Ngày 14-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Thứ 2, thường niên A
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:23 14/01/2020
Chúa Nhật 2 THƯỜNG NIÊN. A

(Ga 1, 29-34)

CHIÊN THIÊN CHÚA

Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Có nhiều người thắc mắc hỏi rằng tại sao Gioan giới thiệu Chúa là Chiên Thiên Chúa, sao không giới thiệu đây là Con Thiên Chúa, đây là Đấng Cứu Thế. Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả mang một ý nghĩa thần học và sự kiện của lịch sử cứu độ.

Thánh Gioan là con của một thầy tư tế, quá quen thuộc với công việc sát tế chiên dâng cúng trong đền thờ mỗi ngày. Trong lịch sử dân Do-Thái xưa, vào ngày Lễ Đền Tội, người ta bắt một con chiên không tì vết và đem đến cho vị tư tế. Vị tư tế đọc danh sách các thứ tội của dân chúng. Kêu gọi mọi người hãy sám hối. Sau đó, tư tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết các thứ tội trên đầu nó, rồi đánh đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội.

Trong sách Xuất Hành ghi rằng tại đền thờ, các tư tế mỗi ngày sát tế hai con chiên làm của lễ toàn thiêu dâng Thiên Chúa để đền tội. Tiên tri Isaia trong bài ca về người tôi tớ đã nhắc đến con chiên hy sinh. Con chiên hiền lành bị đem đi xén lông và bị giết làm của lễ để gánh tội cho mọi người.

Khi dân Do-Thái đã định cư và có đền thờ, hằng năm vào dịp Lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ Thiên Chúa cứu dân khỏi nô lệ người Ai-cập. Họ đã giết chiên tế lễ và dự tiệc ăn thịt chiên cùng rau đắng để tưởng nhớ những khổ đau mà dân chúng phải lao lực và làm nô lệ cho người Ai-cập.

Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh chết thay cho đoàn chiên. Ngài chết để gánh tội gian trần. Ngài hy sinh dâng mình làm của lễ đền tội và hiến dâng thịt máu mình làm của ăn dưỡng nuôi hồn xác chúng ta.

Trong thánh lễ, chúng ta lập lại ba lần, lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lập lại lần thứ tư lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Chúa Kitô đã hiến thân trên khổ giá để cứu độ chúng ta. Thánh Gioan là người đầu tiên làm chứng và ngài đã hy sinh cho sự thật này. Các tông đồ đã chứng kiến cảnh Chúa Chiên bị khổ hình, bị chết treo nhục nhã và đã sống lại vinh quang. Các ngài cũng đã xả thân làm nhân chứng cho Chúa đến giọt máu cuối cùng.

Mỗi người chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta là nhân chứng. Chúng ta có bổn phận giới thiệu Chúa cho những ai còn ngồi trong bóng tối u mê sự chết. Xin Chúa cho chúng ta là những con chiên bổn đạo tốt lành và hăng hái trong việc sống và truyền đạo.

TUẦN 2 MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI

Mc. 2: 18-22

Các môn đệ của Gioan và Biệt phái thắc mắc với Chúa Giêsu rằng: Tại sao các môn đệ của Gioan và của Biệt phái ăn chay, còn môn đệ của Ngài lại không ăn chay. Ăn chay là việc rất tốt. Ăn chay giúp hãm mình dẹp xác. Chính Chúa Giêsu đã ăn chay bốn mươi đêm ngày trong sa mạc.

Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ: Khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ không? Dĩ nhiên là không, vì đây là những ngày vui mừng. Ngày lễ mừng thì không thể ăn chay. Vì có thời ăn chay, có thời vui mừng hân hoan. Có thời vui cười, có thời sẽ phải than van khóc lóc. Thời nào thì việc đó. Chúa nói: Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ. Chúa đến lập đạo mới. Đạo mới có những giới luật và cách sống mới.

Đạo mới là đạo của tình yêu. Đạo mới dẫn chúng ta vào nội tâm của đời sống. Ăn chay hãm mình khi ngày giờ tới. Chúa Giêsu không chối bỏ việc ăn chay vì đây là một thực hành tốt. Chúa muốn đem tinh thần mới vào việc ăn chay. Ăn chay không chỉ kiêng khem một số thức ăn hay chỉ để phô trương công đức trước mặt người đời. Ăn chay đi đôi với cầu nguyện, vừa giúp hồn vừa luyện xác nên vững mạnh.

Lạy Chúa, chay tịnh để tinh luyện con người thanh thoát hơn. Xin Chúa giúp con biết từ bỏ mình để bước đi theo Chúa.

THỨ BA

Mc. 2: 23-28

Các luật sĩ cứ luẩn quẩn trong việc giữ luật và cách thực hành luật trong ngày Sabát. Họ là những người giải thích luật và đặt ra những chi tiết nhỏ áp đặt lên đời sống của tín đồ. Họ luôn đi soi mói xem ai vi phạm luật và tố cáo. Dân chúng phải tuân hành nghiêm nhặt. Vào ngày Sabát, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, các môn đệ vừa đi vừa bứt lúa. Những người biệt phái tố cáo ngay: Xem kìa, tại sao ngày Sabát họ làm những điều không được làm như vậy?

Ngày Sabát là ngày hưu lễ và nghỉ ngơi để có thời giờ thờ phượng Thiên Chúa. Các nhà lãnh đạo tôn giáo biến ngày Sabát trở thành ngày kiêng cữ. Cấm đoán mọi việc làm và mọi sinh hoạt cho dù đó là việc bác ái cũng không được phép. Họ quá câu nệ vào chi tiết của luật. Họ giữ luật vì luật và luật đã trở thành gánh nặng cho dân.

Chúa Giêsu dùng cơ hội này để dạy bài học về tinh thần của luật. Trong đời sống, nếu coi trọng công việc hơn con người thì cuộc sống sẽ bất hạnh. Chúa Giêsu đã nói rằng: Ngày Sabát làm ra vì loài người, chớ không phải loài người vì ngày Sabát. Não trạng của những người biệt phái và luật sĩ không hề thay đổi. Họ không chấp nhận cách giải thích của Chúa Giêsu về ngày Sabát. Họ đã sống và chết trong những khoản luật vô hồn đó. Lậy Chúa, Chúa ban lề luật để con người được sống trong tình yêu của Chúa. Đó là giới luật yêu thương.

THỨ TƯ

Mc. 3: 1-6

Chúa Giêsu thách thức những người có mặt trong hội đường về việc giữ ngày Sabát: Ngày Sabát được làm điều lành hay điều dữ? Được cứu sống hay giết chết. Họ đều làm thinh vì không thể trả lời được. Vì biết rằng luật lệ là để giúp con người sống hoàn thiện hơn. Làm điều tốt và cứu sống đó là điều tích cực, chúng ta phải thực hiện bất cứ lúc nào.

Tất cả luật lệ đặt ra để phục vụ con người và mưu ích chung cho xã hội. Nếu luật lệ đặt ra chỉ để phục vụ cho một số cá nhân để được hưởng lộc, đó là luật bất công. Xã hội con người đầy dẫy những khoản luật dành ưu quyền cho một thiểu số người. Họ dùng luật để chà đạp nhân phẩm người khác. Trong những chế độ độc tài, đô hộ, hoặc phân biệt chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và màu da. Có rất nhiều xã hội văn minh nhưng cư xử như những con người man rợ. Lấy sức mạnh đè người và ức hiếp kẻ khác.

Thiên Chúa trao ban cho con người mười giới răn là những lề luật căn bản. Luật được in trong lương tâm của con người. Nếu con người biết tôn trọng luật Chúa mà hành xử, con người sẽ tìm ra ý nghĩa đích thực của luật. Luật lệ giúp xây dựng chứ không phải phá đổ. Luật giúp làm điều tốt và để cứu sống con người. Nếu bất cứ luật nào đi ngược lại với giới luật của Chúa đều là luật bất công. Vậy ngày Sabát không chỉ là ngày nghỉ ngơi mà phải thực hành điều tốt, giúp đỡ và cứu sống con người.

THỨ NĂM

Mc. 3: 7-12

Khi nghe biết về danh Chúa Giêsu, nhiều người từ các vùng khác nhau tuôn đến bên Chúa để nghe Ngài giảng dạy và xin chữa lành các bệnh tật. Một thầy lang chữa bách bệnh mà không phải trả thù lao. Dân chúng vui mừng vì được hưởng lợi trăm bề. Dân chúng đã tạo ra một nguồn dư luận trên khắp cả vùng, danh Chúa đã đi đến mọi miền trong xứ.

Họ đến với Chúa, họ tôn kính Chúa như một vị tiên tri. Nhận được nhiều ơn lành nhưng họ vẫn chưa thông biết về sứ mệnh của Chúa. Chỉ có các thần ô uế thấy Chúa thì sụp lạy và kêu lên: Ngài là Con Thiên Chúa. Nhiều người tâm trí bình thường, tỉnh táo và khôn ngoan lại không biết gì về Chúa. Họ cũng chẳng ngu gì mà nghe mấy người bị qủy ô uế ám. Thần ô uế tuyên xưng thật Chúa là Con Thiên Chúa, nhưng rồi Chúa nghiêm cấm chúng. Chúa không muốn miệng lưỡi của ma qủy tuyên xưng danh Chúa. Chúa muốn miệng lưỡi của chính những con người chịu ơn Chúa, phải tuyên xưng Chúa.

Chẳng mấy người được ơn mà họ trở lại dâng lời tạ ơn và tôn vinh danh Chúa. Họ nghĩ rằng họ là con cháu của các tổ phụ, nên họ được quyền hưởng những ân huệ Chúa ban như Chúa đã ban manna và chim cút cho cha ông họ trong sa mạc. Dân chúng lại để mất cơ hội nhận biết và tôn vinh danh Chúa.

Lạy Chúa, chúng con nhận lãnh muôn hồng ân từng giây phút trong cuộc đời mà chúng con dửng dưng. Xin Chúa tha tội.

THỨ SÁU

Mc. 3: 13-19

Sau một thời gian giảng dạy, Chúa đã cầu nguyện để chọn một nhóm nhỏ giúp họ sống gắn bó và chia xẻ sứ mệnh cứu độ với Chúa. Chúa đi lên núi và Chúa gọi những kẻ Ngài muốn và họ đến với Chúa. Có đông người đi theo Chúa lắm. Có lần Chúa sai 72 môn đệ, từng hai người đi vào các làng mạc để loan báo tin mừng.

Nay Chúa lập nhóm mười hai để họ ở với Chúa một cách gần gũi hơn. Chúa huấn luyện họ trở thành những kẻ chài lưới người. Phúc âm không cho chúng ta biết về đời sống cụ thể của Chúa và các tông đồ. Có lẽ các ngài không có trụ sở nào nhất định vì Chúa rao giảng mọi nơi. Nơi nào có Chúa, nơi đó họ tụ tập và Chúa giảng dạy cho họ. Chúa không cần dọn bài giảng để thuyết giảng. Chúa đi vào lòng cuộc sống, bất cứ đề tài nào Chúa cũng dẫn mọi người đến tình yêu và lòng nhân hậu của Chúa Cha.

Chúa quy tụ các môn đệ để các ngài cùng học với Chúa, cầu nguyện với Chúa và đồng hành với Chúa. Chúa ban cho các ông quyền chữa bệnh, trừ qủy và làm các dấu lạ. Các ông rất vui vì nhiều người thán phục và ca ngợi các ông. Nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở các ông đừng tìm danh vọng ở đời nhưng hãy vui vì tên của các con được ghi vào sổ trên trời.

Lạy Chúa, hằng ngày Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng con vào làm vườn nho cho Chúa nhưng chúng con chẳng đáp lời.

THỨ BẢY

Mc. 3: 20-21

Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà. Đám đông dân chúng lại tuôn đến với Chúa Giêsu đến nỗi không có giờ dùng bữa. Như thế chúng ta biết, Chúa Giêsu cứ đi rao giảng hết vùng này sang vùng khác, rồi lại trở về nhà để nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Có lẽ Đức Mẹ Maria khá vất vả trong việc nấu nướng phục vụ cho Chúa và các môn đệ.

Qua vài chi tiết trong phúc âm, chúng ta biết được Chúa và các môn đệ cũng dùng bữa ở nhiều nơi khác nhau. Khi thì tại nhà riêng, lúc thì ăn ở nhà bà nhạc ông Phêrô, có lúc ghé ăn tại nhà Marta, có lúc ăn nơi nhà ông Lêvi và Chúa cũng dùng bữa tại nhà mấy người biệt phái. Chúa nói: Thợ thì đáng được ăn lương, ai dọn bàn cho các con, các con cứ dùng.

Khi Chúa bận bịu trong việc giảng dạy, nhiều người thân trong họ hàng hay làng xóm cũng chưa biết Chúa thật sự là ai, nên họ tìm cách giữ cho Chúa được thảnh thơi đôi chút. Thấy Chúa làm việc không ngừng nghỉ, họ đã ra bắt Chúa về và nói rằng: Người mất trí. Người nhà cũng xúc phạm đến Chúa nữa.

Nhiều người mải mê bên Chúa và say sưa nghe Chúa giảng. Chúa đã tỏ lòng thương xót với tất cả những ai chạy đến với Chúa. Chúa chẳng từ chối ai đến van xin ơn Chúa giúp. Lạy Chúa, chúng con phó dâng tất cả cuộc sống của chúng con lên Chúa. Xin Chúa chúc phước lành cho chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 14/01/2020

35. Bệnh hoạn đau khổ làm cho tôi cảm thấy vui sướng; tôi vui sướng không phải vì đau khổ, nhưng vì đau khổ mà tôi được sự nhẫn nại để làm gương cho người khác về sự nhẫn nại.

(Thánh Basil)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 14/01/2020
17. TRONG TÚI ĐỰNG NƯỚC MẮT

Lúc Hứa Ứng Quỳ làm thú thú Đông Bình, rất được ca ngợi là thanh liêm chính trực, như thế lại làm cho đồng sự ghen ghét.

Một năm nọ, thượng cấp nghe lời dối trá gièm pha bèn kết tội họ Hứa và điều ông ta rời khỏi Đông Bình.

Dân chúng đi đưa tiễn khóc lóc không dứt, buổi tối Hứa Ứng Quỳ đến quán trọ nói với đám đầy tớ tuỳ tùng:

- “Ta ở Đông Bình cái gì cũng không có, chỉ có mấy giọt nước măt của dân chúng.”

Đầy tớ đi theo thở dài:

- “Trong túi của ngài không có một xu, nên hôm nay cũng có thể đựng mấy giọt nước mắt này làm quà tặng bạn bè người thân vậy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 17:

Làm quan mà thanh liêm thì được dân chúng yêu mến, làm việc mà vừa lòng mọi người thì sẽ bị đồng sự ghen ghét, đó là chuyện thường tình không có gì lạ.

Ở đời cái gì bất lợi cho mình thì không thích nhưng lại thích thú khi việc ấy bất lợi cho người khác, đó là lòng dạ của ma quỷ và của những người có tâm hồn ganh tương ích kỷ muốn hại người anh em.

Người sống thanh liêm thì nhà cửa thanh bần vì không có của cải hối lộ và tham ô đưa đến, nhưng họ lại là kẻ thù của những người có lòng dạ tham lam và ghen ghét, cái ngược đời và nghịch lý là ở đó và do đó mà nhiều tệ nạn vẫn thường xảy ra trên thế giới hôm nay, và đó cũng là dấu hiệu của ma quỷ vẫn còn hiện diện trong cõi đời này.

Người công chính thanh liêm chính trực thì thường được người khác thưởng bằng nước mắt của họ, nước mắt này được chảy từ trong quả tim yêu mến chân thành của họ, vì các việc lành mà người chính trực thanh liêm đã làm cho họ. Trái lại, người ghen ghét và ích kỷ thì được mọi người tặng quà bằng vàng bạc của cải, bởi vì những vật chất ấy được đổi bằng tham lam, gian dối và bất công bình bởi lòng dạ đen tối của người ghen ghét mà có.

Nước mắt của người vì yêu mến mình mà chảy ra, và vật chất của cải của người vì sợ hãi mình mà biếu tặng thì khác nhau xa, nhưng người Ki-tô hữu thích nước mắt hơn là của cải bất công mà người khác đã đem tặng mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Con Chiên của Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:43 14/01/2020


Chúa Nhật 2 A

Trong mỗi Thánh lễ, vị chủ tế nâng cao Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và giới thiệu với cộng đoàn: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”, ngài lặp lại lời Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu với môn đệ : Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng mà thầy vẫn nói với các con đó (x.Ga 1,29-34).

Tại sao gọi Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”?

1. Chiên bị sát tế để hy sinh đền tội thay cho con người

Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam. “Aben làm nghề chăn chiên” (St 4,2) nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, “Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng” lên Ngài (St 4,4).

Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x.Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên nơi khung cửa đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x.Xh12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó, việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người.

Về sau, tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân (Xh 29,38-46). Đúng ra ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Thiên Chúa chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.

Các tiên tri trước Gioan đã nói về người tôi tớ kỳ diệu của Thiên Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên. Isaia mô tả : “Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết… Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta”(Is 53,7-8); “Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”(Is 53,6-7.12).Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu : “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi”(Gr 11,19).

2. Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” bị sát tế để cứu nhân loại

Theo lẽ thường, gọi Đức Giêsu là chiên thì quả là xúc phạm. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những con chiên bị sát tế trong đền thờ để chết thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế nên giới thiệu cho mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”(1Cr 5,7). Sách Khải Huyền cũng dùng đến 27 lần từ “Con Chiên” để chỉ về Đức Giêsu, thánh Gioan còn xác quyết: Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta.

Thánh Phaolô viết: “Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy” (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: “Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ’ (Dt 10,10), vì Ngài là “Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết” (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng. “Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben” (Dt 12,24). “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Đặc tính của con chiên là sự ngây thơ, hiền lành, nhẫn nhục, trong sạch. Đó là những đức tính quý báu của Đức Giêsu Kitô, con chiên không tì vết.

3. Đấng xóa tội trần gian.

Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan Tẩy Giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói : “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Giới thiệu như thế, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Đức Giêsu: Ngài là Chiên của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa tội trần gian.

Khi gọi Đức Giêsu là “Chiên của Thiên Chúa”, Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là “Đấng xóa tội trần gian”, Gioan chỉ cho mọi người thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, là “tôi tớ đau khổ của Giavê” như tiên tri Isaia đã từng nói đến trong Cựu ước.

Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa nên Đức Giêsu mới có thể xóa tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân lọai. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng duy nhất thực sự xóa tội cho con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho hân loại.Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, Con Chiên bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội, mới có thể chết thay cho các tội nhân.

Đức Giêsu xóa tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất cả nhân lọai, từ tội của nguyên tổ Ađam cho đến tội của người sau hết của nhân lọai. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Ngài đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân loại. Từ nay nhân loại đã được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã được mở lại cho tất cả mọi người.

Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

Người tín hữu thường được gọi là "con chiên của Chúa". Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại "chiên" trong ngày phán xét. Ðược đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Ðược vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Uớc mong những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
 
Làm chứng Đức Giêsu là Chiên xóa tội trần gian
Lm Đan Vinh
22:55 14/01/2020


Chúa Nhật 2 Thường Niên A
Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 1,29-34

(29) Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. (30) Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, vì có trước tôi. (31) Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”. (32) Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. (33) Tôi không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. (34) Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

2. Ý CHÍNH:

Đây là lời chứng thứ hai của Gio-an Tẩy Giả về Đức Giê-su. Ông xác nhận Đức Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa, có sứ mệnh xóa bỏ tội trần gian. Người là Đấng mà Gio-anđược sai đến trước để dọn đường qua dấu chỉ Thánh Thần ngự xuống. Gio-an đã thấy Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su khi làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan, nên ông đã làm chứng: “Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 29-30: + Đây là Chiên Thiên Chúa: Chiên Thiên Chúa hay Chiên Vượt Qua thời Xuất Hành (x. Xh 12,3-46). Tin Mừng Gio-an cho thấy Đức Giê-su chính là Con Chiên lễ Vượt Qua qua ba sự kiện: Một là thời gian quan Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su vào Giờ Thứ Sáu (tức 12 giờ trưa) trong ngày lễ áp lễ Vượt Qua (x. Ga 9,14), trùng với giờ các tư tế giết chiên trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem để mừng đại lễ Vượt Qua. Hai là cành hương thảo: Người Do thái lấy một bó hương thảo, nhúng vào chậu đựng máu chiên và quét lên khung cửa nhà. Điều này giống như một tên lính đã lấy miếng bọt biển thấm giấm, buộc vào cành hương thảo đưa lên miệng Đức Giê-su nếm (x. Ga 19,29). Ba là chỉ thị của Mô-sê cấm đánh gãy xương của con Chiên bị giết trong biến cố Vượt Qua: quân lính không đánh dập ống chân của Người trên cây thập giá (x. Ga 19,34). + Về con chiên gánh tội : Trong lễ Xá Tội, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế sẽ đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó, Tư Tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Người ta cử hành nghi lễ sám hối này để xin Đức Chúa xóa hết tội cho mình (x. Lv 1,4). Con chiên Vượt qua là hình bóng Đấng Cứu thế như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: "Chính các bệnh tật của chúng tôi. Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tán... Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như chiên con dẫn đến lò sát sinh... Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is 53, 4-5.7.10). + Đấng xóa bỏ tội trần gian: Thay vì dùng chữ gánh tội, Tin Mừng Gio-an đã dùng chữ “xóa” theo nghĩa “làm mất đi” (x. 1 Ga 3,5). Và như vậy “xóa tội” nghĩa là giải thoát khỏi tội lỗi. Trong cuộc Vượt Qua, nhờ máu chiên được sát tế và quét lên khung cửa nhà mà các con trai đầu lòng của người Do thái khỏi bị tiêu diệt (x. Xh 12,23). Cũng vậy, nhân loại nhờ việc Đức Giê-su chịu chết sẽ được xóa bỏ tội lỗi, giống như bỏ đi gánh nặng đè trên mình họ. + Có người đến sau tôi, vì có trước tôi: Tuy về thời gian, Đức Giê-su được sinh ra sau Gio-an 6 tháng (x. Lc 1,24.26), nhưng về bản tính Thiên Chúa thì Người luôn hiện hữu cả trước khi Gio-an ra đời.
- C 31-32: + Tôi đã không biết Người: Kiểu nói “không biết” có nghĩa là Gio-an đã không nhận ra Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Cái “không biết” của Gio-an cũng giống như “không biết” của người Do thái trong câu “Ở giữa các ông có Đấng mà các ông không biết” (Ga 1,26). + Nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en: Việc Gio-an làm phép rửa cho Đức Giê-su chính là cơ hội để Người tỏ mình là Đấng Thiên Sai cho dân Do thái. + Ông Gio-an còn làm chứng: Do những dấu chỉ “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”, mà Gio-an đã nhận ra thân phận của Đức Giê-su: Người thực là “Con Thiên Chúa”, là “Đấng Thiên Chúa đã tuyển chọn”. + Thánh Thần như chim bồ câu: Kiểu nói này không khẳng định Thánh Thần hiện ra dưới hình của chim bồ câu, nhưng đáp xuống trên Đức Giê-su giống như tiếng rung nhè nhẹ của loài chim ấy. + Và ngự trên Người: Việc “Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và lưu lại trên Đức Giê-su” tượng trưng cho hiệu quả của việc tuôn đổ ơn Thánh Thần, là ban sự sống để thiếp lập một dân Ít-ra-en mới. Cũng vậy, trong ngày lễ Hiện Xuống, “Lưỡi Lửa” không trực tiếp tượng trưng cho Chúa Thánh Thần, nhưng tượng trưng cho việc các Tông Đồ được Thánh Thần ban cho “nói tiếng lạ” để công bố Tin Mừng khắp thế gian.
- C 33-34: + Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Câu này được lặp lại để nhấn mạnh việc Gio-an không tự nhận biết Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa nhưng là do chính Thiên Chúa, Đấng sai Gio-an làm phép rửa đã dạy cho ông biết. + Đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần: Làm phép rửa trong Thánh Thần là một thành ngữ ám chỉ công việc chính của Đức Giê-su là “xóa bỏ tội lỗi” bằng cách tuôn đổ ơn Thánh Thần xuống trên kẻ tin và lãnh nhận phép rửa để được tha tội (x. Ga 3,5-8). + Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn: Gio-an xác định việc ông làm chứng “Đức Giê-su là Đấng Thiên Chúa đã tuyển chọn” là do Thiên Chúa soi sáng. “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” đồng nghĩa với “Con Thiên Chúa”, như lời sấm của I-sai-a: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn…” (Is 42,1). Việc Đức Giê-su được Thiên Chúa tuyển chọn gắn liền với việc Người được ban Thần Khí để chu toàn sứ mạng Thiên Sai.

4. CÂU HỎI:

1) Nội dung lời chứng thứ hai của Gio-an Tẩy Giả về Đức Giê-su thế nào ?
2) Ba điều Tin Mừng Gio-an nêu ra chứng minh Đức Giê-su chính là con chiên cứu độ là gì ?
3) Gio-an muốn nói điều gì khi giới thiệu Đức Giê-su là “Đấng xóa bỏ tội trần gian” ?
4) Tại sao Gio-an lớn hơn Đức Giê-su 6 tháng, mà ông lại nói Người đã có trước ông ?
5) Từ “Không biết” trong câu “Tôi đã không biết Người” nghĩa là gì ?
6) “làm phép rửa trong Thánh Thần” là gì ? 7) “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” đồng nghĩa với “Con Thiên Chúa” trong lời sấm nào của Ngôn sứ I-sai-a ?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).

2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐƯỢC SỐNG NHỜ CON CHIÊN:

Một anh thợ nề kia đang làm việc chống dột trên mái nhà thờ GUƠ-ĐEN (Werden) nước Đức. Khi anh đang đu mình trên tường để sửa lại phần mái của Nhà thờ thì sợi dây an toàn anh mang trên mình lâu ngày bị mục, không chịu nổi sức nặng của anh nên bị đứt và anh bị rơi từ độ cao 20 mét xuống sàn nhà thờ. Nhưng rất may là bấy giờ có một con chiên đang ăn cỏ trong thửa vườn ở phía sau nhà thờ, tự nhiên lại chạy tới chỗ anh thợ đang làm việc trên cao, và anh đã ngã đè lên con chiên đáng thương kia. Anh thợ may mắn thoát chết và chỉ bị gãy xương chân, nhưng con chiên bị anh té đè lên thì lại bị chết bẹp. Về sau, để tỏ lòng biết ơn con chiên đã cứu mình, anh đã nhờ người chạm trổ một bức tượng chiên bằng đá quí. Được Cha Sở cho phép, anh làm một tượng đài mang tên “Con Chiên Cứu Độ” ngay tại nơi anh bị té để tưởng niệm con chiên đã chết cho anh được sống. Nhưng thực ra Chúa Giê-su mới là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Người đã hy sinh chịu chết để tấy xóa tội lỗi nhân loại. Nhờ cuộc tử nạn và sự phục sinh vinh quang của Người mà mọi người chúng ta được tham phần vào cuộc chiến thắng sự chết và bước vào vinh quang phục sinh với Người.
Chúa Giê-su khử trừ tội của thế gian bằng cách gánh mọi tội lỗi của nhân loại, từ tội nguyên tổ Ađam cho đến tội của hết mọi người. Với cuộc khổ nạn và sự chết đau thương tủi nhục trên cây thập giá, Người đã đền thay tội lỗi của mọi người chúng ta.

2) CHÍNH TA MỚI CHỊU CHẾT ĐỀN TỘI THAY CHO TỘI NHÂN:

Trong một Nhà thờ ở Tây Ban Nha, có một cây thánh giá cổ xưa trên tòa giải tội mà cánh tay phải của Chúa tách rời khỏi đinh. Cây thánh giá này có lịch sử như sau:
Ngày nọ, một tù nhân đến xưng thú tội mình dưới chân thánh giá này sự thống hối chân thành. Cha giải tội đã ban phép giải tội cho ông ta.
- Tôi ban phép giải tội cho ông. Tuy nhiên ông phải hứa sẽ không tái phạm nhé!
Tội nhân xin hứa và đã giữ lời hứa được một thời gian. Nhưng rồi ông lại sa ngã phạm lại tội cũ và chính lòng thống hối một lần nữa thúc đẩy ông đến tòa giải tội. Vị linh mục bảo ông:
- Lần trước ông đã quyết tâm chừa cải mà sao ông lại tái phạm ?
- Con đã thành tâm sám hối, nhưng con yếu đuối phạm lại tội cũ. Xin hãy tha tội cho con!
Cha Giải Tội tha thứ và nói thêm:
- Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho ông nhé!
Một thời gian khá lâu sau đó, một phần do thói quen, một phần vì yếu đuối, ông ta lại tái phạm và đến xin xưng tội.
- Bây giờ thì dứt khoát tôi không tha cho ông. Ông hãy về nhà đi.
- Thưa Cha, con rất chân thành. Nhưng con cứ sa đi ngã lại tội đã dốc lòng chừa.
Lúc đó vị linh mục nghe có tiếng khóc phát ra từ cây thánh giá phía trên tòa giải tội. Ông nhìn lên thì thấy cánh tay phải của Chúa Giê-su đã rời khỏi thánh giá trong tư thế giơ lên để ban ơn tha thứ cho tội nhân. Đồng thời ông cũng nghe thấy tiếng Chúa phán với mình rằng : “Chính Ta chứ không phải con đã chịu chết đền tội cho nó !”
Quả thật, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và đã đã trở thành con chiên chịu chết để đền tội thay cho loài người chúng ta.

3) CHỊU OAN ỨC ĐỂ ĐỀN TỘI THAY CHO KẺ GIAN ÁC:

Một cô gái đang có người yêu, nhưng một hôm chẳng may đã bị kẻ cướp hãm hiếp có thai ngoài ý muốn. Sau đó cô còn đau khổ hơn nữa khi bị người yêu ruồng bỏ và mọi người khinh dể xa lánh. Một hôm cô đến xưng tội với đức cha Fulton Sheen. Sau khi trình bày hoàn cảnh oan ức đang gặp phải, cô đã hỏi đức cha: "Tại sao con vô tội mà lại phải chịu nỗi đau khổ oan ức quá nhiều như thế?" Với thái độ cảm thông, đức cha Sheen đã an ủi cô gái như sau: "Con vô tội mà phải chịu nỗi đau khổ bất công như vậy là do con đang chịu đền tội thay cho tên cướp đã làm hại đời con".
Rồi Đức Cha Sheen nói với mọi người đang nghe ngài giảng: «Nếu chỉ vì phải gánh tội cho một người mà cô gái kia đã phải chịu đau khổ như thế, thì Chúa Giê-su khi phải gánh tội của nhân loại bằng cái chết tủi nhục trên cây thập tự, còn phải chịu đau khổ biết chừng nào! »

3. SUY NIỆM:

1) ĐỨC GIÊ-SU LÀ CON CHIÊN LỄ VƯỢT QUA:

Câu chuyện về đại lễ Vượt Qua kể lại rằng: Khi Mô-sê được Đức Chúa sai đến gặp Pha-ra-ô nước Ai-cập để thuyết phục nhà vua trả tự do cho dân Ít-ra-en, để họ được giải thoát khỏi kiếp sống nô lệ cho người Ai-cập, vào trong sa mạc để thờ phượng Đức Chúa tại núi Si-nai nơi Mô-sê đã gặp Chúa. Lúc đầu Pha-ra-ô cương quyết từ chối. Mô-sê đã phải sử dụng cây gậy Chúa ban để lần lượt thi thố 10 phép lạ chứng minh quyền năng Đức Chúa của con cháu Gia-cóp mạnh hơn các tà thần của dân Ai-cập. Nhưng chỉ đến phép lạ thứ mười là tiêu diệt các con trai đầu lòng của người Ai-cập, thì Pha-ra-ô mới chịu khuất phục và đồng ý cho con cháu Gia-cóp ra đi. Hôm ấy, Mô-sê vâng lệnh Đức Chúa truyền cho dân Ít-ra-en mỗi nhà phải giết một con chiên đực một tuổi để ăn thịt chiên với bánh không men và rau diếp đắng. Họ phải lấy máu chiên bôi trên thành cửa nhà của họ. Đêm hôm ấy, thần sứ hủy diệt của Đức Chúa đánh phạt Ai cập bằng việc giết chết các con trai đầu lòng của dân Ai-cập, còn những nhà có bôi máu chiên trên thành cửa, thì các con trai đầu lòng của họ khỏi phải chết (x. Xh 12,3-13). Thánh Phao-lô đã nói về con chiên cứu độ đó chính là Đức Giê-su như sau: “Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế chúng ta đừng lấy men cũ là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng Đại lễ” (1 Cr 5,7-8).

2) ĐỨC GIÊ-SU LÀ CON CHIÊN HIẾN TẾ ĐỀN TỘI:

Trong Đền Thờ hai lần sáng và chiều mỗi ngày, người ta đều giết chiên dâng lên Đức Chúa làm của lễ dâng tiến để đền tội thay cho dân (x. Xh 29,31). Khi giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Gio-an Tẩy Giả đã làm chứng Đức Giê-su là lễ vật mới của thời Tân Ước, được dâng tiến cho Thiên Chúa trên bàn thờ thập giá, thay thế cho lễ vật là con chiên được dâng theo Luật Mô-sê của thời Cựu Ước. Về việc thay lễ vật chiên cừu cũ bằng lễ vật mới là chiên Thiên Chúa, tác giả thư Do thái đã viết như sau: “Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,8-10). Ngôn sứ I-sai-a đã nói tiên tri về người Tôi Tớ của Chúa, một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên như sau: “Bị ngược đãi người cam nhịn nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội rồi bị thủ tiêu… Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, Tôi Trung của Ta, sẽ làm cho môn đệ người nên công chính, và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,7.11b).

3) ĐỨC GIÊ-SU, CON CHIÊN KHẢI HOÀN:

Trong sách Khải Huyền, Tác giả đã áp dụng tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” cho Đức Giê-su 28 lần. Trong đó, nhấn mạnh Con Chiên ngự trên ngai vương quyền. Là Đấng chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh vinh quang. Con Chiên được ca ngợi như sau: “Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta” (Kh 5,9-10). “Tôi thấy và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai lớn tiếng hô: Con Chiên đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc. Amen” (Kh 5,12).
Tóm lại, tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” gợi lên ba hình ảnh sống động về ơn cứu độ của các con chiên thời Cựu Ước như sau:
- Chúa Giê-su là Con Chiên Cứu Độ: Máu Người đổ ra trên thập tự trở thành giá chuộc muôn người, giống như máu con chiên được bôi trên thành cửa đã cứu các con trai đầu lòng của dân Do thái khỏi bị hủy diệt trong ngày Vượt Qua.
- Chúa Giê-su chính là Con Chiên gánh tội và xóa tội trần gian, khi chịu hiến tế trên bàn thờ Thập Giá để đền thay cho tội lỗi chúng ta, giống như con chiên thanh sạch phải gánh tội và xóa tội cho toàn dân trong lễ Xá Tội của đạo Do Thái.
- Chúa Giê-su là Con Chiên Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh vinh quang để ban ơn cứu độ cho nhân loại như sách Khải Huyền đã ghi nhận (x Kh 5,9-10).
Do đó, dù Đức Giê-su có nhiều tước hiệu như : "Ánh Sáng trần gian”, “Mục Tử nhân lành”, “Bánh Hằng Sống”… nhưng trong thánh lễ Giáo Hội đã dùng tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” trong phần hiệp lễ: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…”.

4) PHẢI LÀM CHỨNG CHO CHÚA THẾ NÀO NOI GƯƠNG GIO-AN ?

- Làm chứng là giới thiệu Chúa cho tha nhân: Gio-an Tẩy Giả đã tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và giới thiệu Người cho môn đệ: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian… Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. (Ga 1,29.34).
- Làm chứng là nói về Chúa và đề cao vai trò của Người: Gio-an luôn nói về Chúa cho mọi người và làm mọi việc để giới thiệu Chúa: "Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước” (Ga 1,30-31).
- Làm chứng bằng lối sống khiêm hạ để Chúa được lớn lên còn mình nhỏ bé đi: Gio-an không buồn khi thấy dân chúng bỏ mình và lũ lượt kéo đến xin Đức Giê-su làm phép rửa cho (x. Ga 3,26). Ông đã trấn an các môn đệ đang bất bình về điều này và nói cho họ hiểu về vai trò tiền hô của mình như sau: «Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói : Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người... Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi » (Ga 3,28.30).

4. THẢO LUẬN:

Khi bị hiểu lầm, bị vu khống oan uổng, chúng ta nên làm gì để kết hiệp với sự đau khổ của Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con thật cảm động khi thấy Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa, mà vì yêu thương con đã tình nguyện trở thành của lễ hiến tế để đền tội thay cho loài người và giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, hầu chúng con được tham phần vào vinh quang phục sinh của Chúa. Mỗi lần dự lễ, xin cho chúng con biết dâng những lời cầu nguyện, dâng các việc bác ái, sự hãm mình và những điều rủi ro trái ý… để biến chúng nên lễ vật kết hiệp với lễ vật cao trọng trên bàn thờ là Chiên Thiên Chúa tiến dâng lên Chúa Cha. Nhờ đó chúng con sẽ được tham phần vào vinh quang phục sinh với Chúa trên thiên đàng.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON




 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
HĐGM Mễ Tây Cơ kêu gọi cầu nguyện cho một linh mục đang nguy kịch vì bị cướp bắn nhiều phát súng
Đặng Tự Do
01:43 14/01/2020
Cha Roly Candelario Piña Camacho, một linh mục thuộc Dòng Cha Piarist đang làm mục vụ tại Giáo phận Tlaxcala, đã được tìm thấy bị thương nặng máu me lai láng ở bên cạnh đường cao tốc liên bang México-Puebla hôm 6 tháng Giêng.

Trong thông cáo báo chí chúng tôi vừa nhận được, Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ đã lên tiếng kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho cha Roly. Trích dẫn báo cáo của giáo phận Tlaxcala, Hội Đồng Giám Mục cho biết ngài đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Theo các báo cáo sơ khởi của các phương tiện truyền thông địa phương, ngài đã bị bắt cóc vài ngày trước đó. Bọn bắt cóc yêu cầu các thành viên trong gia đình ngài trả tiền chuộc mạng, nhưng họ không có tiền trả. Chúng bắn ngài bốn phát và mang ngài ra bỏ ở bên cạnh đường cao tốc. Một người “Samaritanô nhân lành” đã dừng xe lại, gọi cảnh sát. Sau đó, ngài được chuyển đến một bệnh viện địa phương, nơi Lực lượng Vệ binh Quốc gia đang canh gác nghiêm ngặt đề phòng bọn tội phạm gây thêm bạo lực.

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 7 tháng Giêng, giáo phận Tlaxcala cho biết nếu không có người “Samaritanô nhân lành” này chắc chắn vị linh mục đã chết vì mất máu. Tuyên bố nói thêm:

“Giáo phận Tlaxcala bày tỏ sự đoàn kết và gần gũi về tinh thần với Cha Roly, cộng đồng dòng linh mục Piarist và gia đình ngài. Chúng tôi cầu nguyện cho sự chấm dứt bạo lực và cho mạng sống con người được tôn trọng”.

Thông cáo của các giám mục Mễ Tây Cơ viết:

“Chúng tôi hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho sự phục hồi nhanh chóng của Cha Roly và lấy làm thất vọng sâu sắc trước tình hình bạo lực mà đất nước chúng ta đang phải trải qua.”

Trong thời gian gần đây, các Giám Mục Mễ Tây Cơ nhiều lần công khai bày tỏ sự thất vọng đối với tổng thống Andrés López.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2018, Andrés López hứa hẹn sẽ có các phương án vãn hồi trật tự tại Mễ Tây Cơ. Ông thắng cử dễ dàng vì người dân Mễ Tây Cơ âu lo trước tình trạng an ninh trật tự dưới thời tổng thống Enrique Nieto. Tuy nhiên, một năm sau ngày ông Andrés López cầm quyền, tình trạng xem ra càng thê thảm hơn. Ông thực ra chẳng có đối sách gì cả và ngày càng lúng túng trong việc điều hành đất nước.

Trong một diễn biến hết sức bi đát, giáo phận Cuernavaca đã phải đình chỉ tất các Thánh lễ buổi tối vì tình trạng bất an trong thành phố và bang Morelos. Ngay cả lễ Đêm Giáng Sinh cũng bị hủy bỏ.

Từ năm 2012 đến nay, 27 linh mục đã bị giết tại Mễ Tây Cơ. Đất nước này tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”

Trong năm 2019 vừa qua, có 1 linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ. Hôm 23 tháng Tám, Cha José Martín Guzmán Vega, 55 tuổi, 15 năm trong chức linh mục, đã bị đâm chết tại thành phố Matamoros, giáp giới với thành phố Brownsville, Texas. Ngài là linh mục thứ 27 bị giết trong vòng 7 năm liên tiếp trong đó năm nào cũng có một vài linh mục bị giết ở quốc gia này.

Trước đó, ngày 3 tháng Tám, cha Aarón Méndez Ruiz giám đốc một trung tâm tạm trú cho người tị nạn bị bắt cóc vì ngài cố gắng ngăn cản một bọn tội phạm đến trung tâm này bắt các người tị nạn để đòi tiền chuộc. May mắn, ngài được giải thoát sau đó.

Chiều ngày 22 tháng Bẩy, cha Juvenal Candía Mosso đang đi trên một chiếc taxi trên đường đến thăm một nhà tù thì bị bắn nhiều phát súng khi đi ngang qua Đại Chủng Viện Thánh Giuse ở thành phố Cuernavaca. Người tài xế xe taxi đã chết vì những vết thương quá nặng do bị trúng nhiều phát đạn. Cha Juvenal may mắn thoát chết.


Source:Catholic Herald
 
Cuốn sách như quả bom: Nhận định của Sandro Magister về cuốn sách của Đức Bênêđíctô và ĐHY Sarah
Đặng Tự Do
05:44 14/01/2020
Sandro Magister, ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican của tờ L’Espresso, hôm 12 tháng Giêng có bài nhận định sau về cuốn sách mới do Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah viết chung với nhau: “Từ sâu thẳm trái tim của chúng tôi”.

Nguyên bản tiếng Ý “Un libro bomba. Ratzinger e Sarah chiedono a Francesco di non aprire varchi ai preti sposati” có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ từ phiên bản tiếng Anh.


Một cuốn sách như quả bom. Đức Ratzinger và Đức Hồng Y Sarah yêu cầu Đức Phanxicô đừng mở màn cho khả thể linh mục có gia đình.

Sandro Magister


Họ gặp nhau. Họ viết thư cho nhau. Chính xác trong khi “thế giới đang rung chuyển ầm ầm với tiếng ồn ào tạo ra bởi một thượng hội đồng kỳ lạ trong đó giới truyền thông chiếm mất vị trí của một thượng hội đồng chân thực,” là Thượng Hội Đồng Amazon.

Và họ đã quyết định phá vỡ sự im lặng: “Đó là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng tôi phải nhắc nhớ sự thật của chức tư tế Công Giáo. Trong những thời điểm khó khăn này, mọi người phải sợ rằng một ngày nào đó, Chúa sẽ chỉ vào mặt người ấy với lời trách móc gay gắt này: ‘Quân đáng nguyền rủa kia, ngươi đã không nói gì cả’.” Câu trong ngoặc đơn là lời nguyền rủa quyết liệt của Thánh Catêrina thành Siena, một người dám to gan công kích các vị Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinê, đã gửi cuốn sách này của các vị cho các nhà xuất bản không lâu ngay trước lễ Giáng sinh, thành ra, nó sắp được ra mắt ở Pháp vào giữa tháng Giêng, do Fayard xuất bản với tựa đề: “Des Profondeurs de nos cœurs”, nghĩa là “Từ sâu thẳm trái tim của chúng tôi,” và như thế, ngay trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể đưa ra những kết luận về Thượng Hội Đồng Amazon mà trong thực tế, bên cạnh chuyện sông núi rừng rậm, còn có một cuộc thảo luận dữ dội về tương lai của chức tư tế Công Giáo: độc thân hay không, và liệu có mở ra một tương lai cho việc phong chức linh mục cho phụ nữ hay không.

Trên thực tế, cuốn sách này sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Đức Phanxicô nếu ngài muốn mở ra chức tư tế cho những người đã kết hôn và chức phó tế cho phụ nữ, sau khi người tiền nhiệm và một Hồng Y có một kiến thức sâu sắc về tín lý và sự thánh thiện rạng ngời trong cuộc sống như Hồng Y Sarah đã đưa ra một quan điểm ủng hộ luật độc thân linh mục một cách rõ ràng và mạnh mẽ, trình bày quan điểm của chính các ngài với vị Giáo Hoàng đang trị vì gần như bằng những lời lẽ của một tối hậu thư, qua ngòi bút của một người [là Đức Hồng Y Sarah] nhưng với sự đồng thuận hoàn toàn của người kia [là Đức Bênêđíctô]:

“Có một liên kết bản thể học-bí tích giữa chức tư tế và luật độc thân linh mục. Bất kỳ sự suy yếu nào của liên kết này sẽ đặt ra vấn nạn về Huấn Quyền của Công đồng [Vatican thứ hai] và các Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Tôi khẩn cầu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết liệt bảo vệ chúng ta khỏi một khả năng như vậy bằng cách phủ quyết bất kỳ cố gắng làm suy yếu luật độc thân linh mục, ngay cả khi điều đó chỉ giới hạn trong một khu vực”

Cuốn sách dài 180 trang, sau lời tựa của biên tập viên Nicolas Diat, được chia thành bốn chương.

Chương thứ nhất với tiêu đề “Bạn sợ điều gì?” là một lời phi lộ được ký bởi hai tác giả, vào một ngày trong tháng 9 năm 2019.

Chương thứ hai do Đức Joseph Ratzinger viết, nghiêng về Kinh Thánh và Thần Học, và có tiêu đề: “Các linh mục Công Giáo” được hoàn thành vào ngày 17 tháng 9, trước khi Thượng Hội Đồng Amazon bắt đầu.

Chương thứ ba do Đức Hồng Y Sarah viết có tiêu đề “Để yêu cho đến cùng”. Đó là một cái nhìn về phương diện giáo hội học và mục vụ về luật độc thân linh mục. Chương này được hoàn thành vào ngày 25 tháng 11, một tháng sau khi kết thúc Thượng Hội Đồng Amazon, trong đó tác giả tham gia rất nhiệt tình.

Chương thứ tư là kết luận chung của hai tác giả, với tiêu đề: “Trong bóng tối của cây thập giá,” đề ngày 3 tháng 12.

Trong chương đầu tiên do ngài viết, Đức Ratzinger chủ yếu muốn đưa ra ánh sáng “sự hiệp nhất sâu xa giữa hai Giao Ước [Tân Ước và Cựu Ước], thông qua lộ trình từ Đền Thờ bằng đá đến Đền Thờ là Thân Thể Đức Kitô.”

Và ngài áp dụng chú giải Kinh Thánh này cho ba văn bản Kinh Thánh, mà từ đó ngài rút ra quan niệm Kitô giáo về chức tư tế độc thân.

Đầu tiên là một đoạn trích từ Thánh Vịnh 16: “Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16:5)

Văn bản thứ ba là những lời của Chúa Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 17:17): “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật”.

Trong khi đó, văn bản thứ hai là hai đoạn trích từ sách Đệ Nhị Luật (10: 8 và 18: 5-8) đã được đưa vào Kinh Nguyện Thánh Thể II: “Chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Tôn Nhan và phụng sự Chúa.”

Để minh họa ý nghĩa của những từ này, Đức Ratzinger đã trích dẫn gần như toàn bộ bài giảng của ngài tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng ngày 20 tháng 3 năm 2008, Thứ Năm Tuần Thánh, trong Thánh lễ làm phép các loại dầu, bao gồm dầu dùng để phong chức cho các linh mục.

Dưới đây là toàn bộ bài giảng của ngài trích từ một mẫu giới thiệu toàn bộ cuốn sách và các trang trong cuốn sách này: phần trực tiếp đề cập đến luật độc thân linh mục.

“Chúng ta không sáng chế ra Giáo Hội theo ý muốn của mình”

Joseph Ratzinger / Benedict XVI

Thứ Năm Tuần Thánh là một dịp để một lần nữa chúng ta tự hỏi: chúng ta nói tiếng “vâng” đáp lại điều gì? “Là linh mục của Chúa Giêsu Kitô” nghĩa là gì? Kinh Nguyện Thánh Thể II, có lẽ được soạn thảo tại Rôma trước khi thế kỉ thứ hai kết thúc, diễn tả bản chất của sứ vụ linh mục với những lời mà sách Đệ Nhị Luật (18, 5, 7) cũng đã đề cập đến bản chất của chức tư tế trong Cựu Ước: astare coram te et tibi ministrare (ứng trực và phụng sự Chúa). Có hai chức năng xác định bản chất của chức linh mục thừa tác: trước hết là “đứng trước Chúa.”

Theo sách Đệ Nhị Luật, điều này phải được giải thích trong bối cảnh của của sự phân phối của cải thời trước, theo đó, các tư tế không nhận bổng lợi nào của Đất Thánh- họ sống bởi Chúa và cho Chúa. Họ không tham gia vào những công việc độ nhật thường ngày. Công vụ của họ là “ứng trực trước nhan Chúa”- nghĩa là chăm chú nhìn lên Chúa, sống cho Chúa. Tóm lại, cách dụng ngữ trên chỉ định một đời sống đắm chìm trong sự hiện diện của Chúa cùng với một sứ vụ là đại diện cho tha nhân. Cũng như những người canh tác đất đai để nhờ đó tư tế có thể sống còn, thì tư tế phải giữ cho giữ cho thế giới này luôn hướng về Thiên Chúa, chính họ phải hướng lòng lên Người.

Nếu những lời này hôm nay được đặt trong Kinh Nguyện Thánh Thể ngay sau phần thánh hiến các lễ vật, nối tiếp đoạn Chúa hiện diện giữa cộng đoàn đang quy tụ để cầu nguyện, thì nó chỉ cho chúng ta thấy việc đứng đó là đứng trước Chúa đang hiện diện, nghĩa là, trước Thánh Thể, trọng tâm của đời sống linh mục. Nhưng dẫu vậy, ý nghĩa này còn mở rộng hơn nữa. Trong bài thánh thi của các giờ kinh Phụng vụ về Mùa Chay dẫn nhập vào giờ kinh sách- giờ kinh mà các đan sĩ thường cầu nguyện với Chúa vào ban đêm, thay cho mọi người- một trong các việc thực hành của Mùa Chay được đưa ra theo cách truyền lệnh: arctius perstemus in custodia- chúng ta hãy nhiệt tâm canh thức. Theo truyền thống đan viện Syria, các đan sĩ được mô tả như “những người đứng trên đôi chân của mình”; đứng thẳng chân là cách thể hiện sự canh thức.

Điều được coi như là phận vụ riêng của các đan sĩ thì cũng được nhìn nhận một cách hợp lí khi áp dụng cho sứ vụ linh mục, đúng như những lời trong sách Đệ Nhị Luật: linh mục phải là người canh thức. Ngài phải đứng để bảo vệ chống lại những thế lực mạnh mẽ của sự ác. Ngài phải canh giữ cho thế giới này luôn thức tỉnh hướng về Chúa. Ngài phải là người đứng thẳng trên chân mình: cương trực trước mọi dòng thời gian. Chính trực trong sự thật. Trung trực trong lời kết ước thực thi điều thiện. Ứng trực trước nhan Chúa, tự sâu thẳm của tư thế này cũng có nghĩa là nâng mọi người về với Chúa, là Đấng sẽ nâng tất cả mọi người chúng ta lên với Chúa Cha. Đó phải là sự nâng cao chính Người, chính Chúa Kitô, Lời Người, sự thật của Người, tình yêu của Người. Linh mục phải cương trực, không bị dao động, phải sẵn sàng chịu cả những sự xúc phạm vì Chúa, như được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ: họ “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu” (5, 41).

Giờ đây chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa thứ hai mà Kinh Nguyện Thánh Thể II lấy từ Cựu Ước- “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa.” Linh mục phải là một người chính trực và tỉnh thức, một người đứng thẳng. Cộng thêm vào những đức tính này nữa là sự phục vụ.

Theo bản văn của Cựu Ước, từ ngữ này có một ý nghĩa chủ yếu theo nghi thức: vị tư tế phải chịu trách nhiệm về tất cả hành vi thờ phượng đã được Lề Luật quy định. Nhưng việc hành động theo nghi thức này dần dần được xếp loại như việc phục vụ, như một phận vụ phải thi hành, và điều này dẫn giải cho những công việc trên phải được thực hiện với tinh thần nào.

Với việc đưa vào cách diễn tả “phục vụ” trong Kinh Nguyện Thánh Thể, ý nghĩa phụng vụ của từ ngữ được thích ứng một cách thức nào đó- để phù hợp với sự mới mẻ của phụng vụ Kitô giáo. Công việc vị linh mục làm trong khi cử hành Thánh Thể là phục vụ, và là việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người. Sự thờ phượng mà Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha là hiến dâng mình cho đến cùng, vì phần rỗi con người. Linh mục phải tự đặt mình vào trong việc thờ phượng này, trong việc phục vụ này. Như thế, cách diễn tả “phục vụ” bao hàm nhiều chiều kích. Chắc chắn điều đầu tiên trong những chiều kích này là việc cử hành đúng đắn phụng vụ và các Bí tích nói chung, được thực hiện với sự tham dự nội tâm. Chúng ta phải học để mỗi ngày hiểu hơn phụng vụ thánh trong tất cả bản chất của nó, học để phát triển sự quen thân sống động với nó, để nó trở thành linh hồn của đời sống thường ngày. Chỉ khi đó chúng ta mới cử hành một cách đúng nghĩa, chính lúc đó mới tỏ hiện tất cả ars celebrandi, nghi thức cử hành. Không được có gì là giả tạo trong nghệ thuật này.

Nếu Phụng Vụ là một trách nhiệm chính yếu của linh mục thì điều này cũng có nghĩa là cần phải đặt ra sự ưu tiên dành để học hỏi liên tục, tiếp cận mới và sâu xa hơn cách thế cầu nguyện, trong trường học của Chúa Giêsu Kitô và của các thánh trong mọi thời đại. Bởi vì phụng vụ Kitô giáo, tự bản chất vẫn luôn luôn là một lời loan báo, chúng ta phải là những con người thiết thân với lời Chúa, yêu mến lời Chúa và sống lời Chúa: chỉ khi đó chúng ta mới có thể cắt nghĩa lời Chúa một cách xứng hợp. “Phụng sự Chúa”- việc phục vụ của linh mục cũng có nghĩa là học biết Chúa trong lời của Người, và làm cho tất cả những ai Người đã uỷ thác cho ta được nhận biết Người.

Cuối cùng, có hai khía cạnh khác liên quan đến việc phục vụ. Không ai gần cận người chủ của mình hơn người tôi tớ, là kẻ có thể đi vào không gian riêng tư nhất trong đời sống của ông. Theo nghĩa này, “phục vụ” nghĩa là sự gần gũi, nó đòi hỏi sự thân tình. Nhưng sự thân tình này cũng có thể đưa đến một mối nguy: đó là sự tiếp xúc thường xuyên của chúng ta với điều thánh thiêng có thể gây cho chúng ta nhàm chán.

Sự kính sợ biến mất. Với ảnh hưởng của thói quen, chúng ta không còn cảm nhận một biến cố cao trọng, mới mẻ, lạ lùng, là chính Người đang hiện diện, chính Người nói với chúng ta, chính Người tự hiến cho chúng ta. Chúng ta phải không ngừng chống lại sự hoá nhàm đối với thực tại ngoại thường này, chống lại sự dửng dưng của con tim, để luôn nhìn lại sự bất xứng của chúng ta và ân huệ đang diễn ra trong việc Người tự giao nộp vào bàn tay của chúng ta theo thể thức này. Phụng sự có nghĩa là gần gũi, nhưng trên hết là sự tuân phục.

Người tôi tớ làm theo các mệnh lệnh: “Không phải theo ý con nhưng theo ý Cha” (Lc 22: 42). Với những lời này trên núi Ôliu, Chúa Giêsu dứt khoát đối đầu với tội lỗi, chống lại sự phản loạn của con tim hư hỏng. Tội của Ađam chủ yếu hệ tại việc ông ta đã muốn làm theo ý mình, chứ không theo ý Thiên Chúa. Cám dỗ của nhân loại luôn là muốn hoàn toàn tự lập, muốn chỉ theo ý riêng mình và muốn mãi như thế để được hoàn toàn tự do; chỉ theo sự tự do vô giới hạn như thế con người mới trọn vẹn là mình. Nhưng như vậy, chúng ta đã đặt mình chống lại sự thật. Bởi vì sự thật là chúng ta phải chia sẻ sự tự do của chúng ta với người khác và chúng ta chỉ tự do khi hiệp thông với người khác.

Sự tự do được chia sẻ này chỉ có thể trở nên sự tự do đích thực nếu qua việc này chúng ta đi vào ý muốn của Thiên Chúa, chấp nhận những gì cấu thành mức độ của tự do. Sự tự do nền tảng này là một phần của hiện hữu con người, một sự hiện hữu không chỉ thuộc về nó và cho chính nó, càng ngày càng trở nên cụ thể trong linh mục: chúng ta không rao truyền chính chúng ta, nhưng chính Chúa và lời của Người, những gì chúng ta không thể tự ý tưởng tượng ra. Chúng ta chỉ loan truyền lời Chúa Kitô một cách đúng đắn khi thông hiệp với Thân Mình của Người.

Sự tuân phục của chúng ta là tin cùng với Giáo Hội, suy nghĩ và nói năng cùng với Giáo Hội, phục vụ cùng với Giáo Hội. Điều này luôn bao hàm lời Chúa Giêsu đã nói với ông Phêrô: ‘Một người khác sẽ dẫn con đến nơi con chẳng muốn’. Được dẫn đến nơi chúng ta chẳng muốn đến là một khía cạnh căn bản của sự phục vụ, và chính điều này làm cho chúng ta được tự do. Được dẫn đi theo cách thế đó, có thể trái với chính tư tưởng và kế hoạch của chúng ta, nhưng chúng ta cảm nhận điều mới mẻ- sự phong phú của tình yêu Thiên Chúa.

“Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”: Chúa Giêsu Kitô, vị Linh Tục Tối Cao thật sự của trần gian đã đem đến cho những lời này tính sâu thẳm mà trước đó người ta không thể hình dung được. Người vừa là Con vừa là Chúa, đã muốn trở thành người tôi tớ Thiên Chúa theo lối nhìn của sách tiên tri Isaia đã phác hoạ. Người đã muốn trở thành tôi tớ của tất cả mọi người. Người đã diễn tả tính toàn diện của chức linh mục tối cao trong cử chỉ rửa chân.

Với hành vi yêu thương cho đến cùng, Người rửa sạch các bàn chân dơ bẩn; với sự khiêm hạ trong việc phục vụ, Người thanh tẩy chúng ta khỏi căn bệnh tự phụ. Như thế Người làm cho chúng ta có thể trở nên bạn hữu củaThiên Chúa. Người đã bước xuống, và sự đi lên đích thực của con người giờ đây được thực hiện trong việc chúng ta đi lên cùng với Người và tiến đến với Người. Sự nâng lên của Người là Thánh Giá. Đây là sự tự hạ sâu thẳm nhất, và, cũng như tình yêu được đẩy đến cực độ, thì đồng thời đó cũng là đỉnh cao của sự đi lên, của việc “nâng cao” con người.

“Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”- điều này giờ đây có nghĩa là bước vào lời mời gọi của Người như người tôi tớ của Thiên Chúa. Như vậy, Bí tích Thánh Thể như là sự hiện thực của việc bước xuống và nâng lên của Chúa Kitô, sẽ vượt ra ngoài chính nó để quy về nhiều cách thức phục vụ bằng tình yêu thương người đồng loại. Ngày hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để có thể một lần nữa thốt lên tiếng “vâng” theo nghĩa đó để đáp lại lời mời gọi của Người: “Con đây. Lạy Chúa xin hãy sai con” (x. Is 6, 8). Amen.


Source:L’Espresso
 
Tin Tuần Hành Sự Sống 2020: một năm sau biến cố Covington, CNN phải xin dàn xếp
Trần Mạnh Trác
09:17 14/01/2020
Khoảng thời gian người Việt mừng Tết Canh Tý, thì ở Washington DC (và một số thành phố lớn Chicago, Denver, Dallas, San Francisco…) những người Công Giáo Hoa Kỳ cũng tham gia một cuộc tuần hành vĩ đại hằng năm (lần thứ 47) có tên là March for Life (Tuần Hành cho Sự Sống, ngày 25 tháng 1 năm 2020). Theo ban tổ chức, cuộc tuần hành ở DC thông thường qui tụ trên dưới nửa triệu người.

Năm nay đặc biệt có một tin vui, tuy là tin cá nhân nhưng lại có liên hệ mật thiết với cuộc tuần hành năm ngoái, đó là hãng CNN đã phải xin ‘dàn xếp ngoại toà’ vụ đáng tiếc gọi là biến cố Covington.

Biến cố Covington xảy ra trong bối cảnh cuả cuộc tuần hành ở Washington DC. Ở đây, các trường Trung và Đại Học Công Giáo khắp nước tổ chức xe buýt đưa các em tới Thủ Đô để gây sức ép cho phong trào lật đổ vụ án Roe v Wade (hợp pháp hoá phá thai toàn quốc) và được củng cố thêm niềm tin rằng: Sự Sống là thánh thiêng, quyền được sinh ra là bất khả xâm phạm và quyền làm người được kể từ khi bắt đầu thụ thai cho đến cái chết tự nhiên.

Chưa có sự việc đáng tiếc nào xảy ra trong suốt giòng lịch sử tuần hành. Người Công Giáo đi rước một cách trật tự, nghe phát biểu từ những nhà diễn thuyết nổi danh, cổ võ các chính trị gia có cùng quan điểm và dâng lễ cầu nguyện cho những thai nhi vô tội. Khi xong họ trở về êm ả cũng như khi tới. Giới truyền thông không đưa tin nhiều, hoặc chỉ nói qua loa cho có lệ.

Nhưng gần đây có sự gia tăng cuả giới trẻ mệnh danh là Thế Hệ Phò Sự Sống (Pro Life Generation), là lứa tuổi dưới 30, chiếm trên 50% tổng số số người tham dự và còn tăng lên mỗi năm, đại diện không chỉ cho Công Giáo mà thôi, mà còn có nhiều thành phần Tin Lành, Chính Thống Giáo, Anh Giáo và các tổ chức dân sự khác. Các doanh nghiệp phá thai và chính giới cánh tả bắt đầu lo ngại, số giới trẻ gia tăng là một điềm báo không hay cho tương lai cuả tả phái và kỹ nghệ phá thai, và họ đã cố gắng tổ chức những cuộc biểu tình phản bác, nhưng thường lẻ tẻ không qui tụ được nhiều người. Giới truyền thông cánh tả khi thu hình thì chủ ý là để ủng hộ cho nhóm thiểu số phò phá thai cuả họ, hoặc là nếu có thể, sẽ thừa dịp soi mói những lầm lẫn cuả cuộc Tuần Hành Sự Sống.

Năm 2019 vừa qua, hình như Cánh Tả này đã vồ được một vố khổng lồ!



Biến cố đáng tiếc năm 2019

Năm ngoái sau cuộc tuần hành ngày 18 tháng 1, một video clip (một đoạn cắt xén ngắn) đã được tung lên mạng xã hội cho thấy học sinh cuả trường trung học Công Giáo Covington ở Park Hills, Kentucky, chận đường một vị cao niên người Da Đỏ, là ông Nathan Phillips, không cho ông ta thực hiện một màn đánh trống và muá dân tộc cuả ông.

Nổi bật trong video là em Nick (Nicholas) Sandmann, 16 tuổi, em đã không nhường chỗ và lại có một nụ cười nhếch mép (khinh rẻ)!

Trả lời phỏng vấn trên CNN, ông Nathaniel Phillips tuyên bố rằng nếu ông ta chạm vào người thanh niên khinh thị ấy, thì có thể cả nhóm của nó sẽ ‘mở hội mùa xuân’ với ông. Ông ấy nói rằng ông sợ những thanh niên này và những gì họ sẽ làm cho đất nước này.

Không cần điều tra câu chuyện có thật hay không, hoặc lấy lời khai từ chàng thiếu niên và bạn bè cuả nó, CNN đã phát sóng những lời bình luận thật khe khắt, có thêm việc chê trách gắt gao các người giám hộ Công Giáo đi kèm đám trẻ mà đã không biết dậy giỗ chúng (lúc nào cũng ghép thêm chữ Công Giáo vào những gì xấu xa)

Đối với họ, đó là một câu chuyện hoàn hảo. Đứa trẻ là một đứa Công Giáo đội mũ MAGA! (Make America Great Again, khẩu hiệu tranh cử cuả ông Trump) Nó là một thằng da trắng, phản đối quyền lựa chọn của phụ nữ, đe dọa một người Mỹ bản địa, mà người này lại là một vị anh hùng ở chiến trường Việt Nam!

Những lời phê phán ác độc

Khi một hãng truyền thông lớn loan ra một tin sốt dẻo, thì các hãng khác cũng tranh đua kiếm khách, và những người nổi tiếng cũng ùa vào mà ăn có.

Howard Dean, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ, lên tiếng tố cáo trường Covington là “một nhà máy sản xuất căm thù. ”

Tác giả chương trình truyền hình Reza Aslan tweet rằng chàng trai trẻ mỉm cười trong chiếc mũ Maga đã có một “khuôn mặt đáng bị đấm.”

Nhà văn Sarah Beattie cuả Saturday Night Live tweet rằng cô ấy sẽ ‘làm tình’ với bất cứ ai dám đấm vào mặt thằng bé Maga đó.

Một trong những bịa đặt kích động nhất là từ Dân biểu Ilhan Omar ở bang Minnesota, cô ấy tweet rằng thằng bé đang phản đối quyền lựa chọn của người phụ nữ và đang hét lên 'không phải là hiếp dâm nếu bạn thích điều đó'. Cô ấy sau đó vội xóa tweet đi nhưng không hề có lời cải chính hay xin lỗi.

Bà Maggie Haberman của tờ New York Times thì nhận xét rằng có hàng chục học sinh đang cười và kích thích hành vi này. Bà ấy gợi ý rằng, rồi chúng cũng sẽ được các người Công Giáo lớn hơn che chở, và đặt một câu hỏi châm biếm rằng sẽ là rất thú vị để xem nếu có đứa nào thực sự bị đuổi học hay không? Bà ta muốn tạo ra một ấn tượng rằng các học sinh trung học Công Giáo là những mầm mống xâm hại.

Người dẫn chương trình HBO là Bill Maher gọi Sandmann với một từ tục tĩu thường được sử dụng để mô tả cơ quan sinh dục của người nam.

Washington Post bịa đặt ra một câu chuyện lèo lái vấn đề qua lãnh vực chính trị, dựa vào lý do có một số em đội mũ MAGA (chúng mới mua ở một chiếc xe bán hàng lẻ để làm kỷ niệm trước khi ra về,) họ loan truyền rằng các em đã hô vang khẩu hiệu ‘Xây Bức Tường’ (Khẩu hiệu thường được các cử tri cánh hữu hô lên trong các buổi mít tinh tranh cử, nhưng không hề có một video hoặc âm thanh nào ghi lại như thế cả.)

Nhưng số người phạm tội tồi tệ nhất là những nhân vật cuả CNN.

Bakari Sellers đã tweet, [Sandmann] là một thằng ngỗ nghịch, đáng bị đấm vào mặt.

Một nhân vật bảo thủ, bà SE Cupp có chương trình trên CNN tên là “Chuyện không lựa lọc” (Unfiltered), cũng tweet rằng “thằng bé đội mũ MAGA đang chế giễu một người Mỹ Da Đỏ cựu quân nhân tham chiến ở VN”. Sau này, bà ấy xin lỗi.

Những sự thật được phát hiện

Lúc cơn sóng tức giận lên đến cao độ thì cũng là lúc có các sự kiện trái ngược lộ ra. Một video khác dài hai giờ và bao gồm toàn bộ câu chuyện cho thấy, không giống như Clip được cắt xén trước, các học sinh Công Giáo Covington là những nạn nhân bị nguyền ruả bởi một nhóm Da Đen quá khích vào lúc chúng tụ tập đến điểm hẹn chờ xe buýt, và chúng đã được phép những người giám hộ hát to một bài ca cuả trường để lấn át đi, chúng đã không bao giờ bao vây hay đối đầu với ông Phillips và đứa trẻ ‘nhếch mép’ đã không hề chặn đường ông ta. Ngược lại, chính ông Phillips đã băng qua đường và xấn xổ tiến vào chỗ cuả chúng để tụng kinh và đập trống.



Chưa hết, người ta phát hiện ra rằng ông Phillips này đã không bao giờ được triển khai ra nước ngoài. Trong suốt những năm phục vụ trong quân đội, ông chỉ có nhiệm vụ sửa chữa tủ lạnh cho các văn phòng Thủy quân lục chiến ở bên Mỹ.

Ngay đêm đó, một video của Cơ quan Thông tấn Công Giáo cũng phát giác ra ông Phillips và một nhóm biểu tình đánh trống và đột nhập vào Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội trong khi đang có Thánh lễ tối. Bị chặn bởi các nhân viên bảo vệ, họ đã đập cửa hò reo inh ỏi. Phillips sau đó đọc một tuyên bố tố cáo các học sinh Công Giáo Covington và yêu cầu Giáo Hội Công Giáo phải chịu trách nhiệm về một cuộc diệt chủng dài hàng trăm năm và đòi trả tiền bồi thường đất đai và phục hồi cho người bản địa, ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Nếu các phương tiện truyền thông lớn và những phóng viên ưu tú của họ chỉ dành ra một chút nỗ lực mà thôi, để tìm hiểu sự thật về ‘nhân vật’ Phillips, thì có lẽ đã không có những cuộc tấn công vào những đứa trẻ vô tội.

Nhưng tiếc thay, vì đã lỡ leo lên lưng cọp, họ lờ đi!

Những hậu quả khôn lường

Cuộc tấn công tiếp tục nhiều ngày thậm chí kể cả sau khi sự thật đã rõ ràng và chính ông Nathan Phillips cũng đã thay đổi những lời tuyên bố có trước và lánh mặt không xuất hiện nữa.

Nhà báo Nathaniel Friedman đã tweet tên, địa chỉ, số điện thoại và thông tin cá nhân của các đưá bé. NBC cho phái viên đi đến Covington để lục lọi hồ sơ thuế ở địa phương và dùng các nguồn trực tuyến khác để bới móc Hội sinh viên Công Giáo Covington và gia đình của họ. Nhà trường, giáo xứ và thành phố Covington bị mang ra bêu xấu như là một thành trì cuả người Da Trắng cực đoan.

Các hãng truyền thông hầu như không có một chút e dè nào dù cho đã có cảnh báo cuả các chuyên gia pháp luật và giới hữu trách. Đặc biệt ông Thống Đốc cuả Kentucky lên tiếng phàn nàn rằng giới truyền thông đang xâm phạm đến những đứa trẻ vị thành niên, và rằng nguy cơ bị kiện có thể lên đến hàng trăm triệu đô la.

Các đe dọa bạo lực nặc danh đã xảy ra, nhà trường phải hủy bỏ lớp học cho đến khi các biện pháp an ninh được sắp xếp.

Vì những sự kết án căng thẳng từ nhiều người có tai mắt, Sandmann và gia đình đã phải hứng chịu những quấy rối và những lời doạ giết trong nhiều tháng trời. Họ phải rời nhà một thời gian, và chính Sandmann cũng không dám trở lại trường sau đó.

Trường học của Sandmann và Giáo phận Covington ban đầu cũng lên án hành vi của các học sinh cuả mình nhưng sau khi có thêm thông tin thì họ kêu gọi một cuộc điều tra khách quan về tình huống này.

Minh oan từ giáo Phận Covington

Cuộc điều tra được thực hiện bởi một công ty thám tử tư (detective) có đăng bạ trên toà án là công ty Greater Cincinnati Investigation do Giáo phận Covington ký hợp đồng, và họ đã không tìm thấy một bằng chứng nào về việc học sinh hô lên khẩu hiệu 'Xây Tường' và rằng lời khai của ông Phillips có nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết được nhưng các nhà điều tra đã không thể tiếp cận với ông ta vì ông cố tình lánh mặt.

Kết luận của báo cáo sau cùng, được Giáo phận Covington công bố vào ngày 13 tháng 2 năm 2019, đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các học sinh nói ra một "lời xúc phạm hoặc phân biệt chủng tộc".

Trong một bức thư gửi cho phụ huynh, Đức cha Roger J. Foys của Covington nói rằng Ngài hy vọng cuộc điều tra "đã minh oan cho các học sinh của chúng ta và hy vọng chúng có thể tiếp tục cuộc sống một cách bình thường."

Đức Cha Roger J. Foys nói thêm rằng các học sinh của chúng ta đã bị đặt trong một tình huống thật là kỳ quái và thậm chí bị đe dọa. Nhưng phản ứng của các em đối với hoàn cảnh này là đúng như sự mong đợi và thậm chí có thể nói là đáng khen ngợi.

Nhưng cũng như thường lệ, những ‘minh oan’ trên đã không được các hãng truyền thông cánh tả hoan hỷ đón nhận, nhưng tới lúc đó thì cuộc tấn công cũng chấm dứt, không ai dám bình luận ngược xuôi gì nữa, vì em Sandmann đã nộp đơn kiện.



Các vụ kiện

Sandmann và gia đình, với sự hổ trợ cuả luật sư đoàn Lin Wood, đã kiện các hãng truyền thông Washington Post (22 tháng 2), CNN (13 tháng 3), NBC Universal (1 tháng 5) với tổng số thiệt hại lên đến 800 triệu đô la.



Vụ Washington Post được xử trước tiên (26 tháng 7) và một thẩm phán đã bác bỏ các luận cứ chống lại tờ báo, lưu ý rằng họ có quyền tự do ngôn luận dựa vào Tu Chánh Án số 1. Tuy nhiên, vụ kiện đó đã được phục hồi (28 tháng 10) trên một cơ sở hẹp hơn, sau khi luật sư cuả Lin Wood sửa đổi một số ngôn ngữ. Các tiêu chỉ thu hẹp này sẽ có nhiều điểm lợi nếu tòa án đồng ý rằng em Sandmann không phải là một nhân vật công chúng.



Riêng về CNN, Sandmann đã kiện thiệt hại $275 triệu với lý do CNN đã vận động toàn bộ sức mạnh, ảnh hưởng và sự giàu có của công ty để làm hại, phỉ báng và bắt nạt em mặc dù em chỉ là một đứa trẻ vị thành niên.

Vụ kiện dựa vào 53 bút tích của CNN. Một bài viết có ý kiến của chủ bút, buộc tội các học sinh hành động phân biệt chủng tộc, dựa vào việc thiếu tôn trọng đối với ông Phillips. Một việc khác là cuả ông Bakari Sellers đã công khai hô hào hành hung Sandmann, và một việc liên quan đến ông Bill Maher, người dẫn chương trình HBO, chửi em bằng những ngôn từ tục tĩu.

CNN đã phản kháng (motion) xin bác bỏ đơn kiện vào tháng 5 với lý do rằng các lý lẽ về tâm lý phân biệt chủng tộc là không hợp lý trong một vụ kiện phỉ báng vì người ta không thể phơi bày ra ánh sáng những suy nghĩ thầm kín cuả một người. Họ lập luận tương tự rằng họ không có trách nhiệm pháp lý đối với các lời tuyên bố cuả người khác khi người đó suy đoán rằng Sandmann và các bạn đã hô khẩu hiệu ‘xây tường’. Motion cuả họ bị gạt bỏ.

Thoả thuận với CNN

Vào ngày 7 tháng 1 năm 2020, CNN đã đạt được một thỏa thuận với Nick Sandmann để dàn xếp ngoại toà.

Một hãng lớn có sức mạnh đồng tiền như CNN thì chỉ xin dàn xếp ngoại toà nếu họ thấy rằng việc phải ra toà công khai thì gây ra tổn hại (thanh danh, tiền cuả, thời giờ, bị bật mí…) hơn là việc phải đền tiền một cách bí mật, đó là chưa kể nếu mà bị thua thì có thể còn bị phạt cảnh cáo vì tội ương ngạnh cố chấp, và số tiền phạt thường tăng thêm gấp bội.

Số tiền CNN phải đền đã không được công khai trong phiên điều trần tại tòa án liên bang ở Covington, Kentucky. Luật sư của Sandmann, Todd McMurtry, cũng giữ kín không công bố số tiền và các thỏa thuận với CNN.

Cũng trong dịp (chiến thằng) này, luật sư McMurtry nói với Fox News rằng luật sư đoàn cuả ông sẽ kiện thêm 13 bị cáo khác và sẽ nộp đơn lên toà trong khoảng từ 30 đến 40 ngày.

Trong số các bị cáo là: ABC, CBS, The Guardian, Huffington Post, NPR, Slate, The Hill và ông Gannett người sở hữu tờ báo Cincinnati Inquirer, và nhiều trang web tư nhân nhỏ khác.

Vụ kiện chống lại NBC Universal và Washington Post thì đang chờ xử. “Những vụ án này sẽ được xét xử khi nó sẵn sàng, không sớm hơn một phút hoặc muộn hơn một phút,” luật sư cuả Lin Wood nói.

Người ta nghĩ rằng sau khi CNN bị buộc phải thương thuyết, thì các hãng và tư nhân khác cũng đã bắt đầu cảm thấy ‘lạnh gáy’ và sẽ là không đáng ngạc nhiên nếu có tin một cuộc dàn xếp hoặc một lời xin lỗi công khai trong một ngày không xa.

Ảnh hưởng vụ CNN

Việc thông tin vội vàng kéo dài và đầy ác ý trong biến cố Covington cho thấy có một lý do tiềm ẩn chính, đó là xu hướng chống Công Giáo cuả một số người thiên tả có nhiều tiền, nhiều quyền, nhiều thế.

Nhưng những việc làm ‘vung tay quá trán’ và vô tâm cuả họ cũng có những giới hạn mà ‘Tiền Quyền và Thế’ không thể che chở được! Phải chăng đây là lúc mà công lý được thực hiện? Là thời mà ‘có Vay thì phải có Trả’? Là lúc mà (như lời Chuá nói với Saolê) “Ngưoi dám giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi”!

Nhưng ơn cứu rỗi cũng không hoàn toàn đóng lại đâu.

“Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Chuá nói với Saolê, sau này đối tên là Phaolô).

Ngay bây giờ, nếu tìm trên Web, người ta thấy những người đã mang tội với những đứa trẻ Công Giáo ở Covington đã xoá bỏ hay đang tìm cách biện bạch về những lời bình luận xúc phạm trực tuyến của họ, một số khác đã đóng các hồ sơ trên mạng xã hội để khỏi phải nhận những lời bình phẩm cuả công chúng, và một số thì ‘nín thở chùm chăn’ không còn vênh váo như xưa.

Người ta thấy CNN đã có chiều hướng chuyển tin một cách cân bằng hơn tuy chưa hoàn hảo lắm, Post cũng đưa ra một bài cải chính nhưng bị chê trách là đã quá trễ và chỉ là âm mưu dùng ‘nước mắt cá sấu’ để tránh tránh nhiệm và giữ thể diện.



“Nếu phải chi họ nhận lỗi ngay để tránh cho bao người khác khỏi phải chịu những cảnh bi ai? Một lời nói thật mà khó đến thế ư?” là ý kiến của khá nhiều người viết lên Facebook, “sự thật sẽ giải phóng chúng ta!”

Hy vọng rằng điều này dạy tất cả các phương tiện truyền thông ở Hoa Kỳ một thái độ tôn trọng sự thật, công bằng, trách nhiện và khiêm tốn hơn trong những ngày sắp tới, khi họ đến Washington DC làm phóng sự cuộc Tuần Hành Sự Sống 2020 vào ngày 25 tháng 1 này.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự cuộc gặp gỡ vì hòa bình cho vùng Địa Trung Hải năm 2020.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
10:20 14/01/2020
ĐTC Phanxicô đến thành phố Bari lần đầu tiên vào ngày 7.7.2018. Ngài đã cùng với các lãnh đạo các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô giáo của miền Trung Đông tham dự cuộc gặp gỡ cầu nguyện đại kết cho hòa bình. Cuộc gặp gỡ lần này tại Bari có chủ đề “Địa Trung hải, biên giới của hòa bình” được Hội đồng Giám mục Ý tổ chức từ ngày 19 đến 23 tháng 2 năm 2020, sẽ quy tụ hơn 100 giám mục thuộc mười chín quốc gia trong vùng Địa Trung Hải. Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, cho biết ngày cuối cùng của chương trình sẽ kết thúc với sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Ngài sẽ gặp gỡ các tham dự viên và chủ sự Thánh lễ trong thành phố.

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Ý (CEI) tuyên bố: không bao giờ có thể có một châu u hòa bình, nếu không có hòa bình ở Địa Trung Hải. Nhưng "hòa bình không thể bị tóm gọn bằng một từ ngữ trìu mến hoặc một khái niệm cảm xúc. Những chiều kích này không thuộc về Giáo hội ", ĐHY Chủ tịch tổ chức sự kiện này đã cảnh báo. Trái lại, hòa bình ngụ ý "xây dựng cụ thể một con đường gắn kết xã hội, gặp gỡ giữa người và đối thoại giữa nam và nữ", ĐHY Bassetti giải thích ở Campobasso, vào thứ Tư ngày 8 tháng 1 khi mở đầu vòng hội thảo của Trường văn hóa và đào tạo xã hội - "Giuseppe Toniolo" của tổng giáo phận Campobasso-Bojano. Bên cạnh ngài, có Đức Tổng Giám Mục GianCarlo Maria Bregantini. Họ cùng nhau bật ngọn đèn hòa bình trước khi bắt đầu hội nghị với chủ đề là cuộc hẹn Puglia do Hội đồng Giám mục Ý cổ xúy. Sẽ trực tuyến đồng thời trên trang mạng ​​www.mediterraneodipace.it gồm những thông tin chi tiết về cuộc gặp gỡ. Trong logo, những bàn tay dang ra, một tham chiếu về cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc. Và logo của sự kiện được phổ biến như một dấu hiệu của cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc.

"Không thể biện luận rằng các cuộc xung đột ở Libya hay Syria không liên quan đến chúng tôi – ĐHY Bassetti giải thích ở Molise -. Đây là một lỗi lầm lớn lao và có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Địa Trung Hải đại diện cho cái nôi của một nền văn minh, trong đó Kitô giáo chắc chắn là một trong những thành viên sáng lập. Vì lý do này, như là các Giáo hội Địa Trung Hải, chúng ta có bổn phận luân lý phải cam kết thúc đẩy những nơi gặp gỡ và hòa bình bằng cách biến chúng ta thành người cổ xúy đối thoại tôn giáo và văn hóa ". Lưu vực này được đánh dấu bởi xung đột và căng thẳng. Và đang thổi lên ngọn gió của những cuộc chiến mới. "Chúng tôi yêu cầu với hy vọng rằng ngay cả hôm nay, khi chúng tôi trở lại để nói chuyện với nỗi thống khổ của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, ánh sáng của Chúa Kitô đã thắp sáng trái tim của những người cai trị và các dân tộc," Chủ tịch của CEI nói. Cuộc hẹn được lấy cảm hứng từ lời tiên tri của Giorgio La Pira cùng với "những cuộc nói chuyện Địa Trung Hải" của ông, coi biển lớn là "một vũ trụ của các quốc gia được chiếu sáng bởi Chúa Kitô và Giáo hội".

Đây sẽ là "một hội nghị của các giám mục dựa trên sự phân định cộng đồng, điều này sẽ cho phép định giá triệt để phương thức đồng nghị” Bassetti cho biết. Hơn 100 giám mục từ các Giáo hội nhìn ra biển lớn sẽ đại diện cho ba lục địa (Châu u, Châu Á và Châu Phi). Ngày cuối cùng của chương trình sẽ kết thúc với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài sẽ gặp gỡ các tham dự viên và chủ sự Thánh lễ trong thành phố. Trên các bước của "nhà tiên tri hòa bình" Giorgio La Pira, các giám mục sẽ đối đầu với nhau để chỉ ra những con đường hòa giải và tình huynh đệ cụ thể giữa các dân tộc trong một khu vực được đánh dấu bởi các cuộc chiến tranh, đàn áp, di cư, bất bình đẳng.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Avvenire.it
 
Nhận định của Matthew Schmitz, chủ biên tờ First Things, về cuốn sách của Đức Bênêđíctô và ĐHY Sarah
Đặng Tự Do
14:02 14/01/2020
Matthew Schmitz là một trong hai chủ biên của tờ First Things. Ông là cây bút thường xuyên của tờ Catholic Herald, và là cộng tác viên thường trực của New York Times, the Wall Street Journal, the Washington Post, the Spectator, và các báo chí khác tại Hoa Kỳ.

Hôm 13 tháng Giêng, tờ First Things đã đăng một bài nhận định của ông về cuốn sách mới của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


A Call to Arms

Một Lời Kêu Gọi Chiến Đấu

Matthew Schmitz


Ngay khi có tin cho biết Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Robert Sarah đã xuất bản một cuốn sách bảo vệ luật độc thân linh mục, hai vị đã lập tức bị buộc tội tấn công Đức Thánh Cha Phanxicô. Thoạt nhìn, ta thấy ngay đó là một cáo buộc kỳ lạ. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo vệ chuẩn mực độc thân linh mục, trong khi tự hỏi liệu các ngoại lệ mở rộng có khả thi hay không. Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah cho biết các vị hoàn toàn không chỉ trích Đức Thánh Cha, nhưng viết cuốn sách này “trong tinh thần vâng phục hiếu thảo đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Nhưng trong Giáo hội chúng ta ngày nay, bất kỳ sự khẳng định rõ ràng nào về chính thống đều được hiểu như là một thách thức đối với uy quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là một sự thật bi đát, mà Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều nhận thức rõ. “Chúng tôi muốn tách biệt với tất cả những gì có thể gây tổn hại cho sự hiệp nhất của Giáo Hội,” các ngài viết trong phần giới thiệu cuốn Từ thẳm sâu tâm hồn: Chức tư tế, Luật độc thân linh mục và Cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội Công Giáo” (First Things có trong tay bản sắp chữ của ấn bản tiếng Anh). “Những tranh cãi cá nhân, thao túng chính trị, những trò chơi quyền lực, những thao túng ý thức hệ và những lời phê bình đầy cay đắng là trò chơi của ma quỷ – là kẻ gây chia rẽ, và là cha đẻ của sự dối trá.”

Cho dù bày tỏ lòng vâng phục của mình, cả Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều cho rằng khoảnh khắc phi thường này đòi hỏi phải có một phản ứng ngoại thường từ giáo dân. Đức Hồng Y Sarah nhắc lại và đánh giá cao gương của Thánh Catêrina thành Siena. Ngài nhận xét rằng “Trước đây, phát biểu ý kiến tự do hơn so với ngày nay. Thật tốt để nhắc nhớ, như một mẫu gương, những lời trách móc của Thánh Catêrina thành Siena đối với Đức Giáo Hoàng Gregory XI. Giám mục nào, Giáo hoàng nào ngày hôm nay sẽ cho phép mình bị thách thức một cách kịch liệt như thế? Hôm nay, những tiếng nói háo hức tranh cãi sẽ ngay lập tức mô tả Thánh Catêrina thành Siena là kẻ thù của Giáo hoàng hay là kẻ cầm đầu các đối thủ của ngài.”

Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah cho rằng các vị có “bổn phận thiêng liêng phải nhắc nhớ sự thật về chức tư tế Công Giáo. Vì qua các tấn kích nhắm vào chức tư tế ấy, toàn bộ vẻ đẹp của Giáo hội đang bị đặt thành vấn đề.” Bổn phận long trọng này mở rộng đến tất cả các Kitô hữu. Các ngài viết “Điều cấp bách và cần thiết đối với tất cả mọi người – giám mục, linh mục và giáo dân là phải ngăn chặn đừng để mình bị đe dọa bởi những lời thỉnh cầu lầm lạc, những trò đóng kịch, những lời dối trá hiểm ác và những sai lầm thịnh hành của thời đại chúng ta đang cố gắng hạ thấp nếp sống độc thân linh mục. Chúng ta hãy lên tiếng mạnh dạn tuyên xưng đức tin mà đừng sợ bị cho là không có lòng bác ái.”

Điều này không gì khác hơn là một lời kêu gọi chiến đấu không dùng vũ khí thế gian, cũng không phá vỡ sự hiệp nhất Kitô giáo bằng những lời cay đắng, nhưng là sử dụng thanh kiếm của Thần Khí, là Lời Chúa. Cuốn sách này được dành riêng cho một tập hợp các suy tư thần học và mục vụ, được chia thành bốn phần: suy tư của Đức Bênêđíctô, suy tư của Đức Hồng Y Sarah, và lời giới thiệu cũng như kết luận của hai vị đồng tác giả.

Đức Bênêđíctô, trong phần suy tư của ngài, truy nguyên cuộc tấn công luật độc thân linh mục cho tới tận sự khinh miệt đối với chính ý tưởng chức tư tế, là điều đi liền với sự phủ nhận Cựu Ước của bè rối Marcion [nổi lên vào khoảng năm 144. Marcion tin Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế do Chúa Cha sai đến và Thánh Phaolô là vị tông đồ cả của Người. Nhưng ông phủ nhận Cựu Ước và Thiên Chúa của Israel – chú thích của người dịch] Trong lối văn xuôi sáng sủa không thể bắt chước được của mình, Đức Bênêđíctô mô tả cách thế các phong tục xung quanh việc kiêng khem tình dục trong chức tư tế thời Aaron đã tiền định sự hiểu biết của chính Giáo hội về luật độc thân linh mục như thế nào:

Sự tiền định trong Cựu Ước này được viên mãn nơi các linh mục của Giáo hội trong một cách thế mới mẻ và sâu sắc hơn: họ phải sống chỉ bởi Thiên Chúa và cho Người. Thánh Phaolô nói rõ ràng hệ quả của điều này một cách cụ thể. Người tông đồ phải sống dựa trên những gì mọi người ban cho anh ta, bởi vì chính anh ta ban cho họ Lời của Thiên Chúa là bánh chân chính và là cuộc sống đích thực của chúng ta. Trong Cựu Ước, các tư tế Lêvi từ bỏ quyền sở hữu đất đai. Trong Tân Ước, sự từ bỏ này được chuyển hóa và đổi mới nơi các linh mục, vì họ được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, từ bỏ hôn nhân và gia đình.

Đức Bênêđíctô cũng xúc động nhớ lại khi ngài được đón nhận vào hàng tư tế. Tại thời điểm đó, ngài không còn là giáo dân nữa nhưng trở thành giáo sĩ. Ngài đã đọc những lời Dominus Pars hereditatis meae et calicis mei, nghĩa là Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con, như một phần trong nghi thức phong chức, đó là một lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa – chứ không phải là đất đai, gia đình – là gia nghiệp và là chén phần phúc của linh mục.

Đức Hồng Y Sarah, rút ra từ kinh nghiệm của chính mình, công việc mục vụ cho những làng quê xa xôi thiếu vắng các linh mục dưới chính sách khủng bố của Sekou Toure, để kết luận rằng “phong chức linh mục cho người nam đã lập gia đình sẽ là một thảm họa mục vụ, dẫn đến sự nhầm lẫn giáo hội học và làm lu mờ sự hiểu biết của chúng ta về chức linh mục.” Ngài tin rằng việc cung cấp linh mục cho các làng quê chịu thiệt thòi bằng cách phong chức linh mục cho những người nam đã lập gia đình là một hành động khinh miệt, khi tước mất của họ quyền có được chứng tá của một người nam tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Ngài viết: “Tôi tưởng tượng việc loan báo Tin Mừng ở làng tôi sẽ như thế nào nếu như họ đã phong chức linh mục cho một người đàn ông có gia đình. Tôi chắc chắn sẽ không phải là một linh mục như ngày hôm nay, bởi vì tính cách triệt để trong cuộc sống của các nhà truyền giáo là những gì thu hút tôi.”

Theo quan điểm của Đức Hồng Y Sarah, quá nhiều linh mục Công Giáo “đã trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, chính trị hay kinh tế,” cung cấp được các nhu cầu vật chất chứ không phải là các nhu cầu tinh thần mà họ được ủy thác để chăm sóc. Ngài viết: “Tôi thấy hổ thẹn khi thừa nhận rằng anh chị em Tin Lành đôi khi trung thành với Chúa Kitô hơn chúng ta.”

Đức Hồng Y Sarah chỉ ra rằng tại đất nước của ngài, cũng như ở Nhật Bản sau khi các nhà truyền giáo đã bị hành quyết vì đạo hoặc bị trục xuất, chính các giáo lý viên giáo dân đã bảo tồn đức tin. Và một trong các yếu tố đức tin mà họ bảo tồn là chức tư tế độc thân. Các Kitô hữu Nhật Bản được dạy phải nhìn vào ba dấu chỉ sau để nhận biết ai là linh mục: “Họ sống độc thân, họ có một bức tượng của Đức Maria, họ vâng phục Đức Giáo Hoàng Rôma.” Điểm cuối cùng này không bị mất đối với Đức Hồng Y Sarah, là người không chỉ bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Thánh Cha Phanxicô nhưng (tôi có thể nói từ kinh nghiệm của mình) còn kêu gọi những người đến với ngài với những nghi ngờ và lo lắng hãy làm như vậy.

Cuộc sống độc thân đang bị tấn công. Những ai đang tìm cách bãi bỏ kỷ luật độc thân linh mục viện dẫn các ngoại lệ trước đây của quy luật này như là tiền lệ cho yêu sách của họ, nhưng thực tế họ hy vọng sẽ tiến xa hơn. Theo kế hoạch của họ, việc phong chức cho người nam đã có gia đình sẽ không phải là một ngoại lệ nhưng phải trở thành một chuẩn mực. Những suy tư của Đức Bênêđíctô chứng minh rằng động thái này thiếu sự đảm bảo thần học. Những phản ánh của Đức Hồng Y Sarah cho thấy nó thiếu sự biện minh mục vụ. Như thế thì điều gì đang thúc đẩy đề xuất thay đổi này?

Chúng ta đang sống không phải trong một thế giới phi Kitô giáo cho bằng trong một thế giới hậu Kitô giáo, nơi có đầy những con người phẫn nộ với Giáo hội vì đã nhắc nhở họ về những sự thật mà họ đã từ bỏ. Cơ man các giáo sĩ bối rối trước tình huống này và tìm kiếm những dịp để báo hiệu sự háo hức của họ đối với một Giáo hội buông trôi giáo huấn về tính dục, dẹp tan kỷ luật về tình trạng độc thân và từ bỏ bất cứ điều gì khác thiên hạ không vừa ý. Những người chống đối kỷ luật độc thân không đáp ứng các nhu cầu mục vụ cho bằng một mong muốn của hàng giáo sĩ được có hòa bình với thế gian, theo các điều khoản của thế gian. Bởi vì thế gian muốn chúng ta tuân phục những ưu tiên và quyền lực của nó, nó ghét sự độc thân, vì đó là một dấu chỉ cho sự vâng phục triệt để đối với Thiên Chúa.

Theo những cách khác nhau, Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều nhận ra rằng độc thân linh mục không phải là một kỷ luật độc đoán. Đó là một dấu chỉ cho thấy Giáo hội từ chối vâng phục luận lý của thế gian này và thay vào đó tuân theo luận lý của một thế giới nơi người ta không lấy vợ lấy chồng. Chừng nào các Kitô hữu vẫn còn bị cám dỗ thần tượng hóa các quyền lực trần thế – đảng phái, quốc gia và thị trường – thì chúng ta không thể bỏ rơi dấu chỉ trung thành với Nước Trời này.


Source:The First Things
 
Đức Bênêđíctô XVI bênh vực luật độc thân chống lại giới truyền thông, không chống Đức Phanxicô
Vũ Văn An
15:48 14/01/2020
Bất cứ động thái nào của Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đều được dư luận lưu ý, nhất là lúc ngài cùng Đức Hồng Y Sarah, một vị giáo phẩm có tiếng bảo thủ và không ăn khớp bao nhiêu với đường hướng của Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phanxicô, viết chung một tác phẩm nói về chức linh mục. Một vị Giáo Hoàng hưu trí và một vị Hồng Y viết về chức linh mục hẳn không có gì cần gây chấn động. Nhưng Reuters và nhiều cơ quan thông tấn khác không ngần ngại coi đó là một trái bom. Chắc chắn vì thời điểm công bố nó nhằm đúng lúc Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phanxicô sắp cho công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng về Vùng Amazon, trong đó, có người phỏng đoán ngài sẽ cho phép truyền chức linh mục cho các người đàn ông hiện có gia đình (viri probati). Động thái của Đức Bênêđíctô XVI, vì thế, bị một số người coi là một phản kháng chống lại mưu toan ấy.



Tạp chí Catholic World Report (https://www.catholicworldreport.com/2020/01/12/pope-emeritus-benedict-cardinal-sarah-author-new-book-on-priesthood-celibacy) tuy cho rằng tác phẩm này được hình thành trong mùa hè và mùa thu năm 2019, lúc đang diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, nhưng nhấn mạnh: trong phần dẫn nhập, hai tác giả viết rằng các ngài “trong tình anh em, cung hiến các suy tư này cho dân Chúa và, dĩ nhiên, trong tinh thần vâng lời con thảo, với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Nền giải thích “gián đoạn”

Dù Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI vốn không ưa thích nền giải thích “gián đoạn”, nhưng nhiều người vẫn cứ muốn ngài trở thành người “gián đoạn” đối với vị kế nhiệm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Một trong số người này là Nicole Winfield của A.P. (xem Pope Benedict XVI breaks silence to reaffirm priest celibacy).

Nữ ký giả trên gọi đây là “cuốn sách gây chấn động vào đúng lúc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cân nhắc có nên cho phép những người đàn ông có vợ được tấn phong để giải quyết nạn thiếu linh mục hay không”.

Windfield cũng cho rằng việc lên tiếng của Đức Bênêđíctô là một điều “ngoại thường, vì ngài từng hứa sẽ giữ ‘im lặng trước thế giới’ khi từ nhiệm năm 2013, và thề hứa vâng lời vị tân Giáo Hoàng”. Động thái này “đụng ngay vào trái tim của một vấn đề đầy chính sách hiện người ta đang mong Đức Phanxicô cân nhắc trong những tuần lễ tới, và có thể được xem như một mưu toan công khai của vị cựu Giáo Hoàng nhằm xoay chiều suy nghĩ của vị đương kim”.

Ký giả này nhận định thêm: “hệ luận của một can thiệp như thế khá nghiêm trọng, vì sự chống đối hiện nay đối với Đức Phanxicô bởi phe bảo thủ và duy truyền thống luôn tiếc nuối nền chính thống của Đức Bênêđíctô, một số người trong số họ thậm chí còn coi việc ngài từ nhiệm là bất hợp pháp.

“Chắc chắn việc này sẽ gây lo âu trở lại đối với sự khôn ngoan trong quyết định của Đức Bênêđíctô trở thành “Giáo Hoàng hưu trí” chứ không phải chỉ là một Giám Mục hưu trí, và tình huống vô tiền khoáng hậu ngài đã tạo ra qua việc có đến hai Giáo Hoàng, một hưu trí và một cai trị, sống cạnh nhau tại Vatican”.

Windfield thậm chí còn phê phán luôn cả ấn bản tiếng Anh của cuốn sách, trong đó liệt kê tác giả là “Đức Bênêđíctô XVI” mà không hề nhắc đến tước “hưu trí” gì cả.

Sandro Magister (xin xem A Bombshell Book. Ratzinger and Sarah Ask Francis Not to Make an Opening for Married Priests) cũng nằm trong số những người thích nền “giải thích gián đoạn”. Ký giả này minh nhiên nối kết trước tác này với Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon và nhất là việc sắp công bố tông huấn dựa vào các nghị bàn tại Thượng Hội Đồng này.

Ông quả quyết: khi rõ ràng và mạnh mẽ biện luận để ủng hộ luật độc thân của linh mục, các vị đã “ngỏ với đức đương kim Giáo Hoàng gần như bằng các lời lẽ của một tối hậu thư”. Ông trích dẫn (lời của Đức Hồng Y Sarah): “Có một mối nối kết hữu thể học và bí tích giữa chức linh mục và luật độc thân. Bất cứ sự giảm bớt nào đối với mối nối kết này đều có nghĩa là nghi vấn huấn quyền của Công Đồng và của các vị Giáo Hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II, và Bênêđíctô XVI. Con khiêm cung nài xin Đức Giáo Hoàng che chở chúng con một cách dứt khoát khỏi một biến cố như thế, bằng cách phủ quyết chống lại bất cứ việc làm suy yếu nào luật độc thân linh mục, dù chỉ giới hạn tại vùng này hay vùng nọ”.

Điều lý thú, không những đồng ý với Tạp chí Catholic World Report, khi cho rằng tác phẩm này được soạn thảo nhân dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon, Sandro Magister còn liệt kê ngày viết của từng bài một. Như bài đầu tiên, tức bài dẫn nhập, do cả hai tác giả ký tên, viết hồi tháng 9 năm 2019. Bài hai của Đức Bênêđíctô viết ngày 17 tháng 9. Bài ba do Đức Hồng Y Sarah viết ngày 25 tháng 11, bài 4 do hai tác giả viết ngày 3 tháng 12... Nghĩa là trước hoặc ngay sau Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon.

Edward Pentin (xin xem Pope Benedict Co-Authors New Book With Cardinal Sarah on the Priesthood) cũng nhấn mạnh đến việc hai tác giả xin “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đừng cho phép việc phong chức linh mục cho các người đàn ông có vợ trong Giáo Hội Latinh”. Nếu không, sẽ đặt “tương lai Giáo Hội vào thế nguy hiểm”.

Chống các phương tiện truyền thông không chống Đức Phanxicô

Tuy nhiên, Pentin trích dẫn bài báo của ký giả Guènois, thuộc tờ Figaro, viết rằng cuốn sách không chứa “bất cứ lời gây hấn hay bút chiến” nào chống Đức Phanxicô. “Trái lại”, ký giả này cho hay cả hai tác giả “đều tự trình bầy mình như hai Giám Mục” vâng phục Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “trân qúi sự thật” và hành động “trong tinh thần yêu thương đối với sự hợp nhất của Giáo Hội”.

Các ngài cũng nhấn mạnh các ngài không hề hành động theo “ý thức hệ” vốn chỉ “chia rẽ” hay theo “những cuộc cãi cọ giữa người ta, các ma-nớp chính trị, các trò chơi quyền lực, các thao túng ý thức hệ và các chỉ trích cay đắng vô tình sa vào bàn tay ma qủy, kẻ chia rẽ, cha các gian dối”.

Nhân dịp này, theo Pentin, Guènois giải thích diễn trình hoàn thành cuốn sách. Theo ông, cả Đức Bênêđíctô XVI lẫn Đức Hồng Y Sarah đều đã khai triển được một liên kết mạnh mẽ trong mấy năm qua. Đức Hồng Y thường tới thăm Đức Giáo Hoàng hưu trí tại Đan viện Mater Ecclesiae. Ý tưởng về một công trình chung nẩy sinh cách nay một năm, nhưng hình thức của công trình thì chỉ xuất hiện trong thời gian Thượng Hội Đồng Amazon, trong đó, Đức Hồng Y Sarrah là một thành viên và là nơi 2/3 các nghị phụ ủng hộ việc phong chức linh mục cho các viri probati tại Amazon.

Guènois cho rằng: khả thể Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể phê chuẩn đề nghị của các nghị phụ Thượng Hội Đồng Amazon là “một trong các ngòi nổ phát sinh ra dự án này” dù Đức Bênêđíctô XVI đã “soạn một số nhận định cho một tài liệu có thể có về ‘cuộc khủng hoảng chức linh mục’. “Cuối cùng, ngài bỏ cuộc vì ‘mệt mỏi’, và Đức Hồng Y Sarah quyết định tiếp nối.

Guènois cho biết thêm “qua việc trao đổi tài liệu và trong các buổi làm việc, các ngài nói tiếng Pháp và tiếng Ý, các ngài đã tinh chỉnh hai bản văn liên hệ và viết phần dẫn nhập và phần kết luận chung với nhau”.



Riêng Charles Collins của tạp chí Crux (xin xen Benedict is defending celibacy from the media, not from Francis), cho rằng khi vừa nghe tin cuốn sách, “Twitter bùng nổ, với ý kiến chung cho rằng Đức Bênêđíctô cố gắng điều khiển bàn tay Đức Phanxicô về luật độc thân linh mục”. Nhưng theo ông, có lẽ không phải như vậy.

Lý do là cả Đức Bênêđíctô, Đức Hồng Y Sarah lẫn Đức Phanxicô đều nhất trí: sẽ không có kiểu “độc thân nhiệm ý” (optional celibacy) cho các linh mục. Collins trưng dẫn lời Đức Phanxicô trên đường từ Panama trở về Rôma đầu năm 2019: Độc thân là một hồng phúc Chúa ban cho Giáo Hội, và “tôi không đồng ý cho phép độc thân nhiệm ý”...

Thứ hai, ý niệm luật trừ vì lý do mục vụ (thiếu linh mục) như tại các hòn đảo xa xôi của Nam Thái Bình Dương và vùng Amazon của Đức Phanxicô không hẳn xa lạ đối với Đức Bênêđíctô vì ngài đã cho phép các mục sự Anh giáo có vợ được tấn phong linh mục khi trở lại Công Giáo. Chính ngài lập ra 3 tòa bản quyền để quản trị các cộng đồng từ Anh giáo trở lại Công Giáo.

Vậy thì tại sao lại bận tâm xuất bản một cuốn sách như thế trong bối cảnh hiện nay? Collins cho hay: theo các trích đoạn đăng trên tạp chí America, các tác giả biểu lộ quan ngại rằng “thứ Thượng Hội Đồng kỳ lạ của truyền thông đã thắng thế so với Thượng Hội Đồng đích thực” nên các tác giả kêu gọi Giáo Hội “không nên bị ấn tượng” bởi “các vận động xấu xa, những dối trá ma qủy, những cách thế sai lạc chúng muốn dùng để hạ giá luật độc thân linh mục” trong các tường trình của truyền thông về Thượng Hội Đồng Amazon.

Thành thử theo, Collins, tô vẽ trước tác này như một cuộc tấn công vào Đức Phanxicô là việc của truyền hình cáp chứ không phản ảnh thực tại.

Bình luận chính thức của Tòa Thánh

Trên trang mạng chính thức của Tòa Thánh, Vatican News, Andrea Tornielli, giám đốc xã luận của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh (xem A contribution on priestly celibacy in filial obedience to the Pope), cũng nhắc lại cam kết của nhị vị tác giả tác phẩm trên trong việc “vâng phục con thảo đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, luôn tìm kiếm sự thật trong “tinh thần yêu mến tình hợp nhất của Giáo Hội”.

Tornielli cũng nhắc lại luật trừ từng được Đức Bênêđíctô XVI áp dụng trong Tông hiến Anglicanorum coetibus, dành cho các mục sư Anh Giáo tìm cách hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Ông cũng nhắc lại các tuyên bố công khai của Đức Phanxicô về luật độc thân linh mục để nhấn mạnh việc ngài nhất quyết không thay đổi luật này.

Theo Tornielli, ngay lúc còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, Đức Phanxicô đã triệt để đề cao luật độc thân linh mục. Rồi cuộc họp báo trên đường từ Panama trở về Rôma, với câu nói thời danh được Tornielli trích dẫn: “Tôi được nhắc nhở câu nói của Thánh Phaolô VI: ‘tôi thà chết còn hơn thay đổi luật độc thân... Bản thân tôi, tôi nghĩ luật độc thân là một hồng phúc dành cho Giáo Hội. Thứ hai, tôi không đồng ý cho phép sống độc thân nhiệm ý, không”. Tuy nhiên, cùng một lúc, ngài cho thấy khả thể truyền chức cho các viri probati ở những vùng xa xôi hẻo lánh kinh niên thiếu linh mục. Tuy nhiên “chưa có quyết định về phía tôi. Quyết định của tôi hiện là: độc thân nhiệm ý trước chức phó tế, không. Đó là một điều đối với tôi, một điều thiết thân, tôi sẽ không làm vậy, điều này vẫn còn rõ ràng. Tôi có thể ‘đóng [vấn đề]’ được không? Có lẽ. Nhưng tôi không muốn xuất hiện trước mặt Thiên Chúa với quyết định như thế”.

Còn về các bàn luận và quyết định trong Thượng Hội Đồng Amazon, Tornielli cho hay: có những Giám Mục yêu cầu phong chức linh mục cho các viri probati. Tuy nhiên, ngày 26 tháng 10, trong diễn văn bế mạc của ngài, sau khi theo dõi mọi giai đoạn bàn thảo, Đức Phanxicô đã không nhắc gì tới đề tài phong chức cho các viri probati, dù là thoáng qua. Thay vào đó, ngài nhắc lại 4 chiều kích của Thượng Hội Đồng: hội nhập văn hóa, sinh thái, xã hội và cuối cùng, chiều kích mục vụ. Và ngài yêu cầu giới truyền thông nên tập chú vào 4 khía cạnh đó khi phổ biến tin tức về Thượng Hội Đồng Giám Mục Amazon, tránh sa vào nguy cơ chỉ tập chú vào việc ‘bên nào thắng bên nào thua’...

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, trong tuyên bố ngày 13, cũng đã chính thức nhắc lại lời lẽ của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Panama trở về Rôma để đáp ứng việc công bố trước tác của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Sarah: “ ‘Tôi thà chết hơn là thay đổi luật độc thân’. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi trích dẫn lời lẽ nổi tiếng của thánh Phaolô VI, đã phát biểu rõ ràng lập trường của ngài...”

Nguyên văn tuyên bố của Ông Matteo Bruni:

Trả lời các câu hỏi của các nhà báo, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, Matteo Bruni, tuyên bố như sau:

Lập trường của Đức Thánh Cha về luật độc thân đã được mọi người biết. Trong cuộc đàm thoại với các nhà báo trên chuyến trở về từ Panama, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “Một câu của Thánh Phaolô VI xuất hiện trong đầu tôi: ‘Tôi thà chết còn hơn thay đổi luật độc thân’”. Và ngài nói thêm: “Bản thân tôi, tôi nghĩ luật độc thân là một hồng phúc cho Giáo Hội. Tôi không đồng ý cho phép việc độc thân nhiệm ý, không. Chỉ một ít khả thể có thể có tại những địa điểm xa xôi hẻo lánh – tôi nghĩ tới các đảo Thái Bình Dương... [...] khi có nhu cầu mục vụ, ở đó, mục tử phải nghĩ đến các tín hữu”.

Liên quan tới cung cách trong đó chủ đề này thích ứng với việc làm tổng quát hơn của Thượng Hội Đồng Giám Mục mới đây về Toàn vùng Amazon và việc rao giảng Tin mừng của nó, trong phiên họp cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng “tôi rất hài lòng khi chúng ta không sa vào chỗ bị cầm tù bởi các nhóm lựa lọc chuyên chỉ nhìn những gì Thượng Hội Đồng quyết định về điểm này hay điểm nọ thuộc nội bộ Giáo Hội, và bác bỏ toàn bộ [việc làm] củaThượng Hội Đồng vốn là các chẩn đoán mà chúng ta đã thực hiện trong bốn chiều kích” (mục vụ, văn hóa, xã hội và sinh thái)”.
 
Đánh hội đồng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah là sai
Đặng Tự Do
17:31 14/01/2020


Ngay sau khi tờ Le Figaro công bố một trích đoạn của cuốn “Des Profondeurs de nos cœurs”, nghĩa là “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi”, một trận bão tố dấy lên trên các phương tiện truyền thông xã hội. Các báo lớn có khuynh hướng cổ vũ cho trào lưu cấp tiến trong Giáo Hội như tờ New York Times, Washington Post.. đều nhập cuộc với các bài chỉ trích Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah. Trận đánh hội đồng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah diễn ra ác liệt nhất là trên Twitter với hashtag #BenedictoXVI. Hai nhân vật tiên phong trong trận đánh hội đồng này là bà Eva Fernández, thông tín viên thường trú tại Vatican của COPE, một đài radio của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha; và Austen Ivereigh, người viết tiểu sử Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Eva Fernández và Austen Ivereigh tấn công trực diện Đức Hồng Y Robert Sarah, cáo buộc đây là âm mưu của vị Hồng Y tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Eva Fernández tweet rằng, theo “nguồn tin riêng” của bà, Đức Bênêđíctô không hề viết một chữ nào. Cuốn sách hoàn toàn là một âm mưu của vị Hồng Y. Austen Ivereigh củng cố lập trường này bằng cách cho rằng Đức Bênêđíctô chỉ có thể tỉnh táo cùng lắm là 30 phút trong một ngày không thể viết lách được điều gì. Nhận định của Austen Ivereigh bị những người thăm viếng Đức Bênêđíctô trong thời gian gần đây bác bỏ.

Đáp lại, Đức Hồng Y Robert Sarah tung ra trên Twitter các phóng ảnh thư từ qua lại giữa hai vị và Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô khẳng định những bài viết ký tên Đức Giáo Hoàng danh dự “100 phần trăm là của Đức Bênêđíctô” (mặc dù ngài không phải là đồng tác giả của lời phi lộ và lời kết như được giới thiệu trên tờ Le Figaro).

Chính Đức Bênêđíctô cũng viết rằng “Tôi đã bắt đầu công việc suy tư thần học này, nhưng tuổi tác và sự mệt mỏi đã khiến tôi từ bỏ. Những trao đổi của tôi với Hồng Y Robert Sarah đã cho tôi sức mạnh để tiếp tục và hoàn thành nó.”

Cuộc tấn công quay sang nhắm vào cả hai vị với những lời cáo buộc là hai vị đang chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô, và Đức Bênêđíctô đang cố gắng thao túng Đức Phanxicô về luật độc thân linh mục. Eva Fernández và Austen Ivereigh được nhanh chóng tăng viện với một quân số đông đảo từ ZdK, Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ đánh hội đồng hai vị này là sai và nó đe dọa các cuộc thảo luận hữu ích trong Giáo Hội có thể diễn ra trong thanh thản và hiệp nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một quan điểm ủng hộ mạnh mẽ kỷ luật hiện tại. Trong cuộc gặp gỡ các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Panama hồi tháng Giêng năm ngoái, Đức Giáo Hoàng nhắc lại rằng trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, vị linh mục tương lai có thể lựa chọn độc thân hoặc kết hôn trước khi được phong chức phó tế; nhưng liên quan đến Giáo Hội Latinh, ngài nói thêm “Tôi nhớ lại câu Thánh Phaolô Đệ Lục đã nói: 'Tôi thà hy sinh mạng sống của mình hơn là thay đổi luật độc thân linh mục. Nó ập đến trong trí tôi và tôi muốn nói điều đó, bởi vì đó là một lời can đảm, trong một thời điểm khó khăn hơn thế này, vào những năm 1968/1970... Cá nhân tôi nghĩ rằng độc thân linh mục là một ân sủng cho Giáo hội. Thứ hai, tôi không đồng ý với việc cho phép độc thân tùy chọn, không.” Ngài cũng nói về các cuộc thảo luận giữa các nhà thần học về khả năng miễn trừ đối với một số vùng sâu vùng xa, chẳng hạn như các đảo ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngài khẳng định “không có quyết định về phần tôi. Quyết định của tôi là: độc thân tùy chọn trước khi được phong phó tế, không. Đó là một quyết định riêng tôi, một cái gì đó cá nhân, tôi sẽ không làm điều đó, điều này vẫn rõ ràng. Tôi có ‘đóng kín’ không? Có thể là thế. Nhưng tôi không muốn xuất hiện trước mặt Thiên Chúa với quyết định này”.

Đức Phanxicô nói với các ký giả là ngài vẫn để ngỏ khả năng cho việc nới lỏng kỷ luật, và kết luận nhận xét của mình bằng cách nói rằng “tôi không nói rằng nên làm điều đó - vì tôi chưa suy tư đủ, tôi chưa cầu nguyện đầy đủ về điều này - nhưng thần học về vấn đề này nên được nghiên cứu.”

Đức Giáo Hoàng danh dự và Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã đưa ra một suy tư thần học hữu ích bất kể rồi ra Đức Phanxicô có đưa ra các trường hợp ngoại lệ nào hay không đối với luật độc thân trong Giáo Hội Tây phương. Trong thực tế, cuốn sách của hai vị là một suy tư sâu sắc về chức tư tế. Phát biểu của các ngài về một lập trường mạnh mẽ liên quan đến luật độc thân linh mục là kết quả của những cân nhắc tổng quát, hơn là một động cơ của các vị.

Nói tóm lại, “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi” đề cập đến vấn đề luật độc thân linh mục, giải thích lý do tại sao đó là một ân sủng cần được bảo vệ và trân trọng. Các ngài không viết để chống lại quan điểm riêng của Đức Giáo Hoàng về vấn đề này. Thực sự là hoàn toàn ngược lại.

Các tác giả đã đưa ra những suy tư của các ngài cho toàn thể Giáo hội, và, với tinh thần vâng phục hiếu thảo, đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Phanxicô cũng đã khuyến khích tinh thần thẳng thắn - parrhesia - giữa hàng giáo sĩ và thực sự trong toàn Giáo hội, mọi người nam nữ ở mọi lứa tuổi, giới tính và tình trạng của cuộc sống. Như thế, đánh hội đồng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah là sai.

Đặc biệt trong bối cảnh cuốn sách chưa ra đời, chưa rõ nội dung ra sao đã đồng loạt tổng tấn công hai vị thì quá là vô lý.


Source:Catholic Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt Sàigòn Kỷ niệm 65 năm thành lập
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:21 14/01/2020
“ 65 năm thành lập giáo xứ là một chặng đường dài, trong chặng đường này, Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta rất nhiều ơn lành của Chúa…”Đó là lời nhắn nhủ của Lm chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ khi ngài chủ tế Thánh lễ Mừng kỷ niệm 65 năm thành lập giáo xứ Tân Việt diễn ra lúc 17g30 thứ hai 13/1/2020, đồng tế với ngài là Lm phó xứ Giuse Đỗ đức Hạnh, Lm Phaolo Đinh văn Đông và Lm Giuse Đinh Trần trung Hiếu.

Xem Hình

Tham dự Thánh lễ có quý chức HĐMV, đại diện các đoàn thể cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ.

17g toàn thể cộng đoàn cùng tập trung tại hội trường giáo xứ cùng với Lm chủ tế cử hành nghi thức làm phép Nhà chầu Thánh Thể và Nhà chờ Phục sinh. Đây là hai công trình của giáo xứ mừng kỷ niệm 65 năm thành lập.

Sau đó Quý chức HĐMV và đại diện các đoàn thể rước quý cha đồng tế tiến vào cung thánh bắt đầu Thành lễ tạ ơn.

Đầu lễ Lm chủ tế nhắn nhủ: 65 năm thành lập giáo xứ là một chặng đường dài, trong chặng đường này, Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta rất nhiều ơn lành của Chúa.Nhìn lại quá khứ chúng ta nhớ đến công ơn của các cha đã góp phần xây dựng giáo xứ cũng như rất nhiều quý vị ân nhân thân nhân để rồi là những người con của giáo xứ trong thời điểm hiện tại, chúng ta có trách nhiệm kế thừa những truyền thống tốt đẹp và phát huy tinh thần ấy nhằm giúp giáo xứ chúng ta ngày càng phát triển.

Chia sẻ Tin mừng Lm chủ tế nói: Thánh lễ tạ ơn hôm nay chúng ta dành để tạ ơn Chúa, tạ ơn vì Chúa đã luôn đồng hành với giáo xứ chúng ta cũng như Ngài đã ban biết bao ơn lành xuống từng người, từng gia đình trong cộng đoàn giáo xứ Tân việt thân yêu, chúng ta cũng không quên cha cố Đa minh cũng như các bậc tiền bối đã góp công đặt nền móng và xây dựng giáo xứ để chúng ta có được ngày hôm nay.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy sứ điệp Chúa gởi đến mỗi người là hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng vì nước trời đã gần đến. Sám hối là nhìn lại bản thân mình, nhìn lại những thiếu xót, những bất toàn để rồi canh tân, đổi mới bản thân để nên giống Chúa là Đấng chân thiện mỹ.

Thánh lễ tiếp tục với Lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.

Sau khi nhận phép lành cuối lễ Quý cha đồng tế và toàn thể cộng đoàn cùng cung nghinh Mình Thánh Chúa ra Nhà Chầu Thánh Thể và cùng tham dự giờ chầu Thánh Thể mọi.

Hồi tưởng lại quãng thời gian dài đã qua với những thăng trầm của cuộc sống. Tất cả mọi sự đều theo dòng thời gian trôi qua, giờ nhìn lại nhận ra biết bao ơn lành Chúa đã thương ban. Cộng đoàn giáo xứ chúng con dâng lời tạ ơn và chúc tụng Chúa, đồng thời tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đi trước dọn đường, cám ơn những vị ân nhân chung tay góp sức xây dựng giáo xứ Tân việt thân yêu này.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm: Thường Huấn cho quý chị cao niên
Nt Teresa Ngọc Lễ, O.P
09:51 14/01/2020
Để quý Chị Cao niên của Hội Dòng có được nhiều cơ hội tìm thấy niềm vui an bình của tuổi già, cũng như để Hội Dòng, các chị em nhỏ có cơ hội được phục vụ quý chị cao niên, vì thế, Bề Trên Tổng quyền đã sắp xếp thời gian để tổ chức riêng những ngày thường huấn cho quý chị cao niên từ ngày 8/1 đến 11/1/2020. Dù ở nhiều cộng đoàn gần hay xa từ 10 km hay cho đến hơn 1000 km, quý chị cao niên đã cố gắng sắp xếp thời gian để về tham dự những ngày thường huấn đặc biệt dành riêng cho mình.

Gọi là thường huấn, nhưng chương trình thật nhẹ nhàng, mà lại khá chất lượng. Chất lượng ở đây chính là quý chị cao niên cảm nhận niềm vui và hạnh phúc, được chăm sóc kỹ lưỡng từ thể chất lẫn tinh thầm, đến nỗi nhiều chị đã đùa vui với sự thật “Ôi, được chăm sóc’chu vi’ quá đi thôi!” Ngoài ngày thứ tư với chuyến dã ngoại tại khu suối nước nóng- Bình Châu, Bà Rịa, Vũng Tàu, cũng như thăm các cộng đoàn vùng miền biển duyên hải, thì vào buổi sáng của ba ngày đầu là những bài nói chuyện khác nhau, và chương trình buổi chiều là “chị kể em nghe”.

Xem Hình

Vị diễn thuyết của ngày đầu tiên khiến quý chị cao niên nghe không biết ngủ là Cha Giuse Hà Đăng Định, cha xứ Thánh Tâm và cũng là Thư ký của Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Bài chia sẻ, nói chuyện của Cha Giuse không đề cập gì đến những kiến thức cao siêu, nhưng xoay quanh đến niềm vui, hạnh phúc của một người tu sĩ, đặc biệt là tu sĩ đã có tuổi. Theo Cha Giuse, khi mà nhiều người đang háo hức với niềm vui Xuân, vì họ có thời gian nghỉ ngơi, mua sắm, trưng diện, gặp gỡ ai đó…thì đối với người tu sĩ, và đặc biệt với những tu sĩ đã cao niên, thì niềm vui bên trong nơi họ, niềm vui thiêng liêng, niềm vui của nội tâm hóa là quan trọng hơn cả. Bởi với người tu sĩ, chỉ có niềm vui đích thực là ở nơi Thiên Chúa. Để rồi, khi họ có được niềm vui quý giá và không có gì có thể thay thế được, người tu sĩ sẽ đem niềm vui đó vào trong đời sống cộng đoàn, tận hưởng niềm vui của tình huynh đệ trong nghĩa sâu xa nhất.

Sang ngày thứ hai trong bốn ngày thường huấn, các chị cao niên được dẫn đi “tham quan” gần như “vòng quanh trái đất” với những tin tức liên quan đến Dòng Đa Minh thế giới và các dòng nữ Đa Minh, nhất là ở Việt Nam. Vị giảng thuyết có tài dẫn chị em đi, chẳng ai khác chính là chị Bề Trên Tu viện Catarina, và cũng là nguyên BTTQ. Vì là thành viên khách mời của Tổng Hội Biên Hòa của Dòng Đa Minh (diễn ra từ tháng 6/7-4/8/2019), nên Chị Maria kể nhiều chuyện thú vị đến Tổng Hội mà chị đã tham dự, cũng như một số dòng nữ Đa Minh mà có dịp chị đến thăm vì công việc… Thêm nữa, chị còn mời gọi quý chị cao niên cùng hiệp thông với Giáo Hội khi điểm lại một số những sự kiện đáng chú ý, được xem là khó khăn và thử thách với Giáo Hội.

Buổi sáng ngày thứ ba dành đặc biệt cho Bề Trên Tổng quyền Maria Madalena Phạm Thị Huy gặp gỡ quý chị. Trong tâm tình rất yêu thương, kính trọng quý chị cao niên, Bề trên đã bày tỏ tâm tình mong muốn đem niềm vui đến cho quý chị, là những thành viên rất quý giá của Hội Dòng. Chính quý chị đã đóng góp rất nhiều công sức, hy sinh, lời cầu nguyện bằng tình yêu và lòng nhiệt thành cho sự phát triển, thăng tiến của Hội Dòng trong nhiều mặt. Bề trên muốn được đem đến niềm vui cho quý chị vì ở vào độ tuổi mà bệnh tật không thể không ghé mắt đến, đã khiến các chị mệt mỏi, đau yếu. Niềm vui đem đến, và cũng đồng thời nhắc và mong muốn các chị đón nhận những bệnh tật, những mỏi gối chùn chân do tuổi gia bằng sự bình an, vui tươi và phó thác. Đồng thời, Bề trên Tổng quyền cũng nhấn mạnh đến việc cổ võ ơn gọi, mời gọi các chị cộng tác qua gương sáng, lời cầu nguyện và tìm kiếm với nhiều cách thế khác nhau. Không chỉ chia sẻ, nhưng Bề trên đã dành thời gian để lắng nghe những thao thức của các chị về hội dòng, về những gì liên quan đến đời sống tu trì của cá nhân quý chị.

Những buổi chiều của các ngày thường huấn, luôn là hoạt động “chị kể em nghe” rất thân tình. “Cứ từng hai người một”, một già- một trẻ, chụm lại, tỉ tê, chị kể…em nhớ…em gật gù. “Chị kể em nghe”, không phải là đáp ứng nhu cầu tâm lý tuổi già, cũng chẳng phải để thu thập thông tin, nhưng là để có đó một sự liên kết- giao thoa giữa hai thế hệ già và trẻ, để tạo nên một chuỗi hành trình vẫn mãi tiếp nối, trong đó có sức mạnh, nhiệt huyết, ước mơ của người trẻ được đặt nền trên những giá trị truyền thống của hội dòng, sự khôn ngoan được kết tinh nhờ quá trình sống, trải nghiệm của quý chị cao niên.Thế nên, Chị A.Th.B bày tỏ niềm vui khi có dịp "nói nhỏ tâm tình" với các em: "Mục 'Chị kể em nghe' quả là lý thú. Vì qua đó, em có dịp trao đổi, trò chuyện, với các em trẻ, nhắn nhủ, động viên đời tu của các em".

Khi “đặt hàng” một chị cao niên“ Chị ơi, cho em cảm tưởng của chị về những ngày thường huấn vừa qua đi!”. Chị đã thật nhiệt tình và rất ư là quảng đại để cho người viết nguyên “một tờ giấy đôi” với những nét chữ viết vội vì nhiều việc. Cám ơn chị M. Goretti rất nhiều, và xin được trích đăng một phần chia sẻ rất dễ thương của chị.

“Ba ngày thường huấn cho các ‘cụ cao niên’ trôi qua thật nhanh! Có chị hỏi: cảm tưởng của chị thế nào về những ngày này? Ồ! Nhiều điều muốn kể lắm nhưng tóm tắt thôi nhé!Đó là: hạnh phúc. Các thành viên của hội cao niên được chăm sóc “chu vi” từ thể chất đến tinh thần. Hai bữa “xép” thì quá ư là đầy đủ: hoa quả, bánh kẹo. Được hướng dẫn tập thể dục cho cơ thể khỏe mạnh từ đầu đến chân, lại còn tập theo màn hình bằng tiếng Tây nữa. Các cụ nhà ta nhảy nhót theo điệu nhạc cũng rất ư là khí thế.

Sau ba ngày ‘dùi mài kinh sử’, Bề Trên Tổng Quyền và Bề trên tu viện Catarina đã đưa các cụ đi thăm chị em ở các cộng đoàn vùng miền duyên hải. Dù đường xa vừa đi vừa về cũng ngót nghét gần 240km, và đi từ 4g30 sáng đến 6 giờ chiều mới về đến nhà, thế mà các cụ lại khỏe re. Thì ra tình tiểu muội là liều thuốc bổ miễn phí nhưng rất ư là hiệu quả. Đến nơi nào, các cụ cũng được đón tiếp nồng hậu, chiêu đãi những món đặc sản và nhất là cảm nhận được tình yêu chan hòa của thế hệ trẻ dành cho các bậc đàn chị lão thành.

Vâng tất cả là hồng ân.

Chị em mình hãy nắm tay nhau tiếng bước trong tin yêu phó thác, để rồi tất cả chị em mình sẽ quây quần bên nhau trong bữa tiệc trên quê hương vĩnh hằng.”

Còn chị A.TB, gửi đến "tâm tình tri ân các Đấng Bề trên vì đã quan tâm đến chúng em, là những cao niên trong Hội Dòng, và đã có những sáng kiến tổ chức khóa thường huấn riêng biệt. Năm nay, đặc biệt, quý Bề Trên tổ chức cho chị em đi dã ngoại, đến thăm các chị vùng biển, gặp các em trẻ...nên dù tuổi đã cao, nhưng tâm hồn như đang trẻ lại". Chị còn thêm "Ươc mong được như vậy mỗi năm một lần ạ. Để các cao niên chúng em không còn mặc cảm vì tuổi già nữa. Hi hi..."

Nt Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Bỏ qua nghi thức rửa tay được không?
Nguyễn Trọng Đa
09:09 14/01/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong thánh lễ ngày thường, các linh mục của chúng con bỏ nghi thức rửa tay khỏi phụng vụ. Điều này có chấp nhận được không, thưa cha? Con hiểu từ những gì con đã đọc được, rằng không linh mục nào được phép thay đổi Thánh lễ như đã quy định trong Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM). Các vị cũng chỉ mặc áo chùng trắng (alba) và dây các phép chứ không mang đủ lễ phục. Một trong các vị đọc toàn bộ phần đầu của Thánh lễ (kinh Cáo mình Confiteor, v.v.) từ gian cạnh phía trước và, sau bài giảng, ngồi trong các hàng ghế với cộng đoàn chứ không trong ghế chủ tọa ở cung thánh. Con thấy nhiều điều rất gây chia trí, thưa cha…. – R. M., Thành phố Kansas, Missouri, Hoa Kỳ.


Đáp: Bạn đã đúng khi nói rằng không linh mục nào được phép thay đổi các lời nguyện và nghi thức của Hội Thánh, ngoại trừ trường hợp chữ đỏ cho phép ngài đặc biệt làm như thế, và bạn đã chạm vào một số chủ đề rất tế nhị.

Chúng tôi đã thảo luận trong một bài trước đây về việc sử dụng lễ phục phù hợp trong Thánh lễ (ngày 7-10-2003). Các thí dụ mà bạn trích dẫn chỉ là một vài trong số rất nhiều điều bị xem nhẹ, nhưng làm suy yếu toàn bộ tính hiệu quả của các nghi thức.

Sự việc rằng bạn, và có lẽ nhiều người khác nữa, thấy các thực hành dị thường này gây mất tập trung, giúp nhắc nhở các linh mục rằng chúng ta trước tiên và trên hết là các tôi tớ, chứ không phải là chủ nhân của các mầu nhiệm thánh thiện. Các tín hữu Công Giáo có quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm khi tham gia phụng vụ, mà Hội Thánh Công Giáo thừa nhận là của riêng mình, và các linh mục chúng ta có nghĩa vụ tương ứng để thực hiện quyền đó.

Trong nhiều trường hợp, các lỗi này là do ít có hành vi bất tuân cố ý, cho bằng do sự giáo dục phụng vụ và giáo luật không đầy đủ trong thời học chủng viện.

Trong các chuyến đi của mình, tôi đã gặp các linh mục đã dám khẳng định rằng họ đã học trong chủng viện rằng “Rôma” hoặc “Tòa Thánh Vatican” đã bãi bỏ, bắt buộc, giảm nhẹ hoặc sửa đổi một số thực hành phụng vụ, mà tôi biết chắc chắn rằng Tòa Thánh đã không nói một lời về chúng. Hoặc thực sự họ đã nói hoàn toàn ngược lại.

Đôi khi một linh mục làm các điều ấy với đức tin hoàn toàn tốt, và tin rằng mình đang làm điều đúng đắn. Thường thì một yêu cầu nhẹ nhàng và một lời giải thích, về lý do tại sao bạn thấy các điều ấy gây chia trí, có thể làm rõ mọi thứ liên quan.

Trước khi nói chuyện với linh mục của bạn, bạn hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Chúa có thể soi sáng cho bạn và cho linh mục, và đức ái cần ngự trị tối cao trong cuộc trò chuyện của bạn.

Để thực hành phụng vụ Công Giáo, người ta phải biết phụng vụ. Một lợi thế của việc truy cập Internet để biết vào Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM) và nhiều tài liệu khác, sẽ giúp các linh mục, phó tế và giáo dân có thể tự đọc quy chế, và tìm hiểu cách thức Hội Thánh mong muốn được cử hành Thánh lễ như thế nào.

Trong hầu hết các trường hợp, Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma tự nó là đủ rõ ràng, để cho phép hầu hết các giáo xứ dễ dàng áp dụng hầu hết các quy định, mà không cần phải nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên viên phụng vụ (trong đó có tôi).

Chắc chắn một số điều chỉnh nhỏ sẽ luôn luôn là cần thiết do các yếu tố phụ thuộc, chẳng hạn sự thiết kế nhà thờ và quy mô của cung thánh. Nhưng các điều này là khá dễ dàng một khi các nguyên tắc chung được tôn trọng.

Để hoàn tất câu trả lời, tôi sẽ bình luận ngắn gọn.

Việc rửa tay vào cuối nghi thức dâng lễ là không bao giờ được bỏ qua trong bất kỳ Thánh lễ nào. Đây là một nghi thức quan trọng, và thể hiện nhu cầu của linh mục về việc thanh tẩy bản thân trước khi bắt đầu Kinh nguyện Thánh Thể.

Việc bỏ qua nghi thức rửa tay có thể xuất phát từ một lý thuyết về nguồn gốc của nó, vốn là phổ biến vài năm trước đây, cho rằng nghi thức này ban đầu là thực tế và được yêu cầu, do bụi từ các ổ bánh được trao trong phần dâng lễ vật trong thánh lễ xa xưa, cần phải được loại bỏ khỏi bàn tay của chủ tế. Chỉ sau đó một ý nghĩa tinh thần được gán cho nghi thức.

Vì vậy, một số người lập luận rằng sự ra đời của các bánh lễ được chuẩn bị trước đã khiến cho nghi thức trở nên lỗi thời. Lý thuyết này, trong khi là mạch lạc, có nhược điểm là sai lạc.

Việc nghiên cứu sâu hơn về các nghi thức cổ xưa đã cho thấy rằng nghi thức rửa tay (có từ thế kỷ IV) là lâu đời hơn việc rước lễ vật, và ngay cả sau khi thực hành này được thực hiện, vị chủ tế thường rửa tay trước, chứ không phải sau khi nhận lễ vật.

Do đó, nghi thức rửa tay luôn có ý nghĩa của việc thanh tẩy tâm hồn và vẫn giữ nguyên ý nghĩa này cho đến ngày nay.

Chiều hướng dẫn dắt cộng đoàn, từ ghế các các tín hữu thay vì từ ghế chủ tọa của linh mục, là một hiện tượng tương đối mới hơn.

Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 310 nói rằng “Ghế chủ tọa của linh mục phải nói lên nhiệm vụ của ngài là chủ tọa cộng đoàn và điều hành kinh nguyện... Phải tránh các loại ngai tòa. Nên làm phép ghế, trước khi đem dùng trong phụng vụ, theo nghi thức trong Sách Nghi lễ Rôma” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

Do đó, việc sử dụng và vị trí của ghế chủ tọa là không phải là không quan trọng, vì nó tượng trưng vai trò của linh mục, vì ngài không chỉ là trưởng một nhóm. Nói đúng hơn, như Giám mục tuyên bố trong lời nguyện truyền chức “xin cho linh mục biết liên kết với chúng con, để khẩn cầu lòng thương xót của Cha, cho đoàn dân đã được trao phó cho linh mục, cũng như cho toàn thể thế giới.”

Ghế chủ tọa, gọi như thế để nhớ đến ngai tòa của Giám mục, cũng tượng trưng cho sự hiệp thông của cộng đoàn, thông qua linh mục, với toàn giáo phận và Hội Thánh hoàn vũ.

Mặc dù có lẽ chúng ta hiếm khi chú ý tới, nhưng toàn bộ các biểu tượng, tư thế, cử chỉ và các biểu hiện tương tự chứng tỏ chúng ta là ai, và đâu là các ý tưởng giáo hội học làm nền tảng cho hành động của chúng ta. Lịch sử dạy chúng ta rằng một sự thay đổi trong biểu tượng, theo thời gian, có thể gây ra một sự thay đổi trong tâm lý, và thậm chí đưa ra các ý kiến không chính thống nữa.

Do đó, chủ tọa từ ghế chủ tọa hoặc dẫn dắt từ lối bên cạnh có thể được coi là đại diện cho hai khái niệm khác biệt về Hội Thánh và chức linh mục. Và trong khi điều này không có nghĩa rằng linh mục mà bạn đề cập đến, chủ trương bất kỳ ý tưởng sai lầm nào, chúng ta cần phải xem xét nghiêm túc các hậu quả lâu dài có thể có, của việc chúng ta rời khỏi các quy định phụng vụ đã thiết lập.

Sau khi tôi trả lời như trên, một linh mục ở tiểu bang Maine nói rằng ngài hy vọng rằng "giá trị thực tiễn của việc rửa tay sẽ được đánh giá cao hơn" trong xã hội có ý thức về vi khuẩn của chúng ta.

Ngài viết: “Con yêu cầu các thừa tác viên Thánh Thể tập họp trong phòng áo, trước khi cho rước lễ, đặc biệt là vào mùa lạnh, và rửa tay thật sạch."

Trong khi một thực hành thực tiễn thuộc loại này có thể được coi là một hành động từ thiện, tôi sẽ ngần ngại rút ra một ý nghĩa tâm linh của sự thanh tẩy nội tâm, vốn là ý nghĩa việc rửa tay của linh mục.

Ngoài ra còn có một số rửa tay thực tiễn được dự kiến trong phụng vụ, chẳng hạn sau khi xức tro, và sau bất kỳ nghi thức nào có xức dầu.

Lẽ tất nhiên, xã hội hiện đại nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề vệ sinh, vì vậy các hành động đơn giản của sự sạch sẽ cơ bản có thể được đánh giá cao, và được coi là một hành động tôn trọng đối với cộng đoàn, mặc dù không rơi vào sự cường điệu thái quá.

Xét cho cùng, trong hầu hết các trường hợp, người ta có nhiều khả năng cầm hoặc sờ vật nào đó ở phòng thánh, hoặc từ việc ôm con cháu của chính mình, hơn là bằng việc rước lễ trong Thánh Lễ.

Trong bối cảnh này, như một bạn đọc khác đề nghị, tốt hơn là linh mục, trong khi cho Rước lễ, tránh sờ vào đầu, khi chúc lành cho trẻ nhỏ hoặc các người khác không rước lễ, vì sự thực hành này có thể tạo ra một chút chán ngấy nơi các người đang tiến lên, đặc biệt là các người thích rước lễ trên lưỡi.

Đồng thời, có lẽ sẽ đi quá xa để mong linh mục kiềm chế không bắt tay với các người khác trong nghi thức chúc bình an, mặc dù có thể có ngoại lệ, như đã xảy ra ở Canada trong đại dịch SARS, khi một số Giám mục đề nghị trao chúc bình an bằng một sự cúi mình đơn giản.

Một bạn đọc khác hỏi liệu sự thực hành rửa tay sau khi cho Rước lễ đã bị bãi bỏ không. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 278, nói: “Mỗi khi có mụn Bánh thánh dính vào tay, nhất là sau khi bẻ bánh hay cho cộng đoàn rước lễ, linh mục phải lau các ngón tay trên đĩa hoặc rửa nếu cần. Cũng phải thu lượm các mụn Bánh thánh nếu rớt ra ngoài đĩa thánh” (Bản dịch, như trên.)

Do đó, sự thực hành rửa tay sau khi cho Rước lễ vẫn còn hiệu lực, mặc dù không phải lúc nào cũng cần phải làm như vậy với nước.

Mặc dù Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma chỉ nói về linh mục, nhưng nguyên tắc tương tự cũng là đúng cho các thừa tác viên cho Rước lễ khác, và một tô nước và khăn lau chén (vải lanh nhỏ dùng lau chén sau khi sử dụng) cần được cung cấp cho họ, tại bàn đồ lễ hoặc ở một nơi thuận tiện khác. (Zenit.org 24-2 và 9-3-2004)

Nguyễn Trọng Đa

https://www.ewtn.com/catholicism/library/omitting-the-washing-of-the-hands-4421
 
Luận về Ý TRỜI
Trần Xuân Thời
17:41 14/01/2020
Chúng ta thường đinh ninh rằng mọi việc ở đời đều do Đấng Tạo Hóa quan phòng. Nhưng quan phòng không có nghĩa là định đoạt. Quan phòng hiểu theo nghĩa quan sát, nhận định, hướng dẫn, chứ không hiểu theo nghĩa quyết định. Tạo hóa đã cho chúng ta lý trí để suy xét và tự do để hành động. Chỉ khi nào con người có tự do hành động mới chịu trách nhiệm về hành động cuả mình. “God, in the beginning, created man, he made him subject to his own free choice.” (Sir14:15.)

Con người hữu lý khi tin rằng “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Trời không phụ người hiền đức vì phúc họa ở đời thường do phản dưỡng có điều kiện (conditioned feed back) tuỳ theo thái độ của con người. Khổng Tử viết “Vi thiện giả, Thiên báo chi dĩ phúc, vi bất thiện giả, Thiên báo chi dĩ hoạ”. Ai làm lành thì Trời báo phúc cho, ai làm điều chẳng lành thì Trời lấy họa mà giáng cho. Luận Ngữ ghi “Bất tri Thiên mệnh vô dĩ vi quân tử giã”. Không biết mệnh Trời thì không phải là người quân tử.

“Ý Trời” là ý niệm chung của dân gian được hiểu qua nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo tín ngưỡng. Chúng ta thử xét qua các ý nghĩa thông thường bàn bạc trong triết lý dân gian.

Cổ nhân thường quan niệm “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên” hay “Sống chết bởi tại Trời, giầu nghèo là cái số. Dẫu ai ruộng sâu, trâu nái, đụn lúa, kho tiền, cũng bất quá thủ tài chi lỗ”. (Nguyễn Công Trứ). Của cải thế gian là những vật hư nát nên những kẻ vi phú thường bất nhân, không lo phần linh hồn và sống như những tên mọi giữ của !

Nếu tin hoàn toàn vào số mạng thì chúng ta đã tin vào thuyết định mệnh (determinism). Một khi tin vào số mệnh thì con người có thể có thái độ tiêu cực, buông thả, không cố gắng, nhưng không tự trách mình mà phó thác cho số mệnh.

“Cũng liều nhắm mất đưa chân,

Thử xem con tạo xoay vẫn đến đâu.” (Nguyễn Du)

Tại sao con người tin vào số mệnh? Có lẽ khi con người được tạo dựng nên ở thế trần cảm thấy mình quá yếu đuối trước những mãnh lực thiên nhiên, tai ương khốn khó như bão tố, động đất, hạn hán, lụt lội, bệnh tật, thú dữ… đối với con người cổ sơ, đó là những thiên tai trời định. (acts of God). Từ những sự bất lực đó, con người đã tìm giải đáp và cũng là nguồn an ủi là tin vào thần linh. Thần linh có rất nhiều loại như thần hiền, thần dữ, thủy thần, hà bá, sơn thần, thổ thần.... và con người thờ nhiều vị thần khác nhau tạo nên tình trạng đa thần (polytheism) trong đạo giáo dân gian.

Người Trung Hoa có tục ném thiếu nữ xuống sông tế thần Hà Bá, để thần Hà Bá vui lòng, bớt giận, khỏi gây thủy tai, lụt lội mỗi khi sông Hoàng Hà hay sông Dương Tử ngập lụt. “Hà Bá lấy vợ”. Biết bao thiếu nữ chết oan vì sự sùng bái mê tín dị đoan này. Người Việt có truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh để giải thích nạn lụt lội hàng năm ở sông Nhị Hà.

Ngoài tín niệm chung của nhân gian, có những tín niệm có hệ thống như các hệ thống tín lý của Khổng Học, Phật Học, Lão Học. Trừ các tăng sĩ, nho sĩ, trí thức; đa số người bình dân Việt pha trộn cả ba học thuyết vào với nhau trong cuộc sống hàng ngày. “Hữu sự vái tứ phương”: “Lạy Trời, lạy Phật, lạy Thiên Tiên Thánh Giáo, lạy ông bà, cha mẹ.... ban cho con được tai qua nạn khỏi” nhất là những lúc gặp khốn khó, thập tử nhất sinh, chiến tranh tang tóc “Tên reo đầu ngựa, giáo loan mặt thành”!

1. Ý Trời trong Khổng học

Khổng học là một triết thuyết về cách xử thế dựa trên Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín... Khổng học tin vào Mệnh Trời (God’s Mandate). Trời trong tâm trí người bình dân là Ngọc Hoàng, là Thượng Đế. “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Thuận Trời thì sống, chống Trời thì chết.

Sống theo mệnh trời là sống có trung, hiếu, tiết, nghĩa nhằm hướng đến cái chí thiện ở đời. Từ triết thuyết và luân lý làm người tốt và hữu dụng, triết lý giáo dục theo quan niệm của Nho học cốt đào tạo con người trở nên chí thiện. “Đại học chi dạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”, chứ không chỉ học lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thủ, số ) để mưu sinh.

Khổng học còn là một triết thuyết về phương pháp trị quốc an dân. Vào các triều đại quân chủ, chương trình giáo dục của Trung Hoa và Việt Nam đều lấy Khổng học làm căn bản như dùng Tứ Thư, Ngũ Kinh làm sách giáo khoa cho sĩ tử. Văn võ bá quan trong các triều đại đều là những người xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình, lấy Khổng học làm phương châm hướng dẫn hành động.

Người bình dân không cần đào sâu ý nghĩa của Thượng Đế trong Khổng học, thường chỉ tin vào Thượng Đế là đấng thiêng liêng, tạo nên vũ trụ, trên tất cả mọi loài, thể hiện qua lời cầu khẩn: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy bát cơm đầy, lấy khúc cá to”. Người theo Khổng học, “Ý Trời” là ý của Thượng Đế. Thượng Đế đã an bài mọi sự. “Chung cục thì chi cũng tại Trời.” (Nguyễn Du). Quan niệm về Thượng Đế được rõ ràng hơn từ khi Thiên Chúa Giáo được truyền đến Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII, khoảng từ năm 1625.

Trước đó sách Kinh Thi trong Ngũ Kinh đã ghi:

-Thượng Đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương, tìm sự khốn khó của dân mà cứu giúp. “Hoàng Hỹ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc”.

-Điều gì tốt dân chúng ước ao thì Trời cũng chiều theo. “Dân chi sở dục, Thiên tất tòng chi”, đồng nghĩa với câu Kinh Thánh “Cầu thì được, xin thì cho, gõ thì mở.”

-Đã là người, ai cũng đều là con của Trời. “Phàm nhân giai, vân Thiên chi tử”. Người là tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ. Thiên-Địa-Nhân trong vũ trụ hội nhập làm một. ”Thiên, nhân hợp nhất.”

Quan niệm của Nho học thường có tính cách tích cực hơn là tiêu cực. Con người phải cố gắng làm việc hết sức mình. Nếu không đạt được thành công thì không còn tự trách mình mà an ủi bằng mệnh số, đó là do “Ý Trời”. Cụ Nguyễn Công Trứ trong lúc hàn vi thường tự an ủi: “Hữu kỳ đức, ắt Trời kia chẳng phụ”. Sống trong đức hạnh, chắc ông Trời sẽ không phụ bạc !

2. Ý Trời trong Phật học

Phật học không giải thích số mệnh là do Trời, mà nhấn mạnh vào ý niệm “Nghiệp chướng” (Karma). Karma là một ý niệm đã có từ hàng ngàn năm trong giáo thuyết của Ấn Độ Giáo (Hinduism) trước khi Đức Phật ra đời. Ấn Độ giáo tin vào thuyết, luân hồi, nghiệp chướng và nhiều vị thần linh khác nhau mà thần Siva là vị thần có nhiều quyền lực nhất.

Phật học, sau Đại Hội kỳ thứ IV ở Ấn Độ, chia làm hai môn phái Tiểu Thừa (Hynayana) và Đại Thừa (Mahayana). Môn phái Tiểu Thừa khai triển mạnh ở Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Miến điện…. Môn phái Đại Thừa (Mahayana) không phát triển mạnh ở Ấn Độ mà phát triển qua Trung Hoa, Đại hàn, Việt Nam…..

Theo thuyết “Nghiệp chướng” thì mọi việc xảy ra ở đời này đều do kiếp trước truyền lại, nói khác đi là do tiền định. Con người vốn sinh ra và lẩn quẩn trong vòng tử sinh, sinh tử. Chết đi rồi lại đầu thai vào kiếp khác hoặc sinh vật khác gọi là luân hồi (rebirth/ reincarnation). Nếu kiếp này sống ác đức, tội lỗi, thì khi chết có thể hoá thân ra con ruồi, con muỗi, con trâu, con bò.... để làm thân trâu ngựa, cho đến khi được giải nghiệp, mới chấm dứt kiếp luân hồi. Có lẽ vì hoá kiếp như vậy cho nên chúng ta không biết loài thú là hiện thân của những linh hồn tội lỗi nào đó. Như vậy trong sinh vật có linh hồn. Có thể đó cũng là một trong những lý do để tránh sát sinh?

Nói khác đi, những gì mình chịu đựng hôm nay là do hậu quả của tiền kiếp (pre life), nghiệp báo. Ví dụ có người tin, sở dĩ chúng ta tha hương là vì nghiệp báo, ông bà chúng ta đã chiếm đất Chiêm Thành, đất Chân Lạp, giết hại biết bao dân lành nay bị nghiệp báo... Ca dao cũng có câu “Trời làm một chuyện lăng nhăng, ông hoá ra thằng, thằng hóa ra ông”. Câu ca dao nầy một số người cho là đã ứng nghiệm cho Việt Nam sau 1975! Nghiệp báo cũng là một loại định mệnh do kiếp trước ăn ở thất đức để lại. Do đó nhân sinh phải tìm cách giải nghiệp.

Phần tích cực của thuyết nghiệp báo là dù “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Nếu có “thiện tâm”, tu thân, tích đức, ăn hiền ở lành để tạo lập công đức có thể đạt đến trạng thái giải nghiệp (mosha). Nghĩa là thoát ra khỏi vòng luân hồi, nghiệp chướng vào cõi vô vi, niết bàn... hay cõi Tây Phương cực lạc... Khi đó “Buổi sáng, sau khi thức giấc, có thể chu du qua ba ngàn đại thiên thế giới mà còn đủ thì giờ trở về ăn sáng”.

Phương pháp hay nhất là tu tiên, đến chốn cùng cốc thâm sơn để tu luyện, như Đức Phật đã bỏ gia đình, vợ con, cha mẹ đế nghiệp của tiểu quốc Ca Tì La Vệ để lên núi tu luyện. Theo sấm truyền “Đức Phật sinh ra có 32 tướng tốt. Nếu làm vua thì được vị, nếu xuất gia tu hành thì sẽ thành Phật”.

Phật có nghĩa là người đắc đạo (enlightened), thoát khỏi tục lụy xích xiềng của thế trần và nhất là thoát vòng nghiệp chướng (mosha). Hiện nay, đang có hàng hà sa số chư vị Phật ngao du trên ba ngàn đại thiên thế giới.

Giải thích về sự hiện hữu của vũ trụ và con người, Phật học cho rằng vũ trụ và con người tự nhiên mà có. Bàn về thánh thần, Thượng Đế, Đức Phật bảo đồ đệ chuyện đời chưa hiểu được, làm sao có thể hiểu được chuyện thần thánh. Triết học ngày nay gọi những người có đồng tư tưởng là những người thuộc môn phái “Bất khả tri luận” (Agnosticism) khác với chủ trương Vô thần (Atheism) của Epicure. Môn phái vô thần không tin có thần linh, duy vật, con người không có linh hồn, như bao nhiêu sinh vật khác, chết là hết!

Phật học chủ trương có thoát được nghiệp chướng hay không là do sức con người tự tạo lấy, “tự lực cánh sinh” (self help approach), không nhờ vào thánh thần nào giúp sức vì không biết được có thần thánh hay không... Cũng do quan niệm thiếu tính cách thần linh mà Phật học không phát triển mạnh được ở Ấn Độ, vì Ấn Độ là thế giới của thần linh, mà phát triển qua các quốc gia khác.

Phật học thiên về tu thân, tích đức để thoát vòng nghiệp chướng, lo tu luyện cá nhân để mưu cầu phần rỗi mà không bận rộn về đời sống vật chất, xa lánh thất tình lục dục. Sở dĩ cuộc đời khổ cực là vì ham muốn và không thỏa mãn được sự ham muốn, cho nên phương pháp hay nhứt là diệt dục, hay diệt sự ham muốn thì bớt khổ. Đời là bể khổ vì luân hồi nghiệp chướng, muốn thoát bể khổ phải tu trì để được đắc đạo, thoát cảnh tái sinh. Người bình dân thường nói “Người hiền chết sớm, kẻ dữ sống lâu”, có lẽ hàm dưỡng ý nghĩa chết sớm để thoát trần ai khổ lụy là có phước, kẻ dữ sống lâu để bị đọa đày, để đền tội vì nghiệp chướng quá nặng nề ?

Phật học không đề cập đến Trời, Thượng Đế, nên ý niệm “Ý Trời” có phần thể hiện hậu quả của nghiệp chướng do tiền kiếp để lại, một hình thức ‘tội tổ tông”?. Có nghĩa là người bình dân, nếu gặp trở ngại, đời sống khó khăn, gặp nhiều cảnh tai ương khốn khó, con người có thể tự an ủi bằng câu “Tại vì nghiệp chướng của tôi như vậy”. Hoặc tại vì luật nhân quả, nghiệp báo, kiếp trước làm ác, báo hại khiến kiếp sau lãnh đủ.

3. Ý Trời trong Thần học

Theo quan niệm của Thần Học khi nói đến “Ý Trời” tức nói đến “Ý Thiên Chúa”. Nhiều người nhớ câu “Sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng là do ý của Chúa”. Người Công Giáo tin rằng Thượng Đế là đấng tạo nên trời đất, muôn vật và quan phòng mọi sự.

Ý Trời trong quan niệm của Thần Học là việc làm theo thánh ý Thượng Đế, dĩ nhiên là việc tốt lành. Hành vi phạm pháp không phải là do ý trời. Tại sao? Tại vì Thượng Đế sinh ra con người đã cho con người có lý trí để suy xét, và có ý chí tự do (free will) để hành động. Nhân quyền hay các quyền tự do bất khả xâm phạm phát xuất từ quyền thiên nhiên (natural rights) mà Thượng Đế đã ban cho nhân loại. Vì vậy, tiêu diệt tự do cá nhân là trái với Thiên lý. Không có công mà được thưởng, không có tội mà bị tù đày, cấm cố, là vô nhân đạo cho nên chủ trương chống độc tài đảng trị, bất kể tả phái hay hữu phái, là làm theo Thiên ý.

Thần Học quan niệm những kẻ theo chủ thuyết độc tài thì không còn là giáo hữu chân chính. Trước khi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Cộng Sản ra đời năm 1848, Đức Giáo Hoàng Piô thứ IX, năm 1846, đã tuyên bố : ”That infamous doctrine of so called Communism which is absolutely contrary to the natural law itself, and if once accepted would utterly destroy the rights, property and possessions of all men and even society itself”. - Cái học thuyết xấu xa gọi là chủ nghĩa CS hoàn toàn trái với luật tự nhiên, và một khi được chấp nhận, nó sẽ tiêu giệt hết nhân quyền, tài sản, quyền sở hữu của nhân loại và chính cả xã hội loài người-.

Thế thì với lý trí để suy xét, tự do hành động, con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Giả thử Chúa sinh ra mọi người bình thường có thân thể và trí tuệ giống nhau nhưng đời sống mỗi người lại khác nhau có phải đó là tại ý trời hay không?

Yes and No. Có và không. Có vì Ý Trời là ý mà Chúa an bài cho mỗi người, bất kể lương hay giáo, một vị thế khác nhau trong xã hội để mỗi người thi hành nhiệm vụ mà Trời đã giao phó vì tất cả nhân loại đều là con Trời.

Tuy nhiên, phải lưu ý là khi Trời giao phó sự việc cho mỗi cá nhân, dựa vào khả năng riêng biệt của mỗi người do con người cố gắng, tự tạo và Chúa cho con người tự do hành động. Hành động thành công hay thất bại là do cá nhân. Những cá nhân có thành tâm, thiện chí thường là những người sáng suốt vì tâm hồn được bình an,” Hồn lành trong xác mạnh”, rất dễ thành công.

Không phải là ý Trời, nếu ngược lại, những cá nhân thích sống ích kỷ, hay ganh tị, không hiểu vai trò đã được giao phó, có thái độ thù hận, ganh ghét thì tâm hồn bối rối, mất sự bình an, từ đó kém sáng suốt, vụng về và cá nhân phải chịu trách nhiệm về thái độ của mình.

Nếu chúng ta biếng nhác, không chịụ học hỏi, không chịu làm việc để lâm vào tình trạng đói khổ, thua sút mọi người, say sưa, phạm tội, trí tuệ lụn bại, thiếu sáng suốt, làm việc ngoài vòng cương tỏa, không làm việc hết mình, không theo thánh ý Thượng Đế, thì kết quả chúng ta phải gánh lấy, không phải là ý Trời.

Như thế, những gì con người thực hiện với thành tâm thiện ý tức là làm việc thiện theo thánh ý Chúa, kết quả đạt được hoàn hảo hay không, không phải là quan trọng, điều quan trọng là chúng ta có cố gắng hay không? Có được ơn Chúa soi sáng, được sự bình an trong tâm hồn, có cảm nhận được sự hữu dụng của đời sống? .

Thánh Phaolô trước khi trở thành Kitô hữu đã tự ý giết hại Kitô hữu. Khi trở thành Tông đồ của Chúa vẫn cảm thấy ân hận về những việc ông đã làm (1Tim 1: 2-15). Thiên Chúa đã chọn Phaolô để nhắn nhủ nhân loại là kẻ tội lỗi như Phaolô cũng còn thánh hóa được. Trong thư gởi tín hữu Thành Corinto, Thánh Phaolô đã viết: “Tôi không xứng đáng được gọi là Tông Đồ của Chúa, nhưng nhờ ơn phúc Ngài ban, tôi mới được như ngày hôm nay”. “I am... not worthy to be called an apostle... but by the grace of God, I am what I am (1Corinthians 15: 19-10).

Như vậy, tội lỗi của quá khứ không nhất thiết làm cản trở cuộc sống trong tương lai, miễn là có thành tâm hối cải sẽ được trở thành người hữu dụng.

Ý niệm nầy đã được hội nhập vào môn triết pháp (Philosophy of law). Luật pháp Tây phương dựa trên nhân bản, có mục đích vừa làm ngã lòng để ngăn ngừa tội phạm (determent), vừa giúp phạm nhân tái tạo (restoration) lại cuộc sống, giúp cho phạm nhân “a second chance” dựa trên sự cố gắng cá nhân của mỗi người.

Luật pháp nhân bản không chủ trương “thà giết lầm hơn bỏ sót hay trí, phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” mà ngược lại chủ trương “thà bỏ sót hơn giết lầm”. Luật pháp cho phạm nhân hưởng lợi (benefit of doubt) nếu bằng chứng buộc tội chưa được minh bạch hay còn chút nghi ngờ.

Trời tạo nên con người và rất chính xác khi điều khiển vũ trụ, cũng như biết rõ người nào thích hợp để được giao phó trách nhiệm miễn là sư tuyển chọn được thực hiện một cách công chính theo tiêu chuẩn công bằng và bác ái không gian lận và dựa trên thực lực của mỗi cá nhân. Về phần thiêng liêng, Trời phán xét dựa trên công việc của mỗi người, chứ không phải dựa vào lời đàm tiếu quanh co của người khác. “God judges us by what we do, not by what others said”.

Về phương diện vũ trụ, sự chính xác của Thượng Đế thật mầu nhiệm. Sự vận hành của các tinh tú, mặt trời, mặt trăng, quả đất đều được sắp xếp vận hành trong qũy đạo một cách chính xác. Các nhân vật thông thái, các khoa học gia về vũ trụ là những người khâm phục sự mầu nhiệm của Hoá Công và nhờ vào sự chính xác của Hoá công mà họ đoán trúng những hiện tượng sắp xảy ra. Họ là những người chịu tìm tòi học hỏi, cố gắng tìm hiểu sự vận hành của vũ trụ để đem kiến thức truyền lại cho hậu thế.

Thượng Đế đã tạo nên vũ trụ cho nhân loại. Bổn phận của con người phải tìm tòi học hỏi để hiểu biết ý định của Thiên Chúa. Không biết mệnh Trời thì không phải là người quân tử. “Bất tri Thiên mệnh, vô dĩ vi quân tử giã” (Luận Ngữ). Ví dụ, trong năm 1993, các nhà thiên văn học đã biết được rằng ngày 3 tháng 11 năm 1994 sẽ có Nhật thực kéo dài 4 phút, 51 giây. Nhật thực sẽ được thấy toàn điện ở các qụốc gia Bolivia, Brazil, và biển Nam Đại Tây Dương. Đó là hiện tượng về thiên văn, về sự vận hành của vũ trụ do Thiên Chúa tạo dựng. Sở dĩ các nhà Thiên-văn-học tiên liệu một cách đích xác mà không sợ sai là vì sự vận hành của vũ trụ do Thiên Chúa tạo dựng một cách chính xác.

Đến giờ phút nào thì hiện tượng gì xảy ra, đó là “Ý Trời” trong sự vận hành trật tự chung của vũ trụ (moral order of the universe). Con người có nhiệm vụ tìm hiểu Ý Trời, nếu không thì xem như chưa tu luyện đủ để đạt đến giai đoạn “Nhi tri Thiên Mệnh”. Thịnh, suy, thay đổi như bốn muà Xuân, Hạ Thu, Đông theo luật tuần hoàn của Tạo hóa. Cho nên con người chớ nên nản lòng, hết cơn bĩ cực sẽ tới hồi thái lai!

Trong truyện Kim Vân Kiều, Nguyễn Du tiên sinh dùng văn chương để chuyển tải đạo lý làm người.” Văn dĩ tải đạo”. Sau khi nghe Thúy Kiều tâm sự về 15 năm lưu lạc giang hồ thì “Giác Duyên nghe nói rụng rời” và cùng Tam Hợp Đạo Cô khuyên nhủ Kiều:

“Sự rằng phúc họa đạo Trời

Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra

Có Trời mà cũng có ta

Tu là cõi phúc, tình là giây oan” (Nguyễn Du)

Ai dày công tu thân, tích đức, cố gắng học hỏi, làm việc sẽ hiểu được Thiên Ý; hiểu được sự vận hành của vũ trụ; hiểu được thế thái nhân tình; hiểu được phương hướng, hiểu được chương trình, kế hoạch phải thực hiện. Ý Trời ở trong lòng mỗi người. “Nhất nhân chi tâm, tức Thiên địa chi tâm”.

Thượng Đế khuyên chúng ta đừng bao giờ nản lòng, (not lose your heart: Luke 18:1), phải cố gắng làm việc, học hỏi (obligation to study) và cầu nguyện (pray) để được ơn phúc, được sự bình an trong tâm hồn, để được soi sáng, thì dù kết quả có thế nào chăng nữa vẫn thể hiện thiện ý, vì:

“Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài nằm với chữ tai một vần”. (Nguyễn Du)

Có tài chế ra nguyên tử để làm điều thiện như làm máy phát điện, dụng cụ chữa bệnh.... là hợp “Ý Trời”. Nhưng dùng tài để chế vũ khí sát thương như bom nguyên tử sát hại nhân loại tức là phản “Ý Trời” là gây tai họa thì “Thiên bất dung gian”. Có khoa học mà vô lương tâm sẽ gây bại hoại cho tâm hồn “Science sans conscience n'est que ruine de l’âme”.

Sau mùa Đông giá rét, nhân dịp Xuân về, muôn hoa đua sắc thắm thể hiện Ý Trời. Chúng ta hãy làm việc hữu ích cho nhân quần xã hội, với thiện tâm, trong tình yêu nhân hậu, giữ tình đồng hương, nghĩa đồng bào.

Các học thuyết của Nho, Thích, Lão và Thần học là cố gắng tuyệt diệu của nhân thế, không “đối nghịch” mà “dung hợp” thể hiện sự viên mãn (fulfilment) về nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhân loại từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, trong cố gắng hình thành triết lý nhân sinh của nhân thế qua tiến trình “Nhi Tri Thiên Mệnh”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào đầu tháng 11 năm 1999, đã công bố Tông Thư: Giáo Hội tại Á Châu: “Giáo Hội Công Giáo tỏ lòng cung kính và ngưỡng mộ tất cả truyền thống tinh thần của các Tôn giáo Á Châu” đã thể hiện tinh thần tôn trọng liên tôn, hoà nhi bất đồng.

Luôn giữ tâm thường an lạc, dù vật đổi sao dời, chúng ta vẫn yên tâm sống đức hạnh “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” có chí thì nên, măc dù:

“Cõi trần thế cuộc chiêm bao

Công hầu khanh tướng xôn xao trong vòng

Tranh nhau chỉ vị hơi đồng

Giết nhau vì miếng đỉnh chung ở đời!”

(Nhân Nguyệt Vấn Đáp)

Lạc quan, tin tưởng, quyết chí tu thân và hành động chính trực là nhiệm vụ chung của chúng ta. Được như vậy thì “Thân sẽ không tật bệnh, tâm sẽ không phiền não”. Kết quả thế nào chăng nữa thì cũng có thể yên tâm vì chúng ta đã làm việc hết mình, phần còn lại là do “Ý Trời” vậy.

“Gẫm thay muôn sự tại Trời.

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao” (Nguyễn Du)

Luôn luôn lấy hy vọng làm nguồn sống vì :

“Trời đâu riêng khó cho ta mãi

Vinh nhục dù ai cũng một lần.” (Nguyễn Công Trứ)

 
Văn Hóa
Cầu cho sự hiệp nhất Kitô Hữu
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
06:31 14/01/2020


Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô Hữu: Hiệp Nhất và Đoàn Thể

Tuần lễ từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng hàng năm được Giáo hội dành để cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trên toàn thế giới. Nghi thức cầu nguyện nầy được các Giáo Hội Kitô – Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, đồng thuận cùng nhau tổ chức.

Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu - là những người cùng tin vào Đức Giêsu Kitô - đã nhen nhúm ngay từ thời kỳ Sơ khai của Hội Thánh. Bắt đầu là những căng thẳng giữa cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc lương dân. “Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô."(1 Cr 1,12).

Đến thế kỷ V xảy ra hiện tượng một nhóm tín hữu tách rời ra khỏi Giáo Hội vì quan điểm thần học khác biệt và sau đó là những quan điểm thần học đối nghịch với Kitô giáo. Nhưng Giáo Hội vẫn duy trì được sự hiệp nhất cho tới năm 1054 khi hai Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương ra vạ tuyệt thông cho nhau, khiến cho Giáo Hội bị chia rẽ thành Công Giáo và Chính Thống giáo.

Tiếp đến vào thế kỷ XVI có phong trào cải cách Tin Lành với Martin Luther ở Đức, John Calvin ở Thụy sĩ, Anh Giáo với Vua Henry VIII … rồi các thế kỷ tiếp theo đã nảy sinh ra hàng ngàn cộng đoàn Kitô khác nhau, đặc biệt là ở Mỹ, khiến cho Kitô giáo chia thành gần 9.000 Giáo Hội và cộng đoàn đủ loại.

Chính Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã tha thiết dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. “Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cùng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,20-21).

Công Đồng Vaticano II đã lấy việc tìm về hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô thuộc mọi Giáo Hội và cộng đoàn khác nhau như trung tâm cuộc sống và công trình của Giáo Hội. Qua Thông Điệp ”Để chúng nên một”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng hiệp nhất là bổn phận và trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, của tất cả mọi người đã được Rửa tội.

Ngày 22 tháng 01 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã ban hành Huấn dụ về Hiệp nhất Kitô giáo mời gọi chúng ta hiệp ý cầu xin cho các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội khác nhau có thể tiến tới sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã mong muốn. Ngài nhấn mạnh: “Chắc chắn là Đức Kitô không bị chia xẻ. Nhưng chúng ta phải đau lòng chân thành công nhận rằng các cộng đồng của chúng ta vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ, đó là một gương mù. Những chia rẽ giữa các Kitô hữu là một gương mù. Không có lời nào khác: một gương mù. “

Nhưng Bí tích Rửa tội là yếu tố hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô, được trở thành con Thiên Chúa, được lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đang thực hiện một cuộc hoán cải sâu xa, toàn diện. Nhờ cuộc hoán cải này, mọi người nhận ra mình và anh chị em mình trong Thiên Chúa. Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu đã phát xuất từ niềm tin, Bí tích Rửa tội và sự hoán cải cá nhân.

Được sự cổ vũ của Giáo hội, nhiều đoàn thể Công Giáo tiến hành với những linh đạo và đường lối hoạt động tông đồ mới mẻ và khác nhau đã được thành lập. Đã là đoàn thể thì đương nhiên cần phải tập hợp được nhiều đoàn viên và càng có nhiều đoàn viên thì bên cạnh sự phát triển cũng có mặt trái là sự hiệp nhất khó toàn vẹn. Cha ông ta đã từng nói “Trăm tay vỗ nên kêu” nhưng cũng đã ngậm ngùi kinh nghiệm: “Lắm thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng”.

Có những đoàn viên vẫn tiếp tục sống chia rẽ ngay trong nội thân khi cùng lúc tham gia nhiều đoàn thể mà không tiên lượng sức mình. Đa phần con người chúng ta đều có giới hạn về thời gian, khả năng và sức lực nên việc tham gia hoạt động trong nhiều đoàn thể sẽ không hiệu quả và gây khó khăn, phiền hà cho các đoàn thể.

Tự hào là đoàn viên của hết đoàn thể này đến đoàn thể kia, nhưng chỉ ghi tên theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” (dù cũng tuyên hứa như ai!). Năm thì mười họa họ mới tham gia sinh hoạt để xem may ra có được vị thế này hay quyền lợi nọ; chứ không thực sự cố gắng đổi mới tâm hồn, đời sống nội tâm và dấn thân để xây dựng và hoạt động tông đồ theo đường hướng của đoàn thể.

Rồi có những đoàn viên coi cái tôi làm trọng, có ý hướng tham vọng về chức tước, địa vị và quyền lực tiềm ẩn trong thâm tâm hoặc được biểu lộ qua lời nói và việc làm. Khi được Chúa ban cho chút ít năng lực cống hiến cho đoàn thể hay được cất nhắc vào các vị trí này nọ, thì sinh ra tự hào ta đây. Coi mình hơn người, rồi coi thường người khác hoặc tâng bốc người trên và gièm pha, chỉ trích nhằm hạ giá người khác. Từ đó đi theo sinh hoạt tách biệt theo ý mình, không tuân theo nội quy của đoàn thể, của cấp trên.

Lại có những tập thể thích đánh bóng và tô mầu cho mình cách thái quá làm phát sinh ra óc địa phương tính: cái gì cũng coi mình là hay, là giỏi hoặc cái gì cũng muốn cho mình đứng nhất. Khi thấy mình không được như ý thì đòi hỏi đoàn thể phải “du di”, “nâng đỡ” hoặc dọa dẫm ly khai, tách biệt khỏi đoàn thể.

Những thiếu sót đó dù chỉ xảy ra ở một số ít tập thể hoặc cá nhân như một gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ. Nhưng nó chính là mầm mống của sự chia rẽ mà nếu chúng ta không nhận ra và ngăn chận, nó sẽ lan tỏa và phá vỡ sự hiệp nhất trong từng đơn vị của đoàn thể.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch của sự yêu thương hiệp nhất. Khi xưa Chúa đã nguyện cầu cho các Tông đồ và tất cả mọi người tin vào Ngài được liên kết với nhau nên một. Xin cho chúng con nhận ra và dập tắt được những mầm mống chia rẽ ngay chính trong con người chúng con. Xin cho chúng con biết khai trừ mọi lãnh đạm, lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con. Xin cho tâm hồn chúng con được gặp nhau trong Chúa để môi miệng chúng con luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu hoàn hảo, xin cho chúng con có một con tim “Khiêm hạ, hiền lành, rộng lượng, cởi mở với tất cả mọi người để chúng con biết khoan thứ với tha nhân bằng tình yêu, giữ gìn sự hiệp nhất” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi. Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa con đường dẫn đưa mọi người đến Hiệp Nhất trong đức Yêu Thương và Vâng Phục. Amen.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phố Núi Ngày Đông Dịu Dàng
Thérésa Nguyễn
22:39 14/01/2020
PHỐ NÚI NGÀY ĐÔNG DỊU DÀNG
Ảnh của Thérésa Nguyễn

Trên ngàn tuyết trắng đầu Đông
Khung trời phố núi tịnh không dịu dàng.
(tn)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 15/01/2020: Triển vọng Đức Thánh Cha về thăm cố hương trong năm 2020
Giáo Hội Năm Châu
15:56 14/01/2020
1. Triển vọng Đức Thánh Cha về thăm cố hương trong năm 2020

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ ý định về thăm cố hương và hai nước láng giềng nhân kỷ niệm 200 năm bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1816 của Á Căn Đình. Nhưng đến nay, điều đó đã chưa xảy ra.

Năm 2015 đã từng được chọn, nhưng vì là năm bầu cử tổng thống, Đức Thánh Cha sẽ không tông du trong dịp này để tránh ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.

Cho nên, nhiều người tràn trề hy vọng là Đức Thánh Cha sẽ về thăm Á Căn Đình vào năm 2016 để tuyên thánh cho Chân Phước Jose Gabriel del Rosario Brochero. Tuy nhiên, việc phong thánh đã diễn ra vào tháng 10 năm 2016, do Đức Hồng Y Angelo Amato, lúc ấy là tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh chủ lễ.

Tổng thống Mauricio Macri bày tỏ hy vọng là chuyến viếng thăm có thể diễn ra vào năm 2017. Đáp lại tuyên bố của tổng thống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một thông điệp video ngay sau đó, giải thích rằng ngài không thể về thăm cố hương vào năm 2017, và hy vọng điều này có thể diễn ra trong thời gian đầu năm 2018. Từ 15 đến 21 tháng Giêng 2018, Đức Thánh Cha đã thăm Chí Lợi và Pêru. Chí Lợi là quốc gia có đường biên giới dài đến 5,150 km với Á Căn Đình.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo “La Nación” của Argentina phát hành ngày 7 tháng 7 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mong ước trở về thăm quê hương Á Căn Đình của ngài vào năm 2020.

Bên lề chuyến viếng thăm Vatican của tổng thống liên bang Nga Vladimir Putin hôm 4 tháng 7 năm 2019, nhà báo Joaquín Morales Solá đã phỏng vấn Ðức Thánh Cha. Theo nhà báo này, Ðức Thánh Cha có thể thăm Á Căn Đình vào giữa năm 2020 hay sau đó. Thời gian chính xác sẽ được thông báo trước cuộc bầu cử tổng thống Á Căn Đình vào tháng 10 năm 2019.

Theo báo “La Nación”, Ðức Thánh Cha có thể nhân dịp này này để thăm thêm nước Uruguay, nơi ngài chưa viếng thăm.

Vào tháng 5 năm 2019, trong chuyến viếng thăm ad limina của các Giám mục Á Căn Đình, Ðức Thánh Cha cũng đã bày tỏ mong ước viếng thăm quê hương, nhưng ngài cũng nói thêm: “Anh em biết rằng tại thời điểm này, ưu tiên dành cho những người đau khổ nhất trên thế giới”. Nếu chương trình này được thực hiện, đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên của Ðức Thánh Cha tại quê hương kể từ khi ngài khởi đầu sứ vụ Phêrô.

2. Giám Mục Nigeria than thở: Nhà cầm quyền nước này cực đoan không kém Boko Haram

Vụ phiến quân Hồi giáo ở Nigeria chặt đầu 10 Kitô hữu đã khiến một giám mục nước này phẫn nộ và cáo buộc chính phủ nước này cũng là những người Hồi Giáo cực đoan không kém Boko Haram, và đang sử dụng các phương pháp đa dạng để đạt được cùng một mục tiêu là sự thống trị của Hồi giáo tại Nigeria.

Đứng trước cuộc tấn công vào ngày Giáng sinh của bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Tây Phi, gọi tắt là ISWAP, và cuộc tấn công của Boko Haram vào đêm Giáng sinh, Đức Cha Matthew Hassan Kukah của giáo phận Sokoto đã nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là ngài ghê tởm chính quyền hiện nay.

Theo Đức Cha Kukah: “Sự khác biệt duy nhất giữa chính phủ và Boko Haram là Boko Haram đang cầm một quả bom trong tay”.

Ngài nói thêm: “Họ đang sử dụng các đòn bẩy quyền lực để bảo đảm quyền thống trị của Hồi giáo, củng cố thêm cho ý tưởng muốn đạt được điều đó bằng bạo lực. Với tình hình này ở Nigeria, thật khó có thể thấy tinh thần muốn đánh bại Boko Haram của họ”.

Ngài nhấn mạnh rằng “Họ đã tạo điều kiện cho Boko Haram có thể hoạt động theo ý muốn của chúng.”

Hôm 26/12/2019, ISWAP đã đưa ra một video trong đó chúng chặt đầu 10 Kitô hữu và bắn chết một người Hồi giáo, và nói rằng chúng đang trả thù cho cái chết của Abu Bakr al-Baghadi, lãnh đạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và các thành viên IS cao cấp khác bị giết trong một cuộc đột kích của Hoa Kỳ vào tháng 10 .

Vụ này diễn ra sau một cuộc tấn công ngay trong đêm Giáng sinh của Boko Haram, làm bảy người bị thiệt mạng.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn 2.2 triệu người đã phải di dời vì các hành động của Boko Haram. Từ năm 2013 đến 2015, hơn 11,000 người đã bị nhóm này giết chết.

Đức Cha Kukah cho biết chính phủ Nigeria đã bổ nhiệm những người Hồi giáo cực đoan vào các vị trí quan trọng trong chính phủ, và đưa ra các thỏa thuận ngầm với các nhóm Hồi Giáo quá khích trong nước.

“Nếu những người có quyền lực không làm hết sức để hòa nhập các Kitô hữu vào các tiến trình chính trị ở quốc gia này thì họ sẽ cung cấp dưỡng khí cho Hồi giáo. Nếu họ muốn xây dựng một quốc gia trong đó chỉ có người theo đạo Hồi mới được nắm quyền lực thì lúc đó họ tung hô ý tưởng cho rằng đạo Hồi nên có vị trí thống trị trong xã hội.”

Đức Cha Kukah cũng lên tiếng phê phán các quốc gia phương Tây, những người mà theo ngài rất vui khi được quyền khai thác tài nguyên của Phi châu nhưng lại miễn cưỡng không bảo vệ người dân.

Ngài nói: “Các quốc gia phương Tây không làm hết sức mình. Họ đã chỉ ra rằng tài nguyên của Phi Châu quan trọng hơn người dân thường. Rõ ràng, các quốc gia phương Tây có thể làm giảm ảnh hưởng của Boko Haram tới 80 hoặc 90 phần trăm - nhưng họ đã cố tình không làm như thế.”

Đức Cha Kukah nói rằng điều duy nhất ngăn Nigeria không bị nhận chìm trong cuộc nội chiến là những nguyên lý hòa bình của Kitô giáo.

Ngài nói: “Kitô hữu có tất cả lý do để cảm thấy không an toàn và cũng có một cảm giác chung là bị gạt ra ngoài lề mọi tiến trình chính trị. Nếu các nguyên tắc của tôn giáo của chúng ta không phải là theo đuổi hòa bình và thiện ích chung, thì đã xảy ra một cuộc nội chiến rồi.”

“Chính là vinh quang của tôn giáo của chúng ta mà điều này đã không xảy ra. Nhưng càng ngày càng khó để rao giảng hòa bình trong bối cảnh như thế này. Bất kỳ giải pháp nào ở Nigeria đều phụ thuộc vào cách Kitô hữu quyết định phản ứng như thế nào trước các giải pháp ấy. Chúng ta không muốn sử dụng bạo lực nhưng chúng ta sẽ làm gì đây [khi tiếp tục bị tấn công và chèn ép như thế]?”

3. Đức Thánh Cha kêu gọi tự kiềm chế trong bối cảnh nguy cơ cuộc chiến leo thang

Trong cuộc khủng hoảng leo thang chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Iran, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hai bên hãy tự chủ và đối thoại.

Chiến tranh chỉ mang đến cái chết và hủy diệt.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi những lời trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật ngày 5/1/2020.

Dù không nêu đích danh một quốc gia nào, Đức Thánh Cha cho biết hiện đang có một bầu không khí căng thẳng khủng khiếp ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngài kêu gọi tất cả mọi bên hãy dùng phương thế đối thoại và tự kiềm chế mà xua đuổi con ma thù hận đi!

Sau đó Đức Thánh Cha mời mọi người hãy thinh lặng cầu nguyện trong giây lát cho ý chỉ này.

Căng thẳng giữa Hoa kỳ - Iran

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô được dấy lên sau những căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Iran, sau cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giết chết một vị tướng hàng đầu của Iran ở Iraq.

Tướng Qassem Soleimani là chỉ huy Lực lượng Quds, một lực lượng quân đội Cách mạng Hồi giáo đang hoạt động bên ngoài nước Iran.

Cái chết của ông tướng này vào thứ Sáu tại Baghdad đã làm dấy lên mối đe dọa trả đũa Mỹ của Iran.

Đức Thượng phụ Sako hy vọng Iraq sẽ không trở thành bãi chiến trường

Đức Thương phụ của Giáo Hội Công Giáo Chaldea là Đức Hồng Y Louis Rafaël Sako, hôm thứ Bảy đã bày tỏ sự ngỡ ngày của người dân Iraq trước sự kiện này.

Đức Hồng Y nói: Một điều đáng tiếc là đất nước chúng tôi đang bị biến thành một nơi giải quyết một số vấn đề của thế giới, thay vì là một quốc gia có chủ quyền, có khả năng bảo vệ vùng đất của chính mình, của cải và công dân của chính mình!

Ngài cũng kêu gọi các quốc gia hãy tự kiềm chế và hành động hợp lý, biết ngồi lại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình!

4. Cuộc không kích giết chết Soleimani có ảnh hưởng gì trên các Kitô hữu ở Iraq?

Có nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng các cộng đồng Kitô giáo ở Trung Đông có thể bị đàn áp thêm nữa sau cuộc không kích của Mỹ giết chết tướng Soleimani cuả Iran.

Tướng Qasem Soleimani là vị chỉ huy Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, đã bị giết chết trong cuộc không kích ngày 3 tháng 1 tại Sân bay Quốc tế Baghdad, do Tổng thống Donald Trump ra lệnh. Cùng bị giết với ông ta là tướng Abu Mahdi al-Muhandis, lãnh đạo Lực lượng dân quân tình nguyện cuả Iraq.

Cuộc không kích này diễn ra sau khi đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị tấn công đốt phá và các quan chức Mỹ tuyên bố rằng ông Soleimani đang âm mưu mở thêm nhửng cuộc tấn công mới vào cơ sở Mỹ.

Trong bối cảnh xung đột leo thang và bất ổn ở khu vực, các nhóm Kitô giáo đã lên tiếng kêu cứu xin quốc tế cần phải tập trung vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số đã bị bỏ ra ngoài lề xã hội ở đây.

“Tướng Soleimani và Lực lượng Quds của ông đã từng tàn phá các cộng đồng Kitô hữu và những người khác ở Iraq, Iran, Lebanon và Syria trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi mong mỏi sự ra đi của ông sẽ kết thúc một kỷ nguyên khủng bố và bất ổn,” theo lời ông Peter Burns, giám đốc phòng liên lạc với các chính phủ cuả tổ chức Bảo vệ Kitô hữu (IDC).

“Nhưng,” ông Burns nói thêm “có những lo ngại rằng khu vực này sẽ trở nên bất ổn định, và điều này có thể làm tăng khả năng tấn công vào các nhóm thiểu số tôn giáo.”

“Tổ chức IDC đang theo dõi tình hình chặt chẽ để đảm bảo rằng các cuộc tấn công như vậy không xảy ra,” ông nói.

Tổ chức của ông đã kêu gọi chính phủ Iraq và Syria hợp tác để bảo đảm sự an toàn của những người biểu tình từng bị tấn công bở những bọn côn đồ được Iran hổ trợ, và ông Burns lưu ý rằng Kitô hữu ở các quốc gia này đã biểu tình bên cạnh người Hồi giáo để cải cách chính trị và kinh tế.

“Quyền tụ họp và đòi hỏi cải cách của họ không thể bị Iran dùng bạo lực để đe dọa và trả đũa” ông Burns nói.

Mặc dù chưa rõ những hệ lụy do cuộc không tập ngày 3 tháng 1 vừa qua sẽ ra sao, nhưng nhiều người cho rằng nguy cơ bị khủng bố và bị tấn công có thể gia tăng đối với các Kitô hữu.

“Dù cho bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo ở Iraq, điều quan trọng là chúng ta không quên hoàn cảnh của các Kitô hữu ở đây, họ đã bị ảnh hưởng một cách không cân xứng - và thường là nạn nhân trực tiếp - trong các tình huống biến động và bạo lực,” theo ông Andrew Walther. Phó Chủ tịch Truyền thông của hội Hiệp sĩ Columbus.

Ông Walther cho biết, sự an toàn và sự sống còn của các cộng đồng này, vừa bị tàn phá bởi chiến dịch diệt chủng của ISIS, vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

Hội Hiệp sĩ Columbus đã chi ra hơn 25 triệu đô la trong 5 năm qua để hỗ trợ các Kitô hữu ở Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Syria.

Cha Luis Montes, một linh mục người Argentina của Viện Ngôi Lời nhập thể và là một nhà truyền giáo ở Iraq, nói rằng tuy cuộc không kích là khá nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa thấy có dấu hiệu trực tiếp nào chống lại Kitô hữu.

Cha Montes nói rằng ngài lo ngại những bất ổn ở Iraq sẽ khiến cuộc sống của các Kitô hữu trở nên khó khăn hơn.

“Chiến tranh ảnh hưởng đến các Kitô hữu nhiều hơn đến những người khác bởi vì người Kitô hữu chúng ta là thiểu số, chúng ta không được bảo vệ. Hầu hết các Kitô hữu đã rời khỏi khu vực, điều này càng làm xói mòn những nỗ lực giúp ổn định đất nước.”

Ông Edward Clancy là giám đốc ngoại giao cuả Ủy ban Tài trợ cho các giáo hội nghèo “Aid to the Church in Need” cũng lo ngại rằng sự bất ổn mới sẽ gây nguy hại cho dân số Kitô giáo. Ông nói rằng phản ứng ban đầu của ông sau khi nghe về cuộc không kích là ‘Oh No,' (Chết chửa) nhưng đồng thời ông cũng không bỏ mất hy vọng.

“Hoạt động khủng bố sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các Kitô hữu. Nhưng không nhất thiết là vì số người bị giết, mà là số người có còn ở lại hay không. Vì tình trạng thiếu an toàn cho nên người ta sẽ tìm cách bỏ đi”, ông nói.

“Vì vậy, ngay bây giờ, là vô cùng quan trọng cho bất cứ ai có thể cung cấp nó, cung cấp cho cộng đồng Kitô giáo một cảm giác vững tâm (về an ninh),” ông Clancy nói.

Ông Clancy đặc biệt lưu tâm đến khu vực Ni-ni-ve, nơi có một số cộng đồng Kitô giáo lâu đời nhất thế giới, nhưng thiếu cơ sở hạ tầng và mạng lưới truyền thông, và các Kitô hữu từng bị bị bỏ rơi thẳng thừng trong những tình huống rất khó khăn.

“Ngày nay cộng đồng đó rất dễ bị tổn thương.”

“Chúng ta thực sự cần cảnh giác cầu nguyện cho những người này, và chúng ta cũng cần gây áp lực lên những giới hữu trách để đảm bảo rằng những cộng đồng Kitô giáo này không bị lãng quên.”

5. Vatican có thể là trung gian để Mỹ và Iran tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh

Chỉ căn cứ vào tuyên bố của hai bên, Mỹ và Iran, tiếp theo cuộc không tập hạ sát người con cưng của chế độ Iran, chiến tranh giữa hai bên là điều không thể tránh, dù Tổng Thống Trump cho rằng hành động của Mỹ là để ngăn chặn một cuộc chiến tranh chứ không phải để khởi diễn nó.

Nhưng cũng chính câu nói của Ông Trump khiến người ta hy vọng chiến tranh là điều có thể tránh được. Nhưng muốn có điều ấy, hai bên buộc phải nói chuyện với nhau. Phiền một nỗi, Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Theo ký giả John Allen, hai quốc gia giao tiếp với nhau qua trung gian Tòa đại sứ Thụy Sĩ ở Teheran. Chính vì thế, các viên chức của tòa đại sứ này đã được Iran mời hôm thứ Sáu để nghe lời phản đối của họ về vụ hạ sát Tướng Qasem Soleimani, mô tả nó như “một điển hình trắng trợn của chủ nghĩa khủng bố nhà nước Hoa Kỳ”.

Thực ra, Hoa Kỳ không cần trung gian Thụy Sĩ mới hay phản ứng của Iran vì phản ứng ấy đã được truyền thông thế giới truyền đi nhanh chóng và đầy đủ. Đối với ký giả Allen, Thụy Sĩ có lẽ cũng không được cần đến, khi Hoa Kỳ và Iran, để tránh cuộc chiến tranh cận kề, muốn nói chuyện trực diện với nhau qua một trung gian. Vì theo ông, trung gian ấy, tốt hơn, rất có thể là Vatican.

Lý do thứ nhất, liên hệ ngoại giao của Tòa Thánh với Iran đã có từ năm 1954, 30 năm trước khi Hoa Kỳ khởi đầu các liên hệ chính thức dưới thời Tổng thống Ronald Reagan năm 1984. Các nhà lãnh đạo Iran thời hậu cách mạng đặc biệt quan tâm đến việc làm nổi bật việc họ giao tiếp với Vatican, như một cách để phản công các cố gắng của Hoa Kỳ muốn tô vẽ họ như một thứ quốc gia cùng đinh (pariah state). Hiện nay, Iran có nhiều nhà ngoại giao tại Vatican hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới ngoại trừ Cộng Hòa Dominica; đây là dấu chỉ họ rất coi trọng mối liên hệ này.

Gần đây nhất, Iran đánh giá cao đường lối của Vatican đối với Syria, một đường lối không đòi thay đổi chế độ bằng cách loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad. Đàng khác, Vatican coi Iran như nước chủ chốt cho bất cứ giải pháp nào tại Syria, bao gồm cả việc che chở mạnh mẽ hơn cho cộng đồng thiểu số Kitô giáo tại Syria, và do đó đã đối xử với quốc gia này và các nhà lãnh đạo của nó một cách tôn trọng khác hẳn bất cứ định chế Tây phương nào khác.

Thêm vào đó, Vatican, nói chung, luôn chống đối việc trừng phạt kinh tế như một đòn bẩy chính trị, vì sợ rằng các hậu quả của chúng phần lớn rơi xuống đầu thường dân vô tội. Chính vì thế, Tòa Thánh chưa bao giờ ủng hộ việc Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế Iran vì vi phạm các thỏa ước hạch nhân và nhiều tranh chấp khác.

Thứ hai, theo Allen, Vatican dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể không được Hoa Kỳ dưới quyền Tổng Thống Trump ưa bằng Iran. Lý do vì vị đương kim Giáo Hoàng tỏ ra không ưa các người Công Giáo bảo thủ Hoa Kỳ vốn nằm trong số những người hết lòng ủng hộ vị Tổng thống này. Nói chung, về phương diện lịch sử, các tổ chức duy Hồi Giáo vẫn thường coi Vatican như một thứ tuyên úy đối với Phương Tây, nay hẳn họ thấy rõ Đức Phanxicô không hề nằm trong giỏ Tòa Bạch Ốc. Điều này quả là một vốn qúy trong hoàn cảnh này.

Sau cùng có một lý do nằm bên dưới khiến Vatican có thể vận động được Teheran mà cả Thụy Sĩ lẫn bất cứ quốc gia nào khác cũng không thể, đó là Thiên Chúa. Trên bình diện lãnh đạo, Iran là một chế độ thần trị, và dù cho là họ rất tinh khôn về khoa chính trị thực dụng (realpolitik), thế giới suy tư của giai cấp lãnh đạo của họ vẫn bàng bạc với các ý niệm và từ vựng tôn giáo. Vatican, vì thế, là trung gian nghiêm túc có thể vận động Iran trên bình diện này và được coi trọng.

Về phương diện học thuyết, Đạo Công Giáo và ngành Shiite /si-ai/ của Hồi Giáo Iran có một sự gần gũi tự nhiên. Không như ngành Sunni, một thứ Thệ Phản trong thế giới Hồi Giáo, người Shiite /si-ai/ được lãnh đạo bởi giai cấp giáo sĩ, họ nhìn nhận cả sách thánh lẫn truyền thống như các nguồn mặc khải; họ có nền thần học mạnh mẽ về hy sinh và chuộc tội, và họ cũng có những trào lưu lòng đạo bình dân phát biều bằng các ngày lễ, lòng sùng kính và cả các thánh nữa.

Những nét song hành ấy khiến Vatican rất thích hợp trong việc tạo nên mối liên hệ gắn bó mà không quốc gia Tây Phương nào khác có thể có đối với Iran.

Nhưng đâu có thể là sáng kiến ngoại giao của Tòa Thánh trong hoàn cảnh này?

Allen cho rằng, trước nhất, Đức Phanxicô có thể đích thân viết thư cho cả Tổng thống Trump lẫn Lãnh Đạo Tối Cao của Iran là Ali Khamenei, giống như các lá thư ngài viết năm 2014 cho cả nhà lãnh đạo Cuba, Raul Castro, lẫn Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Barack Obama, những lá thư đã giúp dọn đường tái lập liên hệ ngoại giao giữa Havana và Washington.

Trong các lá thư, Đức Phanxicô có thể đề nghị cung ứng các dịch vụ của Vatican như người trung gian giữa Iran và Hoa Kỳ, hay, ít nhất, như đường dây giao tiếp ở hậu trường giữa hai quốc gia để bảo đảm rằng các quyết định quân sự vội vàng không được đưa ra dựa trên tính toán sai lầm hay thiếu thông tin chính xác.

Ngài cũng có thể phỏng theo hành động của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng cách đích thân gửi sứ giả tới cả Tehran lẫn Washington, thúc giục họ chứng tỏ hạn chế, giống vị Giáo Hoàng Balan đã làm với Baghdad và Washington năm 2003 trong cố gắng ngăn chặn chiến tranh ở Iraq. Hiển nhiên, cố gắng ấy đã không thành. Nhưng sự kiện không thành một lần không có nghĩa nó sẽ không thành lần thứ hai.

Còn nếu mạnh dạn hơn, Đức Phanxicô có thể công bố ý định của ngài sẽ đi thăm Trung Đông, với ý tưởng triệu tập các viên chức Iran và Hoa kỳ cùng với đại diện các quốc gia khác trong vùng trong một cố gắng nhằm cổ vũ đối thoại và các giải pháp hòa bình. Nơi tổ chức có thể là Lebanon, một nước được Đức Phanxicô hứa sẽ đến thăm từ năm 2017 và là nước có liên hệ gần gũi với Iran nhưng cũng có mối liên hệ đủ để làm việc với Hoa Kỳ. Lebanon cũng là nước có dân số Công Giáo lớn nhất ở Trung Đông, khiến nó là nước tự nhiên để Đức Phanxicô tới thăm.

6. Thập kỷ qua dẫy đầy chết chóc, bạo lực và thương đau cho giới trẻ

UNICEF, mộtTổ chức Bảo vệ Trẻ em của Liên Hợp Quốc ghi nhận trong thập kỷ qua nhiều tang thương, chết chóc và lạm dụng nhắm vào trẻ em, làm gia tăng gấp ba lần so với các thập kỷ khác!

Tổ chức Bảo vệ Trẻ em của Liên Hợp Quốc xác định có hơn 170.000 vụ việc vi phạm nghiêm trọng tới trẻ em qua những tranh chấp chiến tranh và các thảm họa khác; cứ tính trung bình thì có tới 45 vụ vi phạm xảy ra hàng ngày, khiến thập kỷ vừa qua trở thành một thập kỷ đầy thảm họa chết chóc đối với trẻ em.

Hôm thứ Hai ngày 30/12/2019, bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành Quỹ UNICEF đã than thở rằng: Các cuộc tấn công vào trẻ em tiếp tục gia tăng, vì các bên tham chiến không tôn trọng những quy tắc căn bản nhất của chiến tranh là phải bảo vệ trẻ em. Bà lưu ý rằng số lượng các quốc gia bị cuốn hút vào các cuộc xung đột cao nhất kể từ năm 1989, khi công ước Quốc tế về Quyền lợi trẻ em được ký kết.

Trước những xung đột vũ trang bạo lực giết chóc nhắm vào trẻ em, khiến chúng buộc lòng phải rời khỏi mái ấm gia đình chạy trốn khỏi bạo lực và chết chóc! Bà cho hay chiến tranh triền miên đã gây nên bao nhiều cuộc tương tàn đổ máu và cướp đi nhiều sinh mạng trẻ thơ!

Năm 2018, Liên Hợp Quốc ghi nhận hơn 24.000 vụ vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em, bao gồm chết chóc, bắt cóc, bạo lực tình dục, từ chối những giúp đỡ nhân đạo, lam dụng sức lao động trẻ vị thành niên, trường học và bệnh viện cũng bị tấn công!

Trong khi các nỗ lực giám sát và báo cáo được tăng cường, thì con số những vi phạm đã nhẩy vọt hơn gấp rưỡi lần so với con số được ghi nhận vào những năm 2010.

Những tấn công và bạo lực đối với trẻ em đã không ngừng gia tăng trong suốt năm 2019. Trong nửa đầu năm, Liên Hợp Quốc ghi nhận hơn 10.000 vụ việc vi phạm đối với trẻ em – có thể con số thực thật còn cao hơn nhiều đang xảy ra ở các khu vực xung đột ở phía bắc Syria, miền đông Dân chủ Cộng hòa Congo (DRC) và miền đông Ukraine.

Khi năm 2019 sắp kết thúc, thì các cuộc tấn công và bạo lực đối với trẻ em còn tăng vọt mặc dù Tổ chức Bảo vệ Trẻ em của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tất cả các bên tham chiến hãy tuân thủ nghĩa vụ phải giữ luật pháp quốc tế và chấm dứt ngay các hành vi vi phạm đến trẻ em và nhắm vào thường dân vô tội bao gồm trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng của đất nước. Tổ chức Bảo vệ Trẻ em của Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia có tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế hãy mạnh mẽ dùng uy tín của mình mà bảo vệ trẻ em.

7. Sáu thách thức lớn của Đức Phanxicô trong năm 2020

Chuyên viên kỳ cựu về Vatican, Andrea Gagliarducci, cho rằng trong năm 2020, Đức Phanxicô sẽ có 6 thách thức lớn

Một cách cụ thể, trong năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ làm 6 việc sau đây: ký ban hành Tông Huấn Thượng Hội Đồng về vùng Amazon, ký ban hành Tông hiến cải tổ Giáo Triều Praedicate Evangelium; ngoài ra, ngài còn phải đương đầu với 4 thách đố quốc tế tại Trung Hoa, Á Căn Đình, Hoa Kỳ và Ba Tây.

Bản văn đầu tiên sẽ được ban hành năm nay chắc chắn là Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng về Vùng Amazon. Một số nguồn tin cho rằng văn kiện này đã sẵn sàng từ giữa tháng 12 vừa qua để được công bố. Bản văn sẽ xác nhận điều vốn được gọi là “luật trừ Amazon” và dự thảo một số nghi lễ đặc thù cho vùng này, thiết lập một quyền tài phán (jurisdiction) đặc thù mới.

Nếu đúng như thế, thì nhiều lãnh thổ khác chắc chắn cũng sẽ yêu cầu được hưởng một quyền tài phán đặc thù tương tự, khởi đầu chắc chắn là Giáo Hội Đức. Vì ở đấy, một hội đồng có tính trói buộc (mặc nhiên bị Đức Phanxicô chỉ trích) đang diễn ra. Hội đồng này nhắm có được nhiều quyền tự trị hơn trong các vấn đề như luân lý tính dục và việc quản trị tình huống các người ly dị và tái hôn.

Gagliarducci cho rằng: thực ra, vấn đề lớn đối với văn kiện về Thượng Hội Đồng Amazon là chủ nghĩa lục địa Mỹ Latinh. Đức Phanxicô không tha thiết đối với việc thay đổi tín lý. Nếu phải thay đổi tín lý, thì chỉ là vì cách tiếp cận thực tiễn của ngài mà thôi. Tuy nhiên, di sản của ngài phần lớn có tính địa chính trị. Và một trong các di sản đó là việc đánh giá cao lục địa Mỹ Latinh, theo giấc mơ của Simon Bolivar về một việc thống nhất phản thực dân.

Trong đệ nhất lục cá nguyệt của năm 2020, bản văn cải tổ Giáo Triều cũng có thể được ký công bố. Bản dự thảo đã được duyệt đi duyệt lại, đọc đi đọc lại nhiều lần; nó đã được sửa đổi nhiều lần và hiện đang được các Hội Đồng Giám Mục khắp thế giới, hoặc ít nhất, những vị nhận được nó, góp phần tu chính.

Mục tiêu chính của cuộc cải tổ là thay đổi não trạng của Giáo Triều. Do đó, các phòng sở vẫn chỉ là các phòng sở, với các chức vụ kéo dài 5 năm, trong khi các chức vụ có tính quá khứ (historical) sẽ biến mất. Thí dụ chức chamberlain (nhiếp chính) sẽ không còn được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm mà là một chức vụ cứ luật (de jure), chức phối trí viên của Hội Đồng Kinh Tế.

Các động thái trên cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô không thích định chế. Ngài sử dụng định chế hơn là duy trì nó. Ngài sẽ thực thi quan điểm của ngài, nếu cần, ngài sẵn sàng tu chính luật lệ.

Khung cảnh quốc tế cũng sẽ quan trọng trong năm 2020. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là vị Giáo Hoàng lý thuyết mà là một vị Giáo Hoàng thực tiễn. Chủ nghĩa thực tiễn của ngài cũng sẽ ảnh hưởng tới “hoạt động địa chính trị” của ngài. Vì thế, trong năm nay, sẽ có 4 thách thức quốc tế lớn để ngài phải quan tâm.

Thứ nhất là Trung Hoa. Sẽ có những Giám Mục khác phải được bổ nhiệm với việc chấp thuận của cả hai bên: Tòa Thánh và Chính Phủ Trung Quốc. Từ lúc có thoả thuận tạm thời với Trung Hoa về việc bổ nhiệm các Giám Mục, chỉ có 2 Giám Mục đã được bổ nhiệm. Giống như các liên hệ thông thường giữa Trung Hoa và Tòa Thánh, sẽ có tình huống 1 bước tiến, 2 bước lùi.

Gagliarducci trưng bằng cớ: Tòa Thánh có gian hàng tại cuộc triển lãm Trồng Vườn tại Bắc Kinh nhưng không được nhà cầm quyền Trung Quốc cho phép in và phân phối các bản sao Thông điệp Laudato Si’ cho các người tham dự. Bảo tàng viện Vatican trưng bầy các công trình của mình tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, nhưng cuộc triển lãm các công trình của Trung Hoa tại Vatican không bao giờ diễn ra.

Một vấn đề quốc tế khác liên hệ tới Hoa Kỳ. Cuối tháng 11, người Hoa Kỳ sẽ được kêu gọi bỏ phiếu để bầu tổng thống. Tòa Thánh và nhất là Đức Phanxicô sẽ hành động ra sao đối với Donald Trump, người sẽ ứng cử lần thứ hai? Có phải sẽ im lặng ủng hộ ứng cử viên Dân Chủ, vì xét thấy trong các vấn đề nóng bỏng như di dân và môi trường, Tòa Thánh và Tổng thống Hoa Kỳ có nhiều quan điểm rất khác nhau? Và đâu sẽ là quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Gomez, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, vì ngài vốn là một di dân?

Từ Bắc xuống Nam Mỹ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phải xem xét các liên hệ với Ba Tây của Jair Bolsonaro. Vị tân tổng thống này rõ ràng bất đồng với Đức Giáo Hoàng về nhiều vấn đề tế nhị, như kỹ nghệ vũ khí, ý định của Bolsaro di chuyển tòa đại sứ Batây ở Do Thái về Giêrusalem, và việc hòa nhập lục địa Mỹ Latinh. Dù gì, Ba Tây vẫn còn là quốc gia Công Giáo nổi bật nhất thế giới. Liệu sẽ có cuộc gặp gỡ giữa Bolsaro và Đức Giáo Hoàng? Đức Giáo Hoàng từng gặp đệ nhất phu nhân của Ba Tây ngày 13 tháng 12 vừa qua, khi ngài khánh thành trụ sở mới của Qũy Scholas Occurentes ở Rôma. Liệu sẽ có cuộc gặp gỡ với chính tổng thống vào năm nay?

Cuối cùng là Á Căn Đình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lẽ sẽ không viếng thăm quê hương của ngài trong năm 2020. Từ ngày được bầu làm Giáo Hoàng, ngài chưa bao giờ về đó. Chưa có lịch trình du hành chính thức, nhưng các chuyến đi sắp tới bao gồm Nam Sudan và Iraq, nếu điều kiện cho phép, và rồi ngài muốn viếng thăm Nam Dương, Đông Timor, và Papua New Guinea. Cũng có thể ngài sẽ đi Hung Gia Lợi để dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế.

Chính phủ mới của Ông Fernandez ở Á Căn Đình là một thách đố đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Fernandez không hẳn có mối liên hệ xấu với ngài, trái với liên hệ lạnh nhạt của cựu tổng thống Macri. Fernandez khi nói về ngài, luôn dùng kiểu nói “el Querido Papa Francisco” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô thân yêu). Ngài cũng đã gặp Đệ nhất Phu nhân trong cùng biến cố trong đó ngài gặp Đệ nhất Phu nhân Ba Tây.

Một trong điều chủ yếu trong mối liên hệ là luật phá thai. Fernandez hứa với cử tri của ông ta là sẽ ra luật về vấn đề này; Giáo Hội dĩ nhiên không muốn thế. Tuy nhiên, các phần khác của nghị trình Fernandez nói chung hòa hợp với nghị trình của Đức Phanxicô. Không có nhiều căng thẳng giữa đôi bên.
 
Sandro Magiste - Cuốn sách của Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Robert Sarah mạnh như một quả bom
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:17 14/01/2020
Sandro Magister, ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican của tờ L’Espresso, hôm 12 tháng Giêng có bài nhận định sau về cuốn sách mới do Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah viết chung với nhau: “Từ sâu thẳm trái tim của chúng tôi”.

Nguyên bản tiếng Ý “Un libro bomba. Ratzinger e Sarah chiedono a Francesco di non aprire varchi ai preti sposati” có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ từ phiên bản tiếng Anh.


Một cuốn sách như quả bom. Đức Ratzinger và Đức Hồng Y Sarah yêu cầu Đức Phanxicô đừng mở màn cho khả thể linh mục có gia đình.

Sandro Magister


Họ gặp nhau. Họ viết thư cho nhau. Chính xác trong khi “thế giới đang rung chuyển ầm ầm với tiếng ồn ào tạo ra bởi một thượng hội đồng kỳ lạ trong đó giới truyền thông chiếm mất vị trí của một thượng hội đồng chân thực,” là Thượng Hội Đồng Amazon.

Và họ đã quyết định phá vỡ sự im lặng: “Đó là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng tôi phải nhắc nhớ sự thật của chức tư tế Công Giáo. Trong những thời điểm khó khăn này, mọi người phải sợ rằng một ngày nào đó, Chúa sẽ chỉ vào mặt người ấy với lời trách móc gay gắt này: ‘Quân đáng nguyền rủa kia, ngươi đã không nói gì cả’.” Câu trong ngoặc đơn là lời nguyền rủa quyết liệt của Thánh Catêrina thành Siena, một người dám to gan công kích các vị Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinê, đã gửi cuốn sách này của các vị cho các nhà xuất bản không lâu ngay trước lễ Giáng sinh, thành ra, nó sắp được ra mắt ở Pháp vào giữa tháng Giêng, do Fayard xuất bản với tựa đề: “Des Profondeurs de nos cœurs”, nghĩa là “Từ sâu thẳm trái tim của chúng tôi,” và như thế, ngay trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể đưa ra những kết luận về Thượng Hội Đồng Amazon mà trong thực tế, bên cạnh chuyện sông núi rừng rậm, còn có một cuộc thảo luận dữ dội về tương lai của chức tư tế Công Giáo: độc thân hay không, và liệu có mở ra một tương lai cho việc phong chức linh mục cho phụ nữ hay không.

Trên thực tế, cuốn sách này sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Đức Phanxicô nếu ngài muốn mở ra chức tư tế cho những người đã kết hôn và chức phó tế cho phụ nữ, sau khi người tiền nhiệm và một Hồng Y có một kiến thức sâu sắc về tín lý và sự thánh thiện rạng ngời trong cuộc sống như Hồng Y Sarah đã đưa ra một quan điểm ủng hộ luật độc thân linh mục một cách rõ ràng và mạnh mẽ, trình bày quan điểm của chính các ngài với vị Giáo Hoàng đang trị vì gần như bằng những lời lẽ của một tối hậu thư, qua ngòi bút của một người [là Đức Hồng Y Sarah] nhưng với sự đồng thuận hoàn toàn của người kia [là Đức Bênêđíctô]:

“Có một liên kết bản thể học-bí tích giữa chức tư tế và luật độc thân linh mục. Bất kỳ sự suy yếu nào của liên kết này sẽ đặt ra vấn nạn về Huấn Quyền của Công đồng [Vatican thứ hai] và các Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Tôi khẩn cầu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết liệt bảo vệ chúng ta khỏi một khả năng như vậy bằng cách phủ quyết bất kỳ cố gắng làm suy yếu luật độc thân linh mục, ngay cả khi điều đó chỉ giới hạn trong một khu vực”

Cuốn sách dài 180 trang, sau lời tựa của biên tập viên Nicolas Diat, được chia thành bốn chương.

Chương thứ nhất với tiêu đề “Bạn sợ điều gì?” là một lời phi lộ được ký bởi hai tác giả, vào một ngày trong tháng 9 năm 2019.

Chương thứ hai do Đức Joseph Ratzinger viết, nghiêng về Kinh Thánh và Thần Học, và có tiêu đề: “Các linh mục Công Giáo” được hoàn thành vào ngày 17 tháng 9, trước khi Thượng Hội Đồng Amazon bắt đầu.

Chương thứ ba do Đức Hồng Y Sarah viết có tiêu đề “Để yêu cho đến cùng”. Đó là một cái nhìn về phương diện giáo hội học và mục vụ về luật độc thân linh mục. Chương này được hoàn thành vào ngày 25 tháng 11, một tháng sau khi kết thúc Thượng Hội Đồng Amazon, trong đó tác giả tham gia rất nhiệt tình.

Chương thứ tư là kết luận chung của hai tác giả, với tiêu đề: “Trong bóng tối của cây thập giá,” đề ngày 3 tháng 12.

Trong chương đầu tiên do ngài viết, Đức Ratzinger chủ yếu muốn đưa ra ánh sáng “sự hiệp nhất sâu xa giữa hai Giao Ước [Tân Ước và Cựu Ước], thông qua lộ trình từ Đền Thờ bằng đá đến Đền Thờ là Thân Thể Đức Kitô.”

Và ngài áp dụng chú giải Kinh Thánh này cho ba văn bản Kinh Thánh, mà từ đó ngài rút ra quan niệm Kitô giáo về chức tư tế độc thân.

Đầu tiên là một đoạn trích từ Thánh Vịnh 16: “Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16:5)

Văn bản thứ ba là những lời của Chúa Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 17:17): “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật”.

Trong khi đó, văn bản thứ hai là hai đoạn trích từ sách Đệ Nhị Luật (10: 8 và 18: 5-8) đã được đưa vào Kinh Nguyện Thánh Thể II: “Chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Tôn Nhan và phụng sự Chúa.”

Để minh họa ý nghĩa của những từ này, Đức Ratzinger đã trích dẫn gần như toàn bộ bài giảng của ngài tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng ngày 20 tháng 3 năm 2008, Thứ Năm Tuần Thánh, trong Thánh lễ làm phép các loại dầu, bao gồm dầu dùng để phong chức cho các linh mục.

Dưới đây là toàn bộ bài giảng của ngài trích từ một mẫu giới thiệu toàn bộ cuốn sách và các trang trong cuốn sách này: phần trực tiếp đề cập đến luật độc thân linh mục.

“Chúng ta không sáng chế ra Giáo Hội theo ý muốn của mình”

Joseph Ratzinger / Benedict XVI

Thứ Năm Tuần Thánh là một dịp để một lần nữa chúng ta tự hỏi: chúng ta nói tiếng “vâng” đáp lại điều gì? “Là linh mục của Chúa Giêsu Kitô” nghĩa là gì? Kinh Nguyện Thánh Thể II, có lẽ được soạn thảo tại Rôma trước khi thế kỉ thứ hai kết thúc, diễn tả bản chất của sứ vụ linh mục với những lời mà sách Đệ Nhị Luật (18, 5, 7) cũng đã đề cập đến bản chất của chức tư tế trong Cựu Ước: astare coram te et tibi ministrare (ứng trực và phụng sự Chúa). Có hai chức năng xác định bản chất của chức linh mục thừa tác: trước hết là “đứng trước Chúa.”

Theo sách Đệ Nhị Luật, điều này phải được giải thích trong bối cảnh của của sự phân phối của cải thời trước, theo đó, các tư tế không nhận bổng lợi nào của Đất Thánh- họ sống bởi Chúa và cho Chúa. Họ không tham gia vào những công việc độ nhật thường ngày. Công vụ của họ là “ứng trực trước nhan Chúa”- nghĩa là chăm chú nhìn lên Chúa, sống cho Chúa. Tóm lại, cách dụng ngữ trên chỉ định một đời sống đắm chìm trong sự hiện diện của Chúa cùng với một sứ vụ là đại diện cho tha nhân. Cũng như những người canh tác đất đai để nhờ đó tư tế có thể sống còn, thì tư tế phải giữ cho giữ cho thế giới này luôn hướng về Thiên Chúa, chính họ phải hướng lòng lên Người.

Nếu những lời này hôm nay được đặt trong Kinh Nguyện Thánh Thể ngay sau phần thánh hiến các lễ vật, nối tiếp đoạn Chúa hiện diện giữa cộng đoàn đang quy tụ để cầu nguyện, thì nó chỉ cho chúng ta thấy việc đứng đó là đứng trước Chúa đang hiện diện, nghĩa là, trước Thánh Thể, trọng tâm của đời sống linh mục. Nhưng dẫu vậy, ý nghĩa này còn mở rộng hơn nữa. Trong bài thánh thi của các giờ kinh Phụng vụ về Mùa Chay dẫn nhập vào giờ kinh sách- giờ kinh mà các đan sĩ thường cầu nguyện với Chúa vào ban đêm, thay cho mọi người- một trong các việc thực hành của Mùa Chay được đưa ra theo cách truyền lệnh: arctius perstemus in custodia- chúng ta hãy nhiệt tâm canh thức. Theo truyền thống đan viện Syria, các đan sĩ được mô tả như “những người đứng trên đôi chân của mình”; đứng thẳng chân là cách thể hiện sự canh thức.

Điều được coi như là phận vụ riêng của các đan sĩ thì cũng được nhìn nhận một cách hợp lí khi áp dụng cho sứ vụ linh mục, đúng như những lời trong sách Đệ Nhị Luật: linh mục phải là người canh thức. Ngài phải đứng để bảo vệ chống lại những thế lực mạnh mẽ của sự ác. Ngài phải canh giữ cho thế giới này luôn thức tỉnh hướng về Chúa. Ngài phải là người đứng thẳng trên chân mình: cương trực trước mọi dòng thời gian. Chính trực trong sự thật. Trung trực trong lời kết ước thực thi điều thiện. Ứng trực trước nhan Chúa, tự sâu thẳm của tư thế này cũng có nghĩa là nâng mọi người về với Chúa, là Đấng sẽ nâng tất cả mọi người chúng ta lên với Chúa Cha. Đó phải là sự nâng cao chính Người, chính Chúa Kitô, Lời Người, sự thật của Người, tình yêu của Người. Linh mục phải cương trực, không bị dao động, phải sẵn sàng chịu cả những sự xúc phạm vì Chúa, như được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ: họ “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu” (5, 41).

Giờ đây chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa thứ hai mà Kinh Nguyện Thánh Thể II lấy từ Cựu Ước- “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa.” Linh mục phải là một người chính trực và tỉnh thức, một người đứng thẳng. Cộng thêm vào những đức tính này nữa là sự phục vụ.

Theo bản văn của Cựu Ước, từ ngữ này có một ý nghĩa chủ yếu theo nghi thức: vị tư tế phải chịu trách nhiệm về tất cả hành vi thờ phượng đã được Lề Luật quy định. Nhưng việc hành động theo nghi thức này dần dần được xếp loại như việc phục vụ, như một phận vụ phải thi hành, và điều này dẫn giải cho những công việc trên phải được thực hiện với tinh thần nào.

Với việc đưa vào cách diễn tả “phục vụ” trong Kinh Nguyện Thánh Thể, ý nghĩa phụng vụ của từ ngữ được thích ứng một cách thức nào đó- để phù hợp với sự mới mẻ của phụng vụ Kitô giáo. Công việc vị linh mục làm trong khi cử hành Thánh Thể là phục vụ, và là việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người. Sự thờ phượng mà Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha là hiến dâng mình cho đến cùng, vì phần rỗi con người. Linh mục phải tự đặt mình vào trong việc thờ phượng này, trong việc phục vụ này. Như thế, cách diễn tả “phục vụ” bao hàm nhiều chiều kích. Chắc chắn điều đầu tiên trong những chiều kích này là việc cử hành đúng đắn phụng vụ và các Bí tích nói chung, được thực hiện với sự tham dự nội tâm. Chúng ta phải học để mỗi ngày hiểu hơn phụng vụ thánh trong tất cả bản chất của nó, học để phát triển sự quen thân sống động với nó, để nó trở thành linh hồn của đời sống thường ngày. Chỉ khi đó chúng ta mới cử hành một cách đúng nghĩa, chính lúc đó mới tỏ hiện tất cả ars celebrandi, nghi thức cử hành. Không được có gì là giả tạo trong nghệ thuật này.

Nếu Phụng Vụ là một trách nhiệm chính yếu của linh mục thì điều này cũng có nghĩa là cần phải đặt ra sự ưu tiên dành để học hỏi liên tục, tiếp cận mới và sâu xa hơn cách thế cầu nguyện, trong trường học của Chúa Giêsu Kitô và của các thánh trong mọi thời đại. Bởi vì phụng vụ Kitô giáo, tự bản chất vẫn luôn luôn là một lời loan báo, chúng ta phải là những con người thiết thân với lời Chúa, yêu mến lời Chúa và sống lời Chúa: chỉ khi đó chúng ta mới có thể cắt nghĩa lời Chúa một cách xứng hợp. “Phụng sự Chúa”- việc phục vụ của linh mục cũng có nghĩa là học biết Chúa trong lời của Người, và làm cho tất cả những ai Người đã uỷ thác cho ta được nhận biết Người.

Cuối cùng, có hai khía cạnh khác liên quan đến việc phục vụ. Không ai gần cận người chủ của mình hơn người tôi tớ, là kẻ có thể đi vào không gian riêng tư nhất trong đời sống của ông. Theo nghĩa này, “phục vụ” nghĩa là sự gần gũi, nó đòi hỏi sự thân tình. Nhưng sự thân tình này cũng có thể đưa đến một mối nguy: đó là sự tiếp xúc thường xuyên của chúng ta với điều thánh thiêng có thể gây cho chúng ta nhàm chán.

Sự kính sợ biến mất. Với ảnh hưởng của thói quen, chúng ta không còn cảm nhận một biến cố cao trọng, mới mẻ, lạ lùng, là chính Người đang hiện diện, chính Người nói với chúng ta, chính Người tự hiến cho chúng ta. Chúng ta phải không ngừng chống lại sự hoá nhàm đối với thực tại ngoại thường này, chống lại sự dửng dưng của con tim, để luôn nhìn lại sự bất xứng của chúng ta và ân huệ đang diễn ra trong việc Người tự giao nộp vào bàn tay của chúng ta theo thể thức này. Phụng sự có nghĩa là gần gũi, nhưng trên hết là sự tuân phục.

Người tôi tớ làm theo các mệnh lệnh: “Không phải theo ý con nhưng theo ý Cha” (Lc 22: 42). Với những lời này trên núi Ôliu, Chúa Giêsu dứt khoát đối đầu với tội lỗi, chống lại sự phản loạn của con tim hư hỏng. Tội của Ađam chủ yếu hệ tại việc ông ta đã muốn làm theo ý mình, chứ không theo ý Thiên Chúa. Cám dỗ của nhân loại luôn là muốn hoàn toàn tự lập, muốn chỉ theo ý riêng mình và muốn mãi như thế để được hoàn toàn tự do; chỉ theo sự tự do vô giới hạn như thế con người mới trọn vẹn là mình. Nhưng như vậy, chúng ta đã đặt mình chống lại sự thật. Bởi vì sự thật là chúng ta phải chia sẻ sự tự do của chúng ta với người khác và chúng ta chỉ tự do khi hiệp thông với người khác.

Sự tự do được chia sẻ này chỉ có thể trở nên sự tự do đích thực nếu qua việc này chúng ta đi vào ý muốn của Thiên Chúa, chấp nhận những gì cấu thành mức độ của tự do. Sự tự do nền tảng này là một phần của hiện hữu con người, một sự hiện hữu không chỉ thuộc về nó và cho chính nó, càng ngày càng trở nên cụ thể trong linh mục: chúng ta không rao truyền chính chúng ta, nhưng chính Chúa và lời của Người, những gì chúng ta không thể tự ý tưởng tượng ra. Chúng ta chỉ loan truyền lời Chúa Kitô một cách đúng đắn khi thông hiệp với Thân Mình của Người.

Sự tuân phục của chúng ta là tin cùng với Giáo Hội, suy nghĩ và nói năng cùng với Giáo Hội, phục vụ cùng với Giáo Hội. Điều này luôn bao hàm lời Chúa Giêsu đã nói với ông Phêrô: ‘Một người khác sẽ dẫn con đến nơi con chẳng muốn’. Được dẫn đến nơi chúng ta chẳng muốn đến là một khía cạnh căn bản của sự phục vụ, và chính điều này làm cho chúng ta được tự do. Được dẫn đi theo cách thế đó, có thể trái với chính tư tưởng và kế hoạch của chúng ta, nhưng chúng ta cảm nhận điều mới mẻ- sự phong phú của tình yêu Thiên Chúa.

“Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”: Chúa Giêsu Kitô, vị Linh Tục Tối Cao thật sự của trần gian đã đem đến cho những lời này tính sâu thẳm mà trước đó người ta không thể hình dung được. Người vừa là Con vừa là Chúa, đã muốn trở thành người tôi tớ Thiên Chúa theo lối nhìn của sách tiên tri Isaia đã phác hoạ. Người đã muốn trở thành tôi tớ của tất cả mọi người. Người đã diễn tả tính toàn diện của chức linh mục tối cao trong cử chỉ rửa chân.

Với hành vi yêu thương cho đến cùng, Người rửa sạch các bàn chân dơ bẩn; với sự khiêm hạ trong việc phục vụ, Người thanh tẩy chúng ta khỏi căn bệnh tự phụ. Như thế Người làm cho chúng ta có thể trở nên bạn hữu củaThiên Chúa. Người đã bước xuống, và sự đi lên đích thực của con người giờ đây được thực hiện trong việc chúng ta đi lên cùng với Người và tiến đến với Người. Sự nâng lên của Người là Thánh Giá. Đây là sự tự hạ sâu thẳm nhất, và, cũng như tình yêu được đẩy đến cực độ, thì đồng thời đó cũng là đỉnh cao của sự đi lên, của việc “nâng cao” con người.

“Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”- điều này giờ đây có nghĩa là bước vào lời mời gọi của Người như người tôi tớ của Thiên Chúa. Như vậy, Bí tích Thánh Thể như là sự hiện thực của việc bước xuống và nâng lên của Chúa Kitô, sẽ vượt ra ngoài chính nó để quy về nhiều cách thức phục vụ bằng tình yêu thương người đồng loại. Ngày hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để có thể một lần nữa thốt lên tiếng “vâng” theo nghĩa đó để đáp lại lời mời gọi của Người: “Con đây. Lạy Chúa xin hãy sai con” (x. Is 6, 8). Amen.


Source:L’Espresso
 
Từ thẳm sâu tâm hồn chúng tôi cảnh báo: Phong chức cho người có gia đình là thảm họa mục vụ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:13 14/01/2020
Matthew Schmitz là một trong hai chủ biên của tờ First Things. Ông là cây bút thường xuyên của tờ Catholic Herald, và là cộng tác viên thường trực của New York Times, the Wall Street Journal, the Washington Post, the Spectator, và các báo chí khác tại Hoa Kỳ.

Hôm 13 tháng Giêng, tờ First Things đã đăng một bài nhận định của ông về cuốn sách mới của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


A Call to Arms

Một Lời Kêu Gọi Chiến Đấu

Matthew Schmitz


Ngay khi có tin cho biết Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Robert Sarah đã xuất bản một cuốn sách bảo vệ luật độc thân linh mục, hai vị đã lập tức bị buộc tội tấn công Đức Thánh Cha Phanxicô. Thoạt nhìn, ta thấy ngay đó là một cáo buộc kỳ lạ. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo vệ chuẩn mực độc thân linh mục, trong khi tự hỏi liệu các ngoại lệ mở rộng có khả thi hay không. Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah cho biết các vị hoàn toàn không chỉ trích Đức Thánh Cha, nhưng viết cuốn sách này “trong tinh thần vâng phục hiếu thảo đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Nhưng trong Giáo hội chúng ta ngày nay, bất kỳ sự khẳng định rõ ràng nào về chính thống đều được hiểu như là một thách thức đối với uy quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là một sự thật bi đát, mà Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều nhận thức rõ. “Chúng tôi muốn tách biệt với tất cả những gì có thể gây tổn hại cho sự hiệp nhất của Giáo Hội,” các ngài viết trong phần giới thiệu cuốn Từ thẳm sâu tâm hồn: Chức tư tế, Luật độc thân linh mục và Cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội Công Giáo” (First Things có trong tay bản sắp chữ của ấn bản tiếng Anh). “Những tranh cãi cá nhân, thao túng chính trị, những trò chơi quyền lực, những thao túng ý thức hệ và những lời phê bình đầy cay đắng là trò chơi của ma quỷ – là kẻ gây chia rẽ, và là cha đẻ của sự dối trá.”

Cho dù bày tỏ lòng vâng phục của mình, cả Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều cho rằng khoảnh khắc phi thường này đòi hỏi phải có một phản ứng ngoại thường từ giáo dân. Đức Hồng Y Sarah nhắc lại và đánh giá cao gương của Thánh Catêrina thành Siena. Ngài nhận xét rằng “Trước đây, phát biểu ý kiến tự do hơn so với ngày nay. Thật tốt để nhắc nhớ, như một mẫu gương, những lời trách móc của Thánh Catêrina thành Siena đối với Đức Giáo Hoàng Gregory XI. Giám mục nào, Giáo hoàng nào ngày hôm nay sẽ cho phép mình bị thách thức một cách kịch liệt như thế? Hôm nay, những tiếng nói háo hức tranh cãi sẽ ngay lập tức mô tả Thánh Catêrina thành Siena là kẻ thù của Giáo hoàng hay là kẻ cầm đầu các đối thủ của ngài.”

Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah cho rằng các vị có “bổn phận thiêng liêng phải nhắc nhớ sự thật về chức tư tế Công Giáo. Vì qua các tấn kích nhắm vào chức tư tế ấy, toàn bộ vẻ đẹp của Giáo hội đang bị đặt thành vấn đề.” Bổn phận long trọng này mở rộng đến tất cả các Kitô hữu. Các ngài viết “Điều cấp bách và cần thiết đối với tất cả mọi người – giám mục, linh mục và giáo dân là phải ngăn chặn đừng để mình bị đe dọa bởi những lời thỉnh cầu lầm lạc, những trò đóng kịch, những lời dối trá hiểm ác và những sai lầm thịnh hành của thời đại chúng ta đang cố gắng hạ thấp nếp sống độc thân linh mục. Chúng ta hãy lên tiếng mạnh dạn tuyên xưng đức tin mà đừng sợ bị cho là không có lòng bác ái.”

Điều này không gì khác hơn là một lời kêu gọi chiến đấu không dùng vũ khí thế gian, cũng không phá vỡ sự hiệp nhất Kitô giáo bằng những lời cay đắng, nhưng là sử dụng thanh kiếm của Thần Khí, là Lời Chúa. Cuốn sách này được dành riêng cho một tập hợp các suy tư thần học và mục vụ, được chia thành bốn phần: suy tư của Đức Bênêđíctô, suy tư của Đức Hồng Y Sarah, và lời giới thiệu cũng như kết luận của hai vị đồng tác giả.

Đức Bênêđíctô, trong phần suy tư của ngài, truy nguyên cuộc tấn công luật độc thân linh mục cho tới tận sự khinh miệt đối với chính ý tưởng chức tư tế, là điều đi liền với sự phủ nhận Cựu Ước của bè rối Marcion [nổi lên vào khoảng năm 144. Marcion tin Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế do Chúa Cha sai đến và Thánh Phaolô là vị tông đồ cả của Người. Nhưng ông phủ nhận Cựu Ước và Thiên Chúa của Israel – chú thích của người dịch] Trong lối văn xuôi sáng sủa không thể bắt chước được của mình, Đức Bênêđíctô mô tả cách thế các phong tục xung quanh việc kiêng khem tình dục trong chức tư tế thời Aaron đã tiền định sự hiểu biết của chính Giáo hội về luật độc thân linh mục như thế nào:

Sự tiền định trong Cựu Ước này được viên mãn nơi các linh mục của Giáo hội trong một cách thế mới mẻ và sâu sắc hơn: họ phải sống chỉ bởi Thiên Chúa và cho Người. Thánh Phaolô nói rõ ràng hệ quả của điều này một cách cụ thể. Người tông đồ phải sống dựa trên những gì mọi người ban cho anh ta, bởi vì chính anh ta ban cho họ Lời của Thiên Chúa là bánh chân chính và là cuộc sống đích thực của chúng ta. Trong Cựu Ước, các tư tế Lêvi từ bỏ quyền sở hữu đất đai. Trong Tân Ước, sự từ bỏ này được chuyển hóa và đổi mới nơi các linh mục, vì họ được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, từ bỏ hôn nhân và gia đình.

Đức Bênêđíctô cũng xúc động nhớ lại khi ngài được đón nhận vào hàng tư tế. Tại thời điểm đó, ngài không còn là giáo dân nữa nhưng trở thành giáo sĩ. Ngài đã đọc những lời Dominus Pars hereditatis meae et calicis mei, nghĩa là Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con, như một phần trong nghi thức phong chức, đó là một lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa – chứ không phải là đất đai, gia đình – là gia nghiệp và là chén phần phúc của linh mục.

Đức Hồng Y Sarah, rút ra từ kinh nghiệm của chính mình, công việc mục vụ cho những làng quê xa xôi thiếu vắng các linh mục dưới chính sách khủng bố của Sekou Toure, để kết luận rằng “phong chức linh mục cho người nam đã lập gia đình sẽ là một thảm họa mục vụ, dẫn đến sự nhầm lẫn giáo hội học và làm lu mờ sự hiểu biết của chúng ta về chức linh mục.” Ngài tin rằng việc cung cấp linh mục cho các làng quê chịu thiệt thòi bằng cách phong chức linh mục cho những người nam đã lập gia đình là một hành động khinh miệt, khi tước mất của họ quyền có được chứng tá của một người nam tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Ngài viết: “Tôi tưởng tượng việc loan báo Tin Mừng ở làng tôi sẽ như thế nào nếu như họ đã phong chức linh mục cho một người đàn ông có gia đình. Tôi chắc chắn sẽ không phải là một linh mục như ngày hôm nay, bởi vì tính cách triệt để trong cuộc sống của các nhà truyền giáo là những gì thu hút tôi.”

Theo quan điểm của Đức Hồng Y Sarah, quá nhiều linh mục Công Giáo “đã trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, chính trị hay kinh tế,” cung cấp được các nhu cầu vật chất chứ không phải là các nhu cầu tinh thần mà họ được ủy thác để chăm sóc. Ngài viết: “Tôi thấy hổ thẹn khi thừa nhận rằng anh chị em Tin Lành đôi khi trung thành với Chúa Kitô hơn chúng ta.”

Đức Hồng Y Sarah chỉ ra rằng tại đất nước của ngài, cũng như ở Nhật Bản sau khi các nhà truyền giáo đã bị hành quyết vì đạo hoặc bị trục xuất, chính các giáo lý viên giáo dân đã bảo tồn đức tin. Và một trong các yếu tố đức tin mà họ bảo tồn là chức tư tế độc thân. Các Kitô hữu Nhật Bản được dạy phải nhìn vào ba dấu chỉ sau để nhận biết ai là linh mục: “Họ sống độc thân, họ có một bức tượng của Đức Maria, họ vâng phục Đức Giáo Hoàng Rôma.” Điểm cuối cùng này không bị mất đối với Đức Hồng Y Sarah, là người không chỉ bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Thánh Cha Phanxicô nhưng (tôi có thể nói từ kinh nghiệm của mình) còn kêu gọi những người đến với ngài với những nghi ngờ và lo lắng hãy làm như vậy.

Cuộc sống độc thân đang bị tấn công. Những ai đang tìm cách bãi bỏ kỷ luật độc thân linh mục viện dẫn các ngoại lệ trước đây của quy luật này như là tiền lệ cho yêu sách của họ, nhưng thực tế họ hy vọng sẽ tiến xa hơn. Theo kế hoạch của họ, việc phong chức cho người nam đã có gia đình sẽ không phải là một ngoại lệ nhưng phải trở thành một chuẩn mực. Những suy tư của Đức Bênêđíctô chứng minh rằng động thái này thiếu sự đảm bảo thần học. Những phản ánh của Đức Hồng Y Sarah cho thấy nó thiếu sự biện minh mục vụ. Như thế thì điều gì đang thúc đẩy đề xuất thay đổi này?

Chúng ta đang sống không phải trong một thế giới phi Kitô giáo cho bằng trong một thế giới hậu Kitô giáo, nơi có đầy những con người phẫn nộ với Giáo hội vì đã nhắc nhở họ về những sự thật mà họ đã từ bỏ. Cơ man các giáo sĩ bối rối trước tình huống này và tìm kiếm những dịp để báo hiệu sự háo hức của họ đối với một Giáo hội buông trôi giáo huấn về tính dục, dẹp tan kỷ luật về tình trạng độc thân và từ bỏ bất cứ điều gì khác thiên hạ không vừa ý. Những người chống đối kỷ luật độc thân không đáp ứng các nhu cầu mục vụ cho bằng một mong muốn của hàng giáo sĩ được có hòa bình với thế gian, theo các điều khoản của thế gian. Bởi vì thế gian muốn chúng ta tuân phục những ưu tiên và quyền lực của nó, nó ghét sự độc thân, vì đó là một dấu chỉ cho sự vâng phục triệt để đối với Thiên Chúa.

Theo những cách khác nhau, Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều nhận ra rằng độc thân linh mục không phải là một kỷ luật độc đoán. Đó là một dấu chỉ cho thấy Giáo hội từ chối vâng phục luận lý của thế gian này và thay vào đó tuân theo luận lý của một thế giới nơi người ta không lấy vợ lấy chồng. Chừng nào các Kitô hữu vẫn còn bị cám dỗ thần tượng hóa các quyền lực trần thế – đảng phái, quốc gia và thị trường – thì chúng ta không thể bỏ rơi dấu chỉ trung thành với Nước Trời này.


Source:The First Things