Ngày 03-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hiển Linh kính thờ Chúa
Lm Nguyễn Xuân Trường
13:33 03/01/2020


Phúc Âm tuần này kể chuyện rất lạ là Ba Vua đến sấp mình thờ lạy và dâng những lễ vật quí giá nhất cho Hài Nhi Giêsu bé nhỏ nằm nơi máng cỏ. Lạ quá. Tại sao Ba Vua uy quyền lại đi sấp mình thờ lạy một trẻ thơ? Bởi vì họ nhận ra Hài Nhi bé nhỏ đó không phải là một trẻ thơ bình thường, nhưng là chính Thiên Chúa làm người. Như thế, Hiển linh có nghĩa là Hài Nhi Giêsu tỏ lộ bản tính thần linh cho nhân loại.

Trông thấy ngôi sao mà Ba Vua đã nhận ra Thiên Chúa nơi Hài Nhi trong máng cỏ. Ước mong sao khi ngắm nhìn trời đất thiên nhiên chúng ta cũng nhận ra Chúa đang hiện diện trong vũ trụ này; khi ngắm nhìn anh chị em xung quanh, ta cũng nhận ra Chúa hiển linh nơi họ vì mỗi người đều được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Nhận ra Chúa nơi người khác thì chúng ta sẽ tôn trọng, sẽ yêu mến, sẽ cư xử tử tế với nhau.

Lễ Hiển Linh cũng mời gọi chúng ta nhìn ngắm hình ảnh thần linh nơi chính bản thân mình vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhận ra Chúa nơi mình chúng ta sẽ sống tuyệt vời hơn. Hãy sống cao đẹp để xứng đáng với phẩm giá cao đẹp của mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa. Sống ý thức phẩm giá cao cả này thì người khác có thể nhận ra Chúa đang hiển linh nơi chính bản thân chúng ta. Cuộc đời chúng ta sẽ trở thành một quà tặng quý giá dâng lên Chúa. Cuộc đời chúng ta sẽ trở thành ngôi sao sáng dẫn đưa người khác về với Chúa. Amen.
 
Suy niệm Lễ Chúa Hiển Linh : Hãy làm cho Ánh Sáng tỏa sáng ra
Linh mục An-tôn Nguyễn Văn Độ
20:02 03/01/2020
Suy niệm Lễ Chúa Hiển Linh: Hãy làm cho Ánh Sáng tỏa sáng ra

(Mt 2, 1-12)

Tiếp liền sau Đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Chúa Tỏ Mình. Theo một truyền thống rất xa xưa từ thế kỷ thứ II, Thánh Giustinô đã nói tới là Chúa Giêsu đã sinh ra trong một chuồng bò lừa tại Belem. 40 ngày sau, Thánh Giuse và Đức Maria đem Hài Nhi lên Đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa như luật dạy. Phúc Âm Thánh Matthêô cho biết: sau khi dâng Chúa trong Đền Thánh, Thánh Gia không trở về Nagiarét ngay. Trong khoảng thời gian này đã xảy ra nhiều việc liên quan với nhau. Từ Đền Thờ, Thánh Gia lại trở về Belem. Chính nơi đây, các đạo sĩ, do một ngôi sao dẫn đường từ Phương Đông tới thờ lạy Chúa Giêsu và dâng cho Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Hêrôđê thấy các đạo sĩ không trở lại Giêrusalem báo tin như lời mình dặn, sợ ngai vàng của mình bị đe dạo, ông ra lệnh truyền giết các trẻ em ở Belem và các miền phụ cận từ 2 tuổi trở xuống. Thánh Giuse được Thiên thần báo tin, đã đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ sang Ai-Cập và ở đó cho tới khi Hêrôđê băng hà.

Xem Video và nghe bài giảng

Như thế, chúng ta thấy Lễ Chúa Hiển Linh trước hết có nghĩa là lễ Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc, mà Ba Nhà Đạo sĩ là những đại diện.

"Epiphaino" có nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, khiến người khác có thể trông thấy mình được được. Cụ thể như dùng ánh sao đêm biểu lộ cho Ba Ðạo Sĩ biết, dẫn họ lên đường đến nơi Hài Nhi vừa mới sinh để nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế. Nếu lễ Giáng Sinh người ta nêu bật sự dấu ẩn của Thiên Chúa trong sự khiêm hạ với điều kiện là người, trong Trẻ Thơ Belem. Thì trong lễ Hiển Linh lại nêu bật việc Thiên Chúa tự tỏ mình, xuất hiện qua chính nhân tính.

Việc các Ðạo Sĩ đến tôn thờ Chúa Hài Nhi đã sớm được nhìn nhận như là ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Isaia viết như sau: "Các dân tộc sẽ bước đi theo ánh sáng của ngươi, và các vua chúa tiến bước theo nguồn sáng của ngươi đang mọc lên" (Is 60,3.6). Ánh sáng của Chúa Kitô, khi xưa như được chiếu tỏa trong hang Bêlem, nay tỏa sáng trên khắp địa cầu.

Trong lễ Chúa Tỏ Mình, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất ý nghĩa của ngôn sứ Isaia: " Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi." (Is 66,1-3). Ðây là một lời mời hướng tới Giáo Hội Chúa Kitô và hướng tới từng người Kitô hữu, mời gọi chúng ta ý thức hơn về sứ mệnh và trách nhiệm truyền giáo của mình đối với thế giới trong việc làm chứng và chiếu sáng Tin Mừng khắp thế gian.

Trong số mở đầu Hiến chế về Giáo Hội có viết: "Ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội bằng việc rao truyền Phúc âm cho mọi tạo vật" (LG, 1). Tin Mừng là ánh sáng không được dấu đi, nhưng để trên giá. Giáo Hội không phải là ánh sáng, nhưng nhận Ánh Sáng Chúa Kitô, tiếp nhận để được soi chiếu, và phổ biến Ánh Sáng đó ra với tất cả sự rạng ngời của nó. Và đây là điều cũng phải xảy ra trong cuộc sống cá nhân...

Các thượng tế tại Giêrusalem được Hêrôđê triệu tập để tư vấn cho ông về nơi Đấng Cứu Thế đã được sinh ra, cũng như cung cấp cho nhà vua các thông tin mà họ đã thu thập được trong truyền thống Kinh Thánh. Tuy nhiên, ý Chúa nhiệm mầu, vì ý định của Hêrôđê không trong sạch, ý định đó các nhà đạo sĩ là sứ giả cho những người tìm kiếm Thiên Chúa đã được mộng báo. Việc các nhà đạo sĩ đến kính viếng Chúa Hài Nhi cho ta thấy, sứ mạng của Đức Giêsu không chỉ dành cho Dân được tuyển chọn, nhưng cho cả nhân loại. Việc Ba Nhà Đạo Sĩ đến Giêrusalem hỏi đường, cho thấy mối liên lạc giữa sự khôn ngoan ngoại giáo và mạc khải Kitô Giáo thể hiện nơi con người của Chúa Giêsu thành Nazareth mà nhân loại khát đang mong tìm kiếm. Sứ vụ phổ quát của Chúa Kitô được Thánh Phaolô gọi là sự mặc khải của mầu nhiệm: " Ấy vì dân ngoại, cùng (với Israel) là kẻ thừa tự, là Thân mình, và là đồng hưởng lời hứa trong Ðức Yêsu Kitô, nhờ bởi Tin Mừng" (Ep 3, 2). Ơn cứu chuộc sẽ mở ra cho muôn người thuộc mọi quốc gia, và các dân ngoại đã trở thành người đồng thừa tự, cùng được chia sẻ lời hứa trong Chúa Giêsu Kitô (Ep 3, 6). Sự gặp gỡ giữa sự khôn ngoan của những người sống bên ngoài mạc khải ( là các đạo sĩ, dân ngoại), và những người hiển nhiên thừa hưởng lời hứa (Dân Do Thái) từ sự ra đời của Chúa Kitô sẽ cho thấy sứ mệnh của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của mình, và bản chất của Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ xây dựng.

Giáo Hội với sứ mạng phổ quát của mình, phải là nơi đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người mọi nơi, mọi thời đại về Thiên Chúa. Giống như Chúa Kitô, Ngài đã chiếu tỏa vinh quang cho dân ngoại. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta dõi theo ánh sao cùng ba nhà Đạo Sĩ đến chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và nghèo khó, nhất là đón nhận chính Hài Nhi ấy là Ánh Sáng và là Chúa Kitô vào trong chúng ta, để chúng ta có sống là sống chính sự sống của Người, và lấy các tâm tình, tư tưởmg và hành động của Người làm tâm tình, tư tưởng và hành động của chúng ta. Như thế, mừng Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đã đem lại trong toàn cuộc sống chúng ta, để chúng ta cũng là những người đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Amen.

Linh mục An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt
Đặng Tự Do
00:07 03/01/2020
Trong quyết định đầu tiên của năm 2020, liên quan đến các Giám Mục trên thế giới, ngày 2 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt

Toàn văn tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 2 tháng Giêng cho biết như sau:

"Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức Sứ thần Tòa thánh tại Sri Lanka, do Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Tổng Giám mục hiệu tòa Rusticiana, trình lên ngài."

Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, người Việt Nam duy nhất cho đến nay làm Sứ Thần Tòa Thánh, sinh ngày 15 tháng Tư 1949 tại Lái Thiêu, Huyện Thuận An, Tỉnh Bình Dương

Từ năm 1954, ngài theo học tại trường tiểu học Công Giáo Thánh Phaolô, Lái Thiêu.

Sau đó, ngài tiếp tục học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sàigòn từ 1960.

Năm 1967, ngài sang Rôma, theo học tại trường Giáo Hoàng Truyền giáo Urbanô.

Ngài được Đức Hồng Y Agnelo Rossi, Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo truyền chức linh mục vào ngày 24 tháng Ba 1974 và được cử làm Phó Giám đốc Trường Truyền giáo Rôma.

Hai năm sau đó, vào năm 1976, ngài được cử đi truyền giáo tại Cộng hòa Zaire, nay gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo, Phi châu.

Từ năm 1979, Cha Phêrô Nguyễn Văn Tốt gia nhập trường Ngoại giao Tòa Thánh đậu cử nhân giáo luật và tiến sĩ thần học. Ra trường năm 1985, ngài được cử đi phục vụ tại nhiều Sứ Quán Tòa Thánh như tại Panama, Brazil, Congo Zaire, Ruanda, và Pháp.

Ngày 25 tháng 11, 2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục và làm Sứ thần Tòa Thánh tại Benin và Togo.

Ngày 06 tháng Giêng, 2003, ngài được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu tòa Rusticiana. Khẩu hiệu Giám Mục của ngài là “Hãy đi rao giảng cho muôn dân”.

Cuộc đời trong ngành ngoại giao của ngài đã trải qua các nhiệm sở sau:

Sứ thần Tòa Thánh tại Benin (25/11/2002 – 24/08/2005)
Sứ thần Tòa Thánh tại Togo (25/11/2002 – 24/08/2005)
Sứ thần Tòa Thánh tại Chad (24/08/2005 – 13/05/2008)
Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng Hòa Trung Phi (24/08/2005 – 13/05/2008)
Sứ thần Tòa Thánh tại Costa Rica (13/05/2008 – 22/03/2014)
Sứ thần Tòa Thánh tại Sri Lanka 22/03/2014 –02/01/ 2020)

Quyết định thứ hai của Đức Thánh Cha cũng là một quyết định nhận đơn từ chức. Ngài đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Richard Brendan Higgins, Giám Mục Phụ Tá của giáo phận quân đội Hoa Kỳ.


Source:Holy See Press Office
 
Lời khuyên xác đáng của Tạp Chí Dòng Tên: Đừng để biến cố không may đêm Giao Thừa chia rẽ chúng ta
Đặng Tự Do
06:51 03/01/2020
Biến cố không may diễn ra vào đêm Giao Thừa tại quảng trường Thánh Phêrô tiếp tục gây ra các phản ứng khác nhau trên thế giới. American Magazine, tạp chí của Dòng Tên tại Hoa Kỳ đã đưa ra một lời khuyên thật xác đáng: Người Công Giáo nên cố gắng tạo ra một sự khởi đầu tốt cho năm mới bằng cách hiệp nhất với nhau, đừng để câu chuyện này tạo thành một căn cớ chia rẽ thêm.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


The papal hand slap divides Catholics and the media.
Kevin Clarke, America’s chief correspondent and the author of Oscar Romero: Love Must Win Out.


Cái tát vào tay của Đức Giáo Hoàng chia rẽ người Công Giáo và giới truyền thông.
Kevin Clarke – Thông tín viên trưởng của American Magazine và là tác giả cuốn “Tổng Giám Mục Oscar Romero: Tình Yêu Cuối Cùng Phải Thắng”


Cái đánh vào tay được nhìn thấy vòng quanh thế giới đang lôi cuốn những phản ứng khác nhau của công chúng trên các phương tiện truyền thông xã hội, bênh vực cũng có mà phản đối Đức Giáo Hoàng cũng có, đối với phản ứng của ngài trước một cú giật ngược cánh tay ngài vào đêm Giao Thừa. Sau khi vui vẻ chào đón một hàng dài những người chúc mừng ngài trên đường về sau khi thăm cảnh Chúa Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã bất ngờ bị một người hành hương quá nhiệt tình giật ngược cánh tay và kéo lại gần cô ta khi ngài đang tính đi tiếp. Đức Giáo Hoàng, trong cố gắng tự giải thoát mình, đã tát vào tay cô ấy trước khi an ninh của Vatican có thể can thiệp.

Dịch vụ tin tức chính thức của Vatican mô tả sự việc như sau: “Khi ngài đang chào thăm các tín hữu, một người phụ nữ kéo cánh tay ngài, gây ra một cơn đau nhói khiến Đức Giáo Hoàng phản ứng với một cử chỉ thiếu kiên nhẫn để thoát khỏi cái nắm chặt của cô ta.”

Ngày hôm sau, trong buổi đọc kinh Truyền Tin giữa trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ứng khẩu nhìn nhận vụ việc. “Tình yêu khiến chúng ta kiên nhẫn,” rồi ngài nói thêm, sau một lúc nghẹn lời, “Chúng ta thường đánh mất sự kiên nhẫn của mình; tôi cũng vậy, và tôi xin lỗi vì gương xấu của tôi đêm qua.”

Nhưng vào thời điểm đó, vụ níu kéo tại quảng trường Thánh Phêrô vào đêm Giao Thừa, đã khơi lên biết bao nhiêu những cái tít lớn và các tweet trên các phương tiện truyền thông thế tục và Công Giáo. Một số cái tít sơ khởi và chưa kịp định hướng chỉ quanh quẩn chung quanh các biến thể của tiêu đề “Đức Giáo Hoàng tát người phụ nữ,” trình bày cho độc giả một mức độ bạo lực không hề có trong thực tế của vụ níu kéo này. Vụ việc thậm chí còn được tái tạo một cách giễu cợt trên Instagram của Matteo Salvini, cựu bộ trưởng nội vụ Italia và là lãnh đạo của đảng Liên minh cực hữu tại quốc gia này, một người thường xung khắc với Đức Giáo Hoàng vì ngài bảo vệ quyền và phẩm giá của người tị nạn và người di cư.

Có lẽ có thể dự đoán trước được, những người Công Giáo xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô như một mối đe dọa cho sự rõ ràng trong giáo huấn của Giáo Hội chỉ có thể thấy điều tệ hại nhất trong phản ứng tức giận của vị Giáo Hoàng đối với người hành hương đang níu kéo ngài. Một số rất vui mừng trước nhận định cho rằng chiếc “mặt nạ” lòng từ ái và sự tử tế của Đức Giáo Hoàng đã bị cuốn trôi đi trong cuộc gặp gỡ bất ngờ này.

Những người khác suy đoán một cách vu vơ không bằng không chứng về ý nghĩa của vụ việc này, khi cho rằng người hành hương, có vẻ là người Á châu, đến từ Trung Quốc muốn khiếu nại trực tiếp với Đức Giáo Hoàng về những nỗ lực gần đây của Vatican trong việc tái lập quan hệ với Bắc Kinh, và cố gắng hợp nhất cộng đoàn hầm trú và cộng đoàn được chính phủ công nhận. Một số khẳng định rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi cô ta là “bruja” – “bà phù thủy” - hoặc sử dụng một từ thậm chí còn miệt thị nặng hơn nữa bằng tiếng Tây Ban Nha khi ngài cố gắng kéo cánh tay của mình ra khỏi cánh tay đang nắm chặt của cô và tát vào tay cô. Nhưng ngôn ngữ người hành hương này sử dụng và lời nhận xét tức giận của Đức Giáo Hoàng khi cố gắng thoát khỏi cái nắm chặt của cô chưa thể nhận ra được, ngay cả sau khi xem đi xem lại đoạn video được phân phối rộng rãi về vụ việc.

Những người Công Giáo khác tham gia vào các mặt trận trên các phương tiện truyền thông xã hội lên tiếng bênh vực ngài thì cho rằng phản ứng của Đức Giáo Hoàng là theo bản năng tự vệ và hoàn toàn hợp lý, cũng như lưu ý rằng vị Giáo Hoàng 83 tuổi, là người có tiền sử đau thần kinh tọa, rõ ràng đã phản ứng đau đớn khi bị nắm tay và có thể dễ dàng phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng hơn chứ không chỉ đơn thuần là phản ứng một người hành hương bốc đồng. (Về điểm đó, nhiều người tự hỏi về sự mất cảnh giác rõ ràng của an ninh Vatican.)

“Disgruntled Pope Francis pulls himself free from woman’s grasp” - “Đức Giáo Hoàng Phanxicô cáu tiết kéo mình thoát khỏi cái nắm chặt của người phụ nữ” - là tiêu đề của Reuters. Một số độc giả thấy cách dùng từ ngữ “cáu tiết” này thật là kỳ lạ khi mô tả phản ứng của một người đàn ông có tuổi rõ ràng bị ngạc nhiên và bị lôi kéo đến mức mất thăng bằng.

“Cáu tiết à? Hãy nhìn vào video mà xem. Ngài đau đớn! Ngài rõ ràng là rất đau đớn!” Một thành viên Twitter chỉ ra, và Cha Edward Beck, một bình luận viên thường xuyên của CNN cũng phản ứng lại như sau: “Tôi đoán ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng có những giới hạn của ngài. Ngài có thể có một cánh tay đang bị đau”.

Chủ đề trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng trong thánh lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, diễn ra chỉ vài giờ sau vụ việc này, tập trung vào việc hòa giải và kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Trong Thánh lễ đầu tiên của ngài trong năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Bất kỳ bạo lực nào gây ra cho phụ nữ cũng đều là một sự báng bổ chống lại Thiên Chúa, Đấng được sinh ra từ một người phụ nữ. Ơn cứu rỗi cho nhân loại đến từ cơ thể của một người phụ nữ: cho nên qua cách chúng ta đối xử với cơ thể của người phụ nữ, chúng ta biết được mức độ nhân bản của chúng ta.”

Một số chuyên gia truyền thông cho rằng đó thật là một sự trớ trêu không cãi vào đâu được. Tài khoản Twitter chính thức của CNN viết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng thông điệp Năm Mới của mình để tố cáo bạo lực đối với phụ nữ, chỉ vài giờ sau khi tát vào tay một người phụ nữ để thoát khỏi sự níu kéo của cô ấy”. Một tweet tương tự từ Raymond Arroyo của EWTN đã khơi mào một loạt những chỉ trích đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, như một kẻ giả hình và tệ hơn nữa. Cả ông Arroyo cũng bị những người bình luận khác chỉ trích về động cơ của ông. Ông Arroyo bảo vệ các tweets của mình, cho rằng đó chỉ là các báo cáo về các sự kiện đêm Giao Thừa, nhưng nhiều thành viên Twitter (trong số đó có tôi) đã phản đối cách thức kết nối vụ việc này với những lời nói của Đức Giáo Hoàng về bạo lực đối với phụ nữ là một sự bóp méo vụ việc và là một so sánh không tương xứng.

Vài giờ sau vụ việc, các tiêu đề tỏ ra tỉnh táo hơn, và đã cố gắng làm cho mọi sự trở nên rõ ràng hơn. CBS News đã cho chạy một phúc trình do AFP cung cấp với tiêu đề: “Pope Francis apologizes for swatting hand of woman tugging his arm” - “Giáo hoàng Phanxicô xin lỗi vì đã đập vào tay của người phụ nữ kéo cánh tay của ngài”; và tờ The New York Times có bản tin “Pope Francis Apologizes After Slapping Away a Clinging Pilgrim.” - “Đức Giáo Hoàng Phanxicô Xin Lỗi Sau Khi Tát Vào Tay Một Người Hành Hương Níu Kéo Ngài” - The Associated Press truyền đi câu chuyện dưới nhan đề “Pope: Sorry I lost patience with hand-shaker who yanked me.” - “ Đức Giáo Hoàng: Xin lỗi tôi mất kiên nhẫn với người bắt tay đã kéo mạnh tôi.”

Hai ngày sau cuộc gặp gỡ bất hạnh này, những bàn tán về “con người thực” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô - với các ý kiến phê phán cho rằng ngài chỉ là một kẻ đạo đức giả chanh chua, và các ý kiến ngược lại bênh vực ngài cho rằng đó chỉ đơn thuần là phản ứng người ta thường tình bất ngờ bị tức giận - vẫn còn gây tranh cãi nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông. Có vẻ như khi kết thúc một năm 2019 đầy biến động và khó khăn, người Công Giáo trên thế giới đã không có một khởi đầu tuyệt vời cho năm 2020, nhưng cứ tiếp tục theo đuổi một diễn giải đối kháng thường đầu độc cuộc đối thoại về các thách thức nghiêm trọng về mặt Giáo Hội, xã hội và chính trị của thời đại.

Trong bài huấn từ trước khi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 01 tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các Kitô hữu hãy bước xuống khỏi “những chiếc bệ của niềm tự hào chúng ta để năm mới sẽ là một cuộc hành trình của hy vọng và hòa bình, không phải bằng những lời nói xuông, nhưng với những cử chỉ hằng ngày của đối thoại, hòa giải và chăm sóc sáng tạo.” Bất kể sự sơ suất của ngài trong đêm cuối cùng của năm 2019, đây có lẽ là một lời mời gọi hướng đến bản chất tốt hơn của chúng ta và đáng được ghi nhớ trong tháng này khi chúng ta cố gắng tạo ra một sự khởi đầu tốt cho năm mới.


Source:American Magazine

 
Sứ điệp ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ 28, cử hành ngày 11/2/2020, của Đức Thánh Cha Phanxicô
J.B. Đặng Minh An dịch
19:10 03/01/2020
Hàng năm vào ngày 11/2, Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Đó cũng là Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích về tương quan của hai ngày lễ này như sau: Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân là một cố gắng để tái khám phá “quan hệ sâu sắc” giữa Đức Mẹ và những người đau yếu.

“Điều đáng nói là có một sự liên kết gần gũi giữa Đức Mẹ Lộ Đức và thế giới những người đau khổ và yếu đau. Trong đền thánh vươn lên bên cạnh hang đá Massabielle, những bệnh nhân luôn là những người được ưu tiên và theo giòng thời gian, Lộ Đức đã trở nên một cứ điểm thật sự của đời sống và hy vọng. Nguồn suối phun lên từ lòng đất, mà Đức Mẹ đã mời Bernadette uống, mang đến sức mạnh của Thần Khí Chúa Kitô, là điều chữa lành con người hoàn toàn và mang đến cho con người sự sống muôn đời”.

Theo ý hướng đó, ngày Chúa Nhật 11 tháng 2 tới đây, Giáo Hội trên toàn thế giới sẽ cử hàng Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Trong sứ điệp nhân ngày này, được công bố vào hôm 3 tháng Giêng, 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô viết:


“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28)

Anh chị em thân mến,

1. Những lời của Chúa Giêsu, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28) chỉ ra con đường mầu nhiệm của ân sủng được mạc khải cho những người đơn sơ và mang lại sức mạnh mới cho những ai chán chường và mệt mỏi. Những lời này của Chúa Kitô thể hiện sự liên đới của Con Người với tất cả những ai bị tổn thương và đau khổ. Biết bao nhiêu người đau khổ cả về thể xác lẫn tâm hồn! Chúa Giêsu kêu gọi mọi người đến gần với Ngài - “ Hãy đến với Ta!” - và Ngài hứa ban cho họ sự thoải mái và nghỉ ngơi. “Khi Chúa Giêsu nói điều này, trước mặt Ngài là những người Ngài gặp gỡ hàng ngày trên đường phố Galilê: rất nhiều những người đơn sơ, người nghèo, người bệnh, những người tội lỗi, những người bị gạt ra ngoài lề bởi gánh nặng của luật pháp và hệ thống xã hội áp bức... Những người này luôn theo Ngài để nghe lời Ngài, là những lời mang lại hy vọng! Lời của Chúa Giêsu luôn mang lại hy vọng! “ (Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 06 tháng 7, 2014).

Vào Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân XXVIII này, Chúa Giêsu nhắc lại những lời này cho những người đau yếu, những người bị áp bức và người nghèo. Vì họ nhận ra rằng họ phụ thuộc hoàn toàn vào Chúa và, dưới gánh nặng của những thử thách, họ cần được chữa lành. Chúa Giêsu không đưa ra những đòi buộc đối với những người đang phải gánh chịu các tình huống đau yếu, khổ đau và yếu đuối, nhưng trao ban cho họ lòng thương xót và sự hiện diện an ủi của Ngài. Ngài nhìn vào một nhân loại bị thương tổn với đôi mắt nhìn thấu con tim mỗi người. Cái nhìn đó không phải là một cái nhìn thờ ơ; nhưng thay vào đó, nó đón nhận mọi người trong tổng thể của họ, mỗi người trong tình trạng sức khỏe của người ấy, không loại bỏ ai, nhưng mời gọi mọi người chia sẻ trong cuộc sống của Người và trải nghiệm tình yêu dịu dàng của Người.

2. Tại sao Chúa Giêsu có những cảm xúc này? Bởi vì chính Ngài đã trở nên yếu đuối, chịu đựng những đau khổ nhân sinh và nhận được sự an ủi từ Chúa Cha. Thật vậy, chỉ những người trải nghiệm đau khổ một cách cá vị mới có thể an ủi người khác. Có rất nhiều loại đau khổ nghiêm trọng: bệnh nan y và mãn tính, các bệnh tâm lý, các tình huống cần phục hồi chức năng hoặc chăm sóc giảm đau, cơ man các dạng thức khuyết tật, những loại bệnh nhi khoa và lão khoa. Đôi khi sự ấm áp tình nhân loại thiếu vắng trong cách thức tiếp cận của chúng ta đối với những bệnh tật này. Điều cần thiết là một cách tiếp cận phù hợp với từng cá nhân các bệnh nhân, không chỉ chữa bệnh mà còn chăm sóc, theo quan điểm một sự chữa lành nhân bản tích hợp. Khi trải qua bệnh tật, các cá nhân không chỉ cảm thấy tính toàn vẹn về thể chất của họ bị đe dọa, mà cả các chiều kích quan hệ, trí tuệ, tình cảm và tinh thần của cuộc sống của họ cũng bị nguy hiểm. Vì thế, ngoài trị liệu và hỗ trợ, họ mong đợi sự chăm sóc và chú ý. Tắt một lời là tình yêu. Ở bên cạnh mỗi người bệnh, cũng có một gia đình, bản thân họ cũng phải chịu đựng và cần được hỗ trợ và an ủi.

3. Anh chị em, những ai đang yếu đau, thân mến,

Sự yếu đau của anh chị em khiến cho anh chị em trở thành những ai “vất vả mang gánh nặng nề”, trong một cách thế thật đặc biệt, và do đó thu hút ánh mắt và trái tim của Chúa Giêsu. Nơi Ngài, anh chị em sẽ tìm thấy ánh sáng để chiếu soi những khoảnh khắc đen tối nhất của anh chị em và làm sáng tỏ niềm hy vọng có thể làm dịu nỗi khổ đau của anh chị em. Ngài thúc giục anh chị em: “Hãy đến với Ta”. Nơi Ngài, anh chị em sẽ tìm thấy sức mạnh để đối diện với tất cả những lo lắng và những vấn nạn đang tấn công anh chị em trong thời khắc “đen tối” này của cơ thể và tâm hồn. Chúa Kitô đã không cho chúng ta những toa thuốc, nhưng nhờ cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của cái ác.

Khi phải chịu đựng bệnh tật, anh chị em chắc chắn cần một nơi để tìm thấy sự nghỉ ngơi. Giáo Hội mong muốn càng ngày càng nên giống như các “quán trọ” của người Samaritanô nhân hậu, là Chúa Kitô (x Lc 10:34), nghĩa là, Giáo Hội muốn trở thành một ngôi nhà mà anh chị em có thể gặp gỡ ân sủng của Người, được thể hiện qua sự gần gũi, chấp nhận và giúp giảm nhẹ. Trong ngôi nhà này, anh chị em có thể gặp được những người, đã được chữa lành sự yếu đuối của họ bằng lòng thương xót của Chúa, sẽ giúp anh chị em chịu đựng thập giá của mình và làm cho sự đau khổ của anh chị em có thể mang đến cho anh chị em một viễn cảnh mới. Anh chị em sẽ có thể nhìn xa hơn căn bệnh của mình, hướng đến một chân trời lớn hơn trong ánh sáng mới và sức mạnh mới cho cuộc sống của anh chị em.

Một vai trò quan trọng trong nỗ lực cung cấp sự nghỉ ngơi và đổi mới cho anh chị em yếu đau của chúng ta được phụ trách bởi các nhân viên y tế: các bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế và hành chính, các trợ lý và tình nguyện viên. Nhờ chuyên môn của họ, họ có thể khiến bệnh nhân cảm thấy sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng an ủi và chăm sóc người bệnh, và chữa lành mọi thương tổn. Tuy nhiên, họ cũng là những người nam nữ với những yếu đuối và thậm chí là cả bệnh tật nữa. Họ chứng tỏ cho thấy đúng là “một khi chúng ta nhận được sự yên ủi của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi đến lượt mình trở thành niềm ủi an cho anh chị em của chúng ta, với một thái độ ngoan ngoãn và khiêm tốn khi bắt chước Thầy mình” (Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 06 tháng 7, 2014 ).

4. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thân mến,

Chúng ta hãy luôn nhớ rằng các phương pháp điều trị chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị, nghiên cứu, chăm sóc và phục hồi chức năng luôn nhằm để phục vụ cho người bệnh; thực sự là danh từ “người” phải được ưu tiên hơn so với tính từ “bệnh”. Trong công việc của anh chị em, cầu xin cho anh chị em luôn cố gắng đề cao phẩm giá và cuộc sống của mỗi người, và từ chối bất kỳ sự thỏa hiệp nào theo hướng an tử, hỗ trợ tự tử hoặc bóp nghẹt cuộc sống, ngay cả trong trường hợp bệnh nan y.

Khi phải đối mặt với những hạn chế và thậm chí thất bại của y khoa trước các trường hợp lâm sàng ngày càng có vấn đề và những chẩn đoán ảm đạm, anh chị em được kêu gọi mở lòng ra với chiều kích siêu việt của nghề nghiệp là điều cho thấy ý nghĩa tối thượng của nó. Chúng ta hãy nhớ rằng mạng sống là thánh thiêng và thuộc về Thiên Chúa; do đó, mạng sống là bất khả xâm phạm và không ai có thể giành quyền tự do định đoạt theo ý mình (x. Donum Vitae – Tông huấn Hồng Ân Sự Sống, 5; Evangelium Vitae – Thông điệp Tin Mừng Sự Sống, 29-53). Cuộc sống phải được chào đón, bảo vệ, tôn trọng và phục vụ từ đầu đến cuối: cả lý trí nhân loại thường tình và niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng là tác giả của sự sống, đều đòi hỏi điều này. Trong một số trường hợp, việc phản đối trên cơ sở lương tâm trở thành một quyết định cần thiết nếu anh chị em nhất quán với tiếng “vâng” của anh chị em với sự sống và với con người nhân bản. Khả năng chuyên nghiệp của anh chị em, được nâng đỡ bởi đức ái Kitô giáo, sẽ là sự phục vụ tốt nhất anh chị em có thể trao ra để bảo vệ quyền con người chân thật nhất, là quyền được sống. Khi anh chị em không còn có thể chữa trị, anh chị em vẫn có thể chăm sóc và chữa lành, thông qua các cử chỉ và các thủ thuật mang lại sự thoải mái và nhẹ nhõm cho người bệnh.

Đáng buồn là trong một số bối cảnh chiến tranh và xung đột bạo lực, cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe lẫn các cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ người bệnh cũng bị tấn công. Ở một số khu vực cũng xảy ra trường hợp các nhà lãnh đạo chính trị cố gắng thao túng việc chăm sóc y tế vì lợi ích riêng của mình, do đó, hạn chế quyền tự chủ hợp pháp của ngành y. Tuy nhiên, việc tấn công những người cống hiến hết mình cho sự phục vụ những thành viên đau khổ trong xã hội như thế không phục vụ thiện ích của ai cả.

5. Vào Ngày Quốc Tế Bệnh nhân thứ XXVIII này, tôi nghĩ đến nhiều anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới không được tiếp cận chăm sóc y tế vì sống trong nghèo đói. Vì lý do này, tôi kêu gọi các tổ chức chăm sóc sức khỏe và các nhà lãnh đạo chính phủ trên toàn thế giới đừng lơ là với công bằng xã hội vì một thiên kiến đối với các mối quan tâm tài chính. Tôi hy vọng rằng, bằng cách liên kết các nguyên tắc liên đới và trợ giúp, các nỗ lực sẽ được thực hiện một cách phối hợp nhằm bảo đảm mọi người đều có quyền truy cập vào các phương pháp điều trị thích hợp cho việc chăm sóc và phục hồi sức khỏe. Tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người tình nguyện phục vụ những người bệnh, thường là để bù đắp những thiếu sót về cơ chế, đồng thời phản ánh hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng là người Samaritanô nhân hậu, qua những hành động yêu thương và gần gũi của họ.

Tôi giao phó tất cả những người đang chịu gánh nặng bệnh tật, cùng với các gia đình và tất cả nhân viên chăm sóc sức khỏe cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng là Sức khỏe của Bệnh Nhân. Tôi bảo đảm nhớ đến anh chị em trong những lời cầu nguyện của tôi, và tôi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em.

Từ Vatican, ngày 3 tháng Giêng năm 2020,
Lễ nhớ Danh Cực Thánh Chúa Giêsu

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Source:Holy See Press Office
 
Ai cần xin lỗi
Vũ Văn An
19:47 03/01/2020
Cần nói ngay rằng biến cố Đức Giáo Hoàng Phanxicô tát tay người đàn bà ở quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô để tự giải thoát ngài khỏi bàn tay níu kéo của bà ta diễn ra vào ngày cuối năm 2019. Và đến đầu năm 2020, ngài lên tiếng xin lỗi về biến cố ấy. Như thế thì điều tiêu cực diễn ra trong năm cũ, và điều tích cực diễn ra trong năm mới. Thiển nghĩ đây là dấu hiệu tốt, không hẳn dấu hiệu xấu.



Đức Giáo Hoàng xin lỗi công khai cho một hành vi công khai. Điều cân xứng này tưởng đã đủ để nói lên thiện chí của ngài. Nhưng nhiều người không thấy đó là đủ và họ thêu dệt đủ thứ giả thiết từ chính trị đến bình đẳng giới tính.

Sau 2, 3 ngày nghĩ lại, tưởng nên đặt câu hỏi: ai mới là người cần xin lỗi trong biến cố này. Có người cho rằng khó mà trả lời câu hỏi này vì nội dung cuộc đàm thoại hay “đấu khẩu” giữa người đàn bà tạm gọi là hành hương và vị Giáo Hoàng 83 tuổi, cho đến nay, chưa ai “dựng” lại được một cách chính xác. Thậm chí cả quốc tịch của người đàn bà cũng chưa thấy ai quan tâm xác định.

Nhưng cứ dựa vào các tường thuật truyền thông cho đến nay thì rõ ràng người đàn bà “hành hương” đã đi đến chỗ quá trớn bằng cách kéo giật vị Giáo Hoàng 83 tuổi, mang nhiều điều kiện không sung mãn bao nhiêu về sức khỏe, sau một buổi sinh hoạt hết sức mệt mỏi, khiến ngài đau đớn, đến quên hết mọi dè dặt, chỉ còn lại phản ứng phản xạ tự bảo vệ bằng dùng tay đánh mạnh vào tay người đàn bà để tự giải thoát mình.

Quan điểm ấy được Ký giả John Allen của tạp chí Crux nói đến (xin xem bài Take-Aways from the Pope’s “Great Swat” of New Year’s 2020). Ký giả này tóm lược biến cố như sau: “khi Đức Phanxicô ra khỏi Vương cung Thánh đường Thánh Pherô vào tối vọng Năm Mới để viếng Cảnh Giáng Sinh theo truyền thống tại quảng trường và sau đó làm một vòng thăm hỏi khách hành hương dọc theo các hàng rào cản, một phụ nữ quá hung hãn [aggressive] đã túm lấy bàn tay ngài và nhất định không chịu buông tha, khiến cho vị Giáo Hoàng giận dữ trông thấy phải quay lại, đập vào tay bà này vài lần và la mắng bà ta”.

John Allen xác nhận chính ông ta cũng không thể xác định Đức Phanxicô đã nói gì trong lúc nóng nẩy đó, nhưng chắc chắn không phải là “Happy New Year” (Chúc mừng Năm mới). Ký giả này nhận định: “Đối với những ai từng theo dõi sát nút Đức Phanxicô, thì việc tiết lộ người đàn ông Á Căn Đình 83 tuổi có tính nóng nẩy là điều chẳng sét đánh chi, vì chúng ta từng thấy điều ấy nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, cuốn video tả lại biến cố đã truyền đi nhanh hơn vi khuẩn và trở thành một tin chấn động trên internet.

Về việc xin lỗi của Đức Phanxicô vào hôm sau, Allen cho là điều oái oăm vì bài giảng lễ hôm đó được Đức Phanxicô dành cho đề tài bạo lực chống phụ nữ với nhận định sâu sắc rằng cách ta đối xử với phụ nữ chính là thước đo nhân tính của ta.

Vậy tại sao lại đi đánh tay một người đàn bà dù là để tự giải thoát mình khỏi một cơn đau điếng? Ở đây, John Allen đưa ra một giải thích nghe khá lạ tai nhưng không hẳn là vô giá trị. Ngay đầu bài báo, John Allen đã cho rằng Đức Phanxicô là người không thiếu trí tưởng tượng khi muốn biến các khoảnh khắc cao điểm của ngài trên diễn đàn công cộng trở thành lôi cuốn. Dịp nghỉ đầu năm nay, ngài đã tạo ra một hướng hoàn toàn bất ngờ cho một câu chuyện mà chúng ta có thể gọi là “Cú đập Lớn” (Great Swat). Hướng đó được Allen gọi là hướng của Công Ty Giao tế Nhân sự nặng túi ở Madison Avenue: sứ điệp mạnh mẽ về bạo lực chống phụ nữ vào dịp nghỉ hè hàng năm, lúc người ta lưu ý tới nhiều chuyện khác vui vẻ hơn thì ai mà nghe, phương tiện truyền thông nào mà chú ý tới. Thế nhưng thông điệp ngày đầu năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về chính đề tài quá quen thuộc ấy, thậm chí quá nhàm tai ấy, đã được các phương tiện truyền thông nhắc đến. Allen chứng minh bằng câu chuyện chính ông chứng kiến: “Tôi thực hiện một số biến cố đáng lưu ý cho CNN vào Ngày Đầu Năm, và đến một lúc, một số anh em chúng tôi còn lại ở phòng tin ở đây, ở Rome, đề cập đến bài giảng của Đức Giáo Hoàng. Một đồng nghiệp lên tiếng ‘các anh thấy không, đây quả là một bài giảng thực sự mạnh mẽ, ngài quả đề cập tới một số vấn đề quan trọng’. Im lặng một lúc, tôi lên tiếng hỏi ‘đúng, nhưng hôm nay, khi phát sóng, liệu chúng ta có nên nói đến nó mà không nói gì đến cú đập tay hay không?’ Không chần chừ, mọi cái đầu ở trong phòng đều nói không”.

Allen kết luận: “hiển nhiên, Đức Giáo Hoàng có lẽ không luôn muốn như thế, nhưng trong trường hợp này, người ta cho rằng ngài đã tìm được cách để nắm được số người nghe mà nếu không khó có thể nắm được”.

Về chính việc xin lỗi, Allen cho rằng các nhân vật công thường thấy mình phải xin lỗi vì việc này việc nọ, nhưng thường thường lời xin lỗi của họ không mấy có hiệu quả, thường bị coi là công thức và thiếu thành thực, nhằm chữa chạy hơn là hối hận thực sự.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô khá được khen ngợi khi lên tiếng xin lỗi ngay ngày hôm sau, ngày Đầu Năm, một cách lịch thiệp và đầy tính mục vụ. Allen cho rằng “tính hiệu năng của lời xin lỗi thay đổi tỷ lệ thuận với việc liệu phần lớn người ta có tin là bạn thực sự có điều gì để phải xin lỗi hay không”

Đối với Allen, “Trung thực mà nói, ai coi chiếu lại cảnh ấy có lẽ đều nghĩ rằng nếu có ai đó phải xin lỗi, thì người đó hẳn phải là người đàn bà túm tay chứ không phải Đức Giáo Hoàng. Dù sao, chúng ta đang nói tới cụ già 80 tuổi từng chịu chứng đau thần kinh tọa, mà bàn tay bị giật mạnh bởi một người rõ ràng không hiểu lúc nào cần phải buông ra”.

Allen cho rằng nếu Đức Phanxicô làm điều gì đó quá đáng hơn, thì lời xin lỗi mới không đủ. Đàng này, chỉ đơn giản phản ứng theo cách phần đông người ta vẫn phản ứng trong cùng hoàn cảnh, thì quả ngài đã chuyển đổi việc thiếu kiên nhẫn thành một điều tích cực làm tăng danh tiếng lịch thiệp và tao nhã nhân bản.

Phần đông người ta ở đây được Allen hiểu là những người bình thường không mấy lưu ý tới những điều xẩy ra cho một vị Giáo Hoàng. Trong nội bộ Công Giáo, lẽ dĩ nhiên, phản ứng có khuynh hướng diễn ra trong đường ranh ý thức hệ, trong đó, các người duy truyền thống đặc biệt thích thú la lên “thấy không, mặt nạ đã rơi xuống!”.

Trả lời câu hỏi: ai nhanh chóng lên tiếng bênh vực Đức Phanxicô? Allen nói rằng đó là “một số bạn bè Rôma của tôi, những người lái xe taxi, chủ tiệm ăn... những người lúc nào cũng phải đương đầu với các du khách hung hãn, một số còn khích lệ Đức Phanxicô đánh mạnh hơn thế".

Cũng nhân dịp này, Allen nói đến trách nhiệm của các nhân viên an ninh của Đức Giáo Hoàng. Ông cho hay một người chủ chương trình của CNN từng hỏi ông “An ninh của Vatican ở đâu khi mọi chuyện này xẩy ra?”. Thực vậy, một chuyện như thế khó mà xẩy ra cho một tổng thống Hoa Kỳ. Các nhân viên an ninh chìm được huấn luyện để đọc nét mặt người ta lúc các vị vọng giao tiếp với dân chúng dọc các rào cản (rope lines), để nhận diện những người quá gắn bó (clingy) hay hung hãn, và tìm cách “cắt cầu chì” các tình huống trước khi chúng xẩy ra. Trường hợp Đức Phanxicô, rất tiếc trưởng an ninh lâu năm của ngài, Domenico Giani, đã từ chức vì vụ rì rỏ tài liệu ở Vatican mấy tháng trước đây. Có ông, có thể không xẩy ra biến cố đáng tiếc vào ngày cuối năm. Hy vọng vị trưởng an ninh mới, Gauzzi Broccoletti, sẽ cho nhân viên học hỏi kinh nghiệm từ biến cố này để tránh các đáng tiếc trong tương lai.

Thực ra, Allen cho hay: suốt 25 năm làm việc ở Vatican, ông thấy hàng rào an ninh bảo vệ các vị Giáo Hoàng sơ sài hơn hàng rào bảo vệ an ninh cho các nhà lãnh đạo thế giới khác. Một phần, vì các vị Giáo Hoàng, nhất là Đức Phanxicô, nghĩ mình như các mục tử và không muốn cách ngăn với thường dân. Hơn nữa, còn an ninh nào hơn bàn tay Quan Phòng. Allen cũng cho rằng một phần tại văn hóa, người Ý vẫn thư giãn về phương diện này hơn người khác.
 
Cuộc không kích giết chết Soleimani có ảnh hưởng gì trên các Kitô hữu ở Iraq?
Trần Mạnh Trác
20:16 03/01/2020
(phỏng theo Christine Rousselle cuả CNA)

Có nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng các cộng đồng Kitô giáo ở Trung Đông có thể bị đàn áp thêm nữa sau cuộc không kích của Mỹ giết chết tướng Soleimani cuả Iran.

Tướng Qasem Soleimani là vị chỉ huy Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, đã bị giết chết trong cuộc không kích ngày 3 tháng 1 tại Sân bay Quốc tế Baghdad, do Tổng thống Donald Trump ra lệnh. Cùng bị giết với ông ta là tướng Abu Mahdi al-Muhandis, lãnh đạo Lực lượng dân quân tình nguyện cuả Iraq.

Cuộc không kích này diễn ra sau khi đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị tấn công đốt phá và các quan chức Mỹ tuyên bố rằng ông Soleimani đang âm mưu mở thêm nhửng cuộc tấn công mới vào cơ sở Mỹ.

Trong bối cảnh xung đột leo thang và bất ổn ở khu vực, các nhóm Kitô giáo đã lên tiếng kêu cứu xin quốc tế cần phải tập trung vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số đã bị bỏ ra ngoài lề xã hội ở đây.

"Tướng Soleimani và Lực lượng Quds của ông đã từng tàn phá các cộng đồng Kitô hữu và những người khác ở Iraq, Iran, Lebanon và Syria trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi mong mỏi sự ra đi của ông sẽ kết thúc một kỷ nguyên khủng bố và bất ổn,” theo lời ông Peter Burns, giám đốc phòng liên lạc với các chính phủ cuả tổ chức Bảo vệ Kitô hữu (IDC).

“Nhưng,” ông Burns nói thêm “có những lo ngại rằng khu vực này sẽ trở nên bất ổn định, và điều này có thể làm tăng khả năng tấn công vào các nhóm thiểu số tôn giáo.”

“Tổ chức IDC đang theo dõi tình hình chặt chẽ để đảm bảo rằng các cuộc tấn công như vậy không xảy ra,” ông nói.

Tổ chức của ông đã kêu gọi chính phủ Iraq và Syria hợp tác để bảo đảm sự an toàn của những người biểu tình từng bị tấn công bở những bọn côn đồ được Iran hổ trợ, và ông Burns lưu ý rằng Kitô hữu ở các quốc gia này đã biểu tình bên cạnh người Hồi giáo để cải cách chính trị và kinh tế.

“Quyền tụ họp và đòi hỏi cải cách của họ không thể bị Iran dùng bạo lực để đe dọa và trả đũa" ông Burns nói.

Mặc dù chưa rõ những hệ lụy do cuộc không tập ngày 3 tháng 1 vừa qua sẽ ra sao, nhưng nhiều người cho rằng nguy cơ bị khủng bố và bị tấn công có thể gia tăng đối với các Kitô hữu.

“Dù cho bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo ở Iraq, điều quan trọng là chúng ta không quên hoàn cảnh của các Kitô hữu ở đây, họ đã bị ảnh hưởng một cách không cân xứng - và thường là nạn nhân trực tiếp - trong các tình huống biến động và bạo lực,” theo ông Andrew Walther. Phó Chủ tịch Truyền thông của hội Hiệp sĩ Columbus.

Ông Walther cho biết, sự an toàn và sự sống còn của các cộng đồng này, vừa bị tàn phá bởi chiến dịch diệt chủng của ISIS, vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

Hội Hiệp sĩ Columbus đã chi ra hơn 25 triệu đô la trong 5 năm qua để hỗ trợ các Kitô hữu ở Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Syria.

Cha Luis Montes, một linh mục người Argentina của Viện Ngôi Lời nhập thể và là một nhà truyền giáo ở Iraq, nói rằng tuy cuộc không kích là khá nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa thấy có dấu hiệu trực tiếp nào chống lại Kitô hữu.

Cha Montes nói rằng ngài lo ngại những bất ổn ở Iraq sẽ khiến cuộc sống của các Kitô hữu trở nên khó khăn hơn.

“Chiến tranh ảnh hưởng đến các Kitô hữu nhiều hơn đến những người khác bởi vì người Kitô hữu chúng ta là thiểu số, chúng ta không được bảo vệ. Hầu hết các Kitô hữu đã rời khỏi khu vực, điều này càng làm xói mòn những nỗ lực giúp ổn định đất nước.”

Ông Edward Clancy là giám đốc ngoại giao cuả Ủy ban Tài trợ cho các giáo hội nghèo “Aid to the Church in Need” cũng lo ngại rằng sự bất ổn mới sẽ gây nguy hại cho dân số Kitô giáo. Ông nói rằng phản ứng ban đầu của ông sau khi nghe về cuộc không kích là ‘Oh No,' (Chết chửa) nhưng đồng thời ông cũng không bỏ mất hy vọng.

"Hoạt động khủng bố sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các Kitô hữu. Nhưng không nhất thiết là vì số người bị giết, mà là số người có còn ở lại hay không. Vì tình trạng thiếu an toàn cho nên người ta sẽ tìm cách bỏ đi", ông nói.

“Vì vậy, ngay bây giờ, là vô cùng quan trọng cho bất cứ ai có thể cung cấp nó, cung cấp cho cộng đồng Kitô giáo một cảm giác vững tâm (về an ninh),” ông Clancy nói.

Ông Clancy đặc biệt lưu tâm đến khu vực Ni-ni-ve, nơi có một số cộng đồng Kitô giáo lâu đời nhất thế giới, nhưng thiếu cơ sở hạ tầng và mạng lưới truyền thông, và các Kitô hữu từng bị bị bỏ rơi thẳng thừng trong những tình huống rất khó khăn.

“Ngày nay cộng đồng đó rất dễ bị tổn thương.”

"Chúng ta thực sự cần cảnh giác cầu nguyện cho những người này, và chúng ta cũng cần gây áp lực lên những giới hữu trách để đảm bảo rằng những cộng đồng Kitô giáo này không bị lãng quên."
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ngôi sao Bethlehem
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:06 03/01/2020
Mừng lễ Chúa giáng sinh, bài thánh ca „ Kìa trông huy hoàng vì sao…“ được hát vang lên khắp nơi trong các thánh đường, nơi họp mừng lễ ở hội trường và cả ở nhà tư nữa. Và nhất là bài thánh ca này nhắc nhớ đến biến cố Ba Vua được ngôi sao dẫn đường tìm đến hang đá hài nhi Giêsu giáng sinh ở Bethlehem.

Và trong dòng thời gian của nhân loại, con người hằng cần đến „ngôi sao chỉ đường dẫn lối“ trên con đường đời sống, nhất là những khi vướng mắc vào bước đường cùng, vào cơn khủng hoảng, khi bơ vơ hoài nghi…

Vào thời Chúa Giêsu ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm trong thế giới đế quốc Roma cũng đã có niềm tin vào thiên văn các vì tinh tú. Vì cho rằng mỗi người đều có một ngôi sao vận mệnh ngay từ lúc bắt đầu sinh cho tới ngày qua đời. Sự tin tưởng này qủa quyết mỗi người có một ngôi sao vận mệnh trên trời, và tùy theo việc sinh sống ngôi sao của họ chiếu sáng, như lời cầu nguyện tin tưởng xa xưa của dân Do Thái nói lên sự tin tưởng đó:

“4 Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một.“ (Tv 147,4)
Trong bài tường thuật về biến cố hài nhi Giesu sinh ra trên trần thế, ba nhà bác học thiên văn, còn gọi là Ba Vua được „ngôi sao của hài nhi Giêsu, ngôi sao vị vua mới sinh“ chỉ đường chỉ lối từ miền phương Đông tìm tới Bethlehem:

„1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem,2 và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.“ ( Mt 2,1-2).

Vào thời cổ đại, thời vương quốc Hylạp, thời đế quốc Roma hay cả vương quốc Do Thái, trên các đồng tiền có đúc khắc hình ngôi sao là hình ảnh biểu tượng của vua.

Ngôi sao Bethlehem cũng là biểu tượng của vị vua thơ bé không có quyền hành mới sinh, người là vua dân Do Thái không có vương quốc trị vì trên thế giới và sau cùng chết nhục nhã trên cây thập tự.

Qua nhiều cách thế, trong kinh thánh cựu ước, Thiên Chúa được trình bày như là vị vua thống trị thế giới trong tương quan với ánh quang rực rỡ, như trong mùa Vọng thường hay nói tới:

„ Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.“ ( Isaia 9,1)

hay
„1 Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. 2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.“ ( Isaia 60,1-2)

Sách Dân số nói một ngôi sao xuất hiện sẽ vực dậy dân Israel:

„17 Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết,“ ( Sách Dân số 24,17).

Trong Kinh Thánh cựu ước ngôi sao hay ánh sáng chiếu soi trong đêm tối chỉ về Thiên Chúa, hay được dùng làm biểu tượng nói đến vua là người mang đến sự giải thoát cứu độ.

Trong phúc âm Thánh Mattheo thuật lại ngôi sao dẫn đường cho Ba Vua tìm đến hài nhi Giesu.

Lịch sử cũng tìm cách tìm hiểu cắt nghĩa theo khía cạnh khoa học thiên văn. Theo nghiên cứu vào năm 7. trước Chúa giáng sinh đã xẩy ra sự xuất hiện nhiều lần của hai vì tinh tú Jupiter và Saturn cùng một lúc trên nền trời.

Những nhà thiên văn China đã chứng minh có ngôi sao chổi đuôi dài xuất hiện trên nền trời vào năm 5. trước Chúa giáng sinh.

Nhưng những nghiên cứu như vậy đã không nhận ra ngôi sao lạ lùng xuất hiện theo hướng nhất định chỉ đường từ Jerusalem tới hang đá Bethlehem, nơi hài nhi Giêsu sinh ra.
„ Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. ( Mt 2,9)

Ngôi sao chỉ xuất hiện một lần cùng vào thời điểm nhất định dẫn đường cho ba vua từ Jerusalem đến Bethlehem thôi. Sau đó ngôi sao không đóng vai trò gì khác nữa. Thiên Chúa đã xuất hiện báo cho Ba Vua tìm đường khác mà trở về nhà không trở lại Jerusalem với vua Herode nữa.

Ngôi sao Bethlehem đã làm chu toàn nhiệm vụ của mình là dẫn đường cho Ba Vua tìm đến vua hài nhi Giêsu mới sinh ra trong hang chuồng súc vật ở Bethlehem.

Người tín hữu Chúa Kitô không phải theo ngôi sao dẫn đường đi tìm Chúa như Ba Vua ngày xưa. Nhưng theo Chúa Giêsu, Đấng khi trở về trời đã trao cho các Tông đồ, cho Giáo hội sứ mạng :

"Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.“ ( Mt 28, 18-20).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sao Trời Chuyển Vận
Lê Trị
22:39 03/01/2020
SAO TRỜI CHUYỂN VẬN
Ảnh của Lê Trị

“Hùng vĩ quá, khiến phàm nhân tắc lưỡi !
Thượng trí nào ra định luật đổi thay,
Hết tối đêm xoay chuyển lại sáng ngày,
Tay Tạo Hoá đã tài tình xếp đặt !”
(Thánh Thi)
 
VietCatholic TV
Triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm các nước Á Châu, đặc biệt là Singapore, trong năm 2020
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:26 03/01/2020
1. Triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm các nước Á Châu trong năm 2020

Trong thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Panama, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2022 sẽ được tổ chức tại Lisbon. Năm 2017, Bồ Đào Nha đã chính thức xin đăng cai tổ chức sự kiện này. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đích thân ngài hay vị Giáo Hoàng kế nhiệm ngài sẽ tham dự.

Tông du Bồ Đào Nha năm 2022 là chuyến tông du duy nhất được xác định cho đến nay.

Những chuyến tông du chúng tôi đề cập đến trong phần sau đều chỉ là những dự đoán của các phương tiện truyền thông Công Giáo, cho đến nay chưa được Tòa Thánh chính thức xác nhận.

Trong phạm vi các nước Á Châu. Quốc gia được kể là có nhiều triển vọng nhất là Singapore.

Sáng ngày 28 tháng Năm, năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Singapore Tony Tan tại điện Tông Tòa của Vatican. Đây là lần đầu tiên một vị lãnh đạo của Singapore đến thăm Tòa Thánh. Trong cuộc gặp gỡ này, tổng thống Singapore đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha đến thăm quốc gia này. Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời của tổng thống ngay trong buổi gặp gỡ giữa hai vị.

Trước đó, nhân chuyến viếng thăm Singapore của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tại Cộng hoà Singapore, trước tất cả các linh mục, tu sĩ và giáo dân tham dự Thánh Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse hôm Chúa Nhật 16 tháng 8 năm 2015, ông Tony Tan cũng đã bày tỏ ước muốn được Đức Thánh Cha viếng thăm nhân kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của quốc gia này.

Chuyến viếng thăm Singapore cho đến nay chưa thực hiện được vì trong năm thánh ngoại thường Lòng Thương Xót diễn ra từ 8 tháng 12, 2015 đến 20 tháng 11, 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã hủy bỏ hầu hết các chuyến tông du được dự trù.

Năm sau đó, 2017 là năm có tổng tuyển cử tại Singapore. Theo thông lệ của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha không viếng thăm một quốc gia trong thời gian trước bầu cử để tránh bị xem là ủng hộ cho một ứng cử viên tổng thống nhất định.

Trong thánh lễ Giáng Sinh năm nay, Đức Tổng Giám Mục William Goh của tổng giáo phận Singapore đã nhắc lại ước muốn Đức Thánh Cha sang thăm người Công Giáo Singapore sau khi ngài đã thăm Thái Lan trong năm nay.

Tuy nhiên, vấn đề là ông Tony Tan đã không còn là tổng thống của Singapore. Tổng thống hiện nay là bà Halimah Yacob, một người Hồi Giáo, đảm nhận chức vụ này từ ngày 14 tháng Chín 2017. Liệu bà Halimah có đưa ra lời mời Đức Thánh Cha sang thăm Singapore hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, một so sánh tương đối với các quốc gia Á Châu khác cho thấy một triển vọng như thế xem ra là khả thi nhất.

2. Triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm Ấn Độ trong năm 2020

Cuối năm 2016, sau khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã bày tỏ ước muốn được đến thăm Ấn Độ và Bangladesh. Trong nhiều dịp gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ, thủ tướng Narendra Modi cũng bày tỏ ước muốn được đón tiếp Đức Thánh Cha viếng thăm quốc gia này.

Tuy nhiên, Narendra Modi là con người đầy thủ đoạn. Nhà lãnh đạo của đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, thường nói một đàng làm một nẻo.

Ngày 16 tháng Năm 2014, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của BJP được bầu làm thủ tướng. Từ đó cho đến nay, các Kitô hữu lãnh đủ các hình thức bách hại. Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị BJP coi là các tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016. Con số này ngày càng tăng trong hai năm sau đó 2018 và 2019 với 884 vụ và 1024 vụ.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài nhất thế giới từ 11 tháng Tư cho đến 23 tháng Năm vừa qua, các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, các Kitô hữu tại Ấn, nói như cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền, “tái mặt” nhận ra rằng Đảng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.

Tháng 12, 2016, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, tên mới là Mumbai, và cũng là một trong 9 vị Hồng Y Cố Vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu nói đến triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm Ấn Độ, sau một cuộc gặp gỡ với Modi vào tháng 11, 2016.

Thực tế, đó chỉ là một lời mời lơi. Cũng như tất cả các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đều mong muốn được đến thăm các quốc gia đông dân, đặc biệt là các quốc gia mà đến nay người Công Giáo vẫn chỉ là một thiểu số như Ấn Độ và Trung Quốc. Các ngài cảm thấy như một trách nhiệm phải đến thăm các quốc gia này.

Chính vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mong muốn của ngài đến thăm Ấn Độ và Bangladesh.

Từ 27 tháng 11 đến 2 tháng 12, 2017, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Miến Điện và Bangladesh, là quốc gia có đường biên giới rất dài với Ấn Độ nhưng chuyến viếng thăm Ấn Độ đã không được thực hiện. Đức Hồng Y Oswald Gracias giải thích rằng một chuyến thăm tới Ấn Độ vào năm 2017 là không thể được vì có những xung đột với kế hoạch của Thủ tướng Modi vào tháng 12. Thay vào đó, chuyến thăm sẽ diễn ra trong nửa đầu của năm 2018, tuy nhiên điều này đã không xảy ra, và như chúng ta thấy suốt trong năm 2019 điều đó cũng đã không xảy ra. Câu chuyện Đức Thánh Cha viếng thăm Ấn Độ xem ra chỉ là chuyện “Aladdin Và Cây Đèn Thần”.

Câu chuyện ấy có lẽ còn hoang đường hơn nữa trong bối cảnh của các cuộc biểu tình phản kháng một luật mới về quyền công dân trong đó loại trừ người Hồi Giáo.

Trong hai tuần qua, hàng trăm ngàn người Ấn Độ đã xuống đường để phản đối Tu Chính Án về Quốc tịch, mà Quốc hội Ấn Độ, do đảng BJP chi phối, đã phê chuẩn trong tháng 12. Những bếp ăn được nấu nướng ngay trên đường phố cho những người biểu tình cho thấy cuộc đấu tranh có lẽ còn dài không phải là chuyện một sớm một chiều.

Các cuộc biểu tình đã thu hút mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, chứ không riêng gì người Hồi Giáo. Họ lo ngại rằng luật mới sẽ làm suy yếu nền tảng của Ấn Độ như một quốc gia thế tục. Khoảng hai chục người đã bị giết trong các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội và hàng trăm người đã bị bắt giữ.

3. Triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm Pakistan trong năm 2020

Trong một buổi triều yết riêng diễn ra tại Điện Tông Tòa vào ngày 23 tháng Hai, 2016, Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời của Thủ tướng Nawaz Sharif đến thăm quốc gia này trong năm 2016.

Chuyến tông du đã không xảy ra vì với một chương trình dày đặc trong Năm Thánh Lòng Thương Xót diễn ra từ 8 tháng 12, 2015 đến 20 tháng 11, 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã hủy bỏ hầu hết các chuyến tông du được dự trù.

Năm sau đó, 2017 là năm có tổng tuyển cử tại Pakistan. Theo thông lệ của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha không viếng thăm một quốc gia trong thời gian trước bầu cử để tránh bị xem là ủng hộ cho một ứng cử viên nhất định.

Thủ tướng Nawaz Sharif đã thất cử trong cuộc bầu cử này và Pakistan bắt đầu rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Tân thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi chỉ cầm quyền được mấy tháng. Cụ thể là từ ngày 1 tháng 8, 2017 cho đến ngày 31 tháng 5, 2018. Quyền hành được tạm giao cho ông Nasirul Mulk, là người sau đó cũng chỉ nắm chính quyền được hơn hai tháng.

Thủ tướng Imran Khan đã lên nắm chính quyền từ ngày 18 tháng 8, 2018.

Hai tháng sau đó, trong một biến cố ngoạn mục, Tòa án Tối cao Pakistan đã đưa ra phán quyết Asia Bibi vô tội. Bibi là người mẹ Công Giáo của năm người con đã bị kết án tử hình vì tội báng bổ vào năm 2010

Tòa án Tối cao Pakistan đã lệnh phóng thích cô khỏi nhà tù ngay lập tức.

Tuy nhiên, phán quyết này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình bạo lực trên toàn quốc của các thành phần Hồi Giáo cực đoan. Bạo lực chỉ chấm dứt sau khi chính phủ đồng ý ngăn Bibi xuất cảnh cho đến khi một phiên tòa xử lại vụ án của cô diễn ra.

Vài ngày sau phán quyết của tòa án hồi cuối tháng Mười, cô đã được đưa từ một nhà tù ở Multan tới thủ đô Islamabad, nơi cô được tường thuật là sống trong một ngôi nhà an toàn được canh phòng cẩn mật trong khi chờ đoàn tụ với gia đình đang sống ở một địa điểm không được tiết lộ ở Canada.

Tối Cao Pháp Viện Pakistan, trong phiên xử lại, đã giữ nguyên phán quyết tha bổng Bibi vào ngày 29 tháng Giêng, và cho phép cô rời khỏi Pakistan.

Tháng Năm vừa qua, theo các dàn xếp ngoại giao, cô đã được bí mật đưa ra khỏi Pakistan và đến cư ngụ ở một nơi an toàn trên lãnh thổ Canada.

Biến cố này, cố nhiên, đã gây tức giận cho người Hồi Giáo. Trong bối cảnh như thế, chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Pakistan trong năm nay có lẽ sẽ rất khó xảy ra.

4. Triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm Bắc Hàn trong năm 2020

Ngày 09 Tháng 10 năm 2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Chính Ân hay còn gọi là Kim Jong Un đã lên tiếng mời Đức Giáo Hoàng đến thủ đô Bình Nhưỡng.

Tổng thống Nam Triều Tiên Văn Tại Dần hay còn gọi là Moon Jae-in đã trình lời mời này lên Đức Thánh Cha trong buổi triều yết hôm 18 tháng 10 năm 2018. Đã có những hy vọng là chuyến tông du này được thực hiện trong năm 2019, đặc biệt là trong bối cảnh Đức Thánh Cha tông du đến Nhật Bản là quốc gia chỉ cách Triều Tiên một eo biển.

Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó đã không xảy ra. Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho hay chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên cần được chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng chắc chắn cuộc viếng thăm ấy sẽ củng cố “hỗ trợ cho quá trình hòa bình và giải trừ chương trình nguyên tử hạch nhân tại bán đảo Triều Tiên”.

Trao đổi với báo giới trong một buổi ra mắt sách tại Rome, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “sự sẵn sàng của ngài tới thăm Bình Nhưỡng”.

Đức Hồng Y Parolin cho biết: “Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến viếng thăm và triều yết riêng với Đức Thánh Cha ngày 18 tháng 10, 2018 có chuyển đạt lên Đức Thánh Cha nguyện vọng của lãnh tụ Bắc Triều Tiên bày tỏ ước mơ được Đức Thánh Cha tới thăm Bình Nhưỡng. Và Đức Thánh Cha cũng bày tỏ tấm lòng cởi mở đón nhận lời mời này.

Được hỏi vậy Tòa Thánh đã xúc tiến chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này chưa, Đức Hồng Y trả lời: “Chưa, chúng tôi đang chờ một lời mời chính thức hơn”. Ngài cho hay đây mới chỉ là một trao đổi như là một “bước đầu tiên” dưới hình thức “bày tỏ bằng ngôn từ mà thôi”.

Đức Hồng Y Parolin cho hay tiếp “một khi chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch về việc khả thi cho chuyến tông du này”, thì một số “điều kiện” nhất định sẽ phải được kiểm tra trước khi chuyến viếng thăm được thực hiện. “Chuyến tông du này cần phải được chuẩn bị thật chi ly nghiêm túc,” ngài nói.

Trong quá khứ, Bắc Hàn cũng đã từng mời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Trong bài Prominent Defector on N.Korea's Relationship with Religion, tờ The Chosunilbo cho biết như sau:

Một cuốn hồi ký của Thae Yong-ho, nhân vật số 2 tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở London và bây giờ là một nhà tranh đấu chống chế độ, đã bán được 50,000 bản chỉ trong 10 ngày.

Cuốn sách phơi bày những khía cạnh của chế độ mà Thae chứng kiến tận mắt, rất phong phú với những sự kiện bất ngờ về một chế độ kín như bưng mà người ta chỉ có thể đoán mò qua các giai thoại, tin đồn và những hình thái suy luận có lý.

Một khía cạnh thú vị là mối quan hệ của Bắc Triều Tiên với tôn giáo. Trong số những đề tài được Thae thuật lại, là câu chuyện Bắc Triều Tiên đã xây dựng một nhà thờ giả ở Bình Nhưỡng.

Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu, Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế đến mức nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Trong một cố gắng thoát khỏi sự cô lập quốc tế, Bắc Triều Tiên muốn mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã từng thăm Nam Hàn đến 2 lần vào tháng 5, 1984 và tháng 10, 1989.

Khi Vatican yêu cầu Bắc Triều Tiên trưng ra bằng chứng về sự hiện hữu của người Công Giáo, chế độ cộng sản này xây dựng cấp tốc một nhà thờ giả gọi là nhà thờ “chánh tòa Bình Nhưỡng”. Các hàng ghế trong nhà thờ đầy chật những người cộng sản cực đoan giả dạng tín hữu.

Thae thuật lại rằng theo thời gian, một số người đóng giả để quay phim đã thực sự bắt đầu tìm hiểu Kitô giáo.

Thae cho biết: “Bắc Triều Tiên rất quyết liệt với tôn giáo. Ở các nước cộng sản châu Âu, nhà nước thắt chặt quyền tự do tôn giáo, nhưng họ không phá hủy các nhà thờ. Thậm chí có những nơi thờ phượng vẫn còn được hoạt động ít nhiều. Nhưng tại Bắc Triều Tiên, cộng sản đã phá hủy tất cả các nơi thờ phượng và đổ thừa cho máy bay ném bom của Mỹ. Các nhà lãnh đạo từ Kim Nhật Thành trở xuống đều muốn người ta đừng tôn thờ thần nào khác ngoài những vị thần là Kim Nhật Thành và con cháu của hắn. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng Đảng Công nhân nói rằng chỉ có giáo lý của các lãnh tụ nhà họ Kim mới là những lời hướng dẫn thực sự.”

Chính vì thế, khi muốn chứng minh với Tòa Thánh sự hiện hữu của người Công Giáo, họ phải cấp tốc làm nhà thờ giả.

Tuy nhiên, có lẽ các thủ thuật này không qua mặt được vị Giáo Hoàng Ba Lan là người đã từng phải sống trong một chế độ cộng sản. Một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã không xảy ra.

Các quan sát viên quốc tế cho rằng cái khó khăn lớn nhất của Kim Chính Ân hiện nay là tình trạng kinh tế kiệt quệ vì bị cô lập, và nỗi lo sợ bị Trung Quốc lật đổ nhằm có một ảnh hưởng sâu đậm hơn tại Bắc Triều Tiên. Chính vì thế, trong năm 2017, Kim Chính Ân lời qua tiếng lại với tổng thống Mỹ Donald Trump, kể cả với những đe dọa chiến tranh hạt nhân. Tất cả các động thái này đều nhằm kích thích mong muốn thương thảo của đối phương, và tối hậu là thoát ra được tình trạng cô lập như hiện nay.
 
Nhận định xác đáng và những cảnh báo của Tạp chí Dòng Tên về biến cố không may đêm Giao Thừa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:49 03/01/2020
Biến cố không may diễn ra vào đêm Giao Thừa tại quảng trường Thánh Phêrô tiếp tục gây ra các phản ứng khác nhau trên thế giới. American Magazine, tạp chí của Dòng Tên tại Hoa Kỳ đã đưa ra một lời khuyên thật xác đáng: Người Công Giáo nên cố gắng tạo ra một sự khởi đầu tốt cho năm mới bằng cách hiệp nhất với nhau, đừng để câu chuyện này tạo thành một căn cớ chia rẽ thêm.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


The papal hand slap divides Catholics and the media.
Kevin Clarke, America’s chief correspondent and the author of Oscar Romero: Love Must Win Out.


Cái tát vào tay của Đức Giáo Hoàng chia rẽ người Công Giáo và giới truyền thông.
Kevin Clarke – Thông tín viên trưởng của American Magazine và là tác giả cuốn “Tổng Giám Mục Oscar Romero: Tình Yêu Cuối Cùng Phải Thắng”


Cái đánh vào tay được nhìn thấy vòng quanh thế giới đang lôi cuốn những phản ứng khác nhau của công chúng trên các phương tiện truyền thông xã hội, bênh vực cũng có mà phản đối Đức Giáo Hoàng cũng có, đối với phản ứng của ngài trước một cú giật ngược cánh tay ngài vào đêm Giao Thừa. Sau khi vui vẻ chào đón một hàng dài những người chúc mừng ngài trên đường về sau khi thăm cảnh Chúa Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã bất ngờ bị một người hành hương quá nhiệt tình giật ngược cánh tay và kéo lại gần cô ta khi ngài đang tính đi tiếp. Đức Giáo Hoàng, trong cố gắng tự giải thoát mình, đã tát vào tay cô ấy trước khi an ninh của Vatican có thể can thiệp.

Dịch vụ tin tức chính thức của Vatican mô tả sự việc như sau: “Khi ngài đang chào thăm các tín hữu, một người phụ nữ kéo cánh tay ngài, gây ra một cơn đau nhói khiến Đức Giáo Hoàng phản ứng với một cử chỉ thiếu kiên nhẫn để thoát khỏi cái nắm chặt của cô ta.”

Ngày hôm sau, trong buổi đọc kinh Truyền Tin giữa trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ứng khẩu nhìn nhận vụ việc. “Tình yêu khiến chúng ta kiên nhẫn,” rồi ngài nói thêm, sau một lúc nghẹn lời, “Chúng ta thường đánh mất sự kiên nhẫn của mình; tôi cũng vậy, và tôi xin lỗi vì gương xấu của tôi đêm qua.”

Nhưng vào thời điểm đó, vụ níu kéo tại quảng trường Thánh Phêrô vào đêm Giao Thừa, đã khơi lên biết bao nhiêu những cái tít lớn và các tweet trên các phương tiện truyền thông thế tục và Công Giáo. Một số cái tít sơ khởi và chưa kịp định hướng chỉ quanh quẩn chung quanh các biến thể của tiêu đề “Đức Giáo Hoàng tát người phụ nữ,” trình bày cho độc giả một mức độ bạo lực không hề có trong thực tế của vụ níu kéo này. Vụ việc thậm chí còn được tái tạo một cách giễu cợt trên Instagram của Matteo Salvini, cựu bộ trưởng nội vụ Italia và là lãnh đạo của đảng Liên minh cực hữu tại quốc gia này, một người thường xung khắc với Đức Giáo Hoàng vì ngài bảo vệ quyền và phẩm giá của người tị nạn và người di cư.

Có lẽ có thể dự đoán trước được, những người Công Giáo xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô như một mối đe dọa cho sự rõ ràng trong giáo huấn của Giáo Hội chỉ có thể thấy điều tệ hại nhất trong phản ứng tức giận của vị Giáo Hoàng đối với người hành hương đang níu kéo ngài. Một số rất vui mừng trước nhận định cho rằng chiếc “mặt nạ” lòng từ ái và sự tử tế của Đức Giáo Hoàng đã bị cuốn trôi đi trong cuộc gặp gỡ bất ngờ này.

Những người khác suy đoán một cách vu vơ không bằng không chứng về ý nghĩa của vụ việc này, khi cho rằng người hành hương, có vẻ là người Á châu, đến từ Trung Quốc muốn khiếu nại trực tiếp với Đức Giáo Hoàng về những nỗ lực gần đây của Vatican trong việc tái lập quan hệ với Bắc Kinh, và cố gắng hợp nhất cộng đoàn hầm trú và cộng đoàn được chính phủ công nhận. Một số khẳng định rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi cô ta là “bruja” – “bà phù thủy” - hoặc sử dụng một từ thậm chí còn miệt thị nặng hơn nữa bằng tiếng Tây Ban Nha khi ngài cố gắng kéo cánh tay của mình ra khỏi cánh tay đang nắm chặt của cô và tát vào tay cô. Nhưng ngôn ngữ người hành hương này sử dụng và lời nhận xét tức giận của Đức Giáo Hoàng khi cố gắng thoát khỏi cái nắm chặt của cô chưa thể nhận ra được, ngay cả sau khi xem đi xem lại đoạn video được phân phối rộng rãi về vụ việc.

Những người Công Giáo khác tham gia vào các mặt trận trên các phương tiện truyền thông xã hội lên tiếng bênh vực ngài thì cho rằng phản ứng của Đức Giáo Hoàng là theo bản năng tự vệ và hoàn toàn hợp lý, cũng như lưu ý rằng vị Giáo Hoàng 83 tuổi, là người có tiền sử đau thần kinh tọa, rõ ràng đã phản ứng đau đớn khi bị nắm tay và có thể dễ dàng phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng hơn chứ không chỉ đơn thuần là phản ứng một người hành hương bốc đồng. (Về điểm đó, nhiều người tự hỏi về sự mất cảnh giác rõ ràng của an ninh Vatican.)

“Disgruntled Pope Francis pulls himself free from woman’s grasp” - “Đức Giáo Hoàng Phanxicô cáu tiết kéo mình thoát khỏi cái nắm chặt của người phụ nữ” - là tiêu đề của Reuters. Một số độc giả thấy cách dùng từ ngữ “cáu tiết” này thật là kỳ lạ khi mô tả phản ứng của một người đàn ông có tuổi rõ ràng bị ngạc nhiên và bị lôi kéo đến mức mất thăng bằng.

“Cáu tiết à? Hãy nhìn vào video mà xem. Ngài đau đớn! Ngài rõ ràng là rất đau đớn!” Một thành viên Twitter chỉ ra, và Cha Edward Beck, một bình luận viên thường xuyên của CNN cũng phản ứng lại như sau: “Tôi đoán ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng có những giới hạn của ngài. Ngài có thể có một cánh tay đang bị đau”.

Chủ đề trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng trong thánh lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, diễn ra chỉ vài giờ sau vụ việc này, tập trung vào việc hòa giải và kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Trong Thánh lễ đầu tiên của ngài trong năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Bất kỳ bạo lực nào gây ra cho phụ nữ cũng đều là một sự báng bổ chống lại Thiên Chúa, Đấng được sinh ra từ một người phụ nữ. Ơn cứu rỗi cho nhân loại đến từ cơ thể của một người phụ nữ: cho nên qua cách chúng ta đối xử với cơ thể của người phụ nữ, chúng ta biết được mức độ nhân bản của chúng ta.”

Một số chuyên gia truyền thông cho rằng đó thật là một sự trớ trêu không cãi vào đâu được. Tài khoản Twitter chính thức của CNN viết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng thông điệp Năm Mới của mình để tố cáo bạo lực đối với phụ nữ, chỉ vài giờ sau khi tát vào tay một người phụ nữ để thoát khỏi sự níu kéo của cô ấy”. Một tweet tương tự từ Raymond Arroyo của EWTN đã khơi mào một loạt những chỉ trích đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, như một kẻ giả hình và tệ hơn nữa. Cả ông Arroyo cũng bị những người bình luận khác chỉ trích về động cơ của ông. Ông Arroyo bảo vệ các tweets của mình, cho rằng đó chỉ là các báo cáo về các sự kiện đêm Giao Thừa, nhưng nhiều thành viên Twitter (trong số đó có tôi) đã phản đối cách thức kết nối vụ việc này với những lời nói của Đức Giáo Hoàng về bạo lực đối với phụ nữ là một sự bóp méo vụ việc và là một so sánh không tương xứng.

Vài giờ sau vụ việc, các tiêu đề tỏ ra tỉnh táo hơn, và đã cố gắng làm cho mọi sự trở nên rõ ràng hơn. CBS News đã cho chạy một phúc trình do AFP cung cấp với tiêu đề: “Pope Francis apologizes for swatting hand of woman tugging his arm” - “Giáo hoàng Phanxicô xin lỗi vì đã đập vào tay của người phụ nữ kéo cánh tay của ngài”; và tờ The New York Times có bản tin “Pope Francis Apologizes After Slapping Away a Clinging Pilgrim.” - “Đức Giáo Hoàng Phanxicô Xin Lỗi Sau Khi Tát Vào Tay Một Người Hành Hương Níu Kéo Ngài” - The Associated Press truyền đi câu chuyện dưới nhan đề “Pope: Sorry I lost patience with hand-shaker who yanked me.” - “ Đức Giáo Hoàng: Xin lỗi tôi mất kiên nhẫn với người bắt tay đã kéo mạnh tôi.”

Hai ngày sau cuộc gặp gỡ bất hạnh này, những bàn tán về “con người thực” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô - với các ý kiến phê phán cho rằng ngài chỉ là một kẻ đạo đức giả chanh chua, và các ý kiến ngược lại bênh vực ngài cho rằng đó chỉ đơn thuần là phản ứng người ta thường tình bất ngờ bị tức giận - vẫn còn gây tranh cãi nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông. Có vẻ như khi kết thúc một năm 2019 đầy biến động và khó khăn, người Công Giáo trên thế giới đã không có một khởi đầu tuyệt vời cho năm 2020, nhưng cứ tiếp tục theo đuổi một diễn giải đối kháng thường đầu độc cuộc đối thoại về các thách thức nghiêm trọng về mặt Giáo Hội, xã hội và chính trị của thời đại.

Trong bài huấn từ trước khi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 01 tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các Kitô hữu hãy bước xuống khỏi “những chiếc bệ của niềm tự hào chúng ta để năm mới sẽ là một cuộc hành trình của hy vọng và hòa bình, không phải bằng những lời nói xuông, nhưng với những cử chỉ hằng ngày của đối thoại, hòa giải và chăm sóc sáng tạo.” Bất kể sự sơ suất của ngài trong đêm cuối cùng của năm 2019, đây có lẽ là một lời mời gọi hướng đến bản chất tốt hơn của chúng ta và đáng được ghi nhớ trong tháng này khi chúng ta cố gắng tạo ra một sự khởi đầu tốt cho năm mới.


Source:American Magazine