Ngày 03-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm lễ Hiển Linh
Lm. Anthony Trung Thành
04:51 03/01/2017
Suy Niệm LỄ HIỂN LINH – NĂM A

Trước Đức Giêsu 700 năm, tiên tri Isaia đã tiên báo rằng: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã nhìn thấy ánh sáng hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”(x. Is 9,1). Vào thời Đức Giêsu, Thánh Gioan Tông đồ lại nói về Người rằng: “Ở nơi Người vẫn có sự sống và sự sống là sự sáng của nhân loại, sự sáng chiếu soi trong u tối và u tối đã không tiếp nhận sự sáng”(Ga 1,4). Thánh Gioan còn cho biết thêm: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.”(x. Ga 1,9). Sau này, chính Đức Giêsu cũng đã khẳng định rằng: “Ta là sự sáng thế gian”(x. Ga 9,5). Như vậy, Đức Giêsu chính là Sự Sáng, là Ánh Sáng. Chính Ngài là niềm chờ mong của dân tộc Do thái cả hàng ngàn năm về trước. Nay sự xuất hiện của Ngài đã đáp ứng niềm hy vọng của họ. Ngài không chỉ đem ánh sáng đến cho dân tộc Do thái mà còn đem ánh sáng đến cho toàn thể nhân loại. Cụ thể, khi Ngài sinh ra, Ngài đem ánh sáng đến cho các mục đồng, đại diện cho những người nghèo. Họ được vinh dự nhận thấy ánh sáng. Ngài đem ánh sáng đến cho các nhà chiêm tinh bằng ngôi sao lạ xuất hiện từ phương trời đông phương. Các nhà chiêm tinh là đại diện cho các dân các nước. Ai cũng có quyền lợi được hưởng ánh sáng của Đức Giêsu. Bởi vì, những ai đón nhận thì được trở nên con Thiên Chúa. Thánh Gioan nói: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (x. Ga 1,12).

Chúng ta được đón nhận ánh sáng Đức Giêsu trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Trong nghi thức rửa tội cho người lớn, sau khi người đỡ đầu nhận lấy cây nến được thắp từ cây nến phục sinh, rồi trao cho người tân tòng, chủ sự mời gọi: “Ông (bà, anh, chị, em, con) đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, ông (bà, anh, chị, em, con) hãy luôn sống như con cái sự sáng, để được bền vững trong Ðức Tin. Khi Chúa Kitô đến, ông (bà, anh, chị, em, con) xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các Thánh trên trời.” Còn trong nghi thức rửa tội cho trẻ nhỏ, chủ sự thắp nến từ cây nến phục sinh rồi trao cho cha mẹ hoặc người đỡ đầu và mời gọi: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô. Anh chị em là những bậc làm cha mẹ và người đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom, tức là lo lắng cho (các) trẻ nhỏ này đã được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó khi Chúa đến, chúng được ra nghinh đón Người với toàn thể các thánh trên trời.”

Sau ngọn nến của Bí tích Rửa tội, tùy từng lứa tuổi và điều kiện, người kitô hữu được lãnh nhận ánh sáng của Đức Giêsu qua các Bí tích khác, qua Lời Chúa, qua giáo huấn của Hội Thánh và qua đời sống cầu nguyện.

Nhưng chúng ta không chỉ đón nhận ánh sáng mà còn có nhiệm vụ phải thắp sáng để soi dẫn cho những người xung quanh. Đức Giêsu nói: “Chính các con là ánh sáng cho trần gian”(x. Mt 5,14). Ánh sáng đó phải được thắp lên và đặt trên đế cao để soi sáng cho những người khác. Ngài nói: “Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người ở trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời”(x. Mt 5,15-16). Sau này, chính Thánh Phaolô cũng mời gọi các kitô hữu rằng: “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời” (x. Pl 2,15).

Vậy, chúng ta hãy chiếu sáng những gì?

Nơi nào có oán ghét hận thù, chúng ta hãy đem ánh sáng tình thương; nơi nào có khinh khi nhục mạ, chúng ta hãy mang ánh sáng thứ tha; nơi nào có mâu thuẫn bất đồng, chúng ta hãy đem ánh sáng của sự hòa giải; nơi nào có giả dối sai lầm, chúng ta hãy đem ánh sáng chân lý; nơi nào có hoài nghi ngờ vực, chúng ta hãy đem ánh sáng đức tin; nơi nào có nản chí sờn lòng, chúng ta hãy gieo ánh sáng của niềm hy vọng; nơi nào có bóng tối mây mù, chúng ta hãy khơi nguồn ánh sáng; nơi nào có u sầu buồn bã, chúng ta hãy đem lại ánh sáng an vui. (x. Lời cầu, kinh sáng, Thứ 7, Tuần II).

Dù xã hội đầy dẫy bóng tối, chúng ta cũng không được nản chí, sờn lòng nhưng hãy mạnh dạn chiếu sáng, bắt đầu bằng những hành động nhỏ nhất. Có ai đó đã nói rằng: “Thà thắp sáng lên một ngọn đèn, còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.”

Để kết thúc, chúng ta nghe câu chuyện ý nghĩa sau đây được Mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại : Ở Úc Châu có một người thổ dân (Aborigine) sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông ta đã cao niên rồi. Từ bao năm tháng ông chỉ một thân một mình cô đơn trong túp lều tối tăm xiêu vẹo. Lần đầu tới thăm ông, tôi đề nghị:

- Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường chiếu lại cho ông.

Ông ta hờ hững nói:

- Tôi đã quen sống như vậy rồi.

Nhưng tôi bảo ông:

- Tuy vậy, ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.

Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ, đẹp nhưng phủ đầy bụi bẩn.

Tôi hỏi ông:

- Có bao giờ ông thắp đèn này không?

Ông ta trả lời với giọng chán ngán:

- Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã lâu rồi mà chẳng hề trông thấy một ai cả.

Tôi hỏi ông:

- Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có bằng lòng thắp đèn lên không?

Ông vui vẻ đáp:

- Dĩ nhiên rồi.

Từ hôm đó, các nữ tu của chúng tôi quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Cũng từ đó, ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp căn lều cho sạch sẽ hơn.

Ông còn sống thêm hai năm nữa, Trước khi chết ông nhờ các nữ tu nhắn tin cho tôi, ông nói:

- Xin nhắn với mẹ Têrêsa bạn tôi rằng, ngọn đèn mà mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã chiếu lên và vẫn còn tiếp tục sáng mãi.

Ước gì, hằng ngày chúng ta biết thắp lên những ngọn nến tương tự như vậy. Đó là những ngọn nến của tình thương, thứ tha, hòa giải, chân lý, đức tin, hy vọng và an vui. Để nhờ đó, ánh sáng Hiển Linh của Chúa đến được với mọi người. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Suy niệm lễ Chúa Hiển Linh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
04:52 03/01/2017
Hãy Dõi Theo Vì Sao Đến Thờ Lạy Chúa

Suy niệm Lễ Chúa Hiển Linh

(Mt 2, 1-12)

Tiếp liền sau Đại lễ Giáng Sinh, Giáo Hội cử hành lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Chúa Tỏ Mình. Theo một truyền thống rất xa xưa từ thế kỷ thứ II, Thánh Giustinô đã nói tới là Chúa Giêsu đã sinh ra trong một chuồng bò lừa tại Belem. 40 ngày sau, Thánh Giuse và Đức Maria đem Hài Nhi lên Đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa như luật dạy. Phúc Âm Thánh Matthêô cho biết: sau khi dâng Chúa trong Đền Thánh, Thánh Gia không trở về Nagiarét ngay. Trong khoảng thời gian này đã xảy ra nhiều việc liên quan với nhau. Từ Đền Thờ, Thánh Gia lại trở về Belem. Chính nơi đây, các đạo sĩ, do một ngôi sao dẫn đường từ Phương Đông tới thờ lạy Chúa Giêsu và dâng cho Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Hêrôđê thấy các đạo sĩ không trở lại Giêrusalem báo tin như lời mình dặn, sợ ngai vàng của mình bị đe dạo, ông ra lệnh truyền giết các trẻ em ở Belem và các miền phụ cận từ 2 tuổi trở xuống. Thánh Giuse được Thiên thần báo tin, đã đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ sang Ai-Cập và ở đó cho tới khi Hêrôđê băng hà.

Như thế, chúng ta thấy Lễ Chúa Hiển Linh trước hết có nghĩa là lễ Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc, mà Ba Nhà Đạo sĩ là những đại diện.

"Epiphaino" có nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, khiến người khác có thể trông thấy mình được được. Cụ thể như dùng ánh sao đêm biểu lộ cho Ba Ðạo Sĩ biết, dẫn họ lên đường đến nơi Hài Nhi vừa mới sinh để nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế. Nếu lễ Giáng Sinh người ta nêu bật sự dấu ẩn của Thiên Chúa trong sự khiêm hạ với điều kiện là người, trong Trẻ Thơ Belem. Thì trong lễ Hiển Linh lại nêu bật việc Thiên Chúa tự tỏ mình, xuất hiện qua chính nhân tính.

Việc các Ðạo Sĩ đến tôn thờ Chúa Hài Nhi đã sớm được nhìn nhận như là ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Isaia viết như sau: "Các dân tộc sẽ bước đi theo ánh sáng của ngươi, và các vua chúa tiến bước theo nguồn sáng của ngươi đang mọc lên" (Is 60,3.6). Ánh sáng của Chúa Kitô, khi xưa như được chiếu tỏa trong hang Bêlem, nay tỏa sáng trên khắp địa cầu.

Trong lễ Chúa Tỏ Mình, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất ý nghĩa của ngôn sứ Isaia : " Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi." (Is 66,1-3). Ðây là một lời mời hướng tới Giáo Hội Chúa Kitô và hướng tới từng người Kitô hữu, mời gọi chúng ta ý thức hơn về sứ mệnh và trách nhiệm truyền giáo của mình đối với thế giới trong việc làm chứng và chiếu sáng Tin Mừng khắp thế gian.

Trong số mở đầu Hiến chế về Giáo Hội có viết: "Ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội bằng việc rao truyền Phúc âm cho mọi tạo vật" (LG, 1). Tin Mừng là ánh sáng không được dấu đi, nhưng để trên giá. Giáo Hội không phải là ánh sáng, nhưng nhận Ánh Sáng Chúa Kitô, tiếp nhận để được soi chiếu, và phổ biến Ánh Sáng đó ra với tất cả sự rạng ngời của nó. Và đây là điều cũng phải xảy ra trong cuộc sống cá nhân...

Các thượng tế tại Giêrusalem được Hêrôđê triệu tập để tư vấn cho ông về nơi Đấng Cứu Thế đã được sinh ra, cũng như cung cấp cho nhà vua các thông tin mà họ đã thu thập được trong truyền thống Kinh Thánh. Tuy nhiên, ý Chúa nhiệm mầu, vì ý định của Hêrôđê không trong sạch, ý định đó các nhà đạo sĩ là sứ giả cho những người tìm kiếm Thiên Chúa đã được mộng báo. Việc các nhà đạo sĩ đến kính viếng Chúa Hài Nhi cho ta thấy, sứ mạng của Đức Giêsu không chỉ dành cho Dân được tuyển chọn, nhưng cho cả nhân loại. Việc Ba Nhà Đạo Sĩ đến Giêrusalem hỏi đường, cho thấy mối liên lạc giữa sự khôn ngoan ngoại giáo và mạc khải Kitô Giáo thể hiện nơi con người của Chúa Giêsu thành Nazareth mà nhân loại khát đang mong tìm kiếm. Sứ vụ phổ quát của Chúa Kitô được Thánh Phaolô gọi là sự mặc khải của mầu nhiệm : " Ấy vì dân ngoại, cùng (với Israel) là kẻ thừa tự, là Thân mình, và là đồng hưởng lời hứa trong Ðức Yêsu Kitô, nhờ bởi Tin Mừng" (Ep 3, 2). Ơn cứu chuộc sẽ mở ra cho muôn người thuộc mọi quốc gia, và các dân ngoại đã trở thành người đồng thừa tự, cùng được chia sẻ lời hứa trong Chúa Giêsu Kitô (Ep 3, 6). Sự gặp gỡ giữa sự khôn ngoan của những người sống bên ngoài mạc khải ( là các đạo sĩ, dân ngoại) , và những người hiển nhiên thừa hưởng lời hứa (Dân Do Thái) từ sự ra đời của Chúa Kitô sẽ cho thấy sứ mệnh của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của mình, và bản chất của Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ xây dựng.

Giáo Hội với sứ mạng phổ quát của mình, phải là nơi đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người mọi nơi, mọi thời đại về Thiên Chúa. Giống như Chúa Kitô, Ngài đã chiếu tỏa vinh quang cho dân ngoại. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta hãy dõi theo ánh sao cùng ba nhà Đạo Sĩ đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và nghèo khó, nhất là đón nhận chính Hài Nhi ấy là Ánh Sáng và là Chúa Kitô vào trong chúng ta, để chúng ta có sống là sống chính sự sống của Người, và lấy các tâm tình, tư tưởmg và hành động của Người làm tâm tình, tư tưởng và hành động của chúng ta. Như thế, mừng Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đã đem lại trong toàn cuộc sống chúng ta, để chúng ta cũng là những người đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
“Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria”
Lm Cantanlamessa
06:12 03/01/2017
Bài Giảng IV của cha Cantanlamessa cho giáo triều Rôma dịp áp lễ Giáng Sinh 2016

1- Giáng Sinh, mầu nhiệm “vì chúng ta”

Chúng ta đang ở trong ngày áp lễ Giáng Sinh và để kết thúc những suy niệm của Mùa Vọng, chúng ta hãy suy tư về tín khoản nơi Kinh Tin Kính nói về hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mầu nhiệm Nhập Thể. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta đọc: “Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người.”

Thánh Augustinô phân biệt hai cách thức cử hành một biến cố của lịch sử cứu độ: theo cách thức mầu nhiệm (in sacramento) hoặc theo cách thức chỉ là lễ kỷ niệm. Ngài nói: Trong việc cử hành theo cách thức kỷ niệm, chúng ta không làm gì khác hơn là “dành ngày trong năm để tưởng nhớ và long trọng cử hành chính biến cố đó.” Trong việc cử hành theo cách thức mầu nhiệm, “chúng ta không chỉ tưởng nhớ một biến cố, nhưng còn cử hành theo cách thức mà chúng ta hiểu ý nghĩa của nó vì chúng ta và chúng ta đón nhận nó một cách thánh thiện.”

Giáng Sinh không phải là một sự cử hành theo cách thức kỷ niệm (như chúng ta biết: việc chọn ngày 25 tháng 12 là ngày lễ Chúa Giáng Sinh không phải vì lý do lịch sử, nhưng là lý do biểu tượng và ý nghĩa). Giáng Sinh là sự cử hành theo cách thức mầu nhiệm, nó đòi hỏi chúng ta phải được hiểu ý nghĩa của nó vì chúng ta. Thánh Lêô Cả đã đưa ra ánh sáng ý nghĩa “thần bí” của “bí tích Giáng Sinh của Chúa Kitô” khi nói rằng: “Những người con cái của Giáo Hội đã được sinh ra với Chúa Kitô trong sự sinh ra của Người, như họ đã chịu đóng đinh với Người trong cuộc khổ nạn của Người, và được phục sinh với Người trong sự phục sinh của Người.”

Ở nơi căn nguyên của tất cả, có dữ kiện Kinh Thánh, được thực hiện một lần cho mãi mãi nơi Đức Maria: Trinh Nữ trở thành Mẹ Chúa Giêsu nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm lịch sử này, như mọi biến cố của ơn cứu độ, được kéo dài theo tầm mức bí tích (sacramental) trong Giáo Hội và theo tầm mức luân lý (moral) trong đời sống mỗi tín hữu. Với phẩm chất là Mẹ Trinh Khiết, Đấng sinh hạ Chúa Kitô nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria xuất hiện như là “kiểu mẫu,” hay như “mẫu gương hoàn hảo” của Giáo Hội và của tâm hồn tín hữu. Chúng ta hãy lắng nghe một tác giả thời Trung Cổ, Chân Phước Isaác thành Stella, tóm tắt tư tưởng của các Giáo Phụ trong những lời này:

“Đức Maria và Giáo Hội là một người mẹ, và hơn những người mẹ; một Trinh Nữ, và hơn các trinh nữ. Cả hai là những người mẹ và cả hai là những trinh nữ… Vì thế, trong Kinh Thánh được linh hứng, điều được nói một cách phổ quát về Giáo Hội Mẹ Đồng Trinh, thì được hiểu theo cách thức cá nhân về Đức Maria Mẹ Đồng Trinh… Tóm lại, với tư cách hiền thê của Ngôi Lời Thiên Chúa, là mẹ, nữ tử và chị em của Chúa Kitô, mỗi linh hồn tín hữu cũng được xem như là trinh nữ và là mẹ theo cách thức của mình.”

Cái nhìn này của các giáo phụ được đưa ra ánh sáng nhờ Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium dành nhiều chương cho Đức Maria. Trong ba đoạn phân biệt nhau, tài liệu này nói về Đức Maria Mẹ Đồng Trinh như là mẫu gương và khuôn mẫu của Giáo Hội (số 63), Giáo Hội cũng được mời gọi trở thành trinh nữ và là mẹ trong đức tin (số 64), Giáo Hội là mẫu gương và khuôn mẫu của các tín hữu, khi bắt chước các nhân đức của Đức Maria, họ sinh hạ và làm cho Chúa Giêsu lớn lên trong trái tim mình và trái tim của anh chị em (số 65).

2- “Bởi phép Chúa Thánh Thần”

Chúng ta hãy tiếp tục suy niệm về vai trò của từng nhân vật chính, đó là Chúa Thánh Thần và Đức Maria, để rút ra một vài gợi hứng cho lễ Giáng Sinh của chúng ta. Thánh Ambrôsiô viết:
“Việc Chúa sinh ra từ Đức Trinh Nữ là công trình của Chúa Thánh Thần… chúng ta không thể nghi ngờ rằng Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo, Đấng chúng ta nhận biết là Tác Giả của việc Chúa nhập thể… Nếu Đức Trinh Nữ thụ thai nhờ hoạt động và quyền năng của Thánh Thần, ai có thể phủ nhận Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo?”

Trong bản văn này, Ambrôsiô giải thích cách tuyệt hảo vai trò mà Tin Mừng gán cho Chúa Thánh Thần trong việc nhập thể, khi ngài không ngừng gọi đó là Chúa Thánh Thần và Quyền Năng Đấng Tối Cao (x. Lc 1,35). Người là “Thần Khí Sáng Tạo,” Đấng hoạt động để đưa các hữu thể vào hiện hữu (như ở St 1,2), để sáng tạo một trạng thái sự sống mới mẻ và cao hơn; Người là Thánh Thần “là Đức Chúa, Đấng ban sự sống,” như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tín Kính.

Ở đây cũng vậy, như lúc khởi đầu, Thần Khí, Đấng sáng tạo “từ hư không,” nghĩa là từ sự trống rỗng hoàn toàn của những khả thể nhân loại, không cần bất cứ sự trợ giúp hay giúp đỡ nào. Và “sự hư không này,” sự trống rỗng này, sự vắng bóng của những giải thích và những nguyên nhân tự nhiên, trong trường hợp này, chúng ta gọi là sự đồng trinh của Đức Maria: “Làm sao chuyện ấy xảy ra, khi tôi không biết đến việc vợ chồng? … Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bà; vì thế, người con được sinh ra sẽ được gọi là thánh, Con Thiên Chúa” (Lc 1,34-35). Ở đây sự đồng trinh là một dấu chỉ cao cả không thể nào xóa bỏ hoặc phủ nhận, mà không làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc của câu chuyện Tin Mừng và ý nghĩa của nó.

Như thế, Chúa Thánh Thần ngự trên Đức Maria là Thần Khí Đấng Sáng Tạo, Đấng đã nhào nặn cách nhiệm lạ thân xác của Chúa Kitô nơi Đức Trinh Nữ; nhưng có gì đó còn hơn thế; ngoài vai trò là “Thần Khí Sáng Tạo,” Người cũng là “fons vivus, ignis, carita, / et spiritalis unctio,” “nguồn sự sống, lửa tình yêu, và sự xức dầu ngọt ngào” đối với Đức Maria.

Chúng ta sẽ làm cho mầu nhiệm trở nên rất nghèo nàn, nếu chúng ta giảm thiểu nó chỉ theo chiều kích khách quan, nghĩa là theo những công thức tín điều của nó (hai bản tính, hiệp nhất ngôi vị), trong khi sao nhãng những phương diện chủ thể và hiện sinh của nó.

Thánh Phaolô nói về một “bức thư của Đức Giêsu Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người (2 Cr 3,3). Chúa Thánh Thần đã viết bức thư kỳ diệu này là Chúa Kitô trước hết ở trong cung lòng Đức Maria, thế nên, như thánh Augustinô nói – trong khi xác thịt Chúa Kitô được hình thành trong cung lòng Đức Maria, thì chân lý của Chúa Kitô được in vào trong trái tim Đức Maria.” Thánh Augustinô có câu nói nổi tiếng: Đức Maria “thụ thai Chúa Kitô trong lòng trước khi thụ thai trong thân xác” (“prius concepit mente quam corpore”), nghĩa là Chúa Thánh Thần hoạt động trong trái tim Đức Maria, khi soi sáng và sưởi ấm lòng Mẹ bằng Chúa Kitô trước khi đổ đầy dạ Đức Maria chính Chúa Kitô.

Chỉ các thánh và các nhà thần bí, là những người có kinh nghiệm cá vị về sự tuôn đổ của Thiên Chúa trong đời sống họ mới có thể giúp chúng ta hiểu điều Đức Maria đã kinh nghiệm lúc Ngôi Lời nhập thể trong dạ mình. Trong số đó, thánh Bonaventura viết:

“Chúa Thánh Thần bất ngờ ngự xuống trên Mẹ như một ngọn lửa đốt lên trong lòng Mẹ và thánh hóa thân xác Mẹ trở nên tinh tuyền tuyệt vời. Nhưng quyền năng Đấng Tối Cao bao trùm Mẹ (Lc 1,35) để Mẹ có thể duy trì ngọn lửa ấy… Ôi, giá như bạn có thể cảm thấy được cách nào đó sự lớn lao và sức mạnh của ngọn lửa từ trời này, sự tươi mát kèm theo, sự ủi an khôn xiết, sự cao trọng của Đức Trinh Nữ Maria, sự cao thượng của loài người, sự hạ mình của vẽ uy nghi thần linh… khi đó, tôi dám chắc rằng bạn có thể hát lên với giọng hát ngọt ngào bài thánh ca này cùng với Đức Trinh Nữ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.”

Đức Maria sống mầu nhiệm Nhập thể như là một biến cố đặc sủng ở mức độ cao nhất mà nó làm cho Mẹ trở thành kiểu mẫu của một linh hồn “nhiệt thành nhờ Thánh Thần” (x. Rm 12,11). Đó là Lễ Hiện Xuống của Mẹ. Nhiều hành vi và lời nói của Đức Maria, đặc biệt trong tường thuật về cuộc viếng thăm bà Elizabeth của Mẹ, không thể hiểu được nếu chúng không được nhìn trong ánh sáng của một kinh nghiệm thần bí mà không gì so sánh được.

Tất cả những gì mà chúng ta thấy thực hiện cách hữu hình nơi một người được đầy ơn sủng (tình yêu, niềm vui, bình an, ánh sáng), chúng ta phải nhìn nhận nơi Đức Maria theo sự đo lường độc nhất lúc truyền tin. Đức Maria là người đầu tiên có kinh nghiệm “sự say sưa điềm tĩnh của Thánh Thần” mà tôi đã nói lần trước, và ‘lời kinh Magnificat là chứng tá tuyệt nhất của điều này.

Tuy nhiên, chúng ta nói tới một sự say sưa “điềm tĩnh,” nghĩa là một sự say sưa khiêm hạ. Sự khiêm hạ của Đức Maria sau Nhập Thể xuất hiện như một trong những phép lạ vĩ đại nhất của ân sủng. Làm sao Đức Maria có thể kham nổi sức nặng của tư tưởng này: “Bà là Mẹ Thiên Chúa! Bà là Đấng Cao Cả nhất trong mọi loài thụ tạo!” Lucifer không thể giữ được sự căng thẳng này một cách đúng đắn, và tính kiêu ngạo đã làm chao đảo, nó đã ngã gục.

Đức Maria không như thế. Mẹ luôn giữ mình khiêm nhường, khiêm hạ, như không có gì xảy ra trong cuộc sống Mẹ, để Mẹ có thể đưa ra những yêu cầu. Trong một lần, Tin Mừng cho chúng ta thấy Mẹ chỉ xin người khác cơ hội nhìn thấy con mình thôi: “Họ nói với Chúa Giêsu, Mẹ và anh chị em Thầy đang ở ngoài và muốn gặp Thầy” (Lc 8,20).

3- “Trong lòng Đức Trinh Nữ Maria”

Bây giờ chúng ta hãy tập trung vào vai trò của Đức Maria trong Nhập Thể, sự đáp trả của Mẹ đối với hành động của Chúa Thánh Thần. Một cách khách quan phận vụ của Đức Maria hệ tại trong việc ban tặng thân xác và máu cho Ngôi Lời Thiên Chúa trong tư cách là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhanh chóng vẽ lại hành trình lịch sử mà Giáo Hội đã đi tới chiêm ngắm chân lý chưa hề được nói đến trong ánh sáng chan hòa của nó: Mẹ Thiên Chúa! Một thụ tạo, Mẹ của Đấng Tạo Hóa! Trong tác phẩm Divina Commedia (Hài Kịch Thần Linh) của Dante Alghieri, thánh Bênarđô chào Mẹ: “Lạy Mẹ Đồng Trình, nữ tử của Con Mẹ/ Mẹ càng khiêm nhường càng được tán dương hơn bất cứ thụ tạo nào khác.”

Lúc ban đầu và suốt thời kỳ bị thống trị bởi những cuộc vật lộn chống lại lạc giáo Ngộ Đạo và Docetist (phủ nhận thân xác Đức Kitô thuộc nhân loại, nên không chịu đau khổ), tính mẫu tử của Đức Maria được xem hầu như chỉ là tính mẫu tử thể lý. Những lạc giáo này phủ nhận rằng Đức Kitô có một thân xác thật, hoặc, nếu có, thì họ cũng phủ nhận thân xác nhân loại của Người được sinh từ một người phụ nữ, hoặc nếu quả thật thân xác được sinh từ một người phụ nữ, họ không nhận nó thực sự được rút ra từ thịt và máu của người phụ nữ. Để chống lại những người này, chân lý được quả quyết mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu là con của Đức Maria, “hoa quả của lòng Mẹ” (x. Lc 1,42) và Đức Maria là mẹ thật, mẹ tự nhiên của Chúa Giêsu.
Trong thời kỳ cổ xưa này, tình mẫu tử đích thực và tự nhiên của Đức Maria được quả quyết để chống lại Ngộ Đạo Thuyết và Docetists, việc sử dụng tước hiệu “Theotokos,” Mẹ Thiên Chúa, xuất hiện lần đầu tiên, có lẽ với Origene trong thế kỷ thứ III. Từ đó về sau, tước hiệu này được dùng để hướng dẫn Giáo Hội tới khám phá tình mẫu tử thần linh sâu xa hơn, mà chúng ta có thể gọi là tình mẫu tử siêu hình, liên quan tới ngôi vị của Ngôi Lời.

Xảy ra trong suốt thời kỳ của những tranh luận lớn về Kitô học thuộc thế kỷ V, khi vấn đề trung tâm liên quan đến Chúa Giêsu không còn là vấn đề nhân tính thực của Người nhưng là vấn đề hiệp nhất ngôi vị của Người. Tình mẫu tử của Đức Maria không còn được xem chỉ trong tương quan với bản tính nhân loại của Chúa Kitô, nhưng đúng hơn, trong tương quan với một ngôi vị duy nhất của Ngôi Lời làm người. Và từ ngôi vị duy nhất này, Đức Maria sinh ra theo xác thịt không ai khác ngoài ngôi vị Thần Linh của Chúa Con, vì vậy, Mẹ xuất hiện như là “mẹ thật của Thiên Chúa.”

Giữa Đức Maria và Chúa Kitô không còn là một tương quan theo bình diện thể lý, nhưng là tương quan theo bình diện siêu hình, và nó đặt Mẹ lên một địa vị rất cao cả, khi tạo lập một tương quan cá biệt giữa Mẹ và Chúa Cha. Thánh Ignatiô thành Antiochia gọi Chúa Giêsu là con vừa của “Đức Maria” vừa của Thiên Chúa,” gần giống như chúng ta nói về một người là con của người đàn ông này và của người phụ nữ kia. Với Công Đồng Êphêsô, chân lý này trở thành một thành quả luôn mãi của Giáo Hội. Người ta đọc trong một bản văn được phê chuẩn bởi Công Đồng: “Nếu bất cứ ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa và bởi thế không tuyên xưng rằng Đức Trinh Nữ rất thánh, đã sinh Ngôi Lời Thiên Chúa làm người theo xác thịt, là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), thì bị vạ tuyệt thông (anathema).

Nhưng ngay cả kết luận này cũng không là kết luận dứt khoát. Có một mức độ khác để khám phá tình mẫu tử thần linh của Đức Maria, sau mức độ thể lý và siêu hình. Trong những tranh luận Kitô học, tước hiệu Theotokos được làm nổi bật hơn trong chức năng ngôi vị của Chúa Kitô hơn là ngôi vị của Đức Maria, mặc dầu nó là một tước hiệu của Đức Maria. Từ tước hiệu này người ta không còn rút ra những hiệu quả lôgic liên quan đến ngôi vị của Đức Maria và đặc biệt là sự thánh thiện độc nhất của Mẹ.

Tước hiệu Theotokos có nguy cơ trở thành một vũ khí của cuộc chiến giữa những trào lưu thần học đối lập nhau, thay vì trở thành một diễn tả đức tin của Giáo Hội và của lòng sùng kính đối với Đức Maria. Nó cho thấy một sự kiện đáng tiếc mà nếu im lặng sẽ không ổn. Thánh Cirillô thành Alexandria là người đã chiến đấu như một con sư tử cho tước hiệu Theotokos, giữa các Giáo Phụ Giáo Hội, ngài là người trình bày một giải thích sai lạc liên quan đến sự thánh thiện của Đức Maria. Ngài là một trong số ít người dám nói một cách thẳng thắng về sự yếu đuối và những bất toàn trong đời sống Đức Maria, đặc biệt là dưới chân thập giá. Tại đây, theo Cirillô, Mẹ Thiên Chúa bị lung lay đức tin. Ngài viết: “Vào lúc sóng gió thử thách đó, Chúa phải lo xa cho Mẹ mình, vì đã rơi vào khủng hoảng, và không hiểu cuộc khổ nạn, Người đã giao phó Mẹ cho Gioan, như một người thầy ưu tú để hướng dẫn mẹ.”

Cirillo không thể chấp nhận rằng một người phụ nữ, dẫu là Mẹ của Chúa Giêsu, có thể có một đức tin mạnh hơn các Tông Đồ, dẫu là những con người, họ đã bị lung lay trong thời gian của cuộc khổ nạn! Đó là những lời đến từ sự đánh giá thấp nói chung đối với người phụ nữ trong thế giáo cổ xưa và chúng cho thấy không có ích gì nhiều để nhìn nhận nơi Đức Maria tính mẫu tử thể lý và siêu hình trong tương quan với Chúa Giêsu, nếu người ta không nhìn nhận nơi Mẹ tính mẫu tử thiêng liêng, nghĩa là thuộc con tim, hơn là thuộc thân xác.

Ở đây chúng ta liên kết sự đóng góp lớn lao của các tác giả Latinh, và đặc biệt của thánh Augustinô, với sự phát triển của Thánh Mẫu Học. Theo họ, tính mẫu tử của Đức Maria được nhìn như là tình mẫu tử trong đức tin. Khi chú giải những lời của Chúa Giêsu: “Mẹ tôi và anh chị em tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21), thánh Augustinô viết:

“Phải chăng Đức Trinh Nữ Maria đã không thực thi thánh ý của Chúa Cha, khi Mẹ đã tin nhờ đức tin và đã thụ thai nhờ đức tin, Mẹ được chọn để từ Mẹ sinh ra ơn cứu độ cho loài người, Mẹ được tạo thánh bởi Chúa Kitô, trước khi Chúa Kitô được tạo dựng trong Mẹ? Quả thực, Đức Maria đã thực thi thánh ý Chúa Cha, và vì thế, đối với Đức Maria, điều cao cả nhất là trở thành môn đệ của Chúa Kitô hơn là trở thành Mẹ của Chúa Kitô.”

Khẳng định táo bạo cuối cùng này dựa trên câu trả lời mà Chúa Giêsu nói với người phụ nữ tuyên xưng Mẹ là “diễm phúc” vì đã cưu mang trong dạ và cho Người bú mớm: “Những ai lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành thì có phúc hơn” (Lc 11,27-28).

Tình mẫu tử thể lý và siêu hình của Đức Maria giờ đây được thực hiện nhờ sự nhìn nhận tình mẫu tử thiêng liêng, hay của đức tin, mà nó làm cho Đức Maria thành môn đệ đầu tiên và ngoan ngùy nhất của Chúa Kitô. Hoa quả đẹp nhất của cái nhìn mới mẻ này về Đức Trinh Nữ là chủ đề về sự “thánh thiện” của Đức Maria từ đây nắm giữ tầm quan trọng. Một lần nữa, khi tranh luận về tội lỗi nhân loại, thánh Augustinô đã viết:
“Tôi đề cập đến một sự ngoại lệ của Đức Trinh Nữ Maria, để có sự tôn thờ dành cho Chúa, tôi không thể không đề cập đến Mẹ khi nói về tội lỗi.” Giáo Hội La Tinh sẽ diễn tả đặc ân này với tước hiệu “Vô Nhiễm” và Giáo Hội Hy Lạp diễn tả với tước hiệu “toàn thánh” (Panhagia).

4- Sự sinh ra thứ ba của Chúa Giêsu

Giờ đây chúng ta hãy cố gắng nhìn “mầu nhiệm” của Chúa Giêsu giáng sinh từ Đức Maria nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần có ý nghĩa gì “đối với chúng ta.” Có một tư tưởng táo bạo về Giáng Sinh mà nó lặp lại từ nhiều thế hệ trên môi miệng của những Tiến Sỹ vĩ đại nhất và những bậc thầy tu đức trong Giáo Hội: Origene, thánh Augustinô, thánh Bênarđô, và nhiều vị thánh khác… nói rằng: “Việc Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria một lần tại Bêlem có ý nghĩa gì đối với tôi nếu như Người không được sinh ra nhờ Đức Tin trong trái tim tôi?” Thánh Ambrôsiô hỏi: “Nhưng Chúa Kitô sinh ra ở đâu, trong một ý nghĩa sâu nhất, nếu không phải trong trái tim bạn và trong tâm hồn bạn?”

Thánh Tôma Aquinô tóm tắt truyền thống lâu đời của Giáo Hội khi giải thích ba Thánh Lễ được cử hành vào Lễ Giáng Sinh tương ứng với ba lần sinh ra của Ngôi Lời: sự sinh ra đời đời của Người nhờ Chúa Cha, sự sinh ra trong lịch sử nhờ Đức Trinh Nữ, và sự sinh ra thiêng liêng nơi các tín hữu.

Dội lại truyền thống này, trong sứ điệp Giáng Sinh của mình vào năm 1962, thánh Gioan XXIII đã dâng lên lời cầu nguyện sốt sáng này: “Ôi Lời hằng hữu của Chúa Cha, Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria, ngày hôm nay xin cũng hãy canh tân kỳ công nhiệm lạ của việc Chúa sinh ra trong sâu thẳm các linh hồn.”

Có một ý tưởng táo bạo cho rằng Chúa Giêsu không chỉ sinh ra “cho” chúng ta nhưng còn “trong” chúng ta. Ý tưởng này đến từ nơi nào?

Thánh Phaolô nói về Chúa Kitô phải được “hình thành” trong chúng ta (Gl 4,190. Ngài cũng nói rằng trong phép Rửa, các Kitô hữu “mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13,14) và Chúa Kitô phải đến “cư ngụ trong trái tim chúng ta nhờ đức tin” (x. Eph 3,17). Quan niệm về sự sinh ra của Chúa Kitô trong tâm hồn cách chính yếu dựa trên giáo huấn về nhiệm thể. Theo giáo huấn này, Chúa Kitô lặp lại cách mầu nhiệm “trong chúng ta” điều Người đã làm “cho chúng ta” trong lịch sử. Điều này áp dụng cho Mầu Nhiệm Phục Sinh nhưng cũng cho mầu nhiệm của Nhập Thể. Thánh Maximus Confessor viết rằng: “Lời Chúa muốn lặp lại trong mọi người mầu nhiệm Nhập Thể Người.”

Lúc đó, Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta “quay trở về với lòng chúng ta” để cử hành một Giáng Sinh thân mật hơn và đích thực hơn, Người là Đấng làm cho lễ Giáng Sinh mà chúng ta cử hành qua các nghi lễ phụng vụ và theo các truyền thống, trở nên “thực là giáng sinh”. Chúa Cha muốn sinh ra Ngôi Lời trong chúng ta để Người có thể công bố một lần nữa lời ngọt ngào nói với cả Chúa Giêsu và chúng ta: “Con là Con Cha yêu dấu, hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Dt 1,5). Chính Chúa Giêsu muốn được sinh ra trong trái tim chúng ta. Và vì thế, chúng ta phải nghĩ đến điều này trong đức tin: Như thể, trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Người đến giữa chúng ta và gõ cửa, như trong đêm ở Bêlem, để tìm kiếm một trái tim mà Người có thể được sinh ra một cách thiêng liêng.

Thánh Bonaventura viết cuốn sách gọi là “Năm Đại Lễ của Hài Nhi Giêsu.” Trong đó, ngài giải thích cách chính xác ý nghĩa mà Chúa Giêsu sinh ra trong trái tim chúng ta. Người viết rằng tâm hồn đạo đức có thể thụ thai một cách thiêng liêng Lời Chúa như Đức Maria thụ thai trong lễ Truyền Tin, sinh Chúa ra như Đức Maria sinh trong lễ Giáng Sinh, đặt tên cho Chúa như lúc cắt bì, tìm kiếm và tôn thờ Người cùng với các Đạo Sĩ đã làm trong lễ Hiễn Linh, và cuối cùng, dâng Chúa lên Chúa Cha như Mẹ đã dâng trong lễ Dâng Con vào Đền Thờ.”

Ngài giải thích tâm hồn thụ thai Chúa Giêsu khi không thõa mãn với cuộc sống, tâm hồn hướng tới và được khích lệ bởi những linh hứng thánh, lòng rực cháy sự nhiệt thành thánh thiện, và cuối cùng là cương quyết từ bỏ những thói quen và khuyết điểm cũ – nó trở nên phong phú cách thiêng liêng nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần và thai nghén ý hướng sống theo một lối sống mới. Việc thụ thai Chúa Kitô đã thực hiện!

Tuy nhiên, chương trình này cho một cuộc sống mới rõ ràng phải được thể hiện trong những điều cụ thể, qua một sự biến đổi, có thể cả bên ngoài và hữu hình, trong đời sống và thói quen của chúng ta. Nếu chương trình không đi vào hành động, Chúa Giêsu được thụ thai, nhưng Người không được “sinh ra.” “Lễ thứ hai” của Hài Nhi Giêsu, Lễ Giáng Sinh, không được cử hành! Đó là một sự “phá thai tinh thần,” là một trong vô số những hình thức loại bỏ sự sống và là một trong những lý do chính mà rất ít người trở thành những vị thánh.

Thánh Bônaventura nói: Nếu bạn quyết định thay đổi lối sống mình, bạn sẽ đối diện với hai loại cám dỗ. Trước hết, con người xác thịt xung quanh bạn đến nói với bạn: “Điều bạn đang quyết tâm làm thật là quá vất vã; bạn không bao giờ có thể thực hiện được, bạn sẽ không có sức mạnh, và giã tràng xe cát biển đông. Những điều này không thêm gì cho tình trạng đời sống và sẽ gây tổn hại cho tiếng tốt cũng như phẩm giá của vị trí bạn.”

Chứng ngại này được vượt qua, nhưng chướng ngại khác lại đến với những người khát khao nên thánh, và có lẽ hiện tại họ những người đạo đức, nhưng họ không thực sự tin vào sức mạnh của Chúa và Thánh Thần. Họ sẽ nói với bạn rằng nếu bạn bắt đầu sống theo cách thức này – khi dành nhiều chỗ cho cầu nguyện, tránh những chuyện vô bổ, làm những việc bác ái – bạn sẽ sớm được coi như một vị thánh, một người đạo đức, nhưng khi đó bạn biết rất rõ là bạn không phải là một vị thánh, bạn hãy thôi lừa dối người khác và đừng sống giả hình, bạn đang kéo cơn giận đáng sợ của Thiên Chúa xuống trên mình. Bạn hãy quên nó, và hãy sống như mọi người.

Trước những cám dỗ này cần phải trả lời trong đức tin: “Này, không phải Đức Chúa ngắn tay không thể cứu, cũng chẳng phải Người nặng tai không nghe được” (Is 59,1). Và hầu như nếu chúng ta đã giận dữ với chính mình, chúng ta cần phải thốt lên với thánh Augustinô trong đêm tối của việc hoán cải mình: “Ông nọ bà kia làm được, sao tôi lại không?”

Chúng ta hãy kết luận bằng cách cùng nhau đọc lại lời Kinh ở trong cuộn giấy bằng tiếng Hy Lạp, mà theo một số người nó có trước thế kỷ thứ III, trong đó Đức Trinh Nữ được khẩn cầu với tựa đề: “Theotokos – Dei Genetrix – Mẹ Thiên Chúa.

Sub tuum praesidium confugimus,
Sancta Dei Genetrix.
Nostras deprecationes ne despicias in
necessitatibus,
sed a periculis cunctis libera nos semper,
Virgo gloriosa et benedicta.
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời. Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện. Trong con gian nan, thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng, hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen!

Người dịch: Rev. Petrus Nguyễn Văn Hương
Đại Chủng Viện Vinh Thanh
Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An - Việt Nam

Thư mục

[1] St. Augustine, “Letter 55,” 1, 2, in Letters 1-99, trans. Roland Teske, Part II, vol. 1, The Works of Saint Augustine, ed. John E Rotelle (Hyde Park, NY: New City, 2001), p. 216; see also CSEL 34, 1, p. 170.
[2] Leo the Great, “On the Feast of the Incarnation,” 6, 2, in Leo the Great: Sermons, trans. Jane P. Freeland and Agnes J. Conway (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1996), p. 105; see also PL 54, p. 213.
[3] Blessed Isaac of Stella, “Sermon 51,” in the Roman Catholic Office of Readings for the Saturday of the Second Week of Advent; italics added. See also PL 194, pp. 1862-1863, 1865.
[4] St. Ambrose, “On the Holy Spirit,” [De Spiritu Sancto], II, 38, 41, 43, in Saint Ambrose: Theological and Dogmatic Works, trans. Roy J. Deferrari (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1963), pp. 110-111.
[5] Verses from the hymn “Veni, Creator Spiritus” (“Come, Holy Spirit, Creator blest”) in the Roman Breviary.
[6] St. Augustine, “Sermon 25,” 7 (Denis), in The Office of Readings for November 21 (Boston, MA: Daughters of St. Paul, 1983), p. 1640; see also PL 46, p. 938.
[7] St. Augustine, “Sermon 215,” 4, in The Works of Saint Augustine, Part 3, vol. 6, trans. Edmund Hill, ed. John Rotelle (New Rochelle, NY: New City Press, 1993), p. 160. See also PL 38, p. 1074.
[8] St. Bonaventure, Lignum vitae [The Tree of Life], 1, 3, in Bonaventure, trans. and intro. Ewert Cousins (New York: Paulist Press, 1978), pp. 127-128; italics original.
[9] Dante, Paradiso 33:1, in The Divine Comedy: “Vergine madre, figlia del tuo figlio, / umile e alta più che creatura.”
[10] St. Ignatius, “Epistle to the Ephesians,” 7, 2, in Saint Ignatius of Antioch: The Epistles, ed. Paul A. Boer Sr. (N.p.: Veritatis Splendor, 2012), p. 59.
[11] St. Cyril of Alexandria, “Anathemas against Nestorius,” in Denzinger #252, English version, p. 97.
[12] St. Cyril of Alexander, Commentary on Joh , XII, 19: 25-27, trans. David R. Maxell, ed. Joel C. Elowsky, vol. 1, Ancient Christian Texts (Downers Grove, IL: InterVarsity Press Academic, 2015), pp. 347-349; see also PG 74, pp. 661-665.
[13] Augustine, “Sermon 25” (Denis), in the Office of Readings for November 21 (Boston, MA: Daughters of St. Paul 1983), p. 1640; see also “Sermon 72A” in Miscellanea Agostiniana, I, p. 162.
[14] St. Augustine, On Nature and Grace, 36, 42, in Saint Augustine: Four Anti-Pelagian Writings, trans. John A. Mourant and William J. Collinge (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1992), pp. 53-54; see also CSEL 60, p. 263ff.
[15] See, for example, Origen, “Sermon 22,” 3, in Origen: Homilies on Luke, trans. Joseph T. Lienhard, vol. 94, The Fathers of the Church (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1996), p. 93: “What profit is it to you if Christ once came in the flesh, unless he also comes into your soul?”; see also SCh 87, p. 302.
[16] See Ambrose of Milan, Exposition of the Holy Gospel according to Luke, II, 38, trans. Theodosia Tomkinson (Etna, CA: Center for Traditionalist Orthodox Studies, 2003), p. 59.
[17] St. Thomas Aquinas , Summa theologica, III, q. 83, 2.
[18] See St. Maximus the Confessor, “Ambigua to John,” 7.22, in On Difficulties in the Church Fathers, vol. 1, ed. and trans. Nicholas Constans (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2014), p. 107: “The Logos of God (who is God) wills always and in all things to accomplish the mystery of his embodiment.” See also PG 91, p. 1084.
[19] See this recommendation in St. Augustine, Confessions 4, 19.
[20] St. Bonaventure, “Bring Forth Christ: The Five Feasts of the Child Jesus,” trans. Eric Doyle (Oxford, SLG Press, 1984), pp. 1-16.
[21] St. Augustine, Confessions, 8, 11, 27, trans. Henry Chadwick (Oxford: Oxford University Press, 1991), p. 151 (“Si isti et istae, cur non ego?”).
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:38 03/01/2017
95. NỬA SỐNG NỬA CHÍN.

Con gái phương bắc đẹp nhưng cử chỉ rất cứng cỏi, người trí thức gọi là “sống Trương Bát.”
Năm nọ ở phủ có hội, Khấu Trung Uý ra lệnh cho người đến nhờ Ngụy Dã thảo thơ, Ngụy Dã làm thơ, viết:
- “Vua vì Bắc đạo sống Trương Bát, tôi là Tây châu chín Nguỵ Tam, không trách Tôn Tiền không cười nói, nửa sống nửa chín chưa thông thạo.”
Người liên lạc đến lấy cầm về coi, những người khách đều cười ha ha.
(Phủ Chưởng lục)

Suy tư 95:
Thông thường mà nói, con gái đẹp thì thường có tính kiêu kiêu, nhất là con gái ấy là con của nhà giàu, thôi thì tha hồ mà kiêu căng, kén chọn...
Con gái đẹp thì thường có tính ích kỷ, không thích ai đẹp hơn mình.
Con gái đẹp thì thường có tính lãng mạn.
Con gái đẹp thì thường là...làm biếng, vì sợ mất đẹp.
Con gái đẹp thì thường là rất hiền và rất hung, hiền là khi người ta khen mình đẹp, hung là khi người khác chê mình xấu...
Con gái đẹp thì không hẳn là dễ thương và đáng yêu.
Cho nên, người ta thường nói “cái nết đánh chết cái đẹp” là để đề cao cái nết nơi người con gái, dù cho cô gái đẹp cỡ nào mà không có “cái nết”, thì cũng chỉ để cho người ta nhìn như nhìn một bông hoa đẹp mà mùi thì rất khó ngửi...
Cái đẹp chỉ được hoàn hảo khi cô gái biết sống như Lời Chúa đã dạy trong cuộc đời của mình, đó chính là khiêm tốn và đoan trang.
Thật vậy, cái đẹp chỉ được hoàn hảo khi cô gái biết tập tành đức khiêm tốn như Đức Mẹ Ma-ri-a mà thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:40 03/01/2017

8. Phàm là người không suy niệm thì nhìn không thấy tật xấu của mình, cho nên họ không tự mình hối hận.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ý nghĩa của cây thánh giá bị đổ tại máng cỏ Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô
Đặng Tự Do
05:42 03/01/2017
“Tại máng cỏ Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô có một cây thánh giá bị đổ, tại sao không ai buồn dựng lên?”

Đó là câu hỏi của nhiều người. Quý vị nào chưa thấy cảnh đổ nát này có thể xem trong video này http://www.vietcatholic.net/News/Html/211625.htm (phút thứ 17).

Cảnh Giáng Sinh tại Vatican năm nay có một bổ sung khác thường đó là một cây thánh giá từ ngọn tháp của Vương Cung Thánh Đường Thánh Biển Đức tại Norcia, cùng với một số gạch đất từ trong những đống đổ nát, đã được đặt bên cạnh Cảnh Giáng Sinh với những pho tượng có kích thước to như người thật.

Tất cả các nhà thờ ở Norcia, nơi sinh của Thánh Biển Đức, đã bị phá hủy bởi các trận động đất hôm 30 tháng 10 năm ngoái 2016. Cả ngôi nhà thờ kính thánh Biển Đức từ thời Trung Cổ cũng bị san bằng.

Các tu sĩ Biển Đức ở Norcia cho biết

“Tất cả các nhà thờ ở Norcia bị san thành bình địa. Tất cả, không sót một ngôi nhà thờ nào. Mái nhà sụp xuống nền nhà thờ. Nhưng thật là một phép lạ vì không trường hợp tử vong nào.”

Cây thánh giá bị đổ được đặt tại máng cỏ Giáng Sinh tại quảng trường Thánh Phêrô để khuyến khích các tín hữu và khách hành hương đóng góp cho việc trùng tu các ngôi thánh đường trong vùng này.
 
Đức Thánh Cha viết thư cho các Giám Mục trên thế giới về tình cảnh bi đát của trẻ em
Đặng Tự Do
00:11 03/01/2017
Trong một lá thư gửi cho các giám mục trên thế giới, được viết nhân dịp lễ các thánh Anh Hài hôm 28 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các giám mục trên thế giới nỗ lực hơn nữa để bảo vệ trẻ em.

Trình bày các suy tư của ngài về hành động giết hại trẻ em của vua Hêrôđê, Đức Giáo Hoàng nhận xét cay đắng rằng “chương rất buồn này trong lịch sử vẫn đang tiếp tục được viết ngày hôm nay.”

“Hôm nay cũng vậy, chúng ta vẫn tiếp tục nghe thấy những tiếng khóc xé lòng này, mà chúng ta không thể lờ đi hoặc im lặng”.

Ngài nhận xét thêm rằng nếu như trong quá khứ sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô là một thời gian đau buồn cho gia đình của các trẻ em bị giết, thì ngày nay cũng vậy: “Giáng Sinh cũng đi kèm với nước mắt của nhiều người, cho dù chúng ta không muốn như thế.”

Trong lá thư đề ngày 28 tháng 12, Đức Giáo Hoàng than phiền rằng có quá nhiều trẻ em trên thế giới đang bị bạo hành và lạm dụng. Ngài hô hào các Kitô hữu hãy có can đảm bảo vệ sự vô tội của các trẻ thơ.

Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta phải dũng cảm bảo vệ niềm vui của các trẻ thơ khỏi những tay Hêrôđê mới trong thời đại chúng ta, là những kẻ đã cướp đi sự ngây thơ của con em chúng ta. Các trẻ em vô tội ngày nay vẫn tiếp tục bị cướp bởi sự áp bức của chế độ lao động nô lệ phi pháp, bởi nạn mại dâm và các hình thức khai thác khác. Tuổi thơ của các trẻ em vô tội vẫn tiếp tục bị tàn phá bởi chiến tranh và bởi các cuộc di cư bắt buộc, với những mất mát to lớn đi kèm.

Hàng ngàn trẻ em của chúng ta đã rơi vào tay của các băng nhóm, các tổ chức tội phạm và những kẻ buôn cái chết, là những kẻ chỉ muốn ăn cướp và khai thác các nhu cầu của trẻ em.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Giáo Hội có bổn phận đặc biệt phải nhớ đến “những đau khổ, những kinh nghiệm bi đát, và nỗi đau của các trẻ vị thành niên đã bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục.” Ngài bày tỏ nỗi buồn của mình vì “những tội lỗi đã xảy ra, cả tội không giúp đỡ, tội bao che, và tội lạm dụng quyền lực.” Ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải duy trì tuyệt đối chính sách không khoan nhượng liên quan đến các lạm dụng tính dục.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những đau khổ của những trẻ em phải sống qua các cuộc khủng hoảng, những trẻ em đang bị buộc phải chạy trốn khỏi nhà cửa của chúng, những trẻ em bị suy dinh dưỡng, những đứa bé đang phải tham gia vào lao động trẻ em, những trẻ sống trong những quốc gia theo đuổi các chính sách cực đoan, và những trẻ không được tiếp cận với giáo dục.
 
Video Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới đầu năm mới 1/1/2017
VietCatholic Network
00:01 03/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Trước thềm năm mới 2017, chương trình Video Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới xin kính chúc đến quý Hồng Y, quý Đức Cha, quý Linh mục, tu sĩ và quý khán thính giả một năm mới Phúc-Lộc-Thọ trong tình yêu của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị, chương trình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính sau đây:

- ĐTC cử hành thánh lễ đầu năm 2017 Lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
- ĐTC đọc kinh Truyền Tin và Ban Phép Lành
- ĐTC chúc mừng Năm Mới cho mọi người
- Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động
- Gần 4 triệu tín hữu tham dự các sinh hoạt của Đức Thánh Cha
- Công giáo Trung Hoa thất vọng về 'đại hội công giáo' cuả nhà nước.
- Tuyên bố của miền Giám Quản Tông Tòa Nam Ả Rập về trường hợp cha Tom Uzhunnalil
Sau đây xin mời quý vị và anh chị em nghe phần tin chi tiết.

- Ngày đầu năm ĐTC nhắn nhủ: hãy lắng nghe nhịp đập của con tim Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.

ĐTC đã cử hành ngày đầu năm dương lịch 2017 kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày hòa bình thế giới. Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC lúc 10 giờ sáng trong đền thờ thánh Phêrô có hàng trăm vị gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và Linh Mục. Hiện diện trong thánh lễ có ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và 8 ngàn giáo dân.
Trong bài giảng ĐTC nói: Việc cử hành chức làm mẹ của Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa trong ngày đầu năm mới, có nghĩa là nhắc cho chúng ta nhớ rằng, mình là một dân với một Bà Mẹ, chứ không mồ côi. Nó giúp chúng ta biết rằng con người chỉ có thể tìm thấy bầu khí, hơi ấm cho phép nó học hiểu và lớn lên thành người một cách nhân bản, chứ không phải là các đồ vật được mời gọi tiêu thụ và bị tiêu thụ, như hàng hóa trao đổi. Chúng ta hãy noi gương Mẹ biết lắng nghe nhịp đập của con tim Thiên Chúa trong lịch sử loài người.

ĐTC giải thích thêm như sau: Nơi Mẹ Maria, Ngôi Lời vĩnh cửu không chỉ nhập thể, mà còn học nhận biết sự dịu dàng hiền mẫu của Thiên Chúa. Với Mẹ Maria, Thiên Chúa Hài Nhi học biết lắng nghe các khát vọng, các âu lo, các niềm vui và niềm hy vọng của dân Chúa, và khám phá ra chính mình như là Con của dân tộc thánh thiện trung thành của Thiên Chúa. Nơi đâu có một bà mẹ, nơi đó có sự dịu hiền. Và với chức làm mẹ của mình Đức Maria chỉ cho chúng ta thấy rằng sự khiêm nhường và hiền dịu không phải là các nhân đức của những người yếu đuối, nhưng là các nhân đức của những người mạnh mẽ. Mẹ dậy chúng ta rằng không cần phải đối xử tàn tệ với những người khác để cảm thấy mình quan trọng Và từ luôn luôn, dân thánh trung thành của Thiên Chúa đã nhận biết và chào Mẹ như là Thánh Mẫu của Thiên Chúa.

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã ra cửa sổ Dinh Tông Tòa để đọc kinh Truyền Tin với hơn 60 ngàn tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nêu bật gương sống của Mẹ Maria đã nói hai tiếng “xin vâng” và sẵn sàng cộng tác với chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, chú ý tìm hiểu điều Thiên Chúa muốn nơi mình ngày qua ngày. Mẹ cũng nhận ra nơi biến cố các mục đồng đến kính viếng thờ lậy Chúa Hài Nhi sự chuyển động của ơn cứu rỗi, sẽ nảy sinh từ công trình của Chúa Giêsu, và Mẹ sẵn sàng đối với mọi đòi hỏi của Chúa và cộng tác với Con Mẹ trong chương trình cứu độ. Sau cùng Đức Thánh Cha đã dâng lên Mẹ lời cám ơn Mẹ về tất cả những gì Mẹ đã làm trong cuộc sống, và xin Mẹ cầu nguyện cho chúng ta tất cả, là các kẻ lữ hành trong thời gian, xin Mẹ giúp chúng ta bước đi trên con đường hoà bình. Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành đầu năm cho mọi người.

- ĐTC chúc mừng Năm Mới cho mọi người
Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chúc mừng Năm Mới mọi người và nói: Năm mới sẽ tốt lành trong mức độ từng người trong chúng ta, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, tìm làm việc thiện mỗi ngày. Và như thế là xây dựng hoà bình, bằng cách nói “không với thù hận và bạo lực” - bằng các việc làm - và nói “có” với tình huynh đệ và sự hòa giải. Cách đây 50 năm chân phước Phaolô VI đã bắt đầu cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới để củng cố dấn thân chung xây dựng một thế giới an bình và huynh đệ. Trong sứ điệp cho năm nay tôi đã đề nghị “sống không bạo lực như kiểu mẫu cho một nền chính trị hòa bình.”

ĐTC nhắc tới vụ khủng bố xảy ra tối giao thừa tại Istanbul khiến cho gần 40 người chết. Ngài gần gũi và cầu nguyện cho các người qua đời và thân nhân của họ, cũng như cho các nguời bị thương và toàn dân Thổ Nhĩ Kỳ.

ĐTC cũng cám ơn tổng thống Italia đã chúc mừng năm mới ngài trong sứ điệp gửi toàn dân tối giao thừa. Ngài cũng xin Chúa ban phúc lành cho toàn dân Italia, để với sự đóng góp trách nhiệm và liên đới của tất cả đất nước Italia có thể nhìn về tương lai với lòng tin tưởng và niềm hy vọng. Sau cùng ngài chúc mọi người một năm hòa bình trong ơn thánh Chúa và sự chở che hiền mầu của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

- Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động
Từ Chúa Nhật ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2017, Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động, chiếu theo quyết định của ĐTC, trong tự sắc công bố ngày 31-8-2016.

ĐTC đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Peter Turkson người Ghana, làm Bộ trưởng của cơ quan mới này. Ngài năm nay 68 tuổi, được thăng Hồng Y hồi năm 2003. Năm 2009, ngài được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình.
 
90,000 Kitô hữu bị giết trong năm 2016
Đặng Tự Do
00:19 03/01/2017
Massimo Introvigne, một nhà xã hội học lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu về các tôn giáo mới, nói với Radio Vatican rằng ông ước tính có khoảng 90,000 Kitô hữu bị giết chết vào năm 2016 vì đức tin của họ.

70% trong số họ đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột bộ tộc ở châu Phi, trong khi 30% khác là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, bị các chính phủ đàn áp, hay thiệt mạng khi các làng mạc, thị trấn của họ bị phá hủy.

Con số 90,000 trong năm 2016 là thấp hơn con số 105,000 trong năm 2014. Tuy nhiên, cần nhớ rằng 90,000 trong một năm có nghĩa là cứ sáu phút lại có một tín hữu Kitô bị giết.

Ông Introvigne nhận xét rằng:

“Chúng ta không quên hay xem nhẹ sự đau khổ của các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Nhưng, cần nói ngay rằng các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị đàn áp tàn tệ nhất trên thế giới”
 
Căng thẳng giữa dòng Hiệp Sĩ Malta và Tòa Thánh
Đặng Tự Do
02:55 03/01/2017
Hiệp Sĩ Tối Cao (Grand Master) của Dòng Hiệp Sĩ Malta đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định lòng trung thành của mình với ngài.

Trong một bức thư đề ngày 01 tháng Giêng gởi cho Đức Thánh Cha, Hiệp Sĩ Tối Cao Fra’ Matthew Festing ca ngợi thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới của Đức Thánh Cha về chủ đề bất bạo động. Ông khẳng định rằng đường lối bất bạo động của Đức Thánh Cha “là một điều quý hiếm và rất có giá trị” trong tình hình thế giới hiện nay.

Vị Hiệp Sĩ Tối Cao cũng nhân dịp này bày tỏ lòng trung thành với Đức Thánh Cha.

Thư của vị Hiệp Sĩ Tối Cao được đưa ra trong khi dòng Hiệp sĩ Malta đang có những mâu thuẫn với Vatican qua việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một ủy ban đặc biệt để điều tra việc sa thải vị Chưởng Ấn của dòng đáng kính này.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Jerusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Ngày 22 tháng 12 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất hòa trong Dòng Hiệp Sĩ Malta sau khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội đáng kính này ra quyết định sa thải vị Chưởng Ấn (Chancellor).

Albrecht von Boeselager, là người bị cách chức, đã dính líu vào một chương trình phân phối bao cao su tránh thai để ngăn chặn việc lây lan bệnh liệt kháng (HIV). Tuy nhiên, ông nói rằng vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội Hiệp Sĩ Malta, là Fra Matthew Festing, đã hành động vi phạm hiến pháp của hội khi ra lệnh buộc ông từ chức vì quan điểm ‘liberal’ của mình. Albrecht von Boeselager cũng nói với các ký giả là Đức Hồng Y Raymon Burke, là nhà lãnh đạo tinh thần của dòng, đã tác động trực tiếp vào quyết định buộc ông ta phải bị cách chức.

Trong khi đó, vị Hiệp Sĩ Tối Cao Fra Matthew Festing nói rằng ông không có lựa chọn nào khác hơn là loại bỏ Boeselager vì một “tình huống vô cùng nghiêm trọng và không thể chấp nhận được.”

Theo điều lệ của Dòng Hiệp Sĩ Malta, vị Chưởng Ấn (Chancellor) có thẩm quyền như một vị bộ trưởng ngoại giao.

Uỷ ban điều tra của Vatican sẽ có năm thành viên là Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nguyên đặc sứ của Vatican tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva; Cha Gianfranco Ghirlanda, một luật sư dòng Tên chuyên về giáo luật; và ba thành viên của các Hiệp sĩ Malta.

Một ngày sau đó, hôm 23 tháng 12, Dòng Hiệp Sĩ Malta ra thông cáo báo chí cho rằng kế hoạch của Đức Thánh Cha là “không thể chấp nhận được”

Thông cáo nói rằng việc lật đổ Albrecht von Boeselager là một “hành động hành chính nội bộ thuộc chủ quyền nhà nước của Dòng Hiệp Sĩ Malta và do đó hoàn toàn thuộc phạm vi thẩm quyền của Dòng.” Thông cáo cho rằng quyết định thành lập ủy ban điều tra của Đức Giáo Hoàng đã dựa trên một “sự hiểu lầm” của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Vị Hiệp Sĩ Tối Cao dù bày tỏ lòng trung thành với Đức Thánh Cha vẫn bác bỏ khả năng Vatican can thiệp vào “chủ quyền nhà nước” của Dòng này.
 
Quan chức Iraq mời các tín hữu Kitô quay về cố hương
Đặng Tự Do
01:01 03/01/2017
Các quan chức thành phố ở Basra, Iraq, đang chào đón các Kitô hữu trở lại thành phố, với những hứa hẹn sẽ giúp đỡ xây dựng lại nhà thờ.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trong bản tin đánh đi hôm 2 tháng Giêng cho biết:

Khalaf al Abdul Samad, chủ tịch hội đồng thành phố, đã đến thăm một nhà thờ thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền ở Basra để chúc mừng năm mới, và đưa ra một lời kêu gọi các tín hữu Kitô tị nạn hãy trở về nhà mình.

Dân số Kitô tại Basra đã giảm mạnh trong những năm gần đây, từ khoảng 2,500 gia đình trước cuộc chiến tranh Iran-Iraq bây giờ chỉ còn một vài trăm Kitô hữu.

Các quan chức thành phố nói rằng họ sẽ chào đón bất cứ Kitô hữu nào chạy trốn bọn khủng bố Hồi Giáo IS và giúp đỡ họ trong việc tái định cư.
 
Đức Giám Mục Agnelo Gracias 77 tuổi, quyết định hiến tặng nội tạng của mình.
Thanh Quảng sdb
02:57 03/01/2017
Đức Giám Mục Agnelo Gracias 77 tuổi, quyết định hiến tặng nội tạng của mình.

Bombay - Ấn Độ - Thông tấn xã Fides phát đi ngày 2/1/2017 cho hay Đức Giám Mục Agnelo Gracias 77 tuổi, Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận Bombay, đã quyết định hiến tặng nội tạng của mình khi chết. Chiều hướng này đã phát triển lan rộng trong cộng đồng Kitô giáo: càng ngày càng nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân sẵn sàng hiến tặng nội tạng của mình khi chết.
Đức Giám Mục Agnelo phát biểu: "Tôi nghĩ rằng tôi sẽ giúp ích cho nhân loại, nên tôi đã bày tỏ ý định với gia đình tôi về việc hiến tặng nội tạng của tôi khi tôi chết". "Nếu ai đó có thể nhờ đôi mắt của tôi mà được nhìn thấy, hoặc xử dụng thận của tôi để kéo dài sự sống , thì tôi thiết nghĩ đây chính là một hành động của Thiên Chúa".
Thông tấn xã Fides đã tìm hiểu thì nhiều Giám Mục đã khích lệ và kêu gọi việc hiến tặng này qua các bài viết được đăng tải trên nhiều tạp chí địa phương nhằm khuyến khích cộng đồng, cũng như qua những lời giảng dạy trong phụng vụ và trong các đại hội. Theo Đức Cha Gracias, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng Kitô giáo về cách thế “có thể phục vụ Thiên Chúa và nhân loại ngay cả sau khi chúng ta qua đời".
Tháng 10 năm 2014, Đức Thánh Cha Phnxicô đã nói về hiến tặng nội tạng như là một "chứng nhân của tình yêu", và Đức Giám Mục Gracias xử dụng những từ này để khai triển tư tưởng của Ngài, Ngài cũng cho hay Đức Tổng giám mục Mumbai là Oswald Gracias cũng là một người hiến tặng nội tạng.
Trong năm 2016, có 58 trường hợp hiến tặng nội tạng trong Tổng giáo phận Bombay đã giúp cho 91 bệnh nhân suy thận, 58 trường hợp của các bệnh nhân mắc bệnh gan mãn tính và 34 bệnh nhân về tim. (PA) (Agenzia Fides 2/1/2017)
 
28 nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị giết trong năm 2016
Đặng Tự Do
11:50 03/01/2017
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa đưa ra báo cáo thường niên về các trường hợp nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị giết trong năm qua.

Trong năm 2016, 28 nhân viên chăm sóc mục vụ của Giáo Hội đã bị thiệt mạng trên toàn thế giới. Điều đáng lo ngại là liên tiếp trong 8 năm qua, Mỹ Châu tiếp tục là miền đất xảy ra nhiều vụ thảm sát nhất. Có đến 9 nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị giết tại đại lục này trong năm 2016 vừa kết thúc; nghĩa là gần gấp đôi con số hồi năm 2015.

Theo những số liệu do Fides thu thập được, trong năm 2016, 14 linh mục, 9 nữ tu, một chủng sinh, 4 giáo dân đã bị chết thảm. Ở Mỹ Châu có 12 nhân viên chăm sóc mục vụ đã bị giết; trong đó có 9 linh mục và 3 nữ tu. Tại Phi Châu 8 vị đã bị giết gồm 3 linh mục, 2 nữ tu, một chủng sinh, cùng với 2 giáo dân. 7 vị tại Á châu đã bị giết chết gồm 1 linh mục, 4 nữ tu, và 2 giáo dân. Tại Âu châu có một linh mục đã bị khủng bố Hồi Giáo giết chết.

Phần lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ đã bị giết trong năm 2016 là do các vụ cướp, và trong một số trường hợp các vị bị giết rất dã man. Đó là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng nghèo đói cả về kinh tế lẫn văn hóa, dẫn đến các hình thái bạo lực coi thường tính mạng con người.

Trong nhiều trường hợp, các linh mục, nữ tu và giáo dân đã bị giết, nằm trong số những người lớn tiếng lên án bất công, tham nhũng, nghèo đói, nhân danh Tin Mừng. Cha José Luis Sánchez Ruiz, thuộc Giáo Phận San Andres Tuxtla, thuộc bang Veracruz, Mễ Tây Cơ là một trong những nạn nhân bị bắt cóc và sau đó người ta tìm thấy ngài còn sống nhưng với những “dấu hiệu rõ ràng của sự tra tấn”. Trong những ngày trước khi xảy ra vụ bắt cóc, ngài đã nhận được nhiều lời đe dọa, vì những lời chỉ trích nghiêm khắc của ngài trước tệ nạn tham nhũng và tội phạm tràn lan.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong ngày lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, “thế gian ghét các Kitô hữu vì cùng một lý do như nó đã từng ghét Chúa Giêsu vì Ngài đã mang ánh sáng của Thiên Chúa đến, nhưng thế gian lại thích bóng tối để che giấu những hành động gian ác của mình”.

Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội, ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ.

Trong hầu hết các trường hợp, các cuộc điều tra được tiến hành bởi các nhà chức trách địa phương đều dẫn đến việc xác định thủ phạm, những kẻ chủ mưu của những vụ giết người này, và những lý do tại sao họ đã làm như thế.

Hiện vẫn còn nhiều quan ngại về số phận của nhân viên chăm sóc mục vụ khác bị bắt cóc hoặc đã biến mất, trong đó Giáo Hội không có bất kỳ tin tức nào như trường hợp của cha Tom Uzhunnalil.
 
Quân khủng bố Hồi Giáo IS gây kinh hoàng tại thủ đô Baghdad
Đặng Tự Do
08:10 03/01/2017
Vụ tấn công khu chợ Sadr của thủ đô Baghdad
Chỉ vài giờ sau khi tổng thống Pháp là Francois Hollande đến thủ đô Baghdad, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã cho nổ một xe bom làm thiệt mạng 36 người và làm 67 người khác bị thương.

Trong một thủ đoạn thật tàn nhẫn, sáng thứ Hai 02 tháng Giêng, một tên khủng bố đã lái một xe vận tải nhẹ chất đầy bom đến đậu tại khu chợ Sadr của thủ đô Baghdad. Y làm bộ như muốn thuê các thợ thuyền đang tụ tập gần đó tìm kiếm công ăn việc làm. Họ là những người lao động rất nghèo, nghề nghiệp bấp bênh, mỗi sáng tụ tập gần đấy ai mướn làm gì thì họ làm để nuôi sống gia đình. Sau khi những người thợ đã tụ tập quanh chiếc xe, y bấm nút cho nổ tung. 9 người phụ nữ đang di chuyển trên một xe buýt ngang qua đó cũng bị giết vì sức công phá của các quả bom.

Trước đó, vào sáng ngày cuối năm 31 tháng 12, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào khu chợ trung tâm của Baghdad giết chết 29 người.

Trong một diễn biến khác, hôm thứ Hai 02 tháng Giêng, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công một doanh trại quân đội gần Baiji, 180 km về phía bắc của thủ đô, giết chết bốn binh sĩ và làm bị thương 12 người. Chúng tịch thu được một số vũ khí và bắn súng cối vào thị trấn Shirqat ở gần đó, buộc lực lượng an ninh phải áp đặt lệnh giới nghiêm, đóng cửa các trường học và văn phòng trong thị trấn

Táo tợn hơn, bọn khủng bố Hồi Giáo IS còn chiếm ba trạm kiểm soát trên con đường huyết mạch nối Baghdad và Mosul và làm chủ một khúc đường trong nhiều giờ.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS còn đột nhập vào một ngôi làng gần Udhaim, 90 km về phía bắc Baghdad, nơi chúng xử tử 9 binh sĩ trong lực lượng dân quân người Sunni.
 
Đức Thánh Cha gửi thư cho các Giám Mục trên thế giới
Bùi Hữu Thư
09:53 03/01/2017
Đức Thánh Cha gửi thư cho các Giám Mục trên thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong lá thư gửi cho các Giám Mục trên thế giới, yêu cầu họ hãy lắng nghe tiếng khóc than của những người yếu đuối nhất. Ngài cũng xin tha thứ cho những linh mục đã lạm dụng trẻ em, và xin cho những tội lỗi này sẽ không bao giờ còn tái diễn.

Nuôi dưỡng niềm vui, bất kể giá nào

Ngài viết cho các giám mục: “Tôi xin các bạn một lần nữa không nên để cho chúng ta bị cướp mất đi niềm vui, vì đôi khi chúng ta có thể thất vọng với thế gian chung quanh ta, với Giáo Hội, và ngay cả với chúng ta nữa.”

Đức Thánh Cha ghi nhận là Lễ Giáng Sinh cũng có những giọt nước mắt, dù chúng ta có muốn hay không. Ngài nói các thánh sử cũng không che dấu thực tại để làm cho hấp dẫn hơn. Ngày nay “chúng ta vẫn nghe được tiếng kêu than đau đớn, mà chúng ta không muốn nghe hay không thể làm ngơ hay làm cho câm nín.”

Tấm lòng nặng chĩu

“Trong thế giới chúng ta – tôi viết thư này với tấm lòng nặng chĩu – chúng ta tiếp tục nghe thấy những tiếng khóc than của biết bao nhiêu bà mẹ, của bao nhiêu gia đình, vì cái chết của con cái họ, những trẻ em vô tội.”

Đức Thánh Cha khẳng định là các giám mục phải ý thức là ngày hôm nay chương sách đau buồn này vẫn còn đang được tiếp tục chép ra.

“Chúng ta có thể nào cảm nghiệm niềm vui Kitô đích thực nếu chúng ta quay lưng trước những thực tại này? Niềm vui Kitô làm sao có được nếu chúng ta bỏ qua tiếng kêu của các anh chị em chúng ta, tiếng kêu của các trẻ em?” Ngài ghi nhận rằng Thánh Giuse là người đầu tiên được trao phó trách nhiệm bảo vệ niềm vui cứu độ.

Đức Thánh Cha viết: “Các vị chủ chăn ngày hôm nay cũng có trách nhiệm này, là phải tỉnh thức, thay vì câm điếc, không nghe được tiếng Chúa, và phải ý thức về những gì đang xẩy ra quanh chúng ta.”

‘Tuyệt đối không thể bao dung”

Sau khi than về các thức chúng ta lắng nghe tiếng kêu than của trẻ em trên thế giới, Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta cũng nghe thấy tiếng kêu của Giáo Hội là Mẹ chúng ta, cũng đang khóc vì những đau thương đang xẩy ra cho những đứa con nhỏ bé nhất. Giáo Hội cũng nhận biết tội lỗi một số các thành phần đã vi phạm, đó là các linh mục đã bạo hành tính dục các trẻ em, và những ai che đậy các tội phạm này.

Đức Thánh Cha viết: “Đó là tội phạm làm cho chúng ta phải xấu hổ. Những người có trách nhiệm bảo vệ những trẻ này đã phá hủy phẩm giá của chúng. Chúng ta rất nuối tiếc và chúng ta xin tha thứ.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Chúng ta đồng cảm với những nỗi đau của các nạn nhân và chúng ta phải khóc vì tội lỗi này – “tội lỗi đã vi phạm, tội lỗi vì không giúp đỡ, tội che dấu và làm ngơ, và tội lạm dụng quyền thế. Giáo Hội cũng than khóc vì những tội lỗi các con cái vi phạm và xin được tha thứ.”

“Tôi muốn chúng ta hãy tái cam kết cho việc bảo đảm rằng những tội ác ghê gớm này sẽ không còn tái diễn giữa chúng ta. Chúng ta hãy cam đảm áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bằng mọi cách đời sống của các trẻ em của chúng ta, để cho các tội phạm này không còn tái diễn. Trong lãnh vực này, chúng ta hãy cam quyết trung thành, và rõ ràng là “tuyệt đối không thể bao dung.”

Bảo vệ và bênh vực đời sống

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng niềm vui Kitô nẩy sinh nhờ một ơn gọi. Cũng như Thánh Giuse chúng ta được mời gọi để “ôm ấp và bảo vệ đời sống con người, nhất là những trẻ em vô tội ngày hôm nay.”

Đức Thánh Cha viết: “Mùa Giáng Sinh là thời điểm thách đố chúng ta phải bảo vệ đời sống, và giúp cho được sanh ra và lớn lên. Giáng Sinh là thời điểm thách đố các giám mục tìm được sự can đảm mới. Can đảm để chấp nhận thực tại là nhiều trẻ em của chúng ta đang phải trải nghiệm ngày hôm nay, và phải họat động để đảm bảo cho chúng duy trì được phẩm giá là con cái Thiên Chúa. Các em không những chỉ được tôn trọng mà trên hết phải được bảo vệ.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Chúng ta không được để cho các trẻ em này bị cướp mất niềm vui” và chúng ta hãy noi gương Thánh Giuse và Mẹ Maria mà che chở cho niềm vui này.

Bùi Hữu Thư
 
Các Kitô hữu miền Nam Pakistan bị tịch thu tài sản
Nguyễn Long Thao
11:09 03/01/2017
Các Kitô hữu miền Nam Pakistan bị áp bức tịch thu tài sản

Hyderabad (Agenzia Fides) – Vừa bước vào năm mới 2017 các Kitô hữu ở Pakistan đã lâm cảnh bị áp bức. Đó là tổ chức mafia móc ngoặc với cảnh sát ở Sukkur, ở huyện Hyderabad thuộc tỉnh Sindh ở miền nam Pakistan, lên kế hoạch tịch thu đất đai nhà cửa của cư dân Thiên Chúa giáo ở Sukkur.

Ở Pakistan, hiện tượng chiếm đoạt đất đai của Kitô hữu là rất phổ biến. Một số chủ đất quyền thế, với sự hỗ trợ của chính quyền, đã tùy tiện tịch thu đất đai của nông dân nghèo. Hiện tượng này khá phổ biến ở Sindh, nơi đất bị tịch thu được bán với lợi nhuận cao.
Ông Munawar Gill, một Kitô hữu trong khu vực, và là cựu quan chức của giáo phận Anh giáo ở Hyderabad cho cơ quan thông tấn Fides biết trong những tuần lễ gần đây một số người đàn ông đến Sukkur, với giấy tờ giả và tuyên bố họ có quyền trên bất bất động sản. Ông Munawar Gill nói " Ở Pakistan rất dễ mua giấy tờ giả mạo”. Vào ngày 21, một số cảnh sát yêu cầu các gia đình Kitô Giáo phải trình giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai nếu không có họ sẽ phải rời bỏ nhà cửa.

Ông này kể thêm :Ngày 31 tháng 12, năm 2016 khoảng 20 người đàn ông, một số mặc đồng phục cảnh sát, một số mặc quần áo dân sự đến gõ cửa nhà Kitô giáo. Các gia đình Kitô Giáo bị đe dọa và bị đánh đập. "Phụ nữ và trẻ em đã bị lạm dụng và khoảng 20 người bị thương, một số bị thương nặng".

Sau cuộc tấn công, vào ngày 01 tháng 1, cư dân Kitô giáo đã đến đồn cảnh sát khiếu nại, yêu cầu được bảo vệ đầy đủ. Khoảng 4.500 người đã tụ tập ở phía trước của Văn Phòng báo chí ở Sukkur để biểu tình tố cáo việc các Kitô hữu ở Sukkur bị tùy tiện khủng bố.

Cơ quan trợ giúp pháp lý NGO lên án "hành động đó là khủng bố và tàn bạo", trong khi các Kitô hữu đang chuẩn bị chào mừng năm mới" Cơ quan trợ giúp pháp lý cũng thúc giục chính quyền Pakistan áp dụng pháp luật để ngăn ngừa "mafia chiếm đoạt đất" của các cộng đồng dễ bị tổn thương và chà đạp các quyền cơ bản của công dân Pakistan.

Nguyễn Long Thao
 
Tờ Osservatore Romano được xuất bản hàng tuần tại Nam Mỹ.
Nguyễn Long Thao
19:00 03/01/2017
Tờ báo Osservatore Romano, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, kể từ đầu năm 2017 đã được xuất bản tại Argentina là quê hương của ĐGH Phanxicô.Công tác này được Tòa Thánh gọi là “ dự án phục vụ Nước Thiên Chúa”

Ấn bản Osservatore Romano tại Argentina được viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Số đầu tiên được phát hành vào ngày 30 tháng 12 năm 2016 và trên trang nhất của số báo có in sứ điệp viết tay của ĐGH.

Theo dự liệu, tháng Giêng và tháng Hai, tờ báo là nguyệt san, nhưng đến tháng Ba, tờ báo sẽ là tuần san. Số trang của tuần san là 16 trang, trong đó 5 trang dành cho các tin tức địa phương, còn lại là các bài của Tòa Thánh Vatican được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng có nhiều ngôn từ điạ phương Nam Mỹ.

Tuần san Osservatore Romano được in 40,000 ấn bản để người dân Argentina biết được tiếng nói của ĐGH mà không cần qua trung gian.

Trong bản viết tay cho số ra mắt, ĐGH chào đón sự hiện diện của Osservatore Romano tại quốc gia Nam Mỹ với hy vọng rằng "Qua tờ báo của Tòa Thánh, độc giả sẽ có thể làm quen trực tiếp với các công việc của Đức Giáo Hoàng,"

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết luận bài viết của Ngài “Xin Chúa chúc lành cho tất cả các người trong dự án phục vụ Nước Thiên Chúa, và xin Đức Trinh Nữ Maria phù hộ mọi người. Sau cùng ĐGH không quên xin độc giả cầu nguyện cho ngài.

Nguyễn Long Thao
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Lễ Mẹ Thiên Chúa
Văn Minh
05:05 03/01/2017
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Lễ Mẹ Thiên Chúa

Vào chiều Chúa Nhật ngày 01.01.2017, cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa long trọng dâng Thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa – bổn mạng ca đoàn Thánh Mẫu năm 2017, được cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa - chủ tế. Đồng tế có cha Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Bình, phó xứ giáo xứ Tân Hương.

Xem Hình

Tham dự Thánh lễ, ngoài các ca viên trong ca đoàn Thánh Mẫu còn có quý vị ân nhân, quý vị khách mời, cùng bà con giáo dân trong giáo xứ Vĩnh Hòa.

Trước đó, lúc 17g15, quý cha, quý chức HĐMVGX, đại diện các đoàn thể có cuộc cung nghinh tượng Đức Mẹ xung quanh ngôi thánh đường trong tiết trời dịu mát của ngày đầu năm.

Bài giảng trong Thánh lễ, cha Gioan Baotixita nguyễn Xuân Bình chia sẻ: Theo truyền thống của người Á Đông, ngày đầu năm mới dương lịch thường thì không có chúc “Tết”. Tuy nhiên, người ta vẫn chúc cho nhau sức khỏe, và thành công trong sự nghiệp… còn lời chúc cho nhau bình an thì ít được nghe người ta chúc. Riêng đối với người Công Giáo, lời chúc “bình an” được linh mục chủ tế chúc ba lần trong mỗi Thánh lễ, sự bình an có một ý nghĩa thiêng liêng mà tất cả các tín hữu khám phá và nhận ra mình là con cái cùng một người Cha. Thật vậy, khi con người cảm thấy bình an trong lòng thì mới đem niềm vui, hạnh phúc. Đồng thời, nó cũng bỏ đi cái tôi ích kỷ của mình và coi người khác như là người mà ta tôn trọng yêu thương. “Thông điệp của ĐTC số 05 ngày 01.01.2017: trong gia đình, các thành viên phải đối thoại, tôn trọng, quan tâm, thương xót, và tha thứ cho nhau”.

Cha GB diễn giảng, Giáo Hội mừng Đức Trinh Nữ Maria trong ngày đầu năm mới; nhắc nhở con cái của mình hãy mở lòng đón nhận những gì mà Chúa gởi đến, cho dù có phải nhận phần thua thiệt về mình, biết hy sinh giúp đõ lẫn nhau trong các công việc trong gia đình và ngoài giáo xứ, và tuân giữ Lời Chúa truyền dạy cho đến chọn đời. Là những ca viên trong ca đoàn, chúng ta phải đem hết khải năng và sự nhiệt tình của mình ra phục vụ “hát là hai lần cầu nguyện”. Do đó, mỗi thành viên phải ý thức được trách nhiệm và bổn phận mình, để cùng nhau là sáng Danh Chúa và không ngừng phát triển.

Sau lời nguyện hiệp lễ, chị Trưởng ca đoàn Anna Vũ Thị Kim Phượng thay mặt lên cảm ơn cha xứ, quý vị HĐMVGX, các ban ngành đoàn thể, quý ân nhân cùng cộng đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ thật sốt sắng.

Đáp lời, thay mặt cộng đoàn phụng vụ, cha Gioankim ngỏ lời cảm ơn và chúc mừng các ca viên và gia đình được nhiều hồng ân, và luôn duy trì tinh thần hăng say đem lời ca tiếng hát của mình, cùng nhau làm sáng Danh Chúa. Nhân dịp đầu năm mới, chúc mọi người và mọi gia đình trong giáo xứ nhiều sức khỏe cùng nhau sống chan hòa và yêu thương.

Thánh lễ kết thúc lúc 19g00, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an và cùng nhau hát vang bài “Huyền Nhiệm Maria”.

Hiện nay, ca đoàn Thánh Mẫu, hát trong Thánh lễ lúc 5g00 sáng thứ Sáu, 17g30 chiều thứ Bảy, và 5g00 sáng Chúa Nhật hằng tuần. ngoài ra, còn hát lễ cưới, an táng, theo sự sắp đặt của Ban điều hành giáo xứ.
 
Đại chủng viện Thánh Qúy Cần Thơ hành hương Đức mẹ La Mã Bến Tre
Người Giồng Trôm
10:05 03/01/2017
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH QUÝ (CẦN THƠ) HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA MÃ NHÂN DỊP ĐẦU NĂM MỚI

Với lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, Ban Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Quý (Cần Thơ) đã tổ chức cho quý Thầy Đại Chủng Viện hành hương kính Đức Mẹ La Mã Bến Tre. Để đến với Đức Mẹ La Mã Bến Tre, đoàn xe của Chủng Viện phải vượt chặng đường khá xa cũng như khúc khuỷa. Thế nhưng, lòng nhiệt thành đã không còn trở ngại dù đường xa như thế.

Xem Hình

9 giờ hơn một chút, đoàn xe Chủng Viện Thánh Quý đã cán mức đến tại mảnh đất thiêng La Mã Bến Tre.

Sau khi nghỉ ngơi đôi chút, quý Thầy lại quỳ trước Nhan Thánh Mẹ là Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre.

10 g 30, cộng đoàn cùng bước vào Thánh Lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Chủ tế Thánh Lễ hôm nay là Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – vị chủ chăn rất thân thương của Giáo Phận nhỏ bé miền tây sông nước Vĩnh Long. Cùng đồng tế với Đức Cha có Cha Carôlô Hồ Đặc Xái – Giám Đốc Chủng Viện Thánh Quý, Quý Cha trong Ban Giám Đốc, quý Cha giáo. Và đặc biệt, có Cha Đặc trách Trung Tâm Hành Hương La Mã Đaminh Nguyễn Hữu Trung và Cha Micae Nguyễn Công Đức phụ tá Cha Đaminh.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Đức Cha Phêrô ngỏ vài lời cũng như ý nghĩa của Thánh Lễ hôm nay. Đức Cha ngỏ lời chào đón quý Cha quý Thầy Đại Chủng Viện Thánh Quý đã đến với Trung Tâm Hành Hương La Mã Bến Tre của giáo phận Vĩnh Long.

Trong bài chia sẻ (https://youtu.be/B98aghuaLOY), Cha Giám Đốc Chủng Viện Carôlô Hồ Đặc Xái mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lên Linh Ảnh Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp La Mã. .. Cha Carôlô mời gọi cộng đoàn cùng suy nghĩ về tình thương của Mẹ, Mẹ vẫn ở bên con cái của mình để ban ơn lành hồn xác. .. Để kết, Cha Carôlô mời gọi cộng đoàn khi nhìn lên Mẹ có một sức mạnh. Như La Vang, Tà Pao. .. Fatima, Lộ Đức, Mễ Du. .. Đức Mẹ hiện ra nhiều và làm phép lạ nhiều hơn cả Chúa vì Mẹ là Mẹ và lòng Mẹ dịu ngọt. Đức Mẹ làm mẹ nên Đức Mẹ gần Chúa Mẹ sẽ cầu bầu cho chúng ta. Chúa Giêsu muốn như vậy đó. Như tiệc cưới Cana. Đức Mẹ tin con mình sẽ làm phép lạ. .. Hôm nay chúng ta đến với Mẹ và nhờ Mẹ dẫn đến Chúa. ..

Trước khi nhận phép Lành Cuối Lễ, Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung – Quản Nhiệm Trung Tâm Hành Hương La Mã Bến Tre – ngỏ lời cảm ơn Đức Cha, quý Cha và cộng đoàn. Cha Đaminh xin Chúa ban muôn ơn lành đến trên cộng đoàn. Xin Quý Cha, cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho chúng con.

Thánh Lễ Mẹ là Mẹ Thiên Chúa khép lại với phép lành trọng thể từ tay Đức Cha. Với phép lành từ tay Đức Cha nhân dịp đầu năm mới Dương Lịch và nhất là ơn lành của Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre, mọi người sẽ an tâm bước vào năm mới cùng với Mẹ và trong tay Mẹ.
 
Giáo phận Vĩnh Long : Thánh lễ phong chức Phó Tế
Người Giồng Trôm
10:09 03/01/2017
GIÁO PHẬN VĨNH LONG: THÁNH LỄ PHONG CHỨC PHÓ TẾ

Hôm nay, 3 tháng 1 năm 2017, niềm vui của những ngày đầu năm mới của Giáo Phận Vĩnh Long được kéo dài bằng Thánh Lễ phong chức phó tế cho quý Thầy Đại Chủng Viện Thánh Quý. Sau những năm tháng tu học cũng như giúp xứ, 9 thầy được gọi lên hàng phó tế trong Thánh Lễ truyền chức hôm nay.

Xem Hình

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Matthêu Lê Tấn Thụy ngỏ đôi lời cùng cộng đoàn: “...Quý Thầy trở nên những người phục vụ Chúa và Hội Thánh cách tích cực hơn. Bởi nhiệm vụ của mình, quý Thầy sẽ là phụ tá chính thức trên bàn thờ, chia sẻ nhiệm vụ Lời Chúa và nhiều công việc khác theo Giáo Luật quy định. Chúng ta thành tâm tín thác lên danh thánh Chúa Giêsu. Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ người khác. Nguyện xin ơn Chúa xuống trên quý Thầy để quý Thầy xứng đáng và chu toàn thật tốt nhiệm vụ Giáo Hội ủy thác. Xin Chúa ban cho quý Thầy ơn trung tín và tìm gặp niềm hạnh phúc lâu dài trên con đường phục vụ. Giờ đây kính mời cộng đoàn hướng về cuối Nhà Thờ để đón quý Thầy và đoàn đồng tế”.

9 g 30 đoàn đồng tế cất bước tiến lên Cung Thánh. Chủ tế Thánh Lễ phong chức phó tế hôm nay là Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long. Cùng đồng tế với Đức Cha Phêrô có Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Đức Viện Phụ Đan Viện Phụ Phêrô Trần Như Hảo – Đan Viện Xitô Phước Vĩnh cùng quý Cha trong và ngoài Giáo Phận.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn cùng chiêm ngắm Mẹ Maria đã thực hiện Lời của Thiên Thần đặt tên cho con trẻ - tên mà chính Thiên Chúa đã chọn: Giêsu nghĩa là Thiên Chúa Cứu Độ. Mẹ Maria và Thánh Giuse đã cưu mang Đấng Cứu Độ, ân sủng, lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ Maria và Thánh Giuse biết ân sủng, lòng thương xót của Chúa biểu lộ trong cảnh nghèo nàn, trong niềm hy vọng của Đấng Thiên Sai. Tên Giêsu là tên của con Thiên Chúa làm người. Chúa Giêsu là ân sủng Thiên Chúa ban cho con người để cứu con người. Chúa Giêsu là Sự Sống. Chúng ta biết chào đón Người như nhà giáo dục. Ngài giáo dục chúng ta, dạy dỗ chúng ta cách nhìn về Chúa Cha, về Con Người là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài giáo dục chúng ta như đồng hành với hai môn đệ làng Emmau. Ngày hôm nay, tên Giêsu cũng là tên chúng ta và cho chúng ta. Trong năm mới này chúng ta phải tự hỏi chúng ta phải làm gì với cái tên mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta có khao khát làm cho danh xưng Phó tế hay Kitô hữu hay chúng ta làm ô danh đó.

Kế đến, Đức Cha chia sẻ với quý Thầy về việc phục vụ anh chị em cách vô vị lợi, tham gia vào việc loan báo Tin Mừng và cử hành bí tích Rửa Tội. Làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong cộng đoàn và cho người khác. .. và rồi người loan báo Tin Mừng phải từ bỏ, từ bỏ mọi ham muốn có thể cản trở con đường loan báo Tin Mừng. .. Các con hãy sống tinh thần mà Thánh Phaolô mời gọi là sống công chính và đạo đức ở thế gian này.

Để kết, Đức Cha mời gọi mọi người có danh xưng làm Kitô hữu, phó tế. .. sống sao trở thành thành phần tốt của Chúa ở trần gian này.

Sau bài chia sẻ, Cha Giuse Lê Công Luận – Đặc trách Chủng Sinh Giáo phận Vĩnh Long – giới thiệu các ứng sinh lãnh chức phó tế với Đức Giám Mục Giáo Phận:

Phêrô Ngô Phước Lành

Phêrô Trần Tuấn Hải

Phêrô Nguyễn Cao Bằng

Tađêô Nguyễn Hoàng Thứ

Phaolô Nguyễn Duy Tân

Giacôbê Trương Minh Thi

Giuse Trương Hoàng Phủ

Philipphê Nguyễn Duy Khánh

G.B. Phạm Quang Vinh

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đại diện cho quý Thầy lãnh chức phó tế hôm nay - Thầy phó tế Giacôbê Trương Minh Thi – đại diện cho quý tân chức ngỏ lời cảm ơn Đức Cha, Đức Ông, Đức Viện Phụ, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn.

Những tấm hình ghi dấu ngày hồng ân được ghi lại như ghi dấu hồng ân Thiên Chúa ban cho quý Thầy và gia đình cũng như Giáo Phận nhỏ bé Vĩnh Long.

Nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành cũng như gìn giữ quý Thầy phó tế trong bàn tay của Chúa. Xin Chúa gìn giữ quý Thầy trên mọi nẻo đường đời.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vẫn cứ mị dân
Phạm Trần
11:11 03/01/2017
VẪN CỨ MỊ DÂN

Một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 24/10/2016 đã kiêu ngạo và trơ trẽn viết rằng:“Không có lực lượng chính trị nào có đủ lương tâm, trí tuệ và sức mạnh hơn Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện chế độ xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, nhưng đất nước tan hoang và lòng dân ly tán như ngày nay cũng bởi đảng Cộng sản mà ra.

Nghịch lý này đã chứng minh khi có những người Việt Nam vì lầm đường lạc lối đi theo Cộng sản như cựu tổng biên tập báo Lao Động (1989 - 1994), Tống Văn Công mà phải rút hết tâm can để viết tập Hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh – Từ theo cộng đến chống cộng” ( Nhà xuất bản Người Việt, California, USA, tháng 10- 2016).

Hay như ông Trương Như Tảng, bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) vì quá thất vọng với chế độ Cộng sản sau 1975, đã phải vượt biển đào thoát trên một chiếc thuyền vào tháng 8 năm 1978.

Sau khi định cư tại Pháp, ông Tảng viết hồi ký bằng tiếng Pháp để nói về nỗi cay đắng của những người miền Nam theo Cộng sản. Cuốn sách mang tên “Mémoire d'un Vietcong”, bản dịch Tiếng Anh là “A Vietcong Memoir”, tiếng Việt là "Hồi Ký của một Việt Cộng", viết chung với David Chanoff và Đoàn văn Toại

Robert Manning, chủ bút nhà xuất bản Boston viết rằng “cuốn sách này viết về cái chết của một ước mơ, ước mơ tới một nước Việt Nam độc lập, hòa bình và dân chủ”. (theo Bách khoa toàn thư mở)

Nhưng không cần phải đợi đến sau ngày đất nước thống nhất dưới gông cùm Cộng sản năm 1975 thì những trí thức miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 mới nhìn ra bộ mặt thật của đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác giả “Đường Đi Không Đến”, nhà văn Xuân Vũ là một tỷ dụ. Ông tên thật là Bùi Quang Triết, sinh quán tại làng Minh Đức, Quận Mỏ Cày, Bến Tre, ngày 19.3.1930. Ông cùng nhiều trí thức miền Nam đi kháng chiến chống Pháp rồi tập kết ra Bắc theo lời dụ dỗ của Cộng sản. Nhưng sau khi được gửi trở lại miền Nam ông đã ra hồi chánh với chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi quân Cộng sản mở cuộc tấn công tàn sát dân lành miến Nam trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Ông Xuân Vũ mất tại San Antonio, Texas ngày 1/1/2004.

Cũng chẳng phải vô lý mà Trung tướng Cộng sản Trần Độ (tên thật là Tạ Ngọc Phách ) đã viết:” … Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội chưa tốt đẹp, còn nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, của một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ…” (Trích “Nhật ký Rồng rắn” của Trung Tướng Trần Độ)

Sách này ra đời ở Việt Nam trước khi ông mất vào năm 2002, nhưng đã bị công an VN tịch thu. Rất may là Tập bản thảo đã được những nhà đối kháng lưu trữ và phổ biến rộng rãi.

Với những nhân chứng từng đứng trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản đã bỏ hàng ngũ và còn không tiếc lời phê phán chế độ như thế thì chính quyền này có vẻ vang gì mà khoe khoang ?

TRƯƠNG TẤN SANG-TRẦN ĐẠI QUANG

Do đó, cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi thấy nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải viết trên báo Tuổi Trẻ rằng:”Ngày hôm nay, từ góc nhìn mạnh, yếu, suy vong của các triều đại trong lịch sử thì những hiểm họa, những tiêu cực đang phát sinh trong nội tại đất nước khiến cho những đảng viên cộng sản trung kiên, các bà mẹ đã cống hiến những người con cho Tổ quốc, những gia đình đã chịu nhiều hi sinh mất mát

không thể yên lòng.” (báo Tuổi Trẻ, 02.09.2016)

Ông Sang dẫn chứng:”Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí 112 trong số 168 quốc gia về chỉ số cảm nhận mức độ tham nhũng theo khảo sát của Tổ chức Minh bạch quốc tế; còn người dân thì có gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực, theo báo cáo của Ủy ban

Kinh tế Quốc hội năm 2012.

Trong khi đó, nợ công đang ở mức trên 58% GDP (số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố tháng 8-2016), tức là mỗi người dân đang phải chịu khoản nợ 1.000 USD. Năng suất lao động thấp, làm không đủ để trả nợ, đất nước đang phải đi vay nợ để trả nợ.”

Ông Trương Tấn Sang còn nói thẳng:”Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự câu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.”

Như thế thì làm sao mà diệt được 2 kẻ nội thù “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên đảng sợ chế độ tan cũng là điều dễ hiểu?

Nhưng nguyên nhân sâu thẳm của tình trạng cán bộ đàng viên bị chao đảo, hoang mang và mất định hướng vì ngày nay tuyên truyền giả dối của cán bộ Tuyên giáo không còn đánh lừa được ai nữa. Trước mắt nhân dân, nhà nước đã để lộ ra chính sách lựa chọn cán bộ chỉ biết dựa theo bè phái và dành ưu tiên những vị rí ngồi mát ăn bát vàng cho đám con ông cháu cha (hậu duệ) , sau đó là phải quen biết (quan hệ), rồi phải đút lót để được thu dụng (tiền tệ) trước khi xét đến khả năng chuyên môn và trình độ học vấn (trí tuệ).

Bê bối như thế mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn có thế nói huyên thuyên vòng ngoài không dám đụng vào các “lãnh đạo cây đa, cây đề”. Ông bảo :”Tham nhũng là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đảng, Nhà nước ta đã xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đầy cam go.” (Trích bài phỏng vấn cuối năm của nhà nước phổ biến trên các báo, 31/12/2016)

Nhưng khi dân và báo chí dám khui ra tham nhũng thì các cơ quan nhà nước, đảng và Quốc hội lại im như thóc ngâm hay không tình ra được mống tham nhũng nào ngay trong nội bộ của mình !

AI TỰ DIỄN BIẾN-TỰ CHUYỂN HÓA ?

Khi được yêu cầu bàn về tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng, ông Quang chỉ biết nói những điều dân đã nghe mòn tai từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Quang cho rằng:”Yêu cầu đặt ra đối với công tác này là phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, đấu tranh là để tự hoàn thiện mình ngày càng trong sạch, vững mạnh, phòng ngừa, triệt tiêu cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Kẻ thù không bao giờ mong muốn chúng ta mạnh. Chúng luôn có nhiều âm mưu thâm độc, thủ đoạn xảo quyệt hòng chuyển hóa chế độ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Mục tiêu của “diễn biến hòa bình” chính là thúc đẩy những người cộng sản “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng chúng có thực hiện được hay không là tùy thuộc ở chúng ta. Nếu chúng ta xây dựng được nội bộ trong sạch, vững mạnh thì kẻ thù không thể làm gì được.”

Ô hay, ông Quang lại đổ quanh cho “kẻ thù” giả tưởng mà quên mất thất bại của đảng trong công tác này đã có từ khóa đảng VIII thời Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí Thư cho đến khóa đảng XII (2016), tổng cộng trên 20 năm.

Còn chuện ông bào “Nếu chúng ta xây dựng được nội bộ trong sạch, vững mạnh…” thì ai mà không “nếu” được ?

BỎ BÁC- BỎ LUÔN CẢ MÁC-LÊNIN

Nhưng khi hô hào phản bác lại những bài viết chỉ trích đảng mà Ban Tuyên giáo gán cho “các thế lực thù địch” thì báo đài nhà nước và lãnh đạo đảng lại lờ đi không nhìn nhận đảng viên đã chán Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tường Cộng sản Hồ Chí Minh đến tận mang tai.

Trong một loạt phỏng vấn tìm nguyên nhân “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đài Tiếng Nói Việt Nam (Voice of Vietnam, VOV), kể từ ngày 5-11-2016, Phó Giáo sư-Tiến sỹ (PGS. TS) Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nói :”Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động kém hiệu quả. Có biểu hiện xem nhẹ giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xem nhẹ giáo dục đạo đức cách mạng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp. “Cùng với đó, công tác quản lý cán bộ, đảng viên bị buông lỏng. Bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập, để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người đảng viên”.

Tiến sỹ S Nguyễn Đình Hòa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thì bảo: “Thái độ xem nhẹ việc trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, chưa nghiêm túc thực hiện phê và tự phê bình… khiến không ít cán bộ, đảng viên sa ngã trước những cám dỗ đời thường”. Sự không chiến thắng, không vượt qua nổi cái “tôi” nhỏ bé để thành nô lệ của những ham muốn cá nhân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vừa là nguồn gốc sâu xa, vừa là sự tiếp tay dẫn đến những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, mất đoàn kết… Chủ nghĩa cá nhân là một trong những nguy cơ tiềm ẩn, thường xuyên bởi nó núp ngay trong bản thân mỗi con người”

Giáo sư Hoàng Chí Bảo- nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương không ngần ngại nói thẳng:”Tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ hiện nay có thể nói đã đến mức nghiêm trọng, không còn là cá biệt.”

Ông Bảo diễn nghĩa thêm:”Tự diễn biến tức là sự yếu kém của mỗi người không có khả năng để tự bảo vệ chân lý, lẽ phải, những vấn đề lý luận quan trọng nằm trong ý thức hệ của dân tộc, của Đảng. Nói cụ thể hơn là bảo vệ chủ nghĩa Mac-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng như thế nào trong công cuộc đổi mới, hay giao động về lập trường tư tưởng, vào hùa một cách vô ý thức, thậm chí có những suy tính cá nhân, cơ hội, vụ lợi. Vô hình chung tiếp tay cho kẻ thù, các thế lực chống đối để chúng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tấn công vào sự nghiệp đổi mới của chúng ta hiện nay. Nguy hại hơn là làm mất đoàn kết, gây nên tình trạng không thống nhất về tư tưởng, quan điểm, dẫn đến không thống nhất về hành động, làm suy yếu Đảng từ tư tưởng đến tổ chức.”

Nhưng tại sao đảng viên ngày nay lại chán Mác và bỏ luôn cả Bác ? Vì trong thời đại hội nhập toàn cầu và thông tin điện tử phủ sóng không gian, nhiều người Công sản Việt Nam đã biết mở mắt và thông thái hơn lãnh đạo. Họ biết Chủ nghĩa Cộng sản là thứ bệnh dịch cả nhân loại không muốn bị lây nhiễm. Thế mà tại sao ở Việt Nam, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng lại vẫn u mê bắt đảng viên phải tuyệt đối trung thành và kiên định cho vừa lòng Trung Quốc ?

Nhưng Đảng viên có thèm “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đâu. Khi ông Hồ còn sống đảng cũng không kiểm soát được đội ngũ lãnh đạo chỉ thích nói nhiều làm ít.

Ngày nay, sau 48 năm kể từ khi ông Hồ qua đời (năm 1969), có lãnh đạo nào đã công khai bản kê khai tài sản cho dân kiểm soát chưa ? Ngay cả những cán bộ trung bình mà có nhà lầu, xe ô tô, đất đai dàn trải và còn dư tiền gửi con ra nước ngoài ăn học thì đảng ngồi trơ ra đấy để làm gì, hay học Bác có ích gì không ?

Thế cho nên khi những cái loa Tuyên giáo chỉ biết thi đua ca tụng đảng đã “tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (*) khi ban hành Nghị quyết Trung ương 4 là họ chưa hết mị dân .

Phạm Trần

(01/017)

(*) báo Quân đội Nhân dân, 26/12/2016
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người giáo dân và cuộc tranh luận quanh việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ
Vũ Văn An
00:51 03/01/2017
Với việc công khai hóa bức thư của 4 vị Hồng Y gửi Đức Phanxicô để bày tỏ 5 điều hoài nghi về Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Niềm Vui Yêu Thương và các “đe dọa” sẽ chính thức “sửa sai huynh đệ” hoặc có thể tước mũ Hồng Y, nhiều người cho rằng Giáo Hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng thực sự. Và cuộc khủng hoảng này không thua gì cuộc khủng hoảng Ariô thế kỷ thứ tư.

Và cũng như cuộc khủng hoảng Ariô, vai trò của người giáo dân lại được trân trọng nhắc đến. Một vị giám mục (Đức Cha Schneider) còn công khai viết rằng: Thiên Chúa cần ‘người tín hữu tầm thường’để bảo vệ đức tin trong thời khủng hoảng này!

Bỏ qua một bên tính cách khủng hoảng nói trên, trong cuộc bàn luận quanh chương 8 của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, nhất là mục nói về viễn ảnh những người Công Giáo ly dị và tái hôn có thể được rước lễ dù không sống như anh trai em gái mà vẫn sống như thể vợ chồng, người giáo dân tham dự có khi đông đảo hơn cả các vị chức sắc trong Giáo Hội, và đại đa số họ đứng về phía “bảo vệ truyền thống” chống lại khuynh hướng bị họ coi là lỏng lẻo của Niềm Vui Yêu Thương, ngoại trừ một ít người như giáo sư Buttinglione và tác giả Austen Ivereigh hết lòng bênh vực Đức Phanxicô và lối giải thích tông huấn dường như đi ngược lại giáo lý truyền thống.

Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy các đóng góp của một số giáo dân nổi tiếng trên thế giới vào cuộc bàn luận sôi nổi hiện nay.

I. Phe chỉ trích

Tạm xếp vào loại chỉ trích các nhận định có tính giải thích Niềm Tin Yêu Thương theo chiều hướng nó không thay đổi truyền thống giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, nhất là tính bất khả tiêu của nó qua việc ngăn cấm người Công Giáo ly dị tái hôn rước lễ.

1. Niềm Vui Yêu Thương không thay đổi giáo luật: người ly dị tái hôn không được rước lễ

Ngay khi Niềm Vui Yêu Thương được công bố, Edward N. Peters, một giáo dân phục vụ tại Tối Cao Pháp Viện của Tòa Thánh trong tư cách thẩm trình viên (referendary), đã nhận định ngay rằng: Niềm Vui Yêu Thương “không phải là một văn kiện lập pháp, nó không chứa đựng ngôn ngữ có tính lập pháp hay giải thích chân chính nào, và nó không thảo luận điều 915 của Giáo Luật”. Nên điều giáo luật này không thay đổi: các người Công Giáo trong các cuộc hôn nhân bất hợp lệ không nên rước lễ”.

Trong bài “The law before ‘Amoris’ is the law after” (Luật trước khi có ‘Amoris’ vẫn là luật sau đó), Peters bàn về điều 915 Bộ Giáo Luật, tức điều dạy rằng các thừa tác viên Thánh Thể không được cho rước lễ những người “cố chấp sống trong một tội nặng công khai”. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2384, dạy rằng cuộc tái hôn dân sự sau khi ly dị là “tội ngoại tình công khai và thường xuyên” nghĩa là một tội nặng hiển nhiên. Thành thử, nếu Đức Phanxicô muốn cho phép người ly dị tái hôn rước lễ, hẳn ngài phải thay đổi điều luật này.

Muốn thay đổi như thế, theo Peters, các vị giáo hoàng thường sử dụng một số loại văn kiện như tông hiến, tự sắc hoặc ít nhất một số loại ngôn từ như “tôi chỉ thị” hoặc “tôi chấp thuận in forma specifica (dưới hình thức đặc biệt)”. Niềm Vui Yêu Thương không thuộc loại này và không bàn chi tới điều giáo luật 915. Kết luận là: bất cứ điều 915 dạy gì trước khi có Niềm Vui Yêu Thương, nó vẫn dậy như vậy sau đó, bao gồm việc: người Công Giáo sống trong các cuộc hôn nhân bất hợp lệ không được rước lễ.

Đi vào chi tiết hơn, Peters đề cập tới ba vấn đề của Niềm Vui Yêu Thương:

a. Đức Phanxicô viết rằng “mỗi nước hay miền có thể tìm các giải pháp thích hợp với văn hóa của mình hay nhậy cảm với truyền thống và nhu cầu địa phương của mình” (NVYT số 3, và các số 199, 207). Nhưng sáng kiến địa phương không thể làm biến chất, huống hồ là phản bội giáo huấn phổ quát của Chúa Kitô và Giáo Hội.



b. Trong NVYT số 301, Đức Phanxicô viết: “Thành thử không được đơn giản nói rằng tất cả những ai sống trong bất cứ hoàn cảnh ‘bất hợp lệ’ nào cũng đều sống trong tình trạng tội trọng cả và do đó không có ơn thánh hóa”. Xem ra Đức Phanxicô muốn tấn công ý niệm cho rằng hoàn cảnh bất hợp lệ do cuộc tái hôn dân sự sau khi ly dị là một tội trọng.

Peters cho rằng quả là sai lầm khi quả quyết rằng mọi người sống trong hoàn cảnh bất hợp lệ đều sống trong tội trọng. Nhưng nếu bảo rằng ta không thể quả quyết nữa rằng một cá nhân nào đó đang sống trong cuộc kết hợp bất hợp lệ có thể “đang sống trong tình trạng tội trọng”, thì điều này rõ ràng đi ngược lại truyền thống của Giáo Hội.

c. Một số người đọc lời của Đức Phanxicô theo lối nhận vơ (eisegetical), bằng cách nghĩ rằng ghi chú số 351 trong NVYT và đoạn văn đi kèm cho phép người ly dị tái hôn rước lễ. Thực ra, Đức Phanxicô chỉ nói tới việc những cuộc kết hợp bất hợp lệ cần sự giúp đỡ của các bí tích, nhưng ngài không nói: mọi bí tích, và nhất là các bí tích họ không có tư cách lãnh nhận. Đã đành ngài bảo: tòa giải tội không phải là phòng tra tấn và Thánh Thể không phải là phần thưởng dành cho người hoàn hảo, mà là thuốc tiêng liêng, điều này đúng, chỉ trừ khi được lãnh nhận cách bất xứng hay lỗi luật, điều mà người Công Giáo nào cũng cần phải giả thuyết và vị giáo hoàng nào cũng thấy dù không nói ra.

Nhận định sau cùng của Peters hình như không hẳn là tâm thức của Đức Phanxicô, vì sau này, ngài khen các giám mục Buenos Aires đã giải thích đúng khi cho rằng có những trường hợp người ly dị tái hôn được rước lễ.

2. Văn kiện của Đức Phanxicô có thể dẫn tới ly giáo

Cũng trong tháng Tư, một giáo dân nổi danh khác là Robert Spaemann, một trong các triết gia Công Giáo hàng đầu người Đức, người từng được Đức Gioan Phaolô II tin dùng và là bạn thân của Đức Bênêđíctô XVI, lên tiếng cho rằng Rước Lễ là một vấn đề ‘có hay không’ (yes or no question) và văn kiện của Đức Phanxicô mâu thuẫn với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội và có thể dẫn tới ly giáo.

Ông nói rõ hơn khi cho rằng phần lớn NVYT phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, nhưng một số tiết có thể bị đọc cách khác. Theo ông, số 305 cùng với ghi chú 351 kèm theo, “trực tiếp mâu thuẫn với số 84 tông huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolô II”.

Số 305 này nói tới các người sống trong các hoàn cảnh “bất hợp lệ”, tức những người ly dị tái hôn. Đức Phanxicô viết ở đó rằng “vì nhiều hình thức điều kiện hóa và nhiều nhân tố giảm khinh, có thể có việc này: trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không thể qui tội một cách chủ quan, hoặc qui tội hoàn toàn như thế, một người nào đó vẫn có thể đang sống trong ơn thánh của Thiên Chúa, có thể yêu thương và cũng có thể lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận ơn phù giúp của Thiên Chúa để đạt cùng đích này”.

Ghi chú 351 viết thêm: “Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự giúp đỡ của các bí tích. Do đó, ‘tôi muốn nhắc nhở các linh mục rằng tòa giải tội không được trở thành phòng tra tấn, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Thiên Chúa’ (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng [24 tháng Mười Một, 2013], số 44: AAS 105 [2013], 1038). Tôi cũng muốn chỉ rõ rằng Thánh Thể ‘không phải là phần thưởng cho người hoàn hảo, nhưng là thuốc chữa mạnh mẽ và là của dưỡng nuôi người yếu đuối’”.

Tông Huấn Familiaris Consortio năm 1984 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng những người ly dị tái hôn không nên rước lễ trừ khi họ sống “tiết dục hoàn toàn”. Tông Huấn dạy rằng điều này dựa vào truyền thống bắt nguồn từ Thánh Kinh: “Giáo Hội tái khẳng định thực hành của mình không cho phép các người ly dị tái hôn được rước lễ, một thực hành vốn dựa vào Thánh Kinh”.

Spaemann cho rằng: “Ta không thể chờ mong việc người ta thưởng thức một bản văn tươi đẹp mà quên mất những đoạn văn chủ yếu có tính thay đổi giáo huấn của Giáo Hội trong một văn kiện giáo hoàng. Thực sự chỉ có một quyết định rõ ràng là có hay không. Cho rước lễ hay không cho rước lễ, không có chủ trương nào ở giữa cả”.

Theo Spaemann, cánh cửa đã đóng đối với việc lãnh nhận các bí tích của những người tiếp tục sống trong các liên hệ tình dục, vì việc này “mâu thuẫn một cách khách quan đối với trật tự sống của Kitô Giáo”.

Ông bảo NVYT chịu ảnh hưởng của nền đạo đức hoàn cảnh vốn bị Đức Gioan Phaolô II kết án trong thông điệp Veritatis Splendor. Ông tiên đoán rằng sẽ có “bất trắc và hồ đồ” ở mọi bình diện của Giáo Hội, “từ các hội đồng giám mục tới vị linh mục bé nhỏ ở rừng sâu” và tình trạng này có thể dẫn tới ly giáo “ở ngay trái tim của Giáo Hội”. Ông nói thêm: mục tiêu chiếm được lòng người của Đức Phanxicô đã bị đánh chìm bởi văn kiện này trong một “thời gian có thể tiên đoán được”.

Sau khi có việc công bố lá thư của bốn vị Hồng Y, Spaemann len tiếng ủng hộ các vị này, cho rằng các vị đã đi đúng đường và mong muốn nhiều người tham gia hàng ngũ của các ngài.

Theo ông, Đức Đương Kim Giáo Hoàng vốn không thích đưa ra các “quyết định đòi phải nói có hay không”. Nhưng Chúa Kitô thường làm “cho các tông đồ kinh ngạc bằng tính đơn giản và sáng sủa của tín điều”.

Kỳ sau: 3. Song hành giữa lạc giáo Ariô và Niềm Vui Yêu Thương
 
Người giáo dân và cuộc tranh luận quanh việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ (2)
Vũ Văn An
20:40 03/01/2017
3. Song hành giữa lạc giáo Ariô và Niềm Vui Yêu Thương

Cũng ngay trong tháng Tư, Claudio Pierantoni, một giáo dân giáo sư từng dạy môn sử Giáo Hội và giáo phụ học tại Pontificia Universidad Católica và hiện dạy môn triết học trung cổ tại Universidad của Chile, lên tiếng so sánh giữa cuộc khủng hoảng Ariô và tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, qua hai kiểu nói mơ hồ “giống như Chúa Cha” (Ariô) và “trong một số trường hợp” của ghi chú 351 trong Niềm Vui Yêu Thương. Cả hai đều phát xuất từ cùng một ý hướng: cố tình mơ hồ.

Hồi ấy, phe Ariô cố tình không muốn minh nhiên chủ trương rằng Chúa Con kém Chúa Cha, nên họ đã dùng kiểu nói “giống như Chúa Cha” để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu nhưng chắc chắn có hàm một mức độ “bề dưới”.

Pierantoni cho rằng chương 8 của Niềm Vui Yêu Thương cũng đã áp dụng cùng một chiến thuật khi dùng kiểu nói “trong một số trường hợp” những người trong các tình huống gọi là “bất hợp lệ” có thể được “sự trợ giúp của các bí tích”. Ông tự hỏi, đây là những trường hợp nào? Và ông đưa ra 4 giả thuyết để lần lượt bác bỏ:

a. Theo nguyên tắc của lối giải thích liên tục (hermeneutic of continuity), kiểu nói “trong một số trường hợp” cần được giải thích như để nói tới các trường hợp chuyên biệt đã được nhắc tới trong các văn kiện hiện đã có của Huấn Quyền, như "Familiaris consortio" (FC), là văn kiện quả quyết rằng có thể ban việc giải tội và rước lễ cho những người đang sống chung với nhau nhưng đoan hứa sẽ sống chung với nhau như anh trai em gái.

Lối giải thích trên dựa trên một nguyên tắc giải thích căn bản, xem ra không thể bác bỏ được; nhưng chẳng may, nó mâu thuẫn với ghi chú số 329, là ghi chú minh nhiên quả quyết rằng tác phong này (tức việc sống chung như anh trai em gái) có thể gây hại và do đó, nên tránh.

b. “Trong một số trường hợp” có thể được giải thích theo một nghĩa rộng hơn, để chỉ việc chủ quan biết chắc tính vô hiệu của cuộc hôn nhân trước, với gải thuyết cho rằng, vì nhiều lý do riêng biệt, không thể chứng minh điều này trước tòa án.
Trong những trường hợp như trên, rất có thể có việc này: ở cõi sâu kín của lương tâm, người ta cảm thấy không có lỗi gì trong cuộc kết hợp mới cả: Về phương diện học lý luân lý, việc này có thể được coi là phù hợp với Familiaris Consortio. Nhưng vẫn còn một khác biệt nền tảng về phương diện Giáo Hội học: Thánh Thể là một hành vi bí tích, công cộng, trong đó, người ta không thể xem xét một thực tại vốn tự tại vô hình và không thể kiểm chứng cách công khai được.

c. “Trong một số trường hợp” cũng có thể giải thích một cách rộng rãi hơn nữa để chỉ trách nhiệm chủ quan giảm khinh hoặc thậm chí triệt tiêu nữa, vì ngu dốt không biết luật, thiếu khả năng thấu hiểu luật hoặc “sức mạnh lấn át” (force majeure) mà trong những hoàn cảnh đặc biệt, mạnh đến nỗi “buộc” người ta phải sống chung “more uxorio” (kiểu vợ chồng), một việc do đó, không còn tạo ra tội trọng nữa; thực vậy, theo văn kiện, việc bỏ không sống chung nữa có thể tạo ra một lỗi nặng hơn.

Ở đây, ta gặp các vấn đề còn trầm trọng hơn nữa về thần học luân lý. Ngu dốt và thiếu khả năng hiểu biết quả thực có khả năng giới hạn trách nhiệm bản thân: ấy thế nhưng nại đến chúng trong trường hợp này là điều phi lý, chưa kể là mâu thuẫn nữa. Vì văn kiện vốn nhấn mạnh tới một diễn trình và việc biện phân có hướng dẫn. Các diễn trình này hẳn phải chuyên biệt thiết kế sao đó để khắc phục sự ngu dốt và thiếu khả năng hiểu luật lệ.

Còn về “sức mạnh lấn áp”, chắc chắn sẽ không hiển nhiên, mà còn mâu thuẫn với toàn bộ thánh truyền, và các tuyên bố có tính tín điều chính yếu khi cho rằng nó có thể biện minh cho việc thất bại, không tuân theo luật Thiên Chúa. Đã đành ta không nên tiên thiên loại bỏ điều này: có những hoàn cảnh đặc biệt trong đó tình huống có thể thay đổi hình sắc luân lý (moral species) của một hành vi mà bề ngoài xem ra vẫn là một, thậm chí một cách có ý thức và ý hướng: thí dụ, hành vi rời một đồ vật khỏi một ai đó có thể được giải thích không phải là một việc ăn cắp, mà là một việc giúp người này trong một vụ cấp cứu, hay như một hành vi ngăn ngừa một điều xấu hơn. Tuy nhiên, dù cho rằng điều này có thể áp dụng vào việc ngoại tình, ngăn trở dứt khoát đối với việc biện minh kiểu này là đặc điểm vĩnh viễn của tác phong tiêu cực khách quan, một tác phong dù có thể biện minh được trong một khoảnh khắc đặc biệt nào đó, vẫn không thể biện minh trong một tình huống ổn định, được chọn lựa một cách hữu thức.

Dù sao, tính thành sự vẫn luôn cần được tôn trọng, như trong trường hợp nguyên tắc Giáo Hội học đã nói trước đây rằng dưới bất cứ hoàn cảnh nào, một điều, từ bản chất của nó, vốn thuộc cõi sâu nhiệm của lương tâm, cũng không thể trở thành hữu hình một cách ma thuật ở bình diện công cộng được.

d. Theo một nghĩa rộng rãi nhất, “trong một số trường hợp” có thể mở rộng để bao gồm mọi trường hợp có thật, cụ thể và thường xuyên mà một cách tổng quát ta vẫn có trong đầu, trong đó có một cuộc hôn nhân không có hạnh phúc, thất bại do hàng loạt các hiểu lầm và bất tương hợp và sau đó là một cuộc sống chung hạnh phúc ổn định với thời gian, trung thành hỗ tương v.v… (xem NVYT số 298).

Trong những trường hợp như trên, xem ra kết quả thực tế, đặc biệt là khoảng thời gian kéo dài và hạnh phúc của cuộc kết hợp mới so với thời gian vắn vỏi và/hoặc sự bất hạnh của cuộc kết hợp trước, đã được giải thích như một thứ xác nhận tính tốt lành, và do đó, tính hợp pháp của cuộc kết hợp mới: trong đồng văn này (NVYT số 298), không hề có bóng dáng nào của việc xem xét tới tính thành sự của cuộc hôn nhân trước, việc thiếu khả năng hiểu biết hay “sức mạnh lấn át”. Thực vậy, ở số 300, khi nói phải xem xét tới việc biện phân trong các trường hợp này, người ta lại càng thấy rõ hơn: các vấn đề được thảo luận trong việc xét lương tâm và sự ăn năn liên hệ không là gì khác hơn là tác phong tốt hay xấu trước cuộc hôn nhân không thành công và thành quả tốt của cuộc kết hợp mới.

Điều cũng rõ là “sự ăn năn”, hết sức có liên hệ ở đây, không hề liên quan tới cuộc kết hợp mới, mà liên hệ tới a) tác phong trong cuộc khủng hoảng trước đây, b) các hậu quả của cuộc kết hợp mới đối với gia đình và cộng đồng.

Bởi thế, điều hiển nhiên là văn kiện có ý hướng muốn vượt quá các trường hợp trong đó có sự chủ quan chắc chắn về tính bất thành sự của cuộc hôn nhân trước, ngu dốt, thiếu hiểu biết, “sức mạnh lấn át” hay bất lực cho rằng mình không thể tuân theo lề luật được.

Thành thử, nay ta thấy rõ: điểm chuẩn có giá rị để phán định tính “hợp pháp” của cuộc kết hợp mới chung cục chỉ là sự thành công thực tế và hạnh phúc trông thấy của nó, ngược với việc thiếu thành công và bất hạnh của cuộc hôn nhân trước: “tính hợp pháp” giả định này hiển nhiên là điều kiện tiên quyết để được lãnh nhận ơn tha tội và Thánh Thể. Hậu quả không thể tránh được là cuộc hôn nhân trước nay bị coi một cách mặc nhiên, nhưng công khai là không còn hiệu lực và do đó bị tiêu hủy: do đó, thực tế là nhờ thứ “chăm sóc mục vụ” này, cuộc hôn nhân được tuyên bố là khả tiêu. Cũng do đó, dù Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục dùng lời quả quyết tính bất khả tiêu của nó, nhưng trên thực tế, ly dị đã được du nhập.

Pierantoni nhận định như sau về “đề xuất” hay “lối giải thích” nói trên: “Điều cũng rõ là nếu sự thành công của cuộc hôn nhân mới đủ để thiết lập ra tính hợp pháp của nó, thì ta cũng phải biện minh cho hầu hết mọi cuộc kết hợp mới: thực vậy, nếu cuộc kết hợp mới bị coi là không thành công, thì đâu cần phải mất công biện minh cho nó, người ta có thể thực hiện cuộc kết hợp tiếp theo, hy vọng nó sẽ thành công. Và cứ như thế thì đâu có khác gì với luận lý học ly dị!”.

Đối với Pierantoni, các điểm sau đây đáng lo ngại hơn cả:

- công khai không đòi những người sống chung phải tiết dục mới được lãnh nhận các bí tích như "Familiaris Consortio" đòi hỏi;
- loại bỏ các biên giới trước đây đã định rõ giữa sự chắc chắn của lương tâm và các qui định của Giáo Hội học về bí tích;
- sử dụng các giới điều thương xót và không phê phán của Tin Mừng để biện minh cho chủ trương: trong Giáo Hội, không thể áp đặt việc kiểm trừng tổng quát lên các tác phong chuyên biệt, bất hợp pháp về phương diện khách quan.

4. Bác bỏ các tuyên bố có thể bị hiểu theo nghĩa đi ngược lại đức tin và luân lý Công Giáo

Qua tháng Sáu, một nhóm 45 học giả Công Giáo gửi một lá thư cho mọi Hồng Y, yêu cầu các ngài thưa với Đức Giáo Hoàng bác bỏ điều họ gọi là “một số lời tuyên bố có thể bị hiểu theo nghĩa đi ngược lại đức tin và luân lý Công Giáo”.

Lá thư dài 13 trang này, được dịch sang sáu ngôn ngữ, trưng dẫn 19 đoạn của Niềm Vui Yêu Thương mà họ cho “dường như trái ngược với các tín lý Công Giáo”. Các người ký thự gồm các giáo phẩm, học giả, giáo sư, tác giả và giáo sĩ của nhiều đại học Giáo Hoàng, chủng viện, cao đẳng, viện thần học, dòng tu và giáo phận khắp thế giới.

Phát ngôn viên của nhóm là Joseph Shaw, một giáo dân và là một giáo sư triết tại Đại Học Oxford. Ông quả quyết: “chúng tôi không kết án Đức Giáo Hoàng lạc giáo, nhưng chúng tôi coi khá nhiều đề xuất trong Niềm Vui Yêu Thương có thể bị hiểu là lạc giáo theo lối đọc bản văn cách tự nhiên. Nhiều tuyên bố khác có thể rơi vào các kiểm trừng thần học (theological censures) lâu đời khác, như gây tai tiếng, sai lạc về đức tin, và mơ hồ…”.

Trong số các vấn đề được nêu lên, nhóm tin rằng Niềm Vui Yêu Thương “làm suy yếu” giáo huấn của Giáo Hội khi cho phép các người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được chịu các bí tích. Họ cũng tin rằng việc này mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội vốn dạy rằng mọi giới răn có thể được tuân giữ với ơn thánh của Thiên Chúa, và một số hành vi luôn luôn sai lầm.

Theo Ông Shaw, các người ký thự hy vọng rằng “tìm được từ Đức Thánh Cha một bác bỏ dứt khoát các sai lầm trên, chúng tôi có thể giúp giảm bớt đi sự mơ hồ mà Niềm Vui Yêu Thương đã gây ra nơi các mục tử và tín hữu giáo dân”.

Sự mơ hồ trên, theo Ông Shaw, “chỉ có thể được đánh tan một cách hữu hiệu, nhờ một khẳng định không hàm hồ về giáo huấn Công Giáo chân chính của vị kế nhiệm Thánh Phêrô”.

Nội dung lá thư và tên những người ký thự thoạt đầu không được công bố. Theo Giáo Sư Shaw, các người ký thự cho công chúng hay sự hiện hữu của lá thư để “những người Công Giáo nào bối rối về một số câu tuyên bố trong Niềm Vui Yêu Thương biết rằng đang có các biện pháp để giải quyết các vấn đề nó nêu ra”.

Ông nói với LifeSiteNews rằng “các người tổ chức không muốn công bố các tài liệu này, vì chúng được gửi cho các vị Hồng Y và thượng phụ, những vị hết sức lý tưởng có tư cách xem xét chúng mà không sợ bị cuộc tranh luận công cộng quấy rầy”.

Hơn nữa “các kiểm trừng là một tài liệu thần học chi tiết và có tính kỹ thuật có nội dung không sẵn sàng dễ hiểu đối với những người đọc không chuyên môn, và dễ bị trình bầy sai và hiểu sai. Công bố các tài liệu này sẽ gây trở ngại cho các vị Hồng Y trong nhiệm vụ của các vị qua việc tường thuật của truyền thông và những cuộc tranh luận và bút chiến thường kém hiểu biết do nó tạo ra”.

Nhưng rồi ngày 18 tháng Bẩy, tờ Catholic Herald cho hay đã nhận được một bản của lá thư và tên các người ký thự. Tờ này bèn cho phổ biến nhiều chi tiết hơn nữa về lá thư, nhưng không đăng trọn lá thư này cũng như tên các người ký thự. Bốn ngày sau, tờ National Catholic Reporter cho đăng trọn danh sách các người ký thự. Và qua ngày 27 tháng Bẩy, Tess Livingstone cho đăng trọn tài liệu và tên các người ký thự trên trang mạng của tờ The Australian ở Úc. Cô vốn là người viết tiểu sử của Đức Hồng Y Pell nhưng cô không cho hay do đâu cô có được tài liệu này.

Giáo Sư Shaw quả quyết rằng các cơ quan trên không hề được phép đăng tải như họ đã làm. Trước tình thế này, ông cho hay: “Việc phê bình là công việc của một số học giả Công Giáo; họ lo âu rằng người Công Giáo có thể hiểu một số đoạn trong Niềm Vui Yêu Thương như đi ngược lại tín lý của đức tin Công Gáo. Chữa trị sự nguy hiểm này là tuyên bố có thẩm quyền và chung cục của Đức Giáo Hoàng nhằm quả quyết rằng các lối hiểu này không thể được người Công Giáo chủ trương, và Niềm Vui Yêu Thương không hề trình bầy chúng như các giáo huấn của huấn quyền hay buộc phải tin chúng. Hồng Y Đoàn có chức năng cố vấn Đức Giáo Hoàng… Thành thử, một tài liệu đã được soạn thảo trình bầy các nguy hiểm trầm trọng nhất của bản văn Niềm Vui Yêu Thương và gửi tới các vị Hồng Y và thượng phụ, cùng với một lá thư yêu cầu các vị thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng lên án các sai lầm có vấn đề”.

Nhân cơ hội này, Ông cũng giải thích bản chất của kiểm trừng thần học: “nó chỉ có tính học lý chứ không có tính pháp lý, vì các người ký thự không hề có thẩm quyền để áp đặt bất cứ kiểm trừng pháp lý nào. Họ không nghi vấn đức tin bản thân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay cho rằng ngài đồng thuận với các đề xuất bị kiểm trừng… Mục đích của tài liệu này là để nhận được lời kết án các đề xuất này của Đức Giáo Hoàng”.

5. Quyền của tín hữu Công Giáo

Lá thư của nhóm 45 học giả trích giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô rằng “bề dưới buộc phải sửa sai các bề trên của mình một cách công khai khi có nguy hiểm cận kề cho đức tin”. Họ cũng trưng dẫn bộ giáo luật dành cho Giáo Hội La Tinh rằng “các tín hữu Công Giáo có quyền và đôi khi nghĩa vụ, phù hợp với kiến thức, năng quyền, và vị thế của mình, phải làm người khác biết các quan điểm của mình về các vấn đề có liên quan tới lợi ích của Giáo Hội”.

Thành thử, ở phần kết luận, họ quả quyết: “các nhà thần học Công Giáo có nghịa vụ nghiêm ngặt phải lên tiếng chống lại các sai lầm biều kiến trong văn kiện. Tuyên bố về Niềm Vui Yêu Thương này nhằm chu toàn nghĩa vụ ấy, và nhằm trợ giúp hàng giáo phẩm của Giáo Hội trong việc giải quyết tình thế này”.

Đi vào chi tiết, tài liệu của nhóm coi là đi ngược lại Thánh Kinh các tuyên bố cho rằng Giáo Hội “cương quyết” bác bỏ án tử hình, coi nó luôn luôn bất chính, người vợ không nên phục tùng chồng, và bậc sống đồng trinh không cao hơn bậc sống vợ chồng.

Dựa vào Thánh Kinh và một số giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội, nhất là Công Đồng Trent, nhóm cũng kết án các gợi ý sau đây của Niềm Vui Yêu Thương:

• Đối với một số người, sống phù hợp với các giáo huấn của Tin Mừng có thể là điều không thể làm được
• Không ai bị phạt sa hỏa ngục cả
• “Những người ly dị và tái hôn dân sự nào quyết định chọn tình huống của họ một cach hiểu biết hoàn toàn và với sự thuận tình trọn vẹn của ý chí không sống trong trạng thái tội trọng, và họ có thể lãnh nhận ơn thánh hóa và lớn lên trong đức ái”
• “Một tín hữu Công Giáo có thể hoàn toàn biết rõ luật Thiên Chúa và tự ý phá bỏ nó trong một vấn đề nghiêm trọng, nhưng vẫn không rơi vào trạng thái tội trọng do kết quả của hành động này”
• “Một người hoàn toàn biết rõ luật Thiên Chúa vẫn có thể phạm tội khi quyết định vâng theo luật này”
• Lương tâm một người có thể “phán đoán đúng” rằng các tội tình dục bị Tin Mừng minh nhiên kết án “đôi khi có thể đúng về phương diện luân lý hay được Thiên Chúa yêu cầu hay ra lệnh”
• “Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, muốn rằng Giáo Hội bãi bỏ kỷ luật lâu đời từ chối không cho những người ly dị tái hôn rước lễ hay không giải tội cho họ nếu họ không biểu lộ sự ăn năn thống hối về lối sống của mình và cương quyết sửa sai lối sống này”
• “Không có lỗi nặng vì trách nhiệm giảm bớt, những người ly dị và tái hôn dân sự không sống tách xa nhau, cũng không cam kết sống tiết dục hoàn toàn, nhưng vẫn ở lại trong trạng thái ngoại tình và đa hôn khách quan có thể được rước lễ”.

Tuy nhiên, nhóm vẫn cho rằng: “vấn đề của Niềm Vui Yêu Thương không phải là nó đã áp đặt các qui luật có tính trói buộc về luật pháp từ nội tại vốn bất chính hay giảng dạy một cách có thẩm quyền các giáo huấn có tính trói buộc mà bản chất thì sai lầm”.

Theo nhóm, “văn kiện này không có thẩm quyền ban hành các luật lệ bất chính hay đòi phải chấp thuận các giáo huấn sai lầm, vì Đức Giáo Hoàng không có quyền làm những điều này. Vấn đề của văn kiện này là nó có thể dẫn người Công Giáo đến chỗ tin điều sai lầm và làm điều bị luật Thiên Chúa ngăn cấm… Điều quan trọng về văn kiện này là hậu quả gây hại nó có thể có đối với niềm tin và đời sống luân lý của người Công Giáo”.

Kỳ sau: 6. Đức Giáo Hoàng có ý định thay đổi kỷ luật bí tích
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đà Lạt Ngày Xưa
Nguyễn Ngọc Liên
19:34 03/01/2017
ĐÀ LẠT NGÀY XƯA
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Đà Lạt nay đã thị thành
Còn đâu thơ mộng mơ màng ngày xưa.
(bt)
 
VietCatholic TV
Video Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới đầu năm mới 1/1/2017
VietCatholic Network
00:05 03/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Trước thềm năm mới 2017, chương trình Video Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới xin kính chúc đến quý Hồng Y, quý Đức Cha, quý Linh mục, tu sĩ và quý khán thính giả một năm mới Phúc-Lộc-Thọ trong tình yêu của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị, chương trình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính sau đây:

- ĐTC cử hành thánh lễ đầu năm 2017 Lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
- ĐTC đọc kinh Truyền Tin và Ban Phép Lành
- ĐTC chúc mừng Năm Mới cho mọi người
- Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động
- Gần 4 triệu tín hữu tham dự các sinh hoạt của Đức Thánh Cha
- Công giáo Trung Hoa thất vọng về 'đại hội công giáo' cuả nhà nước.
- Tuyên bố của miền Giám Quản Tông Tòa Nam Ả Rập về trường hợp cha Tom Uzhunnalil
Sau đây xin mời quý vị và anh chị em nghe phần tin chi tiết.

- Ngày đầu năm ĐTC nhắn nhủ: hãy lắng nghe nhịp đập của con tim Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.

ĐTC đã cử hành ngày đầu năm dương lịch 2017 kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày hòa bình thế giới. Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC lúc 10 giờ sáng trong đền thờ thánh Phêrô có hàng trăm vị gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và Linh Mục. Hiện diện trong thánh lễ có ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và 8 ngàn giáo dân.
Trong bài giảng ĐTC nói: Việc cử hành chức làm mẹ của Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa trong ngày đầu năm mới, có nghĩa là nhắc cho chúng ta nhớ rằng, mình là một dân với một Bà Mẹ, chứ không mồ côi. Nó giúp chúng ta biết rằng con người chỉ có thể tìm thấy bầu khí, hơi ấm cho phép nó học hiểu và lớn lên thành người một cách nhân bản, chứ không phải là các đồ vật được mời gọi tiêu thụ và bị tiêu thụ, như hàng hóa trao đổi. Chúng ta hãy noi gương Mẹ biết lắng nghe nhịp đập của con tim Thiên Chúa trong lịch sử loài người.

ĐTC giải thích thêm như sau: Nơi Mẹ Maria, Ngôi Lời vĩnh cửu không chỉ nhập thể, mà còn học nhận biết sự dịu dàng hiền mẫu của Thiên Chúa. Với Mẹ Maria, Thiên Chúa Hài Nhi học biết lắng nghe các khát vọng, các âu lo, các niềm vui và niềm hy vọng của dân Chúa, và khám phá ra chính mình như là Con của dân tộc thánh thiện trung thành của Thiên Chúa. Nơi đâu có một bà mẹ, nơi đó có sự dịu hiền. Và với chức làm mẹ của mình Đức Maria chỉ cho chúng ta thấy rằng sự khiêm nhường và hiền dịu không phải là các nhân đức của những người yếu đuối, nhưng là các nhân đức của những người mạnh mẽ. Mẹ dậy chúng ta rằng không cần phải đối xử tàn tệ với những người khác để cảm thấy mình quan trọng Và từ luôn luôn, dân thánh trung thành của Thiên Chúa đã nhận biết và chào Mẹ như là Thánh Mẫu của Thiên Chúa.

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã ra cửa sổ Dinh Tông Tòa để đọc kinh Truyền Tin với hơn 60 ngàn tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nêu bật gương sống của Mẹ Maria đã nói hai tiếng “xin vâng” và sẵn sàng cộng tác với chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, chú ý tìm hiểu điều Thiên Chúa muốn nơi mình ngày qua ngày. Mẹ cũng nhận ra nơi biến cố các mục đồng đến kính viếng thờ lậy Chúa Hài Nhi sự chuyển động của ơn cứu rỗi, sẽ nảy sinh từ công trình của Chúa Giêsu, và Mẹ sẵn sàng đối với mọi đòi hỏi của Chúa và cộng tác với Con Mẹ trong chương trình cứu độ. Sau cùng Đức Thánh Cha đã dâng lên Mẹ lời cám ơn Mẹ về tất cả những gì Mẹ đã làm trong cuộc sống, và xin Mẹ cầu nguyện cho chúng ta tất cả, là các kẻ lữ hành trong thời gian, xin Mẹ giúp chúng ta bước đi trên con đường hoà bình. Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành đầu năm cho mọi người.

- ĐTC chúc mừng Năm Mới cho mọi người
Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chúc mừng Năm Mới mọi người và nói: Năm mới sẽ tốt lành trong mức độ từng người trong chúng ta, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, tìm làm việc thiện mỗi ngày. Và như thế là xây dựng hoà bình, bằng cách nói “không với thù hận và bạo lực” - bằng các việc làm - và nói “có” với tình huynh đệ và sự hòa giải. Cách đây 50 năm chân phước Phaolô VI đã bắt đầu cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới để củng cố dấn thân chung xây dựng một thế giới an bình và huynh đệ. Trong sứ điệp cho năm nay tôi đã đề nghị “sống không bạo lực như kiểu mẫu cho một nền chính trị hòa bình.”

ĐTC nhắc tới vụ khủng bố xảy ra tối giao thừa tại Istanbul khiến cho gần 40 người chết. Ngài gần gũi và cầu nguyện cho các người qua đời và thân nhân của họ, cũng như cho các nguời bị thương và toàn dân Thổ Nhĩ Kỳ.

ĐTC cũng cám ơn tổng thống Italia đã chúc mừng năm mới ngài trong sứ điệp gửi toàn dân tối giao thừa. Ngài cũng xin Chúa ban phúc lành cho toàn dân Italia, để với sự đóng góp trách nhiệm và liên đới của tất cả đất nước Italia có thể nhìn về tương lai với lòng tin tưởng và niềm hy vọng. Sau cùng ngài chúc mọi người một năm hòa bình trong ơn thánh Chúa và sự chở che hiền mầu của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

- Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động
Từ Chúa Nhật ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2017, Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động, chiếu theo quyết định của ĐTC, trong tự sắc công bố ngày 31-8-2016.

ĐTC đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Peter Turkson người Ghana, làm Bộ trưởng của cơ quan mới này. Ngài năm nay 68 tuổi, được thăng Hồng Y hồi năm 2003. Năm 2009, ngài được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình.