Ngày 12-01-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa 13/01/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:59 12/01/2019
Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7

"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

Xướng: Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa.

Xướng: Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ.

Xướng: Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.

Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38

"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 3, 15-16. 21-22

"Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Ðấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"

Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Chịu Phép Rửa
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:28 12/01/2019
Nghi lễ đơn sơ, hiệu quả vô bờ

Có một cậu bé tên là Bevel. Cha mẹ cậu quá bận bịu với công việc làm ăn nên thường giao cậu cho một bà vú nuôi. Một hôm bà vú đưa cậu ra bờ sông, lúc đó một nhà thuyết giáo nổi tiếng đang làm phép Rửa (Baptêm) cho dân chúng. Bà vú đưa Bevel tới để được rửa tội. Khi dìm Bevel xuống nước cộng với những lời đọc theo lệnh của Chúa Giêsu “Ta rửa con nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, kéo em lên khỏi nước, nhà thuyết giáo nhìn thẳng vào mắt cậu bé Bevel và nói: “Cậu bé ơi ! Giờ đây cậu có giá lắm. Cậu giá trị lắm, chứ trước khi làm baptêm cậu không có giá gì lắm”

Hôm nay lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa. Chúng ta ngồi trong nhà thờ này lễ sáng sớm, một trăm phần trăm cũng đã chịu Phép Rửa. Cùng một từ ngữ “Phép Rửa”, nhưng nội dung hai phép rửa khác hẳn nhau, và hiệu quả cũng khác xa nhau : Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan, còn chúng ta chịu Phép Rửa trong nước và Thánh Thần.

Trước khi xuống nước và sau khi lên khỏi nước, Đức Giêsu vẫn là một : tức vẫn có giá, vẫn vô giá. Có chăng là sau khi lên khỏi nước thì tiếng từ trời phán ra làm cho nhiều người biết cái giá trị sự cao trọng của Đức Giêsu mà trước đó họ chưa biết. Còn Phép Rửa của chúng ta lãnh nhận, trước khi được rửa (dìm hoặc đổ nước) ta chẳng là gì cả, nhưng sau khi rửa, ta cao trọng vô cùng. Nhưng lại khác phép rửa Chúa Giêsu nhận : chẳng có tiếng nào từ trời phán ra như phép rửa Chúa Giêsu đã nhận từ Gioan, khiến nhà thuyết giáo kia sau khi làm Phép Rửa cho bé Bevel đã phải nhìn vào mắt cậu mà nói: Giờ đây cậu có giá lắm, vì cậu được chọn làm con Thiên Chúa (tương đương “Đây là Con của Ta” trong phép rửa Chúa Giêsu nhận).

Quanh năm suốt tháng ít có cơ hội để chúng ta nhắc lại Phép Rửa chúng ta đã lãnh nhận. Thứ bảy tuần thánh trong đêm vọng Phục sinh là cao điểm của sự nhắc lại này, nhưng vì Phụng vụ khá dài nên ít linh mục nào còn muốn giảng giải thêm. Vì thế lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa (tuy là phép rửa Chúa Giêsu chịu khác xa với Phép Rửa ta lãnh nhận), nhưng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt để nhắc nhở Phép Rửa mà ta đã lãnh nhận.

Hôm nay xin nhắc nhở một ý thôi : “Sự cao trọng mà Phép Rửa mang lại,” hay nói văn chương hơn : “Nghi lễ đơn sơ nhưng hiệu quả vô bờ (= phi thường).”

Thật vậy, chỉ lấy nước lã, chứ không phải rượu lễ, bia hơi, hay là nước whisky, sâm banh, để rửa…. Chỉ với nước lã ! Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã. Cả một ao nước lã chẳng là gì huống lọ chỉ là một chút nước lã. Ấy vậy mà với một chút nước lã đó, cộng với lời đọc “Ta rửa ngươi nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì chút nước lã đó làm nên điều kỳ diệu rất phi thường: ta tức khắc trở nên con Thiên Chúa. Không cần biết đến nguồn gốc ta bởi đâu: nô lệ hay ông chủ, da đen hay da trắng, châu Phi hay châu Mỹ, mũi tẹt hay mũi hếch, Tây Thi hay Chung Vô Diệm, tỉ phú đại gia hay áo ôm khố rách, tất cả đều trở thành con Thiên Chúa. Không cần giây mơ rễ má nào về họ máu, về dòng tộc với người anh Do Thái tên Giêsu cả, mà ta –qua Phép Rửa đơn sơ– vẫn trở thành em của người Anh đó và tức là –theo kiểu nói của thánh Phaolô– đồng thừa kế gia tài với Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Ngày 13.11.1908, khi mới được 3 tuổi đầu, thì Phổ Nghi đột nhiên được Từ Hi Thái Hậu chỉ định làm Hoàng đế nối ngôi Bà và Hoàng đế Quang Tự đã ngã bệnh. Phổ Nghi sau này viết trong Hồi ký : “Thế là tôi chính thức trở thành con nuôi của Hoàng đế Đồng Trị và là người thừa kế chính thức của vua Quang Tự”. Vào cung được hai ngày thì cả Thái Hậu Từ Hi lẫn vua Quang Tự đều chết. Thế là ngày 2.12.1908, Phổ Nghi lên ngôi Hoàng đế (lúc 3 tuổi) trở thành vua thứ mười của triều đình Mãn Thanh, và là hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc. Ngày đại đăng quang long trọng đó đã hoà thêm tiếng khóc của Ấu chúa đòi cho được vú mẫu tới để xin bú tí !

Điều ta lưu ý về vị Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi này là : chỉ đơn sơ với ý muốn của Từ Hi thái hậu thôi, mà cậu bé chẳng nổi danh lắm, lại khá lạ xa với Hoàng tộc, đã trở thành thiên tử (hoàng đế là con Trời). Chẳng cần thử gien xem Phổ Nghi có máu hoàng tộc không, chẳng cần đợi tuổi tác có một chút râu để mà vuốt, chẳng xem gia tài có mấy chục lượng… Chỉ với ý muốn, lời trối của Từ Hi mà Phổ Nghi trở thành con trời (thiên tử).

Nếu ta thèm thuồng sự “tự không ra có,” “từ dân thành vua” nhanh như vậy của Phổ Nghi thì chúng ta lại càng ngạc nhiên và muôn đời tạ ơn Chúa bởi do ý Chúa, chứ không phải công lao gốc gác ô dù gì mà Thiên Chúa gọi và chọn chúng ta làm con của Ngài qua Bí tích Thánh Tẩy tái sinh. Ngài sinh chúng ta một lần nữa (hoặc sinh bởi trên cao) để ta làm con của Ngài.

Những điều chúng ta vừa nói, hình như còn thiếu một cái gì đó, không biết có ai nhận ra được cái thiếu đó không ?

Cái thiếu đó là “Tin.” Thiên Chúa không đè đầu đè cổ bất cứ ai để đặt họ làm con của Ngài đâu. Ngài không ép buộc. Ai tin, Ngài ban. “Hãy đi giảng Tin Mừng khắp loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa thì sẽ được cứu” (Mc 16,16). Còn Tin Mừng Gioan thì ghi : “Những ai tiếp rước Người, Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa”. Tiếp rước, tức là đón nhận. Đón nhận tức là tin.

Khi đón tiếp người lớn đến nhận Phép Rửa, vị chủ sự hỏi : “Anh xin gì cùng Hội Thánh Chúa ? Thưa tôi xin Đức tin.” Còn khi đón tiếp trẻ nhỏ, cũng câu hỏi : “Ông bà xin gì cho em bé đây ? Thưa xin Phép Rửa.” Bởi bé còn nhỏ chưa thể “tin,” nên vị chủ sự sẽ nói ngay: “Khi xin phép rửa cho con cái, ông bà (anh chị) lãnh nhận trách nhiệm giáo duc các em trong đức tin, để các em tuân giữ luật mến Chúa yêu người như Đức Kitô đã dạy”. Chính đức tin của cha mẹ và người đỡ đầu bảo đảm cho đức tin của con cái (1).

Năm 2019, GH Việt Nam đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Khó khăn đó có thể là những gia đình “rối hôn phối.” Khi cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ đôi rối này đến xin Phép Rửa cho con cái, cha sở thường xét xem, đôi rối này có thể gỡ được không. Nếu có thể gỡ được, mà thời gian gỡ không lâu (như thiếu hình thức giáo luật, chưa chuẩn khác Đạo…; còn rối do dây HP, thời gian giải quyết lâu hơn) thì có thể cha sở hoãn một thời gian để thúc bách đôi rối này “gỡ” rối sớm, chứ nếu rửa tội cho con ngay, họ chẳng thấy thúc bách gì để xin gỡ rối cả.

Hãy cầu nguyện cho những em nhỏ và người lớn nhờ Phép Rửa Tái Sinh mà trở nên con Chúa, con Hội Thánh, con giáo xứ. Và nhớ tới Phép Rửa ta đã lãnh nhận mà vô cùng tạ ơn Chúa ngàn đời đã cho ta được địa vị “này là con Cha yêu dấu” như địa vị Anh Cả chúng ta là Chúa Giêsu vậy. Amen

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

___________________________

(1) Phép lạ Chúa chữa người bất toại do bốn người khiêng dỡ mái nhà thòng xuống trước mặt Chúa, có ghi : “thấy lòng tin của họ, Chúa nói với người bất toại : tội con đã được tha” (Mc 2,3tt). Lòng tin của người kia khiến Chúa tha tội, chữa lành cho người này.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hai mươi cựu nguyên thủ quốc gia chỉ trích thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
Anthony Nguyễn
17:17 12/01/2019
Hai mươi cựu nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ các nước Mỹ Châu Latinh đã viết một bức thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô để phàn nàn về những lời của ngài nói về Venezuela và Nicaragua trong thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi hôm 25 tháng 12 vừa qua.

Bức thư, được đăng trên các tờ báo tiếng Tây Ban Nha vào ngày 6 tháng Giêng, cho rằng trong thông điệp Giáng Sinh gởi dân thành Rôma và thế giới, Đức Thánh Cha đã vô tình xem nhẹ những áp bức mà người dân Venezuela và Nicaragua đang phải chịu dưới tay chính phủ của họ.

Những người ký bức thư, bao gồm người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và là cựu tổng thống Costa Rica Oscar Arias, nói rằng họ không nghi ngờ đức tin tốt lành của Đức Phanxicô và “tinh thần mục vụ” đằng sau thông điệp này, nhưng “phần lớn người dân Venezuela và Nicaragua đã diễn dịch thông điệp ấy một cách rất tiêu cực”.

“Trên hết, ngay lúc này đây, ở các quốc gia này, có một sự tranh chấp chính trị đòi hỏi một sự hiểu biết, khoan dung giữa các lực lượng xung đột trước các trình thuật khác nhau. Đó là điều bình thường trong bối cảnh của một nền dân chủ trưởng thành hoặc còn ít nhiều thiếu sót. Chẳng may, một nền dân chủ như thế không tồn tại ở các quốc gia này”, bức thư nói.

Trong thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha nói về Venezuela như sau: “Cầu xin cho mùa hồng ân này cho phép Venezuela một lần nữa khôi phục lại được sự hài hòa xã hội và cho phép tất cả các thành viên trong xã hội làm việc trong tình huynh đệ cho sự phát triển của đất nước và hỗ trợ cho các khu vực dễ bị tổn thương nhất của dân chúng.”

Về Nicaragua, Đức Thánh Cha yêu cầu “các cư dân của Nicaragua yêu dấu một lần nữa có thể coi mình là anh chị em với nhau, để sự chia rẽ và bất hòa sẽ không thắng thế, nhưng tất cả có thể hoạt động để thúc đẩy hòa giải và cùng nhau xây dựng tương lai của đất nước.”

Bức thư của các cựu nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ từ Mỹ Châu Latinh bày tỏ lo ngại rằng “lời kêu gọi hòa hợp từ phía Đức Thánh Cha, trong bối cảnh hiện nay, có thể được hiểu bởi các nạn nhân bị hại tại các quốc gia này rằng họ nên thỏa thuận với những kẻ đang tra tay hãm hại họ”.

Trong trường hợp của Venezuela, họ nói thêm rằng chính phủ nước này đã khiến cho 3 triệu người phải xin tị nạn ở nước ngoài. Với tình hình như hiện nay, Liên Hiệp Quốc dự đoán sẽ có 5.9 triệu người phải xin tị nạn trong năm 2019.

Bức thư đã ghi nhận sự quan tâm sâu sắc của Đức Thánh Cha đối với sự đau khổ của người dân Venezuela và Nicaragua, và những người ký tên bày tỏ mong muốn được gặp ngài “vào một thời điểm thích hợp”.

Nhưng những người ký tên trong bức thư nói rằng người dân Venezuela là nạn nhân bị áp bức bởi một chế độ độc tài quân sự. Chế độ gian ác ấy không có chút ý định nào muốn giảm thiểu các vi phạm một cách có hệ thống đối với quyền sống, quyền tự do và phẩm giá toàn vẹn của con người và đang gây ra một nạn đói lan rộng cũng như tình trạng thiếu thuốc men và các chăm sóc y tế.

Họ cũng nói rằng vào giữa năm ngoái, có 300 người Nicaragua đã bị giết và 2,500 người bị thương trong một làn sóng đàn áp.

Bức thư là một sáng kiến của Mạng lưới Sáng kiến Dân chủ Tây Ban Nha và Mỹ Châu (gọi tắt là IDEA), hoạt động nhằm thúc đẩy chủ nghĩa tân tự do, các hiệp định thương mại và giáo dục công cộng.

Những người ký tên trong bức thư là: Oscar Arias, người Costa Rica; Nicolás Ardito Barletta, người Panamá; Enrique Bolaños, người Nicaragua; Alfredo Cristiani, người El Salvador; Felipe Calderón, người México; Rafael Ángel Calderón, người Costa Rica; Laura Chinchilla, người Costa Rica; Fernando De la Rúa, người Á Căn Đình; Vicente Fox, người México; Eduardo Frei, người Chí Lợi; César Gaviria T., người Colombia; Osvaldo Hurtado, người Ecuador; Luis Alberto Lacalle, người Uruguay; Jamil Mahuad, người Ecuador; Mireya Moscoso, người Panamá; Andrés Pastrana A., người Colombia; Jorge Tuto Quiroga, người Bôlivia; Miguel Ángel Rodríguez, người Costa Rica; Álvaro Uribe V., người Colombia; và Juan Carlos Wasmosy, người Paraguay.

Tòa Thánh là thẩm quyền luân lý có lẽ nên mạnh dạn và thẳng thắn nói lên những đau khổ người dân các nước đang phải chịu dưới ách các chế độ độc tài. Những động thái như thỏa thuận với bọn cầm quyền Trung Quốc trong vấn đề bổ nhiệm Giám Mục, tiếp đón lãnh đạo các chế độ độc tài như các quan chức cộng sản Việt Nam trong khi im lặng trước các vi phạm nhân quyền khiến nhiều người không khỏi “ngỡ ngàng”.


Source: Catholic Herald - Former Latin American leaders criticize pope's comments on Nicaragua, Venezuela
 
Các giám mục Venezuela: Việc tuyên thệ nhiệm kỳ thứ hai của Nicolas Maduro là bất hợp pháp.
Anthony Nguyễn
19:00 12/01/2019
Trong thông cáo hôm 9 tháng Giêng, Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định việc tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai của Nicolas Maduro hôm thứ Năm 10 tháng Giêng là bất hợp pháp.

“Tuyên bố khởi đầu một nhiệm kỳ mới vào ngày 11 tháng Giêng tự bản chất của nó là bất hợp pháp và mở ra cánh cửa cho việc không công nhận chính quyền, vì nó thiếu sự ủng hộ dân chủ về công lý và luật pháp,” các Giám Mục đã viết như trên trong một thông cáo đưa ra sau phiên khóang đại của Hội Đồng Giám Mục Venezuela.

Các vị nhắc lại rằng trong tuyên bố hôm 11 tháng 7 năm 2018, các ngài đã khẳng định rằng cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào tháng Năm là “bất hợp pháp, cả Quốc hội Lập hiến được thành lập bởi cơ quan hành pháp cũng là bất hợp pháp. Chúng ta đang phải đối mặt với một sự cai trị độc đoán, không quan tâm đến các nền tảng được quy định trong Hiến pháp và cũng chẳng đoái hoài đến các nguyên tắc cao nhất về phẩm giá của người dân.”

Maduro đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai kéo dài sáu năm vào ngày 10 tháng Giêng trước Tòa án Tối cao, do y khống chế, thay vì trước Quốc Hội do phe đối lập kiểm soát. Quốc hội Venezuela đã bị thay thế bởi Quốc hội Lập hiến, được thành lập vào năm 2017 sau một trò hề bầu cử bị các đảng đối lập tẩy chay.

Các Giám Mục viết tiếp rằng “Trong cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế hiện nay, Quốc hội, được người dân Venezuela bầu theo thể thức bầu cử tự do và dân chủ, hiện là cơ quan công quyền duy nhất hợp pháp có thể thực thi quyền lực hợp hiến của mình.”

Trong khi nhắc lại lời của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh kêu gọi khôi phục Quốc hội, các Giám Mục Venezuela nhấn mạnh rằng: “Người dân Venezuela đã bỏ phiếu tín nhiệm Quốc Hội. Điều này phải được công nhận ngõ hầu các vị dân cử có thể hoàn thành nghĩa vụ đại biểu của mình trong việc đưa ra và ban hành các luật lệ mà đất nước cần phải có để tái lập nền dân chủ và trở lại sự liêm chính và trung thực trong việc quản lý nền kinh tế quốc gia.”

Quốc hội, bị bọn cầm quyền Maduro giải tán, tuyên bố sẽ không công nhận nhiệm kỳ thứ hai của Maduro. Hoa Kỳ và 13 quốc gia Mỹ Châu khác cũng tuyên bố không công nhận bọn cầm quyền Maduro.

Trong số những người tham dự lễ nhậm chức có Daniel Ortega và Evo Morales, tổng thống Nicaragua và Bolivia. Chính phủ Salvador và Cuba, những đồng minh thân cận trước đây của Venezuela đã tuyên bố chấm dứt sự ủng hộ đối với Maduro.


Source: Catholic Herald Venezuelan bishops denounce Maduro’s new presidential term as illegitimate
 
Cuộc gặp gỡ giữa Bộ Giáo lý Đức tin và các Ủy ban châu Á tại Bangkook, Thái Lan.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
19:13 12/01/2019
Một phái đoàn của Bộ Giáo lý Đức tin sẽ gặp các chủ tịch Ủy ban Giáo lý thuộc các Hội Đồng Giám Mục Châu Á vào ngày 15-18 tháng giêng tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan ở Bangkok, Thái Lan.

Cuộc gặp gỡ ờ Thái Lan “biểu lộ mong muốn của Bộ Giáo lý Đức tin hỗ trợ các Hội Đồng Giám Mục địa phương trong trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ giáo lý đức tin, xem xét những thách thức cụ thể đối với lục địa châu Á ngày nay.

Phái đoàn sẽ được lãnh đạo bởi Đức Hồng Y Bộ trưởng Luis F. Ladaria, S.I., và Đức Tổng Giám mục Thư ký J. Augustine Di Noia, O.P.

Khi thông báo về sự kiện này, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã trích dẫn một hướng dẫn ngày 23 tháng 2 năm 1967, theo đó, Bộ Giáo lý Đức tin, theo lệnh của Thánh Giáo hoàng Phao-lô 6, đã yêu cầu Hội đồng Giám mục thành lập Ủy ban Giáo lý thuộc Hội đồng Giám mục của họ, như một cơ quan tư vấn để hỗ trợ họ và các cá nhân giám mục, trong mối quan tâm của họ đối với đức tin và luân lý.

Trong một số tình huống có thể khó khăn, nhiệm vụ mục vụ thiết yếu này có thể được thực hiện bởi một Ủy ban khác, hoặc bởi một giám mục duy nhất theo dõi các vấn đề giáo lý với sự chú ý đặc biệt.

Để tăng cường sự hợp tác giữa Bộ Giáo lý Đức tin và Ủy ban Giáo lý của các Hội đồng Giám mục, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã quyết định vào năm 1982 rằng các chủ tịch của các Ủy ban như vậy sẽ gặp nhau định kỳ ở cấp lục địa.

Một trong những đặc điểm ban đầu của các cuộc họp này nằm ở chỗ, các Bề trên của Bộ Giáo lý Đức tin đi đến các châu lục khác nhau, do đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các pháp lý địa phương và khu vực, và trách nhiệm của họ trong việc giải quyết các vấn đề giáo lý.

Các cuộc họp đầu tiên trong số này diễn ra ở Châu Mỹ La tinh, ở Bogotá (1984); và những cuộc họp tiếp theo ở Kinshasa, Châu Phi (1987); Vienna, Châu u (1989); Hồng Kông, Châu Á (1993); Guadalajara, Mỹ Latinh (1996) và San Francisco, Bắc Mỹ (1999). Trong thời gian gần đây, các cuộc họp diễn ra ở Dar es Salaam, Châu Phi (2009) và Eszterermo-Budapest, Châu u (2015).

Hiện nay, một cuộc họp mới cùng loại đã được chuẩn bị cho châu Á. với sự cộng tác của Chủ tịch Liên đoàn các Giám mục Châu Á (FABC),

Một sự kiện như vậy thể hiện mong muốn của Bộ Giáo lý Đức tin để hỗ trợ các Giám mục địa phương trong trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ giáo lý đức tin, xem xét những thách thức cụ thể đối với lục địa châu Á ngày nay.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania bị chỉ trích nặng
Vũ Văn An
19:59 12/01/2019
Đến nay, ai cũng biết phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pensylvannia là phúc trình gì và tác động của nó mạnh mẽ ra sao khiến cả Hoa Kỳ mau chóng nhìn nhận giá trị của nó, đến nỗi, nó đủ khiến một vị Hồng Y tăm tiếng của tổng giáo phận Washington D.C. từ chức. Điều không ai ngờ là sau gần 5 tháng từ ngày được công bố, nó bị một ký giả hàng đầu vạch trần là “không chính xác và bất công”.



Người đó là ông Peter Steinfels, một ký giả Hoa Kỳ và là một nhà giáo dục, nổi danh vì các bài viết về chủ đề tôn giáo. Có học vị tiến sĩ từ Đại Học Columbia, ông từng là giáo sư thỉnh giảng của từ Đại Học Notre Dame và từ Đại Học Georgetown. Từ 1990 tới 2010, ông giữ mục “Beliefs” trên tờ New York Times. Ông cũng là một giáo sư tại từ Đại Học Fordham và là đồng giám đốc của Trung Tâm Fordham về Tôn Giáo và Văn Hóa.

Ông được người ta xếp vào loại trí thức Công Giáo cấp tiến, không bênh vực đạo bằng bất cứ giá nào. Ông là tác giả nhiều cuốn sách giá trị trong đó có The Neoconservatives: The Men Who Are Changing America's Politics (ISBN 0-671-41384-8) và A People Adrift: The Crisis of the Roman Catholic Church in America (ISBN 0-684-83663-7).

Ông từng luận bàn ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ, một điều, theo ông, cuối cùng sẽ dẫn đến việc có các nữ Hồng Y.

Theo ký giả Christopher White, trong một tiểu luận dài gần 11,000 từ, Peter Steinfels tra vấn cả động lực lẫn phương pháp luận của phúc trình hồi tháng Tám của đại bồi thẩm đoàn Pensylvannia, tức phúc trình đề cập tới 7 thập niên lạm dụng tình dục tại 6 giáo phận Công Giáo Hoa Kỳ.

Công bố trên tạp chí Commonweal, ngày 10 tháng 1 vừa qua, tiểu luận tựa đề “The PA Grand-Jury Report: Not What It Seems” (Phúc Trình Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvannia: Không Phải là Điều Nó Tỏ Ra), kết luận rằng phúc trình này “dẫn dắt sai lạc, vô trách nhiệm, không chính xác, và bất công một cách thô thiển”.

Theo Steinfels, phúc trình trên “mâu thuẫn từ tư liệu tìm thấy trong chính phúc trình – nếu ta thực sự đọc nó một cách cẩn thận. Nó mâu thuẫn do chứng từ cung cấp cho đại bồi thẩm đoàn nhưng bị làm ngơ – và tôi tin, do chứng cớ mà đại bồi thẩm đoàn không bao giờ theo đuổi”.

Ông đã lục lọi trọn phúc trình dài đến 1,356 trang và phê phán cả những gì có trong phúc trình lẫn những gì bị loại bỏ.

Tưởng cũng nên biết “đại bồi thẩm đoàn” nói đây có khác với “bồi thẩm đoàn” tại các phiên xử. Vì đại bồi thẩm đoàn chỉ là bước đầu tiên được các công tố viên sử dụng để thu lượm lý do lên án ai mà cuối cùng có thể dẫn đến một phiên xử. Nên phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pensylvannia do bộ trưởng tư pháp Josh Shapiro công bố, chỉ là một thứ phúc trình điều tra, nhưng theo Steinfels, nó “vừa là lời tố cáo vừa là lời kết án cuối cùng, và vì phát xuất từ một bộ phận tư pháp có một vị trí đáng kính và quan trọng trong cộng đồng, nên tiềm năng gây hại của nó vượt mọi tính toán”.

Steinfels nhận định rằng các cá nhân và hành động liệt kê trong phúc trình của các đại bồi thẩm đoàn (gọi là đại vì gồm từ 16 đến 23 thành viên, nhiều hơn bồi thẩm đoàn tại phiên xử, chỉ gồm tối đa 12 thành viên) chỉ có thể bị thách thức sau khi nó được công bố, một việc thường là quá trễ đối với “tòa án” công luận như trường hợp của Đức Hồng Y Donald Wuerl, mà việc xử lý các trường hợp lạm dụng lúc còn là giám mục Pittsburgh trong các thập niên 1980 và 1990 sẽ khiến ngài phải từ chức Tổng Giám Mục Washington D.C.

Đức Hồng Y Wuerl đã tìm cách thanh minh một số điều trong nội dung phúc trình trước khi nó được công bố nhưng không được thỏa thuận làm như vậy.

Steinfels chỉ trích lối tường thuật “gây nôn mửa” các vụ lạm dụng trong bản phúc trình, đặc biệt là cấu trúc của phúc trình, với các mô tả gây xúc động ngay trong phần dẫn nhập, đủ lên khuôn cho các tường trình của giới truyền thông ngay lúc nó được công bố, và thiếu hẳn các thông tin liên quan tới các cố gắng giải quyết của Giáo Hội.



Ông viết: “không một cố gắng nào để biện phân các mẫu thống kê về tuổi người lạm dụng, tỷ lệ lạm dụng qua thời gian, các hành động của cơ quan chấp pháp, hay các thay đổi trong các đáp ứng của các viên chức giáo hội”.

“Cũng không có so sánh nào với các định chế khác. Người ta tự nhiên thắc mắc một cuộc lục lọi về 70 tới 80 năm lạm dụng tình dục tại các trường công hay các cơ sở hình sự thiếu niên sẽ tìm thấy những gì”.

Steinfels cho rằng ông cũng có danh sách khiếu nại riêng của ông chống lại hàng giáo phẩm chứ không viết để bênh vực cho họ. Nhưng ông cho rằng các sai sót của bản phúc trình làm tê liệt khả năng của nó trong việc đưa ra các khuyến cáo nghiêm túc có thể mang lại ích lợi cho mọi bên liên hệ.

Ông viết thêm “Tôi tin rằng đáng lý ra đại bồi thẩm đoàn đã có thể đạt được những khám phá xúc tích, chính xác, cung cấp thông tri, và có tác dụng mạnh về những điều các nhà lãnh đạo các giáo hội khác nhau làm và không làm, về những điều thường xuyên được làm ở một số nơi và trong một số thập niên chứ không ở những nơi khác”

“Đáng lý nó đã có thể trình bầy đủ các cơ sở ít nhất cho 3 trong số 4 khuyến cáo không mấy độc đáo chứ không nhất quyết đưa ra các tố cáo chung chung. Đáng lý nó đã có thể xác nhận hay sửa lại phần lớn những điều chúng ta tưởng mình biết về các nguyên nhân và cách phòng ngừa việc lạm dụng tình dục người trẻ”.

Các khám phá của phúc trình Pensylvannia và việc chú ý đến nó đã khiến hơn mười tiểu bang khác tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra riêng về cách Giáo Hội Công Giáo xử lý việc lạm dụng tình dục cũng như việc có thể có cuộc điều tra của Liên Bang.

Steinfels tin rằng chứng cớ trong phúc trình Pensylvannia, nếu đọc một cách không thiên vị, cho thấy các chính sách thiết lập năm 2002 của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, dưới danh “Hiến Chương Dallas”, có hiệu quả, dù cần cải thiện.

Ông nói: “Hiến chương Dallas có hiệu quả. Không hoàn hảo, cần nhiều cải thiện và không ngừng canh chừng hơn. Nhưng có hiệu quả. Những báo động có lý và các đòi hỏi nhận lỗi về việc hoặc là cố tình không thi hành hay không có khả năng hành chánh không nên bị xuyên tạc thành một viện cớ thiếu cơ sở cho rằng về căn bản không có gì thay đổi cả”.

Dù biên giới mới để cải cách nay tập chú vào các tiêu chuẩn và nghị định thư về việc qui lỗi hàng giám mục, Steinfels vẫn kết luận bài phân tích của ông bằng cách cho rằng dự phóng cho cuộc họp thượng đỉnh vào tháng Hai tới tại Vatican về việc lạm dụng tình dục, Giáo Hội Hoa Kỳ nên vững tin rằng cuộc cải tổ của họ quả hữu hiệu.

Ông viết: “Hiến chương Dallas nhất định không phải là công thức có thể chuyển giao cho bất cứ xã hội hay nền văn hóa hoặc tình huống luật pháp hay cai trị nào khắp thế giới. Nhưng các giám mục Hoa Kỳ nên đi phó hội thượng đỉnh tháng Hai tại Vatican về việc lạm dụng tình dục với niềm tự tin rằng các biện pháp họ đã chấp nhận đã tạo được sự khác biệt quan trọng”.

Đón đọc: Nguyên văn tiểu luận của Peter Steinfels.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy Đưa Những Người Trẻ Đến Với Tin Mừng
Thanh Quảng sdb
20:51 12/01/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy Đưa Những Người Trẻ Đến Với Tin Mừng

Đề tựa cho cuốn “Thánh Gioan Bosco, một "Tác Nhân" của Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết đề tựa: Đọc cuốn Niềm Vui Tin Mừng theo tinh thần của Cha thánh Gioan Bosco, đây là một tập hợp các tiểu luận của nhiều thành viên trong Dòng Salesian, được thành lập bởi Thánh Gioan Bosco. Tác phẩm cung cấp nhiều văn bản rất hoàn chỉnh trước lời mời gọi, phân tích, cũng như những chứng từ sống động dựa trên kinh nghiệm sống của nhiều môi trường giáo dục khác nhau.
Trong lời giới thiệu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tu sĩ Salesian rằng họ thật may mắn có một Vị sáng lập với khuôn mặt phản ánh niềm vui của ngày Chúa Nhật Phục sinh, thay vì khuôn mặt ủ dột của Thứ Sáu Tuần Thánh. Thánh Gioan Bosco, luôn vui tươi, Ngài đón nhận hàng ngàn những nhân công trẻ và đang gặp khó khăn sống lây lất tìm đến với Ngài mỗi ngày.

Một thông điệp mang tính cách mạng
Đức Thánh Cha đã mô tả sứ mệnh của Don Bosco, là một cuộc cách mạng của Tôn giáo thời ấy khi mà nhiều linh mục sống một cuộc sống, tách rời khỏi dân chúng thì Cha Bosco lại mang niềm vui và sự ân cần chăm sóc của một nhà giáo dục chân chính cho giới trẻ mà Ngài cứu vớt trên những đường phố thành Torino vào đầu thế kỷ 19.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư từ chính cảm nghiệm riêng của ngài khi theo học tại một trường Salesian khi còn nhỏ, ở đó, Ngài nói, Ngài đã tìm thầy cùng một bầu khí tươi vui gia đình và Ngài nói điểm này, chính là ơn gọi của các con.

"Tình yêu Tinh ròng" của Don Bosco
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở cho các Salesian về tình yêu tinh ròng của Đấng sáng lập của Tu hội là Lòng yêu mến dành cho Đức Mẹ Maria, lòng sùng mộ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể và tình mến dành cho Đức Thánh Cha. Và ĐTC khuyến khích họ trở thành nền tảng vững chắc như Cha Thánh Gioan Bosco - một Đấng sáng lập tài ba biết trông xa nhìn rộng, can đảm đối diện với vấn đề hầu can đảm dấn thân…
ĐTC giải thích rằng làm việc cho những người trẻ, các con phải là những người mang Tin mừng Chúa Kitô phục sinh, chúng con phải trở thành một nhân chứng cho Tin mừng, một Tin mừng đơn thuần thanh khiết của nó dù có phải đối đầu với văn hóa phức tạp tại mỗi quốc gia.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng cách xác tín rằng qua những trang tác phẩm này sẽ mang lại ích lợi cho tất cả mọi người trẻ của Cha thánh Gioan Bosco trên toàn thế giới và cho tất cả những ai đang sống và chia sẻ ơn đoàn sủng giáo dục của Tu hội Salesian.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phỏng Vấn ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh về hiện tình nạn nhân bị CSVN phá nhà tại Giáo xứ Lộc Hưng
VietCatholic Network
15:05 12/01/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngày 6/1/2019 ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh đã đến tận nơi quan sát thảm trạng và ủy lạo dân chúng. Nhân dịp ĐC Micae sang Hoa Kỳ, hôm nay ngày 11/1, chúng tôi có dịp phỏng vấn ngài tại VP VietCatholic về những diễn biến mới nhất xẩy ra cho những người nghèo và thương phế binh sống tại khu vườn rau thuộc giáo xứ Lộc Hưng.

Cũng ngày hôm nay 11/1/2019, Ban Thường Vụ Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã đến thăm xã giao và trao đổi về tình hình đất nước Việt Nam với ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh. Phái đoàn gồm có Giáo sư Nguyễn Thanh Giầu (Hòa Hảo), Chánh trị sự Hà Vũ Băng (Cao Đài) Mục sư Lê Minh (Tin Lành) và LM Trần Công Nghị (Công Giáo) tại Văn phòng VietCatholic.

Từ ngày 4-1 đến nay, 200 nhà của dân chúng ở giáo xứ Lộc Hưng đã bị lực lượng cưỡng chế của chính quyền gồm hàng trăm công an, dân phòng, với đủ loại thiết bị cơ giới xe ủi, máy xúc đập phá tan hoang, mái tôn, tường gạch đổ nát. Ngày 8-1, một đợt cưỡng chế đập phá mới lại được thực hiện với mức độ tàn khốc tương tự. Hình ảnh từ video clip trên báo chí và internet cho thấy hiện trường nhà cửa bị đập phá không thua kém gì những khu phố bị chiến tranh tàn phá.

Những người sống trong khu gọi là Vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6 quận Tân Bình, gần sát cư xá Bắc Hải, thuộc trung tâm của Sài Gòn là nơi cư ngụ và trồng rau của hàng trăm hộ giáo dân Công Giáo di cư từ năm 1954 đến nay, đa số các hộ đã trải qua ba bốn thế hệ.

Cách thức cưỡng chế của nhà cầm quyền CSVN cũng hết sức vô pháp, bao lực và tàn nhẫn. Hoàn toàn không phủ hợp với cung cánh hành xử của một nhà nước cai trị với người dân bản xứ mà giống như cách cưỡng chiếm của đạo quân nước ngoài với người dân đất nước bị chiếm đóng. Trước đó, chính quyền dùng loa thông báo lệnh giải toản rồi cho lực lượng rào chắn, phong tỏa chung quanh khu vực giải tỏa. Đêm 4-1, các phương tiện cơ giới máy xúc, máy ủi tràn vào đập phá nhà cửa, tài sản người dân trong khu vực cũng bị chiếm đoạt. Hàng chục người chống đối đã bị bắt giữ chỉ được thả ra sau khi cuộc đập phá nhà cửa đã hoàn thành. Mãi đến ngày 6-1, nhà cầm quyền mới đưa ra một văn bản công bố quyết định cưỡng chế của UBND Phường 6.

 
Thông Báo
Cáo phó: Nữ tu Mai Thành Bùi Thị Như Kha qua đời tại Saigon
Dòng Đức Bà
11:21 12/01/2019
CÁO PHÓ:
Trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh, Dòng Đức Bà – Nữ Kinh sĩ thánh Âu-Tinh
và Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP Sài Gòn trân trọng kính báo:

Nữ tu Mai Thành Bùi Thị Như Kha
Sinh ngày: 12-06-1928 tại : Huế
Khấn Dòng: 62 năm
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 16g ngày 11/01/2019.

Nghi thức nhập quan và thánh lễ cử hành vào lúc 20g ngày 11/01/2019
Thánh lễ an táng sẽ được cử hành tại tu viện Regina Mundi, 228 Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 3 Saigon,
vào lúc 8g sáng thứ Hai, ngày 14/01/2019 do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự.
Sau đó linh cữu sẽ được đưa đi an táng tại nghĩa trang Thiên Bình, thuộc đan viện Biển Đức.

Kính xin cộng đoàn dân Chúa hiệp lòng cầu nguyện cho
linh hồn Nữ tu Mai Thành Bùi Thị Như Kha sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Tiểu sử Nữ tu Mai Thành Bùi thị Như Kha
Sinh ngày : 12-06-1928 tại : Huế
Chịu phép thánh tẩy ngày : 15-08-1946 tại : Huế
Khấn lần đầu ngày : 15-08-1956 tại : Verneuil sur Seine - Pháp
Vĩnh khấn ngày : 15-08-1959 tại : Verneuil sur Seine - Pháp
Tốt nghiệp :
- Văn chương Việt Nam tại đại học Đà Lạt
- Triết học tại đại học Sorbonne Paris – Pháp
- Thần học tại đại học Công Giáo Paris – Pháp
- Giáo dục Truyền hình tại Luân Đôn – Anh
Từ 1960-1964 : Giáo sư Triết trường Couvent des Oiseaux - Đà Lạt
Từ 1964-1975 : Giáo sư Triết trường Regina Mundi - Sàigòn
Từ 1964-1970 : Hiệu trưởng trường Cán sự Xã hội Công Tâm - Sàigòn
Từ 1970-1975 : Cộng tác viên Truyền hình Đắc Lộ Dòng Tên - Sàigòn
Từ 1975-1983 : Cộng tác viên Đài Truyền hình
Từ 1975-1980 : Đại diện Phụ tỉnh Dòng Đức Bà
và Phụ trách Liên Tu sĩ Giáo phận Sàigòn
Từ 1987-1990 : Giám tỉnh Tỉnh Dòng Việt Nam
Từ 1990-1996 : Cố vấn Hội đồng Trung ương Dòng Đức Bà
Từ 2009-2018 : Thành viên Ban Mục vụ Đối thoại Liên Tôn Tổng Giáo phận Sài Gòn.
 
Văn Hóa
Lễ Chúa Chịu Phép Rửa: Câu Chuyện Dòng Sông
Sơn Ca Linh
09:31 12/01/2019
Lễ Chúa Chịu Phép Rửa: Câu Chuyện Dòng Sông

Trên trái đất nầy,
Hình như,
Có mấy dòng sông là có bao chuyện kể.
“Con sông hát”, “Con sông quê”,
“Dòng sông tuổi thơ”, “Dòng sông ly biệt”…
Riêng những trang Tin Mừng,
Làm sao thiếu chuyện “Dòng sông Gio-đan”.

Bởi tại con sông nầy,
Đã xảy ra câu chuyện hi hữu vô ngần :
“Đấng Thượng Đế chen chân giữa đoàn người tội lỗi”.
Đấng là “Chiên trọn lành không vương bóng tội”,
Lại nghiêng mình xin Gioan dội nước tẩy trần.
Đấng Toàn Năng, Cứu Độ, thi ân,
Giờ chấp nhận đứng chung hàng phàm nhân yếu đuối…!

Thế nhưng,
Chính nơi “câu chuyện dòng sông Gio-đan” ấy,
Lại là “Giờ” Chúa Ngôi Hai chấp chính đăng quang.
Bởi “trời xé ra”, tiếng Chúa Cha dõng dạc đường hoàng :
“Đây là Con Yêu dấu của Ta –
Các ngươi hãy vâng lời Người tuyệt đối”.
Đức Thánh Linh dáng hình chim câu đến vội,
Như ngàn xưa : “Ngài đã xức dầu tấn phong…”

Và mãi đến ngàn sau, “câu chuyện dòng sông”,
Mãi mãi là khởi đầu của một “thiên tình sử”.
Bởi chưng,
Kẻ từ lúc bước lên từ dòng sông đó
Ngài đã mỏi bàn chân,
Đã đói mệt, đã khóc, đã cười, đã khổ đau…
Đã chung vui tiệc cưới, đã rơi lệ mộ sầu,
Đã bị phản đối, chối từ hay được tung hô vạn tuế…
Đã có những môn đồ, những thằng bạn nối khố,
Và không thiếu kẻ hận thù, người phản bội vong ân.
Đã có những bình minh nức lòng phấn khởi muôn dân,
Và đã qua đêm đen của ai oán khổ sầu thập giá…!

Vâng,
“câu chuyện dòng sông”, chuyện nhiệm mầu nhập thể,
Bởi từ đây dòng nước đã “đổi màu” :
Nước tái sinh, nước thánh thiện, nước hoá “nhịp cầu”,
Nước dẫn đưa nhân loại về thiên đàng bến đổ.
“Câu chuyện dòng sông”,
chuyện “Con Người để ông Gioan làm phép rửa”,
Vẫn mới hoài, dù Tin Mừng đã kể gần 2000 năm !

Sơn Ca Linh
(Chúa chịu phép rửa 2019)

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Điêu Khắc Của Tuyết
Joseph Ngọc Phạm
09:51 12/01/2019
ĐIÊU KHẮC CỦA TUYẾT
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Sáng nay tuyết phủ đầy trời
Tạ ơn điêu khắc tuyệt vời Chúa ban.
(bt)