Ngày 02-01-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 2 tháng 1: Kính Thánh Basil Cêsarê và Thánh Gregory Nazianzê
PhóTế Huỳnh Mai Trác
16:27 02/01/2008
Hai vị thánh này đều sinh trưởng tại Cappadoce, Hy lạp. Thánh Basil lớn lên trong một gia đình Công giáo thánh thiện, có nhiều đấng thánh.. Ngài chăm chỉ học hành và tu luyện các nhân đức, có một thời ngài đã xa lánh trần tục vào ẩn tu trong đan viện nhưng đến năm 370 thì ngài được đề cử làm Giám mục thành Cesarê.

Thánh Gregory thì sinh ra trong một gia đình Do thái trở lại Công giáo. Ngài là người phóng túng ham chuộng triết lý và văn chương. Ngài được gặp thánh Basil ở Athens trong lúc các ngài đang cùng theo đuổi học hành, nhân đức và khôn ngoan của thánh Basil đã làm cho thánh Gregory say mê, các ngài trở thành một đôi bạn chí thiết trên con đường trọn lành. Các ngài có chung một Ðức Tin và có chung một chí hướng, một ước muốn nhiệt tình trở thành những bậc chân tu nên khi trở về Cappadoce các ngài dự định thành lập những tu viện. Các ngài hăng hái cùng nhau viết những bài tranh luận và đưa ra những lý thuyết vững chắc để chống lại những lý thuyết sai lầm của những bè rối đạo. Trong một thời kỳ có nhiều khó khăn, Giáo hội cần những vị nhiệt tình và thông thái nên thánh Gregory được đề cử làm Giám mục thành Constantinople.

Thánh Basil là vị Giám mục mạnh mẻ nhất trong việc tuyên xưng và bảo vệ lý thuyết Ðức Chúa Trời Ba Ngôi. Ngài còn viết nhiều luật dòng đến nay vẫn còn hiệu lực trong các tu viện. Còn thánh Gregory vì những chia rẽ ngài đã trở về sống đời nhà tu ẩn sĩ ở Nazianê. Ở đó ngài việt nhiều luận đề về thần học và thi ca đến nay có nhiều bài vẫn còn được dùng trong phụng vụ. Ngài được đề cao là “Thần học gia”.

“Basil và tôi cùng trú ngụ tại Athens. Chúng tôi đến với nhau như những con nước tụ lại trên dòng sông, cùng phát xuất từ một ngọn ngành, đã phải chia ly trên con đường học vấn, nay thì được quy tụ lại với nhau trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Tôi không còn cô đơn nữa vì tôi có một người bạn Basil cao cả. Một người đầy khôn ngoan, trưởng thành, đạo đức không chỗ nào chê trách được. Nhiều lúc tôi muốn nói với các bạn học về Basil nhưng họ đều biết và có lòng ngưởng mộ Basil.

Mục đích cao cả của tình bạn của chúng tôi là trở thành nhũng Kitô hữu chân chính, những Kitô hữu đúng như danh xưng”.(St Gregory)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:24 02/01/2008
HOÀNG ĐẾ GẶP TIỂU ĐỒNG

N2T


Hoàng đế muốn đi đến núi Cụ Từ để gặp Đại Ngỗi, để mời ông ta giảng giải về đạo lớn của trời đất, đội xe rầm rộ xuất phát, đi đến bên ngoài đồng của Tương Thành thì đội xe bị lạc đường. Có một em bé chăn ngựa từ xa chậm chậm đi đến, hoàng đế bèn hỏi đường đi, nói: “Em bé có biết núi Cụ Từ không ?”

Mục đồng đáp: “Biết.”

Hoàng đế lại hỏi: “Vậy thì em biết Đại Ngỗi ở đâu không ?”

Em bé chăn ngựa cũng nói biết. Hoàng đế rất kinh ngạc, nói: “Kỳ thật, em bé chăn ngựa nhỏ như thế mà biết núi Cụ Từ, lại còn biết nơi ở của Đại Ngỗi là thánh nhân hiểu được đạo lý của trời đất, xin hỏi em, phải làm như thế nào để cai trị thiên hạ ?”

Tiểu đồng nói: “Cai trị thiên hạ có cái gì hả ? Chẳng qua là như thế này, không cần phải đặc biết tìm việc để làm. Giống như chăn ngựa vậy, cứ để ngựa trưởng thành theo tính tự nhiên của chúng nó, chỉ cần thiết loại trừ những gì làm hại ngựa là được rồi !”

Hoàng đế nghe xong gọi em bé chăn ngựa là sư phụ trời gởi đến, bái ba lạy, rồi cáo từ trở về hoàng cung.

(Trang tử: Từ vô quỷ)

Suy tư:

Cái đạo lý to lớn của trời đất trong việc cai trị thiên hạ mà một em bé chăn ngựa cũng hiểu thấu, vậy mà một vị hoàng đế lại không hiểu, cái đạo lý ấy là: cứ để mọi việc thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất. Làm hoàng đế thì chỉ nên canh chừng diệt trừ loại bỏ những gì làm hại cái tự nhiên của con người là được rồi, mà cái làm hại sự phất triển tự nhiên hài hòa của xã hội con người là: trộm cắp, gian dâm, cáo gian, vu khống, lừa bịp.v.v...

Chúa Giê-su đến trần gian không phải để bãi bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn (Mt 5, 17), Ngài vẫn tuân giữ lề luật nhưng làm cho lề luật được hoàn hảo hơn, xuất phát bởi lòng yêu mến lề luật cách tự nhiên, chứ không phải vì sợ lỗi luật mà sống cách gượng ép và cuối cùng là lén lút lỗi luật...

Đừng tìm lẽ trời đất ở đâu xa xôi mà lạc đường, bởi vì lẽ trời đất ở ngay trong lòng của mình, khi lòng trí thuận theo lương tâm mà hành động thì đó là lẽ trời đất, mà lẽ trời đất đối với người Ki-tô hữu không phải là đạo sao, đạo chính là Thiên Chúa vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 02/01/2008
N2T


15. Xin nhìn ngắm Chúa Giê-su nghèo khó: khi sinh ra không người cho trọ, nằm trong máng cỏ của lừa ăn, được bọc trong tả lót, lánh nạn qua Ai Cập, cưỡi trên mình lừa và bị lõa thể treo trên thập giá.

(Thánh Bernardus)
 
Nhớ về ĐTC Gioan Phaolô II (3)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
22:59 02/01/2008
NHỚ VỀ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II (3)

... Trước mỗi chuyến viếng thăm mục vụ một quốc gia, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) luôn luôn nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề của quốc gia ấy.

Lúc ở tại Roma và mỗi khi có người nào đó thưa: “Xin Đức Thánh Cha cầu cho dân tộc chúng con” ngài trả lời ngay: ”Đó là điều chúng ta đang làm!”

Hầu như Đức Thánh Cha luôn luôn có trước mắt hình ảnh quả địa cầu và luôn cầu nguyện cho mọi dân tộc sống rải rác khắp năm châu bốn biển. Nhưng khi đích thân thăm viếng mục vụ đất nước nào thì Đức Gioan Phaolo II dành trọn sự chú ý cho người dân ở nước ấy. Ngài chuẩn bị thật chu đáo trước mỗi chuyến đi. Chẳng hạn như: đọc các bản phúc trình, nói chuyện với vị Sứ Thần Tòa Thánh và các nhà Thừa Sai để biết rõ người dân nơi xứ sở ấy đang đau khổ về vấn đề gì. Lúc đến tận nơi, Đức Gioan Phaolo II không chỉ hài lòng với các diễn văn dọn sẵn. Sau khi chính thức gặp Tổng Thống, các Bộ Trưởng, ngài muốn đi vào hoàn cảnh cụ thể của người dân.

Đôi khi đoàn xe đang đi, Đức Gioan Phaolo II bảo ngừng lại và nói: ”Tôi muốn vào thăm căn nhà bé nhỏ nghèo nàn này và nói chuyện với người đang sống trong nhà”. Hoặc ngài nói: ”Tôi muốn gặp gỡ gia đình này”.

Dĩ nhiên không ai có thể ngăn cản điều Đức Thánh Cha muốn làm. Thế là ngài vào nhà, cầu nguyện với người trong nhà và hỏi thăm họ cần gì mà ngài có thể giúp được.

Đó là chuyện thường xảy ra trong các chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II.

Nhưng có lẽ chuyện nổi bật nhất tôi muốn nhắc lại là chuyện xảy ra tại Angola bên Phi Châu trong chuyến viếng thăm vào tháng 6 năm 1992. Một vị Giám Mục địa phương muốn chỉ cho Đức Thánh Cha thấy di tích sót lại của ngôi thánh đường đầu tiên được xây cất tại xứ của ngài. Đến nơi, vị Giám Mục kể cho Đức Thánh Cha nghe lịch sử ngôi thánh đường. Đức Gioan Phaolo II chăm chú lắng nghe, nhưng cùng lúc tư tưởng ngài vượt xa hơn nữa. Ngài nghĩ đến các túp lều tranh khốn khổ xiêu vẹo rải rác quanh ngôi thánh đường đổ nát. Khi câu chuyện kết thúc, vị Giám Mục mời Đức Thánh Cha lên xe, nhưng ngài không nói lời nào. Ngài lặng lẽ bước về một trong các túp lều tranh nằm cạnh đó. Một gia đình nghèo gồm vợ chồng và con cái đưa mắt ngơ ngác sợ hãi chăm chú nhìn Đức Thánh Cha. Xong, họ vội vàng mang chiếc ghế đẩu thô sơ mời Đức Thánh Cha ngồi. Ngài ngồi xuống với nụ cười hiền dịu như dấu hiệu khuyến khích đôi vợ chồng nghèo hãy đơn sơ kể chuyện cho Đức Thánh Cha nghe.

Thế nhưng - cũng tại Angola - có lẽ hình ảnh ghi đậm yêu thương trìu mến nhất là khi Đức Gioan Phaolo II gặp gỡ trẻ em. Ban đầu các em tỏ ra rụt rè sợ hãi, nhưng Đức Thánh Cha làm cho chúng tự nhiên ngay. Ngài nháy mắt, nhíu đôi lông mày và cười thật tươi. Thế là các em thích thú nhập cuộc. Các em hiểu ngay sứ điệp yêu thương của Đức Thánh Cha. Chúng tiến lại gần. Rồi đứa thì kéo tay kéo áo, đứa khác trèo lên ngồi trên đầu gối Đức Thánh Cha. Đôi bên trải qua những giây phút tuyệt diệu. Sau cùng, không ai biết được đến từ đâu, một chai nước ngọt trái cây mở ra và tất cả cùng nhau uống ngon lành! Đây là hình ảnh trung thực nhất diễn tả đúng tâm tình của Đức Gioan Phaolo II: bộc trực, tò mò và rất chú ý đến thực trạng cuộc sống hàng ngày, ước ao gặp gỡ đích thật, vượt ra ngoài mọi nghi lễ ngoại giao và chính thức.

Các nhân viên an ninh tháp tùng Đức Gioan Phaolo II thường tỏ ra lo lắng sợ hãi thái quá. Thấy thế tôi trấn an họ:

- Quí vị nên cầu nguyện để không có gì đáng tiếc xảy ra, bởi vì, nguyên sự hiện diện của quí vị thôi không đủ đâu! Chỉ duy nhất Đức Mẹ MARIA mới có uy quyền lớn lao để bảo vệ che chở cho Đức Thánh Cha!

Chứng từ của ông Arturo Mari cựu nhiếp ảnh gia tờ Quan Sát Viên Roma.

... ”Đường lối THIÊN CHÚA quả là toàn thiện, lời Chúa hứa được chứng nghiệm tỏ tường. Chính Người là khiên che thuẫn đỡ cho những ai ẩn náu bên Người. Ngoài Đức Chúa, hỏi ai là THIÊN CHÚA? Ai là núi đá độ trì, ngoài THIÊN CHÚA của ta? Chính THIÊN CHÚA đã làm cho tôi nên hùng dũng, và cho đường nẻo tôi đi được thiện toàn. Chúa cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai. Người đặt tôi đứng vững trên đỉnh núi. Tập cho tôi theo phép binh đao, luyện đôi tay rành nghề cung nỏ. Lạy Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con. Ngài đưa tay uy quyền nâng đỡ, săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh. Đường con đi, Chúa mở rộng thênh thang, chân con bước không bao giờ lảo đảo” (Thánh Vinh 18, 31-37).

(Arturo Mari, ”Arrivederci in Paradiso”, Aprile 2006, Polonia, trang 121-122)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáng Sinh trong một đất nước đã mất đi niềm hy vọng
Nguyễn Việt Nam
02:33 02/01/2008
Tokyo-Với hơn 30.000 vụ tự tử được ghi nhận trong năm 2007, Nhật Bản, cường quốc thứ hai trên thế giới, thường được ghi nhận là đất nước đã mất đi niềm hy vọng. Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, Giáo Hội Công Giáo Nhật đã mang lại cho đất nước này những viễn tượng bớt đen tối hơn.

Cha Domenico Vitali, 70 tuổi, một linh mục người Italia, đã sống tại Nhật 43 năm, cha xứ nhà thờ Thánh Y Nhã tại thủ đô Tokyo cho biết một vài chi tiết sau về sinh hoạt của Giáo Hội tại thủ đô Nhật Bản.

Nhà thờ Thánh Y Nhã tại thủ đô Tokyo nằm trong khu Yotsuya, không phải một khu dân cư, nhưng là một khu bao bọc bởi các văn phòng của các công ty tư nhân và các building của chính phủ.

Mỗi ngày nhà thờ cử hành 3 thánh lễ: buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều lúc 6 giờ cho những viên chức làm việc tại đây.

Trong ngày lễ Giáng Sinh vừa qua, 6 thánh lễ đã được tổ chức từ chiều ngày 24 cho đến hết ngày 25/12 để đáp ứng cho số người tham dự đông đảo.

Cha Vitali cho biết: ‘Trên 10,500 người đã tham dự trong các nghi lễ: ¾ trong số họ không phải là người Công Giáo”. Theo cha Vitali, động lực của sự tham dự đông đảo này chắc chắn không phải là tính hiếu kỳ. Đa số những người này đã phải đứng trong cái lạnh tê tái của mùa Đông vì họ biết rằng Giáng Sinh phải được cử hành bên trong một nhà thờ, không phải nơi những nhà hàng hay khách sạn. Ngày càng có nhiều người dân Nhật suy tư về ý nghĩa của cuộc đời, của niềm hy vọng thật sự.

Gần bên nhà thờ Thánh Y Nhã là Đại Học Sofia do các cha dòng Tên điều hành. 6 linh mục dòng Tên từ trường Đại Học này đã đồng tế với cha Domenico Vitali trong một nghi lễ Phụng Vụ trang trọng đón chào Chúa Giáng Sinh.

Nhà thờ Thánh Y Nhã được nhiều người coi là ốc đảo trong sa mạc bao la của sự trống không tâm linh giữa lòng thủ đô Nhật.
 
21 nhà truyền giáo bị sát hại vào năm 2007
Tiến Nhân
09:28 02/01/2008
21 nhà truyền giáo bị sát hại vào năm 2007

Zenit: Hãng thông tấn cho biết có 15 linh mục, 3 phó tế, một nữ tu sĩ, một nam tu sĩ và một chủng sinh đã bị sát hại vào năm 2007. Đặc biệt, Giáo Hội Irac đã bị nhiều trong năm vừa qua: một linh mục và ba phó tế bị giết trước nhà thờ Thánh Linh.

Một nữ tu 35 tuổi, Sœur Anna, sinh ở Swaziland, thuộc Dòng các Sœurs Phanxico Thánh Gia Thất, đã hy sinh mạng sống để cứu những người bị nhiễm SIDA ở Ratschitz, Nam Phi. Sau khi đã cứu thoát 5 bệnh nhân khỏi vụ hỏa hoạn, Sœur muốn quay lại ngôi nhà bị hỏa hoạn để cứu ba người khác, nhưng đã bị mái nhà sụp đổ đè chết.
 
Đối thoại Hồi Giáo-Công Giáo sẽ diễn ra tại Roma vào mùa Xuân 2008.
Nguyễn Long Thao
11:02 02/01/2008
VATICAN CITY 2/01/08 –Tờ L’Osservatore Romano loan tin cuộc đối thoại liên tôn giữa Công Giáo và Hồi Giáo sẽ diễn ra tại Roma vào mùa Xuân 2008.

ĐTC Bênêđictô XVI đã chấp thuận cuộc gặp gỡ này theo sau bức thư ngỏ của 138 học giả hàng đầu của Hồi Giáo gửi cho các nhà lãnh đạo Kitô giáo trên thế giới đề nghị cuộc họp liên tôn nhằm phát triển những căn bản chung của hai tôn giáo có cùng niềm tin vào Thượng Đế để kiến tạo hòa bình thế giới

Cuối tuần qua ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ Tịch Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn nói với tờ L'Osservatore Romano rằng ba vị đại diện của nhóm 138 học giả hàng đầu của Hồi Giáo sẽ đến Roma vào tháng Hai hay tháng Ba để tham dự phiên họp đối thoại liên tôn. Tuy nhiên, Ngài không cho biết đích xác thời điểm mà chỉ nói vào mùa Xuân năm nay.

Theo cơ quan ngôn luận của Tòa Thánh Nội dung phiên họp sẽ thảo luận 3 vấn đề chính:

- (1) Tôn trong nhân phẩm con người;

- (2) Đối thoại tôn giáo dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau;

- (3) Truyền thụ tinh thần bao dung cho những người trẻ.

ĐHY Tauran nhận định đây là cuộc họp này có tính lịch sử vì đối thoại với các vị đại diện của cả khối Hồi Giáo
 
Ngạc nhiên: 64% người vào Internet tại Hoa Kỳ để tìm hiểu tôn giáo, tâm linh
Nguyễn Long Thao
11:44 02/01/2008
Rome 02/01/08 -Theo bản báo cáo của cơ quan Google Zeitgeist’s thì trong năm 2007 số những người truy cập vào mạng lưới Google trên Internet để tìm câu giải đáp cho vấn nạn “Thượng Đế Là Ai” (Who Is God) đã được xếp hàng đầu trong loại câu hỏi khởi đầu với chữ WHO nghĩa là câu hỏi nhằm tìm biết tiểu sử của một người. Nói khác đi có rất nhiều người muốn nhờ Internet để tìm hiểu thượng đế là ai.

Còn loại câu hỏi khởi đầu với chữ WHAT nhằm tìm biết ý nghĩa một chuyện gì thì câu hỏi Tình Yêu Là Gì (What Is Love) đã được xếp hàng đầu trong loại câu hỏi này

Google Zeitgeist cũng cho biết hầu hết số người muốn biết Thượng Đế là ai đều truy cập từ Hoa Kỳ và cũng chính nơi này người ta còn được biết thêm 64% số người tại Hoa Kỳ vào Internet với mục đích tâm linh và tôn giáo.

Tại Á Châu, các câu hỏi mà người ta thường hỏi mạng lưới Google là:

1. Các vị sư Miến Điện là ai?

2. Tình hình người Kitô giáo tại Nam Dương, Pakistan, Iráq

3. Tình hình ngoại giao giữa Trung Quốc và Vatican,

Vấn đề kinh tế tài chánh chỉ đứng hạng thứ 7 trong số các thắc mắc của độc giả muốn hỏi Internet.
 
Buổi tiếp kiến chung đầu tiên của Đức Thánh Cha năm 2008
G. Trần Đức Anh OP
19:36 02/01/2008
VATICAN. Sáng thứ tư, 2-1, 8 ngàn tín hữu hành hương đã tham dự buổi tiếp kiến chung đầu tiên của ĐTC Biển Đức 16 trong năm 2008.

Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung đầu năm
Đức Thánh Cha chào anh chị em
Anh chị em theo dõi bài huấn dụ
Đức Thánh Cha ban phép lành đầu năm
Các tín hữu, phần lớn là các phái đoàn giới trẻ, thuộc nhiều nước khác nhau, đã ngồi chật đại thính đường Phaolô 6 ở Nội Thành Vatican. Họ reo hò tưng bừng khi ĐTC tiến vào thính đường lúc 10 giờ rưỡi. Trên bục cao cũng có một số Giám Mục và giám chức ngồi ở khu vực hai bên ĐTC.

Trong bài huấn dụ, sau phần tôn vinh Lời Chúa, ĐTC đã nói trước tiên bằng tiếng Ý, gửi lời cầu chúc năm mới đến mọi người, và ngài giải thích về ý nghĩa lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cử hành hôm 1-1 vừa qua. Tiếp đó, tên các phái đoàn hành hương được giới thiệu lên ĐTC, bắt đầu bằng tiếng Pháp, sang đến tiếng Anh và các ngôn ngữ khác.

Huấn dụ

”Anh chị em thân mến, trước tiên tôi muốn gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến mỗi người trong anh chị em và tất cả những người trong dịp lễ này đã bày tỏ với tôi chứng tá gần gũi tinh thần quí mến của họ. Hôm qua (1-1-2008), chúng ta đã cử hành lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu này đã được lòng sùng mộ của dân chúng dành cho Đức Mẹ từ thế kỷ thứ 3, và được công đồng chung Ephêso chính thức khẳng định hồi năm 431, qua đó công đồng muốn nhấn mạnh sự hiệp nhất của hai bản tính, nhân trần và thần linh, nơi con người của Đức Kitô. Chúa Kitô là Thiên Chúa và đã thực sự sinh ra bởi Đức Maria như một người: như thế sự hiệp nhất của Ngài, là Thiên Chúa thật và người thật, được bảo tồn trọn vẹn”.

”Từ đó lòng sùng kính Đức Mẹ phát triển mạnh mẽ, và nhiều thánh đường đã được dâng kính Mẹ Thiên Chúa, trong đó có Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Roma. Ngoài ra, đạo lý về Đức Maria Mẹ Thiên Chúa cũng được công đồng chung Calcedonia năm 451 tái khẳng định, trong đó Đức Kitô được tuyên xưng là ”Thiên Chúa thật và là người thật (...) sinh bởi Đức Maria, Trinh Nữ và Mẹ Thiên Chúa, trong nhân tính của Ngài, cho chúng ta và để cứu rỗi chúng ta” (DS n.301). Như đã biết, Công đồng chung Vatican 2 đã thu thập, trong chương 8 của Hiến chế tín lý về Giáo Hội ”Lumen Gentium”, đạo lý về Đức Maria, và tái khẳng định thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Người. Chương này mang tựa đề ”Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội”.

”Tất cả các tước hiệu dành cho Đức Trinh Nữ, như đặc ân Vô Nhiễm nguyên tội và Hồn xác lên trời, có nền tảng nơi ơn gọi của Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Trong tư cách đó, Đức Maria cũng là Mẹ của Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội. Vì thế, trong công đồng chung Vatican 2, ngày 21-11-1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã long trọng dành cho Đức Maria tước hiệu ”Mẹ Giáo Hội”, và qua đó, Người cũng là Mẹ chúng ta. Từ trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã phó thác Mẹ cho mỗi môn đệ của Ngài, và đồng thời Chúa phó thác mỗi môn đệ cho tình thương của Mẹ Ngài. Thánh sử Gioan kết thúc bài trình thuật ngắn, xúc tích, bằng những lời này: ”Từ lúc đó, người môn đệ đưa Mẹ về nhà mình” (Gv 19,27). Người môn đệ đón nhận Mẹ vào trong thực tại, trong cuộc sống của mình, trở nên thành phần đời sống của Mẹ và hai cuộc sống thấu nhập vào nhau, và đó chính là di chúc của Chúa. Như thế, trong giây phút tột đỉnh chu toàn sứ mạng cứu thế, Chúa Giêsu để lại Mẹ Ngài, Đức Trinh Nữ Maria, cho mỗi người trong các môn đệ của Chúa, như gia sản quí giá.”

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta được mời gọi đặc biệt để ý đến tầm quan trọng sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria trong đời sống Giáo Hội và trong đời sống bản thân của chúng ta, để Mẹ hướng dẫn bước đường của chúng ta trong năm mới này, mà Chúa vừa cho chúng ta bước vào.”

Chào thăm các nhóm hành hương

ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu nói tiếng Pháp và nói: ”Ước gì Mẹ Maria làm cho chúng ta cảm thấy một cách sống động hơn nữa sự hiện diện từ mẫu của Mẹ; nhờ được Mẹ nâng đỡ và an ủi như thế, chúng ta có thể chiêm ngưỡng, với cái nhìn mới mẻ, tôn nhan Chúa Giêsu Con của Mẹ, và quyết liệt tiến bước trên con đường thiện hảo.”

ĐTC cũng dùng lời sách dân số đọc trong phụng vụ ngày 1-1 để chúc mừng năm mới đến toàn thể các tín hữu: ”Xin Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ bạn. Xin Chúa để tôn nhan Ngài chiếu sáng trên bạn và tỏ lòng tư nhân với bạn. Chúa quay nhìn bạn và ban ơn cứu độ cho bạn” (Num 6,24-26).

Các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha và từ Nam Mỹ là những người reo hò tưng bừng nhất. Nhóm tín hữu cuối cùng được ĐTC chào thăm vào cuối buổi tiếp kiến là các tín hữu tiếng Ý:

”Tôi thân ái gửi lời cầu chúc khang an và tốt đẹp nhân dịp năm mới tới tất cả các tín hữu hành hương nói tiếng Ý hiện diện tại buổi tiếp kiến chung đầu tiên của năm 2008 này.

”Tôi đặc biệt gửi lời chào đến Cộng đoàn Đạo Binh Chúa Kitô đến từ nhiều quốc gia, nhất là các tân linh mục và các đại diện của Phong trào Regnum Christi, Nước Chúa Kitô. Anh chị em rất thân mến, ước gì mầu nhiệm Nhập Thể mà chúng ta cử hành trong mùa phụng vụ này soi sáng anh chị em trên con đường trung thành với Cúa Kitô. Noi gương Mẹ Maria, anh chị em hãy biết cẩn giữ trong lòng, suy niệm và noi theo Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người ở Bethlehem, và hãy hăng hái loan truyền sứ điệp cứu độ của Chúa.”

48 tân linh mục thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô đã thụ phong sáng ngày 22-12 vừa qua tại Đền thờ Đức Bà Cả. Trong số các tân chức ấy cũng có một người Việt là Cha Nguyễn Hiếu từ Hoa Kỳ. Các tân chức tuổi từ 28 đến 49 và đến từ 9 quốc gia, đông nhất là 19 vị từ Mêhicô, 12 vị từ Hoa Kỳ, 8 vị người Tây Ban Nha. Pháp, Đức, El Salvador và Singapore, mỗi nước cũng có một tân LM thụ phong trong dịp này.

Các tân linh mục đó, cùng với thân nhân, bạn hữu và 1.300 thành viên phong trào Regnum Christi tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC sáng 2-1-2008, để bày tỏ lòng kính mến con thảo và sự sẵn sàng đối với ĐTC và các GM giáo phận.

Dòng Đạo binh Chúa Kitô được thành lập tại Mêhicô năm 1941 với mục đích thiết lập Nước Chúa Kitô theo những đòi hỏi của công lý, tình bác ái Kitô, nơi giới trí thức, chuyên nghiệp và công nhân, qua các hoạt động xã hội và giáo dục. Dòng hiện có 1960 tu sĩ, trong đó có 712 linh mục, hoạt động tại 125 nhà ở nhiều nước trên thế giới. Một số LM tu sĩ của dòng này là người gốc Việt.

Hiện diện trong khu vực hàng đầu ở Đại thính đường có nhiều đôi tân hôn, nhiều người mang y phục cô dâu. ĐTC đặc biệt gửi lời chào thăm họ và nhắn nhủ rằng: ”Hỡi các đôi tân hôn quí mến, các con hãy vào trường của Thánh Gia Nazareth để học cách thực hiện một sự hiệp thông chân thực trong cuộc sống và tình thương”.

ĐTC không quên khích lệ các bạn trẻ hãy coi mỗi ngày như một món quà của Thiên Chúa cần phải đón nhận với lòng biết ơn và sống ngay chính. Với các bệnh nhân, ngài cầu chúc cho họ được năm mới mang lại sự an ủi trong thể xác và tinh thần”.

Buổi tiếp kiến đầu năm của ĐTC kéo dài một tiếng đồng hồ. Ngài mời gọi mọi người đọc kinh Lạy Cha kết thúc và ban phép lành cho họ.
 
Các Giám Mục Kenya Kêu Gọi Đối Thoại Để Giải Quyết Vấn Đề Bạo Lực
Bùi Hữu Thư
23:31 02/01/2008

Các Giám Mục Kenya Kêu Gọi Đối Thoại Để Giải Quyết Vấn Đề Bạo Lực



NAIROBI, Kenya -- Sau những ngày bạo tàn và chết chóc xẩy ra từ khi có việc tuyên bố kết qủa bầu cử bị phản đối, các Giám Mục Kenya kêu gọi các nhà lãnh tụ chính trị làm mọi nỗ lực để tham dự một cuộc đối thoại nhằm giải quyết sự khủng hoảng.

Một nhân vật giáo hội cũng cho hay một Giám Mục tại một trong những khu vực xẩy ra những bạo hành ghê gớm nhất đã kêu gọi sự giúp đỡ cho cuộc khủng hoảng nhân sự tại địa phương.

24 Giám Mục Kenya kể cả Đức Hồng Y John Njue của Nairobi, chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Kenya, đã ký một bản tuyên ngôn như sau, "Chúng tôi kêu gọi đặc biệt các vị lãnh đạo chính trị. .. hãy đến với nhau qua đối thoại để tìm kiếm một giải pháp cho tình hình hiện tại.”

Bản tuyến bố 4 trang “Tôi Ban Bình An Cho Bạn”, nhấn mạnh rằng Kenya cần có hoà bình dựa trên công bình và huynh đệ chân chính. Các Giám Mục tình nguyện làm trung gian cho việc thương lượng và đề nghị một cuộc duyệt xét laị kết quả bầu cử.

Các Giám Mục ghi nhận những lên án về việc bầu cử gian lận, các ngài nói, “Chúng tôi kêu gọi mọi giới hữu trách hãy tìm kiếm các phương cách, chẳng hạn thiết lập một uỷ ban kiểm duyệt và đặc biệt xét lại việc kiểm phiếu bầu cử nghị viện và tổng thống.”

“Chúng tôi ước mong tất cả những gì khả dĩ có thể thực hiện sẽ được thi hành để điều tra và xác định sự thật của các lời lên án này bằng những phương tiện khác hơn là bạo lực và tàn phá các cơ sở.”

Uỷ Ban Nhân Quyền Kenya và Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế cho biết trên 300 người đã bị giết kể từ khi có cuộc bầu cử tổng thống ngày 27 tháng 12, trong đó Tổng Thống Mwai Kibaki được tuyên bố đắc cử. Trong số những người chết có tới 50 người bị thiêu sống trong khi họ trốn tránh trong nhà thờ Assemblies of God tại thành phố Eldoret.

Thiệt hại cho nhà cửa, công thự trên khắp Kenya được ước tính lên đến nhiều triệu Mỹ Kim.

Ông Raila Odinga, ứng cử viên đối lập lên án là cuộc bầu cử gian lận. Chủ tịch ủy ban bầu cử cho biết, cả hai bên đều hối thúc ông phải tuyên bố kết quả nhanh chóng, và ông không chắc đã tuyên bố kết qủa chính xác.

Các Giám Mục yêu cầu người dân Kenya - nhất là gới trẻ - “hãy kiềm chế những hành động và lời nói và từ chối tham dự vào bất cứ hành động phá hoại, cướp bóc, hay ngay cả việc tiếp nhận các đồ ăn trộm.”

Các ngài nói, “Xin đừng nghĩ là các bạn bị bó tay. Các bạn có thể làm một cái gì. Xin hãy nói với bà con, bạn bè, láng giềng, và những ai bạn biết có thể giúp giải quyết tình trạng hiện thời.”

Linh Mục Vincent Wambugu, tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Kenya nói, cuộc khủng hoảng hiện thời đã ảnh hưởng đến gần 75.000 người thuộc các tôn giáo khác nhau.

Ngài nói, “Một nửa con số người này hiện đang trú ngụ bên trong giáo phận Công Giáo Eldoret.”

Một giới chức Uganda cho cơ quan tuyền thông Associated Press hay là trên 5.000 người đã chạy trốn sang o Uganda, và cơ quan truyền thông này cũng bá cáo là hàng trăm người đã chạy trốn sang Tanzania.

Cha Wambugu cho cơ quan truyền thông Công Giáo Catholic News Service hay là các nhà thờ trong giáo phận Eldoret Diocese đã thiết lập các uỷ ban phối hợp liên tôn, trong khi Giáo Hội Công Giáo địa phương đã yêu cầu chi nhánh Kenya của cơ quan Bác Ái Quốc Tế Caritas và Cơ Quan Dịch Vụ Cứu Trợ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phối hợp các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân sự này.

Cha cũng nói là Đức Giám Mục Cornelius Arap Korir, giám mục giáo phận Eldoret đã kêu gọi các giám mục Công Giáo bạn giúp đỡ giáo phận của ngài “vào ngày giờ khẩn thiết này.” Cha Wambugu cũng nói, Đức Giám Mục đã xin thực phẩm, giường chiếu, lều và bất cứ cái gì cần thiết để cung cấp nơi trú ngụ cho con số người tị nạn ngày càng gia tăng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đầu Năm mới 2008 đem lại Hồng Ân cho Giáo Phận Huế
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
03:53 02/01/2008
HUẾ, Viêt Nam.- Một năm mới đang khởi sự tại giáo phận Huế, bằng việc khởi đầu năm Toàn xá của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dành cho Giáo Phận này nhân ngày đầu năm Dương lịch 2008. Lễ trọng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Cha Stanislao Nguyễn Đức Vệ đọc sắc chỉ
Hơn 3000 Tu sĩ và giáo dân, kéo về nhà thờ chính toà Phủ Cam để tham dự thánh lễ khai mạc Năm Thánh và Truyền chức Linh mục cho 5 thầy phó tế. Đức Tổng Giám Mục Huế đã chủ sự Thánh lễ, cùng đồng tế với ngài có Đức cha phụ tá Giáo Phận Huế, Đức Đan viện phụ dòng Thiên An, Cha giám đốc Đại chủng viện Huế, Cha bề trên dòng Thánh Tâm, Cha quản xứ nhà thờ chính toà Phủ Cam và gần 100 Linh mục trong và ngoài Giáo Phận.

5 Tân Linh mục cùng Đức Tổng Thể
Đức Tổng Giám Mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể nói rằng ngài đã thỉnh cầu lên Đức Thánh Cha và được ngài nhận lời, ban Năm toàn xá cho Giáo Phận với lý do nhân dịp 100 năm xây dựng nhà thờ chính toà, Đức cha giải thích rằng vì nhà thờ này là ngôi nhà thờ mẹ, nơi đặt toà Giám mục của vị chủ chăn và cũng là nơi biểu lộ sức sống và sự hiệp nhất của Giáo Phận

Đức Tổng cho biết ý nghĩa của biểu tượng (logo) năm thánh của Giáo Phận là hình trái tim, bên trong là hình nhà thờ chính toà Phủ Cam, hai bên có hai hàng số 326 và 100, ngài giải thích rằng số 326 là kỷ niệm 326 năm thành lập của Giáo xứ Phủ Cam, số 100 là kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ chính toà Phủ Cam.

Vị chủ chăn Giáo Phận kêu gọi mọi thành phần dân Chúa phải biết tri ân Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Các vị chủ chăn Giáo Phận đã khuất bóng như Đức cố Giám mục Giuse Allys người đã khởi công xây dựng nhà thờ chính toà, Đức cố Đức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục và Đức cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền.

Trước đó, Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ, quản xứ nhà thờ chính toà cho biết để lãnh nhận được ơn toàn xá, mỗi tín hữu phải có lòng thống hối và điều kiện thông thường để nhận lãnh ơn toàn xá, phải xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha vào 7 ngày lễ thánh trong năm do vị chủ chăn Giáo Phận chỉ định.

Đầu năm mới 2008 Giáo Phận Huế có thêm niềm vui mới, Đức Tổng Giám Mục Huế đã phong chức Linh mục cho 5 thầy phó tế, gồm 2 tiến chức Đại chủng viện Huế, 2 tiến chức dòng Thánh Tâm và 1 tiến chức thuộc đan viện Thiên An Huế.

Việc phong chức cho 5 tân Linh mục đã gia tăng số Linh mục trong Giáo Phận, tuy nhiên một giáo xứ ở các vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu Linh mục hoặc một số Linh mục già yếu, bệnh tật ở thành phố vẫn còn gặp nhiều rắc rối trong vấn đề thuyên chuyển.

Giáo dân Huế sung sướng vì mùa xuân mới, đang về trên quê hương Việt Nam, những nụ hoa của Năm Thánh 2008 đang nở trong nhà thờ chính toà Phủ Cam Huế để chào đón mọi tín hữu khắp nơi hành hương đến Huế để nhận ơn toàn xá.
 
Ngày Hội Giới Trẻ tại giáo xứ Cao Xá, Thái Bình
LM Đinh Xuân Ngọc
11:53 02/01/2008
THÁI BÌNH -- Ngày 01 – 01 – 2008 vừa qua quả thực là một ngày hội lớn của các em học sinh giáo lý miền Hưng Yên thuộc giáo phận Thái Bình.

Ngay từ sáng sớm, sân nhà xứ Cao Xá đã trở nên nhộn nhịp bởi sự có mặt của hơn 300 em học sinh giáo lý đến từ liên xứ Cao Xá, Tần Nhẫn và tân giáo xứ Phương Bồ. Đến tham dự với các em còn có các anh chị giáo lý viên của các giáo xứ này. Trên gương mặt thơ ngây pha chút ngỡ ngàng của những em có thể là lần đầu tiên đi xa nhà còn hiện rõ sự hồ hởi, bởi đây là lần đầu tiên cha xứ tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa mà có sự góp mặt của các em học sinh giáo lý trong liên xứ.

Tiết trời se lạnh của buổi sáng mùa đông không làm mất đi không khí náo nhiệt ở nơi đây. Ngày hội được bắt đầu ngay sau lời khai mạc trịnh trọng của cha Gioakim Nguyễn Duy Thiện, chánh xứ Cao Xá, Tần Nhẫn và Phương Bồ. Dưới sự hướng dẫn của quý soeur và quý thầy, các em lần lượt được tham dự các trò chơi sinh hoạt cộng đồng, giúp các em nhỏ thuộc liên xứ có cơ hội làm quen với nhau hơn. Đặc biệt, ban tổ chức còn hướng dẫn các em tham gia trò chơi thi đua bằng cách thi nấu ăn. Bằng các thực phẩm do ban tổ chức dự liệu từ trước, trong hai giờ đồng hồ, các em phải trổ tài nấu ăn cho 30 thành viên của tổ mình.

Chứng kiến các hội viên thuộc các lứa tuổi từ học sinh lớp một đến các học sinh trung học cùng phối hợp với nhau để cùng nấu ăn mà người xem không nén được niềm vui. Có những cụ già tóc đã bạc, tay đã phải chống gậy nhưng cũng đến tham dự và động viên cho các con cháu của mình. Sau nụ cười móm mém, một cụ bà nói: “Lão năm nay đã gần 90 tuổi rồi, nhưng hôm nay mới nhìn thấy con cháu mình chơi vui như thế này. Nếu phong trào giáo lý mà phát triển thì mới giữ được đạo Chúa”.

Trong lúc chờ đợi để chấm điểm các món ăn do các em tự chế biến, tâm sự với chúng tôi, anh Gioan Đắc, nhà tài trợ cho ngày hội này nói: “Tôi rất vui khi được cộng tác với cha xứ, quý thầy và quý dì trong việc tổ chức ngày hội hôm nay. Trước đây, tôi từng là một giáo lý viên, rồi trưởng ca đoàn của giáo họ Trần Xá (một họ lẻ thuộc giáo xứ Cao Xá), nhưng vì công việc làm ăn, nên tôi không thể tiếp tục được công việc này. Hiện nay tôi đã mở công ty riêng với 9 chi nhánh trong khắp tỉnh Hưng Yên. Mặc dù công việc rất bận mải, nhưng khi được cha xứ và quý thầy mời gọi cộng tác trong ngày hội vui hôm nay tôi rất mừng, bởi lẽ tôi nghĩ đây là một cơ hội rất tốt để giúp đỡ các em học sinh giáo lý. Theo tôi, giáo lý là một phần không thể thiếu trong đời sống đạo của người kitô hữu. Điều đó càng đúng hơn đối với cuộc sống ngày hôm nay, đặc biệt đối với các em giới trẻ. Tôi mong rằng, những ngày hội như thế này phải được mở ra thường xuyên hơn nữa để các em có cơ hội giao lưu với nhau. Không những thế, đây còn là cơ hội tốt để các bậc phụ huynh quan tâm tới việc học hỏi giáo lý của con cái mình”.

Hồi chuông nhà thờ vang lên báo hiệu mười hai giờ trưa, cũng là lúc ban giám khảo bắt đầu chấm điểm các món ăn. Thật ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi lúc ban đầu; bởi vì với những thực phẩm đơn sơ, nhưng bằng sự khéo léo của mình, các em đã chế biến thành những món ăn không chỉ ngon mà còn hấp dẫn về mặt hình thức, mà như một vị giám khảo đã đánh giá là không kém món ăn ở những nhà hàng ngoài phố Cao (thuộc huyện Phù Cừ, Hưng Yên).

Người ta khó có thể tưởng tượng được rằng có một bữa ăn với trên 300 thực khách giữa một buổi trưa với những món ăn thanh đạm được bày trên những chiếc chiếu cói bên cạnh tháp chuông của ngôi nhà thờ cổ kính. Quả là một hình ảnh thật đẹp. Và đẹp hơn nữa khi bữa ăn diễn ra trong tình huynh đệ giữa những tiếng cười rộn rã, vì các em đang được thưởng thức những thành quả do chính bàn tay của mình làm ra.

Ngày hội giáo lý khép lại với thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vào lúc 16h00’ cùng ngày. Trong bài giảng, cha chánh xứ đã giúp cộng đoàn hiểu được vai trò của Đức Maria trong đời sống của Giáo hội. Ngài khuyên cộng đoàn hãy tiếp tục noi gương theo đời sống và các nhân đức của Mẹ. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh đến giá trị của việc học hỏi giáo lý Lời Chúa, để nhờ đó có thể hiểu biết về tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Nhân dịp năm mới dương lịch 2008, ngài cũng chúc cho các em giáo lý sang năm mới ngoan ngoãn hơn, siêng năng học hỏi giáo lý hơn để sau này trở thành những người tín hữu tốt giúp ích cho Giáo hội và góp phần xây dựng xã hội trần thế ngày càng tươi đẹp.

Mặc dù lưu luyến lắm, nhưng rồi chúng tôi cũng phải chia tay với các em: “Chúng em phải về thôi, chứ nhà chúng em xa lắm, cách đây những 7 cây số - Tân, tên một cậu bé có mái tóc hoe cầm tay chúng tôi nói - Em chúc các anh sang năm mới mạnh khỏe và đi đường bình an nhé”. Nói rồi, cậu bé nhảy vút lên xe và đạp đi cho kịp lũ bạn đang í ới gọi đàng xa.

Các em nhỏ trong màu áo học trò trên những chiếc xe đạp cũ cứ khuất dần trong bóng chiều đã ngả. Nhìn từng tốp xe đạp đang tỏa về muôn hướng mà lòng chúng tôi không khỏi e ngại. Các em như những con chim non vừa đủ cánh, nhưng giữa cuộc đời nhiều cạm bẫy, liệu các em có biết mà phòng tránh?! Giữa những thách đố của cuộc sống hôm nay, có lẽ chỉ có giáo lý và Lời Chúa sẽ là kim chỉ nam hướng dẫn cho lối đi của cuộc đời.

Ngày hội đã khép lại, có thể những trò chơi hôm nay thoạt đầu chỉ đem lại những tiếng cười, sự sảng khoái, nhưng nếu ngẫm lại, các em sẽ hiểu được rằng đằng sau cuộc chơi đó là những bài học cho đời sống hôm nay. Vì trong hành trình của cuộc đời, cùng với sự quan phòng của tình thương Thiên Chúa, các em còn phải biết khôn ngoan, biết đoàn kết, gắn bó với nhau để chiến đấu và chiến thắng.

Ngày mai, các em sẽ trở lại với công việc thường nhật, chúng tôi cũng phải trở về với công việc của mình, nhưng chia tay nhau ra về mà lòng ai nấy đều mang theo những nỗi niềm khó tả. Một chút gì đó còn tiếc nuối. Giá mà ngày hội kéo dài hơn, để các em có thời gian để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau nhiều giờ hơn thì hay biết mấy.
 
Thanh Sinh Công Việt Nam tại Hoa Kỳ
L.M. Hoàng Xuân Viện, SDB.
12:12 02/01/2008
THANH SINH CÔNG VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Hằng năm vào những ngày nghỉ cuối năm Dương Lịch, Phong Trào Thanh Sinh Công Việt Vam tại Hoa Kỳ có dịp mở Đại Hội Toàn Quốc để quy tụ các đoàn viên của Phong Trào lại với nhau. Đây là cơ hội cho các đoàn viên ở một số các tiểu bang, từ Boston xuống Virginia, Louisiana qua Texas, Oklahoma đến Canada, để tụ họp, để gặp gỡ, bồi bổ tinh thần và bàn tính chương trình hành động cho tương lai.

Địa điểm tổ chức cho Đại Hội Thanh Sinh Công Toàn Quốc được thay đổi mỗi năm. Năm nay, Đại Hội được tổ chức tại Saint Joseph Church, thuộc thành phố Union City, tiểu bang Oklahoma, từ ngày 29 tháng 12, 2007 đến ngày 1 tháng 1, 2008. Đại Hội được bắt đầu với Thánh Lễ Khai Mạc do Tuyên Úy Đoàn chủ tọa. Đề tài chính để thảo luận cho Đại Hội năm nay là “Dare To Lead”. Ngoài những bài thuyết trình và những giờ thảo luận còn có những giờ tĩnh tâm cầu nguyện, trò chơi lớn, biểu diễn tài nghệ mừng đêm giao thừa để tiễn biệt năm cũ và đón mừng năm mới v.v.

Có lẽ sẽ có một số người tự hỏi “Đây là phong trào gì vậy?” Thanh Sinh Công là tên gọi tắt của những chữ “Thanh Niên, Sinh Viên Học Sinh, Công Giáo” (1). Đây là một đoàn thể quốc tế, một phong trào Công Giáo Tiến Hành, ý thức được sứ mệnh tông đồ của người Kitô hữu, muốn dấn thân hoạt động truyền giáo trong môi trường sinh viên học sinh. Phong Trào Thanh Sinh Công quốc tế được thành lập ở Âu Châu vào năm 1924 do Đức Hồng Y Cardijin. Phong trào gia nhập vào Việt Nam vào thập niên 50 tại Hà Nội và Tabert Sài Gòn để rồi phát triển mạnh vào thập niên 60, 70. Giờ đây Phong Trào vẫn còn sinh hoạt mạnh tại các thành phố Huế, Nha Trang, Đà lạt và Sài Gòn.

Phong Trào Thanh Sinh Công Việt Nam tại Hoa Kỳ được tái thành lập từ năm 1980 tại Louisiana do một số anh chị em cựu đoàn viên đứng ra tổ chức cùng với một số linh mục tuyên úy mà trước đây họ từng là những đoàn viên Thanh Sinh Công tại Việt Nam trước năm 1975. Sau những năm âm thầm và bền bỉ hoạt động, Phong Trào đã phát triển sang các tiểu bang Texas, Oklahoma, Boston, Virginia và Canada.

Mục đích của Thanh Sinh Công là gây ý thức nơi giới trẻ để chính họ tự thay đổi cách nhìn và lối sống theo chiều hướng Phúc Âm. Công việc chính của Thanh Sinh Công là gây ý thức chứ không phải là tạo ảnh hưởng. Vì vậy những kết quả gặt hái được không phải do Thanh Sinh Công đã tạo được mà la do giới trẻ đã ý thức được để rồi tìm cách thay đổi và thăng tiến. Thanh Sinh Công không làm một mình, nhưng làm “cùng với và cho” mọi người. Đó là hai điều kiện cần thiết để hội đủ cho một hành động Thanh Sinh Công. Mời quý vị ghé qua trang nhà www.thanhsinhcong.org để tìm hiể thêm về Thanh Sinh Công Việt Nam tại Hoa Kỳ.

L.M. Hoàng Xuân Viện, SDB.

Chú thích: (1) Thanh Sinh Công (TSC) là tên gọi tắt của Phong Trào Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Công Giáo. Thanh Sinh Công là một Phong Trào tông đồ giáo dân có tính cách quốc tế, được Tòa Thánh chính thức công nhận và ủy thác cho việc hoạt động tông đồ cho giới trẻ, đặc biệt trong lãnh vực học đường.

Mỗi giới trong xã hội đều có những vấn đề khó khăn mà chỉ có những ai thuộc về giới đó mới hiểu được. Đặc biệt giới trẻ cũng có những suy tư, âu lo, và hoài bão mà phần lớn giống nhau về lối sống, về học hành, về tình yêu, về cuộc sống tương lai... Như thế việc tông đồ nơi giới trẻ sẽ hữu hiệu hơn nếu để chính những người trẻ đã ý thức được vấn đề của giới mình thực hiện việc làm này nơi môi trường họ đang sống. Đó chính là nguyên do phát sinh ra Phong Trào Chuyên Biệt.

Xem (Quan Sát)

1. Xét (Phán Đoán)

2. Làm (Hành Động)
 
Đêm Yêu Thương mang niềm vui cho trẻ em Trí Bưu, Quảng Trị
Phêrô Nguyên Ngọc Giáo
12:31 02/01/2008
QUẢNG TRỊ – Nằm trong hoạt động mừng Chúa Giáng Sinh và chào năm mới 2008 với tựa đề ‘’Đêm Yêu Thương’’ được các Thầy dòng Thánh Tâm Huế và 10 thiện nguyện viên trong nhóm Thiện Chí do Linh mục Giuse Tiến Lộc đã mang lại niềm vui cho 800 em nghèo Lương lẫn Công Giáo tại Giáo xứ Trí Bưu cách Thánh địa La Vang Quảng Trị 5 cây số về phía nam.

Đức GM phụ tá Huế thắp nến khai mạc
Sân khấu chỉ là gian cung thánh, lấp lánh bởi muôn ngàn ánh đèn được chiếu sáng từ hang Bêlem của nhà thờ Trí Bưu, ngôi nhà thờ cấu trúc hiện đại với hai tháp chuông vòm cao vút, bên trong có chừng 20 tượng Thánh Tử đạo Việt Nam vì nơi đây ngày xưa đã từng thắm máu đào của những vị anh hùng.

Đức cha phụ tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng cho biết, Trí Bưu là quê hương của ngài, nhưng nhà cửa, đất vườn của thân phụ ngài sau năm 1975 đã bị một viên chức địa phương chiếm đoạt. Trong Đêm Yêu Thương 30.12.2007, ngài đã kêu mời mọi người hãy đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người chung quanh như ánh sáng chiếu soi trong màn đêm.

Bên phải: Cha Quý, bên trái: ông già Noel Cha Tiến Lộc
Thầy Giuse Phan Tấn Hồ, dòng Thánh Tâm Huế cho biết, để có một đêm yêu thương đúng nghĩa, cần có nhiều tổ chức và cá nhân hổ trợ, Thầy Hồ được sự giúp đỡ của nhóm công tác xã hội Thiện Chí, dòng Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, dòng Thánh Tâm, các sinh viên và Văn Nghệ sĩ Huế.

Ngoài ra, một số ân nhân của dòng như ông bà Lâm mạnh Tùng, anh chị Khanh, dì Huỳnh Thị Phương Khanh, MC Nguyễn, anh chị Hường Cường, anh Phạm Hồng Thạch, thầy Bùi Thiện Hiền đã yêu thương các em bằng sự đóng góp công sức của mình làm cho Đêm Yêu Thương tại Trí Bưu chan chứa niềm vui.

Những chiếc xe đạp cho các em đến trường
Linh mục Giuse Tiến Lộc, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn vóc dáng to lớn nặng 100 cân đã hoá trang ông già noel đồng phục đỏ, râu tóc bạc phơ để trao những suất quà như áo ấm, chăn bông, xe đạp, máy tính học sinh, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, kem bót, xà phòng, bút vở và học bổng.

Gần 70 sinh viên, văn nghệ sĩ Huế đã tặng cho các em những vần thơ, giọng ca, điệu múa, nhảy Hip-hop góp phần làm cho những con tim được vui trở lại sau những cơn lũ lụt, từng tốp chục em ngỡ ngàng bước lên sân khấu để nhận quà.

Ca sỹ Nhật Trường hát chung ca sỹ Đăng Khoa bài “”Đêm Yêu Thương’’ rằng đêm yêu thương năm xưa và đêm yêu thương năm nay dẫu cách biệt thời gian nhưng yêu thương vẫn mãi vĩnh hằng, Chúa đang đến với những người nghèo khó; chúng ta đang bên nhau chia sớt nghĩa yêu thương không chỉ là gói quà cơm bánh nhưng còn là ca hát sẻ chia.

Linh mục Gioan Baotixita Lê Quang Quý, quản xứ 1300 giáo dân Trí Bưu cho biết, Thật lâu lắm rồi vùng đất Trí Bưu, Quảng Trị này mới có những chương trình hoành tráng và cảm động vì giữa người cho và kẻ nhận đều có sự cảm thông. Người nhận quà cảm nhận được niềm vui và người cho quà được chia sẽ được tình thương và tiếng hát.
 
Đêm Giao Lưu Văn Nghệ “Quê Hương Thượng Đế” Tại Đệ Tử Viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế
Antôn Trần Đức Hà
12:43 02/01/2008
HUẾ -- Mỗi độ cuối năm dương lịch, Đệ tử viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế thường tổ chức nhiều hoạt động để đón mừng Chúa Giáng sinh và năm mới. Đến hẹn lại lên, trong ngày tất niên 31/12/2007, đêm giao lưu văn nghệ mừng Chúa Giáng sinh, chào đón năm mới 2008 đã được tổ chức tại hội trường của dòng. Đến với đêm Giao lưu do Lm Phaolô Nguyễn Xuân Đường và anh em đệ tử tổ chức ngoài các Lm, tu sĩ của dòng như cha Giuse Nguyễn Quốc Việt, cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, cha Hoàng Diệp. v.v. còn có đại diện của các hội dòng tại Huế như dòng Mến Thánh Giá, Phaolô, Đức Mẹ Đi Viếng, Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhóm sinh viên công giáo tại Vinh, Hà Tĩnh, Huế cùng đông đảo giáo dân trong giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Đêm giao lưu mang chủ đề “Quê hương Thượng Đế” được lấy từ tác phẩm âm nhạc cùng tên của nhóm Alleluia: Lm Thành Tâm, Trần Sỹ Tín, Vũ Khởi Phụng. Chủ đề này toát lên nhiều ý nghĩa sâu xa, nó như lời đáp cho câu hỏi được thường đặt ra trong xã hội hôm nay là nếu Chúa Giêsu sinh ra ngày hôm nay thì Ngài sẽ sinh ra ở đâu ? nhóm tác giả đã trả lời chắc Ngài sẽ sinh ra trong một thôn xóm nghèo và những người tới chiêm ngưỡng Ngài sẽ là vài người dân nghèo khiêm nhượng. Chúa đã sống cuộc sống nghèo trên quê h ương của Ngài và Ngài sẽ trở về quê hương đích thực của Ngài bên cạnh Chúa Cha. Đó cũng phải là quê hương đích thực để mọi người chúng ta hướng tới trên bước đường lữ khách. “Quê hương Thượng Đế” là một ý tưởng kỳ lạ như muốn khuyến khích người nghe suy tìm ý nghĩa đích thực bên kia hình ảnh.

Trước buổi văn nghệ, trời Huế bỗng đổ mưa nhưng mưa gió, giá rét không ngăn được dòng người đến với đêm giao lưu. Đúng 19h, cả hội trường không còn một chỗ trống. Khung cảnh ồn ào, náo nhiệt của hội trường lúc này dần được thay thế bằng giây phút trang nghiêm của phần khai mạc với bản hợp xướng “Hội nhạc Thiên Quốc” do anh em đệ tử thể hiện dưới sự chỉ huy của cha Xuân Đường.

Đến với đêm văn nghệ hôm nay có đông đảo tu sĩ, đệ tử các dòng nữ tại Huế. Các chị đã mang đến những hoạt cảnh, những vũ khúc tươi vui, rộn rã, sôi động. Đó là hoạt cảnh “Truyền tin-sinh hạ” của dòng Đức Mẹ Đi Viếng Bãi Dâu diễn tả cảnh sứ thần Gabriel truyền tin cho Trinh nữ Maria, cảnh Hài nhi Giêsu hạ sinh hay là vũ khúc “Chúa đã sinh ra” (dòng Đức Mẹ Đi Viếng Kim Đôi), vũ khúc “Niềm vui cho thế giới” (dòng Mến Thánh Giá Khâm Mạng), vũ khúc “Liên khúc Giáng sinh” (dòng Mến Thánh Giá Phủ Cam), vũ khúc “Merry Boy Child” (Nội trú Ánh Dương Passquier). Các chị em đệ tử dòng Phaolô Thiên Hựu cũng mang đến đêm diễn những màn múa quạt uyển chuyển qua nhạc phẩm “Đoản khúc dâng hiến”.

Khán giả trong đêm văn nghệ này cũng được thưởng thức tiếng hát của những giọng thánh ca nổi tiếng trong giới công giáo hiện nay: Đó là một giọng ca mạnh mẽ, cháy bỏng của ca sỹ Quang Vịnh với ca khúc “Tình yêu mùa xuân”. Quang Vịnh không phải là Kitô hữu nhưng anh thường xuyên có mặt trong các anbum thánh ca và những ca khúc anh hát đều thể hiện được cái hồn Kitô giáo trong đó. Đó là một giọng ca đầm ấm, ngọt ngào của Lm Phaolô Nguyễn Xuân Đường với ca khúc “Bước người đi qua”, Cha Phaolô hiện đang là Giám đốc nhà Đệ Tử, Ngài là giọng ca quen thuộc với nhiều người công giáo qua hàng loạt anbum như “Con phải làm gì”, “Hội nhạc Thiên Quốc”, “Mẹ Hằng Cứu Giúp”, “Tình Ngài gọi con”. v.v. Một giọng ca truyền cảm nữa là ca sỹ Phong Lan với ca khúc “Trời cao hỡi”. Phong Lan là một ca sỹ gốc giáo phận Vinh khá nổi tiếng trong giới nghệ sỹ công giáo tại Huế.

Đặc biệt, đêm văn nghệ này có sự góp vui của các bạn sinh viên giáo phận Vinh đang theo học trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh. Với tinh thần tuổi trẻ, anh chị em sinh viên đã vượt gần 400 km đến Huế với tinh thần hiệp thông, chia sẻ niềm vui đón Giáng sinh và năm mới của hội dòng. Đây cũng là cơ hội giao lưu, tìm hiểu nhằm định hướng tương lai ơn gọi dâng hiến của nhiều bạn nam sinh viên trong đoàn. Anh trưởng đoàn Phêrô Trần Trung cho biết đây là lần thứ hai sinh viên Vinh vào tham dự đêm giao lưu tại dòng Chúa Cứu Thế Các bạn sinh viên mang đến đây những ca khúc như “Gặp Chúa trên quê hương” diễn tả tình yêu và ước mong của dân Việt vào Thiên Chúa- một Thiên Chúa rất gần gũi với cuộc sống Việt Nam qua những câu hát “Chúa ấy là người Việt Nam, đi trên chiếc xuồng ba lá đơn sơ…”; “Chúa ấy là người Việt Nam, bước xuống đồng ruộng nương rẫy mênh mông….”. Ca khúc “Hân hoan chào mừng Noel” do ba anh em sinh viên ở trường CĐ Văn Hóa Nghệ Thuật Nghệ An thì diễn tả niểm vui đón mừng Chúa giáng sinh của người công giáo và nhân loại nói chung. Theo đoàn sinh viên đến Huế còn có cô bé Quỳnh Hoa, hiện đang theo học tại Cung văn hóa thiếu nhi Việt Đức- Vinh. Em cũng đóng góp một vũ điệu Audition vui tươi, khỏe khoắn để làm phong phú thêm nội dung đêm diễn.

Là những người đóng vai trò chủ chốt và là nhân vật chính trong đêm văn nghệ là anh em đệ tử trong dòng. Những tiết mục như vở hài kịch “Thầy về”, màn ảo thuật do Văn Tâm đạo diễn đã làm hội trường vang lên những tiếng cười rôm rả. Ba anh em đệ tử Bá Thảo, Quốc Tuấn, Văn Đồng với bản trình tấu “Đêm Noel” bằng Săcxôphôn-Ghita cùng với những tiếng kèn trước đó trong “Liên khúc mừng giáng sinh” của gia đình nghệ sỹ Hoàng Lân đã cho khán giả thưởng thức nhiều nhạc phẩm giá trị. Ngoài ra, anh em đệ tử cũng thể hiện rất thành công ca khúc “Quê hương Thượng Đế”, tác phẩm thể hiện chủ đề đêm văn nghệ.

Cuộc vui nào cũng có hồi kết của nó, sau hơn 3 giờ biểu diễn, đêm giao lưu văn nghệ kết thúc bằng vũ điệu “Happy New Year” sôi động và những tràng pháo tay vang dội để chuẩn bị chào mừng giây phút giao thời năm cũ và năm mới 2008. Mọi người có mặt trong phút giây thiêng liêng này đều rạng rỡ niềm vui mà có lẽ vui nhất là những em nhỏ được quà trong chương trình bốc thăm xen kẽ các tiết mục văn nghệ. Đêm giao lưu văn nghệ để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả nhất là tình hiệp thông liên đới giữa các hội dòng tại Huế, giữa hội dòng với sinh viên công giáo như cha bề trên Giuse Nguyễn Quốc Việt chia sẻ đầu buổi văn nghệ: “Chúng tôi vui mừng và hãnh diện vì có thêm nhiều người bạn dễ thương, hôm nay trời đất giao duyên, quê hương Thượng đế không còn ở xa nữa, xin hãy tiếp tục nối dài niềm vui của ngày hôm nay…” Và xin dùng lời của một sinh viên ngoài công giáo có mặt trong đêm diễn để kết thúc những dòng viết này “Đêm văn nghệ của các thầy trong Đệ tử viện dòng Chúa Cứu Thế thật là thú vị, ước gì tôi luôn được tham dự những hoạt động của công giáo như thế”

(Photo: Trần Trung)
 
Chương trình văn nghệ: Triều Nguyên Ơn Phước Cả tại GX VN Paris
GS Trần Văn Cảnh
14:01 02/01/2008
VĂN NGHỆ TRIỀU NGUYÊN ƠN PHƯỚC CẢ[1]

Kết thúc Năm Hồng Ân Kỷ niệm thành lập 60 năm Giáo xứ Viêt Nam Và 25 năm thành lập Hội Ðồng Mục Vụ

Giáo Xứ Việt Nam Paris - chủ nhật 30.12.2007: Chương trình hoạch định sẽ khởi đầu vào lúc 14 giờ 30. Nhưng từ 13 giờ 30, Không gian văn nghệ đã đông nghẹ người. Không gian văn nghệ hôm nay, rất đặc biệt, rộng rãi và đầy đủ dụng cụ thính thị và thông tin. Ban Phụ Huynh đã liên kết với Nhóm Liên Ðới Xây Dựng dựng một khán đài cao và rộng, ở giữa phòng khánh tiết và mở ra cả nhà nguyện. Không gian này có thể chứ trên 1000 người, với chỗ ngồi tiện nghi và địa thế theo dõi dễ dàng.

1. LỜI CHÀO MỪNG CỦA ÐỨC ÔNG GIÁM ÐỐC MAI ÐỨC VINH

Ðúng 14 giờ 30, Ðức Cha Michel POLLIEN và Ban Giám Ðốc tiến vào Phòng. Cả hội trường vẫn còn tiếng nói chuyện rì rào. Các đèn tắt hết. Năm tiếng gõ sân khấu. Cả hội trường im lặng như tờ. Dưới ánh sánh rọi soi, Ban Hợp Ca Ca đoàn tổng hợp, với sự đóng góp của: Ca đoàn Triều Dâng, Nhóm Du ca, Ca đoàn Bảo lộc Cergy, Ca đoàn thiếu nhi, Nhóm trẻ giáo xứ và Ca đoàn Giáo xứ, từ từ tiến ra sân khấu. Các thiếu nhi ngây thơ đi trước, các chị duyên dáng trong chiếc áo dài đủ mầu tiếp theo, rồi các anh hùng tráng bước ra. Ban Hợp Ca đã xếp theo cơ cấu trình diễn đa âm. Ban Hợp ca xếp chỗ xong, cô Quỳnh Chi, rất duyên dáng trong chiếc áo dài dân tộc tiến lên sân khấu và giới thiệu: « Sau đây là lời chào mừng của Đức Ông Vinh, xin mời Đức Ông ».

ÐứcÔng tiến lên và đọc lời chào mừng. Ngài nói:

Kính thưa Đức Cha Michel,

Kính thưa quý vị Quan Khách

Kính thưa toàn thể Cộng Đoàn Giáo Xứ,

Thay mặt Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ, tôi chân thành gửi dến mỗi vi, mỗi người, lời chào quý mến nhất của Năm Hồng Ân mừng 60 năm thành lập Giáo Xứ và 25 năm thành lập Hội Đồng Mục Vụ.

Vâng, mừng Ngọc Khánh của Giáo Xứ, mừng Ngân Khánh của Hội Đồng Mục Vụ chính là lý do chúng ta tất cả hiện diện ở đây hôm nay: Trước tiên chúng ta đã dâng lễ cảm tạ Thiên Chúa và ghi ơn các tiền nhân, thứ đến chúng ta đã chia nhau bữa ăn huynh đệ thanh đạm, và giờ đây chúng ta chung vui buổi văn nghệ gia dình mang tên là «Triều Nguyên Ơn Phước Cả».

Đọc và nghe chương trình buổi trình diễn văn nghệ hôm nay, tôi mạn nghĩ rằng: ‘Triều nguyên Ơn Phước Cả’ là chúng ta được mời gọi trở về với những hồng ân cao cả và bao la mà Thiên Chúa đã và luôn khấng ban cho Cộng Đoàn Giáo Xứ Việt Nam chúng ta. Những Hồng Ân dó là gì ? – Xin thưa: «Là cộng đoàn những người Việt Nam đã chịu phép Rửa Tội, Giáo Xứ chúng ta đương nhiên trở thành Dân Tộc Thánh, Dân Tộc Tư Tế, Dân Tộc Vương Giả, Dân Tộc được Tuyển Chọn, Dân Tộc Viên Đá Sống, và Dân Tộc Việt Nam sống Đức Tin Công Giáo».

Và đó là những ý nghĩa sâu sắc về đời sống Đức Tin, về tình tự Dân Tộc, và về tinh thần liên đới Cộng Đoàn mà chúng ta phải cố gắng thực hiện trong Giáo Xứ chúng ta, hầu đáp lại bao hồng ân của Thiên Chúa và bao công đức của Tiền Nhân.

Tất cả những ý nghĩa ấy sẽ được nói lên qua những bài hát, những màn vũ, những bản kịch, những lời ca vọng cổ.. tuyệt vời chúng ta sẽ thưởng lãm; nói khác, qua những đóng góp nghệ thuật toàn diện của các em Thiếu Nhi và các Bạn Trẻ trong Cộng Đoàn, mà tôi muốn thay mặt cho mọi người hiện diện, nói lên ở đây lời cám ơn và khích lệ.

Trước khi dứt lời, tôi cầu chúc mọi người nắm bắt được mọi ý nghĩa sâu sắc của các mục văn nghệ hôm nay. Như vậy, quý vị sẽ có một buổi chiều êm ả trong nhà nguyện ấm cúng này.

Một lần nũa, tôi chân thành cám ơn sự hiện diện của quý vị, và chúng ta vỗ một tràng pháo tay để chào nhau, để cám ơn và khích lệ toàn ban tổ chức và ban trình diễn ».

2. GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

Một tràng pháo tay nổi lên như pháo rang. Trong khi đó, hai cô giới thiệu chương trình cùng xuất hiện. Cô Quỳnh Chi và cô Phi Lan.

Phi Lan: Sáu mươi năm chỉ là không, so với vô biên của Thượng Đế, sáu mươi năm bên cạnh tuổi trăng sao chỉ là vô nghĩa, sáu mươi năm bên cạnh lịch sử loài người chỉ là một chấm nhỏ, rất nhỏ, vô hình. Nhưng sáu mươi năm với chúng con, Cộng Đoàn Giáo Xứ Việt Nam tại Pháp, là một đoạn đường dài, đoạn đường trải qua hai thế kỷ. Đoạn đường ấy ngợp đầy những hình ảnh, có nhạt nhòa vàng úa như những bức ảnh trắng đen xưa cũ của những người đi trước, có rực rỡ đậm nét sắc màu của những của những chiếc máy ảnh numérique tối tân hiện đại, tất cả những hình ảnh đó cùng đánh dấu một đoạn đường đã qua của Cộng Đoàn chúng con, một Cộng Đoàn được xây đắp bằng những bàn tay, những khối óc, những con tim, những thao thức, những ước mong, những nụ cười và những giọt nước mắt.

Quỳnh Chi: Ngồi đây hôm nay, quây quần bên nhau, chúng con xin hướng về Cha, Thiên Chúa chúng con, Ngài là trung tâm, là sức hút, là ánh mặt trời mà chúng con là những cành hướng dương luôn quay về Ngài trong suốt sáu mươi năm qua. Lạy Thái Dương ánh sáng, xin hướng về nguồn ơn, nguồn ơn phước cả, để lắng nghe tiếng Cha khẽ hỏi: Sáu mươi năm qua, con đã là gì cho thế gìới, con đã nói gì cho anh em. Lạy Cha con xin thưa với Ngài rằng:

Sáu mươi năm hồng ân,

Triều nguyên ơn phước cả

Thiên Chúa, cha từ nhân

Suối nguồn mọi phúc lạ.

Ðể cám tạ Thiên Chúa,

Ðể kết thúc năm hồng ân (1947-2007)

Ðể mừng 25 năm Hội Ðồng Mục Vụ (1983-2007)

Ðể hân hoan tiến về tương lai.

Chương trình văn nghệ kỷ niệm 60 năm Giáo Xứ Việt Nam

30/12/2007

Chủ đề: Triều Nguyên ơn phước cả.

(Trở về nguồn ơn phước cả).

Gồm 6 phần dựa trên 6 đoạn của bài thơ « Hiên Ngang » (tác giả: CUNG CHI), được triển khai thành 6 tiểu đề, nói lên một số bản sắc của cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam tại Pháp.

Phần I: Dân tộc chúng con « Dân tộc thánh » (peuple saint): Cộng đoàn tri ân.

· Hợp ca: Hồng Ân (Hải Linh) / do Anh Triển điều khiển ca đoàn tổng hợp, với sự đóng góp của: Ca đoàn Triều Dâng, Nhóm Du ca, Ca đoàn Bảo lộc Cergy, Ca đoàn thiếu nhi, Nhóm trẻ giáo xứ, Ca đoàn Giáo xứ,

· Vũ: Khúc hát một loài hoa (Ân Đức) / Ðoàn vũ thiếu nhi do chị Linh phụ trách

· Tốp ca nữ: Dấu ấn tình yêu (Ân Đức) / 5 giọng ca nữ của ca đoàn Giáo Xứ: Trang, Tiên, Uyên, Hương, Thảo.

Phần II: Dân tộc chúng con « Dân tư tế » (peuple sacerdotal): Cộng đoàn ơn gọi.

· Đồng ca với cộng đoàn: Từ rất xa khơi (Đỗ Vy Hạ) / do Cha Sách, Chị Mai với phần minh họa múa của chi Anh Thư.

· Song ca nam nữ: Khi hoa nở miền Cana (Phanxicô) /: Khi hoa nở miền Cana do hai bạn trẻ Kim Yến và Nhaty.

· Hợp ca: Lòng Mẹ (Hải Linh) / do Anh Triển điều khiển ca đoàn tổng hợp, với sự đóng góp của: Ca đoàn Triều Dâng, Nhóm Du ca, Ca đoàn Bảo lộc Cergy, Ca đoàn thiếu nhi, Nhóm trẻ giáo xứ, Ca đoàn Giáo xứ.

Phần III: Dân tộc chúng con « Dân Vua Chúa » (peuple roi): Cộng đoàn sống và truyền rao lời Chúa.

· Vọng cổ, lược sử 60 năm giáo xứ / Minh Đức và Kiều Lệ Mai

· Vũ: Gieo mầm tin yêu (Ý Vũ) / Ðoàn vũ thiếu nhi do chị Tú phụ trách.

Phần IV: Dân tộc chúng con « Dân tuyển chọn » (peuple choisi): Cộng đoàn của thử thách.

· Vũ: Vuợt biển / Nhóm tàu 101 do chị Quyên phụ trách.

· Diễn thơ: Kinh hoàng. (Thơ: Cung Chi) / Hai em Anh Tuấn và Kiều Thụy.

Phần V: Dân tộc chúng con « Viên đá sống » (pierre vivante): Cộng đoàn hy vọng, trung tín theo chân Chúa Phục Sinh.

· Song ca nữ: Tôi ơi đừng tuyệt vọng (Trịnh Công Sơn) / Thùy Trang và Lưu Nguyễn Thương ca đoàn Cergy trình bày.

· Kịch ngắn: Bạn đường / Nhóm trẻ giáo xứ trình diễn.

· Đồng ca: Alléluia, Chúa yêu trần thế / Do đoàn huynh trưởng thiếu nhi hướng dẫn.

Phần VI: Dân tộc chúng con « Dân Việt Nam »: Cộng đoàn hậu duệ của các bậc tiền nhân tử đạo.

· Vũ: Phóng tác bài thơ « Họ là ai » (tác giả: Lương Nhi Tử) / Do các bạn trẻ của các nhóm, các ban trong giáo xứ trình bày dưới sự hướng dẫn đầy nghệ thuật của chị Kim Trang.

Tất cả các màn ca vũ, kịch đều được đệm nhạc với Dàn nhạc thiếu nhi và phụ huynh, dưới sự hướng dẫn của Anh Triển.

3. TRÌNH DIỄN

Sau phần giới thiệu chương trình, các màn ca, vũ, nhạc kịch đã tuần tự trình diễn.

Thời gian thám thoát thoi đưa. Trời đã xế chiếu. Ðức Cha Michel POLLIEN ghi sổ vàng.

Ra về, nhiều người còn lẩm bẩm bài thơ « HIÊN NGANG », bài thơ mà Cung Chi đã sáng tác vào hè 1984, bài thơ đã tạo lên cái sườn, mà theo đó ban tổ chức đã dựa vào để xây dựng Chương Trình Văn Nghệ hôm nay « TRIỀU NGUYÊN ƠN PHƯỚC CẢ », (Trở về nguồn ơn phước cả ).

HIÊN NGANG

Cộng đoàn chúng con « Dân Tộc Thánh » (I P2, 9)

Nhục vinh vui khổ luôn kiêu hãnh

Không quên thân phận tội cát lầm

Chúa thương nuôi dưỡng bằng ơn Thánh.

Cộng đoàn chúng con « Dân Tư Tế » (I P2, 9)

Dâng cả cõi lòng làm của lễ

Bao nhiêu cuộc sống vương hy sinh

Bấy nhiêu giọy nước trong chén lễ.

Cộng đoàn chúng con « Dân Vua Chúa » (I P2, 9)

Hoan lạc trên đường về đất hứa

Gieo hạt luống cầy trong đau thương

Gặt lấy vàng thơm muôn bó lúa.

Cộng đoàn chúng con « Dân tuyển chọn » (I P2, 9)

Giã từ tội lỗi đêm rùng rợn

Ðường vào cứu rỗi ánh huy hoàng

Hớn hở hơn người nuôi chí lớn.

Cộng đoàn chúng con « Viên Ðá Sống » (I P2, 9)

Xây đắp hồn thiêng đền linh động

Nghi nghút khói trầm hương yêu đương

Lấp kín hư vô vùi hoang trống.

Cộng đoàn chúng con « Dân Việt Nam » (I P2, 9)

Vui với quê hương nét sử vàng

Nghe máu anh hùng dòng Tử Ðạo

Chuyển trong huyết quản giục hiên ngang.

(Paris, hè 1984)

(CUNG CHI)

Tất cả các khán thính giả, ai ai cũng tấm tắc khen văn nghệ « TRIỀU NGUYÊN ƠN PHƯỚC CẢ »: Tổ chức qui mô, lực lượng hùng hậu, nghệ thuật sáng tác và trình diễn cao, chủ đề ý nghĩa: HIÊN NGANG làm « Dân Tộc Thánh », « Dân Tư Tế », « Dân Vua Chúa », « Dân tuyển chọn », « Viên Ðá Sống » và « Dân Việt Nam ».

Xin hoan hô cha Tuyên Úy Ðinh ÐỒNG THƯỢNG SÁCH, và tầt cả các cộng sự viên, đặc biệt là hai anh chị TUẤN THẢO và TRIỂN LAN.

Paris, ngày 01 tháng 01 năm 2008

Trần Văn Cảnh[2]

--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú

[1] Tổ chức chung:

_Soạn chương trình: Cha Sách và Anh Tuấn.

_Giới thiệu chương trình: Phi Lan và Quỳnh Châu và Anh Phong.

Phần kỹ thuật:

_ Âm thanh, Vidéo: Khôi, Benoit, David và các bạn.

_ Áng sáng: Dàn ánh sáng do Anh Trương phi Hùng cho mượn và được điều khiển bởi Anh Văn và các bạn.

_ Dựng sân khấu: Ban phụ huynh.

_ Trang trí sân khấu: Anh Hoàng.

_ Trật tự, sửa soạn phòng văn nghệ, chạy sân khấu: Cha Điển và Nhóm trẻ giáo xứ.

_ Nhiếp ảnh: Anh Hoàng, Anh Hảo.

_ Affiche: Anh Khiêm.

_Quản lý và hậu cần: Chị Thảo.

_Phần ẩm thực: Cha Dũng và ban nhà bếp.

[2] Xin cám on anh TUẤN đã cung cấp tài liệu.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đức TGM Hà Nội: Sự trưởng thành của người giáo dân Hà Nội và sự hiệp nhất giữa các thành phần dân Chúa
Tiến Nhân
14:08 02/01/2008

Đức TGM Hà Nội: Sự kiện Tòa Khâm Sứ cho thấy sự trưởng thành của người giáo dân và sự hiệp nhất cao độ giữa các thành phần dân Chúa



Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi dành cho Linh mục Trần Công Nghị, giám đốc mạng lưới VietCatholic, ĐGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự trưởng thành chín chắn nơi cách suy nghĩ và hành động của hàng giáo dân giáo phận Hà Nội, cũng như nhấn mạnh sức mạnh hiệp nhất giữa các thành phần dân Chúa của giáo phận Hà Nội nói riêng và của người Công Giáo VN nói chung trên toàn thế giới.

Nghe cuộc Phỏng vấn Đức TGM Ngô Quang Kiệt về hiện tình Giáo phận Hà Nội

Quả thế, hình ảnh được truyền đi trên các mạng lưới truyền thông trong những ngày qua làm cho mọi người ngạc nhiên và phấn chấn trước một tập thể giáo dân đầy cương quyết và mạnh mẽ trong việc đòi hỏi lại Tòa Khâm Sứ Hà Nội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là một tập thể ý thức mạnh mẽ về những gì mình đang đòi hỏi, một tập thể biết tự chủ ngôn từ và hành vi của mình. Hình ảnh hàng ngàn người im lặng cầu nguyện, thỉnh thoảng cất lên một bài thánh ca làm cho mọi người liên tưởng ngay đến sự khác biệt trước những hành vi bạo động và cuồng tín đang diễn ra trên thế giới, nhất là nơi những người Hồi giáo quá khích, cực đoan. ĐGM Hà Nội đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cung cách hành xử khác biệt này nơi hàng giáo dân, đó không phải là những cuộc biểu tình chính trị rầm rộ, với những băng rôn, biểu ngữ, với những tiêng la hò gào thét, hay với những thái độ chống đối, nhưng đơn giản người giáo dân Hà Nội đang « bày tỏ niềm tin chính đáng » của mình.

Hình ảnh tập thể giáo dân Hà Nội đang đập vào mắt mọi người đó không phải là một tập thể cuồng tín, hận thù, nhưng là một tập thể đức tin và cầu nguyện. Những gì diễn ra bên ngoài chỉ là những lời ca hát thánh ca, những kinh nguyện, chữ ký. Một tập thể đức tin và cầu nguyện như thế mới gây nên sự lúng túng trong cách hành xử của quan chức chính quyền địa phương. Họ không thể dựng chuyện là một tập thể chống đối, bạo động…trước mọi cặp mắt đang hướng về đó từ mọi nơi trên thế giới được. Đứng trước một tập thể đức tin và cầu nguyện như thế, chính quyền điạ phương chỉ cần hai ba nhân viên an ninh giữ gìn giao thông đi lại thôi, chứ không cần phải huy động tất cả lực lượng phòng vệ của mình. Một tập thể đức tin và cầu nguyện như thế đã lôi kéo được một vị thủ tướng ra khỏi văn phòng làm việc của mình, đến tận hiện truờng, và đến không phải mang theo một lực lượng bảo vệ hùng hậu súng đạn, nhưng qua những bức hình, người ta nhận thấy, ông thủ tướng bước những bước đi vui vẻ nhẹ nhàng, như đang đi biểu diễn trên sàn Catwalk vậy, trước những tiến vỗ tay và những ánh mắt ngạc nhiên nhìn ngó một vị thủ tướng đi giữa một đám đông đang nhắm sự đòi hỏi chính đáng của mình đến vị thủ tướng này.

Tuy nhiên, sự trưởng thành của hàng giáo dân VN ngày nay không chỉ có thế. ĐGM Giuse cho thấy sự trưởng thành đích thực của người giáo dân Hà Nội nói riêng, qua đó, hàng giáo dân Công giáo VN nói chung, là ở chỗ đó là những con nguời giáo dân có ý thức và trách nhiệm cao. Ý thức về lòng yêu chuộng công lý và bênh vực công lý; ý thức về quyền lợi chung, quan tâm đến ích chung của Giáo Hội. Một tập thể giáo dân không còn giao khoáng tất cả cho những ông cha bà xơ nữa hay chỉ biết đến cái nhu cầu của ích kỷ của bản thân, nhưng là những con nguời giáo dân biết ý thức về chỗ đứng và trách nhiệm của mình trong một Giáo Hội. Mỗi một người giao dân đều ý thức về vai trò của họ trong việc xây dựng Giáo Hội. Họ chính là những « viên gạch sống động » mà thánh Phêro nói đến, những viên gạch xây nên ngôi đền thờ sống động là Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chỉ một lời kêu gọi của vị chủ chăn, người giao dân đã biết phân định ngay sự thật và công lý, và bằng vào sự cộng tác của mình với vị chủ chăn, họ đã làm nên một Giáo Hội mạnh mẽ, một Giáo Hội đức tin và cầu nguyện, tren đó, Chúa Giêsu đã hứa, không một quyền lực âm phủ nào có thể thắng được. Nguời giáo dân Hà Nội cũng cho thấy họ cũng đang bước vào tiến trình dân chủ của thế giới, một tiến trình trong đó, phẩm giá và tự do của con người cần được tôn trọng, công lý và nhân quyền được thăng tiến. Tập thể giáo dân Hà Nội như thế còn là một tập thể của ý thức công lý và dân chủ, nhân quyền. Những năm tháng im lìm và chịu đựng của người dân VN đã qua rồi, đã đến lúc ánh sáng văn minh dân chủ, đến lúc ý thức tự do và trách nhiệm của một chủ thể đã đạt đến sự trưởgn thành. Đối với người Kitô hữu, tất cả đó là bởi vì họ ý thức về phẩm giá của nhân vị con người, đựoc tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chính nơi cùng lòng của Ba Ngôi Thiên Chúa mà « tiến trình dân chủ » đã hình thành: Sự duy nhất trong khác biệt.

Ở đây chúng ta còn phải nói về sự hiệp nhất của toàn thể dân Chúa, trong địa phận Hà Nội, nhưng còn trên toàn thế giới. Đức TGM Giuse đã cám ơn sự liên đới, đoàn kết và hiệp nhất của mọi thành phần dân Chúa Hà Nội và khắp nơi trên thế giới đều một lòng một ý trong nguyện vọng chính đáng và chính nghĩa của HĐGM Việt Nam là đòi lại Tòa Khâm Sứ. Mục tử và đàn chiên sát cánh bên nhau, mục tử không bỏ trốn để đàn chiên bơ vơ và đàn chiên ý thức chỗ đứng của mình bên cạnh người mục tử. Những hình ảnh đẹp về mối tương quan giữa mục tử và đàn chiên đã được biểu lộ rõ nét trong những ngày vừa qua. Tất cả đó làm nên sức mạnh của một tập thể, và dĩ nhiên, sự hiệp nhất trong Giáo Hội trước hết là hoa quả của Chúa Thánh Thần. Đã đén lúc tháp Babel, nơi mỗi người chỉ quan tâm đến ích lợi riêng mình và câm điếc trước những đòi hỏi công lý, cần phải sụp đổ. Đã đến lúc những hoa trái của Biến cố Hiện Xuống được lan rộng, nơi tình yêu và chân lý, tự do và công lý ngự trị.

Kính chúc Đức TGM Hà Nội và tập thể cộng đồng dân Chúa tại Hà Nội thêm sức mạnh và niềm tin vào những đòi hỏi chính nghĩa và công lý của mình. Cầu chúc cộng đồng giáo phận Hà Nội tiếp tục là một cộng đồng đức tin và cầu nguyện, cộng đồng công lý và hòa bình.
 
Công lý sẽ đến trong hòa bình
Trương Phú Thứ
18:12 02/01/2008
Công lý sẽ đến trong hòa bình

Lúc mười giờ đêm ngày 29 tháng 12 năm 2007 ngay sau khi VietCatholic đăng tải tin tức và hình ảnh Thủ Tướng Nguyễn Tấn dũng đến thăm Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và được Đức Cha hướng dẫn đi xem Tòa Khâm Sứ thì tôi đã vội vàng viết một điện thư để chúc mừng Cha Trần Công Nghị. VietCatholic đã đóng một vai trò tích cực không những trên phương diện thông tin nhưng cao hơn nữa là những bài bình luận cũng như các ý kiến xây dựng để đòi hỏi công lý trong hòa bình. Khi viết những dòng chữ này vào buổi tối ngày đầu năm 2008, tôi đã tự đấm ngực mà nhận lỗi rằng mình chỉ có “kinh nghiệm” đối với người cộng sản trên sách vở báo chí mà thôi. Thực tế là cả một sự bẽ bàng.

Có hai nhận định trái ngược nhau trong việc TT Nguyễn Tấn Dũng đến tòa Tổng Giám mục và quan sát sự việc xẩy ra tại tòa Khâm Sứ. Nhận định thứ nhất vui mừng hả hê vì lời cầu nguyện của giáo dân Hà Nội đã được người đứng đầu hành pháp ghi nhận một cách nghiêm túc. TT Nguyễn Tấn Dũng đã không vô tình hay thiếu chuẩn bị khi ông bất ngờ đến thăm Đức Tổng Giám Mục Hà Nội ngay trong lúc cả ngàn tín hữu đang xếp hàng chờ đến lượt ký tên vào bản thỉnh cầu nhà cầm quyền trả lại tài sản cho giáo dân Hà Nội. Chính mắt ông đã nhìn và thấy giáo dân Hà Nội tập trung cầu nguyện trước cổng rào của tòa Khâm Sứ. Nhìn khuôn mặt tươi tỉnh của ông trên VietCatholic thì ai cũng hy vọng ở một kết cuộc rất nhanh chóng và tốt đẹp. Trên phương diện thẩm quyền và tổ chức thì việc ông Thủ Tướng thân hành đến tận tòa Khâm sứ là một ngạc nhiên và được đánh giá như một nghĩa cử thiện chí.

Những người bi quan thì lại coi đó chỉ là một màn trình diễn với những thủ đọan chánh trị. Chắc hẳn trước khi đến xem xét sự việc ở tòa Khâm Sứ thì ông Thủ Tướng đã được trình báo đầy đủ ngọn nghành của sự việc. Câu chuyện giữa ông Thủ Tướng và Đức Tổng Giám Mục Hà Nội như thế nào thì không ai được biết nhưng đứng giữa một tập thể quần chúng đang trông chờ ở một quyết định của Nhà Nước mà ông Thủ Tướng đã không đưa ra một hứa hẹn hay ít ra là một lời tuyên bố liên quan đến sự việc thì lại càng làm cho sự nghi ngờ trong lòng người dân cay đắng hơn. Một tuần lễ trước khi ông Thủ Tướng đến tòa Khâm Sứ thì ông Phạm Thế Duyệt là người đứng đầu của Mặt Trận Tổ quốc cũng đã đến thăm Đức Tổng Giám Mục Hà Nội nhưng phía nhà cầm quyền vẫn chưa có một đáp ứng cho tập thể quần chúng. Trong quá khứ dân Việt đã kinh qua những lật lọng trắng trợn của người cộng sản nên không còn chút tin tưởng nào vào những người cầm quyền. Sống giữa một xã hội hòan tòan vắng bóng của thiện ý và đạo đức thì sự cẩn trọng của người dân cũng là chuyện bình thường.

Chúng ta phải làm gì trong một tình trạng dây dưa chẳng biết đến lúc nào kết thúc: hoặc là nhà cầm quyền sẽ trả lại nhà và đất cho giáo dân địa phận Hà Nội, hoặc là nhà cầm quyền sẽ công khai xử dụng tài sản của giáo phận Hà Nội làm nơi ăn nhậu nhẩy nhót. Giáo dân Hà Nội hãy kiên trì biểu dương ý chí đòi hỏi công lý trong hòa bình. Những buổi tập trung cầu nguyện đông đảo của giáo dân với sự tham dự của những người ngọai quốc thiện tâm sẽ đặt nhà cầm quyền vào một quyết định dứt khóat hợp tình hợp lý. Tín hữu công giáo Việt Nam ở hải ngọai, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, hãy luôn sát cánh với giáo dân Hà Nội bằng cách bầy tỏ ý chí trên diễn đàn VietCatholic, chuyển tiếp (forward) những bản tin bằng tiếng Anh đến các cơ quan truyền thông và các văn phòng của các vị nghị sĩ dân biểu nơi địa phương cư ngụ.

Chúng ta cùng nhau đồng hành, nhất định công lý sẽ đến trong hòa bình.
 
Email từ Hà Nội
Hồng Phong
20:15 02/01/2008
EMAIL TỪ HÀ NỘI

Xin chào Người Phương Xa
Hồng Phong đang ở khu vực Toà Khâm Sứ
Một ngày phẳng lặng trôi qua

Quanh khu vực Tòa Khâm Sứ
Buổi sáng không có gì mới lạ
Khiến nhân dân càng thao thức
Không biết ngày mai sẽ ra sao?

Hôm nay ngày đi làm đầu tiên trong năm
Hồng Phong lại tất bật với công việc thường ngày

Gặp người có đạo nói rằng:
Vào mạng xem tin tức Tòa Khâm Sứ
Nhiều lần thành thói quen
Quá trưa hôm nay vẫn chẳng thấy gì
Trong người đã cảm thấy thiêu thiếu
Chỉ vì tình yêu đã dành cho mảnh đất này
Nơi tổ tiên tôi đã chịu nhiều đau khổ.

Xế chiều Hồng Phong đi tản bộ
Dọc “Phố Cầu Nguyện”
Nghe người dân bàn tán
Muốn cho đất nước này tiến
Đảng phải cải tổ, thay người, thay đường lối
Thấy người ta đồng tôn giáo
Nhưng lại rất đồng tình
Trong việc kiếm tìm công lý

Hồng Phong lại cũng nghe một người dân phản ánh:
Tôi bị một tên đảng viên nó lừa
Nó đem tiền lương đến cho tôi
Thay vì đưa 4 tờ năm trăm nghìn
Nó đã đưa cho tôi 4 tờ hai mươi nghìn
Tôi đang đi làm đơn kiện
Nếu phường bênh phường không giải quyết
Tôi sẽ kiện lên cấp cao hơn

Trong lòng dân, nhiều người mong ước
Chúng ta cần có biện pháp mạnh hơn
Xin mời giáo dân từ các nơi xa về.
Cầu nguyện dài giờ hơn
Nếu cần thì mở cổng qua cái tường
ngăn Tòa Giám Mục với Tòa Khâm Sứ.
Sáng tối cầu nguyện
cho các cán bộ liên quan giải quyết
Nêu tên họ lên, cầu nguyện
cho từng người và cho gia đình họ.

Buổi chiều nghe người ta nói
Trong ngày đầu năm
Đức Tổng Giám Mục trả lời phỏng vấn
Hồng Phong đi về vào mạng mở ra
Thấy tiêu đề nổi lên
Cố vào mà không được
Có khi được một hai câu rồi lại mất
Bỗng cảm thấy thiệt thòi:
Chuyện nhà mình
Người nhà mình nói
Mà mình không được nghe
Đúng là trong nhà chưa tỏ
Ngoài ngõ đã hay!
Vì mình bị người ta bịt tai!

Hôm qua lại nghe chuyện vỉa hè
Tối hôm nọ có mấy người trẻ
đang thắp nến đọc kinh
Thì bị mấy nhân viên an ninh
Đến sinh sự việc cớ rằng
như thế làm hại tài sản nhà người ta.
Mấy người này đốp chát lại rằng
Đây là nhà chúng tôi
Có mà người ta chiếm đoạt
và đang làm hại nhà chúng tôi thì có!
Các ông là ai mà đến đây giây vào?
Hai bên đốp chát nhau
Rồi bên kia bỏ đi.

Không biết nơi người ở thế nào?
Rét hay nóng, mưa hay không mưa
Còn ở đây tối nay
Trời rét dữ dội.
Năm nay chưa bao giờ rét thế
Ngoài trời xuống 9 độ
Trước toà khâm sứ
Người ta đốt nến nhiều hơn
Người ta cầm nhiều hoa hơn
Hồng Phong Thấy có một sinh viên
Vẫn thường xuất hiện mấy hôm nay
Bạn đứng đấy
Lần hạt một mình
Lâu giờ
Dù bạn là ai
Thì hành động ấy
Cũng là đáng phục.

Vừa rồi Hồng Phong gửi email mãi không được
Vào mạng gmail luôn hiện lên dòng chữ:
"Trang của bạn đang bị theo dõi
Mọi thông tin có thể bị đọc bởi bất cứ ai"


Lại nghe nói của nhiều website
Đã được đặt thêm một lượt tường lửa
Ta còn bị bịt mắt bịt tai bịt miệng đến bao giờ?

Người Phương Xa cố gắng nhé!
Để người vào mạng không thấy thiếu điều họ tìm
Xin Chúa chúc lành cho Người.

Ngày 2.1.2007
 
Hà Nội: Lòng đường thành Thánh Đường
Bs Vũ Linh Huy
20:19 02/01/2008
Hà Nội: Lòng đường thành Thánh Đường

Ôi, Hà Nội ơi, cảm động thay!
Bao năm mới có buổi hôm nay!
Kià trông đoàn rước, đông, đông quá,
Đức Tin son sắt quyết tỏ bày!

Giáo sĩ đi đầu, rất nghiêm trang,
Uy nghi, lẫm liệt, lại hiên ngang,
Như xưa Tư Tế khiêng Hòm Thánh,
Dẫn đưa Dân Chuá tới vinh quang.

Thành Giê-ri-khô, Kinh Thánh ghi,
Tường cao, luỹ rộng, khó đâu bì,
Hòm Thánh rước quanh thành bảy lượt,
Thành đổ tan hoang, chẳng còn chi!

Đầu năm Dân Chuá tựu về đây,
Chen vai, sát cánh chật phố này.
Lòng đường bỗng biến thành Nhà Nguyện,
Lời kinh vang động cả trời mây!

Dân Chuá thiết tha cầu Hoà Bình,
Và cho Công Lý sớm hồi sinh,
Trên mảnh quê hương đầy oan khổ,
Xua tan bóng tối, đón bình minh.

Hỡi người Hà Nội, cứ vững lòng,
Phó dâng cho Mẹ mọi ước mong.
Rồi ta hành động bằng cầu nguyện,
Kiên trì, liên lỉ, sẽ thành công.

Boston, ngày 2 tháng 1 năm 2008.

(Kính tặng Đức Tổng Giám Mục,
Quý Cha, Quý Dì, Quý Thày)
 
Văn Hóa
Did You Know?
Anthony Lê
10:14 02/01/2008
Did You Know?

(1) Did You Know?


As you walk up the steps to the building which houses the U.S. Supreme Court you can see near the top of the building a row of the world's law givers and each one is facing one in the middle who is facing forward with a full frontal view.. it is Moses and he is holding the Ten Commandments!



(2) Did You Know?


As you enter the Supreme Court courtroom, the two huge oak doors have the Ten Commandments engraved on each lower portion of each door.



(3) Did You Know?


As you sit inside the courtroom, you can see the wall, right above where the Supreme Court judges sit, a display of the Ten Commandments!

(4) Did You Know?


There are Bible verses etched in stone all over the Federal Buildings and Monuments in Washington, D.C.

(5) Did You Know?


James Madison, the fourth president, known as "The Father of Our Constitution" made the following statement:

'We have staked the whole of all our political institutions upon the capacity of mankind for self-governme nt, upon the capacity of each and all of us to govern ourselves, to control ourselves, to sustain ourselves according to the Ten Commandments of God.'

(6) Did You Know?


Patrick Henry, that patriot and Founding Father of our country said:

'It cannot be emphasized too strongly or too often that this great nation was founded not by religionists but by Christians, not on religions but on the Gospel of Jesus Christ'.

(7) Did You Know?


Every session of Congress begins with a prayer by a paid preacher, whose salary has been paid by the taxpayer since 1777.

(8) Did You Know?


Fifty-two of the 55 founders of the Constitution were members of the established orthodox churches in the colonies.



(9) Did You Know?


Thomas Jefferson worried that the Courts would overstep their authority and instead of interpreting the law would begin making law an oligarchy the rule of few over many.

(10) Did You Know?


The very first Supreme Court Justice, John Jay, said: 'Americans should select and prefer Christians as their rulers.'

How, then, have we gotten to the point that everything we have done for 220 years in this country is now suddenly wrong and unconstitutional?

Let's put it around the world and let the world see and remember what this great country was built on.



It is said that 86% of Americans believe in God. Therefore, it is very hard to understand why there is such a mess about having the Ten Commandments on display or 'In God We Trust' on our money and having God in the Pledge of Allegiance. Why don't we just tell the other 14% to Sit Down, Open their Eyes, and Explain to Them the Christian Roots of Our Country and Our Universal World?
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trăng Lạnh
Đặng Đức Cương
00:37 02/01/2008

TRĂNG LẠNH



Ảnh của Đặng Đức Cương

Hoang vu, hoang vu! Chẳng còn một vật,

Chỉ diệu huyền vằng vặc ánh trăng xanh

Xanh thẳm trong veo, xanh bát ngát:

Riêng chỉ con-tằm-hóa–bướm lững lờ bay!..

(Trích thơ Trăng Cài Cổ Độ của Nghiêm Xuân Hồng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền