Ngày 10-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 11/01: Đừng Sợ – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:10 10/01/2023

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Khi năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”. Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.

Đó là lời Chúa
 
Chiên xóa tội trần gian
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:23 10/01/2023
CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN

Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34

CHIÊN XÓA TỘI TRẦN GIAN

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên, chúng ta nghe thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu khi nói rằng:

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Khi nghe những lời giới thiệu này, những người Do Thái nghĩ gì? Và cả chúng ta nữa, những lời này có nghĩa là gì?

1. Chiên đối với người Do Thái

Chúng ta biết chiên là một loài động vật, tự bản chất, rất hiền lành, hơi nhút nhát nhưng lại dễ gần. Nó khác với con hổ và con chó vì con hổ thường dữ tợn, hay gây hấn, làm người ta sợ; còn con chó thường hay sủa, hay cắn. Con chiên thì hiền lành và yên tĩnh. Chiên chính là con cừu con. Ở Úc Châu, người ta nuôi cừu rất nhiều để lấy lông và làm thịt. Lông cừu được dùng để sản xuất nhiều sản phẩm quý như áo quần. Còn thịt cừu là một món thịt rất béo và ngon. Chăn nuôi chiên và cừu mang lại những lợi nhuận kinh tế đáng kể.

Theo Kinh Thánh, con chiên là biểu tượng của sự vô tội, hay nói cách khác, con chiên tượng trưng cho của lễ và sự hy sinh. Vì thế, người Do Thái dùng chiên làm lễ tế để cử hành lễ Vượt Qua của họ. Trước khi lên đường, trong bữa ăn tối lễ Vượt Qua, Môsê đã truyền cho người Do Thái phải giết chiên để ăn lễ Vượt Qua. Chiên phải là chiên đực, dưới một tuổi, không tì vết, thịt thì ăn, còn máu thì bôi trên cửa nhà mình. Chiên là của lễ dâng lên Chúa. Hằng năm, người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua để nhớ lại biến cố Thiên Chúa giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập trở về đất hứa (x. Xh 12,3-14).

2. Chiên xóa tội trần gian

Tân Ước áp dụng hình ảnh con chiên cho Chúa Kitô. Nên khi Đức Giêsu đi qua, thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu với dân chúng rằng:

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Khi thánh Gioan Tẩy Giả dùng hình ảnh con chiên để giới thiệu về Chúa Giêsu, người Do Thái hiểu ngay ý nghĩa của nó vì họ rất quen thuộc với hình ảnh và ý nghĩa của con chiên. Họ hiểu rằng: Chiên là hình ảnh ám chỉ Đấng Mêsia mà các tiên tri trong Cựu Ước đã dùng, đặc biệt tiên tri Isaia. Trong bài ca về người Tôi Tớ đau khổ, tiên tri đã ví người tôi tớ đó như “con chiên hiền lành bị đem đi giết” (x. Is 53,7). Chiên được dùng để làm của lễ dâng lên Thiên Chúa và gánh lấy những lỗi lầm của con người. Bởi thế, khi nghe nói về chiên, các Tông Đồ và các Giáo Phụ của Giáo Hội giải thích: Con chiên là biểu tượng của sự trong sạch, đơn sơ, hiền lành, ôn hòa, vô tội v.v…

Những đặc tính này được áp dụng cho Chúa Giêsu, Người là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai xuống trần gian, như Con Chiên trong sạch, hiền lành và vô tội. Người chính là Chiên Thiên Chúa đến để xóa bỏ tội trần gian và mang lại ơn cứu độ cho chúng ta nhờ cái chết và phục sinh của Người. Bởi thế, thánh Phêrô quả quyết rằng:

“Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1,18-19).

Và thánh Gioan trong sách Khải Huyền ba lần dùng từ “con chiên” để nói về Chúa Kitô và mô tả bữa tiệc cánh chung của Thiên Chúa với loài người như là tiệc cưới Con Chiên. Đó là ngày vui vì ơn cứu độ của toàn thể nhân loại được thành toàn (x. Kh 19,8-9).

3. Chúa Giêsu xóa tội qua các bí tích

Qua các bí tích, Chúa Giêsu tiếp tục tha thứ và xóa bỏ tội lỗi của chúng ta khi chúng ta đón nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Rửa Tội và bí tích Hòa Giải. Bí tích Rửa Tội xóa bỏ tội nguyên tổ và các tội riêng chúng ta phạm. Phép Rửa là “cửa dẫn vào các bí tích.” Chúa Giêsu xóa bỏ tội lỗi của chúng ta trong bí tích Hòa Giải khi chúng ta đến xưng thú tội lỗi với các linh mục.

Đó là lý do tại sao Giáo Hội lấy lại những lời tuyên xưng của Gioan làm lời cầu nguyện trong thánh lễ. Trong Kinh Vinh Danh, khi thưa với Chúa Con, chúng ta cầu xin rằng:

“Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Ðức Chúa Cha, Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con, Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.”

Đặc biệt, trước khi rước lễ, linh mục công bố:

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”

Như thế, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng tội lỗi là một thế lực thống trị chúng ta. Tự sức mình, chúng ta không thể tự giải thoát khỏi tội lỗi. Chỉ nhờ Chúa Kitô, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, mới có thể giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi, trở thành con cái của Nước Trời, và sống sự công chính của Người trên trần gian.

Bởi vậy, chúng ta hãy siêng năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải, tham dự thánh lễ và năng rước Chúa Giêsu Thánh Thể, để nhờ Người, chúng ta có sức mạnh chống trả các chước cám dỗ và sống thánh thiện trước nhan Thiên Chúa. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Động lực bên trong
Lm. Minh Anh
14:15 10/01/2023
ĐỘNG LỰC BÊN TRONG

Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận!”.

Năm 1961, John Kennedy quyết tâm đưa con người lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn trước năm 70. Hàng triệu người nghĩ điều này thật viển vông; thế nhưng, với NASA, cơ quan không gian Hoa Kỳ, thì không! Năm 1969, cả thế giới vui mừng khi xem những thước phim chiếu cảnh Neil Amstrong đi bộ trên mặt trăng và trở về trái đất an toàn; nhưng mấy ai biết, những thước phim này đã từng được ‘xem trước’ cả ngàn lần trong trí tưởng tượng của các chuyên viên NASA.

Kính thưa Anh Chị em,

So với Kennedy, quyết tâm của Chúa Giêsu mạnh hơn bội phần! Ngài không chỉ muốn đưa con người lên mặt trăng và trở về, nhưng đưa cả nhân loại định cư trên trời, tận cung lòng Cha, định cư đời đời. Các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay nói, “Mọi người đi tìm Thầy”; Ngài bảo, “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận!”. Vậy đâu là ‘động lực bên trong’ của Ngài?

Trước hết, ‘động lực bên trong’ của Chúa Giêsu là tình yêu đối với Chúa Cha, Ngài khao khát Chúa Cha; và cùng Chúa Cha, Ngài khao khát con người. Vì thế càng kết hiệp với Chúa Cha, Chúa Giêsu càng khao khát con người như Chúa Cha hằng khao khát. Tin Mừng hôm nay cho biết, “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”. Với Ngài, cầu nguyện không chỉ là một hoạt động, nhưng là một phần trong thói quen hàng ngày. Tắt một lời, Cha và những khao khát của Cha chính là ‘động lực bên trong’ trước tiên của Ngài.

Thứ đến, ‘động lực bên trong’ của Chúa Giêsu còn là tình yêu và lòng thương xót đối với con người, động lực này buộc Ngài cống hiến hết mình mà không dè giữ. Marcô viết, “Cả thành tụ họp trước cửa nhà”, và Ngài dạy dỗ, chữa lành bệnh và trừ quỷ. Thư Do Thái hôm nay nói về Ngài thế này, “Ngài nên giống anh em mình mọi đàng”. Và như thế, thật thú vị, một ‘động lực bên trong’ khác của Chúa Giêsu là muốn ‘anh em Ngài nên giống Ngài mọi đàng!’. Ngài muốn họ nhận biết Cha của Ngài cũng là Cha của họ; muốn họ cũng nóng lòng cho công cuộc mở rộng Vương Quốc của Cha, hầu mọi người được ơn cứu độ. Vì thế, Ngài không mệt mỏi làm việc từ sáng đến tối; có mặt nhiều nơi, vì mọi người; và Ngài không ngừng thúc đẩy bản thân phải làm nhiều hơn.

Vậy, đâu là ‘động lực bên trong’ của bạn? Như Chúa Giêsu, Chúa Cha phải là ‘động lực bên trong’ của chúng ta. Chúng ta chỉ gặp được Chúa Cha nếu biết khao khát Ngài. Chúng ta khao khát Ngài khi chúng ta khát khao cầu nguyện vốn là lúc Chúa đổ đầy, khoả lấp mỗi người. Những cuộc gặp gỡ quan trọng này sẽ mang lại ánh sáng và sức mạnh cho mọi cuộc gặp gỡ khác. Qua cầu nguyện, tình yêu chúng ta dành cho người khác được nhen nhóm hầu có thể cống hiến mà không dè giữ như Chúa Giêsu; qua cầu nguyện, chúng ta trở nên những con người sống cho người khác; và cũng qua cầu nguyện, chúng ta khao khát các linh hồn như Chúa Giêsu khát khao.

Anh Chị em,

“Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận!”. Ước gì lòng nhiệt thành cho việc xây dựng Vương Quốc Nước Cha nơi chúng ta cũng cháy bỏng như lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu! Ước gì ‘động lực bên trong’ của Chúa Giêsu cũng là ‘động lực bên trong’ của bạn và tôi! Muốn được như thế, chúng ta hãy bắt chước Ngài! Trước hết, biết tìm kiếm Chúa Cha, ao ước gặp gỡ Chúa Cha giữa bao bận rộn của ngày sống; nói cách khác, yêu mến và nuôi dưỡng mỗi ngày việc cầu nguyện. Bởi lẽ, trái tim của chúng ta chỉ yêu mến Chúa Cha và các linh hồn, không bằng cách nào khác, ngoài việc nên giống Chúa Giêsu trong mến yêu và cầu nguyện. “Khao khát Chúa” phải là những thước phim “được coi trước” hàng ngàn lần.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, “Khao khát Chúa” phải là những thước phim “được coi trước” hàng ngàn lần; nhờ đó, con mới có thể làm mọi sự với những ‘động lực bên trong’ như Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mầu Nhiệm Rao Giảng Nước Trời
Nguyễn Trung Tây
14:26 10/01/2023
Nguyễn Trung Tây
Mầu Nhiệm Rao Giảng Nước Trời


"Và Ngài bắt đầu đi khắp vùng Galilee rao giảng trong các hội đường và xua đuổi ma quỷ" (Mark 1:39).

Suy Niệm: Sau khi nhận phép thanh tẩy bên bờ sông Giôđan và ăn chay trong sa mạc trong vòng bốn mươi đêm ngày, Đức Giêsu quay về phương Bắc Galilê. Rảo bước trên những nẻo đường của xứ Galilê, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng về Tin Mừng của Nước Trời và ngày giờ của ơn cứu chuộc. Ngài phán, “Nước Trời đã gần kề. Hãy thay đổi và tin tưởng vào Tin Mừng của ơn cứu độ”. Bởi sự xuất hiện của Đức Giêsu, từ khắp các thôn làng, người người tấp nập lên đường trẩy hội mùa xuân về phương Bắc của xứ Galilê để được lắng nghe Lời Chúa và được Đức Giêsu chữa lành. Người què cụt cũng như người phong hủi, người câm điếc cũng như người mù lòa, sau khi diện kiến Đức Giêsu, tất cả đều được chữa lành.

Thực Hành: Noi theo gương của Đức Giêsu, gia đình chúng ta tiếp tục sống đời sống chứng nhân Tin Mừng ngay trong gia đình và trong xứ đạo nơi chúng ta đang cư ngụ.

Ý Cầu Nguyện: Xin cho cánh đồng truyền giáo của thế giới ngày càng thêm đông những thợ gặt chuyên nghề và nhiệt thành với Tin Mừng Nước Trời.
(Trích "Mầu Nhiệm Năm Sự Sáng," Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Mới nhất: Đức Hồng Y George Pell qua đời ở tuổi 81
Vu Van An
19:28 10/01/2023

Trên trang mạng National Catholic Register, Edward Pentin cho hay theo thư ký của ngài, vị Hồng Y người Úc đã qua đời vì nghi ngờ bị đau tim sau ca phẫu thuật thay khớp xương háng ở Rome.



Thực vậy, vị Hồng Y người Úc đã được đưa vào một bệnh viện ở Rome để phẫu thuật thay khớp xương háng thông thường vào chiều thứ Ba.

Ca phẫu thuật thành công và tinh thần ngài rất tốt, nhưng sau đó ngài bị nghi ngờ ngừng tim, theo thư ký riêng của ngài, Cha Joseph Hamilton, người nói thêm rằng họ đang chờ khám nghiệm tử thi.

Cha cũng xác nhận rằng Thánh lễ an táng sẽ được cử hành tại Rôma, và ngài sẽ được an táng tại Nhà thờ Chính tòa St Mary ở Sydney.

Tổng giáo phận Sydney dự kiến sẽ sớm đưa ra một tuyên bố.

Trên trang Facebook của mình, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney cho biết: “Với nỗi buồn sâu xa, tôi có thể xác nhận rằng Đức Hồng Y George Pell đã qua đời tại Rome.”

Ngài nói thêm: “Tin tức này đến như một cú sốc lớn đối với tất cả chúng tôi. Xin cầu nguyện cho linh hồn của Đức Hồng Y Pell được yên nghỉ, xin sự an ủi và ủi an cho gia đình của ngài cũng như cho tất cả những người yêu mến ngài và đang đau buồn với ngài vào lúc này.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Pell làm bộ trưởng đầu tiên của Văn Phòng Thư ký Kinh tế của Vatican vào năm 2014 trong một động thái giúp làm sáng tỏ tài chính của Vatican sau một loạt vụ tai tiếng được công bố rộng rãi.

Nhưng sau khi đạt được tiến bộ đáng kể, công việc của ngài đã bị cắt ngắn vào năm 2017 khi ngài bị buộc tội với nhiều tội danh lịch sử về lạm dụng tình dục trẻ em được cho là đã xảy ra khi ngài còn là tổng giám mục Melbourne.

Kiên quyết phủ nhận các cáo buộc, ngài trở lại Úc để thanh minh nhưng sau đó bị kết án 6 năm tù. Sau đó, ngài được trả tự do vào tháng 4 năm 2020 bởi tòa án cao nhất của Úc trong một quyết định nhất trí.

Ngài trở lại sống ở Rome vào ngày 30 tháng 9 năm 2020, lần đầu tiên ngài trở lại thành phố kể từ khi bị xét xử và bỏ tù.

Nhật ký trong tù của Đức Hồng Y Pell, được viết khi ngài bị biệt giam, đang được xuất bản thành ba tập. Ngài nói rằng ngài không được cử hành Thánh lễ trong tù vì ngài không được phép có rượu để sử dụng trong việc truyền phép.

Đức Hồng Y George Pell sinh ngày 8 tháng 6 năm 1941 tại Ballarat, một thị trấn ở Victoria, có cha là người Anh giáo gốc Anh và mẹ là người Công Giáo sùng đạo gốc Ái Nhĩ Lan.

Đức Hồng Y Pell được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Melbourne vào năm 1987 và tổng giám mục của tổng giáo phận này vào năm 1996. Năm 2001, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục thứ tám của Sydney. Năm 2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nâng ngài lên hàng Hồng Y. Mười năm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm thành viên “hội đồng Hồng Y” của ngài. Ngài đã tham gia cả mật nghị năm 2005 bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và mật nghị năm 2013 bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Năm 2021, Đức Hồng Y Pell tròn 80 tuổi, mất tư cách bỏ phiếu trong mật nghị giáo hoàng trong tương lai.

Đức Hồng Y đã bị bệnh tim một thời gian và đã được lắp máy tạo nhịp tim vào năm 2010.

Câu chuyện vẫn đang phát triển và sẽ được cập nhật khi có thông tin.
 
Tin rất buồn: Đức Hồng Y George Pell bất ngờ qua đời ở tuổi 81
Đặng Tự Do
20:22 10/01/2023
Đức Hồng Y George Pell, một thời là tổng trưởng Bộ Kinh Tế Tòa Thánh, người đã bị biệt giam 404 ngày tại quê hương Úc Châu vì những lời cáo gian trước khi bản án của ngài được đồng thanh hủy bỏ, đã qua đời hôm Thứ Ba tại Rôma, thọ 81 tuổi.

Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli, người kế nhiệm Đức Hồng Y Pell làm tổng giám mục Melbourne, cho biết ngài bị biến chứng tim nghiêm trọng sau ca phẫu thuật hông. Đức Hồng Y Pell đã đến Rôma để tham dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào tuần trước.

“Tin tức này đến như một cú sốc lớn đối với tất cả chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Sydney Anthony Fisher cho biết trong một tuyên bố trên Facebook. “Xin hãy cầu nguyện cho linh hồn của Đức Hồng Y Pell được yên nghỉ, xin sự an ủi cho gia đình của ngài cũng như cho tất cả những người yêu mến ngài và đang đau buồn trước sự qua đi của ngài vào lúc này.”

Đức Hồng Y Pell, nguyên tổng giám mục của Melbourne và Sydney, đã trở thành nhân vật cấp cao thứ ba tại Vatican sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài vào năm 2014 để cải tổ nền tài chính của Vatican với tư cách là tổng trưởng Kinh Tế đầu tiên của Tòa thánh.

Ngài đã trải qua ba năm với tư cách là người đứng đầu Bộ Kinh tế mới được thành lập, nơi ngài cố gắng áp đặt các tiêu chuẩn ngân sách, kế toán và minh bạch quốc tế.

Nhưng Đức Hồng Y Pell đã trở lại Úc vào năm 2017 trong một nỗ lực để thanh minh những lời cáo gian liên quan đến thời gian khi ngài là tổng giám mục Melbourne.

Ban đầu, bồi thẩm đoàn của Tòa án Quận của tiểu bang Victoria đã kết tội ngài quấy rối tình dục hai cậu bé hợp xướng 13 tuổi tại Nhà thờ St. Patrick vào cuối những năm 1990 ngay sau khi ngài trở thành tổng giám mục của Melbourne. Đức Hồng Y Pell đã bị biệt giam 404 ngày trước khi toàn thể tòa án cấp cao nhất nước Úc đồng thanh hủy bỏ bản án của ngài vào năm 2020.

Trong thời gian trong tù, Đức Hồng Y Pell đã giữ một cuốn nhật ký ghi lại mọi thứ từ những lời cầu nguyện và các bài đọc Kinh thánh cho đến những cuộc trò chuyện của ngài với các giáo sĩ đến thăm và cai ngục. Cuốn nhật ký đã trở thành một bộ ba, “Nhật ký trong tù”

Trong cuốn nhật ký, Đức Hồng Y Pell đã suy tư về bản chất của đau khổ, triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô và những tủi nhục khi bị biệt giam khi ngài chiến đấu để minh oan cho một tội ác mà ngài khẳng định mình không bao giờ phạm phải.

Sau khi Đức Hồng Y Pell trở lại Rôma sau khi ra tù, ngài đã có một cuộc tiếp kiến riêng được công bố rộng rãi với Đức Phanxicô.

“Chính Đức Hồng Y Pell là người vạch ra cách chúng ta có thể tiến lên. Ngài là một người đàn ông tuyệt vời và chúng ta nợ ngài rất nhiều,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói vào tháng trước.

Đức Hồng Y Pell sinh ngày 8 tháng 6 năm 1941, là con cả trong một gia đình có ba người con của một nhà vô địch quyền anh hạng nặng và cũng là một quan chức tên là George Pell, một người Anh giáo. Mẹ anh, Margaret Lillian (nhủ danh Burke) xuất thân từ một gia đình Công Giáo Ái Nhĩ Lan.

Ngài lớn lên ở thị trấn Ballarat thuộc vùng Victoria. Cao 193 cm (6 foot, 4 inch), ngài là một Cầu thủ bóng đá theo luật Úc tài năng. Ngài đã được đề nghị một hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp để chơi cho đội Richmond nhưng thay vào đó ngài đã chọn vào một trường dòng.

Khi ở Melbourne, ngài đã thành lập Melbourne Response, một giao thức đầu tiên trên thế giới để điều tra các khiếu nại về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và bồi thường cho các nạn nhân.

Sau khi được minh oan, Pell phân chia thời gian của mình giữa Sydney và Rôma, nơi ngài tham gia vào cuộc sống điển hình của một Hồng Y đã nghỉ hưu, tham dự các sự kiện và lễ phụng vụ của Vatican.

“Tôi đã trở nên rất Ý,” Đức Hồng Y Pell nói với một du khách trong thời gian tạm lắng của đại dịch coronavirus, mà ngài đã trải qua ở Rôma.

Một Thánh lễ cầu nguyện cho ngài sẽ được cử hành ở Rôma, nhưng có lẽ Đức Hồng Y sẽ được chôn cất ở Sydney.


Source:AP
 
Giáo hội Úc cảm thấy ‘sốc’, đau buồn trước tin Đức Hồng Y Pell qua đời
Vu Van An
22:22 10/01/2023

Bản tin CNA, ngày 10 tháng 1 năm 2023 / 18:17 chiều, cho hay: Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã phản ứng một cách ngạc nhiên và đau buồn trước tin cái chết của Đức Hồng Y George Pell, với một cựu thủ tướng nói rằng đất nước đã “mất đi một người con tuyệt vời và Giáo hội đã mất đi một nhà lãnh đạo vĩ đại.”



Đức Hồng Y Pell, nguyên bộ trưởng Văn phòng Kinh tế của Vatican, đã qua đời hôm thứ Ba tại Rôma ở tuổi 81 do ngừng tim.

“Tin tức này đến như một cú sốc lớn đối với tất cả chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney cho biết trong một phản ứng đầu tiên trên Facebook.

“Xin hãy cầu nguyện cho linh hồn của Đức Hồng Y Pell được yên nghỉ, xin sự an ủi và ủi an cho gia đình của ngài cũng như cho tất cả những người yêu mến ngài và đang thương tiếc ngài vào lúc này.”

Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli của Melbourne đã phản ứng “rất buồn” trước tin này; ngài viết trên Twitter: “Xin ánh sáng vĩnh cửu giờ đây là của ngài, người đã kiên định tin vào Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô.”

Đức Giám Mục Richard Umbers, Giám Mục Phụ Tá ở Sydney, viết trên Twitter: “Hơn hẳn nhiều người, Đức Hồng Y Pell là một người rất thông minh và quảng bác, người thực sự quan tâm đến mọi người xung quanh mình.

“Một người tiên phong trong nhiều điều tốt đẹp ở Sydney, Australia và toàn bộ Giáo Hội. Xin cùng tôi cầu nguyện cho linh hồn ngài được yên nghỉ. Mong ngài được nghỉ yên.”

Nhiều tín hữu đã thêm thông điệp cá nhân trên phương tiện truyền thông xã hội, với một người tiếc thương viết: “Hãy yên nghỉ, Đức Hồng Y thân mến, trong vòng tay của Chúa. Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn. Thánh vịnh 73:26.”

Một nhà bình luận khác nói: “Tôi tin chắc Đức Hồng Y George Pell sẽ chăm sóc giáo hội của chúng ta trong suốt những ngày sắp tới.”

Được bổ nhiệm vào năm 2014 làm bộ trưởng đầu tiên của Văn phòng Kinh tế của Vatican, Đức Hồng Y Pell từng là tổng giám mục của Sydney từ năm 2001 đến 2014. Trước đó, ngài là tổng giám mục của Melbourne từ năm 1996 đến 2001.

Cựu Thủ tướng Tony Abbott đã viết trong một tuyên bố đăng trên Twitter rằng Úc đã “mất đi một người con tuyệt vời và Giáo hội đã mất đi một nhà lãnh đạo vĩ đại.”

Abbott, người được đào tạo một thời gian ngắn như là một chủng sinh Công Giáo, đã ca ngợi Đức Hồng Y Pell là “người cam kết bảo vệ tính chính thống của Công Giáo và là người ủng hộ trung thành cho các đức tính của Nền văn minh phương Tây.”

Sinh năm 1941 tại thị trấn Ballarat, Đức Hồng Y Pell được thụ phong linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Rôma, năm 1966. Ngài học cả tại Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana và Đại Học Oxford.

Là vị giáo phẩm cao cấp nhất của Giáo hội Úc và là một nhân vật công ăn nói thẳng thắn, Đức Hồng Y Pell được mô tả là “cấp tiến trong nhiều vấn đề xã hội” nhưng thường gây chia rẽ dư luận khi nói đến đạo đức và đức tin.

Cựu thủ tướng Úc viết: “Là một người bảo thủ về văn hóa và giáo hội, ngài đã thu hút được cả lời khen và chê từ mọi phía”.

“Thật ra, ngài là một linh mục rất mục vụ, người hiểu rõ vết nhơ của con người và thừa khả năng đồng cảm với tội nhân trong khi vẫn tư vấn chống lại tội lỗi.”

Đề cập đến thời gian Đức Hồng Y Pell ở tù vì bị cáo buộc lạm dụng tình dục, Abbott nói thêm: “Việc giam giữ ngài với những tội danh mà Tòa án Tối cao cuối cùng đã bác bỏ một cách gay gắt là một hình thức đóng đinh hiện đại; ít nhất nổi tiếng là một kiểu chết sống.

“Theo cách riêng của mình, bằng cách giải quyết một cách điềm đạm một cáo buộc quái dị, đối với tôi ngài như một vị thánh của thời đại chúng ta.”
 
Đức Hồng Y George Pell, một người khổng lồ về nhiều mặt
Vu Van An
23:03 10/01/2023

Elise Ann Allen của CruxNow không ngần ngại gọi Đức Hồng Y Pell là một người “khổng lồ” về nhiều mặt.



Theo cô, ngài là một trong những nhân vật quan trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo, người đã được tha bổng trong lịch sử lạm dụng tình dục trẻ em và từng là phụ tá hàng đầu trong các nỗ lực cải cách tài chính của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Các nguồn tin thân cận với Hồng Y Pell nói với Crux rằng ngài bị biến chứng sau một thủ thuật nhỏ tại bệnh viện Salvator Mundi ở Rome, và qua đời ngay trước 9 giờ tối, giờ địa phương.

Theo nguồn tin này, Đức Hồng Y Pell sẽ được máy bay chở về Úc sau tang lễ ở Vatican, và ngài sẽ được chôn cất tại Nhà thờ Chính tòa St. Mary ở Sydney, nơi ngài từng phục vụ trong tư cách tổng giám mục trong 13 năm trước khi chuyển đến Vatican.

Ngoài việc là một trong những vị giáo phẩm cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo, Đức Hồng Y Pell còn là một trong những người có ảnh hưởng nhất.

Từ lâu được coi là lãnh đạo khối bảo thủ trong Công Giáo Úc, ngài đã đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều năm trong việc thiết lập quan điểm của Giáo Hội Công Giáo ở quốc gia đại dương này, Đức Hồng Y Pell cũng là một nhân vật nổi bật trong những nỗ lực cải cách ban đầu của Đức Phanxicô.

Ngay sau khi được bầu vào năm 2013, Đức Phanxicô đã thành lập một Hội đồng Hồng Y cố vấn cho ngài về các vấn đề quản trị và cải cách giáo hội, cử nhiệm Đức Hồng Y Pell là một trong những thành viên đầu tiên của hội đồng và bổ nhiệm ngài đứng đầu Văn phòng Kinh tế mới được thành lập lúc bấy giờ.

Vị giáo phẩm quyền lực thứ ba của Vatican vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Pell được giao nhiệm vụ cải cách tình hình tài chính mờ ám của Vatican, bao gồm việc tập hợp các bảng cân đối kế toán, tiến hành kiểm toán và cố gắng nới lỏng sự kiểm soát của Phủ Quốc Vụ Khanh đầy quyền lực đối với một phần đáng kể tài sản của Tòa thánh.

Do những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Đức Hồng Y Pell, một cuộc giằng co đã nổ ra giữa Đức Hồng Y Pell và Phủ Quốc Vụ Khanh, trong đó Đức Hồng Y Pell bị coi là người cuối cùng thua cuộc, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố luật củng cố quyền kiểm soát của Phủ Quốc Vụ Khanh đối với các túi tiền của Tòa Thánh.

Tuy nhiên, quyết định đó sau đó đã bị Đức Phanxicô đảo ngược; ngài đã hạn chế thẩm quyền giao dịch của Phủ Quốc Vụ Khanh sau một vụ tai tiếng liên quan đến một thương vụ bất động sản mờ ám ở London làm mất hàng triệu đôla Mỹ của Vatican.

Đức Hồng Y Pell đã từ bỏ vai trò của mình trong Văn phòng Kinh tế vào năm 2017 khi ngài bị chính quyền Úc buộc tội lạm dụng tình dục hai cậu bé vị thành niên khi còn là Tổng Giám mục Melbourne vào năm 1996.

Bất chấp những lời biện hộ vô tội lặp đi lặp lại của ngài, Đức Hồng Y Pell đã bị kết án một cách nhất trí trong phiên tòa thứ hai, sau khi phiên tòa đầu tiên kết thúc với bồi thẩm đoàn bị chia rẽ, và bị kết án sáu năm tù. Đức Hồng Y Pell đã trải qua hơn 400 ngày trong tù biệt giam trước khi cuối cùng được Tòa án Tối cao Úc tuyên bố trắng án vào tháng 4 năm 2020.

Đức Hồng Y Pell sau đó đã xuất bản một bộ nhật ký trong tù gồm 3 tập, mang đến cho độc giả cái nhìn thoáng qua về cuộc sống hàng ngày và những suy tư tâm linh của ngài trong thời gian ở trong tù.

Sau khi được tha bổng, ngài cáo buộc đối thủ chính của mình trong Phủ Quốc Vụ Khanh, Hồng Y người Ý Angelo Becciu dàn dựng các cáo buộc chống lại ngài vào năm 2017 nhằm lật đổ ngài vì nỗ lực cải cách của ngài. Becciu đã phủ nhận các cáo buộc.

Sinh ra ở Ballarat vào tháng 6 năm 1941, Đức Hồng Y Pell vào chủng viện ở Werribee năm 1960 và được thụ phong linh mục năm 1966.

Ngài nhanh chóng trở thành một ngôi sao đang lên trong Giáo Hội Úc và tiếp tục có một sự nghiệp nổi bật trong giáo hội, được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá cho Melbourne vào năm 1987 và là tổng giám mục vào năm 1996. Ngài cũng được bổ nhiệm làm thành viên của một số bộ phận của Vatican.

Đức Hồng Y Pell được bổ nhiệm làm tổng giám mục Sydney vào năm 2001 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y vào năm 2003 và tham gia mật nghị bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người đã qua đời vào ngày 31 tháng 12 ở tuổi 95. Đức Hồng Y Pell tham dự thánh lễ an táng Đức Bênêđictô ngày 5 tháng 1, 2023.

Với ảnh hưởng lâu dài của ngài đối với Công Giáo Úc, cuộc tranh cãi công khai gay gắt về việc ngài bị kết tội lạm dụng và được tha bổng, cũng như vai trò của ngài trong cải cách ở Vatican, cùng nhiều điều khác, Đức Hồng Y Pell dễ dàng là một trong những người khổng lồ hiện đại của Công Giáo, người đã để lại một di sản phức tạp không dễ gì bị lãng quên.
 
VietCatholic TV
Giao tranh ác liệt ở thành phố Soledar: Hoảng loạn quân Nga bắn hạ lẫn nhau. Nga bỏ chạy khỏi Lyman
VietCatholic Media
02:55 10/01/2023


1. Giao tranh tại thành phố Soledar. Quân Nga bắn hạ lẫn nhau.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 10 tháng Giêng, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt tại thành phố Soledar cách thành phố Bakhmut 18 km về phía Bắc.

Chuẩn tướng Oleksandr Syrskyi, một trong những vị tướng gan dạ nhất của quân Ukraine đang có mặt trong thành phố Soledar để chỉ huy các nỗ lực phòng thủ.

Hôm 4 tháng Giêng, lực lượng Wagner đã chiếm được nhà ga xe lửa Dekonskaya ở ngoại ô phía nam của Soledar. Tuy nhiên, tính đến cuối ngày Chúa Nhật 8 tháng Giêng, quân Ukraine đã tái chiếm được khu vực này. Quân Wagner trong nhà ga được tường trình không còn ai sống sót.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết bất chấp nỗ lực chiếm Soledar không thành công vào ngày Giáng Sinh Chính Thống Giáo 7 tháng Giêng, quân đội Nga đã tái tục một cuộc tấn công mạnh mẽ vào thành phố.

Cô Maliar nói: “Sau nỗ lực không thành công để chiếm Soledar và rút lui, kẻ thù đã tập hợp lại lực lượng, bổ sung tổn thất, triển khai lại các đơn vị tấn công bổ sung, thay đổi chiến thuật và tiến hành một cuộc tấn công mạnh mẽ.”

Hiện tại, quân Nga đã tập trung một số lượng lớn các nhóm tấn công được hình thành từ lực lượng dự bị tốt nhất của Nhóm Wagner.

Theo Maliar, người Nga thực sự giẫm lên xác chết của đồng đội, và sử dụng tất cả các khí tài chiến tranh sẵn có như pháo, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và súng cối.

Cô nhấn mạnh rằng “Trong một số trường hợp, tình hình hỗn loạn đến mức quân Nga nổ súng chống lại chính quân đội của họ.”

Giải thích hiện tượng này, David Axe của tờ Forbes, quân đội Nga đã dành nhiều thập kỷ và hàng tỷ đô la để xây dựng hệ thống kiểm soát hỏa lực pháo binh đáng sợ nhất thế giới. Kết hợp máy bay không người lái, radar và hàng nghìn khẩu pháo và bệ phóng hỏa tiễn hiện đại, về lý thuyết, hệ thống điều khiển hỏa lực có thể phát hiện mục tiêu, chuyển tiếp tọa độ và gửi đạn xuống tầm bắn chỉ trong 10 giây. Nhưng trên thực tế, trong sự hỗn loạn của cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, hệ thống này hầu như không hoạt động — và phần lớn là do lỗi của chính những người lính pháo binh, được đào tạo kém và sơ sài. Họ không biết cách chiến đấu trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Họ bắn đạn pháo mù quáng theo thứ tự những lệnh mà họ nhận được trong khi chiến tuyến thay đổi rất nhanh.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, 43 cuộc đụng độ đã xảy ra ở thành phố Soledar và thành phố Bakhmut trong ngày qua. Các vị trí của Ukraine đã bị 281 cuộc tấn công bằng pháo binh và bộ binh.

“Trong ngày qua, 281 cuộc tấn công vào các vị trí và cơ sở hạ tầng dọc theo toàn bộ chiều dài của mặt trận này, 43 cuộc giao tranh đã xảy ra trong khu vực. Quân Nga mất 107 binh sĩ thiệt mạng và 123 người bị thương. 11 xe tăng và 17 xe thiết giáp bị bắn cháy.”

Ông nhấn mạnh rằng Bakhmut hiện là khu vực “nóng nhất” của mặt trận chứng kiến những hành động hiếu chiến nhất của quân đội Nga. Hiện tại, quân Nga đã tập trung những đơn vị thiện chiến nhất tại đây, đặc biệt là các thành viên của Wagner.

Đối với tình hình ở khu vực Luhansk, cường độ chiến sự ở đó thấp hơn một chút so với gần Bakhmut, trong khi các hoạt động thù địch tích cực cũng đang diễn ra gần Kreminna.

Hôm 6 tháng Giêng, trong một nỗ lực giải tỏa xa lộ P66, được các bloggers quân sự Nga đánh giá cao và tràn trề hy vọng, dưới sự điều động trực tiếp của Thượng Tướng Aleksei Vyacheslavovich Avdeyev, không quân Nga đã phối hợp với Trung Đoàn 752 Súng Trường Cơ Giới tấn công quân Ukraine trên toàn tuyến Svatove - Kreminna. Trong ngày đầu của chiến dịch này 16 xe thiết giáp của Trung Đoàn 752 bị bắn cháy, cùng với hơn 30 xe chuyển quân và nhiên liệu trên xa lộ P66.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết “Đối phương đã rút lui về thành phố Svatove. Tuy nhiên, trong 24h qua, đối phương cố gắng phản công các vị trí của chúng ta gần Stelmakhivka và Chervonopopivka. Tuy nhiên, kẻ thù đã bị tổn thất và rút lui.”

Xa hơn về phía Nam, hai Tiểu Đoàn Dù của Lữ Đoàn Dù 108 Nga vừa được điều động đến Kreminna đã bị tổn thất nặng trong cuộc giao tranh với quân Ukraine tại Bilohorivka. Họ bỏ chạy về hướng Rubizhne bỏ lại hàng trăm xác đồng đội, 4 hệ thống pháo, và 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Lữ Đoàn Dù 108 Nga trước đây đóng ở Kherson, sau đó bỏ chạy về phía Đông sông Dnipro. Trung tuần tháng 11, họ đã được điều động đến Kreminna, đã bị tổn thất, rút về Kherson dưỡng quân, và vừa mới được điều động trở lại Kreminna.

Trong 24 giờ qua, quân Nga đã mất 590 binh sĩ, 11 xe tăng, 17 xe thiết giáp, 4 hệ thống pháo, và 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Tính chung, từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 9 tháng Giêng, 111.760 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân Nga còn bao gồm 3.080 xe tăng, 6.147 xe thiết giáp, 2.069 hệ thống pháo, 434 hỏa tiễn phóng hàng loạt, 217 hệ thống tác chiến phòng không, 285 máy bay, 275 trực thăng, 1.856 máy bay không người lái, 723 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4.809 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 183 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Lực lượng không quân Ukraine tiến hành 20 cuộc tấn công vào các vị trí của quân Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 10 tháng Giêng, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết trong ngày qua, lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành 17 cuộc tấn công vào các cụm binh lính Nga và 3 cuộc tấn công vào các vị trí hệ thống phòng không của đối phương.

Trong khi đó, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đã đánh trúng một sở chỉ huy của Nga và một cụm quân địch.

Quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố Kharkiv và khai hỏa bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt khoảng 10 lần trong ngày qua, cụ thể là nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở các khu vực như Donetsk, Mykolaiv và Kherson.

Theo hướng Bakhmut, hơn 15 khu định cư đã bị đối phương tấn công, chẳng hạn như Spirne, Berestove, Bilohorivka, Soledar và Bakhmut của vùng Donetsk.

Theo hướng Avdiivka, quân Nga đã pháo kích gần Avdiivka, Vesele, và Novomykhailivka của vùng Donetsk.

Ở hướng Kherson, quân xâm lược Nga đã tiến hành 40 cuộc tấn công bằng pháo vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Chornobaivka, Antonivka, Kherson và Zolota Balka.

3. Người Nga tấn công đám tang ở vùng Chernihiv

Câu chuyện người chết hai lần đang gây căm phẫn tại Ukraine. Tại vùng Chernihiv, quân đội Nga đã pháo kích vào một nghĩa trang trong khi người dân địa phương đang chôn cất một người vừa qua đời. Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine đã cho biết như trên.

Vụ việc xảy ra tại làng Hremiach, một phần của cộng đồng Novhorod-Siverskyi, vào ngày 8 tháng Giêng năm 2023. Theo trưởng làng Andrii Irkha, đã có hai vụ tấn công vào nghĩa trang. Đạn cối Nga để lại những hố sâu chỉ cách ngôi mộ mới 30 mét. May mắn thay, thường dân vẫn bình an vô sự.

Một trong những cư dân địa phương, người đã chứng kiến cuộc pháo kích của kẻ thù, đã quay một đoạn video để cho thấy hậu quả của nó. Đạn của Nga bắn trúng những ngôi mộ cũ và để lại những hố bom. Mảnh đạn pháo của kẻ thù gây hư hại cho những cây thánh giá và ngôi mộ.

Một lời nhắc nhở rằng hơn 8.000 tòa nhà đã bị quân xâm lược Nga phá hủy hoặc hư hại ở vùng Chernihiv, chủ yếu là nhà ở. Ba mươi ba cây cầu và nút giao thông bị phá hủy, hơn 1.100 km đường bị hư hại.

4. Vụ tấn công vào ngôi chợ ở khu vực Kharkiv: Số người bị thương tăng lên sáu

Sáu người bị thương do vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một khu chợ ở Shevchenkove, vùng Kharkiv.

“ Hai phụ nữ đã thiệt mạng sau vụ tấn công. Theo thông tin cập nhật, 6 dân thường bị thương, trong đó có 4 phụ nữ, một nam thanh niên 23 tuổi và một bé gái 10 tuổi”

Oleh Syniehubov, người đứng đầu Cục quản lý quân sự khu vực Kharkiv, cho biết trong cuộc họp báo qua truyền hình rằng đứa trẻ bị một mảnh đạn ở cổ. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện ở Kharkiv để phẫu thuật.

Ông cho biết vào khoảng 09h ngày 09 tháng Giêng, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào một khu chợ ở khu định cư Shevchenkove, quận Kupiansk đã được giải phóng. Theo dữ liệu sơ bộ, những kẻ xâm lược đã tiến hành cuộc tấn công từ vùng Belgorod của Nga bằng hệ thống phòng không S-300.

5. 2 người thiệt mạng trong xe hơi sau khi hỏa tiễn tấn công thành phố Kramatorsk của Ukraine, quan chức cho biết

Hai người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công hỏa tiễn vào thành phố Kramatorsk ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine vào cuối ngày thứ Hai, một quan chức chính phủ cho biết trên Telegram.

Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết hỏa tiễn đã đánh trúng một con đường và giết chết 2 người trong một chiếc xe hơi.

Đầu ngày thứ Hai, hai người chết khi một hỏa tiễn tấn công một ngôi làng ở vùng lân cận Kharkiv, và một người khác chết sau vụ pháo kích ở thành phố Kherson phía nam.

6. Hai công dân Anh mất tích ở Ukraine. Đại học phủ nhận tuyên bố của Nga rằng hàng trăm binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công hỏa tiễn

Hai phóng viên báo chí người Anh trên đường đến Kramatorsk để xác minh sự thật đã bị mất tích. Bộ Ngoại Giao Anh đã cho biết như trên hôm thứ Hai 9 tháng Giêng.

Tưởng cũng nên nhắc lại, tuần trước, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, đã thừa nhận rằng 63, sau đó tăng lên 89, binh sĩ Nga đã bị thiệt mạng tại thị trấn Makiivka sau khi trúng hỏa tiễn của quân Ukraine. Daniil Bezsonov, phát ngôn nhân của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk do Nga dựng nên, đã công khai thách thức các tuyên bố của Konashenkov; và cho rằng hơn 400 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.

Để cân bằng tỷ số, hôm Chúa Nhật 8 tháng Giêng, Konashenkov tuyên bố rằng quân Nga đã phóng hỏa tiễn giết chết một lúc 600 binh sĩ Ukraine tại Kramatorsk để “trả đũa” cuộc tấn công của Ukraine vào thị trấn Makiivka.

Một nhóm phóng viên CNN tại Kramatorsk đã không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu thương vong lớn nào trong khu vực. Nhóm nghiên cứu cho biết không có hoạt động bất thường nào trong và xung quanh Kramatorsk, kể cả khu vực lân cận nhà xác thành phố.

Hai phóng viên báo chí người Anh đã đến Kramatorsk để tận mắt xác minh sự thật.

Trong cuộc họp báo qua truyền hình tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 9 tháng Giêng, Đại Tá Serhii Cherevatyi, phát ngôn nhân của lực lượng liên hợp phía Đông đã bác bỏ tuyên bố của Mạc Tư Khoa rằng một số lượng lớn binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công gần đây của Nga ở Kramatorsk, miền đông Ukraine.

“Điều này thật vô nghĩa,” Đại Tá Serhii Cherevatyi, nói để đáp lại tuyên bố của Nga.

Một cựu chỉ huy Nga là Igor Girkin than thở: “Than ôi chúng ta đang đánh đổi các thương vong thật thê thảm để đổi lấy các chiến thắng giả.”

Bất kể những chi tiết cho thấy tin của Konashenkov là tin giả, chiều thứ Hai mùng 9 tháng Giêng, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov vẫn bày tỏ tin tưởng vào tin giả này. Ông ta nói: “Bộ Quốc phòng là nguồn thông tin chính, hợp pháp và toàn diện về quá trình hoạt động quân sự đặc biệt.”

7. Đại học bách khoa Kramatorsk bác bỏ tuyên bố của Konashenkov

Các viên chức tại một trường đại học ở một thành phố miền đông Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga rằng hàng trăm binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn ở ngôi trường này.

Konashenkov tuyên bố hỏa tiễn của Nga đã tấn công hai ký túc xá đại học bách khoa Kramatorsk, phía tây bắc Bakhmut, nơi tạm trú của 1.300 binh sĩ Ukraine trong thành phố, giết chết 600 người vào cuối ngày thứ Bảy.

Nhưng các quan chức tại trường đại học cho biết một hỏa tiễn chỉ thổi bay các cửa sổ và làm hư hại các lớp học. Các binh sĩ Ukraine cũng không hề đóng quân tại đây.

Các phóng viên của Associated Press đã đến thăm hiện trường hôm thứ Hai đã nhìn thấy một tòa nhà bê tông bốn tầng bị thổi bay hầu hết các cửa sổ, cũng như một tòa nhà đại học sáu tầng riêng biệt hầu như không bị hư hại. Không có dấu hiệu về sự hiện diện của quân đội Ukraine hay bất kỳ thương vong nào.

Yana Pristupa, phó hiệu trưởng của trường đại học, nói với hãng tin:

Không ai nhìn thấy một vết máu nào ở bất cứ đâu. Ai cũng thấy hôm qua không ai khiêng xác ra ngoài. Chỉ là người ta dọn dẹp thôi.

Cô cho biết trường có hơn 300 sinh viên trước chiến tranh, hầu hết các em học ngành cơ khí, và các bài học chuyển sang trực tuyến sau khi quân đội Nga xâm lược Ukraine.

Một nhóm của Reuters cũng đã đến thăm hiện trường và báo cáo rằng không có ký túc xá nào bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc bị hư hại nghiêm trọng. Không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy những người lính đã sống ở đó và không có dấu hiệu của thi thể hay dấu vết của máu.

Mặc dù không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy hàng trăm binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong cuộc không kích, nhưng Điện Cẩm Linh vẫn kiên quyết với tuyên bố của mình.

8. Những tội ác chiến tranh của Nga khi chạy trốn khỏi Lyman

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 10 tháng Giêng, cơ quan An ninh Ukraine cho biết họ đã chặn được một cuộc điện thoại của một người lính Nga, xác nhận rằng những kẻ xâm lược đã giết thường dân và hãm hiếp phụ nữ khi rút lui khỏi Lyman ở vùng Donetsk hồi cuối tháng 12 vừa qua.

Trong cuộc trò chuyện bị chặn, người Nga thừa nhận rằng quân đội của họ đã “tàn sát tất cả mọi người ở đó” khi rời khỏi thị trấn.

“Bọn anh hãm hiếp, tàn sát, bắn chết họ ở đó. Ở Lyman, ở Torske, bọn anh hạ gục tất cả bọn chúng. Tất cả những người đàn ông trẻ tuổi đã bị bọn anh bắt đi,” một sĩ quan Nga nói với vợ mình.

Theo lời kẻ xâm lược, chúng hãm hiếp, tàn sát và bắn chết tất cả các thiếu nữ.

Cơ quan An ninh Ukraine nhấn mạnh rằng những lời nói của sĩ quan quân đội Nga đã được ghi lại. Các nhà điều tra đang làm việc để bảo đảm rằng những kẻ xâm lược phải nhận hình phạt lớn nhất có thể cho mỗi tội ác của chúng.

Cơ quan An ninh Ukraine đã mở hơn 21.000 cuộc điều tra về hành vi vi phạm luật pháp và phong tục chiến tranh của quân đội Nga.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 6 tháng 12 vừa qua, Lữ Đoàn 3 Cận Vệ Spetsnaz của Nga đã thất bại khi tiến đánh Lyman, bỏ chạy để lại lại hơn 200 xác đồng đội cùng với 2 xe tăng và 4 thiết giáp. Hôm 26 tháng 12, một đoàn xe của Nga tiến đánh Lyman đã bị pháo binh và không quân Ukraine tấn công ở làng Lypnove, phía bắc thành phố Lyman. Hàng trăm binh lính Nga tử trận và một con số đông đảo ra đầu hàng. 12 xe chuyển quân, 2 xe tăng và 3 xe thiết giáp bị phá hủy. Tù binh bị bắt tại trận cho hay quân Nga chỉ toàn là lực lượng dự bị. Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai bày tỏ ngạc nhiên về cách dụng binh của người Nga. Không thể hiểu người Nga hy vọng vào điều gì khi đưa một lực lượng dự bị quay lại một chiến trường mà quân đội chuyên nghiệp đã thất bại.

9. Cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk vừa cho thấy Bộ Quốc Phòng Nga chuyên tung tin giả

Hôm 28 tháng 12, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho rằng các lực lượng Nga đã chiếm được Bakhmutske vào ngày 27 tháng 12. Tuy nhiên, gần hai tuần sau đó, chiều thứ Hai 9 tháng Giêng, Denis Pushilin, nhà lãnh đạo của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, gọi tắt là DPR, tự xưng trịnh trọng tuyên bố rằng “Hôm nay, ngày 9 tháng Giêng năm 2023, làng Bakhmutske thuộc lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Donetsk đã được Lực lượng Vũ trang của chúng ta giải phóng.”

Tuyên bố này của Denis Pushilin cho thấy Trung tướng Igor Konashenkov đã tung tin giả.

Ngôi làng Bakhmutske nằm gần Soledar và Bakhmut - khu vực từng là nơi giao tranh ác liệt trong nhiều tháng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật đã gọi Bakhmut và Soledar là “một trong những nơi đẫm máu nhất trên tiền tuyến”.

CNN đã không thể xác nhận độc lập tuyên bố của DPR.
 
Đau đớn: Bàn thờ của tu viện Arkansas bị đập bể bằng búa tạ, di vật 1.500 năm tuổi bị đánh cắp
VietCatholic Media
05:19 10/01/2023


1. Bàn thờ của tu viện Arkansas bị mạo phạm bằng búa tạ, di vật 1.500 năm tuổi bị đánh cắp

Đại Tá Bill Bryant, Giám Đốc Sở cảnh sát Arkansas, cho biết ông chia buồn với cộng đoàn Công Giáo Subiaco, Arkansas sau một vụ tấn công rõ ràng có động cơ thù hận đức tin.

Tu viện Subiaco, ở Subiaco, Arkansas, bị đập nát bàn thờ bằng búa và các di vật bên trong bàn thờ bị đánh cắp vào ngày 5 tháng Giêng vừa qua. Một nghi phạm đã bị bắt và sẽ bị buộc tội liên quan đến vụ tấn công.

Được thành lập vào năm 1878, Subiaco là nơi sinh sống của một cộng đồng gồm 39 tu sĩ dòng Biển Đức. Vào ngày 5 tháng Giêng, Jerrid Farnam, 31 tuổi, ở Subiaco, Arkansas, đã lẻn vào nhà thờ đập nát bàn thờ bằng búa tạ để đánh cắp các thánh tích. Hai hộp đựng thánh tích là những chiếc hộp nhỏ, màu đồng thau, mỗi hộp chứa ba thánh tích của các vị thánh từ hơn 1.500 năm trước - đã bị đánh cắp.

Cha Elijah Owens, tu viện trưởng của tu viện, nói với CNA hôm thứ Sáu rằng các thánh tích chứa trong một trong những hộp đựng thánh tích là của Thánh Bonifaciô, Thánh Tiberiô và Thánh Bênêđíctô thành Nursia.

Cha Owens cho biết hộp đựng thánh tích còn lại chứa thánh tích của Thánh Tiberiô, Thánh Marcellô và Thánh Justinô.

Những người đến thăm tu viện đã thông báo cho ban lãnh đạo, và sở Cảnh sát Quận Logan đã được gọi đến hiện trường. Học viện Subiaco, trường nam sinh từ lớp 7 đến lớp 12 gần đó do tu viện điều hành, đã “bị phong tỏa khi cuộc điều tra được tiến hành”

Khi cảnh sát đến, người đàn ông đã biến mất. Ngay sau khi cảnh sát điều tra rời khỏi hiện trường, người đàn ông đã quay trở lại nhà thờ. Cảnh sát một lần nữa được liên lạc.

Tu viện cho biết một linh mục đã nói chuyện với người đàn ông và “rõ ràng” rằng người đàn ông này là thủ phạm vì ngài đã thấy hình ảnh của anh ta trên camera an ninh. Người đàn ông sau đó đã bị bắt và cảnh sát đã tìm thấy một trong những hộp đựng thánh tích với ba di vật bên trong trong xe tải của người đàn ông.

Cha Owens nói với CNA rằng hộp đựng thánh tích chứa các thánh tích của Thánh Tiberiô, Thánh Marcellô và Thánh Justinô vẫn chưa được tìm thấy.

Một cái búa tạ và một cá rìu cũng được tìm thấy với bụi đá cẩm thạch trên cả hai, tu viện cho biết.

“ Trong suốt thời gian này, các tu sĩ của chúng tôi tiếp tục với những lời cầu nguyện chung thường xuyên của chúng tôi. Bây giờ người đàn ông đó đã bị bắt và công lý sẽ được tiến hành, chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh ta,” tu viện nói.

Tu viện cho biết: “Do sự xúc phạm bàn thờ, Cha Elijah, tu viện trưởng và cộng đồng tu viện sẽ thực hiện nghi thức sám hối, đền tạ cho sự xúc phạm và dâng Thánh lễ Đền tạ”.

Bàn thờ đã bị “lột trần” và “tất cả các dấu hiệu vui mừng và hân hoan theo phong tục đã bị loại bỏ.” Một bàn thờ di động sẽ được sử dụng cho đến khi sửa chữa xong.

Cảnh sát nói rằng Farnam cũng vào một ngôi nhà trống gần tu viện. Một món đồ từ ngôi nhà đã được tìm thấy trong xe tải của Farnam, cảnh sát cho biết thêm. Chiếc xe tải của anh ta sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ và kéo đi.

Farnam vẫn chưa chính thức bị buộc tội và tiền thế chân của anh ta vẫn chưa được thiết lập.

Văn phòng cảnh sát trưởng cho biết: “Tại thời điểm này, các cáo buộc dự kiến của anh ta là trộm cắp tài sản, phạm tội hình sự cấp độ một, trộm cắp, đột nhập khu dân cư và say xỉn nơi công cộng”.

Văn phòng cảnh sát trưởng cho biết tội danh của anh ta có thể thay đổi khi có các đánh giá cụ thể về “bản chất của sự phá hủy và chi phí của những món đồ bị phá hủy và bị đánh cắp cũng như bàn thờ đã bị mạo phạm,”.


Source:National Catholic Register

2. Các giám mục Mỹ phê bình việc cho bán thuốc phá thai

Các giám mục Mỹ phê bình việc chính phủ nước này cho các tiệm thuốc tây bán thuốc phá thai tới tuần lễ thứ 10.

Hôm mùng 03 tháng Giêng vừa qua, Cơ quan Chính phủ Mỹ về lương thực và thuốc men, gọi tắt là FDA, loan báo việc nới lỏng những đòi hỏi về an ninh, để cho phép các tiệm thuốc tây được bán thuốc phá thai RU-486 cho những người xuất trình toa bác sĩ.

Phản ứng về việc này, Đức Cha Michael Burbidge, Giám mục giáo phận Arlington, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Mỹ về các hoạt động bảo vệ sự sống, đã ra thông cáo nói rằng:

“Giáo Hội Công Giáo vẫn hành động phù hợp với giáo huấn về việc bảo vệ phẩm giá của mọi sinh mạng, và trong đó có cả việc săn sóc phụ nữ và con cái họ. Chúng ta lên án sự tiếp tục đẩy mạnh việc tiêu diệt những sinh mạng vô tội của con người và việc nới lỏng các tiêu chuẩn an ninh quan trọng đối với các phụ nữ dễ bị tổn thương. Hoạt động trong tuần này của cơ quan FDA không những đẩy mạnh thảm trạng tỏ tường phá hủy sự sống của các thai nhi chưa sinh ra, nhưng còn có hại cho phụ nữ đang ở trong tình trạng cần được giúp đỡ. “Tỷ lệ những biến chứng nghiêm trọng sau khi phá thai bằng thuốc cao hơn nhiều so với phá thai bằng phẫu thuật. Việc đảo ngược các qui trình an ninh liên quan đến các loại thuốc gây sảy thai để cho các tiệm thuốc tây được phép bán thuốc này mà không đòi phải có sự giám sát y tế trực tiếp, tạo điều kiện dễ dàng cho việc cách ly các phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương, và đồng thời tạo nên nhiều rủi ro, đau đơn và chấn thương hơn”.

“Việc làm của cơ quan FDA có thể đưa tới những vi phạm mới đối với lương tâm của các binh sĩ các tiệm thuốc tây không thể bán những thuốc phá thai như thế. Cơ quan FDA phải bảo vệ sự sống và sức khỏe của người mẹ lẫn con cái, không nới lỏng các tiêu chuẩn dưới sức ép của công nghệ hoặc chính trị. Chúng ta kêu gọi cơ quan này hãy điều chỉnh các ưu tiên về chính sách và đứng về phía các bà mẹ đang gặp khó khăn. Họ xứng đáng được giúp đỡ nhiều hơn”. (USCCB 6-1-2023)

Hồi năm 2020, thuốc phá thai được sử dụng cho hơn một nửa những vụ phá thai ở Mỹ, theo Các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật. Nay mặc dù cơ quan FDA cho phép bán thuốc phá thai cho người có thai tới tuần lễ thứ 10, nhiều nhà thương phá thai cho dùng thuốc này cho tới tuần lễ thứ 12 hoặc 13.

3. Kỷ niệm của một vệ binh Thụy sĩ về cuộc gặp gỡ Đức Hồng Y Ratzinger một ngày trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng

“Cantucci và Vin Santo với Giáo hoàng tương lai” đó là tựa đề bài kỷ niệm của M. Enzler, Người sáng lập Dự án Borromeo Inc. và là Tác giả cuốn “Tôi đã phục vụ một vị thánh” (https://borromeoproject.org/cantucci-and-vin-santo-with-the-future-pope):

Đọc một câu chuyện trên tờ Tin tức Vatican về Đức Bênêđictô XVI và tình yêu của ngài đối với Phi Châu, tôi bị ấn tượng bởi hình ảnh kèm theo của Đức Bênêđictô XVI với người bạn của ngài là Đức Hồng Y Bernardin Gantin, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám mục và nguyên Niên trưởng Hồng Y đoàn. Rất được người bạn thân của tôi là Đức Hồng Y Gantin yêu quý, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô là một giáo sư khôn ngoan, một người khiêm tốn và trung thực, ngài là một vị giáo hoàng vĩ đại và là người rất thích hợp theo chân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thừa tác vụ Phêrô.

Khi thời gian tôi làm vệ binh Thụy Sĩ bắt đầu, Đức Hồng Y Ratzinger “duy nhất” là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Tuy nhiên, ngay cả trước đây, mọi người ở Vatican đều biết Đức Hồng Y Ratzinger và đã có những cuộc gặp gỡ của riêng họ với con người rất nhỏ nhẹ, dịu dàng và hơi e lệ này. Ngài là người có thói quen, băng qua quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô mỗi ngày bốn lần khi ngài đi lại từ căn hộ của ngài ở Borgo, không bao giờ từ chối một lời dịu dàng dành cho khách hành hương.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của tôi với Đức Hồng Y Ratzinger là một ngày trước khi mật nghị bầu chọn ngài bắt đầu. Tang lễ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã được tổ chức vài ngày trước đó. Tôi đang ở Vatican ăn trưa với Đức Hồng Y Gantin, người đang ở trong thành phố để dự tang lễ. Đức Hồng Y Gantin, người đã trở thành bạn thân của tôi trong những năm tôi làm vệ binh Thụy Sĩ, đã không vào Nhà nguyện Sistine trong mật nghị năm 2005 vì tuổi tác.

Đức Hồng Y Ratzinger và Đức Hồng Y Gantin được phong làm Hồng Y trong cùng một công nghị, vào ngày 27 tháng 6 năm 1977. Đó là công nghị cuối cùng của Đức Phaolô VI. Đức Hồng Y Gantin có lần nói với tôi: “Đối với tôi, thật vinh dự khi được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vĩ đại phong làm Hồng Y cùng với những vĩ nhân như Giovani Benelli, Joseph Ratzinger, Mario Luigi Ciappi và Frantisek Tomasek”.

Trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, Đức Hồng Y Gantin nói, “Tên ngài là Benedict, nhưng đối với tôi, ngài cũng là Bene-dato (có năng khiếu tốt) cho Giáo hội của Chúa Giêsu. Ngài là người có văn hóa cao. Nhưng trên hết, ngài là một người có đức tin và lòng mộ đạo cao cả; ngài là một người cầu nguyện. Đức Hồng Y tiên đoán rằng triều đại của Đức Bênêđictô XVI “sẽ là một triều đại giáo hoàng đúng mực, đơn giản, trực tiếp, tập trung vào điều cốt yếu”. Những lời tiên tri này đã giúp xác nhận nơi tôi sự vĩ đại của vị Hồng Y khiêm tốn từ Bộ Giáo lý Đức tin.

Thế là tôi ngồi đó, với Đức Hồng Y Gantin, trong phòng ăn của Preseminario ở Palazzo San Carlo. Tôi đang cho ngài xem một số bức ảnh gia đình thì có tiếng gõ cửa và Đức Hồng Y Ratzinger bước vào. Thấy chúng ta đang ăn trưa, ngay lập tức ngài xin lỗi và nói rằng ngài sẽ quay lại sau để nói chuyện với Đức Hồng Y Gantin. Vì chúng ta vừa mới dùng bữa xong, nên ngài mời Đức Hồng Y Ratzinger cùng tham gia với chúng ta, và ngài đã đồng ý.

Ngài ngồi xuống và chúng ta trao đổi vài lời trong khi ăn chiếc bánh quy “cantuccio” được Đức Hồng Y Ratzinger nhúng vào rượu vin santo [rượu lễ] của tôi. Trong khoảnh khắc thân mật đó, tôi đã tự giới thiệu bản thân và chúng ta đã hồi tưởng lại hai cuộc trò chuyện mà chúng ta đã chia sẻ trong thời gian tôi phục vụ tại Vatican, một về quy trình sản xuất bia độc đáo của vùng Bavaria và một về Bản hòa tấu piano số 21 của Mozart.

Trong cuộc trò chuyện của chúng ta, chúng ta bắt đầu nói về những phẩm chất và đức tính mà vị giáo hoàng tiếp theo cần phải có; Đức Hồng Y Gantin nói rằng, theo ngài, tân giáo hoàng phải có kỷ luật chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự tỏ lộ của Người, sự ấm áp vì ân sủng của Thiên Chúa là nguồn vui đích thực, và lòng quảng đại hiến mình một cách tự do và nhiệt tình cho Chúa Kitô và không bao giờ cân đo các nỗ lực. Đức Hồng Y Ratzinger đồng ý và nói thêm rằng tân giáo hoàng phải yêu mến Sự Thật bằng mọi giá, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đau khổ!

Khi Đức Hồng Y Ratzinger rời khỏi phòng, tôi lập tức hỏi Đức Hồng Y Gantin rằng liệu có phải tôi vừa nói chuyện với vị Giáo Hoàng tương lai không. Với một nụ cười tươi, ngài cười và chỉ lắc đầu nói, “À...Mario!” Ngài không thể nói đồng ý, bởi vì chính Chúa Thánh Thần lựa chọn, nhưng đó gần như là đồng ý!

Tôi biết Đức Hồng Y Gantin và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ tham dự hiệp thông các Thánh vào một ngày nào đó. Điều các vị dạy tôi là, khi chúng ta đối đầu với sự thất vọng, chúng ta cần nhớ rằng chúng ta có sức mạnh để chiến thắng tội lỗi vì chúng ta là những người nam nữ can đảm.

Và như Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI đã từng nói với tôi, chúng ta can đảm vì chúng ta có ân sủng của Chúa Kitô bên trong chúng ta. Nói cách khác, chúng ta có khả năng bẩm sinh để chiến thắng, nhưng chúng ta phải đổi mới cuộc đấu tranh của mình với sự giúp đỡ của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
 
Ukraine bắn rớt máy bay độc của Nga, lập tức đưa sang Mỹ giải mã bí mật. London tặng Kyiv xe tăng
VietCatholic Media
16:36 10/01/2023


1. Máy bay phản lực Su-57 Felon, 42 triệu USD của Nga lọt vào tay Ukraine, được cấp tốc đưa sang Hoa Kỳ

Các nguồn tin từ Kyiv chưa thể kiểm chứng độc lập cho rằng một chiếc máy bay Su-57 Felon của Nga đã bị bắn rơi xuống sông Bakhmutka trong khu vực thành phố Bakhmut. Các nỗ lực trục vớt đã diễn ra cấp tốc và xác chiếc máy bay mặc dù không còn nguyên vẹn vẫn còn có thể nghiên cứu được, đã được cấp tốc đưa sang Ba Lan và từ đó sang Hoa Kỳ để giải mã các bí mật của Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình về loại máy bay này nhan đề “How Russia's Su-57 Felon Jets Compare to U.S. F-35, F-22 Fighters”, nghĩa là “Máy bay phản lực Su-57 Felon của Nga so với máy bay chiến đấu F-35, F-22 của Mỹ như thế nào”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Nga khẳng định rằng các máy bay phản lực Su-57 Felon hiện đại của họ đã “xuất sắc” phục vụ cho nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa ở Ukraine, bất chấp những nghi ngờ của phương Tây về tần suất các máy bay này được triển khai ở quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Anh cho biết mặc dù rất có thể máy bay Su-57 đang hoạt động trên bầu trời Ukraine, nhưng các nhiệm vụ có thể đã được hoàn thành trên lãnh thổ Nga.

Hoạt động từ căn cứ duy nhất được biết đến của họ ở tỉnh Astrakhan phía nam nước Nga, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho rằng Điện Cẩm Linh có chính sách “không thích rủi ro” đối với những chiếc máy bay được đánh giá cao của họ, vì lo sợ “sự xâm phạm công nghệ nhạy cảm”.

Nhà phân tích quân sự và chủ tịch của Dự án Rogue States, Harry Kazianis, đồng ý với đánh giá này, nói với Newsweek rằng ông nghi ngờ “Putin dám gửi Su-57 đến Ukraine.”

Ông lập luận, nếu một chiếc Su-57 bị bắn rơi ở Ukraine, thì “điều đó chứng tỏ chiếc máy bay đó không thực sự là một máy bay chiến đấu hàng đầu, giết chết mọi hy vọng bán được nó trên khắp thế giới”.

Máy bay phản lực Su-57 Felon là gì?

Su-57 đã được Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh dán nhãn là “máy bay phản lực chiến đấu siêu thanh thế hệ thứ năm tiên tiến nhất của Nga”, được trang bị “hệ thống điện tử hàng không tiên tiến”.

Theo RAND Corporation, một cơ quan nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận, máy bay một chỗ ngồi, hai động cơ bắt đầu được phát triển vào năm 2002 với hy vọng cạnh tranh với máy bay phản lực F-35 của Mỹ.

Truyền thông nhà nước Nga ca ngợi sự xuất hiện của các máy bay phản lực Su-57 trong tay quân đội Nga vào năm 2020.

Hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin rằng lực lượng không quân Nga sẽ nhận được 22 máy bay vào cuối năm 2024, con số này sẽ tăng lên 76 chiếc vào năm 2028.

Tuy nhiên, Kazianis tỏ ra nghi ngờ về những con số này, lập luận rằng ông không “thấy Nga có thể chế tạo hơn 50 máy bay chiến đấu Su-57” do cạn kiệt tài chính trong cuộc chiến Ukraine và khả năng sản xuất hạn chế của Nga.

Nhưng Su-57 thường được so sánh với các máy bay tàng hình của Mỹ như F-22 và F-35.

Máy bay chiến đấu F-22 và F-35 là gì?

Máy bay F-22 Raptor của Mỹ là máy bay phản lực tàng hình thế hệ thứ năm được nhà sản xuất Lockheed-Martin ca ngợi là “máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không tốt nhất thế giới”.

Với chiều dài 62 feet và sải cánh 44,5 feet, F-22 lần đầu tiên cất cánh trên bầu trời vào năm 1997.

Tuy nhiên, phổ biến nhất được so sánh với Su-57 là F-35, được Lockheed-Martin mô tả là “máy bay chiến đấu có khả năng sống sót cao nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới”.

Nhỏ hơn một chút với chiều dài 51,4 feet với sải cánh 35 feet, F-35 được Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân, Tướng Charles Q. Brown, Jr., đặt tên là “một phần quan trọng trong thiết kế lực lượng máy bay chiến đấu của chúng ta vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh chính.”

Kazianis lập luận rằng Su-57 “không thực sự ngang ngửa với F-22 hay F-35 theo nghĩa truyền thống, ở chỗ chúng ta phải thực sự đặt câu hỏi liệu chiếc máy bay này có thực sự là một máy bay chiến đấu tàng hình hay không”.

Mặc dù Su-57 “đại diện cho những gì tốt nhất của hàng không Nga” và vượt xa khả năng của các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-15 và F-16, nhưng “nó không phải là đối thủ của F-22 hay F-35”.

Ông Kazianis nhấn mạnh rằng “không đời nào Nga có bất kỳ lợi thế nào về công nghệ tàng hình” và cho biết Su-57 “không thể sánh được với F-22 và F-35 về công nghệ, khả năng tàng hình, vũ khí và đào tạo phi công”.

“Trừ khi Thế chiến III nổ ra—hoặc Biden trao cho Ukraine máy bay chiến đấu F-22 hoặc F-35—tôi không thấy máy bay chiến đấu tàng hình tốt nhất của Mỹ đối đầu với Su-57 của Nga. Nếu điều đó xảy ra, Su-57 sẽ bị loại rất nhanh”, ông nói.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh về chiến đấu cơ Su-57 FELON của Nga

Giữa các tin đồn là Kiyv đã bắt được một chiến đấu cơ Su-57 FELON, hôm thứ Hai 9 tháng 9, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh có bài nhận định sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Kể từ ít nhất là tháng 6 năm 2022, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga gần như chắc chắn đã sử dụng Su-57 FELON để thực hiện các nhiệm vụ chống lại Ukraine. FELON là máy bay chiến đấu siêu thanh thế hệ thứ năm tiên tiến nhất của Nga, sử dụng các công nghệ tàng hình và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Các nhiệm vụ này có thể chỉ giới hạn ở việc bay trên lãnh thổ Nga, phóng hỏa tiễn không đối đất hoặc không đối không tầm xa vào Ukraine.

Hình ảnh thương mại có sẵn gần đây cho thấy năm chiến đấu cơ FELON đậu tại Căn cứ Không quân Akhtubinsk, nơi tổ chức Trung tâm Thử nghiệm Chuyến bay thứ 929. Vì đây là căn cứ FELON duy nhất được biết đến, những chiếc máy bay này có thể đã tham gia vào các hoạt động chống lại Ukraine.

Nga rất có khả năng ưu tiên tránh thiệt hại về uy tín, giảm triển vọng xuất khẩu và lộ công nghệ nhạy cảm có thể xảy ra do bất kỳ tổn thất FELON nào đối với Ukraine.

Đây là triệu chứng của đường lối không thích rủi ro liên tục của Nga trong việc sử dụng lực lượng không quân của mình trong chiến tranh.

3. Điện Cẩm Linh nói nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây sẽ “kéo dài đau khổ” cho người Ukraine

Phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ “gây thêm đau đớn” và “kéo dài đau khổ” cho người dân Ukraine.

Bình luận về quyết định của Pháp cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép cho Ukraine, ông Peskov nói rằng khó có thể chỉ nói về các nguồn cung cấp của Pháp, vì “Tập thể Âu Châu, Mỹ và NATO đã bơm hàng chục tỷ đô la vào Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí”.

“Việc giao các khí tài chiến tranh này có thể gây thêm đau đớn cho người dân Ukraine, kéo dài sự đau khổ của họ. Nhưng về cơ bản, chúng không thể thay đổi bất cứ điều gì ở Ukraine,” ông Peskov nói.

“Những nguồn cung cấp này không có khả năng làm gián đoạn việc đạt được các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt,” ông nói thêm. Mạc Tư Khoa đã liên tục gọi cuộc xâm lược Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Những diễn biến gần đây: Hôm thứ Hai, Bộ Quốc Phòng Đức cho biết họ đang gửi 40 xe tăng chiến đấu bộ binh Mardercho Ukraine.

Arne Collatz nói với các nhà báo rằng quân đội Đức sẵn sàng bắt đầu huấn luyện các binh sĩ Ukraine. Và tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine các phương tiện chiến đấu Bradley như một phần của gói hỗ trợ an ninh mới cho nước này khi gần đến lễ kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược.

Gói hàng trị giá gần 3 tỷ USD là một trong những gói thiết bị quân sự lớn nhất mà Ngũ Giác Đài gửi tới Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Nó xảy ra khi Ukraine chuẩn bị cho cuộc chiến khốc liệt vào mùa xuân khi thời tiết ấm lên.

Nhiều người bày tỏ âu lo rằng việc Pháp, Đức, Hoa Kỳ đồng loạt gởi các khí tài chiến tranh hạng nặng cho Ukraine sẽ gây ra các phản ứng dữ dội từ phía Nga. Phản ứng của phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov xem ra là bất ngờ đối với nhiều người theo nghĩa là nó quá nhẹ nhàng.

4. Xe tăng Challenger của Vương quốc Anh là gì? Vũ khí phương Tây có thể tới Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Are U.K. Challenger Tanks? Western Weapon That Could Go to Ukraine”, nghĩa là “Xe tăng Challenger của Vương quốc Anh là gì? Vũ khí phương Tây có thể tới Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vương quốc Anh được cho là đang tìm cách cung cấp xe tăng cho Ukraine mà một chuyên gia quân sự nói với Newsweek có thể mang lại sự tăng cường đáng kể cho quân đội của Kyiv và thúc đẩy các nước khác tăng cường cung cấp vũ khí để chống lại sự xâm lược của Nga.

Trích dẫn một nguồn tin Ukraine, Sky News của Anh đưa tin rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra để Vương quốc Anh cung cấp cho Kyiv 10 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của Quân đội Anh, đủ để trang bị cho một tiểu đoàn Súng Trường Cơ Giới.

Glen Grant, một nhà phân tích quân sự của Tổ chức An ninh Baltic, người đã chứng kiến những chiếc xe tăng này hoạt động trong các cuộc tập trận ở Anh, cho biết: “Challenger là một con quái vật đáng sợ..”

Quân đội Ukraine đang sử dụng các loại xe tăng từ thời Liên Xô như T-72, bao gồm cả các phương tiện được cung cấp bởi các đồng minh Đông Âu cũng sử dụng chúng. Các lực lượng Nga cũng chủ yếu sử dụng xe tăng thời Chiến tranh Lạnh.

“Nó sẽ không có các hệ thống bên trong giống như bất kỳ xe tăng nào của Liên Xô trước đây, vì vậy sẽ có một số bài học cần thiết nhưng họ sẽ làm điều đó,” ông nói.

Theo Grant, Challenger 2 sẽ được sử dụng hiệu quả nhất trong một nhóm thay vì tách riêng ra.

“ Người ta hy vọng rằng Vương quốc Anh sẽ dạy họ chiến đấu như một nhóm xe tăng. Nếu họ đặt chúng vào một vị trí quan trọng mà họ muốn đột phá... thì bạn thực sự có thể thấy điều gì đó khá tích cực”

Grant nói thêm: “Chúng nên được sử dụng làm mũi nhọn vì nếu chúng hướng tới những đội quân chưa từng thấy Challenger bao giờ hoặc chưa được huấn luyện kỹ lưỡng, họ sẽ bỏ chạy và sẽ không đứng xung quanh chờ những con quái vật này đến và tấn công họ”.

Được chế tạo bởi BAE Systems, chiếc xe tăng bốn người này đã từng tham gia hoạt động ở Bosnia và Kosovo và được triển khai hoạt động tích cực trong Chiến dịch Tự do Iraq.

Nó có thể bắn nhiều loại đạn xe tăng 120 ly tiêu chuẩn NATO, tháp pháo và thân xe được bảo vệ bằng giáp Chobham thế hệ thứ hai, khiến nó trở thành một trong những xe tăng được bảo vệ tốt nhất trên thế giới, theo Military Today. Tờ báo cho biết khẩu súng của Challenger tuyên bố đã tiêu diệt xe tăng đối phương ở khoảng cách xa nhất trong lịch sử, đánh bại một chiếc xe tăng Iraq ở cự ly 4 km trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Chính phủ của Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng động thái này có thể khiến các đồng minh khác trước đây thận trọng lo sợ Vladimir Putin giờ đây có thể có can đảm đáp lại lời kêu gọi tăng cường cung cấp vũ khí của Kyiv.

Sky News đưa tin rằng Vương quốc Anh sẽ nằm trong nhóm khoảng 50 quốc gia do Hoa Kỳ lãnh đạo cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ họp vào ngày 20 tháng Giêng. Một thông báo về hỗ trợ mới, chẳng hạn như xe tăng, có thể được đưa ra vào thời điểm đó.

Một nguồn tin Ukraine nói với hãng tin này rằng việc cung cấp Challenger 2 có thể thúc đẩy Đức cung cấp xe tăng Leopard II mà Ukraine đã yêu cầu từ lâu.

Warsaw và Helsinki đã báo hiệu rằng họ sẽ cung cấp xe tăng Leopard cho Kyiv nhưng điều này cần có sự chấp thuận của Berlin vì Đức phải thông qua giấy phép xuất khẩu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phải đối mặt với những lời kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, sau thông báo của Pháp về việc gửi xe chiến đấu AMX-10 RC.

Trong một sự thay đổi chính sách, Berlin tuần trước cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Marder. Mỹ, nhà tài trợ viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, cho biết sẽ cung cấp cho Kyiv xe chiến đấu Bradley.

5. Nga lo ngại sông đóng băng có thể mang đến cơ hội lớn cho Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Fears Frozen River Could Hand Ukraine Major Opportunity—Report”, nghĩa là “Nga lo ngại sông đóng băng có thể mang đến cơ hội lớn cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine có thể tận dụng mực nước sông Dnipro giảm mạnh để vượt qua chiến tuyến hiện tại ở Zaporizhzhia và “bắt đầu hành động ở bất cứ đâu” trên chiến tuyến phía nam này, một quan chức trong chính quyền khu vực Ukraine do Nga hậu thuẫn cho biết..

Nga cần “sẵn sàng” đề phòng lực lượng của Kyiv tiến lên nếu mặt sông đóng băng, như đã từng xảy ra trong quá khứ và có thể sẽ tái diễn trong những ngày tới, Vladimir Rogov, người đứng đầu tổ chức thân Mạc Tư Khoa We Stand With Russia, cho biết hôm thứ Hai, theo hãng thông tấn Tass do Cẩm Linh kiểm soát.

Rogov nói với đài truyền hình nhà nước Nga rằng các lực lượng của Kyiv đã tạo ra sự sụt giảm mực nước thông qua việc đóng các âu thuyền thủy lực tại nhiều điểm khác nhau dọc theo sông Dnipro.

Ông xác định chính xác Nhà máy thủy điện Dnipro ở Zaporizhzhia, Nhà máy thủy điện giữa ở phía bắc Zaporizhzhia và Nhà máy thủy điện Kremenchuk, giữa các thành phố trung tâm của Dnipro và Cherkasy.

Tiền tuyến Zaporizhzhia từ lâu đã là mục tiêu của các cuộc pháo kích dữ dội, và đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi các vụ nổ được báo cáo tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Enerhodar, phía nam thành phố.

Nga chiếm nhà máy điện và phần phía nam của vùng Zaporizhzhia trong khi lực lượng Ukraine kiểm soát thành phố cùng tên và khu vực phía bắc của vùng.

Sông Dnipro, có chỗ rộng tới 10 dặm, tạo thành chướng ngại vật tự nhiên giữa lực lượng hai nước. Nó đi theo các thành phố chiến trường quan trọng ở phía nam và phía đông của Ukraine, từ thành phố Kherson ở Hắc Hải cho đến Zaporizhzhia, và cuối cùng là đến Kyiv.

Roman Kostenko, một cựu chiến binh trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm chống lại các lực lượng do Nga chỉ đạo ở Donbas và hiện là thành viên quốc hội Ukraine, trước đây đã nói với Newsweek rằng “rất khó để vượt sông trong bất kỳ thời tiết nào”, đồng thời bổ sung vào tháng 12 năm 2022 rằng ông “rất thích” những nghi ngờ cho rằng Ukraine sẽ tìm cách gây áp lực ngay lập tức về phía đông qua sông Dnipro xung quanh Kherson, mà lực lượng Ukraine đã giành lại vào mùa thu năm 2022.

Nhưng khu vực Zaporizhzhia có thể là một triển vọng hứa hẹn hơn, và sau đó là nền tảng để đẩy về phía nam xuống Dnipro tới Kherson.

Thao túng mực nước sông Dnipro không phải là một ý tưởng xa lạ với cả hai bên. Thiếu tướng Andriy Kovalchuk, người được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc phản công của Ukraine ở Kherson vào mùa thu, đã xác nhận với The Washington Post rằng ông dự tính sẽ làm ngập sông khi lực lượng của Kyiv chiếm lại thành phố then chốt bên Hắc Hải.

Tháng 11 vừa qua, quân đội Ukraine chiếm lại thành phố Kherson và đẩy lùi quân Nga sang bờ đông sông Dnipro. Nhưng việc Mạc Tư Khoa rút lui sang bờ đối diện đã cung cấp cho quân đội của Điện Cẩm Linh một hàng rào phòng thủ tự nhiên ở Dnipro.

Sau khi Nga rút lui về bờ đông sông Dnipro, Mike Martin, thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London, đã đề xuất trên Twitter rằng một cuộc tấn công từ khu vực Zaporizhzhia sẽ là một bước đi khôn ngoan hơn từ lực lượng Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để xin bình luận.
 
Phải chăng ĐTGM thư ký lâu năm của Đức Bênêđictô đang âm mưu chống ĐGH Phanxicô?
VietCatholic Media
17:11 10/01/2023


1. Đức Tổng Giám Mục thư ký lâu năm của Đức Bênêđictô XVI có âm mưu chống Đức Giáo Hoàng không?

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng lâu năm của Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô sáng thứ Hai 9 tháng Giêng. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như trên trong một thông báo ghi rất cẩn thận rằng Đức Thánh Cha đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, là Tổng Giám Mục hiệu tòa Urbisaglia, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.

Cuộc gặp gỡ của vị Tổng Giám Mục người Đức với Đức Thánh Cha diễn ra chỉ bốn ngày sau khi Đức Bênêđictô XVI được an nghỉ trong hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô hôm thứ Năm, 5 tháng Giêng.

Cuộc gặp gỡ cũng diễn ra ngay trước khi cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Gänswein trình bày chi tiết gần 20 năm phục vụ của ngài cho Đức Bênêđictô XVI, được dự kiến ra mắt vào ngày 12 tháng Giêng. Cuốn sách được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Một bản xem trước bằng tiếng Anh, được gởi cho các ký giả, cho thấy cuốn sách dày 330 trang có tựa đề “Nothing But The Truth - My Life Beside Benedict XVI”, nghĩa là “Không Có Gì Ngoài Sự Thật – Cuộc Sống Của Tôi Bên Cạnh Đức Bênêđíctô XVI”. Phiên bản tiếng Anh được nhà xuất bản Ignatius, do Cha Joseph Fessio, linh mục dòng Tên điều hành. Cuốn sách được viết cùng với nhà báo người Ý Saverio Gaeta.

Trái với những đồn thổi của các phương tiện truyền thông cho rằng cuốn sách nhằm chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô. Độc giả có thể thấy xuyên suốt 330 trang của cuốn sách một thái độ điềm tĩnh, kính trọng dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Người ta có thể thấy rõ gần như ngay lập tức là cuốn sách nhằm mục đích bảo vệ Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và di sản của ngài.

Cuốn sách thực sự có bao gồm các chi tiết về những bất đồng được cho là của vị giáo hoàng người Đức với người kế nhiệm người Á Căn Đình về các vấn đề như việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh truyền thống và những tuyên bố của ngài liên quan đến các vấn đề đạo đức như phá thai và đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, nó được trình bày một cách ôn tồn. Đặc biệt, tường thuật được báo chí nhắc đến nhiều là cho rằng Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein viết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “làm tan nát trái tim” của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô khi cấm nghi thức cổ xưa bằng tiếng Latinh. Chi tiết này không hề được viết ở bất cứ đâu trong cuốn sách. Đó là câu chuyện được dựng đứng từ A đến Z.

Một tình tiết khác được cho là đã được thảo luận trong cuốn sách là việc Đức Tổng Giám Mục Gänswein bị sa thải khỏi vai trò Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, xảy ra vào đầu năm 2020. Chuyện này thì có. Tuy nhiên, cách tường thuật của báo chí đã trầm trọng hóa vấn đề.

Họ nói rằng Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã bắn vào Đức Thánh Cha Phanxicô 2 “mũi tên”. Mũi tên thứ nhất là chuyện “làm tan nát trái tim” vừa nêu ở trên. Mũi tên thứ hai chuyện Đức Thánh Cha sa thải vị Tổng Giám Mục.

Ban đầu được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng vào năm 2012, Đức Tổng Giám Mục Gänswein tiếp tục giữ chức vụ này trong triều Giáo Hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chức năng chủ yếu của vị Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng là tổ chức các buổi yết kiến chính thức với Đức Thánh Cha.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã ngừng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến vị trí này sau một cuộc tranh cãi vào tháng Giêng năm 2020 xung quanh một cuốn sách về luật độc thân của linh mục, được xuất bản lần đầu bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng Y Robert Sarah người Guinea. Cuốn sách, “From the Depths of Our Heart” nghĩa là “Từ Sâu Thẳm Trái Tim Chúng Ta”, được xuất bản trong bối cảnh thượng hội đồng toàn Amazon đang gây tranh cãi và được nhiều người coi là một bài phê bình từ Đức Giáo Hoàng Danh dự về việc Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép đem ra thảo luận các vấn đề liên quan đến khả thể phong chức linh mục cho những người đã kết hôn.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã yêu cầu Đức Hồng Y Sarah xóa tên của Đức Giáo Hoàng Danh dự với tư cách là đồng tác giả của văn bản và nói rằng một “sự hiểu lầm” đã dẫn đến việc vị giáo hoàng về hưu được đưa vào làm đồng tác giả.

Chức vụ của Đức Tổng Giám Mục Gänswein không thay đổi sau vụ này, nhưng việc ngài ngừng các nhiệm vụ phụ trách Phủ Giáo Hoàng được Phòng Báo Chí Tòa Thánh giải thích là phản ảnh việc “phân phối lại các công việc và nhiệm vụ khác nhau” của các nhân viên trong Phủ Giáo Hoàng.

Trong cuốn sách sắp xuất bản của mình, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã viết rằng, sau sự đồng tác giả, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ngài “ngày mai đừng quay lại làm việc”. Ngài đã “bị sốc và không nói nên lời”. Ngài cũng viết rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã viết hai lá thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu khôi phục nhiệm vụ của Đức Tổng Giám Mục Gänswein vì vị tổng giám mục người Đức đang “bị tấn công từ mọi phía”, nhưng việc phục hồi của ngài không bao giờ diễn ra. Đức Tổng Giám Mục Gänswein than thở rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã biến ngài thành “một vị giám chức nửa vời”. Có vẻ quá đáng khi gọi những lời than thở của Đức Cha Gänswein là “mũi tên” bắn vào Đức Thánh Cha Phanxicô. Việc phân chia công việc như thế nào là thẩm quyền hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Việc ngài không yêu cầu Đức Tổng Giám Mục thực thi các công việc thường lệ của mình nữa mà dành thời gian lo cho Đức Giáo Hoàng danh dự không thể bị phê phán. Đức Tổng Giám Mục Gänswein, có bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại Học Ludwig Maximilian vào năm 1993, đương nhiên ngài hiểu được đó là thẩm quyền hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thành ra, chúng tôi nghĩ rằng vụ “giám chức nửa vời” này có lẽ chỉ là một tiếng thở dài hơn là một lời tố cáo.

Giờ đây, Đức Bênêđíctô không còn trên trái đất này nữa, cơn lũ phân tích được mong đợi về “cuộc chiến” sắp xảy ra giữa các mặt trận của Giáo hội đã bắt đầu tràn ngập mọi kênh truyền thông có thể. Báo chí, TV, trang web và mạng xã hội. Báo chí thế tục cho rằng người hâm mộ của cả hai Giáo hoàng sẵn sàng rút kiếm và cho nhau một trận tơi bời. Bên cạnh các báo chí, có cả các linh mục sẵn sàng chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng bằng những bài mạ lỵ Đức Tổng Giám Mục Gänswein.

Hãy nghĩ xem, trong tình cảnh của Đức Tổng Giám Mục Gänswein hiện nay, khi Đức Bênêđíctô không còn sống, không rõ tương lai ra sao, ngài chống Đức Thánh Cha Phanxicô để làm gì?

Thành ra, với tư cách là một người đã đọc cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, chúng tôi bảo đảm với anh chị em rằng cuốn sách ấy không nhằm mục đích chống Đức Thánh Cha mà là để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Danh dự.

Việc Đức Thánh Cha tiếp Đức Tổng Giám Mục và thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ghi cẩn thận như thế cho thấy chính Đức Thánh Cha cũng không nghĩ Đức Tổng Giám Mục chống lại ngài.

Theo thông lệ tiêu chuẩn dành cho các buổi tiếp kiến riêng, văn phòng báo chí của Vatican không chia sẻ chi tiết về cuộc gặp gỡ, trừ khi đó là cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia.

Có lẽ cần phải đợi một thời gian nữa mới biết được Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm ngài trong công việc gì: phục hoạt đầy đủ chức vụ Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, hay giao cho ngài chăm sóc một giáo phận, hay quay trở lại công việc học thuật của ngài.

2. Tuần cửu nhật tưởng nhớ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Trong thông báo hôm 4 tháng Giêng, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã kêu gọi các tín hữu tham dự tuần cửu nhật tưởng nhớ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Thông báo viết như sau: Toàn thể Giáo Hội thương tiếc sự qua đời của Đức Thánh Cha Danh Dự Bênêđictô XVI. Trong các nhà thờ chính tòa, vương cung thánh đường, nhà thờ giáo xứ, đền thánh và nhà nguyện, Thánh Thể sẽ được dâng lên để linh hồn ngài được yên nghỉ. Các cộng đồng và cá nhân sẽ xin Chúa ban lòng thương xót vô hạn của Ngài cho người đã phục vụ Giáo hội với tư cách là Giám mục Rôma.

Tuần cửu nhật này đã được chuẩn bị để giúp cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Danh Dự trong thời gian này. Tuần cửu nhật hàng ngày - kéo dài từ đám tang của ngài vào Thứ Năm, ngày 5 tháng Giêng đến Thứ Sáu, ngày 13 tháng Giêng - bao gồm một bài đọc ngắn từ Kinh thánh hoặc một số văn bản giáo hội khác và một số lời cầu nguyện ngắn, bao gồm các lời cầu nguyện rút ra từ Sách Lễ Rôma và Lễ Quy Tang lễ Kitô giáo.


Source:USCCB

3. Tổ chức nhân quyền quốc tế tố giác nhà nước Belarus vi phạm tự do tôn giáo

Ngày 04 tháng Giêng vừa qua, Tổ chức quốc tế về nhân quyền (IGFM), có trụ sở tại thành phố Frankfurt bên Đức, tố giác rằng tại Belarus, các tín hữu Kitô ngày càng bị áp bức. Dưới chế độ của Tổng thống Alexander Lukashenko, quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm bị vi phạm, đặc biệt đối với các tù nhân chính trị.

Cụ thể, các tù nhân này được gặp các vị tuyên úy để được săn sóc về tinh thần. “Ban giám đốc nhà tù tịch thu các Kinh thánh và các sách báo tôn giáo khác được gửi đến cho họ”.

Từ mùa hè năm vừa qua, con số các linh mục và giáo dân Belarus bị bắt gia tăng. Phong trào dân quyền Nash Dom ở Belarus cho biết nhà nước cũng trưng thu nhiều thánh đường và nơi thờ phượng. Đại diện các Giáo hội Kitô, nếu không tỏ ra sẵn sàng thỏa hiệp với nhà nước thì bị đàn áp mạnh mẽ. Các tổ chức phi chính phủ bị nhà nước nhìn đôi mắt ngờ vực và thậm chí còn bị xếp vào hạng thù nghịch. Các tín hữu nói chung cũng bị nghi ngờ.

Tính đến cuối tháng Mười Hai năm 2022 vừa qua, Tổ chức Quốc tế về nhân quyền ở Đức cho biết có 1.437 người vô tội bị giam giữ tại Belarus vì những lý do chính trị.

4. Tổng Giám mục Liechtenstein hủy bỏ nghi thức khai mạc Quốc Hội truyền thống để phản đối

Đức Tổng Giám Mục Vaduz, Wolfgang Haas, đã hủy bỏ nghi thức khai mạc truyền thống của các phiên họp quốc hội bang để phản đối việc giới thiệu “hôn nhân cho tất cả mọi người” do quốc hội Liechtenstein thúc đẩy. Ngài đã biện minh cho quyết định của mình vào ngày 10 tháng 12 trên tờ Vobiscum, là Công báo của Tổng giáo phận Vaduz. Thông điệp tương ứng cũng được công bố trên cổng thông tin truyền thông Công Giáo Thụy Sĩ kath.ch.

Ngài nói rằng việc cử hành “Nghi thức Chúa Thánh Thần” khi khai mạc các phiên họp không còn ý nghĩa nữa. Lời giải thích chính thức của ngài rằng những lời cảnh báo của ngài về việc thông qua “hôn nhân” đồng tính tại quốc hội Liechtenstein, nơi có các thành viên “tất cả đều thuộc về Giáo Hội Công Giáo,” đã “không đạt được hiệu quả như mong đợi.”

“Bởi đa số – bất chấp và trái ngược với các hướng dẫn hợp lý và hợp pháp – đã kiến nghị soạn thảo một dự luật tương ứng được chuyển đến chính phủ, tức là đã bỏ phiếu cho việc giới thiệu hôn nhân giả này, trái ngược với cả cảm giác tự nhiên, luật tự nhiên hợp lý và, đặc biệt, sự hiểu biết Kitô giáo về con người vì nó tương ứng với trật tự sáng tạo thiêng liêng,” Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh. Một cử hành phụng vụ sẽ không còn có ý nghĩa “xét đến hành vi nghị viện của đại đa số các thành viên quốc hội tiểu bang của chúng ta trong một vấn đề thiết yếu của đạo đức Kitô giáo.”

Về vấn đề đồng tính luyến ái, Giáo Hội Công Giáo dạy như sau trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, đoạn 2357: “Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng, truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố : ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’. Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào”.

Dựa trên điều này, Giáo Hội Công Giáo bác bỏ sự công nhận hợp pháp của các mối quan hệ đồng giới.


Source:ifamnews.com