Ngày 04-01-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:21 04/01/2014
TIẾNG CHUÔNG Ở PHƯƠNG XA.
N2T

Trên đảo cách biển hai hải lý sừng sững một ngôi miếu, bên trong có một ngàn quả chuông vừa lớn vừa nhỏ do danh gia nổi tiếng thế giới thuần đúc, mỗi khi có một trận gió nổi lên hay mưa to bão táp, thì tất cả các quả chuông trong miếu liền hoà vang một bản nhạc giao hưởng, làm cho tâm trí của người nghe như được gột sạch.
Qua mấy thế kỷ, hòn đảo này cùng với miếu và chuông cùng nhau chìm sâu dười đáy biển. Căn cứ vào truyền thuyết thời xưa, tiếng chuông vẫn tiếp tục vang lên không gián đoạn, duy chỉ có những người chú tâm lắng nghe mới nghe được.
Có một thanh niên rất kích động khi nghe được truyền thuyết này, bèn quyết tâm lắng nghe tiếng chuông, anh ta ngồi đối diện nơi chỗ miếu trên bờ biển luôn mấy ngày, toàn tâm lắng nghe, nhưng chỉ nghe được tiếng sóng vỗ bờ. Anh ta bèn chuyển toàn lực, muốn gạt bỏ tiếng sóng vỗ, để nghe tiếng chuông vang, nhưng tất cả đều phí công vì giữa trời đất cũng chỉ có một âm thanh của biển.
Lại cố gắng như thế nhiều ngày...
Lúc anh ta cảm thấy thất vọng, bèn đi nghe lời các trưởng lão trong thôn làng, hứng chí nồng hậu kể rõ truyền thuyết này, vả lại có người trong họ đã nghe qua, có thể chứng minh đây là chuyện thật. Thế là anh ta lại điểm lên niềm hy vọng.... ....nhưng nhiều tâm huyết bỏ ra mấy tuần lại hết hy vọng, anh ta càng thêm suy sụp.
Cuối cùng anh ta quyết định không thử lại nữa, có lẽ số mạng anh không có cơ may để nghe được tiếng chuông kêu, và có lẽ truyền thuyết không đúng sự thật. Anh ta thừa nhận mình thất bại, dự định sẽ trở về nhà, gần đến ngày đi, anh ta đi đến chỗ thường ngụ bên bờ biển, cáo biệt biển, trời, gió và mấy cây dừa. Anh ta nằm dài trên bãi cát, chăm chú nhìn bầu trời, lắng nghe âm thanh của biển ấy, không cần biết là âm thanh nào. Đem mình ném vào trong đó liền phát giác ra tiếng hú của sóng biển, giây phút đẹp đẽ khiến cho người ta phải lắng nghe, anh ta liền nhanh chóng đắm mình trong âm thanh ấy mà quên mất ranh giới của mình, cảm nhận sâu sắc sự yên lặng mà âm thanh này hình thành trong tâm của anh ta.
Trong chỗ sâu thẳm của yên lặng, anh ta nghe được âm thanh tinh tang của quả chuông nhỏ phát ra, và các quả chuông khác cũng vang vọng lên, ngay lập tức hợp âm của ngàn quả chuông tấu lên đẹp đẽ không thể bì được, lòng của anh ta, sự hăng hái của anh ta vừa kinh ngạc vừa phấn khởi.

Suy tư:
Một ngàn cái chuông bị chìm xuống biển cả mấy trăm năm, nhưng người ta vẫn cứ nghe được âm thanh hợp tấu của nó, với điều kiện là phải thật chú ý lắng nghe.
Tiếng kêu trong sa mạc của thánh Gioan Tiền Hô cách đây hơn hai ngàn năm vẫn còn vang lên trong tâm hồn của người Ki-tô hữu: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần,” nhưng mấy ai biết thưởng thức được tiếng kêu ấy để sám hối, để dọn đường cho Nước Trời đến !
Lởi của thánh Gioan Tiền Hô vẫn sang sảng vang lên trong các nhà thờ, trong các buổi học hỏi Thánh Kinh, trong những lần cầu nguyện, nhưng mấy ai chú ý lắng nghe !
Thế gian là một biển rộng với rất nhiều âm thanh của ảo tưởng và hiện thực, người ta đi tìm hạnh phúc ảo tưởng trong thế giới hiện thực nên đau khổ vẫn cứ xảy ra, chiến tranh vẫn cứ bùng nổ và nghèo đói vẫn cứ là như bóng mây u ám bao trùm lên những người nghèo khổ bất hạnh. Lời của thánh Gioan Tiền Hô không phải là ảo tưởng nhưng là hiện thực, ăn năn sám hối không phải là ảo tưởng nhưng là thực tại, và Nước Trời đã đến gần cũng không phải là ảo tưởng, nhưng là một thực tại đang ở giữa trần gian, đó chính là Đức Chúa Giê-su đã đến trong thế gian và lời của Ngài chính là Lời ban sự sống đời đời cho những ai biết lắng nghe và thực hành Lời ấy...
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Hiển Linh)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:27 04/01/2014
Chúa Nhật LỄ HIỂN LINH

Tin mừng: Mt 2, 1-12.

“Từ phương đông chúng tôi đến bái lạy Ngài”.


Anh chị em thân mến,

Lễ Hiển Linh, theo truyền thống của Giáo Hội là ngày lễ Đức Chúa Giê-su tỏ mình cho dân ngoại, mà đại diện chính là ba hiền sĩ từ phương đông đến thờ lạy Ngài trong hang đá ở Bê-lem, trong tâm tình này, tôi xin chia sẻ với anh chị em -rất ngắn- về vai trò của người giáo dân:

Đức Chúa Giê-su là ánh sao lạ của thế giới.

Ánh sao lạ đã dẫn đường cho ba nhà hiền sĩ đến bái lạy Đức Chúa Giê-su mới sinh, nhưng đó chỉ là ánh sao của ba nhà hiền sĩ, ánh sao là điềm báo cho họ biết có vị vua mới sinh ra. Ánh sao lạ đã dừng lại nơi hang đá Bê-lem để xác định cho ba nhà hiền sĩ biết: em bé nằm trong máng lừa ăn ấy chính là vị vua mới sinh ra, và rồi ngôi sao lạ biến mất.

Đức Chúa Giê-su chính là ánh sao dẫn đường của nhân loại, không biến mất và không dừng lại một nơi nào trên vũ trụ này, nhưng sẽ dừng lại và soi sáng tâm hồn những kẻ tin vào Ngài, đó chính là cốt lõi của câu chuyện ánh sao lạ.

Nhân loại đang đi trong bóng tối của tội lỗi đã nhìn thấy ánh sao là Đức Chúa Giê-su, chính Ngài đã làm cho nhân loại thấy rõ đâu là tình yêu thương chân thật khi Ngài dạy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em; chính Ngài cũng đã dạy cho nhận loại biết chấp nhận và phục vụ nhau khi Ngài nói: anh em là con cái của một Cha trên trời; chính Ngài đã nâng cao phẩm giá con người, dù là con người tội lỗi, khi Ngài nói với các kinh sư và người Pha-ri-siêu: ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. ..

Ngài chính là ánh sao lạ dẫn đường khi người ta đều sống trong hưởng thụ, chỉ ích kỷ biết mình mà không biết đến người khác, ánh sao lạ, là vì Ngài giảng dạy những điều mà từ trước đến nay người ta chưa hề nghe đến.

Và ánh sao lạ này –Đức Chúa Giê-su- vẫn mãi mãi là ánh sao chiếu soi tâm hồn những người thành tâm thiện chí tìm kiếm sự thiện hảo trong cuộc sống của mình.

Mỗi người Kitô hữu là một ánh sao lạ.

Đức Chúa Giê-su là ánh sao lạ cho nhân loại, cho chúng ta, thì chúng ta -người Ki-tô hữu- cũng sẽ là ánh sao lạ cho mọi người, ít nữa là những người mà hằng ngày chúng ta cùng tiếp xúc, làm việc, học hành, để qua lời nói và việc làm của mình, họ nhận ra Thiên Chúa đang ở trong chúng ta.

Chúng ta là ánh sao lạ không ở trên bầu trời nhưng ở nơi công sở, chợ búa, trường học mà chúng ta đang sống và làm việc; không ở nơi mùa đông lạnh giá nhưng ở những nơi mà sự hưởng thụ xác thịt, xa hoa, tội lỗi làm lạnh cóng tâm hồn của những anh chị em sống không còn hy vọng, không còn niềm tin, không còn tình người...

Chúng ta là ánh sao lạ tỏa sáng bằng lời nói dịu dàng, an ủi mát lòng người bực bội, là nụ cười tươi khi bị người khác chửi mắng hiểu lầm, là thái độ khiêm tốn khi thành công cũng như khi thất bại, là thái độ hiền hòa không gắt gỏng khi người khác làm trái ý, là đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa khi phục vụ tha nhân... Đó chính là ánh sáng phát xuất từ tấm lòng chân thật của ngôi sao lạ là chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Thời nay ánh đèn màu nơi các cửa hàng ka-ra-ô-kê, nơi những khách sạn năm sao và các tụ điểm ăn chơi sáng rực, thu hút rất nhiều người đến đó để hưởng thụ và để giải trí, nhưng rồi họ vẫn cứ chán chường thất vọng sau những cuộc vui chơi ấy, bởi vì bên trong những ánh đèn nhấp nháy sáng rực nhiều màu ấy là bóng đêm của tội lỗi và hang ổ của ma quỷ.

Chúng ta là những người Ki-tô hữu được ánh sao sáng là Đức Chúa Giê-su soi đường để chúng ta đi trên đường chân thiện mỹ; ánh sáng này cũng đang chiếu sáng trong tâm hồn của chúng ta, để mỗi người chúng ta –như mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời là Đức Chúa Giê-su chiếu soi người khác bằng các việc lành của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------

http://nhantai.info

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:25 04/01/2014
N2T

4. Một người tràn đầy tinh thần tông đồ thì đủ để cảm hóa toàn bộ dân tộc.

(Thánh John Chrysostom)
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:27 04/01/2014
TRÁCH MÓC
Lễ vọng Giáng Sinh vừa xong, một giáo dân lớn tiếng với cha sở:
- “Tại sao năm nay cha đổi giờ lễ mà không thông báo cho mọi người biết, báo hại gia đình con tụi nhỏ cứ đinh ninh là giờ lễ đêm như năm ngoái, nên chúng nó đi công chuyện hết...”
Cha sở buồn buồn biết là lỗi tại mình và cha phó, thực ra ngài cũng có thông báo cho mọi người biết, nhưng chỉ thông báo có một lần rồi thôi...

-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Lễ Hiển Linh: Ánh sáng từ Belem
+TGM Ngô Quang Kiệt
09:40 04/01/2014
Lễ Hiển Linh: Ánh sáng từ Belem (Is 2, 1-11; Eph 3, 2-3a.5-6; Mt 2, 1-12)

Lễ HIển linh có thể gọi là lễ ánh sáng. Từ ngàn xưa Isaia đã loan báo ánh sáng của Chúa sẽ chiếu tỏa: “Đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi.Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi”.

Bài Tin mừng cho thấy lời tiên tri đã ứng nghiệm. Ngôi sao xuất hiện trên bầu trời soi lối. Ba Vua từ phương đông đã tiến về Belem như Isaia đã báo trước: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”.

Ánh sáng đó chính từ Thiên Chúa phát ra: “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi”.

Chúa Giêsu đã chiếu lên làn ánh sáng nào để Ba Vua nhận biết và tuân phục Người? Ba loại lễ vật nói lên ba làn ánh sáng Chúa Giêsu chiếu tỏa.

1. Chúa Giêsu chiếu tỏa làn ánh sáng hi vọng.

Ba Vua dâng vàng để tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa lại tự hạ làm loài người. Làm một em bé nhỏ sơ sinh, nghèo hèn. Con người cao ngạo muốn làm Thiên Chúa nến đã gieo bóng tối lầm lạc. Khi muốn làm Thiên Chúa, con người trở thành nô lệ cho cao vọng của mình. Khi phủ nhận Thiên Chúa con người lâm vào bế tắc. Khi loại bỏ Thiên Chúa, thế giới không có tương lai. Đó là một bóng tối tuyệt vọng dầy đặc. Để phá tan bóng tối đó, Thiên Chúa làm người chiếu lên ánh sáng hi vọng. Vì khi Thiên Chúa tự hạ làm người thân phận con người thay đổi. Phẩm giá được nâng cao. Được yêu thương kính trọng. Và có một tương lai tươi sáng.

2. Chúa Giêsu chiếu tỏa làn ánh sáng hạnh phúc.

Ba Vua dâng trầm hương để tôn vinh chức vụ tư tế của Chúa. Chúa Giêsu là tư tế muôn đời. Người không dâng một lễ vật nào đó. Người dâng chính thân mình làm của lễ. Bêlem nghĩa là “nhà bánh”. Sinh trong “nhà bánh”, Chúa Giêsu trở thành tấm bánh nuôi sống con người. Nằm trong máng cỏ, Chúa Giêsu trở thành của ăn của uống nuôi đàn chiên. Thế giới chìm trong bóng tối áp bức. Cá lớn nuốt cá bé. Người mạnh hiếp người yếu. Người ta làm giầu trên người nghèo. Người ta chiếm đoạt của người nghèo. Người ta xây hạnh phúc trên khổ đau của người khác. Khi tự hiến thân mình, Chúa Giêsu chiếu lên ánh sáng hạnh phúc phá tan bóng tối đau khổ. Người chịu nghèo khổ để ta được giầu có. Người trở thành bé nhỏ để ta được tôn vinh. Người chịu đau khổ để ta được hạnh phúc.

3. Chúa Giêsu chiếu tỏa làn ánh sáng sự sống.

Ba Vua dâng mộc dược để ướp xác Chúa. Đó là tôn vinh Chúa chịu chết cho nhân loại. Nhân loại chìm trong bóng tối chết chóc. Chiến tranh, hận thù, hưởng thụ đã làm tiêu hao bao sinh mạng. Người ta giết người khác để được sống. Giết người để được tự do hưởng thụ. Giết người để bảo vệ địa vị quyền lợi. Đó là thứ bóng tối hủy diệt thế giới. Khi chịu chết cho nhân loại, Chúa Giêsu chiếu lên ánh sáng sự sống phá tan bóng tối chết chóc đang vây phủ thế giới. Chúa chịu chết để xây dựng hòa bình. Chúa chịu chết để nhân loại được sống.

Đó là những làn ánh sáng cứu độ thế giới. Là giải pháp cho một thế giới đang bế tắc. Là ánh sáng cho một nhân loại đang đi trong tăm tối. Là hi vọng cho những ai tuyệt vọng. Là hạnh phúc cho những người đau khổ. Là sự sống hứa hẹn tương lai.

Ngày hôm nay thế giới vẫn chìm trong bóng tối. Vẫn còn những bóng tối lầm lạc, bóng tối áp bức bất công, bóng tối chiến tranh hận thù. Thế giới đang mong chờ những làn ánh sáng từ hang đá Bêlem tiếp tục chiếu tỏa.

Không lạ gì khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã được tạp chí Time bầu làm nhân vật của năm 2013. Và mới 9 tháng trong cương vị Giáo hoàng, ngài đã đem đến niềm vui tươi phấn khởi cho Giáo Hội và cho mọi người. Số người đi lễ trên thế giới tăng lên 20%. Số người tín nhiệm và yêu mến Giáo Hội là 85%. Vì Đức Thánh Cha cũng đang tỏa sáng.

Noi gương Chúa Giêsu, ngài đã chiếu lên làn ánh sáng hi vọng khi tự hạ mình xuống. Không xưng mình là Giáo hoàng, nhưng ngài tự xưng mình là Giám mục Rôma. Không ở trong dinh Tông Tòa, nhưng ở trong nhà khách Thánh Mácta. Không để cho người khác khiêng vác, nhưng ngài tự tay mang hành lý.

Ngài đã chiếu lên làn ánh sáng hạnh phúc khi tự hiến thân mình. Dành thời giờ tiếp đón mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ bệnh tật. Ngài đi thăm người tị nạn, thăm trại tù, rửa chân cho tù nhân. Ngài sẵn lòng gọi điện thoại thăm hỏi và an ủi những người đau khổ, bất hạnh.

Ngài đã chiếu lên làn ánh sáng sự sống. Chống lại quyết định của tổng thống Obama khi khi cầu nguyện và cổ võ cho hòa bình tại Syria. Lên án các chế độ chính trị kinh tế lấy tiền bạc làm trung tâm bóc lột người nghèo.

Ta hãy noi gương Chúa Giêsu, cùng với Đức Thánh Cha: sống hạ mình, sống tự hiến và sống hi sinh quên mình, để góp phần chiếu tỏa ánh sáng của Chúa. Đó chính là sống tích cực tinh thần Tân Phúc-âm-hóa.
Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian. Xin cho con luôn đi trong ánh sáng của Chúa.Amen.
 
Hãy mang đến cho đời một niềm tin đi anh
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
11:47 04/01/2014
Hãy mang đến cho đời một niềm tin đi anh

Đã từ lâu lắm rồi, Phụng Vụ Lễ Hiển Linh luôn gắn với hình ảnh “Ngôi Sao Lạ”, hay “Ngôi Sao Bêlem”, một biểu tượng vừa đậm chất thi ca vừa thiêng liêng huyền diệu như cách diễn tả của Thánh thi giờ kinh Phụng Vụ Sáng:

Ngôi sao ấy ngời trong vẻ đẹp,

Ánh trời hồng nối kết trăng thanh.

Báo tin hội lớn hình thành,

Kitô Cứu Chúa mặc thân xác người…

Và cũng từ “vì sao huyền diệu” đó, Thần Linh Chúa đã gợi lên bao nhiêu tâm tình và suy nghiệm để giúp người Kitô hữu muôn nơi và muôn thuở vừa tìm được ý nghĩa mới cho việc thực hành đức tin vừa có thể điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp hơn với Tin Mừng.

1. Thiên Chúa hiển linh để dẫn lối đưa đường:

Điều cảm nhận đầu tiên mà chúng ta có được khi suy niệm về mầu nhiệm Hiển Linh đó chính là cảm tạ: Cảm tạ Chúa đã hiển linh để dẫn lối đưa đường cho nhân loại chúng ta nhận biết Chúa và chân lý cứu độ của Ngài. Chúng ta có thể mượn lời nhạc phẩm “Tán Tạ hồng ân” của nhạc sư Hải Linh để cảm tạ Chúa về hồng ân hiển linh đặc biệt nầy:

“Đôi bàn tay Chúa dẫn con đi xin dâng lời cảm tạ,

Tay hồng ân Chúa đưa con về, xin dâng lời cảm mến.”

Và phải chăng đó cũng chính là điều mà ngôn sứ I-sa-ia đã từng cảm nhận trong khải thị về quang cảnh rực sáng huy hoàng mà Chúa đã chiếu dọi trên quê hương Palestine để mang lại cho dân lưu đầy Ít-ra-en niềm hy vọng cứu độ do Đấng Thiên Sai mang đến:

“Kìa bóng tôí bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập họp, kéo đến với ngươi…”

Thật sự, khi nhìn lại con dường dài của lịch sử cứu rỗi, Thiên Chúa đã gởi đến không phải duy nhất một lần với ánh sao Bêlem làm dấu chỉ mặc khải tình thương và chân lý cứu độ; mà như thư Do Thái khẳng quyết: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1)

Các riêng tác giả Thánh Vịnh đã cảm nhận và xác tín vững vàng về sự hiện diện, tỏ mình và dẫn dắt của Chúa dành cho toàn bộ cuộc sống:

Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,

Lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan ?

Con có lên trời, Chúa đang ngự dó,

Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.

Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,

Đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,

Tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,

Cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 139, 7-10)

Hay một chỗ khác:

“Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào ?

Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa ? (Tv 27, 1)

Và rồi, ánh sao Bêlem đã xuất hiện, như một dấu chỉ báo tin cuộc mặc khải cuối cùng, cuộc hiển linh chính thức của Đấng Em-ma-nu-en:

“nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,2)

Kể từ khi Con Một được ban tặng cho thế giới, kể từ khi “Vị Hoàng Tử Bình An đã chấp chánh đăng quang”, cho dù một cuộc đăng quang chẳng giống ai: Làm một tội nhân bước xuống dòng sông Gio-đan để Gioan Tiền Hô thanh tẩy, hay chấp nhận chịu bản án tử hình của một tội nhân với mảo gai và thập giá, …thì một “luồng sáng đã chiếu rọi khắp địa cầu”; Thánh Linh với lửa sáng rạng ngời đã nhen lên khắp cùng bờ cõi trái đất. Suốt 2000 năm nay, có từng triệu từng triệu ánh sao Nhân chứng tung chân khắp bốn phương trời để công bố Tin mừng cứu độ, để lôi kéo muôn dân trở về chiêm bái hài Nhi Giê-su, để làm thành một đoàn dân đông đảo cùng tháp tùng tiến về phía trước, phía của tin yêu và hy vọng, phía của tình yêu sự thật và sự sống.

Thánh Phaolô đã xác nhận điều nầy trong thư gởi giáo đoàn Ê-Phê-sô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2 hôm nay:

“…nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”

2. Những vì sao nhân chứng giữa đời thường

Cũng chính trong ý nghĩa đó, mầu nhiệm phụng vụ hôm nay không chỉ dừng lại ở khía cạnh “tưởng niệm”, chiêm ngưỡng…mà cần thiết đó là đón nhận mầu nhiệm Hiển Linh vào cuộc sống. Nói cách khác, sứ điệp phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hãy biến cuộc đời mình thành những “ánh sao lạ” soi dẫn anh chị em tiến về hang đá máng cỏ, tiến về ánh sáng của chân lý cứu độ, tiến về gặp gỡ Hài Nhi Giê-su…; và đồng thời thôi thúc chúng ta khám phá sự hiện diện của Chúa, sự hiển linh của Chúa ngay giữa đời thường cuộc sống.

Mà quả thật, ngày hôm nay, Chúa đang tiếp tục hiển linh không bằng ánh sao lạ cuối trời, không bằng hang đá và máng cỏ, không bằng những tiếng hát véo von của các sứ thần…mà chỉ là tấm bánh đơn nơi nhà tạm, là những người bất hạnh quanh ta, là vợ là chồng, là cha mẹ anh em, là chị em bạn hữu…là thánh lễ mỗi ngày, là tòa giải tội, là bữa cơm thân mật gia đình, là quà tặng thân thương trong ngày sinh nhật của con, hay trong dịp kỷ niệm thành hôn của ba của má…

Ý nghĩa Chúa hiển linh trong những người người nghèo là tôi chợt nhớ 4 câu thơ cuối của bài thơ “NHỮNG NGÔI SAO HÌNH QUANG GÁNH” Nguyễn Phan Quế Mai:

Những ngôi sao của tôi

Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận

Vô danh giữa đời thường

Dẫu đôi lúc đặt vào mắt tôi bao tia nhìn mang hình dấu hỏi.

Nếu Ba Vua ngày xưa, sau khi chiêm bái Hài Nhi Giê-su, sau khi gặp gỡ Thiên Chúa, đã “lên đường về theo lối khác, không thèm trở lại với bạo vương Hê-rô-đê”, thì sau thánh lễ nầy, mỗi người chúng ta cũng hãy ra đi trên con đường mới của Tin Mừng, con đường mới của vui tươi, phục vụ, yêu thương, khoan dung và tha thứ, con đường của xây dựng thuận hòa, đắp nghĩa anh em, con đường của trong sạch và thủy chung trong tình yêu đôi lứa, của quảng đại và dấn thân trong sứ vụ tông đồ. Đó là con đường mang đến cho đời niềm tin yêu hy vọng như những lời thơ thâm thúy trong bài thơ “hãy Mang đến” của nhà thơ Đất Quảng”

Hãy mang đến cho đời

những niềm vui

đi em

Hãy mang đến cho người

một niềm tin

đi anh

Vậy là anh

Vậy là em

Đang mang đến cho mình

một niềm tin yêu

cuộc sống.

Và như thế, viễn tượng một thế giới choáng ngợp niềm vui và an bình, một thế giới dâng tràn sự “hiểu biết Thiên Chúa như nước tràn đại dương” sẽ không còn xa nữa nhưng đang trở về, đang trở về từ hôm nay…

LM. Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hãy nhìn xem như Mẹ Maria của mọi người, là Sứ Giả của hy vọng
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
16:13 04/01/2014
Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu phó thác cho Mẹ chí thánh cuộc hành trình đức tin của mình, những ước muốn của lòng mình và những nhu cầu của toàn thế giới

VATICAN(Zenit. Org)- Trong bài giảng của ngài về lễ Trọng Kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các tín hữu nhìn xem Đức Mary như là một người Mẹ của mọi người và sứ giả hy vọng thật.

Khi ngõ lời với các tín hữu tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngài bắt đầu nhắc tới phép lành của Thiên Chúa nói với Mosê trong Sách Dân Số: Chúa chúc lành anh chị em và giữ anh chị em… Chúa ngước nhìn anh chị em và ban hoà bình cho anh chị em. “

Đức Giáo Hoàng nói “không có thời gian nào ý nghĩa hơn là sự bắt đầu một năm mới để nghe sự chúc lành này. Những lời này ban sức mạnh, sự can đảm và niềm hy vọng [sẻ] đồng hành cuộc hành trình chúng ta suốt năm mở ra trước chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng cảnh báo điều này không phải là “một hy vọng ảo tưởng dựa trên những lời hứa mảnh khảnh con người hay là một hy vọng/ tưởng rằng tương lai sẽ tốt hơn mà thôi vì đó “là tương lai.” Đúng hơn đó là một hy vọng dựa trên sự chúc lành của Chúa, chứa đựng sứ điệp lớn nhất của những ý muốn tốt có thể có và đó là sứ điệp Giáo Hội mang đến cho mỗi người chúng ta. ”

Sứ diệp hy vọng trong sự chúc lành của Chúa, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, “ được thực hiện đầy đủ trong một người nữ, Mẹ Maria, người được chỉ định nên Mẹ Thiên Chúa.”

“Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu thứ nhất và quan trọng nhất của Đức Mẹ, “ ngài nói tiếp. Và lưu ý rằng trong sự sốt sắng của họ đối với Mẹ từ nhưng lúc xa xưa, các tín hữu đã hiểu điều này “từ ban đầu.”

Đức Giáo Hoàng nhắc lại Công Đồng xa xưa thành Ephesô đã định nghĩa cách có uy quyền thiên chức làm mẹ đầy uy quyền của Đức Trinh Nữ Maria và sau này Đền thờ Maria thứ nhất tại Roma và tại toàn cỏi phương Tây” được xây dựng để kính nhớ Mẹ trong Vương Cung Đức Bà Cả.

Đức Mary cũng là Mẹ chúng ta,, Đức Giáo Hoàng nhắc chúng ta, “ cả từ khi Chúa Giêu chết trên Thánh Giá, Chúa đã ban Ngài cho chúng ta để làm Mẹ chúng ta, khi nói ‘Đây là Mẹ các con !”

Suốt những thời gian khó khăn nhất và thử thách nhất, con tim buồn phiền của Đức Maria được mở rộng để làm nơi ở cho tất cả mọi người nam và nữ, dầu tốt hay xấu, “ Đức Giáo Hoàng nói, và Mẹ truyền thông tình yêu mẫu tử của mẹ cho mọi người, làm một nguồn mạch hy vọng và vui mừng thật,

Bằng cách mời các tín hữu phó thác cho mẹ cuộc hành trình, đức tin, những ý muốn của Tâm hồn, những nhu cầu của chúng ta và những nhu cầu của toàn thể thế giới, cách riêng của những kẻ đói và khao khát sự công chính và hòa bình,” Dức Giáo Hoàng Phanxicô nói qua gương khiêm nhượng và cởi mở cho Chúa, xin Mẹ giúp chúng ta chuyển sang đức tin chúng ta thành một sự công bố vui mừng của Tin Mừng cho mọi người, không trừ ai.: Và khi hướng về tượng của Mẹ gần nơi bàn thánh, Đức Giáo Hoàng Francis kêu cầu Mẹ ba lần, bằng cách lập lại mãnh liệt; ‘Mẹ Thánh của Thiên Chúa!”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn cung hiến thánh đường tại giáo xứ Đồng Tiến
Maria Vũ Loan
09:46 04/01/2014
SAIGÒN - Buổi sáng ngày 04/01/2014, có thánh lễ tạ ơn cung hiến thánh đường tại giáo xứ Đồng Tiến, hạt Phú Thọ, Sài Gòn, được cử hành rất trang trọng.

Hình ảnh

Chủ sự thánh lễ là Đức TGM phó Phaolô Bùi Văn Đọc, cùng đồng tế có Đức Cha phụ tá GP Hà Nội Lôrensô Chu Văn Minh, Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, GP Long Xuyên và Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, quí linh mục trong giáo hạt, quí linh mục thân hữu, quí tu sĩ và đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo xứ.

Nghi thức đầu lễ được bắt đầu bằng hình ảnh đoàn rước từ nhà xứ hướng tới cửa nhà thờ, có lẽ lời dẫn ý trước thánh lễ làm người dự thấy hân hoan hơn và như nhắc nhở mọi người về sự thánh thiện và ý nghĩa tượng trưng của ngôi nhà thờ mới: “...Bất cứ thánh đường nào cũng được làm phép hay sức dầu thánh hiến cho Thiên Chúa, dành riêng cho phụng tự...”. Nhưng hình ảnh làm ngây ngất lòng người giáo dân Đồng Tiến là khi cả bốn Đức Cha cùng cắt băng khánh thành và tiếng hát ca đoàn với bài “Về nơi đây” như theo chân đoàn rước tiến vào thánh đường.

Sau đó, các nghi thức cung hiến thánh đường được diễn ra theo thứ tự và trang trọng. Cha chánh xứ Gioan B. Trần Thanh Cao đã chọn hai bài đọc là (Is 56,1. 6-7.) và (1Pr 2, 4-9.) với lời dẫn rất hay: “Nhà Thiên Chúa là nhà cầu nguyện”, nơi đó Thiên Chúa đón nhận những lời ca tụng và việc tôn thờ của nhân loại dâng lên; cũng chính nơi đây, Thiên Chúa ban cho con người nhiều niềm vui, mọi ân huệ của Ngài. Và Chúa Kitô là tảng đá gốc, trên đó, Giáo Hội được xây dựng và mỗi người chúng ta khi liên kết với Chúa Kitô qua bí tích Rửa tội, được trở nên những viên đá sống động, góp phần xây dựng tòa nhà thiêng liêng của Thiên Chúa”.

Trong thánh lễ, với giọng nói khỏe, rõ ràng, Đức TGM Phó diễn giải Tin Mừng một cách ý nghĩa và sâu sắc.

Đền thờ được Chúa Giêsu ví như thân thể của Ngài; thân xác của Ngài bị giết chết và sau ba ngày được sống lại và trở nên một nơi mọi người đến trong Đức Giêsu và nhờ Ngài. Khi thánh đường được sức dầu thì được biến đổi, biến đổi thành môi trường thần linh, nơi thiêng liêng. Nơi thờ phượng Thiên Chúa mang tầm quan trọng vì chính Đức Giêsu mời gọi mọi người đến.

Xây dựng ngôi thánh đường thiêng liêng thì khó khăn vô vàn hơn là xây dựng một nhà thờ bằng xi - măng cốt sắt. Nhiều linh mục ngại ngùng xây đền thờ thiêng liêng cho anh em vì quá khó...Chúng ta được gọi là giống nòi tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, là dân riêng của Thiên Chúa, đã được kêu gọi để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa, mà kỳ công lớn nhất chính là sự chết và sự sống lại của Chúa.

Và Đức Cha đã kết thúc bài giảng khá dài bằng câu nói vắn gọn: “Niềm vui của chúng ta là được gặp gỡ Chúa!”

Sau bài giảng là nghi thức cung hiến và xức dầu. Tất cả nhịp nhàng và tốt đẹp. Giây phút long trọng nhất của nghi lễ cung hiến, có một lời nguyện được Đức TGM phó, chủ sự đọc rất ý nghĩa:

“Hội Thánh thật là thánh thiện, là cây nho mà Chúa tuyển chọn, với cành lá che rợp trái đất và nhờ cây gỗ thập giá chống đỡ, đã vươn lên đến tận Nước Trời. Hội Thánh thật là diễm phúc, là nhà tạm của Thiên Chúa ở giữa loàn người, là đền thờ thánh thiện được xây bằng những viên đá sống động, dựa trên nền tảng các tông đồ và có Đức Kitô là đá góc tường. Hội Thánh cao cả, là thành trì trên đỉnh núi mà tất cả mọi người đều thấy rõ, nơi ấy ngọn đèn của Chiên Con liên lỉ chiếu sáng và vang dội lời ca tri ân của các Thánh”.

Phần phụng vụ Thánh Thể rất trang nghiêm và sốt sắng cho đến kết lễ. Trước khi phép lành cuối lễ được ban, Đức Cha phụ tá Laurensô chia sẻ tâm tình vui của một người là đồng hương với cha chánh xứ Thanh Cao và còn hát tặng cộng đoàn một bái hát hay. Ông chủ tịch HĐMV nói lời cảm ơn trước khi các em bé tặng hoa cho bốn Đức Cha chủ tế và đồng tế. Đức TGM phó đã đáp lời rất bình dị, trong đó có câu rất vui, ý nhị: “Ngoài mục vụ qui tụ, còn có mục vụ “đi ra”, nghĩa là đi ra con người ích kỷ, tối tăm của mình để “đi đến”, đi đến với nhiều người, nhất là với người di dân, người nghèo; và “đi về” là trở về để hoàn thành sứ vụ của mình.

Tiệc mừng ở hội trường giáo xứ (dành cho khách mời) và tầng hầm nhà thờ (dành cho giáo dân) rất vui. Đức Cha Vinh Sơn, GP Ban Mê Thuột, đã hát tặng mọi người. Nhiều người xúm xít vui cười quanh bàn quí Đức Cha.

Tiệc mừng ấm cúng không phải vì món ăn ngon mà vui vì ai cũng hân hoan với ngôi nhà thờ mới của giáo xứ Đồng Tiến, là điểm đến của nhiều giáo dân trong hạt Phú Thọ cũng như trong khu vực.
 
Giáo xứ Thanh Thủy thăm trại phong Quỳnh Lập - Nghệ An
Thanh Thủy
10:14 04/01/2014
THANH HÓA - Ai đó đã từng nói rằng: “ Chúng ta sinh ra là để lấp đầy cho nhau. Như những mảnh xếp hình với dáng vẻ kỳ dị, đầy những ưu điểm và khiếm khuyết, sở trường và sở đoản, sẽ là vô nghĩa dù hiện hữu nếu không lấp đầy cho nhau để tạo nên một thế gian rực rỡ và hoàn hảo”. Chính yêu thương là sợi dây nối kết con người, là vốn tài sản vô giá và là món quà ý nghĩa nhất. Ngày 01.01.2014 vừa qua, giáo xứ Thanh Thủy đã có chuyến thăm viếng tại trại phong Quỳnh Lập – Nghệ An.

Xem Hình

Đồng hành trong chuyến đi có cha chính Phaolo Đỗ Nguyên Hoàn, cha phó Giuse Nguyễn Văn Việt, Hội đồng mục vụ giáo xứ cùng bà con giáo dân.

Chúa giáng sinh, đất trời tấu lên khúc nhạc rộn rã, lòng người hân hoan một niềm vui lạ. Bình an cho muôn dân. Chúa đến xua tan đau thương và thù hận, Chúa đem chân lý và tình yêu để con người sống mà chân trọng nhau mỗi ngày. Niềm vui Con Chúa giáng trần như vẫn còn nguyên vẹn đó thì hôm nay, cộng đoàn dân Chúa nơi đây lại hân hoan mừng lễ Đức Mẹ - Mẹ Thiên Chúa – Bổn mạng giáo xứ. Đón nhận nguồn hồng ân bao la, sự quan phòng và chở che của Thiên Chúa và Mẹ, giáo xứ Thanh Thủy đang từng ngày cho thấy một sức sống mãnh liệt, một sự cựa mình mạnh mẽ, vươn lên cái khó nghèo để bồi đắp lòng yêu mến dành cho Đấng mà họ tôn thờ.

Mầu nhiệm Giáng Sinh chính là Tình yêu Thiên Chúa đã “kết duyên” với đời sống, với những lam lũ, khổ đau của nhân loại và tình yêu ấy phải được nở hoa trên mỗi người Kitô hữu trong những năm tháng cuộc đời mình. Năm xưa, Mẹ Maria đón nhận tin mừng tình yêu trong ngày sứ thần truyền tin, từ ngày ấy Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã vội vã lên đường đến vùng núi xa xôi hẻo lánh để thăm viếng và đem Tin Mừng báo cho bà Ê-li-da-bét. Chính tình yêu Thiên Chúa đã thúc bách Mẹ. Và hôm nay, noi gương Mẹ Maria, con cái Thanh Thủy cũng mau mắn “ ra đi” để gắn kết yêu thương, để trao gửi tâm tình.

Xứ đạo nghèo với 2 340 nhân danh ( Theo sổ tất niên giáo phận năm 2011) sống chủ yếu dựa vào đồng ruộng. Đời sống của bà con giáo dân nơi đây nhìn chung còn nhiều cơ cực, thế nhưng, với tình yêu và lòng hi sinh quảng đại theo tinh thần Tin Mừng, quý Cha và cộng đoàn đã cố gắng hết sức với những gì có được để sẻ chia một chút với anh chị em mình nơi trại phong. Như lời Cha xứ Phaolô đã nói: “ Những anh chị em đó chính là Chúa Giê-su đó nên chúng ta phải đến viếng thăm Ngài, như vậy lễ quan thầy của chúng ta mới mang lại ý nghĩa nhất, chúng ta phải thực hiện Tin Mừng một cách triệt để nhất khi nào chúng ta có dịp, mỗi khi chúng ta có thể”. Thật vậy, món quà của lòng yêu thương trắc ẩn là món quà tuyệt vời nhất.

Xe vội lăn bánh sau khi thánh lễ bổn mạng khép lại. Cha con giáo xứ Thanh Thủy lên đường với một nhiệt huyết và tràn đầy hứng khởi, một tinh thần theo đúng Tin mừng. Chút nắng nhẹ le lói giữa trời đông, trải xuống con đường, theo đoàn người tiến về trại phong Quỳnh Lập.

Những con người nơi trại phong, họ thực sự đáng thương. Cuộc sống “mặc” cho họ nỗi đau thể xác rồi lại đẩy họ quoàn quoại trong nỗi đau tinh thần của cảm giác bị xa lánh, lãng quên. Dòng đời đẩy đưa, lòng người đưa đẩy, những mảnh đời tội nghiệp ấy dần khép mình và chấp nhận cuộc sống quẩn quanh trong góc phòng chật hẹp; không ước mơ, không hi vọng…

Lần trở về này là cơ hội để mỗi thành viên trong đoàn hiểu hơn về cuộc sống của những con người nơi đây, đồng thời gửi đến họ lời động viên khích lệ tinh thần. Hơn 300 phần quà cũng đã lần lượt được quý cha gửi đến từng người. Món quà vật chất tuy không đáng là bao nhưng hơn cả là mong muốn được gửi trao tình người để sưởi ấm những cung lòng bấy lâu đóng chặt bởi mặc cảm và cô quạnh, để nhóm lên chút lửa niềm tin vào tương lai ngày mai dù nhỏ bé thôi, dù có thể thật quá xa vời.

Đỉnh cao của chuyến viếng thăm là thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho hoà bình thế giới, cầu cho các bệnh nhân. Trong bài giảng của mình, cha phó Giuse Nguyễn Văn Việt chia sẻ: “ …hôm nay chúng tôi đến với anh chị em không phải vì quý vị là anh em với chúng tôi, không phải quý vị là người nhà của chúng tôi, nhưng chúng tôi đến đây bởi sự thúc đẩy bởi tình yêu của Hài Nhi Giêsu. Vâng! Chúng tôi vẫn tin rằng hôm nay Hài Nhi Giêsu lại giáng sinh giữa một thế giới có nhiều bất trắc; giữa một đất nước, quê hương Việt Nam đang còn nghèo đói, đang còn bất công; giữa những cảnh đời bất hạnh và giữa những tâm hồn đang thất vọng, chán chường…Theo đức tin của chúng tôi, Chúa Giêsu đã giáng sinh hơn hai ngàn năm nay, nhưng Mầu nhiệm Nhập Thể vẫn luôn tiếp nối, bài học yêu thương vẫn tồn tại mãi. Vì Chúa Giêsu không chỉ sinh ra một lần trong lịch sử xa xôi, mà vẫn còn đang sinh ra trong cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay và ngày mai”.

Những cay đắng, đau khổ, oán hờn sẽ mãi còn tiếp nối, song hành cùng cuộc đời, nhưng tình người sẽ xoa dịu nỗi đau, gắn kết tâm hồn để cái đẹp, cái thiện, cái chân chính luôn được tôn vinh.

Ngay sau thánh lễ, buổi giao lưu văn nghệ giữa giáo xứ, quý sơ dòng Bác ái giáo phận Vinh, các em khuyết tật của Hội dòng và bệnh nhân trại phong đã được diễn ra trong bầu khí vui tươi, đầm ấm. Những ánh mắt long lanh ngấn lệ, những nụ cười rạng rỡ trên môi, niềm hạnh phúc lúc này không cần nói bằng lời nhưng đã thể hiện tất cả trên những nét mặt rạng ngời. Gió đông vẫn từng hồi thổi qua lạnh buốt nhưng không khí nơi trại phong đã được hâm nóng bởi tình người ấm áp, bởi những đôi tay nhân ái dang rộng chở che, bởi những món quà tặng diệu kì - quà tặng tình thương.

Tạm biệt trại phong Quỳnh Lập khi trời đã dần về đêm, đoàn người đi nhưng lòng đầy lưu luyến. Ước mong rằng niềm vui hôm nay sẽ mãi kéo dài và “những ngọn đèn” vừa được nhen nhóm hi vọng sẽ tiếp tục bừng sáng để xoa dịu đêm đen và đau khổ nơi chính cuộc đời họ. Còn với mỗi người hôm nay, ai đó đều hiểu hơn rằng: Yêu thương cho đi là yêu thương có thể giữ lại mãi mãi…
 
Căn phòng lưu niệm kỷ vật của vị Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:58 04/01/2014
Hộp thuốc chữa bệnh

Căn phòng lưu niệm kỷ vật của Vị Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận ở Tu viện Cellitinnen thuộc Tổng giáo phận Köln (Cologne), đã được Đức Hồng Y Gioakim Meisner, Tổng giám mục Cologne làm phép khánh thành hôm 26.10.2013.

Căn phòng kỷ niệm này lưu giữ bảo quản những vật lưu niệm, mà đức cố Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận sau khi qua đời đã trối lại cho nhà Dòng. Mối liên hệ của đức cố Hồng Y với nhà Dòng có bề dầy lịch sử từ những năm 50 của thế kỷ trước. Số là khi còn là linh mục trẻ sang du học bên Roma, vào những dịp nghỉ hè, ngài hay sang nhà Dòng Cellitinnen bên Đức để học tiếng Đức cùng giúp việc mục vụ linh hướng dâng Thánh lễ Misa cho nhà Dòng.

Mối dây liên lạc đó đức cố Hồng Y nhà ta luôn quan tâm chăm sóc đều đặn cả sau sau khi trở về quê hương Việt Nam làm giáo sư chủng viện làm giám đốc Chủng viện, làm Cha Chính Tổng giáo phận Huế, làm Giám mục Nha Trang, thời kỳ bị tù giam giữ và thời gian sang sinh sống lưu vong bên Roma cho tới khi đước Chúa gọi trở về đời sau ngày 16.09.2002.

Mối dây liên lạc tình nghĩa con người đó giữa ngài với nhà Dòng thật linh thiêng đạo đức cùng thắm thiết. Chính vì thế, ngài đã trối lại cho nhà Dòng những kỷ vật cá nhân của ngài, như lời cám ơn mối thịnh tình nhà Dòng đã trao tặng ngài từ mấy chục năm qua.

Trong tiến trình Gíao Hội lập dự án phong Á Thánh cho ngài, nhà Dòng đã dành một căn phòng 40 mét vuông chỉ để trưng bày trong tủ kính bảo quản những di vật của Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận đã để lại.

Căn phòng này không chỉ để tôn vinh Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận, nhưng còn hơn thế nữa. Đến thăm căn phòng kỷ vật này, người hành hương còn học hỏi được gương sống nhân đức của vị Tôi Tớ Chúa còn lưu lại qua chứng từ những vật dụng ngài đã dùng để thờ phượng kính mến Chúa.

Một di vật qúi báu không phải chỉ theo khía cạnh lịch sử, nhưng ẩn chứa thâm sâu lòng đạo đức của ngài là chiếc hộp với hai lọ hộp dầu cù là đựng rựơu lễ, chiếc khăn lễ, chiếc muỗm, mà thân nhân gia đình ngày xưa gửi vào nhà tù tiếp tế nuôi ngài.

Năm 2000 trong tuần tĩnh tâm mùa chay cho Giáo triều Roma với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị, mà bây là Á Thánh và ngày 27.04.2014 sắp tới sẽ được tôn phong lên bậc Hiển Thánh, ngài đã giảng nói về những chiếc hộp thăm nuôi đó như sau. „ Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã sống giờ phút tột đỉnh trong cuộc đời trần thế của Ngài: món qùa tuyệt vời biểu lộ tình yêu đối với Chúa Cha và với chúng ta được bày tỏ qua hy tế trao ban chính Mình và Máu Ngài.

Chúa để lại cho chúng ta giờ phút tột đỉnh ấy để tưởng niệm Ngài, chứ không phải giờ phút khác, cho dù giờ phút đó có chói sáng rạng ngời thế nào đi nữa, như lúc Chúa hiển linh hoặc một trong những phép lạ của Ngài. Nghĩa là Ngài để lại trong Hội Thánh sự hiện diện tưởng niệm của giờ phút tột đỉnh của tình yêu thương và đau khổ trên thập gía mà Chúa Cha đã biến nó thành vĩnh cửu và để sống nhờ Ngài, để sống và chết như Ngài.

Chúa Giêsu muốn Hội Thánh tưởng niệm Ngài và sống những tâm tình cũng như những đòi hỏi của việc tưởng niệm ấy qua sự hiện diện sinh động của Ngài. „ Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy“ ( cf 1 Cr 11,24)

Trở lại kinh nghiệm của tôi. Khi bị bắt, tôi phải đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau, tôi được phép viết cho những người thân để xin những thứ cần thiết nhất như quần áo, kem đánh răng...Tôi viết:“ Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc để chữa bệnh đường ruột“. Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi mội chai nhỏ đựng rượu lễ, bên ngoài có ghi „ thuốc chữa bệnh đường ruột“, còn bánh lễ thì họ giấu trong một ống nhỏ chống ẩm thấp.

Giám thị hỏi tôi:

- „ Ông bị bệnh đường ruột_

- Phải.

- Đây, có ít thuốc cho ông đây.“

Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ, và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi.

Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi: „ Thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sự sống trong Chúa Giêsu“ , như Thánh I-Nha-xiô thánh Antiokia đã nói.

Mỗi làn như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào Thập gía với Chúa Giêsu và cùng với Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi.“ ( Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma, mùa chay 12.- 18. tháng Ba năm toàn xá 2000, Dân Chúa Âu châu 2001, trang 166 )

Những di vật lịch sử của người tù Tổng Giám mục Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận hiện còn được lưu để cho tham quan cùng học nhớ đến gương sống đức tin vào Chúa của một chứng nhân niềm hy vọng trong căn phòng kỷ niệm ở nhà Dòng Cellitinnen, Koeln.

„ Con phải cố gắng không ngừng để mỗi ngày con đổi mới, để máy thu thanh của thế gian bắt được làn sóng Tin Mừng do con phát âm, đem tiếng con vào tận mỗi tâm hồn, mỗi gia đình. Con hãy nên người của thời đại.“ ( Phanxico Nguyễn văn Thuận, Đường hy vọng số 661.)

Địa chỉ liên lạc tới thăm Căn phòng

Stiftung der Celittinen zur hl. Maria

Graseggerstrasse 105

50737 Koeln- Longerich

Tel. 0049 (0) 221-974514-51

Herr Diakon W. Allhorn: 0221- 97451420

Email: info@cellitinnen.de

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Cảm nhận chuyến đi thăm bệnh nhân HIV/AIDS tại Mai Lĩnh Bình Phước
Têrêsa Lê Nguyễn Phương Anh
20:15 04/01/2014
MỘT VÀI SUY NGHĨ VÀ CẢM NHẬN KHI ĐẾN THĂM BỆNH NHÂN HIV/AIDS TẠI TRỌNG ĐIỂM MAI LINH – BÌNH PHƯỚC

Từ khi nhận được tin Huynh trưởng Giáo xứ Bà Trà được đi thăm các bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối tại Trọng điểm Mai Linh thuộc tỉnh Bình Phước, trong đầu tôi hiện ra biết bao những suy nghĩ và mường tượng về một nơi đầy rẫy sự chết chóc, buồn bã, đau thương…

Xem Hình

Ngày chúng tôi ra đi, tiết trời cũng trở nên se lạnh, ngồi trên xe, mọi người hát vang các bài ca sinh hoạt thật vui. Nhưng khi những lời ca ấy dứt thì tôi lại tiếp tục tưởng tượng ra những điều mà mình sắp chứng kiến. Có lẽ tôi là người luôn có trong mình một chút chất nghệ sĩ nên khéo tưởng tượng và mặc dầu chưa gặp họ bao giờ nhưng trong lòng tôi vẫn trào lên một niềm thương cảm, tôi tự hỏi: “các bệnh nhân ở nơi ấy đau đớn như thế nào, các Soeur chăm sóc vất vả ra sao?...”

Tôi cũng không quên cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho tôi biết mình cần phải nói gì và làm sao với những giây phút ngắn ngủi ở nơi ấy tôi có thể làm cho họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Thật khó đúng không? Nhưng Thiên Chúa Ngài hiểu thấu lòng tôi, Ngài biết nơi sâu thẳm trái tim tôi, tôi muốn nói với tất cả mọi người “Chúa yêu hết thảy mỗi chúng ta”. Tôi muốn nói với các bệnh nhân HIV/AIDS rằng: “Đối với tôi và bạn, điều quan trọng nhất trong lúc này là sự bình an, và với sự bình an ấy thì dù trong cái đau đớn của thân xác tưởng chừng như không còn hy vọng, ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc”. Quả thực, Tôi mong ước hướng họ đến hạnh phúc từ Thiên Chúa.

Xe chúng tôi dừng ở Khoa Nội A – Bệnh Viện Nhân Ái. Tiếp đón chúng tôi có hai Soeur và một số nhân viên. Khi vừa bước xuống xe, tội nhận ra nhiều bệnh nhân đứng xa xa đang chờ đợi chúng tôi: người đứng trước cửa, người đứng ngoài khuôn viên,… Tôi cảm nhận ở nơi họ có điều gì đó toát lên cái vẻ hiền lành, đơn sơ đến mức lấn át những vết săm trên thân thể họ, và cả những quá khứ đã qua.

Tôi bắt đầu cảm nhận sự hiền hòa, yên bình của cảnh vật và con người nơi đây. Sự thân thiện, cởi mở và những nụ cười ấm áp của các Soeur đang phục vụ nơi đây, làm cho chúng tôi vững tin hơn. Tôi tin rằng, qua sự hiện diện và chăm sóc của các Soeur đã đánh động tâm hồn những bệnh nhân nơi đây và chắc hẳn họ cảm nhận được các Soeur như những người thân yêu và xa hơn họ cảm nhận được họ có một vị Cha chung, vì như Chúa Giêsu đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35). Trong bầu khí của tình yêu hiện diện, Tôi không mấy quan tâm tới quá khứ hay tương lai của họ, điều quan trọng là giây phút hiện tại họ hiền lành và cần nhiều sự sẻ chia, động viên và khích lệ từ người khác. Tôi yêu tất cả mọi người nơi đây.

Đoàn chúng tôi đến thăm từng phòng, chúng tôi tản ra mỗi người đến với từng bệnh nhân để tặng quà và thăm hỏi họ, Tôi bắt đầu dừng lại lâu hơn ở một giường bệnh khi bắt gặp hình ảnh: Một người mẹ khóc nức nở khi đứng bên giường bệnh của con trai bà, còn cậu con trai thì ho liên hồi, khó thở; mỗi tiếng ho không phát thành tiếng của người con như những mũi dao đâm thấu trái tim bà và hai hàng nước mắt của bà trào tuôn như hai dòng nước. Bà cũng đã già lắm rồi, khuôn mặt khắc khổ, in hằn những nếp nhăn của thời gian. Nhìn vẻ mặt của bà tôi hiểu rằng, có lẽ bà còn đau đớn hơn gấp nhiều lần so với cậu con trai bà đang phải chống chọi với căn bệnh thế kỷ đang hoành hành trên thân xác từng phút, từng giây. Mỗi lần đứa con ho, bà luống cuống, muốn tìm một cách nào đó để giúp đỡ cho con bà, nhưng đành bất lực. Điều bà chỉ có thể làm cho đứa con trai tội nghiệp của bà lúc này đây chỉ có thể là những cái xoa trán, bóp tay, kèm theo những dòng nước mắt lăn dài trên má… thật tội nghiệp và xót xa.

Bà hỏi đứa con “Con ăn gì để mẹ mua, mẹ mới mượn được bốn trăm ngàn lên thăm con đây, con đừng có về (có lẽ với hoàn cảnh hiện tại của bà, bà không thể chăm sóc cho đứa con này ở gia đình), lời nói của bà hòa trong dòng lệ: “con cố gắng ở đây mà chữa bệnh, mẹ sẽ tiếp tục lên thăm con, cố gắng chữa cho khỏi rồi về (bà nói để trấn an con bà vậy thôi, chứ tôi hiểu rằng, bà biết đứa con trai của bà sẽ chẳng thể trở về với bà nữa. Mà có trở về thì lúc ấy cũng chỉ là cái xác không hồn). Tôi biết bà rất muốn ở lại với con, còn niềm đau nào đau hơn niềm đau khi đứa con thân yêu của mình sắp lìa đời mà không có người thân yêu bên cạnh… Cậu con trai trả lời bà với một giọng mệt nhọc, ánh mắt đờ đẫn vô hồn, đứt quãng bởi những tràng ho liên tục “Mẹ ra đi… chút nữa con ăn… giờ con muốn uống nước ngọt… mẹ mua nước ngọt cho con uống đi…”, rồi cậu lại tiếp tục ho…

Cuộc đối thoại ngắn ngủi của hai mẹ con đưa tôi trở về với những nét đẹp thiêng liêng của tình mẫu tử, cậu con trai đang nằm trên giường bệnh kia chắc hẳn cũng đã từng là một đứa trẻ ngoan, đã từng làm cho bố mẹ cậu vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc vì sự hiện diện của cậu trên cuộc đời này. Chắc hẳn cậu cũng đã từng đi học, đã từng đến trường, đã từng có một tuổi thơ êm đềm bên bạn bè và những người thân… Điều gì đã khiến một đứa trẻ hồn nhiên đáng yêu ấy trở nên như thế này? Cậu đáng thương hay đáng trách?...

Tôi rùng mình khi nghĩ đến những yêu chiều của người mẹ, những thú vui sa đọa trong nhịp sống thời hiện đại, những hoàn cảnh sống không lành mạnh như một “tên giết người thầm lặng” đưa tiễn cậu vào đây. Và ngoài cái thế giới bao la rộng lớn kia còn biết bao nhiêu kẻ mù quáng, rộng bước trên con đường thênh thang sa đọa để đến với cái nơi sầu não này.

Cậu con trai tiếp tục ho, và bà mẹ lại luống cuống: “Con vái vợ con đi” (có lẽ vợ cậu cũng đa qua đời rồi). Tôi vội đeo vào tay cậu cỗ tràng hạt và nói “Anh đeo chiếc vòng này vào, anh sẽ được bình an” – Anh gật đầu và bà mẹ cũng thế. Tôi bắt đầu lo cho cái số phận đời đời của cậu cũng như những bệnh nhân nơi đây. Chính trong lúc ấy tôi nhận ra sứ mạng của các Soeur trong cộng đoàn Mai Linh thật cao cả, tôi nhận ra Thiên Chúa quả thật tài tình làm sao khi thánh hóa được những con người biết hy sinh cả bản thân mình ở trần gian này để phục vụ cho tha nhân. Những tấm gương này cho tôi thấy tôi chẳng là gì, chỉ là một hạt bụi nhỏ trên con đường nhân đức.

Sau lời cầu chúc bình an cho hai mẹ con, tôi ra đi, trong lòng đen xen những cảm xúc khó tả.

Đến với những bệnh nhân khác, tôi nhận thấy có người vui vẻ ca hát, có người buồn phiền, đau khổ, thất vọng, có người vẫn chưa trút bỏ được hết cái vẻ hoang đàng của mình, nhưng nhìn chung mọi điều đều như đi vào một trật tự bình yên của bệnh viện. Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu Thiên Chúa bao trùm lên nơi đây mới có thể mang lại một vẻ yên bình như thế, yên bình như một dòng sông êm đềm mà lòng sông thì dậy sóng.

Chia tay với các bệnh nhân, chúng tôi về ăn cơm, nghỉ ngơi và nghe các Soeur chia sẻ. Có Soeur đã phục vụ nơi đây hơn chín năm rồi, có Soeur ba, bốn năm, có Soeur một vài tháng… Có lẽ tôi có cái suy nghĩ hơi khác với mọi người là thương cảm cho các Soeur hiện diện nơi đây. Tôi thấy các Soeur thật hạnh phúc khi được Thiên Chúa mời gọi để đến với một nơi tận cùng của xã hội như thế này, hạnh phúc khi những điều các Soeur cho đi để mang về cho Thiên Chúa những linh hồn tội lỗi, những con chiên lạc đàn, hạnh phúc khi các Soeur phục vụ cho tha nhân, làm chứng cho Chúa trong cuộc đời này mang đến cho các bệnh nhân nơi đây một tia hy vọng đã bị tắt ngấm từ lâu. Chính các Soeur đã cho những bệnh nhân nơi đây nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của họ. Giữa bùn lầy nước đọng dơ bẩn, giữa sầu não hoang tàn chết chóc, mọc lên cây hoa hy sinh, dấn thân, phục vụ vươn mình đón ánh nắng mặt trời đâm chồi nảy lộc và nở hoa. Chính trong ánh nắng chan hòa của tình người, Thiên Chúa đã sưởi ấm cho cuộc đời những con người tội lỗi nơi đây. Để ở nơi khắc nghiệt nhất, một nơi ngập tràn đau khổ, mọi người cảm nhận được tình yêu trỗi vượt lên trên tất cả mọi sự kể cả sự chết. Căn bệnh thế kỷ được chữa lành bởi mạch nước trường sinh khi bàn tay của các Soeur rửa tội cho các bệnh nhân nơi đây, để từ một người tội lỗi, họ trở về với cái nét đẹp nguyên thủy lúc ban đầu, đẹp đẽ như một thiên thần. Tôi nhận ra rằng, Chúa đặt để mỗi người ở một vị trí khác nhau, mỗi sứ mệnh khác nhau và trong bất kỳ hoàn cảnh nào ta cũng có thể dùng đời sống của mình làm chứng nhân cho Chúa.

Tôi và bạn, chúng ta không thể kiêu sa như đóa Hồng, không thể khoe màu như nàng Cúc, không thể kiêu hãnh như Mẫu Đơn, không nhiều hương thơm như Dạ Lý, và cũng chẳng được thánh thiện như nàng Huệ, nhưng tôi và bạn hoàn toàn có thể làm những đóa hoa đồng nội mọc lên giữa đồng, hay bên vệ đường để những người sống bên lề của xã hội họ cũng được nhìn ngắm sự mong manh, yếu đuối, cố sức vươn lên đón ánh nắng mặt trời và được tưới mát trong dòng nước trường sinh của Thiên Chúa. Tôi và bạn đều đẹp dù là hoa lá hay cỏ cây.

Tôi hy vọng sau chuyến đi này, mỗi người Huynh trưởng nhận ra và ý thức về sứ mạng của mình để dấn thân hơn trên con đường phụng sự Thiên Chúa theo cách riêng của mỗi người dù bạn đang ở cương vị nào, vị trí địa lý nơi đâu.

Chia tay các Soeur với những nụ cười ấm áp, chan hòa, những cái ôm nhẹ đầy quyến luyến, đoàn chúng tôi lên đường trở về. Trên xe, thay vì hát, chúng tôi đọc kinh cảm tạ Thiên Chúa, mọi người im lặng, có lẽ ở trong lòng mỗi người đều có những suy nghĩ và cung bậc cảm xúc khác nhau.

Sau chuyến đi này, Tôi hy vọng với sứ mạng của người Huynh trưởng, mỗi người chúng ta hy sinh hơn, dấn thân hơn trên con đường phụ sự của mình, lấy “chất liệu” từ những “mầm, chồi” là các em thiếu nhi, ươm mầm một tương lai tươi đẹp, nối kết nhau qua bao thế hệ, cùng tạo nên một thế giới yên bình – thánh thiện nơi đó tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương và nơi đó không còn những đua tranh, ganh ghét và cũng không còn những tệ nạn xã hội nữa. Làm được điều đó, chúng ta đã cộng tác đắc lực vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa để mọi điều trở nên tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.

Trước khi kết thúc, tôi xin được mượn một câu nói của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận để thay cho lời kết: “Sống cho giây phút hiện tại, chấm này nối chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài, phút này nối phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp, sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thành, đường hy vọng cho mỗi chấm hy vọng, đời hy vọng do mỗi phút hy vọng”.

Mến chúc tất cả mọi người mang trên mình vẻ đẹp của Thiên Chúa, sống chứng nhân để bất cứ ai khi tiếp xúc với bạn và tôi, họ cũng cảm nhận tình yêu Thiên Chúa. Chúc mọi người sẽ là “cây hoa đẹp” giữa “vườn đời” bao la.

Bình Dương, ngày 4 tháng 01 năm 2014

Têrêsa Lê Nguyễn Phương Anh
 
Hop mặt các tu sinh VN du học tại Hoa Kỳ
Peter Ca Nguyễn
23:03 04/01/2014
Từ năm 2007, Thầy Nguyễn Quốc Bảo là tu sỹ thuộc Dòng Tên Hoa Kỳ. Đã trăn trở với mong muốn làm sao con số Linh Mục, Chủng Sinh và Tu Sĩ của đất mẹ ngày càng tăng trưởng tại đây. Đặc biệt sau khi Ngài được Đức Tổng Giám Mục Thomas Rodi đặt tay trao tác vụ Linh Mục, thì sự nhiệt huyết và hiệu quả của Ngài càng rõ rệt. Tính đến nay, sau 06 năm hoạt động, Ngài đã khéo léo lo cho Giáo Hội mẹ Việt Nam con số lên đến 130 Linh Mục, Chủng Sinh, Tu Sĩ thuộc các Giáo Phận từ bắc vào nam sang tu học tại Hoa Kỳ.

Xem Hình

Như vậy, cứ mỗi dịp cuối năm, anh chị em Linh Mục, Chủng Sinh và Tu Sỹ lại có dịp tề tựu bên nhau với một tinh thần liên đới, để nâng đỡ nhau trong suốt hành trình mục vụ của mình. Đó cũng là chủ đề của năm họp mặt “ HELP ONE ANOTHER- HÃY GIÚP ĐỠ NHAU”.

Năm nay, Nhóm Tu Sĩ Du Học được Giáo Xứ Thánh Antony tại Thành Phố Baton Rouge, tiểu bang Louisiana đón tiếp một cách nồng hậu. Cha Nguyễn Viết Tân và Cha Nguyễn Việt Hưng đã làm hết khả năng của mình có thể để con số 120 Linh Mục, Chủng Sinh và Tu Sỹ ăn phải cho ngon, ngủ thật yên giấc. Các Ngài cùng Giáo Xứ luôn thúc bách anh chị em Tu Sĩ hãy xem đây như mái nhà của mình. Sự nhiệt tình và yêu thương của các Ngài cũng như giáo xứ đã làm không ít trong số thành viên trong nhóm phải rơi lệ, thậm chí không muốn rời xa nhưng cũng đành cất bước ra về để tiếp tục hành trình sự nghiệp cầm bút trên xứ người.

Khép lại chuỗi ngày họp mặt, Đức Cha Nguyễn Huy Chương- Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt đã chia sẻ trước cộng đoàn. “Tôi sẽ về và tường thuật lại cho mọi người cùng nghe về những gì tôi thấy nơi Giáo Xứ này, nơi điều tốt lành và sức mạnh nơi nhóm Tu Sĩ, và tôi sẽ về và trình bày thêm cho Hội Đồng Giám Mục biết về nhóm Tu Sĩ Du Học mà ngày hôm nay tôi có dịp hiện diễn trước anh chị em. Đây cũng là cơ hội để tôi làm chứng về sự thật mà trước đến nay ít ai biết đến”.

Peter Ca Nguyen
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vì yêu nước Phương Uyên bị buộc thôi học
Hà Minh Thảo
16:20 04/01/2014
Ngày 05.12.2013, qua Facebook, blogger Nguyễn Tường Thụy đã loan tin ‘Phương Uyên bị Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ chí Minh đuổi học’. Đây là một quyết định vô nhân đạo, mang tính cách trả thù và bất công khi bản án tòa Long An chống lại người sinh viên yêu nước (chống Trung quốc xâm lược : ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’) và thương đồng bào (‘Đảng cộng sản chết đi’ vì đã tạo ra các nhóm lợi ích phá hoại nền kinh tế và dùng công an, côn đồ cướp đất người dân và đánh đập họ). Trong tài liệu lưu trữ về Pháp quốc, nước mà người cộng sản Việt đánh thắng tại Điện biên phủ cách đây gần 60 năm, ngày 07.05.1954, chúng tôi tìm thấy trường hợp tù nhân Florence Rey để chúng ta so sánh.

I. NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN LÀ AI ?

Ngày 14.10.2012, lối 10 công an Việt Nam, quốc gia thành viên Hội đồng Nhân viên Liên hiệp quốc từ ngày 01.01.2014, vào phòng trọ bắt cóc cô Phương Uyên, 20 tuổi, để xác minh về truyền đơn chống Trung quốc xâm lược do cô dán và nhốt cô tại một nhà ngủ. Cha mẹ và bà nội Uyên đã đến các cơ quan công an để tìm, chúng chối không có bắt cô, khiến gia đình đau khổ và rất lo lắng cho sự an nguy của Uyên. Đây là hành vi trái Luật Tố tụng Hình sự của công quyền. Khi đó, Phương Uyên đang là Ủy viên Ban Chấp hành chi đoàn Thanh niên Cộng sản của lớp, kiêm phát thanh viên Đoàn của Trường. Vì học giỏi nên cô được nhiều thầy cô bạn bè thương mến. Ngày 22.10.2012, bà Nguyễn thị Nhung, mẹ Phương Uyên, đi tìm con và công an mới nhận có bắt Uyên bị và đã đưa đi Long an, nhưng không nói lý do tại sao bắt. Chúng cho bà gửi quần áo cho Phương Uyên, nhưng khi bà ghi ‘Mẹ yêu con’, chúng không cho gửi và buộc phải bỏ. Sau khi ép cung đương sự, ngày 03.11.2012, Đại tá công an Nguyễn Sáu cho biết Nguyễn Phương Uyên (và Đinh Nguyên Kha, bị cáo đồng phạm) đã viết bản nhận tội có các hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại điều 88 Bộ Luật Hình sự như phân tán các dán các khẩu hiệu và cờ vàng ba sọc đỏ.

Ngày 16.05.2013, Tòa án nhân dân Long An tổ chức phiên xử sơ thẩm vụ tuyên truyền chống phá nhà nước. Điều mỉa mai vụ án là theo Bản cáo trạng, do Phó viện trưởng Nguyễn Tiến Nghiệp ký, quy tội : ‘Uyên sử dụng hai mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng đảng Cộng sản Việt Nam, mảnh còn lại có nội dung không hay về Trung quốc’. Chúng muốn Phương Uyên phải ngợi khen Trung quốc? Nhưng, việc cô chống Trung quốc thì không có điều khoản nào trong cả Bộ Luật Hình sự quy tội và kết án. Phương Uyên

khẳng định cô không ‘chống Nhà nước CHXHCN VN’ như chúng muốn đồng nhất Đảng với Nhà nước. Do đó, tuy không có ba nhân chứng nêu trong Cáo trạng hay tang vật được trưng ra, chúng vẫn xử Phương Uyên 6 năm tù.

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 16.08.2013, Phương Uyên tự bào chữa và nói với Hội đồng Xét xử ‘yêu cầu xử đúng người đúng tội’ : những hành động chống đảng cộng sản quy định nơi điều 258 Bộ luật hình sự chứ không phải điều 88 như đã tuyên xử. Các thẩm phán đều lúng túng khi Chánh án tuyên xử Phương Uyên 3 năm tù treo, 52 tháng thử thách và được trả tự do tại tòa.

II. QUYẾT ĐỊNH BUỘC THÔI HỌC.

Ngày 19.08.2013, sau khi rời trại giam, Phương Uyên đã đến trường để xin theo học trở lại, trường nói sẽ xin ý kiến cấp trên rồi trả lời sau. Ngày 29.11.2013, Trường ra quyết định, do Hiệu trưởng Đặng Vũ Ngoạn ký, buộc Phương Uyên thôi học với lý do cô đã vi phạm pháp luật. Đây là quyết định vô nhân đạo đối với một sinh viên giỏi ở tuổi 21. Hành vi này có thể trái luật hay khắc nghiệt hơn cả luật vì, theo Luật hình sự, sau khi ra tù, việc đình chỉ đảm nhiệm chức vụ chỉ có thể từ 1 đến 5 năm, trong khi quyết định đối với Phương Uyên thì có tính cách vĩnh viễn. Hơn thế nữa, điều 65, khoản 3 Luật thi hành án hình sự quy định: « Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó. Do đó, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói với chị Thanh Trúc (đài RFA ngày 07.12.2013) : « Té ra Việt Nam ngày nay trong việc tôn trọng quyền học tập của con người, không khá hơn chế độ Apartheid và cũng không bằng chế độ mà người ta vẫn thường cho là ngụy quyền! »

Ngày 07.12.2013, trả lời BBC, Phương Uyên nói việc tước bỏ quyền được đi học là xâm phạm quyền con người, là một việc bất công đối với cô và việc thông báo quyết định này tới toàn thể nhà trường để 'bôi nhọ danh dự' của cô. Trong văn thư ngày 26.09.2013, họ phổ biến cho cô biết theo điều 61, 62 Nghị định Chính phủ năm 2000 là họ phải tạo điều kiện thuận lợi để cô tiếp tục học, thì giờ đây, cái quyết định gửi tới cô đã đi ngược lại hoàn toàn với điều mà họ đã nói. Hiện tại, Phương Uyên hàng ngày ra đồng làm việc đồng áng để giúp cuộc sống gia đình ở Bình Thuận và học Anh văn để củng cố kiến thức, chờ được học tập ở một môi trường tốt hơn.

Cùng này, bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ Phương Uyên cho BBC biết từ ngày Phương Uyên trở về nhà, cô bị an ninh theo dõi chặt chẽ, chính quyền còn cô lập bằng cách 'phong tỏa' hàng xóm, láng giếng tiếp xúc với gia đình của bà. Phương Uyên tự an ủi ‘Bị đuổi học, tôi có tấm bằng nhân dân’. Thật vậy, ngày 16.05 và 16.08.2013, nhiều trăm người đến Tòa án, dù bị công an đánh, để ủng hộ tinh thần hai bạn trẻ Phương Uyên và Nguyên Kha. Ngoài ra, khi trả lời BBC về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, bà Phạm Chi Lan đã lên tiếng quan ngại về trường hợp Nguyễn Phương Uyên, người mà theo bà không đáng bị chính quyền đối xử với những biện pháp khắc nghiệt như vậy vì cô còn trẻ, lại là phụ nữ, đồng thời chỉ 'biểu lộ tình cảm yêu nước của mình'. Hôm 07.12.2013, BBC đã tìm cách liên lạc với Đại học Công nghệ Thực phẩm để tìm hiểu thêm về bản quyết định, nhưng chưa liên lạc được.

Ngày 10.12.2013, Phương Uyên chính thức tuyên bố ra khỏi đoàn Thanh niên Cộng sản, nơi cô đã rất tích cực tham gia các hoạt động trên tinh thần ‘Đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên’. Nhưng thực tế, Phương Uyên đã làm hơn : Đâu nguy hiểm có thanh niên.

III. MỘT TRƯỜNG HỢP CÓ NHÂN ĐẠO.

Ngày 04.10.1994, Florence Rey, 19 tuổi, sinh viên văn khoa, cùng người yêu Andry Maupin, 22 tuổi, sinh viên triết, đều là thành viên một tổ chức chủ trương vô chính phủ (anarchiste). Khoảng 21 giờ 15, họ cùng hành động nhằm cướp súng của cảnh sát để đi cướp. Với súng cướp được, họ chận một tắc xi, có chở một hành khách, buộc phải chạy theo lệnh họ. Tài xế người Ghana cố tình đụng vào xe tuần cảnh và hét ‘chúng giết chúng tôi’. Maupin nổ súng bắn chết ba cảnh sát và người tài xế. Hai người qua đường bị thương. Đôi bạn Maupin-Rey bắt làm con tin một tài xế xe du lịch để chạy trốn vào khu Bois de Vincennes. Một cảnh sát đi xe mô tô đuổi theo, bị chặn bởi hàng rào, Maupin lại nổ súng bắn chết một cảnh sát thứ ba. Maupin bị thương và chết hôm sau tại bệnh viện. Trong vòng 25 phút chạm súng, 5 người chết và Florence Rey đã nạp mình, sau khi hôn từ biệt tình nhân.

Trong Phiên tòa Đại hình tại Paris từ ngày 17 đến 30.09.1998, thời gian cần thiết để bị can, thân nhân các nạn nhân có dịp nói như ý muốn và các thẩm vấn từ Chánh án và Công tố viên. Các chuyên viên tâm lý và nhân chứng trình bày nhận xét của mình cũng như các luật sư tự do bào chữa, tranh luận. Sau 5 giờ 30 phút nghị án, Tòa Đại hình Paris tuyên án 20 năm tù cấm cố đối với Florence Rey, bị cáo buộc là đồng phạm giết người.

Trong thời gian thụ án, Florence được theo học các lớp về lịch sử và đã dự thi thành công brevet de technicien supérieur (BTS, văn bằng chuyên môn 2 năm sau Tú tài) phụ tá quản lý năm 2007. Để hoàn tất học trình, cô được phép rời nhà tù để thực tập tại xí nghiệp. Nhờ có một thái độ gương mẫu, năm 2009, tức 15 năm thi hành án, Florence Rey được trả tự do.

Đây là chuyện xảy ra tại một nước dân chủ, nơi cử tri chọn người tài đức, qua một cuộc đầu phiếu xứng danh, để lãnh đạo quốc gia. Sanh tại Việt Nam, thời cộng đảng trị, sinh viên Nguyễn Phương Uyên, sau khi bị một bản án oan sai, lại chịu lệnh cấm học, một thứ án hai lần tuyên. Người cộng sản, tại sao ‘quý vị’ tàn ác với đồng bào vậy khi vẫn tự nhận nhân đạo, khoan hồng, luôn tạo cơ hội cho những ai lầm đường có cơ hội để sửa lỗi… ?

Hà Minh Thảo
 
Thông Báo
Chúc Mừng: Sinh nhật & chức vụ Chủ bút Dân Chúa Úc Châu
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
21:14 04/01/2014
VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

DÂN CHÚA ÚC CHÂU chân thành cám ơn Lm Võ Thanh Xuân đã đồng hành với Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu trong chức vụ Chủ bút trong nhữn gnăm qua. Sau cơn bạo bệnh ‘Tai biến Mạch máu’ năm qua, cha đang bình phục nhưng cha không thể tiếp tục chức vụ này nữa.

Dân Chúa Úc châu vui mừng mừng Sinh nhật 70 của bác Trần Vũ Trụ trước đây là phụ tá Chủ bút, bây giờ bác quảng đại đảm trách chức vụ Chủ bút. Xin chúc mừng Sinh Nhật 70 của bác và chức mừng bác trong chức vụ mới.

Dân Chúa Úc Châu
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng (Chủ nhiệm)

Sinh nhật 70 của bác Trần Vũ Trụ tại Happy Reception - hình gia đình
Sinh nhật 70 của bác Trần Vũ Trụ tại Happy Reception - hai bác cắt bánh