Ngày 11-01-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những chông gai trong chuyến tông du Sri Lanka và Phi Luật Tân của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
15:02 11/01/2015
Lúc 19 giờ tối thứ Hai 12 tháng Giêng, theo giờ Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Colombo, thủ đô của Sri Lanka bắt đầu chuyến tông du Á Châu lần thứ hai của ngài, đúng 20 năm sau chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại hai nước có dân số Công Giáo cực kỳ khác nhau.

Tại Sri Lanka, Đức Thánh Cha sẽ được đón tiếp bởi một vị tổng thống mới lên ngôi được 3 ngày và 4 đêm, ông Maithripala Sirisena, người được xem là có “thành ý” hòa giải với người Tamil nhiều hơn một chút so với cựu tổng thống mới vừa bị đánh bại là Mahinda Rajapaksa.

Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, xin giúp chúng tôi đi tìm công lý

Hầu như chắc chắn là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đưa ra một thông điệp khích lệ hòa giải giữa người Tích Lan và người Tamil; giữa khối Phật Giáo đa số với các cộng đồng tôn giáo thiểu số Hồi Giáo và Kitô Giáo.

Ông Mahinda Rajapaksa đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một cuộc điều tra tội ác chiến tranh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài gần 26 năm từ 22/07/1983 đến 18/05/2009. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra năm 2011 cho biết có tới 40,000 thường dân Tamil vô tội đã bị giết chủ yếu là trong năm 2009.

Liệu Đức Thánh Cha có đặt vấn đề này với tổng thống mới toanh Maithripala Sirisena hay không là một câu hỏi của nhiều người, nhưng trong những vùng phía Bắc Colombo, trên các vỉa hè đường phố người Tamil bày la liệt ảnh của người thân kế bên một tấm chân dung to gần bằng người thật của Đức Thánh Cha Phanxicô với một tấm bảng “Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, xin giúp chúng tôi đi tìm công lý cho những người thân yêu đã bị mất tích”.



Hành hương đến vùng “Hổ Tamil”

Trong một cử chỉ đầy biểu tượng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đáp trực thăng lên phía Bắc đến vùng chiến khu xưa của “Hổ Tamil”, vùng mà người lính Sri Lanka nghe đến phải lạnh tóc gáy, để cầu nguyện tại đền thờ Đức Mẹ Madhu.

Đền thờ này được tôn kính bởi cả người Tamil và người Tích Lan; cả người Công Giáo lẫn người Phật Giáo và Hồi Giáo; cung cấp một bối cảnh hoàn hảo cho Đức Thánh Cha khuyến khích hòa giải trong một phần đất hết bị tàn phá bởi chiến tranh lại rơi vào xung đột tôn giáo.

"Đó là một cử chỉ rất mạnh mẽ," Cha Bernardo Cervellera, giám đốc Thông Tấn Xã Công Giáo AsiaNews nói: "Ngài sẽ đi đến khu vực nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thể đến được vì chiến tranh."

Giáo Hội Công Giáo coi mình là một động lực độc đáo cho sự hiệp nhất tại Sri Lanka “bởi vì Giáo Hội có cả các tín hữu Tích Lan lẫn các tín hữu Tamil. Họ thờ phượng chung với nhau, và đa số các nghi lễ thường xen kẽ giữa hai ngôn ngữ,” linh mục tiến sĩ Prasad Harshan, người Sri Lanka, dạy tại Đại học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Rôma nói.

Cha Prasad nói thêm: "Ngài đã thực hiện một nỗ lực phi thường để đến khu vực này, và để gặp gỡ những nạn nhân. Đó sẽ là một dấu hiệu tuyệt vời của tinh thần đoàn kết."

Sáng ngày thứ Tư trên bãi biển lộng gió Galle Face Green, Đức Thánh Cha sẽ tuyên thánh cho vị Thánh đầu tiên của xứ sở này là cha Joseph Vaz, một biểu tượng hiệp nhất của quốc gia này. Nhà truyền giáo sống ở thế kỷ 17 này được coi là người đã làm sống lại đức tin Công Giáo trong bối cảnh đàn áp dã man của nhà cầm quyền thuộc địa Hà Lan. Ngài hình thành các cộng đoàn gồm cả các tín hữu Tích Lan lẫn các giáo dân Tamil.



Phật Giáo cực đoan

Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Sri Lanka vào năm 1995, ngài cũng đã cố gắng mang lại một thông điệp của lòng khoan dung, nhưng gặp phải sự tẩy chay quyết liệt của các nhà lãnh đạo Phật giáo tại đảo quốc này, nơi người Phật tử chiếm 70 phần trăm dân số.

Các đại diện Phật giáo đã được dự kiến sẽ tham dự một cuộc họp liên tôn, nhưng không ai xuất hiện để phản đối sự chỉ trích các học thuyết của Phật giáo về sự cứu rỗi của Đức Gioan Phaolô II.

Trào lưu Phật giáo cực đoan bây giờ còn lớn hồi 20 năm trước nữa, với một chủ trương sẵn sàng dùng bạo lực để “bảo vệ Phật Pháp”, thể hiện nơi hàng loạt những cuộc biểu tình và một chiến dịch bạo lực chống lại người Hồi giáo.

Tháng Hai năm 2004, các nhà sư Phật Giáo hình thành và trực tiếp lãnh đạo đảng “Jathika Hela Urumaya - JHU”, nghĩa là “Di sản quốc gia” coi Phật Giáo là quốc giáo và những tôn giáo khác là ngoại lai, đe dọa đến di sản dân tộc.

Đầu năm 2012, hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara tách ra khỏi đảng JHU vì chê JHU không đủ cứng rắn để bảo vệ Phật Pháp – và cũng là di sản quốc gia.

Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 28 tháng 7 năm 2012 đã đưa những quyết định rất bạo lực. Tờ Times của Hoa Kỳ nhận xét BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ.

Tuy BBS ra mặt tẩy chay chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, hai đại diện ôn hoà hơn của Phật giáo có thể sẽ chào đón ngài trong một cuộc họp liên tôn lúc 18:15 ngày thứ Ba 13 tháng Giêng, tức là ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm.

"Tôi không biết là sẽ có những tiếng nói chống đối nơi này nơi khác, lúc này, lúc khác hay không" phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi nói "Chúng ta sẽ phải chờ xem."

Trong dịp gặp gỡ với cựu tổng thống Rajapaksa hôm 3 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng lên án sự gia tăng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan tại Sri Lanka nhằm thúc đẩy "một cảm giác sai lầm về đoàn kết dân tộc dựa trên một bản sắc tôn giáo duy nhất. "

Trước đó, trong một cuộc họp với các giám mục Sri Lanka hồi tháng Năm, Đức Thánh Cha cho biết Giáo Hội địa phương phải tiếp tục tìm kiếm "những đối tác trong hòa bình và những người biết lắng nghe trong đối thoại" bất chấp bạo lực và đe dọa từ những kẻ cực đoan tôn giáo.



An ninh của Đức Thánh Cha

Như với bất kỳ chuyến tông du nào của Đức Giáo Hoàng, an ninh sẽ được thắt chặt ở cả Sri Lanka và Philippines, ngay cả đối với một vị giáo hoàng sẵn sàng lao vào đám đông và lái xe xung quanh họ trên một chiếc xe mui trần không có kính chống đạn.

Liệu một tổng thống mới lên ngôi được 3 ngày và 4 đêm có bảo đảm được an ninh cho chính mình hay không đã là một vấn đề. Cho nên, kết quả bầu cử tổng thống hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng đã làm bùng lên một sự dè dặt về an ninh cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong mấy ngày tông du tại Sri Lanka.

Mối quan tâm tại Phi Luật Tân, quốc gia đa số là người Công Giáo, cũng không thể xem thường. Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đến Manila vào năm 1970, ngay lập tức ngài đã bị một tên sát thủ ăn mặc như một linh mục đâm vào bụng và cổ. Các vết thương chỉ ở ngoài da, và kẻ tấn công bị vật ngay xuống đất, nhưng máu Đức Giáo Hoàng đã đổ ra.

Tháng Mười vừa qua, chiếc áo vấy máu mà Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã mặc hôm đó đã được chọn làm di tích trong lễ phong chân phước cho ngài tại Vatican.

Một tuần trước khi Tháng Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Phi Luật Tân vào tháng Giêng năm 1995, nhà chức trách phát hiện ra một âm mưu của những kẻ cực đoan Hồi giáo muốn giết Đức Giáo Hoàng sau khi một đám cháy nhà tình cờ đã giúp họ phát hiện ra nơi ẩn náu của một bọn khủng bố trong một căn hộ tại Manila, nơi họ tìm thấy những hóa chất chế tạo bom, hình ảnh của Đức Giáo Hoàng, các bản đồ cho thấy các tuyến đường, nơi ngài sẽ vượt qua và cả một biên nhận của một tiệm may áo linh mục.



Việc kiểm soát đám đông

Chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1995 đã hình thành một kỷ lục chưa có vị Giáo Hoàng nào qua mặt được: đó là thánh lễ với khoảng 5 triệu người đứng chật công viên Rizal Manila và lan rộng ra hàng dặm về mọi hướng.

Các đại lộ đã quá kẹt đến mức Đức Giáo Hoàng phải dùng trực thăng để đến lễ đài trễ hơn một giờ bởi vì đoàn xe của ngài đơn giản là không thể tới gần bàn thờ được.

Hôm thứ Tư 7 tháng Giêng, hơn một triệu người Phi Luật Tân đã đi chân đất tham gia cuộc rước tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Đây là một truyền thống đã có từ hơn một thế kỷ qua tại Manila.

Diễn biến này xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quốc gia này. Thể hiện lòng sùng kính nhiệt thành, đám đông vĩ đại gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã hô vang "Viva!" (Vạn tuế!) khi họ diễn hành qua các đường phố trong cuộc rước hàng năm tượng El Nazareno Negro dưới mưa nhẹ.

Tượng El Nazareno Negro là theo tiếng Tây Ban Nha, được biết trong các bản tin Anh Ngữ là Black Nazarene, là một bức tượng to bằng người thật Chúa Giêsu đang vác thánh giá lên đồi Canvê. Đám rước đã tiến hành suôn sẻ vào buổi trưa sau khi ban tổ chức đã phải mất gần hai giờ đồng hồ để kiểm soát đám đông khổng lồ lao vào phía bức tượng cố gắng lau khăn tay của mình vào thánh giá. Nhiều thanh niên còn cố lao mình đu vào thánh giá được đặt trên một chiếc xe. Hai người đã phải thiệt mạng, có lẽ là vì bịnh tim trong lúc chen lấn.

Trước những chông gai đang chờ đón Đức Giáo Hoàng trong chuyến tông du Á Châu lần thứ hai, ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng, Chúa gìn giữ người tăng gấp sinh lực và ban cho người đời nay hạnh phúc và đừng trao người cho ác tâm quân thù.

 
ĐTC: Năng cầu khẩn Chúa Thánh Thần, và dưỡng nuôi con cái bằng Lời Chúa và gương sống đức tin
Linh Tiến Khải
12:34 11/01/2015
VATICAN - Hãy thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, để Người trợ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh. linh hứng chúng ta và làm cho chúng ta tiến tới. Các cha mẹ hãy dưỡng nuôi con cái mình bằng Lời Chúa và gương sống đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ như trên trong thánh lễ ban bí tích Tửa Tội cho 33 trẻ em nam nữ trong nhà nguyện Sistina và trong bài huấn dụ khi đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách hanh hương tại công trường Thánh Phêrô.

Lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ ban Bí Tích Rửa Tội cho 33 trẻ em nam nữ, con của các nhân viên làm việc trong Tòa Thánh.

Sau lời chào mở đầu, ĐTC đã đối thoại với các cha mẹ. Ngài nói: Mở đầu buổi cử hành này, tôi xin hỏi các cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu: Anh chị em đặt tên cho con là gì? Anh chị em xin gì cho con cái anh chị em với Giáo Hội Chúa? Anh chị em thân mến khi xin Bí tích Rửa Tội cho con cái anh chị em, anh chị em dấn thân giáo dục chúng trong đức tin, để trong việc tuân giữ các giới răn chúng học yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Chúa Kitô đã dậy chúng ta. Anh chị em có ý thức được trách nhiệm này của anh chị em không? Các cha me thưa có. Và anh chị em là các cha mẹ đỡ đầu, anh chị em có sẵn sàng trợ giúp cha mẹ các em trong nhiệm vụ quan trọng như thế không? Các cha mẹ đỡ đầu thưa có.

Tiếp đến ĐTC nói: Các trẻ em thân mến, với niềm vui lớn Giáo Hội Chúa đón nhận các con. Nhân danh Người cha làm dấu thánh giá cho các con. Và sau tôi anh chị em là cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu cũng làm dấu của Chúa Kitô Cứu Thế trên con của anh chị em.

Các cha mẹ và người đỡ đầu đã bế các em lên để ĐTC vẽ dấu thánh giá trên trán các em và họ cũng vẽ dấu thánh già trên trán chúng.

Giảng trong thánh lễ ĐTC nói Lời Chúa cho chúng ta thấy như một người cha và một bà mẹ giỏi Thiên Chúa muốn các sự tốt lành cho con cái Ngài. Và điều Thiên Chúa muốn trao ban là Lời ngài, làm cho chúng ta lớn lên và sinh hoa trái tốt lành trong cuộc sống, như mưa và tuyết rơi xuống khiến cho đất đai được phong phú (x. Is 55,10-11). Cũng thế anh chị em là cha me, cha mẹ đỡ đầu, là ông bà, cô chú hãy giúp các trẻ em này lớn lên, nếu anh chị em cho chúng Lời Chúa, Tin Mừng của Chúa Giêsu, và làm gương cho chúng bằng cách có thói quen đọc Lời Chúa mỗi ngày và mang Lời Chúa theo trong mình, trong túi trong xách tay, để đọc. Khi trông thấy anh chị em đọc Lời Chúa, các em sẽ noi theo. Các bà mẹ hãy cho con cái sữa, nếu chúng khóc vì đói, hãy bình tĩnh cho chúng bú ngay bây giờ đây. Cứ bình tĩnh (Lúc này có nhiều em khóc lớn trong nhà nguyện). Chúng ta cảm tạ Chúa vì ơn của sữa, và cầu nguyện cho các bà mẹ, biết bao nhiêu bà mẹ không có điều kiện cho con cái họ ăn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và trợ giúp họ. Điều mà sữa làm cho thân xác, thì Lời Chúa làm cho tinh thần: Lời Chúa lam cho đức tin lớn lên. Và nhờ đức tin chúng ta được Thiên Chúa sinh ra. Đó là điều xảy ra trong bí tích Rửa Tội. Chúng ta đã nghe lời thánh Gioan nói: “Ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì đã được Thiên Chúa sinh ra” (1 Ga 5,1). Hôm nay là đức in của anh chị em, là đức tin của Giáo Hội qua đó các em bé này nhận bí tích Rửa Tội, nhưng ngày mai, với ơn thánh Chúa sẽ là đức tin của các em, sẽ là tiếng “có” cá nhân thưa với Chúa Giêsu Kitô, Đấng trao ban cho chúng ta tình yêu của Chúa Cha. Bí tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào dân thánh Chúa là Giáo Hội, trong đó đức tin được thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là đức tin của Mẹ Maria, của các Tông Đồ, của các Thánh Tử Đạo. Ánh sáng đức tin được chuyền tay nhau, mà trong chốc lát nữa chúng ta sẽ đốt lên từ nến phục sinh biểu tượng cho Chúa Kitô sống lại. Anh chị em là các gia đình hãy lấy ánh sáng đức tin từ Ngài để truyền lại cho con cái. Hãy dậy cho con cái anh chị em biết rằng không thể là kitô hữu ngoài Giáo Hội, không thể theo Chúa Kitô mà không có Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là mẹ và làm cho chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Chúa Giêsu.

Trong bí tích Rửa Tội chúng ta đưọc thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần. Từ “kitô” có nghĩa là được thánh hiến như Chúa Giêsu trong cùng Thánh Thần trong đó Chúa Giêsu được dìm mình trong suốt cuộc đời dương thế của Người. Người là Đấng được xức dầu, được thánh hiến. Các người được rửa tội là các kitô hữu nghĩa là những người được thánh hiến, được xức dầu. Các cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu thân mến, nếu anh chị em muốn cho con cái anh chị em trở thành các kitô hữu, thì hãy giúp chúng lớn lên “chìm ngập” trong Chúa Thánh Thần, nghĩa là trong hơi ấm tình yêu của Thiên Chúa, trong ánh sáng Lời Ngài. Vì thế đừng quên cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa Cha trong Kinh Lậy Cha, nhưng ít khi cầu xin Chúa Thánh Thần. Nhưng cầu khẩn Chúa Thánh Thần rất quan trọng, để Người dậy chúng ta đưa gia đình, con cái tiến tới, để cho con cái lớn lên trong bầu khí của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Chẳng hạn hãy cầu khẩn với lời cầu đơn sơ này: “Lậy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổ đầy trái tim của tín hữu Chúa và đốt lên trong chúng ngọn lửa tình yêu của Chúa”. Khi cầu nguyện như vậy, anh chị em cảm thấy sự hiện diện hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ dậy chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần và sống theo Thần Khí như Chúa Giêsu. Xin Mẹ đồng hành với con cái và gia đình anh chị em.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngài đã đào sâu ý nghĩa lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa và nhấn mạnh rằng với biến cố này “thời gian của trời đóng kín đã kết thúc”, chúng ta đang sống trong thời gian của lòng thương xót. ĐTC nói:
Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh. Phúc Âm miêu tả điều xảy ra trên bờ sông Giorđan. Trong khi Gioan Tây Giả ban phép rửa cho Chúa Giêsu, thì trời mở ra. Thánh sử Marcô nói: “Lập tức, khi ra khỏi nước Người thấy trời mở ra” (Mc 1,10). Trở lại trong trí chúng ta lời khẩn nài thê thảm của ngôn sứ Isaia: “Ôi phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63,19). Lời khẩn cầu này đã được nhận lời với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. ĐTC giải thích như sau:

Như thế đã chấm dứt “thời gian “trời đóng” ám chỉ sự xa cách giữa Thiên Chúa và con người, hậu qủa của tội lỗi. Tội lỗi làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa và bẻ gẫy mối liên hệ giữa đất và trời, và như thế xác định sự bần cùng và thất bại của cuộc sống chúng ta. Trời mở ra ám chỉ rằng Thiên Chúa đã ban ơn thánh Người để trái đất cho hoa trái của nó “(x. Tv 85,13). Như thế trái đất trở thành nơi ở của Thiên Chúa giữa loài người, và từng người trong chúng ta có khả thể gặp gỡ Con Thiên Chúa, khi kinh nghiệm tất cả tình yêu và lòng thương xót vô biên của Người.

Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa hiện diện thực sự trong các Bí Tích, một cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể gặp gỡ Người nơi gương mặt của các anh chị em chúng ta, cách riêng nơi người nghèo, người bệnh, người bị tù, người tỵ nạn: họ là thịt xác sống động của Chúa Kitô khổ đau và là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa trời không chỉ xé ra, mà Thiên Chúa lại nói và làm vang lên tiếng nói của Người: “Con là Con yếu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Tiếng của Thiên Chúa Cha loan báo mầu nhiệm dấu ẩn nơi Con Người được vị Tiên Hô làm phép rửa. Đức Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể, cũng là Ngôi Lời vĩnh viễn, mà Thiên Chúa Cha đã muốn nói với thế giới. Chỉ khi lắng nghe, đi theo và làm chứng cho Lời đó, chúng ta mới có thể làm cho kinh nghiệm đức tin của chúng ta phong phú tràn đầy, mà mầm giống đã được đặt để trong chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Và rồi biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu: điều này cho phép Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu của Chúa, khai mào sứ mệnh của Người là cứu rỗi tất cả chúng ta. Chúa Thánh Thần, Đấng vĩ đại bị lãng quên trong lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta thường cầu xin Chúa Giêsu; chúng ta cầu xin Chúa Cha, đặc biệt trong “Kinh Lậy Cha”, nhưng không thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, có đúng thế không? Ngài là Đấng bị bỏ quên. Chúng ta cần xin sự trợ giúp của Người, sức mạnh của Người, linh hứng của Người. Chúa Thánh Thần là Đấng đã linh hoạt toàn cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu, cũng là Thần Khí hướng dẫn cuộc sống kitô, cuộc sống của con người nam nữ nói rằng họ là tín hữu kitô và muốn là tín hữu kitô. Đặt để dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần cuộc sống kitô và sứ mệnh, mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận được nhờ sức mạnh của bí tích Thánh Tẩy, có nghĩa là tìm lại lòng can đảm tông đồ cần thiết giúp thắng vượt các thích nghi trần tục dễ dãi. ĐTC khẳng định như sau:

Trái lại, một kitô hữu, một cộng đoàn “điếc” đối với tiếng nói của Chúa Thánh Thần. thúc đẩy đem Tin Mừng đến tận cùng bờ cõi trái đất và xã hội, cũng trở thành một kitô hữu và một cộng đoàn “câm” không nói và không rao giảng Tin Mừng. Nhưng xin anh chị em nhớ điều này: hãy thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, để Người trợ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh. linh hứng chúng ta và làm cho chúng ta tiến tới. Xin Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội, đồng hành với tất cả chúng ta là những người đã được rửa tội; xin Mẹ giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và trong niềm vui phục vụ Tin Mừng, để như thế trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào tín hữu và các đoàn hành hương, đặc biệt là Hiệp hội giáo dân Lòng Chúa Thương Xót. Ngài nói ngày nay cần đến lòng thương xót biết bao, và thật là điều quan trọng anh chị em giáo dân đem nó đến với các môi trường xã hội khác nhau. Anh chị em cứ tiến lên. Chúng ta đang sống trong thời gian của lòng xót thương. Đây là thời gian của lòng thương xót.

Chiều ngài mai tôi sẽ lên đường tông du tại Sri Lanka và Philippines. Xin cám ơn lời cầu chúc của anh chị em như viết trên băng rôn kia, xin cám ơn rất nhiều! Tôi xin anh chị em vui lòng đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện, và tôi cũng xin các anh chị em người Sri Lanka và Philipines sống tại Roma đặc biệt cầu nguyện cho tôi trong chuyến viếng thăm này.

Xin chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành, cả khi trời hơi xấu một chút. Hôm nay cũng là ngày để tươi vui nhớ tới bí tích Rửa Tội của từng người. Xin anh chị em nhớ lời tôi xin là tìm ngày rửa tội của mình, để mỗi người có thể nói tôi đã được rửa tội ngày đó. Ước chi hôm nay là niềm vui của bí tích Rửa Tội. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em ăn trưa ngon miệng và xin hẹn gặp lại.
 
Trào lưu Phật giáo cực đoan và chuyến tông du Sri Lanka của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
18:21 11/01/2015
Trong các xã hội phương Tây, các nhà sư Phật giáo là một hình ảnh thanh thản và yên bình, tham thiền nhập định, không muốn làm tổn thương một con ruồi. Tuy nhiên, các Kitô hữu và người Hồi giáo ở Sri Lanka có thể có một cái nhìn rất khác biệt. Nhìn thấy chiếc cà sa, họ có thể liên tưởng đến không phải là yên bình nhưng là một đám đông giận dữ, những nắm đấm hay những viên gạch ném qua cửa sổ!

Khối đa số Phật giáo tại Sri Lanka chống lại việc “xâm lăng” lãnh địa của họ rất quyết liệt. Từ đầu tháng Giêng tới nay, ba nhà thờ Tin Lành Ngũ Tuần đã bị tấn công bởi những đám đông cuồng nộ. Ít nhất một trong những đám đông ấy được dẫn dắt bởi các nhà sư. Nội thất và cửa sổ bị đập vỡ và một trung tâm cầu nguyện bị đốt cháy. Tháng Sáu năm ngoái bạo động chống Hồi giáo ở phía tây đất nước leo thang đến một quy mô lớn hơn. Bốn người thiệt mạng, 80 người bị thương và 10,000 người phải tản cư. Các khu dân cư bị phóng hỏa và nhà cửa bị hôi của.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có một nhận thức sâu sắc hơn về những nguy hiểm mà các nhóm tôn giáo thiểu số ở Sri Lanka phải đối mặt. Thách đố đầu tiên của ngài là tránh làm cho chúng tồi tệ hơn.

Căng thẳng đã tồn tại dai dẳng ở Sri Lanka giữa Phật giáo Tích Lan và phần còn lại của dân số. Chúng được đẩy lên trong bối cảnh của gần 3 thập kỷ xung đột với Hổ Tamil, một cuộc nổi dậy mà cuối cùng đã bị nghiền nát vào năm 2009.

Kể từ đó, những thành phần cực đoan đã tìm thấy tiếng nói của họ trong một nhóm gọi là Bodu Bala Sena - Buddhist Power Force ("Lực lượng quyền lực Phật Giáo"), hoặc BBS. Nhóm này được thành lập vào năm 2012 với tôn chỉ là bảo vệ bản sắc Phật giáo Sri Lanka bằng bạo lực.

Nhóm này có một cái nhìn rất tiêu cực về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau khi Tòa Thánh xác nhận chuyến tông du ba ngày của ngài tại đảo quốc này, BBS đã ra một tuyên bố nói: "Giáo Hoàng Phanxicô phải xin lỗi Phật tử vì các hành động tàn bạo của các chính phủ thực dân Thiên Chúa giáo ở Nam Á".

Phật giáo cực đoan đã trở thành một mối nguy hiểm không chỉ ở Sri Lanka nhưng cả ở Miến Điện. Bạo loạn tương tự chống lại người Hồi giáo đã giết chết ít nhất 200 người trong hai năm qua. Một phong trào ở Miến Điện được gọi là 969 đã nổi lên, và cũng như BBS, người ta có một cái nhìn rất tiêu cực với người Hồi giáo - và ở một mức độ thấp hơn với các Kitô hữu. Các nhóm tôn giáo thiểu số này được xem như những kẻ xâm lược đang muốn tiêu diệt nền văn hóa Phật giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô không có nhiều kinh nghiệm về Phật giáo. Là Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với người Do Thái, người Hồi giáo và Tin Lành. Trong chuyến viếng thăm của ngài tới Trung Đông, ngài đã đi cùng với hai người bạn cũ, một giáo sĩ Do Thái và một lãnh tụ Hồi giáo, những người đã ôm ngài tại Bức tường phía Tây. Hình ảnh đó là một thông điệp mạnh mẽ với thế giới. Nhưng Phật tử hầu như không có mặt ở Á Căn Đình. Hành trình của ngài tới Nam Á sẽ đánh dấu một bước tiến chưa biết sẽ ra sao.

Đối tác chính của ngài, nhân vật đầy thế lực chuyên đứng đàng sau hậu trường chính trị, là thượng tọa Gnanasara, lãnh tụ nóng tính của BBS, và cả thượng tọa Wirathu, nhà lãnh đạo của 969, người thường tự gọi mình là "Bin Laden đầu hói." Một người ở Sri Lanka, một người ở Miến Điện, nhưng họ có những liên kết chặt chẽ. Năm ngoái, họ đã gặp nhau hai lần, và đã tham dự hội nghị Wirathu BBS tại Colombo, thủ đô Sri Lanka, với hơn 5,000 ủng hộ viên. Cặp bài trùng sẽ để chú ý đến mọi chi tiết trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, Đặc biệt, vào ngày thứ Ba 13 tháng Giêng, khi Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo ôn hoà và các vị đại diện cho các tôn giáo khác. Bất kỳ sơ hở nào cũng có thể dẫn đến những khó khăn.

Hai nhà sư này ngày càng có nhiều quyền lực vì nhiều người Sri Lanka và Miến Điện cảm thấy Phật giáo đang lâm nguy. Dù Phật tử vẫn chiếm đa số tại những quốc gia này, người ta có một cảm giác bị tấn công bởi những niềm tin xem ra năng động hơn với nhiều hoạt động cộng đồng thể hiện ra bên ngoài hơn là một đạo Phật lặng lẽ lui vào chiều kích cá nhân.

Để củng cố quan điểm này BBS và 969 nói rằng Phật giáo từ lâu đã bị đẩy vào đường cùng của lịch sử. Họ nhớ lại thời gian cách đây 1,000 năm, trước khi có sự lây lan của Hồi giáo và sự phát triển của các đế quốc phương Tây, gần như tất cả châu Á đều là Phật giáo. Bây giờ các nước: như Malaysia, Indonesia và Bangladesh chủ yếu là người Hồi giáo và Philippines chủ yếu là Công Giáo. Cả ở Miến Điện và Sri Lanka Phật giáo cũng đang tụt giảm trước sự “xâm lăng” của các Kitô hữu và người Hồi giáo. Vì thế, Phật giáo phải được bảo vệ. Trên trang web chính thức của mình BBS nói: "Chủ nghĩa dân tộc Phật giáo là một phương sách cuối cùng để bảo đảm lịch sử không lặp đi lặp lại."

Điều đáng lo ngại là các nhóm này luôn đổ lỗi cho các Giáo Hội châu Âu kích động chủ nghĩa thực dân. Trang web BBS mô tả chủ nghĩa thực dân ở Nam Á là "sự gây hấn tàn bạo của quân Kitô giáo phương Tây theo sự xúi giục của Vatican, Giáo Hội Cải cách Hà Lan và Giáo Hội Anh." (Sri Lanka đã lần lượt bị thống trị bởi người Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh.)

Họ cũng mô tả các nỗ lực truyền giáo ngày nay như một hình thức tinh tế của chủ nghĩa thực dân. Các nhóm Tin Lành như Nhân chứng Jehovah, Seventh-day Adventist và Ngũ Tuần thường là những mục tiêu tấn công của các nhóm quần chúng cuồng nộ.

Nhưng mối đe dọa thực sự, theo BBS và 969, là Hồi giáo. Người Hồi Giáo không chú trọng truyền giáo nhưng dân số của họ sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Wirathu, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time năm 2013, tố cáo người Hồi giáo đã được "nhân giống rất nhanh, và họ đang ăn cắp phụ nữ của chúng tôi, cưỡng hiếp họ.. . Họ muốn chiếm nước tôi." (Cùng năm đó, ông nói với tờ báo Times rằng ông muốn 969 được so với Inglese Defence League - "không thực hiện bạo lực, nhưng bảo vệ công chúng"). Đây là những lo ngại, được thổi phồng lên quá đáng, không phát sinh từ các con số thống kê, vì nói cho cùng người Hồi giáo vẫn dưới mức 10 phần trăm dân số của Miến Điện và Sri Lanka.

Tại Sri Lanka lo lắng có thể bị trầm trọng thêm bởi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Đông. Một trong 10 người Sri Lanka làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở khu vực vùng Vịnh. Rất nhiều phụ nữ phục vụ như người giúp việc hoặc những người lao động không có tay nghề, gửi tiền về nhà để giúp gia đình hay để có thể cho con tới trường. Mahinda Deegalle, một giáo sư về khoa học nhân văn tại Đại học Colgate ở New York, nói rằng điều này không chỉ gây áp lực cho gia đình nhưng có một ảnh hưởng làm rối loạn nền văn hóa Phật giáo. "Những người ra đi đã mang về quê hương những ý tưởng đa dạng và phi truyền thống". Chưa kể là nhiều phụ nữ đã bỏ đạo Phật để theo Hồi Giáo, tự nguyện hay dưới những áp lực nặng nề của xã hội Hồi Giáo Trung Đông.

Theo giáo sư Deegalle, BBS thoạt đầu tập trung vào một sự "hồi sinh nội bộ" và đã không chú ý tới các nhóm tôn giáo thiểu số khác. Thật vậy, thực hành Phật giáo sau ba thập kỷ chiến tranh đã đi xuống và nhuốm nhiều sắc màu thế tục từ các xu hướng quen thuộc của thời hiện đại như tiêu thụ, phá thai và những suy giảm có thể nhìn thấy trong lãnh vực đạo đức như nạn rượu chè, đĩ điếm trên đường phố ngày trở nên phổ biến. Chấn hưng Phật giáo là ưu tiên ban đầu.

Điều làm cho tình hình trở nên tế nhị với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đó là ý tưởng của BBS thu hút khá nhiều sự đồng cảm từ đa số người Tích Lan. Một nhà bình luận đã báo cáo rằng các tài xế taxi ở Colombo phàn nàn một cách công khai về người Hồi giáo có quá nhiều trẻ em. Bài nhạc hiệu của BBS, được viết bởi một ca sĩ lừng danh Sri Lanka thu hút người ta đến độ nó trở thành nhạc chuông điện thoại di động phổ biến nhất tại Sri Lanka năm 2014. Lời bài hát đưa ra một thông điệp rất thẳng thừng: "Đức Phật ơi, những gì Ngài giảng dạy đang gặp nguy hiểm. Đạo của Ngài đang rơi vào thời kỳ đen tối. Đã đến lúc phải tiêu diệt hết những quân gian".

Paikiasothy Saravanamuttu, giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách Pháp Luật, một “think tank” ở Colombo, nói có nhiều người không ủng hộ BBS công khai, nhưng những gì nhóm này nói "tìm thấy một sự cộng hưởng rộng lớn trong quảng đại người dân." Ông giải thích BBS có một "số lượng lớn các cảm tình viên".

Thậm chí phức tạp hơn là đã có những cáo buộc rằng chính phủ tỏ ra thông cảm với BBS. Nhiều bộ trưởng là những khách mời tại các lễ khánh thành những học viện của BBS.

Cho đến nay BBS đã không nhắm đến người Công Giáo. Phu nhân của vị tổng thống vừa thất cử là một cựu Hoa hậu Sri Lanka, bà Shiranthi Rajapaksa. Bà là một người Công Giáo Tích Lan. Nhưng Giáo Hội Công Giáo vẫn dễ bị tổn thương đối với trào lưu Phật giáo cực đoan. Các cuộc tấn công vào nhà thờ không phải là hiếm. Trong năm 2013, chẳng hạn, những kẻ phá hoại đập vỡ một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria và nhà tạm, và cố gắng đốt cháy một nhà thờ ở Angulana, gần Colombo. Bốn năm trước đây, một đám đông khoảng 1,000 người xông vào một nhà thờ ở thị trấn Crooswatta, hành hung giáo dân bằng dao, búa, gậy gộc và gạch đá, khiến nhiều người bị thương phải điều trị tại bệnh viện.

Đối diện với tất cả điều này, các nhà lãnh đạo Giáo Hội có xu hướng không tố cáo mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc Phật giáo. Thay vào đó, họ nuôi dưỡng mối quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Phật giáo chính thống và cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Chiến lược này đã từng bị chỉ trích. Một nhà phê bình cáo buộc Giáo Hội trở thành "hèn nhát" khi đối mặt với khủng bố.

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục Colombo và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Sri Lanka đã trả lời những lời chỉ trích này trong một cuộc phỏng vấn với UCA News hồi tháng trước. Khi được hỏi về những lời buộc tội là ngài "rất thân cận" với Tổng thống Sri Lanka, ngài nói rằng, tại Sri Lanka, "Công Giáo chúng ta đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng. Khi tôi còn là Giám mục giáo phận Ratnapura, giáo phận của tôi có 21,000 tín hữu giữa một dân số 1,5 triệu người. Là một giám mục, tôi không thể nói những điều có nguy cơ tuyệt chủng dân ta." Ngài nói thêm, là Tổng Giám mục Colombo,"tôi phải suy nghĩ về con chiên của tôi."

Đó là viễn ảnh những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phải đối diện ở Sri Lanka.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chuyến thăm viếng và giúp đỡ người dân tộc phong cùi và trẻ em mồ côi
Trương Trí
09:48 11/01/2015
GIA LAI - “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” từ khi chỉ là một nhóm ông bà lớn tuổi và anh chị em có kinh tế gia đình tương đối ổn định, thuộc nhiều Giáo xứ khác nhau ở vùng Gia Kiệm, Giáo phận Xuân Lộc. Họ lập nên một nhóm để thường xuyên tổ chức hành hương tại La Vang. Những con người giàu lòng bác ái gặp nhau trong một ý tưởng, họ đã lập ra “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm”.

Hình ảnh

Mục đích lớn nhất vào lúc đầu của cộng đoàn này là sùng kính Đức Mẹ, thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ để lần chuỗi Mân Côi và cầu nguyện. Ngày tháng trôi qua, họ chia sẻ tâm tình về hoàn cảnh nghèo khổ của những người bất hạnh, và cùng nhau tổ chức những chuyến từ thiện. Chỉ một số ít người lớn tuổi và đầy uy tín ban đầu, những việc làm ý nghĩa của các cụ đã khơi dậy tấm lòng của nhiều người, từ đó “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” ngày càng có nhiều người tham gia, tổ chức được nhiều chuyến từ thiện cho khắp nơi, nhất là anh chị em dân tộc ở những miền núi.

Đến với người dân tộc phong cùi:

Ngày 8/1/2015 vừa qua, được tin “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” đi tặng quà cho người dân tộc phong cùi và trẻ mồ côi bất hạnh ở Pleiku và Kontum, chúng tôi tìm đến để được trải nghiệm về những con người giàu lòng yêu thương này. Có những cụ bà trên 80 tuổi, những cô gái trẻ cùng hòa trong bầu khí yêu thương. Họ đã chuẩn bị được một số lượng hàng hóa lớn, trong đó có 700 bộ quần áo mới do vợ chồng anh Giuse Nguyễn Đức Huy và chị Têrêsa Nguyễn Thị Hồng Ngọc thuộc Giáo xứ Tân Phú, Giáo phận Sài Gòn gởi giúp.

Từ thành phố Pleiku mù sương gió lạnh, chúng tôi đến Cộng đoàn Dòng Phaolô Thanh An ở huyện Chưprong, tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku chừng 40km. Ở đó, “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” và các xơ đang chờ những anh em dân tộc từ những vùng chung quanh đến. Đây là những người dân tộc thuộc các làng bản từ lâu nay được các xơ chăm sóc. Những chiếc xe tải của những giáo dân người kinh giúp chở họ đến. Có những người cụt cả 2 bàn tay, có người cụt mất một chân, người nhẹ nhất cũng cụt những ngón tay.

Những ngày Đông giá rét này, những người dân tộc phong cùi ở đây đã có thể no ấm, họ vui mừng nhận những bao gạo, áo quần, giày dép v.v…

Số hàng được trao gồm: 2.300kg gạo; 3.200 gói mì ăn liền; 200kg chuối sấy; 400 bộ quần áo mới; 100 đôi dép mới và 8 bao áo quần đã qua sử dụng.

Già làng Rơ Chăm Dú thay mặt những người phong cùi cảm ơn tấm long bác ái của đoàn từ thiện, đã yêu thương những con người bệnh tật mà xã hội xa lánh. Cảm ơn các xơ đã chăm sóc bà con trong những năm tháng qua.

Đoàn tiếp tục đến viếng Đức Mẹ Măng Đen ở Konplong,Giáo phận Kontum, dâng lên Mẹ những vất vả nhọc nhằn trên hành trình, xin Mẹ ban thêm nhiều người biết chia sẻ lòng nhân ái với những người bất hạnh. Đoàn tiếp tục trở về thăm và tặng quà cho các em dân tộc ở nhà Vinh Sơn 4, thuộc huyện Kon Rẫy.

Thăm Nhà cô nhi Vinh Sơn 4:

Nhà nuôi dưỡng Vinh Sơn 4 do các Xơ dòng Đức Mẹ Ảnh Phép lạ coi sóc. Đây là một dòng nữ đặc biệt chỉ tuyển chọn những thiếu nữ dân tộc thiểu số, được Giáo phận Kontum giao coi sóc 6 Nhà Vinh Sơn, mỗi nhà từ khoảng 1 đến gần 200 em dân tộc mồ côi, có những em được mang về từ cõi chết do những hủ tục, đó là những em bị chôn sống theo mẹ khi mẹ chết. Nhà Vinh Sơn 4 có trên 160 em từ độ tuổi 15 trở xuống. Theo Sơ Y Liên phụ trách nhà Vinh Sơn 4 cho biết, việc nuôi dạy các em rất khó khăn, chỉ thỉnh thoảng mới có người giúp đỡ. Với bản chất cần cù và siêng năng của một phụ nữ dân tộc thuộc chế độ mẫu hệ, xơ đã phải dậy từ lúc 4 giờ sang trong giá rét để lên rẫy trồng trọt, xoay sở sản xuất hoa màu để nuôi các cháu. Có những lúc còn phải chịu sự truy xét và cản trở của chính quyền địa phương, xơ đã từng nói nếu chính quyền mang các em về nuôi dưỡng được thì chúng tôi khỏi phải chăm sóc và khỏi vất vả, thế là chính quyền đành phải để các xơ tiếp tục nuôi dưỡng. Tổng số 6 nhà Vinh Sơn gồm chừng 1 ngàn em, nếu không được các xơ chăm sóc, các em sống lây lất ngoài xã hội, vì mưu sinh cuộc sống, các em sẽ trở thành những tệ nạn nhức nhối của xã hội.

Trong một lần ghé thăm nhà Vinh Sơn 4 này, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh qua Sơ Y Liên mà biết đến những khó khăn của các xơ để mời gọi “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” đến thăm và giúp đỡ.

Số quà được trao gồm: 1.100 kg gạo; 100kg mì gói; 200kg chuối sấy; 400 bộ quần áo mới; 400 cây bút; 8 bao tạ áo quần đã sử dụng và 100 đôi dép.

Tuy nhiên, khi đến tận nơi, được tiếp xúc với các em và các Sơ, nhiều cá nhân trong đoàn đã không khỏi xúc động trước các em, họ đã tự rút túi trao tặng tổng cộng 21 triệu đồng tiền mặt để góp thêm cho các Sơ nuôi dưỡng các em. Những thiếu nữ cùng đi trong đoàn cũng hết lòng cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của các Sơ để chia sẻ với các em. Các em đã được sự nuôi dạy hết sức tận tình của 2 Sơ, được đi học ở trường, được dạy them tiếng kinh và tiếng Anh ở nhà. Các em có thể hát được những bài hát bằng tiếng Anh rất thuần thục.

Sơ Y Liên với hai hàng nước mắt tuôn chảy do quá xúc động, Sơ cho biết nhiều lúc quá khó khăn, bất kham trước những thiếu thốn, nhiều lần xơ đã định thoái thác. Nhưng vì quá thương các em nên gắng sức để lo cho các em, đói cùng đói, no cùng no. Một mình xơ đã vào rừng để chặt những cây gỗ lớn và tự vác về làm cầu treo cho các em đi lại. Đối với xơ, đây là lần đầu tiên từ khi nhận phụ trách nhà Vinh Sơn 4 này, xơ cầm được số tiền lớn như vậy trong tay. Vậy mà, mỗi ngày xơ phải lo 1 triệu đồng tiền chợ cho các em, mỗi tháng gần cả tấn gạo.

Bùi ngùi chia tay các em, đoàn đã quyết tâm sẽ cố gắng quay trở lại với các em trong thời gian tới.
 
Câu lạc bộ Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận mạn đàm về Văn hóa
Tín thác
09:52 11/01/2015
Câu lạc bộ Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận khai mạc chương trình Mạn đàm: “Phương pháp đọc sách, nghĩ lại về văn hóa hay thế nào là người có văn hóa”

"Đọc sách là biết cách đứng trên vai những người khổng lồ". Thông điệp quan trọng được Họa sĩ Nguyên Hưng chia sẻ trong buổi khai mạc chương trình.

Hà Nội - Tối thứ 7, ngày 10/01/2015, chương trình Mạn đàm "Phương pháp đọc sách, nghĩ lại về văn hóa hay thế nào là người có văn hóa" do Câu lạc bộ Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hội trường Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà.

Tham dự chương trình có sự hiện diện của các thành viên trong Câu lạc bộ, quý Cha trong nhà Dòng, Quý Tu sĩ nam nữ, các tri thức, và đông đảo bạn trẻ đang sinh sống và học tập tại Hà Nội.

Họa sĩ Nguyên Hưng, người có nhiều kinh nghiệm về vấn đề đọc sách sẽ dẫn dắt các buổi mạn đàm. Ngoài vấn đề chuyên môn, ông Hưng được cộng đồng tri thức đánh giá cao trong vấn đề tiếp cận Sách và vấn đề Văn hóa. Hiện tại, vị Họa sĩ này cũng là thành viên Ban Cố vấn của Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, chương trình Mạn đàm sẽ diễn ra trong 6 buổi, được tổ chức vào thời gian 17h30 - 21h30 các ngày từ 10 - 15/01/2015.

Tại buổi mạn đàm đầu tiên, diễn giả đã chia sẻ một cách tổng quan về sách, thế giới sách, về cách chọn sách, và phương pháp để đọc sách một cách hiệu quả. Ngoài ra, những thắc mắc của các tham dự viên cũng được diễn giả giải thích một cách đầy đủ.

Nội dung "Để tự học có hiệu quả" sẽ là một phần rất quan trọng trong chuỗi chương trình này. Tự học luôn là vấn đề khó khăn đối với người học, vậy nên việc tiếp cận một phương pháp học khoa học và hiệu quả sẽ giúp người học tiết kiệm thời gian công sức. Nội dung của buổi chia sẻ này sẽ bao gồm cả vấn đề Lý thuyết và thực hành, nhằm giúp các tham dự viên, đặc biệt là những người đang học ở mọi trình độ đạt được hiệu quả tối đa khi tự mình tiếp cận, phân tích và thu nhận các thông tin trong quá trình tự học.

Ngoài các chuyên đề về sách, diễn giả Nguyên Hưng cũng sẽ cùng với các học viên trao đổi về "Văn hóa và người có văn hóa", với cách tiếp cận từ góc độ Cá nhân luận và Toàn cầu hóa. Đây cũng được xem là chủ đề rất hấp dẫn, mới mẻ và rất thiết thực đối với cộng đồng, nhất là bộ phận những người trẻ trong bối cảnh xã hội hiện nay. Nội dung này sẽ được chia sẻ vào hai buổi cuối cùng của chương trình.

Chương trình “Mạn đàm Phương pháp đọc sách, nghĩ lại về văn hóa hay thế nào là người có văn hóa” là một chương trình chuyên đề, nằm trong chuỗi các hoạt động chuyên môn do Câu lạc bộ Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận tổ chức, nhằm cụ thể hóa sứ mệnh nâng cao tri thức, sự hiểu biết của cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ. Năm 2014, các chương trình về nhân bản, giới tính, về khoa học, về Thánh Kinh… đã được CLB tổ chức một cách hiệu quả, với sự tham dự của hàng nghìn người từ mọi thành phần trong xã hội, cả Công Giáo lẫn người không Công Giáo.

Tín Thác
 
Nhật ký tuần chầu lượt Giáo xứ Thuận Nghĩa
Anthony Trung Nghĩa
10:16 11/01/2015
Giáo xứ Thuận Nghĩa chầu lượt trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam vừa kết thúc năm Tân Phúc Âm hoá đời sống Gia đình, bắt đầu chuyển sang năm Tân Phúc Âm hoá đời sống giáo xứ và cộng đoàn thánh hiến. Sau đây là những sự kiện đặc biệt diễn ra trong tuần chầu lượt từ ngày 08 tháng 01 đến hết ngày 11 tháng 01 năm 2015:

Hình ảnh

1. Thánh lễ tạ ơn lúc 19 giờ ngày 8 tháng 01

Như thường lệ, hằng năm cứ vào tối thứ năm sau lễ Hiển Linh, Giáo xứ Thuận Nghĩa bắt đầu khai mạc tuần chầu lượt thay cho Giáo phận. Năm nay, niềm vui đó được nhân lên khi có Tân Linh Mục Giuse Trần Văn Đồng trở về dâng thánh lễ tạ ơn cầu bình an cho Cha Nghĩa Phụ Antôn Nguyễn Văn Đính và giáo xứ Thuận Nghĩa. Hiện diện trong thánh lễ, có 23 linh mục trong và ngoài giáo hạt, cùng đông đảo tu sỹ và bà con giáo dân. Đặc biệt hôm nay có sự hiện diện đông đủ của HĐMV các giáo họ và các giáo xứ Hậu Thành, Đạo Đồng, Cồn Cả, Vĩnh Giang, Thuận Nghĩa.

Chia sẻ trong thánh lễ, Cha Giuse Nguyễn Công Bắc, quản hạt Vạn Lộc đã nhấn mạnh hai điểm quan trọng và cần thiết trong đời sống linh mục: Thứ nhất, mối tương quan cần thiết giữa các linh mục với nhau để giúp nhau làm việc mục vụ và giúp nhau nên thánh. Thứ hai, nhiệm vụ chính của linh mục là cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh thể và bí tích Giao hoà. Qua đó, Cha Giuse mời gọi Tân Linh Mục và quý Cha lưu ý tới kho tàng quý báu Chúa trao cho linh mục đó là các bí tích để siêng năng cử hành các bí tích và cử hành cách sốt sắng mưu ích cho cộng đoàn tín hữu, đồng thời ngài cũng mời gọi các tín hữu hãy đến với các linh mục để lãnh nhẫn các bí tích, nhất là bí tích giao hoà.

2. Thánh lễ Thánh Tâm lúc 7 giờ 30 ngày 9 tháng 01

Thánh lễ sáng hôm nay do Cha Phêrô Trần Phúc Chính chủ tế và 21 linh mục đồng tế với Ngài. Mở đầu thánh lễ, Ngài nêu bật tầm quan trọng của việc tôn sùng Thánh Tâm trong đời sống người kitô hữu. Để hiểu hơn về tầm quan trọng của việc tôn sùng Thánh Tâm trong đời sống người kitô hữu, Cha Phêrô Nguyễn Văn Sơn quản xứ Thuận Giang đã gợi mở mấy điểm quan trọng trong bài giảng: “ khi nhìn vào những bức tượng, bức ảnh Thánh Tâm, chúng ta nhận thấy hình ảnh trái tim Chúa lại biểu lộ ra ngoài lồng ngực. Từ hình ảnh ấn tượng đó chúng ta thử suy tư về trái tim Chúa theo ba khía cạnh: Thứ nhất, Trái tim bằng thịt: Suy nghĩ từ hoạt động thể lý. Thứ hai, -Trái tim biểu lộ tâm hồn: Suy nghĩ từ hình ảnh trái tim đạt ngoài lồng ngực. Thứ ba, Trái tim tình yêu: Suy nghĩ từ lưỡi đòng đâm thâu”. Từ đó, Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn: “Như chức năng thanh lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh lọc cuộc đời tôi bằng Thánh Thần của Người. Lọc những vị kỷ để còn vị tha, lọc hiềm thù để còn tha thứ, lọc giận dữ để còn hiền lành, lọc ghét bỏ để còn yêu thương, lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong. Nếu trái tim không lọc rửa, dòng máu sẽ trở thành sông đen và chết chóc. Nếu Thánh Thần không được ban xuống trong chúng ta, như trái tim không còn lọc tẩy, cuộc sống sẽ chết dần, chết mòn trong ô uế và tội lỗi. Thánh Thần đang đổi mới cuộc đời chúng ta. Như chức năng của máu là nuôi dưỡng những phần nhỏ nhất của cơ thể, Thiên Chúa Người đang tháp nhập toàn bộ cuộc sống này của chúng ta vào lòng yêu thương của Người bằng cách thẩm thấu. Nếu dòng máu bơm đi từ tim không tới được phần cơ thể nào, cơ thể ấy sẽ chết và cần phải kịp thời cắt bỏ khỏi thân thể. Thiên Chúa sống trong chúng ta và đó là điều chúng ta cảm nghiệm trong dòng máu lưu chuyển châu thân này, nên chúng ta biết trong thân thể mỏng dòn yếu đuối này, chúng ta cần có Chúa. Có Chúa để chúng ta được sống, có Chúa để chúng ta được tham dự vào sự sống của Người”.

3. Thánh lễ ban Bí tích Thêm sức vào lúc 15 giờ 30 ngày 9 tháng 01

Sau một thời gian dài được học hỏi, hôm nay có 571 em được lãnh nhận bí tích Thêm sức. Thánh lễ do Đức Cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ sự. Đây là niềm vui lớn và là một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời của các em và của giáo xứ. Trong bài cám ơn, các em đã bày tỏ niềm vui của mình khi nói rằng: “Làm sao có thể diễn tả hết niềm hân hoan và lòng biết ơn của chúng con đối với Đức Cha, cha xứ, quí cha và mọi người trong ngày hôm nay- ngày chúng con được lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”.

Các em cũng nói lên tinh thần trách nhiệm của mình, sau khi lãnh nhận bí tích thêm sức rằng: “Từ nay, chúng con có một sức sống mới để bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc đời: là sống trọn vẹn ơn được làm người và làm con Chúa ngay trong gia đình, giữa làng xóm, giữa lòng Giáo Hội và ngoài xã hội. Chúng con hứa sẽ luôn biết vâng lời và phấn đấu không ngừng để ngày càng lớn khôn trong Chúa Thánh thần. Chúng con sẽ cố gắng sống, học tập và rèn luyện để trở thành người tốt cho gia đình, cho Giáo Hội và xã hội”.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô đã nhắn nhủ với các em và cộng đoàn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống. Qua đó, Ngài mời gọi mọi người không chỉ nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà phải nhận ra những dấu chỉ của Chúa Thánh Thần gửi đến trong đời sống của mỗi người. Cuối thánh lễ, Đức Cha Phêrô đi từ tên gọi của Giáo xứ “Thuận Nghĩa” để mời gọi mọi thành phần dân Chúa cộng tác với Cha xứ để xây dựng Giáo xứ thành cộng đoàn hiệp nhất yêu thương như tên gọi vốn có của Giáo xứ “Thuận Nghĩa”.

4. Thánh lễ kính Đức Mẹ vào lúc 7 giờ 30 ngày 10 tháng 01

Theo truyền thống Giáo phận, sáng thứ 7 tuần chầu lượt được kính nhớ Đức Mẹ một cách đặc biệt. Thánh lễ sáng hôm nay do Cha quê hương Phêrô Nguyễn Quyền chủ sự. Trong lời khai lễ, Ngài mời gọi mọi người qua Mẹ để đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Khởi đi từ ý tưởng kiểu mẫu đời sống đạo của cộng đoàn kitô hữu đầu tiên, Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, quản hạt Cầu Rầm đã giúp cộng đoàn sống Năm Tân Phúc Âm hoá đời sống Giáo xứ với ba điểm: Thứ nhất, năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Thứ hai, sống hiệp nhất yêu thương vì “cứ dấu này mà người ta nhận ra anh em là môn đệ của Thầy nếu anh em yêu thương nhau”. Thứ ba, ngài mời gọi cộng đoàn nhìn lên Mẹ Maria là mẫu mực Tân Phúc âm hoá. Mẹ đã đón nhận Chúa và sẵn sàng mang Chúa đến với mọi người, điều đó thể hiện qua đời sống của Mẹ, nhất là biến cố Mẹ thăm viếng bà Êlisabet.

5. Thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào lúc 15 giờ 30 ngày 10 tháng 01

15h30 cùng ngày, thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa do Cha quê hương Phaolô Chu Đức Phái chủ sự. Từ sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa kết thúc cuộc sống ẩn dật để bước vào cuộc đời công khai rao giảng Tin mừng, cha Phaolô mời gọi cộng đoàn thực hiện sứ mạng khi lãnh nhận bí tích Rửa tội để tiếp tục sứ mạng loan báo tin mừng của Chúa trong gia đình, trong giáo xứ và mọi môi trường sống của mình.

6. Thánh lễ cao điểm tuần chầu lượt vào lúc 7 giờ 45 ngày 11 tháng 01

Thánh lễ do Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ sự. Đây là thánh lễ cao điểm của tuần chầu lượt. Trong bài giảng, Đức Cha Phaolô đã nêu lên mấy điểm đáng lưu ý: thứ nhất, lịch sử tuần chầu lượt trong Giáo Hội Công Giáo. Thứ hai, lịch sử và tầm quan trọng của tuần chầu lượt Giáo Phận Vinh. Thứ ba, từ sự cần thiết của cơm áo cho cái đói vật chất đến sự cần thiết của Lời Chúa và Thánh Thể cho cái đói tinh thần, cái đói của linh hồn. Từ đó, Ngài mời gọi mọi người đến với Bí tích Thánh Thể vì “Trung tâm và đỉnh cao của đời sống và hoạt động của giáo xứ là Thánh Thể”. Thứ tư, sống năm Phúc Âm Hoá Đời Sống Giáo Xứ bằng cách: Cầu nguyện, tham dự thánh lễ, sống bác ái yêu thương. Ngài kết thúc bài giảng bằng lời mời gọi “Hãy mở cửa ra đón Chúa, mở cửa ra đến với cộng đồng”.

Ngoài các thánh lễ đồng tế, trong tuần chầu lượt của giáo xứ còn có các giờ chầu Thánh Thể được tổ chức một cách long trọng và sốt sắng, đặc biệt là các giờ chầu theo phiên thứ của các giáo họ và đoàn thể diễn ra từ 13 giờ đến 17 giờ 30 chiều Chúa Nhật thu hút đông đảo các giáo hữu tham dự.

Tuần chầu lượt năm nay có sự tham dự của 2 Đức Giám Mục Phêrô và Phaolô Maria, 65 linh mục trong và ngoài giáo hạt. Các Ngài đến không chỉ để cử hành thánh lễ mà còn chia sẻ Lời Chúa cho giáo dân, nhất là giúp giáo dân làm hoà với Chúa và anh em qua bí tích Giao hoà, có 2 643 lượt người xưng tội trong dịp chầu lượt này.

Hy vọng những thành quả gặt hái được qua tuần chầu lượt là những chất xúc tác tốt giúp mọi thành phần trong giáo xứ thêm sức mạnh để sống tốt hơn, hiệp nhất yêu thương hơn trong năm tân Phúc âm hoá đời sống giáo xứ này.
 
Lễ Truyền Chức Linh Mục Gx Thánh Giuse, Grand Prairie, TX
Trần Trọng Long
23:21 11/01/2015
Xem hình ảnh Thánh Lễ Truyền Chức và buổi tiệc Mừng


Vào thứ Bảy vừa qua, ngày 10 tháng Giêng năm 2015, trong lúc các cuộc giao đấu foot ball đang đi vào vòng chung kết sôi nổi, và hầu hết các người trẻ ở Hoa Kỳ cũng hăng say bàn cải và cổ võ cho các thần tượng cuả mình bằng cách mặc trên người bộ đồng phục của đội tuyển nhà… thì âm thầm tại một xứ đạo vùng Dallas-Fort Worth, là Gx Thánh Giuse ở Grand Prairie, Texas, cũng có những người trẻ Việt Nam hăng say dấn mình theo một thần tượng khác, đó là Đức Giêsu Kitô, và họ cổ võ cho thần tượng cuả mình bằng cách thực thi 2 câu châm ngôn trong kinh thánh: Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới (Luca 5:5) và Tình Yêu Đức Kitô thúc bách tôi. (2 Cr 5:14).

Niềm vui của hai người trẻ này là được trở nên tôi tá của Chúa Giêsu Kitô qua thiên chức linh mục, để trở nên cuả lễ hiến tế trên bàn thờ, và để đi rao giảng tin mừng Phúc Âm, mang ơn cứu độ đến cho mọi người.

Đó là hai tu sĩ thuộc Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa (Domus Dei Clerical Society Of Apostolic Life,) đã được truyền chức trong một buổi lễ trang trọng do Đức Cha Vincente Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám Mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Toronto, Canada, chủ phong. Danh sách hai tân linh mục là:

Tân Linh Mục Gioan Baotixita Kim Quốc Dũng, S.D.D và
Tân Linh Mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Vinh, S.D.D


Hiện diện trong buổi lễ, người ta nhận thấy có quí cha Giuse Phạm Minh Văn, SDD, Bề Trên Hải Ngọai của Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa, Cha Phêro Đòan Hoàng Khôi-Anh, SDD, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Giuse, trên 40 linh mục thuộc Tu đoàn và từ các vùng lân cận đến, nhiều tu-sĩ nam nữ và toàn thể gia quyến cuả hai vị Tân Linh Mục.

Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại đây cũng tụ họp đông đảo để thông công thánh lễ và sau đó là chung vui cùng hai tân linh mục trong một buổi liên hoan tại hội trường mới cuả giáo xứ.

Trần Trọng Long - Trịnh Hiệp - NguyễnVàng
 
Đại Hội Giáo Lý Kỳ XII TGP Sydney
Diệp Hải Dung
23:35 11/01/2015
Sáng Chúa Nhật 11/01/2015 các anh chị em Giảng Viên Giáo Lý Tân Tòng, Thiếu Nhi Thánh Thể, và các Huynh Trưởng thuộc Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney đã đến hội trường nhà thờ St. Luke Revesby Sydney tham dự ngày Đại Hội Huấn Luyện Giảng Viên Giáo Lý Kỳ XII năm 2015 với chủ đề Tuyên Xưng Đức Tin”.

Xem Hình

Mọi người ghi danh và tập trung trong hội trường cùng hát bài Thắp Sáng Lên Trong Con Tình Yêu Chúa để chào mừng gặp gỡ nhau trong ngày Đại Hội. Mc Huynh Trưởng Hà Kim Ly giới thiệu Cha Paul Văn Chi Tuyên úy Đặc trách Ban Truyền Giáo TGP, Cha Nguyễn Văn Tuyết Tuyên uý Đặc Trách Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney, quý Sơ Trợ úy Dòng Trinh Vương, ông Hoàng Văn Long Trưỏng Ban Truyền Giáo, quý anh chị em Giảng Viên Giáo Lý thuộc 8 Giáo Đoàn và quý Huynh Trưởng đã đến tham dự Đại Hội.

Ông Hoàng Văn Long Trưởng Ban Truyền Giáo ngỏ lời chào mừng qúy Cha, quý Sơ và mọi người đã đến tham dự Đại Hội Giáo Lý hôm nay đồng thời ông cũng báo cáo sơ lược về những sinh hoạt của Ban Truyền Giáo trong năm qua. Kế tiềp Cha Paul Văn Chi long trọng tuyên bố khai mạc Đại Hội Giáo Lý kỳ XII và Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết cũng chào mừng Đại Hội và thuyết giảng đề tài “Diễn trình hình thành và ý nghĩa kinh Tin Kính Các Tông Đồ”..và Cha cũng nêu ra những câu hỏi liên quan tới Kinh Tin Kính để mọi người chia nhóm cùng thảo luận.

Sơ Bernadette Trợ úy Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình cũng thuyết giảng về đề tài “Ý nghĩa kinh Tin Kính Nicêa Constantinop

Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN Sydney cũng lên ngỏ lời chào mừng Cha Đặc trách Ban Truyền Giáo, quý Sơ, ông Trưởng Ban Truyền Giáo và tất cả mọi người tham dự Đại Hội. Anh chúc chúc mừng Đại Hội Giáo Lý gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp để loan truyền Tin Mừng của Chúa.

Sau giờ dùng cơm trưa tại hội trường. Các vị Giảng viên Giáo lý các của các Giáo Đoàn lên báo cáo những tiến trình sinh hoạt hướng dẫn Giáo lý cho Thiếu Nhi và các Dự Tòng trong năm qua tại Giáo đoàn và nêu những nguyện vọng giúp cho việc giảng dạy Giáo Lý được tiến triển thuận tiện hơn. Cha Paul Văn Chi đúc kết và khen ngợi các anh chị em Giảng viên Giáo Lý và các Huynh Trưởng đã nhiệt tâm hăng say trong công cuộc rao giảng Niềm Tin.

Tiếp theo là Thánh lễ sai đi do quý Cha Paul Văn Chi, Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm và Cha Trần Võ Gia Định cùng hiệp dâng Thánh lễ. Sau bài giảng là nghi thức tuyên xưng Đức Tin, quý Sơ, các Giảng Viên Giáo Lý và các Huynh Trưởng cùng thắp nến lên trước bàn thờ tuyên xưng Đức Tin và giơ cao ngọn Nến tuyên thệ để đón nhận xứ mạng trọng trách của người Giảng Viên Giáo Lý.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Ông Hoàng Văn Long Trưởng Ban Truyền Giáo TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn Qúy Cha, quý Sơ, và quý Giảng Viên Giáo Lý đã đến tham dự Đại Hội Giáo Lý Kỳ 12. Ông cũng ngỏ lời cám ơn ông bà Lý Minh Châu đã trợ giúp phần Ẩm Thực và Thánh lễ bế mạc vào lúc 3.30pm.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Biển Hoàng Hôn
Diệp Hải Dung
22:26 11/01/2015
BIỂN HOÀNG HÔN
Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia.
Không có nghĩa mỗi lần cơn sóng vỗ
Là nồng nàn hôn cát đâu anh
Không có nghĩa hoàng hôn vừa khuất lặn
Biển sẽ buồn sẽ khóc sẽ thở than..
(DHD)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 06/01 – 12/01/2015 - Giáo Hội Công Giáo tại Sri Lanka
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:34 11/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giáo Hội Công Giáo tại Sri Lanka

Sri Lanka có dân số khoảng 21 triệu người, trong đó khoảng 1 triệu người là tín hữu Công Giáo. Đạo Công Giáo đã đến với quốc gia này giữa cơn lốc của những cuộc chiến, thiên tai và những nỗ lực tranh giành thuộc địa của Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh quốc.

Cha Rubano Fernando, một linh mục Sri Lanka cho biết như sau:

"Khi người Bồ Đào Nha đến đất nước của chúng tôi, hầu như tất cả các khu vực ven biển của Sri Lanka đều theo đạo Công Giáo trong một thời gian ngắn. Sau đó, đất nước chúng tôi lại trở thành thuộc địa của Hà Lan. Tại thời điểm đó Giáo Hội tại Sri Lanka đã trải qua những cuộc bách hại nghiêm trọng. Nhiều nhà thờ đã bị phá hủy và người dân một lần nữa bị tước đoạt đức tin của mình. Họ bị tra tấn, và rất nhiều người phải đối mặt với những thử thách cam go khi tuyên xưng đức tin của họ công khai. "

Chân phước Joseph Vaz, sống ở thế kỷ thứ 17, là vị sẽ được Đức Thánh Cha phong thánh trong thánh lễ ngày thứ Tư 14 tháng Giêng, là một linh mục truyền giáo từ Ấn Độ, đã có một vai trò quan trọng trong việc khơi lại đức tin tại quốc gia này.

Cha Rubano Fernando cho biết thêm:

"Nhiều người Sri Lanka đón nhận đức tin từ cha Joseph Vaz. Ngài đã đi bộ suốt cả Sri Lanka và đã đưa được rất nhiều người vào đạo Công Giáo."

Bất chấp những năm tháng chiến tranh triền miên và thiên tai như tai họa sóng thần vào năm 2004, Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ hai đến thăm Sri Lanka. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm đất nước này năm 1995.

2. Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh bày tỏ sự thất vọng trước nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Palestine

Trong những ngày đầu năm, Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Giêrusalem đã bày tỏ thất vọng trước việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bác bỏ việc nhìn nhận quốc gia Palestine.

Trong phiên họp cuối cùng hôm 31 tháng 12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bác bỏ một nghị quyết của người Palestine yêu cầu chấm dứt việc chiếm đóng của Israel trong vòng ba năm, và công nhận một nhà nước Palestine độc lập.

Hoa Kỳ, đồng minh thân cận nhất của Israel, đã bày tỏ rõ rệt sự chống đối của mình và tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình nếu cần thiết.

Nghị quyết của Palestine đã nhận được 8 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 5 phiếu trắng. Tối thiểu, nghị quyết này phải được 9 trong số 15 thành viên thông qua.

Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem trước đây là Michel Sabbah, cùng với đại diện của các cộng đồng Kitô giáo khác nhau ở Israel nhiều lần bày tỏ các cam kết "hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao đang được triển khai để giành sự công nhận quốc tế đối với quốc gia Palestine."

Đức Thượng Phụ Latinh hiện tại của Jerusalem là Fouad Twal, cũng nhiều lần nhắc lại sự ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo cho một nhà nước Palestine. Ngài nói trong thông điệp Giáng Sinh năm ngoái: "Chúng tôi muốn có một nền hòa bình toàn diện để chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine. Chúng tôi đề cao quan điểm của Tòa Thánh, thừa nhận giải pháp hai nhà nước với an ninh biên giới được quốc tế công nhận"

3. Hiệp Hội Thánh Lễ tiếng Latinh ở Anh xin các Giám Mục khích lệ việc cử hành Phụng Vụ tiền Công Đồng

Hiệp Hội Thánh Lễ tiếng Latinh vừa đưa ra một lá thư ngỏ ca ngợi các Giám Mục Anh và xứ Wales đã "đóng một vai trò rất quan trọng" trong việc làm "biến mất gần như hoàn toàn sự thù địch" đối với việc sử dụng hình thức ngoại thường của Thánh Lễ.

Tuy nhiên, ông Joseph Shaw, Chủ tịch của Hội Thánh Lễ La Tinh, kêu gọi các Giám Mục Anh và xứ Wales "đi xa hơn sự khoan dung" và khích lệ hơn nữa việc cử hành Thánh Lễ La Tinh.

Ông Shaw nói rằng ông nhận ra mối quan ngại rằng việc sử dụng phụng vụ Latinh có thể trở thành một "nguồn gốc gây chia rẽ." Nhưng ông nói Hội Thánh Lễ Latinh của ông đã tích cực chống lại xu hướng đó. Ông Shaw cũng cảnh báo rằng các tín hữu có nhiều khả năng trở thành quá khích trong tư tưởng của họ nếu họ cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, và do đó vấn đề này chỉ có thể "được chữa lành bằng cách chấm dứt cảm giác là đứa con rơi."

4. Hơn 12,000 thường dân vô tội thiệt mạng tại Iraq trong năm 2014

Liên Hiệp Quốc cho biết bạo lực ở Iraq vào năm 2014 đã giết chết ít nhất 12,282 thường dân, và năm 2014 là năm đẫm máu nhất hơn cả cuộc tàn sát giữa hai hệ phái Hồi Giáo Sunni và Shi’ite /si-ai/ trong hai năm 2006-2007.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu 2 tháng Giêng, Liên Hiệp Quốc cho biết phần lớn các trường hợp tử vong - gần 8,500 trường hợp - xảy ra trong nửa thứ hai của năm 2014 sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nổi dậy ở tỉnh Anbar dẫn đến xung đột lan rộng với các lực lượng an ninh Iraq.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS vẫn còn kiểm soát khoảng một nửa Iraq và một phần ba Syria mặc dù quân đội phối hợp với các lực lượng dân quân Shi’ite và người Kurd tiếp tục giữ vững được nhiều vùng.

Năm 2013, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã gây ra cái chết của 7,818 thường dân nhưng mức tử vong vẫn thấp hơn trong hai năm 2006 và 2007 khi người Shi'ite và người Sunni tàn sát lẫn nhau.

5. Đức Hồng Y Francis George kết thúc việc điều trị thử nghiệm vì thuốc không chặn được ung thư

Đức Hồng Y Francis George, nguyên Tổng Giám Mục Chicago mới vừa nghỉ hưu gần đây vì bệnh ung thư, đã ngừng sử dụng một loại thuốc ung thư thử nghiệm sau khi các bác sĩ phát hiện ra rằng việc điều trị đã không có hiệu quả.

Đức Hồng Y George đã nghỉ hưu hồi tháng Mười Một, sau khi tiết lộ rằng ngài đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư lần thứ 2. Vị Hồng Y nói rằng có lẽ cuối cùng ngài phải chết vì bệnh ung thư. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của tổng giáo phận Chicago nói rằng cho đến nay, căn bệnh này đã không lây lan đến bất kỳ cơ phận quan trọng nào.

Đức Hồng Y George đã tự nguyện tham gia thử nghiệm loại thuốc mới này. Các bác sĩ tại Đại học Chicago cho biết mặc dù thuốc mới đã không giúp được Đức Hồng Y, nhưng kết quả các thử nghiệm có thể giúp các bệnh nhân ung thư khác.

6. Các Giám mục Công Giáo Ghana lên tiếng chống tham nhũng

Các Giám mục Công Giáo Ghana đã lên tiếng chống lại tệ nạn tham nhũng tại đất nước này. Các giám mục chỉ trích những điều mà các ngài gọi là "tệ nạn kép vừa hối lộ vừa tham nhũng" trong xã hội Ghana. Các ngài nói rằng hai tệ nạn này đang tàn phá cấu trúc xã hội. Các ngài cảnh báo chống lại tình trạng các kẻ tham nhũng đã không bị trừng trị theo đúng pháp luật khiến nạn tham nhũng giờ đây đã trở nên công khai và phổ biến.

Các Giám mục Ghana đã tuyên bố như trên trong thông điệp năm mới gửi người dân Ghana. Thông điệp này được đưa ra bởi Đức Giám Mục Joseph Osei-Bonsu của Giáo phận Konongo-Mampong đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ghana.

Các giám mục nói thêm: "Tham nhũng hoành hành ở nước ta như hiện nay, chủ yếu là vì mặc dù chúng ta có các cơ quan vững mạnh, nhưng nói chung những người điều hành các cơ quan này và phần nhiều các cá nhân trong nước lại thiếu liêm chính. Nếu người dân được hướng dẫn lương tâm ngay chính và trung thực, có thể sẽ không có tham nhũng, hay ít nhất nó sẽ giảm mạnh và Ghana sẽ tốt hơn so với hiện nay".

Các Giám Mục bày tỏ hy vọng rằng trong năm 2015, các chính trị gia sẽ làm công việc của họ tận tâm và sẽ tránh được tệ biển thủ công quỹ. Trích dẫn từ văn kiện "Giáo Hội tại Phi Châu", các Giám mục Ghana cho biết: "Liên quan đến điều này, chúng ta nên nhớ rằng năm 1994, Thượng Hội đồng Giám mục Phi Châu đã tha thiết cầu xin Chúa cho Phi Châu có các chính trị gia thánh thiện - cả nam lẫn nữ - và các vị Nguyên thủ quốc gia thánh thiện, những người hết sức yêu mến người dân của mình và muốn phục vụ hơn là được phục vụ".

7. Ấn Độ ngày càng trở thành một quốc gia vô luật pháp

Các linh mục dòng Tên trong tổ chức Hành động Xã hội của Giáo Hội Công Giáo tại Ấn, gọi tắt là JESA, nhận định rằng “Ấn Độ ngày càng trở thành một quốc gia vô luật pháp và nguy hiểm”.

Nhận định trên đã được đưa ra sau khi cảnh sát bắt được năm người dân bình thường, chưa từng có tiền án và cũng chưa thấy có dấu hiệu của một bọn tội phạm có tổ chức, đã bắt cóc, hãm hiếp và giam giữ một du khách người Nhật 23 tuổi gần một tháng trời tại Calcutta.

Bên cạnh đó là vụ Rajeshwar Singh, nhà lãnh đạo của một tổ chức Ấn Giáo cực đoan, được tự do tha hồ tuyên bố quyên góp trên các kênh truyền hình quốc gia để thực hiện một kế hoạch theo đó năm 2021 là hạn chót để quét sạch khỏi Ấn Độ tất cả những người Hồi giáo và Kitô giáo. Theo đúng luật pháp, y phải bị bắt về tội “kích động hận thù tôn giáo”.

Một vụ bắt cóc, hãm hiếp và giam giữ trái phép tương tự đã xảy ra hồi tháng 7 năm 2013 cho một nữ tu Công Giáo 28 tuổi. Hai tên đã bị bắt nhưng cho đến nay, sau gần 1 năm rưỡi, chẳng có một phán quyết nào của toà án được đưa ra.

Tưởng cũng nên nhắc lại một nữ tu 28 tuổi thuộc dòng Thừa Sai Phanxicô của Thánh Giuse đang theo học tại Chennai thuộc bang Orissa đã bị bắt cóc tại Kandhamal (một quận trong tỉnh Orissa) và bị hãm hiếp trong vòng một tuần lễ từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 7 năm 2013.

Đức Hồng Y Oswald Gracias của tổng giáo phận Mumbai, hay còn gọi là Bombay, nói:

"Tôi cực lực lên án vụ hãm hiếp tập thể một nữ tu trẻ. Vụ hãm hiếp này là chủ nghĩa khủng bố cả về thể lý lẫn tinh thần. Vụ tấn công vào một nữ tu trẻ của chúng tôi là hành động tàn ác gây đau thương cho người đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Hãm hiếp là một tội ác đáng ghê tởm và là một sự vi phạm độc ác chống lại danh dự của phụ nữ và phản ánh tình trạng thê thảm của phụ nữ trong xã hội, trong cộng đồng và đất nước chúng ta."

Đây không phải là lần đầu tiên một nữ tu Công Giáo bị bắt cóc và bị hãm hiếp. Tháng 8 năm 2008, nữ tu Meena Barwa, 30 tuổi đã bị 22 người Ấn Giáo cực đoan hãm hiếp. Cảnh sát bắt được cả 22 tên nhưng 17 tên được tại ngoại hầu tra ngay tức khắc và đến nay, sau nhiều năm trời, theo Đức Hồng Y Oswald Gracias, phiên tòa xử 22 tên này vẫn chưa xảy ra.

Đức Hồng Y nói thêm:

"Sự thờ ơ của các cơ quan chính phủ thật là kinh khủng. Có một sự chà đạp nghiêm trọng pháp luật và tình hình trật tự ở Kandhamal. Biến cố đau thương này không phải là một trường hợp vi phạm cá biệt."

8. 20 Kitô hữu Coptic Ai Cập bị chiến binh Hồi Giáo bắt tại Libya

Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị của Chính Thống Giáo Ai Cập đã lên tiếng xin cầu nguyện cho 20 tín hữu của ngài vừa bị bắt tại quốc gia láng giềng Libya. Lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ đã được đưa ra trong thông điệp mừng Giáng Sinh được tổ chức ngày 7 tháng Giêng.

Hôm thứ Bẩy 3 tháng Giêng, quân du kích Hồi Giáo đã bắt cóc 13 công nhân là các tín hữu Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập. Các nhân chứng tại thành phố Sirte cho biết các chiến binh Hồi giáo đã xông vào một cư xá công nhân Ai Cập vào lúc 2 giờ sáng rạng ngày thứ Bẩy 3 tháng Giêng, và yêu cầu được xem căn cước những người trú ngụ. Chúng có danh sách những công nhân nào là Kitô hữu và công nhân nào là tín hữu Hồi Giáo.

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi 7 Kitô hữu Coptic Ai Cập đã bị bắt cóc tại một trạm kiểm soát giả ở Sirte khi họ cố gắng rời khỏi thành phố trở về Ai Cập mừng lễ Giáng Sinh.

Trước đó, một bác sĩ Ai Cập là tín hữu Chính Thống Giáo Coptic và vợ đã bị thảm sát tại nhà riêng của họ ở thành phố Sirte, nơi có đông đảo công nhân xây dựng của Ai Cập. Đứa con gái nhỏ của họ bị bắt đưa đi và sau đó người ta tìm thấy thi thể của bé gái hôm 26 tháng 12.

Bộ trưởng ngoại giao Ai Cập là Sameh Shokri nói hôm 3 tháng Giêng sau cuộc hội kiến với hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Coptic là Ai Cập đang cân nhắc việc đưa máy bay sang Lybia để bốc công nhân về nước vì tình hình ngày càng nguy hiểm.

9. Thực chất của kế hoạch hoá gia đình ở Mỹ là phá thai

Thông tấn xã Công Giáo Catholic World News cho hay 94% các dịch vụ của Planned Parenthood Federation of America là phá thai. Đây là cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ về kế hoạch hoá gia đình, tư vấn và trợ giúp y tế cho các phụ nữ mang thai.

Trích dẫn số liệu thống kê thu thập từ báo cáo thường niên của Planned Parenthood, các phong trào phò sinh lưu ý rằng cơ quan này đã cắt giảm đáng kể những dịch vụ chăm sóc trước khi sinh, ngăn ngừa ung thư, và tìm người nhận con nuôi trong năm qua. Cứ mỗi trường hợp giới thiệu người nhận nuôi con cho các sản phụ, thì có 174 trường hợp người ta khuyên các sản phụ hãy phá thai đi.

Trong năm tài chính gần nhất, Planned Parenthood Federation of America đã nhận được một nguồn tài trợ hơn 500 triệu từ những người nộp thuế ở Mỹ, chiếm 41% tổng doanh thu của tập đoàn này. Báo cáo của tập đoàn ghi nhận là sau khi đã trừ mọi chi phí, tập đoàn đã dư ra được $127 triệu trong tài khóa 2013-2014, đẩy tài sản của tập đoàn lên đến 1,4 tỷ Mỹ Kim.

Ngay khi người ta còn chưa hết bỡ ngỡ về sự thành công chớp nhoáng cuả Toà Thánh trong việc làm trung gian hoà giải giữa Hoa Kỳ và Cuba, người ta bắt đầu đặt câu hỏi liệu đang có một khai phá mới nào trong quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Thổ Nhĩ Kỳ, mà Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ cho các vấn đề Trung Đông, và xa hơn nữa là những vấn đề cuả thế giới Hồi Giáo?

10. Lần đầu tiên trong 90 năm qua Thổ Nhĩ Kỳ cho phép xây một nhà thờ mới

Hôm thứ Sáu 2 tháng Giêng, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là ông Ahmet Davutoglu đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Istanbul. Trong buổi gặp gỡ này ông tuyên bố rằng không một tôn giáo nào đã từng tồn tại ở nước này có thể bị coi là một tôn giáo ngoại lai.

Sau cuộc gặp gỡ này một nguồn tin cuả chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết "Một nhà thờ mới đã được phép xây cất kể từ khi nước cộng hòa ra đời vào năm 1923"

Như vậy, trong 90 năm qua mặc dù nhiều nhà thờ đã được khôi phục và mở cửa trở lại cho công chúng, nhưng đây là lần đầu tiên mới có một nhà thờ mới được phép xây cất.

Ngôi nhà thờ được phép xây dựng là một nhà thờ cho cộng đồng nhỏ bé cuả người Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ được xây ở ngoại ô Yesilkoy của thành phố Istanbul. Nơi đây hiện đã có nhiều nhà thờ Kitô giáo như Chính Thống Hy Lạp, Công Giáo và Armenia. Ngôi nhà thờ mới ở Istanbul sẽ được xây trên một mảnh đất do hội đồng địa phương biếu tặng và chi phí do quĩ cuả cộng đồng Syria đài thọ.

Những người Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ đa số theo Chính Thống Giáo nghi lễ Syriac. Họ vẫn sử dụng các kinh lễ bằng tiếng Aramaic, là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.

Ít người lạc quan là Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi thái độ đối với Kitô Giáo. Biến chuyển mới này có lẽ chỉ là một phần trong cố gắng vận động gia nhập Liên Minh Âu Châu của Thổ Nhĩ Kỳ.

11. Nhà thờ chánh tòa thành phố Köln tắt hết đèn đuốc để bày tỏ thái độ đối với cuộc tuần hành chống Hồi Giáo

Lễ Hiển Linh hay còn gọi là lễ Ba Vua, là một ngày lễ lớn trong văn hóa Đức. Trong dịp này trẻ con thường mặc như ba vua hay ba nhà đạo sĩ đến từng nhà hát những bài ca Giáng Sinh để quyên góp cho qũy bác ái của Giáo Hội Công Giáo Đức.

Tuy nhiên, năm nay, đêm trước ngày Lễ Hiển Linh, nhà thờ chánh toà thành phố đã tắt hết đèn đuốc để hiện sự không hài lòng với một cuộc biểu tình tuần hành của phong trào Châu Âu Yêu nước chống lại sự bành trướng của Hồi giáo tại phương Tây.

Những kinh hoàng do quân khủng bố Hồi Giáo IS gây ra trong năm 2014 mà người dân Đức đã phải chứng kiến trên các màn ảnh truyền hình, computer, và trên báo chí đã khiến cho cuộc tuần hành được sự chú ý và tham gia rộng rãi của nhiều tầng lớp dân chúng từ những người trung lưu trong xã hội, đến các nhóm khét tiếng phân biệt chủng tộc và các tổ chức cánh hữu cực đoan.

Tuy nhiên, cha chánh xứ nói với thông tấn xã Reuters rằng Giáo Hội không khuyến khích sự bất khoan dung tôn giáo và không ủng hộ những trào lưu cực đoan.

Ngài nói: “Bằng cách tắt các đèn chiếu sáng, chúng tôi muốn làm cho những người tham gia cuộc tuần hành này dừng lại và suy nghĩ. Đây là một thách thức: Hãy xem những người đang đi bên cạnh anh chị em là ai."

12. Người Công Giáo Sri Lanka hy vọng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng thúc đẩy hòa giải quốc gia

Hơn một triệu người Công Giáo tại Sri Lanka trong tổng số 21 triệu dân hy vọng rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, diễn ra từ 12 đến 15 tháng Giêng, sẽ thúc đẩy hòa giải ở một đất nước vẫn còn bị ám ảnh bởi một cuộc nội chiến kéo dài suốt 25 năm.

Hơn 100,000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kết thúc vào tháng Năm năm 2009. Mặc dù đã có những động thái mạnh mẽ cho hòa giải quốc gia sau khi các hiệp ước hòa bình được ký kết, một câu hỏi lớn vẫn được đặt ra là việc liệu chính phủ hiện nay, do tổng thống Mahinda Rajapaksa, có nhận ra tầm quan trọng của quá trình hòa giải đó không và có thực tâm muốn hòa giải hay không.

Đức Cha Joesph Rayappu là Giám Mục giáo phận Manaus nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là chế độ hiện nay đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi một hệ tư tưởng Phật giáo. “Bỏ lại quá khứ phía sau và muốn quên nó đi là điều phù hợp với một não trạng Phật giáo. Điều này, tất nhiên gây ra khó khăn cho công việc hòa giải giữa các nhóm dân tộc Tích Lan và Tamil. Vì không có hòa bình nếu không có công lý. Không phải quên mọi chuyện đi là xong nhưng phải nhìn thẳng vào những vết thương vẫn còn đó và can đảm tiến hành việc chữa lành và hội nhập vào một quốc gia”.