiết mùa năm tháng của thiên nhiên đất trời mà là “mùa đông của nô lệ tội lỗi tối tăm đã qua” và “mùa xuân của phục hồi ân thánh đang trở lại”.

Nhưng trước khi đối diện với hiện thực của Tin Mừng mà Phúc Âm Mát-cô hôm nay khơi gợi, chúng ta lại phải đi qua, phải đón nhận một “TIN KHÁC”, một tin mà theo sách tiên tri Giona (Bđ 1), đã làm cho “người đưa tin” bực dọc chối từ, và làm cho dân thành Ninivê xôn xao sợ hải…!.

Thật vậy, chúng ta vừa nghe bài đọc 1 công bố với trích đoạn sách Giona, tường thuật về vị tiên tri mang cùng tên gọi, cứng đầu, bất đắc dĩ đã loan báo một “tin buồn dữ dội” : “còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị tiêu diệt”. Trước “bản tin giật gân động trời nầy”, toàn dân Ni-ni-vê đồng loạt đứng lên cùng nhau khiêm hạ ăn năn sám hối. Và rồi “mùa đông băng giá của lắng lo đau buồn, của án phạt, đổ vỡ đã đi qua” để nhường chỗ cho một “mùa xuân của thứ tha và xót thương chợt đến”. Thiên Chúa thấy dân Ninivê ăn năn sám hối và Ngài đã mở lòng xót thương, không giữ lệnh phạt hủy diệt thành phố nầy.

Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng : Bản tin chết người của Gio-na hóa ra lại là một TIN MỪNG. Nếu không nhờ cái “tin chết người” nầy, thì làm sao dân Ni-ni-vê chuyển đổi, ăn năn sám hối, làm sao họ được thứ tha.

Chắc chắn, cũng chính trong ý nghĩa “tin mừng về sám hối và thứ tha nầy”, mà khi Đức Ki-tô khi loan báo về “Tin mừng” Nước Thiên Chúa, thì đồng thời Ngài đã kêu gọi một động thái tinh thần cơ bản kèm theo đó là “Sám Hối” : “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Nếu đem sứ điệp Tin Mừng nầy mà soi vào cuộc sống đời thường, thì quả thật, mỗi người Kitô hữu đều đã chứng kiến bao nhiêu lần “tin mừng đã đi qua cuộc đời”. Vâng, mỗi một lần từ tòa cáo giải đi ra, không phải là một tin mừng vừa đi qua cõi lòng chúng ta đó sao ? Mỗi một lần được đón nhận Mình Thánh Chúa, lại không là một lần đón nhận Tin mừng trọng đại đó sao ? Rồi xa hơn một chút, ngày chúng ta lãnh nhận bí tích hôn phối để nên duyên vợ chồng, ngày chúng ta lãnh nhần Chúa Thánh Thần khi chịu phép Thêm Sức, ngày chúng được lần đầu tiên xưng tội và rước lễ…Tất cả đều là những “mùa xuân của ân thánh”, những tin mừng ngút ngàn được trao ban. Mà chẳng tìm kiếm đâu xa, mỗi ngày, mỗi giây phút của cuộc sống, nếu chúng ta biết nhận ra ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa, biết nhận thấy bóng dáng của hồng ân, biết tìm gặp bàn tay nhân ái và quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa chạm đến cuộc đời yếu đuối, tội lỗi, nghèo hèn của chúng ta….thì quả thật “Tin mừng đã dàn trải cả cuộc đời chúng ta, tin mừng đã giăng mắc khắp đường đi lối bước của chúng ta.

Một đức tin đúng nghĩa là một đức tin luôn tìm thấy “Tin mừng xuyên qua cuộc sống”. Và đó chính là điều Đức Kitô mang đến, là chính “Tin mừng về Nước Thiên Chúa” mà Đức Kitô đã công bố cách đây 2000 năm và Ngài truyền cho Giáo Hội tiếp tục chuyển tải cho thế giới, cho nhân loại. Vâng, Nước Thiên Chúa không ở đâu xa, đang ở đây, giây phút nầy, khi ta mở rộng cõi lòng đón nhận sự hiện diện ắp đầy của Thiên Chúa, tình thương cứu độ của Đức Kitô. Và như thế, Tin mừng đang hiện thực, niềm vui và hạnh phúc đang trổ hoa.

Và khi cảm nhận được một tin mừng như thế, điều còn lại chính là dấn thân đi ra, sẻ chia và loan báo. Đây chính là con đường, là mệnh lệnh mà Đức Ki-tô đã trao gởi cho mọi ki-tô hữu, không trừ ai.

ĐGH Phanxico đã triển khai nội dung “truyền giáo” nầy trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng bằng những kiểu nói hết sức sống động và mạnh mẽ :

“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20)

“Điều này có nghĩa là giáo xứ thực sự tiếp xúc với các gia đình và các cuộc đời của những con người, và không trở thành một cơ chế cách ly với con người hay một nhóm khép kín gồm một ít người được tuyển chọn.” (EG 28)

Ngài đã quyết liệt nói rằng : cuộc sống không chịu đi ra, không chịu loan báo, đã là cuộc tự sát từ từ :

“Chỉ người nào cảm thấy hạnh phúc khi tìm lợi ích cho người khác, mong muốn hạnh phúc cho họ, người ấy mới có thể là người truyền giáo. Sự mở lòng này là một nguồn vui, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Chúng ta không sống tốt hơn được khi trốn tránh, náu ẩn, từ chối chia sẻ, ngừng trao ban và đóng kín mình trong những tiện nghi của mình. Một nếp sống như thế không khác gì một cuộc tự sát từ từ.” (EG 272)

Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã minh định rằng : Chính thái độ nhiệt tình, quảng đại mau mắn bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cả người thân để lên đường theo Chúa Ki-tô, đã biến những anh dân chài quê mùa dốt nát xứ Ga-li-lê trở nên những Vị Đại Tông đồ ngàn năm bất tử. Thật vậy, nếu 2000 năm trước, những con người như Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê…không cảm nhận được vẽ đẹp tuyệt vời của Tin Mừng Nước Chúa, của sứ mệnh cao quý và khẩn thiết “đi chài lưới người”…thì làm gì có chúng ta hôm nay ? Cách riêng, cũng chính tại quê hương Cù Lâm thân yêu nầy, ông bà tổ tiên của chúng ta, chỉ vì dám chọn Tin Mừng Cứu Độ của Đức Kitô làm gia nghiệp và lẽ sống mà đã dám liều mình chấp nhận mọi đắng cay, thua thiệt, cho đến cả mạng sống ! Cái giá cao quý đó không là một chứng từ rõ nét để mỗi người chúng ta hôm nay noi dấu hay sao ?

Hôm nay, bây giờ, Chúa Giêsu vẫn đàng cần chúng ta, vẫn đang gọi mời mời : những người mẹ, người cha lam lủ hằng ngày, những thiếu nhi, thanh niên, những người nông dân, công nhân chân lấm tay bùn…tất cả không trừ ai, đều có thể lên đường để loan báo niềm vui Tin Mừng.

Trong một thế giới đang bị cám dỗ để chạy theo tiền tài, vật chất và những giá trị trần tục chóng qua, thì một lần nữa, lời Thánh Phaolô hôm nay trong Bđ 2, đã vang lên như một lời cảnh báo cần thiết : “bộ mặt thế gian đang qua đi”.

Chắc chắn, đó không là một lời nói “mị dân, phĩnh gạt” để chúng ta sao nhãng những trách nhiệm trần thế; nhưng cốt yếu, để luôn tỉnh táo và xác tín rằng : Chỉ có một điều mãi mãi tồn tại và mỗi ngày đang phát triển, đó chính là Nước Trời, là Đức Kitô, là Thiên Chúa tình yêu vĩnh cửu. Và vì thế, ưu tiên số một mãi mãi vẫn là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa”, là loan báo “Tin Mừng Cứu độ của Chúa Giêsu”. Amen.

 
Mầu nhiệm Ơn gọi
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:42 20/01/2018
Phàm làm một công việc gì cũng cần có nhân sự. Chúa Giêsu khởi sự cuộc đời hoạt động, Ngài cũng cần có nhân sự giúp sức, nếu Ngài muốn là Ngài là người thật. Còn nếu Ngài chọn Ngài chỉ là Chúa thật thôi, thì quyền năng của Ngài chẳng cần gì tới cái động tay của con người góp vào. Ngài phán một lời mọi loài liền có, từ không ra có, huống chỉ phán một lời ai nấy nghe theo thì còn dễ hơn gấp bội.

Nhưng vì Ngài sống ở trần gian, theo lời thuật của Luca: “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan” tức là muốn sống hệt như con người, ngoại trừ tội lỗi, nên Ngài đã cần đến những con người giúp một tay với Ngài. Và bài Tin Mừng hôm nay, thuật lại việc Chúa gọi 4 tay giúp sức: 4 tay này là hai cặp anh em ruột: Phêrô và Anrê. Giacobê và Gioan. Ta hãy nương theo cách Chúa gọi 4 tay này để suy đến mầu nhiệm ơn gọi nơi mỗi người chúng ta.

1. Trước hết ta hãy ngó xem 4 tay đó là ai.

Họ chỉ là những người thông thường, không hề xuất thân từ một trường cao đẳng nào, họ không hề được tuyển chọn từ giới tư tế, hàng giáo phẩm hay dòng quí tộc, họ không có học thức hay giàu có gì. Họ chỉ là các ngư dân nghĩa là con người bình thường. Chưa hề có ai tin tưởng vào con người bình thường như Chúa Giêsu. Dường như Chúa Giêsu muốn mời gọi: “Hãy giao cho Tôi mười hai người tầm thường và với chừng ấy, nếu họ tự hiến thân cho Tôi, Tôi sẽ thay đổi cả thế giới này”. Đừng bao giờ chúng ta nghĩ quá nhiều về mình là gì, nhưng hãy nghĩ đến những gì Chúa sẽ khiến chúng ta trở thành

2. Chúng ta chú ý lúc Chúa Giêsu gọi thì họ đang làm gì.

Họ đang làm công việc hằng ngày của mình, họ đang đánh cá (Phêrô và Anre), vá lưới (Gioan và Giacobe). Với nhiều nhà tiên tri cũng vậy. Amốt nói: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Chẳng phải là con cái của ngôn sứ nào cả, ra như là con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa thời quét lá đa. Không, tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Israen dân Ta”(7,14-15). Rất nhiều người được Chúa gọi không phải tại nhà Thiên Chúa, tức là Nhà Thờ, lúc đang cầu nguyện. Cũng không chỉ ở nơi bí mật, nhưng giữa lúc người ấy làm công việc hằng ngày. Một người sống trong một thế giới mà chính Thiên Chúa dựng nên và điều khiển, sẽ không thể nào trốn tránh được Ngài.

3.Chúng ta chú ý xem Ngài đã gọi họ như thế nào.

Chúng ta có biết lời nói đầu tiên và lời nói cuối cùng của Đức Giêsu với tông đồ đầu tiên là lời gì không? Đơn giản thôi: Hãy theo Tôi (Follow me: như chiếc xe con ở phi trường Tân Sơn Nhất khi có một chuyến bay đáp xuống đường băng, liền chạy ngay đến và đi trước để cơ trưởng máy bay cứ follow me mà vào tới chỗ đậu). Hôm nay gặp Simon Phêrô đang quăng lưới đánh cá, Follow me là lời Chúa Giêsu nói ngay với ông. Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho anh trở thành kẻ lưới người như lưới cá. Chúa không nói : “Hãy theo Tôi, đến Trường chuyên Tu Từ Học, để học cách dùng miệng lưỡi mà dẫn dụ người.” hoặc “Hãy theo Tôi, vào trường Tin Học, học cách vào mạng, (mạng là lưới) internet, để chụp bắt người như mạng lưới quốc tế internet lan tỏa khắp nơi. Chắc hẳn ngày nay nếu Đức Giêsu gọi bạn nào đang khi lên mạng để chat chắc hẳn Ngài cũng sẽ dùng một kiểu như Phêrô xưa rằng: Hãy theo Tôi, tôi sẽ làm cho bạn trở thành kẻ lưới trên mạng. Phêrô khi ấy đang lưới cá, nên ai đang ở ngành nghề nào thì Chúa để họ ở ngành nghề đó mà đi theo Người. “Hãy theo Tôi” là câu nói đầu tiên. Và cũng chính follow me là câu nói cuối cho Phêrô. "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy." Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?" Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao?" Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy."

4. Suy tư về ơn gọi của chúng ta

Người ta thường hiểu ơn gọi, ơn Chúa gọi, ơn Thiên Triệu theo nghĩa hẹp là ơn gọi làm Linh mục, dì phước, làm Frère. Nhưng thực ra mọi kitô hữu cũng đều được Chúa gọi để làm kitô hữu xứng đáng trong bậc sống của mình. Tiếng Anh: Ơn Gọi là Vocation. Mà Vocational Center lại mang nghĩa Trung Tâm Hướng Nghiệp, dạy Nghề, chứ không phải trung tâm tuyển lựa Ơn Gọi đâu. Vì cùng một chữ dùng, cho nên nội dung Ơn Gọi và Nghề Nghiệp cũng có nét giống nhau: được gọi (tức có năng khiếu) làm họa sĩ, làm nhạc sư, làm ca sĩ, làm thầy giáo, làm cô nuôi, làm sơ hiền, làm cha làm mẹ, làm anh làm em. Nhưng có một khác biệt lớn giữa ơn gọi và nghề nghiệp, công việc.

- Nếu ta làm vừa đủ để thông qua, đó là công việc. Nếu ta làm để đạt tới tốt nhất có thể, đó là ơn gọi.

- Nếu ta làm vì có ai đó nói cần phải làm, đó là công việc. Nếu ta làm, vì chính ta xác tín rằng cần phải làm, đó là ơn gọi.

- Nếu ta bỏ cuộc vì chẳng ai để ý hoặc nói lời cám ơn, đó là công việc. Còn nếu ta cứ trung kiên, dẫu chẳng ai để tâm đến ta, đó là ơn gọi.

- Nếu quan tâm của ta thành quả, đó là công việc. Nếu trung thành với bổn phận là điều ta nhắm tới, đó là ơn gọi.

- Thật khó để tạo hứng thú cho một công việc, nhưng hầu như không thể không hứng thú, khi đó là một ơn gọi.

- Khi ta nói: xong rồi. Đó là công việc. Còn ơn gọi, thì chính Chúa sẽ nói: xong rồi.

Ta hãy chu toàn công viêc, làm cha làm mẹ, làm con. làm thầy làm xưởng làm trong văn phòng… nhưng chu toàn như là được Chúa gọi. Đó chính là ơn gọi của bạn, để đến ngày kia, Chúa nói với bạn: xong rồi.

Một ngày kia, Phanxicô gọi một thầy khác cùng với mình đi rao giảng, như lời Chúa dạy, anh em hãy đi từng 2 người một. Thế là hai anh em ra đi, đi hết đường này đến đường nọ, vô ngõ này ra hẻm kia, rồi cuối cùng về đến nhà. Thầy dòng kia thắc mắc, thưa cha, con nghe cha nói ta sẽ ra phố rao giảng cơ mà.

“Ta đã giảng rồi đó.” Phanxicô đáp lại, “Khi ta đi đường, thấy cách ăn mặc đi đứng, nghe xầm xì về lối sống của ta, họ sẽ thắc mắc về đời sống của họ, như thế chẳng phải là giảng đạo rồi sao.”

Người Kitô hữu không có cách rao giảng nào hữu hiệu cho bằng chính đời sống nêu gương của mình.

Một người kia kể chuyện rằng, trước đó ông làm vườn. Khi chiến tranh bùng nổ, bị gọi động viên. Ông biết nếu quân đội Nhật đến làng ông, sẽ vơ vét hết, nên bao nhiêu của cải quý giá, ông cho vào chum, hàn bịt miêng lại, đào chôn trong vườn, chờ ngày chiến tranh hết, trở về lấy lên dùng.

Nhưng ông bị bắt, bị đầy đến đảo Salomon nhiều năm. Khi hết chiến tranh, quay trở lại, thì mọi sự thay đổi hẳn. Vườn cũ đã có chủ khác, và một ngôi nhà đã che kín bên trên. Ông đành đến gặp chủ và nói rõ có chôn cái hũ trong vườn, nay đã là nền nhà. Xin phép đào được không? Ông bà chủ mới, mới nghe tới hũ, liền… mỉm cười.

-Chúng tôi có đào được cái hũ khi làm nền, và đang giữ nó đây. Nay biết ông là chủ, chúng tôi xin trao lại. Nói dứt trao liền. Ông này nhận hũ mà mắt dán chặt vào người chủ mới, với câu hỏi: Chắc hẳn ông bà là người Công Giáo. Họ gật đầu mỉm cười.

Ta có được như vậy không ? Người khác nhìn ta mà nhận ra được ta là người Công Giáo. Đó đúng là ơn gọi, chứ không phải công việc.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(theo một số gợi ý của cha Hàm)
 
Tiếng gọi
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn
09:44 20/01/2018
Chúa Nhật III Thường Niên B
Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20


Một gia đình sống giữa đồng không mông quạnh. Vào một đêm người trong nhà sơ ý làm rớt cây đèn dầu, căn nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái vội vã chạy ra ngoài sân và đành đứng bất lực nhìn ngọn lừa thiêu rụi mái ấm của họ. Bỗng mọi người chợt nhận ra còn thiếu mất đứa con bé nhất. Thì ra trong lúc cậu bé chạy với mọi người, nhưng chưa ra tới cửa, thấy lửa cháy dữ quá, cậu sợ hãi nên lại chạy trở lên lầu.

Lửa phừng phừng cao ngút tứ phía, đang lúc cả gia đình hốt hoảng không biết phải làm sao để cứu cậu bé chỉ mới 5 tuổi, thì bỗng cửa sổ trên lầu mở toang, và cậu bé ló ra, nhìn xuống kêu khóc inh ỏi. Từ dưới sân, cha cậu bé gọi lớn tên con, rồi nói: "Con nhảy xuống đây ?" Cậu bé chỉ thấy bên dưới toàn khói mù và lửa, nhưng nghe rõ tiếng cha kêu mình, liền trả lời: "Ba ơi, con không trông thấy ba đâu hết!" Người cha trả lời giọng cương quyết: "Con cứ nhảy đi, có ba trông thấy con là đủ rồi?"

Nghe lời cha, cậu bé leo lên thành cửa sổ, liều mình nhảy xuống. Mọi người thấy vậy thì la lên kinh hãi vì lo sợ cho mạng sống của cậu, nhưng cậu đã rơi đúng vào vòng tay yêu thương của cha mình một cách an toàn...

Sau này nhiều năm, người quen trong khu phố ai gặp cậu bé cũng tò mò hỏi: "Sao hôm ấy cháu liều thế, lỡ rơi không trúng vòng tay của ba cháu thì sao?" Cậu hồn nhiên trả lời: "Cháu cũng không biết nữa, khi ấy cháu nghe tiếng kêu của ba cháu, tự nhiên cháu không sợ nữa, cháu tin ba cháu không bao giờ để cho cháu té chết đâu!".

Trong cuộc đời có những tiếng gọi, tiếng gọi huyền nhiệm thúc bách để ta bước đi, bước đi…. đi trong chốn tốt tăm mịt mù…

Ápraham sinh khoảng 1.850 năm trước Ðức Giê-su, Thiên Chúa gọi, ông cũng không hề thấy Chúa, chỉ nghe tiếng Chúa gọi, ông đã can đảm tin tưởng ra đi vào vùng đất lạ như Chúa phán dạy. Ông tin rằng Thiên Chúa sẽ dẫn ông đi, cho nên bước đi vào vùng đất mà mình không hề có kinh nghiệm sống, nhưng ông vẫn tin và tiến bước theo lời mời gọi của Giave. Bước trong tiếng gọi ông đã trở nên một Tổ phụ đông đảo như sao trên Trời như cát ngoài bãi biển.

Êlisê đang cày ruộng như muốn nói về một cuộc sống êm đềm sung túc ở thôn quê, Ngôn sứ Êlia đi ngang qua, vị tiên tri đã lấy áo choàng đang mặc ném lên người Êlisê đó là cử chỉ gọi và chọn Êlisê làm môn sinh, Êlisê liền chạy theo xin phép về nhà từ giã cha mẹ trước khi đi theo vị Ngôn sứ. Được thầy đồng ý, Êlisê đã về nhà bắt giết cặp bò đang dùng để làm lễ tế, rồi dùng chiếc cày làm củi đun thịt bò để đãi người thân trước khi đi theo làm môn đệ của vị Ngôn sứ (1V 19,19-21) và sau này nối nghiệp thầy trở nên ngôn sứ. Hành động đốt chiếc cày của Elisê như là một sự dứt khoát bỏ lại tất cả để theo thầy – người của Thiên Chúa… hiến lễ chiên bò lên Giavê như một quyết tâm trở nên người nói Lời Thiên Chúa người được gọi.

Có tiếng gọi ở Biển hồ Galilê, biển hồ được biết đến nhiều qua tên hồ Tibêria rộng lớn với 21 km chiều dài và 12 km chiều rộng, biển nước mênh mông hình ảnh sứ vụ khi người được gọi giông buồm ra khơi. Thật thế, Bờ hồ hướng về một chân trời rộng lớn mãi tới những miền đất dân ngoại bên kia sông Giođan. Bờ hồ được Marcô nói tới như nôi phát sinh lời mời gọi (x. Mc 2,13-14), sau lời loan báo Tin Mừng cho dân chúng (x. Mc 2,13; 3,7-12; 5,21). Loan bao Tin mừng là sứ vụ của Đấng Messiah như Ngài mượn lời Ngôn Sứ Isaia khẳng định: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”(Lc 4,18-19).

Đức Giêsu loan báo Tin Mừng và gọi 4 môn đệ đầu tiên Simon Pherô, Anrê, Gioan và Giacôbê (Mc 1,16-20): là hoạt động của Chúa Giêsu đặt nền cho một công trình xây dựng mà Giáo hội sau này tiếp bước. Tin Mừng Marco nhấn mạnh: Ngài “thấy ông Simon với người anh là Anrê đang quăng chài xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá” (Mc 2,16b). Phía bắc hồ Tibêria nơi hai ông đang thả lưới là nơi nước ấm hơn và có rất nhiều cá. Ngài gọi các ông: “Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 2,17). Ngài dùng thứ ngôn ngữ của nghề đánh cá để thôi thúc họ dấn thân vào sứ vụ Tin Mừng của tương lai: “lưới người như lưới cá”. Khi gọi những ngư phủ này để họ trở nên “kẻ lưới bắt” trong Biển khơi thế trần, Chúa Giêsu mời họ theo Ngài đi ra khơi của sứ vụ tông đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài vừa loan báo, như chiên vào giữa bầy sói (Mt 10,16 ; Lc 10,3), nhưng các môn đê vẫn theo tiếng gọi, như em bé nhảy dù sợ nhưng tin và nhảy theo tiếng gọi của cha….

Trình thuật về ơn gọi vừa rồi cho thấy: Ơn gọi xuất phát từ nơi Đức Giêsu (x. Ga 15,16): Chính Ngài đã gọi các ông: "Các anh hãy theo Tôi" (x. Mc 1, 18a). Phần các ông, đã đáp trả với sự dứt khoát từ bỏ những gì cản trở sứ mệnh tông đồ bằng hình ảnh mạnh mẽ: Các môn đệ đã lập tức bỏ chài lưới và bỏ cha già mà đi theo Người (x. Mc 1,18.20). Gọi các ông nhận lãnh sứ mệnh làm tông đồ: Đức Giêsu đã thu nhận 72 môn đệ (x. Lc 10,1), chọn ra 12 tông đồ (x. Mt 10,1; Mc 3,14; Lc 6,13), rồi sai đi làm cho muôn dân thành môn đệ của Thầy (x. Mt 28,19) và nên "chứng nhân của Người" (x. Cv 1,8).

Chúa gọi và các ông đáp trả với tất cả tấm lòng, nhấn mạnh đến tất cả sự khác biệt mà giữa Người và các nhà thông thái lề luật giữa môn sinh của Ngài và môn sinh của các nhà thông luật. Các nhà thông thái này có nhiều môn đệ, song họ chỉ truyền lại môt giáo huấn và các môn sinh sẽ trở nên người cắt nghĩa Lề luật. Trong lúc Chúa Giêsu truyền cả con tim cho các đồ đệ, để các môn sinh cảm nghiệm được Tình yêu, tham dự vào Tình Yêu và loan báo Tin Mừng.

Thật thế, Chúa kêu gọi trở nên môn sinh, người được gọi bước theo Chúa. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh tiếng “theo” có nghĩa là gắn bó với con người mà mình theo, là “trở thành môn đệ”.

Chúa Kitô cũng gọi mỗi người chúng ta khi trở nên Kitô hữu qua Bí tích Thanh Tẩy, đi vào cuộc đời, dù tương lai mịt mờ như Abraham bước vào, dù phải bỏ lại công việc hiện tại êm ấm như Elisa, dù bỏ lại bên bờ trù phú với nghề đã định cư tại biển hồ Tibéria như Phêrô, Anrê, dù bỏ cả gia đình bao bọc như Gioan va Giacobê, nhưng trong tiếng gọi của Thầy, được đến và sống trong tình yêu của thầy, sức sống dồi dào trong tim thúc bách lại ra đi loan báo Tin Mừng cho anh chị em, sự thúc bách mãng liệt như kinh nghiệm của Phaolô: "Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1 Cr 9,16).

Gọi theo Đức Kitô hôm nay, không buộc ta phải bỏ nghề nghiệp, bỏ mọi của cải vật chất, bỏ tình cảm đối với gia đình ruột thịt... Sự từ bỏ của các môn đệ năm xưa là hình ảnh nói nên sự từ bỏ bỏ ý riêng, theo chân Chúa đến cùng.

Cuộc sống của chúng ta – Kitô hữu, có những lúc khốc liệt như em bé bị kẹt giữa đám lửa, nghe tiếng Cha gọi, em nhảy vào lòng cha, với sự bảo bọc của đôi tay hiền phụ…

Chúa yêu thương con dù con bất xứng, Chúa vẫn gọi con. Con sung sướng hy vọng và vui mừng…

Chúa gọi con bước đi và Ngài là sức mạnh của con giữa cuộc đời đầy dang dở….

Lạy Thiên Chúa, con rất sung sướng và vui mừng, bởi vì trên đường đời Chúa là nguồn ủi an khi tâm hổn con phiền muộn, là ánh sáng chiếu soi nẻo đường tối tăm, là sự giàu có cho cảnh túng nghèo của con…

Thật thế, trong tiếng mời gọi ra khơi vào biển thế trần, đầy phong ba bão tố, con đáp trả xác tín:

“Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa”.

(Dt 10,9).

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin ghi nhanh của A.P. về ngày đầy đủ đầu tiên của Đức Phanxicô tại Peru
Vũ Văn An
00:13 20/01/2018
Như đã loan tin, Đức Phanxicô đã từ Chile bay qua Peru chiều hôm qua 18 tháng 1. Sau đây là bản tin ghi nhanh của A.P. về ngày đầy đủ đầu tiên, 19 tháng 1, của ngài tại nước thứ hai của chuyến tông du thứ 22:

10:45 giờ sáng

Đức GH Phanxicô đang nhận được một cuộc chào đón nồng nhiệt tại thành phố Puerto Maldonado vùng Amazon của Peru, với những người ủng hộ đứng dọc đường đường để chào đón ngài trước cuộc gặp gỡ định trước của ngài với người dân bản địa.

Một số đang chạy theo đoàn xe hộ tống của ngài, tay mang các bong bóng màu trắng và vàng của Vatican, trong khi những người khác hoan hô và vẫy tay.
Quang cảnh ngày thứ Sáu là một tương phản hoàn toàn với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng hồi đầu tuần này tại Chile, nơi ngài thu hút những đám đông nhỏ hơn và sự hiện diện của ngài đã gây nhiều cuộc biểu tình phản đối.

Các nhà lãnh đạo bản xứ đang hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ khuyến khích chính phủ công nhận quyền sở hữu đất đai của họ và dọn sạch những con sông bị ô nhiễm do việc khai mỏ bất hợp pháp gây ra.

Trước đây, Đức Phanxicô đã nói về nhu cầu phải bảo vệ Amazon.

11:20 giờ sáng

Các nhà lãnh đạo người bản địa Amazon ở Peru đang kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô giúp họ bảo vệ rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới khỏi sự tấn công của những mối đe dọa mới làm thay đổi quần thể sinh vật (biome) một cách thê thảm.

Một trong các nhà lãnh đạo này là Hector Sueyo. Ông nói với Đức Phanxicô rằng các dân tộc bản địa lo lắng về Amazon khi cây cối biến mất, cá chết và sông ngòi bị ô nhiễm.
Hôm thứ Sáu, Sueyo cho biết "bầu trời đang tức giận và đang khóc bởi vì chúng ta đang hủy hoại hành tinh."

Đức Phanxicô trước đây đã nói về nhu cầu bảo vệ Amazon, vùng mà ngài từng so sánh như một trong những "lá phổi của hành tinh chúng ta".

Hàng ngàn người đàn ông, đàn bà và trẻ em bản địa, nhiều người để ngực trần và mặc những chiếc mũ đầy màu sắc đã tập trung tại một quảng trường để nghe Đức Phanxicô nói chuyện.



11:40 giờ sáng

Đức Phanxicô đã đi sâu vào rừng nhiệt đới Amazon để yêu cầu chấm dứt việc khai thác gỗ, khí đốt và vàng của nó một cách tàn nhẫn, và công nhận những người bản địa là những người bảo quản chính trong việc xác định tương lai của "ngôi nhà chung của chúng ta".

Đứng với hàng ngàn người Peru bản địa mang đủ mọi thứ áo lông và đồ trang sức đính cườm, Đức Phanxicô tuyên bố Amazon là "trái tim của Giáo Hội" và kêu gọi bảo vệ ba giá trị sự sống, đất đai và văn hoá của nó.

Hôm thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng cảnh báo rằng các dân tộc bản địa đang bị đe dọa nhiều hơn bao giờ hết. Đức Phanxicô nói thêm rằng điều thiết yếu là các chính phủ và các định chế khác phải coi các bộ lạc là các đối tác hợp pháp khi đàm phán các dự án phát triển và bảo tồn. Ngài nói rằng các quyền lợi, các nền văn hoá, các ngôn ngữ và truyền thống của họ phải được tôn trọng và phục hồi.

Đức Phanxicô đã nói với đám đông: "Anh chị em là một ký ức sống động của sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho tất cả chúng ta: bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta."

12:20 giờ trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tố cáo nạn bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục ở Amazon; những người này bị buôn bán và buộc phải mãi dâm. Ngài nói rằng nền văn hoá "tự tôn nam tính” (machismo) không thể đứng vững được.

Trong một diễn văn với những người Peru sống và làm việc tại khu rừng nhiệt đới ẩm thấp, Đức Phanxicô nói rằng thật đau đớn vì "rất nhiều phụ nữ bị mất giá trị, bôi nhọ và phơi bày cho bạo lực bất tận".

Nhiều phụ nữ làm nghề mãi dâm ở các quán bar tại khu vực, phục vụ các khách hàng thường làm việc trong các mỏ vàng và các ngành công nghiệp khai thác khác đang gây ô nhiễm cho sông ngòi Amazon, phá hủy các cánh rừng của nó và làm hỏng hệ sinh thái mỏng manh của nó.

Hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã lên án các "thần giả" của cơn sốt tìm vàng và nói rằng các "ngẫu thần tham lam, tiền bạc và quyền lực" làm cho con người và các định chế thối nát và hủy hoại rừng già.

2:10 giờ chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ trích các chiến dịch triệt sản nhắm vào người dân bản địa trong một bài phát biểu tại các cộng đồng Amazon ở Peru.

Đó là một chủ đề chắc chắn nổi bật tại một quốc gia mà hơn 300,000 phụ nữ đã bị triệt sản trong thời kỳ 1990-2000 dưới thời cựu Tổng thống Alberto Fujimori. Các viên chức hồi đó cho biết chiến dịch nhằm giảm nghèo đói.

Hôm thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng đã lên án các tổ chức cổ vũ “các chính sách sinh sản nghiêng về phía vô sinh” và cho biết một số người vẫn tiếp tục cổ vũ việc triệt sản phụ nữ - thậm chí không có sự đồng ý của họ.

Nhiều phụ nữ bị triệt sản dưới thời chính phủ Fujimori không biết chữ và phát xuất từ các cộng đồng người nghèo, bản địa. Hơn 2,000 người sau đó đã lên tiếng khiếu nại rằng họ đã bị triệt sản một cách bắt buộc.

Đức Phanxicô dấu các nhận xét của ngài dưới hình thức một ghi chú trong bài phát biểu của ngài, có lẽ vì biết rằng các nhận xét này nhạy cảm về chính trị.

3:55 giờ tối

Chủ tịch tổ chức lớn nhất của người bản địa Amazon đang ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì lời kêu của ngài nhằm bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh và nhìn nhận các dân tộc bản xứ của nó.

Lizardo Cauper là một trong số hơn 2,000 người bản địa tụ tập tại một đấu trường ở Peru vào ngày thứ Sáu để nghe vị giáo hoàng nói chuyện.

Cauper nói cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô là "quan trọng và có tính lịch sử" và thông điệp của Đức Giáo Hoàng là "điều chúng tôi mong muốn được nghe."

Bây giờ, Cauper nói rằng, các cộng đồng bản địa sẽ chờ đợi xem liệu chính phủ có để họ can dự nhiều hơn vào các quyết định có ảnh hưởng đến quần thể sinh vật hay không.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Phanxicô gọi Amazon là "trái tim của Giáo Hội" và yêu cầu chấm dứt việc khai thác gỗ, khí đốt và vàng một cách tàn nhẫn.

5:15 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang gọi tham nhũng ở châu Mỹ Latinh là một "loại vi khuẩn xã hội" lây nhiễm vào mọi khía cạnh của đời sống và phải bị đánh bại.

Đức Giáo Hoàng nói với Tổng Thống Peru Pablo Kuczynski và các nhà lãnh đạo của xã hội dân sự vào hôm thứ Sáu rằng phải làm mọi chuyện để chống lại "tai họa xã hội này".

Ngài kêu gọi tăng cường tính trong sáng giữa xã hội dân sự và các lãnh vực công và tư và nói thêm rằng "không ai có thể bị loại ra ngoài diễn trình này."

Lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng được nói ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi Tổng Thống Kuczynski thoát khỏi việc đàn hặc liên quan đến mối liên hệ giữa công ty tư vấn tư của ông với Odebrecht, một công ty xây dựng của Brazil bị tai tiếng tham nhũng lớn nhất Châu Mỹ Latinh.

Hai cựu tổng thống Peru bị buộc tội nhận tiền từ Odebrecht.

5:40 giờ tối

Đức Giáo Hoàng có thể không sai lầm, nhưng dường như ngài sai lầm về việc để lốp xe xì hơi.

Đức Phanxicô phải thay xe hơi dọc đường tới Lima từ sân bay, vào hôm thứ Sáu sau khi chiếc Fiat 500 ngài đang đi bị xì bánh xe.

Phát ngôn viên của Vatican, ông Greg Burke, đã xác nhận việc thay đổi kế hoạch trong một tin nhắn gửi cho các nhà báo.

Ông cho biết lốp bắt đầu mất hơi cách dinh tổng thống vài dặm, nơi Đức Phanxicô sẽ hội kiến với Tổng Thống Peru Pedro Pablo Kuczynski.

Đức Giáo Hoàng đã không mất nhịp, khi ngài sử dụng cuộc hội kiến và bài phát biểu sau đó trước các nhà cầm quyền Peru để tố cáo tham nhũng như một "loại vi khuẩn xã hội" lây nhiễm mọi khía cạnh của đời sống và phải bị đánh bại.

8 giờ tối.

Tuần trăng mật, có thể nói như thế, rõ ràng đã không còn.

Một ngày sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chiếm được các hàng tít đầu qua việc tuyên bố hai tiếp viên phi hành là chồng và vợ trong khi đang bay 36,000 bộ trên không phận Chile, ban bình luận của phe Công Giáo bảo thủ hôm thứ Sáu đã tra vấn tính hợp pháp của thứ bí tích thực hiện để tránh mắc cỡ vì “tiền dâm hậu thú (shotgun wedding) và cảnh cáo rằng việc này có thể làm giảm giá trị của việc chuẩn bị hôn nhân.

Blog duy truyền thống Rorate Caeli hót (tweeted) rằng: "Bạn có biết cuộc 'hôn nhân' sẵn sàng để được tuyên bố vô hiệu là gì không? Là cuộc hôn nhân cử hành rõ ràng vì ý thích chợt nẩy ra trên một chiếc máy bay mà người cử hành thậm chí không biết chắc liệu các bên có đã chịu phép rửa thành sự hay không."

Đức Phanxicô vào hôm thứ Năm đã chủ trì lễ cưới của Paula Podest và Carlos Ciuffardi, hai tiếp viên phi hành trên chuyến bay đưa Đức Giáo Hoàng, phái đoàn của ngài và đoàn báo chí cùng đi từ Santiago đến Iquique.
 
Đức Thánh Cha gặp dân chúng miền Amazzonia
Lm. Trần Đức Anh OP
11:34 20/01/2018
MALDONADO. Trong cuộc gặp gỡ 60 ngàn dân chúng tại miền Maldonado, ĐTC chống lại chủ trương coi vùng Amazzonia là ”đất mồ côi, không có chủ” để rồi chiếm đoạt và khai thác.

ĐTC đã dành ngày đầu tiên ở Perus, thứ sáu 19-1-2018 tại thành phố Maldonado vùng Amazzonia, để gặp gỡ dân chúng địa phương, nhất là các thổ dân bản xứ.

Maldonado chưa phải là một giáo phận, nhưng là một hạt đại diện tông tòa với lãnh thổ rộng mênh mông, 150 ngàn cây số vuông, gần bằng một nửa Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 330 ngàn dân cư trong đó 268 ngàn người là tín hữu Công Giáo thuộc 21 giáo xứ, 4 giáo họ và 40 linh mục, do Đức Cha David Martínez de Aguirre Guinea, một thừa sai dòng Đa Minh người Tây Ban Nha coi sóc. Ngài đã mời cha Bề trên Tổng quyền của dòng, Bruno Cadoré, đến đây để đón tiếp ĐTC và tham dự các cuộc gặp gỡ với dân chúng địa phương.

ĐTC đã từ thủ đô Lima bay 860 cây số tới thành phố Maldonado có 75 ngàn dân cư. Khi đến phi trường ngài đã được các tín hữu, đa số là thổ dân, đón tiếp nồng nhiệt, rồi tiến về Hý trường Mẹ Thiên Chúa để gặp gỡ 4 ngàn đại diện thổ dân thuộc nhiều bộ lạc khác nhau. Họ đến từ nhiều nơi ở Peru, nhưng cả từ các nước khác như Brazil, Bolivia, Ecuador, các nước vùng trường sơn Andes. Các thổ dân này nói tới 350 thổ ngữ khác nhau. Trong cuộc gặp gỡ, ĐTC đặc biệt kêu gọi mọi người bảo vệ dân chúng và thiên nhiên, đồng thời mạnh mẽ tố giác các quyền lực kinh tế, khai thác khoáng sản bừa bãi, đặc biệt là vàng, gây ô nhiễm môi trường và đe dọa môi trường sinh sống của các thổ dân bản xứ.

Gặp gỡ dân chúng

Sau khi gặp các đại diện thổ dân, ĐTC đã đi tới khu vực Học viện giáo dục cao đẳng kỹ thuật Jorge Basadre. Hơn 60 ngàn người chờ đợi ngài tại quảng trường trước học viện để chào đón ngài, khi xe bọc kính chở ngài đi qua. Đây là một trường huấn nghệ được thành lập cách đây 38 năm (1980) và ngày nay có 4 ngành học: kế toán, y tá, hướng dẫn du lịch và sản xuất nông nghiệp. Học viện này nhắm đào tạo các chuyên gia cấp cao về thăng tiến phát triển dài hạn và bảo vệ môi trường.

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 12 giờ trưa thứ sáu, 19-1 vừa qua. Trong lời chào ĐTC đầu buổi gặp gỡ, Đức Cha David Martínez De Aguirre Guinea, đại diện Tông tòa Puerto Maldonado, nói rằng: ”Chúng con là một dân tộc chịu đau khổ và có đức tin, nhưng chúng con thiếu can đảm lãnh nhận trách nhiệm của mình với Nước Chúa. Thực vậy, chúng con ít tin rằng đề nghị cộng đồng của Chúa Giêsu là một con đường sự sống và rốt cuộc chúng con tìm kiếm những giải pháp cá nhân chủ nghĩa, và không để ý rằng những giải pháp đó đưa chúng con đến chết chóc và tàn phá. Xin ĐTC cũng cố chúng con trong đức tin. Xin làm cho chúng con canh tân niềm hy vọng rằng cùng nhau chúng con có thể ra khỏi tình trạng nghèo khổ và không tiến tới sự tự tử tập thể. Xin chỉ cho chúng con những con đường huynh đệ và chúc lành cho chúng con”.

Tiếp lời Đức Cha David, một gia đình giáo lý viên, anh chị Martínez Valer với hai người con gái, đã trình bày chứng từ: ”cùng với các gia đình khác, chúng con thực hành như ĐTC dạy, đó là chỉ có tình yêu và hiến thân, tận tụy với nhau mới có thể thay đổi xã hội và thế giới. Chúng con muốn giáo dục con cái chúng con tôn trọng và chăm sóc sự sống và căn nhà chung của chúng con là thế giới này. Cám ơn ĐTC vì sự hiện diện tại đây, xin Chúa bảo vệ và hướng dẫn sứ vụ của ĐTC”.

Huấn dụ của ĐTC

Về phần ĐTC, trong bài huấn dụ, ngài ĐTC nhắn nhủ dân chúng đừng mặc cảm mình là những người dân tại lãnh thổ không thuộc về ai. Nhiều người chủ trương vùng Amazzonia là đất vô chủ để rồi chiếm và khai thác. Ngài nói:

”Nơi Mẹ Maria, anh chị em không những có Mẹ là một chứng nhân ta nhìn tới, nhưng còn có một người Mẹ, và nơi nào có một người mẹ, thì không có cảm tưởng kinh khủng là chúng ta không thuộc về ai, tâm tình ấy nảy sinh khi bắt đầu biến xác tín chắc chắn mình thuộc về một gia đình, một dân tộc, một lãnh thổ, thuộc về Thiên Chúa của chúng ta. Anh chị em thân mến, điều mà tôi muốn thông truyền cho anh chị em, và tôi muốn thông truyền với tất cả sức mạnh, đó là: Phần đất này không phải là lãnh thổ mồ côi, nhưng là đất của Mẹ Thiên Chúa, như danh xưng của miền này. Và nếu có một người mẹ, thì cũng có các con, có gia đình, có cộng đoàn. Và đâu có mẹ, có gia đình và cộng đoàn, tuy các vấn đề không biến mất, nhưng chắc chắn chúng ta tìm được sức mạnh để đương đầu với các vấn đề ấy một cách khác.

Thật là đau lòng mà nhận thấy rằng có một số người muốn dập tắt niềm xác tín đó và biến miền Mẹ Thiên Chúa thành một vùng đất vô danh, chẳng có con cái, một miền đất khô cằn. Một nơi dễ dàng thương mại và khai thác. Vì thế, chúng ta nên lập lại trong các nhà, các cộng đoàn, từ thâm tâm của mỗi người chúng ta rằng phần đất này không phải là đất mồ côi, nó có một người mẹ!

Trong số các vấn đề tại vùng này, ĐTC đặc biệt đề cập đến nạn buôn người, ”trong thực tế, chúng ta phải nói về nạn nô lệ: nô lệ lao động, nô lệ tình dục để kiếm lợi. Thật là đau lòng khi nhận thấy rằng phần đất này, ở dưới sự bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa, có bao nhiêu phụ nữ bị hạ giá như thế, bị coi rẻ và bị bạo hành không ngừng. Người ta không thể coi nạn bạo hành phụ nữ là ”chuyện bình thường”, hỗ trợ cho thứ văn hóa trọng nam khinh nữ, không chấp nhận vai chính của phụ nữ trong các cộng đoàn chúng ta. Không được phép ngoảnh mặt đi nơi khác và để cho bao nhiêu phụ nữ, nhất là các thiếu nữ bị chà đạp trong phẩm giá của họ như vậy”.

ĐTC cũng nhắc đến hiện tượng nhiều người từ các nơi di cư về miền Amazzonia để tìm kiếm công ăn việc làm, đất đai và nhà cửa. Họ đến tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ.. Nhưng nhiều người trở thành nạn nhân của nạn bóc lột, của nạn khai thác vàng, và vàng có thể trở thành thần tượng giả đòi con người phải hy sinh. ĐTC nói:

”Những thần giả, thần tượng ham hố, bần tiện, tiền bạc, quyền lực, làm hư hỏng tất cả. Chúng làm hư hỏng con người và các tổ chức, phá hủy cả các rừng cây. Chúa Giêsu đã nói rằng, có những thứ quỉ, để trừ chúng, cần phải cầu nguyện nhiều. Đây chính là thứ quỉ đó. Tôi khuyến khích anh chị em hãy tổ chức thành những phong trào và cộng đoàn đủ loại để vượt thắng những tình trạng đó, và cũng làm sao để từ đức tin, anh chị em họp thành những cộng đoàn Giáo Hội, sống quanh Chúa Giêsu. Từ kinh nguyện chân thành và từ cuộc gặp gỡ đầy hy vọng với Chúa Kitô, chúng ta có thể đạt được sự hoán cải, giúp chúng ta khám phá sự sống chân thực. Chúa Giêsu đã hứa ban cho chúng ta sự sống thật, sự sống vĩnh cửu. Đây không phải là sự sống giả tạo, những lời hứa hẹn giả dối làm chóa mắt, chúng hứa hẹn sự sống, nhưng thực tế dẫn chúng ta tới cái chết”.

Cuộc gặp gỡ kéo dài nửa tiếng và kết thúc với kinh Lạy Cha cùng phép lành của ĐTC. Trước khi giã từ, ngài còn dâng tặng bó hoa trước tượng Đức Mẹ.
 
ĐTC viếng thăm viện cô nhi ở Maldonado, Amazzonia
Lm. Trần Đức Anh OP
11:37 20/01/2018
MALDONADO. Trong cuộc gặp gỡ các trẻ mồ côi ở thành Maldonado, hôm 19-1-2018 ở Perù, ĐTC tố giác nạn bóc lột tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường, đe dọa sinh mạng dân chúng.

Sau khi gặp gỡ 60 ngàn dân chúng, trưa ngày thứ sá 19-1, ĐTC đã đến Mái Ấm ”Tiểu hoàng tử” cách đó 3 cây số. Đây là nhà đón tiếp các trẻ vị thành niên, gồm các trẻ em và thiếu niên và do Hiệp Hội Apronia được cha Xavier Arbex de Morsier thành lập cách đây 22 năm (1996) với mục đích đương đầu với nạn trẻ em bỏ học và bị bóc lột ở thành phố Puerto Maldonado. Hiện nay tại đây có 35 em không có gia đình. Tham dự cuộc đón tiếp và gặp gỡ ĐTC còn có hàng trăm người, gồm những người trẻ và các nhân viên thuộc hội thiện nguyện.

Sau lời chào mừng của vị cha giám đốc, các em bé đã trình bày một hoạt cảnh diễn lại lịch sử và cuộc sống của các thổ dân bản xứ. Họ bị thực dân bóc lột, được các LM tu sĩ thừa sai dòng Đa Minh loan báo Tin Mừng, và được giúp đỡ để phát triển.

Một thiếu nữ khác, 24 tuổi, đã từng là trẻ mồ côi sống tại Mái Ấm này, nhưng đã được giúp đỡ để thành đạt, và tốt nghiệp kinh tế ở đại học. Cô đại diện cho những người trẻ xuất thân từ đây và đang tiến bước trên đường đời với một tương lai tươi sáng hơn.

Huấn dụ của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói:

”Các em thuộc Mái Ấm ”Tiểu hoàng tử” và các bạn trẻ thuộc các nhà đón tiếp khác thân mến, Cha biết một số người trong các con đôi khi cảm thấy buồn trong đêm. Cha biết rằng các con nhớ cha, nhớ mẹ các con không còn nữa, và cha cũng biết có những vết thương rất đau đớn.

”Thật là đẹp dường nào chứng tá của những người trẻ như các con đã đi qua con đường hy vọng: hôm qua các con được đầy tình thương trong nhà này và hôm nay các con có thể xây dựng tương lai của các con! Các con thực là một dấu chỉ về tiềm năng vô biên của mỗi người. Các con là tấm gương tốt nhất cho các em bé ở đây noi theo, là niềm hy vọng chứng tỏ họ cũng có thể thành công. Tất cả chúng ta đều cần những mẫu gương để noi theo. Các trẻ em cần nhìn về đằng trước và tìm được những mẫu gương tích cực..

ĐTC cũng nhắc đến sự hiện diện của một số người trẻ thổ dân bản xứ và nói rằng: ”Một số người trong các con đến từ các cộng đoàn bản xứ. Các con đau buồn khi thấy cảnh phá hủy các rừng cây. Các Ông bà đã dạy các con khám phá các khu rừng, trong đó các con tìmđ ược lương thực và thuốc men để chữa bệnh. Ngày nay các con cảm thấy bị tàn phá vì sự chóng mặt do sự hiểu lầm về tiến bộ gây ra. Những sông ngòi trước kia đã thấy các trò chơi của các con và cung cấp lương thực cho các con nay chúng bị vẩn đục, ô nhiễm và chết chóc. Hỡi những người trẻ, các con đừng cam chịu chấp nhận những gì đang xảy ra. Đừng từ bỏ gia sản ông bà để lại, đừng từ bỏ cuộc sống của các con, và những mơ ước của mình. Cha muốn khích lệ các con học hành: hãy chuẩn bị, tận dụng những cơ hội các con có để huấn luyện bản thân. Thế giới đang cần các con, hỡi những người trẻ bản xứ, thế giới đang cần các con với con người của các con. Các con đừng cam chịu trở thành toa xe chót trong xã hội, bị móc vào và kéo đi!

Xã hội đang cần các con như một động cơ thúc đẩy! Hãy lắng nghe các ông bà của con con, quí chuộng các truyền thống của mình, đừng ngăn chặn sự tò mò của các con, hãy mở mắt nhìn những gì mới mẻ và hãy tạo nên một tổng hợp... Các xã hội hiện nay nhiều khi cần điều chỉnh lại đường đi và các con, những người thuộc các sắc dân nguyên thủy, có thể giúp đỡ rất nhiều trong thách đố này, nhất là dạy cho xã hội một lối sống dựa trên sự chăm sóc chứ không phải trên sự phá hủy tất cả những gì cản trở sự tham lam của con người”.

ĐTC không quên cám ơn Cha Xavier và các tu nữ nam nữ, các nữ thừa sai giáo dân đang thi hành một công việc tuyệt với và cám ơn các ân nhân, hoạt thành gia đình này, cũng như những người thiện nguyện, dành thời giờ để giúp đỡ, như dầu thơm chữa lành các vết thương.

Giã từ Mái Ấm ”Tiểu hoàng tử”, ĐTC đã đến trung tâm mục vụ Apaktone cách đó hơn 5 cây số để dùng bữa trưa với đại diện của các thổ dân miền Amazzonia. Trung tâm này do Cha José Alvarez Fernandez dòng Đa Minh thành lập. Cha đã sống 53 năm với các thổ dân miền Amazzonia và lập trung tâm này với mục đích tiếp tục hoạt động của cha trong việc bảo vệ các thổ dân. Cha qua đời năm 1970 tại Lima thọ 80 tuổi. Cách đây 18 năm (2000) án phong chân phước cho cha đã được khởi sự.

Được mời dùng bữa trưa với ĐTC có Đức Cha David Martinez, Giám quản tông tòa ở địa phương và 9 đại diện các bộ lạc thổ dân thuộc 7 bộ tộc khác nhau.

Sau bữa trưa, ĐTC đã đáp máy bay trở về thủ đô Lima lúc quá 4 giờ chiều.
 
Đức Thánh Cha gặp chính quyền Peru
Lm. Trần Đức Anh OP
11:38 20/01/2018
LIMA. Trong buổi gặp gỡ chính quyền Peru, chiều ngày 19-1-2018, ĐTC tố giác nạn khai thác bóc lột vùng Amazzonia và nạn tham nhũng tại Peru.

Sau khi từ thành Maldonado miền Amazzonia về thủ đô Lima, ĐTC đến trụ sở chính phủ Peru để gặp gỡ tổng thống, chính quyền và 500 người thuộc đoàn ngoại giao, giới lãnh đạo doanh nghiệp, và đại diện giới văn hóa và xã hội.

Lẽ ra cuộc gặp gỡ này diễn ra vào ban sáng, nhưng vì lý do thời tiết ở miền Amazzonia có thể thay đổi bất chợt, nên được dời vào ban chiều cùng ngày. Trên đường từ phi trường Lima về dinh chính phủ, xe ĐGH bị xì lốp nên ngài phải đổi xe.

Đến trụ sở chính phủ vào lúc gần 5 giờ, ĐTC được Tổng thống Peru, ông Pablo Kuczynski và phu nhân tiếp đón và mời ngài tiến lên lễ đài trong khuôn viên tòa nhà, trong khi một ban nhạc thiếu nhi Manchay trình diễn một bài chào mừng.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Peru, ĐTC đã đi từ khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ngài tại nước này là ”Đoàn kết để hy vọng” và nói:

”Khi nhìn đất nước này, tự nó, đã là một động lực để hy vọng. Một phần lãnh thổ đất nước quí vị là vùng Amazzonia mà tôi đã viếng thăm sáng nay, và là một rừng nhiệt đới lớn nhất và hệ thống sông ngòi trải rộng nhất thế giới. Buồng phổi này là một trong những vùng có nhiều sinh vật khác nhau nhất thế giới với những giống loại rất khác biệt.. Quí vị cũng có sự đa nguyên rất phong phú về văn hóa, ngày càng ảnh hưởng với nhau.. Giới trẻ tại đây cũng là một thực tại sinh động nhất mà xã hội này sở hữu.. Perù thực là phần đất hy vọng mời gọi hiệp nhất và thách thức dân tộc này hãy đoàn kết với nhau. Dân tộc này có trách nhiệm đoàn kết, hiệp nhất với nhau, để bảo vệ tất cả những động lực hy vọng”.

Tuy nhiên, ĐTC cũng nhắc đến bóng đen đang đe dọa: nhân loại có bao nhiêu quyền lực trên chính mình và không gì có thể bảo đảm nhân loại sẽ dùng quyền lực ấy một cách tốt đẹp, nhất là nếu chúng ta để ý cách thức mà nhân loại đang sử dụng quyền lực ấy. Ngài nói:

”Điều này được biểu lộ rõ ràng qua cách thức chúng ta đang khai thác bóc lột phần đất của các tài nguyên thiên nhiên, nếu không có các tài nguyên này thì không thể có hình thức sự sống nào. Sự đánh mất các rừng già và rừng cây không những có nghĩa là đánh mất đi các loại sinh vật, nhưng còn có thể là đánh mất trong tương lai những tài nguyên hết sức quan trọng, và đánh mất cả những tương quan sinh tử, rốt cuộc khiến cho toàn thể hệ thống môi sinh vị biến thái.

Trong bối cảnh này, ”đoàn kết để bảo vệ hy vọng” có nghĩa là thăng tiến và phát triển một nền sinh thái học toàn diện, thay thế cho kiểu mẫu phát triển tuy đã lỗi thời, nhưng nó còn tiếp tục làm suy thoái con người, xã hội và môi trường. Điều này đòi phải lắng nghe, nhìn nhận và tôn trọng con người và các dân tộc địa phương như những người đối thoại có giá trị. Họ duy trì một mối liên hệ trực tiếp với lãnh thổ, họ biết các mùa và các tiến trình của lãnh thổ, và vì thế, họ biết những hậu quả thê thảm mà nhiều sáng kiến đang gây ra nhân danh sự phát triển. Những sáng kiến ấy làm biến thái các hệ thống sinh tử của quốc gia. Rất tiếc là sự suy thoái môi trường cũng gắn liền với sự sa đọa về luân lý của các cộng đoàn chúng ta. Chúng ta không thể coi hai điều ấy là những vấn đề tách biệt nhau.

ĐTC đặc biệt nêu ví dụ sự khai thác quặng mỏ bất hợp pháp trở thành một nguy cơ hủy hoại sự sống con người; các rừng cây và sông ngòi tị tàn phá cùng với tất cả những phong phú của chúng. Tất cả tiến trình suy thoái này bao hàm và nuôi dưỡng các tổ chức ở ngoài các cơ cấu pháp luật, làm suy thoái bao nhiêu anh chị em chúng ta, biến họ thành những đồ vật buôn bán, một hình thức mới của nạn nô lệ, phải làm việc bất hợp pháp, nạn tội phạm.. và bao nhiêu sự ác khác làm thương tổn trọng trọng cho phẩm gia của họ và phẩm giá của quốc gia”.

Cũng trong diễn văn trước chính quyền Peru, ĐTC cảnh giác về nạn tham nhũng và nói rằng:

”Đoàn kết làm việc để bảo vệ hy vọng đòi phải rất chú ý đến một hình thức tinh vi khác, làm suy thoái môi trường, và dần dần làm ô nhiễm các môi trường sinh tử, đó là nạn tham nhữung. Thứ vi khuẩn xã hội này gây thiệt hại dường nào cho người Mỹ châu la tinh chúng ta và cho các nền dân chủ tại đại lục được chúc phúc này; đó là một hiện tượng làm nhiễm độc mọi sự, và những người nghèo và trái đất là mẹ bị tổn thương nhiều nhất... Chiến đấu chống lại tai ương xã hội này là điều có liên hệ tới tất cả mọi người. ”Đoàn kết để bảo vệ hy vọng” đòi phải có một nền văn hóa minh bạch trong các cơ quan công cộng, trong lãnh vực tư nhân và xã hội dân sự. Không ai có thể ở ngoài tiến trình này; nạn tham nhũng là điều có thể tránh được và đòi sự dấn thân của tất cả mọi người”.

”Tôi khích lệ và nhắn nhủ tất cả những người ở vị thế trách nhiệm, trong bất kỳ lãnh vực nào, hãy dấn thân theo chiều hướng vừa nói, để cống hiến cho dân tộc và đất nước của quí vị sự an ninh, nảy sinh từ xác tín Peru là một môi trường hy vọng và cơ may thích hợp cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ cho một thiểu số. Làm sao để mỗi người dân Peru có thể cảm thấy rằng đất nước này là của họ và có thể thiết lập những tương quan huynh đệ và bình đẳng với tha nhân và giúp đỡ họ khi họ cần..

Sau diễn văn trên đây, ĐTC và Tổng thống Kuczynski đã hội kiến riêng trong dinh chính phủ. Ông năm nay 80 tuổi (1938), con của một bác sĩ người Đức, và đã theo học triết, kinh tế và chính trị tại đại học Oxford bên Anh quốc, rồi đậu tiến sĩ kinh tế và thương mại tại đại học Princeton Hoa kỳ. Ông hoạt động trong ngành ngân hàng trước khi lần lượt làm bộ trưởng năng lượng và khoáng sản, Bộ trưởng kinh tế tài chánh, rồi làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Peru. Hồi tháng 6 năm 2016, ông đã được bầu làm tổng thống.

Gặp các cha dòng Tên

Sau khi hội kiến riêng, ĐTC còn gặp gia đình của Tổng thống, trước khi đi bộ, thay vì dùng xe, để đến nhà thờ thánh Phêrô của dòng Tên gần đó để gặp gỡ riêng với các tu sĩ dòng Tên ở Lima vào lúc 6 giờ chiều. Nhà thờ này được các cha dòng kiến thiết từ thế kỷ 16 và cũng là Đền thánh quốc gia kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tham dự cuộc gặp gỡ này có khoảng 100 tu sĩ cùng dòng. Sau đó, ngài về tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Khi ngài về tới đây, đã có hàng ngàn người tụ tập trước tòa Sứ Thần, họ đến từ khu phố nghèo nhất ở Lima là Manchay. Nhiều người mang theo các xâu chuỗi xin ĐTC làm phép. Từ trên bao lơn ngài làm phép, chúc lành cho họ, cùng đọc kinh Kính Mừng, mời họ về nhà ngủ và để dân chúng ở các khu láng giềng có thể ngủ. Hôm 18-1 trước đó, tổng thống Peru loan báo chính phủ sẽ dành khoảng 30 triệu mỹ kim (100 triệu đồng soles) để kiến thiết 1 nhà thương ở Manchay và đặt tên là ”ĐGH Phanxicô”.
 
400.000 tín hữu tham dự Thánh Lễ của ĐTC tại Huanchaco
Lm. Trần Đức Anh OP
11:40 20/01/2018
HUANCHACO. Sáng ngày 20-1-2018, 400 ngàn tín hữu ở miền bắc Peru đã tham dự thánh lễ với ĐTC tại Huanchaco và ngài kêu gọi chống lại các thứ ”bão tố” trong cuộc sống.

Sáng thứ bẩy (20-1), ĐTC đã rời thủ đô Lima bay đến thành phố Trujillo cách đó 500 cây số về hướng tây bắc, để tiếp tục chương trình thăm viếng Peru.

Trujillo hiện có 800 ngàn dân cư, ở bờ biển phía bắc của Peru, một thành phố du lịch nổi tiếng, quen được gọi là ”Thành mùa xuân vĩnh cửu”. Thành có trung tâm lịch sử rất đẹp, từ thời thuộc địa và có những di tích khảo cổ tiền Tây Ban Nha, với những vết tích về những nền văn hóa cổ kính trước thời thổ dân Inca, như văn hóa của người Mochica và Chim. Về phương diện tôn giáo, Trujillo là một tổng giáo phận có gần 1 triệu 300 ngàn tín hữu Công Giáo, do Đức TGM Héctor Cabrejos dòng Phanxicô coi sóc, với 75 xứ đạo, do 86 linh mục giáo phận đảm trách. Ơn gọi khan hiếm, năm ngoái chỉ có 1 tân linh mục.

Đến phi trường Trujillo vào lúc quá 9 giờ, ĐTC đã dùng xe đi thêm 4 cây số đến thành phố cổ kính Huanchaco ở phía bắc để cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại khu vực sát bờ biển. Tại đây vào lúc 10 giờ sáng, trước sự hiện diện của 400 ngàn tín hữu, ngài đã chủ sự thánh lễ kính Đức Mẹ Maria là Cửa Trời.

Đồng tế với ĐTC có đông đảo các GM và LM thuộc 11 giáo phận miền bắc Peru.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu hiện diện, không những từ địa phương nhưng còn từ nhiều nơi ở miền bắc Peru để cử hành niềm vui Tin Mừng này.

Ngài nhắc đến thiên tai ”Nino” hồi năm ngoái xảy ra tại vùng này với những hậu quả đau thương vẫn còn đè nặng trên bao nhiêu gia đình, nhất là những người chưa thể tái thiết gia cư của mình. Dựa vào bài Tin Mừng về dụ ngôn 5 trinh nữ có mang dầu theo, trong khi 5 trinh nữ khác không mang dầu, và ngài rút ra bài học cho đời sống thực tế. ĐTC nói: ”Tôi biết rằng, trong lúc tối tăm, khi anh chị em cảm thấy cuồng phong bão tố Nino, miền đất này đã biết động viên và đã có dầu để giúp đỡ nhau như những anh chị em đích thực. Đó là dầu liên đới, dầu quảng đại mà anh chị em đã động viên và đã đi gặp Chúa với bao nhiêu cử chỉ giúp đỡ cụ thể. Giữa tăm tối, cùng với bao nhiêu người khác, anh chị em đã trở thÀnh những ngọn đuốc sống động và soi sáng con đường với đôi tay mở rộng, sẵn sáng để thoa dịu đau khổ và chia sẻ với những anh chị em trong cảnh nghèo.

ĐTC cũng mời gọi các tín hữu hãy tỉnh thức và sẵn sàng và nói rằng: ”Có những điều không thể bất chợt sáng tác, và càng không thể mua được. Cái hồn của một cộng đoàn được đo lường theo mức độ họ có thành công trong việc đoàn kết với nhau để đương đầu với những lúc khó khăn, nghịch cảnh hay không, để duy trì niềm hy vọng sinh động. Với thái độ này, anh chị em làm chứng mạnh mẽ theo tinh thần Tin Mừng: ”Cứ dấu này mà người ta biết các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13.35). Vì đức tin mở cho chúng ta có được một tình yêu cụ thể, bằng công việc, bằng đôi tay giơ ra, cảm thương, biết kiến tạo và tái tạo niềm hy vọng khi mà tất cả dường như bị mất mát”.

Trong bài giảng, ĐTC cũng nói đến những bão tố khác có thể dập vùi bờ biển này, và trong đời sống của người dân tại đây, chúng có thể gây ra tàn phá. Ngài nói: “Những bão tố cũng đặt câu hỏi cho chúng ta trong tư cách là cộng đoàn và thử thách giá trị tinh thần chúng ta. Bão tố đó được gọi là nạn tội phạm có tổ chức, như một tổ chức giết mướn, ”thích khách” và tình trạng bất an mà nó tạo ra; sự thiếu cơ may giáo dục và công ăn việc làm, nhất là nơi những ngừơi trẻ, khiến họ không kiến tạo được một tương lai xứng đáng, thiếu nhà ở chắc chắn cho bao nhiêu gia đình buộc phải sống trong những vùng bất bất an và không có những lối vào chắc chắn; và bao nhiêu tình trạng khác mà anh chị em biết rõ và chịu đau khổ vì chúng, giống như nạn lụt trầm trọng làm rúng động sự tín nhiệm nhau, sự tín nhiệm rất cần thiết để xây dựng một mạng nâng đỡ và hy vọng. Những trận lụt phủ ngập tâm hồn và đòi chúng ta phải có dầu để đương đầu với chúng.

ĐTC nhận xét rằng ”nhiều lần chúng ta đặt câu hỏi làm sao đương đầu được với những bão tố ấy, làm sao giúp con cái chúng ta vượt thắng những tình trạng như vậy? Tôi muốn nói với anh chị em: không có một lối thoát nào tốt đẹp hơn lối thoát của Tin Mừng, và lối thoát ấy tên là Đức Giêsu Kitô. Anh chị em hãy luôn làm cho cuộc sống được tràn đầy Tin Mừng. Tôi muốn nhắn nhủ anh chị em hãy trở thành một cộng đoàn để cho Chúa xức bằng cầu Thánh Linh, Chúa biến đổi mọi sự, canh tân mọi sự, an ủi tất cả. Trong Chúa Giêsu, chúng ta có sức mạnh của Thánh Linh để không chấp nhận những gì gây hại cho chúng ta như điều bình thường, những gì làm cho tinh thần chúng ta khô cằn, và tệ hơn nữa nó cướp mất hy vọng của chúng ta”.

Sau thánh lễ tại Huanchaco, ĐTC còn đến khu vực Buenos Aires cách đó 13 cây số để viếng thăm dân chúng tại nơi bị lụt hồi tháng 4 năm ngoái vì hiện tượng thay đổi khí hậu, el nino, khiến cho hàng trăm ngàn người không còn nhà cửa, đường phố đầy bùn, nghĩa trang bị cuốn mất các ngôi mộ, hơn 150 người chết. Sau đó ngài về tòa TGM Trujillo để dùng bữa trưa.
 
Tin ghi nhanh của A.P. về ngày đầy đủ thứ hai của Đức Phanxicô tại Peru
Vũ Văn An
23:03 20/01/2018
Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tại Peru dường như mỗi ngày một ít được báo chí thế tục lưu ý. Bởi thế, ngày đầy đủ thứ hai của ngài tại Peru chỉ được tường thuật rất qua loa. A.P. chỉ đánh đi 5 mẩu tin của họ cho ngày 20 tháng 1, 2018, theo giờ địa phương như sau:

10:00 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến miền bắc Peru để an ủi các cư dân vẫn đang quay cuồng vì các trận lũ lụt tàn phá cách đây gần một năm, làm sụp đổ hàng trăm ngàn ngôi nhà, để lại những con phố ngập đầy lớp bùn dày và thậm chí còn cuốn đi nhiều ngôi mộ ra khỏi nghĩa địa cao hơn mặt đất.

Đức Phanxicô đang cử hành Thánh Lễ bên bờ biển gần Trujillo, một thị trấn du lịch nổi tiếng. Sau đó, ngài đi qua một khu phố bị ảnh hưởng nặng nề mang tên Buenos Aires y hệt như thành phố quê hương của ngài, nơi hàng ngàn người vẫn đang sống trong các lều trại sau khi những cơn mưa của El Nino giết chết hơn 150 người và khiến hàng ngàn người lên mái nhà mong được cứu nạn.

Vào ngày gần cuối cùng của ngài ở Peru, Đức Phanxicô cũng đã gặp các linh mục địa phương và sau đó cử hành một buổi cầu nguyện Thánh Mẫu tại quảng trường trung tâm. Lòng sùng kính bình dân đối với Đức Mẹ rất quan trọng đối với người Công Giáo Peru và vị giáo hoàng đầu tiên của Châu Mỹ Latinh.



10:20 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang an ủi những người Peru bị mất nhà cửa và sinh kế trong những trận lụt tàn phá; ngài nói với họ rằng họ có thể vượt qua tất cả các "cơn bão" của đời sống bằng cách đến với nhau như một cộng đồng.

Hôm thứ Bẩy, Đức Phanxicô đã đến khu vực phía Bắc Peru, nơi thường bị ảnh hưởng bởi các trận bão El Nino, và, năm ngoái, bị một trận lụt gây tử vong cho hơn 150 người và phá hủy hàng trăm ngàn ngôi nhà. Một số cư dân vẫn còn sống trong lều.

Đức Phanxicô cho biết ngài muốn đến Trujillo để cầu nguyện với những người mất tất cả và phải tranh đấu với "những cơn bão khác có thể tràn vào bờ biển, với những hậu quả tàn phá đối với đời sống của con cái lãnh thổ này."

Ngài cũng đề cập đến bạo lực có tổ chức và những vụ giết người theo hợp đồng, một vấn đề đặc biệt nặng nề ở miền bắc Peru.

Ngài nói: người Peru từng cho thấy rằng những vấn đề lớn nhất của đời sống có thể được đương đầu khi cộng đồng đến với nhau để "giúp đỡ lẫn nhau như anh chị em thật sự".

12:10 giờ trưa

Cố vấn cao nhất về lạm dụng tình dục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mặc nhiên phê phán ngài về các lời ngài cáo buộc các nạn nhân bị lạm dụng ở Chile là vu khống; vị này nói rằng lời nói của ngài là "một nguồn gây đau đớn lớn lo cho các người sống sót nạn lạm dụng tình dục."

Hôm thứ Bẩy, trong một bản tuyên bố, Đức Hồng Y Sean O'Malley nói rằng ngài không thể giải thích tại sao Đức Phanxicô "đã chọn những chữ đặc biệt như thế để sử dụng."

Vị Hồng Y trên nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô "thừa nhận trọn vẹn các thất bại lớn lao của Giáo Hội và các giáo sĩ lạm dụng trẻ em và ảnh hưởng tác hại mà các tội ác này đã gây ra cho những người sống sót và người thân của họ".

Hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã làm rộ lên cả một cơn thịnh nộ toàn quốc khi rời khỏi Chile hôm thứ Năm khi cáo buộc các nạn nhân của vị linh mục ấu dâm khét tiếng nhất nước này vì tội vu khống một giám mục nữa bằng cách nói vị này biết việc lạm dụng nhưng không làm gì cả.

12:20 giờ trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lẽ không trở về quê hương Argentina từ khi trở thành giáo hoàng, nhưng ngài đang du hành qua một thị trấn Peru có tên y hệt nơi sinh của ngài.

Hôm thứ Bẩy, người ta đứng dọc các đường phố ở Buenos Aires, Peru để nghinh đón Đức Phanxicô khi ngài đi băng qua trên chiếc giáo hoàng xa của ngài. Một số người vẫy cờ Argentina.

Giống thủ đô của Argentina, Buenos Aires của Peru nằm trên mặt nước. Tuy nhiên, sự so sánh có thể chỉ ở điểm đó mà thôi.

Thị trấn có khoảng 20,000 người gồm phần lớn những ngôi nhà một tầng đơn giản, mà nhiều căn đã bị hư hỏng trong các trận bão El Nino năm ngoái khi mưa lớn do việc hâm nóng nước Thái Bình Dương đã làm hơn 150 người thiệt mạng trên toàn quốc.

Vị giáo hoàng đầu tiên từ Mỹ Latinh đã đi khắp vùng kể từ khi trở thành giáo hoàng năm năm trước đây nhưng không trở về Argentina.



1:55 giờ chiều

Các nhà chức trách ở Chile đang điều tra một vụ cháy nhà thờ mới xảy ra sau hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các tòa nhà tôn giáo tiếp sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại nước này.

Nhà thờ Trinh Nữ Candelaria nằm khoảng 60 dặm (100 km) về phía nam của thủ đô Santiago. Các viên chức nói rằng nó bị thiêu rụi trong một vụ hỏa hoạn vào đêm qua.

Chỉ huy trưởng Rodolfo Zuniga của đội cứu hỏa khu vực nói với đài phát thanh Bio Bio hôm thứ Bảy rằng các nhà điều tra đang khảo sát khả thể một người nào đó gây ra trận cháy. Ông này không đưa ra chi tiết về những người có thể chịu trách nhiệm.

Một số nhà thờ đã bị phá hủy bởi các bom lửa trong chuyến thăm viếng của Đức Giáo Hoàng ở Chile vào đầu tuần này. Đức Phanxicô rời đất nước vào hôm thứ Năm và hiện đang ở Peru lân cận.

Tin thêm về nhận định của Đức Hồng Y O’Malley

Khi loan tin Đức Hồng Y O’Malley lên tiếng phê phán việc Đức Phanxicô gọi những người buộc tội Đức Cha Barros mà không nêu được bằng chứng nào là vu khống, hãng A.P. không nêu một sự kiện phụ nhưng có ý nghĩa là người buộc tội Đức Cha Barros “hăng say” hơn cả chính là Peter Saunders, cựu thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên mà Đức Hồng Y là chủ tịch.

Cựu thành viên trên đã bị Ủy Ban cho nghỉ phép “dài hạn”, sau đó đã từ chức trước khi mãn nhiệm kỳ, lý do đã chỉ quan tâm tới các trường hợp cụ thể “ăn khách” mà không lo giúp Đức Giáo Hoàng các đường hướng tổng quát để đưa ra chính sách giải quyết nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thanh niên như nguyên tắc chỉ đạo của Ủy Ban. Một trong các trường hợp cụ thể này chính là vụ liên quan đến Đức Cha Barros của Chile, một vụ mà dù “nạn nhân” (đúng là nạn nhân) Barros xác nhận là không có và được thẩm quyền tối cao là Đức Phanxicô xác nhận, nhưng Saunders vẫn không tin và “thề” sẽ qua Chile trong dịp Đức Phanxicô ở đó để “quậy”.

Sở dĩ chúng tôi cho Đức Hồng Y O’Malley nghiêng về phía Saunders là vì theo anh ta, chính ngài “hứa hẹn” sẽ xem xét các đề nghị của một “panel” độc lập do Saunders thiết lập, làm việc song hành với Ủy Ban của Đức Hồng Y O’Malley.

Phải chăng, như lời cha Peter Kwak, vị quản nhiệm của giáo xứ Regina Coeli ở Sydney nói sáng nay: các nạn nhân lúc này đã trở thành những người nhất quyết bắt mọi người khác thành nạn nhân của họ hay sao, bất kể là hợp công lý hay không?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giỗ lần thứ 30 Đức Cha Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi tại giáo phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
19:26 20/01/2018
Trong tâm tình biết ơn “ Uống nước nhớ nguồn” , lúc 9 giờ sáng ngày 20 / 1 / 2018 Cộng đoàn Tín hữu Giáo phận Đà Nẵng đã về Nhà thờ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu , hiệp dâng Thánh lễ Giỗ lần thứ 30 ( 21/ 1 / 1988-2018) của Đức Cha Phê-rô Maria - Giám mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng , do Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận Chủ sự.

Trong thời gian đoàn rước các Đại diện Cộng Đoàn , Tu sĩ nam nữ, quý Cha đồng tế và Đức Giám Mục Giáo phận - Chủ tế vào Thánh đường , một Vị của Hội đồng mục vụ Giáo xứ Trà Kiệu đã đọc tiểu sử của Đức Cha Phê-rô Maria ( PM) Phạn Ngọc Chi. Qua lược sử, mỗi người tham dự thấy được truyền thống của gia đinh Đức Cha PM , sự thông thái tài hoa, trách vụ , tinh tế và tinh thần bác ái yêu thương mọi người …. của Ngài.

Xem Hình

Mở đầu Thánh lễ , Đức Cha Giuse mời gọi cộng đoàn phụng vụ lắng đọng tâm hồn trong Đức tin, tưởng nhớ và cầu nguyện cho Đức Cha PM . Suốt một đời Đức Cha PM sống dâng hiến , can đảm , nhiệt thành trong tác vụ , yêu thương nâng đỡ mọi người…. và cuộc đời có những giai đoạn hy sinh khổ đau.

Đức Cha Chủ tế còn mời gọi cộng đoàn ghi ơn và biết ơn Đức Cha PM , xin Thiên Chúa ân thưởng cho Ngài , đồng thời xin Ngài cầu cùng Chúa cho Giáo Hội , cách riêng Giáo phận và mỗi người ơn trung thành bền đỗ trong hành trình Ki-tô hữu của mình.

Với Đoạn Tin Mừng : Chúa Giê-su làm phép lạ , cho ông Phê-rô và các bạn của ông bắt được mẻ cá lớn. Đức Cha Chủ tế khai mở cho cộng đoàn thấy được quyền năng Thiên Chúa vượt sức của con người , như lời ông Phê-rô thưa cùng Chúa : “ Chúng con đã vất vả suốt đêm, mà không bắt được con cá nào” và giờ đây “ vâng lời Thầy , chúng con thả lưới” .

Đời sống của Đức Cha PM chu toàn trách vụ , hết lòng tín thác vào Chúa, đầy can đảm và trách nhiệm khi nhận trách vụ Giám mục giáo phận Đà Nẵng mới thành lập ( 18 / 1 / 1963) .

Những công sức, chuẩn bị và xây dựng những công trình cho Giáo phận của Đức Cha PM như : Đại Chủng Viện Hòa Bình ( nay là Trường Đại Học Bách Khoa) , Tiểu Chủng Viện Gioan và Tòa Giám Mục ( nay là Trường Đại Học Kinh Tế) , bệnh viện An Bình (nay là Trường Dạy Nghề số 2 ) , tòa nhà Dòng Thánh Gioan ( Ký túc xá Đại Học Kinh Tế) … chuẩn bị khu đất để xây nhà thờ Chính Tòa gần Tiểu Chủng Viện ở Bắc Mỹ An… sau 1975 Giáo Hội không còn quyền sử dụng và nhiều khó khăn trong 13 năm cuối đời của Đức Cha PM ( 1975-1988), dưới con mắt người đời, đây là sự đau khổ; nói như Thánh Phê-rô “ Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào!” Nhưng Đường Thánh Giá Chúa cũng có những đoạn đau khổ “sóng gió ba đào” để qua đau khổ , đến phục sinh vinh thắng. .

Khởi đi từ sự vâng phục Thánh ý Chúa , Đức Cha PM đã chọn Giám Mục phó là Đức Cha Phanxicô Xaviê , và trao trách vụ. Đức Cha PM cảm nghiệm được Lời Chúa “ Con là đá , trên đá này Thầy sẻ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẻ không thắng được “ , tảng đá Đức tin, tiếng nói đức tin … tin vào quyền năng Thiên Chúa “ Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” không có gì lay chuyển được.

Đức Cha Chủ tế cũng mời gọi mỗi người lắng đọng tâm hồn “ chúng ta phải làm gì cho Chúa , cho Giáo Hội , cho Giáo phận …” đó là mỗi người phải có căn tính Chúa Ki-tô trong chính mình, hy sinh , sống Lời Chúa và chu toàn luật bác ái yêu thương, đem Chúa đến cho anh em …. Để đón nhận sự sống vĩnh hằng.

Cuối Thánh lễ . Đức Cha Giuse- Chủ tế và cộng đoàn phụng vụ vây quanh khu mộ Đức Cha PM , trong Vườn Nghĩa , bên hông trái nhà thờ Trà Kiệu. Dâng lên Thiên Chúa lời kinh tiếng hát , xin Chúa ân thưởng Nhan Thánh Chúa vĩnh hằng cho Đức Cha Phê-rô Maria . Những câu kinh, lời nguyện cầu tha thiết dâng lên Thiên Chúa và tâm tình của đoàn con thảo vang vang với lòng hiếu kính biết ơn Vị Cha Chung .

Toma Trương Văn Ân

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thời giờ trong đời sống
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
17:30 20/01/2018
Thời giờ trong đời sống

Con người được tạo dựng sinh sống trong không gian và thời gian.

Không gian đó là công trình vũ trụ thiên nhiên, là quê hương quốc gia đất nước vùng tỉnh thành, làng xã thôn xóm nơi sinh sống, và mật thiết gắn bó chặt chẽ hơn là tổ ấm gia đình.

Còn khung cảnh thời giờ được kể tính bằng những con số theo niên lịch năm tháng ngày giờ. Thời giờ không có hình dạng khung cảnh cụ thể như không gian.

Có những người sống đạt tới tuổi trường thọ, đại thọ, nhưng suy nghĩ lại họ tự hỏi: Thời giờ đời tôi biến đi đâu rồi vậy?

Thời giờ một khi qua đi không thể giữ lại được. Có chăng là những hình ảnh biến cố đã xảy diễn ra trong thời gian đó.

Thời giờ trôi qua đi như dòng nước chảy trong lòng sông hồ đại dương.

Nhà hiền triết Platon (428 v. Chr. in Athen, + 348 v. Chr. in Athen) nghĩ rằng khung cảnh và thời giờ không là vật thể, nhưng chúng chỉ là những hình ảnh chuyển động của ý tưởng.

Còn nhà hiền triết Aristoteles ( * 384 v. Chr. in Stageria,+ 322 v. Chr. in Chalkis) có suy tư cho rằng thời giờ là kích thước của sự chuyển động và nó chỉ có thể có được qua đo lường. Thời giờ trôi đi liên tục không cùng tận.

Thánh Augustino có suy tư về mầu nhiệm bí ẩn của thời giờ. Ông phân biệt thời giờ theo vật lý đo lường và thời giờ theo cung cách khách quan của biến cố diễn xảy ra.

Thời giờ và khung cảnh không gian do Thiên Chúa tạo dựng nên và với Ngài tất cả là hiện tại.

Nhưng sau cùng Ông cũng nói lên tâm tư: Nếu hỏi tôi thời giờ là gì? Tôi muốn nói cho người hỏi tôi là tôi không biết thời giờ là gì.

Dẫu vậy trong đời sống thời giờ luôn có đó cho mọi loài thụ tạo trên trong trần gian. Mẩu đối thoại ngụ ngôn dưới đây nói về thời giờ theo cung cách nếp sống của mỗi loài thụ tạo.

„Một ngôi sao trên nền trời trong sáng giữa đêm khuya lên tiếng trò truyện với chúng bạn: Các Bạn có biết thời giờ là cái gì vậy ? Các ngôi sao tỏ ra hững hờ với câu hỏi xem ra chỉ để hỏi và chẳng ai có thể tìm ra câu trả lời thoả đáng được.

Họ tiếp tục làm phận sự lấp lánh trên bầu trời chiếu sáng cho công trình Ðấng Tạo Hoá vào ban đêm thêm vẻ thi vị và chỉ phương hướng cho người đang lênh đênh trên biển cả, cho người đang lần bước đi trong vùng rừng sâu núi thẳm, cho các nhà học giả về Thiên văn chiếu ống viễn vọng kính hướng lên bầu trời tìm hiểu về các tinh thể lúc ban đêm...

Ngôi sao Mai đang bay lượn ngang qua nghe thấy câu hỏi vang bên tai liền lên tiếng: Sao Bạn lại có câu hỏi ngộ nghĩnh như thế! Bạn biết không, từ hàng tỷ năm rồi tôi vẫn hằng bay lượn toả ra ánh sáng lấp lánh trên bầu trời, trước khi các bạn khám phá nhìn thấy tôi. Và đến một lúc nào đó, khi tôi không còn ở đây, các bạn cũng vẫn còn nhìn thấy tôi hằng tỷ năm nữa...

Một chỏm đá cao nhọn trên ngọn núi, ngày nọ lên tiếng hỏi vào thinh không: Thời gian là cái gì vậy ?

Rồi anh ta tự than thở: À, phải rồi, có lẽ từ hàng triệu năm rồi tôi trồi lên từ trong lòng đất thành tảng đá cao lớn chênh vênh giữa trời như bây giờ. Không có gì trên hoàn cầu này có thể di chuyển thay đổi được tôi đi chỗ khác...

Giòng nước vẫn hằng chảy trườn qua mọi ngóc ngách, vượt qua mọi cản trở trong lòng sông dưới khe suối cất tiếng: Ừ, Thời gian là cái gì vậy?

Không đợi cho ai trả lời, anh ta trầm ngâm: Tôi, mọi lúc bất kể ngày đêm hay mưa nắng, tứ thời bát tiết vẫn hằng chảy trườn đi khắp mọi nơi, và đã bắt gặp nhìn thấy những cánh ruộng đồng bao la bát ngát, đất đai núi đồi trùng điệp. Tôi lượn quanh uốn khúc ngoài đại dương, trong lòng sông, nơi khe suối trong lùm cây bụi cỏ, dưới ánh mặt trời ban ngày, và dưới ánh trăng sao lúc ban đêm. Tôi đã trải qua tất cả.

Chú Bọ Thiêu Thân bay lượn qua lại đùa giỡn quanh ngọn đèn đường cũng lên tiếng than vãn: Thời gian là cái gì vậy ?

Tung tăng bay lượn với chúng bạn, thình lình chú lao mình vào ngọn đèn đang cháy nóng chiếu sáng và tự trả lời cho mình: Ðó chính là đời sống của tôi! (Margarete Walke, Die Blume in der Wueste, Zeit . Tr. 40.)

Thời giờ được Đấng Tạo Hóa thiết lập cho đời sống con người.

„1 Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :

2 một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;

một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;

3 một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;

một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;

4 một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;

một thời để than van, một thời để múa nhảy ;

5 một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;

một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;

6 một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;

một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;

7 một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;

một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;

8 một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;

một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.“ ( Sách Giảng Viên 3, 1-8)

Và con người cũng cần phải có thời giờ cho Đấng tạo Hóa. Vì thế khi Chúa Giêsu đến trần gian đã kêu gọi con người dùng thời giờ cho hữu ích về phần tâm linh đạo giáo:

"Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm“ ( Mc 1, 15).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thông Báo
Phân Ưu: Trưởng lão thành Hướng Đạo Mai Ngọc Liệu tạ thế tại Nam Cali
LM Trần Công Nghị
13:17 20/01/2018
PHÂN ƯU

Trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh
Chúng tôi kính báo:

Trưởng Hướng Đạo Mai Liệu
đã tạ thế ngày 16 tháng 1 năm 2018 tại Newport Beach, California
Hưởng đại thọ 100 tuổi.

Chương trình Tang Lễ: tại Nhà thờ Đức Mẹ La Vang, 288 S. Harbor Blvd, Santa Ana, CA 92703.

Thứ Năm,1 tháng 2, 2018:
Lễ phát tang: 1pm - 2:30pm.
Thăm viếng: từ 2:30pm - 6:00pm.
Thánh Lễ "Tiễn Chân" 6pm - 7pm.

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018:
Thăm viếng:
từ 1pm - 6pm
Lễ Tiễn Biệt của Hướng Đạo Việt Nam: 4pm - 6pm.
Thánh Lễ: 6pm - 7pm.

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018: tại Nhà thờ Đức Mẹ La Vang, 288 S. Harbor Blvd, Santa Ana, CA 92703.
Thánh Lễ An Táng: 10:00 giờ sáng
Sau đó là hỏa táng.


Sau đây là tiểu sử của Trưởng Mai Ngọc Liệu.
Trưởng Mai Ngọc Liệu, anh chị em Hướng Đạo thường gọi một cách âu yếm là Trưởng Mai Liệu, sinh năm 1918 tại Nam Định, Bắc Phần. Trưởng tham gia sinh hoạt Hướng Đạo từ năm 1936, liên tục cho đến ngày lìa rừng, 16 tháng 1 năm 2018, hưởng đại thọ 100 tuổi.

Bắt đầu làm việc ở miền bắc trước 1954, song song với những sinh hoạt của phong trào Hướng Đạo.
- Sáng lập viên và là chủ nhiệm của tờ báo Công Giáo Cứu Quốc.
- Từng giữ các chức vụ Tổng Thanh Tra Hành Chính Bắc Việt, kiêm Tỉnh Trưởng Kiến An dưới thời Thủ Hiến Bắc Việt Lê Quang Luật. Trưởng Liệu cũng là người Quốc Gia rời miền Bắc cuối cùng sau khi Việt Cộng tiếp thu cơ sở ở Kiến An năm 1955.
- Thanh Tra Di Cư
- Huấn Luyện Viên Trại Trường Bạch Mã (Huế) Hướng Đạo Việt Nam.

Cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954-1955

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1954-1963), song song với những công việc đóng góp cho Hội Hướng Đạo Việt Nam:
- Giáo sư Sử Địa tại trung học tư thục Việt Anh ở phố núi Đà Lạt được vài năm, trường do Trưởng Lê Phỉ sáng lập và làm hiệu trưởng.
-Trong thời gian này Trưởng Mai Liệu có dịp sang châu Âu và cũng là dịp Trưởng đã hoàn tất và trúng cách hai khóa Bằng Rừng Thiếu và Tráng tại trại trường Gilwell, Anh Quốc.
-Trưởng cũng là một trong những nhân tố trong việc vận động để Hội Hướng Đạo Thế Giới công nhận Hội Hướng Đạo Việt Nam vào năm 1957.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1963-1975): song song với những công việc đóng góp cho Hội Hướng Đạo Việt Nam:

- Công Cán Ủy Viên Bộ Thông Tin (thời Tổng Trưởng Trần Văn Ân).
- Công Cán Ủy Viên Bộ Giáo Dục (thời Tổng Trưởng Nguyễn Văn Thơ)
- Chuyên Viên tại Văn Phòng Cố Vấn Chính Trị cho Tổng Thống VNCH
- Ban Biên Tập tờ báo Dân Chủ ở Sài Gòn (1966-1967).
- Giáo Sư thỉnh giảng về Ngữ Học Việt tại các trường:
Đại Học Cần Thơ.
Đại Học Minh Đức, Sài Gòn
Đại Học Đà Lạt.
Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải, Nha Trang.

- Trại Trưởng Trại Trường Quốc Gia Hướng Đạo Việt Nam, Tùng Nguyên Đà Lạt (1967, 1972-1975).
- Dịch giả của nhiều sách và tài liệu Hướng Đạo như cuốn Nghề Trưởng, Hướng Đạo Cho Trẻ Em, Đường Thành Công...

Cùng gia đình di tản qua Hoa Kỳ năm 1975.
- Định cư ở thành phố Fresno, tiểu bang California (1975-1996).
- Giáo sư thỉnh giảng (Guess Professor) của Viện Nghiên Cứu Ngữ Học (Việt) tại Đại Học Harvard, và CSU of Fresno, USA.
- Năm1983, cùng các Trưởng HĐVN thành lập Hội Đồng Trung Ương HĐVN tại hải ngoại và giữ vai trò Trưởng Cố Vấn HĐTƯ-HĐVN từ 1983-2018.
- Sáng Lập Viên Phong Trào Hướng Đạo Trưởng Niên HĐVN tại hải ngoại (từ giữa thập niên 90).

- 1996, Trưởng Mai Liệu về hưu và dọn về sống tại thành phố San Jose, California (1996-2014).
- Cố Vấn cho Hội Đồng HĐVN châu Santa Clara (Bắc Cali). Tiên Chỉ Làng Bách Hợp Hướng Đạo Trưởng Niên Bắc Cali (1996-2014).

- 2014, Trưởng dọn về sống ở miền nam Cali nắng ấm, ở đó cho đến ngày lìa rừng (2014-2018).

Trăm tuổi già rồi cũng về với tổ tiên, lúc sinh thời Trưởng Mai Liệu đã đóng góp rất nhiều cho phong trào HĐVN suốt một phần lớn của chiều dài cuộc đời mình, tới những 82 năm (điều mà Trưởng rất ít nói đến về mình) - Đúng là Sói Trầm Lặng! Ngoài ra những công trình nghiên cứu về Ngữ Học (Việt) rất có giá trị đóng góp cho ngành giáo dục và sinh hoạt cộng đồng Việt Nam...

Trưởng Mai Liệu lìa rừng lúc 8:30 chiều ngày 16 tháng 1 năm 2018 tại miền nam California, Hoa kỳ.
Vô cùng thương tiếc một người anh Hướng Đạo, một vị Thầy khả kính!

(Trần Hoàng Thân - Hoẵng Nhiệt Tâm, theo nguồn từ Mai Minh Nghĩa, thứ nam của Trưởng Mai Liệu, và hiệu đính bởi trưởng nam Mai Chí)

Thay mặt
Các Trưởng Tuyên Úy Hướng Đạo Việt Nam
Các Trưởng Hướng Đạo Công Gíao Việt Nam
Phong trào Hướng Đạo Việt Nam và Hải Ngọai

Trưởng Hướng Đạo: LM John Trần Công Nghị
 
Văn Hóa
Chuyện nước trời ! Lạ lẫm quá không em?
Sơn Ca Linh
09:47 20/01/2018
Cảm nhận Tin Mừng Mc 1,14-20 : Tin Mừng Nước Thiên Chúa

Chim én về kháo tin xuân ngoài cửa,
Gió thì thầm chào giã biệt mùa đông.
Chiếc thuyền ai vừa lướt nhẹ bên sông,
Mang theo cả nụ cười xuân khúc khích…

Xuân có sang vẫn nhịp đời cũ rích,
Lại vòng xoay rồi “một cõi đi về”,
Vẫn lại tình, tiền, cơm gạo, đam mê…
Yêu, ghét, hận thù, khổ đau, hạnh phúc…

Đời nếu vẫn mãi cuộc đời ô trọc,
Đổi thay đâu mà ghi dấu mùa xuân ?
Lối tương lai mòn cũ cả dấu chân,
Tuần phiên ngủ bỏ vọng canh chờ sáng !

Rồi có mùa xuân chợt về rỡ rạng,
Đường ngập Tin Mừng, lối rợp màu hoa.
Què nhảy cẩng lên, câm cất tiếng ca,
Mấy chú phung cùi mừng vui ngẫng mặt…

Nước Trời trên môi, rạng ngời trên mắt,
Trong cõi lòng già mẹ góa Na-im.
Nước Trời hy vọng bừng sáng trong tim,
Trong giọt nước mắt “cô đào hoán cải” …

Nước Trời cho ai có lòng bé dại,
Kẻ nghèo hèn nay chợt biết yêu thương.
Dân vạn chài nay tất bật lên đường,
Theo tận chỗ nước sâu mà buông lưới !

Đường thế giới dẫu xa xôi diệu vợi,
Lẽo đẽo theo Ngài xuôi ngược ngày đêm,
Chuyện Nước Trời ! Lạ lẫm quá không em ?
Thật đó mà, “Mùa Xuân đang trở lại” !

Sơn Ca Linh
(20/01/2018)


 
Tổng quan các sự kiện về Lục địa Nam Cực
LM Trần Công Nghị
12:02 20/01/2018
Sự kiện về Vùng đất Nam Cực

Châu lục Nam Cực là lục địa phía nam nhất trên thế giới. Dĩ nhiên là Rốn Nam Cực (South Pole - điểm trung tâm phía Nam nhất trên trái đất) là ở giữa Nam Cực. Và châu lục này là vùng đất hoang dã lớn nhất trái đất.

Ở Nam Cực không có người Eskimo hoặc loài gấu Polar, vì người Eskimo và gấu trắng chỉ có phía bên kia của thế giới tức là ở Bắc Cực.

Nam Cực có diện tích bề mặt hơn 5 triệu dặm vuông (tức là 13 triệu km vuông).

Những người đầu tiên biết đến biến Nam Cực Antarctica là năm 1820 khi hai nhà thám hiểm Fabian Gottlieb von Bellingshausen và Mikhail Lazarev đi thuyền khám phá khu vực này. Tuy nhiên, ông John Davis, người Mỹ là người được cho đầu tiên đặt chân lên châu lục vào năm 1821.

Nam Cực chủ yếu là nơi dành cho các nhà nghiên cứu và các nỗ lực khoa học khác nhau. Ngành công nghiệp thương mại duy nhất có thể tìm thấy trên lục địa này là bắt cá và câu cá. Và mỗi năm có chừng 50.000 du khách đến thăm lục địa này.

Các quốc gia sau đây: Argentina, Úc, Chilê, Anh Quốc, Na Uy, Pháp và New Zealand đã từng có lần tuyên bố chủ quyền trên lục địa Nam Cực. Và không có gì đáng ngạc nhiên, chẳng có quốc gia nào khác công nhận các chủ quyền này. Do vậy khi có Hiệp Ước Nam Cực được đưa ra trong bối cảnh này vào năm 1959 đồng ý rằng: sẽ không cho phép bất cứ nước nào tuyên bố chủ quyền với châu lục này nữa.

Khí hậu khô đặc biệt và băng đá di chuyển chậm ở Nam Cực cho phép các nhà khoa học cắt các mẫu băng được gọi là "lõi - cores". Khi được khoan thành một lõi dài sâu xuống như một ống băng về cơ bản đó là dấu vết lưu trữ thời gian, chúng cho phép các nhà khoa học khảo sát và truy tìm lại dấu vết về khí hậu, các hiện tượng địa chất, ô nhiễm, sinh vật, và các các đặc tính khác có thể chất chứa trong các ống băng cô đọng từ hàng nghìn năm.

Mỗi năm có một sự kiện thể thao được tổ chức ở Nam Cực gọi là Antarctic Ice Marathon – Chạy đua trên băng lạnh Nam Cực. Đường đua chạy dài 62 dặm (100km) trên một dải băng gần South Pole Nam Cực. Sự kiện này do nhiều người yêu thích thể thao đông giá tổ chức và được nhiều quốc gia gửi người tham dự.

Sự kiện về Địa lý Nam Cực

Toàn lục địa Nam Cực được phủ bằng các tầng lớp nước đá, giả dụ thời tiết ấm lên làm các lớp nước đá này tan ra hết… thì mực nước biển trên khắp địa cầu sẽ tăng lên 200 ft (tức là 60cm) … khi đó nhiều nơi trên thế giới sẽ chìm trong làn nước.

Nếu tính trung bình thì Nam Cực có độ cao hơn bất kỳ lục địa nào trên thế giới.

Lục địa Nam Cực bao quanh mọi phía bỏi Biển Nam (Southern Ocean).

Lục địa Nam Cực vì mang sức nặng của nước đá trên toàn mặt diện tích của nó, do vậy sức nặng đó đè sâu khối đất vào lòng trái đất 1,600ft (500m). Nếu nước đá tan ra thì mặt đất Nam Cực sẽ trồi lên lại từ ngàn năm trước.

Có đến 90% nước đá trên mặt đất tồn tại ở Nam Cực và có 70% nước ngọt trên trái đất tích tụ nơi đây. Có nghĩa là có khoảng chừng 30 triệu cubic kilomét vuông nuớc, hay là bằng 6,810,622,337,000,000,000 gallons nuớc.

Toàn điện bề mặt lục địa Nam Cực thì chỉ có 5% là không bị nước đá hay tuyết bao phủ thôi, còn ngoài ra là lớp tuyết rơi lâu đóng thành nước đá bề dầy đến 1 mile hay là sâu tới 1.6 cây số.

Lục địa Nam Cực là khối đất rất rộng lớn. Lớn hơn lục địa Âu châu và lớn gấp đôi Úc châu.

Nếu muốn tìm các đá thiên thạch (meteorites) tức là các mạnh vụn thiên thể hay sao băng rớt xuống thì Nam Cực là nơi dề tìm nhất, vì mầu trắng toàn diện trên mặt bằng của nó dễ nhân ra thiên thạch, thêm vào đó vì không có cây cối và thảo vật che lấp, nên dễ tìm thấy.

Vào mùa Đông, lục địa Nam Cực lớn thêm gần gấp đôi vì viền chung quanh đất Nam Cực có nước đá đóng băng tạo thành ranh giới mới. Các tảng băng này sẽ tan theo mùa và thời gian mỗi năm.

Tại Nam Cực có những tảng băng trôi được coi là lớn nhất, có khi lớn bằng diện tích nước Bỉ hay bằng tiểu bang Texas. Vào năm 2000 có tảng băng trôi to bằng tiều bang Delaware -- có diện tích là 4,000 dặm vuông hay là 11,000 cây số vuông -- vỡ ra từ khối băng vĩ đại Rose Ice.

Sự kiện về Khí hậu Nam Cực

Mặc dù Nam Cực có 70% nước ngọt trên hành tinh dưới dạng băng, nhưng nó vẫn được coi là vùng sa mạc vì mỗi năm chỉ nhận được chừng 6,5 inch nước mưa.

Các mùa ở Nam Cực ngược lại với hầu hết các miền khác trên trái đất. Mùa hè rơi vào tháng 10 đến tháng 2, đang khi đó mùa Đông từ tháng 3 tới tháng 9.

Châu lục này khô nhất, cao nhất, gió nhiều nhất, và lạnh nhất hơn bất kỳ nơi nào khác. Nam Cực có gió có thể đạt trên 180 dặm / giờ (300 km / giờ) và thường có gió lớn như vậy.

Có nhiều vùng Nam Cực tương ứng với các vùng trên sao Hoả, do vậy NASA dùng nơi đây đề thử nghiệm dụng cụ cho các phi vụ bay vào không gian vũ trụ.

Nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 9 (mùa đông) là -60 ° C (-76 ° F). Nhiệt độ trung bình tháng 10 đến tháng 2 (mùa hè) là -31 ° C (-23 ° F). Nhiệt độ thấp kỷ lục ở Nam Cực là - 89,6 ° C (-129 ° F).

Nguy cơ lớn nhất đối với người ở Nam Cực, ngoài cái lạnh ra thì không phải là điều bạn nghĩ đâu! Lửa mới là cực kỳ nguy hiểm ở Nam Cực vì do điều kiện rất khô ráo, nếu hỏa hoạn xẩy ra thì hầu như không thể ngăn chặn tắt được đám cháy lửa sẽ lan ra.

Thời gian hành trình của “tảng băng trôi –iceberg” tính từ khi tuyết rơi, đọng xuống thành nước đá (ice) ép xuống biến thành băng, vỡ ra khỏi thềm lục địa thành tảng băng trôi (iceberg) có thể dài đến hơn 100.000 năm.

Nam Cực không phải trước đây lúc nào cũng lạnh, lộng gió, và sa mạc khô ráo như bây giờ. Vì đi ngược thời gian về 50 triệu năm trước, các khoa học gia cho biết ở Nam Cực khi đó có rừng xanh, nhiều động vật khác nhau hơn nhiều nơi trên đất, và cũng có nhiều loài chim hơn. Các hóa thạch được tìm thấy ở Nam Cực đã chứng minh rằng lục địa này đã từng có thực vật rất tươi tốt với đời sống động vật sung túc.

Sự kiện về Động vật hoang dã ở Nam Cực

Ngày nay vì khí hậu lạnh, gió lộng và toàn cảnh khắc nghiệt của Nam Cực nên có rất ít động vật hoang dã ở đây. Tuy nhiên, có một số lượng hạn chế côn trùng và một số các loài chim coi lục địa này là nhà của mình.

Nam Cực là lục địa duy nhất trên trái đất không có loài kiến bản địa.

Có một số động vật biển sống ở Nam Cực như chim biển, chim cánh cụt, hải cẩu, mực và cá voi. Hầu hết các loài động vật tồn tại ở Nam Cực có cùng đặc điểm chung, đó là chúng có lớp mỡ dày (vỏ da chất béo cách điện) để giữ chúng ấm. Một số loài vật có cả mấy lớp mỡ bọc vài inch gọi là “blubber” để có thể sống tồn tại nơi đây.

Đời sống động vật hoang dã là rất hiếm ở Nam Cực. Các sinh vật trên đất liền lớn nhất sinh tồn ở đây là một con côn trùng, đó là con “midge” không cánh chỉ dài nửa inch (1.5cm).

Chỉ có một loài vật máu nóng quanh năm sống ở Nam Cực, đó là chim cánh cụt hoàng đế “emperor penguin”. Vào mùa đông, chúng trụ lại ở đây không ăn uống gì trong suốt mấy tháng để ấp ủ trứng, trong khi đó con chim cái đi ra biển tìm thức ăn.

Các đại dương lân cận với Nam Cực là nơi trú ngụ của những động vật chịu được lạnh nhất trên trái đất. Có một số loài cá sống ở vùng nước Nam Cực phát triển mạnh ngay ở độ nước lạnh dưới 0 ° C.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cung Thánh / Altar
Robert Helfman
09:40 20/01/2018
CUNG THÁNH / ALTAR
Ảnh của Robert Helfman
Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng,
Hãy đến với Ta, thì sẽ được nghỉ ngơi..
(Mt 11:28)

“Come to me,
all you who are weary and burdened,
and I will give you rest.
(Mt 11:28)