Ngày 10-01-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 11/01: Người phải lớn lên, còn Tôi phải nhỏ lại – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến.
Giáo Hội Năm Châu
01:43 10/01/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.

Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.” Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:53 10/01/2025

20. Từ bỏ phán đoán của mình, chính là khắc chế những phán đoán không phù hợp với Thiên Chúa và người khôn ngoan.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:57 10/01/2025
36. QUÊN MẤT CÁI GỐC

Có người đến nhà của người nấu rượu để cầu xin phương pháp làm rượu.

Người nấu rượu nói:

- “Một đấu gạo, một lạng miến thêm hai thùng nước, trộn lại với nhau ủ bảy ngày thì thành rượu”.

Trí nhớ người ấy rất tệ, về đến nhà thì chỉ dùng hai thùng nước và một lạng miến trộn lại với nhau, bảy ngay sau đem ra nếm thử thì thấy nhạt như nước, bèn đi trách nhà nấu rượu.

Người nấu rượu nói:

- “Sợ là ông không theo lời của tôi dạy để ủ rượu mà thôi !”

Người ấy nói:

- “Tôi làm theo lời của ông dạy dùng hai thùng nước và một lạng miến”.

Người nấu rượu hỏi:

- “Có dùng gạo không?”

Người ấy suy nghĩ chút rồi nói:

- “Ái dà, tôi quên bỏ gạo rồi !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 36:

Con người ta vì cái tôi qúa lớn nên thường hay trách cứ người khác khi họ làm không vừa ý của mình, và có khi vì tính ích kỷ mà nạt nộ giận hờn người khác.

Người có tính tự ái và hấp tấp thì thường làm thương tổn đến người khác, bởi vì thông thường những con người như thế thường hay có “bệnh” tự mãn, cái gì cũng cho mình là số một nên rất dễ dàng nóng giận người khác vì một lý do cỏn con không đáng gì. Không chú ý nghe rồi làm sai, làm không được và trách cứ người đã có lòng tốt chỉ vẻ cho mình, đó là tâm trạng chung của những người hay ỷ lại vào sức mình.

Sống Lời Chúa cũng như thế, có những người Ki-tô hữu ỷ vào trí thông minh và hiểu biết của mình, không thèm nghe cha giảng khi đi tham dự thánh lễ, và cảm thấy mình không cần đọc sách thánh vì mình đã biết quá nhiều lẽ đạo, thế là họ sống Lời Chúa theo ý riêng của mình, mà ý riêng ấy là luôn luôn biện hộ cho hành vi dễ dãi về luân lý cũng như về đức tin của mình, nên họ thường nói: giữ đạo tại tâm.

Tâm của mỗi người muốn gì nghĩ gì ai mà biết được, chỉ có Thiên Chúa, cho nên phải có trong lòng mới tràn ra ngoài, đó chính là lời khuyến cáo của Đức Chúa Giê-su vậy.

Ai tự hào nói mình giỏi kinh thánh thì phải hiểu câu ấy của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Lu mờ đi
Lm Minh Anh
16:54 10/01/2025
LU MỜ ĐI
“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”.

Schleiermacher - triết gia người Đức - nhân vật định hình sự tiến bộ của tư tưởng hiện đại. Một tối kia, ông lang thang một mình trong công viên; một cảnh sát đi tới, định đưa ông về đồn vì nghĩ rằng, ông là một gã say. Cảnh sát hỏi, “Ông là ai?”; Schleiermacher buồn buồn trả lời, “Ước gì tôi biết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Schleiermacher, cũng thế, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta không biết mình là ai, làm việc cho ai và phải trở thành ai? Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả không biết mình là ai, thầy mình là ai, họ ghen tuông khi Chúa Giêsu cũng làm phép rửa. Gioan bảo họ, “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”.

Sự khiêm nhường của Gioan là một bài học tuyệt vời, đặc biệt đối với những ai đang tích cực tham gia vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Quá thường xuyên khi chúng ta tham gia vào một số hoạt động tông đồ; và cùng lúc đó, “sứ vụ” của những người khác lại dường như đang phát triển nhanh hơn chúng ta. Bấy giờ, sự ghen tị có thể xuất hiện. Vậy mà, vai trò của chúng ta trong sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội Chúa Kitô là phải tìm cách hoàn thành ‘vai trò của mình và chỉ vai trò của mình’. Không bao giờ chúng ta cho phép mình cạnh tranh với những người khác trong Giáo Hội. Chúng ta cần biết khi nào phải hành động theo ý muốn của Chúa, và khi nào phải lùi lại - ‘lu mờ đi’ - để những người khác hoàn thành ý định của Ngài. Chúng ta phải làm theo ý muốn của Chúa, không hơn, không kém và không gì khác!

Vậy mà rất nhiều lần, trong sứ vụ tông đồ, chúng ta làm điều ngược lại, ‘Cần tôi lớn lên, Chúa và anh em tôi cần nhỏ lại!’. Cám dỗ tìm kiếm chính mình trong việc tông đồ, trong việc phục vụ Giáo Hội là một cám dỗ triền miên ở mọi thời, nơi bất cứ ai, thuộc bất cứ đấng bậc nào! Một số người chỉ cống hiến khi công việc mang lại cho họ danh dự, trọng vọng, uy tín hoặc nâng cao tầm quan trọng của bản thân. Chúng ta tuyên bố phục vụ Chúa Kitô, nhưng nếu địa vị bị tổn hại, uy tín bị chỉ trích; hoặc thấy ai đó kém khả năng đứng trên chúng ta về thứ hạng, thì trái tim chúng ta vỡ vụn; cam kết của chúng ta suy tàn. Vào những thời điểm đó, chớ gì chúng ta có thể vượt qua thử thách khi biết ‘lu mờ đi’ để có thể tìm lại niềm vui cho chính mình như Gioan đã nêu gương.

Anh Chị em,

“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”. Đề nghị của Gioan mời gọi mỗi người chúng ta ngày càng làm rỗng chính mình để Chúa Kitô có thể lớn lên, lấp đầy trái tim chúng ta bằng chính Ngài. Theo cách nói của Phaolô, “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”. Để đạt được điều này, chúng ta phải làm gì? Như Gioan, chúng ta ý thức mình chỉ là những “người bạn của chú rể, đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở”. Chỉ lúc đó, chúng ta mới có niềm vui, niềm vui đích thực. Tình yêu dành cho Chúa Kitô không phải là nỗ lực một sớm một chiều, nhưng như Gioan, nó là thành quả của nhiều năm cầu nguyện, chinh phục bản thân và trung thành với một cuộc sống hoán cải và biết ‘lu mờ đi’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thật xấu xí khi con ‘hơn thua’ trong việc tông đồ. Cho con biết nhỏ lại, ‘lu mờ đi’ để Chúa và anh chị em con được lớn lên!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Hai Lần Tái Sinh
Lm Vũđình Tường
02:40 10/01/2025
Nhiều người trong chúng ta ra đi để lại dở dang nhiều chương trình, dự định, kế hoạch chưa kịp thực hiện. Một số may mắn hơn hoàn thành tốt đẹp điều ước mơ trước khi ra đi. Một trong những người may mắn đó phải kể đến Gioan Tiền Hô. Nhiệm vụ của ông là đi trước chuẩn bị cho Đấng Cứu Thể đến. Gioan nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Thế vì thế Gioan nói cùng môn đệ là Ngài sẽ lớn lên, còn ông thì nhỏ đi. Lớn nhỏ đây không mang nghĩa thể lí nhưng liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Câu nói cuối cùng của Đức Kitô trên thập tự cũng cho biết Ngài hoàn thành tốt đẹp sứ mạng được trao phó nơi trần gian khi Ngài nói câu cuối đời: 'Mọi sự đã hoàn tất' Gn 19:30.

Ngày Đức Kitô chịu phép rửa đánh dấu hai sự kiện quan trọng. Thứ nhất đó là ngày thánh Gioan hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ tiền hô của mình. Làm sáng Danh Chúa trong ngục tù. Ông được tái sinh trong nước Chúa. Thứ hai quan trọng hơn, ngày Đức Kitô chịu phép rửa khai mạc thời đại mới. Lễ này được long trọng mừng kính vào dịp đầu năm với mục đích năm mới nhắc nhở kỷ nguyên mới, thời đại mới, hy vọng mới. Nguồn sống ơn cứu độ mở ra cho toàn thể nhân loại.

Đức Kitô, Đấng mang phép rửa đến lại tự nguyện xin nhận phép rửa từ Gioan. Gioan từ chối, dõng dạc tuyên bố với đám đông

'Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa' Lc 3:17-17

Phép rửa của Gioan là dấu chỉ của ăn năn, thống hối, trở về đường lành. Phép rửa Đức Kitô mang đến ban ơn tha tội, tẩy xoá hết các tội ta đã phạm, biến ta thành con người mới. Trở thành tạo vật mới, là anh chị em trong gia đình Giáo Hội hoàn vũ mà Đức Kitô là thủ lãnh. Đức Kitô, Đấng chí thánh hoàn toàn tinh tuyền. Ngài không cần nhận phép rửa từ bất cứ ai, nhưng xin nhận phép rửa từ Gioan với mục đích làm trọn luật lệ của một con người nơi trần gian. Mục đích thứ hai quan trọng hơn. Đức Kitô nhận phép rửa với mục đích xác nhận chính Thiên Chúa sai Gioan làm công việc đó. Có lần Ngài giảng dậy trong Đền Thờ, các thượng tế, kinh sư cùng kỳ mục kéo đến đặt vấn đề:

'Ông lấy quyền nào để làm điều đó?' Đức Kitô đáp. Các ông cho tôi biết phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta? Lc 20:2-4

Chính Ba Ngôi Thiên Chúa khai mạc kỷ nguyên cứu độ trong ngày Đức Kitô nhận phép rửa. Ngay sau khi Đức Kitô bước lên bờ từ sông Gioađan, liền có Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa dưới hình chim bồ câu đến ngự trên Ngài; cùng lúc đó từ trời cao có tiếng vang vọng

'Con là Con của Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con' Lc 3:22.

Ngày chúng ta được tái sinh trong Chúa, chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa qua Bí Tích Thanh Tẩy trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chuá Cha cũng nói với Kitô hữu đó 'Ngày hôm nay Cha sinh ra con'.

Đức Kitô không cần ơn tái sinh. Ngài sống lại từ cõi chết ban ơn tái sinh cho Kitô hữu. Như thế câu 'Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con' là câu Chúa Cha nói dành riêng cho Đức Kitô. Trong thời gian rao giảng công khai, Đức Kitô không giữ câu này riêng cho mình mà chia sẻ cho các môn đệ khi Ngài mời gọi họ đi theo Ngài, trở thành môn đệ Ngài. Như thế câu trên không có giới hạn về thời gian, địa điểm, nơi chốn; bất cứ thời gian, địa điểm nào có người đón nhận Đức Kitô là Chúa của họ thì câu 'ngày hôm nay Cha sinh ra con' áp dụng cho cá nhân đó. Họ được chính Đức Kitô cho thông phần chia sẻ món quà Chúa Cha trao tặng Đức Kitô. Từ 'sinh ra' trong trường hợp này có thể hiểu Đức Kitô là Đấng chí thánh của Thiên Chúa sinh ra nơi trần gian. Sinh ra còn bao hàm nghĩa rộng lớn hơn, đó là tất cả những ai tái sinh trong Đức Kitô sẽ thuộc về Đức Kitô và là con của Thiên Chúa. Tái sinh trong Đức Kitô được thánh Gioan tiền hô công bố là Đức Kitô sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và Lửa. Như thế chính Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa biến đổi con người phàm của chúng ta thành con Thiên Chúa. Tất cả mọi người trên trần thế được Đức Kitô mời gọi tái sinh trong Chúa, nhưng không phải tất cả mọi người đều đáp lại lời mời gọi 'tái sinh' đó. Chỉ những ai đón nhận Đức Kitô và trở thành môn đệ Ngài mới là người đón nhận ơn tái sinh.

Kitô hữu tái sinh hai lần. Lần thứ nhất tái sinh để trở thành con Thiên Chúa qua phép rửa Đức Kitô trao ban nơi trần thế. Lần thứ hai Kitô hữu được tái sinh trong nước hằng sống của Thiên Chúa để hưởn gơn thừa tự Đức Kitô ban cho những ai tuyên sưng Ngài nơi trần thế. Ơn thừa tự được chính Đức Kitô cứu chuộc bằng thập giá và giá Máu Cực Thánh của chính Ngài.

Chúng ta xin ơn trung thành với lời hứa khi nhận Bí Tích Thanh Tẩy, ơn đón nhận ơn tái sinh và thừa tự.
TiengChuong.org
 
Chúa Giêsu chịu phép Rửa mở cửa trời
Lm Nguyễn Xuân Trường
06:34 10/01/2025
CHÚA CHỊU PHÉP RỬA MỞ CỬA TRỜI

Vừa qua Giáo Hội đã long trọng mở cửa Năm Thánh. Nhưng từ xưa, Chúa Giêsu đã mở ra cả một thời đại thánh bằng việc mở đầu sứ vụ công khai loan báo Tin Mừng, Chúa là Đấng Thánh vô tội lại đi chịu phép rửa cùng với toàn dân. Thực hiện việc mở đầu này, Chúa Giêsu đã mở đường cứu độ muôn dân và mở cửa trời đất giao hòa.

1. Mở đường cứu độ. Từ mái nhà Nadarét, Chúa Giêsu đã mở cửa bước ra thi hành sứ vụ công khai. Chúa đã mở đường cứu độ loài người tội lỗi không phải bằng cách kết tội họ, nhưng bằng cách gánh tội, xóa tội cho nhân loại khi Ngài cùng họ bước xuống chịu phép rửa. Khi chịu phép rửa cùng với toàn dân, Chúa đã biểu lộ một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và từ bi nhân hậu, đồng cảm và cứu vớt tội nhân. Người cứu nhân loại nhờ phép rửa ban ơn tái sinh và đổi mới. Chúa chịu phép rửa đã biến dòng sông Giođan trở thành dòng sông ơn thánh.

2. Mở cửa trời đất. Sau khi Chúa chịu phép rửa thì cửa trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống, ngược với cảnh sau khi Ađam-Evà phạm tội thì cửa trời đóng lại, thiên thần cầm gươm canh giữ. Hai hình ảnh hoàn toàn đối ngược nhau cho thấy: nếu Ađam-Evà phạm tội đã đóng lại cánh cửa tình nghĩa Cha-con với Thiên Chúa, thì nay Đức Giêsu đến gánh tội để mở ra cánh cửa tình nghĩa Cha-con giữa Thiên Chúa và loài người. Thế nên mới có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.”

Tạ ơn Chúa Giêsu chịu phép rửa đã mở ra cả một thời đại thánh. Chúng ta hãy sống gắn bó mật thiết với Chúa là Đấng Thánh và hãy sống thánh thiện làm người con ngoan hiền của Chúa. Nhờ đó, Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta: “Con là con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về con” thì sung sướng biết bao. Chứ nếu Chúa phải than thở: Con là con yêu quái, Cha đau lòng vì con thì chết dở mất rồi! Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những điểm chính trong bài phát biểu về tình hình thế giới năm 2025 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Vũ Văn An
14:19 10/01/2025

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu trước các nhà ngoại giao vào ngày 9 tháng 1 năm 2025. Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube @VaticanNews.


Edgar Beltrán của tạp chí The Pillar, ngày 10 tháng 1 năm 2025, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu ra các ưu tiên ngoại giao của ngài cho năm 2025 vào thứ năm, trong bài phát biểu "tình hình thế giới" thường niên của ngài trước các nhà ngoại giao được công nhận tại Tòa thánh.

Đức Giáo Hoàng chỉ đọc một vài trang đầu của bài phát biểu trước khi xin phép ra về vì bị cảm lạnh. Đức ông Filippo Ciampanelli, thứ trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đã đọc phần còn lại của bài phát biểu.

Trong bối cảnh của Năm Thánh 2025, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các nhà ngoại giao tránh "luận lý học đối đầu", thay vào đó là " luận lý học gặp gỡ, để tương lai không thấy chúng ta trôi dạt vô vọng, mà tiến về phía trước như những người hành hương của hy vọng, các cá nhân và cộng đồng đang di chuyển, cam kết xây dựng một tương lai hòa bình".

Bài phát biểu dài gần 5,000 từ của ngài đã nêu bật các vấn đề ngoại giao mà Tòa thánh có thể sẽ tập trung vào trong 12 tháng tới - và các chủ đề dường như được xếp vào chương trình nghị sự của Vatican.

Sức khỏe của Giáo hoàng

Sau một năm tràn ngập những đồ đoán về sức khỏe của ngài do nhiều thủ thuật y tế khác nhau, Đức Giáo Hoàng đã có sức khỏe tương đối tốt trong năm 2024 bận rộn, bao gồm phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng về tính đồng nghị và chuyến đi dài nhất trong triều giáo hoàng của ngài cho đến nay.

Nhưng vào cuối năm 2024, sức khỏe của Đức Giáo Hoàng lại là chủ đề của những đồ đoán mới, khi ngài xin phép không phát biểu với lý do bị cảm lạnh và xuất hiện với một vết bầm tím nghiêm trọng trên cằm tại một công nghị Hồng Y để phong chức Hồng Y mới.

Bài phát biểu hôm thứ Năm cho thấy năm 2025, với chương trình Năm Thánh đầy thách thức, có thể là một năm nữa tràn ngập những đồ đoán về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng. Khoảng hai phút sau bài phát biểu, Đức Giáo Hoàng đã trao bài phát biểu của ngài cho Đức ông Ciampanelli, nói rằng ngài vẫn bị “cảm lạnh nhẹ”, tình trạng mà ngài đã đề cập lần đầu tiên trước Giáng sinh.

Ukraine và Gaza

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành một phần bài phát biểu của mình cho Ukraine và Gaza, yêu cầu cộng đồng quốc tế chấm dứt cả hai cuộc chiến tranh.

Liên quan đến Gaza, ngài kêu gọi chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo "đáng xấu hổ" trong khu vực và kêu gọi trả lại các con tin Israel.

Đức Giáo Hoàng cũng lên án mạnh mẽ làn sóng bài Do Thái trên toàn cầu. Những phát biểu của ngài được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm đối với mối quan hệ Công Giáo - Do Thái, khi chính phủ Israel và các tổ chức Do Thái bày tỏ sự lo ngại về những bình luận gần đây của Đức Giáo Hoàng về Gaza.

Vào đêm Giáng sinh, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Sa'ar đã triệu tập sứ thần tòa thánh tại Israel, Tổng giám mục Adolfo Tito Yllana, để bày tỏ "sự bất bình sâu xa" của ông trước những phát biểu của Đức Giáo Hoàng trong bài phát biểu ngày 21 tháng 12 trước giáo triều Rôma.

Đức Giáo Hoàng cho biết cái chết của trẻ em trong các vụ đánh bom là "tàn ác", mà nhiều người ở Israel hiểu là Đức Giáo Hoàng nói rằng quân đội Israel cố tình nhắm vào trẻ em.

Các nhà quan sát cho rằng mối quan hệ của Vatican với cộng đồng Do Thái đang ở mức thấp nhất kể từ Công đồng Vatican II. Cách ngoại giao của Vatican giải quyết thách thức này sẽ là một câu chuyện đáng chú ý trong năm nay.

Venezuela và Nicaragua

Hai quốc gia có khả năng tiếp tục chứng minh là một thách thức ngoại giao đối với Vatican vào năm 2025 là Venezuela và Nicaragua.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các nhà ngoại giao rằng cuộc khủng hoảng ở Venezuela chỉ có thể được khắc phục “bằng cách chân thành tuân thủ các giá trị của sự thật, công lý và tự do, cũng như tôn trọng sự sống, phẩm giá và quyền của mỗi người”.

Liên quan đến Nicaragua, nơi Giáo hội đã phải chịu sự đàn áp nghiêm trọng, Đức Giáo Hoàng cho biết “Tòa thánh luôn sẵn sàng đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng, và theo dõi với sự quan ngại các biện pháp được thực hiện đối với người dân và các tổ chức của Giáo hội”. Ngài nói thêm rằng “không thể có hòa bình thực sự nếu quyền tự do tôn giáo không được đảm bảo”.

Venezuela và Nicaragua từ lâu đã là hai điểm mù ngoại giao đối với Vatican. Nhiều người ở hai quốc gia này và ở nước ngoài đã cáo buộc Tòa thánh thụ động và Đức Giáo Hoàng không lên tiếng đủ mạnh mẽ.

Hơn nữa, đôi khi Vatican đã sai lầm trong các tuyên bố công khai của mình. Ví dụ, trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn bị đàn áp dữ dội vào năm 2019, Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican cho biết Vatican có lập trường “trung lập tích cực” trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Tuyên bố này đã bị chỉ trích rộng rãi trong nước.

Nhưng gần đây, Đức Giáo Hoàng đã dành một lá thư mục vụ cho người dân Nicaragua và liên quan đến Venezuela, ngài nói rằng "chế độ độc tài không bao giờ kết thúc tốt đẹp".

Vào ngày Đức Giáo Hoàng phát biểu trước các nhà ngoại giao, các cuộc biểu tình trên toàn quốc lại nổ ra ở Venezuela. Trong khi đó, Giáo hội ở Nicaragua bắt đầu năm 2025 mà không có chủ tịch hội đồng giám mục, người đã bị lưu đày vào tháng 11 năm 2024.

Đức Giáo Hoàng có thể phải nói nhiều hơn về những cuộc khủng hoảng này vào năm 2025 — hoặc có khả năng sẽ phải chịu thêm chỉ trích.

Hồng Kông

Có lẽ sự thiếu sót rõ ràng nhất trong bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng là Hồng Kông. Kể từ năm 2019, lãnh thổ này đã phải chịu sự đàn áp khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát xã hội Hồng Kông.

Thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục giữa chính phủ Trung Quốc và Vatican đã được gia hạn vào năm 2024 trong bối cảnh bị chỉ trích rộng rãi, điều này có thể có nghĩa là sự im lặng của vị giáo hoàng về sự xói mòn nền dân chủ ở Hồng Kông là một nỗ lực không làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Vào tháng 12, nhà xuất bản Công Giáo Jimmy Lai đã trở lại tòa án ở Hồng Kông để làm chứng trong phiên tòa xét xử theo Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi của lãnh thổ này.

Lai, người đã ngồi tù từ năm 2020, bị buộc tội thông đồng với các thế lực nước ngoài và xuất bản các tài liệu kích động. Nếu bị kết tội, ông sẽ phải đối mặt với án tù chung thân.

Lai không phải là người Công Giáo duy nhất phải đối đầu với các vấn đề pháp lý ở Hồng Kông do Luật An ninh Quốc gia.

Năm 2022, Hồng Y Joseph Zen đã bị kết tội cùng với năm người khác có liên quan đến Quỹ Nhân đạo 612 hiện đã không còn tồn tại.

Năm 2023, Bobo Yip, cựu chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận Hồng Kông, cũng bị bắt vì lý do an ninh quốc gia.

Vào tháng 12 năm 2023, Agnes Chow, nhà hoạt động dân chủ Công Giáo được thả khỏi tù năm 2021, tuyên bố bà đã trốn sang Canada lưu vong.

Mặc dù Đức Giáo Hoàng không đề cập đến Hồng Kông trong bài phát biểu trước các nhà ngoại giao, nhưng ngài đã nhấn mạnh đến việc gia hạn thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc thêm bốn năm nữa vào tháng 10.

Ngài mô tả hiệp ước được gia hạn là "dấu hiệu của mong muốn tiếp tục một cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng vì lợi ích của Giáo Hội Công Giáo trong nước và của toàn thể người dân Trung Quốc".

Dignitas infinita

Bài phát biểu này dường như lấy cảm hứng phần lớn từ tuyên bố năm 2024 của Vatican về phẩm giá con người, Dignitas infinita. Nhiều mối quan ngại và lên án trong bài phát biểu này tương tự như những mối quan ngại và lên án trong tài liệu này.

Ví dụ, Đức Giáo Hoàng lên án việc diễn giải lại các hiệp ước nhân quyền theo cách mà ngài gọi là một hình thức “thực dân hóa ý thức hệ”.

“Nó đại diện cho một hình thức thực dân hóa ý thức hệ thực sự, cố gắng, theo các chương trình nghị sự được lên kế hoạch cẩn thận, nhằm nhổ tận gốc các truyền thống, lịch sử và mối liên kết tôn giáo của các dân tộc”, ngài nói, đồng thời lên án các nỗ lực thiết lập “điều gọi là ‘quyền phá thai’”.

“Mọi sự sống phải được bảo vệ, tại mọi thời điểm, từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, vì không đứa trẻ nào là sai lầm hoặc có tội khi tồn tại, cũng như không người già hay người bệnh nào có thể bị tước mất hy vọng và bị loại bỏ”, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.

Ngài cũng kêu gọi “ngoại giao tự do, chân lý và công lý”, để chấm dứt nạn buôn người và các hình thức nô lệ hiện đại khác, đồng thời chăm sóc những người di cư.

Và một lần nữa, ngài kêu gọi bãi bỏ án tử hình trên toàn thế giới, “vì án tử hình không tìm thấy lý do chính đáng nào trong số các công cụ có khả năng khôi phục công lý hiện nay”.

Các mưu toan ám sát Trump

Điều đáng lưu ý là Đức Giáo Hoàng đã đề cập ngắn gọn đến các nỗ lực ám sát nhằm vào Tổng thống đắc cử Donald Trump, liên kết chúng với sự phân cực chính trị và việc truyền bá tin tức giả mạo.

"Chúng ta thấy các xã hội ngày càng phân cực, được đánh dấu bằng cảm giác chung là sợ hãi và ngờ vực người khác và tương lai, điều này trở nên trầm trọng hơn do tin tức giả mạo liên tục được tạo ra và lan truyền, không chỉ bóp méo sự thật mà còn cả nhận thức", Đức Giáo Hoàng nói.

"Những ví dụ bi thảm về điều này là các cuộc tấn công vào Chủ tịch Chính phủ Cộng hòa Slovakia [Robert Fico, vào tháng 5 năm 2024] và Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ", ngài nói thêm.

Việc đề cập này diễn ra chỉ ba ngày sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Hồng Y Robert McElroy làm Tổng giám mục Washington, một động thái được coi rộng rãi là phản ứng trước việc Trump đề cử Brian Burch làm đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh.

Burch là chủ tịch của nhóm vận động chính trị CatholicVote. Ông và tổ chức của ông đôi khi chỉ trích gay gắt Vatican và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và đặc biệt chỉ trích công việc của Giáo Hội Công Giáo với những người nhập cư ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico.

Trong khi đó, McElroy được coi là một trong những nhà phê bình tôn giáo gay gắt nhất của Trump, đặc biệt là về vấn đề nhập cư và môi trường.

Do đó, rất có thể chính quyền Trump thứ hai và Tòa thánh sẽ xung đột, có thể theo những cách tương tự và khác biệt so với lần đầu tiên, trong khi có thể hợp tác để tìm kiếm hòa bình ở Ukraine.

Không còn nghi ngờ gì nữa, mối quan hệ giữa chính quyền Trump sắp tới và Vatican sẽ là một trong những câu chuyện đáng chú ý vào năm 2025.

DIỄN VĂN CỦA Đức Thánh Cha PHANXICÔ
GỬI CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO ĐẠI DIỆN ĐƯỢC CÔNG NHẬN TẠI TÒA THÁNH


Phòng cầu nguyện
Thứ năm, ngày 9 tháng 1 năm 2025


Kính thưa Quý vị, Quý bà và Quý ông,

Sáng nay, chúng ta đến với nhau dự một cuộc gặp gỡ, ngoài tính chất thể chế, trên hết là tìm cách trở thành một biến cố gia đình: một khoảnh khắc mà gia đình các dân tộc tụ họp một cách tượng trưng, thông qua sự hiện diện của Quý vị, để trao đổi những lời chúc tốt đẹp của tình anh em, để lại đằng sau những tranh chấp chia rẽ chúng ta và thay vào đó là tìm kiếm điều gì đó đoàn kết chúng ta. Vào đầu năm nay, năm đặc biệt có ý nghĩa đối với Giáo Hội Công Giáo, sự tụ họp của chúng ta có một biểu tượng riêng. Vì Năm Thánh có nghĩa là giúp chúng ta thoát khỏi nhịp sống ngày càng điên cuồng của cuộc sống thường nhật để được tươi mới và nuôi dưỡng bởi những gì thực sự thiết yếu. Nói tóm lại, để tái khám phá chính mình, trong Người, với tư cách là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em, để tha thứ cho những lỗi lầm, để hỗ trợ những người yếu đuối và nghèo khổ trong chúng ta, để mang lại sự nghỉ ngơi và nhẹ nhõm cho trái đất, để thực hành công lý và khôi phục lại hy vọng. Đây là lời triệu tập tất cả những ai phục vụ lợi ích chung và thực hiện biểu thức cao cả của lòng bác ái – có lẽ là hình thức bác ái cao nhất – đó là chính trị.

Với tinh thần này, tôi xin gửi đến quý vị lời chào nồng nhiệt. Trước hết, tôi xin cảm ơn ngài Đại sứ George Poulides, Niên Trưởng đoàn Ngoại giao, vì những lời tốt đẹp của ngài đã truyền đạt tình cảm chung của quý vị. Đối với tất cả quý vị, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn về tình cảm và sự tôn trọng mà người dân và chính phủ của quý vị dành cho Tòa thánh, những chính phủ mà quý vị đại diện một cách đầy khả năng. Điều này được thấy qua các chuyến thăm của hơn ba mươi Nguyên thủ quốc gia hoặc Chính phủ mà tôi đã có niềm vui được tiếp đón tại Vatican vào năm 2024, cũng như việc ký kết Nghị định thư bổ sung thứ hai cho Thỏa thuận giữa Tòa thánh và Burkina Faso về tình trạng pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Burkina Faso và Thỏa thuận giữa Tòa thánh và Cộng hòa Séc về một số vấn đề pháp lý, được ký kết trong năm qua. Sau đó, vào tháng 10 năm ngoái, Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc bổ nhiệm các Giám mục đã được gia hạn thêm bốn năm nữa, một dấu hiệu cho thấy mong muốn tiếp tục một cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng vì lợi ích của Giáo Hội Công Giáo trong nước và của toàn thể người dân Trung Quốc.

Về phần mình, tôi đã tìm cách đáp lại tình cảm này thông qua các Chuyến tông du gần đây của tôi, đưa tôi đến những vùng đất xa xôi như Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore, cũng như đến các quốc gia gần hơn như Bỉ và Luxembourg và gần đây nhất là Corsica. Mặc dù rõ ràng là những điểm đến rất khác nhau, nhưng mỗi chuyến đi đều là cơ hội để tôi gặp gỡ và tham gia đối thoại với những con người, nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau, đồng thời mang đến lời động viên và an ủi, đặc biệt cho những người đang cần nhất. Ngoài những chuyến đi này, tôi còn có ba chuyến thăm đến Verona, Venice và Trieste tại Ý.

Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt đến các nhà chức trách Ý, cả cấp quốc gia lẫn cấp địa phương, nhân dịp đầu năm Thánh này, vì những nỗ lực đã bỏ ra để chuẩn bị cho Rome đón Năm Thánh. Công sức không ngừng nghỉ trong những tháng này, vốn đã gây ra không ít bất tiện, giờ đây đang được đền đáp bằng việc cải thiện một số dịch vụ và không gian công cộng, để mọi người, công dân, khách hành hương và khách du lịch, có thể tận hưởng nhiều hơn vẻ đẹp của Thành phố Vĩnh cửu. Đối với người dân Rome, nổi tiếng với lòng hiếu khách, tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt vì sự kiên nhẫn mà họ đã thể hiện trong những tháng gần đây, nhưng cũng vì sự kiên nhẫn mà họ sẽ thể hiện khi chào đón nhiều du khách đến đây trong năm nay. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến lực lượng cảnh sát, các cơ quan bảo vệ dân sự và y tế, cùng tất cả những người tình nguyện đang nỗ lực hết mình mỗi ngày để đảm bảo an ninh và một Năm Thánh hòa bình.

Các Đại sứ thân mến,

Theo lời của tiên tri Isaia, mà Chúa Giêsu đã đọc trong hội đường Na-da-rét khi bắt đầu cuộc sống công khai của Người, như chúng ta học được từ Thánh sử Luca (4:16-21), chúng ta thấy tóm lược không những mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta vừa cử hành, mà còn là mầu nhiệm Năm Thánh hiện tại. Chúa Kitô đã đến “để loan báo tin mừng cho người bị áp bức, băng bó những tấm lòng tan vỡ, công bố lệnh tự do cho những người bị giam cầm, và giải thoát cho những người bị cầm tù; công bố năm hồng ân của Chúa” (Is 61:1-2a).

Thật đáng buồn, chúng ta bắt đầu năm nay khi thế giới thấy mình bị chia rẽ bởi vô số cuộc xung đột lớn nhỏ, ít nhiều được biết đến, nhưng cũng bởi sự tái diễn của những hành động khủng bố tàn bạo, chẳng hạn như những hành động gần đây đã xảy ra ở Magdeburg Đức và ở New Orleans Hoa Kỳ.

Chúng ta cũng thấy ở nhiều quốc gia, căng thẳng xã hội và chính trị ngày càng gia tăng. Chúng ta thấy các xã hội ngày càng phân cực, được đánh dấu bằng cảm giác chung là sợ hãi và ngờ vực người khác và tương lai, điều này càng trầm trọng hơn do sự liên tục việc tạo ra và lan truyền tin giả, không chỉ bóp méo sự thật mà còn bóp méo nhận thức. Hiện tượng này tạo ra hình ảnh sai lệch về thực tại, bầu không khí nghi ngờ kích động thù hận, làm suy yếu cảm thức an toàn của mọi người và gây tổn hại đến sự chung sống dân sự và sự ổn định của toàn bộ các quốc gia. Những ví dụ bi thảm về điều này là các cuộc tấn công vào Chủ tịch Chính phủ Cộng hòa Slovakia và Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ.

Bầu không khí bất an này dẫn đến việc dựng lên những rào cản mới và vẽ ra những đường biên giới mới, trong khi những rào cản khác, chẳng hạn như rào cản đã chia cắt đảo Síp trong hơn năm mươi năm và rào cản đã chia cắt bán đảo Triều Tiên trong hơn bảy mươi năm, vẫn tồn tại vững chắc, chia cắt các gia đình và chia cắt nhà cửa và thành phố. Những ranh giới hiện đại này được cho là ranh giới phân định bản sắc, nơi sự đa dạng trở thành lý do cho sự bất tín, ngờ vực và sợ hãi: “Bất cứ điều gì phát xuất từ đó đều không thể tin cậy được, vì nó là điều chưa biết, xa lạ, không phải là một phần của thôn làng... Kết quả là, những bức tường mới được dựng lên để tự bảo vệ, thế giới bên ngoài không còn hiện hữu và chỉ còn lại thế giới ‘của tôi’, đến mức những người khác, không còn được coi là con người sở hữu phẩm giá bất khả xâm phạm, chỉ trở thành ‘họ’.” [1] Trớ trêu thay, chữ “biên giới” (“confine”) không có nghĩa là một nơi chia cắt, mà là nơi hợp nhất, (cum-finis = cùng một kết thúc), nơi người ta có thể gặp gỡ những người khác, tìm hiểu họ và đối thoại với họ.

Hy vọng đầy cầu nguyện của tôi cho năm mới này là Năm Thánh có thể đại diện cho tất cả mọi người, cả các Ki-tô hữu lẫn những người không phải là Ki-tô hữu, một cơ hội để suy nghĩ lại về các mối quan hệ ràng buộc chúng ta với nhau, với tư cách là con người và cộng đồng chính trị. Nhưng cũng để vượt qua luận lý học đối đầu và thay vào đó là chấp nhận luận lý học gặp gỡ; để tương lai không thấy chúng ta trôi dạt vô vọng, mà tiến về phía trước như những người hành hương của hy vọng, những cá nhân và cộng đồng đang di chuyển, cam kết xây dựng một tương lai hòa bình.

Hơn nữa, trước mối đe dọa ngày càng cụ thể của một cuộc thế chiến, sứ mệnh của ngoại giao là thúc đẩy đối thoại với tất cả các bên, bao gồm cả những bên đối thoại được coi là ít "thuận tiện" hơn hoặc không được coi là hợp pháp để đàm phán. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể phá vỡ xiềng xích của lòng thù hận và sự trả thù đang trói buộc và xoa dịu sức mạnh bùng nổ của lòng ích kỷ, lòng kiêu hãnh và sự ngạo mạn của con người, vốn là gốc rễ của mọi quyết tâm hủy diệt để tiến hành chiến tranh.

Thưa các Quý vị, Quý bà và Quý ông,

Dựa trên những xem xét ngắn gọn này, sáng nay tôi muốn cùng quý vị theo dõi, bắt đầu từ lời của tiên tri Isaia, một số đặc điểm của một nền ngoại giao hy vọng, mà tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành sứ giả, để những đám mây đen dày đặc của chiến tranh có thể bị cuốn trôi bởi những luồng gió hòa bình mới mẻ. Nói chung hơn, tôi muốn nhấn mạnh một số trách nhiệm mà mọi nhà lãnh đạo chính trị cần ghi nhớ khi thực hiện trách nhiệm của mình, những trách nhiệm này phải hướng đến việc theo đuổi lợi ích chung và sự phát triển toàn diện của con người.

Mang tin mừng đến với những người bị áp bức

Trong mọi thời đại và địa điểm, con người luôn bị thu hút bởi ý tưởng họ có thể tự mình đủ khả năng và là người kiến tạo nên vận mệnh của chính mình. Bất cứ khi nào chúng ta để mình bị chi phối bởi sự tự phụ như vậy, chúng ta thấy mình bị buộc phải nhận ra rằng chúng ta yếu đuối và bất lực, nghèo đói và túng thiếu, phải chịu nghịch cảnh về tinh thần và vật chất. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta khám phá ra nỗi khốn khổ của mình và nhu cầu có ai đó cứu chúng ta khỏi nỗi khốn khổ này.

Nỗi khốn khổ của thời đại chúng ta thật lớn. Hơn bao giờ hết, nhân loại đã biết đến sự tiến bộ, phát triển và giàu có, nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại thấy mình cô đơn và lạc lõng đến vậy, thậm chí đôi khi còn thích nuôi thú cưng hơn nuôi trẻ con. Có một nhu cầu cấp thiết là phải nghe tin mừng. Tin mừng mà, theo quan điểm Ki-tô giáo, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta vào đêm Giáng sinh! Mặc dù vậy, mọi người – ngay cả những người không tin – đều có thể trở thành người mang thông điệp hy vọng và chân lý.

Về vấn đề này, con người được ban tặng một khát khao bẩm sinh đối với chân lý. Đó là một khía cạnh cơ bản của thân phận con người, vì mỗi người đều mang trong mình một khát khao chân lý khách quan và một ham muốn không thể kìm nén về kiến thức. Mặc dù điều này luôn đúng, nhưng trong thời đại của chúng ta, việc phủ nhận những chân lý hiển nhiên dường như đã chiếm ưu thế. Một số người không tin tưởng vào lập luận hợp lý, tin rằng đó là công cụ trong tay của một thế lực vô hình nào đó, trong khi những người khác tin rằng họ chắc chắn sở hữu một chân lý do chính họ tạo ra, và do đó được miễn khỏi việc thảo luận và đối thoại với những người có suy nghĩ khác. Những người khác có xu hướng phát minh ra "chân lý" của riêng họ, bất chấp tính khách quan của thực tại. Những xu hướng này có thể được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông hiện đại và trí tuệ nhân tạo; chúng có thể bị lạm dụng để thao túng tâm trí vì mục đích kinh tế, chính trị và ý thức hệ.

Tiến bộ khoa học hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin và kỹ thuật truyền thông đã mang lại những lợi ích không thể nghi ngờ cho nhân loại. Nó cho phép chúng ta đơn giản hóa nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, giữ liên lạc với những người thân yêu ngay cả khi họ ở xa, duy trì thông tin và tăng kiến thức của chúng ta. Đồng thời, không thể bỏ qua những hạn chế và nguy hiểm của nó, vì nó thường góp phần gây ra sự phân cực, thu hẹp quan điểm trí tuệ, đơn giản hóa thực tại, lạm dụng, lo lắng và trớ trêu thay, cô lập, đặc biệt là do sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi trực tuyến.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo làm dấy lên mối quan tâm rộng hơn về quyền sở hữu trí tuệ, sự an toàn việc làm của hàng triệu người, nhu cầu tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ môi trường khỏi rác thải điện tử. Hầu như không có góc nào trên thế giới của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi văn hóa rộng lớn do những tiến bộ nhanh chóng của kỹ thuật mang lại, sự phù hợp với lợi ích thương mại ngày càng rõ ràng, tạo ra một nền văn hóa bắt nguồn từ chủ nghĩa tiêu dùng.

Sự mất cân bằng này đe dọa phá vỡ trật tự các giá trị vốn có trong việc tạo ra các mối quan hệ, giáo dục và truyền tải các chuẩn mực xã hội, trong khi cha mẹ, họ hàng thân thiết và nhà giáo dục vẫn phải là những kênh chính để truyền tải văn hóa, vì mục đích này, chính phủ nên tự giới hạn vào việc hỗ trợ họ trong trách nhiệm giáo dục của họ. Ở đây, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc giáo dục sự hiểu biết về các phương tiện truyền thông, nhằm cung cấp các công cụ thiết yếu cần thiết để thúc đẩy các kỹ năng tư duy có phê phán, trang bị cho những người trẻ tuổi các phương tiện cần thiết cho sự phát triển bản thân và sự tham gia tích cực của họ vào tương lai của xã hội.

Do đó, nền ngoại giao của hy vọng, trên hết, là nền ngoại giao của sự thật. Nếu thiếu đi mối liên hệ giữa thực tại, sự thật và kiến thức, con người sẽ không còn có thể nói và hiểu nhau nữa, vì nền tảng của một ngôn ngữ chung, được neo giữ trong thực tạ của mọi sự và do đó có thể hiểu được trên toàn thế giới, không còn nữa. Mục đích của ngôn ngữ là thông đạt, chỉ thành công nếu các từ ngữ chính xác và ý nghĩa của các thuật ngữ được chấp nhận rộng rãi. Câu chuyện trong Kinh thánh về Tháp Babel cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi mọi người chỉ nói bằng ngôn ngữ "của riêng mình".

Do đó, thông đạt, đối thoại và cam kết vì lợi ích chung đòi hỏi phải có thiện chí và tuân thủ một ngôn ngữ chung. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực ngoại giao, nhất là trong bối cảnh đa phương. Tác động và thành công của bất cứ phát biểu, tuyên bố, nghị quyết và nói chung là các văn bản đàm phán nào đều phụ thuộc vào điều này. Một sự thật đã được chứng minh là chủ nghĩa đa phương chỉ mạnh mẽ và hiệu quả khi tập trung vào các vấn đề đang được thảo luận và sử dụng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng và được thống nhất.

Do đó, nỗ lực thao túng các văn bản đa phương - bằng cách thay đổi ý nghĩa của các thuật ngữ hoặc đơn phương diễn giải lại nội dung của các hiệp ước nhân quyền - để thúc đẩy các hệ tư tưởng gây chia rẽ, chà đạp lên các giá trị và niềm tin của người dân là điều đặc biệt đáng lo ngại. Nó đại diện cho một hình thức thực dân hóa hệ tư tưởng thực sự, cố gắng, theo các chương trình nghị sự được lên kế hoạch cẩn thận, nhằm xóa bỏ các truyền thống, lịch sử và mối liên kết tôn giáo của các dân tộc. Đây là một tâm lý, bằng cách tuyên bố để lại những gì được coi là "những trang đen tối của lịch sử", mở ra cánh cửa cho "văn hóa triệt tiêu". Nó không chấp nhận bất cứ sự khác biệt nào và tập chú vào các quyền cá nhân, gây bất lợi cho các nghĩa vụ đối với người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. [2] Về vấn đề này, chẳng hạn, không thể chấp nhận được khi nói về cái gọi là “quyền phá thai” trái ngược với các quyền con người, đặc biệt là quyền được sống. Mọi sự sống phải được bảo vệ, tại mọi thời điểm, từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, vì không có đứa trẻ nào là sai lầm hoặc có tội khi hiện hữu, cũng như không có người già hoặc người bệnh nào có thể bị tước mất hy vọng và bị loại bỏ.

Cách tiếp cận này đặc biệt có liên quan trong bối cảnh các cơ quan đa phương khác nhau. Tôi đặc biệt nghĩ đến Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, trong đó Tòa thánh là thành viên sáng lập, đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán dẫn đến Tuyên bố Helsinki năm 1975 cách đây nửa thế kỷ. Việc khôi phục lại “tinh thần Helsinki” là cấp thiết hơn bao giờ hết, mà các quốc gia đối lập, được coi là “kẻ thù”, đã thành công trong việc tạo ra một không gian gặp gỡ và không từ bỏ đối thoại như một phương tiện giải quyết xung đột.

Tuy nhiên, các thể chế đa phương, phần lớn ra đời vào cuối Thế chiến II cách đây khoảng tám mươi năm, dường như không còn khả năng đảm bảo hòa bình và ổn định, hoặc tiếp tục cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy sự phát triển mà chúng được tạo ra. Chúng cũng dường như không thể phản ứng theo cách thực sự hiệu quả đối với những thách thức mới của thế kỷ XXI này, chẳng hạn như các vấn đề về môi trường, sức khỏe cộng đồng, văn hóa và xã hội, chưa kể đến những thách thức do trí tuệ nhân tạo đặt ra. Nhiều trong số chúng cần được cải cách, lưu ý rằng bất cứ cải cách nào như vậy cũng cần dựa trên các nguyên tắc phụ đới và liên đới, và tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các quốc gia. Đáng tiếc là có nguy cơ về một "đơn nguyên luận" [monadology] và sự phân mảnh thành các câu lạc bộ có cùng chí hướng chỉ cho phép những người có cùng suy nghĩ tham gia.

Tuy nhiên, đã và đang có những dấu hiệu đáng khích lệ, bất cứ nơi nào có thiện chí hợp tác. Tôi nghĩ đến Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị giữa Chile và Argentina, được ký kết tại Thành phố Vatican vào ngày 29 tháng 11 năm 1984, với sự trung gian của Tòa thánh và thiện chí của các Bên, đã chấm dứt tranh chấp Kênh đào Beagle. Theo cách này, điều đó cho thấy rằng hòa bình và hữu nghị là có thể khi hai thành viên của cộng đồng quốc tế từ bỏ việc sử dụng vũ lực và long trọng cam kết tôn trọng mọi quy tắc của luật pháp quốc tế và thúc đẩy hợp tác song phương. Gần đây hơn, tôi nghĩ đến những dấu hiệu tích cực của việc nối lại các cuộc đàm phán để quay trở lại khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân Iran, với mục đích đảm bảo một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Hàn gắn những trái tim tan vỡ

Ngoại giao hy vọng cũng là ngoại giao tha thứ, có khả năng hàn gắn các mối quan hệ bị chia cắt bởi hận thù và bạo lực trong thời điểm đầy rẫy xung đột công khai hoặc tiềm ẩn, và do đó chăm sóc những trái tim tan vỡ của vô số nạn nhân. Mong muốn của tôi cho năm 2025 là toàn thể cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực hết mình để chấm dứt cuộc xung đột đã gây ra quá nhiều đổ máu trong gần ba năm qua ở Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, bao gồm cả nhiều thường dân. Một số dấu hiệu đáng khích lệ đã xuất hiện ở phía chân trời, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo điều kiện cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài, cũng như chữa lành những vết thương do hành động xâm lược gây ra.

Tương tự như vậy, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn và trả tự do cho các con tin Israel ở Gaza, nơi đang có tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng và đáng xấu hổ, và tôi yêu cầu người dân Palestine nhận được mọi sự hỗ trợ cần thiết. Hy vọng đầy cầu nguyện của tôi là người Israel và người Palestine có thể xây dựng lại những cây cầu đối thoại và tin tưởng lẫn nhau, bắt đầu từ những cây cầu nhỏ nhất, để các thế hệ tương lai có thể sống cạnh nhau tại hai quốc gia, trong hòa bình và an ninh, và Jerusalem có thể là "thành phố của sự gặp gỡ", nơi các Ki-tô hữu, Do Thái và Hồi giáo chung sống hòa thuận và tôn trọng lẫn nhau. Vào tháng 6 năm ngoái, tại khu vườn Vatican, chúng ta đã cùng nhau kỷ niệm 10 năm Lời kêu gọi hòa bình tại Đất Thánh, vào ngày 8 tháng 6 năm 2014, có sự hiện diện của Tổng thống Nhà nước Israel lúc bấy giờ, Shimon Peres, và Chủ tịch Nhà nước Palestine, Mahmoud Abbas, cùng với Đức Thượng phụ Bartholomew I. Cuộc gặp gỡ đó đã chứng minh rằng đối thoại luôn có thể thực hiện được và chúng ta không thể đầu hàng trước ý tưởng cho rằng sự thù địch và hận thù giữa các dân tộc sẽ chiếm ưu thế.

Đồng thời, cũng cần phải chỉ ra rằng chiến tranh được thúc đẩy bởi sự gia tăng liên tục của các loại vũ khí ngày càng tinh vi và hủy diệt. Sáng nay, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi của tôi rằng “với số tiền chi cho vũ khí và các chi phí quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một quỹ hoàn cầu có thể chấm dứt nạn đói và thúc đẩy phát triển ở những quốc gia nghèo đói nhất, để công dân của họ không phải dùng đến các giải pháp bạo lực hoặc ảo tưởng, hoặc phải rời bỏ đất nước của họ để tìm kiếm một cuộc sống đàng hoàng hơn”. [3]

Chiến tranh luôn là một thất bại! Sự liên lụy của thường dân, đặc biệt là trẻ em, và sự phá hủy cơ sở hạ tầng không chỉ là một thảm họa, mà về cơ bản có nghĩa là giữa hai bên chỉ có cái ác mới là kẻ chiến thắng. Chúng ta không thể chấp nhận việc ném bom vào thường dân hoặc tấn công các cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự sống còn của họ. Chúng ta không thể chấp nhận rằng trẻ em chết cóng vì bệnh viện đã bị phá hủy hoặc mạng lưới năng lượng của một quốc gia đã bị tấn công.

Toàn bộ cộng đồng quốc tế dường như đều đồng ý về nhu cầu tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nhưng việc không thực hiện đầy đủ và cụ thể luật đó đã đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu chúng ta đã quên mất điều gì nằm ở nền tảng của sự hiện hữu của chúng ta, tính thánh thiêng của sự sống, các nguyên tắc tác động đến thế giới, thì làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng quyền này được tôn trọng một cách hiệu quả? Chúng ta cần khôi phục những giá trị này và đưa chúng vào những nguyên tắc của lương tâm công chúng, để nguyên tắc nhân đạo thực sự trở thành nền tảng cho hoạt động của chúng ta. Do đó, tôi tin rằng năm thánh này sẽ là thời điểm thuận lợi để cộng đồng quốc tế có những bước đi tích cực nhằm đảm bảo rằng các quyền bất khả xâm phạm của con người không bị hy sinh vì nhu cầu quân sự.

Trên cơ sở này, tôi yêu cầu các nỗ lực được thực hiện để tiếp tục đảm bảo rằng việc coi thường luật nhân đạo quốc tế không còn là một lựa chọn nữa. Cũng cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng các vấn đề được thảo luận tại Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế lần thứ 34 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái tại Geneva sẽ được thực hiện. Kỷ niệm 75 năm Công ước Geneva vừa được kỷ niệm, và vẫn còn cấp thiết rằng các chuẩn mực và nguyên tắc mà các Công ước này dựa trên sẽ được thực hiện ở quá nhiều chiến trường mở.

Trong số đó, tôi nghĩ đến các cuộc xung đột khác nhau vẫn đang diễn ra ở lục địa châu Phi, đặc biệt là ở Sudan, Sahel, Sừng châu Phi, Mozambique, nơi đang diễn ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, và ở các khu vực phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi người dân phải chịu đựng nhu cầu y tế và nhân đạo nghiêm trọng, đôi khi còn trầm trọng hơn bởi tệ nạn khủng bố, dẫn đến mất mát về người và hàng triệu người phải di dời. Ngoài ra, chúng ta có thể thêm vào đó những tác động tàn khốc của lũ lụt và hạn hán, làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã bấp bênh ở nhiều nơi khác nhau của châu Phi.

Tuy nhiên, viễn cảnh về một nền ngoại giao tha thứ không chỉ nhằm mục đích chữa lành các cuộc xung đột quốc tế hay khu vực. Nó khiến mọi người có trách nhiệm trở thành một nghệ nhân hòa bình, để xây dựng các xã hội thực sự hòa bình, trong đó những khác biệt chính đáng về chính trị, nhưng cũng về xã hội, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo tạo nên một tài sản chứ không phải là nguồn gốc của sự thù hận và chia rẽ.

Tôi đặc biệt nghĩ đến Myanmar, nơi người dân phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì các cuộc đụng độ vũ trang liên miên buộc mọi người phải rời bỏ nhà cửa và sống trong sợ hãi.

Thật đau lòng khi thấy rằng vẫn còn, đặc biệt là ở châu Mỹ, nhiều tình huống xung đột chính trị và xã hội gay gắt. Tôi nghĩ đến Haiti, nơi tôi tin rằng các bước cần thiết có thể được thực hiện càng sớm càng tốt để tái lập trật tự dân chủ và chấm dứt bạo lực. Tôi cũng nghĩ đến Venezuela và cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng mà nước này đang trải qua, cuộc khủng hoảng này chỉ có thể vượt qua được bằng sự tuân thủ chân thành các giá trị của sự thật, công lý và tự do, bằng sự tôn trọng mạng sống, phẩm giá và quyền của mọi người, kể cả những người bị bắt do các biến cố trong những tháng gần đây, bằng sự từ chối mọi hình thức bạo lực và, chúng ta hãy hy vọng, bằng sự bắt đầu các cuộc đàm phán một cách thiện chí và hướng đến lợi ích chung của đất nước. Tương tự như vậy, tôi nghĩ đến Bolivia, nơi đang trải qua tình hình chính trị, xã hội và kinh tế đáng lo ngại, và Colombia, nơi tôi tin rằng với sự giúp đỡ của mọi người, nhiều cuộc xung đột đã xé nát đất nước này từ lâu có thể chấm dứt. Cuối cùng, tôi nghĩ đến Nicaragua, nơi Tòa thánh, luôn cởi mở với đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng, quan tâm theo dõi các biện pháp chống lại cá nhân và các tổ chức của Giáo hội và yêu cầu tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác phải được đảm bảo đầy đủ cho tất cả mọi người.

Cuối cùng, không thể có hòa bình thực sự nếu không có sự đảm bảo về tự do tôn giáo, bao gồm tôn trọng lương tâm của cá nhân và khả năng công khai biểu lộ đức tin và tư cách thành viên của một người trong cộng đồng. Về vấn đề này, những biểu thức ngày càng gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái, mà tôi lên án mạnh mẽ và ảnh hưởng đến ngày càng nhiều cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới, là nguồn gốc của mối quan tâm sâu xa.

Tôi cũng không thể im lặng về nhiều cuộc đàn áp chống lại nhiều cộng đồng Kitô giáo khác nhau, thường do các nhóm khủng bố thực hiện, đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Á. Cũng không thể im lặng về các hình thức hạn chế tự do tôn giáo "kín đáo" hơn đôi khi cũng được tìm thấy ở Châu Âu, nơi các chuẩn mực pháp lý và thông lệ hành chính đang gia tăng, "hạn chế hoặc trên thực tế hủy bỏ các quyền được Hiến pháp chính thức công nhận đối với các tín hữu cá nhân và các nhóm tôn giáo". [4] Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại rằng tự do tôn giáo tạo “thành tựu cho nền văn hóa chính trị và pháp lý lành mạnh”, [5] bởi vì khi nó “được thừa nhận, phẩm giá của con người được tôn trọng tận gốc rễ, và bản sắc và thể chế của các dân tộc được củng cố”. [6]

Các Ki-tô hữu có khả năng và mong muốn tích cực đóng góp vào việc xây dựng xã hội nơi họ sinh sống. Ngay cả khi họ không phải là đa số trong xã hội, họ vẫn là công dân theo đúng nghĩa của mình, đặc biệt là ở những vùng đất mà họ đã sinh sống từ thời xa xưa. Tôi đặc biệt nói đến Syria, đất nước sau nhiều năm chiến tranh và tàn phá, dường như đang theo đuổi con đường ổn định. Tôi hy vọng rằng toàn vẹn lãnh thổ, sự thống nhất của người dân Syria và các cải cách hiến pháp cần thiết sẽ không bị bất cứ ai xâm phạm, và cộng đồng quốc tế sẽ giúp Syria trở thành vùng đất chung sống hòa bình, nơi tất cả người dân Syria, bao gồm cả cộng đồng Kitô giáo, có thể cảm thấy mình là công dân trọn vẹn và cùng chia sẻ lợi ích chung của quốc gia thân yêu đó.

Tôi cũng nghĩ đến đất nước Lebanon thân yêu, và bày tỏ hy vọng rằng đất nước này, với sự giúp đỡ quyết liệt của cộng đồng Kitô giáo, có thể có được sự ổn định về mặt thể chế cần thiết để giải quyết tình hình kinh tế và xã hội nghiêm trọng, tái thiết miền Nam đất nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, và thực hiện đầy đủ Hiến pháp và Hiệp định Taif. Mong rằng tất cả người dân Lebanon sẽ làm việc để đảm bảo rằng đất nước cây tuyết tùng vĩ đại không bao giờ bị chia rẽ làm biến dạng, mà thay vào đó được nổi bật vì “sống chung”. Mong rằng Lebanon vẫn là một quốc gia và là thông điệp về sự chung sống và hòa bình.

Công bố tự do cho những người bị cầm tù

Hai nghìn năm của Kitô giáo đã giúp xóa bỏ chế độ nô lệ khỏi mọi hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhiều hình thức nô lệ vẫn tồn tại, bắt đầu từ hình thức nô lệ ít được thừa nhận nhưng được thực hành rộng rãi liên quan đến lao động. Quá nhiều người sống như nô lệ cho công việc của họ, từ một phương tiện trở thành mục đích, và thường bị xiềng xích vào các điều kiện làm việc vô nhân đạo về mặt an toàn, giờ làm việc và tiền lương. Cần phải nỗ lực để tạo ra các điều kiện làm việc có phẩm giá, để công việc, bản thân nó đã cao quý và đáng trân trọng, không trở thành rào cản đối với sự hoàn thiện và phát triển của con người. Đồng thời, cần phải đảm bảo rằng có các cơ hội việc làm thực sự, đặc biệt là khi tình trạng thất nghiệp lan rộng khuyến khích làm việc không khai báo và do đó là tội phạm.

Sau đó là chế độ nô lệ khủng khiếp của cảnh nghiện ma túy, ảnh hưởng đặc biệt đến những người trẻ tuổi. Thật không thể chấp nhận được khi chứng kiến số lượng cuộc sống, gia đình và quốc gia bị hủy hoại bởi tệ nạn này, vốn đang có chiều hướng gia tăng, một phần là do sự xuất hiện của các loại thuốc tổng hợp thường gây chết người, được bán rộng rãi do hậu quả của hiện tượng buôn bán ma túy tàn bạo.

Trong số các hình thức nô lệ khác trong thời đại của chúng ta, một trong những hình thức khủng khiếp nhất là nạn buôn người do những kẻ vô đạo đức lợi dụng nhu cầu của hàng nghìn người chạy trốn chiến tranh, nạn đói, sự đàn áp hoặc tác động của biến đổi khí hậu để tìm kiếm một nơi an toàn để sống. Ngoại giao hy vọng là ngoại giao tự do, đòi hỏi sự cam kết chung của cộng đồng quốc tế nhằm xóa bỏ nạn buôn bán kinh hoàng này.

Đồng thời, cần phải chăm sóc các nạn nhân của nạn buôn người này, chính những người di cư, những người buộc phải đi bộ hàng nghìn km ở Trung Mỹ hoặc sa mạc Sahara, hoặc băng qua Biển Địa Trung Hải hoặc Eo biển Manche trên những chiếc thuyền tạm bợ chật cứng, chỉ để rồi bị từ chối hoặc buộc phải sống bí mật ở một quốc gia xa lạ. Chúng ta dễ quên rằng chúng ta đang đối phó với những con người thực sự cần được chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập. [7]

Tôi thấy rất nản lòng khi thấy rằng di cư vẫn bị bao phủ trong một đám mây đen ngờ vực, thay vì được coi là nguồn trao quyền. Những người di cư chỉ được coi là một vấn đề cần được quản lý. Họ không thể bị đối xử như những đồ vật để di chuyển đó đây; họ có phẩm giá và nguồn lực mà họ có thể cung cấp cho người khác; họ có những trải nghiệm, nhu cầu, nỗi sợ hãi, khát vọng, ước mơ, kỹ năng và tài năng của riêng mình. Chỉ khi nhìn nhận mọi sự theo góc độ này, chúng ta mới có thể đạt được tiến bộ trong việc đối diện với một hiện tượng đòi hỏi sự đóng góp của tất cả các quốc gia, đặc biệt thông qua việc tạo ra các con đường an toàn thường xuyên.

Sau đó, điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự di dời, để việc rời bỏ quê hương để tìm kiếm nơi khác là một lựa chọn chứ không phải là phương tiện cần thiết để sống còn. Với suy nghĩ này, tôi coi một cam kết chung về hợp tác phát triển, như một phương tiện giúp loại bỏ một số nguyên nhân khiến mọi người di cư, là điều cần thiết.

Trả tự do cho tù nhân

Cuối cùng, ngoại giao hy vọng là ngoại giao công lý, nếu không có nó thì không thể có hòa bình. Năm Thánh là thời điểm thuận lợi để thực hành công lý, xóa nợ và giảm án cho tù nhân. Tuy nhiên, không có khoản nợ nào cho phép bất cứ ai, kể cả Nhà nước, đòi mạng người khác. Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi xóa bỏ án tử hình ở mọi quốc gia, [8] vì án tử hình hiện không tìm thấy lý do chính đáng nào trong số các công cụ có khả năng khôi phục công lý.

Chúng ta cũng không thể quên rằng, theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là tù nhân, vì tất cả chúng ta đều là con nợ: đối với Thiên Chúa, đối với người khác và đối với trái đất thân yêu của chúng ta, nơi chúng ta lấy thức ăn hàng ngày. Như tôi đã nêu trong Thông điệp hàng năm của mình cho Ngày Hòa bình Thế giới, “mỗi người chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm, một cách nào đó, đối với sự tàn phá mà Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã phải chịu đựng”. [9] Bản thân thiên nhiên dường như ngày càng nổi loạn chống lại hành động của con người bằng những biểu hiện cực đoan về sức mạnh của nó. Ví dụ về điều này là lũ lụt tàn khốc ở Trung Âu và Tây Ban Nha, các cơn bão tấn công Madagascar vào mùa xuân và ngay trước Giáng sinh, là Mayotte và Mozambique thuộc Pháp.

Chúng ta không thể thờ ơ trước tất cả những điều này! Chúng ta không có quyền đó! Thay vào đó, chúng ta có nghĩa vụ phải nỗ lực hết sức để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và cư dân của nó, hiện tại và trong tương lai.

Tại COP 29 ở Baku, các quyết định đã được đưa ra để đảm bảo nguồn tài chính lớn hơn cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi tin rằng những quyết định này sẽ cho phép chia sẻ nguồn lực cho nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng khí hậu và gánh chịu gánh nặng nợ kinh tế. Với suy nghĩ này, tôi yêu cầu các quốc gia giàu có xóa nợ cho các quốc gia sẽ không bao giờ có thể trả hết nợ. Đây không chỉ là hành động liên đới hay hào phóng, mà trên hết là hành động công lý, cũng xét đến một hình thức bất bình đẳng mới mà chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn: “món nợ sinh thái” hiện hữu một cách đặc biệt giữa Bắc và Nam bán cầu. [10]

Cũng xét đến món nợ sinh thái này, điều quan trọng là phải tìm ra những cách hiệu quả để chuyển đổi nợ nước ngoài của các nước nghèo thành các chính sách và chương trình hiệu quả, sáng tạo và có trách nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người. Tòa thánh sẵn sàng đồng hành cùng tiến trình này, vì nhận thức rằng không còn bất cứ biên giới hay rào cản nào, chính trị hay xã hội, mà đàng sau chúng, chúng ta có thể ẩn náu. [11]

Trước khi kết thúc, tôi xin bày tỏ lời chia buồn và lời cam kết cầu nguyện cho các nạn nhân và những người đang phải chịu đau khổ vì trận động đất tấn công Tây Tạng hai ngày trước.

Các Đại sứ thân mến,

Theo quan điểm Kitô giáo, Năm Thánh là mùa ân sủng. Tôi mong muốn năm 2025 thực sự là năm ân sủng, tràn đầy chân lý, ơn tha thứ, tự do, công lý và hòa bình! “Trong trái tim của mỗi người, hy vọng ngự trị như mong muốn và kỳ vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến”, [12] và mỗi người chúng ta được kêu gọi làm cho hy vọng nở rộ xung quanh chúng ta. Đây là lời chúc chân thành của tôi dành cho tất cả quý vị, thưa các Đại sứ thân mến, cho gia đình quý vị, và cho các chính phủ và dân tộc mà quý vị đại diện. Mong rằng hy vọng nở rộ trong trái tim chúng ta và mong rằng thời đại của chúng ta tìm được sự bình yên mà nó vô cùng khao khát. Cảm ơn quý vị.

_______________________

[1] Thông điệp Fratelli Tutti (ngày 3 tháng 10 năm 2020), 27.

[2] Cf.Cuộc gặp gỡ các Nhà chức trách dân sự, Đại diện của các Dân tộc bản địa và Đoàn ngoại giao, Citadelle de Québec, ngày 27 tháng 7 năm 2022.

[3] Thông điệp Fratelli Tutti (ngày 3 tháng 10 năm 2020), 262; cf. THÁNH PHAOLÔ VI, Thông điệp Populorum Progressio (26 tháng 3 năm 1967), 51.

[4] THÁNH GH Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 1988, 1 tháng 1 năm 1988, 2.

[5] Đức Bê-nê-đic-tô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2011, 1 tháng 1 năm 2011, 5.

[6] Ibid.

[7] Cf. Diễn văn gửi đến những người tham dự Diễn đàn Quốc tế về “Di cư và Hòa bình”, 21 tháng 2 năm 2017.

[8] Cf. Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2025, 1 tháng 1 năm 2025, 11.

[9] Ibid., 4.

[10] Cf. Tông huấn Spes Non Confundit (9 tháng 5 năm 2024), 16; Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5 năm 2015), 51.

[11] Xem Thông điệp Laudato Si’, 52.

[12] Sắc chỉ Spes Non Confundit, 1.
 
Đức Thánh Cha chia sẻ với nhóm trẻ về: Tình bạn thực sự chia sẻ niềm hy vọng và xóa đi nỗi đau thương
Thanh Quảng sdb
16:00 10/01/2025
Đức Thánh Cha chia sẻ với nhóm trẻ về: Tình bạn thực sự chia sẻ niềm hy vọng và xóa đi nỗi đau thương

Gặp gỡ nhóm trẻ từ Bệnh viện Ung bướu và Huyết máu Nhi đồng từ Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các em cầu nguyện cho những người không được chăm sóc y tế.

(Tin Vatican - Kielce Gussie)

Hy vọng là chủ đề chính của thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến các bệnh nhân trẻ đang được điều trị tại Phòng khám Ung bướu và Huyết máu tại bệnh viện Nhi ở Wrocław, Ba Lan.

Chào đón các em tại Vatican, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về Năm Thánh 2025, gọi đây là “năm mà Chúa muốn ban cho chúng ta những ân sủng đặc biệt”.

Trao hy vọng cho nhau

“Chúng ta có cơ hội trao cho nhau hy vọng và tình yêu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh với nhóm.

Ngài giải thích một trong những lý do khiến ngài cảm thấy vui mừng trước cuộc họp, vì đối với ngài, trẻ em và thanh thiếu niên là “dấu chỉ của hy vọng”. Vì Chúa Giêsu hiện diện trong mỗi người trong các em, và Đức Thánh Cha nói “nơi nào có Chúa, nơi đó có hy vọng và hy vọng không bao giờ làm ta thất vọng”.

Qua những đau khổ của chính mình, chúng ta có thể kết hợp với Chúa Giêsu, Đấng đã tự nguyện chịu đau khổ vì chúng ta trên thập giá. Đức Thánh Cha gọi đây là “một thử thách của tình bạn” vì mọi người thực sự là bạn khi “niềm vui của người khác cũng là niềm vui của ta, và nỗi đau của người khác cũng là nỗi đau của ta”.

Những người bạn của Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha nhắc nhở các em về một dấu hiệu khác của tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta có thể được nhìn thấy ở nơi những người xung quanh chúng ta.

“Tình yêu thương và sự hiện diện liên tục của cha mẹ các em, nụ cười dịu hiền và tử tế của các bác sĩ, y tá và chuyên viên vật lý trị liệu chăm sóc các em và nỗ lực cải thiện sức khỏe cho các em” - tất cả đều nhằm mục đích giúp các em sống với hy vọng và ước mơ của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng ngài chia sẻ quan điểm của Chúa Giêsu: gọi nhóm này là bạn của ngài. Ngài đưa ra cho các em một thử thách để phục vụ Giáo hội bằng cách dâng lời cầu nguyện và nỗi đau của mình theo ý Đức Thánh Cha.

Tiếp tục, ngài yêu cầu họ cùng ngài cầu nguyện cho “những trẻ em - không may, rất nhiều trẻ em không được chăm sóc”.
 
VietCatholic TV
Diễn từ quan trọng của Đức Thánh Cha về tình hình thế giới trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
VietCatholic Media
00:26 10/01/2025

Sáng Thứ Năm, 09 Tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng Năm Mới.

Tòa Thánh hiện có quan hệ ngoại giao với 183 quốc gia có chủ quyền (bao gồm cả Đài Loan được quốc tế công nhận một phần) và với thực thể có chủ quyền là Dòng Malta và Liên minh Âu Châu. Tòa Thánh cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Nhà nước Palestine.

Theo thỏa thuận với nhà cầm quyền Việt Nam, Tòa Thánh có một đại diện giáo hoàng không thường trú tại đó. Tòa Thánh có các mối liên hệ chính thức, nhưng chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, với: Afghanistan, Brunei, Somalia và Ả Rập Xê Út.

Tòa Thánh cũng có một số Khâm Sứ Tòa Thánh tại các cộng đồng Giáo Hội Công Giáo địa phương chưa được chính phủ của các quốc gia tương ứng thiết lập quan hệ ngoại giao. Các khu vực và quốc gia nơi các Khâm Sứ Tòa Thánh như vậy hoạt động là: Brunei, Comoros, Lào, Maldives, Somalia, Giêrusalem và các vùng lãnh thổ Palestine, Tuvalu, Antilles Kosovo và Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahrawi.

Tòa Thánh không có bất kỳ mối quan hệ nào với các quốc gia sau:

Vương quốc Bhutan, Cộng hòa Maldives, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Hàn.

Hiện nay có 91 đại sứ quán tại Tòa Thánh có trụ sở tại Rôma.

Trong diễn từ trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha nói:

Thưa các vị Đại Sứ, Quý bà và Quý ông,

Chúng ta tụ họp sáng nay để tham dự một cuộc họp, ngoài tính chất thể chế, trên hết là tìm cách trở thành một sự kiện gia đình: một khoảnh khắc mà gia đình các dân tộc tụ họp một cách tượng trưng, thông qua sự hiện diện của các bạn, để trao đổi những lời chúc tốt đẹp của tình huynh đệ, để bỏ lại sau lưng những tranh chấp chia rẽ chúng ta và thay vào đó là tìm kiếm những điều đoàn kết chúng ta lại với nhau. Vào đầu năm nay, năm đặc biệt có ý nghĩa đối với Giáo Hội Công Giáo, cuộc tụ họp của chúng ta có một biểu tượng riêng. Vì Năm Thánh là nhằm giúp chúng ta thoát khỏi nhịp sống ngày càng điên cuồng của cuộc sống thường nhật để được tươi mới và nuôi dưỡng bởi những gì thực sự thiết yếu. Nói một cách ngắn gọn, để tái khám phá chính mình, trong Người, với tư cách là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em, để tha thứ cho những lỗi lầm, để hỗ trợ những người yếu đuối và nghèo khổ trong chúng ta, để mang lại sự nghỉ ngơi và nhẹ nhõm cho trái đất, để thực hành công lý và khôi phục lại hy vọng. Đây là lời triệu tập tất cả những ai phục vụ lợi ích chung và thực hiện biểu hiện cao cả của lòng bác ái - có lẽ là hình thức bác ái cao nhất - đó là chính trị.

Với tinh thần này, tôi xin gửi đến các bạn lời chào nồng nhiệt. Trước hết, tôi xin cảm ơn Ngài Đại sứ George Poulides, Niên Trưởng Ngoại giao đoàn, vì những lời tốt đẹp đã truyền đạt tình cảm chung của các bạn. Đối với tất cả các bạn, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn về tình cảm và sự tôn trọng mà người dân và chính phủ của các bạn dành cho Tòa thánh, những người mà các bạn đại diện một cách đầy nhiệt huyết. Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm của hơn ba mươi Nguyên thủ quốc gia hoặc Chính phủ mà tôi đã có niềm vui được tiếp đón tại Vatican vào năm 2024, cũng như việc ký kết Nghị định thư bổ sung thứ hai cho Hiệp định giữa Tòa thánh và Burkina Faso về tình trạng pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Burkina Faso và Hiệp định giữa Tòa thánh và Cộng hòa Tiệp về một số vấn đề pháp lý, được ký kết trong suốt năm qua. Sau đó, vào tháng 10 năm ngoái, Hiệp định tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên quan đến việc bổ nhiệm các Giám mục đã được gia hạn thêm bốn năm nữa, một dấu hiệu cho thấy mong muốn tiếp tục một cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng vì lợi ích của Giáo Hội Công Giáo trong nước và của toàn thể người dân Trung Quốc.

Về phần mình, tôi đã tìm cách đáp lại tình cảm này bằng các Chuyến tông du gần đây của tôi, đưa tôi đến những vùng đất xa xôi như Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore, cũng như đến những quốc gia gần hơn như Bỉ và Luxembourg và gần đây nhất là Corsica. Mặc dù rõ ràng đây là những điểm đến rất khác nhau, nhưng mỗi chuyến đi đều là cơ hội để tôi gặp gỡ và tham gia đối thoại với những con người, nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau, và mang đến lời động viên và an ủi, đặc biệt là cho những người đang cần nhất. Thêm vào những chuyến đi này là ba chuyến viếng thăm tôi đã thực hiện đến Verona, Venice và Trieste ở đây tại Ý.

Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt đến các nhà chức trách Ý, cả trên bình diện quốc gia và địa phương, vào đầu năm Thánh này, vì những nỗ lực đã bỏ ra để chuẩn bị cho Rôma mừng Năm Thánh. Công việc không ngừng nghỉ trong những tháng này, vốn đã gây ra không ít bất tiện, giờ đây đang được đền đáp bằng việc cải thiện một số dịch vụ và không gian công cộng, để mọi người, công dân, khách hành hương và khách du lịch, có thể tận hưởng nhiều hơn vẻ đẹp của Thành phố Vĩnh cửu. Đối với người dân Rôma, nổi tiếng với lòng hiếu khách, tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt vì sự kiên nhẫn mà họ đã thể hiện trong những tháng gần đây, nhưng cũng vì sự kiên nhẫn mà họ sẽ thể hiện khi chào đón nhiều du khách đến đây trong năm nay. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến lực lượng cảnh sát, các cơ quan bảo vệ dân sự và chăm sóc sức khỏe, và tất cả những người tình nguyện đang nỗ lực hết mình mỗi ngày để bảo đảm an ninh và một Năm Thánh hòa bình.

Kính thưa các vị Đại sứ,

Trong lời của tiên tri Isaia, mà Chúa Giêsu đã đọc trong hội đường Nazareth vào lúc bắt đầu cuộc sống công khai của Người, như chúng ta học được từ thánh sử Luca, chương 4 từ câu 16 đến 21, chúng ta thấy được sự thu nhỏ không chỉ của mầu nhiệm Giáng sinh mà chúng ta vừa cử hành, mà còn của Năm Thánh hiện tại. Chúa Kitô đã đến “để loan báo tin mừng cho người bị áp bức, băng bó những tấm lòng tan vỡ, công bố sự giải thoát cho những người bị giam cầm, và giải thoát cho những người bị giam cầm; công bố năm hồng ân của Chúa” (Is 61:1-2a).

Thật đáng buồn, chúng ta bắt đầu năm nay khi thế giới chứng kiến cảnh chia rẽ bởi nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ, ít nhiều được biết đến, nhưng cũng bởi sự tái diễn của các hành động khủng bố tàn bạo, chẳng hạn như những hành động vừa xảy ra ở Magdeburg, Đức và New Orleans, Hoa Kỳ.

Chúng ta cũng thấy ở nhiều quốc gia, căng thẳng chính trị và xã hội ngày càng gia tăng. Chúng ta thấy các xã hội ngày càng phân cực, được đánh dấu bằng cảm giác chung là sợ hãi và ngờ vực người khác và tương lai, điều này trở nên trầm trọng hơn do tin tức giả liên tục được tạo ra và lan truyền, không chỉ bóp méo sự thật mà còn cả nhận thức. Hiện tượng này tạo ra những hình ảnh sai lệch về thực tế, một bầu không khí nghi ngờ kích động lòng căm thù, làm suy yếu cảm giác an toàn của mọi người và gây tổn hại đến sự chung sống dân sự và sự ổn định của toàn bộ các quốc gia. Những ví dụ bi thảm về điều này là các cuộc tấn công vào Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Slovakia và Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ.

Bầu không khí bất ổn này dẫn đến việc dựng lên những rào cản mới và vẽ ra những đường biên giới mới, trong khi những rào cản khác, chẳng hạn như rào cản đã chia cắt đảo Síp trong hơn năm mươi năm và rào cản đã chia cắt Bán đảo Triều Tiên làm đôi trong hơn bảy mươi năm, vẫn tồn tại vững chắc, chia cắt các gia đình và chia cắt nhà cửa và thành phố. Những đường biên giới hiện đại này được cho là ranh giới phân định bản sắc, nơi sự đa dạng trở thành lý do cho sự nghi ngại, ngờ vực và sợ hãi: “Bất cứ thứ gì đến từ đó đều không đáng tin cậy, vì nó là thứ xa lạ, không quen thuộc, không phải là một phần của bản sắc... Kết quả là, những bức tường mới được dựng lên để tự bảo vệ, thế giới bên ngoài không còn tồn tại và chỉ còn lại thế giới 'của tôi', đến mức những người khác, không còn được coi là con người sở hữu phẩm giá bất khả xâm phạm, chỉ trở thành 'họ'.” [1] Trớ trêu thay, từ “biên giới” (“giới hạn”) không có nghĩa là một nơi chia cắt, mà là nơi hợp nhất, (cum-finis), nơi người ta có thể gặp gỡ những người khác, tìm hiểu họ và đối thoại với họ.

Hy vọng cầu nguyện của tôi cho năm mới này có thể đại diện cho tất cả mọi người, cả Kitô hữu và không phải Kitô hữu, là Năm Thánh sẽ là một cơ hội để suy nghĩ lại về các mối quan hệ ràng buộc chúng ta với nhau, như những con người và cộng đồng chính trị. Nhưng cũng để vượt qua logic của sự đối đầu và thay vào đó là logic của sự gặp gỡ; để tương lai không thấy chúng ta trôi dạt vô vọng, nhưng tiến về phía trước như những người hành hương của hy vọng, những cá nhân và cộng đồng đang di chuyển, cam kết xây dựng một tương lai hòa bình.

Hơn nữa, trước mối đe dọa ngày càng cụ thể của một cuộc chiến tranh thế giới, sứ mệnh của ngoại giao là thúc đẩy đối thoại với tất cả các bên, bao gồm cả những bên đối thoại được coi là ít "tiện lợi" hơn hoặc không được coi là hợp pháp để đàm phán. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể phá vỡ xiềng xích của lòng hận thù và sự trả thù đang trói buộc và làm giảm sức mạnh bùng nổ của lòng ích kỷ, lòng kiêu hãnh và sự ngạo mạn của con người, vốn là gốc rễ của mọi quyết tâm hủy diệt để tiến hành chiến tranh.

Thưa các vị Đại Sứ, Quý bà và Quý ông,

Dựa trên những cân nhắc vắn tắt này, sáng nay tôi muốn cùng anh chị em theo dõi, bắt đầu từ lời của tiên tri Isaia, một số nét đặc trưng của nền ngoại giao hy vọng, mà tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành sứ giả, để những đám mây đen của chiến tranh có thể bị thổi bay bởi những luồng gió mới của hòa bình. Nói chung, tôi muốn nhấn mạnh một số trách nhiệm mà mọi nhà lãnh đạo chính trị cần ghi nhớ khi thực hiện trách nhiệm của mình, những trách nhiệm này phải hướng tới việc theo đuổi lợi ích chung và sự phát triển toàn diện của con người.

Mang tin mừng đến với những người bị áp bức

Trong mọi thời đại và địa điểm, con người luôn bị thu hút bởi ý tưởng rằng họ có thể tự mình đủ khả năng và là kiến trúc sư cho số phận của chính họ. Bất cứ khi nào chúng ta để bản thân bị chi phối bởi sự tự phụ như vậy, chúng ta thấy mình bị buộc phải nhận ra rằng chúng ta yếu đuối và bất lực, nghèo đói và túng thiếu, phải chịu nghịch cảnh về tinh thần và vật chất. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta khám phá ra nỗi khốn khổ của mình và nhu cầu của mình về một ai đó sẽ cứu chúng ta khỏi nó.

Thật là khốn khổ cho thời đại chúng ta. Hơn bao giờ hết, nhân loại đã biết đến sự tiến bộ, phát triển và giàu có, nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại thấy mình cô đơn và lạc lõng đến thế, thậm chí đôi khi còn thích nuôi thú cưng hơn trẻ con. Có một nhu cầu cấp thiết là phải nghe tin mừng. Đó là Tin mừng mà, theo quan điểm của người theo Kitô giáo, Chúa ban cho chúng ta vào đêm Giáng sinh! Mặc dù vậy, mọi người – ngay cả những người không tin – đều có thể trở thành người mang thông điệp hy vọng và chân lý.

Con người, về vấn đề đó, được ban tặng một khát khao bẩm sinh đối với chân lý. Đó là một khía cạnh cơ bản của tình trạng con người của chúng ta, vì mỗi người đều mang sâu trong mình một khát khao chân lý khách quan và một ham muốn không thể kìm nén đối với kiến thức. Mặc dù điều này luôn đúng, nhưng trong thời đại của chúng ta, việc phủ nhận những chân lý hiển nhiên dường như đã chiếm ưu thế. Một số người không tin tưởng vào lập luận hợp lý, tin rằng đó là công cụ trong tay của một thế lực vô hình nào đó, trong khi những người khác tin rằng họ chắc chắn sở hữu một chân lý do chính họ tạo ra, và do đó được miễn khỏi thảo luận và đối thoại với những người có suy nghĩ khác. Những người khác có xu hướng phát minh ra "chân lý" của riêng họ, bất chấp tính khách quan của thực tế. Những xu hướng này có thể được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông hiện đại và trí tuệ nhân tạo; chúng có thể bị lạm dụng để thao túng tâm trí vì mục đích kinh tế, chính trị và ý thức hệ.

Tiến bộ khoa học hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đã mang lại những lợi ích không thể nghi ngờ cho nhân loại. Nó cho phép chúng ta đơn giản hóa nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, giữ liên lạc với những người thân yêu ngay cả khi họ ở xa về mặt vật lý, duy trì thông tin và tăng kiến thức của chúng ta. Đồng thời, những hạn chế và nguy hiểm của nó không thể bị bỏ qua, vì nó thường góp phần gây ra sự phân cực, thu hẹp quan điểm trí tuệ, đơn giản hóa thực tế, lạm dụng, lo lắng và trớ trêu thay, cô lập, đặc biệt là do sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi trực tuyến.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo làm dấy lên mối quan ngại rộng hơn về quyền sở hữu trí tuệ, sự an toàn việc làm của hàng triệu người, nhu cầu tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ môi trường khỏi rác thải điện tử. Hầu như không có góc nào trên thế giới của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi văn hóa rộng lớn do những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ mang lại, sự liên kết với lợi ích thương mại ngày càng rõ ràng, tạo ra một nền văn hóa bắt nguồn từ chủ nghĩa tiêu dùng.

Sự mất cân bằng này đe dọa phá vỡ trật tự các giá trị vốn có trong việc tạo ra các mối quan hệ, giáo dục và truyền tải các chuẩn mực xã hội, trong khi cha mẹ, họ hàng thân thiết và nhà giáo dục vẫn phải là những kênh chính để truyền tải văn hóa, vì mục đích này, chính phủ nên giới hạn bản thân trong việc hỗ trợ họ trong trách nhiệm giáo dục của mình. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của giáo dục hiểu biết truyền thông, nhằm mục đích cung cấp các công cụ thiết yếu cần thiết để thúc đẩy các kỹ năng tư duy phản biện, trang bị cho những người trẻ tuổi các phương tiện cần thiết cho sự phát triển cá nhân và sự tham gia tích cực của họ vào tương lai của xã hội.

Do đó, ngoại giao hy vọng trước hết là ngoại giao chân lý. Nếu thiếu đi mối liên hệ giữa thực tế, chân lý và kiến thức, con người sẽ không còn có thể nói và hiểu nhau nữa, vì nền tảng của một ngôn ngữ chung, được neo giữ trong thực tế của mọi thứ và do đó có thể hiểu được trên toàn thế giới, đang thiếu. Mục đích của ngôn ngữ là giao tiếp, chỉ thành công nếu các từ ngữ chính xác và ý nghĩa của các thuật ngữ được chấp nhận rộng rãi. Câu chuyện trong Kinh thánh về Tháp Babel cho thấy điều gì xảy ra khi mọi người chỉ nói bằng ngôn ngữ "của riêng mình".

Thành ra, giao tiếp, đối thoại và cam kết vì lợi ích chung đòi hỏi phải có thiện chí và tuân thủ một ngôn ngữ chung. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực ngoại giao, nhất là trong bối cảnh đa phương. Tác động và thành công của bất kỳ tuyên bố, tuyên ngôn, nghị quyết và nói chung hơn là các văn bản đàm phán nào đều phụ thuộc vào điều này. Một thực tế đã được chứng minh là chủ nghĩa đa phương chỉ mạnh mẽ và hiệu quả khi tập trung vào các vấn đề đang được thảo luận và sử dụng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng và được thống nhất.

Vì vậy, nỗ lực thao túng các văn bản đa phương - bằng cách thay đổi ý nghĩa của các thuật ngữ hoặc đơn phương diễn giải lại nội dung của các hiệp ước nhân quyền - nhằm thúc đẩy các ý thức hệ gây chia rẽ, chà đạp lên các giá trị và niềm tin của người dân là đặc biệt đáng lo ngại. Nó đại diện cho một hình thức thực dân hóa ý thức hệ thực sự, cố gắng, theo các chương trình nghị sự được lên kế hoạch cẩn thận, nhằm nhổ tận gốc các truyền thống, lịch sử và mối liên kết tôn giáo của người dân. Đây là một tâm lý, bằng cách tuyên bố để lại đằng sau những gì được coi là "những trang đen tối của lịch sử", mở ra cánh cửa cho "văn hóa hủy bỏ". Nó không dung thứ cho bất kỳ sự khác biệt nào và tập trung vào các quyền cá nhân, gây tổn hại đến các nghĩa vụ đối với người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. [2] Về vấn đề này, không thể chấp nhận được, ví dụ, khi nói về cái gọi là "quyền phá thai" trái ngược với các quyền con người, đặc biệt là quyền được sống. Mọi sự sống phải được bảo vệ, tại mọi thời điểm, từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, bởi vì không có đứa trẻ nào là sai lầm hoặc có tội khi tồn tại, cũng như không có người già hoặc người bệnh nào có thể bị tước mất hy vọng và bị bỏ rơi.

Đường lối này đặc biệt có liên quan trong bối cảnh của các cơ quan đa phương khác nhau. Tôi đặc biệt nghĩ đến Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu, trong đó Tòa thánh là thành viên sáng lập, đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán dẫn đến Tuyên bố Helsinki năm 1975 cách đây nửa thế kỷ. Việc khôi phục lại “tinh thần Helsinki” là cấp thiết hơn bao giờ hết, qua đó các quốc gia đối lập, được coi là “đối phương”, đã thành công trong việc tạo ra một không gian gặp gỡ và không từ bỏ đối thoại như một phương tiện giải quyết xung đột.

Tuy nhiên, các thể chế đa phương, phần lớn ra đời vào cuối Thế chiến II cách đây khoảng tám mươi năm, dường như không còn khả năng bảo đảm hòa bình và ổn định, hoặc tiếp tục cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy sự phát triển mà chúng được tạo ra. Chúng cũng dường như không thể phản ứng theo cách thực sự hiệu quả đối với những thách thức mới của thế kỷ 21 này, chẳng hạn như các vấn đề về môi trường, sức khỏe cộng đồng, văn hóa và xã hội, chưa kể đến những thách thức do trí tuệ nhân tạo đặt ra. Nhiều trong số chúng cần được cải cách, lưu ý rằng bất kỳ cải cách nào như vậy cũng cần dựa trên các nguyên tắc bổ trợ và đoàn kết, và tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các quốc gia. Đáng tiếc là có nguy cơ tồn tại một "đơn nguyên học" và sự phân mảnh thành các câu lạc bộ có cùng chí hướng chỉ cho phép những người có cùng suy nghĩ tham gia.

Tuy nhiên, đã có và vẫn đang có những dấu hiệu đáng khích lệ, bất cứ nơi nào có thiện chí để đến với nhau. Tôi nghĩ đến Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị giữa Chile và Á Căn Đình, được ký kết tại Thành phố Vatican vào ngày 29 tháng 11 năm 1984, với sự trung gian của Tòa thánh và thiện chí của các Bên, đã chấm dứt tranh chấp Kênh đào Beagle. Theo cách này, nó cho thấy rằng hòa bình và hữu nghị là có thể khi hai thành viên của cộng đồng quốc tế từ bỏ việc sử dụng vũ lực và long trọng cam kết tôn trọng mọi quy tắc của luật pháp quốc tế và thúc đẩy hợp tác song phương. Gần đây hơn, tôi nghĩ đến những dấu hiệu tích cực của việc nối lại các cuộc đàm phán để quay trở lại khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân Iran, với mục đích bảo đảm một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Băng bó những trái tim tan vỡ

Ngoại giao hy vọng cũng là ngoại giao tha thứ, có khả năng hàn gắn các mối quan hệ bị chia cắt bởi hận thù và bạo lực trong thời điểm đầy rẫy những xung đột công khai hoặc tiềm ẩn, và do đó chăm sóc những trái tim tan vỡ của vô số nạn nhân. Mong muốn của tôi cho năm 2025 là toàn thể cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực hết mình để chấm dứt cuộc xung đột đã gây ra quá nhiều đổ máu trong gần ba năm qua tại Ukraine bị chiến tranh tàn phá và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, bao gồm cả nhiều thường dân. Một số dấu hiệu đáng khích lệ đã xuất hiện ở phía chân trời, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo điều kiện cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài, cũng như chữa lành những vết thương do cuộc xâm lược gây ra.

Tương tự như vậy, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn và trả tự do cho các con tin Israel ở Gaza, nơi đang có tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng và đáng xấu hổ, và tôi yêu cầu người dân Palestine nhận được mọi sự hỗ trợ cần thiết. Tôi cầu nguyện hy vọng rằng người Israel và người Palestine có thể xây dựng lại những cây cầu đối thoại và tin tưởng lẫn nhau, bắt đầu từ những cây cầu nhỏ nhất, để các thế hệ tương lai có thể sống cạnh nhau tại hai quốc gia, trong hòa bình và an ninh, và rằng Giêrusalem có thể trở thành "thành phố của sự gặp gỡ", nơi các Kitô hữu, Do Thái và Hồi giáo chung sống hòa thuận và tôn trọng. Vào tháng 6 năm ngoái, tại khu vườn Vatican, chúng ta đã cùng nhau kỷ niệm 10 năm Lời kêu gọi hòa bình tại Đất Thánh, vào ngày 8 tháng 6 năm 2014, có sự hiện diện của Tổng thống Nhà nước Israel lúc bấy giờ, Shimon Peres, và Tổng thống Nhà nước Palestine, Mahmoud Abbas, cùng với Đức Thượng phụ Bácthôlômêô I. Cuộc gặp gỡ đó đã chứng minh cho thực tế rằng đối thoại luôn có thể thực hiện được và chúng ta không thể đầu hàng trước ý tưởng rằng sự thù địch và hận thù giữa các dân tộc sẽ chiếm ưu thế.

Đồng thời, cũng cần phải chỉ ra rằng chiến tranh được thúc đẩy bởi sự gia tăng liên tục của các loại vũ khí ngày càng tinh vi và hủy diệt. Sáng nay, tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình rằng “với số tiền chi cho vũ khí và các chi phí quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một quỹ toàn cầu có thể chấm dứt nạn đói và thúc đẩy phát triển ở các quốc gia nghèo đói nhất, để công dân của họ sẽ không phải dùng đến các giải pháp bạo lực hoặc ảo tưởng, hoặc phải rời bỏ đất nước của họ để tìm kiếm một cuộc sống có phẩm giá hơn”. [3]

Chiến tranh luôn là một thất bại! Sự tham gia của thường dân, đặc biệt là trẻ em, và sự phá hủy cơ sở hạ tầng không chỉ là một thảm họa, mà về cơ bản có nghĩa là giữa hai bên chỉ có cái ác mới là kẻ chiến thắng. Chúng ta không thể chấp nhận việc ném bom vào thường dân hoặc tấn công vào các cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự sống còn của họ. Chúng ta không thể chấp nhận rằng trẻ em chết cóng vì bệnh viện đã bị phá hủy hoặc mạng lưới năng lượng của một quốc gia đã bị tấn công.

Toàn thể cộng đồng quốc tế dường như đều đồng ý về nhu cầu tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nhưng việc không thực hiện đầy đủ và cụ thể luật đó đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu chúng ta đã quên mất điều nằm ở nền tảng của sự tồn tại của chúng ta, tính thiêng liêng của sự sống, các nguyên tắc tác động đến thế giới, thì làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng quyền này được tôn trọng một cách hiệu quả? Chúng ta cần khôi phục lại những giá trị này và thể hiện chúng trong các nguyên tắc của lương tâm công chúng, để nguyên tắc nhân đạo thực sự trở thành nền tảng cho hoạt động của chúng ta. Do đó, tôi tin rằng năm Đại lễ này sẽ là thời điểm thuận lợi để cộng đồng quốc tế có những bước đi tích cực nhằm bảo đảm rằng các quyền bất khả xâm phạm của con người không bị hy sinh cho các nhu cầu quân sự.

Trên cơ sở này, tôi yêu cầu các nỗ lực được thực hiện để tiếp tục bảo đảm rằng việc coi thường luật nhân đạo quốc tế không còn là một lựa chọn nữa. Cũng cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để bảo đảm rằng các vấn đề được thảo luận tại Hội nghị Hồng Thập Tự và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế lần thứ 34 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái tại Geneva sẽ được thực hiện. Kỷ niệm 75 năm Công ước Geneva vừa được kỷ niệm, và vẫn cần thiết phải thực hiện các chuẩn mực và nguyên tắc mà các Công ước này dựa trên trong quá nhiều chiến trường mở.

Trong số đó, tôi nghĩ đến những xung đột khác nhau vẫn đang tiếp diễn ở lục địa Phi Châu, đặc biệt là ở Sudan, Sahel, Sừng Phi Châu, Mozambique, nơi đang diễn ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, và ở các vùng phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi người dân phải chịu đựng nhu cầu y tế và nhân đạo nghiêm trọng, đôi khi còn trầm trọng hơn bởi tai họa khủng bố, dẫn đến mất mát về người và hàng triệu người phải di dời. Ngoài ra, chúng ta có thể thêm vào đó những tác động tàn phá của lũ lụt và hạn hán, làm trầm trọng thêm tình trạng vốn đã bấp bênh ở nhiều nơi khác nhau của Phi Châu.

Tuy nhiên, viễn cảnh về một nền ngoại giao tha thứ không chỉ nhằm mục đích chữa lành các cuộc xung đột quốc tế hay khu vực. Nó khiến mọi người có trách nhiệm trở thành một nghệ nhân hòa bình, để xây dựng những xã hội thực sự hòa bình, trong đó những khác biệt chính trị, xã hội, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo hợp pháp tạo nên một tài sản chứ không phải là nguồn gốc của hận thù và chia rẽ.

Tôi đặc biệt nghĩ đến Miến Điện, nơi người dân phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì các cuộc đụng độ vũ trang liên miên khiến họ phải rời bỏ nhà cửa và sống trong sợ hãi.

Thật đau đớn khi thấy rằng vẫn còn, đặc biệt là ở Mỹ Châu, nhiều tình huống xung đột chính trị và xã hội gay gắt. Tôi nghĩ đến Haiti, nơi tôi tin rằng các bước cần thiết có thể được thực hiện càng sớm càng tốt để tái lập trật tự dân chủ và chấm dứt bạo lực. Tôi cũng nghĩ đến Venezuela và cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng mà nước này đang trải qua, cuộc khủng hoảng này chỉ có thể được khắc phục bằng sự tuân thủ chân thành các giá trị của sự thật, công lý và tự do, bằng sự tôn trọng đối với sự sống, phẩm giá và quyền của mọi người, bao gồm cả những người bị bắt do các sự kiện trong những tháng gần đây, bằng sự từ chối mọi hình thức bạo lực và, chúng ta hãy hy vọng, bằng sự bắt đầu các cuộc đàm phán một cách thiện chí và hướng đến lợi ích chung của đất nước. Tương tự như vậy, tôi nghĩ đến Bolivia, nơi đang trải qua tình hình chính trị, xã hội và kinh tế đáng lo ngại, và Colombia, nơi tôi tin rằng với sự giúp đỡ của mọi người, có thể chấm dứt nhiều cuộc xung đột đã xé nát đất nước từ lâu. Cuối cùng, tôi nghĩ đến Nicaragua, nơi Tòa thánh, luôn cởi mở với cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng, quan tâm theo dõi các biện pháp được áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức của Giáo hội và yêu cầu tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác phải được bảo đảm đầy đủ cho tất cả mọi người.

Cuối cùng, không thể có hòa bình thực sự nếu không có sự bảo đảm về tự do tôn giáo, bao gồm sự tôn trọng lương tâm của cá nhân và khả năng công khai thể hiện đức tin và tư cách thành viên của một người trong một cộng đồng. Về vấn đề này, những biểu hiện ngày càng gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái, mà tôi cực lực lên án, và ảnh hưởng đến ngày càng nhiều cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới, là nguồn gốc của mối quan ngại sâu sắc.

Tôi cũng không thể im lặng về nhiều cuộc đàn áp chống lại nhiều cộng đồng Kitô giáo khác nhau, thường do các nhóm khủng bố thực hiện, đặc biệt là ở Phi Châu và Á Châu. Cũng không thể im lặng về các hình thức hạn chế tự do tôn giáo “kín đáo” hơn đôi khi cũng được tìm thấy ở Âu Châu, nơi các chuẩn mực pháp lý và thông lệ hành chính đang gia tăng, “hạn chế hoặc thực tế là hủy bỏ các quyền được Hiến pháp chính thức công nhận đối với các tín hữu cá nhân và các nhóm tôn giáo”. [4] Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại rằng tự do tôn giáo cấu thành “thành tựu của một nền văn hóa chính trị và pháp lý lành mạnh”, [5] bởi vì khi nó “được thừa nhận, phẩm giá của con người được tôn trọng tận gốc rễ, và bản sắc và thể chế của các dân tộc được củng cố”. [6]

Các tín hữu Kitô có khả năng và mong muốn đóng góp tích cực vào việc xây dựng xã hội nơi họ sinh sống. Ngay cả khi họ không phải là đa số trong xã hội, họ vẫn là công dân theo đúng nghĩa của mình, đặc biệt là ở những vùng đất mà họ đã sinh sống từ thời xa xưa. Tôi đặc biệt nói về Syria, sau nhiều năm chiến tranh và tàn phá, dường như đang theo đuổi con đường ổn định. Tôi hy vọng rằng toàn vẹn lãnh thổ, sự thống nhất của người dân Syria và các cải cách hiến pháp cần thiết sẽ không bị bất kỳ ai xâm phạm, và cộng đồng quốc tế sẽ giúp Syria trở thành vùng đất chung sống hòa bình, nơi tất cả người Syria, bao gồm cả cộng đồng Kitô giáo, có thể cảm thấy mình là công dân trọn vẹn và chia sẻ lợi ích chung của quốc gia yêu dấu đó.

Tôi cũng nghĩ đến đất nước Li Băng thân yêu, và bày tỏ hy vọng rằng đất nước này, với sự giúp đỡ quyết liệt của cộng đồng Kitô giáo, có thể sở hữu sự ổn định về mặt thể chế cần thiết để giải quyết tình hình kinh tế và xã hội nghiêm trọng, để xây dựng lại miền Nam đất nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, và thực hiện đầy đủ Hiến pháp và Hiệp định Taif. Mong rằng tất cả người dân Li Băng sẽ làm việc để bảo đảm rằng đất nước của những cây tuyết tùng vĩ đại không bao giờ bị biến dạng bởi sự chia rẽ, mà thay vào đó được tôn vinh vì “sống chung”. Mong rằng Li Băng vẫn là một đất nước và là thông điệp của sự chung sống và hòa bình.

Tuyên bố tự do cho những người bị giam cầm

Hai ngàn năm của Kitô giáo đã giúp xóa bỏ chế độ nô lệ khỏi mọi hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhiều hình thức nô lệ vẫn tồn tại, bắt đầu từ hình thức nô lệ ít được thừa nhận nhưng được thực hành rộng rãi liên quan đến lao động. Quá nhiều người sống như nô lệ cho công việc của họ, từ một phương tiện trở thành mục đích, và thường bị xiềng xích vào các điều kiện làm việc vô nhân đạo về mặt an toàn, giờ làm việc và tiền lương. Cần phải nỗ lực để tạo ra các điều kiện làm việc có phẩm giá, để công việc, bản thân nó cao quý và tôn quý, không trở thành rào cản đối với sự hoàn thiện và phát triển của con người. Đồng thời, cần phải bảo đảm rằng có các cơ hội việc làm thực sự, đặc biệt là khi tình trạng thất nghiệp lan rộng khuyến khích làm việc không khai báo và do đó là tội phạm.

Sau đó là nạn nô lệ khủng khiếp của nghiện ma túy, đặc biệt ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi. Thật không thể chấp nhận được khi thấy số lượng cuộc sống, gia đình và quốc gia bị hủy hoại bởi tệ nạn này, dường như đang gia tăng, một phần là do sự xuất hiện của các loại ma túy tổng hợp thường gây tử vong, được bán rộng rãi do hậu quả của hiện tượng buôn bán ma túy tàn bạo.

Trong số các hình thức nô lệ khác trong thời đại của chúng ta, một trong những hình thức khủng khiếp nhất là nạn buôn người do những kẻ vô đạo đức lợi dụng nhu cầu của hàng ngàn người chạy trốn chiến tranh, nạn đói, sự đàn áp hoặc tác động của biến đổi khí hậu để tìm kiếm một nơi an toàn để sống. Ngoại giao hy vọng là ngoại giao tự do, đòi hỏi sự cam kết chung của cộng đồng quốc tế nhằm xóa bỏ hoạt động thương mại kinh hoàng này.

Đồng thời, cần phải chăm sóc những nạn nhân của nạn buôn người này, chính những người di cư, những người bị buộc phải đi bộ hàng ngàn cây số ở Trung Mỹ hoặc sa mạc Sahara, hoặc băng qua Biển Địa Trung Hải hoặc Eo biển Manche trên những chiếc thuyền tạm bợ chật cứng, chỉ để bị từ chối hoặc buộc phải sống lén lút ở một quốc gia xa lạ. Chúng ta có thể dễ dàng quên rằng chúng ta đang đối phó với những con người thực sự cần được chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập. [7]

Tôi thấy rất nản lòng khi thấy rằng di cư vẫn bị bao phủ trong một đám mây đen ngờ vực, thay vì được coi là nguồn trao quyền. Những người di cư chỉ được coi là một vấn đề cần được quản lý. Họ không thể bị đối xử như những đồ vật để di chuyển; họ có phẩm giá và nguồn lực mà họ có thể cung cấp cho người khác; họ có những trải nghiệm, nhu cầu, nỗi sợ hãi, khát vọng, ước mơ, kỹ năng và tài năng của riêng mình. Chỉ bằng cách nhìn nhận mọi thứ theo góc độ này, chúng ta mới có thể đạt được tiến bộ trong việc đối mặt với một hiện tượng đòi hỏi sự đóng góp của tất cả các quốc gia, đặc biệt là thông qua việc tạo ra các con đường an toàn thường xuyên.

Sau đó, điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của việc di dời, để việc rời bỏ quê hương để tìm nơi khác là một lựa chọn chứ không phải là phương tiện cần thiết để sinh tồn. Với suy nghĩ này, tôi coi cam kết chung về hợp tác phát triển, như một phương tiện giúp loại bỏ một số nguyên nhân khiến mọi người di cư, là điều cần thiết.

Trả tự do cho tù nhân

Cuối cùng, ngoại giao hy vọng là ngoại giao công lý, nếu không có nó thì không thể có hòa bình. Năm Thánh là thời điểm thuận lợi để thực hành công lý, xóa nợ và giảm án cho tù nhân. Tuy nhiên, không có khoản nợ nào cho phép bất kỳ ai, kể cả Nhà nước, đòi mạng sống của người khác. Về vấn đề này, tôi nhắc lại lời kêu gọi xóa bỏ án tử hình ở mọi quốc gia,[8] vì ngày nay không tìm thấy lý do chính đáng nào trong số các công cụ có khả năng khôi phục công lý.

Chúng ta cũng không thể quên rằng, theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là tù nhân, vì tất cả chúng ta đều là con nợ: đối với Chúa, đối với người khác, và cả đối với trái đất thân yêu của chúng ta, nơi chúng ta rút ra nguồn sống hàng ngày. Như tôi đã quan sát trong Thông điệp hàng năm của mình cho Ngày Hòa bình Thế giới, “mỗi người chúng ta phải cảm thấy theo một cách nào đó có trách nhiệm đối với sự tàn phá mà Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã phải chịu”. [9] Bản thân thiên nhiên dường như ngày càng nổi loạn chống lại hành động của con người bằng những biểu hiện cực đoan về sức mạnh của nó. Ví dụ về điều này là lũ lụt tàn khốc ở Trung Âu và Tây Ban Nha, các cơn bão tấn công Madagascar vào mùa xuân và ngay trước Giáng sinh, là Bộ Mayotte và Mozambique của Pháp.

Chúng ta không thể thờ ơ trước tất cả những điều này! Chúng ta không có quyền đó! Thay vào đó, chúng ta có nhiệm vụ phải nỗ lực hết sức để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và cư dân của nó, hiện tại và trong tương lai.

Tại COP 29 ở Baku, các quyết định đã được đưa ra để bảo đảm nguồn tài chính lớn hơn cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi tin rằng những quyết định này sẽ cho phép chia sẻ nguồn lực cho nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng khí hậu và gánh chịu gánh nặng nợ kinh tế nặng nề. Với suy nghĩ này, tôi yêu cầu các quốc gia giàu có hơn xóa nợ cho các quốc gia không bao giờ có thể trả được nợ. Đây không chỉ đơn thuần là một hành động đoàn kết hay hào phóng, mà trên hết là một hành động công lý, cũng xét đến một hình thức bất bình đẳng mới mà chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn ngày nay: “nợ sinh thái” tồn tại đặc biệt giữa Bắc và Nam bán cầu. [10]

Cũng xét đến món nợ sinh thái này, điều quan trọng là phải tìm ra những cách thức hiệu quả để chuyển đổi nợ nước ngoài của các nước nghèo thành các chính sách và chương trình hiệu quả, sáng tạo và có trách nhiệm để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người. Tòa Thánh sẵn sàng đồng hành với tiến trình này, với nhận thức rằng không còn bất kỳ biên giới hay rào cản nào, chính trị hay xã hội, mà chúng ta có thể ẩn náu. [11]

Trước khi kết thúc, tôi muốn bày tỏ lời chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân và những người đang phải chịu đau khổ vì trận động đất xảy ra ở Tây Tạng hai ngày trước.

Kính thưa các Đại sứ,

Theo quan điểm Kitô giáo, Năm Thánh là mùa ân sủng. Tôi mong muốn năm 2025 này thực sự là năm ân sủng, tràn đầy chân lý, lòng tha thứ, tự do, công lý và hòa bình! “Trong trái tim của mỗi người, hy vọng ngự trị như mong muốn và kỳ vọng về những điều tốt đẹp sắp đến”, [12] và mỗi người chúng ta được kêu gọi làm cho hy vọng nở rộ xung quanh chúng ta. Đây là lời chúc chân thành của tôi dành cho tất cả các bạn, các Đại sứ thân mến, cho gia đình các bạn, và cho các chính phủ và dân tộc mà các bạn đại diện. Mong rằng hy vọng sẽ nở rộ trong trái tim chúng ta và mong rằng thời đại của chúng ta tìm thấy hòa bình mà nó vô cùng khao khát. Cảm ơn các bạn.

[1] Thông điệp Fratelli Tutti, 3 tháng 10 năm 2020, 27.

[2] So sánh Cuộc họp với các cơ quan dân sự, đại diện của người dân bản địa và đoàn ngoại giao, Citadelle de Québec, ngày 27 tháng 7 năm 2022.

[3] Thông điệp Fratelli Tutti, 3 tháng 10 năm 2020, 262; xem. Thánh Phaolô Đệ Lục, Thông điệp Populorum Progressio, 26/03/1967, 51.

[4] Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 1988, ngày 1 Tháng Giêng năm 1988, 2.

[5] Đức Bênêđíctô XVI, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2011, ngày 1 Tháng Giêng năm 2011, 5.

[6] Thượng dẫn

[7] So sánh Bài phát biểu trước những người tham dự Diễn đàn quốc tế về “Di cư và Hòa bình”, ngày 21 tháng 2 năm 2017.

[8] X. Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2025, ngày 1 Tháng Giêng năm 2025, 11.

[9] Thượng dẫn, 4.

[10] X. Tông Sắc Spes Non Confundit – Hy vọng không làm thất vọng - (ngày 9 tháng 5 năm 2024), 16; Thông điệp Laudato Si', hay 24 tháng 5 năm 2015, 51.

[11] Xem. Thông điệp Laudato Si', 52.

[12] Tông Sắc Spes Non Confundit – Hy vọng không làm thất vọng, 1.
 
Kursk: Tấn công bằng xe tăng, Nga đâm đầu vào cửa tử. Kho dầu chiến lược của Nga cháy hơn một ngày
VietCatholic Media
02:56 10/01/2025


1. Kho dầu chiến lược của Nga vẫn cháy hơn 24 giờ sau cuộc tấn công

Chính quyền Nga vẫn đang nỗ lực dập tắt đám cháy gần biên giới Kazakhstan bùng phát sau cuộc tấn công mới nhất của Ukraine vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Sáng Thứ Năm, 09 Tháng Giêng, Thống đốc Saratov Roman Busargin cho biết các dịch vụ khẩn cấp vẫn tiếp tục làm việc “tại chỗ suốt ngày đêm” để giải quyết “hậu quả của cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa” nhằm vào một cơ sở lưu trữ dầu.

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, việc phá hủy Nhà máy Kristall sẽ “tạo ra những vấn đề hậu cần nghiêm trọng cho lực lượng hàng không chiến lược của Nga”.

Sân bay quân sự Engels-2, nơi nhà máy này phục vụ, đã trở thành bàn đạp cho các cuộc tấn công trên không nhằm vào lực lượng và thành phố của Ukraine kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược.

Thống đốc Roman Busargin cho biết các máy bay điều khiển từ xa, gọi tắt là máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị lực lượng Nga bắn hạ tại thành phố Engels, và các mảnh vỡ rơi xuống đã gây ra hỏa hoạn tại một trong những cơ sở công nghiệp của thành phố.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine sau đó cho biết cuộc tấn công đã gây ra một “vụ hỏa hoạn lớn” tại cơ sở Nhà máy Kristall.

Các cảnh quay được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ hỏa hoạn do cuộc tấn công gây ra. Kênh Telegram Astra, trích lời người dân địa phương, cho biết nhiều bồn chứa dầu đã bốc cháy khi chính quyền Nga cố gắng dập tắt đám cháy ban đầu.

Sáng thứ năm, Thống đốc Saratov Busargin cho biết một cuộc họp khẩn cấp đã được triệu tập tại Engels để thảo luận về hậu quả từ cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và rằng, trong khi tình hình “đã được kiểm soát”, “sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để hoàn tất việc chữa cháy” tại nhà máy.

Trước đó, Busargin đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Engels và báo cáo về cái chết của hai lính cứu hỏa thuộc Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga.

Theo hãng thông tấn nhà nước United24 của Ukraine, Engels-2 là một trong hai phi trường duy nhất có máy bay ném bom Tu-160 của Nga, được cho là đã được sử dụng trong cuộc không kích phối hợp của Nga vào Ukraine vào giữa tháng 11, một trong những cuộc không kích lớn nhất trong những tháng gần đây.

[Newsweek: Russian Strategic Oil Depot Still Burning Over 24 Hours After Attack]

2. Tấn công bằng xe tăng là đâm đầu vào cửa tử đối với người Nga khi máy bay điều khiển từ xa của Ukraine chiếm ưu thế. ‘Kết quả là con số không.’

Những chiếc máy bay điều khiển từ xa cảm tử tí hon đã khiến các cuộc tấn công bọc thép quy mô lớn gần như tự sát trên toàn bộ tuyến đầu dài 800 dặm của cuộc chiến tranh kéo dài 35 tháng của Nga với Ukraine. “Mỗi lần” các trung đoàn Nga cố gắng tấn công bằng xe, “kết quả là con số không”, một blogger người Nga than thở trong một bức thư do nhà phân tích người Estonia WarTranslated dịch.

Nhưng điều đó không có nghĩa là người Nga không thể tiến lên. Thật vậy, họ đang tiến lên—đặc biệt là về phía nam của thành phố pháo đài Pokrovsk ở Donetsk, miền đông Ukraine và dọc theo rìa của vùng mà một lực lượng mạnh của Ukraine đã tách ra khỏi Kursk, miền tây Ukraine vào tháng 8.

Họ tiến lên bằng cách bỏ lại xe cộ phía sau và tiến vào trận chiến bằng chân. “Bộ binh, với sự hỗ trợ của pháo binh và máy bay điều khiển từ xa, từ từ nhưng chắc chắn chiếm được từng hàng cây một”, blogger lưu ý.

Người Nga đang nghiêng về học thuyết bộ binh trước tiên “một phần để giảm tổn thất thiết bị, nhưng cũng do không có khả năng vượt qua được các tuyến phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn được trinh sát và tấn công rộng khắp bằng máy bay điều khiển từ xa”, Michael Kofman, thành viên cao cấp của Quỹ Carnegie tại Washington, DC, giải thích. Bộ binh phân tán khó bị tấn công hơn so với các hàng xe dài.

Tuy nhiên, một số chỉ huy Nga vẫn tiếp tục thử với xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và xe chiến đấu tự chế bao gồm xe tải, xe hơi và xe golf. Nhưng “không ai đạt được mục tiêu, không có quân lính nào xuống ngựa và đối phương không bị xé nát bởi hỏa lực của pháo tự động”, blogger phàn nàn.

Blogger này mỉa mai gọi những sĩ quan đứng sau những “cuộc chạy tự sát” này là “thiên tài”. Khi điều động xe cộ và xa đoàn của chúng vào các “cuộc tấn công banzai” vô nghĩa qua vùng đất điều khiển từ xa tuần tra, các chỉ huy xe tăng chẳng đạt được gì, mất tất cả và “cung cấp nội dung nâng cao tinh thần cho quân đội Ukraine”, những chiếc máy bay điều khiển từ xa ghi lại sự hủy diệt của mọi đoàn xe quân sự Nga.

Việc Nga chuyển sang tấn công bộ binh gây áp lực buộc Ukraine phải chống lại các cuộc tấn công này—bằng bộ binh của họ. Nhưng tình trạng thiếu hụt những người bóp cò ngày càng trầm trọng là một trong những vấn đề lớn nhất bên trong quân đội Ukraine khi cuộc chiến rộng lớn hơn đang tiến tới năm thứ tư.

Tatarigami, người sáng lập nhóm phân tích Frontelligence Insight của Ukraine, đổ lỗi cho những nhà lãnh đạo ở Kyiv. “Các nhà lãnh đạo Ukraine đã bỏ bê việc chuẩn bị cho việc huy động thời chiến, tin rằng các cuộc chiến tranh lớn đã là chuyện của quá khứ “, Tatarigami viết. “Những quyết định tuyển dụng khó khăn trong chiến tranh cũng đã bị trì hoãn để cân bằng sự chấp thuận của công chúng với nhu cầu ngày càng tăng của quân đội”.

Đang phải vật lộn để huy động đủ bộ binh mới để gây ra tổn thất lớn trong khi cũng thành lập các đơn vị mới, quân đội Ukraine đã trở nên tuyệt vọng—và bắt đầu săn trộm các chuyên gia từ các đơn vị hỗ trợ của họ và đưa họ ra tiền tuyến. “Các đội súng cối, tài xế hoặc người điều khiển máy bay điều khiển từ xa sẽ phải vào chiến hào”, Tatarigami đưa tin. “Điều này làm cạn kiệt các đơn vị hỗ trợ và đưa những người lính chưa được huấn luyện vào chiến đấu”.

Trớ trêu thay, việc săn trộm các đơn vị máy bay điều khiển từ xa để tăng cường cho các đơn vị bộ binh—một đường lối tạm thời để chống lại các cuộc tấn công của bộ binh Nga—có nguy cơ làm suy yếu chính lực lượng đã buộc người Nga phải tấn công chủ yếu bằng bộ binh. Nếu các chỉ huy Ukraine gửi quá nhiều người điều khiển máy bay điều khiển từ xa đến tiền tuyến để chiến đấu như bộ binh, họ có thể vô tình khiến các phương tiện của Nga tấn công trở nên an toàn hơn.

[Forbes: Attacking With Tanks Is ‘Suicidal’ For the Russians As Ukraine’s Drones Dominate. ‘The Result Is Zero.’]

3. Zelenskiy cho biết: Gần một phần ba quân đội Bắc Hàn thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, gần một phần ba số lượng binh lính Bắc Hàn được điều động cùng lực lượng Nga để chống lại quân đội Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương.

Theo ước tính của Hoa Kỳ, Ukraine và Nam Hàn, số lượng binh lính Bắc Hàn được gửi đến Nga vào khoảng từ 10.000 đến 12.000 người, vào thời điểm quân số Nga bị tổn thất ở mức cao. Newsweek vẫn chưa xác minh những con số này.

Những người lính này, một số người được cho là thuộc lực lượng đặc nhiệm của Bình Nhưỡng, được đồng minh của Điện Cẩm Linh là Kim Chính Ân cử đến, đến nước này vào tháng 10 năm 2024 và được đánh giá là đã tham chiến vào đầu tháng 12.

Các lực lượng Bắc Hàn đã chiến đấu ở khu vực phía Tây Kursk của Nga, nơi Mạc Tư Khoa đã giao tranh với Kyiv kể từ khi quân đội Ukraine phát động một cuộc tấn công bất ngờ qua biên giới vào Kursk vào tháng 8 năm 2024. Kyiv vẫn nắm giữ khoảng một nửa diện tích đất đã chiếm được vào cuối mùa hè và Nga đang mong muốn từ bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát của họ đối với lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận.

Nhà lãnh đạo Ukraine chia sẻ với người dẫn chương trình podcast người Mỹ Lex Fridman rằng cho đến nay đã có khoảng 3.800 binh lính Bắc Hàn bị thương hoặc thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Kursk.

Vào tối thứ Bảy, Zelenskiy đã nói trong bài phát biểu ban đêm của mình rằng Mạc Tư Khoa “đã mất tới một tiểu đoàn bộ binh, bao gồm cả lính Bắc Hàn và lính dù Nga” trong cuộc giao tranh xung quanh một thị trấn Kursk trong suốt thứ Sáu và thứ Bảy, trích lời tổng tư lệnh quân đội Kyiv, Oleksandr Syrskyi.

Quy mô của một tiểu đoàn có thể khác nhau, nhưng có thể lên tới 1.000 binh sĩ.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài cho biết vào cuối tháng 12 rằng quân đội Bắc Hàn tại Nga đã chịu khoảng 1.000 thương vong, tương đương với “một lượng đáng kể” các chiến binh thiệt mạng và bị thương. Tổng số do Zelenskiy đưa ra vào cuối tháng 12 đưa số thương vong của Bắc Hàn lên tới 3.000.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết Kyiv đã bắt giữ “một số” binh lính Bắc Hàn, nhưng họ “bị thương nghiêm trọng và không thể cứu chữa được”.

John Kirby, cố vấn truyền thông an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, phát biểu với các phóng viên vào ngày 27 tháng 12 rằng Hoa Kỳ đã nghe báo cáo về “những người lính Bắc Hàn tự sát thay vì đầu hàng lực lượng Ukraine, có thể là vì sợ gia đình họ ở Bắc Hàn sẽ bị trả thù trong trường hợp họ bị bắt”.

Kirby cho biết Hoa Kỳ tin rằng lực lượng Bắc Hàn đang tiến hành “các cuộc tấn công ồ ạt, không có người lái nhằm vào các vị trí của Ukraine ở Kursk”, nhưng các cuộc tấn công này không hiệu quả đối với Kyiv.

Kirby cho biết: “Rõ ràng là các nhà lãnh đạo quân sự Nga và Bắc Hàn đang coi những đội quân này là lực lượng có thể hy sinh và ra lệnh cho họ tấn công vô vọng vào hệ thống phòng thủ của Ukraine”.

Vào Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã “phát động một cuộc phản công” tại Kursk, tại một thị trấn ở phía đông bắc của thị trấn biên giới Sudzha mà Kyiv vẫn kiểm soát. Một cuộc tấn công xung quanh các thị trấn Berdin và Bolshoye Soldatskoye cũng được các blogger quân sự có ảnh hưởng của Nga đưa tin.

Kyiv không trực tiếp đề cập đến các báo cáo vào Chúa Nhật, mặc dù trợ lý chính của Zelenskiy, Andriy Yermak, cho biết Nga “đang nhận được những gì họ đáng phải nhận” ở Kursk, nhưng không đưa ra thêm thông tin chi tiết.

Andriy Kovalenko, một quan chức của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine, cho biết lực lượng Nga ở Kursk đã bị “tấn công từ nhiều hướng và họ hoàn toàn bất ngờ”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy: “Hãy nhìn vào ví dụ này, 12.000 [lính Bắc Hàn] đã đến. Hôm nay có 3.800 người tử trận hoặc bị thương.”

John Kirby, Cố vấn Truyền thông An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, cho biết vào ngày 27 tháng 12: “Rõ ràng là các nhà lãnh đạo quân sự Nga và Bắc Hàn đang coi những binh lính này là có thể hy sinh và ra lệnh cho họ tấn công vô vọng vào hệ thống phòng thủ của Ukraine. Những binh lính Bắc Hàn này dường như đã bị nhồi sọ rất nhiều, tiến hành các cuộc tấn công ngay cả khi rõ ràng là những cuộc tấn công đó là vô ích.”

Khi các trận chiến vẫn tiếp diễn ở Kursk, số lượng thương vong của quân đội từ tất cả các quốc gia liên quan có khả năng sẽ tăng cao, và vẫn chưa rõ quân đội Bắc Hàn có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào đối với nỗ lực của Nga nhằm đẩy lùi sự kiểm soát của Ukraine.

[Newsweek: Nearly Third of North Korean Troops Killed or Wounded in Ukraine: Zelensky]

4. Tòa Bạch Ốc gọi việc dừng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine là một trong những ‘thất bại tốn kém nhất’ của Mạc Tư Khoa

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết, việc đóng cửa tuyến vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine là một trong những “thất bại tốn kém nhất” của Mạc Tư Khoa, theo như Ukrinform đưa tin vào ngày 8 tháng Giêng.

Ukraine đã chấm dứt việc vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga qua lãnh thổ của mình vào ngày 1 tháng Giêng. Kyiv đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận khi nó hết hạn vào cuối năm 2024 vì không muốn tài trợ cho chiến tranh của Nga.

Theo Kirby, động thái của Ukraine sẽ khiến Nga mất khoảng 6,5 tỷ đô la doanh thu hàng năm từ việc bán khí đốt cho Âu Châu. Phát ngôn nhân này nói thêm rằng Hoa Kỳ cũng cố gắng khiến Nga phải chịu tổn thất thông qua các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu.

Trong khi đó, Washington đang cố gắng tăng nguồn cung cấp năng lượng cho Âu Châu, đặc biệt là khí thiên nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG. Theo Kirby, hiện tại, 50% lượng LNG nhập khẩu của Âu Châu đến từ Hoa Kỳ

Phát ngôn nhân cho biết 25 năm trước, khi Putin nhậm chức, hơn 130 tỷ mét khối khí đốt đã được vận chuyển đến Âu Châu qua Ukraine, còn ngày nay con số này là con số không.

Sau khi Ukraine chấm dứt vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ của mình, giá khí đốt ở Âu Châu đã tăng 4,3% lên gần 51 euro cho mỗi megawatt-giờ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 10 năm 2023 và diễn ra trước dự báo nhiệt độ đóng băng trên khắp Âu Châu.

Việc dừng cung cấp khí đốt cũng trùng với thời điểm xảy ra sự việc mất khí đốt lớn ở khu vực Transnistria bị Nga tạm chiếm của Moldova, nơi phụ thuộc vào việc vận chuyển qua Ukraine, theo nhà cung cấp khí đốt Tiraspoltransgaz-Pridnestrovie.

Tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga tuyên bố rằng việc ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova là do Chisinau chưa trả nợ chứ không phải do vấn đề quá cảnh.

[Kyiv Independent: White House calls halt of Russian gas transit via Ukraine one of Moscow's 'most costly defeats']

5. Các đồng minh NATO sẽ công bố kế hoạch cho Ukraine đến năm 2027

Hôm Thứ Tư, 08 Tháng Giêng, các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Lloyd Austin sẽ lập một kế hoạch nhằm củng cố quân đội Ukraine đến năm 2027 cùng với các đồng minh chủ chốt của Kyiv, bao gồm các nước NATO, trong tuần này.

Tương lai của Ukraine vẫn còn bất định. Các quan chức ở Kyiv và trên khắp NATO đều nín thở chờ đợi xem tổng thống mới Ông Donald Trump sẽ thay đổi các điều khoản viện trợ quân sự của Washington như thế nào. Tổng thống đắc cử đã nói rằng ông sẽ cắt viện trợ cho Ukraine và hành động nhanh chóng để chấm dứt cuộc chiến toàn diện kéo dài gần ba năm.

Kyiv phụ thuộc rất nhiều vào các đồng minh để duy trì nỗ lực chiến tranh chống lại Mạc Tư Khoa. Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ chiếm khoảng một nửa số tiền mà Ukraine nhận được từ những người ủng hộ.

Các quan chức ở Kyiv và các quốc gia ở sườn phía đông của NATO lo ngại rằng lệnh ngừng bắn do Tổng thống đắc cử Donald Trump làm trung gian cho cuộc xung đột trên bộ lớn nhất Âu Châu kể từ Thế chiến II có thể gây bất lợi cho Ukraine và các quốc gia liên minh gần Nga. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói rằng ông có mối quan hệ tốt với Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Hai quan chức quốc phòng cao cấp của Hoa Kỳ nói với các phóng viên vào thứ Ba rằng Austin sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo phụ trách hỗ trợ nhiều bộ phận khác nhau của quân đội Ukraine.

Nhiều người ủng hộ Ukraine, nằm trong Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, sẽ họp tại căn cứ không quân Ramstein của quân đội Hoa Kỳ ở miền tây nước Đức vào thứ năm. Trong nhóm, có các quan chức từ khắp NATO phụ trách các năng lực cụ thể hơn, được gọi là liên minh.

Ngũ Giác Đài cho biết các quan chức sẽ “lập bản đồ năng lực phòng thủ của Ukraine nhằm hỗ trợ xây dựng lực lượng răn đe đáng tin cậy đến năm 2027”.

“Các nhà lãnh đạo của các liên minh này sẽ cần phải xác nhận lộ trình nêu rõ nhu cầu và mục tiêu của không quân, thiết giáp, pháo binh, rà phá bom mìn, máy bay điều khiển từ xa, phòng thủ hỏa tiễn và không quân tích hợp, công nghệ thông tin và an ninh hàng hải của Ukraine cho đến năm 2027”, một quan chức quốc phòng cho biết. “Những lộ trình này nhằm mục đích cho phép các nhà tài trợ lập kế hoạch và hỗ trợ Ukraine một cách bền vững trong tương lai”.

Cuộc họp vào thứ năm sẽ là cuộc họp cuối cùng của Austin với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng trước khi chính quyền mới tiếp quản.

Một quan chức quốc phòng cho biết Ngũ Giác Đài không “kết thúc” nhóm liên lạc mà nói thêm rằng công việc của nhóm sẽ tiếp tục sau ngày 20 tháng Giêng.

Các nước NATO Âu Châu đang thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng cường năng lực quân sự của riêng họ sau nhiều thập niên phụ thuộc vào Hoa Kỳ đối với một số tài sản quan trọng và tốn kém, như giám sát. Các quan chức đã đưa các thành viên NATO lục địa ra khỏi Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine một chút khi chiến dịch của Tổng thống đắc cử Donald Trump giành được sự chú ý vào năm ngoái.

Một quan chức quốc phòng cao cấp phát biểu với giới truyền thông vào thứ Ba rằng “các nhà lãnh đạo của các liên minh này sẽ cần phải xác nhận lộ trình nêu rõ nhu cầu và mục tiêu của lực lượng không quân, thiết giáp, pháo binh, rà phá bom mìn, máy bay điều khiển từ xa, phòng thủ hỏa tiễn và không quân tích hợp, công nghệ thông tin và an ninh hàng hải của Ukraine cho đến năm 2027”.

Nhà lãnh đạo Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, tại cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein vào tháng 9 năm 2024: “Tất cả các bạn đều biết rằng chúng tôi đang hoạt động với lượng vũ khí tối thiểu [...] Chúng tôi cần nhiều vũ khí hơn để đẩy lùi lực lượng Nga khỏi đất nước chúng tôi và đặc biệt là ở khu vực Donetsk.”

Các nhà lãnh đạo sẽ họp vào thứ năm để thảo luận chi tiết và vẫn chưa rõ chính quyền mới sẽ điều hành việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine như thế nào.

[Newsweek: NATO Allies To Unveil Plans for Ukraine up to 2027]

6. Tổng thống Zelenskiy nhận định: Âu Châu nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ sẽ bị Putin ‘phá hủy’

Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi NATO, Vladimir Putin có thể “phá hủy Âu Châu”, Volodymyr Zelenskiy cảnh báo.

Trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình podcast Lex Fridman, tổng thống Ukraine bày tỏ sự lạc quan rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể tạo ra sự khác biệt trong việc chấm dứt chiến tranh, nhưng cảnh báo rằng nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, tổng thống Nga “sẽ phá hủy mọi thứ”.

Karoline Leavitt, phát ngôn viên của nhóm chuyển giao quyền lực Tổng thống đắc cử Donald Trump-Vance, đã nói với Newsweek vào thứ Hai trong một tuyên bố rằng tổng thống đắc cử “đã nhiều lần tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ là nhanh chóng đàm phán một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Nga-Ukraine”.

Theo tờ New York Times, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ trích NATO trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, khi đó ông đã tuyên bố riêng rằng ông muốn rút Hoa Kỳ khỏi liên minh này.

Zelenskiy cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến nhưng cũng cảnh báo về tầm quan trọng của vai trò của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn hành động xâm lược trong tương lai của Putin, vì liên minh này đóng vai trò thiết yếu.

Trong khi sự mong đợi vẫn tiếp tục về việc liệu một nhiệm kỳ tổng thống khác của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể chấm dứt chiến tranh nhanh chóng như lời hứa của tổng thống đắc cử hay không, Zelenskiy đã nói về việc bảo đảm an ninh để chấm dứt chiến tranh sẽ chỉ có hiệu quả nếu được Hoa Kỳ cung cấp.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã phản ứng tích cực trước khả năng do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra về việc điều động lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây tới Ukraine để giám sát một thỏa thuận chấm dứt giao tranh.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Fridman, Zelenskiy cho biết để chấm dứt giao tranh, “Ukraine cần có sự bảo đảm về an ninh”.

Zelenskiy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của Hoa Kỳ, nếu không, Putin “sẽ quay lại và chỉ chiến đấu chống lại Ukraine”.

“Ông ấy sẽ phá hủy mọi thứ xung quanh. Và nếu bạn nói rằng có nguy cơ Tổng thống Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ rút khỏi NATO, ví dụ, thì đây là quyết định của Hoa Kỳ. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu điều đó xảy ra, Putin sẽ phá hủy Âu Châu”, Zelenskiy nói thêm.

Ông cũng ca ngợi khả năng hoàn thành mọi việc của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nói rằng: “Tôi thực sự tin tưởng vào ông ấy và tôi nghĩ rằng người dân của chúng ta thực sự tin tưởng vào ông ấy. Ông ấy có đủ sức mạnh để gây áp lực buộc Putin không muốn dừng lại” và rằng nhà lãnh đạo Nga “sợ Tổng thống đắc cử Donald Trump”.

Leavitt cho biết: “Tổng thống Tổng thống đắc cử Donald Trump tin rằng các quốc gia Âu Châu nên đáp ứng nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng theo thỏa thuận NATO và tăng thêm gánh nặng cho cuộc xung đột này vì Hoa Kỳ đã chi trả nhiều hơn đáng kể, điều này không công bằng với người nộp thuế của chúng ta”.

“Ông ấy sẽ làm những gì cần thiết để khôi phục hòa bình và xây dựng lại sức mạnh cũng như khả năng răn đe của Mỹ trên trường thế giới.”

Zelenskiy nói với người dẫn chương trình podcast Lex Fridman rằng nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi NATO, “Putin sẽ phá hủy Âu Châu”.

Ông Donald Trump trả lời NBC vào tháng 12: “Nếu họ trả các hóa đơn của mình và nếu tôi nghĩ họ đối xử công bằng với chúng ta, tôi chắc chắn sẽ ở lại NATO”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump nói với NBC vào tháng 12 rằng NATO “lợi dụng Hoa Kỳ” và khoe khoang về việc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông đã thúc đẩy nhiều thành viên đạt được chi tiêu quân sự ở mức 2% GDP, một con số mà ông muốn tăng cao hơn.

Mặc dù khó có khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy Hoa Kỳ rời khỏi liên minh, nhưng ông vẫn chưa công khai tiết lộ chính sách của mình đối với Ukraine và những bình luận trước đây của ông đã làm dấy lên câu hỏi liệu Hoa Kỳ có tiếp tục là nước hậu thuẫn quân sự lớn nhất cho Kyiv hay không.

Trước khi trở lại Phòng Bầu dục vào ngày 20 tháng Giêng, người ta sẽ tiếp tục suy đoán về cách Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ giải quyết những lời chỉ trích của ông đối với NATO nếu tổ chức này phải đóng vai trò bảo đảm an ninh và chấm dứt chiến tranh, điều mà ông đã hứa sẽ thực hiện nhanh chóng.

[Kyiv Independent: Putin Will 'Destroy' Europe Without US Help: Zelensky]

7. Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Nga không có nhiều lợi thế như người ta tưởng

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Lloyd Austin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News vào ngày 8 Tháng Giêng rằng Nga không nắm giữ mọi lợi thế trong cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine.

Bình luận của Austin được đưa ra vào đêm trước cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, gọi tắt là UDCG tại Căn cứ không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức. Cuộc họp ngày 9 Tháng Giêng sẽ là hội nghị thượng đỉnh Ramstein cuối cùng trước khi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump nhậm chức.

Austin nói với Bloomberg News: “Người ta cho rằng Nga nắm quyền lực tối cao ở đây và có mọi lợi thế”.

“Nó có một số lợi thế, nhưng nó không hoàn toàn thống trị phương trình này ở đây. Và nếu nó đạt được điều mình muốn, nó sẽ khiến họ phải trả giá trong tương lai.”

Austin cho biết sức mạnh của Ukraine và những thách thức của Nga sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ khởi xướng sau khi nhậm chức. Việc thúc đẩy nhanh chóng kết thúc chiến tranh đã dẫn đến lo ngại rằng Kyiv sẽ bị ép phải nhượng bộ bất lợi, bao gồm cả mất đất.

Nga hiện chiếm khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thừa nhận rằng quân đội Ukraine hiện không thể chiếm lại toàn bộ bằng vũ lực và tuyên bố rằng một số khu vực, bao gồm cả Crimea, sẽ phải được giải phóng thông qua các biện pháp ngoại giao.

Austin cho biết, ngay cả khi Nga giành được lãnh thổ thông qua một thỏa thuận đàm phán, việc tiếp tục xâm lược các khu vực của Ukraine sẽ làm cạn kiệt nguồn lực của Mạc Tư Khoa.

“Nga sẽ phải đầu tư rất nhiều lực lượng trên bộ để giữ vững nó”, ông nói.

Austin cũng lưu ý đến sự phụ thuộc của Nga vào Iran và Bắc Hàn về hỗ trợ, bao gồm “vũ khí, đạn dược và bây giờ là cả con người”. Có tới 12.000 binh lính Bắc Hàn đã bị gọi nhập ngũ đến Tỉnh Kursk của Nga để chiến đấu cùng quân đội Nga chống lại lực lượng Ukraine.

Chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm đã tuyên bố rằng họ muốn củng cố vị thế của Ukraine trong các cuộc đàm phán sắp tới bằng cách cung cấp viện trợ quân sự và nỗ lực củng cố các liên minh quốc tế của nước này. Theo Ngũ Giác Đài, hội nghị thượng đỉnh UDCG vào ngày 9 Tháng Giêng sẽ tập trung vào việc hỗ trợ năng lực phòng thủ của Ukraine cho đến năm 2027.

UDCG bao gồm hơn 50 quốc gia, bao gồm tất cả 32 thành viên NATO, họp thường xuyên tại Căn cứ Không quân Ramstein để phối hợp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn chưa phác thảo kế hoạch của mình cho nhóm liên lạc, và một số người tin rằng cuộc họp tiếp theo có thể là cuộc họp cuối cùng.

Trước hội nghị thượng đỉnh Ramstein cuối cùng của mình, Austin đã bảo vệ chiến lược của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về Ukraine.

“Điều này đã giúp Ukraine tồn tại, giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”, Austin nói.

“Việc mất đi 700.000 quân lính tử trận và bị thương — điều đó đã nằm ngoài sức tưởng tượng của ba năm trước,” ông nói, ám chỉ đến những tổn thất nặng nề mà Nga phải gánh chịu trong suốt cuộc chiến tranh toàn diện

[Kyiv Independent: Russia doesn't have as many advantages as it seems, US defense secretary says]

8. Cựu nhân viên FBI bị buộc tội nói dối về mối quan hệ của gia đình Tổng thống Biden với doanh nghiệp Ukraine bị phạt tù 6 năm

Một tòa án California đã tuyên án cựu nhân viên FBI Alexander Smirnov, người đã vu cáo gia đình Tổng thống Biden nhận hối lộ từ một doanh nghiệp Ukraine, sáu năm tù, CNN đưa tin vào ngày 8 tháng Giêng.

Smirnov bị cáo buộc trốn thuế và khai man rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và con trai ông là Hunter mỗi người nhận 5 triệu đô la từ công ty năng lượng Burisma của Ukraine.

Theo CNN, Smirnov cũng phải trả khoảng 675.000 đô la tiền hoàn trả cho Sở Thuế vụ, gọi tắt là IRS để bù đắp cho hành vi trốn thuế.

Trong cuộc điều tra năm 2020, Smirnov cáo buộc rằng các thành viên trong nhóm quản lý của Burisma đã nói với ông vào năm 2015 và 2016 rằng họ đã thuê con trai của Tổng thống Biden để bảo vệ công ty trước các vấn đề pháp lý tại Hoa Kỳ và đưa cho họ khoản hối lộ 10 triệu đô la.

Tổng thống Biden khi đó là phó tổng thống Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Hunter Tổng thống Biden phục vụ trong ban giám đốc của Burisma từ năm 2014-2019. FBI đã xem xét vụ án và sau vài tháng, khuyến nghị đóng lại, nhưng đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã khởi xướng một cuộc điều tra của quốc hội vào năm 2023 với hy vọng luận tội Tổng thống Biden.

Công tố viên đặc biệt David Weiss, người chỉ đạo cuộc điều tra, cho biết Smirnov đã vu khống Tổng thống Biden, với lý do thù hằn cá nhân.

Sinh ra tại Liên Xô, Smirnov di cư sang Israel cùng gia đình khi còn nhỏ và sau đó chuyển đến Hoa Kỳ. Ông đã nhập tịch và trở thành người cung cấp thông tin cho FBI.

Theo các công tố viên, sau đó ông bắt đầu bày tỏ sự thiên vị chống lại Tổng thống Biden và bịa ra câu chuyện về hối lộ ở Ukraine để gây tổn hại đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden chống lại Ông Donald Trump vào năm 2020.

Theo tòa án, Smirnov cũng có quan hệ với các cơ quan tình báo Nga. Ông bị bắt tại Nevada vào tháng 2 năm 2024 khi trở về Hoa Kỳ từ nước ngoài.

Smirnov phải đối mặt với mức án tối đa là 35 năm tù, nhưng theo các điều khoản của thỏa thuận, anh ta phải chịu mức án từ bốn đến sáu năm tù và một khoản tiền phạt. Bên bào chữa của Smirnov nhấn mạnh mức án bốn năm, lưu ý rằng người đàn ông này “bị các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến mắt” và một bản án dài sẽ “kéo dài sự đau khổ của anh ta một cách vô lý”.

Weiss đã truy tố Hunter Tổng thống Biden về các tội danh liên quan đến thuế và buôn bán vũ khí. Năm 2024, bồi thẩm đoàn đã tuyên anh ta phạm ba tội liên quan đến súng và sau đó anh ta đã nhận tội về chín tội danh liên bang về thuế. Tổng thống sắp mãn nhiệm Tổng thống Biden đã ân xá vô điều kiện cho con trai mình vào tháng 12 trước khi có phán quyết trong cả hai vụ án.

[Kyiv Independent: Ex-FBI informant accused of lying about Biden family's ties to Ukrainian business jailed for 6 years]

9. Hải quân cảnh báo dầu tràn từ tàu chở dầu của Nga có thể lan tới bờ biển Ukraine

Phát ngôn nhân của Hải quân Dmytro Pletenchuk cho biết trên sóng ngày 9 Tháng Giêng rằng nhiên liệu tràn ra Hắc Hải từ hai tàu chở dầu của Nga vào tháng trước có thể tràn đến bờ biển phía nam của Ukraine ở vùng Mykolaiv và Odesa.

Tàu Volgoneft 212 và Volgoneft 239 bị hư hại nghiêm trọng ở eo biển Kerch trong một cơn bão vào ngày 15 tháng 12 năm 2024. Mỗi tàu được cho là chở 4.000 tấn nhiên liệu, bắt đầu rò rỉ vào Hắc Hải.

“ Hướng đi hiện tại cho thấy rất có thể nhiên liệu dầu có thể đến được bờ biển Odessa và Mykolaiv của chúng ta”, Pletenchuk phát biểu trên truyền hình quốc gia.

Greenpeace Ukraine cảnh báo vụ tràn dầu có thể gây ra thiệt hại “đáng kể” cho môi trường và làm ô nhiễm bờ biển nếu nhiên liệu tràn vào bờ.

Phát ngôn nhân lưu ý rằng các tàu dân sự của Nga vẫn tiếp tục đi qua Eo biển Kerch vì “nếu không có xuất khẩu dầu và lợi nhuận sau đó, họ sẽ càng khó khăn hơn để tiến hành cuộc chiến này”.

Vài ngày sau vụ tràn dầu, dầu nhiên liệu đã trôi dạt vào bờ biển Krasnodar Krai của Nga và Crimea bị Nga tạm chiếm. Người dân Krasnodar Krai đã chia sẻ cảnh quay về những chú chim bị thương do vụ tràn dầu và không thể bay.

Cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine đã gây ra thiệt hại to lớn về môi trường, bao gồm việc phá hủy đập Nova Kakhovka và lũ lụt sau đó, cháy rừng trên quy mô lớn và tàn phá nhiều vùng đất nông nghiệp rộng lớn.

Vào tháng 10 năm 2024, Viện Kinh tế Kyiv đã cảnh báo rằng “đội tàu ngầm” của Nga gồm các tàu chở dầu cũ và được bảo hiểm kém gây ra những rủi ro đáng kể cho môi trường, vì những tàu này thường không được bảo hiểm và cũ kỹ làm tăng nguy cơ tràn dầu.

[Kyiv Independent: Russian tanker fuel spill could reach Ukraine's coast, Navy warns]

10. Người Nga thương tiếc hai đại tá tinh nhuệ thiệt mạng trong cuộc tấn công Storm Shadow vào trụ sở quân đội

Theo báo cáo, hai sĩ quan Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Storm Shadow của Ukraine vào một trụ sở quân đội ở khu vực Kursk.

Các kênh Telegram của Nga cho biết hai Đại Tá đã thiệt mạng vào ngày 30 tháng 12 sau cuộc tấn công của Ukraine vào một hầm trú ẩn kiên cố ở Lgov.

Ngoài việc giáng một đòn mạnh vào quân đội Nga bằng cách giết chết các sĩ quan, việc sử dụng Storm Shadow được cho là cho thấy quyết tâm giành chiến thắng của Kyiv tại khu vực Kursk của Nga, nơi họ đã phát động một cuộc tấn công khác sau nhiều tuần mất đi lãnh thổ.

Vào tháng 11, Hoa Kỳ đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa hơn như ATACMS bên trong lãnh thổ Nga. Cùng tháng đó, Kyiv được cho là đã phóng một hỏa tiễn Storm Shadow của Anh-Pháp có thể xuyên thủng các hầm trú ẩn kiên cố kiên cố.

Theo báo cáo, các viên Đại Tá này thuộc Sư đoàn Pskov số 76 của Lực lượng Nhảy dù Nga, Valery Tereshchenko và Pavel Maletsky đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine vào trụ sở quân đội Nga vào ngày 30 tháng 12.

Video trên kênh Telegram Russia No Context được cho là cho thấy hậu quả của vụ va chạm, nơi ngọn lửa bùng cháy dữ dội và có giọng nói vang lên, “mọi người đều ở trong hầm trú ẩn kiên cố, có rất nhiều người”.

Cái chết của Tereshchenko, trưởng phòng truyền thông của Sư đoàn Không vận 76, đã được kênh Telegram của Liên đoàn Khúc côn cầu Sĩ quan xác nhận.

Một cáo phó trên kênh này cho biết Tereshchenko, người đã chiến đấu trong cuộc chiến từ tháng 10 năm 2022, đã tử nạn trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn khiến tổng cộng 8 sĩ quan thiệt mạng và 22 nhân viên khác bị thương.

Bài báo thông báo rằng tang lễ được tổ chức vào ngày 5 tháng Giêng, đồng thời nói thêm rằng “con đường đầy lòng dũng cảm, không sợ hãi và anh hùng của ông đã bị cắt ngắn” và “lời nói không còn sức mạnh nữa”.

Cái chết của Maletsky được xác nhận trên mạng xã hội VKontakte, nơi một trong những lời tri ân mô tả ông là “người bạn thân thiết và đồng chí của tôi”.

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, các cuộc tấn công khác của Ukraine vào Kursk bằng hỏa tiễn do phương Tây cung cấp bao gồm một cuộc tấn công vào sở chỉ huy của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 810 của Nga tại Belaya vào hôm Thứ Ba, 07 Tháng Giêng, nhưng không tiết lộ thương vong.

Lực lượng Ukraine cũng được cho là đã sử dụng HIMARS để tấn công một sở chỉ huy khác của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 810 gần Lgov, Tỉnh Kursk, vào ngày 25 tháng 12, giết chết phó chỉ huy của lữ đoàn và các sĩ quan tham mưu khác.

Kênh Telegram của Liên đoàn khúc côn cầu trên băng Nga: “Với nỗi buồn sâu sắc, chúng tôi xin thông báo rằng Trung tá Lực lượng Nhảy dù, Trưởng phòng Truyền thông của Sư đoàn Nhảy dù Pskov số 76, cầu thủ của câu lạc bộ khúc côn cầu OKO Valery Borisovich Tereshchenko đã hy sinh khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự”.

Lời tri ân trên VKontakte dành cho Pavel Maletsky như sau: “Có một tin buồn… người bạn thân thiết và đồng chí của tôi, hãy là một chiến binh – sống mãi mãi.”

Ukraine đã đạt được một số thành quả ở Kursk kể từ khi phát động cuộc tấn công mới vào Chúa Nhật sau nhiều tuần mất đi lãnh thổ đã chiếm được trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 6 tháng 8, và có thể sẽ có thêm các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí do phương Tây cung cấp trong những tuần tới.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW cho biết hôm thứ Ba rằng lực lượng Nga cũng đã giành lại vị trí trong khu vực. Kursk sẽ tiếp tục là trọng tâm chính của lực lượng Ukraine như đòn bẩy có thể có trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Mạc Tư Khoa.

[Newsweek: Russians Mourn Two Elite Colonels Killed in Storm Shadow strike on army HQ]