Ngày 17-01-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/01: Ơn gọi cuộc đời – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ - TGP Hà Nội
Giáo Hội Năm Châu
02:03 17/01/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:50 17/01/2025

26. Trong khi chúng ta trò chuyện thì thường muốn đề cập đến một vài tư tưởng có tính siêu việt; điều đó như một hạt giống tốt, tự nó sẽ sinh ra nhiều hoa trái.

(Thánh Don Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:57 17/01/2025
42. ÁC Ý CỦA THÁNH NHÂN

Một thái giám có rất nhiều quyền thế thấy học sĩ đang giảng bài, đợi học sĩ giảng bài xong ra khỏi cung đình, bèn hỏi:

- “Hôm nay giảng về sách gì?” (1)

Học sĩ trả lời:

- “Hôm nay giảng về Khổng tử cười mũm mĩm, nói: “cắt tiết gà không cần dùng đến dao mổ trâu?”

Sắc mặt thái giám hiện nét bối rối nói:

- “Đó là Khổng thánh nhân ác ý cười người đó”. (2)

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 42:

Sợ hãi và hồ nghi là hai trạng thái thường có của người có tâm hồn không bình an, do đó mà họ thường sống trong lo âu sợ người khác biết chuyện xấu của mình, và từ đó họ sinh ra hồ nghi ngay cả lòng tốt của người khác đối với mình, và vì sợ và hồ nghi nên trở thành người hay cau có nóng giận đến kiêu ngạo.

Một tâm hồn sợ hãi và bất an vì họ không sống theo lương tâm chân thật của mình, càng có danh vọng chức quyền thì lương tâm càng khắc khe với cuộc sống của cá nhân hơn những người khác, cho nên càng làm lớn mà làm sai thì càng sợ hãi và bất an hơn người thường...

Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ: chỉ có Đức Chúa Giê-su mới làm cho tâm hồn của họ được bằng an và kiên định, và chỉ có sự bình an của Ngài mới tồn tại lâu trong cuộc sống của họ, cho nên họ dù cuộc sống thiếu thốn vật chất thì vẫn cứ luôn giữ mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình để tâm hồn luôn bình an.

Thái giám hiểu sai lời của học sĩ nên nói thánh nhân có ác ý là vì ông ta có tật giật mình, người Ki-tô hữu nếu hiểu sai Lời Chúa hoặc không sống Lời Chúa thì dù có rất đầy đủ vật chất danh vọng, thì tâm hồn vẫn cứ bất an và sống trong sợ hãi hồ nghi...

(1) Quan giảng cho hoàng đế nghe về lịch sử.

(2) Nguyên văn câu này: 割雞焉用牛刀 (cắt tiết gà không cần dùng đến dao mổ trâu), thái giám hiểu lầm割雞 (cắt tiết gà) thành 割雞巴 (cắt sinh thực khí của đàn ông).

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Niềm vui mới
Lm Thái Nguyên
06:57 17/01/2025

NIỀM VUI MỚI
Chúa Nhật 2 Thường Niên năm C : Ga 2, 1-10
Suy niệm

Theo Tin Mừng Gioan, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa thì việc đầu tiên là chọn gọi các môn đệ, và sau đó là đến dự tiệc cưới tại Cana. Có lẽ đây là tiệc cưới của người bà con nên có Đức Mẹ, và các môn đệ cùng đi. Theo tập tục Do Thái, tiệc cưới kéo dài cả tuần lễ, nhưng không may tiệc cưới này đến giữa chừng thì hết rượu. Đây là điều tối kỵ, vì thật xấu hổ cho gia chủ và đôi tân hôn. Cả nhà chủ tiệc không ai hay biết, thế mà Đức Maria đã nhận ra tình trạng này, và nói cho Đức Giêsu biết. Ngài đã biến nước thành rượu, trả lại bầu khí vui tươi cho tiệc cưới. Theo Tin Mừng Gioan, đây là dấu lạ đầu tiên mà Ðức Giêsu làm để bày tỏ vinh quang của Ngài, và các môn đệ đã tin vào Ngài.

Rượu là hình ảnh mà các ngôn sứ thường dùng để loan báo buổi bình minh của kỷ nguyên Đấng Mêsia. Đó là ý nghĩa sâu xa của phép lạ này, vì thứ nước dùng vào việc thanh tẩy của người Do Thái được Đức Giêsu biến thành rượu, nghĩa là nước của Cựu Ước đã hóa thành rượu của Tân Ước. Như thế, “Cái cũ đã qua đi, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5, 17). Thời đại Mêsia đã đến, Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, Ngài đến để thiết lập một trật tự mới, chan chứa niềm vui ơn cứu độ, như rượu mới dư dật trong tiệc cưới. Ba năm sau, cùng một thời điểm này ngay trước lễ Vượt Qua (2, 13), Đức Giêsu lại hóa rượu thành máu của Ngài cho muôn dân được hưởng ơn tha tội (Mt 26, 28).

Dấu lạ Cana chủ yếu cho chúng ta thấy Đức Giêsu là ai, đồng thời cũng cho chúng ta thấy được vai trò linh thiêng của Đức Maria. Với thái độ nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân, Mẹ đã đưa ra lời thỉnh cầu một cách kín đáo và tế nhị với Con Mẹ,:“Họ hết rượu rồi”. Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu xem ra không được thịnh tình: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. Thế nhưng Mẹ vẫn hoàn toàn tin tưởng nơi con Mẹ. Mẹ không hiểu Ngài sẽ làm gì và làm như thế nào, nhưng tin Ngài sẽ có cách cứu nguy cho bữa tiệc cưới, nên Mẹ bảo các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Sao Đức Maria lại dám bạo dạn nói như vậy khi chưa từng thấy con mình làm một phép lạ nào? Phải chăng với một tâm hồn trong suốt và một trực giác tinh anh, Mẹ đã nhận ra nơi Đức Giêsu một tính cách thần linh. Và để cứu giúp người khác, Mẹ đã dám mạo muội nói lên sự kín nhiệm của tâm hồn mình. Cuối cùng Đức Giêsu cũng đã làm theo ý muốn của Mẹ mình. Thật ra không phải vì ý muốn của Mẹ, nhưng qua đó Ngài nhận ra ý muốn của Chúa Cha.

Đúng là “giờ” của Đức Giêsu chưa đến, giờ mà Ngài được tôn vinh, giờ mà tình yêu Chúa Cha được biểu lộ tận cùng qua cái chết của Chúa Con. Thế nhưng Đức Giêsu không lệ thuộc vào khung cảnh thời gian tương đối, để có thể hành động đúng lúc theo ý định của Thiên Chúa. Mọi hành động trong cuộc sống đều có giờ, có nơi và có lúc của nó, nhưng phải chăng tình yêu đòi phải thể hiện ở mọi nơi và trong mọi lúc. Tình yêu chẳng khác nào dòng nhựa sống của thân cây phải liên tục luân chuyển. Nói cách khác, tình yêu là nhịp đập của trái tim Thiên Chúa trong đời sống con người qua mọi hành động của Đức Giêsu.

Qua bài Phúc Âm này, chúng ta cũng cần nhìn ngắm sự hiện diện của Đức Maria: một sự hiện hiện cho người khác, vì người khác. Nếu ta có được sự hiện diện như Đức Mẹ, ta cũng sẽ đem lại sự nồng ấm và an vui cho gia đình, cho cộng đoàn. Đó cũng là một sự hiện diện bám sát lấy Chúa trong mọi tình huống, để chính Chúa làm mới lại tình yêu và cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Nếu chúng ta nghe Mẹ, cứ làm theo lời Chúa dạy, đời sống chúng ta sẽ được biến đổi tốt đẹp biết bao.

Hôm nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục bước vào đời sống của từng người, từng đôi tân hôn, từng gia đình. Bất cứ ai để cho Chúa bước vào đời mình sẽ nhận được một phẩm chất mới, giống như nước lã biến thành rượu ngon. Không có Đức Giêsu, cuộc đời vẫn ứ đọng, phẳng lì và chán ngán. Khi để cho Chúa bước vào đời ta, nghĩa là luôn ý thức sự hiện của Ngài, thì mọi cái sẽ trở nên sinh động và đầy hy vọng. Thiếu sự kết nối với Chúa, ta sẽ cảm thấy cuộc đời cô đơn, trống vắng. Đặt mình trong Chúa, ta sẽ tìm thấy sự an vui và những điều kỳ điệu.

Ước chi mỗi khi đêm về, gia đình chúng ta lại xúm xít bên nhau và quây quần bên Chúa, vang lên lời kinh chúc tụng tạ ơn Chúa với những lời kinh Mân côi, để được Mẹ dắt dìu chúng ta đến với Chúa Giêsu. Cũng từ đó mà niềm vui và sức sống lại tràn về trong tổ ấm gia đình. Đó mới thật là một gia đình có Chúa, của Chúa, một hội thánh tại gia, góp phần với Chúa đem lại sự tươi mới cho xã hội hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tiệc cưới là biểu hiện của niềm vui,
niềm vui của sự sống rất phong nhiêu,
của ân ban trong tất cả mọi điều,
vì chính là kết quả của tình yêu.
Nhưng tình yêu vẫn thường bị đe dọa,
khi cuộc sống bất trung và bất tín,
khi con người vẫn thiếu một lòng tin,
không dám sống một cuộc đời chân chính.
Chúa đã hóa nước lã thành rượu ngon,
để con thấy sự hiện diện của Ngài,
làm nên sự tươi mới ở mọi nơi,
đem an vui hạnh phúc cho mọi thời.
Nếu không có sự hiện diện của Chúa,
sợ rằng mọi tiệc cưới sẽ lụi tàn,
có thể mọi niềm vui cũng sẽ tan,
và gia đình lại sống kiếp hoang mang.
Có Chúa là mọi sự sẽ tươi mầu,
cuộc đời bớt khốn khổ và lo âu,
tình yêu lại đẹp như thuở ban đầu,
và hạnh phúc tươi thắm mãi ngàn sau.
Dấu lạ Ca-na ân phúc chan hòa,
cũng là nhờ có Đức Ma-ri-a,
Mẹ sẽ thấy tình cảnh của mỗi nhà,
luôn kịp thời để bầu cử cho ta.
Xin cho con luôn cận kề bên Mẹ,
biết quan tâm phục vụ thật hăng say,
biết để tâm làm theo điều Chúa dạy,
cho niềm vui và tình mến dâng đầy. Amen.



 
Có Chúa chan chứa hy vọng
Lm Nguyễn Xuân Trường
07:00 17/01/2025
CÓ CHÚA CHAN CHỨA hy vọng

Phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana được thánh Gioan gọi là “dấu lạ”. Thế nên, rượu trở thành dấu chỉ của tình yêu và hy vọng trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người: Chúa Giêsu như chú rể và Giáo Hội là hiền thê. Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia cũng đã sánh ví Thiên Chúa như chú rể và dân Chúa như cô dâu.

1. HẾT HY VỌNG. Tiệc cưới Cana đang vui ngất ngây thì hết rượu. Dấu chỉ hết rượu diễn tả hết tình yêu, hết hy vọng trong mối liên hệ giữa cô dâu và chú rể, giữa Thiên Chúa và loài người. Liên hệ yêu thương thân thiết thuở ban đầu tạo dựng giữa Thiên Chúa và con người nay đã hết vì con người phạm tội không vâng lời Chúa, lìa xa Chúa. Rượu hết tình tan. Tình người giờ nhạt như nước lã. Tình cảnh thật thất vọng.

2. ĐẦY HY VỌNG. Phúc đức thay Chúa Giêsu ở đó đem niềm hy vọng cho tiệc cưới. Việc Chúa hóa nước đổ đầy tới miệng chum thành rượu là dấu chỉ diễn tả Chúa đã đem tràn đầy tình yêu, chan chứa hy vọng cho cuộc hôn nhân giữa con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Đấng làm cho nước lã hóa thành rượu ngon, thất vọng trở thành hy vọng, tình hết sạch thành tình đầy tràn nồng nàn hơn xưa. Chúa Giêsu đến đã làm cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người gắn bó nên một với nhau, quấn quýt lấy nhau.

Đừng quên dấu lạ xảy ra tại Cana là nhờ vai trò trung gian của Mẹ Maria: Mẹ thấy thiếu rượu, Mẹ thưa với Chúa, Mẹ bảo gia nhân. Mẹ góp phần cùng Chúa đem niềm hy vọng cho nhân loại. Thế nên, nếu muốn gia đình mình và cả gia đình nhân loại đầy tràn tình yêu, chan chứa hy vọng thì hãy cậy trông vào Chúa và Đức Mẹ, hãy mời Chúa và Đức Mẹ vào nhà mình, vào cuộc đời mình. Amen.
 
Không do dự
Lm Minh Anh
16:56 17/01/2025
KHÔNG DO DỰ

“Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Khi Abraham Lincoln chuẩn bị ký Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ, ông cầm bút, di chuyển đến dòng chữ ký, dừng lại một lúc rồi thả bút xuống, đi đi lại lại. Khi được hỏi tại sao, tổng thống trả lời, “Nếu tên tôi đi vào lịch sử, thì đó sẽ là vì đạo luật này; và nếu tay tôi run khi ký, sẽ có người nói rằng ‘ông ấy đã do dự!’”. Sau đó, quay lại, Lincoln cầm bút và mạnh dạn ký tên mình.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Lincoln do dự khi ký vào bản tuyên ngôn thì Lêvi - trong Tin Mừng hôm nay - đã ‘không do dự’ khi ký thác cả cuộc đời của mình vào tay Chúa Giêsu - người gọi ông, “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi đang ngồi ở đó. Người bảo ông, “Anh hãy theo tôi!”. Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Khi cảm thấy một điều gì đó giá trị hơn, người ta dễ rời công việc cũ. Lêvi rời công việc cũ để bắt đầu một công việc mới. Trước đó, Lêvi ‘mê tiền’, nay ‘mê Chúa’. Những đồng xu La Mã có thể đã rơi từ tay anh; hoặc có thể, anh đã nuốt một ngụm nước bọt, nhanh chóng chỉnh lại chiếc áo, rồi ‘không do dự’, loạng choạng bước theo đám bụi mờ bởi đôi dép của con người ấy đập xuống mặt đường khô khốc! Từ đó, cuộc đời Lêvi đổi thay, anh trở thành Matthêu - một người bạn, một môn đệ, một tông đồ của Chúa Giêsu!

Chúa Kitô đi qua mọi cuộc đời và mọi người đều có cơ hội nói ‘có hoặc không’, ‘ở lại hoặc đi theo’, ‘thay đổi hoặc giữ nguyên trạng’; khoảnh khắc ấy có thể chỉ đến một lần! Khoảnh khắc ấy được Caravaggio vẽ lại như một thước phim quay chậm. Một trục ánh sáng xuyên qua căn phòng; ngón tay xương xẩu của Chúa Giêsu chỉ vào một ‘quý ông’ bảnh trai đang ‘với tay trên đống tiền’. Khung cảnh diễn ra trong một phòng nhá nhem. ‘Ánh sáng và bóng tối nô đùa’; ‘tội lỗi và đức hạnh ẩu đả’; ‘quá khứ và tương lai bỡn nhả’. Rồi sẽ ra sao? Nào ai biết! Nhưng Matthêu đã đáp lại người gọi anh, ‘ngặt nghèo nhưng hào hiệp’, ‘chóng vánh nhưng yêu thương’, ‘liều lĩnh nhưng tín thác!’. Để rồi anh được nhớ đến mỗi khi Tin Mừng thứ nhất được đọc chỉ vì khoảnh khắc ‘không do dự’ ấy!

Từ đó, Matthêu miệt mài suy ngẫm, chiêm ngắm, ghi ghi, chép chép về vị Thầy của mình. Matthêu đã cống hiến những gì tự tay mình viết ra, góp phần làm nên Tin Mừng - “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” - bài đọc một; vì lẽ “Lời Chúa là thần khí và là sự sống!’ - Thánh Vịnh đáp ca. Nhờ đó, con người thuộc mọi thời biết Chúa Giêsu, được kêu gọi “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần!” - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Ông đứng dậy đi theo Người!”. Chúa gọi bạn và tôi. Khoảnh khắc ấy không chỉ xảy ra một lần, nhưng có thể từng ngày, từng giờ, trong từng biến cố. Dầu muốn hay không muốn, khoảnh khắc ấy cũng sẽ xảy ra, hoặc đã xảy ra; chỉ có điều, chúng ta không nhận biết! Với trái tim của người Thầy; đúng hơn, của một người yêu, Chúa Giêsu vẫn đang đợi chờ, khát khao giây phút ấy sớm xảy đến, hầu chúng ta không còn loạng choạng ‘trong hiện trạng đáng thương’ của mình nhưng có thể mạnh mẽ bước đi ‘không do dự’ để trở nên con người mới, một con người mà Chúa muốn chúng ta trở thành.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì con ‘chóng vánh’ với những lần Chúa gọi, khi dám đứng lên, ‘không do dự’ đi tới một ‘chân trời mới’ - chân trời hoán cải, chân trời rao giảng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mẹ Thiên Chúa & Tiệc Cưới Cana
Nguyễn Trung Tây
17:37 17/01/2025
Mẹ Thiên Chúa & Tiệc Cưới Cana
Lm Nguyễn Trung Tây

https://www.youtube.com/watch?v=CFgwY6vMAgU

Phép lạ Tiệc Cưới Cana là một câu chuyện Tin Mừng tô đậm nét hiếu thảo của Đức Giêsu đối với thân mẫu của Người. Trong khi quan khách đang ngà ngà say trong tiệc cưới, tự nhiên rượu cạn khô. Người Do Thái, trong những sinh hoạt hằng ngày, không uống trà xanh hoặc bia, nhưng rượu. Bình thường còn như thế, nói chi tiệc cưới. Tiệc cưới cạn rượu, do đó, là một điềm xấu trong nền văn hóa Do Thái. Không rượu trong tiệc cưới, cô dâu chú rể chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Mất mặt là một chuyện, lo sợ cho vận xám của đời sống lứa đôi trong tương lai là chuyện còn quan trọng hơn nhiều. Rượu cạn khô ngay giữa tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói sợi dây tơ hồng nối buộc cô dâu và chú rể của tiệc cưới Cana rất mỏng manh. Cho nên chỉ ngày một ngày hai, khi giông tố ào ào nổi lên, sợi dây tơ hồng này sẽ bị thổi đứt. Dưới lăng kiếng thần học, rượu bốc hơi, cạn khô, biến mất trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.

Theo như thánh sử Gioan, không ai hay biết, chẳng ai hay rượu cưới đang bốc hơi cạn khô trên bàn tiệc Cana. Ngay cả ông quản tiệc, người có trách nhiệm về rượu của tiệc cưới, cũng không biết chi. Không ai biết, chẳng ai hay là điềm xấu đang đứng gõ cửa, thế mà Mẹ Maria đã tinh tế, nhanh nhẹn nhận ra tình trạng, “Nhà người ta hết rượu rồi” (Gioan 2:3). Và Mẹ quyết định hành động. Trước khi ông quản tiệc hay bất cứ người nào có dịp vỗ trán, đấm ngực, than thở, đổ lỗi cho nhau, Mẹ tiến tới, nói với con của mình,

— Nhà người ta hết rượu rồi!

Thoạt tiên, Đức Giêsu từ chối can thiệp, nhưng Ngài giải thích với thân mẫu của mình,

— Giờ của con chưa tới (Gioan 2:4).

Trước lời giải thích đầy những nét thần học của Đức Giêsu, có lẽ Mẹ đã cười, không nói thêm chi với Cậu Trưởng Nam. Quay sang những người hầu, Mẹ nói,

— Ngài nói chi, cứ làm theo (Gioan 2:5).

Điều luật thứ Tư trong bộ luật Môisen, “Hiếu thảo với bố mẹ”, hay “Làm con phải hiếu” trong “bộ luật” Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính giải thích thái độ lạ kỳ của Đức Giêsu trong tiệc cưới Cana. Đó là, thoạt tiên trước lời yêu cầu của thân mẫu, Ngài từ chối. Nhưng chung cuộc lại làm theo lời đề nghị của mẹ mình. Bởi người phụ nữ nói với Đức Giêsu câu nói, “Nhà người ta hết rượu”, là người đã từng cưu mang Ngài chín tháng mười ngày, nuôi dưỡng Ngài khôn lớn, Đức Giêsu cuối cùng đã đổi ý. Và Ngài vâng lời Mẹ.

Lời Nguyện: Lạy Ngài! Xin cho con thấy!
 
Mỗi Tuần Sống Một Câu Lời Chúa (CN 2 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:59 17/01/2025
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

( Năm C )

Tin Mừng: Ga 2, 1-11

“Đức Chúa Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê.”


Bạn thân mến,

Phép lạ đầu tiên mà Đức Chúa Giê-su đã làm khi Ngài công khai rao giảng tin mừng Nước Trời, chính là phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na, mà thánh Gioan đã tường thuật cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn hai ý suy niệm sau đây:

1. Có Chúa hiện diện là niềm vui của con người.

Đức Chúa Giê-su hiện diện trong tiệc cưới ở làng Ca-na là một biến cố, biến cố này chỉ xảy ra sau khi Đức Chúa Giê-su làm phép lạ biến nước trở thành rượu ngon, để kéo dài niềm vui và cứu cho chủ nhà của chàng rể một phen hú vía vì rượu đã hết.

Chúa hiện diện trong gia đình chúng ta, cứu giúp chúng ta khỏi những ưu phiền và đem lại niềm vui cho mỗi người, như Ngài đã hiện trong tiệc cưới tại làng Ca-na, chúng ta hãy mời gọi Ngài đến trong nhà chúng ta để tình yêu giữa cha mẹ và con cái càng thêm nồng nàn vì có “rượu tình yêu” là chính Ngài ban cho.

Chúa hiện diện trong cuộc sống của bạn và tôi, với biết bao là vất vả khó khăn, với biết bao là chán chường và đau khổ, chính Ngài, với lời mời ân cần của chúng ta, Ngài sẽ đến để đem lại niềm vui cho chúng ta, niềm vui của Ngài sẽ bất tận và lây lan cho người khác khi chúng ta đã có niềm vui của Ngài.

Đường đời bạn và tôi đi nếu mà có Chúa cùng đồng hành hiện diện thì quả là hạnh phúc, bởi vì khi Ngài hiện diện thì đồng thời bình an cũng hiện diện và vui tươi cũng có mặt, làm cho đường chúng ta đi trở nên gần hơn, và chúng ta cũng trở nên gần gủi với tha nhân hơn.

2. Mọi người vui vẻ khi có chúng ta hiện diện.

Là con cái của Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Ki-tô và là anh em của mọi người, bạn và tôi cũng cùng theo Đức Chúa Giê-su đi dự tiệc cưới như các tông đồ xưa, nhưng tiệc cưới mà chúng ta tham dự đây không phải là ở làng Ca-na, nhưng là ở nơi đâu có chúng ta, thì ở đó là một bàn tiệc của sự vui vẻ, thân ái và phục vụ...

Đức Chúa Giê-su đã hiện diện trong tiệc cưới và mọi người đã trở nên vui vẻ vì rượu được uống no say. Bạn và tôi hiện diện và mang lại vui vẻ hân hoan ở những nơi mà đau khổ, đang như một cuồng phong, làm mát cuộc sống đau khổ tinh thần và vật chất của tha nhân: nơi những trại phong cùi, nơi những trại giáo huấn trẻ bụi đời, nơi những trại cai nghiện ma túy, nơi những trại mồ côi và nơi phục hồi nhân phẩm của các cô gái lỡ lầm.v.v...

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã mở đầu việc rao giảng tin vui Nước Trời bằng việc làm cho nước hóa thành rượu, và kết thúc bằng việc hiến tế chính bản thân mình trên Thánh Giá, và kéo dài mãi cho đến ngày tận thế trong bí tích Thánh Thể trên các bàn thờ...

Nước biến thành rượu,

nổi buồn biến thành niềm vui,

đau khổ biến thành hân hoan,

thất vọng biến thành hy vọng,

là những điều mà chúng ta sẽ làm được, khi chúng ta biết đồng hành cùng Đức Chúa Giê-su đi tham dự tiệc cưới Nước Trời trong thánh lễ, bởi vì nơi đây rượu đã biến thành Máu Thánh và bánh miến biến thành Mình Thánh của Ngài làm của nuôi linh hồn của chúng ta.

Đó chính là niềm vui và hi vọng của Đức Chúa Giê-su mà mọi người nhìn thấy nơi con người chúng ta vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Năm thánh có Đức Mẹ dẫn tới nguồn hy vọng
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
21:08 17/01/2025
NĂM THÁNH CÓ Đức Mẹ DẪN TỚI NGUỒN HY VỌNG
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C

Thánh Gioan không gọi "hiện tượng lạ" xuất phát từ Chúa Giêsu là "phép lạ", mà là "dấu lạ". Trọn sứ điệp Tin Mừng của mình, từ khi bắt đầu đời công khai đến khi hoàn tất cuộc đời trần thế của Chúa, thánh Gioan chỉ ghi nhận bảy dấu lạ: Biến nước thành rượu (2, 1-11); Chữa con trai quan cận vệ nhà vua (4, 46-54); Chữa người bất toại tại cửa Chiên Đền thờ gần hồ Betsaida (5, 1-15); Hóa bánh ra nhiều nuôi dân (6, 5-13), Đi trên mặt nước (6, 16-21), Chữa người mù bẩm sinh (9, 1-7), Khiến Lazarô sống lại (11, 1-44).

Mỗi dấu lạ là bài học hay ý nghĩa thần học rõ rệt. Tựu trung qua dấu lạ, thánh Gioan muốn chúng ta tuyên xưng: Chúa Giêsu không chỉ là người mà còn là Thiên Chúa thật. Chúa Giêsu uy quyền như Thiên Chúa uy quyền. Chúa Giêsu thống trị muôn vật như Thiên Chúa thống trị. Chúa Giêsu phép tắc như Thiên Chúa phép tắc. Chúa Giêsu trao ban tình yêu như Thiên Chúa trao ban...

Mặt khác, trọn sứ điệp Tin Mừng của mình, chỉ hai lần thánh Gioan ghi nhận sự hiện diện của Đức Maria. Nhưng cả hai lần đều rất quan trọng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu:
- Tiệc cưới Cana: Chúa khởi đầu sự xuất hiện công khai.
- Bên chân thánh giá: Chúa kết thúc sứ mạng trần thế.

Thánh nhân không gọi tên Đức Mẹ, nhưng là "Mẹ của Chúa Giêsu". Chúa Giêsu cũng không gọi Đức Mẹ là "Mẹ" nhưng là "Bà". Đó là một trong những điểm thần học làm cho Tin Mừng thứ tư khác biệt các Tin Mừng khác.

Tất cả những điểm thần học lý thú vừa nói, mang nhiều ý nghĩa. Bởi sứ điệp được trình bày trong Tìn Mừng này, không đơn thuần ghi nhận những biến cố, sự việc, nhưng chắt lọc suy tư được ôm ấp, được nghiền ngẫm về cuộc đời Chúa Cứu Thế, về tất cả những gì liên quan đến Ngài trong thời gian dài.

Qua những suy tư bằng trọn chiều sâu đã chín mùi ấy, thánh Gioan như nhắn gửi, những gì đã xảy ra trong đời sống của Chúa Kitô, cũng được và cũng cần được diễn ra trong Hội Thánh hiện tại.

Đặc biệt, Hội Thánh cần noi gương Chúa Kitô, để Đầu thánh thiện, thân mình cũng phải thánh thiện. Vì thế, từ những kỷ niệm mang tính lịch sử và cứu độ xuất phát từ Chúa Giêsu, được sức mạnh Thánh Thần linh hứng, Tin Mừng thánh Gioan diễn tả xuyên qua những câu chuyện lịch sử ấy, ý nghĩa thần học phong phú, để Hội Thánh sống và sống dồi dào.

Tuy nhiên, nơi dấu lạ Biến nước thành rượu, dấu lạ thứ nhất mà Tin Mừng Chúa nhật thứ hai trình bày, thánh Gioan như muốn trao cho độc giả ý nghĩa lớn này: Chúa Giêsu bày tỏ chính Ngài là Đấng Mêsia của Thiên Chúa đã đến trần gian. Ngài là Đấng ban sự an nghỉ thật và sự sống dư dật cho bất cứ ai tin Ngài. Chính trong chiều hướng đó mà thánh Gioan ghi nhận ở cuối trình thuật: "Chúa Giêsu... đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người".

Trong cái nhìn thần học thâm thúy ấy, Đức Maria của Tin Mừng thứ tư có chỗ đứng hết sức trang trọng. Đức Mẹ không chỉ làm Mẹ Chúa Cứu Thế mà còn có vai trò lớn trong công trình cứu độ của Chúa Cha ngang qua Chúa Giêsu. Trình thuật tiệc cưới Cana cũng thể hiện ý nghĩa ấy.

Cửa Năm Thánh 2025 đã mở. Và chúng ta, những Người Hành Hương đang tiến qua cửa ấy mang theo trọn niềm hy vọng vào tình yêu và sự cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta, những kẻ ra đi để tiến về Nhà Cha trong hy vọng.

Con đường ta đi là nẻo đường thế gian, nhưng không đến đích thế gian mà vượt qua thế gian bằng hy vọng vươn tới chân, thiện, mỹ là trời cao, là siêu nhiên, là cõi phúc, là ơn gọi nên thánh, là chính cung lòng Thiên Chúa.

Chúng ta cần Đức Mẹ đồng hành. Đức Mẹ là lẽ cậy trông, là sự giáo dục chính đáng, là môi giới tin tưởng. Đức Mẹ nhẹ nhàng giới thiệu chúng ta cho Chúa Giêsu, giới thiệu mọi cảnh huống của cuộc đời mà chúng ta lâm vào như đã từng giới thiệu hoàn cảnh tưởng chừng bế tắc của đám cưới Cana xưa.

1. Đức Mẹ giáo dục chúng ta tín thác vào Chúa bằng chính tấm gương tin tưởng của Đức Mẹ. Đức Mẹ tin nên mới ngỏ: "Họ hết rượu rồi". Trước thái độ cứng cỏi của Chúa: "Tôi với bà có can chi? Giờ tôi chưa đến", không làm Đức Mẹ nao núng, nhưng rất tự tin và bình tĩnh nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ làm theo", cho thấy Đức Mẹ hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Lòng tin nơi Đức Mẹ là đức tin mạnh mẽ.

Hành trình của năm Thánh, hơn thế, hành trình của cuộc đời, học lấy bài học đức tin nơi Đức Mẹ, chúng ta tín thác vào Chúa mọi hoàn cảnh, mọi thời gian sống, suy tư, dự tính, nỗ lực... của bản thân. Xin Đức Mẹ đồng hành, đỡ nâng và dạy chúng ta đừng rời xa lòng tín thác vào Chúa, để từ nay đến muôn đời, ta hưởng nhờ tình yêu và sự cứu độ mà Chúa dành cho.

2. Đức Mẹ dạy chúng ta vững tin và thực hành Lời Chúa, nhanh nhẹn vâng theo thánh ý Chúa. "Người bảo gì, các anh cứ làm theo" là gia sản quý giá Mẹ chúng ta để lại. Nếu ngày ấy, gia nhân không nghe lời dạy của Chúa đổ đầy nước, dấu lạ đã không diễn ra. Vì không nghe cũng là không tin. Nhưng họ vâng lời Đức Mẹ: tin Chúa, thi hành thánh ý Chúa trọn vẹn. Hạnh phúc tiếp tục, và tiếp tục ở mức độ cao nhờ tin, lắng nghe và thi hành ý Chúa.

Noi gương Đức Mẹ, chúng ta tự trang bị cho mình sự vâng phục thánh ý Chúa tuyệt đối và không bao giờ lay chuyển. Càng đối diện khó khăn, càng mở Lời Chúa, nhất là mở sách Tin Mừng để nghiền ngẫm, để thấm thía thánh ý Chúa và sống thánh ý ấy trọn vẹn. Có rất nhiều lời của Kinh Thánh và lời của Tin Mừng trao cho ta sức mạnh, sự ủi an để ta vượt lên mọi thách đố, mọi cám dỗ trong đời, giúp ta tiến xa về phía Chúa như Đức Mẹ đã đạt được.

Ước mong hồng ân năm Thánh càng khiến chúng ta yêu mến Chúa như Đức Mẹ, tin tưởng và cậy trông Chúa hoàn toàn như Đức Mẹ!
 
Có Chúa hy vọng chứa chan
Lm Nguyễn Xuân Trường
21:10 17/01/2025
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Fernández: Dự kiến sẽ sớm có một tài liệu mới về trí khôn nhân tạo, Những công trình khác đang được tiến hành
Vũ Văn An
13:16 17/01/2025

Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez. (ảnh: Daniel Ibanez/CNA / CNA)


Edward Pentin của National Catholic Register, ngày 16 tháng 1 năm 2025, cho hay: Vatican vốn nhấn mạnh rằng trí khôn nhân tạo phải nâng cao phẩm giá con người thay vì làm suy yếu nó, và những tiến bộ kỹ thuậtphải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc ưu tiên phúc lợi của con người hơn lợi nhuận.

Hiện nay, Bộ Giáo lý Đức tin đang chuẩn bị các tài liệu về nhiều chủ đề khác nhau, bắt đầu bằng một tài liệu về trí khôn nhân tạo (AI) được viết với sự hợp tác của Bộ Giáo dục và Văn hóa.

Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã nói với tờ Register vào ngày 15 tháng 1 rằng tài liệu về trí khôn nhân tạo sẽ được công bố "vào cuối tháng".

Ngài cũng cho biết nhiều "công trình khác đang được tiến hành" mà ngài tiết lộ sẽ là "về giá trị của chế độ một vợ một chồng, chế độ nô lệ trong lịch sử và nhiều hình thức nô lệ khác nhau ngày nay, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, một số câu hỏi về Thánh mẫu học, v.v."

Tin tức về tài liệu trí khôn nhân tạo xuất hiện sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến Hồng Y Fernández trong buổi tiếp kiến riêng vào thứ Ba, cùng với Hồng Y José Tolentino de Mendonça, Tổng trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa, và các thư ký của cả hai bộ. Có khả năng tài liệu đã được ký trong buổi tiếp kiến đó.

Trong gần một thập niên, Vatican đã tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận và sáng kiến liên quan đến trí khôn nhân tạo, nhấn mạnh các xem xét về đạo đức và tầm quan trọng của phẩm giá con người trong tiến bộ kỹ thuật.

Trí khôn nhân tạo gây ra nhiều rủi ro và nguy hiểm có thể tác động đáng kể đến xã hội, an ninh và quyền cá nhân. Ví dụ, một số tác nhân đã sử dụng nó để phát tán thông tin và hình ảnh sai lệch, và nó cũng có thể duy trì các thành kiến hiện có bắt nguồn từ việc sử dụng internet, dẫn đến kết quả phân biệt đối xử. trí khôn nhân tạo cũng đe dọa an ninh khi được sử dụng trong các hệ thống vũ khí và việc lạm dụng kỹ thuật này có thể làm giảm khả năng sáng tạo và khả năng nhận thức thiết yếu của con người theo thời gian.

Vatican bắt đầu tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà đạo đức học và các nhà lãnh đạo kỹ thuật vào năm 2016 để thảo luận về những tác động của AI nhằm giải quyết các khía cạnh đạo đức của các kỹ thuật mới xuất hiện.

Vào tháng 2 năm 2020, Học viện Giáo hoàng về Sự sống đã hợp tác với các công ty kỹ thuật lớn như IBM và Microsoft trong một tài liệu có tên là “Lời kêu gọi của Rome về Đạo đức trí khôn nhân tạo”. Văn bản này thúc đẩy “đạo đức thuật toán”, nhấn mạnh “tính minh bạch, bao gồm, trách nhiệm, công bằng, độ tin cậy, bảo mật và quyền riêng tư” trong các kỹ thuật trí khôn nhân tạo, nhằm thúc đẩy sự hợp tác ở cả bình diện quốc gia và quốc tế để đảm bảo rằng trí khôn nhân tạo phục vụ nhân loại hợp đạo đức.

Bộ Giáo dục và Văn hóa cũng đã cân nhắc về vấn đề này, xuất bản vào tháng 7 năm 2023 phần giới thiệu về sổ tay đạo đức dài 140 trang dành cho ngành kỹ thuật do Viện Kỹ thuật, Đạo đức và Văn hóa tại Đại học Santa Clara của California xuất bản.

Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng đã dành Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của mình cho chủ đề “Trí khôn nhân tạo và Hòa bình”. Văn bản này nhấn mạnh tính cấp thiết của việc mở rộng sự phản ảnh về mặt đạo đức vào giáo dục và luật pháp để đảm bảo rằng trí khôn nhân tạo đóng góp tích cực cho công lý và hòa bình.

Nhìn chung, Vatican đã nhấn mạnh rằng trí khôn nhân tạo phải nâng cao phẩm giá con người thay vì làm suy yếu nó, và những tiến bộ kỹ thuật phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc ưu tiên phúc lợi của con người hơn lợi nhuận.

Một số nhà bình luận đã nêu bật những lo ngại về tính thực tế và khả năng thực thi của cách tiếp cận của Vatican. Tuy nhiên, Vatican đã có những bước đi để thực hiện giáo lý của riêng mình về trí khôn nhân tạo trong Thành phố Vatican khi sắc lệnh đầu tiên của họ quy định về việc sử dụng trí khôn nhân tạo có hiệu lực vào đầu tháng này.

Luật mới cấm việc sử dụng trí khôn nhân tạo có tính phân biệt đối xử và thành lập một ủy ban đặc biệt để giám sát “thử nghiệm” kỹ thuật mới tại Vatican. Các quy định mới áp dụng cho các tổ chức nhà nước của Vatican nhưng không áp dụng cho toàn bộ Giáo triều La Mã.

Các tài liệu dự kiến khác

Về các tài liệu sắp tới khác, liên quan đến chế độ nô lệ, Hồng Y Fernández đã từng sử dụng Sắc chỉ Dum diversas năm 1452 của Giáo hoàng Nicholas V — trong đó dung thứ cho chế độ nô lệ — để lập luận cho lập trường của mình rằng sự hiểu biết của Giáo hội về phẩm giá con người đã phát triển theo thời gian và nói chung, học thuyết và giáo huấn của Giáo hội có thể phát triển.

Bất cứ tài liệu nào về chế độ nô lệ hiện đại đều được kỳ vọng sẽ đề cập đến một loạt các hoạt động khai thác đương thời, trong đó các cá nhân bị người khác kiểm soát vì lợi nhuận, thường thông qua cưỡng bức hoặc lừa dối. Những hoạt động này bao gồm buôn người, lao động cưỡng bức và nô lệ trẻ em.

Về vấn đề đơn hôn, sau khi Fiducia Supplicans được công bố vào năm 2023, cho phép ban phước lành không theo phụng vụ cho các cặp đôi đồng tính, Hồng Y Fernández đã nhắc lại niềm tin của mình rằng hôn nhân là "sự kết hợp độc quyền, ổn định và không thể tách rời giữa một người đàn ông và một người đàn bà, vốn tự nhiên mở ra cho việc sinh sản con cái”. Bình luận của ngài được đưa ra sau khi có nhiều lời chỉ trích về Fiducia Supplicans, trong đó có những lo ngại cho rằng nó làm suy yếu giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và quan hệ tình dục.

Vấn đề phụ nữ trong Giáo hội có thể liên quan đến nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm mở rộng vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội. Là một phần của những nỗ lực đó, Đức Phanxicô đã gây tranh cãi khi cho phép phụ nữ bỏ phiếu lần đầu tiên tại Thượng hội đồng giám mục và bổ nhiệm người phụ nữ đầu tiên làm bộ trưởng một thánh bộ của Vatican.

Không rõ các câu hỏi về Thánh Mẫu Học sẽ bao gồm những gì, nhưng nó sẽ diễn ra sau khi Bộ Giáo lý Đức tin công bố tài liệu có tên là “Các tiêu chuẩn để tiến hành trong việc phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên” vào năm ngoái, trong đó đưa ra các hướng dẫn mới về các lần Đức Mẹ hiện ra và cách phân định chúng.
 
Vatican bỏ qua những câu chuyện có thật đằng sau cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng với nhóm Hồi giáo
Vũ Văn An
14:03 17/01/2025

Giáo hoàng Phanxicô gặp Haxhi Baba Edmond Brahimaj của cộng đồng Hồi giáo Bektashi và Rabbi Yoel Kaplan, Giáo sĩ trưởng của Albania, vào ngày 16 tháng 1 năm 2025. (Nguồn: Vatican Media.)


Charles Collins, Tổng biên tập của Crux, ngày 17 tháng 1 năm 2025, cho chạy hàng tít: Vatican bỏ qua những câu chuyện có thật đằng sau cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng với nhóm Hồi giáo

Ông tự hỏi: Đức Giáo Hoàng có tán thành một nhà nước nhỏ theo phong cách Vatican cho một cộng đồng Hồi giáo vào thứ năm không?

Báo chí ở Albania dường như nghĩ vậy, sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp một phái đoàn từ Phái Bektashi Hồi giáo của Dervishes, có trụ sở tại Albania.

Phái Bektash là một phái thần bí Hồi giáo Sufi được coi là dung hợp với cả người Hồi giáo Sunni lẫn Shia, với khoảng 20 triệu tín đồ. Hầu hết họ đều ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã trục xuất nhóm lãnh đạo Bektashi – những người đã đến Albania – vào những năm 1920 sau khi nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại được thành lập.

Đức Phanxicô đã có một cuộc gặp gỡ có vẻ bình thường với nhà lãnh đạo của nhóm này, Haxhi Baba Edmond Brahimaj, tại Vatican vào thứ năm.

"Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến phái đoàn đáng kính này từ Albania và đặc biệt là từ cộng đồng Bektashi, và tôi cảm ơn Bộ Đối thoại Liên tôn đã tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ này", Đức Giáo Hoàng nói.

"Bất cứ khi nào các nhà lãnh đạo tôn giáo tụ họp với nhau trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cam kết với nền văn hóa gặp gỡ thông qua đối thoại, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác, hy vọng của chúng ta về một thế giới tốt đẹp hơn và công bằng hơn sẽ được đổi mới và khẳng định. Thế giới của chúng ta cần hy vọng như vậy biết bao!" Đức Phanxicô nói, ám chỉ đến Năm Thánh 2025.

"Mối quan hệ hữu nghị giữa Giáo Hội Công Giáo và Albania và cộng đồng Bektashi mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta, và tôi tin tưởng rằng những mối quan hệ này sẽ ngày càng bền chặt hơn trong việc phục vụ tình anh em và sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc", ngài nói tiếp.

“Trong thời buổi khó khăn này, tất cả chúng ta được kêu gọi từ chối luận lý học bạo lực và bất hòa, để nắm lấy luận lý học gặp gỡ, tình bạn và sự hợp tác trong việc theo đuổi lợi ích chung. Thật vậy, niềm tin tôn giáo của chúng ta giúp chúng ta nắm lấy rõ ràng hơn những giá trị cơ bản này của nhân tính chung và do đó 'cho phép những giọng nói khác nhau của chúng ta hợp nhất để tạo ra một giai điệu của sự cao quý và vẻ đẹp tuyệt vời'", Đức Giáo Hoàng nói thêm.

Sau đó, ngài cảm ơn cộng đồng Hồi giáo nhỏ đã tham gia Cầu nguyện cho Hòa bình ở Balkan năm 1993 và Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới năm 2011 tại Assisi.

"Tôi tin rằng cộng đồng Bektashi, cùng với những người Hồi giáo, Ki-tô giáo và tất cả những người có đức tin khác ở Albania có thể đóng vai trò là cầu nối hòa giải và làm giàu lẫn nhau không chỉ trong đất nước của các bạn mà còn giữa Đông và Tây", Đức Giáo Hoàng nói.

“Bất chấp những thách thức của thời điểm hiện tại, đối thoại liên tôn có vai trò độc đáo trong việc xây dựng tương lai hòa giải, công lý và hòa bình mà nhân dân thế giới, đặc biệt là giới trẻ, vô cùng mong đợi”, Đức Phanxicô nói.

Một bài phát biểu chuẩn mực của Đức Giáo Hoàng khi gặp gỡ các thành viên của một cộng đồng tôn giáo khác, hầu hết mọi người sẽ nghĩ vậy.

Nhưng tiêu đề ở Albania là: “Đức Giáo Hoàng, đối mặt với Baba Mondi [tên thường được dùng cho Brahimaj], chúc phúc cho việc thành lập ‘Nhà nước Bektashi’ ở Tirana!”

Điều này không được nêu trong bài phát biểu do Vatican công bố và văn phòng báo chí Vatican không trả lời các câu hỏi về tuyên bố này do Crux đưa ra.

Brahimaj đã thảo luận với chính phủ Albania để thành lập một tiểu bang rộng 27 mẫu Anh (để so sánh, Thành phố Vatican rộng 121 mẫu Anh), đây sẽ là một cộng đồng khá tự do, có rượu và không có quy định về trang phục, chẳng hạn như khăn trùm đầu đối với phụ nữ.

Giống như nhiều giáo phái Hồi giáo nhỏ hơn, cộng đồng Bektashi tự do hơn nhiều so với hai nhánh Hồi giáo lớn nhất.

Thủ tướng Albania, Edi Rama, nói với tờ New York Times rằng ông đang cân nhắc thành lập nhà nước nhỏ để thúc đẩy một phiên bản Hồi giáo khoan dung.

"Chúng ta nên chăm sóc kho báu này, đó là sự khoan dung tôn giáo và chúng ta không bao giờ nên coi đó là điều hiển nhiên", ông nói với tờ báo.

Với sự ủng hộ danh nghĩa của chính phủ Albania, nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra sự chứng thực của ngài - và một lần nữa, chúng ta chỉ có phương tiện truyền thông Albania tuyên bố điều này - thì điều đó không nên gây tranh cãi.

Ngoại trừ…

Hầu hết cộng đồng Bektashi sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và có quan hệ họ hàng với cộng đồng Hồi giáo Alevi, chiếm khoảng 20 phần trăm dân số. Người Alevite tuyên bố rằng họ bị phân biệt đối xử bởi đa số người Sunni.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã phản đối các tổ chức tôn giáo "độc lập". Họ không chỉ trục xuất những người lãnh đạo cộng đồng Bektashi vào những năm 1920 mà còn bãi bỏ chế độ Hồi giáo Ottoman, chế độ đã lãnh đạo Hồi giáo Sunni trên toàn thế giới. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối việc sử dụng danh hiệu Thượng phụ Đại kết Constantinople, vì nghi ngờ rằng họ muốn trở thành “Thành phố Vatican” của Giáo hội Chính thống giáo (một tuyên bố mà Thượng phụ đã phủ nhận rất mạnh mẽ).

Đức Phanxicô hy vọng sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay để kỷ niệm Công đồng Nicaea đầu tiên, diễn ra vào năm 325 Công nguyên. Việc Đức Giáo Hoàng ủng hộ việc thành lập một ban lãnh đạo "giống như Vatican" cho một nhóm thiểu số Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chuyến thăm như vậy. Một vấn đề khác không được đề cập trong tuyên bố của Vatican là những ai khác có mặt tại cuộc họp: Rabbi Yoel Kaplan, người được chính phủ Albania bổ nhiệm làm Giáo sĩ trưởng của cộng đồng Do Thái nhỏ - ít hơn 200 người - vào năm 2010. (Cả bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng và tuyên bố của Vatican đều không đề cập đến Do Thái giáo.) Brahimaj và cộng đồng Bektashi Hồi giáo của ông từ lâu đã ủng hộ người Do Thái và quốc gia Israel. Cuộc gặp này với Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn ra ngay sau khi Hamas và Israel cuối cùng đã đạt được thỏa thuận hòa bình sau cuộc chiến bắt đầu vào tháng 10 năm 2023. Bạn sẽ nghĩ rằng cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng với các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Do Thái sẽ gắn liền với thỏa thuận hòa bình lịch sử này. Tuy nhiên, mặc dù xuất hiện trong nhiều bức ảnh, tên của Kaplan không được nhắc đến trong thông cáo báo chí về cuộc họp. Tất nhiên, điều này có thể là do Kaplan được cho là đã quay trở lại chiến đấu ở Gaza với quân đội Israel sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 vào Israel của Hamas. Nhìn chung, Văn phòng Báo chí Vatican có thể đã gửi một bản ghi nhớ ấn tượng hơn về cuộc chạm trán.
 
Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Đất Thánh: Chiến tranh kết thúc không phải là kết thúc xung đột
Vũ Văn An
14:26 17/01/2025

Hai người đàn ông đi bộ gần biên giới với Gaza ở miền nam Israel vào thứ năm, ngày 16 tháng 1 năm 2025. (Nguồn: Ariel Schalit/AP.)


John Lavenburg của Crux, ngày 17 tháng 1 năm 2025, cho chạy hàng tít: Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Đất Thánh: Chiến tranh kết thúc không phải là kết thúc xung đột

Ông viết: Khi Israel và Hamas tiến gần đến một thỏa thuận ngừng bắn, các giám mục Công Giáo tại Đất Thánh cho biết thỏa thuận này là một bước đi cần thiết, nhưng cũng thừa nhận rằng cần phải có nhiều hành động hơn nữa để "giải quyết một cách đáng tin cậy các vấn đề sâu xa" ở cốt lõi của cuộc xung đột.

"Chúng tôi hy vọng rằng lệnh ngừng bắn này sẽ đánh dấu một kết thúc quan trọng cho tình trạng bạo lực đã gây ra đau khổ vô cùng to lớn. Đây là một bước đi cần thiết để ngăn chặn sự tàn phá và đáp ứng nhu cầu nhân đạo cấp bách của vô số gia đình bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột", các giám mục Công Giáo cho biết trong một tuyên bố ngày 16 tháng 1.

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rằng chiến tranh kết thúc không có nghĩa là xung đột kết thúc”, các giám mục Công Giáo cho biết. “Do đó, cần phải giải quyết nghiêm túc và đáng tin cậy các vấn đề sâu xa đã là gốc rễ của cuộc xung đột này trong thời gian quá dài”.

“Hòa bình thực sự và lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua một giải pháp công bằng giải quyết nguồn gốc của cuộc đấu tranh lâu dài này”, họ tiếp tục. “Điều này đòi hỏi một quá trình dài, sự sẵn lòng thừa nhận nỗi đau khổ của nhau và một nền giáo dục tập trung vào lòng tin dẫn đến việc vượt qua nỗi sợ hãi đối với người khác và biện minh cho bạo lực như một công cụ chính trị”.

Được thành lập vào năm 1992, Hội đồng các giám mục Công Giáo tại Đất Thánh bao gồm các giám mục, giám mục phụ và giám mục của Giáo Hội Công Giáo nắm quyền tài phán trên lãnh thổ Đất Thánh: Jerusalem, Palestine, Israel, Jordan và Síp. Các giám mục phụ thuộc vào Giáo hội La tinh, Giáo hội Maronite và các Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Melkite, Armenia, Syriac và Can đê.

Hiện tại, hội đồng có 27 thành viên. Theo luật định, tổ chức này do Đức Thượng phụ La tinh của Jerusalem, hiện là Hồng Y người Ý Pierbattista Pizzaballa, chủ trì.

ĐHY Pizzaballa, trong tuyên bố ngày 16 tháng 1, gọi lệnh ngừng bắn là "bước ngoặt cần thiết mà chúng ta cần".

"Hy vọng rằng đây là khởi đầu của một quá trình - mặc dù kéo dài - hy vọng sẽ mang lại hòa bình lâu dài", ĐHY Pizzaballa cho biết, đồng thời lưu ý rằng trong tương lai gần, thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp việc đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza trở nên dễ dàng hơn, nơi mọi người "rất cần sự hỗ trợ".

Giám mục Elias Zaidan, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cũng cho biết ngài đón nhận tin tức này với hy vọng lớn lao, gọi đây là "một dấu hiệu hòa bình đáng khích lệ cho một khu vực đã chứng kiến quá nhiều đổ máu và tàn phá".

“Tôi cầu xin cho hòa bình này có thể bén rễ vững chắc và lâu dài ở Trung Đông, và tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với vai trò quan trọng, xây dựng hòa bình mà Hoa Kỳ đã đóng trong lệnh ngừng bắn và thả con tin này”, ĐC Zaidan, giám mục của Giáo phận Maronite Đức Mẹ Lebanon cho biết trong tuyên bố ngày 16 tháng 1.

Thỏa thuận ngừng bắn đã được công bố vào ngày 15 tháng 1. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết vào ngày 16 tháng 1 rằng một "cuộc khủng hoảng phút chót" với Hamas đã kìm hãm thỏa thuận. Tuy nhiên, vào ngày 17 tháng 1, nội các an ninh Israel đã phê duyệt thỏa thuận và gửi đến toàn thể nội các Israel để bỏ phiếu phê duyệt cuối cùng. Nếu được chấp thuận, thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc giao tranh ở Gaza trong 42 ngày và giải thoát hàng chục con tin Israel và tù nhân Palestine.

Hamas bắt đầu cuộc chiến hiện tại bằng một cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, khiến khoảng 1,200 người thiệt mạng và bắt thêm 250 người làm con tin. Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, trong số khoảng 100 con tin ước tính vẫn ở lại Gaza, một phần ba được cho là đã chết.

Nếu một thỏa thuận được thực hiện và lệnh ngừng bắn bắt đầu, Israel và Hamas sẽ cần đạt được thỏa thuận thứ hai để tiếp tục sau 42 ngày đầu tiên.

Các giám mục Công Giáo cho biết trong tuyên bố của họ, được công bố trước khi Netanyahu tuyên bố thỏa thuận bị đình chỉ, rằng họ cầu nguyện lệnh ngừng bắn mang lại cảm giác "thanh thản và nhẹ nhõm", và "cho phép tất cả mọi người tìm thấy sự an ủi, xây dựng lại cuộc sống của họ và lấy lại hy vọng cho tương lai".

Các giám mục Công Giáo bày tỏ "hy vọng vững chắc" mà họ duy trì cho tương lai. Họ cũng bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ truyền cảm hứng cho những nỗ lực mới "đối thoại, hiểu biết lẫn nhau và hòa bình lâu dài cho tất cả mọi người", và kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị trên toàn thế giới lãnh đạo những nỗ lực đó.

"Cuối cùng, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng quốc tế phát triển một tầm nhìn chính trị rõ ràng và công bằng cho giai đoạn hậu chiến", các giám mục Công Giáo cho biết. "Một tương lai được xây dựng trên phẩm giá, an ninh và tự do cho tất cả mọi người là điều kiện tiên quyết cho hòa bình thực sự và lâu dài".

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thực hiện các bước ngay lập tức và đàm phán các bước tiếp theo của thỏa thuận một cách thiện chí", các giám mục Công Giáo tiếp tục.

Giống như những tổ chức khác, Cơ quan Công Giáo Phát triển Hải ngoại – cơ quan viện trợ chính thức của Giáo Hội Công Giáo Anh tại xứ Wales – cho biết việc tạm dừng giao tranh mang lại “sự tạm dừng đáng hoan nghênh”, nhưng cũng nhấn mạnh đến nhu cầu về một thỏa thuận dài hạn.

“Sự tạm dừng này sẽ mang lại sự tạm dừng đáng hoan nghênh trong các cuộc giao tranh, nhưng điều quan trọng là sự tạm dừng này phải kéo dài thành lệnh ngừng bắn dài hạn, một nền hòa bình bền vững, công bằng và lâu dài, và chấm dứt tình trạng chiếm đóng để chấm dứt nỗi đau khổ của người dân ở Gaza, mang lại hòa bình và an ninh trên khắp khu vực”, Janet Symes, người đứng đầu khu vực Châu Á và Trung Đông của cơ quan này cho biết trong một tuyên bố ngày 15 tháng 1.
 
Hiệp hội trừ tà quốc tế cảnh báo: 9 hành động cần tránh khi chiến đấu với quỷ dữ
Đặng Tự Do
17:22 17/01/2025


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trong video được công bố hôm 6 Tháng Giêng, ngài đã trình bày tuyên bố mới nhất của Hiệp hội trừ tà quốc tế liên quan đến những lạm dụng của một số linh mục và những người thánh hiến trong lãnh vực trừ tà.

Trong tuyên bố này, Hiệp hội trừ tà quốc tế đã bày tỏ mối quan ngại về một số hành vi sai trái, bao gồm cả những hành vi do một số linh mục thực hiện, khiến các tín hữu tìm kiếm sự giúp đỡ bối rối khi có thể đang phải đối mặt với những hành động phi thường của ma quỷ.

Đức Ông Rossetti nhấn mạnh rằng, theo kỷ luật của Giáo Hội, trong một giáo phận, chỉ có các linh mục được đấng bản quyền địa phương giao nhiệm vụ mới có năng quyền trừ tà. Tuy nhiên, không thiếu các trường hợp, một số linh mục và những người thánh hiến cũng tự động tham gia trừ tà, và đôi khi họ hành động không khác gì một pháp sư.

Theo Đức Ông Rossetti, Hiệp hội, với khoảng 900 thành viên trừ tà trên toàn thế giới, đã đưa ra cảnh báo trong một nhằm “cung cấp những giải thích cần thiết để có thể hành động tốt trong việc ban phát lòng thương xót của Chúa thông qua chức vụ trừ tà”.

Hiệp hội đã xuất bản bài viết này vì “một số hoạt động mục vụ đã được nhận thấy rằng, thay vì phục vụ cho thân thể bị thương của Chúa Kitô, thì lại làm tăng thêm đau khổ và gây mất phương hướng”. Những những nhà trừ tà yêu cầu người Công Giáo lưu ý đến những quan sát này “để tránh những thái độ và phương pháp không phù hợp với công việc đích thực của Chúa Kitô”.

Văn bản này cũng chỉ ra rằng trong những năm gần đây, số lượng người tìm đến thầy trừ tà đã tăng lên vì mọi người tự hỏi hoặc tin rằng họ là “nạn nhân của một hành động phi thường của ma quỷ”, có thể là sự quấy nhiễu, ám ảnh, chiếm hữu hoặc phá hoại.

Tuy nhiên, các nhà trừ tà cảnh báo rằng có những trường hợp mà niềm tin này - đòi hỏi phải xác nhận bằng một cuộc kiểm tra nghiêm ngặt - thường được “những người không được đào tạo cụ thể về vấn đề này và không có lệnh từ người có thẩm quyền, hành động không đúng mực, gây ra sự nhầm lẫn trong cộng đồng dân Chúa”.

Hiệp hội Trừ tà Quốc tế cảnh báo về chín thực hành mục vụ sai lầm sau đây có thể làm mất phương hướng những người muốn thoát khỏi hành động phi thường của ma quỷ.

1. Sự ngẫu hứng và giật gân

Hiệp hội bắt đầu bằng việc chỉ trích thái độ của một số linh mục, những người tận hiến và giáo dân, những người không được đào tạo đầy đủ và không có lệnh của giám mục, “thay vì chuyển những trường hợp có thể bị ma quỷ hành động bất thường” cho một nhà trừ tà, lại sử dụng “các phương pháp giải thoát tùy tiện” không được giám mục cho phép.

“Thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi họ ngăn cản các tín hữu tìm đến những nhà trừ tà chính thức của giáo phận mình, gợi ý rằng họ nên tìm những những nhà trừ tà nổi tiếng khác được coi là 'mạnh hơn' hoặc tuyên bố cần phải đối phó ngay trước các hoạt động ma quỷ phi thường mà họ đã phát hiện ra.”

2. Tập trung vào công việc của ma quỷ chứ không phải vào Phúc Âm

Hiệp hội chỉ ra rằng “thật đáng tiếc khi một số người, thay vì rao giảng Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô giải thoát con người khỏi ách nô lệ của sự dữ và tội lỗi, lại chỉ tập trung sự chú ý của họ vào sự hiện diện và hoạt động của ma quỷ”, khiến những người tìm kiếm sự giúp đỡ tin rằng “sự giải thoát chỉ phụ thuộc vào việc lặp đi lặp lại một cách bắt buộc các lời cầu nguyện và phước lành”, trong khi sự bình an của Chúa Kitô “chỉ có thể đạt được thông qua một cuộc sống bác ái, được nuôi dưỡng bằng lời Chúa, thông qua cầu nguyện, thông qua việc thường xuyên lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và xưng tội, và thông qua lòng sùng kính đích thực đối với Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

3. Sự phân biệt thiếu thận trọng

Hiệp hội than thở rằng một số linh mục, bao gồm cả những những nhà trừ tà, đã bỏ qua “sự phân định nghiêm chỉnh và chặt chẽ được quy định bởi Praenotanda hay chỉ thị của Nghi lễ trừ tà” và sử dụng “tiêu chuẩn xa lạ với đức tin Công Giáo, xác nhận các khái niệm có nguồn gốc bí truyền hoặc Thời đại mới”. Bài báo cảnh báo rằng đây là một đường lối “không thể chấp nhận được và trái ngược với đức tin và giáo lý của Giáo hội”.

4. Thực hành mê tín

Hiệp hội cũng chỉ trích những người sử dụng các thủ tục mê tín, chẳng hạn như yêu cầu “ảnh chụp hoặc quần áo để xác định những điều xấu có thể xảy ra”, cũng như chạm vào “một số điểm nhất định trên cơ thể của tín hữu để 'chẩn đoán sự hiện diện của các thực thể ác tính' hoặc để 'trục xuất sự tiêu cực'“, hoặc gợi ý sử dụng không đúng cách các vật phẩm bí tích như nước, muối hoặc dầu thánh “mà một số người gọi là để 'trừ tà'“.

Bài báo cảnh báo rằng “đây là những thái độ không đúng đắn nuôi dưỡng tâm lý và tập tục mê tín, gây tổn hại đến phẩm giá của cơ thể, đền thờ của Chúa Thánh Thần và dẫn đến việc sử dụng ma thuật các vật phẩm được ban phước”.

5. Sự tham gia của những người không phù hợp

Bài báo nêu rằng “không thể chấp nhận được việc một số linh mục hoặc nhân viên mục vụ hợp tác với cái gọi là 'nhà ngoại cảm' hoặc những người được cho là có ân tứ” bằng cách gửi người đau khổ đến cho họ thay vì liên hệ với những những nhà trừ tà do các giám mục chỉ định.

“Tệ hơn nữa, khi chính những nhà trừ tà của giáo phận giao cho những người này nhiệm vụ mà Giáo hội đã giao phó cho họ, tức là nhiệm vụ phân định được ủy quyền về hoạt động ma quỷ phi thường thực sự.”

Hiệp hội nhắc nhở rằng những nhà trừ tà phải chịu trách nhiệm về nỗi đau khổ của người khác và “không quên dành thời gian để phân định cá nhân… để xác minh hành động phi thường có thể xảy ra của ma quỷ” và do đó cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân của hắn.

6. Không bao gồm khoa học y tế và tâm lý

Hiệp hội giải thích rằng những nhà trừ tà không chỉ tuân theo các tiêu chuẩn truyền thống để xác định xem một người có đang phải chịu đựng một hành động phi thường của ma quỷ hay không mà còn phải dựa vào kinh nghiệm của những những nhà trừ tà có uy tín và trong một số trường hợp, “theo lời khuyên của những người chuyên gia về y học và tâm thần học”.

Do đó, những những nhà trừ tà nhấn mạnh rằng người ta không thể “loại trừ việc tham khảo trước các khoa học tâm lý và tâm thần, cũng như các ngành khoa học tích cực khác, trong một số trường hợp có thể giúp hiểu được nguồn gốc của những căn bệnh không nhất thiết có nguồn gốc siêu nhiên”.

“Thái độ này không chỉ gây hiểu lầm mà còn khiến mọi người phải chịu những rủi ro không cần thiết, bỏ qua sự đóng góp đôi khi mang tính quyết định của các ngành y học và tâm lý hiện đại.”

7. Những phát biểu liều lĩnh và có hại

Hiệp hội kêu gọi mọi người không nên rơi vào “ham muốn lo lắng muốn xác định bằng mọi giá một hành động ma quỷ phi thường là nguyên nhân gây ra đau khổ cho ai đó”, đặc biệt là khi chưa có sự phân định nghiêm chỉnh trước đó.

8. Về phù thủy

Trong bài viết của mình, hiệp hội lưu ý rằng mặc dù việc thực hành ma thuật đã trở nên phổ biến, nhưng người ta không nên rơi vào “thái độ sợ hãi” khi coi đó là nguồn gốc của mọi điều xấu xa và bất hạnh có thể xảy đến với một người.

Những những nhà trừ tà chỉ ra rằng “lý lẽ thường tình và kinh nghiệm cũng dạy rằng khi một điều ác thực sự có thể do ma thuật gây ra, thì việc tập trung vào việc xác định nó” và bảo đảm với mọi người rằng họ là nạn nhân là vô ích và không liên quan đến sự giải thoát của họ, cũng như có hại, vì họ có thể bắt đầu bộc lộ “cảm giác căm thù” đối với những kẻ được cho là tác giả của lời nguyền.

Ngược lại, điều quan trọng là tập trung sự chú ý của con người “vào các phương thuốc ân sủng do Giáo hội ban tặng và con đường Kitô giáo cần theo”, dạy sự chắc chắn rằng “Thiên Chúa không bỏ rơi tạo vật của Người đang trải qua thử thách nhưng theo một cách nào đó, Người chịu đau khổ cùng với Người và đồng thời nâng đỡ và an ủi họ bằng ân sủng của Người”.

Tương tự như vậy, việc giảng dạy “niềm tin rằng mọi đau khổ, do bất kỳ điều ác nào có thể giáng xuống chúng ta trong cuộc sống, nếu được chấp nhận bằng tình yêu và sự dâng hiến cho Chúa, sẽ biến điều ác thành điều thiện.”

9. Chữa lành liên thế hệ (chữa lành cây phả hệ gia đình)

Hiệp hội cũng cảnh báo về sai lầm của cái gọi là “chữa lành liên thế hệ” và than thở rằng “một số linh mục và thậm chí một số những nhà trừ tà” thực hiện việc thực hành này “như một điều kiện 'sine qua non' (hoàn toàn cần thiết), nếu không thì sẽ không có sự chữa lành hay giải thoát, mà không nhận ra tác hại đối với đức tin của họ và của mọi người, cũng như hậu quả mà sau này họ có thể phải gánh chịu ở cấp độ hiện sinh.”

“Một số giám mục địa phương và hội đồng giám mục đã can thiệp vào lĩnh vực này, đưa ra những lý do về giáo lý chứng minh rằng thực hành này không có nền tảng Kinh thánh và thần học.” Hiệp hội đưa ra ví dụ về ghi chú giáo lý gần đây về chủ đề Hội đồng giám mục Tây Ban Nha.

Xua tan nỗi sợ hãi

Ngoài những thực hành trên, bài viết của hiệp hội cũng nhắc nhở độc giả rằng những những nhà trừ tà được kêu gọi để sự bình an của Chúa Kitô ngự trị trong họ, từ chối mọi hình thức sợ hãi vì “bất kể lý do gì gây ra nó, khi nó được nuôi dưỡng, nó sẽ dẫn đến sự suy yếu đức tin và mất niềm tin vào Chúa”.

Ma quỷ sử dụng nỗi sợ hãi “để biến con người thành nô lệ”; do đó, một linh mục sợ ma quỷ “trong khi thi hành chức thánh hoặc trong cuộc sống hằng ngày của mình thì không thể thi hành chức thánh trừ tà mà không phải đối mặt với những nguy hiểm nghiêm trọng cho đời sống tâm linh của mình, đặc biệt là nếu thay vì vun đắp lòng tin và phó thác hoàn toàn vào bàn tay thương xót của Thiên Chúa, ngài lại tìm cách giải quyết vấn đề bằng những thực hành ít nhiều mê tín dị đoan “.

Hiệp hội lưu ý rằng “Trong Kinh thánh, lời mời gọi đừng sợ hãi của Chúa được lặp lại ít nhất 365 lần”.

Trừ tà là một kinh nghiệm về Thiên Chúa và niềm vui

Bài báo chỉ ra rằng một số bộ phim đã góp phần tạo ra “một ý tưởng đen tối, đáng sợ và đáng sợ về bí tích trừ tà” cũng như nuôi dưỡng “sự tò mò bệnh hoạn về những điều siêu nhiên”.

Tuy nhiên, hiệp hội bảo đảm rằng kinh nghiệm cho thấy rằng chức thánh này “thấm nhuần niềm vui sâu sắc”, vì các thành viên của nó là những nhân chứng của “hành động mạnh mẽ của Chúa Kitô phục sinh” và sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, của các thánh và các chân phước, và của các thiên thần là “những tôi tớ trung thành của Đấng Tối Cao”.

Hiệp hội Trừ tà Quốc tế lưu ý rằng: “Do đó, nhiệm vụ chính của mỗi những nhà trừ tà là mang lại sự bình an và hy vọng, tránh mọi cử chỉ hoặc hành vi gây ra sự nhầm lẫn và gây ra nỗi sợ hãi, theo lời mời của Thánh Phaolô: 'Hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Chúa Kitô'“.


Source:Catholic News Agency
 
VietCatholic TV
Nhục nhã: Bị đột kích bất ngờ, 27 sĩ quan và lính Nga van lạy xin đầu hàng. Nga hạ trực thăng Nga
VietCatholic Media
02:43 17/01/2025


1. Lính dù Ukraine bắt giữ 27 lính Nga ở Kursk trong video đầy sỉ nhục cho Putin

Lực lượng lính dù Ukraine và các đơn vị khác đã bắt giữ 27 quân nhân Nga trong cuộc giao tranh ở Tỉnh Kursk của Nga. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng.

“Trong số họ có các sĩ quan, trung sĩ và binh nhì từ các đơn vị súng trường cơ giới, Thủy quân lục chiến, lính dù và các đơn vị khác đến từ nhiều khu vực khác nhau của Nga và thành phố Sevastopol bị tạm chiếm”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói.

Trong video được đính kèm mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, các sĩ quan và binh lính Nga đồng thanh nói: “Chúng tôi ngu muội, bị Putin lừa đảo làm điều sai trái với Ukraine, xin tha thứ cho chúng tôi.”

Ukraine đã chiến đấu ở vùng Kursk phía Tây Nam kể từ tháng 8 năm 2024, với hy vọng sử dụng vị thế của mình tại đó như một quân bài chủ chốt trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga.

Mạc Tư Khoa đã tăng cường nỗ lực nhằm đẩy quân đội Ukraine ra khỏi lãnh thổ của mình, điều động quân đội Bắc Hàn và được cho là đã chiếm lại khoảng một nửa diện tích ban đầu do Kyiv chiếm giữ.

“Chúng tôi kêu gọi những người lính Nga khác không chống cự và đầu hàng!”, dịch vụ báo chí của Lực lượng tấn công Dù cho biết, đồng thời cam kết sẽ đối xử với các tù nhân chiến tranh, gọi tắt là POW Nga theo đúng luật nhân đạo quốc tế.

Chỉ một ngày trước đó, Vệ binh Quốc gia Ukraine đã tuyên bố bắt giữ 23 binh sĩ Nga trong các hoạt động chiến đấu gần Toretsk ở Tỉnh Donetsk.

Ukraine và Nga thường xuyên tổ chức trao đổi tù nhân, gần đây nhất là vào ngày 15 Tháng Giêng khi 25 người Ukraine, bao gồm cả những người bảo vệ Azovstal, được thả.

[Kyiv Independent: Ukrainian paratroopers capture 27 Russian soldiers in Kursk Oblast]

2. Thủ tướng Starmer của Anh ký hiệp ước 100 năm với Zelenskiy tại Ukraine

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã đến Ukraine để cam kết cung cấp thêm vũ khí và hứa sẽ hỗ trợ Ukraine trong 100 năm tới, khi cuộc chiến chống lại lực lượng xâm lược Nga bước vào giai đoạn quan trọng.

Gần ba năm kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin bắt đầu, Ông Donald Trump dự kiến sẽ trở lại Tòa Bạch Ốc với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ và cam kết sẽ sớm chấm dứt chiến tranh.

Cùng lúc đó, các lực lượng chính trị có thiện cảm với Mạc Tư Khoa đang giành được nhiều sự ủng hộ trên khắp Âu Châu — ở các quốc gia bao gồm Áo, Rumani và Đức.

Khi tới hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, vào ngày Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, Starmer ký một hiệp ước “đối tác 100 năm” với Ukraine, nhằm mục đích tăng cường an ninh ở Hắc Hải và Biển Baltic, đồng thời xây dựng mối quan hệ kinh tế và văn hóa giữa hai nước.

“Tham vọng của Putin nhằm tách Ukraine khỏi các đối tác thân cận nhất của nước này là một thất bại chiến lược to lớn”, Starmer cho biết trong các bình luận được công bố bởi No. 10. “Thay vào đó, chúng ta gần gũi hơn bao giờ hết và mối quan hệ đối tác này sẽ đưa tình bạn đó lên một tầm cao mới”.

Sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump phủ bóng đen lên chuyến thăm Ukraine của nhà lãnh đạo Anh, chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi giành được quyền lực vào tháng 7 năm ngoái. Các đồng minh của Ukraine lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể sắp từ bỏ Âu Châu để tự lo cho mình.

Ukraine đã tuyên bố sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận tiềm năng, với các điều kiện, trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây khác, như Emmanuel Macron của Pháp, đã đưa ra ý tưởng gửi quân đội Âu Châu vào để duy trì hòa bình. Các quan chức phương Tây vẫn còn hoài nghi về việc liệu Putin có thực sự quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình hay không.

Starmer cũng dự kiến sẽ công bố một gói hỗ trợ mới cho nhu cầu cấp thiết của Ukraine, bao gồm “viện trợ sát thương”, mặc dù chi tiết vẫn chưa rõ ràng.

Các viên chức Phố Downing chỉ ra rằng Ukraine hiện là một cường quốc quân sự tiên tiến, với quân đội được huấn luyện bài bản và một ngành công nghệ đã đổi mới nhanh chóng và thử nghiệm bộ dụng cụ mới của mình trên chiến trường trong ba năm qua. Các viên chức cho biết kinh nghiệm thực tế về chiến tranh sẽ giúp Anh củng cố khả năng phòng thủ của mình.

Quan hệ đối tác kéo dài 100 năm này bao gồm các hoạt động chung về khoa học, công nghệ và chăm sóc sức khỏe, cũng như nông nghiệp và thậm chí là giáo dục. Hiệp ước bao gồm một kế hoạch mới nhằm tăng cường an ninh ở Biển Baltic, Hắc Hải và Biển Azov.

Anh đã và đang xây dựng một hệ thống để theo dõi ngũ cốc của Ukraine bị đánh cắp từ các khu vực bị Nga tạm chiếm và sau đó được bán đi. Cơ sở dữ liệu do Anh xây dựng sẽ sẵn sàng và được chia sẻ với chính quyền Kyiv trong những tuần tới. Ngoài ra còn có những lời hứa hợp tác về năng lượng và khoáng sản quan trọng.

Hiệp ước có thời hạn 100 năm là một cách mới lạ để gửi đi thông điệp vào thời điểm nhạy cảm.

Nhưng Ukraine muốn nhiều hơn thế nữa. Zelenskiy đã yêu cầu gia nhập NATO trong nhiều năm như là cách tốt nhất để ngăn chặn Putin và điều đó vẫn có vẻ xa vời. Câu hỏi về loại bảo đảm an ninh nào mà những người ủng hộ Ukraine sẵn sàng cung cấp có thể sẽ chi phối chương trình nghị sự khi các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng bắt đầu.

[Politico: UK’s Starmer to sign 100-year treaty with Zelenskyy in Ukraine]

3. Quân đội Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công của Nga vào biên giới với Tỉnh Kursk của Nga, quân đội cho biết

Lữ đoàn cơ giới độc lập số 67 đã đẩy lùi một cuộc tấn công của quân đội Nga gần làng Zhuravka ở Tỉnh Sumy trên biên giới với Tỉnh Kursk của Nga. phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng.

Tỉnh Sumy, nằm ở biên giới đông bắc của Ukraine với Nga, thường xuyên bị tấn công và nằm ngay đối diện với Tỉnh Kursk của Nga — khu vực thường xuyên chịu sự xâm nhập của Ukraine.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Nga đã tập hợp quân dọc theo biên giới gần Zhuravka và cố gắng tấn công thị trấn nhưng cho đến nay vẫn thất bại. “Đối phương dự kiến sẽ lặp lại các động thái này vì chúng có nguồn lực ở đó”

Trong khi đó, trang web giám sát cộng đồng Deep State đưa tin rằng cường độ giao tranh ở Kursk đã giảm trong những ngày gần đây so với tuần trước.

Theo Deep State, các hoạt động tấn công vẫn tiếp tục chủ yếu theo hướng Lebedevka-Sverdlikove, và các trận chiến cũng đang diễn ra để giành quyền kiểm soát thị trấn Nikolayevo-Darino.

Cơ quan quản lý quân sự khu vực Sumy báo cáo vào ngày 14 Tháng Giêng rằng thông tin lan truyền về việc quân đội Nga đột phá biên giới gần các thị trấn Zhuravka và Prokhody là sai sự thật.

Đầu tháng 12, Deep State cho biết quân đội Nga đã tiến vào Tỉnh Sumy gần làng biên giới Oleksandriya.

Các nhà chức trách tỉnh Sumy, bao gồm cả nhà lãnh đạo Cục Quản lý Quân sự Volodymyr Artyukh, đã bác bỏ quan điểm cho rằng lực lượng Nga đã xâm phạm biên giới, gọi các báo cáo này là “giả mạo” và mô tả chúng là thông tin sai lệch.

[Kyiv Independent: Ukrainian forces repel Russian assault on border with Russia's Kursk Oblast, military says]

4. Kho dầu bốc cháy ở vùng Voronezh của Nga

Hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, Thống đốc khu vực Alexander Gusev cho biết một kho dầu ở vùng Voronezh của Nga đã bốc cháy sau nhiều cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.

Theo Gusev, không có thương vong nào được báo cáo. Tờ Kyiv Independent không thể xác minh ngay các báo cáo.

Voronezh nằm cách Mạc Tư Khoa khoảng 465 km, hay 289 dặm, về phía nam.

Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh Ukraine gia tăng các hoạt động sử dụng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga.

Đêm ngày 14 tháng Giêng, Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công “lớn nhất” vào các cơ sở công nghiệp và quân sự của Nga trong phạm vi lên tới 1.100 km, hay 620 dặm, theo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine. Các mục tiêu bao gồm các nhà máy hóa chất, nhà máy lọc dầu và kho đạn dược tại căn cứ không quân Engels, một nguồn tin trong Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU nói với tờ Kyiv Independent.

Để đáp trả, Nga đã tiếp tục các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào mạng lưới năng lượng vốn đã bị tàn phá của Ukraine. Vào ngày 15 tháng Giêng, các vụ nổ đã được báo cáo ở một số tỉnh của Ukraine. Tại Lviv, Andriy Sadovyi, thị trưởng thành phố, cho biết lực lượng Nga đã “tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của khu vực chúng tôi và Ukraine”.

Vào buổi sáng, các quan chức của Tỉnh Lviv cho biết các cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị tấn công ở hai quận của tỉnh nhưng cho biết thêm không có thương vong.

[Kyiv Independent: Oil depot on fire in Russia's Voronezh region]

5. Sĩ quan Nga bị bỏ tù vì vô tình bắn hạ trực thăng của chính mình

Một sĩ quan quân đội Nga đã bị kết án gần ba năm tù vì vô tình bắn hạ một chiếc trực thăng Mi-8 của Nga ở Crimea, tờ báo Kommersant của Nga đưa tin hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng.

Theo Kommersant, báo này đã trích dẫn các tài liệu của tòa án trong báo cáo của mình, vào sáng ngày 18 tháng 10 năm 2023, một chỉ huy phòng không người Nga đã nói với Đại úy Igor Pashkov, khi đó là trợ lý sĩ quan phòng không, về một mục tiêu trên không bay tầm thấp gần vị trí của họ ở Crimea.

Sau đó, viên chỉ huy phòng không đưa ra nhận định của mình với Pashkov rằng mục tiêu dường như là một chiếc trực thăng bay với tốc độ thấp, nhưng Pashkov được cho là không tin vào đánh giá này và không tìm thấy bằng chứng về máy bay của Nga bay trong khu vực.

Vài phút sau, một hỏa tiễn được bắn ra từ hệ thống hỏa tiễn phòng không Tor-M2DT của Nga, phá hủy mục tiêu. Báo cáo không nêu rõ liệu Pashkov có nhận được lệnh từ ai đó hay đích thân anh ta ra lệnh bắn hạ mục tiêu. Cuối cùng, mục tiêu được xác định là một trực thăng Mi-8 của Nga.

Ba thành viên phi hành đoàn trên chiếc Mi-8 đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Theo Kommersant, trước tòa Pashkov khai đã nhầm chiếc trực thăng với máy bay điều khiển từ xa của Ukraine. Ông ta đã bỏ trốn sau khi nhận ra hậu quả tai hại và sau 7 tháng trốn tránh đã tự nộp mình cho chính quyền vào tháng 5 và thừa nhận rằng ông có thể đã phạm phải một “sai lầm chết người”.

Pashkov đã nhận tội về tội cẩu thả và bị kết án hai năm 10 tháng tù giam. Ban đầu, ông bị tòa án quân sự tại thành phố Sevastopol của Crimea tuyên án ba năm tù, nhưng một tòa án cao cấp hơn tại thành phố Rostov-on-Don của Nga đã giảm án xuống còn hai tháng. Các công tố viên đã tranh luận về mức án tù nghiêm khắc hơn là bảy năm.

Ông cũng bị yêu cầu phải trả năm triệu rúp, hay 48.600 đô la, cho Bộ Quốc phòng Nga, cũng như một triệu rúp, hay 9.700 đô la, cho mỗi góa phụ của ba thành viên phi hành đoàn đã mất. Tuy nhiên, tòa án đã quyết định không phạt ông gần 200 triệu rúp, hay 1,9 triệu đô la, cho chi phí của chiếc trực thăng bị phá hủy.

Cùng với bản án tù, Pashkov còn bị cấm giữ một số chức vụ nhất định trong cơ quan nhà nước hoặc chính quyền địa phương trong một năm.

Khi quyết định bản án của Pashkov, tòa án đã tính đến việc anh ta bày tỏ sự hối hận về hành động của mình và có hành động sửa chữa, cũng như việc Pashkov là người nhận giải thưởng của nhà nước và có một người con trai khuyết tật.

Theo tờ Kommersant, Pashkov sẽ tự mình đến trại giam để chấp hành bản án hai năm mười tháng.

[Newsweek: Russian Officer Jailed for Accidentally Shooting Down Own Helicopter]

6. Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi Israel và Hamas tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mới

Các nhà lãnh đạo Âu Châu hoan nghênh các báo cáo về thỏa thuận ngừng bắn được mong đợi từ lâu giữa Israel và Hamas và bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng nó có thể đặt nền tảng cho một nền hòa bình lâu dài - với điều kiện tất cả các bên tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận.

Chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu Ursula von der Leyen đã nhanh chóng “hoan nghênh nồng nhiệt” thỏa thuận này vào thứ Tư. “Các con tin sẽ được đoàn tụ với những người thân yêu của họ và viện trợ nhân đạo có thể đến được với người dân thường ở Gaza”, tuyên bố của bà cho biết.

Nhưng nhà lãnh đạo Ủy ban cũng lưu ý rằng “cả hai bên phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận này, như một bước đệm hướng tới sự ổn định lâu dài trong khu vực và giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao”.

Lệnh ngừng bắn vẫn chưa có hiệu lực và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn chưa công khai xác nhận. Theo hãng tin Associated Press, thỏa thuận này sẽ giải thoát hàng chục con tin Israel và hàng trăm tù nhân Palestine theo từng giai đoạn, và sẽ tạm dừng giao tranh trong cuộc chiến kéo dài 15 tháng.

Xung đột bùng phát với cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng. Kể từ đó, Israel đã phá hủy phần lớn Dải Gaza và giết chết hàng chục ngàn người Palestine.

Cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã làm dấy lên những lời kêu gọi toàn cầu đầy nhiệt huyết về một lệnh ngừng bắn và thúc đẩy xung đột ngoại giao trên khắp Liên Hiệp Âu Châu và xa hơn nữa. Một số nước Âu Châu, bao gồm Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy, đã công nhận nhà nước Palestine, khiến Israel tức giận và thúc đẩy họ triệu hồi đại sứ của mình từ Ireland và Na Uy. (Tel Aviv đã triệu hồi đại sứ của mình tại Tây Ban Nha.)

Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, cuộc chiến này cũng đặc biệt gây tử vong cho các nhà báo, ít nhất 165 người trong số họ đã thiệt mạng khi đưa tin về cuộc xung đột. | Saeed Jaras/Middle East Images/AFP qua Getty Images

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ăn mừng “tin tốt lành” này, ông nói rằng: “Thỏa thuận này hiện phải được thực hiện theo đúng nghĩa đen. Tất cả các con tin phải được thả”.

“Thi hài của những người đã khuất cũng phải được trao trả cho gia đình để chôn cất một cách trang nghiêm”, ông nói thêm. “Lệnh ngừng bắn này mở ra cánh cửa chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh và cải thiện tình hình nhân đạo tồi tệ ở Gaza”.

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã đưa ra một tuyên bố tương tự ca ngợi việc thả các con tin và bày tỏ lòng tưởng nhớ tới “những người không thể trở về nhà và bao gồm cả người dân Anh đã bị Hamas sát hại”.

Tuyên bố nói thêm: “Đối với những người dân Palestine vô tội có nhà cửa biến thành chiến trường chỉ sau một đêm và nhiều người đã mất mạng, lệnh ngừng bắn này phải tạo điều kiện cho một đợt viện trợ nhân đạo lớn”. Tuyên bố cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước.

Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, cuộc chiến này cũng đặc biệt gây tử vong cho các nhà báo, ít nhất 165 người trong số họ đã thiệt mạng khi đưa tin về cuộc xung đột.

Phó biên tập của Thomson Reuters Foundation Barry Malone đã bày tỏ lòng tri ân đối với các nhà báo bị sát hại sau tuyên bố ngừng bắn, ông viết: “Tôi sẽ không bao giờ quên lòng dũng cảm không ngừng nghỉ của các nhà báo Palestine — khoảng 200 người trong số họ đã phải trả giá đắt nhất, bị giết trong các cuộc tấn công của Israel. Nhưng chúng ta cũng không bao giờ được quên nhiều nhà báo phương Tây không thốt ra một lời đoàn kết nào. Chúng tôi đã thấy các bạn.”

Liệu có thể có hòa bình lâu dài không?

Trong khi thỏa thuận ngừng bắn, dự kiến có hiệu lực vào Chúa Nhật, sẽ đánh dấu bước đầu tiên hướng đến chấm dứt xung đột, nhưng nó không có nghĩa là bảo đảm hòa bình. Chỉ tháng trước, phương tiện truyền thông Israel đưa tin rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói rằng Israel sẽ “trở lại chiến đấu” ngay cả sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn, ông nói thêm: “Không có ích gì khi giả vờ ngược lại vì việc trở lại chiến đấu là cần thiết để hoàn thành các mục tiêu của cuộc chiến”.

Netanyahu thường nói về nhu cầu “chiến thắng toàn diện” trước Hamas. Trong khi quân đội Israel đã thành công trong việc giết chết nhiều thành viên của nhóm này, bao gồm cả thủ lĩnh Yahya Sinwar, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chỉ trích chiến lược chiến tranh của Israel, lưu ý rằng trong suốt cuộc chiến, Hamas đã chiêu mộ được gần như nhiều chiến binh mới như số lượng mà họ đã mất.

Ngay từ thứ Tư, Netanyahu đã tỏ ra nghi ngờ về các báo cáo ban đầu về thỏa thuận này, tuyên bố rằng “một số mục trong khuôn khổ vẫn chưa được hoàn thiện”, nhưng nói thêm rằng “chúng tôi hy vọng các chi tiết sẽ được hoàn thiện vào đêm nay”. Thỏa thuận này, sản phẩm của nhiều tháng đàm phán liên tục do các quan chức Qatar điều hành, cần được nội các của Netanyahu chấp thuận trước khi ban hành.

Israel và Hamas có lịch sử vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã phá vỡ lệnh ngừng bắn mà hai bên đạt được sau nhiều ngày bạo lực vào tháng 5 năm 2023. Trong khi đó, vào tháng 12 năm 2023, các cuộc đàm phán nhằm gia hạn thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có việc thả hơn 100 con tin do Hamas giam giữ và gần 250 tù nhân Palestine tại Israel đã sụp đổ khi cả hai bên đều cho rằng bên kia đã phá hỏng thỏa thuận.

Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, cảnh báo rằng thỏa thuận này là “một thỏa thuận ngừng bắn mong manh, không phải là chấm dứt xung đột” và lưu ý rằng nó sẽ “cần tiếp tục giám sát và chịu trách nhiệm giải trình cũng như quay trở lại bàn đàm phán ngay lập tức để duy trì các giai đoạn còn lại”.

Vakil cũng chỉ trích vai trò lãnh đạo của Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Tổng thống Joe Biden trong các cuộc đàm phán ngừng bắn, nói rằng những cảnh báo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với cả Hamas và Israel “rõ ràng đã có hiệu quả trong việc khôi phục các cuộc đàm phán kéo dài, trong đó chính quyền Tổng thống Biden tỏ ra không muốn gây áp lực đủ lớn đối với giới lãnh đạo Israel”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết Hamas sẽ “phải trả giá đắt” nếu các con tin không được thả khi ông trở lại nắm quyền, dường như đẩy nhanh tiến độ đàm phán chậm chạp vốn đã thất bại nhiều lần dưới thời Tổng thống Biden.

Trong khi các nhà lãnh đạo chính trị vội vã chào đón lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn tiếp diễn. Bị lạc giữa những tuyên bố về mối quan tâm cho tương lai và tranh giành về việc ai nên nhận công cho thỏa thuận, CNN đưa tin rằng 12 người đã thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong một cuộc tấn công của Israel vào một khu chung cư dân cư ở Thành phố Gaza.

[Politico: EU leaders urge Israel and Hamas to abide by new cease-fire deal]

7. Netanyahu trì hoãn thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza khi cáo buộc Hamas ‘phản bội’ hiệp ước

Hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Nội các của ông sẽ không họp để phê duyệt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza cho đến khi Hamas từ bỏ “cuộc khủng hoảng phút chót”.

Theo truyền thông địa phương, văn phòng của Netanyahu cho biết trong một tuyên bố vào thứ năm rằng: “Hamas đang vi phạm các thỏa thuận và tạo ra một cuộc khủng hoảng vào phút chót, ngăn cản việc đạt được thỏa thuận”.

Tuyên bố này cho biết thêm: “Nội các Israel sẽ không triệu tập cho đến khi các nhà trung gian thông báo cho Israel rằng Hamas đã chấp nhận tất cả các yếu tố của thỏa thuận”.

Nội các Israel dự kiến họp vào thứ năm để phê duyệt thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin với Hamas ở Gaza do Hoa Kỳ, Qatar và Ai Cập làm trung gian, làm dấy lên hy vọng chấm dứt cuộc chiến kéo dài 15 tháng khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Sau thông báo của Israel, quan chức cao cấp của Hamas là Izzat al-Risheq đã phủ nhận cáo buộc nhóm của ông đã từ chối một số chi tiết của thỏa thuận và cho biết họ cam kết tôn trọng thỏa thuận, Al Jazeera và The Times of Israel đưa tin.

[Politico: Netanyahu delays Gaza cease-fire deal as he accuses Hamas of ‘reneging’ on pact]

8. Anh cam kết hỗ trợ quân sự 3,6 tỷ đô la cho Ukraine, cung cấp nòng pháo, hệ thống phòng không di động

Năm nay, Anh có kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự chưa từng có cho Ukraine, với 3 tỷ bảng Anh, hay 3,6 tỷ đô la, đã được cam kết cho viện trợ vũ khí sát thương.

Nguồn tài trợ này không chỉ hỗ trợ Ukraine mà còn củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của Vương quốc Anh, tạo ra việc làm trên khắp cả nước.

Thông báo này được đưa ra khi Thủ tướng Anh Keir Starmer thực hiện chuyến thăm thứ hai tới Kyiv, đánh dấu chuyến đi đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức vào tháng 7 năm 2024. Starmer và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ký một thỏa thuận hợp tác kéo dài 100 năm để bảo đảm hợp tác lâu dài trong chuyến thăm.

Khoản đầu tiên 1,5 tỷ bảng Anh, hay 1,8 tỷ đô la, trong khoản vay 2,26 tỷ bảng Anh, hay 2,7 tỷ đô la, một phần của chương trình cho vay G7 dành cho Kyiv, cũng sẽ được giải ngân cho các dự án mua sắm lớn. Khoản vay sẽ được trả bằng lợi nhuận từ các tài sản cố định của Nga.

Viện trợ quân sự bao gồm các nòng pháo do Sheffield Forgemasters sản xuất, đây là sản phẩm đầu tiên như vậy tại Anh sau hơn 20 năm. Các nòng pháo dự kiến sẽ được chuyển đến Ukraine trong vòng vài tuần.

Anh cũng sẽ cung cấp một hệ thống phòng không di động được phát triển hợp tác với Đan Mạch, nhằm mục đích tăng cường khả năng của Ukraine trong việc chống lại các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga.

Sáng kiến đào tạo này dựa trên thành công của Chiến dịch Interflex, đã đào tạo hơn 51.000 tân binh Ukraine trong hai năm qua. Vương quốc Anh có kế hoạch mở rộng nỗ lực này thông qua sự hợp tác với các đồng minh quốc tế.

Trong những ngày trước chuyến thăm của Starmer, Bloomberg đưa tin rằng Starmer và Zelenskiy sẽ thảo luận về khả năng điều động lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tới Ukraine trong chuyến đi.

[Kyiv Independent: UK pledges $3.6 billion in military support for Ukraine, to deliver artillery barrels, mobile air defense]

9. NATO điều động chiến đấu cơ F-35 của Na Uy lần đầu tiên trong cuộc tấn công của Nga vào Ukraine ngày 15 tháng Giêng

NATO đã lần đầu tiên điều động chiến đấu cơ F-35 của Na Uy đồn trú tại Ba Lan để bảo vệ không phận trong cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào ngày 15 tháng Giêng, Bộ Tư lệnh Không quân NATO đưa tin.

Nga đã tấn công Ukraine bằng hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo vào ngày 15 tháng Giêng, nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở một số khu vực. Lực lượng Ukraine đã bắn hạ 30 hỏa tiễn và 47 máy bay điều khiển từ xa.

“Đây là lần đầu tiên máy bay phản lực của Na Uy xuất hiện trong vùng phòng không tích cực của Không phận Ba Lan, thể hiện cam kết của Đồng minh đối với sườn phía đông của NATO”, tuyên bố viết.

Theo Bộ Tư lệnh Không quân NATO, hai chiến đấu cơ F-35 đã tham gia bảo vệ không phận NATO.

Cùng ngày, Ba Lan tuyên bố rằng họ sẽ tăng cường lực lượng không quân do cuộc tấn công ồ ạt của Nga vào Ukraine, với việc điều động thêm nhiều cặp chiến binh và hệ thống phòng không và radar trên mặt đất được đặt trong tình trạng báo động cao.

Máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga trước đây đã xâm nhập không phận Ba Lan trong các cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, các đồng minh của Ba Lan đã khuyên chính phủ nên kiềm chế khi giải quyết các hành vi vi phạm không phận chưa xác định, theo Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Theo một cuộc khảo sát được tờ báo Ba Lan Rzeczpospolita công bố vào ngày 1 tháng 9, hầu hết người Ba Lan tin rằng quân đội Ba Lan nên bắn hạ máy bay điều khiển từ xa của Nga xâm phạm không phận Ba Lan trong các cuộc tấn công trên không vào Ukraine.

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết vào tháng 9 rằng Ba Lan và các nước láng giềng của Ukraine “có trách nhiệm bảo vệ không phận của mình”, bất chấp sự phản đối của NATO.

[Politico: NATO deploys Norwegian F-35 fighters for 1st time during Russian Jan. 15 attack on Ukraine]

10. Đan Mạch nói với Tổng thống đắc cử Donald Trump: Greenland nên tự quyết định về nền độc lập của mình

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói với Ông Donald Trump rằng chỉ có Greenland mới có thể quyết định tương lai của đất nước, giữ vững lập trường sau khi Mỹ công khai thèm muốn vùng lãnh thổ hải ngoại của Đan Mạch.

Trong những tuần gần đây, tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ đã bày tỏ mong muốn mua hòn đảo giàu khoáng sản này, thậm chí còn để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để thực hiện mong muốn của mình.

Theo thông cáo báo chí từ văn phòng của bà sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào hôm Thứ Tư, 15 Tháng Giêng, Frederiksen đã nhắc lại với Tổng thống đắc cử Donald Trump lời khẳng định của Thủ tướng Greenland Múte Egede rằng “Greenland không phải để bán”.

Thủ tướng Đan Mạch cho biết tuần trước rằng bà đã yêu cầu được nói chuyện với Tổng thống đắc cử Donald Trump nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Vào thời điểm đó, bà bảo đảm rằng “không có lý do gì để tin” Tổng thống đắc cử Donald Trump thực sự có kế hoạch xâm lược Greenland.

Frederiksen nói với hãng tin Đan Mạch TV2 trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc gọi với Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng cuộc trò chuyện của họ “xác nhận” rằng “Mỹ rất quan tâm đến Greenland”. Cuộc gọi dường như không đưa vấn đề này đến hồi kết, khi cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý tiếp tục đối thoại.

Tổng thống đắc cử Donald Trump không phát biểu công khai về cuộc gọi này mà thay vào đó chọn cách đăng lại trên mạng xã hội kết quả của một cuộc thăm dò năm 2019 cho thấy 68 phần trăm người Greenland ủng hộ việc độc lập khỏi Đan Mạch.

Trong cuộc trò chuyện kéo dài 45 phút, Frederiksen cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường an ninh ở Bắc Cực” và nhắc nhở cựu người dẫn chương trình truyền hình thực tế về mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa hai nước và giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu nói chung.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông, cũng như mối quan hệ với Trung Quốc.

[Politico: Denmark tells Trump: Greenland should decide on its own independence]

11. Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine nhắm vào nhà máy thuốc súng ở Tambov của Nga

Các kênh Telegram địa phương và một quan chức Ukraine tuyên bố rằng một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã nhắm vào một nhà máy thuốc súng của Nga tại làng Kuzmino-Gat ở tỉnh Tambov vào đêm ngày 16 tháng Giêng.

Những nhân chứng ở thành phố Kotovsk gần đó đã nghe thấy tiếng động cơ máy bay điều khiển từ xa khi nó bay qua nhà họ, có lẽ là hướng đến nhà máy, kênh Shot Telegram đưa tin.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng của họ đã bắn hạ 27 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trên nhiều khu vực khác nhau trong đêm, bao gồm ba máy bay ở Tambov. Cùng đêm đó, một kho dầu của Nga ở Voronezh được cho là đã bốc cháy do cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.

Chính quyền Nga cho biết không có thương vong nào do vụ tấn công ở Tambov và mái nhà đã bị hư hại do mảnh vỡ máy bay điều khiển từ xa. Hiện vẫn chưa rõ liệu nhà máy có bị thiệt hại gì do vụ tấn công hay không.

Nhà máy thuốc súng Kuzmino-Gat là “một trong những cơ sở quan trọng của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga tham gia vào cuộc chiến chống lại Ukraine”, Andrii Kovalenko, nhà lãnh đạo bộ phận chống thông tin sai lệch tại Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine, cho biết.

“Thuốc súng được sản xuất tại đây được sử dụng cho nhiều loại vũ khí nhỏ, pháo binh và bệ phóng hỏa tiễn.” Nhà máy cũng sản xuất colloxylin, được sử dụng để sản xuất thuốc nổ và các sản phẩm khác, Kovalenko nói thêm.

Kuzmino-Gat nằm cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 450 km, hay 280 dặm, về phía đông.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang leo thang chiến dịch sử dụng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào các cơ sở công nghiệp và quân sự của Nga ở hậu phương.

Kyiv đã tiến hành một trong những cuộc tấn công tầm xa lớn nhất vào ngày 14 tháng Giêng, tấn công thành công vào các nhà máy lọc dầu, nhà máy hóa chất và kho đạn dược, bao gồm một nhà máy chưng cất ở Novaya Lyada thuộc Tỉnh Tambov.

Một nguồn tin tình báo quân sự khi đó nói với tờ Kyiv Independent rằng nhà máy thuốc súng Kuzmino-Gat trước đó đã bị máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công vào tháng 7 năm 2024.

[Kyiv Independent: Ukrainian drone strike reportedly targets gunpowder factory in Russia's Tambov Oblast]

12. Fico có thể gặp Zelenskiy trong ‘vài ngày tới’

Thủ tướng Slovakia Robert Fico có thể sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy “trong vài ngày tới”, ông nói với các nhà báo vào ngày 16 tháng Giêng, iRozhlas đưa tin.

“Chúng tôi đang tìm một ngày khác, có thể là trong vài ngày tới,” Fico cho biết khi được hỏi về cuộc gặp tiềm năng với Zelenskiy.

Ông Fico không nêu rõ cuộc họp sẽ diễn ra ở đâu.

Fico trước đó đã đề nghị Zelenskiy một cuộc gặp tại biên giới Slovakia-Ukraine để thảo luận về quyết định của Ukraine chấm dứt việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine. Đáp lại, tổng thống Ukraine đã mời thủ tướng Slovakia đến Kyiv.

Sau lời mời của Zelenskiy, Tibor Gaspar, phó chủ tịch Quốc hội Slovakia, cho biết ông Fico sẽ không đến thăm thủ đô Ukraine.

Ukraine đã không gia hạn thỏa thuận trước chiến tranh về việc vận chuyển khí đốt của Nga đến Âu Châu qua lãnh thổ Ukraine, thay vào đó để thỏa thuận hết hạn vào ngày 1 tháng Giêng. Kyiv nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận để ngừng tài trợ cho cuộc chiến toàn diện của Nga.

Thủ tướng Fico và Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban nằm trong số những người phản đối mạnh mẽ nhất quyết định dừng vận chuyển khí đốt của Nga của Ukraine.

Bất chấp cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Orban và Fico vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị với Putin, gặp gỡ ông và thúc đẩy các quan điểm ủng hộ Nga ở Âu Châu.

Trước đó, Fico đã đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine trong bối cảnh tình trạng mất điện ngày càng gia tăng do các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Trong khi Liên Hiệp Âu Châu đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, nhiều quốc gia, bao gồm Slovakia và Hung Gia Lợi, vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga

[Kyiv Independent: Fico may meet with Zelensky in 'next few days' ]
 
Lữ Đoàn Azov đột kích bắt sống 23 lính Nga. Anh mở cửa cho lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine
VietCatholic Media
15:11 17/01/2025


1. Thủ tướng Anh Keir Starmer mở cửa cho lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã ám chỉ rằng ông sẽ sẵn sàng cân nhắc việc gửi quân đội Anh tới Ukraine để giúp “bảo đảm” hòa bình khi chiến tranh cuối cùng chấm dứt.

Anh sẽ “đóng vai trò” trong việc ủng hộ hòa bình khi nó cuối cùng cũng đến, Starmer trả lời các phóng viên khi được hỏi về ý tưởng này sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kyiv vào thứ năm.

Khi được hỏi về hoạt động gìn giữ hòa bình sau chiến tranh, Starmer cho biết: “Tôi xin nói rõ với mọi người ở Ukraine rằng chúng tôi sẽ hợp tác với các bạn và tất cả các đồng minh của chúng tôi để thực hiện các bước đủ mạnh mẽ nhằm bảo đảm an ninh cho Ukraine, bảo đảm mọi khả năng hòa bình và ngăn chặn mọi hành vi xâm lược trong tương lai”.

Ông nói thêm: “Hòa bình thông qua sức mạnh phải nhiều hơn lời nói, nó phải là hành động. Do đó, như tôi đã nói, chúng tôi sẽ đóng vai trò của mình khi nói đến việc bảo đảm an ninh cho Ukraine.

“Nhưng chúng ta không bao giờ được quên mất nhu cầu cấp thiết là Ukraine phải đạt được vị thế mạnh nhất có thể khi bước vào năm 2025.”

Zelenskiy cho biết ông đã thảo luận vấn đề về lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế với Ba Lan, Pháp và Vương quốc Anh

Nhưng ông nói thêm rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào vì việc đàm phán với chính quyền Hoa Kỳ sắp tới của Ông Donald Trump là rất quan trọng.

Ông Zelenskiy nói thêm rằng sẽ không có hòa bình cho Ukraine nếu không có nước Mỹ.

Sau cuộc hội đàm với Zelenskiy, Starmer tuyên bố Vương quốc Anh sẽ gửi một hệ thống phòng không mới đến Ukraine, được tài trợ chung bởi chính phủ Anh và Đan Mạch. Hệ thống Gravehawk do Anh thiết kế có kích thước bằng một container vận chuyển và có thể lắp thêm hỏa tiễn không đối không để phòng không trên bộ. Điều đó có nghĩa là nó có thể sử dụng hỏa tiễn Ukraine đã có trong kho vũ khí của nước này.

Chính phủ Anh cho biết hai nguyên mẫu của hệ thống này đã được thử nghiệm tại Ukraine vào tháng 9 và 15 nguyên mẫu nữa sẽ được thử nghiệm vào năm 2025.

Starmer thông báo một hợp đồng trị giá 61 triệu bảng Anh, gọi tắt là GBP để sản xuất nòng pháo sẽ được thực hiện tại Yorkshire, miền bắc nước Anh. Hợp đồng này là với gã khổng lồ quốc phòng BAE Systems, hợp tác với Sheffield Forgemasters và một đối tác Ukraine. Vương quốc Anh cũng đã hứa sẽ cho Ukraine vay và viện trợ vũ khí sát thương trị giá 3 tỷ bảng Anh trong năm 2025.

Trong buổi họp báo, Zelenskiy cho biết các thành viên NATO bao gồm Đức, Hoa Kỳ, Hung Gia Lợi và Slovakia không ủng hộ việc Ukraine gia nhập. Nhưng ông lập luận rằng về lâu dài, chỉ có tư cách thành viên NATO mới bảo đảm được an ninh cho Ukraine.

[Kyiv Independent: UK’s Starmer opens door to peacekeeping force for Ukraine]

2. Ukraine bắt giữ 23 lính Nga ở Donetsk

Lữ đoàn Azov của Ukraine đã bắt giữ 23 lính Nga trong các hoạt động chiến đấu ở khu vực Toretsk thuộc Tỉnh Donetsk, Vệ binh Quốc gia Ukraine đưa tin hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng.

Theo tuyên bố, một số quân nhân Nga đã đầu hàng một cách tự nguyện, trong khi những người khác bị phát hiện đang ẩn náu trong tầng hầm hoặc bị bắt trong các cuộc tấn công. Những người bị bắt giữ, bị Lữ đoàn Lực lượng Đặc biệt số 12 Azov bắt giữ, được cho là trong tình trạng ổn định.

Vệ binh quốc gia xác nhận rằng các tù nhân sẽ được chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền. “Chúng tôi hy vọng họ sẽ sớm được trao đổi với những người bảo vệ Ukraine bị giam giữ”, họ nói.

Vào ngày 15 tháng Giêng, Ukraine đã thành công trong việc giải cứu 25 cá nhân khỏi sự giam giữ của Nga, bao gồm cả những người bảo vệ Azovstal.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, các tù binh chiến tranh Ukraine trở về đã bị bắt trong quá trình bảo vệ Mariupol và nhà máy thép Azovstal, cũng như trong quá trình bảo vệ các khu vực quan trọng khác của tiền tuyến ở các tỉnh Kharkiv, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson.

[Kyiv Independent: Ukraine captures 23 Russian soldiers in Donetsk Oblast]

3. Zelenskiy cảnh báo Âu Châu: Các bạn sẽ phải chịu số phận bi đát nếu không có chúng tôi

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo Âu Châu rằng họ “không có cơ hội” chống lại Nga nếu không có Ukraine.

Phát biểu với hãng truyền thông Ba Lan Onet, Zelenskiy cho biết chiến thắng của Ukraine có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn Điện Cẩm Linh trước khi nước này xâm lược phần còn lại của Âu Châu.

“Âu Châu không có quân đội Ukraine sẽ không thể đối phó với quân đội Nga, vì về mặt quân số, họ lớn hơn. Nga có nhiều vũ khí hơn, nhiều người hơn và tàn bạo hơn so với Âu Châu”, ông nói.

“Nếu không có quân đội Ukraine, thật không may là Âu Châu không có cơ hội chống lại Nga ngày nay. Putin biết điều này và nói về nó trong vòng tròn của mình,” Zelenskiy nói thêm. “Do đó, nếu Ukraine không tự vệ, ông ấy sẽ nhanh chóng hành động. Đây là một thực tế. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều này.”

Nga đã phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Theo số liệu chính thức của Ukraine được công bố vào tháng trước, ít nhất 43.000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng và 370.000 người bị thương khi chống lại cuộc tiến công của Mạc Tư Khoa, so với 600.000 người chết và bị thương được báo cáo ở Nga.

Zelenskiy cho biết Kyiv có gần một triệu quân, đây là đội quân lớn nhất ở Âu Châu ngoại trừ Nga.

Zelenskiy cho biết các đồng minh phương Tây của Ukraine vẫn chưa chấp nhận được quy mô tham vọng bành trướng của Putin - điều mà các nước Bắc Âu, Baltic, Ba Lan và Rumani từ lâu đã chấp nhận.

“Phương Tây không muốn thừa nhận một sự thật về người Nga: Họ sẽ đi xa hơn. Chấm hết,” ông nói.

“Tuyên bố này chứa đựng câu trả lời cho mọi câu hỏi, bởi vì nếu bạn biết chắc rằng người Nga sẽ tiến xa hơn... Tại sao không tăng cường sức mạnh cho Ukraine hết mức có thể, tăng sản lượng trong nước, cho quân đội của bạn?” ông nói thêm.

Bình luận của Zelenskiy được đưa ra khi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump chuẩn bị bước vào Tòa Bạch Ốc vào ngày 20 tháng Giêng.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump liên tục đe dọa cắt giảm viện trợ cho Ukraine và tuyên bố sẽ nhanh chóng kết thúc chiến tranh, dường như ám chỉ đến đàm phán hòa bình với Mạc Tư Khoa — điều mà Kyiv đã từ chối trừ khi họ loại trừ khả năng từ bỏ lãnh thổ cho Nga.

[Politico: Zelenskyy warns Europe: You guys are doomed without us]

4. Ukraine cho nổ tung hầm mỏ để cản trở bước tiến của Nga tới Pokrovsk, Tờ New York Times đưa tin

Ukraine đã cho nổ tung hầm mỏ số 3 tại làng Pishchane thuộc tỉnh Donetsk để ngăn Nga điều động quân đến gần thị trấn tiền tuyến Pokrovsk, tờ New York Times, gọi tắt là NYT đưa tin vào ngày 15 tháng Giêng, trích lời các thợ mỏ.

Theo những người thợ mỏ Ukraine, tại một thời điểm nào đó, đường hầm nằm ở phía đông nam Pokrovsk trở nên quá nguy hiểm để làm việc do các cuộc tấn công liên tục của Nga. Họ chuyển sang đi xuống mỏ thông qua một đường hầm khác.

Pokrovsk, một trung tâm hậu cần quan trọng của lực lượng Ukraine, đã trở thành tâm điểm của cuộc giao tranh dữ dội khi Nga tăng cường tấn công vào Tỉnh Donetsk.

Trong khi đó, quân đội Nga đã tiến đến cách mỏ số 3 chỉ một dặm, làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể chiếm mỏ này và sử dụng các đường hầm để đánh vào sườn các vị trí của Ukraine, theo NYT.

Những người thợ mỏ và binh lính Ukraine bắt đầu khoan lỗ dưới trục để đặt thuốc nổ, một số công nhân cho biết với hãng tin này. Trục đã bị nổ tung vào khoảng ngày 20 tháng 12 năm 2024.

Việc duy trì hoạt động của mỏ càng lâu càng tốt là rất quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine, vì mỏ này sản xuất than cốc cần thiết cho sản xuất thép - mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Ukraine sau nông nghiệp.

Một giám đốc giấu tên tại Metinvest, nhà sản xuất thép lớn nhất Ukraine, nói với NYT rằng thuốc nổ cũng được đặt trong hai trục khác của cơ sở nằm xa hơn về phía tây, gần các thị trấn Kotlyne và Udachne do Ukraine kiểm soát. Không rõ liệu chúng đã được kích nổ hay chưa.

Đầu tháng này, Metinvest thông báo đã tạm dừng hoạt động tại mỏ than cốc Pokrovsk ở Tỉnh Donetsk do tình hình an ninh ngày càng xấu đi và mất điện.

Xuất khẩu thép tạo ra gần 2 tỷ đô la trong tám tháng đầu năm 2024, với sản lượng dự kiến đạt 7,5 triệu tấn vào cuối năm. Kế hoạch tăng sản lượng lên hơn 10 triệu tấn vào năm 2025 hiện đang bị đe dọa, vì việc mất Pokrovsk có thể cắt giảm sản lượng hàng năm xuống còn 2-3 triệu tấn, theo Reuters.

[Kyiv Independent: Ukraine blows up mine shaft to hamper Russian advance to Pokrovsk, NYT reports]

5. Các cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump soạn thảo kế hoạch trừng phạt để gây áp lực với Mạc Tư Khoa hướng tới hòa bình, Bloomberg đưa tin

Các cố vấn của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump đang xây dựng một chiến lược trừng phạt toàn diện nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến Nga-Ukraine, Bloomberg đưa tin vào ngày 16 tháng Giêng, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh quen thuộc với các cuộc thảo luận.

Sự việc này xảy ra khi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của Nga tiếp tục đóng vai trò là nguồn tài trợ chính cho cuộc chiến chống lại Ukraine.

Nhóm Tổng thống đắc cử Donald Trump được cho là đang cân nhắc hai đường lối chính. Nhóm khuyến nghị chính sách đầu tiên cho rằng, nếu giải pháp cho cuộc chiến có vẻ khả thi, chính quyền nên tập trung vào các biện pháp thiện chí để mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất dầu mỏ Nga bị trừng phạt, có thể giúp ký kết một thỏa thuận hòa bình.

Lựa chọn thứ hai sẽ bao gồm việc mở rộng lệnh trừng phạt để gây áp lực tối đa, tăng sức ảnh hưởng đối với Mạc Tư Khoa.

Bloomberg đưa tin, nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đang đánh giá các lựa chọn chính sách trừng phạt để gây áp lực lên Iran và Venezuela.

Những người hiểu rõ vấn đề này nói với Bloomberg rằng chiến lược này hiện đang trong giai đoạn đầu và cuối cùng phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Chính quyền Tổng thống Biden và Vương quốc Anh gần đây đã áp đặt lệnh trừng phạt rộng rãi nhất từ trước đến nay đối với ngành dầu mỏ của Nga, nhắm vào gần 200 tàu trong “hạm đội ngầm”, các công ty dầu mỏ chủ chốt và các thực thể liên quan.

Những biện pháp này, được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài, gọi tắt là OFAC công bố vào ngày 10 tháng Giêng, đã tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu, đẩy giá dầu thô Brent tăng gần 5 đô la một thùng.

Các nước G7 cũng đang cân nhắc thắt chặt mức giá trần hiện tại là 60 đô la một thùng đối với dầu của Nga, Bloomberg đưa tin vào ngày 19 tháng 12.

Ukraine đã làm gián đoạn sản xuất dầu của Nga thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa có mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Các nhà máy lọc dầu ở Tuapse, Ilyich và Novoshakhtinsk được cho là đã giảm hoặc tạm dừng hoạt động do tác động kết hợp của lệnh trừng phạt và các cuộc tấn công của Ukraine

[Kyiv Independent: Trump advisers draft sanctions plan to pressure Moscow toward peace, Bloomberg reports]

6. Scholz của Đức chịu áp lực chính trị về gói viện trợ 3 tỷ euro cho Ukraine

Trước cuộc bầu cử liên bang mà ông có khả năng sẽ thua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang bị ảnh hưởng bởi nỗ lực phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ euro, rất quan trọng đối với Kyiv nhưng có thể gây tổn hại cho ông về mặt chính trị.

Gói đề xuất đã bị trì hoãn do vấn đề mà đồng nghiệp trong đảng của Scholz là Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius gọi là “vấn đề tài chính”, mặc dù ông cho biết ông “lạc quan” rằng vấn đề này có thể được giải quyết trước cuộc bầu cử ngày 23 tháng 2.

Tuy nhiên, những trở ngại chính trị để thông qua gói biện pháp này sẽ rất khó vượt qua trong một chiến dịch căng thẳng.

Trước những cáo buộc rằng ông đang kìm hãm việc viện trợ thêm cho Ukraine, Scholz cho biết cần phải có những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh nếu gói hỗ trợ quân sự - gói lớn nhất từ trước đến nay của bất kỳ đồng minh nào - có thể được xác nhận trong những ngày tới.

Scholz nói về viện trợ cho Ukraine trong chiến dịch tranh cử tuần này rằng: “Tôi đã đề xuất mở rộng [viện trợ quân sự] vào một thời điểm nào đó. Nhưng nếu bạn làm vậy, bạn cũng phải nói rõ tiền đến từ đâu”.

Scholz, nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội, gọi tắt là SPD đang đứng thứ ba trong các cuộc thăm dò với 15 phần trăm sự ủng hộ, cho biết ông phản đối việc cắt giảm lương hưu, tài chính chính quyền địa phương và đầu tư đường bộ để cung cấp thêm vũ khí cho Kyiv.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia vào thứ Tư, Scholz cho biết ông sẽ chỉ đồng ý với gói này nếu khoản nợ mới được phát hành để tài trợ cho nó — một thách thức đối với các đảng khác khăng khăng hạn chế vay nợ. “Chúng tôi sẽ tài trợ riêng cho khoản này thông qua các khoản vay”, Scholz nói, kêu gọi các đảng khác “vượt qua sự e ngại của họ” về nợ.

Ông cũng nhận thức rằng việc tăng cường giao hàng sẽ không được lòng các đảng phái nổi dậy ở cả cánh hữu và cánh tả trong nền chính trị Đức.

Tuy nhiên, các đảng chính thống, bao gồm các nhân vật cao cấp trong cả Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do cũng như Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ (CDU/CSU), cho biết họ muốn thúc đẩy viện trợ.

Theo Agnieszka Brugger, một nhà lập pháp cao cấp của Đảng Xanh trong ủy ban quốc phòng của Bundestag, gói hỗ trợ này “đáng lẽ phải được đệ trình lên Bộ tài chính từ lâu, theo kế hoạch ban đầu”.

Với số phiếu thăm dò của đảng ông ít hơn một nửa so với CDU/CSU và cũng kém hơn đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD), việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể gây ra những tổn thất chính trị cho Scholz.

Tuần trước, Der Spiegel đưa tin Scholz đã chặn gói quân sự. Nhiều cử tri cốt cán của SPD đang cảnh giác với chiến tranh và các biện pháp chống Nga.

Điều đó cũng khiến Scholz bất đồng quan điểm với CDU của Friedrich Merz.

“Nếu sự ủng hộ của chúng ta dành cho Ukraine yếu đi, thì cuộc chiến này sẽ kéo dài hơn. Nếu nó nhất quán, thì nó sẽ kết thúc sớm hơn”, Merz nói vào tháng trước.

Sự thận trọng hiện tại về gói viện trợ mâu thuẫn với sự ủng hộ mạnh mẽ trước đó của Scholz đối với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine; Đức đã cung cấp 16 phần trăm tổng số viện trợ cho Kyiv, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Bế tắc về gói giải ngân 3 tỷ euro khiến Pistorius xuất hiện ở Kyiv vào đầu tuần này với rất ít thứ để cung cấp.

Theo hãng thông tấn Đức dpa, ông đã hứa sẽ cung cấp thêm 60 hỏa tiễn đánh chặn cho hệ thống phòng không IRIS-T do Đức sản xuất, mặc dù khoản tài trợ 60 triệu euro vẫn chưa được làm rõ.

Bất chấp sự ủng hộ của nhiều đảng, Guntram Wolff, người theo dõi chi tiêu quốc phòng tại viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, cho biết ông nghi ngờ việc phê duyệt sẽ diễn ra trước ngày 23 tháng 2.

“Ngay cả về mặt thủ tục thì điều đó cũng khó khăn”, ông nói.

[Politico: Germany’s Scholz under political pressure over €3B Ukraine aid package]

7. Thủ tướng Scholz của Đức gây ra cuộc tranh luận gay gắt khi đề nghị thông qua viện trợ cho Ukraine dưới hình thức vay mượn

Thủ tướng Olaf Scholz đã gây ra một cuộc tranh luận chính trị gay gắt ở Đức khi đặt ra những điều kiện mới cho viện trợ cho Ukraine để có thể nới lỏng các hạn chế chi tiêu nghiêm ngặt của nước này.

Trong khi lực lượng xâm lược Nga đang chậm chạp giành được những thắng lợi ở Ukraine, các nhà lãnh đạo Đức từ khắp quang phổ chính trị đã thúc đẩy thông qua gói viện trợ trị giá 3 tỷ euro cho Ukraine trước cuộc bầu cử toàn quốc của Đức vào ngày 23 tháng 2. Nếu thành hiện thực, khoản viện trợ này sẽ là gói viện trợ lớn nhất từ trước đến nay từ bất kỳ đồng minh nào, kể cả Hoa Kỳ.

Nhưng Thủ tướng Scholz tuyên thệ chỉ hỗ trợ gói viện trợ nếu nó được tài trợ dưới hình thức vay mượn — một yêu cầu gây tranh cãi trong chính trường Đức, không chỉ khiến khả năng thông qua nhanh chóng gói viện trợ trở nên khó khăn hơn mà còn làm bùng nổ tranh chấp về chi tiêu, một trong những vấn đề quan trọng trước thềm cuộc bầu cử.

Scholz phát biểu trên truyền hình Đức vào cuối ngày thứ Tư: “Tôi vẫn sẽ ủng hộ nếu mọi người đồng thanh thông qua nghị quyết tài trợ cho việc này thông qua các khoản vay”.

Các đảng thiên hữu như Liên minh Dân chủ Kitô giáo và Đảng Dân chủ Tự do bảo thủ về mặt tài chính ủng hộ viện trợ cho Ukraine, nhưng nhìn chung phản đối việc nới lỏng các hạn chế theo hiến pháp của Đức – trong đó giới hạn thâm hụt ngân sách cơ cấu ở mức 0,35 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội, ngoại trừ trong thời điểm khẩn cấp.

Scholz hiện muốn quốc hội tuyên bố tình trạng khẩn cấp để viện trợ cho Ukraine có thể được tài trợ bằng khoản vay bổ sung. Trong chiến dịch tranh cử, thủ tướng đã nhiều lần lập luận rằng sử dụng chi tiêu ngân sách thông thường có nghĩa là giúp Ukraine bằng cách gây tổn hại đến hệ thống phúc lợi xã hội và lương hưu của Đức.

Những người chỉ trích Scholz đang phản pháo.

Yêu cầu mới nhất của thủ tướng “rõ ràng đang được sử dụng như một cái cớ để không giúp Ukraine”, nghị sĩ cao cấp của CDU Jürgen Hardt cho biết.

Hardt lập luận rằng việc trả lãi cho khoản nợ mới thực sự sẽ gây tổn hại cho người nộp thuế Đức cũng như gây ra “thất bại” ở Ukraine, một kết quả mà ông cho biết sẽ “tốn kém hơn và tệ hơn cho nền kinh tế”.

Các chính trị gia FDP cũng chỉ trích gay gắt yêu cầu của Scholz.

Marco Buschmann, tổng thư ký đảng FDP, đã viết trên X rằng: “Scholz hiện muốn tống tiền Bundestag 3 tỷ euro bằng cách đe dọa rằng Ukraine sẽ ra về tay trắng”.

Ngay cả các thành viên của Đảng Xanh, những người thường ủng hộ việc vay thêm nợ, cũng chỉ trích gay gắt Scholz, cáo buộc ông chỉ muốn chặn viện trợ cho Ukraine trước cuộc bầu cử.

“Rõ ràng là văn phòng thủ tướng đang sốt sắng tìm kiếm một cách nói KHÔNG nhưng chiếm được đa số tại Bundestag,” nghị sĩ đảng Xanh Sebastian Schäfer, người tham gia ủy ban ngân sách, đã viết trên X.

Scholz đã tìm cách đi theo hướng khó xử trong vấn đề viện trợ cho Ukraine, rêu rao rằng Đức là quốc gia cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Hoa Kỳ, đồng thời tự mô tả mình là “Thủ tướng hòa bình”, một nhà lãnh đạo biết cách giữ cho chiến tranh không vượt khỏi tầm kiểm soát.

Đầu tháng này, hãng truyền thông Đức Spiegel đưa tin rằng Ngoại trưởng Annalena Baerbock của đảng Xanh và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius của đảng Dân chủ Xã hội của Scholz đang thúc đẩy gói viện trợ trị giá 3 tỷ euro, nhưng Scholz đã chặn đề xuất này.

Đảng SPD của Scholz hiện đang ở vị trí thứ ba trong các cuộc thăm dò với khoảng 16 phần trăm, trong khi đảng bảo thủ do ứng cử viên thủ tướng Friedrich Merz dẫn đầu đang ở vị trí đầu tiên với 31 phần trăm.

Nếu phe bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, điều có vẻ rất có thể xảy ra, họ rất có thể sẽ cùng cầm quyền với SPD, một khả năng có nghĩa là cả hai đảng sẽ phải hòa giải những bất đồng về vấn đề chi tiêu và viện trợ cho Ukraine.

[Politico: Germany’s Scholz ignites fierce debate by making Ukraine aid contingent on borrowing]

8. ‘Anh đã bị bắn. Tại sao anh không tha thứ?’ Zelenskiy nói với Fico, so sánh với sự xâm lược của Nga

Chính phủ Slovakia đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm khi chỉ trích sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine và xích lại gần Nga, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Ba Lan vào ngày 16 tháng Giêng.

“Các nhà lãnh đạo Slovakia đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm. Họ sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi chiến tranh lan đến quê hương của họ”, Zelenskiy nói.

Những bình luận này được đưa ra trong bối cảnh rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Ukraine và Slovakia khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico đe dọa Kyiv sẽ phải chịu hậu quả vì quyết định dừng vận chuyển khí đốt của Nga sang Liên Hiệp Âu Châu.

Fico, người đã đến thăm Mạc Tư Khoa vào tháng 12 để thảo luận về vấn đề cung cấp khí đốt với Putin, cũng liên tục chỉ trích viện trợ quân sự cho Ukraine và lệnh trừng phạt đối với Nga.

Phát biểu với các nhà báo Ba Lan, Zelenskiy nhớ lại cuộc trò chuyện của mình với thủ tướng Slovakia trong một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Âu Châu.

Fico đã tuyên bố rằng nếu là nhà lãnh đạo Ukraine, ông ta sẽ không chống cự lại Nga khi bị xâm lược. Ông ta sẽ chấp nhận thực tại, tha thứ cho hành vi xâm lược và làm hòa với Putin bằng mọi giá.

“Tôi đã nói với ông ấy: 'Ông đã bị bắn. Tại sao ông không tha thứ? Tại sao ông lại bắt giữ người đã làm ông bị thương?'“ Zelenskiy nói, khi so sánh cuộc xâm lược Ukraine của Nga với một vụ ám sát thủ tướng Slovakia.

Fico bị thương nặng sau khi bị bắn tại thị trấn Handlova của Slovakia vào ngày 15 tháng 5 năm 2024, sau một cuộc họp của chính phủ. Chính quyền Slovakia cho biết vụ tấn công có động cơ chính trị. Nghi phạm, nhà văn Juraj Cintula, 71 tuổi, đã bị giam giữ và đang chờ xét xử.

“Tôi đã nhắc lại điều này với Fico và nói với ông ấy rằng tất cả chúng ta, bất kể lập trường của bạn thế nào, đều lên án những hành động như vậy vì một người còn sống đã bị bắn”, Zelenskiy nói.

“Và đó là Putin. Ông ta vẫn vậy; ông ta bắn người sống, mặc dù thông qua tay của người khác.”

[Kyiv Independent: 'You were shot. Why didn't you forgive?' Zelensky tells Fico, drawing parallels to Russian aggression]

9. Putin có thể thực hiện ‘các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt’ chống lại NATO, chuyên gia cảnh báo

Một chuyên gia nổi tiếng về Nga đã cảnh báo rằng Putin có khả năng thực hiện “các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt” nhằm vào các thành viên của liên minh quân sự NATO.

Keir Giles, chuyên gia hàng đầu về Nga tại Chatham House, đã trả lời phỏng vấn Newsweek sau khi Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cáo buộc Nga đang lên kế hoạch thực hiện các hành động phá hoại trên toàn thế giới, bao gồm “các hành động khủng bố trên không” nhằm vào các hãng hàng không.

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Các quan chức Nga đã nhiều lần ám chỉ rằng Mạc Tư Khoa có thể dàn dựng các cuộc tấn công nhằm vào các thành viên của liên minh quân sự NATO, để đáp trả việc họ ủng hộ Ukraine trong suốt cuộc chiến.

Vào thứ Tư, sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Warsaw, Tusk đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa.

Có bằng chứng nào về các cuộc tấn công của Nga ở phương Tây không?

Các cơ quan tình báo phương Tây cho biết vào tháng 11 rằng Nga bị tình nghi dàn dựng một âm mưu đặt thiết bị gây cháy vào các kiện hàng trên máy bay chở hàng đến Hoa Kỳ và những nơi khác.

Âm mưu này dường như có liên quan đến hai vụ cháy xảy ra ở Âu Châu, cụ thể là ở các quốc gia thành viên NATO là Đức và Vương quốc Anh.

Năm 2024, Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan, gọi tắt là ABW cũng cho rằng các cơ quan đặc biệt của Nga đã gây ra sự gia tăng các vụ việc trong nước và ở những nơi khác tại Liên Hiệp Âu Châu và các nước thành viên NATO.

Điện Cẩm Linh phủ nhận mọi sự liên quan và thường xuyên bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Nga tài trợ cho các hành vi phá hoại và tấn công ở Âu Châu.

Tại sao Nga lại thực hiện những cuộc tấn công như vậy?

Giles nói với Newsweek rằng Mạc Tư Khoa có thể thực hiện các cuộc tấn công nhằm mục đích minh chứng cho những gì họ coi là hành động trả đũa các quyết định của phương Tây dẫn đến thất bại của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, chẳng hạn như Washington nới lỏng các hạn chế đối với những gì Kyiv có thể làm với hỏa tiễn tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp.

“Nhưng tất nhiên, ngoài ra, chúng tôi đã thấy một mô hình tấn công có vẻ như là do thám và thăm dò để chuẩn bị cho một sự kết hợp tấn công nghiêm trọng hơn trong tương lai trên khắp Âu Châu nhằm mục đích cụ thể, ví dụ như hỗ trợ các mục tiêu của Nga.

“Nếu họ đang chống lại một quốc gia NATO và muốn ngăn chặn sự di chuyển trên khắp Âu Châu, điều đó sẽ giải thích phần lớn sự quan tâm đến các tuyến liên kết hậu cần, mạng lưới hỏa xa và trung tâm mà họ đã thể hiện cho đến nay.”

“Điểm mấu chốt là chúng ta nên nhớ rằng không có bất kỳ hạn chế nào mà bất kỳ quốc gia bình thường nào coi là đương nhiên thực sự áp dụng cho Nga,” Giles nói. “Họ đã chứng minh sự liều lĩnh khiến chúng ta phải nói rằng họ rõ ràng không loại trừ các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt.”

Ông nói thêm rằng Nga đã chứng minh rằng họ “không bị hạn chế bởi suy nghĩ về số lượng lớn nạn nhân vô tội”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần nói rằng ông sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh khi ông nhậm chức. Ông đã gợi ý rằng cả Nga và Ukraine sẽ nhượng bộ để đạt được thỏa thuận hòa bình.

Giles cho biết: “Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump làm theo ý Putin, như nhiều người mong đợi, thì việc Nga gây hấn với Hoa Kỳ và mối quan hệ thân thiết mà họ có với Tổng thống đắc cử Donald Trump là vô nghĩa”.

“Mặt khác, nếu ông ấy đưa ra chính sách ít thân thiện với Nga hơn và thực sự làm điều gì đó bất ngờ, điều mà Mạc Tư Khoa sẽ không chấp thuận, thì chúng ta có thể mong đợi rằng chiến dịch này cũng sẽ mở rộng sang Bắc Mỹ.”

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu hôm thứ Tư: “Tôi sẽ không đi vào chi tiết, tôi chỉ có thể xác nhận tính xác thực của nỗi lo ngại rằng Nga đang lên kế hoạch thực hiện các hành động khủng bố trên không, không chỉ chống lại Ba Lan mà còn chống lại các hãng hàng không trên toàn thế giới”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov trả lời các phóng viên hôm thứ Năm: “Nhìn chung, đây là một cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ khác đối với Nga. Ba Lan nổi tiếng với những cáo buộc vô căn cứ như vậy. Họ thậm chí thường cố gắng duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này so với các nước Âu Châu khác.”

Ngay cả khi Tổng thống đắc cử Donald Trump, người thường xuyên ca ngợi mối quan hệ thân thiết của mình với Putin, trở lại Tòa Bạch Ốc, thì mối lo ngại ở các nước NATO về các cuộc tấn công tiềm tàng của Nga có thể vẫn tiếp tục.

[Newsweek: Putin May Carry Out 'Mass Casualty Attacks' Against NATO, Expert Warns]
 
Tình trạng ĐTC Phanxicô sau cú té ngã. Nhà trừ tà cảnh báo: 9 điều tối kỵ khi chiến đấu với quỷ dữ
VietCatholic Media
17:20 17/01/2025


1. Đức Thánh Cha Phanxicô bị thương ở cánh tay phải sau khi ngã lần thứ hai chỉ trong hơn một tháng

Vatican cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị ngã vào hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, và bị thương ở cánh tay phải, chỉ vài tuần sau một lần ngã khác khiến cằm ngài bị bầm tím nghiêm trọng.

Phát ngôn nhân của Vatican cho biết trong một tuyên bố rằng Đức Phanxicô không bị gãy tay nhưng đã phải đeo một chiếc đai như một biện pháp phòng ngừa.

Vào ngày 7 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã đập cằm vào tủ đầu giường trong một cú ngã khiến ngài bị bầm tím nghiêm trọng.

Đức Giáo Hoàng 88 tuổi, người đã chiến đấu với các vấn đề sức khỏe bao gồm các cơn viêm phế quản kéo dài, thường phải sử dụng xe lăn vì đầu gối bị đau. Ngài sử dụng xe tập đi hoặc gậy khi di chuyển quanh căn nhà của mình tại nhà trọ Santa Marta của Vatican.

Vatican cho biết vụ ngã hôm thứ năm cũng xảy ra tại Santa Marta, và sau đó Đức Giáo Hoàng được nhìn thấy trong các buổi tiếp kiến với cánh tay phải bị treo. Tại một trong những cuộc họp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin lỗi đưa tay trái ra để bắt tay khi ngài chào nhà lãnh đạo quỹ phát triển nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc, Alvaro Lario.

“Sáng nay, do bị ngã tại Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị bầm tím ở khuỷu tay phải, không bị gãy xương. Cánh tay đã được cố định như một biện pháp phòng ngừa”, tuyên bố cho biết.

Những lời đồn đoán về sức khỏe của Đức Phanxicô luôn xuất hiện trong giới Vatican, đặc biệt là sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 phá vỡ truyền thống 600 năm và từ chức giáo hoàng vào năm 2013. Các phụ tá của Đức Bênêđíctô cho rằng quyết định này xuất phát từ một cú ngã vào ban đêm mà ngài gặp phải trong chuyến đi đến Mễ Tây Cơ năm 2012, sau đó ngài quyết định rằng mình không thể theo kịp những yêu cầu đi khắp thế giới của giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng ngài không có kế hoạch từ chức trong thời gian tới, ngay cả khi Bênêđíctô “mở cánh cửa” cho khả năng này. Trong cuốn tự truyện “Hy Vọng” được phát hành tuần này, Francis cho biết ngài đã không cân nhắc đến việc từ chức ngay cả khi ngài đã trải qua một cuộc phẫu thuật ruột lớn.


Source:AP

2. Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles: Hãy tìm thấy Chúa trong các vụ cháy rừng ở California

Hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles đã đưa ra một lá thư mục vụ gởi anh chị em giáo dân trong toàn tổng giáo phận sau vụ cháy rừng kinh hoàng ở California.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lòng tôi nặng trĩu khi nghĩ đến tất cả những ai đang phải chịu đau khổ vì cháy rừng vẫn đang bùng cháy trên núi và dọc bờ biển. Những ngày này là thử thách đối với thành phố lớn của chúng ta và đối với gia đình của Chúa tại Tổng giáo phận Los Angeles.

Khi cơn bão lửa đầu tiên ập đến, tôi đã dâng một loạt thánh lễ để cầu nguyện cho anh chị em và những người hàng xóm của chúng ta, cũng như cho những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đang nỗ lực dập tắt những đám cháy này và giữ cho chúng ta được an toàn.

Đối với tôi, đó là một trải nghiệm đầy cảm xúc khi được gặp những người đã mất mát quá nhiều: những người thân yêu và nhà cửa, doanh nghiệp và sinh kế; giáo xứ, trường học và khu phố. Tôi vô cùng đau buồn khi thấy hàng ngàn người Công Giáo Los Angeles và những người Los Angeles khác sống như những người tị nạn và những người di tản ngay tại quê hương của họ.

Chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được mức độ tàn phá và gián đoạn. Những đám cháy này đã thiêu rụi tài sản thế gian và những ký ức quý giá nhất của con người thành tro bụi và khiến tương lai của chúng ta trở nên bất định. Các quan chức cho biết có thể mất nhiều năm để xây dựng lại và nhiều cộng đồng của chúng ta có thể không bao giờ trông giống như trước nữa.

Vào những lúc như thế này, có thể hiểu được tại sao chúng ta lại nghi ngờ tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, tự hỏi Người ở đâu khi những người tốt đang phải chịu đau khổ. Tại sao Chúa lại cho phép điều ác xảy ra? Tại sao Người lại cho phép những thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, bão, động đất và lũ lụt?

Không có câu trả lời dễ dàng nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có câu trả lời.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta và Người nắm giữ mọi tạo vật trong đôi tay yêu thương của Người. Người đã hứa rằng không một con chim sẻ nào rơi xuống từ bầu trời mà Cha chúng ta không biết. Sau đó, Người nhắc nhở chúng ta: Các con đáng giá hơn bất kỳ con chim sẻ nào.

Anh chị em rất quý giá đối với Chúa, mỗi người trong số anh chị em. Anh chị em rất quý giá đối với Chúa đến nỗi Người đã sai Con Một của Người đến thế gian để chết trên thập tự giá vì anh chị em. Chúng ta cần bám chặt vào chân lý này khi những khó khăn và đau khổ ập đến.

Chúa Giêsu biết những hy vọng, ước mơ và những đấu tranh của chúng ta. Ngài ở gần chúng ta trong niềm vui và nỗi buồn của chúng ta.

Ngài chỉ có một ý muốn cho cuộc sống của chúng ta: rằng chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện và tình yêu và trở thành những vị thánh chia sẻ tình yêu của Ngài ở đây trên trái đất và sống mãi mãi với Ngài trên thiên đàng. Mọi điều xảy ra, mọi điều Ngài cho phép, đều xuất phát từ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta và mong muốn cứu rỗi chúng ta.

Đây không phải là câu trả lời dễ dàng nhưng đó là sự thật.

Các thánh dạy rằng mặc dù bản thân Chúa không thể chịu đau khổ, nhưng Người vẫn chịu đau khổ cùng chúng ta.

Đây là chân lý tuyệt đẹp của thập giá. Khi chết và sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa có thể mang lại điều tốt lành ngay cả từ điều ác lớn nhất.

Và vì Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết, nên những đau khổ của chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa và mục đích khi chúng ta kết hợp chúng với đau khổ của Ngài.

Mỗi cuộc khủng hoảng là một ngã ba đường. Và trong mỗi cuộc khủng hoảng, chúng ta phải đưa ra quyết định.

Chúng ta có thể phản ứng bằng sự tức giận và tuyệt vọng, và đó là một sự cám dỗ tự nhiên.

Hoặc chúng ta có thể quyết định chấp nhận những đau khổ của mình như một cách để chia sẻ những đau khổ của Chúa Giêsu, Đấng chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta và Đấng sẽ không bao giờ từ bỏ chúng ta dù con đường có tăm tối đến đâu.

Ngay cả khi chúng ta không còn gì nhiều, chúng ta vẫn còn tình yêu để cho đi.

Chúng ta có thể “dâng hiến” nỗi đau khổ của mình trong tinh thần yêu thương và hy sinh cho những người lân cận. Chúng ta có thể tặng cuộc sống của mình để cùng chịu đau khổ với người khác, hỗ trợ họ trong cuộc đấu tranh của họ.

Một lần nữa, các thánh dạy chúng ta rằng những hy sinh chúng ta dành cho người khác có thể sinh hoa trái của tình yêu và lòng trắc ẩn khi chúng ta kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu. Theo một cách huyền nhiệm, những gì chúng ta dâng hiến trong tình yêu trở thành một phần của kho tàng lớn lao của lòng trắc ẩn tuôn chảy từ những đau khổ của Người trên thập giá.

Ngay trong cơn bão lửa này, chúng ta thấy Chúa dấy lên những nhân chứng anh hùng.

Tôi đang nghĩ đến gia đình đang quỳ gối tại nơi ngôi nhà của họ từng tọa lạc, cảm tạ Chúa và Đức Mẹ đã cứu họ; những giáo dân đã liều mạng để dập tắt đám cháy trên mái nhà thờ; và những người lính cứu hỏa đã cứu nhà tạm khỏi đám cháy trong nhà thờ.

Chúng ta sẽ nghe thêm nhiều câu chuyện như thế này trong những ngày tới. Sẽ còn nhiều sự hy sinh tình yêu mà chúng ta sẽ không bao giờ nghe đến, tất cả những sự hy sinh thầm lặng của cha mẹ dành cho con cái, tất cả những hành động tử tế nhỏ bé không được nhìn thấy trong gia đình và cộng đồng của chúng ta.

Chúng ta hãy tiếp tục giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, hãy tiếp tục làm việc cùng nhau để những người hàng xóm của chúng ta có thể biết được sự thật về tình yêu của Chúa trong giờ phút tàn phá và mất mát này.

Hãy cầu nguyện cho tôi và tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em.

Và chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ bảo vệ và hướng dẫn chúng ta.

Đức Mẹ, Nữ Vương các Thiên Thần: Xin hãy làm mẹ của tất cả chúng con!


Source:National Catholic Register

3. Tuyên bố của các vị bản quyền tại Thánh Địa về lệnh ngừng bắn ở Gaza

Hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, là Thượng Phụ Công Giáo Latinh của Giêrusalem, cùng với các vị bản quyền tại Thánh Địa đã đưa ra một tuyên bố chào mừng lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an” (Is 52,7)

Các Giám mục Công Giáo của Thánh Địa hoan nghênh thông báo về lệnh ngừng bắn ở Gaza, nhằm chấm dứt tình trạng thù địch ở Gaza, trả lại các con tin Israel và thả các tù nhân Palestine. Chúng tôi hy vọng rằng lệnh ngừng bắn này sẽ đánh dấu một sự kết thúc quan trọng cho tình trạng bạo lực đã gây ra đau khổ vô hạn. Đây là một bước cần thiết để ngăn chặn sự tàn phá và đáp ứng nhu cầu nhân đạo cấp bách của vô số gia đình bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rằng chiến tranh kết thúc không có nghĩa là xung đột kết thúc. Do đó, cần phải giải quyết nghiêm chỉnh và đáng tin cậy các vấn đề sâu xa đã là gốc rễ của cuộc xung đột này trong thời gian quá dài. Hòa bình thực sự và lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua một giải pháp công bằng giải quyết tận gốc cuộc đấu tranh lâu dài này. Điều này đòi hỏi một quá trình dài, sự sẵn lòng thừa nhận nỗi đau khổ của nhau và một nền giáo dục tập trung vào lòng tin dẫn đến khả năng vượt qua nỗi sợ hãi về người khác và thái độ biện minh cho bạo lực như một công cụ chính trị.

Chúng tôi cầu nguyện rằng lệnh ngừng bắn này sẽ mang lại cảm giác thanh thản và nhẹ nhõm cho tất cả mọi người. Mong rằng khoảnh khắc bình yên này sẽ giúp mọi người tìm thấy sự an ủi, xây dựng lại cuộc sống và lấy lại hy vọng cho tương lai.

Chúng tôi chân thành hy vọng rằng lệnh ngừng bắn này đánh dấu sự khởi đầu của một con đường mới hướng tới hòa giải, công lý và hòa bình bền vững. Mong rằng đây là bước đầu tiên trên con đường thúc đẩy sự chữa lành và đoàn kết giữa tất cả người dân Thánh Địa.

Chúng tôi háo hức chờ đợi những người hành hương trở về các Thánh địa ở Thành Thánh. Các Thánh địa được coi là nơi cầu nguyện và bình an, và chúng tôi mong đến ngày những người hành hương có thể đến thăm lại nơi này trong sự an toàn và niềm vui tâm linh.

Bất chấp nỗi đau mà chúng ta đã phải chịu đựng, chúng ta vẫn tiếp tục hướng đến tương lai với hy vọng không lay chuyển. Mong rằng lệnh ngừng bắn này sẽ truyền cảm hứng cho những nỗ lực mới cho đối thoại, sự hiểu biết lẫn nhau và hòa bình lâu dài cho tất cả mọi người. Vào đầu Năm Thánh dành cho hy vọng không làm thất vọng, chúng ta đọc trong sự kiện này một dấu hiệu nhắc nhở chúng ta về lòng trung tín của Thiên Chúa.

Cuối cùng, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng quốc tế phát triển một tầm nhìn chính trị rõ ràng và công bằng cho giai đoạn hậu chiến. Một tương lai được xây dựng trên phẩm giá, an ninh và tự do cho tất cả mọi người là điều kiện tiên quyết cho hòa bình thực sự và lâu dài. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thực hiện các bước ngay lập tức và đàm phán các bước tiếp theo của thỏa thuận một cách thiện chí.

Xin Chúa ban phước lành cho vùng đất này với hòa bình và dẫn dắt tất cả chúng ta trên con đường hòa giải và chữa lành.

+Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa

Thượng Phụ Công Giáo Latinh của Giêrusalem


Source:Latin Patriarchate of Jerusalem

4. Nhà trừ tà cảnh báo: 9 hành động cần tránh khi chiến đấu với quỷ dữ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trong video được công bố hôm 6 Tháng Giêng, ngài đã trình bày tuyên bố mới nhất của Hiệp hội trừ tà quốc tế liên quan đến những lạm dụng của một số linh mục và những người thánh hiến trong lãnh vực trừ tà.

Trong tuyên bố này, Hiệp hội trừ tà quốc tế đã bày tỏ mối quan ngại về một số hành vi sai trái, bao gồm cả những hành vi do một số linh mục thực hiện, khiến các tín hữu tìm kiếm sự giúp đỡ bối rối khi có thể đang phải đối mặt với những hành động phi thường của ma quỷ.

Đức Ông Rossetti nhấn mạnh rằng, theo kỷ luật của Giáo Hội, trong một giáo phận, chỉ có các linh mục được đấng bản quyền địa phương giao nhiệm vụ mới có năng quyền trừ tà. Tuy nhiên, không thiếu các trường hợp, một số linh mục và những người thánh hiến cũng tự động tham gia trừ tà, và đôi khi họ hành động không khác gì một pháp sư.

Theo Đức Ông Rossetti, Hiệp hội, với khoảng 900 thành viên trừ tà trên toàn thế giới, đã đưa ra cảnh báo trong một nhằm “cung cấp những giải thích cần thiết để có thể hành động tốt trong việc ban phát lòng thương xót của Chúa thông qua chức vụ trừ tà”.

Hiệp hội đã xuất bản bài viết này vì “một số hoạt động mục vụ đã được nhận thấy rằng, thay vì phục vụ cho thân thể bị thương của Chúa Kitô, thì lại làm tăng thêm đau khổ và gây mất phương hướng”. Những những nhà trừ tà yêu cầu người Công Giáo lưu ý đến những quan sát này “để tránh những thái độ và phương pháp không phù hợp với công việc đích thực của Chúa Kitô”.

Văn bản này cũng chỉ ra rằng trong những năm gần đây, số lượng người tìm đến thầy trừ tà đã tăng lên vì mọi người tự hỏi hoặc tin rằng họ là “nạn nhân của một hành động phi thường của ma quỷ”, có thể là sự quấy nhiễu, ám ảnh, chiếm hữu hoặc phá hoại.

Tuy nhiên, các nhà trừ tà cảnh báo rằng có những trường hợp mà niềm tin này - đòi hỏi phải xác nhận bằng một cuộc kiểm tra nghiêm ngặt - thường được “những người không được đào tạo cụ thể về vấn đề này và không có lệnh từ người có thẩm quyền, hành động không đúng mực, gây ra sự nhầm lẫn trong cộng đồng dân Chúa”.

Hiệp hội Trừ tà Quốc tế cảnh báo về chín thực hành mục vụ sai lầm sau đây có thể làm mất phương hướng những người muốn thoát khỏi hành động phi thường của ma quỷ.

1. Sự ngẫu hứng và giật gân

Hiệp hội bắt đầu bằng việc chỉ trích thái độ của một số linh mục, những người tận hiến và giáo dân, những người không được đào tạo đầy đủ và không có lệnh của giám mục, “thay vì chuyển những trường hợp có thể bị ma quỷ hành động bất thường” cho một nhà trừ tà, lại sử dụng “các phương pháp giải thoát tùy tiện” không được giám mục cho phép.

“Thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi họ ngăn cản các tín hữu tìm đến những nhà trừ tà chính thức của giáo phận mình, gợi ý rằng họ nên tìm những những nhà trừ tà nổi tiếng khác được coi là 'mạnh hơn' hoặc tuyên bố cần phải đối phó ngay trước các hoạt động ma quỷ phi thường mà họ đã phát hiện ra.”

2. Tập trung vào công việc của ma quỷ chứ không phải vào Phúc Âm

Hiệp hội chỉ ra rằng “thật đáng tiếc khi một số người, thay vì rao giảng Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô giải thoát con người khỏi ách nô lệ của sự dữ và tội lỗi, lại chỉ tập trung sự chú ý của họ vào sự hiện diện và hoạt động của ma quỷ”, khiến những người tìm kiếm sự giúp đỡ tin rằng “sự giải thoát chỉ phụ thuộc vào việc lặp đi lặp lại một cách bắt buộc các lời cầu nguyện và phước lành”, trong khi sự bình an của Chúa Kitô “chỉ có thể đạt được thông qua một cuộc sống bác ái, được nuôi dưỡng bằng lời Chúa, thông qua cầu nguyện, thông qua việc thường xuyên lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và xưng tội, và thông qua lòng sùng kính đích thực đối với Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

3. Sự phân biệt thiếu thận trọng

Hiệp hội than thở rằng một số linh mục, bao gồm cả những những nhà trừ tà, đã bỏ qua “sự phân định nghiêm chỉnh và chặt chẽ được quy định bởi Praenotanda hay chỉ thị của Nghi lễ trừ tà” và sử dụng “tiêu chuẩn xa lạ với đức tin Công Giáo, xác nhận các khái niệm có nguồn gốc bí truyền hoặc Thời đại mới”. Bài báo cảnh báo rằng đây là một đường lối “không thể chấp nhận được và trái ngược với đức tin và giáo lý của Giáo hội”.

4. Thực hành mê tín

Hiệp hội cũng chỉ trích những người sử dụng các thủ tục mê tín, chẳng hạn như yêu cầu “ảnh chụp hoặc quần áo để xác định những điều xấu có thể xảy ra”, cũng như chạm vào “một số điểm nhất định trên cơ thể của tín hữu để 'chẩn đoán sự hiện diện của các thực thể ác tính' hoặc để 'trục xuất sự tiêu cực'“, hoặc gợi ý sử dụng không đúng cách các vật phẩm bí tích như nước, muối hoặc dầu thánh “mà một số người gọi là để 'trừ tà'“.

Bài báo cảnh báo rằng “đây là những thái độ không đúng đắn nuôi dưỡng tâm lý và tập tục mê tín, gây tổn hại đến phẩm giá của cơ thể, đền thờ của Chúa Thánh Thần và dẫn đến việc sử dụng ma thuật các vật phẩm được ban phước”.

5. Sự tham gia của những người không phù hợp

Bài báo nêu rằng “không thể chấp nhận được việc một số linh mục hoặc nhân viên mục vụ hợp tác với cái gọi là 'nhà ngoại cảm' hoặc những người được cho là có ân tứ” bằng cách gửi người đau khổ đến cho họ thay vì liên hệ với những những nhà trừ tà do các giám mục chỉ định.

“Tệ hơn nữa, khi chính những nhà trừ tà của giáo phận giao cho những người này nhiệm vụ mà Giáo hội đã giao phó cho họ, tức là nhiệm vụ phân định được ủy quyền về hoạt động ma quỷ phi thường thực sự.”

Hiệp hội nhắc nhở rằng những nhà trừ tà phải chịu trách nhiệm về nỗi đau khổ của người khác và “không quên dành thời gian để phân định cá nhân… để xác minh hành động phi thường có thể xảy ra của ma quỷ” và do đó cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân của hắn.

6. Không bao gồm khoa học y tế và tâm lý

Hiệp hội giải thích rằng những nhà trừ tà không chỉ tuân theo các tiêu chuẩn truyền thống để xác định xem một người có đang phải chịu đựng một hành động phi thường của ma quỷ hay không mà còn phải dựa vào kinh nghiệm của những những nhà trừ tà có uy tín và trong một số trường hợp, “theo lời khuyên của những người chuyên gia về y học và tâm thần học”.

Do đó, những những nhà trừ tà nhấn mạnh rằng người ta không thể “loại trừ việc tham khảo trước các khoa học tâm lý và tâm thần, cũng như các ngành khoa học tích cực khác, trong một số trường hợp có thể giúp hiểu được nguồn gốc của những căn bệnh không nhất thiết có nguồn gốc siêu nhiên”.

“Thái độ này không chỉ gây hiểu lầm mà còn khiến mọi người phải chịu những rủi ro không cần thiết, bỏ qua sự đóng góp đôi khi mang tính quyết định của các ngành y học và tâm lý hiện đại.”

7. Những phát biểu liều lĩnh và có hại

Hiệp hội kêu gọi mọi người không nên rơi vào “ham muốn lo lắng muốn xác định bằng mọi giá một hành động ma quỷ phi thường là nguyên nhân gây ra đau khổ cho ai đó”, đặc biệt là khi chưa có sự phân định nghiêm chỉnh trước đó.

8. Về phù thủy

Trong bài viết của mình, hiệp hội lưu ý rằng mặc dù việc thực hành ma thuật đã trở nên phổ biến, nhưng người ta không nên rơi vào “thái độ sợ hãi” khi coi đó là nguồn gốc của mọi điều xấu xa và bất hạnh có thể xảy đến với một người.

Những những nhà trừ tà chỉ ra rằng “lý lẽ thường tình và kinh nghiệm cũng dạy rằng khi một điều ác thực sự có thể do ma thuật gây ra, thì việc tập trung vào việc xác định nó” và bảo đảm với mọi người rằng họ là nạn nhân là vô ích và không liên quan đến sự giải thoát của họ, cũng như có hại, vì họ có thể bắt đầu bộc lộ “cảm giác căm thù” đối với những kẻ được cho là tác giả của lời nguyền.

Ngược lại, điều quan trọng là tập trung sự chú ý của con người “vào các phương thuốc ân sủng do Giáo hội ban tặng và con đường Kitô giáo cần theo”, dạy sự chắc chắn rằng “Thiên Chúa không bỏ rơi tạo vật của Người đang trải qua thử thách nhưng theo một cách nào đó, Người chịu đau khổ cùng với Người và đồng thời nâng đỡ và an ủi họ bằng ân sủng của Người”.

Tương tự như vậy, việc giảng dạy “niềm tin rằng mọi đau khổ, do bất kỳ điều ác nào có thể giáng xuống chúng ta trong cuộc sống, nếu được chấp nhận bằng tình yêu và sự dâng hiến cho Chúa, sẽ biến điều ác thành điều thiện.”

9. Chữa lành liên thế hệ (chữa lành cây phả hệ gia đình)

Hiệp hội cũng cảnh báo về sai lầm của cái gọi là “chữa lành liên thế hệ” và than thở rằng “một số linh mục và thậm chí một số những nhà trừ tà” thực hiện việc thực hành này “như một điều kiện 'sine qua non' (hoàn toàn cần thiết), nếu không thì sẽ không có sự chữa lành hay giải thoát, mà không nhận ra tác hại đối với đức tin của họ và của mọi người, cũng như hậu quả mà sau này họ có thể phải gánh chịu ở cấp độ hiện sinh.”

“Một số giám mục địa phương và hội đồng giám mục đã can thiệp vào lĩnh vực này, đưa ra những lý do về giáo lý chứng minh rằng thực hành này không có nền tảng Kinh thánh và thần học.” Hiệp hội đưa ra ví dụ về ghi chú giáo lý gần đây về chủ đề Hội đồng giám mục Tây Ban Nha.

Xua tan nỗi sợ hãi

Ngoài những thực hành trên, bài viết của hiệp hội cũng nhắc nhở độc giả rằng những những nhà trừ tà được kêu gọi để sự bình an của Chúa Kitô ngự trị trong họ, từ chối mọi hình thức sợ hãi vì “bất kể lý do gì gây ra nó, khi nó được nuôi dưỡng, nó sẽ dẫn đến sự suy yếu đức tin và mất niềm tin vào Chúa”.

Ma quỷ sử dụng nỗi sợ hãi “để biến con người thành nô lệ”; do đó, một linh mục sợ ma quỷ “trong khi thi hành chức thánh hoặc trong cuộc sống hằng ngày của mình thì không thể thi hành chức thánh trừ tà mà không phải đối mặt với những nguy hiểm nghiêm trọng cho đời sống tâm linh của mình, đặc biệt là nếu thay vì vun đắp lòng tin và phó thác hoàn toàn vào bàn tay thương xót của Thiên Chúa, ngài lại tìm cách giải quyết vấn đề bằng những thực hành ít nhiều mê tín dị đoan “.

Hiệp hội lưu ý rằng “Trong Kinh thánh, lời mời gọi đừng sợ hãi của Chúa được lặp lại ít nhất 365 lần”.

Trừ tà là một kinh nghiệm về Thiên Chúa và niềm vui

Bài báo chỉ ra rằng một số bộ phim đã góp phần tạo ra “một ý tưởng đen tối, đáng sợ và đáng sợ về bí tích trừ tà” cũng như nuôi dưỡng “sự tò mò bệnh hoạn về những điều siêu nhiên”.

Tuy nhiên, hiệp hội bảo đảm rằng kinh nghiệm cho thấy rằng chức thánh này “thấm nhuần niềm vui sâu sắc”, vì các thành viên của nó là những nhân chứng của “hành động mạnh mẽ của Chúa Kitô phục sinh” và sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, của các thánh và các chân phước, và của các thiên thần là “những tôi tớ trung thành của Đấng Tối Cao”.

Hiệp hội Trừ tà Quốc tế lưu ý rằng: “Do đó, nhiệm vụ chính của mỗi những nhà trừ tà là mang lại sự bình an và hy vọng, tránh mọi cử chỉ hoặc hành vi gây ra sự nhầm lẫn và gây ra nỗi sợ hãi, theo lời mời của Thánh Phaolô: 'Hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Chúa Kitô'“.


Source:Catholic News Agency