Ngày 14-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lặng thinh để biến đổi
Lm. Minh Anh
01:43 14/01/2022
LẶNG THINH ĐỂ BIẾN ĐỔI
“Ngươi cứ nghe họ!”.

Trên một chuyến xe lửa, một tu sĩ già vô tình phạm một số lỗi nhỏ về luật gửi hành lý; ông bị một nhân viên hoả xa trẻ tuổi mắng mỏ không thương xót. Tu sĩ nhỏ hơn ngồi bên, nóng nảy nói, “Thầy nên cho anh ấy một bài học!”. Tu sĩ già cười, trả lời, “Ồ! Nếu một người như thế có thể chịu đựng được bản thân mình cả đời, tôi có thể chịu đựng anh ta trong năm phút, cứ nghe anh ta. Thiên Chúa chịu đựng chúng ta cả đời, Ngài thường ‘lặng thinh để biến đổi’ những trái tim!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thiên Chúa thường ‘lặng thinh để biến đổi’ những trái tim!”, đúng như vị tu sĩ già nhận định. Nhưng đó là lối sư phạm của Ngài, Ngài muốn biến đổi một cái gì đó, biến đổi một ai đó. Qua sách Samuel hôm nay, dân đòi một vị vua, Thiên Chúa nhượng bộ, bảo Samuel, “Ngươi cứ nghe họ!”.

Bài đọc thứ nhất nói đến một yêu sách chưa từng có của các kỳ lão Israel, họ muốn có một vị vua. Dẫu rất phật lòng, Samuel vẫn nhẫn nại phân trần. Là một người chống chế độ bảo hoàng, Samuel đưa ra các mối nguy với những lý do xác đáng. Tôn giáo của Israel là một tôn giáo độc thần, xây dựng trên thần quyền, nơi chỉ Thiên Chúa là Vua và là Chúa của họ; vì thế, ý tưởng về một vị vua loài người, đồng nghĩa với sự phạm thượng tày đình. Thiên Chúa lấy làm xúc phạm, nhưng Ngài cắn lòng bảo Samuel, “Ngươi cứ nghe họ; vì không phải họ gạt bỏ ngươi, mà là gạt bỏ Ta”. Ngài vẫn chiều dân, Ngài ‘lặng thinh để biến đổi’ họ về sau. Cả những sai lầm cũng có thể trở thành những khoảnh khắc của ân sủng và sự giác ngộ! Một khi cảm nhận được hồng ân biến đổi; họ sẽ thưa, “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, “Nhiều người tuôn đến với Chúa Giêsu, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng”. Ở đây, không phải “Ngươi cứ nghe họ” như Chúa bảo Samuel, mà là ‘Họ đã nghe Ngài’; dân nghe được Chúa Giêsu! Nhưng tại sao Chúa Giêsu không làm một điều gì đó, hoặc di chuyển ra một khu vực rộng lớn hơn? Thật khó để trả lời câu hỏi này; nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều, ‘Họ đã nghe Ngài’, cả khi họ không thể vào trong! Lòng tin của họ vẫn được ban thưởng lớn lao! Điều này tiết lộ một nguyên tắc tâm linh rất quan trọng; nó tiết lộ rằng, khao khát được ở gần Chúa Giêsu, tự nó, đã có sức biến đổi. Một trải nghiệm tương tự thường xảy ra, khi chúng ta khao khát được nghe Thiên Chúa nói, nhưng dường như không thể. Có thể Ngài im lặng hoặc cũng có thể, Ngài nói mà chúng ta không nghe. Đừng nản lòng! Sự thật của vấn đề là ước muốn được ở với Ngài, tự nó, đã là một quà tặng tuyệt vời, vốn có khả năng biến đổi chúng ta.

Anh Chị em,

Không lặng thinh nào khủng khiếp bằng lặng thinh của chiều thứ Sáu Tuần Thánh; cũng không biến đổi nào vĩ đại bằng biến đổi của sáng ngày Phục Sinh! Chúa Giêsu cũng đã trải qua sự câm nín của Chúa Cha, và Ngài đã được biến đổi trong quyền năng của Thiên Chúa như thế đó, một sự biến đổi cứu rỗi thế giới. Cả chúng ta, trong cuộc sống, nhiều lúc Thiên Chúa xem ra cũng ở rất xa, chúng ta không tìm thấy Ngài. Khi điều này xảy ra, chúng ta cần nhận ra rằng, đây là cách để Ngài gọi chúng ta đến gần Ngài hơn, cách Ngài thì thầm hầu thu hút sự chú ý của mỗi người hơn. Nếu đây là ‘cuộc đấu tranh’ mà đôi khi, chúng ta gặp phải, hãy hướng sự chú ý đến Chúa Giêsu ngày càng mạnh mẽ hơn, và cho phép sự khao khát Ngài lớn lên trong trái tim mình. Ước muốn được ở gần Chúa thực sự có thể tạo ra hoa trái lớn hơn trong cuộc sống, so với việc chúng ta được nghe Ngài mồn một, to tiếng và rõ ràng. Hãy luôn ghi nhớ, Thiên Chúa thường lặng thinh, kể cả những lặng thinh của thập giá, Ngài ‘lặng thinh để biến đổi’, một biến đổi có tên “Phục Sinh!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con đủ sức vượt qua những im ắng của Chúa; cho con xác tín rằng, Chúa ‘lặng thinh để biến đổi’ con bằng sức mạnh của thập giá và quyền năng của Phục Sinh”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sống đạo giữa đời
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.
02:39 14/01/2022
Sống đạo giữa đời

Các tín hữu Công Giáo thường được khuyến khích và nhắcnhở phải cố giữ đạo cho nên. Điều ấy có nghĩa là siêng năngđọc kinh xem lễ, đi nhà thờ, lãnh nhận các bí tích và giữmình sạch tôi. Những người ngoan đạo thì thường làm nhưthế, còn những người khô khan nguội lạnh thì năm chừngmười họa mới làm, còn quanh năm ngày tháng vẫn hờ hữngvới những công việc trên, và xem ra cũng không thấy bănkhoăn thắc mắc gì, khiến cho những bậc làm cha mẹ vàngười thân lo ngại cho họ, vì chẳng may họ chết bất ưng thìsao. Nỗi lo ngại này thật chính đáng. Vì thế, thiết tưởng cũngnên đặt ra vấn đề này.

Đó là giữ đạo và sống đạo. Giử đạo thì như mới nói ở trên. Giữ được như thế thì đã làquá tốt rồi. Nhưng cái tốt ấy mới chì là cho cá nhân mìnhthôi, đành rằng mỗi người phải lo lấy cho mình trước.

Còn những người khác thì sao?


Chẳng lẽ để họ hư mất màkhông bận tâm ư. Bởi thế, giữ đạo nhưng còn phải sống đạonữa, vì giữ đạo mới chỉ là mặt cá nhân, còn sống đạo mới làmặt xã hội. Người ta sống ở đời cần phải có hai mặt mới đầyđủ. Vậy sống đạo là thế nào.

Thưa vẫn là giữ đạo, nhưng là giữđạo ở giữa đời, thành ra là sống đạo theo chiều kích xã hội,nghĩa là đem đạo vào đời bằng chính đời sống của mình bêncạnh những người khác. Sông đạo không phải chỉ có đọckinh xem lễ, đi nhà thờ mà còn là liên đới với những ngườikhác, trong các hoạt động ích quốc lợi dân, đẩy lui bất côngbạo tàn, bênh vực những người cô thế cô thân, tùy hoàncảnh, bậc đời và địa vị của mỗi người. Người có đạo giữ đạokhông phải là người đứng bên lề xã hội, chỉ biết đến mìnhhay đạo của mình thôi, còn vận mệnh của quê hương xứ sởhay đồng bào mình thì “sống chết mặc bay”.

Người sống đạo là người sống đức tin của mình một cách nghiêm túc, đem tinh thần và lời dạy của đức tin áp dụng vào đời sống trongcách hành xử và hoạt động bên cạnh những ngưởi khác đạo hay không “có đạo”, để người ta thấy cái hay của đạo ngaytrong con người của mình. Như thế là truyền giáo, một trongcác bổn phận của người Công Giáo. Mà truyền giáo ở đâykhông phải bằng lời nói lôi cuốn hay dụ dỗ cho bằng conngười cụ thể sống động ở giữa mọi người, mà lại không nhưmọi người trong tâm tưởng và hành động. Có một cái gìkhác và cái khác ấy là do chất tinh túy của đức tin tự trongcon người phát ra.

Những giá trị nhân văn đáng quí do ông cha để lại như lòngbiết ơn, tính vị tha, lòng dũng cảm, tính hiếu trung, hiếunghĩa cô đọng trong sách Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi lànhựng điều người sống đạo không được xa lạ mà phải vuntrồng và thực thi.Xưa nay người ta thường ngộ nhận cho người Công Giáo chỉbiết đến Chúa đến đạo, còn những gì khác thì xem ra hữnghờ lạnh nhạt. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã phủ nhận điều nàytrong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của conngười ngày nay, nhất là của người nghèo và những aiđau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thựcsự là của con người mà lại không gieo âm hưởngtrong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấutạo bằng những con người đã được qui tụ trong ChúaKitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữhành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗiđem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhậnthấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người vàlịch sử nhân loại” (HC Vui mừng và hy vọng số 1) Như vậy, sống đạo giữa đời là sống giữa nhữngngười khác trong tinh thần liên đới, dù vẫn giữ và sống đúng theo giáo lý của đạo mình mà không tỏ raxa lạ hay vô cảm đối với trần gian.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.
 
Ngày 15/1: Ơn gọi cuộc đời. Suy Niệm: Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
03:20 14/01/2022

PHÚC ÂM: Mc 2, 13-17

“Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:07 14/01/2022

42. Tình cảm lệch lạc mềm mại như tơ lụa, nhưng đều có thể biến thành xiềng xích thép kéo con người ta xuống địa ngục.

(Thánh Francis of Assia)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:11 14/01/2022
67. THẤY THIẾP RỬA CHÂN

Ông quan nọ có một người bạn thi đậu tiến sĩ cùng một năm với mình, cưới thêm Như phu nhân (vợ bé), nên đến chúc mừng nhưng không gặp bạn, mà chỉ nhìn thấy một phụ nữ nọ đang rửa chân.

Trên đường về nhà thì gặp người bạn ấy, bèn nói đùa:

- “Hôm nay tôi có một câu đối kỳ diệu, anh có thể đối lại chăng?”

Người bạn hỏi:

- “Câu gì?”

Ông quan nọ nói:

- “Thấy Như phu nhân rửa chân”

Người bạn lớn tiếng đối lại:

- “Ơn giống tiến sĩ xuất thân”.

(Kim Hồ Thất Mặc)

Suy tư 67:

Đàn bà con gái là loài tạo vật được Thiên Chúa dựng nên bởi xương sườn của người nam, nên việc quan trọng trước nhất của họ là giúp đỡ và chia sẻ với người chồng những vui buồn trong cuộc sống gia đình.

Đàn bà con gái là những bông hoa biết nói biết cười được Thiên Chúa dựng nên bởi người nam, nên việc thứ nhất mà họ phải làm là đem niềm vui, sự hòa nhã đến cho người chồng và gia đình của họ. Cho nên, trên đời này –dưới nhãn quan của ông chồng- thì không ai đẹp hơn vợ mình, do đó người chồng sẽ rất hãnh diện mà nói với người thấy vợ mình đang rửa chân rằng: đó là ơn lớn như ơn được làm tiến sĩ vậy. Ha ha...

Ước gì tất cả ông chồng trên thế gian này biết yêu thương vợ mình, như yêu cái xương sườn bên hông của mình vậy, để nhà nhà vui vẻ, vợ chồng hòa thuận, xã hội bình an, và không còn cảnh ly dị, ông ăn chả bà ăn nem nữa...

Mong thay ! Mong thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa làm chan chứa tình nồng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:20 14/01/2022
CHÚA LÀM CHAN CHỨA TÌNH NỒNG

Phúc Âm kể chuyện Chúa Giêsu đi dự tiệc cưới. Thế nên, cha xứ có đi ăn cưới cũng là noi gương Chúa Giêsu đấy. hihii !!!! Tiệc cưới Cana quá đặc biệt, vì ở đó, Chúa đã thực hiện dấu lạ đầu tiên hóa nước thành rượu ngon ngọt ngào hạnh phúc tình vợ và chồng, tình Chúa và nhân loại.

1. Tình nồng vợ chồng. Khởi đầu, Chúa đã không bảo Ađam đi tu, mà bảo ông đi lập gia đình. Rồi Chúa làm phép lạ đầu tiên tại một đám cưới. Chứng tỏ Chúa rất quan tâm đến đời sống hôn nhân gia đình. Hôn nhân Công giáo đã trở thành một bí tích, là dấu chỉ tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Đây là nền tảng sâu xa nhất để xây dựng một gia đình trọn đời gắn bó thủy chung. Đời sống gia đình có khi bị hết rượu nồng tình yêu, nhưng nếu mời Chúa vào nhà, Chúa tình yêu sẽ làm cho nước lã hóa thành rượu ngon. Men rượu, men tình đều làm cho người ta lâng lâng ngây ngất. Thế là gia đình lại chất ngất yêu thương.

2. Tình Chúa và con. Vì là dấu lạ, nên tiệc cưới Cana không chỉ là đám cưới của đôi nam nữ, nhưng còn là dấu chỉ cho cuộc hôn nhân vĩ đại giữa Thiên Chúa và con người được thực hiện nơi Đức Giêsu. Tình Chúa và con người vì tội lỗi đã làm cho tình nồng hóa tình nhạt như nước lã. Nhưng Chúa Giêsu đến đã làm cho tình Trời với đất lại thân mật nồng nàn hơn xưa, lại dạt dào niềm vui hạnh phúc như mối tình cô dâu chú rể được diễn ta trong bài đọc I:

Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ,

Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.

Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,

Ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ
.”

Dấu lạ tại Cana xảy ra nhờ vai trò trung gian quan trọng của Mẹ Maria: Mẹ thưa với Chúa, Mẹ bảo gia nhân. Thế nên, nếu muốn gia đình mình và cả gia đình nhân loại nồng nàn tình yêu, chan chứa niềm vui hạnh phúc như cô dâu chú rể thì hãy mời Chúa, mời Mẹ vào nhà mình. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của đám cháy gây chết người nhất của thành phố New York trong nhiều thập kỷ qua
Đặng Tự Do
03:43 14/01/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đang cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn gây chết chóc nhiều nhất trong nhiều thập kỷ qua của thành phố New York, Vatican cho biết hôm thứ Hai.

Một bức điện ngày 10 tháng Giêng cho Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York cho biết rằng Giáo hoàng đã gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình của 19 người, trong đó có 9 trẻ em, đã thiệt mạng trong một vụ cháy chung cư ở Bronx vào hôm Chúa Nhật.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất đau buồn khi biết về trận hỏa hoạn kinh hoàng gần đây ở Bronx, trong đó một số trẻ em đã thiệt mạng,” thông điệp do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ký thay mặt Đức Giáo Hoàng.

“Khi gửi lời chia buồn chân thành và sự bảo đảm về sự gần gũi thiêng liêng của mình với những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này, Đức Thánh Cha giao phó các nạn nhân và gia đình của họ cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa Toàn năng và cầu khẩn ơn an ủi và sức mạnh trong Chúa.”

Vụ cháy, được cho là do máy sưởi cá nhân, made in China, gây ra trong một chung cư cao tầng, bắt đầu ngay trước 11 giờ sáng ngày 9 tháng 12 tại một tòa nhà 120 căn, 19 tầng có tên là Twin Parks trên đường East 181st.

Thị trưởng Eric Adams cho biết: “Đây sẽ là một trong những vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong thời hiện đại.”
Source:National Catholic Register
 
Tối Cao Pháp Viện Pakistan cho phép một Kitô Hữu bị cáo buộc tội báng bổ được tại ngoại
Đặng Tự Do
03:44 14/01/2022


Theo một luật sư nổi tiếng, Tòa án Tối cao Pakistan quyết định cho một Kitô hữu bị buộc tội báng bổ được tại ngoại. Phán quyết này sẽ mang lại hy vọng cho những người khác phải đối mặt với cáo buộc tương tự.

Luật sư Saif ul Malook hoan nghênh phán quyết của tòa án vào ngày 6 tháng Giêng theo đó Nadeem Samson được tại ngoại hầu tra.

“Đây là phán quyết rất quan trọng, là phán quyết đầu tiên trong lịch sử tư pháp của Pakistan,” vị luật sư cho biết trong một cuộc gọi video được báo cáo với Jubilee Campaign, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy nhân quyền.

Samson, được Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, xác định là một người Công Giáo, đã bị bắt vào năm 2017 và bị giam ở Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan, sau một vụ tranh chấp tài sản.

Anh ta bị buộc tội xúc phạm Nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad theo Mục 295-C của Bộ luật Hình sự Pakistan.

Những người ủng hộ người đàn ông 42 tuổi tin rằng anh ta đã bị vu oan bằng một tội danh có thể dẫn đến cái chết ở Pakistan, một nước cộng hòa Hồi giáo ở Nam Á với dân số gần 227 triệu người.

Malook, người đại diện cho Asia Bibi, một bà mẹ Công Giáo được tha bổng vì tội báng bổ vào năm 2018, đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao tại phiên điều trần vào ngày 5 tháng Giêng để phá bỏ thông lệ từ chối bảo lãnh cho những người bị buộc tội báng bổ.

Nhưng khi được hỏi liệu đơn kiện thành công của anh ta có phải là tín hiệu cho thấy cuối cùng Samson sẽ được trả tự do hay không, luật sư Malook nói: “Đó là một chuyện khác.”

Luật sư Malook lưu ý rằng những người bị buộc tội báng bổ, ngay cả khi không có bằng chứng gì cả, phải đối mặt với những rủi ro đáng kể, và nhấn mạnh rằng “khi Nadeem Samson ra tòa, anh ta có thể bị giết bất cứ lúc nào.”

Có khoảng 4 triệu Kitô hữu, trong đó có hơn một triệu người Công Giáo, ở Pakistan.

Tổ chức bác ái Open Doors xếp Pakistan là quốc gia tồi tệ thứ năm trên thế giới trong việc bách hại các tín hữu Kitô.

Open Doors cho biết: “Các tín hữu Kitô ở Pakistan phải đối mặt với sự ngược đãi nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực cuộc sống của họ”.

Trong số những người hiện đang chờ xét xử vì tội báng bổ cũng có những người theo chủ nghĩa nhân văn, Ahmadis, những người Hồi Giáo Sunnis và Shiite.

Vào tháng 10 năm 2021, các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc đã chỉ trích cách đối xử với Stephen Masih, một tín hữu Công Giáo ở quận Sialkot, thuộc tỉnh Punjab. Anh bị bắt vào năm 2019 sau một vụ tranh chấp với một người hàng xóm. Ba tháng sau khi bị bắt, anh ta được thông báo rằng anh ta đã bị buộc tội báng bổ.

Tòa án ở Sialkot đã từ chối yêu cầu tại ngoại của Masih vào tháng 8 năm 2021.

Các chuyên gia cho biết: “Thật đáng báo động khi chỉ vì một bất đồng giữa những người hàng xóm với nhau có thể dẫn đến hành vi lạm dụng tư pháp đối với một cá nhân, vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng khác của họ, và lạm dụng các luật chống báng bổ để dẫn đến án tử hình”.
Source:Catholic News Agency
 
Sự ra đi của tổng thư ký CDF khởi đầu cho sự thay đổi rung chuyển bộ này
Đặng Tự Do
03:44 14/01/2022


Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm quan chức cấp thứ hai tại Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, về một giáo phận nhỏ của Ý. Đây là diễn biến đầu tiên trong một loạt các động thái dự kiến sẽ cải tổ hàng lãnh đạo của cơ quan hàng đầu phụ trách về đức tin của Giáo Hội.

Ngày 10 tháng Giêng, Tòa Thánh thông báo rằng Đức Tổng Giám Mục Giacomo Morandi đã được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm lãnh đạo Giáo phận Reggio Emilia-Guastalla của Ý, thay thế Giám mục Massimo Camisasca, người vừa tròn 75 tuổi vào tháng 11.

Việc bổ nhiệm một quan chức thuộc hàng thứ hai của Vatican cho một giáo phận nhỏ của Ý không có khả năng tạo ra các tiêu đề trên báo chí. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với bộ phận cũ của Đức Cha Morandi nói với The Pillar rằng đây là diễn biến đầu tiên trong một loạt các động thái thay đổi nhân sự đã được mong đợi kể từ cuối năm ngoái, 2021.

“Kể từ khi vị Giám Mục đến gặp Đức Giáo Hoàng vào tháng 12, người ta đã hiểu rằng ngài sẽ ra đi,” một nguồn tin cấp cao của Vatican thân cận với Bộ Giáo lý Đức tin nói với The Pillar vào sáng thứ Hai.

Trong khi tin đồn đã râm ran trong nhiều tuần, tin tức về việc Đức Cha Morandi đang chờ được tái bổ nhiệm bắt đầu bị rò rỉ trên một số blog của Ý vào cuối tuần qua. Một số người đã ghi nhận động thái phản đối được cho là của Đức Tổng Giám Mục đối với Tự Sắc Traditionis Custodes, là chủ trương của Đức Phanxicô về việc hạn chế Hình thức Ngoại thường của Thánh lễ.

Đức Giáo Hoàng đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Morandi vào ngày 18 tháng 12, cùng ngày mà Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã đưa ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi khác nhau về việc thực hiện Tự Sắc này. Những phản hồi đó đã gây ra tranh cãi đáng kể và đặt ra những câu hỏi liên quan đến khía cạnh pháp lý của những phản hồi đó.

Một số blog theo chủ nghĩa truyền thống đã suy đoán rằng thời gian diễn ra cuộc họp của Đức Giáo Hoàng với Đức Tổng Giám Mục Morandi gắn liền với sự phản đối các phản ứng của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, gọi tắt là CDW, và dẫn đến sự ra đi của ngài. Nhưng một số nguồn tin thân cận với CDF nói với The Pillar rằng thời gian tiếp kiến của ngài không liên quan đến việc phát hành phản hồi của CDW, và theo sau một cuộc tiếp kiến khác dành cho cấp trên của ngài, là Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng CDF, và người kế nhiệm ngài trong vai trò tổng thư ký, là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, trong những tuần trước.

Một nguồn tin mô tả việc bổ nhiệm Đức Cha Morandi là một cách để “tạo chỗ” tại CDF cho Đức Tổng Giám Mục Scicluna, Tổng giám mục hiện tại của Malta, có thể trở lại toàn thời gian với tư cách tổng thư ký của bộ. Đức Tổng Giám Mục Scicluna đã giữ chức vụ phụ tá tổng thư ký của bộ kể từ năm 2018.

Cũng nguồn tin này đã dự đoán một thông báo về sự trở lại của Đức Tổng Giám Mục Scicluna trước phiên họp toàn thể hai năm một lần của Bộ Giáo Lý Đức Tin, bắt đầu vào tuần tới.
Source:Pillar Catholic
 
Cháy tại trại người Rohingya ở Bangladesh khiến hàng nghìn người mất nhà cửa
Đặng Tự Do
17:13 14/01/2022


Cảnh sát cho biết hôm Chúa Nhật, hàng nghìn người mất nhà cửa sau khi hỏa hoạn thiêu rụi nhiều bộ phận của trại tị nạn Rohingya ở Bangladesh.

Khoảng 850,000 người thiểu số Hồi giáo bị đàn áp - nhiều người trong số họ đã chạy thoát một cuộc đàn áp quân sự năm 2017 ở Miến Điện mà theo các nhà điều tra Liên hợp quốc đã được thực hiện với “ý định diệt chủng” - đang sống trong một mạng lưới các trại ở quận biên giới Cox's Bazar của Bangladesh.

Kamran Hossain, phát ngôn viên của Tiểu đoàn Cảnh sát Vũ trang, đơn vị đứng đầu an ninh trong trại, cho biết: “Khoảng 1,200 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong đám cháy.

Ngọn lửa bắt đầu từ Trại 16 và bùng phát qua các khu tạm trú làm bằng tre và bạt, khiến hơn 5,000 người mất nhà cửa.

“Ngọn lửa bắt đầu lúc 4:40 chiều giờ địa phương và được kiểm soát vào khoảng 6:30 chiều,” ông nói với AFP.

Abdur Rashid, 22 tuổi, cho biết ngọn lửa quá lớn nên anh đã chạy đến nơi an toàn vì ngôi nhà và đồ đạc của anh bị ngọn lửa nhấn chìm.

“Mọi thứ trong nhà tôi đều bị cháy. Con tôi và vợ tôi đã ra ngoài. Có rất nhiều thứ trong nhà”

“Tôi đã tiết kiệm được 30,000 taka, khoảng 350 đô la Mỹ, từ việc đi làm thuê ban ngày. Số tiền đã bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn”.

“Tôi bây giờ đang ở dưới bầu trời rộng mở. Tôi đã đánh mất giấc mơ của mình”.

Vào tháng 3 năm ngoái, 15 người chết và khoảng 50,000 người mất nhà cửa ở Bangladesh sau khi một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi những ngôi nhà của người Rohingya tại khu định cư dành cho người tị nạn lớn nhất thế giới.

Mohammad Yasin, 29 tuổi, than phiền về việc thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy trong các trại.

“Ở đây thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Không có cách nào chúng tôi có thể dập lửa. Không có nước. Nhà tôi bị cháy. Nhiều tài liệu tôi mang từ Miến Điện về cũng bị cháy. Và ở đây lạnh lắm”, anh nói.

Bangladesh đã được ca ngợi vì đã tiếp nhận những người tị nạn tràn qua biên giới từ Miến Điện, nhưng chẳng mấy thành công trong việc tìm kiếm những ngôi nhà cố định cho họ.
Source:Licas News
 
30 linh mục của Tổng giáo phận Guadalajara đã chết vì Covid-19
Đặng Tự Do
17:14 14/01/2022


Đức Tổng Giám Mục José Francisco Robles Ortega của Guadalajara, cho biết đến nay trong trận đại dịch, 30 linh mục đã chết vì các biến chứng do lây nhiễm coronavirus.

Vào thời điểm này, tổng giáo phận cũng có một báo cáo về hàng chục linh mục mắc Covid-19, tất cả đều đang hồi phục tại nhà và không có dấu hiệu cảnh báo. Đến nay, có 287 của tổng giáo phận bị nhiễm kể từ tháng 3 năm 2020.

Hiện tại, các nhà thờ được phép cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự với công suất tối đa là 75% sức chứa. Theo Đức Tổng Giám Mục Robles Ortega, các nhà thờ đã tuân thủ chỉ định của nhà nước và trong một số trường hợp, các linh mục quản xứ cho biết có không đến 50% giáo dân trong nhà thờ. Nhiều người sợ nhiễm coronavirus nên không dám dự lễ.

“Chúng tôi cam kết và chúng tôi đã tuân thủ đầy đủ tất cả các biện pháp liên quan đến việc sử dụng khẩu trang, vệ sinh, giữ khoảng cách an toàn, tránh bắt tay nhau khi chúc bình an, chúng tôi cam kết tiếp tục các biện pháp này”.

Đức Tổng Giám Mục Robles Ortega cho biết thêm trong vài ngày qua số ca nhiễm đã tăng từ 200 ca mắc mới mỗi ngày lên 1,800 ca.


Source:Eloccidental.com.mx
 
Vài nét về ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Đặng Tự Do
17:15 14/01/2022


Bất kể những chống báng thậm chí đến mức bách hại kinh hoàng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, những lời của Đức Giáo Hoàng, chẳng hạn các thông điệp Laudato si 'và Fratelli tutti, và các hoạt động ngoại giao của Tòa thánh, luôn được các quốc gia lớn nhỏ trên thế giới hết sức coi trọng. Điều này cũng được xác nhận bởi dòng chảy liên tục các Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ từ mọi lục địa vào điện Tông tòa của Vatican. Đặc biệt, những hành động đáng kể và được đánh giá cao của Vatican trong lĩnh vực đa phương, được coi là cần thiết cho một giải pháp công bằng cho các cuộc xung đột. Trong lĩnh vực quan hệ song phương, Tòa thánh hiện duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Vào năm 1900, các quốc gia có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh chỉ có khoảng hai mươi, con số này tăng lên 49 vào tháng 6 năm 1963, 89 vào tháng 8 năm 1978, và 174 vào năm 2005. Trong triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia. Dưới triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, có thêm 3 quốc gia nữa, nâng tổng số lên 183. Ba quốc gia mới nhất thiết lập quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh là Nam Sudan vào năm 2013, Mauritania vào năm 2016 và Miến Điện vào năm 2017. Nếu tính luôn cả Liên minh Âu Châu và Dòng Malta, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và các thực thể quốc tế.

Tháng 11 năm 2012, sau khi Liên Hiệp Quốc cấp cho Palestine quy chế quan sát viên thường trực, Tòa Thánh đã có “quan hệ đặc biệt” với Nhà nước Palestine. Năm 2016, sau khi Hiệp định Toàn cầu được ký kết vào tháng 6 năm 2015 có hiệu lực, Palestine đã có quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh.

Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao với 13 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia ở Á Châu trong đó phần lớn là các quốc gia Hồi giáo và cộng sản. Trong 13 quốc gia này có 8 quốc gia Tòa Thánh không có bất cứ một hình thái đại diện nào. Đó là Afghanistan, Ả Rập Xê-út, Bhutan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Maldives, Oman, và Tuvalu. Tại bốn quốc gia khác là Comoros, Somalia, Brunei và Lào, Tòa Thánh có thể bổ nhiệm Khâm Sứ Tòa Thánh (Apostolic Delegate).

Khâm sứ Tòa thánh - Apostolic Delegate – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài không làm nhiệm vụ ngoại giao vì quốc gia sở tại chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh.

Sứ thần Tòa Thánh - Apostolic Nuncio – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài đồng thời cũng làm nhiệm vụ ngoại giao, trong tư cách là đại sứ của quốc gia thành Vatican, với nước sở tại.

Việt Nam là quốc gia thứ 13 trong số 13 quốc gia Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao.. Từ năm 2011, một đại diện không thường trú của Vatican đã được bổ nhiệm, đang chờ đặt một văn phòng ổn định tại Hà Nội.

Đối với Kosovo, nơi địa vị quốc tế của quốc gia này đang gây tranh cãi, Tòa thánh hiện đã tự giới hạn trong việc chỉ định một Khâm Sứ Tòa Thánh thay vì một vị Sứ thần Tòa Thánh. Khâm Sứ Tòa Thánh tại Kosovo hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Jean-Marie Speich, Sứ thần Tòa Thánh tại Slovenia.

Chức danh của các vị đại diện Đức Thánh Cha tại Thánh Địa cũng khá phức tạp. Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, trước đây là Sứ thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi. Hiện nay, ngài là Sứ thần Tòa Thánh tại Israel và đảo Síp, và là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine.

Tòa thánh có quan hệ ngoại giao không đầy đủ với Trung Hoa từ năm 1922. Vatican đã cử Đức Tổng Giám Mục Celso Benigno Luigi Costantini làm Khâm Sứ Tòa Thánh tiên khởi tại Trung Hoa. Năm 1942, quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Hoa được thiết lập. Năm 1946, sau khi chấm dứt thế chiến thứ hai, Đức Tổng Giám Mục Antonio Riberi được chỉ định làm Sứ thần Tòa Thánh tại Trung Hoa và ngài đến trình quốc thư cho tổng thống Trung Hoa Dân Quốc là Lâm Sâm (Lin Sen, 林森).Bọn cầm quyền Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh vào năm 1951 sau một vụ việc phức tạp. Trong suốt hai năm 1950 và 1951, cộng sản Trung Quốc đã gây áp lực lên Vatican buộc Tòa Thánh cắt đứt quan hệ với Trung Hoa Dân Quốc bằng cách đe dọa hình thành nên Giáo Hội quốc doanh độc lập với Vatican. Tuy nhiên, đa số các linh mục phản đối trào lưu này, và Chu Ân Lai tìm kiếm một giải pháp trung gian. Mao nghĩ ra một chiêu độc. Một linh mục làm việc tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã ném một chiếc cối cũ từ những năm 1930 vào một đống rác ở nhà của mình. Một doanh nhân tên là Antonio Riva đã phát hiện ra chiếc cối và mang về nhà để trưng bày như một món đồ cổ. Công an cộng sản ập vào nhà của Riva, họ đã bắt anh ta vì âm mưu ám sát Mao Trạch Đông bằng cái cố đó, là điều mà Riva đã phủ nhận và cho rằng cáo buộc đó quá khôi hài. Riva bị xử tử và phái đoàn ngoại giao của Tòa thánh bị trục xuất khỏi đất nước vì tội “hoạt động gián điệp”. Riêng Cha Tarcisio Martina, Giám Quản Tông Tòa của Y Huyện (Yixian, 黟县), bị kết án tù chung thân và chết vào năm 1961. Từ đó, Tòa Sứ Thần Tòa Thánh được đặt tại Đài Loan, tuy nhiên, kể từ năm 1979, không còn có Sứ thần nữa mà chỉ là “Đại biện lâm thời”. Trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với Trung Quốc dẫn đến thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục vào tháng Chín năm 2018, và được gia hạn thêm hai năm nữa vào tháng 10 năm 2020, vấn đề quan hệ ngoại giao vẫn chưa được giải quyết. Cho đến nay, Tòa Thánh tỏ ra không mấy quan tâm việc có thể mở một văn phòng chính thức tại Bắc Kinh. Trong khi đó, Tòa Thánh có một đại diện thường trú vĩnh viễn được gọi là “phái bộ nghiên cứu” tại Hương Cảng, trực thuộc Sứ thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân.

Trong những năm gần đây, việc bổ nhiệm các “đại biện” hay “chargés d'affaires” thường trú tại các quốc gia không có Tòa Sứ thần Tòa Thánh đã tăng lên gấp bội, đặc biệt ở Phi Châu và Trung Đông. Ví dụ, ở Đông Timor, Chad, Gabon, Malawi, Nam Sudan, và sau đó ở Síp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tại Jordan, việc bổ nhiệm một Sứ thần Tòa Thánh thường trú đã được dự kiến. Trước đây Sứ thần Tòa Thánh tại Baghdad cũng đồng thời là chargés d'affaires tại Jordan.

Hiện nay có khoảng 90 quốc gia có đại sứ quán tại Rôma. Các nước còn lại thường được đại diện bởi các nhà ngoại giao cư trú tại các thủ đô khác của Âu Châu.

Dưới triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô, các đại sứ “không thường trú” của Armenia, Belize, Ghana, Palestine, Malaysia và Nam Phi đã trở thành đại sứ thường trú. Azerbaijan và Thụy Sĩ sẽ sớm được thêm vào danh sách này.
Source:Avvnire
 
Đức Hồng Y Joseph Trần Nhật Quân ở tuổi 90: Món quà tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho Hồng Kông
Vũ Văn An
18:52 14/01/2022

Khi nhà đấu tranh lâu năm cho nhân quyền kỷ niệm sinh nhật của mình trong tuần này, một số bạn bè và cộng sự của ngài nói với Edward Pentin của tờ National Catholic Register về những đóng góp liên tục của ngài cho Giáo hội ở Trung Quốc và các nơi khác.



Pentin tường thuật rằng những người bạn thân thiết của Đức Hồng Y Joseph Trần Nhật Quân sẽ tổ chức một bữa ăn trưa kỷ niệm cho vị giám mục danh dự bất khuất của Hồng Kông và người bảo vệ trung thành cho quyền tự do tôn giáo và dân sự, người sẽ bước sang tuổi 90 vào thứ Năm tuần này.

Mặc dù đây sẽ là một lễ kỷ niệm nhỏ do bị giới hạn bởi COVID-19, mỗi vị khách sẽ mang các món ăn để nấu cho vị Hồng Y có kỹ năng nấu nướng của riêng ngài. "Ngài là một đầu bếp giỏi!" một trong những vị khách được mời nói thế với tờ Register vào ngày 11 tháng 1. Vị này nói thêm rằng “món ăn nổi tiếng nhất của ngài là món thịt heo”.

Lễ kỷ niệm nhỏ và khiêm tốn không cho thấy mức độ mà vị Hồng Y dòng Salêdiêng này được quý mến và ủng hộ ở Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và ngoài những nơi như thế nữa, những nơi mà nhiều người Công Giáo và không Công Giáo đánh giá cao việc ngài lớn tiếng bảo vệ tự do tôn giáo và chính trị đối đầu với chính sách áp bức và bắt bớ của cộng sản Trung Quốc hàng thập niên nay.

Ngài [Lord] David Alton của Liverpool, người Công Giáo Anh phò sinh và ủng hộ nhân quyền ở Trung Quốc, người từng so sánh ngài với Đức Hồng Y Ignatius Kung Pin-Mei, phát biểu, “Ngài hết sức được ngưỡng mộ ở Hồng Kông, qua nhiều thế hệ”.

Đức Hồng Y Kung đã ở trong các nhà tù của Trung Quốc 30 năm vì thách thức các mưu toan của Trung Quốc nhằm kiểm soát người Công Giáo trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, do nhà nước điều hành. Ngài Alton nói, Đức Hồng Y Zen đang “bước theo vị Hồng Y này” bằng cách “không nao núng trong lòng dũng cảm và quyết tâm không phản bội tất cả những ai từng chịu đau khổ vì Đức tin của họ dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Một nguồn tin ở Hồng Kông, nhạy cảm với cuộc đàn áp liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với dân chủ và nhân quyền ở Hồng Kông, đề nghị giấu tên, cho biết vị Hồng Y này là “một món quà tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho Hồng Kông”. Nguồn tin nói với tờ Register ngày 11 tháng 1 rằng ngài “ủng hộ hết mình và đang làm điều mà rất nhiều người Công Giáo ở Hồng Kông đồng ý. Họ hoan nghênh những gì ngài đang làm”.

Sinh ra tại thị trấn Yan King-pang, gần Thượng Hải ở miền Đông Trung Quốc, Joseph Trần Nhật Quân được thụ phong linh mục vào năm 1961 và trở thành Bề trên tỉnh dòng Salêdiêng Trung Quốc trong sáu năm trước khi được bổ nhiệm làm phó Giám mục giáo phận Hồng Kông vào năm 1996. Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục thứ sáu của Giáo Hội Công Giáo Hồng Kông vào năm 2002, nơi ngài phục vụ cho đến năm 2009. Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI nâng ngài lên hàng Hồng Y năm 2008.

Theo bạn bè của ngài, Đức Hồng Y Trần vẫn hoạt động, dù với một tốc độ chậm hơn nhưng sức khỏe vẫn tốt. Gần đây nhất, ngài đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc Bắc Kinh xâm phạm quyền tự do dân sự ở Hồng Kông, đặc biệt liên quan đến luật an ninh quốc gia hà khắc do Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt đối với thuộc địa cũ của Anh vào tháng 6 năm 2020. Đức Hồng Y nói với tờ Register năm ngoái, luật này đã dẫn đến một "tình huống khủng khiếp" cho lãnh thổ, "lấy mất mọi bảo đảm về quyền công dân - không còn gì là an toàn nữa".

Với mục tiêu trấn áp các cuộc biểu tình và quyền tự do ngôn luận, nhiều vụ bắt giữ và giam giữ đã được thực hiện, bao gồm cả yếu nhân truyền thông Công Giáo Jimmy Lai, một người bạn lâu năm của vị Hồng Y, người, vào tháng 12, đã bị bỏ tù 13 tháng vì tham gia một buổi canh thức đánh dấu vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989.

Mark Simon, cựu giám đốc điều hành cấp cao của Apple Daily, tờ báo ở Hồng Kông của Ông Lai, bị nhà cầm quyền đóng cửa mùa hạ qua, cho biết: “Jimmy Lai và Đức Hồng Y Trần giống như hai hạt đậu trong một chiếc vỏ. Họ diễu hành theo cùng một tiếng trống cao hơn".

'Người khổng lồ về luân lý và tâm linh'

Benedict Rogers, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Hong Kong Watch, người từng biết vị Hồng Y trong hơn 20 năm, cho biết vị Hồng Y là “một người khổng lồ về luân lý và tâm linh”, người mà “lòng dũng cảm, sự khiêm tốn, lòng trắc ẩn và niềm tin” đã là nguồn cảm hứng đối với ông. Rogers nói với tờ Register, ngài là người đã “liên tục thể hiện lòng dũng cảm to lớn trong việc lên tiếng chống lại sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như cho Giáo hội ở Trung Quốc và tự do ở Hồng Kông”.

Ngài Christopher Patten, thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, người đã dành nhiều năm đàm phán với Bắc Kinh trước khi bàn giao thuộc địa cũ cho Trung Quốc vào năm 1999, đã mô tả Đức Hồng Y Trần là “một hoàng tử thực sự của Giáo hội - dũng cảm, mục vụ và đứng về phía phải của lịch sử”.

Chính trị gia Công Giáo hồi hưu nói với tờ Register, “Tôi e rằng bạn sẽ không nhận được cái nhìn rất cân bằng của tôi về ngài vì tôi không có lời chỉ trích nào về lập trường can đảm mà ngài đã thực hiện về nhân quyền, đặc biệt là ở Trung Quốc, và tôi biết rất rõ về mối quan tâm mục vụ mà ngài đã thể hiện với những người Công Giáo ở Hồng Kông, bao gồm một hoặc hai người mà ngài không đồng ý về các vấn đề chính trị”.

Ngài Patten nói thêm, “Ngài là một người tốt, và tôi không nghĩ rằng lịch sử sẽ đưa ra bất cứ phán đoán nào khác về ngài”.

Đức Hồng Y Trần đã lên tiếng rộng rãi thay mặt cho những người Công Giáo ở Trung Quốc đại lục, nêu bật những vi phạm nhân quyền và cả những phản đối trước những động thái gần đây của Tòa thánh nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp với một Bắc Kinh ngày càng đàn áp.

Những nỗ lực trên đã đạt kết quả cao vào năm 2018 với Thỏa hiệp tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, cho đến nay vẫn chưa được công bố, về việc bổ nhiệm các giám mục (được gia hạn vào năm 2020), và văn kiện hướng dẫn mục vụ năm 2019 của Vatican khuyến khích các giáo sĩ Công Giáo gia nhập giáo hội do nhà nước quản lý.

Đức Hồng Y Trần tin rằng qua những văn kiện này, Vatican đã phản bội nhiều giám mục, linh mục và giáo dân Công Giáo, những người trong nhiều thập niên vốn chống lại việc gia nhập Hiệp hội Yêu nước do Giáo Hội và nhà nước điều hành, và thay vào đó chọn trung thành với Rôma bằng cái giá bị bắt bớ và bỏ tù. Về phần mình, Vatican cho rằng các biện pháp này là nhằm bảo vệ tự do tôn giáo và cần có sự kiên nhẫn.

Ngài Alton cho biết “điều hối tiếc lớn nhất của ông là Đức Hồng Y Trần đã không được lắng nghe khi ngài lên tiếng chống lại thỏa thuận bí mật của Vatican với Đảng Cộng Sản Trung Quốc - hoặc thậm chí không được tiếp đón ở Vatican khi ngài đến đó để trình bầy mối quan tâm của mình”.

Ngài Alton nói với tờ Register, “Nó nói khá nhiều về Đức Hồng Y Trần rằng ngài đã vác thánh giá đó một cách có phẩm giá và chấp nhận xiết bao”.

Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, ca ngợi vị Hồng Y vì “sự hiện diện đầy cảm hứng” của ngài trong “thời kỳ đen tối đối với tự do tôn giáo và nhân quyền ở Hồng Kông”. Đặc biệt, cô cho biết "những lời cảnh báo của ngài rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn giết Giáo hội hầm trú từng giúp Đạo Công Giáo vượt qua cuộc Cách mạng Văn hóa, đã được biện minh một cách đáng buồn".

Shea cho biết cô “vô cùng vinh dự” khi vị Hồng Y này đến thăm cô vào năm 2011 tại Washington D.C. và cảnh báo chống lại “chính sách Ostpolitik, hiện đã được định chế hóa, [đó] đang được theo đuổi bởi các nhà ngoại giao Vatican, quá sẵn lòng thỏa hiệp với Bắc Kinh”.

Thánh lễ truyền thống

Đức Hồng Y cũng không ngại lên tiếng về những vấn đề khác, chẳng hạn như những hạn chế gần đây đối với Thánh lễ truyền thống. Trong các nhận định vào tháng 7 năm ngoái, ngài nói tự sắc Traditionis Custodes (Duy trì Truyền thống) của Đức Phanxicô chứa “nhiều tổng quát hóa gây tranh cãi” đã "làm tổn thương trái tim của nhiều người tốt lành hơn mong đợi". Ngài cũng bày tỏ "nỗi đau buồn và phẫn nộ" trước việc dẹp bỏ các thánh lễ không đồng tế tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào tháng 3 năm ngoái.

Với sự thẳng thắn của mình, Đức Hồng Y Trần dĩ nhiên có các đối thủ, không những trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn ở cả Vatican và các nơi khác.

Năm 2015, một linh mục người Trung Quốc bí mật có tên là Cha Paul Han đã tố cáo ngài gây ra "rất nhiều chuyện". Và vào năm 2020, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, đã giải thích trong một bức thư công khai gửi các Hồng Y tại sao ngài cho rằng Đức Hồng Y Trần đã sai về nhiều điểm liên quan đến Giáo hội ở Trung Quốc (sau đó Đức Hồng Y Trần đã trả lời từng điểm một trong số này).

Trong các bình luận với tờ Register, nguồn tin ẩn danh của Hồng Kông giải thích lý do tại sao vị Hồng Y lại kiên quyết chống lại sự bất công, đặc biệt liên quan đến cách tiếp cận hiện nay của Tòa thánh đối với Trung Quốc.

“Nếu bạn từng là giám mục, linh mục hoặc thành viên bình thường của Giáo Hội Công Giáo vốn từ chối gia nhập Giáo Hội yêu nước, do nhà nước điều hành trong 20-30 năm và thay vào đó biểu lộ lòng trung thành với Vatican, gặp rất nhiều rủi ro, có thể bị tù nhiều năm, nhưng nay bạn được cho hay bạn không nên làm điều đó nữa và tốt hơn nên tham gia Hiệp hội Yêu nước, bạn sẽ phản ứng ra sao?” nguồn tin hỏi thế. "Đây chỉ là một lý do tại sao ngài nhận được rất nhiều sự ủng hộ".

Simon nhấn mạnh rằng Đức Hồng Y Trần “đôi khi bị buộc tội chia rẽ Giáo hội, nhưng ngài không thay đổi. Chính những người đó đang cố làm ra vẻ rằng Trung Quốc đã thay đổi. [Đức Hồng Y] Trần chưa bao giờ thay đổi, và chính những người như Carrie Lam [một thứ tổng đốc Công Giáo của Hồng Kông] đã điều chỉnh đức tin để phù hợp với hệ tư tưởng của họ”.

Rogers tin rằng “cho dù, một cách đáng tiếc, ngài chưa thành công trong việc đánh thức lương tâm ở Vatican,” Đức Hồng Y Trần đã “giúp đánh thức lương tâm của thế giới”.

Ngài Alton dự đoán rằng trên hoàn cầu, “bạn bè và những người ngưỡng mộ của Đức Hồng Y Trần ngày nay sẽ chúc ngài Ad multos [trường thọ] và cảm tạ vì lòng dũng cảm và tấm gương của ngài”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh tiệc cưới Cana- LM Daminh Nguyễn Ngọc Long
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:09 14/01/2022
Hình ảnh tiệc cưới Cana

Trong đời sống con người xưa nay, tiệc cưới mừng ngày thành hôn của hai người trẻ nam nữ là một trong những cao điểm của niềm vui hạnh phúc đời họ.

Kỷ niệm này khắc ghi trong đời họ dấu ấn tình yêu hạnh phúc sâu đậm. Và không chỉ họ vui mừng, nhưng còn cả cho cha mẹ, ông bà, họ hàng thân tộc, hàng xóm láng giềng cùng bạn bè người quen biết nữa.

Vì thế, họ hay cha mẹ hai bên đã lo liệu sắp xếp sao cho bữa tiệc cưới mừng vui, như có thể, diễn ra cho chu đáo đúng thủ tục lễ nghi mừng vui. Dẫu vậy vẫn có sự bất thường xảy ra ngoài dự liệu cùng ý muốn.

Bữa tiệc cưới ở làng Cana bên nước Do Thái, thuộc miền Bắc vùng Galilea, Chúa Giêsu, mẹ người và các Môn Đệ Chúa Giêsu cũng được mời cùng đến tham dự, như phúc âm Thánh Gioan viết thuật lại, đã có sự bất thường giữa bữa tiệc xảy ra: Bữa tiệc hết rượu đãi khách!

Hoàn cảnh thật bối rối cho chủ nhà, cho đôi tân hôn! Nhưng may mắn thay, Đức Mẹ Maria đã tế nhị kín đáo xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Và Chúa Giêsu cũng kín đáo đã làm phép lạ cho nước lã hóa thành rượu ngon. Và còn nhiều nữa cho bữa tiệc được tiến hành trong vui mừng.

Đâu là hình ảnh sức mạnh uy quyền của Chúa Giêsu làm được việc này?

Xưa nay trong dân gian có những câu chuyện thần thoại cổ tích thuật lại có những người có tài (nghệ thuật) làm ảo thuật biến hóa người cùng sự vật ra hình thể khác hay biến nó đi đâu đó. Nhưng chỉ là chuyện vui cười che mắt người xem thôi. Nó không thật.

Trái lại trong Kinh Thánh thì khác, không có chuyện xảy ra như thế. Sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa có uy quyền biến đổi tâm hồn con người và cả sự vật ra khác nữa.

Phép lạ biến đổi nước hóa thành rượu ngon do Chúa Giêsu làm ở tiệc cưới Cana nói lên sức mạnh uy quyền thần thánh của Thiên Chúa. Đó không phải màn ảo thuật ngoạn mục cho vui cười. Đó là thật.

Phúc âm viết thuật cả sáu chum vại đựng nước lã, tương đương với 600 lít, biến thành rượu ngon dư tràn cho các thực khách hôm đó uống thưởng thức trong vui mừng đầy ngạc nhiên.

Câu chuyện tiệc cưới Cana không phải là câu chuyện thần thoại trong dân gian, nhưng là câu chuyện đức tin. Câu chuyện này giúp khám phá ra mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu, mà Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giêsu cho con người, là sức mạnh của tình yêu có sức biến đổi tất cả.

Phúc âm Thánh sử Gioan viết thuật câu chuyện bữa tiệc cưới Cana, nơi Chúa Giesu làm phép lạ đầu tiên biến nước lã hóa thành rượu ngon dư tràn cứu giúp thể diện đôi tân hôn ngày cưới, còn muốn nói đến khía cạnh khác hơn nữa: Sự tương quan nối liền giữa Thiên Chúa và con người.

Hôn nhân nối liền liên kết hai người nam nữ lại với nhau. Nhưng cũng là hình ảnh diễn tả sự tương quan nối liền giữa Thiên Chúa và con người.

Trong Kinh Thánh các vị Tiên Tri thời trước Chúa Giêsu đã nói đến mối tương quan liên kết giữa Thiên Chúa và con người bằng hình ảnh tiệc cưới.

Thánh Tiên tri Mose và các vị Tiên Tri đã nói đến mối giao hảo liên kết giữa Thiên Chúa và con người dưới hình dạng giao ước. Mối tương quan liên kết đó khởi sự với lễ mừng thánh thiêng tinh thần. Lễ mừng vui được tổ chức cho đẹp cùng long trọng, để mang dấu ấn hình ảnh kỷ niệm đẹp thánh đức cho mỗi người khách được mời.

Trong bữa tiệc mừng vui có dư thừa tràn đầy thức ăn cùng nước uống cho khách. Thiên Chúa và con người thề hứa trung thành với nhau.

Dư tràn và trung thành là hình ảnh nổi bật sâu sắc diễn tả mối tương quan của giao ước: Thiên Chúa giữ lời đoan hứa trước hết với dân Israel và sau cho cả các người khác nữa

Vì thế, có thể hiểu được rằng tiệc cưới Cana, nơi Chúa Giêsu là phép lạ cho nước hóa thành rượu ngon, nhắc nhớ đến hình ảnh bữa tiệc cưới lớn hơn, đến giao ước của Thiên Chúa với con người.

Sự trung thành của Thiên Chúa với con người thể hiện qua phép lạ Chúa Giêsu thực hiện, cho dù con người không thể hiểu sao cho đúng.

Nơi nào có sự gần gũi của Thiên Chúa và con người nối liền tương quan với nhau, nơi đó nảy sinh sự dư tràn đầy, sự chúc lành và đức tin.

Sự hiện diện tham dự của Chúa Giêsu nơi tiệc cưới Cana nói lên khía cạnh sự trung thành của Thiên Chúa với con người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Văn Hóa
Mẹ Ơi! Nhà Con Hết Rượu Rồi!
Lm Nguyễn Trung Tây
08:57 14/01/2022
LM Nguyễn Trung Tây

Mẹ Ơi! Nhà Con Hết Rượu Rồi!


Bởi nét dịu hiền ngọt ngào của người nữ, trong văn hóa Việt Nam, người mẹ được ví với những thức ăn đậm đà hương thơm vị ngọt,

Mẹ già như chuối ba hương.
Như xôi nếp một, như đường mía lau.


Bởi cưu mang và dưỡng nuôi là hai đặc tính thiên phú của người nữ, trong văn thơ, khi cần phải tô đậm nét quê hương của nơi chôn nhau cắt rốn và dưỡng nuôi khôn lớn, người ta hay nói quê mẹ,

Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.


Việt Nam và Do Thái là hai nền văn hóa lâu đời của thế giới, bởi thế cả hai có rất nhiều nét tương đồng. Nếu người Việt Nam đã từng được dạy dỗ, “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, người Do Thái cũng có điều răn thứ Tư của Mười Điều Răn, “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”, dạy dỗ con cái về Đạo làm con và làm người. Đức Giêsu là một người đàn ông Do Thái. Người sinh ra tại thành phố Bethlehem vào thời vua Hêrôđê. Bởi Đức Giêsu là người Do Thái, Ngài cũng tuân theo những luật lệ của xã hội Do Thái, đặc biệt là bộ luật Môisen, hay nói ngắn gọn là Mười Điều Răn. Một trong những điều luật căn bản này nói theo ngôn ngữ Do Thái là, “Thảo kính cha mẹ”, hoặc nói theo ngôn ngữ Việt Nam là, “Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiếu”. Bởi vậy, độc giả Kinh Thánh không lạ chi, sau biến cố “lạc” trong Đền Thờ, cậu bé Giêsu vâng lời, theo bố mẹ về lại thôn làng Nazareth, và Ngài tiếp tục, lớn lên dưới sự dạy dỗ và dưỡng nuôi của dưỡng phụ Giuse và thân mẫu Maria (Luke 2:51-52).

Phép lạ Tiệc Cưới Cana là một câu chuyện Tin Mừng tô đậm nét hiếu thảo của Đức Giêsu đối với thân mẫu của Người. Trong khi quan khách đang ngà ngà say trong tiệc cưới, tự nhiên rượu cạn khô. Người Do Thái, trong những sinh hoạt hằng ngày, không uống trà xanh hoặc bia, nhưng rượu. Bình thường còn như thế, nói chi tiệc cưới. Tiệc cưới cạn rượu, do đó, là một điềm xấu trong nền văn hóa Do Thái. Không rượu trong tiệc cưới, cô dâu chú rể chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Mất mặt là một chuyện, lo sợ cho vận xám của đời sống lứa đôi trong tương lai là chuyện còn quan trọng hơn nhiều. Rượu cạn khô ngay giữa tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói sợi dây tơ hồng nối buộc cô dâu và chú rể của tiệc cưới Cana rất mỏng manh. Cho nên chỉ ngày một ngày hai, khi giông tố ào ào nổi lên, sợi dây tơ hồng này sẽ bị thổi đứt. Dưới lăng kiếng thần học, rượu bốc hơi, cạn khô, biến mất trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.

Theo như thánh sử Gioan, không ai hay biết, chẳng ai hay rượu cưới đang bốc hơi cạn khô trên bàn tiệc Cana. Ngay cả ông quản tiệc, người có trách nhiệm về rượu của tiệc cưới, cũng không biết chi. Không ai biết, chẳng ai hay là điềm xấu đang đứng gõ cửa, thế mà Mẹ Maria đã tinh tế, nhanh nhẹn nhận ra tình trạng, “Nhà người ta hết rượu rồi” (Gioan 2:3). Và Mẹ quyết định hành động. Trước khi ông quản tiệc hay bất cứ người nào có dịp vỗ trán, đấm ngực, than thở, đổ lỗi cho nhau, Mẹ tiến tới, nói với con của mình,

— Nhà người ta hết rượu rồi!

Thoạt tiên, Đức Giêsu từ chối can thiệp, nhưng Ngài giải thích với thân mẫu của mình,

— Giờ của con chưa tới (Gioan 2:4).

Trước lời giải thích đầy những nét thần học của Đức Giêsu, có lẽ Mẹ đã cười, không nói thêm chi với Cậu Trưởng Nam. Quay sang những người hầu, Mẹ nói,

— Ngài nói chi, cứ làm theo (Gioan 2:5).

Điều luật thứ Tư trong bộ luật Môisen, “Hiếu thảo với bố mẹ”, hay “Làm con phải hiếu” trong “bộ luật” Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính giải thích thái độ lạ kỳ của Đức Giêsu trong tiệc cưới Cana. Đó là, thoạt tiên trước lời yêu cầu của thân mẫu, Ngài từ chối. Nhưng chung cuộc lại làm theo lời đề nghị của mẹ mình. Bởi người phụ nữ nói với Đức Giêsu câu nói, “Nhà người ta hết rượu”, là người đã từng cưu mang Ngài chín tháng mười ngày, nuôi dưỡng Ngài khôn lớn, Đức Giêsu cuối cùng đã đổi ý. Và Ngài vâng lời Mẹ. Thế là rượu thơm ngập tràn khắp nơi trong tiệc cưới. Rượu nồng nàn đôi má chú rể, tô hồng đôi môi cô dâu, long lanh ánh mắt quan khách. Người ta say với rượu, ngập tràn trong rượu. Rượu nổ vang tiếng cười tiếng nói trong tiệc cưới Cana. Nhìn dưới lăng kiếng thần học, Đức Giêsu chính là Chú Rể của Trời Cao, Người đã ban phát rượu tới quan khách của tiệc cưới Cana. Và bởi sự can thiệp của Mẹ Maria, tiệc cưới Cana lại ngập tràn rượu, khiến cho chú rể, cô dâu, và quan khách lại tiếp tục đỏ hồng đôi má.

Vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, trên cây thập giá, Đức Giêsu đã trối lại thân mẫu của Ngài cho người môn đệ được Ngài thương yêu, và người môn đệ cho Mẹ của Ngài (Gioan 19:26-27). Từ giây phút đó trở đi, Mẹ Maria đã trở thành không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng còn là Mẹ của tất cả những người được Thiên Chúa thương yêu, bồng ẵm, ôm vào lòng, ân cần chăm sóc.

Suy Niệm

Bởi Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, và bởi Đức Giêsu là một người con hiếu thảo, hãy chạy đến với Mẹ những khi bạn cần người tâm sự, thổ lộ nỗi lòng của trăm khúc tơ vò, không biết bày tỏ cùng ai.

Riêng tới những cặp vợ chồng, chúng ta biết rượu có chất men làm cho người ta say nồng, yêu đời, đặc biệt trong tình yêu. Nhưng trong tình yêu, không phải lúc nào người ta cũng nồng nàn yêu nhau. Có những lúc thức giấc, vợ chồng bàng hoàng nhận ra nhà của mình đã hết rượu, rượu hôn nhân đã cạn khô, hai vợ chồng không còn yêu nhau nồng nàn, thắm thiết như thuả nào. Những lúc cạn rượu hôn nhân, mời bạn hãy chạy đến với Mẹ Thiên Chúa.

Ngày xưa trong tiệc cưới Cana, chưa ai nhận ra rượu của tiệc cưới cạn khô, nhưng Mẹ đã tế nhị, nhận ra tình trạng chết kẹt của đôi tân hôn. Và thế là Mẹ can thiệp, ngay cả trước khi chú rể và cô dâu chạy đến mở miệng nhờ Mẹ giúp đỡ. Ngày hôm nay, vào những giây phút mà bạn cảm thấy cuộc sống hôn nhân lứa đôi đang bị đe dọa, nếu bạn chạy đến cầu nguyện với Mẹ, nói với Mẹ, “Mẹ ơi! Nhà con đã hết rượu rồi!”, chắc chắn rượu của tiệc cưới sẽ lại ngập tràn trong ánh mắt và đôi môi của chàng và của nàng.

Riêng với những người tu sĩ, rượu tu sĩ uống vào khiến tu sĩ truyền giáo yêu đời truyền giáo. Rượu tu sĩ khiến tu sĩ yêu người anh chị em không phân biệt màu da chủng tộc, những người sống bên lề xã hội mà tu sĩ được gửi tới để phục vụ. Rượu tu sĩ khiến tu sĩ mê những lời kinh thật thà khi đêm về, lúc trời bình minh mờ mờ xuất hiện nơi đường chân trời. Tu sĩ suy niệm Lời Chúa, suy niệm nhiều lắm hình ảnh một Đức Giêsu lấm lem đất bùn. Tu sĩ suy niệm thật nhiều về rượu tu sĩ. Tu sĩ biết có những lúc rượu tu sĩ bốc hơi biến cạn! Khi đó tu sĩ thờ ơ với đời sống tận hiến, lạnh nhạt với tha nhân, và biếng lười với lời kinh tu sĩ. Khi rượu tu sĩ bốc hơi, tan loãng vào trong thinh không, tu sĩ cầu nguyện với Mẹ. Tu sĩ nhờ Mẹ chuyển lời tới Con Mẹ can thiệp, để rượu tu sĩ lại được đổ đầy tràn trong riêng một cõi hồn.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, bởi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng là Mẹ của chúng con.
Cám ơn Chúa đã ban cho chúng con một người Mẹ dịu ngọt như chuối ba hương và tuyệt vời như vầng trăng rằm.
Những lúc nhà của chúng con và đời tu sĩ hết rượu, xin dạy chúng con biết chạy đến nói với Mẹ Thiên Chúa, “Mẹ ơi! Nhà con hết rượu rồi."□
 
Giao Thừa với thi sỹ Hàn Mặc Tử - Phó Tế Phạm Bá Nha
Phó tế Phạm Bá Nha
10:21 14/01/2022
Tết năm nay, xin tản mạn khi nhâm nhi chén trà với những phút Giao Thừa qua thi ca của thi sỹ Hàn Mặc Tử (Quảng Bình, 1912-1940). Sau Giáng sinh là đến ngày Xuân trong gia đình và cùng nhau chúc tuổi mới. Mục đính “Giấy rách xin giữ lấy lề”. Đừng làm mất truyền thống dân tộc

Giao Thừa

Giao Thừa là giây phút linh thiêng nhất trong năm. Theo nghĩa từng chữ : Giao chuyển cho thừa kế. Theo Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh: Cũ giao lại, mới tiếp lấy. Chuyển nhượng giữa mới-cũ là lễ Trừ Tịch. Trong Trừ Tịch có chuyển giao. Theo Phan Kế Bính “Trừ Tịch là chiều năm cũ bước sang năm mới, giờ Tý, từ 11g đêm đến 1giờ sáng hôm sau. Ý nghĩa Trừ Tịch (cúng Giao Thừa) là từ bỏ cái xấu đón nhận tinh khôn. Cũng có người cho Giao Thừa là tĩnh tâm, ngồi trước bàn thờ gia tiên, suy nghĩ về gia đình, ai còn ai mất, suy đi nghĩ thiệt những việc trong năm tính cho năm mới. Có người “khai bút”. Từ giờ Tý cửa nhà đóng: chúc tuổi nhau và trao nhau lời hứa ước nguyện.

Giao Thừa với thi sỹ Hàn Mặc Tử

Giao thừa người ta gọi là ‘phút linh thiêng’ vì là lúc ‘giao’ giữa năm mới-cũ, trời-đất, lúc tụ họp gia đình còn sống hay bên cạnh di ảnh thân thuộc đã qua đời. Nên có tục lệ bái nhang tứ phương cầu bình an, cúng nhang trên bàn thờ tổ tiên, lì xì, trả nợ, mặc quần áo mới, quét dọn sạch sẽ trong ngoài và đốt pháo.

Giữa tiếng pháo ‘đêm trừ tịch” vang lên kinh nguyện dâng lên cao hơn cả “cỗ đầy bàn” xin cho “quốc thái dân an”, gia đình ấm no hạnh phúc chan hòa

Tiếng pháo đi: bao nhiêu kinh cầu nguyện
Đều dâng lên cho đến chín tầng mây
Hơi xuân ẩm mỹ ví hơn dạ yến
Ta đem ươm trong ý vị đêm nay
(Hàn Mặc Tử. Nguồn Thơm, c.5-8)

Thử tưởng tượng một đêm không sao, “tối như đêm 30” (Giao Thừa) linh thiêng. Xuân đến mang ơn phúc khắp nơi quê hương mọi vùng đất nước

Tứ thởi xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gọi thiều quang
Thiên hạ bình vả trởi tuôn ơn phước
Như triều thiên vởn lượn khắp không gian (c. 17-20)
Đây thi sỹ của đạo quân Thánh Giá
Nửa đêm nay vùng dậy tung hô
Để sót cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ
(Nguồn Thơm, c. 29-32)

Rồi sáng mai tưng bừng đón xuân sang, năm nào cũng như “xuân đầu tiên” trong dời vui hòa ấm êm dân quê xóm làng

Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có áo xuân trắng trẻo thay…
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùa thơm ngây dại song con ngươi
Hãy hoan hô lời cao như sấm
Vạn tuế, bay ôi! Nắng đẹp trời
(Xuân Đầu Tiên, c. 1-4 và 17-20)

Xuân đến mang mầm sống, niềm vui hy vọng nơi nơi

… Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho man mác
Rất phương phi, trên hết cả anh hoa
Xuân ra đời
(Ra Đời, c. 18-21)

Ai cũng mong chờ Xuân đến, đến gần, gần hơn hơi thở trong lồng ngực và ở lại luôn mãi. Mùa Xuân Cứu độ vĩnh cửu.

Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch
Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay
Đây là hương qúy trọng thấm trong mây
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm
Câu tán tạ khong khen long cả phiếm
Bút Xuân Thu mùa nhạc đến vừa khi
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi
(Đêm Xuân Cầu Nguyện, c. 1-8)

Hiếm có nhà thơ nào mộ đạo, yêu mến ĐM có tên hai thánh Phêrô-Phanxicô như Thi Sỹ Hàn Mặc Tử sáng tác 62 câu thơ trong bài “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng rung hai hang lệ (c. 13-17)

Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi

Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
(c.59-62)

Ngôi mộ (1959) của thi sỹ họ Hàn ở Gành Ráng Qui Nhơn có Tượng Đức Mẹ (Ban Ơn) giang tay nhìn xuống tấm bia ghi:

Đây an nghỉ trong tay Mẹ Maria

HÀN MẶC TỬ

Tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí

Sanh: 22.9.1912 Lễ Mỹ (Quảng Bình)

Tử; 11. 11. 1940, Quy Hòa (Bình Định)

Cầu cho linh hồn Thi Sỹ được hưởng “Xuân Như Ý” mong chờ

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao
Xuân đoàn tụ gia đình

Mùa Xuân không chỉ là thời gian chuyển mùa. Xuân cũng cũng không phải nảy lộc đâm chồi trổ bông. Mà nổi bật rực rỡ, huy hoàng, thanh cao, siêu thoát, từ lòng kính yêu thiêng liêng nơi Thiên Chúa, bởi tình yêu Người chạm vào trần thế. Xuân không chỉ hướng về tương lai nhưng qua thời gian nhìn về quá khứ…. Thời gian tưởng nhớ công ơn giáo dục, sinh thành những bậc đã khuất. Vì các ngài đã đưa con cháu vào trần gian.

Tết Ông Bà tổ tiên.Trong dòng máu dân Việt bao giờ cũng “Uống nước nhớ nguồn”. Con người nhìn nhận sông có nguồn. Ngảy Xuân gợi nhớ những người đã khuất, thắp nến hương lòng dâng kính. Đối với các vị còn sống, con cháu mừng tuổi thọ, cho ông bà nhìn nhận các cháu mới, dâu dể, ra mắt. Thông thường ngày đầu năm, mồng một Tết con cháu có mặt đông đủ tặng quà và nhận lì xì. Hạnh phúc đầu năm là bữa tiệc quay quần chung vui và mâm quả đầy bàn: Dừa (tươi) (Đu) Đủ và Soài (Sài)

Tết cha mẹ. Người VN thường so sánh “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’. Cha biểu tượng cho lý trí, trọng nguyên tắc, là núi. Mẹ rung động đầy tình cảm, uyển chuyển như dòng nước. Thực sự cha vừa lý trí vừa tình cảm khi nói “Mất cha mất nóc”. Còn mẹ là nhà giáo dục tài ba, không ai sánh bằng, vừa nhẹ nhàng uyển chuyển lại cương quyết. Mẹ là bầu trời, cha là ánh mặt trởi, trăng, sao “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau. Cách diễn tả dân quê. Chuối và mía chỉ trổ sinh một lần, rồi tàn. Mẹ cũng vậy già nua theo năm tháng. Mẹ không cho con sự sống mà cả cuộc đời. Tình thương của mẹ như xôi nấu chín, tử gạo nếp số 1. Ăn một lần nhớ mãi. Tình thương của mẹ dành cho con hạng nhất trở thành lương thực, nguồn nuôi sống. Ngọt ngảo như mía lau, chất liệu làm đường. Ngọt và thấm sâu vào đời. Tình yêu của cha mẹ từ Trời và được chúc lành. Mong cho các ngài sống lâu bình an hạnh phúc. Đêm giao thừa dù xa, hãy về hôn cha mẹ nói một lời cám ơn/

Tết nhau. Ngày Xuân là ngày gặp gỡ thăm hỏi thân tình vợ chồng, anh chị em, bạn bè xa gần của nhau. Ánh Xuân chan hòa từ ngõ, qua sân vào hè với rộn ràng câu chúc yêu thương, khỏe mạnh trẻ đẹp mãi và thăng tiến. Có dân tộc nào hiếu hòa và trung tình trọn nghĩa như VN chúng ta. Ngày Xuân là dịp hàn gắn rạn nứt củng cố niềm tin cho nhau, bắt tay xây dựng mai sau. Văm hóa, văn minh tình thương. Tất cả, thay mặt thi sỹ xin nhờ cậy vào Đức Mẹ chuyển cầu:

Táu lạy Bà, Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyện vẹn tựa trăng rằm
Thơ trong trắng như khối băng tâm
Luôn luôn reo trong tâm hồn trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
(Thánh Nữ Đồng Trinh Maria. c.49-54)

Mùa xuân bắt đầu

Cảm tạ Thiên Chúa tác tạo bốn mùa cho loài người hưởng dùng. Một mầm sinh, mùa xuân bắt đầu: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài làm ra là rất tốt đẹp” (St 1,31).

Dân cư trên khắp cùng trái đất
Thấy kỳ công của Ngài, phải khiếp oai
Ngài làm vang tiếng reo cười
Cửa đông sáng sớm, cửa đoài chiều hôm (Tv 64, 9)

Bốn mùa Chúa đổ hồng ân
Ngưởi gieo mầu mỡ ngập tràn lồi đi (Tv 64, 12)

Thiên Chúa đổi mới dòng máu trong ngoài chúng ta. Hồng ân muôn đời

Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Ngài
Vì nghiệp của Ngài loan báo giửa muôn dân
Hát lên di, dân ca mừng Chúa
Và suy gẫm mọi kỳ công của Người
Hãy tự hào vì danh thánh Chúa
Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ (Tv 104, 1-3)

Mầm xuân của Giáo Hội nở và bắt đầu khi “Ai nấy đều tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa. Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý, không một ai coi bất cứ cái gì cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ đều là của chung” (Cv 4, 31-32 )

Đổi mới hoàn toàn là nhiệm vụ mỗi người cho nụ mầm lớn lên sinh hoa trái trong mảnh đất cần được vun trồng, tưới bón. Lại bị đe dọa bởi mưa gió nắng hạn, bão táp hay lũ quét. Giữ lời khuyên của Thánh Phaolô : “…cầm lấy vũ khí của sự sáng mà chiến đấu” (x. Rm 13, 12) và “…mặc lấy áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là hy vọng ơn cứu độ” (x. 1Tx 5, 8)

Kết luận khởi đầu mùa Xuân dâng lời nguyện như lời Thánh Phaolô: “Nguyện danh Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được giữ vẹn toàn, không gì đáng trách…” (1Tx 5,23). Và kèm theo lời khuyên chân tình về cách ăn nết ở: “…Đã đến lúc anh em phải đứng dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta gần hơn…Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối…Chúng ta ăn ở cho đứng đắn như người sống giữa ban ngày…” (x. Rm 13,11-13). Đó là mong ước từ Đêm Giao Thừa mỗi năm.

Tài liệu viết bài

- Lê Đình Thông: Thơ Tin Cậy Mến của Hàn Mặc Tử. Thư Viện GXVN Paris, 2012
- Lê Đình Bảng: Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo VN,
Miền thơ kinh cầu nguyện. Saigon. 2009, ttr. 175-237 (Hàn Mặc Tử)
-Giới Trẻ GXVN Paris, báo Emmau, số đặc biệt về Hàn Mặc Tử, Novembre 1990
- ns Công Giáo và Dân Tộc, số 86, 2. 2002

 
VietCatholic TV
Không tin cũng xảy ra: Một người đàn ông được ghép tim heo
Giáo Hội Năm Châu
03:35 14/01/2022
 
Thay đổi lớn tại Giáo triều Rôma ngay từ đầu năm. Xài đồ Tầu, 19 người mất mạng
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
03:40 14/01/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của đám cháy gây chết người nhất của thành phố New York trong nhiều thập kỷ qua

Đức Thánh Cha Phanxicô đang cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn gây chết chóc nhiều nhất trong nhiều thập kỷ qua của thành phố New York, Vatican cho biết hôm thứ Hai.

Một bức điện ngày 10 tháng Giêng cho Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York cho biết rằng Giáo hoàng đã gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình của 19 người, trong đó có 9 trẻ em, đã thiệt mạng trong một vụ cháy chung cư ở Bronx vào hôm Chúa Nhật.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất đau buồn khi biết về trận hỏa hoạn kinh hoàng gần đây ở Bronx, trong đó một số trẻ em đã thiệt mạng,” thông điệp do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ký thay mặt Đức Giáo Hoàng.

“Khi gửi lời chia buồn chân thành và sự bảo đảm về sự gần gũi thiêng liêng của mình với những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này, Đức Thánh Cha giao phó các nạn nhân và gia đình của họ cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa Toàn năng và cầu khẩn ơn an ủi và sức mạnh trong Chúa.”

Vụ cháy, được cho là do máy sưởi cá nhân, made in China, gây ra trong một chung cư cao tầng, bắt đầu ngay trước 11 giờ sáng ngày 9 tháng 12 tại một tòa nhà 120 căn, 19 tầng có tên là Twin Parks trên đường East 181st.

Thị trưởng Eric Adams cho biết: “Đây sẽ là một trong những vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong thời hiện đại.”
Source:National Catholic Register

2. Tối Cao Pháp Viện Pakistan cho phép một Kitô Hữu bị cáo buộc tội báng bổ được tại ngoại

Theo một luật sư nổi tiếng, Tòa án Tối cao Pakistan quyết định cho một Kitô hữu bị buộc tội báng bổ được tại ngoại. Phán quyết này sẽ mang lại hy vọng cho những người khác phải đối mặt với cáo buộc tương tự.

Luật sư Saif ul Malook hoan nghênh phán quyết của tòa án vào ngày 6 tháng Giêng theo đó Nadeem Samson được tại ngoại hầu tra.

“Đây là phán quyết rất quan trọng, là phán quyết đầu tiên trong lịch sử tư pháp của Pakistan,” vị luật sư cho biết trong một cuộc gọi video được báo cáo với Jubilee Campaign, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy nhân quyền.

Samson, được Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, xác định là một người Công Giáo, đã bị bắt vào năm 2017 và bị giam ở Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan, sau một vụ tranh chấp tài sản.

Anh ta bị buộc tội xúc phạm Nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad theo Mục 295-C của Bộ luật Hình sự Pakistan.

Những người ủng hộ người đàn ông 42 tuổi tin rằng anh ta đã bị vu oan bằng một tội danh có thể dẫn đến cái chết ở Pakistan, một nước cộng hòa Hồi giáo ở Nam Á với dân số gần 227 triệu người.

Malook, người đại diện cho Asia Bibi, một bà mẹ Công Giáo được tha bổng vì tội báng bổ vào năm 2018, đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao tại phiên điều trần vào ngày 5 tháng Giêng để phá bỏ thông lệ từ chối bảo lãnh cho những người bị buộc tội báng bổ.

Nhưng khi được hỏi liệu đơn kiện thành công của anh ta có phải là tín hiệu cho thấy cuối cùng Samson sẽ được trả tự do hay không, luật sư Malook nói: “Đó là một chuyện khác.”

Luật sư Malook lưu ý rằng những người bị buộc tội báng bổ, ngay cả khi không có bằng chứng gì cả, phải đối mặt với những rủi ro đáng kể, và nhấn mạnh rằng “khi Nadeem Samson ra tòa, anh ta có thể bị giết bất cứ lúc nào.”

Có khoảng 4 triệu Kitô hữu, trong đó có hơn một triệu người Công Giáo, ở Pakistan.

Tổ chức bác ái Open Doors xếp Pakistan là quốc gia tồi tệ thứ năm trên thế giới trong việc bách hại các tín hữu Kitô.

Open Doors cho biết: “Các tín hữu Kitô ở Pakistan phải đối mặt với sự ngược đãi nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực cuộc sống của họ”.

Trong số những người hiện đang chờ xét xử vì tội báng bổ cũng có những người theo chủ nghĩa nhân văn, Ahmadis, những người Hồi Giáo Sunnis và Shiite.

Vào tháng 10 năm 2021, các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc đã chỉ trích cách đối xử với Stephen Masih, một tín hữu Công Giáo ở quận Sialkot, thuộc tỉnh Punjab. Anh bị bắt vào năm 2019 sau một vụ tranh chấp với một người hàng xóm. Ba tháng sau khi bị bắt, anh ta được thông báo rằng anh ta đã bị buộc tội báng bổ.

Tòa án ở Sialkot đã từ chối yêu cầu tại ngoại của Masih vào tháng 8 năm 2021.

Các chuyên gia cho biết: “Thật đáng báo động khi chỉ vì một bất đồng giữa những người hàng xóm với nhau có thể dẫn đến hành vi lạm dụng tư pháp đối với một cá nhân, vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng khác của họ, và lạm dụng các luật chống báng bổ để dẫn đến án tử hình”.
Source:Catholic News Agency

3. Sự ra đi của tổng thư ký CDF khởi đầu cho sự thay đổi rung chuyển bộ này

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm quan chức cấp thứ hai tại Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, về một giáo phận nhỏ của Ý. Đây là diễn biến đầu tiên trong một loạt các động thái dự kiến sẽ cải tổ hàng lãnh đạo của cơ quan hàng đầu phụ trách về đức tin của Giáo Hội.

Ngày 10 tháng Giêng, Tòa Thánh thông báo rằng Đức Tổng Giám Mục Giacomo Morandi đã được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm lãnh đạo Giáo phận Reggio Emilia-Guastalla của Ý, thay thế Giám mục Massimo Camisasca, người vừa tròn 75 tuổi vào tháng 11.

Việc bổ nhiệm một quan chức thuộc hàng thứ hai của Vatican cho một giáo phận nhỏ của Ý không có khả năng tạo ra các tiêu đề trên báo chí. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với bộ phận cũ của Đức Cha Morandi nói với The Pillar rằng đây là diễn biến đầu tiên trong một loạt các động thái thay đổi nhân sự đã được mong đợi kể từ cuối năm ngoái, 2021.

“Kể từ khi vị Giám Mục đến gặp Đức Giáo Hoàng vào tháng 12, người ta đã hiểu rằng ngài sẽ ra đi,” một nguồn tin cấp cao của Vatican thân cận với Bộ Giáo lý Đức tin nói với The Pillar vào sáng thứ Hai.

Trong khi tin đồn đã râm ran trong nhiều tuần, tin tức về việc Đức Cha Morandi đang chờ được tái bổ nhiệm bắt đầu bị rò rỉ trên một số blog của Ý vào cuối tuần qua. Một số người đã ghi nhận động thái phản đối được cho là của Đức Tổng Giám Mục đối với Tự Sắc Traditionis Custodes, là chủ trương của Đức Phanxicô về việc hạn chế Hình thức Ngoại thường của Thánh lễ.

Đức Giáo Hoàng đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Morandi vào ngày 18 tháng 12, cùng ngày mà Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã đưa ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi khác nhau về việc thực hiện Tự Sắc này. Những phản hồi đó đã gây ra tranh cãi đáng kể và đặt ra những câu hỏi liên quan đến khía cạnh pháp lý của những phản hồi đó.

Một số blog theo chủ nghĩa truyền thống đã suy đoán rằng thời gian diễn ra cuộc họp của Đức Giáo Hoàng với Đức Tổng Giám Mục Morandi gắn liền với sự phản đối các phản ứng của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, gọi tắt là CDW, và dẫn đến sự ra đi của ngài. Nhưng một số nguồn tin thân cận với CDF nói với The Pillar rằng thời gian tiếp kiến của ngài không liên quan đến việc phát hành phản hồi của CDW, và theo sau một cuộc tiếp kiến khác dành cho cấp trên của ngài, là Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng CDF, và người kế nhiệm ngài trong vai trò tổng thư ký, là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, trong những tuần trước.

Một nguồn tin mô tả việc bổ nhiệm Đức Cha Morandi là một cách để “tạo chỗ” tại CDF cho Đức Tổng Giám Mục Scicluna, Tổng giám mục hiện tại của Malta, có thể trở lại toàn thời gian với tư cách tổng thư ký của bộ. Đức Tổng Giám Mục Scicluna đã giữ chức vụ phụ tá tổng thư ký của bộ kể từ năm 2018.

Cũng nguồn tin này đã dự đoán một thông báo về sự trở lại của Đức Tổng Giám Mục Scicluna trước phiên họp toàn thể hai năm một lần của Bộ Giáo Lý Đức Tin, bắt đầu vào tuần tới.
Source:Pillar Catholic
 
Cuốn sách gây bùng nổ của linh mục Dòng Tên: Nhận định của cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott, TS. Weigel
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
16:26 14/01/2022

Hôm 5 tháng Giêng vừa qua, Linh mục Dòng Tên Pat Conroy, người từng là tuyên úy của Hạ viện từ tháng 5 năm 2011 đến tháng Giêng năm 2021, đã trả lời phỏng vấn được đăng trên tờ The Washington Post, trong đó ngài bảo vệ các chính trị gia Công Giáo, những người thúc đẩy việc tiếp cận phá thai. Ngài đã đi xa đến mức viện dẫn Thánh Thomas Aquinas về lương tâm để bảo vệ lập trường của mình.

Trước Cha Pat Conroy, một linh mục Dòng Tên khác là Cha Robert Drinan đã ra tranh cử Dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ và trong suốt thời gian từ năm 1971 đến 1981, ông liên tục bảo vệ cho những luật lệ cho phép phá thai. Tháng 6 năm 1996, ông đi xa đến mức viết một bài trên tờ New York Times ủng hộ luật phá thai bán phần khi sinh, tiếng Anh là Partial-birth abortion. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết như sau:

Phá thai bán phần khi sinh, gọi tắt là PBA, là thuật ngữ Quốc hội đã sử dụng để mô tả một thủ thuật vượt ranh giới từ phá thai sang giết hại trẻ sơ sinh. Bác sĩ đưa một phần đáng kể đứa trẻ còn sống ra bên ngoài cơ thể của người mẹ - toàn bộ phần đầu trong ca “sinh nở đầu ra trước”; hoặc phần thân cho đến rốn trong ca “sinh nở chân ra trước” -- sau đó giết chết đứa trẻ bằng cách đập vỡ hộp sọ của nó hoặc loại bỏ não của đứa bé bằng máy hút.

Đức Hồng Y John O'Connor đã rất tức giận, và viết trên chuyên mục Công Giáo ở New York Times: “Tôi thành thật xin lỗi ông, Cha Drinan, nhưng ông đã sai, đã sai chết người. Ông lẽ ra đã phải cất lên tiếng nói có thần có thế của mình cho cuộc sống; nhưng ông đã cất lên tiếng nói cho cái chết. Một luật sư còn khó lòng đóng cái vai trò đó. Huống hồ là một linh mục như ông”.

Điều tệ hại là cả Cha Robert Drinan và Cha Pat Conroy đều cố làm cho người ta hiểu rằng họ đã nhận được sự chấp thuận của các bề trên Dòng Tên trong hành động đồng loã với tội ác phá thai. Đó là một sự dối trá. Một dòng đáng kính như Dòng Tên không thể ủng hộ phá thai.

Nhà xuất bản Ignatius, được thành lập bởi Cha Joseph Fessio, một linh mục Dòng Tên vừa cho ra mắt cuốn “Jesuit At Large: Essays and Reviews of Paul V. Mankowski, SJ” nghĩa là “Dòng Tên Tổng Lược: Những Bài Khảo Luận Và Phê Bình Của Paul V. Mankowski, SJ” trong đó Cha Paul Mankowski, cũng là một linh mục Dòng Tên lên tiếng bênh vực cho nhà Dòng và nêu đích danh những thành phần bất lương phản bội lại Dòng Tên trong mưu toan biến đảng Dân Chủ Mỹ thành đảng phá thai.

Cuốn sách gây nên một phản ứng tức giận từ nhiều phía. Ngay cả cựu thủ tướng Úc là ông Tony Abbott cũng lên tiếng.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em các bài nhận định của cựu thủ tướng Úc Tony Abbott, và Tiến Sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

1.Nhận định của cựu thủ tướng Úc Tony Abbott

Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott sinh ngày 4 tháng 11 năm 1957. Ông giữ chức thủ tướng thứ 28 của Úc từ năm 2013 đến năm 2015, và là lãnh đạo Đảng Tự do của Úc.

Ông sinh tại ở London, Anh quốc, có mẹ là người Úc và cha là người Anh, và chuyển đến Sydney năm 2 tuổi. Ông học kinh tế và luật tại Đại học Sydney, và sau đó theo học Đại học Nữ hoàng, Oxford, nghiên cứu về Triết học, Chính trị và Kinh tế. Sau khi tốt nghiệp Oxford, Abbott trở về Úc và nói với gia đình về ý định theo đuổi chức linh mục. Năm 1984 ở tuổi 26, ông vào Chủng viện St Patrick, ở Manly. Ông Abbott đã không hoàn thành chương trình học của mình tại chủng viện, rời nhà trường vào năm 1987 để tham gia vào đời sống chính trị.

Trong một diễn biến đáng chú ý, nhà xuất bản Ignatius do linh mục Dòng Tên Joseph Fessio thành lập và điều hành vừa cho ra mắt cuốn Jesuit at Large của linh mục Dòng Tên Paul Mankowski. Trong cuốn sách, Cha Paul Mankowski cáo buộc linh mục Robert Drinan, tu sĩ Dòng Tên người Mỹ, đã ra tranh cử Hạ Viện Hoa Kỳ và làm Dân biểu từ năm 1971 đến 1981, với hai chủ trương chính là chống chiến tranh Việt Nam và phò phá thai.

Nhân dịp này, ngày 10 tháng Giêng, cựu thủ tướng Úc Tony Abbott đã viết một bài có nhan đề “American Jesuit”, nghĩa là “Dòng Tên tại Hoa Kỳ”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khoảng một thập kỷ trước, khi ngài một lần nữa bị từ chối để trở thành thành viên đầy đủ của dòng Tên, tôi hỏi Cha Paul Mankowski tại sao ngài không theo đuổi chức linh mục của mình trong một khung cảnh nơi ngài sẽ được đánh giá cao hơn — chẳng hạn như Tổng giáo phận Sydney, khi đó do Đức Hồng Y George Pell cai quản. Như câu trả lời của ngài đã chỉ ra, câu hỏi của tôi đã hoàn toàn bỏ sót điểm đáng chú ý của cuộc đời ngài. Ơn gọi của ngài là trở thành một tu sĩ Dòng Tên Hoa Kỳ. Mục tiêu của ngài không phải để được đồng nghiệp ca ngợi hoặc để thoả mãn cá nhân. Đó là thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Thiên Chúa bằng cách phục vụ một cách quên mình một Nhà Dòng hiếm khi che giấu sự khinh bỉ đối với ngài.

Bị sốc trước cái chết không đúng lúc của ngài vào tháng 9 năm 2020, bạn bè và những người ngưỡng mộ Cha Mankowski kể từ đó đã tìm cách kỷ niệm người đàn ông họ yêu mến, và tưởng nhớ cuộc đời phục vụ gương mẫu của ngài. Jesuit at Large, một bộ sưu tập các bài tiểu luận và bài phê bình của ngài — một số bài trong số đó được xuất bản lần đầu trên tạp chí First Things — do người bạn của ngài và đôi khi cũng là cộng tác viên, George Weigel, biên tập, là nỗ lực mới nhất của họ, nhưng đó không phải là nỗ lực cuối cùng của họ. Nó kích thích sự ao ước của chúng ta muốn có thêm hiểu biết về tính cách của người đàn ông tiên tri này.

Tôi không thể nghĩ có ai khác lại có thể tự tin tiến ra trước xu hướng thời đại trong những thời điểm đó: thể chất mạnh mẽ, ý chí kiên cường, tinh thần mạnh mẽ, trí tuệ quyết liệt, và cá tính khiêm tốn, nhưng cực kỳ tự tin vào sứ mệnh của Giáo Hội và vào Dòng của chính mình. —Thực tế, ngài tự tin hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo của Nhà Dòng. Ngài sẽ vui lòng làm một Tông đồ giữa những kẻ ngoại đạo và là người đầy tớ cho các tín hữu (vì thực sự ngài có nhiều khả năng khác nhau, kể cả với tư cách là tuyên úy ở Jordan). Không ai được trang bị tốt hơn cho một cuộc sống với các nhân đức anh hùng — tuy nhiên ngài thường bị chính những đồng nghiệp của mình từ chối vì ngài không chấp nhận thái độ thoả hiệp khập khiễng của họ với một thế giới mà lẽ ra họ phải hoán cải.

Cha Phaolô là một người viết rất nhiều —các bức thư, tiểu phẩm, và các phản bác châm biếm cũng như các bài tiểu luận và các bài báo. Những điều này thường được xuất bản ẩn danh, bởi vì các cấp trên Dòng Tên của ngài đã cấm ngài viết dưới tên riêng của mình. Mặc dù vậy, bộ sưu tập này, quan trọng và đáng giá, hầu như không làm trầy xước bề mặt sở thích và sự uyên bác của ngài. Về cơ bản, mỗi tác phẩm phản ánh sự phản đối căn bản của ngài đối với chủ trương của Dòng Tên và nói chung là của Giáo Hội Tây phương theo đó các tôi tớ tuyên tín của Thiên Chúa đã bị gạt từ việc cử hành các Thánh lễ và ban phát các phép bí tích khác đầy đức tin sang các hình thái dịch vụ xã hội đúng đắn về mặt chính trị.

Có một nỗi thống thiết đối với những bài luận này. Cho dù đó là “Những cố gắng thuần hóa trong Đời sống Giáo sĩ,” các bề trên tôn giáo có mục đích chính là tránh làm chao đảo con thuyền hoặc cố chấp theo đuổi lập trường hơn là rao giảng Phúc Âm; hay các nữ tu cực đoan và thần học về tình dục của họ trong “Điều tôi thấy ở Học viện Tôn giáo Hoa Kỳ”, chủ đề cơ bản là sự thất vọng của Cha Phaolô trước việc đi sai hướng trong đời sống tôn giáo. Đối với Cha Phaolô, một trong những thủ phạm cao cấp là cố Linh mục Robert Drinan, tu sĩ Dòng Tên người Mỹ, người đã trải qua một thập kỷ tại Quốc hội Hoa Kỳ trong tư cách là một người bạn cánh tả của phe phò phá thai: theo suy nghĩ của Cha Phaolô, làm sao một linh mục được thụ phong lại có thể nghĩ dù chỉ một thoáng qua là được bầu vào chức vụ công quyền xứng đáng hơn là ban phát các phép bí tích, và làm thế nào một tu sĩ Dòng Tên khấn trọn lại có thể kết hợp việc quảng bá đức tin với chủ trương xã hội cánh tả?

40 trang cuối cùng của bộ sưu tập bao gồm “hồ sơ Drinan”, phần lớn là tường thuật của Cha Phaolô về sự qua lại giữa Cha Drinan, và giám tỉnh Dòng Tên của linh mục ấy và vị bề trên tổng quyền Dòng Tên lúc bấy giờ về việc liệu việc ứng cử chính trị của Drinan có được sự chấp thuận của Giáo Hội hay không. Với sự đồng ý của nhân viên lưu trữ Dòng Tên, Cha Phaolô đã nghiên cứu các hồ sơ của Dòng Tên, sau đó ngài đã sẵn sàng công bố. Điều hiển nhiên là đã có sự lừa dối và sự che dấu của hai tu sĩ dòng Tên cao cấp người Mỹ, cộng với sự yếu kém và xuề xòa của bề trên tối cao của họ. Phần thưởng dành cho Cha Phaolô đối với việc tố cáo này là nhiều thập kỷ bị tẩy chay, bị quy chụp là đã vi phạm “tính bảo mật”. Đương nhiên, lệnh trù dâp của Nhà Dòng đã được che đậy trong cáo phó chính thức của Dòng Tên dành cho ngài, trong đó, giữa những điều nhạt nhẽo vô vị, có ghi nhận bất ngờ rằng ngài “có những khác biệt về thần học, triết học và chính trị với nhiều anh em Dòng Tên của ngài và, đôi khi, cả với cấp trên”.

Mặc dù những bài luận này, xứng đáng có lượng độc giả đông nhất có thể, đã có đầy đủ thông tin chi tiết và các hướng dẫn, nhưng cuộc đời của Cha Phaolô thậm chí còn mạnh mẽ hơn những lý lẽ của ngài. Nhiều người nên quen thuộc hơn với những lý lẽ ấy, bởi vì ngài đã nêu gương cho Giáo Hội tốt nhất và dũng cảm nhất. Không thể có chuyện dành thời gian cho ngài mà lại không được nâng cao tinh thần và tiếp thêm sinh lực. Ngài là bằng chứng sống cho thấy có thể trở thành một người đàn ông tốt cũng như một linh mục tốt, ngay cả trong những thời điểm khó căng thẳng nhất này. Khi chúng tôi cùng là sinh viên tại Đại học Oxford, tôi đã tham gia câu lạc bộ quyền anh theo sự thúc giục của ngài, về cơ bản là để dành nhiều thời gian hơn cho anh chàng Kitô hữu vai u thịt bắp tuyệt đỉnh này. Nơi Cha Phaolô, ít nhất ta có một cái nhìn thoáng qua về “Chúa Kitô, anh trai tôi”. Phần lớn nhờ vào nguồn cảm hứng của ngài, sau Oxford, tôi đã trải qua ba năm trong trường dòng trước khi nhận ra rằng đức tin vào các tôi tớ của Chúa không hoàn toàn giống với đức tin vào chính Chúa. Tuy nhiên, đó là một sự khởi đầu.

Phần giới thiệu tiểu sử của Weigel trích dẫn lá thư của Cha Phaolô gửi cho một thanh niên đã hỏi về việc gia nhập Dòng Tên. Bất chấp mọi thứ đã xảy ra, Cha Phaolô nói:

Nếu tôi phải làm lại tất cả... Tôi sẽ vào Dòng Tên vào ngày mai... (bởi vì) có lợi thế khi thuộc về (ngay cả) một dòng băng hoại và phần lớn là phá đổ.... Đầu tiên... là những người đàn ông chính thống mà bạn gặp, họ chính thống vì lý do đúng đắn: bởi vì họ tin rằng đó là sự thật, không phải vì đó là một động thái nghề nghiệp khôn ngoan.... Họ là những người đàn ông xuất sắc; tốt hơn ở bất kỳ mức độ nào so với những gì tôi xứng đáng có được với tư cách là bạn bè... người sẽ không rời bên bạn khi có vẻ như bạn đang đánh một trận thua.... Lời khấn dòng Tên... nói “Và như Ngài đã ban cho con ước muốn được phục vụ Ngài, thì cũng hãy ban cho con ân sủng để hoàn thành điều đó.” Ngài thực hiện.

Cha Paul Mankowski xứng đáng có một tiểu sử đầy đủ. Để làm cho niềm tin trở nên sống động đối với một khán giả phương Tây hoài nghi, khó có thể có một chủ đề nào tốt hơn; và, trong người bạn của cha ấy, khó có một tác giả nào tốt hơn là George Weigel, người viết tiểu sử của Thánh Gioan Phaolô II,. Vì vậy, quay lại với bạn, George — còn nhiều việc phải làm.
Source:First Things
2. Nhạn định của Tiến sĩ George Weigel

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân dịp ra mắt cuốn sách “Jesuit At Large: Essays and Reviews of Paul V. Mankowski, SJ” nghĩa là “Dòng Tên Tổng Lược: Những Bài Khảo Luận Và Phê Bình Của Paul V. Mankowski, SJ”, trên tờ First Things, ông có bài viết nhan đề “The Mighty Pen Of Father Paul Mankowski, S.J.”, hay “Ngòi Bút Mạnh Mẽ Của Linh Mục Dòng Tên Paul Mankowski”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Vào mùa hè trước khi Công đồng Vatican II khai mạc, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã gặp gỡ Đức Hồng Y Léon-Joseph Suenens tại dinh thự mùa hè của Giáo Hoàng tại Castel Gandolfo. “Tôi biết phần của tôi trong Công Đồng sẽ như thế nào,” Đức Giáo Hoàng nói với vị Tổng Giám Mục người Bỉ. “Tôi sẽ phải chịu đựng.” Đức Giáo Hoàng Gioan là người đã biết trước, và không chỉ vì những tuần lễ khai mạc của Công đồng sẽ gây tranh cãi; không lâu trước khi Công đồng Vatican II bắt đầu công việc, vị Giáo Hoàng được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư đau đớn sẽ giết chết ngài trong vòng chưa đầy một năm.

Khi Paul Mankowski, đang hoàn thành sự nghiệp đại học xuất sắc tại Đại học Chicago và đang mong đợi các nghiên cứu sau đại học và một cuộc sống hôn nhân viên mãn, bất ngờ anh nhận được lời kêu gọi từ Đấng Tối Cao từ bỏ kế hoạch của mình và gia nhập Dòng Tên, tôi không nghĩ anh ấy đã tưởng tượng rằng vai trò của mình trong Dòng Tên sẽ là phải chịu đựng: trong, vì, và cho cộng đồng mà anh đã trải qua 44 năm với tư cách là tập sinh, linh mục, học giả, và là dấu chỉ mâu thuẫn. Người đàn ông đã trở thành Cha Mankowski, SJ, rất cứng rắn, và là một cựu võ sĩ quyền anh, cha ấy biết rõ cách chịu đòn. Nhưng ngài không phải là một kẻ thích thú với những đau đớn, và ngài không cố ý tìm kiếm sự đau khổ. Nó đến với ngài, và ngài đã chịu đựng nó, vì cùng một lý do mà Đức Gioan XXIII đã chấp nhận đau khổ của mình: Đó là vì lợi ích của một điều tốt đẹp hơn và một vinh quang lớn hơn - vinh quang của Thiên Chúa.

Cái chết của Cha Mankowski vào tháng 9 năm 2020 là một nỗi kinh hoàng không lường trước được sau một năm chịu nhiều đòn đau. Chúng tôi đã nói chuyện qua điện thoại và trao đổi qua e-mail với mức độ thường xuyên đã đánh dấu tình bạn của chúng tôi trong ba thập kỷ; Tôi và bất kỳ người bạn nào khác của ngài đều không lường trước được rằng, khi Cha Paul Mankowski, 66 tuổi, ngồi vào ghế nha sĩ vào ngày 3 tháng 9 năm 2020, ngài sẽ ngã quỵ vì chứng phình động mạch não. Vài ngày sau, vẫn chưa thể hiểu được sao cha ấy đã ra đi một cách đột ngột như vậy, một suy nghĩ nảy ra trong tôi: Một số bài viết của Cha Mankowski nên được tập hợp lại thành một tuyển tập để những người khác có thể biết về tác giả đầy linh hứng này, cái nhìn sâu sắc, và không kém phần hóm hỉnh của ngài. Những người bạn của tôi tại nhà xuất bản Ignatius cũng đồng ý như vậy. Và nhờ công việc tốt của họ, Jesuit at Large: Essays and Reviews của Paul V. Mankowski, SJ mới được xuất bản cùng với phần giới thiệu tiểu sử của tôi.

Một số bài tiểu luận được sưu tầm đưa chúng ta đi sâu vào các cuộc chiến phụng vụ, đáng tiếc, đã một lần nữa bùng lên trong Giáo Hội. Là một nhà kinh điển được đào tạo, người hiểu rõ một số bản dịch các bản văn Thánh lễ sang tiếng địa phương tệ hại như thế nào, Cha Paul Mankowski đã cử hành cả hai hình thức của Nghi thức Rôma với lòng tôn kính và hân hoan. Ngài cũng có thể nói rõ tại sao vị linh mục cử hành lại là người tôi tớ cho phụng vụ, chứ không phải chủ nhân của nó — và tại sao thứ phụng vụ tự biên tự diễn lại là một hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa và là một thực hành đáng ghét và cao ngạo trong chủ nghĩa giáo sĩ.

Có lẽ chỉ có Cha Paul Mankowski mới có thể giải thích sự bất đồng chính kiến với thông điệp Humanae Vitae – Sự Sống Con Người - và giáo huấn của thông điệp ấy về các phương tiện phù hợp luân lý để điều hoà sinh sản trong hôn nhân đã làm băng hoại đời sống thánh hiến của những người không kết hôn. Và không ai có thể xiên lại với nhau những ngớ ngẩn của các phường hội trí thức đương thời như Cha Mankowski. Một trong những bài luận trong Jesuit at Large, “Điều tôi thấy ở Học viện Tôn giáo Hoa Kỳ”, vừa mang tính hài hước vừa là một cuộc mổ xẻ khoa học về đời sống trí thức ngày nay, được viết nhiều thập kỷ trước khi “woke” – “thức tỉnh” - trở thành một phần của từ vựng quốc gia.

Là một nhà phê bình sách, Cha Paul Mankowski không có đồng nghiệp: khi được thông tin sâu sắc về chủ đề của một cuốn sách nhất định (cho dù là tiểu sử văn học hoặc phân tích Kinh Qur'an, một cuốn tiểu thuyết ngớ ngẩn của Norman Mailer hoặc một nghiên cứu khoác lác về Chúa Giêsu của AN Wilson); ngài viết vô cùng dí dỏm; và với một văn phong tạo nên sự khác biệt. Trong bài đánh giá về Evelyn Waugh: A Life Revisited của Philip Eade, ngài đã viết rằng “trong độ tuổi từ mười lăm đến mười bảy, [Waugh] đã có được khả năng thông thạo văn xuôi tiếng Anh gần như thành thục một cách kỳ lạ [và] trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông có hết mọi thứ chỉ thiếu khả năng viết một câu nhàm chán”. Tôi không biết ngài có được kỹ năng này ở độ tuổi nào, nhưng điều tương tự có thể nói về Cha Paul Mankowski, người có những câu nói vừa lấp lánh vừa hướng đạo.

Cha Mankowski sẽ còn đạt được nhiều hơn thế nữa nếu các bề trên của ngài không ngăn cản ngài xuất bản trong nhiều năm. Quyết định đó đã tước đi một trong những cây bút mạnh mẽ nhất của thế giới Công Giáo nói tiếng Anh. Tôi hy vọng rằng Jesuit at Large sẽ giúp nhiều người trong số những người bị tước đoạt như vậy khám phá ra một trong những linh hồn sáng chói nhất và những người con cao quý nhất của Giáo Hội Hoa Kỳ, vào ngày kỷ niệm đầu tiên ngài qua đời trong Chúa Giêsu Kitô.
Source:First Things


 
Bi ai: 30 linh mục giáo phận không qua khỏi. VN: trường hợp không giống ai trong quan hệ với Vatican
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
17:11 14/01/2022

1. Cháy tại trại người Rohingya ở Bangladesh khiến hàng nghìn người mất nhà cửa

Cảnh sát cho biết hôm Chúa Nhật, hàng nghìn người mất nhà cửa sau khi hỏa hoạn thiêu rụi nhiều bộ phận của trại tị nạn Rohingya ở Bangladesh.

Khoảng 850,000 người thiểu số Hồi giáo bị đàn áp - nhiều người trong số họ đã chạy thoát một cuộc đàn áp quân sự năm 2017 ở Miến Điện mà theo các nhà điều tra Liên hợp quốc đã được thực hiện với “ý định diệt chủng” - đang sống trong một mạng lưới các trại ở quận biên giới Cox's Bazar của Bangladesh.

Kamran Hossain, phát ngôn viên của Tiểu đoàn Cảnh sát Vũ trang, đơn vị đứng đầu an ninh trong trại, cho biết: “Khoảng 1,200 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong đám cháy.

Ngọn lửa bắt đầu từ Trại 16 và bùng phát qua các khu tạm trú làm bằng tre và bạt, khiến hơn 5,000 người mất nhà cửa.

“Ngọn lửa bắt đầu lúc 4:40 chiều giờ địa phương và được kiểm soát vào khoảng 6:30 chiều,” ông nói với AFP.

Abdur Rashid, 22 tuổi, cho biết ngọn lửa quá lớn nên anh đã chạy đến nơi an toàn vì ngôi nhà và đồ đạc của anh bị ngọn lửa nhấn chìm.

“Mọi thứ trong nhà tôi đều bị cháy. Con tôi và vợ tôi đã ra ngoài. Có rất nhiều thứ trong nhà”

“Tôi đã tiết kiệm được 30,000 taka, khoảng 350 đô la Mỹ, từ việc đi làm thuê ban ngày. Số tiền đã bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn”.

“Tôi bây giờ đang ở dưới bầu trời rộng mở. Tôi đã đánh mất giấc mơ của mình”.

Vào tháng 3 năm ngoái, 15 người chết và khoảng 50,000 người mất nhà cửa ở Bangladesh sau khi một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi những ngôi nhà của người Rohingya tại khu định cư dành cho người tị nạn lớn nhất thế giới.

Mohammad Yasin, 29 tuổi, than phiền về việc thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy trong các trại.

“Ở đây thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Không có cách nào chúng tôi có thể dập lửa. Không có nước. Nhà tôi bị cháy. Nhiều tài liệu tôi mang từ Miến Điện về cũng bị cháy. Và ở đây lạnh lắm”, anh nói.

Bangladesh đã được ca ngợi vì đã tiếp nhận những người tị nạn tràn qua biên giới từ Miến Điện, nhưng chẳng mấy thành công trong việc tìm kiếm những ngôi nhà cố định cho họ.
Source:Licas News

2. 30 linh mục của Tổng giáo phận Guadalajara đã chết vì Covid-19

Đức Tổng Giám Mục José Francisco Robles Ortega của Guadalajara, cho biết đến nay trong trận đại dịch, 30 linh mục đã chết vì các biến chứng do lây nhiễm coronavirus.

Vào thời điểm này, tổng giáo phận cũng có một báo cáo về hàng chục linh mục mắc Covid-19, tất cả đều đang hồi phục tại nhà và không có dấu hiệu cảnh báo. Đến nay, có 287 của tổng giáo phận bị nhiễm kể từ tháng 3 năm 2020.

Hiện tại, các nhà thờ được phép cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự với công suất tối đa là 75% sức chứa. Theo Đức Tổng Giám Mục Robles Ortega, các nhà thờ đã tuân thủ chỉ định của nhà nước và trong một số trường hợp, các linh mục quản xứ cho biết có không đến 50% giáo dân trong nhà thờ. Nhiều người sợ nhiễm coronavirus nên không dám dự lễ.

“Chúng tôi cam kết và chúng tôi đã tuân thủ đầy đủ tất cả các biện pháp liên quan đến việc sử dụng khẩu trang, vệ sinh, giữ khoảng cách an toàn, tránh bắt tay nhau khi chúc bình an, chúng tôi cam kết tiếp tục các biện pháp này”.

Đức Tổng Giám Mục Robles Ortega cho biết thêm trong vài ngày qua số ca nhiễm đã tăng từ 200 ca mắc mới mỗi ngày lên 1,800 ca.


Source:Eloccidental.com.mx

3. Vài nét về ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Bất kể những chống báng thậm chí đến mức bách hại kinh hoàng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, những lời của Đức Giáo Hoàng, chẳng hạn các thông điệp Laudato si 'và Fratelli tutti, và các hoạt động ngoại giao của Tòa thánh, luôn được các quốc gia lớn nhỏ trên thế giới hết sức coi trọng. Điều này cũng được xác nhận bởi dòng chảy liên tục các Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ từ mọi lục địa vào điện Tông tòa của Vatican. Đặc biệt, những hành động đáng kể và được đánh giá cao của Vatican trong lĩnh vực đa phương, được coi là cần thiết cho một giải pháp công bằng cho các cuộc xung đột. Trong lĩnh vực quan hệ song phương, Tòa thánh hiện duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Vào năm 1900, các quốc gia có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh chỉ có khoảng hai mươi, con số này tăng lên 49 vào tháng 6 năm 1963, 89 vào tháng 8 năm 1978, và 174 vào năm 2005. Trong triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia. Dưới triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, có thêm 3 quốc gia nữa, nâng tổng số lên 183. Ba quốc gia mới nhất thiết lập quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh là Nam Sudan vào năm 2013, Mauritania vào năm 2016 và Miến Điện vào năm 2017. Nếu tính luôn cả Liên minh Âu Châu và Dòng Malta, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và các thực thể quốc tế.

Tháng 11 năm 2012, sau khi Liên Hiệp Quốc cấp cho Palestine quy chế quan sát viên thường trực, Tòa Thánh đã có “quan hệ đặc biệt” với Nhà nước Palestine. Năm 2016, sau khi Hiệp định Toàn cầu được ký kết vào tháng 6 năm 2015 có hiệu lực, Palestine đã có quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh.

Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao với 13 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia ở Á Châu trong đó phần lớn là các quốc gia Hồi giáo và cộng sản. Trong 13 quốc gia này có 8 quốc gia Tòa Thánh không có bất cứ một hình thái đại diện nào. Đó là Afghanistan, Ả Rập Xê-út, Bhutan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Maldives, Oman, và Tuvalu. Tại bốn quốc gia khác là Comoros, Somalia, Brunei và Lào, Tòa Thánh có thể bổ nhiệm Khâm Sứ Tòa Thánh (Apostolic Delegate).

Khâm sứ Tòa thánh - Apostolic Delegate – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài không làm nhiệm vụ ngoại giao vì quốc gia sở tại chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh.

Sứ thần Tòa Thánh - Apostolic Nuncio – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài đồng thời cũng làm nhiệm vụ ngoại giao, trong tư cách là đại sứ của quốc gia thành Vatican, với nước sở tại.

Việt Nam là quốc gia thứ 13 trong số 13 quốc gia Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao.. Từ năm 2011, một đại diện không thường trú của Vatican đã được bổ nhiệm, đang chờ đặt một văn phòng ổn định tại Hà Nội.

Đối với Kosovo, nơi địa vị quốc tế của quốc gia này đang gây tranh cãi, Tòa thánh hiện đã tự giới hạn trong việc chỉ định một Khâm Sứ Tòa Thánh thay vì một vị Sứ thần Tòa Thánh. Khâm Sứ Tòa Thánh tại Kosovo hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Jean-Marie Speich, Sứ thần Tòa Thánh tại Slovenia.

Chức danh của các vị đại diện Đức Thánh Cha tại Thánh Địa cũng khá phức tạp. Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, trước đây là Sứ thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi. Hiện nay, ngài là Sứ thần Tòa Thánh tại Israel và đảo Síp, và là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine.

Tòa thánh có quan hệ ngoại giao không đầy đủ với Trung Hoa từ năm 1922. Vatican đã cử Đức Tổng Giám Mục Celso Benigno Luigi Costantini làm Khâm Sứ Tòa Thánh tiên khởi tại Trung Hoa. Năm 1942, quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Hoa được thiết lập. Năm 1946, sau khi chấm dứt thế chiến thứ hai, Đức Tổng Giám Mục Antonio Riberi được chỉ định làm Sứ thần Tòa Thánh tại Trung Hoa và ngài đến trình quốc thư cho tổng thống Trung Hoa Dân Quốc là Lâm Sâm (Lin Sen, 林森).Bọn cầm quyền Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh vào năm 1951 sau một vụ việc phức tạp. Trong suốt hai năm 1950 và 1951, cộng sản Trung Quốc đã gây áp lực lên Vatican buộc Tòa Thánh cắt đứt quan hệ với Trung Hoa Dân Quốc bằng cách đe dọa hình thành nên Giáo Hội quốc doanh độc lập với Vatican. Tuy nhiên, đa số các linh mục phản đối trào lưu này, và Chu Ân Lai tìm kiếm một giải pháp trung gian. Mao nghĩ ra một chiêu độc. Một linh mục làm việc tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã ném một chiếc cối cũ từ những năm 1930 vào một đống rác ở nhà của mình. Một doanh nhân tên là Antonio Riva đã phát hiện ra chiếc cối và mang về nhà để trưng bày như một món đồ cổ. Công an cộng sản ập vào nhà của Riva, họ đã bắt anh ta vì âm mưu ám sát Mao Trạch Đông bằng cái cố đó, là điều mà Riva đã phủ nhận và cho rằng cáo buộc đó quá khôi hài. Riva bị xử tử và phái đoàn ngoại giao của Tòa thánh bị trục xuất khỏi đất nước vì tội “hoạt động gián điệp”. Riêng Cha Tarcisio Martina, Giám Quản Tông Tòa của Y Huyện (Yixian, 黟县), bị kết án tù chung thân và chết vào năm 1961. Từ đó, Tòa Sứ Thần Tòa Thánh được đặt tại Đài Loan, tuy nhiên, kể từ năm 1979, không còn có Sứ thần nữa mà chỉ là “Đại biện lâm thời”. Trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với Trung Quốc dẫn đến thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục vào tháng Chín năm 2018, và được gia hạn thêm hai năm nữa vào tháng 10 năm 2020, vấn đề quan hệ ngoại giao vẫn chưa được giải quyết. Cho đến nay, Tòa Thánh tỏ ra không mấy quan tâm việc có thể mở một văn phòng chính thức tại Bắc Kinh. Trong khi đó, Tòa Thánh có một đại diện thường trú vĩnh viễn được gọi là “phái bộ nghiên cứu” tại Hương Cảng, trực thuộc Sứ thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân.

Trong những năm gần đây, việc bổ nhiệm các “đại biện” hay “chargés d'affaires” thường trú tại các quốc gia không có Tòa Sứ thần Tòa Thánh đã tăng lên gấp bội, đặc biệt ở Phi Châu và Trung Đông. Ví dụ, ở Đông Timor, Chad, Gabon, Malawi, Nam Sudan, và sau đó ở Síp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tại Jordan, việc bổ nhiệm một Sứ thần Tòa Thánh thường trú đã được dự kiến. Trước đây Sứ thần Tòa Thánh tại Baghdad cũng đồng thời là chargés d'affaires tại Jordan.

Hiện nay có khoảng 90 quốc gia có đại sứ quán tại Rôma. Các nước còn lại thường được đại diện bởi các nhà ngoại giao cư trú tại các thủ đô khác của Âu Châu.

Dưới triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô, các đại sứ “không thường trú” của Armenia, Belize, Ghana, Palestine, Malaysia và Nam Phi đã trở thành đại sứ thường trú. Azerbaijan và Thụy Sĩ sẽ sớm được thêm vào danh sách này.
Source:Avvnire